TỰ TRUYỆN VÀ TIỂU THUYẾT

 

 

 

BÀI CA VỀ QUYỀN ĐƯỢC LÀM NGƯỜI

Đọc tiểu thuyết Khúc quanh định mệnh của Phạm Ngọc Chiểu. Nxb Văn học 2014

Bùi Công Thuấn

KHÚC QUANH ĐỊNH MỆNH

 

 

 

Khúc quanh định mệnh có những chỉ dấu của một tiểu thuyết tự truyện. Là một tiểu thuyết, tác phẩm có sinh mệnh riêng. Nhân vật trong truyện là nhân vật tiểu thuyết, tức là nhân vật hư cấu. Nhân vật gánh vác sứ mệnh thể hiện chủ đề, tư tưởng. Nhân vật là con người của một thời gian, không gian cụ thể, có tương quan với xã hội đương thời. Là một tự truyện, tác phẩm chỉ ghi lại những biến cố của cuộc đời tác giả, và những nghĩ suy của riêng mình. Cái đời riêng, cái gia đình riêng, số phận riêng là cái riêng tư của cá nhân, thường thì ngưới đọc không nên soi vào. Và khi viết về mình, ngòi bút của tác giả khó có thể giữ được sự bình tĩnh khách quan. Sự thái quá có thể gây ra phản cảm nơi người đọc. Phạm Ngọc Chiểu giải quyết cái chung và cái riêng như thế nào trong tác phẩm này?

BÀI CA VỀ QUYỀN ĐƯỢC LÀM NGỪỜI

             Mở đầu truyện, tác giả kể câu chuyện thương tâm của một gia đình: Người làng Minh Khánh, tính đến (2014) không mấy người quên những tai họa liên tiếp giáng xuống nhà bà Tầm. Thằng con út của bà đột ngột bịnh năng, may được cứu. Sau đó, có ba người lạ mặt đến nhà bắt ông Đan, chồng bà, đem đi giết. Anh Cả Án tử nạn vì bom Napal của Pháp trên đường công tác ở Ninh Bình. Bà ở vậy tảo tần nuôi hai con trai còn nhỏ là Ngọc và Hùng với quyết tâm cho hai con ăn học nên người. Bà qua đời ở tuổi 84.

Từ đây truyện mở ra số phận 38 năm bầm dập (1963-2001) của Ngọc (Phần I), và những bước thăng trầm 23 năm  của Hùng, em Ngọc (phần II). Phần III miêu tả sự đạt thành những ước mơ của hai anh em Ngọc. Vỹ thanh là phần khẳng định lòng trung thành với Đảng.

Bối cảnh của truyện trải từ 1945 đến 2014. Nhân vật Trọng Hà theo Đảng dẫn dân đi cướp chính quyền 1945, anh Cả Án chết trên đường công tác trong kháng chiến chống Pháp. Ông Đan bị giết trong chiến dịch “Diệt Tề”. Bà Tầm và các con phải trải qua những ngày tháng nhục nhã ê chề trong Cải cách ruộng đất, bị tịch thu nhà. Sau được xét vào tầng lớp trung nông lớp dưới, bà mới được trả lại nhà. Đến đời Ngọc, con đường càng đi càng gian truân: Học xong cấp 3, đáng lẽ Ngọc được sang học trường Lô-mô-nô-xốp về Vật lý nguyên tử, nhưng anh bị chặn lại, ở nhà làm ruộng 4 năm, rồi tình nguyện đi Thanh Niên Xung Phong 3 năm, rồi làm công nhân mở đường 6 năm. Từ 1.10.1975 Ngọc chuyển về làm Biên tập viên 7 năm. Cuối 1982 được triệu tập đi học Đại Học Viết văn (tr. 292). Anh tốt nghiệp Đại học khi đã 42 tuổi, có vợ và ba đứa con, con út đã 5 tuổi. (tr. 294). Hùng, em Ngọc, 8 lần tình nguyện vào chiến trường đánh Mỹ đều bị trả về. Hai lần xin vào biên chế, bị loại. Xin đi lao động ở Lào cũng bị trả về, xin đi học lái xe, rồi phụ lái xe cả năm trời cũng không được cấp bằng lái. Mãi sau này nhờ quen Thiếu tá Lê Tâm, trưởng phòng Công an, và nhờ Lê Tâm giúp, Hùng mới được cấp bằng lái và chính tức được hành nghề lái xe.

          Truyện miêu tả cụ thể những gian truân của Ngọc và Hùng trong quá trình phấn đấu để được công nhận quyền làm một người bình thường như mọi người trong xã hội. Họ nỗ lực sống như mọi người, ăn ở cẩn thận giữ gìn mọi nhẽ hơn cả mọi người. Họ dấn thân nhận lấy những công việc vất vả, nguy hiểm đòi hỏi hy sinh, họ tìm mọi con đường, mọi hướng đi, mọi ngã rẽ chỉ để thoát khỏi sự ám ảnh về lý lịch:  Ngọc “Muốn vào khu 4 mở đường, giữ đường dưới bom đạn bời bời của giặc Mỹ để tỏ cái chí trai thời loan-‘Chết xanh cỏ sống đỏ ngực’ với thiên hạ, và gột rửa cái tiếng oan ‘lý lịch rất xấu’ đã thành bút tích trong bản khai lý lịch” (tr.41).

Và đây là nguyện vọng của Hùng: “…, nhưng cái chính là em thành Cán bộ Nhà nước, công tác thoát ly, không còn phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời quanh năm suốt tháng mà vẫn dài mồm ăn cơm độn khoai với rau già luộc chấm nước mắm cua mắm cáy nấu lại; quan trọng hơn là lúc đó cả anh và em coi như vùng thoát được sự kìm kẹp, ghẻ lạnh của người đời để họ thấy rằng, hai thằng con ông Đan-bà Tầm đâu có phải loại xoàng, vây bọc đến mấy thì rổi cũng chẳng ngăn chặn được anh em nó vượt lên làm lại cuộc đời, có chăng chỉ làm được mỗi việc là bắt chúng đi vòng trên đường đời mà thơi” (tr.64).

Cả hai nhiểu lần điều chỉnh mục tiêu của đời mình. Ngọc đặt ra mục tiêu cụ thể: “HỌC XONG ĐẠI HỌC, CÔNG TÁC ỔN ĐỊNH, LẤY VỢ SINH CON” (tr.139). Sau nhiều lần thất bại, Ngọc điều chỉnh: “LẬP GIA ĐÌNH, ỔN ĐỊNH CUỘC SỐNG, HỌC XONG ĐẠI HỌC” (tr.150). Và phải mất 38 năm anh mới về đến đích. Nguyên nhân chỉ vì bút phê của ông Nhân khi Ngọc làm hồ sơ đi học trường Lô-mô-nô-xốp: Trường hợp này lý lịch rất xấu không được đi học bất cứ trường nào (tr.151).

Thiếu tá Lê Tâm nói với Hùng: “Việc quản lý con người thì có riêng bộ phận nghiệp vụ của Công san người ta làm. Qua đường dây nội bộ, người ta thông báo cho nhau từng đối tượng để quản lý rất chặt chẽ. Người ta phân ra ba loại đối tượng. Đối tượng loại ba gồm những người làm việc cho đế quốc thực dân, có người nhà đi Nam năm 1954, người nhà liên quan đến thực dân đế quốc, là đối tượng phải theo dõi quản lý chặt.. Qua những gì cậu kể thì cậu bị xếp vào đối tượng loại ba rồi. Đã bị xếp loại ba thì dù cậu ở đâu người ta cũng tìm ra ngay lai lịch của cậu để theo dõi, quản lý”. Hùng bàng hoàng, thất vọng nói với Tâm: “Nói như anh thì bệnh của em hết phương cứu chữa rồi? (tr.262)

Người đọc hôm nay không thể tưởng tượng nổi sự nhục nhã đớn đau của Hùng và Ngọc mỗi lần muốn vươn lên thì mỗi lần lại bị sỉ nhục dìm xuống. Ở Thanh niên xung phong, Ngọc được mọi người tín nhiệm đề cử bầu vào vị trí Phó Ban chỉ huy Đại đội C1. Khả năng đắc cử của Ngọc rất cao, vì anh được cả đại đội yêu mến. Thấy vậy, Trưởng Ban tổ chức Tổng đội Vũ Thế Bản đã làm việc riêng với Ngọc. Ông ta yêu cầu anh rút tên khỏi danh sách bầu. Nếu không, dù anh có được bầu, thì ngay tức khắc, anh sẽ được điều sang B5 làm nhiệm vụ nổ mìn lấy đá. Lão Bản răn đe: “anh tự biến mình đang là nhà giáo thành người dục đá bắn mìn, thành người suốt năm suốt tháng bốc đá lên thùng ben xe Zin khơ” (tr. 130). Ngọc kêu lên: “Trời ơi! Khốn nạn, đúng là sự khốn nạn đến không tưởng tượng nổi!” (tr.62). Khi Hùng  muốn cưới Nhàn làm vợ, gia đình Nhàn đòi buộc Hùng phải trình cho họ bản lý lịch để họ duyệt trước khi có đồng ý hay không, và chính anh trai Nhàn, nắm trong tay lý lịch của Hùng, đã không cho em gái kết hôn với Hùng (tr.109). Khi Ngọc muốn cưới Minh, vấn đề lý lịch lại được đặt ra. Bí thư Chi bộ Đinh Văn Xuân nói thẳng với Minh về “vết đen lý lịch” của Ngọc: Bố Ngọc là người xỏ nhầm giày, là người làm việc cho Pháp.(tr.183) và khuyên Minh nên suy nghĩ chin chắn trước khi kết hôn. Minh trả lời Xuân dứt khoát, với Minh, chồng con là quan trọng nhất. Cô yêu và lấy Ngọc nếu Ngọc cũng yêu cô. Có lẽ chưa bao giờ mà hạnh phúc con người và quyền làm người bình thường bị chà đạp đến như thế!

Nhưng “cái lý lịch rất xấu” của Ngọc và Hùng là gì thì hai người không bao giờ biết được. Lý lịch của Hùng được được Ủy Ban xã xác nhận như sau: “Bản lý lịch của anh Hùng khai trên là đúng. Gia đình anh Hùng là gia đình liệt sĩ, có anh trai hy sinh trong kháng chiến chống Pháp”(tr. 197; 263). Nhiều lần Ngọc Hỏi mẹ, bà Tầm chỉ nói: “Bố là người tốt con à!” (tr.96). Còn Hùng nói với mẹ: “Mẹ ơi, lý lịch nhà ta thế nào, mà con đi đâu, vào đâu cũng bị đuổi về? Bà Tầm nói: “ Bao năm nay nhìn anh Ngọc và con chịu những o ép, thiệt thòi oan ức, mẹ đau lòng lắm chứ, nhưng chưa thể nói hết mọi chuyện với anh em con, vì sợ các con nông nổi, làm những việc không có lợi, rồi ảnh hưởng tai hại đến cuộc đời các con”(tr. 167). Sau đó bà kể cho Hùng nghe câu chuyện đau lòng bà đã chôn chặt trong tâm khảm suốt mấy chục năm trời (tr.168).

Chuyện “lý lịch xấu” của Ngọc và Hùng chỉ được Trọng Hà kể lại ở cuối truyện: “Khi Pháp xây dựng vùng Tề, ta cử người xâm nhập chính quyền Pháp. “Chúng tôi quyết định tìm ông cụ nhà chú…”đánh” ông cụ ra làm Lý trưởng trong bộ máy Tề-Ngụy của Pháp thì rất tốt…Chúng tôi có trao đổi với anh Án là người lãnh đạo cao nhất của Minh Khánh. Anh Án đồng ý…Nhập vai Lý tưởng, ông cụ giúp cho Minh Khánh được nhiều việc…Việc đang suôn sẻ thì tôi nhận được lệnh chuyển vùng, không kịp tổ chức thực hiện chủ trương “Diệt tề” ở huyện chú nữa, phải giao lại cho đồng chí khác. Vì vậy việc ông cụ bị giết oan trong chiến dịch ‘Diệt Tề’ năm ấy tôi hoàn toàn không biết gì” (tr.340-341)

Bố của Ngọc bị giết vì làm Lý Trưởng trong chính quyền Tề-Nguy. Và điều ấy được ghi mãi vào trong lý lịch Ngọc và Hùng như “một vết đen”, một bản án chung thân. Người ta có biết đâu ông Đan được Cách mạng mời “nhập vai” Lý tưởng trong chính quyền Tề-Ngụy là để làm việc cách mạng. Thành ra cái chết của ông là chết oan, vào bao nhiêu oan khiên Ngọc và Hùng phải chịu cũng từ cái chết ấy. Nhưng ai là người phải chị trách nhiệm về việc này? Bí thư Thị ủy Trọng Hà là người biết rõ ngọn nguồn, nhưng chính ông ta lại phủi trách nhiệm. Ông nói: “việc ông cụ bị giết oan trong chiến dịch ‘Diệt Tề’ năm ấy tôi hoàn toàn không biết gì”. Cho đến kết truyện, cái chết của ông Đan và lý lịch của Ngọc và Hùng cũng chưa được minh oan. Quả thật để được làm người bình thường, với những ước vọng hạnh phúc bình thường, sao khó khăn, đau đớn, oan ức, tủi nhục đến vậy?!

Nhưng anh em Ngọc, nhờ sự giúp đỡ của những người tốt trong cuộc đời, đã thoát được vòng kiềm tỏa, và đạt được những ước vọng đời mình, sống làm người bình thường, có ích cho xã hội như mọi công dân Việt Nam khác. Cuộc đời của anh em Ngọc và Hùng chính là bài ca về quyền được làm người trong một giai đoạn bi tráng nhất của lịch sử dân tộc đương đại. Bởi không chỉ có anh em Ngọc và Hùng phải chịu sự oan khiên, mà còn nhiều người khác. Thiếu tá Lê Tâm nói với Hùng: “Anh chỉ làm cái việc sửa chữa những ứng xử cứng nhắc, thái quá, vơ đũa cả nắm của một quan niệm…Cuộc đời này chắc còn nhiều trường hợp bị đối xử như chú. Biết thế, nhưng đành chịu chú ạ…”(tr. 283). Họ không oán trời, không trách người, chỉ một nỗ lực phấn đấu để vươn lên, chỉ một niềm tin vững chắc rằng gia đình mình là một gia đình tốt, và chỉ một niềm tin rằng, những gian truân do con người gây ra ấy là do trời thử thách. Hùng nói với anh: “Có phải ông trời muốn thử thách em lần cuối này nữa, xem cái chí của em đến đâu, rồi mới cho em được hưởng niềm vui hạnh phúc bình thường của mỗi con người?”(tr.254). Và tin ở lẽ thiện: “Sống ác, phạm tội ác thì chạy đâu được? Lưới trời lồng lộng” (tr.331).

Tác phẩm còn để lại những ấn tượng có sức gây ám ảnh về khát vọng sống làm người bình thường, được hưởng hạnh phúc ở hai nhân vật nữ là Phương và Kim. C trưởng Đinh Văn Xuân kể cho Ngọc nghe câu chuyện lạ lùng này. Nửa đêm có cô gái tên Phương vào nằm với anh. Xuân không biết phải ứng xử thế nào vì chế độ Thanh Niên Xung Phong nghiêm cấm quan hệ nam nữ. Cô gái nói rằng cô sẽ nhận tất cả trách nhiệm về mình. Phương xinh đẹp, bị ép lấy chồng khi chưa tròn 16 tuổi. Chồng cô là thằng bé chăn trâu còn thò lò mũi, kém cô 4 tuổi. Cô đến ở nhà chồng để mẹ cô được xóa nợ. Nhà cô nghèo quá. Bố mẹ cô ăn nợ nhà ông Chánh trương nhiều quá rồi, không thể trả được. Cô lặng lẽ sống cái số phận con ở suốt 5 năm trời, cho đến khi cô nghe được lời kêu gọi của các tuyến đường ra trận, cô mới quyết vùng thoát cái số phận oan nghiệt kia (tr. 28). Cô đã mạnh dạn nói yêu Xuân, nhưng Xuân không yêu cô, dù rất thương cảm cho hoàn cảnh của Phương. Để tránh vướng mắc, Xuân đề nghị với Tổng đội chuyển Phương đi nơi khác. Khi cầm tờ quyết định cử đi học, Phương gặp Xuân trách: “Anh hèn lắm, hèn lắm! Tôi không ngờ anh là người hèn mạt đến nước này! Thật phí niềm tin yêu của tôi” (tr.35). Nói xong Phương ngoắt đi. Một tuần sau Phương vẫn khoác ba lô lên đường. Thương quá một khát vọng sống mãnh liệt, một bản lĩnh sống vươn lên giữa những đớn hèn trói buộc nghiệt ngã.

Chuyện tình của Tính và Kim lại là một bi kịch mang màu sắc khác. Kim hơn Tính 2 tuổi, làm lụng giỏi. Cô chăm lo công việc gia đình cho chồng ăn học. Khi Tính có giấy gọi đi học sư phạm, Kim có thai. Tính từ chối đứa con vì mình còn là sinh viên. Kim mơ thấy sinh con rồi con bỏ đi. Đúng như giấc mơ. Kinh sinh con trai, được ba tháng thì con bị sốt và chết. Khi Tính được gọi đi Hải Quân đóng ở Hải Phòng thì tình cảm vợ chồng càng phai lạt (tr.137). Ở đội Thanh niên xung phong, phòng của Ngọc cách phòng của chị Kim một bức vách liếp nứa, nên Ngọc biết rõ mối quan hệ của chị Kim với ông Trưởng Ban Tổ chức Vũ Thế Bản. Và Ngọc đã xót thương cho chị Kim khi đọc thư của chị: “Ngọc em! Chị đi đây. Chị không thể ở đây được nữa, vì nỗi đau bị chồng phụ bạc, chị khát khao hạnh phúc lứa đôi, khát khao làm mẹ. Và chị đã mắc sai lầm. Không, chị không ân hận vì đã làm theo tiếng gọi làm mẹ. Chỉ chỉ ân hận vì mất trí khôn trao thân cho cái con người thường ngày chị không ưa tẹo nào, thậm chí chị ác cảm với ông ta nữa…Bây giờ trong lòng chị có giọt máu của ông ta rồi…Chị buộc phải trốn chạy theo lão vì không còn mặt mũi nào…Đừng ghét bỏ chị em nhé! (tr. 140). Đọc thư của chị Kim, người đọc hiểu tác giả đã dành sự cảm thông sâu sắc  cho khát vọng hạnh phúc của Kim xiết bao. Không rõ khi chạy trốn theo lão Bản, số phận chị sẽ thế nào!

BÀI CA VỀ LÒNG TRUNG THÀNH VỚI ĐẢNG

Tập tiểu thuyết kết lại bằng câu thơ của cán bộ Trọng Hà:

Đã nguyền theo Đảng trọn đời

                  Thì dù giông bão tơi bời vẫn theo…” (tr.345).

Điều này nói rõ mục đích viết tiểu thuyết tự truyện của tác giả. Dù cuộc đời Ngọc và Hùng có lao đao đến đâu, thì tác giả (qua nhân vật Ngọc và Trọng Hà) cũng vẫn một lòng theo Đảng. Bằng chứng là chính Ngọc đã phấn đấu và được kết nạp vào Đảng (tr. 335).

Trong truyện, nhà văn đã miêu tả rõ sự lãnh đạo của Đảng làm nên những thắng lợi trong các phong trào vận động quần chúng lao động xây dựng Chủ nghĩa xã hội như Thanh Niên Xung Phong mở đường; đã phản ánh được cái khát vọng cháy bỏng của các thế hệ thanh niên muốn được đứng vào đội ngũ của Đảng, trường hợp của Phương (tr. 32), Thao (tr. 116) và của Minh (tr. 173) chẳng hạn. Và không ít người đã hy sinh ngay trong khi công tác. Anh Sáu ở C3 đã hy sinh trong một vụ nổ mìn (tr.44), 12 người khác (tr. 279) cũng tử nạn trong vụ nổ mình ở đội 375. Họ là những chiến sĩ đã góp phần xây dựng đất nước bằng chính xương máu của mình.

Nhưng rõ nhất là trường hợp Bí thư Trọng Hà. Khi Đảng bắt đầu công cuộc đổi mới từ 1986 (Đại hội Đảng lần thứ VI). Đã có những đấu tranh gay gắt giữa nhiều khuynh hướng đổi mới (tr. 307), và không phải là không có những đấu đá chính trị đã xảy ra (tr.324, 337). Trọng Hà trở thành nạn nhân. Đang là Bí thư được tin dung, bỗng bị cách tuột về làm dân. Mãi sau mới được phục hồi lương. Ông nói với anh em Ngọc: “Chưa đầy 17 tuổi tôi đã dẫn mọi người đi cướp chính quyền trong tay Pháp, Nhật để lập Chính quyền Cách mạng, chính thức theo Đảng từ tháng 8 năm 1945, được kết nạp Đảng khi chưa tròn 18 tuổi… Từ bấy đến nay tôi chưa một phú giây chểnh mảng công việc Đảng giao, một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin vào thắng lợi của CM…tin vào lý tưởng cao đẹp của Đảng…Sau mấy chục năm theo Đảng vào sinh ra tử, kiên tâm, kiên định lý tưởng của Đảng, tôi trở về đúng cái vị thế trước ngày tôi dẫn mọi người quê tôi đi cướp chính quyền! Nói theo ngôn ngữ bây giờ tôi trở về số MO”(tr.344). Trong giọng nói của Trọng Hà có nỗi buồn, song sự trung thành với lý tưởng cao đẹp của Đảng, sự tin tưởng vào thắng lợi của Cách mạng vẫn ngời sáng. Thực tế đất nước từ “đổi mới” (1986) đến nay đã khẳng định niềm tin của Trọng Hà, cũng là niềm tin của tác giả. Nhìn vào sâu xa, niềm tin của tác giả có căn gốc sâu vững. Anh Cả Án của Ngọc là liệt sĩ chống Pháp. Ông Đan, cha của Ngọc vì Cách mạng mà chết oan, nói một cách khác, đó là sự hy sinh gấp nhiều lần so với sự hy sinh khác, bởi vợ ông là bà Tầm mấy chục năm chôn kín vào tâm khảm nổi đau của gia đình và đến đời con của ông Đan (là Ngọc và Hùng) đều chịu hy sinh ngay trong đời thường gần hết thân phận làm người. May mà có “khúc quanh định mệnh”.

            Khúc quanh định mệnh ấy là gì? Là sự may mắn chăng, là cơ duyên cho Hùng gặp được Thiếu tá Lê Tâm, người nhận ra Hùng là người tốt và giúp Hùng được cấp bằng láí xe là vì tình người (tr. 262); hay là hạnh ngộ giữa Ngọc và anh Quách Thiên, một tác giả thơ ở Hòa Bình. Rồi Thiên giới thiệu Ngọc với các anh Thúy, Kỳ ở phòng Sáng tác-Xuất bản. Họ mời Ngọc về làm biên tập viên. Từ đây Ngọc theo nghiệp văn chương, anh đi học Đại học Viết văn, sau cùng anh được kết nạp Đảng.

Thử nhìn vào những “người tốt” đã giúp đỡ Ngọc và Hùng, họ là ai? Họ cũng là các cán bộ lãnh đạo ở các cơ quan, và chắc chắn họ là Đảng viên. Thế nên trong bộ phận lãnh đạo mà Ngọc và Hùng gặp có những kẻ xấu như ông Nhân, Vũ Thế Bản,… còn có nhiều người khác tốt, họ hiểu biết quần chúng, họ giúp đỡ quấn chúng và phát huy sức mạnh quẩn chúng cho sự nghiệp Cách mạng. Ở tầm nhìn rộng hơn, sự thành công của Đảng trong sự nghiệp lãnh đạo nhân dân làm cách mạng suốt  từ 1930 đến nay chính là có đường lối đúng đắn và phát huy được sức mạnh cách mạng của quần chúng. Cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa những con ngưởi tiên tiến và sự lạc hậu, trì trệ luôn là cuộc đấu tranh quyết liệt, nhờ thế đất nước vẫn vượt lên. Niềm tin của Trọng Hà là một lòng tin như thế

Đã nguyền theo Đảng trọn đời

                                     Thì dù giông bão tơi bời vẫn theo…”

TỰ TRUYỆN VÀ TIỂU THUYẾT

           Chỉ cần lướt qua tiểu sử tác giả và nội dung truyện, người đọc sẽ nhận ra ngay Khúc quanh định mệnh là một tự truyện. Điều này có ý nghĩa gì? Viết tự truyện là để ghi lại những biến cố của đời mình, những nghĩ suy về cuộc đời và để lại những bài học ở đời cho con cháu. Vì thế giá trị của tự truyện chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình, vì đó là chuyện riêng tư của cá nhân, và là chuyện có khi cần giấu kín trong tâm khảm của cả giòng tộc như bà Tầm đã giữ cẩn mật “lý lịch” của anh em Ngọc và Hùng. Những người đã biết về tác giả sẽ đọc tác phẩm với hai góc nhìn: tác giả viết có trung thực với đời thực không? Và thái độ diễn ngôn của tác giả là thế nào trước thực tại mà lúc xảy ra những biến cố tác giả chưa có điều kiện để tỏ bày.

Chẳng hạn, thái độ đòi trả thù của Hùng đối với những người đã hại gia đình mình, và chính Hùng đã mang súng đi truy lùng kẻ thù. Anh đã gặp người thứ ba còn sống sót. Hắn sợ hãi và van lạy Hùng như tế sao (tr.330). Cả bà Tầm và Hùng đều coi những người này là kẻ ác, đã gây ra tội ác với gia đình bà và theo luật nhân quả, chúng đã bị trời phạt. Bà Tầm đã theo dõi họ và biết họ chạy đi đâu và đã sống và chết thế nào (tr. 168). Có lẽ tác giả cần phải đi đến ngọn nguồn. Ai đã ra lệnh cho những người đã giết ông Đan? Không có câu trả lời trong tác phẩm. Đó là chỗ “non tay” của tác giả tự truyện. Việc bà Tầm dõi theo kẻ ác và Hùng xách súng đi tìm trả thù không phải là giải pháp có thể giải oan cho ông Đan, hơn thế nó ảnh hưởng đến tư tưởng nhân ái của tác phẩm và che lấp đi vẻ đẹp của một gia đình liệt sĩ.

Chuyện vợ Hùng có ý  muốn ăn riêng, Hùng cho rằng cô ta bất hiếu, anh tát liền ba cái tát vào mặt vợ và đuổi vợ đi (tr.208), sau đó Hùng sang nhà vợ, nói thẳng vào mặt bố mẹ vợ rằng, anh không chấp nhận sự giúp đỡ của họ để vợ chồng anh ra ở riêng. Hôm sau vợ Hùng về, Hùng lại túm tay vợ lôi ra, đuổi vợ về nhà bố mẹ (tr. 210). Tôi nghĩ, nếu đây là một chuyện có thật của một tự truyện, có lẽ tác giả muốn dạy con cháu về đạo hiếu. Chữ hiếu phải trên chữ tình; nhưng với một tác phẩm văn chương, hẳn người đọc sẽ không đồng tình với cách xử lý thô bạo của Hùng. Cô vợ ấy sẽ sống thế nào được với một ông chồng như thế, và không rõ tác giả quan niệm thế nào về hạnh phúc gia đình?

Có lẽ tác giả tập trung ghi lại những biến cố cuộc đời của hai nhân vật Ngọc và Hùng theo mục đích của một tự truyện mà không miêu tả bối cảnh lịch sử và thời đại mà hai nhân vật ấy sống. Đành rằng tác giả có quyền chọn lưa cách viết như vậy, nhưng tôi có cảm giác các nhân vật thiếu hẳn phẩm chất của một nhân vật hiện thực chân thực. Bối cảnh truyện diễn ra từ kháng chiến chống Pháp đến những năm đầu đổi mới (1986). Lịch sử Việt Nam trải qua bao biến động hết sức lớn lao có tầm vóc lịch sử và thời đại. Kháng chiến chống Pháp thành công kết thúc với chiến dịch Điện Biên Phủ lẫy lừng, anh Cả Án hy sinh, nhưng tác phẩm không có dòng nào viết về giai đoạn lịch sử vẻ vang này. Về giai đoạn Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc, dù Đảng đã kiểm điểm và sửa sai, nhưng đến nay vẫn còn để lại dư chấn. Tác giả chỉ nhắc rất sơ lược vài việc qua ký ức của một đứa trẻ 15 tuổi. Ngọc nhớ lại việc mình bị tước quyền đánh trống, việc nhà được chia ba sào ruộng (Phần I, đoạn 14, tr.100-103). Tác giả không hề miêu tả cụ thể gia đình đã bị “đấu” như thế nào, bị tịch thu nhà ra sao, lúc đó mỗi con người trong gia đình ấy cảm nghĩ gì, sống thế nào, và sau đó được xét vào tầng lớp trung nông lớp dưới ra sao? Khi miền Bắc bước vào kháng chiến chống Mỹ từ 1965 đến 1975 thống nhất đất nước. Tác phẩm cũng không có dòng nào phản ánh cuộc chiến đấu kiên cường của nhân dân miền Bắc và Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm ở Hà Nội, không ghi nhận bất cứ điều gì về niềm hạnh phúc lớn lao của một dân tộc vừa toàn thắng, vừa được hưởng những phút giây hòa bình và thống nhất tổ quốc. Mười năm sau đó, đất nước lâm vào khủng hoảng, chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam tổ quốc, vận mệnh dân tộc lại một lần nữa bị thử thách quyết liệt, nhưng nhà văn không phản ánh bất cứ điều gì về hiện thực này, Tác giả chỉ miêu tả Hùng chạy chỗ này chỗ kia xin bằng lái, xin chỗ làm; kể lại việc Ngọc lập gia đình. Anh lên kế hoạch để Hùng sống gần anh, và lo cho vợ con Hùng ra ở thị xã (Phần III, đoạn 3, 7, 9, 10).

Tôi lấy làm tiếc vì tác giả đã bỏ qua cơ hội để nâng tầm vóc nhân vật của mình lên ngang với tầm vóc thời đại, nâng giá trị tư tưởng của tác phẩm lên hòa chung vào văn chương của một thời “xứng đáng đứng vào đội ngũ tiên phong những nền văn học chống đế quốc trên thế giới”. Nếu đặt Khúc quanh định mệnh bên cạnh Vào lửa (1966) và Mặt trận trên cao (1967) của Nguyễn Đình Thi, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi của Nguyễn Tuân (1972), Bầu trời mặt đất (1981), Sóng bạc đầu (1982) của Hoàng Văn Bổn…, thì tiểu thuyết tự truyện không sánh được về giá trị. Những nhà văn lớn luôn phản ánh được thời đại trong tác phẩm của mình.

Văn học Việt Nam từ đổi mới đến nay đã chuyển việc miêu tả cái chung sang cái riêng, đã khai thác những vấn đề của cá nhân thay vì cuộc sống của cộng đồng, đã soi vào những bi kịch của đời thường thay vì viết những anh hùng ca chiến trận… Khúc quanh định mệnh nằm trong dòng chảy này. Vì thế không nên đòi hỏi Khúc quanh định mệnh phải phản ánh thời đại và lịch sử. Nhưng vẫn có điều làm tôi băn khoăn. Khi nhà văn chọn viết tác phẩm bằng bút pháp hiện thực, thì mọi vấn đề của cốt truyện cũng phải được giải quyết trong hiện thực. Ngược lại, vấn đề xuyên suốt tác phẩm là “lý lịch” của Ngọc và Hùng lại được giải quyết bằng giấc mơ báo mộng. Hồn anh Cả Án hai lần hiện về với Ngọc trong giấc ngủ mơ (tr. 67, 322), báo với Ngọc về tương lai sẽ có một người giúp giải oan cho gia đình, và dặn anh em Ngọc tìm giúp đỡ người ấy. Người ấy chính là Bí Thư Trọng Hà, đã kể lại sự việc dẫn đến cái chết của Cụ Đan, bố của Ngọc. Tôi không rõ cái “lý lịch” Trọng Hà kể có giống cái “lý lịch” bà Tầm, Mẹ Ngọc kể (tr. 167) cho con nghe không. Nếu điều bí mật mà bà Tầm cất giấu mấy chục năm đúng như Trọng Hà kể thì truyện đâu cần anh Cả Án báo mộng. Trong tác phẩmTrọng Hà cũng không giúp anh em Ngọc “giải oan” cái “vết đen lý lịch”, cũng không giúp đòi lại công bằng cho gia đình Ngọc. Trọng Hà chỉ kể lại sự việc cho Ngọc và Hùng nghe trong một bữa rựơu mừng. Cái “lý lịch” ấy vẫn còn nằm nguyên trong ngăn tủ các cơ quan quản lý con người. Như thế có nghĩa là cấu trúc truyện không tuân thủ bút pháp và không giải quyết vấn để theo yêu cầu của bút pháp, thành ra truyện kém thuyết phục. Những gì anh em Ngọc và Hùng đạt được là do nỗ lực của hai người kết hợp với vận may và cơ duyên, không phải do Trọng Hà.

Nói đến vận may và cơ duyên của Ngọc và Hùng, tôi lại nghĩ đến tư tưởng của tác phẩm. Tác giả đã giải quyết những hoạn nạn của nhân vật bằng nỗ lực của chính bản thân nhân vật kết hợp với thời vận, những cơ may, gặp gỡ người tốt và được giúp đỡ, cách xử lý ấy bảo đảm tính chân thực hiện thực. Nhưng tác giả lại xử lý những kẻ đã hại gia đình mình bằng tư tưởng “ác giả ác báo” theo luật nhân quả, trên cơ sở niềm tin dân gian, tin vào trời: “Lưới trời lồng lộng”, “Trời cao có mắt”. Ba kẻ đã hại gia đình Ngọc đều nhận kết quả thê thảm. Bà Tầm nói với các con: ”Đứa chạy xuống biển thì bị rắn biển cắn chết rồi. Ba đứa dẫn vợ con chui vào rừng sâu làm ăn không sao khấm khá lên được, vẫn nhai sắn trừ bữa, chui ra chui vào cái nhà tranh vách nứa bé hơn cái bếp nhà ta kia. Sống thế coi như chết rồi đâu con. Coi như ông giời đã phạt tụi nó…”(tr.168).

Đọc tác phẩm, người đọc thấy cái “lý lịch có vết đen” của Ngọc vẫn còn đó. Luật nhân quả đâu có giải quyết được vấn đề. Tác phẩm thiếu hẳn một tư tưởng về Con Người làm nền tảng, cho nên chỉ ghi lại được cái hiện tượng, mà chưa vươn tới tác phẩm tư tưởng. Văn chương thế giới lại tập trung khám phá về Con Người. E. Hemingway viết Ông già và biển cả và M. Sô lô khốp viết Số phận con người với tư tưởng về Con Người rất mới và rất đẹp.  Cả hai nhà văn đều đã nhận ra Con Người là Con Người kỳ vĩ. Bằng sức mạnh của chính mình, Con Người có thể chiến thắng mọi trở ngại, đạt đến ước mơ cao đẹp.

VĂN CHƯƠNG PHẠM NGỌC CHIỀU

           Những chia sẻ ở trên là tôi đặt trong những điều kiện giả định. Tiểu thuyết tự truyện buộc phải tôn trong sự thật như nó đã diễn ra. Phạm Ngọc Chiểu sử dụng kiểu bút pháp “hiện thực rậm rạp” quen thuộc của văn chương Hiện thực Xã hội chủ nghĩa. Từ cốt truyện chính, tác giả dẫn người đọc len lỏi vào các ngõ ngách, gặp gỡ những nhân vật phụ, ghé vào những chỗ dừng chân, và chứng kiến nhiều tình huống của đời sống. Nhiều chương, nhiều đoạn, tác giả viết như bút ký. Sự việc được ghi lại cẩn thận về thời gian, địa điểm, con người; có khi ghi rất chi tiết. Chẳng hạn, việc Hùng đạp xe 270 cây số (tr. 197) để lo chứng lý lịch (Phần II, đoạn 5). Công việc mở đường cũng được ghi chép tỉ mỉ như một bài tổng kết (Phần II, đoạn 14, tr.276 đến 279). Có cả việc ghi chép chi tiết về món nước mắm cáy (tr.80), một cối gạo giã (tr. 164-165), và có rất nhiều nhân vật phụ chỉ thoáng qua, chưa trở thành nhân vật tiểu thuyết.Đây là một tư liệu cụ thể. Tác giả ghi rõ tên các giảng viên ở Đại học Viết văn khi ông theo học: “Học các thầy: Hoàng Ngọc Hiến, Trần Quốc Vượng, Từ Chi, Nguyễn Hồng Phong, Nguyễn Đình Chú, Hà Văn tấn, Trần Đình Hượu, Phan Cự Đệ, Nguyễn Đăng Mạnh, Đặng Nghiêm Vạn, và các nhà văn: Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Xuân Diệu, Lê Minh, Nguyên Ngọc, Nguyễn Kiên, Anh Đức…(tr.293).

Nhà văn là người kể truyện. Tài năng của Phạm Ngọc Chiểu là kể truyện rất hấp dẫn. Anh đổi ngôi kể từ nhân vật này sang nhân vật khác tạo ra sự phong phú của góc nhìn trần thuật. Tác phẩm không chỉ có giọng kể của tác giả. Ở mỗi chương đoạn, nhà văn chọn một tình huống có vấn đề để kể và đầy tình huống lên mâu thuẫn cao độ, gay cấn, tạo ra sự hấp dẫn. Văn của Phạm Ngọc Chiểu có duyên, có sức hút người đọc. Ngôn ngữ giàu thông tin tạo nên những trang văn đầy ắp chất liệu hiện thực. Thí dụ. Phần I, đoạn 3, câu chuyện do C trưởng Đinh Văn Xuân kể, Phạm Ngọc Chiểu đã tách hẳn ra thành truyện ngắn Chạy trốn khỏi mình. Truyện ngắn này được in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước của Hội Nhà Văn. Đọc Phần I, đoạn 3 này, người đọc sẽ khám phá được cách kể truyện có duyên của Phạm Ngọc Cảnh.

Cách kể truyện có duyên ấy còn thể hiện ở nhiều yếu tố khác. Phạm Ngọc Chiểu xây dựng được nhân vật Vũ Thế Bản nói chính trị rất “ác”(tr.55), đúng bài bản không chê vào đâu được, và cái “hiểm” của anh ta dùng lý luận ý thức hệ để “đánh” Ngọc, có cả cái tài “chỉ đạo” bầu cử, tài răn đe Ngọc (tr. 62), và sau cùng lật tẩy Bản chỉ là một kẻ cơ hội chủ nghĩa lòng lang dạ sói, hại cả đời Kim (tr.140). Dạng người này ta gặp nhiều trong xã hội.

Sức hấp dẫn của trang văn Phạm Ngọc Chiểu còn toát ra từ sự nhập thân của tác giả vào nhân vật. Ông trải lòng mình vui buồn cùng nhân vật. Dường như cả bầu trời uất lên khi Ngọc bị lão Bản răn đe. Không gian mênh mông dội lên niềm vui hân hoan khi Hùng được cấp bằng lái. Từng con chữ nóng lên khi Hùng xách súng đi tìm kẻ thù để trả mối hận mấy chục năm (tr. 331). Cuộc “đấu” trí của Minh với Bí thư chi bộ Đinh Văn Xuân về sự chọn lựa một bên là lấy chồng và một bên là đi học lớp đối tượng Đảng. Đây là một chương được viết rất hay. Ngòi bút Phạm Ngọc Chiểu làm lộ ra nhiều ý nghĩa về quyền con người, về hạnh phúc cá nhân và về mối tương quan con người và xã hội, giữa một bên tình yêu và một bên là “lý lịch”(Phần II, đoạn 4). Có cả một chương miêu tả “kinh điển” về bầu chọn Ban chỉ huy theo chỉ đạo của ông Bản (Phần I, đoạn 7). Tôi gọi là “kinh điển”, vì cho đến tận ngày nay, việc bầu cử ở đâu trên đất nước này vẫn thế. Quần chúng dù có năng lực, được yêu mến đề cử vẫn bị chỉ đạo gạt ra. Bởi vì quần chúng chỉ là dãy số không vô giá trị (tr.60).

Một yếu tố khác có sức hút người đọc từ đầu đến cuối tác phẩm là cái “lý lich có vết đen” của Ngọc. Ai đã kinh qua giai đoạn trước “đổi mới” thì hiểu rõ sự vùi dập “khủng khiếp” đối với những người bị quản lý bằng lý lịch như thế nào. Đúng như Thiếu tá Lê Tâm nói với Hùng, khi đã bị xếp vào lý lịch loại ba, thì coi như hết thuốc chữa. Cuộc đời bị tước đoạt hoàn toàn quyền làm người như một người bình thường, dù anh ta là người tốt. Ngọc và Hùng là người tốt, cả hai đều nỗ lực phấn đấu không ngừng, cả hai chẳng có tội gì phạm pháp, vậy mà chỉ vì lý lịch mà bầm dập mấy chục năm. “Lý lịch” của Ngọc và Hùng được giữ bí mật đến cuối tác phẩm mới được Trọng Hà hé lộ. Những nút thắt của câu truyện được mở ra nhẹ nhõm, bình an. Người đọc mừng cho Ngọc và Hùng. Đó là một cách tạo hấp dẫn, bởi ngay cả khi bà Tầm nói lý lịch gia đình cho các con nghe, tác giả cũng không thuật lại lý lịch này (tr. 167).

          Khúc quanh định mệnh không chỉ là tự truyện của một gia đình trong hoàn cảnh khắc nghiệt của thời đại, mà là bức tranh về thân phận con người nói chung ở những tình huống cụ thể như tình huống ông Đan bị chết oan, và Hai con ông chịu hàm oan. Nói như Thiếu tá Lê Tâm: “Cuộc đời này chắc còn nhiều trường hợp bị đối xử như chú. Biết thế, nhưng đành chịu chú ạ…”(tr. 283). Nói “đành chịu” là không thể làm gì được để giải oan cho những thân phận như ông Đan, Ngọc, Hùng…Điều ấy buộc người đọc hôm nay phải suy nghĩ nhiều hơn về thực tại và nỗ lực làm việc để cuộc sống trở nên tốt đẹp như Ngọc và Hùng đã trải qua.

Tôi nghĩ, tiếng nói thầm lặng của bà Tầm, tiếng đáp trả quyết liệt của Phương, tiếng kêu tuyệt vọng của chị Kim, tiếng thương tâm của Thiếu tá Lê Tâm, và giọng buồn rất trầm của Bí thư Trọng Hà mới là thông điệp đích thực nhà văn muốn gửi đến người đọc hôm nay.

Tháng 10. 2018