TRUYỆN NGẮN NGUYỄN MỘT

Bạn có thể đọc các bài viết chính của Bùi Công Thuấn theo link:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

TRUYỆN NGẮN NGUYỄN MỘT

Bùi Công Thuấn

***

Nhà văn Nguyễn Một có nhiều tác phẩm đạt giải. Hai truyện ngắn “Trước mặt là dòng sông”, “Kẻ vô học” được tặng thưởng truyện ngắn hay của báo Văn nghệ; ba truyện “Chim bay về núi”, “Chuyện tình trong rừng cấm”, “Trung quân” là những tác phẩm đã được giải truyện ngắn của Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai. Tiểu thuyết “Đất trời vần vũ” đạt giải C cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà Văn Việt Nam… Những giải thưởng như thế đủ khẳng định tài năng văn chương của ông trên văn đàn Việt Nam đương đại. Năm 2021 ông xuất bản tuyển tập “Truyện ngắn Nguyễn Một” gồm 36 truyện. Tôi chú ý đến những truyện tình yêu lãng mạn đầy phẩm chất bi kịch

BI KỊCH CỦA TÌNH YÊU LÃNG MẠN

Xin đọc: Các truyện: Huyền thoại biển, Đoạn kết một mối tình, Giáng tiên, Linh Chi, Như là cổ tích, Tấm da cọp, Tiếng chim sẻ trong giáo đường, Trung quân…[[1]

Kể từ khi chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa trở thành độc tôn trong văn học Việt Nam (Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam-Trường Chinh. 1948) thì những truyện tình lãng mạn tiểu tư sản vắng bóng. Văn chương Việt Nam xuất hiện những truyện tình cách mạng và kháng chiến, và nếu có lãng mạn thì cũng là “lãng mạn cách mạng” (xin đọc Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu).

 Thế nên khi Nguyễn Một viết truyện tình lãng mạn thì đó là một sự lựa chọn nhiều thử thách. Trước ông đã có Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, có truyện tình lãng mạn của Tự Lực Văn Đoàn và những nhà văn khác (Nguyễn Tuân, Lê Văn Trương). Khi viết truyện tình lãng mạn, Nguyễn Một phải làm mới bút pháp sao cho phù hợp với độc giả hôm nay. Nhưng làm mới bằng cách nào? Xin đọc một số truyện ngắn của ông.

Truyện Trung quân kể: Thái là một chiến sĩ công binh chế tạo mìn ở chiến khu Đ. Thái gặp và yêu K’Rin, một cô gái Chơro. Sau lần hai người yêu nhau ở dưới giao thông hào bên bờ suối lúc đạn pháo bắn vào rừng, ông Điểu Mân, cha của K’Rin “đến tìm tư lệnh, cắm phập lưỡi dao rừng trứơc mặt vị chỉ huy và nói: “- Lính của mày đã làm cho con K’Rin có mang, mày phải cho nó nghỉ làm bộ đội về sống với con K’ Rin”. Không thể làm khác, chỉ huy gọi Thái đến và nói: “Cậu hãy rời khỏi đơn vị về sống với K’Rin, dám làm, dám chịu, không khóc lóc gì cả”. Thái bị kỷ luật và rời đơn vị. Anh lầm lũi đi khỏi rừng về sống với K’Rin theo yêu cầu của Điểu Mân. Tuy sống hạnh phúc với K’Rin nhưng “người lính trẻ vẫn ray rứt khôn nguôi bởi tội lỗi của mình”.

 Thế nghĩa là, tình yêu là tình yêu, không được ràng buộc tình yêu vào bất cứ điều gì, kể cả khi Thái đang làm nhiệm vụ của một chiến sĩ. Tình yêu đã tạo nên bi kịch: bị kịch người chiến sĩ phải rời đội ngũ vì kỷ luật, và, một bi khác: tình yêu, tưởng là tự do và hạnh phúc, lại trở thành trói buộc, không sao thoát ra được. Những phẩm chất bi kịch tình yêu như thế chưa có trong truyện tình lãng mạn Việt Nam. Nhưng Nguyễn Một không kết thúc truyện ở sự bế tắc bi kịch. Nhà văn miêu tả sự thăng hoa bi kịch khi Thái tự nguyện làm nhiệm vụ chiến sĩ (ở nhà) và hy sinh trong chiến đấu. Ông Điểu Mân cho biết, con của Thái với K’Rin bây giờ là “sỹ quan kiểm lâm bảo vệ rừng quốc gia Cát Tiên”. Tình yêu bi kịch thăng hoa là chỗ mới trong truyện tình lãng mạn của ngòi bút Nguyễn Một.

Nhiều truyện ngắn của Nguyễn Một có những cuộc tình lãng mạn đầy bi kịch như thế.

Huyền thoại biển là truyện tình yêu bi kịch của một cựu tù Côn Đảo và Nguyệt, một cô gái “nhảy tàu” từ đất liền ra Côn Đảo làm ăn. Ấy là lúc sau giải phóng. Nguyệt đã một lần lao xuống biển và được người cựu tù cứu. Người đàn ông này đã cưu mang cô suốt 3 năm. Nguyệt yêu thương ông đến quặn thắt ruột gan. Khi Nguyệt bị ông từ chối tình yêu, nàng đi vào lòng biển, vừa đi vừa hát. Đó là một huyền thoại dân biển đảo truyền tụng. Tình yêu ấy là một bi kịch kép. Người cựu tù Côn Đảo bị vợ cai tù “hiếp dâm” và bị cai tù phang ba-toong vào đầu. Dư chấn ấy đã khiến ông không thể yêu ai (?). Ngược lại, cô gái “nhảy tàu” ngỡ ông từ chối tình yêu, đã tìm cái chết nơi lòng biển. Đó là bi kịch của những nghịch cảnh. Bi kịch chỉ được giải quyết khi một trong hai tình nhân chết.

Đoạn kết một cuộc tình là tình yêu bi kịch của Long và Tuyết khi hai người còn trẻ con sống ở quê, nơi có con sông Giao Thủy (Quảng Nam). Long vào Nam kiếm sống, Tuyết ở quê lấy một gã lái buôn cây. Khi cả hai gặp lại nhau ở Vũng Tàu, Tuyết đã bỏ chồng và cặp với một lão (Việt kiều). Lâu lâu lão mới qua Việt Nam ghé ở vài bữa. Tuyết hẹn sẽ tiếp đã Long như vua. Long nghĩ: “Chuyện xảy ra đã lâu rồi mà tôi vẫn không thể tin được là con người có thể thay đổi nhanh chóng đến như vậy”. Điều Tuyết thổ lộ với Long có thể giải thích được bi kịch của anh: “- Nghèo là rất nhục. Nghèo là mất hết tất cả. Phải cần có tiền anh biết không? Vâng, đó là bi kịch tình yêu thời kinh tế thị trường.

Kẻ vô học chứa đựng nhiều bi kịch của tên tội phạm giết người. Bi kịch ở chỗ, nạn nhân của hắn lại là mẹ, vợ và con hắn. Bi kịch thứ nhất là bi kịch tình phụ. Nghe lời ông chú, hắn bỏ học, lao vào ăn chơi rồi đi đào đá đỏ để có tiền lấy vợ. Vợ hắn là một em làm ở quán karaoke. Một lần trở về nhà trong đêm, hắn bắt gặp vợ đang trần trụi quấn với một kẻ nào đó. Hắn đâm tên gian dâm nhưng lại trúng vợ. Người đàn bà ấy chết, hắn bồng con đi trốn với một mối hận thù trong lòng. Bi kịch thứ hai là tình yêu của con gái hắn. Hắn trốn trong rừng 15 năm. Con gái hắn lại quen và yêu Thành, một công an có nhiệm vụ đi bắt tên tôi phạm giết người là hắn. Khi ập vào nhà, Thành lỡ đà chân, hắn rút dao đâm Thành. Đứa con gái lao vào đẩy Thành ra bị trúng dao của hắn. Thành vác cô gái chạy vào bịnh viện. Hắn theo vào cổng bịnh viện ngóng trông con. Khi Thành trở ra, biết tin con hắn đã được cứu, hắn tự nguyện tra tay vào còng của Thành.

 Một bi kịch đau đớn nữa là mẹ hắn, người phải chịu tất cả mọi đau thương. Nhà văn cho biết: Mẹ hắn là “một phụ nữ Việt Nam điển hình, chịu muôn vàn mất mát đau thương. Cha và anh trai hắn hy sinh lúc cùng đoàn quân vào đến tận cửa ngõ Sài Gòn. Mẹ hắn dành hết tình thương còn lại cho hắn, nhưng hắn đã phụ công ơn của mẹ”.

Chính “Kẻ vô học” là ông chú đã gây ra bi kịch cho hắn. Ông chú dạy hắn: “Có tiền có quyền là có tất cả mày hiểu chưa”. Và đó là câu trả lời của nhà văn về nguyên nhân của mọi bi kịch trong cuộc sống thị trường thống trị bởi chủ nghĩa thực dụng hôm nay.

Có thể thấy rõ điều này, những sự việc như thế không xảy ra trong đời thực. Hắn là con liệt sĩ, thuộc diện chính sách chăm sóc đặc biệt. Chú hắn lại làm quan trên huyện. Nếu hắn có vấn đề gì, mẹ hắn sẽ xin các tổ chức xã hội giúp đỡ giáo dục hắn, khộng thể để cho con liệt sĩ bỏ học, “mới 17 tuổi đầu hắn biết đánh bạc, chơi gái, Trường học của hắn là quán karaoké trong thị trấn”, để rồi phạm tôi giết người. Ông chú hắn, một người em của gia đình liệt sĩ, không thể cướp đất hương hỏa của người anh đã hy sinh và lừa cháu vào chỗ chết mà cướp vợ của cháu. Cho nên tôi gọi các truyện tình bi kịch của Nguyễn Một là truyện tình lãng mạn.

Truyện Linh Chi là một bi kịch kép về tình yêu. Bi kịch thứ nhất là bi kịch của Tôi. Tôi yêu Chi. Thằng Quân, con ông Trầm đã cướp mất Chi. Bi kịch thứ hai là bi kịch của mẹ Chi, Thằng Quân và Chi lại cùng là con con ông Trầm, một lão nhà giàu“tướng sang mà dâm”. Nguyên nhân gây ra những bi kịch này là cha con ông Trầm. Lão cướp đời mẹ của Chi, và con lão, thằng Quân lại cướp đời Chi. Tác giả miêu tả lão Trầm sống trong một xã hội không có luật pháp, không có đạo đức, không có cộng đồng xã hội bảo vệ những người yếu thế (mẹ con Chi), để sự tàn bạo, vô luân thống trị. Kẻ nghèo khó bất lực khi bị tước đoạt cả phận người.

Như là cổ tích là một ẩn dụ về bi kịch tình yêu của cô giáo Vân và “Thiên sứ”, hai con người yêu thơ. Thiên Sứ là “một con người kỳ quặc. Con người này như từ các ngọn cây hiện ra…Suốt ngày gã đi lang thang, miện lảm nhảm đọc thơ, những câu thơ ngớ ngẩn”.Hễ Thiên sứ lảng vảng trước nhà nào đọc thơ, y như rằng vài ngày sau nhà đó có người qua đời”. Cả thị trấn căng thẳng cực độ. Vân yêu Thiên sứ, yêu một “nhà thơ”. Chị đã đưa gã đến nhà. Gã đã quỳ giữa vườn hoa hướng dương ở trước sân đọc thơ. “Chị khóc ngay trên bục giảng khi nghe tin Thiên Sứ ‘về trời’. Một nhóm người nào đó đã loại gã ra khỏi cuộc sống, họ không chịu nổi sứ mệnh của gã ở trần gian này”.

Như là cổ tích truyền tải mạnh mẽ thông điệp này: nhà thơ, người yêu thơ không thể tồn tại trong đời này. Chuyện Vân yêu Thiên Sứ như là cổ tích. Bởi cổ tích luôn thể hiện những mơ ước, và mãi mãi là ước mơ không có thật (thí dụ truyện Ăn khế trả vàng, truyện Từ Thức lên tiên)

Truyện Tấm da cọp cũng là một truyện tình với hai nỗi buồn. Thuở ấy, bà Nồng theo cha lên miền ngược mua dầu rái. Họ trọ lại nhà ông Kiểm Khái, một ông chủ buôn các loại đặc sản của núi rừng. Lúc ấy Chín Tâm, hội trưởng của “Hội trầm” cũng ở trọ nhà này. Người ta tụ tập ở nhà ông Kiểm Khái bàn chuyện giết cọp dữ. Tâm đã đi giết cọp. Anh đã tặng bộ da cọp cho bà Nồng. Cha con bà Nồng về xuôi. Ít lâu sau bà Nồng sinh thằng Dần. Dần nói với Tôi, cha nó là một thợ săn cọp lừng danh. Một lần nó đi theo đò dọc lên nguồn tìm cha, nhưng đã 20 năm nó chưa trở về. Truyện kết thúc với tiếng hát buồn của bà Nồng. Nhà văn chỉ kể chuyện mà không lý giải do đâu bà Nồng phải nhận những bi kịch đau lòng như thế. Điều này không yêu cầu đối với một truyện tình lãng mạn.

Điểm qua một vài truyện như thế để thấy sự đa dạng truyện tình bi kịch của Nguyễn Một. Trung quân là chuyện tình của chiến sĩ công binh Thái với một cô gái Châu ro ở chiến khu Đ. Huyền thoại biển là truyện tình của người cựu tù Côn Đảo và một cô gái “nhảy tàu”. Đoạn kết cuộc tình của Long và Tuyết là tình yêu của những kẻ tha hương kiếm sống. Kẻ vô học là cuộc tình của một tội phạm giết người với cô gái Karaoke. Hắn là con liệt sĩ, có chú làm quan trên huyện. Linh Chi là sự tước đạt tình yêu rơm rạ của hai đứa trẻ quê. Tấm da cọp là tình yêu núi rừng. Lửa bên sông là tình yêu trong truyện dã sử. Nguyễn là cụ tổ dân ngũ Quảng lập nghiệp ở Đồng Nai. Trên đường vào Nam, theo lời sư phụ, Nguyễn đến gặp thầy đồ Ngạn. Nguyễn ở đó và lấy con gái thầy là Gấm. Khi thầy đồ Ngạn bị quan quân giết vì tội làm phản, Gấm bị bắt đi thì Nguyễn chạy vào Nam.

Nếu chú ý, bạn đọc sẽ nhận ra không gian và thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn của Nguyễn Một trải ra rất rộng, từ đồng bằng ra biển, lên rừng, từ hiện tại (hôm nay của xã hội kinh tế thị trường) ngược về quá khứ xa xưa thời mở cõi phương Nam.

Sử dụng bút pháp lãng mạn nên Nguyễn Một kể những chuyện tình “lạ”, “độc đáo” “rất riêng”. Vì thế, không thể dùng cách đọc truyện hiện thực để cảm nhận truyện lãng mạn của Nguyễn Một. Dấu ấn truyện của Nguyễn Một để lại cho người đọc là những bi kịch tình yêu, những bi kịch do chính tình yêu gây ra, không phải bi kịch xã hội (như Chì Phèo chẳng hạn). Những trải nghiệm tình yêu của người đọc cộng hưởng với truyện tình yêu của Nguyễn Một sẽ tạo nên những cảm giác thẩm mỹ mới lạ khi đọc truyện. Và như tôi đã lưu ý, đọc truyện tình yêu lãng mạn của nguyễn Một, người đọc không thể đòi tác giả phải giải quyết những “bi kịch”. Chỉ khi nhà văn chuyển sang bút pháp Hiện thực xã hội chủ nghĩa thì hiện thực kết hợp với lãng mạn cách mạng làm thăng hoa bi kịch (xin đọc Trung quân, Miền Đông).

MỘT VÀI ĐẶC ĐIỂM “THI PHÁP”

Tôi chưa thể nói đến “thi pháp” truyện ngắn của Nguyễn Một bởi tôi chưa thâm nhập thế giới nghệ thuật của ông, và chưa khẳng định được những đường nét tạo nên phong cách văn chương của ông. Điều này còn cần thời gian.

Dầu vậy, trong bài viết này, bước đầu tôi có thể nhận ra một vài đặc điểm về “thi pháp” trong việc Nguyễn Một kiến tạo tác phẩm.

1. Ngôi kể của Nguyễn Một trong nhiều truyện ngắn của ông là nhân vật xưng Tôi. Tức là nhà văn nhập thân vào nhân vật để kể. Và truyện là lời kể của nhân vật về cuộc đời mình. Điều này không mới nhưng nó cho phép nhà văn đưa những trải nghiệm của chính mình vào tác phẩm. Và người đọc rất dễ ngộ nhận truyện được kể là truyện của chính ông. Người đọc tỉnh táo thì nhận dạng được bóng dáng của ông trong các nhân vật “tha hương” vào Nam kiếm sống, dù đã được hư cấu.

Cha mẹ tôi đều chết vì bom đạn chiến tranh, cả làng ai cũng biết, ai cũng thương cảm, mỗi lần gặp tôi họ đều nhìn với cặp mắt ái ngại và chép miệng: “Thật tội nghiệp, mới từng ấy tuổi mà đã mồ côi cả cha lẫn mẹ“. Tôi ghét những ánh nhìn ấy, những câu nói thương hại ấy! Đọc đoạn văn này, người đọc bị ám thị ngay rằng, đó là tự truyện của tác giả, không phải của nhân vật Tôi trong Tấm da cọp

Truyện của Nguyễn Một có những kỷ niệm tuổi thơ, hình ảnh quê hương với con sông Giao Thủy, vùng Dùi Chiêng (Quảng Nam). “Nhớ hôm lên đường Hương tiễn tôi bên bờ sông Giao Thủy, khóc rấm rứt”(truyện Miền Đông); “Vùng Dùi Chiêng đồi núi chập chùng, rừng già đại ngàn hoang vu. Ban đêm cọp gầm chuyển núi, nai tác vang rừng, voi đi từng đàn rầm rập” (truyện Tấm da cọp). “Tôi không còn biết gì nữa, đầu óc mụ mị. Bàn tay dịu dàng của chị đã đưa tôi về với quê hương bên dòng sông Giao Thủy êm đềm xanh thẳm, đưa tôi về với Tuyết của tôi. Quê tôi nghèo, nhưng có một dòng sông. Dòng sông là tài sản lớn nhất của tuổi thơ tôi.” (Truyện Đoạn kết một mối tình). Cả hai truyện Tiếng chin sẻ trong thánh đường, và truyện dài Long lanh giọt nắng đều có chi tiết về một ngôi nhà thờ mà ở đó “chim sẻ nhiều vô kể, chúng làm tổ dày đặc trên nóc nhà thờ. Tôi rủ Hương lên nhà thờ bắt tổ chim”.

2. Kết truyện Trung quân, nhà văn viết: “Về đến nhà, nhìn nét mặt rạng rỡ của vợ lúc tôi báo tin cho nàng biết về người con trai của họ, nên tôi không thể không viết thêm đoạn kết rất “có hậu” này. Kính mong bạn đọc lượng thứ cho tôi cái tội dông dài”.

Vâng, nhiều truyện của Nguyễn Một được kể chậm rãi. Sau khi mở đầu truyện, tác giả dẫn người đọc về tận ngọn nguồn rất xa của của sự việc, những mối quan hệ chằng chịt của nhiều nhân vật trong một khoảng thời gian dài. Truyện được kiến tạo như nhiều dòng sông nhỏ chảy vào một dòng sông lớn, tác giả tìm cách lý giải cho nhiều tình tiết truyện đã mở ra trước đó. Cách viết hồi tưởng phục vụ đắc lực cho cách kể truyện này. Những truyện Lửa bên sông, Tấm da cọp, Trung quân, Linh Chi có cách kiến tạo như thế.

3. Như tôi đã nói ở phần mở đầu, nhiều truyện ngắn của Nguyễn Một là những truyện tình yêu lãng mạn nhiều phẩm chất bi kịch. Đó là truyện được viết theo kiểu bút pháp lãng mạn. Nhưng khác với truyện lãng mạn ở chỗ, Nguyễn Một đẩy những mâu thuẫn truyện thành bi kịch. Gọi là “bi kịch” bởi nhân vật đã phải nhận lấy những đau thương (có khi phải chết) cùng với những khát vọng không thực hiện được (xin đọc Huyền Thoại biển, Tiếng chim sẻ trong thánh đường, Tấm da cọp…). Bi kịch thường có nguyên nhân xã hội (Hamlet, Romeo et Juliette của Shakespear, hoặc truyện Chí Phèo của Nam Cao), trái lại truyện tình yệu bi kịch của Nguyễn Một không được truy vết đến nguyên nhân (Huyền thoại biển, Đoạn kết một mối tình, Giếng tiên, Kẻ vô học, Trước mặt là dòng sông…). Có thể đó là một thái độ diễn ngôn của Nguyễn Một (Kẻ vô học là một thí dụ). Vì thế người đọc không thể đòi hỏi nhà văn phải truy đến cội nguồn nguyên nhân những bi kịch như trong kiểu truyện hiện thực.

4. Nguyễn Một có giọng kể điềm đạm, cách kể chậm rãi, lắng đọng. Nhưng cũng có những đoạn miêu tả sắc xảo, giàu màu sắc thẩm mỹ như những phân cảnh phim hành động (Lửa bên sông, Tấm da cọp, Kẻ vô học…). Những đoạn văn ấy ẩn chứa một bút lực mạnh mẽ, một phẩm chất văn chương phong phú và tài hoa của Nguyễn Một. Những đoạn tả thiên nhiên (ánh trăng, dòng sông, biển, rừng đại ngàn) lại đem đến những mỹ cảm thú vị.

Truyện ngắn của Nguyễn Một thường có cấu trúc phức tạp, nhiều tình huống bất ngờ, khắc họa nhiều kiểu nhân vật; truyện được kể mạch lạc và giữ được bí mật cốt truyện đến phút cuối, đó cũng là một đặc điểm. Nhìn sâu xa hơn, đặc điểm này bộc lộ một năng lực sáng tạo hư cấu rất dồi dào của nhà văn.

Nguyễn Một cũng có những truyện tình kết thúc có hậu (Miền đồng, Trung Quân, Trước mặt là dòng sông), song bút pháp hiện thực có phần nào hạn chế sự sáng tạo của ngòi bút Nguyễn Một.

5. “Trước khi anh lên đường vào nam lập nghiệp, ông nội anh làm thịt con gà trống mà ông yêu quí nhất bắt anh đội đến nhà thờ tộc, ông nhắc cho anh nhớ, tộc Trần có năm quan võ, bảy quan văn, một anh hùng, mười bốn liệt sĩ. Trong làn khói hương nghi ngút ông nói: ‘Cần biết sống cho ra sống, đừng để người ta khinh!’”(truyện Trước mặt là dòng sông).

Tôi thực sự ấn tượng ở chi tiết truyện này. Đây là chuyện của nhân vật Phong (và cũng là truyện của tác giả. Tên thật của Nguyễn Một là Trần Viết Sanh). Nguyễn Một không dựa trên bất cứ nền tảng triết học hoặc tôn giáo nào, vậy chân lý mà ông dựa vào đó để xây dựng nhân vật là gì? Câu trả lời là: ông dựa vào lời dạy của cha ông. Nói một cách khác, trong một thời đại đảo điên, thì tư tưởng về chân lý của ngòi bút Nguyễn Một là những truyền thống của cha ông, của dân tộc. Trong truyện Lửa bên sông, ông khẳng định: “Cả Phật lẫn Chúa cũng không xua được những cơn ác mộng hành hạ tôi hàng đêm”.

“Ở nơi mà chúng ta buông tay rơi vỡ chiếc bình

Long lanh giọt nước tình duyên.

Ở đó sau này thành sông thành biển.

Ai đã chèo thuyền vào cõi vô biên…”

                         (Như là cổ tích)

Bài thơ ngắn của “Thiên Sứ” thấp thoáng “giọt nước tình duyên” trong truyện Trương Chi-Mỵ Nương. Sự trở về với tư tưởng trong văn học dân tộc là một hướng tìm tòi mở ra nhiều triển vọng.

Thực ra Nguyễn Một có khuynh hướng trích dẫn Kinh thánh để làm nền tảng tư tưởng văn chương của mình. Trong truyện Tấm da cọp, ông viết: “Mỗi khi có ai thắc mắc chuyện mẹ thằng Dần, cậu tôi thường nói một câu rất lạ tai ‘Ai trong các người không có tội thì hãy ném đá người đàn bà này đi!’. Mãi sau này lớn lên tôi mới biết câu nói ấu cậu tôi học trong kinh thánh Thiên Chúa giáo”. Hoặc trong truyện Tiếng chim sẻ trong thánh đường, bất chợt ông liên tưởng: “Pho tượng Chúa Giêsu vẫn cúi đầu nhẫn nhục, lời rao giảng của vị Linh Mục chìm trong tiếng mưa rơi, tự dưng tôi liên tưởng lời rao giảng của thánh Phê-rô trong nghĩa địa ngoại thành Rô-Ma từ hai ngàn năm trước”. Và cả trong tiểu thuyết “Ngược mặt trời” và tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”, tư tưởng Kitô giáo là một phần làm nên giá trị nhân văn của tác phẩm.

Tôi cho rằng, trong việc tìm một nền tảng tư tưởng cho văn chương Việt Nam đương đại, Nguyễn Một có những khám phá riêng. Văn chương Việt Nam trước kia lấy tư tưởng Phật-Nho-Lão làm nền tảng, từ 1945 đến nay là chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ sau đổi mới (1986) các nhà văn bắt đầu tìm đến những tư tưởng triết học khác (Chủ nghĩa Hiện sinh, Chủ nghĩa Hậu hiện đại chẳng hạn). Trên dòng chảy văn chương, Nguyễn Một đã gặp gỡ một dòng sông: trước đây, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã khám phá tư tưởng Kitô giáo trong trường ca “Dưới cái cây ánh sáng”. Và xa hơn là R. Tagore (Lời dâng).

MỘT NGÒI BÚT LUÔN VƯỢT LÊN PHÍA TRƯỚC

Ở thể loại tiểu thuyết, Nguyễn Một có những tác phẩm đặt được dấu ấn trong sự phát triển của tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Đó là các tiểu thuyết Đất trời vần vũ (2009), Ngược mặt trời (2012) và Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín (2023). Văn chương Nguyễn Một đã đụng chạm được đến những vấn đề lớn của thời đại. Chẳng hạn, đã có nhiều tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam, song tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín lại khám phá chiến tranh ở một góc nhìn khác, và góp phần lý giải nhiều vấn đề một cách mới mẻ. Ngay nhan đề Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín đã mang ý nghĩa tư tưởng [[2]].

Truyện thiếu nhi của Dạ Thảo Linh (bút danh viết truyện thiếu nhi của Nguyễn

Một cũng có những thành tựu. Tác phẩm chính: Hoa dủ dẻ (tập truyện.1997); Năm đứa trẻ Xóm đồi (truyện dài.1999); Ngũ hổ tướng (truyện dài. 2000); Màu hoa trắng (Truyện ký. 2001); Long lanh giọt nắng (truyện dài. 2003); Mùa trái chín (Truyện vừa.2004).

Và như đã tìm hiểu ở trên, truyện ngắn của Nguyễn Một đã có được những đường nét của một phong cách riêng: truyện tình yêu bi kịch, nghiêng về kiểu truyện tư tưởng (truyện Như là cổ tích, Tiếng chim sẻ trong thánh đường).

Điều đáng qúy của ngòi bút Nguyễn Một là sự vượt lên phía trước với sức sáng tạo dồi dào, trong khi nhiều cây bút cùng thời với ông đã vắng bóng trên văn đàn.

Tháng 12/2023


[1] Xin đọc: Bùi Công Thuần-Phụ Lục truyện ngắn của Nguyễn Một

[2] Xin đọc bài viết của Bùi Công Thuấn về tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”

TRUYỆN NGẮN NGUYỄN MỘT-Phụ lục

Bạn có thể đọc các bài viết chính của Bùi Công Thuấn theo link:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

TRUYỆN NGẮN NGUYỄN MỘT

(Phụ lục- Đọc và ghi chú một số truyện ngắn Nguyễn Một-dùng làm tài liệu)

Bùi Công Thuấn

***

TÁC GIẢ NGUYỄN MỘT (Dạ Thảo Linh)

TIỂU SỬ

Nhà văn Nguyễn Hiệp cho biết: Nhà văn Nguyễn Một (Trần Viết Sanh) sinh ngày 14 tháng 12 năm 1964 tại A Đông, Duy Phú, Duy Xuyên, Quảng Nam. Đây là vùng đất “xôi đậu” trong thời chiến tranh, các trận đánh nhau diễn ra như cơm bữa.

Cha mẹ Nguyễn Một mất sớm. Cha bị bắn chết khi ông còn trong bụng mẹ. Chưa được bốn tuổi, mẹ bị viên đạn lạc bắn ra từ lô cốt của lính Mỹ, trút hơi thở cuối cùng khi đang ôm con ngủ. Nguyễn Một được ông bà ngoại và người cậu ruột cưu mang nuôi nấng. Sau, ông lưu lạc vào tỉnh Đồng Nai, làm phóng viên báo Tiền Phong từ năm 1998 đến năm 2007 rồi về làm truyền thông cho Công ty cổ phần ô tô Trường Hải tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2006, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Hai truyện ngắn “Trước mặt là dòng sông”, “Kẻ vô học” được tặng thưởng truyện ngắn hay của báo Văn nghệ; ba truyện “Chim bay về núi”, “Chuyện tình trong rừng cấm”, “Trung quân” là những tác phẩm đã được giải truyện ngắn của Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai. Tiểu thuyết “Đất trời vần vũ” của ông bị Cục xuất bản tạm ngưng phát hành nhưng sau đó lại được giải cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà Văn Việt Nam.[1]

TÁC PHẨM

Dành cho thiếu nhi: Hoa dủ dẻ (Tập truyện); Năm đứa trẻ xóm đồi (Truyện dài); Ngũ hổ tướng (truyện dài); Màu hoa trắng (Truyện ký); Long lanh giọt nắng (Truyện dài); Mùa trái chín (Truyện vừa); Tha Hương(Tập truyện ngắn)

Dành cho người lớn: Vũ điệu trên đỉnh Kung Pô (tập truyện ngắn); Quà của đất (Tập bút ký); Như là cổ tích (Tập truyện ngắn); Giữa đời thường (Tập bút ký); Dòng sông độ lượng (Tập bút ký ); Đất trời vần vũ (Tiểu thuyết. 2009); Câu chuyện bên một dòng sông (Phim tài liệu VTC9 2009 – kich bản, lời bình và đạo diễn); Hành trình ước mơ (Kịch bản phim tài liệu); Ngược Mặt trời (tiểu thuyết 2012); Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chin (Tiểu thuyết. 2023).

Tác phẩm được giải:

1.Trước mặt là dòng sông – Tặng thưởng truyện ngắn hay tuần báo Văn nghệ Hội nhà văn tháng 5 năm 2002, sau được dựng thành phim Cổ tích về ngôi nhà (đạo diễn Khải Hưng, Hãng phim truyền hình Việt Nam 2003). 

2.Kẻ vô học – Tặng thưởng truyện ngắn hay tuần báo Văn nghệ Hội nhà văn tháng 11 năm 2002.

3.Chim bay về núi– Giải thưởng truyện ngắn Đồng Nai 1994

4.Chuyện tình trong rừng cấm – Giải thưởng truyện ngắn Đồng Nai 2001

5.Tấm da cọp– Giải ba truyện ngắn báo Tiếp thị và gia đình.

6.Tặng thưởng Phim tài liệu chào mừng Biên Hòa 310 năm của UBND tỉnh Đồng Nai
7.Giải thưởng Trịnh Hoài Đức 2008: 
  Đất trời vần vũ– Giải C cuộc thi tiểu thuyết hội nhà văn Việt Nam (2006 – 2010)

***

TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN MỘT

Nhận xét chung

Nhiều truyện ngắn của Nguyễn Một là truyện tình yêu lãng mạn có chất bi kịch. Xin đọc: Các truyện: Huyền thoại biển, Đoạn kết một mối tình, Giáng tiên, Linh Chi, Như là cổ tích, Tấm da cọp, Tiếng chim sẻ trong giáo đường, Trung quân…

Nguyễn Một có giọng kể điềm đạm, nhưng ngòi bút miêu tả thì sắc xảo, giàu màu sắc thẩm mỹ. Cấu trúc truyện phức tạp nhưng mạch lạc và giữ được bí mật cốt truyện đến phút cuối. Ngôn ngữ mộc nhưng chọn lọc, những dòng miêu tả thiên nhiên (dòng sông, buổi chiều, ánh trăng, mưa, rừng đại ngàn…) rất thú vị. Đặc biệt là khả năng hư cấu, sáng tạo phong phú các tình huống truyện, nhờ thế nhiều truyện ngắn của Nguyễn Một là những truyện ngắn hay và có phong vị riêng.

Vì là truyện tình lãng mạn, các nguyên nhân gây ra bi kịch đã không được tác giả lý giải; mặc dù tác giả kể rất nhiều sự việc hiện thực, có khi chuyện tình ẩn sâu trong những sự kiện xã hội (thí dụ truyện Ánh lửa bên sông). Vì thế truyện chỉ để lại những ấn tượng ngậm ngùi, những giây phút bâng khuâng khi người đọc gấp trang văn lại, mà không tác động đến hiện thực (như kiểu truyện hiện thực).

Bùi Công Thuấn.

***

TÓM TẮT TÁC PHẨM

Lưu ý: khi tóm tắt truyện, tôi đã không thể tóm tắt được “cái hay” của truyện, vì thế bạn đọc cần tìm đọc nguyên bản. Khi sử dụng lại những bản tóm tắt này, xin vui lòng ghi rõ nguồn. Thanks!

1. HUYỀN THOẠI BIỂN

            Dân biển Côn Đảo lưu truyền một huyền thoại. Có một cô gái vừa đi vừa hát. Cô đi vào lòng biển. Cô gái ấy là Nguyệt. Một lần lao xuống biển, cô được một ngư dân đảo cứu vớt. Đó là một người tù chính trị ở Côn Đảo. Vì đẹp trai, ông ta bị vợ cai tù ép phục vụ tình dục. Ông bị cai tù phang ba toong vào đầu ngất đi. Ông ta thấm thía nỗi nhục nhã của một người đàn ông bị “hiếp dâm”. Sau giải phóng ông ở lại Côn Đảo. Đã 3 năm ông cưu mang Nguyệt. Ông trở thành người đàn ông đầu tiên mà cô thương đến quặn thắt ruột gan. Nhưng Nguyệt bị ông từ chối tình yêu. Và nàng đi vào lòng biển, vừa đi vừa hát.

            Đó là bi kịch tình yêu. Người tù đẹp trai không thể yêu vì đã bị một nỗi nhục quá lớn. Một cô gái thiếu tình yêu lại không thể sống được. Một truyện tình lãng mạn hư cấu

2. ĐỌAN KẾT MỘT MỐI TÌNH

Long (nhân vật xưng Tôi) yêu Tuyết từ lúc còn là trẻ con ở quê. Nơi ấy có con sông Giao Thủy (Quảng Nam). Ba Tuyết tử trận trong ngày Đà Nẵng được giải phóng. Chị Lệ (chị của Tuyết) vào miền Nam làm ăn. Tuyết nghỉ học sớm ở nhà phụ mẹ. Long bỏ quê vào Nam kiếm sống. Long được chị Lệ giúp đỡ tìm việc, lo chỗ ở. Ở trong Nam, Lệ sống hờ với một anh chàng họa sĩ thất nghiệp. Ở quê, tuyết lấy chống, một gã lái buôn cây. Hắn yêu Tuyết điên cuồng như con thú, nhưng lại rất chi li đê tiện. Tuyết bỏ hắn lên chỗ chị Lệ, hắn tìm vào đánh Tuyết. Chị Lệ bị lão họa sĩ bỏ rơi với bé Bầu. Sau chị lấy anh Đường, Giám đốc khách sạn Hoa Biển ở Vũng Tàu. Chị cho Long căn nhà và đón Tuyết ra Vũng Tàu. Tuyết hẹn gặp Long và sẽ tiếp đãi anh như vua vì chồng Tuyết lâu lâu mới qua Việt Nam, ở vài bữa (rồi chạy qua bên đó với bà vợ già của lão). Khi bỏ Long, Tuyết nói: – Nghèo là rất nhục. Nghèo là mất hết tất cả. Phải cần có tiền anh biết không? Tuyết đi đã lâu rồi Long mới sực tỉnh. Long gục xuống bàn.

Đoạn kết một mối tình là một chuyện tình lãng mạn. Long hoàn toàn vô tích sự với chính mình và tình yêu của mình. Vì sống phải có tiền, cả chị Lệ và Tuyết đã đổi thay. “Chuyện xảy ra đã lâu rồi mà tôi vẫn không thể tin được là con người có thể thay đổi nhanh chóng đến như vậy”. Hoàn cảnh sống làm thay đổi con người, không cưỡng lại được.

3. GIẾNG TIÊN

            Ngồi trong lớp “Sư phạm tại chức” học môn đạo đức, nhìn cái rãnh lưng chị Phương, Tôi nhớ lại chuyện tình trẻ thơ (lúc tôi 10-13 tuổi) với chị Sinh bên giếng tiên trong vườn ông tôi.

Chị Sinh thường rủ tôi ra giếng tắm. Tôi chà lưng cho chị và chị quay lại tắm cho tôi, hai bầu vú chị chạm vào mặt tôi nhột nhạt, êm ái. Chị lấy chồng khi Tôi 13 tuổi. “tự dưng nước mắt trào ra, ràn rụa trên mặt, tôi òa khóc nức nở”. Bốn năm sau chị trở về, mắt chị buồn hơn xưa. Ông tôi bảo chị bị chồng bỏ vì vô sinh. Giỗ mẹ tôi, đêm trăng tôi lại ra vườn mong gặp chị nhưng vô vọng. Hôm sau tôi về thành phố trọ học.

Khi bàn tay tôi sắp chạm vào lưng chị Phương thì một thằng bạn nhắc: – Viết bài đi. Thầy nhìn kìa, làm thơ hả? Tôi giật mình rụt tay lại, thở dài (hết)

            Giếng tiên là một “chuyện tình” trẻ thơ, tình câm, tình đơn phương của Tôi (người kể chuyện). Gọi là “tình” nhưng không hề có cảm thương từ 2 trái tim, chỉ có vị sex. Kể cả khi chị Sinh đã có chồng và bị chồng bỏ trở về, tôi vẫn mong được tắm với chị bên giếng tiên như ngày trước. Và bây giờ, ngồi trong lớp học, nhìn rãnh lưng chị Phương, tôi lại nhớ cảm giác sex với chị Sinh ngày xưa. Một “chuyện tình” lãng mạn không đặt ra vấn đề nhân sinh nào.

4. KẺ VÔ HỌC

            Thành là công an có nhiệm vụ bắt tên tội phạm giết người đã trốn truy nã 15 năm trong rừng Đông Nam bộ. Trong vai một họa sĩ đi vẽ trong rừng, anh quen một cô gái xinh đẹp và vẽ hình cho cô. Hai người hẹn gặp nhau nhiều lần. Qua cô anh phát hiện ra tên tội phạm là cha cô. Hắn đang ở trong chòi. Thành áp sát căn chòi.

            Đêm trong rừng, hắn bỏ thêm củi cho lửa ấm đứa con gái dang ngủ. Hắn nhớ năm 15 tuổi, cha và anh chết ngay khi giải phóng Xuân Lộc, mẹ vất vả nuôi hắn. Ông chú chỉ học lớp ba mà làm cán bộ huyện. Lão nói với hắn“học không vô thì cố học làm quái gì, -Có tiền có quyền là có tất cả mày hiểu chưa?” Lão dúi tiền cho hắn. Mới 17 tuổi đầu hắn biết đánh bạc, chơi gái. Trường học của hắn bây giờ là quán karaoké. Nghe lời chú, hắn đi đào đá đỏ. Sau một năm, hắn trúng lớn. Trở về thị trấn, hắn lấy nàng, làm nhà cho mẹ. Khi nàng hết tiền, hắn lại đi đào đá. Bỗng được tin mẹ chết, hắn trở về. Ban đêm, đứa con 2 tuổi khóc. Nghi có chuyện trong nhà, Hắn đạp cửa xông vào. Vợ hắn và một thằng đàn ông đang quần nhau trần trụi. Hắn vung dao, thằng đàn ông bỏ chạy. Con vợ níu chân bị hắn bị đâm một dao chết. Hắn ôm con chạy trốn. Mới đó đã 15 năm. Hắn căm thù lòai người, vì là giống phản bội.

            Khi cô gái đi ra, Thành xông vào chòi, bị mất đà. Hắn vung dao, không ngờ cô gái cứu Thành mà bị trúng dao của cha. Hắn phóng mình vào đêm. Thành vác cô gái chạy đưa cô vào bệnh viện. Khi Thành ra khỏi bệnh viện, hắn chờ ở cổng, mắt nhìn vào bệnh viện. Hắn đưa tay cho Thành còng và giải đi.

Người đàn ông đường bệ từ chiếc xe hơi bên kia đường bước xuống, nhìn theo gã người rừng, mỉm cười quay lên xe. Ông tin rằng gã không thể biết người đàn ông mà gã giết hụt đêm đó chính là ông. Ông lẩm bẩm: “Cuộc đời này đâu cứ phải học nhiều là sẽ giỏi!”.

Kẻ vô học là một chuyện tình đầy bi kịch. Chính ông chú, một kẻ vô học nhưng có quyền và tiền đã đẩy hắn vào con đường sa đọa để rồi phạm tội ác. Và ông ta là người hưởng phần kế thừa hương hỏa, hưởng luôn con vợ thằng cháu. Kẻ vô học mà có quyền có tiền thì vô đạo đức và nguy hiểm biết chừng nào!

Truyện được viết phân cảnh như phim hành động. Là một truyện hư cấu nhưng được lồng ghép nhiều nội dung giả hiện thực. Chẳng hạn, Hắn là con liệt sĩ, chú là cán bộ huyện, trong thực tế không thể có một ông chú ác như thế. Con em liệt sĩ có chính sách chăm sóc cẩn thận, không thể có chuyện một đứa học trò 17 tuổi lại lao vào đánh bạc, chơi gái, dầm dề ở quán karaoke.

Trong đời thực, người mẹ thương con sẽ nhờ các tổ chức xã hội giáo dục con. Không thể để hắn sống hoang rồi trở thành tội phạm phải trốn chui trốn nhủi như thế.

Dù sao hắn cũng có tình thương con và biết quay về nhận tội.

5. LINH CHI:

Linh Chi là tên Tôi đặt cho một loài hoa trắng trên đồi. Đó là tên người yêu cùa tôi: Nguyễn Thị Chi. Chi không còn bố, sống với mẹ trong căn nhà tranh ở xóm Gò. Chi đẹp thánh thiện. Tôi giúp mẹ con Chi cày ruộng, gặt lúa, gánh phân, chặt bổi. Tình yêu của chúng tôi cũng mộc mạc như rơm rạ.

Ông Trầm là người giàu nhất làng, ông có 4 lò gạch. Ông tôi nhận xét về ông Trầm: “Thằng ấy tướng sang mà dâm”. Thằng Quân, con ông Trầm ở thành phố về. Bây giờ nó lưu manh hơn. Vừa dẻo mồm lại giàu có nên khối con gái ễnh bụng ra vì nó. Quân gặp Chi và nói: nó yêu Chi và, nếu Chi chịu, nó sẽ đưa về thành phố.

Chợt nhớ tối nay có hẹn với Chi, tôi lao ra bờ sông. Sững lại, một thoáng thôi, tôi hiểu tất cả. Tôi trút lên Quân tất cả sức mạnh và lòng căm thù trai trẻ. Hắn gục xuống trên bãi cát. Tôi quay lại dựng Chi lên. Chi run rẩy, vòng cánh tay ôm lấy ngực, quần áo tả tơi…

Hai mẹ con Chi đã bỏ đibiền biệt sau cái đêm hôm ấy. Tôi lặng lẽ đi, lầm lũi và cô đơn, bên tai văng vẳng tiếng hét hoảng loạn của mẹ con Chi trước khi bà ngất xỉu “Thằng Quân, trời ơi! Con Chi là em ruột của nó! Ông Trầm ơi!… Ông Trầm!”.

  • Một bi kịch kép về tình yêu: Tôi bị cướp mất người yêu, và, người yêu tôi và

kẻ cướp tình yêu lại là anh em của một lão nhà giàu “tướng sang mà dâm”.

Sự tàn bạo, vô luân thống trị, là nguyên nhân bao nỗi cay đắng của làng quê. Kẻ nghèo khó bất lực khi bị ức hiếp (mẹ Chi) và người bị tước mất tình yêu (Tôi và Chi).

            Truyện có cấu trúc chậm rãi. Mở đầu là ước vọng của Tôi được đi ngược dòng sông lên thương nguồn để khám phá. Tiếp theo, Tôi giới thiệu ngọn đồi có loài hoa trắng. Tôi lấy tên người yêu đặt tên cho hoa ấy: hoa Linh Chi. Từ đó. Tôi kể chuyện tình yêu và bi kịch bị cướp đoạt. Tôi đã quá ngây thơ hẹn với Chi ở bờ sông tạo điều kiện cho thằng Quân chiếm đoạt Chi.

Bí mật Chi là con ông Trầm, em của Quân được giữ đến phút chót, tạo nên bi kịch kép. Truyện không đưa ra giải pháp nào để gìn giữ tình yêu và bảo vệ con người, bảo vệ đạo đức. Điều ấy người đọc không thể đòi hỏi ở một truyện lãng mạn.

LỬA BÊN SÔNG

Truyện có 2 ngôi kể: nhà báo và vị khách, họ gặp nhau trong quán cà phê Hải Âu bên sông.

Ông khách kể, nhờ giữ được lửa mà cụ tổ thoát chết khi chạy từ Ngũ Quảng vào Đồng Nai và được một cụ già Đồng Nai cưu mang. Đó cũng là bí mật riêng ông giữ không kể cho nhà báo nghe. Ông khách lại kể, mình bị bắt quân dịch, người cha phải bán đất, rồi sau giải phóng 2 lần bị án oan đi tù, đất vườn bị trưng thu chia cho cán bộ. Nhà báo hứa sẽ viết bài bảo vệ ông, nhưng bài không được đăng.

Hôm nay, tôi (nhà báo) qua Cù Lao vì nhiệm vụ đưa đoàn nhà báo tỉnh bạn đi du lịch vườn. Gặp lại ông khách. Tôi xin lỗi. Ông kể, mình đã tìm được công lý. Ông ra Hà Nội kiện Thanh tra Nhà nước và được giải quyết. Tôi (nhà báo) thấy mình hèn. Bấy lâu nay tôi cứ ảo tưởng nghề báo là nghề có thể cải tạo được xã hội. Ông còn nói: “lúc nào cũng có bật lửa trong túi, phải biết giữ lửa anh ạ, đó là bí quyết tồn tại của dòng họ tôi”.(hết)

Lửa bên sông được lắp ghép bằng dã sử dân gian và việc chống tiêu cực ở hiện

tại. Thấp thoáng có dáng dấp kiểu truyện Nguyễn Huy Thiệp. Tác giả bịa ra một câu chuyện dã sử (không ghi trong sách sử chính thống): kể lai lịch từ cụ tổ: “Cù Lao là vùng đất khởi đầu khi dân ngũ Quảng đặt chân đến xứ này lập nghiệp… Cụ tổ nhà ông là thanh niên miệt ngoài, tổ chức nông dân khởi nghĩa trả thù bọn cường hào ác bá, bị thất bại đã “một mình một ngựa” rong ruổi phương Nam…”; rồi nhân đó, tác giả liên hệ ghép thêm hiện thực trước 1975 (chạy chọt để không bị chế độ Sài Gòn bắt quân dịch) và hiện thực sau 1975 (tiêu cực trong đất đai). Bí mật về lửa của Nguyễn là gì vẫn không được kể.

            Có một chuyện tình ẩn rất sâu trong bề bộn những chuyện hiện thực là chuyện tình của Phan Nguyễn và nàng Gấm với sứ mệnh Nguyễn hãy phục hồi lại dòng họ. Nhưng quan quân đã đốt nhà, giết bố vợ và bắt Gấm đi vì tội phản loạn. “Nguyễn tụ tập dân làng rút vào núi lập căn cứ. Cuộc khởi nghĩa kéo dài chưa được một tháng thì tan rã. May mắn chàng thoát chết...”. Nguyễn đã chạy vào Đồng Nai

MIỀN ĐÔNG

            Từ Giao Thủy, Tôi theo Chín Cọp vào Bình Long-Sông Bé kiếm sống, nhưng nơi đây sốt rét ác tính làm nhiều người chết. Tôi rời Chín Cọp đến Long Khánh, Long Giao, lám công cho Bà Bảy. Sau 4 năm tôi mua đuộc sào đất. Ngày đi 18 giờ đã gần 23. Tôi có ý định về quê. Trời mưa, tôi ngồi trong chòi nhìn ra và nhớ Hương. Bất ngờ Chín Cọp dẫn hương tìm đến tôi. Bà Bảy chủ vườn làm đám cưới cho chung tôi và nhận hương vào làm công. Tôi mơ ước về một vườn cây trái xanh tốt của riêng chúng tôi.

Miền Đong là chuyện tình của tôi và Hương. Từ Giao Thủy chung tôi vào

Long Khánh lập nghiệp. Kết truyện có hậu. (Có lẽ Miền Đông là tự truyện của tác giả)

NHƯ LÀ CỔ TÍCH

            Cụm từ “như là cổ tích” được lặp lại 3 lần. “Thị trấn bình yên và hiền hoà như trong truyện cổ tích. Bỗng xuất hiện một con người kỳ quặc” người ta gọi gã là “Thiên sứ”. Hễ Thiên Sứ lãng vãng trước nhà nào đọc thơ, y như rằng vài ngày sau nhà đó có người qua đời. Lão Mộc, một thời làm đồ tể rồi buôn vàng giàu nhất thị trấn đã chết vì thượng mã phong. Cô Châu vỗ vai chị: – Nè Vân! Hôm qua tao thấy “Thiên sứ” lãng vãng trước nhà mầy đấy!

            Lần thứ hai, chị (cô giáo Vân xinh đẹp) gặp một nhà thơ trên đường đi dạy về. Nhà thơ bám theo chị đọc thơ ca tụng chị, ca tụng tình yêu, ca tụng cuộc đời. Trái tim chị bồi hồi “thêm một chuyện cổ tích. Có lần chị đưa anh về nhà, giữa vườn hoa hướng dương, anh quỳ xuống đọc thơ. Chị ôm đầu anh vào lòng. Chồng chị xuất hiện, nồng nặc rượu bia, hắn nện cho nhà thơ mấy cái vào đầu và ném anh ta ra đường. Chị ngất xỉu. Khi chị tỉnh lại nhà thơ không còn ở đó.

            Lần thứ ba: Thiên sứ xuất hiện trước nhà chị để báo điềm gỡ, điềm gỡ cho chính gã. Gã đến để chia tay với chị. Chị khóc ngay trên bục giảng khi nghe tinThiên Sứ ” về trời”. Một nhóm người nào đó đã loại gã ra khỏi cuộc sống. Chị ra thăm mộ gã. Chị quỳ bên mộ đọc một bài thơ ngắn của Thiên Sứ: “ngôi mộ của gã, một gò đất nhỏ lẻ loi, cô đơn. Ngôi mộ mọc đầy hoa trắng như trong chuyện cổ tích”.

***

Truyện cổ tich kể những điều tốt đẹp, những điểu mơ ước ngày nay không còn

nữa, thí dụ Ăn khế trả vàng, truyện Từ Thức lên tiên…Nguyễn Một muốn nói rằng, người say mê thơ và người yêu nhà thơ ngày nay chỉ như chuyện cổ tích (không có thật, không có nữa)

                Truyện sử dụng yếu tố “kỳ quặc” để tạo sự hấp dẫn, mặc dù vẫn miều tả sự trần trụi như: Chị Vân là một cô giáo nghiêm túc lại ăn mặc thời trang và say mê thơ, đưa nhà thơ lạ về nhà và ôm anh ta ở ngoài sân. Chuyện Lão Mộc, giàu mà tham và chết vì thượng mã phong, ngôi mộ “nhà thơ” chỉ là một gò đất lẻ loi…

            Hai bài thơ ngắn Thiên Sứ đọc mở đầu và chị đọc ở bên mộ gã có ý nghĩa mập mờ, nửa thực, nở thơ tư tưởng.

            ” Đến từ hư vô,

ta là thiên sứ,

có loài quỷ dữ,

xé nát hồn ta…

ta là thiên sứ…

Ta là thiên sứ …”.

***

” Ở nơi mà chúng ta buông tay rơi vỡ chiếc bình.

Long lanh giọt nước tình duyên.

 Ở đó sau này thành sông thành biển.

Ai đã chèo thuyền vào cõi vô biên…”

Bài thơ thấp thoáng truyện Trương Chi-Mỵ nương, thương khóc cho một mối tình vỡ tan. Chuyện tìnhcủa cô giáo Vân với nhà thơ “Thiên sứ”, “như trong chuyện cổ tích”, không có trong đời thường một người yêu thơ và một người yêu quý nhà thơ đến thế.

Như là cổ tích là một thông điệp ẩn dụ. Nhân vật, tình huống, sự việc được hư cấu như một biểu tượng để chuyển tải thông điệp. Tuy có những chi tiết đời thực (chuyện Vân ăn mặc và thực dụng lấy chồng giàu, lão Mộc tham lam và lưu manh), nhưng bản thân câu chuyện hoàn toàn là hư cấu. Dù mang thông điệp ẩn dụ nhưng “Như là cổ tích” chưa đạt đến kiểu truyện tư tưởng.

SÓNG NGẦM

Tôi đi với bạn là Hậu, Tần ra ngắm biển, tôi hỏi: các bạn nghĩ biển là gì. Riêng Tôi, tôi luôn sợ biển vì những ấn tượng 7 ngày kinh hoàng đi tàu ra Phú Quốc.

Nhớ lại chuyến đi kinh hoàng: năm tôi được 13 tuổi, sau ba ngày hoảng loạn, chạy bộ gia đình chúng tôi đến cảng Đà Nẵng. Cậu tôi thuê chiếc ca- nô để đưa cả nhà ra con tàu hải quân ngoài khơi. Cả ngàn người chen chúc, đói khát. Có một chị chết trong bể nước bị quăng xuống biển. Chị ấy ở bên cạnh nhà tôi và giúp đỡ tôi. Ấn tượng về chị mãi ám ảnh tôi.

Nhìn Hậu tôi lại nhớ Trang. 7 ngày kinh hoàng trên biển, may mắn sao cả gia đình tôi sống sót. Những ngày tản cư ở ngoài đảo tôi có quen Trang, nhưng sau đó Trang đi Mỹ còn tôi vì bà nội không chịu đi nên trở về.

Sóng ngầm là một chuyện tình lạt. Lắp ghép một cuộc ngắm biển (hiện tại) với 2 hồi tưởng chuyện quá khứL: chạy loạn, và gặp gỡ ngắn ngủi rồi chia tay. Truyện không nói được điều gì, có chăng là một vài chi tiết về những cuộc chạy trốn chiến tranh trước và ngay sau 30/7/1975.

TẤM DA COP

            Thằng Dần con bà Nồng, bạn tôi lúc nhỏ. Nó nói với tôi cha nó là một thợ săn cọp lừng danh.

Lần đó, cha con bà Nồng lên miền ngược mua dầu rái. Họ trọ lại nhà ông Kiểm Khái, một ông chủ buôn các loại đặc sản của núi rừng. Lúc ấy Chín Tâm, hội trưởng của “Hội trầm” cũng ở trọ nhà này.

Khi mọi người tụ tập trong nhà ông Kiểm Khái bàn chuyện giết cọp, Tâm thường ngồi thu lu trong góc nhà, không hề tham gia. Đến ngày thằng bé xóm trên bị cọp bắt, anh âm thầm ra đi và mang theo cây súng săn hai nòng của ông chủ. Anh mạo hiểm và giết được cọp. Con cọp được xẻ thịt chia cho mọi người. Tâm được quyền giữ tấm da cọp theo luật của các phường săn.

Khi cha con cô Nồng về xuôi, Chín Tâm tặng cô Nồng tấm da cọp. Ít lâu sau cô Nồng sanh thằng Dần….Một hôm người chủ đò cho thằng Dầnđi theo chuyến đò dọc lên nguồn để tìm cha. Nhưng đã 20 năm nó chưa trở lại.

Tôi tần ngần mãi trước túp lều của bà Nồng. Bà cụ Nồng đưa tay lần trên miếng da cọp, cất giọng khàn đục, não nề hát. Xa xa, trên dòng Giao Thủy một con đò dọc lững lờ trôi xuôi tôi chợt nghĩ con đò ấy đang chở thằng Dần trở về với mẹ của nó.(hết)

Tấm da cọp là tột chuyện tình với hai nỗi buồn. Bà Nồng không có chồng

nhưng có con, thằng Dần không có cha. rồi Dần đi tìm cha, 20 năm nay vẫn chưa trở về. Truyện xoay quanh một huyền thoại về cọp ở Dùi Chiêng (Quảng Nam), lúc tác giả (Tôi) còn trẻ con ở quê, giờ đã 20 năm qua.

Tác giả dành cho nhân vật tấm lòng thương yêu, trân trọng và một niềm tin vượt qua nỗi thất vọng.

Nhưng tác giả đã không lý giải nguyên nhân đã gây ra những nỗi bi thiết cho bà Nồng và thằng Dần? Cách kể truyện như vậy lộ ra rằng, Tấm da cọp là một truyện lãng mạn, mà truyện lãng mạn không đòi hỏi tác giả phải giải quyết những vấn đề hiện thực.

TIẾNG CHIM SẺ TRONG THÁNH ĐƯỜNG

Tôi đi dự lễ tang cụ bà Anna ở nhà thờ có nhiều chim sẻ. Tôi nhớ kỷ niệm lúc 13 tuổi đi bắt chim sẻ với Hương. Nhìn hai con chim chụm mỏ vào nhau, Tôi nhớ cụ ông hôn trên trán cụ bà, và nhớ mình đã hôn trên má Hương 20 năm trước khi Hương bị trúng đạn chết. “mọi thứ đều thay đổi, chỉ còn tiếng chim sẻ vẫn như ngày nào, Hương ơi!”

Tôi (tác giả?) nhờ lại Chuyện tình ngọt ngào trong trẻo nhưng đẫm máu và nước mắt của Tôi với Hương lúc 13 tuổi. Đó là một bi kịch ám ảnh Tôi mãi.

Tiếng chim sẻ gợi Tôi nhớ kỷ niệm với Hương.

Đến giờ đã 20 năm.

Những chi tiết trong truyện này giống như kỷ niệm với Hương đi bắt chim sẻ… trong truyện dài Long lanh giọt nắng của Nguyễn Một.

TRUNG QUÂN

Tôi (Tác giả?) nghe chị Năm kể chuyện Thái lúc ở chiến khu Đ. Thái gặp K’Rin, anh bị a`1m ảnh bởi bộ ngực trần của cô gái Chơ ro khi nàng tắm bên suối. Rồi họ yêu nhay và làm cuộc yêu ngay trong giao thông hào bên suối giữa lúc bị đánh bom. Ông Điểu Mân là cha của K’Rin gặp chỉ huy của Thái, yêu cầu đơn vị phải bắt Thái cưới K’Rin và rời quân ngũ về sống với nàng. Đơn vị đã kỷ luật Thái và làm theo yệu cầu của Điểu Mân.

Tôi về dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập chiến khu Đ, gặp ông tướng già, ông kể: Thái đã hy sinh và được công nhận liệt sĩ, nhưng Thái đã không còn hài cốt để mang về nghĩa trang.

Vợ tôi đọc bản thảo truyện này và hỏi tôi về số phận đứa con của Thái. Nghe lời vợ, tôi lặn lội về ấp Lý Lịch ven rừng chiến khu Đ để tìm kiếm đứa con Thái. May mắn, tôi gặp già làng Điểu Mân. Ông cho biết con Thái là Trần Trung Quân. Bây giờ nó là sỹ quan kiểm lâm bảo vệ rừng quốc gia Cát Tiên đấy.

Đêm ấy, tôi ở lại cùng ông. Ông đưa tôi ra rừng, đốt lửa và mời tôi uống rượu cần. Tôi nghe ông kể Khan.

Về nhà, tôi báo tin cho vợ biết về người con trai của Thái và K’Rin, và viết thêm đoạn kết rất “có hậu” này. Kính mong bạn đọc lượng thứ cho tôi cái tội dông dài. (Hết truyện)

Trung quân là truyện tình của Thái-K’Rin trong chiến tranh. Một truyện

 tình đầy chất bi kịch, mất mát và hy sinh. Nhưng ở giai đoạn mới của lịch sử và cách mạng, bi kịch được kết thúc có hậu.

TRƯỚC MẶT LÀ DÒNG SÔNG

Dãy phòng Phong ở trọ hướng mặt về dòng sông. Chủ nhà trọ là một thiếu phụ xinh đẹp và hoà nhã. Bẵng đi một thời gian không thấy mặt người chồng, những người công nhân ở trọ xì xào: ông chủ nhà trọ đã bỏ nhà đi.

Ngày mới giải phóng, quê Phong gặp nhiều khó khăn. Anh lên đường vào nam lập nghiệp. Thế hệ anh không thể chịu được đói, nghèo. Khi anh đi, ông nội nhắc cho anh nhớ, tộc Trần có năm quan võ, bảy quan văn, một anh hùng, mười bốn liệt sĩ. Ông nói: “Cần biết sống cho ra sống, đừng để người ta khinh!”. Chạy vạy nhiều ngày anh mới kiếm được một chỗ làm trong một khu công nghiệp.

Một công nhân làm hỏng sản phẩm, gã quản đốc gầm lên cầm chiếc giày ném vào mặt anh ta. Phong đã thách đấu với hắn. Sau cuộc đấu kịch liệt, hắn đã đầu hàng, nhưng hắn xin với Phong, vì danh dự của hắn với công ty, Phong nên nghỉ việc, hắn sẽ trợ cấp. Phong chấp nhận nghỉ việc, nhưng không nhận trợ cấp riêng.

Về phòng trọ, anh giúp việc cho 3 người trọ cùng phòng và làm những ngôi nhà nhỏ bằng tre. Cái nghề này ngày xưa ông nội dạy cho anh.

Chị Hạnh chủ nhà có vẻ quan tâm đến anh. Chị kể cho Phong nghe đời sống vợ chồng của chị. Anh chị hàng ngày viết thư cho nhau, ghi những cảm nghĩ về nhau, bỏ vào thùng thư. Nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm trôi qua, chị chỉ nhận được lời anh khen. Chị đâm hoảng, chẳng lẽ vợ chồng mình hoàn hảo đến thế sao? Chẳng lẽ cả hai đều không có khuyết điểm nào hay sao? Bức thư sau cùng anh gửi cho chị vẻn vẹn có mấy chữ: “Anh không thể tìm được khuyết điểm để từ bỏ em, nhưng anh đã trót yêu…! Hãy tha lỗi cho anh!” Anh lặng lẽ ra đi, để lại tất cả tài sản cho chị.

Phong đi bỏ mối, sản phẩm của anh làm ra không đủ bán. Anh gặp lại Lee (quản đốc đã đánh nhau với anh). Hắn mời anh cùng làm ăn. Một tháng sau công ty “Phong Việt ” ra đời. Phong không ngờ sản phẩm tre nứa nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường.

Phong trở lại nhà trọ và quyết tâm thực hiện một dự định. Anh yêu chị Hạnh, anh bỏ vào thung thư nhà chị một phong thư. Hẳn chị sẽ rất bất ngờ với lá thư của Phong. Phong sẽ trở lại khi chị bình tĩnh. Lòng thanh thản và đầy tự tin vào tương lai, Phong chậm rãi đi về phía dòng sông.(Hết)

Trước mặt là dòng song là một chuyện tình thời kinh tế thị trường. Tác giả

 Lắp ghép việc kiếm sống khó khăn của công nhân với một chuyện tình đã đổ vỡ, để dệt một mối tình mới đầy hy vọng khi Phong đã có một công ty mà sản phẩm của anh làm ra đã chiếm lĩnh thị trường. Không rõi khi đọc thư, chị Hạnh sẽ có phản ứng thế nào?

            Cách kết truyện như thế là kiểu truyện lãng mạn vì những sự việc được kể trong truyện không thể có trong đời thực, và một cuộc tình quá hoàn hảo của chị Hạnh vời chồng như thế, nhưng vẫn đổ vỡ sẽ để lại những vết thương tâm không thể dễ dành hàn gắn. Sự thành đạt của Phong sẽ không phải là điều quyến rũ chị Hạnh.

Bi kịch tình yêu của chị Hạnh là lời thú nhận của chồng chị về sự quá hoàn hảo

của chị: “Anh không thể tìm được khuyết điểm để từ bỏ em, nhưng anh đã trót yêu…!”.Tại sao chị Hạnh đẹp, hòa nhã, không có khuyết điểm lại bị chồng bỏ rơi? Tác giả đã không lý giải điếu này (vì đây là một truyện lãng mạn).

Tháng 12/2023

_________________

[1]  Nguyễn Hiệp- Mê lộ trong hành trình tha hương của nhà văn Nguyễn Một.

TRUYỆN THIẾU NHI CỦA NGUYỄN THÁI HẢI (KHÔI VŨ)

Bạn có thể đọc các bài viết chính của Bùi Công Thuấn theo link:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

TRUYỆN THIẾU NHI CỦA NGUYỄN THÁI HẢI (KHÔI VŨ)

Bùi Công Thuấn

***

Năm 2023 nhà văn Nguyễn Thái Hải xuất bản tập truyện dài thiếu nhi “Làm chị Hai thật là oai”(Nxb Văn học). Đây là tập sách thiếu nhi thứ 43 của ông. Nhà thơ Trần Hoàng Vy cho biết, Nguyễn Thái Hải từng tuyên bố: “Những sáng tác đầu tiên của tôi là viết cho thiếu nhi. Những sáng tác cuối cùng của tôi cũng dành cho tuổi thơ!”[[1]]. Ông đã đạt giải cuộc thi Sáng tác “Vì tương lai” lần thứ nhất 1993 do Nxb Trẻ và Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức với tập truyện “Cha con ông mắt Mèo”; và cuộc thi “Tình bạn tuổi thơ” năm 2006 do NXB Kim Đồng và Quỹ hỗ trợ Văn học Thiếu nhi Việt Nam- Đan Mạch tổ chức với truyện ngắn “Hai con diều bay thấp”.

Bài viết ngắn này chỉ là nhận dạng bước đầu một vài đặc điểm tư tưởng-nghệ thuật truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải. Xin đọc thêm Phụ lục tác phẩm [[2]].

PHONG PHÚ VỀ THỂ LOẠI – HƯỚNG ĐẾN NHIỀU LỨA TUỔI

Nhà văn Nguyễn Thái Hải trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ Cuối Tuần:

Tôi phân biệt rõ: nhi đồng (6-10 tuổi), thiếu niên (11-15 tuổi) và mới lớn (16-18 tuổi). Mỗi lứa tuổi có nhận thức khác nhau. Tôi thường chọn viết cho các em từ 6-15 tuổi và tùy lứa tuổi để chọn những hình thức phù hợp. 

Tôi không có cách nào khác hơn là tiếp cận và “chơi” với các em. Ngôn ngữ của chúng rất “ngộ”. Khi không “chơi” với các em ở lứa tuổi đó, người viết dễ bị “chìm” trong lứa tuổi của mình và không thoát ra được. Đôi khi tôi có thể viết về tuổi đó vào thời của tôi, hoặc hóa thân hoàn toàn vào các em hiện tại” [[3]]. 

Trong hành trình sáng tác, Nguyễn Thái Hải đã viết truyện Tuổi Hoa cho “tuổi mới lớn” (xin đọc bài riêng viết về truyện Tuổi Hoa [[4]]; viết đồng thoại cho nhi đồng (Khu vườn hạnh phúc, Lớp học làng rừng, Mèo con đã lớn như thế…) và nhiều truyện cho lứa tuổi thiếu niên. Đó là những truyện viết về sinh hoạt gia đình, trường học, truyện lịch sử… Xin đọc: Những trái sao xoay (1993), Mơ làm thủ lĩnh (2011), Bầy nai tung tăng trên đồng cỏ (4 tập. 2018), Thám tử học trò (6 tập. 2019-2023), Làm chị Hai thật là oai (2023). Hiện ông đang hoàn thành bộ sách Bước chân trời Việt (ông gọi là “du ký”) viết cho thiếu nhi. Ông cho biết: Bộ sách viết về các di sản di tích, danh thắng… trên 63 tỉnh thành Việt Nam”. Ộng định in thành 6 tập, mỗi tập 200 trang. Những truyện như “Những mặt hồ lung linh mây trời”, “Một chuyến đi ươi” là truyện trong bộ sách này

            Tại Hội thảo chuyên đề “Văn học cho thiếu nhi – Nhìn từ miền Đông Nam Bộ” do Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức tại Đồng Nai ngày 10.5.2012, nhà văn Nguyễn Thái Hải chia sẻ:

            “Tôi chỉ “thuộc” loại viết về sinh hoạt của thiếu nhi trong gia đình, làng xóm, trường lớp… Từ ấy đến nay, với gần trăm truyện ngắn, hơn hai mươi cuốn sách viết cho thiếu nhi, tôi vẫn chọn nhân vật là chính các em, không gian chủ yếu vẫn là gia đình và học đường. Có điều, bên cạnh những nội dung tạm gọi là “tình cảm”, thỉnh thoảng, tôi cũng chọn nội dung có chút trinh thám hay hài hước, hoặc truyện loài vật để thay đổi “khẩu vị” cho chính mình và cho các em.

“Dòng truyện” cho thiếu nhi mà tôi bền bỉ theo đuổi, có những thời điểm không được ưu tiên lắm – chẳng hạn như mấy năm gần đây người ta hô hào nhiều về việc viết truyện giả tưởng cho kịp bước với các nhà văn viết cho thiếu nhi phương Tây. Cũng tốt thôi! Nhưng tôi thấy truyện sinh hoạt với các nhân vật tuổi nhỏ gần gũi với các em, mang hình bóng của chính các em, vẫn “sống” và chưa lúc nào có dấu hiệu bị suy giảm đến nguy cơ biến mất. Vì vậy, tôi yên tâm với phần việc nhỏ nhoi của mình, coi đó là đóng góp của mình vào cái chung với những “dòng truyện” khác mà các nhà văn khác viết giỏi hơn mình.”

Những chia sẻ trên giúp người đọc nhận ra “con đường sáng tạo” riêng của Nguyễn Thái Hải khi viết truyện thiếu nhi.

Và từ năm 2012 đến nay (2023) nhà văn Nguyễn Thái Hải vẫn kiên trì với

sự chọn lựa ấy. Ông đã gặt hái được nhiều thành công. Xin đọc: Một ngày hè ở biển (tập truyện. 2012), Khu vườn hạnh phúc (truyện đồng thoại 2014), Hai con diều bay thấp (tập truyện 2014), Thám tử học trò (bộ truyện thiếu nhi 6 tập. 2019-2023), Làm chị Hai thật là oai (2023).

“Con đường sáng tạo” truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải có những đường nét gì?

Trước hết là sự chọn lựa “bút pháp”(tôi đến cách viết), ông chọn những chuyện có thật trong đời sống xung quanh trẻ, những chuyện thật của trẻ (tôi tạm gọi là truyện “hiện thực”) để viết cho trẻ. Xin lưu ý, có những tác giả lầm lẫn giữa “viết cho trẻ” và “viết về trẻ” (cho người lớn đọc). Nói “hiện thực” là để phân biệt về cách viết truyện “giả tưởng”, “viễn tưởng”, “Siêu thực”. Xin lưu ý, “Hiện thực” trong truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải không phải là bút pháp của Chủ nghĩa hiện thực. Bởi Chủ nghĩa hiện thực đòi hỏi xây dựng “nhân vật điển hình” trong “hoàn cảnh điển hình”. Truyện của Nguyễn Thái Hải không có đặc điểm này.

Nói một cách cụ thể, Nguyễn Thái Hải không miêu tả bối cảnh lịch sử xã hội làm nền cho nhân vật, không miều tả tính giai cấp và những quan hệ xã hội phức tạp chi phối hành động của nhân vật; mâu thuẫn truyện không phải là những xung đột ý thức hệ giữa các tầng lớp xã hội. Thí dụ: Truyện Những trái sao xoay chỉ kể lại việc học và vài sinh hoạt gia đình của nhân vật Triều suốt 4 năm Trung học đệ nhất cấp (cấp 2) đến sinh nhật lần thứ 15 của Triều. Trong truyện không có bóng dáng hiện thực miền Nam những năm ấy (từ 1955 đến1965).

Thử đối chiếu với Theo dấu người xưa, truyện vừa của Hoàng Văn Bổn (nxb Đồng Nai.1986). Hoàng Văn Bổn kể truyện Út, 11 tuổi, quê làng Bình Long, có cha là Bí thư huyện bị cảnh sát bắt và trốn thoát. Ngày ngày Út gánh 2 thúng bún đi bán. Những thông tin Út biết được về chi khu cây Chàm, về sân bay biên hòa, về Trại cải huấn Tân Hiệp đã giúp lão ăn xin Lãng tử vẽ bản đồ để quân cách mạng, do cha Út chỉ huy đánh vào sân bay Biên Hòa, chi khu cây Chàm. Nhân vật Út được miều tả cụ thể trong bối cảnh cuộc đấu tranh cách mạng ở Biên Hòa trước 1975.

Thử so sánh với Lạc giữa hành tinh, truyện vừa của Phạm Thanh Quang (Nxb Kim Đồng. 2003). Truyện kể lại thân phận của đứa trẻ hơn 10 tuổi tên là Côi ở miền Bắc những năm xây dựng hợp tác xã. Mẹ Côi đi hái chè. Côi chăn bò. Cha Côi hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Ở với dượng, Côi bị hành hạ đủ điều dù là lúc ở nhà hay đi gánh phân cho hợp tác xã. Côi còn bị kỳ thị vì có ông nội là địa chủ trong Cải cách ruộng đất. Nhân vật Côi được miêu tả trong phong trào lao động sản xuất của Hợp tác xã Măng non đội thiếu niên tiền phong tỉnh Hà Tây. Xã của Côi có 2 thôn. Cả xã có một Hợp tác xã nông nghiệp, chia làm 12 đội sản xuất. Mỗi đội sản xuất có 1 đội thiếu niên, nằm trong liên đội thiếu niên toàn xã. Tham gia lao động, Côi nghĩ ra hố phân tập thể với khẩu hiệu: “Chưa góp phân thì ăn chưa ngon”.

Truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải không miêu tả bối cảnh xã hội như Hoàng Văn Bổn hay Phạm Thanh Quang. Tất nhiên mỗi tác giả có sự chọn lựa riêng, và nhờ đó, văn học thiếu nhi ở Đồng Nai có nội dung và nghệ thuật rất đa dạng.

Việc dùng chất liệu đời sống để kể truyện của Nguyễn Thái Hải sẽ tạo niềm tin, thuyết phục người đọc rằng, truyện tác giả kể là chuyện có thật, để những bài học mà tác giả gửi gắm có sức thuyết phục.

Nguyễn Thái Hải thổ lộ cách viết truyện Làm chị Hai thật là oai: “Thường thì các nhân vật trong truyện thiếu nhi của tôi, chỉ giống nguyên mẫu khoảng một nửa, còn thì là hư cấu. Duy trong ‘Làm chị hai thật là oai’ thì khác hẳn. Đầu tiên tôi chỉ ghi nhật ký để sau này làm tài liệu sáng tác. Hết đợt học ‘trực tuyến’ của cháu, đọc lại thì thấy đây đã sẵn là một truyện dài rồi. Tôi chỉ còn một việc là viết lại và đổi tên thật của cháu thành tên nhân vật là hoàn thành”[[5]]. Nghĩa là những gì ông “ghi nhật ký” để “làm tài liệu sáng tác” được chuyển ngay thành một truyện dài mà không cần hư cấu, sáng tạo.

Xin đọc: Truyện Những trái sao xoay (1993). Nguyễn Thái Hải  kể lại việc học và sinh hoạt ở nhà, ở lớp của Nguyễn Thanh Triều trong 4 năm Trung học đệ nhất cấp (từ lớp đệ thất đến lúc Triều tốt nghiệp và mừng sinh nhật tròn 15 tuổi). Có thể nhận ra Nguyễn Thanh Triều là chính tác giả lúc nhỏ. Triều ly hương, bị bịnh thương hàn, yếu tim, mơ làm bác sĩ, nhạc sĩ và văn sĩ. Gia đình lúc đầu ở ngoại ô Sài gòn rồi dời về tỉnh Biên, có vựa bán cây lá sau chuyển sang đại lý cho hãng bia BGI…những sự việc như thế được tác giả kể rõ trong tự truyện Nhớ Biên Hòa (2005). Nguyễn Thanh Triều cũng viết truyện thực của chính mình. Truyện “Cú đấm” kể rằng, năm học lớp Đệ Lục 3, Triều bị Thành móm đấm vào mặt; truyện“Anh Bi của tôi” kể về hành động anh hùng của anh Bi. Vì cứu người trong lúc xóm bị cháy, Anh Bi bị cây đè, lúc đưa đi cấp cứu thì chết; và “Món quà của ba tôi” kể vềcăn gác riêng mà ông Nguyễn, cha của Triều làm cho Triều.

Thế nghĩa là, những chuyện thật của chính mình đã được Nguyễn Thái Hải xây dựng thành truyện Những Trái sao xoay. Nhưng ông cho biết: “truyện thiếu nhi của tôi, chỉ giống nguyên mẫu khoảng một nửa”.

Kể chuyện đời thực (tôi tạm gọi là hiện thực) giúp nhà văn đi sâu vào nhiều cảnh đời, nhiều thân phận và nhiều tình huống của chính bạn đọc nhỏ tuổi, khiến cho truyện gần gũi với các em, những bài học cũng toát lên từ chính những gì các em trải nghiệm.

Đặc điểm thứ nhì Nguyễn Thái Hải ghi dấu trên “con đường sáng tạo” truyện thiếu nhi là sự chọn lựa nhân vật, bối cảnh, nội dung, tình huống truyện.

Nhân vật của truyện thiếu nhi Nguyễn Thái Hải là lứa tuổi từ 11 đến 15, đa phần là học trò gia đình nghèo, cùng với một số những mảnh đời bất hạnh (Cha con ông Mắt Mèo; Cánh cửa sổ không còn khép lại, Tha lỗi cho Hương chim nhé, Mơ làm thủ lĩnh. Chú bé phiêu lưu, Hai con diều bay thấp…). Vì “chọn nhân vật là chính các em” ở lứa tuổi 11-15, nên nội dung truyện là những sự việc xảy ra trong gia đình và nhà trường, và “không gian chủ yếu vẫn là gia đình và học đường” (xin đọc: Tiết học cuối năm, Cô bé lãnh thưởng một mình, Sao chim không hót, Con ma trong buổi học nhóm, Nửa điểm thêm, Thằng đầu bò, Bóng lăn…)

Nếu để ý, bạn đọc sẽ thấy sự “điều chỉnh” ngòi bút của Nguyễn Thái Hải trong việc miêu tả “không gian” xã hội, trong việc dùng từ và cả cách thể hiện khi viết truyện kể về giai đoạn sau 1975, so với truyện trước đó. Đó là một yêu cầu để không có sự khác biệt nhiều trong thế giới nghệ thuật truyện thiếu nhi của ông. Thử so sánh truyện Những trái sao xoay viết về hiện thực trước 1975 với Bầy nai tung tăng trên đồng cỏ, truyện Bóng lăn trong tập Một ngày hè ở Biển).

Hướng về hiện thực để viết truyện thiếu nhi, Nguyễn Thái Hải có một “nguồn vô tận” chất liệu sáng tác. Điều này giải thích được tại sao đến nay ông đã in 42 tập truyện thiếu nhi.

Nhưng không phải cứ “bê nguyên xi” chuyện đời thực vào trang viết là thành truyện. Đó mới chỉ là “ký” (những ghi chép, chưa phải truyện). Điều gì tạo nên “tính truyện” của Những trái sao xoay, Làm chị Hai thật là oai? Câu trả lời là, chất liệu đời sống cần phải được nhào nặn với “tư tưởng-thẩm mỹ”, cùng với tài năng kiến tạo tác phẩm của tác giả như: sử dụng ngôn ngữ, khám phá những vấn đề, khắc họa các nhân vật, hư cấu những tình huống độc đáo, tô vẽ những sắc màu nghệ thuật,…lúc ấy chất liệu mới thành truyện. Quá trình đó là một bí mật, “bí mật” của tài năng, bởi trải nghiệm, vốn sống, chất liệu thì ai cũng có, ai cũng có thể kể chuyện, nhưng để thành một nhà văn (người kể truyện) thì đòi hỏi những năng lực trời cho. Xin thử khám phá quá trình sáng tạo ấy của Nguyễn Thái Hải trong Cha con ông Mắt Mèo, Phù Thủy áo vàng, con Mèo Lười và thằng Bí Đỏ.

Sau này, Nguyễn Thái Hải còn khai thác thêm một “nguồn chất liệu” khác là lịch sử, văn hóa, khiến cho ngòi bút của ông như “rồng thêm cánh”. Xin đọc Bầy Nai tung tăng trên đồng cỏ, Những mặt hồ lung linh mây trời…).

TÍNH GIÁO DỤC TRONG TRUYỆN THIẾU NHI CỦA NGUYỄN THÁI HẢI

            Kể truyện thiếu nhi, nhà văn phải tuân thủ hai yêu cầu: thứ nhất là kể một truyện hay và truyện hướng đến việc giáo dục trẻ. Hai yêu cầu này phải được kết hợp nhuần nhiễn để “tính truyện” là chủ đạo. Truyện phải là tác phẩm văn chương, truyện không đơn thuần là bài học đạo đức trực tiếp, gượng ép.

Thực ra “tính giáo dục” của văn chương rộng hơn nhiều so với “bài học” mà nhà văn muốn gửi trong một truyện. Chẳng hạn, tính thẩm mỹ của ngôn ngữ (dạy cho trẻ về cái đẹp của lời văn), sức hấp dẫn của hình tượng nhân vật (xây dựng những nhân vật lý tưởng để các em noi theo), vẻ đẹp của thiên nhiên (giáo dục lòng yêu quê hương, yêu thiên nhiên). Truyện có nhiều hoàn cảnh, nhiều tình huống, nhiều mối quan hệ xã hội, dạy cho các em bài học về ứng xử, kinh nghiệm xử lý tình huống, kiến thức nhiều mặt của đời sống (xin đọc Một ngày đi ươi, Mùa bắt dế cơm, Những mặt hồ lung linh mây trời của Nguyễn Thái Hải [[6]]).

Truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải chú ý toàn diện tính giáo dục của văn chương mà đối tượng là thiếu niên, nhi đồng. Nguyễn Thái Hải chú ý đến sử dụng ngôn ngữ của trẻ, xây dựng hình tượng có những phẩm chất mẫu mực trong từng chi tiết nhỏ, miêu tả bối cảnh thiên nhiên, hình thành môi trường văn hóa, phong tục, lối sống và những ứng xử đời thường theo những chuẩn mực truyền thống. Tất nhiên ở mỗi truyện, trọng tâm giáo dục đặt vào những nội dung khác nhau. Ở lĩnh vực giáo dục, nhà văn Nguyễn Thái Hải là một người thầy hết sức tinh tế, cẩn trọng và chu tất trong việc giáo dục trẻ. Tính giáo dục trong tác phẩm của Nguyễn Thái Hải đã trở thành phẩm chất nghệ thuật.

Thí dụ, chuyện học sinh đánh nhau trong nhà trường (trong truyện Những trái sao xoay [[7]], lên lớp đệ lục 3, Triều bị Thành móm đấm vào mặt), các nhân vật đã hòa giải một cách tốt đẹp, nhân ái. Bài học giáo dục nằm ở chỗ, hành xử của nhân vật trở thành khuôn mẫu giáo dục cho trẻ khi đọc truyện (tác giả không thuyết lý). Kết quả học kỳ I của Triều chỉ đạt thứ hạng 24/45, nghĩ đến cha đang phải làm việc cật lực cho mình đi học, Triều tự nhủ phải quyết tâm hơn. Hoặc, mở đầu truyện Những trái sao xoay, Triều hứa với cha (ông Nguyễn) sẽ đi thi và thi đậu vào lớp đệ thất trường công (tr.4 đd), cuối truyện, khi Triều đã đậu tốt nghiệp Trung học đệ nhất cấp, ông Nguyễn nhắc Triều về lời giao ước ấy (tr. 80. đd). Cách kết cấu truyện như vậy cũng gợi ra nhiều ý nghĩa giáo dục.

Truyện Cha con ông Mắt Mèo hướng trẻ con đến ý thức sống lương thiện, tình yêu thương gia đình, mối quan hệ với mọi người, ý thức lao động tự lập. Ông Mắt Mèo nói với Út Đen: “- Con thấy không, bà con chòm xóm nghèo tiền lại thường giàu tình cảm. Khi mình hoạn nạn, bao giờ họ cũng sẵn sàng giúp đỡ hết lòng. Bù lại, mình phải sống sao cho có tình có nghĩa…”

Nguyễn Thái Hải nói về việc viết sai chính tả tiếng Việt trong truyện Thằng Heo sữa: Những ai viết một bài chính tả sai đến mười lăm lỗi như nó quả là đáng trách! Nghĩ thế, chính Heo sữa đã có “sáng kiến” mày mò tìm lỗi chính tả trong các tập truyện tranh vào lúc nó tranh thủ đọc trước khi bán. Có lần nó đã phát hiện ra trong một tập truyện, người ta cho nhân vật thám tử nói: “Tên trộm đã dấu cái máy vào trong lu gạo”, một tập khác thì viết: “Không ngờ đó lại là một học sinh xuất sắt”.”(đọc thêm truyện Mình khờ lắm, cũng về vấn đề chính tả tiếng Việt [[8]]

Truyện thiếu nhi Nguyễn Thái Hải đem đến cho trẻ nhiều tri thức đời sống:

Tín hỏi ba:

-Ba ơi, đèo là gì?

-Đèo là con đường bám theo sườn núi con à.

-Ba ơi, tại sao đi trên đèo con thấy khó thở quá?

-Vì không khí ở đây bị tù hãm. Khi ra khỏi đèo, con sẽ thấy thoáng đãng dễ chịu ngay thôi. (Nguồn: Truyện Anh em – chùm truyện Anh em Tín-Nghĩa, trong tập truyện Hai con diều bay thấp).

Đọc truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải, trẻ con học được nhiều điều tốt đẹp về cuộc sống xung quanh, cả tri thức phổ thông, kiến thức lịch sử, địa lý, phong tục tập quán, lối sống.

Nhà văn Nguyễn Thái Hải chú ý giáo dục trẻ những phẩm chất nhân bản, giáo dục văn hóa cộng đồng. Đó là lòng yêu thương con người, tình yêu thương cha mẹ, anh em, thầy cô, bạn bè, yêu thương những người bất hạnh, yêu quê hương đất nước, tinh thần trách nhiệm, ý thức dấn thân, tính hướng thiện. Truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải bao giờ cũng hướng trẻ về một thế giới tốt đẹp, về một quan điểm sống tích cực và về những thái độ ứng xử giàu phẩm chất văn hóa…Nói chung nội dung giáo dục trong truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải rất phong phú và tinh tế (các tập truyện: Cha con ông Mắt Mèo, Sao chim không hót, Một ngày hè ở biển, Khu vườn hạnh phúc, Hai con diều bay thấp,…)

Có điều tôi chưa lý giải được là, vì mục đích giáo dục mà Nguyễn Thái Hải viết truyện thiếu nhi, hay khi quan sát sinh hoạt của trẻ, ông thấy những điều các em làm chưa đúng chuẩn mực đạo đức, văn hóa chung, từ đó phát sinh ý thức giáo dục? Có thể hiểu tính giáo dục trong truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải là phẩm chất tự nhiên xuất từ tấm lòng nhà văn với trẻ. Xin đọc: các truyện Lá thư, Tiết học cuối năm, Trái banh sấm sét, Sao chim không hót…(trong tập truyện Sao chim không hót).

NHỮNG THỦ THUẬT TẠO NÊN PHONG CÁCH

1.Cách đặt tên nhân vật

            Tên nhân vật thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải là tên đặt theo cách gọi bình dân. Tên kèm với một từ chỉ đặc điểm con người mà người bình dân thường dùng. Cách gọi tên này là ngôn ngữ của trẻ. Thí dụ: Hưng kều, Hảo lùn, Tí sún, Sáu trọc, Heo sữa, chị Hồng “mo-rát (tập truyện Thằng Heo sữa); Út Đen, ông Mắt Mèo, Lân công tử (tập truyện Cha con ông Mắt Mèo); Triều xỉu, Thành móm, Hậu trọc, Thủy to đầu, Hưng trâu cui (truyện vừa Những trái sao xoay), Phùng nhựa, Quắn củi, Xuân gấu, Huyền thầy bói, Út hột mít, Thiên ăn mày giả (tập truyện Chuyện kể của chú bé phiêu lưu), Hổ mun, Rắn nước, Năng râu, Tý thuyền trưởng (truyện Ai cướp chiếc Laptop)…

2. Nguồn “tư liệu”

            Thường thì các nhân vật trong truyện thiếu nhi của tôi, chỉ giống nguyên mẫu khoảng một nửa, còn thì là hư cấu. Duy trong ‘Làm chị hai thật là oai’ thì khác hẳn. Đầu tiên tôi chỉ ghi nhật ký để sau này làm tài liệu sáng tác..”(đd).

Những thổ lộ như vậy của nhà văn Nguyễn Thái Hải giúp người đọc nhận ra “nguồn tài liệu sáng tác” của ông chính là đời sống hiện thực của các em mà ông đã ghi lại, rồi hư cấu thành truyện.

Có khi những “ghi chép” ấy đã là một truyện như trường hợp Làm chị Hai thật là oai. Có khi từ chất liệu đời thường, ông trích xuất một ít, rồi tạo một chủ đề để viết thành truyện (thí dụ: mảng hiện thực ông sinh hoạt ở Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh Đồng Nai). Xin đọc: Thầy trò cùng thi (trong tập Hai con diều bay thấp). Bầy Nai tung tăng trên sân trường,..)

Nhiều truyện là những vấn đề của sinh hoạt đời thường. Truyện Trái banh sấm sét kể: tan học, lớp Tuấn đá banh trên lề đường. Cú sút của nó bay ra đường làm người đi xe bị té. Về nhà ba nó nói nó lên bệnh viện thăm người bị té xe do bọn học trò đá bóng. May quá không phải do trái banh của nó. Nó nghĩ từ nay sẽ xin đá bóng ở sân cỏ…(Xin đọc  các tập truyện Sao chim không hót, Mơ làm thủ lĩnh, Một ngày hè ở biển, Hai con diều bay thấp…)

Có khi là truyện của chính tác giả lúc còn nhỏ tuổi (Những trái sao xoay), hay khi tác giả lúc đã là ông của các cháu (Làm chị Hai thật là oai).

Một nguồn khác mà ông mới triển khai về sau là những truyện khai thác chất liệu lịch sử, văn hóa (Bầy nai tung tăng trên đồng cỏ; Khí phách Biên Hùng, Đấng thiêng của K’Min)

Do đối tượng sáng tác là trẻ thơ trong đời thực mà trẻ con ở mỗi thời mỗi khác về hoàn cảnh sống (đời sống xã hội, văn hóa, trào lưu…) nên truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải cũng được “cập nhật” cho phù hợp, và vì thế có “tính thời sự” (Những trái sao xoay, Đấng thiêng của K’Min, Làm chị Hai thật là oai…)

Ở những truyện “du ký” viết cho thiếu nhi, Nguyễn Thái Hải hướng đến hai khát vọng của trẻ là được đi đây đó và được hiểu biết về thiên nhiên, đất nước, di sản, phong tục. Tính giáo dục thể hiện trực tiếp trong nội dung truyện kể (xin đọc: Ở thủ phủ cừu, Những mặt hồ lung linh mây trời, Một ngày đi ươi…)

3. Hư cấu sáng tạo

            Ở những truyện “hiện thực”, nhà văn chỉ dụng công trong việc kiến tạo tác phẩm, chọn chủ đề và thể hiện tư tưởng.

            Những truyện hư cấu, phiêu lưu, trinh thám, đồng thoại, giả tưởng đòi hỏi năng lực sáng tạo đặc biệt. Nhà văn phải xây dựng một cốt truyện hay, phải khắc họa được những nhân vật “gân guốc”, cá tính; phải đặt nhân vật vào những tình huống bất ngờ, nan giải và phải giữ được cấu trúc truyện, chặt chẽ, bí mật đến phút cuối. Xin đọc Cha con ông Mắt Mèo (hư cấu), Ai cướp chiếc Laptop, Thám tử học trò (trinh thám), Khu vườn hạnh phúc (đồng thoại), Phù Thủy áo vàng, con Mèo Lười và thằng Bí Đỏ (giả tưởng),…

            Cha con ông mắt Mèo là một truyện hư cấu. Người đọc không rõ truyện xảy ra ở vùng miền nào, vào thời gian nào (không gian và thời gian truyện không được xác định cụ thể). Nhà của Út Đen ở trong vùng của Tám Long, cha của Lân công tử, người có quyền lực có thể “còng đầu” Út, có thể “đuổi” Út khỏi vùng. Điều này thường có trong truyện xưa khi tác giả nói về tội ác của địa chủ, cường hào. Chi tiết: khách của bà Hai Ngọc bắn súng trúng chân trái của ông Mắt Mèo là điều không có trong hiện thực hôm nay. Nhà vườn nếu có súng (súng săn), sẽ bắn chỉ thiên để dọa kẻ trộm vườn, không bắn sát hại. Chuyện má của Út Đen viết thư cho ai đó (không được tác giả lý giải), và khi bị chồng hành hung, Má Út Đen quơ dao chém. Ông Mắt Mèo bị bất ngờ, lãnh đủ một dao nơi cánh tay trái. Máu ứa ra rồi chảy ròng ròng”, tôi không rõ phụ nữ Việt ở vùng miền nào lại hung dữ như vậy. “Trong cơn say, ông Mắt Mèo đã nói, không hiểu là nói một mình hay nói với Út Đen: – Chữ với nghĩa mà làm gì? Để viết thư cho trai hả?”. Út Đen là con trai, sao ông Mắt Mèo vì ghen với má Út mà cấm con học chữ? Út có bao giờ “viết thư cho trai”! Nếu Út là con gái thì Mắt Mèo còn có cớ. Tô đậm tình cha con ông Mắt Mèo mà bỏ quên tình mẹ con, lại miêu tả hiện tượng má Út Đen vác dao chém ba nó, tác giả có thể sẽ gây ra ác cảm của con đối với mẹ. Việc tác giả chất lên vai Út Đen gánh nặng kiếm sống, nuôi cha là quá sức trẻ, bởi vì Út mới mười tuổi rưỡi, (Út phụ việc phu hồ bị đuối sức, chú Năm thợ xây phải cho Út nghỉ mấy bữa)…Điểm qua một vài chi tiết nêu trên để thấy Cha con ông Mắt Mèo là một truyện hư cấu. Song điều quan trọng là tư tưởng-thẩm mỹ tác giả. Nhà văn muốn nói lên khát vọng của trẻ con trong gia đình đổ vỡ, khát vọng được yêu thương, được học hành, có cha có mẹ hiền lành (Út thích nghe ba nói gọi “con trai à”, thích cô y tá tên Trúc dịu dàng giúp đỡ nó). Truyện Cha con ông Mắt Mèo có đủ phẩm chất của một truyện hay, giàu ý nghĩa tư tưởng, dù là một truyện hư cấu. Đó chính là giá trị của năng lực sáng tạo của nhà văn.

            Ở những truyện đồng thoại, phiêu lưu, trinh thám, giả tưởng, tác giảnghiêng vềkhơi gợi trí tò mò, óc tưởng tượng, kỹ năng quan sát, khám phá và nhận thức của trẻ. Truyện cũng đem đến những hiểu biết nhất định về đời sống cho trẻ.

            Miu Miu hỏi Sẻ nâu: (Lớp học làng rừng)

– Tại sao hoa hướng dương màu vàng mà không màu đỏ.

– Vì hướng dương là hoa mặt trời, mà mặt trời thì màu vàng.

– Thế tại sao hoa hồng màu đỏ mà không màu xanh?

– Vì hoa hồng đẹp nhưng khiêm tốn nên luôn luôn đỏ mặt trước những lời khen.

Tất nhiên người đọc hiểu rằng những “tri thức” về hoa hướng dương, hoa hồng mà tác giả giải thích là hoàn toàn sáng tạo theo khả năng nhận thức của trẻ và mục đích giáo dục của nhà văn (truyện đồng thoại); sẽ rất khác với “tri thức” trong truyện dành cho lứa tuổi lớn hơn như Lớp nhiếp ảnh thiếu nhi của thầy Thăng Long đi săn ảnh các hồ ở Hà Nội (truyện Những mặt hồ lung linh mây trời – truyện hiện thực), tác giả đưa kiến thức lịch sử, địa lý chuẩn giáo khoa vào truyện:

“Hồ Gươm rộng 12 ha nằm ở trung tâm Hà Nội. Thời phong kiến hồ tên là Lục Thủy (Nước trong xanh), thời chúa Trịnh hồ được ngăn làm hai hồ Tả Vọng và Hữu Vọng, trong đó hồ Hữu Vọng đê duyệt thủy binh. Đời vua Tự Đức thì Hữu Vọng được gọi là hồ Thủy Quân. Qua thời Pháp, họ cho lấp phần hồ Thủy Quân để có thêm đất xây dựng cho Hà Nội.

Tên hồ Hoàn Kiếm xuất hiện cùng với truyền thuyết vua Lê Lợi đang đi thuyền dạo chơi trên phần hồ Tả Vọng thì một con rùa vàng nổi lên đòi lại thanh gươm mà Long Vương đã cho vua mượn để đánh đuổi giặc Minh. Vua liền trả gươm cho rùa thần. Từ đấy, hồ có tên là Hoàn Kiếm (Trả gươm)…

Xin đọc: Khu vườn hạnh phúc [[9]], Vụ án ba trái xoài, Ai cướp chiếc Laptop, Thám tử học trò, Phù Thủy áo vàng, con Mèo Lười và thằng Bí Đỏ…

THAY LỜI BẠT

            (Nhà văn Nguyễn Thái Hải cùng với học sinh trường TH THCS THPT Trương Vĩnh Ký, Tp Long Khánh, Đồng Nai 12 2023-ảnh trên Fb của nhà văn)

1.Tính đến nay (2023), nhà văn Nguyễn Thái Hải đã xuất bản 42 tập truyện cho thiếu nhi. Đó là một gia tài đồ sộ và rất giá trị cả về văn chương và giáo dục. Ông cũng dành tâm huyết cho các hoạt động văn học thiếu nhi như: 10 năm phụ trách tờ báo Dưới mái trường (1998-2008, Hội VHNT Đồng Nai); cũng 10 năm sinh hoạt với Câu lạc bộ sáng tác văn học Nhà thiếu nhi tỉnh Đồng Nai, tổ chức các trại sáng tác, ươm mầm văn chương. Tôi nghĩ, ông xứng đáng nhận giải thưởng quốc gia vì sự nghiệp sáng tác cho thiếu nhi.

            2. Nghệ thuật viết truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải có thể giúp ích rất nhiều cho các cây bút trẻ về tìm nguồn tài liệu, về thử sức ở các thể loại, và đặc biệt là sự kết hợp “chất văn chương” và “tính giáo dục” để viết một truyện hay, giàu ý nghĩa giáo dục cho trẻ.

            3. Cho đến nay, nhà văn Nguyễn Thái Hải đã có những truyện hay, giàu ý nghĩa giáo dục đạt giải (Cha con ông Mắt Mèo, Hai con diều bay thấp); đặc biệt là trên kệ sách của nhiều nhà phát hành, nhiều truyện thiếu nhi của ông đã “hết hàng”, nghĩa là ông có một số lượng độc giả đồng đảo trong cả nước, nhưng những công trình nghiên cứu, những luận văn Thạc sĩ, Tiến sĩ viết về truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải chưa nhiều; ngay cả những bài nghiên cứu về truyện thiếu nhi Việt Nam của các PGS-TS Võ Văn Nhơn & Nguyễn Bảo Châu (ĐHSP Tp HCM) cũng không hề nhắc đến tên Nguyễn Thái Hải; hoặc Nguyễn Thanh Tâm trong chuyên luận Bí mật tuổi trăng non cũng chỉ nhắc đến Nguyễn Thái Hải một cách hời hợt và sai sót [[10]]; hơn thế, truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải cũng chưa được chọn đưa vào sách giáo khoa. Tôi chưa lý giải được hiện tượng này. Phải chăng tác phẩm văn chương của Khôi Vũ vang danh hơn, lấn át hơn hẳn truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải. Khôi Vũ đã hai lần đạt giải của Hội Nhà văn viết Nam với tác phẩm Lời nguyền hai tram năm (1990) và Sông Luộc ở phương Nam (2020)?

            4. Khôi Vũ-Nguyễn Thái Hải đã lớn lên ở Đồng Nai từ lúc nhỏ (gia đình ông đến Biên Hòa từ cuối 1955, lúc ông mới 5 tuổi (Nhớ Biên Hòa, tự truyện, tr.4). Như vậy, ông là người Đồng Nai, là nhà văn Đồng Nai. Sau nhà văn Hoàng Văn Bổn, Lý Văn Sâm thì nhà văn Khôi Vũ-Nguyễn Thái Hải là người có sức sáng tạo thật đáng nể. Số lượng tác phẩm của ông thật đồ sộ. Bối cảnh, nhân vật, những vấn đề của hiện thực Đồng Nai trở thành chất liệu cho sáng tác của ông, và ông gửi gắm trong đó tâm huyết của cả một đời viết văn. Ông viết văn với một ý thức trách nhiệm rất cao [[11]]. Đó là một đóng góp rất quý giá cho văn học, văn hóa (ông cũng viết nhiều sách văn hóa) của miền đất này.

            Năm nay ông đã 73 tuổi, xin chúc mừng cho những ước vọng từ thời còn là học trò đến nay ông đã đạt được. Kính chúc ông sức khỏe để tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho văn chương nghệ thuật, và đặc biệt cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng.

Tháng 12/ 2023


[1] Trần Hoàng Vy-Cây viết có duyên với truyện thiếu nhi

  http://toquoc.vn/cay-viet-co-duyen-voi-truyen-thieu-nhi-99125294.htm

[2] Bùi Công Thuấn-Truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải-PHỤ LỤC

[3] Kim Ngân-Hạnh phúc khi được “va chạm” với tuổi thơ.(11/9/2014)

https://cuoituan.tuoitre.vn/hanh-phuc-khi-duoc-va-cham-voi-tuoi-tho-641968.htm

[4] Bùi Công Thuấn-Truyện Tuổi Hoa của Nguyễn Thái Hải

[5] Dẫn theo Hoàng Hà-Văn nghệ Đồng Nai (bài đăng trên trang FB của Nguyễn Thái Hải.

[6] Nguyễn Thái Hải

  Một ngày đi ươi: https://vanvn.vn/mot-ngay-di-uoi-truyen-viet-cho-thieu-nhi-cua-nguyen-thai-hai/

  Mùa bắt dế cơm: VNĐN số 41 – tháng 01 & 02 năm 2021

  Những mặt hồ lung linh mây trời: https://vanvn.vn/nhung-mat-ho-lung-linh-may-troi-truyen-thieu-nhi-cua-nguyen-thai-hai/

[7] Nguyễn Thái Hải-Những trái sao xoay. Nxb Kim Đồng, Hà Nội. 1993. Tr. 44

[8] Nguyễn Thái Hải-Mình khờ lắm

http://vanthothieunhi.blogspot.com/2012/11/minh-kho-lam-truyen-cua-nv-nguyen-thai.html#more

[9] Bùi Công Thuấn: Những thú vị trong “khu vườn hạnh phúc”

http://buicongthuan.vn102.space/2021/07/31/nha_v_n_khoi_v_khu_v_n_h_nh_phuc

[10] Thanh Tâm Nguyễn-Bí mật tuổi trăng non. Phê bình văn học dành cho lứa tuổi 13+.Nxb Kim Đồng.

   Luận văn NCS Trần Thu Hà: Thi pháp truyện viết cho thiếu nhi Việt Nam đương đại 

https://ussh.vnu.edu.vn/vi/dao-tao/luan-an/tom-tat-luan-an-ncs-tran-thu-ha-19803.html

   Lê Văn Nhiệm-Đặc điểm nghệ thuật truyện viết cho thiến nhi của Nguyễn Thái Hải.

   (Luận văn Thạc sĩ 2021-Trường Đại học Thủ Dầu Một)

Võ Văn Nhơn & Nguyễn Bảo Châu-Văn học tuổi mới lớn ở Việt Nam. Nguồn: Tạp chí  khoa học trường đhsp tp hcm tập 18 số 7 2021.

[11] Nguyễn Thái Hải: Trong truyện Thằng đầu bò (1989), kể lại câu chuyện cây đa bị cháy, ông viết: “Tôi là người viết văn, rất cần đến trí tưởng tượng. Nhưng tưởng tượng không bao giờ đồng nghĩa với bịa đặt, dẫu như Quán nói, trong trường hợp này sự bịa đặt chẳng hại gì ai! Quán có phần lý của mình, nhưng anh ấy còn không biết một điều: chuyện bịa đặt năm ấy làm lòng tôi nhức nhối.”

TRUYỆN THIẾU NHI CỦA NGUYỄN THÁI HẢI-PHẦN PHỤ LỤC

Bạn có thể đọc các bài viết chính của Bùi Công Thuấn theo link:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

 Bùi Công Thuấn

***

(BCT và nhà văn Khôi Vũ – Nguyễn Thái Hải tại lễ trao giải Trịnh Hoài Đức lần thứ V ngày 31/12/2022)

***

Nhà văn Khôi Vũ tên thật là Nguyễn Thái Hải, sinh năm 1950, quê Thái Bình. Ông tốt nghiệp đại học Dược năm 1973, là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1990). Ông là nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, một người hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở Đồng Nai. Ông sử dụng 2 bút danh. Khôi Vũ là bút danh viết tác phẩm cho người lớn. Nguyễn Thái Hải là bút danh viết truyện cho thiếu nhi. Tính đến năm 2023, ông đã xuất bản 42 tập truyện thiếu nhi (truyện dài, truyện vừa và truyện ngắn). Danh mục tác phẩm dưới đây chưa đầy đủ, đó là chưa thống kê truyện Tuổi Hoa ông viết cho tuổi mới lớn. Ông đã hai lần nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam: Tiểu thuyết Lời Nguyền Hai Trăm Năm đoại giải A năm 1989-1990 và tiểu thuyết Sông Luộc ở phương Nam đoạt giải Ba cuộc thi tiểu thuyết lần thứ năm (giai đoạn 2016 – 2019).

Phần tóm lược nội dung một số tác phẩm của Nguyễn Thái Hải được dùng để minh họa cho bài viết về truyện thiếu nhi của ông.

DANH MỤC SÁCH THIẾU NHI CỦA NGUYỄN THÁI HẢI

            1. Màu xanh học trò. 1969

            2. Hoa tầm gửi (truyện vừa. 1970)

            3. Chiếc lá thuộc bài (truyện vừa. 1971)

            4. Ngoài cửa sổ (truyện vừa. 1971)

            5. Mùa sương mù (truyện vừa. 1971)

            6. Tiếng hát vành khuyên (truyện vừa. 1972)

            7. Xóm nhỏ (truyện vừa. 1972)

            8. Những dòng mực tím (1972)

            9. Nhóm lửa (truyện vừa. 1973)

10. Lá tủi thân (1973)

11. Con dốc cổng trường (truyện vừa. 1975)

12. Cô nhỏ Trúc Quan Âm (01/1975)

13. Bên bóng Thái sơn (truyện vừa 1989)

14. Thằng đầu bò (tập truyện ngắn. 1989)

15. Ba chàng thám tử (truyện vừa. 1992)

16. Cha con ông Mắt Mèo (truyện vừa. 1993)

17. Những trái sao xoay (truyện vừa 1993)

18. Những ông tướng nhà trời (truyện vừa. 2002)

19. Chú bé phiêu lưu (tập truyện ngắn. 2002)

20. Thằng heo sữa (truyện vừa.2003)

21. Cánh chuồn kim biếc (truyện dài 3 tập. 2004)

22. Cây trứng cá gẫy ngọn (truyện vừa. 2006)

23. Sao chim không hót (tập truyện. 2011)

24. Mơ làm thủ lĩnh (Truyện vừa. 2011)

25. Một ngày hè ở biển (tập truyện. 2012)

26. Ai cướp chiếc laptop? (Tập truyện 2013)  
27. Khu vườn hạnh phúc (Truyện đồng thoại 2014)
28. Hai con diều bay thấp (Tập truyện 2014)  
29. Những sợi tóc sâu của mẹ (Tập truyện)
30. Lớp học làng rừng (Truyện đồng thoại 2015)
31. Mèo con đã lớn lên như thế (Truyện đồng thoại 2016)
32. Vụ án ba trái xoài (Tập truyện)
33. Bầy nai tung tăng trên đồng cỏ (Bộ truyện thiếu nhi 4 tập 2018)

34. Thám tử học trò (Bộ truyện thiếu nhi 6 tập)
35. Khí phách Biên Hùng (Truyện lịch sử 2020)

36. Phù Thủy áo vàng, con Mèo Lười và thằng Bí Đỏ (2021)

37. Cùng nhau đi lên (tập truyện 2021).

38. Đấng thiêng của K’Min (2021)

39. Làm chị Hai thật là oai (2023).

TÓM LƯỢC NỘI DUNG TÁC PHẨM

***

NHỮNG TRÁI SAO XOAY

Nxb Kim Đồng 1993

Nguyễn Thanh Triều, con ông Nguyễn.  4 tuổi Triều đã phải ly hương. Lên 6 tuổi, Triều mắc bệnh thương hàn nằm chờ chết.  Có bao nhiêu tiền bạc, cha mẹ Triều dốc hết vào việc chạy chữa cho con. Sau 3 tháng điều trị, Triều khỏi bịnh. Từ ngoại ô Sài gòn Ba má Triều dọn nhà về tỉnh Biên, nơi ấy người ít vốn dễ đắp đổi qua ngày. Triều học ở một trường tư gần nhà: lớp Nhì, lớp Nhất, và đậu bằng Tiểu học. Triều thi đậu vào Đệ thất trường công. Thấm thoát Triều đã học xong 4 năm Trung học đệ nhất cấp. Thi tốt nghiệp, Triều được hạng Bình. Ộng Nguyễn tổ chức tiệc mừng dịp Triều tròn 15 tuổi. Triều đạt được hai ước mơ: ước mơ thứ nhất là có được căn gác riêng do Ông Nguyễn làm cho con. Ước mơ thứ hai là trở thành văn sĩ. Bạn bè báo tin truyện “Cú đấm” của Triều được đăng trên báo “Học trò”. Tòa soạn còn nhắn tin: “Ban biên tập muốn gặp tác giả Nguyễn Thanh Triều, các truyện “Anh bi của tôi”, “Ba má và đêm trung thu của con”, sẽ đăng các số sau”. Ông Nguyễn nhắc con lời Triều hứa khi vào học lớp đệ Thất. Triều nói: -Thưa ba nhớ, chính vì vậy mà con đã cố gắng” (tr.80).

CHA CON ÔNG MẮT MÈO

(Nxb Trẻ. 1993)

Út Đen là con trai của ông Mắt Mèo. Ông Mắt Mèo bị vợ bỏ theo trai nên rất ghét con học chữ vì ông cho rằng vợ ông có chữ nên viết thư cho trai. Trong một lần đi ăn trộm sầu riêng, ông Mắt Mèo bị trúng đạn ở chân. Do tự mổ lấy đầu đạn ra, ông bị nhiễm trùng nặng được ông Lý đưa vào bệnh viện. Ông chấp nhận cho bác sĩ tháo khớp để giữ tính mạng. Ông phải sống vì thằng con. Sau khi ông trở về nhà, Út Đen đi làm phụ hồ với chú Năm thợ xây để có tiền nuôi người cha tàn tật. Thời gian nằm ở nhà, ông Mắt Mèo luyện phóng dao và phóng đâu trúng đấy. Rồi ông và anh Tử Thanh lập gánh xiếc. Ông Mười Của, một địa chủ giàu có đề nghị ông Mắt Mèo một tiết mục rợn người: phóng dao quanh người Út Đen. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông Mắt Mèo đồng ý. Và tiết mục nguy hiểm đó đã diễn ra. Ngay khi phóng mũi dao cuối cùng sát người con, ông Mắt Mèo ôm con vào ngực ràn rụa nước mắt. Và ông quyết định bỏ nghề phóng dao, giải tán gánh xiếc và quyết tâm cho con ăn học nên người.

Nguồn: Thư viện Khoa học tổng hợp Tp HCM

https://phucvu.thuvientphcm.gov.vn/Item/ItemDetail/714067

SAO CHIM KHÔNG HÓT

(Tập truyện. Nxb Văn nghệ 2011)

Truyện nhẹ nhàng, có tính giáo dục cao, giàu lòng nhân ái. Nguyễn Thái Hải khai thác nhiều tình huống đời thường của trẻ trong tuổi học trò. Kết truyện luôn có sáng tạo, bật ra chủ đề. Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn. (phần tóm lược không chuyển tải được những đặc sắc nghệ thuật của ngòi bút Nguyễn Thái Hải)

Tóm lược nội dung các truyện ngắn:

1.Lá thư

Nghỉ hè, Tấn về ngoại chơi. Nó mải làm diều nên ngoại nhờ, nó cằn nhằn. Ngoại không nhờ nữa. Khi cậu Tám gửi thư về, có quà cho nó, nó ân hận mãi.

2.Tiết học cuối năm

            Tiết học cuối năm, Tiến khờ lớp Tám làm bài Hóa bị sai vì nghe bạn nhắc: sự khác biệt đường và muối là đường mắc hơn muối. Nó có lỗi với thầy vì nói dối. Thắng Khánh nhận lỗi. Thầy tha, cả lớp vui (Một chuyện hài nghiêm túc, sáng tạo)

3.Trái banh sấm sét

            Tan học, lớp Tuấn đá banh trên lề đường. Cú sút của nó bay ra đường làm người đi xe bị té. Về nhà ba nó nói nó lên bệnh viện thăm chị vì chị té xe do bọn học trò đá bóng. May quá không phải do trái banh của nó. Nó nghĩ từ nay sẽ xin đá bóng ở sân cỏ…

4.Cô bé lãnh thưởng một mình

            Linh là học sinh lớp Tám được phần thưởng hạng khá. Linh chỉ lãnh thưởng một mình, vì các bạn giỏi đã lên nhận phần thưởng. Ba mẹ và cô chủ nhiệm đã phát quà riêng cho Linh. Linh hứa…

5.Cánh cửa sổ không còn khép lại

            Công bị tai nạn pháo phải cưa hai chân. Nó ở nhà khép cửa không giao tiếp với ai. Một hôm nó nhờ tôi (Chú Hai) chuyển thư tới tòa soạn. Nó dịch bài khoa học. Cứ vậy, hôm nay nó nhờ tôi chuyển thư cám ơn tòa soạn vì đã sửa bài giúp nó rồi đăng…

6.Lại mưa (Một truyện đơn gỉan nhưng văn chương mềm mại, nhân ái. Tả cảnh hồ và từng rất nét)

                Lệ ở thành phố, đi dã ngoại rừng, quen Nhu. Mưa tầm tã, Nhu kêu “lại mưa”, Lệ cũng kêu “lại mưa” nhưng ý nghĩ khác nhau. Nhu đòi Lệ kể chuyện Sài gòn, vì đã xa Sài gòn 5 năm. Năm sau Lệ lại về thăm rừng, nhưng Nhu không còn nữa, chỉ còn chú Song, ba của Nhu. Chú cũng nói “lại mưa” nhưng không còn Nhu. Nhu đã chết vì sốt.

            7.Tha lỗi cho Hương chim nhé (Giàu tính nhân ái, kết nhân ái)

            Bố Hương mất, Hương phải ở với cậu Dương. Hàng ngày làm việc, Hương làm bạn với con chim. Hương hay bị mợ Dương đánh đòn ghét bỏ (vì phải gánh thêm Hương). Khi biết chuyện, cậu Dương gửi Hương ở nhà trẻ mồ côi. Con chim lại làm bạn. Vài hôm sau cậu Dương đến đón Hương về. Con chim mọi khi đã bị thằng Dụng dùng ná thun bắn chết. Hương xin lỗi chim.

8.Sao chim không hót

            Tùng Trần nghịch ngợm, bỏ học nhưng nó siêng làm và có nụ cười hiền. Nó bắt được con chim, bỏ trong lồng nhờ treo vườn nhà tôi (chị Thảo) để chờ nghe chim hót. Nhưng con chim không hót. Nó đòi về để làm thịt chim cho ba nhậu. Tôi mua lại con chim rồi thả. Chim bay lên cành cao hót. Thằng Tùng nhìn theo cười. Nó trả lại tiền cho tôi.

9.Con cám khổ: Kể lại chuyện Tấm Cám, loại bỏ thần thoại và cái ác.

10.Con ma trong buổi học nhóm

            Cả bọn 4H: Hiếu, Hạnh, Hùng, Hóa học nhóm, bị thằng Si đèn đèn gỉa làm “ma” ném đá chọc ghẹo. Cuối cùng cả bọn có ý định cho thằng Si đèn đèn học chung nhóm.

11.Khỏe như ý muốn

            Chí Kềnh kể chuyện hít được mùi thơ của vỏ cây mà mạnh như võ sĩ…(có chất thần thoại)

12.Nửa điểm thêm

            Hồng Loan giải nhất đơn ca, cô chủ nhiệm xin thêm nữa điểm để em được phần thưởng là chiếc áo dài, như thầy Mao trong Ban Giám khảo không chịu.

13.Thằng đầu bò

            Phải viết báo trường, bí quá Nguyễn Minh Toàn lớp 8 đem chuyện mình ra viết: Thằng đầu bò. Nó trở thành nổi tiếng vì bạn bè chọc ghẹo…nó phản ứng và biết xin lỗi bạn..

14.Sinh nhật

            Sinh nhật 14 của Phương, các bạn đến trễ.

15.Cái máy vi tính

             Ba tôi được thưởng 5 triệu, ông mua cho tôi cái máy vi tính, nhờ đó tôi học khá hẳn lên.

MƠ LÀM THỦ LĨNH

(Nxb Văn hóa-văn nghệ. 2011)

Lê Thanh Trung đang học lớp bốn trường tiểu học Liên Xã. Nhà nghèo, mẹ mất sớm, cha không có nghề nghiệp chuyên môn phải đi làm thuê công nhật nên cậu phải đi học trễ, lớn hơn các bạn cùng lớp tới bốn, năm tuổi. Ba cậu do có “tiếng tăm” sau một lần biểu diễn võ nghệ nhân dịp Tết nguyên đán nên sau đó được mời đi làm đội trưởng bảo vệ cho một công ty tư nhân trên thị trấn. Trung do lớn tuổi, có dáng người cao lớn, lại có chút võ nghệ ba truyền dạy cho nên được đám bạn cùng xóm, cùng lớp “nể sợ” tôn làm thủ lĩnh, cậu còn được đề cử làm lớp trưởng cũng do đặc điểm này. Bản thân Trung cũng “có chí” muốn làm thủ lĩnh…

(Nguồn: Đàm Chu Văn-Giới thiệu hai tập truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải Truyện dài Mơ làm thủ lĩnh và tập truyện ngắn Sao chim không hót, NXB Văn nghệ, 2011. https://baodongnai.com.vn/vanhoa/201106/gioi-thieu-hai-tap-truyen-thieu-nhi-moi-cua-nha-van-nguyen-thai-haitruyen-dai-mo-lam-thu-linh-va-tap-truyen-ngan-sao-chim-khong-hot-nxb-van-nghe-2011-2076806/)

Trung được lên lớp. Nó được ba tặng quà. Ông Quyền ba của Trung đang làm bảo vệ cho công ty. Trung thích nghe chuyện hảo hớn.

Trung được bầu lớp trưởng. Thứ Bảy, ông Quyền về, mua cho Trung cuốn Dôremo, còn hẹn mua TV. Thằng Tín ghẻ sang bàn chuyện sinh nhật con Kiều ve chai.

Thi Học kỳ I, cô chủ nhiệm đổi chỗ ngồi. Trung ngồi cạnh Dũng thầy tu, nó không làm được bài vì Dũng không giúp. Lúc ra về Hùng mậpTín ghẻ mượn cớ Dũng mươn bút Hero không trả định đánh Dũng thầy tu, may mà Trung can thiệp kịp.

Kết quả thi HK, Kiều ve chai nhất, Trung cũng khá. Lớp tổ chức cho Trung biểu diễn võ trong tiệc chúc mừng Kiều ve chai. Cả lớp bái phục Trung thủ lĩnh.

Gần tết Trung làm món cá đãi các bạn. Mùng 4 tết Trung can thiệp, bắt Thành gấu phải trả lại tiền cho Tín ghẻHùng mập bị nó trấn lột. Sau đó Thành gấu chạy về nhà, ba Thành gấu ra hăm dọa Trung, mọi người can. Rồi Thành gấu dẫn chú Tám đến nhà Trung gây sự. Trung chạy ra quán ông Lâm nhờ anh Toàn. Không ngờ anh Toàn và chú Tám quen nhau, thế là biến hung thành cát. Thành gấu phải xin lỗi

Trung làm toán được 6, bị ba la, Tín ghẻ bày kế làm bài kiểm tra giả, chấm 10 để qua mặt ông Quyền, ba của Trung. Chiều hôm ấy Trung nghe tin ba bị bọn xấu tấn công phải vào viện. Anh Toàn và xe công ty chở nó đi.

Trung coi ba ở bệnh viện 1 tuần rồi xin về vì bọn trẻ xóm dưới nói rằng nếu Trung biểu diễn võ cho chúng coi, chúng sẽ tôn làm thủ lĩnh. Cuộc đấu diễn ra, Trung bị khiêu khích mất bình tĩnh bị ngã và thằng đầu trọc đè lên…

Trung thua, Kiều ve chai can, nhưng bọn xóm dưới lại thách đấu. Nó ngủ mơ lại thua, mơ thấy má nó giận ba nó mà bỏ xứ về quê. Nó gọi má…

Trung đang tập giải toán thì bọn Tín ghẻ, Hùng mập đến rủ đi đánh nhau. Vì vừa giải được toán, Trung hưng phấn. Nó đè được Bình trọc thủ lĩnh xóm dưới.

Trung tổ chức học nhóm ở nhà, có ông Quyền giám sát

Giờ ra chơi nhóm của Trung tập trung ôn bài. Khi đội Thiếu niên tiền phong đề nghị Trung biểu diễn võ, Trung nhận lời ngay và còn muốn biểu diễn cho thầy cô coi. Không biết cuối tuần ông Quyền có mua thêm quà cho Trung kg?

MỘT NGÀY HÈ Ở BIỂN

(Nxb Văn hóa-Văn nghệ. 2012)

Có một chú bé mồ côi 12 tuổi, sống trong Nhà tình thương. Ban ngày, chú đi đánh giày kiếm sống, đêm về học lớp học tình thương. Chú yêu mến bạn bè cùng cảnh ngộ trong Nhà tình thương, thích kể cho mọi người nghe chuyện của bạn bè mình. Chú bé ấy đi khắp nơi trong thành phố, biết được, nghe được nhiều việc, nhiều điều trong cuộc sống. Vì thế chú cũng thích kể về những chuyện ấy. Còn một điều đặc biệt nữa, là chú rất thích làm việc nghĩa, thích giúp đỡ bạn bè và mọi người chung quanh. Những câu chuyện kể của chú bé có quen, có lạ; lại có cả chuyện như chỉ có trong trí tưởng tượng. Chẳng sao cả! Những đứa trẻ, và cả nhiều người lớn nữa (trong đó có tôi – người chép lại), đều thích nghe chuyện chú kể là vui rồi. Mọi người quen gọi chú là Chú bé Phiêu Lưu, chẳng ai còn quan tâm tới tên họ thật của chú bé nữa! …

(https://www.fahasa.com/mot-ngay-he-o-bien-truyen-thieu-nhi.html)

Nhặt được

Phiêu Lưu đứng trước của hàng búp bê, nói chuyện với các con búp bê trong tủ kính. Nó ao ước mua cho bé Oanh mồ côi con búp bê áo dài. Có khách xem hàng và mua 1 con. Khi bà ta đi, Phiêu Lưu nhặt được 1 tờ 100USD. Phiêu Lưu nghĩ rằng đó là tiền của bà khách và chờ bà trở lại để trả cho bà. Nhưng mấy ngày rồi bà ta không trở lại. Không biết làm sao trả lại, Phiêu Lưu gửi bác Bụng Phệ chủ cửa hàng. Sau đó bác ta và anh công an khu vực bảo tiền đó thuộc về Phiêu Lưu. Phiêu Lưu mua quà cho các bạn khác, và mua cho mình một cái áo. Sau đó bà khách hôm trước trở lại mua hàng. Phiêu Lưu trả lại đồng USD cho bà nhưng bà nói không phải của bà. Phiêu Lưu được quyền sử dụng tiền ấy. Bà khách cười rất tươi. Phiêu Lưu tự hỏi bà khách cười gì? Hay cười mình

Bóng lăn

Phùng “nhựa” là tay bắt bóng rất dính, nó được đưa vào đội bóng thiếu nhi, nhưng nó 13 tuổi, tôi nói với các bác các chú phụ trách đội bóng, họ bảo để Phùng ở đội, kể cả Phùng cũng chiều ý họ. Tôi xin đi theo đội bóng thi đấu ở huyện xa. Tôi được sai viết danh sách đội bóng. Tôi đưa tên Phùng vào đội thiếu niên. Chuyện bị vỡ lở, tôi bị đuổi khỏi đoàn. Khi trận đấu bắt đầu, Phùng ngồi ghế dự bị. Đội bị thua. Hiệp hai Phùng được vào, nó giữ cho đội nhà vững lưới và gỡ được 1 trái. Trận chung kết, đội bóng gặp lại đội chủ nhà và huề. Đá phạt đền, nó bắt trái thứ ba. Đội đá ra ngoài 1 trái. Trái cuối cùng nó bay người bắt bóng. Trái bóng đập trúng mặt nó. Mặt nó chảy máu. Khi về nhà bác bụng Phệ mang giấy mời của phường cho tôi, Suốt đêm lo lắng tôi không ngủ. Sáng hôm sau đến phường, người ta tổ chức tổng kết, tôi được thưởng 15 nghìn, bằng số tiền trôi trích quỹ nhặt được bồi dưỡng Phùng. Đội bóng được cử đi dự thi toàn quốc, không biết người ta có cho tôi đi không.

Một ngày hè ở biển:

Huyền có ước mơ học đến khi thi được Tú Tài. Huyền dễ thương vì khéo ứng xử. Nó trở thành Huyền thầy bói từ chuyến đi lạc và ngủ quên trong một hang động ở Vũng Tàu. Nó nhìn mọi người và nói đúng ý nghĩ của họ. Lúc mọi người đang tắm thì nó hớt hải đi tìm anh Tiết Đinh San báo có người chết đuối vì nó nghe được tiếng kêu. Anh Tiết chạy đến và lặn. Hồi lâu vớt được chú bé đã gần chết ngạt. Chú bè được cứu và trả lại cho cha mẹ nó. Mẹ chú bé đeo vào cổ Huyền sợi dây chuyền. Cha chú bé hứa đài thọ cả đoàn đi Đàlạt. Huyền lại nhìn mọi người và nói đúng ý nghĩ của họ, cả của tôi nữa, tôi định viết câu chuyện về Huyền.Tôi không nhìn Huyền để dấu nỗi lo rằng Huyền sẽ trở thành con nuôi của ông bà ở Đà Lạt mà bỏ chúng tôi

AI CƯỚP CHIẾC LAPTOP

(Tập truyện. Nxb Văn hóa-Văn nghệ. 2013)

                “Ai Cướp Chiếc Laptop?” là chuyện diễn ra trong một gia đình “Tứ hành xung” gồm ông Thân, bà Hợi và hai con là là Hổ munRắn nước. Sau khi họ bán nhà và chuẩn bị chuyển từ Xóm Biển – Vũng Tàu về ngoại ô Đà Lạt, thì anh Long, con bác sĩ Hoàng (người mua nhà), bị cướp mất chiếc laptop…. Câu chuyện là quá trình gian nan truy tìm thủ phạm của ba cha con ông Thân:

Không còn bao lâu nữa gia đình Hổ Mun sẽ dọn nhà dời lên vùng ngoại ô Đà Lạt. Buổi sáng Hổ Mun tập thể dục ở biển thì nhặt được cái vỏ cặp do sóng biển hất lên, nó đem về. Nó định xin má mua vé số, nếu trúng thì mua cái máy tính xách tay vì đã có vỏ bọc rồi

Lớp 9/1 của Hổ mun đã được nghỉ. Nó dự tiệc chia tay với bọn trẻ xóm biển rồi về nhà chuẩn bị đồ đạc. Đêm ấy nó khó ngủ…

Buổi sáng Hổ mun cũng đi tập thể dục ở biển. Khi về thì nhà có khách. Đó là Bs Hoàng và anh Long ở nhà bên cạnh. Lúc ra về anh Long muốn xem cái túi xách mà Hổ nhặt được. Đó là túi đựng máy tính của anh. Trên đường từ sân bay về Vũng tàu, lúc anh xếp hành lý, hai thanh niên lạ mặt giật mất túi xách. Hổ mun cùng với ba đi chợ sách, nó và em nghi ngờ đã gặp 2 thanh niên ở xóm biển.

Tiệc chia tay với lớp 9/1, Hổ mun sẽ nhớ nhất nhỏ Phương. Trên đường về Xóm Biển, nó tông xe vào 1 tên say. Đó là Phúc mới nhậu. Nó về bàn với Nhỏ Rắn, có lẽ bọn Phúc mới bán laptop nên có tiền nhậu. Nó định báo cho má.

Ông Thân và con là Rắn nước đi dạo bờ biển rồi vào quán ông Năng Râu uống nước. Họ nhận được tín hiệu về Phúc. Lúc về thì đúng là Phúc và 1 thanh niên nữa vù xe qua mặt.

Hổ munRắn nước sang nhà nhỏ Phương chia tay. Ở đây nó nhận thông tin mới mua máy tính cũ ở tiệm Tia Chớp. Nó nghi nghờ.

Tối hôm sau ba cha con ông Thân ra cửa hàng Tia Chớp nhờ mua máy cũ.

Hôm sau anh Bé đến hỏi nhà ông Thân rồi sang nhà Bs Hoàng nhưng không ai nhận là hẹn mua máy. Hổ mun gặp Tý thuyền trưởng ở bãi biển, nó phi xì ke mềm người, nó quyết định gặp ông Sửu lồi, ba Tý thuyền trưởng báo tin.

Gần ngày dời nhà, anh em Hổ mun xin phép đi chơi. Nó leo lên tượng Chúa. Ông Thân quyết định đình chỉ phá án vì thời gian đã hết. Công an mời 3 cha con ông Thân lên làm việc. Có cả ông Phước và anh long, cả người tên Bé ở cửa hàng Tia Chớp bán máy cho ông Phước. Rắn nhỏ kiểm tra máy, đúng tín hiệu máy của anh Long

Công an khen gia đình ông Thân. Họ chia tay, mọi người lên đường.

KHU VƯỜN HẠNH PHÚC

(truyện đồng thoại của Nguyễn Thái Hải. Nxb Trẻ 2014)

Khu Vườn Hạnh Phúc chỉ là một khu vườn nhỏ, nhưng trong mắt nhà văn, mọi thứ đều mới mẻ và lung linh sắc màu. Đó là một hành trình khám phá sáng tạo. Không gian nghệ thuật là khu vườn xinh xắn với hàng chục cây ăn trái bao quanh, giữa có một sân cỏ rộng. Khu vườn ấy còn có cây táo sai trái và vô số những chậu hoa. Một góc sân cỏ, cây nhãn lòa xòa với căn nhà gỗ nhỏ xíu của ông Lu Lu cùng Mi Lu Anh và Mi Lu Em-hai chú chó nhỏ dễ thương… Trong vườn, còn có một chuồng chim bồ câu, một đàn gà, cô mèo nhỏ Miu Miu, bướm, đàn kiến, ếch, nhái, gián, rắn, chuột xù, ốc sên, gió và hoa quỳnh… Nhà văn đã khám phá ra một xã hội sinh động, đầy sức sống với những sinh hoạt, những biến cố, những con người, chứa đựng cái đẹp và những bài học thú vị dành cho bạn nhỏ…

… Tôi tâm đắc những điều Nguyễn Thái Hải nói với trẻ về tính cộng đồng, lối sống tình nghĩa, về bảo vệ những giá trị nhân bản (lòng yêu thương, đức hy sinh, sự tương kính…) và giá trị truyền thống (tinh thần đoàn kết, tính trung thực, lòng nghĩa khí, thái độ quyết liệt đối với cái xấu, cái ác…).[[1]]

HAI CON DIỀU BAY THẤP

(Nxb Văn hóa văn nghệ. 2014)

16 truyện khai thác những điều có thật xảy ra trong cuộc sống thường ngày của trẻ em ở khắp mọi nơi mà tác giả có dịp đến thăm, tìm hiểu và cùng trò chuyện. Các câu chuyện được viết với giọng văn nhẹ nhàng, vui tươi, hóm hỉnh nhưng cũng ẩn chứa nhiều bài học sâu sắc, mang tính giáo dục cao về tình yêu thương con người, yêu quý thiên nhiên.

Đó là sự thích thú của trẻ em ở nơi vùng sâu, vùng xa khi có được một chuyến đi ra trung tâm huyện lãnh thưởng trong truyện ngắn Đắk Lua xa lạ – Là sự tò mò, khám phá thế giới xung quanh mỗi khi có được một chuyến du lịch xa trong truyện Anh em Tín – Nghĩa – Là cách biểu hiện tình yêu thương của trẻ con rất chân thành và tự nhiên trong truyện ngắn Anh em.

Đặc biệt, nhà văn Nguyễn Thái Hải cũng thể hiện được sự đồng cảm của trẻ thơ đối với những cảnh đời bất hạnh trong truyện ngắn Hai con diều bay thấp: “Sao bạn lại cuộn dây cho diều mình bay thấp? Hai con diều kia là bạn nhau rồi, con bay cao, con bay thấp là không đẹp”…

            (Nguồn: lời giới thiệu của nhà sách-https://nhanvan.vn/products/hai-con-dieu-bay-thap)

BẦY NAI TUNG TĂNG TRÊN ĐỒNG CỎ

(Nxb Văn hóa-Văn nghệ 2018)

Bối cảnh của bộ truyện Bầy nai tung tăng trên đồng cỏ là những cuộc “phiêu lưu”, trải nghiệm thực tế của các em thiếu niên trong CLB Phóng viên nhỏ.

 “Bầy nai tung tăng trên đồng cỏ” bắt đầu từ chuyến tham quan Cù lao Phố của các trại sinh ở Nhà thiếu nhi. Trong chuyến đi, các trại sinh được tìm hiểu về lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai. Bằng cách để cho trại sinh tự kể những hiểu biết của mình về Cù lao Phố qua những sử liệu nhỏ về Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu từ miền Trung vào miền Nam kinh lược và thiết lập nền hành chính cho toàn xứ Đồng Nai; hay chuyện kể về “huyền thoại” ở chùa Đại Giác, chùa Chúc Thọ… nhà văn Nguyễn Thái Hải đã dẫn dắt bạn đọc nhí đi từ sự tò mò này đến sự tò mò khác, để tiếp tục cùng CLB Phóng viên nhỏ trong hành trình khám phá quê hương Đồng Nai. Cả những vùng miền trái cây Long Khánh, đá ba chồng Định Quán, núi Chứa Chan …

(Nguồn: https://www.fahasa.com/bay-nai-tung-tang-tren-dong-co-tap-3-4.html)

KHÍ PHÁCH BIÊN HÙNG

(Truyện lịch sử. Nxb Đồng Nai. 2019)

 “Khí phách Biên Hùng” viết về các nhân vật lịch sử Nguyễn Đức Ứng, Đoàn Văn Cự, 9 thủ lĩnh trại Lâm Trung của Biên Hòa – Đồng Nai. Đây là tác phẩm viết về những sự kiện lịch sử xảy ở vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Các anh hùng được dân lập mộ và lập đền thờ ở Đồng Nai.

PHÙ THỦY ÁO VÀNG, CON MÈO LƯỜI VÀ THẰNG BÍ ĐỎ

(NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. 2021)

Chuyện kể rằng: thành phố Ánh Dương có cửa hàng sách mang tên Sống Xanh do một phụ nữ tên Lam làm chủ. Cửa hàng này không lớn nhưng bán đủ loại sách: văn học, khoa học kỹ thuật, truyện thiếu nhi, truyện tranh, danh nhân thế giới, danh nhân Việt  Nam…Nó còn được dùng để chiếu phim, bán đồ chơi, kem, mời diễn giả nói chuyện về sách… Nếu chỉ thế thôi thì cửa hàng này cũng… bình thường, chẳng có gì lạ.

Điều bất thường là ở chỗ, ban đêm cửa hàng trở nên sống động nhờ sự xuất hiện của 3 nhân vật đặc biệt, ở ngay trong cửa hàng: Mèo Lười, ông Phù Thủy và thằng Bí Đỏ. Mèo Lười là cô mèo lai Singapore có bộ lông trắng toát, đuôi xù như búi bông gòn và mập ú vì có nhiệm vụ canh chuột nhưng cả ngày chỉ lo… ngủ. Ông Phù Thủy là món đồ chơi bày trên kệ sách, một nhân vật quen thuộc của lễ hội hóa trang Halloween.

Không giống phù thủy “kinh điển” là mụ già áo đen, mặt choắt, cưỡi trên cán chổi, ông Phù thủy này có bộ mặt bầu bĩnh phúc hậu, đôi mắt tinh nhanh, đầu đội mũ chóp cao, tay cầm gậy phép. Ông mặc áo màu vàng nên có tên gọi “Phù Thủy áo vàng”. Thằng Bí Đỏ cũng là một món đồ chơi bị… ế, gồm cái đầu có hình trái bí ngô được vẽ mắt, mũi, miệng, tai, trên trán không có tóc mà chỉ có… một cái cuống bí trơ trọi.

Kết truyện, thằng Bí Đỏ rời cửa hàng sách vì may mắn được một cậu bé… mua, ông Phù Thủy áo vàng cũng may mắn được một khách hàng nhí đưa về nhà, cô bé này còn phát hiện ra ông là “Nhà ảo thuật” chứ không phải Phù Thủy như bao lâu nay bị tiếng oan, riêng cô Mèo Lười thì vẫn ở lại nhà sách nhưng mang một cái tên mới dễ thương: Mèo Bông.

Nguồn: Hồng Ngọc: Nhà văn Nguyễn Thái Hải với “Phù thủy áo vàng, con mèo lười và thằng bí đỏ”  

ĐẤNG THIÊNG CỦA K’MIN

(Truyện dài. Nxb Đồng Nai. 2021)

Cuốn sách tạm chia làm 4 chương chính: Người Mạ sinh ra từ đá, Ơi con chim B’rling, Rừng là đấng thiêng, Muốn ăn măng thì chui vào bụi và đoạn cuối kết thúc.

Từ chuyến đi thực tế về vùng Tà Lài, Nam Cát Tiên tác nghiệp, nhạc sĩ Cao gặp gia đình em K’Min. Ông K’Bao, cha của K’Min là trạm trưởng Kiểm lâm, phát hiện 3 kẻ lạ mặt đi “phượt” có hành tung đáng nghi ngờ là săn voi lấy ngà. Nhưng chính 3 người đi phượt này phát hiện một nhóm 4 người  khác săn bò tót theo đơn đặt hàng của một nhà giàu tổ chức đám cưới cần món thịt bò tót đãi khách. 2 người trong nhóm 4 người xấu săn bò tót này bị bắt và sẽ được xử lý.

Truyện có chất trinh thám, ly kỳ; xen lẫn những bài dân ca Mạ mang tính nhân văn: Muốn ăn măng thì chui vào bụi/ Muốn bắt dê thì hãy vào chuồng/ Muốn thành người cầm đầu phải nhìn đến dân.

(Nguồn: Trần Phi Châu-Đấng thiêng của K’Min

https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202205/dang-thieng-cua-kmin-3116077/

LÀM CHỊ HAI THẬT LÀ OAI

Nxb Văn học 2023.

Chuyện bắt đầu từ đầu năm học mới khi “Chị Hai” phải học trực tuyến có ông nội ngồi kèm. Buổi chiều, ông nội ghi lại chuyện diễn ra trong các buổi học sáng cùng chuyện của “Chị Hai” trông em ở nhà vào máy vi tính của ông, rồi bảo “Chị Hai” đọc đoạn văn vừa viết ấy. Chỗ nào “Chị Hai” đọc sai hay sót chữ thì ông nhắc để đọc lại cho đúng. Ngược lại, khi phát hiện một chữ nào bị sai dấu – do hai năm nay mắt ông nội bị mờ – thì “Chị Hai” nhắc để cho ông sửa. Cứ thế, hai ông cháu cùng nhau “hợp tác” viết và sửa chữa cho đến khi “Chị Hai” được đi học trực tiếp tại trường thì câu chuyện dừng lại.

Chuyện có thật là như vậy.

Các bạn học sinh tiểu học, và lớn hơn nữa, đều có thể tìm thấy nhiều hình ảnh quen thuộc của mình trong câu chuyện này. Kể cả các bạn học xong lớp một cũng có thể đọc một cách thích thú.

            (Nguồn: Giới thiệu sách của Netabooks

https://www.netabooks.vn/lam-chi-hai-that-la-oai)


[1] Bùi Công Thuấn: Những thú vị trong “Khu vườn hạnh phúc

http://buicongthuan.vn102.space/2021/07/31/nha_v_n_khoi_v_khu_v_n_h_nh_phuc

HOÀNG VĂN BỔN & TRUYỆN THIẾU NHI

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

Bùi Công Thuấn

Năm 1996, Nhà xuất bản Đồng Nai đã xuất bản “Tuyển tập thiếu nhi Hoàng Văn Bổn” gồm 2 tập, độ dày hơn 800 trang. Nhà văn Trần Thu Hằng đã có bài viết rất sâu sắc về tuyển tập này khi đọc những truyện: Tướng Lâm Kỳ Đạt, Ó Ma Lai, Lũ chung tôi [[1]]. Tôi chỉ xin đọc thêm Theo dấu người xưaTuổi thơ ngọt ngào của ông để nhận dạng thêm truyện viết cho thiếu nhi của nhà văn thế hệ kháng chiến. 

THEO DẤU NGƯỜI XƯA.

Tiểu thuyết viết cho thiếu nhi của Hoàng Văn Bổn. Nxb Đồng Nai. 1986

Nội dung

Út quê làng Bình Long, 11 tuổi. Ngày ngày Út gánh 2 thúng bún đi bán dọc xóm Lò Heo. Ở đây Út quen với cha con ông Hai xích lô và con Năm bán sinh tố. Anh của con Năm là chuẩn úy Đực Xồm. Trời mưa, Út ghé vào bãi tha ma. Út nhớ lại cảnh cha mình bị Đại úy Chi khu trưởng Tân Phú-Bình Long và 5 tên lính quần áo rằn ri bắt. Chúng nói ông là Bí thư huyện. Sau đó Út được ông Hai xích lô chở lên bán ở xóm Cây Chàm.

Ở xóm Cây Chàm, Út bị băng của công tử Đầu Rìu (4 đứa nhỏ khoảng 12, 13 tuổi) chặn đánh vì xâm phạm lãnh địa. Công tử Đầu Rìu là con Thiếu tá Chi khu trưởng Cây Chàm. Trong cuộc đụng độ với băng Đầu Rìu, Út đánh thắng. Từ đó Út được Đầu Rìu cho vào bán bún trong khu gia binh Chi khu Cây Chàm. Út ghi nhớ mọi chi tiết về những nơi nó đã đi qua. Út chú ý đến câu chuyện Đầu Rìu kể về một tù nhân là Bí thư trốn thoát.

Quen với cha con lão ăn xin Lãng tử và bé Ba (12 tuổi), Út thấy lão quan hệ với nhiều người, trong đó cóngười đàn ông cao lớn mặc đồ đại úy cảnh sát, người này có cái mặt giống Út. Bọn cảnh sát vây bắt ông ta. Chúng bảo ông là Bí thư Việt cộng trốn tù. Nhờ bà con lao động hỗ trợ, ông ta thoát được. Út quyết tìm người đàn ông này và tin rằng có ngày sẽ được gặp cha mình.

Băng Đầu Rìu gây chiến với băng Dốc Sỏi. Đầu Rìu nhờ Út chỉ cách cứu đồng bọn của nó. Út bày cho Đầu Rìu phép luyện linh miu. Đầu Rìu lập chiến dịch“Dạ miêu tàng hình” đi lùng bắt mèo về luyện. Chiến dịch thất bại, Đầu Rìu phải nằm nhà thương vì bị mèo quào.

Nghe lời khuyên của Lãng tử, Út đi bán bún xa hơn. Út đến xóm Vườn, cầu Mương Sao, xóm Đạo. Út quen Hũ Hèm, con trai ông lão sửa xe đạp đối diện trại giam Tân Hiệp. Những lần đi bán về Út đều kể tỉ mỉ cho lão Lãng tử nghe những nơi Út đã đến bán, nhất là Chi khu Cây Chàm và trại cải huấn Tân Hiệp. Lãng tử vẽ bản đồ những nơi ấy và cất giấu trong cái ống chân giả của lão.

Một hôm Thằng Hũ Hèm báo tin chuẩn úy Đực Xồm đã bắt con Năm và đang theo dõi Út. Lão Lãng tử báo động. Lão nói Út phải lánh ra Cồn Gáo. Trước khi lánh đi, Út lẻn vào nhà thương thăm Đầu Rìu và tìm cách cứu con Năm.

Con Năm kể, chuẩn úy Đực Xồm đã bị cách mạng bắt, đêm nay sẽ đánh lớn. Trong trận đánh này, quân cách mạng đã có bản đồ cũa lão Lãng tử. Một cánh quân sẽ đánh chi khu Cây Chảm, còn Út sẽ dẫn cánh quân đánh sân bay Biên Hòa. Người chỉ huy trận đánh có thể là ba của Út.

***

            Ghi nhận

Truyện được viết như truyện trinh thám nên hấp dẫn. Cốt truyện chính là Út đi tìm cha, người là Bí thư huyện bị cảnh sát bắt nhưng trốn thoát. Nhân vật này xuất hiện nhiều lần, vừa qua lời kể của Đầu Rìu, của bé Năm, vừa do chính mắt Út chứng kiến. Người tù này cũng trốn tù nhiều lần và có thể là người chỉ huy trận đánh vào chi khu Cây Chàm và sân bay Biên Hòa như lồi bé Năm nói với Út.

Út chỉ là đứa trẻ bán bún, chưa đứng trong bất cứ tổ chức nào, chưa được giáo dục lý tưởng cách mạng và các phương thức hoạt động. Út sống giữa xóm lao động, được người lao động thương yêu dẫn dắt. Công việc bán bún kiếm sống của Út lại có thể giúp ích lớn cho cách mạng. Thông tin của Út về chi khu Cây Chàm, về trại cải huấn Tân Hiệp, sân bay Biên Hòa đã giúp lão ăn xin Lãng tử vẽ thành bản đồ hành quân cho trận đánh lớn có thể là do cha Út chỉ huy. Thực ra Út đã bộc lộ những phẩm chất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Út đã khuất phục được băng Đầu Rìu, lại được Đầu Rìu tặng vũ khí. Út không hề sợ chuẩn úy Đực Xồm cũng như thiếu tá Chi khu trưởng Cây Chàm, cha của Đầu Rìu. Hình ảnh người cha bị bắt rồi trốn tù và hình ảnh người thanh trẻ vượt sông Đồng Nai bị cảnh sát bắt tra tấn càng cho Út sự kiên định đối mặt với hiện thực.

            Hiện thực xã hội Biên Hòa, Đồng Nai được Hoàng Văn Bổn miêu tả sinh động làm bối cảnh cho nhân vật hoạt động. Vì là truyện viết cho thiếu nhi, Hoàng Văn Bổn không miêu tả những cảnh máu lửa, không khơi dậy lòng căm thù, không trang bị cho nhân vật những phương châm chính trị để hành động. Út chăm chỉ lao động và hồn nhiên trong giao tiếp với những đứa trẻ cùng lứa tuổi, sống có nghĩa có tình. Chỉ khác ở chỗ Út luôn dõi theo hình bóng và hành động của cha mình. Mọi vui buồn, mọi lo lắng, xúc cảm của Út là dành cho cha. Út tin tưởng có ngày sẽ gặp cha. “Theo dấu người xưa” chính là Út theo gương cha của mình, một cán bộ kiên cường đấu tranh trực diện với kẻ thù, giữa bao nhiêu là nguy hiểm hy sinh.

Nhân vật Út được đặt trong cuộc đấu tranh rộng lớn của nhân dân và cách mạng (mà Út chưa hình dung được), vì thế Út khác hẳn với những đứa trẻ khác cùng thời. Hoàng Văn Bổn đã hướng đến giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho trẻ ngay trong cuộc sống hàng ngày.

TUỔI THƠ NGỌT NGÀO

Tiểu thuyết của Hoàng Văn Bổn. Nxb Đồng Nai 1993

            Nội dung

Tuổi thơ ngọt ngào là hồi ký viết ở dạng tiểu thuyết. Nội dung là những hồi ức của tác giả về tuổi thơ của mình và của “lũ trẻ chúng tôi” ở làng Bình Long những năm tháng trước và sau 1945. Truyện khởi đi (chương 1) từ việc lũ trẻ tham gia tiêu thổ kháng chiến đến khi tác giả trở thành người lính trợ chiến trong tiểu đoàn 307, chiến đấu giải phóng vùng ngoại vi Rạch Giá.Tuổi thơ ngọt ngào cũng là hành trình viết văn của tác giả, từ ngày đầu đến khi tiểu thuyết Vỡ đất đoạt giải thưởng Cửu Long và tiểu thuyết Bông hương bông cúc được in.

Trước hết tác giả hồi tưởng về gia đình mình: “Năm 1945 cả gia đình 12 anh chị em, lúc nào cũng sum vầy ồn ào. Thế mà sau ba chục năm chiến đấu, nay chỉ còn năm người…và hàng chục ngôi mộ trước nhà: Mộ cha, mộ anh Năm, mộ anh Tám, mộ mẹ mộ anh Ba, mộ anh Tư, mộ cháu Nhất, mộ cháu Nhì, mộ cháu Bên, mộ cháu Gái, cháu Hữu…” (tr.73). Ngay trong những ngày tiêu thổ kháng chiến anh Năm đã bị Pháp bắt giam và cắt cổ. Các anh Anh Tư, anh Tám cũng bị bắt giam ở Biên Hòa trước đó. Một ngày sau cái chết của anh Năm, người cha cũng qua đời đột ngột (tr.35).

Hoàng Văn Bổn dành một chương cho chị Sáu, người ham đọc tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh và là người cổ vũ tác giả viết truyện. Hoàng Văn Bổn cho biết, nhân vật này được xây dựng thành nhân vật Sáu Nở trong tiểu thuyết sử thi Khắc nghiệtNước mắt giã biệt (tr.102).  Con Năm là cháu tác giả, cũng được viết riêng một chương. Nhân vật này đượcxây dựng thànhcô Năm Đồng Naitrong tiểu thuyếtTrên mảnh đất này (1962).

Hoàng Văn Bổn dành nhiều chương viết về những kỷ niệm với bạn học cùng trường Tiểu học kháng chiến Tân Uyên và nhóm bạn cùng công tác tại cơ quan giáo dục Tân Uyên: Thầy Phụng, anh hai Đính, Thanh Hậu, Thanh Tao, Thanh Hóa, Thanh Huyền, Nhị Nguyên, Tươi, Lệ Tâm, Mai Sơn Việt, Ngọc đen, Năm Bình, Đoàn công tử (tr.221). Kháng chiến gian khổ, thiếu đói, hy sinh nhưng vui và thắm thiết nghĩa tình.  Những con người đặc biệt của quê làng bình Long cũng được viết riêng một chương: chú Từ Khâm (chương Người giữ miễu), chú bảy Hơn điên và con Theo khùng (chương Xứ tôi), ông Ba Trợn (hai chương), Cọp ba móng…

Xuyên suốt tác phẩm là tường thuật về hành trình tham gia kháng chiến và quá trình viết văn của mình.

Lúc nhỏ “Chín” học Trường tiểu học kháng chiến huyện Tân Uyên, vui chơi cùng lũ trẻ. 15 tuổi, Chín tham gia tiêu thổ kháng chiến, chứng kiến đội quân của Tám Nghệ. Từ 1946-1953 công tác chung với 4 cô Thanh, anh Nhị Nguyên ở cơ quan giáo dục Tân Uyên, rồi đi học lớp đào tạo cán bộ giáo dục, học bổ túc chương trình trung học kháng chiến do Nha giáo dục Nam bộ mở (tr.200). Đến năm 1953 tôi vào bộ đội xuống miền U Minh, rồi đi tập kết ra Băc 1954” (tr.129). Đi làm phim (tr. 57). Hoàng Văn Bổn dành nhiều chương viết về hành trình 3 tháng từ miền Đông xuống miền rừng U Minh: phải qua sông bạc đầu, qua cầu giảm kỷ, vượt đồng chó ngáp…(tr.247). “Hai năm trước xuống U Minh học trường Sư Phạm Nam Bộ, lần này xuống U Minh học Trung học kháng chiến Lê Công Mỹ (tr.228). Sau đó ông được phân công về trường văn hóa Phân liên khu miền Tây dạy học văn hóa cho bộ đội; vào Tân Bằng Cán Gáo heo hút làm ruộng tự túc cho trường (tr.276). Có lệnh vào tiểu khu thứ ba ở Rạch Giá tăng cường cho tiểu đoàn 307, Chín được ghép vào tiểu đội trợ chiến, tiếp đạn đại liên cho anh Rua (tr.284). Sau chiến thắng An Biên, Chín vẫn theo tiểu đoàn 307 tham gia các trận đánh Bảy Háp, tiếp tục giải phóng vùng ngoại vi Rạch Giá (tr.296). Có chương tác giả mượn lời nhân vật Cúc A để kể về anh Chín (Chương 16: Nước Mắt).

Ngay khi còn đang học ở trường, Chín đã viết truyện. “Tôi vừa theo học trường sơ học Tân Uyên vưà lén viết cuốn gọi là tiểu thuyết đầu tay ‘Hai khẩu súng lục’” (tr.80). Tác giả cho biết, các tác phẩm của ông đểu lấy nguyên mẫu từ trong hiện thực. Ông vừa chiến đấu, vừa viết. Viết xong bản thảo thì đọc cho bạn bè chiến sĩ nghe. Họ rất cảm động và trân trọng. Đó là những tác phẩm: Vỡ đất, Bông hường bông cúc, và sau đó là Tướng Lâm Kỳ Đạt, Miền đất ven sông

Sáng tác của ông chỉ rõ thế nào là “văn hóa văn nghệ phục vụ kháng chiến”. Nội dung truyện là đời sống, sinh hoạt kháng chiến, nhân vật là những con người kháng chiến, từ trẻ em đến người già, từ người dân thường đến những con người đặc biệt; ngôn ngữ văn học là ngôn ngữ của nhân dân, có chú trọng vùng miền, và mục đích viết: để phản ánh hiện thực nhân dân kháng chiến, đồng cảm, chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn. cả những đau thương gian khổ hy sinh, để cổ vũ kháng chiến. Ông thổ lộ:

Tất cả con người sự việc quanh mái trường tiểu học kháng chiến huyện Tân Uyên, tôi đã viết thành sáchLũ chúng tôi” (tr.227).

Bao mươi năm sau, tôi gom các sự kiện về chị, về cái làng bị cháy của tôi dựng nên nhân vật Sáu Nở trong tiểu thuyết sử thi Khắc nghiệtNước mắt giã biệt (tr.102).

 “Tôi dựa theo câu chuyện ấy (chuyện Thái và Phương) dựng nên tiểu thuyết Bông hường bông cúc (tr.282).

Trung đội trưởng Dương (đúng là Võ Hải Giang) sau này tôi cũng dựa theo Giang dựng nên nhân vật Hải trong tiểu thuyết “Mùa mưa” (tr.282).

Tôi vừa tập đánh theo chiến lệ, vừa tranh thủ hoàn thành tiểu thuyết Bông hường bông cúc (tr.296). Tình cờ gặp lại anh Huỳnh Văn Gấm. Anh báo tin: “tiểu thuyết Bông hường bông cúc đã sắp chữ, nay mai có sách” (tr.298) Anh dặn nhớ liên lạc để anh gửi sách. Tác giả nói: lỡ hy sinh thì sao? – Hy sinh cũng phải báo, tụi này sẽ gửi theo” (tr.298).

Ghi nhận

Tuy nhan đề tác phẩm là Tuổi thơ ngọt ngào, nhưng phần viết về tuổi thơ chỉ là một phần khiêm tốn. Ngay sau tiêu thổ kháng chiến, tác giả “Giã biệt tuổi thơ” và “Thế là ra đi”. Phần chính của tác phẩm, Hoàng Văn Bổn thuật lại kỷ niệm những năm tháng làm công tác giáo dục ở Tân Uyên, sau đó xuống U Minh học tập và được điều sang tăng cường trợ chiến trong tiểu đoàn 307 ở Rạch Giá.

Ấn tượng sâu đậm được ghi lại trong tác phẩm là đời sống kháng chiến gian khổ, hy sinh cùng với tấm lòng vô bờ bến của nhân dân với kháng chiến.

Hầu hết truyện của Hoàng Văn Bổn là truyện thật của đời sống kháng chiến, được viết sinh động bằng tấm lòng yêu quý trân trọng của tác giả.

Đây là suy gẫm của tác giả về ông Ba Trợn: “Một bếp lửa thôi, ông Ba Trợn ơi. Đôi khi, cần một tiềng chửi của ông xiết bao, cho cuộc kháng chiến này nó bình thường một chút” (tr.167).

– “Trong mấy em nhỏ mà chúng tôi gọi đùa là xây lô cố ấy, Diệp Minh Tuyền có vẻ hiền hơn, thuần tính và chịu khó làm việc. Lâm Kỳ Đạt thì ngổ ngáo, tinh nghịch, chọc phá, đầu têu, ngấm ngầm chỉ huy cả lũ trẻ hàng xóm. Cậu Minh Tâm rụt rè, da đen…/Về sau, tôi dựa theo các cậu ấy, nhất là Lâm Kỳ Đạt, viết thành truyện dài cho thiếu nhiTướng Lâm Kỳ Đạt” (tr.275)

Lại hành quân chiếm lĩnh trận địa, tác giả đụng trận lớn. Lựu đạn đã rút chốt trên tay mà Chín không sao ném được. Tác giả ngây ngất nhìn cánh quân (phối hợp chiến đấu) và lá cờ mờ mờ giữa khói đen đến sặc sụa. Chi tiết ấy được đưa ngay vào tác phẩm đang viết: “Tôi quyết bổ sung trận chiến đấu ấy vào tiểu thuyết Bông hường bông cúc, hầu như có sao viết vậy. 290

Hoàng Văn Bổn có cách kể chuyện mạch lạc, giữ được sự hấp dẫn của cốt truyện từ đầu đến cuối. Ông thay đổi màu sắc thẩm mỹ của từng chương. Ông khéo chọn những tình huống truyện bất ngờ, thú vị. Ông khám phá được cốt cách riêng của nhân vật. Ông quan sát rất tinh tế cảnh sắc thiên nhiên (miền Đông, miền Tây), những tình ý kín đáo của con người và vẻ đẹp của đời sống kháng chiến (nhân dân cưu mang cán bộ, bộ đội…). Hiện thực trên trang văn của ông giàu có tưởng như ông có thể viết được mãi mà không vơi cạn. Văn chương của Hoàng Văn Bổn được viết bằng sự hy sinh, gian khổ và bằng cả tấm lòng với gia đình, với nhân dân và cách mạng. Những trang văn của Hoàng Văn bổn là vô giá đối với đất nước này về một thời “gian lao mà anh dũng”.

***

GHI NHẬN CHUNG VỀ TRUYỆN THIẾU NHI CỦA HOÀNG VĂN BỔN

  1. Nhân vật thiếu nhi của Hoàng Văn Bổn là trẻ con trong kháng chiến chống

 Pháp và chống Mỹ, trong đó có tuổi thơ của tác giả, những nhân vật thật của gia đình tác giả và nhân vật kháng chiến như Huỳnh Văn Nghệ, Bình Nguyên Lộc, Lý Văn Sâm.

Đây là nhân vật hiện thực (khác với các kiểu nhân vật đồng thoại, thần thoại…). Người đọc thấy trẻ con gần gũi quen thuộc như trong truyện hiện thực trước đó (Hai đứa trẻ-Thạch Lam; Tắt đèn-Ngộ Tất Tố). Bút pháp hiện thực của Hoàng Văn Bổn ghi lại trung thực hình ảnh thiếu nhi của một thời, một thời tuổi thơ ngọt ngào ở làng quê khi đất nước hòa bình:

Nhiều đêm trăng, chúng tôi tụ tập trên ngôi mộ cổ ấy, bẻ trộm dừa, bưởi, mít, mía đám bày trò tiệc tùng. Bưởi trộn dái mít, khế chua và ớt hiểm. Cá nướng trui. Trứng chim luộc. Cả đám xúm nhau ăn uống, nói dóc, kể chuyện đời xưa, hát những bài hát cổ xưa của xứ Đồng Nai. Đôi khi chúng bắt tôi hát bằng tiếng Pháp học ở nhà trường. Hoặc kể những câu chuyện bịa trong tiểu thuyết của tôi. Chúng há miệng, lim dim mắt, say sưa lắng nghe, khi ngoài bàu Mật Cật tiếng chim đa đa ra rả, tiếng chim cúm núm than thở, tiếng vạc quạt cánh bay qua. (Sau này, tôi dựa theo chuyện có thật ấy viết nên truyện vừa Tướng Lâm Kỳ Đạt, do Nxb Kim Đồng ấn hành 1962”) (Tr.88-Tuổi thơ ngọt ngào).

Thiếu nhi cũng chịu nhiều cảnh khổ trong kháng chiến. Khi tàu của Tây chạy đến, dân phải chạy giặc: “Gần nghìn người đàn bà, trẻ con mang gánh, lùa trâu rượt bò bỗng dưng nằm lăn ra giữa cánh đồng

Trẻ con tham gia tiêu thổ kháng chiến: “Lũ trẻ chúng tôi nai nịt gọn gàng bằng dây rơm, trang bị bằng tầm vông vạt nhọn, kéo đàn kéo lũ tiến vào các ngôi nhà gạch khang trang chẳng cần biết nhà ai…phóng lửa”.

Lũ chúng tôi khoái trá mỗi thằng huơ một cây đuốc bằng bã mía khô, phừng phực, kéo giữa đường, hát to bài ‘Thanh niên hành khúc’ vừa hát vừa xông vào những ngôi nhà còn sót lại” (tr.13-Tuổi thơ ngọt ngào.

Út, bé Năm thời chống mỹ trong Tiểu thuyết Theo dấu người xưa cũng là những đứa trẻ trong gia đình bình dân. Chúng chăm chỉ làm việc (bán bún, bán sinh tố), sống sâu nặng nghĩa tình. Và chúng đã phân biệt được người cán bộ cácg mạng so sánh với những cảnh sát Sài Gòn ngày đêm đi truy lùng Việt Cộng. Chúng biết hướng về cách mạng, biết góp phần vào cuộc đấu tranh của cha anh, mặc dù chúng còn rất hồn nhiên.

            2. Địa bàn hoạt động của nhân vật là Đồng Nai, cả thành thị và nông thôn, rừng núi. Đó là những địa danh thật: làng Bình Long, con sông Đồng Nai, Biên Hòa, xóm Cây Chàm, xóm Lò Heo, Dốc Sỏi, Trại cải huấn Tân Hiệp, sân bay Biên Hòa, Cồn Gáo, chiến khu Đ…

            Điều này tạo nên một vùng miền riêng của tiểu thuyết Hoàng Văn Bổn, phân biệt với tiểu thuyết ở những vùng miền khác. Cũng là phương tiện để khắc họa tính cách con người Đồng Nai, dù là những thiếu nhi.

            Xin đọc:

            “Chưa đến ngày hăm ba đưa ông Táo chầu trời, pháo đã nổ lẹt đẹt khắp nơi. Chợ Tân Uyên tấp nập đâu có vài ngày, rồi bắt đầu lộn xộn. Tiếng súng đánh nhau ở Biên Hòa, Thủ Đức ngày đêm vọng đến. Người già lo gom góp đồ đạc, tiền bạc, gói lại, mở ra, chạy ra chạy vô, nhìn chừng khúc quanh con sông Đồng Nai phía bến đò Bình Ninh, cù lao Mỹ Quới.

            Nhiều tài bè đoàn ghe chài kìn kìn gạo, mắm lính Vệ quốc đoàn, chiếc cắm mũi vào bến chợ Tân Uyên chiếc đi thẳng lên hướng Tân Hòa, Lạc An…” (tr. 5-Tuổi thơ ngọt ngào)

            Chỉ một đoạn văn ngắn mà các địa danh Biên Hòa-Đồng Nai hiện lên trải khắp. Người đọc buộc phải “kiểm chứng” những gì tác giả viết về những địa danh ấy. Bạn đọc sống ở nơi ấy thì tự hào về quê hương mình. Bạn đọc ở vùng miến khác thì bị thuyết phục về tính hiện thực của câu chuyện được kể. Và thế hệ thiếu nhi hôm nay đọc truyện Hoàng Văn Bổn sẽ bị thuyết phục bởi tính lịch sử cụ thể những gì tác giả đã ghi lại. Điều này sẽ nâng cao ý nghĩa giáo dục của tác phẩm.

            3.Và ở phạm vi rộng hơn, viết về thiếu nhi Đồng Nai, chọn bối cảnh thiên nhiên Đồng Nai, Hoàng Văn Bổn thể hiện một tình yêu quê hương sâu nặng và một niềm tin son sắt rằng thiếu nhi, tuổi trẻ Đồng Nai sẽ sống, chiến đấu “Theo dấu người xưa”. Những đứa trẻ như Út, bé Năm, Hũ Hèm trong Theo dấu người xưa khi lớn lên, chúng sẽ tiếp bước những người cha, người anh dũng cảm, kiên cường của chúng; giống như chính tác giả, tuổi thơ phải chứng kiến quê hương bị giặc đốt phá, chứng kiến các anh, người thân và dân làng bị giặc giết, cậu học trò có tên là “Chín” ấy đã đi vào kháng chiến, đã đi vào chiến trường chống Pháp, chống Mỹ suốt 30 năm với tất cả lòng nhiệt thành cách mạng, chiến thắng gian khổ hy sinh góp phần vào cuộc toàn thắng của dân tộc..

Tháng 11/2023

***


[1] Trần Thu Hằng-Những tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn Hoàng Văn Bổn