LỄ TRAO GIẢI VHNT ĐẤT MỚI 2019 CỦA GIÁO PHẬN XUÂN LỘC

LỄ TRAO GIẢI VHNT ĐẤT MỚI 2019  CỦA GIÁO PHẬN XUÂN LỘC

 Bùi Công Thuấn

(Tường thuật)

20+

Đức Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo  (Giám mục giáo phận Xuân Lộc) khai mạc Lễ trao giải VHNT Đất Mới 2019

***

Sáng ngày 11/11/2019, tại hội trường Tòa Giám Mục Xuân Lộc, giáo phận Xuân Lộc đã tổ chức trao giải Văn hóa nghệ thuật Đất Mới lần thứ IX. Có sự hiện diện của Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục giáo phận và Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, nguyên Giám mục giáo phận (2004-2016), người khởi xướng giải từ 2011, và đông đảo các Linh mục, tu sĩ, chủng sinh Đại chủng viện, các tác giả đạt giải và khách mời.

Tham gia giải năm nay có các tác giả đến từ hầu khắp các giáo phận trong cả nước. Tổng giáo phận Sài Gòn có 175 tác giả, Tổng giáo phận Huế có 20 tác giả. Tổng giáo phận Hà Nội có 23 tác giả. 77 tác giả ngoài Công giáo.

Giải được trao cho 40 tác phẩm thuộc các bộ môn: Ca khúc, Thơ, Truyện ngắn, Truyện dài, Kịch bản văn học và Ảnh nghệ thuật. Đặc biệt có 2 tác giả thuộc giáo phận Hưng Hóa (vùng Tây Bắc: Phú Thọ, Yên Bài, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La) đạt giải truyện ngắn và truyện dài.

Chương trình trao giải được tổ chức xen kẽ chương trình văn nghệ trình diễn các ca khúc đạt giải, kết thúc bằng một kịch ngắn giàu ý nghĩa nhân văn.

NHẬN XÉT CÁC THỂ LOẠI CỦA BAN VĂN HÓA GP XUÂN LỘC

27 Truyện dài & Kịch

(Lm Võ Tá Khánh-Trăng Thập Tự, ngưới đứng bìa trái, trao giải Truyện dài và Kịch)

 GIẢI CA KHÚC:  

STT TÁC PHẨM TÁC  GIẢ HẠNG
1 Núi Cúi Đất Mới Pet Phạm Văn Binh I
2 Phúc ân đời con Antôn Mai Bá Lộc II
3 Như giọt sương mai Tôma Hồ Hoàng Diệp III
4 Chúa là tình yêu II Dom. Thân Văn Tận KK 1
5 Nụ cười Giêsu Maria Nguyễn Thị Hậu KK 2
6 Xin thánh hóa gia đình GB. Phạm Kim Huy KK 3
7 Tình yêu Chúa ngọt ngào Jos Nguyễn Xuân Quyền KK 4

Có 52 ca khúc  của  20 tác giả tham gia.

Về  phần nội dung, các ca khúc theo sát chủ đề mục vụ của giáo phận: Gia đình hãy là dấu chỉ lòng Thương xót Chúa, ca ngợi tình thương Chúa qua công trình Tạo dựng, Cứu chuộc, cũng như tiếp tục chủ đề hướng về Đức Mẹ Vô Nhiễm –  Núi Cúi, về cuộc đời Dâng hiến, ……

Về nghệ thuật, chất lượng nghệ thuật các ca khúc dự thi đều hơn năm trước. Một số bài có ý tưởng hay, nét nhạc đẹp. Nhiều bài còn bị lỗi về ca từ hoặc bố cục.

Ban Thánh nhạc giáo phận ghi nhận có một số tác giả rất nhiệt tình, gửi viết nhiều ca khúc, rất đáng khích lệ.

GIẢI THƠ VHNT ĐẤT MỚI 2019

TT Tác giả Tác phẩm GP Giải
1 Phaolô

Trần Trung Hậu

 

Tập thơ: Châm ngôn Kinh Thánh diễn thơ (31 chương) Sài Gòn Giải I
2 Giuse

Nguyễn Hữu Tâm

Tập thơ: Các thánh Tử Đạo Việt Nam (Tập thơ)  

Xuân Lộc

Giải II
3 Catarina

Nguyễn Thị Lam

Tập thơ: Khúc Thần nhạc

(21 bài các Thánh Tử đạo)

Xuân Lộc Giải III
4 Petrus

Dương Kim Quới

 

Tập thơ: Nữ tỳ Thánh Thể

(Thơ song ngữ Pháp-Việt)

Xuân Lộc KK 1
5 Maria

Đinh Thị Ngọc Liên

Tập thơ: Tiếng chiều

(tập thơ-114 bài)

Xuân Lộc KK 2
6 Lasan Ngô Văn Vỹ Tập thơ: Sống đạo

(tập thơ 64 bài)

Đà Lạt KK3
7 Trần Đức Tín Chùm thơ Quê hương. Sài Gòn K K 4

 

 

Có 38 tác giả, 10 tập thơ; 600 bài thơ. Đa số là thơ  phong trào, có ít thơ chuyên nghiệp.

Nội dung tập trung về các đề tài Đức Mẹ, bảo vệ thai nhi,  về Các thánh tử đạo Việt Nam, diễn thơ Sách Châm ngôn- Kinh thánh, về Sống đạo, về đời dâng hiến.  Tác giả ngoài Công giáo viết về công ơn cha mẹ , thơ tình, thơ quê hương. Có tác giả viết thơ Thiền…

Về nghệ thuật thơ, có hai mảng nghệ thuật: Thơ quần chúng và thơ chuyên nghiệp. Thơ viết cho công chúng gần với ca dao dân ca, thơ dễ thuộc, dễ nhớ, hình ảnh thơ là hình ảnh biểu cảm. Các tác phẩm Diễn thơ sách Châm ngôn, diễn thơ hạnh các thánh tử đạo Việt Nam, thơ Sống đạo là những tác phẩm có giá trị đặc sắc.

Thơ của các tác giả chuyên nghiệp có 2 tập thơ Khúc Thần nhạc (21 bài), tập thơ Tiếng chiều (114 bài), chùm thơ 4 bài về bảo vệ thai nhi (TG16), và chùm thơ 6 bài về quê hương, về mẹ (TG17) có tính nghệ thuật vượt trội. Các tác giả có ý thức tìm tòi sáng tạo những tứ thơ mới, những cách diễn đạt mới. Có tác giả tiếp cận được với thơ Việt Nam đương đại. Dù vậy. Chưa có tác giả nào thực sự mới. Tập thơ Khúc thần nhạc mang phong vị thơ Hàn Mặc Tử, câu chữ bay bổng hoa mỹ.  Tập thơ Tiếng chiều  đa số là thơ 7 chữ, thơ 8 chữ, kiểu thơ lãng mạn trước1945. Nhiều bài có tứ thơ hay.

Ban tổ chức trân trọng tất cả mọi sáng tạo nghệ thuật, song trong phạm vi giải, Ban tổ chức không xét trao giải những tác phẩm nằm ngoài tiêu chí. Ban tổ chức chân thành cám ơn tất cả các tác giả đã tham gia giải và mong được đọc những tác phẩm mới của các tác giả trong lần trao giải 2020. Kính mong các tác giả chú ý đến tư tưởng nhân văn của tác phẩm để góp phần xây dựng văn minh tình thương và văn hóa sự sống.

21

(Một phần hội trường)

GIẢI TRUYỆN NGẮN VHNT ĐẤT MỚI 2019

TT Tác giả Tác phẩm GP Giải
1  

Maria Phạm Thị Yến

Người gác đền Thanh hóa Giải I
2 M. Innocentio

Nguyễn Thị Duyên

Tin là không ngừng hy vọng Xuân Lộc Giải II
3 Giuse

Nguyễn Ngọc Bích

Những bắp ngô

của thằng Tráng

Hưng Hóa Giải III
4 Phêrô

Phạm Minh Châu

Một lần vấp ngã Nha Trang KK 1
5 Phanxicô X.

Cao Dương Cảnh

Trái cấm tân thời Cần Thơ KK 2
6 Maria

Nguyễn Thị Hồng Lài

Một đời hiến thân

 

Sài Gòn KK 3

 Có 133 truyện ngắn và 08 truyện vừa. Nội dung về sống đạo (63 truyện), về đời dâng hiến (15 truyện). Nội dung, chủ đề ngoài Công giáo (35 truyện có). Không thuộc thể loại truyện (26 bài). Đó là những bài cảm nhận, bài ghi chép, tùy bút và cả những bài văn nghị luận.

Truyện về “đời dâng hiến” khám phá nhiều chiều kích đời tu. Có những truyện cảnh báo về những thử thách của đời tu (Trái cấm tân thời, Mùa xuân chốn địa đàng); có truyện cảm động về sự hy sinh tình yêu lứa đôi để tìm một tình yêu lớn hơn là tình yêu Giêsu (Chung một tình yêu, Mùa phượng cuối, Tiếng gọi của tình yêu ). Đặc sắc là những truyện về các Linh mục, tu sĩ nam, nữ dấn thân cho đoàn chiên, lan tỏa lòng thương xót của Chúa đến mọi cảnh đời. (Góc tối cuộc đời, Những bắp ngô của thằng TrángNhững con ma lá ngón, Người gác đền, Những mảnh đời ghép lạiTìm lại tình yêu, Một đời hiến thân)

Số lượng truyện về chủ đề sống đạo khá phong phú.  Nhiều tác giả lên tiếng báo động với bạn đọc Công giáo về những thái độ và hành động cần phải có để giữ vững đời sống đức tin. Thảm kịch trong tình yêu là do sự lầm lỡ, sự lừa gạt (Chờ xuân, Ngã tư, Chấp nhận làm mẹ đơn thân, Mẹ ơi xin đừng giết con, Cơn mưa đầu mùa hạ, Hoa khôi một thời. Những chuyện ngoại tình, ly dị, đời sống bê tha trong gia đình Công giáo cũng đáng báo động (Một lần vấp ngã, Lạy Chúa xin cứu ba con. ). Những mảnh đời bất hạnh được nhiều tác giả quan tâm (Biển của đời người, Ngưới mẹ bất đắc dĩ . Nhiều tác giả cũng ghi nhận được những gương sáng sống đạo (Trung thành đọc kinh tối, Gia đình anh mù xứ Quảng, Bó rau nghĩa tình, Lửa Lời Chúa

Truyện ngắn Đất Mới cũng khai thác đề tài thời sự “nóng” trong đời sống tinh thần của người trẻ. Người trẻ phải đối mặt với tà thuyết của đạo Đức chúa trời Mẹ (truyện Đối mặt). Người trẻ còn phải đối mặt với những cám dỗ tha hóa (Phục sinh tâm hồn). Truyện Tin là không ngừng hy vọng là trải nghiệm hiện sinh trong những ngày cuối cùng của Minh Diệu, một sinh viên Kiến trúc bị ung thư máu.

Nhiều truyện ngoài Công giáo thể hiện được giá trị “văn hoá sự sống và tình thương” trong truyền thống lâu đời của dân tộc. Truyện Người vẽ mắt ghe kể những câu chuyện kỳ lạ của ông Ba Mắt ghe. Chân dung đồng hoa cải là câu chuyện cảm động về tình mẹ. Khóa mở lòng là chuyện của người mẹ nghèo có đứa con hay ăn trộm tiền của mẹ. bà đã cảm hóa con bằng tình thương yêu. Truyện Thầy Hùng áo trắng ca ngợi người thầy giàu lòng nhân ái đã cảm hóa được cậu học sinh cá biệt, ăn chơi, ngang ngược hỗn láo với thầy. Đẻ thuê là thái độ sống của chị Thu. Gia đình chị làm ăn thất bại. Chồng chị say xỉn nợ nần chồng chất. Chị phải nhận đẻ thuê để có tiền trả nợ. Nhưng đến khi đi sinh con, chị đã giữ đứa bé lại và bỏ trốn không giao con cho bọn xấu vì không muốn đưa bé rơi vào tay bọn ma túy. Nàng dâu tuổi Hợi là hình ảnh người dâu thảo hiền, dù gặp nghịch cảnh chồng lăng nhăng nhưng vẫn giữ trọn đạo thủy chung. Nàng được mẹ chồng yêu quý và bảo vệ. Có khá nhiều truyện miêu tả những cảnh đời, những tấm lòng rất xúc động như Chuyện ông Bô, Bến mơ, Những cánh thư, Nàng lọ lem, Tận nỗi sương đêm, Chuyện không cũ bao giờ,…

Những truyện sau đây không phù hợp với tiêu chí xét trao giải: Truyện ở Xứ đạo Hắc Ám sai lạc về tín lý (truyện Tiến về phía Chúa, Trò chuyện với Chúa, Bến đò cuối). Truyện có những tình tiết miêu tả như phim hành động kiểu xã hội đen (Ruồi, Cá lóc, Ngón tay khô). Truyện khai thác yếu tố sex với mục đích thiếu thiện ý (Ngày hạnh phúc).

Về nghệ thuật, truyện ngắn Đất Mới 2019 xuất hiện nhiều tác giả có nghệ thuật viết rất chuyên nghiệp, chủ đề sâu sắc, giàu chất văn chương, ngôn ngữ có phong cách.  Đặc biệt tác giả của Tin là không ngừng hy vọng tiếp cận được lối viết “dòng ý thức” của văn chương Hiện Sinh tác giả Người vẽ mắt ghe khai thác được nguồn giai thoại truyền thuyết dân gian Nam bộ.

Hiện thực được khám phá ở bề rộng của không gian và thời gian. Từ vùng sông nước Nam bộ (Về với Sóc Trăng, Người vẽ mắt ghe, Bóng đời) đến những cảnh đời thê thảm của người dân miền cao Tây Bắc (Người gác đền, Những con ma lá ngón). Từ đồng bằng Bắc bộ với những tàn tích của xã hội cũ (Tiến về phía Chúa) đến hành trình dấn thân của người trẻ trên Tây Nguyên (Cô gái Sài Thành và anh mù miền cao nguyên). Có tác giả dẫn người đọc lên thiên đàng Trò chuyện với Chúa, có tác giả chia sẻ với người đọc trải nghiệm bị chìm tàu trên biển tưởng chết 100% nhưng rồi được Chúa cứu (Dưới đại dương)

Truyện ngắn 2019 được viết bằng hai xu hướng. Xu hướng tiếp cận hiện thực chân thực (xin gọi tắt là truyện hiện thực) và xu hướng hư cấu lãng mạn (xin gọi tắt là truyện lãng mạn). Xu hướng hiện thực có nhiều chất ký và nghiêng về văn chương chính luận. Xu hướng hư cấu lãng mạn vượt lên hiện thực chiếm đa số trong trong các truyện tham dự giải. Rất tiếc nhiều truyện trong xu hướng này chưa đạt được sự chân thực nghệ thuật (Kẻ quá giang, Trò chuyện với Chúa, Lửa Lời Chúa, Hoa trái tình yêu, Bến đò cuối, Sự nở muộn của hoa thập tự, Thầy Hùng áo trắng, Cánh diều mùa đông, Khạc nhổ lên trời, Ruồi, Con cóc, Đẻ thuê, Cà thọt... )

Ban tổ chức mong được tiếp tục đọc những truyện hay trong mùa giải 2020, kỷ niệm 10 năm Giải VHNT Đất Mới.

16

(Niềm hân hoan trong ngày văn hóa nghệ thuật của giáo phận Xuân Lộc)

GIẢI TRUYỆN DÀI ĐẤT MỚI 2019

Không có giải nhất

STT Tác giả Tác phẩm GP Giải
1 M.Vinh Sơn Nguyễn Thị Chung Chàng xe ôm

 

Xuân Lộc Giải 2
2 Maria Goretty Nguyễn Thị Xuân Ngã tư thập tự

 

Xuân Lộc Giải 3
3 Giuse Lê Ngọc Thành Vinh Maria ngoại truyện

 

Hà Nội KK 1
4 Giuse Phạm Hồng Đức Xa xứ

 

Xuân Lộc KK 2
5 Maria Đỗ Thị Hồng Nhanh Đời làm hạt

 

Hưng Hóa KK 3

 Số lượng tác phẩm: 10 truyện dài của 10 tác giả.

Viết về Đời dâng hiến, có 3 truyện, ghi lại hình ảnh nữ tu phục vụ những cảnh đời bất hạnh. Các Sr gặp không ít khó khăn. Sự tín thác nơi Chúa và ơn Chúa nâng đỡ đã giúp người nữ tu vượt qua được những trở ngại quá sức mình (truyện Đời làm hạt, Ngã tư thập tựNơi ấy bình yên). Một truyện viết về sứ vụ Linh mục (truyện Hai quả thận). Lm Nguyễn Thành Tâm vâng lời Bề trên phục vụ người bịnh phong tại Somali. Mấy lần ngài suýt bị thổ phỉ giết chết, nhưng không vì thế mà lòng nhiệt thành phục vụ Chúa trong hình hài những con người khốn khổ bị vơi cạn. Ơn Chúa đã giữ gìn ngài.

2 truyện viết về việc kiếm sống và thử thách đức tin của người trẻ (Chàng xe ôm & Xa xứ). Những người trẻ này từ miền Bắc, miền trung vào Sài Gòn kiếm sống. Họ gặp bao gian nan. Nhờ ơn đức tin Chúa ban cho thông qua hành động yêu thương của cha sở và của những người Công giáo tốt, họ đã đứng vững và đạt được hạnh phúc.

Có 1 truyện thánh (Maria ngoại truyện) và 1 cuốn sách giảng về triết học lồng trong một cốt truyện đơn giản (Ngược dòng). Sau mưa là truyện nằm ngoài tiêu chí. Truyện miêu tả đời sống của một gia đình Phật tử, mọi người đều quy y. Nhân vật Huy cũng muốn trở thành Bồ tát.

Về nghệ thuật, nhiều tác giả có ngòi bút viết truyện dài chuyên nghiệp. Có khả  năng kiến tạo một cốt truyện phức tạp, ngòi bút đi sâu vào nhiều cảnh đời để khám phá thế giới nội tâm và đời sống tâm linh. Tư tưởng nhân văn Công giáo được thể hiện phong phú. Nhiều truyện giàu phẩm chất văn chương. Điểm hạn chế là sự hư cấu có khi quá đà, vượt qua giới hạn của bút pháp hiện thực. Truyện Hai quả thận, Xa xứ, Chàng xe ôm và Nơi ấy bình yên có những hư cấu như thế.

GIẢI KỊCH BẢN VHNT ĐẤT MỚI 2019

Không có giải chính thức.

TT Tác giả Tác phẩm Giáo Phận Giải
1 Giuse

Nguyễn Đức Tuyển

Bữa tiệc tình yêu Bắc Ninh KK 1

 

2 Têrêsa

Phạm Thị Thanh Lam

Giọt nước long lanh Đà Lạt KK 2

 

3 Maria

Nguyễn Thị Kim Khánh

Thánh Đaminh và

 tràng Mân Côi

Sài Gòn KK 3

 

 

 Về Nội dung, các kịch bản đều cố gắng xây dựng một chủ đề hướng thiện. Đó là tình cảm mẹ con (kịch Huyền thoại mẹ), đạo hiếu (kịch Chữ hiếu), lòng nhân ái (kịch Chúa thương chúng ta, Giọt nước long lanh). Có 2 kịch bản xây dựng nội dung từ Kinh thánh (Kịch Bữa tiệc tình yêuThánh Đaminh và trang Mân Côi).

Về nghệ thuật, tính kịch mờ nhạt. Nội dung kịch chỉ là câu chuyện được kể trôi đi nhưng trong thể loại văn xuôi. Hành động kịch đơn giản. Nhân vật kịch chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Kịch bản Thánh Đaminh và tràng Mân côi chỉ là cuộc đối thoại giữa mẹ và con trai. Đây là một kịch bản chưa hoàn chỉnh. Kịch bản Bữa tiệc tình yêu sử dụng các làn điệu Quan họ Bắc Ninh dựng lại cảnh Chúa vào Thành và bữa tiệc ly. Rất tiếc kịch bản không tạo được mâu thuẫn kịch, thí dụ mâu thuẫn với Giuđa, với Phêrô…

GIẢI VHNT ĐẤT MỚI 2019- ẢNH NÉT ĐẸP CÔNG GIÁO

13

TT Tác giả Tác phẩm Giáo Phận Giải
1 Maria Gorety

Trần Nguyễn Quỳnh Anh

Niềm vui Xuân Lộc Giải I
2 Tác giả Đaminh Đỗ Văn Cư Bộ ảnh “Tội lỗi và Lòng Thương Xót” Xuân Lộc Giải II
3 Đỗ Hữu Tuấn Ngôi sao  nhân ái  Phan Thiết Giải II
4 Gioan B Trần Quốc Toản Quây quần bên Mẹ Xuân Lộc Giải III
5 Giuse Nguyễn Linh Vinh Quốc Bộ ảnh: Đức TGM Leopoldo Girelli đến với tâm tình đơn sơ khó nghèo Kon Tum Giải III

(Bộ ảnh)

6 Matheo Lê Hữu Thiết Nhà nguyện ĐCV Thánh Giuse Xuân Lộc Xuân Lộc Giải III
7 Đa Minh Vũ Duy Thông Nguồn Cội Xuân Lộc KK 1
8  Đa Minh Nguyễn Hữu Tình  Đường Thương Khó Xuân Lộc KK 2
9 Antôn Nguyễn Sỹ Dũng Đức Cha Trao Tặng Quà Cho Các Em Tật Nguyền Học Giỏi Đắc Lắc KK 3

(Bộ ảnh)

10 Phạm Phước

 

Sương sớm trên Gp Đà Lạt Đà Lạt KK 4
11 Lê Văn Cường

 

Giáo xứ Đạ Nghịch Đà Lạt KK 5
12 Nguyễn Bá Hạnh Chung Lòng Hiệp Nguyện Sai gòn KK 6

25

(Một tiết mục văn nghệ)

1

(Tiết mục văn nghệ lúc tổng dợt)

Sau Lễ trao giải là thánh lễ tạ ơn, mừng kỷ niệm 15 năm Giám mục của đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, nguyên Giám mục giáo phận Xuân Lộc và họp mặt thân mật.

***

 

SONG NGUYỄN-NHÀ VĂN CÔNG GIÁO GIÀU SỨC SÁNG TẠO

SONG NGUYỄN-NHÀ VĂN CÔNG GIÁO GIÀU SỨC SÁNG TẠO

Bùi Công Thuấn

BCT tiếp cận jpeg official

(Chuyên luận của Bùi Công Thuấn. Nxb Hồng Đức 2019)

  Đức Giám mục Đaminh Nguyễn Chu Trinh là Giám mục giáo phận Xuân Lộc 12 năm (2004-2016). Người được mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận rất kính yêu. Ngài cũng là người trực tiếp cùng với giáo phận Xuân Lộc xây dựng Trung tâm Đức Mẹ Bãi Dâu và tượng Chúa Kitô núi Tao Phùng ở Vũng Tàu. Từ 2014 đến nay, ngài phụ trách xây dựng Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Núi Cúi, một công trình lớn của giáo phận Xuân Lộc.

Tôi được gần Đức cha Đaminh từ những năm 1970 khi Ngài còn là Giám học trường Trung học Hòa Bình, Long Khánh. Từ đó đến nay (2019), tôi có nhiều dịp được nghe Đức cha chia sẻ những tâm nguyện văn chương. Đặc biệt là khi biên tập, in ấn 14 tác phẩm văn chương của Ngài, tôi nhận ra Đức Cha còn là một nhà văn Công giáo rất giàu sức sáng tạo.

  1. TÁC GIẢ SONG NGUYỄN 

BCT& tác giả Song Nguyễn 2010

BCT và tác giả Song Nguyễn (Đức Giám mục Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục giáo phận Xuân Lộc 2004-2016)

Cho đến nay chưa ai rõ do đâu Đức cha Đaminh lại lấy bút danh là Song Nguyễn. Thật là một điều thú vị. Tác giả Song Nguyễn đã in 14 tác phẩm trong đó có 9 truyện dài:

  1. Một Đời Dâng Hiến, truyện dài. Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2009.
  2. Đất Mới, truyện dài 3 tập. Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018.
  3. Đồng Hành, truyện dài. Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2010.
  4. Định Hướng, truyện dài. Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2011.
  5. Chuyến Xe Về Trời, tập truyện ngắn 1. Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2011.
  6. Còn Một Niềm Tin, tập truyện ngắn 2. Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2011.
  7. Suối Nguồn, tập truyện ngắn 3. Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2011.
  8. Người Cha Hiền, tập truyện ngắn 4. Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2012.
  9. Mẹ yêu của con, tập truyện ngắn 5. Nhà xuất bản Tôn Giá, 2012.
  10. Chỉnh Hướng, truyện dài. Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2013.
  11. Đồng Cỏ Xanh, truyện dài. Nhà xuất bản Phương Đông, 2013.
  12. Vì sao sáng, truyện dài. Nhà xuất bản Tôn giáo, 2015.
  13. Tiếng Kêu, truyện dài. Nhà xuất bản Hồng Đức, 2019.
  14. Đường lên Núi Cúi. Truyện dài tư liệu. Nxb Hồng Đức, 2019.

Nhìn vào số lượng tác phẩm trên, hẳn chúng ta sẽ ngạc nhiên tự hỏi, Đức cha bận bao nhiêu công việc mục vụ, Người lấy thời gian đâu để viết. Tuổi tác đã khá cao, sao Đức cha có thể kham nổi công việc viết văn nặng nhọc ấy. Nhưng điều quan trọng là, Đức Cha tích lũy vốn sống như thế nào để có thể ghi lại được bao nhiêu cảnh đời, chia sẻ được với bao nhiêu là số phận giáo dân?

Viết văn còn là khám phá những vấn đề, qua đó thể hiện tư tưởng và thái độ trách nhiệm trước cuộc sống. Viết văn đòi hỏi năng lực sáng tạo. Điều này thật không dễ đối với người cầm bút. Nhiều người rất giàu vốn sống, phong phú trải nghiệm, nhưng không sao định hình được chủ đề, không kết tụ được chút ánh sáng tư tưởng nào làm nền, nên đành bất lực trước trang giấy trắng. Song Nguyễn đã viết và in 14 tác phẩm với bút lực dồi dào mà nhà văn Công Giáo chưa ai có được.

Ông Lê Đình Bảng, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Công giáo, trong cuốn Văn học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường, đã nghiên cứu các nguồn mạch văn hoá Công giáo trong suốt 400 năm qua. Ông cho biết, dù đã cố gắng tìm kiếm, nhưng số tác giả Công giáo có tác phẩm truyện cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lm Philipphê  Lê Thiện Bá (1891-1981) in 4 cuốn, Lm Nguyễn Duy Tôn (1919-1976) in được 4 cuốn, Lm Vũ Duy Trác (1927-2003) 1 cuốn,  nữ sỹ Thuỵ An (5 cuốn), còn lại người in 1 cuốn hoặc 2 cuốn. Những tác giả tác phẩm ấy không gây được tiếng vang nào, ngoài truyện ngắn Truyện Thầy Lazarô Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản. Truyện này được coi là dấu ấn đầu tiên về truyện chữ Quốc Ngữ.

Như vậy xét trên dòng chảy lịch sử của văn chương Công giáo, tác giả Song Nguyễn là người tiếp tục khơi nguồn mạnh mẽ về văn học nghệ thuật của Giáo hội. Hiện Giáo hội đang có những nỗ lực trong hoạt động Mục vụ văn hóa, trong đó có Giải Văn hóa nghệ thuật Đất Mới của Giáo phận Xuân Lộc, Giải Viết văn đường trường của giáo phận Quy Nhơn, nỗ lực xây dựng thư viện Công giáo, tủ sách Ra Khơi và Câu lạc bộ thơ văn Công giáo của “nhà đạo Bùi Chu”…Những nỗ lực này đều hướng đến mục đích đem Tin Mừng hội nhập với văn hóa dân tộc. Nhiều Giám mục của Giáo hội Công giáo Việt Nam đã quan tâm sâu sắc đến văn chương nghệ thuật Công giáo (1). Đức Giám mục Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Sang, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Đức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần đã viết những tác phẩm giá trị…Rồi đây các nhà nghiên cứu văn học Công giáo sẽ tìm thấy nhiều vấn đề lý luận văn chương rất đáng quan tâm từ những tác phẩm của Song Nguyễn.

  1. MỤC VỤ VĂN HÓA

Ảnh bìa sau

(Tác phẩm tiêu biểu của Song Nguyễn đã in từ 2009 đến nay)

***

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nhận xét rằng: “Nhưng vẫn là lạ lùng nếu nghe nói có nhà văn Việt Nam nào có thể được coi là “nhà văn Thiên Chúa giáo”, bởi văn hóa của người Việt dường như xa lạ với tinh thần Thiên Chúa giáo.”(2). Ông nhắc đến ba tên tuổi lớn của văn chương Việt Nam là: Hàn Mặc Tử (1912-40), Nam Cao (1917-51), Nguyên Hồng (1918-82). Ở những nhà văn này, phẩm chất và Đức tin Công giáo đã thấm rất sâu trong trang văn của họ. Nhưng sẽ càng lạ lùng hơn khi nghe nói đến một nhà văn là Giám mục như đức cha Đa Minh.

Có thể hiểu được như thế này: Trong nỗ lực dấn thân của người Mục tử, nhiều vị chủ chăn đã viết những bộ sách rất quý để gieo trồng đức tin. Đức cha Phanxiacô Xavie Nguyễn Văn Sang đã viết gần 20 đầu sách. Đức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần đã viết bộ sách Thao Thức rất nồi tiếng, bộ sách Đường Hy Vọng của Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đã trở thành ánh sáng tâm linh cho nhiều người, không chỉ ở Việt Nam mà còn ảnh hưởng lớn đến người đọc trên thế giới…

Xin hãy học ở Giáo hội. Tông huấn Ecclesia in Asia (Giáo hội tại Á châu) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II dạy rằng: “Việc trình bày Đức Giêsu Kitô là một Đấng Cứu Độ duy nhất, cần phải theo một khoa sư phạm, từng bước dẫn đưa dân chúng đến việc đón nhận trọn vẹn mầu nhiệm… phương pháp kể truyện, quen thuộc với văn hoá Á Châu, thì đáng được dùng ưu tiên. Quả thực, việc rao giảng Đức Giêsu Kitô có thể có hiệu quả nhất bằng cách kể lại câu chuyện về Người, như sách Phúc Âm làm”.(Chương IV, mục 20)

Kinh Thánh là bộ sách được cả nhân loại công nhận như những tác phẩm văn chương – tư tưởng vĩ đại nhất từ xưa đến nay. Chính cuộc đời Đức Giêsu là câu chuyện được kể trong Tân Ước trở thành ánh sáng Cứu Độ. Và hơn bất cứ nhà văn nào, chính Đức Giêsu là bậc thầy của các nhà văn. Trên đường rao giảng, Người đã kể những dụ ngôn tuyệt hay. Đó là những truyện ngắn rất gần gũi, rất hiện thực nhưng lại giàu có về ý nghĩa và tư tưởng; đồng thời có sức khai mở, giác ngộ tâm linh cho nhân loại. Những dụ ngôn như Người cha nhân hậu (Luc 15,1-32), Người Samari nhân lành (Luc 10, 25-37) là những truyện ngắn tư tưởng mẫu mực cho muôn đời.

Văn chương của Song Nguyễn có cội nguồn trong truyền thống quê hương Bùi Chu. Theo Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng (3)”Bùi Chu không chỉ là chiếc nôi của công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam (1533), mà còn là một trong những chiếc nôi của văn hoá Công giáo nói chung và văn chương, thi ca Công giáo nói riêng.”. Nơi đây có các cơ sở giáo dục rất sớm: các Tiểu chủng viện, Đại Chủng viện, trường Trung học đệ Nhị cấp (trường cấp III), có cơ sở ấn loát đầu tiên tại Đàng Ngoài là nhà in Phú Nhai Đường tại Phú Nhai. Cơ sở này đã ấn loát hàng loạt sách đạo bằng chữ Nôm, chữ Nho và chữ Quốc Ngữ. Nơi đây có Đức cha Đaminh Hồ Ngọc Cẩn. Người đã viết rất nhiều sách về văn hoá, văn học (thí dụ cuốn: “Văn chương thi phú An nam“- Littérature et Prosodie Annamite – HK 1923 và 1933) Ngoài ra, Ngài còn tham gia viết bài trên các báo: Nam Kỳ địa phận, Vì Chúa, Sacerdos Indonensis, Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí; lập nhà in Thánh Gia, nhà sách Đa Minh, chủ biên tạp chí Đa Minh bán nguyệt san, Thời Mới... Ngài cũng sáng tác thơ ca giáo lý, như “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”, “Tu thân huấn đức”, “Ca dao về Mẹ”, “Bài ca nghĩa binh Thánh Thể“.

  1. KHẮC HỌA DUNG MẠO ĐỨC GIÊSU

Tác giả Song Nguyễn không viết văn như nhà văn đời thường. Ngài nói rõ mục đích cầm bút của mình là: ”Viết lại những mảnh đời, những số phận, những trải nghiệm, tác giả chỉ có ý rút ra cho đời mục vụ của mình những bài học từ cuộc sống. Hay nói khác đi, tác phẩm là những bài suy niệm sống qua các nhân vật. Và nếu có thể, chia sẻ với bạn bè tất cả những kinh nghiệm quý báu này. Mục đích chỉ đơn giản như vậy… Hơn nữa tác phẩm được xem như là những bài huấn đức, những sứ điệp gửi cho nhiều thành phần Dân Chúa”(Lời ngỏ mở đầu các tác phẩm )

Dù mục đích sáng tác văn chương của Song Nguyễn “chỉ đơn giản như vậy”, song tác phẩm văn chương là một thế giới nghệ thuật biệt lập với tác giả. Thế giới này vừa chứa đựng hiện thực được phản ánh, vừa là hình tượng kết tụ từ thế giới quan, nhân sinh quan, lý tưởng thẩm mỹ và toàn bộ thế giới tinh thần của nhà văn, vì thế nó đa nghĩa. Những tầng nghĩa của nó xa rộng hơn rất nhiều so với chủ đích của tác giả. Xin hãy đọc lại Tự Thuật Thánh Augustinô (Confessions-Nxb Tôn giáo 2010) và cuốn Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646 của Alexandre de Rhodes .(Nxb Khoa học xã hội, tháng 4. 2016).

Trong Tự Thuật, Thánh Augustino kể lại hành trình tư tưởng suốt đời đi tìm sự thật về Thiên Chúa, về chính mình, về thế giới. Cuốn sách không chỉ là cái nhìn sâu vào nội tâm, vào bản thể của thánh Augustinô, mà còn giúp người đọc khai minh nhiều vấn đề về hiện sinh, về chân lý. Ngược lại sách của Alexandre de Rhodes không chỉ kể lại hành trình truyền giáo của riêng tác giả, mà còn ghi nhận tình hình chính trị, quân sự và xã hội, kinh tế và văn hoá của nước Việt Nam vào đầu thế kỷ 17. Là một nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes quan tâm đặc biệt tới các tôn giáo, các tín ngưỡng cũng như những mê tín dị đoan của người bản xứ. Ông không quên những phong tục và nhất là tiếng nói của người Việt Nam. Nhưng điều ông ghi chép ngày nay trở thành những sử liệu rất quý để tìm hiểu về xã hội Việt Nam thế kỷ XVII. Quyền 2, với 51 chương, Alexandre de Rhodes kể lại tất cả hoạt động của ông và các người kế tiếp ông để đem Tin Mừng của Đức Kitô đến cho Đàng Ngoài. Với người Công giáo, đó sẽ là những kinh nghiệm rất quý báu. Ngoài những giá trị nội dung như vậy, hai cuốn sách này còn cho người đọc thấy sức mạnh của văn chương trong việc phản ánh hiện thực như thế nào.

Tác giả Song Nguyễn “viết lại những mảnh đời, những số phận, những trải nghiệm”của riêng mình, nhưng trong thế giới nghệ thuật, Ngài đặc biết khắc họa diện mạo đức Giêsu qua hình tượng các nhân vật sống đời dâng hiến (linh mục, nữ tu…) đang sống giữa đời thường, đang vật lộn với những cơn sóng dữ của thời đại.

Trong Đồng Hành, ở một xứ đạo nhỏ giữa Đồng Tháp những năm 1960, Cha sở đã sống trong vùng giao tranh, sống chết không biết thế nào. Trong một đêm càn, nhân vật Dì Năm đã bị giết chết, bị vùi ở mé ruộng. Vì sao sáng kể chuyện linh mục Trung Tín trong chuyến nghỉ hè về Đà Lạt trước 1975 đã bị bắt đưa vào rừng. Ở đây Ngài bị thử thách đặc biệt về sự chọn lựa lý tưởng, về lối sống, sức mạnh của đức tin Công giáo khi đối mặt với người cán bộ cách mạng. Đồng cỏ xanh là hành trình Linh mục Phương Tín dẫn đoàn chiên đi tìm đất sống giữa hai lằn đạn chiến tranh. Chỉnh Hướng miêu tả cụ thể sự đối mặt của linh mục Phương Trung ngay trong những ngày biến cố lịch sử 30.04.1975, kể cả việc Ngài bị bắt giam sau đó. Đất Mới (3 tập) có thể coi là một tiểu thuyết sử thi về đời sống của một giáo xứ đi kinh tế mới sau 1975 dưới sự dẫn dắt của linh mục Phương Tòan. Gian nan khổ ải không sao kể xiết… Trong những hoàn cảnh khốc liệt của đời sống như vậy, người đọc sẽ nhận ra khuôn mặt của các nhân vật linh mục cũng chính là khuôn mặt Đức Giêsu, nhận lấy thánh giá để dẫn đưa đoàn chiên đến đồng cỏ xanh và suối nước ngọt lành. Trong hành trình trần gian, các nhân vật linh mục hoàn toàn phó thác nơi Chúa. Song Nguyễn luôn khẳng định niềm xác tín này: “Con cứ trông cậy Chúa. Chúa không bỏ kẻ trông cậy Ngài”;“Việc Chúa muốn, Chúa sẽ làm”.

Có thể nhận thấy niềm xác tín này thể hiện thật rõ ràng nơi đời sống mục vụ của chính tác giả. Cuộc đời của tác giả Song Nguyễn là nhân chứng sống động cho niềm tín thác: “Việc Chúa muốn, Chúa sẽ làm. Ơn Chúa đổ tràn xuống cho những ai cậy trông Người. Tác giả Song Nguyễn cũng ghi dấu ấn trong hình tượng các nhân vật linh mục. Điều này giúp bồi đắp thêm đức tin cho bạn đọc là giáo dân đang bước theo Chúa.(4)

  1. GÓC NHÌN VĂN CHƯƠNG

Theo dòng chảy của văn chương Việt Nam, tác phẩm của Song Nguyễn đã có những đóng góp giá trị vào văn chương Công giáo đương đại. Đó là việc khắc họa thành công hình tượng tích cực về các linh mục Công giáo trong một giai đoạn lịch sử dân tộc có những biến cố lớn lao. Tác phẩm của Song Nguyễn cũng phản ánh được nhiều mặt đời sống người Công giáo suốt từ 1945 đến thời kỳ đổi mới (1986). Mai sau, các thế hệ con cháu có thể hiểu được một phần cha ông đã sống đạo như thế nào. Tác giả Song Nguyễn cũng để lại những kinh nghiệm viết quý báu cho nhà văn Công giáo. Đó là mục đích viết văn, về sự chọn lựa những câu truyện “nhà đạo” trong hiện thực để miêu tả và phản ánh, và đặc biệt là tư tưởng Nhân văn Công giáo làm nên những giá trị tác phẩm của Song Nguyễn. (5)

Xin Chúa chúc phúc cho những tác phẩm của Song Nguyễn, để qua đó Tin Mừng được thấm nhuần vào văn hóa dân tộc như lời dạy của  Giáo hội trong Tông huấn Giáo hội tại Châu Á: Trong quá trình gặp gỡ các nền văn hoá khác nhau của thế giới, Giáo hội không những truyền đạt các chân lý và những giá trị của mình và đổi mới các nền văn hoá từ bên trong, nhưng Giáo hội cũng tiếp thu từ các nền văn hoá khác nhau, những yếu tố tích cực có sẵn trong các nền văn hoá đó. Đó là con đường bắt buộc cho những nhà rao giảng Tin Mừng khi trình bày đức tin Kitô giáo và làm cho nó trở nên một thành phần của di sản văn hoá của một dân tộc.

Tháng 9. 2019

Nguổn: Bùi Công Thuấn-Tiếp cận thế giới nghệ thuật của Song Nguyễn, Nxb Hồng Đức 2019)

___________________________________

Đọc thêm:

(1)Mục vụ văn chương Công giáo-Những chia sẻ của chủ chăn: http://www.tonggiaophanhanoi.org/van-hoa-nghe-thuat/tho-van/1972-muc-vu-van-tho-cong-giao-2-nhung-chia-se-cua-cac-chu-chan

(2) Lại Nguyên Ân-Nguồn sáng lạ: http://lainguyenan.free.fr/DLNX/TuNguon.html

(3) Lm Đa Minh Trần Ngọc Đăng: http://www.tonggiaophanhanoi.org/van-hoa-nghe-thuat/tho-van/1972-muc-vu-van-tho-cong-giao-2-nhung-chia-se-cua-cac-chu-chan

(4) Đọc thêm: Bùi Công Thuấn-Tiếp cận thế giới nghệ thuật của Song Nguyễn. Nxb Hội Nhà Văn 2014.

(5) Đọc thêm: Bùi Công Thuấn-Tư tưởng nhân văn Công giáo trong Đất Mới của Song Nguyễn.