THƠ TRẦN VẠN GIÃ

THƠ TRẦN VẠN GIÃ

Bùi Công Thuấn

BCT và nhà thơ Trần Vạn Giã ở Đại hội X-Hội Nhà văn Việt Nam 2020

***

Nhà thơ Trần Vạn Giã (Trần Ngọc Ẩn) sinh năm 1945, tại Vạn Ninh (Vạn Giã), tỉnh Khánh Hòa. Trước 1975, ông viết cho các tạp chí Trình Bày, Đối Diện (Đứng Dậy), Bách Khoa, Phổ Thông, Làm Dân …  và một số tờ sinh viên. Ông chủ trương tạp chí Nhân Sinh. Sau năm 1975, ông làm phóng viên báo Khánh Hoà. Trần Vạn Giã là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Cho đến nay (2021), ông đã in 19 tác phẩm [1]

Đã có nhiều người viết về thơ Trần Vạn Giã, đặc biệt là luận văn Thạc sĩ “THƠ TRẦN VẠN GIÃ TỪ GÓC NHÌN TƯ DUY NGHỆ THUẬT”củaLê Thị Oanh – Đại học Quốc gia Hà Nội –Trường Đại học KHXH-NV năm 2017. Tác giả phân tích khá kỹ nội dung, đặc điểm tư duy nghệ thuật và những biểu tượng của thơ Trần Vạn Giã trước và sau 1975. Lê Thị Oanh kết luận: “Tư duy thơ Trần Vạn Giã trước và sau 1975 có sự khác biệt…Trần Vạn Giã xây dựng một hệ thống biểu tượng phong phú và đa dạng. Đồng thời, tư duy thơ cũng vận động theo hướng dân tộc hóa… Ngôn ngữ thơ mộc mạc, chân tình dễ đi vào lòng người… Cũng có lúc ngôn ngữ thơ lại giàu tính chiêm nghiệm – triết lý khiến cho thơ trở nên sâu sắc và giá trị hơn…Thơ Trần Vạn Giã đề cao cái tôi cá nhân gắn bó với hiện thực đời sống… Thành công quan trọng nhất trong sự nghiệp thơ ca của nhà thơ đó là tinh thần giác ngộ và hòa mình vào dòng chảy thơ ca Việt Nam hiện đại”.

Tôi sẽ không nhắc lại những gì người khác đã nói đến mà chỉ ghi nhận những gì mình đọc được ở thơ Trần Vạn Giã.

Tôi đã đọc 258 bài thơ của Trần Vạn Giã. Ở thivien.net có 4 bài. Trên vanchuongviet.org có 6 bài, còn lại là thơ tác giả công bố trên trang Facebook cá nhân. Tuy rằng chưa đầy đủ, song trong một giọt nước chứa cả một đại dương, với 258 bài tôi đã đọc, bước đầu có thể ghi nhận được đôi điều.

HỒN THƠ TRẦN VẠN GIÃ

            258 bài thơ tôi đọc, có 135 bài là tiếng nói của Cái Tôi trữ tình (vànghĩ suy của Tôi về tôn giáo), 56 bài thể hiện tình quê hương, 40 bài thơ tình yêu lứa đôi, 16 bài đề tài thế sự, còn lại là những đề tài khác.

Như vậy hồn thơ Trần Vạn Giã đậm đặc ở sự thể hiện tâm trạng riêng, tình yêu quê hương và gia đình, tình yêu lứa đôi. Thấp thoáng có quan tâm đến vấn đề thế sự. Thơ Trần Vạn Giã không luận bàn đến những vấn đề lớn của hiện thực, như chiến tranh vệ quốc (chiến tranh biên giới, Hoàng Sa, Trường Sa), những thay đổi của xã hội trong thời đại toàn cầu hóa, hay những vấn đề tư tưởng, văn hóa, đạo đức, lối sống thời đại (chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, chủ nghĩa thế tục, tình trạng bị xâm lăng văn hóa, những bất công xã hội, những tiêu cực trong mọi mặt đời sống…). Đề tài thơ Trần Vạn Giã là những sinh hoạt đời thường:

Bình tâm không có gì nghiêm trọng phải không thơ; Ghi ở quán cóc; Về quê; Về quê ăn tết; Về quê nằm võng; Nói chuyện với bạn ở quê; Trưa ngồi nhìn bẹ cau rụng làm thơ; Ngồi bên sông Chò làm thơ; Hớt tóc chiều 30 tết; Khói chiều; Bên mâm cơm chiều; Hoàng hôn; Mặt trời đã lặn; Đêm ở làng nghe hô Bài Chòi; Uống trà khuya nhớ con; Với ngọn cỏ khô; Với cỏ bên đường; Cuối tháng giêng; Hình như trời đang chuyển mưa; Mưa rào chiều nay; Mưa đầu hạ, Hỏi mưa; Mùi cát; Mùi rơm; Mùi tóc; Cái khay trầu của mẹ; Thưa mẹ con đi; Thưa mẹ con về; Chiều uống cà phê với người tình cũ ở Mỹ về; Đi Sài gòn khám bệnh, Hành hương phương nam khám bệnh tái khám tim; Khám đau nửa đầu; Bác sĩ cho toa thuốc chữ đọc không được bực mình làm thơ; Tạm biệt Sài gòn hẹn ngày tái khám; Điện thoại hẹn thằng bạn ở bến xe miến đông; Tháng chạp đón bạn Việt kiều về ở lại quê nhà và tiễn người thân đi định cư ở nước ngoài; Thơ tặng vợ khổ thời ở vùng kinh tế mới; Gặp lại bạn thơ trước 1975 ở Sài gòn; Thà làm một cốc bia hơi; Tôi khóc; Tôi buồn; Tôi say; Tôi còn; Tôi mất…

Tên những bài thơ gợi ra hình ảnh một nhà thơ xưa về quê sống ẩn dật, lánh xa thế sự, như Nguyến Khuyến ở Vườn Bùi chốn cũ: “Vườn Bùi chốn cũ!/ Bốn mươi năm, lụ khụ lại về đây./Trông ngoài sân đua nở mấy chồi cây,/ Thú khâu hác lâm tuyền âu cũng thế!”. Trần Vạn Giã đã sống những ngày biến động lớn lao của lịch sử năm 1975, đã sống những ngày lo lắng vả gian khổ thiếu thốn ở vùng kinh tế mới Đất Sét, đã lưu lạc tha phương 10 năm (Mười năm) và trở về quê.

Năm bảy mươi lăm con đi biền biệt

Mẹ về trời. Con phiêu bạt nhiều nơi

Sông cứ chảy vào nỗi buồn cố xứ

Con về đau đứt ruột tiếng: à ơi…

                 (Con về mẹ đã đi xa)

Đó là những năm cùng cực

Cơn sốt rét rừng bám vàng da những đứa con

Thời gian bào mòn cuốc, rựa

Mòn cây chày thọc lổ trỉa bắp trên rẩy cao

            (Năm chiếc bánh và hai con cá)

MỘT TÌNH QUÊ THANH KHIẾT

Tình yêu quê hương trong thơ Trần Vạn Giã hiển hiện sâu nặng trong nỗi nhớ nhà, nhớ quê, trong mọi nơi, mọi lúc và mọi hoàn cảnh sống của nhà thơ. Bởi vì:

Tôi là đất của quê nhà

Là than nướng những trái cà dái dê…

            (Nhà quê tôi là nhà quê)

Lớn từ gốc rạ nhà quê

Nhớ làng nên phải trở về cố hương

Cánh cò bay trắng bờ mương

Tay cầm cọng lúa mà thương hương đồng…

            (Mưa rào chiều nay)

            Quê hương hiện lên cụ thể, gắn với hình ảnh người mẹ nghèo, với những địa danh, những kỷ niệm. Hình ảnh quê hương đẹp với những nét truyền thống “Nét quê ngày cũ dịu dàng nét quê”. Dù có bão lụt, có một thời đạn bom, nhưng đó là quê hương thanh bình, thấm đẫm tình người, nơi ấp ủ hồn thơ nồng ấm. Quê hương ấy cũng rất riêng trong thơ Trần Vạn Giã (nhà thơ chỉ chọn những nét tiêu biểu, thí dụ hình ảnh người mẹ, rơm rạ, hàng cau, nắm đất, tiếng dế..), quê hương của riêng nhà thơ (gắn với kỷ niệm tuổi thơ, gắn với tình yêu, với những ngày gian khó…). Không có bóng dáng những hội hè đình đám, không có những sinh hoạt ngày mùa, ngày tết, không có những thảm cảnh xã hội. Quê hương ấy là của “ngày xưa”, không ồn ã đời sống công nghiệp, cũng không có những vết tích lở loét của thời kinh tế thị trường.

Ở xa nhớ bóng cau gầy

Nhớ nồi bánh tét nhớ cây tre làng

Nhớ ai đứng bến đò ngang

Nét quê ngày cũ dịu dàng nét quê

Ở xa náo nức ngày về

(Miếng cơm manh áo nhiêu khê đã đời)

            (Ngày 23 ông Táo về trời bếp gas ở lại chịu lời đắng cay)

Tết này con sẽ trở về

Con không quên mẹ và quê hương mình

Dù nghèo nhưng ấm nghĩa tình

Cây cau, bến nước, sân đình…mẹ ơi

Xa quê gần hết một đời

Làm sao quên được một thời tuổi thơ

            (Về quê ăn tết)

Về quê nằm võng đong đưa

Thương ơi bóng mát cây dừa cố hương

Mỏi chân phiêu bạt phố phường

Người, xe, bụi, khói… càng thương quê nhà

Luống rau, giàn mướp, hàng cà…

Làm sao quên được tiếng gà gáy khuya

Đứng nhìn lên núi Đá Bia

Tu Bông gió hú không lìa tình nhau

            (Về quê nằm võng)

Đêm nay bão đến quê nhà

Luống rau có lụt luống cà có trôi

Hạt mưa rơi ướt chỗ ngồi

Rơi trên ngôi mộ mẹ tôi ngoài đồng…

            (Thơ viết trong mưa chờ bão số 6)

Quê hương cũng là hạnh phúc

Ở đây tìm lại thời chân đất

Thấy ngôi sao sáng những đêm rằm

Thấy mẹ ngồi khâu vai áo cũ

Thấy đời dài dẳng tiếng thơ ngâm

Khúc gọi đò xưa anh hát lại

Ngàn năm hồn đất chẳng tàn phai

Anh cứ tắm mình trên sông cũ

Ôm tình xứ sở những ngày mai

                     (Ở quê nhà)

            Xin đọc: Cố hương, Tuổi thơ tôi đã cháy trong cát, Cau ơi, Nhớ ơi rơm rạ, Khói rạ, Nhớ ơi nồi đất bắp rang, Miền Trung, Vào mùa, Như là cổ tích, Ở đây, Thời yêu dại cô nàng bán sách ven đường, Thưa mẹ con đi, Hành trang có nắm đất làng, Ra đứng ngõ sau, Rằng ta sẽ trở về nhà, tết này con sẽ về, Thưa mẹ con về, Con về mẹ đã đi xa, Đoản khúc viết ở quê nhà, Thơ tặng chị, Thơ tặng chị hai Nghệ An, Tiếng đàn tranh chiều 30 tết, Ơi Nha Trang,  Tình ca về biển, Trà My, Quảng Ngãi, Cổ tích cát của mẹ, Với cỏ bên đường, Bên mâm cơm chiều, Cái khay trầu của mẹ, Chiều trở về vùng kinh tế mới, Gởi về làng biển và mẹ, Mưa rào chiều nay, Bóng chữ, …

Các tập thơ của Trần Vạn Giã

MỘT TÌNH YÊU CHÁY MÃI KHÔN NGUÔI

            Đó là một chuyện tình buồn, người yêu bỏ đi lấy chồng, để lại nỗi nhớ thương ngậm ngùi theo mãi với thời gian. Thơ tình Trần Vạn Giã không có những hẹn hò, không có những kỷ niệm, không có những dỗi hờn, không thành câu chuyện tình. Thơ tình Trần Vạn Giã không có cái lãng mạn của Xuân Diệu, Nguyễn Bính thời Thơ Mới, không có những vòng hào quang đỏ của thơ tình chiến tranh (Núi đôi của Vũ Cao, hay Cuộc Chia ly màu đỏ của Nguyễn Mỹ, Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn…). Thơ tình Trần Vạn Giã là tiếng lòng bộc trực của nhà thơ, là những cảm xúc trực tiếp trong những tình huống đời thường (Chiều uống cà phê với người tình cũ ở Mỹ về; Ngồi bến đò Vạn Giã chợt nhớ người con gái ở quê tên Điệp Sơn; Chồm hỗm…). Nhưng đó là một nỗi trăn trở, ngậm ngùi khôn nguôi và hình như có những nỗi niềm không tỏ lộ. Ngôn ngữ thơ đôi khi không kìm nén được cảm xúc.

            Xin đọc: Bỗng dưng, Ca dao tình số 4, Ca dao tình số 9, Chuyện đời, Tình khúc Kontum, Lá tương tư, Lửa tắt, Lục bát viết ở Vũng Tàu, Mùi tóc, Mười năm, Người đi chân cứng đá mòn, Tình khúc mùa thu, Gởi Nhi, Tìm nhau, Bây giờ, Điều không bao giờ biết trước, Chồm hỗm, Chiều uống cà phê với người tình cũ ở Mỹ về, Vô tư, Nhớ và quên, Thơ tiễn người tình cũ ra sân ga theo chồng đi Pháp…

Bây giờ em của người ta

Bọt bèo đành phải tan ra bọt bèo

Đời anh rơm rạ quê nghèo

Câu thơ lục bát trong veo nhớ tình

           (Nhớ ơi rơm rạ)

Bẹ cau rụng xuống nao lòng

Buồn như em đã có chồng bỏ tôi

          (Trưa ngồi nhìn bẹ cau rụng làm thơ)

Yêu là để khổ cho nhau
Thổi lên khúc cuối muôn sau đắng lòng

            (Tiếng sáo)

Bỏ tôi em thành đàn bà
Còn tôi thành hạt mưa sa một mình
          (Đốt thơ tình trên bờ biển Nha Trang)

Đời anh như đứt dây đờn

Thương con sóng biển cô đơn vào bờ

Cuốn trôi đi những bài thơ

Bến đò thành một bến chờ đời tôi.

            (Ngồi bến đò Vạn Giã chợt nhớ người con gái ở quê tên Điệp Sơn)

Gió khuya lành lạnh sân ga

Em đi bỏ lại quê nhà là đây

Đắng lòng nhìn những bóng mây

Hình như Ngã Sáu vòng vây chuyện tình

            (Ơi Nha Trang)

Cuối cùng rồi cũng nhạt phai

Tóc mai sợi ngắn sợi dài còn đâu…

            (Cuối cùng)

            Trái hẳn với những bài nhà thơ viết cho vợ, đó là những bài thơ nặng nghĩa ân tình. Hình như trong tâm hồn nhà thơ, lý trí và tình cảm có sự phân biệt rạch ròi.

                        Nhớ ơi là nhớ gió rừng

Nhớ em gùi bắp qua bưng biền này

Cùm cum vọng lại tiếng chày

Thương em gian khó những ngày lên non

Thời gian nước chảy đá mòn

Cọng rau, đọt sắn… nuôi con và chồng

Trăng rừng dọi xuống đầu sông

Mười hai bến nước đục trong phận mình

Trời cho còn lại chút tình

Đọng trong quá khứ giật mình câu thơ

            (Thơ tặng vợ khổ thời ở vùng kinh tế mới)

NỖI TRĂN TRỞ  PHẬN NGƯỜI

            Đã có lúc nhà thơ phải tự trấn an mình:

Cũng là cát bụi mà thôi
Chuyện đời xuống chó lên voi lẽ thường

Có gì mà phải giận, thương
Tôi ơi bắt bóng vô thường mà chi
            (Bình tâm không có gì nghiêm trọng phải không thơ)

            Nói là “bình tâm”, nhưng Trần Vạn Giã đã viết những tự tình buồn: Tôi buồn, Tôi khóc, Tôi say, Tôi còn, Tôi mất nhận thức về thân phận mình, về lẽ tử sinh, về những lúc “lên voi xuống chó”, về thành bại dở dang và day dứt mãi trong lẽ “vô thường” (Trần Vạn Giã nhiều lần dùng từ này trong thơ), trong cõi phù vân, trong đời dâu bể và trong cả mặc cảm “bên thua cuộc”.

Tôi buồn trong chút ảo huyền

Đem thơ đi bán khắp miền dân gian

Đời thơ tôi đã dở dang

Ế thơ nên vợ ngày càng ớn thơ

            (Tôi buồn)

Loanh quanh trong cuộc tử sinh
Kiếp người chao động bóng hình cưu mang
         (Bên mâm cơm chiều)

Bên vịnh Vân Phong

Và tôi sống không như con tôm lưng còng và cứt ở trên đầu

Để chịu đòn áp bức

Sĩ khí của một nhà thơ cũng có lúc bất cần đời

Như con cua đi hàng ngang thế thủ

Tôi cháy và cháy đến độ chai lỳ từ thời tuổi thơ trên cát

           (Tuổi thơ tôi đã cháy trong cát)

Thấy gì trên ngọn cỏ non

Bao nhiêu cái mất cái còn trong ta

Mong manh treo ngọn tre già

Chiến tranh kết thúc mẹ cha không còn

Bóng già ngã phía cháu con

Thời gian sống chết biết còn bao lâu

Như trang sách cũ phai màu

Mờ mờ nhân ảnh cuối cầu thời gian

Đêm nay thèm hạt bắp rang

Răng bên thua cuộc đầu hàng mà thương.

            (Cũng có lúc như thế)

            Trần Vạn Giã đã sống giữa hai thế kỷ, sống giữa bờ vực chiến tranh và hòa bình, đã trải qua phận người ở vùng kinh tế mới và không ít hệ lụy những ngày đất nước chưa “đổi mới”. Cái mặc cảm “Răng bên thua cuộc đầu hàng mà thương”, không phải chỉ mình nhà thơ phải chịu đựng mà cả người dân miền Nam sau 1975, đặc biệt nó trở thành nỗi thống khổ đối với giới trí thức, với nghệ sĩ trước 1975 ở Miền Nam. Bởi vì “Tam vạn quyển thư vô dụng xứ”. Tay cầm bút đổi thành tay cầm cuốc. Bế tắc đến cùng cực, không biết rồi sẽ về đâu.

Một đời nhặt bóng nhiêu khê

Tôi đi không biết tôi về hay đi.

            (Không biết)

Cơn mưa rơi trên dòng sông cuồng chảy

Ta về đâu?

Như trôi đời ta ngụp lặn giữa hư vô

            (Đời ai đâu biết trước)

Sông cô lúc như đời tôi có khúc

Đi loanh quanh rồi cạn kiệt lối về

            (Lá trầm tư)

Núi sông đã bạc lời thề

Ba nằm ngoảnh cẳng biết về nơi đâu

            (Tình ca cuốc đất)

“Sông ơi

Tôi thả thơ buồn biết sông chảy về đâu?”

            (Sông ơi)

            Không phải vô tình Trần Vạn Giã viết Bài tụng ca Khuất Nguyên.

            Và đây là tiếng kêu thương trong cô đơn:

                        Ngồi nghe dề đất kêu sương

                        Nghe từ tiếng dế mà thương chính mình

                        Rừng khuya cây đứng lặng thinh

                        Cô đơn tiếng dế gọi tình trong sương

                        Dế ơi cỏ ngủ ven đường

                        Còn tôi gảy khúc đoạn trường đêm nay

                        Cuối đời tay trắng bàn tay

                        Cuối cùng là nắm tro bay ven đường

                        Tôi là con của biền bưng

                        Kêu sương dế đất xin đừng quên tôi

                                    (Về rừng nghe tiếng dế đất kêu sương)

            Nhà thơ tìm về lẽ an nhiên Lão Trang. Thực ra Trần Vạn Giã dung nạp cả Thiền và “Vô vi” của Lão-Trang để tự cứu rỗi tâm hồn mình, để không phải “như con tôm lưng còng”, “như con cua đi hàng ngang thế thủ”. Phật dạy rằng, cái khổ (Khổ đế) là tồn tại của “Thân, Nghiệp” (Tứ Diệu Đế) “Đã mang lấy nghiệp vào thân” (Nguyễn Du). Trần Vạn Giã không bận tâm nữa, cứ “bình tâm” mà bước đi. Cứ sống hồn nhiên như ớt, tương, cà. Từ nay “Tịnh khầu”. Vì thế, ta hiểu tại sao thơ Trần Vạn Giã rất ít nói đến thế sự.

                        Bóng tôi

Chạm lá bồ đề rơi

Chạm cơn đau Tứ Diệu Đế…

Giã từ khoảng lặng mình dắt nhau đi tìm dâu bể

            (Khoảng lặng)

Thì ra trong cõi người ta

Ví như ngọn khói bay qua cuộc đời

            (Khói chiều)

Bình tâm đếm bước ra đi
Bụi trần gian phủi sá gì đâu ta
Hồn nhiên như ớt, tương, cà
Nối vòng tay hát tình ca con người.
            (Mặt trời đã lặn)

Nghiêng vai chạm bóng trăng già
Vỡ tan đại mộng nên ta không lời.

(Tịnh khầu)

            Nhà thơ vịn câu thơ mà đứng lên (ý của nhà thơ Phùng Quán: “Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ và đứng dậy”)

                        Người về gần hết cuộc đời

                        Câu thơ đứng dậy từ lời mẹ ru

                                    (Người về)

            Thực ra Trần Vạn Giã không sống thụ động theo triết lý Lão Trang và cam chịu “thân nghiệp” của một sinh mệnh trong cõi bể dâu này. Đức tin KiTô giáo cho nhà thơ sức mạnh vượt qua cuộc khổ nạn để Phục Sinh:

Đó là những năm cùng cực

Cơn sốt rét rừng bám vàng da những đứa con

Thời gian bào mòn cuốc,rựa

Mòn cây chày thọc lổ trỉa bắp trên rẩy cao

Mồ hôi muối dày áo

Cong lưng người đội nắng và mưa

Cái đói thường trực nằm trong tro tàn bếp lạnh

Chỉ có củ mì nấu với lá giang

Mây trời trên vùng kinh tế mới bay lang thang

Tôi cấy câu thơ xuống đất vùng kinh tế mới

Tôi tin nơi bến đợi sông chờ

Nơi tôi sống ngày mai mặt trời vẫn đến

Tin năm con cá và hai chiếc bánh

Sáng lên trong lời kinh Thánh

Ấm lên bên bếp lửa hoàng hôn

Tôi bắt chước Chúa thổi vào xương sườn vợ tôi

Và nói :

“Đất mới

Trời mới

Em hãy cùng anh tin còn mùa gặt mới.”

            (Năm chiếc bánh và hai con cá)

Kinh thánh Tân Ước thuật lại việc Đức Giêsu làm phép lạ dùng hai con cá và năm chiếc bánh nuôi đoàn người theo Chúa. Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con(Mt 14,13-21). Tất nhiên là nhà thơ Trần Vạn Giã hiểu rằng không phải lúc ông cùng cự khó khăn và bế tắc thì Chúa sẽ làm phép lạ cho ông như đã làm cho 5000 người theo Chúa khi xưa, mà tự khẳng định “Em hãy cùng anh tin còn mùa gặt mới.”. Bởi Đức Giêsu khi chữa lành người mù đã nói rằng: “Đức tin của anh đã chữa anh”(Mc 10, 52). Vâng, Đức tin của nhà thơ đã giúp ông đứng vững giữa đời bể dâu đạt tới bến bình yên. Thực ra ông cũng trải qua nhiều suy tư trăn trở về Đức tin (Con đã từng bỏ Chúa, Câu hỏi về đức ái, Đọc thánh Stêphanô suy gẫm sự đời, Con đấm ngực ba lần), đã tự hối, và “Vượt qua”.

Hồn nhiên như ớt, tương, cà
Nối vòng tay hát tình ca con người.

            (Mặt trời đã lặn)

            Tuy “Tịnh khẩu”, song cũng có lúc ông công bố một vài bài thơ thế sự: thơ phản chiến (Bài đồng dao dâng mẹ, Phát rẫy gặp mộ ai đây, Chuyện vùng bất an, Cũng Chuyện vùng bất an, Đếm xác hồi hương, Đợi ngày giải lao từ Lâm Đổng về Khánh Hòa…), Thơ về đại dịch Covid (Đành lòng về quê, Thơ tặng ông bạn lám thơ có con đi đẻ trong mùa ôn dịch Covid 19), thơ về 39 cô gái chết trong container đông lạnh ở Anh (Thương em lạnh xác xứ người). Cũng có thơ về Hoàng Sa, Trường Sa (Mùi rơm), “Thơ gởi thằng bạn đang ở tù”; “Người đàn bá phá thai trên đường đến nhà thờ xưng tội”.

NGHỆ THUẬT THƠ TRUYỀN THỐNG

Về ngồi dưới bóng dừa cao
Ngồi nghe hồn của ca dao êm đềm
Ai ơi máu chảy về tim
Thơ tôi dân dã đi tìm nguồn xưa.

            (Với cỏ bên đường)

            Thơ dân dã là ca dao truyền thống của dân tộc. Thơ Trần Vạn Giã nằm trong nguồn mạch thơ truyền thống nhưng hiện đại. Thơ của ông hầu hết là thơ Lục bát. Lục bát của ông lấp lánh nét tài hoa. Đề tài, nội dung rất quen thuộc như trong thơ dân tộc (tình quê, tình gia đình, bạn bè, những sự việc xảy ra hàng ngày ở chung quanh) cả tư tưởng Thiền kết hợp với Lão Trang cũng là cốt lõi thơ của các nhà Nho xưa. Ông vận dụng rất tự nhiên thi pháp của ca dao: chất liệu làng quê, ngôn ngữ của người nhà quê, cách diễn đạt tình ý mộc mạc chân thành. Hồn thơ là cái tình quê sâu nặng trong mọi cảm xúc, suy nghĩ. Giản dị nhưng tinh tế, sâu sắc.

Ở xa nhớ bóng cau gầy

Nhớ nồi bánh tét nhớ cây tre làng

Nhớ ai đứng bến đò ngang

Nét quê ngày cũ dịu dàng nét quê

Ở xa náo nức ngày về

(Miếng cơm manh áo nhiêu khê đả đời)

            (Ngày 23 ông Táo về trời/ Bếp gas ở lại chịu lời gì đây?)

Qua thời áo rách nón quê

Bạn quê tôi vẫn giữ lề thói quê

Qua sông phải nhớ bến về

Tình người là vậy chớ chê quê mùa

Có làng rồi mới có vua

Bạn quê nửa thật nửa đùa cười vang

                      (Nói chuyện với bạn ở quê)

            Thơ Trần Vạn Giã hiện đại ở những bài thơ tự do, kiểu thơ tự sự có bóng dáng ngôn ngữ Thơ Trẻ đầu thế kỷ XXI. Tôi chỉ gặp một bài viết theo tư duy thơ Hiện thực xã hội chủ nghĩa (Củ mì tôi hát).

Sau 1975 thơ Việt Nam có hai dòng chính: Thơ Cách tân và thơ truyền thống. Trần Vạn Giã nhập vào dòng thơ truyền thống đương đại. Thơ ông viết về sinh hoạt đời thường, về tình quê, về dân quê, cảnh sắc đồng quê. Những bài thơ tình cũng đậm màu sắc quê hương.

            Thơ cách tân, đặc biệt thơ trẻ đầu thế kỷ XXI sử dụng bút pháp của chủ nghĩa Siêu thực, hay các thủ pháp của chủ nghĩa Hậu Hiện đại (phá vỡ  4 yếu tố của thi pháp thơ truyền thống là cấu trúc, không gian, thời gian, nhân vật; đưa vào những yếu tố ngẫu nhiên, hoang tưởng). Trần Vạn Giã không đi theo hướng cách tân này. Ông sử dụng thơ tự do, kể lể liệt kê sự việc và dùng nhiều hình ảnh ẩn dụ. Tuy nhiên ông có ít bài gây được ấn tượng. Xin đọc: Gió không thổi bên bờ sông chiều, Nhã ca I, Sự cóng lạnh của lửa, Cuối tháng Giêng, và tập thơ Chuông nhà thờ mùa vọng (tập thơ này chỉ có những nghĩ suy thuần lý, gần như vô cảm, thiếu hẳn trải nghiệm tâm linh, thành ra rất ít chất thơ)

Trong thơ cách tân theo chủ nghĩa Hậu Hiện đại, có cả những người làm “thơ không thơ”. Họ quan niệm rằng, nghệ thuật không phải là sự sáng tạo cái đẹp. Họ cho rằng ngôn ngữ không có từ thanh, từ tục, từ sang từ hèn. Người “làm thơ” là để lật đổ những “đại tự sự”, những truyền thống nghệ thuật đi trước. Nói cho đúng, đó là khuynh hướng suy đồi ẩn chứa dụng ý chính trị. Bài thơ “Dạ thưa đàn bà” [FB 23/02/2020] của Trần Vạn Giã được viết trong cảm thức này. Tính chất phi nghệ thuật và vô văn hóa của nó có thể lật đổ mọi giá trị thơ của ông từ trước tới giờ.

THAY LỜI KẾT

            Trần Vạn Giã có nhiều trăn trở về thơ: Trên FB ngày 21/3/2021 ông viết: “Đang tiếp tục viết : Lúa chín đầy đồng. (thơ). Đây là tập thơ thứ 19 nhưng in nhiều thơ đâu phải là thơ hay, bạn đọc chưa chắc gì nhớ một câu. Nhà thơ Quang Dũng chỉ có một tập thơ Mây Đầu Ô mà vang tiếng trên thi đàn. Sáng tác là để trả lại những đam mê, khao khát khi mà thơ cứ cựa quậy trong trái tim mình”.

Thực ra, mỗi nhà thơ, dù ít hay nhiều, đều góp phần làm giàu vốn thi ca dân tộc, đều vẽ nên những đường nét của một khuôn mặt văn hóa thời đại, đều là đại diện tinh thần cho cái đẹp của dân tộc này.

Có lúc ông nhận xét về thơ của mình:

Thơ tôi chẳng có ra gì

Ví như một khúc bánh mì bị thiu

            (Không biết)

Đời thơ tôi đã dở dang

Ế thơ nên vợ ngày càng ớn thơ

Tôi buồn Trời cũng làm ngơ

Ôm thơ ngồi dưới trăng mờ buồn ơi

            (Tôi buồn)

Người ta đi hái hoa vàng

Còn anh xin nắm đất làng chôn thơ

            (Chôn thơ)

            Trần Vạn Giã có nhiều bài thơ hay ở thi pháp thơ truyền thống giàu tình tự dân tộc. Rất tiếc thơ ông chưa định hình một phong cách nghệ thuật độc đáo như lục bát của Nguyễn Bính, nhưng ông vẫn có cốt cách riêng. Và ông vẫn “sống chết với thơ” (FB ngày 01/3/2021). Thật đáng quý một tấm lòng với thi ca dân tộc.

Tháng 10 năm 2021

_______________________

[1]Tác phẩm thơ đã in (tính đến năm 2021):

1. Miên ca hòa bình (Tập thơ). Nxb Nhân Sinh (1971).

2.Tình yêu đẹp như bài thơ (Tập thơ). Nxb HNV (1996).

3. Gió đưa khói bếp lên trời (Tập thơ). Hội VHNT tỉnh Khánh Hòa (2004).

4. Trầm tư với lá (Tập thơ). Nxb HNV(2006).

5. Lục bát Trần Vạn Giã (Tập thơ). Nxb Trẻ (2007).

6. Lục bát nhà quê (Tập thơ). Nxb Văn Nghệ (2008).

7. Đi trong rừng biểu ngữ (Tập thơ). Nxb Văn Nghệ (2009).

8. Mạch nguồn thơ vẫn chảy trong lòng xứ sở (Tập thơ). Nxb HNV (2013).

9. Gió cuối ngày tháng chạp (Tập thơ). Nxb HNV(2015).

10. Hồn chữ (Tập thơ). Nxb Hội nhà văn (2016). 

11. Dòng sông không chịu nỗi buồn (Tập thơ). Nxb HNV (2017).

12. Chuông nhà thờ mùa vọng (Tập thơ). Nxb HNV.

13. Tình yêu đẹp như bài thơ (Tập thơ). Nxb HNV.

14. Những bài thơ thời chưa tóc bạc (Tập thơ). Nxb HNV (2020).

15. Hàn Mạc Tử và bóng đêm ở Quy Hòa (Trường ca). Nxb HNV (2020).

16. Sự tái tạo của Đất nâu sau thời ôn dịch (Tập thơ). Nxb HNV (2020).

17. Thơ trên chặng đường thập giá (Tập thơ).

            18. Lời cầu nguyện viết bên bờ sông Chò (Tập thơ). Nxb HNV (2021).

            19. Bài thơ thời đại dịch (trường ca) Nxb HNV (2021).

Ghi nhận về “VĂN HỌC CÔNG GIÁO VIỆT NAM-Những chặng đường” của Lê Đình Bảng

BẠN CÓ THỂ ĐỌC TẤT CẢ BÀI VIẾT CỦA BÙI CÔNG THUẤN TẠI:

http://buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

VĂN HỌC CÔNG GIÁO VIỆT NAM-Những chặng đường. Lê Đình Bảng. Nxb Tự điển bách khoa. Tháng 8/2010.

Bùi Công Thuấn

***

Có rất ít công trình viết về lịch sử văn học Công giáo Việt Nam. Cho đến nay mới chỉ có cuốn Lịch sử văn học Công giáo Việt Nam của Võ Long Tê (Nxb Tư Duy. 1965) và một số bài viết của các nhà nghiên cứu: Gs Thanh Lãng, Gs Nguyễn Văn Trung, các ông Phạm Đình Khiêm, Nguyễn Vy Khanh và gần đây Ts-Lm Nguyễn Đức Thông…

Nhà nghiên cứu văn học Lê Đình Bảng đã in bộ sách: “Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam” (2009) do ông sưu tầm (gồm 6 cuốn, 4.088 trang) và cuốn “Văn học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường” (2010). Đây là sự đóng góp hết sức quý báu vào việc nghiên cứu văn học Công giáo, bước đầu giúp người đọc nhận ra diện mạo văn học Công giáo trong dòng chảy của văn học dân tộc, và khơi gợi nhiều vấn đề học thuật cần được tiếp tục nghiên cứu.

Trong bài viết này, chúng tôi ghi nhận đôi điều về cuốn “Văn học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường” như một cầu nối với những nhà nghiên cứu trẻ sau này.

NỘI DUNG “VĂN HỌC CÔNG GIÁO VIỆT NAM- Những chặng đường

Văn học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường” có 596 trang in với nhiều ảnh chân dung các nhà văn nhà thơ, ảnh chụp trang bìa tự điển, bìa tác phẩm văn học, ảnh chụp báo chí, tư liệu…

            Nội dung có 6 chương. Mỗi chương có nhan đề riêng.

Chương 1: “TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU”. Tác giả đặt vấn đề về: 1. Đức tin và văn hóa. Tôn giáo và văn học. 2.Có văn học Công giáo Việt Nam không?

Về vấn đế “có văn học Công giáo Việt Nam không”? Tác giả băn khoăn: “Thật khó nghĩ, khó tìm ra lời giải đáp thỏa đáng” (tr.48). Dẫn tên tuổi các nhà viết văn học sử, giáo sử Việt Nam như Dương Quảng Hàm, Nghiêm Toản, Hồ Hữu Tường, Hoàng Trọng Miên, Phạm Văn Diêu, Hà Như Chi, Lê Văn Siêu, Phạm Thế Ngũ, Thanh Lãng, Nguyên Hồng, Phan Phát Huồn, Nguyễn Khắc Xuyên, Phạm Đình Khiêm, Đỗ Quang Chính,…Tác giả kết luận: “Tóm lại qua các công trình nghiên cứu tổng quát hoặc chuyên khảo của các tác giả trên, một số vấn đề căn cốt của văn học Công giáo, của văn học Công giáo Việt Nam chưa được đặt ra. Chẳng hạn…diện mạo và đời sống văn học Công giáo Việt Nam như thế nào trong dòng chảy chung của văn học Việt Nam…” (tr.49)

Lê Đình Bảng đặt vấn đề:

            “Chẳng rõ là định kiến, là ngộ nhận hoặc thận trọng? Giới nghiên cứu nói chung vẫn còn cảm tưởng, hình như văn học Công giáo Việt Nam là một thế giới đóng kín, thuộc về một cõi riêng tư nào đó, biệt lập, âm thầm, khó thâm nhập” (tr.50)

            “Chúng tôi không dám bao biện, vơ vào. Nhưng rõ ràng Công giáo, ít nhiều, đã khơi gợi trong lòng văn nghệ sĩ Việt Nam một gặp gỡ mới mẻ, một đồng cảm khác lạ, tinh khiết, thiêng liêng nào đó…” (tr.52)

Chương 2: “CHẶNG VỠ ĐẤT GIEO TRỒNG” (Thế kỷ XVI-XVII)

Sau khi liệt kê sự kiện lịch sử, ghi nhận tình hình truyền giáo, tác giả khái quát tình hình văn học giai đoạn này gồm:

            Về hình thức: Hán, Nôm, Quốc ngữ.

            Về nội dung: Kinh nguyện, giáo lý, truyện tích, giáo sử, quốc sử, ngữ pháp, tự điển văn thư, tường trình và thi ca.

            Về tác giả: Giáo sĩ, Thầy giảng, giáo dân. (tr.66)

            Sau đó giới thiệu những khuôn mặt tiêu biểu và các thể loại chính:

Girolamo Majorica, A.de Rhodes. Thầy giảng Phan Chi cô (tr.86), Thầy giảng Gioan Thanh Minh (tr.107), Rafael Đắc Lộ (tr.110), Quốc sử, Giáo sử (tr.113), Kinh nguyện và Ca vãn (tr.115), Thầy cả Lữ Y Đoan và Sấm Truyền ca (tr.120).

Tác giả kết luận về chặng “Vỡ đất gieo trồng” (tr.126) như sau:

  1. Văn học Công giáo Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỷ XVII đã trải qua 2 giai đoạn: giai đoạn truyền khẩu giai đoạn thành văn. Sự tiến triển của văn học Công giáo gắn liền với sự tiến triển của công cuộc truyền giáo (tr.127).
  2. Khuynh hướng văn học và tác giả giai đoạn này khá phong phú, đa dạng.
  3. “Việc sáng tác thuần túy văn học chưa hẳn thành một phong trào hoặc chưa thể hiện rõ nét những khuynh hướng”, “nhưng đã đặt cơ sở vững chắc cho nền văn học Công giáo ở những chặng đường tiếp theo”(tr.128).

CHƯƠNG 3: “CHẶNG ĐƯỜNG ĐÂM CHỒI NẢY LỘC” (thế kỷ XVIII-XIX)

Tác giả liệt kê những sự kiện của bối cảnh lịch sử & văn học Việt Nam cùng với tình hình truyền giáo (tr.131), từ đó giới thiệu văn học Công giáo giai đoạn này có 2 đặc điểm:

          1. Kế thừa văn học Công giáo thế kỷ XVII cả về hình thức đến nội dung.

          2. Vai trò quyết định của chữ Quốc ngữ với những thể nghiệm thành công của báo chí và tiểu thuyết. (tr.133)

Và lần lượt giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm giai đoạn này:

            Inê tử đạo vãn (tr.134), Philippe Do Rosario Bỉnh (tr.138), Lm. Đặng Đức Tuấn (tr.148), Philipphê Phan Văn Minh (tr.164), Lm. Phêrô Trần Lục (tr.173), Nguyễn Trường Tộ (tr.182), Huỳnh Tịnh Của (tr.188), Trương Vĩnh Ký (tr.194), Danh sĩ Phêrô Phạm Trạch Thiện (tr.211), P.J.B Nguyễn Trọng Quản (tr.220)

Ghi nhận thêm các tác phẩm: Truyện các thánh (tr.224), Kinh nguyện-Tu đức-Linh đạo, Giáo lý minh triết, Tự điển ngôn ngữ, Vãn và tuồng (tr.226)

Tác giả kết luận chung về giai đoạn này:

            Đội ngũ người cầm bút đông đảo. Thi ca là sở trường. Một số tác giả có ý thức dân tộc (Đặng Đức Tuấn, Nguyễn Trường Tộ). Một số thể loại văn học lần đầu xuất hiện: báo chí và tiểu thuyết (tr.227)

CHƯƠNG 4: “CHẶNG ĐƯỜNG ĐƠM HOA KẾT TRÁI” (THẾ KỶ XX)

Liệt kê những sự kiện lịch sử (tr.235), tình hình truyền giáo và văn học Công giáo (tr.238), sau đó tác giả trình bày “Diện mạo và văn học Công giáo” gồm 6 loại: (tr.248)

     1.Thánh kinh;

     2. Bí tích-Phụng vụ-Giáo lý-kinh nguyện;

     3. Triết học-Thần học;

     4. Giáo sử-Kỷ yếu;

     5.Văn kiện-thư chung;

     6.Tự điển-ngôn ngữ, văn thơ và báo chí…

Phần miêu tả “diện mạo văn học Công giáo”, tác giả chỉ nêu tên tác giả, tác phẩm,

 thuộc 6 thể loại trên, không giới thiệu, không phân tích giá trị nội dung, nghệ thuật:

THÁNH KINH-PHÚC ÂM DIỄN CA

Tên tác phẩm (Danh mục tác phẩm dài 7 trang)

Thư viện Hội đồng Giám mục Việt Nam (tr.255),  và giới thiệu 11 thư viện (tr.258).

PHỤNG VỤ-GIÁO LÝ-KINH NGUYỆN-TU ĐỨC (tr.261)

Tác phẩm Giáo lý diễn ca, Huấn ca của: GM Hồ Ngọc Cẩn, JM Thích, Lê Thiện Bá, Trần Văn Trang, ĐHY Phạm Đình Tụng, Vũ Đức Trinh, Mai Lâm, Đoàn Văn Hàm, Trần Văn Thi, Bách Huyền, Đức Ông Xuân Ly Băng, Lm.Trăng Thập Tự, Vũ Ngọc Bích, Cao Vĩnh Phan, Đinh cao Thuấn (tr.264)

THẦN HỌC-TRIẾT HỌC (tr.267)

Nêu tên tác phẩm (Danh mục dài 13 trang). Không phân tích đánh giá tư tưởng, giá trị văn học.

VĂN KIỆN-THƯ CHUNG-THƯ LUÂN LƯU-THÔNG CÁO (tr.281)

“Đây chỉ là những bản văn mang nội dung tư liệu đánh dấu niên đại cùng các sự kiện của hội thánh địa phương”. (danh mục tác phẩm dài 6 trang).

GIÁO SỬ-NIÊN GIÁM-KỶ YẾU-LỊCH CÔNG GIÁO (tr.288)

Danh mục dài 10 trang. Thi ca cảm tác về giáo sử Việt Nam có các tác giả (chỉ nêu tên tác giả): Lm.Trần Lục, Quận công Nguyễn Hữu Bài, GM Nguyễn Bá Tòng, GM Hồ Ngọc Cẩn, JM Thích, Hoàng Văn Đoàn, Phúc Dân, Vũ Ngọc Bích, Cao Vĩnh Phan, Đức Ông Xuân Ly Băng, Lm.Trăng Thập Tự, Lm. Nguyễn Xuân Văn, Đinh Cao Thuấn (tr.299)

TỰ ĐIỂN, TỪ ĐIỂN, NGÔN NGỮ, BIÊN KHẢO VHNT, BÁO CHÍ (tr.300)

            (Chỉ nêu tên tác phẩm, không phân tích giá trị văn học).

TRUYỆN, CA VÃN, THƠ, TUỒNG KỊCH, THÁNH NHẠC (tr.314)

1.Truyện (tr.314)

Tác giả đặt vấn đề: “Công giáo Việt Nam đã có những thể loại này chưa? Câu hỏi thật khó trả lời (tr.315) chỉ thấy lác đác vài ba trường hợp, không hợp lưu thành một dòng chảy, một khuynh hướng, một trào lưu văn học mang tính Công giáo”. Chẳng hạn, Nguyễn Trọng Quản, Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt, Lê Hoàng Mưu…và nữ sĩ Thụy An. Thế là hết!” (tr.315).

Tác giả khẳng định: Chúng ta có và đã có từ lâu một nguồn vốn không nhỏ, từ mảng “Các Thánh truyện” của Majorica, A. Rhodes, Philiphe Bỉnh (tr.316)

2. Ca Vãn: (chỉ nêu tên tác phẩm. Không phân tich gía trị văn học) (tr.321)

3.Thơ (tr.327)

Phần này tác giả viết một bài tùy bút dài. Và cho rằng “Kinh và thơ lẫn vào nhau”.

Giới thiệu các khuôn mặt tiêu biểu (sơ lược tiểu sử và tên tác phẩm, không có đánh giá văn học):

Lm Phêrô Trần Lục (tr.348).

Phêrô Giuse Nguyễn Hữu Bài (tr.350)

            Giám mục Đaminh-Maria Hồ Ngọc Cẩn.

            Lm. Giuse Nguyễn Văn Thích (tr.351)

            Lm. Giuse Maria Lê Quang Oánh (tr.352)

            Phêrô Phanxi cô Hàn Mạc Tử (tr.353)

            Các tác giả sau 1975:

   Phêrô Phạm Đình Tân (tr.355), GM Giuse Bùi Tuần (tr.355), Lm Giuse Vũ Ngọc

 Bích (tr.356), Lm Gérad Gagnon Nhân (tr.356), Giuse Mai Lâm (tr.357), Maria Ngọc Minh (tr.357), Lm Giuse Vũ Đức Trinh (tr.358), Giuse Nguyễn Duy Nhiên (tr.359), Phêrô Long Giang Tử (tr.360), Lm F.X Nguyễn Xuân Văn (tr.360), Đức ông GB Xuân Ly Băng, Gioan Võ Long Tê (tr.362), Lm Phêrô Vũ Đình Trác (tr.363), Pierre Đỗ Đình (tr.364), Giuse Bàng Bá Lân (tr.366), Paul Thérèse Hồ Dếnh (tr.367).

Thơ trong di cảo người đã khuất (tr.368).

Thơ của người đã quen hoặc mới quen (tr.370):

(Chỉ nêu tên tác giả & tên tác phẩm. Không phân tích gía trị văn học)

             Trăng Thập Tự, Đơn Phương, GM Nguyễn Văn Sang, Hoành Sơn, Lm Trương Đình Hòe,  Lm. Nguyễn Tầm Thường, Tống Huệ Thi, nữ tu Mai Thành, Nhất Tuấn, Trần Vạn Giã,    Phạm Thi Thái Quý, Lê Đình Bảng, Trần Quang Chu.

Thơ trên báo chí trước 1975 (tr.371): Chỉ nêu tên tác giả:

            Xuân Ly Băng, Trăng Thập Tự, Mạc La Đình, Đình Quang, Nguyễn Tầm Thường, Sao Vườn Dầu, Đỳnh Bảng, Phan Sĩ Hoàng, Nguyễn Quốc Thái, Hoài Diệu, Từ Khang yến, Thanh Huệ, Từ Linh, Hoàng Ngọc Liên, Sâm Thương, Lê Minh Bình Dương, Lý Thụy Ý, Trang Thu Thủy…(tr.372)

Thơ trong các tuyển tập (tr.372)

4. Tuồng, Kịch (tr.372)

     Giới thiệu tên 20 tuồng Công giáo (danh mục dài 6 trang) từ 1910 đến 1940. Không phân tích giá trị văn học.

5. Kết luận (tr.393):

            Tác giả liệt kê tên các GS dạy triết Đông, Triết Tây, các học giả, các nhóm văn bút, nhóm báo chí, nhưng không có tên nhà thơ nhà văn nào (tr.399).

                “Nhưng tiếc thay, nửa đường đứt gánh!…Thật buồn khi đọc văn học sử và báo chí Việt Nam, đỏ con mắt mà chẳng tìm thêm ra được bóng dáng một tác giả, một tác phẩm Công giáo…Có chăng nơi những hiệu sách, nơi những thư viện nhà đạo, toàn là kinh nguyện, thần học, tu đức, quá xa lìa, cách ngăn đối với đời sống văn học nghệ thuật”(tr.400)

CHƯƠNG 5: “GẶP GỠ NHỮNG DÒNG SÔNG

Khái lược Văn học Công giáo. Thơ chiếm 72,6%. (Tr.401)

Có bài sưu tầm:

1.Về một số sách cũ do người Công giáo viết ra từ thế kỳ 17 đến Tk 19. (tr.405).

   Bài của Nguyễn Văn Trung.

            2. Mảng Nôm đạo thế kỷ 17. (tr.408)

            3. Mảng Quốc ngữ. (tr.409)

Tầm quan trọng của các bản văn Nôm thế kỷ 17 do giáo sĩ Majorica viết (tr.412).

   Bài của Nguyễn Văn Thọ.

Đọc Phép giảng tám ngày nghĩ về những người có lòng với văn hóa (tr.419). LĐB.

Tự vị Taberd và di sản văn hóa Việt Nam (tr.425). Bài dài 14 trang

  của Trần Văn Toàn.

Truyện Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản những đóng góp vào kỹ thuật văn hư cấu (Fiction) trong văn học Việt Nam (tr.443). Bài dài 8 trang của GS Hoàng Dũng.

Cha Léopol Michel Cadière (tr.453). Bài dài 20 trang của của Lm G. Lefas. LĐB dịch

Có chăng một nền văn hóa Công giáo Việt Nam (tr.474). Bài dài 10 trang của

  Lm Thiện Cẩm

CHƯƠNG 6. “MỘT CHÚT TÂM TÌNH CỎ HOA” (tr.491)

Chia sẻ 3 bài cảm nhận:

Chút tâm tình cỏ hoa (tr.494)-Lê Đình Bảng.

Ki Tô giáo trong giao lưu văn hóa Tây phương với Việt Nam (tr.504) – Nguyễn Văn Trung

Cái hằng ngày (tr.517), không ghi tác giả. Chỉ ghi: Trích chương “Một nền văn hóa đại chúng trong “Đạo Chúa vào Việt Nam” (bản thảo).

Phụ lục 1:

      Gửi giới văn nghệ sĩ (tr.535). Hồng Y L. Suénens tuyên đọc.

                 Gửi giới trí thức (tr.537). Hồng Y P. Léger tuyên đọc

                 Có vô việc phát triển văn hóa (tr.539). Thánh Công đồng Vaticano II.

MỘT VÀI GHI NHẬN

            Giá trị hàng đầu của “Văn học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường” là ghi được khuôn mặt các tác giả, tác phẩm, các hiện tượng, các thành tựu văn học Công giáo của các thế kỷ XVI-XVII; XVII-XIX; XX; qua đó khắc họa những đường nét chính của diện mạo văn học Công giáo trong lịch sử, giúp người đọc hôm nay có cái nhìn toàn cảnh sáng tác văn học của cha ông, không còn bị khuất lấp như trước kia. Qua việc miêu tả đời sống văn học, tác giả khẳng định có một nền văn học Công giáo đông đảo về tác giả, phong phú về thể loại và nghệ thuật, đóng góp vào dòng chảy chung của văn học dân tộc, điều mà các nhà nghiên cứu thế tục còn e dè, giữ thái độ cẩn trọng.

            Tác phẩm cũng bước đầu hình thành một phương pháp nghiên cứu lịch sử văn học Công giáo có tính học thuật, mặc dù tác giả tự nhận “chỉ là cách làm chủ quan của người biên tập, bởi tác giả tác phẩm Công giáo dường như không thuộc phạm trù “trường phái” hoặc “khuynh hướng” văn học rõ rệt mà ta thường thấy dưới ngòi bút các nhà viết văn học sử” (tr. 247). Ở mỗi chương, Lê Đình Bảng trình bày đặc điểm của bối cảnh lịch sử, tình hình công cuộc truyện giáo, từ đó ghi nhận, đánh giá sự phát triển của văn học Công giáo. Sau đó, ông đi sâu giới thiệu những tác giả tiêu biểu, những tác phẩm có giá trị nổi bật. Kết thúc mỗi thời kỳ văn học đều có phần đánh giá và chỉ ra các đặc điểm chung.

            Một giá trị khác của tác phẩm là tư liệu. Tác phẩm là một kho tư liệu hết sức quý giá. Cuốn sách như một “lược đồ”, rồi từ đó, đi đến tận ngọn nguồn tư liệu. Điều này giúp ích rất lớn cho những nhà nghiên cứu đi sau. Họ không phải mất công mò mẫm tìm đường và tìm tư liệu. Căn cứ vào “lược đồ” Lê Đình Bảng đã vẽ ra, họ sẽ đi nghiên cứu chuyên sâu, khám phá thêm các giá trị của văn học Công giáo mà ông Lê Đình Bảng (trong giới hạn của hoàn cảnh) chưa có thời gian nghiên cứu kỹ hơn. Thí dụ, có rất nhiều tên tuổi của văn học Công giáo thế kỷ XX chưa được nghiên cứu. Đặc biệt là phần từ sau 1975 đến nay.

            Những ghi nhận sau đây cần được nghiên cứu thêm:

            Lệ Đình Bảng chưa có được một tiêu chuẩn khoa học để phân kỳ lịch sử văn học Công giáo. Cuốn sách chỉ là “Cái nhìn lịch sử về văn học Công giáo”, chưa phải là một cuốn Lịch sử văn học Công giáo”. Văn học Công giáo trong cuốn sách được phân kỳ theo thế kỷ và được đặt tên hoa mỹ, không phản ánh trung thực lịch sử văn học.

Thí dụ: Lm Trần Lục vừa được giới thiệu ở chặng đường thế kỷ XVIII-XIX (tr.173), vừa ở chặng đường thế kỷ XX (tr. 348).

Thí dụ: Chặng đường “Đơm hoa kết trái” (thế kỷ XX), sau khi giới thiệu rất nhiều tên tuổi tác giả, Lê Đình Bảng kết luận (tr.393): trong rất nhiều tên tuổi các GS dạy triết Đông, Triết Tây, các học giả, các nhóm văn bút, nhóm báo chí, không có tên nhà thơ nhà văn nào (tr.399). “Có chăng nơi những hiệu sách, nơi những thư viện nhà đạo, toàn là kinh nguyện, thần học, tu đức, quá xa lìa, cách ngăn đối với đời sống văn học nghệ thuật”(tr.400), vậy sao có thể nói văn học Công giáo thế kỷ XX là “đơm hoa kết trái”?

            Chưa có phần đánh giá chung lịch sử văn học Công giáo, chưa tổng kết xem văn học Công giáo đã đóng góp những gì làm phong phú văn học dân tộc? Chưa khẳng định được đâu là những khuôn mặt nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học Công giáo có vị trí sánh ngang với các nhà văn của văn học dân tộc. Cho đến nay, các nhà thơ nhà văn Công giáo cũng chỉ được biết đến trong phạm vi “nhà đạo”. Không có tên tuổi nào sánh ngang Nguyễn Trọng Quản, Hàn Mạc Tử, được lịch sử văn học dân tộc vinh danh.

            Một vấn đề khác cũng cần được nghiên cứu sâu hơn là “thế nào là nhà văn Công giáo”, “thế nào là một tác phẩm văn học Công giáo”? Nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng xếp nữ sĩ Thụy An (tr.315) với tiểu thuyết Một linh hồn (1943) và nhà thơ Lý Thụy Ý (tr. 372) vào danh mục nhà văn nhà thơ Công giáo, điều này cần phải được đánh giá lại.

Thụy An là một người Công giáo, nhưng cuối đời, bà cải đạo sang Phật giáo, quy y với pháp danh Nguyên Quy. Tiểu thuyết “Một linh hồn” chỉ là một truyện tình lãng mạn trong dòng văn chương thị trường giai đọan 1930-1945, lấy bối cảnh Công giáo (giống như Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng lấy bối cảnh chùa chiền). Nội dung truyện hoàn toàn sai lạc với luân lý Công giáo, vì thế không thể coi Thụy An là nhà văn Công giáo, không thể đặt Một linh hồn bên cạnh những tác phẩm văn học Công giáo. Cũng giống như không thể coi cuốn sách Tây Dương Gia Tô bí lục (chữ Hán, in 1812) là tác phẩm văn học Công giáo. Đó là cuốn sách bịa đặt, nhảm nhí, xuyên tạc, một loại “ngụy thư”,  nhằm mục đính “đánh phá” Ki Tô giáo. Cuốn sách này được Lê Đình Bảng nhắc đến trong tác phẩm (tr.241). Nhà thơ Lý Thụy Ý làm thơ tình yêu hướng đến người lính Cộng hòa. Có một số bài có chất liệu Ki Tô giáo, nhưng đó không phải là văn chương Công giáo. Chất liệu Ki tô giáo chỉ là mốt thời thượng.

            Vì không có tiêu chuẩn cụ thể để xếp loại tác phẩm văn học Công giáo nên Lê Đình Bảng gom tất cả tư liệu văn hóa Công giáo vào trong “Văn học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường”. Ở chương viết về văn học Công giáo thế kỷ XX, ông trình bày diện mạo văn học Công giáo gồm 6 loại: (tr.248)

     1.Thánh kinh;

     2. Bí tích-Phụng vụ-Giáo lý-kinh nguyện;

     3. Triết học-Thần học;

     4. Giáo sữ-Kỷ yếu;

     5.Văn kiện-thư chung;

     6.Tự điển-ngôn ngữ, văn thơ và báo chí…

Trong 6 loại trên, chỉ có “văn thơ” là thể loại văn học, còn lại là sách tôn giáo, sách

triết học, sách ngôn ngữ và những văn bản nhật dụng (gọi chung là văn hóa phẩm). Thành ra nếu chỉ chọn sách văn học, thì “vốn liếng văn học Công giáo” sẽ không nhiều, và có thể chưa đủ để hình thành một “lịch sử văn học”. Cho nên ông mới than thở: “Thật buồn khi đọc văn học sử và báo chí Việt Nam, đỏ con mắt mà chẳng tìm thêm ra được bóng dáng một tác giả, một tác phẩm Công giáo…”(tr.400)

            Trong cách viết, các phần trình bày không cân đối. Thí dụ, phần Thơ (tr.327) được viết như một tùy bút rất dài (21 trang). Ông viết say sưa bay bổng và tâm đắc (bởi ông là nhà thơ). Phong cách ngôn ngữ khoa học cần có đối với một công trình nghiên cứu phải nhường chỗ cho kiểu ngôn ngữ nghệ thuật, chủ quan, cảm tính, và vì thế, cuốn sách tràn đầy cảm xúc nghệ sĩ của tác giả.

            Xin đọc: “Bởi thế, trước sau Hàn Mạc Tử, thi nhân Công giáo ở Việt Nam tuy đông đảo nhưng vẫn chỉ là những ngôi sao lẻ loi, sống và viết lặng lẽ âm thầm. Viết vì đức tin lòng đạo, viết để ngợi ca, viết như lời cầu nguyện trong khung cảnh dòng tu, nhà thờ, xứ đạo làng quê hơn là muốn góp mặt góp tiếng với trận bút trường văn. Đã có nhiều, khá nhiều tác giả mai danh ẩn tích, nhiều tác giả chịu thiệt thòi cam phận khuyết danh, vô danh, tam sao thất bản hoặc mất tăm mất tích luôn. Đến nỗi đã có dư luận bảo đó là “ngoại thư”, là “dã truyện”, là “bí lục” hoặc “ngụy tín”. Thành thử ra, suốt mấy trăm năm qua, người Công giáo Việt Nam bị mang tiếng là “ngoại giáo”, trong tay chẳng có gì làm của riêng, vốn riêng đóng góp vào gia tài văn học Việt Nam? Tội nghiệp…” (tr. 341).

            Đoạn văn trên được viết bằng kiểu câu dài, cảm xúc mạnh mẽ. Phép trùng điệp làm nồng cháy trang văn. Và để “nâng” sự cộng hưởng cảm xúc nơi người đọc, ông bộc lộ trực tiếp cảm xúc của mình. Ông viết: “Tội nghiệp…” như một tiếng ngậm ngùi trĩu lòng. Về nội dung, Lê Đình Bảng nêu nhiều vấn đề trong “suốt mấy trăm năm qua” nhưng không có một dẫn chứng cụ thể nào! Đâu là “ngoại thư”? Đâu là “dã truyện”? Đâu là “bí lục”? Tác phẩm nào là “ngụy tín”? Phải chăng Lê Đình Bảng muốn nhắc đến cuốn Tây Dương Gia Tô bí lục (1812)? Đây là cuốn sách nhảm nhí, bịa đặt, xuyên tạc để “đánh phá” Ki Tô giáo, sao được kể là “văn học Công giáo”? “Ngụy tín” là một từ để chỉ lòng tin mù quáng sai lạc, không có sách nào gọi là sách “ngụy tín”, chỉ có “ngụy thư”.

            Cũng về nội dung diễn đạt, Lê Đình Bảng không xác lập thế nào là tác phẩm văn học khi ông gom tất cả các sách của “nhà đạo” và chung thuật ngữ “văn học”. Sách “Viết vì đức tin lòng đạo,… viết như lời cầu nguyện trong khung cảnh dòng tu, nhà thờ, xứ đạo…” thì đó là sách tôn giáo, không phải sách văn học. Câu văn sau đây có vấn đề về phép kết nối, tạo ra sự hàm hồ về nghĩa: “Đã có nhiều, khá nhiều tác giả mai danh ẩn tích, nhiều tác giả chịu thiệt thòi cam phận khuyết danh, vô danh, tam sao thất bản hoặc mất tăm mất tích luôn. Đến nỗi đã có dư luận bảo đó là “ngoại thư”, là “dã truyện”, là “bí lục” hoặc “ngụy tín””.Hai lần Lê Đình Bảng nói đến “tác giả”, tức là người, sao người lại có thể bị “tam sao thất bản”, lại bị gọi là “ngoại thư”(tức là sách)? Câu văn ấy phải thêm vào cụm từ: “đã có nhiều tác phẩm bị” đặt trước chữ “tam sao thất bản” mới ra nghĩa.

Trong đọan văn trên, có một nhận định không đúng về Lý luận văn học. Lê Đình Bảng viết: “Đã có nhiều, khá nhiều tác giả mai danh ẩn tích, nhiều tác giả chịu thiệt thòi cam phận khuyết danh, vô danh, tam sao thất bản hoặc mất tăm mất tích luôn”. Khi không có tác phẩm (mất tăm mất tích), khi không có tác giả (mai danh ẩn tích) thì sao gọi là tác giả, tác phẩm văn học được. Một bản thảo chỉ trở thành tác phẩm khi được in ấn, công bố và có người đọc. Cũng vậy, người viết chỉ trở thành tác giả khi tác phẩm mình viết ra, được công bố và có người đọc. Một người viết vô danh, một cuốn sách mất tăm mất tích thì đâu phải là văn học! Thành ra khi Lê Đình Bảng thở than cho tác giả vô danh, tác phẩm mất tăm mất tích thì đó không phải là những cảm xúc thật. Người đọc buộc phải hoài nghi về giá trị thông tin khoa học của những gì ông viết.

Có lẽ lối viết “tùy bút” của Lê Đình Bảng không phù hợp với thể loại nghiên cứu.

Riêng chương 4: Chặng đường đơm hoa kết trái (thế kỷ XX), Lê Đình Bảng không phân tích giá trị  văn học của bất cứ tác giả, tác phẩm nào. Một số tác giả có được giới thiệu tiểu sử và tên tác phẩm. Còn lại, rất nhiều tác giả, tác phẩm chỉ được nêu tên mà không được phân tích giá trị văn học. Có lẽ vì thế Lê Đình Bảng không có khám phá gì về những đặc điểm của văn học Công giáo trong giai đoạn này. Chẳng hạn, tính chất “hiện đại hóa” văn học với thể loại truyện của Nguyễn Trọng Quản, thơ Hàn Mạc Tử và Tuồng Thương khó của Nguyễn Bá Tòng…. Cả chương chỉ có giá trị tư liệu, thống kê tư liệu. Tính chất nghiên cứu “Lịch sử văn học” chưa được triển khai.

Điều này có thể giải thích được. Sang thế kỷ XX, số lượng tác giả, tác phẩm của người cầm bút Công giáo đã tăng lên rất nhiều. Để đọc hết tác phẩm của các tác giả ấy, Lê Đình Bảng cần nhiều thời gian. Vì thế ông chỉ vẽ những nét chính của “bảng lược đồ” văn học Công giáo để người đi sau tiếp tục nghiên cứu. Cũng vì thế ông mới có sự ngộ nhận về tiểu thuyết Một Linh hồn (Thụy An) và thơ lính (Lý Thụy Ý) như tôi đã nêu ở trên. Xin đơn cử. Chỉ riêng trên tuần báo Nam Kỳ Địa Phận (1908) đã quy tụ nhiều tác giả nổi tiếng một thời như: Matthêu Hồ Tấn Đức, Jacques Lê Văn Đức, Nguyễn Hữu Bài, Hồ Ngọc Cẩn, Huỳnh Tịnh Hướng, Nguyễn Văn Thích, Lê Thiện Bá (Phêrô Nghĩa), Trần Văn Trang, Nguyễn Bá Tòng, Paul Vàng, Antoine Phi, Gabriel Hữu, Phaolô Qui, Phaolô Đạt, Nguyễn Cang Thường, Bá Đa Lộc Linh Đài, P. Đỗ Thới Của, Hồng Lam, An Phang, E.Thành Thông, Paul Tạo, Nguyễn Ngọc Quang, Francois  Hữu Tâm, P. Nguyễn Hữu Lượng, F.X. Lê Vĩnh Khương.

Do tính chất tư liệu chi phối nên Lê Đình Bảng đã đưa nhiều tư liệu tham khảo (21 bài) vào cuốn sách “Văn học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường”. Ngoài các bài ở chương 5: “Gặp gỡ những dòng sông” đứng biệt lập, những bài tham khảo khác được in trong phần nghiên cứu thay cho bài nghiên cứu của tác giả. Chẳng hạn bài viết về Girolamo Majorica của Thanh Lãng (tr.66), bài viết về A. de Rhodes của Phạm Thế Ngũ và Đỗ Quang Chính (tr.75), bài viết về Philippe Do Rosario Bỉnh của Thanh Lãng (tr.138), bài viết về Philipphê Phan Văn Minh của Phạm Đình Khiêm và Võ Long Tê (tr.164), về Cụ Sáu Trần Lục của Hoàng Xuân Việt (tr.176), Nguyễn Trường Tộ của Trương Bá Cần (tr.182), bài viết về Tuồng thương khó của Doãn Phương (tr. 382)…

Việc đưa thêm bài tham khảo vào sách có làm phong phú nội dung nghiên cứu, dù vậy nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng nên có những “phản biện” về nội dung những gì tham khảo. Thí dụ bài “Thương khó, vở kịch nói và vở Opera đầu tiên ở Việt Nam” của Doãn Phương phỏng vấn nhà nghiên cứu sân khấu Lê Thanh Hiền. Xin lưu ý rằng có sự lẫn lộn giữa “Tuồng thương khó” của Nguyễn Bá Tòng với kịch nói “Thương khó”Opera Thương khó (tr. 382) mà ông Nguyễn Thanh Hiền nói đến. “Tuồng Thương khó” của Nguyễn Bá Tòng mới là tác phẩm ghi dấu ấn về thể loại sân khấu ở đầu thế kỷ XX.

THAY LỜI KẾT

            Có nhiều vấn đề văn học cần được tiếp tục nghiên cứu trong cuốn sách “Văn học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường”.

            Đó là vấn đề xác lập thế nào là tác phẩm văn học Công giáo? Nhà văn Công giáo có những phầm chất gì? Cũng cần phân biệt văn chương phong trào (văn chương bình dân) với với văn chương nghệ thuật (văn chương bác học/ văn chương chuyên nghiệp). Sự khác biệt giữa tác giả phong trào (người cầm bút Công giáo dùng văn chương làm phương tiện truyền giáo, viết theo quán tính) với nhà thơ, nhà văn là người sáng tạo “Cái Đẹp”. Việc phân kỳ lịch sử văn học Công giáo dựa trên những tiêu chí nào? Cần phải chỉ ra những trào lưu nào chảy suốt lịch sử văn học (thí dụ dòng Diễn ca kinh thánh, dòng Huấn ca, Hạnh các thán). Văn học Công giáo có những đóng góp gì làm phong phú văn học dân tộc (thí dụ, văn học Công giáo góp phẩn đưa văn học Việt Nam thoát ly khỏi ảnh hưởng văn học Trung Quốc, hội nhập với văn học phương Tây và hiện đại hóa nền văn học dân tộc). Bối cảnh lịch sử xã hội và công cuộc truyền giáo ảnh hưởng thế nào với sự phát triển của văn học Công giáo? Giáo hội có vai trò gì trong việc loan báo Tin Mừng bằng văn hóa, văn học? Những nhà văn nào, những tác phẩm nào là tiêu biểu cho văn học Công giáo, sánh ngang hoặc đi trước văn học dân tộc? Nguyên nhân nào khiến cho văn học Công giáo không được công chúng và giới nghiên cứu văn học thế tục chú ý?…

Văn học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường” có thể gợi mở cho những vấn đề đó. Bởi tác phẩm này là nguồn, là “bảng lược đồ” là những đường nét đầu tiên của diện mạo văn học Công giáo Việt Nam mà những nhà nghiên cứu đi sau nhất thiết phải tham khảo, phải nghiên cứu, phải đối thọai, để Lịch sử văn học Công giáo Việt Nam được khẳng định và trở thành dòng chảy chung trong lịch sử văn học Việt Nam. Chỉ bấy nhiêu thôi thì tâm huyết, công sức và tài năng của nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng cũng đã được ghi nhận. Ông đã đặt một mốc son trong hành trình chung của việc nghiên cứu văn học Công giáo Việt Nam.

            Việc ghi nhận của chúng tôi không tránh được cái nhìn chủ quan, mong là sự gợi mở những vần đề, để các nhà nghiên cứu trẻ tiếp tục. Văn học Công giáo Việt Nam đang gọi mời những nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, những tấm lòng và tài năng của giáo hội tham gia.

Tháng 10/ 2021

________________________________ 

[1] Nhà nghiên cứu văn học Lê Đình Bảng Sinh ngày 17.9.1942 tại làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Quê: Thọ Cách, Thái Thụy, Thái Bình. Học Tiểu chủng viện Mỹ Đức (Thái Bình), Phan Rang và Phanxicô Savie (Bùi Chu) Sài Gòn, ĐCV Lê Bảo Tịnh – Gia Định (1958-1960). Tốt nghiệp Cử nhân Giáo khoa Việt Hán – ĐH Văn khoa Sài Gòn (1966), ĐH Sư Phạm Sài gòn -Việt Hán (1971). Ông đã in các tập thơ: Bước chân giao chỉ (Sài gòn 1967), Hành hương (2006), Quỳ trước đền vàng (2010), Lời tự tình của bến trần gian (2012), Ơn đời một cõi mênh mang (2014), Kinh buồn (2014), và các tập thơ được phổ nhạc: Đội ơn lòng Chúa bao dung (2012), Lời khấn nhỏ chiều Chúa nhật (2012), Về cõi trời mênh mang (2012).

***

BẠN CÓ THỂ ĐỌC TẤT CẢ BÀI VIẾT CỦA BÙI CÔNG THUẤN TẠI:

http://buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

TÂY DƯƠNG GIA TÔ BÍ LỤC-Những nghi vấn

BẠN CÓ THỂ ĐỌC TẤT CẢ BÀI VIẾT CỦA BÙI CÔNG THUẤN TẠI:

http://buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

Bùi Công Thuấn

***

            Tôi đọc cuốn Tây Dương Gia Tô bí lục [1] do Ngô Đức Thọ dịch và giới thiệu từ bản chữ Hán. Bản tiếng Việt của tác phẩm này do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Hà Nội ấn hành năm 1981, với dòng ghi “Lưu hành nội bộ“. Ngoài bìa ghi: Tây Dương Gia Tô bí lục- “Ghi chép những chuyện kín của đạo Gia Tô Tây Dương”. Ngô Đức Thọ có bài giới thiệu tác giả, tác phẩm, văn bản, và phân tích. Ông đánh giá Tây Dương Gia Tô bí lục là “Tiếng vang của một cuộc đấu tranh tư tưởng”, tác phẩm có “Giá trị văn học và sử liệu”, đó cũng là “Tấm lòng của những người Thiên Chúa giáo yêu nước”. Ông kết luận: Vì vậy, mặc dù có những hạn chế nhất định, Tây Dương Gia Tô bí lục đáng được ghi nhận là một tác phẩm văn học yêu nước có phong cách nghệ thuật độc đáo, đồng thời là tài liệu tham khảo có giá trị đối với công tác nghiên cứu lịch sử, nhất là lịch sử tư tưởng Việt Nam.”

NHỮNG NGHI VẤN

            Dịch giả Ngô Đức Thọ cũng đưa ra những nghi vấn về cuốn sách. Ông gọi cuốn sách “là một tác phẩm truyện ký dã sử bằng chữ Hán về đề tài tôn giáo với quan điểm tư tưởng yêu nước chống đế quốc xâm lược”. Nhưng sau đó ông lại viết: “những điều ghi chép có tính chất tự truyện rải rác trong tác phẩm”.

“Dã sử” tức là những chuyện lưu truyền trong dân gian không rõ xuất xứ (thí dụ Truyện Họ Hồng Bàng của người Việt), trái lại “những điều ghi chép có tính chất tự truyện” là truyện thật của tác giả. Nếu là truyện thật thì tác phẩm mới có giá trị tư liệu (thí dụ Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác in 1885). Vậy Tây Dương Gia Tô bí lục là “dã sữ” hay là truyện ký? Xưa nay chưa có thể loại “truyện ký dã sử” trong văn học. Không xác lập được kiểu loại, bút pháp, cách viết của tác phẩm thì không thể xác định được đúng nội dung ý nghĩa tư tưởng và giá trị của tác phẩm. Căn cứ vào những gì được giới thiệu thì ông Ngô Đức Thọ coi Tây Dương Gia Tô bí lục là một truyện ký nên mới khẳng định tác phẩm này tài liệu tham khảo có giá trị . Tôi e rằng đó là một nhận định không khả tín (võ đoán, hàm hồ).

Ông đặt vấn đề về tác giả: “từng có một vài người khác tham gia vào việc chú thích bình luận tác phẩm. Hơn thế, phải chăng trong định bản hiện nay phần nào còn có vai trò nhuận sắc, bổ sung của một trong những người khuyết danh, chẳng hạn ở đoạn nói về sự kiện chiến tranh thuốc phiện ở Trung Quốc? Điều đó hiện còn chưa rõ”.

Nhận định này có nghĩa, Tây Dương Gia Tô bí lục không chỉ có 4 tác giả mà còn có thêm những người khuyết danh. Như vậy, chắc chắn nội dung, tư tưởng tác phẩm không còn là thuần nhất, không còn là đúng suy nghĩ của người viết ban đầu. Ông Ngô Đức Thọ nói thêm: Trong quá trình nghiên cứu và phiên dịch tác phẩm này, chúng tôi có chú ý tìm hiểu tiểu sử của bốn tác giả. Nhưng có lẽ vì thời gian đã xa,…, cho nên tên tuổi và hành trang của các vị không khỏi bị những kẻ thiếu thiện chí làm cho lu mờ, thanh danh mai một. Ngay cả tác phẩm của các vị cũng chỉ mới sưu tầm được cách đây không lâu”.

Nói cách khác, cả 4 tác giả trên đều không có nhân thân cụ thể, không tồn tại trong lịch sử. Đây là một nghi vấn lớn, bởi trong Tây Dương Gia Tô bí lục, ông Ngô Đức Thọ tìm thấy “những điều ghi chép có tính chất tự truyện” của tác giả, và văn bản Tây Dương Gia Tô bí lục ghi rõ ngày, tháng năm sự việc xảy ra, thì 4 tác giả đều là “Giám mục”, không thể không để lại dấu tích, nhân thân của mình trong lịch sử truyền giáo và vết tích trong văn hóa thời đại (chẳng hạn họ có những tác phẩm khác nữa, hoặc có những người khác, sách khác viết về họ).

Đọc Tây Dương Gia Tô bí lục, người đọc nhận ra có 3 văn bản tác phẩm: Thứ nhất là Gia Tô bí pháp (của Phạm Văn Ất và Nguyễn Đình Bính). Thứ hai là Tây Dương Gia Tô bí lục (của Văn Hoằng và Đức Đạt). Thứ ba là một “bản sao” duy nhất do Văn Hoàng giấu kín, đến nay mới được phát hiện. Vấn đề là, văn bản hiện nay có phải là văn bản của Văn Hoàng cất giấu hay không thì chưa được làm rõ. Nếu vậy, văn bản Tây Dương Gia Tô bí lục hiện nay sao có thể được coi là cứ liệu có giá trị khoa học để nghiên cứu?

Cũng cần lưu ý rằng, khi hai ông Văn Hoằng và Đức Đạt đến thăm Nguyễn Đình Bính, hai người được Nguyễn Đình Bính “lấy thủ cảo cuốn Gia Tô bí pháp đưa cho Văn Hoằng và Đức Đạt xem”; “Văn Hoằng cũng lấy tập sách do mình soạn đưa cho Đình Bính xem. Đình Bính cả mừng góp thêm ý kiến sửa chữa thêm bớt, khiến cho người ta chỉ đọc qua một lần là biết ngay thủ đoạn lừa bịp của bọn chúng. Đó chính là tập sách này đây”.

Như vậy “tập sách này đây” (Tức Tây Dương Gia Tô bí lục) là của Văn Hoằng. Tập sách này đã được Nguyễn Đình Bính xem, “góp thêm ý kiến sửa chữa thêm bớt”, và chính Văn Hoằng trước khi in, đã đóng cửa không ra khỏi nhà, tham khảo rộng thêm các sách truyện ký của người Tây Dương, dọn lại sách này một lần nữa, rồi thuê người viết chữ, khắc bản gỗ đem in để lưu hành cho công chúng đọc”. Vậy người cuối cùng quyết định nội dung và việc in ấn phát hành cuốn sách là Nguyễn Văn Hoằng. Những tường thuật cụ thể như thế giúp người đọc nhận ra cuốn Gia Tô bí pháp củaPhạm Văn Ất và Nguyễn Đình Bính không phải là Tây Dương Gia Tô bí lục.

Cuốn Gia Tô bí pháp của Phạm Văn Ất và Nguyễn Đình Bính có lẽ chỉ là sách ghi chép lại các “Phép bí tích của đạo Gia Tô” của giáo hội Công giáo, có tính chất thuần túy tôn giáo, không thể là những “bí mật” về âm mưu xâm lược được.

Môt nghi vấn khác là những sách “nguồn” mà các tác giả tham khảo để viết. Tây Dương Gia Tô bí lục ghi nguồn như sau:

“Các sách truyện ký của người Tây Dương thì có nhiều, chỉ chọn nêu lên 7 bộ quan trọng sau đây:

  1. Bí lục, tức là sách Gia Tô bí pháp chỉ các Tổng giám mục mới được đọc.
  2. Thực lục, tức là sách do môn đồ của Jêsu ghi lại những điều tai nghe mắt thấy.
  3. Ngoại lục, ghi những lời vua tôi Tây Dương khoe khoang khoác lác để mê hoặc dân chúng.
  4. Giảng lục, soạn những lời dối trá, lừa bịp.
  5. Ngâm lục, lược trích từ sách Thực lục, chia làm 15 đoạn ngâm, nay giáo dân vẫn dùng để tụng niệm.
  6. Quốc ký, ghi chép về vua tôi các đời của nước Tây Dương.
  7. Nhất thống, ghi về những nước bị Tây Dương thôn tính.

Nay xin thâu góp ở các sách nói trên lược soạn thành một sách, gọi chung là Bí lục để tiện xem đọc”.

Những “nguồn” trên không ghi rõ là những cuốn sách nào. Chẳng hạn, “Thực lục, tức là sách do môn đồ của Jêsu ghi lại những điều tai nghe mắt thấy”, vậy đó có phải là sách Phúc âm của Matthêu, Luca, Maccô hay Gioan; hay sách Tông đồ Công vụ”, thư gửi các giáo đoàn của Phêrô, Phaolô…?

Ngoại lục, ghi những lời vua tôi Tây Dương khoe khoang khoác lác để mê hoặc dân chúng”, những lời này tác giả ghi trực tiếp hay ghi lại từ những sách nào, không nói rõ. Thực ra đây là cách đánh tráo. Đó là lời của Tác giả, nhưng được gán vào miệng nhân vật.

Sao có thể “thâu góp ở các sách nói trên lược soạn thành một sách, gọi chung là Bí lục “? Tức là, Tây Dương Gia Tô bí lục là bản “thâu góp” tất cả các sách tham khảo đã nêu? Vây đâu là phần tác giả “sáng tác”?

Khi những “sách nguồn” không được xác định và không được trích dẫn chuẩn xác thì mọi tường thuật đều là bịa đặt.

Một điều buộc người đọc phải nghi vấn về giá trị thực của cuốn sách là sự mờ nhòe của lịch sử.  Tây Dương Gia Tô bí lục ghi rõ về nhân thân, việc làm của các đời giáo hoàng liên tiếp nhau là Giáo hoàng Tây Dương Maisen, Lôrenxô, Đixirô, Pio, nhưng khi tra cứu danh mục các Giáo hoàng La mã, không thấy có 4 đời giáo hoàng liên tiếp như thế. Cũng vậy, “Giám mục đốc chính” Thăng Long năm 1812 (người bỏ tiền ra mua hết sách in của Văn Hoằng) tên là gì cũng không được tác giả ghi rõ ra. Xa hơn, tác giả Tây Dương Gia Tô bí lục cho rằng các Giám mục, Linh mục người Việt thời ấy là những người“cam tâm làm đầy tớ trung thành cho bọn người Tây Dương, ngấm ngầm bán rẻ đất đai con dân nước ta cho chúng”, nhưng trong cả cuốn sách, tác giả lại không nêu tên cụ thể một Giám mục nào (giống như việc không nêu tên Giám mục đốc chính Thăng Long 1812), điều này có ý nghĩa gì? Sự mập mờ này phải chăng các tác giả không có chứng cớ xác thực, mà chỉ võ đoán nên không dám “tố cáo” thẳng người thật việc thật?

Như vậy cả về tác giả, văn bản, thể loại tác phẩm và nguồn dẫn đều có những nghi vấn lớn. Nếu những nghi vấn này không được làm rõ thì việc đọc hiểu tác phẩm, đánh giá về tác phẩm không thể đạt được những giá trị chân thực. Vì thế, kết luận của ông Ngô Đức Thọ cần được xem xét lại. Ông viết: “Tây Dương Gia Tô bí lục đáng được ghi nhận là một tác phẩm văn học yêu nước có phong cách nghệ thuật độc đáo, đồng thời là tài liệu tham khảo có giá trị đối với công tác nghiên cứu lịch sử, nhất là lịch sử tư tưởng Việt Nam”

NỘI DUNG CỦA TÂY DƯƠNG GIA TÔ BÍ LỤC

Tây Dương Gia Tô bí lục ghi tên các tác giả và người dịch như sau:

Nam Lục lão tẩu: Phạm Ngộ Hiên, Nguyễn Hoà Đường.

Hải Châu hậu tẩu: Nguyễn Bá Am, Trần Trình Hiên.

Ngô Đức Thọ dịch và giới thiệu.

Sách có bài tựa, mục thứ, lược dẫn, nguyên dẫn và phần chính, chia làm 9 quyển.

Nhan đề mỗi quyển như sau:

Quyển I: “Nước Jiuđê, Jêsu ra đời.

                Được môn đồ Jêsu thêm kiêu ngạo”

Quyển II: “Lên khỏi nước, Jêsu đặt bày lắm phép.

                  Bị hỏi vặn, Jêsu nguy khốn nhiều phen.”

Quyển III: “Về Jiuđê, Jêsu bị án tử hình.

                    Bừng sáng núi, xác Jêsu sống lại.”

Quyển IV: “Lên núi cao, thể phách Jêsu truyền bí pháp.

                    Hoá chim câu, thể phách Jêsu bịp loè người.”

Quyển V: “Nhờ viện quân Lâmbô, Jêsu hoá phép sinh yêu.

                  Trúng mưu kế nữ thần, quân Jêsu đành thua trận.”

Quyển VI: “Sang Tây Dương, phép thuật Jêsu đắc dụng

                    Trình “Bí lục”, môn đồ Jêsu được phong.”

Quyển VII: “Các vua đạo mượn Jêsu đối chứng.

                    Bọn quan đạo bịa chuyện láo lừa dân.”

Quyển VIII: “Quận Tây Dương thôn tính các lân quốc.

                     Các nước gần cùng nhau trừ Dương tặc.”

Quyển IX: “Thời Hậu Lê, giặc Tây ẩn náu ở nước ta.

       Đời nhà Thanh, Dương tặc công nhiên đến Trung Quốc.”

 Quyển IX kể về hoàn cảnh sáng tác và việc in ấn tác phẩm như sau:

Năm Cảnh Thịnh thứ 1 (1793) triều Tây Sơn, vào tháng 10, hai Giám mục dòng Tên ở địa phận Nam Chân là Phạm Văn Ất và Nguyễn Đình Bính sang Tây Dương khiếu nại về việc mất dòng”.

Hai ông được Giáo Hoàng đón tiếp trọng hậu nhưng không giải quyết việc khiếu nại.

Giáo Hoàng cho hai ông xem một tấm bản đồ nước ta vẽ rất rõ ràng… và lấy ra quyển sách ghi chép các phép kín bảo hai người ngồi ngay trước ghế của ngài mà đọc. Vậy là hai ông được ngồi trong điện Giáo hoàng cùng đọc chung sách Bí lụcsách Sử ký của nước Tây Dương. Hai ông nghĩ rằng: “Xem ra thì từ lâu người Tây Dương chỉ mượn danh chúa Jêsu để đi cướp nước người”. Sau khi trở về nước, hai ông dùng trí nhớ cùng nhau ghi lại cuốn Gia Tô bí pháp (Ghi chép các phép kín của đạo Gia Tô) và bí mật cất giấu…Cả hai cùng bỏ đạo (năm Cảnh Thịnh thứ 4 -1796).

Hai Giám mục Nguyễn Văn Hoằng và Đức Đạt cũng có những bức xúc. Họ tới thăm Phạm Văn Ất và Nguyễn Đình Bính (lúc này đã già), được Nguyễn Đình Bính lấy thủ cảo cuốn Gia Tô bí pháp đưa cho Văn Hoằng và Đức Đạt xem. Văn Hoằng cũng lấy tập sách do mình soạn đưa cho Đình Bính xem. Đình Bính cả mừng góp thêm ý kiến sửa chữa thêm bớt. Đó chính là tập sách này (Tây Dương Gia Tô bí lục). Năm Gia Long thứ 8 (1809), Hoằng và Đạt bỏđạo.

Sau đó Đức Đạt bị giặc Tây ám hại. “Văn Hoằng cả kinh, bèn đóng cửa không ra khỏi nhà, tham khảo rộng thêm các sách truyện ký của người Tây Dương, dọn lại sách này một lần nữa, rồi thuê người viết chữ, khắc bản gỗ đem in để lưu hành cho công chúng đọc. Sách in xong, các nhà hàng bày bán ở các phố chợ trong thành Thăng Long (Năm Gia Long thứ 11 -1812).  Giám mục đốc chính cả kinh, liền xuất 30 nén bạc để mua hết số sách đã in ra và mua luôn cả bản khắc gỗ đem về tòa Tổng giám mục tiêu hủy. Văn Hoằng căm giận, giấu kín trong nhà một bản sao để dành cho hậu thế”. Đến nay sách ấy mới được phát hiện ra.

Qua những tường thuật trên, các tác giả không cho biết cuốn Gia Tô bí pháp nói những gì, nhưng sau khi xem cuốn sách này, họ nghĩ rằng: “Xem ra thì từ lâu người Tây Dương chỉ mượn danh chúa Jêsu để đi cướp nước người”, vì thế họ viết sách để thức tỉnh người đương thời và các đời sau về những gì họ phát hiện được:

 Trong sách của chúng tôi cũng có những điều khác biệt này khác, mong quý vị lượng thứ những chỗ sai trái, lựa chọn lấy những chỗ nghe được để đặt thành phép của ta, nắm lấy thực chất sự việc để trừ diệt giặc Tây, khiến cho non sông nước Nam thì vua nước Nam ở, xã tắc vững âu vàng, muôn đời được nhờ cậy. Đó là ý nguyện thành thực canh cánh bên lòng của bốn người quê mùa chúng tôi vậy. Nay làm tựa.”

GIÁ TRỊ THỰC CỦA TÂY DƯƠNG GIA TÔ BÍ LỤC LÀ GÌ?

1.Tây Dương Gia Tô bí lục xuyên tạc, báng bổ KiTô giáo với mục đích chính trị.

            Các tác giả cho biết: “Từ Q. I đến Q. IV chủ yếu dựa vào sách Thực lục và Bí lục”, “tức là sách do môn đồ của Jêsu ghi lại những điều tai nghe mắt thấy”. Lời giới thiệu này chỉ ra “nguồn” các tác giả sử dụng để viết  Tây Dương Gia Tô bí lục là cácsách Tân Ước của Matthêu, Luca. Mac cô và Gioan, sách Tông đồ Công vụ, các thư từ của các tông đồ gửi các giáo đoàn…

            Xin đọc một đoạn Tây Dương Gia Tô bí lục viết về Đức Giê su và đối chiếu với các sách “Thực lục và Bí lục” tức là Kinh thánh mà họ đã tham chiếu để viết.

“Jêsu đi đến đâu cũng leo lên giường cao ngồi chễm chệ, dẫu đối với ông già bà cả cũng chỉ xấc xược gọi bằng ngươi, bằng mày, không có tí gì khiêm tốn, vì vậy mọi người đều ghét. Chỉ có những kẻ ngu khờ nghèo khổ hàm ơn mới kính nể tin lời, chịu chứa chấp che chở, nhờ vậy Jêsu mới được dung thân.

 Môn đồ của Jêsu là bọn Phêrô, Jiuđa thường kín đáo khuyên can Jêsu hãy nên nhũn nhặn hơn để lấy lòng dân, nhưng bị Jêsu mắng rằng: “Bọn các ngươi làm sao hiểu được ý ta! Nếu thân ta chịu khuất thì đạo ta làm sao có thể vươn ra được? Không làm cho tôn nghiêm thì đạo không tôn lên được, người ta chẳng ai theo”. Jiuđa nói: “Chỉ sợ xảy chuyện không hay, điếm luỵ đến tôn danh”. Jêsu nói: “Việc gì mà phải luỵ? Ngày sau ta sẽ có diệu kế khiến cho mọi người phải chịu luỵ với ta!”. Jiuđa nói: “Thầy có phép diệu thì tốt được cho một mình thầy, còn hàng vạn môn đồ thì làm sao mà tốt được? Vả lại, nói như thầy thì chẳng hoá ra cả nước này đều ngu dốt cả sao?”.

 Jêsu gạt đi mà nói rằng: “Như thế là ngươi cũng không tin đạo ta rồi”. Từ đó Jiuđa âm thầm nảy sinh ý định phản bội Jêsu

            Những ai đã đọc Tân Ước đều thầy rõ chẳng có cuốn Tân Ước nào miêu tả những điều như thế, không một Tân ước nào ghi những lời nói của Đức Giêsu và các môn đồ như thế. Như vậy, các tác giả chỉ dựa vào cái khung truyện trong Tân Ước rồi bịa đặt ra những chuyện về Đức Giê su, thực hiện mục đích chính trị là xuyên tạc báng bổ Đức Giêsu, lật đổ chân lý đức tin mà Đức Giêsu rao truyền. 

            Xin đọc một đoạn miêu tả cuộc chịu nạn của Đức Giêsu:

            “Dân chúng xa gần lâu nay nghiến răng căm ghét Jêsu tận xương, bấy giờ cùng nhau kéo đến nhà giám ti đồng thanh thưa rằng: “Các quan binh đã được thỏa chí, vậy cũng xin cho dân chúng tôi được hả lòng!” Viên giám ti căn dặn rằng: “Làm cho hắn biết nhục thì được, chứ không được đánh nữa”. Đám đông đồng thanh dạ ran hứa hẹn rồi lui ra; kéo đến chỗ Jêsu đang ngồi. Bọn họ lần lượt thuật các phép đạo của Jêsu bêu riếu, xách đến trước mặt Jêsu một vò nước tiểu mà bảo rằng: “Nước phép của mi đây! Nước phép của mi đây! Hãy uống cho hết nước phép của mi đi!”. Nói đoạn bọn họ đổ nước tiểu vào mồm vào mặt Jêsu. Toàn thân Jêsu ướt dầm, buốt xót đau đớn. Có người bưng cứt đến, nói rằng: “Nay phải cho mi được ăn bánh phép!” Nói đoạn nhét phân vào mồm Jêsu. Lại có người xúc cứt đổ hết trên đầu Jêsu mà nói: “Để ta làm phép Côngfirmaxông cho mi”. Dân chúng đứng xem reo cười khoái trá. Hết người này đến người khác đọc các câu niệm phép của Jêsu, có điều là vừa đọc vừa chêm vào những câu khôi hài. Có người nói: “Phép Matrimôninô đây lạ lắm! Lạ lắm! Xưa nay chưa có ai biết cách dạy nam nữ động phòng như mi!” [64] Có người cười nói: “Dạy chuyện trong chốn buồng the, biết đâu hắn ta lại chẳng làm trước chuyện ấy?” Thế là đám đông xúm lại vả vào mặt Jêsu, nghiến răng mà đánh đập.

            Lại nữa, thường ngày Jêsu vẫn khuyên răn người ta không nên dâm dục, bảo bộ phận sinh dục của người ta là cái cục tội. Đến bây giờ có người hỏi Jêsu: “Sao mi không cắt hẳn cái “cục tội” của mi đi?” Lại mắng rằng: “Không có cái “cục tội” ấy thì làm gì mà có mi? Biết đâu cái ấy lại chẳng phải là “cục phúc” của mi?” Lại một người khác nói: “Nay ta hỏi mi: nếu bảo cái ấy là “cục tội” thì trời sinh nó làm chi?” Có người phú hào ở thị trấn giả cách an ủi Jêsu mà nói rằng: “Thật tội nghiệp, tội của người thì mi giải cho, đến tội của mi thì chẳng có ai chịu giải. Nay nếu mi bảo được hai đứa gái trinh bên dân đạo chịu về với ta thì ta sẽ giải tội cho mi”. [Quyển III]

            Bạn đọc chẳng cần phải bình luận, vì đoạn văn đã lột mặt nạ sự xuyên tạc vô văn hóa của các tác giả, đồng thời chỉ rõ sự bỉ ổi đốn mạt về nhân cách của hạng người cầm bút này.

Vậy gọi sự đốn mạt, bỉ ổi vô văn hóa này là giá trị gì của tác phẩm?

Khi giới thiệu cuốn sách này, ông Ngô Đức Thọ đã cố tình bỏ qua nội dung, cách viết và mục đích của cuốn sách này (tất cả đều được viết như đoạn tôi vừa trích ở trên). Là chuyện bịa đặt, sao Tây Dương Gia Tô bí lục có thể là “tài liệu tham khảo có giá trị đối với công tác nghiên cứu lịch sử, nhất là lịch sử tư tưởng Việt Nam”?

2. Người viết Tây Dương Gia Tô bí lục tỏ ra không biết gì về KiTô giáo

            Bản dịch ghi rõ tác giả là 4 “Giám mục” Việt Nam. Hai ông Phạm Văn Ất và Nguyễn Đình Bính sang Tây Dương gặp Giáo hoàng và được đón tiếp nồng hậu, lại còn được chia sẻ những “bí mật” của đạo, để khi về Việt Nam, các ông nhớ lại và ghi thành cuốn sách Gia Tô bí pháp. Cả 4 “Giám mục” này đều bỏ đạo. Hai ông Phạm Văn Ất và Nguyễn Đình Bính về quê sống đời dân dã tuổi già.

            Ai cũng biết việc đào tạo một Linh mục là rất nghiêm nhặt trong nhiều năm. Linh mục được học rất kỹ về Kinh thánh, về Thần học, về giáo luật, về tu đức; được thử thách rất khổ công về đức tin trong nhiều hoàn cảnh và được huấn luyện rất kỹ về hoạt động truyền giáo. Linh mục là hiện thân của Đức Giêsu ngay trong cuộc sống này. Linh mục là người từ bỏ mình mà vác thánh giá theo Chúa (Mt 16, 24). Linh mục xác tín điều này: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18, 36). Và ý thức rõ thân phận mình: “Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.” (Lc 10,3). Và vì thế, có thể hiểu vì sao thời kỳ bách đạo từ Quang Trung đến Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đã có rất nhiều Linh mục, Giám mục bị giết hại vì kiên trung giữ Đức Tin. Giám mục là người có sự hiểu biết sâu rộng hơn, đức độ hơn, khôn ngoan hơn, can trường hơn.

            Vì thế việc bỏ đạo của hai Giám mục Phạm Văn Ất và Nguyễn Đình Bính, và sau đó là Văn Hoằng và Tấn Đạt là rất khó xảy ra. Bởi vì, nếu hai người chỉ coi tấm bản đồ Việt Nam của Giáo hoàng, và được xem sách Gia Tô bí pháp thì chưa đủ động lực bỏ đạo. Bỏ đạo là từ bỏ Đức Tin đã được giáo dục rất sâu xa ngay từ nhỏ. Bỏ đạo là đạp lên lời thề khi đón nhận chức Linh mục; và khi trở về đời sống thế tục, họ sẽ phải sống trong mặc cảm kẻ phản bội như Giuda và bị giáo dân rất xem thường..

            Là Giám mục, khi nói hay viết lại Lời Chúa trong Kinh thánh, luật buộc các ngài phải trích dẫn nguyên văn, chính xác và ghi rõ nguồn (trích ở sách Kinh thánh nào, đoạn mấy, câu mấy). Không thể có việc kể lại chuyện Kinh Thánh mà tự mình gán cho nhân vật Kinh thánh những lời do mình bịa ra. Cần phải hiểu các Giám mục là những người trí thức, hiểu rõ những chuẩn mực viết sách. Có lẽ tác giả là một người ngoại đạo, không hiểu phép đạo, không hiểu những nguyên tắc trí thức khi viết sách, càng không hiểu Kinh thánh là “Lời Chúa”, “Lời hằng sống”, là “Chân lý”, nên mới bịa đặt ra như vậy.

 Điều làm lộ rõ sự không hiểu biết của các tác già là cuốn “Gia Tô bí pháp”. Căn cứ vào tên cuốn sách thì đó là sách ghi “các phép bí tích của đạo Gia Tô”. Chữ “bí” là “Bí tích”, “Pháp” là phương pháp thực hiện hay cách làm. “bí pháp” không phải là sách “bí mật” giáo hội che giấu âm mưu xâm lược. KiTô giáo có 7 Bí tích là: Bí tích Rửa Tội. Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thêm Sức. Bí tích Hoà Giải. Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Bí tích Truyền Chức Thánh. Bí tích Hôn Phối.

Sự thiếu hiểu biết này cùng với những bịa đặt (đã nêu) chỉ ra Tây Dương Gia Tô bí lục là sách giả, sách nhảm nhí bậy bạ, không phải là sách theo những chuẩn mực của thánh hiền (Văn chương cổ được viết theo ý thức “văn dĩ tải đạo”)

            Tôi ngờ rằng tác giả là một người ghét “tả đạo”, biết lõm bõm một vài điều về KiTô giáo, quan sát được một vài lần các Linh mục cử hành thánh lễ, lại sẵn “tà tâm” chính trị nên bịa ra câu chuyện, với các nhân vật, tình tiết, lời nói sai lạc như vậy. Nếu là một nhà Nho uyên bác, có đạo đức, “thành ý, chính tâm”(sách Đại Học), thì không bao giờ vi phạm những chuẩn mực của người cầm bút như tác giả Tây Dương Gia Tô bí lục.

            Gọi là biết lõm bõm vài điều sai lạc về KiTô giáo vì tác giả không phân biệt được bản chất hướng thiện của tôn giáo, không phân biệt được chính-tà, chỉ lặp lại một luận điệu tuyên truyền rằng, các giáo sĩ nước ngoài là gián điệp, người theo Ki Tô giáo là những kẻ theo “tả đạo”, theo Tây bán nước.

Rất rõ ràng là các giáo sĩ đã đến Việt Nam từ năm 1533 nhưng mãi đến 1858 Pháp mới nổ súng tấn công Đà Nẵng, tức là hơn 300 năm sau. Chẳng lẽ có người làm gián điệp đến hơn 300 năm? Cũng rất rõ ràng là, hai nước Cambuchia và Lào đều là nước Phật giáo, họ cũng bị Pháp xâm lược, vậy phải giải thích thế nào? Các nước đế quốc đi xâm lược là xu thế của thời bấy giờ. Ấn Độ trở thành thuộc địa Anh (1850). Indonesia phải sống 3 thế kỷ dưới ách thống trị của thực dân Hà Lan. Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha là những đế quốc có thuộc địa trải rộng. Việt Nam phải ký hiệp ước 1884 nhận chịu sự bảo hộ của Pháp vì vua tôi nhà Nguyễn yếu kém cả chính trị, ngoại giao, quân sự, để mất nước. Lẽ nào vì các giáo sĩ truyền giáo mà Việt Nam bị Pháp xâm lược! Ngay cả Giám mục Bá Đa Lộc là người có công với vua Gia Long cũng không gây được ảnh hưởng gì với nhà Nguyễn. Cho nên cái gọi là “lòng yêu nước của tác giả cuốn sách này” chỉ là một mặt nạ văn học. Và có lẽ cuốn sách này do người đời sau viết, đặc biệt là việc hô khẩu hiệu chính trị. Khẩu hiệu ấy ghi rõ trong lời kết của ông Ngô Đức Thọ: “qua đó chúng ta tìm hiểu được cách suy nghĩ của đông đảo người nước ta trước đây trước vấn đề Thiên Chúa giáo.

3. Về “nghệ thuật văn chương” của Tây Dương Gia Tô bí lục

            Có một chiến lược tấn công để “lật đổ” KiTô giáo trong cuốn sách. Cuốn sách không chỉ tuyên truyền luận đề các giáo sĩ Ki Tô giáo cam tâm theo giặc bán nước mà còn muốn “lật đổ” cả KiTô giáo ở Việt Nam, bằng cách nêu gương cả 4 “Giám mục” yêu nước mà bỏ đạo (Tất nhiên thời nào, ở đâu cũng có kẻ phản bội. Giuda là một minh chứng).

            Trước tiên các giả đứng trên lập trường Nho giáo gọi Ki Tô giáo là “Tả đạo”, gọi các giáo sĩ Tây Dương là giặc (Cách gọi này đã có từ thời Gia Long trong chỉ dụ 1804). Khi xem cuốn sách Gia Tô bí pháp của Nguyễn Đình Bính, hai ông Văn Hoằng và Đức Đạt kêu thốt lên: “Chính là giặc! Chính là giặc rồi! Đúng như người ta nói: không mưu đồ lợi lớn thì việc gì phải đánh đường sang đây! Bọn ta chìm vào đảng giặc đã lâu quá rồi!”.

            Chiến lược ấy bắt đầu bằng việc “lật đổ” Đức Giêsu và đạo thánh của Người (các Bí tích, cách nghi lễ thờ phụng, các giáo luật…) . Sau đó tấn công vào giáo hội của Giêsu là các Giáo hoàng, vào việc truyền giáo trên thế giới rồi đến các giáo sĩ ở Việt Nam.

Đức Giêsu được nhấn mạnh chỉ là một kẻ lừa bịp. Tác giả đem tất cả bút lực và tà tâm để tục hóa hình ảnh Giêsu dùng những lời bình thô tục mạt hạng để “hạ bệ” nhân vật Giêsu:

Đức Giêsu là Thiên Chúa giáng sinh bị gọi là: “con quỷ mới sinh làm người”. Lên 8 tuổi thì ”Jêsu bắt đầu lòe bịp lừa người. Về sau thì y làm nhiều sự việc kỳ dị không tài nào ghi chép xuể”. 18 tuổi Giê su đã thu phục 12 tông đồ. “Jêsu từ nhỏ đã là kẻ xấc xược, ngang ngạnh, nay có được chừng ấy môn đồ, lại càng càn rỡ chẳng coi ai ra gì, tự xưng là thầy cả”…

“Jêsu lại làm ra hai bổn kinh gọi là kinh Bởi trời và kinh Lạy cha, và làm ra chuỗi hạt gọi là chuỗi con niệm để cho những kẻ ngu dốt sử dụng khi làm lễ đọc kinh”; “Jêsu lại làm ra kinh Mười điều răn, bắt những kẻ ngu đần làm theo những lời răn ấy, lấy đó làm cái đích để tự xét tội lỗi của mình, ai phạm điều gì thì phải tự xưng ra, gọi là “cầu phép chúa Trời”…

“Jêsu muốn thay đổi hết phong tục trong nước khiến cho chỉ một mình được độc tôn, bèn nghĩ ra lắm phép bịp để lừa người. Khi có ai vặn hỏi, Jêsu đều khéo miệng trả lời biến báo để xoa lấp sự dối trá”…

 “Trước hết Jêsu thử làm phép nước thánh: múc một bình nước trong, đổ muối vào, đem cất kín chừng 10 ngày rồi lấy ra bày lên bàn thờ chúa Trời. Khi làm lễ, Jêsu áp miệng vào bình lẩm nhẩm đọc lời cầu khấn, xin chúa Trời ban phép cho để bình nước này diệt trừ ma quỷ. Xong đó, Jêsu bảo mọi người rằng: “Phàm những ai bị tà ma ám ảnh hoặc gặp tai nạn hoả hoạn, lấy nước bình thánh này rảy vào thì đều qua khỏi cả”. Có người hỏi: “Nước gì mà hay như thế?”. Jêsu đáp: “Đó là nhờ phép thần thông biến hoá, ví như trời mưa thì không đâu không khắp”. Phép nước thánh bắt đầu như vậy”…

“Người ta lại hỏi rằng nói Ađam nuốt quả cấm là căn cứ vào sách nào? Jêsu đáp: “Cứ xem ngay ở cổ họng đàn ông có cục xương trồi ra, mà ở đàn bà thì không có”. “Jêsu khéo viện dẫn những chứng cớ như thế, cho nên những kẻ ngu khờ lại càng thêm tin”…

“Lại qua năm sau nữa, thấy người ta đã tin phép rửa tội, Jêsu lại đặt ra phép giải tội, lừa phỉnh dân chúng” …

  “Qua năm sau, thấy người ta đã tin phép xưng tội, giải tội, nhưng vẫn lo còn có kẻ nghi ngờ. Phải nghĩ cách trấn áp tâm trí họ. Jêsu bèn đặt ra phép “rượu thánh, bánh thánh”. Rượu thì lấy quả nho ép ra nước, đựng vào chén thuỷ tinh gọi là chén “calixa” có chân đế cao 1 thước. Bánh thánh thì làm bằng bột mì, hình dáng như chiếc bánh bẻ [10] . Thứ bột thật trắng và mịn, bỏ vào lò sấy khô, khi ăn vào miệng là tan ngay. Lấy kéo cắt vài miếng tròn như miệng chén, còn mấy chục miếng khác thì nhỏ vừa bằng đồng tiền, bỏ cả vào một chiếc chén bạc. Khi làm lễ, Jêsu tay nâng chén rượu ngẩng mặt lên trời khấn nhẩm, rồi cầm lấy chén bánh hai tay ốp sát thành chén, cúi đầu áp miệng mà khấn nhẩm. Khấn xong, trước hết Jêsu giơ chén “rượu thánh” lên trước bàn thờ chúa Trời. Môn đồ lắc chuông tay làm hiệu cho mọi người quỳ lạy. Jêsu giơ lên hạ xuống mấy lần rồi ngửa cổ uống hết chén rượu. Sau đó Jêsu dùng ngón cái và ngón trỏ nhón chiếc bánh tròn to nhất giơ lên, môn đồ lại nhắc chuông ra hiệu cho mọi người quỳ lạy như trước. Bốn, năm thiếu nữ được chọn đứng dưới bàn thờ ngân giọng hát rằng: “Con kính lạy mình thánh chúa Trời”. Ngâm hát như thế ba lần [11] . Jêsu ngẩng đầu bẻ bánh mà nuốt, xong lại đứng ngay ngắn. Một lát sau Jêsu cầm chiếc bánh giơ lên, nghi lễ cũng như trước. Rồi đó Jêsu bảo những người xưng tội bước lên quỳ một hàng ngang, hai môn đồ giăng một tấm vải trắng ra phía trước, mọi người giơ tay đỡ, còn hai đầu thì do hai môn đồ đứng cầm. Bấy giờ Jêsu đi bỏ bánh vào miệng cho từng người, bảo phải nuốt trửng không được nhai. Ai nhai bánh là phạm tội phải đày xuống địa ngục. Giải quyết bảo mọi người rằng: “Bánh thánh đã vào lòng dạ các ngươi, từ nay lòng dạ các ngươi được sáng láng” [12] . Tiếp đó lại ra hiệu cho các thiếu nữ đọc rằng: “Lạy ơn Đức chúa Trời cao cả từ nay đã soi tỏ ngôi nhà linh hồn con”. Lễ xong, Jêsu lại bước lên bệ đứng chính vị. Những kẻ ngu khờ thấy thế lại càng tin là mình đã được miễn tội. Phép “rượu thánh, bánh thánh” bắt đầu có từ đó”…

 …Được một năm, thấy người ta đã tin phép xức dầu thánh cho người ốm, Jêsu lại đặt thêm phép chuộc tội”…

           “Jêsu gọi những người phạm tội phải liếm đất tới, không phân biệt đàn ông đàn bà, đuổi hết những người xung quanh rồi hỏi từng người: “Việc liếm đất thế nào rồi?” Ai nấy đều trả lời: “Đã liếm rồi”, Jêsu mừng thầm, cười mà bảo riêng với các môn đồ rằng: “Bảo liếm đất mà bọn họ cũng làm thì chẳng còn việc gì mà họ không theo”…[2]

            Tất cả các chương kể về Giêsu đều viết như thế. Mục đích nhấn mạnh rằng Giêsu chỉ là kẻ lừa gạt. Đạo Giêsu là đạo lừa gạt “những kẻ ngu dốt”. Hội thánh (các Giáo hoàng, các vua Tây dương) dùng mọi thủ đoạn, từ dùng tiền mua chuộc đến đem quân đánh chiếm) để truyền giáo, để xâm lược: “Hiểm ác thay tên vua quỷ Tây Dương! Lại thêm yêu tà Jêsu! Bọn chúng muốn phen này nuốt trửng nước ta!

            Chỉ tiếc là “chiến lược” (mưu lược viết lách) ấy không lừa được ai, bởi vì những người có Đức Tin, những người hiểu biết, những người “thành ý chính tâm” đều đọc được cái “tâm bất chính” ẩn dưới những câu chuyện bịa đặt ấy.

            Đã là “chiến lược” bịa đặt thì việc dựng lên những năm tháng lịch sử, trưng ra vài sự kiện lịch sử (Chiến tranh nha phiến ở Trung quốc), miêu tả sinh động, dung hợp nhiều kiểu bút pháp (kể chuyện dân gian, kể chuyện lịch sử…) chỉ là sự “thâu góp” các sách tham khảo nhằm đánh tráo sự thật và đánh lừa người đọc. Chuyện bịa trở thành truyện thực. Sự đánh tráo này hiệu quả đến nỗi dịch giả Ngô Đức Thọ lầm tưởng Tây Dương Gia Tô bí lụctài liệu tham khảo có giá trị đối với công tác nghiên cứu lịch sử, nhất là lịch sử tư tưởng Việt Nam”.

Các tác giả tỏ ra không hiểu biết gì đặc trưng thể loại, về bút pháp, về cấu trúc của một tác phẩm văn học, nên mới “thâu góp” tất cả vào “bí lục”. Thí dụ, nếu là thể loại truyện thì cấu trúc tác phẩm phải thống nhất thời gian, không gian; các nhân vật vận động theo quy luật hiện thực mà ta quen gọi là số phận. Góc trần thuật, cách kể là của một người (tác giả). Thử hỏi trong “Tây Dương Gia tô bí lục” ai là nhân vật chính. Đức Giê su hay các ông Phạm Văn Ất, Nguyễn Đình Bính, Văn Hoằng hay Đức Đạt? Không gian, thời gian trong truyện là thời Đức Giêsu hay thời nhà Thanh hay thời Gia Long? Về bút pháp, truyện được kiến tạo vằng cách dựng lại sự việc như đang xảy ra trong hiện tại. Sao lại có những chương viết riêng như chép sử…Nói như thế để xác lập rằng, tác giả chẳng “có phong cách nghệ thuật độc đáo”gì, không có ý thức sáng tạo. Họ chỉ “thâu tóm” các sách tham khảo một cách vô thức.

Có lẽ ông Ngô Đức Thọ cũng không biết gì về Ki Tô giáo nên mới tin những gì Tây Dương Gia Tô bí lục viết là thật, là “tư liệu có giá trị”. Nếu ông “thành ý, chính tâm”, xin hãy đọc lại 4 Kinh thánh Tân Ước của Matthêu, Luca, Mac cô và Gioan, cùng với sách Tông đồ công vụ rồi so sách với những gì được kể trong Tây dương Gia Tô bí lục, thì ông sẽ “ngộ” ra nhiều điều. Chuyện yêu nước chống Pháp không phải là độc quyền của các tác giả cuốn sách mà ông ca ngợi. Lm Đặng Đức Tuấn (1806-1874), Nguyễn Trường Tộ (1830-1871), Quận công Nguyễn Hữu Bài (1863-1935) không là những người Công giáo yêu nước đó sao!

KẾT

            Theo tôi, Tây Dương Gia Tô bí lục chỉ là một cuốn sách nhảm nhí, hết sức suy đồi (loại ngụy thư). Bậc thức giả chỉ đọc vài trang là vứt vào giỏ rác. Vì toàn bộ nội dung viết về Ki Tô giáo đều là bịa đặt, cố ý làm sai lạc. Người viết có cái tâm bất chính. Ngôn ngữ và nội dung bịa đặt của cuốn sách soi rõ khuôn mặt người viết, đó là một nhân cách mạt hạng. Cuốn sách được viết để thực hiện một “chiến lược chính trị” chống Ki Tô giáo. Bản văn chúng ta hiện có không biết có phải là bản văn duy nhất mà Văn Hoằng giấu được (năm 1812) hay không. Việc Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành, với dòng ghi “Lưu hành nội bộ” là một khẳng định nghi vấn về sự chân thực của văn bản.

Khi một cuốn sách còn có quá nhiều nghi vấn về tác giả, nội dung, văn bản thì không thể phổ biến rộng rãi. “Lưu hành nội bộ” hàm nghĩa như vậy. Những lời giới thiệu của Ngô Đức Thọ trở thành những lời lừa dối. Nó làm lộ ra cái “tà tâm” của các tác giả Tây Dương Gia Tô bí lục và cái “thâm ý” của người giới thiệu thêm một lần nữa.

Tháng 10 năm 2021

______________

[1] Tây Dương Gia tô bí lục bản điện tử do Talawas thực hiện:

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10340&rb=08

[2] Tôi trích hơi dài để bạn đọc không có điều kiện tiếp cận toàn vẹn tác phẩm Tây Dương Gia Tô bí lục có thể hiểu được một cách trung thực về những gi các tác giả Tây Dương Gia Tô bí lục đã viết (Bùi Công Thuấn).