VĂN HỌC CÔNG GIÁO-GIÁO PHẬN QUY NHƠN

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUÂN THEO LINK:

buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

Giới thiệu văn học Công giáo đương đại

VĂN HỌC CÔNG GIÁO-GP QUY NHƠN

Bùi Công Thuấn

***

Quy Nhơn-Bình Định là một vùng văn hóa-văn học nổi tiếng. Nơi đây có những Tháp Chăm (tám cụm, 14 tháp) cổ kính và nhiều di tích lịch sử – văn hóa. 

Tiểu chủng viện Làng Sông và nhà in Nước Mặn được coi là một trong những cái nôi của chữ Quốc ngữ. Nhiều tác phẩm còn được lưu trữ tại đây như: Tuồng thương khó (Lê Văn Đức. 1926), Tán Mỹ khúc ca (1923) và Tuồng bảy mối tội (1933) của Hồ Ngọc Cẩn; tiểu thuyết Hai chị em lưu lạc (1927) của Lục Pièrre; Người yêu (1931) của Nguyễn Sảng Đình…

Bình Định-Quy Nhơn cũng là nơi ra đời của trường thơ Loạn (1937-1946). Tại ngôi nhà số 20 Khải ĐịnhQuy Nhơn, Hàn Mặc Tử  đã khởi xướng nhóm thơ này. Trường thơ Loạn gồm 4 nhà thơ nổi tiếng đương thời: Quách Tấn, Chế Lan Viên, Bích Khê, Hàn Mạc Tử. Riêng Hàn Mạc Tử, từ năm tháng 7/1926 đã vào sống và làm việc ở Quy Nhơn cho đến khi ông qua đời ở trại phong Quy Hòa [1]. Hàn Mạc Tử đã để lại dấu ấn đặc biệt nơi miền đất này.

CÁC HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ VĂN HÓA CỦA GP QUY NHƠN

Các hoạt động Mục vụ văn học Công giáo của Ban Văn hóa Quy nhơn được sự quan tâm đặc biệt của Đức cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, Tiến sĩ (Roma), Giám mục giáo phận Quy Nhơn, Chủ tịch Ủy ban Nghệ thuật Thánh của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Người đã có những chỉ dẫn khôn ngoan về Mục vụ văn hóa của giáo phận. Chẳng hạn, Ngài quyết định cho thành lập “Tủ Sách Nước Mặn” để ấn hành sách vở Công giáo trong giáo phận, và chấp thuận để Ban Văn hóa Giáo phận đứng ra tổ chức các cuộc thi văn học (thơ, truyện ngắn từ 2007 đến 2018) nhằm cổ vũ việc rèn luyện tiếng Việt…

Các Linh mục Lm Jos Trương Đình Hiền (Tổng đại diện), Lm Gioan Phêrô Võ Tá Khánh (nhà thơ Trăng Thập Tự) nguyên Trưởng Ban Văn hóa và Lm Gioakim Nguyễn Đức Quang, Trưởng Ban Văn hóa là những linh mục giàu tài năng và tâm huyết, nhiệt thành trong hoạt động Mục vụ văn hóa. Hoạt động văn hóa, văn học mở rộng theo 4 chiều kích: Chiều kích tâm linh, chiều kích thời gian, chiều kích không gian, và chiều kích dân tộc.

Chiều kích tâm linh là, mọi hoạt động văn hóa, văn học đều hướng đến mục đích loan báo Tin Mừng theo bước tiền nhân. Các lớp linh thao được mở ra cho các tác giả tham gia cuộc thi văn học để mọi thành viên đều hiệp nhất một tinh thần dấn thân và một thái độ phục vụ.

Chiều kích thời gian thể hiện ở việc tiếp tục nghiên cứu lịch sử văn học Công giáo mà các nhà nghiên cứu Võ Long Tê, Phạm Đình Khiêm, GS Lm Thanh Lãng, GS Nguyễn Văn Trung, nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng…đã đặt nền; khẳng định nền văn học Công giáo trong dòng chảy chung của lịch sử và thời đại (xin đọc các bài nghiên cứu của Lm Giuse Trương Đình Hiền, Lm Gioan Võ Đình Đệ, Lm Nguyễn Minh Chính, Nguyễn Vy Khanh, Ths Lê Thị Hà…) và tổ chức các hoạt động phát triển văn học: Thực hiện bộ sưu tầm “Có một vười thơ đạo” (công việc sưu tầm được thực hiện từ 1978 đến 2012) gồm 5 quyển, 2430 trang giới thiệu 183 tác giả từ Hàn Mạc Tử đến nay; in ấn cuốn Hướng đến 400 năm học Công giáo Việt Nam (sách sưu tầm các bài viết về lịch sử văn học Công giáo); triển khai chương trình hỗ trợ các tác giả in sách lần đầu…,

Chiều kích không gian là sự kết nối, quy tụ người cầm bút trong và ngoài Công giao khắp mọi miền, trong nước và hải ngoại, người sáng tác trẻ đến những nhà nghiên cứu có uy tín như PGS-TS Nguyễn Hữu sơn (Viện Văn học), TS Liễu Trương (Tiến sĩ Văn học đối chiếu, Đại học Paris III, Sorbonne Nouvelle), nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Vy Khanh ở Canada, Ts Lm Nguyễn Đức Thông, Ths Lê Thị Hà (Viện Hán Nôm), Ts Lê Nhật Ký (ĐH Quy Nhơn), Nt Agata Nguyễn Thị Kim Tuyến (Huế), Nt Gió Biển-Đinh Thị Oanh CMR (Dòng Trinh Vương), Nguyễn Thị Thắm (ĐH Qui Nhơn) …

Chiều kích dân tộc, hoạt động văn hóa văn học hội nhập với văn hóa văn học dân tộc, với ý thức góp phần xây dựng một nền văn hóa, văn học Công giáo trong lòng văn hóa văn học dân tộc, hướng đến bình đẳng và bình thường hóa văn hóa văn học Công giáo trong mọi sinh hoạt cộng đồng, như các tôn giáo bạn (Phật, Nho, Lão), góp phần làm nên cốt cách dân tộc Việt. Chẳng hạn, hợp tác với Viện Văn học thực hiện chuyên san về Văn học Công giáo trên tạp chí Nghiên cứu văn học số  tháng 7/ 2020. Trước mắt là khát vọng về một giải Văn học Công giáo toàn quốc và một bộ Lịch sử văn học Công giáo được viết đầy đủ hơn, cập nhật thêm phần văn học Công giáo đương đại trong và ngoài nước…

Từ hướng nhìn như vậy, Ban Văn hóa giáo phận Quy Nhơn đã tổ chức nhiều hoạt động văn học sôi nổi, có chiều sâu và cả bề rộng (họp mặt, gặp gỡ, linh thao ở các vùng miền khác nhau khắp Trung , Nam, Bắc…) quy tụ được nhiều văn nhân thi sĩ, các nhà nghiên cứu văn học, từ khắp mọi miền quê hương.

Lm Trăng Thập Tự cho biết, từ 2007 đến 2011 tổ chức các cuộc thi thơ. Đó là cuộc thi Nhánh huệ nước trời (2010-2011) “quy tụ được155 tác giả tham dự, với 248 bài họa thơ Đường, 174 bài thuộc các thể thơ khác, 10 kịch bản và 91 tác phẩm truyện rất ngắn hoặc đoản văn”. Lễ trao giải được tổ chức ở 3 giáo tỉnh Sài Gòn, Huế, Hà Nội” [2. Thực hiện chương trình Tìm kiếm và Đào tạo tài năng trẻ: cuộc thi “Văn thơ Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn” đã được tổ chức trong 10 năm (từ năm 2009 đến 2018) giúp các bạn trẻ quan tâm trau dồi tiếng Việt.[3] thông qua các lần tập huấn và nội san Hoa Biển. Từ năm 2012 đến 2018, Tổ chức Giải Viết văn đường trường, tổ chức tọa đàm văn học, tổ chức họp mặt tác giả hàng năm hình thành Ngày Nhà văn Công giáo VN dịp lễ kính thánh Matthêu.

Đặc biệt tập trung vào việc in ấn, quảng bá văn học Công giáo: Thực hiện tờ báo Bông hồng nhỏ dành cho con trẻ, và tập san Mục Đồng dành cho người cầm bút trẻ; thực hiện các tuyển tập từng năm của Giải Viết văn đường trường, tiếp tục in ấn những tác phẩm cũ trong tủ sách Nước Mặn (thí dụ: Sấm truyền ca…) .

Tuy việc phát hành sách báo rất khó khăn, song những hoạt động ấy đã đặt những nền móng quan trọng cho việc phát triển văn học Công giáo, và quy tụ được người viết trẻ Công giáo, nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo và tạo điều kiện cần thiết cho các bước phát triển tiếp theo. Hiệu quả có thể nhận thấy rất rõ là đã hình thành được một đội ngũ người viết trẻ Công giáo đầy năng lực sáng tạo, hứa hẹn những mùa vàng trong tương lai.

Trên tập san Mục Đồng, chúng tôi ghi nhận sự hiện diện của các Lm Giuse Trương Đình Hiền, Lm Gioan Võ Đình Đệ, Lm Phaolô Nguyễn Minh Chính hiện là những nhà nghiên cứu văn học Công giáo rất uy tín; thơ của các nhà thơ Công giáo đương đại có cốt cách riêng là: Đức ông Xuân Ly Băng, Lm Trăng Thập Tự, Lm Sơn Ca Linh, Lm Cao Gia An, Lm Dzuy Sơn Tuyền, nhà thơ Trần Vạn Giã, nhà thơ Trần Mộng Tú, nhà thơ Mạc Tường,…

Ban Biên Tập Mục Đồng cũng là những nhà thơ nhà văn tài năng và giàu tâm huyết như Lm Nguyễn Đức Quang (Chủ biên), Lm Nguyễn Bá Định, Lm Cao Gia An, Lm Võ Tá Hoàng, các nhà thơ nhà văn: Thad Nguyễn Thanh Xuân, Mạc Tường, Trần Ngọc Hồ Trường, Lê Hồng Bảo, Dương Thành Thiêng, Nguyễn Ngọc Hoài Nam, Nt Đỗ Quyên, Nguyễn Thị Thắm.

Tôi đã đọc 168 tác giả thơ và 40 tác giả truyện ngắn trên tập san Mục Đồng. Tôi cũng ghi nhận được thêm nhiều tác giả trên trang của giáo phận Quy nhơn. Xin xem ghi chú về tác giả [4].

Đội ngũ trên là một tiềm năng văn học Công giáo thật phong phú mà Ban Văn hóa giáo phận Quy Nhơn đã quy tụ được, và đang nỗ lực đầu tư cho tương lai (tạo điều kiện gặp gỡ, giao lưu, khuyến khích sáng tác, quảng bá in ấn tác phẩm…).

Về kết quả Giải Viết văn đường trường. Lm Trăng Thập Tự, trưởng Ban Tổ chức giải cho biết: “Tổng kết 6 năm Giải Viết Văn Đường Trường, đã có 225 tác giả từ 24/26 giáo phận Việt Nam với tổng cộng 786 truyện ngắn dự thi. Sáu cuộc thi đã để lại cho đời 6 tuyển tập truyện ngắn Công giáo: Chuông chiều (2013, Giải nhất: Một Niềm Tin, Giuse Dương Duy Tân, Gp. Nha Trang), Nắng mùa đông (2014, không có Giải nhất, Giải nhì: Đôi Mắt Kitô, Têrêxa Đinh Thị Thu Hằng, Gp. Sài Gòn), Người gieo hạt (2015, Giải nhất: Via Dolorosa – Đường Còn Xa, Têrêxa Đinh Thị Thu Hằng, Gp. Sài Gòn), Điểm hẹn Giêsu (2016, không có Giải nhất, Giải nhì: Hoa Nở Giữa Đêm, Maria Madalena Đặng Hoàng Hương Giang, Gp. Kontum), Những đứa con của mẹ (2017, Giải nhất: Dòng Sông Chảy Về Đâu, Maria Nguyễn Thị Khánh Liên, Gp. Nha Trang) và Người vẽ hy vọng (2018, Giải nhất: Nụ Hôn Của Một Nữ Tu, Antôn Trần Văn Dũng, Gp. Vinh)”[5]

Trong các tác giả trên, nhiều tài năng trẻ hôm nay đã được khẳng định như các nhà văn Nguyễn Thị Khánh Liên, Lê Quang Trạng, Vinh Kiu. Một vài người bước đầu đã định vị được giá trị văn chương của mình như Anna Nguyễn Bích hạt, Anna Dương Thị Thái Chân, Gioakim Nguyễn Vũ Hồng Kha.

Những nhà nghiên cứu, phê bình văn học Công giáo trẻ cũng đã quy tụ về Quy Nhơn như Sr Agata Nguyễn Thị Kim Thuyến, Sr Anna Nguyễn Bích Hạt, Sr Maria Têrêsa Đinh Ngọc Oanh (Gió Biển)… Trong tương lai không xa những cây bút Công giáo trẻ hôm nay sẽ là lực lượng chính làm nên văn học Công giáo đương đại.

Bạn có thể download bản pdf theo link: https://www.mediafire.com/file/hddk4bd5qs9ijff/400+năm+Văn+học+Công+giáo+VN.pdf/file

NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CÔNG GIÁO

            Giáo phận Quy Nhơn có những nhà nghiên cứu văn học Công giáo rất uy tín trong giới học thuật. Đó là các Linh mục Giuse Trương Đình Hiền (Tổng đại diện ), Lm Gioan Võ Đình Đệ, Lm Phao lô Nguyễn Minh Chính.

Xin đọc: (tổng hợp chưa đầy đủ) [6]:

1. Tiếng nước tôi và “Lời vĩnh cửu”. Lm Giuse Trương Đình Hiền.

2. Định hướng văn học trong mục vụ truyền giáo thời đầu tại Việt Nam

               Lm Trương Đình Hiền.

3. Truyền thống văn học Công Giáo từ Anrê Phú Yên đến ngày nay.

    Lm. Giuse Trương Đình Hiền.
4. Không có “ông tổ duy nhất” của chữ Quốc Ngữ. 

    Nguyễn Thanh Quang & Lm. Gioan Võ Đình Đệ.

5. Vai trò các thừa sai dòng Tên trong việc sáng tạo chữ Quốc ngữ tại Nước Mặn,

    Bình Định.- Lm. Gioan Võ Đình Đệ.

6. Quyển sách giáo lý đầu tiên trong công cuộc truyền giáo tại Việt Nam.

    Lm. Gioan Võ Đình Đệ.

7. Thực hư có giáo sĩ Inêxu lén truyền giáo ở Đại Việt năm 1533.

    Lm. GioanVõ Đình Đệ

8. Chân Phước Anrê Phú Yên, một cuộc đời hoàn thành (1625-1644.)

     Lm. Gioan Võ Đình Đệ.

9. Nước Mặn, Cảng Thị và Trung tâm Truyền giáo-Lm Gioan Võ Đình Đệ.

10. Linh mục GioaKim Đặng Đức Tuấn (1806-1874)-Lm Gioan Võ Đình Đệ.

11. Một danh nhân văn hóa bị lãng quên cha Laurent Emmanuel Huỳnh Văn Lâu Linh

     mục Đàng Trong (1660-1732) Lm. Gioan Võ Đình Đệ.

12. Sách Nhà in Làng Sông và Qui Nhơn-Lm Phaolô Nguyễn Minh Chính.

13. Làng Sông – Nhà in và Thư viện  – Lm Phaolô Nguyễn Minh Chính.

     (Nguồn: Hướng đến 400 năm Văn học Công giáo. Tr. 538)

14. Truyền thống báo chí tại giáo phận Quy Nhơn.

     Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính.

     (Nguồn: Hướng đến 400 năm Văn học Công giáo. Tr. 538)

15. Thuật tích việc nước Nam cha Đặng Đức Tuấn nguồn chữ Nôm và lịch sử Việt Nam thế kỷ XIX . Lm Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ.
16. Nhà in Gia Hựu Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính.

17. Xuôi ngược thời gian. Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính biên tập.

            Nhìn chung các nhà nghiên cứu văn học Công giáo của giáo phận Quy Nhơn có ưu thế nghiên cứu về lịch sử chữ Quốc ngữ, lịch sử truyền giáo, đồng thời có quan tâm đến các nhân vật văn học như Lm Đặng Đức Tuấn, Lm Laurent Huỳnh Lâu, chân phước Anrê Phú Yên và những cơ sở có liên quan đến chữ Quốc Ngữ như nhà in Làng Sông, Nước Mặn ngay tại Quy Nhơn. Các bài nghiên cứu là những bài viết công phu, có tư liệu phong phú, kiến giải sâu sắc, mới mẻ,  đưa ra được những vấn đề cần quan tâm và những thông tin khả tín.

            Ước mong các nhà nghiên cứu văn học Công giáo ở Quy Nhơn có thêm nhiều bài về tác giả và tác phẩm văn học còn khuyết trong lịch sử văn học Công giáo. Chẳng hạn nghiên cứu về tác phẩm Công giáo hiện có ở Viện Hán Nôm, hoặc các tác phẩm trong tủ sách Nước Mặn (nhiều vở tuồng và tiểu thuyết đầu thế kỷ XX): như Sấm truyền (1915); Tuồng bảy mối tội của Hồ Ngọc Cẩn (1922); Tuồng thương khó của  J.B. Tòng (1923); Tuồng thương khócủa Lê Văn Đức (1926); Thánh giáo sấm ký diễn ca của P.Huê (1924); Hai chị em lưu lạc-Tiểu thuyết của Lục Pierre (1931). Ngọn đèn công Lý (Xã hội tiểu thuyết 1935) của Thanh Lam; hoặc các tác giả tác phẩm văn học Công giáo đương đại (tác phẩm của ĐGM Bùi Tuần, ĐGM Phanxicô Savie Nguyễn Văn Sang, ĐGM Đaminh Nguyễn Chu Trinh (tác giả Song Nguyễn)…

Thực ra, trong lĩnh vực nghiên cứu, chỉ cần nghiên cứu chuyên sâu một vấn đề, có những khám phá mới mẻ và bảo đảm tính chân lý của nghiên cứu khoa học là đủ giúp mở ra con đường cho những người đi sau. Được như vậy cũng là rất quý.

THƠ CÔNG GIÁO-GP QUY NHƠN

Trang thơ Công giáo Quy Nhơn có thơ các bậc thầy thi ca Công giáo như Đức ông Xuân Ly Băng, Lm Trăng Thập Tự, Lm Sơn Ca Linh, nhà thơ Lê Đình Bảng, nhà thơ Trần Mộng Tú. (Các tác giả này tôi đã có bài viết riêng) [7].

 Dù vậy, tôi  vẫn đọc được những bài thơ kể chuyện Kinh thánh thật đặc sắc, mới mẻ có sức gây ấn tượng mạnh của Lm Trăng Thập Tự (Trên bãi biển; Simon Kyrênê; Phiên tòa lịch sử), những bài thơ có tứ thơ lạ của Trần Mộng Tú (Rabbouni, Vườn Dầu năm xưa, Sợi chỉ), những bài thơ có khí chất ngang tàng của Lê Hồng Bảo (Giả vờ; Giang hồ), những bài suy nghiệm có chất hùng sử ca của Mạc Tường (Nước Mặn- Quy Nhơn Bi Hùng Sử), thơ suy tưởng Kinh thánh của Đaminh Thiên Sa (Gõ lên ba tiếng), những bài lục bát diễn ca đầy chất văn chương của Cát Đen (Đèn cô cháy sáng; Chiều về có Chúa cùng đi; Cây bút biết đi), những bài thơ giàu phẩm chất tư tưởng và nghệ thuật của Lm Cao Gia An (Tiếng quê; Cám ơn), thơ hiện thực với độ chân thực đáng ngạc nhiên của Xuân Vũ Trần Đình Ngọc (Morning John), Song Lam với nhiều bài thơ mang phong cách và ngôn ngữ thơ Hàn Mạc Tử (Ánh khiết, Thánh lễ đầu mùa, Sóng ngát, Trăng tỏa sương yêu, Đêm huyền thanh…), và nhiều bài thơ tình lục bát rất mới của Nhật Quang (Khúc ru chiều hè), Nguyễn Thị Hồng Nhi (Vọng), Thanh Chi (Lấy chồng “bên Đạo”), Lê Đình Tiến (Mai con về gặt lúa không), Đoàn Văn Sáng (Về quê)

Chúng tôi cũng ghi nhận thơ của các tác giả trong Câu lạc bộ ”Thi ca cầu nguyện” như: Sơn Ca Linh, Cao Huy Hoàng (với các bút danh: Ba Chuông, Hồ A Giang, Hương Nam, Gã Tuần Phiên, M. Sao Khuê…), Vũ Thủy, Từ Thanh Hà, Song Lam, Thế Kiên Dominic, Trầm Thiên Thu, Giang Tịnh…” với ước mơ Thi ca cầu nguyện trở thành một “Phòng Cầu Nguyện” nho nhỏ giữa cuộc đời của mỗi người trong nhóm” (Mặc Trầm Cung- Điểm lại một năm hoạt động của Câu lạc bộ Thi ca cầu nguyện 28/9/2012). Thơ của nhóm hướng về suy niệm Kinh thánh, từ đó thể hiện tâm tình cầu nguyện. Nhà thơ Lm. Dzuy Sơn Tuyền nói đến “Tâm tình chúc tụng, Tâm tình thờ lạy, Tâm tình cầu xin, Tâm tình chuyển cầu, Tâm tình cảm tạ, Tâm tình ngợi khen” trong thơ của nhóm.[8] Chẳng hạn, Sơn Ca Linh suy niệm Ga 3,14 (Ở hai đầu con rắn), Trầm Thiên Thu suy niệm Ga 3:30 (Phong cách Gioan); Mt 5:27-32 (Cách nhìn); Thế Kiên Dominic suy niệm Mc 4. 26-29 (Hạt giống nước trời)…

Tôi cũng ghi nhận những tiếng Thơ Trẻ của thơ Công giáo Quy Nhơn trong dòng chảy Thơ Trẻ Việt Nam đương đại [9]: Lê Vinh (Ăn cơm với cha), Nguyễn Hoài Ân (Mùa thu cuối), Nguyễn Hữu Phú (Ru). Nguyễn Vũ Hồng Kha (Bản phác thảo mùi hương). Phương Uy, (Biệt âm nỗi nhớ), Sông Hương, (Bài thơ viết trên cỏ). Trần Viết Dũng (Sinh nhật mùa đông),Vũ Lập Phương (Một ngày lại nhớ một ngày). Dương Thắng (Người đàn bà nhuộm tóc). Điều này khẳng định thơ Công giáo đã hội nhập kịp với các trào lưu thơ Việt Nam đương đại. Thơ Công giáo hôm nay không chỉ là lục bát, Song thất lục bát, thơ 5 chữ, thơ 7- 8 chữ, thơ tự do mà có thơ kể chuyện, thơ tư tưởng và Thơ Trẻ; không chỉ có “thi ca cầu nguyện”, Huấn ca, Diễn ca, mà còn có sử ca, thơ tình, thơ quê hương, gia đình…

Tôi cũng đã thấy nhiều khuôn mặt thơ có phẩm chất thi nhân có khả năng đi trên con đường dài sáng tạo như: Lê Gia Hoài (Vọng về tuổi thơ); Mai Đức Tây (Ông Phê rô ơi); Nam Nguyên (Đi tìm người ở đâu); Nguyễn An Bình (Áo mới);  Thiện Chân (Sông Cát ngày biệt lập). Trần Phong Vũ (Dấu chân trên cát); Trần Thanh Phương (Thơ thiếu nhi hay), Thiện Chân (Sông Cát – ngày biệt lập), Bùi Thị Liên (Tình thương và ơn gọi), Trần Bảo Xuyên. (Mùa chay, ta trở về, em nhé; Chuyện tình của mẹ tôi)

Cho phép tôi chia sẻ đôi điều với các bạn trẻ Công giáo làm thơ. Trước hết các bạn nên đọc thơ của những nhà thơ bậc thầy thi ca Công giáo đi trước như Xuân Ly Băng, Trăng Thập Tự, Sơn Ca Linh, Lê Đình Bảng, Trần Mộng Tú…để học về nghệ thuật thơ Công giáo và mở rộng tầm nhìn từ khai thác đề tài, cấu trúc, nội dung, sử dụng bút pháp, sáng tạo những tứ thơ mới và thể hiện tư tưởng-nghệ thuật mới.

Với thi ca, thì sự sáng tạo ngôn ngữ và khám phá những tứ thơ mới, cách nhìn mới, và cách thể hiện, quyết định phẩm chất thơ. Tránh làm thơ theo công thức, tức là nhắc lại những nội dung đã được học trong kinh bổn từ tấm bé, được nghe trong các bài giảng lễ ở nhà thờ nhiều chục năm, lặp lại những ngôn từ đã mòn vẹt từ ngàn năm trước, và đặc biệt là tránh những cái “giả” trong thơ (tâm tình giả, sám hối giả, cầu nguyện giả, giáo huấn giả…). Không gì khổ sở và khó chịu bằng đọc “thơ giả”.

Dù là viết nội dung gì, dù là thi ca cầu nguyện hay thi ca thế sự, cả thơ tình yêu, thì thơ phải là thơ. Một bài thơ phải có hồn thơ, có chất thơ, có cảm xúc thơ, có nhạc thơ, có tứ thơ mới, có tư tưởng và có cá tính sáng tạo riêng. Người làm thơ phải thành thạo thi pháp thơ. Thi pháp thơ Công giáo rất khác với thi pháp thơ Thiền. Thi pháp thơ Đường có đặc trưng khác với thi pháp ca dao…Thơ không phải văn xuôi bắt thành vần. Người làm thơ là người sáng tạo, không phải thợ chữ (ý của Nam Cao). Hãy tự hỏi, bài thơ tôi viết có điều gì mới về tư tưởng, nghệ thuật không? Hãy bỏ hết những gì là cũ, những gì người khác đã viết, những gì đọc lên cứ trôi tuột đi không đọng lại gì.

VĂN XUÔI GP QUY NHƠN

  Tôi không đề cập đến những truyện ngắn của giải Viết văn đường trường vì Ban tổ chức giải đã có những bài tổng kết, đánh giá [10].

            Tôi đọc 40 truyện ngắn trên tập san Mục Đồng và trên trang của giáo phận Quy Nhơn. Các nhà văn Công giáo hiện nay quan tâm đến điều gì?

            Nhiều tác giả kể những truyện tình lãng mạn trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, điều này dễ hiểu vì đa số là cây bút trẻ. Và điều đáng mừng là những truyện tình được kể là những lãng mạn thánh thiện khác xa với truyện tình thế tục. Các nhà văn thế tục khi viết truyện tình thường khai thác dục tính và tư tưởng hư vô rất đậm. Xin đọc Về cùng sắc nắng dã quỳ (Chung Thanh Huy); Người rung chuông trên biển (Khuê Việt Trường); Xuân về trong mắt nhau (Lê Công Phượng); Hoa Cỏ may (Thu Đình). Có cả tình yêu với Linh mục (Nắng hôm ấy màu hồng-Lưu Cẩm Vân); tình yêu của nữ tu (Có một chuyện tình-Anna Bích Hạt), tình yêu trở thành tình thù (Lời của trái tim-Lê Quang Trạng).

            Chủ đề thứ hai được quan tâm là những khó khăn của đời tu, của người sống đời dâng hiến (Đời dâng hiến-Nguyễn Văn Ninh); khó khăn của người tu xuất(Bù Nhìn rơm-Hải Miên), khó khăn truyền giáo (Cơn mưa ân tình –Nguyễn Ngọc Bích). Tuy các truyện chưa đặt được những vấn đề lớn về truyền giáo của giáo hội Việt Nam hôm nay, song những truyện ngắn nhỏ này đủ gieo vào lòng người đọc những trăn trở về  nhiệm vụ loan báo Tin Mừng mà mỗi người từ khi chịu phép rửa đã được nhận lãnh.

            Một vấn đề đang trở thành sự đe dọa rất lớn đến gia đình Công giáo là sự đổ vỡ hôn nhân gia đình. Các tác giả khám phá nhiều cảnh ngộ, nhiều nguyên nhân: Hoặc là do cảnh nghèo túng quá, hoặc là do chênh lệch vể “đẳng cấp”giàu nghèo bên nội bên ngoại; có trường hợp mẹ chồng cần cháu trai để nối dõi tông đường mà con dâu chỉ sinh con gái. Cũng có tình cảnh vợ chồng cách xa vì cuộc mưu sinh, hoặc tình cảnh vợ chồng khác đạo phát sinh mâu thuận…  Cái nhìn và cách giải quyết vấn đề của nhà văn Công giáo là đề cao tình yêu thương, sự thủy chung, thái độ ẩn nhẫn và lòng bao dung, từ đó hóa giả mâu thuẫn, cảm hóa con người giữ được gia đình, giữ được đức tin. Xin đọc: Chờ đợi yêu thương (Cóc Hoa), Gia đình của con (Xanh Nguyên), Tình yêu nở hoa (Đăng Trình), Giấc mơ gia đình (Thu Đình), Mẹ quê (Hương Văn),

            Có nhiều truyện hay viết về trẻ thơ và đặt lương tâm Công giáo trước những thách thức của thời đại. Trẻ em là nạn nhân của người lớn. Nhiều truyện miêu tả nỗi bất hạnh của trẻ em con nhà nghèo; những khát vọng của trẻ em người dân tộc. So với những đứa trẻ trong truyện của Thạch Lam (Hai đứa trẻ), những đứa con chị Dậu (Tắt Đèn-Ngô Tất Tố) hay bé Thu (Chiếc lược ngà-Nguyễn Quang Sáng) các tác giả hôm nay ghi nhận được hình ảnh những đứa trẻ đã rất khác. Cái tết của Nhi  (Nguyễn Thị Khánh Liên) là tình cảnh không khác gì cái Tý trong Tắt Đèn, song Mệ Huế, người mua cái Nhi, là một người có lòng nhân hậu. Nguyễn Ngọc Bích khám phá thấy những trẻ em người dân tộc tuy chất phác nhưng lại có lòng sùng kính Đức Mẹ đặc biệt (Cỗ tràng hạt bị đánh cắp). Trần Thị Vân Anh áy náy trước tình cảnh trẻ em vùng cao Tây Bắc khát chữ, khát đức tin, cần sự quan tâm của xã hội và giáo hội (Một thoáng vùng cao). Nhiều truyện viết về khát vọng tuổi thơ rất cảm động: Noel đầu tiên của cô bé ngoại đạo (Đoàn Thị Minh Hiệp), Một chốn bình yên (Dom. Phạm), Chị tôi (Lê Thị Xuyên), Nồi canh mướp (Trần Tiểu Thùy); Bầu trởi của những niềm vui (Lê Thị Minh Ngọc),

            Tình quê hương, tình bạn, tình người cũng là những chủ đề được viết rất xúc động. Xin đọc: Tôi là người Ki tô hữu (Võ Trịnh Như Quỳnh), Những lặng thầm nở hoa (Nguyễn Quang Nhân), Con là con của mẹ (Hạ Du), Góc tối cuộc đời (Hải Miên), Chờ xuân (Hải Miên), Cỏ ba lá (Triều Thu), Tết ở nơi xa (Trương Thị Thúy), Cô giáo về bản (Ý Thu), Ngược (Nguyễn Chí Ngoan), Bầu trởi của những niềm vui (Lê Thị Minh Ngọc), Bó hoa hồng trắng (Mai Thị Lành), Ngoại ơi (Trần Quang Lộc)

            Trong 40 truyện, tôi tâm đắc với những truyện sau đây:

1. Lời của trái tim-Lê Quang Trạng.

            2. Cái tết của Nhi-Nguyễn Thị Khánh Liên.

            3. Cỗ tràng hạt bị đánh cắp-Nguyễn Ngọc Bích.

            4. Tôi là người Kitô hữu-Võ Trịnh Như Quỳnh.

            5 .Ngược- Nguyễn Chí Ngoan.

6. Một thoáng vùng cao- Trần Thị Vân Anh.

7. Chờ xuân-Hải Miên.

8. Chị tôi-Lê Thị Xuyên.

9. Nắng hôm ấy màu hồng-Lưu Cẩm Vân.

10.Một chốn bình yên-Dom. Phạm.

Những truyện hay là những truyện có nội dung, chủ để giàu ý nghĩa tư tưởng, cấu trúc truyện chặt chẽ, hợp lý. Có nhiều tình huống kịch tính làm phát triển cốt truyện. Nhân vật được khắc họa đủ sức gây ấn tượng. Câu văn có chất văn chương (không phải văn chính luận, văn hành chính hay báo chí), và đặc biệt thể hiện được phẩm chất nhà văn. Đó là sự sáng tạo phong phú (không phải chỉ sao chép hiện thực mà tạo nên một hiện thực-thẩm mỹ mới) và một cốt cách, bản lĩnh riêng của người viết. Những truyện gây được xúc động là những truyện mà tấm lòng yêu thương con người thấm đẫm trên trang văn.

10 truyện ngắn trên ít nhiều đạt được những phẩm chất nghệ thuật ấy. Nói vậy để chia sẻ niềm vui chung rằng, nhà văn Công giáo đang hòa vào văn học dân tộc, và đạt được những phẩm chất nghệ thuật so với mặt bằng chung của văn học hôm nay.

PHÊ BÌNH VĂN HỌC CÔNG GIÁO QUY NHƠN

Giáo phận Quy Nhơn hiện nay có nhiều nhà nghiên cứu văn học Công giáo uy tín, song phê bình văn học Công giáo lại khá hiếm hoi. Thỉnh thoảng có bài giới thiệu sách, hoặc bài cảm nhận về thơ, nhưng chưa có những nhà phê bình văn học Công giáo chuyên nghiệp. Nói chuyên nghiệp tức là những nhà phê bình văn học được đào tạo chuyên ngành, thủ đắc được những phương pháp phê bình khoa học, có tầm kiến thức rộng về văn hóa và lịch sử, am tường Kinh thánh, hiểu sâu sắc tư tưởng Mỹ học Kitô giáoChủ nghĩa Nhân văn Kitô giáo [11]. Tất cả những phẩm chất ấy hòa trộn lại cùng với cá tính sáng tạo làm nên một ngói bút phê bình có cốt cách riêng, đủ sức khám phá những giá trị văn học Công giáo.

Những nhà phê bình như thế còn ở thì tương lai. 

Hiện tại, tôi đã đọc được một ít bài bình thơ của Bình Nhật Nguyên:

            Cảm nhận bài thơ “Con lo không kịp về tối nay!” của Sơn Ca Linh.

            Cảm nhận Gió quyện dáng thơ của Song Lam.

            Cảm nhận Sóng Ngát của Song Lam.

            Cảm nhận Đôi bạn của Song Lam.

            Bình Nhật Nguyên giới thiệu Hồn thơ Thiên linh Thiên Sa Hài Đồng Giêsu của Đình Chẩn

            Với bấy nhiêu bài, đủ để tôi đọc Bình Nhật Nguyên như đọc một cây bút phê bình văn học, và thực sự vui mừng vì đã có cây bút viết phê bình văn học Công giáo.

            Trước hết Bình Nhật Nguyên chịu đọc, chịu viết và viết say sưa, nhập tâm. Đó là hai phẩm chất đầu tiên phải có của người viết phê bình. Không đọc tác phẩm sao có thể phê bình. Đọc tác phẩm mà lòng nguội lạnh càng không thể viết thành lời.

            Tác phẩm là đứa con tinh thần của tác giả, muốn hiểu tác phẩm phải hiểu tác giả (phương pháp tiểu sử). Tác phẩm là một cấu trúc nghệ thuật, làm thế nào để khám phá cấu trúc ấy? (phương pháp Cấu trúc luận và Giải Cấu trúc). Tác phẩm là một sinh mệnh văn hóa lịch sử, nó phải được soi chiếu theo chiều đồng đại và lịch đại (phương pháp Văn hóa-Sử). Tác phẩm văn học là những ký hiệu chữ, người đọc chỉ có thể khám phá nghĩa khi giải mã ký hiệu (Ký hiệu học). Tác phẩm cũng là sự thăng hoa những ẩn ức của tâm hồn tác giả, nó phải được phẫu thuật bằng Phân Tâm học. Những tác phẩm của thời hôm nay, khi tác giả viết bằng cảm thức và  thủ pháp Hậu Hiện đại thì người đọc không thể đọc bằng phương pháp truyền thống…Nói thế để hiểu rằng, đọc hiểu tác phẩm không hề là việc đơn giản. Đã có rất nhiều người giải mã sai bài ca dao Thằng Bờm có cái quạt mo, dù đó là một bài ca dao rất giản dị, quen thuộc [12].

            Bình Nhật Nguyên đọc tác phẩm thế nào, sử dụng phương pháp phê bình gì để khám phá những giá trị tác phẩm? Xin đọc Bình Nhật Nguyên cảm nhận bài thơ “Con lo không kịp về tối nay!” của Sơn Ca Linh [13].

Phần dẫn nhập, Bình Nhật Nguyên không hề giới thiệu tác giả, bối cảnh lịch sử xã hội,

hoàn cảnh sáng tác (Phương pháp tiểu sử), nhưng lại giới thiệu “Tôi”: “mùa đông năm 1989, tôi nhận được quyết định của Sở Y Tế Đường Sắt lên đường sang Ba Lan”.

Đồng thời Bình Nhật Nguyên giới thiệu phương pháp đọc thơ của mình, đó là cách đọc hoàn toàn cảm tính, chủ quan. “…những câu thơ đã khiến cho trái tim tôi run lên ..”, “những câu thơ … khơi gợi trong tôi nỗi nhớ người mẹ đã tần tảo nuôi tôi khôn lớn”.

Nói cho đúng, qua bài viết, Bình Nhật Nguyên không phân tích thơ, không bình thơ, mà chỉ mượn thơ Sơn Ca Linh để phô trương “Cái Tôi”(Chuyến đi Balan năm 1989 chẳng hạn).

Tôi nghĩ, Bình Nhật Nguyên cần trang bị cho mình vốn lý luận văn học tối thiểu, thủ đắc cho được những phương pháp phê bình văn học khoa học, và học hỏi nhiều ở các nhà phê bình đi trước, chịu khó nghiền ngẫm khám phá. Có vậy, những bài phê bình văn học của Bình Nhật Nguyên mới đem đến giá trị  cho văn chương.

TẠM KẾT

            Tôi chưa kết luận được vì các tác giả còn đang sáng tác. Văn học Công giáo Quy Nhơn đang vươn về phía trước rất vững vàng và đầy nội lực. Tất cả các ngành văn học: Văn, Thơ, Nghiên cứu văn học, Phê bình văn học, tổ chức các hoạt động văn học, quy tụ đào tạo bồi dưỡng đội ngũ, biên soạn, in ấn tác phẩm đều đang vận động đầy hứa hẹn. Cái đích hướng đến cho mọi nỗ lực của Ban Văn hóa Quy Nhơn là kỷ niệm 400 năm văn học Công giáo Việt Nam. Tôi tin rằng, được sự quan tâm của Đức cha Matthêu, Giám mục giáo phận, Chủ tịch Ủy ban Nghệ thuật thánh của Hội đồng Giám mục Việt Nam; cùng với nỗ lực của các Linh mục giàu tài năng và tâm huyết như cha Giuse Tổng Đại diện, quý cha Gioan Phêrô nguyên Trưởng Ban văn hóa và cha Gioakim Trưởng Ban Văn hóa, các hoạt động văn hóa văn học Quy Nhơn rồi đây sẽ thu đạt được những mùa vàng bội thu. Giáo phận Quy Nhơn sẽ trở thành một trong nhiều cái nôi của văn học Công giáo đương đại. Xin tạ ơn Chúa và chúc mừng Giáo phận Quy Nhơn.

            Xuân Nhâm Dần-Tháng 1/ 2022

____________________________________

[1] https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=159929

[2]https://www.tonggiaophanhanoi.org/ban-duc-ket-cuoc-thi-nhanh-hue-nuoc-troi/

[3] https://www.vanthoconggiao.net/2018/07/tong-ket-hoi-trai-dang-duc-tuan-lan-ix-2018.html%5D

[4] (xem ở dưới)

[5] https://gpquinhon.org/q/van-hoa/ban-tin-tong-ket-giai-viet-van-duong-truong-2018-1363.html

[6] Đường link các bài viết nghiên cứu văn học Công giáo:

1.Lm Giuse Trương Đình Hiền –Tiếng nước tôi và “Lời vĩnh cửu”      

   http://conggiao.info/tieng-nuoc-toi-va-loi-vinh-cuu-d-65832

2.Lm Giuse Trương Đình Hiền-Định hướng văn học trong mục vụ truyền giáo thời đầu tại Việt Nam

https://tgpsaigon.net/bai-viet/dinh-huong-van-hoc-trong-muc-vu-truyen-giao-thoi-dau-tai-viet-nam-64177

3.Lm. Giuse Trương Đình Hiền-Truyền thống văn học Công Giáo từ Anrê Phú Yên đến ngày nay
                          www.vietcatholic.net › News › Html

4.Lm Gioan Võ Đình Đệ&Nguyễn Thanh Quang –Không có “ông tổ duy nhất” của chữ Quốc Ngữ 

http://conggiao.info/khong-co-ong-to-duy-nhat-cua-chu-quoc-ngu-d-53223

5.Lm Gioan Võ Đình Đệ-Vai trò các thừa sai dòng Tên trong việc sáng tạo chữ Quốc ngữ tại Nước Mặn, Bình Định.

http://gpquinhon.org/qn/news/nuoc-man/Vai-tro-cac-thua-sai-dong-Ten-trong-viec-sang-tao-chu-quoc-ngu-tai-Nuoc-Man-Binh-Dinh-4617/#.VqWarB_v91s    

6.Lm Gioan Võ Đình Đệ –Quyển sách giáo lý đầu tiên trong công cuộc truyền giáo tại Việt Nam

https://gpquinhon.org/q/van-hoa-xa-hoi/quyen-sach-giao-ly-dau-tien-trong-cong-cuoc-truyen-giao-tai-viet-nam-2347.html

7.Lm GioanVõ Đình Đệ- Thực hư có giáo sĩ Inêxu lén truyền giáo ở Đại Việt năm 1533

https://gpquinhon.org/q/truyen-giao/thuc-hu-co-giao-si-inexu-len-truyen-giao-o-dai-viet-nam-1533-4918.html

8.Lm. Gioan Võ Đình Đệ-Chân Phước Anrê Phú Yên, một cuộc đời hoàn thành (1625-1644)

https://denthanhanrephuyen.org/chan-phuoc-anre-phu-yen-mot-cuoc-doi-hoan-thanh-1625-1644-lm-gioan-vo-dinh-de/

9.Lm Gioan Võ Đình Đệ-Nước Mặn, Cảng Thị và Trung tâm Truyền giáo

https://dongten.net/2013/10/18/nuoc-man-cang-thi-va-trung-tam-truyen-giao/

10.Lm Gioan Võ Đình Đệ-Linh mục GioaKim Đặng Đức Tuấn (1806-1874)

    –https://gpquinhon.org/q/on-co-tri-tan/linh-muc-gioakim-dang-duc-tuan-420.html

11.Lm Gioan Võ Đình Đệ-Một danh nhân văn hóa bị lãng quên cha Laurent Emmanuel Huỳnh Văn Lâu Linh mục Đàng Trong (1660-1732)

https://gpquinhon.org/q/van-hoa/mot-danh-nhan-van-hoa-bi-lang-quen-4619.html

12.Lm Phaolô Nguyễn Minh Chính- Sách Nhà in Làng Sông và Qui Nhơn

https://gpquinhon.org/q/on-co-tri-tan/sach-nha-in-lang-song-va-qui-nhon-4445.html

 13.Lm Phaolô Nguyễn Minh Chính –Làng Sông – Nhà in và Thư viện  – (Nguồn: Hướng đến 400 năm Văn học Công giáo. Tr. 538)

14.Lm Phaolô Nguyễn Minh Chính –Truyền thống báo chí tại giáo phận Quy Nhơn.

Linh mục Phaolô Nguyễn Minh Chính

(Nguồn: Hướng đến 400 năm Văn học Công giáo. Tr. 538)

15.Lm Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ-Thuật tích việc nước Nam cha Đặng Đức Tuấn nguồn chữ Nôm và lịch sử Việt Nam thế kỷ XIX .
https://gpquinhon.org/q/on-co-tri-tan/ky-niem-160-nam-ban-dieu-tran-cua-cha-dang-duc-tuan-thuat-tich-viec-nuoc-nam-nguon-chu-nom-va-lich-su-viet-nam-the-ky-xix-4530.html 

16.Lm Phaolô Nguyễn Minh Chính-Nhà in Gia Hựu

https://gpquinhon.org/q/on-co-tri-tan/nha-in-gia-huu-4370.html

[7] Xin đọc bài viết riêng về

THƠ TRĂNG THẬP TỰ:

THƠ SƠN CA LINH:

https://www.vanthoconggiao.net/2021/11/khuon-mat-tho-cong-giao-uong-ai-tho-son.html

THƠ TRẦN MỘNG TÚ

THƠ LÊ ĐÌNH BẢNG

            1.Quỳ trước đền vàng

https://www.vanthoconggiao.net/2021/06/tho-le-inh-bang-quy-truoc-en-vang-tac.html

            2.Hành hương

https://www.vanthoconggiao.net/2021/06/tho-le-inh-bang-hanh-huong-tac-gia-bui.html

            3.Lời tự tình của bến trần gian

            4.Kinh buồn

             (https://www.vanthoconggiao.net/2021/06/kinh-buon-va-hanh-trinh-tu-tuong-cua-le.html)

             5. Ơn đời một cõi mênh mang

https://www.vanthoconggiao.net/2021/06/ve-ep-van-hoa-cong-giao-trong-tho-le.html

6.Văn học Công giáo Việt Nam -Những chặng đường

https://www.vanthoconggiao.net/2021/10/ghi-nhan-ve-cuon-sach-van-hoc-cong-giao.html

[8] https://www.vanthoconggiao.net/2019/07/thi-ca-va-cau-nguyen-bai-thuyet-trinh.html

[9] Bùi Công Thuấn: Nhìn lại Thơ Trẻ đầu thế kỷ XXI:

http://trannhuong.top/tin-tuc-54656/nhin-lai-%E2%80%9Ctho-tre%E2%80%9D-dau-the-ky-xxi.vhtm

[10]Kết quả giải Viết văn đường trường:

https://www.vanthoconggiao.net/2017/06/giai-viet-van-uong-truong-quy-nhon-2016.html

https://gpquinhon.org/q/van-hoa/ban-tin-tong-ket-giai-viet-van-duong-truong-2018-1363.html

[11] Bùi Công Thuấn: Tư tưởng Mỹ học Ki tô giáo và văn học nghệ thuật Công giáo

https://vanhoadatmoi.net/chuyen-de/tu-tuong-my-hoc-kito-giao-va-van-hoc-nghe-thuat-cong-giao-bui-cong-thuan

[12] Bùi Công Thuấn: Bờm ơi là bờm!

[13] https://gpquinhon.org/q/van-tho-cong-giao/cam-nhan-bai-tho-con-lo-khong-kip-ve-toi-nay-4565.html 

[4] Các tác giả trên tập san Mục Đồng & website giáo phận Quy Nhơn:

01. An Thiện Minh, Athens Khánh Nhi, Bảo Xuyên, Bình Kim, BS Tự, Bùi Thị Minh Ân, Bùi Văn Nghiệp, Lm Trăng Thập Tự, Lm Cao Gia An,  Lm Giuse Trần Việt Hùng,

11. Lm Hồng Phúc, Lm Trương Đình Hiền (Sơn Ca Linh), Lm Ansga Phạm Tĩnh, Lm Dzuy Sơn Tuyền, Cát Đen (Lm Nguyễn Đức Quang), Cao Huy Hoàng (với các bút danh: Ả Giang Hồ, Ba Chuông, Hương Nam, Gã Tuần Phiên…), Châu Đặng Trà My, Cao Quỳnh Trường Nhi, Cao Thị Tường Vy, Dã Tràng Cát,

21. Đaminh Thiên Sa, Đặng Trung Công, Diệp Vy, Đỗ Văn Tích, Đoàn Văn Sáng, Đồng Thị Bích Duyên, Lm Đình Chẩn, Giang Tịnh, Hà Nguyên Sơn, Hạt Bụi,

            31.Hồ Hoàng Diệp, Hồ Thị Thúy Thi, Hoa Bên Thập Tự, Hoàng Công Nga, Hoàng Khánh Duy, Học Trò Nhỏ, Hồn Biển, Huỳnh Gia, Huỳnh Hoa, Huỳnh Thị Kim Thương,

            41.Huỳnh Thị Ngọc Bích, Huỳnh Thị Thu Hương , JHQ, Kha Đông Anh, Khổng Vĩnh Nguyên, Kim Hai Pham Thi, Lan Cao, Lê Danh Dương, Lê Gia Hoài Vọng, Lê Hồng Bảo,

51. Lê Kim Tiết, Lê Minh Ngọc, Lê Nữ Thùy Linh, Lê Quang Hận, Lê Quang Vinh, Lê Thị Ngọc Nữ, Lê Vinh, Lê Thị Mỹ Duyên, Mạc Tường, Mai Đức Tây,

61. Mai Thị Kim Cúc, MP Hồng Nhung, Nam Nguyên, Ngô Thùy Duyên, Ngô Văn Vỹ, Ngòi Bút Nhỏ, Nguyễn An Bình, Nguyễn Bá Định, Nguyễn Bá Hiếu, Nguyễn Đình Văn,

            71. Nguyễn Hải Hòa, Nguyễn Hoài Ân, Nguyễn Hoàng Anh Vũ, Nguyễn Hoàng Hiệp, Nguyễn Hữu Đạt, Nguyễn Hữu Phú, Nguyễn Khoa, Nguyễn Mậu Linh Vũ, Nguyễn Minh Khả, Nguyễn Ngọc Hưng,

81. Nguyễn Nguyên Phượng, Nguyễn Tấn On, Nguyễn Thái Dương, Nguyễn Thanh Ánh Đông, Nguyễn Thanh Sang, Nguyễn Thảo Nhi, Nguyễn Thị Ái My, Nguyễn Thị Bích Phương, Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Nguyễn Thị Hồng Nhi,

91. Nguyễn Thị Kim Lan, Nguyễn Thị Kim Thạnh, Nguyễn Thị Quỳnh, Nguyễn Thị Thắm, Nguyễn Thị Thiện, Ngàn Thương, Nguyễn Thị Thúy Hồng, Nguyễn Thị Ý, Nguyễn Thụy Vân Anh, Nguyễn Thúy Vi,

101. Nguyễn Tuyển, Lê Đình Tiến, Nguyễn Văn Học, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Vũ Hồng Kha, Nguyễn Văn Liêm, Phan Nam, Phạm Ánh, Mỹ Hạnh, Phan Văn Phước,

111. Phương Uy, Rosa Lima, Rubich, Sao Mai, Sông Hương, Song Lam, Suối Ngàn, Tạ Huông Nhuận, Tạ Thị Bích, Thái Thị Diễm My,

121. Thái Hoàng Thảo Vy, Thái Thị Thu Giang, Thanh Chi, Thanh Hương, Thanh Trắc Nguyễn Văn, Vĩnh uy, Thế Kiên Dominic, Thiện Chân, Thiên Khuê, Thu Huyền,

131.Thương Huyền, Tịnh Bình, Trầm Thanh Tuấn, Du Miên, Trầm Thiên Thu, Trầm Tĩnh Nguyên, Trần Mộng Tú, Trần Nguyễn Quỳnh Giao, Trần Phong Vũ, Trần Thanh Phương,

141.Trần Thị Cẩm Lệ, Trần Thị Huyền Trang, Trần Thị Mỹ Hạnh, Trần Viết Dũng, Tri Ân, Trịnh Tây Ninh, Trịnh Thị Hiền, Trương Thị Diễm Phúc, Trương Thị Hữu, Từ Thanh Hà,

151.Văn Nguyên Lương, Vĩnh Tuy, Võ Thị Kim Phượng, Võ Thị Kim Trâm, Võ Thị Kim yến, Võ Thị Thu Uyên, Vũ Lập Phương, Vũ Thị Quyên, Vũ Thủy, Vy Phương,

161.Xuân Thanh, Xuân Vũ Trần Đình Ngọc, Hoa Thập Giá, Hoàng Văn Quốc, Lê Quỳnh Nga, Nốt Nhạc Trầm, Nhật Quang, Dương Thắng.

Tác giả truyện ngắn: Nguyễn Thị Khánh Liên, Lê Quang Trạng, Nguyễn Văn Học, Vinh Kiu, Xanh Nguyên, Chương Thị Hà, Bích Hạt, Chung Thanh Huy, Cóc Hoa, Đăng Trình, Đoàn Thị Minh Hiệp, Dom Phạm, Hạ Du, Hải Miên (3 truyện), Hương Văn, Khuê Việt Trường, Lê Công Phượng, Lê Thị Xuyên, Lưu Cẩm Vân, Nguyễn Chí Ngoan, Nguyễn Ngọc Bích (2 truyện), Nguyễn Quang Nhân, Thu Đình (2 truyện), Trần Quang Lộc, Trần Tiểu Thùy, Triều Thu, Trương Thị Thúy, Vân Anh, Ý Thu. Maria Lê Minh Ngọc, Mai Thị Lành, Anna Lê Bạch Tuyết, Paul Phạm Tiến Dũng, Matta Võ Trịnh Như Quỳnh …

Trang giáo phận Quy Nhơn: Đoàn Xuân Dũng (41 bài), thơ dòng Mến Thánh Giá Quy Nhơn (các Sr. Diệu Hiền, Hiền Linh, Thanh Hà, Kim Chung), Dòng Nữ tỳ chúa Giê su tình thương (các Sr:  Bùi Thị Liên, Trần Bảo Xuyên, Nguyễn Thị Bích Trâm, Mỹ Lệ, Mai Thị Lành, Thanh Nga, T. Oanh, H.T.Thu, Quang Khôi, Phương Uyên), và các tác giả: Người làm vườn: 02 bài, Sao Mai: 02 bài, Chiên Nhỏ: 02 bài, Lệ Hằng: 02 bài.

THƠ TRẦN MỘNG TÚ

BẠN CÓ THỂ ĐỌC NHỮNG BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK:

buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

THƠ TRẦN MỘNG TÚ

Bùi Công Thuấn

***

(nhà thơ Trần Mộng Tú)

Tôi đã đọc 200 bài thơ của Trần Mộng Tú làm từ 1968 đến năm 2020. Thơ Trần Mộng Tú để lại trong tôi những ấn tượng đẹp về một nhà thơ có cốt cách riêng trong thơ Việt đương đại. Trong hơn 200 bài, có 62 bài thơ tình, 55 bài thơ thể hiện Cái Tôi, 34 bài thơ thế sự, 13 bài thơ tôn giáo, còn lại là những đề tài khác (thiên nhiên, gia đình, tình bạn…). Nhìn vào số lượng bài thơ của mỗi đề tài, người đọc có thể nhận ra hồn thơ Trần Mộng Tú nghiêng về những vùng trời tâm tưởng nào. Thơ Trần Mộng Tú là thơ tự tình –suy tư (thường là những nghĩ suy) có giọng thơ nhẹ nhàng, đẹp thanh cao và có sức hút. Chất liệu thi ca, bút pháp, cảm xúc, nhận thức hiện thực và thái độ diễn ngôn trong thơ Trần Mộng Tú thuộc về thi pháp thơ đương đại.

ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ

Các trang web Wiki, damau.org, thivien.net và một số trang mạng xã hội ghi nhận:

Trần Mộng Tú sinh năm 1943 tại tỉnh Hà Đông. Di cư vào Nam năm 1954.  Là thư ký cho hãng Thông Tấn Associated Press ở Sài Gòn giai đoạn 1968-1975. Bà sang Mỹ tháng 4 năm 1975. Ở Mỹ, bà viết truyện nhi đồng cho báo Los Angeles Times từ năm 2000 và làm thơ Anh Ngữ trong sách giáo khoa Mỹ cho chương trình trung học (American Literature- Glencoe-1999)[1]. Bà đoạt giải về bình luận (Commentary) của The New California Media (NCM) “Ethnic Pulitzers” năm 2003.Bà cũng là chủ Bút cho Nguyệt San Phụ Nữ Gia đình Người Việt ở California (tháng 10 năm 2002 đến tháng 10 năm 2005).

Hiện sống ở Seattle, Washington với gia đình.
Đã xuất bản:
          Thơ Trần Mộng Tú (Tập Thơ-1990) NXB-Người-Việt.
          Câu Chuyện Của Lá Phong( Tập Truyện Ngắn-1994) NXB-Người-Việt
          Để Em Làm Gió (Tập Thơ-1996) NXB-Thế-Kỷ
          Cô Rơm và Những Truyện Ngắn Khác (Tập Truyện Ngắn-1999) NXB-Văn Nghệ
          Ngọn Nến Muộn Màng ( Tập Thơ-2005)NXB-Thư-Hương
          Mưa Sài Gòn Mưa Seattle (Tạp Văn-2006) NXB-Văn Mới

Những sáng tác của Trần Mộng Tú, xuất bản kể từ 1990 về trước, gồm:

          Tuyển Tập Thi Ca, in chung cùng nhiều người, thơ viết trong khoảng thời gian 1975-1977, do Bố Cái tại Hoa Kỳ xuất bản.

          Thơ Việt Nam, Chiến Tranh, Lưu Đày, in chung cùng nhiều người, do Gìn Vàng Giữ Ngọc, Hoa Kỳ xuất bản năm 1976.

          Trăng Đất Khách, tuyển tập truyện ngắn của các cây bút nữ tại hải ngoại, do Làng Văn tại Canada xuất bản năm 1987.

            Bà kể: “Tôi rời Việt Nam vào ngày 2 tháng Tư năm 1975 do hãng thông tấn AP nơi tôi làm việc tại Việt Nam đưa tôi và gia đình ra đi. Lúc đó tôi còn độc thân họ thu xếp cho tôi và bố mẹ đi với nhau.

            Sang Mỹ năm 1975 coi như tôi làm tờ báo đầu tiên là Quê Hương xuất bản. Mấy người tham gia đầu tiên gồm có Du Tử Lê, Trần Mộng Tú, Hoàng Khởi Phong, Hoàng Chính Nghĩa và một vài người nữa làm tờ báo đó chung với nhau.

            Tôi bắt đầu đem những bài thơ của mình ra đăng từ năm 1975, mặc dù trước đó tôi cũng có làm thơ nhưng chưa bao giờ đăng báo vì tôi thấy không có nhu cầu cần đăng báo. Sang tới Mỹ thấy tiếng Việt ngày càng hiếm hoi, thấy anh em gia nhập vào báo chí tôi tham gia theo và từ đó tôi làm rất nhiều thơ về quê hương.”

            (https://giadinhhoangtrong.wordpress.com/2013/08/29/tran-mong-tu-va-tuyen-tap-tho-tuyen-bon-muoi-nam1969-2009/)

            Trong bài Bình Thủy 1969, bà kể về cuộc tình của mình: “Buổi tối của một ngày đầu tháng 8 năm 1969…hai người bước vào buồng khách, cả hai nhìn tôi, rồi cả hai nhìn nhau, không ai muốn là mình nói trước. Tôi linh tính có điều không tốt, nhưng không hiểu chuyện gì. Cuối cùng Carl nói: “Sở nhận được điện thoại từ Rạch Giá gọi về chiều nay, nói là Cung, chồng của cô đã tử trận.” Tôi đứng ngẩn người, nhìn lại cả hai, không nói được tiếng nào…

            Chúng tôi mới cưới nhau sau lễ Phục Sinh vào tháng Tư, Cung tử trận 30 tháng 7, năm 1969. Cung không phải là quân nhân chính gốc, anh tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm, ban Pháp Văn và đã đi dạy được 1 năm, anh bị gọi trong chương trình Tổng Động Viên. Khi nhận giấy báo phải nhập ngũ, anh đến xin cha mẹ tôi cho làm hôn thú, vì sợ sau này sẽ khó khăn khi ở quân đội. Trên giấy tờ, tôi có chồng từ tháng 6-1968… »

Trong bài Người Đàn Bà Thi Sĩ Việt Nam bà kể tiếp:

Tôi người đàn bà thi sĩ Việt Nam
Bỏ lại trên quê hương
Một mối tình
Một mối tình được gắn huy chương
Huy chương anh dũng bội tinh…

Tôi người đàn bà thi sĩ Việt Nam
Đang sống trên đất Mỹ
Chồng tôi người bản xứ
Chúng tôi có ba con chưa đến tuổi thành niên
Đời sống êm đềm
Trong một thành phố nhỏ…

Sự mất mát của cuộc tình đầu đời cùng với cuộc sống ly hương quấn chặt lấy trái tim và nghĩ suy của Trần Mộng Tú, tạo nên một tiếng thơ có sức lay động lòng người. Tiếng thơ ấy cũng mang những sắc thái tiêu biểu của thơ Việt hải ngoại.

THƠ TÌNH CỦA TRẦN MỘNG TÚ

            Hình ảnh người chồng chết trận cùng với sự mất mát cả một đời hạnh phúc của Trần Mộng Tú đã tạo nên những tứ thơ bi thiết ám ảnh, làm xúc động lòng người. Người đọc hôm nay không thể hình dung nổi nỗi đau lớn lao và sự vô vọng của người góa phụ trong chiến tranh là thế nào khi tuổi xuân vừa mới nở những “Bông hoa đỏ”. Chiến tranh đã cướp đi tất cả (Quà tặng trong chiến tranh). Cho nên trong thơ Trần Mộng Tú mới có những bài oán ghét chiến tranh, mới lật tẩy “Cái bẫy hòa bình”. Xin đọc: Gọi anh mùa xuân, Hoa tai, Sông vẫn nồng nàn, Đường cũ, Giấc mơ hòa bình (1969)…

Mùa mưa đang về giữa Sài Gòn
Con đường Tự Do vỡ oà bong bóng

Em đi dưới trời mưa
Em nhớ anh
Em khóc

Những chiếc taxi nằm im
Sài Gòn trong mưa
Sài Gòn buổi trưa
Sài Gòn như nỗi chết

Sao anh còn trẻ thế
Sao em còn trẻ thế
Sao tình yêu hai ta còn trẻ thế
Lại lăn vào
Một cuộc chiến già nua

Bây giờ một người lính mới
Cầm cây súng cũ xì
Ở tận chi khu Trà Bồng
Một địa danh nghe mà ngơ ngác

Bây giờ một người con gái
Cầm trái tim mình bằng cả hai tay
Đi dưới cơn mưa
Đầy bong bóng nước

Ôi Sài Gòn buổi trưa!

(Buổi trưa Sài Gòn. 1968)

Em tặng anh tuổi ngọc
Của những ngày yêu nhau
Đã chết ngay từ lúc
Em nhận được tin sầu


Anh tặng em mùi máu
Trên áo trận sa trường
Máu anh và máu địch
Xin em cùng xót thương

       (Quà tặng chiến tranh)

            Những tháng ngày còn lại của người góa phụ trẻ là những tháng ngày đẫm nước mắt. Nàng đơn độc, nhớ mong, kiếm tìm, tình buồn, tình xa, dằn vặt thê thiết, hoang vắng, quay quắt (Cối xay trong tim em) trong những nghĩ suy về tình yêu. Em luôn tra hỏi trái tim mình và nhìn vào cõi xa xăm, anh ở đâu? Anh nơi phương nào? Người thơ như đang sống với người yêu trong tâm tưởng, chuyện trò với chàng, độc thoại với mình, vui buồn, hạnh phúc, đau khổ như trong đời thật. Cả không gian thời gian chỉ cò hai người. Bao nhiêu năm tháng vẫn không vơi nồng nàn và ngậm ngùi. Một trời khao khát yêu thương.

Xin đọc: Cối xay trong tim em, Cả một dòng sông đứng lại chờ, Người câu ở sông nào, Lòng nào như suối cạn, Phía bên kia biển, Nhưng anh đâu rồi, Gọi anh mùa xuân, Đố anh, Ly nước và biển mặn, Thanh xuân, Một thời để yêu, Thời gian và tình yêu, Tháng năm và hoa Diên Vỹ, Hoa lửa, Rót xuống hoàng hôn, Bóng trăng và hoa kim ngân, Một nửa vầng trăng, Vì sao trên cao, Ngôi sao và hạt bụi, Hạt bụi, Chùm nho tình yêu, Ngày hạ chí, Đông trắng, Áo Mỵ Châu, Áo tuyết, Giấu, Mở, Mưa Seattle, Trái tim hồng, Cả hồn em chớm đỏ, Trong suốt, Khi về, Viên sỏi (1)…

Trán ngây thơ tương tư mùi khói thuốc
Người không về mắt cũng nhạt màu nâu
Môi bớt đỏ và răng cười bớt trắng
Em nhớ người, em khóc suốt đêm thâu

               (Trái tim hồng)

Tóc bạc anh em giấu vào trong gối
để đêm đêm em không ngủ một mình
trái tim anh em giấu vào trong ngực
để cùng em thức dậy trước bình minh

đôi mắt anh em giấu vào trong mắt
lệ riêng em trong suốt mắt hai ta
môi của anh em giấu vào trong miệng
ngậm hương thơm của một mối tình xa
bàn tay anh em giấu vào trong áo
ngực rất hiền nở vội một đóa hoa

bàn chân anh em giấu vào giày nhỏ
anh sẽ đi cùng em đi thật là xa
khi trở về dẫu tuổi gầy sương tuyết
bốn bàn chân sẽ làm ấm nền nhà

hơi thở anh em giấu vào hơi thở
đời sống chia nhau từng sợi mong manh
mình hà cho nhau một linh hồn mới
Chúa sẽ kêu lên . . . thôi thế cũng đành

                       (Giấu)

Em đứng thẳng cho anh nhìn vào mắt
Anh vớt hộ em những giọt long lanh
Con sông chảy cả một thuyền quá khứ
Trong mắt em ngơ ngác đám lục bình

Em đứng nghiêng cho anh nhìn sóng lượn
Đêm màu xanh hay biển tóc em xanh
Gió thổi ngược tóc bay về dĩ vãng
Có sợi nào còn vướng ngực áo anh

Em cúi xuống cho anh hôn lên gáy
Kỷ niệm gầy như những chiếc xương vai
Hương phấn đó em mang từ tiền kiếp
Cho anh ôm tình cũ một vòng tay

Co chân lên cho anh nâng gót nhỏ
Gót chân son nôn nả nhịp xe đời
Nói cho anh chuyến tàu nào em lỡ
Sân ga nào còn giữ lệ em rơi


Em ngồi xuống đêm không còn trẻ nữa
Cánh chim bay tha hết cọng thời gian
Trên vai anh em gởi đời cát lở
Tình thắp cho em ngọn nến muộn màng
            Ngọn Nến Muộn Màng (Tập thơ 2005, NXB Thư Hương)

            Rồi thời gian phôi pha, cuộc sống đổi thay, và khi nhà thơ tóc đã pha sương tuyết, thì những nỗi day dứt, có nhẹ nhàng hơn, bởi người thơ đã biết rằng rồi tất cả sẽ qua đi (Tình buồn, Đông trắng, Bóng trăng và hoa kim ngân, Vì sao trên cao, Tạ tình…)

Em luôn luôn nghĩ anh là một Vì Sao

Cho nên mặc dù không nhìn thấy anh

Em cũng biết là lúc nào anh cũng vẫn ở đấy

Ở một nơi thật cao thật xa

Mà chúng ta đi song song với nhau    

Năm này sang tháng khác

           (Vì sao trên cao)

Hãy tha thứ cho em
Núi sông ngàn cách trở
Tình đã phụ tình rồi
Xin đừng mong ngóng nữa

            (Tạ tình)

Anh ơi hoa đã héo

Vết thương xưa đã lành

Vuông lụa chồng em giữ

Không còn gì cho anh

       (Bông hoa đỏ)

Trong mảng thơ này, có nhiều bài tuyệt hay và mới lạ: Quà tặng trong chiến tranh, Giấu, Ngọn nến muộn màng, Mưa Seatle, Trái tim hồng,

TIẾNG NÓI CỦA “CÁI TÔI”

            Những bài thơ mà nhân vật Tôi phát ngôn trực tiếp suy nghĩ, cảm xúc, quan điểm của mình, đó là tiếng nói của “Cái Tôi” tác giả.

            Trong thơ Trần Mộng Tú, Tôi nhìn vào hồn mình, nhìn xung quanh mình, truy tìm hiện sinh, truy tìm bản thể và nhận ra nỗi cô đơn hiện sinh (Cô đơn như thượng đế), nhận ra sự vong thân (Thật giả; Tìm mình) và hành trình hư vô.

Sáng nay tôi dậy lúc 3 giờ
Tôi xuống bếp
Cầm chiếc ly lên
Bỏ chiếc ly xuống
Hình như tôi uống nước
Hình như tôi không
Tôi loanh quanh trong bếp
Có tiếng chạm vào nhau
Của những cái nồi cái ấm
Hình như tôi đun một ấm nước
Hình như tôi không làm gì cả

Có ai đứng gần đó không
Cho tôi mượn đôi mắt
Một đôi mắt
Có thể tìm được dưới đáy biển
Tìm thấy trên bầu trời
Những giọt lệ của mình.

                  (Cho tôi mượn đôi mắt)

tôi cúi xuống hồn tôi
nhặt mảnh trăng vừa vỡ
mảnh trăng nhoè trên tay
hạt lệ vàng nức nở.

            (Tôi cúi xuống hồn tôi)

Tôi đi từ chiến tranh

Tôi bước vào Hòa Bình

 Người ta nói tôi đặt chân qua hai thế kỷ

Tôi loanh quanh đi tìm mình

Hết ba phần tư thế kỷ                                

Tôi vẫn chưa tìm thấy tôi.

     (Ngày qua ngày qua)

Cúi xuống nhìn thân thể

Mảnh hình hài như có như không

Tôi đi đâu

Tôi về đâu

            (Hunting house)

Một mai tôi chết rồi sao nữa

Mây vẫn bay và nước vẫn xuôi

            (Giải mây trôi)

            Nhà thơ trăn trở, tôi là người Việt hay người Mỹ và khôn nguôi tâm trạng ly hương, một nỗi nhớ quê nao lòng (Tôi là ai, Người đàn bà thi sĩ Việt Nam, Trăng đất khách, Khi về, Đêm tháng Tư, Tháng Tư quê hương tôi, Mùa xuân và tôi, Khúc xuân hoài, Muối tuyết, Nấu bữa chiều ở Issaquah, ,

nắm rơm giấu bốn mươi năm cũ
vừa nhai vừa khóc nhớ quê xưa

          ( Bốn mươi năm đợi)

Nhưng suốt đời tôi làm thế nào tôi quên được
Những cây cầu trên đất nước Việt Nam
Những cây cầu bắc qua giòng tan tác
Giòng máu, mồ hôi, và nước mắt da vàng

                (Cây cầu và dòng sông)

            Trần Mộng Tú dành cho gia đình, người thân, bạn bè những tình cảm chân thành, hết sức quý mến thương yêu. Xin đọc: Cha già, Xuân không bố, Mẹ, con và hoa cúc, Bài thơ cho cháu ngoại, Yến ơi! Yến ơi (Đỗ Ngọc Yến), Tiếng chim ca, Câu hỏi, Chia tay (Thái Hà Chung), Bây giờ (Nhật Tuấn), Bên kia đường (Du Tử Lê), Như tiếng sách rơi (Nguyễn Mộng Giác), Tiễn bạn Kim Nhung, Chiếc áo của ai (100 ngày của Chi), Gió mùa đông bắc (Gửi anh Sơn, em Cường và anh Ngọc), Mơ thấy bạn về,…

            Trong sự tra vấn về hiện sinh, Trần Mộng Tú tin vào sự vĩnh cửu của thi ca.

Chỉ có THƠ là ống kính vạn hoa                    
ta lắc soi từ thời thơ dại
cho đến tuổi già
vẫn vạn hoa còn đó
trong cái không màu chứa cả muôn màu
trong vô ngôn vẽ ra ngàn cảnh giới.
            (Nỗi không)

Thi sĩ là người duy nhất trên đời
khi chết đi
không mang theo gì cả
nhưng vẫn vĩnh viễn làm chủ sản nghiệp
của mình
Những bài thơ.

            (Khi thi sĩ chết)

            Và vì thế, nhà thơ mơ thấy kiếp sau, dù nghèo, đông con (8 đứa con), vẫn lấy chồng thi sĩ, và cả nhà làm thơ (Kiếp sau).

DIỄN NGÔN THẾ SỰ

Với hai góc nhìn, là một người dân miền Nam trước 1975, dân Sài gòn; và là một Việt kiều sống ở Mỹ, cái nhìn, thái độ nhận thức và diễn ngôn của Trần Mộng Tú sẽ rất khác với người dân trong nước. Đơn giản là, Trần Mộng Tú sống trong một môi trường văn hóa, chính trị, kinh tế khác với môi trường sống ở Việt Nam. Cho nên Trần Mộng Tú có nhiều bài thơ đáp ứng được đòi hỏi chính trị của độc giả Việt ở Mỹ, song những bài ấy không dễ được tiếp nhận ở trong nước, điều ấy có thể hiểu được. Xin đọc: Tiếc thương, Xin lỗi, Văn tế cho những oan hồn cả hai miền nam bắc, Tháng Tư quê hương tôi, Tháng Tư sừng sững đứng, Đêm tháng Tư, Bài thơ sau tháng Tư, Tôi xin tạ lỗi, Trở về biển, Bài hát da vàng, Những lưỡi dao sản xuất từ Việt Nam, Biển đảo hận ca, …

Ngư dân để tang cho biển
Tiều phu để tang cho rừng
Trên những cánh đồng nứt nẻ
Nhà nông mắt lệ khô tròng

Tôi đứng bên ngoài đất nước
Nhìn đâu cũng thấy bóng em
Một em hình thù rất lạ
Như con cá chết nằm nghiêng.

                                    (Gửi người em Vũng Áng)

Tôi cúi đầu thật thấp
nhân danh là người Việt Nam
tôi xin thả xuống dòng nước này
những lời tạ lỗi

Lời tạ lỗi với những đồng bào tôi

những người còn đang sống trên đất nước Việt Nam
một đất nước đang rêu rao
Tự Do Hạnh Phúc Hòa Bình Thịnh Vượng Văn Minh…

Tôi xin tạ lỗi

Vì tôi là người Việt Nam
tôi không làm được điều gì cho chính đất nước mình…

            (Tôi xin tạ lỗi-2019)

            Trần Mộng Tú có nhiều bài bộc lộ một tình yêu thương sâu sắc với các nạn nhân chiến tranh ở Trung Đông, nạn khủng bố 11/9 ở Mỹ (Trả lại tôi), nội chiến ở Syria (Vết thương nội chiến), kỳ thị chủng tộc ở Mỹ (Tôi không thở được), 39 người chết trong chuyến đi tìm sự sống ở Anh Quốc 23-10-2019 (Xin lỗi), Lưu Hiểu Ba, thuyền nhân (Trở về biển, Văn tế tập thể), nạn nhân trên “cánh đồng hoa hướng dương ở làng rozsypne”, người lính chết trận ở hai miền Nam, Bắc Việt Nam (Tiếc thương), Karim Wasfi fights ISIS with music (Âm thanh của hồ cầm),  tưởng niệm nạn nhân ngày 2/12/2015 San Bernadino (Bạo lực vào thành phố), những em bé Mã Lai (Gửi em trong mộ tập thể), người dân Vũng Áng (Gửi em Vũng Áng), người dân A-Phú-Hãn khi tượng Phật bị đập phá (Thơ về A-Phú-Hãn), nạn nhân Covid (Hoa nở mùa Covid, Không còn khoảng cách. 2020)…

Những bài thơ này bộc lộ một tầm nhìn rộng, một tình yêu thương vượt xa trong cộng đồng nhân loại. Tấm lòng ấy có phẩm chất từ bi của Phật và Lòng Thương xót của Chúa.

Chúa Phật đều từ tâm
Tình yêu như tín ngưỡng
Hãy rót vào đời nhau
Nước sông hằng vô lượng.

            (Vẽ hộ em nét mày)

Ta kéo hồi chuông kinh sớm
Ta thắp nén nhang buổi chiều
Chúa Phật cùng về một lúc
Dắt hồn qua bãi hoang liêu

            (Văn tế cho những oan hồn ở cả hai miền nam bắc)

THƠ TÔN GIÁO

            Trần Mộng Tú có nhiều bài thơ về đề tài tôn giáo, hoặc đem tôn giáo vào bài thơ tự tình hoặc thơ luận giải thế sự. Đức tin đem đến sự bình yên. Chính Chúa là cội nguồn thơ. Chúa là Đấng đã đổ máu để cứu rỗi mọi nỗi thống khổ. Nhà thơ khát khao được chia sẻ cuộc khổ nạn của Chúa.

Em về qua cửa giáo đường
Mở trang Cựu Ước nỗi buồn bỗng vui
Chúa trên cao cũng mỉm cười
Bấc chưa thắp, nến đã ngời lửa thiêng
Tâm em nở đoá bình yên…

                 (Kinh thơ)

Sáng nay trời bắt đầu vào đông
con đường ướt đưa tôi đến nhà thờ
trên thánh giá Chúa không có áo
hai vai Người đọng những hạt thơ

Ngày mai tôi sẽ mang áo đến cho Chúa
và nhặt những câu thơ trên vai Người

                        (Mùa đông và Chúa)

Sáng nay chủ nhật, tôi tới nhà thờ
nhìn lên ảnh Chúa
trên thánh giá hai bàn tay Người rỉ máu
tôi hình dung ra những vệt máu trong thành chiếc quan tài

Chiếc quan tài bọc thép
chở 39 hồn điêu linh
chở 39 xác đông lạnh
đông lạnh những lời Kinh…

            (Xin lỗi)

Lên đồi Tôn Giáo tìm an ủi
tìm Phật Bà, tìm Đức Mẹ một thời che chở thuyền nhân
cả hai cùng bị chém cụt đầu
thân vẫn hướng ra khơi
Chúa đã vụn tan chỉ còn trơ thập giá
tôi giang hai tay chờ đóng đinh thế Người…

            (Trở về biển)

Em sẽ chết với mảnh hồn trống đó
Chúa đứng đón em ở cổng Thiên Đàng

            (Trái tim hồng)

            Bài thơ đặc sắc về tôn giáo của Trẩn Mộng Tú là bài Chặt đầu Giêsu

Ô, hôm nay con đã chặt đầu Cha xuống
Chiếc đầu lăn lóc trên mặt đất
Có ai đó vừa nhặt lên
Gắn lại cho Cha

Nhưng con ơi nếu thấy cần phải đập đi
Khối vữa vôi đó sẽ sẵn sàng tan vỡ
Cha còn cả hai cánh tay
Cha còn cả hai ống chân
Cha còn cả thân mình
Nếu thấy thích con cứ tự nhiên đập bỏ
Vì từ hơn hai ngàn năm trước
Loài người đã đập vỡ thịt xương Cha

Này đây cánh tay với bàn tay
Con cứ đem về
Cánh tay Cha cho con ngả đầu vào
Những khi con nhọc nhằn sau hoan hô đả đảo
Sau gào thét đập phá
Hãy đặt cuộc đời trên vai Cha

Bàn tay Cha đây con hãy nắm lấy
Vứt đi chiếc gậy chiếc búa con đang cầm
Hãy đan những ngón tay con vào ngón tay Cha
Con sẽ nguôi ngoai cơn tức giận
Rồi con sẽ hiểu thế nào là truyền cho nhau cảm xúc

Bàn chân Cha bước thấp bước cao
Cha sẽ cùng con đi tới bất cứ nơi nào
Thân mình Cha có thể cõng được con
Trèo qua những cao ốc nhẩy qua tường

Nhưng nếu con muốn ta sẽ đi thong dong qua suối qua rừng
cùng nhau ra biển
Cha và con sẽ ngồi xuống
Cha sẽ giao cho con việc lấy đất lấy cát trộn vào nhau
Làm thành một con người
Con có thể muốn sơn bất cứ màu gì vào con người đó
Trắng Đen Vàng và ngay cả một kẻ không màu
Con sẽ đặt tên, mặc áo quần cho pho tượng theo ý của con
Rồi Cha sẽ phà cho pho tượng một linh hồn
Vì việc linh hồn của tượng con không bao giờ làm được

Cũng như con chỉ có thể cắt đầu hay đập nát một pho tượng
Vì đó chỉ là vôi cát vô tri
Linh hồn của pho tượng con không bao giờ đập nát được

Vì nơi đó là nơi con tìm đến để được Thương Yêu.
                               (tmt – Tháng 7/20/2020)

Chú thích: Đó là bức tượng Chúa Giesu Chăn Chiên ở nhà Thờ The Good

Shepherd Church, Miami Florida.. Họ đập gẫy đầu tượng vứt xuống đất vào ban đêm ngày 7/15/2020

            Bài thơ là lời của tượng Chúa (cũng là tác giả nhập thân vào Chúa) để nói lời thứ tha, lời yêu thương; đồng thời chỉ ra chân lý về quyền năng vô biên của Chúa với một lòng xác tín thật hân hoan. Hiếm lắm tôi mới gặp được một bài thơ tôn giáo mà tư tưởng, tình cảm và đức tin mạnh mẽ đến vậy. Tin Mừng được diễn giải thật tinh tế, đẹp đẽ: “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt. 5,38-48) bằng một nghệ thuật ngôn ngữ đầy sức thuyết phục.

            Thực ra, nhiều bài thơ của Trần Mộng Tú đã thấm rất sâu tinh thần của Tin Mừng. Đó là lòng yêu thương con người, sự sẽ chia mọi niềm vui nỗi buồn với mọi thân phận bất hạnh, ở cái tâm bình an, và sự vượt qua những bế tắc tư tưởng và nhữn vần đề của hiện sinh.

Em về qua cửa giáo đường
Mở trang Cựu Ước nỗi buồn bỗng vui
Chúa trên cao cũng mỉm cười…

            (Kinh thơ)

Có phải đau đớn tôi
Người xuống chia lệ nhỏ
Có phải lưu đày tôi
Người ghé vai gánh hộ

Ôi đêm vô tận này
Cầu xin người ở lại
Trên thánh giá tinh khôi
            (Đêm vô tận)

MỘT CỐT CÁCH THƠ HIỆN ĐẠI

            Tôi không dùng chữ “hiện đại” với nghĩa của thuật ngữ “Hiện đại chủ nghĩa” để phân biệt với trào lưu “Hậu hiện đại”; mà dùng với nghĩa “hiện đại” tương phản với “cổ điển”, tức là thơ của hôm nay, phân biệt với các thời kỳ thơ trước (thí dụ thơ trước 1945, thơ kháng chiến 1945-1975).

            Trần Mộng Tú có những bài viết bằng thể thơ, cảm xúc thơ của thơ Lãng mạn 1930-1945) song tình yêu trong những bài thơ này là tình yêu của con người ở miền Nam trong cuộc chiến 1955-1975 (Buổi trưa ở Sài Gòn, Quà tặng trong chiến tranh…)

            Trần mộng Tú cũng có những bài Tứ tuyệt ánh lên cái đẹp của thơ Lãng mạn, không thuộc về thi pháp của Tứ tuyệt Đường luật (Sáng nay thu về phố cũ, Trăng xanh, Tuyết tan, Sợi tóc, Đông trắng, Áo Mỵ Châu, Tuyết Trọng hủy…)

            Thơ lục bát của Trần Mộng Tú vừa đẹp, vừa sang trọng, song lại rất ít chất ca dao (Tình gọi, Mưa Seatle,…)

            Những bài Văn tế của Trần Mộng Tú không theo khuôn phép của văn tế cổ điển (Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du, hay Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu). Đó là những bài thơ được đặt tên Văn tế.

            Đa phần thơ Trần Mộng Tú là thơ tự do, thơ kể chuyện tự tình. Phần đầu tác giả kể chuyện (nhiều khi là chuyện đời thường xung quanh mình), như một câu chuyện văn xuôi không thơ. Khổ cuối thường vỡ làm cho câu chuyện kể bằng văn xuôi trở thành thơ. Chất thơ nằm trong tư tưởng và tình cảm, không nằm trong chất liệu ngôn ngữ hay tứ thơ (Xin đọc: Kiếp sau, Cuối năm giấu tuổi trong rau, Hoa cỏ, Trở về biển, Đuốc tình, Hình như là thu phân, Ai điếu Trần Viết Minh Thanh, Đường cũ, Hỏi chàng, Thơ sinh nhật, Âm thanh của Hồ cầm, Xóm tôi, Hunting house,

            Tôi mơ hồ cảm nhận vẻ đẹp chuẩn mực thơ Bà Huyện Thanh Quan trong thơ Trần Mộng Tú, cũng nhận ra cái đẹp tinh khôi mới lạ mà hồn thơ Trần Mộng Tú trong thơ Lãng Mạn, và đặc biệt là sự khám phá những tứ thơ trong những sự vật, sự việc đời thường được Trần Mộng Tú tạo nên những hình ảnh ấn tượng. Tôi cho đó là tài năng và là phẩm chất thi sĩ ở Trần Mộng Tú. Giữa những xô bồ của việc cách tân thơ, của sex và phong trào nữ quyền, của Hậu hiện đại lật đổ những “đại tự sự” về thơ, Trần Mộng Tú vẫn khẳng định được giá trị của thơ truyền thống và đóng góp thêm những giá trị thật quý báu.

Tháng 8/2021

_______________________________________

[1] Bài thơ được dịch ra tiếng Anh và đưa vào sách giáo khoa dậy văn chương “Glencoe Literature” do nhà xuất bản McGraw Hill ấn hành, là bài The Gift in Wartime,  “Quà Tặng Trong Chiến Tranh.”

“THUẬT TÍCH VIỆC ĐẠO NƯỚC NAM”-Lm Đặng Đức Tuấn

BẠN CÓ THỂ ĐỌC NHỮNG BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CO6NBG THUẤN THEO LINK:

buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

THUẬT TÍCH VIỆC ĐẠO NƯỚC NAM

Lm. Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874)

Giới thiệu:

Lm. Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874) sinh tại Làng Qui Hoà (ngày nay là thôn Qui Thuận, xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Năm Ất Dậu (1825), ông dự khoa thi Hương tại Thừa Thiên, vào đến Tam trường. Khoảng giữa thập niên 1840, ông được giới thiệu đến Giám mục Cuénot Thể làm giáo sư Hán văn tại Chủng viên Pénang (thuộc Malaysia). Ở đây, ông trở thành chủng sinh. Sau 7 năm tu học, ông được phong chức Phó tế và trở về quê. Năm 1856, Giám mục Cuénot Thể đã truyền chức linh mục cho ông tại Tòa Giám mục Gò Thị và bổ nhiệm ông làm việc tại Tư Ngãi (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi ngày nay).

Thời này, Vua Tự Đức cấm đạo gắt gao. Cuối năm 1861, ông bị triều đình bắt giữ ở Nga Mân (Quảng Ngãi), rồi bị giải về Huế. Ở Huế, ông bị Thượng thư Bộ Binh Lâm Duy Hiệp cùng Hiệp biện Phan Thanh Giản tra vấn về đạo Công giáo và về việc quân Pháp đánh phá Đại Nam. Ông đã viết 6 bản điều trần trình bày tâm huyết của mình. Ông được triều đình sai tháp tùng sứ bộ Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Gia Định thương nghị với Pháp. Sau hòa nghị năm 1862, ông được triều đình cho về quê. Năm 1865, Giám mục Eugène Charbonnier Trí bổ nhiệm ông làm cha sở Nước Nhỉ (nay thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định).

Tất cả những chi tiết về cuộc đời mình, Lm Đặng Đức Tuấn đều kể lại trong Thuật tích việc Đạo nước Nam. Bản trường ca này dài 1182 câu lục bát, có xen lẫn câu song thất và các bài thơ thất ngôn. Bản in 1911 là bản quốc ngữ, có lẽ là bản chuyển ngữ của Thuật tích việc nước Nam được viết bằng chữ Nôm do Vũ Thu Hà và Nguyễn Ngọc Quỳnh (Viện nghiên cứu tôn giáo giới thiệu)[1].Trong cuốn Cuộc đời và tác phẩm của Linh mục Đặng Đức Tuấn [2], Nguyễn Văn Thoa không nói gì đến bản quốc ngữThuật tích việc Đạo nước Nam in năm 1911 này.

Điểm đặc sắc của Thuật tích việc Đạo nước Nam là ghi lại quá trình đạo Công giáo truyền vào nước Nam, đặc biệt là thời vua Tự Đức cấm đạo bằng chỉ dụ Phân sáp khốc liệt (1861). Lm Đặng Đức Tuấn bị triều đình bắt giam, tra khảo. Bằng nhận thức sâu sắc về lẽ đạo và lòng yêu nước, ông thuyết phục được Thượng thư Bộ Binh Lâm Duy Hiệp cùng Hiệp biện Phan Thanh Giản, sau đó được vua Tự Đức cử ông đi theo phái đoàn của Phan Thanh Giản vào Gia định thương thuyết hòa ước 1862. Những bản điều trần của ông có thể đã góp phần vào việc vua Tự Đức giảm nhẹ việc cấm đạo.

Thuật tích việc Đạo nước Nam cũng ghi lại việc phái đoàn nhà Nguyễn (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp) từ Huế vào Gia định ký kết hòa ước 1862 với Pháp. Cảnh đón tiếp hòa nghị được ghi nhận khá sinh động. Tính chất “nhật ký” tạo nên giá trị hiện thực của tác phẩm. Trong khi hòa nghị, Hai ông Phan, Lâm đều hỏi ý kiến Đặng Đức Tuấn về những yêu sách của Pháp. Mặc dù có sự cảnh báo của Đặng Đức Tuấn song hai ông Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp đã nhượng bộ Pháp quá nhiều, khiến cho sau này Vua Tự Đức lên án hai ông là “tội nhân của bản triều mà còn là tội nhân của muôn đời”.

Điều đáng khâm phục là sự dấn thân, thái độ thẳng thắn trung thực, sự hiểu thấu lẽ đạo và lòng yêu nước của Lm Đặng Đức Tuấn có sức cảm hóa nhà Nguyễn (vua Tự Đức) ngay cả trong tình hình cấm đạo khốc liệt (chỉ dụ Phân sáp toàn diện năm 1861).

Về văn chương, Thuật tích việc Đạo nước Nam thuộc văn chương bình dân, tuy vậy văn bản cũng có nhiều câu hay của văn chương bác học. Nghệ thuât kể truyện mạch lạc, tốc độ nhanh. Tác giả vừa kể vừa phân tích sự việc bằng thái độ khá khách quan, óc quan sát tinh tế, với tầm bao quát không gian, thời gian khá rộng. Tuy thuật lại nhiều chuyện đau buồn của thời cấm đạo song Lm Đặng Đức Tuấn luôn kiên định một lòng tin đầy lạc quan.

Văn bản Thuật tích việc Đạo nước Nam bằng chữ Quốc ngữ này so với ngày nay có nhiều chữ  sai chính tả, và nhiều chữ đã cổ không còn dùng. Những chú thích của tác giả được ghi dưới mỗi trang. Những chú thích về chính tả để trong ngoặc vuông […] do BCT ghi bên cạnh câu thơ. BCT đánh máy lại từ bản in 1911 của Nxb Phát Toán Sài Gòn.

***

VĂN BẢN TÁC PHẨM

***

THUẬT TÍCH VIỆC ĐẠO NƯỚC NAM

Par Linh mục Khâm, Quý Hợi niên tạo

Édité par: Đinh Thái Sơn

Maison: Phát Toán – Sài gòn – Sèbtembre 1911.

Phân loại TVQG (NLV): X375

(National Library of Viet Nam)

***

1.Đạo thánh Chúa giảng truyền nam thổ

Lê hoàng trào vịnh bổ cữu niên

Thới bàng ngôi báu đạt yên,

Dằm nhạn một tiếng viễn biên không trần.

5.Nữa ngàn gặp hội phong vân,

Nước nhà thạnh trị muôn dân an hòa.

Các thầy nước Buttuca,

Vâng lịnh Tòa thánh trẩy qua đàng ngoài.

Giảng truyền đạo Chúa thiên thai,

10.Vén mây vẹt ngút phát gai tìm đàng.

Đội ơn Chúa cả thiên vàng,

Kiếm tìm chiên lạc mở mang đạo lành.

Làng An-trường trước đành thọ giáo,

Dẫu hết đà hướng đạo hồi tâm.

15.Từ xưa nẻo lặc đàng lầm, [lạc]

Điều răn tạc dạ phước âm ghi lòng.

Non cao biển thẳm mấy trùng,

Ngữa mầng yến sáng khắp trong bầu trời.[mừng]

An thạnh sấn sướt mọi nơi,

20.Rày còn bia tạc để đời hậu lai.

                       Có thơ rằng:

Bia tạc công dành để hậu lai,

Hoa-lang giảng đạo mở đàng ngoài.

Trời Nam tiếp thấy xông mây ngút,

Đất Bắc đè miền phát gốc gai.

25.Nơi lũng nay đà vâng lịnh Chúa,

Phàm trần có thuở tới thiên thai.

Núi sông còn đó công linh đó,

Ngãi Chúa ơn thầy dễ lợt phai [nghĩa]

Ơn thầy ngãi Chúa nào phai,

30.Lần hồi mở đạo trong ngoài khắp nơi.

Bắc Nam hai ngã một trời,

Nhiều nơi xiêu lạc lời nghe chánh chơn.

Hai trăm năm đã có hơn,

Thiệu-Thống kế vị Tây-sơn dấy loàn.

35.Cho hay thiên vận tuần hoàn,

Thạnh suy biến dị nguy an đổi dời.

Lê-thiệu-Thống tìm nơi cầu viện,[vua Lê Chiêu Thống]

Qua Thanh-trào đình kiết giá băng.

Tây-sơn mặc sức hung hăng,

40.Phân chia cõi đất chiếm ngăn ngôi trời.

Bụi bay khắp chốn đòi nơi,

Gío nghiên thế nước nhặc hơi gian hùng,

Thới-đức Cảnh-thạnh Quang-trung,[Triều đại Tây Sơn: Thái Đức, Cảnh Thịnh, Quang Trung]

Hai trăm sông núi ngàn trùng phong ba.

45.Bắc Nam lừng lẩy binh qua,

Xây nên đảng ngụy đốt tòa vương công,[Nhà Nguyễn gọi Tây Sơn là đảng ngụy]

Đàng ngoài nhẩn đến đàng trong,

Lê gia thành quách quạnh không tro tàn.[Lê gia: Triều nhà Lê]

Nguyễn chúa tị loạn giang quang,

50.Đã qua Phú-quất lại hoàn Trấn-tiên [Phú quốc, Hà Tiên]

Giáo nhơn thấy ưu phiền khắp xứ,

Đời loạn ly ai giữ đoàn chiên?

Cảnh-hưng hoàn hiệu ngươn niên,[Cảnh Hưng-Lê Hiển Tông 1740-1787]

Nước Langsa mới nối truyền giảng rao.

55.Không cùng đất rộng trời cao,

Ơn Chúa dạ tạc lẽ nào lòng quê.

                      Có thơ rằng:

Ơn trên dạ tạc dám lòng quên,

Nối tiếp khai quang đạo vững bề.

Nhựt thựt một hồi đâu mất sáng,

60.Đạo truyền muôn kiếp có quyền trên.

Dầu cho thì biến Lê ngang dọc,

Há để trời Nam ngụy đắp nền.

Tiêu tán sự đời đời khiến vậy,

Đạo hằng có Chúa dựng gầy nên.

65.Đạo truyền có Chúa gầy nên,

Langsa nối giảng khắp miền Việt-nam.

Bá-đa-Lộc quyền làm giám mục,[Pierre Pigneau de Behaine]

 Chăn chiên lành dưỡng dục khi song.

Vốn người dòng dõi vương công,

70.Lánh mình thế phước quyết lòng thiên hương.

Qua Nam-việt một phương vội vội,

Đèn thiêng liêng cõi tối hằng chong.

Gặp đời thảo mụi long đong,

Mình làm cột đá giữa dòng muôn lang.

75.Ra tay tá quấc an bang,

Vực phò Nguyễn chúa đam sang Xiêm thành.

Vua tôi thầy tớ xuất hành,[Giám mục Bá Đa Lộc]

Mấy trùng non nước tất thành kiêm lang.

Nguyễn chúa ở lại Xiêm bang,

80.Đức thầy chịu mạng lại hoàng Tây-dương.[hoàn]

Bôn lo khôi phục cố cương,

Một phen toan tính một trường phân ly.

Đông cung niên thiếu ra đi,[1]

Thát cô gánh nặng kinh quyền ngãi thông.

85.Trèo non vượt biển mấy trùng,

Một lòng ái kỷ một lòng ái nhơn.

Về cố quấc thiệt hơn bày tỏ,

Xin viện binh giúp bổ Nguyễn gia

Chí lâm cả sáng danh Cha,

90.Giữa dân ngoại đạo mở tòa hội công.

Đam sang binh thủy thuyền đồng,

Quyết trừ đảng dữ dẹp xong mối loàn,

Lại từ kinh quấc Phalang,

Nghiêm bày đội ngũ sửa sang thành trì.

____________

[1] Đông cung thọ lịnh Nguyễn Chúa cùng đức thầy Bá Đa Lộc vãng Tây dương quấc

BCT:Đông cung: Hoàng tử Cảnh, con Nguyễn Ánh, đi theo Bá Đa Lộc sang Pháp 1784

(Trang 4)

95.Vua tôi sum hiệp một khi,

Phong vân hội mở thuần thì thới lai.

Quyền thái phó khâm sai đạt mạng,

Điều chiến binh thủy bộ viện binh.

Việc vua việc Chúa trên mình,

100.Hai vai gánh nặng một tình ái ưu.

Máy binh đồ trận cơ mưu,

Kinh luân vương tá phong lưu vương hào,

Đang cơn khói lửa mưa đào,

Vững trồng cột đá, chẳng xao lòng vàng.

105.Ghe phen tân khổ gian nan,

Đã xua đảng cáo lại hoàn an trư.

Cõi Nam đất cũ an cư,

Trước thâu Gia Định, sau trừ Quang Trung.

Hùng binh hổ tướng rùng rùng,

110.Lên trận Thị -nội vào cung bàn xà.

Tây-sơn đảng tặc lánh xa,

Quy Nhơn trở lại Nam đà vẹn thâu.

Đến bến-đá đêm hầu giờ tí,

Một trận nầy binh ngụy nát tan.[quân Tây Sơn]

115.Nực cười thiểu truyện lớn gan,

Lấy ngao lường biển bẻ cang chống trời.

Đàng ngoài cõi đất vơi vơi,

Một phen con đỏ còn nơi nịch thần.

Lòng giúp nước cứu dân mệt mỏi,

120.Việc giảng truyền mọi nỗi chưa an.

Nào hay biến cuộc thương tàn,

Cõi trần từ tạ thiên đàng nghỉ ngơi.[Bá Đa Lộc mất 1799]

Đức vua thương tiếc rụng rời,

Mất tay tả hữu mất người phúc tâm.

125.Núi Kỳ-sơn ngàn trùng chất thảm,

Thành Quy-nhơn ám dặp phong sương.

Ngừa than hai chữ vô thường (1)

Ngàn năm ly biệt một trường bi ai.

(Trang 5 bản in:)

Cám công đất rộng trời dài,

130.Ngự bày điếu tế ngự bày sắc phong.

Về Gia-định đàng trong an táng,

Lập lăng mồ biêu rạng công cao [2]

Đông Cung lụy nhỏ thâm bàu,

Tống chung một thuở ngậm sầu ba thu.

135.Ngùi ngùi cám kiểng tan du,

Khách tinh lờ lệch gió thu lạnh lùng.

Sử xanh ghi chép tinh trung,

Đá bia còn đó cột đồng còn đây.

______

[2] Nam Việt quấc vương điếu tế 5 chức đạo sắc phong tữ đạo kiêm nhựt thượng tồn Giám mực Bá-đa-lộc lăng táng tại Gia-định cụ hữu sắc thạch minh công kiêm nhựt thượng tồn.

                      Có thơ rằng:

Bia tạc lăng mồ để nhớ công,

140.Sử xanh ghi chép chữ tinh trung.

Hết lòng kính Chúa chăn chiên lạc,

Trải dạ phò vua đỡ cột đồng,

Mũ gậy sáng ngời biêu đạo thánh,

Ngọn cờ mây tỏa sắc vương công.

145.Ngãi nhơn còn đó giang sơn đó.

Đất rộng trời cao dạ dễ cùng.

Trời cao đất rộng không cùng,

Giang sơn còn đó tấm lòng còn đây.

Việc tống táng Đức thầy đã đoạn,[Đức Thầy: Giám mục Bá Đa Lộc]

150.Lịnh vua ra dẹp loạn ngoài trong.

Tùng chinh Minh, Tính, Phụng, Long,

Cánh vây lừng lẩy chín trùng cao bay.

Trừ giặc Quảng trong tay một mối,

Ra đàng ngoài đánh tội cứu dân.

155.Gió oai thổi bóng ẻo hy,

Tây-sơn bặt dấu Bắc thì soán ngôi.

Lũ ngụy đảng nảy chồi nứt mộng

Rút đòng khai chẳng động tất binh

(trang 6 bản in:)

Mở nền hao hạ thinh thinh,

160.An dân dưới chiếu tảo trình trở quân.

Về đô kinh quấc Phú-xuân,[Gia Long lên ngôi 1802]

Trên an đế nghiệp dưới mừng thới lai.

Muôn dân vui đặng nghỉ vai,

Phủ trong một mối sử ngoài bốn phương.

165.Vua cám thương công ơn tái tạo,

Chỉ truyền cho giảng đạo mọi nơi.

Lang-sa Nam-việt hai trời,

Một lòng hòa hảo không lời cấm ngắn.

Thì lòng hai chữ tải căng,

170.Các thầy qua lại đạo hằng giảng khuyên.

Trải đời Giám mục tiếp quyền,

Dưới thì Linh mục chức quyền phân tư.

Khắp miền lạc nghiệp an cư, [5]

Dưới tôn vương pháp trên thờ Chúa Cha.

175.Thái bình một khúc cao ca,

Nhơn dân chuyên quản nước nhà an ninh.

                             Có thơ rằng:

Muôn dân chuyên quản nước an ninh,

Đời chốn vui ca khúc thái bình,

Bờ cõi vắng tăm hơi khói lửa,

180.Biển sông bạt tích giọng nghê kình.

Ơn vua mưa rưới nhuần trăm họ,

Đạo Chúa sáng soi tĩnh chúng sanh,

No ấm phĩ lòng mừng vận trị,

Muôn dân chuyên quản nước anh ninh.

185.Dân chuyên quản nước an ninh,

Toại bề nhạn thích phỉ tình thì cư.

Đinh, Lê, Trần, Lý đến giờ,

Thới hòa một thấy xa thơ ba đồng.

Năm Minh-mạng cửu trùng kế vị [6][Vua Minh Mạng 1821]

190.Đời thái bình tức chỉ cang qua

______________ 

[5] Đàng trong Giám mục Gioang, Giám mục Từ

[6] Cao hoàng tại vị thập bát niên băng

(trang 7 bản in:)

An nhàn khắp cõi gần xa,

Biển sông trong nước tuyết hoa rực ngời.

Kính vua thờ Chúa mọi nơi,

Vui vầy nước trị vẽ vời đàng ngay.

195.Giảng rao đạo Chúa cao dày,

Giãi dịch kinh sách vẽ bày khôn ngoan.

Nước nhà càng thạnh giàu sang,

Ngõa nguê tứ thú an nhàn tứ dân.

200.Máy theo tạo hóa xây vần,

Không cùng ý nhiệm không phân lẽ mầu.

Dang-sơn, Cổ-lão cơ cầu,

Kiện nhau giải hạng tranh nhau đất làng.

Dang-sơn có đạo vẹn toàn,

205.Cổ-lão không đạo quyết toan mưu thù.

Bỡi lòng giận ghét phao vu,

Trước thưa phủ huyện sau vô pháp đường.

Rằng: đạo ỉ thế Tây-dương,

Phan kinh đạo trưởng mối dường so đo.

210.Cao minh chậu úp không dò,

Việc đầu thì nhỏ sau to bằng trời.

Chỉ truyền cấm đạo mọi nơi,

Minh-mạng trị đời năm thứ mười ba.[1833]

Bắc nam khắp cõi gần xa,

215.Đạo đường triệc hạ các cha tử hình.[triệt]

Giáo nhơn ai chẳng thuận tình,

Trảm quyết lập tức lôi đình oan gia.

Ai mà thập tự bước qua

Ấy là thiên thiện chĩ qua về nhà.

220.Chúa cao xa mở khoa thi hội,

Bao nhiêu người yếu đuối rớt đi.

Bạc vàng lộn lạo thao chì,

Một phen vào lửa thử thì thấy pha.[lửa thử vàng]

Chúa dùng sự khó thử ta,

225.Gian nan dưới thế nghiệp hoa trên trời.

Hội này trảm quyết nhiều người,

Từ trong đất Huế đến nơi Bắc-thành.

(trang 8 bản in:)

Những hàng đạo đức thinh danh,

Những hàng chức sắc quân binh dân thường.

230.Tử hình nhiều cách oan ươn,

Quyết lòng liều sống đền ơn tạo thành.

                            Có thơ rằng:

Khoa trời mở hội rộng thanh thanh,

Liều sống đền ơn Chúa tạo thành,

Mũi bạc bay qua miền tạm thế,

235.Cờ điều thẳng chỉ cõi trường sanh,

Hồn thiêng đã đặng nơi cung thánh,

Nhỏ máu còn deo giống đạo lành,

Rạng tuyết tôi con cơn bãng đãng,

Muôn đời hưởng phước lại thơm danh.

240.Muôn đời hưởng phước thơm danh,

Đầy lòng vui vẻ phỉ tình cậy trông.

Tư, Đức vọng đàng trong Giám mục,

Chăn chiên đời khoản khúc gian nan.

Đang cơn bóng tối đầy tràng,

245.Giữ gìn đèn sáng khai quan lòng người.

Cúi mình ẩn yến khắp nơi,

Uống ăn cay đắng nghỉ ngơi hang hầm.

Ghe phen ở tối đi thầm,

250.Sói hùm chi quảng sơn lâm chi nài.[quản]

Ra tay phát gốc ruồng gai,

Vườn nho vung quén người tài dưỡng nuôi.[vun]

Trải năm nhen nhúm lần hồi,

Dịch in kinh sách trao dồi đoàn chiên.

255.Bỗn quấc Linh mục chức truyền,

Trong thì nghèo hiểm khắp miền giữ chăn.

Gởi nhiều người đến Pinăng,

Học lẽ thông thái để hằng giảng khuyên.

Lại chia gánh nặng đoàn chiên [ 7 ]

260.Gia-định một mối Thừa-thiên một quyền.

____________________

[ 7 ] Gia-định Giám-mục Ngải, Thừa-thiên Giám-mục Phan

(trang 9 bản in)

Trong ngoài đều có mối giềng,

Đạo tuy nghiêm cấm đèn thiêng sáng ngời.

Giáo nhơn ở các phương trời,

Thấy gương phước đức nhiều lời ũi an.

265.Bắc Nam ngàn dặm quan san,

Quyền trên có đủ ân ban cũng đồng.

Đâu đâu chức thánh hằng phong,

Toại lòng người thế ước mong phước trời.

Đang cơn ly tiết dưới đời,

270. Đã nhiều thánh cả về nơi thiên đàng.

Đội ơn Chúa cả cao quang,

Hằng hà phước trọng muôn vàng ơn riêng.[vàn]

Trải qua Thiệu-Trị thất niên, [1847]

Việc đời nghiêm nhặt việc thiêng đượm nhuần.

275.Tuy còn nhiều nỗi gian chuân

Đã từng bắt bớ đã từng lao đao.

Ghe phen biển dậy ba đào,

Chiếc thuyền Hội-thánh chẳng xao chẳng chìm.

Chữ rằng: Dĩ hỏa thí kim,[lấy lửa thử vàng]

280.Gian nan thử đức khảo kềm thử gan.

Chúa là cội rễ khôn ngoan,

Dùng phương tập luyện mở đàng thiêng liêng.

Đễ hằng gặp khó liên liên,

Ngọn roi khôn khéo cha hiền dạy răn.

285.Ai mà biết tội ăn năn,

Nay tuy tạm khó sau hằng nghỉ an.

Ai mà lòng đạo mơ màng,

Lao đao thân phận rõ ràng phải chăng.

Năm Tự-Đức vị đăng cữu ngũ, [Tự Đức: 1847-1883]

290.Đời thừa bình quy cũ giữ noi.

Trãi năm khoan giãng lần hồi,

Muôn dân khác thói một cơi đồng bào.

Lòng nhơn biển thẩm non cao,

Chẩn bần tha thuế rưới đào đòi phương.

295.Tuy rằng đạo cấm như thường,

Nhiều nơi thuyết lập đạo trường giãng rao.[thiết lập]

(trang 10 bản in:)

Nhiều người biết đạo sâu cao,

Lánh lui đàng lạc trở vào đàng ngay.

300.Nhiều người chẳng nệ đắng cay,

Bỏ phần sung sướng trông ngày thiên chung.

Đang khi thanh lặng biển sông,

Bỗng nghe tiếng súng đùng đùng vang tai.

Nhộn nhàn xao xác trong ngoài,

305.Người người thất vía ai ai kinh hoàng.

Ít ngày nghe chuyện rõ ràng,

Tây-dương tàu lại cửa Hàn ghẹo chơi.[Pháp đánh Cửa Hàn (Đà Nẵng) 1857]

Trước đà gây chuyện báo đời,

Rày còn tái lại trời ôi là trời [8].

______________________

[8 ]Thiệu-Trị thất niên (1847) dương tuyền lại nhứt thứ, Tự-Đức thập nhứt niên hựu lại nhứt thứ (1858).

310.Quan quân thôi đã hết hơi,

Kẻ bị cách chức người dời thê nô.

Kẻ thì chuyền của dọn nhà,

Sợ e giặc đến hóa ra tro tàn.

Kẻ súng vác người gươm mang,

315.Vâng lịnh tướng soái ở đàng phong sương.

Người thì tụ hội binh lương,

Tập rèn nghề võ quyết đường quan gia.

Vốn tâu xin [1 chữ mờ]…giao hòa

Xin cho giảng [1 chữ mờ]… cùng là hội thương.

320.Trào đình [2 chữ mờ]…tư lương

Sai binh thủ ngụ chiến trường gian nan.

Tàu tây nổi nóng làm ngang,

Ỹ nhiều thuốc đạn bắn càng quân quan.

Lên lập phố xá tại Hàn,[Hàn: Đà Nẵng 1858]

325.Ở vài năm đó chẳng toan ra gì.

Rũ nhau kéo hết mà đi,

Gia-định thẳng tới thành trì bắn tan.[1859]

Quân chết tính ước dư ngàn,

Súng giáo mất hết kho tàng còn chi.

330.Kéo lên chiếm cứ Nam-kỳ, [1862-1867]

Nghinh ngang xe ngựa li bì nguyệt hoa.

(trang 11 bản in:)

Khéo là tội báo oan gia,

Tính bề giục lợi lại pha việc lành.

Mượn câu giảng đạo làm danh,

335.Làm cho giáo hữu tan tành phen ni.

Làm cho Nhà nước sanh nghi,

Giam cầm đầu mục khinh khi đạo trời.

Làm cho xao xác trong đời,

Rúng động đất nước đổi dời gió trăng.

340.Núi Ải-vân khói giăng mấy khúc,

Cõi Đồng-nai gió thúc ngọn sầu!

Khôn cùng mọi nỗi lo âu,

Một mình ở giữa hai đầu bắn nhau.

Nghĩ suy mà sợ ngày sau,

345.Bá tòng đã đốn sậy lau nào chừa.

Ngạn rằng: quà quạ ăn đưa,

Bắt cò phơi nắng người xưa để lời.

Canh giam nghiêm nhặt khắp nơi,

Giữa đàng mang ách lạ đời oan ươn.

                            Có thơ rằng:

350.Giữa đàng mang ách ách khi không,

Ách tắc lạ đời ách quá xung.

Kẻ ở Tây-dương qua bắn súng,

Người bên Nam-việt lại mang gông.

Trời cao cổ vắng không kêu thấu [cổ vắn, nghĩa là cổ ngắn]

355.Lẽ vạy tình ngay phải xét công.

Đồng đạo nào hề đồng chước móc,

Khác trời khác biển khác Tây Đông.

Khác trời khác biển Tây Đông,

Vì giữ đạo Chúa cũng đồng vấn vương.

360.Mật truyền tỉnh phủ huyện đường

Đạo nhơn tận số tế tường báo khai.

Chẳng kỳ già trẻ gái trai,

Mỗi tháng đòi bắt điểm hoài lao đao.

Những đi lên xuống ra vào,

365.Cửa nhà bỏ đó hư hao kể gì.

(trang 12 bản in:)

Đến quan dạy bảo một khi,

Bay mà xuất giáo tao thì tha cho.

Đứa nào cứng cổ cương co,

Giày roi có đó nọc vồ có đây.

370.Bay đừng quen thói dại ngây,

Đạo Ta thì bỏ đạo Tây thì thờ.

Khá tua cải quá bây giờ,

Bước qua thập tự ngõ ngờ ơn tha.

Chẳng nghe tao cũng xẻ da,

375.Phước đâu chưa thấy tội đà nhuốt nha.[nhuốc nhơ]

Thảm thay con nít đờn bà,

Phen nầy mới biết huyện nha dường nào.

Quan quân roi vọt hùng hào,

Hết hồn hết vía hết tao hết mầy.

380.Ai ai đều phải đến đây,

Ít lâu rồi cũng xầm xầy như không.

Những người lòng vững cậy trông,

Bẩm quan đáp lẻ chưa cùng lời khai.

Roi to roi nhỏ đánh bừa,

385.Chẳng kiêng lưng cổ chẳng chừa đầu đuôi.

Đứa thì bắt cổ kéo lôi,

Kéo qua thập tự cho rồi phui pha.

Kẻ thì vồ nọc căng ra,

Đánh chơi vài chập kêu la vang trời.

390.Người thì lo sợ hết hơi,

Giả đó đau bịnh ma trơi lèn xèn.

Kể chi là phận sang hèn,

Ai chê mặc thích ai khen mặc tình.

Những người đạo đức linh chinh,

395.Lo sợ xác đất u minh phước trời.

Vào quan chưa hỏi một lời,

Đà lo xuất giáo ở đời cho an.

Nghĩ rằng liều mạng bước ngang,

Mai sau thỉnh thoản sẻ toan lo liều.

400.Tiếc người chịu cực đã nhiều,

Trải qua mấy trận chưa xiêu tất lòng.

(trang 13 bản in)

Lâu ngày chịu đựng không xong,

Uổng công xe cát lấp dòng thương lang.

Lửa nóng thì biết tuổi vàng,

405.Khá khen mấy kẻ vẹn toàn thĩ chung.

Nước loạn mới biết tôi trung,

Phong ba gặp trận anh hùng biêu danh.

Sấm truyền Chúa phán đinh ninh,

Húy tử thì lỗ xá sanh lại lời.

410.Sao nói cho hết chuyện đời,

Trải qua bão lụt rã rời cỏ cây.

Phen nẩy ta tác cha thầy,

Mấy ông tử đạo lúc nầy đã an [9]

_________________

[9] Gia-định cậu Minh, cậu Dỏng. Bình-thuận cậu Các, Bình-định cậu Chung. Quảng-nam cậu Lợi, Thới, Bộc. Quảng-binh cậu Chung các cậu tử đạo.

Cực người còn ở dương gian,

415.Chông gai chi xiết gian nan chi cùng.

Tuần do tập nỏa tứ tung,

Ông lo thế trốn ông dùng phương đi.

Ông thì giả bộ dị lỳ,

Phơi ngoài trời nắng đen sì nước da.

420.Ông thì giả dạng xấu xa,

Khăn vãi cũ rách áo dà vàng hoe.

Ông thì làm cách nhà quê,

Tóc râu xờ xạc nón cời lang thang.

Ông thì giả bộ giàu sang,

425.Ăn mặc coi khá dạo càng cũng xong.

Hoán danh cải tánh ròng ròng,

Giả dại qua ải thoát vòng gian nguy.

Ăn theo thuở ở theo thì,

Muốn chết vì Chúa nệ gì thế gian.

430.Nhưng phải giữ lời khôn ngoan,

Bắt bớ thành nọ trốn sang thành nầy.

Đã buồn lại phải làm khuây,

Vảy tróc cũng chịu vi trầy cũng cam.

(trang 14 bản in:)

Thảm thương mấy kẻ lưu giam,

435.Hồ Việc phụ tử Bắc Nam tớ thầy [Hồ Việt].

Vì ai nên cớ sự nầy?

Cá ao khát nước chim bầy lạc cây.

Hoa trời bát ngát mưa mây,

Biển đông để giận gió tây đưa sầu.

440.Xưa nay đạo cấm đã lâu,

Khoan thai vừa phải có đâu quá chừng?

Cực nầy chưa thấy chưa từng,

Tưởng âu tận thế đến tuần gian nan.

Đạo ta rày khó ở an,

445.Phần quan bắt bớ phần làng thắt eo.

Lạ chi lịnh ít lạc nhiều,

Mấy anh đảng cáo nương theo oai hùng.

Nghe hơi cậu xã chú trùm,

Cơn sợ chẳng khác trời gầm bên tai.

450.Nhiều tay văn vật trí tài,

Nhiều người lịch lãm thanh bai sang giàu.

Nhiều tay lý sự kỳ cào,

Thấy bà cậu mợ mày tao với đời.

Cầm kỳ thi họa ăn chơi,

455.Phủ phê mọi nỗi thảnh thơi mọi đường.

Cũng vì một khoản Tây-dương,

Hết ruộng hết đất hết lương hết tiền.

Những khai những điểm liền liền,

Mặt nào cũng chẳng ở yên đặng rày.

460.Quan bắt làng ăn no say,

Nong nia đã nát cối xay lại mòn.

Cực thay lại phải cúi lòn,

Gia-tô mềm mỏng ăn ngon quá chừng.

Tưởng là cực cũng có tầng,

465.Hay đâu còn lúc gian khuân quá đầu.

Có thân thì phải lo âu,

Tan thương dời đổi ưu sầu chứa chan.

Trác ra cho các xã làng,[trát]

Tựu nha lập tức đợi quan mật truyền.

(trang 15 bản in:)

470.Đạo rày phân sáp các miền, [Tháng năm 1861 vua Tự Đức ký lệnh phân sáp toàn diện]

Ngày đêm canh nhặt giữ liền chớ tha.

Làng nào để nó trốn ra,

Tội tình chẳng ít oan gia chẳng vừa.

Bình dân lớn nhỏ bắt bừa,

475.Dẫn ra khắt tự chẳng chừa gái trai [Khắc tự: khắc chữ]

Tội chi nào biết hỏi ai,

Xẻ mày xẻ mặt chịu chai chịu lỳ.

Cực cho các ả các dì,

Kẻ thì xin lãnh đứa thì đòi mua.

480.Lụt lội rồi cũng giơ cua,

Lá rụng về cội xôi chùa khó ăn.

Khắt rồi quan dạy răng răng,[khắc]

Nạp tờ giao lãnh vi bằng một khi.

Các làng cứ sổ lãng đi,

485.Giở nhà lập tức giẫn tùy liền tay.

Ngặc ngào trăm nổi đắng cay,[ngặt nghèo]

Mưa sa hàng lụy gió day mạch sầu.

Sáo ngã lại dập thuyền câu,

Ta đà liên lụy ai đâu yêu vì.

490.Điếm đàng bợm bải thiếu chi,

Miệng thăm cô bác lòng thì tham ô.

Hỏi thăm bồn chậu giẻ tô,

Ngựa ván ghế tủ gửi mô cho rồi.

Thôi thôi để lại cho tôi,

495.Của đáng vài chục giao hồi ít quan.

Thảo nào mèo lại ăn thang,

Kẻ rinh cái nọ người mang cái nầy.

Đến thăm đông đảo dậm dầy,

Ngoài miệng mếu máo trong tay quơ đồ.

500.Thảm thương anh chị cậu cô,

Ra thân thể ấy thuở mô tái hoàn?

Vườn đất để đó mặc làng,

Sau mà về đặng sẽ hoàn lại cho.

Ra đi không xiết nỗi lo,

505.Lúa thóc gửi lại đói no mặc trời.

(trang 16 sách in:)

Lang thang gánh xách nón tơi,

Giã từ cố cựu tới nơi giam cầm.

Ngập ngừng châu lụy lăm dăm,

Trí khôn đậu mắt tạng tâm chẳng còn.

510.Mịt mù mây phủ nước non,

Phân cha làng nọ sáp con làng nầy [Phân sáp]

Chông gai hào lũy phủ vây,

Gông cùm ngang dọc đó đây chật đày.

Ngậm ngùi trời đất cỏ cây,

515.Núi nam chất thảm biển tây giăng sầu.

Băng xăng mọi nỗi lo âu,

Kinh đọc thầm thỉ lòng đâu mơ màng.

Kẻ khóc lóc người than van,

Lạ lùng xứ sở ngở ngàn bà con. [Ngỡ ngàng]

520.Gẫm thân cũng đã thon von,

Dọn mình mà chết chẳng còn trông ra.

Khắc canh mõ ông thanh la,

Trộm cướp mấy án nhuốt nha thế nầy.[nhuốc nha]

Xin đi một phút một giây,

525.Có người vác gậy cầm cây theo hầu.

Chòi mòng phía trước phía sau,

Nhìn xem quan [chữ bị mờ]…nên đau đớn lòng.

Lấy ai an ủi bề trong,

Gẫm thân lá rụng giữa dòng nước qua.

530.Sáp lần trước cực đà bỏ mẹ, [Phân sáp]

Còn sáp phen nay phải bỏ cha.

Mới làm quen lớn tốn hao,

Ở ăn vừa dễ ra vào bớt nghi.

Lại phải bỏ đó mà đi,

535.Sáp qua làng khác sầu bi bàng hoàng.

Loi ngoi lạch ạch ngoài đàng,

Kẻ gánh trẻ nhỏ người mang đồ tề.

Cực sao mà cực gớm ghê,

Một mình tấc bạc tứ bề ăn chơi.

540.Ai ai là cũng người đời,

Bế tệ dường ấy đất trời hay chăng?

        (tr.17 sách in:)

Nghĩ buồn lại biếng nói năng,

Làm thinh ngồi đó biết ăn đí gì.

Sầu bi lại dập sầu bi,

545.Thảm thương mấy kẽ ở vi qua đời.

Lâm cơn chích mác đòi nơi,

Không ai đọc sách không người rước cha.

Lẽ sống sống thì nhuốt nha,

Tay không đồng sức bụng thì xóp khô.

550.Đói thôi đầu gối hay bò,

Kẻ đi mần mướn người lo bán đồ.

Kẻ đi thăm cậu viếng cô,

Nhờ thép nhiều ít đói no đỡ lòng,

Dầu kẻ có một hai đồng,

555.Khai điểm lúc trước tốn ròng còn chi.

Phen này ai cũng chịu lỳ,

Bất qua thí chết còn gì nữa đâu.

                   Phân sáp thơ kỳ nhứt

Một phen vực thảm hóa công giâu,

Muỗi chết oan tình hỡi hỡi trâu.[Thành ngữ: trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết]

560.Vạn lý cù lao đâu há ví,

Một trường ly tiết dám hầu xin.

Gẫm thân xài xạc thân không cánh,

Tủi phận bỏ ngơ rắn đứt đầu.

Tưởng những cây trôi không trở lại,

565.Quê xưa thổn thức chạnh lòng âu.

Đầu tằm đã biết đổ trăm giâu,[Thành ngữ: trăm dâu đổ đầu tằm]

Lịnh dạy ra đi dẹp ruộng trâu,

Đêm ngủ nhờ làng canh lối cửa

Ngày đi mặc kẻ chạy theo hầu.

570.Cửa nhà cao lớn xem ngang mặt

Quan khách vào ra thảy cúi đầu.

Nội ngoại mấy trùng hào lũy chắc,

Mặc ai làm giặc chẳng lo âu.

Kẻ phân sáp cực đà xong phận

575.Người trốn còn lận đận lao đao.

(trang 18 bản in:)

Hết phương ẩn yểng nhà nào,

Kẻ lên trên núi người vào vườn hoang.

Kẻ thì thơ thẩn ngoài đàng,

Sợ quan có một sợ làng bằng ba.

580.Lúc này hiếm đứa gian tà,

Duồng theo trận gió u hoà bẻ măng.

Vậy nên đổi lốt thay chăn,

Nghèo đà cháy cánh còn ăn đặng gì.

Đói rách cũng phải chịu lỳ,

585.Bà con cách mặt sầu bi thống tình.

Ba chìm bảy nổi linh đinh,

Nay ở chỗ nọ mai rinh chỗ nầy.

Khác chi chim đã lạc bầy,

Tìm cây nương ẩn kiếm cây đỗ nhờ.

590.Nghĩ đà thất sở thân sơ,

Phải trước khai sáp bây giờ đã xong.

Chẳng còn nhiều lúc cực lòng,

Nghe ai lớn tiếng chạy cong thở dài.

Kể chi bờ bụi chông gai,

595.Gặp ai có hỏi thưa ngài bẩm ông.

Trong lưng còn lại mầy đồng,

Bị bắt ít chiến sạch không như chùi.

Nghĩ suy cho thấu đầu đuôi,

Đọc khai cho rồi đi sáp với nhau.

600.Lúc nầy ai ở lại sau,

Dài tóc cũng mắc trọc đầu cũng mang.

Cực vì các cậu biện bang,

Thổi lòng tìm vít đạp đàng bẻ măng.

Vỏng lên vỏng xuống lăng xăng,

605.Thấy bóng các cậu sợ bằng quan to.

Lỗ chi vàng gánh vào kho,

Bắc đặng tả đạo thưởng cho bạc tiền [bắt]

Gặp thì gặp vận gặp duyên,

Mấy nhà cấm cố đặng quyền khảo tra.

610.Ma bắt coi mặt người ta,

Mấy người nghèo đói đem ra đánh liền.

(trang 19 bản in:)

Đã cùng lại ở chẳng yên,

Những sợ bang biện tới miềng nhà giam.[miền]

Thầy nghe lời nói việc làm,

615.Đâu đó một cách Bắc Nam một tuồng.

Vườn nhà phá trông luôn tuồng,

Lặn lội ở cạng thuồng luồng nào quen. [ở cạn]

Cha thầy khác thể như đèn,

Giấu giếm sao kính chúc chen sao rồi [10]

620.Các cha bắt đặng lần hổi,

Đức thầy bắt đặng gò bồi thị Lưu

Số là có đứa gian cừu,

Điểm chị cậu Thọ tạm lưu lối nầy.

Quan quân hỏa tốc đến vây,

625.Xét nhà lái Sỉ thấy thầy ở mô.

Tịch phong ba chữ Gia-tô,

Quan quân ở đó ra vô ba ngày.

Xét đặng áo lễ đồ Tây,

Hỏ tra ông Quả phải thầy hay không.

630.Anh ta chối vái ròng ròng,

Tôi là bổn đạo biết còng gì đấu.

Quan quân tính việc còn lâu,

Dạy đóng gông giải để hầu tỉnh tra.

Đức thầy khát nước thiết tha,

635.Ở trong lẩm lúa bước ra bề ngoài.

Quan quân xem thấy kinh oai,

Kêu la truyền báo dậy tay vang làng.

Thanh la mõ ống tứ phan,

Dùi gậy giáo mát kéo đoàn phủ vây [mác]

640.Lâu nay mới thấy ông tây,

Bá quan thiên hạ dậm đầy đến coi.

Quan dạy đóng cũi cho rồi,

Bỏ vào trong ấy để ngồi nhắm chơi.

Mấy người tùng dã rụng rời,

645.Bấy lâu mới thấy việc đời quá hung.

[10] Cậu Thành, cậu Quạn, cậu Châu, cậu Sự, cậu hơn, cậu Bữu

(trang 20 bản in:)

Đã trói rồi lại đóng gông,

Bà con lái Sĩ đều đồng gia gian.

Đánh dây xâu lại một đoàn,

Tịch phong của cải giao làng lảnh canh.

650.Tốc sai phi báo tỉnh thành,

Xin cho tỉnh phái tùy hành khỏi lo.

Trời lụt nước hãy còn to,

Quan truyền khiêng cũi lần dò đi lên.

Nam nữ hai mười bốn tên,

655.Dẫn lên một lược còn chuyên dọc đàng [lượt].

Giải lên trình nạp tỉnh quan,

Lịnh truyền các trại phân tan giam cầm.

Gần xa nghe đã kinh tâm,

660.Tứ phương thiên hạ rầm rầm chạy coi.

Truyền canh nghiêm nhặt vô hổi,

Các bác đầu mục đứng ngồi tái xanh.

Quan đòi ông Quả vào dinh,

Nọc căng roi khảo nát mình xé da.

665.Thầy Tuyền cũng bị khảo tra,

Đau đớn quá sức kêu la dậy trời.

Hỏi qua sao khẩu ít lời,

Đều đặng đều mất rã rời chưa yên,

Đức thầy quá nỗi ưu phiền,

670.Bịnh mang đã năng quan truyền khoan tra.

Đòi thầy đầu thuốc điều hòa,

Kỳ mười lăm bữa hoặc là bịnh thuyên.

Nào hay mạng tạo hồ thiên,

Đủ ngày kỳ hẹn bỏ miềng dương gian.[miền]

675.Cám thương mọi nỗi bàng hoàng,

Làm thơ để kính tất hoàn công lao.

                        Có thơ rằng:

Cõi Nam đạo thánh rạng công lao,

Sấm sét tư bề chẳng chuyển nao.

Trăm trận ba đào tay lái vững,

680.Một lòng kính mến ngọn cờ cao.

(trang 21 bản in)

Đã cam vì Chúa trăm phen thác,

Còn tiếc đền ơn một lưỡi đao.

Hài cốt biết đâu tìm kiếm đặng,

Dòng quyên bay hãy trả cho tao.

685.Đức cha quan đã tán rồi [táng]

Mấy người còn lại ngậm ngùi than van.

Phần thương phần sợ hai đàng,

Cha về quê kiễng bỏ đoàn con chiên.

Quan đòi ông Quả thầy Tuyền,

690.Bắt khai làm án phát liền về kinh.

Đòi các đạo trưởng vào dinh,

Dạy khai sự tích sự tình do lai.

Tỉnh quan hội các lời khai,

Đều kết án nặng sớ lai ngự tiền.

695.Ít lâu có chỉ về liền,

Kẻ xử trảm giảo người truyền canh giam.

Không cùng mọi nỗi  khổ cam,

Chép qua hòa lượt để làm gương soi.[11]

____________ 

[11]xử trảm các cậu bắt đặng lúc trước

                  Có thơ rằng:

Đàng hẹp đã từng chịu khổ lao,

700.Lâm cơn bỉ cực há lòng nao.

Phú mình chịu phép vua truyền lịnh,

Đổ máu đền ơn Chúa ngự cao.

Thắng trận chói lòa đầu đội mũ,

Toàn công chớ nệ cổ mang đao.

705.Chúa đà phán hứa khi lâm nạn,

Quan hồi trình thưa đã có tao.

Trong cả nước cực đà đủ đổi,

Ba tỉnh nầy còn rối hơn xa.

Một là trong tỉnh Biên-Hòa,

710.Tàu Tây lên đánh quan Ta đốt liều.

(trang 22 bản in:)

Mấy nhà cầm cố cháy thiêu,

Bổn đạo ở đó chết nhiều thương thay.

Hai là Tư ngãi cũng cay,[Quảng Ngãi]

Các ông đầu mục giải đày lên cơ.

715.Bị chói nước độc ngất ngơ,

Lần hồi chết hết ráo hơ không còn.

Chết thâm đến kẻ bà con,

Những người lên đó thăm lom mà về [nom]

Ba là Nam-định quá ghê,

720.Nhận nước bổn đạo no nê ngư hà.

Kẻ thì cho voi vật chà,

Người thì trảm quyết biết là mấy muôn.

Thảm thương châu lụy nhỏ tuông [tuôn]

Một thơ để kính mấy muôn người nầy.

                          Có thơ rằng:

725.Đàng ngay đạo chính giữ noi làm,

Gặp hội rồng mây chết cũng cam.

Vì Chúa một lòng đền đất Việt,

Tử hình trăm cách rạng trời Nam.

Công linh cao tạc miền thiên quấc,

730.Ngãi khí bây tham cõi thế phàm.

Một cuộc cờ cao đà thủ thắng,

Phù sanh đời tạm chẳng lòng tham.

Đặng Đức Tuấn đang hồi bảng đảng,

Thuật lại đây truyện vãn cho cùng.

735.Tứ vi sấm sét đùng đùng,

Giam cầm khắp chốn gông cùm khắp nơi.

Nghe trong Bình-thuận thảnh thơi,

Tính vào trong ấy trốn chơi ít ngày.

Thấy trong thì sự đắng cay,

740.Điều trần một tập tỏ bày căng duyên [căn]

Làm rồi lại ở chẳng yên,

Buộc lưng đi trốn ra miền Nga-mân.[xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi].

Đi đến ở nhà bình dân,

Đặng hơn mười bữa tứ lân hay rồi.

(trang 23 bản in:)

745.Bang biện Tú-Quối đến coi,

Truyện vãn tử tế nằm ngồi làm quen.

Ít lâu nghe việc chẳng hèn,

Sợ tội vốn có tham tiền thưởng không.

Ngở ngàn khó bắt đóng gông [ngỡ ngàng]

750.Biểu làng đến hỏi thử ông xứ nào.

Đang buổi thiên hạ lao xao,

Làng không dám chứa bắt ào giải quan.

Kê gông kêu trói chàng ràng,

Tú-Quới mới lãnh xin làng miễn đi.

755.Ta là người biết thị phi.

Bằng làng muốn giải đừng thì gia gian.

Để ra đó mặc lượng quan,

Hoặc là phân sáp về làng ta chơi.

Tú –Quới rước về nghỉ ngơi,

760.Trà thuốc cơm nước việc đời cũng ngoan.

Sớm mai đủ mặc cả làng [mặt]

Ba người tùng dã một đoàn giải đi.

Đến huyện Mộ-đức một khi,

Quan ra ngồi khách tức thì đam vô. [đem]

765.Quan hỏi chú nầy ở mô,

Đi trốn thế ấy có đồ chi không.

Tuần rằng: dám bẩm lịnh ông,

Tôi ở Bình-định làng trong Quy-hòa.

Trong ấy quan giở hết nhà,

770.Nên tôi túng thế lần ra ngoài nầy.

Đồ chi cũng chẳng có đây,

Vật dùng ít cái tớ thầy tứ nhân.

Quan dạy lính lại coi gần,

Xét trong bao tấu điều trần sáu chương.

775.Lấy đam ra trước huyện đường,

Quan coi ngẫm nghĩ chưa tường căn duyên.

Tối lại quan đòi hỏi riêng,

Tuấn phải đạo trưởng chịu liền cho xong.

Ban đầu nói trở ròng ròng,

780.Quan đòi tra khảo trong lòng e lo.

(tr. 24 bản in:)

Nghĩ suy khó nỗi đôi co,

Liền chịu đạo-trưởng quan cho ra ngoài.

Tập giấy với người cả hai,

Huyện làm tờ bẩm giải lai tỉnh thành.

785.Đến nơi án sát tả dinh,

Truyền gông thiếp diệp bình minh đam vào.

Sáng ngày bố án ngồi cao,

Đòi Tuấn vào đó lẽ nào cứ khai.

Dạy đem sách lễ ra ngoài,

790.Giở nơi có ảnh hình nài Chúa tôi.

Quan rằng Tuấn hãy bước qua,

Chẳng làm thì phải khảo tra bây giờ.

Tuấn rằng: bẩm ông xuống phước tôi nhờ.

Ảnh nầy hình Chúa tôi thờ xưa nay,

795.Thờ vua còn phải hết ngay,

Thờ Chúa đâu dám đạp giày thế ni.

Ngày xưa lòng đã kính vì,

Ngày nay trở mặt đạp đi sao đành.

Ông lớn rộng lượng thẫm tình,

800.Vốn tôi chẳng dám mạng khinh trào đình.

Bố rằng: hắn nói cũng minh,

Dạy đam sách lễ ngoài dinh trở vào.

Ăn nói giọng thấp giọng cao.

Tuấn đi học đạo chỗ nào phải khai.

805.Chịu chức thầy đạo với ai,

Đã đi dạy đạo đàng ngoài hay đây.

Chú nầy thế có đi Tây,

Phải sao chịu vậy cho ngay cho tường.

Tuấn rằng: ông lớn khá thương,

810.Ban cho giấy viết tại trường tôi khai.

Quan truyền giấy viết tương lai,

Bắt ngồi tại đó viết khai cho rồi.

                     Lời khai rằng:

Quê tôi Bình-định làng chính Quy-hòa,

Giữ đạo truyền gia mẹ cha đã mất.

(trang 25 bản in:)

815.Còn thật một tôi, anh em chết rồi không còn ai cả,

Đang buổi thong thả, tôi có học văn,

Sao qua Pi-năng, học hành đạo lý [sau]

Latinh chữ ấy, giảng tập bảy năm.[Giảng dạy Hán văn]

Lực đá công thẳm phong làm Linh-mục,

820.Ông cụ Y-núc phong chức cho tôi,[Giám mục Cuénot Thể truyền chức linh mục]

Rồi mới phản hồi, nước Nam truyền giáo.

Đi về thủy đạo, tàu khách Dũ –hưng.

Chú ấy đã từng, đàng đi lui tới.

Nhà tại phố mới, rày chẳng có đây.

825.Còn sự đi Tây, tôi không hề biết.

Chỉ có một việc, ở tại Pi-năng,[Pénang, Malaysia]

Học đạo lẽ hằng, bất tri thế cuộc.

Tứ phương Nam Bắc, tới đó học hành,

Nhựt-bổn, Đạc-thanh, Xiêm-la, Triều-tiển.

830.Đủ người bốn biển học tại trường nầy.

Học đặng làm thầy, dạy người thiên hạ.

Những việc giặt giả vốn chẳng biết tường [giặc giã]

Người cõi Tây-dương cũng không quen lớn.

Những việc dữ tợn, cũng chẳng hề làm.

835.Khi về nước Nam, tôi ra Tư-ngãi,[Quảng Ngãi ngày nay]

Ở đây ngũ tải, giảng đạo Chúa trời.

Đi đủ khắp nơi, rao truyền thánh giáo.

Hễ nhà có đạo, thì tôi vãn lai.

Bất luận nhà ai, tôi đều có ở.

840.Nhà đạo quan giở, tôi trở về trong.

Trốn lánh không xong, tôi liền ra lại.

Đến nhà kẻ ngoại, bắt giải ra đây.[bị bắt cuối năm 1861]

Trước sau làm vầy, vốn không sai chậy.

Năm kia tàu lại, đánh giặc ngoài Hàn.[Quân Pháp và Tây Ban Nha tấn công cửa Hàn, Đà Nẵng]

845.Chúng tôi vô cang, xin quan thẩm truất. [can]

Nghĩ đều oan ức tôi mới điều trần,

Đợi dịp mà dâng, lượng trên minh chiếu.

Xét suy thì hiểu, đạo có tình ngay.

Đạo không vẽ bày thông mưu với giặc.

(trang 26 bản in)

850.Tứ phương nam bắc, đạo dạy lẽ công.

Đạo dạy thuận tùng quấc vương thủy thổ.

Trải qua kiêm cổ, đạo dạy nhiều nơi.[kim cổ]

Thờ phượng Chúa trời, trung quân hiếu phụ.

Ai ai tôn thủ chẳng dám sai ngoa.

855.Mọi việc thật thà, gian khai cam tội.

Lời khai nạp đó vi bằng,

Quan coi rồi hỏi Pi-năng nước nào.[Pénăng, Malaysia]

Tuấn rằng: là đất Hồng-mao,

Thuở xưa vốn thiệt cù lao Chà-và.

860.Khách thương buôn bán lại qua,

Hồng-mao chiếm cứ lập nhà hội thương.

Latinh lập một học đường,

Để cho các nước dựa nương học hành.

Ở đó học chữ Latinh,

865.Vốn tôi không biết sự tình Langsa.[Pháp]

Giáo-tông đạo chính Rôma,

Ấy là chính gốc truyền ra đạo trời.

Muôn dân muôn nước dưới đời,

Nước nào giữ đạo vưng lời ngài khuyên.

870.Trong đạo có chức có quyền,

Cội gốc là cũng người truyền phong ra.

Quan thấy lời khai khó tra,

Dẹp lại để đó đặng ba bốn ngày.

Đợi quan tuần phủ về đây,

875.Công đồng hiệp nghị tỏ bày thỉ chung.

Đến ngày đủ mặt ba ông,

Đòi vào tra khảo quá hung phen nầy.

Nói rằng: đạo-trưởng khai đây,

Những đều xa lắc làm vầy sao xong?

880.Tuấn cứ khai vậy ròng ròng,

Quan truyền tra khảo hai vòng quá đau.

Máu ra đà đỏ xóm sau,

Phải thêm ít chuyện lao đao cho rồi.

           (tr. 27 bản in:)

Ba chiến ba mươi sáu roi,

885.Mỗi roi lấy thịt cha ôi là trơi.

Khai rồi về trại nghỉ ngơi,

Nằm ngồi đau đớn khó chơi phen nầy.

Các ông đầu-mục tỉnh đây,

Sợ đà dởn ốc e lây đến mình.

890.Ít ngày có quan ngoài kinh,

Vua sai thám thính thình lình địa phương.

Ghé vào Tư-ngãi tỉnh đường,[12]

_____________ 

[12] Huỳnh bộ quan biện lý học

Bố án đem trẻ sáu trương điều trần.

Quan kinh coi rồi mới phân,

895.Điều trần đắc lực phải dưng trào đình.

Mặc ý bố án hai dinh,

Muốn phát thì phát không mình phát cho.

Sai quân đòi Đức-Tuấn vô,

900.Xem qua diện mạo hỏi giò sơ qua.

Quan tỉnh dạy mở gông ra,

Viết điều trần lại cùng hòa lời khai.

Tỉnh làm sớ tấu và hai,

Chạy về cơ mật dâng ngay ngự tiền.

905.Năm ngày có chỉ về liền,

Dạy giải Đức-Tuấn ra miền kinh đô.

Dạy ban lộ phí dịch do,

Truyền quân các tỉnh đều vô đón ngừa.

Việc vua cẩn mật chằng vừa,

910.Mỗi tỉnh ba mươi quân đưa dọc đàng.

Gông cụt cổ hãy còn mang,

Quân đưa gươm võng dường quan về triều.

Coi qua truyện đã trớ trêu,

Giải ra tới Huế mới chiều xế qua.

915.Kinh thành đồn khắp gần xa,

Bá quan thiên hạ coi đà quá kinh.

Trước đam vào tại bộ binh,

Thấy quan Lâm đó một mình mà thôi.[Lâm Duy Hiệp]

     (tr. 28 bản in:)

Thượng binh nhập nội tấu rồi,

920.Một chập kéo tới vô hồi quân gia.

Biết là mấy vạn người ta,

Đến coi thì sự thử là làm sao.

Phan Lâm quan lớn ngồi cao,[Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp]

Các quan bề dưới ngồi bao hai hàng.

925.Trào đình thể diện nghiêm trang,

Gươm hầu giáo đóng chật đàng đầy sân.

Quan truyền trải chiếu cho gần,

Biểu Tuấn ngồi đó hỏi lần căng nguyên [căn]

Rằng: vua có chỉ phán truyền,

930.Dạy đòi đạo-trưởng xét riêng hai đều.[điều]

Một là hỏi đạo Chúa-Dêu,[Chúa Israel]

Nghe trong đạo ấy nhiều điều minh mang.

Hai là hỏi việc Tây-dang, [Tây-dương]

Đến đây khuấy rối làm ngan cớ gì.[ngang]

935.Biết sao nói thiệt đừng khi,

Mặc lượng Hoàng-đế rộng suy thẩm tình.

Tuấn rằng: nhờ lượng trào đình,

Phận tôi ti thiểu một mình đến đây.

Ông lớn cho phép nói ngay,

940.Thì tôi mới dám tỏ bày đạo nguyên.

Đạo dạy thờ Chúa thiêng liêng,

Dựng nên trời đất cầm quyền tử sinh.

Hễ người thì có tính linh,

Giữ noi đạo chính thường sinh cõi trời.

945.Đạo dạy thờ vua dưới đời,

Vì vua thay mặt Chúa-Trời trị dân.

Đạo dạy thảo kính song thân,

Cù lao bát ngát ân cần đền ơn.

Ấy là ba đấng trọng hơn,

950.Gọi là tam phụ có quờn khác nhau.[quyền]

Đạo hằng giảng tập dồi trau,

Đời nay vưng giữ đời sau hưởng nhờ.

Thánh kinh thánh giáo chư thơ,

Rành rành lẽ thật sờ sờ đàng ngay.

(tr. 29 bản in:)

955.Dễ tôi đâu dám vẽ bày,

Đâu đó một lẽ xưa nay một đàng.

Rôma có một Giáo-hoàng,

Cội đầu Hội-thánh mối mang đạo trời.

Tuy rằng đạo giảng nhiều nơi,

960.Giáo hữu chốn chốn vưng lời Pha-pha.

Như giặc bởi nước Rôma,

Thì tôi cam chịu đạo qua phá rầy.

Vốn nay chẳng phải làm vầy,

Langsa nước khác đến gây chiến trường.

965.Giặc nầy tôi chưa biết tường,

Nhưng mà ước cũng tìm đường lợi danh.

Vậy nên gây cuộc chiến tranh,

Nếu đi giảng đạo hoành hành sao nên.

Xin suy lấy việc năm trên,

970.Đạo mà nội ứng với thuyền Langsa.

Thì khi tàu ấy mới qua,

Đua nhau bỏ xứ chạy hòa theo Tây.[13]

________________

[13] BCT: khi Đô đốc Rigault de Genouilly đưa 14 chiến thuyền với 3000 quân Pháp và Tây Ban Nha xuống đánh vào Cửa Hàn thì cố đạo Pellerin đã quả quyết với vị đô đốc nầy là có 600 ngàn giáo dân sẵn sàng trợ giúp. Nhưng khi trận chiến nổ ra, đã không những không có giáo dân nào đứng ra “nối giáo cho giặc” mà, trái lại, có một số giáo dân đã gia nhập cuộc kháng chiến của nhân dân địa phương cùng với khoảng 2000 quân của quan Lê Đình Lý đánh trả (Dẫn theo GS Ngô Vĩnh Long-Oscar Chapuis, The Last Emperors of Vietnam: From Tu Duc to Bao Dai)

Vốn đạo không có lòng nầy,

Đâu đó bình tịnh xưa nay như thường.

975.Phụng công thủ pháp mọi đường,

Binh thuế như chúng kiều lương như người.

Không lòng mạng phát dễ ngươi,

Không làm trộm giặc không lời khinh khi.

Chẳng dám khóa quá qua thì,

980.Là vì đạo Chúa chẳng vì Langsa.

Trào đình là lượng mẹ cha,

Bắt bớ thì chịu thứ tha thì nhờ.

Dễ tôi đâu dám nói vơ,

Việc việc đều có sờ sờ chẳng không.

985.Quan rằng: đạo-trưởng nói thông,

Ta cho về nghỉ mai hòng đòi lên.

Các quan lớn nhỏ hai bên,

Ngó theo gục gặc miệng khen rầm rì.

Truyền đam Đức-Tuấn ra đi,

990.Đam vào hình bộ một khi nạp tờ.

          (tr. 30 bản in:)

Đòi quân trấn thủ chực hờ,

Lãnh về chỗ ấy để chờ chỉ trên.

Ngày sau quan thượng đòi lên,

Đam vào mật thất một bên dạy ngồi.

995.Hỏi hang cớ sự đẩu đuôi,[han]

Truyền dọn cơm nước xong rồi mới ăn.

Ăn rồi quan mới nói năn, [năng]

Trào đình nhiều kẻ băng xăng nghi ngờ.

Bề trên cũng đã làm ngơ,

1000.Cực vì các tỉnh sớ tờ hằng tâu.

Xin làm nhiều sự hiểm sâu,

Bề trên chẳng chịu tự lâu đến rày.

Như nay đạo-trưởng ra đây,

Làm điều trần nữa dưng ngay ngự tiền.

1005.Nói rõ sự tích căn nguyên,

Lượng vua biết đặng việc hiền chớ lo.

Dạy lấy giấy viết ban cho,

Tuấn lãnh về phủ tò mò viết đêm.

Viết rồi sáng lại đam lên,

1010.Mật phong hai chữ dưng lên ngự đình.

Ngày sau sắc hạ phân minh,

Giải gông thiết diệp suy tình liễn ban.

Việc này tại Chúa cao quan,

Mình vốn người tội ai màng sá chi.

1015.Quan quân thấy việc dị kỳ,

Đồng đải khắp xứ lạ chi người đời.[đồn đại]

Ở trong trấn phủ thảnh thơi,

Để đi thong thả dạo chơi ngoài thành.

Mấy nhà cấm cố xung quanh,

1020.Đặng đi thăm viếng kẻ lành người đau.

Ai ai quen lạ mặc dầu,

Gặp đặng thì cũng như nhau vui mừng.

Kinh thành thiên hạ quan quân,

Kính nhường đạo-trưởng khen tưng đạo trời.

1025.Những người xấc lấc dễ ngươi,

Dẹp thói cười nhạo không lời khinh khi.

                           (tr.31 bản in:)

A dua nói dọc tức thì,

Đạo ở ngay thẳng không chi lỗi lầm.

Không làm trộm cướp gian tham,

1030.Dầu người xa lạ nhứt tâm thương vì.

Nghĩ câu thố tử hồ bi,[thố từ hồ bi: thỏ chết chồn cũng đau buồn]

Động lòng thương kẻ ở vi các làng.

Kể sao cho xiết gian nan,

Trăm bề tất bạc một đoàn tù lao.

1035.Làm hai tập nữa dưng vào,

Vua trên ngự giám định giao cuộc hòa.

Dạy quan cơ mật truyền ra,

Tư cho các tỉnh hay qua sự nầy.

Trào đình đã tính làm vầy,

1040.Sai Đặng –đức-Tuấn vào Tây xin hòa.

Tỉnh nào Đức Tuấn trải qua,

Người đạo tỉnh ấy giải già cho đi.

Tờ vô quân thứ một khi,

Các quan ở đó bắt đi sự nầy.

1045.Rằng: quân tả đạo với Tây,

Một lòng sanh sự phá rầy biên cương.

Trào đình lại khó tư lương,

Dẹp chuyện ấy lại tìm đường lo toan.

Tháng ba có chỉ rõ ràng,

1050.Phụ nữ lão ấu giải giang cho về.

Bộ đà sao đặng bộn bề,

Nghe tàu Tây đến chẳng hề tuông ra [tuôn]

Tàu Tây ra đó tháng ba,

Hỏi trào đình có chịu hòa hay không?

1055.Vua sai quan xuống hội đồng,

Chịu giao hòa cuộc cho xong nước nhà.

Quan Tây xin chữ quan Ta,

Hẹn về mười bữa rồi ra bây giờ.

Đến ngày mười bốn tháng tư,

1060.Tàu Tây ra lại gởi thơ lên thành.

Xin cho quan lớn xuất hành,

Vào trong Gia-định lập thành lời giao.[14]

_____________

[14 ]BCT: Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Gia định ký hòa ước 1962 với Pháp. Lm Đặng Đức Tuấn làm thông ngôn.

                          (tr. 32 bản in:)

Trào đình bàn luận lao xao,

Khó sai khó định ông nào ra đi.

1065.Vì còn nhiều lẽ sinh nghi,

Chưa biết bàn luận lẽ gì cho hay.

Quan Lâm đòi Tuấn hỏi ngay,

Tàu Tây xin vậy Tuấn bày làm sao.

Tuấn rằng: ông lớn lượng cao,

1070.Sớ tâu Hoàng-đế xin vào Đồng-nai.

Cho tôi tùng phái với ngài,

Tôi dám quả quyết không ai làm gì.

Hòa đặng thì ta hòa đi,

Bằng hòa chẳng đặng ta thì về ngay.

1075.Quan Lâm vào tấu nội ngày, [Lâm Duy Hiệp]

Vua ban sắc hạ y rày lời xin.

Quan Phan ở cửa nghe tin, [Phan Thanh Giản]

Cũng vào xin chỉ đặng in như lời.

Phen nầy Đức-Tuần phải vời,

1080.Vào trong tả thị là nơi hoàng thành.

Cung môn cơ mật thông hành,

Cẩm y thị vệ chư dinh bẩm ngài.

Ra vô lên xuống hoài hoài,

Hết ai cơ hỏi hết ai ngăn ngừa.

1085.Chỉ truyền tả vệ thủy sư,

Dọn tàu Thoại-Phụng mùa đưa quan triều.

Hoàng ân ban thưởng cũng nhiều,

Truyền đãi yến trọng bấy nhiêu sứ thần.

Quân gia cờ trống rân rân,

1090.Đưa quan sai phái đỏ rần kinh sư.

Ngày hai mươi bốn tháng tư,

Tàu Tây ngoài cửa chực chờ tàu Ta.

Hai bên mừng rỡ lại qua,

Cột dây dắc thẳng chạy ba đêm ngày [dắt]

1095.Đến cửa Cần-giờ vào ngay,

Tàu đi như bắn khói bay nữa lừng.

Đến thành Gia-định tàu ngừng,

Quan Tây bắn súng chào mừng vang tai.

                               (tr. 33 bản in:)

Nam-kỳ thiên hạ ai ai,

1100.Nghe tàu vua đến ra ngoài ngóng trông.

Các dân các nước quá đông,

Dập dều tàu lửa tàu đồng bốn phương.

Nghinh ngang phố xá kiều lương,

Giang sơn chốn cũ khách thương lạ lùng.

1105.Định hội đồng tháng năm mồng một,

Ba nước đều triều phục y quan.

Quân gia cờ súng nhiêm trang,

Thủy quân nghiêm chỉnh rước quan lên thuyền.

Ba nước ba sắc toàn quyền,

1110.Hiệp nhau khán nghiệm quả nhiên chẳng lầm.

Trống kèn ca nhạc rầm rầm,

Quan Tây đưa xá Phan Lâm về thuyền.

Xin bồi ngũ bá vạn nguyên.

Xin giao sáu tỉnh cho yên mọi đàng.

1115.Phan Lâm đòi Tuấn hỏi han,

Tây xin nhiều quá tính bàn làm sao.

Tuấn rằng: ông lớn lượng cao,

Đòi bồi thì chịu đừng giao tỉnh thành.

Ý tôi thì vậy đã đành,

1120.Mặc lượng ông lớn quyết hành chủ trương.

Quan mới nói với Tây-dương,

Xin phải nghĩ lại khoản thường khoản giao.

Sao cho đừng thấp đừng cao,

Định cho vừa phải lẽ nào mới an.

1125.Như lời xin trước khó toan,

Mặc lượng Nguyên soái định bàn làm sao.

Sáng ngày Giám đốc xuống tàu,

Đam tập hòa ước xin hầu quan ta.

Làm lời ba nước giao hòa,

1130.Mười hai điều khoản phân hai ba điều.

Quan Ta thấy bớt đã nhiều,

Chịu đi cho rảnh hồi triều cho xong.

Hẹn ngày mười chín hội đồng,

Trên bờ binh mã dưới sông binh thuyền.

                           (tr. 34 bản in:)

1135.Rước quan Khâm-mạng toàn quyền,

Hiệp nhau đóng ấn cho yên cuộc hòa.[Hiệp ước 1862]

Rập rình binh mã nhạc ca,

Thiên hạ tụ hội biết là mấy muôn.

Xong rồi bắn súng tiếp luôn,

1140.Rầm rầm trời đất ùng ùng khói mây.

Kéo cờ ngũ sắc đông tây,

Thủy bộ rực rỡ cỏ cây ánh ngời.

***

Việc rồi Tuấn mới dạo chơi,

Thăm đức cha Ngãi với người cố tri.

1145.Gặp nhau mừng rỡ xiết chi,

Giã từ cố cựu Tuấn thì về kinh.

Dạo chơi rồi xuống tàu mình,

Đền ngày mười một khởi trình ra khơi.

Tàu vua về Huế đến nơi,

1150.Chính đêm mười bốn nước trời rạng chưn.

Hải đài bắn súng chào mừng,

Dưới tàu đáp lại vang lừng kinh đô.

Ngày rằm chuyên chở các đồ,

Quan làm sớ tấu việc vô giao hòa.

1155.Mười chín tháng năm chỉ ra,

Phụ nữ lão ấu đều tha trở về.

Dọn dẹp gánh xách về quê,

Nam tráng đầu mục một bề còn giam.

Ngày hai mươi bốn tháng năm,

1160. Sắc cho Đức-Tuấn về thăm quê mình.

Các ông xin ở lại kinh,

Gắng lại soi thử sự tình làm sao.

Chuyến nầy giáo hữu lại hao,

Thấy còn giam cấm lại nao tấm lòng.

1165.Nhiều người xuất giáo cho xong,

Về cùng thê tử lo trong cửa nhà.

Mười bảy tháng sáu chỉ ra, [chiếu chỉ của vua]

Nam tráng đầu mục thảy tha phản hồi.

Nơi nơi che rạp che chòi,

1170.Trụi trơn vườn đất loi ngoi trại lều.

                        (tr. 35 bản in:)

***

Tuấn về thăm viếng đã nhiều,

Mười phần cố cựu tàn xiêu bảy phần.

Chỉ đòi ra Huề vài lần,

Lại cho hồi quản phân vân đi liền.

1175.Gẫm mình đầy dẫy tội khiên,

Chúa chưa kêu gọi lên miền nghỉ an.

Trải qua một hội gian nan,

Nghĩ xem ít kẻ vẹn toàn thỉ chung.

Chúa tôi nhơn thứ khoan dong,

1180.Nếu cứ còng thẳng ai hòng dám đang.

Thấy trong thiên vận tuần hoàn,

1182.Thuật tích việc đạo để truyền hậu lai.

Chung.

_________________________

[1]http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=496&Catid=225

[2] Nguyễn Văn Thoa-Cuộc đời và tác phẩm của Linh mục Đặng Đức Tuấn. Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh 2017