NGHIÊN CỨU, LÝ LUẬN & PHÊ BÌNH VĂN HỌC Ở ĐỒNG NAI

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

45 NĂM VĂN HỌC ĐỒNG NAI

Thành tựu về Nghiên cứu, Lý luận & phê bình văn học

Bùi Công Thuấn

***

Có một hiện tượng khá đặc biệt trong sinh hoạt văn học ở Đồng Nai là nhiều nhà văn, nhà thơ tham gia viết phê bình văn học.

PHÊ BÌNH VĂN HỌC CỦA CÁC NHÀ THƠ NHÀ VĂN

Từ góc nhìn và trải nghiệm của người sáng tác, các nhà thơ nhà văn viết phê bình văn học đem đến cho người đọc nhiều thông tin về quá trình sáng tác của một tác giả, giúp người đọc hiểu sâu sắc về tác phẩm. Cũng vậy, khi viết phê bình về tác phẩm của một tác giả đồng nghiệp, nhà văn có sự trân trọng và những khám phá riêng mà người ngoài cuộc có khi không nhận ra. Những bài phê bình như vậy vừa là sự chia sẻ, vừa lời tri âm tri kỷ với đồng nghiệp. Nó có sức nâng đỡ, động viên rất lớn việc sáng tác. Nó cũng giúp tác giả được phê bình nhận ra những mặt ưu điểm của mình, mặc dù chưa hẳn người viết phê bình đã hiểu đúng những gì tác giả muốn nói. Và hơn hết, nó ném vào quãng không vô tận một tiếng hót của con chim sơn ca về một tác giả, tác phẩm, đánh dấu sự tồn sinh văn chương.

Nhà thơ Trần Ngọc Tuấn đã in “Cuộc lãng du tâm hồn” (tập tiểu luận phê bình, Nxb HNV 2007) và nhiều bài tùy bút văn chương [1]. Đây là những trang tuyệt bút. Trần Ngọc Tuấn đọc rất sâu thơ của các nhà thơ: Bích Khê, Tế Hanh, Vũ Hoàng Chương, Hàn Mạc Tử, Yến Lan, Đinh Hùng, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Bùi Giáng, Nguyên Sa, Vũ Hữu Định, Xuân Sách, Vũ Trọng Quang…Ở mỗi thi sĩ, Trần Ngọc Tuấn tìm một đặc điểm văn chương-tư tưởng làm“tứ thơ” để triển khai những cảm thức của mình. Trần Ngọc Tuấn gọi các nhà thơ là “Thi sĩ”, ông hiểu sâu sắc cuộc đời và thơ ca của họ, nhựng ông chỉ chiêm nghiệm cốt cách thi sĩ ở họ. Trong cách viết, Trần Ngọc Tuấn dùng chính thơ của thi sĩ làm thành mạch văn, cấu tứ, lập ý bài viết của mình. Trần Ngọc Tuấn có khả năng tổng hợp tư liệu, khám phá và tái hiện chân dung, cũng như cá tính sáng tạo và đặc điểm cuộc đời của thi sĩ. Văn chương tài hoa rất mực. Tấm lòng yêu quý vô hạn của Trần Ngọc Tuấn đối với các thi sĩ trở thành châu ngọc trong tùy bút văn chương của ông. Trần Ngọc Tuấn bỏ qua những thị phi mà các thi sĩ phải chịu trong cuộc trần ai này để chắt lọc lấy những “tinh anh” (chữ của Nguyễn Du) của thơ và nhân cách thi sĩ. Tuy nhiên, Trần Ngọc Tuấn không nhận dạng thi sĩ bằng thi pháp hay đặc trưng nghệ thuật.

Xin đọc:

“Hữu Loan – Hiện hữu một màu hoa sim tím

Giữa tinh khiết hoa sen, vàng thu hoa cúc, trắng trinh hoa huệ, sương khói hoa lau…trong vườn thơ Việt thi sĩ hiện hữu như một màu tím hoa sim.

            Màu tím là hiện thân của tình yêu chung thủy: ngày xưa nàng yêu hoa sim tím – áo nàng màu tím hoa sim…Khi chiếc bình hoa ngày cưới,thành bình hươngtàn lạnh vây quanh… thì màu tím trở thành màu ly biệt: Em ơi giây phút cuối – không được nghe nhau nói – không được trông nhau một lần… Thi sĩ vọng về đâu trong chiều hoang tím chỉ có chiều hoang biết ?

            Dẫu ẩn cư nơi thôn dã nhưng chỉ cần một màu tím hoa sim cũng đủ làm sáng danh thi sĩ… Trong cuộc hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím phía bên kia đèo Cả, hành trang thi sĩ mang theo đâu chỉ có một màu tím hoa sim, tím chiều hoang biền biệt…” (Ghi chú: chữ in nghiêng là thơ Hữu Loan) [[1]].

***

Xin đọc bài phê bình của các nhà thơ nhà văn Đồng Nai viết về văn chương Đồng Nai:

Nhà văn Trần Thúc Hà viết “Dòng chảy văn xuôi Đồng Nai” [[2]]. Ông giới thiệu các tên tuổi: Nguyễn Thái Hải, Nguyễn Một, Nguyễn Trí, Lê Đăng Kháng, Huỳnh Văn Tới – Phan Đình Dũng, Nguyễn Đình Hoàng. Ông viết riêng về Trần Thu Hằng với tiểu thuyết lịch sử Đàn dáy. Ông khái quát: “Mỗi nhà văn là một con suối, dù có con suối quanh co khi lên thác xuống ghềnh nhưng tất cả đều đổ về một con sông lớn. Con sông ấy chứa đựng hồn đất hồn người Đồng Nai…Ngắm dòng sông ấy ta thấy mồn một gương mặt con người Đồng Nai trong chiến tranh bất khuất, không ngại hy sinh cho nền độc lập của tổ quốc, trong thời bình đem hết sức mình cho sáng tạo, lao động xây dựng ấm no và hàn gắn những nỗi đau chất độc da cam làm con người biến dạng; của các bà mẹ mất con, mất chồng, cả bên này lẫn bên kia; tình làng nghĩa xóm luôn đậm tình thương, chia sẻ ngọt bùi trong gian khó, buồn vui”.

Nhà thơ Đàm Chu Văn viết về 40 năm thơ Đồng Nai, về thơ Trần Ngọc Tuấn [[3]], về thơ tình đặc sắc của Nguyễn Đức Phước (VNĐN số 61/2019. Tr.27); Về hai tập truyện thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Thái Hải: Lớp học làng rừng; Mèo con đã lớn như thế nào (VNĐN so 61/ 2016. Tr.45); Chiến khu Đ qua một số tác phẩm văn chương, nghệ thuật (VNĐN số 22 – tháng 11 & 12 năm 2017).

Sau khi giới thiệu lực lượng sáng tác, nội dung thơ Đồng Nai, Đàm Chu Văn nhận xét: “Thơ Đồng Nai tương đối đa thanh đa sắc, cùng với thời gian có sự trưởng thành về nghệ thuật biểu hiện. Phần nhiều các cây bút vẫn sáng tác theo nghệ thuật thơ truyền thống. Một số cây bút đã có những tìm tòi đổi mới trong ngôn ngữ, cấu tứ, thi liệu, tự làm mới mình và đã có những thành công nhất định. Thơ Đồng Nai có một vị trí nhất định, đáng kể trong nền thơ ca cả nước hiện nay”.

Nhà thơ Đỗ Minh Dương viết Vài cảm nghĩ về thơ Đồng Nai với đề tài chiến Tranh cách mạng từ sau 1975 đến nay[[4]], về tập truyện Đằng giang cổ tự của Trần Thúc Hà (VNĐN số 44) [4].

Sau khi giới thiệu lực lượng sáng tác, giới thiệu thơ viết về đề tài chiến tranh cách mạng, về chiến khu Đ, Đỗ Minh Dương nhận xét: “Mở rộng ra để xin phép so sánh một chút với thơ ca cách mạng của cả nước, thơ ca ở Đồng Nai trong 45 năm qua, chưa thấy có bài nào tạo được dấu ấn, dù chỉ là “đàn em” của Việt Bắc, Máu và hoa, Mẹ Suốt…của Tố Hữu; Tiếng hát con tàu, Sao chiến thắng... của Chế Lan Viên; Ta chào Việt Bắc về xuôi, Con chim và xác tàu bay Mỹ…của Xuân Diệu; Đất nước, Lá đỏ… của Nguyễn Đình Thi; Giá từng thước đất, Ngọn đèn đứng gác... của Chính Hữu; Tây Tiến của Quang Dũng, Lính râu ria của Chính Hữu.v.v… 

      So sánh như trên, có người sẽ cho rằng: đặt ra yêu cầu này là quá cao, quá chênh lệch và rất khó đối với những người làm thơ ở Đồng Nai. Nhưng nếu không có được những bài thơ tạo dấu ấn mới trong dòng văn học sử của một thời, của một vùng, thì coi chừng tất cả rồi cũng sẽ chìm vào quên lãng…”[4].

Nhà văn Hoàng Ngọc Điệp có nhiều bài giới thiệu tác giả, tác phẩm: Trần Thúc Hà, Dương Đức Khánh, NS Trần Viết Bính [[5]]; giới thiệu tập truyện Bến hồng nhan của Đào Sỹ Quang [[6]]; tập truyện Cua kềnh vượt vũ môn của Phạm Thanh Quang [6]; giới thiệu “Chạy về phái mặt trời” tuyển tập văn trẻ Đồng Nai [6].

Hoàng Ngọc Điệp luôn tìm được điểm nhấn khi giới thiệu một tác giả hay một tác phẩm. Đó là chỗ tinh tế của một ngòi bút phê bình và cũng là một tấm lòng. Nhận xét về tập truyện “Bông hồng đen” Hoàng Ngọc Điệp viết: “Văn của Dương Thu Hường giản dị, có cảm giác như nghĩ gì viết nấy, không trau chuốt. Nhưng vẫn có những đoạn, những trang viết nên thơ, trữ tình: “Nhưng tiếng gió đuổi nhau trên vòm lá, ông ve vãn mùa xuân, búp lá cong mình trong nắng” (Đồi hoa cỏ may- tr. 67).

Dương Thu Hường đặt tên cho tập truyện ngắn là “Bông hồng đen”, một cái tựa đẹp và gợi. Có lẽ khi đặt tựa sách, chị không nghĩ rằng chính tác giả cũng là một “bông hồng đen” quý giá.” 

Hoàng Ngọc Điệp viết về nhà văn Trần Thúc Hà (1937-2023): “Ở tuổi ngoài bát tuần, nhà văn Trần Thúc Hà vẫn miệt mài sáng tác và dường như ông càng viết càng hay. Mới đây, Trần Thúc Hà cho biết, ông sẽ xuất bản tập truyện ngắn về đề tài lịch sử, đây gần như là lối rẽ khá bất ngờ trong phong cách sáng tác của ông… Dù viết chuyện xưa hay chuyện nay, bạn đọc đều thấy ở ông ý thức trách nhiệm của một nhà văn nỗ lực dùng ngòi bút của mình làm cho cuộc đời tốt đẹp, nhân văn hơn”.[[7]]

Nhà thơ Lê Đăng Kháng giới thiệu thơ Lê Huy Mậu và thơ Bế Kiến Quốc: Buổi sáng đọc lại thơ bạn: đọc tập thơ Bốn giọt nước của Lê Huy Mậu và tập Mãi mãi ngày đầu tiên của Bế Kiến Quốc (VNĐN số 27/2019, tr.24).

Tác giả Phan Nam Sinh viết nhiều bài về thân phụ là nhà thơ Phan Khôi. Ông không quan tâm đến văn học Đồng Nai. Có lẽ mục đích của tác giả là muốn phục hồi uy tín văn chương cho người cha mình sau vụ án Nhân Văn giai phẩm (?). Xin đọc: “Kỷ niệm nhỏ về thầy tôi-Nhà văn Phan Khôi” [[8]]; Có bao nhiêu sự thật trong bài thơ Tình già của Phan Khôi [8]; Ảnh thầy tôi nhìn từ những kỷ niệm [8]. Cha tôi-Ông Phan Khôi [8]…

Nhà văn Trần Thu Hằng (bút danh Mai Sơn, Gia Cát) viết rất sâu sắc về tác phẩm của Hoàng Văn Bổn, Lê Đăng Kháng, Đỗ Minh Dương, Đào Sỹ Quang, Mai Hân Hạnh, Nguyễn Quang Tấn, Hoàng Văn Thống, về Phạm Quốc Ca (VNĐN số 20 – tháng 07 & 08 năm 2017); về tiểu thuyết Đồng Nai, và viết tổng kết văn học Đồng Nai hàng năm… [[9]]. Ngòi bút Trần Thu Hằng hướng đến lý luận phê bình chuyên nghiệp.

Xin đọc: Sau khi khẳng định “Tiểu thuyết Đồng Nai gắn liền với vùng đất Đồng Nai” và “Tiểu thuyết Đồng Nai có vị trí riêng trong văn học cả nước”, Trần Thu Hằng nhận định: “…chất huyền thoại và chất sử thi luôn hiện lên trên những trang tiểu thuyết của các nhà văn Đồng Nai, tạo nên một nét riêng không thể trộn lẫn”.

Trần Thu Hằng giới thiệu nhà thơ Lê Thanh Xuân: “Xuất thân là nhà báo, ông đã đi rất nhiều nơi. Những vùng địa đầu Tổ quốc và những miệt núi rừng xa hút của Đồng Nai đi vào thơ ông bằng một sức hút mãnh liệt (Trăng sông Đà, Mai Châu, Dốc Cun, Viết từ rừng đước, Trên thảo nguyên, Cánh rừng cổ đại, Núi Tiên…). Đó là những nơi đã đánh thức tâm hồn cô đơn hoang dã của nhà thơ, nuôi dưỡng và làm cho tâm hồn ấy lớn mạnh lên, không ngừng đắp bồi khoáng chất. Hầu như đi đến đâu, trải nghiệm cảnh giới nào, nhà thơ đều nhớ đến nguồn dưỡng chất vô tận của thiên nhiên, lấy đó để hóa giải cuộc đời. Bài thơ Người S’tiêng vào thành phố tiêu biểu cho nỗi nhớ mang tính bản thể này”[[10]].

Có thể nhận ra văn phê bình của Trần Thu Hằng rất giàu chất thẩm mỹ.

Nhà văn Nguyễn Trí có bài viết về “Truyện ngắn Đồng Nai-hôm qua và hôm nay”; bài giới thiệu Nguyễn Quang Tấn, bài giới thiệu Cù lao yêu dấuBin mũi hếch của nhà văn Hoàng Ngọc Điệp [[11]].

Nguyễn Trí nhận xét về truyện ngắn Đồng Nai: “Văn học Đồng Nai nói chung, văn xuôi nói riêng và riêng tư nữa là thể loại truyện ngắn – theo tôi – đang chững lại. Già đang già đi. Trung niên cả văn và thi sĩ đang khề khà bên chén rượu mà ngâm câu văn chương hạ giới rẻ như bèo. Trẻ đang bâng khuâng bởi chung quanh họ những loại hình nghệ thuật nghe nhìn phát triển hơn nghe đọc cả vạn lần… Viết đã khó. Được in đã khó. In xong bán chả ai mua…”

Tác giả Đặng Minh HânVăn Thơ Đồng Nai, Đôi Điều Cảm Nhận (tiểu luận)

Tập tiểu luận gồm những bài viết về: Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Khôi Vũ, Nguyễn Đức Thọ, Anh Hoàng, Nguyễn Một, Minh Chung, Lê Đăng Kháng, Kiều Văn Phẩm.

Đặng Minh Hân thể hiện một tấm lòng yêu mến trân trọng với văn chương, đặc biệt là với văn thơ Đồng Nai. Đặng Minh Hân tự nhận mình là người: “Vốn là người yêu thơ, say thơ và nghiên cứu khá công phu về thơ cuả các nhà thơ viết về Biên Hoà…” và có quan hệ gần gũi, thân thiết với nhà văn Đồng Nai, vì thế ông có lợi thế khi viết về tác giả Đồng Nai, trang viết cuả ông có giá trị chân thực đáng quý.

Đặng Minh Hân đứng vững trên những nguyên tắc văn nghệ cuả Đảng để nhận xét, đánh giá văn chương. Theo Đặng Minh Hân, giá trị cuả văn chương là ở chỗ văn chương có phản ánh được những kỳ tích anh hùng cuả nhân dân, chính nghiã và sức mạnh cách mạng, văn chương có góp phần giáo dục những đạo lý, tình nghiã cách mạng hay không. Vì thế Đặng Minh Hân cự lực phản đối những hiện tượng văn chương vô luân, sex cuả các tác giả trẻ. Ông biểu đồng tình mạnh mẽ với Vũ Hạnh trong việc phê phán công ty văn hoá Phương Nam in lại những tác phẩm cuả nhà văn Sàigòn trước 1975.

Nhà văn Khôi Vũ-Nguyễn Thái Hải không viết phê bình văn học nhưng ông in cuốn Dấu ấn đời văn (Nxb Đồng Nai, 6/ 2020) để ghi lại quá trình sáng tác của mình. Cuốn sách là tuyển tập: tác phẩm đầu tay, tác phẩm đoạt giải thưởng; và tổng hợp những tác phẩm ông đã xuất bản. “Đằng sau mỗi tác phẩm đều có những bài tự sự ngắn về bối cảnh ra đời, nội dung, những giải thưởng, những câu chuyện… xung quanh tác phẩm. Các bài tự sự này là một trong những điểm mới của cuốn sách, hấp dẫn bạn đọc tìm hiểu về văn chương và hành trình sáng tác của nhà văn”[[12]]. Hạ Nguyên nhận xét: “nhà văn Khôi Vũ đã lồng vào những trích đoạn tiểu thuyết hoặc truyện ngắn những lời “Tự sự” để cho độc giả hiểu hơn về tác phẩm, về tác giả qua mỗi giai đoạn sáng tác. Chính những lời tự sự này đã gây thích thú cho người đọc, để người đọc được hình dung một cách trọn vẹn cuốn sách mà tác giả tâm huyết viết nên[[13]].

Những lời tự sự”[[14]] chính là “nguyên liệu” của lý luận phê bình, là những tư liệu để các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu quá trình sáng tác, từ đó lý giải tác phẩm. Ý thức sáng tạo của Khôi Vũ còn được viết trong chuyên luận “Con ếch ngắm trăng” đã được ông công bố trên trang FB cá nhân.

Đây là một đoạn trích trong Con ếch ngắm trăng. Khi đã 50 tuổi, Khôi Vũ định tập trung viết một bộ “trường thiên tiểu thuyết”. Nội dung tiểu thuyết kể “về cuộc đời một cô gái mười lăm tuổi từ năm 1954 đến khi trở thành một phụ nữ trên sáu mươi tuổi vào năm 2000, mà sự đau khổ đã khiến toàn bộ mái tóc của bà sớm bạc trắng. Chuyện về cuộc đời của nhân vật này được lồng trong bối cảnh lịch sử của miền Nam đất nước ta: thời đệ nhất Cộng Hòa của tổng thống Ngô Đình Diệm, thời của các tướng lĩnh làm chính trị và thời sau tháng 4/1975. Tôi đặt nhan đề chung cho bộ truyện là “Tóc trắng” và viết theo kiểu chương hồi, trước mỗi chương là một đoạn lời kể của người phụ nữ tóc trắng, tiếp đó mới là phần kể hoặc tả của tác giả theo thứ tự thời gianTrong suy nghĩ của tôi,”Tóc trắng” phải dài ít nhất 3 cuốn, mỗi cuốn khoảng trên dưới 300 trang in, thì việc in ấn không phải dễ. Vì vậy, trước hết phải viết cho xong đã rồi tính gì thì tính…Ba tháng, tôi viết được 100 trang vi tính, hết phần 1. Tiếc là số phận không chiều lòng tôi. Bộ “Tóc trắng”(2007) đến tận năm nay, tức mười mấy năm sau, vẫn còn dừng ở ba chữ ‘Hết phần 1’.

***

Những bài phê bình giới thiệu tác giả, tác phẩm thường được viết theo một “mẫu” chung (giáo khoa thư). Trước hết người viết điểm qua “tiểu sử sáng tác” của tác giả, rồi giới thiệu sơ lược nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, từ đó đưa ra một vài lời khen, vài lời chia sẻ. Khung hướng chung là ca ngợi và chỉ nêu những gì tốt đẹp, và nếu có “điểm” những hạn chế, ngòi bút phê bình cũng sẽ rất nhẹ (đó là chiêu PR). Bài viết hướng thông tin đến đông đảo công chúng, và do giới hạn số chữ của trang báo nên thường ngắn gọn (khoảng 1200 chữ).

Phê bình của nhà văn viết về nhà văn là tấm lòng đến với những tấm lòng có thiện cảm với văn chương (thực ra, ngày nay, người yêu văn chương, tìm đọc báo chí văn chương là rất ít). Các tác giả không chuyên sâu một phương pháp phê bình hay lý thuyết văn chương nào. Năng lực viết phê bình dựa trên trải nghiệm của chính mình. Lập trường tư tưởng để viết phê bình là quan điểm văn học nghệ thuật của Đảng. Điều được quan tâm là xem xét mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của văn học.

Những bài phê bình văn học-kiểu phê bình báo chí- tuy ít phẩm chất lý luận song cũng đạt được những chân giá trị chân lý và có sức thuyết phục ở tâm huyết của người viết. Điều hạn chế của bài viết là do góc quan sát và sự chủ quan, cảm tính của người viết.

Viết về truyện ngắn Đồng Nai, Nguyễn Trí phải rào đón: Văn học Đồng Nai nói chung, văn xuôi nói riêng và riêng tư nữa là thể loại truyện ngắn – theo tôi – đang chững lại. Già đang già đi…”.

Viết về tiểu thuyết Đồng Nai, Trần Thu Hằng tự đánh giá: “Người viết xin tạm khép lại bài viết dù chưa thể đưa ra được sự khẳng định mang tính kết luận về tiểu thuyết Đồng Nai; vì khả năng còn rất hạn chế, những điều cảm nhận và viết ra cũng chỉ mang tính liệt kê, còn chủ quan và cạn hẹp. Rất mong đây là những trang viết dành cho tiểu thuyết Đồng Nai sự trân trọng, yêu quý cùng những mơ ước lớn lao được tiếp cận, học hỏi và đồng hành./”[8-đã dẫn]

Đàm Chu Văn nói về bài “Bốn mươi năm thơ Đồng Nai…” của mình như sau: “Bài viết này xin giới hạn tìm hiểu, thống kê lực lượng thơ Đồng Nai từ khi Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai được thành lập (22-12-1979), tức là 40 năm qua. Chắc chắn sẽ còn nhiều sơ lược, thiếu sót, mong được bạn đọc lượng thứ”[3-đd].

Công bằng mà nói, những đóng góp về phê bình văn học của các nhà thơ nhà văn Đồng Nai đã đem đến nhiều giá trị cho đời sống văn học. Trước hết là nhìn lại sự phát triển văn học, nhận ra những thành tựu và hạn chế về đội ngũ, về chất lượng sáng tác để tiếp tục con đường phía trước. Thứ hai là, những bài phê bình chính là tiếng nói tri âm tri kỷ, có sức động viên rất lớn đối với việc sáng tác. Người viết phê bình hiểu rất rõ “tài năng” văn học của đồng nghiệp, vì thế, khi viết họ có sự tế nhị nhất định. Những chia sẻ, thấu hiểu, khích lệ của người viết sẽ mang đến cho các tác giả được giới thiệu một sự tự tin để vững bước.

Và, dù ít, dù nhiều, mỗi bài phê bình đều có những đóng góp nhất định vào một nhiệm vụ quan trọng là: “Phát huy vai trò thẩm định tác phẩm, hướng dẫn dư luận xã hội phê bình văn học, nghệ thuật. Bảo đảm tự do sáng tác đi đôi với nêu cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ, các nhà văn hoá. Nâng cao chất lượng, phát huy tác dụng của nghiên cứu, lý luận./ Tiếp tục đấu tranh chống các khuynh hướng trái với đường lối văn nghệ của Đảng(Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, ngày 16/7/1998).

Nhờ thế, văn học Đồng Nai không có những “hiện tượng lêch chuẩn” như nhận định của Đảng: “Trong một số trường hợp, có biểu hiện cực đoan, chỉ tập trung tô đậm mặt đen tối, tiêu cực của cuộc sống hiện tại, thậm chí xuyên tạc, bóp méo lịch sử hoặc bị các thế lực thù địch lôi kéo, đã sáng tác và truyền bá các tác phẩm độc hại, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân và đất nước…” (NQ TW 5-đã dẫn)

***

NGHIÊN CỨU, LÝ LUẬN & PHÊ BÌNH CHUYÊN NGHIỆP

Viết “lý luận phê bình chuyên nghiệp” ở Đồng Nai có nhà văn Bùi Quang Tú

(1948-2023), nhà nghiên cứu văn học Bùi Quang Huy và tôi.

Các “công trình” nghiên cứu chuyên sâu có tính học thuật là rất ít. Nội dung học thuật chỉ gói trong văn học Đồng Nai. Lý luận phê bình văn học Đồng Nai chưa vươn đến những vấn đề lý luận học thuật và chưa tham gia giải quyết những vấn đề lý luận của văn học Việt Nam đương đại.

Sự “yếu kém” của lý luận phê bình văn học ở Đồng Nai có thể có nguyên nhân do thiếu quan tâm của người có trách nhiệm:

Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, phát triển lý luận văn học, nghệ thuật. Kiên quyết khắc phục những yếu kém kéo dài của hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật, nâng cao tính khoa học, tính thuyết phục, góp phần hướng dẫn, điều chỉnh sáng tác, phê bình văn nghệ” (NQ 23/ BCT).

***

NHÀ VĂN BÙI QUANG TÚ (1948-2023).

Ông đã in: Viên phấn và cây bút (chân dung văn học, 2013); Hãy trở về với văn hóa đọc (tiểu luận, nghiên cứu.). Lời Cám ơn Hà Nội (tạp văn-Nxb Đồng Nai. 2014)…

Lời mở đầu Hãy trở về với văn hóa đọc, Bùi Quang Tú viết: “Tôi chỉ là người sáng tác, không phải nhà phê bình. Cuốn sách nêu một vài suy nghĩ về vấn đề dạy và học văn… đồng thởi gửi gắm vài tâm sự về nghề viết. Chiếm phần lớn trong cuốn sách là các bài viết về biển đảo và về một số tác giả, tác phẩm Đồng Nai. Tôi không viết phê bình mà chỉ làm công việc cảm thụ (tôi tạm dùng từ nghiên cứu) nhằm mục đích thông cảm, chia sẻ giữa tôi và các tác phẩm, tác giả. Qua đó cũng muốn giới thiệu với bạn đọc đôi nét về văn học Đồng Nai…”

Hãy trở về với văn hóa đọc giới thiệu được một vài cây bút Đồng Nai như: Đào Sỹ

 Quang, Nguyễn Tế Nhị, Hoàng Văn Bổn, Lê Bá Ước, Võ Thế Đại, Mai Sông Bé, Đỗ Trung Tiến, Hải Ba, Xuân Tùng, Nguyễn Chí Định… Các bài viết thuộc dạng đăng báo nên ngắn gọn, cô đọng.

            Cuốn sách Viên phấn và cây bút của Bùi Quang Tú viết về “Nhà văn tài hoa Lý Văn Sâm”, “Hà Nội với Huỳnh Văn Nghệ”, “Nhà văn Hoàng Văn Bổn-Người lực điền trên cánh đồng chữ nghĩa”, “Nhà thơ Thu Bồn và chất Tây Nguyên”, “Nhà văn Nguyên Hồng với nghề văn”, “Nhà thơ Huy Cận và cái nôi văn hóa Nghệ Tĩnh”, Duyên già của Xuân Diệu, Nhà văn Nguyễn Tuân: hai bức thư, hai nửa cuộc đời. Nhà thơ Nguyễn Duy: “Là ta ta hát những lời của TA”; “Thầy dắt tôi vào vùng đất 300 tuổi” viết về thầy Lê trí Viễn; …

Bùi Quang Tú có vốn tư liệu quý về nhiều tác giả văn học, tuy nhiên, trong cách viết, anh chưa khai thác được những góc cạnh có thể giúp ích cho việc nghiên cứu theo phương pháp tiểu sử (Saint Beuve). Nhiều nhận định của anh trong tập sách hầu như lặp lại ý kiến của người đi trước. Ngày nay, những tư liệu loại này có rất ít giá trị phục vụ nghiên cứu văn học. Nếu anh viết chuyên sâu về tác giả, tôi nghĩ anh sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn” [[15]].

            Lời cám ơn Hà Nội (tạp văn) của Bùi Quang Tú có thể coi là tiểu sử biên niên của tác giả (hồi ký). Tác giả kể lại quê quán, tuổi thơ, lên Hà Nội, sơ tán, học Đại học Sư phạm rồi vào Nam, công tác ở Biên Hòa, dạy ở trường Cao Đẳng Đồng Nai…và nhiều lần trở lại Hà Nội.

Ở trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, Bùi Quang Tú gặp Nguyễn Đình Thi, ông cũng đã sống cùng với nhà văn Nguyên Hồng ở nhà xuất bản Văn Học. Ngôi nhà 96 phố Huế, khu tập thể văn nghệ sĩ có Nguyễn Đình Thi, Bùi Huy Phồn, Lưu Quang Thuận, nhạc sĩ Văn Ký, Nguyễn Văn Tý, Phan Huỳnh Điểu, nhà thơ Xuân QuỳnhLưu Quang Vũ.

Lời cám Ơn với Hà Nội ghi chép về các nhà văn miền Nam tập kết ra Bắc 1954, học tập và trưởng thành lên từ Hà Nội. Đó là: Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Đoàn Giỏi, Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Hoàng Văn Bổn, Hoài Vũ, Phạm Hổ, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Khoa Điềm, Lê Anh Xuân, Diệp Minh Tuyền; Họa sĩ Nguyễn Sáng; Các nhạc sĩ từng sống và làm việc ở Hà Nội khá đông đảo: Lưu Hữu Phước, Hoàng Việt, Hoàng Hiệp, Trần Kiết Tường, Phan Nhân, Huỳnh Thơ, Thuận yến, Trương Quang Lục…Bùi Quang Tú nhận định: ”Từ cái nôi văn hóa Hà Nội họ trở vào chiến trường miền Nam và đã có những đóng góp cho văn học miền Nam như chúng ta đã biết “(tr. 53).

            Có lẽ nhờ quan hệ rộng rãi của nhà văn Bùi Hiển (thân phụ) ở Hội Nhà văn mà Bùi Quang Tú (lúc còn bé) có cơ hội gặp được nhiều nhà thơ nhà văn nổi tiếng. Ông nhớ và ghi lại những sinh hoạt của họ. Những ghi nhận của ông là “tư liệu” có giá trị cho thầy cô dạy Văn khi họ sử dụng phương pháp tiểu sử. Bùi Quang Tú không có “công trình” lý luận-phê bình văn học chuyên biệt nào về văn học Đồng Nai. Ở cả thể loại văn xuôi và thơ, ông cũng không có tác phẩm nào nổi trội đóng góp vào sự phát triển của văn học Đồng Nai. Có chăng ông “muốn giới thiệu với bạn đọc đôi nét về văn học Đồng Nai…” (đd).

***

NHÀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC BÙI QUANG HUY

Ông sinh năm 1962, là người con xứ Quảng. Ông đã chọn đất Đồng Nai làm quê hương thứ hai của mình.

Nghiên cứu về Lý Văn Sâm, ông đã dành 15 năm sưu tầm, chú thích và giới thiệu Tuyển tập Lý Văn Sâm (gồm ba tập với hơn 2.000 trang), sau này có thêm Gió bãi trăng ngàn (gồm 23 truyện ngắn, truyện vừa và kịch) và Trang sách hồng mở giữa đời hoa (một ấn phẩm tổng quan về cuộc đời làm cách mạng và sự nghiệp văn chương của nhà văn Lý Văn Sâm – NXB Đồng Nai). Bùi Quang Huy cho biết: “Từ hồ sơ hoàn tất tôi làm cho chú, chú đã được xét trao Giải thưởng Nhà nước năm 2006” [[16]].

            Nếu Tuyển tập Lý Văn Sâm là công trình sưu tập thì “Văn học Đồng Nai-Lịch sử và diện mạo (Bùi Quang Huy. Nxb Đồng Nai, 2011) là một công tình biên khảo văn học sử rất có giá trị đối với những ai muốn tìm hiểu về văn học Đồng Nai.

            Mở đầu “Văn học Đồng Nai-Lịch sử và diện mạo”, tác giả minh định:

“Cuốn sách này tuyển chọn một số bài viết của tôi thời gian tôi ở Biên Hòa…Hầu hết đều được in trong các cuốn sách hoặn in trên tờ báo, tạo chí…đây không phài là một “công trình văn học sử quan phương, nó chỉ là cái nhìn của một cá nhân” (tr. 5).

            Phần “Lịch sử”Trên hành trình 310 năm” của văn học Đồng Nai, Bùi Quang Huy trình bày những nội dung sau:

            1.Văn học viết Đồng Nai từ buổi đầu đến 1861: Tác giả trình bày 5 tiền đề: chính trị, quân sự, xã hội, văn hóa. Xác định các loại hình tác giả, những khuynh hướng đan xen và sự bứt phá về thi pháp. Để đưa ra những nhận định, Bùi Quang Huy phân tích thơ các tác giả: Trịnh Hoài Đức, Bùi Hữu Nghĩa, Lâm Tấn (tr.27), Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tịnh (tr.31). Đây là một nhận định: “Cảm quan hiện thực và tinh thần nhân đạo đã khiến các tác giả nêu lên bức tranh hiện thực nhiều lúc không mấy tươi sáng”(tr.41).

            2. Văn học Đồng Nai từ 1861 đến 1930: trình bày những nội dung sau:

a. Văn Học trong bối cảnh mới của Lịch sử

b. Sự trỗi dậy của ý thức dân tộc và tinh thần yêu nước. Tác giả chính được phân tích là Nguyễn Đình Chiểu  

c. Buổi đầu Văn Học Quốc Ngữ:  giới thiệu Huỳnh Tịnh CủaNguyễn Trọng Quản. Phần này còn sơ sài. Tác giả không rút ra được kết luận chung nào về văn học Đồng Nai giai đoạn này.

3.Văn học viết Đồng Nai từ 1930 đến nay. Phần này chia thành các giai đoạn:

a. Giai đoạn 1930-1945 giới thiệu Huỳnh Văn Nghệ, Lý Văn Sâm, Trần Bạch Đằng

b. Từ Mùa Thu Rồi, Ngày hăm ba (giai đoạn Kháng chiến chống Pháp) giới thiệu tập trung Huỳnh Văn Nghệ, Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Bình Nguyên Lộc (tác phẩm đầu tay- tr.111).

c.Lớn lên trong máu lửa (giai đoạn từ 1954 đến 1975) giới thiệu Hoàng Văn Bổn, Huỳnh Văn Nghệ, Lý Văn Sâm, Giang Nam, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Thái Hải (truyện cho thiếu nhi), Nguyễn Tất Nhiên, và sơ lược về Hồ Triều (tr.132).

d. Vòng Tay Hòa Bình gồm các nội dung: 1. Sự tổ chức đội ngũ; 2. Đề tài và nội dung chủ yếu: chiến tranh Cách mạng và cuộc sống đương đại. Giới thiệu sơ sài vài khuôn mặt cũ.

Bùi Quang Huy kết luận phần lịch sử văn học Đồng Nai như sau: “Nhìn một cách bao quát trên từng bước đi của lịch sử, văn học viết Đồng Nai, khi đậm khi nhạt, đều bắt rễ từ cuộc sống chiến đấu và lao động đầy máu lửa, gian khó và vinh quang của nhân dân và không có biến thiên to lớn nào mà văn học bỏ qua. Vùng đất ấy đã làm nên lịch sử và ươm mầm cho những tài năng văn học vẫn đang hứa hẹn một tương lai tươi sáng” (tr.142)

Thực ra, ở phần “lịch sử” văn học Đồng Nai, có thể có đôi điều cần được nghiên cứu sâu hơn.

 Lịch sử văn học còn là sự vận động bên trong của ý thức sáng tạo, của lý tưởng thẩm mỹthi pháp. Văn học Đồng Nai đã vận động thế nào ở mỗi giai đọan?

Lịch sử phát triển luôn có sự kế thừa. Mỗi giai đoạn của văn học Đồng Nai đã kế thừa và phát triển giai đọan trước thế nào. Chẳng hạn, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Trọng Quản kế thừa và phát huy những gì từ giai đoạn Nguyễn Đình Chiểu? Hoặc Nguyễn Thái Hải, Nguyễn Tất Nhiên có quan hệ “sáng tạo nghệ thuật” thế nào với Hoàng Văn Bổn, Huỳnh Văn Nghệ, Lý Văn Sâm, Giang Nam, Bình Nguyên Lộc?

Việc đặt Nguyễn Đình Chiểu với Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc vào lịch sử văn học Đồng Nai có đúng với thực tế lịch sử không? Khi Pháp chiếm Gia Định (1859), Nguyễn Đình Chiểu đang ở Gia Định đã dời về quê cùng vợ tại làng Thanh Ba, Cần Giuộc. Đêm rằm tháng 11 năm Tân Dậu (16/12/1861), nghĩa quân đồng loạt tấn công vào các đồn giặc ở Cần Giuộc, Gò Công và Tân An. Có 15 nghĩa quân hy sinh. Nguyễn Đình Chiểu viết Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc trong thời gian này. Nghĩa là Nguyễn Đình Chiểu không còn ở Gia Định.

4. Văn hóa dân gian miền Đông Nam Bộ nhìn từ… văn học viết (tr.144-164) [[17]]

Bài viết khởi đi từ tham luận Sơ đồ giao lưu văn hóa kinh tế giữa miền đông nam bộ với các miền khác của GS Trần Quốc Vượng (tr.144). Từ đó Bùi Quang Huy triển khai các nội dung: Ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa dân gian thể hiện rõ nét ở tác phẩm của Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Huỳnh Tịnh Của, Bình Nguyên Lộc. Các tác giả này viết về quê hương Biên Hòa, hé mở nỗi thống khổ của dân (tr.153). Về nghệ thuật, tác phẩm của các tác giả này có sự lệch chuẩn so với văn học trung đại Việt Nam (tr.156); sử dụng lời ăn tiếng nói nhân dân (tr.159). Sự kế thừa văn học dân gian khá đa dạng ở từng tác giả: Lương Văn Lựu ghi chép chân thật giá trị văn học dân gian; Huỳnh Văn Nghệ viết lại những giai thoại, truyện tích; Lý Văn Sâm mô phỏng giai thoại dân gian.

Có lẽ văn hóa dân gian Đồng Nai cần được trình bày thêm để làm cơ sở phân tích, so sánh, lý giải. Vấn đề là văn hóa dân gian Đồng Nai ảnh hưởng thế nào đến văn học viết, thay vì tìm hiểu văn hóa dân gian “nhìn từ văn học viết”.

***

Phần “Diện mạo”, Bùi Quang Huy giới thiệu các khuôn mặt văn chương Đồng Nai sau đây: (Chữ in nghiêng là tên bài viết, hoặc trích dẫn).

Gia Định Tam Gia, niềm tự hào của một vùng đất (tr.166- 182).

Người Hoa ở Đồng Nai qua một nhân vật lịch sử tiêu biểu (tr.183), giới thiệu Trịnh Hoài Đức, tiểu sử và công nghiệp.

Bình Nguyên Lộc-Một chuyến đò quê nặng nghĩa tình (tr.198).

Thi tướng chiến khu xanh (tr.211-282): Một tùy bút hay, giới thiệu Huỳnh Văn Nghệ là nhà Thơ Mới, nhà thơ kháng chiến, nhà văn. Tác giả đặt vấn đề: Huỳnh Văn Nghệphải xứng đáng hơn trên bảng lược đồ văn học Việt Nam” (tr.273).

Lý Văn Sâm-Trang sách hồng mở giữa đời hoa (chuyên luận dài 255tr. Từ tr.284-539). Một bài nghiên cứu khá đầy đặn về Lý Văn Sâm. Bùi Quang Huy khẳng định chuyện đường rừng là mảng riêng của Lý Văn Sâm. Ông kết luận:

“Cuộc đời Lý Văn Sâm trải qua bao thăng trầm. Ông sống gần trọn thế kỷ XX.. Trong 80 năm ấy, Lý Văn Sâm như một người từ cõi nào đó, đến rồi đi. Ngay những lúc bình yên nhất, nhà văn vẫn tìm cách bứt ra khỏi sự phẳng lặng. Và, đến lúc không làm người giang hồ được nữa, ông ngồi nhớ da diết tháng ngày…Văn chương, đối với nhà văn, là một thứ cần phải viết, như có lúc ông đã viết báo, sáng tác cải lương, soạn tấu hài. Nó không thật cao siêu, huyền hoặc, nhưng sang trọng và tao nhã. Nó không là thứ để ‘lập thân’, nhưng cần thiết với mình và vì thế hữu ích cho đời. Bởi vậy, chưa một lần Lý Văn Sâm phát biểu theo kiểu ‘tuyên ngôn’về sáng tác. Nhưng bản thân cuộc đời ông đã là một tác phẩm đẹp; đẹp theo cách vừa gần gũi, gắn bó với con người, vừa luôn muốn thoát vòng tục lụy, bay đi bao khát vọng. Cánh chim bằng ấy giờ đã bay đi, bay xa về chân trời thẳm” (tr.539)

Bài Người gieo hạt trên miền đất ven sông, Nhà văn Hoàng Văn Bổn, những điều ngẫm nghĩ, gồm 3 bài tùy bút viết về nhà văn Hoàng Văn Bổn. Tác giả không phân tích, đánh giá giá trị văn chương Hoàng Văn Bổn, mà chỉ đưa ra nhận định: Hoàng Văn Bổn-người hiền; Hoàng Văn Bổn- nhà văn Đồng Nai; Nghĩ vể Hoàng Văn Bổn- khi giả sử không có Hoàng Văn Bổn:

Xin đọc: “Giả sử không có ông, Ngoài những cuốn lịch sử Đảng khô khan (tuy rất quý giá) và những nhân chứng, rồi đến một ngày sẽ không còn, ta biết gì về Đồng Nai những năm tháng ấy? Mà những cái ta cần biết không chỉ là những con số, những sự kiện. Ta cần biết, ta cần hiểu, đó chính là tâm hồn, là số phận của nhân dân một thời-những thứ sẽ vĩnh viễn mất đi trước sự lạnh lùng và thản nhiên của thời gian. Hoàng Văn Bổn đã làm được điều ấy, tuy chưa phải là tất cả”(tr.550).

Nỗi đời trăn trở (tr.553) giới thiệu Nguyễn Thị Tư.

Đây, Một vườn thô xanh sắc quê, giới thiệu Ba Thợ Tiện (tr.574).

Các bài: Về trong đáy cốc rượu mềm môi (tr.584) – Cười với…Ong mật (tr.591); Ngyễn Tất Nhiên – Nhà thơ tình học trò (tr.595), giới thiệu các nhà thơ Nhất Huy, Ong Mật, Nguyễn Tất Nhiên; và một vài tác giả khác như Nguyễn Đức Thọ, Hoài Tố Hạnh.

Nhìn chung, phần “Diện mạo” là những bài Tùy bút về tác giả Đồng Nai, với giọng kể tâm tình và cách viết rất có duyên. Nội dung giới thiệu được một cách công phu về các tác giả chính của văn học Đồng Nai. Các tác giả khác mới chỉ là những lời giới thiệu, chưa đánh giá được “sự nghiệp” văn chương của họ.

Quan điểm chính của Bùi Quang Huy là quan điểm văn học phản ánh hiện thực (Phản ánh luận của Lênin-phương pháp Hiện thực Xã hội chủ nghĩa) kết hợp với phương pháp phê bình tiểu sử (Saint Beuve) khi tìm hiểu các tác giả.

            Đọc Văn học Đồng Nai-Lịch sử và diện mạo” của nhà nghiên cứu văn học Bùi Quang Huy, tôi trân trọng tài năng, công sức và tâm huyết của tác giả trong tập sách này. Tôi trân quý những tư liệu mà Bùi Quang Huy đã sưu tập được, tôi cũng thích văn phong có duyên, tài hoa trong những bài phê bình của Bùi Quang Huy. Nhiều nhận định của Bùi Quang Huy là có giá trị khoa học, có ích cho những người nghiên cứu văn học Đồng Nai đi sau. Bùi Quang Huy đã đóng góp cho văn học Đồng Nai một công trình giá trị. Ước mong những dịp tái bản, tập sách này sẽ được hiệu đính và bổ sung thêm phần văn học Đồng Nai đương đại [[18]].

***

TÔI VIẾT PHÊ BÌNH VĂN HỌC

Tôi trình làng với chuyên luận Phong cách nghệ thuật của Nam Cao in trên Tạp chí Văn Học số 2, 1997 của Hội Nhà Văn.

Đã xuất bản:

  1. Hạnh, tập truyện ngắn, Nxb Hội Nhà Văn 2005.
  2. Chút tình tri âm, LLPB, Nxb HNV 2009.
  3. Những tìm tòi nghệ thuật của Anh Đức, LLPB, Nxb Đồng Nai 2009.
  4. Những dòng sông vẫn chảy, LLPB, Nxb HNV 2011. Cuốn này đạt giải của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam 2011.
  5. Hoa đỏ bên sông, LLPB, Nxb HNV 2014.
  6. Văn chương Việt Nam-Những gì còn với mai sau. LLPB, Nxb HNV 2016.
  7. Nhà văn Đồng Nai. Nxb Đồng Nai 2018. Cuốn này đạt giải hạng A, Giải Trịnh Hoài Đức (Đồng Nai) lần thứ V (2015-2020).
  8. Tiếp cận thế giới nghệ thuật của Song Nguyễn. Nxb HNV 2014.
  9. Những mùa vàng văn học Công giáo Việt Nam. Nghiên cứu-Phê bình. Nxb HNV.2020
  10. Văn học Công giáo Việt Nam đương đại. Nghiên cứu-phê bình. Nxb HNV 2022.

Chưa in

  1. Diện mạo của một thời. LLPB.2017
  2.  45 năm văn chương Việt Nam. LLPB. 2020

Đối tượng phê bình của tôi là tác phẩm văn học, và qua tác phẩm, tôi tìm cốt cách văn chương và những đóng góp tư tưởng-nghệ thuật của tác giả vào nền văn học Việt Nam đương đại.

Tôi sử dụng phối hợp nhiều cách đọc và phương pháp phê bình: Phê bình Marxist, phương pháp tiểu sử, Thi pháp học, Phê Bình Mới Anh Mỹ-Phương pháp đọc gần (close reading), Cấu trúc luận, Giải Cấu trúc, Ký hiệu học, Phân Tâm học, Lý thuyết người đọc (Reader Theory) và cả Lý thuyết trò chơi (Game Theory). Đôi khi kết hợp với các lý thuyết văn hóa. Tất nhiên, đọc thơ Thiền thì không thể dùng phương pháp phê bình Marxist, bởi thơ Thiền được viết với kiểu ngôn ngữ “Vô ngôn”; đọc tác phẩm Hậu Hiện đại thì không thể dùng các phương pháp truyền thống (vì các trụ cột của cấu trúc tác phẩm truyền thống đã bị phá vỡ), mà phải dùng phê bình Hậu Hiện đại. Đọc bài ca dao Thằng Bờm thì không thể dùng phương pháp tiểu sử (vì ca dao không có tác giả). Hoài Thanh say sưa với thơ Lãng mạn nhưng ông hoàn toàn bất lực trước thơ Siêu thực (Bích Khê, Xuân Thu Nhã tập).

Tôi nhận thức rằng phê bình văn học cũng là khám phá sáng tạo, vì thế nhà phê bình và nhà văn là tri âm tri kỷ.

Không một phương pháp phê bình nào có khả năng bao quát mọi vấn đề vì tác phẩn văn học có liên quan đến tác giả, người đọc, bối cảnh xã hội, và đặc điểm thời đại. Khi viết phê bình, tôi quan tâm đến đầy đủ các yếu tố ấy. Để hiểu một tác phẩm văn học, người viết phê bình phải kết hợp việc đọc tác phẩm với nghiên cứu lịch sử, văn hóa và sự giao lưu văn hóa của thời đại. Một bài phê bình có nghiên cứu sẽ lý giải được nhiều điều.

Ở Việt Nam, phương pháp phê bình Marxist và phương pháp tiểu sử là hai phương pháp chính. Sử dụng hai phương pháp này, người viết phê bình phong trào chỉ quan tâm đến giá trị phản ánh hiện thực của tác phẩm mà không khám phá cốt cách văn chương, lý tưởng thẩm mỹ và những sáng tạo riêng của tác giả trong tác phẩm.

Từ 1975 đến nay đã có những nỗ lực rất lớn cách tân văn học. Các nhà thơ, nhà văn Việt Nam nỗ lực đổi mới, tìm tòi những cách thể hiện mới. Người viết phê bình nếu không tự học hỏi Cái Mới, tự trang bị những phương pháp và khả năng mới, sẽ không tiếp cận được tác phẩm văn học hôm nay (nhiều tác giả chịu ảnh hưởng của trào lưu Hậu Hiện đại). Thơ Trẻ đầu thế kỷ XXI là một thí dụ.

Ở Đồng Nai, Khôi Vũ, Nguyễn Một, Trần Thu Hằng, Đàm Chu Văn, Nguyễn Đức Phước, Trần Ngọc Tuấn là những nhà văn, nhà thơ có những đóng góp tích cực vào việc cách tân thơ văn Việt đương đại, vì thế, tác phẩm của họ đạt được những thành công có ý nghĩa mở đường. Thí dụ cấu trúc song song trong Lời nguyền hai trăm năm của Khôi Vũ; kiểu “Tiểu thuyết rời rạc” của Nguyễn Một (trong Đất trời vần vũ, Ngược mặt trờiTừ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín); kiểu truyện tư tưởng của Trần Thu Hằng, tư duy Thơ Trẻ của Nguyễn Đức Phước, thơ Thiền của Trần Ngọc Tuấn.

Phê bình văn học là công việc rất khó nhọc, không kém gì sự khó nhọc của người sáng tác. Độc giả của phê bình văn học lại ít ỏi. Lý luận phê bình không được quan tâm, thành ra phê bình văn học chuyên nghiệp ở Việt Nam luôn yếu kém là vậy.

***

            Tổng quan bài viết của tôi

  1. Các chuyên đề nghiên cứu:
  2. Bốn mươi năm văn học Việt Nam (đã in thành sách)
  3. Ba mươi năm văn xuôi, thơ Đồng Nai
  4. Đề cương văn hóa và 45 năm phát triển của văn học Đồng nai
  5. Chuyên luận về Nam Cao, đã in trên Tạp chí Văn Học số 2, 1997 (Hội Nhà Văn).
  6. Những tìm tòi nghệ thuật của Anh Đức (đã in thành sách)
  7. Chuyên luận về Hoàng Văn Bổn, Lý Văn Sâm, Khôi Vũ.
  8. Văn học Công giáo Việt Nam đương đại (đã in thành sách)
  9. Chuyên luận Diện mạo của một thời (2017), chưa in- viết về phê bình văn học

Việt Nam đương đại với các kiểu nhà phê bình: Nhà phê bình chính trị, Nhà phê bình lý thuyết, Nhà phê bình phong trào, Nhà phê bình Hải ngoại, cùng với các khuôn mặt tiêu biểu như: Trần Đình Sử, Đỗ Lai Thúy, Chu Văn Sơn, Đặng Tiến, Thụy Khuê, Nguyễn Vy Khanh, Nguyễn Hưng Quốc, Bùi Vĩnh Phúc…

9.Những nghiên cứu (nhỏ) về Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng, thơ Thiền, thơ Lục bát

B.Bài viết về các nhà thơ, nhà văn Việt Nam:

 Nguyễn Du, Phan Khôi, Nam Cao, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý, Lê Thành Nghị, Lê Quang Trang, Trần Vạn Giã, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Khánh, Trần Hoàng Vy, Nguyễn Hoa, Đỗ Tiến Thụy, Phong Điệp, Uông Triều, Nguyễn Thế Quang, Bích Ngân, Trầm Hương, Nguyễn Ngọc Tư, các nhà thơ trẻ đầu thế kỷ XXI như Ly Hoàng Ly, Văn Cầm Hải, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Thúy Hằng… Tác giả hải ngoại: Đỗ Quyên, Lưu Diệu Vân, Trần Mộng Tú và Các nhà phê bình hải ngoại.…Thời sự văn chương hàng năm.

C.Đọc và viết về tác phẩm văn học Đồng Nai

Những bài viết về văn học Đồng Nai của tôi tập trung trong 2 cuốn đã in là Hoa đỏ bên sôngNhà văn Đồng Nai. Trong những cuốn đã in trước đó có đăng một ít bài. Những bài mới viết từ năm 2018 đến nay sẽ chọn in trong cuốn sách này. Chuyên luận Văn trẻ Đồng Nai (2023) viết về 15 tác giả trẻ của văn nghệ Đồng Nai.

Thồng kê bài viết về tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ Đồng Nai:

  1. Lý Văn Sâm: Hành trình tìm kiếm nhân vật lý tưởng, bài viết về các tác phẩm: Kòntrô, Vợ tôi người dân tộc, Nắng bên kia làng, Cỏ nội hoa hèn, Gió bãi trăng ngàn, Sau dãy Trường Sơn, Mười năm hận sử, Người đi không về. Sương gió biên thùy.  
  2. Hoàng Văn Bổn: “Nhà văn-dấu ấn-tình đời”. Các tác phẩm: Trên mảnh đất này, Miền đất ven sông, Lũ chúng tôi, Bầu trời mặt đất, Sóng bạc đầu, Mùa mưa, Thuở hồng hoang, Người điên kể chuyện người điên, Tình đời đen bạc.
  3. Huỳnh Văn Nghệ: thơ Huỳnh Văn Nghệ
  4. Lê Bá Ước: Một thời rừng Sác
  5. Đặng Minh Hân: Thêm một góc nhìn, Chất anh hùng của người Đồng Nai; Văn Thơ Đồng Nai, Đôi Điều Cảm Nhận
  6. Khôi Vũ: Truyện ngắn Khôi Vũ, Tiểu thuyết Khôi Vũ, Truyện Tuổi hoa Nguyễn Thái Hải. Bài viết về các tác phẩm:  Đàn ống tre bên kia sông, Lời nguyền hai trăm năm, Tri thiên mệnh, Phù phiếm bên biển, Phía sau một khách sạn, Bến đời mơ thực, Khu vười hạnh phúc, Sông Luộc ở phương Nam…
  7. Nguyễn Một: Đất trời vần vũ, Ngược mặt trời, Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, Dòng sông độ lượng
  8. Nguyễn Trí: Bụi đời và thục nữ, Ăn bay.
  9. Nguyễn Đức Thọ: Hồi ức làng Che; Ốc mượn hồn, Dấu chân tiên.
  10. Đào Sỹ Quang: Sự đời, Bến hồng nhan.
  11. Dương Đức Khánh: Nông nổi cù lao, Người chợ Kệ.
  12. Hoàng Ngọc Điệp: Món Quà Giáng Sinh-Cún Con Làm Lành, Chú Cún đeo lục lạc, Cù lao yêu dấu, Ngày biển ấm, Ngày hè của chuột con
  13. Lê Đăng Kháng: Người lính hát đơn ca, Sương Sớm, Quả ngọt
  14. Phạm Thanh Quang: “Một tấm lòng người lính”, Cỏ tình
  15. Bùi Quang Tú: Viên phấn và cây bút; Lời cám ơn Hà Nội
  16. Trần Thúc Hà: Nẻo khuất; Một tiếng chim rừng. Trên dòng sông Phố.
  17. Tấn Hoài: Muối đỏ, Viên gạch lạ; Hoa quý lan
  18. Trần Thu Hằng: Rừng thiêng vẫy gọi, Trăng khuyết, Người đàn bà lưu vong; Chuyện tình ở hầm Hinh; Vườn đá; Chà gạc xanh; Thần đồng và cuộc chiến bảo vệ thủy tháp; Đặc sắc truyện ngắn Trần Thu Hằng;
  19. Phạm Văn Đảng: Trăng xưa
  20. Bùi Quang Huy: Văn học Đồng Nai-Lịch sử và diện mạo; Huỳnh Văn Nghệ tác giả và tác phẩm (2008).
  21. Xuân Bảo: Tôi đi nhặt bụi vàng.
  22. Hải Ba: Người thơ dở dang.
  23. Tiêu Thanh Giang: Đan đan giọt nắng (2010).
  24.  Lê Thanh Xuân: Nỗi Buồn biết gửi vào đâu, Tiếng ru đêm; Đồng Hành; Hồn đá; Thơ Lê Thanh Xuân.
  25. Trần Ngọc Tuấn: Người thơ tài hoa, Suối reo, Hiện Hữu, Chân Thân, Cuộc lãng du của tâm hồn.
  26. Nguyễn Đức Phước: Đêm khát.  
  27. Đoàn Trọng Thử: Em bán sầu riêng, Sợ, Trốn
  28. Nguyễn Hoài Nhơn: Hồi quang.
  29. Đàm Chu Văn: Hai phía thời gian, Giấc rừng, Xao thu.  
  30. Minh Hạ: Lục bát cánh cò.
  31. Hoàng Đình Nguyễn: Tự tình.
  32. Đỗ Minh Dương: Đồng dao cho mình, Đợi chờ bình minh em, Với miền đất đỏ; 
  33. Hạnh Vân: Ru miền cổ tích. 
  34. Trâm Oanh: Quỷ Sứ Không Nhiều Chuyện.
  35. Dương Thu Hường: Đòn gió.
  36. Xuân Tùng:  Hồn Quê (Nxb, Hội Nhà Văn 2013)
  37. Hồng Phương- Mênh mông (2007)
  38. Trương Thanh Phận: Tình Như Trong MơKý Ức.
  39. Hoàng Văn Thống: thơ Hoàng Văn Thống.
  40. Nguyễn Duy Đồng: Trái tim hồng (tập thơ); Ma chữ (tập truyện ngắn)
  41. Minh Đức: thơ.
  42. Tuyển tập Thơ Đồng Nai 30 năm (1975-2005) [Nxb Tổng  Hợp Đồng Nai 2005] gồm thơ của 46 tác giả (theo xếp theo Alphabet): Xuân Bảo, Văn Bé, Thanh Dạ, Đinh Quang Dữa, Đỗ Minh Dương, Lương Định, Tiêu Thanh Giang, Lê Giáo, Thạch Hà, Đặng Minh Hân, Vũ Đức Hậu, Nguyễn Hiếu, Phan Quang Hợp, Vũ Xuân Hương, Dương Đức Khánh, Ngọc Khánh, Trần Thị Hương Lan, Lê Liên, Lê Cẩm Lynh, Phạm Bình Minh, Hoàng Đình Nguyễn, Nguyễn Hoài Nhơn, Kiều Văn Phẩm, Hoàng Vĩnh Phú, Bùi Ngọc Phúc, Nguyễn Đức Phước, Hồng Phương, La Hồng Sơn, Cao Xuân Sơn, Nguyễn Thanh Tâm, Dương Cao Tần, Lê Thuấn, Thân Nghệ Thuật, Nguyễn Thị Thu Thủy, Hà Thu Thủy, Đào Trọng Thử, Nhật Tú, Trần Ngọc Tuấn, Phan Huyền Tùng, Đàm Chu Văn, Trần Ngọc Vinh, Lê Thanh Xuân, Ngọc Thùy Giang, Trương Nam Hương, Khương Hà.

***

Tổng quan về nghiên cứu, lý luận phê bình ở Đồng Nai

  1. Lực lượng viết phê bình văn học ở Đồng Nai khá hùng hậu và có nội lực.
  2. Nghiên cứu, lý luận phê bình ở Đồng Nai bao quát được sự phát triển của văn học Đồng Nai, đánh giá được những giá trị văn học và góp phần tích cực thúc đẩy sáng tác văn học.
  3. Cả sáng tác và phê bình ở Đồng Nai không có hiện tượng “lệch chuẩn”, như đã có một thời “loạn chuẩn” trong sáng tác và phê bình cả nước.
  4. Việc nghiên cứu văn học, nghiên cứu lịch sử văn học Đồng Nai còn hạn chế. Cho đến nay chưa có một công trình Lịch sử văn học Đồng Nai tương xứng với sự phát triển của văn học.
  5. Việc đầu tư cho những cây bút trẻ cũng như việc đào tạo các nhà nghiên cứu và phê bình chuyên nghiệp ở Đồng Nai là một việc rất cần thiết

***

Tháng 11/2023


[1] Trần Ngọc Tuấn: https://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacgia&action=detail&id=1215

Mời đọc bài Bùi Công Thuấn viết về “Cuộc lãng du tâm hồn” của Trần Ngọc Tuấn:

http://buicongthuan.vn102.space/?title=vh_n_tr_n_ng_c_tu_n_cu_c_lang_du_tam_h_n&more=1&c=1&tb=1&pb=1

[2] Trần Thúc Hà-Dòng chảy văn xuôi Đồng Naihttps://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2494&CatId=104

[3] Đàm Chu Văn-Bốn mươi năm thơ Đồng Nai, Đôi nét về sự hình thành và phát triển

Đàm Chu Văn: –Chân thân, Những điều chiêm nghiệm

https://baodongnai.com.vn/vanhoa/201912/chan-than-nhung-dieu-chiem-nghiem-2979615/

[4] Đỗ Minh Dương: http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2398&CatId=83

http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2620&CatId=83

[5] Hoàng Ngọc Điệp-Dương Đức Khánh và hành trình văn chương

http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202102/duong-duc-khanh-va-hanh-trinh-van-chuong-3044602/index.htm

Hoàng Ngọc Điệp. Ông già hiếm của âm nhạc Đồng Nai

http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/print.aspx?NewsId=1550

[6] Hoàng Ngọc Điệp: Bến hồng nhan, vẻ đẹp sâu đằm của người phụ nữ

https://duyendangvietnam.net.vn/ben-hong-nhan—ve-dep-sau-dam-cua-nguoi-phu-nu.html

Hoàng Ngọc Điệp: Cua kềnh vượt vũ môn

https://baodongnai.com.vn/vanhoa/201907/cua-kenh-vuot-vu-mon-2954755/

Hoàng Ngọc Điệp: Tiếp bước và song hành

[7] Hoàng Ngọc Điệp: Có một ‘ngọn lửa nhỏ’ mang tên Trần Thúc Hà

http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202002/co-mot-ngon-lua-nho-mang-ten-tran-thuc-ha-2989276/index.htm

[8] Phan Nam Sinh: Kỷ niệm nhỏ về thầy tôi-Nhà văn Phan Khôi

https://vannghethainguyen.vn/nhung-ky-niem-nho-ve-thay-toi-p6357.html

Phan Nam Sinh: Có bao nhiêu sự thật trong bài thơ Tình già của Phan Khôihttps://vannghethainguyen.vn/co-bao-nhieu-su-that-trong-bai-tho-tinh-gia-cua-phan-khoi-p4260.html

Phan Nam Sinh: Ảnh thầy tôi nhìn từ những kỷ niệm

https://thanhnien.vn/anh-thay-toi-nhin-tu-nhung-ky-niem-185284896.htm

Phan Nam Sinh: Cha tôi-Ông Phan Khôi

https://tuoitre.vn/cha-toi—ong-phan-khoi-538416.htm

[9] Thu Hằng-Quả ngọt, tập thơ mang lửa tình yêu

http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=1598&CatId=87

Mai Sơn-Một trái tim thức đợi mùa

https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202103/mot-trai-tim-tho-thuc-doi-mua-3046315/index.htm

Mai Sơn: Mai Hân Hạnh Hồn thơ ngụ trong tiếng sáo

http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/201907/mai-han-hanh-hon-tho-ngu-trong-tieng-sao-2954752/index.htm

Mai Sơn: Những vần thơ trầm tích

http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/201703/nhung-van-tho-tram-tich-2794070/

Gia Cát- Nhớ mãi-Tập thơ mới của Hoàng Văn Thống http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2089&CatId=87

Trần Thu Hằng-Tiểu thuyết Đồng Nai – Mơ ước và đam mê từ góc độ người viết

Mai Sơn: Nhà văn Đào Sỹ Quang: Biến trăn trở thành niềm vui sống

http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/201910/nha-van-dao-sy-quang-bien-tran-tro-thanh-niem-vui-song-2971032/

Trần Thu Hằng-Bộ ba hồi ký và tiểu thuyết “Nước mắt giã biệt” của Hoàng Văn Bổn

-https://vanvn.vn/bo-ba-hoi-ky-va-tieu-thuyet-nuoc-mat-gia-biet-cua-hoang-van-bon/

[10] Trần Thu Hằng-Nhà thơ Lê Thanh Xuân-Chỉ có đêm, lửa mới nhận ra mình

https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202201/nha-tho-le-thanh-xuan-chi-co-dem-lua-moi-nhan-ra-minh-3097875/

[11] Nguyễn Trí-Truyện ngắn Đồng Nai, hộm qua và hôm nay

http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2397&CatId=83

Nguyễn Trí giới thiệu: Cù lao yêu dấu và Bin mũi hếch:

https://baodongnai.com.vn/vanhoa/201810/hoang-ngoc-diep-voi-cu-lao-yeu-dau-va-bin-mui-hech-2914140/index.htm

[12] Ly Na-Nhà văn Nguyễn Thái Hải và Dấu ấn đời văn

http://baodongnai.com.vn/vanhoa/202008/nha-van-nguyen-thai-hai-va-dau-an-doi-van-3017605/index.htm

[13] Hạ Nguyên: Dấu ấn đời văn của nhà văn Khôi Vũ Nguyễn Thái Hải

   VNĐN số 39 – tháng 09 & 10 năm 2020

[14] Ghi chú: “Những lời tự sự” cần được hiểu là những lời tâm sự, chia sẻ của Khôi Vũ, “tự sự” trong cụm từ “những lời tự sự” không phải là một thể loại văn chương hay phương thức thể hiện: tự sự, trữ tình

[15] Bùi Công Thuấn: Bùi Quang Tú-Viên phân và cây bút

http://buicongthuan.vn102.space/2022/10/31/nha_v_n_bui_quang_tu_vien_ph_n_va_cay_vi

[16] Thu Trân: Bùi Quang Huy và nghĩa cử của kẻ hậu sinh

https://tuoitre.vn/bui-quang-huy-va-nghia-cu-cua-ke-hau-sinh-188163.htm

[17] Bùi Quang Huy-Văn hóa dân gian Nam bộ…nhìn từ văn học viết

[18] Bùi Công Thuấn- Văn học Đồng Nai, Lịch sử và diện mạo

Nguồn: Bùi Công Thuấn-Hoa đỏ bên sông. Nxb HNV. 2014

http://buicongthuan.vn102.space/2021/07/27/v_n_h_c_ng_nai_l_ch_s_va_di_n_m_o