TỌA ĐÀM VỀ LM. GIOAKIM ĐẶNG ĐỨC TUẤN, DANH NHÂN CÔNG GIÁO VIỆT NAM

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

TỌA ĐÀM VỀ
LM. GIOAKIM ĐẶNG ĐỨC TUẤN, DANH NHÂN CÔNG GIÁO VIỆT NAM

Bùi Công Thuấn

***

Lúc 8 giờ sáng ngày 23/9/2023 tại hội trường Chủng viện Qui Nhơn, Tòa Giám mục Quy Nhơn đã tổ chức cuộc họp mặt tọa đàm về Lm. Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874) với chủ đề:“Lm. Gioakim Đặng Đức Tuấn, danh nhân Công giáo ái quốc Việt Nam”. Chủ đề này lấy cảm hứng từ cuốn sách Đặng Đức Tuấn-tinh hoa công giáo ái quốc Việt Nam của hai tác giả Lam Giang và Võ Ngọc Nhã. Tác giả xuất bản tại Sài Gòn năm 1970.

(ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi khai mạc tọa đàm)

HỌP MẶT “NGÀY VĂN THƠ CÔNG GIÁO”

            Dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử (2012), Tòa Giám mục Quy Nhơn đã chọn ngày 21&22/9 là Ngày Văn thơ Công giáo Việt Nam. Từ đó đến nay đã tổ chức được 11 lần họp mặt các tác giả văn thơ Công giáo, quy tụ từ các Giải Viết Văn Đường TrườngGiải Sáng Tác Cho Tuổi Thơ. Năm nay là cuộc họp mặt lần thứ XII, kỷ niệm 149 năm ngày mất của Lm. Đặng Đức Tuấn.

Tham dự Tọa đàm có hơn 100 tham dự viên, gồm đại diện tộc họ Đặng Việt Nam, các tác giả văn thơ Công giáo và nhiều khách mời. Đặc biệt là sự hiện diện của PGS-TS Nguyện Hữu Sơn, nguyên là Phó Viện trưởng Viện Văn học (từ Hà Nội), TS Lê Nhật Ký và TS Võ Minh Hải từ Đại học Quy Nhơn, và các nhà nghiên cứu Lê Minh Sơn, Nguyễn Văn Nghệ, Lm. Võ Đình Đệ, Cao Tự Thanh…

Chủ tịch đoàn là Lm Giuse Trương Đình Hiền (Tổng đại diện Giáo phận Qui Nhơn), PGS- TS. Nguyễn Hữu Sơn, PGS- TS. Đoàn Lê Giang và PGS-TS. Võ Văn Nhơn (Trường Đại học KHXH&NV Tp. HCM), Nhà văn Micae Bùi Công Thuấn (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam).

Nhân dịp tọa đàm, Tủ sách Nước Mặn của Giáo phận Qui Nhơn đã in hai cuốn sách: in lại cuốn Đặng Đức Tuấn-Tinh hoa công giáo ái quốc Việt Nam của hai tác giả Lam Giang và Võ Ngọc Nhã với những chỉnh sửa và bổ sung cần thiết, và tập Tài liệu tham khảo cho Tọa đàm. Tập tài liệu này có 35 bài viết về sự nghiệp của Lm. Đặng Đức Tuấn của 28 tác giả.

TỌA ĐÀM VỀ LM. GIOAKIM ĐẶNG ĐỨC TUẤN

(Chủ tọa đoàn)

8 giờ, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn khai mạc Tọa đàm, sau đó là phần trình bày tham luận:

1.PGS- TS. Đoàn Lê Giang với chuyên luận: “Đặng Đức Tuấn trong phong trào canh tân ở Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX

2. Võ Minh Hải (Trường Đại học Quy Nhơn) với chuyên luận: “Lm. Gioakim Đặng Đức Tuấn – tác gia tiêu biểu của văn học Hán Nôm Bình Định”.

***

Lm Đặng Đức Tuấn (1806-1874) quê làng Qui Hòa, tỉnh Bình Định. Nhờ Giám mục Cuénot Thể,  năm 1846, Đặng Đức Tuấn đi Penang, dạy Hán văn tại Chủng viện Penang. Ông tu học tại đây 7 năm rồi về nước. 1856, ông được truyền chức Linh mục và được bổ nhiệm làm việc tại Tư Ngãi (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi).

Lúc này tình hình đất nước đang đứng trước nguy cơ. Pháp chiếm Đà Nẵng (1858), rồi kéo quân vào Gia Định đánh chiếm Sài gòn. Triều đình nghi kỵ người Công giáo. Vua Tự Đức liên tiếp ra các sắc dụ cấm đạo năm 1859, 1860, sắc dụ Phân sáp năm 1860.

Cuối năm 1861, Lm Đặng Đức Tuấn bị bắt giữ ở Nga Mân (Quảng Ngãi), rồi bị áp giải về Huế. Ông được Thượng thư Bộ Binh Lâm Duy Hiệp cùng Hiệp biện Phan Thanh Giản tra vấn về đạo Công giáo và về việc quân Pháp đánh phá Đại Nam.

Khi hai bản điều trần đến tay vua Tự Đức, ông được triều đình giao nhiệm vụ thông ngôn, tháp tùng sứ bộ Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Gia Định thương nghị với Pháp ký kết hòa ước Nhâm Tuất (1862). Ông đã viết tất cả 6 bản điều trần, gây được ảnh hưởng với vua Tự Đức (1829-1883).

PGS-TS Đoàn Lê Giang đặt Lm Đặng Đức Tuấn trong xu thế lịch sử và phân tích sâu sắc 6 bản điều trần, từ đó khẳng định “tư tưởng canh tân chống pháp” của Lm Đặng Đức Tuấn có 3 điểm cơ bản: 1/Hòa để có thời gian canh tân đất nước, cải cách quân đội – 2/ Tổ chức lại quân đội, hiện đại hóa vũ khí – 3/ Cầu viện nước ngoài để kềm chế Pháp”. Diễn giả cũng khám phá “tư tưởng kính chúa yêu nước” là một phương diện khác của tư tưởng canh tân. So sánh với Nguyễn Trường Tộ và Nguyễn Lộ Trạch, PGS-TS Đoàn Lê Giang khẳng định: “Đặng Đức Tuấn với các điều trần của mình đã là người đi tiên phong mở đường cho tư tưởng canh tân” cuối thế kỷ XIX.

TS Võ Minh Hải đặt Lm Đặng Đức Tuấn trong dòng chảy của văn học Công giáo, ông nhận thấy: “Đặng Đức Tuấn  là người tiếp nối Girolamo Majorica (1605-1656), Gioan Thanh Minh (1588-1663).. trong hành trình hơn 400 năm rao giảng Tin Mừng ở khu vực Nam Trung bộ”; “Đặng Đức Tuấn- người hoàn thiện văn học Hán Nôm Công giáo Bình Định  trước thế kỷ XX”; “Đặng Đức Tuấn-Tác giả Hán Nôm tiên khởi cho tư tưởng canh tân đất nước”.

PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn (chuyên luận trong Tập tài liệu tham khảo) đặt Lm Đặng

 Đức Tuấn trong bối cảnh văn hóa dân tộc thế kỷ XIX, đã đề xuất danh xưng “Nhà văn hóa cho Lm. Đặng Đức Tuấn. Ông khẳng định: “Đặt trong tương quan nhiều danh nhân lịch sử, văn hóa thế kỷ XIX khác, nhân vật Gioakim Đặng Đức Tuấn thể hiện là một kiểu nhân vật lịch sử, một nhân cách văn hóa đăc biệt, vừa bao quát, tích hợp, dung hòa và vượt lên nhiều kiểu nhân vật khác…”

            Ở phần thảo luận, các tham dự viên được nghe thêm nhiều ý kiến mới mẻ của đại diện tộc Họ Đặng Việt Nam, của các nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Nghệ, Lê Minh Sơn, Cao Tự Thanh, TS Lê Nhật Ký… Bầu khi tọa đàm gần gũi ấm cúng, say mê sôi nổi và giàu có phẩm chất học thuật.

Tọa đàm đã kết thúc lúc 12g00 trưa cùng ngày.

(Ảnh lưu niệm)

(Tác giả bài viết và Lm Võ Tá Khánh, Ban tổ chức cùng với các PGS-TS tham gia tọa đàm)

45 NĂM THƠ ĐỒNG NAI

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

Bạn có thể download bài viết theo link

https://www.mediafire.com/file/d6fqqslhpirrfap/5+THƠ+ĐỒNG+NAI-blog.pdf/file