HỒI QUANG- Thơ Nguyễn Hoài Nhơn

HỒI QUANG CỦA KÝ ỨC

đọc tập thơ Hồi Quang của Nguyễn Hoài Nhơn,Nxb Hội Nhà Văn 2012

Bùi Công Thuấn

 Ảnh

1.  Mưa vuốt ngược từ rễ mềm lên lá

     Thăm thẳm gần,  vơ vẩn kí ức xa

                                (Hồi Quang)

Tứ thơ mới mẻ đến lạ lùng này đủ sức hấp dẫn người đọc đi vào thế giới nghệ thuật Nguyễn Hoài Nhơn (NHN), mà ở đó người đọc có thể tìm được những hạt châu ngọc của một hồn thơ còn nhiều trăn trở.

 

2.Hồi Quang là ánh sáng phản hồi từ kí ức, ánh sáng của trăn trở khôn nguôi những khát vọng và tuyệt vọng mênh mông.

 

Ta, cọng cỏ khô queo lẫn bầy hầy trong rơm rác…

Nỗi đau còn mãi , niềm vui sẽ ít đi

..Ta cứ bé dần đi trong muôn trùng tuyệt vọng băng tan

                                          (Hão vọng)

Nhưng nhà thơ tuyệt vọng về điều gì?Thực không dễ khám phá những điều sâu thẳm của tâm thức.

Tuyệt vọng vì một đời làm thơ (?), bao công sức, tâm huyết đã đổ ra, mà thơ vẫn chưa lên ngôi. Phải chăng đó chỉ là những giấc mơ hão huyền?

 

Tôi hùng hục đẽo cây, dựng lều, vạc đất…

Cứ phải thật lên gân, lên cốt khặc khừ

Thắc thỏm ước ao, này hoa thơm, ơ trái

Giữa một khoảng rừng thậm tối âm u !

 

Tôi quẳng xuống nơi đây cả thời trai tráng trẻ

Hàng tá mồ hôi, chưa xương máu tí nào…

…Vửa tỉnh giấc hão huyền trong ngần như sương rụng

Những câu thơ thất bát chẳng lên ngôi

                           (Định vị… thơ)

Có một nỗi tuyệt vọng sâu xa hơn  về đời người, kiếp người, phận người mang tính triết lý, hằn lên những nỗi khổ đau không che dấu được. Hóa ra, NHN làm thơ không phải là để theo đuổi mộng công danh mà để thi hóa nỗi buồn thương từ tiền kiếp đến tận mai sau. Nhà thơ ngộ ra rằng, mình là kẻ đơn độc, lạc loài, một gã ăn mày trong cuộc bể dâu. Mệnh là thế, nên phải sống cho đến tận cùng kiếp đa đoan, sống như hề không tồn tại, ngỡ chẳng phả là Ta

 

Nhì nhằng trong cuộc bể dâu

Rằng thơ chưa nói hết âu sầu đời

                (Thơ viết ở quán cóc)

Cát bụi ngày sau khổ đau ngày trước

Điệp khúc này xin kính tặng người dưng

            (Điệp khúc mưa đêm)

Hoa ru ta kẻ lạc loài

Xác khô như nắng, đêm phai hương còn..

                (Ru hoa)

Ta khờ khạo với cuộc đời chưa đủ

Bỗng thành gã ăn mày xó chợ lang thang

…Ngỡ chẳng phải là ta và…không gì hết

Không biết có thế gian, không biết có đau buồn

                                (Võng biển)

Mệnh này là thứ mệnh khan

Thiêu bằng rụi kiếp đa đoan, nỏ chừa

                (Nóng &Lạnh)

Hạt mưa tha hương phương nào

Ta như đất và… như cỏ

Như chẳng còn ta nữa sao

            (Thu mưa)

 

Có lẽ NHN đã phải trải qua những năm tháng “thập tải phong trần”(chữ của Nguyễn Du) mới đạt tới sự giác ngộ những chân lý hiện sinh ấy. Người đọc thấy thấp thoáng tư tưởng Phật giáo trong Khổ đế, triết lý Nho giáo về Mệnh, lẽ an vi của Lão Tử và giấc mơ hóa bướm của Trang Tử (Ta chẳng phải là Ta) trong những suy nghiệm triết lý như vậy. Tư tưởng của nhà thơ lóe sáng những ánh bạc giữa mênh mông tâm trạng và cảm xúc.  Đọc thơ NHN, người đọc có thể nhận ra ám ảnh về “kiếp đa đoan” của NHN có căn nguyên từ hiện thực. Đó là, nhà thơ phải sống tha hương, ở cõi chân trời nào đó mà hướng về, mà dõi theo hình bóng xưa. Quê hương mãi đói nghèo, những người thân mãi khốn khó. Thương cháu lấy chồng miền Tây xa xăm, xứ ưu phiền (Cam Phận), thương cậu một đời viết láchtrắng tay đơn độc vì nợ đèo bòng thơ (Cậu Tôi), thương chị nhan sắc mà cô đơn, niềm yêu mờ mịt bến bờ xa trông (Chị Tôi). Hồi quang rực rỡ trong thơ NHN là ký ức về làng quê nghèo, nghèo mãi. Hồi quang của bóng tối thăm thẳm lại là cuộc mưu sinh xung  quanh mình. Những thị dân khốn khổ, lũ chúng sinh vô hình vô ảnh (Thị Dân),  chỉ thấy “thấp thoáng tương lai, quá khứ nhập nhằng (Thấp Thoáng)

 

Rơm rạ một đời-quê ơi rơm rạ…

Ta-cọng lúa gầy khẳng ngày thất bát mùa

Bữa đói bữa no, mẹ chèo, cha chống

Biết lấy gì sống trọn hết nắng mưa?

 

Quê ơi quê – con gọi đuối hơi rồi

…Nắng hạn qua chưa, bão lụt có chắc nguôi

            (Miền trung)

Tôi đi góc bể chân trời

Đá mềm chân cứng ba mươi tuổi về

Vẫn còn đó một làng quê

Nhà tranh, vách đất, lũy tre, đường lầy

            (Làng)

Tôi bỗng thiếu quê hương trong ký ức đứa xa nhà

            (Nhịp cầu ký ức)

Bốn mươi năm chẵn, làng ơi

Suối Vàng cạn, khe Máng thôi hết nguồn

            (Chợ làng )

Cho nên, dù thơ NHN có  chút gì đó bi quan của tư tưởng cũ, nhưng sức sống của đời thực trong thơ NHN vẫn dạt dào, không hề thoát ly hiện thực, đọng lại thành tình quê hương, tình bạn, tình thân, tình người sâu nặng.

 

3.Do đâu mà những câu thơ thất bát chẳng lên ngôi ? Làm thơ rất khó, bởi đó là sự sáng tạo ngôn từ bậc nhất, mà cốt lõi là sự khám phá những tứ thơ. Một nhà thơ đích thực, thì phải tìm được những tứ thơ mới, độc đáo cho riêng mình. Thơ Đường sở dĩ trở thành một nền thơ có tầm vóc thế giới bởi các nhà thơ Đường đã khai thác được những tứ thơ thật độc đáo mà  người làm thơ đời sau khó vượt qua. Ở góc độ này của thi pháp, những  suy tư triết lý trong thơ NHN đã quá cũ vì các nhà thơ cổ điển đã đắm mình trong đó hàng chục thế kỷ. Những bài thơ về tình quê hương, bạn bè, người thân, về những con người khốn khổ cũng đã để lại những dấu son trong thơ Việt Nam từ xưa đến nay. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu đã trở thành những tượng đài sừng sững trong ngôi đền thi ca Việt Nam. Thơ NHN không vượt qua được, dù anh đã hết sức nỗ lực. Bởi anh đã đi lại con đường của người đi trước.  “những câu thơ thất bát chẳng lên ngôi “là vì vậy. Anh phải đi con đường khác, thì may ra. Con đường mà từ nhóm Dạ Đài, Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng, Lê Đạt, Trần Dần đã thử nghiệm và những nhà thơ trẻ như tiếp tục dấn thân.

 

Thế nhưng NHN thiên về kiểu thơ truyền thống, hơn là nỗ lực tìm tòi cách tân thi pháp. Anh quyết liệt chê “Trường phái…thơ” của Hoàng Vũ Thuật. Thực ra thơ HVT không phải là đối tượng mà nhà phê bình hướng tới so với thơ Nguyễn Quang Thiều, Thanh Thảo, Văn Cần Hải, Ly Hoàng Ly…

 

Thơ anh có nhiều gan, ruột

Câu xoắn, chữ cũng cong, vênh

Đọc trước, quên sau, lạy Chúa…

A-thơ đánh đố, đa kênh…

 

Chờ chi, nán chờ chi nữa?

Ta quyết “xóa mù”…thơ ta

Chưa kịp nhai câu, nghiến chữ

Thơ chết non, ta chết già”

 

 Riêng tôi nhận thấy, những bài thơ về quê hương của NHN có thề đứng được, vì ngòi bút NHN có khám phá riêng, tạc được những  tứ thơ mới mẻ, độc đáo mà người đi trước chưa nói đến

 

Con xin được ghé vai giữa hai đầu đòn gánh

Mấu chặt non cao, mấu đáy biển khơi…

            (Miền Trung)

Lời ru dấu võng còn đây

Con bò buộc cội rơm gầy chân nhang

            (Làng)

Ếch kêu như suyễn, như lao

Cơn mưa vọc vạch, gió gào thinh không

            (Xó quê)

Cháu tôi về xứ miền Tây

Đường xa ngái lắm, đò đầy, nước dư

            (Cam phận)

Nghe kỳ lạ quá ve ơi

Kêu như xương rạn, tủy sôi, máu bầm

            (Lục bát tuổi 50)

Tóc xanh như gió ấy mà

Mấy mùa còn mấy mùa qua nắng hờn

            (Chị tôi)

Đêm nghe tiếng lá miên man

Tiếng con dế đói ru đàn chấu non

            (Thức cùng rừng cháy)

 

4. Hồi Quang có những bài thơ suy tưởng kiểu thơ Chế Lan Viện, có bài giọng châm biếm (Trường phái… thơ, Xin trời cho con tí…lụt, Nông dân @.com), giọng đùa vui xuề xòa (Cậu tôi), giọng thổ âm bình dị thân thiết (Mự tôi), và hiện hiện một chất giọng riêng NHN. Bề sâu của chất giọng ấy là nỗi buồn thê thiết, bao phủ bên ngoài là niềm vui gượng gạo. Nhịp điệu chắc, khỏe, ào ạt. NHN dùng nhiều vần trắc, cắt rời dòng chảy tư duy, gần như làm mất đi cái dịu dàng, nhẹ nhà thường có trong nhạc thơ Việt.

 

Ta /còn cổ hơn /phố cổ

Lại ho, lại hắt hơi /khan

Mắt môi / mười năm chưa khép

Thởi gian mỏi mệt, thời gian

            (Bóng xưa)

Mẹ lật đật theo cha xuống cùng cát đất

Con kịp muộn về khấn nén hương đêm

Kí ức thót tim, nhớ thương hằn vết

Con tóc bạc trắng rồi nhiều khi lẫn khi quên

            (Kí ức làng Cao)

Tôi hùng hục đẽo cây, dựng lều, vạc đất

Cứ phải thật lên gân, lên cốt khặc khừ

                 (Định vị…thơ)

Nếu nói về thi pháp, thơ NHN vẫn nằm trong thi pháp của thơ 1945-1975. Chịu ảnh hưởng rõ nhất của kiểu thơ kể người, kể việc, gọi nhau ơi ới, hướng về công chúng mà chia sẻ, động viên, cổ vũ ( thơ Tố Hữu: Lượm ơi, Huế ơi, mẹ Tơm ơi, Anh chị em ơi, Bác ơi, Việt Nam ơi, …): NHN lặp lại nhiều lần những tiếng gọi Cậu ơi, mẹ ơi, chị ơi, mình ơi, con ơi, đò ơi, rơm rác ơi, ve ơi, tuyết ơi, mưa ơi, mầm ơi…

 

Con về bên mẹ, mẹ ơi

Nấm đất nâu với một trời mộ bia

            (Về với mẹ)

Em lên thăm chị sáng nay

Mới quen tiếng nhớ, vơi đầy chị ơi!

            (Chị tôi)

Bốn mươi năm chẵn, làng ơi

            (Chợ làng)

Những tứ thơ, lời thơ, giọng thơ như thế đã quá quen thuộc đến sáo mòn. May mà NHN còn làm mới được ở một vài phút sáng tạo tinh khôi, như tứ thơ này chẳng hạn

 

Gọi đò rát ruột đò ơi

Giật mình lũ vạc bay rời nhàu đêm

            (Đò ơi)

Tôi bị hấp dẫn bởi những tứ thơ độc đáo của NHN. Tôi cũng phục tài anh ở chỗ, một thành phố hàng chục triệu dân mà anh có thể nén lại thành một file rất chặt, rất sinh động (Thị dân). Anh chộp được đường nét, thần thái sông nước miền Tây (Cam Phận), anh làm hằn lên nỗi khắc khoải miền Trung (Miền Trung). Anh tạc được vóc dáng, tính cách con người miền Trung- bình dị, hóm hỉnh mà sâu sắc (Mự tôi, Cậu tôi), đặc biệt anh cảm hiểu sâu sắc những người bạn thơ như Đào Trọng Thử  (Bản chất), Hữu Loan (Màu Tím Hữu Loan), Hoàng Cát (Lưu lạc). NHN cũng có chất suy tư Chế Lan Viên, có chút nghịch ngợm khôi hài của Bùi Giáng (Thơ viết ở quán cóc), có cả cái cười châm biếm của Trần Tế Xương (Xin trời cho con tí…lụt). Nói  thế để bạn đọc  thấy được  màu sắc thẩm mỹ trong thơ NHN  là rất phong phú. Có được suy tư sâu sắc, có được tình cảm nồng nàn, có được những tứ thơ mới lạ và màu sắc thẩm mỹ phong phú, nhưng yếu tố đó đủ làm nên một tài thơ có sức hấp dẫn bạn đọc. Tứ thơ này ám ảnh tôi mãi về NHN

 

Đêm nghe tiếng lá miên man

Tiếng con dế đói ru đàn chấu non

Đêm nghe thảng thốt oan hồn

Sống tha hương, chết tha phương chốn này

            (Thức cùng rừng cháy)

 

Tháng 01.2013

___________________________________________________________

Nguyễn Hòai Nhơn

Sinh năm Bính Thân tại thôn Bắc Hòa, xã Quảng Hòa, huyện Quảng Trạch,Tỉnh Quảng Bình

 

Đã in

Phù du trần thế– thơ 1994

Câu hát quê nhà– in chung- 1997

Hồi ức chiến tranh-Ký-1995

Nhật ký tìm trầm-Ký-1996

Trên những nẻo đường chiến tranh– Ký 3 tập-1999

Những chặng đường đánh Mỹ-Ký-1999

Tự biết– thơ-2009

Hồi Quang-Thơ 2012

 

Giải thưởng:

Giải nhất thi thơ TNXP-TpHCM 1986

Giải nhì Hào Khí Đồng Nai 1000 năm Thăng Long –Hà Nội

Giải thi thơ của báo Văn Nghệ- Hội Nhà Văn 2003va2 2004

Giải B Thơ. Hội VHNT Đồng Nai 2004

Giải thưởng tthơ làng Chùa 2012…