MỘT CÁCH TIẾP CẬN THƠ THIỀN

Một cách tiếp cận thơ Thiền

Bùi Công Thuấn

 hinh-nen-thu-phap-cho-dien-thoai-15

                                                                                                   

 

Thơ ca dân tộc có một bộ phận thơ Thiền đặc sắc. Nhiều bài thơ cuả các Thiền sư từ  thời Lý (1010-1225 )-Trần (1225-1400) vẫn còn được truyền tụng  đến ngày nay, bởi vì nó chưá đựng vẻ đẹp tư tưởng và nghệ thuật rất riêng. Ảnh hưởng Thiền khá rõ trong suốt tiến trình thơ ca dân tộc. Ngày nay vẫn có những nhà thơ Việt Nam tiếp tục tiến trình ấy. Nhưng đọc thơ Thiền không dễ, cần một cách tiếp cận khác với cách đọc thơ thế tục. Bài viết này xin thử đề xuất một con đường đến với thơ Thiền, thay cho cách đọc cảm tính lâu nay.

  1. Kệ và Thơ Thiền

              Kệ là một hình thức văn chương nghi lễ cuả Phật giáo, như Kệ dâng hương, Kệ dâng hoa, Kệ vô thường buổi sớm… Các Thiền sư thường làm kệ “thị tịch “ để căn dặn đệ tử trước lúc qua đời. Tiểu truyện về các Thiền sư thường có những bài kệ. Những bài kệ ấy vưà nói về giáo lý Phật vưà chưá đựng chỗ độc đáo chứng ngộ cuả mỗi người. Thiền Uyển Tập Anh nổi tiếng với những bài kệ như Thị Đệ Tử cuả Thiền sư Vạn Hạnh, Cáo tật Thị chúng cuả đại sư Mãn Giác. Khoá Hư Lục cuả Trần Thái Tông (1218 – 1277) có Kệ ngũ giới , Kệ bốn núi …

 Về cơ bản, Kệ dạy giáo lý Phật bằng ngôn ngữ khái niệm. Nhưng khi chuyển thành ngôn ngữ hình tượng, Kệ trở thành thơ Thiền, ý nghiã tư tưởng chuyển hoá thành ý nghiã nghệ thuật.

Chẳng hạn

Bát Nhã chân vô tông

Nhân không, ngã diệc không

Quá, hiện, vị lai Phật

Pháp tính bản lai đồng. (1)

(Lý Thái Tông. 1028-1054)

Dịch:

“Bát Nhã” Thực vô tông

Người không, mình cũng không

Phật trước, nay, sau nữa

Pháp tính vốn tương đồng

(Ngô Tất Tố dịch)

Bài kệ này chỉ diễn đạt giáo lý về Chân Như. Ngôn ngữ kệ là ngôn ngữ khái niệm, không có hình tượng. Kệ cuả sư Vạn Hạnh đã có bước chuyển hoá thơ.

Ngày 15 tháng 5 năm Thuận thiên thứ 9 (1018) sư không bệnh, gọi đệ tử đến đọc bài kệ:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố uý

Thịnh suy như lộ thảo đầu phôi (1)

(Vạn Hạnh Thiền sư)

Sư lại bảo các đệ tử: – Các ngươi muốn đi đâu? Ta không lấy chỗ trụ mà trụ, cũng chẳng dựa chỗ vô trụ mà trụ. Một lát sau sư qua đời.

Lời cuả Thiền sư Mugaku nói với quân Mông cổ sau đây có cả chất kệ và chất thơ. (2)

 Gom toàn thể thế giới

Chẳng vừa một đầu gậy

Vạn pháp vốn là không

Vô thường và vô ngã

Lưỡi gươm bọn hung nô

Lấp loáng cắt xuân phong.

(Thiền sư  Mugaku)                                                                                     

  1. Một Cách tiếp cận thơ Thiền

Thơ Thiền là thơ tư tưởng. Cốt lõi tư tưởng thơ Thiền là giáo lý Phật giáo. Vì thế muốn tiếp cận thơ Thiền, người đọc phải ít nhiều có được căn bản tư tưởng Phật. Không có tri thức này thì không thể cảm thụ thơ Thiền, vì mỗi bài thơ là một chứng ngộ tại thế về Chân Như cuả Thiền sư.

 Căn bản giáo lý Phật Giáo (3) là Tứ Diệu Đế, Mười Hai Nhân Duyên, Bát Chánh Đạo, và thuyết vô ngã. Giáo lý này được Đức Phật giảng dạy ngay sau khi Người thành đạo.

 Tứ Diệu Đế là bốn chân lý cao cả do Phật đã tìm ra. Đó là Khổ (dukkha), Tập (Samudaya), Diệt (Nirodha), Ðạo (Magga). Bản chất cuả cuộc sống là khổbất toàn, vô thường, trống rỗng, giả tạm. Sinh, lão, bệnh, tử, ngũ uẩn là khổ. Nguyên nhân cuả khổ là khát ái, là dục vọng, là ý chí muốn sống, muốn tồn tại, muốn tái sinh, muốn trở thành, muốn tăng trưởng, muốn tích lũy không ngừng. Bao lâu còn khát ái trở thành, thì sinh tử luân hồi vẫn tiếp tục. Muốn tận diệt khổ người ta phải diệt cội gốc chính của khổ là dục vọng, diệt tham, diệt sân, diệt si. Chấm dứt khổ là Niết Bàn. Niết-bàn là Chân lý tuyệt đối hay Thực tại tối hậu. Phật nói: “Đó là xa lánh trọn vẹn và tận diệt chính tâm ái dục ấy. Đó là sự rời bỏ, sự từ khước, sự thoát ly và sự tách rời ra khỏi tâm ái dục.“Niết-bàn có thể thực hiện ngay trong cõi đời này. Để đạt tới Niết bàn con người phải tu tập theo Bát Chánh Đạo. Ấy là Chánh kiến (thấy đúng), Chánh tư duy (nghĩ đúng), Chánh ngữ (nói đúng), Chánh nghiệp (làm đúng), Chánh mạng (sống đúng), Chánh tinh tiến (siêng năng đúng), Chánh niệm (nhớ đúng ), Chánh định (tâm an trụ).

Phật giáo còn nói đến luật nhân quảnghiệp báo. Trên đường tái sanh luân hồi, con người chịu ảnh hưởng của nghiệp. Vô minhÁi dục là nguyên nhân chính tạo ra Nghiệp. Chính Vô MinhÁi Dục là cội rễ của mọi tội ác.  Nghiệp và Quả đều tùy thuộc nơi Tâm. Hành động (Nghiệp) và hậu quả của hành động ấy (Quả) đều do Tâm tạo nên. Mục tiêu tối hậu của người Phật tử là tận diệt Nghiệp.  Trong bộ Samyutta Nikaya, Tạp A Hàm, có những lời dạy: “Hãy gieo giống tốt, Ta sẽ hưởng quả lành.”

Thuyết Vô Ngã (4) cho rằng ý tưởng về một bản thể trường cửu bất diệt, gọi là Tôi, Ngã, cái Ta, hay Linh hồn,  chỉ là một niềm tin sai lạc. Cái mà ta gọi là Tôi hay Ngã chỉ là một kết hợp của các uẩn vật lý và tâm linh, hoạt động tương quan mật thiết lẫn nhau trong một dòng biến chuyển từng sát na, chịu chi phối của luật nhân quả. Tất cả đều vô thường. Phật giáo phủ nhận hiện hữu của Ngã, linh hồn, Thượng đế.  Sự sống đã phát sinh, tồn tại và tiếp diễn là do mười hai nhân duyên:  đó là Vô minh , nghiệp, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Lão, Tử (5). Nếu đảo ngược công thức lại, ta sẽ đi đến sự chấm dứt của quá trình. Vô minh diệt thì Nghiệp diệt, Nghiệp diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt,..cho đến khi sinh lão, tử, ưu bi khổ não… diệt.

Đọc thơ Thiền, người đọc sẽ nhận ra những tư tưởng căn bản trên nơi sự chứng ngộ cuả các Thiền sư. Vì thế thơ Thiền trước hết là thơ tư tưởng, không phải là thơ kiểu thơ phản ánh hiện thực hay thơ giãi bày tâm trạng

III. Thiền Tông (6)

Thơ Thiền thể hiện tư tưởng Phật giáo nhưng có những đặc sắc riêng cuả Thiền. Thiền là đạo giác ngộ hình thành qua kiến giải Trung Quốc, là cách tu chứng khác với Phật giáo Ấn độ.

Thiền khởi từ Thiền thoại:”Thế Tôn niêm hoa, Ca Diếp vi tiếu”, nghĩa là Phật giơ lên cành hoa, Ca Diếp nhìn cành hoa và mỉm cười. Ca Diếp đốn ngộ tâm truyền, trực tiếp từ hành động cuả Phật, không qua kinh điển. Phật phó chúc Thiền cho Ca Diếp, và từ Ca Diếp tâm ấn Phật được tiếp tục truyền thừa đến tổ thứ 28 là Bồ Đề Đạt Ma, sơ tổ Thiền Trung Hoa. Bồ Đề Đạt Ma (-528) sang Trung Quốc vào năm 520, mang theo một thông điệp, được coi là tôn chỉ cuả Thiền:

Giáo ngoại biệt truyền
Bất lập văn tự
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tánh thành Phật
.

(Truyền riêng ngoài giáo / Chẳng lập văn tự /Trỏ thẳng tâm người / Thấy tánh thành Phật )

Thiền đặt nặng lý Giác Ngộ. Tu chứng theo Thiền là nỗ lực tự chứng, nỗ lực tự mình, trong nội tâm mình, để ”Kiến tánh thành Phật”. Phương pháp cuả Thiền là không dùng văn tự, mà tác động trực tiếp vào tâm. Bởi vì ”Tâm tức Phật / Phật tức tâm “. Vô Minh, Nghiệp quả, Ái dục cũng do tâm. Tứ Diệu Đế, Mười Hai Nhân Duyên hoặc giáo lý Vô Ngã chỉ là người hướng đạo trí thức vạch ra con đường thực hiện sinh hoạt Phật giáo. Vì thế Thiền tập trung vào Phát tâm, an trú tâm và hàng phục tâm .

Hai bộ kinh quan trọng cuả Thiền là kinh Lăng Già (Lankavatara-Sutra) và kinh Kim Cang (7)

Kinh Lăng Già có thuyết “Như Lai tạng” ảnh hưởng đến toàn bộ Thiền tông. Như Lai tạng là: Tất cả chúng sinh đều tàng chưá Như Lai, tức là Phật tính. Phật tính bị khách trần che phủ nên phải tu tập bích quán để trừ dứt khách trần cho Phật tính thanh tịnh hiển lộ. Kinh Lăng Già chú trọng ở sự ngộ lý , nội chứng, rời bỏ ngôn thuyết, văn tự, vọng tưởng, nhấn mạnh tự tu, tự ngộ, tự chứng để đạt tới cảnh giới “ tự giác thánh trí

Ý tưởng nền tảng cuả kinh Kim Cang là giáo lý về Tính KHÔNG (8). Tất cả vạn hữu đang hiện hữu, tự tính của nó là Không. Ý niệm Không không phải là hư vô, mà là trạng thái vượt qua nhị nguyên tử – sinh, vượt qua hữu – vô, vuợt qua sắc tướng. Đó là thể tính chân như cuả hiện hữu, là Như Lai. Thực tướng ấy không thể diễn tả bằng ngôn ngữ, cũng không thể dùng ý niệm để ý niệm, thấy Như Lai là thấy “thực tại vô tướng”.

Người làm thơ Thiền có khi thể hiện cái nhìn cuả kinh Hoa Nghiêm. Dưới mắt người hành đạo theo tinh thần Hoa Nghiêm, con ong, cái kiến cho đến cọng cỏ, bụi gai, không cái gì mà không dễ thương, tất cả đều là Phật, tất cả pháp, kể cả sơn hà đại địa đều nhận lực chi phối của huệ Như Lai, đều là Pháp thân Phật. (9)

III.Thi Pháp thơ Thiền

Thơ Thiền được làm theo những nguyên tắc nhất định, có thể gọi là thi pháp. Thực ra không có hẳn một trường phái thơ Thiền, vì thế cũng không hề có lý luận về thi pháp thơ Thiền. Tuy nhiên, khi đọc thơ Thiền, người đọc có thể nhận ra một vài đặc trưng trong phép làm những bài kệ – thơ Thiền cuả các Thiền sư.

1.Thơ Thiền là kinh nghiệm tu chứng cuả Thiền sư, laø thôøi khaéc saùng loaø cuả tâm thanh tònh, an nhiên, đạt tới thực tại vô tướng, thể tính chơn như cuả hiện hữu. Ánh sáng cuả sự chứng ngộ ấy tạo nên cái đẹp thơ.

  1. Thơ Thiền được viết bằng kiểu ngôn ngữ vô ngôn, xuất phát từ cách sử dụng ngôn ngữ cuả các Thiền sư. Đối với Thiền, ngôn ngữ được xem là lừa dối và sai lạc để thấu hiểu chân lý. Kinh Lăng Già khẩn thiết bảo ta rằng ngôn ngữ là một phương tiện hoàn toàn thiếu thích đáng để diễn đạt và truyền đạt nội thể của Giác Ngộ. Kinh Kim Cang viếtVô pháp khả thuyết thị danh thuyết pháp

(thuyết pháp là:  không có pháp nào có thể thuyết ấy là thuyết pháp) . Thực tại vô tướng, thể tính chơn như không thể diễn tả bằng ngôn ngữ, hay bằng ý niệm.

Vì thế đọc thơ Thiền, người đọc phải tìm ra cách nói cuả tác giả, nắm lấy diệu lý Thiền, vượt qua ngôn ngữ. Các Thiền sư phải trải qua vô số thử thách ê chề mới đạt tới được tuyệt kỹ này. Cách nói vô ngôn có thể gói trong những thí dụ sau (10): 1. Nói nghịch, 2. Nói vượt qua, 3. Nói chối bỏ, 4. Nói quyết, 5. Nói nhại, 6.Hét, 7. Phép im lặng, 8. Lý luận vòng tròn.

Nói nghịch là cách noí nghịch lý. Phó Đại Sĩ nói:

Tay không: nắm cán mai

Đi bộ: lưng trâu ngồi

Theo cầu qua bến nước

Cầu trôi nước chẳng trôi.

Nói vượt qua là cách nói thoát khỏi nhị nguyên khẳng định và phủ định.

Nói chối bỏ là cùng một người, và cùng một câu hỏi, lúc nói “”, lúc nói “không”.

Nói quyết cách nói lạc đề:

Một ông tăng hỏi Thiền sư Hoa Sơn (?): “Thế nào là Phật”,

Sư đáp: “Tôi biết đánh trống, tum đùng đùng

Nếu hiểu vạn pháp (mọi hiện hữu) đều có Phật Tính, và Phật tính hiện trong vạn pháp, thì dù trả lời lạc đề thế nào, hình ảnh trong câu trả lời vẫn dẫn đến Như lai.

Nói nhại là nhại lại câu hỏi cuả người hỏi:

Một ông tăng hỏi Trường Sa: “Làm sao chuyển non sông đất nước trở về cái tự kỷ?”

Sư đáp: “Làm sao chuyển cái tự kỷ thành non sông đất nước?”

Đối với các Thiền sư, lời nói, ngôn ngữ  là một thứ tiếng la, tiếng kêu, thoát ra từ sự tự chứng nội tại; nó vô nghĩa, vì thế muốn hiểu Thiền phải tự hiểu chính ta, không phải hiểu nghĩa của ngôn ngữ phản chiếu những ý niệm. Thiền không thể nói được cho những người chưa có tự chứng.

  1. Thơ Thiền sử dụng một số diễn tả đã thành “điển“ cuả Phật giáo, như điển hoá Thiền thoại; diễn tả cái Cócái Không nhị nguyên bằng những chữ như sát (giết chết) và hoạt (cho sống), đoạt (cướp lấy) và dữ (ban cho), xúc (khẳng định) và bối (phủ định), bằng từ vựng Phật giáo như khổ, dục, vô thường, vô ngã, tâm, an nhiên thanh tịnh v.v…

Ta gặp hình ảnh diễn tả tư tưởng Phật quen thuộc như: Tất cả các pháp là hữu vi, đều giống như sao đêm (tinh), như mắt loạn (), như ngọn đèn (đăng), như huyễn thuật (ảo), như sương mai (lộ), như bọt nước(bào), như cơn mộng (mộng), như ánh chớp (điện), như đám mây nổi (vân).

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố uý

Thịnh suy như lộ thảo đầu phôi

(Vạn Hạnh Thiền sư)

Hoặc:

Hết thảy pháp hữu vi
Như chiêm bao, huyễn thuật,
Như bọt nước, ảo ảnh,
Như suơng mai, điện chớp,
Hãy quán chiếu như vậy.

(bài kệ trong kinh Kim Cang )

Những hình ảnh quen thuốc ấy có nghiã riêng cuả giáo lý Phật. Tinh tú biểu tượng cho cái thấy. Mắt bệnh là ví dụ cho tướng của đối tượng.  Ngọn đèn là thức uẩn. Huyễn thuật là cư xứ, chỉ khí thế gian, Sương mai là ví dụ cho thân thể. Bọt nước là thọ dụng. Chiêm bao là thời gian quá khứ. Điện chớp là thời gian hiện tại. Vầng mây là thời gian vị lai.

  1. Một bài thơ Thiền có thể có hai lớp nghiã. Lớp nghiã nghiã tư tưởng, diễn tả sự chứng ngộ cuả tác giả về Chân Như, và lớp nghiã nghệ thuật, do hệ thống hình tượng thơ gợi ra. Lớp nghiã này được hiểu theo cách hiểu cuả cộng đồng, bằng tri thức, văn hoá thẩm mỹ cuả cộng đồng . Hai lớp nghiã này có khi đồng nhất, có khi là riêng biệt, tuỳ theo cách sử dụng kiểu ngôn ngữ cuả Thiền sư. Nếu ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ dạy đệ tử, lời dạy trực tiếp cho người chưa chứng ngộ, đó là kiểu ngôn ngữ đời thường, hai lớp nghiã này thường đồng nhất. Nếu Thiền sư biểu lộ sự chứng ngộ, thì đó là kiều ngôn ngữ vô ngôn, là tiếng kêu vô nghiã. Lúc ấy, nghiã tư tưởng và nghiã nghệ thụật là tách biệt, có khi không có quan hệ gì với nhau. Vì thế những cách đọc bằng phương pháp truyền thống, phân tích nhân vật trữ tình, phương pháp Tiểu Sử, Phân Tâm Học , Phản ánh Luận , Cấu Trúc Luận … thường là bất lực trong việc giải mã thơ Thiền

 IV Thử đọc một vài bài thơ Thiền

1Thiền sư Không Lộ (?-1119 )

 Trạch đắc long xà địa khả cư

Dã tình chung nhật lạc vô dư

Hữu thì trực thướng cô phong đỉnh

Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.

                                                      Dịch:

Kiểu đất long xà chọn được nơi

Tình quê lai láng chẳng hề vơi

Có khi xông thẳng lên đầu núi

Một tiếng kêu vang, lạnh cả trời

            (Kiều Thu Hoạch dịch)

Hai câu đầu là trạng thái an lạc cuả Thiền giả. Chọn được đất rồng rắn có thể ở được. Tình quê vui vẻ (lạc) suốt ngày, không gì hơn. An nhiên, không vướng mắc sự đời, đó là trạng thái “Ưng vô sở trú “ . Sự vật (long xà điạ), con người (tác giả), thời gian (chung nhật) cùng hợp nhất. Lời thơ như là kể, là tự nói chuyện với chính mình, vì thế câu thơ không có chủ thể trực tiếp cho hành động “trạch đắc“(chọn được), hành động “”(ở), và trạng thái “lạc vô dư” (an vui không gì hơn ). Nếu tứ thơ tiếp tục phát triển theo hướng miêu tả cuộc sống nhàn nhã thảnh thơi, thì chưa hẳn đã là thơ Thiền, bởi an vi, “vô vi” cũng là cách sống cuả nhà Nho xưa, bài thơ sẽ trở thành thơ Nhàn cuả nhà Nho.

Hai câu sau là phút toả sáng sự chứng ngộ: Có lúc lên thẳng ngọn núi trơ trọi. Kêu một tiếng dài lạnh cả thái hư. Chứng ngộ Thiền là tự chứng, tự nội tâm mình, đơn độc. Người tu Thiền phải chiến đấu quyết liệt với chính mình, như người leo núi đơn độc. Núi ở đây có thể hiểu theo cách Trần Thái Tông nói về “bốn núi “: sinh, lão, bệnh, tử. Núi chính là ngũ uẩn, là vô minh, là nghiệp, là sắc tướng vô thường mà người tu Thiền phải vượt qua để đạt đến Ngã Không, đạt đến tự tánh. Theo Tổ Huệ Năng (11), tu Thiền là nỗ lực“kiến tánh thành Phật “. Chứng ngộ là thấy được tự tánh. Con người, vũ trụ là một, “tất cả tức một, một tức tất cả”. Con người có uy lực cuả vũ trụ.  Bởi vì tự tánh bao hàm toàn thể vũ trụ, tự do tự tại, đầy sinh lực sáng tạo, mà đồng thời cùng tự tri tự giác.Vì thế Không Lộ Thiền sư kêu một tiếng dài làm cả thái hư lạnh lẽo. Đó là cách nói biểu hiện sự chứng ngộ.

Trong thực tế sẽ chẳng có ai lên thẳng đỉnh núi cô độc, ở đó một mình với chính mình, kêu dài một tiếng làm lạnh cả thái hư. Tại sao hai câu đầu là tâm an lạc mà hai câu sau lại là trạng thái cô độc tuyệt đối: đỉnh núi cô độc và con người cô độc trên đỉnh núi? Tại sao con người không ở yên trong an lạc mà lại lên thẳng đỉnh núi cô độc kêu lên một tiếng dài, tiếng kêu tan vào thái hư? Rõ ràng là hai tình huống ngôn ngữ không logic với nhau, thậm chí tương phản nhau. Người đọc nhận ra kiểu ngôn ngữ vô ngôn, trong cách nói quyết. Tứ thơ là những hình ảnh vô nghiã. Nó chỉ là tiếng kêu từ tâm chứng ngộ. Ngôn ngữ không phản ánh hiện thực hay phản ánh con người nhà thơ…

Để hiểu hình ảnh núi, xin đọc bài kệ cuả thiền sư Ranryô (12)

  Thiền định và trì niệm

   Như hai toà núi lớn

   Căn cơ người sai khác

   Phật tánh vốn chung đồng

 

   Kẻ lên được tận đỉnh

  Thấy trăng chiếu muôn nơi

   Thương người thiếu tín tâm

   Mờ mịt giưã dốc ghềnh

Ranry-Ô giúp ta hiểu  “kẻ lên tận đỉnh núi “ cuả Không Lộ Thiền sư là “ đỉnh núi cuả thiền định và trì niệm “, con đường dẫn đến giác ngộ. Đạt tới đỉnh núi là đạt tới chứng ngộ.

Bằng cách đọc theo phản ánh luận, kết hợp với việc phân tích nhân vật trữ tình, và “tán “thơ “, có người hiểu hai câu thơ cuả Không Lộ Thiền Sư thế này: (13)

“Có khi đỉnh núi trèo lên thẳng

Một tiếng kêu vang lạnh cả trời “

 Hai câu thơ cao khiết mà cô đơn lạ! Cái ý tưởng nào mà chợt đến, chợt đi (có lúc), mà táo bạo (trèo lên thẳng) với tâm thế hết sức cô đơn (đỉnh núi trơ trọi). Tiếng kêu ấy thảng thốt biết bao làm cho cả bầu trời rùng mình, ớn lạnh. Phải chăng đây là khát vọng vươn tới cái cao cả, cái nằm ngoài giới hạn cuả con người? Phải chăng đây cũng là ước mơ cháy bỏng hoà đồng với thiên nhiên, ngang tầm với vũ trụ? Dù sao thì hai câu thơ tự chắp cánh cho mình, một thời đã làm run lạnh cả bầu trời ấy, đến nay vẫn làm chúng ta giật mình ngơ ngác. Vì nó lớn lao quá mà rất đỗi thiết tha. Nó rất “con người”. (Tôi xin không có lời bình về cách hiểu này)

Cái hay cuả bài thơ này là gì? là sự thể hiện tư tưởng Phật  hay ở hình tượng và  nghệ thuật thơ ?

Có thể thấy rằng, cái hay cuả bài thơ thể hiện ở tính độc đáo trong cách diễn tả sự chứng ngộ Phật và ở hình tượng thơ mới lạ. Ở Thiền, sự chứng ngộ cuả mỗi Thiền sư là sự chứng ngô riêng, độc đáo và đột khởi, đốn ngộ. Không Lộ Thiền sư cũng chứng ngộ như thế: lên thẳng đỉnh núi cô độc, kêu dài một tiếng làm lạnh thái hư. Đó là ý nghiã tư tưởng. Ý nghiã nghệ thuật cuả hình tượng thơ lại đem đến cho người đọc những mỹ cảm khác. Đó là vẻ đẹp tâm hồn dung dị cuả nhà thơ hoà mình trong đời sống dân dã, đằm thắm trong cái tình quê suốt ngày vui không gì hơn. Hình ảnh nhà thơ có lúc đã từng lên thẳng đỉnh núi cô độc, kêu một tiếng dài, âm vang làm lạnh thái hư. (Những người ở rừng ở núi thường dùng tiếng kêu dài, hú dài để gọi nhau) Có lẽ nhà thơ đã khám phá ra sức mạnh cuả chính mình trong thiên nhiên và trong thái hư (vũ trụ). Bài thơ gợi ra hình ảnh một Thiền sư ở giưã cuộc sống, giưã thiên nhiên, vưà ung dung giản dị, vưà mạnh mẽ phi thường, vượt lên tất cả, hoà nhập tất cả, “tất cả tức một, một tức tất cả”.

  1. Thiền sư Mugaku (14) là người sáng lập Thiền Tông Nhật Bản. Sư sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc, ngộ Thiền từ 12 tuổi. Năm 1275 quân Mông cổ tràn vào Trung Quốc. Mugaku lúc ấy đã xuất gia, di tản khỏi chùa. Một năm sau chiến sự lại tràn đến, sư ở lại chuà. Khi ấy Mugaku đang tĩnh toạ tại chánh điện, quân Mông Cổ tràn vào. Chúng kề gươm vào cổ ngài mà uy hiếp. Ngài điềm nhiên đọc một bài kệ, quân Mông Cổ hạ gươm rồi rút lui. Bài kệ như sau:

Gom toàn thể thế giới

Chẳng vừa một đầu gậy

Vạn pháp vốn là không

Vô thường và vô ngã

Lưỡi gươm bọn hung nô

Lấp loáng cắt xuân phong.

(Thiền sư   Mugaku)

Trước hết bài kệ là cách sư Mugaku trả lời cho sự uy hiếp cuả quân Mông Cổ. Chúng lấy cái chết để đe doạ Thiền sư. Ngài noí: toàn thể thế giới là quá nhỏ, gom toàn thế thế giới chẳng vưà một đầu gậy. Mọi hiện hữu (vạn pháp) đều là Không, vậy sự hiện hữu cuả Ngài là vô ngã, nào có nghiã gì. Nếu lưỡi gươm tàn bạo cuả quân Mông có lấp loáng, cũng chì là cắt vào gió xuân, cắt vào Không. Lời cuả sư chỉ ra rằng, sức mạnh vật chất tàn bạo cuả quân Mông Cổ, dù có chém đầu ngài, cũng chỉ là vô nghiã. Vì chúng là Không, và chúng đối diện với Không. Nội dung tư tưởng cuả bài kệ là triết lý tính Không về bản thể cuả hiện hữu vô thường vô ngã cuả Phật.

Cái hay cuả bài kệ là ở chỗ Thiền sư đã làm hiển lộ sức mạnh, uy lực cuả sự chứng ngộ, con người, vũ trụ là một, tự do, đầy sinh lực sáng tạo. Đối diện với sức mạnh ấy, quân Mông Cổ phải buông gươm.

Nhưng bài kệ còn hay ở hình tượng thơ được nhà sư dụng để thể hiện tư tưởng Phật. Nó vưà tạo ra cái thẩm mỹ, vưà bộc lộ trình độ giác ngộ và uy lực cuả tác giả

Gom toàn thể thế giới

Chẳng vừa một đầu gậy

Cả thế giới gom lại chẳng vưà một đầu gậy, con người này có tầm vóc, uy lực lớn lao mạnh mẽ đến thế nào! Con ngưới ấy có thể gom cả thế giới lại, và cả thế giới là quá bé nhỏ trong tay con người. Một tứ thơ như vậy quả là lạ. Nó chưá đựng sức mạnh Phật.

Lưỡi gươm bọn hung nô

Lấp loáng cắt xuân phong

 Tứ thơ cuối sáng lên một cái đẹp nghệ thuật khác: lưỡi gươm lấp loáng cắt gió xuân. Tất cả sự tàn bạo cuả quân Mông Cổ trở nên vô nghiã vì cắt vào Không, nhưng tứ thơ có sự chuyển nghiã, tất cả sự tàn bạo, đẫm máu, thăng hoa thành cái đẹp “lấp loáng trong gío xuân “. Không còn máu chảy, đầu rơi, tang thương, chết chóc. Sức mạnh tàn bạo cuả sự chết chuyển hoá thành sức mạnh sáng láng cuả sự sống (muà xuân)

Nghiã tư tưởng (Thiền) và nghiã nghệ thuật cuả tứ thơ có sự chuyển hóa đột ngột, mạnh mẽ, mới lạ. Ở bài này sử dụng ngôn ngữ đời thường, lời thơ là lời Thiền sư nói với quân Mông Cổ, vì thế nghiã tư tưởng và nghiã nghệ thuật có thể trùng với nhau.

  1. Mãn Giác đại sư (1052-1096)

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân lai bách hoa khai

Sự trục nhân tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Dịch:

Xuân ruổi, trăm hoa rụng   

Xuân tới, trăm hoa cười   

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi       

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua, sân trước, một cành mai.

(Ngô Tất Tố dịch)

Bốn câu đầu là hình ảnh diễn tả tính chất vô thường, vô vọng, cuả hiện hữu trong không gian, thời gian. Cuộc sống luôn vận động trong nhân duyên, có sinh thì có diệt, luân hồi mãi trong cõi sinh tử. Xuân đến rồi xuân đi, hoa nở rồi hoa rụng. Sự việc cứ trôi đi trước mắt.Tuổi già đến trên đầu. Bản thể cuả hiện hữu là vô thường, chẳng có gì tồn tại. Con người chẳng thể níu kéo được gì, chẳng thể níu kéo tuổi xuân cho mình.

Hai câu cuối là sự chuyển hoá lạ lùng, như được thốt ra từ sự chứng ngộ. Đừng tưởng xuân tàn thì hoa rụng hết. Hoa vẫn nở đấy:  Đêm qua, một cành mai đã nở trước sân. Mãn Giác đại sư đã vượt qua vô thường, vượt qua tử sinh, vượt qua luân hồi.  Đại sư đã nhìn thấy cành mai nở trước sân, như Ca diếp mỉm cười chứng ngộ khi nhìn thấy đức Phật giơ cành hoa lên.  Mãn Giác đại sư cũng đang mỉm cười. Cành mai ấy là cành mai tư tưởng, sáng lên một cách lạ lùng trong bóng tối cuả vô thường đã lùi lại phiá sau. Đó là ý nghiã tư tưởng Thiền cuả bài kệ.

Đọc bài thơ này bằng phương pháp cấu trúc luận, Như Huy có những kiến giải thú vị về ý nghiã bài thơ, nhưng Như Huy chưa phát hiện ra sự chứng ngộ cuả mãn Giác (15)

Ở bài kệ này, ngôn ngữ là lời “thị đệ tử “, là lời dạy bảo trực tiếp, ngôn ngữ đời thường. Nhưng lời dạy ấy được diễn tả bằng hình ảnh, tạo nên tứ thơ, Kệ trở thành thơ. Hình tượng nghệ thuật cuả thơ mang đến một ý nghiã khác. Đó là cái nhìn thanh xuân cuả một người tuổi già đã đến trên đầu. Trong cái nhìn ấy muà xuân tồn tại mãi, sự sống vẫn tươi tắn, cái đẹp vẫn tồn tại, dù tất cả vẫn qua đi như một quy luật không cưỡng lại được. Tứ thơ “Đêm qua, sân trước, một cành mai.” Là một tứ thơ mới lạ cả về nghệ thuật và tư tưởng thẩm mỹ. Nhà thơ chọn trong trăm hoa rụng một cành mai tươi nở. Cái đẹp trong ý thức sáng tạo cuả nhà thơ là cành mai, là muà xuân, là tuổi trẻ, là sự sống và một niềm tin vĩnh cửu. Đối với người Việt Nam, cành mai luôn là hình ảnh gần gũi cuả mọi nhà mỗi khi xuân về, chẳng bao giờ thiếu muà xuân trên đất nước trăm hoa này. Điều này giúp chúng ta hiểu được tại sao bài thơ gắn kết lâu bền trong thi ca dân tộc và trong tâm hồn người Việt như vậy.

  1. Thơ Thiền Bùi Giáng (16)

Thơ Bùi Giáng có tư tưởng Thiền. Bùi Giáng nhận ra “tinh thể đười ươi “ trong thân phận người .

Hoặc rằng người cũng là tôi
Hay là tôi cũng là tôi như người
Ấy rằng tinh thể đười ươi
Lời rằng quyết tuyệt và tươi vui và
Ấy rằng một cũng là ba
Là hai mai một mốt là hôm nay.

Trong Thiền Luận, Daisetz Teitaro Suzuki nhắc đến Thiền Thoại sau: Khi Ngưỡng Sơn (804-899) hỏi về Phật tánh. Thiền Sư Hồng Ân giảng như vầy: “Như ngôi nhà có sáu cửa nhốt khỉ đột. Ở ngoài có người hô to “khọt khọt”, khỉ đáp lại “khọt khọt”, cứ thế sáu cửa cùng hô cùng ứng. Ngưỡng Sơn hỏi lại: “Ví như lúc ấy khỉ ngủ thì sao?”. Hồng Ân bước xuống một tay nắm Ngưỡng Sơn, vừa múa vừa nói: “Khỉ ơi khỉ ơi, ta với ngươi cùng đối mặt nhau đây”. Bùi Giáng thay khỉ bằng đười ươi, tạo ấn tượng mạnh hơn vì đười ươi hay cười. Đó cũng là hình ảnh nghệ thuật Bùi Giáng tự vẽ chân dung cuả chính mình

Đoạn thơ trên biểu hiện tâm hồn, tính cách, kiều nói năng rất Thiền cuả Bùi Giáng. Bùi Giáng nhận ra Phật Tánh trong hình hài đười ươi cuả người, cuả tôi. “người cũng là tôi, tôi cũng là người, ấy rằng tinh thể đười ươi “. Vũ trụ, thời gian là nhất thể, tự tại, không sinh diệt: “một cũng là ba, là hai, là một; mai, mốt cũng là hôm nay “. Sự giác ngộ như thế là bước giác ngộ thứ nhất để dẫn đấn đại ngộ. Bùi Giáng không nhìn tha nhân như người khác mà nhìn tha nhân trong cùng một bản thể Phật tính, không nhìn tha nhân như người cuả thế giới khác, vũ trụ khác, mà nhìn tha nhân trong hiện hữu thường hằng, quá khứ- hiện tại – tương lai – không gian – thời gian là một. Trong một tương quan như thế, người đọc thấy Bùi Giáng an nhiên ngay trong cuộc sống thực tại.

Cái hay cuả đoạn thơ ấy là kiểu ngôn ngữ Bùi Giáng. Ngôn ngữ như bông đuà. Nói chuyện tư tưởng thâm sâu cuả sự chứng ngộ mà tếu táo chẳng đâu ra đâu, lẫn lộn lung tung. Thực ra Bùi Giáng cố ý xáo trộn ngôn ngữ, dùng cách nói vòng (kiểu ngôn ngữ cuả các Thiền sư),  tạo ra sự xáo trộn trật tự logic cuả ngôn ngữ đời thường, xáo trộn không gian, thời gian, đạt tới sự diễn tả tư tưởng.

Ấy rằng một cũng là ba
Là hai mai một mốt là hôm nay.

Để hiểu câu thơ này, cần sắp xếp lại ngôn từ theo logic cuả ngôn ngữ đời thường. một-hai-ba (không gian) -mốt-mai-hôm nay (thời gian), tất cả là một. Vạn pháp là một Phật tính. Phật tính hiển hiện trong vạn pháp. Tuy nhiên đoạn thơ không phải là tâm thế đốn ngộ cuả Bùi Giáng. Bùi Giáng chỉ mượn tư tưởng Thiền để thể hiện cá tính sáng tạo cuả mình, một cá tính tài hoa. Vì thế thơ Bùi Giáng là thơ cuả một nghệ sĩ tài hoa, khác với những bài kệ / thơ Thiền cuả các Thiền sư.

  1. Thơ Thiền Trần Ngọc Tuấn (17)

 

Trần Ngọc Tuấn là một nhà thơ trẻ. Thật đáng ngạc nhiên vì Tập Suối reo cuả anh là một tập thơ Thiền. Trong tình hình người trẻ làm thơ hiện nay, thì sự chọn lựa ấy cuả Trần Ngọc Tuấn là sự chọn lưạ đầy khó khăn. Trần Ngọc Tuấn không phải là một Thiền sư, anh vẫn đang sống lăn lộn giưã đời,  vì thế Suối Reo là thơ của đời ánh lên sắc Thiền, thơ của một con người còn đang “ qua dốc sương mù

Gánh củi qua dốc sương mù

Mồ hôi giọt gịot gió ù ù bay

Nghìn tia nắng dệt trang ngày

Bước chân hoan hỉ, đêm này lửa reo

Sống là gánh lấy bao nhiêu nỗi vất vả như người gánh củi. Ngày đêm phải vượt qua con dốc sương mù và đương đầu với gió ù ù bay. Nếu nhìn nhận cuộc đời như thế, tác giả sẽ chuyển bài thơ thành tâm tình thở than. Thế nhưng Qua Dốc Sương Mù lại rực rỡ ánh sáng của sự thăng hoa. Đó không phải là thứ ánh sáng thiên nhiên của nghìn tia nắng, hay ánh sáng của đêm lửa reo, mà là ánh hào quang của Phật. Nỗi vất vả, thống khổ trở thành con đường hạnh ngộ. Qua dốc sương mù là vượt qua vô minh, vượt qua khổ (Diệu đế I). Người gánh củi kia tỏa ánh hào quang của Phật trong “bước chân hoan hỷ ‘. Bài thơ không miêu tả hiện thực gánh củi mà tả khỏanh khắc chứng ngộ đầy hỷ hoan trong ánh sáng toả ra từ Tâm Bát Nhã. Hiện thực đuợc nhìn bằng Trí Huệ Bát Nhã (Prajna). Đó là ý nghiã tư tưởng cuả bài thơ.

Người ta có thể hiểu bài thơ khác đi qua cách đọc phản ánh hiện thực. Bài thơ là cái nhìn lạc quan, là tấm lòng nhân hậu Trần Ngọc Tuấn đối với người gánh củi. Bài thơ cũng là một bức tranh  tả cảnh gánh củi vất vả,  trên nền thiên nhiên rạng rỡ, trong ánh sáng ấm áp cuả bếp lửa gia đình do củi mang laị, từ đó nói đến một  tiến trình tư tưởng tích cực, suy từ sự  vất vả đến hạnh phúc mà người gánh củi đạt được.

Ở bài thơ này, Trần Ngọc Tuấn chưa đạt đến các nói cuả Thiền sư. Ngôn ngữ thơ không phải là kiểu ngôn ngữ vô ngôn cuả Thiền, vì thế nghiã tư tưởng và nghiã nghệ thuật có thể chồng khít lên nhau, không tinh ý khó có thể nhận ra ý nghiã Thiền cuả bài thơ. Dầu vậy bài thơ cũng có được những tứ thơ hay và ngôn ngữ nghệ thuật tinh ròng. Sự kết hợp Tứ Tuyệt với Lục bát tạo nên màu sắc thẩm mỹ riêng, vưà có cái cô đọng tư tưởng cuả Tứ Tuyệt, vưà có cái mền mại thanh thoát cuả Lục Bát, vưà có sự sang trọng cuả tư tưởng vưà có sự dung dị dân dã cuả hồn thơ.

  1. Thơ Thiền Phạm Thiên Thư

Tôi chưa có dịp nói đến những kinh Phật được Phạm Thiên Thư phổ thơ như  Qua Suối Mây Hồng – Kinh Ngọc (thi hóa Kinh Kim Cương), Hội Hoa Đàm – Kinh Hiền (thi hóa Kinh Hiền Ngu, 12 ngàn câu lục bát), Suối Nguồn Vi Diệu – Kinh Thơ (thi hóa Kinh Pháp Cú)
Chỉ xin thử đọc một đoạn trong bài Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng cuả Phạm Thiên Thư (PTT) xem thơ Thiền cuả Phạm Thiên Thư có thi vị thế nào. Đặc sắc thơ Phạm Thiên Thư là thơ tình có vị Thiền. Điều này lạ. Bởi vì tình là khổ luỵ. Thiền là cắt đứt nghiệp chướng. Phạm Thiên Thư đã tạo nên sự kết hợp này thế nào? xin đọc:

21
Em nằm ngó cội thu xanh
Môi ươm đào lý một nhành đôi mươi
Về em vàng phố mây trời
Tay đơm nụ hạ hoa dời gót xuân

22
Thì thôi tóc ấy phù vân
Thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương
Thì thôi mù phố xe đường
Thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi

Nội dung đoạn thơ là câu chuyện tình yêu, là những lời yêu Phạm Thiên Thư gửi đến người tình, nhưng những  ý tứ Thiền lại hiển lộ rất rõ trong cái nhìn, trong ngôn ngữ, trong tâm thức nhà thơ: phù vân, sương, mù, đoạn trường. Trong khổ thơ này Phạm Thiên Thư không dụng ý thể hiện tư tưởng Thiền, nhà thơ chỉ mượn từ ngữ, ý tứ để diễn tả tâm trạng yêu. Phạm Thiên Thư nhìn người yêu mà suy gẫm, lúc nằm, lúc về, hình hài ấy, dáng vẻ ấy: môi thanh xuân đào lý đấy, tay đơm muà hè, gót dời hoa xuân. Nhưng mà hiện hữu ấy, tóc ấy chỉ là phù vân; lệ ấy, dáng ấy mong manh như sương. Em tuy đẹp, tuy dào dạt đào lý, dào dạt yêu thương trong mắt lệ, em giưã cội thu xan , giưã vàng phố mây trời,  nhưng chỉ là vô thường, chỉ là khổ (đoạn trường) chỉ là vô minh (mù) , là  hư huyễn( phù vân ). Trái tim nhà thơ thốt lên nỗi buồn thương không sao ngăn được. Nhà thơ kêu lên nhiều lần “thì thôi “, chấp nhận thực tại, để rồi buộc phải nói lời ly tan “thôi thì thôi nhé”. Bản chất cuả hiện hữu là thế, và tình yêu, dù thăng hoa đẹp đẽ thế nào cũng không thoát ra được. Phạm Thiên Thư- người tình, chỉ còn mong

Mai anh chết dưới cội đào
Khóc anh xin nhỏ lệ vào thiên thu

Thiền vị đem đến những giá trị thẩm mỹ gì cho thơ Phạm Thiên Thư?

Thơ Phạm Thiên Thư sang trọng, thanh cao là nhờ ở Thiền Vị. Phạm Thiên Thư cũng viết về đoạn trường, chia li, cũng viết về mắt, về môi, về dáng đứng, dáng nằm cuả người con gái, nhưng tuyệt nhiên không nhuốm mùi nhục thể, tuyệt nhiên không rực lưả dục vọng. Cũng là nước mắt, cũng là ly tan, nhưng không có hờn ghen oán trách tình phụ, không bi luỵ tang thương. Thiền vị làm thăng hoa thơ tình Phạm Thiên Thư

Thật khác xa với cái nhìn tang thương bi đát cuả Nguyễn Gia Thiều trong Cung Oán Ngâm Khúc

“…Ngọn tâm hoả đốt dầu nét liễu

Giọt hồng băng thấm ráo làn son…

…Nghĩ thân phù thế mà đau,

Bọt trong bể khổ, bèo dầu bến mê…

…Phong trần cả đến sơn khê

Tang thương đến cả hoa kia cỏ này…”
Sự khác biệt ấy là ở chỗ Phạm Thiên Thư đã “ ngộ” được chân lý Thiền, trong khi Nguyễn Gia Thiều còn đang ngụp lặn ở bến mê.

Thật thú vị nếu tiếp tục đi sâu hơn nưã trong việc xem xét ảnh hưởng cuả Thiền trong thơ ca. Chẳng hạn Nguyễn Du trong bài Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài cho biết ông đã từng đọc hàng ngàn biến kinh Kim Cang .

Ngã độc Kim Cang thiên biến linh
Kỳ trung áo nghĩa đa bất minh
Cập đáo phân kinh thạch đài hạ
Tài tri vô tự thị chân kinh.”

( Ta đọc hơn ngàn biến Kinh Kim Cang, những ý nghĩa sâu kín trong đó phần nhiều ta không rõ. Đến hôm nay tới đài chia kinh này mới biết rằng Vô tự chính là Chân kinh.)

Tuy nhiên điều ấy nằm ngoài phạm vi cuả bài viết này: Một cách tiếp cận thơ Thiền .

Quả là nếu tiếp cận đúng hướng thơ Thiền, người đọc có thể thưởng thức được những giá trị, những khoái cảm thẩm mỹ đặc biệt mà thơ Thiền đem lại. Nhìn trong quá trình phát triển, những bà Kệ thuần tính cách nghi lễ, khi được diễn đạt bằng ngôn ngữ hình tượng biểu cảm, đã chuyển hoá thành  thơ.Thơ Thiền cuả các Thiền sư có sự chuyển hoá ấy. Và khi Thiền thâm nhập được vào trái tim nhà thơ thế tục, Thiền vị tạo nên cái đẹp mới lạ trong những áng thơ, có khi đọc không hiểu, song vẫn có thể cảm nhận được qua hình tượng tư tưởng-thẩm mỹ như thơ Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư. Con đường phát triển ấy còn nhiều hưá hẹn cho thơ ca Việt Nam.

Tháng 10 / 2007

 

Nguồn: Chút tình tri âm-Bùi Công Thuấn, Lý luận phê bình. Nxb Hội Nhà Văn. 2009

________________________________________________________________

(1) Thiền Uyển Tập Anh

(2), (12), (14)101 Giai Thoại Thiền” – Thomas Cleary Nxb Tp Hồ Chí minh 2001. Tr.144

(3) “Đức Phật Đã Dạy Những Gì” – Hòa thượng WALPOLA RAHULA – Thích Nữ Trí Hải dịch -1998

(4), Bài thuyết pháp thứ 2 cuả Đức Phật Anattalakkhana Sutta – Kinh Vô Ngã Tướng.
(5) Thập nhị nhân duyên:  Suốt thời gian bảy ngày đầu tiên sau khi thành đạo, Đức Phật ngồi không lay động    dưới tàng cây Bồ Đề. Trong đêm cuối tuần, Ngài xuất thiền và suy niệm về Thập Nhị Nhân Duyên  (Paticca Samuppada), đó là Vô minh, nghiệp, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Lão, Tử.

(6),(10), (11)Thiền Luận  –  SUZUKI

(7) “Tìm hiểu về Thiền Tông Phật Giáo Trung Hoa”.-Nguyễn Tuệ Chân – nxb Đà Nẵng 2006.tr34

(8)Giới thiệu và giải thích đề kinh Kim Cương Bát Nhã “-Thích Thái Hòa

(9)Giới thiệu Kinh Hoa Nghiêm” – Hoà Thượng Thích Trí Quảng

(13) “Thơ văn Lý Trần” – Nhà văn và tác phẩm trong nhà trường- Nxb Giáo dục 1999.Tr.63

(15) Đọc thêm: Như Huy –Thêm hai cách đọc bài thơ / kệ “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền Sư” www.tienv,org

(16) Đọc thêm: Bùi Công Thuấn – “Bùi Giáng, ai người chia sẻ

(17) Đọc thêm: Bùi Công Thuấn – “Một mình ra khơi “ (về tập Suối Reo cuả Trần Ngọc Tuấn , Nxb Hội Nhà  Văn 2006). Bài này đã đăng trên Văn Nghệ Trẻ ngày 28/01/2007

Bài đã đăng trên báo GIÁC NGỘ và nhiều trang mạng khác

http://giacngo.vn/vanhocnghethuat/tho/2008/11/28/5E4458

Advertisement

THƠ LÊ THANH XUÂN-bài viết của Bùi Công Thuấn

THƠ LÊ THANH XUÂN

(Đọc tập Thơ Lê Thanh Xuân. Nxb Đồng Nai 2015)

Bùi Công Thuấn

 

THƠ số 3 2016+

 

Nhà thơ Lê Thanh Xuân (*) đã suy nghiệm điều này khi anh quan sát người đến, kẻ đi ở Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai:

Bao người mò mẫm tìm tên

Bao người có tên đánh mất

Không phải có chữ thành văn

Không phải có văn thành sách

Không phải có sách thành tài

Văn như sông

Thơ như núi…

(Buổi sáng ở Hội Văn Nghệ)

Vâng, cuộc tìm kiếm văn chương khó lắm thay! Và tôi đã đọc một mạch 170 bài thơ trong tập Thơ Lê Thanh Xuân để lý giải điều đó. Thú thực rằng, nếu trong tập không có thơ hay thì chắc chắn tôi đã không đủ sức đi tiếp hành trình khám phá sáng tạo nghệ thuật của Lê Thanh Xuân. Và tôi tin rằng, những giải thưởng thơ anh đã đạt được đủ để khẳng định tài thơ của anh. Tôi muốn chia sẻ với anh về những điều anh nói trong thơ.

  1. “Mai về tôi vẫn gặp tôi với nguồn”

Trong thơ, Lê Thanh Xuân nói Tôi trở về tìm lại chính tôi”, “Tôi tìm tôi, mảnh vải buồm gió xé/ Cột buồm trơ. Thoi thóp dáng con thuyền”, “Ta vẫn một mình ta/ Và nỗi buồn đầy ắp”, thì đó là tiếng nói tự tình hướng nội. Tự tình-hướng nội là đặc điểm bao trùm thơ Lê Thanh Xuân.

Vì là thơ hướng nội nên thơ Lê Thanh Xuân không hướng đến “phản ánh hiện thực”, thơ Lê Thanh Xuân vắng bóng đời sống hiện thực, không có những khuôn mặt thời đại, cũng không có vấn đề nóng bỏng của cuộc sống đang réo gọi, và không có dòng lịch sử đang cuồn cuộn vượt lên phía trước. Trái lại thơ Lê Thanh Xuân là những suy nghiệm về những gì nhà thơ gặp gỡ, hoặc những kỷ niệm ở những nơi đã trải qua, hoặc khám phá ý nghĩa những cái rất đỗi bình thường ở xung quanh. Đó là những suy nghiệm của riêng anh, trong hoàn cảnh của anh, của một người đã nghĩ rằng “Thu cũng sắp cuối mùa/ Đã quên nhiều nhớ ít/ Chân chậm bước gần hơn” vàMuộn màng đã xóa tên mình-Thế gian”.

 Thơ Lê Thanh Xuân là tiếng nói tự tình, thơ viết cho mình, hướng vào thế giới nội tâm, lắng nghe tiếng vọng từ tâm hồn mình dội lên khi va chạm với cảnh sắc thực tại, khác hẳn với thơ thời kháng chiến, thơ là tiếng nói công dân, hướng về quần chúng. Đặc điểm này giúp anh phát huy được phẩm chất tài hoa lãng mạn khi thả hồn mình vào thế giới của cái đẹp và hiển lộ những nhận thức trí tuệ sâu sắc, tinh tế khi đối diện với thực tại.

Phẩm chất trí tuệ giúp anh khám phá rất nhiều tứ thơ mới lạ, thú vị. Có lẽ anh đã vắt cạn sức mình cho việc tìm kiếm khó nhọc này. Mượn tiếng chim gù anh thổ lộ:”Dấn thân một kiếp sa đà/ Thôi đành vắt kiệt giọng ca u hoài”(Tiếng chim gù). Làm thơ khó ở chỗ người làm thơ phải khám phá cho được những tứ thơ mới trong đời sống bình thường. Làm thơ hay càng khó. Người thơ phải vắt óc mình thành những giọt tinh khôi, may ra mới thành những tứ thơ có sức đóng đinh vào tâm khảm người đọc và đóng góp vào thơ ca đương đại. Chỉ điều này thôi mới xác định được phẩm chất thi sĩ của một người làm thơ. Lê Thanh Xuân vượt lên và khẳng định mình bằng rất nhiều tứ thơ phóng khóang, thú vị không ngờ’

Viết về nhà thơ Thu Bồn:

“Chưa có gió tự mình làm nên gió

Bão quất anh. Mượn gió chính đời anh

Con gió thổi buốt đau lòng thi sĩ

Con gió đi cuốn theo cả trời xanh

(Trở lại Thu Lý viên nhớ Thu Bồn)

Ở nơi rừng vắng:

Ta treo ta vào mây núi

Ta thả hồn theo suối về sông

(Nhà sàn)

Nhìn sông nước miền tây

Tím sông lơ lửng lục bình

Giấc mơ bờ bến bỗng thành bể dâu

Đi đâu, rồi sẽ về đâu

Nửa đêm chợt trắng mái đầu chiêm bao

(Không đề II)

Và một buổi trưa bất chợt

Và buổi trưa nay chợt nhặt được

Tiếng chim trời và những đóa hoa tươi

Trong tiếng chim có cánh bay vô tận

Trong hoa tươi có hạt sẽ nảy mầm

Tôi lấy sức và tự tin dấn bước

Từ buổi trưa này đi tiếp vào tháng năm

(Buổi trưa này)

Có gì như rất gần gũi, nhưng tinh tế, phóng khoáng đến nao lòng:

Ta đến. Đò đã sang sông

Chiều kia đang khuất phía đồng xa xa

Ta đến. Núi đã về già

Đá gồng trổ chút nụ hoa nghĩa gì?

Ta đến. Phố đã về khuya

Sợ tay gõ cửa. Người nghe giật mình

Ta đến. Ta thành vô tình

Muộn màng đã xóa tên mình-Thế gian

Đành làm con nhện đa mang

Giăng tơ mà nhớ nắng vàng lối xưa

(Muộn)

 

Phẩm chất tài hoa, lãng mạn của thơ Lê Thanh Xuân xuất phát từ đặc điểm thơ hướng nội. Anh viết cho mình nên ngòi bút thỏa sức bay bổng. Và trong cơn say sáng tạo, anh viết như người như nhập đồng, thơ anh đã kết tụ được những tinh anh còn mãi. Xin đọc: Thuyền độc mộc, Bên mộ nữ sĩ Tương Phố, Cù lao Rùa, Ban mai ngoại thành, Mưa chiều, Chiều đồng bằng, Tiếng xa quay, Nghe tiếng gà gáy trong thành phố, Madagui, Một thoáng Tháp Mười, Ngổ Luông, Phố cổ…Lục bát là thể thơ thể hiện rõ nhất phẩm chất tài hoa của ngòi bút Lê Thanh Xuân. Và xin lưu ý, phải đọc trọn vẹn bài thơ, người đọc mới cảm nhận được cái hạt tinh anh trong thơ Lê Thanh Xuân.(xin trích)

Tiếng xa nhòa trước đậm sau

Tiếng xa buồn chảy, ngàn lau cũng buồn

Đêm qua chớp bể mưa nguồn

Biết bông hoa trắng có còn trên nương?

(Tiếng xa quay)

Mấy trăm năm đã thành quê

Cù lao một chốn đi về của em

Ngủ cùng tiếng sóng đã quen

Ăn cùng gió giật tối đèn chẳng sao

Giấc mơ sông cũng chảy vào

Chiêm bao chợt gặp vì sao cuối ghềnh

Lấy xuồng làm bạn với mình

Lấy cô đơn để làm xanh với trời

Lặng im vạt đất bời bời

Cũng chùa, cũng phố với tôi-một lần

Đường xanh chân bước tần ngần

Ô hay cũng ruộng, cũng dân cấy cày…

Cũng vườn tược nức trái cây

Cũng lam khói bếp cuối ngày chiều hôm

Cũng em xinh đến mê hồn

Mới hay tôi đã nỗi buồn vu vơ…

(Cù lao Rùa)

Cái hay trong thơ Lê Thanh Xuân chính là sự tổng hợp hai phẩm chất trí tuệ và tài hoa trong tứ thơ, trong góc nhìn, trong cách thể hiện và giọng điệu hào sảng thân thiện, dù rằng hai phẩm chất này chỉ lóe sáng bất chợt: “Ta như chút gió bất ngờ/ Chút hoa như thể đợi chờ đường ong”

  1. Những “miền thương

 Lê Thanh Xuân 2

Nhà thơ lê Thanh Xuân

Miền thương” là từ Lê Thanh Xuân gọi tên những miền quê hương, nơi anh đã sống, đã đi qua, đã gắn bó thương yêu và kết đọng thành thơ. Lê Thanh Xuân đã đi hầu khắp miền đất nước, và nơi nào lòng anh cũng đầy cảm xúc, nơi nào tiếng thơ cũng cất lên giọng rất trong lành thiết tha.

Tây Bắc là nơi nhà thơ “có một phần đời gửi lại, nơi quá khứ đẹp như mơ, “Rừng hoa ban vẫn trắng tựa trăng rằm”…(Tây Bắc). Nơi đây đã để lại trong nhà thơ bao nhiêu cảnh sắc, con người, tình thân và những ấn tượng đẹp làm nên những bài thơ rấy hay (Trăng sông Đà, Dọc sông Đà, Thuyền độc mộc, Trên cánh đồng Mường Thanh, Mường Thàng, Tiếng xa quay, Ngổ Luông, Thị xã miền rừng, Dốc Cun, Hoa Pi pôốc, Hoa gạo).

Trăng treo ngược sông Đà

Trăng tuốt da rừng núi

Trăng bóc bưởi tuổi mười bảy

Trăng đốt cháy dịu êm

Thêm vào đời anh một miền trăng núi…

(Trăng sông Đà)

Làng Hoàng Trù, Về thăm nhà Bác, là những bài thơ ghi đậm tình cảm kính yêu của nhà thơ với Bác Hồ.

Và quê hương, luôn là tiếng gọi thân thương sâu thẳm: ”Quê là bến. Tiếng con tim khẽ gọi/ Ấy là lời tôi cất đầu tiên”. Về quê (Làng tôi), anh đi trên con đường làng mà nhớ bao kỷ niệm tuổi thơ, nhớ những con người quê vất vả, đất quê bao lần bom đạn cày và bao lần đưa tiễn lớp trai trẻ lên đường giữ nước (Đường làng), nhớ con Đường xưa, mắt nhà thơ đẫm lệ. Nhà thơ soi mình xuống sông quê để tìm nụ cười tuổi thơ (Khúc sông quê). Gọi tên quê hương Thọ Nguyên để nghe lòng mình tha thiết. Anh nhớ cánh đồng quê (Cánh đồng tuổi thơ, Cánh đồng mùa thu), thăm nghĩa địa làng để chia sẻ số phận ngàn đời dân quê, nhớ người anh hy sinh vẫn chưa tìm thấy mộ (Anh tôi),  nhớ người cha “Bao đắng cay cha gánh chịu một mình”  (Cha tôi), và dành cho bà, cho mẹ những tình cảm thương yêu nhất (Hoa ngâu, Lửa khói, Cây cau, Chiếc bình vôi, Khúc đầy, Trăng qua nhà)

Nhà thơ cũng đã Đi bộ trên cao nguyên, thấy Cao nguyên dính vào đôi chân mình, nơi nhà thơ ”Đã một thời sống kiếp hồng hoang/ Lửa không có, người chụm tay tìm lửa”; và cảm nhận Đêm cao nguyên:”Gió hoang đêm đến tung bờm/ Cao nguyên ngực hú chập chờn bóng mưa”. Có lúc đã chia sẻ nỗi niềm với cô gái chăn bò trên thảo nguyên:”Chỉ có thảo nguyên xanh và gió/ Nơi tháng ngày em tựa bờ vai/ Phơi mái tóc một thời con gái.”

  Đã có lúc nhà thơ ở Trong hang cổ, cất tiếng gọi người xưa:“Tiền nhân ơi, nghe lạnh tiếng xa vời”, ở trong Cánh rừng cổ đại, nơi ”Làm nên thời gian, ca lên năm tháng”; lên Núi Tiên, nơi “có nàng tiên rất đẹp từ cao vời” để chia sẻ nỗi cô đơn của chính mình? Lại có lúc ra ngoại thành lúc ban mai để tìm lại chính mình, và ngồi uống café ở Cội Nguồn để nhận ra mình ngây thơ (Uống café ở quán Cội Nguồn). Có lúc dừng chân bên Tháp chàm “Mục đích đi tìm mình”. Đến Lâm Đồng, viết Madagui như một bản hùng ca mang âm hưởng sử thi lãng mạn;. Một thoáng Tháp Mười đã để lại những câu thơ tài hoa về sông nước Đồng Tháp. Có lúc đất Mũi đã níu tác giả với “nóng nôi mùi bùn” (Viết ở nơi cuối đất ), nơi đó tác giả lần đầu gặp Chim Cà Mau: “Líu ríu non tơ mùa chim sinh nở/ Bóng dáng ngày mai của quyết liệt can trường”.

Ý thức về thời gian là ý thức thường trực, mọi nơi, mọi lúc đối với nhà thơ. Mỗi thời khắc đều gợi lên những nghĩ suy, những cảm nghiệm, cả những ước mơ, nhớ tiếc và thời gian của một đời người: Xin đọc: Thời khắc, Sầm sập tối, Bảy giờ tối, Vài phút, Buổi trưa này, Mưa chiều, Chiều đồng bằng, Chiều trên bến cảng Muộn, Đêm, Đêm Thành phố, Đêm cao nguyên, Ngày mai, Một ngày, Một năm mười hai tháng, Tháng sáu, tháng Bảy, Cuối năm,.. Bài Tháng sáu, tháng bảy, nhớ nhà thơ Thu Bồn và nhà thơ bế Kiến Quốc thật xúc động.

Tháng sáu mưa

Tháng bảy mưa

Nhặt thưa giọt giọt giữa trưa đầy buồn

Ai rồi cũng sẽ về nguồn

Khi sống là thác, chết hồn ra sao

Lung linh bạn phía trời cao

Đêm đêm tôi ngủ nhớ vào trong mơ…”

 Mảng thơ về Đồng Nai ghi dấu ấn khá đậm trong tập thơ. Đồng Nai “Không là nơi sinh ra, như là nơi ủy thác”, “Tôi neo lại sau nhiều năm phiêu bạt”. Lê Thanh Xuân cũng đã có mặt nhiều nơi trên đất Đồng Nai, và chính nơi ấy nhà thơ khám phá ra mình nhiều hơn bất cứ nơi nào khác. Ở Mộ cổ Hàng Gòn, nhà thơ đặt những câu hỏi ngàn năm: “Nghìn năm qua những gì nhỉ-Hỡi người…/ Ta hát bên bờ thời gian trôi qua mặt trời đỏ/ Nơi ta gửi lại nghìn năm sau một chút yên lòng. Những phút bên suối Lồ Ồ thật lãng mạn. Những tứ thơ đẹp thú vị:

“…Nhà ai bóng khắc lưng đèo

Tiếng chim neo lại mảnh chiều hoang sơ

Đêm nay hẳn lại nằm mơ

Nửa xa biển vỗ, nửa bờ trăng xanh”

 Bên núi đá Ba Chồng, nhà thơ trải lòng:

Ta như chút gió bất ngờ

Chút hoa như thể đợi chờ đường ong

Chút lòng như thể hiểu lòng

Sẻ chia với đá- chiều không là chiều

Ngẫm suy về dòng sông Đồng Nai, nhà thơ nhận ra mình:

“…Trước là sông, sau đời sông vẫn chảy

Trang giấy phù sa ăm ắp hương vườn

Ta như con chim từ năm tháng ấy

Chiều nay bay về một góc quê hương”

(Sông Đồng Nai)

Khi trở lại Vĩnh Cửu, nhà thơ nhận ra “Quê hương đã bao lần khói lửa/ Vẫn đứng lên làm cuộc đời này” và nhà thơ tìm lại sức sống: ”Tôi bám víu vào xanh biếc bao la/ Lấy lại sức từ quê hương vực dậy”. Đêm ngủ lại nguồn Đồng Nai, nhà thơ lại phát hiện: ”Thủy chung trong vắt đây rồi!/ Mai về tôi vẫn gặp tôi với nguồn.”. Cù lao Phố, Cát Tiên, Định Quán, Long Khánh, Bửu Long, Biên Hòa đều để lại dấu ấn trong thơ Lê Thanh Xuân. Bài thơ viết về Huỳnh Văn Nghệ, Lý Văn Sâm hay Thu Bồn là những bài suy gẫm sâu xa về giá trị nhân cách và ý nghĩa văn chương.

Nghìn trang văn lấp lánh giữa trần ai…

Ông không biết. Chỉ con đường mới biết

Phút thăng hoa lại vắng bóng người

Ta là chữ nghĩa muôn đời bất diệt

Đâu màng tiền, chỉ cần sắc hoa tươi

               (Con đường mang tên Lý Văn Sâm)

“…Câu thơ lấp lánh lưng trời

Nào ông đã khuất mà cỏ xanh mời mọc

Người vẫn cùng ta đó thôi!

Đi dưới rặng tre lối xóm

Khua nhẹ mái chèo song nước quê hương

Buồn vui hạt thóc mùa no mùa lép

Lòng dạ thẳng ngay như đại lộ can trường…”

(Bên mộ Huỳnh Văn Nghệ)

Có đến vài chục bài thơ trong tập Thơ Lê Thanh Xuân tôi gọi đó là Tạp thi vì không nằm trong một chủ đề nhất định. Có thể chỉ là ngẫu hứng của thi nhân khi hướng về một đối tượng nào đó. Đa phần là những suy nghiệm. Nhà thơ tìm ý nghĩa nhân sinh khi đời thực chỉ là “khoảng trống” tư tưởng. Tất nhiên nhà thơ không chìm vào bi kịch hư vô mà tìm thấy những ý nghĩa tích cực cho mình. Xin đọc: Khoảng trống, chiếc bàn, Cô bé có tóc bím, Góc nhỏ vươn hoa, Gieo trồng, Bất chợt, Bí mật, Cánh buồm, Cổng nhà, Hồn đá, Lời của đá, Ngụ ngôn về con chim, Những đàn chim di cư, Trong khu vườn xưa, Ngoài kia có một con đường, Sắp đặt, Góc nhỏ, Một chút phố xưa; và những bài thơ tình yêu như: Em, Gửi người bạn gái một thời, Nhớ xa, Không đề I, Một năm 12 tháng, Một ngày, Bến đò, Những mảnh vỡ mùa thu, Lửa, Sao Mai, Dốc Cun. Những điều đi qua, Ba mươi phút trên quốc lộ I,… Tuy không là những khám phá tư tưởng sâu sắc, nhưng lại là những gì làm nhà thơ trăn trở. Những bài thơ tình yêu có những tứ thơ tha thiết nao lòng. Bài Ngẫu hứng là một đối thoại triết lý: “Cõi trần là vô tận/ Nam mô đã dễ gì?”. Bài Ô Cửa sổ là một thoáng hiện sinh khi nhà thơ nhận ra mình là kẻ xa lạ (L’Étranger-A.Camus): “Ô cửa sổ màu sơn đã nhạt/ Tôi trở về tìm lại chính tôi/ Ô cửa sổ màu sơn đã nhạt/ Đứng nhìn tôi như một kẻ không quen”.

Có thể nhận thấy miền thơ của Lê Thanh Xuân khá mênh mông, xanh tốt và đầy hương hoa, thanh sắc. Thơ anh phong phú về thể loại. Tài hoa là những bài thơ Lục bát (trong tập có 22 bài thơ lục bát, 12 bài mang cốt cách tài hoa). Truyền thống là những bài thơ suy nghiệm (Cô bé có tóc bím, Khoảng trống, Ngoài kia có một con đường...). Mùa thu để lại cho anh những bài thơ lãng mạn rất hay (Trong khu vườn xưa, Những mảnh vỡ mùa thu, Bến sông, Lập thu, Mùa thu gửi bạn…) và thật đáng ngạc nhiên, ở tuổi anh vẫn làm được những bài thơ theo kiểu thi pháp của thơ trẻ đương đại (Lão tiều phu, Người đàn bà, Hoàng hôn, Phù sa, Cánh rừng cổ đại,…). Trong tập cũng có kiểu thơ Xã hội chủ nghĩa (Trăng qua nhà), thơ phong trào (Nhịp điệu Long Thành), thơ viết chơi (Viết ở rừng đước), có cả thơ không thơ (những bài thơ không nội dung, không tư tưởng, không tình cảm, nhưng vẫn là thơ do phẩm chất tài hoa của ngòi bút, như bài: Phía ấy). Màu sắc thẩm mỹ của thơ Lê Thanh Xuân cũng khá phong phú. Thấp thoáng có bóng dáng câu thơ Kiều (Nghe tiếng gà gáy trong thành phố), thấp thoáng những tứ thơ tóc trắng, mây trắng, núi cao, sông rộng, bờ lau, con thuyền của thơ cổ điển. Lại có cánh đồng, bờ ao, tiếng cuốc, tiếng gà, con cò, hạt mưa: “Hạt mưa bì bõm đồng sâu, hạt mưa vàng vọt mai cua”, gừng cay muối mặn, lục bình tím sông, con đò sang sông, con nhện đa mang của ca dao. Nhân vật Ta/Tôi đậm chất thơ ca Lãng mạn (1930-1945). Có cả bóng dáng Siêu thực như Buồn xưa của Nguyễn Xuân Sanh (Cánh rừng cổ đại). Ở miền thơ nào anh cũng có những bài hay, có sức gây ấn tượng vào neo được vào lòng người đọc, đúng như nhà thơ tự nghĩ về thơ mình:

“…Ông cày lên từ đất đá cằn khô

Rồi gieo vào đó những hạt con chữ nghĩa

Cây lên xanh qua năm tháng gió sương

Quả thơ chín giữa đời lặng lẽ

Rồi một ngày giữa cánh rừng xanh ấy

Ông thiếp đi trong giấc ngủ nhọc nhằn…”

(Gieo trồng)

  1. “Làm “phu” ghép chữ mới hay mình nhầm”

 Lê Thanh Xuân đã làm thơ mấy chục năm và anh có những thành tựu đã được khẳng định, vậy mà khi thưa chuyện với thầy Phạm Hùng, anh lại cho rằng mình đã “nhầm” đường: ”

Một đời chữ nghĩa khó lường rủi may

Sang sông, em đến bên này

Làm “phu” ghép chữ mới hay mình nhầm

                       (Lời thưa)

Và vì thế thơ anh mênh mông nỗi buồn, Nỗi buồn đong đưa, “Nỗi buốn/ biết gửi vào đâu?”(Không đề IV). Nhiều bài thơ anh viết về đêm, có đêm thức trắng suy tư (Sầm sập tối, Đêm ngủ lại nguồn Đồng Nai. Đêm thành phố, Đêm cao nguyên, Bóng cỏ, Hoa Pi pôốc, ) Trong đêm anh lắng nghe nhiều âm thanh mà suy nghĩ.( Nghe tiếng gà gáy trong thành phố, Nghe tiếng gà gáy ở Định Quán, Tiếng xa quay, Tiếng ru đêm, Tiếng ếch, Tiếng cuốc kêu, Tiếng gió, Tiếng cò đêm, Tiếng đập cánh…).  

 Bây giờ đêm nằm chạm tuổi bảy mươi

Chợt nhớ ngày xưa rất xa, rất sâu…

Thời gian đi qua như một đoàn tàu

Bây giờ chậm chân nhỡ chuyến…còn đâu!

(Không đề III. 173)

Trong nỗi buồn mênh mông ấy, có tâm trạng tha hương: “Trăng nửa tha hương/ Giấu trong sợi tóc/ Trăng nửa quê nhà/ Giấu trong tiếng khóc”(Thu), có nỗi đơn độc vắng bạn; Ta lạc ta mòn đêm/ Sân lầu cô đơn gió/ Trăng cao càng lạnh thêm” (Bóng cỏ) “Tri âm, tri âm quán xá/ Ta vẫn một mình ta/ Và nỗi buồn đầy ắp/ Theo tới cuối tuổi già” (Bạn), có nỗi đau của vết thương tâm còn lại của những cuộc tình chia xa (Những mảnh vỡ mùa thu). Có nỗi buồn đời giông bão, công danh mắc cạn: “Ta thì ta với cuộc đời lênh đênh/ Công danh mắc cạn đầu ghềnh” (Nỗi buồn đong đưa). Sâu xa hơn là nỗi buồn về đời thơ không vượt lên được: “Thời gian trôi mù mờ/ Thông điệp một ngọn gió/ Triết lý một giọt mưa/ Không thể xa hơn nữa/ Cũ như thể ngày xưa”(Bạn già). Và khi đối diện với tuổi già, nhà thơ đối diện với những câu hỏi về hiện sinh, về sự vĩnh cửu. Nhưng không có câu trả lời. Chỉ có khoảng trống.

Khỏang trống trên đầu tôi

Chẳng xanh về như cũ

Cứ mở dần xa xôi

(Khoảng trống)

Hơn bốn mươi năm lên rừng xuống biển

Tôi tìm gì trong cõi xa xôi?

(Thọ Nguyên)

“Khỏang trống trên đầu tôi” là khoảng trống về tư tưởng trong “Đêm u u nhịp gió độc hành” (Gieo trồng). Và gần như vô vọng: “Giấc mơ bờ bến bỗng thành bể dâu/ Đi đâu, rồi sẽ về đâu/ Nửa đêm chợt trắng mái đầu chiêm bao” (Không đề II). Nói vô vọng là ở chỗ Lê Thanh Xuân không vươn tới một hệ minh triết như nhà thơ xưa để thoát khỏi hệ lụy của đời phù du, không trở về cõi tâm linh với cái Tâm thanh tịnh, tâm rỗng rang của Phật để viết những câu thơ uy lực “Nhất khiếu trường thanh hàn thái hư”(Ngôn hoài-Không Lộ), không ngộ được Đạo để thơ bay trong cõi an nhiên (Độc tọa Kính Đình Sơn-Lý Bạch), cũng không dấn thân cho những giá trị nhân văn (Lời Dâng-Tagore) hay một lý tưởng nhân đạo nào để chia sẻ với tha nhân những vấn đề của kiếp người (như Nguyễn Du), vì thế thơ anh hàm chứa nỗi buồn miên viễn, dù anh có cuộc sống vật chất đầy đủ (Tiếng đập cánh), và anh chọn cuộc sống tại thế: “Niết bàn nơi mây trắng/ Nhập nhòa Phật với tiên/ Đời còn bao duyên nợ/ Tình chưa xua bóng đi/ Cõi trần là vô tận/ Nam mô đã dễ gì?(Ngẫu hứng).

  Nói như thế để thấy thơ Lê Thanh Xuân rất khác với những nhà thơ cổ điển, cũng rất khác với các nhà thơ hôm nay khi họ tìm về suối nguồn thơ cổ điển. Khi Lê Thanh Xuân chọn lựa ở lại cõi trần vì “Cõi trần là vô tận”, thì đó đã là tư tưởng, một sắc thái của tư tưởng Nhân văn. Tư tưởng này chi phối toàn bộ hồn thơ, tứ thơ Lê Thanh Xuân. Trong thơ anh, cảnh sắc thiên nhiên, dù là núi rừng, đồng quê hay sông biển, thì đều rất đẹp. Tình người dù ở nơi đại ngàn, nơi thảo nguyên, hay vùng đồng bằng, nơi miền quê, đất Mũi… cũng rất đẹp, rất thân thương, ấm áp. Và điều đặc biệt là, tư tưởng này giúp anh nhận ra cái đẹp và ý nghĩa của cuộc sống xung quanh, dù đó là cái bàn, là cô bé có bím tóc hay khóm lục bình trôi, một sắc hoa mai mùa xuân ở Nam bộ, mùi bùn ở đất Mũi, chiếc khố rách bươm ở Madagui, tiếng cót két của nhà sàn ở Ngổ Luông. Tập thơ đọng lại những bài rất hay về tình quê, tình bạn, tình đồng đội, gia đình liệt sĩ (Trong ngôi nhà), tình cảm dành cho cha, mẹ, cho Lão tiều phu, người thiếu phụ, Người đàn bà, người mẹ ru con suốt đêm, cho cô gái chăn bò trên thảo nguyên… Vì thế anh sống tuổi già với “xanh làm bầu bạn”.

Cuộc độc hành chưa phải dừng tại đây

Dù con đường phía sau đã dài hơn phía trước

Và buổi trưa nay chợt nhặt được

Tiếng chim trời và những đóa hoa tươi

Trong tiếng chim có cánh bay vô tận

Trong hoa tươi có hạt sẽ nảy mầm

Tôi lấy sức và tự tin dấn bước

(Buổi trưa này)

Tuổi già tôi lấy xanh làm bầu bạn

Lấy hương hoa làm phấn kích niềm vui…

…Rồi đêm đến tôi mơ chân trời cũ

Theo cánh chim mới mẻ những đường bay.

  (Tiềng đập cánh)

  1. Xanh đến tận cùng, mới đến tinh khôi”

 Đã có lúc Lê Thanh Xuân chia sẻ với bạn già ý tưởng này về thơ, tôi nghĩ anh rất thành thật với chính mình:

Thời gian trôi mù mờ

Thông điệp một ngọn gió

Triết lý một giọt mưa

Không thể xa hơn nữa

Cũ như thể ngày xưa

             (Bạn già)

Anh tự nhận ra con đường nghệ thuật không thể đi xa hơn nữa, thơ anh không thể mới hơn mà chỉ là cũ như thể ngày xưa. Những gì anh viết, anh gửi gắm trong thơ (thông điệp) chỉ là ngọn gió, thoáng qua không đọng lại gì, và hiện sinh chỉ là giòng trôi mù mờ.

Thơ trong tập Thơ Lê Thanh Xuân có nhiều bài hay và tài hoa, song cũng có bài phẩm chất nghệ thuật như anh tự nhận định. Thơ Lê Thanh Xuân nằm trong dòng chảy ”thơ truyền thống”. Anh đã có nhiều nỗ lực đổi mới thơ, chẳng hạn, anh phối hợp nhiều kiểu thi pháp kể cả có nhiều bài tiếp cận với thi pháp Hậu Hiện đại.

Dù thế nào, với 170 bài trong tập Thơ lê Thanh Xuân đã quá đủ để khẳng định một tài thơ, một tấm lòng, một nghị lực sống và một tâm hồn đầy ắp xanh. Và điều đáng quý là anh không chỉ lấy xanh làm bầu bạn mà là một thái độ sống, thái độ nghệ thuật quyết liệt, can trường “Xanh đến tận cùng, mới đến tinh khôi”

 Nghìn năm qua những gì nhỉ-Hỡi người…

Ta hát bên bờ thời gian trôi qua mặt trời đỏ

Tơi ta gửi lại nghìn năm sau một chút yên lòng”

 Mùa xuân Bính Thân 2016

 

____________________________________

(*) Nhà thơ Lê Thanh Xuân,

Hội viên Hội Nhà  Văn Việt nam,

hội viên Hội Nhà báo Việt Nam,

hiện là Trưởng Ban Văn học Hội VHNT Đồng Nai

Các giải thưởng:

Giải thưởng cuộc thi bút ký báo Văn Nghệ (Hội Nhà Văn VN) 1986-1987

Giải thưởng cuộc thi thơ báo Văn Nghệ (Hội Nhà Văn VN) 1998-2000

Tặng thưởng thơ hay báo Văn Nghệ (Hội Nhà Văn VN) 2001

Tặng thưởng thơ hay tạp chí Văn nghệ Quân đội 2002

Giải B (không có giải A) Giải Trịnh Hoài Đức (Đồng Nai) lần II (2000-2005) và lần III (2006-2010)

12 giải thưởng văn học các địa phương

 

 

 

 

NGUYỄN DU-ĐÔI ĐIỀU NGẪM NGHĨ

KỶ NIỆM 250 NĂM NĂM SINH NGUYỄN DU 1765-2015,

Đôi điều ngẫm nghĩ

Bùi Công Thuấn

Ban nom co nhat 1866

 

Kỷ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du, Hội Kiều học, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh, Bộ văn hóa- thể thao- du lịch, Hội Nhà Văn Việt Nam đã có nhiều hoạt động để tôn vinh nhà thơ lớn của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Cũng đã có rất nhiều người nghiên cứu viết về Nguyễn Du. Chỉ riêng một hội thảo quốc tế với chủ đề “Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du- Di sản và các giá trị xuyên thời đại” do Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 08.08.2015. đã có hơn 100 tham luận, trong đó có 13 tham luận đến từ các học giả Pháp, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Đài Loan… với những hướng tiếp cận mới mẻ.

Tôi đã định không viết gì thêm, nhưng thấy lòng mình vẫn có điều muốn chia sẻ, bởi cho đến nay, Nguyễn Du và Truyện kiều (Đoạn tường tân thanh) vẫn thôi thúc chúng ta về những điều còn ẩn mật.

1.NHÀ THƠ ĐI TÌM CHÂN LÝ

Ngoại trừ bài Long Thành cầm giả ca có nhắc đến nhà Tây Sơn, còn lại, Nguyễn du im lặng trước hiện thực Việt Nam (1765-1820) suốt từ thời hậu Lê qua thời Quang Trung và Gia Long. Cả khi đi sứ Trung Quốc 1813, ông cũng không có dòng nào về những gì đang diễn ra ở triều đại nhà Thanh lúc ấy giờ. Đó là vấn đề cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Các nhà nghiên cứu đều cho rằng Nguyễn Du là con cháu nhà Lê, lại làm quan cho nhà Nguyễn, mà đạo “trung hiếu” của nhà Nho đòi buộc “Trung thần bất sự nhị quân”, thành ra Nguyễn Du không tránh khỏi mặc cảm. Nhưng trong tình thế ông không thể  không ra làm quan với Gia Long, Nguyễn Du còn chứng kiến việc Gia Long trả thù tàn khốc nhà Tây Sơn, giết hại công thần Nguyễn Văn Thành, Bùi Thị Xuân, Đặng Trần Thường… thì thân phận một “hàng thần lơ láo” như Nguyễn Du nào có nghĩa gì. Cho nên giữ im lặng là thái độ phải lẽ của bậc thức giả. Hơn nữa, Nguyễn Du còn được Gia Long trọng dụng, thăng chức liên tục. Ông không thể phủ nhận lòng ưu ái của Gia Long. Trên đường đi sứ qua Ải Nam Quan ông đã viết: “Ơn vua như biển chưa mảy may báo đáp”. Trong truyện Kiều, Nguyễn Du cũng viết: ” Rằng: Ơn Thánh đế dồi dào/ Tưới ra đã khắp, thấm vào đã sâu”(câu 2489). Như vậy, Nguyễn Du đã đạt được “hùng tâm và sinh kế” là hai điều mà ông hằng ấp ủ mà có lúc ông bế tắc đến tuyệt vọng (Tạp thi 1, U cư 2, Mạn hứng 1,…).

Nhưng đọc thơ Nguyễn Du, người đọc không nguôi day dứt về những gì ông muốn chia sẻ. Trong bài My trung mạn hứng (Cảm hứng trong tù), ông tỏ lộ:

Ngã hữu thốn tâm vô ngữ dữ,
Hồng Sơn sơn hạ Quế giang thâm
.

(Ta có một chút tâm sự, không biết bày tỏ cùng ai,
Dưới chân núi Hồng Lĩnh, sông Quế Giang sâu thẳm.)

Và ông tự khóc thương thân trong bài Độc Tiểu Thanh ký:

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

(Không biết sau ba tram năm nữa

Ai là người trong thiên hạ khóc Tố Như)

Đọc thơ chứ Hán của Nguyễn Du, người đọc thấy rõ hành trình tư tưởng của ông. Về cơ bản Nguyễn Du là một nhà Nho. Lúc lưu lạc “thập tải phong trần”, sống trong nghèo khổ tha hương, ông hướng về lý tưởng “kinh bang tế thế” của nhà Nho, ông đau đáu mộng công danh, và than thở khôn nguôi vì tóc đã bạc mà chưa làm được việc gì.

(Dịch nghĩa:)

Cuộc thế trăm năm phó mặc gió bụi,

 Hết ăn nhờ ở miền sông lại ăn nhờ ở miền biển. 

Đã lâu rồi, lúc cao hứng, không còn ấp ủ giấc mộng gác vàng nữa, 

Nhưng hư danh nào đã buông tha kẻ bạc đầu này

(Mạn hứng 1-)

Cái dáng nho nhã bình sinh nay xơ xác như con phượng nhốt trong lồng.

Công danh thì như con rắn chui tuột vào hang lúc nào rồi

                                (Tống Nguyễn Sĩ Hữu nam quy)

Nhưng khi đã làm quan, được thăng chức, được cử đi sứ, Nguyễn Du lại không hề nhắc đến mộng công danh nữa. Ông nhận ra thân cá chậu chi lồng mà muốn về quê. Nghĩa là cái mộng công danh, cái lý tưởng ông theo đuổi ngày xưa đã không thỏa mãn ý nguyện của ông.

(Dịch nghĩa)

Những con oanh đẹp trong vườn vua ghen nhau vì sắc đẹp

Rau thuần già nơi quê cũ vẫn còn nấu canh được

                                    (Tống nhân)

 Thân này đã làm vật trong lồng trong chậu
Còn tìm đâu lại cuộc chơi phóng đãng
Chớ nhìn chân trời mà than thân lưu lạc
Phía nam sông nay đã là đất của vua rồi.

(Tân thu ngẫu hứng)

Một dòng sông đầy ngăn một xóm hẻo lánh
Trong đó có một cao sĩ không ra khỏi cửa…
Ta muốn treo mũ ra về theo ý nguyện
Để cùng ông gảy đàn uống rượu vui hưởng tuổi già.
   (Tặng nhân)

Đi sứ Trung Quốc, (có nhà nghiên cứu cho rằng, trong 10 năm gió bụi trước khi ra làm quan, Nguyễn Du đã từng đi Trung Quốc) ông đã đi qua nhiều nơi, thăm những di tích danh nhân văn hóa, của lịch sử hàng ngàn năm ở Trung Quốc. Ta từ xa đến, muốn hỏi chuyện nghìn năm cũ (Hoàng Sào binh mã). Ông đứng trên lập trường Nho gia để đánh giá nhân vật lịch sử: “Ngày thường không thấu hiểu hai chữ “trung tín”/ Thì đến đâu cũng không giải quyết được vấn đề “sống và chết”. (Thuyền xuội qua ghềnh Đại Than). Ông ca ngợi người trí dũng, nhân nghĩa. Ông chê trách kẻ tham tàn bạc ác.

Tầm nhìn của ông rất rộng. Ông quan sát lịch sử Trung Quốc từ thời đế Nghiêu. Ở mỗi nơi, đứng trước di tích lịch sử, ông đối thoại với con người đã ghi dấu tại nơi ấy về cuộc đời họ, về ý nghĩa nhân sinh, về giá trị làm người. Đặc biệt, đứng trên lập trường dân tộc, ông mỉa mai chí anh hùng của Mã Viện chỉ là trò cười. Ông mượn mộ kỳ lân để tố cáo tội ác Minh Thành Tổ (Kỳ lân mộ). Với người Trung Quốc, Ông ca ngợi Đế Nghiêu, vinh danh Tỷ Can, Nhạc Phi. Khen Ậu Dương Tu: Một tấm lòng son để lại tiếng xưa nay (Mộ Bùi tấn Công). Khen Lạn Tương Như bảo vệ được đất nước khỏi chiến tranh (Lạn Tương Như cố lý). Ca ngợi Kinh Kha: Thần dũng hiên ngang chỉ có mình ông. Ca ngợi Dự Nhương:”Chiếc gươm ngắn thời đó dài bảy tấc/ Riêng có tia sáng dài muôn trượng rọi thấu cổ kim”. Khen Chu Du: Đốt sạch trăm vạn quân họ Tào/ Trượng phu cũng đủ thỏa chí bình sinh”(Mộ Chu Du), khen người hiền Vinh Khải Kỳ (thời Xuân Thu), ca ngợi Hàn Tín, Văn Thiên Tường. Ông tôn vinh Đỗ Phủ là bậc thầy: Văn chương lưu muôn đời, bậc thầy muôn đời / Bình sinh bái phục không lúc nào ngớt” (Mộ Đỗ Thiếu Lăng ở Lỗi Dương kỳ 1). Ông chia sẻ nỗi niềm của Khuất Nguyên:Ngàn năm trước ai hiểu người tỉnh một mình, /Bốn phương lòng trung biết gửi nơi nào?”, ông đồng điệu với Lý Bạch : Danh vọng coi thường như giẻ rách. Ông sánh mình với Liễu Tông Nguyên :”Một thân bị đày ải nơi xa sáu ngàn dặm / Văn chương nghìn thuở, là một trong tám nhà văn thơ lớn bậc nhất / Thời trai trẻ, ta cũng có tài ví như gỗ tốt / Nay bạc đầu, tự mình than vãn trước gió thu…”(Vĩnh châu Liễu Tữ Hậu cố trạch). Ông ghét bọn bất trung (Đáng xấu hổ họ Ngụy quê mùa tham sống / Dám hồ đồ gượng ép chia hai Trung với Lương– Mộ Tỷ Can). Ông nặng lời với Tần Cối: ”Gác Cách Thiên lầu vàng đổ nát / Còn thằng gian lẩn quất chốn này/ Tim đen nọc độc chứa đầy/ Để cho sắt sống oan lây nghìn đời (Tượng Tần Cối 2). Ông chê Tào Tháo (72 ngôi mộ gió). Coi Tô Tần chỉ là kẻ nhỏ mọn (vì chỉ lo lợi lộc riêng không vì nước- Đình Tô Tần). Chê Quản Trọng sự nghiệp nhỏ.

Sự thật của lịch sử Trung Quốc là vậy, nhưng những con người và sự việc ở ngay trước mặt (Sở kiến hành, Trở binh hành…) cũng đâu có khác. Thành ra những gì Nguyễn Du thao thức lại là vấn đề của hiện sinh. Ấy là tất cả đã qua đi và sẽ qua đi, dù là Hạng Vũ, Hàn Tín, Kinh Kha, Chu Du, Tào Tháo, Hoàng Sào, Tôn Quyền, hay Lưu Bị,.. Cái gọi là sự nghiệp cũng chỉ là không. Đáng thương thay cho kiếp phù sinh.

Vua xưa dấu cũ đã xa rồi
Triền miên sông Hán ngày đêm trôi 
(Chiều ở Hán Dương)

Rốt cuộc muôn khéo nghìn khôn cũng thành không tất cả 
Từ ngàn xưa đau lòng nước sông Chương
 
Ta nghĩ đến người xưa mà xót nỗi mình
 
Bồi hồi ngẩng lên cúi xuống, thương kiếp phù sinh
   (Đổng Tước đài)

Gió thu lúc mặt trời lặn ngóng quê nhà
Nước trôi mây nổi, sạch hết mưu đồ làm bá làm vua
Đâu rồi đất Tôn Quyền tranh giành với Lưu Bị?
Trông chỉ thấy xanh um một vùng cỏ hoang
     (Sở vọng)

Trăm vạn cờ xí vượt sông Hoàng Hà phía bắc
Dưới đất Yên còn vùi gươm giáo
Việc xa xôi xảy ra đã hai nghìn năm
Mênh mông ở bên thành một bãi cát 
  (Hàn Tín giảng binh xứ)

Người nay cảm chuyện nghìn năm trước 
Đương thời nghĩ chuyện khó tính thông
 
Giỏi ra chỉ một sông Dương Tử
 
Thành bại theo dòng cuốn bể đông.

                  (Hoàng Châu trúc lầu)

Giàu sang trên đời như mây nổi 
Trăm năm rốt cuộc đều như thế
 
Quay đầu nhìn chỉ thấy một áng bụi mịt mùng
 (Đồ trung ngẫu hứng)

Nguyễn du bế tắc trước vấn đề của hiện sinh:

Ta từ xa đến, muốn hỏi chuyện nghìn năm cũ.
Nhưng ông lái đò lắc đầu như không nghe thấy!
                           (Hoàng Sào binh mã)

Thầm đọc bài ca hỏi trời,
Trời cao, biết đâu mà hỏi?
(Bất mị)

Trong tất cả tác phẩm của Nguyễn Du, ông chưa bao giờ an nhiên theo Đạo, mặc dù có lúc ông muốn theo Đạo (Mộ xuân mạn hứng). Và dù đọc kinh Kim Cang ngàn lần, Lòng này thường định không xa rời đạo thiền/ Đạo Phật không tâm, không ý bao la vô tận,” nhưng khi Nguyễn Du nhìn xuống cuộc đời, “Cúi nhìn xuống thấy thành có nhiều sự đổi thay mà ngậm ngùi khôn xiết.”(Đề Nhị Thanh động).  Nguyễn Du cũng không tìm thấy con đường giải thoát nơi Phật vì tâm của ông không lúc nào thôi xót xa thôi thúc trước hiện thực (Long Thành cầm giả ca, Thái Bình mại ca giả, Độc Tiểu Thanh Ký, Trở Binh hành, Văn tế thập loại chúng sinh…). Ông không sao lý giải được những vấn đề của ngàn năm và đành xuôi theo Thiên mệnh của Nho giáo.

Hành trình tư tưởng này tạo nên một giá trị đặc sắc thơ Nguyễn Du, đó là thơ tư tưởng. Tuy Nguyễn Du không vượt qua được thời đại của mình, nhưng ông đã tiếp cận được với vấn đề hiện sinh của ngàn đời. Ông nhìn hiện thực thời đại của ông bằng cái nhìn thấu suốt lịch sử ngàn năm qua và hướng về những thế kỷ sau ông. Tất cả rồi sẽ qua đi, sẽ chỉ còn lại đồ nát và hoang tàn, tất cả là hư không. Và vì thế, dù được Gia Long trọng dụng, ông vẫn thờ ơ với quan trường.

Trước sân, cây mai lại qua một mùa xuân nữa.
Tâm sự anh hùng đã nguội lạnh, không còn nghĩ đến chuyện ruổi rong,
Đường danh lợi làm luỵ đến sự khóc cười.
  (Xuân tiêu lữ thứ)

II HỒN THƠ NGUYỄN DU

Trong khi Nguyễn Du bế tắc về tư tưởng thì có một nơi hồn thơ ông luôn luôn hướng về, luôn rạng rỡ, luôn an lạc, đó là quê hương. Nơi có núi Hồng Lĩnh, song Lam, có những tháng ngày ông tự nhận mình là “Hồng sơn hiệp lộ”, “Nam hải điếu đồ”. Dù là khi lưu lạc hay lúc làm quan, lúc đi sứ, thì quê hương luôn gọi ông trở về, và chỉ có nơi đó ông mới thực là chính mình.

Cố ráng mắt nhìn xem quê hương mình ở chỗ nào?
Chỉ thấy vài chấm nhỏ, đó là những cánh chim hồng bay lên đám mây trắng

(Thanh Quyết giang viễn diểu)

Có hình nên phải chịu vất vả
Không bệnh mà lưng vẫn khom khom
Ngoảnh đầu trông về bến sông Lam
Lòng nhàn xin tạ từ chim âu trắng
  (Thu chí)

Lòng nhớ quê xa vạn dặm, quay đầu lại
Mây trắng ở phía nam nhiều biết là bao
  (Ngẫu hứng)

Ở đất khách lâu năm, ngồi dưới bóng đèn mà rơi lệ.
Quê hương xa nghìn dặm, nhìn trăng mà đau lòng. 
(Xuân dạ)

Hồng Lĩnh trong giấc mộng thiếu vắng những cuộc đi săn
Ðầu bạc còn in dấu chân khắp núi sông
 (Hàm Đan tức sự)

Ta vốn có tính yêu núi
Xa rồi nhớ bao nhiêu
Nay trên đường đi Tiềm Sơn
Tưởng như ở trong dãy Hồng Lĩnh 
 (Trên đường Tiềm Sơn)

Nguyễn Du nhớ quê không phải là nhớ gia tộc và quá khứ vàng son, dường như điều ấy không làm vướng bận trái tim ông; ông cũng cũng không phải lo lắng nhiều về cuộc sống gia đình, không tha thiết bạn bè thù tạc, mặc dù tình cảm của ông vẫn dành cho họ.

Quê hương hạn hán hại việc nông 
Mười miệng trẻ thơ sắc đói cùng
 
Rau thuần cá vược mà nhớ quá
 
Cứ về cần chi gió thu trông
 (Ngẫu hứng 4)

 Phía bắc Hoành Sơn, mười miệng kêu đói
Góc đông thành vua, một thân nằm bệnh
Các bạn quen biết lấy làm lạ tại sao ta sầu mộng
Thiên hạ ai là người không ở trong mộng?
 (Ngẫu đề)

Nguyễn Du tự tạc chính hồn mình vào thiên thu. Đó là một con người suy tư về hiện sinh, một nhà thơ nhà thơ tư tưởng đầy ắp tình quê:

Bóng mây lững thững sớm chiều biến đổi,
Lớp sóng cuồn cuộn kéo cả cổ kim đi.
Cuộc trần thế trăm năm chỉ là giấc mộng khi mắt mở,
Tựa lan can, lòng nhớ núi Hồng nơi ngàn dặm.
Một mình bồi hồi ngắm bóng, chẳng nói năng gì,
Mấy sợi tóc bạc phất phơ rủ xuống tà áo.

            (La Phù giang thủy ca độc tọa)

Truyện KiềuVăn chiêu hồn là những tra hỏi về hiện sinh sâu sắc vượt thời đại của Nguyễn Du. Ở hai tác phẩm này, hồn thơ Nguyễn Du là tình cảm nhân đạo có tra hỏi triết học và chiều sâu tâm linh, kết hợp với những trải nghiệm kiếp người dâu bể của chính Nguyễn Du. Nguyễn Du đã sống những ngày vinh hoa phú quý bên phụ thân, rồi đến những ngày tang tóc, lưu lạc đói khổ, có lúc phải đi ăn xin (khất thực). Ông cũng đã thấm thía những ngày trong tù (My trung mạn hứng). Ông không hiểu tại sao trên đất Trung Hoa no ấm lại có phận người tàn tạ (Long Thành cầm giả ca), phận người bất hạnh (Thái Bình mại ca giả), và ông tận mắt nhìn thấy người chết đói trên đường (Trở binh hành). Những oan khiên thì không sao kể xiết. “Oan này còn một kêu trời nhưng xa”, đặc biệt là thân phận con người trong chiến tranh phong kiến phi nghĩa.

Buổi chiến trận mạng người như rác,
Phận đã đành đạn lạc tên rơi.
Lập lòe ngọn lửa ma trơi,
Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương.

Sống đã chịu một đời phiền não
Thác lại nhờ hớp cháo lá đa,
Đau đớn thay phận đàn bà,
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?

Nguyễn Du không thương người theo cái nhìn Phật giáo, tất cả chúng sinh đều mang kiếp khổ (Khổ đế). Nguyễn Du nhìn kiếp khổ bằng cái nhìn xã hội. Trong Văn Chiêu hồn, Nguyễn Du chia làm 3 hạng người, ông dành cho họ tình yêu thương tùy vào chính những gì họ làm ở trong đời này. Với những kẻ có tham vọng quyền lực đế vương, những lăm cướp gánh non sông, những kẻ bài binh bố trận, mong cướp ấn nguyên nhung, những hạng người này gây nên bao nhiêu nghiệp chướng oan khuất, họ “Dãi thây trăm họ nên công một người”. Nếu có đáng thương là thương ở chỗ họ không hiểu cơ trời, nên rước lấy thảm bại. Hạng người thứ hai là những người mưu cầu giàu sang, công danh, phú quý. Nếu có đáng thương thì thương ở chỗ họ không biết tất cả chỉ là phù vân.“Của phù du dẫu có như không,/ Sống thời tiền chảy bạc ròng,/ Thác không đem được một đồng nào đi.” Loại người thứ ba, rất nhiều, gộp chung những người bất hạnh: kẻ vào sông ra bể, kẻ buôn bán, kẻ mắc vào khóa lính, cô gái lầu xanh lỡ thì, người hành khất, kẻ tù oan, đứa tiểu nhi, kẻ chìm sông lạc suối, người sảy cối sa cây, người leo giếng đứt dây, kẻ trôi nước lũ, kẻ lây lửa thành, người mắc sơn tinh thủy quái, người sa nanh sói, ngà voi, tất cả họ, “Sống đã chịu nhiều bề thảm thiết,…”Nguyễn Du thương xót cho kiếp người của họ bằng chính trải nghiệm hiện sinh của mình (ông đã từ sống trong đói khổ, trốn chạy lưu lạc, hành khất, tù đày…). Ông kêu gọi mọi người hãy thương lấy những con người bất hạnh, dù chỉ là một chút nhỏ nhoi, đó mới là con đường giúp giải thoát.

Đàn chẩn tế vâng lời Phật giáo,
Của có chi bát cháo nén nhang,
Gọi là manh áo thoi vàng,
Giúp cho làm của ăn đường thăng thiên.

 Ai đến đây dưới trên ngồi lại,
Của làm duyên chớ ngại bao nhiêu.
Phép thiêng biến ít thành nhiều,
Trên nhờ Tôn Giả chia đều chúng sinh.

 Có thể nhận thấy chính tình cảm nhân đạo kết hợp với những trải nghiệm hiện sinh đã nâng hành trình tư tưởng tra hỏi về chân lý ở Nguyễn Du lên một tầm cao vượt qua cả Nho, Đạo và Phật đến với mọi người, mọi thời đại. Nguyễn Du là nhà thơ, nhà tư tưởng lớn của văn chương Việt Nam là vì vậy.

III. NHÀ THƠ HÔM NAY HỌC TẬP ĐƯỢC GÌ TỪ NGUYỄN DU

Nhà thơ hôm nay không thể có được những trải nghiệm hiện sinh dâu bể như Nguyễn Du,  và vì thế hồn thơ khó đạt tới tư tưởng triết học về bản thể, về nhân sinh, là nền tảng làm nên thơ tư tưởng của Nguyễn Du. Ngày nay, chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa hưởng thụ vật chất… nhiễm vào lối sống của người làm thơ, làm cho họ trở nên vô cảm, họ không thể vượt qua hiện sinh để đạt tới những chứng ngộ của kiếp người như Nguyễn Du. Nói vậy để thấy rằng, để trở thành nhà thơ tư tưởng là rất khó. Trong văn chương Việt Nam, những nhà thơ tư tưởng như Nguyễn Du có thể chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và chỉ văn chương tư tưởng mới có sức sống lâu bền trong tâm thức người đọc.

Dù vậy, nhà thơ hôm nay có thể học được nhiều ở Nguyễn Du. Học sự uyên bác về lịch sử, văn hóa của mọi thời. Nhà thơ phải nuôi dưỡng một tình yêu quê hương sâu nặng, tình thương yêu con người bằng chính bản thể của mình. Và đặc biệt là học Nguyễn Du ở cách sử dụng tiếng Việt tinh thế, tài hoa và đầy sức mạnh. Nói đến sức mạnh thơ Nguyễn Du, ngoài tư tưởng triết học, tình cảm nhân đạo, thì bút pháp hiện thực đã làm nên những bài thơ bất hủ cho văn chương dân tộc. Trong Nguyễn Du có chất phóng khoáng của Tiên thi Lý Bạch, có cái dữ dội gân guốc của Thánh thi Đỗ Phủ, có cái tài hoa của Bạch Cư Dị và có bóng dáng cả Phật thi Vương Duy. Nhưng Nguyễn Du là Nguyễn Du, với dấu ấn của núi Hồng, sông Lam rất đậm, với những vấn đề nhân sinh được đặt ra còn làm bận tâm nhiều thời đại… và một Nguyễn Du của tiếng Việt tài hoa, sang trọng. Điều này nhiều thế hệ nhà thơ Việt Nam nữa vẫn khó vượt qua được. Nguyễn Du vẫn chờ đó.

Một mình bồi hồi ngắm bóng, chẳng nói năng gì,

Mấy sợi tóc bạc phất phơ rủ xuống tà áo.

(La Phù giang thủ ca độc tọa)

 

Tháng 11. 2015

 

____________________________