THƠ CỦA LM. HỒNG PHÚC

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

THƠ CỦA LM. HỒNG PHÚC

THÁNH CA CỦA THƠ CA CÔNG GIÁO ĐƯƠNG ĐẠI

Bùi Công Thuấn

***

Lm Hồng Phúc[*] kể: “Tôi có xu hướng làm thơ từ hồi học lớp 2, bài thơ đầu tiên được chấm điểm 8 ở lớp đã khích lệ tôi hướng về văn thơ. Sau khi thụ phong Linh mục, tôi đáp ứng nhu cầu của các giáo họ và hội đoàn xin thi hóa tiểu sử của các thánh quan thầy. Có thể nói “Tập thơ Các Thánh” ra đời trong bối cảnh đó và được thực hiện vào những năm 1980-1985”.

TẬP “THƠ CÁC THÁNH”

          Tập Thơ Các Thánh của Lm. Hồng Phúc gồm các bài viết về Chúa Giáng sinh, về Đức Mẹ Vô Nhiễm và các thánh: Các thánh Anh hài, Thánh Phêrô nền tảng Giáo Hội, Thánh Phaolô Tông đồ, Thánh Anrê Tông đồ, Thánh Gioan Tông đồ, Thánh Simong Tông đồ, Thánh I-nha-xi-ô, Thánh Phan-xi-cô Xaviê, Thánh Laurensô, Thánh Xê-xi-li-a, Thánh Antôn Pađôva. Dõi bóng Thầy Anrê Phú Yên, Các thánh Tử đạo Việt Nam, Cha thánh Khoan. Tác giả cho biết: “Những bài thơ các thánh được chuyển thể từ tiểu sử các thánh, những trang Tân Ước được thi hoá và suy niệm…Ước mong tập nhỏ này đem lại phần nào ích lợi cho bạn, và cho những ai thiện chí quan tâm”(Lời tựa tập thơ).

            Như vậy Thơ Các Thánh của Lm Hồng Phúc có nguồn là tiểu sử các thánh và nguồn Tân Ước được thi hóa và suy niệm. Tác giả chỉ chuyển những câu chuyện thánh thành thơ, kết hợp với những suy niệm của mình. Mục đích của việc “chuyển thể” là “đem lại phần nào lợi ích” cho bạn đọc. Đó là những lợi ích tinh thần, lợi ích tâm linh, cụ thể đó là ơn Cứu Rỗi của Đức Giêsu lan tỏa qua cuộc đời các thánh theo góc nhìn khám phá riêng của tác giả. Thơ Các Thánh của Lm Hồng Phúc, trong bản chất sáng tạo, đã mang phẩm chất “thánh thiêng”. Đó không phải là thi ca thế tục để cảm nhận những mỹ cảm nghệ thuật, đó là “nghệ thuật thánh”, Cái Đẹp là chính Sự Cứu Rỗi. Bởi vì khi bạn cảm nhận được Cái Đẹp cuộc sống đạo và cuộc tử đạo của các thánh từ những bài thơ này, thì Cái Đẹp ấy là Cái Đẹp trọn hảo quy hướng về  cuộc tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu. Đó chính là cốt lõi tư tưởng Mỹ học Kitô giáo trong thơ của Lm Hồng Phúc.

            Tôi gọi những bài thơ này là “Thánh ca của thơ ca Công giáo Việt Nam đương đại”, là vì, trước hết, mỗi bài thơ là một trường ca reo vui hân hoan, ngợi ca các thánh tử đạo về đời sống đạo hạnh, về đức tin kiên trung, về lòng dũng cảm phi thường và về cái chết vinh quang của người theo Chúa. Những bài “Thánh ca” này thuộc lại truyện thơ, có cốt truyện giàu tình huống, cách kể truyện hấp dẫn truyền lửa đức tin cho người đọc. Khi tiếp cận những bài “thánh ca” này, người đọc như được sống với bầu khí thơ ca truyền thống Việt Nam (Ca dao, Dân ca, truyện thơ khuyết danh). Bầu khí ấy có khả năng lan tỏa rất rộng trong cộng đồng vì tác giả hướng về cộng đồng dân Chúa để chia sẻ. Lời thơ là ngôn ngữ, giọng điệu tiếng Việt đời thường, nhập tâm người đọc tức thời. Nhà thơ thể hiện được tâm tình mộc mạc chân thành của nhà đạo, và làm sáng lên niềm tin kiên trung từ đầu nguồn Kinh thánh, trải qua suốt dòng lịch sử Giáo hội đến đầu thôn xóm vắng, và đến pháp trường đẫm máu tử đạo. Ở mỗi cuối bài trường ca còn có một đoạn “Thi ca cầu nguyện”, đoạn thơ ấy khi đọc lên, sẽ là cung giọng, tâm tình và niềm xác tín như khi người Công giáo đọc kinh văn hàng ngày. Đây chính là chỗ “thánh thiêng” khác của mỗi trường ca.

            Xin đọc đoạn kết bài thơ Thánh Phê rô

Lạy ơn Thánh cả Phêrô

Chúng con thành kính tung hô danh Người

Giờ đang vinh hiển trên trời

Trần gian Giáo hội muôn đời nhớ ghi.

Toà nhà Giáo Hội lâm nguy

Có nền Đá thánh sợ gì phong ba.

Xin cho Giáo Hội gần xa

An bình sống đạo, hài hoà yêu thương.

Vươn lên thành một Thánh đường

Có nền Đá tảng can trường Phêrô.

Nóc là chính Đức Kitô

Kết liên thành bởi mạch hồ yêu thương.

Xin cho Giáo hội can trường

Cho Kitô hữu khang cường vững tâm.

Trọn đời theo bước thánh nhân

Lòng tin son sắt tinh thần hăng say,

.Hết lòng mến Chúa mỗi ngày,

Cùng Ngài  hưởng Chúa đời này, đời sau./.

Điều rất lạ là, thơ của Lm Hồng Phúc thật hấp dẫn khi tác giả viết về những điều đã rất

quen. Hầu như người Công giáo Việt Nam nào cũng đã từng được nghe giảng về các thánh tông đồ trong Tân Ước, nghe kể về các vị Thừa sai đến rao giảng Tin Mừng ở phương Đông,   nghe lịch sử các thánh tử đạo Việt Nam thời bách hại Quang Trung, Minh Mạng, Thiệu Trị Tự Đức… Các ngài đã được vinh danh. Điều gì làm nên vẻ đẹp ấy của thơ Hồng Phúc? Đó là chỗ kỳ diệu của nghệ thuật, và là sự độc đáo của một cá tính sáng tạo.

Có thể nhận thấy sức hấp dẫn của những bài “Thánh ca” của Lm Hồng Phúc được kết tụ từ nhiều vỉa tầng văn hóa Việt.

Đầu tiên là một cốt truyện hấp dẫn. Cuộc đời của các vị thánh là những câu chuyện mới lạ đối với giáo dân Việt Nam. Các thánh Tông Đồ được nhắc đến trong Kinh thánh, nhưng mấy người biết rõ về cuộc đời thánh nhân. Các vị Thừa Sai phương Tây đến Việt Nam truyền giáo đều là những người kiệt xuất. Những ngày đầu đến Việt Nam, các vị hết sức gian nan, đặc biệt trong 300 năm bị vua chúa phong kiến bách đạo, các vị đã sống thầm lặng và kiên vững việc loan báo Tin Mừng một cách phi thường. Những cuộc đời thánh nhân ấy ngày nay chúng ta khó hình dung nổi. Và đặc biệt là các vị thánh tử đạo Việt Nam, họ từ trong các thôn làng bước ra. Đơn sơ, mộc mạc và chân thành. Từ trong bùn đất ruộng đồng họ làm tỏa sáng khuôn mặt đức Kitô trước mặt nhân gian. Họ lẫm liệt bước lên đài tử đạo. Những “dân đen” ấy bỗng rực rỡ ơn phúc trường sinh giữa pháp trường.

 Xin đọc: Thánh Đê-Phúc Nhạc, trong bài Các thánh tử đạo Việt Nam (178 câu),trích đọan 71 câu nói về bà thánh Đê:

“Thánh nữ duy nhất lại là

Thánh Đê Phúc Nhạc – oa gia tận tình.

Một bẩy tám mốt (1781) năm sinh

Bái Điền – Yên Định – tỉnh Thanh quê bà.

Nhưng là quê nội của cha

Mẹ quê Phúc Nhạc, nên bà theo ra.

Tuổi mười bẩy lên xe hoa

Hai trai, bốn gái, cả là anh Đê.      

Quê có thói, đất có lề

Gọi tên con cả thay về tên riêng.

Ông bà Đê sống dịu hiền

Nuôi con trách nhiệm, dạy khuyên ân cần.

Giầu lòng thương kẻ cơ bần

Giúp Thừa sai ẩn những lần truân chuyên.

Một tám bốn mốt (1841) nguyên niên

Đời Vua Thiệu Trị ngự trên ngai vàng

Quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh

Dẫn năm trăm lính khắp làng bủa vây.

Bốn Thừa sai ẩn nơi đây

Hai Cha kịp thoát, hai đầy nguy nan:

Cha Nhân bị bắt mở màn

Kế là Cha Lý vừa sang khu vườn

Nhà bà Đê, trốn dưới mương

Oa gia cũng bị lên đường giải đi.

Thành Nam nổi tiếng một kỳ

Sáu ngày giam giữ, rồi thì khảo tra.

Roi đòn, thanh củi rách da

Đàn ông hết nổi nữa là nữ tôi

Nhưng nhờ ơn Mẹ trên trời

Tôi không đau đớn, mặc người tấn tra.

Bà Đê tâm sự thiết tha

Khi con thăm viếng, chồng ra ngỏ lời.

Hai, ba kỳ nữa luôn hồi

Lính vừa túm đánh, vừa lôi kéo bà

Qua Thánh Giá để được tha

Bà tuyên xưng Chúa, kêu la phân trần.

Túm tay áo lại, có lần

Quan thả rắn độc vào thân xác bà.

Vài vòng rồi rắn bò ra

Vì bà bình tĩnh nên bà vô can.

Bà bị đánh đập bạo tàn

Thân máu mủ vẫn dịu dàng vui luôn.

Và còn muốn chịu khó hơn

Đó lời nhân chứng tận tường nói ra.

Chị Nụ khi đến thăm bà

Thấy mẹ đau đớn liền oà khóc lên

Dịu dàng bà ngỏ lời khuyên

Đấy là áo mẹ điểm thêm hoa hồng

Mẹ chịu vì Chúa vui lòng

Sao con nước mắt lưng tròng làm chi?

Hãy về sốt sắng thực thi

Đọc kinh, dự lễ và hy sinh nhiều

Cầu cho mẹ được sớm chiều

Vác Thánh Giá Chúa tin yêu đến cùng.

Chẳng bao lâu nữa Thiên cung

Mẹ con đoàn tụ hưởng chung phúc trời”.

Hồn bà thanh thoát thảnh thơi

Nhưng ngoài thân xác tả tơi điêu tàn.

Lại thêm kiết lỵ hoành hành

Sức càng suy kiệt, bệnh càng gia tăng.

Hai nữ tu cùng phòng giam

Hết lòng săn sóc lo toan cho bà.

Các Cha gửi thuốc thăm và

Xức dầu, giải tội rất là ủi an.

Cuối cùng trong chút hơi tàn

Phó hồn trong Chúa vẹn toàn ý Cha.

Sáu mươi tuổi vẫn nở hoa

Góp về vườn thánh chan hoà diệu quang.

Xác bà tẩm liệm vào quan

Do Nhà Chung cấp táng an pháp trường

Sáu tháng sau đã liệu phương

Cải táng Phúc Nhạc Nguyện đường hôm nay.”

Văn học Việt Nam trung đại chưa hề có những hình tượng nhân vật người phụ nữ như thế. Bạn đọc có thể so sánh Inê tử đạo vãn, Thánh Đê-Phúc Nhạc với Thúy Kiền (trong Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du), với Kiều Nguyệt Nga (Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu) để nhận thấy sự khác biệt này. Inê tử đạobà thánh Đê tử đạo là người Việt Nam, một nhân vật hiện thực, được miêu tả cụ thể trong một hoàn cảnh cụ thể, giữa cộng đồng gia đình, làng xóm, quan trường và bối cảnh thời kỳ bách đạo, tỏa sáng tư tưởng thần học và mỹ học Kitô giáo. Trái lại, Thúy Kiều, Kiều Nguyệt Nga là nhân vật Trung quốc, nhân vật hư cấu. Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu xây dựng nhân vật thể hiện tư tưởng và đạo đức phong kiến. Văn chương của Đoạn trường tân thanhLục Vân Tiên nằm trong trường thi pháp thơ Trung quốc, trái lạ những bài “Thánh ca” của Lm Hồng Phúc là những đóa hoa sen trong trường thi pháp thơ ca dân gian Việt.…

Xem xét kỹ hơn kiểu nhân vật trong thơ của Lm Hồng Phúc, Các vị thánh được miêu tả như những người bình thường, nhưng mang phẩm chất nhân vật anh hùng. Văn học Việt Nam có nhiều nhân vật anh: anh hùng Gióng (trong truyền thuyết), nhân vật Từ Hải (người anh hùng lý tưởng của Nguyễn Du trong trong Truyện Kiều), những anh hùng nông dân đánh giặc (trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu), cô Chí điên (trong Trùng Quang Tâm Sử của Phan Bội Châu), họ được miêu tả ước lệ theo khuôn mẫu văn học Trung quốc.…Trong “Thánh ca” của Lm Hồng Phúc, sức mạnh của các “anh hùng tử đạo”  là đức tin kiên trung, là ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần khi người giáo dân phải đối mặt với quyền lực trần gian và ngọn lửa lòng mến cháy rực có thể thiêu đốt mọi đau khổ của tù đày, nhục hình tra tấn dã man và của cái chết thê thảm, để hiến lễ trở nên tinh tuyền. Lm Hồng Phúc đã đem vào thơ ca Công giáo Việt Nam những nhân vật anh hùng mới tràn đầy sức lực như thế.

Cái chết của Simong:

“Và đây dòng máu chứng minh

Simong phải chịu cưa mình làm hai.

Ta-đê thì chúng lại sai

Lý hình thẳng cánh chém Ngài chết tươi.

Ôi dòng máu thắm đổ nơi

Pháp trường năm ấy muôn đời nhớ ghi.

Vinh thay Thiên Chúa uy nghi

Đẹp thay hai thánh chết vì Chúa chiên!

Lòng thành bất khuất trung kiên

Từ nay bừng sáng chiếu trên thế trần…”

Sức hấp dẫn của những “Thánh ca” của Lm Hồng Phúc còn được xây dựng trên âm hưởng những truyện nôm của văn học dân tộc. Người Việt nào cũng từng đọc truyện thơ Nôm: Đoạn trường tân thanh, Lục Vân Tiên, Bích câu kỳ ngộ,…Cái âm vang của những tác phẩm này đánh thức cái hồn thơ sâu thẳm lưu trú trong tâm khảm mỗi người khi đọc thơ Hồng Phúc. Thơ Hồng Phúc gần gũi lắm, gan ruột lắm, thánh thiêng lắm. Đọc xong thơ Hồng Phúc, người đọc nghiệm ra cái quý giá lạ lùng của thơ ca Công giáo là như thế nào. Bởi vì đó là tình thương Cứu Độ, là giá máu của cha ông chúng ta đã đổ ra để làm chứng cho đức tin, là sự chiến thắng thế gian, chiến thắng cái chết của những con người bé nhỏ hết sức lương thiện, và cũng là tâm nguyện của người theo Chúa hướng lên mỗi ngày (xin đọc thơ cầu nguyện ở cuối mỗi bài thơ).

Xin đọc trong âm hưởng thơ ca dân tộc: đoạn viết về Gioan tông đồ, lời thơ mộc nhưng đẹp.

“Có những lúc bôn ba rao giảng

Có những khi thanh thản nguyện cầu.

Khi thì dưới biển thẳm sâu

Khi trên đỉnh núi nhiệm mầu vinh quang.

Cả những lúc trong đoàn Tông sứ

Chúa chọn riêng đệ tử thân yêu

Tỏ nhiều mầu nhiệm cao siêu

Chứng minh phép lạ chữa nhiều bệnh nhân.

Luôn có mặt Gioan số đó

Giacôbê cùng với Phêrô

Những người thành tín đơn sơ

Bộ ba nghĩa thiết, tông đồ Chúa yêu.

Và được Chúa thương nhiều hơn hết

Vẫn Gioan trinh khiết trẻ trung…

Sức hấp dẫn của ngòi bút Hồng phúc trong những bài “Thánh ca” còn là sự điêu luyện của thể thơ Song thất-Lục bát. Mạch thơ tuôn chảy như giòng lũ không gì ngăn cản được. Nhạc thơ tự nhiên như nhạc của tiếng Việt, lúc thì thầm sâu lắng, lúc vút lên thinh không và lan tỏa đến khắp các bờ bãi, lúc lại rôm rả như những câu chuyện của người dân quê đầu mùa gặt hái nơi đồng nội. Vốn từ nhà đạo trong thơ Hồng Phúc khá giàu có, đặc biệt là vốn từ tạo nên hòa âm tráng ca, vốn từ đan dệt những lời tâm tình, vốn từ hội tụ sức mạnh khẳng định đức tin và khắc tạc những tượng đài tử đạo lẫm liệt của các vị thánh tử đạo. Cái chết dù dữ dội kinh hoàng, song dưới ngòi bút của Lm Hồng Phúc, lại trở nên hân hoan, rực rỡ hào quang và hết sức thăng hoa.

Xê-xi-lia tử đạo:

“Xê-xi bị kết án riêng

Nhốt trong phòng tắm kín liền ngạt hơi.

Nhưng nhờ ơn Đức Chúa Trời

Người quỳ bình tĩnh không ngơi nguyện cầu.     

Quan truyền cho lính chém đầu

Ba lần lính chém vẫn hầu không sao.

Ba ngày trong vũng máu đào

Người còn khuyên giảng ai vào viếng thăm.                                                      

Cuối cùng thỏa nỗi khát mong

Chịu ơn Đức Thánh Cha xong, sinh thì.

Hai ngàn năm đã qua đi

Một năm chín chín (1599) sử ghi rõ ràng

Người ta khai mộ trong hang

Xác vì trinh nữ vẫn đang nguyên tuyền…”

Nói ngôn ngữ thơ Hồng Phúc mộc mạc chân chất, gần gũi với công chúng không có nghĩa nhà thơ không dụng công trong việc chọn lọc ngôn từ. Thơ Lục bát đòi hỏi một vốn từ giàu có để gieo vần. Người làm thơ Lục bát nếu nghèo vốn từ, sẽ gặp bế tắc ngay. Nhịp thơ 2/2/2 của Lục bát yêu cầu sử dụng những từ 2 chữ (từ ghép, từ láy) phù hợp. Nếu làm vỡ nhịp 2/2, sẽ làm hỏng nghĩa của từ ghép, và kéo theo sự sụp đổ câu thơ. Nhiều người làm thơ Lục bát không vượt qua được hiểm địa này. Thơ bị ép vần, phải dùng chữ sáo rỗng cho có nhạc, và nhạc luật lại bị bẻ gẫy một cách vụng về. Lm. Hồng Phúc vượt qua cái giới hạn “sơn cùng thủy tận” trong dùng từ, gieo vần, kết nhạc để viết những trường ca mượt mà, ngọt ngào, tươi thắm; thơ thăng hoa như gió ngàn như thác đổ mùa mưa lũ, phóng khoáng như mây bay đỉnh núi, vậy mà lời thơ vẫn mộc mạc, cốt truyện chặt chẽ, thơ không vuột bay vào thế giới lãng mạn. Nhà thơ biết mình đang nói chuyện với ai, rao truyền điều gì, chia sẻ tâm nguyện gì với người đọc. Trong sự kiến tạo phức tạp các yếu tố tự sự và sự dào dạt của cảm xúc, những tứ thơ đẹp đột nhiên xuất hiện, nối theo nhau  như một đóa hoa thắm nở giữa đại ngàn xanh.

Đẹp biết bao dáng Môi-sê trên núi

Tay vươn cao như thẳng tới nước trời.

Đẹp biết bao tư thế một con người

Quỳ cầu nguyện dẫu đầu rời khỏi cổ !

Thực tình là, nói cái hay cái đẹp trong thơ của Lm Hồng Phúc là rất khó. Bởi Cái hay cái đẹp nằm trong toàn bài, và mỗi bài là một trường ca. Cắt khúc lấy ra một đọan để đọc thì chẳng khác nào cắt rời một phần chi thể. Đó sẽ là một chi thể chết. Sẽ không còn Cái Đẹp nữa.

Có một điều mà người đọc thơ của Lm Hồng Phúc có thể ít để ý, đó là sự uyên bác trong việc nhà thơ tổng hợp Kinh thánh. Chẳng hạn, trong bài Mừng Chúa Giáng sinh, tác giả đã Tổng hợp và “thi hóa” (Is 45,8), (Is 12,2), (Is 40, 3-5), (Is 12. 4-6), (Tv 18a,6), (Dt 1, 1-2), (1Ga 4,2), (1Ga 4,9), (Co1 1.17-20), (Lc 2,12). Việc tổng hợp này vừa để tạo dựng cốt truyện, vừa xây dựng nhân vật hoặc để suy niệm. Kinh thánh trở nên một nguồn mạch tự nhiên mà cả tác giả và người đọc cùng đắm mình trong đó, thế nên câu chuyện được kể và những lý giải của tác giả dễ dàng được người đọc chia sẻ. Nói cho đúng, những đoạn Kinh thánh được trích dẫn là những “Diễn ca” nằm trong cấu trúc truyện. Điều này giúp người đọc nhận ra năng lực “diễn ca” của Lm Hồng Phúc, nhưng ngài không chọn thể loại “diễn ca”, mà chọn thể loại tự sự (kể chuyện), bởi tự sự phát huy khả năng sáng tạo dồi dào của nhà thơ hơn. Xin đọc:

Kể từ nguyên tổ ngã thua
Chúa thương hứa Chúa Kitô cứu đời.
Không có thể hết lời diễn tả

Tổ phụ bao đời đã ước mong
Ngày đêm tha thiết đợi trông
Chúa Trời sinh xuống cứu dân tội tình.

Lời kêu gọi sinh linh tha thiết
Như lưu truyền qua hết mọi thời
Như mong nối kết đất trời
Isaia đã cất lời cao cung:
Trời cao hỡi đổ sương sa xuống
Hỡi ngàn mây mưa Đấng công bình

Đất mau cứu độ nẩy sinh
Mở cho chính trực vươn mình lên cao
” (Is 45,8)
Đêm hôm nay, đêm bao hạnh phúc
Đêm thoả niềm thao thức khát mong
Hoàn thành giao hứa tổ tông
“Như tân lang Chúa rời phòng viếng thăm” (Tv 18a,6)
“Thuở xưa Chúa nhiều lần nhiều cách
Dạy cha ông qua các tiên tri
Nhưng thời sau hết đây thì
Dạy qua chính Chúa diệu kỳ Ngôi Hai
” (Dt 1, 1-2)

Đến đây, người đọc có thể nghiệm ra những giá trị đặc sắc trong tập “Thơ các thánh”

 của Lm Hồng Phúc được kết tụ từ nhiều nguồn văn hóa, trước hết là tư tưởng Mỹ học Kitô giáo và nguồn cảm hứng vô tận là Kinh thánh. Những phẩm chất mới mẻ ấy của thơ Hồng Phúc triển nở trên nền thi ca truyền thống của dân tộc, và làm phong phú hơn dòng “Diễn ca”, dòng “Truyện thánh”, dòng “Kinh vãn” của văn học Công giáo truyền thống…và nói cho cạn nhẽ, những giá trị ấy xuất phát từ sự sâu sắc uyên bác của một đời thơ, ở cảm xúc dạt dào lửa mến trong lòng người Mục tử của Chúa và ở lòng nhiệt thành của một Ngôn sứ rao truyền Ơn Cứu Độ cho mọi người…

TẬP THƠ “NHỮNG BƯỚC SÓNG YÊU THƯƠNG

Lm Hồng Phúc cho biết, ngài được vào Nhà Chúa ngày 14/09/1975. Đức Giám mục Phaolô Bùi Chu Tạo là người trực tiếp đào tạo và truyền chức Linh mục cho ngài ngày 22/03/1980. Sau 5 năm tại TGM Phát Diệm, ngài bị Chính quyền bắt đi quản chế tại một họ lẻ thuộc giáo xứ Ninh Bình. 4 năm quản chế (1985 – 1989) là thời gian ngài sáng tác các bài thơ thể hiện những suy tư đạo đức và tâm tình cầu nguyện…rất riêng, sau này biên tập thành tập thơ có chủ đề “Những bước sóng yêu thương”. Ngài thổ lộ: 25 bài đầu tiên như mỗi bước sóng hướng về kỷ niệm Ngân khánh Linh mục của ngài, và nếu Chúa cho ngài được mừng Kim khánh Linh mục thì ngài sẽ cố gắng sáng tác 50 bài để tạ ơn Chúa.

Những chi tiết về đời sống mục vụ của Lm Hồng Phúc tôi vừa nêu sẽ giúp người đọc hiểu được đôi đều về tập thơ Những buốc sóng yêu thương.

1.“Những bước sóng yêu thương”(44 bài) được sáng tác trong thời gian Lm Hồng Phúc bị quản chế (1985-1989), điều này có ý nghĩa gì? Ai đã sống những năm tháng từ 1975 đến thời “đổi mới”(1986) đều thấu hiểu những khó khăn lớn lao mà đất nước và người dân phải trải qua. Hậu quả của 30 năm chiến tranh, rồi bão lụt, mất mùa, cả nước phải ăn độn ngô khoai, bo bo. Sau đó là cải tạo Xã hội Chủ nghĩa ở miền Nam, chiến tranh biên giới phía bắc, phía Tây nam tổ quốc. Trên thế giới, các nước Xã hội Chủ nghĩa như Liên xô, Đông Âu sụp đổ, khiến cho Việt Nam lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Lm Hồng Phúc tu học rồi chịu chức Linh mục và sống đời Mục vụ trong giai đoạn hết sức khó khăn ấy (1975-1985), hẳn nhiên người sống Đời dâng hiến còn gặp khó hơn người dân nhiều. 4 năm ngài bị quản chế (1985-1989) phản ánh những khó khăn của hiện thực giai đọạn ấy.

Điều rất lạ là, thơ Lm Hồng Phúc làm trong giai đoạn ấy tuyệt nhiên không phản ánh cái bối cảnh lịch sử-xã hội, cũng không có lời than thở nào về hoàn cảnh riêng của ngài. Có chăng trong thơ, chỉ thấp thoáng một nét buồn thoáng qua nhưng lại tràn trề hy vọng.

“Đời dương thế nụ cười – nước mắt

Có vụ gieo, vụ gặt theo thời

Xuân qua, nắng hạ đến rồi

Bốn năm quản chế bùi ngùi xa quê”.

                        (40 năm hồng ân)

            2. Có lẽ thời gian bị quản chế là thời gian Lm Hồng Phúc dành để suy tư, vì thế thơ trong “Những bước sóng yêu thương” bộc lộ nhiều nghĩ suy. Nhà thơ suy tư về những vấn đề gì? Lm Hồng Phúc thổ lộ: đó là “Những suy tư đạo đức và tâm tình cầu nguyện gói đọng trong những bài thơ rất riêng”. Nhan đề các bài thơ giúp người đọc nhận ra tâm tư của nhà thơ trong giai đoạn ấy: tâm tư quy hướng về Chúa: Chúa trong im lặng, Tin Chúa ở cùng, Chầu Thánh Thể, Tình yêu thánh giá, Của ăn là ý Chúa, Giêsu -lửa từ trời, Chỉ trong Đức Giê su Kitô, Tình Chúa tình con, Tình Cha, Tình Mẹ, Một đời tận hiến, Tình yêu thật, Tình yêu trinh khiết, Nét đẹp tâm hồn, Nét đẹp chân tu, Hiền lành, Khiêm nhường, Nên giống trẻ thơ, Ngọn nến cuộc đời, Thời gian, Con muốn,  Bụi gai, Phúc lành của Cha.

            Đó là hành trình tư tưởng của một Mục tử, của người sống “Một đời tận hiến” trước những biến động lớn lao của hiện thực. Căn cốt nhất vẫn là vấn đề sống đức tintrong đời thường.

Chúa ôi, con gọi tiếng âm vang

Chìm vào vũ trụ đoạn dần tan.

Tiếng con nấc nghẹn trong thống hối

Chúa có nghe chăng tiếng thở than?

                   (Chúa trong im lặng)

Bao nhiêu người theo Chúa đã cầu nguyện, đã thiết tha kêu nài, xin Chúa  cho được

biết thánh ý Chúa, xin Chúa cho mình ơn này ơn kia…nhưng hầu như Chúa luôn im lặng. Trước sự im lặng của Chúa, con người rơi vào hư không! Chính Đức Giêsu trong thân phận con người trên thánh giá, đã từng rơi vào những giây phút ấy. Ngài kêu lên: “Ê-lô-i, Ê-lô-i, la-ma sa-bác-tha-ni!” Nghĩa là: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”(Mc 15, 34). Cho nên đối diện với sự im lặng của Chúa chính là sự thử thách đức tin khó khăn nhất, đòi buộc mỗi người phải tìm cho được câu trả lời, có vậy đức tin mới kiên vững.

 Vấn đề tư tưởng này được giải quyết thế nào? Người vững tin, sống phó thác, thì tự an ủi rằng, Chúa đã nói: “hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11, 9-13). Người yếu đuối thì ngã lòng. Bài thơ “Chúa trong im lặng” của Lm. Hồng Phúc là một lý giải đầy thuyết phục. Trước hết, tác giả “tự giác ngộ” về sự im lặng của Chúa, và “khai tâm” cho người đọc về một Thiên Chúa rất thực, rất sống động, đang nói với mình trong im lặng.

            Tác giả trích lời thánh Gioan Kim Khẩu để nêu một yêu cầu:

Khúc sông lặng chảy, trải màu xanh

Thường là sâu nhất dẫu hiền lành.

 “Chúa luôn chỉ nói trong im lặng

Cho người nghe Chúa với lòng thanh”

Rồi Lm. Hồng Phúc khám phá thái độ im lặng của Chúa trong Kinh thánh: Chúa im

lặng lúc chịu phép rửa trên sông Gioóc-đan, Người lên khỏi nước. Lúc ấy các tầng trời mở ra;…(Mt 3, 13-17); Chúa im lặng trên núi Ta-bor: “Núi Ta-bo Chúa tỏ vinh quang/ Tông đồ chiêm ngưỡng cảnh huy hoàng”; lúc Phê rô yếu đuối:

Chúa quay nhìn lại đầy trìu mến

Im lặng cháy lòng, suối lệ chan!

Trên đường thập giá, gặp Đức Mẹ, Chúa lặng nhìn. Và “Ba giờ thầm lặng trên Thánh

 giá/ (Chúa) Yêu đến tận cùng chốn dương gian”.

            Từ những suy nghiệm ấy, Tác giả chia sẻ:

“Chúa vẫn lặng im tựa biến tan,

Mênh mông trầm lắng vượt không gian

Chính từ im lặng ta nghe rõ

Tiếng của tình yêu Chúa Thiên đàng”.

Nói vậy để người đọc hiểu điều này, mỗi khi ta cầu nguyện với Chúa, đối diện với sự

im lặng của Chúa, thì hãy đặt mình vào những hoàn cảnh của Kinh thánh để nghe được tiếng Chúa: “Chính từ im lặng ta nghe rõ/ Tiếng của tình yêu Chúa Thiên đàng”. Chỉ cần chiêm ngắm Chúa thì đã thấy tầng trời mở ra, chỉ cần ở bên cạnh Chúa thì đã thấy vinh quang của Tabore, chỉ cần sự thống hối của Phêrô thì đã nhận được ơn tha thứ và chỉ cần kêu lên “Chúa ơi xin cứu con” như Phêrô lúc sắp chìm đắm (Mt 15, 30) thì sẽ được Chúa đưa tay đón lấy. Đấy là xác tín của Lm Hồng Phúc.

            Nhưng tin thì chưa đủ, môn đệ Chúa còn phải có lòng Mến. Đức Giêsu đòi buộc: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”(Mt 22, 37). Đức Giêsu đã hỏi Phêrô 3 lần: “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có Yêu mến Thầy không?” (Ga 21, 17). Phêrô ở bên Chúa, được Chúa dạy dỗ hàng ngày, thì tình cảm yêu mến Chúa dễ phát sinh. Đối với môn đệ Chúa hôm nay, sống cách xa Đức Giêsu hơn 2000 năm, lại rất khác về văn hóa, và chưa hề bao giờ được nhìn thấy chân dung thật của Đức Giêsu, có chăng chỉ là sự tưởng tượng qua các hình vẽ, vậy làm sao có thể yêu Chúa? Và nếu không có một tình yêu mãnh liệt, kiên trung với Chúa thì không thể sống đời dâng hiến. Lm Hồng Phúc đã viết nhiều bài về vấn đề tư tưởng này: Tình Chúa tình con, Tình Cha, Tình Mẹ, Tình yêu thánh giá, Tình yêu trinh khiết, Chỉ trong Đức Giê su Ki tô.

Trắng trong như tuyết như sương

Ngạt ngào như gió quyện hương hoa hồng.

Chảy tràn như một dòng sông,

Mới luôn như cảnh hừng đông chan hoà.

Chúa ơi, giờ phút thiết tha

Con nguyền làm nến, làm hoa bàn thờ.

Để yêu mến Chúa vô bờ,

Làm đèn chầu Chúa mọi giờ cháy liên.

Xin tha con hết tội khiên

Và ban ơn phúc siêu nhiên chan hoà.

            (Chầu Thánh Thể)

Chúa yêu con, yêu quá sức Chúa ơi!

Biết lấy chi đền đáp Chúa trọn đời?

Con xúc động ngẹn lời không thành tiếng.

Sống mãnh liệt tình yêu ngày tận hiến

Nguyện đời con như ngọn nến hôm nay.

Trên Bàn Thờ đầy lửa cháy ngất ngây

Con mãi mãi đắm say đời tận hiến.

            (Ngọn nến cuộc đời)

Nhà thơ lý giải lòng mến của mình. Xin chú ý cách lập luận tương phản (Cha/Con), cách đưa dẫn chứng (Ga 15, 13), cách nêu vấn đề và kết luận, và các từ nối dùng trong văn nghị luận: Nhưng, vì, chính vì, Chính là:

Khi suy nghĩ cực hình Cha đau khổ,

Con bùi ngùi thấy xấu hổ bản thân,

Đau thương con thật nhỏ bé vô ngần

Nhưng con lại muốn ngàn lần xa tránh.

Trong khi đó Cha một mình nhận lãnh

Một mình Cha chịu đựng cảnh cô đơn,

Thật mình Cha là tột đỉnh tình thương

đau khổ và yêu đương là một!

Chính vì thế trong chương trình cứu chuộc

Cha dạy: “Không tình nào vượt tình yêu

Của người dám thí mạng sống cao siêu

Hiến trọn vẹn vì tình yêu bạn hữu.” (Ga 15,13)

Đây Thánh Giá mà chính Cha gánh chịu

Con lặng nhìn và thấu hiểu tình yêu,

Chính là tình rất quảng đại cao siêu

Hiến trọn vẹn vì tình yêu bạn hữu”!

Nhà thơ hứa với Chúa:

Ơn cha ban nay con xin ghi tạc

Cảm tạ Cha con ca hát đêm ngày,

Dâng lên Cha lòng yêu mến đắm say

Hứa với Cha sống từ nay mãnh liệt.

Con yếu đuối nhưng chính Cha đã biết

Con bội ơn  Cha vẫn thiết tha yêu

Đây tim con giờ ân phúc sớm chiều

Xin dâng trọn với bao nhiêu cảm tạ!        

Để yêu mến Chúa, người theo Chúa trước hết phải cảm nhận được tình Chúa yêu ta là

vô cùng lớn lao, phải hiểu được những hy sinh của Chúa tất cả là vì ta, và phải ý thức được Chúa mong ta trở về với Chúa (dụ ngôn người cha nhân hậu-Lc 15, 11-32), nói một cách cụ thể, người theo Chúa phải lấy tấm lòng của một người con, hiểu rõ tình thương yêu, sự hy sinh của cha mẹ và những ước vọng của cha mẹ với con, lúc ấy mới có thể thương yêu sâu sắc cha mẹ mình. Đó là những khám phá và trải nghiệm của Lm Hồng Phúc trong thơ và trong đời thực về đức Mến đối với Chúa.

Vấn đề tư tưởng thứ ba được Lm Hồng Phúc đặt ra và giải quyết đó là  người Mục tử

sống thế nào trong bối cảnh hiện thực của đất nước, của thời đại mình? Kinh thánh dạy rằng, người Mục tử sống giữa đoàn chiên, là người chăn dắt đoàn chiên của Chúa. Đó là sứ mệnh không thể né tránh. Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: “Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói(Lc 10, 3). Và Người cũng tiên báo “Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa” (Mt 5, 11). Và hẳn Lm Hồng Phúc đã trải qua những hoàn cảnh cụ thể như lời Chúa dạy (?). Vì thế Lm Hồng Phúc đã chọn lựa một thái độ sống theo Kinh thánh. Tác giả viết các bài thơ:  Hiền lành, Khiêm nhường, Nên giống trẻ thơ, Ngọn nến cuộc đời, Nét đẹp tâm hồn, Nét đẹp chân tu, Thời gian, Con muốn…

            Đời cầu nguyện sớm trưa, chiều tối

Cùng tâm tình sám hối canh tân…

Bôn ba, xuôi ngược dặm trường

Gọi mời, vun đắp tình thương Nước trời.

Tôi xúc động những gì của Chúa,

Tình yêu thương muôn thuở của Người,

Ưu tư cuộc sống hiện thời

Thiếu Lời Hằng Sống, thiếu đời nội tâm.

Nghĩ quá khứ: tri ân cảm tạ.

Nghĩ tương lai: trao cả tin yêu.

Hiện thời: sứ vụ bao nhiêu

Cậy trông nơi Chúa ban nhiều ơn thiêng

            (40 năm hồng ân)

Thế giới này chứa đầy mâu thuẫn
Nói hoà bình lại muốn chiến tranh.
Yêu thương mà vẫn bạo hành.
Chủ trương hợp nhất rồi đành phân ly.

Các cộng đoàn cũng y như thế
Là một nhà chia rẽ hai, ba.
Ngay trong thân xác chúng ta
Cũng chia lành dữ, chính tà phân tranh.
Thánh Phaolô chân thành bày tỏ:
Trong tôi nhận thấy rõ luật này

Việc lành: biết lại buông tay

Điều coi là xấu lại hay cứ làm.

Khốn thân tôi xác phàm nhục dục

Ai cứu đời trần tục giúp tôi” (Rm 7,15-24).

Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi

Hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn”(Tv 62,2)

            (Chỉ trong Đức Giêsu Kitô)

…Xin cho con:

Được sống trong biển tình yêu chan chứa,

Được đắm chìm trong Chúa suối tình thương.

Được khiết trinh như huệ trắng ngát mùi hương.

Được trong trắng giữa đời vấn vương tội lỗi.

Xin Chúa nhận con:

Như giọt lệ của Ma- đa- lê- na thống hối

Như nai rừng bên nguồn suối tình thương

Như Gioan thổn thức nỗi sầu vương.

Và như người trinh nữ khôn ngoan

trên bước đường đón Chúa.

          (Một đời tận hiến)

Và người Mục tử đã tìm thấy hạnh phúc hân hoan trên bước đường truyền

 giáo của mình:

“…Sức còn trẻ thoả thuê chính xứ

Kiêm Quảng Nạp, Yên Thổ không xa

Quảng Phúc, Bình Hải một nhà

Đức ông Thiều trước, tôi là hậu sinh.

Vùng Sơn thuỷ hữu tình thoáng đãng

Giáo dân hiền, lo lắng phần hồn

Năm năm không có ngày buồn

Thể thao, cây cảnh cũng luôn đồng hành.

Những mùa đông tốt lành, thánh thiện

Giáng Sinh về hội diễn bình dân

Múa ca, hoạt cảnh, thơ ngâm

Tình người, tình Chúa âm thầm giao duyên…”

                        (40 năm hồng ân)

Như vậy, tập thơ “Những bước sóng yêu thương” đã đặt ra và giải quyết 3 vấn đề tư tưởng căn cốt của người môn đệ Chúa trong hoàn cảnh thực tại Việt Nam. Xin lưu ý, thơ của Lm Hồng Phúc không phải là thơ tư tưởng (tức là thơ thể hiện những tư tưởng triết học).  Đó là suy tư về Đức Tin, lòng Mến và sự cậy trông nơi Chúa với tấm lòng của người con đối với Cha và Mẹ (bài Tình Chúa tình con, Tình Cha, Tình Mẹ). Thực ra nói như thế mới chỉ là phân tích vấn đề bằng lý trí nhận thức, chưa đủ để hiểu thơ của Lm Hồng Phúc (tập Thơ Các Thánh), cũng như không thể hiểu được thái độ sống đạo của hàng trăm ngàn giáo dân Việt Nam đã tử vì đạo (thời Tây Sơn , Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức). Còn một yếu tố chi phối toàn cục là yếu tố tâm linh. Đó là Ơn Chúa: Ơn Đức Tin, ơn của Chúa Thánh Thần. Yếu tố tâm linh này nằm sâu bên dưới những suy tư và không thể lý giải. Đức Giêsu nói: “vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5). Cho nên, trong mọi hoàn cảnh, thơ của Lm Hồng Phúc luôn vang lên lời cảm tạ Ơn Chúa.

Con quỳ gối đến muôn đời cảm tạ.

Con nguyện hứa dõi bóng cờ Thánh Giá.

“Trái tim con xin cắm cả hai tay” (ĐHV 445)

Trên vai con trung thành vác mỗi ngày

Con theo Chúa từng giây đời thánh giá./.

                                    (Tình yêu Thánh giá)

Tập thơ “Những bước sóng yêu thương” cũng có những bài “Huấn ca” (Sao nghi ngờ, Sao chẳng có Đức tin, Hiệu năng cầu nguyện, Truyền giáo), và những bài thơ thế sự (Ơi Huế thân thương, Con thuyền với bão Covid, Sài gòn ơi thương lắm, Hướng về Trung Lao, Năm canh gà gáy, Hành trình sa mạc xưa và nay, Sa mạc cuộc đời, Biển, Mênh mông, Về nguồn) nhưng đó không phải là những chủ đề chính của tập thơ.

Thơ trong Những bước sóng yêu thương” nhiều bài thuộc thể thơ 7, 8 chữ, kiểu Thơ Lãng mạn, song tuyệt nhiên thơ Hồng Phúc không chịu ảnh hưởng gì của thơ Lãng mạn. Nhiều bài nghiêng về sự chuẩn mực của thơ Thất ngôn Đường luật. Thơ đề cập đến những vấn đề tư tưởng hầu hết được cấu trúc theo kiểu tư duy chính luận: có lập luận, lý giải, dẫn chứng, có rút ra bài học nhận thức và hành động. Thơ hướng đến sự “giác ngộ” của chính tác giả và lan tỏa đến người đọc. Ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ trực tiếp, ngôn ngữ của nghĩ suy, ngôn ngữ bàn luận, không phải ngôn ngữ hình tượng. Vì thế chất nghệ thuật của những bài thơ này chỉ thể hiện ở sự khám phá những tư tưởng mới, ở sự uyên bác, sắc xảo của trí tuệ; không phải là ở những rung động cảm tính như thơ trữ tình (Xin đọc: Của ăn là ý Chúa, Chúa trong im lặng, Tình Cha. Bài Tình yêu chân thật chỉ có ý tưởng mà không có tứ thơ). Thế mạnh của Lm Hồng Phúc là trường ca Lục bát, Song thất lục bát trong thi pháp Ca dao.

ĐỊNH VỊ MỘT KHUÔN MẶT THƠ

Lm Hồng Phúc còn tập thơ “Hành hương-Du lịch” và các tập bút ký: Việt Nam-Rôma máu chảy về tin, Bên đường thiên lý, Cảm xúc miền đất thánh, Fatima trải nghiệm ơn thiêng. Song do khuôn khổ bài viết đã dài, tôi sẽ giới thiệu tiếp những tác phẩm còn lại của Lm Hồng Phúc trong một dịp tới.

Hai tập thơ Thơ Các thánhNhững bước sóng yêu thương đủ để khẳng định một khuôn mặt thơ Công giáo có những nét riêng. Những trường ca Song thất Lục bát, thể truyện ca trong thi pháp Ca dao của Lm Hồng Phúc là những “Thánh ca” của thi ca Công giáo. Tác giả cũng đặt ra và giải quyết một cách mới mẻ, đầy thuyết phục những vấn đề tư tưởng mà người theo Chúa luôn gặp phải.

Ở một phương diện khác, thơ và thái độ chọn lựa lối sống theo Tin Mừng của Lm Hồng Phúc có thể là một thái độ tiêu biểu mà người sống “Đời dâng hiến” đã chọn lựa trong hoàn cảnh cam go của đất nước (1975-1990).

Để hồn thơ bay lên:

Bôn ba, xuôi ngược dặm trường

Gọi mời, vun đắp tình thương Nước trời.

(40 năm hồng ân)

Tháng 1/ 2023

______________________

[*] Hành trình 40 năm Mục vụ của Lm Hồng Phúc:

1980 -1985:      Phát Diệm, Phương Thượng, Hướng Đạo, Ứng Luật, Hòa Lạc, Phú Hậu, Tôn Đạo.

1985 – 1998:    Ninh Bình, Áng Sơn, La Vân, Hào Phú. Hoàng Mai, Thiện Dưỡng .

1999-2004:       Bạch Liên, Quảng Nạp, Quảng Phúc, Bình Hải, Yên Thổ.

2004 – 2012:    Phát Diệm, Trì Chính, Phát Vinh, Yên Bình.

2012-2019   :    Cách Tâm, Xuân Hồi.

2019 đến nay: Khiết Kỷ, Dục Đức

VĂN CHƯƠNG 2022-MỘT GÓC NHÌN

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

VĂN CHƯƠNG 2022 -MỘT GÓC NHÌN

Bùi Công Thuấn

*** 

       

Tôi có thói quen ghi lại những sự việc, những hiện tượng văn học trong năm, trước hết là để làm tư liệu, và để chia sẻ với bạn văn đôi điều, bởi 2022 đã là quá vãng và sẽ qua đi mãi mãi. Dẫu thế nào, dưới một góc nhìn riêng, những gì ghi nhận được luôn là chủ quan và phiến diện.

ĐÃ THÀNH THIÊN CỔ

            Năm 2022, nhiều nhà văn đã thành thiên cổ, họ ra đi trong sự tiếc thương vô hạn của người ở lại, và họ để lại một khoảng trống không thể lấp đầy. Khuôn mặt họ ngời sáng tài năng, dũng cảm và nhân cách giữa bao nhiêu bầm dập của cuộc đời. Thế hệ nhà văn nhà thơ đi sau chưa thấy ai có được cốt cách của họ.

Nhà văn Lê Lựu qua đời ngày 09/11/2022. Ông có nhiều tác phẩm: Người cầm súng (truyện ngắn, 1970); Phía mặt trời (truyện ngắn, 1972); Đánh trận núi Con Chuột (truyện dài thiếu nhi, 1976); Mở rừng (tiểu thuyết, 1977); Ở phía sau anh (tiểu thuyết, 1980); Ranh giới (tiểu thuyết, 1977); Cămpuchia một câu hỏi lớn (truyện ngắn, 1979); Đồng bằng chiến sĩ (truyện ký, 1980); Thời xa vắng (tiểu thuyết, 1986); Mặt trận của người lính (truyện ngắn, 1986); Một thời lầm lỗi (bút ký, 1988); Trở lại nước Mỹ (bút ký, 1989); Đại tá không biết đùa (tiểu thuyết, 1990); Chuyện làng Cuội (tiểu thuyết, 1993); Sóng ở đáy sông (tiểu thuyết, 1994); Hai nhà (tiểu thuyết, 2000); Thời loạn (2009); Chuyện quê ngày ấy (tiểu thuyết, 2010). Lê Lựu để lại dấu ấn trong lòng người đọc với tiểu thuyết Thời xa vắng (1986), góp phần làm nên dòng văn chương Dân chủ và Nhân văn thời “đổi mới”.

            Nhà văn Trần Huy Quang qua đời 15/12/2022. Ông cũng để lại nhiều tác phẩm: Chiếc áo màu lửa (truyện ngắn, in chung, 1970), Sự trắc trở đã qua (truyện ngắn, 1984), Ngày mai (tiểu thuyết, 1985), Ngọn khói (tiểu thuyết, 1985), Người làm chứng (truyện và ký, 1988), Nước mắt đỏ (tiểu thuyết, 1988), Mối tình hoang dã (tiểu thuyết, 1990), Chị dâu (tiểu thuyết, 1994), Khúc hoàn lương (tiểu thuyết, 1995), Trần Huy Quang – phóng sự (1995); Nước mắt đỏ và những chuyện khác (2005); Chân trời xa thẳm (tiểu thuyết, 2008). Nhưng người ta nhớ thương ông là ở bút ký Câu chuyện về ông vua Lốp (1986) và truyện ngắn Linh Nghiệm trên Văn nghệ số ra 4/7/92 (số 92).

            Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời ngày 20/3/2021. Năm nay, năm 2022, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước với truyện ngắn Tướng về hưu và tập truyện ngắn Những ngọn gió Hua Tát. Đồng thời, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội đã quyết định trao Giải thưởng Thành tựu văn học trọn đời cho ông và các tác phẩm của ông. Trao giải thưởng cho Nguyễn Huy Thiệp là đúng bởi tài năng và đóng góp của ông cho sự đổi mới văn học Việt. Nhưng hình như người ta đã quên những gì nói về ông lúc ông còn sống và viết, cũng quên luôn những gì ông đã viết về nhà thơ, nhà văn Việt Nam (Trò truyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn-2004), để giờ đây, thay vào đó là những lời tụng ca, tôn vinh ông. Tôi nghĩ, chắc ông chỉ cười ruồi với những người đã khen hoặc chê ông. Ông viết: “Trước mặt tôi đây là giò hoa thủy tiên thơm ngát. Tôi biết rằng cả đời tôi, rồi cả hoa cũng chẳng còn mãi trên đời này. Thời gian trôi đi, giống như sóng biển kia vỗ bờ, giống như dã tràng kia xe cát, sự sống rồi cứ tiếp nối nhau không ngừng như thế đầy, vô cùng vô tận. – Mặc kệ chuyện thị phi “ (Trò chuyện với hoa thủy tiên…). Lưu ý rằng Nguyễn Huy Thiệp không chỉ có Tướng về hưu và tập truyện ngắn Những ngọn gió Hua Tát.

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm từ trần ngày 14.01.2022. Ông nguyên là Ủy viên Hội đồng LLPB Hội Nhà văn Việt Nam. Vài lần đi họp, tôi có ở chung phòng với ông.Ở ông, toát ra vẻ nghiêm túc, điềm đạn và thân tình. Ông viết ở nhiều thể loại, thành ra tìm một danh xưng chuyên nghiệp dành cho ông thật khó. Những người vừa làm thơ, vừa viết văn, vừa viết lý luận phê bình tài hoa như Nguyễn Đình Thi không có nhiều. Dù vẫy, người ta vẫn định vị Nguyễn Đình Thi là nhà thơ. Tôi nghĩ nghề của ông là làm báo, mặt mạnh của ông là thơ. Những thể loại khác ông viết ở dạng văn chương phong trào. Ông đã xuất bản các tác phẩm: Nữ hoàng trái cây (1987), Chia tay võ sĩ dế (1988), Thức đợi hoa quỳnh (1991), Thương nhớ tài hoa (1992), Người thám hiểm thời gian (1993), Hương Giao thừa (1994), May quá, lòng tốt vẫn còn đây (bút ký, 1994), Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam (sưu tầm biên khảo,  2000), Văn đàn bi tráng (2008), Sương Hồ Tây, mây Tháp Bút (2011), Hoài nghi và Tin cậy (2004), Bắc cung Hoàng hậu (tiểu thuyết, 2014), Người trong cõi tâm linh (tiểu thuyết, 2014), Đi tìm mật mã thơ (tiểu luận, 2015), Minh triết đất đai (2015), Hoàng Sa (thơ, 2018), Tiếp cận mật mã thơ (nghiên cứu phê bình, 2019).

            Nhà thơ Trần Quang Quý giã từ cõi đời ngày 10/9/2022. Ông là một khuôn mặt thơ nổi bật trong nỗ lực cách tân thơ Việt đầu thế kỷ XXI. Ông để nhiều tác phẩm:  Viết tặng em trong ngôi nhà chật (thơ, 1990); Mắt thẳm (thơ, 1993);Lời sám hối muộn mằn (phim truyện, 1995); Chị Châu (phim tuyện, 1996); Giấc mơ hình chiếc thớt (thơ, 2003); Siêu thị mặt (thơ, 2006); Cánh đồng người (thơ song ngữ, 2010); Bờ sông trăng sáng (truyện ngắn, 2010); Màu tự do của đất (thơ, 2010); Ga sáng (thơ, 2016); Namkau (thơ, 2016); Bay lên những giấc mơ (bút ký, 2017); Nguồn (thơ, 2019); Ngô Văn Dụ – người làng Rau (ký, 2019); Chảy trên dòng thời gian (thơ, 2020); Ướp nhớ (thơ Namkau, 2020)…Người ta nhớ đến ông ở những cách tân thơ ông góp vào tiến trình thơ hiện đại Việt Nam đầu thế kỷ XXI và ở lối thơ Namkau mà ông đề xướng. Tôi đã có bài viết về hành trình 10 năm thơ của ông. Tôi ra Hà Nội trong năm, chưa kịp thăm ông thì đã tiễn biệt, trong lòng in đậm một khuôn mặt thơ gân guốc, hiền lành và chân tình.

            Lê Lựu, Trần Huy Quang, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Quang Quý… sẽ còn được nói đến như những nhà văn nhà thơ tiên phong bằng sáng tác của mình đòi hỏi phải đổi mới văn học, rằng Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa đã không còn đáp ứng khát vọng sáng tạo. Tác phẩm của họ đã bổ sung phần “hiện thực” “không Xã hội chủ nghĩa” của văn học Việt Nam. Lưu ý rằng Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa chỉ phản ánh “Hiện thực cách mạng”. Tiếng nói của họ là tiếng nói “Nhân văn và Dân chủ”. Mỗi nhà văn nhà thơ đều thể hiện nhân cách và bản lĩnh của người cầm bút đối với thời đại của mình. Thế hệ nhà văn nhà thơ đi sau họ hình như chưa xuất hiện trên văn đàn, thành ra, nhiều năm nay, văn chương Việt Nam lặng lẽ và nhạt nhẽo.

VĂN CHƯƠNG PHONG TRÀO NỞ RỘ

Công tác phong trào của Hội Nhà văn và các Hội VHNT địa phương nở rộ nhiều hoạt động cổ vũ sáng tác. Không khí văn nghệ phong trào rôm rả. Tin tức và bài viết của các tác giả phong trào khá phong phú trên các trang mạng văn học. Nhiều cuộc thi sáng tác được phát động.

Xin ghi nhận một vài cuộc “vận động” tiêu biểu:

Cuộc vận động sáng tác văn học đề tài thiếu nhi và trao giải thưởng Tác giả trẻ do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức sáng 6-1-2022 tại Hà Nội.

Cuộc thi Truyện ngắn hay 2022  của Tạp chí Văn Nghệ và Hội Nhà văn TP.HCM 11-1-2022 với đề tài rộng mở: Viết về con người và cuộc sống; đối tượng tham gia là tất cả những cây bút chuyên và không chuyên cả trong và ngoài nước với tác phẩm bằng tiếng Việt. Truyện ngắn hay 2022 mở rộng dung lượng tác phẩm lên đến “dưới 3.500 chữ” cho mỗi truyện.

Cuộc vận động sáng tác về chủ đề Thương binh – Liệt sĩ của Hội Nhà văn, Tạp chí Văn nghệ TPHCM tổ chức để kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.  Phát động từ tháng 12/2021 đến đến hết tháng 9/2022, Ban Tổ chức đã nhận được gần 200 tác phẩm của 150 tác giả đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ V, giai đoạn 2022 – 2025, do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức (01/12/2022) nhằm hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 – 19/8/2025) và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 – 19/8/2025).

Các trại sáng tác cũng được mở ra khắp nơi, phong phú về chủ đề, đối tượng sáng tác và mục đích sáng tác. Đơn vị tổ chức từ cấp Huyện, cấp tỉnh tới cấp trung ương, thậm chí một tạp chí cũng tổ chức trại. Xin ghi nhận một vài sinh hoạt:

Trại Sáng tác Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam đã khai mạc ngày 2.6.2022, tại Nhà Sáng tác Tam Đảo.Trại có 15 nhà văn Hội viên.

Trại sáng tác Trẻ 2022 của Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức từ ngày 25/3 đến 29/3 tại Nhà sáng tác Đà Lạt.

Trại sáng tác văn học về đề tài Lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng năm 2022 do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Trại đã thu nhận được 16 bản thảo gồm 8 tiểu thuyết, 1 trường ca, 5 tập bút ký và truyện ngắn, 2 tập nghiên cứu phê bình văn học và 5 đề cương tiểu thuyết. 

Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai tổ chức hai trại sáng tác: trại sáng tác VHNT tại Quảng Ninh với chủ đề: “ Văn nghệ sĩ Đồng Nai đồng hành cùng đất nước” (tháng 6/2022), và trại sáng tác NHNT tại Đà Nẵng với chủ đề “ Văn nghệ sĩ với người lính biển đảo và quê hương đất nước” (tháng 7 năm 2022)

Trại sáng tác văn học nghệ thuật năm 2022 tại huyện Na Hang do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang tổ chức ngày 26/9/22. Có  25 văn nghệ sỹ thuộc các chuyên ngành: Văn học, âm nhạc và nhiếp ảnh tham gia. Đây là dịp để các văn nghệ sĩ đi sâu cảm nhận, khám phá nhiều hơn vùng đất và con người Tuyên Quang giàu truyền thống cách mạng và những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Na Hang.

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức trại sáng tác văn học thanh, thiếu nhi năm 2022 (Ngày 18/8).

Trại sáng tác Văn học nghệ thuật khu vực Đồng bằng Trung du và miền núi phía Bắc, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Chiều 20/9/22. Có30 tác giả là hội viên các Hội Văn học nghệ thuật khu vực Đồng bằng Trung du và miền núi phía Bắc thuộc các chuyên ngành văn xuôi, thơ, âm nhạc và nhiếp ảnh.

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cà Mau tổ chức Trại sáng tác văn học nghệ thuật năm 2022 (từ ngày 03 đến ngày 16/10/2022) tại Nhà Sáng tác Vũng Tàu . Tham gia trại có 13 trại viên sáng tác hơn 40 tác phẩm trên các lĩnh vực Âm nhạc, Điện ảnh, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Văn học, Văn nghệ Dân gian.

Trại sáng tác Văn học nghệ thuật – bồi dưỡng năng khiếu trẻ năm 2022 doHội Văn học Nghệ thuật  tỉnh Bắc Ninh tổ chức Ngày11/9/22, cho 30 học sinh Trường THCS Suối Hoa (thành phố Bắc Ninh).

Trại sáng tác Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2022 do Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức. Tham gia trại có 32 hội viên thuộc Hội Văn học nghệ thuật của 13 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc gồm: Phú Thọ, Cao Bằng, Hà Nội, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hòa Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên và Bắc Ninh.

Tạp chí Xứ Thanh tổ chức trại sáng tác hưởng ứng cuộc vận động sáng tác chào mừng Đại hội Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa lần thứ X, nhiệm kỳ 2022-2027, chiều 30-1122.Gần 30 thành viên trại sáng tác sẽ đến tham quan và thâm nhập thực tế ở 2 huyện Bá Thước và Ngọc Lặc. Trong 3 ngày từ 1 đến 3-12, các trại viên sẽ đi thực tế, giao lưu, tìm tòi ý tưởng, đề tài, để cho ra đời những tác phẩm mới chất lượng.

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Giang tổ chức Trại sáng tác VHNT năm 2022 tại Đại Lải. Có 13 văn nghệ sỹ thuộc các chuyên ngành Văn học, Nhiếp ảnh, Văn nghệ dân gian, Âm nhạc, Sân khấu Điện ảnh và Múa tham dự. Chương trình gồm tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu nhiều khu, điểm lịch sử, văn hóa, tâm linh, như thành Cổ Loa, Việt Phủ Thành Chương, Đền Hai Bà Trưng, Làng cổ Đường Lâm, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (TP. Hà Nội); Tam ĐảoLàng gốm Hương Canh (tỉnh Vĩnh Phúc) và một số địa danh khác… Qua đó tạo cảm hứng cho các anh, chị, em hội viên, văn nghệ sĩ sáng tác

Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP Đà Nẵng tổ chức trại sáng tác văn học, nghệ thuật năm 2022 Từ ngày 2 đến 17-11 tại Nhà sáng tác Đà Lạt. Tham dự trại có 14 văn nghệ sĩ thuộc Hội Nhà văn, Hội Âm nhạc, Hội Nhiếp ảnh, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Mỹ thuật và Hội Văn nghệ dân gian của Đà Nẵng.

Trại sáng tác văn học “Chiến tranh, cách mạng, người lính – đất và người Ninh Bình” do Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình tổ chức. Trại diễn ra trong nửa tháng, với  chủ đề về lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng; người lính hôm nay hết mình với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, công tác, lao động, sản xuất; ca ngợi đất và người Cố đô  với chiều sâu của lịch sử, văn hoá và những cống hiến, đóng góp của Ninh Bình trong sự phát triển của đất nước hôm nay…

Trại sáng tác Văn học nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2022 do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng tổ chức (8/9/22). 70 văn nghệ sĩ thành phố tham gia trại sáng tác sẽ đi thực tế và hoàn thành các tác phẩm trong tháng 9, 10/2022 tại Nghệ An quê Bác, Khu di tích K9 (Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội) và thành phố Hải Phòng

***

Một hoạt động phong trào khác là tổ chức Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X trong 2 ngày 18 và 19.6.2022 tại Đà Nẵng. Ban tổ chức hội nghị cho biết, có 138 đại biểu tham dự hội nghị, trong đó có 119 đại biểu là các cây bút trẻ tiêu biểu đến từ các vùng miền trong cả nước. Trong khuôn khổ hội nghị sẽ có cuộc tọa đàm chủ đề “Văn học với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, hội thảo thơ và văn xuôi, bàn về thái độ, trách nhiệm và lương tâm của người cầm bút với cuộc sống, với xã hội và trả lời câu hỏi “Vì sao chúng ta viết”. Lãnh đạo Hội Nhà văn kỳ vọng: con đường duy nhất mà nhà văn cầm bút là phải dựa trên nền tảng của chủ nghĩa nhân văn. Trong hội nghị lần này, các nhà văn trẻ sẽ trả lời câu hỏi đó”.

Hội nghị qua đi mà không để lại dấu ấn gì cả về tổ chức và đội ngũ. Số lượng các đại biểu dự hỗi nghị khá đông, nhưng tìm trong số ấy những tài năng, thì còn phải chờ. Người trẻ sinh ra và lớn lên trong nền kinh tế thị trường, họ quen viết văn chương thị trường, bao giờ mới có được những tác phẩm dựa trên “nền tảng của chủ nghĩa nhân văn”? Rất tiếc là không có một hội thảo về văn học trẻ hiện nay để chỉ ra những  giá trị, tiềm năng và triển vọng của văn học trẻ hôm nay. Người trẻ lấy gì để “bứt phá” để mở ra một thời đại mới cho văn học Việt Nam! Văn học trẻ đa phần là văn chương phong trào.

Một “phong trào” khác là thơ 1-2-3, kiểu bài thơ có 6 câu. Đã có khá nhiều người làm kiểu thơ này (cho nên tôi tạm gọi là “phong trào”), nhưng tôi không thấy nhà thơ tài danh nào tham gia phong trào, và cũng chưa có tập thơ 1-2-3 nào “đứng được” trong việc khẳng định kiểu thơ này như một “thể thơ” mới. Xét cho cùng đó chỉ là tạo ra một hình thức trình bày “mới”. Đã có thơ 2 câu (Lục bát), thơ Lục bát vắt dòng, thơ Haiku 3 câu, thơ Tứ tuyệt 4 câu, thơ Namkau (năm câu) do nhà thơ Trần Quang Quý khởi xướng, và bây giờ là thơ 1-2-3 (6 câu). Để trở thành một thể thơ, thơ 1-2-3 phải hình thành được một thi pháp riêng như thi pháp Ca dao, thi pháp thơ Haiku, thi pháp thơ Tứ tuyệt, thi pháp thơ Tân Hình thức. Thơ 1-2-3 hiện nay mới chỉ là ngẫu hứng. Dù sao, những nỗ lực đổi mới (tôi không gọi thơ 1-2-3 là cách tân) thơ Việt luôn luôn đáng trân trọng khi nó thực sự tạo ra những giá trị mới.

***

Nhìn vào những sinh hoạt văn học trên, chúng ta dễ nhận ra sự nở rộ của “văn nghệ quần chúng(chữ của Nghị quyết 23 Bộ Chính trị). Điều này làm an tâm những người có trách nhiệm, bởi vì Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị chỉ đạo: “Phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng, đồng thời với tập trung xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp.”

Văn nghệ quần chúng (tôi gọi là “văn nghệ phong trào” bởi nó sáng tác theo phong trào) vừa phục vụ trực tiếp nhiệm vụ chính trị, vừa đáp ứng nhu cầu văn nghệ của quần chúng rộng rãi. Một tác giả quần chúng, chỉ cần viết “sạch sẽ” (không sai về chính tả, ngữ pháp, không sai về luật thơ, biết kể chuyện…) là có thể trở thành hội viên một Câu lạc bộ, một Hội VHNT địa phương, là có bài đăng báo giấy, đăng báo mạng của Hội, và nghiễm nhiên trở thành “nhà văn, “nhà thơ” đầy tự hào với bạn bè. Các Hội VHNT có nhiệm vụ tập hợp quần chúng để thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, cho nên mục đích sáng tác của văn nghệ quần chúng là chính trị. Không đòi buộc văn nghệ quần chúng phải sáng tạo, phải cách tân nghệ thuật.

Chỉ tiếc là “Văn chương chuyên nghiệp” trong năm 2022 chưa có thành tựu nào ghi được dấu ấn, đặt những bước phát triển mới cho Văn học Việt Nam đương đại.

CÓ NHỮNG VIỆC LÀM NẶNG TRĨU TRÁI TIM

1.Việc gạt nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh khỏi danh sách kết nạp hội viên của Hội Nhà văn là điều thật đáng buồn. Đó là quyết định của tập thể ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Nguyễn Hữu Hồng Minh được mời vào Hội Nhà văn Việt Nam, cùng với các tên tuổi khác như Nguyễn Việt Hà, Nhật Chiêu, Nguyễn Phúc Lộc Thành… 

Sự việc  khởi đi từ ý kiến của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn về bài thơ Lỗ thủng lịch sử của Nguyễn Hữu Hồng Minh 20 năm trước. Lê Thiếu Nhơn cho rằng bài thơ Lỗ thủng lịch sử được đánh giá là “tởm lợm”, “quái đản” chính là mang “rác rưởi vào Hội Nhà văn”, việc này sẽ làm hạ uy tín của Hội Nhà văn Việt Nam.

Là người mời nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh vào Hội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá Nguyễn Hữu Hồng Minh là người có nhiều đóng góp cho đổi mới thi ca Việt Nam. Ông cũng bày tỏ quan điểm nếu chỉ căn cứ vào một bài thơ mà kết luận về toàn bộ sự nghiệp văn thơ của một tác giả, kết luận về một con người thì không ai trên đời có cơ hội để trở nên tiến bộ. Dù vậy ông tôn trọng quyết định của Ban Chấp hành Hội [[1]].

việc nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh không được kết nạp năm 2022 gây sốc trong dư luận. Bởi nó “dập tắt” ý tưởng “đổi mới” việc kết nạp hội viên của chủ tịch Nguyễn Quang Thiều, nó cho thấy sự hẹp hòi và lạc hậu trong việc nhìn nhận một tài năng khi xét kết nạp, nó cho thấy ý kiến của cá nhân Lê Thiếu Nhơn ảnh hưởng thế nào đến Ban Chấp hành; nó làm nản lòng những ai còn chút nhiệt tình muốn vào Hội Nhà văn, và đáng buồn hơn, nó làm tổn thương lòng tự trọng của nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Những giá trị nhân văn mà Hội Nhà văn cổ vũ đã không thể hiện trong trường hợp này.

2. Việc được mời đề cử nhà văn Việt Nam tham gia giải Novel văn chương cũng gây ra những luồng ý kiến trái chiều.

Thư do Chủ tịch Viện Thụy Điển Anders Olsson ký vào tháng 12 viết:

“Kính gửi: Ngài chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Thay mặt cho Viện Thụy Điển, chúng tôi vinh dự mời ngài đề cử một ứng viên Việt Nam tham dự xét Giải Nobel văn học năm 2022.

Chúng tôi mong muốn nhận được bản tường trình về lý do đề cử ứng viên, mặc dù không nhất thiết phải có. Khi xem xét các ứng viên, đề nghị ngài hãy quan tâm tới các vấn đề về thể loại, giới và địa lý.

Để được ủy ban xem xét, bản đề nghị của ngài cần được gửi tới Ủy ban Nobel để chuẩn bị cho việc thảo luận về giải thưởng trước ngày 31-1-2022.

Ủy ban Nobel sẽ xem xét tất cả các đề cử, với bản đề cử được ký bởi chính ứng viên, và phải được tuyệt đối giữ bí mật bởi cả người đề cử và ứng viên…”.

Mãi tới ngày 17-2 thư mới tới tay chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, khi thời hạn đề cử đã qua. Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều cho biết: “Dù thời hạn đề cử đã qua, tôi vẫn sẽ gửi thư tới Ủy ban Nobel để cảm ơn, và mong muốn Ủy ban Nobel sẽ tiếp tục gửi thư cho tôi sớm hơn trong dịp xét giải Nobel văn chương 2023“[[2]].

Vấn đề  được quan tâm là ai có trách nhiệm đề cử và đề cử nhà văn nào? Sẽ có những ý kiến “thiếu thiện chí” làm loạn diễn đàn. Chỉ một tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh mà bao nhiêu năm nay vẫn chưa có sự thống nhất trong việc đánh giá giá trị văn học. Các tiêu chí trao giải thưởng văn học trong nước cũng không thống nhất. Các quan điểm và phương pháp đọc tác phẩm cũng không thống nhất, vậy làm sao có thể đề cử một tác giả tác phẩm dự giải Nobel.

Nhà văn Nam Cao đã từng có ý định viết tác phẩm dự giải Nobel. Ông viết trong truyện ngắn Đời Thừa: Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái (5), sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn. Như thế mới thật là một tác phẩm hay, các anh có hiểu không? Tôi chưa thất vọng đâu! Rồi các anh xem… Cả một đời tôi, tôi sẽ chỉ viết một quyển thôi, nhưng quyển ấy sẽ ăn giải Nobel (6) và dịch ra đủ mọi thứ tiếng trên hoàn cầu! (lời nhân vật Hộ).

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng từng có ý định như Nam Cao. Tôi nhớ không lầm năm 1998 Nguyễn Huy Thiệp từng tuyên bố viết tác phảm dự giải Nobel, song sau khi đi nước ngoài về, tiếp cận với sách văn học Việt Nam được dịch và in ở nước ngoài, ông nhận ra tầm vóc của văn học việt Nam còn quá bé nhỏ trước một thế giới rộng lớn của văn học thế giới.

Nên chăng chúng ta cần có một Hội đồng văn học dùng các tiêu chí của Viện Hàn lâm Thụy Điển phụ trách giải Nobel Văn học để xem xét và chọn lựa tác phẩm dự giải. Tôi lại nghĩ, việc chọn ai vào Hội đồng này cũng không dễ thống nhất ý kiến. Sự thực là chúng ta chưa có tác giả tác phẩm có tầm vóc quốc tế rộng rãi, cho nên việc chen chân vào Nobel văn học chỉ là một ước mơ. Tôi lại nghĩ, các nhà văn hãy viết Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái (5), sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn”, như ý kiến của Nam Cao trước đã.

3. Vẫn là nỗi buồn của nạn đạo văn. Đây là bản tin: “ngay lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng giải thưởng Tác Giả Trẻ đã xảy ra vụ ồn ào liên quan đến cuốn sách “Phê bình phân tâm học phía những ám ảnh nghệ thuật” của Vũ Thị Trang. Ngày 24/1, Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh – Trưởng phòng Văn học Việt Nam đương đại của Viện Văn học đã gửi đơn đề nghị đến Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam với yêu cầu “xem xét vấn đề vi phạm bản quyền tác giả của Vũ Thị Trang, xem xét lại việc trao giải thưởng Tác giả Trẻ cho Vũ Thị Trang để đảm bảo liêm chính khoa học và đạo đức nghề nghiệp của người làm nghiên cứu khoa học”.

Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh cho biết đề tài nghiên cứu khoa học của mình đã bị tác giả Vũ Thị Trang (cũng có học vị Tiến sĩ) đưa vào cuốn sách “Phê bình phân tâm học phía những ám ảnh nghệ thuật” từ trang 199 đến trang 272. Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh khẳng định “nội dung cơ bản ở phần 3 của cuốn sách vẫn là những phần tôi đã viết, trong đó có đoạn tôi đã công bố trên Tạp chí Nghiên cứu văn học số 10/2015 và trong bài Trả lời phỏng vấn đăng trên trang Zingnew ngày 11/6/2018”[[3]].
Đây là thông báo của Ban Chấp hành Hội Nhà văn về quyết định thu hồi giải:

Sau khi nghiên cứu đơn khiếu nại, cẩn trọng lắng nghe dư luận, tham khảo ý kiến một số nhà chuyên môn, các chuyên gia trong lĩnh vực lý luận phê bình và bản quyền cũng như trực tiếp gặp gỡ lắng nghe các bên liên quan trình bày quan điểm, luận cứ của mình, ngày 28.3.2022 Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam đã họp phiên mở rộng, có sự tham gia của đại diện Ban Kiểm tra Hội, để phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về sự việc này.

Từ kết quả cuộc họp Ban Thường vụ mở rộng và trao đổi ý kiến thống nhất của tất cả các Ủy viên Ban Chấp hành: Để bảo đảm tính trong sáng, khách quan, nghiêm minh trong hệ thống Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, cũng như xét các yếu tố liên quan đến quy chế và uy tín của giải thưởng, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam quyết định:

– Tạm thời thu hồi Giải thưởng Tác giả trẻ năm 2021 đối với tác phẩm “Phê bình phân tâm học – phía của những ám ảnh nghệ thuật” của tác giả Vũ Thị Trang.

– Khi có kết luận chính thức từ phía các cơ quan chức năng liên quan đến vấn đề bản quyền, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tham khảo và đưa ra quyết định tiếp theo phù hợp với trách nhiệm và nghĩa vụ của mình”[[4]].

Sự việc xảy ra khiến công chúng và các Hội viên Hội Nhà văn hết sức nghi ngại cách làm việc của Ban Chấp hành Hội. Do đâu lại để xảy ra những sai sót như vậy? Các thành viên của Hội đồng xét tặng giải thưởng của Hội chẳng lẽ không một ai đọc được những gì TS Đỗ Hải Ninh đã công bố trên Tạp chí Nghiên cứu văn học số 10/2015 và trong bài Trả lời phỏng vấn đăng trên trang Zingnew ngày 11/6/2018 nên không biết có sự “đạo văn”? Hay chỉ khi công luận lên tiếng mới biết tác phẩm trao giải là “có vấn đề”! Nếu vậy sao có thể ngồi trong Hội đồng cầm cân nảy mực?

4. Chuyện lùm xùm vụ nhà thơ Lương Ngọc An bị tố hiếp dâm Dạ Thảo Phương. Sau nhiều lời qua tiếng lại giữa các đương sự, Ban Chấp hành Hội Nhà văn trong thông báo ngày 15/4/2022 đã quyết định điều động nhà thơ Lương Ngọc An nhận nhiệm vụ mới. Nguyên văn thông báo như sau: “Trong tình hình mới của Hội Nhà văn Việt Nam, theo Nghị quyết số 05-NQĐĐ ngày 14.4.2022 của Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Chấp hành quyết định điều động nhà thơ Lương Ngọc An thôi giữ chức vụ Phó Tổng biên tập, Thư ký toà soạn Báo Văn Nghệ để nhận nhiệm vụ mới kể từ ngày 1.5.2022”[[5]]. Thông báo này không đề cập gì đến vụ việc trên, song công luận hiểu rằng Lương Ngọc An phải rời khỏi chức vụ Phó Tổng biên tập, Thư ký tòa soạn báo Văn nghệ là có lý do.

[Xin đọc bài tường thuật đầy đủ trên trang vanchuongphuongnam.vn:]

https://vanchuongphuongnam.vn/pho-tbt-luong-ngoc-an-gui-don-to-cao-nha-tho-da-thao-phuong.html

5. Về  “Quy chế Phát ngôn của hội viên nhằm chế tài, bảo vệ uy tín của Hội”. Trong thông báo của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X (Về hoạt động 6 tháng đầu năm và chuẩn bị cho 6 tháng cuối năm 2022) ngày 30 tháng 7 năm 2022, ở phần II. Triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2022; mục 6 có ghi:

            “6- Chuẩn bị nội dung Quy chế Phát ngôn của hội viên nhằm chế tài, bảo vệ uy tín của

      Hội”.

Vì thông báo chỉ ghi đề mục công việc mà không có phần giải trình, nên Hội viên Hội Nhà văn đặt vấn đề về quyền tự do phát ngôn của mình. Mỗi công dân hội viên đều có quyền tự do ngôn luận theo quy định của pháp luật:

Tuyên ngôn nhân quyền 1948 của Liên Hiệp Quốc, Điều 19: Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia.

Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Điều 25  ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”

Điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2020 – 2025, Điều 9: Quyền của Hội viên, mục 3 ghi: “Được tham gia thảo luận, quyết định các chủ trương công tác của Hội theo quy định của Hội; được kiến nghị, đề xuất ý kiến với cơ quan có thẩm quyền về những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội”.

Luật Báo chí năm 2016, Điều 11. Quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân

1. Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới.

2. Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

3. Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác.

Tôi trưng ra vài quy định của pháp luật về quyền tự do ngôn luận của công dân để thấy rằng, nếu “nội dung Quy chế Phát ngôn của hội viên nhằm chế tài, bảo vệ uy tín của Hội” không được soạn cản thận và không được Đại hội Hội Nhà văn biểu quyết đồng thuận, thì sẽ lại phát sinh nhiều vấn đề không hay.

Tôi nghĩ, Ban Chấp hành Hội Nhà văn không cần phải đặt ra “Quy chế phát ngôn cho hội viên”. Nếu hội viên nào vi phạm điều lệ Hội thì Ban Thanh tra của Hội làm việc với người ấy, nếu cần thì có quyết định kỷ luật.

6. Về việc các thành viên Hội đồng văn học thiếu nhi rút khỏi hội đồng

Trên Fb của mình, nhà văn Trần Đức Tiến đính chính bản tin của báo Tuổi trẻ ngày  25-7-2022, đưa tin: “Hội Nhà văn Việt Nam: Nhà thơ Inrasara và nhà văn Trần Đức Tiến từ nhiệm”.

Nhà văn Trần Đức Tiến nói rằng: “Tôi “thông báo rút khỏi” Hội đồng văn học thiếu nhi, chứ không “xin rút” hay “xin từ nhiệm”. Vì sao? Vì tôi được mời vào làm, chứ không xin vào. Không “xin vào” nên không “xin ra”, mà chỉ “thông báo rút khỏi”.

Ông nói thêm: “Nhân đây, xin thông tin thêm cho mọi người, nhất là các nhà văn trong Hội được biết: cho đến nay, đã có 7/9 thành viên HĐVHTN gửi thư cho BCH thông báo rút khỏi hội đồng: Trần Đức Tiến (chủ tịch hđ), Cao Xuân Sơn, Nguyễn Thụy Anh (phó chủ tịch hđ), Phong Điệp, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Thị Kim Hòa, Văn Thành Lê”.

Thông báo ngày 30/7/2022 của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X (Về hoạt động 6 tháng đầu năm và chuẩn bị cho 6 tháng cuối năm 2022) đã có trả lời về vấn đề này.

Dẫu thề nào, vấn đề việc 7/9 thành viên Hội đồng văn học thiếu nhi rút khỏi Hội đồng cũng  làm Hội viên Hội Nhà văn phải bận tâm và đặt vấn đề “Tại sao” lại có một sự việc như vậy. Nhà văn Trần Đức Tiến trình bày trong “thư cho Ban Chấp hành Hội Nhà văn (BCH), thông báo rút khỏi HĐVHTN, lý do: làm việc với một BCH như hiện tại “sẽ không mang lại hiệu quả” (trong thư gửi Chủ tịch Hội, tôi nói dứt khoát hơn: một BCH “không thể hợp tác”)[[6]].

 7.Một “chuyện nhỏ” không muốn nói ra.

Tháng 11/2022, có một cậu tự xưng là ở Nhà xuất bản HNV gọi điện hỏi tôi có nhận được tạp chí Viết&Đọc số mùa Thu chưa. Tôi trả lời, cả năm nay tôi không nhận được số tạp chí nào, nhưng không biết hỏi ai.

Từ khi Hội mua tạp chí Viết & Đọc để phát cho hội viên, tôi chỉ nhận được một số Mùa Đông 2021, ngoài ra không nhận được số nào. Báo Văn nghệ của Hội một tháng tôi nhận 1 lần (4 số báo). Tạp chí Thơ đình bản, hội viên đã hụt hẫng và tiếc nuối. Khi có tin Hội mua tạp chí Viết & Đọc phát cho hội viên, chúng tôi vui được một chút xíu (vì chỉ nhận được một số), sau đó lại rơi vào thất vọng.

Tạp chí Viết&Đọc không phải là tạp chí của Hội, mà Hội mua lại bằng tiền của Hội (kinh phí sinh hoạt Hội), việc này vừa lấp vào sự đình bản tạp chí Thơ, vừa giúp cho tạp chí Viết&Đọc mở rộng thêm người đọc, tôi thấy là thỏa đáng, mặc dù không bằng một tạp chí riêng của Hội.

Tôi không rõ vì lý do gì việc phát hành tạp chí Viết & Đọc tới hội viên lại chậm trễ. Cả năm 2022 tôi không nhận được số tạp chí nào. Điều này có phải là do cung cách làm việc của bộ phận phát hành không? Hay Hội đã ngưng không mua tạp chí Viết&Đọc để phát cho Hội viên nữa?

Cuối năm lại có chuyện lùm xùm “Nhà thơ thế giới”, một sự mạo danh, một thủ đoạn lừa bịp, một thói háo danh không biết trơ trẽn. Chỉ có điều một hành vi văn hóa, văn học vô đạo đức như thế là nằm ngoài “vùng phủ sóng” của Hội Nhà Văn. Tập thơ 101 bài thơ tình Mimosa tím của đương sự in rõ Nhà xuất bản Hội Nhà văn, dù là in lậu nhưng nhưng không thấy có sự lên tiếng chi1`nh thức nào của HNV.

TIỄN NĂM 2022

Năm 2022 đã qua đi, tôi thấy nhẹ lòng một chút vì hy vọng năm 2023 mọi việc sẽ tốt đẹp hơn. Các nhà văn nhà thơ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ơi, hãy công bố những tác phẩm tâm huyết của đời mình đi! Hãy đưa văn học Việt Nam phát triển lên một bước mới, như thế thệ nhà văn kháng chiến, thế hệ nhà văn đổi mới (1986-1996), thế hệ nhà văn cách tân đầu thế kỷ XXI! Và  hãy viết một tác phẩm đạt giải Nobel văn chương như khát vọng của Nam Cao trước kia. Hãy sánh vai với Rabindranath Tagore (1861–1941), Hermann Hesse (1877–1962), Ernest Hemingway (1899–1961), Albert Camus (1913–1960), Jean-Paul Sartre (1905–1980), Mikhail Sholokhov (1905–1984), Aleksandr Solzhenitsyn (1918–2008), Gabriel García Márquez (1928–2014)… Việt Nam đã cất cánh rồi. Văn chương Việt Nam hãy bay lên…

***

24/12/2022

Ghi chú:

Bài đăng trên trang trannhuong.org (của nhà thơ Trần Nhương) và trang vanchuongphuongnam.vn (của nhà thơ Phùng Hiệu) giữ nguyên văn bản của tác giả.

Bài đăng trên trang vanchuongthanhphohochiminh.vn lúc đầu giữ nguyên bản, sau vài giờ đăng đã cắt bỏ đoạn [4]: Chuyện lùm xùm nhà thơ Lương Ngọc An bị tố hiếp dâm, và cắt đoạn ý kiến của Lê Thiều Nhơn cho phối BCH HNV.

Bài viết này trên trang trannhuong.org sau 2 tuần đã có 102 người đọc. Trên vanchuongthanhphohochiminh có 27 người doc.


[1] https://tuoitre.vn/nguyen-huu-hong-minh-khong-co-ten-trong-danh-sach-hoi-vien-moi-hoi-nha-van-viet-nam-20220213065231657.htm

[2] https://tuoitre.vn/viet-nam-hut-co-hoi-de-cu-giai-nobel-van-chuong-vi-thu-den-tre-20220219093230746.htm

[3] Nguồn: NNVN-http://trannhuong.net/tin-tuc-55861/hoi-nha-van-vn-noi-gi-ve-nghi-an-tac-gia-tre-dao-van-.vhtm

[4] https://vanvn.vn/ve-truong-hop-tac-pham-phe-binh-phan-tam-hoc-phia-cua-nhung-am-anh-nghe-thuat/

[5] https://vanvn.vn/thong-bao-cua-ban-chap-hanh-hoi-nha-van-viet-nam-ve-ky-hop-thu-4-khoa-x/

[6] Xem thêm: https://tuoitre.vn/ca-chuc-thanh-vien-xin-rut-binh-thuong-hay-khung-hoang-o-hoi-nha-van-viet-nam-20220727091203055.htm