Tập thơ TRÁI TIM HỒNG của NGUYỄN DUY ĐỒNG

TRÁI TIM HỒNG

Tập thơ của Nguyễn Duy Đồng. Nxb Hội Nhà Văn 2013

Bùi Công Thuấn

TRÁI TIM HỒNG

Nhà thơ Nguyễn Duy Đồng tặng tôi tập thơ Trái Tim Hồng với lời chia sẻ :” Tôi cũng tập tễnh viết nhưng mục đích là tạo thú chơi tuổi già và muốn nói ra những gì mà mình tích chứa trong lòng”. Anh dặn thêm : “tập thơ ra đời vì kỷ vật chứ chưa phải vì nghệ thuật. Tuy nhiên nếu có nguyện vọng ‘chơi văn’ thì phải thực sự đi vào nghệ thuật”. Nhà thơ Lê Thanh Xuân, hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam trong lời giới thiệu đã nhận xét về tập thơ :”Tôi tin sau tập thơ này, Nguyễn Duy Đồng sẽ đột phá, sẽ khẳng định mình bằng bản lĩnh người làm thơ đích thực.” Tức là nhà thơ Lê Thanh Xuân căn cứ vào những thành tựu của Nguyễn Duy Đồng trong tập thơ này để khẳng định mạnh mẽ con đường thơ của tác giả Trái Tim Hồng như vậy.

Tôi biết mình đang đứng trước những “thách thức trí tuệ” mà hai nhà thơ đã đặt ra. Và Tôi không biết mình có thể vượt qua được.

1.Những nhịp đập của Trái Tim Hồng.

 Tên tác phẩm đã nói tất cả nội dung, nhận thức, tình cảm của nhà thơ qua hình tượng “trái tim hồng”. Đó là trái tim dạt dào sức sống, là tấm lòng nhiệt thành tha thiết với đời cùng với những khát vọng cháy bỏng muốn làm được điều gì đó cho cuộc sống này, cho từng con người thân thương, để cuộc sống tốt hơn (Mắt mẹ, Bóng cha, Thương anh, Lời tâm tình của lão quê, Tuổi thơ buồn, Muốn, Nếu…). Chất thơ xuất phát từ ngọn lửa cháy bỏng của trái tim rộng mở với cuộc đời. Cháy bỏng yêu thương ôm ấp nâng niu cái đẹp, cái thiện, cái yêu thương (Thương em, Trưa hè, Mùa đông, Màu áo vàng thời Bác, Tiếng học trò, Gặp trẻ sống lang, Quê hương, Nhớ làng…), và căm phẫn trước cái xấu, cái ác, cái bất lương (Cái Nghèo gặp cái Đói, Lời của loài sâu, Tham nhũng, Chuyện quan Tiên Lãng…).

Những bải thơ hay trong tập là những bài khám phá về quê hương, về người thân của quê nghèo, đời nghèo nhưng cuộc sống lại trong veo niềm vui và đầy ắp tiếng cười. Tôi hiểu nhà thơ đã sống sâu sắc lắm với quê hương mình thì mới có thể viết được những bài thơ cảm động đến thế. Mắt mẹ một đời ám ảnh tác giả về con người tuy lam lũ, giàu đức hy sinh và đằm thắm nghĩa tình. Bóng Cha in rất đậm trong tâm hồn và ký ức tác giả về một lẽ sống đẹp của cha trong cộng đồng làng xóm. Những Lời tâm tình của lão quê thật chân thành, thấm thía. Những lời yêu dành cho anh, cho em, cho con gái đi học xa rất đỗi bình thường nhưng lại có sức khơi gợi những tình cảm gia đình mà ngày thường tất bật đã che lấp (Thương em, Sinh nhật thầm, Thương tiếc người anh..) Đọc những bài thơ này mới thấm thía cái bản lĩnh Việt Nam, sức mạnh Việt Nam ở những con người ”chân quê”. Đó là vẻ đẹp và sức mạnh của một nền văn hóa lấy nghĩa tình làm trọng, vượt lên tất cả khó khăn, mất mát.

Nhà nhỏ sau vườn nở đầy hoa

Bạc, vàng không lắm vẫn thơ ca

Ra ngõ lời chào vui mọi hướng

Trở về mái ấm chẳng buồn xa

(Ngôi nhà nhỏ)

Mùa đông cho má em hồng

Cho chăn chung đắp, cho nồng bếp than

Cho nhiều hơi ấm chuyền sang

Cho đời xích lại bớt hàn ngày đông

(Mùa đông)

Giữa đường hoang nắng lửa

Trẻ thất thểu đầu trần

Mây vội vàng lấy thân

Che em không nhà cửa

 

Bên vỉa hè muỗi hát

Trẻ mỏi mệt nằm lang

Gió vội vàng ngồi quạt

Thương ngủ không chiếu màn

 

Mây gió còn như thế

Xin hỏi hết tình người

Trái tim vì trẻ nhỏ

Biết bao lòng trao thương?

(Gặp trẻ sống lang)

Nhớ mùa đông đến lại dày vò

Cụ già đầu xóm nặng tiếng ho

Gió rít rèm thưa nghe não nuột

Đêm dài thấu lạnh cứ nằm lo

 

Nhớ mùa hè gió Lào nắng lửa

Thương đầu trần mót lúa đồng trưa

Tay lấm bùn nắm chùm gié lúa

Tưởng cầm vàng dãi nắng dầm mưa

 

Làng nghèo xơ mà chẳng thấy nghèo

Gió lùa nhà trống, ruột đói veo

Áo vá, chân trần, thân lấm đất

Sân đình trăng lạnh vẫn vui reo…

(Nhớ làng)

Tôi vừa trích một vài đoạn thơ, lẽ ra nên đọc cả bài, người đọc mới cảm được trọn vẹn cái đẹp, cái tình của nhà thơ đối với cuộc sống. Sáng tạo ghệ thuật là khám phá ra cái đẹp trong đời thường xô bồ khuất lấp và thể hiện cái đẹp ấy bằng những tứ thơ, những lời đẹp, thứ ngôn ngữ vàng mười của một dân tộc đã trường tồn với lịch sử và làm nên những áng thơ văn bất hủ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh, Nguyễn Tuân, Hoàng Cầm, Phạm Thiên Thư…Nhưng nói cho cạn nhẽ, cái đẹp ngự trị trong lòng nhà thơ và nhà thơ là người khơi gợi được cái đẹp ấy trong lòng người đọc, để những lời, những ý, những tình cùng rung lên cung bậc tri kỷ. Tôi nghĩ, Nhà thơ Nguyễn Duy Đồng trong nhiều bài thơ đạt được căn cốt của sự sáng tạo ấy.

Tuy nhiên, ở những bài thơ “phê phán mặt trái hiện thực”(Cái Nghèo gặp cái Đói, Sợ, Lời của loài sâu, Truyện dài giáo dục, Tham nhũng, Chuyện trên trời, kẹt xe, Cái bình vôi, Quan Tiên Lãng…), nhiệt tình nhà thơ vẫn hừng hực, nhà thơ đứng về phía nhân dân để lên tiếng, và trái tim nhà thơ đủ bao dung trong cái nhìn lạc quan, nhưng chất thơ lại rất ít và thơ không cất cánh được.

Thuở trước “hai không” có học sinh

Bảy năm tiên tiến thật rùng mình

Chữ Việt rành rành câm miệng hến

Hoảng hồn thời sự phải đưa tin

 Sau mốc “hai không” có Tiến sĩ

Tiếng Anh không biết huống nói gì

Ra thế hai thời hai công tích

Ơn ngành giáo dục biết chê chi (?!)

(Chuyện dài giáo dục)

Bài thơ không chuyển tải được hết những chuyện tiêu cực của ngành giáo dục và không đề ra được hướng giải quyết vấn đề, ngoài cái cười châm biếm đánh vỗ vào mặt ngành giáo dục. Chỗ yếu nhất của bài thơ là tác giả không khám phá hiện thực, có chăng chỉ phản ánh tin đã đăng trên báo chí. Thơ không còn là sự khám phá sáng tạo “cái đẹp” từ cuộc sống. Nếu chỉ lập lại những hiện tượng báo chí đã đưa tin và công luận đã lên tiếng, thì báo chí làm tốt hơn thơ ca rất nhiều. Nhà thơ đã không vượt qua được cái “ngưỡng nghệ thuật” này.

Thơ phong trào quần chúng hay thơ chuyên nghiệp?

 Trong tập thơ Trái Tim Hồng có cả hai loại thơ này. Và cả hai đều có những bài hay (thơ quần chúng như : Tết về với mẹ, Sinh nhật thầm, Lời tâm tình của lão quê, Chuyện trên trời…). Cần nói rõ rằng, tôi không có ý đánh giá thấp “thơ quần chúng”, hay coi trọng “thơ nghệ thuật”. Nghị quyết 23 của Bộ Chính Trị đã đề ra quan điểm chỉ đạo và nhiệm vụ cụ thể:” –Phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng, đồng thời tập trung xây dựng phát triển văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp.” Phải thấy rằng thơ ca bình dân là nền tảng quan trọng cho văn chương bác học.Từ Nguyễn Trãi đến Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh, Tố Hữu… đều đã học tập và kế thừa thơ ca bình dân (tức là thơ ca quần chúng), làm nên những tác phẩm để đời.

Tuy nhiên, nói “thơ ca quần chúng” không có nghĩa là loại thơ không có nghệ thuật, chỉ là hò vè cho vui. Trái lại là khác. Những bài ca dao như “Trâu ơi ta bảo trâu này…”, Hôm qua tát nước đầu đình…”. Trèo lên cây bưởi hái hoa…”, “Thằng bờm”, đều là những tuyệt tác dân gian. Nếu người làm thơ nghĩ rằng, làm thơ quần chúng là nói năng bỗ bã cho vui, ngôn ngữ thô mộc thế nào cũng được, thì đó là ngộ nhận dẫn đến thất bại.

“Có phải đời là bể dâu cực nhọc

Từ khi sinh đến giây phút chầu Diêm

Mỗi độ tuổi mỗi nỗi lo trằn trọc

Về hư vô vẫn mang nặng ưu phiền

 

Có phải đời là lắm quỷ, ít tiên

Kiều tài sắc nổi chìm theo sóng

Khuyển đạo tặc nghênh ngang hiển hiện

Bậc hiền tài Nguyễn Trãi cũng đi tong…”

(Tiếng đời)

Hai từ “chầu Diêm “ và “đi tong” là văn nói thông tục. Cái chết của Nguyễn Trãi là bi kịch lớn nhất trong lịch sử xã hội phong kiến Việt Nam, đặt ra bao vấn đề triết lý tư tưởng để suy gẫm. Cái chết ấy không phải là cái chết tầm phào “hư vô” mà nhà thơ dùng chữ “đi tong” để diễn tả. Dù là dùng cách nói quần chúng, nhưng thơ trước hết là ngôn ngữ nghệ thuật. Ấy là chưa kể đặt Nguyễn Trãi đứng sau Kiều trong lịch sử và văn học là không thể chấp nhận được. Truyện Kiều được Nguyễn Du viết sau khi đi sứ (1814), có nhà nghiên cứu cho rằng Nguyễn Du viết truyện Kiều trước 1802, trong khi Nguyễn Trãi bị tru di 1442, trước hơn 400 năm.

Trong tập thơ này, nhiều bài thơ châm biếm có hơi thơ Trần Tế Xương và Nguyễn Khuyến (Lời tâm tình của lão quê, Chuyện quan Tiên Lãng…) nhưng tác giả không kế thừa được nghệ thuật thơ trào phúng của tiền nhân. Trần Tế Xương đánh vỗ vào mặt thời đại, còn Nguyễn Khuyền lại thâm trầm sâu cay. Trần tế Xương đem ngôn ngữ hiện đại (thời ông) vào thơ và đánh trực tiếp, đích danh bọn xấu (Bác Cử Nhu, Bỡn ông ấm Điềm, Bỡn ông Phó Bảng, Bỡn Tri phủ Xuân trường…). Còn Nguyễn Khuyến lại đặt những vấn đề thời sự của thời đại để suy tư và phê phán (Hội Tây, Khuyên Từ Hải ra hàng…). Nhà thơ Nguyễn Duy Đồng chỉ dùng hình ảnh ẩn dụ để nói bóng nói gió về đối tượng, thành ra sự phê phán không thuyết phục và đôi khi tác giả kêu gọi đối tượng tự phục thiện, tôi e rằng nhà thơ để đùa vui tuổi già, không có ý dùng thơ văn để “vừa tố cáo thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sách và phong phú hơn “(Thạch Lam)

Tham nhũng bởi lòng xót thuế dân

Kẽ hở thì nhiều lại tuênh huênh

Còn quyền cố lượm vào tư túi

Sao nỡ ngồi trông của trôi dần

(Tham nhũng)

Bài thơ không hướng cụ thể vào đối tượng nào, ý tứ rất tối nghĩa. Kêu gọi bọn tham nhũng động lòng “xót thuế dân” mà có trách nhiệm, đừng để “của dân trôi dần” là lời kêu gọi lòng thương thiện của kẻ cướp. Bao nhiêu công ty làm hại hàng trăm ngàn tỷ của dân, bao kẻ quyền cao chức trọng nhà cao cửa rộng kể không xiết, những tập đoàn thao túng lũng loạn vốn ODA đã bị pháp luật phơi bày, thì lời kêu gọi của nhà thơ thật yếu ớt, lạc điệu đến thảm hại.

Về những bài thơ “chuyên nghiệp”, thơ nghệ thuật, Nguyễn Duy Đồng có nhiều bài hay (Tiếng đồng hồ, Thương em, Trưa hè, Quê hương, Nhớ làng, Cánh phượng, Tuổi thơ buồn …) Ở những bài thơ này, nghệ thuật thơ điêu luyện, cảm nhận tinh tế, tình thơ sâu nặng đằm thắm. Thơ dệt được nhiều tứ đẹp

Trưa hè như chợ trên đồng

Chiêm mùa thu hoạch nhà nông bộn bề

Diều vi vu- trẻ hả hê

Tiếng gà cục tác, tiếng ve dậy làng

Gió nồm tre hát mênh mang

Cụ già đưa võng tình tang bên thềm

Trâu nằm nhai lại êm đềm

Chuồn chuồn chao lượn càng thêm đẹp trời

Dịu dàng trong tiếng à ơi

Mẹ ru con ngủ bao lời ước mong

(Trưa hè)

Cũng ghi nhận thêm, tập thơ có một vài bài hướng về suy tư triết lý (Tiếng đời, Nếu, Muốn, ) nhưng đây  không phải là thế mạnh của Nguyễn Duy Đồng. Thơ anh thiếu hẳn một nền tảng tư tưởng. Các nhà thơ xưa dựa trên tư tưởng Thiên Mệnh của Nho giáo (Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ), tư tưởng Đạo của Lão Trang (thơ thiên nhiên, thơ nhàn) và thơ Thiền Phật giáo (thơ Thiền Lý Trần, Nguyễn Du…). Ngày nay nhiều nhà thơ cũng đi vào con đường thơ tư tưởng, và đã có những thành công. Thí dụ, thơ Thiền của Phạm Thiên Thư, Bùi Giáng, Trần Ngọc Tuấn. Thơ Hiện sinh của Nguyễn Quang Thiều…

Về nghệ thuật thơ, Nguyễn Duy Đồng chưa vượt ra ngoài thi pháp “thơ truyền thống”. Nhiều bài có ảnh hưởng thơ Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, có bài ảnh hưởng thơ Tố Hữu (Nếu). Nhà thơ chưa tiếp cận được với các kiểu thi pháp của Chủ nghĩa lãng mạn (Xuân Diệu, Nguyễn Bính…), chủ nghĩa Siêu Thực (Hàn Mặc Tử, Bích Khê, nhóm Dạ Đài, Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều…), thơ Tân Hình Thức (Khế Yêm…), thơ Trình Diễn (Ly Hoàng Ly), thi pháp hậu Hiện Đại (Văn Cầm Hải…). Tôi nghĩ, muốn cách tân thơ, nhà thơ cần đổi mới tư duy nghệ thuật và tìm tòi những kiểu thi pháp mới lạ để làm giàu có màu sắc thẩm mỹ trong thơ của mình. Có vậy những sáng tạo nghệ thuật mới có cơ may đứng được giữa hàng chục ngàn nhà thơ, và hàng ngàn tập thơ được in hàng năm. Nếu chỉ lặp lại đề tài cũ, cảm hứng cũ, thi pháp cũ thì thơ khó neo vào long người đọc…

Sáng tạo thơ khó lắm thay.

Nhưng tôi tin nhận xét của nhà thơ Lê Thanh Xuân về tập thơ Trái Tim Hồng là có cơ sở :”Tôi tin sau tập thơ này, Nguyễn Duy Đồng sẽ đột phá, sẽ khẳng định mình bằng bản lĩnh người làm thơ đích thực.”

Kính chúc anh vui và đạt được ước nguyện nghệ thuật

Tháng 04.2015

SỰ CHỌN LỰA CON ĐƯỜNG

Ngẫm nghĩ 2

SỰ CHỌN LỰA CON ĐƯỜNG

4 nha van 3

Năm 1905, nhà cách mạng Phan Bội Châu cùng ông Tăng Bạt Hổ xuất ngoại gặp gỡ cầu viện các nhà cách mạng Nhật Bản và Trung Quốc giúp đỡ phong trào Đông Du. Tại Trung Quốc, nhà cách mạng Lương Khải Siêu khuyên ông nên dùng thơ văn để thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Sau đó Phan đã viết nhiều tác phẩm có tác động lớn với sĩ phu trong nước lúc bấy giờ. Phan dẫn lời người xưa nhận định rằng :”Văn chương quan thế đạo thịnh suy” và kêu gọi :”Vậy nên chúng ta phải cố học cho ra nghề văn chương “(1)

1922 khi vua Khải Định sang Pháp dự cuộc đấu xảo Thuộc địa Marseille, Nguyễn Ái Quốc đã viết Lời Than Vãn của Bà Trưng Trắc, Vi Hành, Sở Thích Đặc Biệt, kịch Con Rồng Tre đánh vào vị vua này.

Những nhà cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX đã dùng văn chương làm vũ khí đấu tranh cách mạng. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, các nhà văn Việt Nam thế hệ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng đã chọn lựa con đường viết văn phục vụ kháng chiến với phương châm: “Văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa” (2), Nhà văn là chiến sĩ trong mặt trận văn hóa tư tưởng. Người làm văn hóa văn nghệ phải có “những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế”(3)

Bên trời tây, J.P.Sartre đòi hỏi nhà văn phải dấn thân ;” Người ta sẽ hỏi: dấn thân vào cái gì? Đơn giản thôi, dấn thân bảo vệ tự do. Làm người canh giữ những giá trị tưởng tượng chăng, như người tăng lữ Benda trước vụ phản bội, hay là bảo vệ niềm tự do cụ thể và thường nhật, bằng cách tham gia các cuộc đấu tranh chính trị và xã hội? (4).

Xin lắng nghe những nhà thơ nhà văn quanh ta.

Chế Lan Viên:

AI TÔI ?

 

Mậu Thân, 2000 người xuống đồng bằng

Chỉ một đêm còn sống sót có 30

Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2000 người đó ?

Tôi !

Tôi – người viết những câu thơ cổ võ

Ca tụng người không tiếc mạng mình

                                trong mọi lúc xung phong

 Một trong 30 người khi ở mặt trận

                                                về sau mười năm

Ngồi bán quần trên đường nuôi đàn con nhỏ

Quán treo huân chương đầy mọi chỗ

Chả Huân chương nào nuôi được người lính cũ !

Ai chịu trách nhiệm vậy ?

Lại chính tôi!

 Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời

Tôi ú ớ!

Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm

Mà tôi xấu hổ!

Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay

giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ

Giữa buồn tủi chua cay

Tôi có thể cười!…

 (Di cảo của Chế Lan Viên)

 Nguyễn Minh Châu:

“…Nhà văn nước mình tận trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn? Cái sợ nó làm mình hèn. Vì thế mà từ xưa tới nay có bao nhiêu nhà văn nhà thơ đã đi ở ẩn ngay trong tác phẩm? Chúng ta vắng thiếu những cây thông đứng sừng sững. Có một nhà văn đàn anh nâng chén rượu lên giữa đám đàn em: “Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ biết sợ!”, nói rồi ngửa mặt lên trời cười rung giường, nước mắt tuôn lã chã, giọt đổ xuống đất, giọt đổ vào lòng. Có người cầm bút đến lúc sắp bước sang thế giới bên kia vẫn chưa dám thốt lên một lời nói thật tự đáy lòng, không dám viết hồi ký thực, vì sợ để liên lụy đến đời con cái…”

Thanh Tâm Tuyền:

Tôi đã chết nghẹn ngào
ôm tình yêu tự do chật ngực
tôi chết và chối từ
đừng ai gọi tôi là thi sĩ

( Tôi Không Còn Cô Độc )

Mỗi người viết văn đều có mục đích riêng và sự chọn lựa riêng con đường sáng tạo. Đâu là con đường dẫn đến những giá trị văn chương đích thực để lại cho đời? (Nhà văn nào cũng mong muốn có tác phẩm để đời)

Dường như trong ý kiến của J.P.Sartre, của Nguyễn Minh Châu, Chế Lan Viên, Thanh Tâm Tuyền…còn ẩn dấu điều gì đó cho chúng ta ngẫm nghĩ.

________________________________

  • Phan Bội Châu-Quan niệm của tôi đối với văn chương-Thơ văn Phan Bội Châu, Nxb Văn Học 1985, tr.270
  • Hà Huy Giáp-Hồ chủ tịch với một vài vấn đề văn hóa văn nghệ. Nxb Sự Thật 1978, tr. 70
  • Hồ Chí Minh, Thư gửi Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ II, 1948
  • P.Sartre-Viết để làm gì-Nguyên Ngọc dịch
  • Nguyễn Minh Châu-Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa– Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 49 & 50 (5-12-1987)

TỰ DO SÁNG TẠO VÀ BI KỊCH

Nguyễn Khải

Nguyễn Khải trước khi nhắm mắt viết “Đi tìm cái tôi đã mất”. GS Nguyễn Đăng Mạnh cuối đời không biết “lú lẫn” thế nào lại kể chuyện “buôn dưa lê” trong Hồi Ký Nguyễn Đăng Mạnh. “nhạc sĩ Tô Hải, người từng được trao giải thưởng Nhà nước về VHNT, đã cho xuất bản ở hải ngoại tập hồi ký “Tôi là một thằng hèn“, và mạnh miệng trả lời báo giới, cũng như trực tiếp cho phát tán những bài viết với lời lẽ đầy hằn học, thóa mạ quá khứ, thóa mạ chế độ…”(1)

Có một bộ phận trí thức, nhà văn XHCN dường như lâm vào “bi kịch”. Họ lớn lên trong chế độ này, như con cưng, được học hành, đào tạo, phong GS, PGS, được trọng dụng, được đặt vào những vị trí quan trọng trong bộ máy Nhà Nước, nhưng họ lại “bất mãn” với chế độ. Họ chọn thế đứng chân trong chân ngoài để “đón gió trở cờ” chờ khi lịch sử sang trang, họ cũng đã có sẵn chỗ cho mình.

Nhưng lịch sử vận động theo quy luật của lịch sử, chứ không vận động theo mong muốn của họ, và thế là họ bị mắc kẹt. Họ mơ tưởng “tự do”. Nhưng có ai trong cõi đời này ban phát tự do sáng tạo cho họ ngoài chính họ. Họ vừa muốn có địa vị, vừa có danh, lại muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm! Thật là ảo tưởng!

Bi kịch là ở đó.

Nếu “tự do” mà viết tác phẩm đạt giải văn chương Nobel thì các nhà văn hải ngoại khối người đã có tên trong danh sách của Viện Hàn Lân Thụy Điển. Sự thật là mấy chục năm qua, mọi chuyển động, đổi mới văn học VN đều xuất phát từ trong nước. Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh…và thơ trẻ đầu thế kỷ XXI là những minh chứng.

Nhà văn Phạm Thị Hoài ở Đức, người tự xác nhận rằng không chắc chắn rằng Tổ quốc của tôi hiện là đâu, cố hương Việt Nam hay nước Đức, nơi tôi sống hạnh phúc và đồng thời là công dân.” (2) đã phải hai lần tự đóng cửa trang Talawas (2010) và Procontra (31.12.2014) mà không hề hé răng hé lợi lý do tại sao phải đóng cửa hai trang này (?). Chỉ có lời tạm biệt trong ngậm ngùi và “u ám”. Phải chăng ở Đức, nhà văn không có tự do?

Tôi lại tiếc cho người trẻ có tài năng, song ảo tưởng về tự do sáng tạo, ảo tưởng về thời đại và lịch sử, thành ra tài năng phải bị mai một. Nếu họ chọn đúng con đường sáng tạo, biết đâu họ đã đóng góp được cho văn học VN.

__________

NGUYỄN DU-LỊCH SỬ VÀ TIỂU THUYẾT

NGUYỄN DU-LỊCH SỬ VÀTIỂU THUYẾT

(Đọc Nguyễn Du, tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Thế Quang. Nxb HNV 2010)

Bùi Công Thuấn

 nguyen du 6

 

Đọc tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Du của Nguyễn Thế Quang, tôi có nhiều điều thú vị và ngẫm nghĩ định viết. Nhưng khi đọc những ý kiến của nhà văn Nguyễn Khắc Phê, nhà văn Hà Quảng và nhà giáo Lê Thái Phương in ở cuối cuốn tiểu thuyết này, tôi thấy cuốn sách đã được khẳng định giá trị. Rất nhiều lời khen dành cho tác giả và cuốn sách. Thành ra tôi đắn đo khi viết những dòng này. Tôi sẽ không nhắc lại những giá trị của cuốn sách đã được các tác giả trên khẳng định. Tôi lần theo ý thức sáng tạo của tác giả để đọc tác phẩm theo một góc nhìn khác. Ý kiến của nhà văn Nguyễn Thế Quang khi trả lời phỏng vấn của nhà văn Nguyễn Khắc Phê gợi cho tôi nhiều điều ngẫm nghĩ : Quang chỉ là chỉ là nhà giáo mê văn chương và kính trọng cụ Nguyễn Du, muốn viết về cụ để trước hết chia sẻ cùng đồng nghiệp và các em học sinh; Quang cũng muốn ký thác vào đó những suy ngẫm của mình trước những thăng trầm, “dâu bể” của cuộc đời, của lịch sử đất nước. Ngoài ra Quang cũng rất tự hào về mảnh đất núi Hồng sông Lam đã sản sinh một con người có cốt cách và tài năng bậc ấy”(1)

1.Đôi điều băn khoăn

 

Tác giả đã nói rất rõ thái độ và mục đích sáng tác tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Du. Ông yêu quý và kính trọng Nguyễn Du, một con người có cốt cách và tài năng vượt bậc. Ông ”cũng rất tự hào về mảnh đất núi Hồng sông Lam đã sản sinh” ra Nguyễn Du.

Nguyễn Thế Quang đã dành tất cả bút lực, tâm huyết của mình để ca ngợi Nguyễn Du. Và khắc họa nhân vật Nguyễn (tên tác giải gọi Nguyễn Du) qua góc nhìn của nhiều nhân vật khác. Tất cả cùng cất lên lời tụng ca. Những người trong gia tộc cùng với con cháu Nguyễn hết lòng thán phục Nguyễn là bậc kỳ tài (tr.259). Dân gian, làng quê khắp chốn đọc Kiều, lẩy Kiều làm cho Nguyễn rất thích (tr.391). Đặc biệt, tác giả viết hẳn một chương hai cha con vua Gia Long, Minh Mạng dành cho Nguyễn sự cảm thông sâu sắc và cảm tình đặc biệt (Chương 2, phần kết). Gia Long nhận xét ::”Nguyễn Du- con Xuân quận công, tài trí đức độ hơn người”; Gia Long say mê đọc Kiều, tâm đắc gật gù :”Tuyệt kỳ! tuyệt bút!”;Văn chương như thế thật là tuyệt bút”. Hoàng thái tử Đảm (vua Minh Mạng) cũng phụ họa với vua cha: “Con người ấy văn chương trác tuyệt mà hiểu biết sâu xa”.

Trong suốt cuốn tiểu thuyết, người đọc có thể bắt gặp nhiều lần những lời có cánh tác giả dành cho Nguyễn như vậy. Trong đêm uống rượu dưới trăng, Nguyễn Thiện quan sát thần thái của Nguyễn :”khuôn mặt chú dưới ánh trăng ửng hồng trông đẹp như một tiên ông đạo cốt vậy” (tr.245), bác Bảy-Đệ nhất An Nam ngũ tuyệt.(tr.247). Nguyễn Văn Thành và Đặng Trần Thường, hai đại công thần của Gia Long cùng bị giam trong nhà ngục. Hai kẻ thất sủng ấy cùng uống rượu cay đắng luận bàn thế sự. Thành luận về Nguyễn :”Cậu ấy không phải là con người thường : vẫn làm quan, vẫn có cơm ăn tuy không nhiều như chúng ta nhưng Nguyễn vẫn là Nguyễn, không ham hố, không tranh giành, danh lợi không làm bẩn được, uy quyền không làm cậu ấy sợ mà cũng không quyến rũ được, giữa bão táp vẫn bình thản, không dao động, không chìm, lặng lẽ viết để thỏa chí”(Tr.297).

Tôi thực sự hoài nghi những lời tụng ca của Nguyễn Văn Thành (1758-1817) dành cho Nguyễn. Chỉ những người “chọc trời khuấy nước, trí dũng có thừa”, có tấm lòng giúp dân giúp nước (như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát sau này) mới xứng với lời tụng ca ấy. Trong thực tế, người ta chỉ ca ngợi Nguyễn Du về tài văn chương truyện Kiều, còn hành trạng làm quan của ông không có gì đáng ca ngợi cả. Dù tác giả có miêu tả một vài vụ Nguyễn Du xử án công minh thể hiện lòng thương dân (tr.107, 134), hoặc mở kho cứu dân (Tr.101) thì những công việc ấy không thể coi là hành trạng phi thường được, bởi Nguyễn vừa làm vừa run (tr.100), và việc Nguyễn ra làm quan với Gia Long, được thăng chức liên tục, Nguyễn tận tụy làm việc cho đến cuối đời, cũng đã gây nên mối hoài nghi về nhân cách của kẻ sĩ nơi Nguyễn, trong khi cùng thời, nhiều người khác không ra làm quan với Gia Long. Ngay trong dòng họ của Nguyễn, Nguyễn Nghi, Nguyễn Lạng, Nguyễn Nhưng, Nguyễn Tốn, các cháu Nguyễn Hành, Nguyễn Thiện cũng sống ẩn dật (tr.151)

Trong khi hết lời ca ngợi Nguyễn, tác giả lại không tiếc lời miệt thị Lê Văn Duyệt. Tác giả gọi Lê Văn Duyệt là “tên mặt sắt”(Tr.267, 275,), luôn dùng thủ đoạn hại người (tr313), “quan viên nào cũng sợ Duyệt như sợ cọp”(tr.306). Đặng Trần Thường nhận xét: ”Hắn là thằng thèm khát quyền lực. Từ nhỏ đã hung hãn, 15 tuổi hắn đã nòi ‘sinh làm trai thời loạn, không dựng được cờ đại tướng, chép công dasnh vào sử sách, không phải là trượng phu’. Đánh giặc hắn đã làm được thế. Giờ giặc tan, tuy đều đệ nhất công thần nhưng hắn là kẻ vô học chỉ biết đánh trận…”(tr.291)

Thực ra Lê Văn Duyệt là người có tài quân sự, chính trị. Ông dám đề nghị với Gia Long lập hoàng tôn Đán (tr 275), không lập hòang thái tử Đảm (vua Minh Mạng). Là người tài giỏi, ông được giữ chức Tổng trấn Gia Định hai lần, triều Gia Long, và triều Minh Mạng. Ông chăm lo đời sống nhân dân, trị an xứ sở. Vùng đất Gia Định trải dài từ Bình Thuận tới Cà Mau kinh tế phát triển, đời sống nhân dân yên ổn, no ấm. Người dân Nam Bộ hết lòng tôn kính…Cái nhìn miệt thị Lê Văn Duyệt của tác giả quả là không khách quan và công bằng đối với lịch sử. Có lẽ vì quá thần tượng Nguyễn Du nên ngòi bút của Nguyễn Thế Quang không giữ được sự thăng bằng cần thiết chăng? Cũng vậy, Gia Long có công thống nhất đất nước và thiết lập một triều đại vững mạnh bằng nhiều biện pháp chính trị không ngoan, song ca ngợi Gia Long (tr.384, 385, 389…) như một minh quân nhân đức, thương dân, trọng người hiền tài sáng suốt cai trị dân, có lẽ cần phải xem lại, cần có cái nhìn khách quan, công tâm với lịch sử (dù là lịch sử trong tiểu thuyết)

Ngoài ra, để cho Nguyễn đồng thuận thái độ quyền lực của Gia Long, tôi nghĩ, tác giả đã bắt Nguyễn quỳ mọp trước sự tàn bạo của Gia Long (tr.347, 352), còn đâu là sĩ khí? Gia Long nói với Nguyễn: “…Ta có làm nhiều điều mà thiên hạ cho là tàn bạo, ta không muốn, nhưng ta phải làm, nếu không ta sẽ chết và không có được giang sơn ngày nay. Tần Thủy Hoàng tàn bạo lắm phải không? Đúng-tàn bạo quá! Diệt Kiến Tần thì được, nge lời Lý Tư mà đốt sách chôn nhà nho và học trò thì không được. Thế nhưng không có Tần Thủy Hoàng thì Trung Hoa không thống nhất. Điều này ngoài Tần Thủy Hoàng ra không ai làm được.

 

Nguyễn nghĩ : điều này thì đúng thật và hoàng thượng là một Tần Thủy Hoàng khôn khéo hơn, biết hơn

Trong cách giải quyết sự bế tắc tư tưởng, Nguyễn Du đã tìm thấy con đường của riêng mình. Nguyễn Thế Quang không theo con đường ấy mà sáng tạo một con đường khác. Tác giả đã viết một chương đầy cảm hứng miêu tả Nguyễn trước khi nhắm mắt xuôi tay đã hướng về nước Phú-Lang-Sa, với lý tưởng “Tự do! Bình đẳng, Bác ái” (tr. 420). Nghe Chaigneau Thắng (tr.407-413) nói về nước Pháp, Nguyễn bừng ngộ về một đất nước mà người dân quyền tự do thân thể, tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, “con người được đứng về phía sự thật, nói lên sự thật, bảo vệ sự thật mà không bị vùi dập”. Nguyễn reo mừng, không sợ hãi. “Ta đã biết được con đường sống của con người là : Tự do! Bình đẳng! Bác ái! Ta chết cũng được rồi. Cái mà bao năm ta đau khổ, ta tìm cũng là cái mọi người, mọi nơi tìm. Ta chưa bao giờ có cái đó. Việt Nam, Chân Lạp và cả Trung Hoa cũng chưa có điều đó. Nhưng có một nơi-Phú Lang Sa có được điều đó. Ôi Phú Lang Sa, mảnh đất ta chưa hề biết”(tr.418)

Cách giải quyết này của Nguyễn Thế Quang là cách nhìn của một nhà tiểu thuyết, có thể chấp nhận được. Song trong suốt tác phẩm, viết về Nguyễn Du và các nhân vật khác, tác giả tôn trọng và bám sát chính sử, thì cách kết này không thể đứng vững. Bởi chuyển từ bút pháp hiện thực sang bút pháp lãng mạn mà không có cơ sở thực tiễn thì lãng mạn ấy là không tưởng. Ở Pháp, những năm đầu thế kỷ 19, tình hình chính trị hết sức rối. Nước Pháp chưa có một nền Cộng hòa ổn định và đời sống dân chủ tốt đẹp. Từ sau cách mạng 1789, Napoléon đảo chính, tự xưng hoàng đế 1804, rồi chiến tranh với các nước châu Âu và Nga. Nước pháp đế chế trải qua nhiều biến động, nhiều lần lật đổ. Mãi đến 1870 thì nền Cộng hòa thứ ba mới thay thế. Vì thế những điều Chaigneau Thắng nói với Nguyễn Du về một nước Pháp “Bình đẳng, tự do, bác ái” vào những năm 1819 thật khó thuyết phục.

Bản thân Nguyễn Du khi kết thúc truyện Kiều đã tìm thấy con đường của mình. Ông chấp nhận Thiên Mệnh, nhưng theo Phật. Phật dạy : “tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình y tựa chính mình”(tr. 342). Nguyễn Du viết : Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa/ Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Để Nguyễn hướng về nước Pháp dân chủ, tự do, có lẽ tác giả muốn Nguyễn đi trước thời đại? Thực tế, Nguyễn không có được tầm nhìn này, tầm nhìn về một cuộc cách mạng chính trị. Nhân vật Từ Hải được coi là nhân vật lý tưởng của Nguyễn Du đã phải chết tức tửi như một thằng “hèn’ (Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn).

Điều băn khoăn lớn nhất với người đọc trong tiểu thuyết này là phần III Đoạn Trường Tân Thanh (tr.223-260). Nguyễn Thế Quang, theo chính sử, cho rằng Nguyễn Du viết truyện Kiều sau khi đi sứ Trung Quốc về (1814). Ở Bắc Kinh, Nguyễn được một Việt kiều giúp đỡ và tặng một cuốn Kim Vân Kiều Truyện (tr.198). Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, mục Nguyễn Du, chép:” Ông giỏi thơ lại sành quốc âm sau khi đi sứ về có tập Bắc hành thi tập và Truyện Thúy Kiều truyền lại đến nay “. Nguyễn Thế Quang miêu tả, khi đi sứ về, Nguyễn xin phép về quê 6 tháng với lý do tu sửa phần mộ. Ở quê, Nguyễn cho làm Vọng Giang Đình bên sông để viết truyện Kiều. Nguyễn hoàn thành truyện Kiều trong 4 tháng (tr. 256), với tâm nguyện “Ta phải lập thân bằng con đường lập thư, lập ngôn” để đời.(tr.151,184). Nguyễn Thiện ca ngợi chí hướng “lập thư” của Nguyễn :”Chú ta sống qua ba triều, nhà nghèo nhưng cũng sẽ bất tử với Đoạn Trường Tân Thanh. Thì ra chí hướng lập thư chú đã ôm ấp từ lâu”(tr. 239)

Vấn đề Nguyễn lập thân bằng “ lập thư, lập ngôn” cũng là vấn đề cần được xem xét. Kẻ sĩ ngày xưa quan tâm đến việc lập đức (như Khổng Tử), lập công (như Trần Hưng Đạo). Việc lập thân bằng văn chương bị coi là thấp kém. Nguyễn Công Trứ viết về kẻ sĩ :”Trong lang miếu, ra tài lương đống,/Ngoài biên thùy rạch mũi can tương.(Kẻ sĩ) Và có thể Nguyễn Du cũng đã đọc Viên Mai (1716-1797): Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch / Lập thân tối tiểu thị văn chương, (sau này cụ Phan Bội Châu viết lại : Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch Lập thân tối hạ thị văn chương). Như vậy gán cho Nguyễn Du chí hướng lập thân bằng lập ngôn, lập thư, để rồi đem hết sức lực viết truyện Kiều, tôi e là hạ thấp Nguyễn Du (?)

Nếu nói Nguyễn Du lập ngôn trong truyện Kiều, thì ấy là, Nguyễn Du kể truyện Kiều để chứng minh cho thuyết “tài mệnh tương đố” mà ông suy gẫm. Cuộc đời Kiều được xây dựng là một con người tuyệt vời tài sắc (“Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”), vì thế Kiều phải chịu khổ (“Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”). Con đường thóat khổ theo Nguyễn Du là “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài). Phần mở đầu và phần kết truyện là phần Nguyễn Du lập ngôn, Nguyễn Du trình bày nhận thức của mình có tính khái quát để lý giải số phận những bậc tài hoa mệnh bạc. Kể lại cuộc đời Thúy Kiều, Nguyễn Du không để lại cho đời những “kinh” như Đức Phật, Khổng Tử, Lão Tử…Cuộc đời của Thúy Kiều chỉ là một minh chứng cho thuyết “tài mệnh tương đố” của Nguyễn Du.

Nguyễn Du chỉ mượn truyện của Thanh Tâm Tài Nhân mà trình bày nhận thức của mình. Dân gian yêu mến truyện Kiều không phải vì cuộc đời nàng Kiều, một tiểu thư khuê các Trung Quốc, rất xa lạ với người nông dân Việt Nam, mà yêu mến truyện Kiều vì nhân dân có thể lẩy ra trong truyện Kiều những câu thơ mang tâm tình và suy nghĩ Việt (tr.390). Còn những nhà phê bình, nhà nghiên cứu thì ca ngợi tư tưởng nhân đạo, tư tưởng tự do, ca ngợi tài kể chuyện, tài tả tình tả cảnh của Nguyễn Du, nâng truyện Kiều lên thành một áng văn trác tuyệt, bất hủ,… Ấy là quyền của người đọc. Còn Nguyễn Du khi viết truyện Kiều có mục đích đó không, tôi nghĩ chúng ta không nên gán cho Nguyễn cái mục đích và chí hướng ấy. Vì giả như, nếu Nguyễn Du không gặp được Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, thì liệu Nguyễn Du có sáng tác được cuốn truyện khác như Đoạn Trường Tân Thanh không? Điều này Nguyễn Thế Quang đã cho thấy, Nguyễn hoàn toàn bất lực (tr.360).

Vấn đề thời điểm Nguyễn Du sáng tác truyện Kiều vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất, đa phần chỉ là suy đoán, không có cứ liệu xác thực. Chẳng hạn, căn cứ vào việc Nguyễn Du kiêng húy tên hoàng tộc, có nhà nghiên cứu cho rằng Nguyễn Du viết Kiều trước khi ra làm quan với Gia Long (2). Nguyễn Thế Quang căn cứ vào Đại Nam Chính Biên Liệt TruyệnĐại Nam Thực Lục Chính Biên, từ đó sáng tạo một chương Gia Long gặp Nguyễn bình thơ Kiều (Chương 7-phần IV). Gia Long nói với Nguyễn :”Trẫm đã đọc “Đoạn trường tân thanh” của khanh. Khá lắm. Đó là tinh hoa của đất trời. Khanh đã làm vẻ vang cho người Việt, văn chương từ xưa đến nay chưa thấy bao giờ”. Khi Gia Long hỏi sao Nguyễn không làm thơ ca ngợi Gia Long, và bắt chẹn Nguyễn rằng “ngươi không chịu làm chứ gì?”(tr. 353), thì Nguyễn “bủn rủn“ biết mình chắc chết, vậy mà Gia Long lại khen :”Khá lắm, thế mới là Nguyễn Du của trẫm chứ…nhà thơ đích thực thì không được xu nịnh bất kỳ ai kể cả quyền lực và mỹ nữ”(tr.354) Tôi e rằng Nguyễn Thế Quang có phóng bút quá không?

Làm gì có một Gia Long phóng khoáng và bao dung đến vậy khi Nguyễn Văn Thuyên chỉ làm một bài thơ khẩu khí thôi (3) thì cha là công thần Nguyễn Văn Thành đã bị bức tử trong ngục (phần IV, chương V, tr 313-332). Huống chi Nguyễn chỉ là viên quan của cựu triều, chẳng có công lao gì trong việc giúp Gia Long lập quốc. Nguyễn đã viết những câu quyết liệt khi ra làm quan với Gia Long, không coi Gia Long ra gì cả:“Bó thân về với triều đình/ Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu/ Áo xiêm ràng buộc lấy nhau/ Vào luồn ra cúi công hầu mà chi/ Sao bằng riêng một biên thùy/ Sức này đã dễ làm gì được nhau/ Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai. Nếu Gia Long đọc đoạn này, thì đây là một cái tát thẳng cánh Nguyễn đánh vào mặt Gia Long, làm sao Gia Long để cho Nguyễn yên thân, nói gì đến việc Gia Long ca ngợi Nguyễn trên mây! Và dạy cho Nguyễn biết chức năng của văn chương :”này, Hãy viết làm sao cho con người yêu thương nhau nhưng kích động nổi dậy chống triều đình là không được đâu nhé. Lúc đó thì dù quý đến mấy cái tài của khanh ta vẫn phải lấy cái đầu của khanh để trị yên thiên hạ đấy. Nhớ chưa ?”(tr.357).

Đây là đoạn thơ có nhà nghiên cứu dùng để đặt ra giả thuyết rằng Nguyễn Du viết truyện Kiều trước khi ra làm quan với Gia Long, bởi nếu Nguyễn Du viết trong thời Gia Long thì số phận của ông cũng sẽ như Nguyễn Văn Thành. Tôi không rõ tác giả xây dựng nhân vật Gia Long bao dung và cao thượng với Nguyễn Du vì mục đích gì. Vì tôn trọng thiên tài Nguyễn Du chăng? Điều này chắc chắn là không. Vua chúa xưa rất sợ người tài. Công trạng như Nguyễn Trãi còn bị nhà Lê tru di. Nguyễn Du nào có công trạng gì với Gia Long? Sau này, khi các nhà nghiên cứu tìm được cứ liệu xác thực về việc Nguyễn Du viết truyện Kiều trước khi ta làm quan với Gia Long, thì tất cả những gì Nguyễn Thế Quang sáng tạo sẽ sụp đổ.

2.Những ký thác

 

Nếu những điều Nguyễn Thế Quang viết về Nguyễn Du không phải là của Nguyễn Du thì đó chính là những ký thác của tác giả. Ở những trang, những dòng ký thác, văn mạch tách hẳn chính sử. Tác giả viết bằng một giọng thiết tha, một niềm say mê khôn nguôi và một cảm xúc lãng mạn bay bổng. Dù tác giả là mượn chuyện xưa để nói, dù dùng cách nói ngụ ý bóng gió, thì những vấn đề của ngày hôm nay vẫn hiện lên rất rõ. Thái độ của tác giả tuy nhiệt thành, song vẫn e dè chừng mực tránh né, rằng điều mình kể, mình bình luận qua miệng nhân vật chỉ là chuyện ngày xưa.

Viết về tình trạng quan chức thời Gia Long, rất nhiều lần Nguyễn Thế Quang để cho Nguyễn Du than phiền về tình trạng tham nhũng, đâu cũng tham nhũng (4), đâu cũng tăm tối. “”Bao nhiêu năm rồi lòng Nguyễn không an… bất lực trước sự tham nhũng của quan lại, mà dân chúng ngày càng đói nghèo.” (153) Phải chăng Nguyễn Thế Quang cũng ngao ngán về tình trạng tham nhũng của một bộ phận quan chức Nhà nước hiện nay?

Ước mơ của Nguyễn về một xã hội “Tự do! Bình đẳng! Bác ái”, “con người được đứng về phía sự thật, nói lên sự thật, bảo vệ sự thật mà không bị vùi dập” (tr. 412), người dân có quyền tự do thân thể, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí. Những ước mơ ấy cũng là ước mơ của tác giả trước thực tại hôm nay?

Rõ nhất là khát vọng về vai trò của kẻ sĩ (5) và quyền tự do viết của nhà văn. Nguyễn xin với Gia Long cho mình được viết theo ý mình (tr. 354) và Nguyễn bất lực không thể viết được khi hình dung ra lúc nào cũng có đôi mắt của Gia Long theo dõi, răn đe :”Nguyễn chợt nhớ lời truyền của Ngài ’kích động nổi dậy là không được đâu nhé. Lúc đó thì dù quý đến mấy cái tài của khanh ta vẫn phải lấy cái đầu của khanh để trị yên thiên hạ đấy’Hoàng thượng ơi! Thế thì thần còn viết được gì nữa. Muốn yên thiên hạ thì thiên hạ phải nghe lời : Hoàng thượng muốn thần chết thì thần phải chết. Thiên hạ phải cúi đầu. Không! Văn chương không phải để làm điều đó. Làm sao mà viết được thứ văn chương đó! Nguyễn cảm thấy những tờ giấy, các nghiên mực ấy như đôi mắt của Gia Long đang theo dõi”(tr.363). “Hoàng thượng ơi! Người ban cho thần cơm trắng, giấy thơm, bút quý, nhưng không ban cho thần tự do thì làm sao thần có thơ văn hay được. (tr. 366).

Trong tiếng kêu thương của nhân vật Nguyễn, người đọc thấy rõ tiếng kêu thiết tha của tác giả đối với những người có trách nhiệm trong việc giúp nhà văn có thể sáng tác được văn thơ hay. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như tác giả nghĩ. Bởi cần phân biệt tự do chính trị với tự do sáng tạo. Chẳng ai có thể ban cho nhà văn quyền tự do sáng tạo. Tự do là bản chất của sáng tạo. Còn thơ văn hay dở là do tài năng thiên phú của người viết. Không thể muốn viết gì thì viết, viết theo ý mình, là có thơ văn hay. Dùng ý tưởng này để lý giải tại sao Nguyễn Du bất lực, không viết được về thực tại đời sống xã hội Việt Nam thời Nguyễn sống, quả thực chưa thuyết phục.

Nguyễn Du không viết vì ông cố ý né tránh, vậy thôi, vì ông đã nói trong những bài thơ chữ Hán (Bắc Hành Tạp Lục) khá cụ thể rồi. Còn tại sao Nguyễn Du lại né tránh viết về thực tại Việt Nam lúc sinh thời, điều này xét về bối cảnh chính trị thời Gia Long và về thái độ sống của Nguyễn, ta có thể hiểu. Tôi hiểu Nguyễn Thế Quang muốn nói về nhà văn hôm nay. Nếu vậy, điều này là một ngộ nhận. Xin nhớ lại, trước thời kỳ “đổi mới”, nhiều người cầm bút nghĩ rằng nếu được “cởi trói” thì sẽ có thể viết được những tác phẩm để đời. Bây giờ nhìn lại văn chương thời kỳ đổi mới (1986-1996), có bao nhiêu tác phẩm làm nên khí cốt, diện mạo và giá trị tinh thần Việt Nam? Hay đa phần là “phê phán hiện thực” mà người ta gọi là “văn học thức tỉnh”? Và những nhà văn người Việt ở hải ngoại, họ có quá dư thừa “tự do”, nhưng cho đến nay chưa ai viết được tác phẩm nào có thể dự giải Nobel văn chương! Chính tài năng mới quyết định sáng tạo.

  1. Về những sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Thế Quang

Những chương hay tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Du của Nguyễn Thế Quang, là những chương tác giả thực sự sáng tạo. Nội dung những câu truyện được kể ở những chương này nằm ngoài chính sử. Những khoảng trống của lịch sử đã được làm sáng lên. Ở đây Nguyễn Thế Quang thể hiện được chất tài hoa của ngòi bút, năng lực hư cấu, sáng tạo. Nếu bỏ qua góc nhìn lịch sử mà hòa mình vào thế giới tiểu thuyết, người đọc sẽ cảm thấy thật thú vị. Những chương này tạo nên những sắc màu thẩm mỹ phong phú. Đó là những chương viết về việc Nguyễn xử án khi làm Cai bạ Quảng Bình, chương Nguyễn vi hành (Phần II, chương 5), chương tả Nguyễn cầu hồn Khuất Nguyên (Phần II, chương 11), chương Gia Long xử Nguyễn Văn Thành (phần IV, chương 1), gặp gỡ Nguyễn và Hồ Xuân Hương (phần II, chương 8), gặp gỡ Gia Long và Nguyễn (Phần IV, chương 7).

 

Tuy vậy dấu vết nghề nghiệp in rất rõ trên những chương tác giả kể lại quá trình Nguyễn viết truyện Kiều (phần III, Đoạn trường tân thanh) và chương Gia Long bình văn Kiều. Đọc kỹ sẽ thấy rằng phần này chỉ là những bài giảng truyện Kiều cho học sinh phổ thông, được dựng thành cảnh để thành một chương tiểu thuyết, qua đó lý giải việc Nguyễn đã sáng tác truyện Kiều như thế nào. Tác giả để cho Nguyễn giảng thơ mình, để con cháu phụ họa tung hứng. Chất liệu được khai thác là : đoạn thơ mở đầu truyện Kiều (tr. 231), đoạn Kiều bị Sở Khanh lừa gạt, bị Tú Bà đánh (tr.233), Kiều lầu xanh (tr.238), luận về các câu Kiều : chọc trời khuấy nướcmặc dầu.., tu là cõi phúc tình là dây oan, Chính danh thủ phạm tên là hoạn Thư (việc tha cho Hoạn Thư), về cái chết của Từ, và về chữ Tâm (tr.258). Người đọc thấy rõ sự võ đoán và sự áp đặt máy móc suy nghĩ của tác giả vào miệng Nguyễn. Điều này có thể làm cho người đọc khó chịu. Xin đọc một đoạn giảng Kiều :

Nguyễn Hành nói :

  • Thưa chú. Biển khổ đầy vơi ta làm sao biết được. Nhưng đọc “Đoạn trường tân thanh” của chú con người được an ủi hơn và có thêm khát vọng. “Đoạn trường tân thanh” bao trùm một chữ Tâm, nó nối tiếp cái đã qua, mở ra cái sắp tới, đó là Đạo. Nó sẽ sắp đặt công việc của đất trời, chính nó là Văn. “Đoạn trường tân thanh” không phải “Mua vui cũng được một vài trống canh” mà chừng nào con người còn sống cảnh trói buộc, còn bị khổ đau thì con người còn đọc nó.Nguyễn nhìn hai cháu mắt sáng lên…” (tr.258)Đó là Nguyễn Hành nói về đoạn kết truyện Kiều. Nguyễn Thế Quang để cho nhân vật “tán” Kiều theo kiểu Hoài Thanh, dựa trên trực giác chủ quan, hoàn toàn cảm tính và áp đặt. Nghĩa của những chữ “Tâm, Đạo, Văn” mơ hồ, nếu không nói là không đúng với Kinh nghĩa của Phật về Tâm (Bát Nhã tâm kinh, kinh Kim Cang), của Đạo Đức Kinh (Lão Tử) về Đạo, và định nghĩa của Lưu Hiệp trong Văn Tâm Điêu Long về Văn. Tôi nghĩ, toàn bộ phần III, Nguyễn sáng tác truyện Kiều nên có cách dựng khác, thay vì dựa vào một vài đoạn thơ Kiều rồi “tán” vu vơ, thiếu cơ sở khoa học lịch sử. Cách viết “tán” như giảng bài cho học sinh phổ thông vừa không có giá trị tiểu thuyết, vừa dễ mắc sai lầm, vì diễn giải là vô tận. Chẳng hạn, tác giả lấy lời của Mộng Liên Đường năm 1820 gắn vào miệng Nguyễn Hành nhận xét về Nguyễn năm 1814 là một cách làm thiếu sự chuẩn xác khoa học (tr.259) (6). Áp đặt cho Nguyễn những điều không phải của Nguyễn (tr. 145, 151, 152, 184, cả phần III…) là thiếu tính chân thực lịch sử. Những người không biết đọc tiểu thuyết sẽ tin Nguyễn Thế Quang viết đúng sự thật lịch sử, trong khi các chương kể lại quá trình Nguyễn Du sáng tác truyện Kiều hoàn toàn là võ đoán và không tránh được sự hàm hồ (chẳng hạn như đoạn trích ở trên). Điều này có mâu thuẫn không khi chính tác giả kêu gọi : “sự thật lịch sử thế nào phải trả lại thế ấy” (tr.112)
  • Nguyễn Thế Quang không có cách tân gì trong nghệ thuật viết tiểu thuyết. Cách kể truyện của ông mạch lạc, lớp lang, dễ hiểu. Ông miêu tả tâm trạng nhân vật bằng kỹ thuật “nhớ”, nhân vật hồi tưởng lại sự việc, thay vì miêu tả trực tiếp (7). Có điều ông quá lạm dụng kỹ thuật này thành ra nhân vật chỉ có phần “hồn” mà thiếu đời sống xã hội. Gần như mỗi nhân vật chỉ có một tâm trạng. Gia Long luôn nghi kỵ công thần. Nguyễn Du lo lắng vì thân phận “hàng thần” và chán nản nhìn đâu cũng thấy quan lại tham nhũng. Lê Văn Duyệt lúc nào cũng mưu tính hại người. Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh, Đặng Trần Thường, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh gặp nhau chỉ than thở về thân phận kẻ sĩ… Tác giả tưởng tượng được đến đâu thì viết ra như thế, và dường như theo một định kiến có sẵn, thành ra các nhân vật không hiện rõ được góc cạnh và hành trạng riêng, hao hao nhau về suy nghĩ về kiểu nói năng. Nhân vật “kẻ sĩ” được dụng công xây dựng nhưng lại thiếu vắng kiểu nhân vật anh hùng.
  • Nhân vật chính Nguyễn tuy có được miêu tả trong nhiều hoàn cảnh, song chủ yếu chỉ là nhân vật tâm trạng. Nguyễn thiếu sức sống đích thực của một nhân vật có tầm vóc xã hội. Nguyễn được miêu tả là người “cao to hùng dũng, có tài văn võ”(tr.76), có cốt cách cứng cỏi thanh tao (tr.196) một tiên ông đạo cốt (tr.245), “tài trí đức độ hơn người (tr. 382)…vậy mà khi suy nghĩ về việc Gia Long triệu vào kinh, Nguyễn “giật mình, mồ hôi toát ra|, “Nguyễn lạnh xương sống”, “Nguyễn co mình lại”(tr.81). Trước mặt Gia Long Nguyễn tự nhận mình là con thỏ (tr.349) và khi Gia Long nghiêm mặt, giơ ngón tay chỉ Nguyễn, thì “Nguyễn tái mặt, mồ hôi ướt đẫm áo, vội quỳ xuống “(tr.351). Nguyễn tự nhận “Mình là thằng hèn”(tr.365), một gã vô tích sự (tr134). Khi nói truyện với Vũ Trinh, Nguyễn cũng nhắc lại suy nghĩ này :”Đệ là thằng hèn, đệ là thằng bỏ đi”(tr.400). Đây không phải là cốt cách của người hùng dũng, cứng cỏi, đức độ, tài trí hơn người. Nguyễn suy nghĩ khôn ngoan như thế này :”Bao năm qua ta lặng lẽ không theo phái nào, không dựa vào ai, không khen ai, không chê ai, không gây sự với ai, cũng là để bảo toàn thân mình… Ta không đụng người thì người không đụng đến ta…”(tr.152). Ô hay! Nguyễn là nhà Nho, mà cốt cách nhà Nho là “Uy vũ bất năng khuất”(Mạnh Tử). Nguyễn Du lại đọc kinh Kim Cang hàng ngàn lần (8)” Lòng này thường định không rời cảnh thiền.”(Thử tâm thường định bất ly thiền. Bài thơ Đề Tam Thanh Động-Nguyễn Du), một người đã trải qua bao bể dâu, sao lại có thể sống co mình lại, vị kỷ như vậy! Chính sự miêu tả thiếu nhất quán và áp đặt của tác giả đã làm cho hình tượng Nguyễn Du không hiện lên được. Nói cách khác, tác giả đã không khắc tạc được hình tượng nhân vật Nguyễn Du chân thực và có sức thuyết phục.Trong khi lý giải những vấn đề của hiện thực, Nguyễn Thế Quang tỏ ra lúng túng và thiếu hẳn một triết lý đủ vững khả dĩ làm nền tảng tư tưởng cho ngòi bút. Người đọc thấy lởn vởn tư tưởng nhân quả luân hồi, vay trả trả vay (tr.215), quả báo (tr.303, 395), phong thủy về sự kết phát của mồ mả (tr. 369, 370). Nhờ “sức mạnh ghê gớm của huyệt mạch” và ”huyệt đạo mộ của thân phụ đắc địa quá” (tr.373) làm nên danh phận lẫm liệt của dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Việc để Nguyễn cho khơi con mương dẫn mạch mộ tổ đổ ra sông Lam (tr.373) không cho con cháu làm quan là giải pháp hoàn toàn duy tâm, đi ngược lại niềm tin dân gian, thậm chí là “thất đức” và “vô phép” với tổ tiên (bằng chứng là khi Nguyễn xin âm dương, hồn phụ thân Xuân Quận Công không thuận. tr.376). Có lúc tác giả để Nguyễn đi ngao du. Nguyễn chơi đò, đánh đàn (tr.339), rồi lên chùa viếng Phật đàm đạo với đại sư trụ trì (tr.341), lúc về qua đò gặp lão đò đã siêu thoát (tr.343). Phải chăng Tác giả muốn nói rằng Nguyễn là người đã đạt đến cõi giác ngộ của cả Phật, Nho, Lão, nhờ thế sống an nhiên? (Nguyễn là “người thông đạt Phật lý”). Vậy mà kết truyện, tác giả lại cho Nguyễn hoàn toàn hướng về nước Phú-Lang-Sa với mơ ước “Bình đẳng! Tự do! Bác ái”. Muốn giải mã vấn đề Nguyễn Du im lặng thời làm quan với Gia Long, Nguyễn Du đau đời (thể hiện trong nhiều bài thơ), và Nguyễn thanh cao, tác giả càng loay hoay, lại càng tự mâu thuẫn và bất lực. Có chăng, qua tiểu thuyết Nguyễn Du, tác giả góp một cách hiểu về con người Nguyễn Du, và đó là cách hiểu của tiểu thuyết, không phải cách hiểu của khoa học lịch sử.
  • 4.Đọc tiểu thuyết lịch sử
  • Đọc tiểu thuyết nói chung và tiểu thuyết lịch sử nói riêng, bạn đọc cứ thả hồn vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm, để cảm nhận cái hay của văn chương, hiểu biết thêm đời sống, để làm phong phú thêm tư tưởng và mở tâm hồn ra với đời, với người. Đọc là cảm nhận, là đối thoại, là chia sẻ. Tiểu thuyết là thế giới tưởng tượng, sáng tạo. Nhà văn kể chuyện, bịa truyện là để “mua vui”, và cũng để ký thác những suy nghĩ, khát vọng của mình. Nếu người đọc tìm thấy điều gì đó tâm đắc với mình, tôi nghĩ, như vậy đã đủ cái công sức và thời gian bỏ ra để đọc một tác phẩm hàng trăm trang. Nguyễn Thế Quang đã ký thác khá nhiều điều trong tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Du. Câu chuyện tác giả kể về Nguyễn là hư cấu, nhưng công sức thu thập tài liệu, tâm huyết và tài năng của nhà văn, phẩm chất của một nhà giáo là rất thực. Điều này làm nên giá trị tác phẩm và bảo đảm cho những gì nhà văn chia sẻ với bạn đọc. Cũng xin lưu ý bạn đọc ý kiến này của tác giả :”Điều quan trọng hơn là tác giả muốn sáng tạo một Nguyễn Du với khát vọng viết tiếp một “Đoạn trường tân thanh” nữa về bi kịch của người trí thức trước cường quyền thời đó mà không thể viết được”.
  • Tháng 4. 2015
  • _____________________________________________
  • 1.http://www.baothuathienhue.vn/?gd=6&cn=275&newsid=28-76-874
  •  
  •  
  • X
  • 2.Xin tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu : Trương Chính, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Quảng Tuân, GS Nguyễn Tài Cẩn, PGS Ngô Đức Thọ, PGS Đào Thái Tôn, PGS Lê Thanh lân, TS Phạm Trọng Chánh…
  • 3.Thử hồi nhược đắc sơn trung đế/ Tả ngã kinh luân chuyển hóa cơ. (Nghĩa là : Thời nay, nếu mà có được vị chúa trong núi kia ở bên cạnh để ta lo sắp đặt thì có thể xoay chuyển được cơ trời).
  • 4.Xin xem các trang : 195, 207, 211, 215, 216, 244, 264, 359, …
  • 5.Xin đọc trang : 205, 200, 210, 217, …
  • 6.Mộng Liên Đường Chủ Nhân viết bài tựa truyện Kiều năm 1820 :” “Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy”.
  • 7.Nguyễn Hành nói :”Càng nghĩ đến “Đoạn trường tân thanh” em càng thấy lạ, văn đã tuyệt diệu mà ý cũng khôn cùng. Chú mình là bậc kỳ tài. Không có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả ngàn đời, thì không thể có cái bút lực như máu chảy ở đầu ngọn bút, như kiếm thần vung lên giữa bão giông như vậy…”(tr.259)
  • 8.Xin đọc các trang : 37, 47, 51, 53, 65, 89, 113, 135, 155, 156, 160, 168, 173, 181, 189, 264, 267, 288, 292, 293, 301, 327, 328, 335, 337, 381…
  • 9.Xin đọc bài thơ : Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài
  • 10.Trả lời phỏng vấn Nguyễn Khắc Phê : http://www.baothuathienhue.vn/?gd=6&cn=275&newsid=28-76-874