Nhà văn-Lm Nguyễn Trung Tây

Bạn có thể đọc tất cả những bài viết chính của Bùi Công Thuấn theo link:

buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

Khuôn mặt văn chương Công giáo đương đại

TRUYỆN NGẮN NGUYỄN TRUNG TÂY-

truyền thống và hiện đại

***

Bùi Công Thuấn

Nhà văn-Lm Nguyễn Trung Tây làngười nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010 với bài viết“Mẹ, Mẹ Tôi. Tác giả tự sơ lược về mình “Sinh tại Saigon, trưởng thành tại Sàigòn và San Jose, CA. Hiện đang làm việc tại Melbourne, Úc Châu.”  

  Thông tấn xã Công giáo  VietCatholics cho biết: “Nhà văn Linh mục Nguyễn Trung

Tây thuộc dòng Truyền Giáo Ngôi Lời, tỉnh dòng Chicago.” Hiện làm Giáo sư Kinh Thánh tại Đại Học Thần Học Yarra Theological Union, Melbourne, Úc Châu.”

            Đó là những dòng giới thiệu tác giả của Viêt báo đăng trên đầu mỗi truyện ngắn của Lm. Nguyễn Trung Tây[1].

TỰ TRUYỆN NGUYỄN TRUNG TÂY

Đọc một tác phẩm văn học, người đọc thường muốn biết về tác giả. Bởi tác phẩm là đứa con tinh thần của nhà văn. Tác phẩm chứa đựng những trải nghiệm, những suy tư, những đặc điểm riêng về cá tính sáng tạo của nhà văn. Bối cảnh lịch sử xã hội và hoàn cảnh sống của nhà văn cũng chi phối quá trình sáng tác (việc chọn đề tài, nội dung, nhân vật, chủ đề, bút pháp, kiểu ngôn ngữ…). Một nhà văn Linh mục sẽ viết khác với nhà văn thế tục, bởi Linh mục viết dưới ánh sáng tư tưởng Thần học và Mỹ học Kitô giáo. Tác phẩm của nhà văn Linh mục là diễn ngôn loan báo Tin Mừng. Và một nhà văn hải ngoại sống tại Mỹ sẽ viết khác với một nhà văn trong nước, bởi sự khác biệt môi trường văn hóa, khác về những vấn đề xã hội được quan tâm, và đặc biệt là khác về độc giả. Nhà văn khi viết tác phẩm luôn hình dung ra đối tượng độc giả của mình. Độc giả Việt Nam ở Mỹ, sống trong môi trường văn hóa thực dụng Mỹ, có những mối quan tâm khác với người đọc Việt Nam trong nước. Cho nên phương pháp tiểu sử (Sainte Beuve-1804-1869) được dùng trong phê bình văn học sẽ giúp soi sáng nhiều điều.

Truyện ngắn của Lm Nguyễn Trung Tây ghi lại khá rõ cuộc sống của nhà văn. Nhiều truyện ngắn gần như là “tự truyện”. Hãy nghe nhà văn kể về cuộc đời mình:

“Tôi, Công giáo, ngôn ngữ bình dân gọi đạo gốc. Chào đời được mấy ngày, tôi được mang tới nhà thờ Châu Nam đổ nước trên trán, nhận phép thanh tẩy. Sinh ra tại bệnh viện Hùng Vương, rửa tội tại Hốc Môn, trưởng thành tại chợ Ông Tạ,…” (Truyện: 911 và sự thật).

“…tôi sinh ra tại bệnh viện Hùng Vương, Chợ Quán. Những tháng ngày cuối của chín tháng mười ngày, Bố tôi ở trên Đà Lạt về không kịp. Mấy ngày liền, những cô y tá thấy chỉ có Mẹ và tôi (bơ vơ?) trong bảo sanh viện. Có lẽ mấy cô tiên áo trắng gọi, họp, bàn, và đoán: chắc cái cô (Bắc kỳ) này một lần (lầm) lỡ… “Hội đồng” họp, hội đồng quyết nghị! Cuối cùng một cô áo trắng, đại diện hội đồng, cầm tờ giấy Khai Sinh của tôi trịnh trọng mang vào phòng tặng Mẹ và tôi… Trên tờ khai sinh trắng tinh có con mộc đỏ chói, tên Bố để trống (đương nhiên). Tên Mẹ ghi rõ họ và tên: Hà… Tôi sinh ra tại bệnh viện Hùng Vương. Tên đầy đủ trên giấy Khai Sinh viết rõ: Hà Hùng Vương.”; “Bố tôi cũng đã từng bơ vơ nơi đất khách quê người sau một lần bỏ làng Sài Thị, Hưng Yên xuôi Nam bởi biến cố 54”.(Truyện: Bố).

Tháng 5 năm 1985 Bố tôi mất!…xương cốt, và hiện giờ là bụi tro trong hũ sành đặt tại nguyện đường Phục Sinh của giáo xứ Lộc Hưng, Sài Gòn.

“Tôi, tuổi mười ba, đã lạc khi nhìn thấy xe tăng T-54 lăn bánh trên đường Lê Văn Duyệt, một trong những đại lộ thủ đô Sài Gòn dẫn về tổng hành dinh của Nam Việt Nam, chính quyền hai đời Tổng Thống (nhân vật giờ thứ 25, không tính) mới vừa tuyên bố trên đài phát thanh, chúng tôi đầu hàng. Sài Gòn, 30 tháng 4, bầu trời xanh lơ trưa mùa xuân bỗng dưng mây đen kéo tới, xám đen âm u cả một góc trời thủ đô (đừng hỏi tại sao, tôi không dị đoan mê tín, tôi chỉ diễn tả những chi mình đã nhìn thấy vào giây phút ấy). Thành phố hỗn loạn trong cơn tháo chạy! Những cột khói bốc cao! Những khuôn mặt hốt hoảng! Những giọt lệ buồn tủi! Những tiếng kêu tuyệt vọng! Những tiếng hét kinh hoàng! Những tiếng đạn nổ tung xé rách toang thịt da! Tiếng đạn súng lục xuyên thẳng đầu người nghĩa khí chết theo thành! Những hàng người nối dài cho một chỗ ngồi trên chiếc trực thăng đậu cao trên nóc tòa nhà Đại Sứ Mỹ. Tựa như những chú ruồi nhằng bay rối loạn tung tóe trên một thân xác bắt đầu lạnh, bầu trời Sài Gòn bỗng dưng ngập tràn trực thăng di tản người thân ruột thịt!…” (Truyện: 40 năm hồn đi lạc).

Ngày 30 tháng Tư năm 75, anh tôi, lính Thủy Quân Lục Chiến bước chân lên tàu tỵ nạn tại bến cảng Vũng Tàu ngay giờ phút Sài Gòn hấp hối (Truyện: 30 tháng Tư chữ trầm chữ thăng.). “…cuối thập niên 70, khi đó tôi vào tù ra khám như cơm bữa bởi tội vượt biên. Tệ hại nhất là lần bị bắt giam tại trại tù Tiền Giang năm 1978. Khi tôi được thả, trên người thiếu niên mới lớn chỉ còn trơ trọi bộ quần áo tù và một tờ giấy Lệnh Tạm Tha. Không có một đồng lận trong người để mua vé xe về lại Sài Gòn, tôi không còn chọn lựa nào khác, đành phải chìa tay…ăn mày…”(Truyện: Đám tang tử tế)

Trong truyện Dấu chấm hỏi, tác giả nói rõ hơn: “… Nó sinh ra trong Nam, thế là lãnh đủ, dính trấu, dính nợ, dính nguyên con đuôi sao chổi bay qua quẹt ngang mặt, nát đời thanh niên! Từ những năm 1978 cho tới năm 1982, nó vào tù ra khám vì tội vượt biên như cơm bữa. Tù Gò Công, tù Tiền Giang, tù Hàm Tân. Bột mì trại giam nó ăn trắng con mắt. Hồi đó, bước chân ra khỏi nhà tù Tiền Giang, nó thanh niên trắng cả hai tay. Gia sản duy nhất dính trên người chỉ còn cái quần jean bạc thếch, áo thun lủng lỗ, và tờ giấy Lệnh Tạm Tha cầm chặt.

Ơi bần cố nông đời tù!

Bước chân ra khỏi nhà tù, nó không có tiền để mua vé về lại Sài Gòn. Niềm vui được thả giờ biến mất. Trời xanh, mặt nó cũng xanh, xanh xao vì thời gian tù, xanh xao vì đói, xanh xao vì không có tiền mua vé xe đò.

Và nó mặt dầy mặt dạn lần bước ra chợ Mỹ Tho chìa tay ăn mày! Ơi quê! Ơi độn thổ! Nhưng biết sao bây giờ” Cứ giữ sĩ diện thì cầm chắc cái vé đi bộ một lèo từ Mỹ Tho về lại Sài Gòn”.

“…Rồi năm 1979 phương Bắc, Đặng Tiểu Bình thực hiện câu đe dọa dạy cho Việt Nam bài học. Phương Nam, Pôn Pốt dàn quân chặt đầu Thanh Niên Xung Phong. Hai mặt trận cùng đánh, trên chọc xuống, dưới đâm ngang. Bạn thân cùng thời, mấy tên phủi chân nhảy lên bàn thờ biến thành ma không đầu hưởng nhang khói và chuối sứ. Nó, 18 tuổi, bị tổng động viên. Nhưng bởi nhát, sợ chết, nó trốn quân dịch. Lại một thời vất vả lao đao, chốn chui chốn nhủi như những con chuột sống dưới ống cống hầm cầu!”.

Tác giả nói về tuổi 20 của mình: Tôi cũng đã từng ở tuổi 20. Nhưng (tiếc quá!) tuổi 20 của một thời bể dâu; tuổi 20 mất niềm tin vào mình và vào người; tuổi 20 sợ hãi học đường và xã hội; tuổi 20 cương quyết bỏ đi, để lại sau lưng một quá khứ và hiện tại xám buồn trộn lẫn với một viễn ảnh tương lai bấp bênh. Sau mỗi lần vượt biên thất bại, thuyền gỗ lênh đênh trôi dạt về lại đất Mẹ, tuổi 20 chân đất bước xuống thuyền, hai tay bị còng, công an áp giải dẫn thẳng vào nhà tù Gò Công, Tiền Giang, và Hàm Tân; tuổi 20 làm bạn với muỗi, rệp, rán, chuột của xà lim và nhà tù ẩm thấp chật nghẹt tù nhân. ”(truyện: Duyên trời)

Năm 1982 tác giả vượt biên:

Bữa hôm đó, tôi vượt biên…chuyến tàu Rạch Sỏi ngày 12/10/1982 (Truyện: Mẹ. Mẹ tôi). “…Khi đó thuyền gỗ không số nhổ neo tại Rạch Sỏi. Sau bốn ngày lênh đênh trên sóng biển xanh đậm đặc Vịnh Thái, thuyền viễn xứ đặt chân tới bến cảng Marang. Sau cùng, thuyền tỵ nạn đặt chân tới đảo Bidong, khoác lên người mã số PB 706 (Truyện: 30 tháng Tư chữ trầm chữ thăng). Nó sống trong trại tỵ nạn Pulau Bidong, Sungai Besi của Mã Lai, rồi bay sang Bataan của Phi Luật Tân,..”;”Tháng 4 năm 1984, tôi đặt chân tới Thung Lũng Hoa Vàng, San Jose”(truyện: Dấu chấm hỏi).

Trong truyện Gốc Phi châu, tác giả kể lại công việc đi dạy thiện nguyện trong thời gian học ở Mỹ. Đó là một ngôi trường mà 98% là gốc Phi châu: “…cuối tuần thứ Sáu, em đón xe bus đi vào ghetto Nam Chicago, hướng dẫn Computer cho lớp Năm trường St. Elizabeth./ Năm sau, em thiên di về phiá đông nam, lái xe ba tiếng từ Phố Gió Chicago tiểu bang Illinois sang thẳng tới thủ phủ Indianapolis tiểu bang Indiana tham dự chương trình Internship. Lần này cũng dạy học, từ Mẫu Giáo cho tới lớp Tám tại trường St. Rita, tọa lạc trên đường Dr. Andrew Brown”.Tại đây tác giả gặp khó đủ điều. Nhiều học sinh “cá biệt”, tưởng phải bó tay, nhưng rồi cũng tìm ra “sách lược” cảm hóa bọn trẻ. Phụ huynh học sinh cũng “cá biệt” không kém, họ kiện lên Hiệu trưởng, và Hiệu trưởng “nói nhỏ” thầy, nhường nhịn phụ huynh.

Trả lởi phỏng vấn của Lan Vi ngày 05.01.2013 trên Vietcatholics, tác giả cho biết: “năm  1991 rời bỏ tất cả lên đường theo tiếng gọi của Thiên đàng”…”Tôi Bước lên bàn thánh 2002 tại Chicago, được biệt phái dạy học cho các thầy Ngôi Lời…”

Đã có lần tác giả trở lại quê nhà. “…năm 2005 nó quay về… Bạn bè, nghe tin, rủ nhau hội ngộ ở công viên Lê Thị Riêng, Sài Gòn. Hai mươi năm không gặp. thời xưa. Trong lớp 10C3, khoảng bốn mươi mấy tên, nó học dốt nhất. Môn nào cũng đội sổ! Cuối lớp! Hạng bét! Dốt dột! Dốt đặc! Trong giờ thi, thi lớn thi nhỏ, thi giữa khóa, thi cuối năm, thi tú tài, thi vô đại học, nó chuyên viên chìa tay năn nỉ bạn trai cũng như bạn gái 10C3 cho cọp dê bài! Ôi thôi, thật là xấu hổ! Thế đấy! Nhưng, tình thiệt mà nói, những người bạn 10C3, nếu có cơ hội tới Mỹ như nó, giờ này, nói theo ngôn từ mắng mỏ mẹ nó hay mắng, “Mày chỉ có nước mà đi xách dép cho người ta!”(Truyện: Dấu chấm hỏi).

Sau đó quay lại Mỹ, Lm Nguyễn Trung Tây đi phục vụ. “…hiện giờ tôi đang làm việc tại Úc Châu, từ những ngày của năm 2006. Và bây giờ 2016… Làm việc ở phố Melbourne được ba năm. Và bởi ngạt thở với đời sống chật chội phố phường, nhưng lại ước mơ được hít thở bầu trời mới, giữa tháng 12 năm 2009, tôi dọn nhà về Central Australia, sa mạc bao la, đất của người thổ dân Arrernte. Tôi đã dần dần biến thành thổ dân sa mạc: trời nóng, bật quạt và mặc quần đùi; trời lạnh, mặc vào áo khoác dầy cộm và đội mũ len lên đầu…”(Truyện: Tôi từ thiên đàng tới).

Trả lởi phỏng vấn của Lan Vi tác giả nói cụ thể hơn (đd): Cuối 2009, tôi đã hoàn thành công tác mục vụ tại Melbourg. Sau đó tôi xin chuyển về vùng sa mạc trung tâm Úc châu, thành phố Alice Springs. Bắt đầu từ đó đến ngày hôm nay hơn 3 năm rồi, tôi làm việc với thổ dân.Tôi hiện sống với cộng đồng Ngôi Lời nhà thở Trái tim Đức Mẹ của phố Alice Springs. Tôi là phó xứ. Có một linh mục Ngôi Lời chánh xứ gốc Ba Lan và một cha Tuyên úy gốc người Nam Dương, coi sóc 2 giáo xứ: Trái tim Đức Mẹ và thánh Têrêsa. 3 năm truyền giáo, Chúa thương vẫn mạnh khỏe và ngọn lửa truyền giáo vẫn đang bùng bùng cháy trong hồn. Ở đây có 10 gia đình VN, có 3 gia đình Công giáo. Tôi đã sống San Jose (mũi phía Nam của Vịnh San Francisco), San Diego (nam Cali), Chicago (đông bắc bộ tiểu bang Illinois)”.

Sau đó tác giả đến Philippines: Sau nhiều năm phục vụ tại vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu, nhiệm sở truyền giáo mới của Linh mục là Tagaytay, Philippinnes…(lời giới thiệu truyện: 30 tháng 4 chữ trầm chữ thăng).

“Có thời nó phụ trách môn Kinh Thánh tại Đại Chủng Viện Ngôi Lời, Iowa. Trường cũng có nhiều sinh viên gốc Việt Nam. Có mấy cậu hay đi theo chọc, “Cha mà ở Việt Nam, giờ dám làm giám mục“.

-“Có mà! Giờ còn ở Việt Nam, dám chỉ cũng trà đá mía ghim!”

“Ông Trời mà không mang mi đặt chân tới Mỹ, nặng lắm thì giờ này cũng đã nhảy lên bàn thờ ăn xôi nghe kèn, nhẹ lắm thì cũng trà đá mía ghim”.(Truyện: Dấu chấm hỏi)

Và nhà văn tự nhận xét về mình: Tôi giờ tu sĩ bình bát, lang thang đó đây sống giữa và sống với những đời sống bên lề xã hội. Chín người con, trong đó, tôi thứ tám”(truyện: Bố)

Phần “tự truyện” của tác giả kể trên vừa là câu truyện sinh mệnh của một người Việt di dân cuối thế kỷ XX, vừa giúp lý giải những giá trị của truyện ngắn Nguyễn Trung Tây.

NHÀ VĂN CỦA NHỮNG VẤN ĐỀ DI DÂN

Tường thuật của tác giả về cuộc đời mình trong các truyện ngắn (trích dẫn ở trên) đã khắc họa một nhân vật “di dân” tiêu biểu của lịch sử Việt Nam những năm cuối thế kỷ XX. Tác giả trở thành nhân vật của chính mình, nhưng nhân vật lại mang những đặc điểm, phẩm chất con người của một thời, cả những điều bi đát và những thăng hoa thành đạt ở xứ người. Nhân vật “di dân” ấy cũng đau đáu những vấn đề tư tưởng, văn hóa và thân phận (xin đọc: Tôi hét lên, Dấu chấm hỏi, 911 và sự thật, Chuyện 40 năm: Hồn đi lạc, 30 tháng Tư chữ trầm chữ thăng, Tôi từ thiên đàng tới, Hành trình Văn Lang, Cơn mơ và giấc mộng…)

Vì sao tác giả ra đi để nhiều lần chịu cảnh tù đày trong các trại giam và nhiều lần kề cận tử sinh khi lênh đênh trên biển. Ra đi, bỏ lại tổ quốc, bỏ lại nơi chôn nhau cắt rốn, chấp nhận đánh đổi cả sinh mệnh với rủi ro, quyết định ấy thật không dễ dàng. Phải có một động lực ghê gớm thúc đẩy. Tác giả lý giải: “Ông Trời mà không mang mi đặt chân tới Mỹ, nặng lắm thì giờ này cũng đã nhảy lên bàn thờ ăn xôi nghe kèn, nhẹ lắm thì cũng trà đá mía ghim”(Truyện: Dấu chấm hỏi).

Người Việt bỏ nước ra đi cuối thế kỷ XX có nhiều đối tượng. Nhưng tựu trung, ra đi là để tìm một con đường sống mà ở trong nước họ không có lối thoát. Những năm sau 1975, Nhà nước thực hiện nhiều chính sách “cải tạo Xã hội chủ nghĩa” đối với miền Nam. Trước hết là tập trung “đánh tư sản”, rồi đưa dân đi Kinh tế mới, đổi tiền. Chính sách cải tạo đối với những người lính Cộng hòa hoặc làm việc cho chính quyền Cộng Hòa. Con cái của hàng triệu gia đình ấy bị phân biệt đối xử…Thời gian ấy, tình hình chính trị có những biến động nghiêm trọng: chiến tranh biên giới 1979; Khối Đông âu và Liên xô sụp đổ đã đưa Việt Nam đến bờ vực khủng hoảng trầm trọng. Hậu quả của những chính sách “cải tạo” miền nam đã làm cho nền kinh tế Việt Nam suy sụp, đẩy hàng triệu người ra đi bằng những con thuyền nhỏ vượt biển. Hàng vạn người đã chết trên biển, cũng hàng vạn người bị hải tặc Thái Lan làm nhục và sát hại. Thảm cảnh “thuyền nhân Việt Nam” trở thành một vấn đề mà thế giới phải quan tâm. Sau đó mới có chương trình “ra đi trong trật tự”(ODP) tiến hành từ năm 1979 dưới sự hỗ trợ của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn.

Khác với nhà văn thế tục, Nhà văn-Lm Nguyễn Trung Tây nhìn những dâu bể của cuộc sống dưới “lăng kính tôn giáo” (truyện 911và sự thật), nhìn bằng con mắt đức tin, không xuất phát từ thái độ chính trị của “bên thua cuộc”.

Đây là cảnh “thuyền nhân” gặp nạn được kể lại trong truyện Đường tử tức:

“…chuyến tàu hôm đó, con gái đụng hải tặc bị bắt hết, con trai bị chém bay đầu, chỉ còn sót lại những người già da mồi tóc bạc. Máy tàu bị gỡ, thuyền lênh đênh trên biển, không lương thực, không nước uống, người ta ăn thịt người tỉnh bơ như ăn sáng một ổ bánh mì kẹp chả lụa. Tôi nhớ bà cụ khoảng sáu mươi tuổi, đầu vấn khăn nhung gọn gàng, ngồi yên, đưa vào miệng miếng thịt nhai sần sật. Nhai hết miếng thịt, bà cụ cúi xuống, lấy gấu quần lau miệng như một thói quen thường lệ. Thấy tôi nằm mê mệt trên khoang thuyền, nhiều cặp mắt trầm tĩnh đợi chờ giây phút sẽ tới. Nhưng không, như một phép lạ, tôi đặt chân lên bờ biển Trengganu của Mã Lai với đôi mắt vàng sền sệt mầu nghệ, người ta nói bởi vì những miếng thịt người! Cao Ủy Tỵ Nạn đưa thẳng tôi vào phòng Cấp Cứu bệnh viện Sick Bay trên đảo Pulau Bidong…”.

Và đây là thảm cảnh cá nhân: “trong khi hải tặc bò lổm ngổm như cua càng trên khoang thuyền, con gái bị bắt, từng người đang bị xô đẩy lôi kéo sang tàu Thái, con trai đã bị chém đứt cần cổ mấy tên rồi. Tới phiên tôi, tên hải tặc giơ cao mã tấu xuống, tôi nhìn lên bầu trời, chỉ kịp lẩm nhẩm mấy lời thật nhanh xin lỗi bố mẹ cho những lầm lỗi. Nhưng nàng đã nhào tới, cản ngang lại đường mã tấu. Lưng người tình trung học của tôi hứng trọn đường dao. Máu đỏ vọt ra có vòi từ bờ vai thanh xuân con gái mười chín. Người đẹp tranh vẽ nhìn tôi, nàng không nhăn một vết nhăn trên trán bởi đường chém, nhưng mỉm cười, mắt từ từ nhắm lại, thân hình đổ xuống che cản lại thân xác tôi. Tôi hét lên, ngã xuống, bất tỉnh!”.

“Ngày này nối tiếp ngày kia, hết đêm dài lại tới đêm thâu, bao nhiêu con tàu quốc tế đi ngang qua nhắm mắt làm ngơ…”

Những hình ảnh thương tâm ấy sẽ làm cho trái tim “thuyền nhân” đau đớn suốt đời. Nhân vật Tôi nói với chị: “- Chị ơi, vợ em hồi đó đã có thai, hai tháng rồi…Chị tôi ôm tôi vào lòng, hai chị em cùng khóc”.Nghĩa là cả vợ lẫn đứa con hai tháng tuổi của nhân vật tôi bị hải tặc Thái Lan giết dã man.

Vấn đề tư tưởng thứ hai của người Việt tị nạn là thân phận của mình: -“Ông bạn từ đâu tới vậy?”. Người việt di dân tự hỏi: Tôi là người Việt hay tôi là người Mỹ?-Không có câu trả lời rành mạch. Văn hóa Việt vẫn còn trong huyết quản, trong não trạng, trong hơi thở. Kỷ niệm với quê hương, với người thân vẫn sống động trong ký ức. Mồ mả cha ông, tổ tiên vẫn chôn vùi trên đất Việt. Nhưng nơi ấy giờ đã thành quá khứ. Trước mặt là nước Mỹ, xung quanh là lối sống Mỹ, văn hóa Mỹ mà người Việt phải hội nhập. Đứng ở hai bờ văn hóa, những người Việt thế hệ 1 không sao tìm được sự an tâm. Họ chông chênh trong thân phận lưu vong, không có quê hương.

Truyện “Tôi tới từ thiên đàng” là nỗi trăn trở khôn nguôi về quê hương, về ngôi nhà của mình. Không sao tìm được câu trả lời cho câu hỏi:  -“Ông bạn từ đâu tới vậy?”. Bế tắc trong đời thực, tác giả hướng lên trời tìm câu trả lời bằng con mắt đức tin.

            -“Ông bạn từ đâu tới vậy?”

Một câu hỏi đơn giản như thế thông thường được trả lời với một câu bắt đầu với chủ từ “Tôi”, theo sau là động từ “là” (trong trường hợp này động từ “là” nằm ở thì hiện tại, ngôi thứ nhất, số ít, đọc là “từ”), cuối câu là túc từ (tên của một quốc gia nào đó). Dựa vào những nét Đông phương trên khuôn mặt, thiên hạ thông thường vẫn chờ đợi tôi sẽ điền vào chỗ trống của túc từ với một danh từ, hoặc “Thái Lan” hoặc “Cambuchia” hoặc “Trung Hoa”. Nhưng nếu tôi thành thật và ngây thơ nói,- “Hiệp Chủng Quốc…”, thiên hạ đã rất nhiều lần phản ứng ngay với giọng điệu mỉa mai,
            -“Ông thần? Ông đâu phải là Mỹ!…”

“Câu chuyện “Bạn từ đâu tới?” không chấm dứt ở đây… Bởi đã có những lần quay về Việt Nam công tác, tôi đã từng được/bị (người Việt) nhìn hoặc đối xử hoặc coi như một người ngoại quốc ngay trên vùng đất chôn nhau cắt rốn…”

            “…Vâng! 20 năm hít thở không khí Việt Nam! 2 năm làm người vô tổ quốc lang thang trại cấm Mã Lai và trại tỵ nạn Phi! 21 năm lang thang ở Mỹ! 10 năm làm việc tại Úc Châu! Và bây giờ bạn hỏi tôi, “Anh từ đâu tới?”. Và bạn chờ đợi một câu trả lời đơn giản. Nghiêm chỉnh đi ông bạn! Đừng nói chuyện bỡn!…”

            “Tôi chỉ ngón tay lên trời, bầu trời xanh xanh màu ngọc bích, khẳng đinh, “Tôi từ thiên đàng mà tới”.

Nói vậy chỉ là một cách nói cho nhẹ lòng một chút. Bởi vì, người Việt là dân định cư định canh, không phải dân du mục, nên tình quê hương là một trong những giá trị thiêng liêng. Mảnh đất cha ông để lại là tài sản vô giá con cháu phải giữ gìn. Ngày tết, con cháu đi đâu xa mấy cũng phải về quê thắp nhang đón ông bà về cùng con cháu. Vì thế thân phận “lưu vong” là một thân phận bi đát. Nó trở thành một chủ đề lớn trong dòng văn học của người Việt ở hải ngoại.

Ở Mỹ, nhà văn buộc phải thay đổi, phải thích ứng với văn hóa Mỹ. Nhưng chính sự thay đổi này lại nảy sinh nhiều bi kịch.

Từ những năm 1984 cho tới 2006 trước khi bỏ đi xa, nó liên tục hít thở và trưởng thành trong bầu không khí Mỹ. Nó học hỏi tư tưởng thực dụng của văn hóa Mỹ. Nó học hỏi lòng tự trọng, kính trọng chính mình và kính trọng người khác, dù có là khác mầu da và tôn giáo. Nó học được tinh thần tự tin, tin vào khả năng do Ông Trời ban cho chính mình. Nó chấp nhận có những điều không thay đổi được; riêng những điều được trao tặng, nó trân trọng giữ gìn. Nếu phải ngồi làm những bài tính cho công bằng, nó nhận thấy, bà mẹ Mỹ đã cho riêng nó nhiều điều, óc thực dụng, lòng tự trọng, tính tự tin, biết chấp nhận, và tâm tri ân” (Truyện: Dấu chấm hỏi).

Và nhờ tinh thần nhập cuộc, người Việt tị nạn ở Mỹ đã thành công trong nhiều lĩnh vực: “Bởi quyết tâm và say mê xây dựng lại một đời sống mới tinh trên vùng đất mới, gia đình Việt Nam, cả bố cả mẹ lên đường nhập cuộc. Trời thu cũng như trời đông, bố mẹ tị nạn chở con tị nạn tới trường; khi con biến mất sau khung cửa, bố mẹ quay ra nhập vào dòng xe cộ ngược xuôi hướng thẳng tới công xưởng làm Technician, Assembler, bưng tô Phở, nửa đêm về sáng quét dọn quán rượu Mễ, và đủ các nghề để kiếm tiền nuôi con Việt. Ngày thứ Bẩy, Chúa Nhật, bố mẹ chở con tới trường Việt Ngữ học tiếng Việt. Bởi quyết tâm và say mê xây dựng một tương lai vững chắc cho mình và cho con cái, bố mẹ Việt Nam hy sinh tất cả. Bởi thế, tị nạn Việt Nam thuở xưa biến hình. Hành trình Việt Nam hải ngoại, 40 năm viễn xứ, hành trình thành công

Tác giả vẫn nhìn mọi việc dưới con mắt đức tin:

Những con thuyền tị nạn đã cương quyết lên đường mặc dù biết trước hành trình tị nạn nhiều nỗi gian nan, tù tội, sóng biển, ngư phủ Thái, và xua đuổi từ phía chính quyền của những nước lân bang. Mà thật sự là như vậy, nhiều con thuyền gỗ xuất phát từ cửa biển Việt Nam đã không bao giờ cặp bến. Biển xanh đã biến thành mộ phần cho nhiều mảng thuyền tị nạn và thân xác Việt Nam, những máu đỏ da vàng quyết tâm lên đường bởi mê say hít thở không khí tự do. Những con thuyền còn lại cặp bến (dù có là rách nát!) hoàn toàn nhờ vào Ơn Trời. Không có Ơn Trời, thuyền tỵ nạn và thuyền nhân sẽ không bao giờ có cơ hội đặt chân lên bờ, bước đi những bước chân tự do” (truyện: Duyên Trời).

Tuy nhiên, người Việt sống tình nghĩa thủy chung. “Óc thực dụng” là điều trái với văn hóa và đạo đức Việt. Nhiều bi kịch xảy ra với người Việt tị nạn khi đối mặt với xã hội thực dụng Mỹ.

Trong truyện Bố Việt Nam và những đức tình bố, tác giả trình bày thực trạng một gia đình Việt Nam. Trong gia đình ấy, bà vợ hai tay hai máy ở sòng bài. ”…bây giờ gặp bà vợ cầm guốc gỗ đập chan chát vào đầu ông chồng giữa nơi thanh thiên bạch nhật, thiên hạ vẫn thản nhiên tỉnh bơ bỏ đi một nước”. “thằng con hỗn như gấu mấy roi cũng phải cẩn thận, bởi coi chừng nó nhấc phôn gọi cảnh sát. Tù mọt gông!

Rồi tác giả khuyên những ông bố:

“Ngoài kiên nhẫn, tôi nghĩ bố Việt Nam ở hải ngoại cũng không nên bắt chước thói trăng hoa của ông cựu Tổng Thống Bill Clinton…Cho nên, bố Việt Nam, làm ơn, cũng nên cẩn thận. Về Việt Nam tìm cô Tấm, kiếm hoa thơm, ngoài bệnh Aids, Sida, mồng gà trái khế, cũng hãy coi chừng có ngày dẫm lên vết xe đổ của ông nhà giàu vô danh!”

Tác giả còn khuyên những ông bố cần phải hiểu biết:

“Ông thần nước mặn ơi! Bố Việt Nam ở hải ngoại ngoài kiên nhẫn và thủy chung là những đức tính cần phải có, ông ta cũng nên hiểu biết một chút. Bây giờ đang sống ở Mỹ, mà ông cứ nằm dài ở trong nhà, đi ra đi vào sai vợ sai con như sai người ở con sen của cái thời trước năm 75. Lời thật thì ưa mích lòng, nhưng nói thì vẫn phải nói…Ông thì khó tính như quỷ, mà con trai của ông nó chỉ mới trốn biệt ở trong phòng chát chát với bạn bè; còn con gái của ông thì nó chỉ mới son phấn sức nước hoa CK bỏ đi chơi với bạn bè của nó… quanh năm suốt tháng lúc nào cái mặt của ông cũng hầm hầm giống như thù cha chưa trả, như mắc bệnh táo bón kinh niên! Hèn chi con cái nó né gặp mặt ông tối đa. Chẳng trách chi, đi làm vừa mới về, vợ ông không bỏ đi tếch thẳng một nước tới sòng bài cũng uổng!”.

Và đây là những bi kịch.

Truyện Cây thánh giá gỗ mùa giáng sinh kể rằng, bà Tân qua Mỹ diện con lai. Bà ở với chồng và 5 đứa con. Bà nghiêm nhặt trong giáo dục con cái và siêng năng việc nhà thờ… Đùng một cái, chồng và thằng con lai chết cùng một lúc. Một người hàng xóm qua Mỹ sau bà, biết rõ bà là “me Mỹ”. Họ “tám” chuyện: Ông Tân là chồng thứ nhất. “Hai thằng Mỹ trước đâu có đám cưới đám hỏi gì mà chồng với vợ. Hồi đó con mụ đi làm sở Mỹ, rồi vác cái bụng bầu. Ông bố cấm cửa không cho quay về nhà. Sau khi sanh ra con Hương, con mẹ thuê nhà trên Sài Gòn, mướn người vú em trông con. Mấy năm sau, trước 75 mấy tháng, con mụ lại vác cái ba lô ngược. Lần này sinh ra thằng Dương. Con Hương với thằng Dương là hai chị em cùng mẹ khác cha. Ba đứa còn lại là con của ông Tân. -Bà Tân gặp ông Tân lúc nào vậy? – Hồi đó thằng cha đi bán xổ số, con mẹ bán cà-phê. Rổ rá cạp lại sinh ra ba đứa con. Rồi được đi Mỹ theo diện con lai.” Trước miệng đời ác độc, bà Tân chỉ im lặng và khóc.

Trong truyện Xuân bất tái lai, bi kịch là của một người đàn ông bị vợ bỏ vì “tình dục đã hết”:

“Ba mặt con, bon chen kèn cựa tới lui, Thái vẫn không vượt quá khỏi bàn giấy văn phòng. Quay đi quẩn lại cũng vẫn chỉ loay hoay với dân thất nghiệp, dân chửa hoang, dân tái định cư của Sở An Sinh Xã Hội. Tình yêu biến mất. Nàng bỏ đi không lời giã từ. Một năm sau, nàng ghé nhà nói hai đứa lên tòa ký giấy. Thái nói: Không!

Tối hôm đó Thái trằn trọc trên giường. Hồi xưa cứ tưởng tình yêu bền vững đời đời…Lấy nhau, ở với nhau, biết tẩy nhau, bỏ nhau. Tình nghĩa vợ chồng nên giải thích theo một cách khác. Tình đây không phải tình yêu mà tình dục…Thái biết tình dục đã hết, tình nghĩa bốc hơi. Thì thôi! Giữ lại gót sen làm chi? Thái quyết định giữ ba đứa con…”; ”Gần năm năm trôi qua, vợ Thái đã lên xe hoa với người khác”.

Đây là bi kịch của một người trẻ tuổi: Trong truyện Quán rượu nửa đêm, nhân vật Đình đã kể cho người Bartender nghe “câu chuyện của một người có bố có mẹ, nhưng trở thành mồ côi. Sau cùng nó gặp lại mẹ, nhưng vẫn cảm thấy lạc loài không có bố. Đình hay tới quán uống rượu. Cậu ta đang học Cử nhân ngành tâm lý. Đình kể:

“…Bố tôi vượt biển, bỏ lại mẹ tôi và tôi khi đó đang còn là một bào thai. Ông ta tới trại tỵ nạn, sau đó định cư ở Hoa Kỳ. Trong gần 10 trời ông không viết thư về cho gia đình ngoại trừ lá thư báo tin đã tới đảo Pulao Bidong. Sau khi sinh ra tôi, mẹ tôi xoay sở làm đủ nghề. Nhưng bà ấy hiền quá, bị hết người này tới người kia gạt gẫm. Cuối cùng gia tài và sản nghiệp nhỏ nhoi của một cặp vợ chồng mới cưới tan theo mây khói. Túng quẫn, mẹ tôi đi ở đợ, làm mướn, sau cùng bế tôi đi…đi…đi ăn xin. Một thời gian đủ dài tôi được nuôi sống bởi những hạt cơm bố thí của thiên hạ. Bà ngoại tôi, một góa phụ từ hồi còn trẻ, một tay nuôi hai cô con gái nên người, không đồng ý cho mẹ tôi lấy người đó. Nhưng mẹ tôi cãi lại lời bà ngoại. Ngày hai người làm đám cưới, bà ngoại nằm ở trong nhà, quyết định không nhận mặt con rể. Sau khi cưới, bố mẹ tôi dọn nhà lên thành phố. Nghe bà con lối xóm kể chuyện gặp con gái bế thằng cháu ngoại đi ăn xin, bà ngoại đón xe lên thành phố ngồi đợi ở chợ nơi mẹ tôi ngày ngày ngửa tay xin tiền của thiên hạ. Mẹ tôi không chịu về làng nhưng chấp nhận để bà ngoại mang thằng cháu đi. Theo lời Dì Hoa, em gái duy nhất của mẹ tôi kể lại, khi đó tôi được 2 tuổi, sài đụi, ghẻ lở, xanh lét như những lá trầu không bà tôi hằng ngày mang ra chợ bán. Bồng tôi về, bà ngoại nấu nước tắm với sả và phèn chua chữa bệnh ghẻ cho tôi. Bà nấu cháo pha đường, mua sữa hộp nuôi thằng cháu. Dì Hoa ngày ngày chạy qua cho tôi bú thép. Tôi lớn lên bên vườn trầu không xanh tươi sau nhà. Nhưng, hai năm sau khi tôi được 4 tuổi, bà ngoại qua đời. Dì Hoa mang tôi về nhà nuôi với ba đứa con. Ở với dì được khoảng 2 năm, cả nhà dì tôi được đi sang Mỹ theo diện H.O. của chú tôi, dượng Ba. Một người bạn thân của mẹ tôi, bà ta có hai người con đang ở ngoại quốc, mang tôi về nhà. Một năm sau, bà ta bay sang Pháp đoàn tụ với con gái của mình. Cuối cùng người ta bỏ tôi vào Viện Cô Nhi Tình Thương do mấy Sơ Áo Trắng Dòng Thánh Phaolô phụ trách.

Ngày mẹ tôi nhận được giấy bảo lãnh, bà đến Viện Cô Nhi xin lại con mình. Khi đó tôi đã được 12 tuổi. Nhìn người đàn bà xa lạ, tôi không chịu đi theo…”

Đình kể tiếp: Năm 13 tuổi, anh sang Mỹ. Nhưng mãi đến khi anh 17 tuổi anh mới nhận mẹ:  “tôi giơ tay ra nắm bàn tay của người đàn bà đã sinh ra tôi, bế tôi đi ăn xin 2 năm trời, và tôi mở miệng gọi “Mẹ ơi” ”.

Còn người bố, Đình kể tiếp: “Bố tôi? Người đã bỏ mẹ tôi và tôi gần 10 năm, không một lần liên lạc ngoại trừ lá thư khi mới tới đảo và giấy tờ bảo lãnh; hồi xưa, tôi tưởng bởi vì ông ta cực nhọc vất vả với đời sống mới. Về sau tôi mới biết có một thời ông ta ở với một người đàn bà, một người tình nhân cũ. Hai người chung vốn mở tiệm Phở. Tiệm ăn đông khách lắm. Nhưng cuối cùng người đàn bà gạt ông ta qua một bên, chiếm lấy tiệm Phở. Thế là ông ta trắng tay. Sau biến cố đó, ông làm giấy tờ bảo lãnh mẹ con tôi qua Mỹ”.

Đình đã sống trong dằn vặt khôn nguôi của nỗi bất hạnh. Mãi đến năm thứ ba Đại học, khi học lớp Triết, Đình được Linh mục dạy triết tên là Tiến khai ngộ: “Nếu con nhắm mắt lại, đời con tràn đầy bóng tối, con hóa thành bóng tối, con là hiện thân của bóng tối. Nhưng nếu con mở mắt ra, đời con tràn đầy ánh sáng, con hóa thành ánh sáng, con là hiện thân của ánh sáng, con thành ánh sáng cho nhiều người”.

Nhà văn Lm Nguyễn Trung Tây đã nhìn những số phận bất hạnh vì dâu bể dưới ánh sáng của Tin Mừng, nhờ đó những bi kịch mà ông kể lại đã mở ra về phía ánh sáng (chẳng hạn cuộc đới tiếp theo của Đình).

Độc giả cũng nên dõi theo các nhân vật Linh mục trong truyện của Nguyễn Trung Tây để thấy vẻ đẹp của tư tưởng Thần học và Mỹ học Kitô giáo thể hiện trong các nhân vật này.

Đó là Lm Tiến, người dạy Triết cho Đình năm thứ ba Đại học, ngài đã khai mở bóng đêm bất hạnh để Đình nhìn về phia ánh sáng (truyện: Quán rượu nửa đêm), đó là Cha Quang nhà thờ Chula Vista một ngày 4 lần xúc tuyết, người đã làm cho “Tiếng chuông sinh nhật của hân hoan và mừng vui tiếp tục vang xa xé rách toang màn đêm của sầu tủi và nước mắt. (truyện: Thị trấn Chula Vista). Cố Hân với chuỗi Mân Công cùng giáo dân đọc Kinh Kính Mừng, dẹp yên bọn thủy quái (những thế lực bóng tối) hiển hiện trong cây Thuồng luồng và cây Con gái trên sông Cái (truyện: Giấy bạc con công). Cha “Tâm lác” cho sinh viên làm bài kiểm tra đột xuất, ngài nghĩ đến chữ ác. Vì thế khi một người sinh viên làm bài bị điểm thấp đến xin, cha cho về nhà học bài lại (truyện: Chữ Lác vần ác). Cha sở nhà thờ ABồ ở Alice Springs chịu hàm oan bao nhiêu năm. Ngài đã giải quyết được 2 việc quá khó là nạn cờ bạc và gái điếm, trong đó có cả giáo dân (truyện Phố ABồ).Ôngcố đạo Bắc Mỹ” và linh mục giáo sư lớp Triết đã gợi mở những suy tư về tính hợp nhất của dân tộc Việt: “mọi người Việt Nam từ Ải Nam Quan cho tới Mũi Cà Mâu đều tỉnh giấc cùng một lúc và nhận ra chân lý, một sự thật đã từ lâu bị nhện thực dân, nhện đế quốc, và nhện chủ nghĩa cùng xúm lại giăng tơ, phủ mờ. Từ trong bụng Mẹ Âu Cơ, chúng mình vẫn là con của Bố Lạc Long Quân; là anh chị em ruột thịt với tóc đen nhánh, mắt nâu đậm của Văn Lang, của chim Lạc Việt, và của Mười Tám Đời Vua Hùng Vương”(tạp ghi: Hành trình Văn Lang)…

Qua các nhân vật Linh mục, tinh thần loan báo Tin Mừng trong văn chương Nguyễn Trung Tây thể hiện ở tư tưởng nhập thế, như chính Lm Nguyễn Trung Tây tỏ lộ: Tôi giờ tu sĩ bình bát, lang thang đó đây sống giữa và sống với những đời sống bên lề xã hội.” (truyện Bố).

NHỮNG ĐẶC SẮC NGHỆ THUẬT

1.Nguyễn Trung Tây có những “truyện tư tưởng”.

            Truyện không chỉ phản ánh hiện thực đời sống người người Việt tị nạn ở Mỹ sau 1975. Ở những truyện tư tưởng, chủ đề khá sâu kín. Ngôn ngữ  văn chương mang tính ẩn dụ, những vấn đề nhà văn gửi gắm được gói rất chặt trong nhiều lớp kết cấu của tác phẩm. Có những hình tượng mới mẻ. Xin đọc: Cây thánh giá gỗ mùa giáng sinh, Giấy bạc con công, Thần cây đa, Hành trình Văn Lang (tạp ghi), Cơn mơ và giấc mộng. Sâu, Nhộng, Bướm, Thanh hỏa trà, Quán rượu nửa đêm, Tôi hét lên, 911 và sự thật.

            Truyện Cây thánh giá gỗ mùa giáng sinh kể: gần ngày Lễ Giáng Sinh, cây thánh giá gỗ trên cung thánh trong nhà thờ bỗng dưng rơi xuống. Tượng Chúa chịu đóng đinh úp mặt xuống nền gạch. “Cha Nghi (cha xứ) lấy hết sức lực của tuổi 30 tập tạ hằng ngày nhấc cây thánh giá lên. Nhưng lần này cây thánh giá không hề di chuyển dù chỉ là một phân!”. Gần 3 ngày, người ta tấp nập đến xem sự lạ, nhưng không ai có thể lay chuyển được cây Thánh giá. Bà Tân, một giáo dân thầm lặng, nhiệt thành. Bị người đời đàm tiếu “me Mỹ”, bà chỉ im lặng; Một người “tội lỗi” như bà lại có thể nâng Thánh giá lên được. ”Sáng nay trên đường đi làm, bà ta ghé vào nhà thờ. Khi bà nâng cây thánh giá gỗ lên, cây thánh giá 60 pound nhẹ nhàng chuyển mình dưới đôi tay của bà ta”. Phải chăng tác giả muốn gửi đến người đọc thông điệp của Kinh thánh. Chúa nói với người Pha-ri-sêu về người phụ nữ xức dầu thơm lên chân Chúa: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít”.(Lc 7, 36-50).

            Truyện Cơn mơ và giấc mộng có chủ đề tương đồng với Giấc Nam Kha khá quen trong văn chương cổ điển. Truyện lấy bối cảnh chùa chiền để thể hiện tư tưởng Thiền: đời hư huyễn.

            Truyện 911 và sự thật đặt vấn đề về Ơn Cứu Rỗi đối với những người chưa biết Chúa: Càng học càng đọc, tôi mới lại càng hiểu thêm là niềm tin Công giáo, theo tài liệu lịch sử, chỉ mới đặt chân tới lãnh thổ Việt Nam vào năm 1533. Hóa ra trước đó, người Việt Nam, có ai tin theo Chúa và được đổ nước trên đầu rửa tội đâu. Nếu vậy Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tôn, Lê Thánh Tôn, Quang Trung Đại Đế, không tin vào Chúa, không được rửa tội, vậy họ không nhận được ơn cứu rỗi hay sao?”

            Truyện Giấy bạc con công được mã hóa bằng nhiều ẩn dụ, mà nếu giải mã, rất dễ gây ra những tranh cãi về lịch sử, về tôn giáo, về Việt Minh…

Truyện Thanh Hỏa Trà thuật lại việc vua Quang Trung đến thăm và hỏi ý kiến Nguyễn Thiếp. Những điều như thế sử sách đều nói đến, duy cái chết của Quang Trung còn là một nghi vấn: “Có người suy đoán nói hoàng đế Quang Trung do làm việc nhiều, suy nghĩ nhiều, bị cao huyết áp, đứt mạch máu não mà chết. Có người nghi vấn đặt vấn đề có thể hoàng đế bị đầu độc hoặc đã từng bị đầu độc trong quá khứ. Nếu đúng là như vậy, ai là người có khả năng đến gần long thể để đầu độc được hoàng đế nước Nam? Đọc truyện, người đọc hiểu chính Nguyễn Thiếp là người đầu độc Quang Trung bằng Thanh hỏa trà và khói trầm lúc tiếp kiến Quang Trung. Cách lý giải này của Nguyễn Trung Tây có thể gây ra những nghi ngại!..

Như vậy có thể nhận thấy nhà văn-Lm Nguyễn Trung Tây đặt ra khá nhiều vấn đề tư tưởng, cả về lịch sử, văn hóa và đức tin. Nhà văn tỏ ra có cái nhìn “thoáng” và gợi mở. “Biến cố 9/11 đã dạy tôi bài học bớt quá khích về tôn giáo, bởi có ai trên cõi nhân sinh biết sự thật nằm ở đâu; Hãy tôn trọng cái cá nhân và sự khác nhau(truyện: 911 và sự thật)

            2. Một “văn phong” vừa dân tộc vừa hiện đại.

Đó là cách kể truyện có duyên. Truyện thường có những đoạn tả thiên nhiên rất đẹp. Thiên nhiên vừa là bối cảnh, vừa tạo nên chất văn chương, từ đó câu chuyện diễn ra. Nhà văn liên tưởng một cách tự nhiên từ chuyện này sang chuyện khác, từ hiện tại tới quá khứ, từ giấc mơ tới hiện thực, từ thực tiễn tới nhận thức, từ chuyện dưới đất đến chuyện trên trời. Truyện trôi chảy cuốn người đọc vào thế giới nghệ thuật của Nguyễn Trung Tây. Mỗi truyện thường khởi đầu bằng một “tứ” truyện . “Tứ” truyện này được nhắc lại ở cuối truyện tạo nên một cấu trúc truyện chặt chẽ, bám sát chủ đề (Thí dụ: Phố ABồ, Giấy bạc con công, Đường tử tức). Nét “duyên tía lia” của ngòi bút Nguyễn Trung Tây còn thể hiện ở chất “hài” trong sử dụng ngôn ngữ và diễn đạt hàm ý, cách nói “tưng tửng” nửa thật nửa đùa. Đây là cái “khôi hài”, cười vui tế  nhị, không phải cái cười phê phán (Chuyện bố chuyện con, Ngũ đổ tường, Bố Việt Nam và đức tính bố, Đường tử tức…).

Câu văn Nguyễn Trung Tây là câu ngắn, mạch văn nhanh. Giọng văn là giọng của ngôn ngữ nói, với nhiều khẩu ngữ, thành ngữ dân gian (thí dụ, trong Chuyện Bố chuyện con có những câu: đụng nhau xẹt lửa, ngỡ ngàng như gái ngồi phải cọc, Thằng bố gãi gãi như bị nguyên quân đoàn chí rận đóng lô cốt trên đầu; mừng seeing momma! (Seeing: thấy, momma: mẹ), đến là vãi tội! Vãi; dấm dẳng tựa chó cắn ma,…). Nhiều truyện mang đặc điểm ngôn ngữ Nam bộ (truyện: Đừng đánh con đau, Chuyện ông Tư dì Tư, Chữ tài chữ tâm) hoặc Bắc bộ (truyện: Bố Việt Nam và đức tính bố, Cơn mơ và giấc mộng) rất sống động. Do đặc điểm này, truyện Thần cây đa viết chung với Trần Nguyên Đán có giọng văn khác hẳn. Có lẽ phần viết của Trần Nguyên Đán là chính.

Phải là người sống rất sâu đời sống các vùng miền Việt Nam mới viết được những truyện ghi tạc sống động tính cách con ngưới, ngôn ngữ, văn hóa từng vùng miền Việt Nam như vậy. Những truyện này góp phần gìn giữ văn hóa Việt, vừa có thể đem văn chương Việt Nam quảng bá với thế giới. Và nếu đem dạy trong môn tiếng Việt cho học sinh người Việt ở nước ngoài thì thật thú vị.

Nhà văn có một vốn sống, vốn tri thức văn hóa và trải nghiệm rất dày thể hiện trong truyện ngắn. Có những truyện đòi hỏi người đọc phải có tri thức về văn hóa, tư tưởng triết học mới có thể đọc được (Thần cây đa, Giấy bạc con công, Thanh hỏa trà, Hành trình Văn Lang…). Trái lại, trong nhiều truyện tác giả thâm nhập rất sâu vào cộng đồng, nói tiếng nói của công chúng (Thị trấn Chula Vista, Phố ABồ, Chợ trời Dandenong, Ngũ đổ tường…).  Truyện nào cũng có nhân vật cộng đồng, cả nhân vật phiếm chỉ tham gia vào truyện. Đây là một đặc điểm phong cách.

Tính dân chủ là một đặc điểm của văn chương hiện đại thể hiện ở sự chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng cái khác (The Others). Cho nên, là một nhà văn Công giáo, Lm Nguyễn Trung Tây viết nhiều truyện có tư tưởng Phật giáo (Thức tỉnh, Cơn mơ và giấc mộng) và cùng với tác giả Trần Nguyên Đán, một Mục sư viết chung truyện Thần Cây Đa (đăng trên Hợp Lưu). Tính dân chủ của truyện ngắn Nguyễn Trung Tây cũng thể hiện ở sự chấp nhận bình đằng tư tưởng thực dụng Mỹ với những truyền thống Nhân-Nghĩa Việt. Tác giả vừa hết sức giữ gìn truyền thống Việt, vừa cổ vũ cho sự hội nhập văn hóa Mỹ, và triệt để chống sự kỳ thị. Ngòi bút dân chủ của Nguyễn Trung Tây mạnh dạn khai phá nhiều đề tài ở nhiều hoàn cảnh khác nhau mà không can dự chủ quan để gán ghép tư tưởng của cá nhân áp đặt lên người đọc. Cho nên, trong truyện rất ít có những lời bình ngoại đề.

Nguyễn Trung Tây kết hợp nhiều bút pháp trên nền của chủ nghĩa hiện thực. Hầu hết truyện của Nguyễn Trung Tây là truyện chắt lọc từ đời sống hiện thực nơi tác giả đã sống, đã trải qua, đã suy nghiệm, đã gặp gỡ ngững con người, những cảnh sắc. Nhưng có truyện hiện thực kết hợp với huyền thoại, với giấc mơ, với những sự kỳ lạ (Thần cây đa, Cơn mơ và giấc mộng, Cây Thánh giá gỗ mùa Giáng Sinh). Có truyện viết bằng ngôn ngữ mộc của đời sống cộng đồng nhưng có truyện lại viết bằng ngôn ngữ ẩn dụ rất uyên thâm, khiến cho thông điệp chuyển tải trở nên sâu kín. Những truyện này tạo thành một mảng văn chương đặc sắc của Nguyễn Trung Tây (Quán rượu nửa đêm, Giấy bạc con công, Thần cây đa, Hành trình Văn lang, Người máu lạnh, Thanh hỏa trà, Tôi hét lên). Cũng có truyện pha trộn hiện tại với lịch sử, với tư tưởng triết học, với suy tư để chủ đề thăng hoa khỏi những bế tắc bi kịch của thực tại (Tôi từ thiên đàng tới, Hành trình Văn Lang, Giấy bạc con công…)

            Diễn ngôn về Tin Mừng được trình bày như không trình bày. Người đọc có cái thú vị khi thưởng thức những truyện hay của Nguyễn Trung Tây mà không bị ám ảnh rằng đang bị ông Linh mục truyền đạo hay áp đặt tư tưởng tôn giáo. Hình tượng các Linh mục trong truyện được khắc họa là một người bình thường như mọi người, thậm chí giao tiếp với cả bọn cờ bạc và gái điếm (truyện Phố ABồ). Nhưng các ngài khai sáng về tư tưởng, khai sáng bằng đời sống, bằng sự chia sẻ, bằng sự nhận lấy những khốn khó của tha nhân và bằng một lòng tin vững vàng, kiên định (Thị trấn Chula Vista, Phố ABồ). Nằm sâu bên dưới câu chuyện là tư tưởng Thần học và Mỹ học Kitô giáo, cùng với chủ nghĩa Nhân văn đặt trên nền tảng Kinh thánh. Đó là cái nhìn về Con người: Con người là một tuyệt tác của Thiên Chúa (Sáng thế ký), đó là lòng thương yêu vô hạn mọi cảnh đời của Lòng Chúa Thương Xót, là sự nâng đỡ con người vượt qua bể dâu (Đám tang hồn ma, Quán rượu nửa đêm, Cây Thánh giá gỗ mùa Giáng Sinh, Gốc Phi châu, Phố ABồ, Trên một khoang thuyền, Vợ bỏ, Thứ Ba Béo, Thằng Linh thằng Lượm, Đừng đánh con đau…).

 Tính dân chủ cùa văn chương cùng với các kể rất “thoáng” của Lm Nguyễn Trung Tây có thể gây “dị ứng” với bạn đọc trong nước (vì tác giả là Linh mục). Dù vậy, với tư cách nhà văn Công giáo, tác giả có thể kể mọi chuyện về mọi cảnh ngộ, như Đức Giêsu ngày xưa, đi khắp nơi, gặp gỡ, nói chuyện với mọi phận người và ban ơn Cứu độ cho họ. Nhà văn Công giáo cần tiếp bước Đức Giêsu, kể tiếp những câu chuyện Chúa đã kể để đem đến ánh sáng cho cuộc sống hôm nay.

THAY LỜI KẾT

            Gọi là “thay lời kết”bởi vì tác giả còn đang sáng tác. Hành trình sáng tạo còn dài phía trước, những khám phá tư tưởng và nghệ thuật còn đang mở ra rất rộng. Cho nên bài viết này chưa thể nói đến một đời văn, một văn nghiệp, một cốt cách văn chương Nguyễn Trung Tây.

            Nhưng điều có thể khẳng định nhà văn-Lm Nguyễn Trung Tây là một “nhà văn Công giáo” đặc sắc đương đại, có nhiều đóng góp cho văn học Công giáo hôm nay. Truyện Nguyễn Trung Tây phản ánh một mảng hiện thực rộng của người Việt hải ngoại, đặt được những vấn đề xã hội, vấn đề văn hóa, tư tưởng liên quan mật thiết với đời sống người Việt, và đóng góp những đặc sắc về bút pháp, về sự thể hiện tư tưởng Thần học và Mỹ học Kitô giáo trong văn chương. Điều dễ nhận thấy ở trang văn Nguyễn Trung Tây là tính truyền thống và chất hiện đại, tính phóng khoáng về tư tưởng (tính dân chủ) song vẫn hết sức giữ gìn những giá trị dân tộc. Những cây bút văn xuôi Công giáo còn hiếm. Truyện ngắn của Nguyễn Trung Tây có thể gợi mở nhiều điều cả về tư tưởng và thi pháp cho các cây bút văn xuôi Công giáo hôm nay. Đó là điều rất quý.

Nói như nhà văn: tất cả là ơn Trời: Bao nhiêu lận đận, bao nhiêu đoạn trường, tôi đã nếm đủ, trải qua. Nhưng mưa Trời vẫn cứ đổ xuống tưới mát tâm hồn có lúc đã cạn khô. Với   đức tin và hai bàn tay nhỏ bé giơ ra, xin hứng lấy mưa Trời (nói theo thi hào Tagore), khuôn mặt riêng tôi vẫn nguyên vẹn không hề đổi thay một nụ cười, và hồn tôi vẫn xanh mướt lộc non” (Ơn trời ơn người).

Tháng 11/2021

______________________________

[1] https://vvnm.vietbao.com/a164764/goc-phi-chau

Muốn biết thêm về tác giả, mời vào Webpage: www.nguyentrungtay.com.

***

PHỤ LỤC

Truyện ngắn

CÂY THÁNH GIÁ GỖ MÙA GIÁNG SINH

Nguyễn Trung Tây

Bà Tân, da bắt đầu lấm tấm những vết đồi mồi, dáng người mảnh khảnh, khuôn mặt thuôn, tóc cắt ngắn ngang vai, hơi xơ xác, lấm chấm điểm bạc. Gần đây con Hương mua lọ thuốc nhuộm burgundy black. Tóc con Hương nâu ngắn. Một lọ thuốc mua ở tiệm Walmart dư dùng cho hai người. Con Hương nhuộm luôn cho mẹ. Ban đầu bà hơi ngần ngại. Nhưng tiếc thuốc nhuộm đổ đi phí quá, bà cúi xuống cho con Hương nhuộm luôn. Tóc mầu burgundy black không nhận ra trong bóng râm. Nhưng ra ngoài nắng, tóc đen nhìn hung hung đỏ. Đi chợ hay mua sắm trong tiệm Mỹ, bà Tân tự nhiên thoải mái; nhưng nếu phải đi mua gạo, nước mắm, hay thức ăn Á Đông trong khu thương xá Việt Nam, bà e dè với mái tóc nhuộm. Nhưng soi gương, nhận ra những nét trẻ trung của mái tóc burgundy black, bà đâm ra thích. Thỉnh thoảng bà đưa tiền cho con Hương. Hai mẹ con cùng nhuộm.

Bà Tân chịu chơi, nhưng nghiêm khắc với con nhất là về vấn đề học vấn. Bà bắt mấy đứa con phải học hành đàng hoàng, có thời khóa biểu hẳn hoi. Ban tối bà cấm không cho đứa nào được lảng vảng trong phòng khách có màn ảnh TV khá lớn. 10 giờ đêm bà mới cho tụi nó coi TV. Đứa nào léng phéng cầm cái remote trước 10 giờ, bà cự cho tắt đài. Từ hồi mới qua Mỹ tới nay, ba năm rồi bà làm ở nhà hàng. Chạy bàn, nấu ăn, thái rau, lau nhà, rửa chén, tất cả mọi công việc trong tiệm bà không nề hà. Người quản lý nhà hàng Tây Đô nói gì, bà làm đó, làm gọn gàng, làm sạch sẽ. Chiều, 4 giờ, về tới nhà, bà nấu cơm cho ông chồng và 5 đứa con. Hai đứa lớn đi làm. Con Hương làm móng tay. Thằng Dương làm chung với ông Tân trong hãng điện tử. Ba đứa còn lại, xe bus mầu vàng của trường trung học sáng đón đi, chiều chở về tới đầu ngõ. Chiều, 5 giờ, về tới nhà, con Hương phụ bà Tân nấu cơm. Thằng Dương ngồi học bài cho lớp tối tại trường đại học cộng đồng gần nhà. Ba đứa còn lại, hai thằng, đứa lớp Chín, thằng lớp Bẩy, lái xe đạp đi bỏ báo chiều; đứa con gái lớp Mười Một ngồi học trong phòng. Bà cấm không cho đứa nào đi chơi trước giờ ăn cơm kể cả con Hương với thằng Dương. 6 giờ, cả nhà ngồi ăn cơm tối trong căn phòng nhỏ. Sau bữa cơm, mấy đứa con, đứa rửa chén, đứa dọn dẹp bàn ăn, đứa hút bụi trong nhà. Làm xong việc, đứa nào muốn làm gì thì làm. 8 giờ tối, giờ giới nghiêm, cả đám lại phải học. Lâu lâu bà mở cửa phòng bất tử xem chúng nó học hay đang ôm phone nói chuyện. Bị mấy đứa con phản đối ầm ỹ, bà Tân nạt liền,

-Tụi bay là con tao. Tao là mẹ. Không có prai-vai-xi cái con khỉ khô gì hết

10 giờ tối, giới nghiêm mới hết. Mấy đứa chạy ra phòng khách coi TV, phim Mỹ. Bà cấm phim Tàu

-Mấy thằng mấy con Hồng Kông nhìn mặt đẹp nhưng tụi nó nói tiếng Việt giọng lơ lớ nghe như ngọng.

12 giờ đêm, cả nhà tắt đèn đi ngủ. Hết một ngày. Sáng, bà dậy sớm, pha cà-phê cho ông Tân và thằng Dương, rồi lái xe tới nhà hàng Tây Đô. Một ngày mới bắt đầu.

Hai đứa con lớn của bà, con Hương 30, thằng Dương 27. Mặt, mũi, tóc, và hình dáng của cả hai không lẫn lộn trong đám đông người Việt. Có tin đồn nói bà mua con lai. Có người đoán hai đứa con lai chính là con ruột của bà.

Bà Tân đi lễ Chúa Nhật thường xuyên. Ngày thường, sáng, 7:30, bà đi làm. Khi lái xe ngang qua ngôi thánh đường, bà làm dấu thánh giá đọc một câu kinh. Năm đứa con, từ con Hương cho tới thằng Út, đứa nào không chịu đi lễ, bà chửi cho tắt đèn,

-Tụi bay đừng có giở quẻ. Qua được tới đây rồi là õng ẹo, đòi quyền tự do. Tao nói cho mà biết, không có tự do với tự lực gì hết. Không đi lễ, tao tống cổ hết ra ngoài đường cho tụi bay tự do với đám hôm-lết.

Thời gian đầu tiên lễ Chúa Nhật bà và ông Tân cùng năm đứa con ngồi chung một ghế, hàng ghế cuối cùng. Đến khi ba đứa nhỏ vào ca đoàn của giáo xứ, phải tới nhà thờ sớm tập hát, bà mới thôi không bắt mấy đứa con ngồi chung. Con Hương tuy thế vẫn ngồi với mẹ và dượng ở hàng ghế cuối cùng. Thằng Dương ngồi một mình, trong thánh lễ mắt đảo lia lịa về phía mấy cô.

Bà Tân đóng góp cho nhà thờ khá mạnh tay. Những lúc nhà thờ quyên tiền hoặc cho giáo xứ hoặc cho nạn nhân bão lụt miền Trung, bà móc bóp thả vào rổ tờ giấy xanh lớn. Bà nói,

-Không nên tiếc tiền với Chúa, với người nghèo.

Là một giáo xứ nhỏ, nằm ở tiểu bang đèo heo hút gió không có nhiều người Việt, ông cha xứ kêu gọi các gia đình sau giờ lễ xuống hội trường ăn uống, chuyện trò, hát karaoke. Mỗi gia đình góp một món ăn nhỏ. Tất cả cộng lại thành một bữa tiệc lớn. Tuần nào bà Tân cũng nấu một món cho bữa ăn chung. Khi thì xôi, lúc bún canh, hoặc bánh cuốn nhân thịt. Trước giờ ăn, bà đứng sau quầy lấy thức ăn cho từng người. Sau giờ ăn, bà ở lại dọn dẹp, rửa chén. Lần nào cũng vậy đợi cho tất cả mọi người trong hội trường bắt đầu cầm đũa, bà Tân mới lấy cho riêng mình một đĩa. Bao giờ bà cũng là một trong những người cuối cùng lái xe rời bỏ sân đậu xe rộng thêng thang vắng vẻ của ngôi giáo đường vào một buổi chiều cuối tuần.

Thấy cha xứ không có bà bếp phải ăn thức ăn Mỹ, nóng, nổi mụn đầy mặt, bà nấu những món ăn Việt Nam, canh chua cá bông lau, khổ qua nhồi thịt heo, hoặc thịt heo với cá bông lau kho tộ. Gói ghém cẩn thận, bà lái xe, tự tay mang vào nhà xứ cho ông cha.

Hồi mới tới Mỹ trước giờ lễ, ông cha nói với ông bà Tân,

-Sau thánh lễ, tôi sẽ giới thiệu gia đình ông bà với mọi người nhé.

Bà Tân ngần ngại, từ chối liền,

-Thôi… Xin cha… Con xin cha bỏ qua phần giới thiệu.

-Ủa! Sao vậy?

-Con… Tụi con không quen. Cả gia đình được qua tới bên này là mừng rồi. Tụi con, thiệt tình tụi con không quen… Con xin cha miễn cho phần giới thiệu. Nhưng nếu cha cần gì, cứ nói con một tiếng.

Ông cha liếc nhìn con Hương và thằng Tân. Ông suy nghĩ, rồi đồng ý.

Sau thánh lễ của ngày hôm đó, cả gia đình kéo nhau ra bãi đậu xe. Trên đường bà thấy trăm con mắt nhìn ngó vào hai đứa con lớn của bà. Bà cúi xuống. Bà yên lặng. Khi người hàng xóm ngày xưa bên Việt Nam, từ Cali dọn sang mở tiệm móng tay, bà ta xác nhận với mọi người về mối liên hệ ruột thịt của hai đứa con lai với bà Tân. Bản tin rồi cũng tới tai bà. Bà Tân không phản ứng, không nói gì, nhưng trở nên yên lặng mặc dù vẫn sinh hoạt trong giáo xứ như xưa. Bà vẫn đi lễ. Bà vẫn đóng góp tiền bạc rộng tay cho giáo xứ. Bà vẫn đóng góp thức ăn vào bữa ăn chung hằng tuần. Bà vẫn thường xuyên nấu ăn, tự tay mang vào cho cha Nghi. Nhưng sau thánh lễ bà không làm gì nữa. Bà yên lặng ngồi ăn với ông chồng dưới hội trường, rồi yên lặng lái xe về nhà, khi với ông Tân, khi với mấy đứa con. Tối tối ông Tân nghe tiếng vợ thở dài, tiếng cục cựa lăn qua lăn lại cả đêm.

***

Tin ông Tân và thằng Dương bị xe đụng chết trên đường đi làm lan chuyền nhanh chóng trong giáo xứ. Bà Tân nhận được tin dữ trong khi đang đứng rửa chén trong tiệm ăn. Bà té xỉu! Người cảnh sát gọi xe cứu thương tới, nhưng bà đã tỉnh dậy. Ông quản lý của tiệm ăn chở bà tới nhà xác. Trên xe bà yên lặng, bà không khóc.

Hôm đám tang chôn cất, ba đứa nhỏ khóc như mưa, con Hương lăn lộn trước cỗ áo quan của thằng Dương. Riêng bà Tân, bà im lìm, mắt ráo khô, môi mím chặt nhìn hai khối gỗ mầu vàng sậm từ từ biến mất sau lớp cát. Theo lời kêu gọi của ông cha xứ, nghĩa tử là nghĩa tận, nhiều người giáo dân nghỉ làm, tham dự tang lễ tiễn chân hai người quá cố tới tận nghĩa trang.

Trong khi ông cha xứ đang cử hành những nghi thức tại nghĩa địa, trời nắng mùa thu hanh vàng dịu dàng buông xuống vùng đất thánh. Nhiều người giơ tay ngáp, cố gắng che miệng trong khi ông cha xứ đang giảng, một bài giảng dài ngoằng. Người đàn bà hàng xóm ngày xưa của bà Tân quay sang người bên cạnh,

-Chồng và thằng con lai chết cùng một lúc. Hai cái mặt nát bấy!

-Sao chị biết?

-Nghe thằng cha quản lý tiệm ăn Tây Đô nói. Mà mụ này cũng lỳ ghê. Suốt từ hôm đó cho tới bây giờ, con mẹ không buông một giọt nước mắt.

-Nghe nói ông này là chồng thứ ba rồi đó.

-Chồng thứ nhất chứ chồng thứ ba cái mốc xì. Hai thằng Mỹ trước đâu có đám cưới đám hỏi gì mà chồng với vợ. Hồi đó con mụ đi làm sở Mỹ, rồi vác cái bụng bầu. Ông bố cấm cửa không cho quay về nhà. Ông ấy nói nếu để ông thấy mặt, ông sẽ cạo đầu bôi vôi liền. Sau khi sanh ra con Hương, con mẹ thuê nhà trên Sài Gòn, mướn người vú em trông con. Mấy năm sau trước 75 mấy tháng, con mụ lại vác cái ba lô ngược. Lần này sinh ra thằng Dương. Con Hương với thằng Dương là hai chị em cùng mẹ khác cha. Ba đứa còn lại là con của ông Tân.

-Bà Tân gặp ông Tân lúc nào vậy?

-Hồi đó thằng cha đi bán xổ số, con mẹ bán cà-phê. Rổ rá cạp lại sinh ra ba đứa con. Rồi được đi Mỹ theo diện con lai.

Người hàng xóm thuở xưa tiếp tục,

-Bà có thấy con mẹ nhuộm tóc không? Tóc đỏ hung hung. Già rồi mà còn xí xọn… Làm như mình còn con gái nheo nhẻo.

Bà ta trề môi buông giọng,

-Me Mỹ mà. Làm sao giấu được tung tích của mình. Giấu đầu rồi cũng lại lòi đuôi.

Liếc nhìn ông cha xứ đang rẩy nước phép lên hai cỗ áo quan, bà che miệng, cố gắng nói nhỏ lại, giọng gần như thì thào vào tai người đàn bà đứng bên cạnh,

-Tôi thấy con mẹ thậm thụt đi tới đi lui vào phòng cha Nghi mấy lần rồi.

-Thật không? Đừng nói giỡn chơi!

-Tui thấy tận mắt mà. Con mẹ lái xe tới nhà xứ. Lấm lét đi tới đi lui, rồi gõ cửa phòng cha Nghi.

Nhặt chiếc lá vàng rơi bám trên mái tóc, người hàng xóm nói,

-Nghe nói, hồi mới tới Mỹ con mẹ đâu dám lên rước lễ. Bây giờ không hiểu sao dám thè lưỡi ra nhận bánh thánh. Mà ông cha Nghi cũng kỳ khôi. Biết con mẹ là gái bán bar, nhưng vẫn cho rước lễ. Chúa phạt là phải! Thằng chồng với thằng con lai chết tại chỗ. Còn ông cha Nghi, kỳ này cũng đau ốm liên miên.

Tối hôm đó trong căn phòng một mình một bóng, bà Tân mới chịu để nước mắt buông rơi. Thoạt tiên bà chỉ sụt sùi, sau cùng vỡ nghẹn trong tiếng nấc. Con Hương nằm với đứa em gái trong căn phòng bên cạnh. Mệt lả người sau mấy ngày tang của dượng và thằng em, nó đã thiu thiu ngủ. Những tiếng nấc nho nhỏ từ phòng bên cạnh đánh thức con Hương dậy. Nó lắng nghe. Nó rón rén đi ra, gõ nhẹ cửa phòng mẹ nó. Tiếng nấc ngừng hẳn, nhưng bà Tân không trả lời. Con Hương liều. Nó xoay nhẹ nắm cửa. Cửa không khóa. Trong làn ánh sáng mờ mờ của ánh đèn ngủ, con Hương thấy mẹ nó đang ngồi trên giường, hai tay ôm mặt. Nó bước tới, ngồi xuống cạnh mẹ. Bà Tân quay sang, ôm con. Những giọt nước mắt tuôn rơi thấm ướt bờ vai của đứa con đầu lòng,

-Hương ơi!… Chắc Chúa phạt mẹ!

***

Noel chuẩn bị tới. Tuyết rơi đầy đường. Năm nay cha Nghi tổ chức Lễ Giáng Sinh lớn. Trong nhà thờ ông quyết định làm cái hang đá lớn kiểu Việt Nam. Thánh lễ nửa đêm sẽ được cử hành vào 8 giờ tối. Trước lễ, ca đoàn trình diễn liên tục mười bài thánh ca Giáng Sinh. Sau lễ Noel, mọi người tụ họp dưới hội trường ăn uống. Trẻ em dưới mười hai tuổi được phát quà. Chương trình văn nghệ tiếp theo sau do những ca sĩ địa phương và hai danh ca từ thủ đô Quận Cam bay sang phụ trách.

Từ đầu tháng 12 ông kêu gọi nhiều người giáo dân, vào những ngày cuối tuần tới nhà thờ quét dọn, lau cửa, chùi sàn nhà thờ, đánh vẹc-ni bóng loáng hai hàng ghế, làm hang đá, dựng ngôi sao thật lớn trên ngọn tháp chuông cao vút.

Chỉ còn mấy ngày nữa lễ Giáng Sinh sẽ tới. Mọi việc gần như hoàn chỉnh. Nhà thờ, bên trong, nhờ bàn tay của bao nhiêu người, giờ này sạch sẽ bóng lộn. Hang đá Giáng Sinh sơn mầu kim tuyến chiếm gọn một góc phía bên trái khu cung thánh. Chung quanh hang đá, những cây thông xanh ngắt cao hơn 6 feet được trang hoàng với bao nhiêu bóng điện mầu trắng. Tối tối điện bật lên. Bóng đèn trắng chớp sáng trên những cây thông tương tự như những ngôi sao bạc lấp lánh trên nền trời đêm đen. Mùi lá thông thơm nồng bay tỏa khắp ngôi thánh đường. Trên gác đàn, ca đoàn liên tục tập dượt những bài thánh ca bất hủ cho chương trình Vọng Giáng Sinh. Dưới hội trường, sân khấu với màn kéo bằng nhung đỏ cũng đã dựng xong. Trên ngọn tháp chuông cao vút của ngôi thánh đường, đèn cao thế của ngôi sao bằng nhựa trắng thật lớn tự động bật sáng khi màn đêm buông xuống.

Tháng 12 tuyết rơi. Gió lạnh từ phương Bắc rủ nhau kéo về thổi trắng thành phố. Bầu không khí Noel ngập tràn ngôi thánh đường nhỏ bé của người Việt Nam trên vùng đất mới.

Và tự nhiên cây thánh giá lớn treo trên cung thánh rớt xuống đất!

Sáng ngày 22 tháng 12. Cha xứ bước vào nhà thờ chuẩn bị cho thánh lễ lúc 7:30 sáng. Ông nhận ra ánh sáng của ngọn nến chầu leo lét trong cung thánh đã tắt. Bật đèn lên, ông giật mình,

-Lạy Chúa tôi!

Ông kêu lớn tiếng bởi ông nhìn thấy cây thánh giá lớn được treo bằng bốn sợi giây cáp đang nằm sõng soài ngay trên nền đá của cung thánh. Tượng Chúa chịu đóng đinh úp mặt xuống nền gạch. Ngẩng mặt lên, ông thấy bốn sợi dây cáp đang đong đưa qua lại. Rợn người, nổi da gà, ông tỉnh ngủ. Nhẹ nhàng đi tới, ông quỳ xuống bái gối trước cây thánh giá. Với cả hai tay, ông nhấc cây thánh giá lên. Cây thánh giá nhích đi một chút, rồi lại nằm yên. Một lần nữa hít một hơi dài, cha Nghi lấy hết sức lực của tuổi ba mươi tập tạ hằng ngày nhấc cây thánh giá lên. Nhưng lần này cây thánh giá không hề di chuyển dù chỉ là một phân! Cha Nghi có cảm tưởng mình đang ôm trong lòng nguyên một núi đá phủ đầy băng tuyết.

Chỉ còn 10 phút nữa là 7:30 sáng, giáo dân đi lễ lác đác xuất hiện. Người người bàng hoàng nhận ra cây thánh giá đang nằm úp mặt xuống nền gạch. Không ai bảo ai, hai ba người đàn ông phụ nhau nhấc cây thánh giá lên. Nhưng cây thánh giá không lay chuyển. Sau cùng khoảng hai mươi người, cả đàn ông lẫn đàn bà, tất cả mọi người có mặt trong nhà thờ cùng xúm vào. Cây thánh giá vẫn im lìm. Tượng Chúa chịu nạn vẫn cúi mặt xuống nền gạch lạnh giá của một ngày cuối tháng 12 của mùa Giáng Sinh.

Câu chuyện cây thánh giá chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ lan ra khắp thành phố. Tất cả những đài truyền hình, truyền thanh địa phương đồng loại lên tiếng, “Cây thánh giá gỗ rớt úp mặt xuống nền cung thánh! Không ai nhấc nổi!” Bỗng dưng ngôi thánh đường vô danh nhỏ bé ngập tràn tiếng động. Tiếng người phỏng vấn những giáo dân có mặt vào những giây phút đầu tiên. Tiếng đọc kinh của những người đàn bà trong nhà thờ. Tiếng chân chạy tới chạy lui của những người phóng viên ôm dàn máy lớn loay hoay chụp hình cây thánh giá lạ kỳ từ nhiều góc. Ngôi giáo đường, bình thường vắng bóng người, giờ này tấp nập người ra người vào. Cha Nghi quyết định đóng cửa nhà thờ, ngoại trừ cửa chính dành cho những người muốn thử, nâng cây thánh giá lên. Giờ này từ phía cuối nhà thờ, người có đạo cũng như không, đang xếp hai hàng dài dẫn lên tới cung thánh. Hết người này tới người kia, cây thánh giá gỗ vẫn nằm im lìm.

Nguyên một ngày dài sân đậu xe của ngôi thánh đường hẻo lánh tấp nập với bao nhiêu xe cộ ngược xuôi của khách thập phương hiếu kỳ ghé tới tìm hiểu câu chuyện lạ. Dưới mái hiên của nhà thờ, những gian hàng nho nhỏ nhanh chóng được dựng lên. Người ta buôn bán những cây thánh giá gỗ nhỏ được khắc sơ sài theo hình dạng của cây thánh giá lạ kỳ. Người ta treo bảng on sale cho những chiếc áo sweatshirt in hình chụp cây thánh giá nằm úp mặt. Cửa nhà thờ đã khóa lại lúc 11 giờ đêm, tuyết rơi ngập đường xá, nhưng ánh đèn xe cộ vẫn chiếu sáng khu đậu xe của ngôi thánh đường vào lúc nửa đêm về sáng. Trên ngọn tháp chuông cao vút, ánh đèn sáng chói của ngôi sao lạ soi đường dẫn lối cho những người khách phương xa vẫn đang nối đuôi tìm tới ngôi thánh đường.

Tối hôm đó đài CNN phỏng vấn ba người. Một người là thợ chính có trách nhiệm treo cây thánh giá lên trên trần của cung thánh. Người kia là giáo dân, một trong những người đầu tiên có mặt ngay khi câu chuyện lạ kỳ được khám phá. Người còn lại là điêu khắc gia đã làm cây thánh giá gỗ cho nhà thờ,

-Ông là người thợ chính có trách nhiệm treo cây thánh giá lên cách đây bốn năm. Theo như ông, trong trường hợp nào cây thánh giá gỗ có thể bị rơi xuống?

Người thợ trầm ngâm, nhíu mày, lắc đầu, điệu bộ cương quyết,

-Cây thánh giá…cây thánh giá không thể nào rơi xuống được…trừ khi…trừ khi có người cố tình tháo hoặc vặn lỏng bốn cái đinh ốc lớn giữ chặt bốn sợi dây cáp với cây đà ngang trên mái vòm của cung thánh. Bốn sợi dây cáp này được buộc chết vào cây gỗ ngang của cây thánh giá.

Người giáo dân xác định câu nói của người thợ chính,

-Sáng nay khi nhìn lên bốn sợi dây cáp còn treo lủng lẳng trên trần cung thánh, tôi đoán hình như có bàn tay của ai đó nhúng vào vụ này. Người này đã dùng cái kéo lớn cắt đứt bốn sợi dây cáp, bởi tôi thấy rõ ràng bốn đoạn dây cáp nhỏ khoảng một gang tay bị cắt đứt vẫn còn dính liền với cây thánh giá.

Người phóng viên quay sang người giáo dân,

-Ông có nghi ai là thủ phạm đã cắt đứt bốn sợi dây cáp không?

-Không, tôi không biết. Nhưng để làm được chuyện cắt đứt những sợi dây cáp lớn, người này phải có một cái thang cao lắm.

Hướng về người điêu khắc, người phóng viên hỏi,

-Theo tôi được biết, cây thánh giá làm bằng gỗ.

Người điêu khắc gật đầu xác nhận,

-Cây thánh giá làm bằng gỗ sồi. Chiều dài 6.6 feet, chiều ngang 4.9 feet. Tượng Chúa chịu nạn làm bằng thạch cao. Cây thánh giá nặng 40 pound. Tượng Chúa, tôi còn nhớ khoảng 20 pound thôi. Tổng cộng lại, cây thánh giá không thể nào nặng hơn 60 pound.

Người phóng viên ngắt lời của nhà điêu khắc gia,

-Nếu vậy, tại sao không ai nhấc nổi cây thánh giá lên?

-Tôi không hiểu. Với một trọng lượng không quá 60 pound, một người đàn ông bình thường dư thừa khả năng nhấc cây thánh giá gỗ lên. Có một điểm lạ kỳ, cây thánh giá rớt từ trên cao, úp mặt xuống nền gạch, nhưng tượng Chúa bằng thạch cao không hề bị sứt mẻ dù chỉ là một miếng bể nhỏ.

***

Sáng ngày 23 tháng 12 đã tới. Tuyết lại rơi. Những hạt tuyết êm đềm rớt xuống phủ lấp những dấu chân, những vết bánh xe kéo dài ngang dọc trên thảm tuyết trắng của ngày hôm trước. Những vết chân mới lại xuất hiện khắp nơi trên sân nhà thờ. Người ta tiếp tục kéo về ngôi thánh đường nhỏ bé. Nhà thờ vang lên những tiếng đọc kinh nho nhỏ thầm thì của những cụ già da mồi tóc trắng, những người trung niên cổ quấn khăn hoặc cà vạt, áo bỏ vào quần, và luôn cả những người thanh niên thiếu nữ tóc nhuộm xanh nhuộm đỏ, tai, mũi, và môi xỏ nhiều tòng teng, cổ đeo đầy dây chuyền vàng lóng lánh.

Tương tự như ngày hôm qua, hai hàng người vẫn tiếp nối nhau kéo dài vào tới khu cung thánh nơi có cây thánh giá gỗ không nặng hơn 60 pound. Bầu không khí trang nghiêm của ngôi giáo đường và hình ảnh cây thánh giá nằm úp mặt cúi xuống của khu cung thánh khiến mọi người có mặt trong nhà thờ, giáo hay lương, đều e dè khép nép yên lặng trong khi chờ đợi tới phiên mình. Từng người rồi từng người, họ cung kính bái gối trước cây thánh giá, họ mím môi vận dụng sức lực trên đôi bàn tay, họ hít hơi căng phồng những bắp thịt lực lưỡng trên đôi vai, họ nhấc cây thánh giá lên, và rồi họ thất bại. Cuối cùng họ quay xuống, nhập chung với những người đang quỳ trên những hàng ghế gỗ được đánh bóng loáng. Họ cầu nguyện. Họ đọc kinh. Có người khóc nho nhỏ trong miệng. Có người sụt sùi. Có người nấc nghẹn. Nhưng cây thánh giá vẫn không chuyển động dưới bất cứ một đôi tay nào.

Ngay trên trang nhất của báo The New York Times, người ta chạy một hàng tít lớn, “Ngày cuối cùng của nhân loại đã tới?” Những trang kế tiếp ngập tràn bài phỏng vấn những người giáo dân của ngôi thánh đường nhỏ bé. Những trang Websites của Yahoo, Netscape, AOL, những đại công ty điện toán trên thế giới đồng loạt in tấm hình của cây thánh giá đang nằm úp mặt xuống nền gạch. Cạnh tấm hình là những hàng chữ, “Ngày Tận Thế?” hoặc “Lại một trò mới của nhà thờ La Mã?” hoặc “Điềm lạ chi đây?” Tất cả những hàng tít lớn đều được tô đậm với mầu đỏ, mầu máu đỏ tươi. Đài CNN, ABC, FOX News, PBS, và BBC liên tiếp bình luận về cây thánh giá gỗ. Người ta vẫn không hiểu ai đã cắt đứt những sợi dây cáp cứng hơn thép. Người ta vẫn không hiểu tại sao không ai có thể di chuyển nổi cây thánh giá 60 pound. Người ta nghĩ có lẽ những ngày cuối cùng của trái đất và của vũ trụ đã tới. Có người nói họ thấy rõ ràng mặt trời xoay tròn quay tít trên bầu trời. Có người nói mặt trăng tròn của những ngày rằm hiện ra bất ngờ trên nền trời tối đen cuối tháng 12, mặt trăng tròn đỏ như máu. Có người nói ngay giữa ban ngày họ nhìn thấy những đám mây đỏ như lửa mang hình dáng của quỷ vương với hai cái sừng nhọn lững lờ bay trên nền trời xám đen của một ngày cuối tháng 12. Có người nói nước lạnh băng của dòng sông Mississippi, đoạn sông chạy ngang qua thành phố có ngôi thánh đường với cây thánh giá gỗ, tự nhiên đổi sang mầu đỏ của máu; cá tôm chết ngập nổi lềnh bềnh trên mặt sông đỏ đậm. Có người nói trong xứ có thằng bé ba năm nay không nói được một câu sau khi bị xe đụng vào đầu, chấn thương sọ não; giờ này tự nhiên mở miệng nói như sáo. Có người nói ông cha xứ bị cây thánh giá gỗ rớt xuống đập ngay đỉnh đầu trong khi đang chuẩn bị bàn thánh cho thánh lễ sáng sớm của ngày hôm đó; cho nên đã mấy ngày rồi, không ai thấy bóng dáng của ông. Có người nói tối tối có những con chó sói đen tuyền từ khu rừng thông kéo về; từng bầy rồi lại từng bầy chạy nhảy chung quanh nhà thờ; cả bầy sói đen thi nhau ngửa cổ lên nền trời tối, hú vang nghe như tiếng con nít khóc. Có người nói đêm đêm những vết thương trên người của tượng Chúa chịu nạn tự nhiên ứa tràn máu, máu chảy ra loang đỏ cả sàn gạch của cung thánh; nhưng khi trời bình minh tới, máu biến đi; ai vô được nhà thờ vào ban tối, hứng lấy được những giọt máu thánh, người đó sẽ được cứu độ; riêng những giọt máu đỏ, ai đụng vào mọi bịnh tật nan y sẽ biến mất.

Chỉ còn một ngày nữa, ngày 24 tháng 12 sẽ tới. Ba ngày nay ngôi giáo đường được chuẩn bị kỹ lưỡng cho một mùa Giáng Sinh đã hoàn toàn biến mất bầu không khí rộn ràng của mùa Noel, ngoại trừ ngọn đèn cao thế trong lòng ngôi sao lớn trên nóc tháp chuông. Đêm đêm ngọn đèn vẫn tung ra những tia sáng chiếu rọi một khoảng trời tối đen của tháng 12. Không ai buồn cắm điện, hang đá kim tuyến và những cây thông xanh mướt vắng ngắt những ngọn đèn. Ngôi nhà thờ tối om ngoại trừ khu cung thánh, nơi thánh giá gỗ vẫn nằm im lìm buồn thiu. Nhiều người phóng viên muốn gặp ông cha xứ nhưng cửa phòng đóng kín. Bên ngoài, một miếng giấy treo lên, “Please, do not disturb”. Mọi công chuyện trong nhà thờ do ông Trùm của giáo xứ, một người trung niên khoảng bốn mươi tuổi đảm nhiệm.

Hàng người vẫn dài, người ta cố gắng lay chuyển thánh giá. Và người ta tiếp tục thất bại. Hàng người chỉ tan biến lúc 11 giờ đêm là giờ nhà thờ đóng cửa. Cửa nhà thờ đóng lại, người người vẫn không bỏ về. Mãi đến khi những chiếc xe cảnh sát bật đèn, hú còi, đám đông mới chịu giải tán.

Tuyết vẫn rơi. Màn đêm buông xuống. Đêm đen dầy đặc bao phủ. Một ngày nữa, ngày 23 tháng 12 đã trôi qua.

Sáng 24 tháng 12, trời ngưng rơi tuyết. Mầu xám biến mất. Sáng 24, mặt trời đẩy sang một bên những khối mây xám xịt dầy đặc đã liên tục che kín mít bầu trời của tháng 12 hơn một tuần lễ. Những tia nắng bình minh đầu tiên nhẹ nhàng buông xuống rọi sáng tháp chuông nhà thờ. Ngôi sao Noel của tháp chuông vươn cao đón nhận những tia nắng bình minh như muốn tẩy sạch những hạt tuyết đang bám cứng trên mình.

7 giờ 30 buổi sáng, cánh cửa chính của nhà thờ được ông Trùm mở rộng. Những người đầu tiên trong hàng người dài bắt đầu tiến lên cung thánh. Hai người đầu tiên, cây thánh giá vẫn nằm im không động đậy.

Tới người thứ ba, rồi người thứ tư, thứ năm, cây thánh giá gỗ tiếp tục lặng câm. Và người thứ sáu… Mọi người giật mình, sững sờ nhìn lên cung thánh!

Ông Trùm tự tay giật chuông nhà thờ. Ba ngày nay tiếng chuông lặng câm. Giờ này tiếng chuông bừng dậy, hoan ca, reo vui! Chuông ngân dài! Chuông thánh thót! Chuông mừng vui! Tiếng chuông ngân dài vang xa trong bầu trời sáng sớm. Tiếng chuông thánh thót quyện tròn nhảy múa với những tia nắng lung linh rực rỡ. Tiếng chuông mừng vui báo hiệu một ngày mới đã bắt đầu.

8 giờ sáng, những màn ảnh truyền hình đang ngập tràn tin tức của thế giới với nhiều biến động bỗng nhiên dừng lại. Người xướng ngôn viên đài CNN xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, thông báo bản tin đặc biệt,

-Gần ba ngày rồi cây thánh giá gỗ trong nhà thờ không ai lay chuyển nổi. Sáng nay lúc 7:45 buổi sáng cây thánh giá gỗ đã được nâng dậy. Hiện giờ chúng tôi chưa biết tên của người này. Theo lời của những giáo dân trong xứ đạo sáng nay trên đường đi làm, bà ta ghé vào nhà thờ. Khi bà nâng cây thánh giá gỗ lên, cây thánh giá 60 pound nhẹ nhàng chuyển mình dưới đôi tay của bà ta. Theo như phóng viên của bản đài đang có mặt tại ngôi thánh đường, cây thánh giá đang được những người giáo dân treo vào vị trí cũ. Theo như chúng tôi được biết, chồng của người đàn bà và đứa con thứ hai vừa qua đời vào tháng 10 vừa qua, sau một tai nạn xe cộ trên xa lộ…

Tuyết lại rơi. Những hạt bông gòn trắng toát nhè nhẹ bay xuống. Chỉ trong thoáng chốc tuyết lại phủ trắng ngôi thánh đường, tuyết thổi trắng tháp chuông, và tuyết bám chặt những hàng cây thông xanh trong khu công viên nhà thờ. Tiếng chuông tiếp tục ngân nga. Chuông của mừng vui. Chuông của hạnh phúc. Chuông của bình an. Bình an ngập tràn trong tâm hồn của từng người trên trái địa cầu mầu xanh lơ vào những ngày cuối cùng của tháng 12. Mùa thanh bình lại ghé về thăm hỏi từng mái ngói, nhẹ nhàng gõ cửa từng căn nhà.

*** 

NĂM 1533, TIN MỪNG ĐƯỢC TRUYỀN VÀO VIỆT NAM

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO ĐƯỜNG LINK:

buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

NĂM 1533, TIN MỪNG TRUYỀN VÀO VIỆT NAM

Bùi Công Thuấn

           

Các nhà sử học Công giáo như Phan Phát Huồn CssR, Hồng Lam, Lm Trần Anh Dũng (Paris)… và Giáo hội Công giáo Việt Nam đều lấy năm 1533 là mốc lịch sử Tin Mừng truyền vào Việt Nam [1]. Căn cứ để chọn năm 1533 là thông tin trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, quyển XXXIII, trang 6 B (1856-1884), một chính sử của Việt Nam [2].      

NHỮNG KIẾN GIẢI CỦA LM VÕ ĐÌNH ĐỆ

            Trong bài viết: “Thực hư có giáo sĩ I-nê-xu lén truyền giáo ở Đại Việt năm 1533”[3], Lm Võ Đình Đệ đặt vấn đề về “mốc điểm truyền giáo ở Việt Nam”ghi trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục là “bịa đặt”. Ông viết:

            Tóm lại, sự kiện và nhân vật mà Tây Dương Gia Tô Bí Lục và Khâm Định Việt Sử viết về mốc điểm truyền giáo ở Việt Nam là một vấn đề tồn nghi lịch sử, thậm chí là sự bịa đặt của Tây Dương Gia Tô Bí lục, không thể tin tưởng”.

            Để đi đến một kết luận “chắc nịch” như vậy, trong bài viết trên, Lm Võ Đình Đệ lập luận như sau: Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục chép lại Tây Dương Gia Tô bí lục, mà cuốn sách này toàn những điều sai, thế nên điều Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục chép lại về năm 1533 cũng là sai.

            Các bước Lm Võ Đình Đệ triển khai lập luận như sau:

            Trước hết ông dẫn Đại Việt Sử Ký toàn thư, tiếp theo dẫn Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục. Sau đó dẫn ý kiến của Chu Thiên và Đinh Xuân Lâm. Ông cũng dẫn ý kiến của Trần Thanh Ái và Lm Bùi Đức Sinh O.P.

Mượn ý của Trần Thanh Ái, ông nhận định:

Một trong những lý do mà các nhà nghiên cứu nại vào để đưa ra quan điểm Khâm Định Việt Sử đã lấy nguồn từ Tây Dương Gia Tô Bí Lục về sự kiện I-nê-xu lén vào truyền giáo ở Đại Việt vào năm 1533 là dựa vào mốc điểm ra đời của hai tác phẩm và sự trùng hợp về chi tiết sự kiện. Tây Dương Gia Tô Bí Lục ra đời trước, được khởi thảo từ năm 1794 và được in năm Nhâm Thân, Gia Long 11 (1812). Khâm Định Việt Sử được bắt đầu biên soạn theo lệnh vua Tự Đức từ năm 1856, viết xong 1881, khắc in 1884.”           

Tiếp theo, Lm Võ Đình Đệ “điều tra” nguồn gốc lịch sử, địa lý của  nhân vật I-nê-xu và các địa danh Nam Chân, Quần Anh, Trà Lũ, Ninh Cường. Ông chứng mình rằng những nhân vật và địa danh ấy là không đúng với sự thật. Ông kết luận: “Xét về phương diện lịch sử truyền giáo của Giáo hội toàn cầu nói chung và Giáo hội Việt Nam nói riêng, Tây Dương Gia tô Bí Lục đầy dẫy những nhân vật và sự kiện lịch sử không có trong lịch sử mà không thể liệt kê dài dòng trong bài viết nầy. Ở đây chỉ nêu nhân vật Ingatio mà bài viết nầy đã đề cập”.

            Và từ nhận định ấy, Lm Võ Đình Đệ đã đặt vấn đề “về mốc điểm truyền giáo ở Việt Nam là một vấn đề tồn nghi lịch sử, thậm chí là sự bịa đặt của Tây Dương Gia Tô Bí lục, không thể tin tưởng”.

            Rất tiếc là tác giả không đưa ra một mốc lịch sử truyền giáo nào khác thay thế năm 1533.

THỰC CHẤT CỦA VẤN ĐỀ

  1. Mối quan hệ giữa Đại Việt Sử Ký Toàn Thư với Khâm Định Việt Sử Thông  Giám Cương Mục và Tây Dương Gia Tô Bí Lục.

            Đại Việt sử ký toàn thư (1697),Huyền Tông Mục Hoàng đế, năm thứ nhất (1663) viết:

            “Mùa đông, tháng 10, cấm người trong nước học đạo Hoa Lang. Trước đây, có người nước Hoa Lang vào ở nước ta, lập ra đạo lạ để lừa phỉnh dân ngu. Bọn đàn ông, đàn bà ngu dốt nhiều kẻ tin mộ. Trường giảng đạo người ở hỗn tạp, trai gái không phân biệt. Trước đã đuổi người giảng đạo đi rồi mà  sách đạo và nơi giảng hãy còn, thói tệ chưa đổi. Đến đây lại nghiêm cấm.”

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (1856), quyển XXXIII viết:

“Trước đây, có người Tây Dương gọi là Hoa lang di, vào ở trong nước ta đem đạo dị đoan của Gia tô lừa dối dụ dỗ làm ngu muội dân chúng, những người quê mùa nông nổi phần nhiều tin mộ đạo ấy, họ lập tòa giảng nghe giảng đạo, sự mê hoặc đắm đuối mỗi ngày càng sâu rộng. Trước đã hạ lệnh đuổi người truyền đạo ấy đi, nhưng còn bọn tiểu nhân thấm sâu vào tập tục ấy chưa thay đổi được, nên đến nay lại hạ lệnh cấm.”

Lời chua : Gia – tô: Theo sách Dã Lục, thì ngày tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533) đời Lê Trang Tông, người Tây Dương tên là Y-nê-xu lén lút đến xã Ninh Cường, xã Quần Anh huyện Nam Chân và xã Trà Lũ huyện Giao Thủy, ngấm ngầm truyền giáo về tả đạo Gia tô”.

Nhìn vào văn bản hai đoạn văn, người đọc nhận ra ngay Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục đã viết lại từ Đại Việt sử ký toàn thư, sau đó thêm phần chú giải (Lời chua) cho rõ. Chính văn ghi: “trước đây” không xác định thời gian thì phần chú giải ghi rõ thời gian là “tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất “(1533). Chính văn ghi ”Người Tây Dương” không cụ thể, phần chú thích ghi rõ “người Tây Dương” ấy là Y-nê-xu.           

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục là chính sử, nên nếu có “tục biên” cũng phải căn cứ vào Chính sử (là Đại Việt sử ký toàn thư) không thể “sao chép” lại một “dã sử” như Tây Dương Gia tô Bí lục. Vì những lẽ sau:

Đại Việt sử ký toàn thư được in 1697, trước Tây Dương Gia tô Bí lục (1812).

Tây Dương Gia tô Bí lục là một “ngụy thư” (sách giả) hoàn toàn bịa đặt, xuyên tạc với mục đích chống Ki tô giáo [4]. Nó không phải là một “sử liệu quý giá” như một vài người cố ý ngộ nhận vì mục đích chính trị. Hơn nữa cuốn sách này khi được khắc in năm 1812, tác giả Văn Hoằng cho biết:  ông đã “đóng cửa không ra khỏi nhà, tham khảo rộng thêm các sách truyện ký của người Tây Dương, dọn lại sách này một lần nữa, rồi thuê người viết chữ, khắc bản gỗ đem in để lưu hành cho công chúng đọc. Sách in xong, các nhà hàng bày bán ở các phố chợ trong thành Thăng Long (Năm Gia Long thứ 11 -1812).  Giám mục đốc chính cả kinh, liền xuất 30 nén bạc để mua hết số sách đã in ra và mua luôn cả bản khắc gỗ đem về tòa Tổng giám mục tiêu hủy. Văn Hoằng căm giận, giấu kín trong nhà một bản sao để dành cho hậu thế”[5]

Như vậy chính tác giả Văn Hoằng chỉ còn 1 “bản sao” để dành. Vấn đề là văn bản của Tây Dương Gia tô Bí lục chúng ta có hôm nay có phải là “bản sao” mà Văn Hoằng giữ hay không? Và cuốn sách này truyền đến hôm nay như thế nào? 

Ông Ngô Văn Thọ, người dịch Tây Dương Gia Tô bí lục cũng đặt vấn đề: “Chưa rõ bản sách do Nguyễn Văn Hoằng cất giữ đó có còn đến ngày nay hay không. Chỉ biết rằng về sau sách đó đã được lưu truyền và một truyền bản của nó đã đến với chúng ta. Đó là cuốn sách hiện lưu giữ tại Thư viện khoa Sử Trường đại học Tổng hợp Hà Nội mang ký hiệu HV26. Từ bản đó, năm 1962, Thư viện Khoa học trung ương (nay là Viện Thông tin khoa học xã hội) đã sao chép thêm một bản để tại thư viện ấy (ký hiệu VHv 2137)”.

Về khoa học nghiên cứu lịch sử, Tây Dương Gia Tô bí lục không phải là một văn bản khả tín để tham khảo. Quốc sử quán triều Nguyễn khi viết Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục không thể dựa vào một văn bản không có thật (bởi Văn Hoằng-tác giả của Tây Dương Giatô bí lục chỉ có một bản sao và đã cất giấu đi không ai biết) để viết lịch sử.

2.Xin đối chiếu 3 tác phẩm

  Lm Võ Đính Đệ dẫn ý kiến của  Trần Thanh Ái:các chi tiết liên quan đến việc các nhà truyền đạo Thiên chúa vào nước Đại Việt của hai tài liệu này trùng khớp với nhau hoàn toàn”. Điều này đúng hay sai?

  Bây giờ so sánh 3 đoạn văn:

 Đại Việt sử ký toàn thư (1697)cho biết: vào năm 1663 Lê Huyền Tông (1663-1671) cấm đạo Hoa Lang truyền bá ở nước ta:

            “Mùa đông, tháng 10, cấm người trong nước học đạo Hoa Lang. Trước đây, có người nước Hoa Lang vào ở nước ta, lập ra đạo lạ để lừa phỉnh dân ngu. Bọn đàn ông, đàn bà ngu dốt nhiều kẻ tin mộ. Trường giảng đạo người ở hỗn tạp, trai gái không phân biệt. Trước đã đuổi người giảng đạo đi rồi mà  sách đạo và nơi giảng hãy còn, thói tệ chưa đổi. Đến đây lại nghiêm cấm.”

  Tây Dương Giam Tô bí lục (1812) viết:

“Nước ta về thời Hậu Lê đời vua Trang Tông Dụ hoàng đế, năm Quý Tị niên hiệu Nguyên Hòa thứ I (1533), giặc Tây sai giám mục khâm mạng là Ingatiô lẻn vào lén lút truyền đạo ở làng Ninh Cường, huyện Nam Chân. Trước đó giám mục khâm mạng ở Ma Cao, qua dò la thăm hỏi người Tàu đã biết rõ phong tục và hiện tình nước Nam ta, bèn gửi thư về mật tâu với Giáo hoàng rằng: Nước Nam giáp với nước Thanh, có hai nơi thuận tiện cho việc truyền đạo: một là Gia Định, dân chúng hung hãn, cứng đầu; hai là Nam Chân, phong tục quê mùa cổ lậu. Vả lại ở nước ấy không có lệnh cấm dị ngôn dị phục, mà hiện nay thì hai họ Lê, Mạc đang tranh giành với nhau, trong nước nhiều việc, không ai rỗi mà soát xét những việc nhỏ nhặt. Xin sai giám mục Ingatiô làm khâm mạng, theo thuyền biển mà sang, bảo viên ấy rằng: Nam Chân là nơi phong tục cổ xưa thô lậu, nên đến đó trước”.

Ingatiô sang đến nước ta bèn lẻ vào cư ngụ ở các làng Quần Anh, Trà Lũ, Ninh Cường, đến đâu đều cho tiền, phát thuốc, khiến cho những kẻ ngu khờ phải mang ơn mà chịu nghe giảng đạo. Từ đó đạo Gia Tô mới bắt đầu lan đến nước ta. Về sau môn đồ của Ingatiô đều được phong làm giám mục, xin được lấy tên thánh của thầy làm tên của dòng đạo. Nhưng Ingatiô khiêm tốn không dám nghe theo, chỉ lấy tên Jêsu làm tên gọi của dòng. Từ đó nước ta bắt đầu có giặc Tây Dương lẻn vào cai quản”.

Và đây: Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục viết:

“Trước đây, có người Tây Dương gọi là Hoa lang di, vào ở trong nước ta đem đạo dị đoan của Gia tô lừa dối dụ dỗ làm ngu muội dân chúng, những người quê mùa nông nổi phần nhiều tin mộ đạo ấy, họ lập tòa giảng nghe giảng đạo, sự mê hoặc đắm đuối mỗi ngày càng sâu rộng. Trước đã hạ lệnh đuổi người truyền đạo ấy đi, nhưng còn bọn tiểu nhân thấm sâu vào tập tục ấy chưa thay đổi được, nên đến nay lại hạ lệnh cấm.”

Lời chua: Gia – tô: Theo sách Dã Lục, thì ngày tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533) đời Lê Trang Tông, người Tây Dương tên là Y-nê-xu lén lút đến xã Ninh Cường, xã Quần Anh huyện Nam Chân và xã Trà Lũ huyện Giao Thủy, ngấm ngầm truyền giáo về tả đạo Gia tô

So sánh 3 đọan văn trên, người đọc thấy rõ Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục viết lại từ Đại Việt sử ký toàn thư. Phần chính văn được viết lại gần như nguyên văn. Phần “Lời chua” thì giống với Tây Dương Gia tô bí lục, căn cứ vào “Dã lục”.

Vấn đề là chi tiết về “dã lục”. Lm Võ Đình Đệ dẫn lời của Trần Thanh Ái nhận định rằng: “…nhiều chi tiết cho phép nghĩ rằng dã lục mà Khâm định Việt sử thông giám cương mục sử dụng để nói về việc người Tây dương đến truyền đạo chính là tài liệu Tây dương Gia tô bí lục…”.

Nhận định cho rằng “Dã lục” trong Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục chính là Tây dương Gia tô bí lục không thể thuyết phục vì:

Như tôi đã nói ở trên, sau năm 1812, Tây dương Gia tô bí lục chỉ còn một “bản sao” do Văn Hoằng giữ.  Quốc sử quán triều Nguyễn  không thể dựa vào một văn bản không có thật (bởi Văn Hoằng-tác giả của Tây Dương Giatô bí lục đã cất giấu đi không ai biết) để viết chính sử.

Xin lưu ý rằng, Phạm Công Trứ và các cộng sự của ông được Chúa Trịnh Tạc giao cho khảo đính và viết tiếp Đại Việt Sử Ký Toàn thư. Phạm Công Trứ viết từ năm 1533 đầu đời Lê Trang Tông đến năm 1662 cuối đời Lê Thần Tông. “Nguồn tư liệu mà nhóm Phạm Công Trứ dựa vào để biên soạn giai đoạn lịch sử này gồm “dã sử của Đăng Bính“,sách sót lại của người đương thời dâng hiến“[6]. Trong Đại Việt Sử Ký Toàn thư giai đoạn này có nhiều lời bình của Đăng Bính.

Vậy nếu Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục có ghi “lời chua” về “dã lục”, chắc chắn đó là dã sử của Đăng Bính. Bởi vì phần chính sử đã chép của Đại Việt Sử Ký Toàn thư, thì phần chú thích (Lời chua) cũng sẽ lấy nguồn “dã sử” từ chính sử. Không thể chép phần đầu của Đại Việt Sử Ký Toàn thư , còn phần “Lời chua” lại chép của Tây Dương Gia Tô bí lục.

Hơn nữa, năm 1812 chỉ Văn Hoằng còn duy nhất một “bảo sao” Tây dương Gia Tô bí lục, thì ai còn bản nào khác để Quốc sử quán triều Nguyễn mượn mà viết  Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục (1856-1884).

Và sau 70 năm (Tây dương Gia Tô bí lục in năm 1812. Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục được khắc in 1884), liệu lúc ấy Văn Hoằng có còn sống mà cho Quốc sử quán triều Nguyễn mượn không?

Nói vắn tắt, Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục là chính sử, thì chỉ có thể viết tiếp nối chính sử trước đó là Đại Việt Sử Ký Toàn thư. Không có chuyện Quốc sử quán triều Nguyễn lại dựa vào một loại “ngụy thư” như Tây Dương Gia Tô Bí lục để viết chính sử.

3.Một sử liệu khác:

Năm 1931, khi in lại cuốn Xứ Đàng Trong [7] của Borri (1631), trong “Lời nói đầu”, A. Bonifacy- Đặc phái viên của Trường Viễn Đông bác cổ tại Việt Nam, cũng là giáo sư lịch sử bản xứ tại Trường Đại học Hà Nội -đã viết:

“Năm Nguyên Hòa nguyên niên (đời vua Lê Trang Tông), tức năm 1533, có chỉ dụ cấm một người đến từ vùng biển (Dương nhân) nhân danh Jésus (Gia-tô giảng đạo trong các làng Ninh Cường và Quân Anh thuộc huyện Nam Chân, nay là Nam Trực và trong làng Trà Lũ huyện Giao Thủy, tỉnh Sơn Nam, nay là Nam Định. Người đàn ông đó tên I-ni-khu, có nghĩa là Inigo (Ignace). Đó có lẽ là một vị thừa sai đến từ Malacca”.

Rất tiếc A. Bonifacy không ghi nguồn của sử liệu này. Ông viết như một điều đã thành hiển nhiên. Chúng ta cần lưu ý đến nhân thân của ông là Đặc phái viên của Trường Viễn Đông bác cổ tại Việt Nam, và là giáo sư lịch sử bản xứ tại Trường Đại học Hà Nội. Bài viết của ông trong cuốn Xứ Đàng Trong tiếp ngay dưới bài của L. Cadière, một nhà Việt Nam học uy tín.

Trường hợp của A. Bonifacy viết về năm 1533, chúng ta đánh giá thế nào? Liệu có thể kết luận như Lm. Võ Đình Đệ rằng A. Bonifacy cũng lấy nguồn từ Tây Dương Gia Tô bí lục không? Một “giáo sư lịch sử” như A. Bonifacy chắc chắn phải dựa trên một cứ liệu đáng tin cậy để viết (lúc ấy không ai biết cuốn Tây Dương Gia Tô bí lục đang lưu lạc ở đâu).

KẾT LUẬN

Có thể xác định điều này: Phần lịch sử trong quyển IX của Tây Dương Gia Tô bí lục là do người sau viết thêm vào, vì có nhắc đến những sự kiện sau 1812 như chiến tranh nha phiến ở Trung Quốc (1840-1842) và (1856-1860)…Vì thế, phần viết về năm 1533 cũng là phần do người khác viết thêm vào sau này, chắc chắn là sau chiến tranh nha phiến ở Trung Quốc (1860).

Khâm Định Việt sử thông giám cương mục được khởi viết từ 1856. Như đã trình bày ở trên,  nó độc lập với Tây Dương Gia tô bí lục. Những ý kiến cho rằng “Khâm Định Việt Sử đã lấy nguồn từ Tây Dương Gia Tô Bí Lục” chỉ là những võ đoán.

Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim viết năm 1919 (cuốn sách lịch sử đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ), phần “Tự chủ thời đại”, chương VII: “Người Âu sang nước Nam”, mục: “Sự đi truyền đạo” cũng trích Khâm Định Việt sử thông giám cương mục nói về năm 1533.

Bộ Lịch sử Việt Nam của Viện Sử học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Tập 4: Từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII. Nxb Khoa học xã hội- 2017, tr. 500 cũng ghi:

            “Đến thế kỷ XVI, việc truyền giáo vào Việt Nam đã được xúc tiến mạnh hơn. Sách Việt sừ thông giám cương mục còn ghi lại sự kiện vào năm 1533, dưới đời vua Lê Trang Tông có một giáo sĩ phương Tây tên là Inêkhu (Ignatio) đã lén lút đến các xã Ninh Cường, Quần Anh (huyện Nam Chân) và Trà Lũ (huyện Giao Thủy) thuộc ven biển Nam Định để bí mật truyền đạo, nhưng không thu được kết quả”.( Cương mục, quyển 33, tập II, Sđd, tr. 301)

Năm 1533, Tin Mừng được truyền vào Việt Nam là năm được chính sử của Việt Nam ghi nhận, đó là một cứ liệu đáng tin cậy.

Bùi Công Thuấn tháng 11/2021

   ________________________

[1] Lm. Phanxicô Đào Trung Hiệu, OP: Lược Sử Giáo Hội Việt Nam -Dấu Ấn 350 Năm Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Nhà Xuất Bản Đông Phương, 2010
-Lm Trần Anh Dũng, Paris: SỬ LƯỢC GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM ( 1533 – 2000 )

http://www.simonhoadalat.com/hochoi/giaohoivn/LichSu/LichSuGHCGVN.htm

-Hồng Lam: Lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam-chú giải của L. Cadière-Đại Việt Thiện bản Huế 1944

-Phan Phát Huồn CssR: Việt Nam Giáo sử, quyển 1, in lần II, năm 1965 tr. 35

-Lm Vinc Bùi Đức Sinh OP: Lịch sử giáo hội Công Giáo.Nxb Chân Lý, Sài Gòn 1972, được tái bản có hiệu đính, tại California, USA năm 2001.

[2] Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mụcq. XXXIII, tập II, tr. 301, Viện Sử học, NXB. Giáo dục 1988

[3] Võ Đình Đệ: “Thực hư có giáo sĩ I-nê-xu lén truyền giáo ở Đại Việt năm 1533

https://gpquinhon.org/q/truyen-giao/thuc-hu-co-giao-si-inexu-len-truyen-giao-o-dai-viet-nam-1533-4918.html

[4] Bùi Công Thuấn: Tây Dương Gia Tô bí lục-Những nghi vấn

[5] Tây Dương Gia Tô bí lục: Quyể IX

[6] Đại Việt Sử ký toàn thư-https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A1i_Vi%E1%BB%87t_s%E1%BB%AD_k%C3%BD_to%C3%A0n_th%C6%B0

[7] Cristoforo Borri: Xứ Đàng Trong-Thanh Thư dịch-Nxb Tổng hợp TpHCM. 2019

THƠ SƠN CA LINH

Giới thiệu những khuôn mặt thơ Công giáo đương đại

THƠ SƠN CA LINH

Bùi Công Thuấn

***

Nhà thơ Sơn Ca Linh

Sơn Ca Linh là bút danh ghi dưới tên những bài thơ của Lm Giuse Trương Đình Hiền [1]. Ngài hiện là Tổng Đại diện Giáo phận Quy Nhơn. Tôi cần giới thiệu rõ điều này, bởi vì là một Linh mục, khi diễn ngôn, nhà thơ Sơn Ca Linh sẽ phải tự giới hạn đề tài, phạm vi phản ánh cuộc sống, và thái độ với hiện thực. Linh mục là người của Chúa, là hiện thân của Đức Giêsu giữa đời thường hôm nay, vì thế một nhà thơ Linh mục không thể viết như một người thế tục. Sự chọn lựa đề tài, nội dung, cách thể hiện tư tưởng và nghệ thuật của nhà thơ Linh mục đều kín múc từ Kinh thánh và hướng đến mục đích loan báo Tin Mừng. Nhưng một nhà thơ loan báo Tin Mừng sẽ khác với một Linh mục giảng Kinh thánh trên tòa giảng.

Tôi sẽ chỉ nói đến phẩm chất thi nhân của Sơn Ca Linh trong thơ. Tôi đã đọc hơn 200 bài thơ của Sơn Ca Linh đăng trên trang web của Giáo phận Quy Nhơn. Quả thực thơ Sơn Ca Linh có nhiều điều cuốn hút tôi. Đó là một cánh đồng nghệ thuật phong phú sắc màu, trên đó hiện lên khuôn mặt nhà thơ vừa thâm trầm sâu sắc vừa dung dị hồn nhiên và có nhiều đường nét mới lạ.

CÁNH ĐỒNG NGHỆ THUẬT ĐA SẮC MÀU

Phẩm chất thi nhân của một người làm thơ (nhà thơ) được xác định trước hết là ở sự sáng tạo những tứ thơ mới lạ giàu thẩm mỹ, ở những quan sát tinh tế, những xúc cảm mãnh liệt của một trái tim ngân rung tình yêu Con người và ở khả năng làm mới ngôn ngữ để thể hiện Cái Đẹp. Nhà thơ, người sáng tạo Cái Đẹp. Trái lại, Thợ thơ (chữ của Nam Cao), là người làm theo quán tính bắt chước, hô những khẩu hiệu nhạt nhẽo.

Thơ Sơn Ca Linh có những hạt châu ngọc của ca dao. Bài ca dao “Trâu ơi” là một bài ca dân dã rất đẹp cả về hình tượng và tư tưởng. Sơn Ca Linh có bài “Gọi trâu” cũng với vẻ đẹp trân quý như vậy. Sự sáng tạo là ở khả năng khám phá và nâng cao tư tưởng cánh đồng cỏ với con trâu trong thơ ca dân tộc thành cánh đồng truyền giáo.

GỌI TRÂU
(Chút cảm nhận về “Trâu” và “cánh đồng truyền giáo”)

“Trâu ơi ta bảo trâu nầy,
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”
Kẻo mùa xuân lại đi qua,
Hạ về đông lại nước ra đầy đồng…
Cây xoan vừa mới trổ bông,
Bờ quê vạn thọ đã hồng môi xinh.
Gió mùa xuân nắng thuỷ tinh,
Luống sâu chân bước có mình với ta.
Bùn lầy nước đọng nẻo xa,
Con chim én liệng reo ca lưng trời.
Bây giờ vất vả đầy vơi,
Mùa lên trĩu hạt… trâu ơi, ngại gì!

Thơ Sơn Ca Linh cũng có những bài mang vẻ đẹp của thơ Lãng mạn: giàu có về nhạc điệu. Tứ thơ đầy sắc màu và cái tôi trữ tình tha thiết mênh mang. Sự khác biệt với thơ Lãng mạn là ở chỗ thơ Lãng mạn đẩy Cái Tôi cá nhân lên mức cực đoan, còn thơ lãng mạn của Sơn Ca Linh lại lấp lánh vẻ đẹp Đời Dâng hiến.

Yên lặng lắm mới nghe lời thỏ thẻ,
Và lắng tai mới rõ tiếng thì thầm.
Có ai qua xin bước dùm bước nhẹ,
Kẻo giật mình mà cỏ lại lặng câm!…
            (Lời thì thầm của cỏ)

Mỗi mùa thu trở lại,
Ta nghe rộn ràng những bước đi xa…
Chẳng phải lá vàng, như những khúc tình ca,
Về cội đất như một lần vĩnh biệt.

Chẳng phải sông kia, lời tạ tình tha thiết,
Xa biệt bãi bờ để tan biến giữa đại dương.
Chẳng phải áng mây lãng đãng tím hoàng hôn,
Chợt mất hút cuối chân trời biêng biếc…
            (Mùa thu và những chuyến đi xa – Mến tặng các nữ tu qua những lần “chuyển xứ” vào mỗi dịp mùa thu-tháng 9)

Thơ Đường luật của Sơn Linh Ca rất chuẩn mực về niêm luật nhưng lại rất mới ở nội dung Kinh thánh. Đường luật cổ điển đầy dẫy điển tích Trung Quốc. Đường luật của Sơn Ca Linh dung dị với những điển ngữ “nhà đạo”.

“Phố thánh vườn thiêng” rạng đỉnh đồi (1),
Trinh nguyên e ấp đoá “Môi Khôi” (2),
Rạng ngời sắc thắm soi muôn cõi,
Bát ngát hương thiêng toả khắp nơi.
“Bốn Sự nhiệm mầu” (3) ơn Cứu độ,
“Mười Kinh thánh đức” (4) phúc Tin Vui.
Hoa hồng muôn cánh dung nhan Mẹ,
Ngập lối linh ân mãi tận trời !
            (Đường luật Mân Côi)[2]

Đặc sắc thơ Sơn Linh Ca là những bài thơ tự do. Những bài thơ này phá cách về số câu số chữ nhưng vẫn giữ âm điệu của thể thơ 7- 8 chữ. Bài thơ có cấu trúc lập luận. Có khi là lập luận tương phản: tương phản giữa Kinh thánh và thế tục; có khi là lập luận theo tuyến tính “xưa-nay”; nhiều bài có cấu trúc quy nạp, các luận cứ dẫn đến kết luận ở cuối bài. Sơn Ca Linh kết hợp cấu trúc lập luận với tự sự (kể truyện) và “cảm nhận” vấn đề, vì thế bài thơ được kiến tạo đa tầng: kết nối lịch sử với hiện tại, kết nối Kinh thánh với cuộc đời, kết nối những vấn đề chung với “cảm nhận” riêng của tác giả. Những bài thơ này định vị một phong cách thơ rất riêng của Sơn Ca Linh so với thơ Xuân Ly Băng, Trăng Thập Tự, Lê Đình Bảng.

Sơn Ca Linh cũng khai phá một con đường nghệ thuật mới mẻ so với thể “Diễn ca” và thể “Huấn ca” truyền thống của thơ ca Công giáo. Con đường này vượt trội so với kiểu “Thơ ca cầu nguyện” mà nhiều tác giả giáo dân hiện nay đang theo đuổi. “Diễn ca” là diễn Kinh thánh (văn xuôi) thành ca vè để dễ học dễ thuộc. “Thơ ca cầu nguyện” cũng diễn ca Kinh thánh, từ đó viết thêm phần cầu nguyện (thường là theo một công thức nhất định). Cả hai lối thơ “Diễn ca” và “thơ ca cầu nguyện” đòi buộc người viết phải giữ trung thực ý và lời của Kinh Thánh, vì đó là Lời Chúa. Nếu viết khác (chẳng hạn, chỉ lấy ý không giữ Lời) thì sẽ là sự xuyên tạc. “Cảm nhận” cho phép nhà thơ hoàn toàn xây dựng hình tượng, kiến tạo tác phẩm theo ý của mình. Sức hấp dẫn của thơ Sơn Ca Linh chính là ở những “cảm nhận” rất riêng, rất mới và những sáng tạo có tính đột phá này. Xin đọc:

ĐÊM, VÀ NHỮNG BƯỚC CHÂN BUỒN !
(Chút cảm nhận Tin Mừng thứ Ba Tuần Thánh : Ga 13,21-33.36-38)

Trang Tin Mừng “Thứ Ba Tuần Thánh”,
Tông Đồ Gioan kể câu chuyện sắp vào đêm:
“Nhóm Mười Hai” với Thầy, bữa cơm chiều ấm êm,
người tựa ngực, kẻ kề vai, chén thù chén tạc…

Đang giữa bữa bỗng mọi người ngơ ngác
“Giữa anh em đang có kẻ nộp Thầy”!
Không lẽ… Không lẽ…. chính là đây?
“Người nhận chính tấm bánh Thầy trao đó!”

Tiếng cười vẫn râm ran, giờ bỏ ngỏ…
Khi Giu-đa vừa lặng lẽ ra đi.
Hoàng hôn đen chợt ùa đến tức thì,
Theo bén gót nhạt nhoà sâu mất hút !

Thế giới muôn nơi, vẫn những đêm dài côi cút,
Những bữa cơm chiều của phản bội, chia xa.
Những bước liu xiu ngập bóng tối lạc loà,
Chồng bỏ vợ, mẹ lìa con, thầy trò chối bỏ…

Chuyện “Bữa cơm chiều” của ngày xưa còn đó,
Bước chân buồn Giu-đa lại trở về!
“Mái ấm Tiệc Ly”, câu chuyện tình duyên nợ!
Nhắc ai đừng chọn “bóng tối chia ly”!
           (Thứ Ba Tuần Thánh 2019)

Ba khổ thơ đầu là kể chuyện Kinh thánh (tự sự), là luận cứ thứ nhất. Khổ thơ thứ tư kể chuyện thế giới hôm nay, là luận cứ thứ hai (tuyến tính thời gian “xưa-nay”). Hai câu kết là chủ đề. Luận cứ 1 và luận cứ 2 dẫn đến chủ đề, đó là cấu trúc quy nạp. Nhạc thơ là nhạc của thể thơ 7-8 chữ phá cách. Bút pháp kể chuyện (tự sự) kết hợp với “cảm nhận” tạo nên sự sinh động của nội dung và sâu sắc về tư tưởng. Khổ thơ thứ 3 là một tứ thơ rất mới lạ gây ấn tượng mạnh. Diễn ngôn của thơ là loan báo Tin Mừng (kể lại chuyện Kinh Thánh) và thuyết phục (không phải là giáo huấn kiểu “Huấn ca”) người đọc tin vào Kinh thánh.

Một đặc sắc khác của thơ Sơn Ca Linh là không có sự xuất hiện chủ thể diễn ngôn (“Cái Tôi”) cá nhân. Điều này rất khác với thơ trữ tình. Nhân vật “Tôi” trong thơ trữ tình che khuất cả bài thơ. Nguyễn Bính: “Nắng mưa là bệnh của trời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”. “Tôi” sánh ngang với “trời”. Trong thơ Sơn Ca Linh, nhà thơ (tác giả) hóa thân vào nhân vật, nói tiếng nói của nhân vật. Vì thế tiếng thơ là tiếng nói của đông đảo công chúng. Ta nghe được tiếng của người xưa và tiếng của ngày hôm nay. Thời gian và không gian thơ là một thế giới đồng hiện.

Trong thơ Sơn Ca Linh, khi “Tôi “lên tiếng, có khi là tiếng nói của các tông đồ (Cứ ngỡ là dư ảnh), có khi là tiếng nói của đám đông (Bình minh “ngày thứ nhất trong tuần”), là lời trò chuyện của đôi uyên ương (Thỏ thẻ mùa xuân), là “tụi tui”, một lũ bạn bè lúc nhỏ (Tết và mùi hương hoa cũ; Chuyện kể “Têrêsa nước ra đầy đồng”), là lời của Đức Giêsu (Biết đến bao giờ), lời của “một người khô đạo” (Xin mời Ngài nán lại), lời của bà mẹ buôn gánh bán bưng (Ai sầu hơn ai), lời của công chúng luận tội Giuđa (Nghĩ…tội Giuđa), lời của chậu hoa mãn nguyện vì có một mùa xuân thánh thiện (Tâm sự chậu hoa tết ở nhà thờ), lời của Đức cha Vinc Nguyễn Văn Bản về thăm Làng Sông (Bỗng dưng nghe lời của mẹ); lời của Cái Ta hòa trong nhiều con người (Khúc niệm ca Tuần Thánh; Lời phán xét chiều nay). Cũng có khi Sơn Ca Linh bộc lộ trức tiếp “Cái Tôi trữ tình”, nhưng rất hiếm, nhưng Cái Tôi ấy mang phẩm chất của Đức tin, không phải là “Cái tôi” vị kỷ trong thơ Lãng mạn (Ta mừng tuổi ta; Chiêm niệm; Như cánh hoa vừa rụng; Ta tìm trở lại con đường ấy). Sự đa dạng của “Cái Tôi” trữ tình trong thơ Sơn Ca Linh là một đặc điểm phong cách, tạo nên sự phong phú nghệ thuật của giọng điệu thơ, giọng đa thanh hiện đại.

Xin đọc Dẫu đời anh mang nhiều vết sẹo. Đây là lời tự tình của “Anh” nói với “Em”. Bài thơ xây dựng được hình tượng Đức Giêsu qua một góc “cảm nhận” rất trung thực, nhưng rất lạ. Giọng thơ (giọng của Đức Giêsu) cũng là giọng khác hẳn với những gì người giáo dân quen được nghe Chúa nói trong Kinh thánh (Chúa phán, Chúa nói, Ta bảo thật các ngươi. Người mở miệng dạy họ, Người bảo các ông…): Câu Kinh thánh dùng làm đề từ là: (Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ga 20,17)

Chẳng giấu gì em,
Quá khứ đời anh cả một trời bất hạnh,
Long đong nhiều ngay tự buổi mới sinh.
Giữa mùa đông lạnh máng cỏ hôi tanh,
Mẹ mượn đỡ chút hơi lừa sưởi ấm…

Chưa dứt sữa phải lao lung lận đận,
Theo mẹ cha trôi nổi kiếp di cư.
Hết bị người đời truy sát loại trừ,
Lại phải phận nghèo mồ hôi ướt áo…

Tay chai sạn đổi bát cơm hạt gạo,
Sáng cưa chiều đục, mưa nắng dãi dầu
Kiếp thợ nghèo luôn thiếu trước hụt sau,
Thân bèo bọt mãi trầy vi tróc vảy…

Chẳng giấu gì em,
Tuổi 33 mà công chưa thành danh chưa toại,
Hết bị đồng hương ném đá khinh chê,
Người thông luật, giới tăng lữ, kết án đủ bề,
Cả môn sinh cũng hè nhau chối từ phản bội…

Và cuộc đời anh, bây giờ em thấy đó,
Ghi trên thân mình hằn đủ vết thương đau,
Tay chân, cạnh sườn in vết sẹo sâu,
Là chứng tích của câu chuyện dài “Thập Giá” !

Thân xác phục sinh,
Mà mang toàn vết sẹo, quả là chuyện lạ !
Nhưng lại là chứng tích oai hùng của Vượt Qua.
Dấu tình yêu muôn đời và khắp cõi bao la,
Nên em ơi,
Có yêu anh, tin anh,
Em hãy đón nhận anh với muôn ngàn vết sẹo !
            (Tuần Bát Nhật Phục Sinh 2019)

Ngôn ngữ trong thơ Sơn Ca Linh là ngôn ngữ hướng về công chúng, có nhiều “khẩu ngữ”, có nhiều trích dẫn và đôi khi là “chơi chữ” dân gian, có tính hài. Khi nhà thơ hướng về công chúng, nói chuyện, chia sẻ với công chúng; kêu gọi, cổ vũ công chúng, hoặc nhắc nhở thân tình, thì nguyên tắc giao tiếp cần có là dùng ngôn ngữ của công chúng, ngôn ngữ đương đại với nhiều khẩu ngữ. Đây cũng là đặc trưng nổi trội của thơ ca dân gian. Ngôn ngữ giàu hình ảnh, có sức gây ấn tượng lâu dài. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng, khẩu ngữ sẽ làm mất đi vẻ đẹp ngôn ngữ thơ ca. Điều ấy tùy thuộc vào tài năng của nhà thơ. Bài thơ sau đây, khẩu ngữ được sử dụng rất hay:

“Thích quá đi thôi,
Những cành lá xanh, gần gũi, dung dị tự thuở nào,
Vừa che mát, vừa biểu cảm tâm tình đơn sơ chân chất.

Chúa cũng thích mà,
Chỉ một “chú lừa con”, đâu cần lọng vàng, cờ quạt.
Những cành lá xanh, đủ rồi, cho một cuộc “Giá lâm”!
“Hổng phải sao”, 33 năm trước, nơi hang lừa máng cỏ tối tăm,
Ngài đã đến, đã bỏ ngai trời giáng thế.

Rồi suốt 30 năm,
Cái đục, cái cưa, cái chàng, cái búa…,
Kiếp thợ mộc nghèo, nào “Thượng Đế có từ nan”!
3 năm rao giảng, hết lên bắc lại xuống nam,
Đôi chân đất, nhiều phen đói lòng, khô khát…!
Bên bờ giếng Samari : “Chúa mà xin nước!”
Trên thuyền Phêrô, “ngủ gà ngủ gật”, thấy mà thương!

Chim sẻ trên cây, cánh huệ bên đường,
Hèn chi, Ngài đã mượn làm “dụ ngôn phó thác”!
Vì đã hiểu, quyền lực, giàu sang… chẳng qua là cỏ rác,
Nên Chúa hồn nhiên yêu chuộng kiếp sống nghèo.

Nên đến cuối đường,
phụ nữ, trẻ em, bọn cùng đinh…vung cành lá vang reo:
“Hoan hô Đấng Nhân Danh Chúa mà đến” !…”

                            (Nét hồn nhiên của Chúa)

NHỮNG VẤN ĐỀ TƯ TƯỞNG

Sơn Ca Linh làm thơ về các mùa phụng vụ, về những sự kiện, những sinh hoạt tôn giáo; hoặc những vấn đề đời thường thách thức lương tâm Công giáo. Đó là những “cảm nhận” Kinh thánh mùa Giáng sinh, mùa Phục Sinh, về Đức Mẹ, các thánh; các sinh hoạt mục vụ đời thường như Mừng thụ phong Linh mục, Mừng lễ khấn dòng, về Đời dâng hiến, Khai mạc Năm Thánh, Đức Giám mục thăm mục vụ, Mừng bổn mạng, đưa tiễn người qua đời, Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng thánh đường và các hiện tượng đời sống hàng ngày như bão lụt, dịch Covid, suy tư về thân phận người phụ nữ, …Mỗi bài thơ thường có một câu Kinh Thánh làm đề từ định hướng người đọc về nội dung, chủ đề thơ, từ đó nhà thơ sáng tạo câu chuyện, xây dựng hình tượng, chọn lựa cách viết và khám phá “sứ điệp’ của Tin Mừng.

Nhưng nếu chỉ là vậy thì thơ Sơn Ca Linh sẽ tan vào dòng thơ “diễn ca”, thơ “Huấn ca” truyền thống, không để lại ấn tượng gì. Xin lưu ý rằng, ngay sau nhan đề bài thơ, tác giả thường ghi: “Chút cảm nhận về sứ điệp Tin Mừng”, “Chút cảm nhận Phục Sinh”, “Chút cảm nghiệm về Chúa Thánh Linh”, “Một thoáng suy niệm về Thánh Giuse”, hoặc “Chút suy tư từ chuyện “cách ly mùa Covid” và “tấm lá của A-đam, E-va”; hoặc “Chiêm niệm”, “Chút hoài niệm về…” , “Chút cảm nhận hoài niệm 45 năm “hải chiến hoàng sa”nghĩa là, thơ Sơn Linh Ca không phải chỉ là “diễn ca”, mà là thơ tư tưởng, là suy tư về những vấn đề tư tưởng.

Vấn đề tư tưởng căn cốt nhất trong thơ Sơn Ca Linh là sự hiện hữu của Đức Giêsu trong thế giới hôm nay. Đức tin Công giáo dạy chúng ta rằng, Đức Giêsu là đấng Cứu độ duy nhất. Người hiện hữu với chúng ta hàng ngày mãi đến ngày tận thế. Nhưng trong nhận thức xã hội, Đức Giêsu chỉ là con người lịch sử, một nhà sáng lập tôn giáo, một nhà tư tưởng, một nhà cách mạng. Đó là một con người đã sống cách nay hơn 2000 năm, một nhân vật của quá khứ như nhiều nhân vật khác. Sơn Ca Linh đã tập trung khắc họa hình tượng Đức Giêsu đang ở giữa chúng ta, trong mọi cảnh ngộ, chia sẻ mọi nỗi niềm với chúng ta, và đem đến cho chúng ta ơn Cứu rỗi.

Xin đọc

NGÀI ĐI NGANG QUA NƠI ẤY
Thấy Đức Giêsu đi ngang qua… (Ga 136)

Đâu có tình cờ,
Chẳng phải bàng quan,
Hơn một lần “Ngài đi ngang qua nơi ấy”!

Nơi có những chàng trai mộng đời đang dậy,
Có thuyền, có lưới,
có cha mẹ già có cả người yêu…
Ngài đi ngang qua để lại đôi mắt diễm kiều,
“Con mắt có đuôi” mang tia nhìn vẫy gọi!

Ngài đi ngang qua,
Như để có người “bước theo” và đi tới,
Tìm minh quân, tìm ngọc quý, tìm cả kho tàng…
Hay để có người, khước từ cả “nghĩa tào khang”,
Chỉ để được “ở lại với Ngài” mà thọ giáo!

Ngài đã đi ngang qua trên vạn nẻo đường thế giới,
Để người mù trông thấy, để kẻ què đứng lên,
Để những bọn phần thu, cùi hủi… không tên,
có bánh được chia đều, được tiệc tùng rượu mới…

Ngài đã đi ngang qua để sẵn sàng đứng đợi,
Đợi người con tả tơi phóng đảng quay về,
Đợi Lêvi bỏ bàn thu thuế, đợi tiệc của Giakê
Đợi giọt nước mắt ăn năn của cô nàng gái điếm…

Ngài đi ngang qua,
Để chạnh lòng, để bao dung tìm kiếm,
Tìm những con chiên lạc vai vác mang về,
Để trao con trai
Cho những “bà goá mất con” đẫm lệ tái tê,
Và những “thiếu phụ lộn chồng” được phục hồi phẩm giá…

Ngài đã đi ngang qua,
Để Bắc, Trung, Nam không con là những “Samari xa lạ”,
Và trên vạn nẻo “Giêricô”,
ai cũng chợt nhận mình là lân cận anh em!
Để những người công nhân “giờ thứ mười một” vững tin,
lương bổng đủ đầy trong “Vườn Nho Nước Chúa”…

Và Ngài đã đi qua,
Nơi ấy “Canvê” một chiều nắng úa,
Bụi bặm, hỗn hào, thập giá, máu loang…
Nơi ấy “mộ hoang” một sáng huy hoàng,
Đường Giêrusalem ngập “Tin mừng Sống lại”!

Và hôm nay,
Ngài vẫn đi ngang qua những “con đường xưa ấy”,
Vẫn “ánh mắt có đuôi” vang tiếng gọi mời:
“Hãy đến mà xem”,
Xem gì, chẳng nhà, chẳng chỗ, chẳng nơi…
cả “viên đá gối đầu” cũng không,
vâng, chỉ Ngài thôi, Đường, Sự Thật, Sự Sống!

            Đọc bài thơ, chúng ta nhận ra Đức Giêsu gần gũi biết bao. “Và hôm nay,/ Ngài vẫn đi ngang qua những “con đường xưa ấy”, vẫn vang tiếng gọi mời chúng ta.

Khả năng tổng hợp Kinh thánh của Sơn Linh Ca thật tuyệt vời; những suy niệm, khám phá, cảm nghiệm của nhà thơ đã khắc tạc một cách sống động hình ảnh Đức Giêsu đang ở bên ta mỗi ngày trên vạn nẻo đường. Hình ảnh này, nghiệm suy này làm phong phú hơn những gì người giáo dân được nghe giảng trong nhà thờ về Đức Giêsu, bởi đây là hình tượng văn học, hình tượng tư tưởng-thẩm mỹ, khác với những tín niệm Thần học, triết học về Đức Giêsu. Xin đọc thêm các bài thơ: Nét hồn nhiên của Chúa, Dẫu đời anh mang nhiểu vết sẹo, Dấu chân Ngài trên bãi bờ cuộc sống, Bước chân của đấng Emmanuel, Ta vẫn đợi chờ con, Thiên thu anh vẫn đợi chờ, Nắm lấy bàn tay con, Biết đến bao giờ, Câu chuyện dòng sông, Lỡ một chuyến đò vui, Con thuyền xưa đã quên đâu, Bản xét mình mùa chay, …

Vấn đề tư tưởng thứ hai xuất hiện nhiều trong thơ Sơn Ca Linh là lẽ tử sinh. Nhà thơ chứng kiến cái chết của nhiều người thân yêu và không cầm lòng được:  Cảm nhận về sự chết trong mùa Covid (Chị chết “đẹp” mà ta!), Hạt mầm và bụi tro. Tưởng nhớ 5 linh mục Qui Nhơn liên tiếp qua đời (Bao giờ mới hết mùa “thương”). Ghi niệm ngày cha Phêrô Đặng Son từ giã cõi trần (Anh về). Trong cùng một buổi sáng: Mừng 10 anh em lãnh nhận chức Phó Tế và mừng cha Stêphanô Dương Thành Thăm “về nhà Cha”- Thứ Năm Đầu tháng ngày 1.7.2021 (Đã có một buổi sáng diệu kỳ). Chút cảm nhận về “chuyến về Nhà Cha” của linh mục Luca Nguyễn Huy Kỳ (Mừng anh đã về nhà Cha). Chút cảm nhận về cuộc đời từ sự “qua đời” của cha Hoàng Kym (Một thuở “Hoàng Kim”), Chút cảm nhận về cuộc “ra đi về nhà Cha” của cha Phêrô Hoàng Kym (Một thoáng bây giờ đã thiên thu). Tưởng niệm về anh Gioakim Võ Văn Hào, cựu chức việc – thành viên ban truyền thông giáo xứ Tuy Hoà (Cho một người vừa “đi xa”). Chút suy tư và cảm nhận từ cái chết thương tâm của cô sinh viên tại Điện Biên (Chiếc xương sườn bị đánh cắp). Chia sẻ nỗi buồn của một “Bà Goá Nghèo” vừa mất đứa con trai một tại giáo xứ Hóc Gáo (Lại có một con đường Na-im như thế!), Vọng tưởng những thầy cô đã nằm xuống (Nén hương lặng thầm)…

            Từ xưa đến nay, lẽ tử sinh đã là một vấn đề tư tưởng của tôn giáo và triết học. Lẽ tử sinh nằm trong Khổ đế (chân lý thứ nhất) của Phật giáo: “Sinh, lão, bệnh tử”. Câu thơ của Nguyễn Gia Thiều có sức ám ảnh kỳ lạ: “Trăm năm còn có gì đâu/ Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì”. Lẽ tử sinh cũng là suy tư của triết học Hiện sinh. Hiện sinh là hiện sinh quy tử (Being toward Death-Martin Heidegger). Sống là đi về cõi chết. Lẽ tử sinh cũng nằm trong Thiên mệnh của Nho giáo. Người xưa tin rằng “sống chết có số, phú quý do trời”. Nguyễn Du viết: “Gẫm hay muôn sự tại trời” (Đoạn trường tân thanh). Tất cả những suy tư triết học đó đều dẫn đến bế tắc và hư vô. Sơn Ca Linh nhìn lẽ tử sinh theo Thần học Kitô giáo. Chết là “về nhà Cha”, “quê hương chúng ta ở trên trời”, vì thế, đó là niềm vui. Trong cùng một buổi sáng: Mừng 10 anh em lãnh nhận chức Phó Tế và mừng cha Stêphanô Dương Thành Thăm “về nhà Cha”- thì đó là một bi đát hiện sinh. Nhưng tư tưởng của Sơn Ca Linh thanh thoát vô cùng:

Trên cung Thánh mười anh phủ phục,
Nằm mà nghe khúc nhạc êm đềm.
Nghe tiếng Kinh Cầu ơn “Thánh chức”,
Chết cho đời hiến tế con tim…!

Dưới kia bên nhà hưu lặng lẽ,
Linh mục cuối đời thở hơi ra.
Một chút nữa thôi thành của lễ,
“Về quê hương” mừng lễ Vượt Qua!

Một thoáng người đi, người ở lại,
Tre già, măng mọc, chiếc lá rơi…
Dấn bước vào đời em Phó Tế,
Linh mục anh về chốn nghỉ ngơi!

Cũng cuộc hành hương về vĩnh cửu,
Chồi lên xanh nụ, hạt lúa rơi…
Trẻ hát bài ca yêu cuộc sống,
Già vui mục nát giữa cuộc đời!

Nắng vẫn lên, vẫn rừng thay lá,
Cổ lục thêm buổi sáng diệu kỳ!
Mồng một thứ Năm đầu tháng Bảy,
Sống chết chia đều bữa Tiệc Ly!

            (Đã có một buổi sáng diệu kỳ)

Điều diệu kỳ là ở chỗ tử sinh là quy luật phát triển của cuộc sống, càng diệu kỳ hơn

chính cái chết của đức Giêsu đem đến sự sống cho nhân loại. Những tư tưởng như thế, triết học không vươn tới được.

“…Và Anh đã ra đi, như ngọn đèn dầu lặng lẽ,
Như cánh chim vừa mất hút cõi trời xa!
Đúng hơn, như một người hành lữ mới về nhà,
Sau một chuỗi lênh đênh biển đời vừa bỏ lại.

Thế tạm mà, có chi là mãi mãi,
Tiễn xác Anh về với cát bụi thời gian…
Và hồn Anh cập bến đỗ thiên đàng,
Mừng Anh đã về nhà, nhà Cha đang đón đợi!”

            (Mừng anh đã về nhà Cha-Chút cảm nhận về “chuyến về Nhà Cha” của linh mục Luca Nguyễn Huy Kỳ )

Một vấn đề khác cũng đè nặng trong tim nhà thơ Sơn Ca Linh là vấn đề về thân phận người phụ nữ. Cái nhìn của Sơn Ca Linh là cái nhìn có tầm lịch sử và tư tưởng, cái nhìn của một tấm lòng xót thương âu lo vô bờ (xin đọc: Người phụ nữ Việt Nam da vàng).

Và xin đọc:

CHIẾC XƯƠNG SƯỜN BỊ ĐÁNH CẮP
(Chút suy tư và cảm nhận từ cái chết thương tâm của cô sinh viên tại Điện Biên)

Có phải em,
ngay từ đầu không được tạo nên bằng đất sét?
Mà chỉ là một cái xương sườn,
Xương của một thằng đàn ông bị đánh cắp
Khi đang miệt mài trong giấc ngủ trưa?

Vì thế nên em,
Dẫu quá lời, “chỉ một của dư thừa”,
Là “thứ phẩm” của một thân phận người “nguyên bản”.
Xương sườn mà : thứ bảo vệ của cơ phần nội tạng,
Cho tim gan, phèo phổi an toàn…
Là mái che, phên dậu sẵn sàng,
Để đón lấy những trận đòn, vết đâm, cú đấm…!

Chỉ là xương thôi mà,
Nên cứ phải làm thân cò bán bưng buôn gánh,
Làm con sen, đứa ở, dậy sớm, thức khuya.
Mang nặng, đẻ đau, cay đắng…dư thừa,
Để thằng đàn ông ngẫng đầu dương dương tự đắc.

Là xương,
Nên ở chốn cửa công phải làm thinh im bặt,
Khỏi phải học hành,
xương chỉ cần biết đọc, biết viết đủ rồi!
Lẩn quẩn trong nhà, chỉ kim, bếp núc mà thôi…
Chớ bày đặt nghênh ngang múa rìu đỏng đảnh!

Là xương,
Nên cứ lủi thủi chịu thiệt thòi câm lặng,
Bạo lực gia đình, bị đoạ đày, bị hiếp, bị giết, bất công…
Mà hầu hết là nạn nhân của những thằng đàn ông,
Những “tạo vật”
được vinh dự “mang ảnh hình Thượng Đế”.

Mới đây,
Em, cái xương sườn bị “bỏ quên” giữa những ngày xuân tết,
Lại mấy thằng đàn ông : hiếp, giết, vứt bên đường!
Rồi lại mấy thằng đàn ông sung sướng tưng bừng,
Tự thưởng cho nhau cái trò “thi đua phá án”!

Và rồi, em, mẹ em…
những cái xương sườn bị đánh cắp,
Lại tiếp tục bị đoạ đày,
bị vùi dập trong khổ ải thương đau.
Biết bao giờ, từ đây cho đến mãi ngàn sau,
Những thằng đàn ông,
Học thuộc lời, ứng xử, của một Vị Thầy 2000 năm trước :
Chị hãy ngẫng cao đầu,
đi bình an trên vạn nẻo đường xuôi ngược,
Bởi vì ta không kết án chị đâu”! (Ga 8,1-11)

Bài thơ đặt vấn đề về thân phận người phụ nữ. Đây là một vấn đề tư tưởng mang tính

nhân loại từ ngàn xưa đến nay và “cho mãi đến ngàn sau”. Từ ngày đầu, họ đã là nạn nhân của Những thằng đàn ông. Họphải chịu bao nhiêu khổ ải đau thương, biết bao giờ mới hết kiếp nạn? Nguyễn Du đã từng kêu thương cho họ: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”(Đoạn trường tân thanh) và ông đưa ra lời giải pháp dựa trên triết học Phật giáo: Nỗi khổ của Thúy Kiều là do “Thân/ Nghiệp”, chỉ có thể giải thoát bằng Tâm, vì “Tâm tức Phật”: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Nhà thơ Công giáo Sơn Ca Linh nhìn rõ những nỗi bất hạnh của người phụ nữ là do tội lỗi của “những thằng đàn ông”(tác giả nhắc lại nhiều lần cụm từ: “Những thằng đàn ông”), và đặt vấn đề, những thằng đàn ông phải học theo Chúa, ứng xử yêu thương với phụ nữ, như Chúa đã xót thương và cứu vớt người đàn bà ngoại tình (Ga 8, 1-11).

Thực ra, nếu cho rằng người phụ nữ ngay từ đầu chỉ là một “cái xương sườn bị đánh cắp”, một vật phụ thuộc, một “của dư thừa”, một “thứ phẩm”, một công cụ, nên “Nên cứ phải làm thân cò bán bưng buôn gánh,/ Làm con sen, đứa ở, dậy sớm, thức khuya./ Mang nặng, đẻ đau, cay đắng…dư thừa”, phải chịu câm lặng, dốt nát tù hãm và đọa đày…thì đó là nguyên nhân gần. Cũng có thể “cái xương sườn bị đánh cắp” là một ẩn dụ hay về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Thực ra, cội nguồn nỗi thống khổ của nhân loại nói chung và người phụ nữ nói riêng là tội lỗi. Sách Sáng Thế Ký, chương 2, câu 16-19 nói rõ điều này. Sau khi Adam và Eva ăn trái cấm, Thiên Chúa nói với họ: “Với người đàn bà, Chúa phán: “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi.”Với con người, Chúa phán: “Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: “Ngươi đừng ăn nó”, nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra.Ðất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.”

Một vấn đề tư tưởng khác trong thơ Sơn Ca Linh là sự thách thức lương tâm Công giáo trước những vấn đề của hiện thực. Đức Giêsu nói với Philatô rằng: Nước Tôi không thuộc về thế gian này”(Ga 18, 33b-37), nhưng Người cũng nói với các môn đệ: « Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói » (Lc 10, 1-12.17-20). Đó là thực tại đòi buộc nhà thơ phải đối mặt, nói như Nguyễn Du, cuộc sống này là những cuộc bể dâu: “Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Nhà thơ Sơn Ca Linh đã nghe nhịp đập trái tim mình thế nào trước những thách thức lương tâm trong cuộc sống?

Đây là bức tranh thế giới:

Trong cái “hòm tiền bao la” của thế giới,
Hòm tiền “công đức” để nhân danh: dựng xây, phát triển, trừ tà…
Để dán nhãn: thoa dịu, lau khô những giọt nước mắt xót xa,
Và xây lên những chiếc cầu của tương trợ, cảm thông, nhân ái…

Chiếm chỗ nhiều nhất,
Vẫn là những “núi đô-la” của những đại gia lừng lẫy,
Những Bill Gates, Jeff Bezos, Mark Zuckerberg, Jack Ma…
Cùng với những “hợp đồng chằng chịt, ma quái”…bao la,
Mà “võ bọc mĩ miều” luôn mang tên “cứu nhân độ thế”!

Nên, vẫn mãi là những tên nô lệ:
những trẻ con mang súng ở Phi Châu,
Những người mang ma túy ở Mêhicô…
Những cô gái của nạn buôn người đến từ Venezuella, Trung Quốc…

Thế giới hôm nay,
Người ta chỉ thấy những chuyện nhãn tiền trên Twitter, Facebook…
Người ta tôn thờ thần tượng là những “tỉ phú Đô-la”,
“cặp giò miên man” hoa hậu, “chân sút vàng”, “đẳng cấp đại gia”…
Nên, kẻ mạt hạng, cùng đinh,
Mãi ôm phận “quét lá đa” trong thế giới của lặng thầm quên lãng!
                         (“Trời mới đất mới” và “những đồng xu ten!”)

Và đây là thời mạt pháp:

Tháng Chạp năm nay,
Thế giới bỗng nặng nề
như đêm dài của thuở nào “Hồng thuỷ Nô-e”.
Hận thù chiến tranh,
Những tên lửa xé toạc khoảng trời đêm hoang mạc.
Vỡ vụn tàu bay, mấy trăm thường dân tan xác…
Và rồi, “quê hương chuột túi”
Ngọn hoả hào thiêu rụi điệp trùng muông thú, cỏ cây…

Đêm thôn Hoành, Đồng Xênh chưa kịp sang canh,
Hoả pháo, lựu đạn cay,
gót giày đinh…và những thân người đổ gục.
Nào có phải ai đâu, sao lại cứ phải nồi da xáo thịt ?
Như “Cụ Kình”, Bậc trưởng thượng, bóng cả cây cao,
Những ngày cuối năm,
Tưởng đâu được, bên cháu con, nhấp chén rượu đào,
Oái ăm thay, chết không toàn thây,
Bởi cháu con một lũ hổn hào của một thời mạt pháp!

                  (Bồ câu đã về hay “bóng chim tăm cá:)

            Người đọc có thể nghe được tiếng trái tim nhà thơ đau xót trước thực tại những con người thấp cổ bé miệng bị chà đạp, bị hủy diệt. Nhà thơ không thể kềm lòng không lên tiếng trước những nghịch lý, những bất công, những vô luân vô đạo của “thời mạt pháp”. Dù Nước của Chúa không thuộc về thế gian này, nhưng người mục tử của Chúa đang sống giữa thế gian đầy tội ác thì không thể làm ngơ. Dù vậy, Sơn Linh Ca không để mình bị cuốn vào cõi trần tục, mà đặt trái tim mình trong trái tim thương yêu của Chúa. Từ đó nhìn ra “trời mới đất mới” của Kinh thánh.

Ở ngoài kia, nghe nắng xuân đang bước về vội vã,
Mà sao trong hồn vẫn nghe nhịp bâng khuâng?
Xin hãy bay về, Bồ Câu Thánh Linh, cánh én tin xuân,
Để sự sống, để tình yêu, để hoà bình…
Gieo mầm xanh trên mọi nẻo đường thế giới…!

                              (Bồ câu đã về hay “bóng chim tăm cá)

Nhưng thế giới, “thúng bột trần gian”, men Tin Mừng sẽ dậy,
Bởi những đồng xu,
Vâng, những “đồng xu của cả sự sống, của tình yêu”!
Vũ trụ nầy, thế giới nầy, rồi sẽ nên “trời mới đất mới” mĩ miều,
Bởi những góp nhặt, hy sinh…,
những “đồng xu ten”, tầm thường… rất nhỏ!

            (“Trời mới đất mới” và “những đồng xu ten!”)

THAY LỜI KẾT

            Còn nhiều điều để viết về thơ Sơn Ca Linh (có thể viết một chuyên luận), bởi thơ Sơn Ca Linh là bước phát triển mới cả về tư tưởng và nghệ thuật so với các nhà thơ Công giáo đi trước;  song trong phạm vi một bài viết, tôi xin tạm kết ở đây.

Nói thực lòng, nếu thơ Sơn Ca Linh không hay, không đặt được những vấn đề căn cốt cuộc sống hôm nay thì không thể cuốn hút tôi đọc nổi hơn 200 bài thơ. Tôi rất thích những bài lục bát ca dao như châu ngọc về tình yêu quê hương [3], những bài mang cảm xúc êm đềm sâu lắng như thơ Lãng mạn [4]; những chuyện kể sinh động, trẻ trung hấp dẫn [5], những khúc tráng ca mang khí phách cổ điển [6], những bài thơ tự do mang đặc trưng cốt cách thơ Sơn Ca Linh. Tất nhiên, thơ Sơn Ca Linh cũng có những bài ít hấp dẫn. Đó là những bài đầy ắp ý tưởng mà cấu trúc lỏng lẻo dài dòng, tính nghị luận lấn át tính hình tượng – thẩm mỹ, ngôn ngữ công chúng thay cho ngôn ngữ văn chương. Dù vậy, tâm trí tôi đã mở ra nhiều điều khi tiếp cận những “Cảm nhận” Kinh thánh từ những bài thơ của Sơn Ca Linh, và một niềm reo vui hân hoan khi đọc được những bài thơ mà trái tim nhà thơ gắn với cuộc sống này, với anh em, với đồng bào và với cả cộng đồng nhân loại, trái tim Emmanuel.

Những bài thơ ấy giúp người đọc Vượt qua bể dâu để hồn mình an lạc trong niềm tin đầy Ánh sáng.

Tháng 11/ 2021

______________________

[1] Lm. Giuse Trương Đình Hiền sinh ngày 08-7-1952 tại Trà Câu, Quảng Ngãi. Bút danh: Sơn Ca Linh, Cha sở nhà quê.Tác phẩm đã in: 

     – Ngôn ngữ Tin mừng trong dáng đứng Việt Nam (chủ biên một sưu tập); 

     – Anrê Phú Yên, rực sáng một vì sao (chủ biên một sưu tập); 

     – Linh mục, một cuộc đời mắc nợ (thơ, nhạc, ký)

[2] Ghi chú :
     (1) “Phố thánh vườn thiêng” : Hình ảnh Giáo Hội, Giêrusalem mới, theo gợi ý từ câu Thánh vịnh 122,3 : “Giê-ru-sa-lem khác nào đô thị, được xây nên một khối vẹn toàn.”
     (2) “Môi Khôi” : Tên gọi hoa hồng. Chuỗi Môi Khôi (Rosary) là chuỗi kết bằng những lời kinh như những cánh hoa hồng.
     (3) “Bốn sự Nhiệm mầu” : sự “Vui”, sự “Sáng”, sự “Thương”, sự “Mừng”.
     (4) “Mười kinh Thánh đức” : Kinh Kính Mừng, với phần đầu “Kính mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phước lạ hơn mọi người nữ và Giêsu Con lòng Bà gồm phước lạ” lấy lại những lời trong Tin Mừng Luca với hai sự kiện “Truyền Tin” và “Thăm viếng” (Lc 1, 28.42)

[3]  Những bài Lục bát ca dao: Góc chiều, Cần chi, Gọi trâu, Tràng Mân Côi của mẹ tôi, Một chuyến sang bờ, Chỉ cần một chút tình thôi, Từ đây năm tháng lặng thầm, Nghĩ mà thương chị, Chiêm niệm, Thiên thu anh vẫn đợi chờ

[4] Cảm xúc thơ Lãng mạn: Bóng trưa, Lời thì thầm của cỏ, Vì em đã mang lời khấn nhỏ, Anh về, Tại sao tôi khóc, Em và “chuyện tình tháng bảy”, Mùi hương tháng Chạp, Mùi hương xuân cũ, Người thiếu phụ không chồng, Dáng chị, Mùa thu và những chuyến đi xa, Chiều xuân này vắng mẹ, Dấu “Trường Thăng” đã khép, Bỗng dưng nghe mùi của mẹ

[5] Những bài thơ kể chuyện: Huyền thoại chim họa mi ức đỏ, Giọt nước mắt và đóa “hoa hồng tuyết”, Cổ tích “hạt cải”, Chuyện kể “Têrêsa nước ra đầy đồng”, Huyền thoại màu xanh, Chuyện cổ tích “Bà góa, tầm bánh và đồng xu”, Con nợ Mẹ món quà sinh nhật,

[6] Những khúc tráng ca: Chìm theo vận nước cả mùa xuân, Nghe dòng sông kể chuyện, Ta nhớ mãi “tấm áo lông lạc đà” ngày đó…