NGÀY HÒA BÌNH-THỐNG NHẤT

QUÊ HƯƠNG TA HÔM NAY KHAI HỘI

Que huong ta hom nay khai hoi pic

Trước 1975, hòa bình- thống nhất là khát vọng lớn nhất của dân tộc này.

Tôi viết ca khúc Quê Hương Ta Hôm Nay Khai Hội (1970) trong viễn cảnh cả dân tộc mở hội mừng ngày hòa bình thống nhất. Ca khúc này đã vang lên trong những sinh họat tập thể của học sinh, sinh viên miền Nam lúc ấy như tiếng nói đầy khát vọng của tuổi trẻ.

Trong tập CA KHÚC CHO TƯƠNG LAI (1970) của tôi còn một số bài được bạn trẻ yêu thích như: Đến với quê hương tôi, Tình ca quê hương, Mãi mãi bên nhau…

2 Vien DH Dalat 1972

_________________________

ĐƯỜNG LÊN NÚI CÚI-Chương 4

ĐƯỜNG LÊN NÚI CÚI

                                           Truyện dài tư liệu

                                             Bùi Công Thuấn

***

Chương 4

NHỮNG BƯỚC CHÂN ĐẦU TIÊN

Núi Cúi nhìn từ dưới chân

Núi Cúi nhìn từ xa

***

Có tiếng chuông điện thoại reo. Tôi cầm máy. Danh bạ hiện lên chữ “Đức cha”, tôi vội thưa:

-Thưa! Đức cha gọi con?

Tiếng Đức cha quen thuộc:

-Thầy có rãnh không, ngày mai đi với Đức cha lên Núi Cúi?

-Dạ, thưa Đức cha, mình đi lúc mấy giờ, xin cho con biết để con chuẩn bị?

-Tám giờ, thầy sang Tòa Giám mục, có xe đưa thầy đi.

-Dạ, tám giờ sáng mai con sang. Con cám ơn Đức cha.

-Được lắm, ngày mai gặp thầy nhá.

Đây là lần thứ ba tôi được Đức cha gọi đi theo ngài lên Núi Cúi. Mục đích là để tôi ghi nhận tư liệu, sau này cần, có dịp thì viết.

Lần trước cùng với nhiều đoàn thể đi thăm Núi Cúi, chúng tôi chỉ đứng dưới chân đồi nhìn lên, chưa có đường lên núi. Cũng mới chỉ biết rất ít về Núi Cúi. Có thông tin rằng giáo phận chọn Núi Cúi để xây dựng Trung tâm hành hương Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Đứng trên núi nhìn ra xa, không gian xanh tit tắp. Một bên là hồ Trị An mênh mông, một bên là những cánh vườn rẫy chạy dài từ Thống Nhất đến La Ngà. Nơi này sơn thủy hữu tình, xây đài Đức Mẹ thì rất tuyệt. Nhưng Núi Cúi giờ còn hoang sơ. Để thành một Trung tâm hành hương thì còn phải bao công sức và thời gian. Chưa ai có thể hình dung ra và cũng chưa rõ giáo phận sẽ thực hiện như thế nào.

Lần thứ hai đi thăm Núi Cúi với Đức cha, chúng tôi đã lên được đến đỉnh núi. Tháp tùng Đức cha có cha cố Hoàng Minh Đường, cha quản hạt Gia Kiệm Phạm Duy Liễm, các ông chánh giáo xứ Dốc Mơ và ông Trưởng Ban Hành giáo- giáo phận. Cha quản hạt tay cầm bản đồ khu đất hướng dẫn Đức cha những phần đất mà giáo phận đã mua được. Hình như là 13 mẫu. Ngài đứng quan sát bốn hướng. Đỉnh núi mặt bằng còn hẹp, mới chỉ chẻ được một ít khối đá lớn. Rồi Đức cha dẫn mọi người đi từ đồi này sang đồi kia. Đường đi cheo leo, gió lộng, nhìn xuống thấy rợn ngợp.

Đức cha chỉ cho mọi người chỗ này định đặt tượng đài Đức Mẹ, phía đồi bên kia làm nhà nguyện Thánh thể. Tôi phục ngài ở khả năng đọc bản đồ địa hình với những vòng tròn lớn nhỏ chằng chịt. Trông Đức cha chẳng khác gì một nhà thiết kế và xây dựng, ít ra là những ý tưởng về xây dựng ban đầu, trước khi một công ty thiết kế khảo sát, đo đạc và vẽ bản đồ khu vực Trung tâm.

Đức cha mặc sơ mi trắng, quần tây đen, ngài đeo một chuỗi tràng hạt lớn trước ngực, đầu đội nón dạ (bérét) đen. Nhìn Đức cha đi lại, quan sát, hoạch định, tôi thấy ngài năng động, trẻ trung, có tầm nhìn rất xa và sự dấn thân mạnh mẽ trước một công trình mới. Rồi đây, Đức cha sẽ kéo cả đoàn tàu giáo phận theo ngài, đem tất cả nhiệt tình, công sức xây dựng Trung tâm này trong hồng ân của Chúa và sự bầu cử của Đức Mẹ.

***

Xe khởi hành từ Tòa Giám mục, ghé nhà xứ Dốc Mơ đón cha cố Đường, cha Quản Hạt Phạm Duy Liễm và quý chức Ban Hành giáo giáo xứ Dốc Mơ rồi đi Núi Cúi. Hôm nay cha cố Đường mặc sơ mi trắng quần đen, áo bỏ ngoài quần, chân đi dép nhựa, phong thái đích thực một ông già nông dân. Cái cách cha đón tiếp, nói chuyện cũng gần gũi thân thiện, như một người nông dân chân chất hiền lành. Cha Quản Hạt mặc áo sơ mi cổ cồn, kiểu áo sơ mi có đai ở gấu áo bỏ ngoài quần. Ông Trưởng Ban Hành giáo người dong dỏng, mặc sơ mi xanh quần đen, đội nón kết trắng, lúc nào cũng theo sát Đức cha. Ông chánh Tiến (Trưởng Ban Hành giáo Dốc Mơ) mặc sơ mi sọc đứng, dài tay, dáng bệ vệ nhưng rắn chắc. Hình như mọi người biết rằng đây là lúc lặn lội lên núi, leo dốc, lầm lũi với đất cát nên chuẩn bị một bộ vó của những người thám hiểm, khác với sự trang trong trong những ngày lễ.

Rời nhà xứ, xe chạy vào con đường “cô Tin”. Vì lần đầu đi đường này, tôi hết sức ngạc nhiên. Con đường vừa mới làm, còn dang dở. Phía đầu đường, hai bên đường vừa mới được đập bỏ bờ tường, dời hàng rào. Ông chánh Tiến giới thiệu:

-Đây là đường “cô Tin”, tên một người có nhiều đất ở Dốc Mơ, giáo dân hai bên khi biết giáo phận mở đường lên Núi Cúi, họ tự nguyện hiến mỗi bên 2m để mở rộng đường. Con đường dày khoảng 2km.

Ông Trưởng Ban Hành giáo-giáo phận tiếp lời:

– Cái xóm này là xóm cô Tin. Đường đó bắt đầu từ ngoài chỗ Dốc Mơ phía dưới, đi ra tới cái cầu thôi, đường tới đấy đã có sẵn rồi, đường dân ra trại heo gì đó. Đến cái cầu là hết. Đường Cô Tin khởi sự là từ cha cố Đường. Khi mà mình được chấp thuận thành lập Trung tâm hành hương Đức Mẹ Vô Nhiễm Núi Cúi rồi, cha cố Đường với ông Chánh Tiến đây mới đi ngắm đường, sẽ chạy qua các cái vườn để mà mở nối tiếp từ cái cầu vào Trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi. Khi ấy thì cha cố Đường mới đi vận động các hộ dân ở bên đó để họ dâng đất. Có nhà thì cắt thửa đất ra làm đôi, có nhà thì một vài mét đất. Họ dâng cho tất cả là 9 mét để làm đường. Đoạn đầu đường mỗi bên cho 2m.

Xe đi tiếp, trước mặt chúng tôi là một con đường đất vừa mở. Lòng đường, đất còn đỏ au. Xe ủi đất mới chỉ ủi phẳng mặt đường, đất còn ùn lên hai bên đường. Con đường dài thẳng tắp, có lúc lên dốc xuống đèo. Vì là đường đất nên có lúc rất bụi. Trên đường những chiếc xe ủi, xe múc đất, xe lu, xe tưới nước vẫn đang lăn bánh hối hả và nhiều công nhân đang làm việc. Tôi hỏi:

-Con đường này mình làm hay Nhà Nước làm, thưa ông chánh?

Ông Chánh Tiến giải thích:

-Con đường này mình làm, vừa mới đây thôi.

-Đất làm đường mình mua hay thế nào, thưa ông?

-Dân tự nguyện cho mỗi bên 12m để làm đường, dù là đường cắt ngang vườn rẫy của họ.

Tôi vô cùng kinh ngạc và thán phục tinh thần hiệp thông của giáo dân Dốc Mơ trong việc xây dựng Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Núi Cúi mà cụ thể là tự nguyện đóng góp đất đai, sức người để làm con đường này. Bây giờ, ở đâu, tấc đất cũng là tấc vàng, vậy mà giáo dân sẵn sàng hiến đất làm đường lên Đức Mẹ Núi Cúi. Có người còn hiến cả xe lu, xe múc đất nữa. Nói sao hết được tấm lòng yêu mến Mẹ và sự gắn bó với giáo phận.

Xe chạy đến chân Núi Cúi. Một mặt bằng rộng lớn hiện ra. Trước kia nơi đây là vười đìu, vườn soài, không có lối đi, giờ đã được san ủi sạch sẽ, sẽ là một “quảng trường” rất rộng chờ đón mọi người. Tôi không tin được trong một thời gian ngắn, giáo phận đã làm được nhiều việc lớn như vậy.

Xe theo đường đất mới ủi, dốc ngược lên Núi Cúi. Nơi một ngọn đồi nhỏ, thấp, xe ủi cũng đang ủi mặt bằng, tôi không rõ nơi ấy rồi sẽ để làm gì. Sau những vòng cua hẹp, xe đã có thể vọt hẳn lên đỉnh Núi Cúi. Nơi đây giờ đã hiện ra hai khu đất rộng đang chuẩn bị làm nhà, bởi tôi thấy nhiều khung sắt và thợ xây dựng đang làm việc.

Mọi người xuống xe. Cha Quản Hạt và cha Cố Đường lại dẫn Đức cha đi xem xét mặt bằng đã san ủi trên đỉnh Núi Cúi. Giờ đây đã có thể nhìn thấy con đường đất đỏ mới ủi chạy về Dốc Mơ. Và dưới kia, xe ủi, xe lu đang làm con đường dưới bờ hồ. Những đường nét đầu tiên của Núi Cúi đã hình thành. Tiến độ thi công nhanh thật. Mới chỉ sau vài lần lên thăm Núi Cúi tôi đã thấy bộ mặt Núi Cúi thay đổi hàng ngày.

Xe lần trở xuống chạy ra bờ hồ. Con đường bờ hồ quanh Núi Cúi đang được san ủi. Bãi đỗ xe là những triền đất bờ hồ cũng đang được đổ đất cho bằng phẳng. Cơ ngơi thật quy mô và ngăn nắp. Tư duy xây dựng của giáo phận Xuân Lộc thật lớn lao và khoa học. Bước thứ nhất là đất mặt bằng và làm đường. Tất cả đã đâu vào đấy. Quả là những việc lớn lao ngoài sức tưởng tượng của một người bình thường. Tôi không sao lý giải được làm cách nào trong một thời gian ngắn giáo phận lại có thể tiến hành đồng bộ nhiều công việc như thế, hình như mọi việc đều tốt đẹp, không thấy dấu tích trở ngại.

Làm đường Cô Tin vào Núi Cúi

(Đường Cô Tin đang làm)

***

Xe trở về nhà xứ Dốc Mơ. Hôm nay cha cố Đường “đãi” cơm Đức cha và mọi người, cũng chỉ có bốn, năm bàn ăn đơn sơ như một bữa cơm gia đình ngày thường. Trong phần nghi thức, cha cố Đường và giáo xứ Dốc Mơ tặng hoa Đức cha nhân dịp kỷ niệm thụ phong linh mục sắp tới của ngài. Đức cha cũng tặng hoa và chúc mừng kỷ niệm thụ phong linh mục của cha cố Đường. Hóa ra hai vị cùng một ngày thụ phong 29.04. Cha Cố Đường năm 1965, còn Đức cha năm 1966 tại nhà thờ Chính Tòa Sài Gòn. Tình thân của các ngài là vậy.

Cha cố Đường ngồi một chút với Đức cha rồi ngài đứng lên đi chào và tiếp khách ở các bàn.

Tôi ngồi cạnh Đức cha, tất nhiên là mình phải hết sức giữ ý tứ. Nhưng Đức cha chỉ ăn qua loa, còn ngài nói chuyện hỏi thăm từng người trong bàn về công việc.

Cha Quản Hạt và ông chánh Tiến thưa với ngài về việc mua lại đất cho trung tâm. Ông Trưởng Ban Hành giáo chia sẻ với Đức cha về việc giấy tờ xin phép.

Tôi chẳng biết gì, chỉ lặng im nghe và quan sát. Tôi thấy Đức cha ăn uống rất đơn giản. Một chén rau, rồi một chén canh và một chút cơm. Tôi nghĩ, Đức cha đang thực hiện chế độ ăn kiêng. Nếu vậy thì ngài lấy đâu sức khỏe để làm việc? Trách nhiệm với giáo phận như núi chất trên vai.

Trong khi tôi mải nghĩ ngợi, Đức cha luôn tay gắp thức ăn cho mọi người. Tôi thấy rất rõ niềm hân hoan, tin tưởng của Đức cha với quý cha và quý chức nơi đây. Phong cách của Đức cha là vậy. Ngài chỉ ăn chút ít rồi đứng dậy đi đến các bàn để chào thăm mọi người. Ai cũng vui mừng.

Đức cha kể. Có lần Tòa Giám mục tổ chức lễ, có tiệc liên hoan. Quan khách có các chức sắc chính quyền. Các vị ấy thấy Đức cha đi từng bàn tiếp giáo dân, họ ngạc nhiên hỏi:

-Sao cụ Giám Mục lại đi đến từng bàn chào mọi người vậy? Họ là giáo dân dưới quyền của cụ Giám Mục cơ mà?

Đức cha vui vẻ trả lời:

-Giám Mục là để phục vụ mọi người, nhất là những người bé nhỏ, nghèo khó và khốn khổ.  Cũng như các vị hay nói: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Giám Mục là người phục vụ cộng đoàn. Giám Mục làm mọi việc là làm cho cộng đoàn, và  mọi việc của giáo hội là của cộng đoàn, mọi người chung tay góp sức làm.

Hình như nghe Đức cha nói vậy, họ ngộ ra được điều gì đó mà họ đã quên từ lâu (?).

Chuyến đi này tôi có may mắn tìm hiểu được một vài vấn đề về xây dựng Trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi trong thời gian vừa qua.

Cha Đường tặng hoa

Cha cố Giuse Hoàng Minh Đường tặng hoa Đức cha Đaminh

***

Trong lúc trò truyện, tôi hỏi Đức cha:

-Thưa Đức cha, sau khi quan sát từ ba địa điểm và khoanh vùng chọn điểm, Đức cha và giáo phận quyết định như thế nào?

Đức cha Đa Minh nhớ lại:

– Đức cha với Ban Tư vấn quyết định lấy cái chỗ đó, tức là Núi Cúi ấy và xây dựng Trung tâm hành hương Đức Mẹ ở đó. Về phía giáo phận, cuộc họp Hội đồng Linh mục giáo phận mùa xuân 2014 cũng xin Đức cha xây dựng Trung tâm hành hương tôn kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyễn Tội tại Núi Cúi.

Đức cha phân tích:

-Thế tại sao mình lại chọn nơi này để xây dựng trung tâm? Cái thuận lợi thứ nhất, đó là nơi sơn thủy hữu tình. Một vùng đất trinh nguyên, tĩnh lặng, rất phù hợp để làm nơi tôn kính thiêng liêng và tĩnh tâm cầu nguyện. Cái thứ hai là, xung quanh Núi Cúi là vùng đất của giáo dân, mình có thể thương lượng để sang lại, bởi Trung tâm, ngoài các diện tích xây dựng còn cần một quảng trường rộng, vùng này mình có thể tìm được. Thứ ba là, Núi Cúi khá gần quốc lộ 20, chỉ cách khoảng 800 mét, việc đi lại hành hương sau này của giáo dân khắp nơi là rất là thuận tiện. Thứ tư là, Núi Cúi nằm ở gần giáo xứ Dốc Mơ, mọi việc giáo phận có thể nhờ cha cố Đường, Ban Hành giáo Dốc Mơ cùng với các giáo xứ thuộc Hạt Gia Kiệm xung quanh hỗ trợ. Lòng nhiệt thành với việc Chúa và lòng tôn kính Đức Mẹ trong giáo dân sẽ có dịp triển nở thành hành động tích cực.

Rồi Đức cha có vẻ ưu tư:

-Vấn đề còn lại là, không biết Nhà Nước có coi đây là vùng đất quốc phòng như đất ở Russeykeo không, và vì thế, điều quan trọng nữa là, Nhà Nước sẽ cho phép mình làm đến đâu. Những cái đó mình còn đang thăm dò.

Tôi hình dung ra bao nhiêu công việc rồi đây giáo phận sẽ phải làm nếu xây Trung tâm. Tôi đặt vấn đề:

-Khi dự định xây Trung tâm tại đây, mình đã có lường trước cái khả năng của mình không thưa Đức cha? Thí dụ, khả năng xây dựng và phát triển Trung tâm trở thành một nơi hành hương có tầm vóc quốc gia và tầm vóc thế kỷ? Hay khả năng quản lý cơ sở, khả năng tài chính, khả năng tổ chức các hoạt động của trung tâm, khả năng nhân sự cho tất cả các công việc không? Tất cả những cái đó, Đức cha và Hội đồng Linh mục giáo phận lúc đó đã có bàn đến chưa? Thưa Đức cha?

-Chưa. Ngay khi mình quyết định thì cũng chưa chắc gì Nhà Nước đã cho mình nhá, nhưng mà mình chỉ có một cái ý này: Nếu được, thì chúng ta sẽ làm Trung tâm. Nếu không được thì mình sẽ giãn dân ra. Cái khu vực này thì quá đông dân rồi. Với cái ý định như vậy, mình cứ tiến hành…

-Thưa Đức cha, những công việc ban đầu của Trung tâm như mua đất, tổ chức bộ khung xây dựng rồi tiến hành làm đường, Giáo phận giao cho ai chịu trách nhiệm?

Đức cha nhìn về cha cố Đường, ngài nói:

-Giáo phận nhờ cậy cha cố Đường , cha Quản hạt Gia Kiệm và quý chức Ban Hành giáo Dốc Mơ.

Rồi Đức cha chia sẻ những điều như là huyền nhiệm:

-Chuyện này thì có nhiều điều hấp dẫn nhưng cũng không ít khó khăn. Thí dụ đất Núi Cúi, là do một người dâng hiến. Hồi xưa, nghe nói ông ấy là Việt Kiều Cambuchia hồi hương, ông ở dưới lòng hồ. Chỗ giáo xứ Thánh Tâm bị chìm, giờ không còn. Trong một giấc chiêm bao, ông thấy nhà thờ bị chìm phá như thế đó. Ông ấy lại mơ, Đức Mẹ bảo ông rằng, Đức Mẹ muốn lên trên chỗ kia ở, tức là trên đỉnh núi. Nhưng lúc bấy giờ ông ấy không giám nói với ai cả, và cũng chẳng biết nói với ai. Ông chỉ giữ kín tâm sự. Khi mà cha cố dẫn người dẫn đến hỏi đất, thì ông ấy dâng đất cho giáo phận, không lấy gì hết.

Đức cha nhấn mạnh điều này:

-Và mảnh đất đó sao nó lạ như thế này là, về sau, chính chỗ đó, mình làm nhà nguyện Thánh Thể. Rồi từ nhà nguyện Thánh Thể sinh ra biết bao nhiêu ơn lành Chúa ban cho công việc xây dựng Trung Tâm. Bây giờ nhà Thánh Thể làm tạm đã dời đi, thì đài Đức Mẹ lại xây đúng ở đó, đúng cái ý của ông ấy là Đức Mẹ muốn được ở trên núi.

Đức cha đắn đo:

-Chuyện giấc mơ của người hiến đất Núi Cúi, Đức cha chỉ nghe kể lại. Người ấy là thật, đất hiến cũng là thật, nơi làm nhà nguyện Thánh Thể tạm cũng là thật, và nơi xây đài Đức Mẹ cũng là thật. Và từ nhà nguyện Thánh Thể ơn Chúa tuôn để xuống cho giáo phận, chắc chắn đó là điều huyền nhiệm trong sự quan phòng của Chúa và sự bầu cử của Đức Mẹ, không phải là chuyện tình cờ.

Đức cha quay sang ông chánh Tiến:

-Đấy là những gì Đức cha được biết, còn việc cụ thể, thì cha cố Đường và ông chánh đây rõ hơn Đức cha.

Ông chánh Tiến thưa với Đức cha:

-Con cám ơn Đức cha và giáo phận đã cho Cha cố chúng con và chúng con được tham dự vào công việc lớn lao của giáo phận từ những bước ban đầu. Thưa Đức cha, ngay khi tiếp nhận được quyết định của Tòa Giám mục, cha cố  cùng với cha Quản Hạt cho mời con để bàn bạc thực hiện ý nguyện của giáo phận. Cha cố giao cho con đi tìm hiểu đất cát vùng xung quanh Núi Cúi, đất của ai, và thăm dò xem ý kiến của họ thế nào, sau đó các ngài sẽ xin ý kiến Tòa Giám mục thực hiện.

Người trò chuyện:

-Thế ông chánh làm sao biết được đất của ai để mà liên hệ, hơn nữa đất vườn của người ta đang canh tác, nguồn sống của người ta, nhượng lại cho mình thì họ sống bằng gì.

Đức cha nói:

-Đấy mới là vấn đề, và ông chánh chính là người thực hiện ý Chúa. Ông chánh có nhiều ưu thế. Ông sống ở đây từ nhỏ, quen biết nhiều, lại làm trong Ban Hành giáo nhiều năm nên có sự thân tình rất rộng. Hơn nữa ông chánh là người rất khéo léo nên dễ thuyết phục người ta, có phải không ông chánh?

Ông chánh e dè thưa:

-Thưa Đức cha, đúng là con sống ở đây từ nhỏ nên biết hầu hết dân ở đây. Dốc Mơ là một xứ đạo toàn tòng, lòng đạo rất nhiệt thành. Nên khi con gặp gỡ và trình bày dự định của giáo phận là xây dựng Trung tâm hành hương Đức Mẹ ở Núi Cúi thì ai cũng hân hoan và sẵn lòng cộng tác.

Tôi biết vấn đề đất cát là không dễ dàng:

-Ông chánh có gặp khó khăn gì khi thương lượng mua không?

Ông Tiến vẫn hân hoan:

-Lúc đầu gặp anh Toàn anh cũng có hai mươi mấy mẫu ở đấy. Anh cứ nói người ta bên Tòa Giám Mục không mua, vì giấy tờ không ấy được. Nhưng mà rồi con cũng cố gắng đến các gia đình, cứ nói mua cho Tòa Giám Mục là họ cũng sẵn sàng. Họ bán. Lúc đầu cũng dễ dàng, về sau cũng có một số người họ biết mình làm đường, họ đòi giá cao hơn. Rồi sau khi mua được những cái người đấy rồi, mới bắt đầu mở rộng. Lúc đầu Đức cha cũng định mua 17 héc ta để đưa Đức Mẹ lên núi cao thôi. Nhưng mà rồi đến sau mua được, Nhà Nước cho phép, xuống đường bờ hồ thì bờ hồ đẹp quá, Đức cha bảo vậy mua thêm. Mua vào được bốn mươi mấy héc ta. Rồi cha Quản Hạt với con đi mua mấy chục mẫu của cái anh Toàn, vâng, 27 mẫu. Mua được cái anh đấy nữa mới bắt đầu mở mang rộng ra, làm đường.

Đức cha chia sẻ thêm:

-Ông Toàn là chủ đất hai mươi mấy mẫu. Ông ấy bán cho mình, chỗ bây giờ làm nhà đón tiếp đó, ngay bên ngoài. Lúc đó ông ấy khai thác đất để bán. Ông ấy san núi, bây giờ nó còn lại cái vết tích. Ông ta cứ vạt, vạt núi xuống, lấy đất để bán. Nhưng rồi người ta không chịu. Nhà Nước cấm ông ta. Vì thế nên gặp lúc tôi đang đi tìm đất, ông ấy bán luôn. Ông ta có hai mươi mấy héc ta gì đó. Đức cha trả 25 tỷ. Ông để lại cho cả xe cuốc xe gì gì đó. Lúc bấy giờ mình đâu có nhiều tiền. Ban cố vấn bảo, thôi Đức cha đừng có mua vội, cứ để đó, từ từ, rồi tính. Sau ông ấy hạ xuống 11, 5 tỷ. Đất cái phía mà bây giờ mình vào bờ hồ. Lúc bây giờ nó đâu có đường đâu. Tất cả chỉ là hoang. Khi có đất mình mới cày mở đường.

Cha Quản Hạt nghiêng người về phía Đức cha, ngài nói vừa đủ nghe:

-Thưa Đức cha, bây giờ người ta đòi tăng giá cao lắm, không như lúc đầu đâu ạ. Chúng con cũng chỉ mua thêm được vài héc ta thôi thì đã hết tiền.

Tôi hỏi ông Tiến:

-Thế ông Chánh tiến hành công việc thế nào?

Ông Tiến chân thành:

– Em cứ phải đi vận động trước, đến từng nhà trao đổi. Khi họ đồng ý, thì mới gọi họ gặp cha Quản Hạt để thương lượng giá tiền. Lúc trước, chỗ 47 mẫu, em cứ đến gia đình họ, lúc bấy giờ nó còn dễ, thì thỏa thuận giá bao nhiêu tiền. Nếu họ chịu nhận tiền thì em hẹn với họ 2 giờ chiều vào nhà xứ gặp cha cố để làm giấy tờ và nhận tiền. Giai đoạn sau, cha Quản Hạt cũng cho em đi trước, thỏa thuận với họ. Nếu họ đồng ý bán, cha Quản Hạt ngài sẽ đến. Khoảng 6, 7 giờ tối, hai cha con đi đến gia đình họ. Có tiếng nói của cha Quản Hạt, họ nể trọng hơn

– Ông chánh mua được tất cả bao nhiêu mẫu cho giáo phận?

– Lúc trước mua được 47 hécta, sau đi với cha Quản Hạt mua thêm được ba mươi mấy mẫu nữa. Mua xuống bờ hồ rồi mới mở con đường quanh hồ.

– Thế làm thế nào để ông biết đất của ai, và lúc mua rồi, làm thế nào để xác định ranh giới đất?

Ông chánh Tiến nói một điều mà tôi không nghĩ ra được:

– Nhờ quen biết nên em có được xem bản đồ địa chính, nhờ thế em biết đất ấy của ai. Mình gặp họ thương lượng. Khi xác định đúng tên họ là chủ thửa đất, mình thỏa thuận tiền bạc, rồi cứ theo cái bản đồ ấy mà xác định ranh giới. Sau này bên địa chính họ hỏi chỗ này chỗ kia, em bảo những chỗ này tôi mua rồi. Xong rồi mới làm con đường dưới hồ.

Mua đất đã khó, còn có việc khó hơn, tôi hỏi:

-Mình làm giấy tờ như thế nào, thưa ông?

– Lúc làm giấy tờ, chúng em chỉ làm giấy tay.

-Làm giấy tay thì làm sao xin chính quyền công nhận mình được?

– Sau họ làm giấy hiến cho Tòa Giám Mục. Phần giấy tờ tiếp theo thì Tòa Giám mục làm việc với cấp trên.

Tôi chưa rõ cụ thể đến nay giáo phận đã mua được bao nhiêu héc ta để có thể thực hiện được trung tâm:

-Thưa Đức cha, giáo phận đã có được bao nhiêu hécta?

-Khoảng hơn một trăm hécta, nhưng Nhà Nước mới chỉ cho phép xây dựng trong phạm vi 13 héc ta.

 

_____________

ĐƯỜNG LÊN NÚI CÚI-Chương 3

ĐƯỜNG LÊN NÚI CÚI

Truyện dài tư liệu

Bùi Công Thuấn

***

Chương 3

NGƯỜI DẪN ĐƯỜNG

 

6 Ông Tiến

Ông Phạm Quang Tiến, Trưởng BHG giáo xứ Dốc Mơ (người mặc áo sọc, đang đứng ở ngã ba Thánh Tâm, bên hồ Trị An, nơi có giáo xứ Thánh Tâm bị chìm dưới lòng hồ)

***

Đoàn xe rời nhà xứ giáo xứ Dốc Mơ.

Nói là đoàn xe chứ thực ra chỉ có 2 xe 4 chỗ. Chiếc xe Ford chở Đức cha giáo phận, cha sở Hoàng Minh Đường và ông chánh Tiến. Cha quản hạt Phạm Duy Liễm, ông trưởng Ban Hành giáo giáo phận (ông Chiến) và Cha Phó giáo xứ Dốc Mơ đi trên chiếc xe 4 chỗ khác. Hai xe rời nhà xứ, ra quốc lộ 20 rồi vòng vào một đường nhỏ chạy giữa hai bên là nhà giáo dân. Hầu hết là nhà cấp bốn, san sát nhau.

Người dẫn đường hôm nay là ông Chánh Tiến (Phạm Quang Tiến). Vóc người tầm thước, có dáng thương gia. Trông ông rất khỏe mạnh, da hơi cháy nắng. Giọng nói của ông âm vang, tự tin. Thái độ nhiệt thành và thân thiện. Ông sống ở đất này từ nhỏ nên ông am tường từng căn nhà, dù là đường ngang ngõ dọc. Ông vừa dẫn đường vừa giới thiệu với Đức Cha:

_Con đường này gọi là đường Đức Huy vì dẫn qua giáo xứ Đức Huy. Trước 1975, giáo họ Đức Huy là một trong năm giáo họ của Giáo xứ Dốc Mơ, cha Giuse Trần Đình Vận, chánh xứ Dốc Mơ quản nhiệm. Một năm sau, Cha Giuse tách Giáo họ Đức Huy và giao cho các Cha dòng Salesien Don Bonsco coi sóc. Giáo dân từ nhiều nơi, phần lớn thuộc vùng Dốc Mơ và Bạch Lâm về đây lập nghiệp ngày càng đông (khoảng 1.500 người). Ngày 06.08.1982, Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Lãng nâng Giáo họ Đức Huy lên thành Giáo xứ Đức Huy và cử Cha Giuse Đinh Xuân Hiên (SDB) phụ trách. Năm 1998, Đức Cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật chính thức trao Giáo xứ Đức Huy cho dòng Salesien quản nhiệm vĩnh viễn. Giáo xứ Đức Huy có gần 5 ngàn giáo dân và nhiều cộng đoàn dòng tu như: Con Đức Mẹ Mân Côi (Chí Hòa), Cộng đoàn Mân Côi phù hộ Đức Huy, Cộng đoàn Mân Côi Vô Nhiễm Đức Huy, Đa Minh Tam Hiệp, Don Bosco…

-Sao giáo xứ này có tên gọi là Đức Huy, nghe rất lạ? Bác tài xế chợt hỏi.

-Đức Huy là tên nghĩa phụ cha cố Trần Đình Vận.

-À ! Ra là vậy.

Rời con đường Đức Huy xe đi vào con đường nhỏ hơn, đường này dẫn sang xã Cây Gáo. Hai bên đường là vườn cây trái xanh tốt. Rồi xe quẹo vào đường Thánh Tâm dẫn đến bờ hồ Trị An.

Ông Chánh Tiến kể tiếp:

-Gọi là đường Thánh Tâm vì con đường này dẫn đến giáo xứ Thánh Tâm. Trước kia khi hồ Trị An chưa ngập nước, nơi đây là ruộng lúa nuôi cả vùng Gia Kiệm. Có một giáo họ tên là Thánh Tâm. Giáo họ quy tụ vài chục gia đình Việt Kiều Cambuchia hồi hương. Khi người ta đắp đập ngăn nước, nước dâng, nhận chìm giáo xứ Thánh Tâm dưới lòng hồ. Nhà thờ Thánh tâm cũng bị nhận chìm. Dân tản đi nơi khác.

Quả là một thông tin đáng kinh ngạc, bởi trong kỷ yếu của Giáo phận không hề nhắc tới giáo họ Thánh tâm như ông Chánh Tiến vừa kể. Việt Kiều Cambuchia hồi hương đa số sống ở hồ Dầu Tiếng Tây Ninh. Ít khi nghe nói có giáo họ Việt Kiều sống trên hồ Trị An.

Bác tài xết tiếp tục hỏi:

-Ngày nay những Việt kiều này còn không, ông Chánh?

-Vẫn còn. Thời gian hồ ngập nước có ông Bảy Mẹo, bây giờ con cháu vẫn còn sống ở đây, những người khác thì tản đi các nơi. Trước Giải phóng nhà thờ Thánh Tâm đã bị máy bay ném bom sụp rồi, còn hai bức tường dựng đứng thôi. Con nghe Cha sở nói khi cha cố Vận về đây đã có Thánh Tâm rồi. Có khoảng mười mấy giáo dân Việt kiều Cambuchia ở đó và một số dân của mình ở rải rác ở đó. Thánh Tâm bị ném bom xong rồi, những hộ ở đó mới chuyển về Dốc Mơ, nguyên một cái dãy khoảng 20 gia đình bây giờ gọi là khu Việt Kiều.

Ông trùm Tiến nhớ lại:

– Cánh đồng Thánh Tâm phục vụ cho giáo dân ở đây, có ruộng ba mùa. Diện tích khoảng chừng trên 600 héc ta. Khu đất nuôi sống giáo dân Dốc Mơ lúc di cư qua. Năm 1960 con lên chỗ cao su. Hồi đó máy bay ném bom loại cánh ngang, nó ném bom vào nhà thờ Thánh Tâm. Trúng nhà thờ nên dân họ về Dốc mơ.

-Thế ông Chánh ở đây lâu chưa?

-Tôi ở đây từ nhỏ,

-Chắc là từ thời mới di cư 1954? Ông là thổ công đất này rồi!

Ông Chánh cười trừ. Xe chạy đến đâu ông Chánh giới thiệu đến đó. Đến chân một ngọn đời, ông Chánh cho xe ngừng lại. Mọi người xuống xe. Ông Chánh chỉ về phía ngọn đồi:

-Đây là Núi Nứa (không phải Núi Nứa lấy làm mỏ đá ở Xuân Lập, Thị xã Long Khánh). Núi Nứa này gần hồ Trị An. Đó là một ngọn đồi khá cao, cây cối um tùm, có một con đường đất đỏ đi vào. Xe không vào được. Xung quanh có chừng vài chục mẫu vườn cây. Thế đất khá trơ trọi.

Đức cha và mọi người xuống xe, đứng quan sát Núi Nứa. Quả là không thể vào được vì cỏ cây um tùm, chỉ có con đường đất nhỏ. Gói là núi, thực ra chỉ là một ngọn đồi nhỏ. Nơi đây có thể đặt tượng đài Đức Mẹ được.

Đức cha và mọi người bàn bạc, thống nhấy ý kiến. Nơi đây cảnh quan đẹp, có đồi, có núi, có suối Reo, có hồ Trị An. Nhưng khu đất này hẹp, đường đi vào chỉ vừa đủ một làn xe, không đáp ứng cho một trung tâm cần có quảng trường rộng.

Mọi người lại lên xe chạy thẳng ra ngã ba Thánh Tâm bờ hồ Trị An.

Trên hồ, cặp bến có những con thuyền đánh cá của ngư dân, loại thuyền nhỏ chạy máy. Bờ hồ có nhiều đám lục bình xanh tốt. Ngoài xa có những thuyền cá lớn hơn. Phía nhà thờ Thánh tâm, giờ chỉ còn là mặt nước mênh mông, có những con thuyền lớn hơn hình như người ta đang đánh cá.

-Nhà thờ Thánh Tâm chỗ nào, thưa ông Chánh?

-Phía mỏm đất nhô ra hồ, nhưng tất cả chìm dưới lòng hồ. Nơi này trước kia là ruộng lúa, giờ không còn dấu tích gì.

Rồi ông Chánh chỉ cho Đức cha và mọi người ngọn đồi cao và dài phía bên kia bờ hồ:

-Thưa Đức cha, ngọn núi đó gọi là Núi Cúi. Con cũng trình với Đức cha, trước đâyNúi Cúi này là một khu rừng hoang sơ. Về sau, lúc mà Nhà nước chia tập đoàn, khoảng năm đói (1979), người ta tự khai thác vùng ven hồ. Tập đoàn mới cắt ra chia mỗi người, ví dụ, vài ba sào. Vài ba ngàn mét chia ra rồi, người ta trụ lại đó. Mà đường đi rất là khó khăn. Nó toàn là dốc đứng không à. Chỉ có gánh chuối xuống thôi. Rất vất vả. Đất hoang, Nhà Nước cấp cho xong, người ta mới trồng cây đìu, trồng mít, trồng bơ, cho nên là nó cũng khô cằn lắm. Cái sườn nó hơi nghiêng nghiêng thế này, sau Giải phóng họ mới vào bắn khỉ. Trong Núi Cúi có một cái hang khỉ, ở mặt dựng đứng nhìn ra bờ hồ. Người vô không được. Chưa có người nào vô trong đó hết. Người ta chỉ bắn khỉ thôi. Trong đó khoảng mười mấy năm về trước, có khoảng trên 100 con khỉ. Hiện giờ chỉ có khoảng 2 chục con đổ về thôi.

Đứng ở Ngã ba Thánh Tâm nhìn về Núi Cúi, cảnh sắc thật đẹp. Núi có độ cao 90 mét, vươn lên trên bầu trời xanh trong. Dáng núi mềm mại nổi lên giữa vùng đồng bằng trải rộng từ Trảng Bom, Dầu Dây đến sông La Ngà, Định Quán. Cây trên núi tươi tốt. Phía dưới là mặt hồ, nước xanh phẳng lặng yên tĩnh. Đường cong của bờ hồ kết hợp với dáng núi tạo nên một góc ảnh rất ấn tượng. Quả là một phong cảnh sơn thủy hữu tình. Không gian yên tĩnh tuyệt vời, sẽ vô cùng thích hợp cho đời sống tâm linh. Đức cha giáo phận thấy lòng vui khôn tả, nơi đây nếu chọn được, sẽ làm trung tâm tôn vinh Đức Mẹ thì xứng hợp vô cùng, vì đất trời, sông nước, cây cỏ nơi đây thật thanh khiết và đa dạng về thiên nhiên.

Đức cha hình dung lại khu đất hơn 20 mẫu dưới chân núi Chứa Chan trước đây định xây dựng trung tâm Đức Mẹ nhưng bị ngăn trở. Khu đất ấy có thế núi phía sau cao hùng vĩ, cảnh quan thiên nhiên dễ nâng tâm hồn con người lên cao. Nhưng thế núi cao có thể làm cho tượng Đức Mẹ trở nên nhỏ bé. Nơi ấy không có sông hồ, chỉ có  cây cỏ và đá núi, có sơn mà không có thủy, có cái hùng vĩ vững mạnh nhưng thiếu sự sống dào dạt.

Đức cha lại nhớ Trung tâm Đức Mẹ Bãi Dâu. Tượng Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa tựa vào vách núi nhìn ra biển, cảnh quan thật hữu tình. Nơi Núi Cúi này, nếu đặt tượng Đức Mẹ trên đỉnh kia, thì cảnh quan còn tuyệt vời hơn nhiều, bởi tượng Đức Mẹ sẽ che chở ban ơn cho một vùng dân cư đồng bằng bát ngát dưới kia. Thế núi vừa độ cao để  giáo dân hành hương có thể lên với Mẹ và kín múc ơn thiêng từ Mẹ như nước hồ Trị An mênh mông vô tận. Đức cha hướng về Núi Cúi, trong ánh quang của buổi sáng đẹp trời, bất giác lời bài hát “Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông” rực sáng trong tâm hồn Đức Cha. Ngài thầm cầu nguyện với Đức Mẹ cho ước vọng xây Trung tâm tôn kính Mẹ sớm được hình thành.

 

***

Cha Đường

(Cha cố Hoàng Minh Đường-tay xách giỏ màu đỏ- đang hướng dẫn Đức cha Đa Minh)

Lần khác, Đức cha lại thăm Dốc Mơ, và ông Chánh Tiến lại dẫn Đức cha đi tìm đất. Từ Ngã ba Thánh Tâm nhìn lên Núi Cúi là từ hướng đông Nam. Đoàn xe trở ra để tìm một hướng khác. Xe đi theo đường Thánh Tâm, trở lại đường Đức Huy rồi ra quốc lộ 20 từ Dốc Mơ đi Định Quán. Bây giời, Núi Cúi đã được định vị như một địa điểm cần được quan sát kỹ trước khi giáo phận có những quyết định quan trọng. Xe qua khỏi Dốc Mơ đến con đường giáp ranh Gia Kiệm-Định Quán thì rẽ vào một đường nhỏ trải nhựa. Hai bên là vườn cây. Lác đác có nhà của dân cư. Đường chạy sát bờ hồ Trị An nên tầm quan sát rộng hơn. Ông Chánh Tiến cho biết xe đang chạy qua giáo xứ Hiệp Nhất. Ông dẫn giải:

-Năm 1987, khi thủy điện Trị An bắt đầu hoạt động, nước hồ dâng ngập lụt ruộng vườn của giáo dân ấp Bến Nôm II, xã Phú Cường, huyện Định Quán. Một số người bỏ đi nơi khác kiếm sống. Những người ở lại chuyển sang nghề ngư phủ. Cha Phaolô Lê Văn Diệu, chánh xứ Thống Nhất quản nhiệm nơi đây. Cha dựng một nhà nguyện tạm bằng tranh. Năm 1995, Đức Cha Phaolô-Maria Nguyễn Minh Nhật thành lập Giáo họ biệt lập Hiệp Nhất. Cha Phaolô tiếp tục quản nhiệm giáo họ. Sau đó ngài cùng cộng đoàn xây nhà nguyện kiên cố, đài Đức Mẹ và đài Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm bổn mạng của giáo họ. Năm 2009, Cha Théophile Đỗ Hữu Liêm về quản nhiệm Hiệp Nhất. Ba năm sau, Giáo họ biệt lập Hiệp Nhất được nâng lên thành Giáo xứ và Cha Théophile trở thành Cha xứ tiên khởi. Giáo xứ đã có đời sống an hòa và hiệp nhất như hiện nay. Hiện có khoảng hơn 2 nghìn giáo dân.

Ông nói tiếp:

-Mình đi hết con đường này là ra tới Mõm bò. Đây là con đường cùng. Mõm Bò là một doi đất nhô ra hồ Trị An. Từ ngã ba Thánh Tâm đến Mõm Bò là một vòng cung, Núi Cúi nằm ỡ quãng giữa. Từ Mõm Bò có thể nhìn sang Thánh Tâm và nhìn lên Núi Cúi. Lát nữa dừng xe mình sẽ thấy rõ.

Xe chạy trên đường không có bóng người, thỉnh thoảng có vài con bò tụ ở ven đường gặm cỏ. Có lẽ vì thế mà người ta gọi nơi đây là Mõm Bò chăng, vì ở đây không có cánh đồng nào để cày bò.

Xe chạy hết đường nhựa, tới đường đất. Phía trước có vài căn nhà lá ở ven hồ. Đó là tận cùng Mõm Bò. Xe quay lại tìm một chỗ dừng để Đức cha, cha Quản Hạt và cha sở Dốc Mơ quan sát Núi Cúi. Thực ra có dịp này các vị mới đến tận nơi đầu rừng cuối bãi này. Ở đây thưa thớt giáo dân, mấy khi các đấng có dịp đến thăm. Nhưng bây giờ, nếu Núi Cúi được giáo phận chọn thì sẽ nhiều dịp đi nữa.

Ông chánh Tiến giới thiệu:

  • Núi đất nhô cao kia là Núi Cúi. Ở Mõm Bò, ta chỉ thấy mặt dựng đứng của

Núi Cúi, không thấy toàn thể Núi Cúi. Mặt dựng đứng ấy quay ra hồ, trong có hang khỉ. Chưa ai vào hang khỉ, người ta chỉ đến bắn khỉ. Nơi ấy còn hoang sơ.

Đức Cha nhìn về Núi Cúi, Ngài nhận thấy Núi Cúi vẫn nổi bật lên khá cao trên mặt bằng của những cánh vườn xanh ngát. Nhìn từ vị trí này, Núi Cúi gần sát hồ hơn, điều ấy sẽ là một ưu điểm cho phong cảnh sơn thủy của một trung tâm. Đúng là Núi Cúi nằm giửa vòng cung từ ngã ba Thánh Tâm sang Mõm Bò. Ngã ba Thánh Tâm và Mõm Bò như ôm gọn lòng hồ, như thể tạo một lòng hồ riêng cho Núi Cúi, mà không tan loãng vào mặt hồ Trị An mênh mông ngoài kia.

Trong thâm tâm, Đức cha cùng với cha Quản hạt Gia Kiệm và Cha sở Dốc Mơ đã bắt đầu hình dung ra một địa điểm có thể xây dựng trung tâm, nhưng cần tìm một điểm nào nữa để quan sát chính diện Núi Cúi và vùng đất xung quanh xem có thuận lợi không. Bởi vì, Núi để xây đài Đức Mẹ thì có thể chọn được rồi, nhưng còn cần đất để xây những cơ sở khác như nhà nguyện Thánh Thể, các khu sinh hoạt, quảng trường-nơi giáo dân tập trung những dịp lễ lớn. Nhớ lại ngày khai mạc Năm Thánh giáo hội Việt Nam 2010 tại Sở Kiện có hàng trăm ngàn giáo dân tham dự. Rất nhiều người trong số họ đã phải ngồi trên vạt cỏ bờ đê. Núi Cúi cần có chỗ cho những đại lễ như vậy, và vì thế cần phải tìm xem phia bên kia Núi Cúi có vùng đất bằng phẳng làm quảng trường hay không?

 

***

Cha Liễm

Cha quản Hạt Gia Kiệm Phạm Duy Liễm cùng Đức cha Đa Minh xem bản đồ Núi Cúi

 

Những ngày sau đó công cuộc tìm kiếm vẫn tiếp tục. Xe đi vào con đường lô cao su bên cạnh khu công nghiệp Phú Cường. Hết con đường đất là vườn rẫy của dân. Vẫn là Cha sở giáo xứ Dốc Mơ, cha Quản Hạt Gia kiệm, có sự tháp tùng của ông Trưởng Ban Hành giáo giáo phận và ông Chánh giáo xứ Dốc Mơ dẫn Đức cha, Đức cha đi thăm dò từng bước.

Từ quốc lộc 20 đi vào gần một cây số, mọi người dừng lại, đứng gần một giếng nước (giếng nước tưới vườn rẫy) nhìn lên Núi Cúi. Ở vị trí này mọi người có thể nhìn thấy Núi Cúi gần hơn. Đó là một ngọn đồi đất đá thế nằm hình thang, phía sau là hồ Trị An. Trên Núi có những cây vươn cao, có vườn chuối, có những đám đất đỏ giữa những mảng cây xanh, có thể là đất đang khai phá. Mọi người thấy rõ một đỉnh đồi cao và hai đỉnh đồi thấp hơn gần nhau. Không thấy có đường đi lên nhưng triền đồi thoai thoải có thể đi lên được. Mặt đồi dựng đứng phía bờ hồ (có hang khỉ) thì không thể đi lên được. Trong ánh nắng buổi sáng, trời cao xanh, nước hồ cũng xanh mênh mông và màu xanh bạt ngàn của vườn cây, Núi Cúi nổi hẳn lên, vừa hoang sơ tinh khôi, vừa mời gọi những nỗ lực vượt bực nếu giáo phận muốn xây dựng nơi này thành một trung tâm hành hương tôn kính Đức Mẹ.

Tất cả đã manh nha niềm hy vọng cậy trông và những dự định lớn lao…

Ông Trưởng Ban Hành giáo-giáo phận Nguyễn Văn Chiến kể:

-Đứng ở đó nhìn lên rất lâu. Rồi mỗi người trang bị một đôi ủng để đi “thám hiểm” Núi Cúi. Đức cha và cha cố Đường không đi được vì đường lên núi trượt dốc. Mọi người men theo đường mòn của dân trồng rẫy trên Núi Cúi mà đi lên. Hai giờ sau cả đoàn mới trở về báo lại những gì mình quan sát được cho Đức cha biết. Trên đỉnh núi có một mặt bằng khá rộng, có thể làm nhà nguyện hay làm hội trường. Nhưng mà tất cả còn hoang sơ, phải lắm công lắm mới vỡ vạc được…

***

Sau những ngày xuân vui ấy, Đức cha cùng với quý cha và nhiều thành phần dân Chúa còn tìm đến Núi Cúi, cố lên lên đỉnh núi để quan sát, để phóng tầm nhìn về tương lai.

Và sau nhiều cầu nguyện, bàn bạc, Đức cha hỏi ý kiến Cha sở Dốc Mơ:

– Cha sở người thấy địa điểm này có thể xây dựng Trung tâm được không?

-Thưa Đức Cha, ở Đồng Nai, con nghĩ, chắc không còn nơi nào phù hợp hơn, vì ở đây có sơn thủy hữu tình, không gian tinh khôi rất thuận lợi cho việc cầu nguyện. Từ quốc lô 20 vào cũng chỉ khoảng một cây số, sẽ rất thuận lợi cho các đoàn hành hương tìm đến. Con nghĩ lúc này các điều kiện còn trong khả năng. Con nghhe nhiều công ty du lịch họ cũng tìm mua đất quanh hồ để làm du lịch sinh thái. Mình không nhanh tay có khi không còn cơ hội!

Đức cha ngạc nhiên:

-Vậy à?

Rồi quay sang Cha Quản Hạt Gia Kiệm ngài hỏi:

-Thế ý kiến của Cha quản Hạt thế nào?

-Con cũng nghĩ như Cha sở Dốc Mơ. Mình đã mất cơ hội xây trung tâm ở núi Chứa Chan, giờ có Núi Cúi, lại có hồ Trị An và cả một vùng vườn cây bát ngát dưới kia, rất gần quốc lộ, khó có địa điểm nào đẹp hơn nơi này.

Đức cha hỏi ông Chánh giáo xứ Dốc Mơ:

-Ông chánh ở đây, ông có hiểu tình hình đất cát thế nào không? Nếu giáo phận muốn mua lại đất khu vực này, ông Chánh thấy có khả năng không?

-Thưa Đức cha, vùng này là đất của hầu hết giáo dân. Nếu biết giáo phận muốn xây dựng Trung tâm Đức Mẹ nơi này, con nghĩ họ sẽ sẵng sàng chia sẻ với giáo phận.

Đức cha hết sức vui mừng. Bước đầu đã có những tín hiệu rất tốt, và khả năng hình thành một Trung tâm tôn kính Đức Mẹ nơi đây là trong tầm hiện thực.

Trong khóa họp mùa xuân của năm 2014, Hội đồng Linh mục giáo phận chung ước nguyện xin Đức cha Đa Minh trực tiếp lo việc phát triển và xây dựng Trung tâm tôn kính Đức Mẹ của giáo phận theo sở nguyện cùa Đức cha và cử hai cha làm phụ tá giúp ngài là cha Phê rô Phạm Duy Liễm (chánh xứ Ninh Phát, Quản hạt Gia Kiệm) và cha Hoàng Minh Đường, (Chánh xứ Dốc Mơ).

Bao nhiêu dự định, bao nhiêu công việc mở ra phía trước với chưa chan hy vọng và …

 

***

 

ĐƯỜNG LÊN NÚI CÚI-Chương 2

                                                     BÙI CÔNG THUẤN

                                                  ĐƯỜNG LÊN NÚI CÚI

                                                     Truyện dài tư liệu

***

HDGMVN-NuiCui-2

Hội đồng Giám mục Việt Nam thăm Núi Cúi- Đức cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh, GM GP Xuân Lộc đang giới thiệu Núi Cúi với các Đức Giám mục.

CHƯƠNG 2

GẶP GỠ MÙA XUÂN

 

 

 

Rời khỏi thị xã, xe đi vào con đường nhỏ băng qua những cánh rừng cao su bạt ngàn xanh. Nắng dát vàng mọi nẻo. Không gian yên tĩnh và thanh khiết khiến tâm hồn con người thoát khỏi những ràng buộc mà lắng đọng những điều sâu xa.

Rồi xe đi vào vùng của những vườn cây trái tốt tươi. Nơi đây bốn mùa đều ngọt ngào hương vị của đất, của trời: Cà phê, chôm chôm, bưởi, măng cụt, mít, xoài, chuối, điều… Thiên nhiên kỳ diệu đã ban tặng cho con người bao điều quý giá để con người được sống hạnh phúc. Bất giác vang lên đâu đây Lời Chúa trong sách Sáng Thế: Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác. 15 Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai.”(St 2, 4b-9.15)

Mười lăm phút sau, xe trở ra quốc lộ 20. Đức cha miên man suy nghĩ. Hai bên đường, phố xá đông vui, nhôn nhịp người đi chúc xuân, người đi chơi xa. Những chậu hoa xuân đủ màu sắc tươi thắm vẫn còn đầy ắp trong nhà, trước cửa. Hàng quán, phố thị nằm dọc hai bên đường. Phố bám theo quốc lộ, phía sau là những khu dân cư sống bằng nương rẫy.

Dọc theo quốc lộ 20 vùng Gia Kiệm là nhà thờ các giáo xứ: Hưng Bình, Ninh Phát, Thanh Sơn, Võ Dõng, Phát Hải, Kim Thượng, Phúc Nhạc, Phát Lộc, Đức Mẹ Vô Nhiễm, Gia Yên, Tân Yên, Mẫu Tâm, Bạch lâm, Đức Huy, Dốc Mơ. Nhà thờ giáo xứ nào cũng cờ hoa rực rỡ đón xuân. Vì Chúa là Chúa của mùa xuân. Thánh lễ đêm giao thừa, nhà thờ nào cũng đông đủ mọi gia đình đến để được Chúa chúc phúc (Mt 5,1-10), tạ ơn Chúa và cầu bình an năm mới. Thánh lễ Tân niên sáng mùng một là thánh lễ của sự thành tín kính thờ Thiên Chúa và niềm hy vọng Chúa sẽ ban một năm tốt lành. Vì lời Thánh vịnh viết: “hãy ký thác đường đời cho Chúa”(Tv 37, 5) và Lời Chúa dạy: Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai, vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”(Mt 6, 25-34)

Người Công giáo hôm nay, bốn mùa là bốn mùa hồng ân của Chúa, bốn mùa lễ hội. Các xứ đạo Công giáo dù là ở nơi nông thôn còn khó khăn hay ở thành phố, đều chăng hoa kết đèn rực rỡ khắp nơi. Từ lễ Giáng Sinh đến tết dương lịch, rồi tết âm lịch không khí lễ hội vui tươi trở thành những điểm nhấn của năm. Văn hóa Công giáo bao trùm cả không gian sinh hoạt của cộng đồng. Xóm ngõ nào cũng có băng-rôn “Mừng Chúa Giáng sinh”. “Mừng Xuân thánh ân”. Người ta đi mua sắm, du lịch vui chơi. Người Công giáo thì sống với tâm tình phó thác, tin yêu và hy vọng vào sự quan phòng của Chúa.

Các sinh họat tâm linh tôn giáo đã gần như thành nề nếp truyền thống. Tháng 5 và tháng 10 là hai tháng đặc biệt mừng kính Đức Mẹ. Khắp nơi trong giáo phận, thôn xóm nào cũng vang lên lời kinh tiếng hát trong những buổi tối đọc kinh chung rước Đức Mẹ viếng thăm nhà. Tháng 11 là tháng cầu nguyện cho các linh hồn ông bà tổ tiên với lòng hiếu thảo tri ân. Tháng 12 hướng về Ơn cứu Độ của mùa Giáng Sinh. Lễ Vọng Giáng Sinh ở các giáo xứ đề tổ chức canh thức diễn nguyện lịch sử Ơn Cứu Độ, khiến cho người giáo dân hôm nay gần gũi với lịch sử Cựu Ứớc và Tân Ước. Lễ hội Giáng Sinh kéo dài gần hết tháng Một dương lịch.

Tiếp theo đó là Tết âm lịch. Nhà nhà chuẩn bị tết ngay từ đầu tháng chạp âm lịch.  Ngày mùng 2 tết dành để kính nhớ tổ tiên, ngày mùng 3 cầu nguyện cho công ăn việc làm. Trong những ngày xuân, các Cha sở, Cha phó, Ban Hành giáo và các đoàn thể đi thăm viếng các gia đình. Người Công giáo chia sẻ quà xuân cho người nghèo và làm nhiều việc từ thiện. Đó là nét đẹp của văn hóa Công giáo góp phần vào làm giàu có nền văn hóa nhân ái của dân tộc này.

Cho đến hôm nay, sau gần 500 năm, với một lịch sử nhiều lần bị bách hại, đạo Công giáo ở Việt Nam vẫn tồn tại và góp phần quan trọng vào văn hóa Việt. Một minh chứng cụ thể là chữ Quốc ngữ do các nhà truyền giáo làm ra đã tạo ra một bộ mặt văn hóa mới, làm thay đổi hẳn nền văn hóa dựa vào chữ Hán, chữ Nôm. Các kiến trúc nhà thờ, đền đài Công giáo, các lễ hội Công Giáo, lối sống bác ái Công giáo làm mới hẳn những truyền thống văn hóa tam giáo (Phật-Nho-Lão) đã có hàng ngàn năm của người Việt.

Người Công giáo hôm nay cùng với cộng đồng dân tộc đang trực tiếp bảo vệ và phát triển đất nước, bảo vệ những giá trị truyền thống trước làn sóng xâm lăng văn hóa khi mở cửa hội nhập toàn cầu hóa. Đường hướng “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã dẫn dắt giáo dân hòa nhập nhiều hơn vào cộng đồng văn hóa dân tộc. Và trong  sự hiệp thông với Giáo hội toàn cầu, giáo hội Công giáo Việt Nam thực sự là những chứng nhân cho đức tin trong thế kỷ XX và XXI. Vì thế Giáo hội Việt Nam được giáo hội toàn cầu và Nhà Nước Việt Nam tôn trọng. Tầm vóc toàn cầu ấy lại thể hiện ở từng giáo xứ và ở cách sống đạo của mỗi cá nhân tín hữu khi họ tham gia vào các hoạt động mục vụ chung của giáo hội.

Chiếc xe chở đức Giám Mục giáo phận giảm tốc độ rồi quẹo vào sân nhà thờ Dốc Mơ. Đức Giám mục vẫn vừa ngắm nhìn cảnh vật vừa nghĩ suy về ơn Chúa ban cho giáo phận. Nhà thờ Dốc Mơ đẹp uy nghi, có dáng dấp của nhà thờ Chính Tòa Xuân Lộc.  Khu vực nhà thờ vẫn còn nguyên vẹn trang trí ngày xuân, đẹp và khang trang. Năm 1972 cha cố Trần Đình Vận cùng cộng đoàn đã xây nhà thờ này (80m x 30m x 30m). Tháp chuông cao 65m vươn cao lên bầu trời. Thấm thoát đã hơn 40 năm với bao biến động lịch sử. Nhưng đoàn chiên Chúa mỗi ngày một đông hơn, hạt giống đức tin vẫn triển nở tốt tươi hơn.

Xe chạy vào khu nhà xứ. Cha sở Hoàng Minh Đường cùng với cha Quản Hạt Gia Kiệm Phạm Duy Liễm và quý chức Ban Hành giáo đã đứng chờ đón Đức cha. Rải rác trong sân, những người khách đến thăm nhà xứ cũng vội vàng chạy đến để được chào Đức cha giáo phận. Họ ngạc nhiên vì hôm nay là mùng 4 tết, Đức cha lại đến thăm và chúc mừng năm mới Cha sở. Họ không biết rằng giáo xứ Dốc Mơ đang bước vào năm kỷ niệm mừng Ngọc Khánh giáo xứ (1954-2014) và Đức Giám mục giáo phận đến thăm giáo xứ Dốc Mơ không phải là chuyện tình cờ.

Cách nay 60 năm, Ngày 02.11.1954, khoảng 3.000 giáo dân gốc Giáo phận Bùi Chu và Phát Diệm theo Cha Giuse Trần Đình Vận đến Đồi Mơ, cây số 81 quốc lộ 20 lập nghiệp và lập nên Giáo xứ Dốc Mơ. Cha cố Vận đã coi sóc giáo xứ này 32 năm. Cha Hoàng Minh Đường kế nhiệm. Năm nay ngài đã 77 tuổi (ngài sinh năm 1937), quá tuổi hưu nhưng ngày vẫn phục vụ Chúa trong hân hoan. Ngài tổ chức nhiều hoạt động bác ái cho giáo dân. Chẳng hạn, ngài lập khu dạy nghề may công nghiệp cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Qua 20 năm, đã đào tạo được hơn 2000 lao động cho các khu công nghiệp. Trong xứ cũng có nhà hưu dưỡng cho các cụ bà neo đơn. Nhà hưu dưỡng này được lập từ 1966 do các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Mân Côi Chí Hòa phụ trách.

Đức Giám mục giáo phận đến thăm cha sở Dốc Mơ dịp này tuy theo truyền thống dân tộc, nhưng trong tâm ý, ngài còn dành những tình cảm đặc biệt của người chủ chăn với  người Mục tử huynh đệ, những người đã sống đời dâng hiến của một mục tử như lòng Chúa mong đợi; những người đã ở giữa đoàn chiên và dẫn dắt đoàn chiên đến bên suối ngọt và đồng cỏ xanh. Năm nay đã là năm thứ 10 của sứ vụ Giám mục của Đức cha giáo phận. Người đã xây dựng Tòa Giám mục và Đại chủng viện (2008), nơi đào tạo mục tử cho đoàn chiên Chúa; đã vun đắp cho Giáo hội các Giám mục Giuse Nguyễn Năng (2009), Giám mục Tôma Aquino Vũ Đình Hiệu (2009), tấn phong Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo (2013); và còn bao dự định lớn lao trước mặt…

Phòng khách của giáo xứ Dốc Mơ là một phòng nhỏ. Giữa phòng có kê một bàn gỗ lớn và nhiều ghế đẩu. Trên tường đối diện cửa ra vào có ảnh các Đức Giáo Hoàng, ảnh các Đức Giám mục giáo phận, ảnh của cha cố Trần Đình Vận. Phía dưới là một tủ sách và tủ dựng vật dụng nhỏ trên có ảnh tượng và bình hoa.

Phòng khách đơn sơ, nhưng trang trọng. Có lẽ phản ánh phần nào phong cách sinh hoạt của Cha sở. Ngài cũng mộc mạc, giản dị, gần gũi và chân thành giữa mọi người. Buổi gặp gỡ hôm nay cũng đơn sơ và thân tình như vậy. Có Đức cha giáo phận, cha quản hạt Hạt Gia Kiệm cha sở Dốc mơ, có các ông chánh xứ Dốc mơ, có cả ông Trưởng Ban Hành giáo giáo phận tháp tùng Đức cha.

Sau khi mọi người an vị, cha sở Dốc Mơ có lời chào mừng Đức cha giáo phận cùng các vị khách. Câu chuyện xoay quanh không khí ngày tết, sinh họat mục vụ và đời sống giáo dân.

Đức cha rất vui khi biết giáo xứ Dốc Mơ vẫn giữ được những truyền thống tốt đẹp. Rồi đột ngột ngài hỏi:

-Năm nay kỷ niệm 60 năm Kim khánh giáo xứ Dốc Mơ, cha sở có định tổ chức lễ lớn không?

Cha sở Hoàng Minh Đường cười xuề xòa thưa:

-Kính thưa Đức cha, con cám ơn Đức cha đã quan tâm đến giáo xứ chúng con. Con sẽ về Tòa Giám mục để xin ý kiến Đức cha về tổ chức lễ. Con định trong dịp lễ Ngọc khánh xin Đức cha ban Phép Thêm Sức cho 171 em. Còn phần tổ chức cụ thể Ban Hành giáo và các đoàn thể trong giáo xứ đang bàn bạc để tiến hành.

Đức cha muốn đi sâu vào đời sống tâm linh của giáo xứ, ngài hỏi:

-Thế kỷ niệm 60 năm, cha sở thấy giáo xứ được những ơn đặc biệt nào không?

-Thưa Đức cha, Ơn Chúa ban cho giáo xứ thì rất nhiều, nhưng con đặc biệt tạ ơn Chúa về ơn đức tin. Số giáo dân ngày càng đông, bây giờ là hơn 12 ngàn, có lẽ là giáo xứ có số giáo dân đông nhất trong giáo hạt Gia Kiệm. Giáo xứ Dốc mơ trở thành giáo xứ mẹ của các giáo xứ Đức Long, Đức Huy và giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Nơi đây cũng ươm mầm ơn gọi đời dâng hiến của 58 Linh mục và 80 tu sĩ chủng sinh… và ơn Chúa cho con kế nhiệm cha cố Vận làm cha sở nơi này đã 28 năm, được giáo dân yêu mến và gắn bó trong mọi hoạt động mục vụ. Con định xin Đức cha con con được hưu…

Đức cha chia sẻ:

-Tuổi của cha sở là tuổi có thể hưu, nhưng là môn đệ của Chúa, làm việc của Chúa thì không thể ngưng nghỉ được giờ nào. Những “tiếng kêu” của thời đại vẫn khẩn thiết đòi hỏi chúng ta dấn thân. Cha Chevrier đã nói: “Linh mục là người bị ăn”, là tấm bánh bẻ ra cho mọi người…

Cha sở Dốc Mơ thăm dò ý Đức cha:

-Dạ thưa Đức cha, Người định giao cho con việc gì thêm nữa có phải không?

-Nếu có giao thêm việc cho cha là Chúa giao, còn Giám mục giáo phận chỉ là thừa hành ý Chúa. Tôi cảm nhận sâu xa rằng Chúa còn cần Cha cho ý muốn của Chúa, nhưng tôi chưa hình dung được cụ thể, mà chỉ biết chắc rằng cha sẽ vui vẻ dẫn dắt giáo dân cộng tác với Chúa trong việc mưu ích cho giáo hội và cho các linh hồn.

-Dạ thưa, Đức cha làm con lo lắng. Ở tuổi của con thì còn có thể làm được việc gì cho giáo hội nữa thưa Đức cha?

Đức cha cười hiền hòa:

-Thế cha không thấy đức Thánh cha Gioan XXIII à? Ngài được Chúa cất nhắc lên ngôi Giáo Hoàng lúc đã 78 tuổi. Ai cũng nghĩ rằng ngài sẽ chỉ là Giáo Hoàng một thời gian ngắn để bầu chọn một giáo hoàng mới, thế nhưng chính ngài đã triệu tập Công đồng Vaticano II, canh tân giáo hội, đưa giáo hội nhập cuộc với thời đại hôm nay. Việc Chúa muốn, Chúa sẽ làm. Tuổi của cha chắc là chưa bằng tuổi của Đức Thánh cha Gioan XXI, cho nên cha cứ yên tâm …

-Đức cha dạy vậy thì con chỉ biết xin vâng.  Đức cha cần con phụ với Người việc gì thì con xin sẵn lòng.

-Đấy cũng là lời thưa “xin vâng” của Đức Mẹ ngày xưa ấy. Nhắc đến Đức Mẹ, tôi trăn trở không nguôi.

-Thưa Đức cha, là chuyện gì ạ?

-Cha sở biết đó, giáo phận hiện giờ không có trung tâm hành hương tôn kính Đức Mẹ, để kéo ơn Chúa qua tay Đức Mẹ xuống cho giáo phận và cho mọi người. Hơn 20 mẫu đất ở Russeykeo định làm trung tâm hành hương Đức Mẹ đã không thực hiện được. Nhà Nước trả lời, đó là đất quốc phòng, không thể xây dựng cơ sở tôn giáo. Chúng ta trình bày rằng, đất của giáo phận còn cách chân núi Chứa Chan 2 cây số và xung quanh núi đã có nhiều cơ sở tôn giáo như chùa chiền, cũng đâu có ảnh hưởng gì, nhưng họ vẫn từ chối. Có lẽ vùng đất ấy chưa đẹp lòng Chúa nên Chúa đòi buộc chúng ta phải đi tìm nơi khác.

-Thưa Đức cha, bây giờ người định liệu thế nào?

– Cha biết đó, trước kia giáo phận xây dựng được Trung tâm hành hương Đức Mẹ Bãi Dâu, đoàn con Mẹ có nơi tụ về tôn kính Mẹ và xin ơn bình an. Từ ngày giáo phận được tách ra để thành lập giáo phận Bà Rịa- Vũng Tàu (2005), giáo phận Xuân Lộc không có trung tâm hành hương Đức Mẹ nào nữa. Các đoàn thể con dân Xuân Lộc hàng tháng thuê xe từng đoàn, từng đoàn đi viếng Đức Mẹ Tà Pao. Có những đoàn còn đi viếng Đức Mẹ Măng Đen ở Kontum và hàng năm đi viếng Đức Mẹ La Vang ở ngoài Quảng Trị. Lòng sùng kính Đức Mẹ là một ơn đặc biệt Chúa ban cho Giáo hội, để qua Mẹ ơn Chúa đổ xuống cho chúng ta. Không có ơn Chúa thì chúng ta không thể làm được việc gì. Chúa đã dạy rằng: vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được(Ga 15, 5). Cho nên việc xây dựng một trung tâm tôn kính Đức Mẹ cho Giáo phận là một việc hết sức khẩn thiết. Gần 10 năm rồi, giáo phận trăn trở nhưng chưa thực hiện được.

-Thưa Đức cha, vậy trở ngại chính bây giờ là gì?

– Là chúng ta chưa tìm được đất để xây dựng trung tâm. Cha biết đó, đất xây dựng Trung Tâm phải đủ rộng để con cái tụ về, lại phải gần với trục lộ giao thông để thuận tiện đi lại, và nhất là đất phải có cảnh quan đẹp, trinh nguyên, không có vết tích của cái xấu, cái ác. Trong hòan cảnh khó khăn như hiện nay thì tìm đâu ra trong giáo phận một nơi như vậy.

-Thế thưa Đức cha, khi Nhà Nước từ chối mình thì họ có đề xuất cho mình nơi nào khác không?

-À, họ có đề xuất cho mình một nơi, nhưng ở rất sâu trong rừng, và là đất của nhà dòng ở Hà Nội. Nơi ấy không thể xây dựng trung tâm được vì xa trục lộ giao thông, với lại, là đất của nhà dòng.

Mọi người lặng đi một lát suy nghĩ.

Rồi bất chợt ông Chánh Tiến (ông Phạm Quang Tiến, giáo xứ Dốc Mơ) lên tiếng:

-Để chúng con dẫn Đức cha đi coi nơi này xem có được không. Đây là vùng đất mình hy vọng có thể tìm được nơi xây dựng trung tâm.

Một niềm hy vọng như bừng lên, nhưng chưa hình dung cụ thể là thế nào. Đức cha tin chắc một điều Chúa đã hứa: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho  (Mt, 7,7)

***