TRUYỆN NGẮN NGUYỄN MỘT-Phụ lục

Bạn có thể đọc các bài viết chính của Bùi Công Thuấn theo link:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

TRUYỆN NGẮN NGUYỄN MỘT

(Phụ lục- Đọc và ghi chú một số truyện ngắn Nguyễn Một-dùng làm tài liệu)

Bùi Công Thuấn

***

TÁC GIẢ NGUYỄN MỘT (Dạ Thảo Linh)

TIỂU SỬ

Nhà văn Nguyễn Hiệp cho biết: Nhà văn Nguyễn Một (Trần Viết Sanh) sinh ngày 14 tháng 12 năm 1964 tại A Đông, Duy Phú, Duy Xuyên, Quảng Nam. Đây là vùng đất “xôi đậu” trong thời chiến tranh, các trận đánh nhau diễn ra như cơm bữa.

Cha mẹ Nguyễn Một mất sớm. Cha bị bắn chết khi ông còn trong bụng mẹ. Chưa được bốn tuổi, mẹ bị viên đạn lạc bắn ra từ lô cốt của lính Mỹ, trút hơi thở cuối cùng khi đang ôm con ngủ. Nguyễn Một được ông bà ngoại và người cậu ruột cưu mang nuôi nấng. Sau, ông lưu lạc vào tỉnh Đồng Nai, làm phóng viên báo Tiền Phong từ năm 1998 đến năm 2007 rồi về làm truyền thông cho Công ty cổ phần ô tô Trường Hải tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2006, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Hai truyện ngắn “Trước mặt là dòng sông”, “Kẻ vô học” được tặng thưởng truyện ngắn hay của báo Văn nghệ; ba truyện “Chim bay về núi”, “Chuyện tình trong rừng cấm”, “Trung quân” là những tác phẩm đã được giải truyện ngắn của Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai. Tiểu thuyết “Đất trời vần vũ” của ông bị Cục xuất bản tạm ngưng phát hành nhưng sau đó lại được giải cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà Văn Việt Nam.[1]

TÁC PHẨM

Dành cho thiếu nhi: Hoa dủ dẻ (Tập truyện); Năm đứa trẻ xóm đồi (Truyện dài); Ngũ hổ tướng (truyện dài); Màu hoa trắng (Truyện ký); Long lanh giọt nắng (Truyện dài); Mùa trái chín (Truyện vừa); Tha Hương(Tập truyện ngắn)

Dành cho người lớn: Vũ điệu trên đỉnh Kung Pô (tập truyện ngắn); Quà của đất (Tập bút ký); Như là cổ tích (Tập truyện ngắn); Giữa đời thường (Tập bút ký); Dòng sông độ lượng (Tập bút ký ); Đất trời vần vũ (Tiểu thuyết. 2009); Câu chuyện bên một dòng sông (Phim tài liệu VTC9 2009 – kich bản, lời bình và đạo diễn); Hành trình ước mơ (Kịch bản phim tài liệu); Ngược Mặt trời (tiểu thuyết 2012); Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chin (Tiểu thuyết. 2023).

Tác phẩm được giải:

1.Trước mặt là dòng sông – Tặng thưởng truyện ngắn hay tuần báo Văn nghệ Hội nhà văn tháng 5 năm 2002, sau được dựng thành phim Cổ tích về ngôi nhà (đạo diễn Khải Hưng, Hãng phim truyền hình Việt Nam 2003). 

2.Kẻ vô học – Tặng thưởng truyện ngắn hay tuần báo Văn nghệ Hội nhà văn tháng 11 năm 2002.

3.Chim bay về núi– Giải thưởng truyện ngắn Đồng Nai 1994

4.Chuyện tình trong rừng cấm – Giải thưởng truyện ngắn Đồng Nai 2001

5.Tấm da cọp– Giải ba truyện ngắn báo Tiếp thị và gia đình.

6.Tặng thưởng Phim tài liệu chào mừng Biên Hòa 310 năm của UBND tỉnh Đồng Nai
7.Giải thưởng Trịnh Hoài Đức 2008: 
  Đất trời vần vũ– Giải C cuộc thi tiểu thuyết hội nhà văn Việt Nam (2006 – 2010)

***

TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN MỘT

Nhận xét chung

Nhiều truyện ngắn của Nguyễn Một là truyện tình yêu lãng mạn có chất bi kịch. Xin đọc: Các truyện: Huyền thoại biển, Đoạn kết một mối tình, Giáng tiên, Linh Chi, Như là cổ tích, Tấm da cọp, Tiếng chim sẻ trong giáo đường, Trung quân…

Nguyễn Một có giọng kể điềm đạm, nhưng ngòi bút miêu tả thì sắc xảo, giàu màu sắc thẩm mỹ. Cấu trúc truyện phức tạp nhưng mạch lạc và giữ được bí mật cốt truyện đến phút cuối. Ngôn ngữ mộc nhưng chọn lọc, những dòng miêu tả thiên nhiên (dòng sông, buổi chiều, ánh trăng, mưa, rừng đại ngàn…) rất thú vị. Đặc biệt là khả năng hư cấu, sáng tạo phong phú các tình huống truyện, nhờ thế nhiều truyện ngắn của Nguyễn Một là những truyện ngắn hay và có phong vị riêng.

Vì là truyện tình lãng mạn, các nguyên nhân gây ra bi kịch đã không được tác giả lý giải; mặc dù tác giả kể rất nhiều sự việc hiện thực, có khi chuyện tình ẩn sâu trong những sự kiện xã hội (thí dụ truyện Ánh lửa bên sông). Vì thế truyện chỉ để lại những ấn tượng ngậm ngùi, những giây phút bâng khuâng khi người đọc gấp trang văn lại, mà không tác động đến hiện thực (như kiểu truyện hiện thực).

Bùi Công Thuấn.

***

TÓM TẮT TÁC PHẨM

Lưu ý: khi tóm tắt truyện, tôi đã không thể tóm tắt được “cái hay” của truyện, vì thế bạn đọc cần tìm đọc nguyên bản. Khi sử dụng lại những bản tóm tắt này, xin vui lòng ghi rõ nguồn. Thanks!

1. HUYỀN THOẠI BIỂN

            Dân biển Côn Đảo lưu truyền một huyền thoại. Có một cô gái vừa đi vừa hát. Cô đi vào lòng biển. Cô gái ấy là Nguyệt. Một lần lao xuống biển, cô được một ngư dân đảo cứu vớt. Đó là một người tù chính trị ở Côn Đảo. Vì đẹp trai, ông ta bị vợ cai tù ép phục vụ tình dục. Ông bị cai tù phang ba toong vào đầu ngất đi. Ông ta thấm thía nỗi nhục nhã của một người đàn ông bị “hiếp dâm”. Sau giải phóng ông ở lại Côn Đảo. Đã 3 năm ông cưu mang Nguyệt. Ông trở thành người đàn ông đầu tiên mà cô thương đến quặn thắt ruột gan. Nhưng Nguyệt bị ông từ chối tình yêu. Và nàng đi vào lòng biển, vừa đi vừa hát.

            Đó là bi kịch tình yêu. Người tù đẹp trai không thể yêu vì đã bị một nỗi nhục quá lớn. Một cô gái thiếu tình yêu lại không thể sống được. Một truyện tình lãng mạn hư cấu

2. ĐỌAN KẾT MỘT MỐI TÌNH

Long (nhân vật xưng Tôi) yêu Tuyết từ lúc còn là trẻ con ở quê. Nơi ấy có con sông Giao Thủy (Quảng Nam). Ba Tuyết tử trận trong ngày Đà Nẵng được giải phóng. Chị Lệ (chị của Tuyết) vào miền Nam làm ăn. Tuyết nghỉ học sớm ở nhà phụ mẹ. Long bỏ quê vào Nam kiếm sống. Long được chị Lệ giúp đỡ tìm việc, lo chỗ ở. Ở trong Nam, Lệ sống hờ với một anh chàng họa sĩ thất nghiệp. Ở quê, tuyết lấy chống, một gã lái buôn cây. Hắn yêu Tuyết điên cuồng như con thú, nhưng lại rất chi li đê tiện. Tuyết bỏ hắn lên chỗ chị Lệ, hắn tìm vào đánh Tuyết. Chị Lệ bị lão họa sĩ bỏ rơi với bé Bầu. Sau chị lấy anh Đường, Giám đốc khách sạn Hoa Biển ở Vũng Tàu. Chị cho Long căn nhà và đón Tuyết ra Vũng Tàu. Tuyết hẹn gặp Long và sẽ tiếp đãi anh như vua vì chồng Tuyết lâu lâu mới qua Việt Nam, ở vài bữa (rồi chạy qua bên đó với bà vợ già của lão). Khi bỏ Long, Tuyết nói: – Nghèo là rất nhục. Nghèo là mất hết tất cả. Phải cần có tiền anh biết không? Tuyết đi đã lâu rồi Long mới sực tỉnh. Long gục xuống bàn.

Đoạn kết một mối tình là một chuyện tình lãng mạn. Long hoàn toàn vô tích sự với chính mình và tình yêu của mình. Vì sống phải có tiền, cả chị Lệ và Tuyết đã đổi thay. “Chuyện xảy ra đã lâu rồi mà tôi vẫn không thể tin được là con người có thể thay đổi nhanh chóng đến như vậy”. Hoàn cảnh sống làm thay đổi con người, không cưỡng lại được.

3. GIẾNG TIÊN

            Ngồi trong lớp “Sư phạm tại chức” học môn đạo đức, nhìn cái rãnh lưng chị Phương, Tôi nhớ lại chuyện tình trẻ thơ (lúc tôi 10-13 tuổi) với chị Sinh bên giếng tiên trong vườn ông tôi.

Chị Sinh thường rủ tôi ra giếng tắm. Tôi chà lưng cho chị và chị quay lại tắm cho tôi, hai bầu vú chị chạm vào mặt tôi nhột nhạt, êm ái. Chị lấy chồng khi Tôi 13 tuổi. “tự dưng nước mắt trào ra, ràn rụa trên mặt, tôi òa khóc nức nở”. Bốn năm sau chị trở về, mắt chị buồn hơn xưa. Ông tôi bảo chị bị chồng bỏ vì vô sinh. Giỗ mẹ tôi, đêm trăng tôi lại ra vườn mong gặp chị nhưng vô vọng. Hôm sau tôi về thành phố trọ học.

Khi bàn tay tôi sắp chạm vào lưng chị Phương thì một thằng bạn nhắc: – Viết bài đi. Thầy nhìn kìa, làm thơ hả? Tôi giật mình rụt tay lại, thở dài (hết)

            Giếng tiên là một “chuyện tình” trẻ thơ, tình câm, tình đơn phương của Tôi (người kể chuyện). Gọi là “tình” nhưng không hề có cảm thương từ 2 trái tim, chỉ có vị sex. Kể cả khi chị Sinh đã có chồng và bị chồng bỏ trở về, tôi vẫn mong được tắm với chị bên giếng tiên như ngày trước. Và bây giờ, ngồi trong lớp học, nhìn rãnh lưng chị Phương, tôi lại nhớ cảm giác sex với chị Sinh ngày xưa. Một “chuyện tình” lãng mạn không đặt ra vấn đề nhân sinh nào.

4. KẺ VÔ HỌC

            Thành là công an có nhiệm vụ bắt tên tội phạm giết người đã trốn truy nã 15 năm trong rừng Đông Nam bộ. Trong vai một họa sĩ đi vẽ trong rừng, anh quen một cô gái xinh đẹp và vẽ hình cho cô. Hai người hẹn gặp nhau nhiều lần. Qua cô anh phát hiện ra tên tội phạm là cha cô. Hắn đang ở trong chòi. Thành áp sát căn chòi.

            Đêm trong rừng, hắn bỏ thêm củi cho lửa ấm đứa con gái dang ngủ. Hắn nhớ năm 15 tuổi, cha và anh chết ngay khi giải phóng Xuân Lộc, mẹ vất vả nuôi hắn. Ông chú chỉ học lớp ba mà làm cán bộ huyện. Lão nói với hắn“học không vô thì cố học làm quái gì, -Có tiền có quyền là có tất cả mày hiểu chưa?” Lão dúi tiền cho hắn. Mới 17 tuổi đầu hắn biết đánh bạc, chơi gái. Trường học của hắn bây giờ là quán karaoké. Nghe lời chú, hắn đi đào đá đỏ. Sau một năm, hắn trúng lớn. Trở về thị trấn, hắn lấy nàng, làm nhà cho mẹ. Khi nàng hết tiền, hắn lại đi đào đá. Bỗng được tin mẹ chết, hắn trở về. Ban đêm, đứa con 2 tuổi khóc. Nghi có chuyện trong nhà, Hắn đạp cửa xông vào. Vợ hắn và một thằng đàn ông đang quần nhau trần trụi. Hắn vung dao, thằng đàn ông bỏ chạy. Con vợ níu chân bị hắn bị đâm một dao chết. Hắn ôm con chạy trốn. Mới đó đã 15 năm. Hắn căm thù lòai người, vì là giống phản bội.

            Khi cô gái đi ra, Thành xông vào chòi, bị mất đà. Hắn vung dao, không ngờ cô gái cứu Thành mà bị trúng dao của cha. Hắn phóng mình vào đêm. Thành vác cô gái chạy đưa cô vào bệnh viện. Khi Thành ra khỏi bệnh viện, hắn chờ ở cổng, mắt nhìn vào bệnh viện. Hắn đưa tay cho Thành còng và giải đi.

Người đàn ông đường bệ từ chiếc xe hơi bên kia đường bước xuống, nhìn theo gã người rừng, mỉm cười quay lên xe. Ông tin rằng gã không thể biết người đàn ông mà gã giết hụt đêm đó chính là ông. Ông lẩm bẩm: “Cuộc đời này đâu cứ phải học nhiều là sẽ giỏi!”.

Kẻ vô học là một chuyện tình đầy bi kịch. Chính ông chú, một kẻ vô học nhưng có quyền và tiền đã đẩy hắn vào con đường sa đọa để rồi phạm tội ác. Và ông ta là người hưởng phần kế thừa hương hỏa, hưởng luôn con vợ thằng cháu. Kẻ vô học mà có quyền có tiền thì vô đạo đức và nguy hiểm biết chừng nào!

Truyện được viết phân cảnh như phim hành động. Là một truyện hư cấu nhưng được lồng ghép nhiều nội dung giả hiện thực. Chẳng hạn, Hắn là con liệt sĩ, chú là cán bộ huyện, trong thực tế không thể có một ông chú ác như thế. Con em liệt sĩ có chính sách chăm sóc cẩn thận, không thể có chuyện một đứa học trò 17 tuổi lại lao vào đánh bạc, chơi gái, dầm dề ở quán karaoke.

Trong đời thực, người mẹ thương con sẽ nhờ các tổ chức xã hội giáo dục con. Không thể để hắn sống hoang rồi trở thành tội phạm phải trốn chui trốn nhủi như thế.

Dù sao hắn cũng có tình thương con và biết quay về nhận tội.

5. LINH CHI:

Linh Chi là tên Tôi đặt cho một loài hoa trắng trên đồi. Đó là tên người yêu cùa tôi: Nguyễn Thị Chi. Chi không còn bố, sống với mẹ trong căn nhà tranh ở xóm Gò. Chi đẹp thánh thiện. Tôi giúp mẹ con Chi cày ruộng, gặt lúa, gánh phân, chặt bổi. Tình yêu của chúng tôi cũng mộc mạc như rơm rạ.

Ông Trầm là người giàu nhất làng, ông có 4 lò gạch. Ông tôi nhận xét về ông Trầm: “Thằng ấy tướng sang mà dâm”. Thằng Quân, con ông Trầm ở thành phố về. Bây giờ nó lưu manh hơn. Vừa dẻo mồm lại giàu có nên khối con gái ễnh bụng ra vì nó. Quân gặp Chi và nói: nó yêu Chi và, nếu Chi chịu, nó sẽ đưa về thành phố.

Chợt nhớ tối nay có hẹn với Chi, tôi lao ra bờ sông. Sững lại, một thoáng thôi, tôi hiểu tất cả. Tôi trút lên Quân tất cả sức mạnh và lòng căm thù trai trẻ. Hắn gục xuống trên bãi cát. Tôi quay lại dựng Chi lên. Chi run rẩy, vòng cánh tay ôm lấy ngực, quần áo tả tơi…

Hai mẹ con Chi đã bỏ đibiền biệt sau cái đêm hôm ấy. Tôi lặng lẽ đi, lầm lũi và cô đơn, bên tai văng vẳng tiếng hét hoảng loạn của mẹ con Chi trước khi bà ngất xỉu “Thằng Quân, trời ơi! Con Chi là em ruột của nó! Ông Trầm ơi!… Ông Trầm!”.

  • Một bi kịch kép về tình yêu: Tôi bị cướp mất người yêu, và, người yêu tôi và

kẻ cướp tình yêu lại là anh em của một lão nhà giàu “tướng sang mà dâm”.

Sự tàn bạo, vô luân thống trị, là nguyên nhân bao nỗi cay đắng của làng quê. Kẻ nghèo khó bất lực khi bị ức hiếp (mẹ Chi) và người bị tước mất tình yêu (Tôi và Chi).

            Truyện có cấu trúc chậm rãi. Mở đầu là ước vọng của Tôi được đi ngược dòng sông lên thương nguồn để khám phá. Tiếp theo, Tôi giới thiệu ngọn đồi có loài hoa trắng. Tôi lấy tên người yêu đặt tên cho hoa ấy: hoa Linh Chi. Từ đó. Tôi kể chuyện tình yêu và bi kịch bị cướp đoạt. Tôi đã quá ngây thơ hẹn với Chi ở bờ sông tạo điều kiện cho thằng Quân chiếm đoạt Chi.

Bí mật Chi là con ông Trầm, em của Quân được giữ đến phút chót, tạo nên bi kịch kép. Truyện không đưa ra giải pháp nào để gìn giữ tình yêu và bảo vệ con người, bảo vệ đạo đức. Điều ấy người đọc không thể đòi hỏi ở một truyện lãng mạn.

LỬA BÊN SÔNG

Truyện có 2 ngôi kể: nhà báo và vị khách, họ gặp nhau trong quán cà phê Hải Âu bên sông.

Ông khách kể, nhờ giữ được lửa mà cụ tổ thoát chết khi chạy từ Ngũ Quảng vào Đồng Nai và được một cụ già Đồng Nai cưu mang. Đó cũng là bí mật riêng ông giữ không kể cho nhà báo nghe. Ông khách lại kể, mình bị bắt quân dịch, người cha phải bán đất, rồi sau giải phóng 2 lần bị án oan đi tù, đất vườn bị trưng thu chia cho cán bộ. Nhà báo hứa sẽ viết bài bảo vệ ông, nhưng bài không được đăng.

Hôm nay, tôi (nhà báo) qua Cù Lao vì nhiệm vụ đưa đoàn nhà báo tỉnh bạn đi du lịch vườn. Gặp lại ông khách. Tôi xin lỗi. Ông kể, mình đã tìm được công lý. Ông ra Hà Nội kiện Thanh tra Nhà nước và được giải quyết. Tôi (nhà báo) thấy mình hèn. Bấy lâu nay tôi cứ ảo tưởng nghề báo là nghề có thể cải tạo được xã hội. Ông còn nói: “lúc nào cũng có bật lửa trong túi, phải biết giữ lửa anh ạ, đó là bí quyết tồn tại của dòng họ tôi”.(hết)

Lửa bên sông được lắp ghép bằng dã sử dân gian và việc chống tiêu cực ở hiện

tại. Thấp thoáng có dáng dấp kiểu truyện Nguyễn Huy Thiệp. Tác giả bịa ra một câu chuyện dã sử (không ghi trong sách sử chính thống): kể lai lịch từ cụ tổ: “Cù Lao là vùng đất khởi đầu khi dân ngũ Quảng đặt chân đến xứ này lập nghiệp… Cụ tổ nhà ông là thanh niên miệt ngoài, tổ chức nông dân khởi nghĩa trả thù bọn cường hào ác bá, bị thất bại đã “một mình một ngựa” rong ruổi phương Nam…”; rồi nhân đó, tác giả liên hệ ghép thêm hiện thực trước 1975 (chạy chọt để không bị chế độ Sài Gòn bắt quân dịch) và hiện thực sau 1975 (tiêu cực trong đất đai). Bí mật về lửa của Nguyễn là gì vẫn không được kể.

            Có một chuyện tình ẩn rất sâu trong bề bộn những chuyện hiện thực là chuyện tình của Phan Nguyễn và nàng Gấm với sứ mệnh Nguyễn hãy phục hồi lại dòng họ. Nhưng quan quân đã đốt nhà, giết bố vợ và bắt Gấm đi vì tội phản loạn. “Nguyễn tụ tập dân làng rút vào núi lập căn cứ. Cuộc khởi nghĩa kéo dài chưa được một tháng thì tan rã. May mắn chàng thoát chết...”. Nguyễn đã chạy vào Đồng Nai

MIỀN ĐÔNG

            Từ Giao Thủy, Tôi theo Chín Cọp vào Bình Long-Sông Bé kiếm sống, nhưng nơi đây sốt rét ác tính làm nhiều người chết. Tôi rời Chín Cọp đến Long Khánh, Long Giao, lám công cho Bà Bảy. Sau 4 năm tôi mua đuộc sào đất. Ngày đi 18 giờ đã gần 23. Tôi có ý định về quê. Trời mưa, tôi ngồi trong chòi nhìn ra và nhớ Hương. Bất ngờ Chín Cọp dẫn hương tìm đến tôi. Bà Bảy chủ vườn làm đám cưới cho chung tôi và nhận hương vào làm công. Tôi mơ ước về một vườn cây trái xanh tốt của riêng chúng tôi.

Miền Đong là chuyện tình của tôi và Hương. Từ Giao Thủy chung tôi vào

Long Khánh lập nghiệp. Kết truyện có hậu. (Có lẽ Miền Đông là tự truyện của tác giả)

NHƯ LÀ CỔ TÍCH

            Cụm từ “như là cổ tích” được lặp lại 3 lần. “Thị trấn bình yên và hiền hoà như trong truyện cổ tích. Bỗng xuất hiện một con người kỳ quặc” người ta gọi gã là “Thiên sứ”. Hễ Thiên Sứ lãng vãng trước nhà nào đọc thơ, y như rằng vài ngày sau nhà đó có người qua đời. Lão Mộc, một thời làm đồ tể rồi buôn vàng giàu nhất thị trấn đã chết vì thượng mã phong. Cô Châu vỗ vai chị: – Nè Vân! Hôm qua tao thấy “Thiên sứ” lãng vãng trước nhà mầy đấy!

            Lần thứ hai, chị (cô giáo Vân xinh đẹp) gặp một nhà thơ trên đường đi dạy về. Nhà thơ bám theo chị đọc thơ ca tụng chị, ca tụng tình yêu, ca tụng cuộc đời. Trái tim chị bồi hồi “thêm một chuyện cổ tích. Có lần chị đưa anh về nhà, giữa vườn hoa hướng dương, anh quỳ xuống đọc thơ. Chị ôm đầu anh vào lòng. Chồng chị xuất hiện, nồng nặc rượu bia, hắn nện cho nhà thơ mấy cái vào đầu và ném anh ta ra đường. Chị ngất xỉu. Khi chị tỉnh lại nhà thơ không còn ở đó.

            Lần thứ ba: Thiên sứ xuất hiện trước nhà chị để báo điềm gỡ, điềm gỡ cho chính gã. Gã đến để chia tay với chị. Chị khóc ngay trên bục giảng khi nghe tinThiên Sứ ” về trời”. Một nhóm người nào đó đã loại gã ra khỏi cuộc sống. Chị ra thăm mộ gã. Chị quỳ bên mộ đọc một bài thơ ngắn của Thiên Sứ: “ngôi mộ của gã, một gò đất nhỏ lẻ loi, cô đơn. Ngôi mộ mọc đầy hoa trắng như trong chuyện cổ tích”.

***

Truyện cổ tich kể những điều tốt đẹp, những điểu mơ ước ngày nay không còn

nữa, thí dụ Ăn khế trả vàng, truyện Từ Thức lên tiên…Nguyễn Một muốn nói rằng, người say mê thơ và người yêu nhà thơ ngày nay chỉ như chuyện cổ tích (không có thật, không có nữa)

                Truyện sử dụng yếu tố “kỳ quặc” để tạo sự hấp dẫn, mặc dù vẫn miều tả sự trần trụi như: Chị Vân là một cô giáo nghiêm túc lại ăn mặc thời trang và say mê thơ, đưa nhà thơ lạ về nhà và ôm anh ta ở ngoài sân. Chuyện Lão Mộc, giàu mà tham và chết vì thượng mã phong, ngôi mộ “nhà thơ” chỉ là một gò đất lẻ loi…

            Hai bài thơ ngắn Thiên Sứ đọc mở đầu và chị đọc ở bên mộ gã có ý nghĩa mập mờ, nửa thực, nở thơ tư tưởng.

            ” Đến từ hư vô,

ta là thiên sứ,

có loài quỷ dữ,

xé nát hồn ta…

ta là thiên sứ…

Ta là thiên sứ …”.

***

” Ở nơi mà chúng ta buông tay rơi vỡ chiếc bình.

Long lanh giọt nước tình duyên.

 Ở đó sau này thành sông thành biển.

Ai đã chèo thuyền vào cõi vô biên…”

Bài thơ thấp thoáng truyện Trương Chi-Mỵ nương, thương khóc cho một mối tình vỡ tan. Chuyện tìnhcủa cô giáo Vân với nhà thơ “Thiên sứ”, “như trong chuyện cổ tích”, không có trong đời thường một người yêu thơ và một người yêu quý nhà thơ đến thế.

Như là cổ tích là một thông điệp ẩn dụ. Nhân vật, tình huống, sự việc được hư cấu như một biểu tượng để chuyển tải thông điệp. Tuy có những chi tiết đời thực (chuyện Vân ăn mặc và thực dụng lấy chồng giàu, lão Mộc tham lam và lưu manh), nhưng bản thân câu chuyện hoàn toàn là hư cấu. Dù mang thông điệp ẩn dụ nhưng “Như là cổ tích” chưa đạt đến kiểu truyện tư tưởng.

SÓNG NGẦM

Tôi đi với bạn là Hậu, Tần ra ngắm biển, tôi hỏi: các bạn nghĩ biển là gì. Riêng Tôi, tôi luôn sợ biển vì những ấn tượng 7 ngày kinh hoàng đi tàu ra Phú Quốc.

Nhớ lại chuyến đi kinh hoàng: năm tôi được 13 tuổi, sau ba ngày hoảng loạn, chạy bộ gia đình chúng tôi đến cảng Đà Nẵng. Cậu tôi thuê chiếc ca- nô để đưa cả nhà ra con tàu hải quân ngoài khơi. Cả ngàn người chen chúc, đói khát. Có một chị chết trong bể nước bị quăng xuống biển. Chị ấy ở bên cạnh nhà tôi và giúp đỡ tôi. Ấn tượng về chị mãi ám ảnh tôi.

Nhìn Hậu tôi lại nhớ Trang. 7 ngày kinh hoàng trên biển, may mắn sao cả gia đình tôi sống sót. Những ngày tản cư ở ngoài đảo tôi có quen Trang, nhưng sau đó Trang đi Mỹ còn tôi vì bà nội không chịu đi nên trở về.

Sóng ngầm là một chuyện tình lạt. Lắp ghép một cuộc ngắm biển (hiện tại) với 2 hồi tưởng chuyện quá khứL: chạy loạn, và gặp gỡ ngắn ngủi rồi chia tay. Truyện không nói được điều gì, có chăng là một vài chi tiết về những cuộc chạy trốn chiến tranh trước và ngay sau 30/7/1975.

TẤM DA COP

            Thằng Dần con bà Nồng, bạn tôi lúc nhỏ. Nó nói với tôi cha nó là một thợ săn cọp lừng danh.

Lần đó, cha con bà Nồng lên miền ngược mua dầu rái. Họ trọ lại nhà ông Kiểm Khái, một ông chủ buôn các loại đặc sản của núi rừng. Lúc ấy Chín Tâm, hội trưởng của “Hội trầm” cũng ở trọ nhà này.

Khi mọi người tụ tập trong nhà ông Kiểm Khái bàn chuyện giết cọp, Tâm thường ngồi thu lu trong góc nhà, không hề tham gia. Đến ngày thằng bé xóm trên bị cọp bắt, anh âm thầm ra đi và mang theo cây súng săn hai nòng của ông chủ. Anh mạo hiểm và giết được cọp. Con cọp được xẻ thịt chia cho mọi người. Tâm được quyền giữ tấm da cọp theo luật của các phường săn.

Khi cha con cô Nồng về xuôi, Chín Tâm tặng cô Nồng tấm da cọp. Ít lâu sau cô Nồng sanh thằng Dần….Một hôm người chủ đò cho thằng Dầnđi theo chuyến đò dọc lên nguồn để tìm cha. Nhưng đã 20 năm nó chưa trở lại.

Tôi tần ngần mãi trước túp lều của bà Nồng. Bà cụ Nồng đưa tay lần trên miếng da cọp, cất giọng khàn đục, não nề hát. Xa xa, trên dòng Giao Thủy một con đò dọc lững lờ trôi xuôi tôi chợt nghĩ con đò ấy đang chở thằng Dần trở về với mẹ của nó.(hết)

Tấm da cọp là tột chuyện tình với hai nỗi buồn. Bà Nồng không có chồng

nhưng có con, thằng Dần không có cha. rồi Dần đi tìm cha, 20 năm nay vẫn chưa trở về. Truyện xoay quanh một huyền thoại về cọp ở Dùi Chiêng (Quảng Nam), lúc tác giả (Tôi) còn trẻ con ở quê, giờ đã 20 năm qua.

Tác giả dành cho nhân vật tấm lòng thương yêu, trân trọng và một niềm tin vượt qua nỗi thất vọng.

Nhưng tác giả đã không lý giải nguyên nhân đã gây ra những nỗi bi thiết cho bà Nồng và thằng Dần? Cách kể truyện như vậy lộ ra rằng, Tấm da cọp là một truyện lãng mạn, mà truyện lãng mạn không đòi hỏi tác giả phải giải quyết những vấn đề hiện thực.

TIẾNG CHIM SẺ TRONG THÁNH ĐƯỜNG

Tôi đi dự lễ tang cụ bà Anna ở nhà thờ có nhiều chim sẻ. Tôi nhớ kỷ niệm lúc 13 tuổi đi bắt chim sẻ với Hương. Nhìn hai con chim chụm mỏ vào nhau, Tôi nhớ cụ ông hôn trên trán cụ bà, và nhớ mình đã hôn trên má Hương 20 năm trước khi Hương bị trúng đạn chết. “mọi thứ đều thay đổi, chỉ còn tiếng chim sẻ vẫn như ngày nào, Hương ơi!”

Tôi (tác giả?) nhờ lại Chuyện tình ngọt ngào trong trẻo nhưng đẫm máu và nước mắt của Tôi với Hương lúc 13 tuổi. Đó là một bi kịch ám ảnh Tôi mãi.

Tiếng chim sẻ gợi Tôi nhớ kỷ niệm với Hương.

Đến giờ đã 20 năm.

Những chi tiết trong truyện này giống như kỷ niệm với Hương đi bắt chim sẻ… trong truyện dài Long lanh giọt nắng của Nguyễn Một.

TRUNG QUÂN

Tôi (Tác giả?) nghe chị Năm kể chuyện Thái lúc ở chiến khu Đ. Thái gặp K’Rin, anh bị a`1m ảnh bởi bộ ngực trần của cô gái Chơ ro khi nàng tắm bên suối. Rồi họ yêu nhay và làm cuộc yêu ngay trong giao thông hào bên suối giữa lúc bị đánh bom. Ông Điểu Mân là cha của K’Rin gặp chỉ huy của Thái, yêu cầu đơn vị phải bắt Thái cưới K’Rin và rời quân ngũ về sống với nàng. Đơn vị đã kỷ luật Thái và làm theo yệu cầu của Điểu Mân.

Tôi về dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập chiến khu Đ, gặp ông tướng già, ông kể: Thái đã hy sinh và được công nhận liệt sĩ, nhưng Thái đã không còn hài cốt để mang về nghĩa trang.

Vợ tôi đọc bản thảo truyện này và hỏi tôi về số phận đứa con của Thái. Nghe lời vợ, tôi lặn lội về ấp Lý Lịch ven rừng chiến khu Đ để tìm kiếm đứa con Thái. May mắn, tôi gặp già làng Điểu Mân. Ông cho biết con Thái là Trần Trung Quân. Bây giờ nó là sỹ quan kiểm lâm bảo vệ rừng quốc gia Cát Tiên đấy.

Đêm ấy, tôi ở lại cùng ông. Ông đưa tôi ra rừng, đốt lửa và mời tôi uống rượu cần. Tôi nghe ông kể Khan.

Về nhà, tôi báo tin cho vợ biết về người con trai của Thái và K’Rin, và viết thêm đoạn kết rất “có hậu” này. Kính mong bạn đọc lượng thứ cho tôi cái tội dông dài. (Hết truyện)

Trung quân là truyện tình của Thái-K’Rin trong chiến tranh. Một truyện

 tình đầy chất bi kịch, mất mát và hy sinh. Nhưng ở giai đoạn mới của lịch sử và cách mạng, bi kịch được kết thúc có hậu.

TRƯỚC MẶT LÀ DÒNG SÔNG

Dãy phòng Phong ở trọ hướng mặt về dòng sông. Chủ nhà trọ là một thiếu phụ xinh đẹp và hoà nhã. Bẵng đi một thời gian không thấy mặt người chồng, những người công nhân ở trọ xì xào: ông chủ nhà trọ đã bỏ nhà đi.

Ngày mới giải phóng, quê Phong gặp nhiều khó khăn. Anh lên đường vào nam lập nghiệp. Thế hệ anh không thể chịu được đói, nghèo. Khi anh đi, ông nội nhắc cho anh nhớ, tộc Trần có năm quan võ, bảy quan văn, một anh hùng, mười bốn liệt sĩ. Ông nói: “Cần biết sống cho ra sống, đừng để người ta khinh!”. Chạy vạy nhiều ngày anh mới kiếm được một chỗ làm trong một khu công nghiệp.

Một công nhân làm hỏng sản phẩm, gã quản đốc gầm lên cầm chiếc giày ném vào mặt anh ta. Phong đã thách đấu với hắn. Sau cuộc đấu kịch liệt, hắn đã đầu hàng, nhưng hắn xin với Phong, vì danh dự của hắn với công ty, Phong nên nghỉ việc, hắn sẽ trợ cấp. Phong chấp nhận nghỉ việc, nhưng không nhận trợ cấp riêng.

Về phòng trọ, anh giúp việc cho 3 người trọ cùng phòng và làm những ngôi nhà nhỏ bằng tre. Cái nghề này ngày xưa ông nội dạy cho anh.

Chị Hạnh chủ nhà có vẻ quan tâm đến anh. Chị kể cho Phong nghe đời sống vợ chồng của chị. Anh chị hàng ngày viết thư cho nhau, ghi những cảm nghĩ về nhau, bỏ vào thùng thư. Nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm trôi qua, chị chỉ nhận được lời anh khen. Chị đâm hoảng, chẳng lẽ vợ chồng mình hoàn hảo đến thế sao? Chẳng lẽ cả hai đều không có khuyết điểm nào hay sao? Bức thư sau cùng anh gửi cho chị vẻn vẹn có mấy chữ: “Anh không thể tìm được khuyết điểm để từ bỏ em, nhưng anh đã trót yêu…! Hãy tha lỗi cho anh!” Anh lặng lẽ ra đi, để lại tất cả tài sản cho chị.

Phong đi bỏ mối, sản phẩm của anh làm ra không đủ bán. Anh gặp lại Lee (quản đốc đã đánh nhau với anh). Hắn mời anh cùng làm ăn. Một tháng sau công ty “Phong Việt ” ra đời. Phong không ngờ sản phẩm tre nứa nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường.

Phong trở lại nhà trọ và quyết tâm thực hiện một dự định. Anh yêu chị Hạnh, anh bỏ vào thung thư nhà chị một phong thư. Hẳn chị sẽ rất bất ngờ với lá thư của Phong. Phong sẽ trở lại khi chị bình tĩnh. Lòng thanh thản và đầy tự tin vào tương lai, Phong chậm rãi đi về phía dòng sông.(Hết)

Trước mặt là dòng song là một chuyện tình thời kinh tế thị trường. Tác giả

 Lắp ghép việc kiếm sống khó khăn của công nhân với một chuyện tình đã đổ vỡ, để dệt một mối tình mới đầy hy vọng khi Phong đã có một công ty mà sản phẩm của anh làm ra đã chiếm lĩnh thị trường. Không rõi khi đọc thư, chị Hạnh sẽ có phản ứng thế nào?

            Cách kết truyện như thế là kiểu truyện lãng mạn vì những sự việc được kể trong truyện không thể có trong đời thực, và một cuộc tình quá hoàn hảo của chị Hạnh vời chồng như thế, nhưng vẫn đổ vỡ sẽ để lại những vết thương tâm không thể dễ dành hàn gắn. Sự thành đạt của Phong sẽ không phải là điều quyến rũ chị Hạnh.

Bi kịch tình yêu của chị Hạnh là lời thú nhận của chồng chị về sự quá hoàn hảo

của chị: “Anh không thể tìm được khuyết điểm để từ bỏ em, nhưng anh đã trót yêu…!”.Tại sao chị Hạnh đẹp, hòa nhã, không có khuyết điểm lại bị chồng bỏ rơi? Tác giả đã không lý giải điếu này (vì đây là một truyện lãng mạn).

Tháng 12/2023

_________________

[1]  Nguyễn Hiệp- Mê lộ trong hành trình tha hương của nhà văn Nguyễn Một.

1 bình luận về “TRUYỆN NGẮN NGUYỄN MỘT-Phụ lục

Bình luận về bài viết này