NAM KỲ ĐỊA PHẬN-Bài 4-PHONG HÓA

Bạn có thể đọc các bài viết chính của Bùi Công Thuấn theo link:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

NAM KỲ ĐỊA PHẬN-Bài 4

NHỮNG VẤN ĐỂ PHONG HÓA

Bùi Công Thuấn

***

Nam Kỳ Địa Phận có những bài được đặt trong chủ đề “Phong hóa”, có thể hiểu đó là những bài viết về phong tục tập quán, những vấn đề văn hóa.

NHỮNG VẤN ĐỀ PHONG HÓA

Văn hóa bao gồm toàn bộ thế giới tinh thần của con người. Những thành tố chính của Văn hóa là ngôn ngữ, tư tưởng, giáo dục, đạo đức, tôn giáo – tín ngưỡng, nghệ thuật (Văn, thơ, nhạc, hội họa, điêu khắc…), phong tục tập quán, lối sống…

Những bài viết trong mục Phong hóa của Nam Kỳ Địa Phận bàn đến những vấn đề gì?

Xin đọc một luận bàn:

PHONG HÓA SUY ĐỒI LẤY GÌ BỔ CỨU?

(Nguồn: NKĐP số 1439, ngày 28 Janvier 1937. Tr.52)

Đây là bài tác giả Loan Tùng đối thoại với những vấn đề trong bài “Phong hóa suy đồi” của một tạp chí (không ghi nguồn).

(Trích)

“Nhưng đến ngày nay tình trạng ấy đã biến đổi cả rồi, những quyền cai trị không được mấy kẻ biết trọng cái danh dự cho mình là bao, những tham tâm nhủng lạm lừa dưới dối trên; còn hạng bình dân ở dưới, phần nhiều chỉ quen thói tự kiêu có khi lại diễn ra lắm tấn tuồng lố lăng xấc láo. Trong gia đình con cái hay quen tánh tự phụ, ỷ mình có chút học thức theo lối văn minh tân tiến, mà khinh bỉ những lời huấn dụ của các bậc phụ huynh, cho rằng những cổ tục lưu truyền đều là đồi hủ cả, mà muốn nhứt đán đánh đổ đi ngay. Còn đến bậc vợ chồng, thời những nề nếp xưa đã không thèm giữ lại, còn muốn tập những mốt tân thời, mấy chữ nam nữ bình quyền, phụ nữ giải phóng, thường nghe rộn rực ở đầu lưỡi của các hạng nữ lưu, ấy xã hội ta phong hóa ngày nay suy đồi là thế vậy”.

.    .    .    .    .    .    .     .     .     .     .     .     .     .     .     .     .    .     .     .     .     .     .     .    

Tôi xin tuyên cáo cùng tất cả đồng bào biết rằng: không những đạo Nho mất đi cần phải lấy đạo Thiên Chúa thay thế vào, mà lại cho dầu trăm ngàn cái đạo Nho đương cường thịnh mực mấy nữa, cũng phải lấy đạo Thiên Chúa làm chẩn đích, cũng phải nương theo tôn chỉ đạo Thiên Chúa mới sống nổi, vì đạo Thiên Chúa chính là rường cột, là kỷ luật của các tôn giáo trong thế giới vậy.

Thế thời ở cuối bài “Phong hóa suy đồi” kia phải kết luận rằng: muốn chỉnh tu phong hóa lại cho hoàn mỹ, muốn hoán cải phong hóa lại cho thuần lương, thời không có phương pháp gì hiệu nghiệm cho bằng đem tôn giáo Thiên Chúa mà giáo giảng cho quốc dân, bắt buộc mọi người thực hành cho đúng theo tôn chỉ tinh thần của đạo Thiên Chúa vậy”.

Ở đoạn văn trên, tác giả đã đụng đến nhiều lĩnh vực của văn hóa khi bàn về “Phong hóa suy đồi”. Đó là tôn giáo (đạo Nho, Thiên Chúa giáo), vấn đề tư tưởng (“nam nữ bình quyền, phụ nữ giải phóng”), vấn đề giáo dục (“Trong gia đình, con cái ỷ mình có chút học thức theo lối văn minh tân tiến”), vấn đề phong tục tập quán (muốn đánh đổ những cổ tục lưu truyền), vấn đề đạo đức, lối sống (nhũng lạm lừa dưới dối trên, thói tự kiêu, tánh tự phụ) và các mối quan hệ xã hội (vợ chồng, cha mẹ con cái)…Ngoài ra tác giả còn đề xuất giải pháp chấn hưng phong hóa, bằng cách thay thế văn hóa nho giáo bằng tôn chỉ, kỷ luật của đạo Thiên Chúa. Phải chăng tác giả muốn đưa ra một giải pháp khác với tư tưởng “duy tân” của nhà cách mạng Phan Chu Trinh đương thời là: “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

LÝ THUYẾT CÔNG GIÁO

Trong Nam Kỳ Địa Phận có những bài viết có tính “lập thuyết” mà tác giả đặt tên là “Lý thuyết Công giáo”. Tôi không rõ đây có phải là chủ trương của tờ báo hay không, hay chỉ là quan điểm riêng của tác giả bài viết. Đó là các bài: Quốc gia tư tưởng ưu việt (NKĐP năm 1939, số 1571, các tr.534, 565, 647); Chánh trị trong nước của P. Tạo (NKĐP năm 1939, các trang 329, 405, 329, 376, 350)

Bàn về quyền tư nghị, lập pháp, hành pháp, ông P. Tạo viết:

“Tuy nhiên, quốc gia muốn bước đến con đường thạnh trị kia cũng không dễ gì; tua phải có nhờ đến tinh thần của đạo thánh nữa, thì mới phò trợ cho bước đường thạnh trị của quốc gia được vĩnh cửu hoàn toàn, vì đạo lý của hội thánh Công giáo bổ khuyết cho những đều quyền lực quốc gia bất túc…trong nước mà nhân dân tốt, bổn đạo ngoan thì quốc gia sẽ trở nên một nước hoàn toàn tuyệt hảo không sai chạy.”(số 1561, tr. 377)

            Về “Quốc gia tư tưởng ưu việt” ông viết:

            Ông phê phán phái tôn thờ chủ nghĩa quốc gia (nationalism), phái tôn thờ chủ nghĩa xã hội (socialism), phái tôn thờ chủ nghĩa cộng sản (communism)…rồi viết: “nên xin nương theo lý thuyết chơn chánh để viết bài nầy.

Thứ nhứt nói về quốc gia.

Thứ hai về quốc gia tư tưởng (tr. 565)

Thứ ba nói về quốc gia tư tưởng ưu việt

Thứ bốn tư tưởng quốc gia cách trọn hảo thuần túy.”

“Phải dùng 3 cái trách nhiệm sau đây để làm chuẩn thẳng quy củ hầu giúp mình được thực hành trúng lý là: Thiên Chúa bang giao và nhân quyền. Bằng về lợi ích quốc gia, chớ khá lấy đó làm tiêu chuẩn tối hậu, nghĩa là vô thượng tuyệt đối” (tr. 648)

Nói gọn lại, theo ông P. Tạo, tư tưởng quốc gia ưu việt, tư tưởng canh tân đất nước không phải là các lý thuyết chính trị xã hội, không phải là các cuộc cách mạng, mà là Thiên Chúa giáo: “trong nước mà nhân dân tốt, bổn đạo ngoan thì quốc gia sẽ trở nên một nước hoàn toàn tuyệt hảo không sai chạy.”(số 1561, tr. 377).

Tôi xin không bình luận, vì những ý tưởng ông Tạo trình bày đã là qúa khứ, và lịch sử đã có câu trả lời hoàn toàn khác với ý tưởng của tác giả “Lý thuyết Công giáo”..

Tác giả Phêrô Nghĩa định nghĩa “Thế nào là ái quốc” như sau:

“Ái quốc nghĩa là yêu nước, yêu nước nghĩa là thương mến đồng bào, thương mến đồng bào tức thị phải ở với nhau cho có lòng nhân đạo, phải trọng sự hiếu hòa; ở với bậc trên phải cho có sự lễ nghi tôn trọng, phải có lòng tín nhiệm vâng lời, thế mới gọi là ái quốc chính đáng…bởi đó cho nên có nhiều kẻ tưởng mình mưu động việc ái quốc mà té ra lại dắc thân vào vòng tù tội; tưởng là tìm cái hạnh phúc cho xã hội, mà té ra đã làm việc  khuấy rối cuộc trị an; ấy là một sự khốn nạn không biết bao nhiêu vậy”(NKĐP số 1579, tr. 664)

            Bằng phương pháp lập luận liên châu, ông Nghĩa khẳng định ái quốc là yêu nước, tức là “ở với bậc trên phải cho có sự lễ nghi tôn trọng, phải có lòng tín nhiệm vâng lời”, không “mưu động việc ái quốc” bằng cách “khuấy rối cuộc trị an” (tức là đấu tranh chống Pháp như Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học) để “đem thân vào vòng tù tội”. Rõ ràng là, tư tưởng ái quốc của ông Nghĩa đi ngược với tuyền thống tư tưởng yêu nước của dân tộc.

            Những bài viết khác cũng có khuynh hướng lập thuyết:

            –Vấn đề tôn giáo – P. Nguyễn Hữu Lượng (NKĐP năm 1935, số 1363, tr.483).

            –Đạo Công giáo là đạo nước nhà – Phê rô Nghĩa (NKĐP năm 1936, số 1385, tr.18).

            -Triết học thiển đàm – P. Tạo (NKĐP năm 1939, các trang: 549, 586, 620, 634).

            – Chánh trị trong nước (NKĐP Năm 1939, các tr: 405, 329,376, 350).

            –Chủ nghĩa cá nhân – không có tên tác giả (NKĐP năm 1943, số 1787, tr.567).

            –Vấn đề gia đình – Phê rô Nghĩa (NKĐP năm 1938, các tr: 316, 330, 345, 360).

            –Bàn về quốc hồn – Phê rô Nghĩa (NKĐP năm 1935, số 1362, tr.471). Tác giả đặt vấn đề:

 “Thế là bắt đầu từ ngày mồng 6 tháng 6 năm 1884, nước ta đã được nước Pháp bảo hộ vậy. Nghĩa là ngay từ lúc đó nước Pháp đã đứng ra mặt bảo nhiệm và hộ vệ hết thảy mọi việc cho nước Nam, lúc trị an thời lo mở mang dạy dỗ, lúc rối loạn thời lo cấp dẹp ngăn ngừa; nhưng mặc lòng mà quyền nội trị vẫn còn thuộc về nước Nam tự chủ, nước Pháp chỉ đứng về mặt giám đốc mà thôi, ấy chính ý tờ hòa ước Pháp Nam đã ký nhận tại Huế ngày mồng 6 thánh 6 năm 1884 là như vậy. Nếu cứ sách ấy hồn nước Nam ngày nay lẽ ra đã được đủ sức tự tồn tự lập, nghĩa là đã được hoàn toàn về mọi phương diện, mà dân tộc Việt Nam đã lên tới cao độ văn minh rồi vậy. Nhưng lạ thay! Thấm thoát đã qua khỏi nửa thế kỷ rồi, trải một khoảng thời gian 50 năm không phải lả ít, thế mà hồn nước ta xem chừng cũng chưa tự do phát triển được hẳn…

            Than ôi! Hồn nước Việt Nam may mắn được thân mật với hồn nước Pháp, vinh hạnh được đầu sư với hồn nước Pháp, thế mà thấm thoát tới nay chưa thấy được vẻ hoàn toàn, chưa có đủ sức tự lập, thời lỗi ấy tại ai?”

            Ngày nay đọc lại những bài lập thuyết ấy, người đọc hiểu rằng tác giả không phải là những triết gia, cũng không phải những nhà khoa học chuyên sâu về chính trị xã hội, lại tự ép mình trong nền chính trị bảo hộ, ý thức đạo đức Nho giáo và kỷ luật Ki tô giáo, chưa rộng mở tri thức về những khuynh hướng tư tưởng tiến bộ của thời đại, thành ra những vấn đề được các tác giả đặt ra trở nên lạc lõng với thời đại. Chẳng hạn, vấn đề cốt lõi của dân tộc trước 1945 là vấn đề độc lập dân tộc, là đánh đổ sự thống trị của thực dân Pháp, song không có tác giả nào bàn đến, mà hầu như các tác giả đều an tâm thực hiện chính sách “Pháp-Việt đề huề” của thực dân Pháp (?).

CHUYỆN CỦA CHÚ TỪ

            Trên Nam Kỳ Địa Phận có chuyện của các chú Từ: Chuyện của chú từ Dốt, Chuyện của chú từ Nòi, Chuyện của chú trùm Khù, Câu chuyện ngày thứ năm (tác giả là P. Mười Chỉ). Các câu chuyện này hầu như bao trùm một khoảng thời gian dài của tờ báo. Năm 1919, Chuyện của chú từ Dốt đăng trên 39 số báo, năm 1937 đăng trên 37 số báo. Chuyện của chú từ Nòi năm 1924 đăng trên 36 số báo. Câu chuyện ngày thứ năm đăng 34 số báo năm 1937…Đó là những câu chuyện thiết thực, được viết sinh động gần gũi, dễ cảm hóa.

            Chuyện của chú Từ đăng năm 1917, 1920, 1921

            Chuyện của chú từ Dốt đăng các năm, 1919, 1923, 1924, 1925, 1934, 1935, 1936, 1937, 1938.

            Chuyện của chú từ Nòi đăng các năm:

                                                     1918, 1919, 1920, 1921, 1922, 1923, 1924, 1925, 1926.

            Chuyện của chú trùm Khù đăng các năm: 1931, 1932.

            Câu chuyện ngày thứ năm đăng các năm: 1935, 1936, 1937, 1938, 1939, 1940, 1941, 1942, 1943…

            Chú Từ là người giựt chuông nhà thờ sớm chiều, còn phải quét tước nhà thờ, là người trông nom nhà thờ, nhờ thế chú có điều kiện quan sát sinh hoạt của giáo dân, chú kể những câu chuyện để nhắc nhở những việc chưa chuẩn. Đây là những “chuyện người thật việc thật” ở giáo xứ. Có lẽ “Chú Từ” là bút danh của một linh mục nào đó nên những chuyện kể rất cặn kẽ, những phân tích khuyên giải rất thấu tình.

            Xin đọc (NKĐP năm 1917, số 437; tr 381)

            “Ai biết thương người ấy là phước thật, vì chưng ngày sau Đ.C.T. lại thương mình vậy”. Tôi nói đó không phải là giảng đâu, song bởi thật tôi thương mấy chú từ đương niên và tôi cũng xin anh em thương nữa, dầu làm sự nhỏ mọn mà có ý thương người, thì cũng là một sự nên, sự phước. Mấy chú từ mắc lo rung chuông nhựt một nên phải dậy sớm, mệt lắm, còn phải quét tước nhà thờ, nên nếu anh em chịu phiền một chút thì làm ơn cho mấy chú từ lắm, là đừng nhổ nước miếng dưới đất. Có khi thì cả vũng, coi dơ dáy gớm ghiếc quá. Ta tới nhà quan quyền dám làm vậy không, sao tới nhà Chúa lại thị cách đó. Có kẻ khác lại có thói quen để chơn hay giày trên bàn quỳ cũng dơ quá, người khác lại thì phải chùi phải bụi, bằng không thì lấm quần áo hết. Cái đó cũng tại có người muốn ngồi cách thong thả, ngã bên này, dựa bên kia, xét lại thì vô phép với Chúa quá.

            Xin anh em chịu khó một chút thì nhà thờ Chúa sạch sẽ, và làm ơn cho mấy chú từ lắm.”

            Dốt, điểm chỉ.

***

            Xin đọc: “Chạy đi đâu dữ vậy

            Mấy ngày áp lễ lớn tôi làm công việc mệt quá, mà cũng tức cười quá. Ngày đó thường bổn đạo đi xưng tội đông lắm, nên cha ngồi tòa không nghỉ được một chút. Bởi đó nên ai cũng giành mà đi vô Tòa trước. Cái đó coi thật mất cỡ quá, mà coi ra hèn hạ, như đi giựt giàn trong chùa. Tới phiên ai thì nấy đi, có đợi thì quỳ hay là ngồi trong bàn trong ghế. Ai đợi trước thì vô trước, ai tới sau thì vô sau, đừng có giành mà ra đứng ngoài ghế, gần bên Tòa. Rủi có vài người tính nóng nẩy đợi sẵn rồi trong ghế, mà mình lên giành cách đó thì ma quỷ cám dỗ phải sinh ngầy ngà trong nhà thờ, trước Tòa mình sắm sửa mà đi cáo tội mình, thì coi sao được. Chọc giận kẻ khác làm chi, lại lo giành giựt như vậy thì phải lo ra nhau hết. Còn sự dốc lòng chừa mình mới đó đi đâu hết rồi? Chẳng những không chịu nhục, mà lại làm sái phép công bình. Ai lại không gấp việc nhà, song hễ ai tới trước thì vô trước ấy là sự phải lẽ, không ai trách ai được cái gì.

            Đều nói mà nghe chớ xét lại nếu mình phải ở lâu trong nhà thờ như vậy mà mất mát gì đâu. Đáng lẽ ta dùng dịp đó mà đọc kinh nhiều thêm nữa mà ăn năn đền tội. Tòa thế gian phạt tù rạc cả năm cả đời, còn Tòa Chúa thì việc đền tội nhẹ nhàn, đọc mấy chuỗi thấm tháp đâu mà còn sợ mất công mất ngày giờ? Lại ngồi trong nhà Chúa chẳng phải là tốt và quý trọng sao mà muốn ra về cho mau. Ở đời có vua nào mà lấy nhà mình mà làm tù rạc cho tội tình ở không?

            Vậy đừng chạy đâu, cũng đừng đi xảy lén sau lưng rồi lướt tới mà vô Tòa giải tội, rủi vấp té chúng cười chết, chết tươi…xưng tội chẳng kịp.

                                                                                                            Dốt, điểm chỉ.

            Câu chuyện ngày thứ năm

            (Nguồn: NKĐPNăm 1941, Số 1642, tr.34)

            Một ngày nọ, cha sở họ kia, giảng trên tòa rằng: con nít chơi giỡn om sòm bên hè nhà thờ đang khi bổn đạo đọc kinh hay cha đang làm lễ: cha nói cha có đuổi chúng nó một hai lần nhưng rồi tuần nào cái tình tệ ấy vẫn còn hoài mà cha không nỡ đánh đập chúng nó và cha cũng không muốn làm việc ấy nữa. Cha cũng có nói rằng: sắp con nít đó khó dạy quá, mà chẳng biết tại sao vậy.

            Trước hết thử kiếm coi lỗi tại ai? Thì là cha mẹ chớ ai. Một lẽ, cha mẹ biểu con cái đi nhà thờ mà mình không đi, thành ra hễ nó đi tới đó thì nó muốn làm gì thì làm. Một lẽ khác là bởi cha mẹ nuông con quá thới, để nó mặc tình làm gì thì làm, không trông chừng xem sóc nó. Một lẽ khác nữa, là nếu có ông biện, ông câu hay một người bổn đạo nào can thiệt lùa con họ vô nhà thờ, thì họ binh con rồi kiếm chuyện gây gỗ với người ta, thành thử có ai dám thày lay đi lùa bọn nó vào nhà thờ…”

            Sau khi phân tích như vậy, tác giả P. Mười Chỉ đề ra giải pháp: “đặt ra một ông biện đồng nhi, có đủ nghị lực cương quyết để xem chừng đám trẻ khi nó tới nhà thờ”. Ông than phiền: “Ôi! Mà nói cghi con nít vì chi`1nh những người lớn cũng còn lẩn quẩn góc hè nhà thờ thay…”

            Qua những câu chuyện của các chú từ, Nam Kỳ Địa Phận đã góp phần giáo dục văn hóa cho giáo dân trong mọi sinh hoạt sống đạo: từ những chuyện nhỏ nhặt như xếp hàng xưng tội; việc cha mẹ thiếu trách nhiệm để con chơi giỡn ngoài nhà thờ mà đến cha sở bảo chúng cũng không nghe; chuyện các cậu giúp lễ đã mặc áo nhưng chưa chịu vào nhà thờ (NKĐP 1917, số 435- tr.351); đến thái độ của người lớn khi “làm việc lành” (NKĐP số 1691, ngày 01Janvier 1942, tr.10), cả chuyện chú Từ nói chuyện với cha sở về chuẩn bị lễ Giáng sinh. Cha nhắc chú phải lo phần hồn là xưng tôi rước lễ (NKĐP 1917, Số 463, tr. 797)…

            Với tổng số hơn 657 bài của các chú từ (số thống kê chưa đầy đủ), rải đều trong gần 30 năm, Nam Kỳ Địa Phận đã bao quát rất nhiều vấn đề văn hóa trong sinh hoạt hàng ngày của đời sống giáo dân, và chắc chắn góp phần đem đến sự tiến bộ cho bạn đọc.

PHONG HÓA NHO GIÁO KẾT HỢP VỚI KI TÔ GIÁO

            Tất cả những bàn luận của Nam Kỳ Địa Phận về “Phong hóa” đều lấy gốc phong hóa Nho giáo kết hợp với văn hóa Việt trên tinh thần Kitô giáo. Các bài viết tập trung vào giáo dục cá nhân và gia đình. Chẳng hạn, bàn về “tu thân”, về đạo của người quân tử, đạo cang thường, đạo hiếu; vấn đề “tề gia” như: đạo vợ chồng phu xướng phụ tùy, đạo làm con, anh em như thủ túc

            Đây là giải thích của tác giả Phêrô Nghĩa về chữ “nhơn” (nhân) trong “Ngũ thường” (Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín) của Nho giáo:

            “1. Về đều “nhơn”. – Nhơn là gì? – Chính nghĩa là đức thương yêu, như lời trong sách đã ghi rõ ràng rằng: Nhơn dã thân dã. Vậy nhơn là lòng từ bi bác ái, dạ đại độ khoan hồng; nhơn là một đều hệ trọng quán nhứt trong ngũ thường; loài người chung sống với nhau trên cõi đất, nếu không lấy đều nhơn làm cốt thì không sao hiệp thành đoàn thể nhơn quần được; và nói cho chính lẽ ra, nếu loài người mà không có đều nhơn thì không khác gì loài thú vật. Trong sách Khang Hy tự điển có câu rằng: sở dĩ linh ư vạn vật dã, nhơn dã. Cái đều mà làm cho người ta ra khôn ngoan hơn muôn vật là cái đều nhơn. Thầy Phu Tử nói rằng: Nhơn nhi bất nhơn như lễ hà? Nhơn nhi bất nhơn như nhạc hà?Làm người mà chẳng có đều nhơn thì còn gì là chế độ lễ nghi nữa…

.    .     .     .     .     .     .    .    .     .     .     .     .     .

Yêu mến Chúa trên hết mọi sự, thương người ta như mình vậy; giữ trọn hai điều đó ấy là hoàn bị được cả đều nhơn vậy” (NKĐP số 1727, năm 1942, các tr: 472, 558).

Rõ ràng Phêrô Nghĩa mượn chữ Nhơn của Nho giáo để nói về đức yêu thương Công giáo. Hay nói ngược lại, Phêrô Nghĩa dùng đức yêu thương của Công giáo để giải thích chữ “nhơn” (nhân) trong “ngũ thường” của Nho giáo. Bởi vì, trong chữ nhơn của Nho giáo làm gì có nội hàm “Yêu mến Chúa trên hết mọi sự”!

Đây là những bài viết về “Phép lịch sự Annam” đăng trên Nam Kỳ Địa Phận năm 1914:

Lễ phải giữ với Chúa. Tr.7, 77

Chương thứ III: Lễ phải giữ với ông bà cha mẹ: tr.104, 199. 232

Chương thứ IV: Lễ phải giữ với anh em, chị em. tr.280, 326

Chương thứ VI: Lễ ở với thầy thuốc. tr.344

Chương thứ VII: Lễ phải giữ với kẻ lớn. tr.359

Chương thứ VIII: Lễ phải giữ với bằng hữu. tr.407

                               Lễ phu phụ phải giữ với nhau. Tr.470

                             Phụ thêm ít lời về phận gái về nhà chồng. tr.487

Chương thứ X: Lễ ở với kẻ ân nhơn. tr.534

Chương thứ XI: Lễ phải giữ với kẻ tiểu nhơn. tr.551

Phần thứ II: nghi tiết Lạy, Ấp. tr.598

            Phép xưng gọi theo đấng bậc. tr.613

            Với cha mẹ bà con. Tr.631

            Nghi tiết phải giữ khi chào kính. tr.644

            Phép nói khi xin, cám ơn. tr.697

            Phép nói khi ưng thuận, không ưng, cãi lại. tr.712

            Phép nói khi chịu lỗi. tr.793

***

Ngày nay, khi hội nhập toàn cầu hóa, văn hóa Việt Nam đã thay đổi nhiều. Văn hóa Nho giáo được thay bằng văn hóa phương tây. Nhiều truyền thống văn hóa Việt tuy vẫn được giữ gìn như là nền tảng văn hóa dân tộc song thế hệ công dân toàn cầu hóa không còn bị trói buộc như thế hệ cha anh.

            Xin đọc nhan đề một loạt vấn đề phong hóa sau đây để hiểu được tình hình văn hóa trước 1945:

            – Luận về sự cưới vợ lấy chồng (NKĐP năm 1915, tr: 696).

Luận về cách dạy con trẻ (NKĐP năm 1915, tr: 537).

Vợ khuyên chồng (NKĐP năm 1915, tr: 555).

            – Vâng lời cha mẹ thì đẹp lòng Chúa – P. Của (NKĐP năm 1916, tr.666).

            – Đạo làm con thảo hiếu ắt gặp nhiều phước (NKĐP năm 1916, tr.742).

            – Triết nhơn tri kỷ – Hồ Ngọc Cẩn (NKĐP năm 1917, đăng 9 số báo, từ số 425)

            – Cha mẹ đừng có ngăn trở con theo Chúa (NKĐP năm 1918, tr.328)

            – Phu phụ hòa gia đạo thành (NKĐP năm 1921, số 621)

            – Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhơn (NKĐP năm 1923, Tr.733).

Gái khôn lựa chỗ trai hiền gửi thân (NKĐP năm 1924, tr.138).

Hữu nhan sắc hữu ác đức (NKĐP năm 1924, tr.650).

            – Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. (NKĐP 1925, số 829)

            – Phép lịch sự Annam. (NKĐP năm 1925, các tr: số 823, 824, 825, 834, 838, 839, 842, 846,

  851, Năm 1926, các tr: 27, 60, 138)

            – Huấn tử ca. của Phê rô Nghĩa (đăng 14 số năm 1926)

– Luân lý ca của Phê rô Nghĩa (đăng 11 số năm 1926)

– Hiếu đạo lược biên (đăng 6 số năm 1926, các tr: 156, 207, 268, 302, 330, 477)

Huynh đệ như thủ túc (NKĐP năm 1927, tr. 219 & 253)

Phu xướng phụ tùy (NKĐP năm 1927, tr 492)

Phép để tang theo Annam (NKĐP năm 1927, số 931, tr.93)

Cổ nhơn chơn bửu tích (NKĐP năm 1927, đăng 9 số báo. Các tr: 282, 668, 696, 714…

Đi bữa chợ học mớ khônLàm khi lành để dành khi đau. – Cách sông nên phải

  lụy đò.(NKĐP năm 1928, các tr: 323, 421, 472)

Học vô hành bất thành quân tử (NKĐP năm 1928, tr. 227)

Quân tử thái nhi bất kiêu (NKĐP năm 1928, tr.597)

Học nhi thời tập chi (NKĐP năm 1928, tr.185)

Cang thường đạo trọng (NKĐP năm 1929, tr.226)

Một sự nhịn chín sự lành. (NKĐP năm 1929, tr. 393).

Pháp-Việt lễ nghi phong hóa -tác giả Đông Hải (NKĐP năm 1931 các tr: 475, 489, 540,

   635, năm 1932 các tr: 329, 340,427, 457, 474)

Vấn đề tu thân-Phê rô Nghĩa (NKĐP năm 1932 đăng 8 số báo, các tr: 211, 339, 371, 387,

   395, 629, 645)

Tam thập nhi lập (NKĐP năm 1933, tr.62)

Gia đình là căn bổn của xã hội– Phêrô Nghĩa (NKĐP năm 1935, tr.661)

Ngạn ngôn diễn luận – Phê rô Nghĩa (NKĐP năm 1935, đăng 16 số báo. Các tr: 39, 45,

  87, 166, 182, 215, 278, 297, 326, 404, 533, 549, 634, 644, 762, 794. Tác giả diễn giải những câu tục ngữ, từ đó hướng đến giáo dục công chúng. Thí dụ: diễn luận câu “Cờ về tay ai nấy phất”; “Đờn ông cắp chà, đờn bà làm tổ”…

Người quân tử (NKĐP năm 1940, tr.396)

– Vấn đề ngũ thường (NKĐP số 1727, năm 1942, các tr: 472, 558)

Phụ nữ với thuyết bình quyền – Tác giả: D.L. (NKĐP năm 1936, các tr: 567, 584, 600)

           TẠM KẾT

            Nam Kỳ Địa Phận còn đề cập đến nhiều lĩnh vực khoa học chuyên môn khác như Chính trị, Luật pháp, Thiên Văn, Kinh tế, Chư nghệ, Bác vật, Tánh dược, Thương mãi, Canh nông…Những lĩnh vực khoa học này không thuộc phạm vi văn hóa nhưng tri thức của các khoa học chuyên môn này vẫn là tri thức văn hóa. Như thế, giá trị văn hóa của Nam Kỳ Địa Phận bao hàm một phạm vi rất rộng. Một tờ báo Công giáo có thể tham gia sâu rộng vào nhiều lĩnh vực xã hội, điều đó thật đáng quý.

Tháng 5/ 2024

_______________________

NAM KỲ ĐIẠ PHẬN-Bài 3-“CHO DANH CHA CẢ SÁNG”

Bạn có thể đọc các bài viết chính của Bùi Công Thuấn theo link:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

NAM KỲ ĐỊA PHẬN-Bài III, “Cho danh Cha cả sáng”.

Bùi Công Thuấn

Bạn có thể tải bản full theo link:

https://www.mediafire.com/file/js0s2wjfdj19v5z/NK%C4%90P-B%C3%A0i+3-CHO+DANH+CHA+C%E1%BA%A2+S%C3%81NG.pdf/file

***

Tuần báo Nam Kỳ Địa Phận đề ra mục tiêu: “Vì lòng ái mộ cho danh Cha cả sáng, cùng ước ao cho con nhà An Nam ta mọi nơi đâu đó đều đua nhau tấn tài tấn đức, cho thông phần đạo và ngoan việc đời…” (Bổn quán kỉnh cáo, số 01, năm 1908)[[1]]. Nói bằng ngôn ngữ hôm nay, đó là thực hiện nhiệm vụ loan báo Tin Mừng. Tính chuyên nghiệp của tờ báo thể hiện ở việc tập trung bài viết về nhiệm vụ này để đạt mục đích “cho danh Cha cả sáng”.

Nam Kỳ Địa phận  đã thực hiện nhiều thể loại báo chí. Bạn có thể đọc: “Châu tri Đức Giám mục địa phận Sài Gòn”-Communication de l’Évêché (thông báo của Tòa Giám mục); “Thơ chung Đức Giáo Tông”, “Thơ chung mùa Chay cả” của các Đức Giám mục, “Thơ mục vụ” (Lettre Pastorale); “Lời Thánh kinh”, “Êvang Chúa nhựt”, “Thánh kinh lược gẫm”, “Tìm đạo chánh là đàng phước thật”, “Sấm ký chơn tích”, “Sự tích Chúa Cứu Thế”, “Đạo lý”, “Hạnh các thánh”, “Sự tích phép lạ”, “Những gương lành”, “Sự tích các cha đã qua đời”, “Sách phần mới”, Sách phần cho trẻ em”, “Lời an ủi”, “Gốc tích sự đạo nước Nam”; “Hội thánh Việt Nam”,Việc giảng đạo tiên khởi nước Nam”…

Xin tìm hiểu từng chủ đề.

I. COMMUNICATION DE L’ÉVÊCHÉ

            Đây gần như là phần thường xuyên của tờ báo. Có năm, số thông tin khá nhiều. Năm 1924 có 30 bản tin; năm 1929 có 41 bản tin; Năm 1935 có 21 bản tin, năm 1942 có 45 bản tin. Phần này đã đề cập đến trong bài viết: “Nam Kỳ Địa PhậnBài II: Tân thư, Thời sự”[[2]] (xin chỉ nhắc sơ lược ở đây)

            Xin đọc:

COMMUNICATION DE L’ÉVÊCHÉ

(Năm 1914. Số 311, tr. 817)

“Đức cha Luciano đi dưỡng bịnh bên quê nhà, tại nước Langsa, đã gần được một năm. Nay nhơn dịp mãn năm 1914, cùng sang qua năm mới, thì Đức cha gửi lời kính các Linh mục và thăm các bổn đạo Địa phận Nam Kỳ.

Đức cha gửi lời thương nhớ cùng chúc cho các Linh mục và các bổn đạo hết thảy đặng mọi sự lành năm mới.

            Đức cha tính chừng ít ngày nữa thì sẽ đi Rôma, mà viếng Tòa thánh. Đức cha hứa khi gặp Đức thánh Phapha mới lên quờn là Đức Giáo Tông Bênêđictô XV, thì sẽ xin Đức Giáo Tông chúc lành cho các Linh mục và các bổn đạo Nam Kỳ.

            Đức cha cũng xin các Linh mục và các bổn đạo cầu nguyện cho Đức cha đặng mạnh, mà về cùng đoàn chiên yêu dấu.”

***

 THƠ RÔMA

(NKĐP số: 1205, ngày 23 Juin 1932, tr. 369)

S. congregation de la Propagande

Rome le 12 Novembre 1931

A Son Excellence Monseigneur Isodore Dumortier, Vicaire Apostolique de Saigon

Trọng kính Đức cha

            Theo tờ Đức cha tỏ bày mọi việc trong năm và theo sổ Đức cha gởi, thì tôi tỏ thấy Đức cha và các đấng sốt sắng phụ giúp Đức cha đã nhờ ơn Chúa phù hộ mà gặt được những trái tốt lành thanh quí trót cả năm và năm mới qua. Có lẽ hẳn mà trông sang năm số bổn đạo trong Địa phận Đức cha sẽ tăng tới 100.000 người.

            Nhứt thiết đáng khen đông số các người Nhà Phước và Tây và Nam, vì chăm lo giúp kẻ liệt lào trong các nhà thương, và tận tình cần mẫn trong mấy việc yêu người trong địa phận đã nhiều và lại đang phấn chấn.

            Lại tôi cũng mừng vì thấy lập thêm những họ đạo mới, có chỗ là bởi nhờ lòng rộng rãi người quờn quới trong bổn đạo phụ giúp, cho nên Thánh Bộ Tấn Giáo nầy biết ơn kẻ ấy mọi đàng.

            Nhứt là đáng khen sự quan Docteur Nguyễn Văn Phát trở lại cách rỡ ràng; tôi gởi ban phép lành riêng cho quan ấy, trông nhờ gương ngài và lời ngài giảng dụ sẽ làm cho nhiều người khác trong anh em đồng bang ngài đặng mà theo Đạo thánh ta.

            Tôi đã tâu lại cho Đức Thánh Cha hay: thầy cả bổn quốc Ignatio Thích đã làm lễ chánh tế Ngũ tuần. Đức Thánh Cha đã tỏ lòng phụ từ chính tay Người cầm bút tả câu chúc ban phép lành cho ngài; tôi xin Đức cha trao lại bửu tích ấy cho ngài, và nói Thánh Bộ Tấn Giáo nầy gởi lời chúc mừng ngài.

            Tôi ban phép lành cho Đức cha và các kẻ phụ giúp Đức cha cùng bổn đạo Đức cha nữa.

                                                                                                            Nay kính

                                                                                                G. M. Card. V. Rossum

                                                                                                            Hội trưởng

                                                                                                Côrôlô Salotti

                                                                                                Tổng Giám mục Philippopoli

                                                                                                            Thơ ký

II.THƠ CHUNG

            “Thơ chung” là thơ của Đức Giám mục gửi cho giáo dân, thường là “Thơ chung mùa Chay cả”.

Hầu như năm nào Nam Kỳ Địa Phận cũng đăng “Thơ chung”. Năm 1924 có 3 Thơ chung đăng trên 6 số báo. Năm 1929 có 5 Thơ chung đăng trên 13 số báo; năm 1931 có 5 Thơ chung (cả thơ Mục vụ) đăng trên 16 số báo; năm 1932 có 3 Thơ chung: Thơ mùa Chay (tr. 67), Thơ chung Đức Giáo Tông Pio XI về phép hôn phối (các trang 83, 99, 115, 131, 147, 163, 179),…

            Các “Thơ chung” có giá trị đặc biệt về giáo dục đức tin, dạy dỗ giáo luật, uốn nắn nhận thức tư tưởng cho bổn đạo trước những vấn đề thực tại mà người Công giáo phải đối mặt. Ngôn ngữ “Thơ chung” là ngôn ngữ của “Đấng thẩm quyền” (ngôn ngữ có quyền lực), giáo dân buộc phải lắng nghe và thực hiện. Các vấn đề xã hội được nhận thức và lý giải dưới ánh sáng Tin Mừng, ánh sáng Thần học và Triết học; đó cũng là quan điểm xã hội của Rôma. Thí dụ, vấn đề hôn nhân, vấn đề chiến tranh, vấn đề lao động, các học thuyết tư tưởng xã hội đương thời…

            “Thơ chung” nâng tầm nhận thức của giáo dân đối với những vấn đề lớn của Giáo hội toàn cầu mà người dân quê ngày xưa, sinh hoạt trong cộng đồng là xã, chưa có điều kiện tiếp cận; đồng thời trang bị cho họ cái nhìn Thần học và quan điểm của Giáo hội (thí dụ, xin đọc Thơ chung của Giám mục Cassaigne năm 1945)

Xin đọc: Thơ chung vào mùa chay cả năm 1914. (NKĐP số 266. tr.66): (trích)

            “…Nhơn vì những lẽ ấy, Ta nguyện kêu danh Đ.C.T. mà nhắc lại cho anh em những điều sau nầy:

  1. Luật buộc giáo hữu phải xem lễ mỗi ngày Chúa nhựt và bốn ngày lễ cả sau nầy: Lễ Sinh Nhựt Đ.C.G. Lễ Đ.C.G thăng thiên, Lễ Đ.C. Bà mông triệu thăng thiên và Lễ các thánh Nam Nữ.
  2. Các giáo hữu nam nữ đã đến tuổi khôn, phải xưng tội một năm ít là một lần. – Lại phải lấy lòng tôn kính sốt sắng mà rước Mình Thánh Chúa một năm ít là một lần, trong mùa Phục sinh. Trong địa phận ta, mùa Phục Sinh kể từ ngày lễ Tro cho đến Lễ Đ.C.T. Ba Ngôi.
  3. Các bổn đạo đã đến tuổi ăn chay, nghĩa là 21 tuổi trọn, bằng chẳng có lẽ riêng mà được phép cha giải tội hay là thầy bổn sở chuẩn, thì phải ăn chay mỗi ngày thứ sáu trong mùa Chay cả, ngày thứ tư Tuần thánh và ngày áp lễ Sinh nhựt Đ.C.G.
  4. Các giáo hữu nam nữ đã đến tuổi khôn, phải kiêng thịt các ngày thứ sáu trong năm, mỗi ngày thứ tư và thứ sáu trong mùa Chay cả, ngày áp lễ Đ.C.T.T. hiện xuống và áp Lễ Đ.C. Bà mông triệu.
  5. Trót cả mùa chay, chẳng nên dùng cá với thịt trong một bữa cơm; các thứ tôm tép, các giống sò ốc cua vọp, cũng chẳng nên ăn lộn với thịt trong mùa Chay.
  6. Theo phép chuẩn Đ. G. Tông đã ban, thì bổn đạo Địa phận ta khỏi mấy ngày kiệng thịt và chay lòng khác, và khỏi nhiều điệu nhặt nhiệm Hội thánh dạy phải giữ trong mùa Chay cả. Song Tòa thánh khuyên kẻ dùng phép chuẩn ấy, phải bố thí cho vừa sức mình mà thế lại. Của bố thí ấy, các Linh mục bổn sở sẽ gởi cho ta, để giúp việc lành trong Địa phận theo ý Bề trên phân định.
  7. Những ngày kiêng thịt và chay lòng trong mùa Chay cả, dầu khi lót lòng tối, thì cũng nên dùng trứng gà trứng vịt và các thứ sữa.

Phải đọc Thơ Chung nầy trong các nhà thờ lớn nhỏ Địa phận Ta, từ ngày Chúa nhựt Năm Mươi về sau. Thường phân ra mà đọc, cùng cắt nghĩa nhiều lần trong mủa Chay cả.

Ta đã làm Thơ nầy tại Sài Gòn ngày lễ đặt tên Đ.C.G. mồng 1 Janvier năm 1914, và đã ký tên cùng đồng ấn Ta nữa.

                                                                                           Victo-Carôlô,

                                                                              Giám mục Laranda ký

***

THƯ CHUNG MÙA CHAY CẢ năm 1945

(NKĐP số 1849, ngày 1er Mars 1945. Tr.58)

***

Đức thầy Gioan Cassaigne

Bởi ơn Đức Chúa Trời và quyền Tòa thánh,

làm Giám mục Gadara và thay mặt Đức Giáo Tông

mà cai trị Địa phận Saigon

gởi lời thăm cùng chúc bình an và sự lành

cho hàng Đạo đức và Giáo hữu địa phận Ta.

Ớ anh em rất yêu dấu,

Nạn chiến tranh hiện thời ngày càng lan rộng, hóa thành một tai họa lớn lao thới quá, bao trùm thế giới trong cảnh tang khó, gieo rắc khắp nơi nỗi hồi hộp âu lo và chất chồng các sự đau thương trên loài người. Đứng trước hoàn cảnh như vậy, lương tâm người Công giáo chúng tôi bắt nghĩ đến vấn đề sự dữ ở thế gian nầy: Đức Chúa Trời lòng lành vô cùng sao để dồn dập những tai nạn khốn khó dường ấy?

Khắp hết mọi nơi trên đất, dưới biển, cho đến trên không trung đã thành bãi chiến trường, hằng có tiếng than van của con người kêu đến Thiên Chúa. Hằng triệu chiến sĩ phải sống ghê rợn, chực cấu xé giết hại lẫn nhau chẳng nguôi. Rồi bao nhiêu thành thị, xóm làng phải thiêu hủy vì cơn bão bùng bom đạn khòi lửa rùn rợn nầy. Lương dân phải tàn sát bởi nạn phi cơ dội bom, những đám đông đặc người kéo đi tìm nơi lánh nạn, trong các gia đình phải chịu túng cùng đói khát, biệt tin biệt tức các kẻ thân yêu, áy náy lo sợ những việc xảy ra mà mình chưa rõ, lại thêm một dòng dõi mới những trẻ mồ côi vì chiến tranh.

Giữa những sự khốn nạn cả thể dường ấy, không lạ gì cái tiếng kêu đến Chúa: “Lạy Chúa, nhơn sao Chúa để chúng tôi phải khổ sở đỗi nầy!”. – Có khi tiếng than van thế ấy có giọng lộng ngôn: “Nếu Đức Chúa Trời nhơn lành, ắt Chúa chẳng để có bây nhiêu nỗi khốn nạn thế nầy.”. – Mà nếu hồ nghi về lòng lành Đức Chúa Trời, tất là hồ nghi không có Đức Chúa Trời. Vì chưng nếu Đức Chúa Trời chẳng phải trọn lành, thì chẳng còn phải là Đức Chúa Trời. – Phái vô thần lợi dụng tình cảnh rủn chí nầy mà cao rao rằng: tai nạn chiến tranh làm chứng chẳng có Thiên Chúa bảo tồn vạn vật, vì rằng: “Nếu có Đức Chúa Trời, ắt Chúa chẳng để loài người tai ương đến thế”.

Phải đáp giải thế nào?

            (Xin đọc tiếp ở phần Phụ lục phía dưới)

***

III. LỜI THÁNH KINH, THÁNH KINH LƯỢC GẪM, LỜI EVANG CHÚA NHẬT

Lời Thánh Kinh, Thánh Kinh lược gẫmLời Evang Chúa nhật là những bài giảng Kinh thánh các thánh lễ Chúa nhật và lễ trọng quanh năm. Những bài viết ấy, trong thực tế, là bài giảng lễ của Linh mục.

Ngày xưa, Linh mục dâng lễ âm thầm bằng tiếng Latinh. Giáo dân hoàn toàn không hiểu Linh mục đọc những gì, ý nghĩa ra sao. Chỉ khi giảng lễ, Linh mục kể tóm lược đoạn Thánh Kinh của ngày lễ hôm ấy, rồi giảng giải những chỗ cần thiết, từ đó rút ra ý nghĩa nhận thức và hành động cho giáo dân để củng cố đức tin và hướng dẫn sống đạo. Những bài giảng lễ vừa là “loan báo Tin Mừng”, vừa kết nối tín hữu toàn cầu trong một đức tin (Kinh Tin kính), bởi vì trong ngày Chúa nhật hay ngày lễ, các Linh mục cùng dâng lễ và cùng cử hành phụng vụ Lời Chúa thống nhất theo Roma. Sự khác biệt trong các bài giảng lễ chỉ ở phần hướng dẫn sống đạo. Linh mục tùy theo đối tượng giáo dân mà dạy dỗ điều này điều kia.

Ngày nay đọc những bài này của Nam Kỳ Địa Phận, người đọc sẽ thấy tác giả không trích lại nguyên văn đoạn Kinh thánh, mà chỉ thuật lại gián tiếp, rồi rút ra bài học. Nội dung những bài viết này tuy có khác với hôm nay song, những điều căn bản về Thần học, về đức tin, về lời dạy của mẹ Giáo hội thì không khác biệt, bởi đó là chân lý Giáo hội đã khẳng định

Lời Thánh Kinh của Mátthêu Đức kéo dài từ 1909 đến 1915, sau đó  tiếp tục 2 năm nữa (1918, 1919). Mỗi năm đều theo sát các Chúa nhật và các ngày lễ lớn. Thánh kinh lược gẫm xuất hiện năm 1929, có 34 bài. Năm 1941 có Lời Evang Chúa nhựt của Lm J. Kiểu (Huế), 47 bài. Năm 1942 có Thánh kinh, Chúa nhựt, lễ cả (cũng của Lm. J.Kiểu) trong cả năm

Xin đọc:

LỜI KINH THÁNH

Chúa nhựt sáu mươi

(NKĐP năm 1910, số 61, tr. 33)

Khi Đức Chúa Giê su thấy dân sự tụ hội đông đắn mà nghe người giảng dạy, thì người đã phán thí dụ về kẻ gieo giống, mà có phần thì sa xuống dọc đàng, có phần thì sa xuống trên đá sỏi, có phần thì sa xuống trên bụi gai, có phần thì sa xuống trên đất tốt. Môn đệ Người nghe vậy mà chẳng hiểu, nên khi lũ dân đã lui về, thì mới hỏi Người ví dụ ấy là gì, ý chỉ làm sao.

Ta phải noi gương các Môn đệ Chúa, trước là ham nghe lời Chúa phán dạy, sau là suy xét lời ấy cho đặng hiểu tỏ ý chỉ mà ghi tạc vào lòng hầu nắm giữ. Mà khi có đều gì kín nhiệm ta không hiểu rõ thì ta hãy khiêm nhường mà hỏi cho hản: hỏi Hội thánh, hỏi các thánh Sư, hỏi kẻ thay mặt Chúa mà dạy dỗ ta về phần hồn; chớ khá lấy ý riêng mà cắt nghĩa trái theo trí mọn mình, kẻo phải lầm lạc như như các quân lạc đạo bấy lâu nay.

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Lạy Đức Chúa Giêgiu, xin Chúa dạy dỗ tôi, xin Chúa giúp tôi cho đặng lòng chăm chỉ mà nghe hiểu lời Chúa và giữ vững, hầu cho Chúa chữa tôi cho lành đã mọi tật linh hồn. Xin Chúa mở con mắt tôi ra, cho tôi đặng tỏ thấy mọi điều tốt lành kín nhiệm trong luật điều Chúa. Tôi đã nắm giữ mọi lời Chúa truyền: xin chớ để tôi phải thẹn. Xin cho hột giống lời Chúa sa vào linh hồn tôi, mà mọc lên mạnh mẽ và trổ sinh đầy dẫy trái trăng cho xứng công ơn Chúa.

Mátthêu Đức

***

            Xin đọc:

CHÚA NHỰT THỨ XV SAU LỄ HIỆN XUỐNG

(NKĐP số 498, năm thứ 10 (1918). Tr. 531)

Bài của NKĐP

***

Theo Lời Evang ông thánh Luca – VII, 11

Đ. C. G cho con bà góa ở thành Naim sống lại.

I. Hết thảy ta đều phải chết. Vốn Chúa dựng loài người ta có ý để cho sống đời đời, song bởi tội nên ta phải chết…dầu vậy, Chúa còn lòng lành; ví bằng ta thờ phượng Chúa, nhờ công nghiệp Chúa chuộc tội thì sau ta sẽ đặng phước đời đời. – Chắc ta sẽ chết là sự tỏ tường chẳng ai hồ nghi đặng. – Chắc khi chết ta sẽ bỏ hết mọi sự: của cải, quờn chức, và mọi sự ta yêu chuộng, khi sống chẳng muốn lìa, mà giờ chết phải bỏ hết…

II. Ta ăn ở dường như chẳng khi nào sẽ chết. Ấy là ta chẳng biết lo cho đặng chết lành. – Chẳng muốn nhớ tới, suy tới sự chết, kẻo phải bỏ tội, bỏ sự phù vân sang trọng giả trá. – Biết chết là sự rất cay đắng, vì giờ ấy sẽ thấy cả đời mình những làm sự vô ích hại mình; song bây giờ cũng chẳng lo cải quá. – Biết chết là sẽ qua một kiếp khác rất can hệ, song chẳng khi nào xét cùng lo đến.

III. Mạng số ta có phước hay là vô phước thì một lần mà thôi, chẳng hề đổi đặng. Hễ ta sống lành thì chết đoạn sẽ đặng thưởng. – Khi sống có lo thờ phượng Chúa nên thì chết đoạn sẽ về với Chúa; bằng khi sống theo thế gian tội lỗi, thì chết đoạn phải về tay ma quỷ, sẽ phải sa địa ngục chịu phạt vô cùng. – Có Chúa dựng nên trời đất cùng loài người và mọi sự cho loài người ta dùng, lại thấy phép Chúa dạy mọi người phải chết chẳng ai lánh đặng; lẽ nào chẳng có Chúa mà thưởng phạt ta ngày sau. Vậy ở đời có một sự cần là lo thở phượng Chúa cho ngày sau khi chết đoạn đặng lên thiên đàng hưởng phước vô cùng.

***

IV. SẤM KÝ CHƠN TÍCH, SỰ TÍCH CHÚA CỨU THẾ, GIÊSU KIRIXITÔ LÀ AI

Sấm ký chơn tích thuật lại câu chuyện của Cựu Ước, khởi đăng từ số 330 năm 1915 (Quyển chi nhứt) đến số 1350 năm 1935 (Quyển phụ thêm). Sấm ký chơn tích kéo dài 20 năm. Truyện bắt đầu từ thời Adong, Noe; giai đoạn dân Hêbrêu ở bên Êgyptô: Ông Giacóp và ông Gioseph; giai đọan 40 năm ở trong rừng: ông Moyse. Quyển thứ VIII: Ông Giêđêon và ông Samson; vua Saul, vua thánh Đavit. Quyển thứ X: vua Salomon; Quyển phụ thêm: vua Herode …

Mátthêu Đức không dịch sát từng câu của Cựu Ước. Ông kể chuyện Cựu Ước theo cách tổng hợp: kể chuyện kết hợp bình luận. Ông cũng không ghi nguồn nên không rõ những nội dung ông thuật lại là từ nguốn sách nào của Giáo hội.

Điều đáng ghi nhận là Nam Kỳ Địa Phận tạo cơ hội để giáo dân Việt Nam được tiếp cận với Cựu Ước, trở về cội nguồn loài người, vũ trụ, tiếp cận một nguồn văn chương, văn hóa mới lạ từ phương tây.

Xin đọc một đoạn: (NKĐP Năm 1915, số 330)

                                                Quyển chi nhứt

                                                NGƯƠN THỈ

                                         Ông Adong và ông Noe

                                                            I

                                  THIÊN QUỐC THẦN TRIỀU

Thuở đầu hết khi chưa dựng nên vật gì, thì có một mình Đức Chúa Trời mà thôi. Người là tự hữu hằng có đời đời, vô thỉ vô chung, vô biên, vô lượng, là nguồn gồm cả sự có và sự sống. Người đã đặt cho mình một tên riêng, chẳng hề thông ra cho ai đặng, mà chỉ tỏ bổn chất Người: tên ấy là “Jéhova”, nghĩa là “Tao là đấng tự hữu”.

            Tuy rằng có một Đức Chúa Trời mà thôi, song Người có ba ngôi phân biện, là ngôi Cha, ngôi Con và ngôi Thánh Thần. Đức Chúa Cha chiêm nghiệm mình thì sinh ra Đức Chúa Con; bởi Cha và Con thương mến nhau, thì ra ngôi Thánh Thần. Ấy là sự mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, ta phải thờ lạy, tôn kính, khen ngợi đời đời.

            Vậy từ đời đời Đức Chúa Trời chẳng có độc chiếc một mình, vì Người có ba ngôi, và ba ngôi hưởng sự vui mừng, vinh hiển, phước lộc làm một cùng nhau. Nhưng mà cho đặng tỏ ra phép tắc cùng sự khôn ngoan người và lòng người thương mến, thì người đã định dựng nên bề ngoài cho có trời đất, và trong hai chốn ấy thì dựng nên cho có muôn vàn vàn thú vật khác nhau, mà tò ra những sự trọn lành của người, tùy theo bổn tính mỗi vật, thứ nhiều, thứ ít, mặc đòi vật ấy giống hình ảnh người thế nào.

            Trên trời người dựng các Thần, nguyên linh tính như người; các Thần ấy ra một đạo binh vô số, nên Triều vua cả. Các Vì ấy chia ra làm ba phẩm, là những Vì chầu nơi tòa Chúa, những Vì áp tắc nước người, và những Vì khâm sai: hết thảy đều trung tín phụng lịnh Chúa mà làm những việc cao cả người ký cho. Trong phẩm thứ nhứt có ba hội, là các đấng Sêraphim, đặng say mến nơi nguồn thương yêu; các đấng Chêrubim hằng ngưởng vọng trông xem Sự Thật hằng có đời đời; và các đấng Troni, là Thần Ngai, lo truyền lại cho các Thần bề dưới hay mọi lịnh Chúa. Trong phẩm thứ hai cũng có ba hội, là các đấng Dominationes làm quan trên, các đấng Principatus làm quan phó, còn các đấng Potestates làm chức việc lo thi hành lịnh trên, và đuổi xua những đều cản trở. Phẩm thứ ba thọ mạng hai phẩm trên sai khiến. Cũng có ba hội: các đấng Virtutes nhưng luật tự nhiên mà làm những phép lạ; các đấng Archangêlô, là Tổng lãnh Thiên thần, làm thần sứ trong các việc đại sự, và các đấng Angêlô, là thiên thần vưng lịnh sai xuống cùng những vật tạo hóa bề dưới mà truyền rao ý Chúa, hay là giữ gìn những vật Chúa ký thác cho.

            Ấy là chín hội linh thần Đức Chúa Trời đã dựng nên từ thuở ban sơ, cho đặng hát lời ca ngợi phong khen: “Thánh tai, Thánh tai, Thánh tai, Chúa là Chúa các đạo binh”

                                                                                                                        Mátthêu Đức

***

Loạt bài Sự Tích Chúa Cứu Thếkhởi đi từ năm 1920, số 593 (Phần thứ Nhứt-Chúa Hài nhi – Đoạn thứ nhứt: Sứ thần Gabriel hiện đến cùng Zacharia, tr.419), đến năm 1924 (Đoạn thứ IX: lòng lân mẫn và sự công bình, tr. 787). Tác giả là Antoine Phi(C.L.G.) thuật theo lối tổng hợp, không ghi nguồn.

Xin đọc trích đoạn:

Phần thứ nhứt-Chúa Hài nhi

Đoạn thứ bốn-

Việc xảy ra nơi hang đá Bethlléem

(NKĐP số 608, ngày 21 Octobre 1920, tr.657)

            Tháng 12 năm 749 ông Cyrinus là phó quan tổng đốc Sextius Saturninus, đến xứ Palestine, làm đổng lý việc kén sổ nhơn dân. Lịnh troàn cho bất luận nam phụ lão ấu đều phải khai tên, tuổi, gia tộc, sản nghiệp, điền viên. Lại nữa mỗi người, dầu kí ngụ nơi nào, cũng phải về khai danh tại thành tổ quán, vì là chính nơi giữ sổ tông chi, cho con cháu cứ tôn ti đẳng cấp mà đặng kế nghiệp tổ tiên.

            Đ C Bà và ông thánh Giude mắc vưng chiếu chỉ sau hết nầy, vì cả hai đều bởi dòng Juda, và là gia tộc vua Đavid, nên phải bỏ Nazareth, sang thành Bethléem là quê sanh quán thổ của ông mình. Bởi vậy hai Đấng Thánh liền thượng lộ đăng trình, mà khi đi tới dãy núi Juda, thì Đ C Bà gần đến ngày mãn nguyệt; Người lấy làm lạ cách Đ C T dìu dắc Người đến chỗ Đấng Cứu Thế phải sanh ra, và sự Chúa khiến cho hoàng đế ra chiếu chỉ cho các sắc nhơn dân chuyển dời, hầu một lời tiên tri dân Israel, phán đã bảy đời trước, được ứng nghiệm như lúc bây giờ.

            Hai Đấng Thánh đến thành Bethléem thì mòn sức, vì đã đi xa hai mươi hai dặm đàng. Tới nơi, thì mặt trời hòng chen lặn; ánh mặt trời giọi lại trên thành vua Đavid, thì thấy Bethléem như một vị nữ vương ngự trên đảnh núi, xung quanh có triền đất vui đẹp. đầy những vườn cây nho và cây Oliva. Ấy là thành Bethléem, nghĩa là “Nhà bánh”, là nơi sung thạnh mùa màng; Ephrata, nghĩa là “hay sinh sản”, là xứ dễ nuôi những đoàn chiên dê. Phía trên cao đó là chỗ bà Noémi ở xưa khi lúc cơn cần làm cho người xiêu lưu đến Moab; ruộng nọ là của ông Booz, chỗ xưa bà Ruth về dòng Moab đã mót lúa quân gặt bỏ rơi; cánh đồng gần đó là nơi thuở trước ông Đavid chăn giữ bầy chiên, hồi thánh tiên tri sai kiếm người về mà xức dầu phong vương dân Israel. Khi bước chơn đến quí địa nầy, hai Đấng Thánh nhìn xem phong cảnh tứ phía, bèn nhớ lại dòng dõi gia thất mình. Lại khắp nơi thành thị, cả dãy núi non: nhà nhà đều nghe tiếng nói về tổ tiên xưa, nhứt là về vua thánh David vì chưng nó là miêu dệ người.

            Song thương thay! Hai Đấng Thánh cũng là nhành vàng lá bạc, dòng dõi thánh vương; mà đời đó có ai biết Đức Nữ Maria là ai, và ông Giude là người nào? Vào thành rồi, không có một ai là người tri thức, hai Đấng Thánh phải bơ vơ tất tưởi giữa những người bởi tứ phía hiệp đến mà khai danh. Phần thì đêm hôm mộ dạ, phần thì lạ lùng, hai Đấng Thánh gõ các cửa nhà, xin cho đỗ nhờ, mà không ai đoái đến. Những người thành Bethléem mắc tiếp rước bà con bạn hữu, lại thấy hai Đấng Thánh bộ bần hàn, thì cũng đem lòng khinh bỉ, không cho chỗ trú. Vì vậy Đ C Bà và ông thánh Giude đi lên hàng quán, nơi mấy người hàng lộ quen nương ngụ, mà cũng luống công; khách bộ hành cùng vật chở chuyên ở đã chật trong ngoài, không thể cho hai Đấng vào ở được.” (còn tiếp).

***

            Loạt bài Giêsu Kirixitô là ai của Jacques Lê Văn Đứckhởi đăng từ năm 1936 (số 1415, ngày 13 Aout, tr. 597), đến năm 1940.  Ông đặt vấn đề:

“Giêsu Kirixitô là ai?

            “Xem vào mặt sử, khoản biên ký về lai lịch dân Giudêu, khúc nói đến đạo Công giáo thuở đầu tiên, thời ta đặng nhàn lãm một bửu danh rất có cảm giác và lai vận, biệt hiệu Giêsu Kirixitô, là Đấng có phần nhiệm tối đại trong sử dân Giudêu, tắt rằng: chính người là chủ động cùng nền tảng môn đạo Công giáo chúc; song đó chẳng qua là việc lược biên trong sử, đây ta cũng nên quan sát coi Giêsu Kirixitô là ai? Đối với tâm sự riêng; cách thực hành ngoài xã hội; Đuốc triến bộ, nền vĩnh viễn; chủng tộc cùng tiên tri thời người ra thể nào.”

            Sau đó Jacques Lê Văn Đức đã “luận” về Giêsu Kirixitô ở các nội dung: Giêsu Kirixitô “Đối với tâm sự riêng; cách thực hành ngoài xã hội; Đuốc triến bộ, nền vĩnh viễn; chủng tộc cùng tiên tri thời người ra thể nào.”

Đây là luận bàn của cá nhân tác giả dựa trên “chứng kiến nơi miệng Giêsu Kirixitô làm bằng mà luận về Người. Đối với các Tông đồ và Môn đệ, với đám dân cùng hạng thượng lưu đầu mục Giêsu Kirixitô tự xưng mình là con Đức Chúa Trời thật” (số 1415, tr. 599).

Xin đọc một đoạn tác giả “luận”:

“Lần nọ người thấy trong các môn đệ có kẻ chưa vững lòng tin Người là Con Đức Chúa Trời, thì Người phán tỏ rằng: “Vì đã quá lòng yêu dấu thế gian nên Đức Chúa Cha đã phú Con một mình cho nó…ai tin Người thì sẽ khỏi khốn, bằng ai chẳng tin vì danh Con Người thì phải án phạt đời đời.” (Gioan III, 16, 8).

Đó là bấy nhiêu lời tuyên thệ cho ta rõ Người thật là Con Đức Chúa Trời. Người ở trong Đức Chúa Cha và Đức Chúa Cha ở trong Người, ai thấy Người ấy thật là thấy Đức Chúa Cha chúc.”

Như vậy loạt bài “Giêsu Kirixitô là ai” của Jacques Lê Văn Đức là một hình thức giảng Kinh thánh theo chủ đề, khác với hình thức giảng từng đoạn Kinh thánh trong các bài giảng lễ của linh mục. Phần “luận” của tác giả chưa có gì sâu sắc, nếu không nói có chỗ lập luận, dùng từ diễn đạt còn “chông chênh, không ổn”, nhất là về Thần học.

Xin đọc: “Vậy đây Giêsu Kirixitô tự xưng là Con Đức Chúa Trời, thời việc ấy ý nghĩa rất sâu xa tối đại và công dụng lắm…song đều nói mà nghe, hễ chức càng cao thì gánh càng nặng, mang danh hiệu Đức Chúa Trời, thì nghe oai thật, song oai chừng nào càng thêm khó khăn chừng nấy; toàn mọi việc phải có quy tắc, quyền hiệp oai phép Đấng chí linh vô chung vô thỉ, đến cái chết, cái mộ cũng phải nên triệu chứng rằng mình là Đức Chúa Trời thật nữa. Câu chuyện lằng xằng thế, người phàm nhơn có thực hành đặng không nhỉ?” (NKĐP số 1416, ngày 20.8.1936. tr. 617)

***

V. NHỮNG NỘI DUNG GIÁO DỤC PHONG PHÚ

Trong 37 năm, Nam Kỳ Địa Phận có nhiều chương trình giáo dục tôn giáo phong phú về hình thức. Đó là các loại bài: Hạnh tích các thành, những bài nói đạo lý, sách Giáo lý (sách phần) mới, sách giáo lý cho trẻ con và lịch sử Giáo hội Việt Nam.

  1. HẠNH TÍCH CÁC THÁNH

Hạnh tích các thánh là các bài nêu gương sống đạo của các thánh tử đạo, các

thánh đạo hạnh, các Giám mục, Linh mục đạo đức có công với Giáo hội. Bài viết là sự biểu dương, nêu gương nhân đức các cá nhân sống đức tin để làm mẫu mực cho giáo dân. Các bài viết như vậy cũng phản ánh sức sống mãnh liệt của Giáo hội ở mọi nơi, mọi thời. Dù hoàn cảnh có khó khăn thế nào, Giáo hội luôn có những Mục tử theo Chúa, dấn thân loan báo Tin Mừng, gắn bó với đoàn chiên.

Xin đơn cử: Năm 1910, Nam Kỳ Địa Phận đăng các bài:

Sự tích cha Clément Tranier (Tân Triều, tr.569)

Phép lạ Đức Chúa Bà tại Lourdes. (tr.603, 651)

Sự tích cha bề trên Janin (J Kinh, tr.664)

Hạnh cha Carôlô Thu (Th Thi, tr.701, 718)

Sự tích cha Giacôbê Bùi Kỷ Lập qua đời (P.N. tr.103)

Năm 1913, loạt bài Tích cụ Sáu (Lm Trần Lục), của Joseph-đăng trong 13 số báo. “Cụ Sáu phò giúp nhà nước Langsa Đại pháp bảo hộ và triều Annam(Số 216, tr.121)

Các nhân vật được viết nhiều:       

            Truyện ông thánh Inagtio Giám mục tử đạo (Lagi, năm 1923, tr.139)

            Á thánh Têrêsa Giêsu Hài đồng (Mátthêu Đức, đăng 52 số báo 1924)

            Hạnh tích Đức Giám mục tiên khởi nước Nam (An Phang, đăng 31 số báo. 1930)

            27 vị tử đạo họ Ba Giồng (1932)

            Á thánh Catarina Labouré. (Đăng 20 số báo 1933)

            Vị Thừa sai cùi (1941)…

2.ĐẠO LÝ

(Các mục: Thánh giáo vấn đápĐạo lý-Lời an ủi)

Mục Đạo lý ( Thánh giáo vấn đáp) giải đáp các lẽ đạo. Mục này có từ

những số báo đầu tiên đến số cuối. Nhờ các mục này, Báo Nam Kỳ Địa Phận tương tác trực tiếp với độc giả về những vần đề sống đạo.

            Thí dụ:

            Năm 1910 có các bài tiêu biểu: Nghĩa ba chữ J H S; Có địa ngục không? Trị tội nói hành; Thiên đàng vui không?

            Năm 1914: Thánh giáo vấn đáp có các bài: Lề luật Hội thánh; Bảy mối tội đầu; Hà tiện, tham của; Dâm dục; Ghen ghét, phân bì; Mê ăn uống

            Năm 1924: bài Người giàu có kẻ khó khăn cũng lên thiên đàng; Xem lễ Misa có ích là dường nào…

            Năm 1934 có bài: Người có đạo phải giữ đức công bình; Phải năng xét mình…

            ***

            LỜI AN ỦI

            Đây là Tiểu dẫn của mục “Lời an ủi” (NKĐP số 1326, 15 Novembre 1934, tr.707):

            “Ở đời nhiều nỗi gian nan buồn rầu vì phần xác phần hồn, ai ai cũng cần dùng lời khuyên lơn an ủi cho khỏi ngã lòng. Thứ nhứt là con nhà có đạo, nhờ lời giảng dạy, nhờ các sách gẫm mới được vững bền, mới được lòng mạnh mẽ, có sức mà chống cự với sự nguy hiểm cực khổ thế gian, đặng giữ đạo Chúa bền đỗ.

            Nay anh em chúng tôi, dầu chẳng tài năng, không văn chương thông thái, song dám liều mình ra công chịu khó, chung cùng với nhau mà viết ra đây những lời quý báu gặp trong bài giảng và các sách gẫm, chia ra từ khoản.

            Chữ nghĩa chúng tôi đơn sơ thô kịch, xin chư vị miễn chấp, miễn là lấy ý nghiã đem vào lòng vào trí, hầu suy đi xét lại, để mà nhớ mà gẫm thiêng liêng, đặng có sự hữu ích cho linh hồn mà thôi.

            Chớ chi mỗi ngày chúng ta đọc năm bảy câu, rồi đem vào lòng, rán mà giữ những lời châu báu ấy cho cẩn thận, thì bao nhiêu sự ấy sẽ giúp cho ta có sức mà chống cự với cơn gian nan ở đời tạm nầy, và đặng vững bền mà theo chơn Chúa cho đến cùng”

  1. M. D. G

Năm 1935 đăng Lời an ủi trong 35 số báo. Xin đọc:

26. – Gẫm Evang: “Lời nói hành bay ra xa tứ phía cũng như lông gà ở trên đảnh núi liện xuống…” (số 1333)

27. – Người ta ghét mình, thì là hữu ích cho mình, hơn là người ta thương. Vì

Chúa dùng người ta mà làm cho ta lập công nghiệp (số 1333)

3. SÁCH PHẦN MỚI – SÁCH PHẦN CHO TRẺ EM

Sách Phần Mới của tác giả Paul Nguyễn Quang Minh, Linh mục địa phận

 Saigon. Bài khởi đăng từ năm 1937 (số 1454, ngày 20 Mai 1937. tr. 320) đến năm 1943 (hơn 261 số báo). Ngày nay Sách phần được gọi là sách Giáo lý dành cho trẻ và các tân tòng học đạo.

Tác giả giải thích:

            “Sách phần là sách gì? Theo nghĩa rộng Sách phần là sách Thánh kinh, là lời truyền, là sách lý đoán, trong đó gồm đủ hết mọi điều chơn thật phải biết phải tin, mọi việc phải làm phải lánh, các phương pháp phải dùng cho đặng làm lành lánh dữ…

            Theo nghĩa hẹp…Sách phần là sách lượm lặt quy góp tóm lại những đều đại cái trong đạo, làm thành ra một bổn, để dạy dỗ chỉ vẽ, cho các trẻ đồng nhi nam nữ, biết đàng thờ phượng Chúa, biết lo việc rỗi linh hồn mình…” (NKĐP số 1455, ngày 27 Mai 1937, tr. 336).

            Nội dung Sách phần được sọan theo dạng hỏi đáp

            Thí dụ:

            “H. – Cha mẹ không lo cho con cái đi học, đi nghe dạy sách phần, thì có tội không?

            T. – Nếu nó chưa rước lễ trọng thể, thì phải lo cho nó tới trường học hành nghe dạy nghe dỗ, bằng nó rước lễ trọng thể rồi, ra trường rổi, thì phải lo cho nó đi nghe dạy sách phần mỗi chiều Chúa nhựt. Nếu cha mẹ bỏ trôi việc nầy, thì mắc lỗi và không đặng xưng tội chịu lễ…” (NKĐP số 1456, ngày 3 Juin 1937, tr.352)

            SÁCH PHẦN CHO TRẺ CON khởi đi từ số 1720 (năm 1942) được soan như một “giáo án” dạy học cho trẻ con ngày nay, có phần đọc, phần giảng, phần thực hành, phần việc của thầy giảng, việc luyện tập của trẻ (xin đọc NKĐP số 1722 ngày 12 Aout 1942, tr.399)

***

4. GỐC TÍCH SỰ ĐẠO NƯỚC NAM

Loạt bài về lịch sửđạo Công giáo ở Việt Nam gồm: Gốc tích sự đạo nước Nam của Phê rô Nghĩa (Di Loan), khởi đăng từ số 922 (Ngày 9 Décembre 1926, tr. 758); Hội Thánh Việt Nam Toàn Lập (khởi tại Phát Diệm) của Mátthêu Đức, khởi đăng từ năm 1933 (số 1279, tr. 740) đến 1941; Lịch sử địa phận Phát Diệm (năm 1933, tr. 88); các Hội dòng (dòng Anh em hèn mọn, dòng Chúa Cứu Thế, dòng Phước Sơn); các họ đạo (Gốc tích họ An Hiệp và vinh quy (năm 1935, tr.203, 219), họ Hương Thủy (năm 1935, tr.538), Họ Tân Yên (Cao Lãnh-năm 1935, tr.774) họ Nhơn Mỹ (năm 1935, tr. 88), Nhà thờ Chánh tòa Saigon (năm 1941, tr.528)…

Những bài này vừa cung cấp kiến thức lịch sử đạo Công giáo ở Việt Nam đến lịch sử giáo phận, giáo họ; vừa góp phần giáo dục đức tin, giáo dục truyền thống tôn giáo. Ngày nay, đó là những tài liệu quý để tìm hiểu lịch sử Giáo hội Việt Nam. Các nhà viết lịch sử Giáo hội không thể không tham khảo những thông tin của Nam Kỳ Đụa Phận.

Chẳng hạn trong bài Gốc tích sự đạo nước Nam Phê rô Nghĩa cho rằng cố Busomi là người khai khẩn đạo Đàng Trong. Năm 1615, Busomi từ Mả Cao sang Đàng Trong. Đến năm 1624 có thêm cố Alexandre de Rhodes sang. Busomi đã ở đất Đàng Trong 24 năm. Năm 1639 thì lui về thành Mả Cao. Số giáo dân Đàng Trong lúc đó là 1.200 người. Phêrô Nghĩa cho biết khi kể gốc tích đạo, ông căn cứ vào chính sử Annam: “Song muốn cho rõ ràng dễ hiểu thì tôi phải dựa vào Sử ký Nam triều mà kể lại mọi đều theo các đời vương đế; lại dùng cách nói đơn sơ tầm thường, ý cạn lời quê, xin độc giả vui tình chiếu nghĩ” (NKĐP số 922, ngày 9 De1cembre 1926, tr.758). Rất tiếc ông không ghi nguồn.

Mở đầu loạt bài Hội Thánh Việt Nam Tòan Lập (khởi tại Phát Diệm), tác giả Mátthêu Đức viết: “Có một thầy giảng đạo trong nước Annam, đời thứ XVI chép rằng: Ông thánh Tôma đã sang giảng đạo nước Annam, mà nhà vua giữ đạo bốn đời, đến đời vua thứ năm mới bỏ đạo, song không dám phá thánh giá các tiên đế đã dựng trong đền, thì truyền xây tường cho khuất đi, kẻo còn thấy mà phải áy náy trong lòng. Cha Ordonez de Cevallos cứ theo lời truyền khẩu mà chép vậy, không biết lấy đâu làm bằng được….

Đang đời nầy nhà Lê cai trị Đàng Ngoài. Năm 1523, nước Búttughê sai quan Duarte Coelho sang qua Annam, làm tờ giao kết cùng vua. Song việc không thành. Dầu vậy quan ấy muốn để tích làm chứng, đời ấy đã có người có đạo thấu đến nước Annam, nên đã đậu tàu lại nơi cù lao Chàm, kêu là Poulo Champeilo, mà dựng một bia đá lớn đã chạm hình thánh giá, có khắc bốn chữ I N R I, đề số năm 1523 và sáu chữ tắt chỉ tên ông Duarte Coelho.” (Tác giả không ghi nguồn).

Việc đúng sai thế nào về sử liệu của các bài viết trên xin dành cho các nhà sử học đánh giá. Chúng tôi chỉ ghi nhận rằng, Nam Kỳ Địa Phận đã đi những bước đầu trong việc chép sử về gốc tích đạo ở Việt Nam và lịch sử Giáo hội Việt Nam. Mục đích của tờ báo là giúp giáo dân hiểu biết về lịch sử truyền giáo ở đất nước mình, gia tăng lòng tin đạo, lòng mến các vị mục tử và kết nối hiện tại với truyền thống giữ đạo của cha ông.

TẠM KẾT

            Do không có đầy đủ số báo của tất cả các năm, việc nhìn nhận những giá trị của Nam Kỳ Địa Phận không tránh khỏi thiếu sót và phiến diện. Song với chiều dài 37 năm cùng với sự phong phú của các kiểu bài viết, Nam Kỳ Địa Phận đã tự khẳng định là một tờ báo tôn giáo hết sức chuyên nghiệp. Tờ báo đã góp phần phổ biến Kinh thánh (Cựu Ước và Tân Ước), góp phần xây dựng việc sống đạo cho giáo dân qua gương hạnh tích các thánh, qua cuộc đời của các Đấng bậc thánh thiện; qua việc phổ biến “Sách phần” cho trẻ con và người lớn, qua Thánh giáo vấn đáp (Đạo lý); đồng thời giúp giáo dân cùng tham gia vào dòng chảy lịch sử của Giáo hội (các loạt bài về gốc tích đạoLịch sử hội thánh).

            Tất nhiên ngày nay, việc dịch Kinh thánh (Cựu Ước, Tân Ước), việc biên soạn những cuốn Lịch sử đạo Công giáo ở Việt Nam, việc soạn những sách giáo lý cho trẻ (Sách phần), Giáo lý tân tòng, Giáo lý hôn nhân, các sách Suy niệm Lời Chúa…đã đạt được những thành tựu đáng kể; từ đây, nhìn lại những nỗ lực của Nam Kỳ Địa Phận trong việc loan báo Tin Mừng, trong việc chăm sóc chu tất đời sống tinh thần của giáo dân đầu thế kỷ XX, chúng ta mới thấy được giá trị lịch sử rất quý giá của Nam Kỳ Địa Phận.

Tháng 4/2024

______________________________________________

PHỤ LỤC

THƯ CHUNG MÙA CHAY CẢ năm 1945

(NKĐP số 1849 ngày 1er Mars 1945, tr.58)

***

Đức thầy Gioan Cassaigne

Bởi ơn Đức Chúa Trời và quyền Tòa thánh,

làm Giám mục Gadara và thay mặt Đức Giáo Tông

mà cai trị Địa phận Saigon

gởi lời thăm cùng chúc bình an và sự lành

cho hàng Đạo đức và Giáo hữu địa phận Ta.

Ớ anh em rất yêu dấu,

Nạn chiến tranh hiện thời ngày càng lan rộng, hóa thành một tai họa lớn lao thới quá, bao trùm thế giới trong cảnh tang khó, gieo rắc khắp nơi nỗi hồi hộp âu lo và chất chồng các sự đau thương trên loài người. Đứng trước hoàn cảnh như vậy, lương tâm người Công giáo chúng tôi bắt nghĩ đến vấn đề sự dữ ở thế gian nầy: Đức Chúa Trời lòng lành vô cùng sao để dồn dập những tai nạn khốn khó dường ấy?

Khắp hết mọi nơi trên đất, dưới biển, cho đến trên không trung đã thành bãi chiết trường, hằng có tiếng than van của con người kêu đến Thiên Chúa. Hằng triệu chiến sĩ phải sống ghê rợn, chực cấu xé giết hại lẫn nhau chẳng nguôi. Rồi bao nhiêu thành thị, xóm làng phải thiêu hủy vì cơn bão bùng bom đạn khòi lửa rùn rợn nầy. Lương dân phải tàn sát bởi nạn phi cơ dội bom, những đám đông đặc người kéo đi tìm nơi lánh nạn, trong các gia đình phải chịu túng cùng đói khát, biệt tin biệt tức các kẻ thân yêu, áy náy lo sợ những việc xảy ra mà mình chưa rõ, lại thêm một dòng dõi mới những trẻ mồ côi vì chiến tranh.

Giữa những sự khốn nạn cả thể dường ấy, không lạ gì cái tiếng kêu đến Chúa: “Lạy Chúa, nhơn sao Chúa để chúng tôi phải khổ sở đỗi nầy!”. – Có khi tiếng than van thế ấy có giọng lộng ngôn: “Nếu Đức Chúa Trời nhơn lành, ắt Chúa chẳng để có bây nhiêu nỗi khốn nạn thế nầy.”. – Mà nếu hồ nghi về lòng lành Đức Chúa Trời, tất là hồ nghi không có Đức Chúa Trời. Vì chưng nếu Đức Chúa Trời chẳng phải trọn lành, thì chẳng còn phải là Đức Chúa Trời. – Phái vô thần lợi dụng tình cảnh rủn chí nầy mà cao rao rằng: tai nạn chiến tranh làm chứng chẳng có Thiên Chúa bảo tồn vạn vật, vì rằng: “Nếu có Đức Chúa Trời, ắt Chúa chẳng để loài người tai ương đến thế”.

Phải đáp giải thế nào?

Ta hãy bình tĩnh mà phân giải vấn đề. Cho dầu chúng ta có năn nỉ than van, chúng ta hãy còn nghĩ tưởng theo lẽ đức tin. Nếu gian nan làm cho ta bất bình, nếu đau khổ làm cho ta bối rối là tại vì ta tin thế gian nầy có một Đấng phép tắc lòng lành điều khiển đưa nó đến hạnh phúc, song phải trải qua những nẻo mà trí khôn yếu đuối chúng ta chẳng hiểu đặng và tính cảm xúc chúng ta lấy làm khổ sở.

Chúng ta hãy dò xét các nẻo đàng ấy với những tâm tình xứng đáng; nghĩa là trí khôn phải khiêm nhường trước mặt Đấng cao cả vô cùng, bởi nhìn biết mình không thể hiểu thấu lẽ mầu nhiệm Người, tâm lòng phải sẵng sàng vâng phục, mặc dầu phải hy sinh, cho đặng theo ý định của Chúa cả ta phải chịu lụy mọi đàng.

Ở vào một xó nhỏ mọn trong vũ trụ, những phương thế điều tra rất khiếm khuyết, với một trí khôn luôn luôn có lẽ sai lầm, làm sao ta dám đoán xét việc Đấng khôn ngoan vô cùng an bài sắp đặt?

Người đời không phép cật vấn Thiên Chúa. Ta chớ buộc Chúa cắt nghĩa cho ta. Song người giáo hữu phải gối quỳ thờ lạy thánh ý cao cả Chúa, cho dầu mình chưa hiểu được, và cầu xin Chúa lòng lành ban ơn soi sáng cho mình suy xét việc Chúa làm cách phải lẽ hơn. Đoạn kẻ ấy chỗi dậy, linh hồn đặng bình tĩnh hơn, đặng trông cậy hơn nơi lẽ đức tin soi sáng chỉ dẫn cho mình giữa đêm mịt mờ đáng sợ thế ấy, và cứ một lòng kính mến kêu đến danh thánh Cha cả ngự trên trời là Đấng mình hằng trông cậy chẳng khuây.

Và nếu Đức Chúa Trời phải tranh luận với chúng ta theo thói người đời, ắt Chúa phản đối với thứ người trách móc Chúa, mà rằng: “Bay lấy làm bất bình vì ta không ngăn trở, để cho có chiến tranh. Song tại sao chính mình chúng bay lại để sinh chiến tranh?”.

Trách nhiệm của nạn chiến tranh không phải tại nơi Đức Chúa Trời, mà là tại bởi người đời tham lam chổm ố. Ta chớ tách Đức Chúa Trời bỏ ta; vì chính mình chúng ta bỏ Chúa, chê bỏ luật thánh Người.

Hết thảy mọi người chúng ta có lo cầu xin cho thế gian giữ sự hòa bình hay không? Trước cơn giặc khủng khiếp nầy, chẳng thiếu chi những điềm dữ bảo cho ta hay trước; các nước hồi ấy đã hiểu biết mình bước chơn trên mé vực thẳm. Lẽ thì chính trong thì thế nguy hiểm dường ấy, chúng ta phải kêu xin Đức Chúa Trời cứu chữa chúng ta, mà chúng ta có gắn vó kêu xin hay không? Rày cơn khốn khó đã đổ trên đầu chúng ta, thì chúng ta hãy nhìn lỗi mình, chớ đổ thừa cho Đức Chúa Trời.

Một câu vấn nạn nữa: Tại sao Thiên Chúa ban phép cho nhơn loại tác sinh sự khốn cho mình? – Thưa bởi vì Thiên Chúa đã ban cho chung ta một ơn trọng vọng để là mích cho chúng ta, mà chúng ta lại dung chẳng nên, nên phải khốn: Ấy là quyền tự do.

Đức Chúa Trời tín nhiệm nơi ta nên Người mới giao quyền chủ trương chúng ta trong tay ta. Vậy nếu ta lạc đường sai lối mà thiệt hại cho mình, thì chớ trách Đấng đã ban ơn trọng ấy cho ta. Chiến tranh là một trong những kết quả thảm hại bởi chúng ta dùng quyền tự do cách sai lẽ. Chính loài người tự ý cải lịnh Chúa, gây giặc với nhau chớ chẳng phải Đức Chúa Trời làm cho có gặc đâu. Ấy vậy có lẽ nào ta nên trách móc Đức Chúa Trời, vì danh dự Người đã ban cho chúng ta đặng quyền chủ trương lấy mình từ thuở mới sanh hay sao?

Người phát minh ra phi cơ đã chắp cho người ta một cặp cánh để tang thêm sức mạnh cả thể; song một trật cũng tăng số tai nạn làm cho nhiều người phải chết. Có phải vì đó mà chúng ta không nên biết ơn kẻ đã phát minh ra cái lợi khí ta dùng được mà vượt lên trên không trung vô hạn hay sao?

Lực lượng nào cũng có chỗ nguy hiểm. Quyền tự do là một lực lượng nưng nhắc loài người lên chỗ tối cao, cũng có cái hiểm nghèo. Nhưng mà vì phẩm gía con người, thà có quyền tự do hơn là chẳng có.

Còn một phương pháp khác để ngăn ngừa nạn chiến tranh cách xứng đáng, Đức Chúa Trời và loài người chung ta hơn: là truyền cho loài người một luật phong hóa: nếu thành tâm nắm giữ tất nhiên sẽ đặng cùng nhau thuận hòa và hạnh phúc. Ấy là cách thế Đấng Tạo hóa đã an bài. Chương trình ấy đã thảo ra trong mười giái răn Đức Chúa Trời và Bổn Phúc Âm đã làm cho nên trọn lành.

Chương trình gồm có mấy tiếng: “Mầy chớ giết người”, nghĩa là nếu chẳng có lẽ gì rất trọng, mầy chớ đổ máu anh em mầy. Mầy chẳng nên phạm đến máu những dân tộc cạnh tranh với dân tộc mầy; tay quân lính của mầy chẳng nên dùng gươm sát nhơn, trừ ra khi không còn phương thế nào khác để bắt đền bồi sự thiệt hại.

Mầy chớ nói dối”, nghĩa là khi mầy đã ký ước trọng thể mà nhìn nhận sự trung lập của một nước nào, hay là biên giới của một dân tộc nào, thì mầy chớ chối chữ ký của mầy, mà đi dùng võ lực băng ngang đất nước, hoặc đem binh vào chiếm nước ấy.

Mầy chớ lấy của người”, nghĩa là mầy chớ xâm lấn đất đai của lân bang, vì lẽ xứ ấy giàu có, còn mầy thì phải cảnh chật hẹp nơi xứ của mầy. Võ lực của mầy không làm được cho mầy có quyền lợi bao giờ đâu.

Đấng hằng có đời đời, Vua các dân thiên hạ đã phán dạy như vậy.

Đức Chúa Trời chẳng cho phép chiến tranh, Người cấm sự ấy. Giã như các nước thiên hạ vưng giữ giái răn Chúa, thì chẳng bao giờ sinh giặc với nhau.

Một huấn lịnh mới của Thiên Chúa là Tin Lành Phúc âm đã đến dạy loài người phải ăn ở với nhau như an hem để làm cho giái răn Chúa đã ra cho loài người phải kính nễ nhau, càng đặng vững chắc. Trước Đức Chúa Giêsu ra đời, nhân loại không nhìn biết nhau, hềm ghét nhau. Đấng Cứu Thế đã đến giảng dạy cho người đời biết mình là anh em với nhau, cả thẩy đã thọ lãnh linh hồn bởi một cha chung ở trên trời.

Phúc âm Chúa Cứu Thế dạy người đời sự hiền lành, nhơn từ, dong thứ, hy sinh, là những đức tính tốt lành và mạnh mẽ giúp cho nhân loại hòa nhã thảo thuận với nhau. Đời sống và sự chết của Chúa Cứu Thế đã nêu gương rõ ràng khuyến khích người đời bỏ quên sự sỉ nhục kẻ khác làm cho mình, sẵn lòng hy sinh mình vì lợi ích chung. Chúa đã nêu cao Thánh Giá Người giữa những sự bất thuận cãi lẫy của nhân loại, để nên dấu kêu mời ai nấy làm hòa lại với nhau, mà rằng: “Bay hãy thương yêu nhau như Ta đã thương yêu bay. Bay hãy thứ tha cho kẻ làm mất lòng bay, như Cha bay đã thứ tha cho bay”.

Ở giữa những nhân loại đang chia rẽ cạnh tranh. Hội thánh Chúa Kirixitô nên như một quê hương mới, ở đó mọi người đặng sống thuận hòa. Hội thánh là xã hội độc nhứt không phải bao bọc trong biên giới của một xứ nào; vì biên giới của Hội thánh bao gồm cả và thế gian, để nên nơi hội ngộ cho các dân thiên hạ, bất phân bờ cõi đất đai mỗi nước. Trong Hội thánh các kẻ thù nghịch nhớ lại mình cùng chung một căn nguyên, một vận mạng như nhau; cùng nhau đặng giục giã giữ đạo bở một Đấng làm đầu là Đức Giáo Hoàng, ở trên các quê hương riêng của mỗi người, làm trung tâm hành động giữ gìn cho đạo Công-giáo đặng hiệp nhứt, giảng hòa khi trong giáo có đếu cạnh tranh, cùng khuyên bảo ai nấy giữ đức hạnh và bác ái.

Không thể tưởng tượng được một công trình nào hoàn toàn hơn để hãm dẹp lần lần tính ích kỷ hung tợn là nguồn sinh ra chiến tranh.

Song le loài người chẳng biết khôn mà đồng tâm cộng tác với công trình vĩ đại ấy; có những tay ngông cuồng đã bứt đứt giây thân ái giữa các dân thiên hạ. Dầu vậy Thiên Chúa vẫn còn ruổi tìm con người đến tận trong nơi hỗn chiến và liệu cách làm cho sự khồn khó của con người còn được nên ích lợi cho nó. Ấy là triệu chứng tột cùng tỏ ra Đức Chúa Trời nhơn từ vô cùng, chẳng phải trách nhiệm nào về nạn chiến tranh.

Hàng triệu chiến sĩ can đảm phải tử trận. Nhưng cho dầu thảm não đến đâu, vì lòng nhơn lành Đức Chúa Trời, cái chết ấy đem lại cho các kẻ tử trận một sự lành còn cao trọng hơn sự sống. Đối với chúng ta là kẻ đang mến tiếc khóc than những người bạc phận ấy, xem ra câu nói trên cứng cỏi khó nghe, song le đối với các kẻ ấy, rày đã ở vào cõi đời đời, đặng thấy biết tỏ tường buổi sống vắn vỏi người đời còn nơi trần thế sánh chẳng vào đâu với cuộc sống vĩnh viễn an nhàn vô hạn trên thiên quấc, thì các kẻ ấy hiểu câu nói trên rất là chơn thật.

Chết già chẳng qua chết lành, nghĩa là chết sau khi đã làm trọn phận sự mình, sau khi đã lập công cho đáng Chúa cả ban thưởng phước thanh nhàn đời đời còn mãi. Đều can hệ chẳng phải là đặng sống thêm vài năm, song là làm cho mình đặng vững chắc sự sống thật đời sau.

Đức Chúa Giêsu phán rằng: có một sự cần kíp là đặng rỗi linh hồn. Không có chiến tranh, có khi nhiều chiến sĩ trận vong đã sống một cuộc đời vô vị về phong hóa, hư từ về tôn giáo, rồi kết cuộc một cách thậm thường, có lẽ xấu xa hơn nữa, làm cho tương lai đời đời của mình nên khả nghi. Nhờ chiến tranh, các người ấy đặng dịp làm việc hi sinh để bước lên phẩm cấp cao siêu. Mặc dầu các người ấy tự ý hiến thân cho quê hương một phen mà thôi khi lãnh lấy phận sự hiểm nguy, thì cả đời sống của các người ấy đã đặng hóa nên tốt đẹp và tương lai đời đời của các người ấy cũng vì đó mà đặng bảo đảm. Các kẻ ấy đặng liệt vào hạng anh hùng. Nhờ ơn Đức Chúa Trời giúp, các kẻ ấy sẽ đặng nhập tịch gia đình Các Thánh. Và người đời còn biết tán phục kính cẩn phần mộ các chiến sĩ tử trận, ắt là Thiên Chúa hay thương vô cùng càng ân cần ban ơn giúp sức các kẻ ấy, nơi giường chết, trong giây phút hấp hối. Giây phút đau thương mà vinh hiển, giây phút thần chết hành quyền mà sự sống thật cũng sấp sinh.

Chúng ta hãy cảm động mà nhìn nhận rằng: chiến tranh đã làm cho linh hồn người thế nên sang quới; chiến tranh ghê tởn làm cho xác thịt nát tan, mà cũng làm cho linh hồn vượt lên cao thượng: chiến tranh mà các người vợ các người mẹ nguyền rủa vì nó xé tan ái tình âu yếm của các kẻ ấy, nhưng các chiến sĩ tử trận vang hiển rày đã tái sanh chắc đang ca ngợi chiến tranh ấy trong những bài hát cảm tạ ơn Thiên Chúa, vì nhờ chiến tranh mà các người ấy đã vượt lên đến đảnh phước lạc vô biên và thánh thiện tinh toàn.

Phần chúng ta là kẻ còn sống, nào chúng ta chẳng nhờ ích lợi nào bởi cơn khốn khó nầy để giảm bớt những nỗi đau thương nặng nề hay sao?

Chịu khó đã là một ích lợi rồi. Phải thương hại cho con người chẳng hề chịu khó. Kẻ đó còn chỗ yếu nhược, nghĩa là còn phải vấn vương tình ích kỷ, mà chỉ có lưỡi gươm hi sinh chịu khó mới có thể dứt tuyệt những dây ràng buộc thể ấy. Gian nan là một tay thợ nhiệm mầu, một phen làm hoàn thành công việc mới cho ta rõ bí thuyết của nó. Một ngày kia ta sẽ hiểu rõ gian nan làm cho ta đặng sống, có khi ta sẽ nhìn nhận gian nan đã cần kíp cho ta.

Trước mặt Đức Chúa Trời là Đấng đã định cho máu đổ lụy rơi có giá trị chuộc tội, thì gian nan khốn khó ta chịu càng có công nghiệp hơn nữa. Đức Chúa Trời tỏ thấy chung tôi can đảm chịu khó để đền bồi tội lỗi chung tôi và cũng rõ thấy vô số người hi sinh mình để đền bồi thay kẻ có tội. Bây nhiêu công nghiệp đền bồi phạt tạ thế ấy làm cho Đức Chúa Trời thứ tha cho chúng tôi. Rồi sẽ có ngày phước lạc vui vẻ tiếp đến.

Vậy chúng tôi phải làm đí gì bây giờ. – Chúng tôi không suy nghĩ đã dám phàn nàn rằng: “Nếu có Đức Chúa Trời ắt chúng tôi sẽ chẳng phải khốn khó dường nầy”. Chúng tôi hãy trở ngược câu bất công ấy, mà rằng: “chúng tôi đã phải khốn khó dường nầy là tại chung tôi chẳng vưng theo Thánh ý Đức Chúa Trời.” Đức tin có sống lại trong lòng chúng tôi bao nhiêu thì sự gian nan khốn khó của chúng tôi mới đặng giảm bớt bấy nhiêu.

Nạn chiến tranh hiện thời tỏ ra rõ ràng: xã hội khốn nạn loài người chung tôi muốn cho khỏi phải võ lực áp bức thì phải lập nước Đức Chúa Trời trong lòng con cái mình và trong đời công của xã hội.

Con người thế kỷ XX nầy, tin cậy nơi sự tiến hóa bởi sức người phàm, tưởng mình đủ sức tự lập lấy xã hội cho mình. Học đường lập ra khắp nơi để giáo huấn, xem ra nhờ đó dân chúng đặng một nền phong hóa đủ cho cuộc trị an. Nước nọ giao thiệp về thương mại với nước kia, những ký ước quấc-tế, những hội nghị hòa-bình, một Hội vạn quốc, bấy nhiêu xem ra đã chữa các dân thiên hạ cho khỏi sở thích hãm hãi lẫn nhau. Nhưng bấy nhiêu công cuộc đều sập đổ. Vì chưng một nền văn minh chỉ chuyên lo về vật chất mà thôi, thì làm cho con người càng thêm mơ ước khoái lạc và bày thêm khí cụ cho loài người tranh đấu giết lát nhau mà thôi. Những sự tiến hóa về khoa học đã làm cho nhân loại suy sụp.

Thế gian cần phải có Đức Chúa Trời. Quyền tự do chính thật của các dân là cao rao nhìn nhận quyền phép tuyệt đối của Chúa cả trời đất, là Đấng một mình hủy diệt được những vua chúa thế gian lạm quyền áp chế.

Cho đặng chủ trị loài người, phải có một Chúa cả, Phép công bình chẳng phải là một quan niệm rỗng không, song phải là một ngôi Chúa tể phép tắc hơn loài người, mà loài người phải ràng buộc và suy phục Đấng ấy trong hết mọi việc mình làm, Phép công bình để điều khiển mọi hành vi chúng tôi và gìn giữ cho ai nấy thượng hòa hạ mục thể ấy, chúng tôi biết, chúng tôi gọi đích danh là Đức Chúa Trời hằng sống.

Khi sẽ yên giặc rồi, khi các dân sẽ buông khí giái, thì thiên hạ sẽ phải một hồi sửng sốt. Thấy la liệt bao nhiêu sự sụp đổ, bao nhiêu nấm mộ, thiên hạ sẽ tự hỏi mình lẽ nào có được như thế. Kẻ thắng cũng như kẻ thua, sẽ mau mau tìm nơi nương dựa cho hi vọng hòa-bình của mình xem chừng mỏng mảnh.

Bây giờ các dân thiên hạ phải tìm đến Đức Chúa Trời, xin Người chứng minh các đều mình thề hứa, ngõ nhờ tay phép tắc Người ban phép lành cho lòng ngay thật của mình chỉ mong cho tình huynh đệ đặng tái sanh ở thế giái nầy.

Ngày ấy nhân loại sẽ hết trách móc Thiên Chúa, mà lại sẽ đồng thanh ngợi khen Chúa nhân ái đã ban cho mình đặng hưởng phước Thái bình.

                        (Rút ở bài: “THIÊN CHÚA và CHIẾN TRANH”

                                                 Của cha Thellier de Poncheville)

                                                            ***


[1] Bùi Công Thuấn-Nam Kỳ Địa Phận-Bài I: Những định hướng khởi đầu

[2] Bùi Công Thuấn-Nam Kỳ Địa Phận-Bài II-Tân thư, Thởi sự

NAM KỲ ĐỊA PHẬN-Bài II-“TÂN VĂN”, “THỜI SỰ”-Bùi Công Thuấn

Bạn có thể đọc các bài viết chính của Bùi Công Thuấn theo link:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

NAM KỲ ĐỊA PHẬN – (Bài II) TÂN VĂN & THỜI SỰ

Bùi Công Thuấn

***

            Ở bài Nam Kỳ Địa Phận-Những định hướng khởi đầu [[1]], giới thiệu số báo đầu tiên của Nam Kỳ Địa Phận, tôi đã giới thiệu khái quát mục đích, nội dung và những giá trị chung của tờ báo, đồng thời cũng giới thiệu ý kiến đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu về những đóng góp của Nam Kỳ Địa Phận cho giáo hội Công giáo Việt Nam đương thời (1908-1945) và cho sự phát triển của báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX.

TÂN VĂN & THỜI SỰ

            Trong Nam Kỳ Địa Phận có mục “Tân Văn” và “Thời sự” đăng các “bản tin”.

Những năm đầu, Nam Kỳ Địa Phận có rất ít bản tin. Các bản tin có tính chất là những “chuyện lạ” thú vị. Tỷ lệ số báo có bản tin khoảng 30%:

Trong 10 số báo đầu, chỉ có 3 số có bản tin (số 4, số 8 và 9). Từ số báo 11 đến số 20 chỉ có 2 số báo có bản tin (số 11 và 14 có Văn Tín). Từ số báo 59 đến số 69 có 4 số có Tân Văn (65. 67. 68, 69).

Những năm về sau, khi thế chiến diễn ra; tình hình chính trị, quân sự ở Pháp có biến động, Nam Kỳ Địa Phận đăng nhiều bản tin hơn, nội dung “thời sự” cụ thể hơn. Chẳng hạn những tin về Nhà nước bảo hộ Pháp và nhà vua Annam (Khải Định, Bảo Đại)

Năm 1945 có thêm mục: “Xem qua các báo”, tức là đọc tin trên các báo khác (song Ban biên tập không ghi nguồn). Thí dụ số 1845 (ngày 1er Janvier 1945, tr.8), đăng lại tin của báo New-York Times về thế chiến II; và thêm mục “Thế giới thời đàm”, bàn chuyện thời sự thế thế chiến.

            Xin đọc một vài “Văn Tín”, “Tân Văn”, “Thời Đàm

                                                                        ***

            Xin đọc: năm 1909, số 11 (ngày 1er Février), tr.174

VĂN TÍN

CỌP DỮ. – Nghe tin tại Châu Pha, về hạt Bà Rịa từ hôm tháng Mai trước đến nay, cọp hằng đến phá phách xóm làng, làm cho ai nấy kinh tâm. Bắt bò, heo, chó vô hồi, mà may chưa dám động đến mạng con người. Dầu vậy lòng người người đã tán loạn, cũng cậy cùng Bổn Quán xin rao cho Quí Vị hay mà khẩn cầu cùng chi phương trị thú dữ.

RỦI. – Cách mấy bữa rày tại hạt Vĩnh Long có người báo tin rằng: nhà nọ có một đứa con nhỏ, bởi hơ hỏng chẳng ai coi, để nó xuống xuồng mà chơi, rủi lật xuồng chết mất. Bởi mình ơ hờ nên phải mất con thương tiếc! Ai có con xin gìn giữ.

ƠN LẠ. – Nguyễn Hữu Nghi ở Cái Mơng tuần trước có gởi thơ cho Bổn Quán mà thuật truyện về một đứa nhỏ đặng ơn Đức Mẹ cứu khỏi chết đuối. Xin kể dón lại:

            Tại họ nhỏ kia tên là Rạch Bà Chủ, có tên giáp Lễ có một đứa con bốn tuổi, xuống chơi bên mé sông, rủi té xuống, nước trôi tống đi. Chừng hay mất, ai nấy tưởng nó đã đi đời rồi. Song người mẹ ngoan đạo có lòng kính mến Đức Mẹ, bèn hết lòng cậy trông kêu xin Người. Bà con chạy kiếm táo tác, sau hết gặp nó nổi phê phê, trôi theo dòng nước. Coi lại thì trôi đã ba bốn công đất rồi. Vớt lên thấy như thường, không phải nao. – Ấy ai kính mến cậy trông Đức Mẹ, thì Người hết lòng hộ vực, chẳng lựa là phải đi tìm phép lạ phương xa. Đâu cũng là một Đức Mẹ có tài có phép và có lòng khoan nhơn, ta hãy hết dạ cậy tin kính mến người.        (Bản tin không có tác giả)

            Xin đọc: năm 1909: số 14 (Ngày 25 Février), tr. 219.        

VĂN TÍN

(Ghi chú: các đề mục bản tin đều viết chữ in hoa.)

QUAN LỚN. – Quan Nguyên soái Nam Kỳ A. Bonhoure đã qua đời, nhơn dân thương tiếc; nay ông Gourbeil lên thế. Ta hãy nguyện xin cho người đặng an trị.

THƯƠNG TIẾC. – Hôm cha Ackermann là cha sở Đất Đỏ đổi đi Vĩnh Long, thì trong họ buồn bực thương tiếc không biết chừng nào, đã gửi đến Bổn Quán một bài đưa cha, song không thể ấn hành đặng, cực chẳng đã phải để qua. Trong bài ấy nói nhiều lời thiết yếu, chỉ bổn đạo Đất Đỏ thật hết lòng thương mến cha.

CỦA GỞI VỀ THIÊN ĐÀNG. – Bố Mua là một họ khó khăn ở trên rừng, đại tiểu nhơn số có 500, mà có lòng sốt sắng, đồng tâm hiệp lực mà lập đặng một nhà thờ rất xứng đáng. Bổn đạo họ nầy hết lòng vâng thuận ý bề trên mà làm cho sáng danh Chúa, nên đã làm cho lòng đấng chăn chiên đặng hoan hỷ, quên những sự lao khổ khó nhọc. Bồn Quán chúc khen cùng xin Chúa trả công cho kẻ chăn và đoàn chiên.

KIẾM TIỀN XÀI TẾT. – Hôm tối 28 tháng chạp, ăn trộm đục vách nhà lầu cha sở, Cha Võ hạt Trà Vinh. Cha sở nghe dựt mình thức dậy, tưởng người ta kêu đi kẻ liệt. Ăn trộm nghe cha thức dậy đi trên lầu, thì sợ cha xuống mà làm phước cho nó, bèn kiếm đàng phóng đi. – Có phước cho hai đàng.

CẦU KHO. – Gần nhà thờ có tiệm bán đồ vật dụng, nhứt là trử bánh dầu.

                                     (Bản tin không có tên  tác giả)

***           

            Năm 1915 có nhiều bản tin về chiến tranh:

            –Lễ cầu cho Nhà nước tại họ Long Hưng hạt SaĐéc (Le 3 Décembre 1914), [số 312, tr.10]

            –Nhà nước thông tri-tin về giặc giã (từ ngày 22 tới ngày 29 Décembre 1914), [số 312, tr.15]

            –Nhà thờ thành Reims bị quân giặc phá [số 313, tr. 21]

            –Alêmang nói chuyện (thư của tù binh Đức) [số 313, tr 24]

            –Bốn trăm lính bịnh A Lê Măng bị hỏa thiêu (lính Đức)[ số 215, tr. 58]

Xin đọc: năm 1920, Số 567, tr.4

                                                Địa phận Văn tín:

            -Đức cha Mossard sẽ đi qua Tây trong đầu tháng Janvier đây, có cha SI (P.Sion) đi nữa. Đức Cha đi sớm đặng có chịu quan thầy mổ lấy cái vảy cá trong con mắt ra trước khi sang thành Roma thăm Đức Giáo Tông.

            -Cha Đượm (P. Dumortier) đã đi ra ngoài Dalat hôm thứ bảy trước; xe lửa cha đi bữa đó dọc đàng đụng nhằm một xe đá, làm xe lửa phải hư nhiều, phải đổi xe khác, nên trễ hết 6 giờ. Mà may nhờ ơn Chúa không ai phải hại.

            ***

Xin đọc: năm 1924, số 774(17 Janvier), tr. 38.

TÂN VĂN (Nouvelles religieuses)

Rome. – Khi Đức thánh Phapha hay đặng cái bờ đê lớn nơi hồ Gleno, xứ Bergame, bị sập nước tràn ra linh láng ngập nhiều hại ruộng nương, vườn tược, nhà cửa dân sự xứ ấy, lại thêm vài trăm người phải vong mạng, Đức Giáo Hoàng cảm thương kẻ mắc cơn rủi ro tai nàn, liền gửi cho Đức cha thành Bergame 25.000 quan tiền Italie (lires) và Đức cha thành Brescia 15.000 quan tiền mà trợ cấp những người lâm cơn hoạn nạn túng ngắt.

***

Xin đọc: năm 1930. Số 1122 (13 Novembre 1930), tr. 713

Thời sự

            Hồng mao. – Nạn thất nghiệp

            Hiện thời, cái vấn đề thất nghiệp tại nước Anh, nổi lên gay go lắm, chánh phủ lao động Mac Donal không tài nào giải quyết nổi. Vì vấn đề ấy không phải thuộc về chính sách của một đảng phái, mà lại thành ra một việc lo chung của mọi người trong nước.

            Chánh phủ Mac Donal lên cầm quyển đã 15 tháng trời rồi, song không có phương sách gì cho giảm bớt nhơn công thất nghiệp.

            Hồi cuối năm 1929, ở trong sổ Bộ lao động thì có đến 110.000 thất nghiệp. Bây giờ đây số ấy tăng lên đến 2.139.571 người, nghĩa là sánh với số tổng cộng nhơn công trong nước, người thất nghiệp chiếm hết mười chín phần trăm rồi.

            Quan Thượng thơ J. H. Thomas, trước kia là một tay làm thợ ở hãng Hỏa xa; trong 10 tháng ngài lo kiếm thế nầy thế kia, nhưng bây giờ cũng thối chí ngã lòng rồi. Từ 12 năm nay cái nạn thất nghiệp ở nước Anh vẫn cứ triền mien luôn mãi, không có như ở các xứ khác. Mà hễ số người thất nghiệp nhiều chừng nào, thì cái kho chẩn cấp của chánh phủ phải mắc nợ nhiều chừng ấy. Chưa gì mà kho ấy đã thiếu 50 triệu Anh kim rồi.

            Quan Thượng thơ bộ tài chánh là ông Snowden không biết kiếm ở đâu có số tiền to lớn ấy mà bù đắp cho nổi. Tuy thế, coi mòi nước Anh cũng không đến nỗi gì!

            Vì nước Anh nhờ công nghệ phát đạt trót một thế kỷ này, gom góp tiền bạc ở trong nước chẳng phải là ít, nên mới có thể châu cấp cho bọn thợ thuyền họ được, nhưng sau nầy đây, không biết họ chịu đời nổi chăng?

            Nam Kỳ. – Bắt đặng một đảng ăn cướp rất hung dữ ở Long Xuyên

            Đã hai ba năm nay, có một bọn ăn cướp rất oai cường, có đủ súng ống thuốc đạn. Chúng nó ở lẫn lộn từ Vàm-nao xuống tới Long-xuyên, thường ngày chúng nó hằng đánh cướp những nhà giàu có và đón sông cướp lột mấy ghe thương hồ, đã lấy của lại giết người, rất nên tàn nhẫn.

            Nhơn dân nội vùng ấy bị những nhiễu một cách lạ thường, tối lại những kẻ có tiền chẳng ai dám an giấc. Ghe phen các báo đã kêu ca cùng quan chủ tỉnh Long-xuyên và sở tuần thành ghé mắt, mà phần tri phần trị trong tỉnh cũng đành vô kế khả thi.

            Mới đây nhờ có mấy viên chức Mật thám Châu Đốc là: 1. Brigadier Bùi Văn Nếp. 2. Đinh Văn Vân. 3. Nguyễn Văn Ngỡi. 4.Nguyễn Văn Giác dit Thanh, hết lòng sốt sắng vì phận sự, ra công khó nhọc truy tầm, nên 21 Aout 1930 bắt đặng tên Xơ, tên Đượm, tên Kiệt, với một cây súng một lòng.

            Qua bữa mồng 7 Septembre 1930, lại bắt thêm tên Nguyễn Vân dit Lạo, Lê Hoàng dit Ba, tên Lê Văn Chính, tên Kỳ, tện Tị, tên Tiên, tên Công và lấy đặng 2 cây súng nữa, 1 cây súng hai lòng, 1 cây 1 lòng với 50 bì nạp sẵn (Cartouches).

            Vậy từ giờ sắp tới có lẽ nhơn dân ở vùng ấy sẽ được yên ổn mà làm ăn khỏi lo sợ về cái hại ăn cướp nầu nữa.

            Mong sao quan trên sẽ xét kỹ công lao của mấy viên chức mật thám nói trên đây và tưởng thưởng một cách xứng đáng ngõ về sau vui lòng mà vui tròn phận sự.

            Poulo-Condore. – Bão lớn tại Côn nôn.

            Hôm ngày mồng 5 Novembre, tại đảo Côn-nôn phát lên một trận bão lớn, cuộc hư hại tính ra thật nhiều, nào là nhà đèn khí hư sập, kho trữ thực vật cũng hủy tan, 2 khám đường sập ngã hết, số người tử nạn trót 100, mà nhứt là những tù phạm, nhà thờ cũng bị sập, tàu chaloup và tam bản đếu chìm hết, cây cối ngã rạp, những cây cổ thụ dầu to lớn bực nào cũng cự chẳng nổi với trận bão ấy.

            Xin đọc 1938:

            –Hoàng đế Bảo Đại ngộ nạn: tại Ban-mê-thuột chiều 13/12/1938. Máy bay đã chở ngài tới Saigon hồi 11 giờ rưỡi ngày 15/12/1938 (số 1536)

            Xin đọc 1940, số 1589

            Nhân dịp đầu năm 1940-Quan toàn quyền chúc mầng cho dân Đông Dương:

            “Bổn chức xin gởi lời chúc mầng các dân tộc Đông dương: Hỡi người Pháp và người Đông Dương hãy nhận những lời cầu chúc thân ái của bổn chức đây, là những lời cầu chúc theo buổi chiến tranh, nó thóat khỏi cái khuôn sáo thường lệ như là chúc cho được muôn đều hạnh phúc và may mắn!…

            Những lời cầu chúc ấy, do một tư tưởng cao hơn, ấy là tư tưởng nghĩ đến bổn phận của chúng ta đối với thời cuộc hiện thời.

            Bổn chức xin chúc dân sự được cường tráng, dầu là người nhà binh hay thường dân cũng vậy. Các người hãy biết phụng sự ở chỗ mình ngày nay, hay ở nơi mình sẽ bị kêu gọi ra ngày mai. Các người nên dự bị hy sinh đến cùng mực, và đến lúc phải hy sinh tánh mạng, thì các người hãy hy sanh cho có danh dự. Rồi đến ngày chắc chắn chiến thắng, mong rằng quê hương sẽ được bằng lòng các người.

            Đó là lời chúc của bổn chức. Lời chúc ấy sẽ thiệt hiện được, vì nó không do sự may rủi của đời người, mà là do các người mà ra vậy.                  

                                                                                                            Ký tên

                                                                                                Đại tướng Catroux [[2]]                                  Xin đọc: năm 1945,

Số 1846, mục “Xem qua các báo” (tr. 23) có các bài viết:

Chiến tranh tàn phá (viết về thiệt hại chiến tranh 1914-1918 để so sánh với chiến tranh 1939-1945)

Nhà thờ Strasbourg trúng bom Anh Mỹ bị hư hại lớn.

Đặc tính của V2 (bom V2 của Đức).

Số 1845 (ngày 1er Janvier), tr.11

                                                THẾ GIỚI THỜI ĐÀM

Trận tấn công lớn của Đức đã khởi ở mặt trận Tây-âu, quả nhiên một trận quan trọng và đã làm cho dư luận Đồng-minh phải kinh ngạc.

Vì đã hơn nửa năm sau, khi quân Đồng-minh đổ bộ lên Tây-âu bấy giờ bộ Tư lịnh Đức mới bắt đầu khởi trận đánh quật lại.

Đạo nhựt lịnh của Đức gởi cho quân đội họ ở miền Tây rằng:

Thời khắc hành động lớn lao đã tới, và bây giờ mới là lúc bộ Tư lịnh Đức vén bức màn bí mật che đậy những sự sửa soạn vĩ đại của quân đội Đức trong nửa năm nay. Như vậy tất những sự sửa soạn của Đức phải cẩn thận lắm.

Theo tin mới nhận được, thì trong vài ngày đầu của trận tấn công, quân Đức đã đánh phủng được chiến tuyến Mỹ nhiều nơi và tiến sâu vào nước Bỉ từ 25 đến 30 cây số, chiếm hai thành Malmedy và Stavelot

Malmedy là một tỉnh Bỉ ở cách phía nam Aix la Chapelle hơn 40 cây số, có lẽ quân Đức định từ đó đánh vòng lên để chiếm lại Aix la Chapelle, nhưng lộ quân thứ nhứt của Mỹ đóng ở Aix tất cũng mạnh lắm; vậy trận Aix la Chapelle nếu diễn ra lần nữa chắc phải kịch liệt hơn những lần trước nhiều.

Trận tấn công lớn của Đức ở Tây-âu khiến ta có thể ngờ rằng có lẽ Đức đã lập xong được một phòng tuyền vững vàng ở Đông-âu nên mới dám xuất kỳ đại đội tiến đánh ở phía Tây như vậy.

KHUYNH HƯỚNG LÀM TRUYỀN THÔNG

CỦA NAM KỲ ĐỊA PHẬN

  1. Tính chuyên nghiệp của Nam Kỳ Địa Phận

Đây là Mục lục Số 1752 (17 Mars 1943):

1. Communique de l’vêché. tr.113

2. Mandement. tr.114 [[3]]

3. Huấn lệnh của Đức Giám mục Saigon. tr.115

4.Thơ chung Đức cha Phê rô (Địa phận Vĩnh Long). tr.119

5. Cuộc cộng tác của giáo hữu nước Nam. tr.122

6. Kiệu Đức Mẹ Lavang. tr.124

7. Thiếu niên với cuộc đời (phiếm luận). tr.126

8. Góp nhặt những chuyện lạ. tr.128: có hai bài ngắn:“Mùa Đông có gì lạ”; “Nếu trái đất ngừng lại”.

Trong 8 nội dung thì có đến 6 bài viết về những sinh hoạt tôn giáo của Địa phận Nam

Kỳ. Không có bản tin thời sự xã hội nào.

Điều này cho thấy Nam Kỳ Địa Phận là tuần báo chuyên về nội dung tôn giáo. Những “Tin Văn”, “thời sự”, “Phiếm luận” chỉ là một phần rất nhỏ trong nội dung. Quan sát những “bản tin” của các mục “Tin Văn”, “thời sự”, “Phiếm luận”, người đọc sẽ nhận ra đó không phải bản tin thời sự (Times) tường thuật những việc đang xảy ra để đưa tin, trái lại Nam Kỳ Địa Phận đăng lại những tin đã xả ra một thời gian trước đó, như những câu chuyện, có yếu tố “chuyện lạ” để hấp dẫn, hoặc  để “mua vui” mà không đặt vấn đề trách nhiệm xã hội (xin đọc “Kiếm tiền xài tết” và  “Sống trăm tuổi” đã trình bày ở trên)

  • Tính khuynh hướng

Chức năng của một tờ báo trước hết là đưa tin. Việc “Bổn Báo” (ban biên tập Nam Kỳ Địa Phận) chọn lựa tin, trình bày bản tin, hướng về đối tượng công chúng để thông tin…thể hiện “khuynh hướng” của tờ báo trước hiện thực đời sống.

Hiện thực của Nam Kỳ Địa Phận hướng đến là hiện thực đời sống tôn giáo của Địa phận Nam Kỳ. Đó là hiện thực chính.

Nhưng Nam Kỳ Địa Phận nằm trong một đất nước bị Thực dân Pháp đô hộ, với những biến cố lịch sử lớn lao, như việc Pháp khai thác thuộc địa, Thế Chiến I (1914-1918), Thế chiến II (1939-1945); cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc đầu thế kỷ XX như: phong trào kháng thuế 1908, phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, phong trào Duy tân của Phan Chu Trinh, khởi nghĩa của Nguyễn Thái Học, Phát xít Nhật chiếm Đông Dương, nạn đói Ất Dâu 1945…

Hiện thực ấy của đất nước và thời đại không thể nằm ngoài trách nhiệm thông tin của tờ báo (phần đạo và phần đời): “Vì lòng ái mộ cho danh Cha cả sáng, cùng ước ao cho con nhà An Nam ta mọi nơi đâu đó đều đua nhau tấn tài tấn đức, cho thông phần đạo và ngoan việc đời…”(Bổn quán kỉnh cáo). Tôi không rõ chủ trương “ngoan việc đời” cụ thể là như thế nào? “ngoan việc đời” có phải là người dân thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với tổ quốc không? Hay chỉ “sống và làm việc theo pháp luật” đương thời?

Cho nên năm 1914, Nam Kỳ Địa Phận có đăng

“NHÀ NƯỚC THÔNG TRI”

tin về giặc giã:

(Communiqué du Gouvernement, le 10 Novembre 1914)

Số 297, có bài- “Cuộc rước đưa cơ lính pháo thủ Langsa về quê hương trợ chiến” chiều 15/9 tại xã tây Saigon.

NHÀ NƯỚC THÔNG TRI: “các đạo binh Alêmăng đều phải tháo lui vở chạy, hễ binh Langsa có binh Hồng Mao phụ giúp kéo tới đâu thì đều thắng trận tới đó, quân giặc Alêmăng rút chạy không kịp, phải bỏ nhiều súng ống khí giái, và phải bỏ nhiều kẻ đã bị chúng nó bắt lại.

Quan đại lãnh binh sai các đạo binh Langsa, đã đánh dây thép tin cho Nhà nước hay, binh lính Langsa hưng tâm mà đánh đuổi quân nghịch hết lực, và các đạo binh lính Langsa thảy đều tử tế vưng phục, bằng lòng nhịn nhục chịu cực mà thắng chiến, Nhà nước được phỉ mừng tin cậy binh lính mình” (Communiqué du Gouvernement, le 17 Septembre 1914)

Số 298: tin về giặc giã (23 Septembre 1914). tr.623

Số 299: tin về giặc giã từ ngày 22 tới 29 Septembre. tr.639

Số 300: tin về giặc giã từ ngày 29 Septembre tới 6 Octobre. tr.655

Số 301: tin về giặc giã từ ngày 6 tới 13 Octobre. tr.671

Số 302: tin về giặc giã từ ngày 13 tới 20 Octobre 1914. tr. 685

Số 303: tin về giặc giã từ ngày 20 tới 27 Octobre 1914. Tr.701

Số 304. tin về giặc giã từ ngày 27 Octobre tới 3 Novembre 1914

Số 305: tin về giặc giã từ ngày 3 tới ngày 10 Novembre 1914 (tr.734)

Số 306: tin về giặc giã từ ngày 10 đến 17 tháng 11 1914. Tr.748

Số 307: tin về giặc giã từ ngày 17 tới 24/11/1914. Tr.767

Số 308: tin về giặc giã từ ngày 24 Novembre tới 1er Decembre 1914

Số 309: tin về giặc giã từ ngày 2 tới 8 Décembre 1914. Tr.799

Tiếp tục đăng “Nhà nước thông tri” tin về giặc giã ở các số báo: 310, 311, 312, 313, 314, 315, 316, 317…

***

Năm 1922 Nam Kỳ Địa Phận đăng liên tiếp các bản tin về Hoàng đế Khải Định sang Pháp:

Số 686 (4 Mai 1922), tr. 268

Hoàng đế Annam. – Lối ngày 18 Mai thì Đức Hoàng đế Khải Định sẽ xuống tàu Porthos tại cửa Hàn (Tourance) mà sang qua nước Langsa, có quan Thống sứ Pasquier theo hộ giá.

            Chừng Đức Hoàng đế vô tới Saigon là lối 20 Mai, Nhà nước và nhơn dân sẽ bày lễ trọng nghing tiếp Ngài.

            Thuở nay các đấng tiên hoàng nước ta, chưa có ai đã bỏ nước mà đi xa như vậy, mới lần nầy là trước hết nên là một cuộc quan trọng lắm, vì tình thiết Bảo hộ Đại Pháp với nước Nam. Không phải là Hoàng đế đi xem đấu xảo thuộc địa tại Marseille mà thôi, song ý Ngài là đi viếng nước Đại Pháp trước hết, cùng xem mấy nơi tồi tàn giặc Alêmăng đã hủy phá cho hàn cơ cuộc. – Lại cũng đem Hoàng tử giao cho thầy Đại Pháp dạy dỗ văn chương. Bận đi qua thì Đức Hoàng đế đi thẳng tới Paris, chừng về mới ở dự xem cuộc đấu xảo, và các cuộc mừng rước Ngài tại đây thì là trong bận trở về đó. – Chánh phủ Đông Pháp có xuất ra 4000$ đặng dọn dẹp các cuộc rước mừng Hoàng đế tại Marseille. (Bản tin không có tác giả)

Số 690 (1/6/2022), tr.331:

Hoàng đế Annam. – Đức Hoàng đế Khải Định đã vô tới Saigon chiều thứ Hai 22 Mai, Nhà nước rước cách trọng thể, binh lính sắp hàng hai bên đàng từ bến tàu nhà rồng (tàu đi tây) cho tới dinh Tổng thống. Hoàng đế nghỉ tại đây 3 bữa rồi qua thứ 5 thì đã xuống tàu lại mà sang qua tây.

Trong mấy bữa Đức Hoàng đế ở tại Saigon thì quan Thống đốc Nam Kỳ M Cognacq lo tiệc yến đãi đằng Đức Hoàng đế và các quan đi theo cách trọng hậu lắm; và Hoàng đế có ban cho quan Thống đốc le Grand Cordon de L’Ordre Impérial di Dragon de l’Annam. (không có tên tác giả)

Số 691 (ngày 8/6/2022),tr. 350:

Lễ chung nước Nam. – Hôm 28 Mai thì cả nước Annam đã ăn mừng lễ giáp năm Đức Vua Gia Long khôi phục triều đình Huế. Theo như lịnh Hoàng đế Khải Định dạy phải làm cho trọng thể, tại Nhà thờ Chánh Huế ngày ấy có làm một lễ trọng, có đủ các quan tây cũng có đủ các quan Annam tại triều tựu đến chầu và mặc y phục đại lễ, mà kính nhớ ơn các viên quan Langsa đã phò giúp Đức vua Gia Long khi trước.

Số 693 (ngày 22/6/2022),tr. 379:

Hoàng đế Annam. – Đức vua Khải Định đã tới Djibouti ngày thứ Bảy 10 Juin, tàu bị dông gió nên có trễ. Đức vua có lên viếng thành và nhà nước tiếp rước trọng. Vua, Hoàng tử và các quan theo hộ giá thảy đều quới thể an bình. Bữa kế đó thì tàu Porthos chỉ dặm thẳng qua Marseille. (Bản tin không có tên tác giả).

Số 694 (ngày 29/6/2022), tr. 398:

Hoàng đế Annam. – Điện tín tại Paris ngày 21 Juin cho hay Đức Hoàng đế Khải Định đã tới Marseille rồi, có quan Thượng bộ Sarraut quan Thống sứ Charles và quan Thân sĩ Outrey thay mặt quan toàn quyền Long xuống tại bến tàu rước Hoàng đế, lại có những cơ lính Annam bồng súng dàn hầu. Đức Hoàng đế lên xe hơi mà ngự đến dinh Trấn phủ.

Số 695 (ngày 6 Juillet 2022),tr. 414:

Hoàng đế Khải Định. – Đức Hoàng đế Annam đã tới tại Paris ngày 24 Juin, có quan Thượng bộ Sarraut, quan Tổng thống Long cùng nhiều quan rước Đức Hoàng đế tại bến xe lửa, đoạn Ngài đến dinh Thượng bộ thuộc địa là nơi Hoàng đế ở cả lúc ngụ tại Paris. Đoạn Hoàng đế vào viếng Đức Giám quốc Millerand rồi đi viếng nhiều nơi nữa đi tới đâu dân sự thảy đều kính chào tung hô mừng rỡ. Các nhựt báo đền khen ngợi Đức Hoàng đế và Đông cung Thái tử, đằm thắm nghiêm trang, thêm y phục rự rỡ lạ lùng tốt lành, ai ai cũng đều muốn xem cho hẳn. Thãy đều xưng ra Hoàng đế Annam sang viếng Đại Pháp đây là dấu tỏ tình liên lạc Việt Nam với Bảo hộ Pháp quốc càng thêm bền vững.

***

Nam Kỳ Địa Phận cũng thường trích đăng “Thống chế Pétain đã nói”. Tôi không rõ việc đăng những lời của Pétain có mục đích gì? Thông tin về một “lời hay ý đẹp”, hay thông tin chính trị về huấn thị của thủ tướng chính phủ Vichy?

Xin đọc: Thống chế Pétain đã nói (số 1781 năm 1943, tr. 474. Có in hình Pétain):

“Tôi ghét những lời giả dối đã làm hại các người rất nhiều. Đất đai, nó chẳng hề nói dối. Nó vẫn là nơi nhờ cậy của các người. Nó chính là Tổ quốc. Một miếng đất bỏ hoang, ấy là một phần nước Pháp đương chết. Một khoảnh đất hoang được trồng lúa lại, ấy là một phần nước Pháp tái-sinh” [[4]].

Tin của Radio Sài gòn, đăng bài phỏng vấn Ông Jacques Lê Văn Đức Hội đồng liên bang Đông Pháp (số 1706, ngày 22/4/1942, tr.196): Ông Đức nói:

“Nói tắt một lời, Hội đồng mới, dầu là liên bang, hay là Thành-phố, hay là Quản-hạt, vân vân, thì chớ khá dùng chức mình mà lo việc tư, song phải kể mình như là tôi tá phụng công nước nhà, lo công lợi ích lợi chung, vì Thống chế Pétain khuyên bảo ai nấy “Phải phụng sự nước nhà”.

Ông Jacques Lê Văn Đức còn viết bài kêu gọi cầu nguyện cho nước Pháp thắng trận (“Prions, Prions, Prions pour la France) [Số 1614, ngày 4 Juillet 1940. Tr. 379].

Năm 1941, NKĐP số 1690 có bài Một ngày của thống chế Pétain, đăng lại tin của ARIP. Năm 1942, trện NKĐP số 1694, Tác giả Hữu Tâm trong bài Nước Pháp trước thời cuộc nghiêm trọng đã ca ngợi thống chế Pétain.

***

Những bản tin của Nhà nước Pháp (Nhà nước thông tri), về chiến tranh, về Thống chế Pétain, về các quan toàn quyền và bản tin về Hoàng đế Khải Định, Hoàng đế Bảo Đại…là tin thời sự chính trị xã hội. Có lẽ việc đưa tin như thế, Nam Kỳ Địa Phận không thể thoái thác, bởi Nam Kỳ Địa Phận là một tờ báo xuất bản công khai, đặt dưới quyền chính trị của Nhà nước thuộc địa Pháp.

Ở mảng hiện thực khác, tôi không tìm thấy trên Nam Kỳ Địa Phận bản tin nào về phong trào kháng thuế 1908, về vụ án Phan Bội Châu bị Pháp bắt ngày 30.6.1925 và bị đưa ra Hội đồng đề hình ngày 23.11.1925; không có tin Nguyễn Thái Học và 13 đồng chí bị Pháp kết án tử hình ngày 30.3.1930. Cũng không có dòng tin nào thể hiện tình bác ái với hơn hai triệu người chết trong nạn đói ở Bắc Kỳ từ tháng 10 năm 1944 đến tháng 5 năm 1945; mà chỉ có những dòng tin về sự khó khăn tài chính của tờ báo (xin đọc số báo 1845, ngày 1er Janvier 1945).

Người đọc có thể hiểu vì đó là những tin “xúc phạm đến việc quốc chánh”nằm ngòai tiêu chí của tờ báo. Xin lưu ý rằng, ông Trần Chánh Chiếu, chủ bút báo Nông Cổ Mín Đàm (1906) và chủ bút Lục Tỉnh Tân Văn (1907) bị thực dân Pháp bắt tháng 10 năm 1908 vì có quan hệ với phong trào Đông Du và đăng báo chống Pháp [[5]].

TẠM KẾT

  1. Giá trị lớn của những Tin Văn trên Nam Kỳ Địa Phận là những thông tin của giáo hội Công giáo. Tin về Đức Giáo hoàng, các Đức Giám mục, các Linh mục, các giáo họ, các sinh hoạt của đời sống đức tin.    Chẳng hạn bản tin về Giám mục Mossad (người thành lập tờ Nam Kỳ Địa Phận)

                                                                        Địa phận Văn tín  (Nguồn: Năm 1920, số 567, tr. 4)

            -Đức cha Mossard sẽ đi qua Tây trong đầu tháng Janvier đây, có cha SI (P.Sion) đi nữa. Đức Cha đi sớm đặng có chịu quan thầy mổ lấy cái vảy cá trong con mắt ra trước khi sang thành Roma thăm Đức Giáo Tông.

            -Cha Đượm (P. Dumortier) đã đi ra ngoài Dalat hôm thứ bảy trước; xe lửa cha đi bữa đó dọc đàng đụng nhằm một xe đá, làm xe lửa phải hư nhiều, phải đổi xe khác, nên trễ hết 6 giờ. Mà may nhờ ơn Chúa không ai phải hại.

            2. Người đọc cũng có thể tìm thấy những thông tin lịch sử về Nhà nước bảo hộ Pháp, về Hoàng đế Khải Định, về Hoàng đế Bảo Đại; tin về văn hóa văn nghệ Công giáo như Tuồng thương khó của J. B. Tòngtrên số báo các năm: năm 1913, số 212 (tr.60). Năm 1922, số 705 (tr.567). Năm 1923, số 727 (tr. 105). Năm 1943, bài của Jacques Lê Văn Đức đăng trên các số báo: 1746; 1747; 1748; 1749). Đó là những tư liệu rất quý đối với người nghiên cứu tôn giáo, lịch sử, xã hội, văn học Công giáo…

Dù có tính khuynh hướng, song Nam Kỳ Địa Phận là một tờ báo tôn giáo chuyên nghiệp. Trong một thời gian dài đầy biến động lịch sử, Nam Kỳ Địa Phận duy trì được mục tiêu của mình là: “Vì lòng ái mộ cho danh Cha cả sáng, cùng ước ao cho con nhà An Nam ta mọi nơi đâu đó đều đua nhau tấn tài tấn đức, cho thông phần đạo và ngoan việc đời…”. Phần thông tin địa phận giúp kết nối giữa chủ chăn và giáo dân, giữa các giáo dân ở nhiều giáo họ trong địa phận với giáo hội, nhờ đó giáo dân có tình hiệp thông sống đạo sốt sắng hơn. Những giá trị như thế thật lớn lao.

***

Ngày 15/4/2024


[1] Bùi Công Thuấn-Nam Kỳ Địa Phận-Những định hướng khởi đầu

[2] Tướng Georges Catroux là Toàn quyền tạm thời 23.8.1938 đến 25.6.1940

[3] Communique de l’vêché: Thông cáo từ Tòa Giám mục

Mandement: Huấn lệnh (văn bản của giáo chủ dùng để chỉ thị)

[4] Thống chế Pétain (1856-1951)  là thủ tướng trong chính phủ Vichy từ năm 1940 đến năm 1944. Ông được ca ngợi là anh hùng dân tộc Pháp trong Thế chiến thứ nhất nhưng đến cuối đời lại bị kết tội phản quốc vì đã hợp tác với Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai. https://cand.com.vn/Ho-so-mat/Thong-che-Petain-Anh-hung-dan-toc-Phap-hay-toi-do-phan-quoc-i392379/

[5] Ngô Sỹ Tráng-Những đồng góp của Trần Chánh Chiếu trong phong trào Duy tân ở Nam Kỳ đầu thế kỷ XX. Tạp chí Khoa học ĐHSP Tp HCM số 8(86) năm 2016. Tr 110-116

NAM KỲ ĐỊA PHẬN-Những định hướng khởi đầu-Bùi Công Thuấn

Bạn có thể đọc các bài viết chính của Bùi Công Thuấn theo link:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

NAM KỲ ĐỊA PHẬNNhững định hướng khởi đầu

(Đọc tuần báo Nam Kỳ Địa Phận số 01, năm 1908)

Bùi Công Thuấn

***

Bạn có thể tải file theo link:

https://drive.google.com/file/d/1kg9wX3GCuFZFNnWl0HMfpcaV94c710Fx/view?usp=sharing

Hoặc: https://www.mediafire.com/file/f9titz1k5l109n2/B%C3%A0i+01-NK%C4%90P+M%E1%BB%A5c+%C4%91%C3%ADch+v%C3%A0+n%E1%BB%99i+dung-No+01+1908.pdf/file

Tuần báo Nam Kỳ Địa Phận do Giám mục Lucien-Emile Mossard (1851-1920) chủ trương thành lập. L. Mossard thụ phong linh mục năm 1876. Ngài đến Sài Gòn ngày 2. 11.1876.

Lm Mossard từng coi xứ Tân Định (1881), Chợ Đũi (1882), nhà thờ lớn Sài gòn (1898), và được phong Giám Mục địa phận Tây Đàng Trong (1899). Ngài đã trông coi địa phận đến năm 1920.

Nam Kỳ Địa Phận in huy hiệu của tòa giám mục Sài Gòn. Chủ bút của Nam Kỳ Địa Phận là Lm J. B Hướng. Linh mục B.P. Paul Vàng (Directeur-Gérant) là người sau cùng phụ trách tờ báo.

Bài Kỷ niệm ba mươi lăm tuổi trọn (số 1788, năm 1943) cho biết: “Vậy trong khoảng 35 năm báo N.K.Đ.P. đã tùng quyền dưới 4 trào Giám mục là: Đức cha Mossard. Đấng sáng lập báo Nam Kỳ; Đức cha Quinton; Đức cha Dumortier và Đức cha J. Cassaigne hiện kim Giám mục địa phận.

Lại cũng thay đổi bốn đời linh mục quản lý là: cha J.B. Huỳnh Tịnh Hướng, tiên khởi chủ nhiệm kiêm quản lý từ 26 Novembre 1908 cho đến 12 Novembre 1909; cha Gabriel Nguyễn Thanh Long, từ 12 Novembre 1909 đến 9 Novembre v1922; cha Jacques Huỳnh Công Quận từ 9 Novembre 22 đến 30 Mars 1943; và từ 5 Avril 1943 đến nay là cha Paul Nguyễn Văn Vàng hiện kim chủ nhiệm kiêm quản lý bổn báo.”

Báo ra ngày thứ Năm hàng tuần. Số đầu tiên ra ngày 26 Novembre 1908 và số cuối cùng ra ngày 1er Mars 1945. Nam Kỳ Địa Phận là một trong những tờ báo có thời gian xuất bản lâu nhất đầu thế kỳ XX. Theo tài liệu của linh mục Vàng, GS Nguyễn Văn Trung cho biết: “lúc đầu có 2000 độc giả, nghĩa là gấp 5, 6 lần độc giả Lục Tỉnh tân văn, Nông Cổ” (Lục Châu Học, chương V). Số báo 1845 (1er Janvier 1945), bài Kính cáo Độc giả, “Bổn Báo” cho biết, cuối năm 1944 có 1700 độc giả.

Nam Kỳ Địa Phận ra đời và phát triển trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ với chính sánh báo chí khắc nghiệt [[1], cùng với những biến động lớn lao của lịch sử Việt Nam và thế giới (phong trào Đông du, phong trào Duy tân, Thế chiến I, Thế chiến II,…). Bối cảnh ấy đã ảnh hưởng sự phát triển của tờ báo. Chẳng hạn, khuynh hướng “khai đàng văn minh cho nhơn dân đặng tấn phát..” nằm trong tinh thần duy tân: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”; hoặc chủ trương “không xúc phạm đến việc quốc chánh”, tức là không phản ánh và bày tỏ thái độ đối với tình hình chính trị đương thời. Nam Kỳ Địa Phận kiên định mục đích “mở trí khôn các giáo hữu lớn nhỏ hầu giữ đạo cho tấn tới một ngày một hơn và cũng có chỉ phương thế về sự làm ăn ở đời, cho các giáo hữu vịn theo mà giúp đỡ nhau,..”(Bài Cám ơn Đức Cha). Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Lục xem xét thái độ chính trị của tờ báo, ông khẳng định:

Tôi đã chịu khó mầy mò khoảng 1000 trang báo Nam Kỳ Địa Phận có được trong tay thử xem có bài báo nào có bài báo viết ca tụng hoặc nịnh bợ chế độ thực dân Pháp không?

Tôi không thấy có dù một bài, dù chỉ là nói xa xôi, nói gián tiếp dù mục Văn Tín của tờ báo đăng lại nguyên văn các các thông cáo của nhà nước về thời cuộc như đã nói ở trên.

Điều đó cho thấy tư cách đứng đắn của những vị chủ trương tờ báo”[[2]]

Các nhà nghiên cứu nói về những đóng góp của Nam Kỳ Địa Phận như sau:

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Lục: phần đóng góp quan trọng nhất vẫn là phổ biến chữ Quốc ngữ đến quảng đại quần chúng, nhất là tại thôn quê cho giới bình dân ít học. Nó có một chỗ đứng nhất định trong dòng văn học nói chung” [1 đd].

Nhà nghiên cứu văn học Công giáo Lê Đình Bảng nhận định Nam Kỳ Địa Phận “mở ra một kỷ nguyên cho báo chí Công giáo Việt Nam. Đọc lại mấy hàng”Bổn Quán Kính Cáo” sau đây, ta càng thấm thía sứ vụ Loan Báo Tin Mừng của những con người cầm bút, hết lòng phục vụ công cuộc “Truyền thông Công giáo” ngay từ buổi đầu gian nan ấy”[[3]].

PGS-TS Đỗ Quang Hưng (Viện nghiên cứu Tôn giáo Việt Nam) trong cái nhìn tổng quan về báo chí trước 1945 nhận xét: Nam Kỳ Địa Phậnsống ngót 40 năm, được coi là tờ báo Công giáo thành công nhất cả về nội dung và hình thức, không chỉ có giá trị về thông tin, giáo dục Công giáo mà còn có đóng góp độc đáo về báo chí, về sự phát triển chữ Quốc ngữ.”[[4]].

Gs Nguyễn Văn Trung (1930-2022) [[5]] là người có nhiều thuận lợi khi nghiên cứu về Nam Kỳ Địa Phận. Ông đã so sánh Nam Kỳ Địa Phận với hai tờ báo cùng thời là Nông Cổ (1901-1921) và Lục Tỉnh Tân Văn (1907-1944), từ đó ghi nhận:

Về nội dung, chúng tôi thấy tờ Nam Kỳ địa phận phong phú đa dạng…Lối trình bày tờ báo của Nam Kỳ địa phận không khác gì thời bây giờ, lối viết Quốc ngữ trừ một vài từ ngữ kiểu nói thông dụng vào thời đó, ở miền Nam rất gọn, sáng sủa, dễ hiểu và nhất là rất khó tìm thấy một lỗi viết chính tả, không khác gì lối viết văn xuôi bây giờ”; Nam Kỳ địa phận “chỉ có 1/3 nói về đạo, còn lại nói về đời… nó là một vốn tư liệu phong phú, đa dạng mà ngày nay chúng ta có thể khai thác về nhiều mặt: kinh tế, thương mại, phong tục, sử ký, y học dân tộc, văn học, ngôn ngữ, v.v..”; “Chỉ nguyên mảng văn học truyền miệng (câu thai, đố, đối, tục ngữ, chuyện giải buồn, tiếu đàm…) riêng của miền Nam chúng ta có thể sưu tầm được cả trăm, ngàn câu, có cả giải thích, hẳn là một điều thật quí…”

                                                            ***

NỘI DUNG NAM KỲ ĐỊA PHẬN SỐ 1 (1908)

Mục lục số 1

Bổn quán kính cáo

Nam Kỳ Địa Phận Nhựt rình chung

Cảm ơn Đức cha

Lời rao cần kíp

Lời ngạn ngữ vua Salomom

Thánh Thể kiệu

Nhơn lai Thiên Chúa mạc hình dong

Bổn phận kẻ làm cha mẹ

Cổ loại tương phùng

Con nít có trí

Ngải mơn

Phương linh dược

Bốn đấng chịu tử đạo

Thuốc trị bịnh tức lói

Cọp bắt người ta tại Cù Mi

***

            Nam Kỳ Địa Phận số 1 (1908) công bố mục đích tờ báo, trình bày một khuôn mẫu hình thức (xem mẫu bìa và các đề mục trang), định hướng nội dung các chuyên mục và xác lập đối tượng cùng những tương tác với người đọc.

            1.Về mục đích lập báo: Nam Kỳ Địa Phận vừa có mục đích tôn giáo, vừa có mục đích xã hội, nhưng tránh vấn đề chính trị (“không xúc phạm đến việc quốc chánh”):

Bài Bổn quán kính cáo nói rõ:

“Vì lòng ái mộ cho danh Cha cả sáng, cùng ước ao cho con nhà An Nam ta mọi nơi đâu đó đều đua nhau tấn tài tấn đức, cho thông phần đạo và ngoan việc đời…”

Bài cám ơn Đức Cha cũng nhắc lại mục đích này: “thơ chung của Đức Cha gởi mà thông tin Người có định lập một cái nhựt trình chữ Quốc ngữ, để cho các bổn đạo ở xứ nầy xem cho rõ việc đạo, lại dạy cho biết việc đời”.

2.Về tư tưởng,

 Nam Kỳ Địa Phận hướng đến mục đích giáo dục quốc dân và canh tân đất nước:

“nhựt báo nầy có ý khai đàng văn minh cho nhơn dân đặng tấn phát, cho bề đạo việc đời đều thông thuộc”.

Nền tảng giáo dục dựa trên giáo lý Công giáo (truyện Ngải Mơn) và đạo đức Nho học.

Thí dụ: nhận xét về tình hình suy đồi phong hóa đương thời, Nam Kỳ Địa Phận viết:

 “Việc quân thần, quốc chánh thì hay vậy; mà còn việc phụ tử, phu phụ, bằng hữu, là

cha con, vợ chồng, anh em bạn hữu, thì sự hiếu thảo, tín ngãi và nhơn nghĩa chẳng toàn, đã suy khuyết nhiều. Dầu cho nước mạnh nhà giàu đi nữa mà đạo cang thường chẳng giữ thì sự vinh hoa phú quý cho mấy cũng không bền.” (Bổn quán kỉnh cáo).

Nhận xét trên dựa vào nội hàm ý thức hệ Nho giáo khi nói về các quan hệ xã hội: “quân thần” (vua-tôi), “phụ tử” (cha-con), “phu phụ” (vợ-chồng), “hiếu thảo” (đạo Hiếu), “tín ngãi, nhơn nghĩa” (Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín), “đạo cang thường” (tam cương: ba giềng mối xã hội-Quân thần, Phụ tử, Phu phụ; “ngũ thường” là 5 phẩm chất đạo đức-Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín).

3. Nội dung

Nam Kỳ Địa Phận bao quát nhiều lĩnh vực: “báo sẽ biện luận về những đều sau nầy: Đạo lý, Phong hoá, Bá nghệ, Bát học và Văn tín”.

Nam Kỳ Địa phận là một tờ báo Công giáo nhưng hướng đến đối tượng độc giả rộng rãi, gồm cả Lương và Giáo.  

Nam Kỳ Địa Phận Nhựt trình chung/

Lương, Giáo hai bên mặc thích dùng”.

Chủ bút cũng kêu gọi bạn đọc góp bài. Đề tài được mở ra rất rộng:

Vậy trong chư quới vị ai thấy đều chi hữu ích, miễn là không xúc phạm đến việc quốc chánh cùng danh vị người ta, thì xin viết mà gởi đến. Bổn quán Nhựt báo sẽ liệu mà ấn hành; chớ ngại ít nhiều hay là nói cao thấp” (Bổn quán kỉnh cáo).

            4.Thể loại bài viết:

Qua các bài viết, Nam Kỳ Địa Phận số 1 đã định hình thể loại, có cả thơ và văn xuôi. Có bài nghị luận về một vấn đề (Bổn phận làm cha mẹ, Phương linh dược), có truyện “người thật việc thật” (Thánh Thể Kiệu, Cọp bắt người ta tại Cù Mi), có truyện cười (Con nít có trí, Ngải Mơn), Ngụ ngôn (Cổ loại tương phùng), có bản tin (Bốn Đấng chịu tử đạo) và có cả “quảng cáo” (Sửa đồng hồ, Thuốc trị Phong lác, Sách Đức Chúa Bà hiện ra tại Lourdes).

Các bài viết có văn phong vừa bác học, hiện đại (ngôn ngữ thời sự), vừa rất bình dân. Xen kẽ vào lý lẽ (dùng từ Hán-Việt) là trích dẫn danh ngôn đông tây, hoặc dẫn chứng các nhân vật nổi tiếng. Khẩu ngữ Nam bộ được dùng rộng rãi. Tính cách nhân vật và văn hóa Nam bộ được khắc họa rõ (xin đọc bài Ngải Mơn). Nhờ đó, tờ báo trở thành tiếng nói của nhiều thành phần xã hội.

5.Yếu tố “đạo và đời” trong Nam Kỳ Địa Phận số 1 được trình bày thế nào?

Xin điểm qua các bài trong Nam Kỳ Địa Phận số 1: có 7 bài nói về đạo trong tổng số 13 bài, như vậy số bài nói về đạo chiếm hơn 50% nội dung tờ báo, không phải “chỉ có 1/3 nói về đạo” như GS Nguyễn Văn Trung cho biết ở trên. Cụ thể là:

1.Bài Cám Ơn Đức Cha: “mở trí khôn các giáo hữu lớn nhỏ hầu giữ đạo cho tấn tới một ngày một hơn và cũng có chỉ phương thế về sự làm ăn ở đời, cho các giáo hữu vịn theo mà giúp đỡ nhau,..

2.Bài Lời ngạn ngữ của vua Salomon: giảng trực tiếp Kinh thánh. Bài viết giới thiệu sự khôn ngoan của vua Salomon rồi trích và giải thích câu của Salomon: “Kính sợ Chúa, ấy thật là đầu cội rễ sự khôn ngoan; kẻ mê muội thì khinh dễ sự khôn ngoan và lời răn dạy” (C.1, v. 7.)

3.Bài Thánh Thể Kiệu kể một gương đạo đức tôn giáo: Đức Vua Manuel nước Búttughê, dù là vua, nhưng đã cùng với vác thầy phó tế khiêng Kiệu Thánh thể trong ngày lễ Mình Thánh Chúa.

4.Bài Nhơn lai Thiên Chúa mạc hình dong, (thơ chữ Hán)

5.Bài Bổn phận làm cha mẹ dẫn truyện thánh để đặt vấn đề: ông thánh Gioang Baotixita, Ông thánh Grêgoriô, Ông thánh Ambrôxiô

6.Bài Cổ loại tương phùng (Đui què gặp nhau): truyện ngụ ngôn bằng thơ song thất lục bát về sự tương trợ nhau để sinh tồn.

7.Bài Con nít có trí: truyện cười nói về sự thông minh của con nít

8.Bài Ngải Mơn: truyện ngắn, phê phái thói mê tín của Ba Miểng, một người đạo dòng. Nhân vật một người chầu nhưng, trực tiếp giảng đạo:  

“có một người chầu nhưng, người nầy thấy ba Miểng khua môi không nhằm, sanh gương xấu cho kẻ ngoại, thì đỏ mặt mà nói rằng: chú Ba nè, chú là người đạo dòng mà chú ăn nói như vậy, thiệt tôi hổ thẹn quá. Chú không nhớ trong Kinh Tin Kính, câu thứ nhứt dạy ta tin có một Đức Chúa Trời phép tắc vô cùng mà thôi sao? Vậy dầu thiên thần thì cũng còn kém xa Chúa ngàn trùng, phương chi ma quỷ là loạn thần Chúa phạt, mà chú dám nói nó thua Chúa có một phép sống mà thôi. Nói như vậy có phải là lộng ngôn phạm thượng và bất thông đạo lý không? Dẫu một hai khi ma quỷ có làm hại cho ngưởi nọ kẻ kia đi nữa, chẳng qua là tại Chúa cho phép nó làm, hầu thử kẻ lành như ông Gióp, hay là phạt kẻ dữ như vua Saolê. Nếu Chúa cấm thì ma quỷ chẳng có phép mà làm rụng một sợi tóc trên đầu ta, có đâu mà làm chết, làm sống? Âu là chú cậy mình đạo dòng, tưởng mình thông hiểu các lẽ cao sâu trong đạo, nên chẳng sá chi đến việc nghe giảng sách phần mới buông lời thế ấy.”

9.Bài Phương linh dược: văn nghị luận bàn về chữa bịnh nghèo.

10.Bài Bốn Đấng sẽ lên bậc Á thánh: bản tin tôn giáo về phong thánh.

11.Bài Thuốc trị tức lói: giới thiệu bài thuốc chữa bịnh.

12.Bài Cọp bắt người tại Cù Mi: Bổn báo chỉ cách bắt cọp cho ngững người thợ rừng ở Cù Mi (Bà Rịa)

13.Có ba mục quảng cáo: sách Truyện Đức Chúa Bà hiện ra tại Lourdes, Tiệm sửa đồng hố và các thứ đồ máy, Thuốc trị phong lác.

Như vậy số bài nói về Đạo chiếm một phần lớn nội dung, tất cả đều tập trung vào chủ đề, nhưng đa dạng về kiểu loại bài. Sức hấp dẫn của những bài này là những câu chuyện “người thật việc thật” trong đời sống, những gương sáng trong Kinh thánh và giúp giải quyết những vấn đề cụ thể của việc sống đạo. Những chuyện đời đều có mục đích giáo dục “khai đàng văn minh cho nhơn dân”.

6. Góp phần phổ biến và phát triển chữ Quốc ngữ (ý kiến của Nguyễn Văn Lục và Đỗ Quang Hưng).

Đúng như GS Nguyễn Văn Trung nhận định: “lối viết Quốc ngữ trừ một vài từ ngữ kiểu nói thông dụng vào thời đó, ở miền Nam rất gọn, sáng sủa, dễ hiểu và nhất là rất khó tìm thấy một lỗi viết chính tả, không khác gì lối viết văn xuôi bây giờ”.

GS Nguyễn Văn Trung cho biết thêm: “Tập thể những người làm tờ báo Nam Kỳ địa phận những năm đầu thế kỷ vừa qua là những người thông thạo văn hóa phương Tây mà vẫn thấm nhuần Nho học, vừa là những người biết cách làm báo như nhà nghề, mà cũng biết viết văn Quốc ngữ gọn, rõ, không sai chính tả. Bây giờ, tìm được những linh mục, trí thức gốc miền Nam còn am hiểu Nho học, biết viết văn Quốc ngữ như những linh mục Hồ Tấn Đức, Nguyễn Thanh Chiêu hồi đầu thế kỷ không phải là điều dễ”;

Đây là cách làm việc: “Sửa bài vở là công của Lm Hồ Tấn Đức “tánh người rất kỹ càng, nên bài vở của ngài tự sửa lấy, từ dấu hỏi dấu ngã chí chấm phết đều giữ hoàn toàn không sai một nét”, còn các bài vở khác thì đều gửi bản vở thứ hai cho ngài coi lại, sửa chữa; ngài sửa chữa cho các sách của nhà in Tân Định nên “nhờ ngài mà sách vở báo chí của nhà in Tân Định mới có vẻ đúng đắn hơn các nhà in khác trong Nam kỳ“(Lục Châu Học, chương V, đd)

Xin đọc một đoạn văn trong bài Thánh Thể Kiệu. Văn rất trong sáng, trừ một vài từ của khẩu ngữ (“thì”, “dong nhan”, “mà đặng”):

“Hôm ngày lễ Mình Thánh Chúa, nhằm ngày 20 tháng Năm ta, năm nay đây, đã kiệu Mình Thánh Chúa. Các đấng Giám mục, Linh mục, Giáo hữu nam phụ lão ấu, ca nhạc, đèn đuốc nghinh Mình Thánh Chúa ra mà kiệu.

            Đức Vua Manuel xin xen hàng cùng các thầy phó tế lãnh khiêng bàn kiệu. Triều thần e nhẹ thể oai nhan, thì tâu Đức Vua rằng: “Đức Vua hạ giá chầu Thiên Chúa thì là trọng; mà Đức Vua trao tay vàng cầm bàn kiệu, thì e nhẹ dong nhan thánh đế chăng.” Đức Vua bèn đáp rằng: “Vua cả cai trị trời đất ngự bàn kiệu, còn vua thế gian mà đặng khiêng bàn kiệu thì sao lại mất dong nhan oai thể, chẳng là nghịch lẽ lắm đó?”

            Đức Vua thân chinh vào nắm lấy tay bàn kiệu cùng quì hai gối xuống đất mà kính lạy Mình Thánh Chúa. Ai nấy thấy đều hãi hùng, mà ngợi khen Đức Vua chẳng dừng”.

***

ĐỌC NAM KỲ ĐỊA PHẬN số 1

Xin đọc những bài chính:

       (Lưu ý: để giữ đúng văn phong ngôn ngữ đầu thế kỷ XX, các bài báo được đánh máy lại nguyên văn chính tả của bản in 26.11.1908. Có một số từ có cách viết khác ngày nay. Thí dụ: vui mầng (vui mừng), quới vị (quí vị), đặng (được), những đều (những điều); dong nhan (dung nhan); nhơn hiền (người hiền)…Phần in đậm là để lưu ý bạn đọc).

***

BỔN QUÁN KỈNH CÁO

(NKĐP, số 01, tr.1-4)

“Vì lòng ái mộ cho danh Cha cả sáng, cùng ước ao cho con nhà An Nam ta mọi nơi đâu đó đều đua nhau tấn tài tấn đức, cho thông phần đạo và ngoan việc đời thì Đức Giám mục đã dạy kiến tạo nhựt báo nầy để mà thúc giục mọi người lo tấn phát.

            Trong Nhựt báo sẽ biện luận về những đều sau nầy: Đạo lý, Phong hoá, Bá nghệ, Bát học và Văn tín.

            I. Sẽ dùng lý lẽ, tích truyện, hoặc lấy lời thánh hiền, mà phân biệt chánh tà cùng dẫn đàng chơn thật.

            II. Kể những gương lành, truyện thánh, tích những đấng thông minh cùng người danh sĩ; để cho con trẻ đặng học đòi noi theo, cho đặng răn mình sửa nết, trước là cho nên người đức hạnh phần đạo, sau là nên kẻ thông minh lịch lãm phần đời. Xét việc xem sóc dạy dỗ con trẻ trong nước ta hãy còn im lưu trì hưỡn, chưa có tấn cho kịp thì. Phép mình ít biết, phép người cũng không thuộc, việc đạo ít thông, việc đời lại càng thua sút. Nhơn cớ là bởi chẳng chuyên cần lo lắng việc dạy dỗ con trẻ cho kỹ càng. —Việc văn chương chữ nghĩa cũng còn chậm trễ. Chẳng phải thiếu người thông thuộc, song thiếu kẻ nông lòng dốc sức cho có trường hay, thầy giỏi. Trúng là việc rất cần, vì học mà nên, hay là không học mà nên? Muốn học cho nên phải có thầy thông minh đức hạnh; học nên mới biết đàng chánh nẻo tà, đâu là trung, đâu là hiếu. Có học mới biết pháp thủ lễ nghi, mới rỡ Hanh cha mẹ, đẹp mặt họ hàng. Lại hễ là Bất học thì vô thuật, và không học thì không biết biến hóa, thì sao cho tiện bề sinh phương lập nghiệp? Nên ước lo cho việc giáo huấn mỗi nơi mỗi họ đều tấn tới.

            Còn xét về chánh việc Phong hóa thì đã ra cuộc biến dời nhiều. Mấy kẻ đã quên thói lành gương tốt tổ tông di truyền, mà lại thêm sinh biến nhiều thế! Việc quân thần, quốc chánh thì hay vậy; mà còn việc phụ tử, phu phụ, bằng hữu, là cha con, vợ chồng, anh em bạn hữu, thì sự hiếu thảo, tín ngãi và nhơn nghĩa chẳng toàn, đã suy khuyết nhiều. Dầu cho nước mạnh nhà giàu đi nữa mà đạo cang thường chẳng giữ thì sự vinh hoa phú quý cho mấy cũng không bền. Bởi đó người ta thường hay nói: Không ai giàu ba họ, vinh ba đời; là tại vì không lo sửa cái đức tánh mình. Vậy xin những đấng thông minh trí thức phân tỏ cho ai nấy đặng cải ác tùng thiện, gương lành thì theo, thói hư thì lánh. Cho kẻ trên người dưới, kẻ khó người giàu đều biết tương kính tương ái, kính nhau, thương nhau, giúp nhau như người đồng quốc đồng gia, một nhà một nước vậy. Ấy là sự lo tích lấy cái tâm đức mà lưu lại cho con cháu đặng nhờ; rồi sau mới lo tới thâu tích tiền tài, thì chẳng hại chi vì có chữ đức buộc chữ tài cho vững.

III. Về nghề nghiệp làm ăn thì ta sánh cùng người nước khác không đặng. Kể ra thì là: Sĩ, Nông, Công, Thương, Tiều, Ngư, Canh, Mục, là nghề văn chương, nghề làm ruộng, làm thợ, buôn bán, đốn củi, nghề bắt cá làm vườn và nuôi trâu bò chiên dê. Mà chưa thấy nghề nào cho thiệt phát. Dẫu cho có nhiều người thạo, kẻ nghề nọ, người nghiệp kia mà cũng chưa đủ sánh. Ta có biết cái chi thì một mình hay, một mình biết, một mình làm, không ai coi trước giúp sau; còn người nước khác, hễ là tìm đặng cách gì, kiếm đặng phương chi, thì xúm nhau hùn với nhau, chỉ vẽ cho nhau làm. Dẫu nhiều khi ban đầu không đặng khá, cũng có nhiều khi bị thiệt hại, song cũng không sờn lòng, lại bởi có người hiệp sức giúp trí, thì sau hết việc cũng thành và đặng lợi cả. —Người nước ta, hễ thấy ai mới nổi nghề gì, tính làm cái chi, thì chẳng những là không ai tiếp giúp, mà lại đứng đó mà nhìn, cầu cho việc bất thành, mà nhạo chơi. Cứ việc ai nấy lo, bè ai nấy chống, cho nên phải xiêu lưu tứ tán, cùng phải gian nan đồ khổ, xác thiếu thốn, hồn ra trễ nãi. Thôi tự tư dĩ hậu, thì ta hãy đồng tâm hiệp lực mà giúp nhau, cho mọi nơi mọi xứ đều an cư lạc nghiệp.

  1. Lo cho mỗi nơi có những nhà làm nghề, cho con nít kẻ lớn có thể làm ăn. Nam nữ

 mới lớn lên, mà không phương làm ăn thì phải hiểm nghèo nhiều thê. Ở nhưng làm sao cho

khỏi sự dữ? mà đi làm mướn nơi không đạo đức, kết bạn cùng kẻ vô nhơn, thì cũng như gieo

mình xuống hố.

  • Trong các nghề làm ăn, ai thông nghề nào thì thủ nghệ ấy; Nhứt nghệ tinh nhất

thân vinh, là một nghề cho ròng cũng độ thân đặng; song hãy lo mở mang cho rộng hơn. Muốn mở rộng, một mình không sức, nên phải hiệp nhau; bảo nhau thì có tôn ti thượng hạ, có kẻ biết chỉ vẽ. Có đua tranh, tìm kiếm, thì lần lần nghề mới ra tinh ròng.

           Luận về cuộc thương mãi, thì xem ra lớn hơn các nghề; vì cuộc buôn bán có thạnh vượng, thì các nghề mới phát; ai làm nghề chi cũng có một ý, là cho đặng bán cái vật mình làm ra, mà như không có nhà buôn bán trữ hàng hóa thì bán cho ai? Mấy người nước khác đặng giàu có phú quý là tại đâu? Cũng là lại nhờ một sự hùn hiệp với nhau mà làm nghề nọ nghề kia, nhứt là buôn bán. Nên ta cũng phải cứ đó mà noi theo.

IV. Sẽ nói về những sự thường mở trí cho con nít. Nhiều vật, nhiều món ta dùng, thấy đó mà không biết bởi đâu mà tới, làm làm sao. Những cuộc cơ xảo máy móc cũng nên biết. Lại có nhiều sự thường trong trời đất xảy ra, thấy mà chẳng hiểu, thì nhiều khi cũng sinh bán tín bán nghi; mà như biết thì cũng có ích nhiều bề.

V. Nói về những tin tức trong Hội thánh, trong các họ, đâu có việc chi nên hay, nên biết, thì thông báo cho nhau, cùng là quốc gia, luật pháp v.v

Sau hết, trong phần Tạp vụ sẽ để những truyện vui giải buồn; những bài thuốc linh đơn thần hiệu cùng là câu thai câu góp v.v.

***

Vậy trong chư quới vị ai thấy đều chi hữu ích, miễn là không xúc phạm đến việc quốc chánh cùng danh vị người ta, thì xin viết mà gởi đến. Bổn quán Nhựt báo sẽ liệu mà ấn hành; chớ ngại ít nhiều hay là nói cao thấp. Vì có thương nhau muốn làm ích cho nhau, thì cứ lời chơn chất minh bạch mà dắc díu nhau. Chớ lo kẻ năng thuyết bất năng hành, là hay nói hay chê mà không hay làm; hay là như có làm, thì lại sinh sự xích mích, vì là trước danh lộ tính, là cho đặng khoe cái tài của mình, chớ không tìm ích chung. Hễ vạn sự dĩ hòa vi quới là trong việc nào cũng phải lấy chữ hòa hảo là quý mà thôi.

Vậy xin ai nấy lo mua nhựt báo nầy mà xem, trước là đặng nhiều phần ích và hồn và xác, sau là lấy đó giáo huấn cháu con, cho trai đặng gặp đường thông minh, gái đặng thấy gương đức hạnh, mà học đòi noi theo.—Bán giá rẻ, vì Đức cha muốn cho ai nấy có thể mà mua đặng, lại vì hết lòng muốn làm ích cho mọi người, chớ không có ý tìm lợi như lời lân ái chí thiết Đức cha nói trong thơ chung gởi cho bổn đạo ngày mồng 10 tháng 8 tây trước đây rằng: “Ta cất tiếng khuyên mời anh em, xin anh em vui lòng vội vã nhậm lấy phương ta dùng mà làm ích cho anh em. Nhựt trình ấy lập ra chẳng phải cho đặng té lợi cho Nhà chung, một có ý gieo tin lành trong vườn Hội thánh, có ý cho gia đạo mọi người mọi nơi đều đặng nhờ ích lợi cho phần hồn phần xác mọi bề…” Thường người ta nói cầu danh bất cầu lợi, mà đây danh không cầu, lợi cũng không kiếm, một tìm ích chung cho mọi người và cho Danh Cha cả sáng mà thôi.

***

Sau kỉnh lời cùng chư quới vị, các hàng viên quan chức sắc, hương chức cựu tân, cùng quý nhơn quý hữu đặng tường. Nay mong ơn Đức Giám mục quờn cao chức trọng, đã dạy lập cuộc nhựt báo nầy có ý khai đàng văn minh cho nhơn dân đặng tấn phát, cho bề đạo việc đời đều thông thuộc. Ấy là ơn rất trọng ta phải cám mến không cùng. Người mà thương lo cho ta, huống chi ta là người đồng một quốc âm với nhau, há dễ ta lại làm ngơ! Gẫm trong chư quới vị, chẳng thiếu chi nhơn hiền kiến thức, trí tri lực lãm, văn nghệ lầu thông; nếu khấ..tay vùa giúp, ắt là sanh dân bớt cơ nghèo bần khổ. …người đồng thinh đồng khí, thì hãy đồng chí đồng tâm, mà vẽ thúc giục cho muôn dân đặng nhờ phước.

BỔN QUÁN CẨN KÝ

(số 1-trang 2, 3, 4)

***

BÀI CÁM ƠN ĐỨC CHA

            (NKĐP, số 01, tr.5)

Chúng tôi đã đặng thơ chung của Đức Cha gởi mà thông tin Người có định lập một cái nhựt trình chữ quốc ngữ, để cho các bổn đạo ở xứ nầy xem cho rõ việc đạo, lại dạy cho biết việc đời, nên chúng tôi tạm đôi hàng mà tạ ơn Người, vì đã có công tìm phương cách nọ kia mà giúp đỡ chúng tôi cho bản việc bổn phận chúng tôi phải làm. _Chúng tôi tưởng rằng: sự lập nhựt trình nầy thì làm ích nhiều lắm cho hết mọi người lớn nhỏ trong anh em chúng tôi, hoặc có sự gì trắc trở trong cửa nhà kém giờ mà dạy dỗ con cái mình cho đủ đều về lẽ đạo, thì nhựt trình nầy sẽ giúp phò kẻ ấy, kẻo có nhiều nhà có đạo bởi bối rối việc đời, mà bỏ qua hay là không dạy dỗ con cái mình cho đúng phép chăng. Theo như thơ chung Đức Cha đã nói, thì nhựt trình lập ra trước là giúp đàng mở trí khôn các giáo hữu lớn nhỏ hầu giữ đạo cho tấn tới một ngày một hơn và cũng có chỉ phương thế về sự làm ăn ở đời, cho các giáo hữu vịn theo mà giúp đỡ nhau, chớ chẳng phải là làm nhựt trình nầy mà tìm ích hay là danh vọng chi. Nên xin anh em trong giáo hữu đâu đó có xem nhựt trình nầy, chớ ai khá đem lòng nhạo báng cùng soi bói làm chi, nói tắt một lời, là Đức Cha có ý lập nhựt rình nầy để chỉ dẫn cho ta biết đàng chánh nẻo tà, và dạy sự thương yêu giúp đỡ nhau mà thôi. Vậy anh em giáo hữu chúng tôi hết lòng cung kính cảm tạ và xin Đức Cha ban phép lành cho chúng tôi.

                                                                               Giáo Hữu Đồng Ái Kính Và Cảm Tạ.

                                                                                                       H.K.K

LỜI NGẠN NGỮ CỦA VUA SALOMON

(NKĐP, số 1. trang 6)

            Vua Salomom là một vị đại vương, thượng trí thông minh, bởi ơn Đức Chúa Thánh Thần soi sáng, thì đã chép sách chỉ dẫn đàng nẻo khôn ngoan mà dạy răn con cái. Ta sẽ rút một k…một đều cho quý vị xem. Những lời ấy Hội thánh kể như Lời Đức Chúa Thánh Thần phán, vì chính mình Người là sự khôn ngoan thật, đã soi sáng cho vua ấy chép vào trong sách Thánh kinh. Vậy Người chép rằng: “Kính sợ Chúa, ấy thật là đầu cội rễ sự khôn ngoan; kẻ mê muội thì khinh dễ sự khôn ngoan và lời răn dạy” (C.1, v. 7.)

            Vậy ta xét coi sự khôn ngoan thật ở tại đâu? Sự khôn ngoan thật và sự thông thái khác nhau. Thông thái là biết nhiều điều, khôn ngoan là biết làm lành lánh dữ, biết kính sợ chỗ phải kính sợ. Dầu cho biết nhiều sự mà cậy mình, chẳng nhìn được Chúa, chẳng kính sợ cùng vưng lời Người dạy dỗ mà làm lành lánh dữ thì liền ra tối tăm mê muội chẳng còn đáng bậc thông minh nữa.

***

THÁNH THỂ KIỆU

(NKĐP, số 01, tr.7)

            Nước Búttughê là một nước ở phương tây, giáp cõi nước Hiphanho; tuy nước ấy đất đai hẹp hòi, nhơn số cũng là thua sút, song bát vật cơ xảo thì chẳng kém, tày bì với các nước văn minh. Thường bả nhứt tâm hành chánh đạo; từ vua chí dân một lòng tận tình trực chỉ khâm sùng Thiên Chúa.

            Hằng năm vua quan dân sự chẳng khi nào sai ngoa những ngày Duminh, Lễ cả, lại ép buộc những người ngoại quốc vào trong nước phải tùy tục. Các ngày Lễ cả tương bày rực rỡ, trau giồi dọn dẹp đền thờ đền thánh, tỏ lòng sốt sắng xứng con trời tôi vua. Mà trong các lễ thì lễ Mình Thánh Chúa lại dọn lớn hơn bội phần, chẳng những đền thờ chưng bông hoa, cờ xí, đèn đuốt, song lại ngoài các ngỏ lộ dựng treo những đại kỳ, hoa dây vắt chạy lợp phủ, gấm địa trải treo rất xinh đẹp. Vì ngày lễ nầy thì kiệu Mình Thánh Chúa đi các ngả trong thành kinh đô.

            Hôm ngày lễ Mình Thánh Chúa, nhằm ngày 20 tháng năm ta, năm nay đây, đã kiệu Mình Thánh Chúa. Các đấng Giám mục, Linh mục, Giáo hữu nam phụ lão ấu, ca nhạc, đèn đuốc nghinh Mình Thánh Chúa ra mà kiệu.

            Đức Vua Manuel xin xen hàng cùng các thầy phó tế lãnh khiêng bàn kiệu. Triều thần e nhẹ thể oai nhan, thì tâu Đức Vua rằng: “Đức Vua hạ giá chầu Thiên Chúa thì là trọng; mà Đức Vua trao tay vàng cầm bàn kiệu, thì e nhẹ dong nhan thánh đế chăng.” Đức Vua bèn đáp rằng: “Vua cả cai trị trời đất ngự bàn kiệu, còn vua thế gian mà đặng khiêng bàn kiệu thì sao lại mất dong nhan oai thể, chẳng là nghịch lẽ lắm đó?”

            Đức Vua thân chinh vào nắm lấy tay bàn kiệu cùng quì hai gối xuống đất mà kính lạy Mình Thánh Chúa. Ai nấy thấy đều hãi hùng, mà ngợi khen đức vua chẳng dừng.

            Khi đã huờn tất lễ đoạn, Đức Vua ngự giá hồi cung, thì nhơn dân đón hai bên đàng cả tiếng tung hô và chúc mừng rằng: “Vạn tuế, vạn tuế Đức Vua Manuel xứng đấng làm con nhà có đạo! Vạn tuế! vạn tuế Đức Vua là tôi trong thần Thiên Chúa!”

            Thật vua nầy tuy phần đời tuổi còn thấp trẻ mà lòng đạo đã quá người trưởng lão. Chẳng những một dân Búttughê chúc tụng bia danh Đức Vua Manuel nầy, song bá tánh cũng đều đáng tạc để: Mãn chiền tồn khiêm thọ ích (Kiêu ngạo thì bị thiệt hại, còn khiêm nhường thì đặng ích).

                                                                                                P. Toại Công Tri sĩ

***

(Bài này không có nhan đề)

Nhơn lai Thiên Chúa mạc hình dong,

Sinh, dục, tái bồi, phỗ thế công;

Vâng lãnh thập điều minh tánh giáo,

Tuần hườn thất tích cáo tân còng,

Chiêu chiêu thánh đạo thiên trung nhựt,

Mục mục thần ân thảo thượng phong.

Tợ thử tiên thi, hà dĩ báo?

Nguyện nhơn chiếu sự phỗ thiên đồng.

                                    CẦU KHO

***

BỔN PHẬN KẺ LÀM CHA MẸ

(NKĐP, số 01, tr.8-9)

Cha mẹ muốn dạy dỗ con cái cho nên tốt lành đức hạnh, thì việc trước hết cha mẹ phải lo, là cho mình đặng nên gương sáng cho con cái noi theo. Như trong Thánh kinh nói về ông Zacharia là cha và bà Isave là mẹ ông thánh Gioang Baotixita rằng: “Hai ông bà trước mặt Chúa thật là người nhơn đức, và hằng nắm giữ điều răn Chúa luôn.” Vậy kẻ làm cha mẹ mà có nhơn đức, thật là đều rất quý báu cho mình và cho con cái chẳng sai. Vì nhơn đức hay là tính nết xấu cha mẹ cũng lưu truyền cho con cái từ thuở đầu thai, chẳng khác chi như khí huyết tốt, thì sinh con cái ra nó đặng mạnh mẽ; mà khí huyết xấu, thì sinh con cái ra nó yếu đuối bịnh hoạn.

            Vậy trong gia đạo, thì cha mẹ nhơn đức phải cho rạng ngời, nết na phong hóa phải cho toàn hảo, sảng chiếu ra như mặt trời mặt trăng; thì ắt là con cái sẽ trở nên xinh tốt đẹp đẽ như mấy vì tinh tú khác. Ông thánh Grêgoriô nói rằng: “Kẻ gánh việc dạy dỗ kẻ khác thì phải tinh sạch các tính mê thói xấu mới đặng. Vì con mắt lờ không lẽ thấy đặng vật nhỏ tăm tăm; hay là lay đầy bùn lấm thì không phủi chùi vật gì cho sạch đặng”. Ông thánh Ambrôxiô tấn sĩ rằng: “Ớ kẻ làm cha mẹ, nếu phò người chẳng giữ lòng sạch sẽ, là sạch sự bợn nhơ tội lỗi, thì chớ trông sẽ dạy dỗ con cái mình nên. Trước phải sửa lòng dạ mình cho sạch tội lỗi đã, sau mới sửa lòng dạ con cái mình cho sạch đặng.”

                                                                                                                               CẦU KHO

CỔ LỌAI TƯƠNG PHÙNG

            (Đui què gặp nhau)

(NKĐP, số 01, tr.9)

[Đây là một truyện thơ dài, xin tóm tắt như sau]

Anh Què gặp anh Đui, cả hai cùng than khổ. Đui đề nghị cả hai nhập một giúp đỡ nhau: Anh Đui cõng anh Què (“Tôi cõng anh đường xa cũng nổi/ Anh ngồi trên chỉ lối cho rành…”. Hôm ấy hai anh hợp lực giúp nhau, nên họ dư ăn dư mặc (“Vậy bữa ấy hai anh hiệp lực/ Nên trong đời túc thực dư y”)

Tác giả kết luận:

            Nầy gương cho kẻ đời ni,

            Sang giàu, hèn khó, nghĩ suy học đòi.

            Phải tương trợ những hồi gay trở,

            Phải giúp đỡ trong thuở ngược xuôi.

            Nước còn quên cát làm doi

            Huống chi ta chẳng tái bồi lấy nhau

                         LÂM TRUNG, Dật sĩ

CON NÍT CÓ TRÍ

(NKĐP, số 01, tr.7)

            Ông già kia tuổi tác xem ra đáng kính, đi dạo đến nhà nọ, ngồi nói chuyện chơi, có năm ba người. Trong nhà có một đứa con nít độ chừng năm sáu tuổi, cái tiếng, cái cung dọng nó nói ai cũng khen là có trí. Ông già thấy vậy thì nói rằng: – Con nít mà có trí làm vậy, thì thường thường hễ đến khi lớn thì nó ra u mê đi”.- Thằng nhỏ nghe vậy thì đáp lại rằng: Thưa với ông, vậy thì hồi nhỏ ông có trí lắm, phải không ông?

***

NGẢI MƠN

(NKĐP, số 1, tr.10-13)

            Tại Tân Lập có một tên kia thiên hạ thường kêu là ba Miểng, tưởng là tại anh ta sứt môi chớ không phải là tên tộc và Ba Miểng nầy là người đạo dòng mà cũng hay tin những chuyện dị đoan huyễn hoặc, cũng nói những đều cớ trêu không nhằm đạo lý. Bữa nọ anh ta đi chơi trong xóm ngoại, vô nhà kia gặp ba bốn người ngồi đàm tiếu với nhau về việc ngải nghê Mên man. Có kẻ khen Mên giỏi, ngải cao, nào ngải nhắn, ngải đo dấu chơn, nào phép thư da trâu lưỡi búa vô bụng cùng những phép chuyện chữa mở ngải rất hay. Người khác thêm rằng: họ nói ở Sốc Rồ có một thầy Mên nuôi thứ ngải mơn hay quá, hễ người nào cầm nó, thì bất luận là xin hỏi ai điều chi được hết, dầu vàng ô bạc khạp, họ cũng tuôn ra cho. Ba Miểng ngồi nghe vẫu tai, rồi đáp rằng: Mên thiệt ngải cao! Nó nhờ ông … phù hộ nên làm được những chuyện lạ lùng quá tri. Ma quỷ cũng có phép tắc lắm nó thua Đức Chúa Trời có một phép mà thôi, là làm chết được, song làm sống không được.

            Trong những kẻ ngồi đó có một người chầu nhưng, người nầy thấy ba Miểng khua môi không nhằm, sanh gương xấu cho kẻ ngoại, thì đỏ mặt mà nói rằng: chú Ba nè, chú là người đạo dòng mà chú ăn nói như vậy, thiệt tôi hổ thẹn quá. Chú không nhớ trong Kinh Tin Kính, câu thứ nhứt dạy ta tin có một Đức Chúa Trời phép tắc vô cùng mà thôi sao? Vậy dầu thiên thần thì cũng còn kém xa Chúa ngàn trùng, phương chi ma quỷ là loạn thần Chúa phạt, mà chú dám nói nó thua Chúa có một phép sống mà thôi. Nói như vậy có phải là lộng ngôn phạm thượng và bất thông đạo lý không? Dẫu một hai khi ma quỷ có làm hại cho ngưởi nọ kẻ kia đi nữa, chẳng qua là tại Chúa cho phép nó làm, hầu thử kẻ lành như ông Gióp, hay là phạt kẻ dữ như vua Saolê. Nếu Chúa cấm thì ma quỷ chẳng có phép mà làm rụng một sợi tóc trên đầu ta, có đâu mà làm chết, làm sống? Âu là chú cậy mình đạo dòng, tưởng mình thông hiểu các lẽ cao sâu trong đạo, nên chẳng sá chi đến việc nghe giảng sách phần mới buông lời thế ấy.

            Còn việc ngải nghệ có đều chi hay, mà chú bội khen rằng quá trí? Ngải nó là một thứ thuốc độc kia cũng như những vị thuốc độc trong tiệm thuốc chệc, mỗi vị độc thì có vị khác trừ giải. Cho nên chuyện bỏ ngải, mở ngải, thì cũng như bỏ thuốc độc, giải thuốc độc vậy, chớ có lạ gì? Còn những việc dị đoan cầu ma, tróc quỉ thầy ngải làm, chẳng qua là ma quỷ dựa hơi phỉnh phờ những kẻ non lòng yếu sức, cho nó tin sợ, mà lỗi lịnh Chúa cho ra đều tội lỗi, chớ có linh thính vào đâu được?

            Ba Miểng thấy một người chầu nhưng bạn hôm sớm mai mà ăn nói sách hoạch, lại trách mình là đạo kim cổ, thì cứng họng, thẹn thuồng xẻn lẻn lui ra.

            Song bởi anh ta nghe chuyện ngải mơn thì đem bụng tin, nên trở về nhà ăn cắp của vợ mười đồng bạc nhảy xuống xuồng bơi tuốt qua Sốc Rồ tìm thầy ngải.

            Thời may tới đó gặp một người Cao Mên, hỏi thăm, nó dắc tới nhà thầy ngải kia tên là Lão Xược.

            Ba Miểng vào lạy, xin chuộc ngải mơn. Thầy Cao Mên chịu cho mà đòi ăn mười đồng bạc. Ba Miểng lật xơ mốc ra, lấy bạc trao. Lão Xược vô buồng lấy cục ngải đem ra, coi giống như miếng da trâu khô biểu ba Miểng sè bàn tay mặt ra và lấy ngải va chà cùng bàn tay, rồi dặn rằng: Xong rồi đá. Vậy hễ khi chú muốn xin hỏi ai điều gì, thì trước hết chú phải lấy tay nầy, mà vuốt ngang qua miệng một cái, ngải trong tay sang qua miệng tiên đoán cho chú, chắc chú sẽ đắc lời. Ba Miểng lòng mầng phơi phới, lạy tạ rồi ra, nhẩy xuống xuồng, bơi tuốt một buổi, quên ăn quên uống. Đến nhà ông hộ K…cặm xuồng dưới bến, nhảy lên bờ, đi thẳng vô cửa ngỏ ngói. Chó nó thấy đi tướng đầu quân môi trớt, quàn tà lỏn, áo mỏng trôn, bộ giò mốc cời, nó sủa thôi đà tét mép. Anh ta cứ lủi vô nhà trong, lấy tay vuốt mỏ một cái, rồi nhảy thót lên bộ ngựa giữa ngồi chéo mẩy huế chinh chòng. Lại hỏi lớn tiếng rằng: có anh hộ ở nhà không? Biểu ảnh ra tao nói chuyện một chút.

            Ông hộ đang nghỉ nhà sau, nghe đầy tớ nói có một thằng điên ở đâu vô ngồi nhà trên, thì ổng biểu đuổi nói đi. Ba Miểng không chịu đi, lại rằng: Mầy xuống nói với anh hộ, biểu ảnh cho tao mượn đỡ vài ngàn đồng xài chơi: dạo này tao túng.

            Ông hộ nghe vậy, thì nói với đầy tớ rằng: Biểu chú đó ra nhà sau, tao cho mượn. -Ba Miểng mầng khấp khởi, liền bước xuống, đi xênh xang, năm bảy bước gặp ông hộ. Ổng la lớn rằng: Thằng ba, thằng tư ở đâu? Biểu trẻ bắt thằng này vật xuống quết năm chục, rồi đuổi đi cho rảnh. Đồ điên ở đâu mà tới đây vậy! Đầy tớ làm y như lời ông hộ dạy. Ba Miểng ta sưng mông, than khóc inh ỏi rằng: Trời đất ôi! Ông tà á rặc hại tôi! – Những người trong nhà nghe, không hiểu chuyện gì, tưởng là thằng điên nói xàm, cười lộn ruột một hồi, rồi đuổi đi.

            Tôi nghiệp anh ta xuống xuồng, rồi nghĩ tủi, rồi giận lão thầy ngải láo xược, tính trở lên Sốc Rồ đòi bạc lại, liền nhổ giầm bơi trở lại. Đến Sốc Rồ, lên nhà Lão Xược la om sòm rằng: thầy nói ngải thầy cao lắm, nói đâu nghe đó, thầy coi cái mông tôi đây! Thầy báo, thầy hại cho họ đánh tôi vêu mông. Thầy phải trả bạc lại cho tôi. -Lão Xược rằng: Khéo nói lạ thế, đành mua, đành bán rồi thì thôi, có đâu mà đòi đi trả lại? Mà để tôi hỏi chú đều này: chú có làm y như lời tôi dặn không? -Ba Miểng rằng: sao mà không y? -Lão Xược nhìn sững Ba Miểng một hồi, rồi thêm rằng: Đây nè, cớ sự nầy là tại chú. Để tôi giải cho chú nghe, chú đừng phiền tôi. Chú thì sứt môi, chắc hồi chú vuốt miệng, chú không rà tay vô cái kẽ sứt đó, nên cái hơi vơ doan bạc phận trong ruột chú nó xì ra tại cái lỗ ấy, nó làm cho chú bị đòn như vậy, chớ có phải tại ngải thấp ở đâu? Mà thôi, nếu chú còn bụng tin tưởng tôi, thì chú cứ trở về kiếm thêm vài chục nữa, đem lên đây tôi cũng ráng chịu khó làm ơn trợ chú một phen nữa.

            -Thôi, thôi, lạy ông, lạy cha tôi kiểu thầy.

            Thấy ba Miểng đó, nghĩ thầm cười:

            Bị quất ít roi, mông rã rời;

            Bởi nói không suy, nên lỗi đạo,

            Vì nghe chẳng xét, mới lâm đời.

            Mên kia lão khẩu phân rành rẽ,

            Hộ nọ cao tay xử rạch ròi.

            Án Miểng này treo, răn Miểng khác.

            Nói nghe cẩn thận, phải cân lời.

                                  LÂM TRUNG, Dật sĩ.

***

PHƯƠNG LINH DƯỢC CHỮA BỊNH NGHÈO

(NKĐP, số 01, tr.13)

(Bài nghị luận khuyến khích làm ăn để chữa bịnh nghèo. Xin trích đọan mở đầu:)

“Trong cuộc trần gian không chi khốn hơn là bịnh hoạn. Khi lâm phải, ai lại không tìm thầy chạy thuốc? Tìm là tìm thầy giỏi, chạy là chạy thuốc hay. – Gẫm sự nghèo cũng là một bịnh, cũng là khốn, cũng là tai. Nhưng vậy ít người cho bài, ít người lo thuốc. Thầy thuốc thì thầy thuốc. Bịnh đau thì bịnh đau. Phải ai tai nấy. Giúp không giúp, lại chê bai, rằng: Khó khăn nói chẳng nên lời. Chớ thật sự, chẳng phải tại khó khăn mà nói chẳng nên lời. Song tại vì mình thốn thiếu, nên mới tính, mà làm không đặng, té ra như việc nói khoét. Hay là thiên hạ thấy không làm, thì tưởng là không biết luận tính kế chi. Cũng có khi là họa lai thần ám, là mắc hoạn nạn nghèo khổ nên rối trí đi. Mảng lo cho vợ con, làm không kịp thở, có rảnh có hở đâu mà tính phương chi, luận kế gì cho hay đặng? Thấy người ta phát đạt, mình cũng mong vinh hoa (thấy người ta giàu mình cũng muốn). Mà ngặt nghĩ lại, lực bất tùng tâm (muốn mà không sức) nên cũng còn tấn thối lưỡng nan (còn lưỡng lự) chưa lo bề bước tới…”

                                                                                           HUỲNH KIM LAN, Lương y

***

BỐN ĐẤNG SẼ LÊN BỰC “Á THÁNH”

(NKĐP, số 01, tr.14)

Đức cha có đặng tin bên thành Rôma thuyết rằng: nội tháng 10 tây tới đây thì sẽ lo việc tôn bốn Đấng đã chịu tử vì đạo tại Nam kỳ, lên bực á thánh, là cha Lộc, cha Lựu, Trùm Lựu và Phaolô Hạnh.- Sang năm sau lễ Phục Sinh có lẽ trông sẽ đặng làm lễ Phong thánh bốn Đấng ấy tại Rôma.-Nầy là tin rất đáng vui mầng, ta hãy cám đội ơn Chúa.

***

THUỐC TRỊ BỊNH TỨC LÓI

(NKĐP, số 01, tr.15)

Thường con nhà học trò mà siêng năng, thì nghe người hay bị tức lói; khi không nó bắt đánh trống ngực, trái tim quạt lia, làm cho mệt đuối sức.- Có bài thuốc gia truyền rất hiệu nghiệm mà trị chứng ấy, là lúc bị như vậy thì mỗi ngày sớm mai bụng đói lấy chừng mươi hột tiêu sọ, mà nhai biến đi và nuốt hết (ngày nào biết có công việc phải lao lực nhiều hơn thì ăn chừng mươi lăm hột). Cứ làm vậy ít bữa thì yên tâm. Đã dễ, lại rẻ tiền: Hãy thử mà coi.

***

CỌP BẮT NGƯỜI TẠI CÙ MI

(NKĐP, số 01, tr.15)

[tóm tắt] Bà Rịa đi ra ngoài nữa có một họ tên là Cù Mi. Xứ ấy là rừng biển…

Mới đây cha sở họ Cù Mi gởi thơ cho bổn quán mà nói rằng từ hôm mùng 9 Sept tới nay có 3 thợ rừng tên là Yên, Điểu và Lân, đang làm cây trên rừng mà bị cọp bắt giữa ban ngày. Chỗ đó xa nhà thờ  bảy tám trăm thước tây mà thôi.

Về phần Bổn quán thì xin chỉ trước một phương thường người ta hay làm, dễ, không chi hiểm nghèo. Chính mình trong Bổn quán đã có làm như vầy và bắt đặng một con cọp lớn tại Ba Lai chỗ Cửa Đại, và đặng bạc thưởng 25 đồng nữa.

Bắt một con chó, buộc theo chỗ cọp hay đi…

Còn một thế khác dễ hơn, khỏe hơn và không có phải sợ chuyện gì…cũng thí một con chó buộc nó gần vách chừng hai ba thước tây…cấm súng hai lòng, nạp hai viên đạng to. Chừng cọp lại mà rình con chó, thì phải cho tỉnh, nhắm ngay tim mà đưa một phát, nó nhào lăn. Rồi nhắm lại, bồi một phát nữa, chắc hết cựa quậy.

                                                                                                                        BỔN QUÁN

***

[QUẢNG CÁO-trang bìa sau]

Truyện Đức Chúa Bà hiện ra tại Lourdes

Tại nhà in Tân Định có bán sách thuật lại đủ gốc tích Đức Chúa Bà hiện ra tại thành Lourdes. Sách nầy chép tiếng xuôi dịu rất hay, lại có hình đẹp lắm.

            Giá một cuốn……0$60

            Đóng bìa rồi . ….0 80.

Tiệm sửa đồng hồ và các thứ đồ máy

Ông Carôlô Tị ở Đất Hộ (Saigon) Boulevard Luro, môn bài số 48, có sửa đồng hồ lớn, đồng hồ quả quít, và các thứ máy. Sửa kỷ, tốt, chắc, lại ăn giá rẻ.

Thuốc trị phong lác

Thầy Nicolas Tàu ở Ba Giồng có tìm đặng thuốc trừ bịnh Phong Lác, bất kỳ thứ nào, từ ba mươi năm trở lại thì chắc cho hết. Không biết bao nhiêu người nhờ thuốc thầy nầy mà đặng lành. -Ai muốn đến mà xin khán bịnh, hay là viết thơ mà bàn hỏi, cũng đặng. Đề bao thơ như vầy:

            Monsieur Nicolas Tàu, à Ba Giồng, par Tân Hiệp.


[1] sắc lệnh ngày 30-12-1898 của tổng thống Pháp Félix Faure, qui định thêm: tất cả những tờ báo in bằng quốc ngữ Việt Nam phải có sự cho phép trước của quan toàn quyền

[2] Nguyễn Văn LụcDòng văn học mang dấu Chúa (phần 51-Kết)

https://sites.google.com/site/gsnguyenvanluc/bai-viet-2014/phan-51

[3] Lê Đình BảngBáo chí Công giáo Việt Nam một hành trình thế kỷ (1908-2019)

[4] Đỗ Quang HưngBáo chí tôn giáo ở Việt Nam trước 1945

[5] Nguyễn Văn TrungLục Châu Học-Chương V. http://nguyenvantrung.free.fr/lucchauhoc/index.html

SẤM TRUYỀN CA của Lữ Y Đoan & Những giá trị văn chương

Bạn có thể đọc các bài viết chính của Bùi Công Thuấn theo link:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

SẤM TRUYỀN CA của Lữ Y Đoan

& Những giá trị văn chương

Bùi Công Thuấn

***

TỔNG QUAN

Năm 1956, trong “Mấy lời nói đầu” Sấm Truyền ca (bản chép lại), ông Thaddoeus Nguyễn Văn Nhạn viết: “Theo truyền khẩu, bốn Sấm truyền ca này do linh mục Louis Đoan (thầy cả Lữ-y Đoan) viết ra lối năm 1670”.

Đến nay, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Vy Khanh khẳng định: “Sấm Truyền Ca là một tác phẩm văn học đặc sắc vì phản ảnh một nỗ lực Việt Nam hóa và bình dân hóa Kinh Thánh bằng cách mượn những yếu tố văn hóa Việt Nam và Ðông phương để diễn dịch Kinh Thánh. Trước hết, có thể nói Sấm Truyền Ca là dấu tích văn bản Nôm xưa nhất của Việt Nam” (1670) [[1]].

Văn bản gốc chữ Nôm của Sấm Truyền Ca đã thất lạc. Hiện chỉ còn những bản chép tay và bản in lại. Hai nhà nghiên cứu Lm. Trăng Thập Tự và Nguyễn Thanh Quang [[2]] đã ghi “niên biểu” quá trình xuất hiện, thất lạc, tìm thấy, sao chép, nhuận sắc Sấm Truyền Ca từ văn bản chữ Nôm đến chữ Quốc ngữ lưu truyền từ 1670 đến nay.

Khi viết bài này, tôi sử dụng bản Tạo Đoan Kinh do Tập San Y sĩ xuất bản tại Canada năm 2000 (tức là bản chép tay của Paulus Tạo) vì gần với bản Nôm hơn. Tôi cũng đối chiếu với Sách Sáng Thế, bản dịch của Nhóm các giờ kinh phụng vụ và bản tiếng Anh (The Book of Genesis [[3]].

Có nhiều vấn đề không được đề cập đến trong bài viết này: vấn đề về tiểu sử tác giả Lữ Y Đoan [[4]]. Các vấn đề về văn bản học, về chú giải Kinh thánh, về Thần học được trình bày trong Sấm Truyền Ca; về nghiên cứu bối cảnh lịch sử, văn hóa thời Trịnh-Nguyễn phân tranh (1627-1672) ảnh hưởng đối với Lữ Y Đoan và Sấm Truyền Ca; việc thành lập giáo phận Đàng Trong, giáo phận Đàng Ngoài (1659), và ảnh hưởng của văn học dân tộc đối với việc sáng tác Lữ Y Đoan thế nào [Đào Duy Từ (1572-1634), Phùng Khắc Khoan (1528-1613), Nguyễn Hữu Hào (1648-1713)]…

 Sấm Truyền Ca của Lữ Y Đoan là bản “diễn ca” Sách sáng thế (The Book of Genesis) của Cựu Ước. Đó là bản dịch Kinh thánh ra tiếng Việt (chữ Nôm) và diễn thành thơ lục bát (Diễn ca). Chúng tôi sẽ xem xét Tạo Đoan Kinh ở góc độ thể loại: Tạo Đoan Kinh là một tác phẩm dịch, và Tạo Đoan Kinh là một truyện thơ Nôm. Để dịch một tác phẩm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, người dịch phải hiểu biết sâu sắc văn bản, hiểu ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài; đồng thời cũng phải hiểu biết sâu sắc tiếng Việt và văn hóa Việt. Để kiến tạo một truyện thơ, tác giả phải tuân thủ những đặc điểm thể loại truyện (phương thức tự sự) và thể loại thơ (phương thức trữ tình).

TẠO ĐOAN KINH, BẢN DỊCH SÁCH SÁNG THẾ

1.Nhận xét việc dịch của Lữ Y Đoan, linh mục Phalô Quí (1885) viết:

“a. Thầy cả Lữ Y Đoan dựa theo Kinh thánh khá chặt chẽ, trừ những câu về tên

riêng của dòng dõi các tổ phụ thì viết đại khái theo điểm chính.

b. Những câu không phù hợp dân tộc tính An-nam thì trình bày theo sự kiện thần

thoại mà người Á-đông quen dùng chẳng hạn như ông Lót [5]và hai đứa con gái của mình…

c. Về tên riêng, không rõ chữ Nôm xưa viết thế nào, chỉ theo bổn của Phan Văn

Cận (1820) và tôi đã chữa lại theo lối phiên âm của các linh mục Langsa quen dùng tại Sàigòn hiện nay (1885)” (Nguồn: bản chép tay của Paulus Tạo, tr. 7 bis).

            2. Một “chiến lược” dịch.

            Hẳn nhiên thầy cả Lữ Y Đoan biết rằng khi dịch Kinh thánh sang tiếng Việt, dịch giả phải bảo đảm tuyệt đối tính chuẩn xác của nội dung Kinh thánh. Vì đó là “Lời Chúa”. Nhưng Lữ Y Đoan cũng có nhiều kinh nghiệm dạy đạo cho dân. Với người bình dân, ngôn ngữ dạy đạo phải dễ hiểu, gần gũi, ngắn gọn; nội dung thông tin không trái với tín ngưỡng, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Tôi nghĩ, ông có một “chiến lược” dịch và “diễn ca” đối với đối tượng giáo dân đương thời. Nói theo ngôn ngữ của Tông huấn Giáo hội tại Châu Á (Ecclesia in Asia. Xin đọc đoạn 20 & 21), đó là chiến lược “hội nhập văn hóa”: trình bày mầu nhiệm Đức Kitô cho dân tộc mình, theo những kiểu mẫu văn hoá và cách suy nghĩ của họ”.

Lữ Y Đoan làm giảm đi sự phức tạp, rắc rối của Sách Sáng Thế bằng cách chỉ tập chú vào các tổ phụ chính: A-dong, Abraham (Ap-ram), Isaac (I-giac), Jacob (Gia-cước) và Joseph (Dư-đạc); thuật lại các biến cố, các sự kiện chính; đặc biệt nhắc lại nhiều lần lời hứa của Thiên Chúa (Trời) và lược bớt những thế hệ cháu chắt dòng tộc chằng chịt. Ở những chỗ lược bớt, ông thay bằng một vài câu tổng luận hoặc lời bình ngoại đề, nhờ thế rút gọn phần tường thuật và bảo đảm được độ tin cậy về nội dung của Sách Sáng Thế.

Thí dụ, Chương 36 Sách Sáng Thế kể về dòng dõi Esau (Án-giao). Tác giả Sách Sáng Thế đã kể ra tên của gần 100 nhân vật với các quan hệ dòng họ, bản dịch của Nhóm các giờ kinh phụng vụ dẫn người đọc vào một rừng tên xa lạ. Thực ra, Sách Sáng Thế kể chi tiết tên dòng tộc các tổ phụ là để bảo đảm tính lịch sử. Nhưng cách viết liệt kê, ngôn ngữ khô khan nên khó đọc. Lữ Y Đoan đã lược bỏ hết tên các nhân vật con cháu, chỉ giữ lại nhân vật chính là Án-giao (Esau) và thêm vào nhận xét, lý giải của mình. Ông viết tổng luận như sau (xin chú ý thái độ diễn ngôn của Lữ Y Đoan):

            Đoạn này chép chuyện gia đàng

            Sinh cơ lập nghiệp của chàng Án-giao

            …

                        Đời con chỉ biết trần gian,

                        Đời cháu nhân nghĩa lại càng mờ lu.

                        Sinh cư theo luật giang hồ,

                        Mạnh ăn, yếu chết, cõi bờ tóm thâu.

                        Địa phương bộ lạc đạp nhầu,

                        Dân nào sống sót rừng sâu lánh nàn.

                        Án-giao cháu nội đầy đàn,

                        Người nào võ nghệ cũng trang anh hùng.

                        Gươm đao càng lúc tưng bừng.

                        Mỗi người đều chiếm một vùng phì nhiêu.

                        Cũng như ngọn sóng thủy triều,

                        Trở nên lãnh chúa binh nhiều dân đông.

                        Biên cương mở rộng tứ tung,

                        Phân quyền cai trị, loạn trong giặc ngoài.

                        Trải qua lịch sử vần xây,

                        Thăng trầm chế độ lại gầy bá vương.

                        Đánh nhau xương ngập chiến trường…               

                                                                    (tr.115)

                        Notes: Án-giao (Esau), con của Isaac và Lan-bạch (Rebecca)

Nhờ cách viết này mà Tạo Đoan Kinh trở nên dễ đọc, dễ hiểu, dễ cảm nhận đối với người đọc thời ấy (và hôm nay).

            3. Chọn lựa một cách dịch

Xin khảo sát trích đoạn 21.

Xin đối chiếu Tạo Đoan Kinh với bản dịch của “Nhóm các giờ kinh phục vụ”:

Chương 21 Sách Sáng Thế:

            “Ông I-xa-ác chào đời

1 ĐỨC CHÚA viếng thăm bà Xa-ra như Người đã phán, và Người đã làm cho bà như Người đã hứa.2 Bà Xa-ra có thai và sinh cho ông Áp-ra-ham một con trai khi ông đã già, vào thời kỳ Thiên Chúa đã hứa.3 Ông Áp-ra-ham đặt tên cho đứa con sinh ra cho ông là I-xa-ac, đứa con mà bà Xa-ra sinh ra cho ông.4 Ông Áp-ra-ham cắt bì cho I-xa-ac, con ông, lúc nó được tám ngày, như Thiên Chúa đã truyền cho ông.5 Ông Áp-ra-ham được một trăm tuổi khi sinh được người con là I-xa-ac.6 Bà Xa-ra nói:

Thiên Chúa đã làm cho tôi cười; tất cả những ai nghe biết sẽ cười tôi.”

7 Bà còn nói:

“Ai dám báo trước cho ông Áp-ra-ham rằng Xa-ra sẽ cho con bú? Thế mà tôi đã sinh cho ông một con trai, khi ông đã về già!”

            Đoạn 21 (Tạo Đoan Kinh của Lữ Y Đoan)

Mấy mùa xuân đã trải qua

Những điều Trời hứa cho nhà Ra-ham

Thì nay đến lúc thực hành

Sa-ra sinh một trẻ nam nối dòng

Vui trong cảnh xế vợ chồng

Đặt tên I-giác cầu mong đắc thành.

Cắt bì, bát nhật cử hành,

Ra-ham vừa chẵn một trăm tuổi đầu.

Sa-ra cảm nghĩa thiên mầu,

Một niềm vui lớn phủ bao khắp vùng.

Nào ai son sẻ lạnh lùng,

Già nua mà đã sinh con cho chồng”

Một đoạn trích nhỏ cũng giúp nhận ra một vài đặc điểm nghệ thuật dịch Kinh thánh của Lữ Y Đoan.

Lữ Y Đoan không bám sát từng câu của nguyên tác Sách Sáng Thế, nhưng bảo đảm nội dung câu chuyện của nguyên tác (tức là bảo đảm các yếu tố cột trụ của truyện là cốt truyện, nhân vật, tình huống, thời gian, không gian). Ông cũng chuyển hai câu nói trực tiếp của bà Sara thành tiếng nói nội tâm (kiểu câu nói gián tiếp) của Sara.

 Lữ Y Đoan đã chuyển những từ “Đức Chúa”, “Thiên Chúa” thành chữ “Trời” (chữ Trời viết hoa).

Trong bản dịch của “Nhóm các giờ kinh phụng vụ”, chương 21 có 10 lần kể về Thiên Chúa ở ngôi chủ ngữ:  Thiên Chúa viếng thăm, Thiên Chúa đã hứa, Thiên Chúa đã truyền, Thiên Chúa đã làm cho, Thiên Chúa đã phán, Thiên Chúa nghe, Thiên Chúa gọi, Thiên Chúa mở mắt, Thiên Chúa ở với. Việc Sách Sáng Thế tô đậm chữ “Đức Chúa” là để nhấn mạnh đức tin tôn giáo. Lữ Y Đoan chỉ nói về Trời 7 lần. Ông chuyển cấu trúc mệnh đề (Thiên Chúa+hành động) thành danh từ: ý Trời, phước Trời, Thiên cơ, Trời ơi, có Trời. Cách dịch này tạo cho văn bản sự gần gũi với người Việt, vừa chuyển hẳn nội hàm tôn giáo sang ý nghĩa tâm linh Việt (người Việt tin thờ Trời đất. Trước sân nhà người bên lương có bàn thờ Thiên), dễ đưa nội dung Kinh thánh vào văn hóa Việt.

3.Dùng từ Hán-Việt và thuần Việt.

 Lữ Y Đoan có dụng ý khi dùng cả hai loại từ Hán Việt và thuần Việt trong văn bản.  Có lẽ ông hướng đến cả hai đối tượng trí thức Nho học và công chúng bình dân. Những từ Hán-Việt tạo nên sự trang trọng, những từ bình dân và khẩu ngữ tạo nên sự gần gũi thân tình.

Mấy mùa xuân đã trải qua

Những điều Trời hứa cho nhà Ra-ham

Thì nay đến lúc thực hành

Sa-ra sinh một trẻ nam nối dòng

Vui trong cảnh xế vợ chồng

Đặt tên I-giác cầu mong đắc thành.

Cắt bì, bát nhật cử hành,

Ra-ham vừa chẵn một trăm tuổi đầu.

Sa-ra cảm nghĩa thiên mầu,

Một niềm vui lớn phủ bao khắp vùng.

Nào ai son sẻ lạnh lùng,

Già nua mà đã sinh con cho chồng”

            Những từ Hán-Việt là “thực hành”, “bát nhật cử hành”; “đắc thành”, “Thiên mầu”…Những từ khẩu ngử là “thì nay đến lúc”, “vừa chẵn một trăm tuổi đầu”, “già nua mà đã”…

            Ngưòi đọc hôm nay còn gặp nhiều từ bình dân rất gần gũi:

                        Cháo cơm đắp đổi chờ qua tháng ngày

(Đoạn 47. Tr. 152)

Cha già gấn đất xa trời

(Đoạn 47. Tr. 153)

Miền đông nối tiếp lộ trình

Đèo heo hút gió một mình xông pha

(Đoạn 29. Tr. 85)

Mai kia, mốt nọ bất thần,

(Đoạn 30. Tr.92)

Gia-cước tài cán bao nhiêu

Giàu nhờ của vợ, còn nhiều mưu mô

(Đoạn 31. Tr.93)

Nhưng nhờ trời độ bình yên

Tai qua nạn khỏi, ưu phiền cũng vơi.

(Đoạn 31. Tr.94)

Bữa cơm, bữa cháo cầm hơi

Bao nhiêu lúa gạo cũng trôi phương nào.

                        (Đoạn 43. Tr.138)

4. Viết thêm những “lời bình ngoại đề”

Ở đọan trích trên (đoạn 21 Tạo Đoan Kinh), Lữ Y Đoan thêm vào câu đầu tiên “Mấy mùa xuân đã trải qua”, tạo bối cảnh thời gian (một yếu tố của cốt truyện).

Trong cấu trúc tác phẩm, ông thêm vào đoạn “Vào đề và đoạn “Lời kết”:

Vào đề

Ngày ngày trước mắt chúng sinh,

Chữ đời chữ đạo phân minh đôi đường.

Xưa nay trong kiếp vô thường,

Thấy điều vân cẩu mà thương nhân phàm.

Loài người từ thuở a-đam,

Đua nhau xây dựng mộng ham làm trời.

Một pho Kinh thánh ra đời

Chứng minh vạn đại những lời do Thiên”

                     (Bản in Canada năm 2000, tr.3)

            Lời kết:

                        Tích xưa cho thấy vấn đề:

                        Sự đời sự đạo đi kề bên nhau.

                        Đời thì danh lợi xôn xao,

                        Đạo thì trầm lặng để cầu ý ngay.

                        Thế gian phải có một ngày,

                        Hầu coi thắng lợi về tay ông Trời.

                                           (Bản in Canada năm 2000, tr.163)

            Hai đoạn Vào đềLời kết tạo nên sự thống nhất chủ đề cùa Tạo Đoan Kinh; tạo nên sự khác biệt về cấu trúc đối với nguyên tác và cũng là điều tác giả muốn người đọc lưu tâm.

            5. Việt hóa tên người, tên đất

Điều dễ nhận thấy là Lữ Y Đoan đã Việt hóa tên nhân vật, tên địa danh; thường là phiên âm theo tên Latinh, có khi đặt hẳn tên Việt:

            Ca-in năm tháng chập chồng,

            Sinh ra Ê-nóc thấy lòng sướng vui.

            Xây thành, đắp lũy, dựng đời,

            Lấy tên con gọi “vùng trời khai hoang”

            Nối nhau con cháu đầy đàn,

            Số này La-mạc một chàng đa thê.

            Sinh ra lắm kẻ tài nghề:

            Gia-bên: du mục nhiều bề quy mô;

            Dự -bàng: thỉ tổ xướng thơ,

            Chế ra nhạc khí, sáo ru đờn kèn;

            Từ -canh: tổ mộc tổ rèn,

            Mở thời kim khí, dựng nền võ công;

            Nương mai: mỹ nghệ phấn son,

            Làm cho thành phố ngày phồn thịnh hơn.

                                    (Đoạn 4, câu 17-22 tr. 16)

            Notes: Ê-nóc (Enoch); La-mạc (Lamech); Giabe6n (Jabel); Dự-bàng (Dubal); Từ-canh

 (Tubalcain); Nương-mai (Noelma)

Bản dịch của Nhóm các giờ kinh phụng vụ phiên âm cách đọc tên nhân vật, đọc rất xa lạ:

“Ông Ca-in ăn ở với vợ. Bà thụ thai và sinh ra Kha-nốc, . Ông xây một thành, và lấy tên con mình là Kha-nốc mà đặt cho thành ấy…18 Kha-nốc sinh I-rát; I-rát sinh Mơ-khu-gia-ên; Mơ-khu-gia-ên sinh Mơ-thu-sa-ên; Mơ-thu-sa-ên sinh La-méc.19 La-méc lấy hai vợ, một bà tên là A-đa, bà thứ hai tên là Xi-la.20 Bà A-đa sinh Gia-van; ông này là ông tổ các người ở lều và nuôi súc vật.21 Em ông này tên là Giu-van; ông này là ông tổ các người chơi đàn thổi sáo.22 Còn bà Xi-la thì sinh Tu-van Ca-in; ông này là ông tổ các người thợ rèn đồng và sắt. Em gái Tu-van Ca-inNa-a-ma (Chương 4, câu 17-22)

            6. Sự khác biệt giữa bản dịch và “Diễn ca”

Người đọc cũng cảm nhận điều này: Sách Sáng Thế bản văn xuôi đọc rất nặng nề, rắc rối, xa lạ, bởi câu chuyện được kể xảy ra ở mãi đâu đâu với tên người, tên đất, dòng tộc không ai biết (lúc ấy việc giao thương quốc tế vào giao lưu văn hóa còn rất hạn chế). Trái lại, khi đọc cùng một chương ở Tạo Đoan Kinh, người đọc thấy nhẹ nhàng dễ tiếp nhận. Sự khác biệt này là hiệu quả nghệ thuật “diễn ca” của Tạo Đoan Kinh

Thí dụ Chương V Sách Sáng Thế và đoạn V Tạo Đoan Kinh:

            Chương V, Sách Sáng Thế (Chỉ chú ý thuật sự việc).

            “25 Khi ông Mơ-thu-se-lác được 187 tuổi, thì sinh ra La-méc. 26 Sau khi sinh La-méc, ông Mơ-thu-se-lác sống 782 năm và sinh ra con trai con gái. 27 Tổng cộng ông Mơ-thu-se-lác sống được 969 năm, rồi qua đời.

28 Khi ông La-méc sống được 182 hai tuổi, thì sinh ra một người con trai. 29 Ông đặt tên cho con là Nô-ê; ông nói: “Khi tay chúng ta phải làm lụng cực nhọc, thì trẻ này sẽ đem lại cho chúng ta niềm an ủi phát xuất từ đất đai ĐỨC CHÚA đã nguyền rủa.” 30 Sau khi sinh ông Nô-ê, ông La-méc sống 595 năm và sinh ra con trai con gái. 31 Tổng cộng ông La-méc sống được 777 năm, rồi qua đời.

32 Khi ông Nô-ê được 500 tuổi, thì sinh ra Sêm, KhamGia-phét.

            Đoạn V Tạo Đoan Kinh, Lữ Y Đoan lướt qua sự việc mà nhấn mạch đến “Đạo trời là gốc” và thái độ “sống đạo giữa đời”.

            Đến đời La-mạch đinh ninh:

            Đạo trời là gốc nhân sinh phải tùng.

            Mã-thư-san thọ nhứt ông,

            Chín trăm sáu chín vào vòng tử quy.

            La-mạch khi có No-e

            Rằng: nguồn an ủi cho nghề canh nông,

            Vì xưa do tội tổ tông

            Đất đai Chúa phạt nhọc công việc làm.

            No-e thân phụ Sem, Cam,

            Cùng là Gia-phết siêng chăm luật Trời

            Lược qua gia phả loài người

            Sống đạo giữa đời khác tộc Ca-in.

                        (Bản in Canada năm 2000, tr.19)

            7. Ngôn ngữ hiện đại.

 Điều làm ngạc nhiên người đọc hôm nay là ngôn ngữ của Tạo Đoan Kinh (thế kỷ XVII) rất gần với ngôn ngữ của hôm nay (thế kỷ XXI).

Thí dụ:

            Gia-cước cà nhắc một chơn lên đàng

(Đoạn 32, tr.103)

Mình là thiểu số mỏng giòn

(Đoạn 34. Tr.109)

Chú mày bá láp bá xàm

(Đoạn 37, tr.116)

Chi bằng bán quách cho xong

Lấy tiền ăn nhậu, sống còn mặc ai

 (Đoạn 37, tr.116)

            Bao năm gây dựng cơ đồ

Trà-nam đất hứa bây giờ tản cư

(Đoạn 46, tr. 148)

Quan trên nghi kỵ điệp viên

Tù tội, dằn vặt, không yên trí lòng

(Đoạn 42.tr. 137)

Mời cha di tản tạm thời

Vì cơn đó khổ cằn còi còn lâu

(Đoạn 45. Tr.145)

Biền-mân đen tối ý đồ,

(đoạn 49. Tr. 158)

Sinh cư theo luật giang hồ,

                                    (Đoạn 36, tr 115)

Trong Tạo Đoan Kinh rất ít gặp từ cổ (tôi chỉ gặp một chữ “quờn”, nghĩa là quyền). Theo tôi quan sát, trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1945-1954), người dân

Hay dùng chữ “tản cư”, còn trước 1975, ở miền Nam hay dùng chữ “di tản”. Chữ “mỏng giòn” cũng được nhà đạo dùng cách nay không lâu. Chữ “ý đồ đen tối” là ngôn ngữ chính trị đương đại.

  Tôi không có điều kiện tra cứu tự điển cổ ngữ hay so sánh với văn bản các tác phẩm cùng thời, để xem xét đặc điểm ngôn ngữ của Lữ Y Đoan, nhưng đọc thơ (chữ Quốc ngữ) của Linh mục Felippe do Rosario Bỉnh (1759-1833), tôi thấy ngôn ngữ của linh mục Bỉnh còn cổ hơn ngôn ngữ Tạo Đoan Kinh nhiều.

Xin đọc

            Ở TẠM NƠI THÀNH MACAO THƠ

                                    Felippe do Rosario Bỉnh

            Tuy rằng gưởi gắp chốn Macao

            Hai chữ thanh nhàn xiết kể bao

            Hôm sớm phần hồn dầu mặc sức

            Tháng ngày việc xác chẳng tơ hào

            Xây vần tám tiết hằng no ấm

            Đắp đổi tư mùa khỏi khát khao

            Gần chợ gần sông gần núi bể

            Tăm mùi không chút vẻ tanh tao

                        (Nhật trình kim thư khất chính Chúa giáo. 1793-1826)

            Notes: gưởi gắp: gửi gắm, nương nhờ; Tăm mùi: tăm hơi [[6]]

NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN CHƯƠNG

            1.Giá trị tư tưởng.

            Nội dung Tạo Đoan Kinh là nội dung Sách Sáng Thế, đó không phải là sáng tạo của Lữ Y Đoan. Vậy, kể chuyện Sách Sáng Thế, mục đích diễn ngôn của tác giả là gì?

Xin lưu ý rằng, Tạo Đoan Kinh có cấu trúc: Vào đề-Kể chuyện Kinh thánh-Lời kết. Sau này Nguyễn Du cũng cấu trúc Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) như vậy. Nguyễn Du viết phần mở đầu để đặt vấn đề “tài mệnh tương đố” (“Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”). Sau đó kể lại số phận Kiều chứng minh cho thuyết ấy. Đoạn kết, Nguyễn Du hóa giải “tài mệnh tương đồ” bằng chữ Tâm của nhà Phật (“Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”).

Như vậy Tạo Đoan Kinh là truyện kể có tính luận đề.

                        Tích xưa cho thấy vấn đề:

                        Sự đời sự đạo đi kề bên nhau.

                        Đời thì danh lợi xôn xao,

                        Đạo thì trầm lặng để cầu ý ngay.

                        Thế gian phải có một ngày,

                        Hầu coi thắng lợi về tay ông Trời.

                                           (Bản in Canada năm 2000, tr.163)

            Thế gian có “đạo”, có “đời”; có thiện, có ác. Những người lương thiện, biết tin vào trời, hiều ý trời, hành động thuận thiên thì được trời ban phước.

                        Làm lành được hưởng phước dư,

                        Làm dữ bị phạt, liệu cư xử hành.

                                   (đoạn 4, tr.14)

            Từng làm sáng tỏ đạo trời,

Khi lâm biến cố có Người chở che.

Như trong trường hợp No-e,

Đại họa đến kề, gia đạo an vui.

                       (Đoạn 7. Tr 22)

                        Nhờ Trời độ mạng chàng trai

                        Được nhiều tín cẩn với tài đảm đương

Sống trong may mắn khác thường

Các quan cũng thấy có ơn chư thần

                        …

                        Sống trên nhung lụa giàu sang

                        Nhưng riêng Dư-tiệp đạo tâm hẳn hòi

                        Luôn luôn thờ kính ông Trời

                        Vưu nhân bất khả, giúp đời thí công

                                                (Đoạn 39. tr.123-124)

                        Tạ ơn Thượng đế ơn ban

                        Trong cơn hoạn nạn vinh quang chan hòa

                                                (Đoạn 41. Tr.133)

Lữ Y Đoan đã trình bày đức tin của người theo Kitô giáo hoàn toàn hòa nhập trong niềm tin tâm linh dân tộc. Đạo Chúa là “đạo Trời”. Có lòng tin Trời thì được Trời độ mạng sống trong may mắn. Sống làm sáng tỏ đạo Trời thì được Trời chở che như ông No-e trong Đại hồng thủy.

Trình bày Kinh thánh trong hội nhập văn hóa dân tộc, thầy cả Lữ Y Đoan đã mạnh dạn khám phá, sáng tạo những cách diễn dạt gần gũi phù hợp với độc giả Việt. Có sự hòa hợp rất tinh tế ý thức về Thiên Chúa của Kitô giáo, với Thiên mệnh của Nho giáo và Trời của tâm linh Việt. Lữ Y Đoan sử dụng thuyết âm dương ngũ hành cùng với Thiên mệnh của Nho giáokhi nói đến “cơ trời- thiên cơ”, “luật trời, định mạng”; “Âm từ dương xuất”.

Cơ trời sinh hóa hóa sinh

Ngũ hành thiên địa tiến trình yên xuôi

                        (Đoạn 2, tr.7)

Bình tâm đừng có nghi ngờ,

Đó là định mạng, thiên an bài

                        (Đoạn 45, tr.145)

Thì đây diễn biến luật trời

Âm từ dương xuất, nữ thời do nam

                     (Đoạn 2, tr.10)

Tất cả những ý niệm đó được dùng để giải thích cuộc tạo dựng của Thiên Chúa:

            Kể ra đại cuộc tạo thành

            Một tay Thượng đế quyền năng kiện toàn

                                    (Đoạn 2, tr. 7)

Trong cách trình bày, Lữ Y Đoan dùng ý thức về ông Trời làm trụ cột. Đúng là có “đạo trời” trong tâm linh Việt. Vì thế Tạo Đoan Kinh rất nhẹ nhàng chất tôn giáo mà thấm đẫm màu sắc tâm linh Việt.

            Khi kể truyện Kinh thánh, ngoài việc khẳng định lòng tin vào Trời, Lữ Y Đoan còn tập trung giáo dục đạo đức. Ông sử dụng những khái niệm đạo đức của Nho giáo, kết hợp với truyền thống dân tộc để giáo dục đạo vợ chồng, đạo hiếu thảo, “tam cương, ngũ thường”; việc “tu thần, tề gia” phải “minh đức, tân dân” (Sách Đại học: “Đại học chi đạo tại minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện”-

            Phu thê đạo trọng, ở đây công bằng

                                  (tr. 55)

            Vợ đâu chồng đó gia đình hợp nhau

                              (Đoạn 20-tr. 56)

            Tiếp theo là Set khuếch trương

            Tu thân vi bổn, chủ trương ôn hòa.

            Nêu cao hiếu thảo mẹ cha,

            Tiếp theo Ê-nữu tề gia vẹn toàn

            Trước lo trọng nghĩa tào khang

            Làm ăn cần kiệm nuôi đàn cháu con

                            (Đoạn 5, tr.18)

Trong thì minh đức tân dân,

Ngoài thì ngũ đức, tam cang thực hành.

                            (Đoạn 5, tr.18)

            Hoàng thiên bất phụ thiện tâm

                                              (Đoạn 4, tr. 14)

Note: sách Minh Tâm Bửi Giám: Hoàng thiên bất phụ thiện tâm nhân-Trời không phụ

          người có lòng thiện

Nói về Ich-manh (Ismael) có 12 con trai mở mang bời cõi dựng nghiệp, tác giả nhận xét:

Nhờ nơi phúc đức tông đường,

Ông bà đạo nghĩa, cháu con sang giàu.

               (Đoạn 25, tr.72)

Như vậy, Lữ Y Đoan kể truyện Kinh thánh không chỉ đem đến cho người đọc Việt

Những hiểu biết về Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, con người; về các tổ phụ và về sự phát triển của dân tộc Israel; mà nhân theo câu truyện Kinh thánh, ông rút ra các bài học đạo đức cho bạn đọc. Nói cách khác, ông làm cho Kinh thánh hội nhập vào cả văn hóa, đạo đức dân tộc. Người đọc sẽ thấy Kinh thánh không hề xa lạ hay mâu thuẫn với đời sống giáo dân Việt. Trái lại, Kinh thánh còn là bằng chứng hiển nhiên cho những chân lý mà dân Việt sống đạo hàng ngày.

            Lữ Y Đoan còn đưa ra những nhận xét có tính triết lý.

                        Chuyện đời là chuyện chiến tranh

Cá lớn, cá bé giựt giành miếng ăn

                                                 (Đoạn 14, tr 38)

                        Mưu đồ là thói người ta

Xưa nay thành sự vốn là Trời cao

                                              (Đoạn 29, tr.88)

                        Gian nan là lẽ huyền vi

Đốt nung cuộc sống để tri đá vàng.

(Đoạn 39, tr.124)

Trò đời là cái hư vô

                                    Cũng vì ích kỷ làm nhơ tình người

                                    Ngay gian xin có mấy lời

                                    Tớ vì chữ hiếu mong trời chứng minh

                                                               (Đoạn 44, tr 144)

                        Đời người trong kiếp trăm năm,

Làm sao sánh được thời gian của Trời.

(Đoạn 50. Tr. 162)

                        Ngược xuôi trên biển âm dương

Kẻ đi người tới theo đường tử sinh

(Đoạn 50, tr. 161)

Những nhận thức triết lý này đã xuất hiện trong văn học dân tộc trước và sau Lữ Y

Đoan. Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) nói nhiều đến “thói đời”. Nguyễn Gia Thiều (1741-1798) nói đến “thế cục”, lẽ “huyền vi” (“Kìa thế cục như in giấc mộng/ Máy huyền vi mở đồng khôn lường”- Cung oán ngâm khúc). Nguyễn Du (1766-1820) nói đến “Trăm năm trong cõi người ta” (Câu 1-Đoạn trường tân thanh).

2.Giá trị văn chương

a.Văn chương là nghệ thuật ngôn từ, tức là sự sáng tạo Cái Đẹp bằng ngôn ngữ.

Nguyễn Tuân chủ trương “Văn phải là văn”. Ai cũng có thể kể chuyện, ai cũng có thể làm vài câu Lục bát, thậm chí làm hẳn một “bài thơ”, nhưng nhà văn thì khác với “thợ” văn, “thợ” thơ (chữ của Nam Cao).

            Tạo Đoan Kinh có nhiều câu, nhiều đọạn, nhiều hình ảnh được dệt bằng ngôn ngữ rất đẹp, vẻ đẹp vừa bình dân, vừa trí thức Nho học và rất Việt Nam. Người đọc hôm nay ngạc nhiên về vẻ đẹp tiếng Việt thế kỷ XVII của Tạo Đoan Kinh. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét: “Trong 3606 câu lục bát của “Sấm truyền ca” (quyển 1: Tạo đoan kinh) còn có nhiều câu thú vị, bất ngờ như vậy. Đọc nó ta càng thêm quý thêm yêu tiếng Việt và biết ơn công lao của bao lớp người đã gìn giữ, bồi đắp, phát triển cho nó ngày càng đẹp đẽ, trong sáng, đủ sức chuyển tải và truyền đạt được mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của người Việt chúng ta” [[7]].

                        Tuyệt vời như một bài thơ

Như đồng lúa chin vàng mơ khắp trời

(Đoạn 49, tr.157)

                        Đường về mấy dặm quan hà

Vừa qua sông lớn lại qua truông dài

(Đoạn 31. Tr.95)

                        Tạ từ vó ngựa lên đàng

Sương mai phủ kín dặm ngàn đôi bên

(Đoạn 31.tr. 99)

            Náu nương bộng đá che tranh,

Ca-in trưởng tử vừa sanh ở đời.

Eva nở một nụ cười,

Thậm cảm ơn Trời ban một đứa con.

                                    (Đoạn 4, tr.13)

b.Đặc sắc nghệ thuật của Tạo đoạn Kinh là ở nghệ thuật kể truyện.

Cậu chuyện được kể lại sống động với tốc độ nhanh, sự kết hợp kể và tả nhuần nhiễn. Những lời bình tinh tế giúp người đọc cảm nhận được ý nghĩa tư tưởng cũng như diễn

ngôn của tác giả.

Đoạn viết về Đại hồng thủy thật dữ dội (Đoạn 7, tr. 23), đoạn kể lại việc hỏi vợ, đưa dâu cho I-giác (Isaac) đậm chất Việt (Đoạn 24, tr.65). Đoạn anh em Gia-cước (Jacob) gặp nhau rất cảm động (Đoạn 33, tr.103). Đoạn kể đầy kịch tính về Thùy-nga (Dina), con gái Lệ-anh (Léah), bị con trai (Shechem) tộc trưởng Hà-môn (Hamor) bắt về cưỡng hiếp. Sau đó Tộc trưởng Hà-môn nhận lỗi, con trai tộc trưởng cũng nhận lỗi và xin được cử hành lễ cưới cho rạng rỡ hai bện (Đoạn 34, tr.106). Đoạn kể lại việc Dư-đạc (Judas), vợ chết, đi tìm gái (Đoạn 38, tr 119), lại gặp Thanh Mai (Tamar) là con dâu mà không biết, sau đó Thanh-mai sinh hai đứa con. Thanh-mai có chứng cớ là gậy và nhẫn của Dư-đạc, nàng đòi công lý. Tác giả rút ra bài học: “Con dâu tức lý ra tay,/ Công bằng đòi hỏi, một bài học đau!”. Trong nguyên tác Sách Sáng Thế không có nhận xét về Dư-đạc: “một bài học đau”.

Có một sự khác biệt là, những truyện thơ Nôm viết dưới nhãn quan tư tưởng Phật, Nho, Lão sau Lữ Y Đoan đều mang một khuôn mặt buồn:

 “Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

                    (Đoạn trường tân thanh)

Trăm năm còn có gì đâu,

Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì

                     (Cung Oán ngâm khúc).

Trái lại, Sấm Truyền Ca là bài ca đầy lòng tin, niềm vui, và niềm hy vọng.

Tháng ngày I-giác sống yên,

Chăn nuôi phát đạt, đồng điền thạnh hưng.

Tay Trời vùa giúp lạ lùng

Trở nên đại phú khắp vùng không ai.

               (Đoạn 26, tr.76)

Nhưng nhờ trời độ bình yên,

Tai qua nạn khỏi, ưu phiền cũng vơi

(đoạn 31. Tr.94)

c.Khả năng Việt hóa Kinh thánh.

Thú vị khi đọc Tạo Đoan Kinh là những cảnh, những tình huống, những sinh hoạt, những nói năng nghĩ suy của con người trong Sách Sáng Thế lại hiện diện trong bầu khí sinh hoạt Việt Nam.

Ave sinh con:

            Náu nương bộng đá che tranh,

Ca-in trưởng tử vừa sanh ở đời

Eva nở một nụ cười

Thậm cảm ơn Trời ban một đứa con

                                               (Đoạn 4, tr.13)

Nụ cười của Eva, tâm tình của Eva, hạnh phúc đơn sơ của Eva trong “bọng đá che

tranh” chẳng khác gì niềm hạnh phúc sinh con của một phụ nữ quê nghèo Việt Nam.

            Đây là lẽ thuận hòa và tính cách đại lượng của Ap-ram khi phân chia đất cho cháu. Cách nói năng đúng là giọng nói thẳng thắn, đầy yêu thương, chân tình Việt:

                        Áp-ra muốn vẹn mọi bề,

                        Mời Lót là cháu, vấn đề đặt ra:

                        Chớ nên để sự bất hòa,

                        Vậy cháu nhìn thẳng bao la cánh đồng,

                        Chọn tây thì bác qua đông,

                        Hay là ngược lại bác nhường cháu luôn.

                        Xa nhau cốt nhục tuy buồn,

                        Nhưng hòa vi quý, cháu đừng ngại xa

(Đoạn 13, tr.37)

            Đây là đọan lão bộc đi hỏi vợ cho I-giác. Ông trình bày rất chân tình với nhà gái về gia cảnh, về tiêu chuẩn chọn nàng dâu và luôn nói đến duyên trời, ý trời. (xin lưu ý, chữ “Trời” viết hoa). Nhà gái nghe xong thì đẹp lòng, không chê vào đâu được. Sự trân trọng, cách nói năng chân thành rất tự trọng và niềm tin yêu trong hôn nhân không khác gì trong những đám hỏi, đám cưới Việt.

Hàn huyên trao đổi rộn lời,

            Cỗ bàn đã dọn, chủ mời điểm tâm.

            Lão bộc từ tốn phân trần:

            Trước khi cầm đũa tôi cần trình qua.

            Bồ-tuân: xin cứ nói ra.

            Lão bộc thuật lại việc nhà Ra-ham.

            “Kể từ dấn bước phong trần,

            Thiên thời, địa lợi, nhân tâm có thừa.

            Cuộc đời dầu gặp gió mưa,

            Bàn tay Thượng đế giúp chưa lâm nàn.

            Về già được phước khang an,

            Sa-ra sinh được một trang anh tài,

            Thật là đẹp mặt nở mày,

Quý danh I-giác, hôm nay trưởng thành.

Vì không chọn gái Trà-nam,

Phái tôi trách nhiệm tiến sang quê nhà.

Ra đi tôi nguyện thiết tha,

Mong Trời cho biết ai là nàng dâu.

Và đây đặc điểm yêu cầu,

Gái nào thí nước lại giàu từ tâm.

Biết bao thiếu nữ trong đàn,

Nhưng chỉ có nàng Lan-bạch giúp tôi.

Quả nhiên nhận đúng ý Trời,

Tôi trao vòng xuyến vàng mười đáp ân.

Biết ra là cháu Ra-ham,

Lương duyên tiền định, xích thằng đã xe.

Mấy điều gia chủ vừa nghe,

Tôi xin lãnh ý phán phê thế nào”.

Bồ-tuân nghe rõ đuôi đầu,

Rằng: “ai dám cưỡng ý cao thiên đình

Lã -bàng cũng biểu đồng tình,

Gả nàng Lan-bạch tác thành lứa đôi.”

Lão bộc quỳ gối tạ Trời,

Đã cho mọi sự xong xuôi, tốt lành.

                      (Đoạn 24, tr.68)

Notes: Ra-ham (Abram); Bồ-tuân (Bathuel); Lã-bàng (Laban); Trà-nam (Chanaan); Lan-

bạch (Rabecca); Xích thằng: chỉ thắm tơ hồng, chỉ buộc duyên vợ chồng trong truyện ông Tơ bà Nguyệt.

Nguyên tác Sách Sáng Thế, chương 24 viết: “33 Người ta dọn cho ông ăn, nhưng

ông nói: “Tôi sẽ không ăn gì trước khi nói những điều tôi cần phải nói.” Ông La-ban thưa: “Xin ông cứ nói.”, Lữ Y Đoan chuyển “Tôi sẽ không ăn gì trước khi nói” thànhTrước khi cầm đũa tôi cần trình qua” là một cách dịch thuần Việt mộc mạc nhưng thật tài tình.

Tình quê hương, lòng biết ơn tổ tiên, và lòng tin vào Trời được tô đậm trong suốt

tác phẩm. Đây cũng là đặc điểm tâm thức Việt.

Gia-cước (Jacob) nói với Dư-tiệp (Joseph):

            Khi cha về với tổ tiên,

            Xin đừng mai táng tại miền Giếp đây.

            Hãy thề chắc chắn việc nầy,

            Thi hài cha được chôn ngay quê nhà.

            Dư-tiệp thề với cha già,

            Chúng con thỏa mãn tang ma hẳn hòi.

                        (Đoạn 47, tr.154)

                            Note: Giếp: Aegyptus-Ai Cập

Gia-cước dặn Dư-tiệp cầu Thượng đế

            Người cầu Thượng đế Bá-lâm,

            Là Chúa I-giác thành tâm kính thờ.

            Giúp tôi từ bé đến giờ,

            Chư thần hãy độ trẻ thơ nhơn hiền.

            Nối danh tôi với tổ tiên,

            Chúng cầu Thượng đế bình yên một đời.

            Giúp chúng lớn mạnh khắp nơi,

            Giúp cho xứ sở giống nòi gia tang.”

                        (Đoạn 48, tr.155)

                   Note: Bá-lâm: Abraham.

d. Những cách nói thuần Việt

     Tính chất văn hóa Việt của Tạo Đoan Kinh còn thể hiện ở việc sử dụng những cách nói thuần Việt

Cháo cơm đắp đổi chờ qua tháng ngày

(Đoạn 47. Tr. 152)

Cha già gấn đất xa trời

(Đoạn 47. Tr. 153)

Miền đông nối tiếp lộ trình

Đèo heo hút gió một mình xông pha

(Đoạn 29. Tr. 85)

Mai kia, mốt nọ bất thần

(Đoạn 30. Tr.92)

Gia-cước tài cán bao nhiêu

Giàu nhờ của vợ, còn nhiều mưu mô

(Đoạn 31. Tr.93)

Nhưng nhờ trời độ bình yên

Tai qua nạn khỏi, ưu phiền cũng vơi.

(Đoạn 31. Tr.94)

SẤM TRUYỀN CA VÀ VĂN CHƯƠNG DÂN TỘC

            Lời tựa của Trần Hớn Xuyên: “Tôi không xét về mặt hợp hay không hợp Kinh thánh, tôi mến phục lối thơ lục bát của người xưa và cách dùng chữ An-nam hồi đó để lột tả được ý nghĩa của Kinh thánh cho người An-nam dung cách dễ dàng. Vì thế, tôi đã xin chép lại để làm tài liệu quý giá, dành cho con cháu ngày sau, được biết ông bà ngày xưa cũng đã đóng góp rất nhiều vào kho tàng quốc văn của dân tộc”. (Cái tắc 17/5/1910)

            GS Trần Thanh Đạm đặt Sấm Truyền Ca trong nền văn chương Việt: điều không thể phủ nhận là Sấm Truyền Ca là một tác phẩm thuộc di sản văn chương cổ điển của dân tộc, cần được tôn trọng giữ gìn, nghiên cứu, phát huy”[[8]].

            Giáo sư Trần Thái Đỉnh đã nói lên cảm nghĩ sơ khởi của mình như sau: Cảm tưởng đầu tiên khi cầm trong tay và đọc tập “Sấm Truyền Ca” là vui mừng và hãnh diện vì mình có một tài liệu quý giá như thế cả về giá trị văn học lẫn về phương diện lịch sử” [6-đd].

            Giám mục Mathêô Nguyễn Văn Khôi nói đến đóng góp của người Công giáo vào văn học Việt: Tác phẩm Sấm Truyền Ca của linh mục Lữ Y Đoan (Louis Đoan) đã ra đời, không những như một tác phẩm mang tính tôn giáo, mà còn như một đóng góp rất sớm của người Công giáo Việt Nam vào nền văn học nước nhà” (Sấm Truyền Ca bản in 2020.tr. 9)

            Nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng trong công trình “Văn học Công giáo Việt Nam, những chặng đường” nhìn vấn đề trong dòng chảy lịch sử văn học Công giáo: “Riêng bản thân chúng tôi…đã trộm nghĩ rằng Sấm Truyền Ca của Lữ Y Đoan đã đạt chuẩn giá trị một tác phẩm văn học Công giáo, bởi vì: Sấm Truyền Ca khép lại một chặng đường chữ Nôm, có thể sánh vai với một số truyện thơ Nôm Việt Nam có giá trị cùng thởi. Sấm Truyền Ca là dạo khúc mở đầu cho mảng văn học Công giáo ‘Phúc âm Diễn ca’ sau này” [[9]].

            GS Nguyễn Văn Trung nhận định: “Tôi coi đây là một tác phẩm văn học mang màu sắc tôn giáo tương đương với những truyện thơ Nôm nổi tiếng Chinh Phụ Ngâm, Kim Vân Kiều…”[[10]].

            Nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh nhìn ở góc độ giao lưu văn hóa: “Có thể nói Sấm Truyền Ca là một giao lưu điển hình theo kiểu Việt Nam, khởi từ căn bản tự chủ dân tộc để thu nhận các nền văn hóa thế giới” [[11]].

            Những ý kiến của các nhà nghiên cứu trên đủ khẳng định Sấm Truyền Ca là một truyện thơ Nôm trong di sản văn học dân tộc, sánh ngang với những truyện thơ nôm khác. Hơn thế, Sấm Truyền Ca còn mở ra thể Diễn ca Kinh thánh về sau, và nhìn xa hơn, Sấm Truyền Ca còn là “một giao lưu văn hóa” với các nền văn hóa thế giới (Nguyễn Vy Khanh).

            Có lẽ cũng cần minh định thêm đôi điều.

1.Căn cứ vào năm sáng tác (1670), có thể khẳng định Sấm Truyền Ca là tác phẩm truyện thơ nôm sớm nhất. Trong Sấm Truyền Ca, người đọc thấy phảng phất bóng dáng những câu thơ của các tác phẩm sau đó: Đoạn trường tân thanh (Nguyễn Du), Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu).

Thử so sánh: Thiên Nam ngữ lục (các sử gia cho rằng tác phẩm này được viết vào đời chúa Trịnh Căn khoảng năm 1682-1709, chưa rõ tác giả).  Đại Nam quốc sử diễn ca (Lê Ngô Cát-1870), Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều của Nguyễn Du), nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Nguyễn Du viết truyện Kiều sau khi đi sứ Trung quốc (1814). Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu (được sáng tác vào đầu những năm 1850, và được Trương Vĩnh Ký phiên âm chữ quốc ngữ và xuất bản năm 1889). Nhị độ mai (Khuyết danh) ra đời khỏang đầu thế kỷ XIX, bản Nôm in sớm nhất năm 1876 [[12]]…

2.Sấm Truyền Ca vừa là một bản dịch Kinh thánh, vừa là một truyện thơ Nôm, tức

là một truyện thơ Nôm có nội dụng văn học nước ngoài. Điều này sau đó ta cũng gặp trong Đoạn trường tân thanh, Lục Vân Tiên… Những truyện thơ Nôm này mượn cốt truyện Trung Quốc, chịu ảnh hưởng tư tưởng và thi pháp văn học Trung Quốc. Trái lại Sấm Truyền Ca mang đến những điều mới mẻ cho văn học Việt.Đó là tư tưởng Thần học, triết học Kitô giáo cùng với những truyền thống văn hóa phương tây. Sấm Truyền Ca còn mở ra việc tiếp nhận văn học, văn hóa nước ngoài trên nền tảng tâm thức Việt. Xin lưu ý, văn học Việt thời đó đã dung nạp tư tưởng Phật, Nho, Lão (tam giáo đồng nguyên) làm nền tảng tư tưởng của mình.

3. “đóng góp rất sớm của người Công giáo Việt Nam vào nền văn học nước nhà”. Sự đóng góp này có thể khởi đi từ Girolamo Majorica (1591-1656) với những truyện

văn xuôi chữ Nôm. Majorica viết những tác phẩm chữ Nôm với sự giúp sức của những thầy giảng người Việt như Vito Trí, Văn Nghiêm, một người tên Hiên và một người có tên thánh là An-tôn [[13]]. Thầy giảng Gioan Thanh Minh (1588-1663) “viết nhiều thi phẩm chữ Nôm về hạnh các thánh như Constantini Le Grand, Barlam, Josaphat, Maria Madalena, Inhatio Loyola, Phanxicô Xavie, Dominico, Catariana”…[[14]]. Thầy cả Lữ Y Đoan (1613-1678) với Sấm Truyền Ca. Linh mục Felippe do Rosario Bỉnh (1759-1833), người đã viết 27 cuốn sách bằng Quốc ngữ, trong đó có truyện các thánh, Sách sổ sang chép các việc, Truyện An Nam Đàng Trong, Truyện An Nam Đàng Ngoài…

Những sáng tác của các tác giả Công giáo buổi đầu, ngoài ý nghĩa tôn giáo còn là những đóng góp rất giá trị vào văn học dân tộc. Đó là thể loại truyện Nôm, truyện thơ Nôm, truyện thơ bằng chữ Quốc ngữ, tư tưởng Thần học và triết học Kitô giáo, ngữ liệu Kinh thánh và văn hóa phương Tây…

Riêng tác phẩm của thầy cả Lữ Y Đoan có ý nghĩa thật quan trọng. Sấm Truyền Ca là một truyện thơ Nôm đồ sộ. Chỉ riêng Tạo Đoan Kinh đã dài 3606 câu lục bát (Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du dài 3254 câu lục bát). Sấm Truyền Ca bị cấm đoán rồi trôi giat, thất lạc, tìm thấy; và đặc biệt là trong lời tựa của Phan Văn Cận, ông cho biết, từ năm 1816, vâng lời nhiều thầy cả, ông đã viết Sấm Truyền Ca ra chữ Quốc ngữ. Lưu ý rằng, giả thiết Nguyên Du viết Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều) từ 1814 bằng chữ Nôm thì Sấm Truyền Ca đã có văn bản chữ Quốc ngữ. Một đóng góp thật mới mẻ và kỳ diệu! Giả như Truyện Kiều lúc đó được viết ra chữ Quốc ngữ thì ngày nay việc nghiên cứu Truyện Kiều sẽ thuận lợi biết bao.

THAY CHO LỜI BẠT

1.Với những giá trị đã được khám phá, có thể khẳng định Sấm Truyền Ca của Lữ Y Đoan là một tác phẩm văn học Công giáo, cũng là di sản của văn học dân tộc có giá trị quý báu về nhiều mặt, đặc biệt là về ngôn ngữ, về tư tưởng, về thể loại truyện thơ Nôm và cả bản chuyển sang chữ Quốc ngữ.

Dù bị cấm đoán, bị lưu lạc, thất truyền, rồi được tìm thấy, suốt từ 1670 đến nay, Sấm Truyền Ca chứng tỏ một sức sống bền vững trong lòng dân tộc. Qua Sấm Truyền Ca, người đọc hôm nay hiểu được sức mạnh tinh thần, sự giàu có văn hóa, khả năng Việt hóa những tinh hoa nhân loại để làm giàu cho văn học dân tộc của cha ông xưa. Lời tựa của Trần Hớn Xuyên (1910) vẫn còn nguyên giá trị cho hôm nay: “tôi mến phục lối thơ lục bát của người xưa và cách dùng chữ An-nam hồi đó để lột tả được ý nghĩa của Kinh thánh cho người An-nam dùng cách dễ dàng. Vì thế, tôi đã xin chép lại để làm tài liệu quý giá, dành cho con cháu ngày sau, được biết ông bà ngày xưa cũng đã đóng góp rất nhiều vào kho tàng quốc văn của dân tộc”.

2. Còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm, lý giải dựa trên tư tưởng hội nhập văn hóa của Tông huấn Giáo hội tại Châu Á (Tông huấn Ecclesia in Asia của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II, ngày 06/11/1999) và khả năng Việt hóa tinh hoa nhân loại của dân tộc Việt. Nhưng trước hết cần đặt Sấm Truyền Ca vào dòng chảy văn học Việt như một tác phẩm truyện Nôm đầu nguồn, đúng với tầm vóc của một tác phẩm đem đến nhiều giá trị cho văn học Việt. Rất cần sự đóng góp của nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu cả trong và ngoài giáo hội.

Tháng 4/ 2024


***


[1] Nguyễn Vy KhanhTiếng Việt và một số tác phẩm mới phát hiện http://vietsciences.free.fr/vietnam/tiengviet/tiengvietvamotsotacphammoi.htm

[2] Trăng Thập Tự-Nguyễn Thanh Quang:

  -“Sấm Truyền ca-Truyện thơ Kinh thánh long đồng từ thế kỷ XVII

  -“Tìm, phục hồi bản quốc ngữ 1870 của Sấm Truyền ca”,

[3] The Book of Genesis. https://www.vatican.va/archive/bible/genesis/documents/bible_genesis_en.html

[4] Lm Đào Quang Toản dẫn “Nhật ký” của Đức cha Lambert đã đặt lại vấn đề tác giả Sấm truyền ca:

Đào Quang Toản-Linh mục Louis Đoan và Sấm Truyền Ca

[5] Chuyện ông Lót: Sáng thế ký 19,8

[6] Dẫn theo “Những bài thơ trong Nhựt Trình Kim Thư Khất Chính Chúa Giáo” do Roland Jacques OMI sưu tầm, Đoàn Xuân Kiên chuyển và chú thích. Định Hướng Tùng Thư xuất bản lần thứ nhất 2004.

[7] Phạm Xuân NguyênĐọc cùng bạn: Một truyện thơ cổ có giá trị văn hóa

https://danviet.vn/doc-sach-cung-ban-mot-truyen-tho-co-co-gia-tri-van-hoa-20210810175315947.htm

[8] Nguồn: Nguyễn Văn TrungVề một số sách cũ do người Công giáo viết ra từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX. Trong tập “tài liệu tham khảo”: Về sách báo của tác giả Công giáo (Thế kỷ XVII-XIX), trường Đại học Tổng hợp Tp HCM, Khoa Ngữ Văn 1993.

[9] Lê Đình BảngVăn học Công giáo Việt Nam- những chặng đường. Nxb Tự điển Bách Khoa 2010, tr. 124.

[10] Thư gửi Giám mục Barth Nguyễn Sơn Lâm, Chủ tịch Ủy ban Phụng tự HĐGMVN, 1989. Dẫn theo Lê Đình Bảng, nguồn: Văn học Công giáo Việt Nam, những chặng đường. Nxb Tự điển Bách Khoa 2010, tr 123.

[11] Nguyễn Vy KhanhTiếng Việt và một số tác phẩm mới phát hiện

http://vietsciences.free.fr/vietnam/tiengviet/tiengvietvamotsotacphammoi.htm

[12] Nguyễn Thị Hải VânNghiên cứu văn bản tác phẩm diễn Nôm Nhị độ mai-Luận văn Tiến sĩ-Học viện Khoa học xã hội: https://luanvan.net.vn/luan-van/nghien-cuu-van-ban-tac-pham-dien-nom-nhi-do-mai-81770/

[13] Trần Thị Phương PhươngHoàng Xuân Hãn và tư liệu tác phẩm chữ Nôm của Girolamo Majorica tại thư viện quốc gia Pháp ở Paris: Tạp Chí Khoa Học Trường Đại Học Trà Vinh,Số 42, tháng 2 năm 2021, tr. 72-77 DOI: 10.35382/18594816.1.42.2021.693

https://gpquinhon.org/q/van-hoa/hoang-xuan-han-va-tu-lieu-tac-pham-chu-nom-cua-girolamo-maiorica-tai-thu-vien-quoc-gia-phap-o-paris-5683.html?fbclid=IwAR0KLEKyrNZCuwl7SE_E88wvy4VsXtkaDqJ047nw1OuOV6Lg-VkNXImuIa4

[14] Lê Đình BảngVăn học Công giáo Việt Nam- những chặng đường. Nxb Tự điển Bách khoa 2010, tr.107

TÂM SỰ MÙA VƯỢT QUA-Thơ Khắc Đỗ

Bạn có thể đọc các bài viết chính của Bùi Công Thuấn theo link:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

Đôi điều chia sẻ về tập thơ

TÂM SỰ MÙA VƯỢT QUA

của nhà thơ Lm Khắc Đỗ

Bùi Công Thuấn

***

(Lm Khắc Đỗ)

Tập thơ Tâm sự mùa vượt qua có 36 bài, nhiều bài là trường ca Lục bát (bài Theo Thầydài 214 câu). Ở đầu mỗi bài thơ, tác giả ghi rõ địa điểm, ngày và “tâm sự” của nhân vật (dạng ghi nhật ký). Người đọc có thể đọc tâm sự của Chúa Giê su, của Philatô và phu nhân, của một môn đệ đưa Mẹ về nhà mình của Mai-Đệ-Liên, Mác-cô, Cleopas trên đường Emau của Phêrô của một môn đệ trong nhà-đóng-kín-cửa và “Tâm sự một môn đệ trong bóng tối”. Người môn đệ đó là ai?

“Con là thi sĩ đa đoan

Thầy thương chọn gọi con làm môn sinh.

Viết gì? Chỉ biết lặng thinh

Lui vào bóng tối một mình ngẫm suy.

                        (Dưới chân thập giá)

SỰ CHỌN LỰA

            Trong Lời ngỏ, tác giả cho biết mục đích sáng tác tập thơ:

 “Với ước mong chiêm ngắm và cảm nghiệm Tình Yêu tuyệt đối ấy kẻ hèn này đã lần bước theo Thầy Chí Thánh trên từng nẻo xa gần của Đường Thương Khó… nhập cuộc vào những biến cố của Mùa Lễ Vượt Qua năm ấy… đặt mình vào vị trí của những môn đệ, và đôi khi, mạn phép, đặt mình vào vị trí của Thầy Giêsu, mới có thể phần nào rung cảm với nỗi đau của Thầy, nhạy cảm với tâm tư của Thầy và đồng cảm với tấm lòng của Thầy. Những xúc cảm ấy được ghi lại qua những vần thơ đơn sơ trong tập “Tâm sự Mùa Vượt Qua” này. Trước là để làm hành trang cho bản thân chuẩn bị bước vào Tuần Thánh của Năm thánh Lòng thương xót thật sốt sắng và trang nghiêm thật nhẹ nhàng và thanh thoát. Sau là xin được chia sẻ với mọi người, như một lời mời gọi cùng nhìn lại Mùa Vượt Qua năm ấy, để sống trọn Mùa Vượt Qua năm nay và hướng đến Mùa Vượt Qua vĩnh cửu mai này”.

Như vậy nội dung của tập thơ là Con đường thương khó của Chúa Giêsu cùng với những biến cố của các môn đệ Chúa. Tác giả nhập thân vào nhân vật để nói lên “tâm sự” của các nhân vật trong cuộc.

Mục đích sáng tác thơ là “ghi lại những cảm xúc” “rung cảm với nỗi đau của Thầy, nhạy cảm với tâm tư của Thầy và đồng cảm với tấm lòng của Thầy”; để “làm hành trang cho bản thân”vàđể chia sẻ với mọi người”.

Từ mục đích sáng tác ấy, người đọc có thể nhận ra “bút pháp” của tác giả khi xem xét đối tượng sáng tác.

Những bài thơ “để chia sẻ với mọi người” được viết bằng bút pháp của “văn chương bình dân” (thể phú của vè dân gian [[1]]), dễ hiểu, lời thơ, cách diễn đạt là “khẩu ngữ” mộc mạc, tinh thần thơ phóng khoáng, không câu nệ nhiều vào thi luật, chủ yếu là kể chuyện, đưa thông tin. Xin đọc bài Biến loạn vườn khuya

Ngươc lại, những bài “làm hành trang cho bản thân” (những bài “tâm sự một môn đệ trong bóng tối”), hầu hết là thơ trữ tình, lãng mạn với bút pháp tượng trưng. Ngôn ngữ thơ là những hình ảnh tượng trưng, thơ là suy tưởng của tác giả, vắng bóng đời sống hiện thực, kiểu ngôn ngữ của thơ Lãng mạn 1930-1945, đặc biệt là thơ Hàn Mạc Tử. xin đọc các bài: Run như hơi thở chạm tơ vàng, Giờ vượt qua, Thập giá vinh quang, Máu chiều tình sử, Hừng đông, Tìm Người, Gặp Người, Phục sinh, Khách lạ đường quê.

Nhìn tổng thể, bút pháp thơ Khắc Đỗ là bút pháp “truyền thống” (văn học dân gian & Thơ Lãng mạn 30-45). Tập thơ Tâm sự mùa vượt qua không nằm trong dòng thơ “cách tân”của thơ Việt đương đại.

NHỮNG ĐẶC SẮC THI CA

          Một tác giả chỉ có thể được định vị trên văn đàn khi đem đến cho thơ ca những khám phá sáng tạo mới mẻ. Xin đọc thơ Xuân Ly Băng, thơ Lê Đình Bảng, thơ Trăng Thập Tự, thơ Sơn Ca Linh… [[2]]

Riêng về nội dung tập thơ Tâm sự mùa vượt qua, tác giả (viết Lời ngỏ), Hoàng Vũ (người viết Lời tựa) và Đạt Nhân (người viết Lời bạt) đã có những bài viết sâu sắc, tôi xin không nhắc lại.

Vậy tập thơ Tâm sự mùa vượt qua có những đặc sắc gì về tư tưởng-nghệ thuật?

1.Trường ca Lục bát kể chuyện là thế mạnh của ngòi bút Khắc Đỗ. Tôi có cảm giác tác giả có thể viết liền mạch vài trăm câu Lục bát chỉ “trong một nốt nhạc” (theo cách nói dân gian). Làm thơ Lục bát không khó, nhưng khi viết trường ca thì việc tìm vần luôn là một trở ngại, và đặc biệt người làm thơ phải có vốn từ giàu có để không lặp lại từ, để có thể diễn tả mọi tình huống, tái hiện mọi trạng thái tâm hồn và đời sống. Có vậy, đọc Lục bát mới thú vị, mới cảm nhận được hết sự phong phú, tài hoa, tinh tế của tiếng Việt, của hồn Việt.

Tôi tin rằng Khắc Đỗ có khả năng viết những truyện thơ lục bát như những truyện thơ của dân tộc (Đoạn trường tân thanh, Lục Vân Tiên, Đoạn trường vô thanh…) Văn học Công giáo đương đại chưa có tác giả nào viết truyện thơ để hội nhập với văn học dân tộc.

2. Tuy mỗi bài thơ trong tập Tâm sự mùa vượt qua là “tâm sự” của riêng một nhân vật, nhưng “tâm sự” ấy được khám phá và tái hiện trong một cấu trúc truyện kể. Điều này khiến cho thơ Khắc Đỗ mang tính “truyện” nhiều hơn tính “thơ”. Nghĩa là có hai dòng chảy song song: dòng chảy tâm trạng của nhân vật, và dòng chảy tự sự (mạch truyện kể). Việc kết hợp “hai dòng chảy “ này là tài năng kiến tạo tác phẩm của nhà thơ.

Để phục dựng dòng chảy tự sự (kể lại câu chuyện được Kinh thánh trình thuật), tác giả có khi chỉ khai thác một sự việc, ngược lại, có khi phải tổng hợp nhiều sự việc trong đời của một nhân vật (thí dụ Mai-Đệ-Liên, Phê Rô), nghĩa là phải kết hợp nhiều đoạn Kinh thánh lại với nhau theo logic tâm lý, đặt trong một không gian nghệ thuật liền mạch, tạo một cốt truyện mới, soi rọi vào đó cái nhìn mới, và sáng tạo những cách diễn đạt mới. Điều ấy đòi hỏi một năng lực sáng tạo vượt trội, tức là năng lực “làm thơ” kết hợp với năng lực dựng truyện (kể truyện, tạo bối cảnh, xây dựng tình huống, khắc họa nhân vật, chọn lựa bút pháp và đặt chủ đề…). Vì thế thơ Khắc Đỗ hoàn toàn khác với “Diễn ca”. Tác giả “Diễn ca” chỉ diễn thành thơ nguyên vẹn đoạn Kinh thánh, mà không được phóng bút theo cảm hứng sáng tạo cùa riêng mình.

Xin đọc các bài: Chuyện Bê-ta-ni,Biến loạn vườn khuya, Trước tòa sơ thẩm, Ám muội tòa đêm, Nẻo đường chân lý, Tình chung một mảnh dành riêng (tổng hợp Kinh thánh: Mt 28: 1-8; Mk 16: 1-8; Lc 24: 1-11; Ga 20:1-18

Bài Theo Thầy tổng hợp các biến cố trong đời Phêrô theo Chúa và tậm trạng của ông trong những hoàn cảnh cụ thể: Lúc Chúa sống lại, Phêrô ra mộ (Lc 24,12). Phêrô nhớ ánh mắt Chúa nhìn (Lc 22, 61), nhớ lúc Chúa gọi, vâng lời Thầy thả lưới (Lc 5,5). Nhớ lúc Chúa dẹp yên sóng (Lc 8, 22-25., Chúa cho Phêrô đi trên mặt nước (Mt 14, 27-32). Chúa gọi Phêrô: con là đá (Mt 16, 15-19). Phêrô đáp lời “Bỏ Thầy con biết theo ai” (Ga 6, 68). Nhớ lúc được theo Chúa lên núi Tabore (Mc 9, 2-10). Lại nhớ lúc chối Thầy (Mc 14, 66-72). Nhớ lúc Chúa sống lại, hiện ra, Phêrô nghe lời thầy thả lưới (Ga 21, 6-19)…

3.Thơ trữ tình của Khắc Đỗ có những phẩm chất nghệ thuật riêng. Đó là những bài được ghi chú là “Tâm sự một môn đệ trong bóng tối” (chính là tác giả). Đặc điểm “thi pháp” của nhiều bài thơ ở mảng này là kiểu thơ Lãng mạn (1930-1945), thể thơ 7 chữ, 8 chữ, sử dụng ngôn ngữ tượng trưng, thơ thiếu phẩm chất hiện thực (Máu chiều tình sử, Giọt nước mắt Thầy, Thập giá vinh quang, Gặp Người, Khách lạ đường quê, Phục Sinh). Nhiều bài viết theo phong cách thơ Hàn Mạc Tử (Run như hơi thở chạm tơ vàng, Giờ vượt qua, Hừng đồng, Tìm Người.)

Xin đọc:

Thượng Đế chết rồi em biết không

Trần gian đau đáu giấc mơ hồng

Hôm qua khép cửa vùi thân mộ

Giờ tử nạn này chắc chửa xong

Muôn nghìn tinh thể nháo nhào rên

Thanh khí xôn xao lẽ diệu huyền

Thinh lặng nhé em, giờ tưởng lệ

Đức Vua đương nghỉ giấc bình yên

                    (Giờ vượt qua)

Những bài “tâm sự của Chúa Giêsu” (Yêu đến cùng, Đêm hấp hối, Đường lên

 Núi Sọ, Giờ phút lâm chung, Này là Mẹ con) là những bài dù tác giả có nhập thân vào Chúa để cùngrung cảm với nỗi đau của Thầy, nhạy cảm với tâm tư của Thầy và đồng cảm với tấm lòng của Thầy”, thì người đọc cũng nhận ra giữa khát vọng sáng tạo và tác phẩm bằng câu chữ có một khoảng cách chưa vượt qua được: tác giả chỉ thuật lại Kinh thánh mà chưa khám phá được nội tâm của Chúa.

Thơ chỉ thuật lại sự việc và gợi ra một vài cảm xúc của Chúa mà chưa đi sâu vào nội tâm của Chúa: “nặng trĩu sầu bi”, “Lệ sầu vò võ trăm điều”, “Lòng Thầy khắc khoải bâng khuâng”, “Hồn con xao xuyến lệ sa hãi hùng”, “Lòng Con khắc khoải não nùng/ Buồn phiền chết được, nghìn trùng đớn đau”, “Ruột gan khổ sở dường bao/ Mồ hôi lã chã như trào máu tươi./ Chứa chan mắt lệ rã rời”; “Nặng sầu ngó lại nhân gian/ Đường lên Núi Sọ quan san một màu./ Xuôi tay… nhắm mắt… gục đầu…”; “Mọi điều hoàn tất xong xuôi/ Gồng mình kêu lớn một hơi cuối cùng”.

Để khám phá “tâm sự của Chúa Giêsu”, có lẽ người làm thơ cần soi chiếu ý thức hiện hữu của Chúa trên đường khổ giá trong nhiều chiều kích hiện sinh, sử dụng Phân tâm Hiện sinh và miêu tả “dòng ý thức”, thay vì thuật truyện và viết cảm nhận như nhiều người quen làm. Những gì thấy bên ngoài mới chỉ là hiện tượng vật lý (“buồn phiền, mồ hôi lã chã, chứa chan mắt lệ, Xuôi tay…nhắm mắt…gục đầu”).

Có khám phá nội tâm của Chúa trong các chiều kích ấy thì mới có thể rung cảm với nỗi đau của Thầy, nhạy cảm với tâm tư của Thầy và đồng cảm với tấm lòng của Thầy”.

ĐÔI ĐIỀU CHIA SẺ VỚI TÁC GIẢ

          Tập thơ Tâm sự mùa vượt qua khẳng định nhà thơ Lm Khắc Đỗ là một khuôn mặt thơ ca Công giáo có những đường nét đặc sắc, đặc biệt là những trường ca lục bát có thể phát triển thành những truyện thơ lục bát, một thể loại thơ truyền thống (Đoạn trường tân thanh, Lục Vân Tiên).

            Về thi pháp, Khắc Đỗ đóng góp vào thơ ca Công giáo sự kết hợp dòng chảy tự sựdòng chảy tâm trạng trong những trường ca giàu chất tự sự. Điều này hoàn toàn khác với thể “Diễn ca” truyền thống. Khả năng kiến tạo tác phẩm thơ của Khắc Đỗ có thể đem đến cho văn học Công giáo những tác phẩm giá trị.

            Việc “làm mới” thơ của mình để có thể hội nhập với thơ Việt đương đại có lẽ là một hướng cần được quan tâm (như những đóng góp của thơ Xuân Ly Băng, Lê Đình Bảng, Trăng Thập Tự, Sơn Ca Linh, Cao Gia An, …)

            Tháng 1/ 2024


[1] Vè dân gian: hình thức tự sự bằng văn vần, kể chuyện người thật việc thật, mang tính thời sự, tính trào phúng. Một bài vè thường ít được trau chuốt về mặt hình thức mà tập trung thể hiện nội dung được thông báo (Trần Tùng Chinh, Giáo trình văn học dân gian Việt Nam)

[2] Bùi Công Thuấn-Thơ Công giáo Việt Nam đương đại, những sáng tạo mới

  Nguồn: Bùi Công Thuấn-Văn học Công giáo Việt Nam đương đại, Nxb Hội Nhà văn, 2022

https://www.vanthoconggiao.net/2022/04/tho-ca-cong-giao-viet-nam-uong-ai-nhung.html

THƠ CHỌN

CHUYỆN BÊ-TA-NIA

Bê-ta-ni, ngày … tháng … năm …

(Tâm sự một môn đệ trong bóng tối)

***

Ngày lên hun hút tầng xanh

Ác vàng nhả giọt nắng hanh đã đầy.

Một cơn gió bụi hao gầy

Đường quê bao dấu chân Thầy đã in.

Có người viễn khách đưa tin

Vội vàng tìm Chúa, cầu xin ngậm ngùi.

Thưa rằng: “Khẩn thiết hỡi ôi!

Đường xa lặn lội khắp nơi tìm Thầy.

May sao tương ngộ chốn đây

Như cơn nắng hạn gặp ngay mưa rào!

Sự tình đau xót xiết bao

Người Thầy thương mến đương vào lâm nguy!

Bấy nay mắc bệnh nan y

Dữ nhiều lành ít cực kỳ yếu hơi.

Chạy thầy chạy thuốc khắp nơi

Vô phương cứu chữa Thầy ơi, thôi rồi!”

Hung tin vừa mới dứt lời

Bốn bề im ắng, lòng người hoang mang.

Môn sinh to nhỏ luận bàn:

“Bê-ta-ni chính tên làng thiết thân.

Nhà này là chỗ nghỉ chân

Thầy trò ta đã nhiều lần viếng thăm.

Tình sâu nghĩa nặng tháng năm

Đôi bên tri kỷ tri âm nồng nàn.

Mát-ta chị cả dịu dàng

Ma-ri thứ nữ đoan trang mặn mà.

Út nam tên gọi La-da

Phen này bạo bệnh xót xa lòng Thầy.

Chắc rằng Thầy sẽ đến ngay

Dấy niềm ai cảm, ra tay chữa lành.”

Bất ngờ Chúa bảo chung quanh:

“Bệnh này không dễ chết nhanh sớm chiều!

Nhưng vinh quang Chúa cao siêu

Tỏ nơi Thánh Tử dấu yêu từ rày.”

Án binh bất động hai ngày

Rồi sau Chúa bảo: “Hãy quay trở về!

Nào ta cùng tới Giu-đê.”

Thưa rằng: “Khốn khó mọi bề Thầy ơi!

Dại chi chuốc họa vào người

Kìa dân Do Thái chờ thời đã lâu.

Đòi phen ném đá hại nhau

Oán thù biết rõ, hơi đâu lụy phiền!”

Chúa rằng: “Bạch nhật thanh thiên

Đủ mười hai tiếng, chẳng thêm bớt gì.

Phàm ai ở giữa quang huy

Thấy nguồn ánh sáng, bước đi vững vàng.

Còn như đêm tối lên đàng

Sẽ mau vấp ngã, quáng quàng lăn quay!

La-da yên giấc giờ đây

Thầy đi đánh thức dậy ngay cho người!”

Thưa rằng: “Say giấc ngủ vùi

Qua cơn sẽ tỉnh, phục hồi như xưa!”

Biết câu bóng gió dư thừa

Một đằng thâm ý, hiểu bừa một nơi.

Chúa liền kiến giải tiếp lời:

“Bạn ta chẳng phải ngủ chơi thường tình!

Ý Thầy nói cuộc tử sinh

Anh La-da đã tường minh chết rồi!

Thầy không hiện diện kịp thời

Để anh em biết tin nơi lời Thầy.

Nào ta đến với bạn ngay!”

Tô-ma nghe vậy, khoát tay hùng hồn:

“Đi nào các bạn đồng môn

Theo Thầy sống chết vẹn tròn mới thôi!”

Đường về cảnh cũ chơi vơi

Tâm tư bổi hổi, khúc nôi dạt dào.

Vừa nghe tin Chúa ghé vào

Mát-ta vồn vã ra chào từ xa.

Rằng: “Ôi thảm thiết bao la

Em con đã chết, Thầy đà biết chưa?

Nay thành thiên cổ người xưa

Chôn trong huyệt mộ cũng vừa bốn hôm.

Thầy xem tang quyến sầu tuôn

Thân nhân phúng viếng chia buồn bấy nay.

Ví dù Thầy có ở đây

Em con đã chẳng xuôi tay lìa đời!

Thầy xin Thiên Chúa một lời

Con tin Thầy sẽ được Người ban cho.”

Chúa rằng: “Chị chớ phải lo!

Này đây em chị đến giờ tái sinh.”

Rằng: “Con vẫn cứ đinh ninh

Đến ngày sau hết, em mình sống thôi!”

Chúa rằng: “Nói chuyện xa xôi

Chính Thầy, sự sống đời đời quang uy!

Ai tin, dù có chết đi

Sẽ luôn được sống diệu kỳ vô biên.

Còn ai sống, dạ vững tin

Sẽ không phải chết triền miên ngàn đời.

Riêng phần chị có tin lời?”

Đáp rằng: “Tấc dạ không ngơi tin thờ!

Chính Thầy là Đức Ki-tô,

Là Con Thiên Chúa, Đấng vô gian trần.”

Dứt lời xác tín thành tâm

Mát-ta khấp khởi quày chân trở về.

Tìm cô em gái tỉ tê:

“Kìa Thầy đã đến, còn lề mề chi!

Thầy kêu em đấy, nhanh đi!”

Nghe xong tin báo, Ma-ri điếng người.

Ruột gan dẫu rối bời bời

Nét hoa càng tủi, càng tươi lạ lùng.

Lòng yêu vừa giận vừa mừng

Gạt mau nước mắt lưng tròng xót xa.

Những người phúng viếng ở nhà

Thấy cô đi vội, tưởng ra mộ phần.

Họ liền lũ lượt theo gần

Tìm phương an ủi vơi dần sầu đau.

Không gian ảm đạm một màu

Mong manh liễu yếu, rủ nhàu đào tơ.

Hoa xuân thổn thức dại khờ

Chúa xuân tìm gặp, hết vờ héo hon

Ma-ri mắt lệ nỉ non

Bóng Thầy hiển hiện, lòng son rã rời.

Gieo mình phục dưới chân Người

Rằng: “Ôi, nước chảy hoa trôi bẽ bàng!

Chờ ai ngày cạn tháng tàn

Mong ai cho đến muộn màng vẫn mong!

Tin Thầy biền biệt non sông

Có Thầy, hiền đệ đã không chết rồi!

Nay cơn gia biến tơi bời

Tan hoa nát ngọc, dập vùi cô thân.

Má hồng dám chịu đa truân

Những mong được chết một lần cùng em!

Lá vàng, gốc rễ còn nguyên

Lá xanh ai nỡ vội đem lìa cành!

Ngậm đau nuốt tủi thôi đành

Bại gia lệch nghiệp tan tành, Thầy ơi!

Nỗi lòng bẳn hẳn khôn vơi

Xót người ở lại, tiếc người ra đi!

Nay Thầy ghé đến làm chi

Cho ai vấn vít sầu bi đoạn trường.

Thâm tình nào phải người dưng

Em con cũng chính người thương của Thầy!

Bóng chim tăm cá bao ngày

Ngờ đâu đến cuộc sum vầy trái ngang!

Thầy ơi, châu lụy võ vàng

Giọt mừng, giọt tủi hai hàng song song…”

Mấy lời thẳng dạ ngay lòng

Nghe qua ai chẳng cảm thông sụt sùi?

Nhìn quanh thảm cảnh lệ rơi

Tâm can Chúa cũng bồi hồi xuyến xao.

Hỏi: “Chôn thi thể nơi nào?”

Thưa: “Mời Thầy đến huyệt đào mà xem!”

Bất đồ xúc cảm trào lên

Chạnh lòng Chúa khóc ướt mèm mắt môi.

Đã mang mỏng mảnh phận người

Nhân tình thế thái sao đòi vô ưu

Ngại gì một chút luyến lưu

Giường treo tiếc bạn, đàn ru xót mình!

Đầm đìa châu lụy điêu linh

Nghẹn ngào nghĩa trọng thâm tình còn đâu?

Sinh ly tử biệt mặc dầu

Chia phôi nào chẳng nặng sầu ruột gan!

Dân làng thấy Chúa khóc than

Xầm xì xuôi tính ngược bàn xôn xao:

“Ồ, Ngài thương bạn biết bao!

Nghe đâu trước đó dồi dào quyền năng.

Mắt mù chữa sáng như trăng

Lẽ nào lại để thân bằng chết non?”

Nghe qua, Chúa lại héo mòn

Xót người mệnh yểu phận dòn dở dang!

Bần thần bước tới cửa hang

Truyền đem phiến đá chắn ngang khỏi mồ.

Mát-ta thổn thức tri hô:

“Lạy Thầy tử khí uế ô nặng mùi!

Bốn hôm táng xác xong rồi.”

Chúa rằng: “Chị chẳng tin lời Thầy sao?

Vinh quang Thiên Chúa trên cao

Đến hồi tỏ hiện nhiệm mầu sáng tươi.

Cứ tin sẽ thấy diệu vời!”

Nói xong, Chúa ngước lên trời cầu xin:

“Lạy Cha quyền phép vô biên

Ơn Cha nào biết đáp đền cho cân?

Tin Cha rất mực từ nhân

Hằng nghe, đoái nhận mỗi lần Con kêu.

Lời Con thống thiết bao nhiêu

Trước cho dân chúng thoát điều thị phi.

Sau cho họ hết hoài nghi

Tin rằng Con đến cũng vì Cha sai.”

Đoạn Ngài cất tiếng hùng oai:

“La-da, chỗi dậy! Ra ngoài mau lên!”

Thinh không vừa dứt lệnh truyền

Lạ kỳ kẻ chết nhãn tiền ra ngay.

Vải còn quấn chặt chân tay

Khăn còn phủ kín mặt mày trước sau.

Chúa rằng: “Hãy tháo cởi mau

Vải băng, khăn liệm ngõ hầu anh đi.”

Trông xem phép lạ huyền vi

Người người sửng sốt quyền uy cao vời.

Phen này mục kích hẳn hoi

Phục sinh kẻ chết, chuyện chơi phải nào!

Ngán thay dư luận ồn ào

Khen chê đủ tiếng ra vào vô tư.

Tin đồn đến giới kinh sư

Họ liền bàn cách diệt trừ đối phương.

Quyết tiên hạ thủ vi cường

Khỏi lo hậu họa khôn lường từ nay.

Mưu hèn kế bẩn vạch ngay

Chờ cơ hội tới, ra tay làm liền…

…Bê-ta-ni khắp một miền

Rộn ràng yến ẩm ngày đêm tiệc mừng.

Từ hôm sự việc lạ lùng

La-da, kẻ chết cuối cùng hoàn sanh.

Ngôi làng bỗng chốc nổi danh

Kẻ lui người tới nhiệt thành đông vui

Thơ KHẮC ĐỖ 39

‘Vượt Qua’ đại lễ đến nơi

Nghe đâu Chúa trở lại chơi vài ngày.

Mát-ta bận bịu luôn tay

Cùng hai em thết đãi Thầy tiệc hoa.

Đón mừng nồng hậu thiết tha

Khách quen kéo đến chật nhà chung vui.

Hiếu kỳ lắm kẻ tìm coi

Người làm phép lạ lẫn người hoàn sinh.

Hồi lâu khai tiệc linh đình

Mát-ta bồi yến cảm tình rưng rưng.

Rằng: “Ôi nỗi nhớ niềm thương

Lời phàm sao nói tỏ tường Thầy ơi!

Ơn Thầy bát ngát trùng khơi

Vắng xa mới quý những thời kề bên.

Sự đời như giấc mơ tiên

Vàng son kỷ niệm bình yên hôm nào.

Ơn Thầy bể rộng non cao

Nghĩa tình khắng khít máu đào khác chi!

Có qua những lúc biệt ly

Mới tin yêu phút hồi quy rỡ ràng.

Có qua dâu bể bàng hoàng

Mới mong thấu hiểu thiên đàng tương thân.

Tạ Thầy cải hoán gia ân

Trái sầu tang tóc xoay vần hỷ hoan.

Áo sô cởi bỏ điêu tàn

Khoác lên lễ phục vô vàn thanh cao.

Ơn Thầy ví nặng cù lao

Kể sao cho hết, trả sao cho vừa!”

Lời vàng ý ngọc đón đưa

Ấm lòng thực khách say sưa đồng bàn.

La-da tâm khảm xốn xang

Nghĩ mình, mình lại mênh mang mừng mình!

Kể từ tử nạn tái sinh

Đã mang một món nợ tình tri âm.

Mới nghe đồn đại xa gần

Kinh sư, thượng tế mưu thâm hại Thầy.

Sợ gì vạ gió tai bay

Theo Thầy mất mạng sống này cũng theo!

Rượu trà xôm tụ mừng reo

Ma-ri dáng vẻ diễm kiều bước ra.

Mười phần rạng rỡ nét hoa

Hương xuân trong ngọc trắng ngà hình dung.

Dầu thơm nguyên chất cam tùng

Một cân hảo hạng vui mừng đem ngay.

Quỳ bên chân Chúa tra tay

Xức lên dầu quý đắm say tràn trề.

Hương thơm sực nức bốn bề

Dịu dàng lấy mái tóc thề mà lau.

Rằng: “Ôi tương ái nhiệm mầu

Tóc mai dài vắn dám đâu hững hờ!

Con quỳ đắm đuối niềm mơ

Run run thể xác, sững sờ hồn thiêng.

Tình châu nghĩa báu vô biên

Dám xin một chút dành riêng gọi là

Dầu thơm một lọ đậm đà

Lòng son một tấm mặn mà kém chi!

Lời Thầy, con vẫn ngẫm suy

Trăm muôn dầu tóc sao bì ơn sâu!

Cho con quỳ nép tựa đầu

Tóc mây dù rối, bình dầu có vơi.

Hằng mong quấn quít chẳng rời

Bên chân Thầy, chính nguồn vui kỷ phần!”

Thấy cô hành động lần mần

Giu-đa cay cú xà tâm bất bình:

“Xét cho đạt lý thấu tình

Đúng ra đem bán đứt bình dầu đây!

Ba trăm quan lấy về ngay

Một phen bố thí thẳng tay dân nghèo.

Lời y giả tạo lèo nhèo

Mượn danh bác ái ăn theo dần dần.

Đã quen lấy cắp nhiều lần

Giữ tiền rồi biển thủ phần quỹ chung.

Chúa rằng: “Chớ cản lung tung!

Dầu thơm nàng xức biểu trưng sau này.

Dành cho ngày táng xác Thầy

Đẹp thay nghĩa cử hôm nay nàng làm!

Chung quanh sẵn kẻ bần hàn

Còn Thầy chẳng ở đến ngàn đời đâu!

Việc nàng truyền mãi về sau

Tới khi thiên hạ thắm màu Phúc Âm.

Còn nghe nhắc nhở rần rần

Hương yêu ngào ngạt, đan tâm nồng nàn.

Lưu danh muôn thuở chuyện làng…”

***

NHỜ EM, THIẾU NỮ XI-ON

Nhà Tiệc Ly, ngày … tháng … năm …

(Tâm sự Mác-cô hay người môn đệ bỏ chạy trần truồng trong Vườn Dầu)

Nhờ em, thiếu nữ Xi-on

Đưa tôi rảo bước đường mòn thánh đô.

Về thăm bờ giếng, sông hồ

Băng ngang đồng lúa, ghé vô Đền Thờ.

Lần trong sỏi đá bụi mờ

Dấu Chân Chí Thánh năm xưa vẫn còn.

Nhờ em, thiếu nữ Xi-on

Dắt tôi lai vãng đỉnh non buổi nào.

Để nghe cho thỏa ước ao

Hiến chương Bát Phúc dẫn vào trường sinh

Nhờ em kể lại sự tình

Hôm Thầy lên núi hiển vinh chói lòa.

Hoặc về tiệc cưới Ca-na

Cho xin chút rượu lúc ngà ngà say!

Nhờ em giới thiệu với Thầy

Có người môn đệ chờ ngày Vượt Qua.

Đêm nào hớt hải chạy ra

Vườn Dầu độ ấy lệ nhòa sắt son.

Nhờ em, thiếu nữ Xi-on

Mang theo vò nước hứng nguồn ân thiêng.

Chảy từ thương tích vô biên

Trào dâng phần rỗi triền miên cho đời.

Tôi về lòng bỗng rộn tươi

Còn trông lả lướt rạng ngời dáng thon.

Phải em, thiếu nữ Xi-on

Gót sen thoăn thoắt truyền loan Tin Mừng?

Cho tôi khăn gói đi cùng…

***

Run Như Hơi Thở Chạm Tơ Vàng

Con phủ phục lòng giữa ánh quang

Run như hơi thở chạm tơ vàng (*)

Tâm tư bỡ ngỡ, hồn xao động

Thổn thức, Mẹ ơi, có muộn màng?!

Con dám chi mà ngưỡng vọng cao

Ngửa trông đã thấy lệ tuôn trào

Kìa ơn vũ lộ, ôi chan chứa

Con gửi ngàn thu tiếng ngọt ngào.

Trọn tiếng Xin Vâng, Mẹ dứt lời

Thiên đàng òa vỡ phút reo vui

Không gian dồn nén niềm hoan chúc:

Tỳ nữ khiêm cung của Chúa Trời.

Mẹ là trắc bá núi Xi-on

Tỏa ngát hương thơm tận đỉnh nguồn

Bách thảo Li-băng nào dám sánh

Cung lòng Thánh Mẫu, tự Ngôi Con.

Từng chiều con ngắm Mẹ uy nghi

Miệng lưỡi trần gian biết nói gì:

Vạn mã thiên binh tràn dũng khí

Đôi vầng nhật nguyệt nét phương phi.

Từng chiều con ngắm Mẹ thông công

Thập giá Can-vê trút cạn lòng

Vạn tiễn xuyên tâm nào chẳng phải

Sầu bi lặng chết cõi thinh không

Từng chiều con hát, Mẹ khen hay

Một thuở say sưa trải tháng ngày

Hơi thở còn run, còn phủ phục

Tơ vàng bao sợi đã vương bay…

***

Mùa Chay, đọc “BÀI THƯƠNG KHÓ ĐỨC GIÊSU” của Lê Đình Bảng

Bạn có thể đọc các bài viết chính của Bùi Công Thuấn theo link:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

Chúa khóc thương ai hay khóc chính mình”

        (Đọc bài thơ BÀI THƯƠNG KHÓ ĐỨC GIÊSU của Lê Đình Bảng)

Bùi Công Thuấn

***

Đang là Mùa Chay, mời bạn cùng đọc.

BÀI THƯƠNG KHÓ ĐỨC CHÚA GIÊSU

Francis Assisi Lê Đình Bảng.

Chúa kêu khát, những hai nghìn năm trước
Có ai thương, cho được giọt nước nào                
Chỉ thấy giấm chua, mật đắng, gươm đao
Chênh vênh, giữa bầu trời và mặt đất

Hai nghìn năm, những khăn choàng giấu mặt     
Gõ cửa từng nhà, nước lã ra sông
Lặn lội thân cò, con vạc, con nông
Đổ hết máu mình ra, cho đến chết

Yêu là thế. Đến tận cùng cạn kiệt                        
Đêm mịt mùng. Đêm gà gáy canh ba      
Nhọc nhằn lên Núi Sọ Golgotha
Con chiên Chúa tôi bỏ đi đâu hết

Đêm mướt máu. Đêm Vườn Dầu, thao thiết      
Chúa khóc thương ai hay khóc chính mình
Lạy Cha, lạy Cha, này những dấu đinh            
Ôi, chén đắng, làm sao con uống được

Bao nhiêu người thân, nửa đường bỏ cuộc        

Bao nhiêu dấu yêu, khấn hứa, thề bồi 
Chỉ còn đây, vàng vọt, đóa trăng soi
Ôi, chén đắng, Con làm sao uống được

Họ đón gió. Để cầm cờ, đi trước                  
Để mua vui, xem rao bán, chợ trời               
Chúa-ba-mươi-đồng- bạc- lẻ-tiền-tươi
Chúa chết tả tơi, trần truồng, nhục khổ

Ôi, cái chết đã tận cùng bằng số
Bởi những âm mưu, toan tính thấp hèn                
Bởi những chiêu trò, lòng dạ nhỏ nhen               
Đi đâu hết, những thề non, hẹn biển

Chán vạn kẻ ngồi đồng bàn, chung chén
Sao, chỉ một mình Simon quá giang           
Và Veronica tóc rối, đầu tang                     
Con cái Chúa ra người dưng nước lã                  

Lũ chúng con, phường lưu dân tụ bạ            
Hễ đông vui, xúm xít vỗ tay vào
Như bọn ăn mày đánh đổ cầu ao              
Tạt nước theo mưa, hoa trôi bèo dạt


Hơn hai nghìn năm, Chúa còn kêu khát  
Babylon ôi, liễu rũ, hoang tàn                           
Đã mấy mùa chay, tím ngắt hoa xoan
Đêm mướt máu, khát, khô hầu, bỏng họng

Tiếng kêu ấy, lạc trong vùng phủ sóng
Của những say hương, say khói, lên đồng          

Của những kiệu cờ, kèn trống, hát rong              
Tuồng tích cũ, đã cả thèm, chóng chán

Một mình Simon ghé vai, cửu vạn
Giữa cảnh phố phường biểu ngữ, pano
Vâng, thưa ngài Tổng Trấn Phi la tô         

Trước cái chết, rửa tay, là đồng loã

Người đàn bà bị lôi ra, ném đá
Ngay giữa thanh thiên bạch nhật, đông người  
Đục hay trong? Còn một bến, một nơi
Sông có khúc và người ta có lúc

Cày xới mãi, vườn chỉ ra hoa đực
Toàn lúa non, bông hạt lép, sâu rầy                
Cả mùa màng, trông bốn phía đông tây
Nửa sự thật, chẳng còn là sự thật

Khi tắt thở, Chúa vẫn còn kêu khát
Màn trong nhà thờ xé ra làm đôi…
Nghe rộn ràng những sênh bát ỉ ôi          
Bài Thương Khó Chúa Giêsu kêu khát
        (trong tập Kinh Cầu Mùa)

***

ĐÔI ĐIỀU VỀ “THƠ SUY TƯỞNG

            Bài thơ “Bài thương khó Đức Chúa Giêsu” là kiểu “Thơ suy tưởng”, khác biệt với “Thơ suy niệm” và “Thi ca cầu nguyện”, vì thế cách đọc và tiếp nhận bài thơ sẽ khác với thơ trữ tình (nhân vật tâm trạng).

            Suy niệm một bài Tin Mừng (bằng thơ hay bằng văn xuôi) là tìm hiểu, đào sâu ý nghĩa bài Tin Mừng ấy, để rút ra bài học tu đức cho cá nhân hoặc một cộng đoàn. Những dịp đọc kinh chung, cộng đoàn thường đọc một đoạn Kinh thánh, sau đó đọc một “bài suy niệm” để lĩnh hội ý nghĩa đoạn Tin Mừng, rút ra bài học đức tin và bài học hành động.

Thi ca cầu nguyện” là thơ để cầu nguyện. Sau khi đã tìm hiểu ý nghĩa Tin Mừng, người làm thơ luôn viết thêm một đoạn cầu nguyện theo chiều kích tâm linh mà mình muốn thưa với Chúa, hoặc chia sẻ với người đọc. Cầu nguyện luôn là tâm tình riêng của một cá nhân tâm sự với Chúa. Khác với lời cầu nguyện của cộng đoàn, mọi người đọc bản kinh chung.

“Thơ suy tưởng” (thuật ngữ phê bình văn học) là thơ trình bày nhận thức của tác giả về một vấn đề xã hội nào đó. “Nhận thức” là hành trình tư tưởng, từ quan sát hiện tượng đến khám phá bản chất của vấn đề và bày tỏ thái độ. Về đặc điểm thi pháp, Thơ suy tưởng là thơ Trữ tìnhchính luận. Ngôn ngữ thơ là lời nói trực tiếp, chỉ có một nghĩa tường minh, khác với ngôn ngữ hình tượng đa nghĩa của thơ trữ tình. Những tác giả làm thơ suy tưởng nổi tiếng ở Việt Nam là Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Duy…[[1]].

Giá trị của thơ suy tưởng là ở những nhận thức mới mẻ, nhà thơ nói được những chân lý của cộng đồng, và nói một cách hùng biện (mời nghe nhà thơ Nguyễn Duy tự đọc bài thơ Đánh thức tiềm lực).

            Khi xác lập bài thơ “Bài thương khó Đức Chúa Giêsu” của Lê Đình Bảng là kiểu “Thơ suy tưởng”, tôi muốn định vị hai điều: Thơ Lê Đình Bảng đa dạng về kiểu loại (Lê Đình Bảng không chỉ có “thơ trữ tình”), và thơ Lê Đình Bảng hội nhập được trong dòng chảy thơ ca dân tộc đương đại. Xin lưu ý, sau 1945, trong hành trình thơ Việt, “thơ suy tưởng” tạo nên một dòng chảy riêng, mạnh mẽ, có những đỉnh cao. Lê Đình Bảng là một nhà thơ Công giáo cũng có mặt trong dòng chảy ấy, với khí sắc riêng.

Những “lời mở” trên đây chỉ là chuẩn bị tâm thế tiếp nhận khi đọc một kiểu loại thơ khác của Lê Đình Bảng, để hưởng thụ được một sắc màu tài năng khác về nghệ thuật thơ của ông; không để mình bị đóng đinh nhận thức về một hồn thơ chỉ vào một kiểu loại nghệ thuật. Bởi phong cách của ông là phóng túng, không chịu trói buộc trong bất cứ những định kiến nghệ thuật nào.

Và như thế, việc đọc “thơ suy tưởng”(thơ của lý trí, trí tuệ, tư tưởng) sẽ rất khác với cách đọc “thơ trữ tình” (kiểu thơ tâm trạng).

            Nhà thơ Lê Đình Bảng gặp nhiều cái khó khi khai thác đề tài “BÀI THƯƠNG KHÓ ĐỨC CHÚA GIÊSU”.

Trước hết là, Chúa nhật Lễ Lá và ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, giáo dân đã được nghe đoạn Tin Mừng thuật lại cuôc khổ nạn của Chúa Giêsu. Và họ đã nghe nhiều lần trong một đời người (tính từ 10 tuổi đến 70 tuổi dự lễ ở nhà thờ mùa Phục Sinh). Vì thế họ đã thuộc lòng Kinh thánh và những gì Giáo hội dạy qua lời giảng của các cha sở. Vậy nhà thơ sẽ “nhận thức” được điều gì mới mẻ về “Bài thương khó của Chúa Giêsu” khác với lời dạy của Linh mục, nhưng không được trái với tín lý? Đây là yêu cầu của việc sáng tạo. Sáng tạo nghệ thuật là làm ra Cái Đẹp Mới.

Thứ hai là: nếu không “suy niệm”(để rút ra bài học), không “cầu nguyện”(để nói chuyện với Chúa), thì nhà thơ sẽ viết điều gì để vửa bảo đảm chất “Thánh” của Tin Mừng, lại vừa đặt ra những vấn đề cho thế giới trần tục hôm nay?

Ta có thể hình dung được sự kết hợp giữa hai thế giới, thế giới Kinh Thánh cách nay hơn 2000 năm, cụ thể là ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Chúa Giêsu hấp hối trên thập giá, và thế giới trần tục hôm nay, với những biến đổi chóng mặt, những trào lưu độc hại làm tha hóa con người, dìm con người trong “địa ngục trần gian”. Có hòa mình vào hai thế giới ấy cùng một lúc người đọc mới có thể đồng nhận thức với tác giả.

DIÊN NGÔN CỦA LÊ ĐÌNH BẢNG

TRONG “BÀI THƯƠNG KHÓ ĐỨC CHÚA GIÊSU

                Bài thơ “Bài thương khó Đức Giêsu” là nhận thức và diễn ngôn về “tiếng kêu”(cũng là “di ngôn”) của Chúa trên thập giá trong giờ phút hấp hối:

 Tin Mừng (Ga 19, 28:30) ghi nhận: “Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: Ta khát! Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giê-su nói: Thế là đã hoàn tất! Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí”. 

Ở đọan Kinh thánh này, nhà thơ Lê Đình Bảng chỉ nhận thức di ngôn “Ta khát!” của Chúa. Mở đầu là luận đề “Chúa kêu khát, những hai nghìn năm trước”. Khi triển khai hệ thống ý tưởng, nhà thơ nhắc lại: “Hơn hai nghìn năm, Chúa còn kêu khát”. Và kết thúc bài thơ, tác giả nhắc lại mạnh mẽ hơn: “Khi tắt thở, Chúa vẫn còn kêu khát”.

Như vậy luận đề của bài thơ là, Chúa kêu“Ta khát!”, Con người đáp lại tiếng Chúa thế nào:

 “Ta khát!”/ Có ai thương, cho được giọt nước nào”.           

Và đây là hệ thống lập luận.

Có hai mạch thơ cùng chảy: tác giả tái hiện hình ảnh Con người và thái độ của họ ở 2000 năm trước và Con người trong lịch sử chảy đến hôm nay.

Hai ngàn năm trước, tất cả đều vô cảm trước tiếng Chúa kêu, Con người bỏ Chúa mà đi. Không ai cho Chúa “giọt nước tình thương” nào.

“Chúa kêu khát, những hai nghìn năm trước
Có ai thương, cho được giọt nước nào                

Chỉ thấy giấm chua, mật đắng, gươm đao…

“…Đêm mịt mùng. Đêm gà gáy canh ba

Nhọc nhằn lên Núi Sọ Golgotha
Con chiên Chúa tôi bỏ đi đâu hết

“…Chán vạn kẻ ngồi đồng bàn, chung chén
Sao, chỉ một mình Simon quá giang           

Và Veronica tóc rối, đầu tang                     

Con cái Chúa ra người dưng nước lã” …

…Một mình Simon ghé vai, cửu vạn
Giữa cảnh phố phường biểu ngữ, pano
Vâng, thưa ngài Tổng Trấn Phi la tô         

Trước cái chết, rửa tay, là đồng loã”

Chúa kêu khát, người ta cho Chúa uống giấm chua. Trong đêm Chúa bị bắt, đêm mịt mùng, Phê rô chối Chúa lúc gà gáy canh ba. Đường lên Núi Sọ.chỉ một mình Simon vác đỡ thánh giá Chúa, chỉ một mình Veronica trao khăn cho Chúa lau mặt, trong cuộc luận tội của Phi la-tô, ông ta rửa tay chối tội đồng lõa với đám đông giết Chúa. Chúa đơn độc trong đêm bị bắt, đơn độc trong cuộc luận tội, đơn độc trên đường vác thập giá và đơn độc trên thập giá “Chênh vênh, giữa bầu trời và mặt đất”.

Hai ngàn năm trước, nào “có ai thương” Chúa trong cuộc khổ nạn?Ba lần Chúa kêu khát, hai lần Chúa đối diện với “Chén đắng”:“Ôi, chén đắng, làm sao con uống được” và “Ôi, chén đắng, Con làm sao uống được”. Đó là tiếng kêu thương thê thiết khi một mình Chúa đối diện với “chén đắng”, nỗi cô đơn hiện sinh bao trùm. Con chiên Chúa tôi bỏ đi đâu hết”/ Con cái Chúa ra người dưng nước lã”. Tiếng Chúa kêu làm rung động khắp vũ trụ nhân sinh, vượt qua thời gian đến tận đáy tâm hồn nhân loại hôm nay. Nghệ thuật trùng điệp của thơ có sức cộng hưởng, làm vang lêntiếng nói thiết tha, đau đớn của nhà thơ trước thực tại lòng người vô cảm, bội bạc đối với tình yêu Thiên Chúa, trước hình ảnh Chúa đơn độc trong cuộc khổ nạn.

Đoạn thơ gợi ra (không dựng lại bối cảnh) con đường khổ nạn của Chúa từ khi Chúa bị bắt trong Vườn Dầu, đến khi hập hối. Và hơn thế, nhà thơ nhận thức toàn cảnh thái độ của Con người trước tiếng kêu của Chúa, dù đó là những môn đệ thân yêu (Phê rô), hay “Chán vạn kẻ ngồi đồng bàn, chung chén”với Chúa, hoặc trong “đêm mịt mùng” hay “Giữa cảnh phố phường biểu ngữ, pano” và cả nơi công đường của Philato. Ở đâu Chúa cũng đơn độc một thân phận hiện sinh trước những bội bạc của Con người. Nhà thơ thốt lên: Cả một thời đại ác tâm, bội bạc, trước tiếng kêu của Chúa. Họ có đáp lại, nhưng không phải là “giọt nước tinh thương” mà là “giấm chua, mật đắng, gươm đao”. Duy nhất có Simon và Veronica còn chút thương tình với Chúa, và người đàn bà ngoại tình bị lôi ra ném đá được Chúa cứu khỏi tội chết, là người biết cảm kích trước tình thương của Chúa..

Ở thời đại của Chúa (cách nay hơn 2000 năm), con người như vậy, còn Con người hôm nay đối với tiếng Chúa kêu, họ đáp lại thế nào?

Lũ chúng con, phường lưu dân tụ bạ            
Hễ đông vui, xúm xít vỗ tay vào
Như bọn ăn mày đánh đổ cầu ao              
Tạt nước theo mưa, hoa trôi bèo dạt

Hơn hai nghìn năm, Chúa còn kêu khát  
Babylon ôi, liễu rũ, hoang tàn                            

Đã mấy mùa chay, tím ngắt hoa xoan
Đêm mướt máu, khát, khô hầu, bỏng họng

Tiếng kêu ấy, lạc trong vùng phủ sóng
Của những say hương, say khói, lên đồng          

Của những kiệu cờ, kèn trống, hát rong              
Tuồng tích cũ, đã cả thèm, chóng chán
 

Nhà thơ nhận ra: “Hơn hai nghìn năm, Chúa còn kêu khát” “Tiếng kêu ấy,

lạc trong vùng phủ sóng”. Nghĩa là, Chúa vẫn kêu suốt hơn hai nghìn năm lịch sử, nhưng tiếng Chúa bị lạc mất giữa Con người.

Ở đoạn thơ này, nhà thơ vừa vạch trần hiện thực vừa lên tiếng phê phán rất mạnh mẽ thực tại lòng người. Con người trong hai ngàn năm qua, và con người hôm nay chỉ là phường lưu dân tụ bạ, “khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai” (nghĩa là bọn lợi dụng Chúa rồi bỏ Chúa, chẳng hạn, bọn theo Chúa để có cái ăn như trình thuật của Kinh thánh). Tiếng Chúa kêu lạc trong những “cơn say” của con người hôm nay. Ngôn ngữ thơ từ bút pháp hiện thực chuyển sang hình ảnh tượng trưng để khái quát về thái độ của loài người đối với tiếng Chúa kêu: “Của những say hương, say khói, lên đồng/ Của những kiệu cờ, kèn trống, hát rong/ Tuồng tích cũ, đã cả thèm, chóng chán”.

Vì ngôn ngữ trượng trưng của thơ có sức khái quát, có sức gợi ra những liên tưởng mà tác giả muốn người đọc cùng chia sẻ, tôi mơ hồ thấy điều này: ngày nay con người “say” nhiều thứ, say tiền, say tình, say địa vị chức tước, say tham vọng, say những hào nhoáng hình thức, say Chủ nghĩa thực dụng, say với Cái Tôi cá nhân vị kỷ và say cả tội ác, …say đến độ thần thánh hóa sự dữ thành lễ hội (‘hương, khói, lên đồng, kiệu cờ, kèn trống, hát rong”). Ngày ngày báo chí đăng không biết bao nhiêu là tệ nạn của nền văn minh sự chết. Thế nhưng trong những lễ hội thật (ở Việt Nam có rất nhiều lễ hội văn hóa, lễ hội tôn giáo), con người hôm nay chỉ là bọn “cả thèm chóng chán”, sôi nổi đấy nhưng cũng vô tâm đây. Họ dự lễ hội như xem trò diễn “tuồng tích cũ” không còn hấp dẫn.

Đâu đây thấp thoáng bóng dáng thái độ của một bộ phận con chiên Chúa trong nhà thờ:

Khi tắt thở, Chúa vẫn còn kêu khát
Màn trong nhà thờ xé ra làm đôi…
Nghe rộn ràng những sênh bát ỉ ôi

     Hai câu thơ đầu tưởng như tác giả tường thuật trang nghiêm. Tiếng Chúa kêu mạnh mẽ đến nỗi “Màn trong nhà thờ xé ra làm đôi”, nhưng ngược lại, trong nhà thờ không ai nghe tiếng Chúa, mà “rộn ràng những sênh bát ỉ ôi”, nơi đang diễn “tuồng tích cũ”. Câu thơ thứ hai: “Màn trong nhà thờ xé ra làm đôi” là sự phẫn nộ của Chúa trước sự vô tâm, giả hình của Con người. Tứ thơ thật bi tráng và mới lạ.

            Như vậy, luận đề của“Bài thương khó Đức Giêsu” là: Chúa kêu “Ta khát”, nhưng trong suốt hai ngàn năm đến nay, không được Con người đáp lại, và, “Hơn hai nghìn năm, Chúa còn kêu khát”.  “Bài thương khó của Chúa” không chỉ là khổ nạn thân xác phải chịu, mà còn là nỗi đau thương bi tráng, tuyệt vọng trước sự thờ ơ, sự bỏ rơi Chúa của Con người: “Chúa kêu khát, những hai nghìn năm trước/ Có ai thương, cho được giọt nước nào”. Không có ai cả! Sự vô tâm bội bạc của nhân gian và nỗi cô đơn tuyệt vọng của Chúa rợn ngợp, bao trùm không gian, bao trùm thời gian, bao cả trùm lịch sử. Đây là một khám phá sâu sắc về tư tưởng của thơ Lê Đình Bảng.             

            Để làm nổi bật “sự thương khó” của Chúa trước sự vô tâm bội bạc của Con người, tác giả vẽ nên những cảnh sắc buồn ảm đạm để khắc họa và tô đậm sự cô đơn tột cùng của Chúa. Đặc biệt là sự tương phản giữa tình yêu vô biên của Chúa với sự vô tâm của con người.

Tác giả nhập thân vào Chúa, nói tiếng nội tâm của Chúa, khám phá hiện sinh về “nhân tính” của Chúa, nhận thức và chia sẻ nỗi đau của Chúa bị con người bỏ rơi, nhận thức cách thức Chúa đối mặt với cái chết (Hiện sinh quy tửBeing toward death-Heidegger). Thơ nghiêng về kiểu thơ tư tưởng.

Hai nghìn năm, những khăn choàng giấu mặt     
Gõ cửa từng nhà, nước lã ra sông
Lặn lội thân cò, con vạc, con nông
Đổ hết máu mình ra, cho đến chết

Yêu là thế. Đến tận cùng cạn kiệt                        
Đêm mịt mùng. Đêm gà gáy canh ba      
Nhọc nhằn lên Núi Sọ Golgotha
Con chiên Chúa tôi bỏ đi đâu hết

Đêm mướt máu. Đêm Vườn Dầu, thao thiết      

Chúa khóc thương ai hay khóc chính mình
Lạy Cha, lạy Cha, này những dấu đinh            
Ôi, chén đắng, làm sao con uống được

Bao nhiêu người thân, nửa đường bỏ cuộc        

Bao nhiêu dấu yêu, khấn hứa, thề bồi 
Chỉ còn đây, vàng vọt, đóa trăng soi
Ôi, chén đắng, Con làm sao uống được

Trong tột cùng cùng nỗi cô đơn, khi “Con chiên Chúa tôi bỏ đi đâu hết”, Chúa kêu lên: “Ôi, chén đắng, Con làm sao uống được”. Tác giả (nhắc lại 2 lần: “làm sao con uống được/ Con làm sao uống được”) để tô đậm nỗi bi thương của Chúa trong thân phận con người hiện sinh suốt trường kỳ lịch sử đi tìm sự thấu hiểu, cảm thông. Dù đã “Gõ cửa từng nhà”, nhưng Chúa hoài công, chẳng khác gì “nước lã ra sông”, dù Chúa đã “Lặn lội thân cò, con vạc, con nông/ Đổ hết máu mình ra, cho đến chết” cũng không tìm được một người cùng thức với Chúa trong đêm Vườn Dầu? Chúa nói với ông Phê-rô: “Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao?” (Mt 26, 40). Và nhìn Chúa “mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22, 44), nhà thơ nhận thức “Chúa khóc thương ai hay khóc chính mình”. Thực sự là con người trần gian không đủ sức cảm nhận nỗi bi thương tột cùng, nỗi cô đơn đến tuyệt vọng và ý thức hiện sinh bi tráng về cái chết mà Chúa đang đối mặt. “Ôi, chén đắng, Con làm sao uống được!”

Đây là một dụng ý khám phá tư tưởng của nhà thơ. Lê Đình Bảng không hề nhắc đến “thần tính Thiên Chúa” của Đức Giêsu, mặc dù Kinh thánh có nói rất rõ: khi Chúa xao xuyến, “Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người”(Mc 22:43). Chúa nói với người đã chém đứt tai tên đầy tớ khi Người bị bắt: “Hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần! Nhưng như thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được? Vì theo đó, mọi sự phải xảy ra như vậy” (Mt 26, 53-54). Lê Đình Bảng khám phá Con người hiện sinh của Chúa, để soi chiếu khám phá con người tại thế của chính mình và của nhân loại, có vậy mới cảm được “cơn xao xuyến bồi hồi” (Lc 22,44) của Chúa trước cuộc tử nạn, mới thấy được tầm vóc lớn lao của ơn Cứu Độ mà Đức Giêsu hiến thân cho nhân loại.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (hiện là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) đã cảm nhận hiện sinh về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu bằng những câu thơ óng ánh châu ngọc và bằng một tâm tình thành kính vô hạn:

“Hỡi Chúa Trời, con quỳ dưới chân người, con gánh trên lưng con bóng tối khổng

 lồ

Đôi môi con run rẩy chạm vào những ngón chân Người giá lạnh nhưng những

giọt máu chảy từ bàn tay bị đóng đinh của Người từng giọt, từng giọt rơi xuống ngực con rực sáng và nóng ấm vô tận

Cây thập giá nơi Người bị đóng đinh trong đêm sừng sững dựng lên cái Cây Ánh

Sáng vĩ đại nhất trên thế gian này…

Để khi bóng tối ập xuống cố dìm con tận đáy của sợ hãi, của cơn đói dục vọng

 thì ngôn ngữ Người ban cho con rực rỡ hiện lên

Giống những ngọn đèn Người vẫn thắp đêm đêm từ thuở trái đất sinh ra và sáng

 mãi, sáng mãi lặng im để con quỳ xuống vừa khóc vừa hát

Trong triệu triệu, triệu triệu tiếng chuông rung lên trên những thánh đường nơi người đã lướt qua ánh sáng ngập tràn” (Chương 2- Dưới cái cây ánh sáng)

Khám phá về con người hiện sinh của Chúa, Nikos Kazantzakis (Triết gia, nhà văn, nhà viết kịch Hy Lạp) viết trong đoạn mở đầu cuốn The Last Temptation of Christ (Cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa) như sau:

Phần nhân tính của Chúa mang tính nhân bản sâu sắc giúp chúng ta hiểu Ngài và yêu Ngài, theo đuổi Nỗi Khổ Hình của Chúa như của chính chúng ta. Nếu Ngài không mang trong mình yếu tố nhân tính ấm áp này Ngài sẽ không bao giờ có thể đạt tới tâm tư của chúng ta với sự chắc chắn và dịu dàng như vậy. Ngài sẽ không thể trở thành mẫu mực cho cuộc sống chúng ta…” (Nxb Đồng Nai 1988, tr.7).

Như vậy, cả Nikos Kazantzakis, Nguyễn Quang Thiều và Lê Đình Bảng đều khám phá “nhân tính” của Chúa trong con người tại thế đối mặt với tử sinh, để từ đó nhận ra Ngài là “mẫu mực cho cuộc sống chúng ta,…chúng ta thấy là chúng ta không lẻ loi trong cuộc đời: Ngài đang đấu tranh bên cạnh chúng ta” (Nikos Kazantzakis-đã dẫn).

Những nhận thức hiện sinh của Lê Đình Bảng về “Bài thương khó của Đức Giêsu” đã đưa thơ Lê Đình Bảng hòa vào dòng chảy tư tưởng thơ Việt (Nguyễn Quang Thiều) và tư tưởng văn chương thế giới (Nikos Kazantzakis).

NGHỆ THUẬT THƠ SUY TƯỞNG CỦA LÊ ĐÌNH BẢNG

1.Hình tượng nhân vật

Trong thơ suy tưởng thường chỉ có một nhân vật (tác giả) là chủ thể nhận thức, suy tưởng và diễn ngôn. Bài thơ được cấu trúc theo kiểu Chính luận (lập luận), dùng ngôn ngữ đơn nghĩa, phát ngôn trực tiếp.

“Nước chúng ta

Nước của những người không bao giờ khuất

            (Đất nước-Nguyễn Đình Thi)

“Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi

Đất nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể…”

            (Đất nước-Nguyễn Khoa Điềm)

Lê Đình Bảng cũng mở đầu bằng một góc nhìn cá nhân:

Chúa kêu khát, những hai nghìn năm trước

Có ai thương, cho được giọt nước nào

Lê Đình Bảng kiến tạo thơ theo cấu trúc logic-nghị luận, nhưng đồng thời lồng vào đó là cấu trúc hình tượng (kiểu cấu trúc kép).Bài thơ có 3 nhân vật, xuất hiện nối tiếp nhau, được vẽ ra trong những bối cảnh và thời gian khác nhau. Nhân vật thứ nhất là tác giả, người vừa quan sát, nhận thức hiện thực, vừa kể chuyện vừa bày tỏ thái độ, quán xuyến suốt cả bài thơ. Nhân vật thứ hai là Đức Giêsu, người khám phá hiện sinh, đối tượng nhận thức của nhân vật thứ nhất, đối tượng tác giả muốn người đọc chiêm ngưỡng, nhận thức và nghĩ suy. Nhân vật thứ ba là: “Lũ chúng con”, đại diện cho con người hôm nay, tự lên tiếng, tự đánh gia, cũng là tự nhận thức và diễn ngôn. Ba nhân vật với những sắc thái tư tưởng-thẩm mỹ khác nhau, tạo nên thế giới nghệ thuật thơ suy tưởng rất riêng của Lê Đình Bảng.

            Tác giả (nhân vật thứ nhất), không hiện diện trực tiếp trong bài thơ, nhưng lên tiếng trực tiếp với người và đưa ra nhận định về từng trường hợp cụ thể. Nhiệm vụ cốt lõi của nhân vật này là lý giải luận đề: nghe Chúa kêu “Ta khát”, thì thái độ của con người thế nào? Tác giả trả lời: con người thờ ơ, vô cảm, bội bạc, bỏ Chúa mà đi. Cả lịch sử hai nghìn năm Chúa không tìm được một người chia sẻ, trái lại, “Hai nghìn năm, những khăn choàng giấu mặt”; “Họ đón gió. Để cầm cờ, đi trước/ Để mua vui, xem rao bán, chợ trời”. Chúa chết vì “những âm mưu, toan tính thấp hèn / Bởi những chiêu trò, lòng dạ nhỏ nhen “ của họ. Và vì thế

Hơn hai nghìn năm, Chúa còn kêu khát  
Babylon ôi, liễu rũ, hoang tàn                           

Đã mấy mùa chay, tím ngắt hoa xoan
Đêm mướt máu, khát, khô hầu, bỏng họng

               Nhân vật thứ nhất (tác giả) phơi bày những sự thật ấy, phơi bày triệt để, lộn trái lương tâm Con người, để  thức tỉnh họ. Nghe tiếng Chúa kêu, con người phải làm gì cụ thể để đáp lại tiếng Chúa (như Simon, như Veronica, như người phụ nữ ngoại tình bị ném đá được Chúa cứu thoát). Sự khác biệt của thơ suy tưởng Lê Đình Bảng với “Thơ suy niệm” và “Thơ ca cầu nguyện” là ở chỗ, tác giả không đưa ra bài học đạo đức nào để dạy dỗ người đọc, mà để người đọc cùng nhận thức và tự hồi tâm.

            Nhân vật thứ hai (Đức Giêsu) tâm sự với Chúa Cha về sứ mệnh “Cứu độ nhân loại”. Tác giả tái hiện lại hình ảnh Đức Giêsu trong Vườn Dầu: “Đêm mướt máu. Đêm Vườn Dầu, thao thiết / Chúa khóc thương ai hay khóc chính mình”, giữa cô quạnh, Ngài kêu lên thê thiết: “Lạy Cha, lạy ChaÔi, chén đắng, làm sao con uống được/ Ôi, chén đắng, làm sao con uống được”. [Xin đọc trình thuật của Mathêu: “Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha“(Mt 26, 39).]. Tác giả khám phá hiện sinh về sự yếu đuối trong nhân tính của Đức Giêsu trước sứ mệnh Cứu độ nhân lọai và sự tuyệt vọng của Ngài trước thái độ bội bạc của con người. “Lạy Cha, lạy ChaÔi, chén đắng, làm sao con uống được/ Ôi, chén đắng, làm sao con uống được”.

            Nhân vật thứ ba là “con người hôm nay”. Đây là kiểu nhân vật tập thể mà tác giả nhập thân, đại diện, tự nhận thức và nhân danh để diễn ngôn:

Lũ chúng con, phường lưu dân tụ bạ            
Hễ đông vui, xúm xít vỗ tay vào
Như bọn ăn mày đánh đổ cầu ao              
Tạt nước theo mưa, hoa trôi bèo dạt

Khổ thơ dùng ngôn ngữ bình dân đương đại, dùng nhiều thành ngữ để khắc họa

 chân dung thấp hèn con người hôm nay và thái độ bội bạc của họ trước tiếng kêu của Chúa. Những đại từ chỉ trống “lũ, phường, bọn” hàm ý khinh miệt. Lũ chúng con chỉ là phường lưu dân tụ tập bậy bạ, “khi vui thì vỗ tay vào”, đến khi thấy Chúa bị bắt đưa đi giết thì chạy cho xa. Chẳng được tích sự gì cho Chúa. Giống như bọn ăn mày nghèo kiết, xin được ít gạo lại đánh đổ ở cầu ao, thế là xong, lại bị không. Tệ hơn thế, lũ chúng con còn là bọn hùa theo tội ác “tát nước theo mưa”, như thể đám dân chúng hùa theo đòi tha Baraba mà đóng đinh Giêsu (Mt 27, 20-23).

Trong cái phường lưu dân bậy bạ ấy, tìm đâu được một người đáp lại tiếng Chúa kêu “Ta khát”:

Gõ cửa từng nhà, nước lã ra sông
Lặn lội thân cò, con vạc, con nông…

…Cày xới mãi, vườn chỉ ra hoa đực
Toàn lúa non, bông hạt lép, sâu rầy                

Cả mùa màng, trông bốn phía đông tây
Nửa sự thật, chẳng còn là sự thật”

Hình ảnh thơ đậm màu sắc thẩm mỹ ca dao, nhưng mang ý nghĩa biểu tượng và hàm nghĩa tư tưởng: “Nửa sự thật, chẳng còn là sự thật”.                   

            Ba nhân vật, mỗi hình tượng có giá trị thẩm mỹ riêng, có sức gây ấn tượng riêng, chứa đựng những ẩn ý tư tưởng riêng, nhưng cả ba hợp lại trong một tổng thể Chính luận-Trữ tình-Tư tưởng, tạo nên một tác phẩm nghệ thuật đa thanh. Kiểu nhân vật này là một đóng góp mới mẻ của Lê Đình Bảng vào thơ Suy tưởng-chính luận Việt đương đại.

2. Màu sắc của ngôn ngữ thơ

Nếu bạn quen đọc thơ trữ tình của Lê Đình Bảng với ngôn ngữ mượt mà bay

bổng, “lời lời như châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”(Nguyễn Du, Đoạn trường tân thanh, câu 1156) thì sẽ bị “sốc” khi tiếp cận với ngôn ngữ trần trụi, đời thường, cách nói năng theo kiểu  “chợ trời” đương đại của bài thơ này.

                Họ đón gió. Để cầm cờ, đi trước                  
                Để mua vui, xem rao bán, chợ trời               
                Chúa-ba-mươi-đồng- bạc- lẻ-tiền-tươi
                Chúa chết tả tơi, trần truồng, nhục khổ

                Ôi, cái chết đã tận cùng bằng số
                Bởi những âm mưu, toan tính thấp hèn               
                Bởi những chiêu trò, lòng dạ nhỏ nhen               
                Đi đâu hết, những thề non, hẹn biển

Vấn đề là tại sao Lê Đình Bảng thay đổi kiểu ngôn ngữ khác hoàn toàn với ngôn ngữ thơ trữ tình của ông?

Phải chăng nhà thơ cũng là một người mà “Ở ăn thì nết cũng hayNói điều ràng buộc thì tay cũng già” (Nguyễn Du, Đoạn trường tân thanh, câu 2534). Nói về sự bội bạc của con người với tiếng kêu “Ta khát” của Đức Giêsu, thì không thể nói bằng ngôn ngữ hoa mỹ, đẹp lãng mạn, mà phải dùng loại ngôn ngữ chắc như gạch đá, dộng thẳng vào tim, may ra mới lay động được chúng.

Khi tắt thở, Chúa vẫn còn kêu khát
Màn trong nhà thờ xé ra làm đôi…
Nghe rộn ràng những sênh bát ỉ ôi 

Câu thơ bộc lộ tất cả sự phẫn nộ của Chúa với bọn giả hình. Tài năng của Lê Đình

Bảng là dùng câu Kinh thánh diễn tả sự rung chuyển trời đất khi Đức Giêsu tắt thở “Và kìa, bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất rung đá vỡ, mồ mả bật tung” (Mt 27, 51), để diễn tả sự phẫn nộ của Chúa trước sự thờ ơ, giả hình của con Chúa trong nhà thờ: “Màn trong nhà thờ xé ra làm đôi…Nghe rộn ràng những sênh bát ỉ ôi”. Người đọc cảm nhận đượcđộ phê phán sâu sắc của câu thơ là từ hình tượng thẩm mỹ của ngôn ngữ (tức là ngôn ngữ thơ), dù nhà thơ có dùng lời ăn tiếng nói đời thường đương đại. Cũng có thể Lê Đình Bảng muốn dùng ngôn ngữ hôm nay để nói với người hôm nay: nói thẳng, nói thật, lộn trái lương tâm phường bội phản, bọn giả hình, bạc ác, không cần phải tượng trưng, hoa mỹ.

            Một sắc thái khác của ngôn ngữ thơ Lê Đình Bảng trong bài thơ này là những tứ thơ dân dã ca dao được chuyển hóa thành những nhận thức tư tưởng. Vẻ đẹp của đồng quê Việt Nam, của đời sống người nông dân hiện lên diễm tuyệt trong thơ Lê Đình Bảng trước đây, giờ mang màu sắc ngược lại

Hai nghìn năm, những khăn choàng giấu mặt     
Gõ cửa từng nhà, nước lã ra sông
Lặn lội thân cò, con vạc, con nông
Đổ hết máu mình ra, cho đến chết

Cày xới mãi, vườn chỉ ra hoa đực
Toàn lúa non, bông hạt lép, sâu rầy                

Cả mùa màng, trông bốn phía đông tây
Nửa sự thật, chẳng còn là sự thật

            Những hình ảnh biểu cảm của ca dao trong những câu thơ trên không còn mang nghĩa hiện thực mà trở thành biểu tượng tư tưởng. Chúa gõ của từng nhà, Chúa lặn lội như thân cò, con vạc, con nông, “Đổ hết máu mình ra, cho đến chết”, nhưng không tìm thấy ai cho Chúa “giọt nước tình thương”. Liên tiếp những hình ảnh đồng áng Việt hiện lên: cả bốn phía đông tây, mùa màng, dù đã cày xới mãi, vẫn chỉ thu được hoa đực, lúa non, hạt lép, sâu rầy, nghĩa là không thu hoạch được gì. Chúa đã “cày xới mãi”, đã “trông bốn phía động tây” nhưng không tìm thấy đâu một mầm sống của “giọt nước tình thương”. Một sự vô vọng rất cụ thể và một nỗi đau buồn mênh mông.

Sự chuyển nghĩa của ca dao dân dã Việt thành không gian tư tưởng Kinh thánh này có nhiều ý nghĩa. Nhà thơ đem Chúa đến từng nhà, cày xới trên khắp cánh đồng, vô vọng đứng trông và tìm kiếm. Chúa gánh lấy tâm trạng, khát vọng cuộc sống của người nông dân Việt, không gian Việt hòa vào không gian Kinh thánh, thật mới lạ và kỳ diệu (tuy có thể gây sốc cho người không quen đọc thơ đạo). Nhà thơ Lê Đình Bảng nỗ lực đưa thơ ca Công giáo vào dòng chảy của thơ ca dân tộc; đó cũng là sự khám phá sáng tạo riêng của nhà thơ về nghệ thuật và tư tưởng, đem đến những trường ngữ nghĩa và màu sắc thẩm mỹ mới cho ngôn ngữ dân tộc, mà tưởng chừng như thứ ngôn ngữ ấy đã cạn kiệt năng lương thi ca.

ĐỌC “BÀI THƯƠNG KHÓ ĐỨC CHÚA GIÊSU” CỦA LÊ ĐÌNH BẢNG, BẠN ĐỌC NGHĨ GÌ?

Nhà thơ Lê Đình Bảng không suy niệm Kinh thánh để rút ra bài học đạo đức kêu gọi người đọc “hãy sám hối” trở về, “phải gục đầu” ăn năn trước “Bài thương khó của Đức Giêsu”. Ông chỉ đặt vấn đề nhận thức: “Chúa kêu khát, những hai nghìn năm trước/ Có ai thương, cho được giọt nước nào”. Và bạn tự trả lời tiếng kêu ấy của Chúa bằng những “giọt nước tình thương”.

Hãy làm những việc cụ thể như Simon, như Veronica, như người đàn bà bị ném đá được Chúa cứu khỏi tội chết. Đừng như Philatô; hay bọn “đón gió trở cờ”, bọn “tát nước theo mưa”! Làm sao để cảm nhận, để chia sẻ nỗi cô đơn, tuyệt vọng của Chúa trong Vườn Dầu vì yêu nhân loại, nhưng lại bị nhân loại bỏ rơi.

Bạn hãy đặt linh hồn mình đối diện với Chúa đang hấp hối trên thập giá và đáp lại tiếng Chúa: “Ta khát!”.

Đêm mướt máu. Đêm Vườn Dầu, thao thiết      
Chúa khóc thương ai hay khóc chính mình.

            Xin mạn phép nhà thơ mở một ngoặc đơn ở đây. Hơn hai ngàn năm qua, “tiếng kêu” “Ta khát!” của Chúa đã được con Chúa đáp lời trong khắp thiên hạ. Tính đến 31/12/2021 trên thế giới đã có 1.375.852.000 người theo Chúa, có 407. 872 linh mục, 608.958 nữ tu [[2]]. Ở Việt Nam [[3]], trong thế kỷ 18 và 19, đã có khoảng từ 130.000 đến 300.000 giáo dân bị giết vì đạo, họ đã lấy máu mình làm chứng cho đức tin. Và tôi hình dung ra, nơi Thiên quốc Đức Giê-su nói với những người theo Chúa: “Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en” (Mt, 19:28).

Mùa Chay 2024

***


[1] Xin đọc

Chế Lan Viên: Làm Hamlet ở Việt Nam: https://www.thivien.net/Ch%E1%BA%BF-Lan-Vi%C3%AAn/L%C3%A0m-H%C4%83m-let-%E1%BB%9F-Vi%E1%BB%87t-Nam/poem-5owcmTJjeuNNEmhnfvzrw

Nguyễn Đình Thi: Đất Nước: https://www.thivien.net/Nguy%E1%BB%85n-%C4%90%C3%ACnh-Thi/%C4%90%E1%BA%A5t-n%C6%B0%E1%BB%9Bc/poem-YFWZ8afu7g2IoLevX1_E2Q

Nguyễn Khoa Điềm: Mặt đường khát vọng: https://www.thivien.net/Nguy%E1%BB%85n-Khoa-%C4%90i%E1%BB%81m/M%E1%BA%B7t-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-kh%C3%A1t-v%E1%BB%8Dng-1974/group-K-KPc0BUQdzcRKS-f2QraA

Nguyễn Duy: Đánh thức tiềm lực: https://www.thivien.net/Nguy%E1%BB%85n-Duy/%C4%90%C3%A1nh-th%E1%BB%A9c-ti%E1%BB%81m-l%E1%BB%B1c/poem-REQKF1MQ8Xtvv6p38vcXyg

[2] Thông kê của giáo hội Công giáo năm 2023

https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thong-ke-giao-hoi-cong-giao-nam-2023-52864

[3] Tóm lược tiểu sử các thánh tử đạo Việt Nam

https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tom-luoc-tieu-su-cac-thanh-tu-dao-viet-nam-31171#:~:text=Trong%20th%E1%BA%BF%20k%E1%BB%B7%2018%20v%C3%A0,t%E1%BB%99i%20hay%20b%E1%BB%8B%20l%C6%B0u%20%C4%91%C3%A0y.

45 NĂM VĂN HỌC ĐỒNG NAI-TỔNG QUAN

Bạn có thể đọc các bài viết chính của Bùi Công Thuấn theo link:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

TỔNG QUAN 45 NĂM PHÁT TRIỂN CỦA VĂN HỌC ĐỒNG NAI

Bùi Công Thuấn

***

BỐI CẢNH LỊCH SỬ-XÃ HỘI

            Ngày30/4/1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ hoàn tòan thắng lợi. Đất nước bước vào kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất; hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển. Không khí chiến thắng bao trùm thời đại. Các nhà văn từ chiến trường bước ra đầy ắp vốn sống, với bao nhiêu là dự định sáng tác. Văn học tiếp tục dòng “Văn học cách mạng và kháng chiến” (1945-1975).

          Những năm trước “đổi mới” (1975-1985), đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng do nhiều nguyên nhân trong nước và do tình hình chính trị thế giới: hậu quả của 30 năm chiến tranh, của nền kinh tế bao cấp; cùng lúc, phải đối mặt với chiến tranh xâm lược từ biên giới phía bắc và phía tây nam… Tính hình ấy đã làm phát sinh nhiều hiện tượng tiêu cực xã hội. Văn học đã bắt đầu lên tiếng trước những hiện tượng tha hóa đạo đức, lối sống trong cộng đồng (thí dụ: Hoàng Văn Bổn viết tiểu thuyết Tình đời đen bạc (1988), tập truyện ngắn Người điên kể chuyện người điên (1992).

            Khi Đảng thực hiện sự nghiệp “đổi mới” (từ 1986 trở đi), lịch sử Việt Nam chuyển sang một thời kỳ mới: phát triển “kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa” và hội nhập toàn cầu hóa; tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, “xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” (Di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh). Nhờ vậy, đất nước bước vào thời kỳ phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Tinh thần chung của thời đại là hòa hợp hòa giải dân tộcViệt Nam làm bạn với thế giới. Đến nay Việt Nam đã có một vị thế vững chắc trên trường quốc tế và hội nhập thành công ở nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị.

Tuy vậy, khi thực hiện công nghiệp hóa, hội nhập toàn cầu, đời sống xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi. Đặc biệt là tình trạng xâm lăng văn hóa diễn ra ở nhiều lĩnh vực (thí dụ: sự lai căng của các ca khúc nhạc trẻ, phim ảnh nào cũng có cảnh “giường chiếu”; lối sống thực dụng trở thành xu thế đời sống thị trường, văn chương thị trường đã có lúc gây lo ngại vì tràn ngập sex, truyện ngôn tình…)

Trong đời sống văn học nghệ thuật, từ cuối thế kỷ XX, có sự du nhập của nhiều lý thuyết văn học vào Việt Nam. Chẳng hạn, một bộ phận người viết trẻ sử dụng những thủ pháp Hậu Hiện đại. Người ta định “giải thiêng” những giá trị văn hóa dân tộc, lật đổ những “đại tự sự”, những tín niệm của một thời lịch sử (tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, hoặc trong “thơ Trẻ” đầu thế kỷ XXI…).

Sự ra đời của Nghị quyết Hội nghị lần thứ V- Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII) “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đập đà bản sắc dân tộc” (ngày 16. 7. 1998), và nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới đã mở ra một thời kỳ phát triển mới cho văn học nghệ thuật Việt Nam.

Văn học Đồng Nai cũng phát triển trong bối cảnh chung của lịch sử xã hội Việt Nam 45 năm qua.

NHỮNG NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN VĂN HỌC

          1.Nhân tố thứ nhất là sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Uỷ ban Nhân dân Tỉnh Đồng Nai. Ngày 31-7-1979, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định công nhận Hội VHNT tỉnh Đồng Nai. Từ đây, văn nghệ sĩ trên địa bàn Đồng Nai được quy tụ lại, cùng hoạt động trong một tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong các kỳ Đại hội Hội VHNT Đồng Nai, các cuộc gặp gỡ văn nghệ sĩ đầu năm mới, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai luôn đến dự và có ý kiến chỉ đạo tại:

            “Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai được thành lập từ năm 1979, trải qua 4 nhiệm kỳ đại hội, văn nghệ sĩ tỉnh nhà đã chung tay gánh vác sứ mệnh người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, luôn đồng hành cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà trong quá trình xây dựng và phát triển. Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đồng Nai luôn coi trọng vai trò, vị trí của văn học nghệ thuật và đánh giá cao những đóng góp của anh chị em văn nghệ sĩ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà; xác định văn học nghệ thuật là lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hóa, là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, nhiều năm qua, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đồng Nai đã kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhà ngày càng phát triển, nhất là trong hoạt động sáng tác của văn nghệ sĩ. Tuy còn có những cách đánh giá khác nhau về cùng một vấn đề nhưng Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đồng Nai luôn tôn trọng, đảm bảo quyền tự do sáng tạo, phát huy tính độc lập, khuyến khích mọi nguồn lực sáng tạo của anh chị em văn nghệ sĩ tỉnh nhà”[[1]]

Các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai luôn đặt việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh làm tiêu chuẩn hàng đầu: “Trong nhiệm kỳ qua, Hội đã thành lập Đảng đoàn gồm các đảng viên là ủy viên Ban Chấp hành. Thông qua Ban Thường trực và Ban Chấp hành, Đảng đoàn đã kịp thời triển khai các Nghị quyết của Đảng và Chỉ đạo của Tỉnh ủy về các mặt hoạt động thực hiện chức năng và nhiệm vụ của Hội [[2]].

Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của UBND Tỉnh Đồng Nai là yếu tố quyết định sự thành công của hoạt động của Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Nai. Đó là việc tổ chức đội ngũ, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, việc tổ chức các hoạt động phong trào, về khen thưởng (Giải Trịnh Hoài Đức và giải thường hàng năm của Hội VHNT Đồng Nai).

Trong Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 13/4/2023 do Ban Thường vụ trung ương (Ban TVTU) tổ chức, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai đã nhận định: Hoạt động VHNT ngày càng bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, bám sát thực tiễn đời sống xã hội. Nhiều tác phẩm VHNT đã tập trung phản ánh về đời sống nông nghiệp, nông thôn và nông dân, gắn với miêu tả cuộc sống mới, con người mới…

Ông cho biết: tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, tuyên truyền sâu sắc đến cán bộ, đảng viên, hội viên và quần chúng nhân dân về quan điểm, đường lối văn hóa nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025). Thực hiện có hiệu quả các nội dung về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới; gắn nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo phát triển VHNT với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh [[3]].

            2.Nhân tố thứ hai là đường lối văn học nghệ thuật của Đảng. Đề Cương văn hóa Việt Nam (1943) và Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam (1948) là những cương lĩnh về văn hóa văn nghệ của Đảng trong giai đoạn kháng chiến (1945-1975). Khi đất nước hòa bình và hội nhập toàn cầu hóa, các Nghị quyết Trung ương 5 (16/7/1998) và Nghị quyết 23/ BCT khóa X (16/6/2008) đã mở ra con đường phát triển rất rộng cho văn học:

Mục tiêu: “xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và khuyến khích sáng tạo: “Trên nền tảng mỹ học mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh, khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại; lên án, phê phán không khoan nhượng những tiêu cực, xấu xa đang cản trở sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam”. Quan điểm chỉ đạo là: “Văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ” (Nghị quyết 23/BCT đd).

Thời gian qua đã khẳng định các Nghị quyết của Đảng đã đáp ứng được khát vọng sáng tạo của văn nghệ sĩ, và mở ra một thời đại văn học mới sau văn học kháng chiến (1945-1975): “Văn chương hội nhập toàn cầu hóa”.

            3.Nhân tố thư ba là sự giao lưu văn hóa toàn cầu giúp đổi mới nghệ thuật văn chương. Các lý thuyết văn học, các trào lưu tư tưởng, các khuynh hướng, làn sóng văn hóa (trend) phương tây tràn vào đời sống văn hóa nghệ thuật Việt, được văn nghệ sĩ Việt thử nghiệm, tạo ra một bộ mặt mới. Ở phần ý thức sáng tạo, đã có những đòi hỏi viết khác với Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa. Trên các diễn đàn, nhiều tranh luận về Hậu Hiện đại. Thơ bây giờ không chỉ đọc mà khán giả có thể xem trình diễn thơ. Có một nỗ lực cách tân thơ Việt mạnh mẽ đầu thế kỷ XXI. Truyện Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư (2005), Bóng đè (tập truyện ngắn) của Đỗ Hoàng Diệu (2005) đã tạo nên một cuộc tranh luận rất ồn ào đương thời.

Trong cuộc hội nhập, văn chương Việt Nam đã có lúc lệch lạc [[4]]. Tuy nhiên Văn học Đồng Nai vẫn giữ được phẩm chất chính trị của nền văn học cách mạng.

            4.Nhân tố thứ tư là vai trò tích cực của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai.

Đây là đánh giá của Tỉnh ủy Đồng Nai:

“Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ qua là hầu hết anh chị em văn nghệ sĩ luôn tỏ rõ sự vững vàng về quan điểm chính trị, đúng đắn về phương pháp sáng tác theo các xu hướng nghệ thuật tiến bộ, không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi mặt trái của cơ chế thị trường cũng như sự xâm nhập của các trào lưu văn hoá xa lạ, ngoại lai. Trên chặng đường sáng tác phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, văn học nghệ thuật tỉnh nhà trong nhiệm kỳ qua đã sinh thành nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, khắc hoạ sinh động đời sống kinh tế, xã hội cùng truyền thống văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc về vùng đất và con người Biên Hòa – Đồng Nai trong quá trình hình thành, phát triển và hội nhập. Với con số 1.400 tác phẩm văn học, sân khấu, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật… được công bố, trong đó nhiều tác phẩm xuất sắc được tặng thưởng các giải văn học nghệ thuật ở địa phương, Trung ương và quốc tế…”[[5]].

Công tác tổ chức của Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai (hạt nhân là Ban Chấp hành các nhiệm kỳ), cùng với, nỗ lực sáng tạo của mỗi nhà văn đã tạo nên diện mạo nhiều góc cạnh, nhiều màu sắc thẩm mỹ của văn học Đồng Nai.

Chi Hội Nhà văn Đồng Nai là một đội ngũ hùng hậu về tài năng, gồm các nhà văn: Bùi Quang Tú (1948-2023), Khôi Vũ (Nguyễn Thái Hải), Nguyễn Một (Dạ Thảo Linh), Nguyễn Trí, Trần Thu Hằng, Hoàng Ngọc Điệp, Pham Thanh Quang, Lê Đăng Kháng, Dương Đức Khánh, Đào Sỹ Quang; các nhà thơ Lê Thanh Xuân, Đàm Chu Văn, Trần Ngọc Tuấn, Đỗ Minh Dương, Nguyễn Đức Phước, Minh HạBùi Công Thuấn (Lý luận phê bình). Nhiều nhà văn trong Chị Hội Nhà văn Đồng Nai đã đạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.

5. Hiện thực công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hoá và hội nhập toàn cầu hóa là hiện thực mới xuất hiện,  “văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân”, làm phát sinh một nền văn học mới.

                                                      ***

45 NĂM PHÁT TRIỂN CỦA VĂN HỌC ĐỒNG NAI

Một vài lưu ý.

1. Khi xem xét “sự phát triển” của văn học Đồng Nai, tôi tìm kiếm những yếu tố nghệ thuật, tư tưởng mới mà giai đọạn trước đó chưa có. Một nền văn học không xuất hiện “Cái Mới” thì đó là sự trì trệ, bởi vì Nghệ thuật là sự sáng tạo (tức là làm ra Cái Mới). Cho nên “đổi mới” ngòi bút (tư tưởngthi pháp) luôn là đòi hỏi cấp thiết đối với cả nền văn học và đối với từng nhà văn. Chẳng hạn, thơ Lục bát hôm nay, có gì mới hơn Lục bát truyền thống?

2.Khi xem xét sự phát triển của văn học Đồng Nai, tôi đặt trên hệ quy chiếu, một trục là đường lối văn nghệ của Đảng, để xét xem văn học phục vụ nhiệm vụ chính trị thế nào; một trục là sự vận động nội tại của văn học Đồng Nai trong 45 năm qua. Từ đó xác định giá trị đóng góp của văn học Đồng Nai vào sự phát triển của văn học Việt Nam đương đại.

3. Chuyên luận này không phải là “lịch sử văn học Đồng Nai” nên các sự kiện văn học không được trình bày theo lịch sử biên niên. Tôi tập trung quan sát, ghi nhận “sự phát triển” của văn học Đồng Nai ở một vài phương diện chính như: sự phát triển đội ngũ, những thành tựu về sáng tác, sự đổi mới nghệ thuậtsự đa dạng về phong cách.

Quan tâm đến những vấn đề tổng quát, tôi không thể viết từng chương riêng về mỗi nhà văn; và vì lý do tư liệu, những đánh giá của tôi chưa thể bao quát đầy đủ về một tác giả, một thể loại hay một giai đoạn văn học.

Lẽ ra cần viết một chương về các giai đoạn: giai đoạn chuyển tiếp (1975-1985); giai đọạn “đổi mới” (1986-2000), giai đoạn hội nhập (đầu thế kỷ XXI đến nay), và một chương về 3 dòng văn học: Văn học Cách mạng và kháng chiến, Văn học nhân văn-dân chủ Văn chương thị trường. Nhưng ở Đồng Nai, 3 dòng văn học trên giao thoa nhau, việc viết riêng từng dòng văn học sẽ  có sự chồng chéo. Thí dụ những tác phẩm văn học Nhân văn-dân chủ của Nguyễn Một, Nguyễn Trí, Khôi Vũ cũng  có khuynh hướng Văn chương thị trường.

Trong thực tế, ở Đồng Nai, dòng Văn học Cách mạng và kháng chiến là chủ đạo. Còn lại, chỉ một vài tác giả tham gia được với Văn chương thị trường (Khôi Vũ, Nguyễn Một, Nguyễn Trí). Một vài tác phẩm viết với tinh thần Nhân văn-dân chủ chỉ xuất hiện ở giai đoạn “đổi mới”.

              NGƯỢC DÒNG

            Trước khi nói về sự phát triển của 45 năm văn học Đồng Nai sau 1975, ta hãy ngược dòng về những cội nguồn, bởi văn học phát triển trong sự kế thừa những đặc điểm tư tưởng-nghệ thuật của giai đoạn trước, thế hệ sau đi tiếp con đường của thế hệ trước, những kiểu tư duy nghệ thuật xuất hiện sau bao giờ cũng mang trong nó những nguồn mạch có trước.

            Văn học Đồng Nai trong dòng chảy lịch sử trước 1975 có thể kể đến Gia Định Tam Gia (Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh), Huỳnh Văn Nghệ, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Tất Nhiên. Tôi không đặt Huỳnh Tịnh Của và Nguyễn Trọng Quản vào văn học Đồng Nai bởi vì,[[6]] Huỳnh Tịnh Của (1830-1919) quê ở làng Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa, ông học tại  Penang (Malaysia) và làm việc tại Sài gòn; còn Nguyễn Trọng Quản (1865-1911) sinh tại Bà Rịa, cũng làm việc tại Sài Gòn.

1.Năm 1822, Trịnh Hoài Đức khắc in tập Gia Định tam gia thi. Tập thơ là thơ in chung của “Gia Định tam gia” [[7]] gồm: Cấn Trai thi tập (327 bài)của Trịnh Hoài Đức (1765-1825), Hoa Nguyên thi thảo (77 bài) của Lê Quang Định (1759-1813) và Thập Anh thi tập (187 bài) của Ngô Nhân Tĩnh (1761-1813). Gia Định tam gia thi nằm trong dòng văn chương Hán Nôm Nam bộ đầu thế kỷ XIX [[8]], thời kỳ đầu nhà Nguyễn. Cùng thời là Nguyễn Du (1766-1820), Nguyễn Công Trứ (1778-1859)…Sau đó là Phan Thanh Giản (1796 – 1867), Huỳnh Mẫn Đạt (1807 – 1883), Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872), Nguyễn Hữu Huân (1816-1875), Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), Nguyễn Thông (1827-1884), Phan Văn Trị (1830-1910), Tôn Thọ Tường (1825-1877)…

Thơ của Gia Định tam gia nằm trong xu hướng của văn học giai đọan này: đó là sự thể hiện lý tưởng “trung quân ái quốc”, lòng tự hào dân tộc (thơ đi sứ) và tình yêu quê hương, gắn bó với nhân dân và tâm tình thế sự. Đặc biệt là thơ của Trịnh Hoài Đức. Ông có thơ đi sứ (1802) và thơ làm khi ông làm Điền Tuấn trông coi việc khai khẩn đất đai ở Gia Định (1789) [[9]]. Xin đọc các bài: Gia Định kim thành (Thành vàng Gia Định), Hoa phong cổ lũy (Lũy cổ Hoa Phong), Lộc động tiểu ca (Tiếng hát ông tiều ở Hố Nai), Quất xã táo ti (Làng quất ươm tơ), Tân Triều đãi độ (Đợi đò bến Tân Triều) Thương loạn, Loạn hậu cửu nhật đăng Mai Khâu

LỘC ĐỘNG TIỀU CA

(Gia Định tam thập cảnh-Trịnh Hoài Đức)

Phong phi tiều phát bạch bà bà,
Lộc động sơn trung suất tính ca.
Dã điệu thanh tòng khảm thụ chấn,
Thôn xoang vận dữ lưu tuyền hoà.
Vân phi hữu ý liên cửu,
Hạc thị tri âm quyến luyến đa.
Nhật mộ quy lai lão phụ vấn,
Vi ngôn tằng kiến Tấn đồng đà.

 Dịch nghĩa

Tiếng hát ông tiều ở Hố Nai

Gió thổi tung mái tóc trắng phau phau của ông tiều,
Hát hồn nhiên trong núi ở Hố Nai.
Điệu quê tiếng theo nhịp chặt cây chấn động,
Vận hoà cùng tiếng suối chảy.
Mây không phải là hữu ý mà lưu liên mãi,
Hạc là tri âm quyến luyến nhiều.
Trời tối về nhà bà vợ hỏi,
Nói là từng thấy con lạc đà đồng đời Tấn.

Dịch thơ (Hoài Anh)

Gió đùa mái tóc trắng phau phau,
Tiều hát hồn nhiên trong núi sâu.
Điệu mộc tiếng theo cây đẵn gục,
Lời quê vần hoạ suối tuôn mau.
Mây không có ý lưu liên mãi,
Hạc ấy tri âm quyến luyến nhiều.
Chiều tối trở về bà lão hỏi,
Đà đồng đời Tấn dấu lần theo.
(Nguồn: Hoài Anh, Gia Định tam gia, NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2006. Tr.162)

2.Huỳnh Văn Nghệ (1914-1977) [[10]] sinh tại làng Tân Tịch, Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay là Bình Dương). Lúc nhỏ, ông học bậc tiểu học tại làng Mỹ Lộc, quận Tân Uyên, được học bổng bậc trung học của Trường Petrus Ký. Tốt nghiệp bằng Thành Chung năm 1932, ông vào làm công chức tại Sở Hỏa xa Đông Dương (Sài Gòn). Năm 1937, ông được bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1942, bị Pháp truy bắt, ông đào thoát sang Thái Lan. Năm 1944, ông về nước, bắt liên lạc với Trần Văn Giàu (Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ) và được giao lập khu nghĩa quân Đất Cuốc tại quê hương Tân Uyên, Biên Hòa. Tháng 7/1945, ông tham gia Tổng khởi nghĩa, sau đó được giao nhiểu chức vụ quân sự. Ông đã chỉ huy nhiều trận đánh lớn tại miền Đông, đặc biệt với trận La Ngà ngày 1 tháng 3 năm 1948. Năm 1953, ông được cử ra Bắc học tập và tiếp tục công tác trong Quân đội với hàm Thượng tá, Năm 1965, ông trở về miền Nam công tác tại Trung ương Cục miền Nam.

Ông được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (2010), Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2007).

Tác phẩm:

– Thơ Đồng Nai (1949);

– Bên dòng sông xanh (thơ, 1988);

– Thơ Huỳnh Văn Nghệ (1998);

– Huỳnh Văn Nghệ tác giả tác phẩm (2008).

Huỳnh Văn Nghệ viết bài thơ Nhớ Bắc năm 1940 (có tư liệu nói ông làm năm 1946 tại chiến khu Đ) với những câu thơ hào sảng nặng tình non nước:

Ai về Bắc, ta đi với

Thăm lại non sông giống Lạc Hồng

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng

Mà ta con cháu mấy đời hoang

Vẫn nghe trong máu buồn xa xứ

Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương!

Vẫn nghe tiếng hát trời quan họ

Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn

Vẫn nhớ, vẫn thương mùa vải đỏ

Mỗi lần man mác hương sầu riêng…

Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên

Chinh Nam say bước quá xa miền,

Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm!

Muốn trở về quê, mơ cánh tiên.

Ai đi về Bắc xin thăm hỏi

Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa

Hoàn Kiếm hồn xưa Linh Quy hỡi

Bao giờ mang kiếm trả dân ta?

                                         (Ga Sài Gòn, 1940)

            3. Bình Nguyên Lộc (1914-1987)

                        (Tóm tắt tư liệu của Thụy Khuê [[11]])

      Bình Nguyên Lộc tên thật là Tô Văn Tuấn, sinh tại làng Tân Uyên, tổng

 Chánh Mỹ Trung, tỉnh Biên Hoà (nay thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai); Năm 1935 ông vào làm công chức ở kho bạc Thủ Dầu Một. 1936, đổi về Sài Gòn làm kế toán viên ở Tổng Nha Ngân Khố. Tháng tám 1945, bỏ việc, tham gia kháng chiến. 1946, hồi cư về Lái Thiêu và 1949 rời Lái Thiêu về hẳn Sài Gòn viết văn làm báo. Năm 1985 định cư tại Hoa Kỳ.

Tác phẩm: Theo Nguyễn Ngu Í, Bình Nguyên Lộc đã viết khoảng 820

truyện ngắn (in 5 tập), 52 tiểu thuyết (in 11 quyển). Tiêu biểu là:

Thơ: Thơ tay tráiViệt sử trường ca và Thơ ba Mén (tiểu thuyết thơ).

Dân tộc học và ngôn ngữ học: Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt

Nam (1971), Lột trần Việt ngữ (1972)…

Truyện ngắn: Nhốt gió (1950), Ký thác (1960), Cuống rún chưa

 lìa (1969), Nụ cười nước mắt học trò (1967)…

Tạp bút: Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên

 Lộc (1966).

 Truyện dài: Đò dọc (1959), Gieo gió gặt bão (1960), Ái ân thâu ngắn cho dài

 tiếc thương (1963), Mối tình cuối cùng (1963), Bóng ai qua ngoài song cửa (1963), Bí mật của nàng (1963), Đừng hỏi tại sao (1965), Một nàng hai chàng (1967), Thầm lặng (1967), Trăm nhớ ngàn thương (1967), Uống lộn thuốc tiên (1967), Đèn Cần Giờ (1968), Diễm Phương (1968), Sau đêm bố ráp (1968), Khi Từ Thức về trần (1969), Nhìn xuân người khác (1969) Tỳ vết tâm linh (?), Lữ đoàn mông đen (2001)…

Thụy Khuê nhận xét: “Bình Nguyên Lộc tiếp nối truyền thống tiểu thuyết Tự

Lực Văn Đoàn. Ông chưa mở ra được một hướng đi mới cho tiểu thuyết như ông đã làm cho truyện ngắn: ảnh hưởng Khái Hưng, Nhất Linh bàng bạc trong cách phát triển kỹ thuật truyện dài. Cuốn Đò dọc (1959) được giải thưởng văn chương toàn quốc 1960 (của miền Nam), mang dấu ấn truyện tâm lý viết theo lối Bắc, khác hẳn lối viết của Hồ Biểu Chánh…”.

Đò dọc viết về gia đình ông bà Nam Thành và bốn người con gái. Ông đặt tên là Hương, Hồng, Hoa, Quá, Thơm. Suốt 10 năm ở Sài Gòn, “Nhà ông Nam Thành ở trong ngõ hẻm ba mươi căn đường Võ Tánh, ngang hông thành Ô-Ma”.Ông ở căn bìa hết và chuyên bán rương và va li da cho quân nhân Pháp. Trước kia ông là thầy giáo Hải, giáo làng, ở một xó hẻo lánh trong tỉnh Bặc Liêu. Hai vợ chồng trôi giạt lên Sàigòn với bốn đứa con gái, một gói áo quần cũ và hai bàn tay không. Gia đình ở đậu nhà người bà con, tại căn nhà bây giờ”. Năm 1954, khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, ông dọn về làng Linh Chiểu nằm bên con đường Thiên Lý (tức quốc lộ 1A ngày nay, khoảng giữa Thủ Đức và Biên Hòa).  

Về truyện ngắn, “Tất cả những chủ đề lớn trong văn chương đều đã xuất hiện trong Nhốt giócon người và thiên nhiên, con người và đất nước, con người và cõi âm, di dân và sống còn, với một giọng văn quê mùa, khiêm tốn. Ông kể chuyện dềnh dang như những người ít học, nhưng không phải người nhiều chữ nào cũng có khả năng đọc và hiểu ông; ngược lại người bình dân chắc chắn thấm lối kể chuyện của ông, bởi Bình Nguyên Lộc là lương tâm của họ, ông nói tất cả những gì họ nghĩ mà không viết ra được”… 

…Rừng mắm như một ký thác của Bình Nguyên Lộc về chuyện mở nước, giữ đất, giữ bờ. Văn Bình Nguyên Lộc là văn kể chuyện, ông không viết văn như một người làm văn, mà ông kể chuyện như một bà già tràu có kho tàng ngôn ngữ và văn hóa bất tận về dân tộc”.

 4. Nguyễn Tất Nhiên (1952-1992) [[12]] tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, sinh tại quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa, học tại trường Ngô Quyền Biên Hòa (1963-1970). Nguyễn Tất Nhiên làm thơ ngay khi còn trên ghế nhà trường. Thơ tình Nguyễn Tất Nhiên rất trẻ trung, hồn nhiên, mộc và lạ. Ông nổi tiếng khi được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc (các bài: “Thà như giọt mưa”, “Em hiền như ma sơ”, “Cô Bắc Kỳ nho nhỏ”,…)

Tác phẩm đã in:

Nàng thơ trong mắt (thơ, Biên Hòa, 1966, cùng với Đinh Thiên Phương)

Dấu mưa qua đất (thơ, Biên Hòa, 1968, cùng với bút đoàn Tiếng Tâm Tình)

– Thiên Tai (Thơ, 1970)

Thơ Nguyễn Tất Nhiên (thơ góp nhặt từ 1969-1980, Nxb Nam Á – Paris in lần

đầu tiên năm 1980)

Những năm tình lận đận (tập nhạc 1977-1984, Nxb Tiếng Hoài Nam, Hoa Kỳ

1984)

Chuông mơ (Thơ từ năm 1972-1987, Nxb Văn Nghệ – California, 1987)

-Tâm Dung (thơ, Người Việt 1989)

Xin đọc:

Cô Bắc kỳ nho nhỏ

Đôi mắt tròn, đen, như búp bê
Cô đã nhìn anh rất… Bắc Kỳ
Anh vái trời cho cô dễ dạy
Để anh đừng uổng mớ tình si

Anh vái trời cho cô thích mộng
Để anh ngồi kể chuyện nằm mơ
“Đêm qua có một chàng bươm bướm
Nguyện chết khô trên giấy học trò”

Anh chắc rằng cô sinh trong Nam
Cảnh tượng di cư chắc lạ lùng?
Khi nghe ai luyến thương Hà Nội
Chắc cô nghe bằng tim dửng dưng

Anh vái trời cho cô dửng dưng
Coi như Hà Nội – xứ hoang đường
Để anh còn dắt cô đi dạo
Còn rủ cô vào rạp cải lương

Anh vái trời cô thích cải lương
“Thích kẻ anh hùng diệt bạo tàn”
Mốt mai thê thảm quanh đời sống
Cô sẽ còn đôi chút lạc quan

Đôi mắt tròn, đen, như búp bê
Cô chớ nhìn thiên hạ lận lường
Mà hãy nhìn anh cây lắm chuyện
Nhưng còn con trẻ chuyện yêu đương

1973
(Nguồn: Thơ Nguyễn Tất Nhiên, NXB Nam Á, Paris 1982)

***

Dòng chảy lịch sử văn học ấy để lại gì cho sự phát triển văn học Đồng Nai sau 1975?

Trước hết là sự khác biệt:

1.Khác biệt về thời đại quyết định sự khác biệt về văn chương. Thời của Gia Định tam gia là thời của nhà Nguyễn lập quốc (đầu thế kỷ XIX). Sau đó lịch sử Việt Nam trải qua gần 100 năm chống Pháp (1858-1945), 30 năm đấu tranh chống Pháp, Mỹ đễ giữ nền độc lập (1945-1975), và sau 1975 là thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, “đổi mới” (công nghiệp hóa, hiện đại hóa) và hội nhập (1975-2024)…

Cuộc đời và thơ văn của Gia Định tam gia gắn với thời các ông thời làm quan với Gia Long, Minh Mạng. Thí dụ. Năm 1789, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định cùng 10 người nữa lãnh chức Điền Tuấn, đi khuyên bảo nông dân làm ruộng ở các dinh Phiên Trấn, Trấn Biên, Vĩnh Trấn, Trấn Định; Trịnh Hoài Đức làm nhiều bài thơ về đời sống người dân: Điền gia thu vũ (Mưa thu với người làm ruộng), Giang thôn hiểu thị (Chợ buổi sáng thôn bên sông); Ngư tân ngư địch (Tiếng sáo chài ở bến Nghé), Chu thổ sừ vân (Đất đỏ bừa trong mây)[[13]].

2.Khác biệt về nội dung (câu chuyện được kể, những tâm tình tỏ lộ), nội dung của văn học 1975-2024 “phản ánh” sự nghiệp cách mạng và kháng chiến cùng với công cuộc đổi mới của Đảng; khác với nội dung viết về cuộc sống nông dân khắp Nam bộ, và những tâm tình khi đi sứ của Trịnh Hoài Đức. Thí dụ: bài Sứ hành thứ Quảng Đông thư hoài (Sứ bộ đến Quảng Đông, viết), Lữ thứ hoa triêu (Tiết hoa triêu nơi đất khách)[13 đd. tr 226, 248].

3. Khác về thi pháp (thể loại, kiểu tư duy nghệ thuật, chất liệu, kiểu ngôn ngữ, mục đích sáng tác). Gia Định tam gia thi nằm trong thi pháp thơ Đường; khác với thơ ca cách mạng của Huỳnh Văn Nghệ được viết bằng phương pháp Hiện thực Xã hội chủ nghĩa

Dòng lịch sử văn học ấy vẫn tiếp tục chảy trong văn học Đồng Nai đương đại:

1.Tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, tuy có khác nhau về cách thể hiện) song là dòng chảy trong suốt lịch sử văn học Việt. Thơ Trịnh Hoài Đức viết về thắng cảnh Đồng Nai (chùm thơ 30 bài) với thơ của các nhà thơ Đồng Nai hôm nay chảy liền một mạch.

2.Sự gắn bó với nhân dân của nhà thơ nhà văn Đồng Nai làm nên giá trị những trang văn giàu vẻ đẹp nhân văn. Xin đọc Lộc đồng tiều ca, Tân Triều đãi độ của Trịnh Hoài Đức, đọc Chiến khu Đ chống bão, Mẹ buồn, Tình súng thơ Huỳnh Văn Nghệ làm trong kháng chiến.

3.Bút pháp hiện thực (tả thực, tức sự) là bút pháp chính của văn chương Đồng Nai từ trước tới nay. Nhà văn hướng về hiện thực để ghi nhận, phân tích, cảm xúc và bày tỏ thái độ, từ đó lên tiếng trước hiện thực (Thương loạn, Gia Định kim thành của Trịnh Hoài Đức). Xin đọc các tác phẩm của Hoàng Văn Bổn, Nguyễn Đức Thọ, Khôi Vũ, Nguyễn Một.

4. Nam bộ, Đồng Nai là vùng di dân cả trong quá khứ và hiện tại. Năm 1698 Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh khi lập phủ Gia Định gồm 2 huyện: huyện Phước Long dựng dinh Trấn Biên, huyện Tân Bình dựng dinh Phiên Trấn, ông đã đưa dân Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Đức tức Thừa Thiên – Huế ngày nay) vào Trấn Biên lập nghiệp, (Gia Định thành thông chí). Đến nay, Đồng Nai có 32 khu công nghiệp, thu hút hơn 600.000 công nhân từ các nơi đổ về….Thực tế di dân hiện diện trong văn chương Đồng Nai. Đò dọc là chuyện di dân của Bình Nguyên Lộc. Sông Luộc ở phương Nam của Khôi Vũ, truyện ngắn Lửa bên sông của Nguyễn Một cũng viết về di dân.

4. Đồng Nai là vùng “đa văn hóa”, nhưng là nơi vừa giữ gìn bản sắc riêng của vùng miền, vừa dung nạp sự khác biệt từ khắp mọi miền đất nước. Vì thế, tính cách Đồng Nai là tính cách rộng mở, hào sảng, bao dung và chấp nhận những khác biệt. Thế hệ di dân thứ nhất và thứ hai còn giữ được những nét văn hóa gốc (giọng nói, phong tục, lối sống…). Đến thế hệ thứ ba đã hòa nhập vào văn hóa Nam bộ (giọng nói, cách nghĩ, cách sinh hoạt và phong tục tập quán địa phương…).

Chẳng hạn, Tổ tiên Trịnh Hoài Đức quê ở Phúc Kiến (Trung Quốc). Cuối đời Minh đầu đời Thanh, ông nội ông là Trịnh Hội, di cư sang Việt Nam. Trịnh Hoài Đức sinh ở xã Thanh Hà, huyện Bình An, phủ Phước Long, trấn Biên Hòa. Ngô Nhân Tĩnh quê gốc ở Quảng Đông (Trung Quốc). Khi nhà Minh bị nhà Thanh đánh đổ, tiên tổ ông lánh sang Gia Định lập nghiệp, ông sinh ra ở đây. Cả Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tĩnh đều đã hội nhập văn hóa Nam bộ gần như trọn vẹn (thế hệ thứ ba).

Đặc điểm “đa văn hóa” ấy ảnh hưởng trên văn chương Đồng Nai. Văn của Bình Nguyên Lộc, Hoàng Văn Bổn, thơ Huỳnh Văn Nghệ giữ nguyên chất Nam bộ. Nhưng văn của Khôi Vũ (quê Thái Bình), Nguyễn Một (quê Quảng Nam), Hoàng Ngọc Điệp (quê Thanh Hóa)… có sự pha trộn Bắc -Nam cả trong cách thể hiện và ngôn ngữ.

                                                            ***

SỰ PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ NHÀ VĂN ĐỒNG NAI

            Ngày 22/12/1979, Hội VHNT Đồng Nai được thành lập. Lúc ấy chỉ có trên 10 hội viên Ban Văn học, đến nay đã có 96 hội viên (2023). Có thể chia thành 4 thế hệ nhà văn, với những đặc điểm sáng tạo khác nhau.

Đặc điểm 1: Về xuất thân của nhà văn

Nhà văn Đồng Nai từ mọi miền đất nước tụ về và thuộc nhiều thành phần xã hội. Đặc điểm này lý giải được một đặc điểm khác là, văn học Đồng Nai phản ánh được một diện rộng của hiện thực đất nước và nói được tiếng nói của quảng đại công chúng.

Nhà văn từ bắc vào nam:

Đào Sỹ Quang, Lý Thăng Long (Thái Nguyên), Lã Hoài Mai (Hưng Yên), Phạm Thanh Quang (Hà Nội); các nhà văn Khôi Vũ, Đàm Chu Văn, Bùi Công Thuấn, Huyền Quy, Trâm Oanh (Thái Bình). Minh Hạ, Quỳnh Trang (Hải Dương); Lê Đăng Kháng, Trần Thu Hằng (Hà Nam); Lê Thanh Xuân, Đỗ Minh Dương, Hoàng Ngọc Điệp, Mai Hân Hạnh, Hoàng Văn Thống, Hoàng Thị Minh Hòa (Thanh Hóa); Nguyễn Duy Đồng (Nghệ An), Bùi Quang Tú, Minh Đức (Hà Tĩnh); Nguyễn Trí (Quảng Bình), Nguyễn Đức Phước, Hạc Nha (Quảng Trị); Dương Đức Khánh, Bùi Thị Kim Chi (Thừa Thiên-Huế); Nguyễn Một (Quảng Nam), Trần Ngọc Tuấn, Hoàng Đình Nguyễn (Quảng Ngãi); Huỳnh Ngọc Tuyết Cương (Đồng Nai), Lê Phan Hiếu Anh (Tp HCM),..

Nhà văn thuộc các thành phần công dân khác nhau:

Nhiều nhà văn từng là người lính kháng chiến chống Mỹ, đa số chiến đấu ở chiến trường miền đồng Nam bộ:

Nhà văn Lê Đăng Kháng, sinh năm 1947, chiến trường Đông Nam bộ (1966-1975).

Nhà thơ Đào Trọng Thử, sinh năm 1949, có 8 năm ở chiến trường Đông Nam bộ.

Đàm Chu Văn, sinh năm 1958, là bộ đội (1976-1983), từng ở chiến trường Campuchia 1980.                                                                                                          

Nhà văn Phạm Thanh Quang, sinh năm 1951, là sĩ quan pháo binh

Nhà thơ Hoàng Văn Thống: nhập ngũ từ 1972. Hai lần bị thương.

Nhà văn Nguyễn Quốc Hoàn: là một sĩ quan quân đội, thuộc binh chủng Đặc công.

Nhà thơ Minh Đức sinh năm 1970, Thạc sĩ. Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chính trị-Quân sự năm 1994; hiện là Thượng tá, Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 5, Quân khu 7.

 Nhà văn Phạm Văn Đảng đang tại ngũ, công tác tại Văn Nghệ quân đội.

Nhiều nhà văn là nhà giáo: Bùi Quang Tú, Phan Nam Sinh, Tiêu Thanh Giang, Đào Sỹ Quang, Nguyễn Duy Đồng, Lã Hoài Mai, Trần Thị Hiếu (Giảng viên ĐH Đồng Nai), Hoàng Thị Quỳnh Trang…

Thuộc những ngành nghề xã hội khác:

Nhà văn Đỗ Anh Nhạ (1947), là lính chống Mỹ, là Bác sĩ giỏi, “Thầy thuốc nhân dân” (2003) .

Nhà thơ Lê Thanh Xuân (1948), Trưởng ban Văn nghệ Đài PT-TH Đồng Nai.

Nhà văn Khôi Vũ tốt nghiệp Dược sĩ, chuyển qua viết văn.

Nhà thơ Nguyễn Đức Phước (1967), Bác sĩ, công tác tại Trảng Bom.

Nhà văn Nguyễn Một (1964) hiện là Giám đốc Truyền thông Cty Trường Hải,

Nhà văn Hoàng Đình Nguyễn (1947), nguyên là PGĐ Xí nghiệp Mạch nha Đồng Nai.

Nhà văn Dương Thu Hường: Công nhân Cty Pouchen Việt Nam

Nhà văn Trâm Oanh: Phó Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai;

Nhà thơ Hoàng Minh Hòa: Kim Hạnh cho biết: Chị vốn là dân mỹ thuật, từng về làm thủ thư tại Thư viện Trường Tuyên huấn Trung ương III, sau đó đã đi nghĩa vụ quân sự tại chiến trường Campuchia. Sau khi ra quân, chị làm nghề tự do, chủ yếu là kinh doanh buôn bán bất động sản…[[14]]

Nhà văn Nguyễn Trí lăn qua đủ thứ nghề: Nghề nấu rượu, nghề nhảy tàu, nghề đồ tể, nghề đi tìm vàng, khai thác đá quí, trầm hương; nghề chặt củi, đốt than, xe ôm… và dạy Anh văn…[[15]]

Đặc điểm 2: Các thế hệ nhà văn Đồng Nai

Đến nay có thể nhận thấy 4 thế hệ nhà văn Đồng Nai

1. Thế hệ nhà văn kháng chiến.

            Các nhà văn thế hệ kháng chiến vừa chiến đấu, vừa sáng tác. Họ trực tiếp viết về cuộc kháng chiến với tư cách người trong cuộc, nên cảm nghĩ của họ cũng là cảm nghĩ của nhân dân, của dân tộc trong cuộc đấu tranh vệ quốc. Nhà văn thế hệ kháng chiến viết để phục vụ kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy:  “Phải đặt câu hỏi: Viết cho ai?- Viết cho đại đa số: Công – Nông – Binh- Viết để làm gì?- Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục quần chúng”[[16]]. Trang văn là tim, óc xương máu của mình, của đồng bào. Quý giá vô cùng. Tâm hồn nhà văn gắn chặt với gia đình, quê hương, với đồng đội và sáng ngời lý tưởng. Nhà văn Hoàng Văn Bổn nói: “Với chúng tôi, mỗi trang bản thảo đều đổi bằng cái giá không biết thế nào mà tính được. Đắng cay lắm. Giờ đây, khi còn sống ngồi viết lại những dòng này, tôi càng thấm thiá rằng mỗi một dòng, một trang sách đối với chúng tôi (ít tài năng) chúng tôi phải trả bằng cả cuộc đời, bằng trăm nghìn thứ hy sinh trên đời này”[[17]].

Nhà văn Lý Văn Sâm (1921-2000) bị địch bắt giam nhiều lần (1946, 1949, 1955). Ông từng giữ chức Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Bộ Văn hoá (Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam), Tổng thư ký đầu tiên của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam. Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, đại biểu Quốc hội khoá VI, Chủ tịch Hội Văn nghệ Đồng Nai. Giải thưởng Nhà nước về Văn học & Nghệ thuật đợt 2 năm 2007.

Nhà văn Hoàng Văn Bổn (1930-2006) tham gia cách mạng từ 1945. Năm 1951, ông gia nhập quân đội và hành quân từ Chiến khu Đ về Phân liên khu kháng chiến U Minh. Năm 1953, ông được bổ sung vào Tiểu đội trợ chiến cho Tiểu đoàn 307 đánh trận Xẻo Rô. Năm 1954 ông tập kết ra bắc. Sau giai đoạn công tác ở Lào, ông được rút về Xưởng phim Quân đội, và trực tiếp có mặt trên nhiều mặt trận nóng bỏng như một phóng viên chiến trường. Trong quân đội với tư cách là giáo viên văn hóa, cán bộ trung đội, đạo diễn, biên kịch, biên tập xưởng phim quân đội. Năm 1980 ông về quê và làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai. Giải thưởng Hồ Chí Minh 2006.

Nhà văn Hoàng Kim Chung – Anh Hoàng (1929-2010), năm 1981, đang là Trung tá Quân đội công tác ở Tổng cục Chính trị, được nhà văn Lý Văn Sâm và nhà văn Hoàng Văn Bổn mời về làm Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai, phụ trách phong trào.

Nhà văn Đại tá Lê Bá Ước (1931-2016): Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhà thơ Hoàng Vĩnh Phú: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch tỉnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai (thời gian 1976- 1985)

            Các nhà văn kỳ cựu của Hội VHNT Đồng Nai (theo thứ tự năm sinh):

Xuân Bảo (1935), Phan Huyển Tùng (1936), Tiêu Thanh Giang (1937), Hồng Phương (1937), Trần Thúc Hà (1937-2023), Trần Ngọc Vinh (1939), Trương Thanh Phận (1940), Phan Nam Sinh (1940), Phan Quang Hợp (1942),

2. Thế hệ nhà văn trưởng thành sau 1975.

            Nhiều người từ chiến trường bước ra: Lê Đăng Kháng, Đào Trọng Thử, Đàm Chu Văn, Phạm Thanh Quang…

Hành trang văn chương của họ là vốn sống chiến trường chống Mỹ. Họ mang tâm thế là những người con ưu tú của dân tộc. Họ trở về với niềm tự hào rạng rỡ của cuộc kháng chiến toàn thắng. Họ viết về chiến tranh cách mạng với tất cả trái tim và kỷ niệm máu thịt của mình.        Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới hội nhập toàn cầu hóa, họ trăn trở lúc giao mùa cũ và mới, và dĩ nhiên họ đứng về phía nghệ thuật truyền thống, bảo vệ cái đẹp truyền thống, nói tiếng nói truyền thống và cách mạng.

Những nhà văn trưởng thành sau 1975 gồm:

a. Những nhà văn kỳ cựu của Hội VHNT Đồng Nai. Họ đóng góp nhiều cho hoạt động của Hội. Có người đã mất, người đổi đi nơi khác:

Hải Ba, Nguyễn Đức Thọ, Hoàng Trung Thủy (công tác tại Sở Giáo dục Đồng Nai), Phạm Minh Hà, Thanh Dạ, Vũ Xuân Hương, Trương Nam Hương, Lương Định, Cao Xuân Sơn (hiện ở Tp HCM), Lương Tuấn, Bùi Ngọc Phúc, La Hồng Sơn, Trần Trung Phụng. Nhật Tú. Nguyễn Quang Vinh, Lê Tuấn Đạt, Lê Thiên Minh Khoa, Đào Thanh Chương, Nguyễn Đăng Hà, Nai Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Tạ Tiến, Vũ Đức Hậu, Thân Văn Kích, Lê Ngọc Lợi, Ngọc Thùy Giang, Nguyễn Tân Triều, Lê Liên, Nguyễn Quốc Hoàn, Kiều Văn Phẩm, Phan Quang Hợp, Phan Huyền Tùng, Hồng Phương, Trương Thanh Phận…

b.Những nhà văn chủ lực của văn chương Đồng Nai nhiều thập kỷ qua (theo năm sinh):

Trần Thúc Hà (1937-2023), Hoàng Đình Nguyễn (1947), Lê Thanh Xuân (1947), Lê Đăng Kháng (1947), Đỗ Minh Dương (1948), Bùi Quang Tú (1948-2023), Đào Trọng Thử (1949), Khôi Vũ (1950), Phạm Thanh Quang (1951), Minh Hạ (1953), Đào Sỹ Quang (1954), Nguyễn Đức Thọ (1955-2001), Nguyễn Trí (1956). Nguyễn Hoài Nhơn (1956), Ngọc Khánh (1956), Hoàng Ngọc Điệp (1957), Đàm Chu Văn (1958), Dương Đức khánh (1960), Thu Trân (1963-đã về Sài gòn), Trần Ngọc Tuấn (1964), Nguyễn Một (1964), Dương Thu Hường (1971), Trâm Oanh (1973), Trần Thu Hằng (1975), Phạm Văn Đảng (1976), Nguyễn Đức Phước (1976), Hạnh Vân (1980), …

3.Thế hệ nhà văn phong trào”.

Các tác giả kết nạp Hội VHNT Đồng Nai từ 2015 trở lại đây là “thế hệ nhà văn phong trào” (cách gọi nhận dạng). Họ tham gia tích cực phong trào của Hội như dự trại sáng tác, tham gia các cuộc thi văn học, sinh hoạt ở câu lạc bộ…. Có người là cán bộ về hưu “viết cho vui”, viết để chia sẻ bạn bè. Tác giả Nguyễn Duy Đồng thổ lộ: “Về hưu tôi muốn có một sân chơi để vui với tuổi già, tránh bệnh tật nên đã xin vào Hội…”[[18]]. Tác giả Hoàng Văn Thống nói rõ mục đích sáng tác của mình: “Ghi lại những cảm xúc và những kỷ niệm bằng thơ phục vụ bạn đọc và người yêu thơ”.

Nhiều người có tài năng, ngòi bút vượt lên rất nhanh trên con đường văn chương. Nhà thơ Trần Thị Bảo Thư năm 2023 đạt giải của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Nhà thơ Hoàng Văn Thống trong 12 năm (2011-2023) đã in 6 tập thơ với hơn 300 bài thơ đẹp. Tác giả Nguyễn Duy Đồng, tham gia Hội VHNT Đồng Nai từ 2015, trong một thời gian ngắn, đã in 01 tập thơ,  01 tập truyện ngắn, đạt 5 giải thưởng văn học trong các cuộc thi. Năm 2023 đạt giải của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam với tập truyện Ma Chữ…

Tính chất chung của thế hệ nhà văn phong tràochưa chuyên nghiệp. Đa phần sáng tác theo “năng khiếu” tự nhiên và tự học hỏi, chưa hình thành con đường sáng tạo riêng. Việc xuất bản tác phẩm còn hạn chế.

Tiêu biểu là các tác giả:

Phạm Bình Minh (1939), Bùi Thị Kim Chi (1949), Mai Hân Hạnh (1950), Lê Hương Thơm (1951), Hoàng Minh Tranh (1952). Hoàng Văn Hóa (Thạch Hà-1953), Hoàng Văn Thống (1954), Nguyễn Duy Đồng (1955), Hoàng Văn Bảy (1955), Hoàng Thị Minh Hòa (1956), Bằng Lăng (1957), Trần Gia Minh (1957), Nguyễn Thị Lệ Hồng (1958), Trần Bảo Thư (1964), Hiền Nguyễn (1972), Nguyễn Dương Minh Tâm (1975), Phạm Hải Yến (1976)..

Tác giả tự do:

Nguyễn Quang Tấn (1949-Gia nhập Hội 2015), vốn là giáo viên, nhiều năm sống ở xã Thanh Sơn (huyện Định Quán). Theo nhà văn Nguyễn Trí, tác giả Nguyễn Quang Tấn cho biết: “Tôi làm thơ là bởi vì tôi biết làm thơ, cũng như tôi cuốc đất là bởi vì tôi biết cuốc đất, chẳng có quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách gì”.

Tác giả thuộc những lĩnh vực khác tham gia Hội: 

Tôn Hoàn, Mai Sông Bé (nhà báo), Nguyễn Th. Thu Giang (Ban Tuyên giáo), Trần Thị Hương Lan (Ban Tuyên giáo), Nguyễn Thị Phương Liễu (Báo Đồng Nai), Tô Thị Hợp (P.Công an nội bộ), Trần Nghi Dũng (1955-Huyện ủy Trảng Bom), Lê Thị Kim Hạnh (Sở Văn Hóa-hiện ở Slovakia, làm cho OTG)…

4.Thế hệ trẻ trưởng thành từ đầu thế kỷ XXI

Đó là các tác giả thế hệ 8x và 9x:

17 tác giả Hội viên: Lê Hồng Nhạn (Hạc Nha- 1981), Phan Danh Hiếu (1982), Ngô Hường (1982), Minh Anh (1983), Lê Thị Nguyệt Minh (1984), Trần Thị Hiếu (1985), Thái Minh Công (1985), Lưu Thiện Vương (1985), Nguyễn Huyền Quy (1986), Lê Vũ Anh Đào (1987), Đào Nguyên Thảo (1987), Lã Hoài Mai (1991-Lã Thị Hồng Thuấn), Hoàng Thị Quỳnh Trang (1993), Huỳnh Ngọc Tuyết Cương (1993), Đàm Minh Khôi (1997), Lê Phan Hiếu Anh (1999), Tống Thanh Tâm (2000), Hoàng Loan (1978), Lý Thăng Long (2000),…

18 tác giả cộng tác viêntạp chí Văn nghệ Đồng Nai có khả năng phát triển hội viên:

Văn Ánh Ngọc, Vân Nhi, Phạm Bá Khoa, Võ Anh Vũ, Hoàng Phước Nguyên, Phan Gia Hưng, Nguyễn Võ Mỹ Duyên, Vy Ngân, Trần Huynh Quỳnh, Lê Nguyễn Hà Ngọc, Ngô Gia Hân, Phan Nhật Anh, Đặng Huệ Linh, Nguyễn Thị Thu Ngân,…[[19]] Nguyễn Hải yến. Hoàng Thu Thảo, Hoàng Phương, Trần Hoan.

Văn trẻ Đồng Nai đã tượng hình một đội ngũ. Thời gian sẽ khẳng định tài năng và cốt cách văn chương. Hiện nay, chưa có nhiều những cá tính sáng tạo độc đáo giàu nội lực như “Văn Trẻ” đầu thế kỷ XXI. Việc in tác phẩm còn hạn chế. Tính chất của thế hệ này là sự bấp bênh trong việc chọn lựa con đường văn chương.

Huỳnh Ngọc Tuyết Cương nói về mục đích sáng tác văn chương: Tôi nghĩ mình đang đi trên đường và dừng chân vào quán văn để thưởng trà, viết đôi dòng về những gì mà mình nhìn thấy, cảm nhận được trên con đường cuộc đời. Phải nói thật, tôi phải tiếp tục đi về phía trước, có thể tôi sẽ không dừng chân ở quán văn nữa, hoặc có thể tôi sẽ đem theo văn chương trên hành trình cuộc đời.

(Xin đọc: Bùi Công Thuấn-Văn trẻ Đồng Nai)

Nhìn chung:

45 năm phát triển, Hội VHNT Đồng Nai đã quy tụ được một đội ngũ hùng hậu các nhà văn tài năng làm nên diện mạo của văn học Đồng Nai.

Thế hệ nhà văn kháng chiến (Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn) đã để lại một gia tài đồ sộ cả về tác phẩm và uy tín trên văn đàn; được vinh danh bằng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Thế hệ chủ lực sau 1975 là những nhà văn làm nên thành tựu văn học Đồng Nai trong 5 lần trao giai Trịnh Hoài Đức. Các nhà văn Khôi Vũ, Nguyễn Một, Nguyễn Trí cũng đều đạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, và là những nhà văn có uy tín trên văn đàn cả nước.

Trong những nhà văn kỳ cựu của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, còn nhiều tác giả tài năng, tâm huyết và viết rất chuyên nghiệp. Họ vẫn miệt mài sáng tác mấy chục năm qua và có những đóng góp giá trị vào  thành tựu chung: Hoàng Đình Nguyễn, Đào Trọng Thử, Nguyễn Hoài Nhơn…

Tuy vậy, việc xây dựng đội ngũ nhà văn vẫn là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của Hội VHNT Đồng Nai. Bởi vì, nhiều nhà văn chủ lực hôm nay đã ở vào độ tuổi “Cổ lai hy”, trong khi đội ngũ kế thừa chưa đủ độ chín về tài năng và uy tín trên văn đàn để gánh trách nhiệm phát triển văn học Đồng Nai. Nhưng tôi tin rằng, nói như Nguyễn Trãi: “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, Song hào kiệt đời nào cũng có”.                                                       

SỰ PHÁT TRIỂN VĂN HỌC

            Tác phẩm văn học là yếu tố trung tâm của một nền văn học. Không có tác phẩm thì không có nền văn học. Một nền văn học lớn là nền văn học có nhiều tác phẩm lớn (văn học phương tây, Nga, Ấn độ, Trung Quốc). Trong nhiều thập kỷ qua, văn học Việt Nam đặt mục đích cho sự thành tựu các tác phẩm lớn.

Khi xem xét sự phát triển của văn học Đồng Nai, tôi quan tâm đến tác phẩm văn học. Đặc biệt là đến tầm vóc tư tưởng-nghệ thuật của các tác phẩm, phong cách nghệ thuật của tác giả và qua đó xác lập những đặc điểm diện mạo của văn học Đồng Nai.

1.TÁC PHẨM VĂN HỌC

            Số tác phẩm của văn học Đồng Nai 45 năm qua là một “gia tài” lớn, cho đến nay (2023) chưa có một thống kê đầy đủ. Để nhận thức được tầm vóc lớn của văn học Đồng Nai và nỗ lực sáng tạo vượt trội của mỗi nhà văn, thì việc xuất bản và phổ biến tác phẩm cần nhìn nhận từ nhiều góc độ:

            a. Giữa các kỳ đại hội (số liệu của Hội VHNT Đồng Nai)

            Nhiệm kỳ III (2001-2006), Ban văn học có 29 hội viên đã xuất bản trên 100 tác phẩm, bình quân 18 đầu sách 1 năm. Gồm 9 tiểu thuyết, 19 tập truyện ngắn, 15 tập truyện thiếu nhi, 44 tập thơ, 3 tập biên khảo-nghiên cứu-phê bình, 4 tuyển tập văn học.

            Nhiệm kỳ IV (2007-2013). Ban Văn học có 72 hội viên (có 8 hội viên HNV). Đã xuất bản 52 tác phẩm.

           Nhiệm kỳ V (2014-2018). Ban Văn học có 83 hội viên. Xuất bản 102 tác phẩm

            Tổng kết 15 năm thực hiện nghị quyết TW5 (1998-2012) đã xuất bản 157 tác phẩm.

            b. Quan sát những năm gần đây:

            Năm 2019 hội viên Ban Văn học đã xuất bản hơn 30 cuốn.[20]

Năm 2020 xuất bản 26 tác phẩm Văn học [[21]]

Năm 2021 Ban Văn học thực hiện 1 Tuyển tập. Hội viên xuất bản 12 tập truyện và thơ. Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai đã đăng trên 200 tác phẩm, chùm tác phẩm[[22]]

Năm 2022 [[23]] Ban Văn học thực hiện 03 tuyển tập: Hướng về biển đảo quê hương, Hoa của đất (bút ký), Những chú mèo ngủ quên trong ổ trứng (truyện đồng thoại dành cho thiếu nhi). Các tác giả tự xuất bản: 14 tác phẩm.

c.Sách của nhà văn.

 Xin đơn cử một số tác giả tiêu biểu

Hoàng Văn Bổn: đã viết hơn 50 đầu sách và 25 kịch bản phim. Đặc biệt là những bộ sử

 thi đồ sộ: Miền đất ven sông (tiểu thuyết, 3 tập, 1984).– Khắc nghiệt (tiểu thuyết, 4 tập, 1990). Nước mắt giã biệt (tiểu thuyết, 4 tập, 1994).

            Lý văn Sâm: 20 tác phẩm và một số in chung.

            Hoàng Kim Chung: 5 tác phẩm (từ tiểu thuyết Thuở ban đầu 1983 đến “Dưới chân núi Minh Đạm”(1993).

            Khôi Vũ-Nguyễn Thái Hải: tính đến 2023 ông đã in được 74 tác phẩm (trong đó 43 tác phẩm viết cho thiếu nhi.    

            Nguyễn Một: 17 tác phẩm (với 2 bút danh Nguyễn Một và Dạ Thảo Linh).

Hoàng Đình Nguyễn: 14 tác phẩm (06 tập thơ và 08 tập Bút ký).

            Phạm Thanh Quang: 13 tác phẩm (6 tập truyện, 5 tập thơ, 2 kịch bản phim)

Nguyễn Trí: 13 tác phẩm (trong 10 năm, từ 2013 đến nay).

            Đàm Chu Văn: 11 tập thơ (từ 1985 đến nay).

            Hoàng Ngọc Điệp: 10 tác phẩm (từ 1995 đến 2022).

            Lê Đăng Kháng: 9 tác phẩm (thơ và truyện).

            Trần Ngọc Tuấn: 8 tập thơ (từ 1994 đến 2018).

            Hoàng Văn Thống: 6 tập thơ (từ 2011 đến 2023).

            Trâm Oanh: 5 tác phẩm (từ 2018 đến 2023).

Mai Hân Hạnh: vào Hội 2016. Đã in 02 tập thơ.

Bùi Thị Kim Chi vào Hội 2012, đã in 02 tập thơ.

Đào Sỹ Quang: Đã in 08 tác phẩm, có truyện ngắn và bút ký in trên các báo tạp chí Trung ương và địa phương như: Văn nghệ Quân đội, Công an, Tp.HCM, Thái Nguyên, Đồng Nai, Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Giáo dục & Thời đại chủ nhật, Sông Hương, Cửa Việt…Ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam tháng 12. 2023.

Một số nhà thơ đã hiện diện trên trang thivien.net và vnthuquan. và Bảo tàng văn học (là những thư viện điện tử lớn).

            d. Tác phẩm xuất bản trong một năm (năm 2018): 36 tác phẩm với các thể loại: Tập thơ, tập truyện ngắn, tiểu thuyết, Ký (Hồi ký, tự truyện), truyện thiếu nhi, Lý luận và phê bình văn học.

            1. Hội in 5 tuyển tập: Chiến khu D anh hùng, Khi đàn chim vổ cánh (văn trẻ), Đồng Nai hành trình ra biển lớn, Thiếu niên nhi đồng và dân tộc thiểu s, Mùa quả chín.

2. Hoàng Ngọc Điệp: Chuyện Bin mũi hếch, truyện thiếu nhi, 2 tập. và Cù lao yêu dấu.

            3. Hoàng Đình Nguyễn: Một thời mãi nhớ. Tự truyện

            4. Trâm Oanh: Chuyện Mếu và Máo. Truyện thiếu nhi.

            5. Nguyễn Thái Hải: Bầy nai tung tăng trên đồng cỏ, truyện thiếu nhi. Tí chuột mất tích (Thám tử học trò tập 1), Tiếng động đêm vườn bưởi (Thám tử học trò tập 2), Kẻ trộm ví trong trường (Thám tử học trò tập 3).

            6.Nguyễn Trí: Ăn bay, tiểu thuyết. Mạt cưa, mướp đắng, đường vàng.

            7.Dương Đức Khánh: Nghệ sĩ vườn, Người chợ Kệ, (tập truyện ngắn).

            8.Đào Sỹ Quang: Điều như không thể, tập truyện ngắn.

            9.Dương Thu Hường: Bông hồng đen, tập truyện ngắn.

            10.Bùi Quang Tú: Tách café và dòng ký ức.

            11.Bùi Công Thuấn: Nhà văn Đồng Nai, LLPB

            12. Xuân Bảo: Hành trình thiên lý, Ký sự.

            13.Mai Sông Bé: Một chút gọi là (Hồi ký) và Suy gẫm của người già (Tùy bút)

            14.Lê Thanh Xuân: Tặng và nhớ (tập thơ); Ngoài kia mây trắng (tập thơ)

            15.Trần Ngọc Tuấn: Chân thân (tập thơ).

            16.Đỗ Minh Dương: Vầng trăng đợi mùa (tập thơ).

            17.Nguyễn Đức Phước: Thơ Lục bát (tập thơ).

            18.Đào Trọng Thử: Những ngọn đèn dầu (tập thơ).

            19.Minh Hạ: Qua những miền quê (tập thơ).

            20.Lê Hương Thơm: Miền đất ở (tập thơ).

            21.Nguyễn Hoài Nhơn: Định vị thơ (tập thơ).

            22.Mai Hân Hạnh: Hương đất (tập thơ)

            23.Nguyễn Xuân Từng: Tiếng sóng quê hương (tập thơ).

            24.Phạm Thị Thanh Vân: Xanh (tập thơ).

            Trong một năm, in được 36 đầu sách đủ các thể loại, đó là một nỗ lực rất lớn của nhà văn và là thành tựu của văn học Đồng Nai.

e. Bài in trên Văn nghệ Đồng Nai và trang web Hội VHNT Đồng Nai

            Thí dụ: năm 2021 Tính sơ bộ có trên 200 tác phẩm, chùm tác phẩmđăng trên Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai và Cổng thông tin điện tử (website của Hội); khoảng trên 100 tác phẩm, chùm tác phẩm in báo, tạp chí khác trong và ngoài tỉnh. Trong đó có nhiều tác giả của Ban Văn học đăng nhiều tác phẩm trên báo, tạp chí chuyên ngành như Hoàng Ngọc Điệp, Trần Thúc Hà, Đàm Chu Văn, Đỗ Minh Dương, Nguyễn Trí, Dương Đức Khánh,  Minh Hạ, Trâm Oanh, Lê Liên, Đào Sỹ Quang, Trần Thị Bảo Thư, Nguyễn Minh Đức, Trần Thu Hằng… [[24]]

            Năm 2022, Hơn 800 tác phẩm được đăng tải trên Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai và hơn 100 tác phẩm được đăng tải tạp chí trung ương [[25]].

Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ IV (2007-2012) đã có 217 tác phẩm hội viên Ban Văn học được giới thiệu trên các báo và tạp chí trung ương, địa phương trong 5 năm qua.

Như vậy, thành tựu quan trọng của văn học Đồng Nai là số lượng tác phẩm văn học được xuất bản và quảng bá. Trong đó nhiều tác phẩm đạt giải thưởng ở nhiều cuộc thi. Những giải thưởng khẳng định tài năng là Giải Trịnh Hoài Đức, Giải thưởng Văn học nghệ thuật của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam [[26]] và giải thưởng của Hội Nhà văn. Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ IV của Ban chấp hành Hội VHNT Đồng Nai (2007-2012) ghi nhận: “Đã có 118 giải thưởng trong các cuộc thi văn học nghệ thuật Trung ương và địa phương được trao cho các tác giả hội viên Ban Văn học. Số đầu sách xuất bản trong nhiệm kỳ này là 52 cuốn. Đã có 217 tác phẩm hội viên Ban Văn học được giới thiệu trên các báo và tạp chí trung ương, địa phương trong 5 năm qua”.

2. SỰ PHÁT TRIỂN ĐỀ TÀI

            Việc chọn lựa đề tài, nội dung để thể hiện chủ đề, tư tưởng là bước đầu tiên quan trọng đối với người sáng tác văn học; sau đó mới là bút pháp, kiểu cấu trúc và cách kiến tạo tác phẩm.

            Nhà văn Dương Thu Hường là một công nhân, nhưng tác giả thú nhận rằng, viết về công nhân trong các công ty FDI hôm nay theo công thức “Ta nhất định thắng” (nghĩa là theo phương pháp Hiện thực xã hội chủ nghĩa) là rất khó, và tác giả không thể [[27]]. Cũng vậy, với các tác giả trẻ Đồng Nai, đề tài Cách mạng và kháng chiến là rất khó, bởi người trẻ không có vốn sống, chưa từng trải nghiệm chiến tranh vệ quốc. Những nhà văn 4x, 5x của thế kỷ trước, quen với văn chương bao cấp, không thể viết tác phẩm văn chương thị trường cho độc giả trẻ thời 4.0. Nếu viết về những đề tài thời sự, thì nhà văn không thể theo kịp báo chí. Và hơn thế, trong sự thống trị của truyền thông đa phương tiện và các mạng xã hội (Facebook, Telegram, Tiktok…), thì văn học viết (tác phẩm in bằng giấy) không thể cạnh tranh.

            Vì thế, đề tài, nội dung của văn học phản ánh sự chọn lựa, mối quan tâm và thái độ của nhà văn trước cuộc sống, cũng phản ánh cái nhìn, tư tưởng của nhà văn ở góc nhìn cá nhân. Chẳng hạn, văn học Việt Nam viết về nông dân, nông thôn thì sâu sắc hơn viết về công nghiệp và hội nhập toàn cầu hóa, vì đa phần nhà văn Việt Nam có gốc gác là nông dân..

  1. Đề tài quê hương, đất nước

Quê hương, đất nước là đề tài có tính bao trùm của văn học Đồng Nai, bởi tình

 yêu quê hương, đất nước, làng quê, tình đồng bào, tình gia đình là một đặc điểm có tính dân tộc của những con người sống “trên mảnh đất này”. Tiểu thuyết của cố nhà văn Hoàng Văn Bổn miêu tả cụ thể và sống động tình quê hương đất nước của người dân làng Bình Long trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Những truyện của nhà văn Lý Văn Sâm làm hiện lên một quê hương Đồng Nai rất đẹp cả trong hiện thực và trong văn hóa truyền thống. Nhà thơ, nhà văn nào ở Đồng Nai cũng có những trang viết da diết về quê hương mình (nơi sinh ra và lớn lên), và quê hương Đồng Nai (nơi cư trú làm việc).

            Xin đơn cử:

Từ 2011 đến 2020, tác giả Hoàng Văn Thống đã in 4 tập thơ, trong đó nhiều bài viết về quê hương Đồng Nai:

Trong tập Đất nước nở hoa, các bài: Đồng Nai ước mơ và hiện thực, Về Đồng Nai, Về Long Khánh, Long Thành Đổi mới, Thăm K4, Đêm xuân Vĩnh Cửu, Đồng Nai cất cánh, Trở lại Daklua.

Trong tập Thu cho em, các bài: Chiều Xuân Lộc, Về Cát Tiên, Đến Đồng Nai.

Trong tập Nhớ mãi, các bài: Về Chiến khu Đ, Chiến thắng La Ngà, Đại tá Lê Bá Ước, Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, Chiều Tà Lài, Về Bình Sơn, Trị An, Nhớ thác Trị An, Trảng Bom, Tân Phú, Về Định Quán,  Xuân Lộc, 

Trong tập Về Đồng Nai, các bài: Đồng Nai quê tôi, Biên Hòa, Biên Hòa em yêu, Về thác Đá Hàn, Giang Điền quê em, Long Thành quê em, Nhơn Trạch chiều xuân

Nhìn vào những địa danh Hoàng Văn Thống đã đến, người đọc nhận ra bước chân nhà thơ đã đi hầu khắp mọi miền Đồng Nai, ngược về quá khứ, hướng về tương lai, gặp gỡ mọi miền, tình cảm thiết thân, cái nhìn trong sáng. Quê hương Đồng Nai hiện lên trên trang thơ thật tươi đẹp.

Các tác phẩm viết về quê hương, đất nước được tập trung tạiGiải Trịnh Hoài Đức và ở các trại sáng tác.

Thí dụ, các tác phẩm của Giải Trịnh Hoài Đức lần V:

Theo dòng chảy Đồng Nai (Khôi Vũ); Cù Lao yêu dấu (Hoàng Ngọc Điệp); Tiếng gọi (Trần Thu Hằng); Diều hâu (Nguyễn Trí); Lũ trẻ hẻm cây khế (Trâm Oanh); Xao thu (Đàm Chu Văn); Định vị…thơ (Nguyễn Hoài Nhơn); Lời ru dòng sông (Hoàng Đình Nguyễn); Âm điệu thời gian (Minh Hạ); Lau trắng phất phơ (Đỗ Minh Dương)

Các trại sáng tác:

Năm 2020, trại sáng tác chủ đề: “Đồng Nai trên đường hội nhập và phát triển”; Trại sáng tác: “Xây dựng nông thôn mới”; cuộc thi sáng tác chủ đề: “Đồng Nai 45 năm hội nhập và phát triển 1975-2020”.

Năm 2022, Hội đã tổ chức 04 trại sáng tác tại Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đắc Lắc và Đà Lạt, Trại sáng tác Đà Nẵng với chủ đề: “Văn nghệ sĩ với người lính biển đảo và quê hương đất nước”. Trại Quảng Ninh: “Văn nghệ sĩ đồng hành cùng đất nước”…

Vì nhà văn Đồng Nai sinh ra trên khắp mọi miền đất nước, nên tình quê hương trong văn học Đồng Nai cũng hết sức phong phú. Hình ảnh làng quê, đời sống dân quê, những kỷ niệm thời con trẻ, những người thân yêu của tác giả nơi quê nhà đều được đưa vào tác phẩm.

 Gần đây nhất là tiểu thuyết Sông Luộc ở phương Nam của nhà văn Khôi Vũ, thể hiện một tình yêu sâu nặng với quê hương. Nhà văn Khôi Vũ thổ lộ: “… ghi chép lại cuộc đời của cha mẹ tôi từ khi vào Nam đến khi ông bà qua đời. Làm việc này tôi chỉ nghĩ đơn giản trước là giúp mình nhìn lại cuộc đời của cha mẹ, gồm cả cuộc đời mình trong đó mà ngẫm nghĩ ra những ý nghĩa của các sự việc buồn, vui, cay đắng cơ cực… hầu có một cái nhìn mới và lạc quan hơn về đời người; kế đến tôi cũng muốn cho thế hệ con cháu mình biết được để nhớ, để thương, để học được nhiều điều từ cuộc đời ông bà, cha mẹ chúng. Hơn nữa để biết được gốc gác dòng họ ở tận một vùng quê Bắc” (tr.404).

Tập truyện Cù lao yêu dấu và những bút ký của Hoàng Ngọc Điệp (Tri kỷ của rừng, Sóng gió hồ Trị An, Về xứ nhiều vua, Ấn tượng Nhơn Trạch, Tản mạn về một vùng đất, Dạo chơi trong vườn…) là hình ảnh một quê hương Đồng Nai đổi mới, trù phú.

Cũng vậy, có thể thấy bóng dáng làng quê, người quê, những sự việc của quê hương trong tập truyện Người chợ Kệ (Dương Đức Khánh). Chợ Kệ là tên người ta đặt cho một cái chợ ở làng Thanh, một ngôi làng ven sông Bồ, một phụ lưu của sông Hương.

Trong tập thơ Hai phía thời gian, Đàm Chu Vănnhìn quê hương, đất nước đâu cũng rạng rỡ, sinh sôi, đang từng ngày từng giờ vươn tới xa sau. Anh viết về cha, mẹ, về người thân mà tâm hồn như có cánh bay (Mẹ). Tập thơ Giấc rừng của Đàm Chu Văn cũng chất chứa những tình cảm quê hương sâu nặng (các bài Ký ức La Ngà, Chiều bên sông Đồng Nai, Long Bình 1966-1972, Cổ tích về Đá chồng)…

Tập thơ Đồng dao cho mình của Đỗ Minh Dương có nhiều bài thơ về quê hương, gia đình rất cảm động (Khuyết, Trên cát bỏng, Ngày giỗ mẹ, Quê xa, Hoài niệm…).

Thơ Lê Thanh Xuân là tiếng yêu thương của mọi miền đất nước. Xin đọc: Trăng sông Đà, Dọc sông Đà, Thuyền độc mộc, Trên cánh đồng Mường Thanh, Mường Thàng, Tiếng xa quay, Ngổ Luông, Thị xã miền rừng, Dốc Cun, Hoa Pi pôốc, Hoa gạo, Làng Hoàng Trù, Về thăm nhà Bác, Làng tôi, Đường làng, Khúc sông quê, Cánh đồng tuổi thơ, Cánh đồng mùa thu, Anh tôi, Cha tôi, Hoa ngâu, Lửa khói, Cây cau, Chiếc bình vôi, Khúc đầy, Trăng qua nhà…”[[28]].

Các tác giả trẻ hôm nay cũng viết về quê hương, gia đình. Xin đọc Huyền Quy (bài Hồn quê, Con thuyền của mẹ, Như em đợi anh…), Thơ Huỳnh Ngọc Tuyết Cương (Ngủ lại nhà quê, thăm bà, Mẹ tôi, Điền dã). (Tôi xin lỗi các nhà văn vì không thể giới thiệu được hết các tác phẩm viết về quê hương).

Có thể nhận thấy, những trang đẹp nhất của văn chương Đồng Nai là những trang viết về quê hương đất nước. Và chủ đề này sẽ còn được khám phá nhiều hơn nữa trong tương lai. Tuy vậy, Đồng Nai là một địa phương đa văn hóa, chất “tinh ròng” Đồng Nai thì chỉ đậm đặc trong trang văn của Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Khôi Vũ.

Nhà văn Bùi Quang Tú (1948-2023) bộc bạch: “Tôi sống ở đất Đồng Nai đã 45 năm, tận mắt chứng kiến sự đổi thay từng ngày của tỉnh nhà. Lần này đến với dòng sông anh hùng, dòng sông đổi mới và hội nhập Thị Vải mới vỡ lẽ ra. Lâu nay chỉ luẩn quẩn ở Biên Hòa bó hẹp tầm mắt, đi xa mới thấy Đồng Nai cũng chuyển mình mãnh liệt theo kịp bước phát triển của đất nước đấy chứ./ Và giờ đây khi viết những dòng này tôi như thấy hiển hiện dòng sông Thị Vải mang vẻ cao cả trong thời chiến, nay sôi nổi và đầy tự tin trong hội nhập, đổi mới. Trái tim tôi luôn cùng nhịp đập với dòng sông có cái tên mộc mạc này – Thị Vải” [[29]].

b. Đề tài Cách mạng và kháng chiến

Đây là đề tài xuyên suốt hành trình 45 năm của văn học Đồng Nai.

Tấn Hoài là tác giả tâm đắc với đề tài Cách mạng. Ông kể chuyện du kích ở Phú Vang thời kháng chiến chống Pháp trong Hơ Lia cọp núi (Tiểu thuyết-Nxb Đồng Nai-2014). Viên gạch lạ, Muối đỏ là những truyện hay và cảm động về những mất mát đau thương trong chiến đấu, ca ngợi những con người hy sinh âm thầm. Hoa Quý Lan (tiểu thuyết) miêu tả cuộc sống chiến đấu của  nhân dân trong  kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Thừa Thiên Huế. Tuy gian khổ, hy sinh vì giặc càn, lụt lội, hạn hán, voi phá khoai,… nhưng vui và lạc quan.

Nhà văn Hoàng Văn Bổn viết về cuộc chiến đấu của thế hệ mình, của làng quê mình, và cuộc chiến đấu của cả nước chống Mỹ: Lũ chúng tôi (tiểu thuyết, 1981). Miền đất ven sông (tiểu thuyết, 3 tập, 1984). Bầu trời mặt đất (tiểu thuyết, 1981). Sóng bạc đầu (tiểu thuyết, 1982). Hiện thực cách mạng và kháng chiến được phản ánh với tầm vóc sử thi.

Nhà văn Anh Hoàng kể chuyện Hoàng Thị Nghị, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (Mặt trận thầm lặng)

Nhà văn Đại tá Lê Bá Ước (anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) kể lại những gian khổ, hy sinh và những chiến công lẫy lừng của đặc công rừng Sác trong hồi ký Một thời rừng sác (2012) [[30]].

Khôi Vũ trong tập truyện Đàn ống tre bên kia sông [[31]] miêu tả ấn tượng và sâu sắc về con người Đồng Nai. Đó là những người “đồng chí”, cán bộ hưu trí, những người đã chiến đấu và hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Khôi Vũ không tụng ca kỳ tích của họ mà khẳng định sức mạnh cách mạng của họ qua cuộc đối mặt với kẻ thù. Họ bám trụ, gan dạ, dũng cảm và nghĩa tình. Xin đọc Quán xe thồ, Lời của thác,…

            Nhân vật anh bộ đội thời bìnhtrong tập truyện ngắn Sương sớm của Lê Đăng Kháng dù trong hoàn cảnh nào cũng sống sâu nặng tình nghĩa, sống vươn lên. Họ trở thành chỗ dựa, thành niềm tin của mọi người xung quanh. Họ còn là những giá trị làm cho cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn, đáng yêu hơn. Truyện Gỗ xoan đào đề xuất sự hóa giải bi kịch trong chiến tranh. Truyện Mưa bụi nói về sự khốn khổ của bà Nhuần khi yêu nhầm một thanh niên thương binh giả. Lê Đăng Kháng còn có trường ca Khúc tráng ca của lửa. Mạch thơ khởi đi từ những ngày “cả làng nhanh chóng tản cư/ quân Pháp đã qua cầu Phủ Lý” đến ngày “chỉ có một Việt Nam chiến thắng/ phút giây hòa hợp từ đây”, người lính chiến trở về quê, sống đời sống thanh bình. Lê Đăng Kháng viết về chiến tranh để nói cái khát vọng hòa bình của dân tộc này, một dân tộc biết “thương người như thể thương thân”, bởi “người ta là hoa đất”. Từ góc nhìn này, Lê Đăng Kháng đã miêu tả những hy sinh thăng hoa trở thành ánh sáng chói lọi của lương tri và của lịch sử [[32]].

            Những nét điển hình của người lính thời mở cửa được khắc họa trong tập truyện Tình yêu thuở ấy (1993) của Phạm Thanh Quang [[33]]. Họ sáng lên tấm lòng, tính cách và lý tưởng của người lính, nhưng họ cũng bất lực trước cuộc sống đã chuyển sang một hướng khác, ở cái hướng cửa đã mở ra ấy, người lính không còn đảm đương cái vai trò trung tâm của lịch sử như thời kháng chiến nữa.

            Nhà văn Phạm Văn Đảng là người lính đang tại ngũ (2023). Anh kể những truyện khốc liệt của bộ đội Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế chống Polpot ở Cambuchia những năm 1978s (Một thời khói lửa, Một quyết định khó khăn, Phải sống), và những truyện “dân vận” với tình yêu lãng mạn, hấp dẫn của người lính thời bình (Hương ngọc lan, Hữu duyên thiên lý…)[[34]].

Tập thơ Giấc Rừng của Đàm Chu Văn có nhiều bài viết về người lính rất cảm động. Xin đọc: Viếng bạn ở nghĩa trang biên giới Tây Nam

Cả hai nhà thơ Đàm Chu Văn và Đỗ Minh Dương trong bài viết về thơ Đồng Nai đều nhận xét [[35]]:

“Thơ Đồng Nai giai đọan đầu (1975- 2000) nội dung thấm đượm tình yêu Tổ quốc, quê hương, ca ngợi cái Đẹp, sự dũng cảm, hy sinh vì nghĩa lớn, nhận thức sâu sắc ý thức, trách nhiệm công dân, tình cảm cao thượng, trong sáng, nhân ái, nhân văn” (Đàm Chu Văn).

“Thơ viết về đề tài chiến tranh Cách mạng luôn chiếm một tỷ lệ thích hợp; chỉ đọc qua tên các bài thơ như : Trầm khúc miền Đông, Hồi ức Mã Đà, Về thăm Chiến khu Đ, Mẹ và Chiến khu Đ, Đồng Nai tráng khúc, Những người mẹ miền Đông, Dưới chân tượng đài Long Khánh, Đền tưởng niệm rừng Sác, Họp mặt 30-4, Đêm nghe tiếng hát cựu nữ tù, Tìm mộ anh trong rừng chiến khu Đ, Hát cùng đồng đội, Địa đạo Chiến khu Đ, Kể chuyện Bác Hồ.v.v… cũng đủ để xác nhận rằng: Đây là mảng đề tài được hầu hết những người làm thơ đặc biệt quan tâm và tập trung sáng tác”; “Điểm hẹn và cũng nguồn cảm xúc sáng tác cho anh chị em văn nghệ sĩ đều xuất phát từ các địa danh và đề tài cách mạng như Chiến khu Đ, Chiến khu rừng Sác, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người lính Cụ Hồ, các Anh hùng lực lượng vũ trang, các thương binh, liệt sĩ và các sự kiện lịch sử đã từng diễn ra trên vùng đất Đồng Nai,…” (Đỗ Minh Dương).

Đề tài chiến tranh Cách mạng ở giai đoạn sau được viết với tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc. Xin đọc truyện Nắng chiều và truyện Hai anh em của Trần Thúc Hà. Nhà văn Dương Đức Khánh trong tập truyện Người chợ kệ, kể những câu chuyện ở một làng quê có “rất nhiều nhà có người tham gia cả hai bên”. Tác giả không miêu tả những sự tích anh hùng lừng lẫy, mà miêu tả cái đời thường của nhân dân trong chiến đấu, cũng không khai thác sự căm thù ta-địch, mà tô đậm tư tưởng “hòa hợp hòa giải” sau chiến tranh [[36]].

Nhà văn Trần Thu Hằng kể Chuyện tỉnh ở Hầm Hinh [[37]] như sau: Trong một chuyến đi công tác ở Việt Nam, Leroy (một nhà báo và nhiếp ảnh Pháp) gặp bà Mai Thùy Dobré, cô giáo cũ, nghe cô kể chuyện tình của mình với Pierre và sau đó với Ba Dương. Khi về Pháp, Leroy đích thân tìm hiểu về trại tỵ nạn Grand Arènas nơi bà Thùy Mai đến đó năm 1947, và đến gặp Pierre ở đảo Corse gặp Pierre để tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến bà Thùy Mai. Bối cảnh câu chuyện là một không gian rộng, từ mật khu Hầm Hinh dưới chân núi Chứa Chan, vùng Xuân Lộc, Sài gòn, những ngày trước và sau CM/8, mở rộng sang Lyon, Marseill, đảo Corse ở Pháp. Câu chuyện từ hiện tại (2005), lúc những người trồng rừng tìm thấy hài cốt Ba Dương quy tập về nghĩa trang liệt sĩ, ngược về năm 1943, lúc bà Thùy Mai 16 tuổi, là nữ sinh trường Gia Long Sài gòn, sau đó là những năm trước cách mạng tháng tám 1945. Truyện ca ngợi những chiến sĩ cách mạng trung kiên như Ba Dương, Hai Huệ, và những cán bộ Việt Minh, qua cái nhìn của kẻ thù thực dân Pháp mà đại diện là Pierre. 

Tác phẩm nằm ở ranh giới giữa các kiểu tác phẩm: văn chương cách mạng, kiểu truyện điều tra trinh thám, kiểu văn chương thị trường về cuộc tình tay năm. Ngòi bút Trần Thu Hằng mở một biên độ rất rộng về không gian và thời gian và sử dụng kết hợp nhiều kiểu bút pháp hiện đại, tạo nên sự mới mẻ so với cách kể truyền thống.

Có sự vận động về tư tưởng và nghệ thuật từ thế hệ nhà văn Hoàng Văn Bổn đến nhà văn Phạm Văn Đảng ở đề tài chiến tranh cách mạng và kháng chiến. Từ phản ánh hiện thực cách mạng hào hùng của dân tộc (Hoàng Văn Bổn) đến những vấn đề của người lính thời bình và cả những bi kịch chiến tranh (Lê Đăng Kháng, Phạm Thanh Quang). Từ phương pháp Hiện thực Xã hội chủ nghĩa chuyển sang sự tổng hợp nhiều kiểu bút pháp (Trần Thu Hằng), từ không gian một làng, một vùng miền (Người Chợ Kệ) mở rộng không gian và thời gian với những quan hệ chằng chịt phức tạp (Chuyện tình ở Hầm Hinh), và từ cách viết “ta nhất định thắng-địch nhất định thua” chuyển sang tư tưởng hòa hợp hòa giải dân tộc. Những vận động như thế làm phong phú văn học Đồng Nai.

  • Những đề tài “Nhân văn-Dân chủ

Tôi mượn chữ “Nhân văn-dân chủ” của Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị:

Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 23/BCT là: “ Văn học, nghệ thuật Việt Nam

 thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ. Phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người”…

Văn học Đồng Nai từ đổi mới trở đi (1986) dần dần trở về với đời thường của nhân dân, khám phá những phần “hiện thực không Cách mạng” đời sống hàng ngày, từ đó đặt vấn đề “xây dựng con người” trong thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là phần hiện thực mà Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa trước đó chưa quan tâm.

Viết về công nhân là rất khó:

Nhà văn Dương Thu Hường cho biết: “Về kỹ nghệ chúng ta chưa làm ra máy móc. Về con người, họ bảo làm sao, làm y như vậy là đạt chuẩn. Trong khi hàng hóa bảo mật, lộ bí mật công nghệ sẽ bị xử theo nội quy công ty. Không thể viết ký dùng hình ảnh, không thể tả sản phẩm vì điều đó cũng vi phạm bản quyền”; “Viết về công nhân, công nghiệp trong đầu tư trực tiếp nước ngoài theo mô -tip trên không ổn. Với tôi, không thể viết. Cuộc sống công nhân đã trả rất nhiều giá đắng chát, ngậm ngùi bên tiền lương, đôi khi được cho là đắt với loại lao động phổ thông. Nhưng đích cuối cùng của công nhân khi được hỏi chỉ là về quê, vì không sống nổi ở thành phố”[[38]]

Viết về những con người “dưới đáy” xã hội, Nhà văn Nguyễn Trí đã in Bãi vàng, Đá quý, Trầm hương, Đồ tể (2014), Bụi đời và thục nữ (2017); Ăn bay (2018…)

Nhà văn Khôi Vũ kể những chuyện thời sự, và từ đó ông nâng lên thành những suy gẫm thế sự. Ông đã 2 lần đạt giải của Hội Nhà văn (1990 & 2020). Và nhiều lần đạt giải Trịnh Hoài Đức. Xin đọc: Chuyện ở dãy phố năm căn (truyện vừa.1987), Tri thiên mệnh (tập truyện. 2001), Phía sau một khách sạn (tiểu thuyết. 2007), Vỡ dần trong mắt (tiểu thuyết. 2009), Bến đời mơ thực (tiểu thuyết. 2016), Sông Luộc ở phương Nam (tiểu thuyết. 2021)…

Viết về đề tài lịch sử, nhà văn Trần Thúc Hà (1937-2023) và nhà văn Trần Thu Hằng có những tác phẩm tâm huyết. Trần Thúc Hà có các tác phẩm: Trên dòng sông Phố (tiểu thuyết 2009) viết về Nguyện Hữu Cảnh. Tập truyện Đằng giang tự cổ viết về những nhân vật lịch sử giàu lòng yêu nước, thương dân, dù trong hoàn cảnh nào cũng giữ vững chí khí anh dũng, kiên trung, đề cao kế sách “lấy dân làm gốc”; sẵn sàng hy sinh thân mình, hay gác lại việc riêng, xả thân vì nghĩa lớn” [[39]]. Năm 2018, truyện ngắn Người cận vệ của vua Hàm Nghi của Trần Thúc Hà được chọn trong 10 truyện ngắn hay của báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Trần Thu Hằng có tiểu thuyết Chuyện tình ở Hầm Hinh (đã giới thiệu ở trên) và tiểu thuyết Đàn đáy, “…lấy bối cảnh thời Lê – Trịnh, giai đoạn lịch sử đầy biến động của Việt Nam… Trần Thu Hằng treo lên đó “bức tranh” về một phường hát ca trù nổi danh khắp kinh kỳ, với hai nhân vật chính là anh kép đàn dòng dõi và cô đào hát lạc loài… Cuộc đời éo le của họ vừa là kết quả của nghiệp cầm ca đa đoan, vừa bởi chính bản thân họ đa mang cả chữ “tình” và chữ “tâm”, làm nên giá trị nhân văn của tác phẩm”[[40]].

Nhà văn Đồng Nai cũng viết về những hiện tượng suy thoái đạo đức trong buổi giao mùa từ Kinh tế bao cấp sang Kinh tế thị trường và hội nhập toàn cầu hóa. Các nhà văn đứng trên lập trường dân tộc, đạo đức truyền thống và các giá trị nhân văn để lên tiếng cảnh báo về cái xấu đang làm băng hoại những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Đáng kể là các tác phẩm: Tình đời đen bạc (tiểu thuyết. 1988) và Người điên kể chuyện người điên (tập truyện ngắn. 1992) của Hoàng Văn Bổn; Ốc mượn hồn (1992), Hồi ức làng Che (1999) của Nguyễn Đức Thọ; Đất trời vần vũ (tiểu thuyết. 2009) và Ngược mặt trời (tiểu thuyết. 2012) của Nguyễn Một; Tập truyện Sự đời (2013) và Đối mặt (2019) của Đào Sỹ Quang; Tập truyện ngắn Quỷ sứ không nhiều chuyện (2013) của Trâm Oanh; Đòn gió (tiểu thuyết) của Dương Thu Hường viết về đời sống người công nhân trong công ty Buadinh. Họ bị đối xử tệ, lương thấp. Công nhân đình công thì bị đàn áp… Nhà văn nói lên khát vọng hạnh phúc của người công nhân. Các tập thơ Em bán sầu riêng, Trốn, Sợ của Đào Trọng Thử mang nặng nỗi đau đời theo phong cách thơ trào phúng của Trần Tế Xương…

3. SỰ PHÁT TRIỂN THỂ LOẠI VĂN HỌC.

            a. BÚT KÝ ĐỒNG NAI [[41]]

Nhà văn đi tham quan du lịch, đi trại sáng tác (theo các chủ đề chính trị) thì thường viết ký. Ở Đồng Nai, Hội Văn học Nghệ thuật đã tổ chức nhiều trại: sáng tác đề tài Nông nghiệp, Công nghiệp, Lực lượng vũ trang, Chiến khu Đ, Thiếu nhi và dân tộc thiểu số, Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Trại sáng tác trẻ, Văn nghệ sĩ đồng hành cùng đất nước…

Ký của Hoàng Ngọc Điệp, Trâm Oanh, Hoàng Đình Nguyễn, Bùi Thị Kim Chi có nét đẹp riêng. Nhà văn Khôi Vũ có các tập Ký: Nhớ Biên Hòa (2005), Theo dòng chảy Đồng Nai. (2016).

Nhà thơĐàm Chu Văn có các bài viết: Còn lại với mai sau, Rừng xanh in bóng, Trở lại rừng Sác, Tết trên đất bạn.

Nhà văn Lê Đăng Kháng viết: Chuyến tàu năm ấy, Lời hẹn với rừng, Trong màn sương ban mai, Duyên hạnh ngộ.

Nhà văn Nguyễn Một đã xuất bản các tập bút ký: Quà của đất (2002), Giữa đời thường (2005), Dòng sông độ lượng (2008).

Nhà văn Phạm Văn Đảng có các bài viết: Dốc Mơ Farm, Mùa xuân chiến sĩ Trường Sa, Nặng tình đồng đội, Những chiến công như huyền thoại.

Nhà văn Trần Thu Hằng viết: Hưng Lộc-Dáng vóc, đường bay mới; Ba mươi năm-một chốn đất lành; Trăn trở với thác Mai; Vĩnh Cửu trên những cung đường mới; Buồn Tường Vy-Mối duyên thơ nhạc; Tạm biệt Phan Vĩnh; Họa sĩ Trần Quốc Tiến một cuộc đời say mê sáng tạo.

Nhà văn Đào Sỹ Quang viết: Đi tìm đôi bàn chân kỳ diệu; Người con trung hiếu; Người viết những ước mơ; Từ Biên Hòa nhớ Kinh Bắc; Về với địa đầu tổ quốc; Điểm sáng Xuân Định, tập bút ký Đất và người (2015).

Nhà văn Trâm Oanh viết: Đứa con của rừng, Ngọn núi và cánh đồng, Suối Mơ, Ven sông có xóm nhà sàn; Sân bay Long Thành và câu chuyện Suối Trầu; Đồng Nai hướng nhìn từ những nhịp cầu.

Nhà văn Dương Thu Hường viết: Tuyệt đỉnh Phôm Pênh (tập bút  ký. 2017, với bút danh Bích Trà); Vĩnh Cửu-Du lịch sinh thái vườn; Cù lao Phố trong tôi; Định nghĩa Changi).

Nhà thơ Nguyễn Hoài Nhơn có tập bút ký: Những đứa con của núi (2010).

Nhà thơ Nguyễn Thị Khánh (Ngọc Khánh) viết: Cuộc sống miền quê, Đẹp…từ trong ra ngoải, Khoảng trời mới, Một chuyến đi vui, Mùa hoa nở, Tết ở quê tôi.

Tác giả trẻ Huyền Quy viết Thầm lặng tỏa hương, về chống dịch Covid. (VNĐN số 47-48/ 2022)…

Ký là tấm lòng sâu nặng nghĩa tình của nhà văn Đồng Nai đối với quê hương mình.

(Xin đọc – 45 Năm văn học Đồng Nai-Thành tựu về Bút Ký)

                 45 năm qua, các tác giả Đồng Nai đã để lại những trang văn qúy giá về hiện thực đất nước. Truyện ngắn Đồng Nai đa dạng về đề tài, nội dung, nhưng nghệ thuật vẫn nằm trong thi pháp chung của Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa. Cảm thức anh hùng ca, tình yêu quê hương đất nước, tình cảm công dân là những nét đặc trưng.

                 Xin đọc Chuyện Ầy Đã Qua Rồi (1979) và Chuyện Người Thổi Sáo Ở Bến Xuân (1991) của Lý Văn Sâm, Muối đỏViên gạch lạ của Tấn Hoài, Hồi ức làng Che (1999) của Nguyễn Đức Thọ, Một thời rừng Sác của Đại tá AHLLVTND Lê Bá Ước, Sương sớm của Lê Đăng Kháng, Địa linh của Phạm Thanh Quang, Đàn ống tre bên kia sông của Khôi Vũ, Mẹ Nghiệp của Đào Sỹ Quang, Người Chợ Kệ của Dương Đức Khánh, Một thời khói lửa của Phạm Văn Đảng…

                 Trong tiến trình phát triển, truyện ngắn Đồng Nai có sự vận động về bút pháp: từ bút pháp Hiện thực Xã hội chủ nghĩa [[42]]: ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lý tưởng hóa nhân vật, văn học trực tiếp phục vụ nhiệm vụ chính trị; truyện ngắn Đồng Nai phát triển thêm những tác phẩm viết bằng bút pháp “Hiện thực Nhân văn-Dân chủ”. Và từ đầu thế kỷ XXI đã có những thể nghiệm cách tân cách viết truyện ngắn của Khôi Vũ, Nguyễn Một, Trần Thu Hằng.

                 Xin đọc: Người điên kể chuyện người điên của Hoàng Văn Bổn, Hồi ức làng Che của Nguyễn Đức Thọ, Tri thiên mệnh của Khôi Vũ, những truyện tình yêu lãng mạn giàu phẩm chất bi kịch của Nguyễn Một [[43]], các truyện ngắn kiểu truyện tư tưởng của Trần Thu Hằng [[44]]…

                 Tuy vậy, cũng có nhà văn lúng túng trong cách thể hiện phần “hiện thực không cách mạng”. Xin đọc Nhật ký Cô Cô của Dương Thu Hường (VNĐN số 34 – tháng 11 & 12 năm 2019), Lênh đênh qua cửa Thần Phù của Nguyễn Trí (VNĐN số Xuân Tân Sửu 2021)…

                 Những khuôn mặt truyện ngắn Đồng Nai tiêu biểu là Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Nguyễn Đức Thọ, Khôi Vũ, Lê Đăng Kháng, Phạm Thanh Quang, Nguyễn Một, Nguyễn Trí, Đào Sỹ Quang, Hoàng Ngọc Điệp, Trần Thu Hằng, Phạm Văn Đảng, tác giả phong trào Nguyễn Duy Đồng, và các tác giả trẻ như Lã Hoài Mai, Tống Thanh Tâm, Hoàng Thị Quỳnh Trang, Lý Thăng Long…

                 (Mời bạn đọc bài- 45 Năm Văn học Đồng Nai-Thành tựu về truyện ngắn)

            Ở Đồng Nai, số lượng nhà văn viết tiểu thuyết rất ít. Tiêu biểu là các nhà văn Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Nguyễn Đức Thọ, Lê Đăng Kháng, Phạm Thanh Quang, Khôi Vũ, Nguyễn Một, Nguyễn Trí, Trần Thúc Hà, Trần Thu Hằng…

            Điều này có thể lý giải. Tiểu thuyết là thể loại đòi hỏi người viết một năng lực rất cao về khả năng kiến tạo tác phẩm, hư cấu cốt truyện, bố trí nhân vật, xây dựng tình huống. Nhà văn phải huy động toàn bộ vốn sống, vốn tri thức và tâm huyết vào trang văn. Người viết tiểu thuyết phải biết nuôi dưỡng cảm xúc, phải biết phân thân trong nhiều nhân vật và phải điêu luyện trong kỹ năng miêu tả (tả người, tả cảnh, tả tâm lý, xây dựng tình huống…). Tất cả những yêu cầu ấy không phải người cầm bút nào cũng có được.

            Có thể nhận thấy tiểu thuyết Đồng Nai phát triển thành 3 dòng trong sự phát triển chung của văn chương Việt đương đại:

            Văn học Cách mạng và kháng chiến: Nhà văn Hoàng Văn Bổn có nhiều tiểu thuyết về đề tài này. Chẳng hạn Miền đất ven sông (3 tập.1984). Nguyễn Đức Thọ có Xứ sở tình yêu (1989). Trần Thu Hằng có Chuyện tình ở Hầm Hinh. Lê Đăng Kháng có Vầng trăng nơi thiên đường (1991)và Hoa cúc ổi (2006). Phạm Thanh Quang có Dòng xoáy cuộc đời (1989).

 Văn học Nhân văn-Dân Chủ tiêu biểu là tiểu thuyết Lời nguyền hai trăm năm (1989), Sông Luộc ở phương Nam (2020) của Khôi Vũ. Ba tiểu thuyết Đất trời vần Vũ (2009), Ngược mặt trời (2012), và Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín (2023) của Nguyễn Một. Phạm Thanh Quang có tiểu thuyết Cỏ tình (2001).

Văn chương thị trường: Có thể nóiKhôi Vũ, Nguyễn Trí, Nguyễn Một là nhà văn thị trường bởi tác phẩm của các nhà văn này hướng đến đối tượng công chúng thị trường và các nhà văn có một lượng độc giả nhất định. Khôi vũ có Người có một thời, Giữa dòng đời, Phía sau một khách sạn, Đời (bộ truyện vừa 4 tập), Ảo (truyện vừa)…Nguyễn Trí với tiểu thuyết Ăn Bay, Bụi đời và thục nữ…Trần Thu Hằng có Người đàn bà lưu vong…

Trần Thúc Hà viết tiểu thuyết lịch sử Trên dòng sông Phố (2009) kể lại một giai đọạn cuộc đời Nguyễn Hữu Cảnh từ ngày đầu xuôi thuyền vào đất Cù lao phố đến khi qua đời. iểu thuyết này không thành công như mong đợi.

            Ghi nhận một vài đặc điểm của tiểu thuyết Đồng Nai:

            Tiểu thuyết Đồng Nai phát triển thành ba dòng trong xu thế chung của văn học hôm nay. Lấy bối cảnh Đồng Nai, khắc họa con người và cuộc sống Đồng Nai từ đó đặt ra nhiều vấn đề của lịch sử xã hội Đồng Nai, tiểu thuyết Đồng Nai đã tạo được một không gian nghệ thuật riêng, có thể định vị được trên dòng chảy chung của tiểu thuyết Việt đương đại.

Trong sự phát triển ấy, tiểu thuyết Đồng Nai đã đóng góp tích cực cho sự cách tân tiểu thuyết Việt Nam. Nhà văn Hoàng Văn Bổn với tiểu thuyết sử thi. Khôi Vũ nỗ lực cách tân lối viết tiểu thuyết từ Lời nguyền hai trăm năm đến Vỡ dần trong mắtSông Luộc ở phương Nam. Nguyễn Một thử nghiệm nhiều thủ pháp của Chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo và Hậu hiện đại để viết “tiểu thuyết rời rạc”, Trấn Thúc Hà và Trần Thu Hằng viết tiểu thuyết lịch sử…

            (Xin đọc: 45 năm văn học Đồng Nai-Thành tựu về tiểu thuyết).

Lực lượng sáng tác thơ ở Đồng Nai khá đông đảo. Ngoại trừ các nhà thơ Hội viên

Hội Nhà văn Việt Nam có tính chuyên nghiệp và một số nhà thơ kỳ cựu, còn lại là các tác giả phong trào.

            Đó là các nhà thơ Lê Thanh Xuân, Lê Đăng Kháng, Đàm Chu Văn. Trần Ngọc Tuấn, Đỗ Minh Dương, Nguyễn Đức Phước, Minh Hạ. Các tác giả kỳ cựu: Đào Trọng Thử, Hoàng Đình Nguyễn, Nguyễn Hoài Nhơn, Hạnh Vân, Ngọc Khánh, Kiều Văn Phẩm, Lê Liên, Lê Ngọc Lợi, Tân Triều; Các tác giả thế hệ thứ 3: Bùi Kim Chi, Hoàng Thị Minh Hòa, Hoàng Văn Bảy, Hoàng Văn Thống, Lê Hương Thơm, Mai Hân Hạnh, Nguyễn Duy Đồng, Nguyễn Quang Tấn, Bằng Lăng, Nguyễn Thị Phương Liễu, Trần Bảo Thư; và các tác giả trẻ (thế hệ thứ tư) như: Huyền Quy, Lê Phan Hiếu Anh, Huỳnh Ngọc Tuyết Cương, Đào Nguyên Thảo, Trần Thị Hiếu…

            Thời kỳ đầu (sau giải phóng) thơ Đồng Nai vẫn nằm trong thi pháp của của thơ Hiện thực xã hội chủ nghĩa thời kháng chiến với các thể thơ truyền thống quen thuộc (thơ Lục bát, Tứ tuyệt, thơ 7 chữ, 8 chữ và thơ tự do). Những đề tài, tình cảm, chất liệu kháng chiến tiếp tục được khám phá thêm trong thời bình. Thí dụ: bài thơ Anh thương binh phơi thóc của Lê Đăng Kháng, Viếng bạn ở nghiã trang biên giới Tây Nam của Đàm Chu Văn.

Ở giai đọan sau (khi Việt Nam mở cửa hội nhập toàn cầu hóa), Thơ Đồng Nai trở những đề tài đời thường, khai thác những tình cảm của cá nhân trong các mối quan hệ đời thường, và hướng về hiện thực đa dạng của cuộc sống. Thí dụ: bài thơ Miền đất ven sông của Lê Thanh Xuân (trong tập Ngoài kia mây trắng); Bài Đêm ngắm sao trời và bài Bỗng dưng lại buồn của Đỗ Minh Dương(trong tập Đồng dao cho mình); Lời cha của Nguyễn Đức Phước, Chợ Biên Hòa của Minh Hạ…

Có sự khác biệt về phẩm chất tư tưởng-nghệ thuật thơ giữa các nhà thơ hội viên Hội

 Nhà văn Việt Nam và các tác giả phong trào. Các nhà thơ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và các nhà thơ kỳ cựu ít nhiều đã định hình phong cách nghệ thuật, đã có những sáng tạo riêng, đã in những tập thơ được dư luận chú ý và có đóng góp vào sự phát triển thơ ca đương đại.

            Các nhà thơ Đồng Nai tiêu biểu là: Lê Thanh Xuân, Đàm Chu Văn, Đỗ Minh Dương, Lê Đăng Kháng, Trần Ngọc Tuấn, Đào Trọng Thử, Nguyễn Hoài Nhơn. Nguyễn Đức Phước, Quang Tấn, Hạnh Vân, Trần Thị Bảo Thư.

            (Xin đọc: 45 năm văn học Đồng Nai, thành tựu về thơ)

e. VĂN HỌC THIẾU NHI

Nhiều nhà văn Đồng Nai dành tâm huyết cho thiếu nhi. Mỗi nhà văn có sự khám phá sáng tạo riêng về nghệ thuật và gửi gắm những bài học giàu ý nghĩa nhân văn.

Nhà văn Nguyễn Thái Hải sử dụng đa dạng bút pháp. Ông có truyện đồng thoại, truyện hiện thực và có truyện “trinh thám” (Ba chàng thám tử.1992; Ai cướp chiếc Laptop-2012; Cha con ông Mắt Mèo. 2013; Khu vườn hạnh phúc. 2014; Thám tử học trò-3 tập. 2019…).

Nhà văn Trần Thu Hằng dẫn trẻ vào thế giới của viễn tưởng (Thần đồng và cuộc chiến bảo vệ thủy tháp-tiểu thuyết 2009), thế giới của cổ tích-lịch sử (Chàng thợ gốm, truyện dài).

 Nhà văn Hoàng Ngọc Điệp muốn giúp trẻ yêu thêm đất nước, con người Đồng Nai, một miền quê hương yêu dấu (Cù lao yêu dấu-truyện dài.2018; Ngày hè của chuột con-truyện dài. 2022)[[45]].

 Nhà văn Trâm Oanh kể những “Câu chuyện cuộc sống” khi xã hội chuyển sang nền kinh tế thị trường với bao điều xô bồ nhiễu nhương. Trong những gia đình ấy, khổ nhất là những đứa trẻ [[46]]. Tập truyện dài thiếu nhi “Chuyện Mếu và Máo” (2018) của chị được nhà văn Nguyễn Trí nhận xét: Ưu điểm nổi bật của Oanh là giọng văn tưng tửng, hóm hỉnh, trí tưởng tượng dồi dào, vì vậy có những đoạn ly kỳ như truyện trinh thám, làm người đọc hồi hộp. Đây chính là thế mạnh của Oanh khi viết cho thiếu nhi” [[47]].

Nhà văn Phạm Thanh Quang có các tác phẩm: Lạc giữa hành tinh (truyện dài. 2003), Nhóm lửa giúp bà (thơ. 2012), Cua kềnh vượt vũ môn (truyện dài. 2019 [[48]]).

Nhà văn Bùi Quang Tú có tập truyện Rùa vàng của bé Quỳnh.  

Nhà thơ Đàm Chu Văn Bài có bài thơ Thả diều bên dòng sông quê hương được chọn vào sách giáo khoa Tiếng Việt 3, bộ Chân trời sáng tạo (NXB Giáo dục Việt Nam, 2022).

(Xin đọc Truyện thiếu nhi Đồng Nai)

f. NGHIÊN CỨU, LÝ LUẬN & PHÊ BÌNH VĂN HỌC.

Văn học Đồng Nai có nhiều nhà văn nhà thơ tham gia viết phê bình văn học. Điều này tạo nên đặc điểm và giá trị riêng của phê bình văn học Đồng Nai.

Về kiểu loại bài viết, có những bài nhận định khái quát giai đoạn văn học, có bài bài giới thiệu tác giả hay tác phẩm và có những công trình nghiên cứu chuyên sâu về văn học Đồng Nai, tuy chưa nhiều.

Các nhà thơ nhà văn viết phê bình văn học, kiểu bài “điểm sách, điểm tin” là: Trần Thúc Hà, Bùi Quang Tú, Trần Ngọc Tuấn, Đàm Chu Văn, Đỗ Minh Dương, Lê Đăng Kháng, Hoàng Ngọc Điệp, Trần Thu Hằng (bút danh: Mai Sơn, Gia Cát).

Viết lý luận phê bình chuyên nghiệp có nhà văn, nhà nghiên cứu Bùi Quang Huy và Bùi Công Thuấn. Bùi Quang Tú chuyên về viết “chân dung văn học”. Tác phẩm: Viên phấn và cây bút; Lời cám ơn Hà Nội. Bùi Quang Huy viết: Văn học Đồng Nai-Lịch sử và diện mạo, Huỳnh Văn Nghệ tác giả và tác phẩm.

Hai tác phẩm của tôi tập trung viết về văn học Đồng Nai là Hoa đỏ bên sôngNhà văn Đồng Nai

Nhìn chung, Nghiên cứu, lý luận & phê bình văn học ở Đồng Nai bao quát được tình hình sáng tác và sự phát triển của văn học Đồng Nai; đánh giá được những giá trị văn học và góp phần tích cực thúc đẩy sáng tác. Việc nghiên cứu văn học, nghiên cứu lịch sử văn học Đồng Nai còn hạn chế. Cho đến nay chưa có một công trình Lịch sử văn học Đồng Nai tương xứng với sự phát triển của văn học.

(Xin đọc bài: 45 năm văn học Đồng Nai, thành tựu về nghiên cứu, lý luận & phê bình văn học [[49]])

3. NHỮNG VẬN ĐỘNG PHÁT TRIỂN

            Nói đến sự phát triển là nói sự vận động nội tại của văn học. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, văn học có những đặc điểm riêng cả về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật và thi pháp. Văn học chỉ phát triển khi xuất hiện những yếu tố mới.

            a. Sự vận động sáng tạo giữa các thế hệ (đã trình bày ở trên), thế hệ sau có sự khác biệt về thi pháp với thế hệ trước. Chẳng hạn, thế hệ Hoàng Văn Bổn có những bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ mà thế hệ sau không có. Nhưng ở thế hệ Trần Thúc Hà, Trần Thu Hằng lại xuất hiện tiểu thuyết lịch sử. Cấu trúc truyện song song ngược chiều của Khôi Vũ trong Lời nguyền hai trăm năm là một cách tân tiểu thuyết đương đại mà trước đó chưa có. Tác phẩm của Nguyễn Một (Đất trời vần vũ, Ngược mặt trời) lại nghiêng về dòng văn học dân chủ và nhân văn. Và nếu đọc thơ và truyện viết về người lính hôm nay của Minh Đức (Xin đọc: Viết ở thao trường, Chuyện tình dưới đáy ba lô, Hoa nắng mặt trời, Cha trở lại sư đoàn…), và Phạm Văn Đảng ( Một thời khói lữa, Một quyết định khó khăn, Chuyên gia bất đắc dĩ, Hương ngọc lan…), người đọc sẽ thấy sự khác biệt rất rõ trong nội dung và cách viết so với thế hệ trước đó. 

             Những sáng tác phong trào của thế hệ thứ ba có tính vượt trội (Hoàng Văn Thống, Nguyễn Duy Đồng, Mai Hữu Hạnh, Bằng Lăng, Nguyễn Kim Chi, Hoàng Thị Minh Hòa, Trần Thị Bảo Thư, …

            Thế hệ trẻ 8x, 9x (thế hệ thứ tư) trưởng thành từ đầu thế kỷ XXI, nhiều người đã có những đường nét mới trong cách viết, khác với thế hệ trước. Đó là các tác giả: Huỳnh Ngọc uyết Cương, Lã Hoài Mai, Lê Vũ Anh Đào, Nguyễn Huyền Quy, Tống Thanh Tâm, Đào Nguyên Thảo, Trịnh Khánh Linh…[[50]]

            b. Sự vận động về nội dung: các đề tài truyền thống cũng xuất hiện những cách viềt mới.

            Đề tài chiến tranh cách mạng là đề tài xuyên suốt 45 năm của văn học Đồng Nai, nhưng có sự vận động nội tại. Thế hệ nhà văn Hoàng Văn Bổn miêu tả trực tiếp chiến tranh Cách Mạng với tư cách một nhà văn-chiến sĩ vừa cầm súng vừa cầm viết (Miền đất ven sông, Bầu trời mặt đất, Sóng bạc đầu, Hàm Rồng,…). Thế hệ thứ hai: Lê Đăng Kháng, Phạm Thanh Quang, Đàm Chu Văn, Đào Trọng Thử, Đỗ Minh Dương, Hoàng Văn Thống… (là người lính chống Mỹ trở về từ chiến trường) viết về chiến tranh cách mạng qua hồi ức, với những trải nghiệm của bản thân, và những kỷ niệm chiến trường. Các tác giả này đối mặt với những vấn đề đời thường của người lính trở về sau chiến tranh lúc đất nước trong giai đọan khủng hoảng (giai đoạn 1975-1990). Xin đọc Sương sớm (2011) của Lê Đăng Kháng. Và đến nhà văn bộ đội hiện nay (2023), không khí truyện và thơ của Minh Đức và Phạm Văn Đảng viết về người lính hôm nay trẻ trung hơn, vui tươi hơn, và không ít lãng mạn.

            Giai đoạn đất nước bị khủng hoảng, đời sống nhân dân khó khăn, xuất hiện những yếu tố tiêu cực trong quản lý và sự xuống cấp về đạo đức xã hội, đã xuất hiện những tác phẩm thuộc dòng Văn học dân chủ nhân văn. Nhà văn Đồng Nai đã lên tiếng mạnh mẽ trước cái xấu, bảo vệ cái đẹp truyền thống của dân tộc và Cách mạng. Đó là những tiếng nói tâm huyết.

Xin đọc: Tình đời đen bạc, Người điên kể chuyện người điên của Hoàng Văn Bổn, các tập thơ Em bán sầu riêng, Sợ, Trốn…của Đào Trọng Thử, Đất trời vần vũ của Nguyễn Một. Những tác phẩm này xuất hiện cùng thời với dòng Văn học nhân văn- dân chủ trong cả nước: xin đọc: Cù Lao Chàm (Nguyễn Mạnh Tuấn), Thời xa vắng (Lê Lựu), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Thiên Sứ (Phạm Thị Hoài), Ba người khác (Tô Hoài), Tướng về hưu (Nguyễn Huy Thiệp), Thời của thánh thần (Hoàng Minh Tường), Chuyện kể năm 2000 (Bùi Ngọc Tấn), Mối chúa (Tạ Duy Anh), Kiến, chuột và ruồi (Nguyễn Quang Lập)…

Tuy nhiên, Văn học có nội dung nhân văn và dân chủ ở Đồng Nai không gây được tiếng vang nào.

Tình yêu quê hương đất nước, có sự chuyển động từ chiến tranh sang thời bình. Các nhà văn Đồng Nai sinh ra ở mọi miền đất nước nên tình quê hương trong thơ văn cũng biểu hiện hết sức phong phú. Tác giả nào cũng ghi nặng tình quê trên trang văn của mình. Miền đất ven sông của Hoàng Văn Bổn và Nắng bên kia làng của Lý Văn Sâm là tình yêu quê hương, gia đình trong kháng chiến. Tập thơ Giấc rừng của nhà thơ Đàm Chu Văn (2014) là những tình cảm trong hòa bình…Gần đây nhất là tiểu thuyết Sông Luộc ở phương nam (2020) của Khôi Vũ. Tác giả kể lại câu chuyện của gia đình mình trong bối cảnh miền nam từ những năm 1955 đến sau 30/4/ 1975…Nội dung là những sinh hoạt đời thường. Cốt lõi cũa tác phẩm là tình gia đình và tình quê hương. Hơn 300 bài thơ của Hoàng Văn Thống [[51]] có rất nhiều bài thơ đẹp là tình yêu quê hương đất nước hôm nay.

Đề tài về nông thôn, về biển đảo, về chống Covid, về Công nhân là những đề tài của văn chương phong trào. Mặc dù Hội VHNT Đồng Nai mở nhiều trại sáng tác, nhiều cuộc thi, song có rất ít tác phẩm vượt khỏi tầm phong trào (văn học phục vụ trực tiếp nhiệm vu chính trị).

Văn học trẻ tuy đã có được một số khuôn mặt có những sắc nét riêng nhưng trang văn của họ chưa theo kịp các thế hệ đi trước [[52]]. Họ vẫn còn quanh quẩn trong Cái Tôi.

c. Sự vận động về nghệ thuật.

Nói đến sự phát triển của một nền văn học thì sự vận động nghệ thuật là yếu tố quyết định làm cho văn học vượt lên phía trước.

Ở Đồng Nai, nhà văn Khôi Vũ có nhiều cách tân trong nghệ thuật tiểu thuyết. Tiểu thuyết Lời nguyền hai trăm năm có cấu trúc song song ngược chiều. Từ Lời Nguyền Hai Trăm năm (1989), Vỡ dần trong mắt (2009) và Bến đời mơ thực (2016) là một hành trình tìm tòi, đổi mới cách viết tiểu thuyết của Khôi Vũ. Sông Luộc ở Phương Nam (2020)[[53]] là một bước đổi mới thi pháp nữa của Khôi Vũ. Đó là sự chọn lựa miêu tả hiện thực miền Nam (không cách mạng) trước và sau 1975. Không phải vô tình mà Hội Nhà văn trao giải cho Lời nguyền hai trăm nămSông Luộc ở phương Nam.

Nhà văn Nguyễn Một đã viết tiểu thuyết Ngược mặt trời mà anh gọi là “Tiểu thuyết rời rạc”[[54]], có người cho rằng tiểu thuyết này có thể đọc từng chương như những câu chuyện rời rạc (tức là không cần bảo đảm trật tự cấu trúc của tác phẩm như trong tiểu thuyết truyền thống). Đến tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín (2023), Nguyễn Một lại khám phá hiện thực chiến tranh ở miền Nam (hiện thực không cách mạng) trước và sau 1975. Tác phẩm này đạt giải thưởng Hội Nha văn 2023).

Nhà văn Nguyễn Trí chọn lựa viết về thế giới những con người “dưới đáy”(Chữ của M. Gorky) bằng lối văn trần trụi.

Nhà văn Trần Thu Hằng cũng thành công với 2 tiểu thuyết lịch sử là Đàn ĐáyChuyện tình ở hầm Hinh (truyện lịch sử Cách mạng)[[55]]. Nhà văn Trần Thúc Hà có truyện ngắn lịch sử Người cận vệ của vua Hàm Nghi được chọn là truyện ngắn hay năm 2018 của báo Văn nghệ Hội Nhà văn.

Về thơ, tập thơ Xao thu [[56]] của nhà thơ Đàm Chu Văn là hành trình 15 năm tìm tòi sáng tạo và đổi mới về cách viết. Nhà thơ Nguyễn Đức Phước[[57]] đã làm thơ theo phong cách Thơ trẻ [[58]] đầu thế kỹ XXI. Riêng Trần Ngọc Tuấn kiên trì với thơ Thiền đương đại [[59]].

Như vậy, từ thế hệ đầu tiên (Thế hệ Hoàng Văn Bổn) đến thế hệ đổi mới (nhà văn Nguyễn Một, Trần Thu Hằng, Nguyễn Đức Phước, Dương Đức Khánh), và thế hệ cầm bút trẻ đầu thế kỷ XXI, văn học Đồng Nai đã có những bước phát triển thật khởi sắc. Tuy cùng một dòng chảy của văn học cả nước, nhưng Văn học Đồng Nai có những yếu tố nổi trội về đội ngũ (Văn, thơ, Lý luận phê bình); về tác phẩm, chẳng hạn các nhà văn Khôi Vũ, Nguyễn Một, Nguyễn Trí đều đạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Trong sự phát triển, Văn học Đồng Nai kế thừa và gìn giữ được những truyền thống của dân tộc. Mỹ học Marx-Lenin và đường lối văn nghệ của Đảng giúp cho sáng tác của nhà văn đi đúng hướng. Đặc biệt là những đóng góp vào sự đổi mới tư tưởng và nghệ thuật của văn học Việt Nam đương đại. Có thể nói đó là 45 năm vàng son của văn học Đồng Nai.

PHẦN III: NHÌN VỀ TƯƠNG LAI

Nhìn về tương lai, văn học Đồng Nai đang trên đường phát triển.

            1. Nhiều tác giả của Hội VHNT Đồng Nai có khả năng kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam như: Hoàng Đình Nguyễn, Trâm Oanh, Nguyễn Hoài Nhơn, Đào Trọng Thử, Hạnh Vân, Trần Thị Bảo Thư…. Các nhà văn này đã in nhiều tác phẩm và đã có uy tín trên văn đàn. Chẳng hạn, nhà văn Hoàng Đình Nguyễn là hội viên sáng lập Hội VHNT Đồng Nai. Ông đã theo cha tập kết ra Bắc từ lúc 9 tuổi, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1971, tốt nghiệp ĐH Kinh tế Tp HCM năm 1989. Ông nguyên là kỹ sư hóa thực phẩm – nguyên Giám đốc Xí nghiệp Mạch nha Đồng Nai. Ông đã in 14 tác phẩm (06 tập thơ và 08 tập Bút ký).         

            2.Văn học Đồng Nai đã kế thừa và phát huy những truyền thống văn học dân tộc, đã có những nỗ lực đổi mới, ít nhiều có ý nghĩa mở đường cho văn học Việt Nam. Trong giai đoạn mới của đất nước, nhà văn Đồng Nai cần có những tìm tòi, khám phá, thể nghiệm mớiđể có những tác phẩm lớngóp phần “nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật nước nhà”

            3. Tiềm lực của Văn học Đồng Nai còn rất dồi dào và đang được bổ sung thêm những nhân tố mới. Thế hệ thứ hai gồm các nhà văn từ chiến trường bước ra (Đàm Chu Văn, Lê Đăng Kháng, Phạm Thanh Quang, Đỗ Minh Dương, Bùi Quang Tú…) vẫn còn sung sức. Những nhà văn thời đổi mới như Khôi Vũ, Nguyễn Một, Trần Thu Hằng, Trần Ngọc Tuấn, Phạm Văn Đảng đang vượt lên mạnh mẽ. Thế hệ nhà văn phong trào, có nhiều cây bút tài năng (Minh Đức, Trâm Oanh, Dương Thu Hường, Trần Thị Bảo Thư, Nguyễn Duy Đồng, Hoàng Văn Thống, Mai Hân Hạnh, …), có thể trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Thế hệ trẻ đầu thế kỷ XXI gồm hơn 30 tác giả, nhiều người có cốt cách văn chương, có thể đi đường dài sáng tạo.

Vấn đề là Hội cần có kế hoạch phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ tiềm năng này…và tôi tin văn học Đồng Nai đang mở ra một thời vàng son mới..

Đồng Nai 18/6/2023


[1] Phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội Hội VHNT tỉnh Đồng Nai lần thứ V (nhiệm kỳ 2013-2018)

https://baodongnai.com.vn/chinhtri/201402/phat-bieu-cua-dong-chi-bi-thu-tinh-uy-tai-dai-hoi-hoi-van-hoc-nghe-thuat-tinh-dong-nai-lan-thu-v-2293522/

[2] (Báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ IV (2007 – 2012) & Phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ V (2013 – 2018) của Hội VHNT tỉnh Đồng Nai)

[3] Hội nghị tổng kết 15 năm xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật

[4] Thí dụ: Nguyễn Minh Châu viết: “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” (báo Văn Nghệ, Hà Nội số 49&50 ngày 5/12/1987), Hoàng Nọc Hiến viết về “chủ nghĩa hiện thực phải đạo” trong bài “Về một đặc điểm của văn học của ta trong giai đoạn vừa qua” (báo Văn nghệ số 23 năm 1979), truyện ngắn Linh nghiệm của Trần Huy Quang (Văn Nghệ, Hà Nội, số 27 ngày 04/07/1992)…

[5] Phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Nai lần thứ V

https://baodongnai.com.vn/chinhtri/201402/phat-bieu-cua-dong-chi-bi-thu-tinh-uy-tai-dai-hoi-hoi-van-hoc-nghe-thuat-tinh-dong-nai-lan-thu-v-2293522/

[6] Xem: Bùi Quang Huy-“Văn học Đồng Nai-Lịch sử và diện mạo (Nxb Đồng Nai, 2011), phần Văn học Đồng Nai từ 1861 đến 1930, giới thiệu Huỳnh Tịnh Của và Nguyễn Trọng Quản.

[7] Đọc thêm: Gia Định tam gia của Hoài Anh. Nxb Tổng hợp Đồng Nai 2006

[8] Lê Quang Trường-Gia Định tam gia thi trong tiến trình văn học Hán Nôm Nam bộ-Luận văn Tiến sĩ. 2012

[9] Quốc sử quán triều NguyễnQuốc triều sử toát yếu, phần “Chính biên”, Nhà xuất bản Văn học, 2002, tr. 43

[10] Bùi Công Thuấn-“Lòng ta say chiến trận đã thành thơ” (Thơ Huỳnh Văn Nghệ). Nhà văn Đồng Nai. Nxb HNV 2018

[11] Thụy Khuê-Bình Nguyên Lộc-Đất nước con người

    http://thuykhue.free.fr/tk06/BNLoc.html

[12] Tuyển tập thơ Nguyễn Tất Nhiên

[13] Xem Hoài Anh-Gia Định tam gia. Nxb Đồng Nai 2006. Tr. 141, 143.160

[14] Kim Hạnh-Câu thơ duyên nghiệp

http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=1639&CatId=87

[15] Nông Hồng Diệu-Nguyễn Trí, tiểu sử gây sốt

https://tienphong.vn/nguyen-tri-tieu-su-gay-sung-sot-post669849.tpo

[16] Hồ Chí Minh-Cách viết (bài giảng tại lớp chỉnh Đảng trung ương ngày 17.8.1953). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, tr.117

[17] Văn nghệ Đồng Nai số 8/ 1987

[18] Nguyễn Duy Đồng-Thư gửi Ban Chấp hành Hội VHNT ĐN ngày 08 tháng 11 năm 2017biện giải về truyện Chị ấy.

[19] Tổng hợp từ bài viết của các tác giả: Hoàng Ngọc Điệp, Đàm Chu Văn, Hạnh Vân, Thy Vân.

[20] Lyna-Thêm nhiều tác phẩm mới: http://baodongnai.com.vn/vanhoa/201911/them-nhieu-tac-pham-van-hoc-moi-2976223/

[21] Mai Sơn-Một năm sôi động và khởi sắc của văn học Đồng Nai

http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2422&CatId=87

[22] Mai Sơn-Văn học Đồng Nai-Dấu ấn năm 2021 http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2811&CatId=87

[23] Đông Giang-Một năm khởi sắc của văn học nghệ thuật Đồng Nai

http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=3272&CatId=79

[24] Mai Sơn-Văn học Đồng Nai-Những dấu ấn năm 2021

http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2811&CatId=87

[25] Ngô Hường-Hội VHNT Đồng Nai tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai nhiệm vu năm 2023

http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=3057&CatId=79

[26] Giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao cho Đồng Nai: Trong các thập niên qua, Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã trao nhiều giải thưởng, tặng thưởng văn học cho các tác giả Đồng Nai như: Hoàng Văn Bổn (Hồi ký Tuổi thơ ngọt ngào), Phạm Thanh Quang (Tập truyện ngắn Địa linh), Bùi Công Thuấn (tập phê bình văn học Những dòng sông vẫn chảy), Đào Sỹ Quang (tập truyện Sự đời), Đỗ Minh Dương (tập thơ Đồng dao cho mình), Bùi Quang Tú (tập ký Viên phấn và cây bút), Trần Thu Hằng (tiểu thuyết Chuyện tình ở Hầm Hinh), Hoàng Ngọc Điệp (truyện thiếu nhi Cù lao yêu dấu)…(Nguồn: Tùng Điển, Đôi điều về 45 năm văn học Đồng Nai 1975-2020. VNĐN số 38 – tháng 07 & 08 năm 2020)

[27] Dương Thu Hường-Công nhân viết văn và văn học viết về công nhân

http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2400&CatId=83

[28] Bùi Công Thuấn-Thơ Lê Thanh Xuân-Tạp chí Thơ số 4.2016

[29] Bùi Quang Tú-Bên dòng sông Thị Vảihttp://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=1868&CatId=76

[30] Bùi Công Thuấn-Một thời rừng sác của Lê Bá Ước:

    http://chuttinhtriam.blogspot.com/2014/08/mot-thoi-rung-sac-le-ba-uoc.html

[31] Bùi Công Thuấn: Đàn ống tre bên kia sông của Khôi Vũ:     https://buicongthuan.wordpress.com/?s=%C4%90%C3%A0n+%E1%BB%91ng+tre+b%C3%AAn+kia+s%C3%B4ng

[32] Bùi Công Thuấn-Khúc gieo trồng ban mai (Đọc Quả ngọt của Lê Đăng Kháng):

    http://buicongthuan.vn102.space/?title=th_le_ng_khang_qu_ng_t&more=1&c=1&tb=1&pb=1

[33] Bùi Công Thuấn-“Phạm Thanh Quang-Một tấm lòng người lính”:

http://buicongthuan.vn102.space/?title=vh_n_ph_m_thanh_quang_m_t_t_m_long_ng_i_&more=1&c=1&tb=1&pb=1

[34] Bùi Công Thuấn-Nhà văn Phạm Văn Đảng và người lính hôm nay: http://buicongthuan.vn102.space/?title=vh_n_ph_m_v_n_ng_va_ng_i_linh_hom_nay&more=1&c=1&tb=1&pb=1

[35] Đỗ Minh Dương-Vài cảm nghĩ về thơ Đồng Nai với đề tài chiến tranh cách mạng từ sau 1975 đến nay

http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2398&CatId=83

Đàm Chu Văn-40 năm thơ Đồng Nai-Đôi nét về sự hình thành và phát triển

http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2393&CatId=83

[36] Bùi Công Thuấn: Người Chợ Kệ và Cá tình sáng tạo:

   http://hvhnt.dongnai.gov.vn/pages/newsdetail.aspx?NewsId=1914&CatId=83

[37] Bùi Công Thuấn-Chuyện tình ở Hầm Hinh của Trần Thu Hằng: https://buicongthuan.wordpress.com/2017/10/10/chuyen-tinh-o-ham-hinh/

[38] Dương Thu Hường- Công nhân viết văn và văn học viết về công nhân

http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2400&CatId=83

[39] Đỗ Minh Dương“Đằng giang tự cổ”, tập truyện ngắn lịch sử của nhà văn Trần Thúc Hà

    Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số 44. http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2620&CatId=83

[40] Giới thiệu tiểu thuyết Đàn đáy của Trần Thu Hằng.

https://vietbooks.info/threads/dan-day-nxb-hoi-nha-van-2020-tran-thu-hang-445-trang.107348/

[41] Đọc thêm: Bùi Công Thuấn-Thể loại Ký của văn học Đồng Nai (trong chuyên luận này)

[42] Trường Chinh-Về Văn hóa nghệ thuật-Tập 1-Nxb Văn học 1985. Tr.115 (Báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam.1948)

[43] Bùi Công Thuấn-Truyện ngắn Nguyễn Một

[44] Bùi Công Thuấn-Đặc sắc truyện ngắn Trần Thu Hằng

https://vanchuongthanhphohochiminh.vn/dac-sac-truyen-ngan-tran-thu-hang

[45] Bùi Công Thuấn-Ngày hè của chuột con: http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=3056&CatId=83

    Bùi Công Thuấn-Cù lao yêu dấu-http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=1927&CatId=83

[46] Câu chuyện cuộc sống-Tuổi Trẻ cuối tuần

[47] Nguyễn Trí-Cuộc chiến của Mếu và Máo. https://tin.rut.vn/565/331283/Cuoc-chien-cua-Meu-va-Mao.html

[48] Hoàng Ngọc Điệp-Cua Kềnh vượt vũ môn:

https://baodongnai.com.vn/vanhoa/201907/cua-kenh-vuot-vu-mon-2954755/

[49] Bùi Công Thuấn-Nghiên cứu, lý luận & Phê bình văn học ở Đồng Nai

[50] Bùi Công Thuấn-Văn trẻ Đồng Nai-Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số 64 (tháng 6/ 2023)

[51] Bùi Công Thuấn-Hoàng Văn Thống và thơ phong trào

http://buicongthuan.vn102.space/?title=vn_n_hoang_v_n_th_ng_va_th_phong_trao&more=1&c=1&tb=1&pb=1

[52] Bùi Công Thuấn-Văn trẻ Đồng Nai, chuyên luận. VNĐN số 64 (tháng 6/ 2023)

[53] Bùi Công Thuấn-Sông Luộc ở phương Nam và những mã nghệ thuật:

[54] Bùi Công Thuấn-Nghĩ rời rạc về tiểu thuyết Ngược mặt trời của Nguyễn Một:

   http://buicongthuan.vn102.space/2013/12/27/nghau_rar_i_raonc_var_tiar_u_thuyaoft_ng

[55] Bùi Công Thuấn-Chuyện tình ở Hầm Hinh

[56] Bùi Công Thuấn-Bùi Công Thuấn-“Đàm Chu Văn và con đường đổi mới thơ ca”:

[57] Bùi Công Thuấn-Đêm khát của Nguyễn Đức Phước: https://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=8499

[58] Bùi Công Thuấn-Nhìn lại “Thơ Trẻ” đầu thế kỷ XXI:

   http://trannhuong.top/tin-tuc-54656/nhin-lai-%E2%80%9Ctho-tre%E2%80%9D-dau-the-ky-xxi.vhtm

[59] Bùi Công Thuấn đọc tập Suối reo của Trần Ngọc Tuấn: http://buicongthuan.vn102.space/2021/08/04/th_thi_n_tr_n_ng_c_tu_n_su_i_reo

   Bùi Công Thuấn-đọc tập thơ Chân Thân của Trần Ngọc Tuấn:   http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2728&CatId=83

Bùi Công Thuấn-Đọc tập thơ Hiện hữu của Trần Ngọc Tuấn: https://vanvn.vn/tho-thien-cua-tran-ngoc-tuan/

45 NĂM VĂN HỌC ĐỒNG NAI

Bạn có thể đọc các bài viết chính của Bùi Công Thuấn theo link:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

45 NĂM VĂN HỌC ĐỒNG NAI

(Nghiên cứu-Phê bình)

(Bìa sách đang xin phép in)

MỤC LỤC

Phần I: TỔNG QUAN

1.TỔNG QUAN 45 NĂM VĂN HỌC ĐỒNG NAI

2.THÀNH TỰU VỀ BÚT KÝ

3.THÀNH TỰU VỀ TRUYỆN NGẮN

4.THÀNH TỰU VỀ TIỂU THUYẾT

5.THÀNH TỰU VỀ THƠ

6.VĂN TRẺ ĐỒNG NAI

7.THÀNH TỰU VỀ LÝ LUẬN PHÊ BÌNH

8.TRUYỆN THIẾU NHI

9.CHI HỘI NHÀ VĂN ĐỒNG NAI

10.DƯỚI GÓC NHÌN LÝ LUẬN

Phần II: PHỤ LỤC

12. NHÀ VĂN TRẦN THÚC HÀ-“Một tiếng chim rừng”

13. SÔNG LUỘC Ở PHƯƠNG NAM và những “mã nghệ thuật”-Khôi Vũ

14. TRUYỆN THIẾU NHI của Nguyễn Thái Hải

15. Đọc và ghi chú truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải

16. TỪ GIỜ THỨ SÁU ĐẾN GIỜ THỨ CHÍN

17. NGUYỄN MỘT-TRUYỆN NGẮN

18b. NGUYỄN TRÍ-Ăn bay

18. Đọc và ghi chú truyện ngắn của Nguyễn Một.

19. TRẦN THU HẰNG-Đặc sắc truyện ngắn

20. ĐÀO SỸ QUANG-Những nét đẹp của một cốt cách văn chương.

21. ĐÀM CHU VĂN-Con đường đổi mới thơ ca

22. TRẦN NGỌC TUẤN-Chân thân    

33. HOÀNG ĐÌNH NGUYỄN-Một hành trình không ngừng nghỉ.

24. HOÀNG NGỌC ĐIỆP-Ngày hè của chuột con.

25. TRÂM OANH- Những “câu chuyện cuộc sống

26. HOÀNG VĂN THỐNG-Nhà thơ của niềm hăng say phục vụ.

27. PHẠM VĂN ĐẢNG-Chuyện của người lính hôm nay

28. Truyện ngắn đoạt giải trên VNĐN số Xuân Tân Sửu 2021.

Phần III: MỞ THÊM CỬA SỔ

30.PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT CỦA NAM CAO

31.HỮU THỈNH & Bến văn chương

32.NGUYỄN NGỌC TƯ-Biên sử nước

33.Nguyễn Xuân Khánh-Truyện ngõ nghèo

 34. Nguyễn Xuân Khánh-Miền hoang tưởng

 35. HOA ĐỎ BÊN SÔNG-Mục lục tham khảo

 36. NHÀ VĂN ĐỒNG NAI-Mục lục tham khảo

 37. 45 NĂM VĂN HỌC ĐỒNG NAI-Mục lục

***

Bạn có thể download nội dung cuốn sách theo link:

https://www.mediafire.com/file/2t4ce9a089yn4rw/45+NĂM+VĂN+HỌC+ĐỒNG+NAI-The+last.rar/file

TRUYỆN NGẮN NGUYỄN MỘT

Bạn có thể đọc các bài viết chính của Bùi Công Thuấn theo link:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

TRUYỆN NGẮN NGUYỄN MỘT

Bùi Công Thuấn

***

Nhà văn Nguyễn Một có nhiều tác phẩm đạt giải. Hai truyện ngắn “Trước mặt là dòng sông”, “Kẻ vô học” được tặng thưởng truyện ngắn hay của báo Văn nghệ; ba truyện “Chim bay về núi”, “Chuyện tình trong rừng cấm”, “Trung quân” là những tác phẩm đã được giải truyện ngắn của Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai. Tiểu thuyết “Đất trời vần vũ” đạt giải C cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà Văn Việt Nam… Những giải thưởng như thế đủ khẳng định tài năng văn chương của ông trên văn đàn Việt Nam đương đại. Năm 2021 ông xuất bản tuyển tập “Truyện ngắn Nguyễn Một” gồm 36 truyện. Tôi chú ý đến những truyện tình yêu lãng mạn đầy phẩm chất bi kịch

BI KỊCH CỦA TÌNH YÊU LÃNG MẠN

Xin đọc: Các truyện: Huyền thoại biển, Đoạn kết một mối tình, Giáng tiên, Linh Chi, Như là cổ tích, Tấm da cọp, Tiếng chim sẻ trong giáo đường, Trung quân…[[1]

Kể từ khi chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa trở thành độc tôn trong văn học Việt Nam (Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam-Trường Chinh. 1948) thì những truyện tình lãng mạn tiểu tư sản vắng bóng. Văn chương Việt Nam xuất hiện những truyện tình cách mạng và kháng chiến, và nếu có lãng mạn thì cũng là “lãng mạn cách mạng” (xin đọc Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu).

 Thế nên khi Nguyễn Một viết truyện tình lãng mạn thì đó là một sự lựa chọn nhiều thử thách. Trước ông đã có Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, có truyện tình lãng mạn của Tự Lực Văn Đoàn và những nhà văn khác (Nguyễn Tuân, Lê Văn Trương). Khi viết truyện tình lãng mạn, Nguyễn Một phải làm mới bút pháp sao cho phù hợp với độc giả hôm nay. Nhưng làm mới bằng cách nào? Xin đọc một số truyện ngắn của ông.

Truyện Trung quân kể: Thái là một chiến sĩ công binh chế tạo mìn ở chiến khu Đ. Thái gặp và yêu K’Rin, một cô gái Chơro. Sau lần hai người yêu nhau ở dưới giao thông hào bên bờ suối lúc đạn pháo bắn vào rừng, ông Điểu Mân, cha của K’Rin “đến tìm tư lệnh, cắm phập lưỡi dao rừng trứơc mặt vị chỉ huy và nói: “- Lính của mày đã làm cho con K’Rin có mang, mày phải cho nó nghỉ làm bộ đội về sống với con K’ Rin”. Không thể làm khác, chỉ huy gọi Thái đến và nói: “Cậu hãy rời khỏi đơn vị về sống với K’Rin, dám làm, dám chịu, không khóc lóc gì cả”. Thái bị kỷ luật và rời đơn vị. Anh lầm lũi đi khỏi rừng về sống với K’Rin theo yêu cầu của Điểu Mân. Tuy sống hạnh phúc với K’Rin nhưng “người lính trẻ vẫn ray rứt khôn nguôi bởi tội lỗi của mình”.

 Thế nghĩa là, tình yêu là tình yêu, không được ràng buộc tình yêu vào bất cứ điều gì, kể cả khi Thái đang làm nhiệm vụ của một chiến sĩ. Tình yêu đã tạo nên bi kịch: bị kịch người chiến sĩ phải rời đội ngũ vì kỷ luật, và, một bi khác: tình yêu, tưởng là tự do và hạnh phúc, lại trở thành trói buộc, không sao thoát ra được. Những phẩm chất bi kịch tình yêu như thế chưa có trong truyện tình lãng mạn Việt Nam. Nhưng Nguyễn Một không kết thúc truyện ở sự bế tắc bi kịch. Nhà văn miêu tả sự thăng hoa bi kịch khi Thái tự nguyện làm nhiệm vụ chiến sĩ (ở nhà) và hy sinh trong chiến đấu. Ông Điểu Mân cho biết, con của Thái với K’Rin bây giờ là “sỹ quan kiểm lâm bảo vệ rừng quốc gia Cát Tiên”. Tình yêu bi kịch thăng hoa là chỗ mới trong truyện tình lãng mạn của ngòi bút Nguyễn Một.

Nhiều truyện ngắn của Nguyễn Một có những cuộc tình lãng mạn đầy bi kịch như thế.

Huyền thoại biển là truyện tình yêu bi kịch của một cựu tù Côn Đảo và Nguyệt, một cô gái “nhảy tàu” từ đất liền ra Côn Đảo làm ăn. Ấy là lúc sau giải phóng. Nguyệt đã một lần lao xuống biển và được người cựu tù cứu. Người đàn ông này đã cưu mang cô suốt 3 năm. Nguyệt yêu thương ông đến quặn thắt ruột gan. Khi Nguyệt bị ông từ chối tình yêu, nàng đi vào lòng biển, vừa đi vừa hát. Đó là một huyền thoại dân biển đảo truyền tụng. Tình yêu ấy là một bi kịch kép. Người cựu tù Côn Đảo bị vợ cai tù “hiếp dâm” và bị cai tù phang ba-toong vào đầu. Dư chấn ấy đã khiến ông không thể yêu ai (?). Ngược lại, cô gái “nhảy tàu” ngỡ ông từ chối tình yêu, đã tìm cái chết nơi lòng biển. Đó là bi kịch của những nghịch cảnh. Bi kịch chỉ được giải quyết khi một trong hai tình nhân chết.

Đoạn kết một cuộc tình là tình yêu bi kịch của Long và Tuyết khi hai người còn trẻ con sống ở quê, nơi có con sông Giao Thủy (Quảng Nam). Long vào Nam kiếm sống, Tuyết ở quê lấy một gã lái buôn cây. Khi cả hai gặp lại nhau ở Vũng Tàu, Tuyết đã bỏ chồng và cặp với một lão (Việt kiều). Lâu lâu lão mới qua Việt Nam ghé ở vài bữa. Tuyết hẹn sẽ tiếp đã Long như vua. Long nghĩ: “Chuyện xảy ra đã lâu rồi mà tôi vẫn không thể tin được là con người có thể thay đổi nhanh chóng đến như vậy”. Điều Tuyết thổ lộ với Long có thể giải thích được bi kịch của anh: “- Nghèo là rất nhục. Nghèo là mất hết tất cả. Phải cần có tiền anh biết không? Vâng, đó là bi kịch tình yêu thời kinh tế thị trường.

Kẻ vô học chứa đựng nhiều bi kịch của tên tội phạm giết người. Bi kịch ở chỗ, nạn nhân của hắn lại là mẹ, vợ và con hắn. Bi kịch thứ nhất là bi kịch tình phụ. Nghe lời ông chú, hắn bỏ học, lao vào ăn chơi rồi đi đào đá đỏ để có tiền lấy vợ. Vợ hắn là một em làm ở quán karaoke. Một lần trở về nhà trong đêm, hắn bắt gặp vợ đang trần trụi quấn với một kẻ nào đó. Hắn đâm tên gian dâm nhưng lại trúng vợ. Người đàn bà ấy chết, hắn bồng con đi trốn với một mối hận thù trong lòng. Bi kịch thứ hai là tình yêu của con gái hắn. Hắn trốn trong rừng 15 năm. Con gái hắn lại quen và yêu Thành, một công an có nhiệm vụ đi bắt tên tôi phạm giết người là hắn. Khi ập vào nhà, Thành lỡ đà chân, hắn rút dao đâm Thành. Đứa con gái lao vào đẩy Thành ra bị trúng dao của hắn. Thành vác cô gái chạy vào bịnh viện. Hắn theo vào cổng bịnh viện ngóng trông con. Khi Thành trở ra, biết tin con hắn đã được cứu, hắn tự nguyện tra tay vào còng của Thành.

 Một bi kịch đau đớn nữa là mẹ hắn, người phải chịu tất cả mọi đau thương. Nhà văn cho biết: Mẹ hắn là “một phụ nữ Việt Nam điển hình, chịu muôn vàn mất mát đau thương. Cha và anh trai hắn hy sinh lúc cùng đoàn quân vào đến tận cửa ngõ Sài Gòn. Mẹ hắn dành hết tình thương còn lại cho hắn, nhưng hắn đã phụ công ơn của mẹ”.

Chính “Kẻ vô học” là ông chú đã gây ra bi kịch cho hắn. Ông chú dạy hắn: “Có tiền có quyền là có tất cả mày hiểu chưa”. Và đó là câu trả lời của nhà văn về nguyên nhân của mọi bi kịch trong cuộc sống thị trường thống trị bởi chủ nghĩa thực dụng hôm nay.

Có thể thấy rõ điều này, những sự việc như thế không xảy ra trong đời thực. Hắn là con liệt sĩ, thuộc diện chính sách chăm sóc đặc biệt. Chú hắn lại làm quan trên huyện. Nếu hắn có vấn đề gì, mẹ hắn sẽ xin các tổ chức xã hội giúp đỡ giáo dục hắn, khộng thể để cho con liệt sĩ bỏ học, “mới 17 tuổi đầu hắn biết đánh bạc, chơi gái, Trường học của hắn là quán karaoké trong thị trấn”, để rồi phạm tôi giết người. Ông chú hắn, một người em của gia đình liệt sĩ, không thể cướp đất hương hỏa của người anh đã hy sinh và lừa cháu vào chỗ chết mà cướp vợ của cháu. Cho nên tôi gọi các truyện tình bi kịch của Nguyễn Một là truyện tình lãng mạn.

Truyện Linh Chi là một bi kịch kép về tình yêu. Bi kịch thứ nhất là bi kịch của Tôi. Tôi yêu Chi. Thằng Quân, con ông Trầm đã cướp mất Chi. Bi kịch thứ hai là bi kịch của mẹ Chi, Thằng Quân và Chi lại cùng là con con ông Trầm, một lão nhà giàu“tướng sang mà dâm”. Nguyên nhân gây ra những bi kịch này là cha con ông Trầm. Lão cướp đời mẹ của Chi, và con lão, thằng Quân lại cướp đời Chi. Tác giả miêu tả lão Trầm sống trong một xã hội không có luật pháp, không có đạo đức, không có cộng đồng xã hội bảo vệ những người yếu thế (mẹ con Chi), để sự tàn bạo, vô luân thống trị. Kẻ nghèo khó bất lực khi bị tước đoạt cả phận người.

Như là cổ tích là một ẩn dụ về bi kịch tình yêu của cô giáo Vân và “Thiên sứ”, hai con người yêu thơ. Thiên Sứ là “một con người kỳ quặc. Con người này như từ các ngọn cây hiện ra…Suốt ngày gã đi lang thang, miện lảm nhảm đọc thơ, những câu thơ ngớ ngẩn”.Hễ Thiên sứ lảng vảng trước nhà nào đọc thơ, y như rằng vài ngày sau nhà đó có người qua đời”. Cả thị trấn căng thẳng cực độ. Vân yêu Thiên sứ, yêu một “nhà thơ”. Chị đã đưa gã đến nhà. Gã đã quỳ giữa vườn hoa hướng dương ở trước sân đọc thơ. “Chị khóc ngay trên bục giảng khi nghe tin Thiên Sứ ‘về trời’. Một nhóm người nào đó đã loại gã ra khỏi cuộc sống, họ không chịu nổi sứ mệnh của gã ở trần gian này”.

Như là cổ tích truyền tải mạnh mẽ thông điệp này: nhà thơ, người yêu thơ không thể tồn tại trong đời này. Chuyện Vân yêu Thiên Sứ như là cổ tích. Bởi cổ tích luôn thể hiện những mơ ước, và mãi mãi là ước mơ không có thật (thí dụ truyện Ăn khế trả vàng, truyện Từ Thức lên tiên)

Truyện Tấm da cọp cũng là một truyện tình với hai nỗi buồn. Thuở ấy, bà Nồng theo cha lên miền ngược mua dầu rái. Họ trọ lại nhà ông Kiểm Khái, một ông chủ buôn các loại đặc sản của núi rừng. Lúc ấy Chín Tâm, hội trưởng của “Hội trầm” cũng ở trọ nhà này. Người ta tụ tập ở nhà ông Kiểm Khái bàn chuyện giết cọp dữ. Tâm đã đi giết cọp. Anh đã tặng bộ da cọp cho bà Nồng. Cha con bà Nồng về xuôi. Ít lâu sau bà Nồng sinh thằng Dần. Dần nói với Tôi, cha nó là một thợ săn cọp lừng danh. Một lần nó đi theo đò dọc lên nguồn tìm cha, nhưng đã 20 năm nó chưa trở về. Truyện kết thúc với tiếng hát buồn của bà Nồng. Nhà văn chỉ kể chuyện mà không lý giải do đâu bà Nồng phải nhận những bi kịch đau lòng như thế. Điều này không yêu cầu đối với một truyện tình lãng mạn.

Điểm qua một vài truyện như thế để thấy sự đa dạng truyện tình bi kịch của Nguyễn Một. Trung quân là chuyện tình của chiến sĩ công binh Thái với một cô gái Châu ro ở chiến khu Đ. Huyền thoại biển là truyện tình của người cựu tù Côn Đảo và một cô gái “nhảy tàu”. Đoạn kết cuộc tình của Long và Tuyết là tình yêu của những kẻ tha hương kiếm sống. Kẻ vô học là cuộc tình của một tội phạm giết người với cô gái Karaoke. Hắn là con liệt sĩ, có chú làm quan trên huyện. Linh Chi là sự tước đạt tình yêu rơm rạ của hai đứa trẻ quê. Tấm da cọp là tình yêu núi rừng. Lửa bên sông là tình yêu trong truyện dã sử. Nguyễn là cụ tổ dân ngũ Quảng lập nghiệp ở Đồng Nai. Trên đường vào Nam, theo lời sư phụ, Nguyễn đến gặp thầy đồ Ngạn. Nguyễn ở đó và lấy con gái thầy là Gấm. Khi thầy đồ Ngạn bị quan quân giết vì tội làm phản, Gấm bị bắt đi thì Nguyễn chạy vào Nam.

Nếu chú ý, bạn đọc sẽ nhận ra không gian và thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn của Nguyễn Một trải ra rất rộng, từ đồng bằng ra biển, lên rừng, từ hiện tại (hôm nay của xã hội kinh tế thị trường) ngược về quá khứ xa xưa thời mở cõi phương Nam.

Sử dụng bút pháp lãng mạn nên Nguyễn Một kể những chuyện tình “lạ”, “độc đáo” “rất riêng”. Vì thế, không thể dùng cách đọc truyện hiện thực để cảm nhận truyện lãng mạn của Nguyễn Một. Dấu ấn truyện của Nguyễn Một để lại cho người đọc là những bi kịch tình yêu, những bi kịch do chính tình yêu gây ra, không phải bi kịch xã hội (như Chì Phèo chẳng hạn). Những trải nghiệm tình yêu của người đọc cộng hưởng với truyện tình yêu của Nguyễn Một sẽ tạo nên những cảm giác thẩm mỹ mới lạ khi đọc truyện. Và như tôi đã lưu ý, đọc truyện tình yêu lãng mạn của nguyễn Một, người đọc không thể đòi tác giả phải giải quyết những “bi kịch”. Chỉ khi nhà văn chuyển sang bút pháp Hiện thực xã hội chủ nghĩa thì hiện thực kết hợp với lãng mạn cách mạng làm thăng hoa bi kịch (xin đọc Trung quân, Miền Đông).

MỘT VÀI ĐẶC ĐIỂM “THI PHÁP”

Tôi chưa thể nói đến “thi pháp” truyện ngắn của Nguyễn Một bởi tôi chưa thâm nhập thế giới nghệ thuật của ông, và chưa khẳng định được những đường nét tạo nên phong cách văn chương của ông. Điều này còn cần thời gian.

Dầu vậy, trong bài viết này, bước đầu tôi có thể nhận ra một vài đặc điểm về “thi pháp” trong việc Nguyễn Một kiến tạo tác phẩm.

1. Ngôi kể của Nguyễn Một trong nhiều truyện ngắn của ông là nhân vật xưng Tôi. Tức là nhà văn nhập thân vào nhân vật để kể. Và truyện là lời kể của nhân vật về cuộc đời mình. Điều này không mới nhưng nó cho phép nhà văn đưa những trải nghiệm của chính mình vào tác phẩm. Và người đọc rất dễ ngộ nhận truyện được kể là truyện của chính ông. Người đọc tỉnh táo thì nhận dạng được bóng dáng của ông trong các nhân vật “tha hương” vào Nam kiếm sống, dù đã được hư cấu.

Cha mẹ tôi đều chết vì bom đạn chiến tranh, cả làng ai cũng biết, ai cũng thương cảm, mỗi lần gặp tôi họ đều nhìn với cặp mắt ái ngại và chép miệng: “Thật tội nghiệp, mới từng ấy tuổi mà đã mồ côi cả cha lẫn mẹ“. Tôi ghét những ánh nhìn ấy, những câu nói thương hại ấy! Đọc đoạn văn này, người đọc bị ám thị ngay rằng, đó là tự truyện của tác giả, không phải của nhân vật Tôi trong Tấm da cọp

Truyện của Nguyễn Một có những kỷ niệm tuổi thơ, hình ảnh quê hương với con sông Giao Thủy, vùng Dùi Chiêng (Quảng Nam). “Nhớ hôm lên đường Hương tiễn tôi bên bờ sông Giao Thủy, khóc rấm rứt”(truyện Miền Đông); “Vùng Dùi Chiêng đồi núi chập chùng, rừng già đại ngàn hoang vu. Ban đêm cọp gầm chuyển núi, nai tác vang rừng, voi đi từng đàn rầm rập” (truyện Tấm da cọp). “Tôi không còn biết gì nữa, đầu óc mụ mị. Bàn tay dịu dàng của chị đã đưa tôi về với quê hương bên dòng sông Giao Thủy êm đềm xanh thẳm, đưa tôi về với Tuyết của tôi. Quê tôi nghèo, nhưng có một dòng sông. Dòng sông là tài sản lớn nhất của tuổi thơ tôi.” (Truyện Đoạn kết một mối tình). Cả hai truyện Tiếng chin sẻ trong thánh đường, và truyện dài Long lanh giọt nắng đều có chi tiết về một ngôi nhà thờ mà ở đó “chim sẻ nhiều vô kể, chúng làm tổ dày đặc trên nóc nhà thờ. Tôi rủ Hương lên nhà thờ bắt tổ chim”.

2. Kết truyện Trung quân, nhà văn viết: “Về đến nhà, nhìn nét mặt rạng rỡ của vợ lúc tôi báo tin cho nàng biết về người con trai của họ, nên tôi không thể không viết thêm đoạn kết rất “có hậu” này. Kính mong bạn đọc lượng thứ cho tôi cái tội dông dài”.

Vâng, nhiều truyện của Nguyễn Một được kể chậm rãi. Sau khi mở đầu truyện, tác giả dẫn người đọc về tận ngọn nguồn rất xa của của sự việc, những mối quan hệ chằng chịt của nhiều nhân vật trong một khoảng thời gian dài. Truyện được kiến tạo như nhiều dòng sông nhỏ chảy vào một dòng sông lớn, tác giả tìm cách lý giải cho nhiều tình tiết truyện đã mở ra trước đó. Cách viết hồi tưởng phục vụ đắc lực cho cách kể truyện này. Những truyện Lửa bên sông, Tấm da cọp, Trung quân, Linh Chi có cách kiến tạo như thế.

3. Như tôi đã nói ở phần mở đầu, nhiều truyện ngắn của Nguyễn Một là những truyện tình yêu lãng mạn nhiều phẩm chất bi kịch. Đó là truyện được viết theo kiểu bút pháp lãng mạn. Nhưng khác với truyện lãng mạn ở chỗ, Nguyễn Một đẩy những mâu thuẫn truyện thành bi kịch. Gọi là “bi kịch” bởi nhân vật đã phải nhận lấy những đau thương (có khi phải chết) cùng với những khát vọng không thực hiện được (xin đọc Huyền Thoại biển, Tiếng chim sẻ trong thánh đường, Tấm da cọp…). Bi kịch thường có nguyên nhân xã hội (Hamlet, Romeo et Juliette của Shakespear, hoặc truyện Chí Phèo của Nam Cao), trái lại truyện tình yệu bi kịch của Nguyễn Một không được truy vết đến nguyên nhân (Huyền thoại biển, Đoạn kết một mối tình, Giếng tiên, Kẻ vô học, Trước mặt là dòng sông…). Có thể đó là một thái độ diễn ngôn của Nguyễn Một (Kẻ vô học là một thí dụ). Vì thế người đọc không thể đòi hỏi nhà văn phải truy đến cội nguồn nguyên nhân những bi kịch như trong kiểu truyện hiện thực.

4. Nguyễn Một có giọng kể điềm đạm, cách kể chậm rãi, lắng đọng. Nhưng cũng có những đoạn miêu tả sắc xảo, giàu màu sắc thẩm mỹ như những phân cảnh phim hành động (Lửa bên sông, Tấm da cọp, Kẻ vô học…). Những đoạn văn ấy ẩn chứa một bút lực mạnh mẽ, một phẩm chất văn chương phong phú và tài hoa của Nguyễn Một. Những đoạn tả thiên nhiên (ánh trăng, dòng sông, biển, rừng đại ngàn) lại đem đến những mỹ cảm thú vị.

Truyện ngắn của Nguyễn Một thường có cấu trúc phức tạp, nhiều tình huống bất ngờ, khắc họa nhiều kiểu nhân vật; truyện được kể mạch lạc và giữ được bí mật cốt truyện đến phút cuối, đó cũng là một đặc điểm. Nhìn sâu xa hơn, đặc điểm này bộc lộ một năng lực sáng tạo hư cấu rất dồi dào của nhà văn.

Nguyễn Một cũng có những truyện tình kết thúc có hậu (Miền đồng, Trung Quân, Trước mặt là dòng sông), song bút pháp hiện thực có phần nào hạn chế sự sáng tạo của ngòi bút Nguyễn Một.

5. “Trước khi anh lên đường vào nam lập nghiệp, ông nội anh làm thịt con gà trống mà ông yêu quí nhất bắt anh đội đến nhà thờ tộc, ông nhắc cho anh nhớ, tộc Trần có năm quan võ, bảy quan văn, một anh hùng, mười bốn liệt sĩ. Trong làn khói hương nghi ngút ông nói: ‘Cần biết sống cho ra sống, đừng để người ta khinh!’”(truyện Trước mặt là dòng sông).

Tôi thực sự ấn tượng ở chi tiết truyện này. Đây là chuyện của nhân vật Phong (và cũng là truyện của tác giả. Tên thật của Nguyễn Một là Trần Viết Sanh). Nguyễn Một không dựa trên bất cứ nền tảng triết học hoặc tôn giáo nào, vậy chân lý mà ông dựa vào đó để xây dựng nhân vật là gì? Câu trả lời là: ông dựa vào lời dạy của cha ông. Nói một cách khác, trong một thời đại đảo điên, thì tư tưởng về chân lý của ngòi bút Nguyễn Một là những truyền thống của cha ông, của dân tộc. Trong truyện Lửa bên sông, ông khẳng định: “Cả Phật lẫn Chúa cũng không xua được những cơn ác mộng hành hạ tôi hàng đêm”.

“Ở nơi mà chúng ta buông tay rơi vỡ chiếc bình

Long lanh giọt nước tình duyên.

Ở đó sau này thành sông thành biển.

Ai đã chèo thuyền vào cõi vô biên…”

                         (Như là cổ tích)

Bài thơ ngắn của “Thiên Sứ” thấp thoáng “giọt nước tình duyên” trong truyện Trương Chi-Mỵ Nương. Sự trở về với tư tưởng trong văn học dân tộc là một hướng tìm tòi mở ra nhiều triển vọng.

Thực ra Nguyễn Một có khuynh hướng trích dẫn Kinh thánh để làm nền tảng tư tưởng văn chương của mình. Trong truyện Tấm da cọp, ông viết: “Mỗi khi có ai thắc mắc chuyện mẹ thằng Dần, cậu tôi thường nói một câu rất lạ tai ‘Ai trong các người không có tội thì hãy ném đá người đàn bà này đi!’. Mãi sau này lớn lên tôi mới biết câu nói ấu cậu tôi học trong kinh thánh Thiên Chúa giáo”. Hoặc trong truyện Tiếng chim sẻ trong thánh đường, bất chợt ông liên tưởng: “Pho tượng Chúa Giêsu vẫn cúi đầu nhẫn nhục, lời rao giảng của vị Linh Mục chìm trong tiếng mưa rơi, tự dưng tôi liên tưởng lời rao giảng của thánh Phê-rô trong nghĩa địa ngoại thành Rô-Ma từ hai ngàn năm trước”. Và cả trong tiểu thuyết “Ngược mặt trời” và tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”, tư tưởng Kitô giáo là một phần làm nên giá trị nhân văn của tác phẩm.

Tôi cho rằng, trong việc tìm một nền tảng tư tưởng cho văn chương Việt Nam đương đại, Nguyễn Một có những khám phá riêng. Văn chương Việt Nam trước kia lấy tư tưởng Phật-Nho-Lão làm nền tảng, từ 1945 đến nay là chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ sau đổi mới (1986) các nhà văn bắt đầu tìm đến những tư tưởng triết học khác (Chủ nghĩa Hiện sinh, Chủ nghĩa Hậu hiện đại chẳng hạn). Trên dòng chảy văn chương, Nguyễn Một đã gặp gỡ một dòng sông: trước đây, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã khám phá tư tưởng Kitô giáo trong trường ca “Dưới cái cây ánh sáng”. Và xa hơn là R. Tagore (Lời dâng).

MỘT NGÒI BÚT LUÔN VƯỢT LÊN PHÍA TRƯỚC

Ở thể loại tiểu thuyết, Nguyễn Một có những tác phẩm đặt được dấu ấn trong sự phát triển của tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Đó là các tiểu thuyết Đất trời vần vũ (2009), Ngược mặt trời (2012) và Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín (2023). Văn chương Nguyễn Một đã đụng chạm được đến những vấn đề lớn của thời đại. Chẳng hạn, đã có nhiều tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam, song tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín lại khám phá chiến tranh ở một góc nhìn khác, và góp phần lý giải nhiều vấn đề một cách mới mẻ. Ngay nhan đề Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín đã mang ý nghĩa tư tưởng [[2]].

Truyện thiếu nhi của Dạ Thảo Linh (bút danh viết truyện thiếu nhi của Nguyễn

Một cũng có những thành tựu. Tác phẩm chính: Hoa dủ dẻ (tập truyện.1997); Năm đứa trẻ Xóm đồi (truyện dài.1999); Ngũ hổ tướng (truyện dài. 2000); Màu hoa trắng (Truyện ký. 2001); Long lanh giọt nắng (truyện dài. 2003); Mùa trái chín (Truyện vừa.2004).

Và như đã tìm hiểu ở trên, truyện ngắn của Nguyễn Một đã có được những đường nét của một phong cách riêng: truyện tình yêu bi kịch, nghiêng về kiểu truyện tư tưởng (truyện Như là cổ tích, Tiếng chim sẻ trong thánh đường).

Điều đáng qúy của ngòi bút Nguyễn Một là sự vượt lên phía trước với sức sáng tạo dồi dào, trong khi nhiều cây bút cùng thời với ông đã vắng bóng trên văn đàn.

Tháng 12/2023


[1] Xin đọc: Bùi Công Thuần-Phụ Lục truyện ngắn của Nguyễn Một

[2] Xin đọc bài viết của Bùi Công Thuấn về tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”