MỘT THOÁNG HÀ NỘI-Bùi Công Thuấn

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

MỘT THOÁNG HÀ NỘI

Bùi Công Thuấn

Cổng Văn Miếu

Trong tâm thức tôi, có một Hà Nội rất đỗi thiêng liêng, vì đó là đất của hàng nghìn năm lịch sử và văn hóa Việt: Hà Nội-Thăng Long. Hà Nội có Văn Miếu-Quốc Tử Giám, có Hoàng thành Thăng Long, có viện bảo tàng lịch sử, có nhiều cửa ô, có gò Đống Đa, sông Tô Lịch, có nhiều hồ đẹp nổi tiếng: Hồ Gươm, Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch, Hồ Thiền Quang, Hồ Linh Đàm…Hà Nội cũng có nhiều nhà thờ có kiến trúc độc đáo: Nhà thờ lớn Hà Nội, nhà thờ Hàm Long, nhà thờ Thịnh Liệt, nhà thờ Cửa Bắc, nhà thờ An Thái…và không thể không đến thăm chùa Trấn Quốc…

Hà Nội hôm nay để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp. Ở cà phê Trịnh Ca, chỉ hai nhạc sĩ rất trẻ (một Guitar, một Violin) đủ tạo nên một không gian âm nhạc thú vị, lịch lãm. Đêm xem kịch ở Nhà hát Tuổi trẻ, tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp văn hóa của cả các nghệ sĩ diễn kịch và công chúng trẻ Hà Nội. Tất cả cùng say mê, tất cả cùng một nhịp đập của trái tim yêu nghệ thuật, tất cả cùng hân hoan một niềm hạnh phúc mà chỉ có nghệ thuật mới đem lại cho họ.

Dù ở hàng quán, Restaurant, các Plaza, tiệm café hay ở góc phố, lề đường, vỉa hè, ở đâu tôi cũng thấy các bạn trẻ làm việc rất giỏi, họ lịch sự và rất chuyên nghiệp. Ở một quá cóc café, tôi yêu cầu bạn chủ nhỏ cho nghe bài “Yêu thì yêu, không yêu thì…yêu” của Amee. Chỉ một phút sau CD của Amee đã vang lên. Giọng ca thật trẻ trung và rất Hà Nội. Cũng có những cái đầu xanh, đầu đỏ, đầu trọc; cũng có những hình xăm, những model trễ ngực, hở lưng, hở rốn…nhưng người trẻ Hà Nội hôm nay tự tin và hiện đại hơn bao giờ.

Tôi cũng thấy những người già đội nón cối (nón bô đội) đạp xe xích lô giữa ngày nắng rất nóng, nhưng nụ cười vẫn tươi trên môi. Nhiều bác chạy xe Grab ngồi chờ khách, họ trò chuyện rôm rả, không hề có cảm giá mỏi mòn thất nghiệp. Cũng có chị nhà quê với thúng bán cốm lá sen ngồi ở lề đường phố làm tôi nhớ đến câu thơ của Nguyễn Đình Thi: “Gió thổi mùa thu hương cốm mới” (Đất Nước), có chị bán nhãn Hưng Yên, có chị gánh hàng rong kĩu kịt đi rao giữa khắp các ngả đường. Tôi ngạc nhiên khi thấy một bà già, ngầy như que củi, chạy một chiếc xe (kiểu xe ba gác đóng thùng ở miền Nam) đi bỏ đá cho nhiều quán ăn. Ở Hồ Tây, lác đác có người câu cá. Tôi đã chứng kiến một tay sát cá. Ông ta quăng mồi và giật cần câu liên tục. Những con cá lớn tươi rói. Cá được để trong rọ treo ở bờ hồ, thỉnh thoảng có người đến mua. Trong nhà hàng ở bờ hồ, phải nhiều tiền mới dám gọi những món cá này.

Buổi sáng, quanh hồ Hoàn Kiếm, người người tập thể dục. Nhiều nhóm người cùng tham gia. Các bà mang loa kéo ra bờ hồ nhảy múa theo nhịp nhạc. Nhiều tốp bước theo điệu Chachacha quyến rũ. Nhưng tôi chưa thấy nhóm bạn trẻ nữ nào nhảy Zombi (Zumba) ở đây cả. Các ông già tập đủ mọi tư thế, có cả khí công. Họ đưa tay, nghiêng đầu, ngoẹo cổ như các pho tượng Lan Hán chùa Phương Tây. Người chạy bộ từng đoàn, tá lả (tưởng như một đám biểu tình bị cảnh sát rượt chạy tán loạn). Một đoàn xe đạp ào ào vụt qua, tôi tưởng đó là một cuộc đua xe, hóa ra là họ tập thể dục. Tôi nói chuyện với một ông già ngồi bên quán lề đường. Ông vừa chạy nhiều vòng xe. Ông bảo, sáng nào ông cũng đạp xe vài cây số, rồi làm chai bia Sài gòn là sảng khoái. Tôi thích cái phong lưu của Nguyễn Tuân nơi những người già ở Hà Nội. Chiều cuối tuần, khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm được rào (chắn xe) để dành phố cho người đi bộ. Có những ban nhạc đường phố (kiểu phương tây) chơi nhạc rất chuyên nghiệp, nhiều người xem nhưng chẳng thấy ai cho họ tiền. Buổi tối ở “Phố Tây” Tạ Hiện, khách ngồi nhậu tràn cả ngã tư. Tây, ta, trắng, đen, chen chân vui vẻ. Nhạc Rock ở những quán café nhạc sống gần đó mở hết volume.

Ở Hà Nội tôi mong được gặp những nhà văn nhà thơ tôi quý mến, nhưng rồi… đành lỗi hẹn. Đó là các nhà thơ Lê Thành Nghị, nhà thơ Trần Quang Quý, nhà thơ Mai Văn Phấn, nhà văn Đỗ Tiến Thụy,…

Bỗng tôi gặp nhạc sĩ Phú Quang trên con phố rợp bóng cây:

“Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố

Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường”

            (Phú Quang- Em ơi Hà Nội phố)

Và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đang tự hỏi:

Hà Nội mùa thu, đi giữa mọi người
Lòng như thầm hỏi, ‘tôi đang nhớ ai?’
Sẽ có một ngày, trời thu Hà Nội trả lời cho tôi
Sẽ có một ngày, từng con đường nhỏ trả lời cho tôi

            (Nhớ mùa thu Hà Nội)

Một thoáng Hà Nội sẽ theo tôi mãi: Ôi! Bao nhiêu tinh hoa của một thời cùng với những vinh quang đã rực rỡ hàng ngàn năm lịch sử.

Tháng 8/ 2022

***

Hồ Thiền Quang
Hồ Tây
Hồ Hoàn Kiếm
Hoàng thành Thăng Long
Viện bảo tàng lịch sử Việt Nam
Nhà thờ lớn Hà Nội
Nhà thờ An Thái (Phố Thụy Khuê)
Nhà thờ cửa Bắc
Nhà thờ đá Phát Diệm (Nình Bình, cách Hà Nội khoảng 120km)
Cửa Bắc
Con đường gốm sứ
Cafe Trịnh Ca
Nhà hát tuổi trẻ Hà Nội. Các nghệ sĩ chào khán giả sau buổi diễn
Ban nhạc đường phố (phía trước có thùng đàn dùng để nhận quà của khách thưởng lãm)
Câu cá ở Hồ Tây
Xe Grab và xích lô chờ khách
Cafe Trịnh Ca
Ngã tư Tạ Hiện-Lương Ngọc Quyến (Phố cổ) khách nhậu ngồi tràn phố
Nhìn lại mình đời đã xanh rêu (Tình xa-Trịnh Công Sơn)

KHÔI VŨ & SÔNG LUỘC Ở PHƯƠNG NAM

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

SÔNG LUỘC Ở PHƯƠNG NAM

và những “mã nghệ thuật”…

(Đọc tiểu thuyết Sông Luộc ở phương Nam cùa Khôi Vũ. Nxb Dân Trí 2022.

 Tác phẩm đoạt giải ba Cuộc thi tiểu thuyết 2016-2019 của Hội Nhà văn Việt Nam).

Bùi Công Thuấn

***

Nhà văn Khôi Vũ (ảnh của BCT-năm 2022)

            Nhà văn Khôi Vũ sinh năm 1950, quê ở làng Hới, huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình. Tính đến năm 2022 ông đã in 30 tập truyện, tiểu thuyết ký tên Khôi Vũ và 40 tập truyện, truyện dài cho thiếu nhi (ký tên Nguyễn Thái Hải).  Năm 1990, ông đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết Lời nguyền hai trăm năm. Năm 2020 ông lại đọat giải cuộc thi tiểu thuyết 2016-2019 của Hội Nhà văn Việt Nam với tác phẩm Sông Luộc ở phương Nam ngay khi tác phẩm còn ở dạng bản thảo. Điều ấy khẳng định tài năng và tầm vóc nhà văn của Khôi Vũ đối với văn học Việt Nam đương đại.

Sông Luộc ở phương Nam của Khôi Vũ là một tiểu thuyết tự truyện. Nhưng nếu bạn đọc nghĩ đơn giản đó là truyện thật ngoài đời Khôi Vũ viết về gia đình mình và về chính mình thì đó là một ngộ nhận. Bởi vì Sông Luộc ở phương Nam là một tác phẩm hư cấu, mọi yếu tố của tác phẩm đã được đã được “mã hóa”. Nó có tiếng nói riêng…

PHƯƠNG NAM TRONG CÁI NHÌN CỦA KHÔI VŨ

Đó là một vùng đất đầy biến động

            Khôi Vũ ghi lại tất cả những sự kiện chính trị (cả những chi tiết nhỏ) diễn ra ở phương Nam suốt từ 1945 thời ông Quản còn đi lính tập cho Pháp đến những năm 2008, lần Thái về thăm quê. Đây là những gì Khôi Vũ ghi nhận:

            Ngày 23/10/1955, miền Nam trưng cầu dân ý. Thủ tướng Ngô Đình Diệm lên thay Bảo Đại. Ngày 26/10, ông Diệm tuyên bố miền Nam là một nước Cộng hòa (tr. 21).

            Cuối năm 1956, tù nhân trại giam Tân Hiệp phá khám trốn ra. Nhiều người chạy về hướng chiến khu Đ (tr.48).

            Ngày 22/2/1957, tổng thống Ngô Đình Diệm bị ám sát khi khai mạc hội chợ ở Ban Mê Thuột (tr.49).

Tháng 5/1959 chính phủ Ngô Đình Diệm ban hành sắc lệnh 10/59 đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật (tr.60); Chiều 10/10/1960 đảo chính; ngày 10/12/1960 Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam được tuyên bố thành lập.

Năm Qúy Mão 1963, biến cố thượng tọa Thích Trí Quang xảy ra ở Huế. Đảo chính tháng10/1963.

Nguyễn Văn Trỗi bị xử bắn. Sự kiện vịnh Bắc bộ tháng 8/1964. Nửa đêm một ngày hạ tuần tháng 8 năm 1965, một loạt tiếng nổ vang lên liên hồi ở phía phi trường Biên Hòa.

Tính đến 1967,  bốn năm sau vụ đảo chánh tổng thống Ngô Đình Diệm, chính quyền miền Nam thay đổi đến chóng mặt”. Bầu cử, liên danh Thiệu – Kỳ đắc cử. Lính Mỹ, Đại Hàn, Thái Lan, Úc, Tân Tây Lan tràn vào Việt Nam.

            Năm 1968, sự kiện tết Mậu Thân. Tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn Việt Cộng trên đường phố…Sau Mậu Thân, “cuối cùng Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa và Mỹ cũng đồng ý sẽ ngồi với nhau để bàn việc ngưng chiến”. Chuyện lính Mỹ sát hại dân thường ở Sơn Mỹ.

Từ 1969 đến 1974: Nguyễn Thái Bình, Jane Fonda phản chiến;  tướng Đỗ Cao Trí chết trận; 1971, Nguyễn Văn Thiệu tái đắc cử; 1972 “Mùa hè đỏ lửa”; Nick Ut đã chụp được bức ảnh “Em bé Napal”(tr.175); Hội nghị 4 bên Paris; Mỹ ném bom Hà Nội; 27/1/1973 ký Hiệp định Paris; 29/3/1973, lính Mỹ cuối cùng rời Việt Nam.

 Năm 1974, Trung cộng chiếm Hoàng Sa. Ở Long Khánh: trinh sát đánh mìn ở quán Hoàng Diệu, quán Ngọc Hương, quán Song Nga.

Từ tháng 3/1975, Buôn Ma Thuột thất thủ; rồi Huế, Đà Nẵng, Nha Trang liên tiếp thất thủ. Nguyễn Thành Trung ném bom Dinh Độc lập; Thị xã Long Khánh bị tấn công. Ngày 21/4/75 tổng thống Thiệu từ chức; Mỹ di tản. Ngày 29/4/1975 Dương Văn Minh lên thay. Ngày 30/4/1975 Dương Văn Minh đầu hàng.

Từ 1975 đến 1978: Nhà nước tiến hành tập trung học tập cải tạo với “ngụy quân, ngụy quyền” Sài gòn. Đổi tiền. Tháng 2/1976 sáp nhận tỉnh. Cuối năm 1976 đổi tên Đảng Lao động thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 9/1977 Việt Nam gia nhập Liên Hiệp quốc. Cuối 1978, tình hình Việt Nam-Cambuchia căng thẳng.

Từ 1978 đến 1980: Đổi tiền lần II. Năm 1978 Thanh Nga bị ám sát. Ngày 17/2/79 Chiến tranh biên giới phía bắc. Tháng 12/1980 Hiến pháp mới ra đời. Quốc hội vận động sáng tác quốc ca.

Chương 14: Trọng án Giám đốc Công an Đồng Nai bán bãi cho thuyền nhân.

Đổi tiền lần III (14/9/1985); Thập niên 90, trong nước đã cởi mở. Tình hình Liên xô: Goc-ba-chop (chương 15).

Chương 16: Cuối năm 1989, quân Việt Nam rút khỏi Cambuchia. Hiện tượng mua bán con lai; Lý Tống cướp máy bay rải truyền đơn bị tù 20 năm. Ông Võ Văn Kiệt lên làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Năm 2000 không thấy tận thế. Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua đời; khánh thành cầu Mỹ Thuận;  Ngày17/11/2000 tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm Việt Nam.

Năm 2001 Bus con tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 43 của nước Mỹ; Ngày 11/9 Al-Qeada khủng bố nước Mỹ. Nguyễn Văn Thiệu đột quỵ; vụ án Năm Cam…

Tất cả những “sự kiện chính trị” ấy ở miền Nam là ông Quản nghe được qua lời kể của thầy Hòa (một người bạn). Tác giả chỉ ghi lại như những mẩu tin ngắn, không miêu tả trực tiếp, không tường thuật báo chí hay viết phóng sự chiến trường, cũng không bình luận để bày tỏ quan điểm của mình. Ông Quản nghe tin tức một cách bàng quan, đôi khi ông bày tỏ sự lo lắng:“Tình hình đất nước những năm sau này khiến ông quản lo âu” (167). Ông luôn “giữ mồm giữ miệng” trước thời cuộc. Khi đất nước đổi mới, gia đình an cư lạc nghiệp, con cháu thành đạt, ông bày tỏ sự vui mừng. Năm 1998, ông nói: “Mình sống trong nước cũng đã vượt qua bao khó khăn. Được như hôm nay là mừng rồi” (tr.369).

Thái độ như vậy của ông Quản (cũng là của Khôi Vũ) có ý nghĩa gì?

Nhìn ở góc độ tự truyện: ông Quản là người lính tập Pháp “đào ngũ”, ông luôn sống trong mặc cảm và lo sợ vì ông từng bị bắt và bị đe dọa về tội “đào ngũ” (tr.30). Kinh nghiệm bản thân buộc ông “giữ mồm giữ miệng” để an thân.

Ở góc độ diễn ngôn của tác giả, nhà văn muốn trình bày một thực tại khác của miền Nam (khác với hiện thực cách mạng trong các truyện ký được dạy trong nhà trường phổ thông như Hòn Đất, Người mẹ cầm súng, Chiếc lược ngà, Rừng xà nu, Chiếc thuyền ngoài xa…). Đó là: người bình dân miền Nam, trong những năm tháng biến động khốc liệt ấy, chẳng mấy ai quan tâm đến chính trị. Họ chỉ có mơ ước hòa bình, yên ổn làm ăn, nếu con cái có bị động viên thì tìm cách trốn quân dịch.

  Ông Quản ngậm ngùi: “Chiến tranh gây ra những hoàn cảnh đau lòng, đâu tha cho bất cứ ai, dù bên này hay bên kia” (tr.313).

Thầy Hòa bình luận:

“Cuộc chiến 21 năm đó ông bên chiến thắng thì khẳng định là cuộc chiến giành độc lập cho đất nước, còn bên thất trận thì bảo là cuộc chiến ý thức hệ nên bên này tùy thuộc vào viện trợ Mỹ, đại diện cho thế giới tự do. Bởi vậy người Việt nào đã cho rằng mình khác ý thức hệ thì khó mà xóa bỏ được lòng hận thù”…

Ông Quản trả lời: “Theo tôi thì ta cứ làm một người dân sống lương thiện và làm việc theo pháp luật là yên tâm nhất” (tr.331).

 Việc Khôi Vũ ghi nhận lịch sử miền Nam trong một thời gian dài (theo cách điểm tin) không tạo nên chất sử thi cho tác phẩm, bởi lịch sử không được miêu tả như nó đang diễn ra trong hiện thực với không gian rộng và thời gian dài. Tác giả không hề miêu tả một một biến cố lịch sử nào (thí dụ đảo chánh 1963), không ghi nhận (ký) một trận đánh hay trình bày một chiến dịch nào (thí dụ biến cố Mậu thân 1968); hay đứng ở tầm cao để nhận định bàn cờ thế cuộc (nhận định về chiến tranh Việt nam trong thế cuộc hai phe Xã hội chủ nghĩa và Tư bản chủ nghĩa); hoặc đứng ở góc độ người viết lịch sử rút ra những bài học cho hậu thế (như nhà viết sử nhận định về thời Lê-Mạc, hoặc thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, thời Nguyễn Huệ-Nguyễn Ánh). Khôi Vũ có thể kiến tạo một tác phẩm sử thi song nhà văn đã viết Sông Luộc ở phương Nam với mục đích khác, có thể là do hoàn cảnh riêng. Hoặc ông chỉ cốt thực hiện  mục đích là: “… ghi chép lại cuộc đời của cha mẹ tôi từ khi vào  Nam đến khi ông bà qua đời…”.

Dù chương nào Khôi Vũ cũng ghi nhận những biến cố chính trị, song người đọc khó nhận ra ảnh hưởng thời cuộc trên số phận của gia đình ông Quản, ngoại trừ sự kiện 30/4/1975, gia đình ông Quản có “di tản” về Sài gòn lánh nạn, sau đó lại trở về nhà. “Kể từ khi di cư vào Nam, hầu như ông chỉ quanh quẩn ở Biên Hòa, hay đi Sài Gòn”(tr.369). Suốt mấy chục năm miền Nam bất ổn trong tranh chấp chính trị, rồi chiến tranh, gia đình ông Quản vẫn bình an và thăng tiến. Trước 1975, đề-pô bia của ông vẫn phát đạt, và sau 1975, dù có lúc ông trăn trở “Làm gì để sống”(tr.237), nhưng ông vẫn thực hiện được ước mơ của mình là xây chùa, đúc chuông, lập nghĩa trang, đi chùa lễ Phật, giữ nề nếp cổ truyền những ngày tết, ngày giỗ, gìn giữ tình nghĩa xóm làng, tình quê hương, dòng tộc, dạy dỗ con cháu và được thấy con cháu lớn lên trong thành đạt…

Nói tóm lại, người dân miền Nam không quan tâm đến chính trị. Khôi Vũ loại bỏ tất cả những tuyên truyền (của bên này hoặc bên kia) về thực tại miền Nam. Thí dụ, dân miền Nam (vùng được truyền thông miền Bắc gọi là “vùng tạm chiếm”), không ai nói đến “kháng chiến chống Mỹ”. Họ chỉ nói đến chiến tranh, và rất nhiều người “phản chiến”. Nửa đêm một ngày hạ tuần tháng 8 năm 1965, một loạt tiếng nổ vang lên liên hồi ở phia phi trường Biên Hòa, ông Quản trả lời con: “Việt cộng đánh nhau với quốc gia” (tr.98). Những năm 1978 đến 1980, ông Quản tự hỏi: “Hòa bình rồi sao cuộc sống vẫn đầy bất trắc và khó khăn như thế?” (tr.267). Ông không đặt vấn đề với Nhà nước hay với chế độ mới, không bộc lộ thái độ chính trị trước hiện thực. Có thể đó là lối sống minh triết của người bình dân: tất cả rồi sẽ qua đi. “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Mọi đã người nhận xét về ông: “Thì ra, sau 25 năm, dù đã thay đổi chế độ thì ông Quản vẫn là một người uy tín nhất nhì trong khu ngoại ô Phúc Hải”(tr.373).

Thực ra, hiện thực đời sống của nhân dân miền Nam rất phức tạp và vô cùng khốc liệt. Sự sống, cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Ở nông thôn, người nông dân sống chung với “Việt cộng” trong tình làng nghĩa xóm. Dân thành phố chỉ lo làm ăn, và nhiều người đã phất lên nhờ chiến tranh. Trên đường phố có lính Mỹ, me Mỹ vô cùng lộn xộn và đồi trụy. Chiến tranh càng khốc liệt, người dân càng đổ về thành phố. Biểu tình và chống biểu tình, đảo chính rồi lại đảo chính. Tiến công tết Mậu Thân làm kinh hoàng cả miền Nam: quân Giải phóng tràn vào 42 trên 44 tỉnh thành phố miền Nam, đặc biệt là hai lần tiến công vào Sài gòn. Khi Mỹ rút quân và cắt viện trợ chgo chính quyền Sàigòn thì dân miền Nam đã biết điều gì sẽ xảy ra. Mùa xuân 1975, Ban Mê Thuột thất thủ, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho lính “di tản chiến thuật” từ Quảng Trị về Huế về rồi Đà nẵng, dân miền Nam như đàn kiến trên chảo lửa. Quân đội Cộng hòa bắt đầu tan rã. Người miền Nam vô cùng sợ hãi về những thảm họa sắp ập đến. Sau 1975. Giai đoạn từ 1975 đến 1980, việc tập trung cải tạo binh lính và nhân viên chế độ cũ, việc đổi tiền, rồi đánh tư sản; dân không có đất sản xuất phải đi kinh tế mới; tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, việc phân biệt đối xử với nhân viên miền Nam “lưu dung”, “chế độ lý lịch” áp dụng cho mọi đối tượng người dân miền Nam làm điêu đứng bao thân phận… kinh tế suy sụp, chiến tranh biên giới phía Bắc và phía Tây Nam, …dân miền Nam sống trong thê thảm,…tất cả những “sự thật lịch sử”  ấy Khôi Vũ đã không miêu tả trong Sông Luộc ở phương Nam.

Sống trong một hoàn cảnh tang thương như thế, người dân thường miền Nam sẽ chỉ nghĩ một điều là, làm thế nào để sống còn? Họ hiểu rõ bản chất của lịch sử. Họ không còn niềm tin, không còn lối thoát, không có gì để bám víu, không biết tương lai về đâu. Còn đấy rồi mất ngay đấy! Ai là bạn, ai là thù?… Bão táp thời đại đã dập vùi họ. Ông Quản giữ thái độ “ẩn cư” im lặng. Có lẽ còn lâu nữa mới có tác phẩm viết về thực tại miền Nam như những gì đã xảy ra. Ngày xưa Nguyễn Du cũng sống thầm lặng như thế trong “cuộc bể dâu”. Không phải vô tình mà Khôi Vũ trích câu thơ: “Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên” của Nguyễn Du làm đề từ cho cả tập truyện (tr.6). Ông Quản đã vượt qua “bể dâu” nhờ triết lý sống lương thiện: “Tốt nhất là cứ sống lương thiên, lo cho gia đình được đủ ăn đủ mặc, con cái được học hành thành đạt. Và siêng năng đến chùa lạy Phật, cầu cho quốc thái dân an” (tr.171).

Khôi Vũ không viết về chiến tranh trước 1975 như “Mùa hè đỏ lửa”(Phan Nhật Nam) hay “Nỗi buồn chiến tranh”(Bảo Ninh). Ông cũng không “tô hồng” “hiện thực cách mạng” sau 1975, cũng không viết về mặt trái Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa như Thời Xa Vắng của Lê Lựu, Thiên Sứ của Phạm Thị Hoài, Thời của Thánh thần của Hoàng Minh Tường…Khôi Vũ có ý thức sáng tạo riêng. Tôi cho rằng, đó là bản lĩnh của một ngòi bút có cốt cách minh triết.

Việc trao giải cho Sông Luộc ở phương Nam của Hội Nhà văn, theo tôi, chính là ở giá trị phần Khôi Vũ viết về hiện thực miền Nam. Hiện thực này chưa có trong văn học Việt Nam đương đại. Có lẽ Khôi Vũ là người đầu tiên phác họa những nét sơ lược về một nửa phần đất, một nửa đồng bào đã sống thế nào, đã gìn giữ gia đình, truyền thống văn hóa thế nào, đã nuôi dưỡng những tình cảm thiêng liêng, tình yêu quê hương thế nào, và đã “giữ mình” tránh khỏi những hệ lụy chính trị như thế nào (dù có bị ảnh hưởng của bối cảnh tư tưởng, kinh tế, chính trị). Viết Sông Luộc ở phương Nam, Khôi Vũ cho biết: “tôi chỉ nghĩ đơn giản trước là giúp mình nhìn lại cuộc đời của cha mẹ, gồm cả cuộc đời mình trong đó mà ngẫm nghĩ ra những ý nghĩa của các sự việc buồn, vui, cay đắng cơ cực… hầu có một cái nhìn mới và lạc quan hơn về đời người”…(tr. 404).

Vâng. “một cái nhìn mới và lạc quan hơn về đời người” chính là thái độ minh triết trong văn chương của Khôi Vũ.

THÂN PHẬN NGƯỜI TRÍ THỨC MIỀN NAM TRONG CHẾ ĐỘ MỚI

Nhân vật Thái trong Sông Luộc ở phương Nam có thể là hình bóng người trí thức miền Nam trước và sau 1975.

Sông Luộc ở phương Nam kể lại cuộc đời của Thái từ nhỏ cho đến những năm 2008 Thái về thăm quê. Người đọc có thể tìm thấy một phần đời của Thái trong cuốn Nhớ Biên Hòa (xuất bản 2005) tự truyện của Khôi Vũ-Nguyễn Thái Hải. Ông viết: “Năm 1955 từ Đà Nẵng tôi bị bệnh thương hàn nặng cha tôi quyết định đưa cả gia đình vào tận Sài Gòn để chữa trị cho đứa con trai duy nhất của mình.” Sự kiện ấy được kể chi tiết hơn ngay trong chương 1 của Sông Luộc ở phương Nam. Khôi Vũ kể tiếp trong Nhớ Biên Hòa: “Sau này cha tôi xin được làm đại lý (quen gọi là đề bô) bán bia nước ngọt nước đá bẹ cho hãng BGI”. Chi tiết này được kể ở chương 2, tr 36 trong Sông Luộc ở phương Nam. Kết thúc Nhớ Biên Hòa là hình ảnh Khôi Vũ đi xe Vespa Sprint lên Sài gòn học. Trong Sông Luộc ở Phương Nam Khôi Vũ nhắc lại: “Năm thứ nhất trường Dược, Thái trọ học ở Sài Gòn, cuối tuần về nhà bằng chiếc xe Vespa Sprint đèn vuông 150 phân khối đời mới nhất” (chương 9, tr. 152). Tôi dẫn 3 chi tiết để khẳng định Thái cũng chính là tác giả Khôi Vũ. Toàn bộ cuộc đời Khôi Vũ trở thành chất liệu tự truyện. Điều này giúp Khôi Vũ kể tự nhiên những điều gan ruột, nhưng cũng hạn chế việc sáng tạo hình tượng do bị tự truyện trói buộc.

Nhưng xin lưu ý rằng, Sông Luộc ở phương Nam, là một tiểu thuyết (nghĩa là tác phẩm hư cấu), người đọc không thể áp đặt con người xã hội của nhà văn Khôi Vũ-Nguyễn Thái Hải với nhân vật Thái trong tiểu thuyết, bởi có những phần đời thật, Khôi Vũ không đưa vào tác phẩm. Thí dụ, việc Nguyễn Thái Hải viết truyện Tuổi Hoa trước 1975 ở Sài Gòn và Khôi Vũ được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1990 với cuốn Lời nguyền hai trăm năm. Cũng vậy, thời gian Khôi Vũ tập trung học tập cải tạo từ 1975 đến 27 tháng Chạp năm 1978 không được ông miêu tả cụ thể. Ông Quản chỉ nhắc đến sự việc này qua những lần thăm nuôi Thái. Người đọc không biết gì về thời gian Khôi Vũ đi cải tạo: ông đã sống thế nào, đã có những cảm nghĩ gì, môi trường cải tạo và những người cùng cải tạo đã sinh hoạt ra sao. Tại sao Khôi Vũ không đưa những sự việc ấy vào tiểu thuyết? Đó là một sự chọn lựa. Ông chỉ để nhân vật Thái thực hiện một diễn ngôn nào đó. Thái không phải là tất cả cuộc đời ông. …

Thái là một nhân vật tiểu thuyết, cuộc đời Khôi Vũ – Nguyễn Thái Hải đã được “chưng cất” để thành một hình tượng nghệ thuật. Vậy “mã nghệ thuật” của nhân vật này là gì?

Thái là sinh viên tốt nghiệp Đại học Dược. Thời sinh viên, anh là kiểu sinh viên “tự do” ở Sài Gòn (không đứng trong đoàn thể, tổ chức chính trị nào, chẳng hạn: Tổng Hội sinh viên Sài gòn). Thái có dự hội thảo, tham gia biểu tình phản chiến, theo trường đi Nha Trang cứu trợ nạn nhân chiến tranh; anh cũng thích ca hát, thích đọc thơ “Phía bên kia” (tr.178); Tháng 7/1973, Thái tốt nghiệp Dược sĩ, anh mở tiệm thuốc tây. Ngày 2 tháng 1 năm 1974 Thái vào trường Quân y “mặc dù không muốn mặc áo lính” (tr.186). Ra trường, Thái chọn về bệnh viện Xuân Lộc, và bắt đầu làm việc từ tháng 7/1974 (tr.193). Tháng 11/1974 Thái nhận lời Lm Xuân, tiếp tế thuốc cho tù nhân trại Tân Hiệp “vì lý do nhân đạo”(tr.199).

 Sau 1975, Thái đi học tập cải tạo. Anh học 8 bài cơ bản và lao động. Ngày 27 tháng Chạp (1978) Thái được về, không phải quản chế. Thái xin việc làm ở cơ quan Nhà nước, tuy có trầy trật, nhưng sau một năm Thái được vào biên chế. 30 tuổi Thái lấy vợ (cô giáo Yên). Thái buồn vì không thể thăng tiến, đồng thời phải chứng kiến nhiều chuyện tiêu cực của cán bộ Nhà nước. Bảy nói với Thái: “chắc anh cũng biết sự thật này: Người lỡ có lý lịch như anh thì khó có đường làm lãnh đạo! Cứt nát đừng đòi có chóp, anh Thái à…”. Nhưng cũng có người nói: “Không thể ngờ được!…ông Trung úy quân lực Việt Nam Cộng hòa nay lại là một công chức Nhà nước Cộng sản, còn có vai vế như ai nữa chớ”(tr. 295). Dù vậy, “cũng như phần đông trí thức miền Nam, anh hạn chế đến mức thấp nhất những phát biểu” (tr268). “nhiều chuyện trong trại cải tạo tập trung vẫn còn ghi nhớ trong anh, chưa sao xóa mờ được” (tr.281). Chính Thái khi nói chuyện với ông Quản đã nhận thức được thân phận của mình: “Càng về sau này con càng nghĩ ra rằng mình chỉ là một chuyên viên thì đừng đặt mục tiêu phấn đấu làm lãnh đạo rồi phải thất vọng. Chính quyền của một nước nào đó, tư bản hay cộng sản, thì cũng thuộc về những người làm chính trị cùng một lý tưởng với nhau…”(tr.309).

Khi đất nước mở cửa, Thái lại mở nhà thuốc Tây tư nhân, ký hợp đồng với công ty nước ngoài, tập huấn ở Singapor. Anh “có của ăn của để” (tr.339); Con cái đi học. Thái chịu khó tập thể dục; xem bóng đá cùng vợ; tổ chức lễ thượng thọ cho ông Quản (chương 17- tr.344). Thái về quê và tìm hiểu gia phả dòng họ mình, tra cứu về bà cô tổ Nguyễn Thị Lộ, thiếp của Nguyễn Trãi, về những tồn nghi của vụ án Lệ Chi Viên. Anh mơ thấy bà Nguyễn Thị Lộ và nói chuyện với bà. Bà nói cả chuyện xưa và chuyện nay, chuyện người vợ hai và đứa con riêng của ông Quản. Thái mơ thấy người con trai, con người vợ hai của bố trở về, anh ta xin nhận bà Quản làm mẹ và nhận Thái là anh, vì tuy lớn tuổi hơn Thái song anh ta là con dòng thứ.

Nhìn lại cuộc đời của Thái, Khôi Vũ muốn gửi gắm điều gì?

Ở miền Nam trước 1975, có nhiều thanh niên trí thức “tự do”như Thái. Họ bị cuốn vào thời cuộc và đẩy vào hoàn cảnh mình không muốn. Hoặc là trốn quân dịch, nếu không, thì học xong họ phải vào quân trường mặc áo lính. Sau 1975, những trí thức này (những người không dính dáng gì với chế độ Sài gòn) được Nhà nước “lưu dung” cho đi làm việc trở lại, nhưng họ không có con đường thăng tiến vì lý lịch là người chế độ cũ. Bảy đã nói rõ với Thái: “chắc anh cũng biết sự thật này: Người lỡ có lý lịch như anh thì khó có đường làm lãnh đạo! Cứt nát đừng đòi có chóp, anh Thái à…”. Đấy là lý do rất nhiều “trí thức” miền Nam đã ra nước ngoài định cư sau 1975 (thí dụ, trường hợp GS Nguyễn Văn Trung, người từng có lập trường “thân cộng”. Ông dạy Triết và Văn ở ĐH Văn Khoa Sài Gòn và ĐH Huế; sau 1975 ông chỉ được làm nghiên cứu ở Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp TPHCM; 1993 ông định cư ở Canada).

 Con đường của Thái là sự lựa chọn làm việc tự do ngoài cơ quan Nhà nước. May cho Thái, sau thời gian cải tạo Xã hội chủ nghĩa, miền Nam đã bước vào thời kỳ mở cửa hội nhập toàn cầu hóa (1986), nhờ đó Thái mới có cơ hội mở nhà thuốc tây, hợp tác với công ty nước ngoài, mới có “của ăn của để”(tr.339), sắm xe hơi Toyota Camry chở bố mẹ con đi chơi (tr.367).

Phương châm sống của Thái là thực hiện lời cha dạy: “Nhưng dù sao thì con cũng phải rất cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, nhất là về quan điểm chính trị”(tr. 319). Và thực hiện lối sống thẳng thắn, lương thiện của cha: “Tốt nhất là cứ sống lương thiên, lo cho gia đình được đủ ăn đủ mặc, con cái được học hành thành đạt. Và siêng năng đến chùa lạy Phật, cầu cho quốc thái dân an” (tr.171). Thái sống bằng chuyên môn của mình và từ chối những “chức vụ” hành chính, anh giữ mình khỏi những tiêu cực trong cơ quan (tr. 286-287).

Nhân chuyện của ông Quản và của Thái, tôi nhớ đến nhân vật bà cô Hiền trong truyện Một người Hà Nội của Nguyễn Khải. Ông Quản cũng sống đồi thời với bà cô Hiền. Bà cô Hiền đã trải qua một cuộc đời từ trước 1945 đến thời đổi mới (1986). Suốt thời kháng chiến chống Pháp, dân Hà Nội lên rừng kháng chiến, bà vẫn sống vương giả ở Hà Nội. Hòa bình lập lại, bà chê: “Cách mạng gì toàn để ý đến những chuyện lặt vặt!”. Miền Bắc cải tạo Xã hội chủ nghĩa, đánh tư sản. Có hai căn nhà, bà bán trước một căn và cản chồng không cho mở xưởng in. Khi cán bộ đánh tư sản đến kiểm tra, bà bảo họ đến chỗ căn nhà bà đã bán mà hỏi. Bà nói với Khải: “– Tao có bộ mặt rất tư sản, một cách sống rất tư sản, nhưng lại không bóc lột ai cả thì làm sao thành tư sản được”. Thời chiến tranh, hai đứa con bà tình nguyện vào Nam chiến đấu, bà nói: “Tao không khuyến khích, cũng không ngăn cản, ngăn cản tức là bảo nó tìm đường sống để các bạn nó phải chết, cũng là một cách giết chết nó”. Mấy chục năm Hà Nội ăn bom Mỹ, tháng nào ở nhà cô cũng tổ chức tiệc tùng họp mặt những “người quý phái” thuộc “giai tầng thượng lưu”. Con đi Nam sống sót trở về vào đứng ở giữa nhà, cô cũng không nhận ra con. Bà Hiền-một Người Hà Nội– đã sống những ngày bão táp của lịch sử như thế. Khi cây si cổ thụ ở đền Ngọc Sơn bị bão đánh bật gốc, “Lập tức cô nghĩ ngay tới sự khác thường, sự dời đổi, điềm xấu, là sự ra đi của một thời”. Bão táp cách mạng sẽ qua đi, văn hóa Hà Nội vẫn sống mãi. Cô nói: “Thiên địa tuần hoàn, cái vào ra của tạo vật không thể lường trước được”.

Người miền Nam như ông Quản, như Thái, cũng có thái độ sống bản lĩnh và minh triết như bà cô Hiền (nhưng bộc lộ dung dị và kín đáo hơn). Họ sống với “ý chí tự lập, quyết tự thử thách bản lĩnh”(tr.309). Họ hiểu rõ bản chất lịch sử của thời cuộc, từ đó đối mặt và vượt qua “bể dâu”. Họ chọn con đường sống chết với quê hương, cộng đồng; gìn giữ những giá trị truyền thống, nếu có làm gì thì cũng “vì lý do nhân đạo”(tr. 199).  Họ giữ cái tâm thanh thản, và nỗ lực làm việc thực hiện những điều mình hằng ước mơ. Họ đạt được những giá trị vĩnh cửu: tình quê hương, tình gia đình, bạn bè, sự lương thiện, lòng yêu thương con người (như ông Quản: “Thì ra, sau 25 năm, dù đã thay đổi chế độ thì ông Quản vẫn là một người uy tín nhất nhì trong khu ngoại ô Phúc Hải”(tr.373).

NHỮNG ĐẶC SẮC NGHỆ THUẬT CỦA KHÔI VŨ

            Sông Luộc ở phương Nam là một tiểu thuyết khá đầy đặn (406 trang khổ 15x23cm. khoảng 187.572 chữ), lại viết về đề tài gia đình, miêu tả rất nhiều chuyện thường ngày, nhưng Khôi Vũ có cách viết mạch lạc, dễ đọc và hấp dẫn.

Tài kiến tạo tác phẩm của ông thể hiện chỗ, cuối tác phẩm, tất cả các nhân vật đều tụ về, gặp lại nhau sau bao nhiêu biến cố, lưu lạc; một cuộc đoàn tụ nhiều niềm vui (xin đọc chương 19, tr.372), như là một kết thúc có hậu, thể hiện một niềm tin tâm linh về cuộc đời: “Mình sống trong nước cũng đã vượt qua bao khó khăn. Được như hôm nay là mừng rồi” (tr.369).

Ông Quản cũng như Thái không oán trời, không trách người, không ngả nghiêng bên này bên kia, không mưu cầu lợi ích riêng mà làm tổn thương người khác, ẩn nhẫn giữ mình, để tâm thanh tịnh. Ông đứng vững trên những tín niệm đã được xác quyết ngay từ ban đầu: “sống lương thiện, lo cho gia đình được đủ ăn đủ mặc, con cái được học hành thành đạt. Và siêng năng đến chùa lạy Phật, cầu cho quốc thái dân an”. Ông đã ra đi hết sức thanh thản.

Nhìn ở góc độ này, Tiểu thuyết Sông Luộc ở phương Nam là một tiểu thuyết tư tưởng. Tư tưởng ấy là: làm thế nào vượt qua bể dâu của lịch sử để tồn tại? Các nhân vật Ông Quản và Thái đôi khi thấp thoánh tư tưởng định mệnh. Ông Quản nói với vợ: “Tất cả là do Trời Phật định đoạt. Mình cứ vui sống những ngày còn lại này” (tr.356). Thái cũng từng nghĩ đến số mệnh. Chuyện Hoàng được đi Mỹ theo diện HO, Thái nói với bố: “Chuyện của anh ấy khiến con đang tự hỏi có phải thật là người ta có số hay không” (tr. 309). Tất nhiên tư tưởng này không chi phối việc kiến tạo tác phẩm của Khôi Vũ.

            Khôi Vũ cũng thành công ở thể loại tiểu thuyết tự truyện có khuynh hướng nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Ông viết “rất thật” những sự việc, những biến cố cuộc đời của cha mẹ mình và của chính mình qua việc đưa vào những chi tiết đời thường, các hình thức sinh hoạt văn hóa của đời sống Việt.

Thí dụ: ông kể cảm giác lần đầu đi xe lửa; chuyện ngồi đồng; Ông Quản chăm sóc cây mai; cúng đưa ông Táo, cúng Giao thừa. Ông Quản mê nuôi gà; ông cai thuốc lào; ông đánh Tổ tôm một mình; bà Quản mê coi Cải lương, bà siêng đi chùa. Bà và con dâu nguyện ăn chay mỗi tháng 4 ngày. Bà cũng “du nhập’ vào gia đình hai món ăn miền Nam là món lẩu và món thịt kho trứng cuốn với rau sống, bánh tráng ăn trong mấy ngày tết. Cũng không thể thiếu món thịt đông.Ăn giỗ ở bên ngoại, các con của Thái xem bà ngoại đổ bánh xèo, nghe mấy cô mấy chú đờn ca tài tử; Cô giáo Yên nhập tâm làm nghề cơm rượu truyền thống, món giò thủ trên mâm cơm khách.Nghề dệt chiếu của làng Hới được miêu tả khá kỹ (tr. 327). Rạp Biên Hùng có kịch Kim Cương. Thái đậu Tú Tài được ông Quản cho làm 2 bàn tiệc. Thái bỡ ngỡ món “Mì vịt tiềm”, món lạp xưởng. Thái tắm ngoài trời, Thái chăm sóc cây xoài; Thái đi học lấy bằng Vespa Sprint; học lái xe hơi Toyota; chuyện lầm lẫn “hộp quẹt” với “hòm diêm”(sự khác biệt ngôn ngữ, văn hóa Bắc-Nam),…

            Những chi tiết ấy khi được tiểu thuyết hóa, nó mang ý nghĩa văn hóa. Những thế hệ sau này, hoặc những nhà làm phim sẽ có chất liệu về đời sống, sinh hoạt của con người miền Nam nửa cuối thế kỷ XX để dựng thành phim. Có thể nhìn thấy rõ hiệu quả nghệ thuật này: những chi tiết đời thường ấy đánh thức rất nhiều tình yêu quê hương, sẽ tô đậm  những nét “bản sắc” dân tộc trong lòng người con xa quê …

            Điều đặc sắc của văn chương Khôi Vũ là ở cách viết. Viết về chiến tranh, về cải tạo Xã hội Chủ nghĩa ở miền Nam, về những năm tháng bao cấp, về “chủ nghĩa lý lịch”, Khôi Vũ đã không viết bằng “cảm hứng phê phán hiện thực” của dòng văn chương Nhân văn và Dân chủ (nhưn các tác phẩm: Thời xa vắng của Lê Lựu, Cù Lao Tràm của Nguyễn Mạnh Tuấn, Thời của Thánh thần của Hoàng Minh Tường, Chuyện kể năm hai ngàn của Bùi Ngọc Tấn…). Cái nhìn của Khôi Vũ “thoáng” hơn nhiều. Có lẽ nhà văn đã có một độ lùi đủ xa để nhìn vấn đề trong sự phát triển, hơn là nhìn cục bộ.

Cuộc sống luôn phát triển về phía trước, đó là quy luật. Việt Nam phải “đổi mới”, đó là con đường, là xu thế tất yếu của thời đại toàn cầu hóa sau chiến tranh lạnh. Cách mạng công nghệ đã làm thay đổi triệt để cả nhân loại. Việt Nam đã bang giao với Mỹ (kẻ thù cũ) và làm bạn với mọi dân tộc trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hai bên cùng có lợi. Giao lưu văn hóa trở thành những giòng chảy lớn. Sông Luộc ở phương Nam được viết trên nền của những xu thế thời đại ấy. Tư tưởng về hòa hợp, hòa giải dân tộc đã trở thành hiện thực trong nhiều lĩnh vực của đời sồng, thế nên, nếu viết Sông Luộc ở phương Nam như cách viết của Thời xa vắng hay Cù lao Tràm, sẽ trở thành lạc hậu. Có thể hiểu tại sao tiểu thuyết Kiến Chuột Và Ruồi của Nguyễn Quang Lập và Mối chúa của Đãng Khấu (Tạ Duy Anh), đã không còn sức hấp dẫn là vậy.

            Về kỹ thuật tiểu thuyết, Khôi Vũ kể truyện theo kiểu tiểu thuyết truyền thống. Mỗi chương khai thác các sự việc theo 3 tuyến chính: trung tâm là tuyến nhân vật ông Quản. Tuyến thời sự được kể theo năm tháng, và tuyến nhân vật Thái cũng kể theo thời gian, và sự kiện cuộc đời của ông Quản. Mỗi đầu chương có những câu đề từ. Khôi Vũ còn đưa vào 6 “Tiểu truyện” kể những câu truyện bên ngoài mạch truyện chính, chẳng hạn những chuyến Thái về Bắc tìm hiểu về gia phả tộc họ Nguyễn Khắc, về bà cô tổ Nguyễn Thị Lộ, về người vợ hai của ông Quản (chương 19, 20 và Vỹ thanh)…

Trong kỹ thuật viết tiểu thuyết tự truyện, việc phân thân, tách biệt tác giả với nhân vật Thái, mới là thành công đáng ghi nhận. Ngòi bút Khôi Vũ giữ được chất nhân văn đáng quý. Ông chỉ đưa vào tiểu thuyết lượng thông tin cá nhân vừa đủ để nhân vật tiểu thuyết trở nên đầy đặn. Ông tránh được sự phô trương “cái Tôi” hoặc tự bao biện việc này việc kia như người đọc thường thấy trong các tự truyện. Chẳng hạn chi tiết: năm 1946, ông Quản góp thóc cho Việt Minh, được tướng Nguyễn Bình đặt bí danh (tr.82), và việc Thái tiếp tế thuốc tây cho tù nhân trại Tân Hiệp qua trung gian Lm Xuân (tr. 199). Người viết “non tay” sẽ đẩy những chi tiết ấy trở thành “thành tích” nhà văn có công với cách mạng để tự hào… Điều này ảnh hưởng đến thái độ tình cảm của bạn đọc khi tiếp cận Sông Luộc ở phương Nam (nhất là những bạn đọc ở Biên Hoà biết rõ cuộc sống thực của tác giả ở Phúc Hải). Bản thân ông cũng tách bạch sông Luộc phương Bắc là quê cha đất tổ, với sông Đồng Nai phương Nam. Ông yêu quý trân trọng sông Luộc quê cha nhưng khẳng định ông và con ông đã là người của Biên Hòa, của dòng sông Đồng Nai. “Sông Luộc và làng Hới đã hiển thị trước mắt tôi nhưng vẫn chưa thấm được vào tận cùng máu thịt” (tr.325)

VỸ THANH

“… ghi chép lại cuộc đời của cha mẹ tôi từ khi vào  Nam đến khi ông bà qua đời. Làm việc này tôi chỉ nghĩ đơn giản trước là giúp mình nhìn lại cuộc đời của cha mẹ, gồm cả cuộc đời mình trong đó mà ngẫm nghĩ ra những ý nghĩa của các sự việc buồn, vui, cay đắng cơ cực… hầu có một cái nhìn mới và lạc quan hơn về đời người; kế đến tôi cũng muốn cho thế hệ con cháu mình biết được để nhớ, để thương, để học được nhiều điều từ cuộc đời ông bà, cha mẹ chúng. Hơn nữa để biết được gốc gác dòng họ ở tận một vùng quê Bắc”(tr.404).

Đoạn văn trên ghi lại mục đích, “tâm nguyện” của Khôi Vũ khi viết Sông Luộc ở phương Nam. Đó là tấm lòng rất mực hiếu thảo của nhà văn đối với cha mẹ mình, là ước vọng về tương lai, là tình nghĩa sâu nặng với quê hương, là những thương yêu và đồng cảm gan ruột với con người quê hương, cũng đồng thời là cái nhìn minh triết của ngòi bút Khôi Vũ về một quãng đường dài của lịch sử Việt Nam đương đại.

Những gì tôi viết trong bài này chỉ là một góc nhìn riêng khi tiếp cận tác phẩm theo Thuyết người đọc đương đại (Reader Theory). Bạn đọc Sông Luộc ở phương Nam hoàn toàn có những cách tiếp cận khác.

Xin chúc mừng nhà văn Khôi Vũ. Ở tuổi “cổ lai hy”, viết được một tác phẩm tâm huyết của đời mình, hẳn nhà văn có được một niềm hạnh phúc “rất thanh thản” (tr.402).

Tháng  8/ 2022

_____________________

Bài đã đăng trên vanchuongthanhphohochiminh.vn và vanchuongphuongnam ngày 16/8/2022

https://vanchuongthanhphohochiminh.vn/song-luoc-o-phuong-nam-va-nhung-ma-nghe-thuat https://vanchuongphuongnam.vn/song-luoc-o-phuong-nam-va-nhung-ma-nghe-thuat.html

MỘT CÁCH TIẾP CẬN THƠ THIỀN

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

MỘT CÁCH TIẾP CẬN THƠ THIỀN

Bùi Công Thuấn

Đạt Ma Sư Tổ (ảnh của duccuongthuphap trên internet)

Thơ ca dân tộc có một bộ phận thơ Thiền đặc sắc. Nhiều bài thơ cuả các Thiền sư từ  thời

Lý (1010-1225 )-Trần (1225-1400) vẫn còn được truyền tụng  đến ngày nay, bởi vì nó chưá đựng vẻ đẹp tư tưởng và nghệ thuật rất riêng. Ảnh hưởng Thiền khá rõ trong suốt tiến trình thơ ca dân tộc. Ngày nay vẫn có những nhà thơ Việt Nam tiếp tục tiến trình ấy. Nhưng đọc thơ Thiền không dễ, cần một cách tiếp cận khác với cách đọc thơ thế tục. Bài viết này xin thử đề xuất một con đường đến với thơ Thiền, thay cho cách đọc cảm tính lâu nay.

I.KỆ và THƠ THIỀN

 Kệ là một hình thức văn chương nghi lễ cuả Phật giáo, như Kệ dâng hương, Kệ dâng hoa, Kệ vô thường buổi sớm… Các Thiền sư thường làm kệ “thị tịch “ để căn dặn đệ tử trước lúc qua đời. Tiểu truyện về các Thiền sư thường có những bài kệ. Những bài kệ ấy vưà nói về giáo lý Phật vưà chưá đựng chỗ độc đáo chứng ngộ cuả mỗi người. Thiền Uyển Tập Anh nổi tiếng với những bài kệ như Thị Đệ Tử cuả Thiền sư Vạn Hạnh, Cáo tật Thị chúng cuả đại sư Mãn Giác. Khoá Hư Lục cuả Trần Thái Tông (1218 – 1277) có Kệ ngũ giới , Kệ bốn núi …

Về cơ bản, Kệ dạy giáo lý Phật bằng ngôn ngữ khái niệm. Nhưng khi chuyển thành ngôn ngữ hình tượng, Kệ trở thành thơ Thiền, ý nghiã tư tưởng chuyển hoá thành ý nghiã nghệ thuật.

Chẳng hạn

Bát Nhã chân vô tông

Nhân không, ngã diệc không

Quá, hiện, vị lai Phật

Pháp tính bản lai đồng. (1)

                             (Lý Thái Tông. 1028-1054)

Dịch:

“Bát Nhã” Thực vô tông

Người không, mình cũng không

Phật trước, nay, sau nữa

Pháp tính vốn tương đồng

                            (Ngô Tất Tố dịch)

Bài kệ này chỉ diễn đạt giáo lý về Chân Như. Ngôn ngữ kệ là ngôn ngữ khái niệm, không có hình tượng. Kệ cuả sư Vạn Hạnh đã có bước chuyển hoá thơ.

Ngày 15 tháng 5 năm Thuận thiên thứ 9 (1018) sư không bệnh, gọi đệ tử đến đọc bài kệ:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố uý

Thịnh suy như lộ thảo đầu phôi (1)

                     (Vạn Hạnh Thiền sư)

Sư lại bảo các đệ tử: – Các ngươi muốn đi đâu? Ta không lấy chỗ trụ mà trụ, cũng chẳng dựa chỗ vô trụ mà trụ. Một lát sau sư qua đời.

Lời cuả Thiền sư Mugaku nói với quân Mông cổ sau đây có cả chất kệ và chất thơ. (2)

Gom toàn thể thế giới

Chẳng vừa một đầu gậy

Vạn pháp vốn là không

Vô thường và vô ngã

Lưỡi gươm bọn hung nô

Lấp loáng cắt xuân phong.

                             (Thiền sư  Mugaku)    

II. MỘT CÁCH TIẾP CẬN THƠ THIỀN      

Thơ Thiền là thơ tư tưởng. Cốt lõi tư tưởng thơ Thiền là giáo lý Phật giáo. Vì thế muốn tiếp cận thơ Thiền, người đọc phải ít nhiều có được căn bản tư tưởng Phật. Không có tri thức này thì không thể cảm thụ thơ Thiền, vì mỗi bài thơ là một chứng ngộ tại thế về Chân Như cuả Thiền sư.

Căn bản giáo lý Phật Giáo (3) là Tứ Diệu Đế, Mười Hai Nhân Duyên, Bát Chánh Đạo, và thuyết vô ngã. Giáo lý này được Đức Phật giảng dạy ngay sau khi Người thành đạo.

Tứ Diệu Đế là bốn chân lý cao cả do Phật đã tìm ra. Đó là Khổ (dukkha), Tập (Samudaya), Diệt (Nirodha), Ðạo (Magga). Bản chất cuả cuộc sống là khổbất toàn, vô thường, trống rỗng, giả tạm. Sinh, lão, bệnh, tử, ngũ uẩn là khổ. Nguyên nhân cuả khổ làkhát ái, làdục vọng, là ý chí muốn sống, muốn tồn tại, muốn tái sinh, muốn trở thành, muốn tăng trưởng, muốn tích lũy không ngừng. Bao lâu còn khát ái trở thành, thì sinh tử luân hồi vẫn tiếp tục. Muốn tận diệt khổ người ta phải diệt cội gốc chính của khổ là dục vọng, diệt tham, diệt sân, diệt si. Chấm dứt khổ là Niết Bàn. Niết-bàn là Chân lý tuyệt đối hay Thực tại tối hậu. Phật nói: “Đó là xa lánh trọn vẹn và tận diệt chính tâm ái dục ấy. Đó là sự rời bỏ, sự từ khước, sự thoát ly và sự tách rời ra khỏi tâm ái dục.“Niết-bàn có thể thực hiện ngay trong cõi đời này. Để đạt tới Niết bàn con người phải tu tập theo Bát Chánh Đạo. Ấy là Chánh kiến (thấy đúng), Chánh tư duy (nghĩ đúng), Chánh ngữ (nói đúng), Chánh nghiệp (làm đúng), Chánh mạng (sống đúng), Chánh tinh tiến (siêng năng đúng), Chánh niệm (nhớ đúng ), Chánh định (tâm an trụ).

Phật giáo còn nói đến luật nhân quảnghiệp báo. Trên đường tái sanh luân hồi, con người chịu ảnh hưởng của nghiệp.Vô minhÁi dục là nguyên nhân chính tạo ra Nghiệp. Chính Vô MinhÁi Dục là cội rễ của mọi tội ác.  Nghiệp và Quả đều tùy thuộc nơi Tâm. Hành động (Nghiệp) và hậu quả của hành động ấy (Quả) đều do Tâm tạo nên. Mục tiêu tối hậu của người Phật tử là tận diệt Nghiệp.  Trong bộ Samyutta Nikaya, Tạp A Hàm, có những lời dạy: “Hãy gieo giống tốt, Ta sẽ hưởng quả lành.”

Thuyết Vô Ngã (4) cho rằng ý tưởng về một bản thể trường cửu bất diệt, gọi là Tôi, Ngã, cái Ta, hay Linh hồn,  chỉ là một niềm tin sai lạc. Cái mà ta gọi là Tôi hay Ngã chỉ là một kết hợp của các uẩn vật lý và tâm linh, hoạt động tương quan mật thiết lẫn nhau trong một dòng biến chuyển từng sát na, chịu chi phối của luật nhân quả.Tất cả đều vô thường. Phật giáophủ nhận hiện hữu của Ngã, linh hồn, Thượng đế.  Sự sống đã phát sinh, tồn tại và tiếp diễn là do mười hai nhân duyên:  đó là Vô minh , nghiệp, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Lão, Tử (5). Nếu đảo ngược công thức lại, ta sẽ đi đến sự chấm dứt của quá trình. Vô minh diệt thì Nghiệp diệt, Nghiệp diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt,..cho đến khi sinh lão, tử, ưu bi khổ não… diệt.

            Đọc thơ Thiền, người đọc sẽ nhận ra những tư tưởng căn bản trên nơi sự chứng ngộ cuả các Thiền sư. Vì thế thơ Thiền trước hết là thơ tư tưởng, không phải là thơ kiểu thơ phản ánh hiện thực hay thơ giãi bày tâm trạng

III. THIỀN TÔNG (6)

Thơ Thiền thể hiện tư tưởng Phật giáo nhưng có những đặc sắc riêng cuả Thiền. Thiền là đạo giác ngộ hình thành qua kiến giải Trung Quốc, là cách tu chứng khác với Phật giáo Ấn độ.

Thiền khởi từ Thiền thoại:”Thế Tôn niêm hoa, Ca Diếp vi tiếu”, nghĩa là Phật giơ lên cành hoa, Ca Diếp nhìn cành hoa và mỉm cười. Ca Diếp đốn ngộ tâm truyền, trực tiếp từ hành động cuả Phật, không qua kinh điển. Phật phó chúc Thiền cho Ca Diếp, và từ Ca Diếp tâm ấn Phật được tiếp tục truyền thừa đến tổ thứ 28 là Bồ Đề Đạt Ma, sơ tổ Thiền Trung Hoa. Bồ Đề Đạt Ma (-528) sang Trung Quốc vào năm 520, mang theo một thông điệp, được coi là tôn chỉ cuả Thiền:

Giáo ngoại biệt truyền
Bất lập văn tự
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tánh thành Phật
.

        (Truyền riêng ngoài giáo / Chẳng lập văn tự /Trỏ thẳng tâm người / Thấy tánh thành Phật )

Thiền đặt nặng lý Giác Ngộ. Tu chứng theo Thiền là nỗ lực tự chứng, nỗ lực tự mình, trong nội tâm mình, để ”Kiến tánh thành Phật”. Phương pháp cuả Thiền là không dùng văn tự, mà tác động trực tiếp vào tâm. Bởi vì ”Tâm tức Phật / Phật tức tâm “. Vô Minh, Nghiệp quả, Ái dục cũng do tâm. Tứ Diệu Đế, Mười Hai Nhân Duyên hoặc giáo lý Vô Ngã chỉ là người hướng đạo trí thức vạch ra con đường thực hiện sinh hoạt Phật giáo. Vì thế Thiền tập trung vào Phát tâm, an trú tâm và hàng phục tâm .

Hai bộ kinh quan trọng cuả Thiền là kinh Lăng Già (Lankavatara-Sutra) và kinh Kim Cang (7)          

Kinh Lăng Già có thuyết “Như Lai tạng” ảnh hưởng đến toàn bộ Thiền tông. Như Lai tạng là: Tất cả chúng sinh đều tàng chưá Như Lai, tức là Phật tính. Phật tính bị khách trần che phủ nên phải tu tập bích quán để trừ dứt khách trần cho Phật tính thanh tịnh hiển lộ. Kinh Lăng Già chú trọng ở sự ngộ lý, nội chứng, rời bỏ ngôn thuyết, văn tự, vọng tưởng, nhấn mạnh tự tu, tự ngộ, tự chứng để đạt tới cảnh giới “ tự giác thánh trí

Ý tưởng nền tảng cuả kinh Kim Cang là giáo lý về Tính KHÔNG (8). Tất cả vạn hữu đang hiện hữu, tự tính của nó là Không. Ý niệm Không không phải là hư vô, mà là trạng thái vượt qua nhị nguyên tử – sinh, vượt qua hữu – vô, vuợt qua sắc tướng. Đó là thể tính chân như cuả hiện hữu, là Như Lai. Thực tướng ấy không thể diễn tả bằng ngôn ngữ, cũng không thể dùng ý niệm để ý niệm, thấy Như Lai là thấy “thực tại vô tướng”. 

Người làm thơ Thiền có khi thể hiện cái nhìn cuả kinh Hoa Nghiêm. Dưới mắt người hành đạo theo tinh thần Hoa Nghiêm, con ong, cái kiến cho đến cọng cỏ, bụi gai, không cái gì mà không dễ thương, tất cả đều là Phật, tất cả pháp, kể cả sơn hà đại địa đều nhận lực chi phối của huệ Như Lai, đều là Pháp thân Phật. (9)

III.Thi Pháp thơ Thiền

Thơ Thiền được làm theo những nguyên tắc nhất định, có thể gọi là thi pháp. Thực ra không có hẳn một trường phái thơ Thiền, vì thế cũng không hề có lý luận về thi pháp thơ Thiền. Tuy nhiên, khi đọc thơ Thiền, người đọc có thể nhận ra một vài đặc trưng trong phép làm những bài kệ – thơ Thiền cuả các Thiền sư.

1.Thơ Thiền là kinh nghiệm tu chứng cuả Thiền sư, laø thôøi khaéc saùng loaø cuả tâm thanh tònh, an nhiên, đạt tới thực tại vô tướng, thể tính chơn như cuả hiện hữu. Ánh sáng cuả sự chứng ngộ ấy tạo nên cái đẹp thơ.

2. Thơ Thiền được viết bằng kiểu ngôn ngữ vô ngôn, xuất phát từ cách sử dụng ngôn ngữ cuả các Thiền sư. Đối với Thiền, ngôn ngữ được xem là lừa dối và sai lạc để thấu hiểu chân lý. Kinh Lăng Già khẩn thiết bảo ta rằng ngôn ngữ là một phương tiện hoàn toàn thiếu thích đáng để diễn đạt và truyền đạt nội thể của Giác Ngộ. Kinh Kim Cang viếtVô pháp khả thuyết thị danh thuyết pháp

(thuyết pháp là:  không có pháp nào có thể thuyết ấy là thuyết pháp) . Thực tại vô tướng, thể tính chơn như không thể diễn tả bằng ngôn ngữ, hay bằng ý niệm.

Vì thế đọc thơ Thiền, người đọc phải tìm ra cách nói cuả tác giả, nắm lấy diệu lý Thiền, vượt qua ngôn ngữ. Các Thiền sư phải trải qua vô số thử thách ê chề mới đạt tới được tuyệt kỹ này. Cách nói vô ngôn có thể gói trong những thí dụ sau (10): 1. Nói nghịch, 2. Nói vượt qua, 3. Nói chối bỏ, 4. Nói quyết, 5. Nói nhại, 6.Hét, 7. Phép im lặng, 8. Lý luận vòng tròn.

Nói nghịch là cách noí nghịch lý. Phó Đại Sĩ nói:

Tay không: nắm cán mai

Đi bộ: lưng trâu ngồi

Theo cầu qua bến nước

Cầu trôi nước chẳng trôi.

Nói vượt qua là cách nói thoát khỏi nhị nguyên khẳng định và phủ định.

Nói chối bỏ là cùng một người, và cùng một câu hỏi, lúc nói “”, lúc nói “không”.

Nói quyết cách nói lạc đề:

Một ông tăng hỏi Thiền sư Hoa Sơn (?): “Thế nào là Phật”,

Sư đáp: “Tôi biết đánh trống, tum đùng đùng” 

Nếu hiểu vạn pháp (mọi hiện hữu) đều có Phật Tính, và Phật tính hiện trong vạn pháp, thì dù trả lời lạc đề thế nào, hình ảnh trong câu trả lời vẫn dẫn đến Như lai.

Nói nhại là nhại lại câu hỏi cuả người hỏi:

Một ông tăng hỏi Trường Sa: “Làm sao chuyển non sông đất nước trở về cái tự kỷ?”

Sư đáp: “Làm sao chuyển cái tự kỷ thành non sông đất nước?”

Đối với các Thiền sư, lời nói, ngôn ngữ  là một thứ tiếng la, tiếng kêu, thoát ra từ sự tự chứng nội tại; nó vô nghĩa, vì thế muốn hiểu Thiền phải tự hiểu chính ta, không phải hiểu nghĩa của ngôn ngữ phản chiếu những ý niệm. Thiền không thể nói được cho những người chưa có tự chứng.

3. Thơ Thiền sử dụng một số diễn tả đã thành “điển“ cuả Phật giáo, như điển hoá Thiền thoại; diễn tả cái Cócái Không nhị nguyên bằng những chữ như sát (giết chết) và hoạt (cho sống), đoạt (cướp lấy) và dữ (ban cho), xúc (khẳng định) và bối (phủ định), bằng từ vựng Phật giáo như khổ, dục, vô thường, vô ngã,  tâm, an nhiên thanh tịnh v.v…

Ta gặp hình ảnh diễn tả tư tưởng Phật quen thuộc như: Tất cả các pháp là hữu vi, đều giống như sao đêm (tinh), như mắt loạn (), như ngọn đèn (đăng), như huyễn thuật (ảo), như sương mai (lộ), như bọt nước(bào), như cơn mộng (mộng), như ánh chớp (điện), như đám mây nổi (vân).

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố uý

Thịnh suy như lộ thảo đầu phôi

            (Vạn Hạnh Thiền sư)

Hoặc:

Hết thảy pháp hữu vi
Như chiêm bao, huyễn thuật,
Như bọt nước, ảo ảnh,
Như suơng mai, điện chớp,
Hãy quán chiếu như vậy.

          (bài kệ trong kinh Kim Cang )

Những hình ảnh quen thuốc ấy có nghiã riêng cuả giáo lý Phật. Tinh tú biểu tượng cho cái thấy. Mắt bệnh là ví dụ cho tướng của đối tượng.  Ngọn đèn là thức uẩn. Huyễn thuật là cư xứ, chỉ khí thế gian, Sương mai là ví dụ cho thân thể. Bọt nước là thọ dụng. Chiêm bao là thời gian quá khứ. Điện chớp là thời gian hiện tại. Vầng mâylà thời gian vị lai.

4. Một bài thơ Thiền có thể có hai lớp nghiã. Lớp nghiã nghiã tư tưởng, diễn tả sự chứng ngộ cuả tác giả về Chân Như, và lớp nghiã nghệ thuật, do hệ thống hình tượng thơ gợi ra. Lớp nghiã này được hiểu theo cách hiểu cuả cộng đồng, bằng tri thức, văn hoá thẩm mỹ cuả cộng đồng . Hai lớp nghiã này có khi đồng nhất, có khi là riêng biệt, tuỳ theo cách sử dụng kiểu ngôn ngữ cuả Thiền sư. Nếu ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ dạy đệ tử, lời dạy trực tiếp cho người chưa chứng ngộ, đó là kiểu ngôn ngữ đời thường, hai lớp nghiã này thường đồng nhất. Nếu Thiền sư biểu lộ sự chứng ngộ, thì đó là kiều ngôn ngữ vô ngôn, là tiếng kêu vô nghiã. Lúc ấy, nghiã tư tưởng và nghiã nghệ thụật là tách biệt, có khi không có quan hệ gì với nhau. Vì thế những cách đọc bằng phương pháp truyền thống,  phân tích nhân vật trữ tình, phương pháp Tiểu Sử, Phân Tâm Học , Phản ánh Luận , Cấu Trúc Luận … thường là bất lực trong việc giải mã thơ Thiền

IV Thử đọc một vài bài thơ Thiền

1Thiền sư Không Lộ (?-1119 )

Trạch đắc long xà địa khả cư

Dã tình chung nhật lạc vô dư

Hữu thì trực thướng cô phong đỉnh

Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.

                                                      Dịch:

Kiểu đất long xà chọn được nơi

Tình quê lai láng chẳng hề vơi

Có khi xông thẳng lên đầu núi

Một tiếng kêu vang, lạnh cả trời

            (Kiều Thu Hoạch dịch)

Hai câu đầu là trạng thái an lạc cuả Thiền giả. Chọn được đất rồng rắn có thể ở được. Tình quê vui vẻ (lạc) suốt ngày, không gì hơn. An nhiên, không vướng mắc sự đời, đó là trạng thái “Ưng vô sở trú “ . Sự vật (long xà điạ), con người (tác giả), thời gian (chung nhật) cùng hợp nhất. Lời thơ như là kể, là tự nói chuyện với chính mình, vì thế câu thơ không có chủ thể trực tiếp cho hành động “trạch đắc“(chọn được), hành động “”(ở), và trạng thái “lạc vô dư” (an vui không gì hơn ). Nếu tứ thơ tiếp tục phát triển theo hướng miêu tả cuộc sống nhàn nhã thảnh thơi, thì chưa hẳn đã là thơ Thiền, bởi an vi, “vô vi” cũng là cách sống cuả nhà Nho xưa, bài thơ sẽ trở thành thơ Nhàn cuả nhà Nho.

Hai câu sau là phút toả sáng sự chứng ngộ: Có lúc lên thẳng ngọn núi trơ trọi. Kêu một tiếng dài lạnh cả thái hư. Chứng ngộ Thiền là tự chứng, tự nội tâm mình, đơn độc. Người tu Thiền phải chiến đấu quyết liệt với chính mình, như người leo núi đơn độc. Núi ở đây có thể hiểu theo cách Trần Thái Tông nói về “bốn núi “: sinh, lão, bệnh, tử. Núi chính là ngũ uẩn, là vô minh, là nghiệp, là sắc tướng vô thường mà người tu Thiền phải vượt qua để đạt đến Ngã Không, đạt đến tự tánh. Theo Tổ Huệ Năng (11), tu Thiền là nỗ lực“kiến tánh thành Phật “. Chứng ngộ là thấy được tự tánh. Con người, vũ trụ là một, “tất cả tức một, một tức tất cả”. Con người có uy lực cuả vũ trụ.  Bởi vì tự tánh bao hàm toàn thể vũ trụ, tự do tự tại, đầy sinh lực sáng tạo, mà đồng thời cùng tự tri tự giác.Vì thế Không Lộ Thiền sư kêu một tiếng dài làm cả thái hư lạnh lẽo. Đó là cách nói biểu hiện sự chứng ngộ.

Trong thực tế sẽ chẳng có ai lên thẳng đỉnh núi cô độc, ở đó một mình với chính mình, kêu dài một tiếng làm lạnh cả thái hư. Tại sao hai câu đầu là tâm an lạc mà hai câu sau lại là trạng thái cô độc tuyệt đối: đỉnh núi cô độc và con người cô độc trên đỉnh núi? Tại sao con người không ở yên trong an lạc mà lại lên thẳng đỉnh núi cô độc kêu lên một tiếng dài, tiếng kêu tan vào thái hư? Rõ ràng là hai tình huống ngôn ngữ không logic với nhau, thậm chí tương phản nhau. Người đọc nhận ra kiểu ngôn ngữ vô ngôn, trong cách nói quyết. Tứ thơ là những hình ảnh vô nghiã. Nó chỉ là tiếng kêu từ tâm chứng ngộ. Ngôn ngữ không phản ánh hiện thực hay phản ánh con người nhà thơ…

 Để hiểu hình ảnh núi, xin đọc bài kệ cuả thiền sư Ranryô (12)

  Thiền định và trì niệm

   Như hai toà núi lớn

   Căn cơ người sai khác

   Phật tánh vốn chung đồng

   Kẻ lên được tận đỉnh

  Thấy trăng chiếu muôn nơi

   Thương người thiếu tín tâm

   Mờ mịt giưã dốc ghềnh

Ranry-Ô giúp ta hiểu  “kẻ lên tận đỉnh núi “ cuả Không Lộ Thiền sư là “ đỉnh núi cuả thiền định và trì niệm “, con đường dẫn đến giác ngộ. Đạt tới đỉnh núi là đạt tới chứng ngộ.

Bằng cách đọc theo phản ánh luận, kết hợp với việc phân tích nhân vật trữ tình, và “tán “thơ “, có người hiểu hai câu thơ cuả Không Lộ Thiền Sư thế này: (13)

“Có khi đỉnh núi trèo lên thẳng

Một tiếng kêu vang lạnh cả trời “

Hai câu thơ cao khiết mà cô đơn lạ! Cái ý tưởng nào mà chợt đến, chợt đi (có lúc), mà táo bạo (trèo lên thẳng) với tâm thế hết sức cô đơn (đỉnh núi trơ trọi). Tiếng kêu ấy thảng thốt biết bao làm cho cả bầu trời rùng mình, ớn lạnh. Phải chăng đây là khát vọng vươn tới cái cao cả, cái nằm ngoài giới hạn cuả con người? Phải chăng đây cũng là ước mơ cháy bỏng hoà đồng với thiên nhiên, ngang tầm với vũ trụ? Dù sao thì hai câu thơ tự chắp cánh cho mình, một thời đã làm run lạnh cả bầu trời ấy, đến nay vẫn làm chúng ta giật mình ngơ ngác. Vì nó lớn lao quá mà rất đỗi thiết tha. Nó rất “con người”. (Tôi xin không có lời bình về cách hiểu này)

Cái hay cuả bài thơ này là gì? là sự thể hiện tư tưởng Phật  hay ở hình tượng và  nghệ thuật thơ ?

Có thể thấy rằng, cái hay cuả bài thơ thể hiện ở tính độc đáo trong cách diễn tả sự chứng ngộ Phật và ở hình tượng thơ mới lạ. Ở Thiền, sự chứng ngộ cuả mỗi Thiền sư là sự chứng ngô riêng, độc đáo và đột khởi, đốn ngộ. Không Lộ Thiền sư cũng chứng ngộ như thế: lên thẳng đỉnh núi cô độc, kêu dài một tiếng làm lạnh thái hư. Đó là ý nghiã tư tưởng. Ý nghiã nghệ thuật cuả hình tượng thơ lại đem đến cho người đọc những mỹ cảm khác. Đó là vẻ đẹp tâm hồn dung dị cuả nhà thơ hoà mình trong đời sống dân dã, đằm thắm trong cái tình quê suốt ngày vui không gì hơn. Hình ảnh nhà thơ có lúc đã từng lên thẳng đỉnh núi cô độc, kêu một tiếng dài, âm vang làm lạnh thái hư. (Những người ở rừng ở núi thường dùng tiếng kêu dài, hú dài để gọi nhau) Có lẽ nhà thơ đã khám phá ra sức mạnh cuả chính mình trong thiên nhiên và trong thái hư (vũ trụ). Bài thơ gợi ra hình ảnh một Thiền sư ở giưã cuộc sống, giưã thiên nhiên, vưà ung dung giản dị, vưà mạnh mẽ phi thường, vượt lên tất cả, hoà nhập tất cả, “tất cả tức một, một tức tất cả”.

2. Thieàn sö   Mugaku (14)là người sáng lập Thiền Tông Nhật Bản. Sư sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc, ngộ Thiền từ 12 tuổi. Năm 1275 quân Mông cổ tràn vào Trung Quốc. Mugaku lúc ấy đã xuất gia, di tản khỏi chùa. Một năm sau chiến sự lại tràn đến, sư ở lại chuà. Khi ấy Mugaku đang tĩnh toạ tại chánh điện, quân Mông Cổ tràn vào. Chúng kề gươm vào cổ ngài mà uy hiếp. Ngài điềm nhiên đọc một bài kệ, quân Mông Cổ hạ gươm rồi rút lui. Bài kệ như sau:

Gom toàn thể thế giới

Chẳng vừa một đầu gậy

Vạn pháp vốn là không

Vô thường và vô ngã

Lưỡi gươm bọn hung nô

Lấp loáng cắt xuân phong.

                      (Thiền sư   Mugaku)

Trước hết bài kệ là cách sư Mugaku trả lời cho sự uy hiếp cuả quân Mông Cổ. Chúng lấy cái chết để đe doạ Thiền sư. Ngài noí: toàn thể thế giới là quá nhỏ, gom toàn thế thế giới chẳng vưà một đầu gậy. Mọi hiện hữu (vạn pháp) đều là Không, vậy sự hiện hữu cuả Ngài là vô ngã, nào có nghiã gì. Nếu lưỡi gươm tàn bạo cuả quân Mông có lấp loáng, cũng chì là cắt vào gió xuân, cắt vào Không. Lời cuả sư chỉ ra rằng, sức mạnh vật chất tàn bạo cuả quân Mông Cổ, dù có chém đầu ngài, cũng chỉ là vô nghiã. Vì chúng là Không, và chúng đối diện với Không. Nội dung tư tưởng cuả bài kệ là triết lý tính Không về bản thể cuả hiện hữu vô thường vô ngã cuả Phật.

Cái hay cuả bài kệ là ở chỗ Thiền sư đã làm hiển lộ sức mạnh, uy lực cuả sự chứng ngộ, con người, vũ trụ là một, tự do, đầy sinh lực sáng tạo. Đối diện với sức mạnh ấy, quân Mông Cổ phải buông gươm.

Nhưng bài kệ còn hay ở hình tượng thơ được nhà sư dụng để thể hiện tư tưởng Phật. Nó vưà tạo ra cái thẩm mỹ, vưà bộc lộ trình độ giác ngộ và uy lực cuả tác giả

Gom toàn thể thế giới

Chẳng vừa một đầu gậy

Cả thế giới gom lại chẳng vưà một đầu gậy, con người này có tầm vóc, uy lực lớn lao mạnh mẽ đến thế nào! Con ngưới ấy có thể gom cả thế giới lại, và cả thế giới là quá bé nhỏ trong tay con người. Một tứ thơ như vậy quả là lạ. Nó chưá đựng sức mạnh Phật.

Lưỡi gươm bọn hung nô

Lấp loáng cắt xuân phong                             

Tứ thơ cuối sáng lên một cái đẹp nghệ thuật khác: lưỡi gươm lấp loáng cắt gió xuân. Tất cả sự tàn bạo cuả quân Mông Cổ trở nên vô nghiã vì cắt vào Không, nhưng tứ thơ có sự chuyển nghiã, tất cả sự tàn bạo, đẫm máu, thăng hoa thành cái đẹp “lấp loáng trong gío xuân “. Không còn máu chảy, đầu rơi, tang thương, chết chóc. Sức mạnh tàn bạo cuả sự chết chuyển hoá thành sức mạnh sáng láng cuả sự sống (muà xuân)

Nghiã tư tưởng (Thiền) và nghiã nghệ thuật cuả tứ thơ có sự chuyển hóa đột ngột, mạnh mẽ, mới lạ. Ở bài này sử dụng ngôn ngữ đời thường, lời thơ là lời Thiền sư nói với quân Mông Cổ, vì thế nghiã tư tưởng và nghiã nghệ thuật có thể trùng với nhau.      

3. Mãn Giác đại sư (1052-1096)

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân lai bách hoa khai

Sự trục nhân tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Dịch:

Xuân ruổi, trăm hoa rụng   

Xuân tới, trăm hoa cười   

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi       

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua, sân trước, một cành mai.

                              (Ngô Tất Tố dịch)

Bốn câu đầu là hình ảnh diễn tả tính chất vô thường, vô vọng, cuả hiện hữu trong không gian, thời gian. Cuộc sống luôn vận động trong nhân duyên, có sinh thì có diệt, luân hồi mãi trong cõi sinh tử. Xuân đến rồi xuân đi, hoa nở rồi hoa rụng. Sự việc cứ trôi đi trước mắt.Tuổi già đến trên đầu. Bản thể cuả hiện hữu là vô thường, chẳng có gì tồn tại. Con người chẳng thể níu kéo được gì, chẳng thể níu kéo tuổi xuân cho mình.

Hai câu cuối là sự chuyển hoá lạ lùng, như được thốt ra từ sự chứng ngộ. Đừng tưởng xuân tàn thì hoa rụng hết. Hoa vẫn nở đấy:  Đêm qua, một cành mai đã nở trước sân. Mãn Giác đại sư đã vượt qua vô thường, vượt qua tử sinh, vượt qua luân hồi.  Đại sư đã nhìn thấy cành mai nở trước sân, như Ca diếp mỉm cười chứng ngộ khi nhìn thấy đức Phật giơ cành hoa lên.  Mãn Giác đại sư cũng đang mỉm cười. Cành mai ấy là cành mai tư tưởng, sáng lên một cách lạ lùng trong bóng tối cuả vô thường đã lùi lại phiá sau. Đó là ý nghiã tư tưởng Thiền cuả bài kệ.

Đọc bài thơ này bằng phương pháp cấu trúc luận, Như Huy có những kiến giải thú vị về ý nghiã bài thơ, nhưng Như Huy chưa phát hiện ra sự chứng ngộ cuả mãn Giác (15)

Ở bài kệ này, ngôn ngữ là lời “thị đệ tử “, là lời dạy bảo trực tiếp, ngôn ngữ đời thường. Nhưng lời dạy ấy được diễn tả bằng hình ảnh, tạo nên tứ thơ, Kệ trở thành thơ. Hình tượng nghệ thuật cuả thơ mang đến một ý nghiã khác. Đó là cái nhìn thanh xuân cuả một người tuổi già đã đến trên đầu. Trong cái nhìn ấy muà xuân tồn tại mãi, sự sống vẫn tươi tắn, cái đẹp vẫn tồn tại, dù tất cả vẫn qua đi như một quy luật không cưỡng lại được. Tứ thơ “Đêm qua, sân trước, một cành mai.” Là một tứ thơ mới lạ cả về nghệ thuật và tư tưởng thẩm mỹ. Nhà thơ chọn trong trăm hoa rụng một cành mai tươi nở. Cái đẹp trong ý thức sáng tạo cuả nhà thơ là cành mai, là muà xuân, là tuổi trẻ, là sự sống và một niềm tin vĩnh cửu. Đối với người Việt Nam, cành mai luôn là hình ảnh gần gũi cuả mọi nhà mỗi khi xuân về, chẳng bao giờ thiếu muà xuân trên đất nước trăm hoa này. Điều này giúp chúng ta hiểu được tại sao bài thơ gắn kết lâu bền trong thi ca dân tộc và trong tâm hồn người Việt như vậy.

4. Thơ Thiền Bùi Giáng (16)

Thơ Bùi Giáng có tư tưởng Thiền. Bùi Giángnhận ra “tinh thể đười ươi “ trong thân phận người .

Hoặc rằng người cũng là tôi
Hay là tôi cũng là tôi như người
Ấy rằng tinh thể đười ươi
Lời rằng quyết tuyệt và tươi vui và
Ấy rằng một cũng là ba
Là hai mai một mốt là hôm nay.

Trong Thiền Luận, Daisetz Teitaro Suzuki nhắc đến Thiền Thoại sau: Khi Ngưỡng Sơn (804-899) hỏi về Phật tánh. Thiền Sư Hồng Ân giảng như vầy: “Như ngôi nhà có sáu cửa nhốt khỉ đột. Ở ngoài có người hô to “khọt khọt”, khỉ đáp lại “khọt khọt”, cứ thế sáu cửa cùng hô cùng ứng. Ngưỡng Sơn hỏi lại: “Ví như lúc ấy khỉ ngủ thì sao?”. Hồng Ân bước xuống một tay nắm Ngưỡng Sơn, vừa múa vừa nói: “Khỉ ơi khỉ ơi, ta với ngươi cùng đối mặt nhau đây”. Bùi Giáng thay khỉ bằng đười ươi, tạo ấn tượng mạnh hơn vì đười ươi hay cười. Đó cũng là hình ảnh nghệ thuật Bùi Giáng tự vẽ chân dung cuả chính mình

Đoạn thơ trên biểu hiện tâm hồn, tính cách, kiều nói năng rất Thiền cuả Bùi Giáng. Bùi Giáng nhận ra Phật Tánh trong hình hài đười ươi cuả người, cuả tôi. “người cũng là tôi, tôi cũng là người, ấy rằng tinh thể đười ươi “. Vũ trụ, thời gian là nhất thể, tự tại, không sinh diệt: “một cũng là ba, là hai, là một; mai, mốt cũng là hôm nay “. Sự giác ngộ như thế là bước giác ngộ thứ nhất để dẫn đấn đại ngộ. Bùi Giáng không nhìn tha nhân như người khác mà nhìn tha nhân trong cùng một bản thể Phật tính, không nhìn tha nhân như người cuả thế giới khác, vũ trụ khác, mà nhìn tha nhân trong hiện hữu thường hằng, quá khứ- hiện tại – tương lai – không gian – thời gian là một. Trong một tương quan như thế, người đọc thấy Bùi Giáng an nhiên ngay trong cuộc sống thực tại.

Cái hay cuả đoạn thơ ấy là kiểu ngôn ngữ Bùi Giáng. Ngôn ngữ như bông đuà. Nói chuyện tư tưởng thâm sâu cuả sự chứng ngộ mà tếu táo chẳng đâu ra đâu, lẫn lộn lung tung. Thực ra Bùi Giáng cố ý xáo trộn ngôn ngữ, dùng cách nói vòng (kiểu ngôn ngữ cuả các Thiền sư),  tạo ra sự xáo trộn trật tự logic cuả ngôn ngữ đời thường, xáo trộn không gian, thời gian, đạt tới sự diễn tả tư tưởng.

Ấy rằng một cũng là ba
Là hai mai một mốt là hôm nay.

Để hiểu câu thơ này, cần sắp xếp lại ngôn từ theo logic cuả ngôn ngữ đời thường. một-hai-ba (không gian) -mốt-mai-hôm nay (thời gian), tất cả là một. Vạn pháp là một Phật tính. Phật tính hiển hiện trong vạn pháp. Tuy nhiên đoạn thơ không phải là tâm thế đốn ngộ cuả Bùi Giáng. Bùi Giáng chỉ mượn tư tưởng Thiền để thể hiện cá tính sáng tạo cuả mình, một cá tính tài hoa. Vì thế thơ Bùi Giáng là thơ cuả một nghệ sĩ tài hoa, khác với những bài kệ / thơ Thiền cuả các Thiền sư.

5. Thơ Thiền Trần Ngọc Tuấn (17)

Trần Ngọc Tuấn là một nhà thơ trẻ. Thật đáng ngạc nhiên vì Tập Suối reo cuả anh là một tập thơ Thiền. Trong tình hình người trẻ làm thơ hiện nay, thì sự chọn lựa ấy cuả Trần Ngọc Tuấn là sự chọn lưạ đầy khó khăn. Trần Ngọc Tuấn không phải là một Thiền sư, anh vẫn đang sống lăn lộn giưã đời,  vì thế Suối Reo là thơ của đời ánh lên sắc Thiền, thơ của một con người còn đang “ qua dốc sương mù

Gánh củi qua dốc sương mù

Mồ hôi giọt gịot gió ù ù bay

Nghìn tia nắng dệt trang ngày

Bước chân hoan hỉ, đêm này lửa reo

Sống là gánh lấy bao nhiêu nỗi vất vả như người gánh củi. Ngày đêm phải vượt qua con dốc sương mù và đương đầu với gió ù ù bay. Nếu nhìn nhận cuộc đời như thế, tác giả sẽ chuyển bài thơ thành tâm tình thở than. Thế nhưng Qua Dốc Sương Mù lại rực rỡ ánh sáng của sự thăng hoa. Đó không phải là thứ ánh sáng thiên nhiên của nghìn tia nắng, hay ánh sáng của đêm lửa reo, mà là ánh hào quang của Phật. Nỗi vất vả, thống khổ trở thành con đường hạnh ngộ. Qua dốc sương mù là vượt qua vô minh, vượt qua khổ (Diệu đế I). Người gánh củi kia tỏa ánh hào quang của Phật trong “bước chân hoan hỷ ‘. Bài thơ không miêu tả hiện thực gánh củi mà tả khỏanh khắc chứng ngộ đầy hỷ hoan trong ánh sáng toả ra từ Tâm Bát Nhã. Hiện thực đuợc nhìn bằng Trí Huệ Bát Nhã (Prajna). Đó là ý nghiã tư tưởng cuả bài thơ.

Người ta có thể hiểu bài thơ khác đi qua cách đọc phản ánh hiện thực. Bài thơ là cái nhìn lạc quan, là tấm lòng nhân hậu Trần Ngọc Tuấn đối với người gánh củi. Bài thơ cũng là một bức tranh  tả cảnh gánh củi vất vả,  trên nền thiên nhiên rạng rỡ, trong ánh sáng ấm áp cuả bếp lửa gia đình do củi mang laị, từ đó nói đến một  tiến trình tư tưởng tích cực, suy từ sự  vất vả đến hạnh phúc mà người gánh củi đạt được.

Ở bài thơ này, Trần Ngọc Tuấn chưa đạt đến các nói cuả Thiền sư. Ngôn ngữ thơ không phải là kiểu ngôn ngữ vô ngôn cuả Thiền, vì thế nghiã tư tưởng và nghiã nghệ thuật có thể chồng khít lên nhau, không tinh ý khó có thể nhận ra ý nghiã Thiền cuả bài thơ. Dầu vậy bài thơ cũng có được những tứ thơ hay và ngôn ngữ nghệ thuật tinh ròng. Sự kết hợp Tứ Tuyệt với Lục bát tạo nên màu sắc thẩm mỹ riêng, vưà có cái cô đọng tư tưởng cuả Tứ Tuyệt, vưà có cái mền mại thanh thoát cuả Lục Bát, vưà có sự sang trọng cuả tư tưởng vưà có sự dung dị dân dã cuả hồn thơ.

6. Thơ Thiền Phạm Thiên Thư

Tôi chưa có dịp nói đến những kinh Phật được Phạm Thiên Thư phổ thơ như  Qua Suối Mây Hồng – Kinh Ngọc (thi hóa Kinh Kim Cương), Hội Hoa Đàm – Kinh Hiền (thi hóa Kinh Hiền Ngu, 12 ngàn câu lục bát), Suối Nguồn Vi Diệu – Kinh Thơ (thi hóa Kinh Pháp Cú)

Chỉ xin thử đọc một đoạn trong bài Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng cuả Phạm Thiên Thư (PTT) xem thơ Thiền cuả Phạm Thiên Thư có thi vị thế nào. Đặc sắc thơ Phạm Thiên Thư là thơ tình có vị Thiền. Điều này lạ. Bởi vì tình là khổ luỵ. Thiền là cắt đứt nghiệp chướng. Phạm Thiên Thư đã tạo nên sự kết hợp này thế nào? xin đọc:

21
Em nằm ngó cội thu xanh
Môi ươm đào lý một nhành đôi mươi
Về em vàng phố mây trời
Tay đơm nụ hạ hoa dời gót xuân

22
Thì thôi tóc ấy phù vân
Thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương
Thì thôi mù phố xe đường
Thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi

Nội dung đoạn thơ là câu chuyện tình yêu, là những lời yêu Phạm Thiên Thư gửi đến người tình, nhưng những  ý tứ Thiền lại hiển lộ rất rõ trong cái nhìn, trong ngôn ngữ, trong tâm thức nhà thơ: phù vân, sương, mù, đoạn trường. Trong khổ thơ này Phạm Thiên Thư không dụng ý thể hiện tư tưởng Thiền, nhà thơ chỉ mượn từ ngữ, ý tứ để diễn tả tâm trạng yêu. Phạm Thiên Thư nhìn người yêu mà suy gẫm, lúc nằm, lúc về, hình hài ấy, dáng vẻ ấy: môi thanh xuân đào lý đấy, tay đơm muà hè, gót dời hoa xuân. Nhưng mà hiện hữu ấy, tóc ấy chỉ là phù vân; lệ ấy, dáng ấy mong manh như sương. Em tuy đẹp, tuy dào dạt đào lý, dào dạt yêu thương trong mắt lệ, em giưã cội thu xan , giưã vàng phố mây trời,  nhưng chỉ là vô thường, chỉ là khổ (đoạn trường) chỉ là vô minh (mù) , là  hư huyễn( phù vân ). Trái tim nhà thơ thốt lên nỗi buồn thương không sao ngăn được. Nhà thơ kêu lên nhiều lần “thì thôi “, chấp nhận thực tại, để rồi buộc phải nói lời ly tan “thôi thì thôi nhé”. Bản chất cuả hiện hữu là thế, và tình yêu, dù thăng hoa đẹp đẽ thế nào cũng không thoát ra được. Phạm Thiên Thư- người tình, chỉ còn mong

Mai anh chết dưới cội đào
Khóc anh xin nhỏ lệ vào thiên thu

Thiền vị đem đến những giá trị thẩm mỹ gì cho thơ Phạm Thiên Thư?

Thơ Phạm Thiên Thư sang trọng, thanh cao là nhờ ở Thiền Vị. Phạm Thiên Thư cũng viết về đoạn trường, chia li, cũng viết về mắt, về môi, về dáng đứng, dáng nằm cuả người con gái, nhưng tuyệt nhiên không nhuốm mùi nhục thể, tuyệt nhiên không rực lưả dục vọng. Cũng là nước mắt, cũng là ly tan, nhưng không có hờn ghen oán trách tình phụ, không bi luỵ tang thương. Thiền vị làm thăng hoa thơ tình Phạm Thiên Thư

Thật khác xa với cái nhìn tang thương bi đát cuả Nguyễn Gia Thiều trong Cung Oán Ngâm Khúc

“…Ngọn tâm hoả đốt dầu nét liễu

Giọt hồng băng thấm ráo làn son…

…Nghĩ thân phù thế mà đau,

Bọt trong bể khổ, bèo dầu bến mê…

…Phong trần cả đến sơn khê

Tang thương đến cả hoa kia cỏ này…”


Sự khác biệt ấy là ở chỗ Phạm Thiên Thư đã “ ngộ” được chân lý Thiền, trong khi Nguyễn Gia Thiều còn đang ngụp lặn ở bến mê.

Thật thú vị nếu tiếp tục đi sâu hơn nưã trong việc xem xét ảnh hưởng cuả Thiền trong thơ ca. Chẳng hạn Nguyễn Du trong bài Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài cho biết ông đã từng đọc hàng ngàn biến kinh Kim Cang .

Ngã độc Kim Cang thiên biến linh
Kỳ trung áo nghĩa đa bất minh
Cập đáo phân kinh thạch đài hạ
Tài tri vô tự thị chân kinh.”

           ( Ta đọc hơn ngàn biến Kinh Kim Cang, những ý nghĩa sâu kín trong đó phần nhiều ta không rõ. Đến hôm nay tới đài chia kinh này mới biết rằng Vô tự chính là Chân kinh.)

Tuy nhiên điều ấy nằm ngoài phạm vi cuả bài viết này: Một cách tiếp cận thơ Thiền .

Quả là nếu tiếp cận đúng hướng thơ Thiền, người đọc có thể thưởng thức được những giá trị, những khoái cảm thẩm mỹ đặc biệt mà thơ Thiền đem lại. Nhìn trong quá trình phát triển, những bà Kệ thuần tính cách nghi lễ, khi được diễn đạt bằng ngôn ngữ hình tượng biểu cảm, đã chuyển hoá thành  thơ.Thơ Thiền cuả các Thiền sư có sự chuyển hoá ấy. Và khi Thiền thâm nhập được vào trái tim nhà thơ thế tục, Thiền vị tạo nên cái đẹp mới lạ trong những áng thơ, có khi đọc không hiểu, song vẫn có thể cảm nhận được qua hình tượng tư tưởng-thẩm mỹ như thơ Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư. Con đường phát triển ấy còn nhiều hưá hẹn cho thơ ca Việt Nam.

                                                                                                                        Tháng 10 / 2007

Nguồn: Chút tình tri âm-Bùi Công Thuấn, Lý luận phê bình. Nxb Hội Nhà Văn. 2009

___________________________________________________________________________ 

(1) Thiền Uyển Tập Anh

(2), (12), (14)101 Giai Thoại Thiền” – Thomas Cleary Nxb Tp Hồ Chí minh 2001. Tr.144

(3) “Đức Phật Đã Dạy Những Gì” – Hòa thượng WALPOLA RAHULA – Thích Nữ Trí Hải dịch -1998

(4), Bài thuyết pháp thứ 2 cuả Đức Phật Anattalakkhana Sutta – Kinh Vô Ngã Tướng.  
(5)Thập nhị nhân duyên:  Suốt thời gian bảy ngày đầu tiên sau khi thành đạo, Đức Phật ngồi không lay động

     dưới tàng cây Bồ Đề. Trong đêm cuối tuần, Ngài xuất thiền và suy niệm về Thập Nhị Nhân Duyên

     (Paticca Samuppada), đó là Vô minh, nghiệp, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh

     , Lão, Tử.

(6),(10), (11)Thiền Luận  –  SUZUKI

(7) “Tìm hiểu về Thiền Tông Phật Giáo Trung Hoa”.-Nguyễn Tuệ Chân – nxb Đà Nẵng 2006.tr34

(8)Giới thiệu và giải thích đề kinh Kim Cương Bát Nhã “-Thích Thái Hòa

(9)Giới thiệu Kinh Hoa Nghiêm” – Hoà Thượng Thích Trí Quảng

(13) “Thơ văn Lý Trần” – Nhà văn và tác phẩm trong nhà trường- Nxb Giáo dục 1999.Tr.63

(15) Đọc thêm: Như Huy –Thêm hai cách đọc bài thơ / kệ “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền Sư”

       http://www.tienv,org

(16) Đọc thêm: Bùi Công Thuấn – “Bùi Giáng, ai người chia sẻ

(17) Đọc thêm: Bùi Công Thuấn – “Một mình ra khơi “ (về tập Suối Reo cuả Trần Ngọc Tuấn , Nxb Hội Nhà

        Văn 2006). Bài này đã đăng trên Văn Nghệ Trẻ ngày 28/01/2007

Đã đăng trên Giác Ngộ online.

https://giacngo.vn/mot-cach-tiep-can-tho-thien-post2068.html