ĐÀN ỐNG TRE- Khôi Vũ

LỜI CỦA THÁC *HAY LỜI CỦA NGƯỜI ĐỒNG NAI

đọc Đàn Ống Tre Bên Kia Sông của Khôi Vũ, Nxb Đồng Nai 2013

Bùi Công Thuấn

khoivu_25028628111

Nhà văn Khôi Vũ

  1. Dòng sông Đồng Nai vẫn chảy

Đàn Ống Tre Bên Kia Sông là một tập truyện ngắn có sức hấp dẫn riêng. Với tập truyện này, nhà văn Khôi Vũ đã nói được đôi điều về quê hương Đồng Nai và để lại ấn tượng sâu sắc nơi bạn đọc. Cả tập chỉ có 8 truyện ngắn, 150 trang viết khổ nhỏ, nhưng tôi đã mất khá nhiều thời gian để đọc, bởi tôi không thể đọc nhanh được. Câu chữ cứ níu tôi lại. Khôi Vũ viết rất giản dị, nhưng câu chuyện lại có sức vang những điều được chia sẻ.

Đọc văn Khôi Vũ, tôi luôn tìm cái bí mật thi pháp đã tạo nên cái hay trong văn của anh. Tập truyện còn chứa đựng những mảng hiện thực mà tôi chưa hề biết, điều ấy làm tôi thán phục công sức anh lặn lội tìm tư liệu. Điều quan trọng là anh có khả năng hóa thân thành nhân vật, nói tiếng nói của nhân vật, từ đó lên tiếng về những vấn đề của cuộc sống. Viết về đất nước, con người Đồng Nai, chắc chắn ngòi bút của anh phải hết sức thận trọng. Nếu anh hư cấu một chi tiết nào đó không đúng, thì người Đồng Nai sẽ không còn tin anh. Tôi chúc mừng anh đã có một tập truyện khá đặc sắc. Đàn Ống Tre Bên Kia Sông là cuốn sách thứ 41 của anh được in. Anh đã có thể tự hào về một sự nghiệp văn chương của mình. Trên dòng chảy của văn chương Đồng Nai, tôi đã nhìn thấy Khôi Vũ kế tục được con đường sáng tạo của những nhà văn lớp trước như Huỳnh Văn Nghệ, Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn. Sức viết của anh thật đáng  nể.

  1. Khôi Vũ khám phá được gì về con người Đồng Nai?

Trong tập truyện này, Khôi Vũ tiếp cận với nhiều kiểu người ở miền Đồng Nai. Nhưng hình ảnh được tô đậm và tạo ấn tượng sâu sắc về con người Đồng Nai là những người “đồng chí”, cán bộ hưu trí, những người đã chiến đấu và hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Khôi Vũ không tụng ca kỳ tích của họ mà khẳng định sức mạnh cách mạng của họ qua cuộc đối mặt với kẻ thù. Họ bám trụ, gan dạ, dũng cảm và nghĩa tình. Bảy Năng (Quán xe thồ) ở sát nách địch, đối mặt với kẻ thù suốt 21 năm . Sau cùng địch phải thú nhận chịu thua Cách mạng, bởi “Cách mạng còn giỏi hơn” chúng. Câu chuyện của Bảy Năng vừa có bi vừa có hài nhưng cái âm vang chung là chất hùng ca của một dân tộc chiến thắng. Hình ảnh “Chú Tư” (Ba của nhân vật Tôi – truyện Lời Của Thác) trong ngày dẫn quân về giải phóng Biên Hòa cũng có vui có hài, và chất anh hùng ca. Ông đi làm Cách mạng từ 1945, lúc 15 tuổi. Ba chục năm sau trở về, Biên Hòa thay đổi nhiều quá khiến ông không còn nhận ra. Khi về tới trung tâm Biên Hòa, nhìn lá cở giải phóng, ông mừng phát khóc. Ở đoạn kể này, Khôi Vũ đem đến cho người đọc cái thú vị được nhìn thấy Biên Hòa ngày xưa qua sự nhận diện của một người con Biên Hòa đi kháng chiến xa nhà. Câu chuyện thật cảm động.

Con người Đồng Nai trong xây dựng kinh tế những năm đầu giải phóng cũng được Khôi Vũ quan tâm. Đó là ông Năm Đán (Cây Buông Già), người bám trụ sản xuất, ông Tiến sĩ trồng sả, ông già Hưởng (Thầy Thuốc Búi Tó) trồng cây thuốc và bốc thuốc cho dân, người biết nhiều chuyện cổ tích, phong tục, người bảo vệ văn hóa cộng đồng. Những ngày đầu sản xuất rất khó khăn, nhưng họ kiên định con đường phủ xanh đồi trọc khu đồi Ông Thức bằng nhiều loại cây. Thành công có mà thất bại cũng có. Chủ tịch xã Tiên Phong là Sơn, đã thất bại trong việc trồng mít. Họ trăn trở nhiều khi Đồng Nai chuyển sang đời sống công nghiệp, xây thủy điện Trị An. Cái đáng quý là họ sống thẳng thắn, trọng nghĩa tình. Nói và làm đi đôi với nhau. Chuyển được cách làm cách nghĩ của họ rất khó (Cây Buông Già). Họ đối mặt với cái xấu bằng cơn giận dữ của thần Dớt (Thầy Thuốc Búi Tó)

Khôi Vũ cũng khám phá và khẳng định thế hệ thanh niên kế thừa lớp cha anh. Họ có thất bại, nhưng vẫn giữ được truyền thống kiên định, trung thực và vươn lên. Thế hệ này học được nhiều điều từ cha anh, nhưng họ phải đương đầu với những thách thức mới, và những thất bại. Đất Sóng là một truyện hay về mảng nhân vật và đề tài này. Chủ tịch xã Sơn có cha bị giặc giết. Ngay sau Giải phóng, Sơn được bầu làm Bí Thư Chi Đoàn xã Tiên Phong, rồi bầu vào Hội Đồng Nhân Dân, rồi chủ tịch xã. “Anh nghĩ đã đến lúc mình thực hiện dần những ước mơ đẹp nhất về công cuộc xây dựng thôn xã quê hương bằng trái tim nhiệt tình và đôi tay thanh niên rắn khỏe”(tr.75). Thế nhưng anh đã thất bại trong kế hoạch trồng mít, thất bại cả trong chuyện tình cảm với Bạch Lan. Sau cùng Sơn gặp lại Bạch Lan trong một hoàn cảnh bi kịch. Cô vượt biên bị bắt, rồi bị bỏ rơi, nuôi con một mình. Bản thân Sơn cũng gặp nhiều nỗi đau. Có cả Tuấn, anh Bạch Lan, đi học tập cải tạo về, quyết xây dựng lại cuộc đời. Họ nói với nhau về chim  B’rling. Khôi Vũ viết về họ “Chim B’rling là chim gì? Với Sơn, Tuấn và Bạch lan đang là hai con chim B’rling bay lên giữa thảo nguyễn đầy gió”(tr.94). Đó là một kết truyện đẹp lãng mạn, nhưng cũng là cái nhìn lạc quan về người trẻ với tấm lòng nâng niu trân trọng của nhà văn

  1. Những con người “dưới đáy”* xã hội hiện lên trong trang văn Khôi Vũ thế nào?

Tôi tạm gọi những nhân vật sống trong đời thường, bị số phận xô đẩy trôi dạt, lâm vào hoàn cảnh cùng cực là những người “dưới đáy”. Thực ra trong tập truyện còn có những nhân vật thuộc tầng lớp trí thức nữa, nhưng Khôi Vũ miêu tả hấp dẫn hơn những người lao động bình dân. Những người “dưới đáy” đó là Hổ Trâu Điên (Quán Xe Thồ) dẫn đoàn xe thồ. Hổ từng là lính Ngụy trong đơn vị Trâu Điên. Là Tuấn (Đất Sóng), chuẩn úy lính Sài Gòn, đi học tập cải tạo về. Bạch Lan, em Tuấn, một cô gái xinh đẹp, một cô giáo giỏi, vượt biên bị bắt giam, bị bỏ rơi với một đứa con trai. Hai Trước (Qua Bờ Bắc), bị vợ bỏ, chạy xe ôm nuôi con, và những Điểu Muôn, Điểu Minh, già làng Điểu Lý người dân tộc. Nhân vật trí thức có anh sinh viên Dược tên Cẩm, cô Hiền, Việt kiều, đạo diễn về thăm quê, và nhà văn “chú Hai” của Đồng Nai (Tôi đoán là nhà văn Lý Văn Sâm).

Những nhân vật này giúp người đọc nhận ra nhà văn Khôi Vũ là nhà văn của người lao động bình dân trong xã hội. Anh tiếp xúc nhiều, khắc tạc được chân dung và số phận của họ. Anh cảm thông với họ và lên tiếng nói cho họ. Cũng cần lưu ý rằng Khôi Vũ đã khám phá ra chính Cách Mạng đã tạo điều kiện cho họ trở về, hội nhập và thăng tiến. Rõ nhất là Hổ Trâu Điên. Hổ được cán bộ hưu trí Bảy Năng hướng dẫn làm ăn. Bảy Năng có cái nhìn tiến bộ về con người. Ông nghĩ “Hổ Trâu điên không phải là người xấu, nếu hướng anh ta đi trúng đường thì hay lắm.” (tr.61). Ông thường động viên Hổ. Chuẩn úy Tuấn sau khi học tập cải tạo 3 năm về, anh quyết chí làm lại cuộc đời. Anh được chủ tịch xã Sơn hỗ trợ với nhiều thiện cảm. Hai Trước chạy xe ôm, anh cảnh giác cao độ bọn cướp xe. Trước là lính Sài Gòn, người khách đi xe ôm là Sinh, lính Trường Sơn. Hai kẻ đã từng đối địch nhau giờ ngồi chung xe, trên đường rừng ban đêm. Vì lòng đầy nghi ngờ, Trước đã làm khó Sinh. Nhưng chính người lính Trường Sơn đã giúp Trước nhận ra lầm lỗi của mình, khiến cho Trước ân hận mãi. Dù đã về xa, Trước cũng muốn quay lại xin lỗi Sinh.

  1. Những giá trị của trang văn Khôi Vũ

Tôi tin rằng, ở tập truyện này Khôi Vũ đã dồn bút lực, tâm huyết và thử thách của mình để viết những trang văn giàu chất hiện thực về đất nước con người Đồng Nai. Tôi nhận ra anh sử dụng một vốn sống khá rộng, sử dụng tri thức văn hóa, tri thức lao động sản xuất, tri thức về địa lý Đồng Nai với tầm hiểu biết sâu rộng đáng tin cây (tuy đây là truyện, không phải khảo cứu khoa học). Anh không khai thác đậm nét những truyền thuyết như Lý Văn Sâm, không miểu tả sử thi cuộc kháng chiến của nhân dân Đồng Nai như Hoàng Văn Bổn, song Khôi Vũ sáng tạo được những nhân vật có bóng dáng sử thi riêng như Bảy Năng, Chú Tư (Ba tôi –Lời Của Thác). Khôi Vũ có những đoạn văn khám phá cảnh sắc Đồng Nai đặc sắc (Tr. 98). Ở đặc điểm nghệ thuật này, văn phong của Lý Văn Sâm lãng mạn hơn, còn ngòi bút của Khôi Vũ hiện thực hơn.

Tập truyện phản ánh hiện thực những ngày đầu mới giải phóng, và những vấn đề đời sống được miêu tả trong tác phẩm đến nay đã bị hiện thực vượt qua. Tuy nhiên, những câu truyện Khôi Vũ kể vẫn hay, và nhiều vấn đề vẫn có sức lay động, thức tỉnh người đọc khi đối diện với thực tại. Bởi ngoài câu truyện được kể, Khôi Vũ còn tìm ra ý nghĩa triết lý của nó. Chẳng hạn, sự vấp ngã của Sơn, Tuấn, Bạch Lan (Đất Sóng), Khôi Vũ đã nói đến bài học ở đời. Cu Tèo, con của Bạch Lan chạy bị vấp té, Tuấn  nói: “Thôi, nín đi, nín đi cu Tèo. Mày muốn lớn lên thì còn phải vấp ngã nhiều lần nữa đấy, cháu ạ”(tr 93). Câu nói của Tuấn làm Sơn xúc động và suy nghĩ. Triết lý này làm tôi nhớ đến truyện Một Con Người Ra Đời của M.Gorky. Anh sinh viên đỡ đẻ cho chị phụ nữ, rồi đem cháu bé xuống biển tắm cho nó. Nước biển tấp vào người cháu bé làm nó khóc ré lên. Anh sinh viên bảo, chú mày hãy tự khẳng định cho mạnh vào, kẻo đồng loại sẽ vặn cổ chú mày.

Truyện Lời Của Thác đặc biệt để lại ấn tượng về sự tự vấn, lòng tự trọng, về sự chân thực trong đạo đức, nhân cách làm người. Nhân vật Tôi – thằng nhỏ – có một lý lịch tốt nhờ cha là cán bộ Cách Mạng. Vì thế Tôi vào làm trong đội máy ủi, rồi xin sang làm ở khu công nghiệp Biên Hòa. Giám đốc là đàn em ba Tôi, nhờ thế Tôi được ưu tiên sắp xếp công việc, kể cả việc thay thế trưởng phòng kỹ thuật. Tôi che dấu sự thiếu năng lực, Tôi là một “tài năng giả”. Tôi nhận rõ nhược điểm của mình và sống dằn vặt, trăn trở khôn nguôi. Điều phải đến đã đến như một tất yếu. Bản thiết kế máy X5 của Tôi thất bại ngay khi chạy thử. Tôi buộc phải trở về đúng với năng lực thực của mình. Tiếng nói trong thâm tâm hành hạ Tôi mãi:” Tôi đã sống giả. Tôi không còn là tôi nữa. Tôi đánh mất chính cả lòng dũng cảm kkhông thốt được một câu thực lòng với ba tôi. Tôi chỉ nói dối”(tr 106). Điều đáng quý là nhân vật Tôi đã thức tỉnh và sống thực với chính khả năng cuả mình, không dựa vào uy tín Cách Mạng của cha mà thăng quan tiến chức. Trong cuộc sống nay không biết có còn được một người trung thực, biết tự trọng, biết giữ gìn nhân cách như Tôi không? Ngòi bút Khôi Vũ trong truyện này mổ xẻ những giằn vặt tâm hồn của Tôi thật nặng tình nặng nghĩa, nhờ đó bảo vệ được nhân vật lý tưởng của mình, nhân vật kế thừa những phẩm chất cách mạng của cha anh.

 Sự hấp dẫn của ngòi bút Khôi Vũ

Tôi đã suy nghĩ khá lâu về sự hấp dẫn của ngòi bút Khôi Vũ khi theo dõi con đường sáng tác của anh qua nhiều tác phẩm. Và tôi vẫn chưa trả lời được với những chứng lý đủ sức thuyết phục chính mình.

Cái “bí mật” của thi pháp Khôi vũ là câu chuyên được kể rất tự nhiên, cách kể gọn, tốc độ phát triển truyện nhanh, giọng văn điềm tĩnh sáng suốt. Nhưng những yếu tố này chưa là đặc trưng ngòi bút Khôi Vũ. Điều tôi quan sát thấy là, Khôi Vũ nhìn ra vấn đề trong những truyện đời thường, chuyện của anh xe ôm, anh xe thồ; chuyện của cô gái vượt biên bị bắt, bị phụ tình; chuyện của người con cán bộ; chuyện trồng sả, trồng mít; chuyện ông già chặt lá buông bám trụ, chuyện lụt năm Thìn, chuyện bọn buôn lậu tránh kiểm soát, chuyện Điểu Muôn cứu người mà bị nạn. Vâng, nếu không có một chủ đề, tư tưởng tốt thì truyện không thể đứng được. Lời Của Thác là một truyện đặc sắc về tư tưởng, mặc dù cốt truyện không có nhiều biến cố.

Khôi Vũ khá vững tay khi miêu tả những cuộc “đụng độ” giữa người với người, hoặc vì khác chế độ, hoặc vì khác hoàn cảnh, hoặc vì khác cá tính. Chẳng hạn cuộc “đấu tranh” giữa Hổ Trâu Điên, lính Ngụy với cán bộ Cách Mạng hưu trí Bảy Năng, đối mặt giữa Bạch Lan và chủ tịch xã Sơn, sự nổi giận như thần Dớt của ông già Hưởng với Cẩm, của Tôi với chính Tôi trong những giằn vặt nội tâm khi đối mặt với hiện thực. Miêu tả thành công những cuộc đối mặt này, không chỉ là tài năng dựng truyện, tạo sự hấp dẫn, mà còn là bản lĩnh một nhà văn trong việc xử lý những vấn đề gai góc của hiện thực. Nếu ngòi bút Khôi Vũ nghiêng bên này hoặc ngả bên kia, tức khắc sẽ là hữu khuynh hay tả khuynh, thiếu sức thuyết phục. Ở đây, sự trung thực của ngòi bút Khôi Vũ vừa là một đặc điểm thi pháp, vừa là phẩm chất và bản lĩnh đáng quý của nhà văn

Khôi Vũ có cách cấu trúc truyện khéo léo và kín đáo, kết thúc truyện với tình huống bất ngờ, nhờ đó bật ra chủ đề cùng và khơi gợi được nhiều cảm xúc thẩm mỹ. Kết truyện Lời Của Thác, Đất Sóng đem lại bao nhiêu suy tư, bao nhiêu cảm xúc cho người đọc. Lời của nhân vật má Tôi mở ra một thế giới nghệ thuật đầy cảm động. Cũng vậy, cuộc gặp gỡ giữa Sơn và Bạch Lan ở cuối truyện Đất Sóng là sự sắp xếp của tác giả, để tạo nên một chủ đề sâu sắc và nhân hậu. Sơn có đầy ưu thế về lý lịch và điều kiện nhưng Sơn vẫn thất bại. Bạch Lan là một cô gái có cá tính mạnh mẽ, cũng thất bại. Tuấn là con người chiến bại, sớm nhận ra con đường tự làm lại cuộc đời của  mình. Ba con người trong những hoàn cảnh đối nghịch đã gặp nhau. Họ ngộ ra chân lý này, không phải có ưu thế quyền lực xã hội thì làm gì cũng thành công, điều giúp họ sống được, vươn lên được là tình người. Sơn đã không nhìn Tuấn và Lan với con mắt của người chiến thắng với những người chiến bại. “Sơn lại nhìn ra một hình ảnh khác. Trên vùng đất đồi này, đất lượn sóng, đất làm khó con người, cuối cùng rồi vẫn phải mặc chiếc áo màu xanh ấm áp, từ giã những ngày trần trụi, tự mãn, lầm lạc. Những mảnh đời cũng đã trăn trở như cuộc đời vùng đất cuối cùng đã hiểu mình hơn”(Đất Sóng-tr 94).

Trong tập truyện ngắn này, Khôi Vũ sử dụng thành công kỹ thuật viết tiểu thuyết để dàn dựng một truyện ngắn. Câu truyện đang diễn ra trong hiện tại, hiện thực trùng trùng lớp lớp. Anh cũng sử dụng kỹ thuật hồi tưởng khéo léo. Nếu xâu chung truyện của các nhân vật lại, có thể tập truyện ngắn trở thành một tiểu thuyết viết theo kỹ thuật mới. Đó là câu chuyện về số phận nhiều nhân vật ở cùng đồi Ông Thức từ 1945 đến sau giải phóng. Hiện thực đan xen vào nhau, yếu tố thời gian được làm nhòa để chỉ còn lại vấn đề con người, vấn đề làm sao để vượt lên trên số phận trong những tình cảnh nghiệt ngã. Chất nhân hậu thẫm đẫm trong từng chi tiết của ngòi bút Khôi Vũ (chẳng hạn, tiếng ru của cô gái Bắc – Bạch Lan- làm xốn xang lòng Sơn, hoặc chi tiến ba Tôi lặng im trước lỗi lầm của Tôi).

Tôi tin rằng, đọc tập truyện ngắn Đàn Ống Tre Bên Kia Sông, bạn đọc sẽ yêu quý hơn vùng đất “gian lao mà anh dũng” , và nhận ra Khôi Vũ là nhà văn có dáng nét riêng bên cạnh những nhà văn lớn khác của Đồng Nai. Tác phẩm của anh thực sự góp phần làm giàu thêm nét đẹp của một vùng văn hóa có truyền thống lâu đời.

Tháng 12. 2012

_________________________

(*) Lời của Thác là tên một truyện ngắn trong tập Đàn Ống Tre Bên Kia Sông

(*) Dưới đáy là chữ của M. Gorky

Advertisement

ĐẠI HỘI NHÀ VĂN VN LẦN THỨ 9-DƯ ÂM NHỮNG VẤN ĐỀ-Bùi Công Thuấn

ĐẠI HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM LẦN THỨ IX

DƯ ÂM NHỮNG VẤN ĐỀ

4 bầu cử

Đại hội Hội Nhà Văn Việt Nam lần thức IX được coi là thành công ở ý nghĩa chính trị, công tác tổ chức và bầu được một ban chấp hành “gọn nhẹ” có thể tin tưởng được ở tài năng và uy tín. Nhưng từ đại hội, nhiều vấn để đã được đặt ra cho Ban Chấp Hành nhiệm kỳ mới, và cho hơn 1000 hội viên HNV.

1.Làm thế nào để có tác phẩm đỉnh cao?

 

Đây là vấn đề đã được đặt ra từ nhiều cuộc hội thảo tổng kết thực hiện nghị quyết TW 5 (khóa VIII) (1988) và nghị quyết 23 (2008) của Bộ Chính Trị ” Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Ngày 27/11/2013 tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT Trung ương cũng đã tổ chức hội thảo “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao-Thực trạng và giải pháp” . Hội thảo có 68 tham luận của các giáo sư, Tiến sĩ tham dự. Thế nhưng đến nay, khi Đại hội Hội Nhà Văn Việt Nam lần thứ IX, văn chương Việt Nam vẫn chưa có tác phẩm lớn. Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2010-2015 của Ban Chấp Hành HNV khóa VIII nhận định :”Hạn chế dễ thấy nhất là qúa trình kết tinh còn còn chậm. Số lượng tác phẩm thì nhiều, nhưng chất lượng chưa tương xứng, tính chuyên nghiệp chưa cao, ảnh hưởng xã hội chưa rộng. Còn ít những tác phẩm có tầm khái quát lớn, khai phóng mới lạ, mang tính đột phá. Đây là một hạn chế đã được chỉ ra từ lâu nhưng khắc phục còn chậm

Câu trả lời cho vấn đề là chưa xuất hiện những tài năng văn chương kiệt xuất. Bao giờ Văn chương Việt Nam mới có những E.Hemingway, M.A.Sholokhov, Mạc Ngôn…? Và vấn đề là làm thế nào để phát triển tài năng, làm thế nào để tài năng có thể viết được tác phẩm lớn. Có một thực tế là, trong các hội thảo, người ta còn loay hoay mãi về tiêu chí đánh giá một tác phẩm đỉnh cao. Chưa có sư thống nhất nào về vấn đề thế nào là tác phẩm văn chương đỉnh cao. Và ở Việt Nam không nhà văn nào chịu công nhận một nhà văn khác là “tài năng”, có lẽ là do quán tính của tư duy “bụt nhà không thiêng” hay chưa có một Viện Hàn Lâm để công nhận tài năng?

Người ta hướng đến lớp nhà văn trẻ, bởi từ xưa đến nay tài năng thường xuất hiện ở người trẻ. Tuy nhiên, nhìn vào đội ngũ nhà văn trẻ trong khoảng 10 năm trở lại đây, sau một vài tác phẩm lúc đầu được dư luận chú ý, đến nay ngòi bút của họ đã chững lại, hoặc không thể vượt qua chính mình để chiếm lĩnh những đỉnh cao, đó là chưa kể nhiều ngòi bút đã chết yểu. Đã có lúc chúng ta kỳ vọng ở Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà , Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Danh Lam, Đỗ Tiến Thụy, Phong Điệp, Phan Hồn Nhiên, Nguyễn Ngọc Thuần…Nhưng có lẽ chúng ta còn phải chờ lâu nữa. Và ngay cả những cây bút đang ăn khách như Anh Khang, Hamlet Trương, Iris Cao…cũng không hy vọng gì, bởi họ thuộc dòng văn chương thị trường, văn chương giải trí, chỉ  ồn ào nhất thời, chẳng để lại giá trị gì.

Cũng có những tài năng đã được khẳng định, nhưng hoàn cảnh đã trói tay họ. Nói hoàn cảnh là nói cái riêng, cụ thể mà môi trường văn chương Việt Nam chưa thể dung nạp. Hãy quan sát Bảo Ninh và tiểu thuyết Nỗi Buồn Chiến Tranh. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho biết:” “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh đã được tái bản khá nhiều lần ở trong và ngoài nước và cho đến nay, đây là cuốn tiểu thuyết của một nhà văn Việt Nam được in nhiều nhất ở nước ngoài. Cuốn sách của Bảo Ninh đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và có mặt ở khá nhiều thư viện của một số trường Đại học danh giá trên thế giới. Có lẽ văn chương thời hiện đại ở xứ ta, chỉ có tác phẩm của Bảo Ninh và Nguyễn Huy Thiệp (hai nhà văn sống ở trong nước) được nước ngoài in nhiều đến vậy.”(1) Sau hai mươi năm, Bảo Ninh chưa có tác phẩm nào vượt qua Nỗi Buồn Chiến Tranh. Ông lý giải rằng, ông đã chịu ảnh hưởng quá nặng, quá lâu cái bóng của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Hay nói cách khác, bị chính trị hoá quá mức cần thiết. Tác phẩm hay phải vượt qua được những cái bóng đó.”(2)

Hơn hai phần ba hội viên HNV là những người trên 60 tuổi. Chúng ta hy vọng gì ở những ngọn đèn sắp hết dầu? Có mấy người được như nhà văn Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh là những nhà văn trên 80 tuổi? Hoàng Quốc Hải đã bỏ ra trên 30 năm ròng rã để hoàn thành 2 bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ gồm 10 tập, dung lượng trên 6.500 trang. Đó là hai bộ tiểu thuyết Tám Triều Vua LýBão Táp Triều Trần. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cho biết về tiểu thuyết Đội gạo lên chùa :”Tôi “đội gạo lên chùa” bằng tất cả vốn sống của cuộc đời mình, bằng tất cả sự trải nghiệm 79 năm của mình. Dịch giả Đoàn Tử Huyến nhận xét: “Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh hiện là một trong số rất ít nhà văn Việt Nam có tác phẩm đáng đọc nhất”. Các cuốn tiểu thuyết Hồ Quý Ly (804 trang), Mẫu thượng ngàn (808 trang), Đội gạo lên chùa (trên 800 trang)không làm độc giả ngán vì quá dày mà ngược lại đã khiến hàng ngàn người sửng sốt và tấm tắc đọc hết từ đầu tới cuối. Vâng, để có tác phẩm lớn, nhất thiết nhà văn phải viết bằng độ dày trải nghiệm đời mình như Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh.

  1. Văn chương Nhà Nước” và “Văn chương thị trường

Ở Việt Nam bây giờ đã hình thành 2 xu hướng văn chương rõ rệt: “Văn chương thị trường” và “văn chương Nhà Nước”. Thế nhưng tại Đại hội HNV VN lần thứ IX, không ai nhìn thấy 2 xu hướng này. Người ta chỉ chú ý đến văn học trung tâm mà không chú ý đến văn học ngoại biên.

Về “văn chương thị trường”, thử nhìn vào thị trường sách văn chương 2014, người đọc sẽ thấy ngay xu hướng này đang lấn át “văn chương Nhà Nước”. Đã có một Hội thảo nói về vấn đề này. Ngày 28/5/15, Viện Văn học tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ Đổi mới – Thực trạng và triển vọng” tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. PGS- TS Võ Văn Nhơn và Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Thúy có chung tham luận: “Văn học thị trường ở TP HCM“. Nghiên cứu này chỉ ra rằng, “Nội dung tác phẩm xoay quanh đề tài tình yêu, lối viết lãng mạn xa rời thực tế, sự trải nghiệm ít ỏi của người viết. Về thể loại, các best-seller hầu hết là tản văn, du ký, tự truyện. Sự thống trị của đề tài này một phần là kết quả của việc nhập khẩu văn học ngôn tình Trung Quốc, cùng nhu cầu của người đọc”  (http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/van-hoc-thi-truong-tp-hcm-lam-nong-hoi-thao-3225637.html)

Văn chương thị trường được PR bằng nhiều hình thức và hướng về công chúng trẻ. Hamlet Trương và Iris Cao được giới thiệu : Là hai cây bút ăn khách của làng sách trẻ hiện nay, các tác phẩm của Hamlet Trương và Iris Cao được làng xuất bản săn đón. Trong ba năm qua, Hamlet Trương đã có tới 150.000 bản sách (Thời gian để yêu, Thương nhau để đó, Tay tìm tay níu tay), còn Iris Cao cũng chạm con số 100.000 bản sách được bán ra. Bởi thế, con số 20.000 bản Ai rồi cũng khác phát hành trong lần in đầu tiên là lớn, nhưng không phải là sự bất ngờ với sách của Hamlet Trương”(4) Văn chương thị trường được viết để đáp ứng thị hiếu của công chúng đang sống trong môi trường kinh tế thị trường, ở đó chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa sex vô luân, đồng tính… đang thống trị người trẻ chưa đủ trưởng thành về văn hóa để ý thức được những giá trị nhân văn và bản sắc dân tộc, và chưa đủ bản lĩnh loại bỏ những độc tố họ tiêm nhiễm phải.

Bây giờ công luân đã lên tiếng báo động về “thảm họa” của tiểu thuyết ngôn tình, và tình trạng một số cây bút trẻ ăn theo loại văn chương thị trường này (3). Tác giả Hiếu Văn lên tiếng :”…lợi dụng đề tài đồng tính để truyền bá các sản phẩm có nội dung trụy lạc là điều đáng phải bị lên án, nếu nghiêm trọng thì phải xử lý trước pháp luật; đặc biệt, khi các sản phẩm loại này hướng tới người đọc trẻ, nhất là học sinh, thì càng cần phải nghiêm khắc hơn.“

Tác giả Minh Anh đồng tình với Cục xuất bản về biện pháp cảnh báo đối với bạn đọc rằng .” việc Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) có Công văn số 2116 gửi các nhà xuất bản (NXB) đề nghị không đăng ký xuất bản truyện ngôn tình, đam mỹ là cần thiết, nếu không nói là chậm trễ. Bởi, nội dung suy đồi của một số cuốn sách ngôn tình, đam mỹ không chỉ bị nhiều tác giả phê phán trong các bài viết về thị trường sách ở Việt Nam, mà trong “cộng đồng ngôn tình” ở Việt Nam cũng đã có nhiều ý kiến phản đối việc xuất bản một số ấn phẩm có nội dung đồi trụy, đồng thời phê phán sở thích lệch lạc của nhóm độc giả thiểu số.”

“Văn chương Nhà Nước” là xu hướng sáng tác theo kế hoạch, theo các chủ đề đặt hàng trong trại sáng tác của các Hội VHNT địa phương và HNV. Đây là nền văn học được đầu tư lớn cả về tác giả, về tài trợ tác phẩm và tổ chức các sinh hoạt văn học. “Văn chương Nhà Nước” có nhiều giải thưởng hàng năm từ Hội VHNT địa phương đến HNV. Nền văn chương này tập trung viết về đề tài về lịch sử, cách mạng và kháng chiến, xây dựng văn học tư liệu, xuất bản “Hồi ký các cán bộ cách mạng, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang nhân dân”…(4) Nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch HNV nhận xét trong báo cáo nhiệm kỳ 2010-2015 rằng, tác phẩm viết về chiến tranh còn chông chênh. “Cái chưa từng có trong lịch sử chưa trở thành cáo chưa từng có trong văn học”. Ông nhấn mạnh đến nhiệm vụ của văn học là xây dựng nhân cách, xây dựng phẩm hạnh, xây dựng con người, xây dựng văn hóa. “Văn học phải giúp làm cho cái thiện trở thành quy tắc ứng xử hằng ngày”.

Tuy nhiên những tác phẩm “văn chương nhà nước” lại có ít người đọc. Sách chỉ in vài ngàn cuốn hoặc vài trăm cuốn, tác giả dành để tặng là chính. Ngay cả các tác phẩm đạt giải thưởng của HNV cũng không có mặt trong Top Ten sách bán chạy trong các Hội chợ sách. Tác giả Lam Thu dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng về tình trạng lấn át của sách thị trường: “Sách văn học thị trường nên xếp vào loại giải trí, đọc cho thư giãn, cho vui”.Ông cho rằng văn học thị trường nếu số lượng quá nhiều và ngày càng lớn mạnh sẽ lấn át các tác phẩm văn học lớn, có giá trị cao. “Tiếc thay hiện nay vì lợi nhuận, có những nhà xuất bản và công ty sách lao vào làm sách thị trường rẻ tiền, lá cải. Cũng đúng thôi, cơ chế thị trường nên có cung thì có cầu. Nhưng cũng không nên quên rằng nếu chúng ta kích cầu kiểu này thì rất nguy hiểm”(5)

Rõ ràng là HNV chưa có một kế hoạch đường dài phát triển văn học trong nền kinh tế thị trường. Cách làm của HNV vẫn là cách là văn chương thời bao cấp. Và dĩ nhiên thị trường sẽ tự sản sinh văn học của riêng nó, và đến một lúc nào đó nó sẽ “gây bão” cho nền văn học nói chung như những hiện tược đã diễn ra thời gian vừa qua (tiểu thuyết ngôn tình, văn chương sex…)

  1. Nhiều vấn đề còn ngổn ngang

Trong đó có vấn đề căn cốt là sự yếu kém của lý luận và phê bình văn học. “Hoạt động lý luận phê bình có chuyển biến, nhưng tính học thuật chưa cao xét theo yêu cầu cơ bản, hệ thống, toàn diện. Phê bình trên báo chí còn nặng về khen ngợi một chiều, tác dụng thẩm định giá trị và hướng dẫn dư luận còn nhiều hạn chế. Sự gắn kết giữa nghiên cứu với lý luận phê bình chưa mạnh. Việc tiếp thu các trào lưu lý luận bên ngoài tuy có cố gắng mở rộng khung thông tin nhưng vận dụng vào điều kiện nước ta có chỗ còn thiếu nhuần nhiễn”(Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2010-2015 của HNV)

Theo dõi vấn đề lý luận phê bình từ đổi mới đến nay, chúng ta chưa thể lạc quan. Đầu tiên là sự phủ định Chủ nghĩa Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa, phủ định lý thuyết về phương pháp sáng tác; chỉ ra hệ thống lý luận phê bình văn học của chủ nghĩa Mác-Lênin có những sai lầm, sau đó là sự ào ạt du nhập những lý thuyết phê bình hiện đại phương Tây. Đã có thời người ta “dị ứng” với Chủ nghĩa cấu trúc, còn bây giờ, nhà phê bình đã vận dụng các lý thuyết Phân tâm học, Thi pháp học … Có lúc văn đàn ồn ào về Hậu Hiện Đại nhưng người ta nghi kỵ tính đa nguyên của lý thuyết này. Các nhà nghiên cứu cũng nói đến văn học trung tâm và văn học ngoại vi, văn học nữ quyền… và sau cùng là nỗ lực muốn xây dựng một nền lý luận phê bình riêng của Việt Nam, song nó mới chỉ được gợi ra trong ý tưởng. Việt Nam không có những lý thuyết gia về lý luận và phê bình văn học.

Ngày 23 tháng 1 năm 2015, nhân dịp ra mắt cuốn sách “Trên đường biên của Lý luận văn học” của tác giả Trần Đình Sử, Khoa Viết văn báo chí, ĐH Văn hóa HN đã tổ chức tọa đàm “Trần Đình Sử trên đường biên của lí luận văn học”. Những ý kiến của các nhà phê bình trong tọa đàm này phản ánh khá đầy đủ tình hình khủng hoảng về lý luận văn học hiện nay. GS Trần Đình Sử tâm sự : ”Nền lý luận mà chúng ta đang có cũ quá rồi! Quá date rồi! Chúng ta, trong đó có tôi đã sai lầm, đã ấu trĩ, đã ngộ nhận nhiều rồi…”, Tôi là một tội đồ đã reo rắc bao nhiêu cũ kỹ, ấu trĩ, ngộ nhận cho bao nhiêu thế hệ sinh viên học sinh. Tôi muốn làm một việc gì đó, để sửa sai cho mình, trước hết được nói ở trong cuốn sách này”.(6)

Không có một hệ thống lý thuyết văn học tiên tiến dẫn đạo, văn học sẽ không thể tiến lên phía trước. Điều này văn học thế giới đã khẳng định. Nhiệm vụ của HNV nhiệm kỳ 2015-2020 sẽ rất nặng nề. Vì nếu không giải quyết được vấn đề này thì văn học Việt Nam sẽ còn trì trệ cũ kỹ và sẽ lại được nói đến trong ĐH HNV VN lần thứ X năm 2020.

_________________________________

98 BÀI THƠ THIẾU NHI CỦA TRẦN HOÀNG VY

THƠ TRẦN HOÀNG VY VIẾT CHO THIẾU NHI
(Đọc 98 bài thơ thiếu nhi cua Trần Hoàng Vy, nxb HNV 2015)

Bùi Công Thuấn

Tran Hoang Vy-r

Nhà thơ Trần Hoàng Vy
Thơ viết cho thiếu nhi rất khó. Bởi thế, trong số các nhà thơ hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam có được mấy người thành công trong sự nghiệp sáng tác dành cho thiếu nhi (!). Người ta thường nghĩ rằng, một tác phẩm viết cho thiếu nhi, trước hết phải có tính giáo dục. Điều này là một thuộc tính của học thiếu nhi, nhà thơ trước hết phải là nhà giáo dục. Tất cả những gì thuộc về “ cái tôi” trong thơ trữ tình đều phải nhường chỗ cho “Cái trẻ con” trong thơ thiếu nhi. Nhà thơ trữ tình buông thả hồn thơ trong mọi nẻo đường cảm xúc thì nhà thơ viết cho thiếu nhi phải tự trói buộc với trẻ, phải nhập thân vào trẻ, cảm nhận hiện thực như trẻ, nói tiếng nói của trẻ, sống trong thế giới thần thoại của trẻ; nhưng đồng thời nhà thơ phải đứng ngoài trẻ, tỉnh táo và có trách nhiệm dẫn dắt trẻ; và trên hết, nhà thơ vẫn phải là nhà thơ, tức là người sáng tạo cái đẹp bằng ngôn từ. Cho nên viết cho thiếu nhi, dù là thơ có mục đích giáo dục, thì thơ vẫn phải là thơ, và là thơ hay, thơ thiếu nhi cũng phải hấp dẫn với cả người lớn. Ôi, làm thơ cho thiếu nhi khó biết bao nhiêu! Tôi tự hỏi, Nhà thơ Trần Hoàng Vy đã vượt qua cái khó trở thành nhà thơ của trẻ như thế nào?

1.Nhà thơ-nhà giáo dục

Tất nhiên nhà thơ không phải là nhà giáo. Bởi nhà giáo là người có nhiệm vụ giáo dục trẻ theo mục tiêu, chương trình, sách giáo khoa, phương pháp sư phạm ở trường. Nhà thơ giáo dục trẻ bằng cái đẹp của thơ ca. Thiếu phẩm chất này thơ viết cho trẻ không có chỗ đứng. Thực ra, tự thân văn chương đã mang chức năng giáo dục. Nhưng nhà thơ đem đến cho tâm hồn trẻ cái đẹp, sự khám phá cái đẹp, từ đó hình thành nên những phảm chất và giá trị nhân văn nơi trẻ.

Tập thơ 98 bài thơ thiếu nhi hướng đến các cháu Tiểu học, lứa tuổi mà tâm hồn còn rất trong trắng, lứa tuổi đang sống trong thế giới thần thoại, cổ tích, con người và vạn vật cùng một bản thể. Các cháu vui chơi với vật nuôi, với cỏ hoa, với thiên nhiên như vui chơi với người. Thơ ca thông qua đó để dạy cho trẻ tri thức xung quanh, dạy cho trẻ những phẩm chất nhân bản, hình thành cho trẻ những truyền thống dân tộc, gúp trẻ tiếp cận với thế giới hiện tại. Thơ Tần Hoàng Vy nói những điều như vậy thật tự nhiên, hấp dẫn và mới lạ.

Ở phố chẳng bao giờ thấy khói
Khói cơm chiều như khói ở quê
Ờ phố toàn mái tôn, mái ngói
Đâu mái tranh nghèo khói tỉ tê?

Nhớ khói, căn bếp của bà ấm
Gió mùa đông xao xác phên gầy
Màu khói ám, củ khoai lang nóng
Cứ lan dần trên những ngón tay…

Cháu xa quê, lần về thơ thẩn
Ngắm khói, ngắm tóc bà như mây
Sợ khói bay, sợ bà… đi mất
Nên chụp ảnh bà giữa khói cay…
(Khói bếp)
Tôi đọc bài thơ mà lòng bồi hồi xúc động nhớ lại hình ảnh bà tôi ngày xưa ở quê nghèo, và chắc chắn bạn đọc nào ở quê, đã từng được bà yêu thương chăm sóc, không thể không lặng người đi trước những tứ thơ tuyệt hay. Bài thơ vừa là tâm trạng, vừa là câu chuyện của cháu một lần về thăm bà; quan sát tinh tế, kể tự nhiên và bày tỏ chân thành. Đằng sau những yếu tố của cấu trúc thi ca là cái đẹp của tình bà, là sự khám phá cái đẹp trong khói bếp, là ngôn ngữ trần thuật sắc nét, có sức làm bùng nổ cảm xúc và lay động sâu xa trái tim bạn đọc. Bài thơ chứa đựng một thông điệp tế nhị. Hãy giữ lấy cái đẹp ấy, hãy giữ lấy tình cảm thân thương ấy dù cuộc sống thành thị có là mất đi bao điều tinh tế quý giá của tâm hồn Việt.

Trần Hoàng Vy giúp các cháu khám phá nhiều vẻ đẹp của tình gia đình và thông qua đó là những bài học nhẹ nhàng thấm thía.Tiếng ve nhắc cháu về thăm ông (Cám ơn tiếng ve), Ông thay bà đón cháu ở nhà trẻ, lỉnh kỉnh mọi thứ, nhưng cũng là đầy ắp tình thương (Ông đi nhà trẻ). Ông thay cô giáo giải đáp cho cháu những điều trái ngược mà cháu không hiểu, chẳng hạn tại sao trâu thì biết bơi, còn bò thì “Qua sông không được/ cứ kêu ụm bò…”( Ông ơi). Điều này chắc chắc các ô giáo ở thành phố không thể trả lời cho cháu được. Ông cũng dạy cháu những bài học từ cổ tích, thật giản dị cụ thể :”Gieo gió thì phải gặt bão/ Tham tàn phải gặp tai ương/ Làm người hiền phải thử thách/ Người tài phải lắm gian nan”(Cổ tích).

Hình ảnh người cha, người mẹ cũng được khắc họa ấn tượng trong tâm hồn trẻ qua những sinh hoạt đời thường: Bố làm con ngựa, Quà của ba, Con dế của bố, Sợi tóc bạc của mẹ, Dê con quỳ bú mẹ. Có khi chỉ một chi tiết rất nhỏ cũng đủ giúp trẻ nhận ra bao nhiêu tình yêu thương của mẹ.

Vở mới thơm giấy mới
Nắn nót mẹ đề tên
Bé bắt đầu lớp mới
Chăm ngoan nhé đừng quên
(Quyển vở mới)

Trần Hoàng Vy cũng dành nhiều bài rất hay nói với các cháu về tình quê hương, tình người, tình yêu tổ quốc: Quê hương, Nhớ Quê, Chợ quê, Chợ tết, Hồ Dầu Tiếng, Sông Vàm Cỏ, Hoàng sa, trường sa (Đảo), “ta phải đòi đảo ta”.Người hành khất, Dì lao công, chú phi công (Đu quay), cô giáo (Cô giáo bệnh, Tóc cô)
“. . . . . . . . . . . .
Những buổi bình minh nhuộm đỏ
Con thuyền đưa trẻ qua sông
Mái chèo vỡ đôi hạt nắng
Đến trường con chữ bềnh bồng

Buổi trưa vó đăng lộng gió
Lục bình xanh ngắt ven sông
Con cá quẫy mình trong vó
Dòng sông sóng vỗ phập phồng…”
(Sông Vàm cỏ)

Những chi tiết đời thường vào thơ thật tự nhiên, dung dị, nhưng dưới ngòi bút tài hoa của Trần Hoàng Vy, chúng hiện lên là những hình ảnh thơ tuyệt đẹp: lục bình xanh ven sông, con cá quẫy trong vó, những cần vó, bè đăng vươn lên trong nắng gió, con thuyền đưa trẻ qua sông….Tứ thơ này thì khó có nhà thơ nào khác vượt được Trần Hoàng Vy khi viết về sông nước :”Con thuyền đưa trẻ qua sông/ Mái chèo vỡ đôi hạt nắng”.Tôi cũng đã nhiều lần có mặt trên những con đò chở học trò qua sông buổi sáng có nắng lấp lánh trên sông, nhưng chỉ thấy mũi con đò rẽ sóng, rẽ vầng mặt trời long lanh dưới nước, chưa thể nhận ra điều thú vị này của “Mái chèo vỡ đôi hạt nắng” trên sông. Đó là cái đẹp và là những giá trị chỉ có thơ ca mới có. Vì thế dù cuộc sống có thế nào thì nhà thơ vẫn lừng lững diễm tuyệt trong không gian và thời gian, bởi vì nhà thơ giúp ta nhận ra cái đẹp ẩn mật ngay trong cái đời thường.

2.Những bài học từ thiên nhiên

Thơ viết về thiên nhiên, hoa trái, mùa màng là một mảng rất hay của Trần Hoàng Vy. Nếu so sánh với thơ thiên nhiên của thơ cổ điển, cùa thơ Lãng Mạn (1930-1945) và ca dao viết về thiên nhiên, bạn đọc sẽ nhận ra chỗ độc đáo thơ thiên nhiên Trần Hoàng Vy viết cho trẻ.

Trần Hoàng Vy giúp các cháu học biết về sự vật xung qung, nhưng cũng đồng thời khơi gợi trong các cháu cảm thức về cái đẹp trong thế giới thần thoại. Đó là chỗ sâu xa của giáo dục nhân bản. Nhiều bài thơ có thể làm cả bạn đọc người lớn kinh ngạc về vẻ đẹp của thiên nhiên sự vật mà ta đã có lần bắt gặp đâu đó.

Cánh sen khép cửa
Che nhụy, che hoa
Mưa qua lại nở
Hương se chan hòa

Có con ếch cốm
Che dù lá sen
Làm lăn hạt nước
Tưởng đêm lên đèn

Cao giọng học bài
Ộp à ộp ộp

Sau khi cho trẻ nhận biết về sen, nhà thơ cho trẻ thưởng thức cái cái đẹp hương sen. Bài thơ về sen chưa có gì đặc biệt. Câu chuyện phát triển bằng một tình huống bất ngờ. Đó là sự xuất hiện của con ếch cốm dưới lá sen. Có lẽ con ếch xoay mình làm rung rinh lá sen, và hạt nước trên lá sen lăn qua lăn lại. Tứ thơ độc đáo sáng lên:” Có con ếch cốm/ Che dù lá sen/ Làm lăn hạt nước/ Tưởng đêm lên đèn”. Nhân tiếng ếch kêu ồm ộp, nhà thơ nhắc nhở các cháu việc học bài.

Tập thơ còn có nhiều bài về các loài cây, loài hoa trái: Cây dừa, cây chuối, rừng sim, Hoa mai, chùm phượng sớm, bằng lăng, hoa gạo đỏ, Hoa cỏ hôi, Hoa dã quỳ, Thạch thảo, Lộc vừng, Quả thanh trè, quả mít, Hoa mồng gà, Hoa lan hài, đóa sen, Hoa đồng tiền. Thơ về bốn mùa, mưa nắng có nhiều bài hay, để lại những ấn tượng sâu nặng nghĩa tình: Tháng Ba, Nắng thu, Mưa, Mong mưa, Mùa xuân, Ngựa gọi xuân…

Lúa đồng mỏi mắt mong mưa
Sợi dây lang rũ ngọn lưa thưa gầy
Lá nằm thiêm thiếp trên cây
Bụi gai xấu hổ giăng đầy lối qua

Trở mình tiếng sấm thật xa
Ông mây còn mãi tà tà rong chơi
Giữa trưa đang nắng, mưa rơi
Trẻ con réo gọi, mưa rời rạc buông
Mong mưa lũ trẻ … tắm truồng
Ngàn cây thức dậy, đổi buồn làm vui
(Mong mưa)

Bài thơ nói được nỗi lòng người dân quê trong cơn nắng hạn. Hình ảnh thơ cực tả những cơn nắng làm héo rũ lòng người:” Sợi dây lang rũ ngọn lưa thưa gầy/ Lá nằm thiêm thiếp trên cây/ Bụi gai xấu hổ giăng đầy lối qua”. Phải là nhà thơ gắn bó cả đời mình với đồng quê mới có thể viết được những câu thơ hay xót ruột đến thế, và hẳn nhiên, những tứ thơ này cũng có sức gợi trong lòng trẻ tình yêu thương với cuộc sống ở quê.

Trong thế giới tâm hồn trẻ thơ thì loài vật là gần gũi và đông đảo nhất. Trần Hoàng Vy cũng có nhiều bài thơ hay khám phá cái đẹp của thế giới loài vật. Nhạc khúc vườn, Dàn kèn ếch, Ban nhạc đêm và Hòa âm vườn là những bài thơ khá tuyệt (tuy nhiên, chỉ những bạn đọc đã sống ở miền quê mới thưởng thức được cái diệu kỳ của thơ).

Bắt đầu tiếng trống Uềnh Oang
Vĩ cầm của Dế, tiếng đàn của Ve
Nhạc đêm trình diễn… sau hè
MC… cậu Cóc tiếng nghe đều đều

Vạc Sành tiếng hát rất phiêu
Con Xiển Tóc vỗ…cánh điều hoan hô
Fan là chuối với tần ô
Lá trầu, bụi xả, chậu ngò, rau răm…
(Ban nhạc đêm)
Máy lạnh là …lá rì rào
Trưa hòa âm bước lạc vào vườn mơ
Ve kim lảnh lót bất ngờ
Tiếng con dồng dộc lay bờ tổ rơm

Chim sâu lích chích thử đờn
Giọng chiền chiện giống tiếng hờn Nam ai
Em nằm trên võng lắng tai
Dòng song gió chảy trượt dài vào mơ…
(Hòa âm vườn)
Hai bài thơ này giới thiệu với các cháu nhiều loài vật của vườn quê, ban ngày cũng như ban đêm. Và nếu chỉ đem đến cho các cháu tri thức về thiên nhiên quanh mình như vậy cũng đã đủ cho mục đích giáo dục. Nhưng nhà thơ Trần Hoàng Vy còn đem các cháu vào thế giới âm nhạc với khả năng thẩm âm và thưởng thức âm nhạc rất tinh tế. Trong dàn đồng ca hợp xướng của muôn loài, thanh sắc của từng nhạc công vẫn hiện lên thật mượt mà, độc đáo và ấn tượng. Tiếng con dồng dộc lay bờ tổ rơm/ Chim sâu lích chích thử đờn/ Giọng chiền chiện giống tiếng hờn Nam ai…”,” Fan là chuối với tần ô/ Lá trầu, bụi xả, chậu ngò, rau răm…”. Thế giới thiên nhiên của muôn loài thật kỳ thú.

Và không chỉ có Dàn kèn ếch, Ban nhạc đêm và Hòa âm vườn, trong 98 bài thơ thiếu nhi còn nhiều con vật khác, mỗi con vật lại đem đến một điều thú vị riêng. Con vạc sành “Như chiếc lá… dán trên tường”, hải âu giữ biển. Con vịt, con cún, gió, bưởi, bòng vui ơi là vui khi mưa đến (Mưa sớm). Chim bói cá lẫn trong lá xanh, vút một cái mỏ đã xâu được cá. Con vện, mèo khoang, con gà tre ngây ngô biết bao trong những trò tinh nghịch. Hình ảnh con dế đi lạc thật đáng thương. Con gấu ở sở thú lại gợi cho các em nhiều bài học vệ sinh, đom đóm bay đêm lại là hình ảnh đóm đi học, thắp sáng quê hương (Đom đóm đi học), Con diều hâu gợi bài học lòng yêu thương đối mặt với cái ác. “Tiếng cu gáy” là một bài thơ về đồng quê đẹp xôn xao mùa thu, đầy màu sắc, ánh sáng và âm thanh của một vùng quê thanh bình.

Cúc cù cu…cúc cù cu
Tiếng con cu gáy gọi thu trở mình
Chợt vàng đồng ruộng lúa xinh,
Mùa đang mẩy hạt, uốn mình giăng câu

Tiếng con cu gáy hồi lâu
Xôn xao gió, nắng trên đầu vàng hoe
(Tiếng cu gáy)
Tập thơ cũng có những bài thơ hướng trẻ từ thiên nhiên đến đời sống xã hội. Nhà thơ đem đến cho trẻ nhiều bài học thú vị. Cháu sẽ nhặt lá cây mai ngày nào để mai nở hoa đúng dịp tết (Chim chính, bé và lão mai). Một vỏ ốc biển tưởng như vô ích lại trở thành giá trị trong bàn tay con người (Vỏ ốc biển). Ngôi sao trên biển cũng là ngôi sao trên mũ, thức cùng chú hải quân (Ngôi sao). Xóm giã bàng gợi ra nhiều suy nghĩ về những con người lao động. Cái đồng hồ nhắc nhở về giá trị của thời gian đối với đời người. Nuôi heo đất để ủng hộ ngư dân (Em nuôi con heo đất).Chiếc xe đạp con lại dạy các cháu sự cẩn thận và lòng nhân ái. Câu chuyện của ông cháu trên xe buýt tưởng đã rất quen, nhưng nhà thơ cũng khám phá thêm những giá trị nhân văn mới (Trên xe bus). Biển nhắc bài học đừng xây nhà trên cát. Đồ chơi công nghệ (Cái Ipad) cũng thấm thía bao tình cảm gia đình.

3. Thơ viết cho trẻ

Nhà thơ Trần Hoàng Vy đã có nhiều tác phẩm đặc sắc viết cho thiếu nhi, đồng thời anh cũng đạt nhiều giải thưởng từ địa phương tới trung ương. Vì thế, viết về thơ của anh mà nói chuyện khen chê, tôi nghĩ, chắc anh chỉ cười (!). Tôi chọn cách chia sẻ với anh những cảm nghĩ của mình về thơ viết cho trẻ. Biết đâu, tôi có thể hiểu biết thêm về những gì nhà thơ Trần Hoàng Vy đã đóng góp cho văn chương thiếu nhi Việt Nam.

Đọc thơ viết cho thiếu nhi của Trần Hoàng Vy, tôi thấy anh đã sử dụng rất thành công nhiều yếu tố của thi pháp ca dao, đồng dao để viết được những bài dồng dao mới rất hay. Đồng dao nhiều bài dạy cho trẻ về sự vật xung quang (Cái bống là cái bống bang; Ông trăng xuống chơi cây cau; Con tôi buồn ngủ buồn nghê…), Trần Hoàng Vy cũng có những bài dạy cho trẻ về sự vật mà đồng dao không có (Nghỉ hè, trái rừng về phố, Mưa sớm, Chim chích, bé và lão mai, Tháng Ba…). Đồng dao có bài là một câu chuyện ngộ nghĩnh và đa nghĩa: Con mèo mà trèo cây cau, Con vỏi con voi / cái vòi đi trước…Trần Hoàng Vy cũng có nhiều bài thơ kể chuyện sống động : Đom đóm đi học, Dàn kèn ếch, Khúc nhạc vườn, Người hành khất, Khói bếp, Chợ tết . Nhiều bài trong tập 98 bài thơ thiếu nhi có thể dùng hát ru như hát ru của ca dao (Tiếng cu gáy, Làm chị, Chợ quê, Cây chuối)

Đồng dao còn có những bài hát không có nghĩa nhưng có hình ảnh ngộ nghĩnh được trẻ hát trong các trò chơi như rồng rắn đi đâu, Thiên đàng địa ngục, Chi chi chành chành.
Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết trương
Ma vương thượng đế
Dắt dế đi tìm
Ú tim thằng bé
U…ập
Tôi lại ước ao nhà thơ Trần Hoàng Vy sáng tác những trò chơi và những bài đồng dao đi kèm chơi trò chơi ấy. Và nếu có thêm những bài thơ kể truyện như ca dao (Con mèo mà trèo cây cau hay Thằng cuội ngồi gốc ây đa, Cái cò các vạc, cái nông/ sao mày dẵm lúa…) thì thơ thiếu nhi của anh sẽ có nhiều cơ hội đi sâu vào thế giới tâm hồn trẻ thơ.

Nhưng ngay trong tập 98 bài thơ thiếu nhi này, tôi cũng thấy nhiều bài đáng được đưa vào sách giáo khoa cho các cháu học, vì giá trị giáo dục và giá trị thẩm mỹ rất cao. Xin chúc mừng nhà thơ Trần Hoàng Vy nhân dịp anh phát hành tập thơ.

Tháng 9 năm 2015
________________________________________________