ĐỌC, VIẾT & PHÊ BÌNH VĂN CHƯƠNG-Phần III

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

PHẦN III

PHÊ BÌNH VĂN HỌC

***

Đối tượng của phê bình văn học là tác phẩm văn học, bởi tác phẩm là thành tố trung tâm của văn học. Không có tác phẩm thì không có nền văn học. Cần phân biệt phê bình văn học với phê bình xã hội.

I. PHÊ BÌNH XÃ HỘI VÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC

          Trên báo chí hay trên các diễn đàn xã hội, thường có các bài phê bình, hoặc comment về một hiện tượng xã hội, hoặc một vấn đề “nóng” được cộng đồng quan tâm. Đó là phê bình xã hội.

            Khi đối tượng phê bình là một tác phẩm văn học, một hiện tượng văn học, một tác giả, một trào lưu… thì đó là phê bình văn học.

            Phê bình văn học có hai dạng: phê bình báo chíphê bình chuyên nghiệp

a.Phê bình văn học để đăng báo (gọi tắt là phê bình báo chí) thường là những bài “điểm sách”, giới thiệu một tác phẩm mới in, hoặc giới thiệu một tác giả. Kiểu bài này có mục đích quảng cáo nên chỉ có giá trị thông tin. Nó được viết với mục đích ngoài văn chương.

Đã có lúc người ta ca ngợi thơ Thiền Hoàng Quang Thuận [[1]], người ta tổ chức cả hội thảo khoa học để PR cho hiện tượng này. Và rồi, người ta phát hiện ra sự bịa đặt, vay mượn của tác giả. Đơn vị tổ chức hội thảo phải rút kinh nghiệm [[2]]. Báo chí cũng phê phán nhiều tình trạng “đạo văn”[[3]]. Những bài như thế không phải là phê bình văn học.

Đây là thực trạng của phê bình văn học trên báo chí:

“Hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật có biểu hiện tụt hậu so với yêu cầu, thực hiện chưa tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác. Chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp của phê bình bị xem nhẹ; xuất hiện lối phê bình cảm tính, thiếu một hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả và tác phẩm, văn hóa phê bình bị hạ thấp… “(Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị ngày 16/6/2008)

b.Phê bình văn học chuyên nghiệp là phê bình dựa trên lý thuyết văn học và sử dụng các phương pháp phê bình có phẩm chất khoa học để xem xét đánh giá tác phẩm. Ở Việt Nam, chỉ các nhà nghiên cứu, các Giáo sư, Tiến sĩ giảng dạy Đại học mới viết phê bình chuyên nghiệp, nhưng hầu hết họ là nhà nghiên cứu. Nhưng có những nhà nghiên thế giá với nhiều công trình giá trị, song họ lại không phải là những nhà phê bình văn học tài năng.

II.CÁC KIỂU “NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC”

          Thực trạng phê bình văn học Việt mấy chục năm qua có thể quy về các “mẫu nhà phê bình” sau đây (tôi tạm định danh để nhận dạng):

1.Nhà phê bình chính trị: Vũ Hạnh, Trần Thanh Đạm, Chu Giang…

            2.Nhà phê bình lý thuyết: Phương Lựu, Lê Huy Bắc, Trần Đình Sử, Nguyễn Văn

              Dân, Lã Nguyên, Ngô Tự Lập

            3.Nhà phê bình chuyên nghiệp: Hoài Thanh, Đặng Tiến, Thuỵ Khuê, Nguyễn

              Hưng Quốc, Bùi Vĩnh Phúc, Nguyễn Vy Khanh…

4.Nhà phê bình phong trào: Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Hòa, Chu Văn Sơn,…

Mỗi kiểu nhà phê bình có những tiêu chí và phương pháp phê bình riêng.

***

Nhà phê bình chính trị lấy tiêu chí chính trị, quan điểm Marxist và đường lối văn nghệ của Đàng làm nền tảng lý luận đề để “đánh” kẻ thù của giai cấp vô sản, đúng như chỉ đạo của Trường Chinh trong báo cáo “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” (1948):

Không phải chỉ cần phê bình những khuynh hướng sai lầm về tư tưởng, học thuật, nghệ thuật của ta mà thôi; phải phê bình và nhất là chú trọng đả kích tư tưởng, văn học, nghệ thuật phản động của địch. Cuộc đấu tranh về văn hóa và tư tưởng không thể tách rời cuộc đấu tranh về chính trị, quân sự và kinh tế được.”

Trong thực tế, ở Việt Nam, phê bình chính trị là chính. Mỗi người đọc, mỗi biên tập viên, mỗi ban biên tập của một tờ báo hay tạp chí, các nhà xuất bản, Cục xuất bản và đông đảo công chúng được đào tạo trong nhà trường Xã hội chủ nghĩa đều đọc tác phẩm theo tiêu chuẩn chính trị. Tác phẩm có phản ánh hiện thực cách mạng không? Nhà văn có là “nghệ sĩ-chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng không?  

Nhà phê bình lý thuyết là những nhà nghiên cứu lý thuyết văn học. Họ tỏ ra rất “uyên bác” những vấn đề đông tây kim cổ. Họ luận giải có ngọn có nguồn. Nhiều công trình của họ có giá trị tham khảo. Có thể kể đến công trình của GS Nguyễn Văn Trung [[4]], nhà nghiên cứu Thụy Khuê [[5]], TS Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Minh Quân, GS-TS Trần Đình Sử, PGS-Ts Đỗ Lai Thúy [[6]], TS Ngô Tự Lập… và nhiều nhà nghiên cứu khác.

Xin lưu ý rằng, có một thực trạng, khi giới thiệu cùng lý thuyết, các nhà nghiên cứu đã có những kiến giải khác nhau, và không phải đã có lúc họ “choảng” nhau trên diễn đàn. Thí dụ, Phương Lựu đã phê phán thái độ “rất trịch thượng” của Nguyễn Văn Dân trong trao đổi học thuật với đồng nghiệp [[7]].

Và, cho đến nay, chưa một nhà nghiên cứu Việt nào có thể tự mình đưa ra được một lý thuyết văn học phù hợp với văn học Việt. Tất cả những lý thuyết văn học được giới thiệu, chủ yếu là lý thuyết văn học nước ngoài, dành cho đối tượng văn học nước ngoài. Vì thế khi áp dụng vào phê bình văn học Việt, đã không tránh được những khập khiễng. Thí dụ, việc đánh giá văn học Hậu Hiện đại ở Việt Nam, hoặc việc áp dụng Lý thuyết trò chơi (Game Theory) vào phê bình văn học.

            Nhà phê bình chuyên nghiệp là những người viết phê bình văn học dựa trên một lý thuyết văn học nhất định. GS Trần Đình Sử được coi là người có nhiều thành tựu trong việc đưa Thi pháp học vào nghiên cứu văn học Việt. Ông đã viết: Thi pháp thơ Tố Hữu (1987), Dẫn luận Thi pháp học (1998), Thi pháp truyện Kiều (2018)…PGS-Ts Đỗ Lai Thúy dùng Phân Tâm học để nghiên cứu Hồ Xuân Hương, Hoàng Cầm. Ông đã in: Con mắt thơ (1992), Bút pháp của ham muốn (2009), Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực (2010), Thơ như là mĩ học của cái Khác (2012), . …Nhà phê bình Đặng Tiến (1940-2023) vận dụng Thi pháp học của Roman Jakobson để phê bình thơ. Ông đã in Vũ trụ thơ (1972), Vũ trụ thơ II (2008), Thơ – Thi pháp và chân dung (2009). Thụy Khuê là nhà nghiên cứu nhưng cũng là nhà phê bình văn chương. Bà đã xuất bản: Cấu Trúc Thơ (1995) Sóng Từ Trường (1998) Sóng Từ Trường II (2002) Sóng Từ Trường III (2005) Phê bình văn học thế kỷ XX (2018)…

            “Nhà phê bình phong trào” là những “tay ngang” viết phê bình. Họ xuất thân từ nhiều thành phần xã hội. Họ không được đào tạo chuyên nghiệp, cũng không viết phê bình chuyên nghiệp. Khi viết phê bình, họ không thủ đắc một lý thuyết hay phương pháp phê bình văn học nào. Họ xuất hiện trong các phong trào khi có một hiện tượng văn học nào đó gây tranh cãi. Trong số họ, nhiều người có trực giác văn học nhạy bén, giúp họ nhận ra và đánh giá được bản chất của các hiện tượng văn học. Tiếng nói phê bình của họ là tiếng nói của “cộng đồng diễn dịch” (Stanley Fish- interpretive community). Số lượng nhà phê bình phong trào rất đông. Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Hòa, Chu Văn Sơn…là những khuôn mặt phê bình có uy tín.

III. CÁC LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP PHÊ BÌNH

             (Tổng hợp tài liệu …Bạn cần tìm đọc các tài liệu nguồn)

1. PHÊ BÌNH MARXIST.

(Hải Triều)

Ở Việt Nam, phê bình Marxist vẫn là phương pháp chính, có tính nguyên tắc:

 “Trên nền tảng mỹ học mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh, khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại; lên án, phê phán không khoan nhượng những tiêu cực, xấu xa đang cản trở sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam” (Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị).

Phản ánh luận là nền tảng nhận thức luận của phê bình Marxist. Chủ nghĩa Marx coi văn học là một hình thái ý thức thuộc thượng tầng kiến trúc. Vì thế nó chịu ảnh hưởng trực tiếp ý thức chính trị. Người Marxist coi văn học là vũ khí đấu tranh cách mạng, sự nghiệp văn học là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng. Văn học do Đảng lãnh đạo. “Sự nghiệp văn học phải thành một bộ phận trong toàn bộ sự nghiệp của giai cấp vô sản, phải thành ‘một bánh xe nhỏ và một đinh ốc’ trong bộ máy xã hội dân chủ vĩ đại, thống nhất do đội tiền phong hoàn toàn giác ngộ của toàn bộ giai cấp công nhân mở máy”. (V. Lênin.- Tổ chức Ðảng và văn học Ðảng. Nhà Xuất bản Sự thật. Hà Nội. 1957. tr. 13.)

Phê bình Marxist xem xét văn học có phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp, có góp phần cải tạo thế giới hay không. Ở Việt Nam Phương pháp Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa là phương pháp độc tôn suốt từ 1948 đến khi đổi mới (1986). Nội hàm của chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chù nghĩa là: Phản ánh hiện thực cách mạng trong quá trình phát triển thông qua điển hình hóa kết hợp với lãng mạn cách mạng. Phương pháp này đã bỏ qua “hiện thực không cách mạng”, hiện thực đời thường của nhân dân.

GS Trần Đình Sử trong bài Tiếp nhận phản ánh luận ở Việt Nam đã nhận xét: “Lí thuyết phản ánh để lại dấu ấn nặng nề nhất trong phê bình văn học. Nhiều tác phẩm bị phê bình là xuyên tạc thực tế, bôi đen chế độ, hoặc thể hiện thế giới quan lạc hậu, xa rời đời sống của quần chúng, như tác phẩm Vào đời của Hà Minh Tuân,… các nhà phê bình thường nhân danh hiện thực, nhân danh quần chúng nhân dân, nhân danh thời đại  để lên án các tác phẩm, mà không xuất phát từ thực tế”[[8]].

Bạn đọc có thể tham khảo thêm phê bình xã hội học(socio-critique do Claude Duchet khởi xướng). Khi tiếp cận sự kiện văn học, nhà phê bình tập trung khảo sát những yếu tố xã hội có mặt trong văn bản. Xác lập, miêu tả, lý giải những tương quan giữa xã hội và tác phẩm văn học.

2. PHƯƠNG PHÁP TIỂU SỬ:

(Saint-Beuve)

Sainte-Beuve (critique historisque) dùng bối cảnh kịch sử và cuộc đời tác giả để giải thích tác phẩm. Sainte-Beuve xây dựng chân dung văn học bằng cách thu thập rất nhiều tài liệu về đời sống nhà văn, tìm những trao đổi thư từ của tác giả và phỏng vấn những người đã quen biết tác giả. Phê bình của Sainte-Beuve truyền vào Việt Nam qua Gustave Lanson

Coi tác phẩm văn học là đứa con tinh thần của tác giả (Văn là người), Phương pháp tiểu sử giúp soi dẫn nhiều vấn đề. Tuy nhiên phương pháp này cũng gây nên nhiều hệ lụy cho tác giả, khi người ta dùng tác phẩm để quy chụp tác giả. Thí dụ trường hợp Vũ Trọng Phụng, Tự Lực Văn Đoàn, Hoàng Cầm…

Bạn đọc thêm Phê bình ấn tượng (Hoài Thanh). Phê bình ấn tượng do W. Dilthey khởi xướng. Ở Việt Nam, Hoài Thanh (1909-1982) viết phê bình bằng trực giác cảm tính. Ông nói: “Nghe thế nào, thấy thề nào, ta cảm xúc, ta suy nghĩ thế nào ta cứ thế mà viết lên mặt giấy…Hai chữ thành thực ta sẽ cho nó một địa vị danh dự trong văn chương”.

3. HÌNH THỨC LUẬN (Formalism-Chủ nghĩa Hình thức)

(Roman Jakobson)

Tác giả tiêu biểu của Hình thức luậnRoman Jakobson (1896-1982).Các nhà Hình thức luận xem xét tính văn chương (literariness), tức là cái làm cho các tác phẩm văn học được xem là văn học; họ quan tâm nhất là các thủ pháp (devices); nhất là chức năng lạ hoá ngôn ngữ. Nhiệm vụ chính của nhà phê bình văn học là tập trung vào việc phân tích những sự dị biệt giữa ngôn ngữ văn chương và ngôn ngữ đời thường; phát hiện những cái lạ những cái chủ tố (the dominant) trong từng tác phẩm cụ thể.

Thí dụ: thử tìm ra “cái lạ” của việc dùng từ “gợn” sóng và “dờn dợn”sóng của Huy Cận trong bài Tràng Giang:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp…

Lòng quê dờn dợn vời con nước”

            Thí dụ: chữ “cọp” và chữ “hùm” trong Tây Tiến của Quang Dũng

                        Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

                        Quân xanh màu lá dữ oai hùm

            Thí dụ:

                        Bóng chiều không thắm không vàng vọt

                        Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong

            Đọc thêm phê bình Thi pháp học:

Thi pháp học chú ý đến những yếu tố hình thức của tác phẩm như: hình tượng nhân vật – không gian – thời gian, kết cấu – cốt truyện – điểm nhìn nghệ thuật, ngôn ngữ, thể loại… Nội dung trong tác phẩm phải được suy ra từ hình thức, đó là “hình thức mang tính quan niệm” (Trần Đình Sử). Phương pháp chủ yếu của Thi pháp học là phương pháp hình thức. Chúng ta hiểu, “Phương pháp hình thức là phương pháp phân tích các khía cạnh hình thức của tác phẩm văn học nghệ thuật để rút ra ý nghĩa thẩm mỹ của nó” (Nguyễn Văn Dân).” Thi pháp học cũng nghiên cứu cả hình tượng tác giả. (TS Phạm Ngọc Hiền (https://www.nguvanthcs.com/2020/12/day-hoc-van-theo-huong-thi-phap-hoc.html).

Nói tóm lại, Thi Pháp học nghiên cứu mọi yếu tố chất liệu, yếu tố cấu trúc của tác phẩm và quá trình kiến tạo tác phẩm (chủ yếu là yếu tố hình thức) từ đó tìm ra ý nghĩa của tác phẩm.

4.PHÊ BÌNH PHÂN TÂM HỌC (Psycho/analysis critisim).

Phân tâm học (viết tắt của Phân tích tâm lý học- Psycho-analysis) tiếp cận tác phẩm văn học về tâm lý học, cụ thể là vô thức. Phương pháp phê bình này dựa trên Phân Tâm học của S.Freud. Với S Freud là vô thức cá nhân, với C.G. Jung là vô thức tập thể.

Phê bình Phân Tâm học có thể “phân tâm” tác giả, nhân vật và độc giả để khám phá quá trình sáng tạo cũng như quá trình tiếp nhận. Tại sao tác phẩm của Hồ Xuân Hương, Vũ Trọng Phụng lại dày đặc Cái Dâm? Tại sao văn chương sex luôn gây ra nhiều tranh cãi? (Thí dụ Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, I’m đàn bà của Y Ban, Nháp của Nguyễn Đình Tú…)

Freud khám phá ra khái niệm “Libido” và “mặc cảm OEdipe”. Bi kịch OEdipe làm Vua của Sophocle và bi kịch Hamlet của Shakespeare đã đặt nền móng cho việc ứng dụng Phân Tâm học để soi chiếu và đánh giá sâu hơn các tác phẩm văn học.

Phân Tâm học rất đề cao những ẩn ức, giấc mơ. Libido, mặc cảm Oedip, dục vọng, ám ảnh tuổi thơ…Các nhà phê bình vận dụng những khái niệm vô thức, để giải mã tâm lý sáng tạo của nhà văn.

Freud đề cao 2 luận điểm là bản năng tính dục (Libido) và những kí ức thời thơ ấu, gọi chung là các yếu tố vô thức. Các yếu tố này do sự đè nén của ý thức và quy chuẩn đạo đức, xã hội mà luôn bị ức chế, thường tìm cách bộc lộ dưới những  hành vi bất thường, những chứng loạn thần kinh và đặc biệt là các giấc mơ.

Ngày nay có nhiều ngành phê bình Phân tâm học

Thí dụ: Phân tâm học cấu trúc (hay Phân tâm học văn bản-Jacques Lacan), Phân tâm Hiện sinh (existential psychoanalysis) của J.P.Sartre

Ở Việt Nam Đỗ Lai Thúy đã dùng Phân Tâm học để phân tâm Hồ Xuân Hương, Hoàng Cầm, nhờ đó có những khám phá mới mẻ. Dù vậy cũng có chỗ Đỗ Lai Thúy chưa tường tận về phương pháp phê bình này. GS Trần Đình Sử cho rằng dùng phê bình Phân Tâm học để phơi bày những cái dấu kín của cá nhân tác giả (về tâm sinh lý) là điều dễ vi phạm quyền bí mật nhân thân của cá nhân (bác sĩ điều trị còn phài giữ bí mật cho bệnh nhân)

5. PHÊ BÌNH MỚI Anh, Mỹ (The New Criticism)

(Eliot)

Hai đại biểu của Phê bình Mới là : I. A.Richardsvà Thomas Stearns Eliot

Phê bình mới chỉ tập trung vào văn bản. Ý nghĩa nằm trong văn bản, trong cấu trúc. Mỗi tác phẩm là một chỉnh thể vừa thống nhất vừa phức tạp: đó là sự hòa điệu của những sự xung khắc. Các nhà Phê Bình Mới phân tích, diễn dịch và mô tả các tác phẩm văn học hơn là nhận định về giá trị thẩm mỹ hay ý nghĩa cách tân của chúng. Họ thành công ở Phương pháp “đọc gần” (close reading) [đọc thêm bài How to Do a close reading – Patricia Kain, for the Writing Center at Harvard University]

6. PHÊ BÌNH CẤU TRÚC LUẬN (stucturalisme)

(Roland Barthes)

Jakobson, Roland Barthes và Levi-Strauss là những nhà Cấu trúc hàng đầu.

Cốt lõi của Chủ nghĩa cấu trúc là niềm tin rằng ta không thể hiểu sự vật nếu chúng ở trong trạng thái cô lập – chúng phải được quan sát trong ngữ cảnh của những cấu trúc lớn hơn mà chúng là một phần trong đó [[9]].

Cấu Trúc Luận hình thành từ lý thuyết ngôn ngữ của Ferdinand de Saussure. Saussure nhấn mạnh 3 luận điểm:

1. Quan hệ giữa Cái biểu đạtCái được biểu đạt (nghĩa của ngôn ngữ) là võ đoán, bởi vì, nghĩa của sự vật là do người ta gán cho nó, không phải là chính nó, vì thế ngôn ngữ không phản ánh hiện thực.

2. Nghĩa của một từ chỉ lộ ra trong một cấu trúc ngôn ngữ.

3.Ngôn ngữ có tính kiến tạo thế giới. Không có ngôn ngữ ta không thể nhận thức được thế giới.

Claude Lévi-Strauss (1908 – 2010) ứng dụng phương pháp cấu trúc trong Nhân chủng học và Roland Barthes (1915 – 1980) ứng dụng trong văn học.

Nhà Cấu trúc luận nghiên cứu cấu trúc để phát hiện ra‘ngữ pháp’ của văn chương, đặc biệt những quan hệ liên văn bản.

Cấu Trúc luận gạt bỏ những yếu tố ngoài cấu trúc tác phẩmnhưtác giả và người đọc; phủ nhận ý nghĩa của từng văn bản riêng biệt (nó chỉ có ý nghĩa trong hệ thống văn bản), chối bỏ ảnh hưởng của lịch sử đối với văn học.

7. GIẢI CẤU TRÚC LUẬN

Giải Cấu trúc phủ định tính bền vững của cấu trúc. Mỗi cấu trúc đều có một Trung tâm, tự bản chất đã là “phi tâm” hóa; phủ nhận về sự tồn tại của chân lý tuyệt đối (Đại tự sự), phủ nhận ý nghĩa duy nhất của văn bản.

Giải Cấu trúc luận cho rằng: mọi hệ thống cấu trúc đều được tạo nên từ ít nhất là một cặp đối lập nhị phân (binary oppositional pair) Thí dụ: các cặp Tốt/ xấu; Hiền hậu/ gian ác; Sáng/ tối; Nam/ nữ; Phải/ trái. Nhờ vào sự khác biệt (différance) mà thành phần của cặp nhị phân này có ý nghĩa khi quy chiếu vào vật kia.

Văn bản là một cấu trúc ngôn ngữ. Nguồn gốc của nó đã có từ các văn bản trước nó (liên văn bản). Giải Cấu trúc đề cao vai trò người đọc, ý nghĩa của văn bản là ý nghĩa người đọc tìm thấy. Đó là một tiến trình bất định và hầu như vô giới hạn.

Nhà phê bình Giải Cấu trúc đọc kỹ văn bản, tháo gỡ các mâu thuẫn logic nội tại của các cặp đối lập nhị phân trong văn bản, chỉ ra những nghĩa bị còn sót lại, nghĩa bị che giấu trong những khuôn mẫu nói năng, những điều văn bản không được nói và buộc phải nói. [[10]]

Giới hạn của Giải Cấu trúc là ở chỗ nhiều người lợi dụng nó để phá hủy mọi giá trị truyền thống, phá hủy những tín niệm, lật đổ sự thống trị (Giải Cấu trúc là trung tâm của Hậu hiện đại), có sự lẫn lộn Giải Cấu trúc và “giải thiêng”…

8.PHÊ BÌNH KÝ HIỆU HỌC (sémiologie)

(Umberto Eco)

Ký hiệu học là khoa học khảo sát tất cả những hình thức dấu hiệu, ký hiệu.

Umberto Eco là nhà lý thuyết hàng đầu về Ký Hiệu học với cuốn Tác phẩm mở (Opera Aperta. 1962).

Tác phẩm mở, theo Eco, lý thuyết ký hiệu học quan tâm chủ yếu đến vấn đề về mối quan hệ giữa cái biểu đạt với cái được biểu đạt.

Eco đề ra 7 cấu trúc diễn ngôn để diễn giải tác phẩm [[11]]

     1/ Nghĩa tự điển. 2/ Quy tắc cùng tham chiếu (nghĩa ngữ pháp). 3/ Sự lựa chọn văn cảnh và tình huống (nghĩa văn cảnh). 4/ Tu từ và phong cách-Siêu mã hóa (nghĩa tu từ). 5/ Nghĩa suy luận theo khung cảnh. 6/ Nghĩa suy luận liên văn bản. 7/ Nghĩa tư tưởng (Siêu mã hóa tư tưởng) do tư tưởng của người đọc khi đọc tư tưởng của tác phẩm. Tư tưởng này có thể đồng thuận hay đối lập. Eco: “Một văn bản mở, cho dù được ‘mở’ đến đâu, thì nó cũng không thể chấp nhận bất cứ một sự diễn giải nào”

9.PHÊ BÌNH HẬU HIỆN ĐẠI (postmodernist literary criticism).

(Jean-Francois Lyotard)

Hậu Hiện đại (là từ chỉ) một thái độ văn hóa, một cách nhìn thế giới, gần như một ý thức hệ.

J.F. Lyotard: “Nói một cách thật đơn giản “hậu hiện đại” là sự hoài nghi đối với các Đại tự sự” (grands récits), hoài nghi một cách triệt để về ba huyền thoại: huyền thoại duy lí tính, về nhận thức luận và về sự giải phóng con người.

Hậu Hiện đại chủ trương “Giải”: Phủ định các “Đại tự sự”, Giải trung tâm (phi tâm hoá-de-centring), Giải Cấu trúc; phân rã, phân mảnh (le fragmentisme).

Lý thuyết Hậu Hiện đại, gắn liền với liên văn bản. Việc đọc của một nhà phê bình hậu hiện đại là lần tìm những sự tương liên và sự ẩn tàng trong văn bản để từ đó bắt đầu cuộc hành trình của sự tái tạo và diễn dịch (Nguyễn Minh Quân-Liên văn bản)

“Với hậu hiện đại, không có gì là chân lý vĩnh cửu. Chân lý đối với các nhà hậu hiện đại là không có chân lý. Khuynh hương phê bình này chấp nhận nhiều tiếng nói, thậm chí là trái ngược nhau về cùng một vấn đề, nhưng cùng hướng đến đích là tìm ra giải pháp cho tư duy và hành động độc lập, tự do và hạnh phúc đích thực của con người”[[12]].

TS Liễu Trương kết luận: Hậu Hiện đại sử dụng “những phương pháp: liên văn bản với giễu nhại;  lồng nhiều tiếng nói trong tự sự, lời kêu gọi người tiếp nhận tự sự, sự từ chối đóng lại văn bản – có đặc điểm là việc phân mảnh hóa và tính không thuần nhất. Những phương pháp đó được dùng trong tinh thần một trò chơiđể phản đối, và cho thấy cách tiến hành của truyện, tạo nên một khoảng cách giữa văn bản và điều văn bản thể hiện, giữa văn bản và thực tế, giữa văn bản và độc giả”[[13]].

10.LÝ THUYẾT NGƯỜI ĐỌC (Reader Theory)

Thuyết người đọc (reader theory) bao gồm ít nhất 4 lý thuyết chính: hiện tượng luận, tường giải học (hermeneutics), thuyết tiếp nhận (theory of reception), và thuyết hồi ứng của người đọc (reader-response theory). Ðiểm chung hầu như duy nhất giữa bốn lý thuyết này là xem người đọc như nguồn nghĩa chính.

Theo Ingarden tác phẩm văn học có vô số những điểm bất định: mỗi điểm bất định như thế là những khoảng trống mà người đọc cần phải lấp đầy và cụ thể hoá…

Theo Hirsch, tác giả quyết định ý nghĩa trong khi người đọc tạo dựng liên nghĩa; ý nghĩa chỉ có một và cố định trong khi liên nghĩa có thể thật nhiều và biến đổi theo thời gian.

Theo Hans-Georg Gadamer , mọi sự diễn dịch đều là cuộc đối thoại vô tận giữa quá khứ và hiện tại; mọi sự hiểu biết đều có tính năng sản: hiểu một tác phẩm cũng đồng thời là hiểu một phần của chính mình.

Hans Robert Jauss đề ra khái niệm ‘tầm kỳ vọng’ (horizon of expectations), tức một hệ thống liên chủ thể hoặc một hệ thống quy chiếu mà người đọc mang theo khi tiếp cận với một tác phẩm nào đó và dùng nó để đánh giá tác phẩm ấy

Thuyết Hồi ứng (reader-response) của Stanley Fish đưa ra khái niệm mới: ‘cộng đồng diễn dịch’ (interpretive community). Mỗi cộng đồng có một ‘chiến lược diễn dịch’ chung bao gồm những hệ thống niềm tin, quy phạm và quy ước chung về văn học để dựa theo đó các cá nhân đọc, diễn dịch và đánh giá các tác phẩm văn học.

Jonathan Culler đề xuất ra khái niệm ‘khả lực văn học’ (literary competence), tức những quy ước giúp người đọc hiểu và cảm được các tác phẩm văn học.

11.LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI (Game Theory)

Lý Thuyết Trò Chơi là hệ thống nghiên cứu các mô hình toán học đặc tả sự “xung đột và hợp tác giữa” các cá nhân. Nó cung cấp các kỹ thuật toán học để phân tích các tình huống từ đó “người chơi” đưa ra các quyết định. Khái niệm “trò chơi” chỉ là quy ước về mặt ngôn ngữ. Người tham gia trò chơi không phải là để vui chơi giải trí. Họ là người ra các quyết định rất nghiêm túc và bằng trí khôn chuẩn mực khi phải chọn lựa giữa các tình huống.

Lý Thuyết Trò Chơi hiện đại được coi là khởi đi từ Von Neumann (1928), với cuốn Theory of Games and Economic Behavior, 1944 (của Von Neumann và Morgenstern).

Nhà phê bình có thể dùng thuyết này để tìm xem “chiến lược của nhà văn” trong kiến tạo tác phẩm, trong cuộc chơi với độc giả…hoặc tìm “chiến lược đọc” của người đọc, hoặc chiến lược của nhà sách khi quyết định chọn in tác phẩm nào…

Ở việt Nam việc tiếp nhận lý thuyết này còn mù mờ. Nhiều nhà nghiên cứu lẫn lộn giữa Lý thuyết trò chơi (Game Theory) với Lý thuyết về sự chơi trong văn học (Theories of play)

12.PHÊ BÌNH SINH THÁI (ecocriticism)

            Định nghĩa của Cheryll Glotfelty: “Phê bình sinh thái là phê bình bàn luận về quan hệ giữa văn học và môi trường tự nhiên”. Các nhà phê bình sinh thái chú ý đến sự phá hoại sinh thái do hiện đại hóa tạo thành và sự xấu đi của sinh thái toàn cầu do hiệu ứng nhà kính tạo nên, múc độ nghiêm trọng của tình trạng này đã uy hiếp môi trường sinh thồn và phát triển tương lai của nhân loại. 

13. PHÊ BÌNH NỮ QUYỀN LUẬN (Feminist criticism)

Là một trường phái phê bình văn học thoát thai từ phong trào chính trị xã hội đấu tranh cho quyền bình đẳng phụ nữ, phát triển mạnh mẽ vào giữa thế kỷ XX, chủ trương xác lập một nền mỹ học, lý luận văn học và sáng tác văn học riêng cho giới nữ.

Phê bình nữ quyền dung nạp các phương pháp khác:

Phê bình Nữ quyền văn bản; Phê bình Nữ quyền phân tâm học; Phê bình Nữ quyền hậu cấu trúc luận; Phê bình Nữ quyền duy vật; Phê bình nữ quyền Hậu hiện đại; Phê bình nữ quyền và đồng tính; Phê bình nữ quyền hậu thuộc địa

      Thử đọc một bài thơ của Lê Thị Thấm Vân

Giá của tự do

Đêm trước ngày vượt biển

mẹ thắp nhang lâm râm khấn nguyện

“Lạy trời phù hộ cho con tôi thoát…

thoát công an

thoát tù tội

thoát bầy cá đói mồi

thoát bọn thú dữ mặt sạm, cằm bạnh, mắt trợn trắng dã, nước dãi ứ đầy miệng đang chực chờ ngoài biển khơi.”

Nhưng trời che mắt, bịt tai, ngoảnh mặt.

Con gái tuổi trăng rằm

ba lần bị

chín giống đực xịt tới tấp tinh khí vào âm hộ-hậu môn-mắt-mũi-miệng-tóc-tai-bụng-đùi-ngực…

Thân xác người thiếu nữ

là bữa cỗ ngon cho bầy cá

dưới ánh trăng rằm.

VIẾT PHÊ BÌNH VĂN HỌC

1.Không một lý thuyết văn học hay phương pháp phê bình nào đủ bao quát mọi vấn đề. Mỗi phương pháp phê bình là một cách tiếp cận văn chương: hoặc là tìm hiểu tác giả (phương pháp tiểu sử, phương pháp Phân Tâm học), hoặc khám phá tác phẩm (Chủ nghĩa Hình thức, Phê bình Mới, Ký hiệu học, Chủ nghĩa Cấu trúc và Giải Cấu truc), hoặc đề cao vai trò người đọc (Thuyết người đọc), hoặc đề cao vai trò của bối cảnh lịch sử xã hội (Phê bình Marxist, phê bình xã hội học, phê bình Nữ Quyền luận, phê bình Sinh thái…).

Vì thế, tùy đối tượng tác phẩm, người viết phê bình cần chọn những phương pháp phù hợp, để khám phá những giá trị văn chương.

Ngay cả các nhà phê bình lý thuyết, dù tham bác nhiều tài liệu và giới thiệu được một số lý thuyết của phương tây, song khi thực hành lý thuyết ấy vào phê bình văn học, họ đều có những vấp váp. GS Trần Đình Sử với Thi pháp học, PGS-TS Đỗ Lai Thúy sử dụng Phân Tâm học, và một ít luận văn (Thạc sĩ, Tiến sĩ) vận dụng Lý thuyết trò chơi… đều có chỗ chưa thỏa đáng. Sự bất cập rõ nhất bộc lộ trong việc đánh giá “luận văn Nhã Thuyên”, đề tài “Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa” (2010)… Đã có 2 hội đồng chấm luận văn Thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên) với những nhận định trái ngược nhau [[14]].

2. Tác phẩm văn chương là đối tượng phê bình văn chương, song nhiều người khi giới thiệu một tác phẩm lại viết về tác giả. Đó là một ngộ nhận. Có một sự khác biệt giữa tác giả (con người xã hội viết tác phẩm) với nhân vật tác giả trong tác phẩm, có vai trò trong kiến tạo tác phẩm. Thí dụ: Con người xã hội của Nguyễn Du là một ông quan phong kiến. Trong tác phẩm, Nguyễn Du là một nhà thơ nhân đạo.

3.Viết phê bình văn học, người viết phê bình phải xác lập “tính văn chương” của tác phẩm và “tài năng sáng tạo” của tác giả. Văn bản đó có phải là một tác phẩm văn chương không? Anh ta (người viết) có phẩm chất của một nhà văn không. Nếu câu trả lời là không, thì không nên viết những dòng vô giá trị.

Phải trả lời cho được các vấn đế: tác phẩm đem đến những giá trị gì mới? tư tưởng-thẩm mỹ của nhà văn có gì mới, cách viết, phong cách nghệ thuật có gì độc đáomà trước đó chưa có trong văn học Việt…

 Tất nhiên, cần xem xét giá trị hiện thực, giá trị tư tưởng và những sáng tạo nghệ thuật của tác giả thể hiện trong tác phẩm. Về phương diện này phương pháp phê bình Marxist có khả năng khám phá những mối quan hệ phức tạp của hiện thực. Tuy nhiên, phê bình Marxistphê bình Phân Tâm có thể bất lực trước thơ Thiền, hoặc kiểu tác phẩm tư tưởng (thí dụ, Ông già và biển cả), vì thơ Thiền không phản ánh hiện thực.

Viết phê bình rất khó. Tác phẩm hay, với cách viết mới lạ, luôn cản trở những cách đọc truyền thống. Hoài Thanh bất lực trước thơ Siêu thực. Truyện của F.Kafka, văn học Hậu Hiện đại luôn thách thức khả năng thẩm thấu của người đọc. Phương pháp Cấu trúc, Giải Cấu trúc, Ký hiệu học có thể giúp ích đắc lực cho việc tìm ra thế giới tư tưởng-nghệ thuật của nhà văn.

 Mỗi tác phẩm là một sáng tạo, người viết phê bình cũng phải sáng tạo. Hơn thế, phê bình phải là tiếng nói tri kỷ của nhà văn. Trực giác thẩm mỹ giúp phát hiện những yếu tố lạ tạo nên chất văn chương (Cái Đẹp) của một tác phẩm và cốt cách của một tác giả nào đó.

Có một sự thật là, luôn có sự khác biệt giữa các chủ thể tiếp nhận văn chương. Vì thế rất cần tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng Cái Khác (The Others). Giải mã ý nghĩa của tác phẩm có thể là một tiến trình là vô tận. Hơn hai trăm năm nay, người ta không ngớt tranh cãi về Đoạn trường tân thanh (truyện Kiều) của Nguyễn Du, đó là một thí dụ có thể lý giải bằng Thuyết Người đọc (Reader Theory).

Kết luận 3: muốn viết “phê bình chuyên nghiệp”, người viết phê bình phải thủ đắc cho được những phương pháp phê bình khoa học và vận dụng những phương pháp ấy một cách thích hợp vào từng tác phẩm cụ thể. Chẳng hạn, không thể áp dụng phê bình Marxist để đọc thơ Thiền, không thể áp dụng phương pháp tiểu sử để đọc văn học dân gian vì Văn học dân gian không có tác gỉa. Người viết phê bình phải đọc nhiều để có “vốn”, phải rèn luyện một trực giác nghệ thuật nhạy bén, rèn kỹ năng viết đa dạng kiểu bài, và hơn hết cần có tấm lòng tri kỷ với văn chương.

Tháng 10/ 2023

Chuyên luận này có 3 phần. Bạn có thể download bản full để đọc


[1] Hoàng Quang Thuận: Thơ Thiền dự giải Nobel

https://www.anninhthudo.vn/hoang-quang-thuan-tho-thien-du-giai-nobel-post142756.antd

[2] Rút kinh nghiệm hội thảo thơ Hòang Quang Thuận

https://thanhnien.vn/rut-kinh-nghiem-ve-hoi-thao-tho-hoang-quang-thuan-185287127.htm

[3] Phan Huyền Thư xin lỗi Thường Đoan và tiêu hủy Bạch lộ

https://tuoitre.vn/phan-huyen-thu-xin-loi-thuong-doan-va-tieu-huy-bach-lo-989314.htm

[4] Nguyễn Văn Trung-Lược khảo văn học III.

[5] Thụy Khuê-Phê bình văn học thế kỷ XX.

[6] Đỗ Lai Thúy-Phê bình văn học con vật lưỡng thê ấy

[7] Phương lựu-Đôi lời trao đổi lại với bạn Nguyễn Văn Dân. PL đăng lại Vanvn ngày 17.7.2013. Bài này cũng đăng trong Phê bình văn học hậu hiện đại Việt Nam. Do Lê Huy Bắc chủ biên. Nxb Tri thức 20123

[8] Trần Đình Sử- Tiếp nhận Phản ánh luận ở Việt Nam

[9] Peter Barry-Chủ nghĩa Cấu trúc

http://nguvan.hnue.edu.vn/Nghi%C3%AAn-c%E1%BB%A9u/L%C3%BD-lu%E1%BA%ADn-v%C4%83n-h%E1%BB%8Dc/p/chu-nghia-cau-truc-1128

[10]Hòang Bình Xuyên-Nhận thức đúng về Giải Cấu trúc và giải thiêng

https://nhandan.vn/nhan-thuc-dung-ve-giai-cau-truc-va-giai-thieng-post219538.html

[11] Nguyễn Văn Dân-Nhà Ký hiệu học Umberto với lý thuyết về Tác phẩm mở

https://vanchuongplusvn.blogspot.com/2012/04/nha-ky-hieu-hoc-umberto-eco-voi-ly.html

[12] Văn học hậu hiện đại – lý thuyết và thực tiễn do Lê Huy Bắc, Lê Nguyên Cẩn, Đỗ Hải Phong tuyển chọn từ Hội thảo khoa học Quốc gia, khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức, năm 2013, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm.

[13] Liễu Trương-Hiện đại và Hậu Hiện đại

[14] Bùi Công Thuấn-Luận văn Nhã Thuyên

Bình luận về bài viết này