TRUYỆN NGẮN NGUYỄN MỘT

Bạn có thể đọc các bài viết chính của Bùi Công Thuấn theo link:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

TRUYỆN NGẮN NGUYỄN MỘT

Bùi Công Thuấn

***

Nhà văn Nguyễn Một có nhiều tác phẩm đạt giải. Hai truyện ngắn “Trước mặt là dòng sông”, “Kẻ vô học” được tặng thưởng truyện ngắn hay của báo Văn nghệ; ba truyện “Chim bay về núi”, “Chuyện tình trong rừng cấm”, “Trung quân” là những tác phẩm đã được giải truyện ngắn của Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai. Tiểu thuyết “Đất trời vần vũ” đạt giải C cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà Văn Việt Nam… Những giải thưởng như thế đủ khẳng định tài năng văn chương của ông trên văn đàn Việt Nam đương đại. Năm 2021 ông xuất bản tuyển tập “Truyện ngắn Nguyễn Một” gồm 36 truyện. Tôi chú ý đến những truyện tình yêu lãng mạn đầy phẩm chất bi kịch

BI KỊCH CỦA TÌNH YÊU LÃNG MẠN

Xin đọc: Các truyện: Huyền thoại biển, Đoạn kết một mối tình, Giáng tiên, Linh Chi, Như là cổ tích, Tấm da cọp, Tiếng chim sẻ trong giáo đường, Trung quân…[[1]

Kể từ khi chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa trở thành độc tôn trong văn học Việt Nam (Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam-Trường Chinh. 1948) thì những truyện tình lãng mạn tiểu tư sản vắng bóng. Văn chương Việt Nam xuất hiện những truyện tình cách mạng và kháng chiến, và nếu có lãng mạn thì cũng là “lãng mạn cách mạng” (xin đọc Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu).

 Thế nên khi Nguyễn Một viết truyện tình lãng mạn thì đó là một sự lựa chọn nhiều thử thách. Trước ông đã có Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, có truyện tình lãng mạn của Tự Lực Văn Đoàn và những nhà văn khác (Nguyễn Tuân, Lê Văn Trương). Khi viết truyện tình lãng mạn, Nguyễn Một phải làm mới bút pháp sao cho phù hợp với độc giả hôm nay. Nhưng làm mới bằng cách nào? Xin đọc một số truyện ngắn của ông.

Truyện Trung quân kể: Thái là một chiến sĩ công binh chế tạo mìn ở chiến khu Đ. Thái gặp và yêu K’Rin, một cô gái Chơro. Sau lần hai người yêu nhau ở dưới giao thông hào bên bờ suối lúc đạn pháo bắn vào rừng, ông Điểu Mân, cha của K’Rin “đến tìm tư lệnh, cắm phập lưỡi dao rừng trứơc mặt vị chỉ huy và nói: “- Lính của mày đã làm cho con K’Rin có mang, mày phải cho nó nghỉ làm bộ đội về sống với con K’ Rin”. Không thể làm khác, chỉ huy gọi Thái đến và nói: “Cậu hãy rời khỏi đơn vị về sống với K’Rin, dám làm, dám chịu, không khóc lóc gì cả”. Thái bị kỷ luật và rời đơn vị. Anh lầm lũi đi khỏi rừng về sống với K’Rin theo yêu cầu của Điểu Mân. Tuy sống hạnh phúc với K’Rin nhưng “người lính trẻ vẫn ray rứt khôn nguôi bởi tội lỗi của mình”.

 Thế nghĩa là, tình yêu là tình yêu, không được ràng buộc tình yêu vào bất cứ điều gì, kể cả khi Thái đang làm nhiệm vụ của một chiến sĩ. Tình yêu đã tạo nên bi kịch: bị kịch người chiến sĩ phải rời đội ngũ vì kỷ luật, và, một bi khác: tình yêu, tưởng là tự do và hạnh phúc, lại trở thành trói buộc, không sao thoát ra được. Những phẩm chất bi kịch tình yêu như thế chưa có trong truyện tình lãng mạn Việt Nam. Nhưng Nguyễn Một không kết thúc truyện ở sự bế tắc bi kịch. Nhà văn miêu tả sự thăng hoa bi kịch khi Thái tự nguyện làm nhiệm vụ chiến sĩ (ở nhà) và hy sinh trong chiến đấu. Ông Điểu Mân cho biết, con của Thái với K’Rin bây giờ là “sỹ quan kiểm lâm bảo vệ rừng quốc gia Cát Tiên”. Tình yêu bi kịch thăng hoa là chỗ mới trong truyện tình lãng mạn của ngòi bút Nguyễn Một.

Nhiều truyện ngắn của Nguyễn Một có những cuộc tình lãng mạn đầy bi kịch như thế.

Huyền thoại biển là truyện tình yêu bi kịch của một cựu tù Côn Đảo và Nguyệt, một cô gái “nhảy tàu” từ đất liền ra Côn Đảo làm ăn. Ấy là lúc sau giải phóng. Nguyệt đã một lần lao xuống biển và được người cựu tù cứu. Người đàn ông này đã cưu mang cô suốt 3 năm. Nguyệt yêu thương ông đến quặn thắt ruột gan. Khi Nguyệt bị ông từ chối tình yêu, nàng đi vào lòng biển, vừa đi vừa hát. Đó là một huyền thoại dân biển đảo truyền tụng. Tình yêu ấy là một bi kịch kép. Người cựu tù Côn Đảo bị vợ cai tù “hiếp dâm” và bị cai tù phang ba-toong vào đầu. Dư chấn ấy đã khiến ông không thể yêu ai (?). Ngược lại, cô gái “nhảy tàu” ngỡ ông từ chối tình yêu, đã tìm cái chết nơi lòng biển. Đó là bi kịch của những nghịch cảnh. Bi kịch chỉ được giải quyết khi một trong hai tình nhân chết.

Đoạn kết một cuộc tình là tình yêu bi kịch của Long và Tuyết khi hai người còn trẻ con sống ở quê, nơi có con sông Giao Thủy (Quảng Nam). Long vào Nam kiếm sống, Tuyết ở quê lấy một gã lái buôn cây. Khi cả hai gặp lại nhau ở Vũng Tàu, Tuyết đã bỏ chồng và cặp với một lão (Việt kiều). Lâu lâu lão mới qua Việt Nam ghé ở vài bữa. Tuyết hẹn sẽ tiếp đã Long như vua. Long nghĩ: “Chuyện xảy ra đã lâu rồi mà tôi vẫn không thể tin được là con người có thể thay đổi nhanh chóng đến như vậy”. Điều Tuyết thổ lộ với Long có thể giải thích được bi kịch của anh: “- Nghèo là rất nhục. Nghèo là mất hết tất cả. Phải cần có tiền anh biết không? Vâng, đó là bi kịch tình yêu thời kinh tế thị trường.

Kẻ vô học chứa đựng nhiều bi kịch của tên tội phạm giết người. Bi kịch ở chỗ, nạn nhân của hắn lại là mẹ, vợ và con hắn. Bi kịch thứ nhất là bi kịch tình phụ. Nghe lời ông chú, hắn bỏ học, lao vào ăn chơi rồi đi đào đá đỏ để có tiền lấy vợ. Vợ hắn là một em làm ở quán karaoke. Một lần trở về nhà trong đêm, hắn bắt gặp vợ đang trần trụi quấn với một kẻ nào đó. Hắn đâm tên gian dâm nhưng lại trúng vợ. Người đàn bà ấy chết, hắn bồng con đi trốn với một mối hận thù trong lòng. Bi kịch thứ hai là tình yêu của con gái hắn. Hắn trốn trong rừng 15 năm. Con gái hắn lại quen và yêu Thành, một công an có nhiệm vụ đi bắt tên tôi phạm giết người là hắn. Khi ập vào nhà, Thành lỡ đà chân, hắn rút dao đâm Thành. Đứa con gái lao vào đẩy Thành ra bị trúng dao của hắn. Thành vác cô gái chạy vào bịnh viện. Hắn theo vào cổng bịnh viện ngóng trông con. Khi Thành trở ra, biết tin con hắn đã được cứu, hắn tự nguyện tra tay vào còng của Thành.

 Một bi kịch đau đớn nữa là mẹ hắn, người phải chịu tất cả mọi đau thương. Nhà văn cho biết: Mẹ hắn là “một phụ nữ Việt Nam điển hình, chịu muôn vàn mất mát đau thương. Cha và anh trai hắn hy sinh lúc cùng đoàn quân vào đến tận cửa ngõ Sài Gòn. Mẹ hắn dành hết tình thương còn lại cho hắn, nhưng hắn đã phụ công ơn của mẹ”.

Chính “Kẻ vô học” là ông chú đã gây ra bi kịch cho hắn. Ông chú dạy hắn: “Có tiền có quyền là có tất cả mày hiểu chưa”. Và đó là câu trả lời của nhà văn về nguyên nhân của mọi bi kịch trong cuộc sống thị trường thống trị bởi chủ nghĩa thực dụng hôm nay.

Có thể thấy rõ điều này, những sự việc như thế không xảy ra trong đời thực. Hắn là con liệt sĩ, thuộc diện chính sách chăm sóc đặc biệt. Chú hắn lại làm quan trên huyện. Nếu hắn có vấn đề gì, mẹ hắn sẽ xin các tổ chức xã hội giúp đỡ giáo dục hắn, khộng thể để cho con liệt sĩ bỏ học, “mới 17 tuổi đầu hắn biết đánh bạc, chơi gái, Trường học của hắn là quán karaoké trong thị trấn”, để rồi phạm tôi giết người. Ông chú hắn, một người em của gia đình liệt sĩ, không thể cướp đất hương hỏa của người anh đã hy sinh và lừa cháu vào chỗ chết mà cướp vợ của cháu. Cho nên tôi gọi các truyện tình bi kịch của Nguyễn Một là truyện tình lãng mạn.

Truyện Linh Chi là một bi kịch kép về tình yêu. Bi kịch thứ nhất là bi kịch của Tôi. Tôi yêu Chi. Thằng Quân, con ông Trầm đã cướp mất Chi. Bi kịch thứ hai là bi kịch của mẹ Chi, Thằng Quân và Chi lại cùng là con con ông Trầm, một lão nhà giàu“tướng sang mà dâm”. Nguyên nhân gây ra những bi kịch này là cha con ông Trầm. Lão cướp đời mẹ của Chi, và con lão, thằng Quân lại cướp đời Chi. Tác giả miêu tả lão Trầm sống trong một xã hội không có luật pháp, không có đạo đức, không có cộng đồng xã hội bảo vệ những người yếu thế (mẹ con Chi), để sự tàn bạo, vô luân thống trị. Kẻ nghèo khó bất lực khi bị tước đoạt cả phận người.

Như là cổ tích là một ẩn dụ về bi kịch tình yêu của cô giáo Vân và “Thiên sứ”, hai con người yêu thơ. Thiên Sứ là “một con người kỳ quặc. Con người này như từ các ngọn cây hiện ra…Suốt ngày gã đi lang thang, miện lảm nhảm đọc thơ, những câu thơ ngớ ngẩn”.Hễ Thiên sứ lảng vảng trước nhà nào đọc thơ, y như rằng vài ngày sau nhà đó có người qua đời”. Cả thị trấn căng thẳng cực độ. Vân yêu Thiên sứ, yêu một “nhà thơ”. Chị đã đưa gã đến nhà. Gã đã quỳ giữa vườn hoa hướng dương ở trước sân đọc thơ. “Chị khóc ngay trên bục giảng khi nghe tin Thiên Sứ ‘về trời’. Một nhóm người nào đó đã loại gã ra khỏi cuộc sống, họ không chịu nổi sứ mệnh của gã ở trần gian này”.

Như là cổ tích truyền tải mạnh mẽ thông điệp này: nhà thơ, người yêu thơ không thể tồn tại trong đời này. Chuyện Vân yêu Thiên Sứ như là cổ tích. Bởi cổ tích luôn thể hiện những mơ ước, và mãi mãi là ước mơ không có thật (thí dụ truyện Ăn khế trả vàng, truyện Từ Thức lên tiên)

Truyện Tấm da cọp cũng là một truyện tình với hai nỗi buồn. Thuở ấy, bà Nồng theo cha lên miền ngược mua dầu rái. Họ trọ lại nhà ông Kiểm Khái, một ông chủ buôn các loại đặc sản của núi rừng. Lúc ấy Chín Tâm, hội trưởng của “Hội trầm” cũng ở trọ nhà này. Người ta tụ tập ở nhà ông Kiểm Khái bàn chuyện giết cọp dữ. Tâm đã đi giết cọp. Anh đã tặng bộ da cọp cho bà Nồng. Cha con bà Nồng về xuôi. Ít lâu sau bà Nồng sinh thằng Dần. Dần nói với Tôi, cha nó là một thợ săn cọp lừng danh. Một lần nó đi theo đò dọc lên nguồn tìm cha, nhưng đã 20 năm nó chưa trở về. Truyện kết thúc với tiếng hát buồn của bà Nồng. Nhà văn chỉ kể chuyện mà không lý giải do đâu bà Nồng phải nhận những bi kịch đau lòng như thế. Điều này không yêu cầu đối với một truyện tình lãng mạn.

Điểm qua một vài truyện như thế để thấy sự đa dạng truyện tình bi kịch của Nguyễn Một. Trung quân là chuyện tình của chiến sĩ công binh Thái với một cô gái Châu ro ở chiến khu Đ. Huyền thoại biển là truyện tình của người cựu tù Côn Đảo và một cô gái “nhảy tàu”. Đoạn kết cuộc tình của Long và Tuyết là tình yêu của những kẻ tha hương kiếm sống. Kẻ vô học là cuộc tình của một tội phạm giết người với cô gái Karaoke. Hắn là con liệt sĩ, có chú làm quan trên huyện. Linh Chi là sự tước đạt tình yêu rơm rạ của hai đứa trẻ quê. Tấm da cọp là tình yêu núi rừng. Lửa bên sông là tình yêu trong truyện dã sử. Nguyễn là cụ tổ dân ngũ Quảng lập nghiệp ở Đồng Nai. Trên đường vào Nam, theo lời sư phụ, Nguyễn đến gặp thầy đồ Ngạn. Nguyễn ở đó và lấy con gái thầy là Gấm. Khi thầy đồ Ngạn bị quan quân giết vì tội làm phản, Gấm bị bắt đi thì Nguyễn chạy vào Nam.

Nếu chú ý, bạn đọc sẽ nhận ra không gian và thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn của Nguyễn Một trải ra rất rộng, từ đồng bằng ra biển, lên rừng, từ hiện tại (hôm nay của xã hội kinh tế thị trường) ngược về quá khứ xa xưa thời mở cõi phương Nam.

Sử dụng bút pháp lãng mạn nên Nguyễn Một kể những chuyện tình “lạ”, “độc đáo” “rất riêng”. Vì thế, không thể dùng cách đọc truyện hiện thực để cảm nhận truyện lãng mạn của Nguyễn Một. Dấu ấn truyện của Nguyễn Một để lại cho người đọc là những bi kịch tình yêu, những bi kịch do chính tình yêu gây ra, không phải bi kịch xã hội (như Chì Phèo chẳng hạn). Những trải nghiệm tình yêu của người đọc cộng hưởng với truyện tình yêu của Nguyễn Một sẽ tạo nên những cảm giác thẩm mỹ mới lạ khi đọc truyện. Và như tôi đã lưu ý, đọc truyện tình yêu lãng mạn của nguyễn Một, người đọc không thể đòi tác giả phải giải quyết những “bi kịch”. Chỉ khi nhà văn chuyển sang bút pháp Hiện thực xã hội chủ nghĩa thì hiện thực kết hợp với lãng mạn cách mạng làm thăng hoa bi kịch (xin đọc Trung quân, Miền Đông).

MỘT VÀI ĐẶC ĐIỂM “THI PHÁP”

Tôi chưa thể nói đến “thi pháp” truyện ngắn của Nguyễn Một bởi tôi chưa thâm nhập thế giới nghệ thuật của ông, và chưa khẳng định được những đường nét tạo nên phong cách văn chương của ông. Điều này còn cần thời gian.

Dầu vậy, trong bài viết này, bước đầu tôi có thể nhận ra một vài đặc điểm về “thi pháp” trong việc Nguyễn Một kiến tạo tác phẩm.

1. Ngôi kể của Nguyễn Một trong nhiều truyện ngắn của ông là nhân vật xưng Tôi. Tức là nhà văn nhập thân vào nhân vật để kể. Và truyện là lời kể của nhân vật về cuộc đời mình. Điều này không mới nhưng nó cho phép nhà văn đưa những trải nghiệm của chính mình vào tác phẩm. Và người đọc rất dễ ngộ nhận truyện được kể là truyện của chính ông. Người đọc tỉnh táo thì nhận dạng được bóng dáng của ông trong các nhân vật “tha hương” vào Nam kiếm sống, dù đã được hư cấu.

Cha mẹ tôi đều chết vì bom đạn chiến tranh, cả làng ai cũng biết, ai cũng thương cảm, mỗi lần gặp tôi họ đều nhìn với cặp mắt ái ngại và chép miệng: “Thật tội nghiệp, mới từng ấy tuổi mà đã mồ côi cả cha lẫn mẹ“. Tôi ghét những ánh nhìn ấy, những câu nói thương hại ấy! Đọc đoạn văn này, người đọc bị ám thị ngay rằng, đó là tự truyện của tác giả, không phải của nhân vật Tôi trong Tấm da cọp

Truyện của Nguyễn Một có những kỷ niệm tuổi thơ, hình ảnh quê hương với con sông Giao Thủy, vùng Dùi Chiêng (Quảng Nam). “Nhớ hôm lên đường Hương tiễn tôi bên bờ sông Giao Thủy, khóc rấm rứt”(truyện Miền Đông); “Vùng Dùi Chiêng đồi núi chập chùng, rừng già đại ngàn hoang vu. Ban đêm cọp gầm chuyển núi, nai tác vang rừng, voi đi từng đàn rầm rập” (truyện Tấm da cọp). “Tôi không còn biết gì nữa, đầu óc mụ mị. Bàn tay dịu dàng của chị đã đưa tôi về với quê hương bên dòng sông Giao Thủy êm đềm xanh thẳm, đưa tôi về với Tuyết của tôi. Quê tôi nghèo, nhưng có một dòng sông. Dòng sông là tài sản lớn nhất của tuổi thơ tôi.” (Truyện Đoạn kết một mối tình). Cả hai truyện Tiếng chin sẻ trong thánh đường, và truyện dài Long lanh giọt nắng đều có chi tiết về một ngôi nhà thờ mà ở đó “chim sẻ nhiều vô kể, chúng làm tổ dày đặc trên nóc nhà thờ. Tôi rủ Hương lên nhà thờ bắt tổ chim”.

2. Kết truyện Trung quân, nhà văn viết: “Về đến nhà, nhìn nét mặt rạng rỡ của vợ lúc tôi báo tin cho nàng biết về người con trai của họ, nên tôi không thể không viết thêm đoạn kết rất “có hậu” này. Kính mong bạn đọc lượng thứ cho tôi cái tội dông dài”.

Vâng, nhiều truyện của Nguyễn Một được kể chậm rãi. Sau khi mở đầu truyện, tác giả dẫn người đọc về tận ngọn nguồn rất xa của của sự việc, những mối quan hệ chằng chịt của nhiều nhân vật trong một khoảng thời gian dài. Truyện được kiến tạo như nhiều dòng sông nhỏ chảy vào một dòng sông lớn, tác giả tìm cách lý giải cho nhiều tình tiết truyện đã mở ra trước đó. Cách viết hồi tưởng phục vụ đắc lực cho cách kể truyện này. Những truyện Lửa bên sông, Tấm da cọp, Trung quân, Linh Chi có cách kiến tạo như thế.

3. Như tôi đã nói ở phần mở đầu, nhiều truyện ngắn của Nguyễn Một là những truyện tình yêu lãng mạn nhiều phẩm chất bi kịch. Đó là truyện được viết theo kiểu bút pháp lãng mạn. Nhưng khác với truyện lãng mạn ở chỗ, Nguyễn Một đẩy những mâu thuẫn truyện thành bi kịch. Gọi là “bi kịch” bởi nhân vật đã phải nhận lấy những đau thương (có khi phải chết) cùng với những khát vọng không thực hiện được (xin đọc Huyền Thoại biển, Tiếng chim sẻ trong thánh đường, Tấm da cọp…). Bi kịch thường có nguyên nhân xã hội (Hamlet, Romeo et Juliette của Shakespear, hoặc truyện Chí Phèo của Nam Cao), trái lại truyện tình yệu bi kịch của Nguyễn Một không được truy vết đến nguyên nhân (Huyền thoại biển, Đoạn kết một mối tình, Giếng tiên, Kẻ vô học, Trước mặt là dòng sông…). Có thể đó là một thái độ diễn ngôn của Nguyễn Một (Kẻ vô học là một thí dụ). Vì thế người đọc không thể đòi hỏi nhà văn phải truy đến cội nguồn nguyên nhân những bi kịch như trong kiểu truyện hiện thực.

4. Nguyễn Một có giọng kể điềm đạm, cách kể chậm rãi, lắng đọng. Nhưng cũng có những đoạn miêu tả sắc xảo, giàu màu sắc thẩm mỹ như những phân cảnh phim hành động (Lửa bên sông, Tấm da cọp, Kẻ vô học…). Những đoạn văn ấy ẩn chứa một bút lực mạnh mẽ, một phẩm chất văn chương phong phú và tài hoa của Nguyễn Một. Những đoạn tả thiên nhiên (ánh trăng, dòng sông, biển, rừng đại ngàn) lại đem đến những mỹ cảm thú vị.

Truyện ngắn của Nguyễn Một thường có cấu trúc phức tạp, nhiều tình huống bất ngờ, khắc họa nhiều kiểu nhân vật; truyện được kể mạch lạc và giữ được bí mật cốt truyện đến phút cuối, đó cũng là một đặc điểm. Nhìn sâu xa hơn, đặc điểm này bộc lộ một năng lực sáng tạo hư cấu rất dồi dào của nhà văn.

Nguyễn Một cũng có những truyện tình kết thúc có hậu (Miền đồng, Trung Quân, Trước mặt là dòng sông), song bút pháp hiện thực có phần nào hạn chế sự sáng tạo của ngòi bút Nguyễn Một.

5. “Trước khi anh lên đường vào nam lập nghiệp, ông nội anh làm thịt con gà trống mà ông yêu quí nhất bắt anh đội đến nhà thờ tộc, ông nhắc cho anh nhớ, tộc Trần có năm quan võ, bảy quan văn, một anh hùng, mười bốn liệt sĩ. Trong làn khói hương nghi ngút ông nói: ‘Cần biết sống cho ra sống, đừng để người ta khinh!’”(truyện Trước mặt là dòng sông).

Tôi thực sự ấn tượng ở chi tiết truyện này. Đây là chuyện của nhân vật Phong (và cũng là truyện của tác giả. Tên thật của Nguyễn Một là Trần Viết Sanh). Nguyễn Một không dựa trên bất cứ nền tảng triết học hoặc tôn giáo nào, vậy chân lý mà ông dựa vào đó để xây dựng nhân vật là gì? Câu trả lời là: ông dựa vào lời dạy của cha ông. Nói một cách khác, trong một thời đại đảo điên, thì tư tưởng về chân lý của ngòi bút Nguyễn Một là những truyền thống của cha ông, của dân tộc. Trong truyện Lửa bên sông, ông khẳng định: “Cả Phật lẫn Chúa cũng không xua được những cơn ác mộng hành hạ tôi hàng đêm”.

“Ở nơi mà chúng ta buông tay rơi vỡ chiếc bình

Long lanh giọt nước tình duyên.

Ở đó sau này thành sông thành biển.

Ai đã chèo thuyền vào cõi vô biên…”

                         (Như là cổ tích)

Bài thơ ngắn của “Thiên Sứ” thấp thoáng “giọt nước tình duyên” trong truyện Trương Chi-Mỵ Nương. Sự trở về với tư tưởng trong văn học dân tộc là một hướng tìm tòi mở ra nhiều triển vọng.

Thực ra Nguyễn Một có khuynh hướng trích dẫn Kinh thánh để làm nền tảng tư tưởng văn chương của mình. Trong truyện Tấm da cọp, ông viết: “Mỗi khi có ai thắc mắc chuyện mẹ thằng Dần, cậu tôi thường nói một câu rất lạ tai ‘Ai trong các người không có tội thì hãy ném đá người đàn bà này đi!’. Mãi sau này lớn lên tôi mới biết câu nói ấu cậu tôi học trong kinh thánh Thiên Chúa giáo”. Hoặc trong truyện Tiếng chim sẻ trong thánh đường, bất chợt ông liên tưởng: “Pho tượng Chúa Giêsu vẫn cúi đầu nhẫn nhục, lời rao giảng của vị Linh Mục chìm trong tiếng mưa rơi, tự dưng tôi liên tưởng lời rao giảng của thánh Phê-rô trong nghĩa địa ngoại thành Rô-Ma từ hai ngàn năm trước”. Và cả trong tiểu thuyết “Ngược mặt trời” và tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”, tư tưởng Kitô giáo là một phần làm nên giá trị nhân văn của tác phẩm.

Tôi cho rằng, trong việc tìm một nền tảng tư tưởng cho văn chương Việt Nam đương đại, Nguyễn Một có những khám phá riêng. Văn chương Việt Nam trước kia lấy tư tưởng Phật-Nho-Lão làm nền tảng, từ 1945 đến nay là chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ sau đổi mới (1986) các nhà văn bắt đầu tìm đến những tư tưởng triết học khác (Chủ nghĩa Hiện sinh, Chủ nghĩa Hậu hiện đại chẳng hạn). Trên dòng chảy văn chương, Nguyễn Một đã gặp gỡ một dòng sông: trước đây, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã khám phá tư tưởng Kitô giáo trong trường ca “Dưới cái cây ánh sáng”. Và xa hơn là R. Tagore (Lời dâng).

MỘT NGÒI BÚT LUÔN VƯỢT LÊN PHÍA TRƯỚC

Ở thể loại tiểu thuyết, Nguyễn Một có những tác phẩm đặt được dấu ấn trong sự phát triển của tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Đó là các tiểu thuyết Đất trời vần vũ (2009), Ngược mặt trời (2012) và Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín (2023). Văn chương Nguyễn Một đã đụng chạm được đến những vấn đề lớn của thời đại. Chẳng hạn, đã có nhiều tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam, song tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín lại khám phá chiến tranh ở một góc nhìn khác, và góp phần lý giải nhiều vấn đề một cách mới mẻ. Ngay nhan đề Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín đã mang ý nghĩa tư tưởng [[2]].

Truyện thiếu nhi của Dạ Thảo Linh (bút danh viết truyện thiếu nhi của Nguyễn

Một cũng có những thành tựu. Tác phẩm chính: Hoa dủ dẻ (tập truyện.1997); Năm đứa trẻ Xóm đồi (truyện dài.1999); Ngũ hổ tướng (truyện dài. 2000); Màu hoa trắng (Truyện ký. 2001); Long lanh giọt nắng (truyện dài. 2003); Mùa trái chín (Truyện vừa.2004).

Và như đã tìm hiểu ở trên, truyện ngắn của Nguyễn Một đã có được những đường nét của một phong cách riêng: truyện tình yêu bi kịch, nghiêng về kiểu truyện tư tưởng (truyện Như là cổ tích, Tiếng chim sẻ trong thánh đường).

Điều đáng qúy của ngòi bút Nguyễn Một là sự vượt lên phía trước với sức sáng tạo dồi dào, trong khi nhiều cây bút cùng thời với ông đã vắng bóng trên văn đàn.

Tháng 12/2023


[1] Xin đọc: Bùi Công Thuần-Phụ Lục truyện ngắn của Nguyễn Một

[2] Xin đọc bài viết của Bùi Công Thuấn về tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”

Bình luận về bài viết này