DƯ ÂM ĐẠI HỘI LẦN THỨ X-HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

DƯ ÂM ĐẠI HỘI LẦN THỨ XHỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

Bùi Công Thuấn

***

Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 (ảnh chụp sau cuộc họp đầu tiên)

            Dư âm còn lại trong tôi sau những ngày dự Đại hội lần thứ X – Hội Nhà văn Việt Nam (23-25/11/2020)  là niềm vui về một Đại hội chuyển giao thế hệ và những băn khoăn về con đường trước mặt của văn chương Việt Nam.

MỘT ĐẠI HỘI YÊN Ả ĐẾN NGẠC NHIÊN

            596 nhà văn dự Đại hội, nhưng chỉ có một ý kiến của đại biểu 90 tuổi. Cụ lên đọc phát biểu trang trọng, bài bản. Mặc dù hội trường rất trật tự nhưng tiếng của cụ lạc vào cõi nào. Lũ nhà văn thế hệ con cháu cụ ngồi phía dưới chỉ thấy tội nghiệp cho cụ.

Có nhiều thời gian dành cho tham luận và phát biểu ý kiến nhưng cũng không có nhà văn nào lên tiếng. Cả khi chờ kết quả kiểm phiếu, chủ tịch đoàn kêu gọi nhà văn trình bày ý kiến tự do (không cần đăng ký trước), cũng không ai đăng đàn. Người này nhìn người kia, cười. Xong! Cả hội trường im lặng, nói chuyện thì thầm. Điều này gây kinh ngạc vì ở đại hội cơ sở còn có một vài ý kiến, càng kinh ngạc so với các kỳ đại hội trước, người ta tranh cướp micro để phát biểu.

            Nguyên nhân có thể là, Chủ tịch đoàn đã không tổng kết ý kiến ở các đại hội cơ sở để đại hội đại biểu thảo luận thêm, thành ra, các nhà văn thấy rằng có phát biểu gì thêm cũng không ai nghe. Đại hội là nơi làm việc của Ban chấp hành. Ban chấp hành đọc báo cáo, Ban chấp hành kiểm điểm, Ban Chấp hành trình bày những nội dung điều lệ Hội cần thay đổi, Ban chấp hành đề ra phương hướng nhiệm vụ cho nhiệm kỳ mới. Rồi bầu Ban chấp hành cgho nhiệm kỳ mới. Đại hội không giải quyết những vấn đề của nhà văn. Nhà văn đi dự đại hội chỉ làm một việc (được coi là có tinh thần dân chủ) là giơ tay biểu quyết đồng thuận với Ban chấp hành về những “thành tích” lớn lao của nhiệm kỳ (2015-2020), và hợp thức hóa những gì đã được quyết định. Thế là đại hội thành công tốt đẹp.

            Nguyên nhân thứ hai có thể là, những nhà văn hay phát biểu ở những đại hội trước gần như không có ai trong đại hội này. Đại hội lần trước (2015) và lần này(2020), Điều lệ hội đã loại tất cả những hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tham gia vào một tổ chức đoàn thể khác mà chưa được phép của Bộ nội vụ. Nhờ thế không khí đại hội rất vui vẻ, yên lành và đầy chất nhân văn. Chỉ hơi lộn xộn một chút lúc có đông đại biểu cùng lên bỏ phiếu. Thế là đại hội thành công tốt đẹp.

            Gọi là thành công tốt đẹp vì Đại hội đã bầu được một Ban chấp hành 11 nhà văn tài năng ở khắp các vùng miền tổ quốc, có thể đại diện cho nhiều vùng văn học khác nhau, và nhờ đó có thể kích thích sự phát triển văn học đồng đều ở những nơi mà trước đây chưa được chú ý.

Nhưng nếu coi đó là một thành công thì phải giải thích thế nào khi Ban chấp hành nhiệm kỳ IX-HNV khi chỉ có 6 người? Đã có ý kiến cho rằng, Ban chấp hành nhiệm kỳ IX chỉ là Ban chấp hành của Hội nhà văn Hà Nội, hay là Ban chấp hành của Văn nghệ quân đội! Và nếu như thế thì những “thành tích” mà Ban chấp hành nhiệm kỳ IX đạt được có là “thành tích” của hơn 1000 hội viên HNV không? 1616 tác phẩm của hội viên trong 5 năm (2015-2020) có phải là do sự thúc đẩy và hỗ trợ sáng tác của Ban chấp hành đối với từng hội viên mà đạt được như vậy chăng?

 Câu trả lời là không. Sự thật là, mỗi nhà văn tự thân sáng tác, tự mình rao bán bản thảo, hoặc tự bỏ tiền ra in tác phẩm, rồi tự phát hành hoặc đa số chỉ in vài trăm bản để tặng bạn bè. Ban chấp hành nhận những nỗ lực của từng nhà văn ấy là thành tích của Hội, tôi e những nhà văn tự in, tự phát hành tác phẩm của mình sẽ không bằng lòng đâu! Bởi vì đó không phải là kết quả của kế hoạch “đẩy mạnh sáng tác” của Ban chấp hành Hội.

Tôi xin kể một chuyện nhỏ. Năm 2017 tôi gửi đến nhà xuất bản Hội Nhà văn (Hà Nội) xin giấy phép cuất bản cuốn “Lý luận và phê bình văn học-Diện mạo của một thời”. Lúc ấy nhà thơ Đỗ Hàn nhận bản thảo. Nửa tháng sau tôi được biên tập viên gọi trả bản thảo và không cấp giấy phép. Tôi hỏi lý do, biên tập viên trả lời: không phù hợp với “Luật xuất bản” và không giải thích gì thêm. Tôi không rõ lúc đó nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đang phụ trách nhà xuất bản HNV có đọc và ra lệnh không cấp giấy phép hay không? Tôi tự so sánh cuốn sách của mình với cuốn “Luận chiến văn chương” của Chu Giang thì thấy cuốn sách của mình nhẹ tênh. Cuốn sách của tôi chỉ ghi nhận diện mạo phê bình của một thời “như nó là”, vậy mà không in được. Tháng 2/ 2020 tôi gửi bản thảo đến nhà xuất bản Hồng Đức xin phép xuất bản cuốn “45 năm văn học Việt Nam”, tôi chờ đến nay đã 10 tháng vẫn không thấy tăm hơi gì. Tháng 8/2020 tôi gửi đến Nxb Hội Nhà văn chi nhánh miền tây Nam bộ xin giấy phép xuất bản cuốn “Về thăm một miền quê”, đến nay đã 4 tháng vẫn chưa được cấp phép. Tôi không rõ vì lý do gì. Tôi là một hội viên Hội Nhà văn, trong ba năm in  3 cuốn sách. Tôi viết với trình độ chuyên nghiệp và ý thức trách nhiệm cao, nhưng không xin được giấy phép xuất bản. Vậy Ban chấp hành Hội “đẩy mạnh sáng tác” đến từng hội viên như thế nào? Sai tôi không nhận được sự trợ giúp của Hội? Ấy là chưa nói, trong nhiều năm gần đây, những bài phê bình văn học của tôi gửi đến báo Văn nghệ, đến trang vanvn.net của Hội cũng bị loại mà không một lời phản hồi của Ban biên tập!

Hình như việc “đẩy mạnh sáng tác” của Ban Chấp hành chỉ nằm trong hoạt động tổ chức trại sáng tác và tổ chức các cuộc thi thơ, thi tiểu thuyết. Và “thành tích” đẩy mạnh sáng tác chỉ là vài chục cuốn sách đoạt giải, không tạo được ấn tượng gì đối với công luận? Nếu vậy thì sao nói được, trong 5 năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã làm tốt nhiệm vụ chính trị?

Tôi nghĩ các nhà văn dự đại hội biết rõ điều này: Nhiều nhà văn không còn sáng tạo được vì quá già. Mắt đã mờ, lưng đã mỏi, tay đã run, thì làm gì có được những tác phẩm “kết tinh” hiện thực lớn lao của dân tộc, làm sao vươn tới được “tác phẩm đỉnh cao” về tư tưởng và nghệ thuật xứng tầm với dân tộc này, một dân tộc đang bước đi những bước thần kỳ vào thế kỷ XXI, biết thế nên nhà văn tự im lặng! Còn Ban chấp hành, các vị cứ làm tốt nhiệm vụ chính trị của mình.

Việc chính là, Ban chấp hành phải thực hiện cho được nhiệm vụ chính trị, còn chuyện sáng tác những tác phẩm đỉnh cao của hội viên là chuyện lâu dài, hãy đợi đấy! Trước mắt Hội Nhà văn cứ làm công tác phong trào, cứ cổ vũ hội viên viết những tác phẩm phong trào, tạo những “dàn đồng ca” hoành tráng, thế cũng là tốt rồi. Trong 5 năm, hội viên in được 1616 tác phẩm là thành công rồi. Không có văn chương phong trào thì làm gì có tác phẩm đỉnh cao. Cách làm văn chương từ trước đến giờ vẫn thế!

ĐẠI HỘI CHUYỂN GIAO THẾ HỆ

Ban chấp hành nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 11 nhà văn ở khắp các vùng miền trong nước.

1.Nhà văn Nguyễn Quang Thiều 1957 (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam).

2.Nhà thơ Trần Đăng Khoa 1958 (Phó Chủ tịch Hội).

3.Nhà văn Nguyễn Bình Phương 1965 (Phó Chủ tịch Hội).

4.Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ 1966 (Ủy viên Ban Thường vụ)

5.Nhà văn Bích Ngân 1960 ( Ủy viên Ban Chấp hành),

6.Nhà văn Khuất Quang Thụy 1950 (Ủy viên Ban Chấp hành)

7.Nhà thơ Trần Hùng 1957 (Ủy viên Ban Chấp hành)

8.Nhà thơ Lương Ngọc An 1965 (Ủy viên Bân Chấp hành)

9.Nhà văn Vũ Hồng 1966 (Ủy viên Ban Chấp hành)

10.Nhà thơ Hữu Việt 1963 (Ủy viên Ban Chấp hành)

11.Nhà thơ Phan Hoàng 1967 (Ủy viên Ban Chấp hành)

Các nhà văn trong Ban chấp hành ở độ tuổi từ 53 đến 63 (trừ nhà văn Khuất Quang Thụy 70 tuổi). Đội ngũ này được coi là trẻ (có người nói: Nhà văn không có tuổi). Hầu hết trưởng thành lên sau chiến tranh. Họ có cách viết khác với thế hệ trước, tức là không bị ràng buộc bởi Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, hơn thế, từ khi đất nước “đổi mới” (1986), họ còn tiếp cận với nhiều lý thuyết văn học và khuynh hướng văn nghệ trên thế giới. Đặc biệt là sự đổi mới quan điểm văn nghệ của Đảng trong Nghị quyết 5 (1998) và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (2008). Lúc đó họ ở độ tuổi trên dưới 30. Vì thế Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2020-2025 được coi là sự chuyển giao thế hệ.

            Nhưng xin lưu ý rằng, đây là chuyển giao thế hệ lãnh đạo Hội Nhà Văn, không phải là chuyển giao thời kỳ văn học, chuyển giao ý thức tư tưởng và nghệ thuật mới. Đại hội không bàn về những vấn đề này. Ban chấp hành vẫn kiên định quan điểm của Đảng về văn nghệ, kiên định lý tưởng Xã hội chủ nghĩa và xác lập rõ Hội Nhà văn Việt Nam là mội “tổ chức chính trị-xã hội- nghề nghiệp”, “Hội Nhà văn Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; hoạt động theo đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng”(Điều lệ Hội).

Trong diễn văn đọc tại Đại hội Nhà văn ngày 25/11/2020, ông Võ Văn Thưởng-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ, Trưởng ban chỉ đạo Đại hội các Hội VHNT toàn quốc-nhấn mạnh [1]: “Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, kế tục truyền thống các thế hệ nhà văn đi trước, các nhà văn Việt Nam tiếp tục có mặt trong từng bước phát triển của đất nước và trong từng niềm vui, nỗi buồn của nhân dân, tiếp tục sứ mệnh quan trọng và đặc biệt của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu”.

Ông nhắc nhở: “Cho đến nay, Hội viên Hội Nhà văn chúng ta vẫn chưa xây dựng được những tác phẩm lớn về các cuộc kháng chiến vĩ đại, về những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, về cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Về chất lượng tác phẩm, tính chuyên nghiệp chưa cao, có ít tác phẩm đủ sức tạo thành các hiện tượng văn học,…

Ông đề ra nhiệm vụ cho Hội Nhà văn: Nhiệm vụ của Hội trong nhiệm kỳ mới là phải tiếp tục góp phần đáng kể trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống sự suy thoái biến chất về tư tưởng chính trị và đạo đức; Trong tổng kết văn học Việt Nam nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, thúc đẩy hòa hợp dân tộc, xây dựng đại đoàn kết dân tộc, thông qua văn học, thúc đẩy một đời sống dân chủ lành mạnh, tiếp tục bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống và tạo dựng những giá trị nhân văn mới cho xã hội; Đồng thời tiếp tục tạo dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên thế giới thông qua văn học. Hội Phải tạo ra những bước đi có tính quyết đinh cho một dòng văn học thiếu nhi đa dạng, phong phú, hiện đại, đậm bản sắc văn hóa dân tộc để cùng xã hội tạo ra những sản phẩm đặc biệt nhất, quan trọng nhất là CON NGƯỜI Việt Nam. Đó là triển vọng là tương lai của đất nước mà nhà văn cần hướng tới”.

            Những nhiệm vụ Đảng giao cho Hội Nhà văn là rất vẻ vang nhưng cũng hết sức khó khăn. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tân chủ tịch Hội Nhà văn phát biều: ”Thách thức với Ban chấp hành Hội Nhà văn khóa X là vô cùng to lớn, nhưng thách thức lớn hơn là thách thức của mỗi nhà văn trước trang viết của mình. Mỗi nhà văn phải trả lời biết bao câu hỏi, của chính mình, của mỗi thân phận quanh mình, của cả dân tộc trong một thời đại với nhiều biến động”[2] . Trả lời báo Thể thao & Văn hóa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều hứa sẽ cố gắng hết sức: “Tôi đã giữ cương vị Phó chủ tịch Hội Nhà văn trong 10 năm, tôi nhận ra hết thảy những khó khăn đó. Những người đã bỏ phiếu cho tôi là những người đã tin tưởng tôi, những người chưa bỏ phiếu cho tôi là những người đang nhận ra khiếm khuyết của tôi. Làm được gì tôi chưa nói trước, nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ.”[3]

            Gọi là “thách thức”, vì đó là thách thức tài năng sáng tạo. Mà tài năng luôn là của hiếm. Với 1116 hội viên mà đa phần là nhà văn phong trào, và rất nhiều người già, thì Hội nhà văn mong đợi gì. Từ đổi mới (1986) đến nay đã 34 năm, họ không viết được tác phẩm lớn thì một ít tuổi đời còn lại, khi sức đã cùng lực đã kiệt, thì liệu họ còn kham nổi trách nhiệm nặng nề là viết những tác phẩm lớn hay không? Vậy chỉ trông nhờ vào thế hệ nhà văn trẻ. Nhưng người cầm bút thế hệ 8X, 9X lại không biết gì về chiến tranh, họ lớn lên trong kinh tế thị trường và tiêm nhiễm những ảnh hưởng văn hóa nước ngoài do toàn cầu hóa, liệu họ có viết được “những tác phẩm lớn về các cuộc kháng chiến vĩ đại, về những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới…”? Câu trả lời là rất khó. Vì những nhà văn 8X, 9X  không “trải qua bể dâu” của cuộc kháng chiến và công cuộc đổi mới cùng với dân tộc. Họ lại đang sống trong một môi trường khác, có cách nhận thức và suy nghĩ suy khác, họ viết văn với những mục đích cá nhân khác.

 Từ nhiều năm qua, chưa hề có tác phẩm lớn nào về chiến tranh cách mạng và kháng chiến. Cuốn Biên bản chiến tranh 1,2,3,4.75 của Trần Mai Hạnh (xuất bản 2015) được coi là tiểu thuyết tư liệu. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn hồ hởi nói đến một xu thế tiểu thuyết tư liệu viết về chiến tranh cách mạng và kháng chiến. Nhưng thực tiễn văn học đã không như vậy. Biên bản chiến tranh 1,2,3,4.75 chỉ là một tác phẩm báo chí. Dự đóan về xu thế tiểu thuyết tư liệu viết về chiến tranh cách mạng và kháng chiến đã không xảy ra. Trái lại, tiểu thuyết hiện nay khai thác nhiều về đề tài lịch sử.

 Với một thực lực hội viên như vậy, liệu Ban Chấp hành mới của Hội Nhà văn có “cây đũa thần” nào khơi gợi cảm hứng sáng tạo nơi 1116 hội viên không? Hay để đẩy mạnh sáng tác, Ban Chấp hành mới lại vẫn chỉ tổ chức trại sáng tác, tổ chức các cuộc thi thơ, thi tiểu thuyết nhưng Hội đã từng làm trong nhiều thập kỷ qua?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, với tư cách Chủ tịch Hội Nhà văn nhiệm kỳ 2020-2025 phát biều: “Thay mặt BCH Hội nhà văn Khóa X, thay mặt thế hệ kế cận sau, những người đang cầm bút và sẽ trưởng thành trong tương lai bày tỏ sự biết ơn Đảng, Nhà nước, các cơ quan liên quan đã tạo tất cả điều kiện để Đại hội Khóa X thành công tốt đẹp. Chúng tôi lúc này nhận thấy sứ mệnh thật vinh quang, hạnh phúc thật lớn lao nhưng trách nhiệm cũng vô cùng nặng nề. Chúng tôi xin tiếp bước các nhà văn chân chính đã chọn đi, đồng hành cùng Cách mạng, đất nước. Chúng tôi nguyện làm tốt hơn nữa trách nhiệm ấy. Cuối cùng, tôi muốn nói rằng việc đặt cược lòng tin vào chúng tôi của các hội viên, của Đảng, Chính phủ và thế hệ mới là một cuộc đặt cược chắc chắn thành công!”.

Tôi quý mến tài năng và tinh thần làm việc đầy trách nhiệm của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, song tôi e rằng, tân Chủ tịch chưa lường hết những gì ông phát biểu rằng: “cuộc đặt cược chắc chắn thành công”. Giữa “lòng tin” và thực tại là một khoảng cách rất xa. Với một kế hoạch chu đáo, người ta có thể làm thành công mọi công việc, song trong sáng tạo nghệ thuật, sự “thành công” luôn nằm ngoài ý chí chủ quan của tác giả.

KỲ VỌNG CỦA HỘI VIÊN

            1. Điều đã được nói nhiều ở các đại hội cơ sở là việc kết nạp hội viên và trao giải thưởng văn học.

            Trong 5 năm (2015-2020) Ban Chấp hành đã kết nạp được 185 hội viên mới “phần đông là các cây bút trẻ sung sức”(Báo cáo tổng kết của Chủ tịch Hữu Thỉnh). Riêng hai năm 2019& 2020 Ban Chấp hành đã kết nạp 113 hội viên mới. Đây là điều bất thường. Năm 2020 có tân hội viên đã 75 tuổi (sinh 1945), cũng là “nhà văn trẻ” bất thường. Câu lạc bộ thơ Namkau ở Hà Nội mới thành lập được 6 tháng, năm 2020 có 7 hội viên Câu lạc bộ được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam (một điều kỳ diệu).

Những điều bất thường và kỳ diệu này làm cho nhiều hội viên nản lòng. Bởi trong 54 hội viên kết nạp năm nay, tôi không thấy khuôn mặt thơ văn nào có cốt cách, tài năng sánh ngang với những nhà thơ, nhà văn hiện nay (Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý, Lê Thành Nghị; Nguyễn Bình Phương, Đỗ Tiến Thụy, Bích Ngân, Phong Điệp…). Người ta bảo rằng chỉ cần trình độ Câu lạc bộ là đủ chuẩn kết nạp Hội Nhà văn, và ngược lại Hội Nhà văn chỉ là Câu lạc bộ sang hơn câu lạc bộ địa phương một chút! Hội Nhà văn đã tự làm mất giá chính mình trước yêu cầu về chất lượng của xã hội.

Trước một thực tạu như vậy, Ban Chấp hành cần đề ra những chuẩn mực (đánh giá chất lượng) để kết nạp hội viên. Ý kiến của Nam Cao là đáng tham khảo: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có…”. Tôi nghĩ, Hội chỉ kết nạp những cây bút có năng lực sáng tạo, và đã thực sự có đóng góp sáng tạo cho văn học. Không kết nạp những “thợ chữ”. Hãy để các Hội VHNT địa phương làm công tác phong trào.

            Về trao giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ V(2015-2019) có 176 tác phẩm tham gia và 26 tác phẩm được trao giải. Cuộc thi được đánh giá là “ghi dấu bước chuyển mới về thể loại trọng yếu của văn học ta”(Báo cáo tổng kết), nhưng trong 26 tác phẩm được vinh danh, có nhiều tác phẩm làng nhàng, rất hiếm những sáng tạo mới mẻ về tư tưởng và nghệ thuật. Cách tổ chức cuộc thi và trao giải là cách làm văn chương phong trào không thể tìm ra tài năng và tác phẩm đỉnh cao.

Tôi nghĩ, Hội Nhà văn chỉ trao giải cho tác phẩm nào thực sự góp phần đổi mới văn học. Giải của Hội Nhà văn là giải chuyên nghiệp, không phải giải phong trào.

            2.“Lực lượng hùng hậu nhất của văn học ta trong những năm qua được huy động vào nhiệm vụ trung tâm là đấu tranh xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người, trong đó vấn đề đạo đức xã hội là vấn đề nóng bỏng nhất” (Báo cáo tổng kết). Đó là đánh giá theo tinh thần Nghị quyết của Đảng.

Thực tế thì khác. Nhiều tiểu thuyết lịch sử đat giải thưởng tiểu thuyết (2015-2019). Giải nhất là tiểu thuyết lịch sử Từ Dụ Thái Hậu. Xu hướng viết tiểu thuyết lịch sử đã diễn ra hàng chục năm rồi. Tôi gọi đó là một dạng “ăn mày quá khứ”. Nhà văn không có khả năng  viết về cái “lịch sử đang diễn ra”, bèn tìm về quá khứ. Công việc “sáng tác” chỉ là đọc lại chính sử rồi “bịa” ra (Nguyễn Công Hoan nói: Hư cấu là bịa y như thật) những gì mà khoảng trống chính sử cho phép. Đấy không phải là “sáng tạo”, càng không là đóng góp mới về tư tưởng và nghệ thuật. Tiểu thuyết Hội Thề (Nxb Phụ nữ 2009) của Nguyễn Quang Thân và tiểu thuyết Chim ưng và chàng đan sọt (Nxb HNV 2014) của Bùi Việt Sỹ (cả hai cuốn đều đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn) đã từng bị công luận lên án gay gắt về những bịa đặt, đó chẳng phải là một kinh nghiệm cho văn chương Việt Nam hay sao?

Lịch sử là quá khứ. Thời nào có vấn đề của thời ấy. Tiểu thuyết lịch sử không thể giải quyết vấn đề đạo đức xã hội hôm nay. Cho nên nói rằng “Lực lượng hùng hậu nhất của văn học ta trong những năm qua được huy động vào nhiệm vụ trung tâm là đấu tranh xây dựng …vấn đề đạo đức xã hội…”là nói theo tinh thần Nghị quyết của Đảng.

Xin Ban Chấp hành hãy nhìn thẳng vào thực tại sáng tác để đánh giá cho được nền văn học Việt Nam đang ở đâu và đã đạt được những giá trị gì. Có vậy mới có thể tìm ra giải pháp phát triển văn học trong giai đoạn tới. Cho đến giờ, Văn chương Việt Nam đã phát triển thành 3 dòng chính: Văn chương cách mạng và kháng chiến, Văn chương nhân văn và dân chủVăn chương thị trường. Mỗi dòng văn học có những thành tựu và giá trị khác nhau. Không phải tất cả đều tập trung vào “vấn đề đạo đức xã hội”.

            3. Tinh thần của Ban Chấp hành là “Tất cả vì hội viên”. Tôi chưa rõ Ban Chấp hành mới sẽ đề ra chương trình hành động thế nào để thể hiện tinh thần này? Nhiệm kỳ trước Ban Chấp hành cũng làm việc với tinh thần này, nhưng nhiều hội viên đã phải tự xoay trở để tồn tại mà không có sự trợ giúp của Ban Chấp hành. Có nhà văn viết tác phẩm rồi tự rao bán bản thảo, tự bỏ tiền ra in, tự bán sách; hoặc sách của hội viên nằm chết ở nhà xuất bản HNV. Vậy Ban Chấp hành mới có thể giúp gì cho nhà văn vừa viết được tác phẩm lớn phục vụ nhiệm vụ chính trị, vừa giúp tác phẩm có thể “sống” được trong cơ chế thị trường? Hiện nhà văn hôm nay phải đối mặt với áp lực thị trường rất lớn, mà thị trường có quy luật riêng của nó. Không có sự hỗ trợ của Hội Nhà văn, cá nhân từng nhà văn khó mà ”sống” được với thị trường.

            4. Cần phải cải tổ mạnh mẽ cả về tổ chức và nội dung tờ báo Văn nghệ, trang vanvn.net, tạp chí Nhà văn &Tác phẩm. Hiện nay ba trang này chưa bao quát được những thành tựu mới của văn học Việt Nam, chưa trở thành diễn đàn cho những khuynh hướng sáng tác mới, chưa tiêu biểu cho những tiếng nói tài năng, tâm huyết của nhà văn trong cả nước. Nhà văn ở các tỉnh xa rất khó chen chân, góp mặt. Tại sao có tình trạng như vậy? Mỗi hội viên Hội Nhà văn đều có quyền đăng tác phẩm của mình trên ba trang này, miễn là phù hợp với tiêu chí xuất bản và không trái với Luật xuất bản. Bây giờ được đăng bài trên trang của Hội Nhà là nhà văn được sự ban ơn. Thân phận nhà văn thật thảm hại ngay trên sân nhà.

            5. Nhất thiết Hội Nhà văn phải viết được bộ lịch sử văn học Việt nam (1975-2025). 50 năm văn học sau 1975 chưa được đánh giá, tổng kết một cách chính thức trên cơ sở khoa học và tái hiện lại diện mạo văn học “như nó đang là”.

Thành ra trong trường học, thầy cô dạy Ngữ Văn không biết nói gì với học sinh về thành tựu giai đoạn văn học từ 1975 đến nay. Lớp 12 vẫn dạy Rừng xà nu của Nguyên Ngọc, Người lái đò sông Đà (1960) của Nguyễn Tuân, Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, Một người Hà Nội của Nguyễn Khải…Học trò ngán học Văn ứ đến cổ. Hỏi học sinh có biết tác phẩm văn học nào hiện nay không, học sinh đều lắc đầu, có chăng biết tên nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Việc người trẻ thờ ơ với văn học có nguyên nhân từ nhà trường và Hội Nhà văn là vậy. Không có người trẻ đọc văn thì làm gì có “thị trường” văn học, làm gì văn học có đất sống?

***

            Không thể trong một nhiệm kỳ, Ban Chấp hành có thể làm được mọi việc để đưa nền văn học Việt Nam sánh ngang với văn học thế giới. Cũng không thể chỉ trong 5 năm, Ban Chấp hành có thể đạt được mục tiêu mà Đảng giao cho là:“xây dựng được những tác phẩm lớn về các cuộc kháng chiến vĩ đại, về những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới”. Là một hội viên, tôi hy vọng Ban Chấp hành hãy bắt đầu bằng những việc có ý nghĩa đổi mới một cách nền tảng, căn cơ, với tinh thần “Tất cả vì hội viên”, để từ đó tạo ra những cơ may cho sự phát triển.

Kính chúc Ban chấp hành Hội Nhà văn nhiệm kỳ 2020-2025 thực hiện được những gì đã hứa với hội viên.

28/ 11/2020

Bạn có thể đọc bài này trên trang: vanchuongphuongnam

______________________________ 

[1]http://vanvn.net/van-hoc-voi-doi-song/dangnha-nuoc-va-nhan-dan-luon-dong-hanh-voi-cac-nha-van/23040

[2] Phát biểu tại lễ bế mạc Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 10 của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

[3]https://thethaovanhoa.vn/van-hoa/chu-tich-hoi-nha-van-viet-nam-nguyen-quang-thieu-chung-toi-dat-cuoc-vao-nha-van-tre-n20201125230921522.htm

VÀI HÌNH ẢNH VỀ ĐẠI HỘI

Toàn cảnh hội trường (khách sạn La Thành-Hà Nội ngày 24/11/2020)
Ban chấp hành nhiệm kỳ 2020-2025 mới ra mắt
Chuyển giao thế hệ giữa nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch HNV nhiệm kỳ 2015-2020 với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, chủ tịch HNV nhiệm kỳ 2020-2025
Tặng hoa Ban chấp hành 2015-2020
Tài liệu của Đại hội: Cuốn Nhà văn hiện đại (1654 trang) Mỗi nhà văn được giới thiệu 1 trang
Trang giới thiệu BCT (trang 44-Nhà văn hiện đại)
Đoàn nhà văn miền Đông & Đồng bằng sông Cửu Long
BCT dự Đại hội X-Hội Nhà văn Việt Nam (23-25/11/2020)
Niềm vui dự đại hội là được gặp gỡ nhiều bạn bè trong cả nước. Từ trái sang: PGS-TS Phan Trọng Thưởng, nhà thơ Lê Quang Trang, nhà văn Trần Dũng, nhà thơ-TS Lê Thành Nghị…

GỬI TỚI ĐẠI HỘI NHÀ VĂN LẦN THỨ X (2020)

GỬI TỚI ĐẠI HỘI-HỘI NHÀ VĂN LẦN THỨ X (2020)

Bùi Công Thuấn

Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020

            Bài viết chỉ là ghi nhận riêng của tác giả khi quan sát đời sống văn học Việt Nam (2015-2020) từ đó gửi vài ý kiến tới Đại hội Nhà văn lần thứ X (2020).

NHỮNG HỌAT ĐỘNG CỦA HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

Trong 5 năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã có nhiều nỗ lực phát triển văn học Việt nam. Chẳng hạn, tại Hội nghị công tác văn học 2017, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nêu 3 việc cấp bách là: Nâng cao chất lượng sáng tác, lý luận-phê bình và dịch thuật văn học; Bổ sung đội ngũ các nhà văn trẻ, tài năng và tâm huyết; củng cố tổ chức và hoạt động cơ quan các cấp, nhất là các cơ quan cấp 2 của Hội… Các nhà văn dự hội nghị đề xuất bổ sung thêm những vấn đề: Tiếp tục giới thiệu những tác phẩm văn học có tinh thần yêu nước, tiến bộ, nhân văn của các nhà văn miền Nam trước năm 1975; đổi mới phương thức xét giải thưởng văn học và kết nạp hội viên mới; quan tâm hơn nữa đến mảng văn học  thiếu nhi và các hoạt động bồi dưỡng sáng tác, công bố tác phẩm v.v…[1]

Trong những hoạt động cụ thể, phải kể đến việc quảng bá văn học Việt. Ngày thơ Việt Nam 2015 kết hợp ba hoạt động: Liên hoan Thơ châu Á – Thái Bình Dương với Hội nghị Quốc tế quảng bá Văn học Việt Nam. Các hoạt động được tổ chức tại nhiều địa bàn khác nhau thuộc Hà Nội, Quảng Ninh và Bắc Ninh. Liên hoan thơ quy tụ 151 đại biểu quốc tế đến từ 43 quốc gia và các vùng lãnh thổ, và nhiều nhà văn, nhà thơ, dịch giả tiêu biểu  khắp các vùng miền trên cả nước.

Từ ngày 28/9 đến ngày 2/10/2015 tại Pháp đã diễn ra chuỗi sự kiện liên quan tới giới thiệu, dịch thuật, phê bình và gặp gỡ nhà văn, dịch giả văn học Việt Nam ở các thành phố Paris, Bordeaux và Limoges. PGS-TS. Đoàn Cầm Thi, nhà nghiên cứu (Học viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông -Inalco) của Pháp cho biết văn học Việt được dịch khá nhiều tại Pháp.

Trong năm 2016 diễn ra hai hội nghị đặc biệt: Hội nghị Lý luận phê bình lần thứ IV (24-27.6) tại Tam Đảo và Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX (27-29.9) tại Hà Nội do Hội Nhà Văn tổ chức. Hai hội nghị này có ý nghĩa quan trọng về chính trị và văn học.

 Hội nghị Tam Đảo tập trung vào chủ đề “Văn học 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển 1986-2016”. Tổng kết hội nghị, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà Văn nói về những dự định đẩy mạnh quá trình kết tinh tác phẩm. Hội Nhà văn đặt hàng nhà Lý luận Phê bình viết về đề tài: Bản chất của đổi mới văn học là gì? Mối quan hệ của Cái Mới, Cái Hay, cái Truyền thống là gì?…Hội Nhà văn sẽ xin phép tổ chức một cuộc hòa hợp dân tộc.

 Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IXcóhơn 100 đại biểu. Đó là những gương mặt văn chương có thành tích tốt, có số lượng sách đã xuất bản khá đồng đều (có người đã in 20 đầu sách);  Hội nghị đã tập hợp, bồi dưỡng, định hướng sáng tác cho những người viết trẻ trên khắp mọi miền tổ quốc…[2]

Đặc biệt là cuộc gặp mặt lần thứ nhất “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc”. Tại buổi lễ bế mạc chiều ngày 24-10-2017 tại Khu Biệt thự Hồ Tây-Hà Nội, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: Dù đã chủ động và làm được nhiều việc nhưng sau một thời gian dài Hội Nhà văn Việt Nam mới chính thức tổ chức cuộc gặp lần đầu. Còn một số tồn đọng của quá khứ chưa thể giải quyết hết được trong một thời gian ngắn, Hội Nhà văn Việt Nam tôn trọng suy nghĩ độc lập của các nhà văn và sẵn sàng chờ đợi. Hội đã, đang và sẽ làm tất cả những gì có thể để hội tụ các tài năng văn học trong mái ấm của tình đoàn kết dân tộc. Với tinh thần “đoàn kết để sáng tạo, sáng tạo trong đoàn kết”. Trong không khí cởi mở, thân tình các nhà văn đã đóng góp nhiều ý kiến có giá trị. Tinh thần chung là tạo ra sự hợp tác thông thoáng, hiệu quả để các nhà văn ở nước ngoài có điều kiện tốt nhất tiếp cận đời sống, đẩy mạnh sáng tác, công bố tác phẩm và tổ chức các sự kiện giao lưu với bạn đọc trong nước.[3] Nói cho đúng thì sự thành công của cuộc họp mặt chưa được như mong đợi của Ban tổ chức. Nhưng cuộc họp mặt để lại nhiều dư âm tốt và nhiều suy nghĩ cho những người có trách nhiệm lịch sử đối với văn học Việt.

TÌNH HÌNH VĂN HỌC

Nhìn từ góc độ Hội Nhà văn, tình hình văn học trong 5 năm qua vẫn phát triển mạnh mẽ trên tất cả các mặt hoạt động.

Tại Hội nghị công tác văn học 2018, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam báo cáo: năm 2018 văn học Việt Nam tiếp tục có những nét khởi sắc đáng mừng; đời sống văn học cởi mở, dân chủ hơn, có nhiều tác phẩm được công bố, trong đó tính dự báo của văn học có nhiều dấu hiệu đáng mừng. Các lĩnh vực: Văn xuôi, thơ, văn học dịch, lý luận-phê bình văn học… đều có bước phát triển rõ rệt; đặc biệt là chất lượng và số lượng của các sáng tác trẻ ở văn xuôi và sự “nở rộ” của trường ca trong lĩnh vực thơ. Thực tiễn sáng tác cho thấy sự gắn bó giữa nhà văn với đất nước, dân tộc, nhân dân được thể hiện rõ hơn, trách nhiệm hơn.

Nổi bật là các hoạt động đi thực tế sáng tác, tổ chúc nhiều trại sáng tác theo từng thể loại, mở nhiều cuộc hội thảo về lý luận-phê bình văn học và công tác công bố tác phẩm, quảng bá văn học được quan tâm hơn trước. Các Liên chi hội khu vực, vùng miền sau khi có quyết định thành lập của BCH Hội, đã nhanh chóng tổ chức đại hội, kiện toàn tổ chức và đi vào hoạt động bước đầu có nền nếp.[4]

Báo cáo tại Hội nghị công tác văn học năm 2019, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: hoạt động sáng tác vẫn được đẩy mạnh, chỉ riêng NXB Hội Nhà văn đã xuất bản hơn 1650 tác phẩm bao gồm các thể loại. Chủ nghĩa yêu nước, Chủ nghĩa Nhân văn vẫn là chủ đề xuyên suốt trong các tác phẩm. Các cơ quan cấp 2 của Hội cũng có nhiều hoạt động sáng tạo, năng động và hiệu quả, như: Cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Nhà văn và tác phẩm; cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ; Các hội thảo chuyên đề của Hội đồng lý luận, phê bình văn học v.v… Đặc biệt, Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III được tổ chức trong dịp Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII đầu Xuân 2019-Nguyên tiêu Kỷ Hợi đã có tiếng vang lớn, được dư luận trong nước và bạn bè quốc tế đánh giá cao. [5] 

Năm 2019, nhiều cuộc gặp gỡ, tọa đàm, hội thảo cũng đã được tổ chức. Tọa đàm “Nhận diện văn học trẻ Thủ đô 10 năm gần đây” do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức; Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội tổ chức hội thảo “Định hướng sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới”. Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thơ và Văn xuôi đồng bằng sông Cửu Long 45 năm”,  Hội thảo thơ Thanh Tùng… Hội thơ Đường luật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Thơ Đường luật đời Lý”. Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Vai trò định hướng của phê bình trong hoạt động thực tiễn và sáng tạo văn học, nghệ thuật hiện nay“…

Nhận định chung về chất lượng sáng tác văn học, trong Hội thảo khoa học toàn quốc ngày 19-12-2018 ở Hà Nội do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức với chủ đề “Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay”, nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu: “Xã hội hóa với văn nghệ sĩ là tài năng được thừa nhận, tác phẩm được thừa nhận, tạo được tiếng vang với công chúng và có sức sống lâu dài. Xã hội hóa làm ra cả nghìn CLB thơ, nhưng tôi đọc thì không có bài thơ nào hay, có sức sống lâu dài. Nxb Hội Nhà văn có 1125 đầu sách được phát hành trong 1 năm nhưng chất lượng thì như thế nào? Chúng ta có cả một vườn sản phẩm được gọi là văn hóa nhưng thực chất văn hóa được bao nhiêu? Tôi hoan nghênh xã hội hóa nhưng không thể vì vài đồng tiền mà quên đi giá trị tác phẩm. Tác phẩm phải đi vào lòng người, đấy mới là xã hội hóa cao nhất[6]

Phải chăng có sự mâu thuẫn trong chính sự đánh giá văn học? Có thể hiểu ý kiến của nhà thơ Hữu Thỉnh-Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam như thế này: Về mặt các hoạt động phong trào, Hội Nhà văn Việt Nam và các Hội VHNT địa phương vẫn có những họat động sôi nổi và đã thu đạt được nhiều tác phẩm. Song Văn học Việt Nam trong 5 năm qua vẫn chưa có “tác phẩm đỉnh cao”, “tác phẩm kết tinh” được những giá trị lớn lao của dân tộc trong tất cả các lĩnh vực của đời sống.

MỘT VÀI GHI NHẬN

            1. Năm 2015 tôi đi dự Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX tại Hà Nội. Trước đó, không khí ở các Đại hội cơ sở rất sôi nổi và căng thẳng. Có một “cuộc đấu tranh” quyết liệt với  những hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tham gia vào Ban Vận động Văn đoàn Độc lập. Ngày 09. 07. 2015 khai mạc đại hội. 542 nhà văn đại biểu về dự đại hội. Việc tổ chức hết sức chặt chẽ. Nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch HNV trình bày phương hướng, nhiệm vụ phát triển văn học 2015-2020, ông nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy mạnh sáng tác, xây dựng Hội thành một tổ chức chính trị -xã hội-nghề nghiệp vững mạnh, đồng hành cùng dân tộc, vì lợi ích tối cao của dân tộc, đoàn kết thân ái, giàu nghĩa tình đồng nghiệp. Bồi dưỡng kết nạp tài năng trẻ, “tất cả vì hội viên, tất cả hướng tới hội viên”, tiếp tục mở rộng giao lưu hội nhập khu vực và quốc tế. Ông cũng trình bày những mục tiêu và các giải pháp cụ thể từ đó có những kiến nghị với Nhà nước, Chính phủ và Quốc Hội.

            Năm nay do đại dịch Covid, mọi hoạt động của Hội Nhà văn đều phải ngưng lại. Dù vậy, Đại hội Hội Nhà văn ở các khu vực cơ sở đều đã được tổ chức tốt đẹp. Đại hội cơ sở chủ yếu thông qua Dự thảo Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2015-2020 và Phương hướng nhiệm vụ 2020-2025; thông qua Bản kiểm điểm của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và bầu đại biểu đi dự Đại hội Đại biểu HNV lần thứ X tại Hà Nội. Tất cả còn ở phía trước.

            Ban Chấp Hành Hội nhà văn Việt Nam quyết định tổ chức Đại hội Nhà văn lần thứ X vào ngày 23-25/11/2020 tại Khách sạn La Thành Hà Nội. Để bầu được một ban chấp hành mới đáp ứng yêu cầu của thời đại mới, về nhân sự quả thật không dễ chút nào. BCH nhiệm kỳ 2015-2015 chỉ có 6 người quả thực đã không quán xuyến được đời sống văn học Việt Nam trong năm năm qua.

            2. Giải thưởng Hội Nhà văn trong 5 năm qua:

            Cho đến nay, những tác phẩm đạt giải không gây được tiếng vang nào. Năm 2017 và 2018 “mất mùa” giải thưởng cả văn xuôi và thơ. Các tác phẩm đạt giải Lý luận phê bình hầu hết là đề tài cũ. Riêng cuốn Văn học Nga hiện đại-những vấn đề lý thuyết và lịch sử của Trần Thị Phương Phương có đem đến một chút khí sắc mới.

            Giải thưởng năm 2020 của Hội Nhà văn vừa mới công bố. Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ V (2016-2019) có 26 giải, trong đó nhiều tác phẩm chỉ làng nhàng. Những tác phẩm thực sự đem đến cái mới về tư tưởng và nghệ thuật cho tiểu thuyết Việt Nam hôm nay xem ra còn phải chờ. Tác phẩm đạt giải Nhất là một tiểu thuyết lịch sử. Tôi cho đó là một dạng “ăn mày quá khứ” mà không sáng tạo. Tại sao nhà văn không viết về lịch sử hôm nay, về hiện thực hôm nay? Bao nhiêu vấn đề lớn lao của dân tộc đang diễn ra sao không được nhà văn khám phá, sáng tạo? Tôi nghĩ những tác phẩm không đem đến cái mới cho văn học hôm nay thì không nên trao giải. Tại sao ở thời kỳ đổi mới (1986-1990) nhiều nhà văn đã viết được những tác phẩm làm thay đổi hẳn nền văn học dân tộc. Văn học Việt Nam từ chủ nghĩa hiện thực XHCN chuyển hẳn sang những kiểu tư duy nghệ thuật đương đại của thế giới. Vậy mà đã hơn 30 năm rồi tiểu thuyết hôm nay không có gì mới hơn?!

Giải thưởng “sáng tác về biên giới biển đảo” đợt 1 được trao cho các tác giả tại trụ sở Hội Nhà văn sáng 22/11/2020 gây một ngạc nhiên lớn về số lượng giải:

4 tác giả giải Nhất: Nhà thơ Trần Đăng Khoa với tác phẩm “Đảo Chìm Trường Sa”, nhà văn Nguyễn Bình Phương với tác phẩm “Mình và nó”, nhà thơ Thi Hoàng với tác phẩm “Ba phần từ nước mắt” và nhà thơ Trịnh Công Lộc với chùm thơ về biển .

10 tác giả giải Nhì ,

18 tác gỉa giải Ba

12 tác giải được giải thưởng tôn vinh,

            Điều ngạc nhiên là trong 4 giải Nhất có hai tác giả đang là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (2015-2020). Có thực các tác phẩm được trao giải có giá trị tư tưởng và nghệ thuật đáng được tôn vinh, hay đây chỉ là một sự chia chác giải như đã thành thông lệ trước đây?

Nếu coi giải thưởng của Hội Nhà văn là thước đo sức khỏe của một nền văn học thì trong 5 năm qua, Văn học Việt Nam vô cùng trầm lắng. Do đâu có tình trạng này? Ban chấp hành Hội Nhà văn đã đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh sáng tác, và các hội viên đã in rất nhiều tác phẩm song vẫn không có tác phẩm kết tinh? Hình như lớp nhà văn già đã cạn kiệt sức lực và vốn sống, còn lứa nhà văn trẻ thì mất phương hướng?

            3. Đâu là nguyên nhân?

Dòng văn học Cách mạng và kháng chiến được Hội Nhà văn và các Hội VHNT địa phương tích cực thúc đẩy sáng tác như kế hoạch đã đề ra. Các Hội VHNT địa phương và Hội Nhà văn liên tục mở các trại sáng tác, tổ chức các chuyến đi thực tế, Trung ương mở các hội thảo định hướng. Số lượng tác phẩm của dòng văn học này là rất lớn, song chưa có một tổng kết đánh giá nào về giá trị của các tác phẩm phong trào này. Có một thực tế là, sau khi trại sáng tác kết thúc, tất cả các tác phẩm của trại viết đều được xếp vào kho để làm vốn cho đời sau (ai cần thì đọc). Những nhà văn trưởng thành lên trong kháng chiến có vốn sống, có lý tưởng và có kinh nghiệm viết, song 45 năm qua vốn liếng và sức lực ấy đã được khai thác. Đến nay hầu hết đã già và rất ít người có thể sáng tác trong bối cảnh lịch sử xã hội ở thế kỷ XXI. Trong khi lớp nhà văn trẻ trưởng thành lên sau chiến tranh, họ sống trong xã hội kinh tế thị trường hội nhập toàn cầu hóa, họ không có ký ức gì về chiến tranh cách mạng, nên không thể có được tác phẩm kết tinh cả một giai đoạn lịch sử vĩ đại của dân tộc. Điều này đặt ra trách nhiệm rất lớn đối với Hội Nhà văn trong việc bồi dưỡng thế hệ nhà văn kế thừa.

            Dòng văn chương dân chủ và nhân văn cũng chững lại. Những đề tài “nóng” hầu như đã được khai thác hết ở giai đoạn 1986 – 2000. Tiểu thuyết Mối Chúa của Đãng Khấu (Tạ Duy Anh) Nxb HNV 2017 bị Cục xuất bản thu hồi vì lý do: “Nội dung cuốn sách phản ánh những vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay. Qua đó, tác giả đã vạch trần những tiêu cực và bất công trong xã hội. Tuy nhiên, phần lớn các nhân vật trong tác phẩm từ thấp đến cao đều đen tối, vô vọng, đau đớn. Qua lời kể của các nhân vật, hiện lên những thế lực hắc ám, một xã hội hầu như được chỉ huy bởi những kẻ ngu dốt, tham lam, thủ đoạn. Toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền bộc lộ sự tàn nhẫn, vô đạo, đàn áp nông dân, giết hại lẫn nhau, giết người chống đối chỉ vì tiền. Một số chi tiết được viết với giọng điệu giễu nhại sâu cay, miêu tả tiêu cực có phần tô đậm và có tính khái quát khiến cho hiện thực trở nên đen tối, u ám (trang 38, 43, 74, 129, 140, 141, 158, 161, 173, 198, 251…). Các trang viết về chính quyền cưỡng chế nông dân trong việc thực hiện các dự án được miêu tả một cách cường điệu, coi đó như hai lực lượng thù địch, chính quyền đàn áp như một trận đánh được chuẩn bị kỹ lưỡng từ vũ khí đến lực lượng bí mật (trang 113, 115, 124, 167, 168, 207, 209, 220, 248…)[7]

Tiểu thuyết Kiến, Chuột và Ruồi của Nguyễn Quang Lập dù in ở Mỹ (2019) và được Phạm Ngọc Tiến tụng ca nhưng không gây được tiếng vang nào.

            Tôi nghĩ, viết về những “cái tiêu cực” hôm nay (Mối Chúa) hay về Cải cách ruộng đất (Kiến, Chuột và Ruồi), nhà văn không thể cạnh tranh được với báo chí, với truyền thông đa phương tiện. Thời xa vắng (Lê Lựu), Thiên sứ (Phạm Thị Hoài), các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Thời của thánh thần (Hoàng Minh Tường)… đã xa rồi. Nếu nhà văn chỉ viết để phê phán hiện thực thì sẽ không có độc giả. Độc giả U50, U60 không biết gì về Cải cách ruộng đất. Độc giả trẻ hôm nay quan tâm đến những vấn đề khác mà họ có thể tìm thấy trong văn chương thị trường.

            Văn chương thị trường, sau vụ mùa nở rộ 2014. Đến nay, cũng trở lại im ắng. Chẳng hạn, năm 2019,công chúng đọc nhiều loại sách về  kỹ năng sống như: Thoát khỏi bẫy cảm xúc hay trò lửa đảo của tâm trí (Tác giả Thiện Từ); Kế hoạch Marketing trên một-trang-giấy (Tác giả Allan Dib); LeapĐột phá tư duy trong kinh doanh (Tác giả Howard Yu), Thuật nói chuyện hàng ngày (Tác giả Hoàng Xuân Việt) (40). Sách Văn học chỉ cóLàm bạn với bầu trời của Nguyễn Nhật Ánh và tản văn Hành lý hư vô của Nguyễn Ngọc Tư [8]. Gần đây Nguyễn Ngọc Tư mới in tiểu thuyết Biên sử nước với một bút pháp khá mới lạ, có thể là một đóng góp cho tiểu thuyết Việt Nam, song hình như cuốn này khó đọc đối với độc giả phổ thông.

            Viết tác phẩm văn chương thị trường không dễ.  Văn chương thị trường hướng về lứa độc giả trẻ, mà lứa tuổi này thay đổi thị hiếu liên tục. Tuổi 18- 20 có nhu cầu tâm lý của tuổi vào đời hăm hở. Chỉ vài năm sau, Tuổi 25-30 đã rời khỏi thế giới lãng mạn để bước vào đời quay quắt với việc kiếm sống. Sau giờ lao động, người trẻ cần giải trí. Trên các trang mạng xã hội tràn ngập các phim ảnh, các chương trình ca nhạc. Chỉ một chiếc smartphone cũng giúp họ thư giãn, chẳng mấy người còn đọc sách.

Cho nên không phải nhà văn nào cũng thành công khi hướng ngòi bút về thị trường. Cuối năm 2019,  nhà văn Khôi Vũ đăng status trên Facebook kêu gọi các nhà xuất bản “giải cứu” bản thảo của ông. Ngày 14/1/2020, trên FB, nhà văn Trần Nhã Thụy cho biết, lần đầu chi tiền túi in cuốn Ba tao bay ra ngoài cửa sổ và 9 truyện ngắn khác. ” Anh xin giấy phép in 500 cuốn, nhưng thực tế chỉ in 300 cuốn và tự mình đi bán.

 Nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà văn, trong Hội nghị công tác văn học 2019 đã đặt vấn đề để: “Thị trường sách của chúng ta là nó có rào. Đây là một thực tế mà chúng ta cần phải suy nghĩ. Vì sao vậy? Đối với thị trường, tôi thấy là nhiều năm nay chúng ta đã đưa ra, đã thảo luận, nhưng mà thị trướng nó có quy luật của thị trường. Chúng ta phải theo thôi. Chúng ta không thương mại hóa, nhưng chúng ta cũng không thể coi nhẹ quy luật của thị trường là, cái nào hay, cái nào có tiếng thì người ta đọc”.

4. Nói văn học Việt Nam trong  5 năm qua trằm lắng cũng cần phải nói đến sự trầm lắng của lý luận phê bình. Các cây bút viết lý luận phê bình sôi nổi trước đây hầu như “lặn” mất tăm (?). Các diễn đàn cũng không có người quan tâm. Tất nhiên lác đác cũng có một vài bài viết khen tác phẩm này, tác giả kia “càng đọc càng hay[9], rất vô thưởng vô phạt. Nhiều cuốn sách lý luận phê bình viết về đề tài cũ. Các tác giả viết về những nhà văn nhà thơ đã được nói đến nhiều như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Bích Khê, Hàn Mạc Tử, Vũ Hoàng Chương, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Nguyên Hồng trước 1945; và các tác giả Tố Hữu, Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Phạm Tiền Duật, Lưu Quang Vũ… giai đoạn 1945-1975. (Xin đọc: Những sinh thể văn chương Việt-2018; Phê bình Ký hiệu học-2018; Giấu vàng trong gió thu-2019)…). Phải chăng các tác phẩm văn học trong 5 năm qua không có gì để Lý luận phê bình khám phá? Hay các nhà phê bình quen cách viết cũ, đề tài cũ, thi pháp cũ không thể đọc được các tác phẩm viết bằng bút pháp mới, thi pháp mới?

Đã có những cuốn sách lý luận phê bình rất đáng chú ý nhưng lại xuất hiện âm thầm. Đó là cuốn Phê bình văn học thế kỷ XX của Thụy Khuê (2018), dù rằng Thụy Khuê chỉ in lại những gì đã viết trước đó. Cuốn này có thể là một đóng góp rất giá trị về mặt lý luận phê bình trong nước, mặc dù Thụy Khuê cũng có những hạn chế nhất định trong việc thể hiện những quan điểm riêng. Bộ sách Lược khảo văn học của GS Nguyễn Văn Trung in ở Sài Gòn trước kia đã được tái bản (2019) cũng là một đóng góp rất có ích cho người viết lý luận phê bình. Có thể nói hai cuốn sách này là “sách gối đầu giường” cho người viết phê bình văn học trẻ.

Trong  5 năm qua, giới lý luận gần như đã “bão hòa” việc tiếp thu các lý thuyết văn học nước ngoài. Chẳng còn thấy sự háo hức nói về Hậu hiện đại, về Bakhtin, Giải Cấu trúc, về Phê bình Sinh thái về Lý thuyết Người đọc, Lý thuyết trò chơi…Và việc đề ra trách nhiệm tìm kiếm một nền lý luận phê bình văn học riêng của Việt Nam cũng dần dần rơi vào im lặng. Việt Nam chưa có nhà lý luận phê bình nào đề ra được những lý thuyết văn học mới. GS Trần Đình Sử trong buổi ra mắt cuốn sách “Trên đường biên của Lý luận văn học” chiều 23 tháng 1 năm 2015, do Khoa Viết văn báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức đã nói: ”Nền lý luận mà chúng ta đang có cũ quá rồi! Quá date rồi! Chúng ta, trong đó có tôi đã sai lầm, đã ấu trĩ, đã ngộ nhận nhiều rồi..”[10]

THỬ ĐỀ XUẤT MỘT VÀI VẤN ĐỀ

  1. Hội Nhà văn Việt Nam cần bổ sung đội ngũ nhà văn trẻ. Số lượng nhà văn trẻ ở

các Hội VHNT địa phương và ở Hội Nhà văn là rất khiêm tốn trong khi những nhà văn từ kháng chiến bước ra trẻ nhất cũng đã U70. Nếu Hội Nhà văn không trẻ hóa đội ngũ thì tình trạng đứt gãy thế hệ các nhà văn là không tránh khỏi.

Thời đại mới sẽ sản sinh ra một thế hệ mới. Thế hệ ấy bằng tài năng của mình sẽ thực hiện sứ mệnh thời đại theo cách của mình. Văn chương cũng vậy. Bây giờ là thế kỷ XXI, thời đại của thế hệ 4.0 với những vấn đề của toàn cầu hóa. Những vấn đề của hôm nay không chỉ thu gọn trong một trận đánh (kiểu chống càn trong Hòn Đất), một thôn làng (kiều dân làng Xô Man trong Rừng Xà Nu), hay một cá nhân (như cô Hiền trong Một người Hà Nội). Hiện tượng những năm gần đây nhiều nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử chỉ là một dạng khác của “ăn mày quá khứ”. Độc giả hôm nay muốn biết quá khứ, họ sẽ đọc sách lịch sử, chẳng hạn Đại Việt sử ký toàn thư. Những tiểu thuyết lịch sử hư cấu không thể thuyết phục người đọc bằng sách lịch sử, bởi đa số tiều thuyết lịch sử là bịa đặt, và không ít sự bịa đặt đã bị phản đối (chẳng hạn cuốn Chim ưng và chàng đan sọt của Bùi Việt Sỹ). Nhà văn hôm nay né tránh hiện thực, viết tiểu thuyết lịch sử là mượn chuyện xưa để nói về hiện thực hôm nay. Tại sao nhà văn không viết về lịch sử hôm nay?

Lịch sử đương đại – dòng chảy đời sống hôm nay có bao nhiêu vấn đề lớn nhưng không một tác phẩm văn học nào “kết tinh“ được. Bởi thế hệ nhà văn kháng chiến không thể viết mà thế hệ nhà văn trẻ lại không được chuẩn bị và tạo điều kiện để viết, thành ra, văn chương rơi vào sự im lặng, một sự im lặng rất đáng lo ngại Những tác phẩm văn chương phong trào, viết theo những chủ đề cho trước, viết theo những “công thức” an toàn thì không thể chạm tới những vấn đề lớn lao của dân tộc đang diễn ra. Chỉ những nhà văn của “hôm nay” mới có thể viết về thời sự lịch sử của thế hệ mình. Chuẩn bị cho đội ngũ nhà văn trẻ này là trách nhiệm của Hội Nhà văn.

Nhìn vào danh sách 54 tân hội viên Hội Nhà văn Việt Nam 2020 tôi không thấy một khuôn mặt nào có cốt cách văn chương sánh ngang với các nhà văn hiện nay như Nguyễn Bình Phương, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp, Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý, Lê Thành Nghị, Ly Hoàng Ly, Văn Cầm Hải…Hình như đội ngũ mới kết nạp này mới chỉ đáp ứng văn chương phong trào.

2.Hội Nhà văn cần viết một bộ lich sử văn học. Hòa bình, thống nhất đất nước đã 45 năm. Song chưa hề có một bộ Lịch sử văn học nào về văn học 1975-2020. Vì thế không thể định vị văn học 1975-2020 đang ở đâu trong tiến trình phát triển của lịch sử văn học dân tộc. Nếu Hội Nhà văn không có điều kiện thực hiện công trình này thì nên đặt hàng Viện Văn học hoặc các trường đại học để viết. Đời sống văn học không thể không có lịch sử. Giai đoạn 1930-1945, chỉ 15 năm đã là một giai đoạn phát triển rực rỡ của văn học Việt. Giai đoạn  1975-1975, dù chiến tranh hết sức ác liệt, nhưng nền văn học 1945-1975 “xứng đáng đứng vào đội ngũ tiên phong những nề văn học chống đế quốc trên thế giới”. Vậy nền văn học 1975-2020 là nền văn học thế nào? Những điều được dạy trong nhà trường phổ thông về giai đoạn văn học này là hết sức sơ sài (xin xem SGK Ngữ Văn 12). Vì thế, thật dễ hiểu tại sao người trẻ hôm nay không yêu văn chương Việt. Học sinh 12 vẫn học Rừng xà nu, Những đứa con trong gia đình, Chiếc thuyền ngoài xa…những tác phẩm viết ở giai đọan trước, người trẻ không biết gì về văn học hiện nay. Trách nhiệm này trước hết thuộc về Hội Nhà văn

3.Đẩy mạnh sáng tác thế nào? Trong 5 năm qua, có nhiều tác phẩm ghi được dấu ấn trong lòng độc giả. Có thể kể đến cuốn Kể xong rồi đi của Nguyễn Bình phương (2017), Con chim Joong bay từ A tới Z của Đỗ Tiến Thụy (2017), tập truyện ngắn Đường đến cây cô đơn của Bích Ngân (2019), tiểu thuyết Từ Dụ Thái Hậu của Trần Thùy Mai (2019), Làm bạn với bầu trời của Nguyễn Nhật Ánh và tản văn Hành lý hư vô của Nguyễn Ngọc Tư (2019)…

            Những cuốn sách trên không nằm trong tác phẩm đoạt giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn, cũng không là kết qủa từ các trại sáng tác do các hội VHNT tổ chức. Điều này có ý nghĩa gì?

Có lẽ Hội Nhà văn cần thay đổi cách chọn tác phẩm để trao giải và thay đổi cách tổ chức các trại sáng tác. Bao giờ các tác phẩm đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn là tác phẩm gây được ấn tượng với bạn đọc và là kết tinh của các trại sáng tác, lúc ấy mới có cơ may thúc đầy sự sáng tạo. Nếu các trại sáng tác chỉ thu được những tác phẩm làng nhàng rồi cất vào kho, thì đó là sự lãng phí rất lớn. Các giải thưởng không gây được dấu ấn trong công chúng độc gỉa thì giải thưởng đó bị nghi ngờ là có thể hiểu. Người ta nghi ngờ có sự “chạy” giải thưởng, nghi ngờ có sự “chia chác” giải thưởng. Những ý kiến như thế nghe rất rõ ở các đại hội cơ sở.

Tôi đề nghị, những tác phẩm vào chung khảo các cuộc thi, các cuộc trao giải hàng năm, cần đưa ra công luận trước khi chọn trao giải. Ban Chấp hành Hội có thêm một kênh thông tin về tác phẩm thì sự chọn lựa sẽ tốt hơn, minh bạch hơn, công chúng nhìn rõ năng lực thẩm định tác phẩm của Ban Giám khảo hơn. Điều này chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm.

Cần nâng tầm học thuật của các tác phẩm đạt giải lên thay vì chỉ chú trọng đến nội dung  “phản ánh” hiện thực của tác phẩm. Cần thay đổi cách chọn trao giải thay vì chỉ chú ý đến tính dân chủ và tính phong trào. Chỉ trao giải cho tác phẩm nào thực sự đem đến cái mới về tư tưởng và nghệ thuật cho văn chương đương đại. Có vậy, khi nhìn vào giải thưởng, người ta mới thấy được tiến trình văn học Việt Nam phát triển như thế nào. Bởi vì chính những tác phẩm ấy mới làm phát triển văn học.

4. Ngày 9/3/2019, lãnh đạo Hội nhà văn Việt Nam thành lập Ban chỉ đạo kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng toàn diện báo Văn nghệ. “Mục tiêu là Trí tuệ, Đẳng cấp và Sang trọng. Nguyên tắc chung là đổi mới tờ báo dựa trên cơ sở giữ vững và phát huy những thế mạnh đã có; chỉ cải tiến, đổi mới những trang-mục không phù hợp hoặc chất lượng còn thấp; lấy lý luận-phê bình làm khâu đột phá; tăng cường thông tin về đời sống văn học và những vấn đề nổ cộm của đời sống văn học; mở rộng trao đổi, tranh luận… trên mặt báo”… Nhưng từ đó đến nay tôi chưa nhận thấy sự đổi mới nào rõ rệt. Vẫn là những nét vẽ minh họa “ngày xưa” ấy, cách trình bày ấy, cách chọn bài ấy, màu giấy cũ ấy. Và không phải không có những điều tiếng về tờ báo trong việc đăng bài. Hình như có sự dàn đều, chia đất cho các địa phương, và cũng có những gửi gắm thân quen để được đăng bài (?)

Tôi nghĩ, Tờ báo Văn Nghệ phải là tiếng nói tiêu biểu cho nhà văn trong cả nước, phải phản ánh được các xu thế mới, các tìm tòi sáng tạo mới và là nơi tin tưởng, tự hào của nhà văn. Ở mỗi hội VHNT địa phương đều đã có một tờ tạp chí. Các tác giả đều có thể đăng bài trong tạp chí địa phương mình. Tờ Văn Nghệ của Hội Nhà văn chỉ đăng những bài tinh tuyển, những bài thực sự có giá trị, thực sự đem đến cái mới cho văn chương. Không nên đăng cho có đủ mặt địa phương, đăng dàn đều, kiểu làm văn chương phong trào. Tờ Văn nghệ lâu nay “mất giá” là vì nặng tính chất “phong trào” như thế. Tờ Văn Nghệ nên đề ra một tiêu chí chọn bài, đăng bài, công khai cho mọi hội viên, tránh để điều tiếng về việc chọn bài đăng bài như một kiểu “ban ơn” cho nhà văn.

Tôi mong có một sự thay đổi thực sự từ nội dung đến hình thức của tờ Văn Nghệ trong nhiệm kỳ tới của BCH Hội Nhà Văn.

XIN GỬI TỚI ĐẠI HỘI

            Lời gửi gắm tới Đại hội Đại biểu Hội Nhà văn lần thứ X (2020) là, bằng tài năng, tâm huyết và trí tuệ của mình, các nhà văn cần thoát khỏi tình trạng “êm ả” (trì trệ) của nhiều năm qua và “kết tinh” được những tác phẩm xứng tầm với thời đại của mình.

Tháng 10/ 2020

Bổ sung 20/11/2020


[1] http://vanvn.net/thoi-su-van-hoc-nghe-thuat/hoi-nghi-cong-tac-van-hoc-nam-2017/1325

[2] http://vanvn.net/thoi-su-van-hoc-nghe-thuat/tong-ket-hoi-nghi-dai-bieu-nhung-nguoi-viet-van-tre-toan-quoc-lan-thu-ix-/698]

[3] Mai Nam Thắng-http://vanvn.net/thoi-su-van-hoc-nghe-thuat/be-mac-cuoc-gap-mat-lan-thu-nhat-%E2%80%9Cnha-van-voi-su-menh-dai-doan-ket-dan-toc%E2%80%9D-/1252

[4]  http://baovannghe.com.vn/hoi-nghi-cong-tac-van-hoc-nam-2018-18591.html

[5] http://vanvn.net/tin-tuc/hoi-nghi-tong-ket-cong-tac-van-hoc-nam-2019/2565

[6]http://vanvn.net/thoi-su-van-hoc-nghe-thuat/hoi-thao-khoa-hoc-toan-quoc-%E2%80%9Cnhin-lai-qua-trinh-xa-hoi-hoa-cac-hoat-dong-vhnt-o-viet-nam-tu-khi-ban-hanh-chu-truong-den-nay%E2%80%9D/2051

[7] https://tuoitre.vn/dinh-chi-phat-hanh-tieu-thuyet-moi-chua-cua-ta-duy-anh-20170921124459155.htm

[8] https://www.nxbtre.com.vn/diem-tin/nxb-tre-12-tua-bo-sach-an-tuong-cua-nam-2019-33851.html

[9] http://vanvn.net/tu-doi-vao-van/%E2%80%9Cchim-en-bay%E2%80%9D-cang-doc-cang-hay/22805

[10] http://trannhuong.com/tin-tuc-19005/giao-su-tran-dinh-su-da-len-duongchang-moi.vhtm

LỄ TRAO GIẢI VHNT ĐẤT MỚI 2020

Sáng thứ Hai 16/11/2020, Lễ trao giải VHNT Đất Mới năm 2020 được tổ chức tại Hội trường Tòa Giám mục Xuân Lộc. Có sự hiện diện của Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo- Giám mục giáo phận Xuân Lộc, Đc Gioan GM Phụ tá, Đức cha cố Đaminh Nguyễn Chu Trinh, người khởi xướng giải từ 2011. Ngoài ra còn có Lm Trưởng Ban Văn hóa các giáo phận Quy Nhơn, Long Xuyên và đông đảo quý thầy Đại Chủng sinh, quý dì, các tác giả đoạt giải từ Sài Gòn, Hà Nội, Lạng Sơn, Lào Cai, Kontum. Đak Nông, Nha Trang, Bùi Chu, Phát Diệm, Nam Định, Ninh Bình, Quãng Nam, Buôn ma thuột, Tiền Giang, Cần Thơ…Ngoài phần trao giải còn có phần phụ diễn văn nghệ đặc sắc, trình bày các tác phẩm đoạt giải. Ban tổ chức cũng tặng các vị khác mời và các tác giả 2 ấn phẩm: Đất Mới nở hoa (Tuyển tập 10 năm) và Đóa hồng thứ 40 (tuyển tập 2020). Sau phần trao giải là thánh lễ tạ ơn và liên hoan gặp gỡ giữa các đấng chủ chăn và cộng đoàn.

GIẢI VHNT ĐẤT MỚI 2020

MỘT VÀI HÌNH ẢNH

Hội trường TGM Xuân Lộc
Toàn cảnh
Một góc sân khấu
Giải Thơ
Giải truyện ngắn
Giải truyện dài
Giải Kịch bản văn học
Giải ca khúc
Giải ảnh đẹp Công giáo
Khán giả (đoàn Quy Nhơn)
Tác giả đoạt giải
Tiết mục ca khúc Ave Maria đoạt giải nhất, trình bày Acapella (Tác giả và các bạn Nhạc viện TpHCM)
Đạo Diễn Xuân Thành
Nhà văn Khánh Liên (Bìa trái)
Triển lãm ảnh đẹp (một góc)
Triển lãm ảnh đẹp (Một góc)
Lm Dom Ngô Công Sứ Trưởng Ban Truyền thông đang tổ chức việc trao giải
Giao lưu Quy nhơn -Xuân Lộc tối 15/11/20
Nhà văn Khánh liên và các tác giả trẻ đoạt giải
Lm Võ Tá Khánh (nhà thơ Trăng Thập Tự) chia sẻ
Nhóm ảnh Xuân Lộc (các tác giả là Nghệ sĩ nhiếp ảnh đoạt nhiều giải quốc gia). Người đang nói là Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Viết Đồng
Tác giả đoạt giải nhất Ảnh đẹp Đất Mới 2020 là người tôn giáo bạn ở KonTum. Bên cạnh là Nhiếp ảnh gia Hoàng Long (ông từng là trưởng phòng văn hóa, rồi Trưởng Ban Tuyên giáo Tp Long Khánh. Hiện là TB Dân vận Tp LK)
Đoàn các nhà thơ, nhà văn Quy Nhơn năm trước (năm nay cũng hiện diện trong Lễ trao giải VHNT Đất Mới 2020 nhân kỷ niệm 10 năm)
Một nụ cười rất tươi của Lm Võ Tá Khánh (nhà thơ Trăng Thập Tự) nguyên là Trưởng Ban Văn Hóa Gp Quy Nhơn

BIÊN SỬ NƯỚC-NGUYỄN NGỌC TƯ QUEN MÀ LẠ

(Đọc Biên sử nước, tiểu thuyết của Nguyễn Ngọc Tư-Nxb Phụ nữ Việt Nam 2020)

Bùi Công Thuấn

            Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn tôi quý mến ngay từ ngày đầu chị xuất hiện. Đọc Biên Sử Nước, tôi vẫn gặp một khuôn mặt văn chương đậm nét Nam bộ nhưng lại rất mới lạ. Nguyễn Ngọc Tư tạo ra một thế giới nghệ thuật đầy ẩn dụ cùng với nhiều phá cách trong kiến tạo tiểu thuyết hư cấu (Fiction) hướng đến kiểu tác phẩm tư tưởng khiến Biên sử nước không dễ đọc. Ở góc nhìn này, Nguyễn Ngọc Tư có những đóng góp giá trị cho nghệ thuật tiểu thuyết Việt Nam đương đại.

MỘT THẾ GIỚI CỦA NHỮNG ẨN DỤ

            Có thể nói toàn bộ hệ thống hình tượng, kể cả những chi tiết miêu tả rất thực trong Biên Sử nước đều có thể đọc như những ẩn dụ.

            Chương đầu và chương cuối vỏn vẹn chỉ có mấy dòng:

            Chương 1: đã tới bên sông

            “Ngày hai ngàn không trăm bốn mươi sáu, Đức Ngài chỉ còn mỗi trái tim. Người đàn bà sẽ lấy nó đã tới bên kia sông, tay bồng đứa nhỏ”.

            Chương 11: rời

            “Ngày hai ngàn không trăm bốn mươi sáu, kẻ tự xưng là Đức Ngài chỉ còn mỗi trái tim. Người đàn bà sẽ lấy nó đang qua sông, tay bồng đứa nhỏ

            Toàn bộ 11 chương tiểu thuyết viết về người đàn bà tay bồng đứa nhỏ đi lấy trái tim của Đức Ngài.

            Người đọc không thể biết ngày 2046 là ngày tháng năm nào, người đàn bà bồng đứa nhỏ là ai, con sông được nói đến là con sông ở vùng nào, cả nhân vật Đức Ngài cũng không có bất cứ chi tiết nhân thân xã hội. Mở đầu, người đàn bà đã tới bên kia sông. Kết thúc tác phẩm, người đàn bà đang qua sông, nghĩa là hành trình đi lấy trái tim của Đức Ngài chưa xảy ra. Câu chuyện còn bỏ ngỏ.

            Trong tiểu thuyết có nhiều địa danh, nghe rất quen thuộc, nhưng nếu bạn đọc tra bản đồ địa lý thì không hề có. Đó là cù lao Lẻ, xóm Lầy, Đất Giồng, đồi Tro, bến Gò, Vạn Thủy, thị trấn Xép, Yên Xuyên, Hà Đô, đồn binh núi Biên. Nhân vật Tôi kể:Anh Hai mất tích ở biên giới Trung-Mông (tr.18). Hai địa danh Yên Xuyên, Hà Đô, nghe như tên một nơi nào đó ở Trung Quốc (Trung Quốc có: Ngô Xuyên, Đồng Xuyên, Hán Xuyên, Lợi Xuyên, Nghi Đô, Thành Đô…). Tôi chưa rõ dụng ý của tác giả, nhưng nghĩ rằng, vì là địa danh hư cấu nên bạn đọc không cần phải xem nhà văn viết về vùng đất nào. Cũng có thể là một trò chơi chữ. Bởi nếu người đọc lần theo các địa danh thì sẽ phát hiện ra gốc của địa danh trong truyện là gốc miền tây: Yên Xuyên (miền tây có Long Xuyên), Hà Đô (miền tây có Hà TiênTây Đô tức là Cần Thơ), núi Biên (có Tịnh Biên, một huyện miền núi An Giang giáp Cambodia); Đất Giồng (miền tây có Giồng Trôm – một huyện của tỉnh Bến Tre; Giồng Riềng – một huyện của tỉnh Kiên Giang)…

            Đứa nhỏ trên tay người đàn bà là con của Phú, nó không biết cười (chương 3), con chị Tùy là đứa nhỏ rịn nước (chương 5), con chị Khùng chỉ khóc, khóc không ngừng nghỉ (chương 7), con của Cẩm bị ghẻ (chương 9). Trẻ con vốn hồn nhiên hay cười nhưng những đứa trẻ trong Biên sử nước phải chăng là ẩn dụ cho trẻ con hôm nay. Chúng đã bị tước đọat mất sự hồn nhiên. Hình hài và nhân tính trở nên méo mó. Và đó là nguyên nhân người mẹ phải đi tìm trái tim người để chữa bịnh cho con.

            Tại sao chỉ có trái tim người mới chữa được bịnh cho những đứa trẻ ? Nói cách khác chỉ có trái tim người mới giúp những đứa trẻ trở lại làm người?  Trái tim là biểu tượng của sự sống, tình yêu thương. Thông điệp của nhà văn là chỉ có tình yêu thương đối với trẻ mới đem lại cho trẻ sự hồn nhiên (nhân tính). Trong Biên sử nước, tất cả mọi người mẹ đều đến cù lao Lẻ để lấy trái tim Đức Ngài, nhưng họ mới chỉ “đang sang sông”, chưa lấy được trái tim ấy, nghĩa là những đứa trẻ vẫn đang trong trạng thái mất nhân tính (nụ cười là biểu hiện đẹp đẽ của nhân tính, tiếng khóc là nối thống khổ không thể kìm nén). Nhưng nếu giả như họ lấy được trái tim ấy thì thế nào? Đức Ngài trong Biên sử nước chỉ là một “màn lừa đảo kinh thiên động địa”(chương 4-tr. 43), tái tim của Đức Ngài cũng chỉ là Trái Tim Lừa Đảo. Sự mất nhân tính của thế giới này không có phương thuốc nào chữa được! Đó là một thông điệp bi thiết.

            Chương 9 miêu tả nhân vật tôi sống trong một Thế giới chỉ ruồi và cứt ruồi, nhân vật Tôi và Cẩm chỉ ăn chữ. “Có lần cổ (Cẩm) lấy một cuốn sách, bảo mình cứ chọn ăn những chữ thừa không quan trọng thử coi. Nghĩa là nếu chúng mất đi, cũng chẳng ảnh hưởng gì tới câu chuyện. Rốt cuộc cuốn sách chỉ còn lại không tới 100 chữ. Cẩm nói mình đã bỏ bụng một đống chữ chẳng bổ béo gì” (tr.112). “Thế giới ruồi” và “người ăn chữ” là ẩn dụ hàm chứa thông điệp gì? Chúng ta hiểu rằng trong thế giới hiện thực, ruồi xuất hiện nhiều ở bãi rác. “Thế giới ruồi” là thế giới của rác, của những cái dơ bẩn. Con chữ trên trang giấy là những ký hiệu mang thông tin. “Ăn chữ” chứ không phải là ăn giấy, ăn mực. “Ăn chữ” là ăn thông tin. Phải chăng đó là thông điệp nhà văn nói về thảm cảnh con người trong thế giới thông tin rác, thế giới của sự dơ bẩn tràn ngập? (Việc giải mã ẩn dụ này có thể không đúng với chủ ý của nhà văn, nhưng trong cách đọc hiện đại, ý nghĩa của tác phẩm là những gì người đọc lấp đầy văn bản).

            Chương 5 (nước lên) kể lại việc chị Tùy mở vòi nước giặt đồ rồi quên khóa, chị vội chạy theo trai, khiến cho nước chảy ngập lụt. Cả thành phố căng ra chạy lụt. Mọi nỗ lực khóa vòi nước lại đều thất bại. Tỉnh phải bó tay. Bao sớm chiều người ta chỉ còn biết đứng thở dài nhìn vùng nước nở rộng…Trong thực tế, một vòi nước giặt quần áo không thể làm ngập lụt thành phố được. Hình ảnh ấy là một ẩn dụ. Và ẩn dụ ấy có ý nghĩa gì? Chị Tùy chạy theo trai là chạy theo tình yêu. Chính tình yêu làm ngập lụt đời sống. Nhưng đến chương 8 (cưới bóng), chị Tùy lại bị người yêu là Viễn bỏ rơi (tr. 97) vì thế trận ngập lụt ấy mới gây họa cho mọi người. Phải chăng tình yêu cũng gây họa. Nếu vậy thì bi kịch này của nhân loại đến bao giờ mới thoát ra được!

            Biên sử nước là thế giới ẩn dụ chứa đựng nhiều thông điệp tư tưởng của Nguyễn Ngọc Tư. Điều này làm cho tác phẩm dù rất mỏng (125 trang in) vụt lớn lên vượt trội so với tiểu thuyết Việt Nam đương đại.

NHÂN VẬT TÔI VÀ SỰ PHÁ CÁCH  TRẦN THUẬT

            Trong suốt tác phẩm, nhân vật Tôi là người kể chuyện người đàn bà tay bồng con đi tìm trái tim người. Trong tiểu thuyết truyền thống, nhân vật Tôi chỉ là một người. Tôi hoặc là tác giả, hoặc là một nhân vật trong truyện mà tác giả nhập thân vào. Trong Biên sử nước, nhân vật Tôi ở mỗi chương là một nhân vật khác với Tôi ở chương trước. Trong cách kiến tạo tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, nhân thân của Tôi được giữ rất bí mật. Tôi chỉ được nhận biết khi truyện kể về gần cuối chương. Chương 9 và chương 10, người đọc không thể nhận ra Tôi là ai. Điều này tạo thêm một nguồn hấp dẫn.

            Chương 2, nhân vật Ta là Đức Ngài ngồi trên ngai nhìn nhân gian quỳ lạy ở dưới.

            Chương 3, Tôi là Phúc Dương, người trùng tên với rất nhiều tên Phúc, có lẽ là một nhà báo đi tìm hiểu và viết phóng sự về cô gái tên Phúc mắt bò, bạn học cũ.

            Chương 4, Tôi là “sư mẫu”, ngoài 80 tuổi, là nhân chứng duy nhất vạch trần “màn lừa đảo kinh thiên động địa”của thằng Báo trong việc dựng thằng Phủ lên thành Đức Ngài để lừa thiên hạ.

            Chương 5, Tôi là thằng nhỏ mồ côi đi theo ông Từ. Tôi đi tìm chị Tùy, người đã mở vòi nước rồi quên, làm ngập lụt thành phố. 

            Chương 6: Tôi là em chị Thu. Nghe tin báo chị Thu (Trà Thị Thu) tới miệt Vạn Thủy lấy trái tim của người cầm đầu một tà giáo nào ở đó, Tôi đi tìm chị Thu.

            Chương 7: Tôi (thằng tù số 280) kể chuyện Bốn thằng tù với một chị đàn bà đã loạn trí còn phải mang đứa nhỏ trên tay”. Mãi sau này khi nghe tin người đàn bà ẵm con đi tìm tim Đức Ngài, tôi nghĩ đó là chị Khùng.

            Chương 8. Chị Tùy (nhân vật ở chương 5) kể chuyện mình bị Viễn bỏ rơi và chuyện hạnh phúc của vợ chồng anh Xây.

Chương 9, Tôi là người ăn chữ, có vợ và chia tay vì chị vợ không chịu nổi việc Tôi ăn chữ. Có lẽ Tôi là thợ sửa ống nước. Tôi là người kể chuyện Cẩm.

            Chương 10, Tôi kể truyện Mi một cô gái quậy phá trong cơn mộng du. Tôi có 2 đời chồng, chồng trước gốc Nhật, chồng sau hay hút thuốc. Nhưng Tôi lại là một người đàn bà bị tai nạn xe hơi, chưa tỉnh.

            Sự phong phú kiểu nhân vật Tôi (người kể chuyện) trong Biên sử nước có ý nghĩa gì? Nguyễn Ngọc Tư đã phá cách hẳn cách kể chuyện quen thuộc của tiểu thuyết. Sự khác biệt nhân vật người chuyện ở mỗi chương làm phân rã cốt truyện tiểu thuyết khiến cho mỗi chương trở thành một truyện ngắn riêng biệt. Điều đáng chú ý người kể chuyện là người đi tìm kiếm người đàn bà bồng con, là nhân chứng cho mọi sự kiện. Họ rất khác nhau về nhân thân xã hội. Đó là một nhà báo, một đứa nhỏ mồ côi, một thằng tù trốn trại, một người ăn chữ có lẽ là thợ sửa ống nước, một người bị tai nạn xe hôn mê chưa tỉnh (vậy mà vẫn kể chuyện được. Có lẽ Tôi hôn mê phần ý thức, còn phần tiềm thức vẫn hoạt động, nhà văn miêu tả dòng chảy ý nghĩ miên man trong tiềm thức của nhân vật này); một bà già ngoài 80 tuổi được gọi là “sư mẫu”,là nhân chứng, và đặc biệt là chị Tùy, một người đàn bà mất tích ở chương 5 lại trở thành người kể chuyện ở chương 8.

Tất cả các nhân vật Tôi đều có câu chuyện riêng góp vào làm đầy thêm câu chuyện về người đàn bà bồng con đi lấy trái tim Đức Ngài. Những câu chuyện của Tôi mở rộng biên độ không gian, thời gian của tiểu thuyết. Truyện không chỉ ở xóm Lầy, cù lao Lẻ, Vạn Thủy mà ở Núi Biên cách nhà Tôi non ngàn cây số (tr.71), hoặc biên giới Trung-Mông (tr.18), Tôi sống trong cái thư viện bị ruồng bỏ, cách với ngoài kia loạn lạc phải tới một ngàn năm ánh sáng.(tr.104)

Quan sát nhân vật Tôi, người đọc phát hiện ra tác giả giao cho nhân vật một sứ mệnh chuyển tải thông điệp. Nhân vật Tôi (sư mẫu) là người vạch trần trái tim Đức Ngài có thể chữa bách bịnh chỉ là một trò lừa bịp: Tôi là nhân chứng. Nhân vật Tôi (Phúc Dương) là một phóng viên, người gỡ rối ai là Phúc mắt bò trong 117 người tên Phúc. Nhân vật Tôi (đứa nhỏ mồ côi, em chị Thu và người tù số 280) chỉ chạm tới bóng dáng người đàn bà bồng con đi tìm trái tim người). Sau cùng là Tôi, người mất trí trong một tai nạn xe hơi, kể chuyện Mi quậy phá trong cơn mộng du. Vậy tiến trình từ Tôi (sư mẫu) đến Tôi (người mất trí) có ý nghĩa gì? Cái chân lý tưởng đã nắm được với nhân chứng rành rành ấy (sư mẫu) trở thành một điều không có thật và không có cơ sở để tin (người mất trí kể chuyện), nói cách khác, những gì tưởng là chân lý thì chẳng là gì cả. (Và nếu có thì nó nằm trong ký ức của người mất trí). Thông điệp này đẩy đến tận cùng sự hoài nghi về thực tại hôm nay. Thực tại này chỉ có sự lừa gạt, dối trá, tin đồn, chỉ có sự méo mó, tha hóa (người ăn chữ, người nhai tóc, trẻ không biết cười, một thế giới ruồi, gián và tai họa (những giấc mơ mọc cánh của Tôi-chương 5)

Nhân vật Tôi-người kể chuyện làm cho tiểu thuyết Biên sử nước trở nên khó đọc, Cần phải nhìn ra sự phát triển của nhân vật tôi từ đầu tới cuối tác phẩm mới thấy được những thông điệp ẩn dấu mà nhân vật chuyển tải. Nhân vật Tôi cũng tạo ra sự cuốn hút của việc truy tìm. Tôi cũng kể rất nhiều chuyện đời thường làm cho những ẩn dụ trở nên tư nhiên như thể đó là hiện thực.

Và dù Tôi làm phân rã cấu trúc Biên sử nước thì Biên sử nước vẫn là một tiểu thuyết chặt chẽ về cấu trúc (do sự phát triển vai trò của vật Tôi), thống nhất chủ đề tư tưởng và tư tưởng. Đó là tài năng kiến tạo tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư.

NGƯỜI ĐÀN BÀ BỒNG CON

Người đàn bà bồng con đi tìm trái tim Đức Ngài (tim người) làm thuốc chữa bịnh cho con là một hình tượng kết nối các chương, thể hiện thống nhất chủ đề tư tưởng của tác phẩm để tạo nên tiểu thuyết Biên sử nước.

Sự mới mẻ ở hình tượng này là, không chỉ có một nhân vật người đàn bà bồng con mà có nhiều người đàn bà khác nhau. Họ trở thành đối tượng của sự truy tìm nhưng không gặp.

 Chương 3, Phúc Dương truy tìm người đàn bà bồng con đi lấy trái tim Đức Ngài. Nhưng có đến hàng trăm người tên Phúc. Sau khi thu thập thông tin, cô nghĩ là Phúc Mắt bò, một bạn học cũ. Nhưng Phúc Dương mới chỉ tìm thấy một tấm hình có Phúc mắt bò mà chưa gặp lại được người bạn này. Chương 5: thằng nhỏ mồ côi đi theo ông Từ là người được cử đi tìm chị Tùy, người đã mở vòi nước rồi quên, làm ngập lụt thành phố. Nhưng cũng chưa tìm được. Chương 6: (Tôi) em chị Thu nghe tin báo chị Thu (Trà Thị Thu) tới miệt Vạn Thủy lấy trái tim của người cầm đầu một tà giáo nào ở đó, Tôi đến nhà chị Thu (trước kia là nhà tôi). Nhưng không thấy. Chỉ thấy hình bóng chị trong đoạn phim do canera cửa hàng tiện lợi ghi lại và được Hy là nhân viên cửa hàng chép vào điện thoại cho Tôi. Chương 7: Tôi (thằng tù số 280) trong khi vượt ngục, đã tiếp cận được chị Khùng, được chị Khùng cho ăn. Sau này, khi nghe tin có người đàn bà bồng con đi lấy tim người làm thuốc thì Tôi nghĩ ngay là chị Khùng. Chương 8, vợ anh Xây có lẽ nghe lời độc địa của chị Tùy đã đi tìm trái tim người để chữa bịnh không con. Chương 9: Bữa đài loan tin có người đàn bà ôm con đi lấy tim người làm thuốc, tôi biết là Cẩm” (tr.116). Cẩm là người trôi dạt. Cẩm đến sống chung với tôi trong một thư viện bỏ hoang, cả hai cùng ăn chữ.

Như vậy hình tượng “người đàn bà bồng con đi lấy trái tim người làm thuốc chữa bịnh” có chung những đặc điểm sau dây: Những người đi truy tìm họ đều chưa tìm được họ, nhưng có tiếp cận được trong một hoàn cảnh nào đó, và khi nghe tin về người đàn bà bồng con đi lấy trái tim người thì đoán chừng là người họ đã gặp. Tất cả đều chưa gặp mặt người đàn bà bồng con, mà chỉ thấy một vài dấu tích một vài “nghe nói” và đoán chừng. Hình ảnh “người đàn bà bồng con” gợi ra nhiều liên tưởng trong đời sống tâm linh Việt.

Trong Biên sử nước, mỗi người đàn bà (được phỏng đoán là người bồng con đi lấy trái tim người) đều có một hoàn cảnh đặc thù và chuyển tải một thông điệp riêng. Phúc Mắt bò nổi tiếng ở trường vì bị mắc kẹt với  đáy quần loang máu, khi ướt khi khô đanh. Tuy vậy, Phúc là một học sinh giỏi Toán toàn quốc, lấy bằng bác sĩ chuyên khoa 2 ở Hà Đô. Mẹ Phúc khoe với mấy bạn hàng ngoài chợ: “Con nhỏ sắp lấy bằng giáo sư”. Sau làm thu ngân cho một của hàng bách hóa tự chọn. Giờ chạy theo cả những ông thầy bùa ngải xác cậu cốt cô (tr.32), đó là điều không ai hiểu được. Nhưng thông điệp của nhà văn rất rõ ràng: người mẹ chấp nhận từ bỏ tất cả để tìm phương thuốc chữa bịnh cho con với một niềm tin tuyệt đối.

Chị Thu (Chương 6): “không ra đàn bà cũng chẳng ra đàn ông. Cái mũi gom cao và đôi mắt hai mí…cơ mặt cứng lạnh, mớ tóc xơ rối, dáng người khô khòng, chị ít cười”(tr.72). Đi dạy học, chị mặc áo dài xanh da trời. Ở nhà chị nuôi gián. “Học trò của chị Thu cũng không mấy yêu quý cô giáo dạy môn Ngữ văn”(tr.73). Dường như người đàn bà này không hợp với môi trường sống của mình, phải chăng vì thế chị Thu làm bạn với gián?

            Người đàn bà tên Cẩm (chương 9) là người ăn chữ. Cẩm chui ra từ một cái thùng rác úp ngược. Bồng trên tay một tiếng khóc xanh yếu, cổ mệt lả…”; “Sau này Cẩm kể cô không mục đích nào, chỉ đi vậy thôi, ‘hơn ngồi một chỗ chờ chết’”(tr.105). Cô là đàn bà với vòm háng ấm, đôi đầu vú nhỏ, búi mông cứng.107 Cẩm sống trôi dạt, chỉ ăn chữ. Cẩm nói mình đã bỏ bụng một đống chữ chẳng bổ béo gì”(tr.112). Dường như nhân vật này thể hiện tư tưởng hiện sinh của tác giả: Đời sống bản chất là vô nghĩa. Sống là đi về cõi chết?

Các nhân vật này đều thể hiện tư tưởng về “sự biến mất của con ngườ” trong cõi đời này. Nhân vật Tôi khi theo dõi dấu tích chị Thu đã nghĩ về mình:“Hình ảnh cuối cùng của tôi trước khi biến mất khỏi cõi đời, cũng sẽ được một con mắt điện tử nào đó giữ lại 30 ngày, rồi tự động tan đi không dấu vết. Ai sẽ ngồi xem lại hình ảnh tôi” (tr.75).

Tất cả các nhân vật người đàn bà bồng con đi tìm trái tim người chỉ được ghi nhận qua dấu tích họ để lại (Gián trong nhà chị Thu; vòi nước chảy và quần áo giặt của chị Tùy, ấn tượng về tiếng móng tay gãi miết vào da bật máu trên da của Cẩm.…), qua một vài mối quan hệ của họ với người này người kia, và qua những thông tin ai đó nói (bọn học trò trường Yên Xuyên nói về Phúc mắt bò, người mẹ nói về Phúc…). Cuộc truy tìm họ là vô vọng (Thằng nhỏ mồ côi được giao nhiệm vụ tìm chị Tùy phải leo lên cột địện tránh nước lụt để định hướng).

Sự biến mất vô vọng của người đàn bà bồng con đi tìm trái tim người chỉ là một cuộc ra đi chưa đến đích (còn “đang sang sông”) hay là một thái độ phản kháng?

Về lý do chị Tùy ra đi, người ta trách mẹ chị Tùy rằng: “Phải dì bớt bạc đãi con Tùy đi một chút thì đâu tới nỗi”(tr.48). Có nghĩa sự ra đi của chị Tùy là phản kháng lại sự bạc đãi của người mẹ. Cẩm nói về sự trôi dạt của mình: “chỉ đi vậy thôi,‘hơn ngồi một chỗ chờ chết’”(tr.105), tức là phản kháng lại sự tù đọng hiện sinh. Phúc mắt bò từ bỏ nghề bác sĩ để làm thu ngân cho một cửa hàng, từ bỏ sự chữa tri y khoa cho đứa con không cười bằng cách tin vào thầy bùa ngải xác cậu cốt cô, phải chăng Phúc phản kháng lại một xã hội thực dụng (chỉ có tiền) và văn minh phương Tây (cách chữa bịnh bằng Tây Y)? Điều này bạn đọc có thể thấy rõ rất nhiều người chữa bịnh tà bằng cách tìm đến các thầy bùa. Ở chương 10, nhân vật Mi và Tôi kéo đổ tượng đài ở trung tâm thành phố (tr.120). Mi ném đá vào đèn ở quảng trường, mở tung những trụ nước cứu hỏa, cài thuốc nổ đánh sập một chân cầu…phải chăng đó là sự phản kháng vô chính phủ về những tiêu cực trong đời sống (chẳng hạn phản khác việc xây tượng đài bê tông cốt tre)

Không thể hiểu khác, qua hình tượng người đàn bà bồng con đi tìm trái tim người, nhà văn ca ngợi tình yêu thương con của người mẹ, đồng thời bày tỏ thái độ phản kháng xã hội về nhiều mặt, thể hiện ý thức về Hiện sinh và về sự tồn tại của một con người trên cõi nhân gian này, cõi nhân gian đầy ruồi, đầy gián, đầy lọc lừa. Con người tồn tại trong vô vọng, như giữa mênh mông nước không có gì bám víu, không gì ngăn được sự ngập lụt. Hệ thống hình ảnh ẩn dụ có ý nghĩa biểu tượng chứa đựng những thông điệp còn ẩn rất sâu dưới lớp vỏ chữ nghĩa, đó là một đặc sắc của Biên sử nước.

NGUYỄN NGỌC TƯ QUEN MÀ LẠ

            “Tụi tui ăn chữ. Xin bạn đừng có tầm thường như những người tôi từng biết, họ hoặc nhìn tôi như kẻ điên hoặc dán vào tôi cái nhìn ngờ vực, nghĩ ăn chữ chắc có ám chỉ gì. Nhưng ăn chữ chẳng mang tầng nghĩa ngầm nào khác. Nó đơn thuần như bạn ăn cơm. Nghĩa là nhai nuốt bằng răng, tận hưởng hương vị qua gai lưỡi, và tiêu hóa chúng trong dạ dày, thấm hút chút dưỡng chất vào thành ruột. Ở ngoài kia có nhiều người ăn chữ kiểu như tôi, chỉ là chúng ta không biết đó thôi” &tr.105)

            Phải chăng Nguyễn Ngọc Tư đang đối thoại trực tiếp với chúng ta và hóa giải cái cách chúng ta bẻ khóa mật ngữ của tác phẩm? Chúng ta nhận ra Biên sử nước là một thế giới ẩn dụ, Nguyễn Ngọc Tư bảo “chẳng mang tầm nghĩa ngầm nào khác”, nhưng xin thưa, khi tác phẩm đã được công bố và được đọc, thì nghĩa tác phẩm thuộc về diễn giải của người dọc. “Tác giả đã chết” (Roland Barthes).

Trong Biên sử nước, nhiều lần nhân vật đối thoại trực tiếp với người đọc như vậy. Đây là một chia sẻ trải nghiệm: “Bạn biết đó, khi bạn không nhà cửa chẳng mẹ cha, sống nhờ cơm miễu Thánh thì phụ nữ là thứ gì đó xa tận bên kia biển…Với đàn bà, nhìn thẳng vào họ thôi cũng khiến tôi thấy mình không xứng đáng”(tr.58).

                Cách viết của mỗi chương là ghi lại dòng “ý nghĩ miên man” (tr.76) của nhân vật Tôi. Nhân vật tôi ở hiện tại, rồi ký ức xuất hiện. Quá khứ đồng hiện với hành động ở hiện tại. Nhân vật để cho ý nghĩ của minh trôi đi từ chuyện này sang chuyện khác, tạt ngang rồi tạt dọc, xa lạc chỗ khởi đầu ở hiện tại, sau đó quay về hiện tại. Người đọc chỉ lơ đãng một chút là không còn biết mình đang ở đâu giữa rừng chi tiết truyện, và sẽ rối tung lên không biết bám vào đâu để lần ra manh mối chính. Điều này khiến cho độc giả không thể đọc nhanh. Thú thực là mỗi chương tôi phải đọc lại vài lần mới thoát ra được cái rắc rối của cấu trúc truyện. Và trong khi nghe Nguyễn Ngọc Tư kể chuyện, tôi gặp đâu đó các miêu tả độc thoại nội tâm của Hemingway (Ông Già và Biển Cả), ở chỗ khác tôi lại thấy những dòng miêu tả rất lạ theo cách miêu tả Hiện tượng luận (Husserl), thực sự là thú vị. Thú vị ở văn bản đang đọc, tức là những gì nhà văn dệt nên bằng văn chương và thú vị với một tác phẩm văn chương đã hội nhập với văn chương thế giới đương đại.

            Nói thế để nhấn mạnh điều này Nguyễn Ngọc Tư muốn viết một tác phẩm tư tưởng. Vì thế nếu muốn tìm “giá trị phản ánh hiện thực” của tác phẩm theo cách đọc cũ, người đọc sẽ thất vọng. Biên sử nước chỉ kể những chuyện đời thường trong dân gian: chuyện gái bỏ nhà theo trai (chị Tùy), chuyện tù vượt trại (chương 7), chuyện một bà già bị mấy giỏ xoài đè chết (tr. 19), anh xe ôm kể chuyện vợ ghen (tr. 23), chuyện “Được làm đàn bà tới bến rồi đó, sướng không?!”(tr.26), chuyện con nít bị ghẻ (con của Cẩm), chuyện một nhiếp ảnh gia biến mất ở Núi Biên (tr.70), chuyện trẻ con khóc (tr. 84), chuyện một cô gái nằm vắt ngang đường tàu tự tử (tr.96), chuyện phụ nữ bị nghén ăn lá mục (tr.100), chuyện hôn nhân đổ vỡ (tr. 108)… những chuyện như thế chẳng phản ánh vấn đề chính trị xã hội nào của hiện thực hôm nay. Thấp thoáng có vài vấn đề như, xây tượng bê tông cốt tre (tr. 120), chuyện buôn thần bán thánh (Đức Ngài), chuyện đồng tính (chuyện Tôi là người đàn bà có hai đời chồng với Mi-tr.120), nhưng đó cũng không phải là những vấn đề “nóng” của xã hội Việt Nam hôm nay.

            Điều thú vị là, Nguyễn Ngọc Tư trình bày tư tưởng rồi lại phủ định tư tưởng ấy, giống như Biên sử nước là một thế giới ẩn dụ nhưng tác giả lại bảo “chẳng mang tầng nghĩa ngầm nào khác”.

            Người đàn bà đi tìm trái tim người để chữa bịnh cho con với một lòng yêu thương và một niềm tin tuyệt đối. Tác giả khẳng định chỉ có tính yêu thương (trái tim) mới chữa lành mọi bịnh tật, mới cứu rỗi nhân tính. Thế nhưng ngay sau đó nhân vật “sư mẫu’ là một nhân chứng sống đã nói rõ Đức Ngài chỉ là một trò lừa gạt. “Trái tim” của kẻ lừa gạt làm sao chữa được bịnh. Thế nghĩa là chẳng có tình yêu thương nào chữa lành tình trạng nhân tính bị tha hóa!

            Nguyễn Ngọc Tư nói về sự biến mất của một con người như một tất yếu: “Hình ảnh cuối cùng của tôi trước khi biến mất khỏi cõi đời, cũng sẽ được một con mắt điện tử nào đó giữ lại 30 ngày, rồi tự động tan đi không dấu vết. Ai sẽ ngồi xem lại hình ảnh tôi” (tr.75) và trong truyện là rất nhiều trường hợp con người biến mất (Phúc mắt bò, Cô Long, chị Thu, chị Khùng, Cẩm…). Thế nhưng, người ta vẫn thấy dấu tích của họ, họ đang lang thang nơi này nơi kia, và không phải họ không để lại những hậu quả. Chị Tùy bỏ đi để nước chảy ngập cả thành phố, Chị Thu đi để lại cái nhà đầy gián. Cô Long bỏ đi đến nỗi thằng Phủ phải giả làm Đức Ngài để gây tiếng vang “sao cho ở phương trời nào con nhỏ kia cũng nghe thấy” (tr.43). Nghĩa là con người “biến mất” vẫn tồn tại. Phải chăng đây là sự mâu thuẫn trong tư tưởng của Nguyễn Ngọc Tư?

            Cũng vậy, khi Nguyễn Ngọc Tư nói đến một vài hiện tượng xã hội nhưng ngay sau đó lại phủ định những gì mình vừa kể. Chuyện xây tượng đài bê tông cốt tre, hoặc tình trạng con ông cháu cha quậy phá (nhân vật Mi, chương 10). Phần sau câu chuyện, tác giả lộ ra rằng đó là chuyện kể của một người hôn mê vì tai nạn xe chưa tỉnh, và Mi quậy phá khi cô mộng du, nghĩa là của hai kẻ không có ý thức. Chuyện chỉ xảy ra trong tiềm thức của một người đã mất hết ý thức. Vậy tiếng nói phản kháng ấy có giá trị gì với thực tại?

            Có thể lý giải sự mâu thuẫn của Nguyễn Ngọc Tư là do nhà văn thể hiện tư tưởng nhưng không dựa trên một hệ thống triết học nào. Nhà văn cũng không viết với khuynh hướng văn chương dấn thân (J.P.Sartre-1905-1980), vì thế những thông điệp tư tưởng của Nguyễn Ngọc Tư trong Biên sử nước chỉ có ý nghĩa như một tiếng nói trách nhiệm trước một thời đại mà nhân tính bị hủy hoại trầm trọng, tình yêu thương không còn khả năng cứu chữa bệnh tật của con người. “Chúng ta không biết mình đang sống trên những mục rã nào” (tr.120). Tôi nghĩ tiếng nói trách nhiệm ấy thật đáng quý.

            Biên sử nước có cách đặt tên khá lạ. Những thở dài mang vị muối, Dấu nước, gọi vang, nước lên, những kén, tiếng khóc từ trời, cưới bóng…Tất cả tên chương đều không được viết hoa. Có điều gì đó rất trái với quy luật ngôn ngữ thông thường. Lẽ ra phải viết “những cái kén” hoặc “tiếng khóc thấu trời”. Thở dài” là một động từ, “những” là số số từ, chỉ đứng trước danh từ, không thể đứng trước động từ (Những thở dài). Sự “lạ hóa” cả ở nội dung nhan đề ”cưới bóng”. Sự “lạ hóa” cách viết nhan đề cũng là một phá cách của ngòi bút Nguyễn Ngọc Tư. Nó tạo ra sự “gây hấn” với người đọc ngay khi tiếp cận tác phẩm. Nhan đề “Biên sử nước” là một gây hấn như vậy. Người đọc thường nghe “biên niên sử” của một triều đại. Nhưng Nguyễn Ngọc Tư viết “Biên sử nước”, vậy nên được hiểu thế nào? Biên niên sử của nước hay bên lề (đường biên) lịch sử của nước, hay là ghi chép về (biên chép) lịch sử của nước? Tác phẩm không hề chứa đựng các nội dung này.

Thôi thì cứ nghe theo lời nhà văn, cách đặt tên tác phẩm, tên chương: “chẳng mang tầng nghĩa ngầm nào khác”. Chẳng qua là một trò chơi chữ thú vị, vậy thôi! Nói như thế thì trả lời thế nào về chức năng của nhan đề? Nhan đề chứa đựng nội dung, tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm. “Biên sử nước” nhất định chứa đựng những điều ấy, không phải chỉ là một trò chơi chữ đơn thuần. Phải chăng nhan đề ấy gợi ra vấn đề nước ở đồng bằng sông Cửu long một thời ngập lụt (“chan nước đi hàng mấy trăm cây số”. tr.53) mà bây giờ đối mặt với sự khô cạn? Cho nên người ta không thể cười được, như đứa trẻ kia chỉ khóc không ngơi? Tìm mãi một con đường giải quyết như không thấy (như tìm người đàn bà bồng con)?

Tôi rời cuốn sách mà lòng ngổn ngang, dường như tôi đuổi theo những gì Nguyễn ngọc Tư viết giống như mấy người tù chạy theo thằng 551, tưởng nó dẫn đường trốn trại, ai dè nó chạy theo một con chim thằng chài, một con chim xanh biếc, và thằng 551 hỏi ngược lại những người tù rằng ”Nhưng sao tụi mày lại chạy theo” (Chương 7-tr.79). Những người tù trốn trại chạy theo thằng 551 là vì ngộ nhận, còn tôi chạy theo Biên Sử nước, chẳng lẽ…!

***

Nguyễn Ngọc Tư (bìa trái) cùng các nhà văn nữ trong Đại Hội-Hội Nhà Văn tại Trà Vinh 2020

Nguyễn Ngọc Tư là một nhà văn có những nỗ lực khám phá sáng tạo liên tục, rất quen ở phong cách nhưng mới lạ ở nghệ thuật và tư tưởng. Thế hệ nhà văn đồng thời với Nguyễn Ngọc Tư giờ trở thành những cây viết chủ lực của văn chương Việt, họ đã làm thay đổi hẳn dòng chảy văn chương Việt và tiếp cận với văn chương thế giới. Những đóng góp về thi pháp và tư tưởng của Nguyễn Ngọc Tư trong Biên sử nước là một trường hợp cụ thể.

Xin chúc mừng nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Tháng 11/2020

HỘI NGHỊ CÔNG TÁC VĂN HỌC HNV 2020

HỘI NGHỊ CÔNG TÁC VĂN HỌC 2020

Sáng thứ Bảy 17/10/2020, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức HỘI NGHỊ CÔNG TÁC VĂN HỌC năm 2020.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà Văn trình bày những nét chính công tác văn học năm 2020. (Sau đây là phần lược ghi theo stream trên FB của nhà thơ Nguyễn Hữu Nhân)

Do tình hình dịch Covid, nhiều hoạt động của Hội Nhà văn phải dừng lại. Ngày Thơ Việt Nam đã được chuẩn bị rất kỹ, nhưng không tổ chức được. Dù vậy ta vẫn phải duy trì  các hoạt động của Hội như Báo Văn nghệ, các tạp chí, các bộ phận của BCH…

Cuộc thi tiểu thuyết được coi là một mùa bội thu. Cuộc thi gây nhiều ấn tượng. Có thể nói là thành quả của cả nhiệm kỳ.

Vẫn tiếp tục đầu tư sáng tác. Cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ sắp kết thúc. Hoạt động của BCH, của Đảng đoàn có nhiều cố gắng

Dù đại dịch Covid có ảnh hưởng đến các hoạt động đối ngoại của Hội Nhà văn, song ta vẫn giữ được mối quan hệ với các đối tác, vẫn cử người đi nước ngoài gặp gỡ trao đổi. Đặc biệt tập thơ Sông Núi trên vai , thơ Việt Nam được dịch và xuát bản tại Ý, là 1 trong 6 cuốn sách được chú ý trong năm tại Ý.

Việc trọng tâm của năm 2020 là chuẩn bị cho Đai Hội-Hội Nhà văn lần thứ X, dự kiến trong tháng 11/2020. Đến nay Đại hội ở cơ sở trong cả nước đã sắp hoàn thành, chỉ còn một đại hội của các nhà văn thuộc chi hội cơ quan HNV là chưa họp. Đại hội cơ sở của chi hội HNV Tp Hồ Chí Minh và ĐH Liên chi hội Miền Đông & Đồng bằng Sông Cửu Long đã được tổ chức rất tốt. Khái quát công tác tổ chức đại hội đã được làm bài bản, chu đáo. Chúng ta sẽ tổ chức một Đại hội ĐOÀN KẾT, DÂN CHỦ, ĐỒI MỚI và TRÁCH NHIỆM.

Việc xét giải thưởng và kết nạp hội viên 2020 làm trong ngày hôm nay, vì nếu để BCH nhiệm kỳ mới làm thì không kịp.

Các Hội đồng chuyên môn sẽ chọn: Văn (3 cuốn), Thơ (3 cuốn), LLPB (3 cuốn), văn học dịch (2 cuốn). Có khỏang 10 cuốn, Ban Chấp hành sẽ tập trung đọc để kịp trao giải.

Về kết nạp hội viên mới. Năm nay dự kiến kết nạp từ 25 đến 30 ngưởi. Năm ngoái kết nạp đông quá, có thể nói là đông nhất từ trước đến giờ. Cũng có ý kiến về chất lượng hội viên mới. Năm nay chú ý đến chất lượng hơn. Hội Nhà văn có 1062 hội viên mà Hà Nội chiếm hơn 600 người vì thế nên chú ý đến những tỉnh chưa có hội viên. Cũng nên xem xét những trường hợp “có va vấp” nhưng bản thân nhà văn đã đứng dậy và tiếp bước. Chúng ta nghiêm khắc nhưng chúng ta cũng phải nhân văn. Không để cái án treo lơ lửng suốt một đời người gây nên những bi kịch. Dự kiến văn xuối: kết nạp 15 người, Thơ: 10 đến 12 người; Lý luận phê bình không hạn chế (từ 5 đến 7 người); Dịch: 3 đến 5 người. Nhà văn trẻ: 3 đến 5.

Sau báo cáo của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch HNV, các Hội đồng Chuyên môn sẽ họp để xét trao giải tác phẩm và kết nạp hội viên mới xong trong buổi sáng.

***