TỔNG QUAN VỀ TIẾN TRÌNH VĂN HỌC CÔNG GIÁO VIỆT NAM

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

TỔNG QUAN  VỀ TIẾN TRÌNH VĂN HỌC CÔNG GIÁO VIỆT NAM

Bùi Công Thuấn

***

            Bài viết này trình bày tổng quan về tiến trình văn học Công giáo, từ đó chia sẻ với bạn đọc những vấn đề cần quan tâm.

Thừa hưởng thành quả nghiên cứu của những người đi trước, kết hợp với những gì tác giả quan sát được về đời sống văn học Công giáo, bài viết là một góc nhìn riêng về những vấn đề mà cho đến nay việc nghiên cứu Lịch sử Văn học Công giáo mới chỉ là những bước khởi đầu. “Góc nhìn riêng” có thể khám phá những giá trị độc đáo, song không tránh được những thiếu sót, nghiêng lệch chủ quan. Dù vậy, con đường phía trước vẫn mời gọi bước chân, đặc biệt, mời gọi sự dấn thân của các nhà nghiên cứu trẻ.

                                                                    NỘI DUNG              
Văn học nhìn theo tiến trình lịch sử:               
Phần I: Thời kỳ gieo trồng đức tin (văn học Công giáo thế kỷ 17,18,19)               
Phần II:  Thời kỳ khai mở văn học hiện đại (đầu thế kỷ XX đến 1975)               
Phần III: Thời kỳ hội nhập (từ 1975 đến nay)                                     
Tổng quan  

                                                            ***

                VĂN HỌC CÔNG GIÁO NHÌN THEO TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ

        PHẦN I: “THỜI KỲ GIEO TRỒNG ĐỨC TIN”  (Văn học Công giáo thế kỷ 17, 18, 19)

            Nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng gọi văn học Công giáo thế kỷ 16-17 là “Chặng đường “Vỡ đất-gieo trồng”, và văn học Công giáo thế kỷ 18-19 là “Chặng đường đâm chồi nảy lộc”.

            Ts Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông thì phân chia thành văn học Chữ Nômvăn học Chữ Quốc ngữ từ 1820 đến 2019[[1]].

Nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh không phân chia thời kỳ văn học Công giáo, song ông nhận xét: Các thế kỷ XVII, XVIII, giới tu sĩ Công giáo đã viết chữ Nôm nhiều hơn chữ quốc ngữ thì từ nửa cuối thế kỷ XIX, các tác giả Thiên Chúa giáo đã là những người đầu tiên tiếp nhận những hình thức diễn tả văn hóa của Tây phương, họ đi những bước khởi đầu”[[2]]

            Tôi gọi văn học thế kỷ 17, 18, 19 là  văn học thời kỳ gieo trồng đức tin”, bởi nội dung và mục đích của văn học thời kỳ này là truyền giáo. Văn chương chỉ là phương tiện, là công cụ loan báo Tin Mừng. Majorica nói rõ việc soạn sách: “đã soạn và viết ra nhiều tác phẩm với mục tiêu cứu rỗi linh hồn”. Còn A. Rhodes soạn “Phép Giảng Tám Ngày cho kẻ muấn chịu phép rửa tội mà beào đạo thánh đức Chúa Blời”. Hình thức, ngôn ngữ, thể loại, thi pháp (chữ Hán, chữ Nôm, Lục bát, Song thất lục bát, thơ Đường luật) vẫn nằm trong thi pháp văn học trung đại Việt Nam (văn học dân tộc chịu ảnh hưởng văn học Trung Quốc).

Chỉ khi các tác phẩm văn học chữ Quốc ngữ viết theo hình thức văn học phương tây xuất hiện (nửa cuối thế kỷ 19 với Pétrus Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của Nguyễn Trọng Quản), lúc ấy văn học Công giáo mới chuyển sang thời kỳ mới, tôi gọi là Văn học“Văn học khai mở thời kỳ hiện đại”.

            Các nhà nghiên cứu văn học Công giáo hầu như đã thống nhất về các khuôn mặt tiêu biểu của Văn học Công giáo của các thế kỳ 17, 18, và 19:

            1.Girolamo Majorica (1691-1656): Maiorica đã soạn 48 tác phẩm chữ Nôm thuộc 4 thể loại: sách truyện hạnh thánh, phỏng tác kinh thánh, sách giảng thuyết, và sách giáo lý. Nhìn chung đây đều là văn xuôi (Wiki). Trong bức thư hàng năm cho năm 1637 (viết vào tháng tư năm 1638), Majorca cho biết:“Tuân lệnh bề trên, tôi đã soạn và viết ra nhiều tác phẩm với mục tiêu cứu rỗi linh hồn. Tôi đã viết tiểu sử thánh Phanxicô Xaviê và cũng có viết về phép lạ mà thánh Phanxicô đã ban ở Napoli, cho thánh tử đạo Marcello. Tôi đã viết tiểu sử của Á thánh Phanxicô Borgea, của các bà thánh Engrace, Olaya và 7 vị thánh khác…”(dẫn theo Georg Schurhammer)[[3]]

            2.Alexandre de Rhodes (1593-1660): Năm 1651, A. Rhodes đã in Từ Điển Việt-Bồ-La và cuốn “Phép Giảng Tám Ngày cho kẻ muấn chịu phép rửa tội mà beào đạo thánh đức Chúa Blời” bằng văn xuôi Quốc ngữ (1651). 

            3.Thầy giảng Phan Chi cô (?-1640) soạn kinh Cảm tạ niệm từ bằng chữ Hán (cụ Phạm Trạch Thiện diễn Nôm thành “Kinh cao sang”)

            4.Raphael Đắc Lộ (1611-1687),người soạn Vãn thánh GiuseVãn ông Tôbia.

            5.Thầy cả Lữ Y Đoan (1613-1678): Tác giả sách Sấm truyền ca: Lục bát chữ Nôm diễn ca Kinh thánh, mở đầu cho dòng “Phúc âm Diễn ca” về sau với các tác giả: Thánh Phan Văn Minh, Hồ Ngọc Cẩn, Tống Viết Toại, Trần Đức Hân, G. Gagnon, Nguyễn Thế Thuấn, Đoàn Văn Hàm, Mai Lâm, Nguyễn Xuân Văn, Vũ Ngọc Bích, Phạm Đình Tụng,  Long Giang Tử, Xuân Ly Băng, An Sơn Vị, Cao Vĩnh Phan, Hoàng Diệp, Đinh Cao Thuấn, Bách Huyền, Phạm Xuân Thu, Trăng Thập Tự, Kim Chi, Lê Quang Trình[[4]].

            6.Inê tử đạo vãn: 564 câu thơ Nôm lục bát và Song thất lục bát kể chuyện bà Inê Huỳnh Thị Thanh chết rũ tù vì đạo năm 1700 ở đàng trong.  Lê Đình Bảng gọi Inê tử đạo vãn là “bản trường ca tuyên xưng đức tin”, và cho rằng tác giả là Lôren Huỳnh Lâu (1656-1712) [đd, tr.134]

            7.Felippe do Rosario Bỉnh (1759-1832): Bỉnh và ba người đồng hành đến Lisbôa ngày 20/6/1796 và mất ở đó năm 1832. Năm1818, ông viết tiểu sử thánh Phanxicô Xaviê. Năm 1819, viết tiểu sử của thánh Inhatiô đờ Loyola. Năm 1820, viết tiểu sử của Phanxicô Borgia. Năm 1822-23, viết bộ lịch sử Việt Nam gồm có hai quyển. Năm 1830, viết về bà thánh Anna. Ông tiếp tục tập ký ức cho đến năm 1831 (Sách sổ sang chép các việc -1822-1832). Các tác phẩm ấy được lưu trữ tại thư viện tòa thánh Vaticanô. Georg Schurhammer nhận xét: ông đã tận dụng những năm đợi chờ để sáng tạo một nền văn chương công giáo Việt Nam, có thể giúp ích cho các giáo sĩ sau này và cho các đồng bào của ông” (đd)

   8.Lm Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874): Wiki ghi nhận: “là một linh mục Giáo hội Công giáo Rôma tại Việt Nam. Ông từng giữ vai trò thông ngôn cho phái đoàn do vua Tự Đức cử gồm sứ bộ Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Gia Định thương nghị rồi ký hòa ước với Thực dân Pháp vào năm 1862. Ông góp phần quan trọng trong việc khiến vua Tự Đức ra “Chỉ dụ bãi bỏ lệnh phân sáp” cấm đạo Kitô bằng những bảng điều trần ông viết gửi cho triều đình thời đó. Ngoài ra, ông còn được ghi nhận là một danh nhân văn hóa, nhà thơ, nhà Hán Nôm với nhiều tác phẩm có giá trị trong lĩnh vực Công giáo và xã hội” [[5]].

Vũ Thu Hà và Nguyễn Ngọc Quỳnh (Viện nghiên cứu tôn giáo) nhận xét [[6]]:

“Những di thảo của Linh mục Đặng Đức Tuấn để lại cho thấy tinh thần yêu nước của một người Công giáo Việt Nam, biết kết hợp hai lý tưởng Thiên Chúa và Tổ quốc…Đặng Đức Tuấn còn để lại nhiều bài văn thơ chữ Hán liên quan đến vấn đề quốc sử và giáo sử như Nguyễn vương phục quốc, Gia Long thống nhất, Những ngày truyền giáo đầu tiên, Việc cấm đạo thời Minh Mạng, Thiệu Trị… và các bài văn tế kể về hoạn nạn của ông như Trên đường lâm nạn, Phụng chỉ lai kinh điều trần việc nước việc đạo, các bài văn tế khóc giáo dân tử nạn, Thuật tích việc nước Nam… Cuốn sách Thuật tích việc nước Nam được viết bằng chữ Nôm, thể văn vần.

            9.Thánh Philipphê Phan Văn Minh (1815-1853): Sau hai chiếu chỉ tháng 8/1848 và tháng 3/1851 của vua Tự Đức (1847-1883), cuộc bách hại đạo Công giáo càng trở nên khốc liệt hơn. Ngày 26/2/1853 Lm Phan Văn Minh bị bắt.  Ngày 3/7/1853 Ngài chịu án trảm quyết tại pháp trường Đình Khao, gần Vĩnh Long. Ngày 19/6/1988, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc hiển thánh (Wiki).

Tác phẩm: Phi năng thi tập.

            Trong tập khảo cứu Phi Năng thi tập – Văn bản hiệu đính, Võ Long Tê và Phạm Đình Khiêm đã sưu tập được 35 bài thơ của thánh nhân và 100 bài thơ họa của các thi hữu và người hâm mộ. Khối lượng sáng tác này khiến hai nhà nghiên cứu gọi đây là “thi đàn của đức tin”[[7]].

            10.Lm Phêrô Trần Lục (1825-1899): người xây dựng quần thể nhà thờ Phát Diệm, là tác giả của dòng Huấn ca. Tác phẩm: Hiếu tự ca, 1088 câu song thất lục bát giáo dục con cái; Nữ tắc thường lễ, 1066 câu lục bát khuyên dụ người phụ nữ Việt Nam; Nịch ái vong ân, 440 câu song thất lục bát dạy vợ chồng. (Văn học Công giáo Việt Nam-những chặng đường. tr.174, đd)

            11.Nguyễn Trường Tộ (1822-1871): Nguyễn Trường Tộ đã liên tiếp gửi lên triều đình Huế 30 bản điều trần (theo tập hợp của Linh mục Trương Bá Cần) đề xuất canh tân xây dựng đất nước. Nội dung các bản điều trần đề cập đủ mọi lĩnh vực (Wiki). 

12.Huình Tịnh Của (1834-1907). Nhà văn hóa, nhà ngôn ngữ, nhà báo, người vun đắp cho văn học chữ Quốc ngữ. Tác phẩm: Chuyện giải buồn (1880), Đại Nam quốc âm tự vị (1895, 1896), Vãn cha Minh, 636 câu Lục bát; Vãn lái Gẫm, 540 câu lục bát (1902); Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn (1904); ….

13.Pétrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898): Nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh nhận xét: “Trương Vĩnh Ký là một nhà văn-hóa lớn của Việt-Nam vào thời tiếp xúc với người phương Tây – trong hoàn cảnh triều đình Việt-Nam thua trận và mất đất vào tay người Pháp; ông còn là một nhà báo và là một nhà văn tiên khởi của nền văn-học chữ quốc-ngữ”[[8]].

Ông bị phê phán về sự tận tụy hợp tác với Pháp. Ông được chính phủ Pháp ban tặng huy chương Đệ Ngũ Đẳng Bắc Đẩu Bội Tinh, và bỏ tiền mua sách, cấp cho tiền lương..

Ông để lại 121 tác phẩm chữ Việt và chữ Pháp đề cập đến nhiều vấn đề. Theo TS Liễu Trương, tác phẩm của Trương Vĩnh Ký gồm 7 thể loại: Sách giáo khoa, Tự điển, Ngôn ngữ học, nghiên cứu lịch sử, địa lý; dịch sách chữ Hán [[9]]. Nội dung những gì ông viết được trình bày trong Thư đề ngày 12.1.1882 như sau: (thư từ Chợ Quán “Kính gởi các vị trong Hội đồng Thuộc Địa”, Bao-ti-xi-ta Trương Vĩnh Ký). (Wiki).

Các tác phẩm thuộc loại sáng tác có:

Chuyện Đời Xưa (1866), gồm 74 truyện, được Trương Vĩnh Ký sưu tầm, biên soạn).  

Chuyến Đi Bắc-Kỳ Năm Ất-Hợi 1876,(xuất bản 1881). Nguyễn Vy Khanh nhận xét: “Đây là du-ký đầu tiên viết bằng chữ quốc-ngữ của văn-học Việt-Nam” (đd)

Chuyện Khôi Hài (sưu tập thêm một số chuyện dân gian và xuất-bản năm 1882)

Kiếp phong trần: kể chuyện “Anh Trương Đại Chí đi ra kinh học, rồi về đi xứ kia xứ nọ chơi cho phỉ chí, đâu cũng vài mươi năm mới về thăm quê nhà. Bữa kia mới đi tới nhà anh Lê Hào Học là bạn chơi với nhau thuở nhỏ mà thăm” (Phần mở đầu chương I)

Bất cượng chớ cượng làm chi: Sau lần tái-ngộ trước, Trương Đại-Chí sau khi về thăm gia-đình đã tìm gặp trở lại Lê Hảo-Học. Với tiểu tựa “Chớ có cượng làm chi”, Trương Vĩnh Ký kể tiếp chuyện hai nhân-vật này nói qua chuyện khiêm tốn và an-phận. (dẫn theo Nguyễn Vy Khanh-đd)

            14.Phạm Trạch Thiện (1818-1903). Các tác phẩm bằng chữ Nôm: Cảm tạ niệm từ diễn ca (Kinh Cao sang); Nghinh hoa tụng kỳ chương (Vãn dâng hoa Đức Bà); Thánh mẫu thi kinh (Vãn kinh cầu Đức Bà)…(theo Lê Đình Bảng-đd)

            15.P.J.B. Nguyễn Trọng Quản (1865-1911): Truyện thầy Lazarô Phiền (1887), truyện Quốc ngữ đầu tiên của văn học Việt Nam.

            16.Linh Mục Sảng Đình Nguyễn văn Thích (1891-1978). Tác phẩm: “Sảng Đình Thi tập”, gồm 153 bài thơ Việt văn, Hán văn và Pháp văn. Thơ của cha rất đa dạng, từ những câu vè 4 chữ, những câu thơ lục bát, tứ tuyệt và thơ Đường, đến những bài Thánh ca, Thánh thi ca tụng Đức Mẹ. Cha còn là sáng lập viên tuần báo “Vì Chúa”, xuất bản từ 1936[[10]].

            MỘT VÀI ĐẶC ĐIỂM CỦA THỜI KỲ “GIEO TRỒNG ĐỨC TIN

            1.Các thế kỷ 17, 18, 19 ở Việt Nam là thế kỷ tranh chấp quyền lợi của các vua chúa phong Kiến. Sau nội chiến Lê-Mạc (15331677) là Trịnh – Nguyễn phân tranh (từ 1627 đến 1785). Chiến tranh Nguyễn Ánh-Tây Sơn (1777-1802) và từ 1858, Pháp tấn công Đà Nẵng mở đầu cuộc xâm lược nước ta.

            Ba thế kỷ này cũng là thế kỷ của đạo Công giáo truyền vào Việt Nam. Năm 1550 Linh mục Gaspar da Cruz, thuộc Tỉnh dòng Thánh Giá Đông Ấn, từ Malacca đổ bộ lên Hà Tiên. Sau đó hai linh mục Luis de Fonseca, O.P. (Bồ Đào Nha) và Grégoire de la Motte, O.P. (Pháp) cũng từ Malacca tới truyền giáo tại Quảng Nam (15801586). Các giáo sĩ dòng Tên Bồ Đào Nha, sau đó là các thừa sai Paris (1664) là những người dấn thân vì đạo Chúa đến đây, họ ở lại đây và tạo nên một một nền văn hóa mới, văn hóa Công giáo trong lòng văn hóa dân tộc (chữ Quốc ngữ, những công trình kiến trúc nhà thờ, thánh ca, lễ hội, nếp sống bác ái, đạo đức, luân lý Công giáo…)

            Trong giai đoạn này, cuộc đấu tranh tư tưởng rất quyết liệt giữa các triều đại phong kiến theo Nho giáo chống lại đạo Công giáo. Các cuộc bách đạo đã diễn ra suốt từ thời Tây Sơn đến thời Tự Đức (hòa ước 1862). Công giáo bị coi là “Tả đạo”. Người ta ước lượng: dưới thời các chúa Trịnh, Nguyễn, và Tây Sơn, chừng 30,000 giáo dân bị giết; dưới thời ba vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức, chừng 40,000 tín hữu bị xử tử hay chết trong lao tù; thời Văn Thân có tới trên dưới 60,000 người dân Công Giáo bị sát hại, [[11]]. Tất cả tình hình ấy đều dội vào trong văn học Công giáo thời kỳ này. (xin đọc Phép giảng tám ngày,  Inê tử đạo vãn, Thuật tích việc nước Nam…).

Đồng thời cũng có một nỗ lực hội nhập văn hóa mạnh mẽ giữa các vị thừa sai và văn hóa Việt Nam. Sự ra đời của chữ Quốc ngữ là kết quả của sự hội nhập ấy. Các Kinh văn hay các tác phẩm chữ Nôm đều được viết bằng ngôn ngữ của công chúng bình dân, đồng thời tạo ra một lớp ngôn ngữ “nhà đạo” trong vốn từ tiếng Việt. Chữ Quốc ngữ mở ra một thời đại văn hóa, văn học mới trong lịch sử văn học Việt: thời đại tiếp xúc với phương Tây mở đầu bằng truyện Thầy Laza rô Phiền của Nguyễn Trọng Quản (1887).

            2.Nội dung, mục đích chính của văn học thời kỳ này là truyền giáo.

 Điều mới mẻ văn học Công giáo đem vào văn học dân tộc là tư tưởng Thần học Kitô giáo, thay cho tư tưởng phong kiến của văn học trung đại Việt Nam (tư tưởng Phật, Nho, Lão). Hiện thực Việt Nam (xin đọc Inê tử đạo vãn, Thuật tích việc nước Nam) cũng trở thành nội dung tác phẩm văn học khác với nội dung điển ngữ Trung Quốc trong Đoạn trường Tân Thanh của Nguyễn Du (Truyện Kiều viết về “năm Gia Tĩnh triều Minh”), hoặc hiện thực Trung quốc trong Lục Vân Tiên (1851?) của Nguyễn Đình Chiểu.

3.Các hình thức thể loại văn học Công giáo của thời kỳ này là Truyện các thánh, thể Diễn ca, Huấn ca, Vãn, Kinh nguyện. Những thể loại nàyđã có trong văn học dân tộc. Huấn ca của Trần Lục (Hiếu tự ca, Nữ tắc thường lễ, Nịch ái vong ân) chẳng khác gì Gia huấn ca của Nguyễn Trãi. Sấm truyền ca là một hình thức Diễn ca như Đại Nam quốc sử diễn ca (1870) của Lê Ngô Cát-Phạm Đình Toái (Trương Vĩnh Ký diễn âm Quốc ngữ 1870). Inê tử đạo vãn nằm trong thể Vãn, thể Ngâm khúc của văn học dân tộc[[12]]. Việc sử dụng các thể loại này vừa là hội nhập văn hóa, vừa thể hiện tính dân tộc của văn học Công giáo thời kỳ đầu.

4.Điều mới mẻ là văn học Công giáo đem đến cho văn học dân tộc là những hình tượng mới, thí dụ: nhân vật trong truyện các thánh, hình tượng người phụ nữ tử đạo trong Inê tử đạo vãn. Đây là nhân vật hiện thực, một phụ nữ Việt Nam, trung kiên trong đức tin, khác hẳn với nhân vật Thúy Kiều (Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du) và nhân vật Kiều Nguyệt Nga (trong Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu) là những người phụ nữ Trung Quốc được xây dựng theo tư tưởng và chuẩn mực đạo đức phong kiến.

            Sự xuất hiện của những tác phẩm văn học viết bằng chữ Quốc ngữ, tuy còn ít (của A. Rhodes, Felippe do Rosario Bỉnh) là những đóng góp hết sức giá trị cho văn học Việt đương thời. Đúng như nhận xét của Georg Schurhammer về tác phẩm của Felippe Bỉnh: ông đã tận dụng những năm đợi chờ để sáng tạo một nền văn chương công giáo Việt Nam, có thể giúp ích cho các giáo sĩ sau này và cho các đồng bào của ông”.

            5. Các ông Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký, Huình Tịnh Của là những trí thức Công giáo, là nhà văn hóa, nhà ngôn ngữ, nhà biên khảo, nhà chính trị. Các sáng tác của họ có đóng góp cho văn học Việt Nam, song họ không phải là “nhà văn Công giáo”. Chẳng hạn, các sáng tác văn học của Trương Vĩnh Ký như: Chuyện đời xưa, Chuyện Khôi hài, Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi 1786, Kiếp phong trần, Bất cượng chớ cượng làm chi, không hề có yếu tố Ki tô giáo.

            Ba thế kỷ đạo Chúa đã được gieo trồng ở Việt Nam, làm phát sinh một nền văn học hết sức mới mẻ trên đất nước này. Tuy số tác phẩm, tác giả là hết sức ít ỏi và mục đích sáng tác là để truyền giáo, song văn học Công giáo đã gắn bó với hiện thực truyền giáo và lan tỏa sâu trong cộng đồng Công giáo góp phần làm nên bộ mặt văn hóa Công giáo trong lòng văn hóa dân tộc. Nếu xét ở mục đích “soạn và viết ra nhiều tác phẩm với mục tiêu cứu rỗi linh hồn” như Majorica đã xác định, thì văn học Công giáo thời kỳ này đã góp phần tích cực vào công cuộc truyền giáo. Điều này đã được nghiên cứu trong nhiều hội thảo. Thí dụ: Hội thảo Văn hóa: Bốn Trăm Năm Hình Thành Và Phát Triển Chữ Quốc Ngữ Trong Lịch Sử Loan Báo Tin Mừng Tại Việt Nam do Ủy ban Văn hóa trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức ngày 25 và 26/10/2019 tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn.

***

        PHẦN II:  “THỜI KỲ KHAI MỞ VĂN HỌC HIỆN ĐẠI” (đầu thế kỷ XX đến 1975)

            1.Bối cảnh lịch sử, văn học

Từ khi Thực dân Pháp nổ tiếng súng xâm lược nước ta (1858), bối cảnh lịch sử, chính trị, tôn giáo đã chuyển sang một giai đọan khác: giai đọan chống ngoại xâm giành độc lập. Giai đoạn này khởi đi từ phong trào Cần Vương đến phong trào Cách mạng (Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thái Học…) và Cách mạng tháng Tám 1945 thành công.

            Giai đoạn này thực dân Pháp đánh chiếm, bình định và khai thác thuộc địa. Chúng đặt ách thống trị, đàn áp các phong trào yêu nước, khai thác sức người, sức của làm bần cùng hóa dân tộc Việt mà nạn đòi năm Ất Dậu 1945 làm hơn hai triệu người dân Việt Nam chết đói là hậu quả tất nhiên. Đồng thời chúng cũng áp dụng những chính sách văn hóa gọi là “khai hóa văn minh” thực chất là xâm lược và nô dịch.

            Về phía Giáo hội Việt Nam, tinh thần dân tộc là cốt lõi cho mọi hoạt động tôn giáo. Hai Giám mục tiên khởi người Việt là Giám mục GB Nguyễn Bá Tòng (1868-1949) thụ phong Giám mục năm 1933 và Giám Mục Giuse Đaminh Hồ Ngọc Cẩn (1876-1948) thụ phong Giám mục năm1935.

Văn học dân tộc từ 1858 chuyển sang văn học yêu nước chống ngoại xâm (1858-1900) tiêu biểu là Nguyễn Ðình Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Thông, Nguyễn Quang Bích,…tiếp theo là văn học yêu nước và cách mạng với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế.

Sang thế kỷ XX, văn học Việt Nam bước vào tiến trình hiện đại hóa, tiếp nhận văn học phương tây về tư tưởng, thể loại, và thi pháp. Đặc biệt là sự phát triển của chữ Quốc ngữ, báo chí Quốc ngữ thúc đẩy sự phát triển của văn học Quốc ngữ. Nho học bị bãi bỏ. Nhiều trào lưu, khuynh hướng xuất hiện với tinh thần dân chủ phương Tây. Tiêu biểu là các tác giả: Hồ Biểu Chánh, Hoàng Ngọc Phách, Phạm Duy Tốn, Tản Đà, phong trào Thơ Mới (Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Hàn Mạc Tử…). Văn xuôi với nhiều khuynh hướng: Khuynh hướng lãng mạn (Tự Lực văn đoàn…), khuynh hướng hiện thực (Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Tam Lang…), văn học Cách mạng (Tố Hữu, thơ ca trong tù)…

Trong xu thế ào ạt hiện đại hóa của văn học dân tộc đầu thế kỷ XX, văn học Công giáo đi những bước tiên phong. Truyện Thầy Lazaro Phiền của P.J.B Nguyễn Trọng Quản (1887) được coi là tiểu thuyết Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam viết theo lối Tây. Tuồng Cha Minh (1881-viết về thánh Philipphê Phan Văn Minh) bằng chữ quốc-ngữ đầu tiên là một “vở kịch nói kiểu tây-phương hoàn chỉnh”. Hàn Mạc Tử là người đã góp phần hiện đại hóa thơ Việt từ truyền thống đến hiện đại. Tuần báo Nam Kỳ địa phận (1908-1945) là tờ báo Công giáo đầu tiên góp nhiều giá trị vào báo chí Quốc ngữ đương thời.

Theo Nt Đinh Thị Oanh, Nam Kỳ địa phận qui tụ một “ê kíp” nhà văn vừa hùng hậu, vừa uy tín: Matthêu Hồ Tấn Đức, Jacques Lê Văn Đức, Nguyễn Hữu Bài, Hồ Ngọc Cẩn, Huỳnh Tịnh Hướng, Nguyễn Văn Thích, Lê Thiện Bá (Phêrô Nghĩa), Trần Văn Trang, Nguyễn Bá Tòng, Paul Vàng, Antoine Phi, Gabriel Hữu, Phaolô Qui, Phaolô Đạt, Nguyễn Cang Thường, Bá Đa Lộc Linh Đài, P.Đỗ Thới Của, Hồng Lam, An Phang, E.Thành Thông, Paul Tạo, Nguyễn Ngọc Quang, Francois  Hữu Tâm, P.Nguyễn Hữu Lượng, F.X. Lê Vĩnh Khương,…, và Từ truyện đầu tiên Truyện ông Gioang Ngô Kim Thạch đăng năm 1916 cho đến tiểu thuyết Tiếng oanh năm 1942, báo Nam Kỳ địa phận đã có gần 20 tác phẩm của hơn chục tác giả. Các tác phẩm này, bên cạnh những đặc điểm chung của truyện và tiểu thuyết Nam Bộ, đã có những nét đặc sắc riêng do được các nhà văn Công giáo sáng tác[[13]]

Trong Văn học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường, nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng gọi văn học Công giáo thế kỷ XX là “Chặng đường đơm hoa kết trái”. Ông giới thiệu các loại tác phẩm: Thánh kinh-Phúc âm diễn ca; Phụng vụ, Giáo lý, Kinh nguyện, Tu đức; Thần học, Triết học; Văn kiện, Thư chung, Thư luân lưu, Thông cáo; Giáo sử, niên giám,Kỷ yếu, Lịch Công giáo; Tự điển, Từ điển, Ngôn ngữ, Biên khảo văn học; Truyện, Ca vãn, Thơ, Tuồng kịch, Thánh nhạc; giới thiệu thư viện Hội đồng Giám mục Việt Nam (tr.255).

Theo tôi, chỉ các tác phẩm Truyện, Ca Vãn, Thơ, Tuồng kịchBiên khảo văn học là tác phẩm văn học (với cách hiểu: Văn học là khoa học nghiên cứu văn chương). Những tác phẩm loại khác mà Lê Đình Bảng giới thiệu gọi chung là văn hóa phẩm. Đó là loại văn công cụ, văn nhật dụng, không phải văn chương (văn nghệ thuật, Fiction).

Xin lược qua tiến trình văn học Công giáo ở một vài thể loại:

TRUYỆN

Lê Đình Bảng giới thiệu các tác giả:

Gillbert Trần Chánh Chiếu (1867-1919), Jacque Lê Văn Đức (1887-1947); Phêrô Nghĩa (Lm Philipphê Lê Thiện Bá. 1891-1981). Cung Giũ Nguyên (1909-2008);Lm Nguyễn Duy Tôn (1919-1976). Nguyễn Duy Diễn (1920-1965); Lm Hán Chương Vũ Đình Trác (1927-2003); Hà Châu   

Nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh trong chuyên luận Đôi nét về văn học Công giáo Việt Nam giới thiệu thêm tác giả:[[14]] Bùi Hoàng Thư; Thảo Trường; Quyên Di; Đường Phượng Bay

Nhà nghiên cứu trẻ Nt Bích Hạt ghi thêm tên nhà văn nữ Nguyễn Thị Thanh Huệ (bút danh Hoàng Lan).

Rất tiếc nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng, Nguyễn Vy Khanh và Nt Bích Hạt không phân tích rõ tác phẩm nào là tiểu thuyết Công giáo. Cho nên trong danh mục tác giả Công giáo, có nhiều tác phẩm không phải là “văn học Công giáo”.

Thí dụ:

Trường hợp Thụy An với tiểu thuyết Một linh hồn. Các nhà nghiên cứu đều đưa vào danh mục nhà văn Công giáo. Thực tế, Thụy An cuối đời quy y cửa Phật và Một linh hồn chỉ là tiểu thuyết tình cảm, kiểu truyện “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, lấy bối cảnh Công giáo (thay cho bối cảnh chùa chiền trong truyện của Khái Hưng).

Đường Phương Bay viết chuyện tình cảm của giới tu hành (một kiểu thời thượng câu khách).

Về tác phẩm của Thảo Trường, nhà phê bình Đặng Tiến cho biết: Trong tác phẩm Thử Lửa (1962), Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp (1966), Thao Trường trực tiếp đề cập đến chính trị… Khi sang Mỹ đoàn tụ với gia đình 1993, Thảo Trường tiếp tục viết. Anh cũng mô tả nhiều cảnh oái oăm của xã hội Việt Nam sau 1975, hay cảnh sống của người Việt định cư tại Hoa Kỳ[[15]].

Nhà văn nữ Nguyễn Thị Thanh Huệ chỉ viết tác phẩm thế tục để kiếm sống và nuôi con. Bà có 40 tiểu thuyết và tập truyện. Từ sau những tập truyện ngắn, bà bắt tay vào viết tiểu thuyết nhiều tập kiểu “ngôn tình” ăn khách với bút danh Hoàng Lan [[16]].

 CA VÃN

Lê Đình Bảng giới thiệu tên 58 tác phẩm. Thí dụ : Vãn cha Minh, Vãn Lái Gẫm tữ đạo của Paulus Của 1902, Huấn tử ca của Lê Thiện Bá. 1938 ; Trường ca Anrê Phú Yên của Trăng Thập Tự. 1976 ; Phúc âm nhất lãm diễn ca của Long Giang Tử.1977 ; Sứ điệp tình thương (Phúc âm diễn ca) của Nguyễn Xuân Văn 1998.

THƠ

Lê Đình Bảng giới thiệu tên 46 nhà thơ: Mai Lão Bạng (1870-1942), Quận công Nguyễn Hữu Bài (1863-1935), Giám mục Đaminh Hồ Ngọc Cẩn (1876-1948), Lm Giuse Maria Nguyễn Văn Thích (1891-1979), Mai Lâm (1915-1992), Tống Việt Toại (1875-1958), Phạm Đình Tân (1913-1992), Giang Long Tử (1920-1990), Lm Lê Thiện Bá (4891-1981), Lm Giuse Trần Văn Trang (1882-1945). GM GB Nguyễn Bá Tòng (1868-1944), GM Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang (1909-1990), Nguyễn Duy Diễn (1920-1965), Đỗ Đình (1909-1970), Bùi Tuân (1913-1966), Lm Vũ Đức Trinh (1918-1964), Lm Vũ Đình Trác (1927-2003), Lm Nguyễn Xuân Văn (1922-2002), Lm Hoàng Kim (1930-1985), Hồ Dzếnh (1916-1991), Bàng Bá Lân (1912-1988), Hàn Mạc Tử…(tr. 338, đd)

Lê Đình Bảng giới thiệu thêm: (tr 339) Võ Long Tê, Phạm Đình Khiêm, An Sơn Vị, Cao Vĩnh Phan, Xuân Ly Băng, Hoàng Diệp, Trương Đình Hòe, Mai Thành, Trăng Thập Tự, Đơn Phương, Nguyễn Tầm Thường, Đinh Cao Thuấn, Phạm Châu Diên, Bách Huyền, Nhất Tuấn, Từ Khang yến, Thanh Huệ, Xuân Thu, Hoàng Khánh, Lý Thụy Ý, Diệp Đình, Đình Quang, Minh Quân, Phanxicô… «và còn biết bao nhiêu thi nhân đã và đang miệt mài sáng tác, dùng thi ca như một lời kinh nguyện cầu, đem thiên Chúa đến gần mọi người hơn bằng ngôn ngữ và hơi thở đương đại của đời sống đức tin lòng đạo »

Trong bộ sách Có một vườn thơ đạo do Trăng Thập Tự chủ biên (gồm 5 cuốn, 2430 trang) giới thiệu và trích tuyển thơ của 183 tác giả thơ Công giáo suốt từ thời Hàn Mạc Tử (1912) đến nay.

Bộ sách Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam gồm 6 cuốn (4.088 trang) in năm 2009, Lê Đình Bảng đã giới thiệu và trích tuyển thơ của 76 tác giả từ thế kỷ XVI đến 2009. Ông sắp xếp vào các “miền thơ”: Miền thơ Phúc Âm diễn ca, Miền thơ trong kinh nguyện, Miền thơ Kinh cầu nguyện, Miền thơ Huấn ca, Miền thơ trong thánh nhạc, thánh ca, Miền thơ trong ký ức dòng đời.

Xem ra, nói như Lê Đình Bảng rằng: “còn biết bao thi nhân” Công giáo

Tôi hoài nghi điều này. Ngoại trừ một vài tên tuổi, còn lại hầu hết các “thi nhân” mà Lê Đình Bảng giới thiệu chỉ là “nhà thơ phong trào”, sáng tác theo quán tính bắt chước, không sáng tạo, không cá tính và không để lại dấu ấn. Rất rõ ràng là trên văn đàn thi ca dân tộc, ngoài một vài khuôn mặt như Hồ Dzếnh, Bàng Bá Lân, Hàn Mạc Tử, còn lại không một “thi nhân” nào được lịch sử thi ca dân tộc ghi tên.

Trong danh sách được giới thiệu, có người là người Công giáo nhưng không phải “nhà thơ Công giáo” “dùng thi ca như một lời kinh nguyện cầu, đem thiên Chúa đến gần mọi người ». Xin đơn cử một vài trường hợp:

Thơ của Mai Lão Bạng (bài Lão Bạng phổ khuyến thư) là thơ của người chiến sĩ cách mạng trong phong trào Duy Tân, Đông Du.

Thơ của Quận công Nguyễn Hữu Bài (Thơ Nôm Phước Môn 120 bài thơ Nôm) là thơ thế sự, thơ của một người yêu nước. Năm 1922 vua Khải Định sang Pháp, cụ Bài đã viết: Hộ giá đi Tây; Giá ngự ở Paris; Viếng Đài kỷ niệm Nogent sur Marne; Đi coi chiến trường Verdun; Xem Triển Lãm Marseille vân vân.

 Lý Thuỵ Ý nổi tiếng ở Sài gòn với những bài thơ “Lính mà em”, viết về người lính Cộng hòa. Nhà thơ này có vài bài nói đến Chúa như một mốt thời thượng, hoàn toàn không sáng tác để “đem Thiên Chúa đến gần mọi người”. Xin đọc: Thượng đế và em, Eve, Trái táo Eve

Một trường hợp khác là: “thi nhân” Đơn Phương. Tác giả này ái mộ Hàn Mạc Tử nên viết tiếp Quần Tiên Hội của họ Hàn. Vì đồng bệnh với họ Hàn nên Đơn Phương viết những bài như: Vu vơ; Dại quá! Xin chừa; Khở lòng chưa; Ta đem mai táng; Nói chuyện nhau dưới mồ; Gởi lại mai sau; Trời chớm sang thu. Năm 2012 ông qua đời ở tuổi 72. Tôi không thấy thơ ông “đem Thiên Chúa đến gần mọi người” như Lê Đình Bảng giới thiệu.

Tôi ngờ rằng, vì không xác định thế nào là “nhà văn Công giáo”, thế nào là “tác phẩm văn học Công giáo” nên người sưu tập đã đưa tất cả các tác giả Công giáo (người đã chịu Phép Rửa) vào danh mục “nhà thơ Công giáo” mà không phân tích thơ, văn của họ có được sáng tác dưới ánh sáng tư tưởng Mỹ học Kitô giáo và Chủ nghĩa Nhân văn của Tin Mừng hay không? Mục đích sáng tác có phải là để loan báo Tin Mừng hay không, và họ có đóng góp gì mới mẻ về nghệ thuật cho tiến trình thi ca của dân tộc?

TUỒNG, KỊCH

Nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng giới thiệu tên 20 vở tuồng kịch Công giáo đầu thế kỷ XX như: Tuồng Chơn phước Năm Thuông tử đạo của Tôma Trí (1910); Tuồng thương khó của GB Nguyễn Bá Tòng (1912); Tuồng Bảy mối tội của Hồ Ngọc Cẩn (1922); Tuồng Sébastien tử đạo (1922)…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh đã giới thiệu Tuồng Cha Minh (1881), Tuồng Joseph (xuất-bản 1888) của Trương Minh Ký (tác-giả ngoài công giáo) [[17]]…

Nhà nghiên cứu-Ths Lê Thị Hà giới thiệu: trước 1945 có khoảng 20 vở tuồng Công giáo như Cêcilia Tuồng, Chúa Hài Đồng, Đavid Thánh Vương Nhứt Tấn, Gioang Lều Nhứt Tấn, Tuồng Đức Mẹ Lộ Đức, Tuồng Joseph, Tuồng Thương khó…Theo đó, vở tuồng có niên đại sớm nhất là Tuồng Joseph (1888); đến các vở như Cêcilia Tuồng, Đavid Thánh Vương Nhứt Tấn, Gioang Lều Nhứt Tấn xuất bản năm 1899, cùng được in trong tập Vãn và Tuồng của nhà in Sàigòn, Impr. de la Mission, 1899. Vở tuồng được in muộn nhất là Tuồng Đức Mẹ Lộ Đức, kỷ niệm đệ nhất bách chu niên Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức (1858), tác giả Vũ Hòa Đức, do nhà sách Thánh Gia in năm 1959…(nguồn: Hướng đến 400 năm văn học Công giáo Việt Nam. tr 523)

BÁO CHÍ CÔNG GIÁO

Nhà nghiên cứu-Nt Đinh Thị Oanh cho biết:làng báo Công giáo đã xuất hiện Thánh Giáo Tuần Báo Bắc Kỳ (1920), Trung Hòa Nhật Báo (1923), Lời thăm (1922), Công giáo Đồng thinh (1927), SacerdosIndonensis (1927),… trong đó tờ Nam Kỳ Địa Phận (1908) là đáng kể nhất” (Khái lược Nam Kỳ địa phận-Nt Đinh Thị Oanh, đd)

Ts Phạm Huy Thông trong bài “Diện mạo của báo chí Công giáo ở Việt Nam”[[18]] cho biết: trước 1945 “Hầu như giáo phận nào, dòng tu nào cũng ra báo”. Nam Kỳ địa phận (1908), Trung Hoà nhật báo (Hà Nội) tồn tại 22 năm từ tháng 9- 1923 đến 1945; tờ Văn côi (Nam Định), Thánh thể báo (Phát Diệm-ra đời năm 1919), nguyệt san Sancerdos Indosinensis (Huế) do linh mục Cadiere Cả phụ trách, xuất bản ngày 19-3-1927. Tờ tam nhật tuần báo Vì Chúa của linh mục G.M Thích xuất bản năm 1936 ở Huế, bằng cả quốc ngữ, Hán văn và Pháp văn, phát hành ra cả nước ngoài. Dòng Đa minh có tờ Đa minh, dòng Chúa Cứu thế Hà Nội có tờ Đức Mẹ hằng cứu giúp (năm 1929), dòng Đa minh Hải Phòng có tờ Hy vọng (năm 1937)…

Sau cách mạng tháng 8-1945, hầu như tất cả các tờ báo Công giáo đều đóng cửa. Miền Bắc chỉ còn tờ Chính nghĩa của Uỷ ban Liên lạc Công giáo ra đời từ năm 1955.

Sau năm 1954, tại miền Nam, báo Công giáo bắt đầu hồi phục và phát triển mạnh. Khó mà có thể kể tên hết các tờ báo Công giáo thời kỳ này nhưng hầu như các dòng tu, hội đoàn, trường học Công giáo đều có tờ báo riêng. Sau ngày 30-4-1975, hầu hết các tờ báo Công giáo trên đây đều đóng cửa hoặc di tản ra nước ngoài. Chỉ có tờ Công giáo và dân tộc từ Pháp trở về và hoạt động tại Sài Gòn từ ngày 10-7-1975.

***

Nhìn chung, văn học Công giáo “khai mở thời kỳ hiện đại”, giai đọan đầu thế kỷ XX đến 1945, có sự phát triển mạnh mẽ và đi những bước tiên phong về tiểu thuyết, tuồng kịch và thi ca. Các thể Diễn ca, huấn ca, truyện các thánh của thời kỳ trước tiếp tục phát triển. Đáng kể là tiểu thuyết có yếu tố Kitô giáo (truyện Thầy Laza rô Phiền của Nguyễn Trọng Quản, Đôi bước lưu ly, Cha giết con của Phêrô Nghĩa-Lê Thiện Bá; Những ngày đẫm máu của Nguyễn Duy Diễn, tiểu thuyết đầu tiên về các thánh tử đạo Việt Nam…) và thơ Hàn Mạc Tử.

Giai đoạn sau (từ 1945 đến 1975) là 30 năm chiến tranh vệ quốc. Ở miền Bắc, giai đoạn này, Giáo hội sống thầm lặng. Văn thơ Công giáo rất hiếm hoi (ngoại trừ bài thơ Tha La xóm đạo của Vũ Anh Khanh, in năm 1950 và các bài Nhớ trăng rằm quê Mẹ; Rồi mùa kháng chiến thành công (1952) của Đình Hòe in trong “tuyển tập thơ của giáo phận Vinh” năm 2004 ). Ở miền Nam tiếp tục những gì đã đạt được ở giai đoạn trước, truyện và thơ vẫn theo dòng văn học Lãng mạn trước 1945.

                                                        ***

   PHẦN III:  « THỜI KỲ  HỘI NHẬP » (từ 1980 đến nay)

            1.Sơ lược bối cảnh lịch sử.

Từ sau 1975 đến nay bối cảnh lịch sử, xã hội đã bước sang giai đoạn khác. Đất nước hòa bình, thống nhất và chuyển sang hội nhập toàn cầu hóa. Nhà nước đã có đường lối, chính sách tôn giáo để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và yêu cầu hội nhập (Luật tôn giáo, tín ngưỡng; quan điểm về phát huy nguồn lực tôn giáo của Đại hội Đảng lần thứ XIII).

 Về văn học nghệ thuật, Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra chủ trương và giải pháp: Tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật nước nhà”. Hội Nhà văn Việt Nam có kế hoạch quảng bá tác phẩm văn chương Việt Nam ra nước ngoài; và đến nay (2021) còn được mời tham gia giải Nobel văn học. Hội Nhà Văn đã tổ chức cuộc gặp mặt lần thứ nhất “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc”  ngày 20/10/ 2017 tại Hà Nội. Có 100 nhà văn trong nước và hải ngoại tham dự.

Về phía Giáo hội, Công đồng Vaticano II đã mở ra một thời đại mới cho giáo hội. Trân tinh thần ấy, Hội đồng Giám mục Việt Nam có thư chung 1980 đề ra đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”: “…chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa”.

Khi Việt Nam mở cửa làm bạn với thế giới trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, hợp tác hai bên cùng có lợi thì một làn sóng văn hóa thế giới tràn vào cùng với mọi tốt xấu của thời đại. Đó là Chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, Chủ nghĩa Thực dụng Mỹ, Chủ nghĩa thế tục, Chủ nghĩa Duy vật vô thần, các trào lưu tư tưởng trong đó có không ít những trào lưu suy đồi (chủ nghĩa sex, Ấu dâm, nô lệ tình dục, buôn bán phụ nữ, Sugar Dady-Sugar Girl) gây ra xuống cấp về đạo đức, nạn phá thai, bạo hành trong gia đình, ngoài xã hội, tội ác trong giới trẻ ngày càng gia tăng…cùng với làn sóng văn học (dịch) có nhiều yếu tố suy đồi khác (truyện ngôn tình, văn học sex, phim ảnh bạo lực…)

Tất cả những vận động xã hội như thế đặt văn học Công giáo trước những trách nhiệm lương tâm khác với giai đoạn trước 1975, đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội: nhà văn Công giáo đã có thể tham gia Hội Nhà văn Việt Nam. Việc in ấn tác phẩm đã có Luật xuất bản. Trang mạng internet của các giáo phận có Mục vụ văn hóa giúp phổ biến tác phẩm rộng rãi. Trình độ người đọc đã  cao hơn hẳn so với trước kia. Các sinh hoạt văn học Công giáo được bình thường hóa (thành lập Câu lạc bộ thi ca; tổ chức tọa đàm, hội thảo; tổ chức các giải thưởng văn học Công giáo…).

2.Tình hình văn học Công giáo từ 1980 đến nay

Tôi lấy mốc 1980 bởi Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980 đã mở ra con đường giáo hội Việt Nam hội nhập với dân tộc sau nhiều chục năm đất nước bị chia cắt, đặc biệt là sự thống nhất giáo hội 2 miền Nam Bắc cùng thực hiện sứ mệnh loan báo Tin Mừng trong thời đại mới. Đời sống tinh thần của giáo hội (tu sĩ, giáo dân) thay đổi hẳn so với trước 1975, và vì thế văn học Công giáo cũng mở ra một trang mới.

Giai đọan đầu, các nhà văn người Công giáo ở Sàigòn trước 1975 hầu như đi định cư ở nước ngoài. Những người còn lại cũng không thể viết như trước kia. Tất cả báo chí Công giáo ngưng hoạt động, ngoại trừ tờ Công giáo và Dân tộc, nhưng tờ báo này không phải là tờ báo của Giáo hội. Thành ra, văn học Công giáo không có môi trường phát triển (không có người viết, không có báo chí phổ biến, không có các hoạt động văn học như Tọa đàm, Hội thảo). Trong một thời gian dài, tình hình sáng tác văn học Công giáo bị đứt đoạn.

Phải từ năm 2000 trở đi, mọi sinh hoạt mới trở lại bình thường (sáng tác, in ấn, tổ chức ra mắt sách, tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ, tổ chức các giải thưởng văn học…) và một thế hệ nhà văn Công giáo mới xuất hiện, tạo nên diện mạo mới cho văn học Công giáo.

HỘI THẢO, TỌA ĐÀM

Trước hết là các cuộc Hội thảo, Tọa đàm (thống kê không đầy đủ):

Tọa đàm về chủ đề: “Một số vấn đề Văn Hóa Công Giáo Việt Nam” tại Tòa Tổng Giám Mục Huế từ ngày 24-27 tháng 10 năm 2000.

Tọa đàm-thơ-Nhạc phát huy văn học nghệ thuật Anrê phú Yên” tại Trung tâm Mục vụ Tổng hợp Anrê Phú Yên Giáo xứ Tuy Hòa năm 2006.

Hội thảo khoa học về thân thế và sự nghiệp của Léopold Cadière do Ủy ban Văn hóa Hội đồng Giám mục Việt Nam và Tòa Tổng Giám mục giáo phận Huế tổ chức ngày 7, 8 & 9/9/2010.

Đại hội Dân Chúa được tổ chức từ ngày 21-25/11/2010. Có 301 vị gồm 32 giám mục và các đại biểu linh mục, tu sĩ, giáo dân thuộc 26 giáo phận và các dòng tu trên cả nước. Ngoài ra, còn có các đại diện đến từ Giáo hội Canada, Malaysia, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Thái Lan và đại diện các cộng đoàn công giáo Việt Nam hải ngoại.

Hội thảo khoa học: “Bình Định với chữ Quốc ngữ” ngày 13/01/2016 do UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam… tổ chức.

Hội thảo “Bốn Trăm Năm Hình Thành Và Phát Triển Chữ Quốc Ngữ Trong Lịch Sử Loan Báo Tin Mừng Tại Việt Nam” do Ủy ban Văn hóa trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức vào hai ngày 25 và 26/10/2019 tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn.

Tọa đàm trực tuyến ngày 19/9/2021 với chủ đề “Văn học Công giáo đương đại”do Ban Văn hóa Giáo phận Quy Nhơn tổ chức.

CÁC CUỘC THI

Các cuộc thi văn học Công giáo (thống kê không đầy đủ) đã quy tụ và bồi dưỡng đội ngũ tác giả văn chương Công giáo thế hệ mới:

1.Cuộc thi “Nhánh Huệ Nước Trời” (tháng 09/2010)

2-Giải văn thơ Đức Mẹ Hằng Cứu giúp.

3- Giải Văn Hóa Nghệ thuật Đất Mới (Giáo phận Xuân Lộc, duy trì từ năm 2011 cho đến nay)

4- Giải Viết Văn Đường Trường (Giáo phận Qui Nhơn, 2012-2018)

5- Giải Văn thơ Lm. Đặng Đức Tuấn (Giáo phận Qui Nhơn)

6- Chương trình chuyên đề (Trung tâm mục vụ Sài Gòn)

7- Giải Đức Mẹ Tà Pao (Giáo phận Phan Thiết).

8- Giải Viết về yêu thương (trang Văn thơ Công giáo).

9- Giải Hoa Núi Rừng (giáo phận Kontum).

10- Giải Hương sắc Ban Mê (giáo phậnBan Mê Thuột).

CÁC CÂU LẠC BỘ

(Thống kê không đầy đủ)

Câu lạc bộ Thơ Tâm Nguyện Hải Phòng.  CLB Chút Tâm Tình Đà Nẵng, CLB “Đồng Xanh Thơ” gồm có CLB Đồng Xanh Thơ Phan Thiết, CLB Đồng Xanh Thơ Sài Gòn, CLB Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn, CLB Đồng Xanh Thơ Nha Trang; Câu lạc bộ “Thi Ca Cầu Nguyện”.

Các câu lạc bộ này đều ấn hành (bản điện tử) tuần san, nguyệt san sáng tác của các thành viên. Và sau hơn 10 năm số bài thơ của các câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ Sài gòn và CLB Thi Ca Cầu Nguyện lên đến trên 5 vạn bài. Có thành viên đã phổ biến hơn 1.000 bài thơ Công giáo.

MỘT THẾ HỆ MỚI

(tác giả tiêu biểu, thống kê không đầy đủ)

 Song Nguyễn (Giám mục Đaminh Nguyễn Chu Trinh), Francis Lê Đình Bảng, Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, Lm. Ngô Phúc Hậu, Lm. Gioan Phaolô Trăng Thập Tự, Lm. Nguyễn Tầm Thường, Mạc Tường…

Những tác giả trẻ: Đặng Thị Vân Khanh, Nguyễn Văn Học, Nguyễn Đức Tuyển, Nguyễn Thiển… (trường viết văn Nguyễn Du); Nguyễn Phương Thảo, Sr M.Vinc-Nguyễn Thị Chung, Lm Đình Chẩn, Nguyễn Văn Học, Vinh Kiu, Từ Thanh Huy, Đặng Kim Thoa…(giải VHNT Đất Mới); Lm. Cao Gia An, Lm. Nguyễn Hoàng Hải, Nguyễn Ngọc Hoài Nam, Đinh Thu Hằng, Trăng Làng, Trần Dũng, Nguyễn Thị Khánh Liên, Dương Thái Chân… (giải Viết Văn Đường Trường)…

Tủ sách Nước Mặn của Giáo phận Qui Nhơn đề ra chương trình “Tiếp sức giúp các tác giả trẻ Công giáo in sách lần đầu”, đón mừng kỷ niệm 400 năm Văn học Công giáo Việt Nam (1632-2032). Đến nay (2022) đã in Sông chảy về đâu sách của Nguyễn Thị Khánh Liên, Ánh sao đêm của Phạm Hải Miên, Bão của Chung Thanh Huy…

THƠ CÔNG GIÁO ĐƯƠNG ĐẠI

Các tác giả thơ Công giáo đương đại tập trung nhiều ở các Giải thưởng văn học, ở các Câu lạc bộ và đăng bài trên trang mạng của các giáo phận. Lực lượng này đông đảo gồm các Linh mục, tu sĩ, giáo dân mọi thành phần. Trên nền “thơ phong trào”, đã xuất hiện những tài năng, cốt cách mới với thi pháp mới, thể hiện sâu sắc tư tưởng Mỹ học Kitô giáo và Chủ nghĩa Nhân văn của Tin Mừng. Đội ngũ này kế tục được các thế hệ đi trước và góp phần phát triển thơ ca Công giáo trong giai đoạn mới (thế kỷ XXI):

Đó là các nhà thơ thế hệ trước như Xuân Ly Băng, Trăng Thập Tự, Lê Đình Bảng, Sơn Ca Linh, Lm Trần Việt Hùng, Trần Vạn Giã, Mạc Tường, Mặc Trầm Cung, Dzuy Sơn Tuyền, và thế hệ các nhà thơ trẻ Lm. Cao Gia An, Lm Đình Chẩn, Lm Trần Trung Hậu, Song Lam, Thanh Hương, Nguyễn Đỗ Thái An, Nguyễn Vũ Hồng Kha, Nguyễn Thị Như Hà (có hai tập thơ hơn 900 bài Haiku lấy cảm hứng từ Kinh thánh)…

Đóng góp quan trọng của thơ ca giai đoạn này là sáng tạo các hình tượng mới, khám phá cách thể hiện mới, khai thác những tầng vỉa văn hóa mới, đem thơ về với đời sống và suy tư Triết học, Thần học sâu sắc hơn. (mời đọc bài: Thơ Công giáo đương đại-Những sáng tạo mới).

Thơ Công giáo đương đại tập trung ở “thơ suy niệm” Kinh thánh. Các bài Kinh thánh Chúa nhật và các ngày lễ trọng, các mùa trong năm (Mùa Vọng-Giáng Sinh, Mùa Chay-Phục Sinh, tháng hoa Đức Mẹ, tháng thánh Giuse, tháng các linh hồn, Xuân) được các tác giả thuật lại và từ đó rút ra những bài học suy niệm.

Thể Diễn ca, Huấn ca truyền thống được các tác giả kế thừa khá sung sức. Các sách Kinh thánh được thi hóa là: Xuất hành, Sách Tôbia & Sách Giu-đi-tha, Sách Sáng Thế, Sách Étte, Sách Tông Đồ Công Vụ, Lịch sử cứu độ…). Sứ điệp tình thương (diễn ca Kinh thánh) của Lm Fx Nguyễn Xuân Văn là một công trình đồ sộ có nhiều giá trị.  Đỗ Quang Vinh là tác giả đặc biệt diễn ca nhiều sách: Sáng thế diễn ca, Thánh vịnh diễn ca, Sách Giảng viên diễn ca, diễn thơ sách Diễm ca và Huấn ca, Châm ngôn & Khôn ngoan diễn ca

Khuynh hướng thơ thế sự nhìn dưới ánh sáng Tin Mừng cũng được nhiều tác giả quan tâm (Trăng Thập Tự, Sơn Ca Linh, Trần Mộng Tú, Cao Gia An, Trần Đỉnh…)

Hầu hết các tác giả “Thơ phong trào” làm theo thể Lục bát, Song thất lục bát, thơ 7-8 chữ (kiểu thơ Lãng Mạn) và một ít làm thơ Thất ngôn Đường luật song không có sáng tạo mới. Một vài tác giả trẻ làm thơ cách tân theo kiểu “Thơ Trẻ” thế tục đầu thế kỷ XXI.

Ảnh hưởng của thơ Hàn Mạc Tử vẫn còn trong sáng tác của một vài người làm thơ hôm nay (dùng lại thể thơ 7-8 chữ Lãng mạn, Tượng trưng, Siêu thực; dùng lại vốn từ trong thơ Hàn Mạc Tử).

***

Mời đọc các bài viết của Bùi Công Thuấn: Thơ ca Công giáo Việt Nam đương đại-Những sáng tạo mới ; bài giới thiệu thơ của Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ Sài gòn, Câu lạc bộ Thi Ca Cầu Nguyện, Thơ Sơn Ca Linh, Thơ Lê Đình Bảng, Thơ Trần Mộng Tú, Thơ Trần Vạn Giã, Thơ Cao Danh Viện…[[19]].

VĂN XUÔI CÔNG GIÁO ĐƯƠNG ĐẠI

 Các tác giả văn xuôi người Công giáo thế hệ trước hầu hết định cư ở hải ngoại (xin đọc bài : Sơ khảo về Văn học Công giáo Việt Nam hải ngoại của Nguyễn Vy Khanh).

Ở trong nước, bộ sách của ĐHY Fx Nguyễn Văn Thuận (Đường hy vọng5 chiếc bánh và 2 con cá ), và bộ sách Thao thức của ĐGM GB Bùi Tuần là 2 bộ sách có ảnh hưởng sâu sắc đến việc cứu rỗi các linh hồn. ĐGM Fx Nguyễn Văn Sang, tính đến cuối năm 2009, đã cho xuất bản gần 20 đầu sách (cuốn Hành hương và thăm viếng tái bản đến 3 lần). ĐGM Đaminh Nguyễn Chu Trinh (bút danh Song Nguyễn) đã in 15 cuốn (gồm 10 truyện dài và 5 tập truyện ngắn[[20]]):

             1. Một Đời Dâng Hiến, truyện dài. Nxb Tôn Giáo, 2009.

             2. Đất Mới, truyện dài 3 tập. Nxb Hội Nhà văn, 2018.

             3. Đồng Hành, truyện dài. Nxb Tôn Giáo, 2010.

4. Định Hướng, truyện dài. Nxb Tôn Giáo, 2011.

5. Chuyến Xe Về Trời, tập truyện ngắn 1. Nxb Tôn Giáo, 2011.

6. Còn Một Niềm Tin, tập truyện ngắn 2. Nxb Tôn Giáo, 2011.

7. Suối Nguồn, tập truyện ngắn 3. Nxb Tôn Giáo, 2011.

8. Người Cha Hiền, tập truyện ngắn 4. Nxb Tôn Giáo, 2012.

9. Những Người Mẹ, tập truyện ngắn 5. Nxb Tôn Giáo, 2012.

10. Chỉnh Hướng, truyện dài. Nxb Tôn Giáo, 2013.

11. Đồng Cỏ Xanh, truyện dài. Nxb Phương Đông, 2013.

12. Vì sao sáng, truyện dài. Nxb Tôn giáo, 2015.

13. Tiếng Kêu, truyện dài. Nxb Hồng Đức, 2019.

14. Đường lên Núi Cúi. Truyện dài tư liệu. Nxb Hồng Đức, 2019.

15. Đường đến Núi Cúi-Hành trình của Đức tin, Hồi ký. Nxb Đồng Nai. 2021

Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông đã in: Nắng chiều tàn tạ. 7 truyện ngắn. Nxb Đồng Nai, 2003.Rừng cao su thay lá. 5 truyện ngắn. Nxb Đồng Nai, 2005. Hoa tươi trong vùng cát. 3 truyện ngắn. Nxb Đồng Nai, 2006. Sỏi đá nở hoa. 3 truyện ngắn. Nxb Đồng Nai, 2011. Trăng rằm trên phố núi. Tiểu thuyết. Nxb Hồng Đức, 2018. Tác phẩm của Nguyễn Đức Thông đặt ra nhiều vấn đề lương tâm Công giáo trước thời đại, đặc biệt là vai trò của các Linh mục (xin đọc bài viết về Lm Nguyễn Đức Thông [[21]]).

Các tác giả và tác phẩm văn xuôi Công giáo thế hệ mới còn khá ít ỏi. Hầu như chỉ tập trung ở Giải Viết văn Đường trườngGiải VHNT Đất Mới.

Tôi đặc biệt quan tâm đến các tác giả truyện dài sau đây mà đọc tác phẩm của họ, tôi thấy ngòi bút của họ đầy nội lực,  cách viết của họ mới mẻ, hiện đại. Họ đem đến cho văn học Công giáo những giá trị tư tưởng và nghệ thuật mới, khác hẳn với thế hệ trước. Mặc dù khả năng kiến tạo tác phẩm và vốn sống của họ còn ít nhiều hạn chế, song tôi tin rằng nhiều người trong số họ có sức đi xa trên con đường nghệ thuật.

Họ có cái nhìn sâu sắc vào hiện thực và đặc biệt là thái độ diễn ngôn trước các vấn đề của thời đại, những vấn đề thách thức lương tâm Công giáo. Tác phẩm của họ là một lời tuyên xưng đức tin, lan tỏa tình nhân ái ; là sự lên tiếng bảo vệ sự sống, chia sẻ những đau khổ, bất hạnh ; cảnh báo cái xấu, cái ác; đồng thời đặt ra những vấn đề của người trẻ hôm nay như: sự tha hóa lối sống, công ăn việc làm; sự khác biệt văn hóa, tôn giáo ở những môi trường xã hội khác nhau; mối quan hệ tôn giáo và thế tục; tình yêu hôn nhân, sự đổ vỡ của gia đình, vẻ đẹp của người sống đời dâng hiến…

(Ghi nhận các tác giả tiêu biểu)

            1.Nhà văn Maria Nguyễn Thị Khánh Liên: Sông chảy về đâu (tập truyện).

            2.Nhà văn Pet. Nguyễn Văn học: Miền Thánh đợi (tập truyện).

            3.Têrêsa Nguyễn Phương Thảo: Ôi tội hồng phúc.

            4.M.Vinc Nguyễn Thị Chung:  Đâu là hạnh phúc thật, Thử chết một lần, Khi

               trái tim lên tiếng, Chàng xe ôm, Thuận Thiên.

                        5.Maria Phạm Thị Lành: Huỳnh đệ vàng, Lối về, Phía sau hố thẳm tội lỗi,

                         Hương Thạch thảo .

                        6.Maria Hà Thị Thúy Diễm, Con hoang, Những nốt nhạc nên đời, Xương

                         bánh đúc, Khóc muộn.

7.Maria Hồ Thị Phương Anh: Đóa Quỳnh bất tử.

8.Pet.Trần Thế Huy: Người hành khất trước cổng tu viện; Đôi bờ xa cách.

9. Vinc Chung Thanh Huy: Bão (tập truyện).

10.Innocentio Nguyễn Thị Duyên, O.Cist. Di trú tới Thiên Chúa,

11.Maria Goretti Nguyễn Thị Tú Xuân: Ngựa chứng trong tu viện; Vòng xoáy yêu thương; và Ngã tư thập tự.

12.Vinh Kiu: Maria ngoại truyện; Đóa hồng thứ 40.

32.Seraphim Đặng Kim Thoa: Sứ mạng; Thieân Chuùa Cha cuûa Toâi.

14.Maria Đỗ Thị Hồng Nhanh. Đời làm hạt

15.Maria Pacome Hồ Thị Phượng, O.Cist. Ba ơi! Khi nào mẹ về?  

***

Mời đọc thêm các bài: Văn xuôi Công giáo Việt Nam đương đại-Nhận dạng… (Bùi Công Thuấn). Nhà văn Khánh Liên & Những sáng tạo nghệ thuật; Nhà văn Nguyễn Văn Học và những truyện ngắn có yếu tố Kitô giáo; Văn học Công giáo-Giáo phận Quy Nhơn; Văn học Công giáo-Giáo phận Xuân Lộc; Văn học Công giáo-Giáo phận Phát Diệm; Các nhà nghiên cứu Công giáo.

DỊCH THUẬT

Việc dịch Kinh thánh và các tài liệu của Tòa thánh, Giáo hội đã có nhiều dịch giả song dịch thuật tác phẩm văn học, thì dịch giả Công giáo còn rất hiếm.

Các dịch giả Kinh thánh có uy tín là: Cố Chính Linh (1913), Lm Gérard Gagnon (1963), Lm Trần Đức Huân (1970), Lm Nguyễn Thế Thuấn (1976), ĐHY Trịnh Văn Căn (1985) và Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

Nhóm phiên dịch các giờ kinh phụng vụ chính thức thành lập vào ngày 01/11/ 1971 đến nay đã trên 50 năm.

Chặng 1: 25 năm đầu tiên (1971-1996)

Họp mặt nhóm ngày 01/11/1971 tại Đan viện Biển Đức-Thủ Đức có: Lm Xuân Ly Băng, Lm Trần Phúc Nhân, Lm Thiện Cẩm OP, Lm Huỳnh Công Minh, Lm Nguyễn Hồng Giao OFM, Lm Nguyễn Ngọc Tỉnh OFM.

Những thành viên gia nhập từ 1976 đến 1997:

Lm Nguyễn Hữu Phú, Lm Hoàng Đắc Ánh, Lm Trịnh Văn Thậm, Lm Nguyễn Tất Trung, Lm Nguyễn Ngọc Rao, Lm Nguyễn Cao Luật, Lm Nguyễn Đạt Tam, Lm Nguyễn Cao Siêu, Lm Trần Hòa Hưng, Lm Hoàng Kim, Lm Trần Ngọc Thảo, Nt Lê Thị Thanh Nga, Nt Mai Thành, Lm Phạm Xuân Hưng, Hoàng Ngọc Lễ.

Từ 2011-2021:

Lm Vũ Văn Lượng, Lm Nguyễn Thiên Minh, Lm Trần Hưng Vĩnh Quang, Sr Nguyễn Thị Ngọc Nữ (MTG Thủ Thiêm), Sr Đỗ Thị Hồng Thắm (dòng Đức Bà),  anh Nguyễn Tuấn Hoan

Đến nay (2021) nhóm hiện có 15 người thuộc ba thế hệ (ông-cha-con cháu) sinh hoạt như một gia đình.

Các cộng tác viên: Nguyễn Thị Hồng Sen, Nguyễn Thái Long, Nguyễn Ngọc Phượng, Nguyễn Thị Mai Thảo, Nguyễn Anh Tuần, Vy Diễm Uyên.

Lần kỷ niệm 40 năm (2011),nhóm đã ấn hành 1 triệu bản Kinh Thánh và khoảng 3 triệu bản Tân Ước lưu hành cả ở trong nước và quốc tế. [[22]]. Nhóm làm việc  theo những đường hướng sau đây :

1. Dịch Kinh Thánh từ nguyên văn Híp-ri, A-ram hoặc Hy-lạp, có đối chiếu với bản dịch La-tinh.

2. Làm việc tập thể theo tổ, mỗi tổ luôn luôn có chuyên viên Kinh Thánh (các phần dẫn nhập và chú thích có thể do một cá nhân soạn).

3. Mục tiêu: cung cấp một bản dịch đúng ý nguyên văn, với tiếng Việt dễ hiểu.

Lm An-bê-tô Trần Phúc Nhân cho biết, (tính đến 2010) Nhóm Phiên Dịch CGKPV đã phiên dịch và lần lượt ấn hành các tác phẩm chính yếu sau đây (năm in lần thứ nhất) :

– Các Giờ Kinh Phụng Vụ (1991)

– Tân Ước : bản dịch với chú thích dài (1993)

– Kinh Sách : Các bài đọc (1994)

– Tân Ước : bản dịch không có chú thích (1995)

– Các sách Ngôn Sứ : bản dịch với chú thích dài (1996)

– Các sách Giáo Huấn : bản dịch với chú thích dài (1998)

– Kinh Thánh trọn bộ : bản dịch với chú thích ngắn (1998).

– Ngũ Thư : bản dịch với chú thích dài (1999).

– Các sách Lịch Sử : bản dịch với chú thích dài (1999).

– Lời Chúa cho mọi người : Kinh Thánh (2006) (cùng một bản dịch Kinh Thánh trọn bộ nói trên, nhưng với các dẫn nhập và chú thích nhằm đáp ứng nhu cầu mục vụ).

– Kể chuyện Kinh Thánh cho Trẻ Em (2007).

– Kể chuyện Kinh Thánh cho Thiếu Niên (2007).

– Tân Ước : bản dịch và chú thích có hiệu đính (2008).

– Đọc Tin Mừng Chúa nhật theo Lectio Divina Năm B (2008).

– Đọc Tin Mừng Chúa nhật theo Lectio Divina Năm C (2009).

– Các Bài Đọc Trong Thánh Lễ (2009).

– Đọc Tin Mừng Chúa nhật theo Lectio Divina Năm A (2010).

– Ngũ thư : bản dịch để học hỏi (2010).

Tính cho đến nay, tổng số các sách đã ấn hành là 130.000 cuốn Các Giờ Kinh Phụng Vụ, 250.000 cuốn Kinh Thánh trọn bộ và 1.855.000 cuốn Tân Ước [[23]].

***

Dịch tác phẩm văn học:

Lm Giuse Trần Văn Đỉnh (bút danh Đình Chẩn- làm việc tại Tòa Giám mục Phát Diệm), đã dịch:

Hồn thơ Thiên linh- Tiên Sa Hài Đồng Giêsu. (62 bài, dịch và tổng hợp thơ Têrêsa Hài Đồng Giêsu).

Thần khúc của Dante Alighieri (1265-1321).

Các bản dịch giàu tính văn chương, công phu và có tính dân tộc sâu sắc.

***

KỊCH CÔNG GIÁO

So với giai đoạn đầu thế kỷ XX, kịch Công giáo « giai đoạn hội nhập » (từ 1980 đến nay) không có tác phẩm nào công diễn trên sân khấu kịch thế tục như một vở kịch nghệ thuật. Khoảng từ 2010 trở lại đây, hình thức « Diễn nguyện » nở rộ trong các giáo xứ vào mùa Giáng Sinh. Các giáo xứ tự phát viết kịch bản « Lịch sử ơn Cứu độ », rồi diễn trong đêm canh thức chờ Giáng sinh. Đó là một hình thức nghệ thuật bình dân. Đôi khi cũng có đạo diễn chuyên nghiệp tham gia, song nội dung diễn nguyện chỉ nhằm sân khấu hóa Kinh thánh, không phải là một tác phẩm kịch nghệ thuật.

Tác giả Trần Duy Nhiên (1941-2009)

Trần Duy Nhiên sinh năm 1941 tại Kontum, sớm mồ côi. Anh được gửi cho các Sr Nữ tử Bác Ái Vinh Sơn ở Đà lạt nuôi.

Sau khi đậu Tú Tài, anh về Sàigòn học Đại học Sư Phạm và đi dạy học ở Cần Thơ, Đà Lạt. 42 năm dạy học, anh từng khủng hỏang lòng tin. Anh tham gia nhiều họat động xã hội từ thiện, từ đồng bằng,  đến Tây nguyên với các Nhóm Thiện Chí và Hoa Nhân Ái của Cha Tiến Lộc, với Nhóm Đức tin Văn hóa của cha Nguyễn Thái Hợp… Anh còn là Tổng Thư ký của CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình, nơi quy tụ một số trí thức Công giáo với đường hướng: canh tân, đối thọai, hòa giải và cộng tác với mọi người thiện chí…Anh viết trên 20 kịch bản để phục vụ cho một số sinh hoạt của cộng đồng dân Chúa. Vở “Cuốn Phúc Âm thứ năm” đã được diễn trên 200 lần tại nhiều giáo xứ và giáo phận. [[24]].

“Vở kịch là một buổi chia sẻ về đời sống đức tin của một cộng đoàn Ki-tô hữu. Mở màn, người ký giả lên tiếng chia sẻ về một nguyện vọng khá điên rồ của anh ta, anh ta muốn tự viết cuốn Phúc Âm thứ năm bởi bốn cuốn Phúc Âm của Tân Ước đã quá lỗi thời. “Tôi nghĩ đã đến lúc phải có một người trình bày về Đức Giêsu Kitô cho thời đại này, đã đến lúc phải có một cuốn Phúc-âm thứ năm. Và nếu không có ai viết, thì tôi, tôi sẽ tự viết lấy.” Thoạt tiên, ai cũng sẽ cho rằng anh ta ngông cuồng bởi ngót nghét hai nghìn năm trôi qua chưa từng có thêm cuốn Phúc Âm nào và người đọc Kinh Thánh vẫn luôn được thuyết phục rằng cuốn sách này đã dừng ở đây, mãi mãi không dày thêm nữa. Nhưng thật không may, sự ngông cuồng của anh ký giả lại cũng chính là sự ngông cuồng mà mỗi chúng ta âm thầm cưu mang trong sâu thẳm con người mình. Kinh Thánh đã cũ, những dụ ngôn và bối cảnh xã hội không còn gần gũi với con người hôm nay, chúng ta có cần một Phúc Âm mới không? Và có muốn chính tay mình sẽ viết lấy?”[[25]]

***

Đọc kịch bản Người con hoang đàng của Trần Duy Nhiên

Nội dung kịch bản xây dựng theo dụ ngôn Người cha nhân hậu Đức Giêsu kể trong đoạn Tin Mừng (Lc 15, 11-32). Trần Duy Nhiên phân đoạn và viết lời thoại: Vở kịch bố cục 3 phần: phần A, phần Chuyển tiếp và phần B:

PHẦN A:

(Là các lớp đối thoại):

Đối thoại người cha với người anh,

Sau đó là đối thoại người anh với người em. Người em nói lý do ra đi là vì ở nhà, em là người cô đơn. Em ra đi để tìm tình người.

Tiếng nói từ hậu trường: Người con hoang đàng quyết ra đi và không bao giờ trở lại. Nhưng chúng ta còn nhớ rõ Phúc-âm đã nói gì. (Đọc Phúc-âm Luca 15,13-20). “Người con thứ trẩy đi phương xa… và nó đã trỗi dậy mà về cùng Cha nó”.

Kịch tiếp tục với các lớp:

Người anh khuyên cha vào nhà vì ngày nào người cha cũng chờ con.

(Anh đi, Cha đợi. Em trở về chạy đến phủ phục)

(Cha đưa em đi ra, gia nhân cúi chào, rồi vội vã đi hướng khác. Anh vào).

Anh đối thoại với gia nhân.

Anh đối thoại với người cha

Anh đối thoại với người em . (Anh bỏ đi, em chạy theo)

PHẦN CHUYỂN TIẾP:

 (Người Hướng Dẩn ra và nói:)

HD: Thưa (các bạn), trong Kinh Thánh, câu chuyện dụ ngôn đến đây là kết thúc. Nhưng thực ra Lời Chúa không bao giờ là một chấm hết. Lời Chúa luôn đòi buộc ta lên đường…Về phần Chúa mọi việc đều đã rõ. Nhưng phần còn lại thuộc về chúng ta. Người cha đã mở rộng bàn tay hòa giải, nhưng còn chúng ta, những người anh em, chị em trong gia đình ruột thịt cũng như trong gia đình Giáo Hội chúng ta có chịu hòa giải với nhau không?

Thường thường khi diễn đến đây chúng tôi dừng lại để cho khán giả lên trình bày một phương hướng hòa giải giữa hai anh em. Giờ này là giờ của các bạn, xin các bạn hãy đặt mình vào vai người anh hoặc người em để đề nghị một giải pháp…. (Có thể cộng đoàn trao đổi ở đây, nếu có thời gian, trước khi tiếp tục).

          Vì thời giờ có hạn nên hôm nay chúng tôi tạm gợi ý một trong bao nhiêu hướng giải quyết mà bạn trẻ đã từng đề ra. Vậy xin mời người đóng vai người anh ra đây cho chúng tôi phỏng vấn.

            (người anh ra: trả lời phỏng vấn)

PHẦN B:

Anh em nói chuyện hòa giải, cả hai cùng nhận trách nhiệm về phần mình:

Người em nói: Em là người có lỗi, và phải nhận lấy hậu quả chứ không có quyền bắt anh phải chịu đựng em. Vì vậy, anh hãy ở lại để phụng dưỡng Cha già, em sẽ ra đi ngày mai. Nhưng trước khi ra đi, em chỉ xin anh một điều: anh hãy nói rằng anh tha thứ cho em.
          Anh nói với em:  tôi có một phần trách nhiệm trong việc ra đi của chú. Tôi chưa bao giờ thông cảm chú, chưa bao giờ yêu thương chú như Cha đã yêu thương chúng mình.

***

Nhận xét

Trần Duy Nhiên đã “sáng tạo” phần chuyển tiếp, bỏ phần người em đi hoang của dụ ngôn (Lc 15, 11-32), và viết thêm phần B (ngoài dụ ngôn) để giải thích Kinh thánh theo quan điểm của mình.

Kịch bản có tính chất hiện đại. Tác giả mời khán giả tham gia vào vở kịch và mở ra nhiều hướng giải quyết mâu thuẫn kịch. Đây là một điểm đáng ghi nhận về nghệ thuật.

Chủ đề của đọan Kinh thánh là lòng nhân hậu của người Cha (của Thiên Chúa). Chủ đề này không được tô đậm trong kịch bản, trái lại Trần Duy Nhiên khai thác chủ đề “cô đơn” và sự khao khát “tình người” của người em. Người em ra đi vì ở nhà, em là người cô đơn, ra đi để tìm tình người, không phải ra đi để ăn chơi hoang đàng. Tôi e điều này lệch chủ đề đoạn Tin Mừng.

Trần Duy Nhiên bỏ đoạn người em đi hoang, đói khát phải ăn thực phẩm của heo là bỏ đi một phần quan trọng của cốt truyện. Quá trình người em trải nghiệm hiện sinh rồi thức tỉnh trở về là một quá trình đầy kịch tính và cũng đầy nhân tính. Bỏ qua phần này thì không thể giải thích được sự bao dung tha thứ của người cha. Người cha bao dung với em vì em tự ý thức tội lỗi của mình mà trở về. Người Cha nói: Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Chết trong tội lỗi và lạc mất Ơn Cứu Độ). Chính phần tự thức tỉnh có ý nghĩa quyết định. Mỗi người phải tự ý thức tội lỗi của mình mà trở về thì mới được Chúa thứ tha. Người anh không tự ý thức được nên bị trói buộc trong đau khổ, ganh tị.

Rõ ràng Trần Duy Nhiên đã xây dựng vở kịch và giải thích Kinh thánh (phần B) theo cảm quan riêng mà không trình bày một cách khách quan bài học Đức Giêsu dạy theo quan điểm Thần học của Giáo hội. Phải chăng đây là chỗ non tay của tác giả? Gọi là non tay bởi vì: làm hỏng cốt truyện của dụ ngôn, và thêm vào phần B (ngoài đoạn Tin Mừng) giải thích không đúng chủ đề Kinh thánh.

Kịch bản loại này là hình thức “sân khấu hóa” Kinh thánh trong sinh hoạt cộng đồng của giáo dân. Ai cũng thuộc và hiểu dụ ngôn của Chúa. Nếu diễn cho công chúng thế tục, họ sẽ không hiểu đầu đuôi cốt truyện là gì (vì tác giả cắt bỏ đoạn giữa, thêm vào phần B không hợp lý) và làm lệch chủ đề đoạn Kinh thánh.

Trong khóa ba ngày của phong trào Cursillos luôn diễn dụ ngôn “Người con hoang đàng” với mục đích thúc đẩy sự thức tỉnh tâm hồn tham dự viên về lòng nhân hậu của Chúa. Trần Duy Nhiên đã từng tham dự khóa huấn luyện tâm linh này.

KỊCH PHONG TRÀO

Giải VHNT Đất Mới có một số “kịch bản phong trào” có thể diễn trong các sinh hoạt cộng đoàn:

Hành quyết song hùng (Bùi Văn Nghiệp-Sài gòn)

Cha như là một vì sao (Kịch thơ về cha Trương Bửu Diệp tử đạo). Têrêsa Phạm Thị Thanh Lan-Đà Lạt.

Món quà kỳ diệu (Kịch thơ). Maria Đỗ Thị Hồng Nhanh (dòng nữ Đaminh Gò Vấp).

Đứa mục đồng mù. Giuse Nguyễn Văn Hân (ĐCV Đức Mẹ Vô Nhiễm Bùi Chu).

Đi về hướng mặt trời (Kịch bản phim truyện). Đạo diễn Nguyễn Xuân Thành, Hà Nội. Kịch bản này đã được dựng thành phim và được công luận Công giáo cổ vũ.

VĂN HỌC CÔNG GIÁO HẢI NGOẠI

Mời đọc bài «Sơ thảo về văn học Công giáo Việt Nam hải ngoại » của nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh (tôi xin phép lược ghi)[[26]]:

Theo Nguyễn Vy Khanh, Văn học Công giáo Việt Nam ở hải ngoại có những đặc điểm và thành tựu như sau :

            Có thể ghi nhanh rằng Văn-học Công-giáo hải-ngoại do và của người viết Công-giáo ở hải-ngoại, bằng tiếng Việt và trong không khí tự do, dân-chủ, đa dạng và đa văn-hóa!

            Đã có những tạp chí và nhóm như Dân Chúa, Tin Nhà, Định Hướng, Đường Sống, Thời Điểm Công-giáo, Sứ Điệp, Triết Đạo, Diễn Đàn Giáo Dân v.v.  Các nhà văn hóa và văn nghệ sĩ đã khởi sự nghiệp trước 1975 tiếp tục sứ mạng và thêm những tác giả mới: Lm. Nguyễn Tầm Thường, Lm. Trần Cao Tường, Lm. Nguyễn Trung Tây, Đường Phượng Bay, Trần Văn Đoàn, Nguyễn Đăng Trúc, Trần Công Tiến, Nguyễn Văn Thành, Song Thao, Bùi Vĩnh Phúc, Cao Xuân Lý, Hoàng Chính, Trần Mộng Tú, Trần Thu Miên, Vinh Hồ, Trần Phong Vũ, Nguyễn Vy Khanh, Nguyễn Ước, v.v

            Ngoài các sách mục-vụ và rao giảng Tin Mừng thì trong các tác phẩm văn-học nghệ thuật, tính chất đạo Chúa nhẹ nhàng hơn về tính nghệ thuật, văn-chương.

Chủ đề chính là thân phận lưu vong. Ý niệm “lưu đày”, “lưu vong” đã đến rõ nét với văn-chương Việt-Nam và đã thay đổi nội dung nhiều lần. Một đề tài khác đặc-biệt riêng của văn-học hải-ngoại là về những thuyền nhân (và bộ nhân) tị nạn. “Kẻ Lạ” (người ngoài, người xứ khác,..) là đề tài thứ hai thường thấy. Trong diễn trình hội nhập, phát hiện khủng hoảng về cội nguồn, căn cước, diện mạo (ta là ai?). Đề tài Cái Chết trở lại thường xuyên với người viết lưu-vong, ban đầu liên hệ đến sự rời bỏ quê-hương, người thân, về sau do tâm sinh lý của lão hóa. Hội nhập là tình cảnh đối lại với di trú, lưu đày.

Thơ văn sống đạo và tâm linh của người Công-giáo cũng nhiều và khá đa dạng giữa lòng văn-học hải-ngoại. Thơ có Dấu Chân Trên Cát của Trần Phong Vũ, Mưa Nắng Sân TrườngCâu Kinh Tôi Đọc Giữa Đời Thơ của Trần Thu Miên, thơ của Nguyễn Khánh Hòa, Vinh Hồ (Bên Này Biển Muộn ý tình hiện đại trong khuôn khổ cổ điển của thơ luật bên cạnh một số bài tự-do), Vi Vi, v.v., truyện và tiểu-thuyết của Hoàng Thị Đáo Tiệp, Trần Phong Vũ, Hồ Linh, Trần Đình Ngọc, Lm Trần Cao Tường, Gs Trần Văn Toàn, ĐHY Fx Nguyễn Văn Thuận, Hà Thượng Nhân, Phạm Xuân Thu, Nguyễn Văn Thành, Quyên Di, Đường Phương Bay, Lm Lã Mộng Thường, Nguyễn Tất Nhiên, Duyên Anh, Nguyên Sa…

            Nguyễn Vy Khanh cũng giới thiệu các nhà biên khảo: Kim Định, Nguyễn Hữu Mục, Võ Long Tê, Nguyễn Khắc Xuyên, Lm Vũ Đình Trác, Gs Trần Văn Đoàn, Đỗ Quang Vinh, Bùi Vĩnh Phúc, Cao Thế Dung, Nguyễn Đăng Trúc, GS Trần Văn Toàn, GS Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Lục, Nguyễn Vy Khanh…

            Các tác giả trẻ “Cách tân”: Khải Minh, Nguyễn Thụy Đan, Trangđài Glassey-Trầnguyễn

            Báo chí Công giáo: Dân Chúa, Dân Chúa Châu Âu, Dân Chú Úc châu, Trái tim Đức Mẹ, Chính nghĩa, Đường Sống, Cộng đồng tu sĩ, Liên lạc, Chứng nhân Công giáo, Người tín hữu, Thời điểm Công giáo Việt Nam, Diễn đàn giáo dân, Dấn Thân, Triết đạo, Đất Mẹ

            Nguyễn Vy Khanh nhận xét:

   “Hiện nay các tác-phẩm của các nhà văn Công-giáo thường có tính xã hội, tôn giáo và tâm linh hơn là văn-chương! “.

            (Mời đọc thêm bài viết của Bùi Công Thuấn: Thơ Trần Mộng Tú, Truyện ngắn Nguyễn Trung Tây-truyền thống và hiện đại, nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh).

            NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CÔNG GIÁO

            Trong bài ghi nhanh-Các nhà nghiên cứu Công giáo, tôi ghi nhận 27 nhà nghiên cứu người Công giáo (còn một số vị tôi không tìm được tiểu sử chính xác nên không ghi vào danh sách dưới đây):

            Vũ Văn Kính (1919-2009), Nguyễn Khắc Xuyên (1923-1993), GS Lm Thanh Lãng (1924-1988), Lm Nguyễn Hưng (1927-2010), Lm Vũ Đình Trác (1927-2003), Võ Long Tê (1927-2017), Lm Giuse Đỗ Quang Chính (1929-2012), GS Nguyễn Văn Trung (sinh 1930), Lê Phụng (1933-2017), Lê Ngọc Bích (1933-2009), Nguyễn Văn Lục (sinh 1938), Lm GoanKim Nguyễn Hoàng Sơn (sinh 1942), Lê Đình Bảng (sinh 1942), Lm Giuse Trương Đình Hiền (sinh 1950), Nguyễn Vy Khanh (sinh 1951), TS-Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông (sinh 1957), Lm Phaolô Nguyễn Minh Chính (sinh 1958), Lm. Gioan Võ Đình Đệ (Sinh 1960), TS Liễu Trương (Paris), Phêrô Lê Minh Sơn (sinh 1968), Lm Phanxicô Xavie Nguyễn Hai Tính (sinh 1972), ThS Lê Thị Hà (sinh1984), Nt Đinh Thị Oanh (sinh 1986), Nt Agata Nguyễn Thị Kim Tuyến, Maria Teresa Nguyễn Thị Thắm (sinh 1979), ThS. Nguyễn Thị Kim Hồng(sinh 1989), Đinh Phạm Phương Thảo (sinh 2000)…

(Mời đọc bài: Bùi Công Thuấn-Các nhà nghiên cứu Công giáo)[[27]]

            BÁO CHÍ CÔNG GIÁO

            Mời đọc bài :

            -TS Phạm Huy Thông-Diện mạo của báo chí Công giáo ở Việt Nam.

– GS.TS Đỗ Quang Hưng-« Chặng đường 40 năm “Công Giáo và Dân Tộc” như tôi biết” [[28]].

***

Tôi xin phép hai tác giả, lược ghi một vài thông tin của hai bài viết trên:

1.Báo chí Công giáo ở Việt Nam:

            Trước 1945: Nam Kỳ địa phận (1908-1945), sang đẩu thế kỷ XX, “Hầu như giáo phận nào, dòng tu nào cũng ra báo”.

          Trước 30/4/1975:

          Sau cách mạng tháng 8-1945, hầu như tất cả các tờ báo Công giáo đều đóng cửa. Miền Bắc chỉ còn tờ Chính nghĩa của Uỷ ban Liên lạc Công giáo ra đời từ năm 1955.

 Sau năm 1954, tại miền Nam, báo Công giáo bắt đầu hồi phục và phát triển

mạnh. Khó có thể kể tên hết các tờ báo Công giáo thời kỳ này, hầu như các dòng tu, hội đoàn, trường học Công giáo đều có tờ báo riêng. Thời kỳ này xuất hiện nhiều tờ báo có khuynh hướng đấu tranh cho độc lập dân tộc và canh tân giáo hội.

          Sau 30/4/1975, có các tờ báo: Chính nghĩa, Công giáo và Dân tộc (của Ủy baqn đoàn kết Công giáo Tp HCM), Bản tin Hiệp thông (của Hội đồng giám mục Việt Nam được cấp phép ngày 26-7-2001)

            Ở hải ngoại có các tờ báo: Chuông Việt, Chân trời mới, Nguyệt san Dân Chúa, Đức Mẹ hằng cứu, Thời Điểm Công Giáo 

2. Báo “Công Giáo và Dân Tộc

    Tờ báo không trực thuộc Giáo hội Công giáo Việt Nam.

    Công giáo & Dân tộc khai sinh và xuất bản ở Paris, Pháp (năm 1970) do nhóm Huynh đệ Việt Nam – đứng đầu là linh mục Nguyễn Đình Thi.

Tờ báo là cơ quan ngôn luận của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ chính trị của báo chí Việt Nam do Đảng lãnh đạo.

Bài viết là ý kiến riêng của Gs-Ts Đỗ Quang Hưng về tờ Công giáo và Dân tộc dưới góc nhìn chính trị của một nhà nghiên cứu.

Ban Văn hóa Quy Nhơn đã  thực hiện hai tờ báo Bông Hồng nhỏMục Đồng. Mục đích của tờ báo là quy tụ tài năng trẻ văn học Công giáo từ các giải Viết văn đường trườngVHNT Đất Mới. Trong tương lai, tờ Mục Đồng có thể vươn tới tầm vóc một tờ văn học Công giáo cho cả nước.

                                                                        ***

                ĐẶC ĐIỂM VĂN HỌC CÔNG GIÁO « THỜI KỲ HỘI NHẬP » 

                                                       (từ 1980 đến nay)

  1. Gần 50 năm qua (1975-2022), đất nước đã hòa bình thống nhất, đã hội nhập toàn

cầu hóa và phát triển, song quá trình hội nhập dân tộc (ngôn ngữ chính trị gọi là « hòa hợp hòa giải ») diễn ra khá chậm. Đến nay, sinh hoạt Công giáo đã hoàn toàn thống nhất Bắc Nam với đường hướng « Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc », xã hội đã dần dần vượt qua những định kiến lịch sử về Công giáo. Người Việt Công giáo trong và ngoài nước đã có sự hiểu biết nhau nhất định (tuy vẫn có nhiều khác biệt văn hóa).

            2.Văn học Công giáo Việt Nam có hai bộ khác nhau: Văn học Công giáo Việt Nam trong nước và văn học Công giáo Việt Nam hải ngoại. Tuy cùng chung đức tin, cùng chung nhiệm vụ loan báo Tin Mừng song có hai bộ phận này thuộc về hai thế hệ tác giả khác nhau, sinh hoạt ở những môi trường văn hóa khác nhau, phản ánh hiện thực cộng đồng tôn giáo khác nhau, và  thái độ diễn ngôn khác nhau.

Nhà văn Công giáo hải ngoại đa phần là thuộc thế hệ trước 1975, từ miền Nam Việt Nam đi định cư nước ngoài vì nhiều lý do. Họ đối mặt với sự khác biệt văn hóa nước sở tại, họ mang nặng quá khứ với nhiều mặc cảm và họ nhìn về Việt Nam với những nhận thức khác với người Công giáo trong nước (xin đọc truyện ngắn của Lm Nguyễn Trung Tây, tiểu thuyết Ôi tội hồng phúc của Têrêsa Nguyễn Phương Thảo và thơ Trần Mộng Tú…)

Nhà văn Công giáo trong nước, những người thuộc thế hệ trước 1975 có tâm thế ưu tư khác với thế hệ trẻ hồn nhiên (xin đọc thơ Trần Vạn Giã, văn Nguyễn Đức Thông, của Nguyễn Thị Khánh Liên, Vinh Kiu). Người thuộc thế hệ trước cố gắng vượt qua những vết hằn của lịch sử để bắt nhịp với thời đại mới, thế hệ trẻ nỗ lực gìn giữ truyền thống để hướng đến tương lai.

3. Số lượng người Công giáo cầm bút khá đông đảo, song « nhà văn Công giáo », viết những tác phẩm « văn học Công giáo » đứng được trên diễn đàn văn học nghệ thuật là rất ít.

Dù vậy, ý thức xây dựng một nền văn học Công giáo là rõ nét và có những thành tựu vượt trội so với giai đoạn trước. Xin đọc 15 tác phẩm của Song Nguyễn, truyện  ngắn của Lm Nguyễn Trung Tây, truyện của Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông, thơ và truyện ngắn của Lm Cao Gia An,  thơ Công giáo của Trần Mộng Tú, thơ của Lê Đình Bảng, Xuân Ly Băng, Sơn Ca Linh; tiểu thuyết Ôi tội hồng phúc của Têrêsa Nguyễn Phương Thảo, tập truyện Sông chảy về đâu của nhà văn trẻ Nguyễn Thị Khánh Liên, Truyện dài Đóa hồng thứ 40 của Vinh Kiu…

Số nhà nghiên cứu văn hóa, văn học Công giáo (gồm cả người Công giáo và người ngoài Công giáo) ngày càng đông hơn và có sự quan tâm hơn hẳn giai đoạn trước (tôi đặc biệt quan tâm đến những nhà nghiên cứu trẻ như Ths Lê Thị Hà (Viện Hán Nôm), Nt Agata Nguyễn Thị Kim Tuyến, Nt Bích Hạt, Nt Đinh Ngọc Oanh…. Những giá trị của Văn học Công giáo có sức thu hút nhiều nghiên cứu sinh, nhiều sinh viên viết luận văn thành công hơn giai đọan trước. Gần đây là Ths Nguyễn Thị Kim Hồng với luận văn Thạc sĩ: «Đức tin trong thơ Công giáo Việt Nam hiện đại (Qua 5 tập Có một vườn thơ đạo); Sinh viên Đinh Phạm Phương Thảo chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học năm 2020-2021: “Tuồng Thương khó của Nguyễn Bá Tòng, một vở kịch hiện đại đầu thế kỷ XX”. Nt Đinh Ngọc Oanh nghiên cứu sinh Tiến sĩ nghiên cứu về tuần báo Nam Kỳ địa phận. Khóa luận tốt nghiệp Đại học của Nguyễn Mạnh Phong, (ĐH KHXH&NH Tp HCM) năm 2018: “Từ quan điểm của Alan Dundes, khảo sát Kinh thánh như một hiện tượng folklore”; sinh viên Phùng Thị Phương Thảo, ĐH KHXH&NH Tp HCM, khóa luận tốt nghiệp năm 2020, nghiên cứu “Tiểu thuyết tôn giáo trên Nam Kỳ địa Phận”;…

4. Đã đến lúc giáo hội (Hội đồng Giám mục Việt Nam) thực sự quan tâm đến việc xây dựng một nền văn học Công giáo trong Mục vụ văn hóa của Giáo hội, có vậy văn học Công giáo mới có cơ may phát triển. Tình trạng “tự phát” của văn học Công giáo giống như người gieo hạt, may ra có hạt gieo vào đất tốt, còn không sẽ thui chột đi mất. Suốt gần 50 năm từ 1975 đến nay, vốn liếng văn học Công giáo còn quá ít ỏi so với yêu cầu và thực lực của người Công giáo viết văn, và so với sứ mệnh loan báo Tin Mừng.

***

TỔNG QUAN

  1. Trong tiến trình lịch sử 400 năm, chưa bao giờ văn học Công giáo là một nền văn học

được xây dựng một cách có ý thức, có tổ chức, có tôn chỉ hoạt động, có kế thừa và phát triển. Những gì Văn học Công giáo có được đến hôm nay chỉ là tự phát của cá nhân tác giả.

Giáo hội coi văn học là công cụ truyền giáo nên việc xây dựng một nền văn học Công giáo không phải là mục đích. Văn học Công giáo đành chịu phận đứng bên lề văn học dân tộc. Cho đến nay cũng chưa có một công trình văn học sử chính thống nào ghi nhận văn học Công giáo là một bộ phận của văn học dân tộc như thơ Thiền Lý-Trần, một nền thơ làm nên diện mạo văn học Việt Nam thế kỷ X-XV.

            Thực tế này đòi hỏi các nhà văn, nhà thơ Công giáo nỗ lực sáng tạo hơn nữa; các nhà nhà nghiên cứu Công giáo cần có nhiều công trình chuyên sâu hơn, việc sưu tầm tác phẩm văn học Công giáo và thành lập thư viện Công giáo là rất cấp thiết. Giáo hội cần đặt việc sáng tác và nghiên cứu văn học Công giáo thành một hoạt động trong Mục vụ văn hóa của mình, nghĩa là xây dựng một nền văn học có ý thức.

2.Trong thực tế, Văn hóa Công giáo đã góp phần vào công cuộc xây dựng văn hóa dân

tộc ở nhiều lĩnh vực. Cũng vậy, Văn học Công giáo cũng đã góp phần tích cực vào sự phát triển của căn học dân tộc. Cụ thể là:

Văn học Công giáo đem đến cho văn học dân tộc tư tưởng Thần học và Mỹ học Kitô giáo, thay thế hẳn ảnh hưởng tư tưởng phong kiến; ảnh hưởng văn hóa, điển ngữ văn học Trung quốc (cái mà ngày nay được gọi là ý thức thoát Trung).

Văn học Công giáo góp phần hiện đại hóa văn học Việt Nam (về nội dung, tư tưởng, thi pháp) với những tác phẩm tiên phong như tiểu thuyết Quốc ngữ đầu tiên: Truyện Thầy Laza rô Phiền của Nguyễn Trọng Quản, tuồng Quốc ngữ đầu tiên là Tuồng Cha Minh (1881), Hàn Mạc Tử góp phần hiện đại hóa thơ Việt… Tuần báo Nam Kỳ địa phận (1908-1945) đóng góp nhiều giá trị cho báo chí Việt ngữ buổi đầu.

Văn học Công giáo đem đến cho văn học Việt Nam những hình tượng mới (thí dụ hình tượng Inê Huỳnh Thị Thanh trongInê tử đạo vãn là một nhân vật hiện thực, một phụ nữ Việt trung kiên trong đức tin, khác hẳn với Thúy Kiều của Nguyễn Du và Kiều Nguyệt Nga của Nguyễn Đình Chiểu là những nhân vật Trung Quốc minh họa cho đạo đức phong kiến.

Văn học Công giáo Việt Nam phản ánh một hiện thực mới, khai thác những quặng mỏ, vỉa tầng văn hóa mới bổ sung vào văn học dân tộc (xin đọc, Thuật tích việc nước Nam của Lm Đặng Đức Tuấn, Truyện thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản, 15 tập truyện của Song Nguyễn, 5 tập truyện của Nguyễn Đức Thông, 6 tập thơ Lê Đình Bảng…)

Văn học Công giáo Việt Nam đem đến cho văn học dân tộc vốn từ ngôn ngữ “nhà đạo”, làm phong phú ngôn ngữ Việt (thí dụ vốn từ trong thơ Hàn Mạc Tử rất lạ so với ngôn ngữ thơ đương thời), sáng tạo thế giới nghệ thuật mới (thế giới nghệ thuật trong thơ Lê Đình Bảng, trong văn của Song Nguyễn…)

Văn học Công giáo là khuôn mặt văn hóa, là tiếng nói của người Công giáo, một bộ phận trong cộng đồng dân tộc, những tiếng nói có trách nhiệm với dân tộc. Xin đọc: các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ, tác phẩm của Lm Đặng Đức Tuấn, vẻ đẹp văn hóa Việt trong thơ Lê Đình Bảng, ý thức của giáo dân, Linh mục “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” trong bộ truyện dài Đất Mới của Song Nguyễn,,,)

            Tất cả những giá trị của văn học Công giáo trong tương quan với  lịch sử và văn học dân tộc cần được nghiên cứu sâu rộng, có vậy mới có thể khẳng định được nền văn học Công giáo là một bộ phận của văn học dân tộc.

3.Nhìn suốt tiến trình 400 năm văn học Công giáo, nỗ lực « hội nhập » với dân tộc

được thực hiện ngay từ những bước đi đầu tiên. Majorica viết những tác phẩm chữ Nôm chính là sự hội nhập bằng ngôn ngữ và văn hóa. Những thể loại Diễn ca, Huấn ca, Vãn, truyện hạnh thánh đều là những thể loại của văn học dân tộc, được vận dụng tự nhiên cho sáng tạo văn học Công giáo. Thể lục bát, Song thất lục bát, thi pháp ca dao được tiếp tục làm mới trong tác phẩm văn học và đặc biệt trong Kinh sách. Những thể loại đó đến nay đã thành truyền thống của văn học Công giáo và trở thành một dòng văn học chảy suốt 400 năm. Diễn ca Kinh thánh luôn được các tác giả đương đại phát triển. Nhiều sách Kinh thánh đã được chuyển thể diễn ca (Sứ điệp tình thương, Nxb Tôn Giáo 2001 của Lm Fx Nguyễn Xuân Văn với 9760 câu Lục bát là một thí dụ).

            Việc hội nhập với văn học dân tộc còn được thực hiện bằng cách xây dựng những hình tượng con người Việt Nam. Chẳng hạn, Inê tử đạo Vãn xây dựng hình tượng người phụ nữ Việt kiên trung trong đức tin. Tuồng Cha Minh viết về thánh Philipphê tử đạo Phan Văn Minh (tuồng Việt, cốt truyện, nhân vật Việt). Ngay cả hình tượng Đức Maria cũng được Việt hóa rất đẹp, rất gần gũi trong thơ Lê Đình Bảng (xin đọc tập thơ Quỳ trước đền vàng, Nxb Tôn Giáo. 2010), Có thể tìm thấy hình ảnh người Công giáo Việt Nam suốt từ những năm trước 1945 đến đầu thời kỳ « đổi mới » (1986) trong các tập truyện của Song Nguyễn, của Nguyễn Đức Thông. Và ngay cả các truyện ngắn của Lm Nguyễn Trung Tây viết cho độc giả người Việt ở hải ngoại cũng ấp ủ khát vọng bảo tồn ngôn ngữ, gìn giữ văn hóa Việt cho các thế hệ Việt Kiều thứ hai, thứ ba…

            Văn học Công giáo Việt Nam gắn bó với dân tộc như vậy nhưng tại sao vẫn chưa trở thành một bộ phận văn học dân tộc? Có lẽ do những định kiến lịch sử xã hội trong suốt 400 năm đạo Công giáo truyền vào Việt Nam mà văn học Công giáo chịu số phận thiệt thòi chăng? Chẳng hạn, thời nhà Nguyễn đã coi Công giáo là « tả đạo », đạo Nho mới là « chính đạo », chỉ vì người ta ngộ nhận đạo Công giáo không cho thờ ông bà (bất hiếu) ; cho đến nay, dư luận xã hội vẫn phản đối A. Rhodes về những « tư tưởng » của ông trong « Phép giảng tám ngày », …

            Giáo hội Việt Nam ngay từ những ngày đầu đất nước thống nhất đã đề ra đường hướng « Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc », đó là đường hướng gắn bó với dân tộc, vì thế văn học Công giáo cần phải hội nhập với dân tộc sâu sắc hơn nữa. Đức Giêsu ngày xưa đã nhập thể và hòa mình với mọi kiếp người thế nào thì Văn học Công giáo hôm nay cũng cần phải « nhập thể » với cộng đồng dân tộc mình như thế, đó cũng là yêu cầu Phúc Âm hóa môi trường của Giáo hội.

4.Xét đến cùng, Văn học Công giáo Việt Nam chưa có tác phẩm lớn ; hơn thế, còn quá ít tác phẩm hòa vào dòng chảy văn học yêu nướcvăn học nhân đạo chủ nghĩa của dân tộc.

5. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II dạy: “…Giáo Hội vẫn không ngừng trân trọng giá trị của nghệ thuật. Ngay cả khi không phải là những cách diễn tả tôn giáo điển hình, nghệ thuật chân chính vẫn rất gần gũi với thế giới đức tin, đến nỗi ngay trong những tình huống văn hóa và Giáo Hội cách biệt nhau, nghệ thuật vẫn là cây cầu đưa ta đến với kinh nghiệm tôn giáo.”(Thư gửi nghệ sĩ năm 1999). Đã đến lúc Giáo hội mời gọi các nhà văn ngoài Kitô giáo, những người “thiện tâm” được Chúa chúc bình an trong đêm Giáng Sinh, viết tác phẩm văn học Công giáo (sáng tác và nghiên cứu…).

Tháng 4/ 2022

(Tác giả giữ bản quyền)

Bạn có thể download bài viết theo link:

https://www.mediafire.com/file/xqdjvhkhbyxdu88/TỔNG+QUAN+VỀ+TIẾN+TRÌNH+VHCG-official.rar/file


[1] Nguyễn Đức Thông-Văn học Công giáo từ 1620 đến nay:

https://denthanhanrephuyen.org/lm-daminh-nguyen-duc-thong-trinh-bay-de-tai-van-hoc-cong-giao-tu-nam-1620-den-nay/

[2] Nguyễn Vy Khanh-Đôi nét về văn học Công giáo Việt Namhttps://sites.google.com/site/nguyenvykhanhca/tuy%E1%BB%83n-t%E1%BA%ADp/%C4%91%C3%B4i-n%C3%A9t-v%E1%BB%81-v%C4%83n-h%E1%BB%8Dc-c%C3%B4ng-gi%C3%A1o-vi%E1%BB%87t-nam

[3] Georg Schurhammer-Nền văn chương Công giáo về Phaxi cô Savie tại Việt Nam, bản dịch Tiếng Việt của Đỗ Văn Anh và Trương Bửu Lâm: http://ttntt.free.fr/archive/vanchuongCG.html

[4] Lê Đình Bảng-Văn học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường. Nxb Tự điển Bách Khoa 2010, tr.124

[5] Gioakim Đặng Đức Tuấn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Gioakim_%C4%90%E1%BA%B7ng_%C4%90%E1%BB%A9c_Tu%E1%BA%A5n

[6] Vũ Thu Hà & Đặng Ngọc Quỳnh- Lm Đặng Đức Tuấn và cuốn sách Thuật tích việc nước Nam:

http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=496&Catid=225

[7] Khổng Thành Ngọc-Đọc Phi Năng thi tập của thánh Philipphê Phan Văn Minh:

https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/doc-phi-nang-thi-tap-cua-thanh-philipphe-phan-van-minh-40259

[8] Nguyễn Vy Khanh-Trương Vĩnh Ký và các tác-phẩm văn xuôi quốc-ngữ tiền phong

[9] Liễu Trương –Trương Vĩnh Ký, Nhà Văn Hóa Tiên Phong

 http://giaoxuvnparis.org/bai-viet/208-truong-vinh-ky-nha-van-hoa-tien-phong.html

[10] Hương Vĩnh-Lm Giuse Maria Nguyễn Văn Thích: http://www.conggiaovietnam.net/index.php/index.php?m=module3&v=chapter&ib=20&ict=242)

[11] Ðức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ-Vụ Án Phong Thánh. 1987

https://vntaiwan.catholic.org.tw/ghvienam/tudaovn4.htm

[12] Đào Thị Thu Thủy, “Về thể loại ngâm khúc”, Tạp chí nghiên cứu Văn học, số 2 năm 2005

[13] Nt Đinh Thị Oanh-Khái lược Nam Kỳ Địa Phận: Tờ báo Công giáo đầu tiên ở Việt Nam

https://dongtrinhvuongsaigon.org/vi/news/sach-hay/tuan-bao-nam-ky-dia-phan-916.html

[14] Nguyễn Vy Khanh-Đôi nét về văn học Công giáo Việt Nam

https://sites.google.com/site/nguyenvykhanhca/tuy%E1%BB%83n-t%E1%BA%ADp/%C4%91%C3%B4i-n%C3%A9t-v%E1%BB%81-v%C4%83n-h%E1%BB%8Dc-c%C3%B4ng-gi%C3%A1o-vi%E1%BB%87t-nam

[15] Đặng Tiến-Nhà văn Thảo Trường

http://www.art2all.net/tho/dangtien/dt_thaotruong2.htm

[16] Đăng Huỳnh: Nhà văn 83 tuổi kể chuyện “Biến khỏi thành phố”

https://baocantho.com.vn/nha-van-83-tuoi-ke-chuyen-bien-khoi-thanh-pho–a118238.html

[17] Nguyễn Vy KhanhVài Ghi Nhận Về Kịch

[18] Phạm Huy Thông – “Diện mạo của báo chí Công giáo ở Việt Nam

http://www.vietcatholicnews.net/News/Html/67554.htm

[19] Bùi Công Thuấn-Thơ ca Công giáo Việt Nam đương đại-Những sáng tạo mới

https://www.vanthoconggiao.net/2022/04/tho-ca-cong-giao-viet-nam-uong-ai-nhung.html

[20] Mời đọc chuyên luận: Bùi Công Thuấn-Tiếp cận thế giới nghệ thuật Song Nguyễn. Nxb HNV 2014, tái bản 2019

https://www.mediafire.com/file/piaiojap3jg7cnl/5_TI%25E1%25BA%25BEP_C%25E1%25BA%25ACN_SN_t%25C3%25A1i_b%25E1%25BA%25A3n_2019.rar/file

[21] Bùi Công Thuấn-Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông và những vần để thời đại

https://www.vanthoconggiao.net/2022/05/gioi-thieu-khuon-mat-van-xuoi-cong-giao.html

[22] Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ ghi dấu 40 năm hiện diện

http://congdoanvinhhatinh.com/index.php/news/Tin-Giao-hoi/Nhom-phien-dich-Cac-Gio-Kinh-Phung-Vu-ghi-dau-40-nam-hien-dien-472/

[23] Lm An-bê-tô Trần Phúc Nhân-Các bản dịch toàn bộ Kinh Thánh sang tiếng Việt

https://ktcgkpv.org/articles/get-article?id=41

[24] Những kỷ niệm về GS Trần Duy Nhiên

Nguồn: http://ttntt.free.fr/archive/tranduynhien7.html

[25] Cuốn Phúc Âm Thứ Năm” của Trần Duy Nhiên

https://gphaiphong.org/gioi-thieu-sach/cuon-phuc-am-thu-nam-cua-tran-duy-nhien-8593.html

[26] Nguyễn Vy Khanh-Sơ khảo về văn học Công giáo Việt Nam hải ngoại

Nguồn: Hướng đến 400 năm văn học Công giáo Việt Nam. Bản điện tử lần thi71 I, trang 496

[27] Bùi Công Thuấn-Các nhà nghiên cứu Công giáo

     https://www.vanthoconggiao.net/2022/04/cac-nha-nghien-cuu-cong-giao-tac-gia.html 11/4/22

[28] Đỗ Quang Hưng-Chặng đường 40 năm “Công giáo và Dân tộc” như tôi biết

    http://www.cgvdt.vn/cong-giao-viet-nam/cha-ng-duo-ng-40-nam-cong-giao-va-dan-toc-nhu-toi-biet_a1074

   Ts Phạm Huy Thông-Diện mạo của báo chí Công giáo ở Việt Nam

http://www.vietcatholicnews.net/News/Html/67554.htm

LM ĐAMINH NGUYỄN ĐỨC THÔNG & Những vấn đề thời đại

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

Giới thiệu khuôn mặt văn xuôi Công giáo đương đại

LM. ĐAMINH NGUYỄN ĐỨC THÔNG

& Những vấn đề của thời đại

Bùi Công Thuấn

***

Lm Đa Minh Nguyễn Đức Thông CSsR. Sinh năm 1957. Chịu chức Linh mục năm 1993; Tiến sĩ ngành Giáo dục Tôn giáo tại Đại học De la Salle, Manile. Hiện đang là phó Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Giảng dạy tại: Đại Chủng viện Saigon, Học viện Công giáo. Tác phẩm văn học chính:

Nắng chiều tàn tạ. 7 truyện ngắn. Nxb Đồng Nai, 2003.

Rừng cao su thay lá. 5 truyện ngắn. Nxb Đồng Nai, 2005.

Hoa tươi trong vùng cát. 3 truyện ngắn. Nxb Đồng Nai, 2006.

Sỏi đá nở hoa. 3 truyện ngắn. Nxb Đồng Nai, 2011.

Trăng rằm trên phố núi. Tiểu thuyết. Nxb Hồng Đức, 2018.

Bạn đọc sẽ hỏi văn chương Nguyễn Đức Thông có gì đặc sắc? Nguyễn Đức Thông có đóng góp gì cho tiến trình văn học Công giáo Việt Nam, và đọc văn Nguyễn Đức Thông, người đọc sẽ tiếp nhận được gì?

Những câu hỏi ấy là những vấn đề của lý luận văn học về phong cách văn chương, giá trị văn chương và tiếp nhận văn học. Có thể khẳng định tác phẩm văn chương của Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông là những câu chuyện hấp dẫn, giàu ý nghĩa tư tưởng, là tiếng nói mạnh mẽ của lương tâm Công giáo trước những vấn đề của thời đại.

NHỮNG CÂU CHUYỆN HẤP DẪN

            (Trước hết tôi xin phép chỉ gọi tên tác giả mà không gọi chức danh xã hội Linh mục-Tiến sĩ, bởi chức danh không liên quan gì đến việc sáng tạo nghệ thuật. Nhà văn là người sáng tạo. Chúng ta nhắc đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Phan Bội Châu mà không kèm theo chức danh xã hội của các vị ấy là vậy)

Nguyễn Đức Thông kể những câu chuyện hết sức phức tạp, thật khó tóm tắt, bởi văn bản tóm tắt đánh mất sự hấp dẫn của câu chuyện. Truyện chỉ còn lại một bộ xương khô. Cái hay của truyện Nguyễn Đức Thông nằm trong việc miêu tả cảnh sắc, trong việc dựng lại những sinh hoạt đời thường sống động, trong những đối thoại nảy lửa và trong những tình huống kịch tính. Dầu vậy, tôi cũng xin tóm lược một vài truyện để chia sẻ với bạn đọc không có điều kiện tiếp cận với văn bản tác phẩm, để từ đó tìm hiểu giá trị văn chương của Nguyễn Đức Thông. Xin lưu ý, tác giả nói rõ đây là các tác phẩm hư cấu (tưởng tượng, sáng tạo), nên bạn đọc không đối chiếu với bất cứ nhân vật nào trong hiện thực để suy diễn chuyện này chuyện kia, lệch với thông điệp của tác giả.

Nguyễn Đức Thông có một mảng truyện riêng viết về cuộc đời của Linh mục, nữ tu. Ở mảng truyện này, nhà văn gíao dân không thể sánh được.

Trăng rằm trên phố núi (tiểu thuyết) kể lại cuộc đời Lm Giuse Chu Thanh Liêm,Tỉnhdòng thánh Anselmô Việt Nam.

Mở đầu truyện là cảnh nhà dòng Anselmô bầu Giám tỉnh mới là cha Giuse Chu Thanh Liêm, người mới ở Phi về, được hơn một tháng. Giám tỉnh cũ đã làm 3 nhiệm kỳ.

Liêm sinh trưởng trong một gia đình Bắc di cư, dân Hưng Yên, sống bên kia sông Đồng Nai, cách Hố Nai chưa đầy 20km. Thời ông Ngô Đình Diệm, gia đình Liêm phải vào ấp chiến lược. Tròn 12 tuổi, Liêm thi đậu vào chủng viện. Sau 5 năm chủng viện, lên lớp 10, Liêm về nhà vì không hợp ơn gọi Linh mục triều. Cha linh hướng nói Liêm thích hợp tu dòng.

            Liêm được giới thiệu vào dòng Anselmô. Đặc sủng của dòng là rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. Đầu tháng 4/ 1975, Viện Đệ tử giải tán. Liêm về nhà. Khi Long Khánh bị tấn công, trên đường chạy loạn, Liêm bị bắt, rồi được thả.

Trong khi chờ trở lại nhà dòng, học xong 12, theo luật dòng, Liêm phải vào đời 4 năm rồi trở lại tu. Liêm xin làm ở trại heo, được ít bữa thì bị đuổi. Liêm xin làm lơ xe đi Vinh. Chứng kiến cảnh chủ xe gian dối và đám lơ xe sống trụy lạc của, Liêm bỏ việc.

            Liêm đậu vào học Đại học Sư phạm. Trong thời gian học tập, Anh chịu nhiều áp lực và có lúc khủng hoảng đức tin. Ra trường, Liêm đi dạy được một năm rồi trở về nhà tập. Khấn xong Liêm lên học viện. Tình hình tôn giáo khó khăn. Liêm được truyền chức Linh mục “chui” ở Nha Trang. Đức Giám mục dặn Liêm: “Đọc Tin Mừng hàng ngày, tin điều con đọc, giảng điều con tin và sống điều con giảng”;“Dâng lễ thì, ý thức việc con làm, noi theo điều con thực hiện và rập đời sống con theo khuôn mẫu mầu nhiệm thánh giá Chúa”.

             Trở về, Liêm bị an ninh tôn giáo mời làm việc. Họ hỏi Liêm, ai truyền chức, truyền chức ở đâu, đã dâng lễ ở đâu, có đăng ký tạm trú không. An ninh kết luận, việc truyền chức của Liêm là vi phạm nghị định 69 của Chính phủ, vi phạm thông tư của Ban Tôn giáo chính phủ. …họ bắt Liêm bắt cam kết rồi cho về. Để tránh phiền hà, cha Giám tỉnh khuyên Liêm xin học bổng du học. Liêm đi Philippines.

            Sau 5 năm học ở Philippine, Liêm trở về Việt Nam, lúc ấy ông Lịch (cha của Liêm) đã qua đời. Liêm lên Pleichoi, một cơ sở dòng có người bạn làm Bề trên. Sau 2 năm, Liêm vẫn không có bài sai chính thức. Người ta tính toán đẩy Liêm đi chỗ khác vì nhà dòng sắp đến kỳ bẩu cử Bề trên mới. Giám tỉnh Thiên giao quyết định cử Liêm đi giúp cộng đoàn Palawan ở Philippines.

            Đêm ấy Liêm bay đi Philippines thì sáng hôm sau, ở nhà, công an đến báo cho nhà dòng rằng Liêm đã bị xe container cán chết. Họ đưa cho nhà dòng bằng lái và giấy tờ của Liêm. Nhà dòng đem xác Liêm về và làm lễ tang (xác bị cán nát không thể nhận dạng). Bà Lịch, mẹ của Liêm không tin con mình chết.

            Đến Palawan, Liêm được bổ nhiệm làm Tuyên úy làng Việt Nam và là cha sở giáo xứ Các Thánh Tử Đạo. Công việc tiến triển tốt đẹp, Liêm gửi thư về nhà dòng. Giám tỉnh Thiên nhận được thư biết Liêm còn sống thì tìm cách đối phó. Ông ta gửi thư cho Giám mục ở Phi báo Liêm đã chết. Người gọi là Liêm ở giáo xứ Các Thánh Tử Đạo là Linh mục giả. Liêm bị tòa Giám mục ở Phi đình chỉ mọi hoạt động mục vụ. Liêm trở về đời thường như một thầy tu.

            Vì rất đẹp trai, Liêm bị nhiều phụ nữ tấn công. Họ xuyên tạc đủ điều. Họ thách thức nhau gài bẫy Liêm. Trong tâm hồn Liêm luôn vang lên lời Chúa: “Con hãy đi lên, đừng dừng lại, trên kia mới có vinh quang vĩnh cửu. Dưới này, chỉ toàn phù vân”. Nhờ đó Liêm chiến thắng được những cơn cám dỗ. Liêm chia sẻ kinh nghiệm: “Cầu nguyện và trung thành với việc cầu nguyện ta sẽ làm được mọi sự vùi lúc ấy không phải ta mà là Chúa làm”.

Ở Phi, Đức Giám mục thấy Liêm chuyên cần cầu nguyện và sống đời tu, ngài tham khảo ý kiến cha Tổng đại diện và giáo dân, rồi cho Liêm học Chủng viện. Liêm chỉ phải học 2 năm Thần học, không phải giúp xứ. Khi có đợt chịu chức, Liêm từ chối vì nói mình đã chịu chức rồi và xin về Việt Nam. Liêm được minh oan vì người chết là Mẫn, em nuôi của Liêm. Lúc ra sân bay đi Phi, Liêm đưa giấy tờ xe cho Mẫn. Trên đường về, Mẫn bị tông xe chết. Người ta tìm thấy giấy tờ của Liêm nơi xác của Mẫn và tưởng người chết là Liêm.

Liêm trở về Việt Nam và được Tuấn đón. Lúc ấy đã khuya. Sáng hôm sau, trong thánh lễ, Tuấn giới thiệu Liêm, người đã chết sống lại. Cả cộng đoàn nhà dòng đón mừng.

            Trong tiểu thuyết Trăng rằm trên Phố Núi, tác giả đặt ra nhiều vần đề của đời sống Linh mục. Trước hết là những khó khăn của hoàn cảnh lịch sử trước và sau 1975, khó khăn do sự tranh giành địa vị, tình trạng phe nhóm và sự tha hóa ngay chính trong dòng tu. Liêm bị loại trừ. Riêng với Liêm, luôn bị cám dỗ bởi các cô gái đẹp từ khi còn học Sư phạm, đi dạy đến khi sang Phi, nhất là lúc bị ngưng các hoạt động mục vụ. Những cám dỗ đến trong lúc Liêm chao đảo bốn bề, đơn độc giữa giông bão, không có đường tiến thoái, tưởng rằng Liêm đã không vượt qua được. Từ đó tác giả gửi thông điệp: “Cầu nguyện và trung thành với việc cầu nguyện ta sẽ làm được mọi sự vùi lúc ấy không phải ta mà là Chúa làm”. Con hãy đi lên, đừng dừng lại, trên kia mới có vinh quang vĩnh cửu. Dưới này, chỉ toàn phù vân”. Thông điệp này được nhắc lại nhiều lần trong tác phẩm (xin đọc các trang: 177, 241, 205).

            Viết về Linh mục, nữ tu Nguyễn Đức Thông còn có các truyện:

            Rừng cao su thay lá kể lại cuộc đời cha Trần Đình Sự. Ngày nào cha cũng bị giáo dân ở cạnh nhà thờ chửi vì giáo xứ lấy lại đất họ ở để làm đài Đức Mẹ. Ngài sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh hết sức trớ trêu. Mẹ ngài bị bố ngài lừa gạt. Bố đã có vợ, có con, còn gian díu với mẹ ngài. Đến khi biết chân tướng sự việc, mẹ ngài đuổi thẳng. Trước khi chết, bố gửi lời xin lỗi mẹ của ngài. Bố chết, mẹ lớn gửi tiền tuất của bố cho mẹ ngài. Hai bà mẹ thực hiện sự tha thứ. Trùm Phan tới gặp cha Sự nói, nếu nó tiếp tục chử cha, giáo xứ sẽ họp loại nó ra khỏi giáo xứ. Cha Sự nói: “Là Linh mục, tôi chỉ được tìm về chứ không loại bỏ, băng bó chứ không gây thương tích, chữa lành chứ không gây bệnh hoạn, cứu sống chứ không giết chết. Đó là bài học tôi đã học được với người phụ nữ làm nên đời tôi khi rừng cao su thay lá”.

            Một mùa đông giá kể chuyện, Yến và Thắng ở ngoài bắc, họ hẹn nhau vào Nam tìm việc và học. Họ tính toán, nếu không có thân nhân thì cứ xin vào một nhà dòng nào đó vờ tu. Học xong thì ra  cưới nhau. Không ngờ nhà dòng dã cảm hóa họ. Thắng bỏ Yến đi tu. Lúc đầu Yến không hiểu. Khi nghe cha Thịnh ở dòng Chúa Cứu Thế giảng phòng, ngài kể kinh nghiệm đức tin về Chúa. Yến hiểu ra vấn đề, và tự cảm nghiệm về Chúa.

            Những cơn mưa cuối mùakể chuyện Tuyết Lan. Tuyết Lan đang tu thì lượm được một đứa trẻ bị bỏ rơi đem về nhà dòng nuôi. Đứa nhỏ tên Lượm. Nhà dòng không cho phép Lan làm điều này. Lan phải bỏ tu để nuôi Lượm. Lan kiên định sống niềm tin vì tha nhân. Cô giúp đỡ bịnh nhân SIDA, xì ke. Cô chết vì tai nạn xe. Lượm (Thiên An) lớn lên, tiếp tục con đường của cô.

            Lúa trổ bông. Cha Vũ trầm tư: “Làm sao để người ta sống Lời Chúa bây giờ”;

Truyện Con bướm vàng chóp cánh đen: là một thầy giáo dạy Phổ thông,vì chán đời sống xã hội, Công gia nhập dòng Chân Lý.Vào dòng, Công lại gặp những người gian dối chẳng khác gì ngoài xã hội. Công tự nhủ: “Có lẽ cũng chính vì thấy được thế nào trong tu viện cũng có những giờ thế này mà Chúa đã kêu gọi mình để mình làm chứng cho Ngài bằng cách sống triệt để tình yêu và sự thật”.

 Truyện Cây bằng lăng bật gốclà hoàn cảnh bi đát của gia đình cha Vĩnh. Sau 1975, gia đình khó khăn, Phụng (mẹ của Vĩnh) lại có thai. Thắng (bố của Vĩnh) ép Phụng phá thai. Nếu không, Thắng sẽ bảo cái thai đó là của cha Tân (cha sở). Phụng vào trình cha Tân, cha nói không được phá, ngài sẵn sàng chịu tiếng xấu: “Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhưng đã chết cho cả những kẻ tội lỗi. Là môn đệ của ngài, ta không dám mất một chút danh dự vì những kẻ bé mọn sao?” Phụng lên Đà Lạt ở nhà bà Vinh, và sinh Vĩnh. Phụng đi, Thắng tung tin Phụng quan hệ với cha Tân. Cha bị đổi đi xứ khác. 30 năm sau, cha Vĩnh về quê dâng lễ và tìm gặp bố (Thắng). Ông từ chối vì mình không xứng đáng làm bố của cha.

Truyện Cây thánh giá giả: Cụ Ngữ là người sáng lập Đan viện Thiên Ân. Cụ ở Tokyo muốn về Việt Nam để nghỉ dưỡng. Từ sân bay về Đan viện, cụ chứng kiến bao thứ giả: tai nạn giả, bắt tội phạm giả. Người dẫn đường nói: ở Việt Nam còn có mũi gỉa, cằm giả, ngực giả, lúm đồng tiền giả, mụt ruồi giả nữa. Về tới Đan viện, cụ Ngữ được các cha giới thiệu cảnh quan, chỗ nào cũng giả: cột bê tông giả, hoa giả. Cha Long nói: “Thiên Chúa bây giờ chỉ là một thứ xa xỉ, nếu không muốn nói là một công cụ trong tay người ta”. Thầy Tuyên chở cụ Ngữ đi kiểm tra nhà mồ côi. Dọc đường Cụ Ngữ còn biết thêm bằng lái xe giả, bằng Tiến sĩ giả…tiền giả rải đường (tiền âm phủ), cả những hiện tượng phản văn hóa, tiểu ngoài đường, Sư giả – và nhiều cảnh nhiễu nhương (trại heo bên cạnh tu viện). Tại trại mồ côi, có cả Bề trên giả, các em mồi côi giả (cha mẹ nghèo quá gửi vào), món ăn giả (món ăn để chưng cho đoàn kiểm tra thấy, trẻ không được ăn). Lại một đám cưới giả xin làm lễ, Cụ Ngữ từ chối thẳng. Dự một lễ truyền chức long trọng, cụ phát hiện ra linh mục giả. Bị choáng, cụ ôm lấy cây thánh giá mà cụ đã dựng ngày xưa. Cụ nghĩ chỉ có cây thánh giá này là thật. Thầy Tuyên (người dẫn đường) bảo, cây thánh giá này cũng là giả, cây thánh giá thật bị nhổ đem bán rồi. Cụ Ngữ ngã xuống.

            Vầng trăng khuyếtkể chuyện hai sư huynh (Frère) Quang và Tân đi “nói chuyện” với những người trong nhóm Giêhôva. Nhóm này đã quyến rũ bà Hưng bỏ đạo theo họ. Bà Hưng theo họ vì: “Từ lâu lắm rồi, không cha hoạc Frère hoặc Sr nào dạy con đọc Lời Chúa cả, chỉ mấy anh Giêhôva này”. Bà nói, nghe hai bện nói chuyện, bên nào có lý, bà sẽ theo bên ấy. Trong cuộc “đối thoại”, Quang nói rất hùng hồn về đạo, (có vẻ lấn át đối phương). Những vấn đề nhóm Giêhôva đặt ra là chuyện thờ ảnh tượng, chuyện nghỉ ngày Chúa nhật, chuyện theo truyền thống. Nói chuyện xong, Quang hỏi bà Hưng, bà trả lời: bà rất vui khi theo nhóm này, vì chỉ có nhóm này dạy bà đọc Lời Chúa. Quang, Tân, ra về tiu nghỉu. Truyện như một lời cảnh tỉnh đối với các Linh mục về việc ra giảng Lời Chúa cho giáo dân.

            Nguyễn Đức Thông còn có những truyện viết về những đề tài khác:

            Nắng chiều tàn tạlà tình cảnh một cô gái bị HIV chết do bị lừa tình rồi sống sa đọa.

            Hoa phượng trái mùalà tình trạng hôn nhân người vợ Công giáo lấy chồng không có đạo. Gia đình gặp bao nhiêu khó khăn, nhưng người vợ kiên định sống đức tin nên đã cứu được chồng trở lại.

            Chiều sau cơn mưa là cuộc sống vợ chồng khác nhau về quan điểm đức tin.An chủ trương sống chân thật. Có lần anh đã bị đuổi việc. An kiên định sống Đức tin và thấy phép lạ, Anh cứu được vợ bị tai nạn chấn thương sọ não.

            Noel trên phố nhỏ kể chuyện thầy Thanh và các cô gái học trò đi dự lễ Noel ở Long Bình. Thanh bị choáng bởi các hình ảnh: “phía giữa sân, ngay lối vào nhà thờ. Đèn từ trên nóc nhà thờ và từ bốn góc sân pha vào một đống hình tượng hỗn loạn. Phía bên phải là một đám đàn ông ăn nhậu, quậy phá, đánh lộn, kẻ cầm chai, kẻ cầm gậy, mã tấu. Bên trái là một nhóm thanh niên nam nữ, kẻ thì chích choác, kẻ thì mồi chài, gạ gẫm người ta. Rồi dìu nhau vào sa đọa. Ở giữa là hình ảnh của một số người ôm bom tự sát và một rổ xác các thai nhi, đứa mất đầu, đứa mất tay, chân, chết rồi mà miệng vẫn há hốc kêu van được cứu sống một cách tuyệt vọng…”. Trong bài giảng lễ, cha Minh (cha sở) nói: “Phải dứt khoát không ma túy, không mại dâm, không phá thai, không giết chóc, không chiến tranh và phải ngăn chặn tất cả những thứ ấy”. Cha Minh sẵn sàng đón nhận và giúp đỡ những người bị ép phá thai. Thầy trò ra về, họ về nhà Lệ Trang. Chị Lệ Trang là Lệ Trinh bị chồng ép phá thai. Lệ Trang vào nhà trước thì gặp Tuấn Anh chồng Lệ Trinh đang quỳ xin lỗi vợ, vì hôm nay anh đã tìm lại được lương tâm Công giáo

            Vũng nước ngập là nơi Bạch Liên sinh ra, lớn lên và bị mẹ bán cho Đài Loan. Liên được Tài, một anh thợ nề, cứu và lấy làm vợ. Khi Bạch Liên có thai, vì quá nghèo, Tài ép Liên phá thai. Cô lén bỏ thai vào bình nước để đem chôn nhưng không ngờ Tài vứt bình nước đó xuống dòng kênh. Đêm nào Liên cũng nghe tiếng trẻ khóc. Văn là thầy dạy cũ của Liên 17 năm trước đã đưa Liên tới gặp cha Tiến. Cha Tiến nói hai người cầu nguyện xin Chúa tha thứ và xin đứa con tha thứ. Họ phải học giáo lý xưng tội, rước lễ và hợp thức hóa hôn nhân. Sáu tháng nay đêm về không còn tiếng khóc trẻ con. Cha sở nói: Từ nay anh chị đã có một người con luôn cầu nguyện cho anh chị trước mặt Chúa. “Chúa luôn biến sự dữ thành sự lành, chết thành sống cho những ai yêu mến ngài”.

            Truyện Hoa tươi trong vùng cátkể về thầy giáo Vinh. Thầy giúp Yến Linh, một học sinh côi cút đi học lại và tốt nghiệp Đại học. Vinh cảm hóa Vũ là một học sinh cá biệt con quan huyện. Do ganh tỵ với Vinh nhà trường đưa Vinh ra hội đồng kỷ luật về tội phá vỡ khối đoàn kết, vô tổ chức trong lao động; bị Đoàn trường tố cáo không quan tâm lớp chủ nhiệm trong trại 26/3. Trong hoàn cảnh bị đố kỵ, Vinh tự nhủ: “Phải liên tục gắn kết với cội nguồn của mình là Thiên Chúa, thì may ra mới có thể thành người được”.

            Truyện Sỏi đá nở hoa kể chuyện ông Tâm, người tạc tượng Đức Mẹ. 30 năm trước, khi học lớp 2, Tâm biết chuyện: bà Lệ (mẹ Tâm), vì mong có con gái, đã phá thai 2 lần đều là con trai. Đến Tâm, bà phá 4 lần nhưng không được. Sợ bị mẹ giết, Tâm trốn nhà đi tìm trại mồ cô để tá túc. Tâm được các Sr dòng Con Đức Mẹ Sầu Bi đưa về dòng, sau đó được ông Toàn nhận làm con nuôi. Ông Toàn dạy cho Tâm nghề điêu khắc và chăm sóc Tâm học hành tử tế. Ông Toàn dạy Tâm nhiều bài học: ”Không được làm mất chất người nơi con”; “Con nhớ rằng người tốt đem lại cho ta hạnh phúc, người xấu cho ta kinh nghiệm, và người tồi tệ nhất cũng đem lại cho ta bài học”; “Nghệ thuật chinh phục là làm cho những người trước mắt người ta chỉ là đồ bỏ thành người tốt”.Tâm đậu Đại học và biết làm tượng. Tâm đi dạy, anh nhận nhiệm sở tại trường Nguyễn Trung Trực, Gò Vấp, và thường theo Sr Bảy thăm các trại cơ nhỡ. Tâm giúp đỡ gia đình Phụng, một cô gái cơ nhỡ, sau lấy Phụng. Một lần Phụng đi Tàpao, gặp một bà cụ nuôi trẻ mồ côi, bà có đứa con bị thất lạc. Phụng nói mắt nó giống ông Tâm. Hôm sau Phụng đưa Tâm đi Tàpao. Tâm gặp lại mẹ (bà Lệ).

            Lướt qua nội dung một số truyện của Nguyễn Đức Thông, bạn đọc có thể nhận ra nhà văn quan tâm đến mảng hiện thực nào? Ngòi bút Nguyễn Đức Thông đặt con dao phẫu thuật vào những vấn đề nào? Và, trên hết, tác giả gửi đến người đọc những thông điệp gì?

NHỮNG THÔNG ĐIỆP

            Là một Linh mục, đồng thời là một nhà giáo dục, Nguyễn Đức Thông quan tâm trước hết đến vấn đề Đức Tin và vấn đề giáo dục nhân bản. Mỗi truyện của Nguyễn Đức Thông đều chứa đựng ít nhất một thông điệp về giáo dục, và thông điệp ấy được nhắc lại nhiều lần trong truyện trở thành tư tưởng của tác phẩm.

            Hiện thực giảng đạo và sống đạo của giáo hội Việt Nam có bao nhiêu vấn đề cấp thiết.

            Đây là nhận xét của cha Vũ trong truyện Lúa Trổ bông:

 “Chiều lễ xong, cha hỏi cả nhà thờ, từ người lớn tới thiếu nhi, đến cả những người đọc sách thánh không ai nhớ được một câu Lời Chúa nào, có người không còn nhớ bài Phúc âm hôm nay là của thánh sử nào. “Sách thiêng liêng trong xứ hầu như không ai có, sách Tin Mừng nhà có, nhà không, nhà có chẳng mấy ai đọc. Đi lễ lại chẳng quan tâm gì tới Lời Chúa, không hiều người ta sống làm sao”.

Một Cha sở nhận xét: “Cái buồn nhất của người Công giáo Việt Nam là không biết Lời Chúa và cái buồn hơn nữa là các Linh mục không giảng Lời Chúa, không giải thích Lời Chúa cho dân hiểu, dân sống, nên đạo chỉ hời hợt bên ngoài” (Trăng rằm trên Phố Núi,tr.88.)

Đây là ý kiến của giáo dân (Lệ Thu) “Con xin lỗi cha,  có cha chẳng đá động gì tới Lời Chúa cả. Có cha, lễ Giao thừa năm con gà giảng toàn về gà. Lễ Giao thừa năm con chó giảng toản về chó. Có cha đọc Tin Mừng xong, kể một câu chuyện nào đó, rồi rút ra bài học từ câu chuyện ấy. Mình là tín đồ Đức Kitô sao không sống như Đức Kitô, mà lại sống như người ta làm gì” (Lúa trổ bông, trong tập Rừng cao su thay lá, tr. 116).

Đây là tình hình ở dòng tu: ở Đan viện Thiên Ân, Viện phụ Hùng cũng hoang mang. “Hơn 30 năm nay, đời sống Đan viện đã mục ruỗng, hệt như một ngôi nhà lá lâu năm, đụng đâu đổ đó. Bây giờ muốn tái thiết Đan viện thì phải làm lại từ đầu. Trong số hơn 100 anh em khấn, những người sống đời đan tu đúng nghĩa chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay(Cây thánh giá giả, trong tập Sỏi đá nở hoa. tr.166).

Truyện Cây Thánh giá giả đã cực tả tình trạng xuống cấp về Đức Tin đến độ không thể chấp nhận. Viện phụ Đan viện Thiên Ân tự thú với các cha: “Ta đã thành gian dối… Chúa Giêsu chỉ còn là bình phong để ta che đạy những mưu đồ của ta thôi. Chúa sẽ mất chỗ đứng ngay trong nhà của Người và trong lòng những kẻ thuộc về Người”. Cha Long nói: “Thiên Chúa bây giờ chỉ là một thứ xa xỉ, nếu không muốn nói là một công cụ trong tay người ta”.(Cây thánh giá giả, trong tập Sỏi đá nở hoa, tr.141)

Còn hiện thực sống đạo của giáo dân thế nào?

Trước hết là hậu quả của chiến tranh: người chết, ly tán thương tâm (Cây Bằng lăng bật gốc, Trăng rằm trên phố núi. tr. 59-72). Sau chiến tranh, bao nhiêu là tội lỗi. Chồng ép vợ phá thai (Noel trên phố nhỏ). Chồng ngoại tình, có con riêng (Rừng  cao su thay lá). Vợ chồng khác quan điểm đức tin (Chiều sau cơn mưa). Nhà nghèo, vợ bán thân nuôi chồng (Những cơn mưa cuối mùa). Những chuyện loạn luân: bố chiếm đoạt con gái, thầy chiếm đọat trò, cũng là con dâu (Những cơn mưa cuối mùa; Hoa tươi trong vùng cát). Con cái vướng vướng vào ma Túy (Cánh mai vàng nở muộn). Dung la một cô học trò ngoan, một giáo lý viên, trở nên sa đọa bị HIV chết (Nắng chiều tàn tạ). Trang vẫn quyết lấy Minh, không có đạo, dù cha mẹ ngăn cản. (Hoa phượng trái mùa). Bà Hưng bỏ đạo theo nhóm Giêhôva. Vì không có cha, có sr nào dạy bà đọc Kinh thánh (Vầng trăng khuyết). Sau chuyến làm lơ xe đi Vinh, chứng kiến vợ chồng bà Thủy chủ xe say xỉn, buôn gian bán lận, Liêm hỏi cha sở: “Vì sao người có đạo mà vẫn gian tham, chè chén say sưa, vợ nọ con kia?” (Trăng rằm trên Phố Núi). Ông bố của Hai Phú làm Phó chủ tịch Hội đồng giáo xứ, phụ trách tiền thau (tiền giỏ). Ngày Chúa nhật thu tiền thau 8 lễ, ông bị người ta nói ông rút 50 ngàn. Cha xứ không điều tra, tuyên bố cho ông nghỉ việc. Từ đó cả nhà ông Hai Phú bỏ nhà thờ giáo xứ, đi lễ xứ khác. Đến nay 30 năm chưa xưng tội.(Trăng rằm trên Phố Núi.171.

Đâu là nguyên nhân của sự xuống cấp lòng đạo như thế?:

“Trong một xã hội mà người ta coi quyền lợi cá nhân hơn lợi ích quốc gia, an ninh bản thân hơn an ninh tổ quốc, thì người nghèo kẻ khổ chỉ còn là con số thôi bà ơi. Người ta muốn bôi đi lúc nào thì bôi. Những kẻ nói ngược bị coi là chống đối. Đau nhất là não trạng ấy, tâm thức ấy đang trở thành tâm thức của tôi, của bà, của toàn xã hội. Ta đang đánh mất chính ta. Ta không còn là ta, không còn là người nữa rồi. Và ta chấp nhận chuyện đó không thắc mắc, coi đó là chuyện bình thường” (Sỏi đá nở hoa, tr.15)

    Một nguyên nhân của nạn phá thai:

Phá thai không chỉ là quốc nạn mà là nhân loại nạn…hạn chế số con trong mỗi gia đình chính là thủ phạm của tai họa này”;…”Có bao nhiêu con, đó là quyền của mỗi cặp vợ chồng, không ai được xen vào. Coi mỗi gia đình chỉ được có hai con là tiêu chuẩn đăng ký thi đua, có hơn hai đứa bị cắt thi đua cả đơn vị là vi phạm nhân quyền”(tr.37);  “Một chính sách phi nhân, một nền văn hóa sự chết như thế đã len lỏi vào mỗi con người, mỗi gia đỉnh thế mà chẳng hiểu sao, tất cả các hiệu trưởng trong tỉnh đều im lặng”; “Nếu ta không lên tiếng chống lại chính sách phi lý và phi nhân này, xã hội ta chắc chắn sẽ suy thoái, sẽ chỉ còn là một bầy sinh vật mang dáng dấp con người”(Sỏi đá nở hoa, tr.38).

Một nguyên nhân sâu xa hơn:

“Dân muôn đời chỉ là nạn nhân khốn khổ của các chế độ…Ngày xưa thời thực dân người ta bón cao su bằng xương máu con người, còn ngày nay, người ta lấy mồ hôi, nước mắt trộn với xương máu con người làm nền móng cho các cao ốc, các công viên. Tiếng dân kêu chỉ như tiếng ếch nhái, ễnh ương, có chộn rộn lỗ tai thì đó cũng chỉ là tiếng của loài giun dế”.(Vầng trăng khuyết.185).

Trước thực tại đầy bức xúc như thế, tác giả gửi đến bạn đọc những thông điệp:

Phải xây dựng những con người không tham vọng, biết tôn trọng con người và sự sống con người, biết coi hạnh phúc của người khác hơn hạnh phúc của mình” (Cây bằng lăng bật gốc).

“Người ta hư không phải do gia đình nhiều con, nhưng do thiếu tình yêu, do chương trình giáo dục bất cập, do xã hội, gia đình và học đường không có chung một nấc thang giá trị tinh thần và nhất là coi nhẹ chiều kích tâm linh của con người” (Sỏi đá nở hoa)

Con người chỉ cao cả khi biết hy sinh cho đồng loại. Hy sinh là chìa khóa thành công cả đời tu lẫn trong đời vợ chống”(Trăng rằm trên Phố Núi.44).

             “Chúa Giêsu có làm gì khác đâu ngoài việc khơi lên phẩm giá của những người ngài gặp gỡ. Với Matthêu, Ngài bảo, tôi tới để tìm kiếm những gì đã mất; với Zakêu, Ngài nói, người này cũng là con cái Abraham; với người phụ nữ tội lỗi tại nhà ông Simon, Chúa Giêsu bảo, tội bà nhiều thật nhưng đã được tha, vì bà đã yêu mến nhiều. Chúa cho họ thấy và tôn trọng phẩm giá của họ thì đương nhiên họ phải thay đổi. Còn với những người tự cho mình là công chính, Ngài bảo, các ông chỉ là mồ mả tô vôi, ở ngoài hào nhoáng, ở trong thối hoắc. Các ông chỉ biết bó những bó thật nặng chất lên vai người ta, còn chính các ông lại không khi nào động ngón tay lay thử. Ngài có ghét họ đâu, mà chỉ lột đi những gì đang che khuất họ thôi. Ông thấy không, là môn đệ của Chúa Giêsu, không theo đường lối của Ngài thì theo ai?(Sỏi đá nở hoa.tr.98-99).

Giải pháp căn cơ là sống Lời Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Thu sống Lời Chúa lúc bịnh ung thư hạch đã nặng, đã hóa trị 2 lần: “Chúa bảo  khi những biến cố ấy xảy đến, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu thoát. Thu vừa nói vừa cười: “ Khi những cục hạch ấy nổi lên, con hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì con sắp được cứu thoát…Chúa bảo em vậy đấy…hihi”(Lúa trổ bông, trong tập. Rừng cao su thay lá. Tr.150)

Vinh dạy học, bị ganh tỵ chèn ép đủ điều, anh tự nhủ: “Phải liên tục gắn kết với cội nguồn của mình là Thiên Chúa, thì may ra mới có thể thành người được” (Hoa tươi trong vùng cát).

Công dạy học. Vì chán xã hội có những kẻ cửa quyền, Công mới gia nhập dòng Chân Lý (làm Linh mục 14 năm). Vào dòng lại gặp những người như thế, Công hoang mang xao xuyến. Công cầu xin: “Lạy Cha xin cứu con khỏi giờ này nhưng cũng chính vì giờ này mà con đến”. Công tự nhủ: “Có lẽ cũng chính vì thấy được thế nào trong tu viện cũng có những giờ thế này mà Chúa đã kêu gọi mình để mình làm chứng cho Ngài bằng cách sống triệt để tình yêu và sự thật”(Con bướm vàng chóp cánh đen).

Thực ra vấn đề nhạt nhòa đức tin, các tệ nạn xã hội gia tăng trong gia đình Công giáo có nhiều nguyên nhân rộng lớn hơn những gì tác giả trình bày trong tác phẩm.

Con người sống trong xã hội, nó chịu sự tác động của hoàn cảnh và môi trường sống (môi trường chính trị, môi trường văn hóa, môi trường kinh tế, môi trường lịch, sử địa lý). Khi Việt Nam mở cửa hội nhập toàn cầu hóa thì cũng chịu một cuộc xâm lăng dữ dội về văn hóa. Chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, chủ nghĩa thực dụng cùng với các chủ nghĩa duy vật, vô thần chiếm lĩnh não trạng người dân. Đời sống công nghiệp cùng với cuộc cách mạng tin học làm đảo lộn mọi giá trị, đánh phá tư tưởng, nhận thức, lối sống Việt, làm lung lay đến tận gốc rễ những giá trị truyền thống, những giáo lý đức tin căn bản. Trước một tình hình như thế, giáo hội Việt Nam đã không canh tân, không thích ứng kịp với những thay đổi xã hội, đã không đã hành động đủ để ngăn chặn các làn sóng dữ, và xây dựng những thành trì đức tin mới cho người trẻ, và vì thế chúng ta nhận hậu quả.

Thí dụ, việc đào tạo Linh mục ở các Đại Chủng viện đã không đáp ứng yêu cầu thực tiễn truyền giáo. Và việc truyền giáo ở Việt Nam hơn 60 năm qua không có sự tiến bộ (tỷ lệ % người theo đạo giảm). Linh mục là người rao giảng Lời Chúa, nhưng không ít Linh mục giảng được Kinh thánh, hoặc giảng không thuyết phục, hoặc giảng không phù hợp với đối tượng giáo dân trẻ hôm nay, bởi vì trong các Đại Chủng viện, việc giảng dạy tiếng Việt không được coi trọng. Các Chủng sinh hôm nay hầu hết tốt nghiệp Đại học các môn khoa học tự nhiên, họ thiếu hẳn phần khoa học Nhân văn; thế nên việc sử dụng tiếng Việt chỉ đủ giao tiếp, còn việc đọc Kinh thánh và diễn giải Kinh thánh, các vị cứ lên mạng tải xuống mà không có sự chiêm nghiệm sâu sắc nào. Đúng như lời than phiền của nhân vật trong truyện của Nguyễn Đức Thông. “Con xin lỗi cha,  có cha chẳng đá động gì tới Lời Chúa cả. Có cha, lễ Giao thừa năm con gà giảng toàn về gà. Lễ Giao thừa năm con chó giảng toản về chó. Có cha đọc Tin Mừng xong, kể một câu chuyện nào đó, rồi rút ra bài học từ câu chuyện ấy. Mình là tín đồ Đức Kitô sao không sống như Đức Kitô, mà lại sống như người ta làm gì” (Lúa trổ bông, trong tập Rừng cao su thay lá, tr. 116). Đấy là chưa nói đến việc thực hiện ba lời khấn của Linh mục là khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục…

Xin trở lại truyện Nắng chiều tàn tạ: một cô gái ngoan, học giỏi, một giáo lý viên, con một gia đình thế giá, bỗng trở nên sa đọa và chết vì HIV, nguyên nhân do đâu? Nhân vật Trang trong Hoa phượng trái mùa nhất định lấy chồng không có đạo, mặc dù cha mẹ khuyên can, để rồi gánh lấy hậu quả thảm khốc. Nguyên nhân do đâu? Tình trạng phá thai thật khủng khiếp. Bà Lệ (truyện Sỏi đá nở hoa) vì muốn có con gái đã giết hai đứa con trai. Đến lúc mang thai Tâm, bà phá 4 lần không được. Các cô gái: Bạch Liên (Vũng nước ngập), Lệ Trinh (Noel trên phố nhỏ), Dung 6 năm phá thai ba lần (Nắng chiều tàn tạ)…nguyên nhân do dâu? Trong thánh lễ đêm Noel (truyện Noel trên phố nhỏ), cha sở cho trang trí tranh ảnh gây phản cảm trước sân vào nhà thờ: “Phía bên phải là một đám đàn ông ăn nhậu, quậy phá, đánh lộn, kẻ cầm chai, kẻ cầm gậy, mã tấu. Bên trái là một nhóm thanh niên nam nữ, kẻ thì chích choác, kẻ thì mồi chài, gạ gẫm người ta. Rồi dìu nhau vào sa đọa. Ở giữa là hình ảnh của một số người ôm bom tự sát và một rổ xác các thai nhi, đứa mất đầu, đứa mất tay, chân, chết rồi mà miệng vẫn há hốc kêu van được cứu sống một cách tuyệt vọng”; và trong bài giảng, cha sở hô hào: Phải dứt khoát không ma túy, không mại dâm, không phá thai, không giết chóc, không chiến tranh và phải ngăn chặn tất cả những thứ ấy”. Tôi nghĩ, đó không còn là nhà thờ của Chúa, mà là một nhà văn hóa nào đó đang tuyên truyền chính trị. Nguyên nhân sự sa đọa do chính chúng ta (cha sở) gây ra.

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT

1.Truyện của Nguyễn Đức Thông có cấu trúc đơn giản, nhưng khó đọc.

Nhiều truyện được kiến tạo theo cấu trúc: Hiện tại-Quá khứ-Hiện tại. Truyện mở đầu bằng một cảnh đang diễn ra trong hiện tại, sau đó nhân vật chính nhớ về quá khứ (15 năm, 30 năm trước), kể xong truyện trong quá khứ, tác giả trở về hiện tại kế tiếp câu truyện cho đến hết.

Trong quá trình kể truyện, tác giả để cho nhân vật kể thêm các câu chuyện khác, tức là kỹ thuật “kể truyện trong kể truyện”, tạo ra một câu truyện khác lồng trong câu truyện chính. Có khi trong một câu truyện chính, có nhiều câu chuyện được kể thêm như vậy, thành ra truyện trở nên hết sức phức tạp, người đọc không chăm chú theo dõi sẽ bị mất dấu ngay. Có nhiều câu chuyện lồng trong nhau, tạo ra những chủ đề kép là phong phú tư tưởng, song có thể người đọc không nhận ra chủ đề chính.

Xin đọc: Những cơn mưa cuối mùa.

Tác giả kể chuyện Tuyết Lan đi tìm người giải tội cho Tứ Lai, một bệnh nhân HIV đang hấp hối. Lan tìm cha Thịnh dòng Chúa Cứu Thế, nhưng ngài không có nhà. Bình và Minh nhận ra Tuyết Lan là cựu tu sĩ dòng Đa Minh. Bình kể chuyện Tuyết Lan lúc còn tu, Lan nuôi một đứa trẻ bị bỏ rơi, nhà dòng không chấp nhận, cô phải xuất tu.

Đưa cha Thịnh đi tìm Tứ Lai, trong khi chờ trời mưa, Lan kể cho cha Thịnh nghe chuyện về lai lịch của Tứ Lai.

Phần sau của truyện kể về Thiên An (Lượm) đứa trẻ bị bỏ rơi được Tuyết Lan nuôi.  Thiên An quen với Thúy. Mẹ Thúy kể chuyện 30 năm về trước, về lai lịch của Thúy cho Thiên An nghe…

Sơ lược như thế, độc giả đã thấy có 3 câu chuyện do 3 nhân vật kể lồng trong câu truyện tác giả kể. Truyện trở nên rất phức tạp, bởi chính  sự phức tạp của cuộc sống làm nên câu truyện.

Về cấu trúc, Những cơn mưa cuối mùacó hai phần rõ rệt: Phần thứ nhất là truyện Tuyết Lan, phần thứ hai là truyện về Lượm (Thiên An) đứa trẻ bị bỏ rơi do Tuyết Lan nuôi. Tác giả có thể tách 2 phần viết thành 2 truyện để chuyển tải những chủ đề, tư tưởng khác nhau, truyện sẽ ngắn và dễ đọc.

Nhờ việc lồng ghép nhiều câu chuyện trong một truyện nên hiện thực được phản ánh mở rộng, gắn kết được các mối quan hệ xã hội phức tạp, tạo nên một thế giới nghệ thuật riêng của Nguyễn Đức Thông. Rừng cao su thay lá, Lúa trổ bông, Vũng nước ngập, Hoa tươi trong vùng cát, Cây bằng lăng bật gốc,… là những truyện giàu ý nghĩa tư tưởng như thế.

2. Truyện Nguyễn Đức Thông đặt ra những vấn đề về thể loại:

Đó là truyện ngắn, truyện vừa hay tiểu thuyết?

Trước hết, về dung lượng, các truyện của Nguyễn Đức Thông thường rất dài, không theo dung lượng của truyện ngắn thông thường. Một truyện ngắn đăng báo có thể chỉ 1.200 chữ, hoặc 2.500 chữ có khi dài đến 5.000 chữ, nhưng truyện của Nguyển Đức Thông có độ dài hơn nhiều:

Con bướm vàng chóp cánh đen: 9.120 chữ; Rừng cao su thay lá: 13.920 chữ.  Những cơn mưa cuối mùa: 14.400 chữ; Cây thánh giá giả: 16.016 chữ. Hoa tươi trong vùng cát: 17.200 chữ;  Cây bằng lăng bật gốc: 22.8000 chữ; Sỏi đá nở hoa: 33.176 chữ.

So sánh với: Hai đứa trẻ (Thạch Lam): 3.124 chữ; Vợ nhặt (Kim Lân): 4 965 chữ; Một người Hà Nội (Nguyễn Khải): 5 000chữ; Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài): 5 639 chữ; Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu): 7 186 chữ; và Chí Phèo (Nam Cao): 12.690 chữ.

Về cấu trúc, tuy viết dài, song những truyện của Nguyễn Đức Thông vẫn là những truyện ngắn, bởi vì cấu trúc ba phần: Hiện tại- Quá khứ- Hiện tại, thì phần “nhớ lại, kể lại” quá khứ chiếm phần lớn, phần truyện ở hiện tại ngắn. Thí dụ truyện “Sỏi đá nở hoa” dài33.176 chữ, phần kể chuyện quá khứ là 30.602 chữ.

Về cách dựng truyện, truyện ngắn thường được tác giả với tư cách là người thứ ba, người chứng kiến, người đứng ngoài câu truyện “kể lại”, “thuật lại”. Trái lại, Nguyễn Đức Thông dùng kỹ thuật dựng truyện của tiểu thuyết (miêu tả sự việc đang xảy ra) để viết truyện, thành ra truyện ngắn, truyện vừa của Nguyễn Đức Thông lại có phẩm chất tiểu thuyết.

Tiểu thuyết Trăng rằm trên Phố Núi là như vậy. Tiểu thuyết này chỉ có hai phần: Mở đầu ở hiện tại (10 trang), Cha Liêm được bầu làm Giám tỉnh mới của tỉnh dòng Anselmô Việt Nam. Phần còn lại là kể chuyện quá khứ của Liêm (232 trang): Liêm lúc nhỏ, đi học chủng viện, vào dòng, đi du học ở Phi, học xong về Việt Nam, không được bài sai, rồi bị đẩy sang Phi, lại học chủng viện rồi về Việt Nam. Vì thế tiểu thuyết Trăng rằm trên Phố Núi có cấu trúc của một truyện ngắn nhưng được dựng lại bằng kỹ thuật viết tiểu thuyết.

Sự giao thoa thể loại này làm cho truyện ngắn trở nên dài và tiểu thuyết trở nên ngắn, tạo ra những cảm giác rất khác so với đọc tác phẩm truyền thống.

Thí dụ, trong Trăng rằm trên Phố Núi, phần kể lại quá khứ, nhân vật cha Giám tỉnh đã giúp việc truyền chức Linh mục cho Liêm, sau đó khuyên Liêm kiếm học bổng du học Phi (tr108-119). Đây là một người tốt, có tâm. Có một Giám tỉnh khác là Thiên (phần mở đầu truyện, ở hiện tại), người đã đẩy Liêm đi Phi để tranh chức Giám tỉnh, ông cũng là người viết thư cho Đức Giám mục ở Phi báo rằng Liêm là linh mục giả, làm cho Liêm lao đao ở Phi. Đó là một người xấu và ác. Hai nhân vật cha Giám tỉnh này là hai hay là một người? Theo mạch truyện, Giám tỉnh Thiên đã làm 3 nhiệm kỳ, gần 20 năm (tr.9), chắc chắn là người đã giúp đỡ Liêm trong việc truyền chức và du học và 2 nhân vật Giám tỉnh này là một người. Một nhân vật mà tính cách không thống nhất (vừa là người tốt, vừa là người ác), điều này không phù hợp với yêu cầu xây dựng nhân vật.

3.Một sự chọn lựa riêng các phương thức nghệ thuật.

Nguyễn Đức Thông viết những đoạn đối thoại đời thường rất sống động. Nhà văn phải thâm nhập rất sâu vào đời sống mới có thể viết được những trang văn sắc xảo và hấp dẫn như thế.

Việc miêu tả thiên nhiên làm biểu tượng cũng được Nguyễn Đức Thông triệt để khai thác. Hình ảnh vầng trăng khuyết (truyện Vầng trăng khuyết), hình ảnh cây bằng lăng bị bật gốc (truyện Cây bằng lăng bật gốc), hình ảnh hoa xương rồng (truyện Hoa tươi trong vùng cát), hình ảnh rừng cao su (truyện Rừng cao su thay lá)…đều là những hình ảnh mang ý nghĩa ẩn dụ chứa đựng tư tưởng và thẩm mỹ, và tạo được ấn tượng với người đọc.

Các nhân vật đều để lại dấu ấn trong tâm tưởng người đọc về những vấn đề tư tưởng và những thông điệp đức tin của tác giả.  Đặc biệt là hình ảnh các nhân vật Linh mục, nữ tu, những nạn nhân của xã hội, của chiến tranh, nghèo khổ; những con người bất hạnh, những con người bị trói chặt trong bi kịch. Tác giả lên tiếng nói đòi quyền sống cho họ, đồng thời lên tiếng mạnh mẽ trước những cái xấu, cái ác, cái giả dối làm tha hóa con người. Đó là tiếng nói của lương tâm trách nhiệm Công giáo trước thực tại. Nhờ vậy, các nhân vật của Nguyễn Đức Thông giàu phẩm chất “người” trong đời thực hơn là nhân vật văn chương. Tôi lấy làm tiếc rằng, nhân vật Liêm trong tiểu thuyết Trăng rằm trên Phố Núi chưa được xây dựng thành nhân vật tư tưởng. Liêm mới chỉ được miêu tả ở phần hiện tượng.

Trong truyện của Nguyễn Đức Thông cũng có những chi tiết không tạo được hiệu quả nghệ thuật. Thí dụ, việc đưa nguyên một bài giảng lễ (ở ngoài đời) dài 5 trang rưỡi vào bài giảng đêm Noel của cha Minh (truyện Noel trên phố nhỏ) và hô khẩu hiệu chính trị: “Phải dứt khoát không ma túy,không mại dâm, không phá thai, không giết chóc, không chiến tranh và phải ngăn chặn tất cả những thứ ấy”, làm hỏng không khí thánh thiêng của đêm Mừng Chúa Giáng sinh. Hoặc có những câu đối thoại của nhân vật dễ gây phản cảm, cần được viết khác đi.

Thí dụ, trong truyện Rừng cao su thay lá, nhân vật ông Cồi gọi con (nhưng là chửi cha Sự): “Minh ơi…ời! Mày chui sang nhà con chó ghẻ ấy làm gì thế! Đất nhà mình nó lấy xây mồ xây mả cho con mẹ nó, sang đấy làm gì” (gọi Linh mục là “con chó ghẻ”, nguyền rủa Linh mục lấy đất của dân “xây mồ mả cha mẹ”) là những lời xúc phạm hết sức nặng nề.

Hoặc, Lan dạy con (cha Sự lúc nhỏ): “Đúng! Nếu người ta chửi đúng thì mình nhận, nếu cần phải xin lỗi thì xin lỗi. Còn nếu người ta chửi sai, thì chó sủa kệ chó, đường ta ta cứ đi”. Câu “chó sủa kệ chó, đường ta ta cứ đi” lại được lặp lại ở miệng một Linh mục khác là cha Lễ trong truyện Sỏi đá nở hoa. Tôi nghĩ, không nên để những lời như thế làm lời giáo huấn vào miệng một Linh mục, bởi nó lộ ra cái tâm của nhân vật không thiện.

Cũng vậy, trong Trăng rằm trên Phố Núi, ông Lãm (là chú ruột) dạy Liêm: “Con Đốm muốn sủa lúc nào thì sủa vì nó là chó. Không ai chấp nó cả. Nhưng đang đêm con la lối như chó sủa, thì con thành chó rồi, con muốn là người hay là chó?”(tr.20). Chú dạy cháu, một đứa trẻ có chí hướng đi tu, lại hỏi cháu: “con muốn là người hay chó” thì thật nặng nề và phản giáo dục.

Đây là chi tiết tả tiếng chuông nhà thờ:

Trong Đan viện, cuộc họp của Ban quản trị cũng đang đi dần tới hồi kết thúc. Tiếng chuông chiều nỉ non ai oán, ngân nga như tiếng ông lão ăn xin đầu làng, rên rỉ mỗi khi nghe tiếng bước chân người qua lại. Nghe chuông, bốn con chó châu đầu vào nhau tru tréo, mỗi con một giọng, hệt như một bản hợp xướng lạc điệu”(Cây thánh giá giả, trong tập truyện Sỏi đá nở hoa, tr.123).

Không rõ bạn đọc có cảm giác gì, tôi thực sự bị sốc khi đọc đoạn văn này. Còn đâu tiếng chuông nhà thờ thanh thoát vang lên trong chiều như tiếng thiên thần hòa ca trên không trung. Tiếng chuông nhà thờ đưa ta về với Chúa, về với ơn thứ tha và sự bình an. Tại sao tác giả tả tiếng chuông nhà thờ lại đưa vào đây “bốn con chó châu đầu vào nhau tru tréo”? Phải chăng đó là một ám chỉ Ban quản trị Đan Viện? Dẫu thế nào, những chi tiết như thế này có thể làm mất đi thiện cảm của người đọc và làm mất đi vẻ đẹp văn hóa Công giáo vốn có trong tâm thức giáo dân.

4.Hình như nhân vật bị áp đặt thực hiện mục đích của tác giả, bất chấp quy luật hiện thực. Thành ra, việc xây dựng nhân vật vi phạm những quy tắc của chủ nghĩa hiện thực. Vì tất cả các truyện của Nguyễn Đức Thông đều được viết bằng bút pháp hiện thực, nhà văn buộc phải tôn trọng những quy tắc của hiện thực.

Truyện Vũng nước ngập kể rằng: 17 năm trước Văn giúp Bạch Liên, nhưng lại bỏ rơi Liên để Liên bị mẹ bán cho người Đài Loan, rồi bị bán vào nhà Thổ. Liên may mắn gặp Tài, một thợ nề chuộc ra. Vấn đề là: Tác giả không cho biết trong 17 năm ấy, Bạch Liên ở đâu, sống thế nào. Tài gặp Bạch Liên ở đâu? Chỉ là một thợ nề, anh làm sao có tiền để chuộc Bạch Liên ra? Hai người ăn ở với nhau 5 năm mới có con sao Tài lại ép Liên phá thai?

Truyện Rừng cao su thay lá có vấn đề mâu thuẫn tư tưởng: Cha Sự nói: “Là Linh mục, tôi chỉ được tìm về chứ không loại bỏ, băng bó chứ không gây thương tích, chữa lành chứ không gây bệnh hoạn, cứu sống chứ không giết chết. Nhưngtại saoCha Sựkhông giải quyết việc dân chửi mình, mà mặc kệ, “chó sủa mặc chó”?

Truyện Con bướm vàng chóp cánh đen, có sự lắp ghép phi logic.

             Cha Công đi giảng tập ở một nhà dòng. Kẻ trộm vào phòng cha lấy đi cái IBM và tiền. Có người báo cho biết chiếc IBM của cha ở tiệm cầm đồ, do một người đàn ông đem cầm. Cha Công ra tiệm cầm đồ gặp người đàn ông ấy. Đó là Tám xỉn. Ngày xưa, khi Công dạy học, Tám xỉn là phó chủ tịch Huyện rồi lên Chủ tịch. Ông ta đã đuổi thầy Công về Sở giáo dục. Oan gia gặp nhau. Hắn nói cái máy IBM là do thằng Nghĩa con hắn lấy và kẹt tiền hắn đem đi cầm. Cha Công cho hắn một phong bì và hẹn gặp lại.

            Vấn đề là, tác gỉa không giải thích thằng Nghĩa (con Tám xỉn) lẻn vào nhà dòng rồi vào phòng cha Công thế nào để lấy cắp cái IBM. Việc lắp ghép Tám xỉn ngày xưa (20 năm trước) vào truyện là phi logic. Tám xỉn là chủ tịch huyện thì không thể thân tàn ma dại như vậy. Việc hắn làm học bạ giả và đi tù 10 năm cũng không có trong thực tế. Phải chăng tác giả muốn dùng luật nhân quả với nhân vật và đặt cha Công ở thế chiến thắng?

            Trong các chi tiết truyện, chữ “nhạt nhòa” được tác giả sử dụng nhiều lần trong những truyện khác nhau. Hình như chất lãng mạn của chữ ấy có sức ám ảnh tác giả. Xin đọc: Tập Cây Bằng lăng bật gốc: các trang 7, 33, 94, 206, 208;  tập Sỏi đá nở hoa, các trang: 11, 26, 37, 90, 93, 103,118; tập Trăng rằm trên Phố Núi các trang: 10, 95, 125, 135, 182, 239…Thực ra không có vấn đề gì trong việc dùng từ “nhạt nhòa”. Tuy nhiên vốn từ của một tác giả cũng bộc lộ nhiều điều về gốc gác (nhân thân) của nhà văn. Thí dụ, nhân vật Lan hậm hực nhìn Liêm hỏi: “Mày lấy giấy ở đâu ra làm tàu bay đây hả, thằng nỡm kia” (Trăng rằm trên phố Núi, tr.26). Chữ “thằng nỡm” là ngôn ngữ Bắc bộ.

MỘT CỐT CÁCH VĂN CHƯƠNG

            Nguyễn Đức Thông khẳng định một cốt cách văn chương có chiều sâu và có nội lực. Nội lực ấy là vốn sống rất giàu có đã làm nên các truyện ngắn, tiểu thuyết của Nguyễn Đức Thông. Chiều sâu đó là những thông điệp tư tưởng, vừa có tính triết lý vừa là những bài học đức tin, được chưng cất từ những trải nghiệm kết hợp với vốn tri thức triết học, thần học và những suy tư sâu sắc. Chính vì thế văn chương của Nguyễn Đức Thông vừa đem đến những mỹ cảm cho người đọc, vừa có sức tác động vào nhận thức, tâm hồn của người đọc. Đó là những trăn trở về số phận con người, những lo lắng về sự xuống cấp của lòng tin và ý thức sống đạo; sự tấn công của chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, chủ nghĩa thực dụng làm tha hóa cả giáo dân và tu sĩ; đặc biệt là sự gian dối, tà tâm, cái ác, những mưu ma chước quỷ đang trở thành lối sống của con người hôm nay, kể cả trong môi trường tôn giáo mà lẽ ra phải là hết sức thánh thiện. Truyện của Nguyễn Đức Thông là tiếng nói mạnh mẽ về yêu cầu Giáo hội phải canh tân để thích ứng với ngàn năm thứ ba này.

            Tôi nghe âm vang những lời thiết tha này trong tác phẩm của Nguyễn Đức Thông:

            “Muốn làm người con phải đục khoét đi cái tôi ích kỷ nơi mình. Nhớ rằng con vật chỉ biết tự vệ, chỉ có con người mới biết hy sinh”(Sỏi đá nở hoa, tr.44).

            Phải xây dựng những con người không tham vọng, biết tôn trọng con người và sự sống con người, biết coi hạnh phúc của người khác hơn hạnh phúc của mình” (Cây bằng lăng bật gốc, tr. 175).

            Xây dựng chất người, biết coi bản thân và tha nhân hơn tiền bạc, biết cho đi mà không tính toán, chính là điều vô cùng quan trọng cho xã hội hiện nay”(Sỏi đá nở hoa, tr.98).

            Con phải sống cho ra người, xứng danh là Kitô hữu: không ăn gian nói dối, không làm mất tiết hạnh, phải tôn trọng con người và sự sống con người”(Cây bằng lăng bật gốc. tr.137).

            “Chúa bảo  khi những biến cố ấy xảy đến, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu thoát. ”(Lúa trổ bông. Trong tập Rừng cao su thay lá, tr.150).

            “Chúa luôn biến sự dữ thành sự lành, chết thành sống cho những ai yêu mến ngài”(Vùng nước ngập, trong tập Rừng cao su thay lá, tr.204).

Tháng 5/2022

_____________________________

VĂN XUÔI CÔNG GIÁO ĐƯƠNG ĐẠI-Nhận dạng

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

VĂN XUÔI CÔNG GIÁO ĐƯƠNG ĐẠI

(Nhận dạng )

Bùi Công Thuấn

***

            Thế nào là một “nhà văn Công giáo”?

Nhà văn Công giáo là người Công giáo, viết tác phẩm văn học Công giáo.

Như vậy, tác giả là người Công giáo viết tác phẩm thế tục thì không phải là “nhà văn Công giáo”. Ngược lại, nhà văn thế tục viết tác phẩm có yếu tố Kitô giáo cũng không phải là “nhà văn Công giáo”. Thí dụ, Chu Văn viết Bão Biển (1969), Nguyễn Huy Thiệp viết Con gái Thuỷ Thần (1993), Nguyễn Việt Hà viết Cơ hội của Chúa (1999) là những tác phẩm có yếu tố Ki tô giáo nhưng những tác giả và tác phẩm ấy không phải là văn học Công giáo…

            Thế nào là tác “phẩm văn học Công giáo”?

Với một tác phẩm văn xuôi, nội dung phải phản ánh đời sống cộng đồng giáo dân (giống như văn học Cách mạng phải phản ánh cuộc đấu tranh cách mạng của quần chúng). Chủ đề của tác phẩm phải đặt ra những vấn đề về sống đạo, về đức tin, về lương tâm Công giáo. Truyện được viết dưới ánh sáng tư tưởng Mỹ học Kitô giáo và chủ nghĩa Nhân văn của Tin Mừng. Nhà văn viết tác phẩm là khám phá Cái Đẹp dưới góc nhìn tôn giáo, hướng đến mục đích Phúc âm hóa môi trường. Tuyệt đối không được sai về tín lý và luân lý Kitô giáo.

            Trong bài viết này, tôi chú ý đến tác phẩm văn chương Công giáo, tức là những sáng tạo nghệ thuật (Fiction) xây dựng những hình tượng mới, thể hiện tư tưởng-thẩm mỹ Kitô giáo, và đa dạng về thi pháp. Tôi chưa có dịp quan tâm đến tác phẩm văn xuôi công cụ như báo chí, văn bản hành chính (Thư chung), văn nghị luận (những bài thuyết giảng), Kinh văn, Tự điển, Biên khảo[[1]].

            Do không xác lập những vấn đề như thế, nhiều nhà nghiên cứu văn học Công giáo đã rất lúng túng khi giới thiệu những người cầm bút Công giáo viết tác phẩm thế tục vào danh sách “nhà văn Công giáo”.

Phần I: NGƯỢC DÒNG

            Xin có một cái nhìn lướt qua văn xuôi Công giáo từ đầu đến 1980.

            Văn xuôi Công giáo khởi đi từ Majorica

1. Girolamo Majorica (1591 – 1656), thuộc dòng Tên, người Napoli, nước Ý, truyền giáo tại Việt Nam từ năm 1623 đến khi qua đời năm 1656. Majorica được coi là một trong những người đầu tiên viết văn xuôi bằng chữ Nôm. Tiêu biểu tác phẩm Các Thánh truyện (1646) (xem Lịch sử văn học Công giáo Việt Nam của Võ Long Tê, chương V, Majorica).

            2. Truyện Ông Gioang Ngô Kim Thạch (1916) của Charles Ngọc Ninh, đăng trên tờ Nam Kỳ Địa Phận từ số 403 (1916) đến số 415 (1917) được coi là truyện văn xuôi đầu tiên.  Nguyễn Văn Trung nhận xét: Truyện Gioang Ngô Kim Thạch là một truyện Tàu đượm tinh thần kitô giáo…Ngoài ra, truyện còn có nhiều nét giống hệt với hai tác phẩm nổi danh của văn học Việt Nam: Kim Vân Kiều và Lục Vân Tiên, giống cả về nội dung đến hình thức, chỉ khác ở chỗ đây là một áng văn xuôi (Nguyễn Văn Trung-Chương II-Lục Châu học).

            Nhà nghiên cứu Nt Đinh Thị Oanh cho biết: Từ truyện đầu tiên Truyện ông Gioang Ngô Kim Thạch đăng năm 1916 cho đến tiểu thuyết Tiếng oanh năm 1942, báo Nam Kỳ địa phận đã có gần 20 tác phẩm của hơn chục tác giả có những nét đặc sắc riêng các nhà văn Công giáo. “Cha giết con và Đôi bước lưu ly là hai tiểu thuyết mang màu sắc đạo Công giáo hơn cả trong tất cả các tiểu thuyết của Phêrô Nghĩa đăng trên Nam Kỳ địa phận [[2]].

            3. Nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng cho biết số tác giả Công Giáo có tác phẩm truyện cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay: Lm Philipphê Lê Thiện Bá (1891-1981) in 4 cuốn, Lm Nguyễn Duy Tôn (1919-1976) in được 4 cuốn, Lm Vũ Duy Trác (1927-2003) 1 cuốn,  nữ sỹ Thuỵ An (5 cuốn), còn lại người in 1 cuốn hoặc 2 cuốn. Những tác giả tác phẩm ấy không gây được tiếng vang nào, ngoài truyện ngắn Truyện Thầy Lazarô Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản ghi được dấu ấn đầu tiên về truyện chữ Quốc Ngữ.

            Trong Văn học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường (Nxb Từ điển Bách Khoa, 2010, tr 317) ghi nhận cụ thể:

            Gillbert Trần Chánh Chiếu (1867-1919): Hương Cảng nhân vật (1909) gồm các bài ký kể lại cuộc du lịch của ông sang Hương Cảng và Quảng Đông; Tiền căn hậu báo (đăng trên Lục tỉnh Tân văn 1907) phóng dịch Le Conte de Monte Cristo cùa Alexandre Dumas. Hoàng Tố Oanh hàm oan (truyện, 1910).

            Jacque Lê Văn Đức (1887-1947): Hai chị em (1915).

            Phêrô Nghĩa (Lm Philipphê Lê Thiện Bá. 1891-1981). Tiểu thuyết Đôi bước lưu ly (1928), Mưa nắng mai chiều (1928), Cha giết con (1932), Nhị độ Mai (1933), Biết ai thượng lưu (1942) đăng trên Nam Kỳ Địa Phận (1928-1942).

            Cung Giũ Nguyên (1909-2008), người gốc Hoa. Tiểu thuyết: Một người vô dụng (1930), Nhân tình thế thái (tập truyện ngắn. 1931), Nợ văn chương (1934). Nửa gánh tang bồng.

            Lm Nguyễn Duy Tôn (1919-1976). Tiểu thuyết:  Hai trái cam máu (1953), Hai tâm hồn (1959), Bông huệ tươi (1959).

            Nguyễn Duy Diễn (1920-1965), bút hiệu Phương Khanh. Tiểu thuyết Những ngày đẫm máu (1953), tiểu thuyết đầu tiên về các thánh tử đạo Việt Nam.

            Lm Hán Chương Vũ Đình Trác (1927-2003): Lý tưởng đời anh (1959).

            Hà Châu: tiểu thuyết Xóm giáo.

            4. Nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh trong chuyên luận Đôi nét về văn học Công giáo Việt Nam nói đến các tác giả:[[3]]

            Bùi Hoàng Thư: tác giả nhiều tiểu-thuyết tình cảm, xã-hội vào thập niên 1960 ở miền Nam: Sống Cho Nhau, Ảo Ảnh, Nàng.

            Thảo Trường để các nhân vật của mình dấn thân sống đạo giữa đời, ngay cả trên bãi chiến trường, với những Thử Lửa (1962), Chạy Trốn (1965), Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp (1966), Vuốt Mắt (1969), Th. Trâm (1969), Bên Trong (1969), Ngọn Đèn (1970), Mé Nước (1971), Cánh Đồng Đã Mất (1971), Bên Đường Rầy Xe Lửa (1971), Người Khách Lạ Trên Quê Hương (1972), Lá Xanh (1972), Cát (1974). Sau khi ông tái định cư ở Hoa-kỳ năm 1993, đã xuất-bản: Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai (1995), Đá Mục (1998), Tầm Xa Cũ Bắn Hiệu Quả (1999), Mây Trôi (2002), Miểng (2005).

            Quyên Di: tác-giả nhiều truyện và tiểu-thuyết giáo dục, hướng thượng từ trước 1975: Tuổi Trăng Tròn, Cánh Phượng Rơi, Tuổi Ươm Mơ, Chuông Đêm, … cho đến thời hải ngoại Hoa Hồng Nhà Kín (1995).

            Đường Phượng Bay: Tác giả tiểu-thuyết tình cảm xảy ra ở các họ đạo và các nhân vật chính thuộc giới tu hành: Mây Vẫn Nhớ Ngàn (1984), Yêu Màu Áo Đen 1989, Qua Cửa Thần Phù 1989, Tạm Biệt Rừng Hoa (1990). Mây Vẫn Nhớ Ngàn là một chuyện tình đẹp nhưng buồn thảm của Cha Thảo và cô Nga.

5.Nhà nghiên cứu trẻ Nt Bích Hạt giới thiệu nhà văn nữ Nguyễn Thị Thanh Huệ (bút danh Hoàng Lan). Bà có nhiều sáng tác như truyện ngắn “Phù sa trên tóc bạch kim”, “Tuổi trẻ mong manh”, “Thức tỉnh lòng mẹ”. Năm 2020, dù ở tuổi 83, bà vẫn miệt mài cho ra đời hai tập truyện ngắn dành cho thiếu nhi được độc giả tâm đắc: Người biến khỏi thành phố (Nxb Văn hóa- Văn nghệ) và Con cò mồ côi (Nxb Kim Đồng).

            Rất tiếc các nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng, Nguyễn Vy Khanh và Nt Bích Hạt không giới thiệu rõ tác phẩm nào là tiểu thuyết Công giáo. Cho nên trong danh mục tác phẩm được giới thiệu, có nhiều tác phẩm không phải là “văn học Công giáo”.

Thí dụ:

Trường hợp Thụy An với tiểu thuyết Một linh hồn. Các nhà nghiên cứu đều đưa vào danh mục nhà văn Công giáo. Thực tế, Thụy An cuối đời quy y cửa Phật và Một linh hồn chỉ là tiểu thuyết tình cảm, kiểu truyện “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, lấy bối cảnh Công giáo (thay cho bối cảnh chùa chiền đã có trong truyện của Khái Hưng).

Đường Phương Bay viết chuyện tình cảm của giới tu hành (một kiểu thời thượng câu khách).

Về tác phẩm của Thảo Trường, nhà phê bình Đặng Tiến cho biết: trong tác phẩm Thử Lửa (1962), Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp (1966), Thảo Trường trực tiếp đề cập đến vấn đề chính trị… Khi sang Mỹ đoàn tụ với gia đình 1993, Thảo Trường tiếp tục viết. Anh cũng mô tả nhiều cảnh oái oăm của xã hội Việt Nam sau 1975, hay cảnh sống của người Việt định cư tại Hoa Kỳ[[4]].

Nhà văn nữ Nguyễn Thị Thanh Huệ chỉ viết tác phẩm thế tục để kiếm sống và nuôi con. Bà có 40 tiểu thuyết và tập truyện. Từ sau những tập truyện ngắn, bà bắt tay vào viết tiểu thuyết nhiều tập kiểu “ngôn tình” ăn khách với bút danh Hoàng Lan [[5]].

  Như vậy, có rất ít những tác phẩm văn chương Công giáo được viết dưới ánh sáng của tư tưởng Mỹ học Kitô giáo, viết với mục đích loan báo Tin Mừng và qua đó phản ánh đời sống, tâm tư tình cảm của người Công giáo trong trường kỳ lịch sử, lên tiếng nói lương tâm trách nhiệm của người Công giáo trước thời đại. Những tác phẩm như vậy nói như nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

***

Phần II: NHẬN DẠNG

            Từ sau 1975 đến nay tình hình văn xuôi Công giáo đã có những đường nét khác. Đất nước hòa bình, thống nhất và chuyển sang hội nhập toàn cầu hóa. Nhà nước đã có đường lối, chính sách tôn giáo dần dần đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và yêu cầu hội nhập (Luật tôn giáo, tín ngưỡng; quan điểm về phát huy nguồn lực tôn giáo của Đại hội Đảng lần thứ XIII). Về văn học nghệ thuật, Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra chủ trương và giải pháp: Tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật nước nhà”. Hội Nhà văn Việt Nam có kế hoạch quảng bá tác phẩm văn chương Việt Nam ra nước ngoài; và đến nay (2021) còn được mời tham gia giải Nobel văn học.

Về phía Giáo hội, Hội đồng Giám mục Việt Nam có thư chung 1980 đề ra đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”: “…chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa”.

Tất cả những vận động xã hội như thế tạo điều kiện cho văn học Công giáo phát triển và bước sang một thời đại mới rất khác với trước 1975: nhà văn Công giáo đã có thể tham gia Hội Nhà văn Việt Nam. Việc in ấn tác phẩm đã có Luật xuất bản. Trang mạng internet của các giáo phận có Mục vụ văn hóa giúp phổ biến tác phẩm rộng rãi. Trình độ người đọc đã  cao hơn hẳn so với trước kia. Các sinh hoạt văn học Công giáo được bình thường hóa (thành lập Câu lạc bộ thi ca; tổ chức tọa đàm, hội thảo; tổ chức các giải thưởng văn học Công giáo…).

Xin nhận dạng một vài khuôn mặt, một vài đường nét văn xuôi Công giáo hiện nay (chưa đầy đủ).

1. SONG NGUYỄN

Song Nguyễn là bút danh của Đức Giám mục Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục giáo phận Xuân Lộc (2004-2016)[[6]].

Cho đến nay (2021), tác giả Song Nguyễn đã in 15 tác phẩm, trong đó có 9 truyện dài:

1. Một Đời Dâng Hiến, truyện dài. Nxb Tôn Giáo, 2009.

2. Đất Mới, truyện dài 3 tập. NxbTôn Giáo 2014.

    tái bản Nxb Hội Nhà văn, 2018.

3. Đồng Hành, truyện dài. Nxb Tôn Giáo, 2010.

4. Định Hướng, truyện dài. Nxb Tôn Giáo, 2011.

5. Chuyến Xe Về Trời, tập truyện ngắn 1. Nxb Tôn Giáo, 2011.

6. Còn Một Niềm Tin, tập truyện ngắn 2. Nxb Tôn Giáo, 2011.

7. Suối Nguồn, tập truyện ngắn 3. Nxb Tôn Giáo, 2011.

8. Người Cha Hiền, tập truyện ngắn 4. Nxb Tôn Giáo, 2012.

9. Những Người Mẹ, tập truyện ngắn 5. Nxb Tôn Giáo, 2012.

10. Chỉnh Hướng, truyện dài. Nxb Tôn Giáo, 2013.

11. Đồng Cỏ Xanh, truyện dài. Nxb Phương Đông, 2013.

12. Vì sao sáng, truyện dài. Nxb Tôn Giáo, 2015.

13. Tiếng Kêu, truyện dài. Nxb Hồng Đức, 2019.

14. Đường lên Núi Cúi. Truyện dài tư liệu. Nxb Hồng Đức, 2019.

15. Đường đến Núi Cúi, hành trình của đức tin. Hồi ký. Nxb Đồng Nai. 2021

Tác giả nói về mục đích sáng tác:

“Những tác phẩm trong tủ sách “Đời Dâng Hiến” được viết vào thời gian trước và sau 1975, là thời gian mà công việc mục vụ đang bị “đóng khung”. Được nghe người này, người khác kể về những mảnh đời trong nhiều hoàn cảnh, nhiều tình huống khác nhau, tác giả lượm lặt, rồi hư cấu thành tác phẩm, để nhân vật được sống đời sống thực, hoạt động độc lập.

Viết lại những mảnh đời, những số phận, những trải nghiệm, tác giả chỉ có ý rút ra cho đời mục vụ của mình những bài học từ cuộc sống. Hay nói khác đi, tác phẩm là những bài suy niệm sống qua các nhân vật. Và nếu có thể, chia sẻ với bạn bè tất cả những kinh nghiệm quý báu này. Mục đích chỉ đơn giản như vậy…” (Lời tác giả-mở đầu các tập truyện).

Tuy “Mục đích chỉ đơn giản”là “Viết lại những mảnh đời, những số phận, những trải nghiệm, tác giả chỉ có ý rút ra cho đời mục vụ của mình những bài học từ cuộc sống…”, nhưng tác phẩm văn học là một thế giới nghệ thuật, là một sinh mệnh biệt lập với tác giả và là một thực thể văn hóa xã hội, nó chứa đựng những ý nghĩa, những giá trị vượt ra ngoài mục đích sáng tác của tác giả.

Toàn bộ tác phẩm của Song Nguyễn hợp thành một bộ sử thi về đời sống của người Công giáo Việt Nam suốt từ trước những năm 1945 đến thời kỳ “đổi mới” (1986). Xin đơn cử một vài tác phẩm:

Một Đời Dâng Hiến kể lại cuộc đời của nữ tu Antony Nhẫn, một bông hồng trên đất khổ, một người duy nhất ở lại trại cùi Quy Hoà chăm sóc hàng trăm bệnh nhân trong những hoàn cảnh khó khăn sau 1975. Người nữ tu xinh đẹp yếu đuối ấy đã sống và chết cho một lý tưởng cao đẹp.

Đồng Hành kể chuyện ở một xứ đạo nhỏ giữa Đồng Tháp những năm 1960. Cha sở đã sống trong vùng sôi đậu giao tranh, sự sống chết có thể đến bất cứ lúc nào. Trong một đêm xứ đạo bị càn (không rõ bên nào), nhân vật Dì Năm đã bị giết vùi ở mé ruộng. Cha sở bị bắt đi. Song Nguyễn đã viết những trang suy nghiệm sâu sắc về cuộc sống, về đời tu, về ý nghiã cuộc sống về giá trị làm người. Dù đường đời hiểm nguy thế nào thì người tín thác nơi Chúa cũng tìm thấy lối đi bình an. Ngay cả khi tuyệt vọng nhất thì những bài ca thiên thần cũng nâng con người lên khỏi bùn lầy, máu lửa, và sự chết.

Đất Mới (3 tập) kể lại cuộc đời và thái độ chọn lựa lý tưởng của Lm Phương Toàn những ngày đầu miền Nam mới giải phóng 1975. Nếu “đời là bể khổ” thì Lm Nguyễn Phương Toàn đã nếm trải đủ mùi tục lụy. Sinh ra làm người mà không được sống đúng với giá trị thực của mình, đó là một điều bi đát. Từng là một giáo sư dạy Đại Chủng viện, ngài dấn thân đi “kinh tế mới” cùng với giáo dân. Ngài từ chối đi định cư ở nước ngoài để sống cuộc sống lao động vất vả lam lũ với giáo dân, xây dựng xứ đạo ở vùng kinh tế mới.

Định Hướng là một truyện dài viết về một xứ đạo ngay trước và sau ngày 30.4. 1975 và những ngày tháng sau đó. Chiến tranh ác liệt tàn phá tất cả. Nhà thờ không còn, không có cha sở. Đoàn chiên tan tác vì bom đạn và sợ hãi, sinh hoạt tôn giáo tan rã. Kinh tế cực kỳ khó khăn. Trong hoàn cảnh ấy, một thầy tu dở dang đã sống ơn gọi giữa “đoàn chiên”, đi con đường Thánh giá và hoa hồng. Càng đi, càng dấn thân vào bi kịch. Khi câu chuyện kết thúc, con đường tu trì của Thầy vẫn chưa có “ánh sáng cuối đường hầm”.

Chỉnh Hướng kể truyện Linh mục trẻ tuổi Phương Trung mới ra trường, sáng ngời lý tưởng, đầy ắp lòng nhiệt thành, khao khát dấn thân vì đoàn chiên và muốn làm được nhiều việc cho Chúa. Ngài không sợ khó, không sợ khổ, không sợ phải hy sinh, chỉ một lòng tin có Chúa dìu dắt quan phòng. Ơn Chúa, sau những vấp váp, ngài nhận thấy rằng, lòng nhiệt thành thôi chưa đủ, mà cần có sự khôn ngoan trong thánh ý của Chúa. Ngòi bút của Song Nguyễn miêu tả trực diện những biến cố xảy ra trong những ngày tháng trước và sau 30.04.1975, và những ngày tháng Linh mục Phương Trung bị tạm giam.

Đồng Cỏ Xanh miêu tả những nạn nhân bị kẹt giữa hai lằn đạn của cuộc giao tranh. Trước những tang thương và mất mát quá sức chịu đựng của con dân, cha Phương Tín dẫn đoàn chiên đi giữa những nghịch cảnh của lịch sử, một bên là Cách mạng, bên kia là chính quyền Cộng Hòa  để tìm bến bình an. Tác phẩm thấp thoáng những năm tháng đầy bom đạn Mỹ giai đoạn 1955-1975. Song Nguyễn tập chú vào những nạn nhân của chiến tranh, đặc biệt là giáo dân của ngài. Bởi đó là trách nhiệm tinh thần, trách nhiệm dẫn dắt đòan chiên của người linh muc

Vì Sao Sáng là câu truyện viết về giáo dục trước 1975. Linh mục Trung Tín phụ trách việc dạy học ở một ngôi trường. Trong một lần nghỉ hè trên đường đi Đà Lạt, ngài bị Quân giải phóng bắt và đưa vào căn cứ. Ở đây ngài nhiều lần đối thoại với các cán bộ Cách mạng thẩm vấn ngài. Sau cùng ngài được trở về. Những đoạn đối thoại giữa Linh mục Trung Tín với cán bộ Cách mạng, với người Phật tử về sự chọn lựa lý tưởng là những đọan rất thú vị. Thú vị ở sự trung thực của ngòi bút khi phải đối mặt với những khác biệt tư tưởng, nhưng không tạo ra đụng chạm mâu thuẫn; thú vị ở cái nhìn đa diện, giàu vẻ đẹp nhân văn nhưng không kém phần quyết liệt, bản lĩnh; thú vị ở tầm nhìn ra những dấu chỉ của thời đại và thái độ cần có của người trí thức Công Giáo trong những biến cố của lịch sử.

Tiếng Kêu là thông điệp bảo vệ sự sống, bảo vệ quyền con người, đồng thời là tiếng nói trách nhiệm của lương tâm Công Giáo trước những thách đố đức tin của thời đại. Người đọc sẽ theo chân tác giả trong một hành trình lịch sử đầy máu và nước mắt của nạn diệt chủng do Khmer Đỏ gây ra những năm 1975-1978, sẽ lần theo từng bước chân gian khổ, hy sinh, bệnh tật, bách hại, chết chóc của những vị thừa sai đi gieo hạt giống Tin Mừng đầu tiên ở Tây Nguyên, và từ đó khám phá ý nghĩa đức tin, tiếp nhận thông điệp về sự sống, về trách nhiệm bảo vệ quyền con người đối với những thân phận bị chà đạp nhân phẩm. Điều quan trọng là người Công Giáo phải làm gì để xây dựng nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống.

Hai tập truyện ngắn Người cha hiềnNhững người mẹ là những gương sống đạo trong hoàn cảnh gian nan:

 Một người cha bán ve chai, bị trái nổ làm câm điếc. Vợ bỏ đi. Con vì mặc cảm bố khuyết tật cũng bỏ nhà đi. Trong đau khổ cùng cực ấy, chính người cha đã truyền hết máu tim mình sang tim con để đem đứa con trở về với cội nguồn sự sống là tình yêu thương của cha.

          Một người cha hơn nửa đời làm nghề tài xế, chỉ mong được chút “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, thế nhưng “vinh” đâu chưa thấy. Anh có hai đứa con,  đứa con gái thương yêu lại bị khuyết tật câm điếc bẩm sinh. Người cha ấy đã hết lòng chạy chữa và cầu nguyện cho  con. Anh tin tưởng rằng Chúa không bao giờ bỏ mặc anh.

            Người cha khuyết tật trong truyện Chúa Yêu Cánh Hoa Đơn bị tại nạn xe, vợ chết, thân mình thành tàn phế, nhưng ông vẫn cậy trông vào ơn Chúa và tích cực hoạt động trong giáo xứ. Những đứa con trưởng thành lên trong sự cưu mang của mọi người trong giáo xứ. Dù nhà neo đơn và khó khăn, người con vẫn xin đi tu. Con đã nhận ra ơn gọi trong những lời cha dạy. Hãy tin vào sự quan phòng của Chúa, biết sống phó thác và luôn tìm ý Chúa.

            Những người mẹNgười Mẹ Lao Công, Người Mẹ Bán Vé Số, Người mẹ bại liệt, Người Mẹ Công Nhân, Người mẹ nông dân, Người Mẹ Mù, Người Mẹ Nuôi…Những truyện trong tập Những người mẹ thể hiện tư tưởng Nhân văn Công giáo đặc sắc. Người Công giáo không chỉ nhận lấy cái khổ của mình như nhận lấy Thánh Giá, mà còn tự nhận lấy cái khổ của tha nhân làm Thánh Giá của mình, để nỗi thống khổ của tha nhân được vơi đi phần nào. Và làm như thế cũng chính là làm cho Chúa (Mt 25, 31-40).

Các tác phẩm của của Song Nguyễn có giá trị về nhiều mặt, song đặc biệt thể hiện tư tưởng Mỹ học Kitô giáo và tư tưởng Nhân văn của Tin mừng trong việc xây dựng nhân vật, trong việc đặt ra và giải quyết những vấn đề của thời đại, trong việc thể hiện vẻ đẹp đời sống Kitô giáo giữa lòng dân tộc. Song Nguyễn không ngại đối mặt trực diện với những vấn đề của thời đại thách thức lương tâm Công giáo. Tác phẩm của Song Nguyễn có thể gợi ra cho người viết trẻ Công giáo nhiều vấn đề lý luận: Nội dung tác phẩm viết gì? Nhân vật chính của văn học Công giáo là ai? Thái độ diễn ngôn trong tác phẩm của một nhà văn Công giáo là thái độ thế nào, cả việc chọn lựa bút pháp, cách thể hiện và mục đích sáng tác.

Trong dòng chảy văn xuôi Công giáo từ trước tới nay, chưa có tác giả nào mà tác phẩm thực hiện một sứ mạng cao cả như vậy: vừa phản ánh thực tại đời sống của người theo Chúa trong trường kỳ lịch sử, vừa khắc họa chân dung Đức Giêsu qua nhiều số phận nhân vật, vừa thực hiện sứ mệnh loan báo Tin Mừng: “tác phẩm là những bài suy niệm sống qua các nhân vật. Và nếu có thể, chia sẻ với bạn bè tất cả những kinh nghiệm quý báu này”.

2. LM NGUYỄN TRUNG TÂY (hải ngoại)

            Lm Nguyễn Trung Tây SVD sinh tại Saigòn, trưởng thành tại Sàigòn và San Jose, CA; là Linh mục dòng truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago; từng làm Giáo sư Kinh Thánh tại Đại học Thần học Yarra Theological Union, Melbourne, Úc Châu. Ngài một thời làm thuyền nhân tại đảo Pulau Bidong, Mã Lai; một thời làm việc tại sa mạc Central Australia; và là người yêu mến triết học. Ngài từng đoạt giải Chung kết viết về Nước Mỹ 2010. Việt Báo giới thiệu: “Những tác phẩm của ngài dù được viết với giọng văn đầy dí dỏm, khôi hài vẫn để lại trong lòng người đọc những suy tư trăn trở về văn hóa, gia đình, xã hội, đất nước và ý nghĩa của kiếp người.”[[7]]

Tác phẩm của Nguyễn Trung Tây xuất hiện trên Nguyệt san Dân Chúa Úc Châu, Nguyệt san Trái Tim Đức Mẹ Dòng Đồng Công, Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Dòng Chúa Cứu Thế, VietCatholic, Mạng Lưới Dũng Lạc, Radio Giờ Của Mẹ, Việt Báo, Làng Văn, Hợp Lưu, Văn, Da Màu, Văn Học, và trang lưới Văn Đức của Giáo xứ Lộc Hưng hải ngoại.

Tác phẩm chính:

Ốc mượn hồn (tập truyện ngắn),

Quán rượu nửa đêm (tập truyện ngắn),

Quán nước đầu làng:Niềm tin Việt Nam (Nxb Tôn giáo. 2021): tác giả giới thiệu: “Tác giả đã kể chuyện Đức Giêsu qua dạng truyện ngắn mang tựa đề Niềm tin Việt Nam. Tác giả đặt tựa sách tên “Quán nước đầu làng: Niềm tin Việt Nam”. Bước vô quán, chủ quán mời người Việt Nam không phân biệt tôn giáo uống một ly trà xanh, một cốc nước vối, một ly café đen nóng trong khi nghe chủ quán kể chuyện Đức Giêsu qua những nhân vật Việt Nam đang sống niềm tin ở cả hai nơi hải ngoại và quốc nội…”

Nhiều truyện ngắn của Nguyễn Trung Tây có chất tự truyện. Tác giả ghi lại gốc tích quê hương, những tháng ngày trước và sau ngày 30/4/ 1975, những trải nghiệm thuyền nhân trên biển, cuộc sống ở Mỹ. Năm 1991 đi tu và năm 2002 bước lên bàn thánh. Sau đó sống đời phục vụ, từng ở Úc châu (2006-2016), rồi đến đến Philippines, vàTôi giờ tu sĩ bình bát, lang thang đó đây sống giữa và sống với những đời sống bên lề xã hội.

Nguyễn Trung Tây cũng là nhà văn của những vấn đề di dân: thân phận lưu vong, sống với những bi kịch khác biệt văn hóa. Các nhân vật Linh mục trong truyện của Nguyễn Trung Tây thể hiện vẻ đẹp của tư tưởng Thần học và Mỹ học Kitô giáo. Truyện của Nguyễn Trung Tây là “kiểu truyện tư tưởng”, diễn ngôn về Tin Mừng được trình bày như không trình bày. Chất dân tộc và hiện đại là đặc điểm của văn chương Nguyễn Trung Tây. Tác giả kết hợp nhiều bút pháp trên nền của chủ nghĩa hiện thực. 

Có thể khẳng định Lm Nguyễn Trung Tây là một “nhà văn Công giáo” đặc sắc đương đại, có nhiều đóng góp cho văn học Công giáo hôm nay. Truyện Nguyễn Trung Tây phản ánh một mảng hiện thực rộng của người Việt hải ngoại, đặt được những vấn đề xã hội, vấn đề văn hóa, tư tưởng liên quan mật thiết với đời sống người Việt. Ngòi bút Nguyễn Trung Tây có đóng góp  đặc sắc về bút pháp, về sự thể hiện tư tưởng Thần học và Mỹ học Kitô giáo trong văn chương. Điều dễ nhận thấy ở trang văn Nguyễn Trung Tây là tính truyền thống và chất hiện đại, tính phóng khoáng về tư tưởng (tính dân chủ) song vẫn hết sức giữ gìn những giá trị dân tộc.

Dù viết cho công chúng, song có những truyện của Nguyễn Trung Tây không dễ đọc: Cây thánh giá gỗ mùa Giáng sinh, Hành trình Văn Lang, Thanh hỏa trà, Quán rượu nửa đêm, Thị trấn Chula Vista, Chợ trời Dendenon, Giầy bạc con công, Thần cây đa…

(Mời đọc bài viết về truyện ngắn Nguyễn Trung Tây [[8]]

3. LM ĐAMINH NGUYỄN ĐỨC THÔNG CSsR

Lm Đa Minh Nguyễn Đức Thông CSsR. Sinh năm 1957. Chịu chức Linh mục năm 1993; Tiến sĩ ngành Giáo dục Tôn giáo tại Đại học De la Salle, Manile. Hiện đang là phó Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Giảng dạy tại: Đại Chủng viện Saigon, Học viện Công giáo. Tác phẩm văn học chính:

Nắng chiều tàn tạ. 7 truyện ngắn. Nxb Đồng Nai. 2003

Rừng cao su thay lá. 5 truyện ngắn. Nxb Đồng Nai. 2005

Hoa tươi trong vùng cát. 3 truyện ngắn. Nxb Đồng Nai. 2006

Sỏi đá nở hoa. 3 truyện ngắn. Nxb Đồng Nai 2011

Trăng rằm trên phố núi. Tiểu thuyết. Nxb Hồng Đức. 2018

Tác phẩm của Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông CSsR là tiếng nói mạnh mẽ của lương tâm Công giáo về vấn đề bảo vệ sự sống, bảo vệ nhân phẩm, vấn đề giáo dục, sự xuống cấp của luân lý, đạo đức xã hội và đặc biệt là sự mờ nhạt của đức tin trước những thách thức của thời đại.

4. LM CAO GIA AN SJ

               Lm Cao Gia An sinh năm 1981 tại Hiệp Đức, Bình Thuận. Thụ phong linh mục năm 2014, thuộc dòng Tên. Pontificia Università Gregoriana (Đại học Giáo hoàng Gregorian), Đang trình luận án tiến sĩ về Chú Giải Kinh Thánh. 

 Đã xuất bản: 

3 tập thơ: Về Núi Thánh, Mùa Cứu Rỗi, Tình Thơ Trên Phận Người.

            Các tập truyện ngắn: Hoa Phượng Về Trời; Tâm sự một loài hoa trên tường đá (Nxb Tôn giáo 2018-gồm 22 truyện ngắn); Bên ngoài cổng nhà thờ (tập truyện ngắn. Nxb Hồng Đức 2018)[[9]].

      Bên ngoài cổng nhà thờcòn rất nhiều người nghèo thiếu cả cơm ăn áo mặc. Nghèo hơn nữa là những người nghèo chưa bao giờ được nuôi dưỡng bởi những của ăn tinh thần và đời sống tâm linh. Họ vô phương kháng cự trước vô số cám dỗ và nguy cơ của đời sống hiện đại”.

Tác giả dẫn người đọc đến thăm những cảnh đời mà lối sống đạo truyền thống của người Công giáo đã đẩy họ ra ngoài nhà thờ. Đó là những trường hợp gọi là hôn nhân “rối”, những cô gái “chửa hoang”(Bên ngoài nhà thờ, Cha xứ dở); những “cánh hoa rơi” giữa phố thị (Tầm xuân giữa phố); chia sẻ những bi thảm của những số phận bị công nghiệp hóa tước đi môi trường sống (Miền cỏ xanh dưới lòng sông), hoặc làm tha hóa những điều đạo đức tốt đẹp, làm tan vỡ những cuộc tình hồn hậu,  làm ly tán những gia đình vốn nề nếp hạnh phúc (Tiềng chuông nhà thờ; Hương ổi ngày xưa; Xóm không đêm; Một cuộc đời để sống)…

Bên ngoài cổng nhà thờ là cuộc sống phức tạp. Người Linh mục trẻ cảm thấy bất lực. ”Càng va chạm nhiều với thực tế, anh càng gặp nhiều cảnh đời đau lòng. Những cảnh đời đau lòng đặt ra cho anh nhiều câu hỏi vô phương trả lời, nếu chỉ dựa trên những gì anh đã được học, dựa trên những phương tiện anh đã được trang bị, hay dựa trên những luật lệ mà trước đây anh đã từng trân giữ và xác tín”.

Và đây là một câu hỏi không có lời đáp về một trường hợp chửa hoang mà ba đời chịu khổ: “tội nhân đã ôm tủi hổ xuống mồ, bố mẹ của tội nhân thì cho đến chết cũng đã không dám ngước mặt nhìn đời, con của tội nhân thì không có cơ hội để sống một cuộc sống bình thường như bao nhiêu người khác. Đáng không? Do đâu mà ra cái bể trầm luân như thế? Còn có cơ hội nào để tìm và cứu những gì hư mất không?”.

            Trong bài giảng về đoạn Tin Mừng “Đứa con hoang đàng” (Lc 15, 1-32), người Linh mục trẻ ấy (Cha Tâm) đã đặt câu hỏi này vào lương tâm người Công giáo: “Người ra đi, bị gọi là kẻ tội lỗi, kết cục bước vào ở trong nhà của Cha. Còn người ngày ngày ở lại trong nhà Cha, tự xem mình là kẻ công chính, cuối cùng lại tự đặt mình ở ngoài cổng. Chúng ta gặp mình trong nhân vật nào? Người con thứ hay người con cả? Hay cả hai? Đâu là chỗ của chúng ta, trong nhà hay ngoài cổng?”(truyện Bên ngoài cổng nhà thờ.)

5.NHÀ VĂN NGUYỄN THỊ KHÁNH LIÊN

Nhà văn Nguyễn Thị Khánh Liên sinh năm 1982. Giáo xứ Gò Đền, Nha Trang. Là Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam.

Tác phẩm đã in: Mùa ảo ảnh (truyện dài. 2014); Charao mùa trăng (Truyện dài, 2014), Cô bé gọt bút chì và chú vẹt Cúc-cu (truyện dài thiếu nhi, 2014), Giải cứu ông già Noel (tập truyện ngắn thiếu nhi, 2017). Khánh Liên cũng đoạt nhiều giải thưởng văn học: Giải nhất cuộc thi truyện ngắn Kẹo bạc hà cho tình đầu (báo Áo Trắng 2013), Giải khuyến khích Văn học tuổi 20 lần thứ 5 (2014), Giải Viết văn đường trường (2015, 2016, 2018), Giải VHNT Đất Mới (2016, 2020), Giải nhất cuộc thi viết truyện ngắn và giải nhất cuộc thi viết truyện dài ”50 năm giáo phận Ban Mê Thuột”(2018); Giải ba cuộc thi viết tản văn ”Thương nhớ miền trung” (báo Thanh Niên 2020)…Nguyễn Thị Khánh Liên là một cây bút đầy nội lực, tài năng đã được khẳng định qua nhiều giải thưởng.

Văn chương Khánh Liên thể hiện một tấm lòng yêu người sâu nặng. Nhà văn dám đối mặt với những vấn đề gai góc của đời sống đức tin, ngòi bút lại có thể miêu tả trực diện những bi kịch trong đời thực, và có thể kết thúc những bi kịch bằng những trang văn hết sức cảm động, đầy ắp sự bao dung và lòng tin vào Chúa, vào lẽ thiện của con người.

Khánh Liên có tài khai thác tình huống truyện, có khả năng nhập vai vào nhân vật để khám phá sâu sắc hiện sinh và nghệ thuật giải quyết bi kịch. Khánh Liên mở ra con đường cho những bế tắc bi kịch bằng lòng tin yêu và phó thác vào Chúa.

(Mời đọc bài viết riêng về tập truyện ngắn Sông chảy về đâu [[10]]

6.NHÀ VĂN NGUYỄN VĂN HỌC

Nhà văn Nguyễn Văn Học thế hệ 8X, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Anh quê ở huyện Phú Xuyên (Hà Tây cũ), Hà Nội, sinh trưởng trong một gia đình rất nghèo. Anh tốt nghiệp Khoa Viết văn-Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du).

Hơn 20 năm cầm bút, Nguyễn Văn Học đã in trên 20 tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau: Những cô gái bất hạnh (2007); Gái điếm (2008); Đường dài của hạnh phúc (2008); Rơi xuống vực sâu (2009); Bão người (2009); Cao bay xa chạy (2010); Hỗn danh (2011); Hoa giang hồ (2011); Khi vết thương nằm xuống (2013); Vết thương hoa hồng (2016); Mình ơi, Anh cưới dòng sông nhé? (2018); Chạm tay vào cánh chim trời (2020); Linh điểu (2020); Tiệc hoa (2020), Miền Thánh Đợi (2021)…

            Một số truyện trong tuyển tập Miền thánh đợi có yếu tố Kitô giáo. Đó là các truyện Tình người; Cô gái hát thánh ca, Miền thánh đợi, Ngã lên cỏ thơm.

Nhìn chung, truyện ngắn có yếu tố Kitô giáo của Nguyễn Văn Học không được viết để loan báo Tin Mừng hay để khẳng định Đức Tin. Nhà văn ghi nhận những vấn đề xã hội của tôn giáo và qua đó đặt dấu hỏi về vai trò của tôn giáo trong cuộc sống cộng đồng. Cảm hứng chính của ngòi bút Nguyễn Văn Học là phê phán những kẻ xấu trong giáo dân, “Họ đi nhà thờ đọc kinh đó, ăn “mình thánh Chúa” đó, rồi chính họ đã làm điều ác. Bàn tay họ vấy máu và đầu óc bị quỷ cám dỗ, làm điều chúng sai khiến” (Miền thánh đợi); chính họ cản trở những người muốn theo Chúa.

Những vấn đề nhà văn Nguyễn Văn Học đặt ra làm nặng lòng những người yêu mến Chúa, bởi Chúa dạy “ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”(Mt 22, 34-40), nhưng nhiều người Công giáo đã không sống đúng với lời dạy ấy.

           (Mời đọc:Nhà văn Nguyễn Văn Học & Những truyện ngắn có yếu tố Kitô giáo[[11]])

7.NHÀ VĂN LÊ QUANG TRẠNG

Lê Quang Trạng sinh năm 1996 ở Mỹ Luông, TP. Long Xuyên, An Giang. Anh là Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam. Lê Quang Trạng đã đoạt rất nhiều giải thưởng văn học: Giải Tư cuộc vận động sáng tác Văn học nghệ thuật của Bộ Quốc phòng năm 2017, Giải Tư cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội 2018 – 2019, Giải Tư cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 2015 – 2017, Giải thưởng Tác giả trẻ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, năm 2016, Giải A – Giải thưởng Văn học nghệ thuật Huỳnh Văn Nghệ lần thứ VI, 2016-2020

Tác phẩm đã xuất bản: Dòng sông không trôi (Tập truyện ngắn. 2016), Áp tai vào đất (tập thơ. 2017), Thủ lĩnh băng vịt đồng (truyện dài), vệt sáng của bụi (tập truyện ngắn), Người chở chữ qua sông (tập bút ký), Những hạt bùn vạn dặm (tản văn).

Tuy không phải là Kitô hữu, nhưng từ nhỏ anh đã sống ở xứ đạo Cù Lao Giêng, hay đến nhà thờ, khi lớn lên anh đã có dịp tìm hiểu về đạo.

Anh có khuynh hướng viết “kiểu truyện tư tưởng”. Lê Quang Trạng có khả năng hư cấu, sáng tạo nghệ thuật độc đáo, phong phú.

Xin đọc các truyện: Tình yêu của Chúa (Giải I. VHNT Đất Mới 2015), Những tiếng chuông trầm (Giải I. VHNT Đất Mới 2017), Chúa luôn bên mọi người (Giải KK. VHNT Đất Mới 2016), Thư gửi người họa sĩ tương lai (Giải. VHNT Đất Mới 2018).

8. TERESA NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO

            Teresa Nguyễn Thị Phương Thảo đạt giải nhất VHNT Đất Mới 2017 với tiểu thuyết Ôi tội hồng phúc..

            Tác giả nói về hoàn cảnh sáng tác Ôi tội Hồng Phúc như sau:

            “Thưa quý độc giả, tình cờ ghé vào trang nhà của Trung Tâm Mục Vụ Dòng Chúa Cứu Thế vào năm 2012, con vô cùng ấn tượng với chương trình Bảo vệ Sự sống của các linh mục. Từ đấy, con bắt đầu nuôi ý tưởng sáng tác, dựa trên một câu chuyện con được nghe kể nhưng chỉ bắt đầu nghiêm túc đặt bút viết vào giữa năm 2017. Như vậy, tiểu thuyết “Ôi tội hồng phúc” đã được phóng tác từ truyện thật nhưng tất nhiên, cũng được hư cấu khá nhiều để tăng phần hấp dẫn và lôi cuốn cho độc giả.

Vốn là Tân tòng, gốc gia đình Phật giáo, con chủ ý nhắm đến các độc giả không Công giáo nên nội dung tôn giáo được đề cập khá nhẹ nhàng hầu tránh gây cảm giác nhàm chám cho các độc giả chưa quen với văn hóa và thuật ngữ Kytô Giáo. Chủ đề xuyên suốt của tác phẩm là bảo vệ sự sống nhưng cũng bao gồm quan điểm Kytô Giáo về giá trị của tình dục – tình yêu, hôn nhân và đặc biệt là vấn đề sự dữ và lời giải đáp trong đức tin. Và đó cũng là lý do vì sao tác phẩm được mang tên: “Ôi tội hồng phúc!”, trích từ bài Exsultet, trong đêm canh thức Vọng Phục sinh.

Đồng thời, tác phẩm cũng kể đến mặc khải tự nhiên của Thiên Chúa nơi các tôn giáo, cụ thể là Phật giáo, một tôn giáo có số lượng tín đồ đông đảo nhất và ảnh hưởng sâu rộng nhất tại Việt Nam. Khi nhắc về Phật giáo, con muốn ám chỉ rằng Thiên Chúa đến với tất cả mọi người qua lương tâm ngay lành và khao khát tìm kiếm Chân Thiện Mỹ, cho dẫu trong ý thức, họ không biết Ngài là ai hay cầu khẩn Ngài dưới một danh xưng khác.

Truyện có kết thúc theo hướng mở với những cánh cửa tương lai khác nhau. Con xin dành cho quý độc giả quyền tự do định đoạt một cái kết có hậu mỹ mãn theo ý riêng của mình.

Xin thú thật là con phải bỏ không ít thời gian nghiền ngẫm các bài viết về Y học và Phật giáo. Con cũng bị phê bình về một chi tiết bất hợp lý liên quan đến tình trạng thiếu an toàn khó xảy ra ở một nước tân tiến như Canada, khiến cho chiếc máy bán hàng tự động bị đổ ụp bất ngờ, gây tai nạn chết người. Con xin đính chính là theo thống kê ở Bắc Mỹ, số người bị thương tích hay tử vong do máy bán hàng tự động, tuy vô cùng họa hiếm, nhưng vẫn nhiều hơn so với số tại nạn bởi các cuộc tấn công từ cá mập.

Tóm lại, tác phẩm “Ôi tội hồng phúc” không thể tránh khỏi nhiều thiếu sót do không được viết bởi một nhà văn chuyên nghiệp. Tuy nhiên, con vẫn hy vọng có thể giới thiệu với độc giả không Công giáo các giá trị nền tảng và thông điệp yêu thương của Kitô Giáo.

Cuối cùng, con xin chân thành cảm tạ Chúa đã hướng dẫn con hoàn tất tác phẩm này. Con luôn cầu nguyện xin Ngài giúp sức trước khi khởi đầu một chương mới”[[12]].

9. VINH KIU

Vinh Kiu là bút danh của Lê Ngọc Thành Vinh (Hà Nội), làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Anh đoạt Giải Nhất VHNT Đất Mới 2020 với truyện dài Đóa hồng thứ 40. Tác phẩm khẳng định tài năng của một nhà văn trẻ. Anh còn là tác giả truyện vừa Maria ngoại truyện và là chủ biên tập truyện ngắn Người đọc sách thánh (nhiều tác giả-Nxb Dân Trí 2021).

Đóa hồng thứ 40 có dáng dấp một truyện ký, ghi chép lại khá chân thực ba mùa xuân Thanh Hiền sống và làm việc trên đất Nhật. Thanh Hiền 25 tuổi, là Sinh viên trường Đại học sư phạm nghệ thuật Trung ương, chuyên ngành âm nhạc và dương cầm. Cô xuất khẩu lao động sang Nhật, làm việc trong công ty đóng hộp cơm. 5 chương đầu kể chuyện chỗ ở, việc thực tập và làm việc hết sức vất vả. Ở công ty, Hiền bị Thu Cúc dụ dỗ đóng phim vợ chồng (phim JAV), nhưng cô tránh được.

Những chương sau là hồi tưởng của Hiền về mối tình đầu với Chiến Thắng, cuộc tình thứ  2 với Apolong, cuộc tình thứ ba với Đình Trọng. Cả ba người đều bỏ cô để theo Chúa sống đời dâng hiến. Hiền cũng hồi tưởng chuyện tình của bố mẹ (Bà Hà-ông Minh), chuyện tình của người chị là Hoài Hương và việc Hương đi xuất khẩu lao động ở Angola, về thảm cảnh nợ nần, tai họa liên tiếp của gia đình.

Để kiếm thêm tiền gửi về nhà trả nợ vay nóng,  Hiền đã nhận đàn cho ca đoàn ở  nhà thờ Tin Lành, dạy nhạc cho học sinh lớp ba ở trường Tiểu học trong vùng với mức lương gấp đôi làm ở công ty cơm hộp. Cô có ước mơ sang Anh để kiếm nhiều tiền hơn. Hiền được Huy môi giới sang Anh “trồng cỏ”. Do bận công việc, Hiền phải lùi thời gian đi chuyến sau. May cho cô không đi chuyến ấy. Huyền My, một người bạn của Hiền đã trở thành nạn nhân của chiếc xe container chở 39 xác chết khi vào nước Anh. Người bạn ấy là đóa hồng thứ 39, và Hiền là đóa hồng thứ 40.

            Sau cùng, gia đình Hiền được đền bù tiền đất do quy hoạch, Hoài Hương đã trả được nợ và mở thêm một tiệm bán và sửa chữa ngư cụ cho bố (ông Minh). Hương được chị Mai là một đồng nghiệp giúp cho đi dạy lại. Thằng Cò (con của Hương) được đi học. Cuộc đời của cả gia đình Thanh Hiền như đã sang trang

Hiền suy gẫm: “Chẳng phải Chúa đã cho cô một cơ hội được sống sót, đóa hồng thứ 40 này phải sống sao cho xứng đáng, sống sao cho có ích, sống cho cả 39 đóa hồng kia, đặc biệt là cho đóa Huyền My

                Truyện tập trung miêu tả tình cảnh của người trẻ xuất khẩu lao động, và thái độ sống đức tin của người trẻ xa quê trong một môi trường văn hoá xã hội có nhiều khác biệt Kitô giáo. Chẳng hạn, Hiền trọ ở nhà ông Tokieda người Tin Lành với kỷ luật nghiêm nhặt, cô phải ứng xử thế nào để không cảy ra mâu thuẫn tôn giáo với ông bà; hoặc để có thêm tiền cô đã nhận chơi đàn cho ca đoàn nhà thờ Tin Lành, tập hát thánh ca Tin Lành, nghe Mục sư Tin Lành giảng mà không phai nhạt hoặc “rối đạo” so với tín lý Công giáo; hoặc chịu sự khinh miệt của bà Fuji. Hiền cảm thấy xấu hổ khi thấy có một em bé Nhật làm dấu khi ăn cơm trong khi lâu rồi cô đã không làm dấu trước mặt thiên hạ…

Nhưng chủ đề bao trùm là những ảo tưởng về kiếm tiền của người lao động xuất khẩu (hai chị em Hoài Hương và Thanh Hiền). Họ bị nợ chồng chất, nhất là khoản tiền vay nóng 250 triệu để được đi lao động. Ở Nhật, Thanh Hiền làm việc hết sức vất vả, và nếu không “làm thêm” thì chỉ đủ sống và dư chút đỉnh. Mơ ước trả nợ và đổi đời vẫn mù mịt.“Hiền băn khoăn tự hỏi, mình tới đây để làm gì? Đã gần hai năm trôi qua vẫn chưa trả hết số tiền đã nợ để đến được xử sở này. Đâu là Thiên Đường, đâu là Địa Ngục?

                Truyện dài Đóa hồng thứ 40 còn đặt ra nhiều vấn đề “nóng” của xã hội Việt Nam đương đại. Đó là tuổi trẻ sống ảo, yêu ảo; vấn đề Formosa; việc xuất khẩu lao động chất chứa nhiều điều phạm pháp và hiểm nguy như vay nóng, bị dụ dỗ làm việc phạm pháp (như đóng phim JAV, trồng cần sa…); Vấn đề “đại kết” Công giáo và Tin Lành. Ở Việt Nam sinh viên học xong ra trường, muốn xin được việc thì phải “chạy” tiền, hoặc phải bán thân cho giám đốc (chuyện của Huyền My); Việt Nam đã không trọng dụng tài năng, hoặc xu thế làm mẹ đơn thân không bị kỳ thị như hồi xưa…

Tác phẩm thuộc dạng truyện ký nên những ghi chép về một số mặt đời sống và con người ở Nhật khá chi tiết và sống động, hoặc những hi chép về đời sống của giới trẻ hôm nay khiến người đọc trưởng thành phải trăn trở…

10.VINC CHUNG THANH HUY

            Anh sinh năm 1976, hiện đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh.

            Chung Thanh Huy là tác giả đoạt giải nhiều năm của VHNT Đất Mới:

Câu chuyện chiều mưa. (Giải KK 2016)

Những ánh sao đêm (Giải KK 2017)

Ở phải (Giải II. 2020)

            Tủ sách Nước Mặn trong chương trình hướng đến 400 năm Văn học Công giáo Việt Nam đã in tập truyện ngắn BÃO, gồm 11 truyện: Ở phải, Ca đoàn Xẻo Lá, Con trai ông Mục sư, Biển của đời người, Câu chuyện chiều mưa, Bão biển, Những ánh sao đêm, Xưởng mộc ông Hùng, Phía sau nỗi đau, Chuyện ở xóm Cồn, Ra Giêng thì cưới.

            Ở phải là một truyện hay đậm màu sắc Nam bộ.

11.TÁC GIẢ VĂN XUÔI Ở CÁC GIÁO PHẬN

            Trên website của 27 giáo phận, tôi ghi nhận được 9 giáo phận có trang văn thơ trong Mục vụ văn hóa. Đó là Gp Hưng Hóa, Gp Phát Diệm, Tổng Gp Huế, Gp Quy Nhơn, Gp Bà Rịa, Gp Đà Lạt, Gp Long Xuyên, Gp Phú Cường, Gp Xuân Lộc. Việc đầu tư cho các chuyên mục văn thơ Công giáo cũng không đồng đều. Có trang bài vở rất phong phú nhưng có trang, người phụ trách chỉ chép lại (coppy) bài vở ở các trang khác, không phát huy bài vở của tác giả trong giáo phận.

GIÁO PHẬN HƯNG HÓA

Trên website giáo phận Hưng hóa có truyện Kinh thánh của Quang Hải và Câu chuyện truyền giáo của Lm Nguyễn Văn Thành.

QUANG HẢI

Quang Hải có truyện dài Trở về và một số truyện ngắn. Đặc biệt là những truyện ngắn Kể truyện Kinh thánh.

            Trở về (truyện dài) là tâm trạng đầy mặc cảm của nhân vật Hoàng khi rời chủng viện. Dù được mẹ, bà nội, cha sở, ông trùm cảm thông và tạo điều kiện cho hoàng hội nhập với giáo xứ song anh bị ca đoàn tẩy chay. Hoàng phải chia tay với mẹ và bà để đi thăm cha linh hướng rồi về Hà Nội tìm việc. Tuy là một truyện dài nhưng dung lượng cốt truyện chì là một truyện ngắn. Hành động truyện đơn giản, không có nhiều tình huống truyện làm phát triển số phận nhân vật. Chủ đề mờ nhạt.

            Để viếtnhững truyện ngắnphóng tác Kinh Thánh, anh dựa theo cốt truyện trong Kinh thánh rồi hư cấu không gian, thời gian, nhân vật…

Ánh bình minh trong đêm thuật lại việc Gioan nói chuyện với Simon trong đêm. Simon hối hận vì đã chối thầy ba lần…

Ném đá. Phi-lip gọi Anrê đi xem ném đá một người tên Ste-pha-nô. Anrê  nhớ lại lần

 xem người phụ nữ ngoại tình bị ném đá. (Ga 8, 3-11)

Ngày dài của ông Arahon kể chuyện Arahon làm con bê bằng vàng cho dân chúng thờ và bị Môsê quở trách (Sách Xuất hành, chương 32).

Phú ông cầu nguyện lấy cốt truyện của dụ ngôn người Pha-ri-sêu, và người thu thuế.
 cầu nguyện trong Kinh thánh (Lc 18, 9-14), kết hợp với truyện của Nam Cao (Tư cách mõ).

Quyết lên đường là truyện lấy ý từ chuyện ba nhà đạo sĩ đi theo ngôi sao lạ đến viếng Đức Giê su mới giáng sinh (Mt 2, 1-12). Nhưng truyện của Quang Hải chỉ có hai thầy trò Ba Dút, nhân vật do tác giả hư cấu.

Quang Hải có ưu thế kể chuyện, miêu tả tâm trạng và khả năng sáng tạo những nhân vật ngoài Kinh thánh nhưng vẫn giữ được sự trung thực với Kinh thánh. Đây là một xu hướng truyện có khả năng phát triển nhưng đòi hỏi nhiều tài năng.

Rất tiếc, ngòi bút của Quang Hải còn non tay trong kiến tạo tác phẩm. Chủ đề không rõ. Có rất ít sáng tạo những nhân vật, tình huống, bối cảnh mới. Trong cách viết tâm trạng nhân vật, còn có bóng dáng của Nam Cao.

LM NGUYỄN VĂN THÀNH.

Lm Nguyễn Văn Thành có những Câu chuyện truyền giáo

Tác giả kể truyện mình truyền giáo cho nhiều đối tượng trong những hoàn cảnh khác nhau. Đó là những cuộc gặp gỡ, thăm hỏi, lắng nghe chia sẻ với tha nhân, rồi nhân đó nói về Chúa cho mọi người. Với thái độ thân thiện, gần gũi, quan tâm và tôn trọng người đối thoại, tác giả thu phục được nhân tâm.

Truyện thường mở đầu bằng những lời giới thiệu thời gian, không gian, hoàn cảnh dẫn đến gặp gỡ. Sau đó, là đối thoại trực tiếp giữa tác giả và nhân vật. Cuộc đối thoại có chức năng kể chuyện như trong ngôn ngữ kịch. Kết thúc truyện, tác giả dẫn lời Kinh thánh để tô đậm chủ đề, thay cho bình luận.

            Truyện ghi nhận nhiều vấn đề của hiện thực truyền giáo. Chẳng hạn ngày xưa  xã hội thường khắt khe với tôn giáo (Hiểu lầm đáng tiếc). Linh mục và người làm việc đạo (ông trùm) thường bị bắt tù (Cái giá phải trả cho việc xây cầu ao). Nhiều người đạo gốc nhưng do hoàn cảnh đã bỏ đạo (Em đã bỏ đạo rổi, Hẹn nhau vào đêm giao thừa, Kiên trì gỡ từng nút…), hoặc những khó khăn khi đối thoại với những lương dân theo tôn giáo khác (Đối thoại với người Phật giáo; Đối thoại với người Tin Lành; Đối thoại với người Trí thức, Đối thoại với người dân tộc Mường)…

Đây là dạng Ký (chuyện người thật việc thật). Tác giả có ý chia sẻ kinh nghiệm truyền giáo cho mọi người bằng sự gặp gỡ, lắng nghe và quan tâm. Tất nhiên người làm việc truyền giáo phải có hiểu biết về nhiều mặt, phải có tài ngôn ngữ và hết lòng vì tha nhân.

***

            GIÁO PHẬN VĨNH LONG

            Trên website giáo phận Vĩnh Long có “Chuyện Đơn Sơ về Giáo Lý và Giáo Dục”của Lm Emanuel Nguyễn Vinh Gioang và “Truyện suy gẫm” của Lm Nguyễn Nhân Tài.

LM EMANUEL NGUYỄN VINH GIOANG

Linh Mục Emanuel Nguyễn Vinh Gioang có 100 “Chuyện Đơn Sơ về Giáo Lý và Giáo Dục” .

Nội dung nói về:

Các gương tử đạo, gương đức tin như truyện của Ampere, Volta, Thánh Phêrô thành Verona; truyện Hãy cho tôi đủ tiền! Gương các thánh như thánh Đaminh, Têrêxa Hài Đồng; thánh Bosco; các truyện Thánh Phanxicô Xaviê giảng đạo bằng gương tốt; Hai nguyên tắc của Thánh Gioan Lùn tu rừng…

Về lời dạy khôn ngoan của Đức Giáo Hoàng Piô IX; Đức Giáo Hoàng Piô XII,

Về truyền giáo, các truyện: Truyền giáo bằng điện thoại. Gương truyền giáo của giáo dân Lôrăng, 26 tuổi; các truyện: Những lời khuyên hay cho những ai đi truyền giáo;  Sức mạnh của Thánh Giá là vô địch!; Một nữ tu làm cho một toán lính không còn kể chuyện tục tĩu nữa; Bạn độc nhất của linh mục (truyền giáo ở bắc cực)…

Về Sống đạo, các truyện: Một nữ tu Mỹ. Dự Thánh Lễ từ xa; Chúa muốn tôi sống để cứu ông; Chết để cho đoàn chiên được sống…

Những vấn đề đức tin, các truyện:  Chết quá thình lình, dọn mình có kịp không?; Thời gian ở trong tay Chúa; Phương thế linh diệu để thắng các cơn cám dỗ; Các thánh chết vui vẻ (nêu gương nhiều vị thánh)…

Giảng giải lẽ đạo, các truyện: Chúa Giêsu Kitô là Vua lạ lùng;Vua Giêsu Kitô đăng quang trong hồi Thương Khó. Kẻ thù của Vua Giêsu…

Có một mảng truyện nói về các thánh tử đạo Việt Nam: Giáo Hội Việt Nam là Giáo Hội Tử Đạo ; Cái giá trung thành của các Thánh Tử Đạo Việt Nam; Kế hoạch Phân Sáp của Vua Tự Đức quá sâu độc! Các thánh Tử Đạo Việt Nam thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội; Một vài lời cúa các Thánh Tử Đạo Việt Nam; Các hoàng đế Rôma giết đạo, đều đã trãi qua những cái chết dễ sợ (liệt kê vài cái chết dữ)

Đây là loại truyện Flash (truyện chớp). Không rõ tác giả sáng tác hay sưu tầm. Hầu hết là truyện người thật việc thật. Nhân vật là người nước ngoài (Mirabeau, trong thời kỳ Cách Mạng Pháp, nổi tiếng là kẻ ghét Chúa, ghét Đạo Công giáo), cũng có khi là phiếm chỉ (Một Đức Giám Mục kia…). Tác giả vừa kể vừa phân tích nói rõ nội dung chủ đề (xin đọc: Cầu nguyện là sức mạnh lớn nhất giúp chúng ta giải quyết những vấn đề).

Có truyện chỉ thuật thông tin: Giáo Hội thật quá lạ lùng!

Có truyện giảng giáo lý: Thánh Lễ và Thánh Thể làm cho giáo xứ sống động.

Có truyện là một bài nghị luận ngắn. Xin đọc: Thánh khiêm nhượng, mới là thánh thật; Giờ chết, giờ hấp hối, là giờ nguy hiểm nhất; Có Chúa! Có Chúa! (phản bác lại Nietzche và Camus);Tìm tòi và suy nghĩ; Không thấy Chúa Giêsu nhưng cảm thấy có Chúa Giêsu một cách đặc biệt.

Gọi là truyện “đơn sơ” vì

Có truyện chỉ là một câu nói của nhân vật (“Thế gian làm thì thì làm, Giáo Hội cứ cầu nguyện và hát ca! “.), hoặc truyện chỉ là 2 câu đối thoại (Nhà bác học danh tiếng chỉ mong được lên thiên đàng mà thôi).

Nghệ thuật tương phản được sử dụng nhiều. Truyện thường chia làm hai phần (hai vế) đối lập nhau. Phía chính nghĩa luôn chiến thắng.

Cách kể mạch lạc, phân tích và bình luận thuyết phục nên nhiều truyện để lại những ấn tượng giáo dục tốt. Đây là những truyện có thể dùng minh họa trong những bài giảng lễ.

LM GIUSE MARIA NGUYỄN NHÂN TÀI

Lm. Giuse Maria Nguyễn Nhân Tài, csjb có 215 truyện gồm các chủ đề

Truyện suy gẫm: 117

Mội ngày một câu chuyện: 71

Truyện giáo dục trẻ: 09

Vui buồn đời Linh mục: 18

Truyện suy gẫm được ghi rõ nguồn. Tác giả sưu tầm và dịch từ các tác phẩm Trung Quốc: Bài ca của loài ếch; Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay; Thế Thuyết Tân Ngữ; Ngải Tử tạp thuyết; Tô Đông Pha tập; Phủ Chưởng lục; Mẫn Thuỷ Yến Đàm lục; Hiên Cứ lục; Trình Sứ; Thi Chú Tô Thi; Mạc Phủ Yến Nhàn lục; Tiếu Đảo…Sau khi giới thiệu truyện, tác giả viết “suy tư”.

Truyện thiếu nhi (không ghi nguồn), có thêm phần thực hành: thí dụ các truyện: Con ngỗng ngông cuồng tự đại; Thỏ đen mang đôi khuyên tai; Ba anh em học nghề; Áo may ô vui vẻ; Con dơi cô độc; Chim nhỏ làm tổ…

Những truyện Vui buồn đời Linh mục (không ghi nguồn và không có lời suy tư): Phá bỏ cổ lệ; Tiếng Chúa; Mục tử và làm công; Trách móc; Niềm vui; Xin chia cười; Giờ nghỉ trưa; Phục vụ-Gia trưởng

Trong cấu trúc bài viết, phần kể truyện chỉ để gây sự chú ý, đôi khi hấp dẫn, nhân đó tác giả suy tư, và gửi đến người dọc, người nghe những thông điệp về nhận thức, về đức tin, về sống đạo. Có khi nội dung truyện không liên quan gì đến lẽ đạo (bởi đa số là truyện cổ Trung Quốc)…

Về nội dung những bài “suy tư”, tác giả tập trung giảng Lời chúa. Chẳng hạn:

           Nếu Đức Ki-tô không hy sinh, không chết trên thập giá và sống lại, thì chúng ta làm sao được gọi Thiên Chúa là cha, và hy vọng hưởng phúc với Ngài trên thiên đàng chứ? (truyện Sông suối và đá ngầm). Xin đọc thêm các truyện: Vườn E đen ở trên đất”, Con xâu róm quá xấu, truyện Về nhà tìm được đạo thật.

            Nhiều truyện giảng về tu đức, về giáo lý hôn nhân; về người trẻ (chọn nghề lương cao, làm việc thoải mái).Có truyện  khuyên bảo Linh mục (Cát sỏi phía sau; Sang năm cùng tuổi; Chỉ có Hải đường tỏa hương; Hai thứ ấy…)

            Những truyện giáo dục trẻ, tập trung vào giáo dục nhân bản và đức tin (Chuột túi và người hành khất);  Chim ưng cô độc; Tranh cãi tên trước tên sau…).

            Một vài đặc sắc nghệ thuật.

            Tác giả chọn và dịch được nhiều truyện hay. Đây là kiểu truyện rất ngắn (Flash story) quen thuộc trong cổ văn. Truyện thường mang nghĩa ẩn dụ và chứa đựng những bài học khôn ngoan.

            Tuy vậy, khi đưa vận dụng những truyện này để giảng Kinh thánh hoặc nói lẽ đạo, giáo dục đức tin, thật không dễ dàng. Hầu hết các truyện được kể chỉ là nhịp cầu, chỉ là cái áo khoác, là một cách gây chú ý với người nghe, từ đó diễn giả dẫn đến những nội dung giảng đạo, không nhất thiết những tín lý được giảng có liên quan gì đến truyện.

Đã có những liên hệ suy tư không logic (Xin đọc truyện Đầu xe hướng nam, bánh xe hướng bắc). Cũng có truyện có thể gây phản cảm (truyện: Tư thế hiên ngang của Tào Tháo. Người nghe có thể hiểu là hãy học theo gương Tào Tháo. Trong Tam quốc diễn nghĩa, Tào Tháo là một nhân vật gian hùng, sao có thể dùng để giảng Kinh thánh).

Hầu hết truyện dịch từ các tác phẩm Trung quốc, nói về con người Trung quốc và văn hóa tư tưởng Trung quốc, ngày nay rất xa lạ với người trẻ. Mấy ai biết về: Hoàn Đạo Cung; Nguyễn Tuyên Tử ; Khổng Quần, Vương Hiếu Bá; Chung Sĩ, Lý Tinh, Kê Khang, Lữ An, Vương Văn Độ, Phan Vinh Kì, Giản Văn Công; Chu Cát Lệnh, Vương Tử Du, Tề Tuyên Vương, Ngải Tử.

Trong xu thế thoát Trung, chúng tôi nghĩ tác giả nên khai thác nguồn tư liệu từ Kinh thánh (cả Cựu ước và Tân ước, hoặc Tông đồ công vụ) thì tốt hơn.

Nhìn chung các truyện được kể đều hướng về mục đích giáo huấn. Truyện là phương tiện, là công cụ giảng đạo, không phải là mục đích sáng tạo Cái Đẹp. Truyện chỉ dùng để gây sự hấp dẫn lúc đầu sau đó dẫn đến những bài học của Kinh thánh.

LITTLE STREAM

Trên website Giáo phận Vĩnh Long, Little Stream có các truyện: Rớt lại bên hè, Truyền giáo, Níu, Kẹo đậu phọng, Chúa đâu?

 Little Stream có cách viết điêu luyện, phong cách trẻ trung. Truyện giàu tình giáo dục và ý nghĩa nhân văn, đề cập trực diện những vấn đề hiện thực. Tuy vậy, cốt truyện đơn giản và cách viết không mới.

***

            GIÁO PHẬN LONG XUYÊN

 Hầu hết truyện ngắn trên website của giáo phận Long Xuyên đều hướng đến mục đích giáo huấn. Các tác giả chưa chú ý nghệ thuật văn chương. Việc kiến tạo tác phẩm còn non tay.

Hồng Hà có các truyện: Chốn bình yên con tìm về, Chiếc lá liền cành, Tiếng khóc trong đêm, Người mẹ ve chai, Bài học trung tín từ gia đình, Phép mầu của tha thứ.Tác giả có ý thức viết truyện nghệ thuật, song tính giáo huấn, chất nghị luận lấn át tính nghệ thuật.  

Ly Phạm có các truyện: Đi trong bình an, Chiên con hiền lành, Ở cùng nhau, Cầu vồng. Hầu hết chưa thành truyện. Cốt truyện, tình huống, nhân vật, chủ đề chưa được xây dựng một cách có nghệ thuật. Truyện Cầu vồng chỉ là một bài văn nghị luận về ly hôn ly dị…

Lạc Bút có các truyện: Sứ giả hòa giải, Tình phụ tử, Ông cố làm nhà, Cúi xuống, Gương vỡ lại lành, Vươn lên. Kiểu truyện người tốt việc tốt. Tác giả thuật sự việc và rút ra bài học giáo huấn như văn nghị luận, không chú ý nghệ thuật văn chương.

Ngàn Hạc Giấy có các truyện: Chuông chiều ngân đâu đây, Cánh hoa tàn dâng Mẹ. Truyện còn rất đơn giản về cốt truyện, nhân vật. Cánh hoa tàn dâng Mẹ  chỉ là tâm trạng, hồi tưởng của một tù nhân đã tù 10 năm vì ma túy, nghe tiếng chuông nhà thờ và nghe tiếng loa hát vài dâng Mẹ, nó nhớ Tháng hoa. Nó hái mấy bông hoa dại bên hàng rào dâng Mẹ. Nó mong ra tù làm lại cuộc đời.

Quốc Dũng có truyện Tình thương và nỗi nhớ, kể lại tâm trạng của Khang. Khang là con một, cha mẹ là nhà giáo. Học xong Đại học, cậu đi tu dòng. Khang nhớ nhà khi do dịch Covid cha mẹ không lên thăm được.

Hoàng Văn Tuyên kể truyện “Tấm gương Công giáo” hồn nhiên của giáo dân Nam Bộ. Truyện Xin lễ kể rằng:Hôm nay, gã đi mục vụ thăm bệnh nhân. Gặp cha Thịnh là bệnh nhân. Ngài nhớ lại chuyện xưa: Cha nhận Bài Sai của Đức Cha Micae về giáo xứ Kiến Thành, Chợ Mới, An Giang, mà sau này cha hay gọi là Thành Kiến. Giáo dân qúy mến. Họ là nông dân có gì biếu cha cái ấy. Một bà biếu chuối, cha ăn, đêm cha bị Tào Tháo rượt. Một đứa nhỏ mang con cá đến xin lễ giỗ cho linh hồ Phao lô. Con cá nhảy mương bơi đi mất. Ông bố đến cự, sao cha không làm lễ cho linh hồn Phao Lồ. Cha lại mất công giải thích. Ông ta mời cha trưa đến nhà ăn giỗ.

Ngô Văn Vỹ kể truyện “Tấm gương Công giáo”, giới thiệu Viện Phụ Châu Sơn, Đây không phải là một truyện ngắn.

***

            GIÁO PHẬN QUY NHƠN

            40 truyện ngắn trên tập san Mục Đồng và trên trang của giáo phận Quy Nhơn giúp người đọc hiểu các nhà văn Công giáo hiện nay quan tâm đến điều gì.

Nhiều tác giả kể những truyện tình lãng mạn trong nhiều hoàn cảnh khác nhau (điều này dễ hiểu vì đa số là cây bút trẻ).

            Chủ đề thứ hai được quan tâm là những khó khăn của đời tu, của người sống đời dâng hiến (Đời dâng hiến-Nguyễn Văn Ninh); khó khăn của người tu xuất(Bù Nhìn rơm-Hải Miên), khó khăn truyền giáo (Cơn mưa ân tình –Nguyễn Ngọc Bích).

            Chủ đề thứ ba là sự đổ vỡ hôn nhân trong các gia đình Công giáo.

            Có nhiều truyện hay viết về trẻ thơ. Trẻ em là nạn nhân của người lớn. Nhiều truyện miêu tả nỗi bất hạnh của trẻ em con nhà nghèo;

            Tình quê hương, tình bạn, tình người cũng là những chủ đề được viết rất xúc động.

            Trong 40 truyện, tôi tâm đắc với những truyện sau đây:

1. Lời của trái tim-Lê Quang Trạng (đã giới thiệu).

            2. Cái tết của Nhi-Nguyễn Thị Khánh Liên (đã giới thiệu).

            3. Cỗ tràng hạt bị đánh cắp-Nguyễn Ngọc Bích.

            4. Tôi là người Kitô hữu-Võ Trịnh Như Quỳnh.

            5 .Ngược- Nguyễn Chí Ngoan.

6. Một thoáng vùng cao- Trần Thị Vân Anh.

7. Chờ xuân-Hải Miên.

8. Chị tôi-Lê Thị Xuyên.

9. Nắng hôm ấy màu hồng-Lưu Cẩm Vân.

10.Một chốn bình yên-Dom. Phạm.

10 truyện ngắn trên ít nhiều đạt được những phẩm chất nghệ thuật của truyện ngắn Việt đương đại. Các tác giả là những ngòi bút đầy hứa hẹn.

            (Xin đọc bài viết: Văn học Công giáo giáo phận Quy Nhơn [[13]]

            ***

            GIÁO PHẬN XUÂN LỘC

            Các tác giả văn xuôi tập trung ở Giải VHNT Đất Mới.

            (Xin đọc bài viết Văn học Công giáo-giáo phận Xuân Lộc [[14]]

Tôi chú ý đến các tác giả truyện dài:

Têrêsa Nguyễn Phương Thảo (Canada): Ôi tội hồng phúc.

Seraphim Đặng Kim Thoa (Hải Phòng): Sứ mạng; Thiên Chúa Cha của tôi.

Phạm Thị Lành: Huỳnh đệ vàng; Lối về ; Hương thạch thảo.

M. Vinc Nguyễn Thị Chung: Đâu là hạnh phúc thật; Thử chết một lần ;

                                Khi trái tim lên tiếng; Chàng xe ôm.

Maria Goretti Ng Thị Xuân. Vòng xoáy yêu thương; Ngã tư thập tự;

                                               Ngựa chứng trong tu viện.

Maria Hà Thị  Thúy Diễm (Phú Cường): Con hoang; Những Nốt Nhạc Nên Đời;

                                                                          Xương bánh đúc.

M. Innocentio Nguyễn Thị Duyên, O.Cist: Di trú tới Thiên Chúa.

Các tác giả trên có tác phẩm đạt được những giá trị tư tưởng-nghệ thuật nhất định, khả năng sáng tạo phong phú và văn phong có cốt cách riêng. Nhiều tác giả có ngòi bút chuyên nghiệp (Têrêsa Nguyễn Phương Thảo, Seraphim Đặng Kim Thoa)

***

Phần III: NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA VĂN XUÔI CÔNG GIÁO ĐƯƠNG ĐẠI

  1. Văn chương chuyên nghiệp và văn chương phong trào

Phần “Nhận dạng” trên giúp người đọc nhìn rõ hai bộ phận văn xuôi Công giáo đương

 đại. Đó là văn chương “chuyên nghiệp” và “văn chương phong trào”.

            Văn chương chuyên nghiệp là những tác phẩm lấy việc sáng tạo nghệ thuật là chính (Fiction). Mỗi nhà văn quan tâm đếm một mảng hiện thực riêng, tìm kiếm nhân vật thể hiện lý tưởng thẩm mỹ của riêng mình, đặt ra những vấn đề theo góc nhìn từ chỗ đứng của riêng mình và sử dụng một bút pháp phù hợp với “cái tạng” của riêng mình. Tác phẩm thực sự là khám phá, sáng tạo “Cái Đẹp mới”, thể hiện tư tưởng-thẩm mỹ mới (đặc biệt là tư tưởng Mỹ học Kitô giáo và Chủ nghĩa Nhân văn của Tin Mừng). Những tác giả và tác phẩm ấy có giá trị đóng góp cho sự phát triển văn học Công giáo trong thời đại mới.

            Văn chương phong trào là những tác phẩm chỉ lấy việc truyền đạt nội dung là chính mà không có sáng tạo nghệ thuật (sáng tạo về hình tượng, bút pháp, tư tưởng-thẩm mỹ và phong cách). Tác giả viết theo năng khiếu, dùng văn học làm công cụ giáo dục trực tiếp. Có tác giả kỹ năng viết tác phẩm còn hạn chế.

            Khi xem xét sự phát triển của văn chương Công giáo đương đại, nhà nghiên cứu sẽ quan sát kỹ “văn chương chuyên nghiệp”, và tìm kiếm những tài năng văn chương của tương lai trong các “tác giả phong trào”.

            2.Văn xuôi Công giáo đương đại phản ánh một diện rất rộng đời sống người Công giáo trong quá trình lịch sử.

            Toàn bộ tác phẩm của Song Nguyễn được coi là một bộ sử thi về đời sống của người Công giáo từ trước  1945 đến thời kỳ đổi mới (1986). Người đọc có thể thấy nề nếp sinh họat nhà đạo trước 1945, không khí kháng chiến chống Pháp, rồi di cư 1954, biến động ở miền Nam những năm 1960, những đổi thay trước và sau biến cố lịch sử 30/4/1975, phong trào đi xây dựng Kinh Tế Mới…Trong trường kỳ lịch sử như thế, người Công giáo luôn cậy trông vào Chúa, tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa, “việc Chúa muốn, Chúa sẽ làm”…

            Truyện của Lm Nguyễn Trung Tây lại ghi nhận một mảng hiện thực khác. Hiện thực miền Nam trước và sau 1975, số phận những thuyền nhân vượt biên, những khó khăn khi hội nhập văn hóa nơi định cư mới, những vấn đề của di dân trong thân phận lưu vong, sự thành đạt của người Việt ở Mỹ, việc bảo tồn văn hóa, ngôn ngữ Việt đối với thế hệ trẻ người Việt ở nước ngoài.

            Bên ngoài cổng nhà thờ của Lm Cao Gia An là thân phận những người nghèo, những trường hợp hôn nhân “rối”, những cô gái “chửa hoang”, những “cánh hoa rơi” giữa phố thị,  những con người bị công nghiệp hóa tước đi môi trường sống, hoặc làm tha hóa những điều đạo đức tốt đẹp, làm tan vỡ những cuộc tình hồn hậu, làm ly tán những gia đình vốn nề nếp hạnh phúc …

            Các tác phẩm của Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông phản ánh một hiện thực riêng là đời sống của các Linh mục, các dòng tu; và đời sống giáo dân từ thời Ấp chiến lược (1960) đến Hiệp định Paris 1973, biến cố lịch sử 1975 và những ngày khó khăn người dân đi Kinh tế mới, lương của giáo viên 60 đồng…Trong các gia đình công giáo có bao nhiêu là bi kịch, bao nhiêu đau thương mất mát vì chiến tranh. Lòng đạo phai nhạt và xuống cấp trầm trọng: nạn phá thai, tình trạng loạn luân (bố chồng chiếm đoạt con dâu, thầy chiếm đoạt trò, chồng có vợ lớn vợ nhỏ, giáo dân chửi cha sở hàng ngày, giáo dân tung tin vu khống cha sở khiến ngài phải chuyển đi nơi khác. Sự giả dối đã thống trị khắp nơi: bằng giả, Tiến sĩ giả, hôn nhân giả, Linh mục giả, trẻ mồ côi giả, đến cây thánh giá cũng giả (truyện Cây Thánh giá giả). Tác giả đề xuất nhiều vấn đề tư tưởng và giáo dục theo truyền thống Tin Mừng.

            Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Khánh Liên đi sâu vào những bi kịch của gia đình Công giáo trong thời đại toàn cầu hóa: sự đổ vỡ của hôn nhân, khát vọng của người phong cùi, ngư dân dẫm nước mắt trong đại họa các biển chết, nạn xâm hại tình dục, sự thất lạc gia đình trong những cuộc vượt biên…

            Nhà văn Nguyễn Văn Học khai thác vấn đề xã hội của tôn giáo, đặc biệt là những người Công giáo tuy theo Chúa nhưng lại sống giả hình, gây ra bao thảm cảnh cho tha nhân, chẳng khác gì bọn kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình xưa. Họ gây ra những tranh chấp đất đai, những cuộc đánh nhau giữa làng bên lương và làng Công giáo với những hận thù truyền kiếp.

            Những Câu chuyện truyền giáo của Lm Nguyễn Văn Thành và “Truyện suy gẫm” của Lm Nguyễn Nhân Tài lại phản ánh một hiện thực khác, hiện thực sống đạo và truyền đạo. Đặc biệt là sự khó khăn trong việc truyền giáo hôm nay, và cả những vấn đề đối với Linh mục. Những truyện “rất thực”như vậy có thể giải thích cho một vấn đề lớn của Giáo hội Việt Nam là hơn  60 năm qua, việc truyền giáo ở Việt Nam không có kết quả.

            Những tác phẩm văn xuôi của Giải Viết văn Đường trường và Giải VHNT Đất Mới hầu hết là của các tác giả trẻ, họ quan tâm đến những vấn đề hôm nay như: tình yêu, hôn nhân khác tôn giáo, bảo vệ thai nhi, bảo vệ môi trường, đối thoại Công giáo và Tin lành trong đại kết, những khó khăn về tôn giáo, việc làm của người trẻ khi vào đời và cuộc sống, trăn trở của những người sống đời dâng hiến (linh mục, nữ tu…)

            3.Tư tưởng Mỹ học Kitô giáo và Chủ nghĩa nhân văn Công giáo được khám phá và thể hiện phong phú [[15]].

            Đặc biệt trong các tác phẩm của Song Nguyễn và của Lm Nguyễn Trung Tây, tư tưởng Mỹ học Kitô giáo và tư tưởng Nhân văn của Tin mừng được trình bày rất đa dạng trong việc khắc họa chân dung đức Giêsu nơi tha nhân. Xin đọc Đời Dâng hiến, Đồng hành, Đồng cỏ xanh của Song Nguyễn, các truyện Quán rượu nửa đêm, Giấy bạc con công, Cây thánh giá gỗ mùa giáng sinh…của Nguyễn Trung Tây.

Đối với các tác giả trẻ, nhiều người chưa được trang bị về lý luận văn học Công giáo, chưa vận dụng được tri thức Triết học và Thần học đủ để làm nên tư tưởng cho tác phẩm, tư tưởng Mỹ học Kitô giáo và chủ nghĩa Nhân văn Công giáo còn mờ nhạt. Chẳng hạn nhiều truyện ngắn có yếu tố Kitô giáo của Nguyễn Văn Học, bóng tối hiện thực còn che lấp ánh sáng của đức Kitô (Đức Giê su nói: “Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối”. Ga 12, 46)

Tư tưởng Mỹ học Ki tô giáo và Chủ nghĩa nhân văn của Tin Mừng là hạt nhân làm nên tác phẩm văn học Công giáo.

Bởi Cái Đẹp đích thực là Thiên Chúa. Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (St 1, 31). Đức Giêsu là Cái Đẹp trọn hảo. Khi Người biến hình trên núi Tabor, “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”. Có tiếng trong đám mây: “Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta”(Mt 17, 5).

Chủ nghĩa Nhân văn của Tin Mừng nhìn con người là hình ảnh của Thiên Chúa: Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 1, 27) và con người ở trong tình thương yêu của Thiên Chúa: “Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15,5); “Thật vậy, chính Chúa Cha Yêu mến anh em, vì anh em đã Yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến” (Ga 16, 27). Tình yêu thương con người phải được thể hiện cụ thể như dụ ngôn người Samari nhân hậu (Lc 10, 29-37). Thí dụ truyện Tình người của Nguyễn Văn Học, những truyện ngắn trong Sông Chảy về đâu của Nguyễn Thị Khánh Liên.

4. Sự đa dạng về phong cách và bút pháp.

Đa phần tác phẩm văn xuôi Công giáo đương đại được viết bằng bút pháp hiện thực, nhờ đó phản ánh được đời sống đức tin của người Công giáo trong mọi hoàn cảnh lịch sử. Nhưng tuy cùng bút pháp hiện thực, song phẩm chất nghệ thuật trong tác phẩm của Song Nguyễn, của Lm Nguyễn Trung Tây, truyện của Lm Cao Gia An, của Nguyễn Văn Học, Nguyễn Thị Khánh Liên, Vinh Kiu và Lm Nguyễn Văn Thành là rất khác nhau. Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông viết những truyện ngắn theo kỹ thuật viết tiểu thuyết.

Văn của Song Nguyễn có sự mộc mạc chân chất hướng về công chúng bình dân, trong khi văn của Lm Nguyễn Trung Tây rất “Tây”, rất “trẻ” và có bề dày văn hóa tư tưởng không dễ đọc. Nguyễn Thị Khánh Liên có giọng buồn thấm thía trước những bi kịch thì Nguyễn Văn Học lại đầy trăn trở trước thực tại còn nhiều bóng tồi. Trong khi Vinh Kiu rất Teen thì Nguyễn Phương Thảo lại đậm màu sắc tư tưởng triết học…

Người đọc còn gặp bút pháp lãng mạn trong tiểu thuyết Hương Thạch thảo của Phạm Thị Lành, tiểu thuyết thần thoại giả tưởng trong tiểu thuyết Sứ Mệnh của Seraphim Đặng Kim Thoa, những truyện hư cấu phóng tác từ Kinh thánh trong truyện của Quang Hải, những “truyện Chớp” (Flash) của Lm Nguyễn Văn Thành, Lm Emanuel Nguyễn Vinh Gioang, Lm Giuse Maria Nguyễn Nhân Tài…

Tính dân chủ và tính hiện đại thể hiện ở nhiều mặt của văn xuôi Công giáo đương đại. Xin đọc truyện ngắn Nguyễn Trung Tây, Nguyễn Văn Thành, truyện dài Đóa hồng thứ 40 của Vinh Kiu và Ôi tội hồng phúc của Nguyễn Phương Thảo…Tính dân chủ trong việc chọn đề tài, chọn nhân vật, không có sự phân biệt giữa kiểu nhân vật này với kiểu nhân vật kia, nhà văn không áp đạt tư tưởng của mình lên độc giả, nhà văn có thể tiếp cận mọi vấn đề mà không bị làm lệch đi bởi lăng kính cá nhân.

Tính hiện đại thể hiện đặc biệt ở việc sử dụng vốn từ tiếng Việt đương đại khác với kiểu ngôn ngữ trong truyện chương hồi hay tiểu thuyết Tự Lực Văn Đàn (xin đọc truyện Nguyễn Trung Tây, Nguyễn Phương Thảo, Vinh Kiu)…,

Tính hiện đại còn thể hiện ở việc xây dựng các kiêu nhân vật. Nhân vật của văn học Công giáo đương đại là nhân vật hôm nay, đang sống chung quanh ta, nhân vật của mọi biến cố xã hội. Thí dụ Song Nguyễn viết về Người Mẹ Lao Công, Người Mẹ Bán Vé Số, Người mẹ bại liệt, Người Mẹ Công Nhân, Người mẹ nông dân, Người Mẹ Mù, Người Mẹ Nuôi…; Nguyễn Trung Tây viết về “những đời sống bên lề xã hội”: Chuyện bố con, Ngũ đổ tường, Thứ Ba béo, Quán rượu nửa đêm, Thị trấn Chula Vista, Chợ trời Dandenon…Nguyễn Thị Khánh Liên viết về cả một làng đầy nước mắt vì sinh con dị tật, vì cá chết (truyện truyện Lời nguyện cầu cho biển)…

Tính hiện đại còn ở sự thể hiện những tư tưởng hiện đại. Nhà văn Công giáo chống lại tư tưởng thực dụng, chống lại chủ nghĩa cá nhân vị kỳ, chống lại nền văn hóa sự chết và chủ nghĩa thế tục (chủ nghĩa sex, văn học đồi trụy với những tư tưởng độc hại: tình, tiền, tù, tự tử, bạo lực…). Nhà văn Công giáo thể hiện tình yêu thương con người dưới ánh sáng Tin Mừng, đem cái nhìn lạc quan của Tin Mừng vào những hoàn cảnh bi kịch…

5. Hội nhập với văn chương dân tộc.

Đã từ rất lâu, (ít nhất là từ 1945 đến 1975) các tác phẩm văn học Công giáo vắng bóng trên văn đàn. Dòng chảy văn học chính thống là văn học Cách mạng và kháng chiến, văn học xây dựng chủ nghĩa xã hội (ở miền Bắc những năm 1955-1965); văn học chiến tranh, văn học hiện sinh ở miền Nam. Thời đổi mới (1986-1996) là những tác phẩm Nhân văn và dân chủ sau đó là sự xuất hiện của “văn chương thị trường” đầy dẫy truyện ngôn tình, truyện sex, truyện đồng tính, truyện vụ án…Chỉ những năm sau này yếu tố tôn giáo mới xuất hiện trong văn chương Việt [[16]].

Các tác phẩm văn xuôi Công giáo của Song Nguyễn, Lm Nguyễn Trung Tây, Lm Cao Gia An, Nguyễn Thị Khánh Liên, Nguyễn Văn Học, Nguyễn Phương Thảo, Vinh Kiu đã được in và phát hành. Tuy chưa có tác phẩm nào trở thành một hiện tượng văn học, song sự xuất hiện của những tác phẩm văn học Công giáo bước đầu là tín hiệu mở ra con đường hội nhập của văn học Công giáo với văn học dân tộc.

Có một thực tế là số lượng tác phẩm truyện dài Công giáo còn rất ít ỏi. Nguyên nhân là do đâu? Hiển nhiên là số nhà văn người Công giáo viết truyện thế tục có thể là nhiều (như giới thiệu của Lê Đình Bảng, Nguyễn Vy Khanh) song tại sao họ không viết truyện dài Công giáo? Câu trả lời có thể là xã hội còn nhiều định kiến với tôn giáo, tác phẩm văn học Công giáo chưa có sự công bằng với tác phẩm thế tục. Và lý do chính là không có độc giả. Ngày nay các hình thức giải trí đa phương tiện chiếm hết thị phần, ngay cả sách văn học đích thực có giá trị cũng khó cạnh tranh thì tác phẩm văn học Công giáo làm sao chen chân. Trước kia Lệ Hằng viết Tóc Mây (1970), một truyện tình giữa Cha Duy và cô nữ sinh viên Tố Kim, tác giả Đường Phượng Bay viết tiểu thuyết Mây Vẫn Nhớ Ngàn (1984), một chuyện tình giữa Cha Thảo và cô y tá tên Nga, những tác phẩm ấy viết theo mốt thời thượng câu khách, còn ngày nay những tác phẩm như thế không thể tồn tại.

Chúng ta còn cần nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật như Quo Vadis của Henryk Sienkiewicz hay Gitanjali (Lời Dâng) của R. Tagore. Điều này trông nhờ vào các cây bút trẻ hôm nay.

NHÌN VỀ TƯƠNG LAI

So với thơ, văn xuôi Công giáo hiện nay có rất ít tác giả và tác phẩm. Thực sự chưa có tác phẩm lớn. Có lẽ còn phải chờ lâu nữa mới có những tác phẩm có giá trị độc đáo về tư tưởng và nghệ thuật đáp ứng yêu cầu mục vụ văn hóa của Giáo hội.

Đức Giáo hoàng Gioan Phao Lô II đặt niềm tin vào giới văn nghệ sĩ Công giáo trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Ngài chia sẻ: “Để truyền đạt sứ điệp mà Đức Kitô đã giao cho mình, Giáo Hội cần đến nghệ thuật. Nghệ thuật có nhiệm vụ là làm cho thế giới tinh thần, thế giới vô hình, thế giới Thiên Chúa trở nên có thể cảm nhận được và trở nên hấp dẫn càng nhiều càng hay”(Thư gửi nghệ sĩ năm 1999 của Đức Gioan Phao Lô II)

            Nhà văn Công giáo có thể học Thầy Giêsu viết những tác phẩm có giá trị vĩnh cửu như những dụ ngôn của Chúa trong Kinh thánh, và học tập cách trình thuật sống động của các thánh sử khi viết Kinh thánh,  bởi Kinh thánh là những tác phẩm văn chương bất hủ của nhân loại.

Tháng 4/ 2022

(Tác giả giữ bản quyền)


[1] Lê Đình Bảng, Văn học Công giáo Việt Nam-những chặng đường, tử trang 300 đến 313 liệt kê tác phẩm văn học Công giáo.

[2] Đinh Thị Oanh-Khái lược Nam Kỳ Địa Phận

https://dongtrinhvuongsaigon.org/vi/news/sach-hay/tuan-bao-nam-ky-dia-phan-916.html)

[3] Nguyễn Vy Khanh-Đôi nét về văn học Công giáo Việt Nam

https://sites.google.com/site/nguyenvykhanhca/tuy%E1%BB%83n-t%E1%BA%ADp/%C4%91%C3%B4i-n%C3%A9t-v%E1%BB%81-v%C4%83n-h%E1%BB%8Dc-c%C3%B4ng-gi%C3%A1o-vi%E1%BB%87t-nam

[4] Đặng Tiến-Nhà văn Thảo Trường

http://www.art2all.net/tho/dangtien/dt_thaotruong2.htm

[5] Đăng Huỳnh: Nhà văn 83 tuổi kể chuyện “Biến khỏi thành phố”

https://baocantho.com.vn/nha-van-83-tuoi-ke-chuyen-bien-khoi-thanh-pho–a118238.html

[6] Xin đọc: Bùi Công Thuấn-Tiếp cận thế giới nghệ thuật của Song Nguyễn. Nxb HNV 2014, tái bản 2019.

Bạn có thể download nội dung sách theo link: https://www.mediafire.com/file/2e2fqds8l4nemok/NỘI+DUNG+SÁCH+TIẾP+CẬN+THẾ+GIỚI+NGHỆ+THUẬT+CỦA+SONG+NGUYỄN.rar/file

[7] Mẹ, Mẹ tôi: https://vvnm.vietbao.com/a247520/me-me-toi

[8] Bùi Công Thuấn-Truyện ngắn Nguyễn Trung Tây-Truyền thống và hiện đại

https://www.vanthoconggiao.net/2021/11/khuon-mat-van-chuong-cong-giao-uong-ai.html

[9] Bùi Công Thuấn- Bên ngoài cổng nhà thờ:

[10] Bùi Công Thuấn-Nguyễn Thị Khánh Liên và những sáng tạo nghệ thuật

https://www.vanthoconggiao.net/2022/03/gioi-thieu-van-hoc-cong-giao-uong-ai_01826304235.html

[11] Bùi Công Thuấn-Nhà văn Nguyễn Văn Học & Những truyện ngắn có yếu tố Ki tô giáo

[12] Trò chuyện với Teresa Nguyễn Phương Thảo (Canada)

https://www.vanthoconggiao.net/2017/11/tro-chuyen-cung-tac-gia-at-giai-nhat.html

[13] Bùi Công Thuấn-Văn học Công giáo giáo phận Quy Nhơn

https://www.vanthoconggiao.net/2022/01/gioi-thieu-van-hoc-cong-giao-uong-ai_0907558068.html

[14] Bùi Công Thuấn-Văn học Công giáo-giáo phận Xuân Lộc

https://www.vanthoconggiao.net/2022/02/gioi-thieu-van-hoc-cong-giao-uong-ai.html

[15] Xin đọc:

Bùi Công Thuấn-Tư tưởng Mỹ học Ki tô giáo và văn học nghệ thuật Công giáo

Tư tưởng Mỹ học Kitô Giáo Và Văn học nghệ thuật Công giáo – Bùi Công Thuấn

Bùi Công Thuấn-Văn học nghệ thuât Ki tô giáo và những lời dạy của giáo hội

https://www.vanthoconggiao.net/2022/04/van-hoc-nghe-thuat-kito-giao-va-nhung.html

[16] Lê Dục Tú-Cảm quan tôn giáo trong văn xuôi Việt Nam đương đại

http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c308/n15822/Cam-quan-ton-giao-trong-van-xuoi-Viet-Nam-duong-dai.html