THƠ TRẦN NGỌC TUẤN

THƠ TRẦN NGỌC TUẤN

Bùi Công Thuấn, trong tập Chút tình tri âm, Nxb Hội Nhà Văn 2009

3b++

Trần Ngọc Tuấn và BCT (ảnh của BCT)

Trần Ngọc Tuấn (8) là người thơ tài hoa, người thơ cuả tình người, tình đời đằm thắm, nhẹ nhàng, tinh tế,  mênh mang. Anh giao cảm xâu xa với người thơ xưa, người thơ  nay. Anh đi nhiều, nơi nào anh cũng có những câu thơ giăng mắc tình son, gặp ai anh cũng chia xẻ cái tình nhân gian đau quặn

Một khúc sông quê

Mẹ mấy lần đưa tiễn

Đêm không trăng

Gió buốt

Sông gầy

Mẹ nhóm bếp

Khói bay

Nhoà ngõ

Tiếng ai qua

Cũng ngỡ buớc con về

( Mẹ – Chân Chim Hoá Thạch )

 

Tôi ngồi tím giọt mưa ngâu

Người ngồi nâng chén bên cầu sông Ngân

Bể dâu ai cũng một lần

Khổ đau cũng chỉ đến ngần ấy thôi

Chúng sinh phách lạc hồn trôi

Thân hoa xác cỏ nhờ tôi tạ lời

            ( Rằm Tháng Bảy Nhớ Nguyễn Du- Chân Chim Hoá Thạch ) 

  

Tự mình quẩy gánh trần gian

Đa mang chấm đất, lang thang dính trời

Một đời không đủ rong chơi

Tự mình hoá cỏ luân hồi nỗi xanh

                ( Nỗi xanh- Con Mắt Dã Quỳ )     

 

Bao người đến, bấy trái ngang

Tôi xin làm suối giải oan cho mình

            ( bên Suối Giải Oan – Giưã Cỏ )

 Trần Ngọc Tuấn đã xuất bản các tập thơ : Giác quan biển (1994); Giữa cỏ (1996); Chân chim hóa thạch (1998); Con mắt dã quì (2000); Gửi dòng sông Đồng Nai (2004). Tập Suối reo (2006) là một bước thăng hoa tư tưởng cuả anh .

Nếu bạn hỏi tôi rằng tập thơ Suối Reo có gì đặc  sắc ? tôi có thể nói ngay điều này, Suối Reo là một tập  thơ Thiền,  nhiều bài đạt đến cái thần của  những bài thơ Thiền trong truyền thống  thơ phương Đông. Đó là một điều lạ, vì Trần Ngọc Tuấn là một nhà thơ trẻ. Những nhà thơ trẻ hôm nay đang loay hoay  thử nghiệm với những cách tân phương Tây, thì Trần Ngọc Tuấn lại tìm về phương Đông, “thung dung tiếp cuộc đăng trình“.  Ở  Suối Reo, Trần Ngọc Tuấn hiển lộ một cốt cách thơ tài hoa hiếm thấy của thơ trẻ .

Nhưng, dấn thân vào con đường thơ tư tưởng, Trần Ngọc Tuấn phải chọn lựa sự thử thách vượt qua hố thẳm. Cái thiếu lớn nhất của văn chương Việt Nam đương đại nói chung và của thơ nói riêng là thiếu tư tưởng. Nguyễn Huy Thiệp đã từng thốt lên tuyệt vọng: “Khỏang trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn“ ( Sông Hương – Tháng 4 / 1990 ). Đã có những thử nghiệm nhưng thất bại .

Tất nhiên Trần Ngọc Tuấn không phải là nhà thơ tư tưởng, nhưng thơ Trần Ngọc Tuấn trong Suối Reo là thơ tư tưởng. Giá trị thẩm mỹ của nó là ở tư tưởng và ở cách thể hiện tư tưởng.Vì thế người đọc chỉ có thể tiếp cận tư tưởng trong thơ Trần Ngọc Tuấn bằng lăng kính của mỹ học Thiền, bằng cái Tâm Bát Nhã và cách đọc thơ vô ngôn. Hơn nữa Trần Ngọc Tuấn có kiểu tư duy thơ rất riêng khiến cho thơ anh không dễ đọc. Nhưng khám phá được thế giới nghệ thuật ấy người đọc sẽ nghe thấy suối reo trong tâm hồn mình

Suối Reo có một sự khác biệt với thơ Thiền truyền thống ở chỗ tác giả của thơ Thiền truyền thống là các Thiền sư, còn  Trần Ngọc Tuấn là nhà thơ hiện đại. Vì thế Suối Reo là thơ của đời ánh lên sắc Thiền, thơ của một con người còn  đang “qua dốc sương mù

Gánh củi qua dốc sương mù

  Mồ hôi giọt gịot gió ù ù bay

  Nghìn tia nắng dệt trang ngày

 Bước chân hoan hỉ , đêm này lửa reo

Sống là gánh lấy bao nhiêu nỗi vất vả như người gánh củi. Ngày đêm  phải vượt qua con  dốc  sương mù và đương đầu với gió ù ù thổi bay.Với cách nhìn đời như thế, bài thơ thường sẽ chuyển về những tâm tình thở than. Thế nhưng Qua Dốc Sương Mù lại  rực rỡ ánh sáng của sự thăng hoa. Đó không phải là thứ ánh sáng thiên nhiên của nghìn tia nắng, hay ánh sáng của đêm lửa reo, mà là ánh Phật quang. Nỗi vất vả, thống khổ trở thành con đường hạnh ngộ. Người gánh củi kia tự sáng trong “bước chân hoan hỷ ‘. Bài thơ không còn là sự minh giải cho ý nghĩa hiện thực mà trở thành  khỏanh khắc “đốn ngộ“ khi con người đã vượt qua được “dốc sương mù“, nhìn đời bằng Trí Huệ Bát Nhã  (Prajna- Chữ của nhà Phật )

Nhưng làm sao vượt được “dốc sương mù “ ? Trần Ngọc Tuấn vẫn đang tự hỏi .

“ Hỏi thăm người trốn chơi xa

 Mà sao râu tóc phôi pha bụi trần

  Hỏi thăm người biệt giai nhân

Mà sao nhan sắc tần ngần ngóng trông

Hỏi thăm người có hay không

Mà sao chuông vọng âm âm gió mùa “

( Hỏi Thăm )

Trần Ngọc Tuấn đã “trốn“ , đã “biệt‘cuộc đời này, trốn biệt những sắc dục giai nhân, thế sao con người ấy vẫn râu tóc phôi pha vì bụi trần, vẫn ngóng trông nhan sắc giai nhân? vẫn mê đắm , không hay, không biết, không nhận ra tiếng chuống thức tỉnh, dù tiếng chuông ấy ‘vọng âm âm “ trong gió mùa ? Hình hài, thân xác, cuộc đời này nặng nề biết bao, nó trói buộc con người mãi trong cõi vô minh. Hỏi cũng là trả lời. Tiếng chuông thức tỉnh ấy  là tiếng chuông vọng trong tâm, mà dũng lực của nó có sức  khai mở  Tâm Bát Nhã

Với Tâm Bát Nhã con người sẽ nhận ra  mình đang đánh bắt đời mình

Chẳng chấp gì bé lớn

  Một mình nghe lặng thinh

 Mây trên đầu luẩn quẩn

Ông ngồi câu bóng mình

( Ngồi Câu )

Một ông ngồi câu trong thinh lặng, mây bay trên đầu. Câu chỉ để câu, không cần được cá lớn hay cá bé. Nhưng ngồi mãi chẳng được con cá nào, bóng ông đổ trên cần câu .

Tất nhiên bài thơ không nói đến việc câu cá. Bỏ cái vỏ ngôn ngữ ấy đi, tư tưởng Thiền bừng sáng lên.Con người luẩn quẩn trong trong chấp, không nhận ra  mình đang đánh bắt (câu cá) chính mình. Mình vừa là người buông lưỡi câu lại vừa là nạn nhân bị lưỡi câu móc vào. Thực tại hư ảo ( câu không được gì) mà điều tìm kiếm cũng hư ảo (câu cái bóng).Vậy mà con người lại lẩn quẩn móc dính vào cái hư ảo ấy không sao gỡ ra được.

Bài thơ có thể làm người đọc “ngộ“ ra được điều gì đó về cuộc đời này, về thực tại “thất vọng , vô thường , vô ngã “ (dukkha, aniccaanatta ) .

Trong cái thực tại thất vọng, vô thường,  vô ngã ấy, con người còn lại gì ?

Đất nứt nẻ đồng khô mùa khát

Ta còn gì ngòai nắng lặng im

Tâm địa chấn rung rùng biển động

Ta còn gì ngòai sóng lặng xô

 Mưa trút nước lũ tràn đê vỡ

Ta còn gì ngòai mây lặng trôi

 Cây trụi lá trơ thân giông bão

Ta còn gì ngòai gió lặng yên

 Mùa cuối đông vườn không ong bướm

Ta còn gì ngòai hoa lặng rơi

 Chuyến hạnh phúc còn không vé vớt

Ta còn gì ngòai em lặng đau

 Thanh tịnh một vì sao lẻ bóng

Ta còn gì ngòai ta lặng thinh

                        ( Lặng )

Câu hỏi “ta còn gì “ là câu hỏi của “hố thẳm“: “Bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm , một cách im lặng , không hy vọng , một cách rộng lượng “( N. Kazantzaki ). Con người phải chịu lấy tất cả những phũ phàng, mất còn ở đời, như chịu đựng cơn khát nắng hạn, chịu đựng những kinh hòang rùng rùng địa chấn, chịu đựng sự tàn phá của lũ tràn đê vỡ,  giông bão càn quét trụi không, chịu đựng  giá rét mùa đông vắng bóng sự sống, chịu đựng những nỗi đau bất hạnh và sự cô độc như vì sao lẻ bóng .

Tư tưởng của bài thơ không lộ ra trong cái quay quắt những đau đáu mất- còn, mà hiển minh trong cái im lặng. “Ta còn gì ngòai ta lặng thinh “. Sự im lặng bộc lộ tất cả dũng lực vượt qua  có – không. Cái còn tồn tại trong chính cái mất, vượt qua mất –còn  là Chân Như .

Bài thơ mang một khí vị Thiền đặc biệt ở thi pháp. Khí vị này đem đến những mỹ cảm trí tuệ cho người đọc. Cái tĩnh trong cái động , cái còn trong cái mất . Những tứ thơ được triển khai trong  kiểu tư duy nhị nguyên tương phản còn – mất, dẫn người đọc vào sự rối bời  vô minh của ngôn ngữ , cũng như sự rối bời của thực tại có – không. Khi còn có Ta, và khi cái Ta bị nhận chìm trong những khốc liệt địa chấn , giông bão , khô khát , mong chờ hạnh phúc , mong chờ hoa bướm , thì cái Ta ấy còn đau, còn cô độc, còn sợ hãi, còn vọng tưởng …Vì  làm gì có “cái ta“. Bản chất của “cái ta”  là “vô ngã “ .

Chỉ  khi đạt tới cái  vô ngãkhông bóng ,  không hình “, con người mới nhẹ nhàng qua sông  ( “ Đáo bỉ ngạn “ – Chữ của nhà Phật )

Nhẹ nhàng cánh nhạn qua sông

Nhạn không lưu bóng, sông không bóng hình

Thung dung tiếp cuộc đăng trình

 Mặc con sống vỗ một mình ra khơi “

                            ( Ra khơi )

Đạp lên sóng vỗ mà ra khơi, thung dung như cánh nhạn ruổi rong đăng trình, Con Người ấy có sức mạnh của cả vũ trụ, cao hơn  cả vũ trụ.Tứ thơ mang khí vị câu thơ làm rung chuyển thái hư của Không Lộ Thiền Sư

Trạch đắc long xà địa khả cư

Dã tình chung nhật lạc vô dư

Hữu thì trực thướng cô phong đĩnh

Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư

                      ( Ngôn Hòai )

 Qua sông (đáo bỉ ngạn) rồi, lại sống như chưa qua sông, con người hồn nhiên biết bao, cuộc đời tươi xanh biết bao,  một đọt lá trên cành cũng trổ sinh bao la sự sống

Đâu ngờ một ngọn gió lay

Mà hoa rơi rụng mà mây tan tành

Đâu ngờ một đọt đầu cành

Rừng xưa lại thắm , mùa xanh lại về

                          ( Đâu ngờ )

Và tất cả cùng tỏa sáng, cùng reo cười .

Trăng tự sáng giữa tầng không

Suối tự chảy giữa mênh mông đất trời

Kìa ai bất chợt tự cười

Trái tim tự hát lẽ đời tự nhiên

( Tự Nhiên )

Niềm hoan lạc vô biên

Suồi reo, biển lặng, sông đầy

Vầng trăng tròn trặn, mây bay yên bình

Cánh én liện, nụ hoa xinh

Tình người chân thật, hồn mình an nhiên

( Kho Báu )

Thơ Thiền của Trần Ngọc Tuấn dẫn ta vào  cõi sáng của tư tưởng, cõi an bình của  tâm tư và  niềm hỷ hoan của bước chân  người gánh củi thung dung vượt qua dốc sương mù  cuộc đời. Phải có một trình độ “giác ngộ “ nào đó  của tâm thức, phải trải qua bao nhiêu tra vấn, bao nhiêu giông bão, nắng hạn, bao nhiêu mất còn, phải bao nhiêu kiếp hóa thân, Trần Ngọc Tuấn mới có thể viết được những câu thơ của “trái tim tự hát lẽ đời tự nhiên “ như thế.

Nhiều bài tứ tuyệt có phẩm chất cổ điển nhưng thật mới lạ (An Nhiên, Trắng,  Trên Núi Tuyết, Ngồi Câu, Trà Sớm ..) . Nó vừa dẫn ta về suối nguồn thơ cổ điển vừa làm ta ngạc nhiên về những phát hiện tư tưởng ngay trong đời thường. Bài Ngồi Câu là một cặp sánh đôi rất tuyệt với Giang Tuyết của Liễu Tông Nguyên (773-819). Hình ảnh bướm hoa trong  Vậy Thôi dẫn ta về vối Xuân Vãn của Trần Nhân Tông. “giọt sương tan trên lá xanh“ trong Lên Đồi Tịnh Độ mới lạ hơn “giọt sương phô trên ngọn cỏ “ trong Thị Đệ Tử của  Vạn Hạnh Thiền sư. Hình ảnh “cuối vườn hoa khai “trong Vô Thường  phải chăng  là một với tứ thơ  “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai “ trong Cáo Tật Thị Chúng của Mãn Giác Thiền Sư (1052-1096). Bài Rỗng Rang  âm vang lời Thiền : Chư Phật và chúng sinh đều có chung một tánh giác. Chư Phật hằng sống với tim rỗng rang thanh tịnh.

Tứ tuyệt Lục bát của Trần Ngọc Tuấn vừa có cái giản dị chân tình của ca dao vừa có sự sang trọng trí tuệ của Tứ Tuyệt  cổ điển. Đó là sự làm mới Lục bát truyền thống, cũng là cách Việt hóa Tứ tuyệt của thơ Đường .. . Suối Reo bay trong cái cao rộng của thơ cổ điển, sang trọng hồn nhiên bên cái đằm thắm lục bát thơ Thiền của Phạm Thiên Thư. Và Trần Ngọc Tuấn có cái tài hoa riêng của anh. Tôi tin rằng nhiều bài thơ trong tập Suối Reo có thể sống lâu dài với thời gian. Tuy vậy, khi anh viết thơ Thiền chỉ bằng khái niệm nhà Phật thiếu cái chiêm nghiệm máu thịt của bản thể, thì hồn thơ của anh không còn cái diễm tuyệt mênh mang quyến rũ như là phẩm chất thẩm mỹ vốn có trong thơ anh.Ta hiểu, làm thơ tư tưởng khó biết bao, và thật đáng trân trọng những bài thơ đã hóa thân từ chính tâm thức Trần Ngọc Tuấn.

_________________

 

Truyện ngắn Khôi Vũ

TRUYỆN NGẮN KHÔI VŨ

Bùi Công Thuấn

KhoiVuBCT 2

Nhà văn Khôi Vũ và Bùi Công Thuấn (ảnh riêng của BCT)

 

Tôi đã đọc được khoảng 80 truyện ngắn của Khôi Vũ (*), những truyện đã được in hoặc đăng rải rác, trong các tập: Già lửa, nhà xuất bản Đồng Nai 1988, Tri thiên mệnh, nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh 2001, Phù Phiếm Bên Biển, nhà xuất bản Văn nghệ 2010, đây là tuyển tập truyện ngắn của Khôi Vũ do báo Tuổi Trẻ chọn đăng trong khoảng 25 năm (1984-2009), Đàn ống tre bên kia sông, nhà xuất bản Đồng Nai 2013, và Người giỏi hơn chưa chắc đã thắng nhà xuất bản Văn hóa-Văn nghệ TP Hồ Chí Minh 2014. Dõi theo thời gian ghi ở cuối truyện, 80 câu truyện ấy nằm trong một chặng đường sáng tác hơn 30 năm của Khôi Vũ (truyện Cây buông già. 1981), và đủ khẳng định những đặc sắc nghệ thuật truyện ngắn của ông.

1.Nhà văn thế sự và những câu chuyện thời sự.

Không phải tình cờ mà báo Tuổi trẻ đăng nhiều truyện ngắn của Khôi Vũ.  Là vì những truyện ngắn ấy đề cập đến những vấn đề thời sự. Viết về những chuyện báo chí đã đưa tin là rất khó, bởi tác phẩm văn chương không thể theo kịp dòng thời sự trên báo, và làm thế nào để biến một bản tin thành tác phẩm nghệ thuật có thể đứng được lâu dài. Khôi Vũ đã làm được điều này khi ông tái hiện bản tin tức thời sự dưới cái nhìn của chủ nghĩa nhân văn. Và vì thế đọc văn chương thời sự của Khôi Vũ rất thú vị.

Khôi Vũ quan tâm đến khá nhiều vấn đề thời sự. Chẳng hạn, chuyện người Việt sang Campuchia đánh bạc bị bắt làm con tin (Vé số quê nhà), chuyện có những cô gái Việt bị an ninh Singapor bắt và trục xuất ở phi trường vì bị nghi sang Singapor làm gái mại dâm (Cào cào tuổi nhớ). Đã có một thời rộ lên chuyện người nông dân bán đất, cầm tiển tỷ trong tay làm ăn, bị lừa mất sạch (Lỗ mọt), chuyện người công nhân làm cho công ty nước ngoài bị chủ ngược đãi (Say nắng). Nhiều “chuyện thường ngày” ở các cơ quan, như nhờ thói ngậm tăm mà “ông” được lên Phó Giám Đốc (Thói ngậm tăm), chuyện họp hành tẻ nhạt (Một cuộc họp), chuyện xin việc, làm sao...”tìm được một nơi làm việc mà không phải làm điều quấy không phải nói dối và hối lộ”(Bản tự truyện thay đơn). Công luận đã lên tiếng nhiều về vấn đề ô nhiễm mội trường. Dòng sông quê, dòng sông chảy qua Cù lao Phố,”dòng sông đang bị giết chết”(Vòng luân hồi của nước). Khôi Vũ cũng quan tâm đến vấn đề bảo vệ loài vật (Con sáo nâu biết nói tiếng Việt). Nhà văn cũng phê phán những hiện tượng suy đồi về văn hóa, đạo đức như những chương trình ca nhạc không nghệ thuật (Trái chín giú), lối sống thực dụng của đời sống kinh tế thị trường (Nhà trên ao), chuyện tình cũ không rủ cũng đến (Lần thứ ba), đánh ghen (Ngàn sao), những tình cảnh ngang trái (Trái dưa tây lép) và nhiều câu chuyện trong các chuyến du lịch (Chay ở Chai, Trẻ con không trẻ con, Con sáo nâu biết nói tiếng Việt, và phần tạp văn Ngày tháng trôi như nước sông)…

 Từ những chyện thời sự, Khôi Vũ nâng lên thành chuyện thế sự, chuyện đời, những chuyện của mọi thời. Đó là những cảnh đời, những thói đời, những quan hệ giữa phức tạp giữa người với người mà ông chứng kiến, và suy gẫm. Từ đây, nhiều truyện của ông được soi chiếu dưới ánh sáng minh triết. Truyện ngắn Tri thiên mệnh là một thí dụ. Ông viết: “Năm ấy tôi 23 tuổi may mắn đã ngộ ra nhiều điều từ lời dạy và cuộc đời của cha tôi.”

Khôi Vũ cười những kẻ háo danh (Nhà thơ), những kẻ làm Trò khỉ, ngán ngẩm cái thời đại thời đại ai cũng là Vĩ nhân. Ông ghét những kẻ chuyên làm ma sống rình mò hãm hại người khác (Hội làm ma). Ông đau đớn chỉ ra rằng chữ của nhà văn thời nay toàn là Chữ giả. Nhà văn chẳng khác gì con bồ chao, dù nó đã thoát khỏi lồng, nhưng vẫn chui trở lại và thích hót ở trong lồng, vì trong lồng có đồ ăn thức uống (Con bồ chao đoạt giải). Khôi Vũ kể Tình mèo để nói về thói Sở Khanh: “Thế con người hơn con mèo ở chỗ nào mà người ta lại dám nghĩ xấu về loài mèo khi thường nói: đồ mèo mả gà đồng?”. Ngôi nhà chữ Đinh kể câu chuyện về một thầy giáo có học trò thành đạt, đối xử với thầy trọn tình trọn đạo. Học trò bỏ nhiều tiền sửa ngôi nhà chữ Đinh cho thầy, và thầy mãn nguyện nhắm mắt. Nhưng thầy có biết đâu, ngay sau khi thầy rời xa cõi người, học trò đã phá bỏ ngôi nhà chữ Đinh ấy, nghĩa là phá bỏ tất cả những truyền thống, những giá trị thầy gìn giữ, để thay vào đó cái thực dụng.

Khôi Vũ sống gần với người lao động, ông đứng trên nhân nghĩa của người lao động mà đánh giá các vấn đề xã hội. Ông tận mắt chứng kiến họa sĩ dân gian vẽ những kẻ hai mặt và nhận ra rằng những kẻ tham nhũng thường sợ bị phơi mặt thật (Họa sĩ biếm dân gian). Trên một chuyến xe Đa Lạt về, nhà văn chứng kiến và ngẫm nghĩ bao điều:” …những chiếc xe tranh khách chạy với tốc độ trên trăm cây số biết lúc nào để xảy ra tai nạn. Như cô bé tuổi học trò đã sớm yêu đương. Như chị phụ nữ đếm tiền hàng chục triệu mà xài điện thoại đời cũ anh thanh niên kỳ kèo từng năm ngàn đồng… (Cái vết trắng).  Khôi Vũ ca ngợi ông Bành Ky (Hảo hớn), một kẻ phải bú chó mà sống, đã bênh vực kẻ yếu, không tha thứ cái xấu, thông cảm tình cảnh cô gái giang hồ. Khôi Vũ đứng ở vùng trũng cổng chợ (Buổi sáng) để lắng nghe câu chuyện của những cảnh đời dưới đáy. Hoặc chia sẻ của người bán dưa vào 30 tết (Nỗi buồn dưa hấu), chia sẻ cảnh đời công nhân khó khăn (Máng trượt) hoặc ngậm ngùi trước khát vọng của con người bị chà đạp (Hoàng hôn). Ông đã miêu tả thật ấm áp tình người của xóm gầm cầu khi nơi họ ở vị giải tỏa (Đám bông 10 giờ bên mố cầu). Truyện ngắn Tiền sạch là một chút xót xa cho tình cảnh một người về hưu, muốn sống lương thiện nhưng bị lợi dụng mà không biết. Mùi phở là khát vọng của một người ông ăn nhịn để dành mong cho con cháu học hành làm quan. Người đàn bà nhặt bông sứ bị rắn cắn chết để lại trong lòng nhà văn nhiều day dứt: ”Mỗi buổi sáng nhìn qua vườn sứ tôi lại nhớ đến một người nhặt hương cho đời cuối cùng chỉ nhặt lại cho mình có chăng lòng nhớ thương của dăm ba người nào đó như tôi…”.

Tôi thích những câu truyện mà Khôi Vũ dẫn người đọc thâm nhập rất sâu những cảnh đời dõi theo những số phận, để khám phá những vấn đề có ý nghĩa tư tưởng. Ở những truyện này, Khôi Vũ có vốn sống đầy đặn, có bút lực mạnh mẽ, có tình Người ấm nồng, nhờ đó truyện giàu ý nghĩa tư tưởng. Người đập tường đá là sự thăng trầm của kiếp người, hình như có nhân có quả. San hô nỗi buồn đau đáu về phận người xin ăn la liệt ở ngay dưới chân đức Phật (nơi tham quan), nhưng không biết Ngài có quan tâm không! Tìm ngọc là đi tìm cái hạnh phúc đích thực ở đời, tình yêu chân thực đó chính là ngọc. Lời của thác là chọn lựa thái độ trung thực, nương tựa vào chính mình. Mưa biển là một suy nghiệm triết lý, mình không thể giữ được những gì không thuộc về mình. Biển là sự tra vấn lương tâm: ”Tội lỗi của con người có thể che dấu trước mọi người chung quanh, trừ chính y”; “Biển già đến bạc đầu sóng mà vẫn cứ hồn nhiên, cớ sao con người chỉ lo đối phó với cuộc sống, với đồng loại thay vì sống hồn nhiên hơn, để đến nỗi chỉ có trăm năm một đời người, đầu đã bạc” . 72 giờ sau là câu chuyện linh hồn một người đã chết, kể truyện đời mình. Anh ta đã sống rất tốt, rất chuẩn mực và cuộc ra đi cũng được tổ chức tốt đẹp. Nhưng sau đó, chẳng còn ai nhắc tới anh ta nữa vì “cuộc đời anh chẳng có gì để nhắc. Trừ chuyện anh bị chiếc xe tải nhỏ không chịu dừng đèn đỏ tông chết. Nhưng chuyện ấy thì bà bán quán đã nói một lần rồi! Mà ai cũng biết!”. Khôi Vũ đặt vấn đề, đâu là giá trị của đời người? Là cách sống chuẩn mực? Hay là ở những gì mình làm được cho đời?

Trả lời cho vấn đề đó, Khôi Vũ hướng về cuộc đời. Thái độ sống của các nhân vật trong tập truyện ngắn Đàn ống tre bên kia sông là một lời khẳng định. Đây là tập truyện ngắn Khôi Vũ viết riêng về con người Đồng Nai. Cây buông già ca ngợi ông Năm Đán, con người Đồng Nai tiên phong, kiên định, tình nghĩa. Thần nông lên đồi khắc họa con người Đồng Nai kiên cường trong đấu tranh, cũng kiên định trong lao động sản xuất; sống có nghĩa có tình, có lý tưởng. Thầy thuốc búi tó là ông già Hưởng, như thần Dớt nổi giận trước sự suy đồi văn hóa văn hóa. Quán xe thồ viết về Bảy Năng, cán bộ hưu trí, người tham gia kháng chiến từ thời chống Pháp. Bảy Năng giúp cho Hổ Trâu điên, nguyên là lính Việt Nam Cộng Hòa, tổ chức đoàn xe thồ làm ăn, vì Bảy nhận định Hổ không là người xấu, hướng cho anh ta đi đúng thì sẽ tốt. Đất sóng là vùng đất làm khó con người. Nhiều mảnh đời người cũng trăn trở như đất, cuối cùng đã hiểu mình hơn Những con người như Sơn, Tuấn đang là con chim B’rling bay lên. Đàn ống tre bên kia sông là bài ca đầy tin yêu về đất nước này, về cuộc sống này, tình yêu Khôi Vũ dành cho quê hương Đồng Nai.

  1. Sự phong phú nghệ thuật truyện ngắn của Khôi Vũ

 Có thể nói Vé số quê nhà là một “kiểu mẫu” về cấu trúc truyện ngắn của Khôi Vũ, những truyện ngắn đăng trên báo Tuổi trẻ. Cấu trúc ấy có dáng dấp trong các truyện Thói ngậm tăm, Ngủ cùng rắn mối, Nỗi buồn dưa hấu, Họa sĩ Biếm dân gian, Hoàng hôn, Về hưu, Tiền sạch, Ghét học, Mùi phở, Đám bông mười giờ bên mố cầu, Cào cào tuổi nhớ…Truyện thường mở đầu bằng một cảnh ở hiện tại, rồi phát triển bằng những cảnh kể lại lai lịch nhân vật, đầu đuôi câu chuyện. Cách dựng cảnh như trong tiểu thuyết. Có thể xen kẽ những cảnh giữa quá khứ và hiện tại, và sau cùng trở về hiện tại giải quyết vấn đề nêu ra ở cảnh mở đầu. Vé số quê nhà là một kiểu mẫu truyện ngắn Khôi Vũ.

Cùng một cách dựng truyện, nhưng Khôi Vũ tạo được nhiều màu sắc thẩm mỹ riêng. Tìm ngọc có dáng dấp truyện đường rừng. Các cảnh trong Mưa biển được dựng như trong phim hành động. Nhiều truyện mang đặc điểm truyện khôi hài có hàm ý phê phán nhẹ nhàng như Chay ở Chai, Thói ngậm tăm, Mùi phở, Nhận giải thưởng, Nỗi buồn dưa hấu, Vai Phụ, Một cuộc họp, Con bồ chao đoạt giải, Bong võng mạc, Ghét học…Nhiều truyện như những ẩn dụ: Chữ giả, Tình mèo, Trò khỉ, Ngôi nhà chữ Đinh, Hội làm ma, Ngựa ô, 72 giờ sau, Giờ Thiền…Những truyện hiện thực giàu tình cảm nhân đạo có sức hấp dẫn riêng: Người đàn bà nhặt bông sứ, Đám bông mười giờ bên mố cầu, Người đập tường đá, Hoàng hôn, Ngàn sao, Say nắng, Trái dưa tây lép, Đất sóng, Người bệnh cuối ở Long Giao…

 Nếu để ý, bạn đọc thể phát hiện Khôi Vũ có những sáng tạo chi tiết rất “độc”, thí dụ tư thế nằm ngồi của ông Phó Bí thư trong Bong võng mạc. Sau phẫu thuật, ông phải ở trong tư thế “nằm thì phải nằm sấp ngồi thì phải cúi gập đầu thẳng góc với mặt đất…một tư thế chẳng giống ai… Nhiều lúc ông chỉ muốn bật cười khi nghĩ rằng mình đang ở thời kỳ phải “cúi đầu sám hối” “không được ngẩng mặt nhìn đời”. Nhưng cái thế nằm úp sấp lại giúp đôi tai ông phát huy được tối đa thính lực nghe rõ từng lời thăm hỏi hoặc trò chuyện với nhau của khách…và… Ông biết được nhiều chuyện của nhân viên mà ông không ngờ tới. Cũng vậy, chi tiết kết truyện bất ngờ trong Hội làm ma làm bật ra chủ đề vừa vừa đau đớn vừa cay đắng, vừa nâng một câu chuyện được tả rất thực thành như là một ẩn dụ. Tôi rất thích sự sáng tạo tình huống giàu tính tư tưởng trong Chữ giả.

Đặc sắc văn Khôi Vũ còn ở bút lực mạnh mẽ trong nhiều truyện như: Người bệnh cuối ở Long Giao, Đất sóng, Hảo hớn, Biển, Người đập tường đá, Mưa biển…Những truyện này thể hiện đúng cái khí cốt dữ dội, khoáng đạt của Khôi Vũ, nhà văn “cầm tinh con hổ”. Ở chiều ngược lại, Khôi Vũ lại có những trang văn miêu tả rất chừng mực những cảnh sex “trần trụi”(Vé số quê nhà, Cào Cào tuổi nhớ, Lần thứ ba… ) Khôi Vũ miêu tả vừa đủ để thể hiện chủ đề, và dù trần trụi thế nào, ông giữ được vẻ đẹp ngòi bút giàu chất nhân văn.

 Những đoạn miêu tả bối cảnh, miêu tả chân dung, tả diễn biến tâm lý nhân vật được giản lược đến mức chỉ vừa đủ giúp người đọc hình dung ra nhân vật trong không gian thời gian. Khôi Vũ dành bút lực cho dựng truyện, xây dựng nhân vật, viết lời thoại và đặt vấn đề. Những nhân vật thành công của Khôi Vũ là nhân vật có tính cách Nam Bộ (ông Bành Ky trong Hảo hớn, Chín Tàng trong Biển, nhân vật Ba tôi trong Lời của Thác, Bảy Năng trong Quán xe Thồ…). Nhưng tôi cho rằng tài nằng của nhà văn là ở việc đặt được vấn đề để suy gẫm.

Có lần tôi ở chung phòng khách sạn trong một trại sáng tác với Khôi Vũ. Ông xoay trần ra viết. Lúc thư giãn, ông kể cho tôi nghe chuyện gia đình. Lần ấy ông đang dự trại sáng tác và nhận được tin con trai nhập viện vì sốt xuất huyết, ông phải đón tàu về gấp, và tức tốc vào bệnh viện thăm con. Tôi nghe truyện không mấy hào hứng vì những chuyện như vậy ai cũng có lần gặp phải. Tôi nghĩ, Nhà văn phải kể những chuyện mới lạ, đặt những vấn đề lớn lao, còn chuyện gia đình riêng chẳng có gì đáng nói, vì nó là chuyện thường ngày. Tôi chỉ nghĩ, ông nhà văn này cũng biết thương con như mọi người cha trên đời…Và tôi đọc ngạc nhiên khi đọc truyện Đời thường của ông. Nội dung truyện đúng như những gì ông đã kể cho tôi nghe. Và tôi nhận ra cái tài của Khôi Vũ. Ông đã chuyển hóa một truyện đời thường rất ít tính truyện thành một chuyện văn chương có nhiều điều suy gẫm… rằng trong cuộc sống, còn rất nhiều người tử tế, người tốt. Viet Nam News chọn dịch Đời thường ra tiếng Anh với tựa đề: Such is life không phải là tình cờ

Nảy ra câu chuyện từ hiện thực, đặt được vấn đề từ những cái đời thường tưởng không có gì đáng quan tâm và cảm nhận được cái đẹp giữa dòng đời xô bồ, cuồn cuộn, đó là tài viết văn của Khôi Vũ, một nhà văn chuyên nghiệp (xin đọc Chữ Giả, Thói ngậm tăm, Hội làm ma, Giờ Thiền, Người thừa kế…).

Nhà văn là người kể chuyện. Có một giọng văn điềm đạm, đằm thắm, khúc chiết trong suốt các truyện ngắn của Khôi Vũ. Giọng văn này cũng chính là giọng nói đời thường khi ông kể chuyện. Khôi Vũ thẳng thắn, mạnh mẽ và khôn ngoan. Ông rất trân trọng người đối thoại. Dù đó là một truyện có tính “phê phán hiện thực” (Thói ngậm tăm, Chữ giả, Nhận giải thưởng…), hay truyện có tính “ngợi ca”, biểu dương cái đẹp (Trạm xá ngoại thành, Già lửa, Trong đêm…), hay những truyện giàu chất suy gẫm (Chữ giả, 72 giờ sau, Ngôi nhà chữ Đinh, Tri thiên mệnh, San hô,…) thì Khôi Vũ vẫn giữ được giọng văn trong sáng nhân hậu đáng quý. Truyện của Khôi Vũ bao giờ cũng ấm áp tình người.

Để truyện diễn ra tự nhiên, Khôi Vũ có cách chuyển ý liền mạch, tinh tế và hợp lý.  Ít khi Khôi Vũ xáo trộn làm vỡ cấu trúc để tạo ra cái mới lạ. Ở những truyện mà nội dung hiện thực quá mỏng và cốt truyện đơn gian (Giở Thiền, Ngủ cùng rắn mối, Trẻ con không trẻ con, Điều quên dặn, Quét mạng nhện, Nhận giải thưởng…), Khôi Vũ có cách viết những đoạn liên tưởng để làm đầy trang văn. Cách viết của Khôi Vũ khá “có duyên”, vì những liên tưởng ấy cũng có những điều thú vị, đọc không thấy chán, Truyện Giờ Thiền kể lại việc nhân vật Anh đã đi bộ thể dục buổi sáng gần một năm. Trên đường đi, anh quan sát mọi người hai bên đường và ngẫm nghĩ. Tất cả đều im lặng, chỉ có chị phụ nữ chở rau và trái cây bằng xe đẹp nhờ anh sửa lại giúp cái túi trái cây giữa xe bị chệch qua một bên. Chị đạp xe đi, sau đó chị ta trở lại, ấn vào tay anh trái quýt và nói “Biếu chú trái quýt”. Truyện kết thúc bằng câu:”Gần một năm rồi, anh mới nghe tiếng người nói vào buổi sáng sớm đi bộ tập thể dục…Mà nói đúng ba câu!”. Quả thực, nếu không có chi tiết chị phụ nữ chở rau và trái cây trở lại, giúi vào tay Anh trái quýt và nói câu tình nghĩa, thì Giờ Thiền không thể thành truyện được.

Làm thế nào để Khôi Vũ có thể viết được nhiều truyện ngắn như vậy?

Mỗi nhà văn chuyên nghiệp có cách khai thác chất liệu, khám phá chủ đề và thể hiện cái đẹp riêng. Khôi Vũ khai thác “cái đời thường”, cái thời sự và khám phá vẻ đẹp của người “dưới đáy” xã hội. Đã có lúc Khôi Vũ lăn vào đời, làm nhiều việc, để có trải nghiệm mà viết. Khuynh hướng hiện nay của truyện ngắn Khôi Vũ là sự chiêm nghiệm hiện thực thay cho cách viết “phản ánh hiện thực” vào những năm 1980.

Đọc truyện ngắn Khôi Vũ, tôi thấy ông có ba cách khai thác chất liệu để viết truyện. Trước hết, Nhiều truyện ông khai thác từ nguồn truyện ông có dịp thâm nhập thực tế. Những truyện này, vốn sống của ông đầy ắp. Những vấn đề hiện thực hết sức căng thẳng quyết liệt, các nhân vật đầy cá tính, góc cạnh. Những chi tiết truyện rất lạ, không gian mở rộng nhiều vùng miền. Đây là những truyện rất hay của Khôi Vũ. Ngòi bút của ông tỏ ra rất bản lĩnh trong sáng tạo, trong việc xử lý mâu thuẫn phức tạp, dẫn đến cái kết thuyết phục. Xin đọc: Đất sóng, Quán xe thồ, Lời của Thác, Già lửa, Người bệnh cuối ở Long Giao, Người đập tường đá, Biển, Mưa biển, Tìm ngọc, Say nắng, Hội làm ma,…

Nguồn truyện thứ hai của Khôi Vũ là những gì ông quan sát, ghi nhận trong sinh hoạt “đời thường” xung quanh mình. Người giỏi hơn chưa chắc đã thắng chính là những gì ông quan sát được khi ở Singapor: Chuyện một gái điếm người Việt bị bắt ở Sing và bị trục xuất về Việt Nam (Cào cào tuổi nhớ). Đời sống ở Chung cư chẳng ai biết ai, ý nghĩa Bụi sả ngoài hành lang trước cửa căn hộ nhà hàng xóm, chuyện bảo vệ loài vật trong Con sáo nâu biết nói tiếng Việt. Nhiều truyện khác trảỉ rộng trong nhiều mặt sinh hoạt: Nhà thơ, Chay ở Chai, Trái chin giú, Buổi sáng, Nhận giải thưởng, Vai phụ, Một cuộc họp, Bản tự truyện thay đơn, Họa sĩ biếm dân gian, Vĩ nhân, Trò khỉ, Hoàng hôn, Nhà trên ao, Lần thứ ba), Ngàn sao, về hưu, người đàn bà nhặt bông sứ, Con bồ chao đoạt giải, Lỗ mọt, Bong võng mạc, Con ngựa ô, Gió biển không thổi tới, Mùi phở, Giờ Thiền, Đám bông mười giờ bên mố cầu…

 Nguồn nguyên liệu thứ ba mà Khôi Vũ khai thác thành truyện ngắn là sinh hoạt đời thường của bản thân ông và gia đình. Truyện Đời thường (tôi đề cập đến ở trên) là một thí dụ. Lấy chuyện của bản thân mình làm chất liệu sáng tác trực tiếp là điều rất khó, bởi không tinh tế, ngòi bút rất dễ phóng lên, làm cho “cái tôi” trở nên vênh váo. Khôi Vũ đã dùng cách mã hóa mình như một khách thể, quan sát chính mình như một nhân vật để đặt một vấn đề có ý nghĩa chung. Khôi Vũ thường gọi nhân vật là “ông” một cách phiếm chỉ (không phải nhân vật xưng tôi). Có thể coi đây như một lọai tự truyện: Tri thiên mệnh là sự “giác ngộ” của tác giả lúc 23 tuổi từ lời dạy và cuộc đời của cha. Khôi Vũ tự phê phán ngòi bút của mình khi nhà văn đối diện với nhân vật trong đời thực (Chữ giả). Ngủ cùng rắn mối kể chuyện ông ngủ ở một khách sạn tỉnh Q đầy muỗi và có cả rắn mối. Đôi bàn tay bà xã, Mẹ hay Ôsin là những chuyện sinh hoạt trong gia đình, Ngày không như mọi ngày, là một ngày làm việc của nhà văn Khôi Vũ. Trẻ con không trẻ con là nhận xét có tính người lớn của trẻ con trong một chuyến đi Đà Lạt. Quét mạng nhện, Giờ Thiền, cũng là những việc thường ngày ở nhà của Khôi Vũ. Phù phiếm bên biển là những suy nghĩ về cuộc sống kinh tế về nghề viết khi tác giả cùng gia đình đi tắm biển

Ở cả ba nguồn truyện, Khôi Vũ đều có những truyện hay, nhưng tôi đánh giá cao những truyện ông khai thác trực tiếp từ đời sống thực tế. Đó là những câu chuyện dữ dội, quyết liệt nhưng cũng đầy tính nhân văn. Khôi Vũ, với tư cách nhà văn, tự ém mình đi để cho nhân vật và sự việc trực tiếp lên tiếng nói. Người bệnh cuối ở Long Giao, Biển, Hảo hớn, Người đập tường đá, Lời của thác, Quán xe thồ, Say nắng, Hội làm ma, Trái dưa tây lép, là những truyện ngắn đặc sắc mang cốt cách Khôi Vũ cả về nội dung tư tưởng và nghệ thuật.

 Khôi Vũ gửi gắm những điều gì?

BCT-KV

 Trong Phù phiếm bên biển, Khôi Vũ cho rằng viết là phù phiếm, chẳng giúp ích gì cho vợ con, chỉ xây những lâu đài cát. Sóng biển, sóng đời dữ dội quá, “nó buộc mình phải lui bước để bảo vệ sự sống, trước hết là bảo vệ miếng ăn”, “…còn lại cái nhu cầu có thực, muốn được giãi bày tâm tư tình cảm của mình về cuộc đời, về con người, với những người đọc văn mình, quen và chưa quen. Thế thôi mà càng lúc càng thấy khó.”

 Tôi không nghĩ rằng Khôi Vũ viết là để kiếm sống. Ông thổ lộ: ”Ôi! Nhà văn nổi tiếng nào thì tôi không biết chứ nhà văn cái kiểu tôi thì chắc chắn không thể sống bằng nhuận bút rồi dẫu nó có là hai ba triệu một cái truyện ngắn. Còn sống bằng gì ư? Thì bằng tiền kiếm được từ “trăm” thứ nghề khác chứ sao! Miễn là bỏ công sức lao động của mình ra đổ mồ hôi của mình ra và là việc làm … lương thiện!

(http://khoivudongnai.vnweblogs.com/a32762/nha-van-song-bang-gi.html)

Trong truyện Cây siêng bông, qua nhân vật bác Trương, Khôi Vũ nói rõ, viết không phải vì tiền, không phải đánh bóng tên tuổi. Viết để mình hoàn thiện hơn. Đây là sự chọn lựa từ kinh nghiệm và cuộc đời của thân phụ ông, giữa một bên là làm giàu, một bên là viết văn. Thân phụ nói với ông: ”Thuở nhỏ con mộng làm bác sĩ, bây giờ tuy ra trường là dược sĩ nhưng cậu lại thấy con mê viết hơn nghề làm thuốc. Ở đời không thể làm cùng lúc nhiều việc được đâu. Sức người có hạn. Ham muốn càng nhiều thì thất vọng càng lắm…”, rồi ông nói thêm: “Ở đời khó nhất là biết mình!”(Tri thiên mệnh)

Vâng, –Ở đời khó nhất là biết mình! Triết gia Socrates (470-399 tr.CN) cũng đã nhắc nhở nhân loại: “Hãy tự biết mình”.

Hãy nghe Khôi Vũ tâm sự: ”Mình trở thành hội viên Hội Nhà Văn từ năm 1990, tính đến nay đã 22 năm rồi. Mình cũng được Hội Nhà Văn cho một cái giải thường niên cũng vào năm 1990. Vậy mà rất nhiều lúc mình phải giật mình tự hỏi: “Mình có xứng đáng là một Nhà Văn chưa?”… Thôi! Mình cứ sáng tác. Nhà xuất bản nào in cho thì cảm ơn. Ai khen thì cảm ơn. Ai chê càng cảm ơn. Ai gọi là “nhà văn” thì cảm ơn (với chút ngượng ngùng). Ai gọi “lều văn” cũng cảm ơn (không giận hờn gì cả). Ai trao giải thì vui vẻ nhận. Tham dự cuộc thi sáng tác nào đó mà bị “rớt” thì cũng vui vẻ nhận là mình viết chưa “đạt” yêu cầu và “gu” của Ban giám  khảo…

 Ngày cuối năm, gác tay lên trán nghĩ mà buồn. Rồi… cười! Xin thông báo, mình vừa nghĩ xong ý tứ về một cái truyện ngắn. Còn sáng tác được là vui rồi, hỏi sao không cười nhỉ!”

(Nghĩ về hai chữ ‘nhà văn’ – http://khoivudongnai.vnweblogs.com/post/2228/397506)

Đoạn “gác tay lên trán” trên của Khôi Vũ thấm thía lời dạy của thân phụ ông, càng sâu sắc thêm lời nhắc nhở của Socrates. Đó là những lời rất “thành ý-chính tâm” mà không phải nhà văn nào cũng có thể tự biết mình.

Cái khó, và rất khó của nhà văn là viết, “Còn sáng tác được là vui rồi “. Nhưng làm sao viết cho hay, viết có ích cho đời, để rồi 72 giờ sau mọi người còn nhắc đến ông (?). Cái khó là làm sao giữ được ánh sáng lương tri của nhân loại và cốt cách kẻ sĩ, để không bị tha hóa trước cuộc đời (Chữ giả). Nhìn hành trình văn chương Khôi Vũ đã đi, từ Già Lửa (1988), Tri Thiên Mệnh (2001) đến Người giỏi hơn chưa chắc đã thắng (2014), tôi biết Khôi Vũ không thể đi ngược lại con đường nghệ thuật đã chọn lựa. Đó là cái khó. Lúc đầu, Khôi Vũ lăn lộn vào cuộc sống, dấn thân thâm nhập thực tế để viết chuyện đời. Sau đó, Khôi Vũ không “lăn lộn” nữa, ông đứng bên đời, quan sát, ghi nhận và ngẫm nghĩ. Và bây giờ, ông chiêm nghiệm ngay chính những sự việc của bản thân ông để viết. Ở mỗi chặng đường sáng tác, ông đều có nhiều truyện hay, tuy vậy, có sự khác biệt về giá trị tư tưởng-nghệ thuật (Xin đọc Người bệnh cuối ở Long GiaoĐời thường; Biển Ngày không như mọi ngày…). Tôi nghĩ rằng Khôi Vũ còn đau đáu khôn nguôi về những giá trị văn chương mà ông đã viết. Lời yêu cầu của nhân vật anh thanh niên tên Tòng nói với nhà văn là một lời cảnh tỉnh? Tôi đâu có trách ông. Tôi chỉ nêu một điều ước với ông: nếu có viết lại chuyện đời tôi, ông hãy thay cái đoạn kết có hậu kia bằng đoạn đời thật của tôi. Đau khổ lắm ông ạ. Ông hứa với tôi nhé?” (Chữ Giả). Tôi cũng hiểu cái khó là, Khôi Vũ làm thế nào để không dính mắc vào những lời “dụ dỗ” của nhân vật Phó Chủ tịch tỉnh khi ông ta yêu cầu nhà văn hãy bịa như thật một truyện, để con vị Phó Chủ tịch tỉnh có cơ hội thăng tiến?

Thực ra Khôi Vũ đã vượt qua những cái khó ấy bằng chính tài năng và nhân cách của ông, cũng như ông đã vượt qua cái khó của thời đại mà không phải nhà văn nào cũng tự giác ngộ được. Truyện ngắn Con ngựa ô có thể là một ẩn dụ về một thực tế mà Khôi Vũ đã “vượt qua”. Con ngựa ô chấp nhận kéo xe cho chủ, nhưng nó chỉ ao ước: “Tôi chỉ có tội là có ước muốn cháy bỏng, ước muốn được gỡ hai miếng da bịt mắt để có thể nhìn mọi phía, để được yêu được ghét nhiều hơn, giống như ông vậy. Nhưng ông chẳng hiểu được tôi. Tôi không giận ông đâu. Phần ông, hãy tha thứ cho tôi, ông Út nhé!”. Con bồ chao đoạt giải phải chăng cũng là một ẩn dụ (?): “Nghệ sĩ lớn hay mô típ trẻ chi chi cũng một chủ thôi!”, vì đã quen thức ăn nước uống trong lồng, thì dù có thoát ra, con bồ chao lại cũng chui đầu vào lồng, ăn no, rồi hót. Khôi Vũ bây giờ đã thênh thang trên con đường của riêng mình?

Con đường thênh thang ấy là con đường rộng mở trái tim mình cho quê hương Đồng Nai trong nhiều truyện lấp lánh tâm huyết của ông (tập truyện Đàn ống tre bên kia sông, Vòng luân hồi của nước, thức dậy thôi công chúa Ami…)

Tháng 6. 2016

_________________

(*) Nhà văn Khôi Vũ cho biết: Số truyện ngắn mà ông đã in báo & sách, tính đến nay là trên 160 truyện.

1.Ngoài các tập truyện ngắn nêu trong bài viết, Khôi Vũ  còn 1 tập đã in là tập BÊN KIA DÃY ĐIỆP VÀNG viết về công nhân, công nghiệp.

2.Hiện nay, tập truyện MIỀN ĐẤT – PHẬN NGƯỜI đang nằm ở NXB Đồng Nai, gồm tất cả những truyện về đất & người Đồng Nai. Đây là cuốn thứ nhì sau ĐÀN ỐNG TRE BÊN KIA SÔNG với cùng chủ đề.

  1. Khôi Vũ cho biết: mảng truyện ngắn lấy chính mình & gia đình làm nguyên mẫu thường được bạn đọc chú ý. Như Truyện Tri thiên mệnh, Đời thường… Truyện Phù phiếm bên biển, sau khi in, đã có nhiều bạn đọc hỏi thăm báo Tuổi Trẻ để “giúp đỡ tác giả”! Hiện nay, Khôi Vũ đang tập trung sửa chữa hoàn chỉnh cuốn tiểu thuyết Nguồn mạch, cũng viết về chính gia đình mình. Hy vọng sách “đọc dược”.

 

HỘI NGHỊ LÝ LUẬN PHÊ BÌNH VĂN HỌC LẦN THỨ IV, TƯỜNG THUẬT Ở MỘT GÓC HẸP

HỘI NGHỊ LÝ LUẬN PHÊ BÌNH LẦN THỨ IV,

tường thuật ở một góc hẹp.

Bùi Công Thuấn

3 chủ tọa đoàn

Chủ tọa đoàn:Nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, TS Phan Trọng Thưởng

 

Trong hai ngày 24.và 25.06.2016, Hội nghị Lý luận phê bình lần thứ IV được tổ chức tại thị trấn Tam Đảo Vĩnh Phúc, một nơi có cảnh sắc giống như Đà Lạt, nhưng nhỏ hơn Đà Lạt nhiều. Nơi đây cũng đã diễn ra Hội nghị LLPB lần thứ I (2003) và Hội nghị LLPB lần thứ III (2013). Hội nghị LLPB lần thứ II được tổ chức ở Đồ Sơn (2006)

Tham dự hội nghị lần này có gần 200 nhà thơ, nhà văn, nhà LLPB trong cả nước. Có nhiều khuôn mặt quen thuộc của các hội nghị lần trước như Ts Nguyễn Văn Dân, Ts Lê Thành Nghị, Ts Văn Giá, Ts Chu Văn Sơn, Nhà văn Nguyễn Văn Hạnh, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, Dịch giả Thúy Toàn, Gs Phong Lê, Gs Nguyễn Đăng Mạnh, Gs Nguyễn Đình Chú, nhà phê bình Nguyễn Hòa, nhà phê bình Nguyễn Văn Lưu…

1.Tham luận, thảo luận

 Các tham luận ở tất cả các hội đồng bộ môn được in thành một tập tài liệu gồm 74 bài,  tổng cộng 422 trang A4, nếu in thành sách sẽ gần 1000 trang. Vì thời gian giới hạn, chỉ một số ít tham luận được trình bày tại hội nghị, mỗi tham luận 15 phút. Phát biểu không quá 10 phút. Nhà thơ Trần Ninh Hồ mới đọc được nửa bài tham luận thì chủ tọa đoàn rung chuông. Các nhà văn phải tuân thủ Quy chế hội nghị (được in và phát cho từng người). Quy chế nêu rõ: Không phát biểu ra ngoài chủ đề, không làm tổn thương người khác, không phát tán tài liệu và thông tin của hội nghị. Đề cao văn hóa tranh luận và trách nhiệm nhà văn, giữ gìn trật tự và lắng nghe ý kiến của người khác

Buổi chiều 24.06, các hội đồng sinh hoạt riêng.

Các tham luận chuyên ngành được trình bày và thảo luận. Không khí hội nghị khá êm ả.

Ở Hội đồng lý luận Phê bình, chủ tọa đoàn là TS Nguyễn Văn Dân và PGS.TS Phan Trọng Thưởng. Có các tham luận sau đây:

TS Trần Hoài Anh: Tiếp nhận lý thuyết phương Tây- thành tựu của Lý luận phê bình văn học thời kỳ đổi mới

 Nhà văn Nguyên An: Nhân vật trung tâm của văn chương-Văn học thời đổi mới, phát triển. Ông nói đến người nông dân mất đất…

Nhà phê bình Đông La: đặt vấn đề đổi mới không phải là lộn ngược.

PGS.TS Trịnh Bá Đĩnh đặt vấn đề:

Hiện thực trong văn học là gì? Văn học không phản ánh hiện thực mà nghiền ngẫm hiện thực. Hiện thực trong văn học là hiện thực kiến tạo.

Về tác phẩm văn học, có xu hướng cho rằng, nhà văn chỉ sáng tạo ra văn bản tác phẩm. Phân tích và diễn giải là những qúa  trình khác nhau.

Về lịch sử văn học, chúng ta không thể viết được lịch sử văn học, nó phát triển có quy luật hay đứng yên. Các tác phẩm lịch sử chỉ là tác phẩm chủ quan về lịch sử. Thí dụ. Nguyễn Huy Thiệp bịa hoàn toàn truyễn Thị Lộ.

Giá trị của văn học là những gì?

Về phê bình, từ 1986 đến nay chuyển từ Thi Pháp học sang phê bình văn hóa (phê bình nữ quyền, phê bình sinh thái, phê bình thông tin…). Đặc điểm chung là tính chủ quan.

TS Chu Văn Sơn được mời phát biểu, song ông không lên, (vì không thích lên hay vì chưa chuẩn bị kịp?).

Ts Nguyễn Văn Dân gợi ý: LLPB đang trong tình trạng nghiệp dư hóa. Thành tựu của LLPB, ứng dụng và nghiên cứu vào Văn học Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu chưa? Chúng ta trao đổi những thắc mắc suy tư..

Nhà phê bình Nguyễn Bích Thu cho biết, đội ngũ LLPB nữ trong HNV chỉ có 13 người. Các nhà LLPB nữ gây được tiếng vang còn ít, nhưng cần nhấn mạnh, LLPB nữ có đóng góp.

Nhà văn Trần Thị Trâm lưu ý việc áp dụng các lý thuyết phê bình phương Tây cần phải phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, văn hóa Việt Nam. Không bê nguyên xi. Hiện nay, các em nghiên cứu đi sâu vào Thi pháp mà quên nội dung, không khéo chúng ta rơi vào cực đoan mới…(BCT: ý tưởng này đã có trong tham luận của GS Trần Đình Sử ở Hội nghị LLPB lần III, năm 2013)

TS Lê Thành Nghị chia sẻ với ý kiến của Hoài Anh, Nguyên An, Đông La. Ông cho rằng đổi mới là một sứ mệnh. Đổi mới phải trên cơ sở truyền thống. Thơ kéo dài vô lối trong khi nội dung không có gì thì thơ sẽ mất. Về nhân vật trung tâm, không cứ gì cứ phải là nhân vật tích cực.

Các nhà văn Bảo Hưng, Văn Giá, Vũ Nho được chủ tọa đòan mới phát biểu nhưng không ai lên.

Nhà phê bình Nguyễn Văn Lưu được mời, ông mặc bà ba nâu, vui vẻ lên diễn đàn, song không phát biểu gì. Ông nói, chỉ mong có sức khỏe lên đến đây ăn miến su su là mãn nguyện…(Hội trường cười)

Ngày 25.06.2016, tham luận và thảo luận chung

 Ngày 25.06.2016, nhà văn thuộc cả 4 hội đồng tập trung tại hội trường khách sạn Ngôi Sao Tam Đảo. Phòng hơi chật, âm thanh yếu. Hội nghị diễn ra liên tục, không giải lao. Nhà văn nào cần uống nước trà hay café, hội nghị phục vụ sẵn ở hành lang. Không khí hội nghị nghiêm túc, yên lặng lắng nghe, cũng có lúc hơi nóng lên một chút. Dường như đến hôm nay (2016) những vấn đề nóng của LLPB những năm trước đã nguội? và những nhà phê bình “lớn tiếng” đều vắng mặt (Trần Mạnh Hảo, Bùi Minh Quốc, Phạm Xuân Nguyên…), chỉ còn Nguyễn Văn Lưu, Đông La.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn đọc diễn văn khai mạc. PGS.TS Phan Trọng Thưởng đọc đề dẫn: ”Để có cái nhìn toàn diện về văn học thời kỳ đổi mới”.

TS Nguyễn Văn Dân đặt vấn đề chưa có tác phẩm đỉnh cao; và cần chỉ ra VH Việt Nam nằm ở đâu so với VH trên thế giới

Nhà phê bình Nguyễn Hòa (trước đây ông được coi là “thùng thuốc nổ”), hôm nay điềm đạm. Ông nói ngắn gọn tham luận (Một số lý thuyết ngoại nhập và văn học Việt Nam gần đây). Ông nêu 3 nội dung: Chủ nghĩa Hậu Hiện đại, Hậu Thực dân và phê bình Nữ Quyền. Ông trích dẫn (hơi dài) ý kiến của Thụy Khuê và nhấn mạnh “Hãy suy nghĩ trên luống cày của mình”.

Sau Nguyễn Hòa là tham luận của nhà văn Trần Văn Tuấn (Đôi điều cảm nhận về đổi mới văn học), nhà thơ Trần Nhuận Minh (Thơ đổi mới và Thơ Mới thời kỳ thứ hai), nhà văn Thùy Dương. Ba diễn giả này nói chung chung, nói lại cái cũ, theo kiểu ăn theo, không có gì đáng quan tâm.. Thí dụ Trần Văn Tuấn nói: “Viết văn càng ít cái “phải” càng tốt, nên lấy dân làm gốc”. Trần Nhuận Minh nói về thơ kháng chiến chống Pháp, đọc thơ Hồ Chí Minh “ào, ào, ào…”…Thùy Dương nói đến việc nhà văn “đi tìm cái tôi” (Chữ và ý tứ này là của Nguyễn Khải trong bài Đi tìm cái tôi đã mất)

Nhà thơ Lê Minh Quốc tham luận bằng một bài thơ về những vấn đề nóng hiện nay. Thơ anh có mùi của thơ Chế Lan Viên, nhưng hình ảnh, tư tưởng không thể sánh được với thơ Chế.

Dịch giả Thúy Toàn đặt vấn đề: Dịch là gì? vấn đề: chưa có phê bình dịch thuật. Ông nói như giảng bài cho sinh viên nghe, chán chết được!

GS Ngyễn Đăng Mạnh (Ông cho biết đã gửi 2 tham luận, nhưng Ban tổ chức không đưa vào tập tài liệu) đặt vấn đề: “văn chương đích thực là gì? Văn chương minh họa có phải là văn chương đích thực?” Ông cho rằng “phải có dân chủ thực sự mới có văn chương đích thực”. Ông cho rằng “Lý luận phê bình hiện nay đang xuống cấp. Nhà phê bình phải có tài, có lý luận đúng. Có một thời người ta mắc vào lý luận sai, máy móc, giáo điều. Có người coi nhà phê bình là “lũ giòi bọ”. Phê bình phải trên cơ sở nghiên cứu. Nhà phê bình phải lao động cật lực”.

Nguyễn Đăng Mạnh nói năng lẩm cẩm, lạc đề. Ông sa vào những vấn đề từ thời thuở nào, hết sức lạc hậu so với tình hình LLPB 2016

GS Nguyễn Đình Chú (trong tập tài liệu không có tham luận) đặt vấn đề, khi ta đón nhận các lý thuyết văn học từ bên ngoài, xin đặt nó trong văn hóa Việt Nam. Cần xử lý giao lưu văn hóa. Thí dụ, không có văn học Pháp thì không có thơ văn Lãng Mạn.

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nêu 3 ý kiến (Xin lưu ý, tham luận của ông không in trong tập tài liệu. Ông Ân phát biểu bằng miệng khác với văn bản được phổ biến trên vandoanviet.blogspot.com.)(2)

1.Phải đánh giá công bằng hơn đối với di sản, nhất là đối với những nhà văn hóa cộng tác với thực dân. Ta phải nhận thức lại chủ nghĩa thực dân. “Chủ nghĩa thực dân là công cụ vô thức của lịch sử”. Thực dân Pháp đã xây dựng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, hiện đại hóa Việt Nam, cập nhật tri thức, đào tạo trí thức. Pháp có công hiện đại hóa, vậy người cộng tác với Pháp có nên bị nhìn khắt khe không? Trường hợp báo Nam Phong, cần nhìn nhận lại cụ thể các nhà văn hóa.

2.Nhân ý kiến của TS Nguyễn Văn Dân về tác phẩm lớn, chúng ta không thể biết được. Cần có thời gian và cần đo bằng nhiều công cụ. Không nên sốt ruột, không thể một sớm một chiều trông thấy tác phẩm lớn. Ví dụ “Nỗi buồn chiến tranh” khi in ra có được giải, nhưng lập tức bị ném đá dữ dội. Hoặc “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn, in ra lập tức bị cấm.

3.Nói hội nhập và phát triển, nhà quản lý vĩ mô cần phải suy nghĩ. Việt Nam có 11 triệu người ăn lương từ ngân sách, 96 triệu dân gò cổ đóng góp để nuôi cả những người làm các việc hội đoàn, chuyên cai quản những người viết văn vẽ tranh làm tượng, diễn kịch, v.v. trong khi lẽ ra thuế của dân chỉ để nuôi bộ máy hành chính nhà nước mà thôi. Thế thì diện mạo hội đoàn văn nghệ dăm ba chục năm tới có thay đổi hay vẫn giữ như bây giờ?

Chủ trì thảo luận, PGS.TS Phan Trọng Thưởng phản biện Lại Nguyên Ân rằng, hội nghị không đề cập đến những vấn đề ngoài văn chương. Chủ đề của hội nghị là: ”Văn học-30 năm đổi mới và phát triển”

Nhà phê bình Đông La, mới được kết nạp HNV 2016. Ông làm nóng hội trường khi đề cập đến những vấn đề “nhạy cảm” của văn chương hiện nay.

Đông la nói: Đổi mới là gì? Cuộc sống thay đổi, anh bám sát hiện thực cuộc sống ấy là đổi mới. Bây giờ chúng ta đang mắc lỗi hệ thống. Nhà văn ăn thuế của dân, chúng ta phải làm gì để sửa chữa lỗi hệ thống?

Anh có tài, có tâm mới phản ánh, phản biện; không phải là phản bội. Có anh phản ánh để lấy giải ngân nước ngoài.

Bây giờ trắng đen loạn xạ, có cả một phong trào muốn lật đổ thể chế. Điển hình là Nguyên Ngọc, Trần Mạnh Hảo.

Đông La giới thiệu cuốn sách sắp in trong đó phê phán Trần Độ, Trần Xuân Bách, Nguyễn Huệ Chi, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyên Ngọc, Trần Mạnh Hảo…

Đông La cho rằng Nguyên Ngọc nói sai, nói lộn ngược. Gần đây Nguyên Ngọc bênh vực Bop Kerrey, đánh đồng kẻ xâm lược với quân giải phóng. Nguyên Ngọc dùng miệng lưỡi xảo quyệt liếm máu…

Đông La nói, “tôi viết về những vấn đề có tính pháp luật. Nếu tôi nói sai, người ta sẽ kiện”.

Người nghe dễ nhận thấy rằng, Đông La viết văn bản, còn dễ đọc. Khi ông trình bày bằng lời nói, cách nói của ông rối rắm, các chủ đề lộn xộn, không hiểu ông định nói về vấn đề gì: Về 30 năm văn học đổi mới? về ý nghĩa của khái niệm đổi mới? cũng có thể ông muốn vạch mặt những người mà ông cho là cả một phong trào muốn lật đổ thể chế; hay ông PR cho cuốn sách sắp in của ông?…(bó tay!)

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê có tham luận Văn xuôi 30 năm đổi mới nhìn từ người trong cuộc in trong tập tài liệu, nhưng ông chỉ phát biểu ngắn. Ông bổ sung ý kiến Nguyễn Hòa về Nữ quyền. Ông nói đây là vấn đề rộng lớn. Trong Kinh Thánh, từ khởi thủy, người phụ nữ đã bị kết án. Nam và nữ khác nhau lắm.

Ông cho rằng thời điểm hiện nay nhà văn không thể lảng tránh: Cá chết, biển chết, số phận hàng vạn người khốn khổ. Chủ quyền biển đảo bị xâm phạm mà ngay trên đất liền cũng bị xâm phạm…Nhà văn không được phép đứng ngoài. Đây là một mặt trận của cả dân tộc.

Hội Nhà văn cần ủng hộ các chiến sĩ trên mặt trận này…

Nhà thơ Vương Trọng nói, đổi mới quan trọng là đổi mới tư tưởng. Thành tựu đổi mới 30 năm qua trong thơ là đổi mới tư tưởng. Thơ khó hiểu là cách đẩy thơ khỏi công chúng.

Vương Trọng không nói đổi mới tư tưởng gì. Thơ Việt Nam làm gì có tư tưởng! Thực ra muốn đổi mới thơ, phải đổi mới tư duy nghệ thuật. Vương Trọng tỏ ra không hiểu thơ.

Nhà thơ Trịnh Công Lộc nói đến 3 xu hướng đổi mới: Xu hướng quá đà, Xu hướng đổi mới còn gắn với truyển thống, Xu hướng truyền thống.

Ông nói: Chưa có nhà LLPB nào nói đến các vấn đề trên. Những bài Lý luận phê bình đọc thì sâu sắc, nhưng còn xa lắc xa lơ mới đến được với người sáng tác

Trần Ninh Hồ mới đọc được nửa bài tham luận thì hết giờ.

(Một hai tác giả lên nói, nhưng tên lạ hoắc và nói không nghe được…)

Nhà văn Văn Chinh chỉ nêu suy nghĩ.phản biện với nhà phê bình Đông La. Ông nói rằng, Nhà văn Việt Nam trung thành với Đảng ghê gớm! gắn bó với cả máu xương, không có ai lại nhận tiền của Việt Tân như Đông La nói. Anh Đông La muốn răn dạy ai thì nói ở chỗ khác. Còn ở đây những mái đầu tóc bạc nghe anh nói thì bi phẫn lắm.

Ngay sau đó Đông La lên diễn đàn ngay, ông không chờ chủ tọa mời. Ông nói rất giận dữ: Ông Văn Chinh nói sai, tôi phải đính chính.Tôi không nói gì về Việt Tân, tôi nói có khuynh hướng viết để giải ngân tiền ở nước ngoài như Nhã Thuyên, Nguyên Ngọc, Trần Mạnh Hảo, Trần Đĩnh.

Sau khi Đông La nói, hội trường không ai nói gì. Có lẽ họ không bận tâm những chuyện liên quan đến chính trị như vậy? Những “thùng thuốc nổ” của các hội nghị trước đã xẹp, trả lại sự bình yên, trầm tĩnh của hội nghị lần này!

Trịnh Đình Khôi lên giới thiệu cuốn sách ông viết về các sự kiện văn học, từ Nhân văn Giai phẩm…Ông nói, trong cuốn sách Trong đó nhắc tới gần 100 đồng chí trung ương.

Nhà văn Phạm Khải (P TBT báo Công An) nói: Trong tập kỷ yếu in tham luận, hầu hết các nhà phê bình không tôn trọng người đọc. Tôi chỉ thấy có cuốn Phê bình và đối thoại của Trần Đăng Khoa là được tái bản, nhưng không ai nhắc đến. Tôi làm báo, nếu không tôn trọng độc giả, họ bỏ mình ngay.

Về phê bình, có một số khuynh hướng cấp tiến, nhưng cần xác định đặc trưng thơ. Thơ không phải báo chí. Thơ mà viết như văn xuôi trên báo, dài dòng, rối rắm, mà cứ gọi là hiện đại, thì thơ sẽ không tồn tại được…

Nhà văn Bùi Việt Sỹ nói dài dòng về đổi mới tiểu thuyết. Hết giờ, chủ tọa đòan rung chuông, ông vẫn nói. Hội trường vỗ tay 3 lần mời xuống, ông vẫn thản nhiên. Sau Nguyễn Trọng Tạo cho biết, ông bị điếc!

Nhà thơ Kiều Vượng nói về thân phận nhà văn tỉnh lẻ. Giới LLPB chú ý thế nào về họ? Cách khoanh vùng xuất bản 30 năm qua gây tổn hại lớn cho tài năng. Quỹ hỗ trợ sáng tác, LLPB giới thiệu, chỉ có ở Hà Nội. Nhà văn tỉnh lẻ không được quan tâm. Ông kể trường hợp của Hữu Loan, Phùng Gia Lộc phải sống quẫn cực một đời, đề nghị HNV cần quan tâm đến số phận các nhà văn.

Nhà phê bình Nguyễn Văn Lưu (Chu Giang)-lên diễn đàn ngay khi Kiều Vượng vừa xuống. Ông phản bác ý kiến Kiều Vượng về Phùng Gia Lộc và Hữu Loan. Theo Chu Giang, Phùng Gia Lộc không thê thảm như Kiều Vượng nói. Phùng Gia Lộc được tặng cỗ áo quan, Lộc còn làm thơ đề trên áo quan và được nhiều người hỗ trợ. Khi Lộc chết, UBND tỉnh đã tổ chức tang lễ.

Trường hợp Hữu Loan, Nguyễn Văn Lưu nói: Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa có làm nhà cho anh, chứ không phải bỏ anh. Nhưng ta cũng phải thông cảm. Hữu Loan sau nhiều năm bức xúc quá, anh không còn đủ bình tỉnh. Khi tôi đến thăm Hữu Loan, nghe Hữu Loan nói “thằng Hồ Chí Minh thế này, thế kia…” tôi biết Hữu Loan đã hỏng, cái đầu của cụ đã hỏng rồi. Tôi quan niệm, ở Việt Nam, Hồ Chí Minh vẫn là người đã cứu dân tộc này. Sau đó tôi bỏ đi..

Nguyễn Văn Lưu nói về tình trạng xuất bản: Việc xuất bản đang nằm trong tay các đại gia, không nằm trong Hội Nhà văn. Sách Văn học in 1000 bản, năm, bảy năm bán không hết. Sách sex, chỉ một tuần bán hết sạch 50.000 bản và tái bản nhiều lần…

Nguyễn Văn Lưu cũng nói về cuốn sách của Trịnh Đình Khôi, rằng anh Khôi đã trót trèo lên lưng ngựa rồi, xin anh hãy chạy đến cùng.

Ông đề xuất Viện Sử học nên nghiên cứu ý kiến của Lại Nguyên Ân về Phạm Quỳnh. Viện Sử học đã tổng kết được gì về chủ nghĩa thực dân làm hại đất nước này? Lợi ích Pháp đem lại là như thế nào? Tôi chưa thể nói anh Ân đúng/ sai tới đâu, nhưng Phạm Quỳnh là tay sai đắc lực của Pháp. Báo Nam Phong do Phạm Quỳnh chủ biên là nằm trong kịch bản của Pháp. Năm 1929 Phạm Quỳnh đã nói trên báo (bằng tiếng Pháp) rằng: “Lịch sử đã làm cho Việt Nam gắn liền với Pháp. Sự hiện diện của Pháp là tất yếu. Người Việt Nam chỉ nên chấp nhận sự đô hộ của Pháp như ơn Chúa ban“. Câu này thực hiện ý đồ của Pháp. Câu Phạm Quỳnh nói về truyện Kiều phải uyên thâm mới hiểu. Cỡ như các Giáo sư ở đây thì không hiểu được. GS Nguyễn Đình Chú đã trích dẫn không đầy đủ. Câu đầy đủ đăng ở tạp chí Nam Phong số 86 (Nguyễn Văn Lưu đọc lại câu của Phạm Quỳnh viết về truyện Kiều: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn…). Cần tập hợp trên cơ sở tư liệu mới đánh giá được. Trần Hữu Tá đã hết sức ca ngợi Trương Vĩnh Ký. Những chỗ bất lợi của Trương Vĩnh Ký, Trần Hữu Tá lướt qua. Về gia đình Phạm Quỳnh, chúng tôi rất quý trọng. Chúng tôi đã cố gắng xuất bản tác phẩm của cụ. Nhưng xin bình tĩnh xem xét…

Sau ý kiến của Nguyễn Văn Lưu, không thấy Lại Nguyên Ân, Nguyễn Đình Chú hay Kiều Vượng phản biện. Chủ tọa đòan thông báo: đã có 14 ý kiến phát biểu. Thời gian còn 10 phút, nếu ai còn ý kiến thì xin mời phát biểu, sau đó tổng kết hội nghị. Mọi người yêu cầu chủ tọa đòan tiến hành tổng kết.

  1. Tổng kết hội nghị LLPB lần thứ IV

Sau hai ngày 24 và 25.06.2016 hội nghị trinh bày tham luận và trao đổi, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn đã tổng kết hội nghị. Ông đã chỉ ra nhiều thành tựu của Văn học trong 30 năm đổi mới. Giọng nói của ông vẫn hào sảng, tuy có hơi yếu (vì âm thanh của hội trường kém). Ông trình bày:

Vấn đề 1: Đổi mới đã giải phóng tiềm năng sáng tạo. Chẳng hạn, chưa bao giờ ta có nhiều tiểu thuyết lịch sử như bây giờ. Đề tài, chủ đề, tư tưởng trong sáng tác là phóng khoáng. Hội Nhà văn không cầm tay chỉ việc.

Điều làm thay đổi toàn bộ nền văn học là, văn học ba mươi năm qua nói về cái bình thường, cái tự nhiên, cái hài hòa, không lấy cái bất thường, cái phi thường như giai đoạn trước. Nền văn học 30 năm đổi mới phát triển hài hòa, vì thế ta có điều kiện quan sát con người trong nhiều bình diện. Vai trò cá nhân nhà văn, cá tính sáng tạo được tôn trọng. Thí dụ, khi nhà văn gửi tác phẩm đến nhà xuất bản thì nhà xuất bản phải trả lời.

Trước kia chúng ta ca ngợi hay phê phán, ngày nay văn học hướng thiện. Không hướng thiện thì không phải là con người. Khi nhân danh lý luận, nhân danh mỹ học của cái khác, thì cái khác đó có hướng thiện hay không? Không hướng thiện thì không còn là văn chương.

Dưới góc nhìn của lý luận phê bình văn học, chúng ta thấy nhiều giá trị đã bị vượt qua. Chẳng hạn, mức độ phê phán, mức độ đấu tranh bảo vệ con người, bây giờ dữ dội vô cùng, không còn chỉ như thời Vua Lốp.

Xin báo cáo với lãnh đạo, công lao lớn nhất của Hội Nhà văn là chủ đề đạo đức xã hội. Đảng ra nghi quyết 33 nhấn mạnh việc xây dựng đạo đức con người. Nhưng cách đây mấy chục năm, văn học đã nhấn mạnh đến đạo đức con người, cái đó là tinh tường lắm!

Tôi xin tiếp ý kiến của GS Nguyễn Đăng Mạnh rằng, văn học của chúng ta không minh họa. Nhà văn nắm bắt được hồn cốt xã hội là đạo đức, là nền tảng của nền tảng, (cái đó) hay vô cùng!

Vấn đề 2: Chúng ta từng bước hiện đại hóa nền văn học:

Văn học hôm nay hiện đại hơn rất nhiều, đó là, khả năng tiếp nhận đời sống ở diện rộng. Thú dụ, chỉ vụ cá chết, hàng trăm bài thơ, bút ký xuất hiện nhanh. Đây là nhiệm vụ của nhà văn. Rất thành công.

Hiện đại là ở chỗ: Xu hướng mở, không áp đặt. Vấn đề dân chủ rất quan trọng. Văn học đổi mới thực sự là một nền văn học dân chủ. Ngay trong hội nghị này, có người nói đi, có người nói lại, dân chủ quá đi chứ! Không có chỗ nào có vách ngăn văn học với đời sống. Cách đây 30 năm, ai dám viết về đồng tính, về thế giới tâm linh. Bây giờ mỗi người có giọng riêng, cách nói riêng. Chúng ta đang thoát khỏi dàn đồng ca. Thí dụ Nguyễn Ngọc Tư xuất hiện là một, tôi không bỏ qua tác phẩm nào của Nguyễn Ngọc Tư. Nền văn học dân chủ là nền văn học mỗi người có giọng điệu riêng, không phải là một dàn đồng ca.

Văn học không đánh bóng, không mạ kền. Con người hiện ra trần trụi, xù xì như nó có, vì thế văn học thực hơn, gần sự thật hơn.

Đổi mới là nhu cầu nội tại của văn học. Hãy đánh giá nền văn học dưới góc độ Văn hóa học. Không chỉ đánh giá giá trị phản ánh mà phải đặt văn học trên hệ giá trị văn hóa. Nhà văn là đội quân văn hóa. Lực lượng sản xuất những giá trị tinh thần cho xã hội. Đây là đội quân rất đáng quý (dù ăn mặc còn xộc xệch).

Nhiều vấn đề chúng ta đã vượt một chặng đường dài. Tiểu thuyết Dòng sông mía (Đào Thắng) viết sinh động, gai góc, nhưng tâm nhà văn trong sáng. Nguyễn Khắc Phê viết về Cải cách ruộng đất, ông nói muốn “nắn gân Hội Nhà văn”, chúng tôi trao giải. Nếu như sợ sệt, thiếu trách nhiệm thì tác phẩm Biết đâu địa ngục thiên đàng sẽ bị bỏ qua. Viết gai góc, nhưng cái nhìn của nhà văn trong sáng, chúng tôi trao giải. Đó là cái mới. Trước kia không dám trao giải. Sách của Tô Hải Vân đặt vấn đề ngồi nhầm chỗ làm đảo lộn hệ giá trị. Tiểu thuyết Mảnh vỡ (Vĩnh Quyền), Ban chấp hành thảo luận lên thảo luận xuống. Trao giảo là ở cái tâm của nhà văn.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng nhắc tới tác phẩm của các nhà văn: Xuân Đức, Lê Minh Khuê (Chân trời của Hạ), Trầm Hương (Sài gòn đêm không ngủ), Bích Ngân (Thế giới xô lệch), Nguyễn Bình Phương…

Vấn đề 3: Hội Nhà văn đã khôi phục những giá trị một thời,

như phục hồi danh dự nhà văn cho Trần Dần, Hoàng Cầm. Lan Khai, Vũ Trọng Phụng… Có Giáo Sư vi phạm đã không bị tước danh hiệu, không truất giải thưởng Nhà nước.

Vấn đề 4: Đã xuất hiện mt lực lượng trẻ

Vấn đề thứ 5: Lý luận phê bình có những bước tiến mới. Nhiều trào lưu được giới thiệu, cái nhìn cởi mở hơn. Trường hợp GS Hoàng Ngọc Hiến, cuối đời ông nghiên cứu Hồ Chí Minh, tôi kính trọng vô cùng!

Lý luận Phê bình có nhược điểm là tầm bao quát chưa hết, chưa sâu. Lý luận Phê bình phải bao quát được tình hình văn học. Nhà Lý luận Phê bình phải đọc tác phầm.

Vấn đế thứ 6: Một số vấn đề cần trao đổi

Trong hội nghị này còn có những vấn đề phải trao đổi thêm. Đó là

Vấn đề phân kỳ văn học đổi mới chưa thống nhất.

Đổi mới văn học là vì sinh mệnh của chính nó. Không phải nó chỉ đổi mới vài năm rồi dừng lại (1986-1991). Trường hợp của Nguyễn Ngọc Tư thế nào? Bảo Ninh bây giờ khác với Bảo Ninh 1991. Nguyễn Quang Thiều đạt giải 1993, trường hợp của Nguyễn Xuân Khánh…

Đổi mới văn học là dòng chảy của nhiều thế hệ, sức lực của cả đội ngũ. Không nên quy kết đổi mới chỉ ở lớp trẻ. Đổi mới nhưng không đoạn tuyệt với quá khứ. Nhà văn phải học lẫn nhau. Không có nhà văn nào trở thành lĩnh xướng mà không hút mật thời đại.

Vấn đề nhân vật trung tâm hay vấn đề trung tâm của văn học, cái nào là chính? Nhân vật nào gánh vác hai nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng tổ quốc thì nhân vật ấy là nhân vật trung tâm. Vấn đề trung tâm mới là vấn đề quan trọng. Văn học phải vì con người, tiếp sức cho con người. Vấn đề trung tâm là: xây dựng cho con người tới đâu?

Vấn đề 7: Sắp tới chúng ta làm gì?

1.Đẩy mạnh quá trình kết tinh tác phẩm. So với văn học hiện thực và Thơ Mới, quá trình kết tinh tác phẩm của ta chậm.

2.Lo âu lớn nhất hiện nay là vấn đề suy thoái đạo đức. Chúng ta ăn không ngon, ngủ không yên

3.Hội Nhà văn đặt hàng nhà Lý luận Phê bình viết về đề tài: bản chất của đổi mới văn học là gì? Mối quan hệ cùa Cái Mới, Cái Hay, cái Truyền thống là gì?

  1. Tọa đàm báo chí đã chỉ ra Phê bình báo chí có vấn đề.
  2. Xin phép tổ chức một cuộc hòa hợp dân tộc. Nhạc sĩ Phạm Duy đã về rồi…Sao nhà văn lại không được hội nhập. Nhà văn nào trở về với đất nước, mình cũng phải sẵn sàng. Nhà văn nào tác phẩm có lợi cho dân tộc thì ghi nhận. Lợi ích của dân tộc là tối cao.

7.Không để lọt tác phẩm có giá trị.

8.Cải tiến phương pháp đầu tư.

9.Xử lý những vấn đề trong tác phẩm phải vô cùng hiểu biết. Ban chấp hành phải tham mưu được cho Đảng.

10.Vấn đề văn học dịch.

11.Tác giả có tác phẩm muốn PR thì phải tự giới thiệu bằng cách tóm tắt tác phẩm. Hội Nhà văn sẽ đưa lên websdite của Hội. Cát cứ văn học thì nguy hiểm vô cùng.

  1. Ban Chấp hành Hội Nhà văn phải có tiếng nói với Ban Cán sự Chính phủ về việc trao giải Nhà nước.

13.Thay đổi cách thẩm định tác phẩm. Về thông tin và truyến thông (nhà xuất bản Hội Nhà văn, tuần báo Văn nghệ. 1 báo điện tử…

  1. Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhà văn (2017)

Hội nghị kết thúc thành công tốt đẹp.

3.Nhiều vấn đề vẫn còn đó

 Lần đầu tiên tham dự Hội nghị Lý luận phê bình Văn học, tôi có vài suy nghĩ:

Nếu chỉ nói đến Văn học 30 năm đổi mới (1986-2016) thì văn học 10 năm trước đó (1976-1986) đặt vào đâu?. Văn học dân tộc là một dòng chảy liên tục, không thể cắt một khúc lịch sử để xem xét. Giai đoạn 10 năm (1976-1986) đất nước lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn và khủng hoảng, bao nhiêu vấn đề dầu sôi lửa bỏng, bao nhiêu thân phận như bị rang trên chảo lửa. Đó là bối cảnh lịch sử ít nhiều có chất “bi tráng” để sản sinh những tác phẩm lớn. Văn học cách mạng và kháng chiến vẫn tiếp tục dòng chảy, đồng thời bắt đầu xuất hiện những tác phẩm viết về hiện thực mới. Không thể bỏ qua 10 năm văn học này.

Chủ đề của hội thảo là “Văn học-30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển”, nhưng trong hội nghị, người ta vẫn đặt lại vấn đề: Thế nào là đổi mới? và câu trả lời là không thống nhất. Dường như chủ đề này quá lớn so với khả năng bao quát của nhiều người. Thành ra, các tham luận chỉ như kiều “thầy bói sờ voi”. Cũng có những tham luận, những ý kiến không đi vào chủ để hội thảo (ý kiến của GS Nguyễn Đăng Mạnh, của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, nhà phê bình Nguyễn Văn Lưu…)

Vấn đề là, Hội thảo đánh giá thành tựu của văn học giai đoạn 30 năm đất nước đổi mới (1986-2016), hay hội thảo về Lý luận phê bình về một nền văn học đổi mới? Các nội dung này không rạch ròi nên mới có tham luận “Văn xuôi đổi mới và văn xuôi thời kỳ đổi mới”,”Thơ Việt Nam 30 năm đổi mới-Những đóng góp cho văn học”… Đa phần các ý kiến nói về sự đổi mới văn học, đổi mới là quy luật tại của văn chương, đổi mới là sứ mệnh của văn chương.

Trong hội thảo, không ai chỉ ra những thành tựu và những giá trị của văn học 1986-2016. Những tác phẩm, tác giả nào là tiêu biểu nhất cho thành tựu và giá trị của giai đoạn văn học này? Văn học này được định vị bằng những đặc điểm gì về tư tưởng, thi pháp và phong cách? Trong khi đó người ta nói nhiều đến những đổi mới ngoài văn chương, như việc hiện đại hóa nền văn học, về phục hồi giá trị cho những nhà văn bị “án” một thời, về tinh thần dân chủ, về mở rộng biên độ nhận thức và sáng tác, về tiếp nhận các lý thuyết văn học phương Tây, về các hoạt động của Hội Nhà Văn…

Cũng không tham luận nào nói được giá trị của những “cách tân” trong văn học 30 năm đổi mới. Người ta ca ngợi đổi mới, có tham luận chỉ ra được những hiện tượng cách tân thơ, cách tân trong tiểu thuyết, về bút pháp, góc nhìn, về đề tài, nội dung, nhân vật (nói chung là chỉ ra sự mới mẻ của các yếu tố bút pháp, thi pháp), nhưng không ai chỉ ra được tác phẩm “cách tân” nào là có giá trị, từ đó mở ra một dòng văn chương mới, chủ đạo cho cả một nền văn học (kiểu như Tình già của Phan Khôi mở ra Thơ Mới trước 1945, như kiểu thơ Tố Hữu mở đường cho loại thơ giàu tính quần chúng trong kháng chiến).

Không ai nhận ra văn chương Việt Nam hiện nay có 3 dòng là văn học cách mạng và kháng chiến, văn chương nhân văn và dân chủ và dòng văn chương thị trường. Người ta cho tất cả vào một rọ và gọi chung đó là thành tựu văn học đổi mới.

Xin lưu ý rằng, giá trị của ba giòng văn học này rất khác nhau. Văn học các mạng và kháng chiến tiếp tục viết như văn học kháng chiến, đó là khuynh hướng tụng ca-sử thi. Dòng văn học này được Hội Nhà văn và các Hội VHNT địa phương đầu tư trong các trại sáng tác, được trao giải thưởng cao quý. Dòng Văn học nhân văn và dân chủ là dòng văn chương phức tạp về tư tưởng. Các tác phẩm của dòng văn học này thóat ly chủ nghĩa Hiện thực xã hội chủ nghĩa. Thực ra dòng văn học này mang khuynh hướng “phê phán hiện thực”, mà người ta gọi trệch đi là văn chương sám hối, văn chương nghiền ngẫm hiện thực. Mỗi khi nói đến văn học đổi mới, người ta không thể không nói đến truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Thiên Sứ của Phạm Thị Hoài, Thời xa vắng của Lê Lựu, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Những thiên đường mù của Dương Thu Hương và sau này là Nỗi buồn chiến tranh (Bão Ninh), Ba người khác (Tô Hoài), Thời của thánh thần (Hoàng Minh Tường)…Nhưng các nhà Lý luận phê bình chưa biết xếp dòng văn học này vào đâu, tất nhiên không thể xếp vào văn học cách mạng và kháng chiến. Dòng văn chương thị trường mới xuất hiện sau này (thực ra, ở miển Nam, trước 1975 đã có dòng văn học này). Đây là văn chương giải trí, chủ yếu là truyện ngôn tình. Nhưng dòng văn học này đang lấn át thị trường và ảnh hưởng lới đến giới trẻ, vì độc giả của dòng văn chương này là người trẻ. Dòng văn học này có giá trị gì trong sử phát triển văn học của dân tộc? hay chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí của đời sống thị trường?

Khi nói về sự đổi mới văn học như là quy luật nội tại, Hội nghị đã bỏ qua những yếu tố tư tưởng cơ bản thúc đẩy sự đổi mới văn học (1986-2016). Đó là Nghị quyết trung ương 5, về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, và nghị quyết 23 của Bộ chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Nhiều vấn đề Lý luận và phê bình văn học đã được mở ra. Nhà văn được hoàn toàn tự do trong lựa chọn đề tài, nội dung, phương pháp sáng tác, không còn bị trói buộc trong phương pháp Hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tinh thần nhân văn và dân chủ thấm nhuần trong tư tưởng và sinh hoạt văn học với cái nhìn cởi mở hơn. Cách tiếp cận vấn đề đa chiều, không còn độc tôn chân lý. Nhà văn có điều kiện thể hiện cá tính sáng tạo, không phải mặc đồng phục và hát đồng ca. Và đến bây giờ, sau nhiều năm háo hức tiếp cận các lý thuyết mới về văn học của phương Tây, các nhà LLPB nhận ra rằng, lý thuyết văn học của phương Tây là viết cho nền văn học phương Tây, ta cần tiếp thu sao cho phù hợp với văn chương Việt Nam, văn hóa Việt Nam. Đã có những ý kiến kêu gọi xây dựng một nền Lý luận văn học Việt Nam. Nhưng cho đến nay vẫn còn là ý tưởng.

Tôi trộm nghĩ, trong dòng chảy của văn học dân tộc, văn học 1986-2016 chỉ đổi khác so với văn học kháng chiến, chứ không đổi mới. Văn học chỉ thực sự đổi mới khi đổi mới về tư tưởng thẩm mỹ, đồi mới bút pháp, thi pháp và phong cách. Xin so sánh văn học kháng chiến (1946-1954) với văn học trước 1945 thì thấy rõ. Văn học Việt Nam 1986-2016 vẫn “phản ánh hiện thực”, vẫn có tác phẩm viết theo quán tính chủ nghĩa Hiện thực xã hội chủ nghĩa, và có những tác phẩm phản ánh mặt hiện thực mà văn học cách mạng và kháng chiến không nói đến (Thời của Thánh thần, Ba người khác, Mảnh vỡ của mảnh vỡ…). Những tác phẩm này không viết theo chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ngay cả những tác phẩm viết theo những bút pháp khác như Siêu thực, Hiện thực huyền ảo, Hậu hiện đại cũng đã là cũ so với thế giới. Chủ nghĩa Siêu thực ra đời với tuyên ngôn của A. Breton từ 1929. Thơ Siêu thực Việt Nam đã khởi đi từ Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Xuân Thu nhã tập trước 1945. Giai đoạn đổi mới, Thanh Thảo hay Nguyễn Quang Thiều có viết Siêu thực thì cũng đã đi sau rất xa so với Thanh Tâm Tuyền ở miền Nam trước 1975. Rõ rang văn học 1986-2016 chỉ đổi khác so với trước đó.

Tôi đồng ý nhiều điểm trong tổng kết hội nghị của nhà thơ Hữu Thỉnh. Văn học 1986-2016 giải phóng tiềm năng sáng tạo của nhà văn, có được một đội ngũ đông đảo, dù vẫn còn trong một dàn đồng ca nhưng mỗi người đang cố gắng hát giọng riêng. Văn học 30 năm đổi mới (1986-2016) đang từng bước hiện đại hóa để hội nhập với thế giới. Chúng ta vẫn chưa có những tác phẩm đỉnh cao, và còn phải chờ đợi những thế hệ nhà văn nối tiếp.

01 tháng 07.2016

_________________________________

https://www.facebook.com/nguyenan.lai/posts/10208242867688221?pnref=story