NHÀ VĂN ĐỒNG NAI

 

 

 

NHÀ VĂN ĐỒNG NAI – MỘT THẾ HỆ MỚI

Bùi Công Thuấn

 

Nhà Văn Đồng Nai 3

 

Ban Văn học – Hội VHNT Đồng Nai có 75 tác giả (năm 2017), trong đó có 14 Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Trong chuyên luận này, tôi tập chú vào các nhà văn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ở Đồng Nai. Những tác giả khác tôi cũng đã viết về họ trong cuốn Hoa đỏ bên sông (Nxb HNV. 2014). Tôi thực hiện cuốn sách này như một đóng góp nhỏ hướng đến kỷ niệm 40 năm thành lập Hội VHNT Đồng Nai (1979-2019)

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI

Hội Văn học – nghệ thuật Đồng Nai được thành lập ngày 22-12-1979 tại Biên Hòa. Chủ tịch Hội đầu tiên là nhà văn Lý Văn Sâm. Năm 1980, nhà văn Hoàng Văn Bổn từ Xưởng phim Quân đội nhân dân chuyển về làm Phó chủ tịch Hội kiêm Tổng biên tập báo Văn nghệ Đồng Nai. Từ đó đến nay đã gần 40 năm, Hội đã đạt được nhiều thành tựu về các hoạt động văn học nghệ thuật.

Hoạt động chính của Hội VHNT địa phương là hoạt động phong trào. Hội quy tụ những người cầm bút để sáng tác, thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Phẩm chất chính trị là tiêu chí hàng đầu của hoạt động Văn nghệ phong trào.

Đây là hoạt động của Ban văn học Hội VHNT Đồng Nai năm 2017: “Theo thống kê, năm 2017, hội viên Ban Văn học đã tham gia 4 trại sáng tác và nhiều sự kiện, hội thảo do Hội VHNT Đồng Nai tổ chức; với hàng trăm sáng tác và góp mặt trong một số tuyển tác phẩm in ấn, xuất bản năm 2017. Có 11 tập sách cá nhân được xuất bản, và trên 40 tác phẩm được in ấn trên các báo, tạp chí chuyên ngành Trung ương; cùng nhiều giải thưởng Trung ương và địa phương. Năm 2017, Ban Văn học kết nạp 03 hội viên mới, và có 01 hội viên được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam (nhà thơ Nguyễn Đức Phước)…”[1].

Văn kiện Đại hội lần thứ V-Hội VHNT Đồng Nai đánh giá về hoạt động Văn học: “…trong 5 năm qua, Ban Văn học đã thể hiện rõ khả năng và trách nhiệm của một ban chủ lực, luôn chủ động công việc…xúc tiến tổ chức các trại sáng tác,, các buổi hội thảo, tọa đàm, giao lưu tác phẩm, mở lớp bồi dưỡng kỹ năng sáng tác…Đã có 118 giải thưởng trong các cuộc thi văn học nghệ thuật trung ương và địa phương được trao cho các tác giả hội viên Ban Văn học. Số đầu sách xuất bản trong nhiệm kỳ là 52 cuốn. Đã có 217 tác phẩm hội viên Ban Văn học được giới thiệu trên các báo và tạp chí trung ương, địa phương trong 5 năm qua

Phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của Hội VHNT Đồng Nai tập trung vào các nhiệm vụ sau: “Tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao trong năm 2018, nâng cao chất lượng hoạt động và sáng tác nhằm phục vụ cho đời sống tinh thần của người dân trong tỉnh, tập trung các đề tài: Cuộc vận động sáng tác “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, 320 năm Biên Hòa-Đồng Nai hình thành và phát triển; các đề tài công nghiệp và công nhân lao độngh, bảo vệ chủ quyền-biển đảo,hướng đến những ngày lễ lớn của đất nước và tỉnh Đồng Nai trong năm 2018”

[Báo cáo số 25/BC-VHNT, ngày 15 tháng 12 năm 2017 của NS Nguyễn Khánh Hòa, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai, gửi Thường trực Tỉnh ủy, UBND Tỉnh Đồng Nai và các Sở, Ban, Ngành có liên quan cùng các hội viên]

Nhà văn phong trào bộc lộ tâm tình: “Hội VHNT đặc biệt là Ban Văn học đóng vai trò kêu gọi, thúc giục tạo nên chất men sáng tạo cho anh chị em trong Ban văn. Mỗi lần cần có chương trình sáng tác, thực hiện sách để phục vụ nhiệm vụ chính trị hoặc tổ chức các trại sáng tác, tổ chức đi thực tế, văn phòng Hội và Ban văn học đã cố gắng rất nhiều. Bản thân tôi mới được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam, rất hào hứng phấn khởi và luôn phải tự vượt lên chính mình để hoàn thành yêu cầu của tổ chức. Có những đề tài không phải sở trường như viết về công nghiệp, nông nghiệp nhưng nhờ bản thân cố gắng và sự động viên của Ban tổ chức, của bạn bè tôi đã thực hiện được.

Thông qua các hoạt động anh chị em chúng tôi đã có sự thông cảm, chia sẻ, gắn kết dần dần nâng chất lượng sáng tác lên. Là một người viết từ những năm tháng tuổi trẻ, nay ở tuổi xế chiều vẫn sôi nổi tham gia các phong trào đối với tôi là một điều hạnh phúc.”

[Nhà văn Bùi Quang Tú: http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=946&CatId=79]

Theo lời của nhà văn Bùi Quang Tú, nhà văn phong trào viết để “hoàn thành yêu cầu của tổ chức” là chính, tức là thực hiện nhiệm vụ chính trị, không bận tâm đến chất lượng nghệ thuật: “Có những đề tài không phải sở trường như viết về công nghiệp, nông nghiệp nhưng nhờ bản thân cố gắng và sự động viên của Ban tổ chức, của bạn bè tôi đã thực hiện được.”

Nhà văn chuyên nghiệp thì khác. Ngoài phẩm chất chính trị (như Điều lệ Hội Nhà Văn Việt Nam quy định), họ còn phải sáng tác những tác phẩm đạt đỉnh cao về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần xây dựng một “nền văn học, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân” (Nghị quyết 23-NQ/TW).

Sự phát triển của một nền văn học, ngoài việc xem xét các phong trào, tôi quan tâm đến sự vận động nội tại của văn chương, đó là sự vận động của tư tưởng và nghệ thuật, là sự xuất hiện gây dấu ấn của các phong cách nghệ thuật. Nhà văn E. Hemingway đạt giải Nobel với cuốn Ông già và biển cả, một cuốn tiểu thuyết rất mỏng, có cốt truyện đơn gian, nhân vật chính là ông già đánh cá. Điều gì làm nên giá trị của tác phẩm? Chính là tư tưởng và nghệ thuật, không phải ở nội dung phản ánh hiện thực. Khôi Vũ tự đánh giá văn chương của mình: “Nhiều năm sau đọc lại, tôi nhìn ra chất “kể” nhiều hơn chất “tả” trong sách, phần “truyện” nổi rõ hơn phần “tư tưởng”. Mà như thế, gọi là “tiểu thuyết” có lẽ đã thậm xưng!”(Con ếch ngắm trăng). Trong 40 năm phát triển của văn chương Đồng Nai, Nhà văn nào có đóng góp về tư tưởng và nghệ thuật vào sự phát triển của văn học Việt Nam đương đại?

MỘT THẾ HỆ MỚI

 Tôi gọi thế hệ cầm bút sau thế hệ nhà văn kháng chiến như Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn là một thế hệ mới. Chẳng hạn, nhà văn Khôi Vũ-Nguyễn Thái Hải, tuy thành danh từ trước 1975 với 7 đầu sách Tuổi Hoa đã in, nhưng sau 1975 việc sáng tác của anh bị ngưng lại. Mãi tới 1981 anh mới in được truyện “Trạm xá ngoại thành” trên Văn nghệ Tp HCM. Năm 1982 Khôi Vũ đi học lớp bồi dưỡng viết văn trẻ cùng với Phạm Thanh Quang (bộ đội), Đàm Chu Văn (bộ đội) là những nhà văn rường cột của Hội VHNT Đồng Nai hôm nay.

Nhà văn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam sinh họat ở Hội VHNT Đồng Nai hiện nay (2018) gồm có: Khôi Vũ-Nguyễn Thái Hải (vào HNV 1990), Đàm Chu Văn (1999), Trần Ngọc Tuấn (2001), Phạm Thanh Quang (2002), Lê Đăng Kháng (2002), Lê Thanh Xuân (2003), Nguyễn Một (2006), Trần Thu Hằng (2011), Bùi Công Thuấn (2015). Bùi Quang Tú (2015), Nguyễn Trí (2016), Đỗ Minh Dương (2017), Nguyễn Đức Phước (2018). Nhà văn Nguyễn Đức Ánh (2001) mới chuyển đến.

Các nhà văn Đồng Nai được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam từ sau đổi mới 1986. Họ khác biệt với thế hệ nhà văn kháng chiến như Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn. Họ xuất thân từ nhiều nguồn, không thuần nhất kiểu Nhà văn-chiến sĩ như văn nghệ kháng chiến. Nội dung tác phẩm không còn là hiện thực kháng chiến chống Mỹ được miêu tả trực tiếp, mà là hiện thực đời thường, bề bộn, tốt xấu lẫn lộn. Họ rời bỏ Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa, không còn viết anh hùng ca với những nhân vật lý tưởng. Thời họ sống là thời của Kinh tế thị trường (khác với thời bao cấp). Quan điểm văn chương nghệ thuật của Đảng đã đổi mới (Nghị quyết 23-NQ/TW năm 2008 của Bộ Chính trị), cho phép họ thỏa sứ khám phá sáng tạo. Nhưng đồng thời văn chương của họ đã chịu sự chi phối của thị trường. Nhiều nhà văn đã đi hẳn vào văn chương trị trường. Các nhà văn Khôi Vũ, Nguyễn Trí, Nguyễn Một… rất năng động với thị trường…Nhà thơ Trần Ngọc Tuấn in thơ Thiền (Loại thơ này nằm ngoài kế hoạch sáng tác của Hội VHNT Đồng Nai)…

GIẢI THƯỞNG TRỊNH HOÀI ĐỨC

Giải thưởng Trịnh Hoài Đức (Đồng Nai) được tổ chứ 5 năm một lần nhằm biểu dương các tác giả có tác phẩm viết về đất nước, con người Đồng Nai. Mặc dù tiêu chí giải và việc thẩm định tác phẩm của các giám khảo (được mời ở ngoài tỉnh) còn nhiều vấn đề, song kết quả giải thưởng, trong một góc độ nào đó, có thể là “thước đo” thành tựu văn chương Đồng Nai. Rất tiếc Giải thưởng Trịnh Hoài Đức lần thứ IV không có tên nhà văn Khôi Vũ- Nguyễn Thái Hải, một cây bút đã in hơn 50 tác phẩm, không có mặt nhà thơ Lê Thanh Xuân, từng là Trưởng Ban Văn học Hội VHNT Đồng Nai… Nhìn vào danh sách các tác giả Ban Văn học đạt giải trong 4 lần trao giải vừa qua (20 năm), ta có thể thấy được sức viết và sự đóng góp của nhà văn Đồng Nai.

 

Lần I

(2000)

Lần II

(2001-2005)

Lần III

(2006-2010)

Lần IV

(2011-2015)

Hoàng văn Bổn

Lê Bá Ước

Phạm Thanh Quang

Nguyễn Thu Trân

Đàm Chu Văn

Trần Ngọc Tuấn

Đỗ Minh Dương

 

Hoàng Văn Bổn

Khôi Vũ

Trần Thu Hằng

Nguyễn Một

Lê Thanh Xuân

Đàm Chu Văn

Thu Trân

Trần Ngọc Tuấn

H. Đình Nguyễn

Lê Đăng Kháng

Minh Chung

Nguyễn Đức Phước

Nguyên Hùng

 

Trần Thúc Hà

Khôi Vũ

Tấn Hoài

Hoàng Ngọc Điệp

Đàm Chu Văn

Lê Thanh Xuân

Đỗ Minh Dương

Tiêu Thanh Giang Kiều Văn Phẩm

Bùi Quang Huy

Bùi Công Thuấn

 

Trần Thu Hằng Nguyễn Một

Nguyễn Trí

Đào Sỹ Quang

Đỗ Trung Tiến Phương Rong

Hạnh Vân

Đỗ Minh Dương

Trần Ngọc Tuấn

Lê Đăng Kháng

Phan Quang Hợp

H. Đình Nguyễn

Huỳnh Ngọc Ẩn Vũ Đức Hậu

Ng. Xuân Từng

Bùi Công Thuấn

Bùi Quang Huy

 

Các nhà văn đạt giải nhiều lần gồm có: Khôi Vũ (2), Trần Thu Hằng (2), Nguyễn Một (2), Lê Thanh Xuân (2), Đàm Chu Văn (3), Trần Ngọc Tuấn (3), Đỗ Minh Dương (3), Lê Đăng Kháng (2), Bùi Công Thuấn (2), Bùi Quang Huy (2), Thu Trân (2). Rõ ràng đây là đội ngũ nòng cốt, sung sức và có những đóng góp nhất định làm nên bộ mặt văn chương Đồng Nai trong gần 30 năm qua. Nhà văn Nguyễn Trí được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam 2016 là một sự xuất hiện có tính đột phá.

Trong Ban Văn học thuộc Hội VHNT Đồng Nai còn nhiều tác giả có quá trình sáng tác dày dặn như: Hoàng Ngọc Điệp, Nguyễn Hoài Nhơn, Đào Trọng Thử, Trần Thúc Hà, Trương Thanh Phận, và những tác giả trẻ triển vọng như Đào Sỹ Quang, Dương Đức Khánh, Hạnh Vân, Phương Rong… Tác phẩm của họ ít nhiều đã ghi được dấu ấn trên văn đàn, tuy nhiên, họ cần có được những tác phẩm đột phá về nghệ thuật và nội dung để khẳng định tài năng văn chương của mình.

NHÀ VĂN ĐỒNG NAI VIẾT NHỮNG GÌ?

Xin quan sát tác phẩm của những nhà văn tiêu biểu (ghi nhận chưa đầy đủ)

KHÔI VŨ

Sách viết với bút danh Khôi Vũ:

  1.  Già lửa (Tập truyện ngắn–1986), 2. Chuyện ở dãy phố năm căn (Truyện vừa– 1987), 3. Người có một thời (Tiểu thuyết–1988), 4. Giữa dòng đời (Tiểu thuyế –1989), 5. Lời nguyền hai trăm năm (Tiểu thuyết–1989), 6. Dòng sữa cây nước mắt (Tiểu thuyết–1990), 7. Mặt trời của riêng ai? (Tiểu thuyết–1990), 8. Triệu phú (Tiểu thuyết -1992), 9. Ngọn lửa âm thầm (Tiểu thuyết–1993), 10. Tri thiên mệnh (Tập truyện ngắn – 2001), 11. Bên kia dãy điệp vàng (Tập truyện ngắn–2003), 12. Bay với đôi tay trần (Tiểu thuyết–2004), 13. Cái bóng (Tiểu thuyết–2005, 14. Những người nuôi lửa (Tiểu thuyết -2005), 15. Nhớ Biên Hòa (Hồi ức & Truyện ký-2005), 16. Phía sau một khách sạn (Truyện vừa-2006), 17. Vỡ dần trong mắt (Tiểu thuyết-2009), 18.  Ám ảnh đất Bazan (Tiểu thuyết-2009), 19. Phù phiếm bên biển (Tập truyện ngắn-2010), 20. Đàn ống tre bên kia sông (Tập truyện ngắn–2012), 21. Bến đời mơ thực (Tiểu thuyết 2016)…

Sách thiếu nhi viết với bút danh Nguyễn Thái Hải:

  1. Hoa tầm gởi (Truyện vừa-1970), 2. Chiếc lá thuộc bài(Truyện vừa-1971), 3. Ngoài cửa sổ (Truyện vừa-1971), 4. Mùa sương mù (Truyện vừa-1971), 5. Tiếng hát vành khuyên (Truyện vừa-1972), 6. Xóm nhỏ (Truyện vừa-1972), 7. Nhóm lửa (Truyện vừa-1973), 8. Con dốc cổng trường (Truyện vừa-1975), 9. Bên bóng Thái sơn (Truyện vừa–1989), 10. Thằng đầu bò (Tập truyện ngắn–1989), 11. Ba chàng thám tử (Truyện vừa–1992), 12. Cha con ông Mắt Mèo (Truyện vừa–1993), 13. Những trái sao xoay (Truyện vừa–1993, 14. Những ông tướng nhà trời (Truyện vừa–2002), 15. Chú bé phiêu lưu (Tập truyện ngắn–2002), 16. Thằng heo sữa (Truyện vừa–2003), 17. Cánh chuồn kim biếc (Truyện dài 3 tập–2004), 18. Cây trứng cá gãy ngọn (Truyện vừa- 2006), 19. Sao chim không hót (Tập truyện-2011), 20. Mơ làm thủ lĩnh (Truyện vừa – 2011), 21. Một ngày hè ở biển (Tập truyện-2012)…

NGUYỄN MỘT

Tác phẩm cho thiếu nhi – bút danh Dạ Thảo Linh:

Hoa dủ dẻ (Tập truyện – 1997), Năm đứa trẻ xóm đồi (Truyện dài – 1999), Ngũ

 hổ tướng (Truyện dài – 2000), Màu hoa trắng (Truyện ký –2001), Long lanh giọt nắng (Truyện dài–2003), Mùa trái chín (Truyện vừa –2004)…

Bút danh Nguyễn Một

Tha Hương (Tập truyện ngắn –1996), Vũ Điệu trên đỉnh Kung Pô (Tập truyện

ngắn –2001), Quà của đất (Tập bút ký –2002), Như là cổ tích (Tập truyện ngắn – 2005), Giữa đời thường (Tập bút ký –2005), Dòng sông độ lượng (Tập bút ký – 2008), Đất trời vần vũ (Tiểu thuyết – 2009), Ngược mặt trời (Tiểu thuyết -2012), Câu chuyện bên một dòng sông – Phim tài liệu VTC9 2009 (kich bản, lời bình và đạo diễn)

Hành trình ước mơ (kịch bản phim tài liệu), Người Việt tử tế (Bút ký-viết chung với Lê Thanh Phong-2017)…

LÊ ĐĂNG KHÁNG

Các tác phẩm đã in: Sương sớm (tập truyện ngắn), Đến hẹn (thơ-2004), Tiếng chim mắc nợ (thơ-1992), Hoa cúc ổi (tiểu thuyết-2006), Quả ngọt (thơ và trường ca -2014), Kẻ đánh thuế đời mình (tập truyện-1997), Vầng trăng nơi thiên đường (tiểu thuyết-1991), Vùng sáng trước mặt (tập truyện- 2002), Thiếu phụ cùng băng ghế (tập truyện-2016)…

PHẠM THANH QUANG

Đã in: Tình yêu thuở ấy (Tập truyện ngắn-1993), Trước dòng xoáy cuộc đời (tiểu thuyết-1995), Sương khói quê nhà (Tập thơ-1999), Địa linh (Tập truyện ngắn -2001), Khoảng lặng không gian (Tập thơ-2002), Lạc giữa hành tinh (truyện thiếu nhi- 2003), Tìm lại mỹ nhân (tập truyện-2004), Tình yêu màu lính (2017)…

NGUYỄN TRÍ

Đã in: Bãi vàng. Đá quý. Trầm hương (Tập truyện-2013), Đồ tể (tập truyện-2014), Thiên đường ảo vọng (Tiểu thuyết-2015), Ảo và sợ (Tập truyện-2016), Tuổi thơ không cánh diều (2016), Ngoi lên từ đáy (2016), Bay cao thì mặc bay cao (2016), Ngụy (Tập truyện-2017), Bụi đời và thục nữ (Tiểu thuyết-2017), Trí Khùng tự truyện (Hồi ký-2017), Khùng (Tập truyện-2017)…

TRẦN THU HẰNG: Chuyến tàu ước mơ (tập truyện thiếu nhi-2004), Đàn đáy (tiểu thuyết, 2005), Cơn lũ, ốc sên và hoa hồng (Truyện vừa, 2005), Chàng thợ gốm (tập truyện thiếu nhi-2005), Rừng thiêng vẫy gọi (Tiểu thuyết, 2006), Trăng khuyết (Tập truyện ngắn, 2006), Người đàn bà lưu vong (Tiểu thuyết, 2008), Thần đồng và cuộc chiến bảo vệ Thủy Tháp (Truyện khoa học viễn tưởng, 2010), Chuyện tình ở Hầm Hinh (Tiểu thuyết, 2015)…

ĐỖ MINH DƯƠNG

Các tập thơ đã in: Thư tình để ngỏ (thơ-1990), Chạnh lòng (thơ-1997), Tình yêu và định mệnh (thơ-2001), Hành trình lục bát (thơ-2003), Với miền đất đỏ (thơ-2007), Đợi chờ bình minh em (tập thơ-2009), Đồng dao cho mình (thơ-2013), Lục bát dọc đường (tập thơ-2014)…

LÊ THANH XUÂN

Các tập thơ đã in: Niềm vui tặng mẹ (thơ thiếu nhi in chung- 1978), Trăng qua nhà (1989), Tiếng ru đêm (2000), Đồng Hành (2001), Âm điệu quê hương (2003), Trong vườn (tập thơ thiếu nhi – 2003), Khoảng cách thời gian (2006), Hồn đá (2006), Thơ Lê Thanh Xuân (tuyển tâp- 2015), Tặng và nhớ (2018)…

TRẦN NGỌC TUẤN: Các tập thơ đã in: Giác quan biển (1994), Giữa cỏ (1996), Chân chim hóa thạch (1998), Con mắt dã quỳ (2000), Gửi dòng sông Đồng Nai (2004), Suối reo (2006), Hiện hữu (2013)…

ĐÀM CHU VĂN:

Tác phẩm đã in: Dòng sông ngại chảy (Tập thơ-1998). Tiếng Mùa (Tập thơ-2003), Ký ức tháng tư (tập ký-2003), Trong màu lá cây rừng (tập truyện ký-2004), Cào cào giã gạo (tập thơ thiếu nhi-2005), Hai Phía thời gian (tập thơ- 2009), Giấc rừng (Tập thơ-2014)…

NGUYỄN ĐỨC PHƯỚC

Sông Thiêng (Tập thơ-2000), Đêm khát (tập thơ-2008)…

Với trên 53 cuốn sách đã in (tính đến 2017) trong đó có nhiều tiểu thuyết, nhiều bộ truyện cho thiếu nhi, nhà văn Khôi Vũ-Nguyễn Thái Hải đã có một sự nghiệp văn chương đồ sộ. Anh vẫn đang nỗ lực hoàn thành những bộ sử thi khi anh bước vào tuổi 70 (2020). Ở thể loại nào anh cũng có những thành tựu. Tiểu thuyết Lời nguyền hai trăm năm với cấu trúc hai tuyến song song có bóng dáng sử thi, đến nay vẫn được đánh giá cao về nghệ thuật tiểu thuyết so với tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Nguyễn Thái Hải đặc biệt thành công ở truyện viết cho thiếu nhi. Truyện thiếu nhi của anh hấp dẫn và giàu giá trị giáo dục. Anh có nhiều truyện trinh thám thiếu nhi mà người lớn đọc vẫn thích thú. Truyện ngắn Khôi Vũ mang hơi thở thời sự nhưng vẫn vươn lên tính tư tưởng. Khôi Vũ viết rất nhanh, có một “tứ” là anh có thể viết thành một truyện thú vị. Chuyến đi Singapore ngắn ngủi nhưng anh đã viết được 9 truyện ngắn, tiền nhuận bút dư đủ cho cả chuyến đi. Già Lửa, Chuyện ở dãy phố năm cănĐàn ống tre bên kia sông là những tập truyện viết trực tiếp về con người, đất nước Đồng Nai, nhưng những tác phẩm khác của Khôi Vũ cũng phản ánh rất rộng không gian, thời gian, đất nước con người Đồng Nai. Nhân vật của Khôi Vũ mang khí chất Đồng Nai, mạnh mẽ, giàu nghĩa tình. Trang văn của anh đẹp và giàu tình người.

Hai nhà văn Lê Đăng Kháng và Phạm Thanh Quang từng là người lính thời kháng chiến chống Mỹ. Văn của các anh đậm chất lính. Phạm Thanh Quang từng bị “tai nạn nghề nghiệp” vì một truyện trong tập truyện Địa linh (2001). Cả hai đều in các tập thơ. Tập thơ Quả ngọt của Lê Đăng Kháng được giải Trịnh Hoài Đức lần thứ IV (2011-2015).

Nhà văn Nguyễn Trí xuất hiện và tự khẳng định bằng giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013 và rất nhanh sau đó, anh được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam 2016. Tiểu sử của anh gây sửng sốt văn đàn. Năm 1975, Nguyễn Trí mới học lớp 10. Gia đình phân tán, anh vào Đồng Nai mưu sinh khi mới 17 tuổi. Anh đã lăn qua đủ thứ nghề: Nghề nấu rượu, nghề nhảy tàu, nghề đi tìm vàng, khai thác đá quí, trầm hương, nghề chặt củi, đốt than, xe ôm… Ấn tượng sâu đậm nhất với anh là nghề đồ tể và nghề dạy Anh văn (chính xác là dạy tiếng Anh “bồi”). Tác phẩm của anh được viết từ chất liệu của chính cuộc đời anh. Hiện đang là “thời” của anh, mỗi nhà văn đều có “thời” của mình. Anh liên tục in tác phẩm. Năm 2017 anh đã in 4 cuốn.

Tôi chú ý đến hai “nhà văn trẻ” mà tác phẩm của họ có nhiều yếu tố cách tân của tiểu thuyết Việt. Đó là Nguyễn Một và Trần Thu Hằng. Nhà văn Nguyễn Một khẳng định tài năng viết tiểu thuyết với tác phẩm Đất trời vần vũ. Đến tiểu thuyết Ngược mặt trời, Nguyễn Một thực sự cách tân cách viết. Anh gọi tiểu thuyết của anh là “tiểu thuyết rời rạc”. Anh phối hợp nhiều kiểu bút pháp của tiểu thuyết đương đại, phối hợp thể loại. Có cả một vở kịch trong tác phẩm. Nguyễn Một thực sự thử thách bản lĩnh ngòi bút khi viết về những vấn đề nóng của lịch sử và thời đại như vấn đề đạo Công giáo ở Việt Nam, về chiến tranh. Dù vậy anh vẫn có những trang văn lãng mạn rất đẹp.

Trần Thu Hằng khẳng định tài năng văn chương ở tiểu thuyết lịch sử và cách mạng (Chuyện tình ở Hầm Hinh). So với Khôi Vũ và Nguyễn Một, Trần Thu Hằng đã mở rộng biên độ thời gian và không gian hơn, đề cập trực tiếp những vấn đề lịch sử và cách mạng ở Đồng Nai hơn. Trần Thu Hằng đặc biệt xây dựng được nhân vật người phụ nữ bản lĩnh trong những hoàn cảnh khốc kiệt của đời sống. Tiểu thuyết của Trần Thu Hằng hấp dẫn từ trang đầu đến trang cuối. Ngôn ngữ văn chương của Trần Thu Hằng giàu phẩm chất trí thức và chất văn chương.

Về các nhà thơ, Tôi chú ý thơ Thiền của Trần Ngọc Tuấn. Trần Ngọc Tuấn chọn loại thơ này quả là một thách đố tư tưởng và tài năng, hơn thế bằng cả đời hành Thiền của mình. Nhà thơ không thể viết thơ Thiền khi không thông hiểu kinh Phật. Phật giáo có hàng trăm bộ kinh, bộ nào cũng khó đọc: kinh Chuyển pháp luân, kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, kinh Kim Cang, kinh Pháp hoa, kinh Lăng nghiêm, kinh Tạp A Hàm, Trung A Hàm, Trường A Hàm, kinh Pháp cú…Nhưng là một nhà thơ, Trần Ngọc Tuấn phải chuyển hóa tư tưởng Phật thành tứ thơ, và tứ thơ ấy chỉ nở hoa bằng trải nghiệm Thiền và giác ngộ Thiền của chính tác giả. Tư tưởng Thiền đã trở thành tư tưởng thẩm mỹ từ thơ Thiền Lý-Trần. Tư tưởng ấy cũng sâu đậm trong thơ Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều. Thơ Thiền đương đại chỉ có Phạm Thiên Thư và Trần Ngọc Tuấn. Trong khi các nhà thơ trẻ hăm hở thể nghiệm thơ Hậu hiện đại thì Trần Ngọc Tuấn lại trở về nguồn và có những đóng góp mới. Đó chính là tài năng và bản lĩnh sáng tạo.

Các nhà thơ Đàm Chu Văn, Lê Đăng Kháng, Đỗ Minh Dương, Lê Thanh Xuân vẫn viết bằng bút pháp “truyền thống”. Đàm Chu Văn có thế mạnh ở những bài thơ viết về đồng đội trong chiến tranh. Đỗ Minh Dương có những bài đồng dao hay. Trường ca của Lê Đăng Kháng có rất nhiều lửa nghệ thuật. Thơ Lê Thanh Xuân có nhiều tứ hay và mới lạ. Tôi đọc tuyển tập 150 bài thơ của Lê Thanh Xuân và nhận ra phẩm chất “thi sĩ” của anh vượt trội ở sự sáng tạo nhiều tứ thơ tài hoa và phóng khoáng. Những nơi anh qua, những nơi anh đã sống đều hiện lên rất đẹp, rất đặc sắc và rất thơ theo góc nhìn riêng của anh. Lê Thanh Xuân cũng có những bài đi một lối khác với thơ truyền thống, đó là loại thơ truyền thống-hiện đại, tuy anh không nói đến cách tân. Dòng chảy “truyền thống-hiện đại” là dòng chảy chính của thơ Việt sau những nỗ lực của nhiều nhà thơ muốn cách tân thơ từ sau đổi mới (1986).

Thơ của Nguyễn Đức Phước, Hạnh Vân (tác giả đạt giải Trịnh Hoài Đức lần thứ IV cả thơ và văn, chưa là hội viên Hội Nhà văn) nằm trong trường “thơ trẻ” đầu thế kỷ XXI với kiểu tư duy, kiểu ngôn ngữ mới. Tuy nhiên, hai tác giả này đi sau Nguyễn Quang Thiều, Thanh Thảo, Văn Cầm Hải, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Vĩnh Tài, Ly Hoàng Ly, Vy Thùy Linh…nên không gây được sự chú ý trên văn đàn.

MAI SAU…

40 năm qua, Hội VHNT Đồng Nai đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Các hoạt động VHNT sôi nổi, số hội viên được kết nạp thêm nhiều. Các văn nghệ sĩ Đồng Nai đạt nhiều giải thưởng của trung ương và của nước ngoài (xin đọc các văn bản tổng kết của Hội). Văn học nghệ thuật Đồng Nai phản ánh được đất nước con người Đồng Nai trong các chặng đường lịch sử và cách mạng, đồng thời tiếp bước các thế hệ cha anh làm giàu thêm văn hóa Đồng Nai. Đó là một thành tựu quan trọng.

Về văn học, thế hệ nhà văn bước ra từ kháng chiến đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhà văn-chiến sĩ. Đó là cố nhà văn Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Nguyễn Đức Thọ và các nhà văn Lê Đăng Kháng, Phạm Thanh Quang, các nhà thơ Lê Thanh Xuân, Đỗ Minh Dương, Đàm Chu Văn…Tác phẩm văn học viết về đề tài cách mạng và kháng chiến là dòng chảy chính và có những thành tự lớn (tác phẩm của Hoàng Văn Bổn, Lý Văn Sâm). Những nhà văn mặc áo lính cũng bày tỏ những trăn trở về những vấn đề đạo đức, lối sống khi đất nước chuyển sang kinh tế thị trường. Thế hệ này giữ nguyên bút pháp của Chủ nghĩa Hiện thực xã hội chủ nghĩa và thi pháp của văn chương kháng chiến. Nhà văn trẻ Trần Thu Hằng đang tiếp bước dòng chảy này, bước đầu đã có những thành tựu có giá trị khẳng định tài năng. Nhưng cũng thật khó, vì Trần Thu Hằng không có trải nghiệm đời sống kháng chiến phong phú như các nhà văn đi trước. Chuyện tình ở Hầm Hinh của Trần Thu Hằng là một thành công của một cây bút trẻ dồi dào sức sáng tạo.

Văn chương Đồng Nai cũng đã xuất hiện thế hệ nhà văn hướng về thị trường, tác phẩm của họ hòa vào văn chương thị trường. Điều này là tất yếu khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường hội nhập toàn cầu hóa. Đó là các nhà văn Khôi Vũ-Nguyễn Thái Hải, Nguyễn Một, Nguyễn Trí… Các nhà văn này đều có tác phẩm đứng được trong thị trường và có những đóng góp vào sự đổi mới chung của văn chương Việt Nam, như sự thể nghiệm nhiều kiểu bút pháp khác với văn chương “truyền thống”(Họ đã được giải thưởng của Hội Nhà Văn). Tuy nhiên, nếu chỉ hướng vào văn chương thị trường thì văn chương Đồng Nai sẽ khó vượt lên. Trước 1945, nhà văn Lê Văn Trương đã viết 247 cuốn. Vũ Ngọc Phan, trong Nhà văn hiện đại, đã kinh ngạc: “Viết sách mà mỗi tháng cho ra vài quyển, có lẽ từ xưa đến nay ở nước ta mới có Lê Văn Trương là một”. Thế nhưng đến nay, có mấy người nhắc đến ông, bởi ông viết văn chương thị trường, sự tồn tại tác phẩm của ông do thị trường quyết định.

Những nhà văn trẻ như Đào Sỹ Quang, Dương Đức Khánh, Hạnh Vân, Phương Rong…cũng đã khẳng định được tên tuổi trên văn đàn. Họ sẽ là mùa xuân của văn chương Đồng Nai… Người Đồng Nai có quyền chờ đợi và hy vọng.

Trách nhiệm bồi dưỡng thế hệ nhà văn trẻ của Hội VHNT Đồng Nai thật nặng nề…

Tháng 3. 2018

_______________________________

“BỤI ĐỜI VÀ THỤC NỮ”

 

 

 

bui_doi_va_thuc_nu

BỤI ĐỜI VÀ THỤC NỮ

Tiểu thuyết của Nguyễn Trí. Nxb Văn hóa-Văn nghệ Tp HCM. 2017

Bùi Công Thuấn

Bụi đời và thục nữ là tiểu thuyết ca ngợi người thục nữ thời đại. Từ hoàn cảnh gia đình bi đát, phải bỏ học dở dang, Huỳnh Yên đã vượt qua bao khó khăn và nước mắt, vươn lên đạt được hạnh phúc của đời mình.

Bụi đời và thục nữ gồm hai phần, phần kể chuyện “bụi đời” và phần kể về hành trạng của “thục nữ”. Phần “bụi đời” làm nền để tôn lên vẻ đẹp của “thục nữ”. Trên cái nền của những xô bồ “dưới đáy”, đã nở tươi một bông hoa đẹp ngát hương.

Chuyện “bụi đời” là những câu chuyện được kể trên bàn nhậu của những kẻ vô công rỗi nghề (tr.116) ở tiểu khu Ba Ba thuộc liên hiệp lâm trường rừng X, một phần của chiến khu D. Nơi đây “Tứ xứ 64 tỉnh hợp lại, đủ chuyện trên trời dưới đất” (tr.8), “ba chuyện tầm phào”(tr.77), kể về những kẻ “dưới đáy” (tr.71). Phần còn lại từ chương 5 trở đi (từ trang 178) do Trí Khùng (tác giả) kể. Tác giả nói rõ: “Kể từ đây không còn chuyện của các bợm rượu ở tiểu khu Ba Ba nữa, đến lượt Trí Khùng kể chuyện”, “những chuyện chính tôi mục sở thị” (tr. 180). Đó là chuyện gặp lại các nhân vật Mẫn Tàn và cô gái Huỳnh Yên.

Trục chính của truyện xoay quanh cảnh ngộ của các nhân vật: Mẫn Tàn, vợ chồng Chín Đẩu, và Huỳnh Yên. Mẫn Tàn từng là một tay lâm tặc có tiếng (tr.30), bỏ rừng đi làm thuê cho lò heo: Ba giờ sáng mổ heo, ban ngày dong xe thồ đi bắt heo thuê. Nhờ biết tiếng Anh, Mẫn được giới thiệu vào dạy hợp đồng ở một ngôi trường vùng sâu. Mẫn cũng dạy thêm nhưng vẫn nghèo vì nhậu. Chín Đẩu là sĩ quan Cộng Hòa. Do mất giấy chứng nhận cải tạo, Chín không được đi định cư nước ngoài diện HO. Vợ Chín là gia đình Việt cộng nòi. Vì má vợ chết, nên không ai xác nhận cho Chín có công với CM. Bao nhiêu tài sản của Chín bị vợ xài hoang, phá hết. Chín buồn đời sinh ra uống rượu, “ngày ba cữ rượu, sáng xị, trưa xị, chiều là uống chừng nào lết bánh mới thôi. Can rượu dự trữ cho một tuần mới ba ngày đã không còn một giọt” (tr.18). Con trai lớn làm ăn thất bại, tự vận. Con gái bỏ nhà đi lúc 16 tuổi. Chín là dân sông nước, không biết vườn rẫy nên làm ăn thất bại…Yên là con Chín Đẩu. Yên buồn vì cha mẹ cãi nhau, anh Thắng tự tử chết, chị Vui bị chửi oan nên bỏ đi, anh Bình đi làm lâm tặc. Hai đứa em Tám Hoàng và Út Hậu lem luốc thất học. Bà Chín không cho Yên đi học nữa. Yên treo cổ trên cây mít ở góc khuất trong vườn. Bình đi tiểu phát hiện. Yên được cứu. Được thầy Mẫn và nhiểu người giúp đỡ, Yên cố gắng học. Đến lớp 11, vì bị cha mẹ ép lấy Út Trung, con của vợ chồng chủ cây xăng Ngọc Bình, Yên đã bỏ đi. Lúc đầu, Yên làm ở chỗ sản xuất phở, suýt nữa bị cưỡng hiếp. Rồi Yên đến làm công ty, được giao coi kho xuất nhập vật liệu. Yên không chịu ký nhận những lô hàng gian lận, nên gây ra xô xát và bỏ đi. Do chuyện xô xát được báo chí đưa tin, Yên gặp lại chị Vui, cùng chị làm ăn. Yên lấy chồng là Dũng, kỹ sư điện toán làm việc cho công ty Nhật (tr.273). Yên có shop hàng quần áo và cửa hàng ăn uống. Vợ chồng Yên có 3 con. Họ cho con học trường quốc tế…

Những chuyện được bợm nhậu kể hầu hết là những chuyện tiêu cực của xã hội đương thời sau Giải phóng 1975. Chuyện Hùng Thiên Lôi chết vì bị cướp cò súng, Hoàng Anh chết vì phạm phòng (12), Huy chết vì hổ mang bành (16). Chuyện đánh nhau ở quán Karaoke vì không nhường mic, chuyện gian lận xăng (tr.184), chuyện Yên đi làm ở công ty: “Trước tiên là phải đẹp và chịu đi nhà nghỉ với thằng phó tổng bụng phệ”(tr.253), chuyện gian lận vật liệu ở công ty (tr.256), có cả chuyện thắng thua trong chiến tranh Việt Nam (tr.75)…

Bụi đời và thục nữ nói nhiều đến những chuyện thối nát trong nhà trường… Học trò con nhà nghèo bị ức hiếp. Thầy giáo hủ hóa (thầy Thông Ma Thiên lãnh), thầy Lam quấy rối tình dục học trò. Cô Hiệu trưởng Lesbian (đồng tính nữ), trộm cắp ở nhà nội trú, nhà trường bị phụ huynh mua chuộc bao che cho con cái hư hỏng. Thấy Thống – Hiệu phó, thua cá độ, đã khai khống sĩ số những lớp xóa mù để lấy tiền. Thầy Đậm trọ ở nhà Tám Tàng, đã hủ hóa với Tám là vợ Tàng, bị Tàng bắt quả tang phải viết giấy nhận tội. Sự phân biệt đối xử với người dạy hợp đồng khiến thầy Mẫn phải bỏ trường ra đi. Lý do Mẫn ra đề thi môn tiếng Anh lớp 7 bị sai một câu (tr. 133).

Có thể nói cảm hứng chủ đạo của tác phẩm là phê phán những hiện tượng tiêu cực của xã hội ở miền Nam những năm sau 1975. Tác giả tập trung ghi nhận và mổ xẻ rất nhiều hiện tượng. Chẳng hạn, những tiêu cực trong giáo dục có nguyên nhân là do thiếu chữ Tâm (tr.169). Tác giả cũng so sánh với giáo dục miền Nam trước 1975: “nền giáo dục cũ (miền Nam) tốt là bởi đãi ngộ dành cho giáo chức rất tốt… Giáo chức thời chế độ Cộng Hòa toàn tâm toàn ý cho giảng dạy không lo chi cơm áo gạo tiền…”(tr. 170). Tuy nhiên nhiều hiện tượng chỉ là “chuyện tầm phào”, kiểu như chuyện lão Tổng có con vợ nhỏ là cháu gọi vợ cả là dì. Ả 28 tuổi, cắm sừng chồng. Hoặc chuyện “tán gái” của Trung, được kể dài suốt 4 chương. Đó là hành vi của những đứa trẻ hư, nhưng xã hội lại dung túng. Đôi khi tác giả có dùng triết lý dân gian (triết lý vặt) để soi chiếu, như triết lý nhân quả: “Gieo nhân nào gặt quả ấy”, triết lý về sức mạnh đồng tiền: “Xưa nay kẻ làm ra tiền nói bậy nói bạ người ta còn dỏng tai nghe…”(tr.129), triết lý về nhan sắc: “Xưa nay nhan sắc luôn có một quyền lực vô hình, nó thống trị mọi thế giới theo kiểu riêng không thể lý giải được” (172), có cả những câu triết lý rất “buồn cười”: “Đời mà không có tình yêu thì như chiếc xe đạp mà không có pê-đan”(tr.199), “Nhất lé nhì lùn, mấy tay lùn trí tuệ luôn hơn người” (tr. 204)…

Tôi chú ý đến nghệ thuật tiểu thuyết của Nguyễn Trí.

Việc kể lại những câu chuyện của bợm rượu, chuyện của Yên kể mà không trực tiếp dựng lại số phận nhân vật trong một bối cảnh không gian thời gian đang vận động ở thì hiện tại thì đó là truyện kể. Nói cho đúng, Bụi đời và thục nữ chỉ là một truyện dài, chắp nhặt nhiều truyện ngắn, không phải tiểu thuyết.

Dường như tác giả tập trung ghi cho được những cảnh ngộ, những con người mình đã giao tiếp, đã tận mắt nhìn (sở mục) và những gì mình đã trải nghiệm, nhờ thế, hiện thực được bày ra khá bề bộn và sống động. Tuy nhiên kể truyện là để nói điều gì, tức là thể hiện tư tưởng. “Những điều trông thấy” mà tác giả kể dẫn đến tư tưởng gì thì tác giả chưa vươn tới được. Nhà văn tư tưởng sẽ miêu tả sử thi bối cảnh miền Nam sau 1975  khi mà chất “R” (rừng) còn bao trùm lên toàn xã hội, sẽ đi sâu vào bi kịch của người sĩ quan Cộng Hòa Chín Đẩu trong thân phận “bên thua cuộc”, sẽ làm cháy lên khát vọng “làm người lương thiện” (tư tưởng của Nam Cao) của tay lâm tặc Mẫn Tàn và dẫn người đọc theo những trầm luân của Huỳnh Yên như một thục nữ “tài tình chi lắm cho trời đất ghen”trong bối cảnh mới (tư tưởng của Nguyễn Du). Trái lại, Nguyễn Trí say sưa miêu tả những chuyện hủ hóa của thầy giáo, khoái trá trong việc bày binh bố trận cho Út Trung cưa gái!… Tác phẩm phản ánh hiện thực chỉ để phản ánh (và cũng chỉ phản ánh những cái tiêu cực), và hiện thực chưa được chuyển hóa thành tư tưởng-thẩm mỹ. Người đọc tác phẩm cảm thấy hụt hẫng khi gấp trang sách lại. Những “cái ngày xưa” ở miền Nam sau 1975 nay đã thành “cổ tích”. Độc giả miền Nam chẳng ai muốn nhớ lại cái quá khứ khốn khổ ấy. Đừng làm cho những thương tâm chảy máu thêm, bởi cuộc sống luôn hướng về phía trước. Vì thế những chuyện trên bàn nhậu chỉ “mua vui” được những kẻ vô công rỗi nghề như chính tác giả miêu tả. Tác phẩm không chuyển tải được giá trị hiện thực cần phải có như Thời xa vắng của Lê Lựu hay Thiên sứ của Phạm Thị Hoài…

Việc mượn lời các bợm rượu kể chuyện “dưới đáy”(hoặc tác giả hóa thân vào nhân vật hay chính tác giả là nhân vật) giúp tác giả đem ngôn ngữ đời thường của người bình dân vào tác phẩm, giúp tác giả viết được nhiều trang chữ (để in). Nhưng đọc Thục nữ và bụi đời, tôi bị ngộp trong bầu khí dày đặc những lời thô tục, chửi thề. Tôi lắng nghe xem đâu là giọng của tác giả, bởi giọng của tác giả chính là cốt cách nhà văn, nhưng Trí Khùng cũng đang ngồi trong bàn nhậu, nói ngôn ngữ của bợm rựơu, tôi thất vọng. Nhà văn Nguyễn Tuân cho rằng, trước hết “Văn phải là văn”. Nhà văn là người làm cho ngôn ngữ đời thường thành ngôn ngữ văn chương. Nguyễn Tuân đã viết những áng văn chương rất đẹp về con người Việt Nam. Nếu ngược lại, thì đó không phải là văn chương. Ngôn ngữ “bụi” trong Bụi đời và thục nữ làm cho tính văn chương của tác phẩm trở nên mờ nhạt, mặc dù tác giả có khả năng viết những trang văn hay như các chương: Con ông cháu cha, Uy quyền, Một góc đời khác.

Vì sử dụng ngôn ngữ “dưới đáy” làm ngôn ngữ chính, lấy những nhân vật dưới đáy làm nhân vật chính nên khi tác giả đưa những tri thức văn chương vào, (có thể là để làm sang trang văn chăng), nó trở nên kệch cỡm, nếu không nói là gây ra phản cảm. Chẳng hạn, việc so sánh tình lụy của Trung với chuyện tình lụy của các nhân vật trong sách sử xưa như: Tình sử Võ Tắc Thiên, Trụ vương, Hạng Vũ (tr.195). Tác giả luận về tình yêu: “Xưa nay ba cái vụ yêu đương ba láp ba xàm là tốn của thiên hạ nhiểu giấy mực…Chuyện anh hùng vì nhan sắc mà phơi thây thì vô thiên vô lủng…Vậy thì -xin thưa với ba đào sóng dữ – thằng du côn kiêm bất hiếu tử tên Trung có lụy tình âu cũng thường, chẳng có chi phải bàn cho nhọc xác.”(tr. 196) Có lẽ chỉ những bợm rượu khi cao hứng vung tay tới trời mới so sánh Trung với Trụ Vương, Hạng Vũ. Làm sao một thằng du côn trẻ ranh như Trung có thể so sánh với tầm vóc Hạng Vũ trong lịch sử được! Viết những dòng này, tôi biết, tôi sẽ cãi không lại với “bợm” khi rượu đã bốc!

Bợm rượu có thể nói đủ thứ ba láp ba xàm, chuyện tầm phào, nhưng dùng lời bợm rựơu để nói những chuyện nghiêm túc thành không nghiêm túc thì đó lại là chuyện khác. Chuyện thắng thua trong chiến tranh Việt Nam (1954-1975) đã được nhiều chuyên gia lịch sử, quân sự, chính trị trong nước và trên thế giới nghiên cứu, đến nay việc tranh cãi vẫn chưa dứt, vậy mà tác giả phán một câu “rốp rẻng” rằng, Việt Nam Cộng Hòa thua vì: “toàn bộ những người cầm súng cho Cộng Hòa quá chán nản cuộc chiến huynh đệ tương tàn, quá chán cảnh con ông cháu cha ở phố đi bar chơi xì ke xì cọc,  quá chán những chỉ huy của họ tham những và buôn lậu”. Xin hỏi có ai trong cả hai “bên thắng cuộcbên thua cuộc” muốn cầm súng bắn giết anh em mình bên kia chiến tuyến không? Nếu nói người lính Việt Nam Cộng Hòa quá chán nản cuộc chiến huynh đệ tương tàn, thì hóa ra người lính Việt Cộng thích thú cuộc chiến này sao? Ngòi bút Nguyễn Trí không đủ sức để viết về những vấn đề lớn của thời đại, về chiến tranh như Bảo Ninh đã viết Nỗi buồn chiến tranh.

Khi miêu tả những bước gập ghềnh của số phận Hùynh Yên, tác giả đã can thiệp trực tiếp vào sự phát triển của số phận ấy, khiến ngòi bút hiện thực bị bẻ cong. Yên bị gia đình ép lấy Trung, cô bỏ nhà đi. Yên được cô Trang (mẹ của cô Linh là giáo viên chủ nhiệm của Yên) giới thiệu đến khu công nghiệp Y, gặp cô Minh Tâm. Đây là nơi sản xuất phở. Yên được sắp xếp chỗ ở, công việc làm hết sức thuận lợi, vì gia đình Minh Tâm là gia đình Công giáo nề nếp, ông Thắng chủ nhà là ông Trùm rất nghiêm túc việc Chúa, thành kính và cần mẫn”. (tr.237) “Năm giờ sáng ngày Chúa nhật, ông Thắng cùng các thành viên, kể cả mấy đứa đang tuổi ăn tuổi ngủ đều phải đi lễ”. Người đọc tạm mừng cho Yên. Nhưng đùng một cái! Ông trùm đạo hạnh ấy lại trốn lễ ở nhà để cưỡng hiếp Yên, may mà Yên thoát được. Viết như thế thật khó thuyết phục, bởi tác giả miêu tả không logic, nếu không nói là cố ý phỉ báng người Công giáo? Nếu ông Thắng là kẻ rượu chè trai gái thì còn có thể giải thích cho hành vi bỉ ổi của ông ta, họăc đứa con nghiện ngập của ông ta làm bậy với Yên thì còn có thể hiểu. Một ông trùm “rất nghiêm túc việc Chúa, thành kính và cần mẫn” thì thói quen đạo đức và đức tin không cho phép họ làm bậy. Bỏ lễ Chúa Nhật và cưỡng hiếp Yên là một tội rất nặng đối với người Công giáo. Ông trùm luôn biết rõ điều này. Ông trùm là gương mẫu đạo đức cho cả xứ đạo thì không thể “đại diện” xứ đạo làm điều tồi tệ. Viết về ông Thắng như vậy, tác giả đã xúc phạm đến đời sống đức tin của người Công giáo. Bởi vì, theo logic truyện, không cần thiết phải miêu tả ông Thắng phải là một ông trùm thì số phận của Huỳnh Yên mới nguy hiểm, tác giả chỉ cần cho một công nhân trong nhà Minh Tâm làm điều này cũng đủ. Tác phẩm là diễn ngôn của tác giả. Thái độ diễn ngôn của Nguyễn Trí là không thể che dấu.

Kể tiếp chuyện của Yên: Sau đó Minh Tâm lại giới thiệu Yên đến một người bạn làm ở công ty, nơi đây Yên suýt nữa bị bán cho lão phó Tổng Đài Loan bụng phệ. Người đọc mơ hồ thấy rằng, tác giả đã miêu tả những người tốt như cô Trang, Minh Tâm thành những kẻ “môi giới” buôn bán gái. Họ trở thành những người xấu có vỏ bọc bên ngoài đức hạnh? Bước đường sau đó của Yên hoàn toàn may mắn và thành công. Yên gặp lại chị Vui, lấy chồng là kỹ sư làm cho công ty Nhật, việc kinh doanh thành đạt, có 3 con cho học trường quốc tế…Tôi tự hỏi, một cô gái có trình độ lớp 11, lớn lên ở vùng sâu vùng xa, băng vào đời một thân một mình giữa phức tạp phố thị, lại có thể thành đạt như những cô gái được học hành tử tế trong môi trường kinh doanh? Điều ấy thật khó lý giải, nếu không nói rằng tác giả có dụng ý sắp đặt.

Tôi hiểu, việc tạo ra những biến cố của số phận Yên là để làm cho câu chuyện trở nên ly kỳ giật gân nhằm câu độc giả. Tác giả đặt tác phẩm của mình vào dòng văn chương thị trường thì phải đáp ứng những thị hiếu của thị trường, có vậy mới bán được sách. Tôi chợt nhận ra, những gì tôi bàn về văn chương ở đây thật vô nghĩa, bởi văn chương thị trường là văn chương giải trí, chỉ thế thôi. Nhưng lại nghĩ, văn chương giải trí cũng cần có tư tưởng-thẩm mỹ, không chỉ là giải trí đơn thuần. Bụi đời và thục nữ mới chỉ là chuyện tầm phào trên bàn nhậu!

Tôi đã đọc được một số truyện ngắn, tiểu thuyết của Nguyễn Trí (Bãi vàng, đá quý, trần hương; Đồ tể; Ảo và sợ; Thiên đường ảo vọng, Bụi đời và thục nữ…) cùng những truyện ngắn đăng rải rác trên các báo. Rất đễ nhận ra văn chương của Nguyễn Trí. Truyện Nguyễn Trí kể là những cảnh đời tác giả đã trải nghiệm, kể “cho bà con cô bác nghe chơi”(Ảo và sợ, tr.78). Đó là những chuyện đời thường của người bình dân, chuyện kiếm sống, được kể theo kiểu “cà kê dễ ngỗng”, lan man từ chuyện này đến chuyện khác nên truyện ngắn lại rất dài. Xin đọc Nhãn tiềnQuả báo trong Ảo và sợ.  Truyện Quả báo dài 31 trang in, hơn 9000 chữ (thử so sánh với truyện ngắn 1200 trên báo Tuổi trẻ). Nhân vật được tô đậm là kiểu nhân vật yêng hùng, hành xử có chất giang hồ, bụi đời ngoài vòng pháp luật. Ngôn ngữ kể và góc trần thuật là lời ăn tiếng nói của người bình dân (có rất nhiểu tiếng chửi thề), không phải ngôn ngữ văn chương. Không có ngôn ngữ riêng của tác giả. Nguyễn Trí chỉ tập trung miêu tả hiện tượng mà không thâm nhập lý giải bản chất của hiện tượng, đôi khi có triết lý vặt. Cho nên tác phẩm tuy có “phản ánh” được một góc hiện thực, nhưng không có chiều sâu tư tưởng-thẩm mỹ.

Nếu Bụi đời và thục nữ được viết để ca ngợi sức sống của một cô gái, một trang thục nữ, trong hoàn cảnh bi đát, cô gái ấy đã mạnh mẽ vươn lên, thành đạt những mơ ước, thì đó là một thông điệp có sức cổ vũ người trẻ khởi nghiệp. Và nếu sách của Nguyễn Trí bán chạy, nghĩa là đáp ứng được thị hiếu của công chúng thị trường thì đó là sự thành công. Nhiều “nhà văn Nhà nước” muốn viết được nhiều và bán được nhiều sách như “Trí Khùng”, nhưng không làm được.

Tôi lại nghĩ, nhà văn hôm nay cần phải lăn mình vào thị trường và thử sức với thị trường để từ đó viết những áng văn chương mới như Tự Lực Văn Đoàn ngày xưa đã làm.

Tháng 3. 2018

NGÀY THƠ VIỆT NAM Ở ĐỒNG NAI

 

 

 

NGÀY VĂN NGHỆ SĨ ĐỒNG NAI

 & NGÀY THƠ VIỆT NAM LẦN THỨ XVI

 

2

 

Tại Văn miều Trấn Biên (Biên Hòa), chiều ngày 02.03.2018 (Rằm tháng Giêng Mậu Tuất), Hội VHNT Đồng Nai đã tổ chức Ngày Văn nghệ sĩ Đồng Nai, kết hợp với Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI.

 Phần đầu chương trình là gặp gỡ của Lãnh đạo Tỉnh Đồng Nai với văn nghệ sĩ. Phần này có thư mời riêng của Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Đồng Nai. Lãnh đạo tỉnh gồm có Phó Bí thư, hai phó chủ tịch và Trưởng Ban Tuyên giáo đến dự. Có khoảng hơn 100 văn nghệ sĩ thuộc các Ban nghệ thuật hiện diện. NS Khánh Hòa, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai đọc báo cáo hoạt động của Hội VHNT Đồng Nai và phương hướng hoạt động 2018 (Báo cáo này đã in thành một tập sách phát cho mọi người). Sau đó đại diện các ban chuyên môn lên đề đạt ý kiến: Ban Văn học, Ban Âm nhạc, Ban Ảnh nghệ thuật, Ban Múa…Các ý kiến đều trình bày khó khăn…, nhưng nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh nên VHNT Đồng Nai đã đạt được nhiều thành tích. Các đại biểu cũng mong lãnh đạo tỉnh quan tâm hơn nữa để VHNT có những thành tích cao. Sau 6 ý kiến của các Ban chuyên môn, Lãnh đạo tỉnh (Phó Bí thư) phát biểu ghi nhận và giao nhiệm vụ. Lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo những nhiệm vụ cụ thể để VHNT Đồng Nai góp phần xứng đáng vào sự nghiệp của tỉnh. Sau đó là phần chụp hình lưu niệm.

Tôi có cảm giác đây là một buổi họp thuần túy hành chính. Hội văn nghệ báo cáo lãnh đạo Tỉnh (Đảng Ủy và Ủy Ban Nhân dân tỉnh) thành tích của đơn vị và nghe lãnh đạo chỉ đạo. Không có một ý kiến trao đổi nào với hàng trăm văn nghệ sĩ ngồi nghe. Tôi cũng hiểu tại sao hàng trăm người đã không đi dự ngày này (Hội VHNT Đồng Nai có 239 người), bởi họ là văn nghệ sĩ, không phải là nhân viên hành chính của Hội VHNT.

Phần thứ hai của chương trình là Ngày thơ Việt Nam. Mở đầu là cắt băng khai mạc tiển lãm tranh, ảnh nghệ thuật. Có nhiều tác phẩm đạt giải. Tiếp theo là phần vinh danh các tác giả đạt giải. Từng bộ môn và tùy theo hạng bậc của giải, các văn nghệ sĩ được mời lên sân khấu nhận hoa và bằng khen (Có tiền thưởng). MC của chương trình công bố các mức tiền thưởng. NS Trần Viết Bính, người được Giải thưởng Nhà Nước (giải đột xuất 2017) được tặng bằng khen và tiền thưởng 6 triệu đồng. Các giải thưởng khác khoảng trên một triệu đồng. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Viết Đồng, người được nhiều giải thưởng, anh cũng vừa được bằng khen của bộ Văn hóa, sau khi mở phong bì ra, anh chỉ thấy giầy khen mà không thấy tiền thưởng. Anh hỏi lại, bộ phận tổ chức báo sẽ gửi tiền sau. Thế là anh phải thất hứa với bạn bè về khoản sẽ chiêu đãi chầu ca phê sau ngày Hội.

Phần liên hoan và văn nghệ khá ấm cúng. Chương trình văn nghệ Thơ-Nhạc-Múa có nhiều tiết mục đặc sắc, những tiết mục này ngang tầm nghệ thuật của cả nước. Thơ của các nhà thơ Đàm Chu Văn, Lê Đăng Kháng, Đỗ Minh Dương và nhiều nhà thơ khác đã được diễn ngâm. Thơ cũng được tuyển chọn và viết treo triển lãm. Các ca khúc phổ thơ của NS Trần Viết Bính, Lệ Hằng… cũng được trình diễn. Có múa dân tộc và múa đương đại. Một chương trình hay và chuyên nghiệp. Tuy nhiên tiết mục múa đầu tiên gây ra sự phảm cảm đối với tôi về sự lai căng. Nhạc nền và động tác múa là múa dân tộc nhưng diễn viên múa nữ mặc áo dài màu trắng, kiểu áo lửng đến đầu gối (mặc quần bó sát kiểu như không mặc gì). Khúc mở đầu, diễn viên solo nữ, mặc váy thổ cẩm, múa uốn éo rồi dựng ngược cẳng lên trời, váy tuột xuống khoe cả quần chip. Tôi nghĩ, nếu là người dân tộc, họ sẽ phản đối người Kinh bôi bác họ. Vâng, sự lai căng và sự “sáng tạo” thiếu nền tảng văn hóa thường gây ra “thảm họa”.

Rất tiếc vì phông điện tử trên sân khấu sáng quá, tôi không thể chụp được ảnh các tiết mục văn nghệ. Tôi cảm thấy tiếc thì giờ khi tham gia sinh hoạt này vì nó được tổ chức hoàn toàn hành chính, thiếu hẳn tính “văn nghệ”. Tôi nói vui với các bạn rằng, sở dĩ tôi tham dự ngày này là để được gặp gỡ bạn bè và để vỗ tay khi bạn lên nhận phần thưởng. Nhà thơ Trần Ngọc Tuấn rất vui gặp tôi cám ơn về một bài tôi đã viết về tập thơ Hiện Hữu của anh, đó là một tập thơ Thiền có nhiều bài hay. Nhà nhơ Nguyện Đức Phước cũng tay bắt mặt mừng vì anh vừa được kết nạp Hội nhà Văn Viết Nam 2017, tôi đã có bài viết về thơ anh từ 2009. Nhà văn Hoàng Ngọc Điệp, Phó chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai khoe sắp in 3 cuốn sách. Tôi hẹn, cô nhớ gửi cho tôi, may ra tôi viết được gì chăng. Tôi tìm mãi không thấy nhà văn Khôi Vũ-Nguyễn Thái Hải, tôi biết anh đã “ra làm dân” lâu rồi nên không còn thiết tha gì với các sinh hoạt hành chính như thế này.

Tôi lại ngẫm nghĩ. Nhà Nước đã đầu tư nhiều cho Văn học nghệ thuật, để xây dựng nền VHNT Nhà Nước (Còn gọi là văn học Cách mạng, vì nền văn học này viết theo quan điểm Cách mạng của Đảng, được Đảng lãnh đạo và phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng). Tuy nhiên, cho đến nay, sau nhiều thập kỷ, vẫn chưa có tác phẩm lớn.  Trong hội thảo ở Hội Nhà Văn, nhà văn Bùi Việt Sỹ trong tham luận Tiểu thuyết đương đại Việt Nam cho rằng: “Có rừng mà không thấy cây to. Đó là một thực tại. Tác giả phong trào thì đông, thành tích phong trào thì nhiều, nhưng tác phẩm nghệ thuật lớn thi chưa có. Văn chương Nhà Nước vẫn dậm chân tại chỗ, bởi văn nghệ sĩ hôm nay đang đối mặt với văn chương thị trường, công chúng đang bị hút vào các với game show, giới trẻ thì ồn ào với nhạc Under Ground… Tôi chưa nghe một ca khúc nào của Ban âm nhạc Đồng Nai được các nhạc sĩ sáng tác trong các “trại” xuất hiện trên thị trường và đứng được trên thị trường, bởi thị trường không nghe loại nhạc này. Tình hình văn, thơ cũng vậy…

Dù sao được gặp gỡ bạn bè văn nghệ sĩ trong ngày này cũng là một niềm vui đáng quý. Thôi hiểu rằng, Hội VHNT Đồng Nai (với số nhân sự văn phòng Hội ít ỏi) đã hết sức nộ lực để tổ chức ngày hội này.

03.03.2018

Dưới đây là vài hình ảnh

01

1

Đón chào các văn nghệ sĩ

5

Toàn cảnh buổi gặp gỡ

8

Nhà văn trẻ phát biểu ý kiến

11

Ông đồ cho chữ

12

Tranh khảm: nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ

13

NS Đòan Quanh Trung mở đầu chương trình Thơ-Nhạc-Múa

15 BCT-TVB

BCT và lão nhạc sĩ Trần Viết Bính, người vừa được Giải thưởng Nhà Nước 2017

17

Một góc liên hoan