SƯƠNG MÙ THÁNG GIÊNG CỦA UÔNG TRIỀU

TÌNH YÊU TRONG SƯƠNG MÙ

(Đọc Sương Mù Tháng Giêng, tiểu thuyết lịch sử của Uông Triều)

UÔNG TRIỀU 2

Thiên Thụy đứng một mình, sương khói ngày càng bao trùm rồi không nhìn thấy ai nữa. Đó là dòng ghi chú sau cùng trong Sương Mù Tháng Giêng. Khánh Dư đã đi và Quốc Nghiễn cũng ra đi. Cả hai đi trong tâm trạng suốt đời bị dày vò vì một mối tình đầy bi kịch. Tôi tự hỏi “Sương mù tháng giêng” là gì?

1.Sương mù tháng giêng

Trong truyện ngắn Đứa Con Mùa Xuân viết về Nguyễn Phi Khanh, nhà văn Uông Triều nhận định rằng :”Lịch sử mù mờ và được ghi theo ý đồ của nó”(1). Tôi hiểu, nhà văn muốn nói rằng, những câu chuyện được kể trong sách sử bị bao phủ bởi sương mù. “Sương mù tháng giêng” là một ẩn dụ. Nhà văn muốn “đắm chìm mê mị…trong sương mù để khám phá những sự thật bị che khuất. Và đó là sự thật gì?

 

Sương Mù Tháng Giêng kể chuyện tình yêu của Khánh Dư với Thiên Thụy công chúa. Sử sách ghi rằng, Khánh Dư có công đánh giặc, được Thượng hoàng Lê Thánh Tông nhận làm con nuôi, được hưởng tước Nhân Huệ Vương. Khánh Dư thông dâm với công chúa Thiên Thụy là vợ của Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, con trai Trần Quốc Tuấn. Vua sợ phật ý Quốc Tuấn, bèn sai đánh chết Khánh Dư ở Dâm Đàm, nhưng lại dặn chớ đánh đau quá để không đến nỗi chết, rồi xuống chiếu cách hết quan tước, tịch thu sản nghiệp không để lại cho một tí gì. Ông trở về Chí Linh làm nghề bán than. Sau này vua Trần Nhân Tông phục chức cho ông.

Uông Triều giữ nguyên chính sử đã chép về Khánh Dư và dựng một câu chuyện của riêng mình.

Truyện khởi đi từ lúc Khánh Dư phải chịu đòn ở Dâm Đàm, rồi ông về bán than ở Chí Linh. Giặc Nguyên xâm lược lần thứ ba, ông lập công lớn, đánh tan đạo binh thuyền chở lương thực, khí giới của Trương Văn Hổ. Có cả chuyện ông tham ô khi cho thu mua nón Ma Lôi. Về sau ông cũng phò vua Trần Anh Tông đi đánh quân Chiêm Thành.

Từ nhân vật Khánh Dư, ngòi bút Uông Triều tỏa ra các nhân vật khác: Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Trần Ích Tắc, Hốt-Tất-Liệt, Thoát Hoan, Toa đô, Ô Mã Nhi, Phạm Nhan…bao quát một bối cảnh lịch sử rộng trong không gian và dài trong thời gian hai lần vua tôi nhà Trần đánh quân Nguyên-Mông (1285-1288). Không dừng lại ở việc phản ánh sự hoành tráng, sử thi của cuộc kháng chiến toàn dân tộc, Uông Triều còn đi sâu vào “nỗi niềm” riêng của từng nhân vật và theo chân họ đến cuối đời. Chương viết về sự viên tịch của Phật hoàng Trần Nhân Tông rất hay (Đêm cuối cùng ở Ngọa Vân), và Khánh Dư còn đưa xuống địa phủ gặp lại tất cả mọi người, để tra cho ra câu hỏi quấn xiết lấy ông suốt đời, Thiên Thụy yêu ông hay yêu Quốc Nghiễn (Chương 6&7, phần VIII). Nhưng rồi cả Khánh Dư và quốc Nghiễn đều ra đi mang nỗi bi thương trong lòng, dù địa phủ là nơi đã xóa hết mọi nỗi oán thù. Đây là đoạn kết truyện : cuộc gặp gỡ, truy đuổi giữa Khánh Dư, Thiên Thụy và Quốc Nghiễn để làm rõ Thiên Thụy thuộc về ai trong cuộc tình tay ba bi kịch.

Quốc Nghiễn: Nhất định nàng phải nói.

Thiên Thụy: Khánh Dư, người có muốn nghe tôi nói không?

Khánh Dư: Nàng nói đi, ta biết nàng thích ta hơn mà.

Thiên Thụy: Rốt cuộc thì hai người ai cũng tham lam như nhau.

Khánh Dư: Thôi, nàng đừng chần chừ nữa.

Thiên Thụy: Trước kia tôi thích cả hai người, tôi cũng tham lam như hai người nhưng tôi đã ăn chay niệm phật lâu rồi, giờ hai người như nhau thôi.

Khánh Dư: Nàng thật tàn nhẫn.

Quốc Nghiễn: Ta không ngờ nàng nói thế

Uông Triều viết kết đoạn như sau. Khi Khánh Dư và Quốc Nghiễn bỏ đi, Thiên Thụy đứng một mình, sương khói ngày càng bao trùm rồi không nhìn thấy ai nữa. Thế có nghĩa là sương mù bao phủ ngàn năm lên cuộc tình Khánh Dư-Thiên Thụy vẫn còn nguyên đấy. Bởi cách Thiên Thụy trả lời hai người chỉ là cách từ chối nói thật lòng mình, càng gây thêm mối nghi hoặc. Và tôi tin rằng, một lúc nào đó cả Khánh Dư và Quốc Nghiễn lại tìm gặp Thiên Thụy để hỏi cho ra nhẽ, bởi vết thương tâm trong lòng họ vẫn còn nhỏ máu. Cuộc chịu đòn 100 gậy của Khánh Dư (Phần I, Dâm Đàm-chương 3) cùng với sự chiến thắng của Quốc Nghiễn sau ba đường gươm đánh bại Khánh Dư vẫn chưa giải quyết được vấn đề (Phần III: Cố Nhân-chương 1)

  1. Truyện tình hay Tiểu thuyết lịch sử?

Mở đầu truyện là trận đòn Khánh Dư phải lụy vì tình, dù vậy Khánh dư chấp nhận tất cả: ”Trước mắt chàng là hình ảnh chập chờn của công chúa Thiên Thụy. Thiên Thụy ơi, tấm thân nồng nàn của nàng làm ta mê đắm, Khánh Dư ta bị tội thì có đáng gì, ta đâu sợ hình phạt, chỉ trách cuộc vui chẳng dài, ta vui thú với nàng được bao mà nàng phải khổ sở.”(Phần I, chương 1). Cuộc tình ấy gây ra bao nhiêu hệ lụy, đau khổ, nhục nhã ê chề cho Thiên Thụy (chương 2), Quốc Nghiễn-con của Trần Quốc Tuấn, chồng của Thiên Thụy (chương 3), cả với Thượng hoàng Trần Thánh Tông (chương 4). Và biết đâu làm hỏng cả đại cuộc chống giặc Nguyên –Mông khiến vua Trần Thánh Tông thực sự lo ngại: “… nay thằng nghịch tử Khánh Dư lại gây thêm tội. Nếu Quốc Tuấn nhân việc này mưu đồ việc riêng thì là mối nguy lớn cho xã tắc. Vết thương nằm sâu trong gan ruột, nay bị cái gai đâm vào cho vỡ tung ra thì nguy hại khôn cùng. Quốc Nghiễn cũng làm ta không khỏi lo lắng, Nghiễn là bậc anh hùng cái thế, rường cột của quốc gia. Cha con Quốc Tuấn cần cho xã tắc, ta không để uổng phí, thâm thù chồng chất được. Ta phải tính sao cho chu toàn mọi việc.

Rồi sau những năm tháng phải về Chí Linh, lúc gặp lại công chúa, Khánh Dư vẫn si mê, vẫn tin rằng công chúa còn yêu mình. Ông bị công chúa xỉ vả thậm tệ nhưng ông sẵn sàng chết vì nàng. “Ông biết nàng đang nghĩ gì, nàng đâu muốn giết ông, nàng làm thế sao được, nàng vẫn là Thiên Thụy của ngày xưa…(Phần VIII, chương 3). Ý tưởng ấy tiếp tục theo đuổi Khánh Dư đến cuối đời, kể cả khi ông xuống địa phủ (Phần VIII, Chương 6&7).

Một chủ đề được triển khai quán xuyết suốt tác phẩm như thế, người đọc hẳn nhận ra Sương Mù Tháng Giêng là một chuyện tình. Chúng ta có thể hình dung được Khánh Dư và Thiên Thụy phải yêu nhau mê đắm thế nào mới bất chấp danh dự, tính mạng và đại cuộc như thế. Trai tài gái sắc. Thiên Thụy yêu Khánh dư chắc chắn vì Khánh Dư là một dũng tướng, nam nhi đại trượng phu. Điều này thực tế đã khẳng định. Vua Trần Thánh Tông quá yêu vị tướng trẻ này mà nhận làm con nuôi, và vì quá yêu chàng mà tha tội chết. Còn vua Trần Nhân Tông, khi gặp lại Khánh Dư ở Bình Than, chỉ nghe người bán than trả lời, vua Trần Nhân Tông đã nhận ra người ấy chính là Khánh Dư :” Nghe khẩu khí ấy đúng là Nhân Huệ vương Khánh Dư rồi, người thường tất không dám nói thế. Mời bằng được ông ấy đến dự hội nghị”(Phần II-chương 3). Cả khi bị thất bại trong việc chặn cánh quân thủy của bọn Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đến Vân Đồn, Thượng hoàng Trần Thánh Tông nghe tin, sai bắt về kinh xử tội, Khánh Dư bảo với sứ rằng “lấy quân luật mà xử, tôi xin chịu tội, nhưng xin hoãn vài ngày để tôi lập công chuộc tội, rồi sẽ chịu búa rìu cũng chưa muộn”. Quả nhiên sau đó Khánh Dư đã đánh bại Trương Văn Hổ bắt sống được nhiều tù binh và lương thực khí giới không kể xiết.(xem Phần VII, Thủy chiến-chương 1). Một người như thế xứng đáng để Thiên Thuy yêu mê đắm và dù có đánh đổi tất cả nàng cũng chấp nhận.

Còn Khánh Dư yêu Thiên Thụy vì lý do gì? Cứ theo lẽ thường, nàng phải là một người tuyệt vời tài sắc. Chuyện kể rằng Thiên Thụy công chúa xinh đẹp hiền dịu, rất được vua cha Trần Thánh Tông yêu quý. Khánh Dư là con nuôi vua Thánh Tông nên chàng ra vào trong cung, họ yêu nhau là lẽ thường tình. Sau đó Thiên Thụy lấy Quốc Nghiễn, con của Trần Quốc Tuấn. Dù vậy Khánh Dư và Thiên Thụy vẫn dan díu nhau. Chuyện giữa hai người bị phát giác. Khánh Dư bị đánh đòn rồi về Bình Than. Năm 1282, Khi họp hội nghị Bình Than vua Trần Nhân Tông gặp lại Trần Khánh Dư, cho về triều và phong làm Phó đô tướng quân cầm một cánh quân mạnh chuẩn bị chặn giặc. Về lại Thăng Long, Khánh Dư và Thiên Thụy vẫn quấn lấy nhau. Chính sử phải chép: “Rút cuộc Khánh Dư cũng không sửa được lỗi lầm cũ”. Cứ theo sự việc ghi trong sử sách, người đọc có thể nhận ra Khánh Dư không chỉ là một dũng tướng mà còn là một khách tình si. Tài tử giai nhân, “trai anh hùng, gái thuyền quyên” vốn vậy.

Rất tiếc Uông Triều đã không miêu tả được cuộc tình lý tưởng của họ. Đó là một cuộc tình vừa lãng mạn, vừa bi tráng. Tình yêu của Thiên Thụy là một tình yêu lý tưởng. Có lẽ nàng đã yêu được một người đúng như trong tâm tưởng. Và với tính cách lý tưởng, nàng đã dâng hiến tất cả và mê đắm hạnh phúc trong tình yêu ấy. Những ràng buộc xã hội là vô nghĩa đối với nàng. Đó mới là một tính cách đích thực phụ nữ có bản lĩnh. Đến nỗi vua Trần Nhân Tông phải buộc Thiên Thụy xuất gia. Vua Nhân Tông là em ruột Thiên Thụy, là người hiểu rõ chuyện tình này. Ông cũng là người rất thương chị gái. Khi hay tin chị ốm nặng, ông đã đến thăm. Cầm tay Thiên Thụy ông nói :” Nếu chị đã đến ngày đến giờ thì cứ đi, âm phủ có hỏi thì bảo rằng, xin đợi một chút, em tôi là Trúc Lâm đại sĩ sẽ tới ngay”. Thượng hoàng Nhân Tông bấy giờ là Trúc Lâm đại sĩ, đang tu trên núi Yên Tử .

Dưới ngòi bút của Uông Triều, Khánh Dư chỉ là kẻ vũ phu háo sắc, lầm lạc, đến cuối đời vẫn chưa tỉnh ngộ. Thiên Thụy cũng không khác gì. Cả hai chỉ là những kẻ hoang dâm. Đây là suy nghĩ của Thiên Thụy lúc Khánh Dư chịu đòn :” Nếu như nàng chưa chồng, nếu như Khánh Dư danh chính ngôn thuận thì nàng có say kẻ tình lang ngông cuồng ấy không. Nàng là đàn bà mà chàng lại quá đỗi hoan tình. Dư ơi, khi đó mình có cần gì nói với nhau, thấy ánh mắt rực lửa của chàng, lòng em đã bủn rủn ra rồi, em không sao cưỡng nổi ham muốn với chàng, vẻ phong trần của chàng làm em mê mẩn mất rồi, em có tội với chàng, có tội với Quốc Nghiễn, là đàn bà mà em si mê sắc dục, em làm sao thoát khỏi tội lỗi ấy được.(Phần I, chương 2). Những lời đối thoại của Khánh Dư và Thiên Thụy ở dưới địa phủ như thề này đã tầm thường hóa cả hai nhân vật :

Thiên Thụy: Thì chúng ta là giống đàn bà thôi, không ghen tuông không được nhưng ghen tuông thì có ích gì. Giờ chàng đã quá già rồi.

Khánh Dư: (Nhìn lại mình) Ta già nhưng không yếu đuối đâu, các nàng nhầm rồi, ta vẫn còn cường tráng đây, giờ ta chỉ thiếu các nàng thôi…

Có thể Uông Triếu muốn nhìn nhân vật của mình bằng cái nhìn bóc trần những lớp áo xã hội, cái nhìn bằng con người thật chăng? bởi dù là công chúa hay danh tướng, ngoài con người xã hội, họ cũng là một con người như mọi người, con người bản năng, con người cảm tính, con người tâm linh. Nhưng Uông Triều đã không thành công trong việc miêu tả cuộc tình này đúng như bản chất của nó và nâng nó lên tầm tư tưởng-nghệ thuật.

Tôi ngờ rằng miêu tả tình yêu không phải là thế mạnh của ngòi bút Uông Triều. Trong truyện ngắn Đứa Con Mùa Xuân viết về tình yêu của Nguyễn Phi Khanh và Trần Thị Thái (con quan tư đồTrần Nguyên Đán), Uông Triều chỉ đứng bên ngoài mà nghị luận, không sao hóa thân vào được nhân vật để thể hiện được chất nhân văn sâu sắc của tình yêu. “Người con gái chớm tuổi thành niên, ở trong trướng rủ màn che, hẳn là đầu tiên nàng tiếp xúc gần gũi với một người đàn ông, làm sao mà nảy nở tình cảm yêu mến như thế được, một ranh giới rạch ròi ngăn cách, tình si vấn vít trong một hoàn cảnh chật hẹp của lễ nghĩa. Hay là ông thầy quá đẹp trai hào hoa và càng ra sức giữ gìn quá mức thì cô tiểu thư học trò con quan càng nảy sinh lòng yêu mến gấp bội. Thầy càng nghiêm túc đường hoàng, trò càng chăm chỉ, ngoan ngoãn thì tình cảm càng bùng sinh dữ dội…”

Thế mạnh của ngòi bút Uông Triều là miêu tả lịch sử. Phần IV (Chiến trận) và phần VII (Thủy chiến) có những chương rất hay. Uông Tiều dựng lại được những sự kiện lich sử trong không khí bi hùng của thời đại, khắc họa được khí phách những con người đã được đóng đinh vào lịch sử: Trần Bình Trọng, Trần Khánh Dư, cha con Trần Quốc Tuấn, Cao Thuần,.. và làm rõ được dã tâm, tình cách của kẻ thù Hốt tất Liệt, Thoát Hoan, Trần Ích Tắc, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Phạm Nhan…

Uông Triều đã tổng hợp được một nguồn sử liệu phong phú (2), vượt qua cách viết tiểu thuyết lịch sử chương hồi, tiểu thuyết lịch sử giáo huấn, tiểu thuyết lịch sử mượn chuyện xưa nói chuyện nay, để đựng lại lịch sử theo cảm quan của nhà văn. Khi tôi hỏi nhà văn về các nguồn sử liệu như Đại Việt Sử Ký Toàn thư, An Nam Chí Lược, Việt Nam sử Lược, nhà văn Uông Triều cho biết :”Uông Triều tham khảo nhiều sách, ngoài các sách kể trên còn có Thuyết Trần của Trần Văn Sinh, Địa chí Quảng Ninh và đi điền dã thực tế ở vùng Bạch Đằng, Đông Triều, quê của Uông Triều.”Tôi hiểu điều này, có được nguồn sử liệu dồi dào mới chỉ là điều kiện cần. Để chưng cất và sáng tạo từ nguồn tư liệu đó, nhà văn phải đắm mình trong không gian lịch sử, phải sống thực bằng tâm thức với những con người lịch sử, cùng với tấm lòng và tài năng mới có thể viết thành những trang văn xúc động lòng người. Uông Triều đã trải nghiệm hành trình sáng tạo ấy. Ngay lời mở đầu, nhà văn đã viết :” Tôi vô tình lọt vào tướng phủ của Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư. Ngài đã rất ngạc nhiên khi thấy một kẻ hiện đại mà ham thích chuyện lịch sử. Tôi đã mạnh bạo hỏi những chuyện người ta thêu dệt về ngài, cả những việc người ta tránh nhắc tới. Nhân Huệ vương nghe xong thì mỉm cười, ngài bảo gần nghìn năm lịch sử rồi, có gì mà phải úp mở. Và ngài kể cho tôi nghe chuyện đời ngài, chuyện người, chuyện thế sự thời trước… thỉnh thoảng chúng tôi dừng lại uống một loại trà rất thơm do một tì nữ xinh đẹp hầu hạ. Trước mắt tôi là quang cảnh lịch sử cách biệt gần ngàn năm thế giới, một cuộc sắp đặt lạ kì và lòng tôi rạo rực. Tôi mê mải trong không gian kì vĩ của chiến trận, thỉnh thoảng vẫn nghe thấy tiếng hò hét, khóc than từ lòng đất nhưng không tài nào thoát khỏi cơn đắm chìm mê mị…Chính tấm lòng ham thích chuyện lịch sử, và sự đắm mình mê mải trong thế giới lịch sử của nhà văn đã thăng hoa thành những chương rất thành công của Sương Mù Tháng Giêng.

  1. Điều gì làm nên cốt cách ngòi bút Uông Triều?

Đã có nhiều ý kiến bàn về tiểu thuyết lịch sử, nhưng tôi đặc biệt chú ý đến ý kiến của GS-TS Trần Đình Sử (3) và PGS-TS Nguyễn Văn Dân (4). Hai tác giả này đã vận dụng được các nhiều lý thuyết văn học hiện đại để xem xét lịch sử vấn đề, từ đó soi chiếu lý giải những vấn đề của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại.

PGS-TS Nguyễn Văn Dân cho rằng có thể nhận thấy có ba xu hướng rõ nét trong tiểu thuyết lịch sử như sau: Tiểu thuyết lịch sử chương hồi khách quan (điển hình là Ngô Văn Phú), Tiểu thuyết lịch sử giáo huấn (đại diện tiêu biểu là Hoàng Quốc Hải) và Tiểu thuyết lịch sử luận giải (tiêu biểu là Nguyễn Xuân Khánh). Tôi thấy Uông Triều có thấp thoáng bóng dáng trong kiểu Tiểu thuyết lịch sử luận giải, nhưng trong Sương Mù Tháng Giêng, Uông Triều không luận giải chủ đề nào cả. Nhà văn để cho các nhân vật trực tiếp lên tiếng nói. Trước những gì còn chưa rõ ràng, nhân vật của Uông Triều tự giãi bày. Uông Triều đi sâu miêu tả những “nỗi niềm” của các nhân vật Khánh dư, Thiên Thụy, Quốc Nghiễn, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, trong đó điểm nhấn của tiểu thuyết là chuyện thông dâm của Khánh Dư với công chúa Thiên Thụy, chuyện An Sinh Vương đòi buộc con là Trần Quốc Tuấn trả thù, chuyện hòa hay chiến của vua Trần, cả những vấn đề của con người ở thế giới bên kia khi Khánh dư xuống địa phủ. Uông Triều đã sử dụng lại những quan điểm của chính sử.

Đây là thái độ của Uông Triều với Trần Ích Tắc, kẻ đã theo Thoát Hoan:

Tôi vặc lại ông ta:

– Nhưng chỉ vì bực mình mà ông theo Thoát Hoan ư, hắn làm những gì ông đã biết chứ. Hắn đã đào mả bố ông lên. Mà ông theo hắn, nước nhà cũng có tránh được can qua đâu, tưởng như việc ấy ông phải bực mình hơn mấy phải. Đến đứa trẻ cũng biết rằng Hốt Tất Liệt đâu chỉ muốn hòa, hắn chỉ muốn cướp nước, giết người thôi. Ông ăn lộc của hắn thì phải nghe theo hắn, chuyện cha con Vua Nhân Tông là chuyện nhỏ, nguyên là lòng tham không đáy của ông mà ra. Ông không tham thì đâu đến nỗi mất nước, mất danh phận, đến cả chỗ chôn thây cũng không có, lẽ nào bao năm ông không tỉnh ngộ ra sao?

Ông già nhảy phắt lên:

– Mày là đồ hậu sinh hỗn xược, mày hiểu gì mà nói, mày chỉ bịa tạc ra thôi. Tao phải giết mày, tao không tha cho mày đâu.

Ông già rút gươm ra, tôi buộc phải hăm dọa ông ta:

– Ông dừng lại ngay, nếu không tôi sẽ bắn đấy. Tôi cũng không nể tình ông đâu. Ông nghĩ thế nào ông cứ nói, tôi cũng không có ý định bịt miệng ông để người khác nói đâu…

 

GS-TS Trần Đình Sử cho rằng, lịch sử thực chất chỉ là một thứ diễn ngôn. Sử sách chỉ ghi một số ý kiến về các sự thật quá khứ mà không ai ngày nay được nhìn thấy, chứng kiến, chúng ta biết rất ít về nó, biết rất phiến diện, nhất là đời sống thực tế của những thời đã qua. Nhiệm vụ của tiểu thuyết lịch sử là sáng tạo ra diễn ngôn mới về lịch sử, nêu ra cách nói mới, góc nhìn mới, phán xét mới, gợi mở khả năng mới. Nhà văn có quyền giải thích sự kiện khác với định luận trong sử. Ông cũng nói đến trào lưu viết lại lịch sử đáng chú ý ở nhiều nước trên thế giới.(Tôi hiểu ông định nói gì trong những ý kiến ấy)

Bằng một sự hiểu biết uyên bác và cách viết đầy thuyết phục, GS-TS Trần Đình Sử đã cung cấp những kiến giải gíup soi sáng nhiều vấn đề. Theo thiển nghĩ của tôi, trong những ý kiến ấy, có những chỗ cần luận giải. Lịch sử là một sự thật đã diễn ra trong không gian và thời gian nhất định. Viết về lịch sử, dù văn bản lịch sử có khác nhau về quan điểm, góc nhìn, thời gian thì vẫn phải tôn trong chân lý lịch sử, tức là những gì đã xảy ra. Vì thế văn bản lịch sử không chỉ là một diễn ngôn. Chẳng hạn viết về lịch sử nhà Trần đánh quân Nguyên- Mông, thì dù là Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Sử Quán triều Lê, hay An Nam Chí Lược của Lê Tắc (một tên phản quốc) (5) đều phải tôn trọng sự thật lịch sử đã diễn ra. Mỗi văn bản lịch sử cung cấp một góc nhìn khác nhau về hiện thực, và vì thế dù có viết lại lịch sử thì cũng phải tôn trọng sự thật lịch sử. Ngôn ngữ là một hệ thống ký hiệu dùng để ghi lại nhận thức của con người trước sự vận. Ngôn ngữ không là sự vật, nhưng là công cụ tư duy, công cụ giao tiếp, nó được đặt trên những tín niệm của cộng đồng, vì thế văn bản lịch sử dù là một băn bản, một diễn ngôn, nó dẫn đến sự thật lịch sử và chứa đựng những tín niệm của cộng đồng.

Uông Triều không viết lại lịch sử, nhà văn cũng không coi lịch sử như cái móc áo để khoác trên đó những quan điểm của cá nhân mình. Anh coi trọng chân lí lịch sử, coi trọng những tín niệm của cộng đồng dân tộc. Bằng cái nhìn hiện đại, anh để cho các nhân vật lịch sử tự lên tiếng nói với người hôm nay về những gì mình đã làm. Lịch sử là lịch sử, không thể thay đổi. Dù có “thóang” và “hậu hiện đại” thế nào, anh cũng không thể bênh vực cho Trần Ích Tắc. Dù có viết lại lịch sử, anh cũng không thể cứu sống được Toa Đô (Phần IV: Chiến trận-chương 7), Ô Mã Nhi (Phần VII: Thủy chiến-chương 5)

 

Để thực hiện ý tưởng nghệ thuật của mình, Uông Triều không cấu trúc truyện theo tuyến thời gian, dù người đọc phải liên tưởng theo một mạch sự kiện. Uông Triều tập trung miêu tả tâm trạng nhân vật và lắng nghe tiếng nói của nhân vật trước sự việc đang xảy ra. Cách viết này làm cho cấu trúc tiểu thuyết trở nên lỏng lẻo, đến nỗi mỗi chương có thể đứng riêng thành một truyện ngắn. Hai chương Nước Mắt Sông CầmĐêm Cuối Cùng Ở Ngọa Vân là những truyện ngắn rất hay đã được đăng báo riêng.

Uông Triều không khắc họa chân dung nhân vật, không miêu tả bối cảnh nơi xảy ra sự việc, nơi nhân vật xuất hiện, đồng thời anh trộn lẫn hư- thực bằng nhiều giấc mơ của nhân vật, trộn lẫn chính sử với huyền thoại (Phần VI: Tâm thần-chương 2: Phạm Nhan), sử dụng nhiều cách viết. Nhiều chương chỉ là tâm trạng nhân vật, có chương được viết như một lớp kịch bản (Phần III: Cố nhân, chương 3 & Phần VIII: An lạc, chương 7), có chương tác giả trực tiếp tranh luận với nhân vật (Phần VI, chương 4) hoặc đặt mình trong bối cảnh của nhân vật để bày tỏ cảm nghĩ (.Phạm Nhan). Có chương anh sử dụng lại mô típ hồn ma như trong Hamlet của W. Sakespear (Phần IV: chiến trận-chương 9). Tôi không bận tâm nhiều về sự cách tân trong cách viết của Uông Triều nhưng tôi ghi nhận được sự đa dạng và tính hiện đại trong cách viết tiểu thuyết lịch sử của Uông Triều, nhờ đó tiểu thuyết của anh có khả năng gây được ấn tượng ở nhiều mặt.

Chỉ tiếc rằng anh đã không viết Sương Mù Tháng Giêng thành truyện tình bi tráng trên nền lịch sử kỳ vĩ của dân tộc, không khắc họa cụ thể chân dung nhân vật và miêu tả chi tiết hơn hiện thực để (biết đâu) tác phẩm của anh có thể dựng thành phim. Và những kiến giải của anh về lịch sử không mới. Nhiều ý tưởng được lặp lại từ nhân vật này sang nhân vật khác. Đôi chỗ anh để cho nhân vật nói năng hơi suồng sã bình dân. Vua Trần Thánh Tông nghĩ về Khánh Dư :” Thằng Khánh Dư gây tội tày đình, ta nên xử thế nào đây. Tên nghịch tử này đã không còn biết trời cao đất dày là gì nữa rồi… Bấy nay đầu óc ta bấn loạn, càng nghĩ càng lộn ruột “. Vua Nhân Tông được mệnh danh là Phật hoàng đã nói thế này :” Giặc có cớ mà giương cờ phủ dụ dân chúng, những kẻ quyền quý đã đái cả ra quần thì dân đen tính làm gì.

Uông Triều thổ lộ thế này : ”Tôi không có ý định bêu riếu người này hay tụng ca người khác, tôi chỉ viết những gì tôi cho rằng lịch sử có thể xảy ra, câu chuyện quá khứ này vừa cay đắng vừa tàn nhẫn, dù sao đã mấy trăm năm trôi qua, người ta bây giờ có thể bình tĩnh suy xét về nó.(Phần VI: Tâm thần-chương 4). Vâng, đọc truyện lịch sử là để suy gẫm về lịch sử, biết đâu ta tìm được bài học nào đó có ích cho hôm nay. Tôi tin rằng Uông Triều đã có những đóng góp riêng vào thể loại tiểu thuyết lịch sử Việt Nam. Viết tiểu thuyết lịch sử là đi vào con đường hết sức khó khăn, tốn rất nhiều công sức và tâm huyết. Tôi không biết anh mất bao nhiêu thời gian và công sức để hoàn thành cuốn tiểu thuyết này, nhưng chỉ một việc tôi theo chân anh cũng làm tôi mướt mồ hôi. Xin chúc mừng thành công mới của nhà văn Uông Triều.

Tháng 01.2015

 

 

 

 

    1. http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/van-nghe/truyen-ngan/item/22055302-dua-con-mua-xuan.html
  1. Nguyễn Văn Dân : Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại – phác họa một số xu hướng chủ yếu
  2. An Nam Chí Lược-quyển đệ tứ- http://www.viethoc.org/eholdings/sach/ancl.pdf

THƠ NGUYỄN HOA

CÂU THƠ MÀU NHIỆM

Đọc tập Thơ Nguyễn Hoa, Nxb Hội Nhà Văn 2014

Bùi Công Thuấn

 Nguyễn Hoa

Nhà thơ Nguyễn Hoa tâm sự:

Tôi sống cuộc đời tôi

Nguyện đi ngày gian khó

Nửa phần áo cỏ tươi

Nửa phần chăm hạt chữ

(Lá chín)

Ý tưởng này mở ra con đường cho người đọc tiếp cận thế giới nghệ thuật của Nguyễn Hoa. Và tôi đã theo chân nhà thơ suốt 348 bài thơ, trong hành trình sáng tạo đầy thăng hoa nhưng cũng không ít trăn trở.

Năm 1981, nhà thơ lưu ý người đọc (19 năm sau) điều này :”…các bạn có thể đọc thơ tôi như người đồng chí/ mong không chiếu cố cho mình điều gì quen…”(Gửi năm tôi năm ba tuổi-2000). Tôi ngạc nhiên về sự chân thành của người thơ khi yêu cầu người đọc thơ “không chiếu cố”. Phải chăng nhà thơ muốn bạn đọc chân thật với chính lòng mình? rằng, khi đọc thơ Nguyễn Hoa, bài hay thì chia sẻ, mà bài không hay cũng cần một tấm lòng tri âm ?

1.”Nửa phần áo cỏ tươi…”

 Sẽ trở về-tôi người lính áo cỏ xanh đạn bom đã bạc

sẽ trở về-tôi người thơ tóc đen ngả màu

Ký ức chiến tranh lặn sâu

Thơ ngắn ít câu chưa nói hết…”

(Vườn quê)

Nửa phần áo cỏ tươi” là nửa đời nhà thơ mặc áo lính, nửa đời người lính trải khắp mọi chiến trường suốt từ những năm 1970 đến 1985. Nửa đời này làm nên phần đặc sắc nhất của Thơ Nguyễn Hoa.

Thơ viết về người lính kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã có những thành tựu đỉnh cao, vậy Nguyễn Hoa định vị chỗ đứng của mình trong thế giới thi ca đương đại như thế nào? Viết về những gian khổ, hy sinh của đời lính, hay viết những bản hùng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng? Viết về Trường Sơn hay biển đảo? Căm thù hay yêu thương? Sự sống và cái chết?… Thật không dễ vượt qua Mai Ninh, Quang Dũng, Hữu Loan, Yên Thao, Tố Hữu, Chính Hữu, Vũ Cao, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Lê Anh Xuân…(!)

Bộ độ Cụ Hồ, dù là anh Vệ Quốc quân “áo vải chân không đi lùng giặc đánh”, hay anh Giải Phóng Quân với vũ khí hiện đại (Năm anh em trên một chiếc xe tăng) thì phẩm chất người lính vẫn giống nhau: sáng ngời lý tưởng, gian khổ hy sinh, thắm thiết tình đồng đội, tình đồng chí, tình quê hương… và cùng mang tầm vóc anh hùng của thế kỷ XX, thế kỷ cách mạng. Nhân vật người lính trong thơ  khác nhau ở bút pháp và cốt cách nhà thơ. Nhớ máu (Mai Ninh) dữ dội, ào ạt khí thế giết giặc, Đèo Cả (Hữu Loan) gân guốc, hùng vĩ, hoang sơ, Tây Tiến (Quang Dũng) lãng mạn và bi tráng,  Đồng Chí (Chính Hữu) mộc mạc chân chất, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên (Tố Hữu) cảm xúc bay lên trong hơi thơ anh hùng ca, Tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật) là tiếng cười hào sảng của người lính chiến thắng trên đường Trường Sơn, Dáng đứng Việt Nam (Lê anh Xuân) gây xúc động vì tạc được tượng đài anh Giải phóng quân lẫm liệt khi sống cả khi chết “tạc cái dáng đứng Việt Nam vào thế kỷ”…

Thơ Nguyễn Hoa cũng viết về người lính trong đời thực, trong rừng dày, ngoài đảo xa hay tận cột mốc đầu tổ quốc. “Mười bảy tuổi tôi cầm súng đi xa/ Khẩu súng thân quen như chiếc thừng vực nghé”(Lời người chiến sĩ đồng quê-1978),” Tôi là tôi : tuổi hai mươi/ xa đồng làng tới phương trời đạn bom/ Rừng xanh, rừng đỏ Trường Sơn/ Áo màu bạc với mưa nguồn nắng nung…”(Tuổi tôi-1980)Trong rừng dày rừng thưa/ Dấu chân người dày hơn lá đổ/ Dấu chân người, nối dấu chân người/ Đạp cỏ, đạp gai thành những lối mòn/ Tạc vào Trường Sơn…”(Dấu chân người đi đất-1973) “Đạn và súng- súng và tuổi trẻ/ Nắng và mưa-bát ngát núi trên lưng…“(Kỷ niệm về cây gậy Trường Sơn-1982) , “đêm biên giới đất trời lên tiếng nói/ run rẩy ngàn sao…/ Tôi đã sống những tháng năm kỳ lạ/ tuổi trẻ tôi không dễ có hai lần/ tháng năm biết hy sinh tự nguyện…/ trong chiến hào, trên điểm chốt xung phong/ một mùa mưa rừng, mười mùa mưa rừng…đạn quanh người khẩu súng  trên lưng…”(Tuổi trẻ tôi-1978), “- Những đồng đội một lần yên nghỉ dưới vòm cây/ sốt ác tính nhanh như là chớp giật/ người yên nghỉ nở thành hoa của đất/ thành mặt trời rực rỡ mỗi sớm mai…”(Bạn của đất đai) “Và đêm ấy tôi cồn cào nhớ mẹ/ thảng thốt gọi cha không còn bóng đi về  “, “Và làm sao chúng tôi không có lúc nghiêng mình nuốt lệ trước anh em nằm vắt trên rào, trước cửa mở xung phong/ Và đêm nay thật lòng/ tôi cứ nghĩ là tôi chưa làm trọn/ lời hứa về thăm người vợ, người con của đồng đội tôi ở giây phút cuối cùng/ giữa đêm mưa tầm tã…”(Lời người pháo thủ Điện Biên-1984).

Nguyễn Hoa chủ yếu viết về người lính sau 1975, riêng bài Lời người pháo thủ Điện Biên (1984) có một độ lùi khá xa so với lịch sử. Vì thế tâm hồn người lính trong thơ Nguyễn Hoa có sự điềm tĩnh, yên bình và thăng hoa dù nhà thơ có nói đến cái khốc liệt của chiến tranh. Thơ Nguyễn Hoa không có hơi thở nóng hổi của chiến trường “năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt/ máu trộn bùn non/ gan không núng, chí không mòn”(Tố Hữu), không có những trăn trở bi tráng của người lính “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh “(Tây Tiến). Không có cái chật vật “Chúng tôi còn biết xoay sở ra sao/ gạo chỉ còn mang đủ mười ngày còn dành mang súng/ còn mang thuốc/ còn mang nhau/ mang bao nhiêu tai biến dọc đường/ mỗi quyển sách nặng bằng năm viên đạn/ chúng tôi dành mang đạn trước tiên…”(Hữu Thỉnh-chương I-Đường tới thành phố). Nhưng nghĩ suy của người lính Nguyễn Hoa có độ sâu sắc hơn. “tôi suy nghĩ về những điều này:/ Những anh hùng đã vì tình yêu cầm súng trên tay/ Những anh hùng đã vì tình yêu mà gieo vãi hạt giống…Ôi, chỉ có:/ niềm tin về tình yêu con người/ mãi mãi”(Gửi bạn nơi xa-1982). “Tôi cùng đồng đội/ đi con đường của mình/ con đường Tổ quốc”(Con đường Tổ quốc), “Cái chết không phải là đích của tôi/ khi tay tôi cầm khẩu súng/ như ông cha tôi đã từng cầm súng/ như anh tôi đã từng cầm súng…”(Lời chiến sĩ ở điểm tựa biên giới-1979), “Chúng con sống cuộc đời người lính/ đến đứng làm cột mốc ở biên cương/ Cột Mốc-Nơi bắt đầu Tổ Quốc (Nơi bắt đầu tổ quốc).

Nguyễn Hoa có viết về người lính trong mặt trận biên giới phía bắc mùa xuân 1979 (Với những người đã ngã xuống mùa xuân tháng hai ngày 17-1979) và mặt trận biên giới tây nam. Nhưng trong hoàn cảnh bang giao giữa Việt Nam và các nước liên quan có nhiều điều “nhạy cảm”, thì Nguyễn Hoa không viết được nhiều, cũng không nói được bản chất của vấn đề, anh chỉ ghi nhận hiện tượng và ý nghĩa chính trị sứ mệnh người lính:”Các anh đến đây là thiên thần xuất hiện/ màu áo xanh sắc cỏ, sắc cây/ các anh đến không vì hằn thù/ ở Ba Chúc-Sa Mát…Và như thế! Đồng đội ơi/ Có phải/ Chúng ta mang bản chất con người/ Chúng ta hy sinh(Như thế bắt đầu từ mùa khô 1979Xiêm Diệp 1985). Năm 1985 là mốc thời gian đã có độ lùi 10 năm sau cuộc chiến quân dân ta chống bọn xâm lược Kh’mer Đỏ biên giới phía tây nam và giúp nhân dân Campuchia giải phóng đất nước khỏi họa diệt chủng Polpot, cho nên viết về người lính tình nguyện với tâm thế chính trị nhiều hơn là người lính trong thực tiễn chiến tranh.

Điều thấm thía trong thơ Nguyễn Hoa viết về người lính là tình đồng đội, gắn bó như ruột thịt, xẻ chia yêu thương. Thơ là tiếng gọi từ gan ruột.. “Bạn thân yêu!/ bạn ở đâu?…/Sớm mai tôi lên biên giới/ nơi chen vai cùng đồng đội/ nơi ngọt trong tự nguồn/ những bát nước tự nhiên/ mà đời tôi đã uống…”, và “niềm tin về tình yêu con người /mãi mãi”(Gửi bạn nơi xa-1982). Thương bạn nơi rừng sâu, đảo xa “Rừng mùa này lắm măng/ Lo ngoài khơi gió cả/ Đảo bội thu mùa cá/ Thương rừng nhạt bát canh”(Cái nhớ -1972). Xót xa nỗi cô đơn của lính đão, chắt chịu giọt nước như giọt máu trong những cơn khát cháy (Dưới mặt trời), và đây là sự sẽ chia cụ thể: “Mùa khô 85/ rừng Phnôm Ma Lay/ vị tướng tóc trắng đầu, ngày một bình toong…/ Chiến sĩ trinh sát khát quá phải nằm/ đồng đội đắp đất dày khỏi héo…”(Như thế, bắt đầu từ mùa khô 1979), ghi nhớ khôn nguôi lời trăn trối của đồng đội :”Giữa trận chiến đấu này/ Nếu tôi ngã xuống/ Đồng đội ơi/ Để mẹ nhận ra đứ con trai của đồng quê bé bỏng/ Xin hãy trồng lúa xanh trên đất tôi nằm”(Lời người chiến sĩ đồng quê- 1978) ”. Nhà thơ  nghiêng mình tưởng nhớ đồng đội trên mỗi bước chân qua: ‘đường phố nào, cánh rừng nào/ sáu tám, bảy hai…các anh nằm lại”. Đây là lới hứa thiêng liêng với đồng đội: “Và còn mãi bao nhiêu người đồng đội/ Đã cùng tôi chống gậy vượt đường xa”(Kỷ niệm về cây gậy Trường Sơn-1982), “Dưới trời lặng cao biên giới/ đã mở ra những thước chiến hào/ chiến hào:/ những mái tóc đồng đội nhấp nhô trong đất/ xanh như những mầm cây đang bật/ Mùa xuân!” (Những mầm cây-1980)”-Vâng tôi nhớ suốt đời/ Có những người đồng đội/ Hiện ra như mặt trời”(Nơi ấy-1971) .

2.Một hồn thơ trong trẻo lạ lùng

 Dù viết về những tháng ngày chiến đấu gian khổ, viết về một miền quê, hoặc phải nói đến những những gì làm tim ta nhói đau, thì hồn thơ Nguyễn Hoa vẫn trong trẻo lạ lùng. Sự trong trẻo của thơ Nguyễn Hoa chứa đựng trong tư duy nghệ thuật, trong các yếu tố thi pháp và ở tấm lòng chân thực tinh khôi. Xin đọc các bài thơ : Nơi ấy, Dấu chân người đi đất, Lời người pháo thủ Điện Biên, Lời người chiến sĩ ở điểm tựa biên giới, Trở về, Đất nâu, Những mầm cây, Tuổi tôi, Bài thơ bên sông Đáy, Trở lại sông Chu, Ở Cà Mau, Chia tay đất Mũi, Phan Thiết, Đêm trăng Cần Thơ, Ở Hoàng Sa,

Đó là sự trong trẻo của tâm hồn người lính, con người dạn dày với gian khổ và đầy ắp tình đồng đội. Nguyễn Hoa nhận ra cái đẹp trong chính gian khổ hy sinh. Đó là tình quê mà ở bất cứ nơi nào trên đất nước này, nhà thơ cũng thấy cảnh sắc như gương. Và đặc biệt, hồn thơ ấy tinh ròng khi viết về mẹ, một người mẹ quê chân chất và giàu có vẻ đẹp văn hóa Việt (Thưa mẹ, Xin mẹ đừng trách con, Mẹ, .

 Tôi nhận ra điều này, sở dĩ hồn thơ Nguyễn Hoa trong trẻo là vì nhà thơ hướng về tha nhân, viết về tha nhân, hướng về một thế giới cao rộng và nhân văn, hướng về cái đẹp hào hùng của thời đại và cả nỗi đau kiếp nhân sinh, nỗi đau thế sự (Thư gửi những người cha nước Mỹ, Sao em bé không được làm mẹ nữa, Với những người ngã xuống mùa xuân tháng hai ngày 17, Khi giơ cao…). Trong thơ Nguyễn Hoa không có cái tôi vị kỷ. Trong chiến tranh, nhà thơ được trui rèn trong lửa yêu thương của đồng đội và ướp hương mật ngọt của hồn quê từ người mẹ (Tuổi trẻ tôi, Nơi bắt đầu tổ quốc…) . Hai cội nguồn này cũng là bản lĩnh và sức mạnh Việt Nam. Nói vậy để nhận ra hồn thơ Nguyễn Hoa mang khí cốt của dân tộc và thời đại.

 Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Hoa cũng là một yếu tố thi pháp tạo ra chất trong trẻo của hồn thơ. Tập Thơ Nguyễn Hoa có nhiều bài lấy cảm hứng từ thiên nhiên khá hay (Vàng của mùa thu, Mùa hè lá cây xanh biếc,Với bông hồng, Mùa thu tôi nhìn lên cây, Trời xanh có thể cắt ra như miếng cốm Vòng, Làng đêm trăng, Giữa thu, Hương màu sắc quê, Đêm biển,..) . Ở những bài thơ này, nhà thơ có những khám phá tinh tế, ngôn ngữ lấp lánh sắc màu, một giọng thơ rất nhẹ và tứ thơ kết bài tỏa sáng bất ngờ, giàu chất tư tưởng. Bài thơ ánh lên nét tài hoa. Thiên nhiên làng quê có cái tình rất thơm, có niềm vui rất đậm (Làng đêm trăng, Mùa xuân sang, Mùa thu Hà Nội…), có những điều thân quen thật mới mẻ.

Có ngọn gió không lời

tan lẫn vào hương lúa

 

Làng đêm trăng quen quá

tự như mình mãi thôi

lòng đã bay lên trước

cùng hương thơm khắp trời

(Làng đêm trăng)

Tuy vậy, bạn đọc quen với những tứ thơ tư tưởng của thơ Đường, hay dào dạt cảm xúc thơ thiên nhiên trongThơ Lãng Mạn (1930-1945) thì khó tiếp cận với cái trong trẻo, tinh tế, chân chất của thơ thiên nhiên Nguyễn Hoa.

Nói thơ Nguyễn Hoa “trong veo” bởi nhà thơ là người lãng mạn. Tôi đã cố tìm, nhưng tuyệt nhiên không thấy bài thơ nào phản ánh những vấn đề nóng bỏng của hiện thực xã hội Việt Nam từ ngày thống nhất đến nay (1975-2014), và vì thế khó có thể hiểu được thái độ của nhà thơ trước hiện thực. Hoặc nhà thơ né tránh chuyện thế sự (như Nguyễn Du chăng ?), hay cái “tạng” người thơ là hướng về cái đẹp, còn chuyện cuộc đời, tất cả rồi sẽ qua, rồi sẽ tốt đẹp. Nhà thơ có ưu tư cũng chẳng làm được gì, tiếng nói của nhà thơ thời kinh tế thị trường yếu lắm. Nhà thơ Nguyễn Duy sức lực vạm vỡ từng hô hào “đánh thức tiềm lực”, nhưng rồi đành buông bút đó sao(?). Vì thế, tôi chỉ  tìm được vài chi tiết hiện thực rất nhỏ trong hàng trăm bài thơ của Nguyễn Hoa, còn lại là chuyện trăng, sao, mây, gió, hoa, bướm (Những cánh bướm, Những cơn gió mùa xuân, Ngọn gió, Trời xanh, mây trắng, nắng vàng, Trăng lộ,…) Trong mắt nhà thơ, đâu cũng đẹp, cũng vui (Ở đây, tất cả đều đang nói, Mùa xuân sang…)

Nhà thơ mong cho sức ỳ (Khi giơ cao) không còn cản trở con đường tiến lên một xã hội tốt đẹp (Dự cảm). Nhà thơ tự hỏi tại sao trong xã hội lại có loại người luồn lách trơn tuột như lươn, như chạch (Sao), phải đau đớn chọn lựa giữa lòng tốt và sự thật, thậm chí hoài nghi cả sự thật (Có thật). Cuộc sống cơm áo gạo tiền, gia đình, vợ con nhẹ tênh:” Nỗi lo toan dịu xuống/ Tiền, gạo, dầu cho con/ Người bỗng dưng nhẹ hẫng/ Cầm bút biết thơ còn” (Ngẫu hứng). Nhà thơ chọn lựa cõi đời này dù vất vả song vì còn những người thân yêu :”Giả như có ai nói to lên:-Anh có muốn làm ngôi sao trời ấy/ để ai đó ngắm…/ Không-Tôi trả lời/ Chẳng một giây nghỉ ngơi/ Bởi tôi còn mẹ/ có vợ và các con tôi/ cùng nỗi buồn vui/ mọc rễ vào mồ hơi, bùn đất/ gần gũi với tôi ngày ngày!…” (Với những ngôi sao trời). Tôi cho rằng đây là một nét riêng của hồn thơ Nguyễn Hoa.

Thơ Nguyễn Hoa có nét riêng bởi anh vẫn giữ được những nét đẹp của thơ thế hệ 1945-1975, nhưng ít nhiều đã thoát ra được ảnh hưởng của loại thơ thế hệ trước để bước vào nền văn học mới đậm đà bản sắc dân tộc, thấm nhuần tinh thần nhân văn và dân chủ sâu sắc. Thơ không chỉ viết để phục vụ Công, Nông, Binh. Thơ không còn là tiếng gọi nhau ơi ới động viên nhau của công nông binh. Thơ không còn lấy mục đích phản ánh hiện thực là nhiệm vụ chính mà phản ánh tâm hồn con người Việt Nam trước thực tại mới. Cuộc sống có bao vấn đề nóng bỏng, nhưng con người Việt Nam trong thơ Nguyễn Hoa sáng trong và điềm tĩnh lạ thường: ”Con đã thấy/ Những giọt nước mắt trong/ Những mái tóc bông/ Những tấm lưng còng/ Bao người con ngã xuống/ Thành cánh đồng/ Thành ngọn nùi/ Thành biển khơi…/Mẹ ơi!/ Và con đã thấy/ Khuôn mặt mẹ/ Đất nước ngời ngời” (Đất nước ngời ngời)

3.”nửa phầm chăm hạt chữ”…

 “Làm sao có thơ hay

Biết điều này

Nhà thơ chẳng bao giờ nên hỏi

Nhưng mỗi ngày, mỗi ngày

Nhà thơ đang đi về nơi cát bụi

Có thể nào lại dấu nỗi đau?

                    (Nỗi đau)

 

Nỗi đau của người làm thơ là không sao viết được thơ hay, “Dập xóa hàng chữ viết…Tóc trắng không có giờ/ Trăm trang in không biết/ còn sống mấy chữ thơ?(Còn sống); “Không viết được/ ‘Những câu thơ thật đẹp’/ Tôi bỏ tôi/ như tối đêm lẩn vào/ đêm tối/ để không thấy bóng mình (Tôi bỏ tôi). Quả là một thái độ chọn lựa quyết liệt.

Nói chuyện với Ê-xê-nin, Nguyễn Hoa nói “thơ như là số phận” (Cùng Ê-xê-nin). Nhà thơ là Hoa bóng đèn :”Hoa trong vườn ngủ hết/ còn thức hoa bóng đèn/ sương gió lùa điệp điệp/ vẫn đốt lòng mình lên”. Nhà thơ là con chim sơn ca, vẫn hót khi thợ săn giương súng lên rình :”Chim sơn ca vẫn hót/ cả cho số phận mình”(Chim sơn ca). Nhà thơ cũng là con chim ở trong lồng ca hát cho những bi kịch của chính mình :”Chim ở trong lồng…quen rồi chim hót/ Đôi khi bất chợt/ gặp chim/ đang nhớ tới/ con mồi, miếng mồi/ và người giăng lưới…Mà chim cánh xõa/ mắt lim dim!” (Bất chợt).

Bài thơ kể lại giấc mơ gặp Nguyễn Trãi, lóe sáng những tư tưởng rất lạ so với những bài thơ trong trẻo, hiền lành của anh. Nguyễn Trãi nói với nhà thơ, những lời thách thức lương tâm, bản lĩnh và tài năng. Thực ra, tác giả đang tự hỏi lòng mình. Nguyễn Hoa dùng hình thức dụ ngôn để nói những điều không dám nói bằng ngôn ngữ tường minh:

“Anh muốn là nhà thơ

Hãy bạn bè cây, gió

Trong chập chờn mờ tỏ

Anh có dám nói to

Cái điều anh ước mơ?

Tôi không có học trò

Cái cổ kia không cứng…”

            (Trong mơ)

Bài thơ chứa đựng hàm ý trả lời cho những câu hỏi ở trên: làm sao có thơ hay, làm sao thơ sống được với đời…Và vì không thể thực hiện được điều mình ấp ủ, thành ra thơ trở thành nỗi đau.

Nói Nguyễn Hoa trăn trở về thơ (Nỗi đau; Còn sống; Tôi bỏ tôi) là nói về những nỗ lực làm mới thơ. Nguyễn Hoa thành công ở những bài thơ kể chuyện thời tuổi hai mươi chiến trường. Ở những bài thơ này, người đọc nhận ra thơ Nguyễn Hoa có cốt cách. Tuy không thật sự gây ấn tượng mạnh mẽ nhưng thơ Nguyễn Hoa đử sức neo trong lòng người đọc những cảm xúc, những nghĩ suy về cái đẹp một thời hào hùng, và cái đẹp của con người Việt Nam (Người đã đi như vậy đến nước Nga, Nơi ấy, Lời người pháo thủ Điện Biên, Lời người chiến sĩ ở điểm tựa biên giới, Những mầm cây, Tuổi tôi, Đ trong rừng khộp mùa khô, Trở về…)

Nguyễn Hoa đã thử nghiệm nhiều cách viết, song những thử nghiệm ấy mới dừng lại ở kỹ thuật thơ, chưa vươn tới sự đổi mới tư duy nghệ thuật và thi pháp thơ. Nguyễn Hoa đã thử viết bài thơ một câu đến bài thơ tám câu, đã thử rút ngắn câu thơ còn một chữ, bài thơ chỉ còn 6 chữ : Dãi yến/ Tổ quý/ Dãi người! (Dãi yến). Đã viết những bài thơ thuần lý trí, (Của thơ), đã sử dụng đậm đặc các từ láy, và phép đảo từ (Em hao hao), kỹ thuật vắt dòng (Giọt hạ, Ban mai, Khi nhớ về câu chuyện cổ…)... Tuy vậy, những dụng công này không đem đến cho thơ Nguyễn Hoa sự mới mẻ nào, nhiều khi làm hỏng thơ. Nhiều bài chỉ có ý, có chữ, không thơ. Có bài, thơ bị năm nát cấu trúc thơ, chỉ còn trơ con chữ vô hồn.So với những vận đổi mới thơ Việt đương đại của nhiều nhà thơ, nhất là thơ trẻ, thì thơ Nguyễn Hoa vẫn nở hoa trên cánh đồng tuyền thống đầy hoa khoe sắc.

Muốn đổi mới thơ thì trước hết cần đổi mới tư duy nghệ thuật và thi pháp thơ. Nguyễn Hoa đã sống với kiểu tư duy nghệ thuật của chủ nghĩa Hiện thực XHCN, thành ra khó tiếp nhận các kiểu nghệ thuật khác. Chẳng hạn, thơ Nguyễn Hoa không phù hợp với kiểu suy tưởng triết lý (như thơ Chế Lan Viên…). Bài thơ Sinh chỉ là một câu văn xuôi thuần lý trí : “Phút con chữ/ thành câu thơ/ tựa giờ sinh thành sự sống/ Oa-oa”

Trong nỗ lực không mệt mỏi làm mới thơ, Nguyễn Hoa cũng có những bài  có thể đứng được với thời gian (Ở chùa Keo, Với bông hồng, Giấc mơ, Trong mơ, Nghe mọt ăn đêm…). Ở những bài thơ này, thơ Nguyễn Hoa đã đã có chất tư tưởng.

4. Chỗ đứng dưới mặt trời

 Nguyên Hoa biết rõ điều này:”Rồi ngày mai/ ai sẽ đứng vào/ chỗ của anh/ Không ai đứng vào chỗ

không phải của mình(Chỗ của anh)

Ngày mai ấy cụ thể như thế này:”Sẽ đến lúc/ Con lau rửa thân thể cha/ Âm ấm sạch nõn bụi trần

Bằng nồi nước lá quê/ Ngải cứu, cúc, tần, chanh, bưởi…/ Thoang thoảng chút vong/ Vấn vương/ Được về đất (Sẽ đến lúc)

Điều gì cứu rỗi nhà thơ? “Câu kinh tụng niệm/ Giải thoát trần ai/ Câu thơ màu nhiệm/ Giải thoát đời tôi

Bởi nhà thơ đã chọn lựa CHỖ ĐỨNG/DƯỚI MẶT TRỜI (Dưới mặt trời) với một niềm xác tín mạnh mẽ: “Khi những con chữ/ Mảnh vụn trái tim tôi/ Vỡ/ Được đặt lên bàn tay bạn như hạt giống nhỏ/ Và bạn ơi/ /Tôi làm sao không sung sướng/ Được ngã nhào thành mặt đất ươm cây “   (Mặt đất ươm cây)

Tháng 3. 2015