Nhà phê bình chính trị

NHÀ PHÊ BÌNH CHÍNH TRỊ

Bùi Công Thuấn

tam-gia

Chu Giang Nguyễn Văn Lưu,                             Vũ Hạnh,                               Trần Thanh Đạm

 

Tôi tạm gọi những nhà phê bình văn học chuyên tâm vào vấn đề chính trị khi phê bình một hiện tượng văn học là những nhà phê bình chính trị. Xin không nhầm lẫn với những nhà bình luận chính trị trên báo chí, vì đối tượng của những người cầm bút này là những vấn đề chính trị.

  1. Cơ sở xuất phát.

 Từ đâu xuất hiện những nhà phê bình chính trị? Và nhiệm vụ của họ là gì?

Những nhà phê bình chính trị, phê bình trên lập trường ý thức hệ Marxist ở Việt Nam đã xuất hiện từ những năm 1930-1945. Giáo sư Nguyễn Văn Trung trong Lược khảo văn học tập III (1968) ở Sài Gòn cho biết:

“Ngay từ hồi 1933-1935 đã có những nhà phê bình Việt Nam đặt những vấn đề lý luận văn học và phê bình văn học theo quan điểm Mácxít. Nhất là vào thời kỳ Mặt trận Bình dân, Đảng Cộng sản được tương đối tự do hoạt động, một số tờ báo do Đảng lãnh đạo chủ trương đường lối phê bình Mácxít một cách công khai với những người như Hải Triều, Hải Thanh, Bùi Công TrừngTrong cuộc tranh luận Văn học vị nghệ thuật hay vị nhân sinh hồi 1935, Hải Triều công khai đứng trên lập trường Mác xít để bài bác những quan điểm của Thiếu Sơn, Phan Khội, Hoài Thanh…”

…”Phê bình Mác xít trở thành trội bật, quyến rũ với những tác phẩm của Nguyễn Bách Khoa hồi 1940-1945. Từ 1945 đến 1954 và nhất là từ 1954 đến bây giờ, một nửa nước Việt Nam coi quan điểm Mác xít là quan điểm phê bình chính thức và độc tôn. Nỗ lực áp dụng phương pháp phê bình duy vật vào văn học…”(sđd, tr.190)

Trong báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam (1948), đồng chí Trường Chinh nói rõ:

Chúng tôi thành thật trông chờ những cây bút phê bình chân chính trong văn nghệ Việt Nam.

…Phê bình chúng tôi đề nghị đây là phê bình đúng nguyên tắc, phê bình trong kỷ luật dân chủ, không phải ‘tư do phê bình’. Có thể có những kẻ manh tâm muốn phê bình để gieo rắc sự chia rẽ, nghi ngờ trong hàng ngũ dân tộc, để cung cấp tài liệu cho địch hại ta. Những kẻ đó không phải là phê bình mà là quấy rối, không phải thật tâm cầu tiến bộ mà là khiêu khích, địa vị của chúng không ở trên đàn văn nghệ của một nước dân chủ, mà phải ở trong nhà tù của chính quyền nhân dân!

 Không phải chỉ cần phê bình những khuynh hướng sai lầm về tư tưởng, học thuật, nghệ thuật của ta mà thôi; phải phê bình và nhất là chú trọng đả kích tư tưởng, văn học, nghệ thuật phản động của địch. Cuộc đấu tranh về văn hóa và tư tưởng không thể tách rời cuộc đấu tranh về chính trị, quân sự và kinh tế được. Kẻ thù đem tư tưởng bi quan hưởng lạc ra nhồi sọ thanh niên ta trong vùng chúng kiểm soát; chúng mê hoặc quần chúng bằng những quan điểm ích kỷ, duy tâm; chúng truyền bá nghệ thuật suy đồi, thối tha của chúng ; chúng đầu độc tinh thần nhân dân ta một cách vô cùng thâm độc. Ta đã theo dõi để vạch mặt chúng chưa? Đuy-ha-men (Duhamel) sang Đông Dương lớn tiếng bênh vực chính sách ăn cướp của lũ thực dân; ai là người trong giới văn nghệ chúng ta đã đứng ra trả lời cho hắn một cách đích đáng? Trong chiến tranh chống thực dân xâm lược này, cuộc đấu tranh về tư tưởng không thể thiếu được!

 Chúng tôi sốt ruột trông chờ những kiện tướng phê bình văn hóa đế quốc nói chung và văn hóa thực dân Pháp nói riêng. Chúng ta không nên quên rằng tư tưởng văn nghệ đồi trụy của thực dân Pháp, những học thuyết nguy hiểm của chúng đã ít nhiều thấm vào tâm hồn thanh niên, trí thức và thế hệ văn nghệ sĩ nước ta ngày nay. Bởi vậy, phê bình tư tưởng phản động và văn học, nghệ thuật đồi trụy của thực dân Pháp còn là một cách cải tạo tư tưởng của giới trí thức và văn nghệ sĩ nước ta nữa.”[1]

Trong đoạn trích trên, hai lần Trường Chinh nói rằng: “Chúng tôi thành thật trông chờ những cây bút phê bình chân chính trong văn nghệ Việt Nam.”; “Chúng tôi sốt ruột trông chờ những kiện tướng phê bình…”. Nghĩa là trong cuộc đấu tranh chống xâm lược đòi buộc phải có đội ngũ những nhà phê bình chân chính, những kiện tướng phê bình. Vì “Trong chiến tranh chống thực dân xâm lược này, cuộc đấu tranh về tư tưởng không thể thiếu được

 Trong đoạn văn trên, Trường Chinh cũng xác lập rõ đối tượng phê bình là: “Không phải chỉ cần phê bình những khuynh hướng sai lầm về tư tưởng, học thuật, nghệ thuật của ta mà thôi; phải phê bình và nhất là chú trọng đả kích tư tưởng, văn học, nghệ thuật phản động của địch”.

 Hoạt động phê bình còn có một mục tiêu khác nữa là: “Bởi vậy, phê bình tư tưởng phản động và văn học, nghệ thuật đồi trụy của thực dân Pháp còn là một cách cải tạo tư tưởng của giới trí thức và văn nghệ sĩ nước ta nữa

Như vậy “phê bình chính trị” không chỉ đơn thuần là phê bình văn học nghệ thuật, mà nhà phê bình thực hiện nhiệm vụ trong cuộc đấu tranh về văn hóa-tư tưởng mà “Cuộc đấu tranh về văn hóa và tư tưởng không thể tách rời cuộc đấu tranh về chính trị, quân sự và kinh tế được, nghĩa là đang làm nhiệm vụ của một chiến sĩ cách mạng trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, nghệ thuật, trong cược đấu tranh chung của dân tộc. Vai trò này có thẩm quyền lớn hơn vai trò của một nhà phê bình văn học nghệ thuật đơn thuần. Họ có chỗ đứng chân chính trên diễn đàn văn nghệ. Ngoài nhiệm vụ phê bình “những khuynh hướng sai lầm về tư tưởng, học thuật, nghệ thuật của ta mà thôi; phải phê bình và nhất là chú trọng đả kích tư tưởng, văn học, nghệ thuật phản động của địchhọ còn góp phần “cải tạo tư tưởng của giới trí thức và văn nghệ sĩ nước ta nữa”.

 Những nội dung trên còn được nhắc lại trong các nghị quyết của Đảng về văn học nghê thuật:

Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành trung ương Đảng khóa VIII, ngày 16.07.1998 nhận định:

Đời sống văn học, nghệ thuật còn những mặt bất cập. Rất ít tác phẩm đạt đỉnh cao tương xứng với sự nghiệp cách mạng và kháng chiến vĩ đại của dân tộc và thành quả đổi mới. Trong sáng tác và lý luận, phê bình, có lúc đã nảy sinh khuynh hướng phủ nhận thành tựu văn học cách mạng và kháng chiến, đối lập văn nghệ với chính trị, nhìn xã hội với thái độ bi quan. Một vài tác phẩm viết về kháng chiến đã không phân biệt chiến tranh chính nghĩa vói chiến tranh phi nghĩa. Xu hướng “thương mại hoá”, chiều theo những thị hiếu thấp kém, làm cho chức năng giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ của văn học, nghệ thuật bị suy giảm.

 Và đề ra nhiệm vụ:
Tiếp tục đấu tranh chống các khuynh hướng trái với đường lối văn nghệ của Đảng.

Nghị quyết 23 của Bộ chính trị ngày 16/6/2008 cũng nhận định:

hoạt động lý luận văn học, nghệ thuật còn lạc hậu về nhiều mặt. Lý luận văn học chưa giải đáp được nhiều vấn đề của đời sống, còn xa rời thực tiễn sáng tác, có biểu hiện xơ cứng, kém năng động, giảm sút tác dụng tích cực đối với sáng tác. Lý luận văn nghệ và mỹ học mác-xít chưa được nghiên cứu và phát huy tương xứng với vai trò và giá trị của nó...

 Quan điểm chỉ đạo:

– Trên cơ sở giữ gìn, phát triển, phát huy những giá trị của văn học, nghệ thuật dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài; đồng thời kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn áp đặt, xâm lăng văn hoá của các thế lực thù địch

Các Nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam một lần nữa khẳng định vai trò, nhiệm vụ của nhà phê bình chính trị nói riêng và tất cả các nhà phê bình văn học nghệ thuật trong Hội Nhà văn Việt Nam nói chung. Vì thế ta hiểu vì sao tiếng nói của nhà phê bình chính trị có “uy quyền” hơn những nhà phê bình nghệ thuật đơn thuần.

  1. Phê bình chính trị dựa trên những tiêu chí nào

 Thực ra khuynh hướng phê bình chính trị đã trở thành khuynh hướng độc tôn suốt mấy chục năm qua ở Việt Nam trước giai đoạn đổi mới. Trong nhà trường, giảng Văn là giảng chính trị. Đọc tác phẩm văn chương, tiêu chí đầu tiên đánh giá tác phẩm là tiêu chí chính trị. Các hoạt động văn học nghệ thuật đều hướng đến phục vụ trực tiếp nhiệm vụ chính trị. Hội Nhà Văn Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội- nghề nghiệp của người viết văn, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chỉ đến sau đổi mới (1986) các khuynh hướng phê bình khác mới được phép tìm tòi thử nghiệm. Cùng với sự tiếp thu các lý thuyết phê bình đương đại, khuynh hướng phê bình chính trị mới có tính “đối thoại” hơn đối với Cái Khác. Tiếng nói “quyền uy” của giai đoạn trước không phải lúc nào cũng có giá trị lấn át.

Nhà phê bình chính trị thường xem xét tác phẩm văn chương ở những tiêu chí như, tác phẩm có phản ánh chân thực hiện thực cách mạng không; trong khi phản ánh hiện thực, tác giả có theo đúng quan điểm đường lối của Đảng không, có nhiệt tình phục vụ cách mạng không; tác phẩm thực hiện chức năng giáo dục, thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong mặt trận văn hóa tư tưởng như thế nào... Nói gọn lại là, tác phẩm có được viết bằng phương pháp sáng tác Hiện thực xã hội chủ nghĩa như Báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam đã đề ra hay không. Và tùy vào mức độ “giác ngộ chính trị” và vị trí công tác, thì nhà phê bình chính trị có thể có cái nhìn khác với quần chúng về một tác phẩm hay một hiện tượng văn học, và do đó, có “thẩm quyền” khác nhau, gây ra những ảnh hưởng khác nhau..

Thực tế là ở những nhận định, đánh giá một tác phẩm, một hiện tượng văn học những cấp có thẩm quyền cao (như Tuyên giáo tỉnh, Tuyên giáo trung ương, Hội đồng Lý luận và Phê bình VHNT trung ương) luôn có ý nghĩa chỉ đạo cho cấp dưới trong hệ thống chính trị. Chẳng hạn khi một tác phẩm bị cấp địa phương phê phán, nếu cấp trung ương và công luận lên tiếng bảo vệ thì sự phê phán sẽ có thể được bỏ qua. Trường hợp truyện ngắn Cánh đồng bất tận (2006) của Nguyễn Ngọc Tư, và bài thơ Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dân của Đàm Chu Văn 2012. Ngược lại nếu cấp có thẩm quyền đánh giá là “có vấn đề” thì tác phẩm có thể bị thu hồi.

Đúng là “quyền uy” của nhà phê bình chính trị tỷ lệ thuận với nhân thân và chỗ dựa chính trị để lập luận. Xin đọc nhận định của Vũ Hạnh (2007) về việc tái bản các tập truyện của Dương Nghiễm Mậu, một tác giả miền Nam trước 1975:

Những tác phẩm này giá trị ra sao đa số bạn đọc sống ở miền Nam trong thời chống Mỹ đều đã biết rõ. Bởi lẽ những quyển sách này không chỉ là các sản phẩm văn hóa mà vốn là những vũ khí độc hại về mặt tinh thần.

 Chúng ta đều biết phản động và đồi trụy là những đặc điểm nổi bật mà chế độ cũ vận dụng để làm tha hóa lớp trẻ hầu đưa đẩy họ vào sự chống phá cách mạng chống lại sự nghiệp giải phóng đất nước khỏi sự thống trị của bọn đế quốc xâm lược. Nếu nhiều quyển sách của Dương Nghiễm Mậu nổi bật là tính phản động thì sách Lê Xuyên là tính đồi trụy. Phải nhìn nhận rằng thời chế độ cũ không ai quan niệm sách của Lê Xuyên thuộc loại văn chương bởi sự dễ dãi về mặt bút pháp và sự tồi tệ về mặt nội dung.

Vũ Hạnh quy kết tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu là “phản động”, nằm trong văn hóa đồi trụy và phản động của chế độ cũ ở miền Nam trước 1975. Để củng cố kết luận ấy, Vũ Hạnh đã đứng trên lập trường “văn học là vũ khí tinh thần” trong cuộc đấu tranh tư với chế độ cũ, đã đem Cách mạngsự nghiệp giải phóng đất nước làm chỗ dựa chính trị để lập luận, đồng thời lại mượn tất cả người đọc ở miền Nam thời chế độ cũ để phủ định giá trị của tác phẩm Dương Nghiễm Mậu. Vũ Hạnh nói như thế thì ai cãi được. Có điều Vũ Hạnh đã không chỉ ra cụ thể trong những cuốn sách tái bản của Dương Nghiễm Mậu đâu là phản động, và mối quan hệ của chúng trong chính sách văn hóa của chế độ cũ ở miền Nam, thành ra người đọc chỉ thấy đó là những nhận định quy chụp hẹp hòi và đã cũ so với thời đại đổi mới.

Và đây là “đối thoại” của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, người viết lời giới thiệu cho các tập truyện tái bản của Dương Nghiễm Mậu:

 “Gửi ông Vũ Hạnh

Tôi đã đọc bài viết “Đâu là tiêu chí của người xuất bản” của ông (Sài Gòn Giải phóng 22/4/2007) về việc nhà xuất bản Văn nghệ và Công ty văn hóa Phương Nam phối hợp xuất bản một số tác phẩm viết và in tại Sài Gòn trước 1975 của Lê Xuyên và Dương Nghiễm Mậu. Cuối bài ông có nhắc đến sự “giật mình” của nhiều người (trong đó có ông không?) khi đọc bài “Truyện ngắn Dương Nghiễm Mậu” của tôi (Thể thao & Văn hóa 13/4/2007). Tôi không có ý bình luận hay trao đổi gì với ông về bài viết đó. Nhưng nhân có nó tôi muốn kể lại chuyện này có lẽ ông đã biết rồi nhưng nghe lại để nhớ lại.

Cách đây gần mười lăm năm tôi nêu lên yêu cầu phải nghiên cứu bộ phận văn học miền Nam (Sài Gòn) giai đoạn 1954-1975 để hình dung một bức tranh văn học dân tộc đầy đủ của thế kỷ XX. Riêng về thơ tôi đã nêu lại nhóm Sáng Tạo và vai trò của Thanh Tâm Tuyền trong sự vận động đổi mới thơ Việt sau 1945. Đề xuất của tôi vấp phải những phản ứng quyết liệt gay gắt của một số người mà tựu trung lý lẽ của họ cũng như ông bây giờ: nhân thân tác giả là “ngụy” và nội dung tác phẩm là “phản động đồi trụy”. Ông Trần Mạnh Hảo đã có hơn một bài phê phán trực tiếp tôi về chuyện này và liên quan đến thơ Thanh Tâm Tuyền ông ấy đã cho tôi là “giật lá cờ máu trong tay thơ ca kháng chiến trao về phía bên kia”.

Thời gian cứ trôi thơ Thanh Tâm Tuyền (cũng như các tác phẩm văn học có giá trị khác của một nửa đất nước thời 1954-1975)) vẫn “âm thầm chảy” để đến năm 2006 khi nhà thơ này qua đời ở Mỹ thì tại Hà Nội tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam do chính ông Hữu Thỉnh chủ tịch Hội và là bí thư ban cán sự Đảng của Hội làm tổng biên tập đã in lại 4 bài thơ của Thanh Tâm Tuyền “để tưởng nhớ một tài năng có nhiều tâm huyết đóng góp cho quá trình hiện đại hóa thơ”. Điều này tôi đã viết trong ý kiến “Một đính chính cho Hoàng Ngọc-Tuấn”.

Liệu tôi và độc giả rộng rãi có phải chờ mười lăm năm nữa để lại được đọc những dòng như trên đây của báo Văn nghệ (thay cho tạp chí Thơ) viết về Dương Nghiễm Mậu hay không thưa ông Vũ Hạnh tác giả của “Bút máu” một truyện ngắn hay đăng công khai ở Sài Gòn trước 1975?

Trong khi đó tôi lại muốn mách ông biết: trong cuốn Từ điển văn học (bộ mới 2005) Dương Nghiễm Mậu đã được đưa vào với tư cách một tác gia tiêu biểu của văn học Việt Nam (tr. 358 – 360). Cuốn từ điển này đã được đánh giá cao thời gian qua. Ở bìa bốn của bốn tập truyện ngắn vừa in lại của Dương Nghiễm Mậu đều có trích các nhận định từ mục từ này. Vậy thưa ông Vũ Hạnh khi một nhà văn đã được đưa vào từ điển khẳng định từ điển đã được phát hành rộng rãi và được thừa nhận giá trị thì việc cục xuất bản cấp giấy phép và nhà xuất bản in sách của nhà văn đó có gì là sai trái là phạm luật? Ông có nhắc đến nhà văn Nguyễn Mộng Giác sống ở Mỹ và bộ tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ viết về Nguyễn Huệ được in lại trong nước. Nhưng bây giờ nếu ông Nguyễn Mộng Giác xin phép cũng in lại trong nước bộ tiểu thuyết trường thiên khác của ông ấy là Mùa biển động viết về hiện thực cuộc chiến tại miền Nam trong thời gian 1963-1975 mà không được cấp phép thì ông nói sao thưa ông Vũ Hạnh?

 Phạm Xuân Nguyên đã đưa một người có nhân thân và vị trí chính trị cao hơn Vũ Hạnh để làm chỗ dựa lập luận cho mình, đó là nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đồng thời đưa thêm một “thực thể chính trị” có uy tín học thuật và pháp lý là Hội đồng soạn thảo Tự điển văn học (bộ mới 2005). Tác giả của bộ Tự điển này là 58 chuyên gia, cùng với sự cộng tác của 48 chuyên gia khác, trong đó có nhiều Giáo sư-Tiến sĩ có uy tín như Phong Lê, Trần Đình Sử, Trần Hữu Tá, Lê Ngọc Trà, Đỗ Lai Thúy, Phương Lựu, Trương Đăng Dung…Tất nhiên nhân thân và uy tín của Vũ Hạnh không là gì cả so với tập thể hơn 100 chuyên gia sọan Tự điển văn học. Phạm Xuân Nguyên đã vận dụng những tư tưởng đổi mới về văn nghệ của Đảng (lập trường dân tộc và sự đổi mới văn học) để bảo vệ “uy tín chính trị” của mình. Lập luận của Phạm Xuân Nguyên tỏ ra “mới” hơn nhiều so với Vũ Hạnh đã là “người của quá khứ”.

 Những lần “quất roi”.

 Khi một tác phẩm, một hiện tượng được coi là vấn đề chính trị thì nhà phê bình chính trị có cơ hội phát huy hết sức mạnh “ngọn roi phê bình” của mình. Xin đơn cử hai trường hợp.

Tham luận của PGS-NGND Trần Thanh Đạm trong Hội nghị lý luận, phê bình VHNT toàn quốc tại Hà Nội tháng 3. 2006 đã phê phán trực tiếp cái gọi là lý luận “văn học tự vấn” của Nguyên Ngọc. Ông viết:

“…Im lặng một thời gian, nhà văn Nguyên Ngọc trong một số bài có tính chất bình luận công bố ở trong nước và trong các bài phỏng vấn của một số tờ báo lá cải ở “hải ngoại“, để minh hoạ cho công lao khởi xướng “đổi mới“ trong văn học từ dạo làm Tổng biên tập báo Văn nghệ với phát hiện “Tướng về hưu“ của Nguyễn Huy Thiệp, rồi đây lại phát hiện “Bóng đè“ của Đỗ Hoàng Diệu, lại cổ súy cho cái gọi là “văn học tự vấn“ mà anh cho rằng mình đã phát hiện ra trong xu thế phát triển đương đại của văn học ta. Đại khái theo ý kiến của nhà văn không sáng tác mà đi vào bình luận văn học với tham vọng làm người tiên phong hướng đạo cho văn học đổi mới này, thì các thứ văn học chuyên miêu tả cái ác, cái xấu, thậm chí cái tục tĩu, thô bỉ trong đời sống và cả trong lịch sử của chúng ta đều được xếp vào dòng “văn học tự vấn“. Đại khái xã hội ta, dân tộc ta (và trong thâm ý không dám nói ra của nhà bình luận này – cách mạng ta) vốn mắc nhiều tội lỗi, sai lầm, bê bối… cần bằng văn học, qua văn học mà “tự vấn“ lương tâm về những sai lầm của mình.

Thực ra, cái “lý luận“ về “văn học tự vấn“ này cũng chưa đưa hề được triển khai cho thật minh bạch, thẳng thắn; nó chỉ “thò lò hai mặt“ lấp lửng nửa nạc, nửa mỡ, nửa trắng, nửa đen cùng một dạng với các thủ đoạn chiến tranh tâm lý mà bọn thù địch của chúng ta ở nước ngoài trước nay vốn vẫn sử dụng, bây giờ lại “chuyển giao kỹ thuật“ cho một số kẻ cơ hội và manh tâm ở trong nước.

Nếu nhìn ra nước ngoài, thì thứ lý luận này ở một số nước xã hội chủ nghĩa trước đây vốn được gọi là “văn học tự thú“, “văn học sám hối“, “văn học phản tư“. Ở ta, hồi mới bắt đầu đổi mới cũng có một vài kẻ bắt chước nước ngoài, kêu gọi văn học ta và không chỉ văn học ta, phải “sám hối“, “tự thú“, “nhận tội“ là đã làm cách mạng, đã chiến đấu, hi sinh chống thực dân, đế quốc, nhất là đã lỡ chiến thắng chúng để đem lại độc lập, tự do, thống nhất cho nước nhà, đã mở đường tiến lên phục hưng dân tộc, đổi mới đất nước. Cái mưu đồ đằng sau cái thứ “lý luận văn học“đó dù thường được che đậy một cách giảo quyệt vẫn không khó gì mà không nhận ra. Tuy vậy, nó vẫn có thể lừa bịp, dụ dỗ được một số người…

…Cứ nhìn xem những ai là kẻ phụ họa nó, khuyến khích, cổ vũ nó, thì có thể thấy ngay nó đến từ đâu và phục vụ cho ai. Thực sự thì nó không hề che dấu cái động cơ và mục tiêu chính trị của nó, khi tự nguyện làm một bè trong dàn đồng ca phản cách mạng, phản dân tộc, trong ngoài hô ứng lẫn nhau…”[3]

Qua văn bản trên, Trần Thanh Đạm vừa trực tiếp vừa gián tiếp quy kết Nguyên Ngọc là một kẻ cơ hội và manh tâm, sử dụng “thủ đoạn chiến tranh tâm lý của bọn thù địch ở nước ngoài”. “Động cơ và mục tiêu chính trị là phản cách mạng, phản dân tộc”. Để dẫn đến kết luận ấy, Trần Thanh Đạm suy diễn: Nguyên Ngọc “bắt chước nước ngoài, kêu gọi văn học ta và không chỉ văn học ta, phải “sám hối“, “tự thú“, “nhận tội“ là đã làm cách mạng, đã chiến đấu, hi sinh chống thực dân, đế quốc, nhất là đã lỡ chiến thắng chúng để đem lại độc lập, tự do, thống nhất cho nước nhà, đã mở đường tiến lên phục hưng dân tộc, đổi mới đất nước. Cái mưu đồ đằng sau cái thứ “lý luận văn học“đó dù thường được che đậy một cách giảo quyệt vẫn không khó gì mà không nhận ra”

 Thực ra đây không phải là phê bình văn học, mà là “đánh” trực diện vào nhân thân và con người chính trị của nhà văn Nguyên Ngọc. Những suy diễn của Trần Thanh Đạm là hoàn toàn chủ quan, và có mục đích chính trị, như thể đây là một bản kết tội của một viện kiểm sát. Nếu những ý kiến của Nguyên Ngọc là một thứ lý luận văn học thì nhất thiết phải đối thoại bằng những lý thuyêt lý luận văn học có tính thuyết phục cao hơn. Không thể không đối thoại, không phân tích mà đã kết luận ngay một người là phản cách mạng, phản dân tộc. Trước tòa án, bị cáo còn có quyền tự bào chữa (Điều 322 luật Tố tụng hình sự 2015). Và không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Luật Dân sự cũng quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. » (Điều 37, Luật Dân sự 2005)

Ngọn roi thứ hai là của nhà phê bình Chu Giang.

Luận văn “Vị trí kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng” của Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên) năm 2010, do PGS-TS Nguyễn Thị Bình ĐHSP Hà Nội hướng dẫn. Luận văn này đạt điểm tuyệt đối. Hội đồng chấm Luận văn gồm có: Chủ tịch Hội đồng: PGS.TS Nguyễn Văn Long. Phản biện và thư ký: PGS.TS Ngô Văn Giá, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, TS. Chu Văn Sơn, TS. Nguyễn Phượng.

Vấn đề của Luận văn này được đặt ra trong Ở Hội nghị Lý luận và phê bình văn học lần III (2013). Giáo sư Phong Lê lên tiếng: Ai làm luận văn xúc phạm lãnh tụ, hãy truy đến tận gốc xem hội đồng thạc sĩ ai chấm, ai lập hội đồng. Không thể chấp nhận được. Cần phải lên tiếng. Nhà phê bình Nguyễn Văn Lưu đặt thẳng vấn đề với các đồng nghiệp, thực ra là “đánh “thẳng vào nhân thân chính trị của những người có liên quan đến việc chấm luận văn của Đỗ Thị Thoan. Ông viết :” Chúng tôi muốn góp ý với các đồng nghiệp là nhà văn Nguyễn Đăng Điệp-Viện trưởng Viện Văn học, và nhà văn Văn Giá– Trưởng khoa Lý luận-Phê bình Văn học Trường Đại học Văn hóa (Bộ Văn hóa), hai thành viên hội đồng chấm luận án và Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên-người đã đọc bản thảo Những tiếng nói ngầm của Nhã Thuyên- rằng các bạn nên giữ sự trung thực cho ngòi bút của mình, nên tự trọng về nhân cách. Các bạn có thể xin ra khỏi Đảng, tự nguyện trả lại các chức danh và học vị mà thể chế này-do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập- đã phong tặng cho các bạn rồi làm một nhà văn tự do thì hay hơn là lập lờ hai mặt như vị thầy của các bạn: vẫn ca ngợi kính phục Dương Thu Hương: Người phụ nữ một mình chống lại cả một Nhà nước– nhưng mà giải thưởng, chức danh Nhà nước ấy trao cho vẫn vui vẻ nhận, lại còn thắp hương khấn vái xin cho được nữa. Cũng mong ngài Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đừng để Đại học Sư phạm Hà Nội thành ra một trung tâm hài hước như thế “ (22)

Nguyễn Văn Lưu dùng cách nói ám chỉ để nói điều này: Các PGS-TS trong hội đồng chấm Luận văn Nhã Thuyên là những người không trung thực, không tự trọng, vì các vị ấy được chế độ do chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập phong tặng học vị, chức danh, nay các vị phản bội, lập lờ hai mặt, vừa hưởng mọi quyền lợi bổng lộc địa vị của Nhà nước, vừa chống lại Nhà nước. Đặt vấn đề như thế, tức là vấn đề chính trị.

Trong “Luận văn” Nhã Thuyên (Đỗ Thị Thoan) lặp lại rất nhiều lần những tư tưởng này: Ngoại vi hóa là xu thế thời đại. “Nhìn trên diện rộng, giải trung tâm trong văn học Việt Nam cũng đồng nghĩa với quá trình ngoại vi hóa, hay ngoại vi hóa là để giải trung tâm văn học dòng chính, giải trung tâm cái chính thống”. Và cái chính thống ấy là: “…sự lãnh đạo của Đảng...; Hội Nhà Văn, báo Văn Nghệ, nhà xuất bản Nhà nước. Chính thống trong nhiều năm là nói theo ý thức hệ chính thống. Nó trở nên già cỗi và trở thành lực cản”, và vì thế cần phải lật đổ.

Hãy nghe Nhã Thuyên diễn giải về mục đích và hiệu qua diễu nhại của Bùi Chát:. “những bài thơ nổi tiếng mới của Bùi Chát, tái định nghĩa cái đã có, nhất là những cái đã và đang có nguy cơ biến thành chân lý, thành thiết chế, như thiết chế của niềm tin tuổi trẻ [về thời hoa đỏ, về lựa chọn chẳng hạn], thiết chế về thơ, thiết chế về quá khứ dân tộc, về Hồ Chí Minh, về lý tưởngTất cả những tín điều đó được khai thác, bị tra vấn và hoài nghi – và lật đổnhất là lật đổ

 Nhã Thuyên nói cụ thể hơn về mục đích chính trị của Mở Miệng: “ý hướng cách tân văn chương không thể thực hiện nếu không kết hợp với sự đấu tranh‟, với những tiếng nói đòi quyền lực, hay đòi xác lập một bản đồ văn chương mới, đặc biệt trong những xã hội không dành chỗ cho những khác biệt, những dị chủng. Đây cũng là tiền đề tiền đề cho một sự thay đổi nhận thức về tính tiền phong của văn chương giai đoạn này: mọi cách tân văn chương, ở những giai đoạn khủng hoảng niềm tin và những trông đợi vào thể chế, thường đến cùng với những tham vọng lật đổ ý thức hệ. Tính chất chính trị trong tinh thần đấu tranh với quyền lực thống trị là đặc điểm chung của họ”.

Nhã Thuyên chọn đứng bên Lề, cùng với Cái bên Lề (nhóm Mở Miệng) đấu tranh trực diện giải trung tâm cái chính thống, nhằm lật đổ. Như vậy là đã rõ ràng. Và Đại Học Sư Phạm Hà Nội cũng đã lập Hội đồng chấm lại luận văn của Nhã Thuyên, giải quyết vụ việc như một vấn đề hành chính nội bộ. (Xem thêm bài Bùi Công Thuấn viết về Luận văn Nhã Thuyên trong tập sách này)

Ở trường hợp Luận văn Nhã Thuyên, nhà phê bình chính trị Chu Giang đã làm được nhiệm vụ: “Tiếp tục đấu tranh chống các khuynh hướng trái với đường lối văn nghệ của Đảng.(Nghị quyết TW 5 khóa VIII), và “cải tạo tư tưởng của giới trí thức và văn nghệ sĩ nước ta nữa”(đd). Có thể coi Chu Giang là “kiện tướng phê bình” như mong mỏi của đồng chí Trường Chinh trong Báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam (1984). Ông “tả xung hữu đột” trong trường Văn trận bút. Bài viết của ông tập trung trong các cuốn Luận chiến văn chương I, II, III. Cuốn Luận chiến văn chương III được giải của Hội đồng lý luận và phê bình VHNT trung ương năm 2015.

Không chỉ có các nhà phê bình chính trị tên tuổi như Vũ Hạnh, Trần Thanh Đạm, Chu Giang- Nguyễn Văn Lưu, Đông La…mà có thể nhận thấy sự hiện diện của nhà phê bình chính trị ở khắp nơi trong đời sống văn học nghệ thuật. Đó là những người làm công tác biên tập ở các nhà xuất bản, các tổng biên tập các báo; đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy ở Đại học, ở các Viện; các thầy cô giáo dạy Văn ở Phổng thông; các cán bộ Tuyên giáo khắp các tỉnh, huyện trong cả nước. Có cả những nhà phê bình chính trị trong mỗi nhà văn nữa…Họ được học tập chính trị thường xuyên nên nắm vững quan điểm đường lối của Đảng, họ “nhạy cảm” với các vấn đề chính trị, và ở cương vị quyền lực, họ có thể xử lý vấn đề ngay.

Tuy vậy, trong lĩnh vực tư tưởng, họ không dễ “đổi mới” nhận thức, quan điểm lý thuyết văn học trong một sớm một chiều, thành ra, nhiều khi họ trở thành lực cản của đổi mới. Sự xuất hiện của truyện ngắn Cánh đồng bất tận (2006) của Nguyễn Ngọc Tư làm xuất hiện những luồng dư luận trái chiều là một ví dụ. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đã có gần 20 năm, song nhiều vấn đề lý luận văn nghệ mới phát sinh vẫn chưa được nhìn nhận theo những quan điểm mới của Đảng. Vẫn còn đó quan điểm văn nghệ phục vụ trực tiếp nhiệm vụ cách mạng, quan điểm văn học phải phản ánh hiện thực cách mạng như trong thời kháng chiến. Lý luận văn học được giảng dạy trong nhà trường vẫn theo sách giáo khoa cũ…

Tôi đã định kết thúc bài viết ở đây, nhưng thấy lòng nặng trĩu băn khoăn.

Đành rằng, nhiệm vụ của nhà phê bình chính trị là: “Tiếp tục đấu tranh chống các khuynh hướng trái với đường lối văn nghệ của Đảng.; “kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn áp đặt, xâm lăng văn hoá của các thế lực thù địch”; “phê bình tư tưởng phản động và văn học, nghệ thuật đồi trụy của thực dân Pháp còn là một cách cải tạo tư tưởng của giới trí thức và văn nghệ sĩ nước ta nữa”(đd), nhưng điều làm tôi băn khoăn là thái độ, ngôn ngữ và văn hóa phê bình của người viết. Tôi có cảm giác rằng, trong cách nhìn của Vũ Hạnh, Trần Thanh Đạm, Chu Giang, hình như các vị ấy coi đồng chí, đồng nghiệp của mình là kẻ thù, gọi họ là những kẻ phản cách mạng, phản dân tộc, và vì thế các vị ấy ra sức tố cáo, quy kết và chụp mũ chính trị lên bản thân những người mà các vị ấy phê bình (tôi buộc phải hoài nghi về động cơ diễn ngôn của các vị!). Lẽ ra, dù là phê bình có nội dung chính trị, thì phê bình văn học vẫn phải dựa trên các lý thuyết văn học để đối thoại. Tôi đã đọc các bài Hải Triều đối thoại với Hoài Thanh, Thiếu sơn,[4] thì tính thuyết phục của ngòi bút của Hải Triều là ở lý luận, ở nền tảng tư tưởng Marxist khi ông phân tích vấn đề, và mặc dù phê phán rất thẳng thắn, nhưng Hải Triều vẫn giữ vững sự tương kính và những phẩm chất văn hóa, văn chương của mình. Ngược lại, Vũ Hạnh, Trần Thanh Đạm và Chu Giang (đã trích dẫn ở trên) đã không đưa ra được lý thuyết triết học, văn học nào làm bệ đỡ cho lập luận của mình, ngoài một mớ ngôn từ chính trị đã thuộc lòng. Điều này khiến cho những người muốn đối thoại với các nhà phê bình chính trị rất e ngại, nếu không nói rằng họ không thể đối thoại.

Hội đồng lý luận và phê bình VHNT trung ương đã có nhiều hoạt động tích cực giúp cho những người làm công tác lý luận phê bình văn học ở cơ sở (nhà phê bình chính trị phong trào) theo kịp với quan điểm đổi mới của Đảng, uốn nắn lại văn hóa phê bình, tạo một đời sống văn chương lành mạnh, thúc đẩy văn học chảy về phía trước hội nhập toàn cầu hóa.

Tháng 2. 2017

 

Nguồn: Bùi Công Thuấn-Lý luận và phê bình văn học, Diện mạo của một thời.

__________________

[1] Trường Chinh-Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam. Nxb Sự Thật Hà Nội 1975. Trang 95-96

[2] Đâu là tiêu chí của người xuất bản? SGGP:: Cập nhật ngày 22/04/2007

[3] Talawas 15.03.2006-Trích Tham luận hội nghị lý luận phê bình văn học nghệ thuật toàn quốc của Hội đồng Lý luận và phê bình VHNT trung ương tại Hà Nội tháng 3. 2006, (tài liệu sử dụng nội bộ) trang 162-165.

[4] Hải Triều-Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh; Kép Tư Bền- một tác phẩm thuộc về cái triều lưu “Nghệ thuật vị nhân sinh” ở nước ta…[ Hải Triều, Về văn học nghệ thuật, Hồng Chương sưu tầm và biên soạn, Nxb Văn Học, Hà Nội 1965, tái bản lần thứ nhất 1969]

Đọc thêm: Thư trả lời ông H (1925) của Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

 

ĐẶNG TIẾN – “GU” HAY PHƯƠNG PHÁP?

ĐẶNG TIẾN – “GU” HAY PHƯƠNG PHÁP?

Bùi Công Thuấn

 

dang-tien

Nhà phê bình Đặng Tiến (ảnh internet)

 

Đặng Tiến là nhà phê bình chuyên nghiệp. Ông viết phê bình trên nền tảng lý luận văn học. Ông cũng cây bút phê bình có uy tín mấy chục năm qua cả ở trong nước và hải ngoại. Những bài phê bình văn học của ông đem đến cho người đọc nhiều thông tin bổ ích. Văn phê bình của ông có phong cách riêng, đọc rất thú vị.

1.NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC CHUYÊN NGHIỆP

Trả lời phỏng vấn của Vinh Nhi, ông cho biết: “Tôi sinh 1940 tại xã Hòa Tiến, TP. Đà Nẵng. Năm 1960, vào Sài Gòn học Đại học Văn Khoa – 1963 ra trường, đi dạy tại trường cấp 3 A.Yersin (Đà Lạt). Tôi học trường Pháp từ nhỏ, nên có điều kiện tiếp xúc nhiều sách báo Pháp, thuận lợi trong giao tiếp, mở mang. Từ 1966, tôi sang Berne (Thụy Sĩ) làm ngoại giao, ở đây tôi có quen Hoàng Minh Nguyệt (sinh năm 1950) là vợ tôi sau này. Từ 1968, tôi về Pháp, học thêm ở Đại học Paris và bắt đầu công việc dạy Pháp văn 4 ngày (18 giờ)/tuần cho một trường cấp 3 ở Orléans (cách Paris 100km) – nơi chúng tôi sống đến nay. Cùng với GS Tạ Trọng Hiệp, tôi lập ra Ban Việt học tại ĐH Paris 7, giảng dạy ở đây từ 1969 – 2005, với 4 giờ/1 tuần.

 Tôi chọn thơ ngay từ đầu, vì nắm quy luật, đọc và giải mã được. Thú thật là với tôi, thơ đọc nhanh, viết dễ hơn văn xuôi.”[1]

Ông đã xuất bản Vũ trụ thơ (Giao điểm, 1972), Vũ trụ thơ II (Thư ấn quán, Hoa Kì, 2008), Thơ-Thi pháp và chân dung (Nxb Phụ Nữ, 2009) và có nhiều bài viết đăng trên các tạp chí Văn, Bách Khoa…(trước 1975), Văn Học, Đoàn Kết…(sau 1975).

Trong Lời trần tình khi tái bản Vũ trụ thơ, Đặng Tiến tiết lộ về việc viết lách của mình:

Tôi bắt đầu viết những bài điểm sách từ 1960, cho báo sinh viên. Trần Phong Giao đọc được và yêu cầu tôi viết thường xuyên cho nguyệt san Tin Sách, do anh phụ trách tòa soạn. Sau đó là viết phê bình, tiểu luận cho các báo Văn, Mai và Bách Khoa.

Năm 1966, tôi ra nước ngoài, Trần Phong Giao đề nghị tập hợp các bài để in dần. Tôi trả lời hững hờ, lấp lửng.

Lý do: những bài viết xưa nay tôi thường viết vì bè bạn, theo yêu cầu của bạn bè, hay các báo. Có lúc, 1964, bị Nguyễn Đình Toàn mắng thẳng thừng: ‘Mày không viết thì thằng nào viết?’. Tôi viết văn như trẻ con nghịch nước, ném viên sỏi xuống ao để nhìn những vòng sóng lăn tăn lan rộng rồi im lìm. Rồi thôi, không còn nhớ gì đến viên sỏi. Nghiệm trong đời mình, những điều mình muốn nói, thì chẳng điều gì đáng nói; những cái đã nói, chưa lần nào nói trọn. Hơi đâu mà in sách để đời, phiền lòng và chật nhà người đọc. “

Đặng Tiến nói về việc đọc một tác phẩm thơ:

“Một người không thể đọc được một tác phẩm hai lần. Cũng như không thể tắm hai lần ở một dòng nước như lời một triết nhân Hy-lạp. Vì ở cuối dự định trở về một tác phẩm, người đọc sẽ bắt gặp một tác phẩm khác: tác phẩm tự nó đã thay đổi ý nghĩa với thời đại, và người đọc tự họ cũng đã thay đổi nhãn quan với thời gian. Niềm vui phóng khoáng mỗi lần khám phá như thế chính là yếu tính của nghệ thuật trong tác phẩm và khả năng lãnh hội nghệ thuật trong độc giả.

 Nhìn lại con đường hậu thế đã đi qua để dò tìm giá trị của tác phẩm chúng ta thấy một lối vòng xung quanh tác phẩm, và chưa có cuộc hành trình nào thật sự đi vào yếu tính, tức là đi vào mỹ tính của tác phẩm(Nguyễn Du, nghệ thuật như một chiến thắng)

Trả lời phỏng vấn của Lý Đợi khi in Thơ – Thi pháp và Chân dung [2], ông nói về yêu cầu viết và xuất bản tác phẩm của mình như sau:

– Về “Thi pháp”, tôi chỉ đưa ra một ý chính: thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm đối tượng; khác với ngôn ngữ hàng ngày, là dụng cụ để biểu hiện một ngoại vật. Những bài khác minh họa ý đó, bằng những lập luận và ví dụ cụ thể.

 Về “Chân dung”, tôi thỏa thuận với NXB đưa ra một hành trình tổng hợp về thi ca Việt Nam, đi từ Nguyễn Trãi qua phong trào Thơ Mới, các tác giả đương đại cả hai miền Nam Bắc như Lê Đạt, Bùi Giáng, Hoàng Trúc Ly, Phạm Tiến Duật… không phân biệt chính kiến. Vì số trang có hạn, nhiều chân dung tác giả khác phải dời lại cho cuốn sau.

 Đây là cái nhìn hòa giải, của bản thân tôi sinh sống ở nước ngoài. Nhưng may mắn gặp sự đồng tình của NXB, mà tôi xin đề cao ở đây. Nhất là người chọn bài, biên tập, rất chuyên nghiệp, lại là người tôi chưa từng quen biết. Như vậy là có nguồn đồng thuận hướng về chân trời hòa hợp, là điều phấn khởi lớn. Đây là niềm vui của cá nhân tôi và bè bạn từ nhiều năm nay muốn có trong tay những bài viết của tôi để tiện việc tra cứu, hoặc chỉ để tìm lại một kỷ niệm. Nhưng nói rộng ra có thể là một tư liệu cần cho giới văn học, của một tác giả ít được biết, xem như là một khách tài tử của văn chương không mấy thiết tha với việc in ấn, không có bao nhiêu tham vọng về sự nghiệp. Cũng có thể xem như một thoáng cởi mở trong tình hình văn học hiện nay, với một người sống lâu năm ở hải ngoại”.

 Sau đó ông kết luận: “…Cái gì cũng là chơi thôi. Quý hồ là gặp được độc giả cùng chia sẻ cuộc chơi, xem văn chương chữ nghĩa như một sân chơi để cùng nhau gặp gỡ. Văn học bản thân nó phải là nơi kết hợp và là niềm hạnh phúc”

 Trong những thổ lộ trên, ta thấy thấp thoáng bóng dáng lý thuyết văn chương đương đại về vai trò của người đọc và việc diễn giải tác phẩm, đồng thời Đặng Tiến cũng định hình ngòi bút phê bình của mình là tìm giá trị của tác phẩm bằng cuộc hành trình“đi vào yếu tính, tức là đi vào mỹ tính của tác phẩm

Trong khi viết phê bình, ông thường nói thẳng, giọng quyền uy của người nắm được chân lý của vấn đề. Tuy vậy nghề ngoại giao giúp cho ông biết che chắn, “rào đón” những cái “nhạy cảm” để tránh đụng chạm.

Thí dụ, khi viết về thơ Hàn Mặc tử, ông luận thế này: “xin tán đồng Quách Tấn về hai điểm: thứ nhất là Trần Thanh Mại ẩu, thứ hai là ông không hiểu thơ, và cứ ưa phê bình thơ, và Vũ Ngọc Phan cũng đồng ý như vậy [5]. Tuy nhiên, nếu không có cái ẩu, cái trích dẫn bừa bãi của họ Trần, thì các nhà nghiên cứu về sau – kể cả Quách Tấn – lấy đâu ra thơ Hàn Mạc Tử để tham khảo, sau khi người giữ bản quyền để thất lạc hết di thảo?

 Chúng tôi trình bày những khó khăn về tài liệu đó là có ý rào đón những thiếu sót trong bài này, khi đề cập đến một đề tài hệ trọng và bao quát: đức tin Thiên Chúa giáo trong thơ Hàn Mạc Tử”

 Viết về Văn Cao, Đặng Tiến đứng về phía “nghệ thuật vị nghệ thuật” để phê phán văn nghệ Hiện thực xã hội chủ nghĩa: Mà không cứ gì một cô bé lầu Tây sai lầm, mà cả nền văn nghệ Hiện thực xã hội chủ nghĩa (đã) sai lầm, khi đánh giá những bài hát nói Nguyễn Công Trứ qua Nguyễn Công Trứ, đánh giá tiểu thuyết Nhất Linh qua con người Nhất Linh – mà lại đánh giá sai. »

Đặng Tiến biện luận : «… nghệ thuật là một thế giới riêng, với những quy luật riêng, bảo vệ và phát huy bản năng sáng tạo, độc lập với hiện thực. Mặc khác, nghệ thuật cần bám rễ vào thực tại để phát triển, và phả sắc, nhả hương về lại trần gian. Nói giản dị hơn: nghệ thuật cần thực tại để nảy sinh và cần quần chúng để trưởng thành và tồn tại…”

Ông lớn lên và học hành ở miền Nam trước 1975, rồi sang Thụy Sỹ làm ngọai giao, sau đó sinh sống và dạy học ở Pháp. Hoàn cảnh đó cho ông cơ hội tiếp xúc với văn nghệ sĩ cả trong Nam, ngoài Bắc trước 1975, tiếp xúc với nhà văn hải ngoại và nhà văn trong nước sau 1975. Ở chỗ đứng của mình, nếu ông nghiêng về phía nào, thì sẽ bị phía bên kia phản đối. Tất nhiên ông đã không tránh khỏi những eo xèo [3] từ phía dư luận của người Việt hải ngoại khi ông về nước hay khi ông viết về Tố Hữu (giống như trường hợp của Phạm Duy)

Tôi không bận tâm về con người xã hội của ông nhưng quan tâm về phương pháp phê bình và những gì ông khám phá được về giá trị văn chương bằng phương pháp phê bình ấy. Tôi kỳ vọng ở ông, sống ở Pháp, ông có thể thủ đắc được những phương pháp phê bình đương đại của phương Tây để viết phê bình văn học Việt Nam, đem đến những cái nhìn mới, khám phá những giá trị mới, làm phong phú văn chương Việt.

2.TÙY BÚT HAY PHÊ BÌNH?

Đây là một đọan Đặng Tiến mở đầu bài viết về thơ Bà Huyện Thanh Quan trong Vũ Trụ Thơ:

“Có những năm tháng đằng đẵng tôi phải sống hoàn toàn xa cách những người thân thuộc. Một phần vì nghề nghiệp, phần khác vì chính tôi muốn xa lánh mọi liên hệ tình cảm, xã hội, để suy tư. 

Đời sống như thế, có lúc nó trống trải quạnh hiu đến tàn nhẫn. Có những khi đi làm về, leo thang gác để lên phòng, tôi nghe những bước chân trên bục gỗ dội vào tim đau nhói. Tôi biết trước sự trống vắng của căn phòng, tôi biết trước là không có gì chờ đợi, không có gì thay đổi cả. Căn phòng vẫn như cũ, như lúc tôi đi. Tôi bắt đầu nghe thấy mùi ẩm mốc từ bên trong, và tiếng tích tắc của đồng hồ reo, mó vào chìa khoá cửa tôi rùng mình trước khi hơi giá buốt tuôn ra luồn vào cổ áo. 

Như thế, nhiều đêm tôi sợ quá không dám về phòng nữa. ..

Ý thức được điều đó, lắm khi tôi có cảm giác phạm tội khi đọc thơ Thanh Quan: một thứ tội lỗi u ám, đen tối nhưng êm ái; nhiều buổi sáng tỉnh dậy tôi thở ra thơ Thanh Quan theo từng hơi thuốc lá. Tôi nhìn theo chút hương khói đượm mùi da thịt của thi ca tan dần, mờ dần trong bầu trời xanh buổi sáng. Tôi suy nghiệm, nhận thấy sở dĩ thơ Bà Huyện Thanh Quan gây được một ấn tượng sâu xa như thế, là nhờ một sự nhất trí, nhờ cái hồn chung cho cả mấy bài thơ bà để lại: đó là nữ tính chứa chất trong thơ bà…”

Và ông kết lại bài viết:

Tôi muốn dời thơ Thanh Quan để về với Thanh Quan. Sự mến yêu của tôi thường rất tao nhã. Nàng là một ánh nắng ngủ muộn trên một cành liễu yếu, nàng là tiếng reo vi vu của cơn gió trên những ngọn phi lao.

Có khi nồng nàn hơn. Nàng hiển hiện một chiếc gáy nõn nà với những sợi lông tơ vàng mượt. Những khi ấy tôi thường e ngại.

Có những buổi sáng khoá cửa phòng đi làm, tôi có cảm tưởng như có nàng chờ đợi ở nhà. Tôi nôn nóng trở về, vội vã lên thang gác, và thấy phòng mình ấm hơn thường lệ. Trạng thái này ít khi xảy ra; và mỗi lần như thế, tôi biết mình đang ở trong tình trạng tinh thần bất thường…”

 Nhân vật Tôi (những chữ in đậm-BCT) trong bài viết- Đặng Tiến- đang tự phân tâm mình khi đọc thơ Bà Huyện Thanh Quan. Cảm xúc và lý trí lẫn lộn, nhưng Đặng Tiến ý thức rất rõ, rất cụ thể. Đặng Tiến miêu tả hiện tượng luận một cách sống động trạng thái tâm hồn mình và để cho “dòng ý thức” trôi đi. Ông ý thức rõ mình đang trong trạng thái “bất thường” về thần kinh. Ấy là trạng thái “phạm tội khi đọc thơ Thanh Quan: một thứ tội lỗi u ám, đen tối nhưng êm ái “. Nói bằng ngôn ngữ đời thường, Đặng Tiến đọc thơ Bà Huyện Thanh Quan rồi tưởng tượng ra con người thực của nữ sĩ có “chiếc gáy nõn nà với những sợi lông tơ vàng mượt”. Dục tính của ông dâng trào làm cho ông nôn nóng sex…

Trang viết bộc lộ cái tôi cảm xúc đó là một đặc trưng của Tùy bút. Người viết mặc sức thả hồn vào thế giới mà mình hình dung ra. Vì thế viết về Vũ trụ thơ Bà Huyện Thanh Quan, thực chất là Đặng Tiến bay bổng trong cái thế giới ảo đầy nhục thể do mình tự vẽ ra, cái thế giới này nằm ngoài văn bản thơ Bà Huyện Thanh Quan. Đặng Tiến ra sức chứng minh thơ Bà Huyện Thanh Quan nhìn ở góc độ nào cũng là “đàn bà”, và đàn bà (nữ tính) thì đồng nghĩa với sex nên ông mới kết luận bài viết bằng tả trực tiếp sự nôn nóng sex của mình.

Tôi cho rằng đây là một bài bình thơ “quái gở” vô tiền khoáng hậu trong phê bình thơ Việt. Bởi tác giả hoàn toàn áp đặt cho thơ Bà Huyện Thanh Quan những diễn giải ngoài văn bản. Nhà phê bình chỉ chăm chăm tìm “nữ tính” của Thanh Quan để thỏa mãn cơn khát của mình. Nếu ai đó hỏi rằng Thanh Quan viết những bài thơ đó để nói điều gì, và yếu tố nào giúp cho thơ Thanh Quan sống được với thời gian, yếu tố nào làm nên phong cách thơ Thanh Quan, định vị được trong lịch sử văn học Việt, bài viết của Đặng Tiến không trả lời được. Với Đặng Tiến , tất cả giá trị thơ Thanh Quan chỉ là “nữ tính”, là chất “đàn bà”, có thể thỏa mãn những cơn khát dục của đàn ông. Một cái nhìn đậm đặc chất phong kiến phương Đông kết hợp với chủ nghĩa sex trong văn hóa phương Tây.

3.PHƯƠNG PHÁP PHÊ BÌNH CỦA ĐẶNG TIẾN

 Nhà phê bình khi nghiên cứu một đối tượng (tác giả, tác phẩm), bao giờ cũng thu thập tư liệu, tin tức, khám phá những vùng miền chưa biết, sau đó phân tích, tổng hợp, so sánh, lý giải và khái quát vấn đề. Đặng Tiến làm ngược lại. Ông nêu cảm nhận chủ quan về đối tượng, rồi ra sức tìm kiến câu thơ, ý thơ, chữ nghĩa để chứng minh. Đó không phải là phê bình văn chương, mà là tùy bút văn chương như đã nói ở trên. Tác phẩm văn chương chỉ là phương tiện bộc lộ trực giác cảm tính về đối tượng. Vì thế, khi Đặng Tiến thả cho hồn mình “bay bổng” để cảm thụ cái sung sướng tưởng tượng như bài viết về Bà Huyện Thanh Quan ở trên, người đọc sẽ phải rời ông đi chỗ khác, để tránh làm phiền ông!

Ông nhận định về truyện Kiều như thế này:

“Cuộc sống trước hết là một thực trạng phi lý. Điều đó nhiều người nói rồi, nhưng nhiều người khác của hậu thế cũng sẽ còn nói nữa. Không phải cuộc sống lênh đênh của Thúy Kiều, của Nguyễn Du là phi lý, nhưng tất cả mọi cuộc sống đều phi lý “Không có cuộc sống nào đáng sống cả, lỡ sống thì phải chấp nhận cuộc sống”, nói như một nhân vật kịch Vũ Khắc Khoan…

 …Nói tóm lại, con người trong Đoạn trường Tân thanh là con người phi lý, nô lệ, cô đơn, nhục nhã, lưu đày, tha hóa, gian dối. Truyện Kiều là ý thức bi đát của thân phận làm người. Nhưng giá trị Truyện Kiều không dừng lại ở ý thức bi đát đó.”(Nguyễn Du, nghệ thuật như một chiến thắng)

Người đọc hôm nay nhận ra ngay Đặng Tiến muốn giải thích truyện Kiều bằng triết học Hiện sinh của thế kỷ XX, và muốn nâng giá trị truyện Kiên lên giá trị tư tưởng, rằng Nguyễn Du, về tư tưởng, là người đi trước thời đại. Đây là cách viết theo mốt (mode) thời thượng!

Nhưng Đặng Tiến nhầm, vì câu chuyện cuộc đời Kiều là do Thanh Tâm Tài Nhân viết ra, Nguyễn Du chỉ thi hóa, Việt hóa tác phẩm của người khác, qua đó gián tiếp thể hiện tư tưởng tình cảm của mình. Cho nên không thể coi thân phận Kiều là ý thức sáng tạo có tư tưởng Hiện sinh của Nguyễn Du được. Hơn nữa, thời Nguyễn Du chưa có chủ nghĩa Hiện Sinh. Nguyễn Du trước sau chỉ là một nhà Nho phong kiến. Lúc trẻ thì say mê công danh, khi làm quan thì chu toàn chức việc, sau đó mong về quê (vì thời thế lọan). Về tư tưởng, trong thơ, ông dung nạp thêm Phật. Nguyễn Du không thể vượt thời đại để trở thành trí thức dấn thân như J.P.Sartre hay một triết gia phi lý như A.Camus được. Kết thúc truyện Kiều, Nguyễn Du viết:

Ngẫm hay muôn sự tại trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân.

Bắt phong trần phải phong trần,

Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

…Đã mang lấy nghiệp vào thân,

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.

Thiện căn ở tại lòng ta,

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

 Nguyễn Du đã dùng tư tưởng Thiên mệnh của Nho giáo, “nghiệp” (Karma) và Tâm của Phật giáo để giải quyết vấn đề sinh mệnh con người. Nguyễn Du không Hiện sinh, cô đơn, phi lý, bi đát như Đặng Tiến đã cảm nhận.[4]

Bài Đức tin trong thơ Hàn Mặc Tử là một nhận định áp đặt khác. Đặng Tiến say sưa chứng minh thơ Hàn Mặc Tử được viết dưới ánh sáng Kinh Thánh Thiên Chúa giáo, từ Cựu Ước đến Tân Ước, từ khi loài người phạm tội nguyên tổ phải rời khỏi vườn Địa đàng, đến khi đón chờ Ngôi Hai cứu thế.

Xin đọc:

“…Những dòng mở thi phẩm không khỏi làm ta nhớ đến thiên Sáng Thế Ký mở đầu Cựu Ước. Nhưng vườn, đây không nằm ở hướng đông như vườn Eden (“Gen II.8”), mà chỉ là một vườn mơ, bến mộng, niềm nhớ nhung đằng đẵng về một hạnh phúc nguyên thủy…

…Sau khi phạm trái cấm, loài người không mang nguyên tội ra khỏi địa đàng rồi dựng lại một bình an khác. Với tội kiêu căng, loài người phải chịu bao nhiêu hưng phế: từ Hồng Thủy cho đến cơn thịnh nộ của Thiên Chúa hủy tháp Babel, thành Sodome và Gomorrhe, bao nhiêu lớp bụi phế hưng đã lấp mất cánh đồng xanh lẫn “ ít nhiều hơi hám của kiên trinh

Hồn xưa tự ấy không về nữa

Ở cõi hư vô dấu đã chìm

vũ trụ trong Gái Quê và những bài Đau Thương đầu tiên nhuốm ý thức nguyên tội.

… Đối với Hàn Mặc Tử, Thơ là Đạo và Đạo là Thơ, Thơ đã đạt tới Đạo và Đạo để đi tới Thơ…Thơ đưa về Đạo, là nẻo đường đưa đến Con Đường. Thơ là giải pháp tạm thời của Đau Thương, trong khi chờ đợi Đạo và Cứu Rỗi miên viễn…”

 Phải công nhận Đặng Tiến có những hiểu biết khá căn cơ về Kinh Thánh, và những câu thơ ông nhặt ra để minh họa có vẻ như là phù hợp (do cách diễn giải).

Nhưng tôi tự hỏi, có phải Hàn Mặc Tử làm thơ (như một tu sĩ) để truyền bá Kinh Thánh không? Và phải chăng Hàn Mặc Tử khi làm thơ thì sắp đặt trước đề tài các tập thơ, các bài thơ theo trình tự nội dung Kinh Thánh từ thời Adam phạm tội nguyên tổ đến khi Ngôi Hai ra đời cứu rỗi nhân loại như Đặng Tiến đã nhận định?

Câu trả lời chắc chắn là không. Trước, sau, Hàn Mặc Tử là nhà thơ thế tục. Ông không phải là tu sĩ. Ông sáng tác thơ không phải để rao truyền Tin Mừng. Xin đừng đặt vương miện thánh lên đầu người thơ bất hạnh này. Tình yêu mới thực sự cứu rỗi ông. Chất liệu và cảm hứng thơ của ông có nguồn từ Kinh Thánh, vì đó là đức tin của ông. Nhưng nếu nói việc thể hiện đức tin của Hàn Mặc Tử là giá trị thơ của ông, thì thơ Hàn Mặc Tử chỉ nằm trong dòng thơ tôn giáo, không thể hòa nhập vào dòng chảy thơ dân tộc và thời đại.

Đặng Tiến cũng không lý giải được do đâu cuộc hiện sinh của Hàn Mặc Tử (bị phong cùi), cùng với nội dung Kinh thánh lại có thể trở thành thơ được, tức là đi vào mỹ tính của tác phẩm. Ông lặp lại con đường của những nhà phê bình mà ông đã phê phán, rằng, nhà phê bình chỉ đi vòng ngoài, chỉ nói về hoàn cảnh sống của nhà thơ mà không thâm nhập được vào “mỹ tính của tác phẩm”.

  1. “MỸ TÍNH” CỦA THƠ Ở ĐẤU?

 Trong bài viết Roman Jakobson và Thi pháp, viễn dẫn Jakobson, ông nói rất kỹ về “thi tính” tức “mỹ tính” của thơ:

“ Thi tính phát hiện cách nào? một từ được cảm nhận như một từ, chứ không phải cái thay thế cho sự vật được gọi tên, hay một bùng vỡ cảm xúc. Rằng là : từ pháp và cú pháp, ý nghĩa, ngoại hình và nội hình của chúng không phải là những chỉ dấu dững dưng của thực tại, mà chúng có trọng lượng riêng và giá trị nội tại”. Tóm lại, thơ là một ngôn ngữ tự lấy mình làm đối tượng… »

 Trả lời Lý Đợi, ông cũng khẳng định :

Lý Đợi : « Điều mà ông muốn “nối lại” và “nói lại” với độc giả trong một hành trình minh định thơ là ngôn & ngữ, chứ không đơn thuần là nghĩa & ý. Cuốn sách này có phải là một “tóm lược” về điều đó ?

 – Đúng là như thế. Chữ “đơn thuần” là chính xác.

 Ngày nay trên thế giới, các lý thuyết về thi ca nhấn mạnh vào ngôn ngữ và ít quan tâm đến tư tưởng. Nhờ đó mà kiến thức về thi ca đã có nhiều tiến bộ. Trước kia và hiện nay trong nước, người viết phê bình thường dựa theo ấn tượng, theo kiểu Hoài Thanh. Có lúc lại theo đường lối, giáo điều, nên ngành lý luận thi ca mất hiệu lực. Người làm thơ không mấy tin cậy vào người phê bình, thậm chí còn “sợ” bị chê, “sợ” luôn cả được khen. Điều quan trọng với tôi trong các bài viết, không phải là khen chê, mà hiểu bài thơ, may ra hiểu được người làm thơ. Hiểu được nhau, gặp được nhau là quý.”

 Những luận điểm về thơ của Đặng Tiến chỉ là diễn giải quan điểm của trường phái Hình thức Nga theo một cách khác. Trường phái này đã bị phản bác từ lâu rồi. Đặng Tiến dùng lại cũng đã là lạc hậu về lý luận. Tuy nhiên về mặt thủ pháp phân tích thơ, nhà phê bình có thể vận dụng được đôi điều từ quan điểm của trường phái này.

không thể nói rằng thơ chỉ là chữ đơn thuần, rằng thi ca nhấn mạnh vào ngôn ngữ và ít quan tâm đến tư tưởng. Ai cũng biết ngôn ngữ là công cụ giao tiếp. Nhưng ngôn ngữ còn là tư duy, là công cụ nhận thức thực tại và biểu đạt tư tưởng tình cảm. Thơ là một diễn ngôn, chẳng lẽ thơ không hướng về người khác để chia sẻ, để bày tỏ, để đối thoại? Sao Nguyễn Du lại hỏi khách tri âm: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tồ Như?”, sao Bà Huyện Thanh Quan đứng giữ Đèo Ngang mà thổ lộ:”Dừng chân đứng lại: Trời, non, nước/ Một mảnh tình riêng ta với ta”.

Rất may là, trong bài Thơ là gì, Đặng Tiến còn kịp nhận ra những thiếu sót của mình khi theo chân Roman Jakobson. Ông luận thêm: Thơ là một ngôn ngữ tự lấy mình làm đối tượng. Về thực tế, khi đưa quan niệm này vào việc phân tích thi ca chúng ta lại phải dè dặt, vì bài thơ là một mô hình phức tạp”; “Nói thơ là một ngôn ngữ tự tại không có nghĩa rằng: thơ không cần có ý nghĩa... Không thể cô lập một câu thơ, và con người với xã hội, tách nó ra khỏi đời sống. Đây là hai điểm chính yếu, ta không nên ngộ nhận.”;Thơ có đặc tính riêng, nhưng vẫn bắt nguồn từ xã hội và phục vụ xã hội. Bắt nguồn và phục vụ bằng cách nào thì tùy hoàn cảnh cá nhân, hoàn cảnh xã hội, và tùy chế độ chính trị, xưa cũng như nay.

 Tuy đã kịp phản tỉnh khỏi những mê lộ của Roman Jakobson, nhưng khi đem lý thuyết của R. Jakobson vào phân tích bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử, Đặng Tiến vẫn không thoát khỏi ảnh hưởng của lý thuyết gia này. Ông băm nát bài thơ thành một đống vụn! Không còn thấy đâu là “thi tính”. Ông nói rõ: Bài này chỉ nêu lên giá trị nghệ thuật, trên nhiều địa tầng khác nhau.”, tức là không nói đến giá trị nội dung tư tưởng của bài thơ. Sau đó ông nhặt ra những âm tiết, những từ, những thanh điệu, nhịp thơ… để săm soi và tán đủ kiểu. Ông lại liên hệ với nhiều câu thơ và ý kiến của các tác giả khác để luận giải.

Kết quả là bài Đây Thôn Vĩ Giạ mất tăm, chẳng thấy giá trị nghệ thuật của bài thơ là gì, ngoài mấy câu Đặng Tiến bốc thơm thơ như: “…Là một trong dăm ba câu thơ đẹp và trong sáng nhất trên nền trời thơ Việt Nam”; “Chữ sao, nghi vấn và biểu cảm, khơi nguồn một bài thơ, sẽ là một đặc sắc của thơ mới; Thanh điệu làm nổi bật chữ «về», dấu huyền, giữa câu, đáng lẽ phải là âm trắc theo quy luật Gió theo lối gió, mây đường mây. Chữ «về», đắc địa và đắc ý, là một từ rất Huế.

Viết về Đây thôn Vỹ Dạ, Đặng Tiến viện dẫn nhiều tên tuổi. Tôi không hiểu tại sao Đặng Tiến phải vịn vai, mượn hơi 22 người khác làm xương cốt hồn khí của mình: Đó là Nguyễn Bá Tín, Bùi Tuân, Trần Thanh Mại, Hoàng Trọng Miên, Văn Cao, Xuân Diệu, Thâm Tâm, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Huy Cận, Nguyễn Bính, Nguyễn Du, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Thạch lam, Bửu Ý, Nhất Linh, Lê Quý Đôn, Baudelaire, Trương Nhược Hư, Verlaine, kinh Phật. Và cuối cùng, người đọc không hiểu Đặng Tiến định nói gì về bài thơ Đây Thôn Vỹ Dạ.

Xin đọc một đoạn bình thơ của Đặng Tiến:

Sao anh không về chơi thôn Vỹ.

Thanh điệu làm nổi bật chữ «về», dấu huyền, giữa câu, đáng lẽ phải là âm trắc theo quy luật Gió theo lối gió, mây đường mây. Chữ «về», đắc địa và đắc ý, là một từ rất Huế. Người Việt dùng chữ về để diễn tả sự trở lại: về nhà, về làng, về nước, về nguồn…; người Huế, đi đến nhà bạn, ở xa, cũng dùng chữ «về», thân ái, tâm tình. Mỗi tình bạn là một quê hương, một đợi chờ, «một cõi đi về» như tên bài hát của một người Huế, Trịnh Công Sơn. Lại mang máng nhớ thêm: «Sao em không về… Trong cơn đau vùi… Làm sao có nhau…» Phạm Duy, không phải người Huế, cũng viết Về Miền Trung, và đã tế nhị lập lại nhiều lần động từ về trong nghĩa tâm tình đó. Mà về, thôn Vỹ xa xôi, chỉ để «nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên».

Xin thưa, “dấu huyền” trong chữ “về” là yếu tố tạo từ, không thể tách ra được. Vì tách dấu huyền ra, chữ “về” sẽ là chữ “vê” vô nghĩa trong câu thơ. Riêng chữ ”về”, nếu đứng một mình như Đặng Tiến tách ra khỏi câu thơ cũng là vô nghĩa. Chữ “về” trong từ ghép “về chơi” mới có nghĩa. Không thể nhặt ra cái “thanh huyền” và chữ “về” để tán như một đơn vị ngôn ngữ độc lập, càng không thể mượn hơi những người khác làm sự sống cho bài viết của mình. Thử hỏi, thanh huyền và chữ “về” có giá trị nghệ thuật gì góp phần tạo nên mỹ tính của bài thơ? Thưa:-không có giá trị gì cả!

Đặc sắc nghệ thuật của bài Đây thôn Vĩ Dạ là ở bút pháp và cấu trúc thơ. Bài thơ có 3 khổ thơ, được viết bằng ba bút pháp khác nhau: khổ I là bút pháp hiện thực, khổ II là bút pháp Siêu thực, khổ II vượt qua hiện thực, Siêu thực đạt tới cõi tâm linh. Nội dung mỗi khổ là một cảnh sắc con người xứ Huế, nhưng đây không phải là cảnh thực trước mắt Hàn Mặc Tử được tả trực tiếp (Vì Hàn Mặc Tử đang trong trại phong Quy Hòa), cảnh trong khổ thơ là ấn tượng: Ấn tượng cảnh vườn tược buổi sáng, ấn tượng về đêm trăng sông Hương, ấn tượng về những ngày mưa trắng trời xứ Huế.  Đó là những ấn tượng về con người, xứ Huế trong tâm tưởng Hàn Mặc Tử. Cảnh rất rõ và đẹp, còn người, chỉ thấp thoáng.

Đặng Tiến đã bỏ qua hai câu thơ Siêu thực rất hay này:

“Thuyền ai đậu bến sông trăng ấy

Có chở trăng về kịp tối nay”

 Hàn Mặc Tử đột ngột chuyển từ bút pháp hiện thực (khổ I) sang bút pháp Siêu thực (khổ II), phá vỡ cấu trúc truyền thống thơ Việt. Thuyền đã đậu bến sao còn “về”, mà về đâu? Thuyền trên sông Hương chở khách, sao câu thơ Hàn Mặc Tử lại chở trăng? Hàn Mặc Tử đang hỏi ai? Và thời điểm hỏi là lúc nào để làm điểm tựa cho câu hỏi “có…kịp tối nay”. Chữ “về kịp” trong câu thơ này hàm nghĩa nghệ thuật rất ẩn mật.

Bóc đi lớp nghĩa Siêu thực câu thơ còn lại là hình ảnh sông Hương trong đêm trăng rất đẹp, rất rõ. Hình ảnh đó chồng lên hình ảnh kỷ niệm trong tâm tưởng Hàn Mặc Tử trở thành trở hình ảnh thơ Siêu thực trong mắt nhìn của người đọc. Đó là hình ảnh đêm trăng Phan Thiết, mà có lần Hàn Mặc Tử đã đi thuyền cùng người tình Mộng Cầm trong đêm trăng[5]. Cuộc tình ấy kéo dài hai năm. Chiều thứ Bảy nào, Hàn Mặc Tử cũng từ Sài gòn ra thăm Mộng Cầm, chiều Chúa Nhật mới về. Trăng Phan Thiết đã thành hồn thơ Hàn Mặc Tử:

Ôi trời ôi! là Phan Thiết! Phan Thiết
Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi
Ta đến nơi Nường ấy vắng lâu rồi
Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ
Trăng vàng ngọc, trăng ân tình, chưa phỉ!
Ta nhìn trăng, khôn xiết ngậm ngùi trăng

          (Phan Thiết! Phan Thiết!-Hàn Mặc Tử)

Đoạn thơ trên có thể giải thích được cho tâm trạng Hàn Mặc Tử trong câu thơ:

“Thuyền ai đậu bến sông trăng ấy

Có chở trăng về kịp tối nay”

 Hàn Mặc Tử viết bài thơ Đây Thôn Vỹ Dạ lúc nhà thơ đã vào trại phong Quy Hòa, Mộng Cầm cũng đã lấy chồng để lại cho Hàn Muôn năm sầu thảm. Trong tình cảnh ấy, nhà thơ vẫn mong giao hòa với đời. Nhưng không còn kịp nữa. Ông đã bị đẩy ra khỏi cõi người. Câu thơ trở thành là tiếng kêu thương vô vọng.

Bài thơ Đây Thôn Vỹ Dạ là lời hồi đáp của Hàn Mặc Tử khi nhà thơ nhận được lời thăm hỏi của Hoàng Thị Kim Cúc. Cúc là người tình đơn phương của nhà thơ, lúc đó đang ở Vỹ Dạ. Bà là một điểm tựa tinh thần của Hàn Mặc Tử. Đây là lời Hàn Mặc Tử cám ơn Kim Cúc: “Túc hạ, có nhận được bức ảnh bến Vỹ Giạ lúc hừng đông (hay là một đêm trăng?) với mấy hàng chữ túc hạ gởi thăm. Muôn vàn cảm tạ. Túc hạ còn nhớ đến người năm xưa, thế là phúc hậu lắm rồi. Mong ơn trên xuống lộc cho túc hạ thật đầy. Và mong rằng một mùa xuân nào đây sẽ gặp lại túc hạ phỉ dạ. Thăm túc hạ bình an vui vẻ.”[6].

Đặt vấn đề như thế để thấy cái hay nghệ thuật của bài thơ là ở bút pháp, ở kiểu tư duy nghệ thuật, và ở hồn thơ Hàn Mặc Tử, chứ không phải ở cái thanh huyền trong chữ “về” (âm vị học) như Đặng Tiến đã phân tích bằng Thi pháp học của  R. Jakobson. Ngay quan điểm Thơ là một ngôn ngữ tự lấy mình làm đối tượngcũng là quan đểm Jakobson phát triển từ quan điểm của Khlebnikov.[7]

Nhận định chung về cách bình thơ của Đặng Tiến, Hoàng Ngọc Hiến viết như thế này:

Cách phê bình thơ của Đặng Tiến chung quy lại vẫn là “diễn nghĩa”, “bàn góp”, “tán rộng”…(những phân tích âm pháp, tiết điệu khá tinh tế của tác giả vẫn là những điều quá giản đơn so với những điều tinh vi hơn rất nhiều mà những độc giả bình thường cảm nhận được bằng trực giác của họ, tuy nhiên tôi vẫn cho rằng những phân tích đó không phải là thừa). Số phận của những người viết phê bình ở nước ta là trở đi trở lại vẫn là ba cái trò: “diễn…”. “bàn…”, “ tán…”. Hơn nhau là ở chỗ biết “diễn…”, biết “ bàn…”, biết “tán…”. Không biết “diễn” thì thành “diễn thuyết” dạy tác giả, độc giả, không biết “bàn” thì thành “bàn suông” hoặc “nói leo”, không biết “tán” thì thành “tán phét” (đành rằng biết tán phét không phải là dễ). Đặng Tiến có một nền văn hóa, kiến văn rất tốt, thuận cho sự “hoạt ứng” của tác giả trong sự “ diễn…,bàn…, tán…”, tất nhiên nhân tố quyết định vẫn là cái “gu” của tác giả…”

Hoàng Ngọc Hiến cho rằng: “nhân tố quyết định vẫn là cái “gu” của tác giả”. Viết Vũ trụ thơ, Đặng Tiến hoàn toàn viết theo cái gu [gout] của mình.

Đúng là Đặng Tiến viết theo “gu” cảm nhận văn chương của ông, ông cũng viết theo cái cách mà ông thích. Vấn đề là ở chỗ, cái “gu” ấy có giúp ông tìm ra “mỹ tính” của thơ hay không, và có đem lại giá trị trang văn phê bình của ông không?

Nhưng như tôi đã viết ở trên, Đặng Tiến viết về truyện Kiều trong cái nhìn nhầm lẫn, viết về thơ Bà Huyện Thanh Quan là một bài bình thơ quái gở, viết về Hàn Mặc Tử là một áp đặt máy móc…Đặng Tiến không đạt được mục đích của mình là tìm ra cái “mỹ tính” của thơ. Đặng Tiến hoàn toàn thất bại trong việc áp dụng lý thuyết Thơ của R. Jakobson.

Không phải cái “gu” quyết định phẩm chất bài viết của ông, mà là tài năng của nhà phê bình trong việc khám phá “mỹ tính” của thơ. Với Đặng Tiến, hành trình tìm kiếm “mỹ tính” của thơ còn rất xa ở trước mặt.

Là một nhà phê bình chuyên nghiệp, Đặng Tiến có những trang viết hay được nhiều người ái mộ [8]. Nhưng những thành tựu đó không nằm trong quan niệm thơ của R. Jakobson mà Đặng Tiến áp dụng, mà nằm ở những yếu tố khác cùa ngòi bút Đặng Tiến…

Những bài viết của Đặng Tiến cho tôi nhiều tư liệu và cảm hứng để đi tiếp con đường tìm kiếm những giá trị nghệ thuật.

Tháng 2. 2017

________________________

[1] http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=16936

[2] “Thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm đối tượng”:

http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=16938

[3] Đọc các bài:

Trần Văn Tích-Trường hợp Đặng Tiến-Nam Chi

                Vương Thế Lan-Đặng Tiến và nỗi băn khoăn: Làm sao cho khỏi bị đào thải

Huỳnh Văn Nhơn-Khi trí thức táng tận lương tâm

http://www.tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=9748

[4] Đọc thêm Bùi Công Thuấn-Nguyễn Du, đôi điều ngẫm nghĩ:

http://vanvn.net/news/11/6324-nguyen-du-doi-dieu-ngam-nghi.html

[5]Hàn Mặc Tử-Tình thơ bất tử: https://www.facebook.com/hanmactutinhthobattu/posts/800981679994176:0

[6]Sự thật về mối tình Hàn Mạc Tử – Hoàng Thị Kim Cúc và bài thơ “Ở đây thôn Vỹ Dạ”

http://www.baomoi.com/su-that-ve-moi-tinh-han-mac-tu-hoang-thi-kim-cuc-va-bai-tho-o-day-thon-vy-da/c/5060494.epi

[7] Thụy Khuê- Phê bình văn học thế kỷ XX- Chương 6-Trường phái hình thức Nga-Roman Jakobson

http://thuykhue.free.fr/stt/p/PBVH-Ch06.html

[8] Lê ThíNhà phê bình Đặng Tiến-Người đi tìm một thoáng trần gian:

http://vanchuongplusvn.blogspot.com/2012/03/nha-phe-binh-ang-tien-nguoi-i-tim-mot.html

Phạm Thu HằngThi pháp của Đặng Tiến trong tập tiểu luận “Thơ – thi pháp & chân dung”:                http://vannghedanang.org.vn/nonnuoc/chitiet.php?id=2099&so=93

Nguyễn Hữu Hồng MinhGiữa phê bình và thi ca

http://nguyenhuuhongminh.com/chi-tiet-tac-pham/2257.aspx

TRẦN THANH ĐẠM Và “lý thuyết”: Tác phẩm văn học như một đơn vị ngôn từ.

TRẦN THANH ĐẠM

Và “lý thuyết”: Tác phẩm văn học như một đơn vị ngôn từ.

 

Bùi Công Thuấn

ong-tran-thanh-dam-1446460573

PGS-NGND Trần Thanh Đạm-ảnh từ internet

 

PGS-NGND Trần Thanh Đạm (1932-2015) quê ở xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế.. Ông từng là giảng viên khoa Ngữ văn trường ĐHSP Hà Nội, Hiệu trưởng trường ĐHSP TP HCM, trưởng Bộ môn Văn học nước ngoài Khoa Ngữ văn và Báo chí Trường Đại học tổng hợp TPHCM. Ngoài ra, ông còn là Uỷ viên Hội dồng lý luận phê bình VHNT trung ương, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn TP HCM và nguyên phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục.

Ông đã xuất bản:

Vấn đề giảng dạy tác phẩm văn học theo loại thể (1968), 

-Tục ngữ và vấn đề nguồn gốc văn chương,

-Dẫn luận văn học so sánh,

-Sự chuyển tiếp của văn chương Việt Nam sang thời kỳ hiện đại.

Cùng với Phạm Thị Hảo dịch tác phẩm:

Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp (xuất bản năm 2007)

Viết chung các tác phẩm như:

Trích giảng văn học lớp mười phổ thông (1964),

Giảng dạy văn học Việt Nam (phần cổ điển và cận đại) ở trường phổ thông cấp ba (1966),

Văn học và cuộc sống: Tập lý luận – phê bình văn học (1996)…

Tôi đã định không viết về ông, vì số lượng bài viết của ông về văn học không nhiều và chưa đủ hình thành một khuôn mặt riêng. Nhưng rồi đọc bài ông viết, tôi thấy hiện ra ở ông bóng dáng một kiểu nhà phê bình văn học ờ Việt Nam trước giai đọan đổi mới (1986), vì thế tôi ghi vài dòng về đặc điểm của kiểu nhà phê bình này, góp thêm vào diện mạo chung.

1.Nhà phê bình Marxist giáo khoa thư.

  Trần Thanh Đạm là kiểu nhà phê bình Marxist giáo khoa thư vì lập trường phê bình của ông là quan điểm chủ nghĩa Marx-Lênin về văn học, và cách viết của ông là cách viết như trong sách giáo khoa.

Xin đọc một đoạn:

“Câu hỏi: rốt cục văn học là gì?…

Chúng tôi xem văn học sinh ra từ ngôn ngữ. Trong thời kỳ đầu, loài người chỉ có ngôn ngữ thôi. Ngôn ngữ cùng với lao động sinh ra con người. Ban đầu con người giao tiếp bằng ngôn ngữ tự nhiên. Trong giao tiếp, dần dần nhận ra ngôn ngữ có sức mạnh. Họ tin vào sức mạnh này. Từ đó sinh ra những câu thần chú. Hay như lời ru con của mẹ, lời dỗ dành người thương. Khi đó, con người mong mỏi dùng sức mạnh của ngôn ngữ để tác động vào nhau, chứ không đơn thuần chỉ để hiểu nhau. Tác động về tâm lý, tình cảm. Từ đó sinh ra lời chúc phúc và lời nguyền rủa. Trong yếu tố gốc hình thành nên các từ này đều có nghĩa là lời nói (benediction, malediction) – tốt hay xấu nhằm cầu mong điều tốt lành hoặc mong mỏi điều ác độc đối với một ai đó, tuỳ vào mối thiện cảm hay ác cảm của mình với họ. Ở ta có câu lời nói là một đọi máu là thế. Lời nói như hoa gấm, lời nói như gươm dao. Như vậy lời nói có tác động tinh thần mạnh mẽ như là một sức mạnh vật chất. Nhưng, nếu xét kỹ, lời nói chính là vật chất chứ không đơn thuần là tinh thần”(Tác phẩm văn học như một đơn vị ngôn từ)

Xin đối chiếu với đoạn văn giải thích nguồn gốc văn học trong giáo trình Lý luận văn học của Lê Lưu Oanh và Phạm Đăng Dư (Đại học Sư phạm Hà Nội-Nxb ĐHSP Hà Nội 2008):

“Chủ nghĩa Mác cho rằng, điều kiện ra đời của văn học trước hết gắn liền với sự hoàn

thiện của chủ thể sáng tạo ra nó là con người. Quá trình lao động đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện con người. Chính lao động đã góp phần làm cho đôi tay con người ngày càng phát triển, trở nên linh hoạt khéo léo, các giác quan con người ngày càng phát triển và hình thành ngày càng rõ nét những cảm xúc thẩm mĩ. Đó là quá trình làm cho con người có năng lực cảm thụ cái đẹp của khách quan và có năng lực sáng tạo ra văn học nghệ thuật.

 Nhờ có lao động, con người như một chủ thể thẩm mĩ có khả năng hiểu biết, thưởng thức và sáng tạo cái đẹp dần dần xuất hiện. Một số quy luật của cái đẹp tự nhiên được nhận thức trong quá tr.nh lao động, chiếm lĩnh đời sống…”

Phần giải thích của Trần Thanh Đạm có pha tạp nhiều nguồn thành ra kém thuyết phục so với giáo trình Lý luận văn học của Lê Lưu Oanh-Phạm Đăng Dư. Những cách giải thích nguồn gốc văn học như thế ngày nay đã thành “cổ điển’ và không còn thuyết phục nữa.

2.Nhà phê bình-Người chiến sĩ

 Trong Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam đồng chí Trường Chinh có nêu lên rằng: “Không có phê bình, không có luận chiến phong trào văn nghệ nước ta êm đềm quá, trầm mặc quá. Nó khác nào con ngựa đi bước một, rũ cổ xuống đất, thiếu một cái roi phê bình quất cho nó lồng lên”. Nói phê bình là cái roi ngựa là nói tính chiến đấu của nhà phê bình.

Trong bài Một sai lầm thế kỷ trong lý luận phê bình văn học (2004),[1] Trần Thanh Đạm đã “vung roi quất” rất mạnh vào tất cả trào lưu lý luận và phê bình văn học đương đại phương Tây, Ông viết:

“Xu hướng lý luận, phê bình cũng như sáng tác phương Tây khởi đầu với Chủ nghĩa hình thức, đi vào Chủ nghĩa cấu trúc, Chủ nghĩa hậu cấu trúc, chủ nghĩa hiện đại, Hậu hiện đại rồi nhiều các trường phái khác: tiểu thuyết mới, phê bình mới, văn học phi lý, văn học suy đồi, thi ca vụt hiện, thi ca rú rít như con thú, cùng mọi thứ quái thai khác, chung quy đều xuất phát từ quan niệm văn học chỉ là nghệ thuật ngôn ngữ (language exercise, literary craft) biến ngôn ngữ thành một trò chơi, trò ảo thuật, áp dụng cái công thức của Chủ nghĩa hình thức Nga mà chính tác giả của nó là Chklovski đã từ bỏ, đó là “Nghệ thuật như là thủ thuật”, loại bỏ nội dung, ý nghĩa, tư tưởng, nhận thức, tri thức, lương tâm, lương tri, v.v…ra ngoài văn học, làm cho văn học trở thành văn học không có con người, văn học phi nhân, vô luân, vô thức, v.v… Thứ văn học này bắt đầu bằng Chủ nghĩa hình thức và giá trị cao nhất của nó là chủ nghĩa duy mỹ.

 Khi nó chỉ là nó thì nó trở thành vô nghĩa, điên rồ cũng đúng thôi, bởi vì một nền văn học tuyên ngôn coi khinh ý nghĩa (meaning) thì còn có ý nghĩa gì nữa. Nếu nó không còn có ý nghĩa gì cả, chỉ tồn tại thôi, thì “tồn tại hay không tồn tại” đó là một vấn đề. Nói chung, văn học mà không có ý nghĩa thì sự tồn tại cũng như không tồn tại.”

 Đọc đoạn văn trên, người ta thấy Trần Thanh Đạm tỏ ra hiểu chưa thấu đáo về các trào lưu lý luận văn học phương Tây thế kỷ XX. Ông phê phán kịch liệt Chủ nghỉa Hình thức Nga với T. Todorov và R. Jakobson; sau đó là tất cả các lý thuyết đương đại. Ông “vơ đũa cả nắm” và cho rằng các lý thuyết văn học ấy “làm cho văn học trở thành văn học không có con người, văn học phi nhân, vô luân, vô thức… Khi nó chỉ là nó thì nó trở thành vô nghĩa, điên rồ cũng đúng thôi, bởi vì một nền văn học tuyên ngôn coi khinh ý nghĩa (meaning) thì còn có ý nghĩa gì nữa”.

Thụy Khuê dẫn lời của Eichenbaum khẳng định rằng Trường phái Hình thức Nga chủ trương hình thức chính là nội dung, không tách biệt:” “Khái niệm hình thức từ nay, đã có một ý nghiã mới, nó không còn là cái vỏ, là cái bình đựng nội dung nữa mà là một toàn bộ năng động và cụ thể có nội dung của nó, mà không cần một quan hệ hỗ tương kiểu bình và nước”[2].

Trần Thanh Đạm cũng ngộ nhận về “chủ nghĩa hiện đại” như một hệ thống lý thuyết về văn học. Thực ra chủ nghĩa Hiện đại là một khái niệm chỉ một loạt những trào lưu nghệ thuật khác nhau đầu thế kỷ XX đến những năm 1970. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho biết:các nhà phê bình Xô Viết liệt vào “chủ nghĩa hiện đại” và phê phán hàng loạt hiện tượng, nhóm phái trong văn nghệ các nước phương Tây suốt thế kỷ XX, từ chủ nghĩa tiền phong (avant-gardisme), các nhóm phái đađa (dadaisme), lập thể (cubisme), vị lai (futurisme), ấn tượng (impressionnisme), tượng trưng (symbolisme), siêu thực (surrealisme), biểu hiện (expressionisme), hình tượng (imaginisme) và hàng loạt hiện tượng văn nghệ khác, xuất hiện trước và sau thế chiến I (1914 – 18), tiếp theo là văn học phi lý, chủ nghĩa hiện sinh, tiểu thuyết mới, “pop-art” và nhiều hiện tượng khác trong văn nghệ phương Tây từ sau thế chiến II (1939 – 45) đến những năm 1970.

Bên cạnh đó, những phát hiện nghệ thuật ở văn học cuối thế kỷ XIX – đầu XX như “dòng ý thức”, “độc thoại nội tâm”, sáng tác huyền thoại, sân khấu phi lý, các thủ pháp “dán ghép” (collage), lắp dựng (montage), v.v… – đều được “tính” cho chủ nghĩa hiện đại.”[3]

Thái độ phê phán của Trần Thanh Đạm với “chủ nghĩa hiện đại “ không khác gì ở Liên xô trước đây. Lại Nguyên Ân cho biết: “Về căn bản, đây là lập trường của tuyến bảo thủ trong văn hóa truyền thống xét theo thái độ đối với tất cả những gì mang tính cách tân; ở khoa học Xô Viết, lập trường ấy trước hết bị quy định bởi các định hướng tư tưởng đảng tính, giai cấp tính. Tiền phong (avant-grad) cũng như chủ nghĩa hiện đại, ít khi là đối tượng của sự phân tích khoa học, nhưng thường khi lại là đối tượng của một sự phê phán trùm lớp, không cần có căn cứ xác đáng.”[Lại Nguyên Ân-đd]

Tính chiến đấu của “người chiến sĩ” Trần Thanh Đạm còn mạnh mẽ hơn nhiều khi ông trực diện phê phán những luận điểm có tính cởi mở trong bài phát biểu Vươn tới những thành tựu lý luận mang tính khoa học và nhân văn của ông Nguyễn Khoa Điềm- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tư tưởng và Văn hoá Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương- đọc trong Hội thảo khoa học Lý luận văn học trước yêu cầu đổi mới và phát triển tại Viện Văn học (Hà Nội) ngày 25.11.2004, [4]. Người ta ngạc nhiên  khi thấy Trần Thanh Đạm chỉ gọi đồng chí Nguyễn Khoa Điềm bằng một từ trống không là “diễn giả” mà không gọi bằng danh xưng của một người lãnh đạo văn nghệ trung ương. Càng ngạc nhiên hơn ở khi Trần Thanh Đạm tỏ ra “đứng cao hơn” Nguyễn Khoa Điềm: “Tôi cho rằng lý giải các yếu kém thiếu hụt của lý luận văn học chúng ta như diễn giả đã làm là có phần hời hợt, sơ lược, chủ quan, không trên cơ sở một nhận thức lịch sử thật chu đáo, thận trọng”… Bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, trong giới hạn và mức độ của nó… Tư duy, nhận thức của một người dù ở cương vị lãnh đạo đi nữa cũng có hạn…”

 Lúc đầu Trần Thanh Đạm tỏ ra đồng thuận với phát biểu của Nguyễn Khoa Điềm rằng: diễn giả đã có những nhận định theo tôi là xác đáng, cần thiết trong tình hình lĩnh vực lý luận văn học còn bề bộn ngổn ngang hiện nay”; “Diễn giả cũng có những nhận định lạc quan một cách đúng đắn đối với “thực tiễn văn học” ấy. Đây là thực tiễn văn học Việt Nam, trước hết là tình hình sáng tác của văn học hiện đại và đương đại”; “Không những khẳng định văn học Việt Nam hiện đại, đồng chí còn khẳng định văn học Việt Nam truyền thống”; “Nhất quán với quan điểm của mình, xem thực tiễn văn học là khởi nguồn của lý luận văn học, diễn giả cũng khẳng định mạnh mẽ nền lý luận văn học dân tộc”; “Ở đây cũng như ở các lĩnh vực khác, cần bảo vệ các thành tựu và các giá trị tích cực của dân tộc và cách mạng để ra sức đổi mới chúng, không bảo vệ các thành tựu đó thì nói đổi mới là đổi mới cái gì? Không thể như một vài người hô hào: làm lại từ đầu, xây lại từ móng. Nghĩa là lật đổ tất cả để làm lại tất cả. Chúng ta chắc ai cũng thấy được cái gì đằng sau những lời hô hào “đổi mới” như vậy”…

 Sau những rào đón, che chắn và đồng thuận với “diễn giả” cho có, cho phải đạo, Trần Thanh Đạm trở giọng công kích mãnh liệt nhiều luận điểm của Nguyễn Khoa Điềm về những vấn đề như: “lý giải những mặt yếu của lý luận văn học chúng ta”; “vấn đề quan hệ giữa nội dung và hình thức”; “vấn đề quan hệ giữa chủ quan của nghệ sĩ và thực tại khách quan”; “vấn đề giữa sáng tác và tiếp nhận”; “Vấn đề quan hệ giữa văn nghệ và chính trị…” và đặc biệt là những nhận định của Nguyễn Khoa Điềm về những đổi mới nghệ thuật của Nguyễn Huy Thiệp. Trần Thanh Đạm cho rằng Nguyễn Khoa Điềm “chưa nhận thức rõ về mặt lý luận cũng như thực tiễn…nên có ý muốn che chắn cho Nguyễn Huy Thiệp. Ông viết:

“Có lẽ do chưa nhận thức rõ về mặt lý luận cũng như thực tiễn trong truyền thống của chúng ta nên diễn giả đã tiếp cận các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp một cách siêu hình, tách rời máy móc nội dung và hình thức. Ông nói rằng: “Tôi rất mừng khi nhận thấy những dấu hiệu đổi mới về ngôn ngữ nghệ thuật ở sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Có người đã nói anh Thiệp đã viết những điều trước nay chưa ai viết. Tôi thấy điều ấy không quan trọng lắm. Về mặt nội dung, có những điều anh Thiệp sai, nhưng về mặt đổi mới ngôn ngữ nghệ thuật thì anh Thiệp lại là người có nhiều đóng góp. Đổi mới ngôn ngữ nghệ thuật là một vấn đề vô cùng quan trọng và cần thiết, không đơn giản là nội dung quyết định hình thức như lâu nay ta thường nói. Ở vào thời điểm mang tính chuyển đổi thì nhiều lúc hình thức lại mang tính cách mạng của nó”.

Không cần phải là nhà lý luận uyên thâm gì cũng có thể thấy nhận định của tác giả về Nguyễn Huy Thiệp là không chính xác, là tách rời nội dung với hình thức, tách rời ngôn ngữ nghệ thuật với tư tưởng nghệ thuật. Tôi cho rằng cả những người thích Nguyễn Huy Thiệp lẫn những người không thích đều thấy rõ cái điều gây scandale của nhà văn này trước hết là ở nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của anh phục vụ cho nội dung tư tưởng đó. Sự “đổi mới” của Nguyễn Huy Thiệp là trên cả hai phương diện chứ không thể nói: nội dung sai, không quan trọng mà lại có đóng góp về ngôn ngữ nghệ thuật….Ở Nguyễn Huy Thiệp, mặt sáng cũng như mặt tối, mặt đóng góp cũng như mặt phá hoại đều trên cả hai phương diện: nội dung và hình thức, tư tưởng và nghệ thuật, không thể phê phán cái này mà khẳng định cái kia. Cái mà diễn giả gọi là “tư duy biện chứng” không hề thấy ở đây. Không nói đến chuyện trong khi một số nhà văn, nhà phê bình lên án những ngôn luận xằng bậy của anh Thiệp đối với các văn hữu của mình trong Hội nhà văn Việt Nam thông qua các bài như: Trò chuyện với hoa thủy tiên, Mổ nhà văn, Tuổi 20 yêu dấu v.v… thậm chí xúc phạm đến cuộc kháng chiến của dân tộc, thì đồng chí Nguyễn Khoa Điềm hình như có ý muốn che chắn cho Nguyễn Huy Thiệp để tỏ ra mình “không can thiệp thô bạo vào các cuộc tranh luận học thuật” (!).

Quả là xưa nay chưa thấy một “nhà phê bình” nào dám công khai đánh giá về một Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tư tưởng và Văn hoá Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương là: “chưa nhận thức rõ về mặt lý luận cũng như thực tiễn… và có ý muốn che chắn cho Nguyễn Huy Thiệp, một nhà văn xúc phạm đến cuộc kháng chiến của dân tộc”

 Sở dĩ Trần Thanh Đạm “mạnh dạn trao đổi” với Nguyễn Khoa Điềm như vậy, vì ông đứng trên lập truờng chính trị để lý giải mọi vấn đề. Ông viết:

Đúng là lý luận văn học của chúng ta trước đây chịu ảnh hưởng của các thành tựu lý luận văn học từ các nước Xã hội chủ nghĩa anh em (trước hết là Liên Xô). Phải nói rằng đó là lý luận văn học của chủ nghĩa Mác – Lênin, của Chủ nghĩa xã hội trải qua gần 100 năm đấu tranh và xây dựng với nhiều thành tựu quan trọng và dĩ nhiên với những vấn đề tồn tại…Nền lý luận văn học cũng như toàn bộ nền văn học của chúng ta chủ yếu sản sinh từ thực tiễn văn học của chúng ta… Nó được sản sinh ra từ đường lối lý luận và thực tiễn của cách mạng dân tộc, dân chủ và xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam từ 1930 và sớm hơn, từ đầu thế kỷ 20, thể hiện trong các văn kiện của Đảng: Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu, qua các đại hội văn nghệ và đại hội nhà văn, các tác phẩm lý luận phê bình của các nhà văn, nhà thơ lớn của chúng ta trong thế kỷ 20 như: Hải Triều, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh… và các nhà lý luận ưu tú khác của chúng ta…”

…”Đối với các vấn đề này, chính thống mà nói chúng ta phải lấy chủ nghĩa Mác – Lênin cũng như tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, làm kim chỉ nam cho lý luận văn học. Chúng ta có thể chấp nhận và tiếp thu rộng rãi các quan điểm lý luận văn học phi Macxit nếu nó có hạt nhân hợp lý có thể giúp vào việc làm giàu, mở rộng và phát triển lý luận của chúng ta, bởi vì lý luận Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh luôn luôn “nhịp bước cùng thời đại, cùng cách mạng, cùng khoa học, không phải là một mớ giáo điều”.

Những tư tưởng trong các nhận định trên của Trần Thanh Đạm, người đọc có thể gặp trong bất cứ văn kiện chính trị nào của Đảng. Thí dụ luận điểm: ”chúng ta phải lấy chủ nghĩa Mác – Lênin cũng như tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, làm kim chỉ nam cho lý luận văn học”. Xin đối chiếu với Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học,nghệ thuật trong thời kỳ mới”:“…Trên nền tảng mỹ học mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh, khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại; lên án, phê phán không khoan nhượng những tiêu cực, xấu xa đang cản trở sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam.”

 Nói cách khác, Trần Thanh Đạm đã thấm nhuần rất kỹ các Nghị quyết và quan điểm chính trị của Đảng. Khi đối diện với bất cứ vấn đề gì, ông chỉ việc lấy “bửu bối” ông đã thuộc lòng ra  áp lên vấn đề ấy là có thể có đáp án ngay.

Chỉ đáng tiếc là, từ Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) đến nghị quyết 23 của bộ chính trị (2008), Đảng đã đổi mới rồi, còn Trần Thanh Đạm vẫn nhận thức và hành xử như những nhà phê bình Xô Viết những năm 1960, thời chiến tranh lạnh trên thế giới.

  1. Và tham vọng …

 Trong bài viết “Tác phẩm văn học như một đơn vị ngôn từ”, Trần Thanh Đạm trình bày “hệ thống luận điểm” của “lý thuyết văn học” do ông đề xuất như sau:

“Hình thái đầu tiên của tác phẩm văn học với tư cách là một đơn vị ngôn từ rất đơn giản…”“Tục ngữ là hình thái nguyên sơ của tác phẩm văn học. Ở đây ta đã thấy những đặc trưng tiêu biểu nhất của một tác phẩm nghệ thuật ngôn từ “; Ông giải thích: “ngôn từ có nhiều điểm khác với ngôn ngữ. Ngôn từ thì có ngôn từ nói, ngôn từ hát, ngôn từ viết. Có ngôn từ thông thường tự nhiên và ngôn từ có dụng công, dụng ý tức là ngôn từ văn hoá, ngôn từ nghệ thuật”.

Ông luận tiếp: “Từ thành ngữ đã có rồi, nhưng mới chỉ là bán tác phẩm, chưa thật hoàn chỉnh. Tục ngữ thì đã hoàn chỉnh. Tục ngữ là câu nói, đến ca dao là câu hát. Rồi đến các truyện kể… Hoàn chỉnh rồi, cố định rồi, tác phẩm rời khỏi ngôn từ, sống cuộc sống độc lập, thành lời nói có cánh, bay đi…”

Sự xuất hiện chữ viết tạo điều kiện cho văn học truyền miệng trở thành văn học thành văn, làm cho ngôn từ có cơ sở thành văn từ”;

Như vậy, dưới góc nhìn ngôn từ, ta đã đi từ văn học dân gian đến văn học cổ điển (ở ta là văn học Hán Nôm). Nhiều dân tộc khác trên thế giới đều vậy cả…”

“Nếu ta viết cuốn lịch sử văn học đích thực, thì đối tượng của nó mà lịch sử cần tiếp cận chính là văn học theo quan niệm này. Tức là phải đi từ văn học dân gian, tức những tác phẩm có tính văn hoá và có tính nghệ thuật, sau đó đi vào văn học cổ điển mà ban đầu cũng là những tác phẩm có tính văn hoá, có giá trị văn hoá nhiều hơn.”

Tóm lại, văn học là một loại hình ngôn từ, mỗi tác phẩm văn học là một đơn vị ngôn từ, từ ngôn từ văn hoá đến ngôn từ nghệ thuật, từ ngôn từ văn hoá mà thành văn hoá ngôn từ, từ ngôn từ nghệ thuật mà thành ra nghệ thuật ngôn từ. Dù đã trở thành văn hoá hay nghệ thuật thì vẫn là ngôn từ, cùng anh em họ hàng, cùng dòng máu. Sự phân biệt giữa chúng nếu khó khăn thì cũng là lẽ tự nhiên.”

 Trần Thanh Đạm khẳng định “lý thuyết” của mình một lần nữa:bản chất của tác phẩm văn học là ở bản chất ngôn từ. Mỗi tác phẩm văn học là một đơn vị ngôn từ, từ ngôn từ thông thường mà trở thành ngôn từ văn hoa, ngôn từ nghệ thuật, từ ngôn từ rất đơn sơ như một câu tục ngữ đến một trường ca, hay tiểu thuyết trường thiên. Đó là tác phẩm nhất ngôn và tác phẩm đa ngôn. Giống như một cơ thể sống đơn bào và đa bào. Tục ngữ tựa như đơn bào. Đó là tác phẩm văn học chỉ có một lời. Còn những tác phẩm hiện đại có cấu tạo rất phức tạp, rất khác nhau. Chúng có nhiều bộ phận. Nhưng muốn hiểu cơ thể thì phải xuất phát từ tế bào…Văn học cũng vậy, phải từ các đơn vị ngôn từ nhỏ bé nhất để đi tới cấu trúc chung của tác phẩm văn học. “

 Trần Thanh Đạm kết luận khẳng định “lý thuyết” của mình:

 “Trên đây chỉ mới là hệ thống luận điểm chính của tư tưởng tác phẩm văn học là một đơn vị ngôn từ, cần phải được luận giải, chứng minh, xác minh thêm nữa. Chúng tôi tin rằng quan niệm này có thể bao quát được các hình thái khác nhau của tác phẩm văn học. Dù tồn tại dưới bất cứ dạng nào thì tác phẩm văn học cũng không nằm ngoài phạm vi đề cập của lý thuyết này được.”

 Thú thực rằng, đọc “hệ thống luận điểm” Trần Thanh Đạm trình bày về “lý thuyết”: “tác phẩm văn học là một đơn vị ngôn từ”, tôi bị “choáng”. Bởi không hiểu ông định nói gì. Những “luận điểm” ông đưa ra pha tạp đủ mọi thứ “lý thuyết” và làm hỏng mọi lý thuyết mà ông vận dụng (nhưng ông không ghi nguồn). Một lý thuyết thường có nhiều thuật ngữ chứa đựng những phạm trù. Tôi đỏ mắt tìm xem ông giải thích “đơn vị ngôn từ là gì, nhưng tuyệt nhiên không thấy. Cũng vậy, tôi dò tìm xem ông xác lập phạm trù “tác phẩm văn học” là gì, cũng không thấy. Tôi không biết ông dựa vào đâu để đưa ra nhận định: “Tục ngữ là hình thái nguyên sơ của tác phẩm văn học“. Thành ra lý thuyết “tác phẩm văn học là một đơn vị ngôn từ” là một khái niệm hàm hồ ngay từ điểm xuất phát.

Lẽ ra ông phải nói rõ “ngôn từ có nhiều điểm khác với ngôn ngữ” là lý thuyết của F. Ferdinand de Saussure, nhưng ông đã không ghi nguồn, thành ra đó là luận điểm của ông. Lẽ ra khi nói về tác phẩm văn học, ông nên tham khảo R.Barthes về văn bảntác phẩm. Lẽ ra ông nên “mượn” một ít lý thuyết của Trường phái Hình Thức Nga để lý giải “tính văn chương” của tác phẩm. Để lý giải sâu hơn về tác phẩm, ông nên vận dụng Chủ nghĩa cấu trúc mà phát hiện ra ‘ngữ pháp’ của văn chương, tức những quy ước làm cho một hình thức diễn ngôn nào đó trở thành văn chương rồi Giải cấu trúc, để xem nghĩa của tác phẩm ngoài văn bản trong tính chất liên văn bản. Cũng cần dùng cả Phân tâm học để khám phá những “ẩn ức” thăng hoa thành nghệ thuật. Sau đó vận dụng các lý thuyết về Người đọc (reader theory) để giải mã ý nghĩa của tác phẩm trong những “tầm đón đợi”(Hans Robert Jauss) trong “ cộng đồng diễn dịch”(Stanley Fish)…Dẫu thế nào ông cũng phải quan tâm đến tác giả, dù R. Barthes nói “tác giả đã chết”. Và để theo kịp với lý luận văn học thế giới, ông còn phải xem xét lại “lý thuyết” về tác phẩm văn học của mình dưới ánh sáng các lý thuyết văn hóa nữa. Bởi văn học là một thành tố của văn hóa, góp phần làm nên bộ mặt văn hóa của cộng đồng, của thời đại.

Nhưng những điều vừa trình bày, xem ra Trần Thanh Đạm không bận tâm, vì trong não trạng của ông, đó là những thứ làm cho văn học trở thành văn học không có con người, văn học phi nhân, vô luân, vô thức

Nói như vậy để thấy rằng tư duy lý luận văn học của thế giới rất phong phú và năng động. Mỗi lý thuyết đều có những khám phá rất sâu sắc về một mặt nào đó của văn học. Những người sáng lập lý thuyết đã có những công trình thực sự có ý nghĩa cách mạng về vấn đề. Việt Nam mới hội nhập toàn cầu hóa, thì cần mở rộng tầm nhìn để tiếp thu tinh hoa của nhân loại. Việc tiếp thu này mới ở giai đoạn đầu, nói gì đến việc đề ra một “lý thuyết” mới. Khi Trần Thanh Đạm đưa ra “lý thuyết” về tác phẩm văn học, nhất thiết ông cần phải biết những người đi trước ông đã nói những gì, và ông có thể khám phá thêm được những gì. Tôi thấy thương cho ông vì những nỗi lực của ông bị thất bại, bởi “lý thuyết” của ông đầy dẫy sự hàm hồ, không thể dùng làm nền tảng để giải quyết bất cứ vấn đề gì của văn học Việt Nam.

Nếu gọi Trần Thanh Đạm là một nhà phê bình thì có thể đặt ông vào chiếu ngồi của các nhà phê bình chính trị [5]. Những nhà phê bình này chỉ xem xét văn học ở chức năng phục vụ chính trị. Ông khẳng định: “chúng ta phải lấy chủ nghĩa Mác – Lênin cũng như tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, làm kim chỉ nam cho lý luận văn học”.

 Và tôi lại thấy câu văn này trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011): “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động…”

Tháng 2. 2017

Nguồn: Bùi Công Thuấn-Lý luận và phê bình văn học-Diện mạo một thời

____________________________

[1] Nguồn: Văn, tạp chí sáng tác nghiên cứu lý luận phê bình văn học nghệ thuật

của Hội Nhà văn TP. HCM, số 21 (Bộ mới tháng 1 – 2.2005)

[2] Thụy Khuê-Phê bình văn học Nga-Trường phái Hình thức -http://thuykhue.free.fr/stt/p/PBVH-Ch04.html

[3] Lại Nguyên Ân-Một số vấn đề xung quanh phạm trù chủ nghĩa hiện đại:

http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/ly-luan-van-hoa-hoc/vhh-cac-truong-phai-trao-luu/204-lai-nguyen-an-ve-pham-tru-chu-nghia-hien-dai.html

[4] đăng lại trên eVăn ngày 02.12.2004 và Văn Nghệ ngày 04.12.2004.

[5] Đọc thêm: Trần Thanh Đạm- Văn học tự vấn và chức năng tự nhận thức, tự phê phán của văn học (Tham luận hội nghị lý luận phê bình văn học nghệ thuật toàn quốc (tài liệu sử dụng nội bộ) của Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương, Hà Nội tháng 3. 2006, trang 162-165) đăng trên Talawas ngày 15.03.2006. Trong tham luận này, đứng trên lập trường chính trị, Trần Thanh Đạm cực lực phê phán Nguyên Ngọc về cái gọi là “văn học Tự Vấn”.

 

VŨ BÌNH LỤC-NHÀ PHÊ BÌNH PHONG TRÀO

VŨ BÌNH LỤC-NHÀ PHÊ BÌNH PHONG TRÀO

Bùi Công Thuấn

vu-binh-luc

Nhà phê bình Vũ Bình Lục

 

Vũ Bình Lục được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam cùng một lần với tôi 2015. Khi đứng nhận quyết định kếp nạp Hội, ông đứng bên cạnh tôi. Thú thực là lúc ấy tôi chưa biết gì về ông. Lời giới thiệu của nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam làm tôi chú ý đến ông.

1.Nhà văn xuất thân từ quần chúng

Vũ Bình Lục tuổi Mậu Tý (1948), quê gốc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Học hết cấp II ở quê, ông sang Kiến An học tiếp cấp III và lên đường nhập ngũ năm 1967, khi chưa hoàn thành chương trình phổ thông năm cuối cấp. Sau mấy năm chiến đấu ở chiến trường khu V, Vũ Bình Lục được ra Bắc điều dưỡng, rồi giải ngũ về quê…

Vũ Bình Lục kể cho Phạm Đình Ân về cuộc sống của mình [1]:

Gốc tích tôi họ Vũ Đình, viễn tổ ở Hải Dương. Kể cả những năm chiến tranh thì tôi có khoảng một phần tư thế kỷ sống với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên… Khi tôi chuyển cả gia đình vào Tây Nguyên, nhiều người bảo tôi bị điên, tự dưng lại bỏ quê để lao vào chốn rừng thiêng nước độc… Tôi thích chỗ thoáng đãng rộng rãi, lại còn mơ làm ông chủ đồn điền cà phê nữa cơ đấy…

Tôi quyết định về Hà Nội vì Tôi biết và cũng được nghe một số người nói rằng, nhà văn Nguyễn Tuân, cả họa sĩ Nguyễn Sáng nếu không sống ở Hà Nội thì không thể thành nghệ sĩ lớn được… Tôi cũng theo gương các bậc tài danh kia, chỉ tiếc là mình thì tài hèn sức mỏng, cuối đời mới dám mon men đến chân cầu Chương Dương…

Những năm tháng trực tiếp chiến đấu ở chiến trường, tôi là lính đặc công. Chiến trường khu V vô cùng ác liệt. Sốt rét, đói khát quanh năm, nhất là từ sau Tết Mậu Thân 1968. Song đối diện với chính mình mới là điều khó khăn nhất. Đồng đội cứ vơi dần đi sau mỗi lần hành quân. Trận thắng nhiều, nhưng trận thua không phải là ít. Đối phương mạnh hơn mình nhiều lần về vũ khí và điều kiện sinh hoạt cá nhân. Đương nhiên mình phải nghĩ ngợi nhiều, có lúc cảm thấy căng thẳng, thậm chí nản lòng. Thế nhưng, như bao đồng đội khác, tôi đã không gục ngã. Chúng tôi đã chiến thắng bằng ý chí. Tại sao tôi không viết được gì trong chiến trường? Có lẽ ở thời điểm đó tôi nghĩ đấy không phải là việc của mình, khi mà chúng tôi luôn đối mặt trực diện với địch, cái chết lúc nào cũng rình rập…”

Theo Phạm Đình Ân, Đến nay Vũ Bình Lục đã xuất bản được gần 20 đầu sách. Ngoài các tập thơ, Vũ Bình Lục còn có nhiều bộ sách chuyên đề nghiên cứu và phê bình văn học như: Giai phẩm với lời bình, Hồn nhiên trong thơ Lý-Trần, Thánh thơ Cao Bá Quát, Hồng Hạc cõi trời Nam,…

Rất tiếc tôi chưa có dịp đọc tất cả những gì Vũ Bình Lục đã viết, vì thế không thể đánh giá “sự nghiệp” văn chương của ông. Đọc một số bài phê bình của ông, tôi ghi nhận vài đặc điểm ngòi bút phê bình của Vũ Bình Lục. Tôi nghĩ, phê bình là một phần đồ sộ bên cạnh sự nghiệp sáng tác của ông.

 2.Nhà phê bình của quần chúng.

 Vũ Binh Lục 2xuất thân từ quần chúng, trưởng thành trong lao động và chiến đấu. Ông cũng là một nhà giáo, việc viết lách khởi đi từ tấm lòng say mê văn học, đối tượng ông hướng tới là bạn đọc hôm nay. Ông chia sẻ:

“Chỉ là vì tôi đắm đuối với văn chương từ hồi còn bé. Đọc rất nhiều và trí nhớ cũng rất tốt. Người ta bảo rằng hãy cứ sống đi rồi hẵng viết. Sống và đọc, để tích lũy vốn sống và tri thức. Khi đã đến độ chín rồi thì viết rất nhanh. Một năm làm việc bằng cả mười năm cộng lại…”[đd]

Ông nói về những gì đã làm được:

Hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã sáng tác rất nhiều, nói như các cụ ta xưa thì sách vở có thể chất thành gò đống, xe kéo voi thồ cũng không thể hết. Nhưng giặc phương Bắc dã tâm tiêu diệt tận gốc nền văn hóa của ta,… Số sách vở còn lại chẳng còn được bao nhiêu, nhưng cũng là vô cùng quý giá. Các cụ ta xưa đã nối tiếp nhau sưu tầm, nghiên cứu. Nhưng những sáng tác ấy đều bằng chữ Hán và chữ Nôm cả. Sưu tầm nghiên cứu thì cũng đã nhiều người, nhiều thế hệ làm rồi, nhưng chủ yếu là ở mức độ văn bản học. Tôi dựa trên kết quả của các thế hệ đi trước để làm tiếp công việc dịch các tác phẩm ấy chủ yếu ra thơ lục bát truyền thống, bình giải cái hay cái đẹp của thơ ca xưa để bạn đọc ngày nay dễ tiếp nhận mà thôi. Mình tài hèn sức mỏng, nhưng cũng cố gắng làm được đến đâu thì hay đến đó …”

Nhà thơ Vũ Quần Phương đánh giá cao việc Vũ Bình Lục dịch những bài thơ Thất ngôn bát cú chữ hán trong văn học cổ của dân tộc theo lối Lục bát truyền thống: “bình dân hóa bằng thơ lục bát và thêm lời dẫn giải sẽ giúp đông đảo bạn đọc có điều kiện thẩm thơ cổ”.[2]

PGS, TS Trần Thị Trâm nhận xét:

Gần đây, Vũ Bình Lục lại xuất hiện với tư cách nhà nghiên cứu phê bình. Chỉ trong vòng ba năm (2010 – 2013), sau khi về hưu, rời phố núi Ðác Lắc về Thủ đô, ngoài tập thơ Mơ gần mơ xa, ông giáo Lục đã trình làng một bộ sách đồ sộ, gồm 6 cuốn Giai phẩm với lời bình, gần 2.400 trang, khổ 14,5 x 20,5 cm. Tất cả đều được đóng bìa cứng một cách hết sức trang trọng. Ðọc, mới thấy anh là người đầy nội lực, dám nghĩ, dám làm, dám thử sức ở một lĩnh vực quá khó, đòi hỏi một trình độ cao.

Là nhà giáo suốt gần 40 năm giảng dạy cho học sinh chuyên văn, thói quen làm việc bài bản, mực thước của một nhà sư phạm lâu năm luôn hiện diện trong từng trang viết của Vũ Bình Lục, nên gặp bất kỳ điển tích, điển cố, hay những thuật ngữ Phật học, Thiền học nào trong thơ cổ, ông cũng đều giảng giải kỹ càng, cẩn trọng. Ðiều này một lần nữa chứng tỏ lao động nghệ thuật nghiêm túc và vốn kiến thức văn hóa phương Ðông rộng, chắc chắn của nhà nghiên cứu…”.”[3]

 3.Vũ Bình Lục với việc diễn giải thơ

Đây là một bài thơ Lý-Trần quen thuộc, Vũ Bình Lục chuyển từ Thất ngôn chữ Hán sang Lục bát tiếng Việt

身 如 電 影 有 還 無
萬 物 春 榮 秋 又 枯
任 運 盛 衰 無 怖 畏
盛 衰 如 露 草 頭 舖

Thị đệ tử – Vạn Hạnh Thiền sư

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

Nghĩa của bài thơ:

Thân [đời người] như ánh chớp/ có rồi không

Mùa xuân, vạn cây tươi tốt/ mùa thu lại khô héo

[Hãy] Mặc vận hạn thịnh suy/ không sợ hãi

[vì] Thịnh suy [chỉ] như giọt sương/ phô trên ngọn cỏ

 

Vũ Bình Lục dịch thơ:

Bảo các đồ đệ:

Đời người có có không không

Cỏ xuân tươi tốt, khi đông héo tàn

Sương treo ngọn cỏ mang mang

Vận đời suy thịnh vô vàn, sợ chi!

Bản dịch thơ của Vũ Bình Lục giữ được ý của nguyên tác, thấp thoáng sự tài hoa, song tác giả đã dịch thoát nhiều

Câu 1: “Thân như điện ảnh” nghĩa là sự tồn tại của con người trong đời (đời người) như ánh chớp. “Điện ảnh” là hình ảnh riêng của Thiền để chỉ cái mau qua. Bản dịch bỏ mất từ này.

Câu 2: Vạn mộc/ xuân vinh thu hựu khô, nghĩa là: Vạn cây (chỉ chung cây cối) mùa xuân tươi tốt, mùa thu lại khô héo, chỉ cái quy luật có sinh có diệt của vạn pháp. Câu 2 là để làm rõ nghĩa hơn cho câu 1: Đời người có đấy rồi không đấy, như cây xanh tốt mùa xuân và khô héo vào mùa thu. Đó là quy luật. Vũ Bình Lục dịch là: Cỏ xuân tươi tốt, khi đông héo tàn, đã chuyển “thu” thành “đông”, chuyển “vạn mộc” thành cỏ xuân, xáo trộn hẳn trật tự ngữ pháp câu.

 Câu 3 & 4 của bản dịch đải lộn câu 4 và câu 3 của nguyên tác. Việc đảo vị trí câu này làm sai lệch ý nghĩa với nguyên tác, và làm hỏng tứ thơ.

Sương treo ngọn cỏ mang mang

Vận đời suy thịnh vô vàn, sợ chi!

Câu: “Sương treo ngọn cỏ mang mang” nghĩa rất mơ hồ: giọt sương treo ngọn cỏ gợi ra bao nỗi hoang mang, hoặc chứa chất nỗi niềm mênh mang?(vì giọt sương không biết rơi xuống đất lúc nào) khác với “lộ thảo đầu phô”  là hạt sương lộ ra trên đầu ngọn cỏ, chỉ cái nhỏ bé và tan biến nhanh như sương tan khi nắng lên).

Nhậm vận thịnh suy” là “mặc [đời] thịnh suy, chuyển thành: “Vận đời suy thịnh vô vàn”, thêm vào chữ “vô vàn” (từ chỉ số lượng nhiều không thể biết hết đựợc) làm hỏng tứ “vận thịnh suy”(đời người có lúc thịnh lúc suy-số lượng hữu hạn) và bỏ mất chữ “Nhậm” (mặc kệ-không bận tâm) biểu thị thái độ.

Ở nguyên tác, câu 3 có ý nghĩa chính, câu 4 chỉ là lý giải cho câu 3: Mặc đời thịnh suy, không sợ hãi, vì thịnh suy chỉ như giót sương trên đầu ngọn cỏ. Ngược lại, bản dịch thơ chuyển câu 4 của nguyên tác thành câu 3, như vậy là ý phụ thành ý chính: Giọt sương treo ngọn cỏ gợi ra bao nỗi mang mang. [Còn] vận đời thịnh suy vô vàn, không có gì phải sợ.

 Do phải tuân thủ luật gieo vần của Lục bát nên Vũ Bình Lục đã vấp phải những khó khăn trên (biến “Thu” thành “Đông”, thêm vào chữ “vô vàn” “ để vần với chữ “mang mang”). Điều này đặt ra cho người chuyển thể từ thơ Thất ngôn sang Lục bát nhiều vấn đề cần vượt qua. Tôi nghĩ thơ Thất ngôn chữ Hán chuyển sang Thất ngôn tiếng Việt sẽ thuận lợi hơn và giữ được đặc sắc nghệ thuật của nguyên tác hơn…

Lại ngẫm nghĩ Vũ Bình Lục cần nghiên cứu kỹ hơn nữa nguyên tác văn bản chứ Hán trước khi chuyển thành thơ Lục bát tiếng Việt để bản dịch thơ tốt hơn.

Vũ Bình Lục đọc thơ thế nào?

Hãy xem Vũ Bình Lục đọc bài thơ Cây Chuối (Ba Tiêu) của Nguyễn Trãi?

BA TIÊU
(CÂY CHUỐI)

Từ bén hơi xuân tốt lại thêm,
Đầy buồng lạ màu thâu đêm.
Tình thư một bức phong còn kín,
Gió nơi
đâu gượng mở xem.

Tổng quan, bài thơ được biểu hiện ở hai nét nghĩa: Hiển ngôn và ẩn dụ, nét nghĩa nào là chủ đạo? Nhưng nói đến nét nghĩa ẩn dụ (nếu có), thì trước hết và bao giờ cũng phải nghĩa hiển ngôn, hay là nghĩa tường minh, nôm na là nghĩa đen, nghĩa cụ thể, hiện ra trên mặt chữ của bài thơ. Đương nhiên, nghĩa cụ thể ở đây là tả cây chuối, theo đó cả buồng chuối, cùng với vẻ đẹp và mùi thơm độc đáo, hấp dẫn mê hồn của nó.

Từ bén hơi xuân tốt lại thêm. Từ khi bén được hơi xuân, gặp được hơi xuân ấm áp, thì cây chuối lại tốt tươi thêm. Nhưng Đầy buồng lạ màu thâu đêm thì là tả buồng chuối với một sự rất lạ, màu thâu đêm. Mùi thơm (mầu) thơm lạ thơm lùng của buồng chuối toả ra thơm nức cả một vùng trong đêm thanh vắng hay chăng? Thế nghĩa là chuối đã chín ngay từ khi còn treo ở trên cây rồi. Chuối đã chín trên cây, lại còn:
Tình thư một bức phong còn kín,
Gió nơi đâu gượng mở xem
thì ý thơ đã chuyển sang tả lá chuối, xanh non, cuộn tròn như một bức tư tình còn phong kín.

căn cứ vào thi pháp của nhà thơ Nôm số một Nguyễn Trãi. Đây không phải là một cây chuối cụ thể ở một thời điểm, mà là cây chuối của một quá trình từ trẻ đến già, được cách điệu, gián cách, như một thủ pháp thường thấy trong nghệ thuật nói chung. Ví như vừa nói mùa xuân, lại thấy tả ngay mùa đông, hoặc mùa hạ, trong rất nhiều bài thơ của Nguyễn trãi nói riêng chăng?

Vậy bài thơ này có nét nghĩa ẩn dụ gì không? Theo tôi nghĩ là có. Và chủ yếu cái hay ở bài thơ này là nghĩa ẩn dụ. Nó là một bài thơ tình rất tinh tế. Hình dung như một buồng the kín đáo, người đẹp trẻ trung, rưng rức mầu xuân rờ rỡ đang hiển hiện ở trước mắt. Nhất là từ khi bén được hơi xuân rồi, thì vẻ xuân, mầu xuân từ thân thể tuyệt mĩ của người đẹp càng như mơn mởn thêm ra. Này, hỡi chàng gió đa tình, hãy đến gần ngay đây để từ từ, nhẩn nha, nhẹ nhàng (gượng) mà mở ra xem, mà thưởng thức, chiêm ngưỡng cái thân thể ngọc ngà còn phong kín này! Giục giã, mời gọi, nhưng không hề thấy sự vội vã, gấp gáp…

Tôi trích hơi dài để bạn đọc (chưa có dịp đọc cả bài bình của Vũ Bình Lục) cũng có thể nhận ra diện mạo và bút pháp của nhà phê bình trước đối tượng (Vũ Bình Lục và bài thơ Cây chuối của Nguyễn Trãi)

Trước tiên và văn phong, văn Vũ Bình Lục nghiêng về văn nói (đối thoại với công chúng), tác giả dùng nhiều từ thì, là, mà (là, hay là, nôm na là, thì là, Thế nghĩa là, không phải là, thì lại, lại còn) và dùng những câu hỏi để đặt vấn đề, để đối thoại, gợi sự chú ý của người nghe,: Hiển ngôn và ẩn dụ, nét nghĩa nào là chủ đạo? Vậy bài thơ này có nét nghĩa ẩn dụ gì không? Theo tôi nghĩ là có…Và ông giải thích vấn đề rất dài dòng, lòng vòng (là, hay là, nôm na là, thì là, Thế nghĩa là, không phải là) có lẽ ông nghĩ công chúng không có trình độ hiểu cụm từ “nghĩa hiển ngôn”là gì!

Đối thoại với công chúng, sử dụng ngôn ngữ gần với công chúng là đúng, nhưng văn bản viết, nhất định phải có “chất văn”, dù là văn bản phê bình văn học. Bài viết của Vũ Bình Lục còn thiều phẩm chất căn bản này.

Trong phương pháp đọc thơ của Vũ Bình Lục, ông diễn xuôi nghĩa câu thơ là chính, sau đó mặc sức phóng bút, tưởng tượng ra tầng nghĩa mà văn bản thơ không có, để rồi thả mình vào thế giới do mình tưởng tượng ra, hưởng thụ cái hương sắc ngọt mật của bài thơ (mặc dù tất cả chỉ là tưởng tượng). Ông bình thơ một cách cảm tính và áp đặt, không dựa trên bất cứ lý thuyết phê bình văn học nào. Đây là đoạn hoàn toàn tưởng tượng:

Hình dung như một buồng the kín đáo, người đẹp trẻ trung, rưng rức mầu xuân rờ rỡ đang hiển hiện ở trước mắt. Nhất là từ khi bén được hơi xuân rồi, thì vẻ xuân, mầu xuân từ thân thể tuyệt mĩ của người đẹp càng như mơn mởn thêm ra. Này, hỡi chàng gió đa tình, hãy đến gần ngay đây để từ từ, nhẩn nha, nhẹ nhàng (gượng) mà mở ra xem, mà thưởng thức, chiêm ngưỡng cái thân thể ngọc ngà còn phong kín này! Giục giã, mời gọi, nhưng không hề thấy sự vội vã, gấp gáp…”

Vũ Bình Lục phải tưởng tượng vỉ ông bất lực trong việc giải mã bài thơ. Nguyễn Trãi tả thực hay bài thơ có nghĩa ẩn dụ? và ông dè dặt: Vậy bài thơ này có nét nghĩa ẩn dụ gì không? Theo tôi nghĩ là có. Vũ Bình Lục nghĩ là bài thơ Cây Chuối có nghĩa ẩn dụ Nhưng ông không đưa ra được cơ sở khoa học nào để xác lập nghĩa ẩn dụ, và Nguyễn Trãi dùng ẩn dụ để nói gì. Trong khi trước đó ông khẳng định: “nói đến nét nghĩa ẩn dụ (nếu có), thì trước hết và bao giờ cũng phải là nghĩa hiển ngôn, hay là nghĩa tường minh, nôm na là nghĩa đen, nghĩa cụ thể, hiện ra trên mặt chữ của bài thơ Đương nhiên, nghĩa cụ thể ở đây là tả cây chuối, theo đó là cả buồng chuối, cùng với vẻ đẹp và mùi thơm độc đáo, hấp dẫn mê hồn của nó.”

Và vì hiểu đây là bài thơ “tả thực” cây chuối nên ông mới bế tắc trong khi giải nghĩa. Ta thấy Vũ Bình Lục loay hoay mãi mà không thoát ra được cái lưới ông tung ra lại quấn lấy chính ông:

Đầy buồng lạ màu thâu đêm thì là tả buồng chuối với một sự rất lạ, màu thâu đêm. Mùi thơm (mầu) thơm lạ thơm lùng của buồng chuối toả ra thơm nức cả một vùng trong đêm thanh vắng hay chăng? Thế nghĩa là chuối đã chín ngay từ khi còn treo ở trên cây rồi. Chuối đã chín trên cây, lại còn:
Tình thư một bức phong còn kín,
Gió nơi đâu gượng mở xem
thì ý thơ đã chuyển sang tả lá chuối, xanh non, cuộn tròn như một bức tư tình còn phong kín.

…ta thấy, nếu như tả cây chuối ở cùng một thời điểm, thì rõ ràng là ta đã thấy một sự mâu thuẫn. Cây chuối đã ra buồng, mà buồng chuối đã chín mọng, dịu dàng thơm lạ thơm lùng, thì tức là cây chuối đã già, già hết cỡ, đâu phải là cây chuối còn non tơ nữa? Lá chuối cuộn tròn như bức tình thư, mời gọi tình nhân gió xuân đến mở ra xem thì hẳn là chuối đang tơ. Chuối đang tơ thì đương nhiên không thể ra buồng. Một sự mâu thuẫn mười mươi, phải hiểu như thế nào đây?

Ba Tiêu (Cây Chuối) là bài thơ thể “vịnh cảnh vật”, không phải là thơ tả cảnh vật. Sự khác biệt là ở chỗ, nếu là thơ tả cảnh vật thì bài thơ là một bức tranh, thống nhất góc nhìn, thống thất thời gian, không gian và thống nhất tâm trạng tác giả gửi trong cảnh. Đã là tả cảnh thì bức tranh phải theo luật về bố cục, về màu sắc, ánh sáng về bút pháp…Thơ “vịnh” không theo luật của thơ tả cảnh vật. Tác giả viết về cảnh vật, chọn những chi tiết tiêu biểu của cảnh rồi lắp ghép lại theo chủ đề hoặc cảm nghĩ về cảnh vật. Vì thế, mặc dù trong thơ vịnh cảnh, hình ảnh sự vật hiện lên rõ, nhưng suy nghĩ và tâm trạng nhà thơ thể hiện trong cảnh mới là cái căn cốt của bài thơ. Nếu đem những chi tiết của cảnh vật trong bài thơ vịnh ghép lại làm thành một bức tranh, sẽ hoàn toàn trái với luật của thơ tả cảnh, điều mà Vũ Bình Lục cho là một sự mâu thuẫn mười mươi, phải hiểu như thế nào đây? Trong bài Cây Chuối, Vũ Bình Lộc đã nhầm lẫn tình ý của Nguyễn Trãi với nghĩa ẩn dụ về cây chuối. Bài thơ không có nghĩa ẩn dụ, vì nếu có thì cây chuối là ẩn nghĩa của cái gì, của người nào, việc gì? Vì lầm tưởng là ẩn dụ nên Vũ Bình Lục tán ra ngoài văn bản bài thơ, sai hẳn với ý nghĩa thực của bài thơ.

Thực ra ý nghĩa của bài thơ không có gì khó hiểu cả. Chuối là loại cây vườn ở thôn quê nhà nào cũng có. Đây là loại cây dễ mọc và thường xanh tốt. Nguyễn Trãi chọn hai hình ảnh rất đặc trưng của cây chuối để ghi lại và qua đó nói cái suy nghĩ của mình về cây chuối.

Từ bén hơi xuân tốt lại thêm,
Đầy buồng lạ màu thâu đêm.
Tình thư một bức phong còn kín,
Gió nơi
đâu gượng mở xem

Hai chi tiết đó là buồng chuối thơm lạ lùng và lá chuối lúc còn non thì như bức thư tình cuộn lại chờ gió mở xem. Đặc sắc của bài thơ là thái độ chọn lựa và khám phá đề tài của Nguyễn Trãi. Ông chọn cây chuối làm đề tài vì chuối vừa gần gũi vừa dân dã, khác hẳn với đề tài về cây tùng, cây cúc, cây liễu thường có trong thơ chữ Hán ảnh hưởng thơ Trung Quốc hoặc cây tre, cây trúc, cây cau, cây đa trong ca dao. Tài năng của Nguyễn Trãi là ở sự khám phá và thể hiện “cái đẹp”, tức là cái thẩm mỹ của đề tài. Hương thơm của buồng chuối thơm lừng trong đêm, còn ban ngày, lá chuối non cuốn lại như tình thư còn e ấp.

Bao nhiêu người ở thôn quê đã phát hiện được điều này như Nguyễn Trãi? Nó rất thực nhưng cũng thật lãng mạn. Nguyễn Trãi rất dân dã nhưng cũng rất nho nhã. Và dù có bận việc, ông vẫn đắm hồn với cảnh vật. Ông ngồi đó, ngày cũng như đêm, có lẽ gần với một khóm chuối hay vườn chuối, và bỗng nhận ra vẻ đẹp của chuối. Ông muốn nói về vẻ đẹp ấy, khác hoàn toàn với người nông dân trồng chuối là để mau có trái ăn (Trẻ trồng na, già trồng chuối). Trồng chuối vừa có trái ăn, vửa có lá gói bánh. Thân chuối bóc thành bẹ, chẻ thành dây, hoặc thái trộn với cám cho heo ăn. Trẻ con dùng thân chuối làm phao tập  bơi. Củ chuối luộc ăn cứu đói, hoặc củ chuối nấu với ốc, ăn bún thì rất tuyệt (món bún ốc)…Cái nhìn của người nông dân về câu chuối là cái nhìn thực dụng như thế.

Nguyễn Trãi gần gũi với người dân nhưng khác người dân ở cái nhìn cây chuối, vì ông nhìn cây chuối với hồn thơ sâu đậm Việt tính. Bài thơ Cây Chuối gây ám ảnh nghệ thuật là vậy. Ông không tả cây chuối với ám ảnh tình dục của Freud  như một người đàn ông khám phá và hưởng thụ trên thân xác một người đàn bà như Vũ Bình Lục đã viết: “buồng the kín đáo, người đẹp trẻ trung, rưng rức mầu xuân rờ rỡ đang hiển hiện ở trước mắt… chàng…, hãy đến gần ngay đây để từ từ, nhẩn nha, nhẹ nhàng (gượng) mà mở ra xem, mà thưởng thức, chiêm ngưỡng cái thân thể ngọc ngà còn phong kín này!…

Như vậy hạn chế của Vũ Bình Lục trong việc đọc thơ là ở chỗ không khám phá được cấu trúc thơ, thể loại thơ, mã ngôn ngữ, mã văn hóa trong bài thơ. Vũ Bình Lục chỉ dùng trực giác cảm tính, rằng “theo tôi nghĩ…” mà không dùng một phương pháp có tính khoa học bóc tách cấu trúc nghệ thuật của tác phảm, sau đó giải cấu trúc để tìm nghĩa liên văn bản đặt trong “cộng đồng diễn dịch”, cộng đồng văn hóa Việt.

Xin thử đọc thêm một bài viết nữa của Vũ Bình Lục về thơ đương đại, bài Mắt Buồn của Bùi Giáng

MẮT BUỒN
Dặm khuya ngất tạnh mù khơi
(Nguyễn Du)

Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông

Cá khe nước cõng lên đồng
Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một Giêng
Tạ từ tháng Chạp quay nghiêng
Ấn trang sử lịch thu triền miên trôi

Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu, bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con.

Xin đọc một đoạn Vũ Bình Lục viết:

“Đọc Bùi Giáng thi thoảng thấy có câu lạ, thi thoảng lại thấy có câu hay, chứ bài hay thì quả tình quá hiếm hoi. Rất nhiều những câu thơ “dở hơi”, lằng nhằng khó gặm. Lại còn nhiều câu lục bát lạc vần, như thể cố tình chống lại các quy tắc của thể thơ này…Nhìn chung là đọc không vào, thành ra không thích. Hỏi một số bạn bè, họ cũng nghĩ tương tự như thế! Vậy mà tại sao một thi sỹ có nhiều ý kiến trái chiều, đến nay lại được nhắc nhiều trên mặt báo, như một “kỳ nhân”, như một vị khách vãng lai ở cõi người, mà chưa rõ tung tích?

Bài thơ “Mắt buồn” của Bùi Giáng được chọn tuyển vào tập “Ngàn năm thơ Việt” (NXB Văn Học-2010), có lẽ là một trong những bài thơ tiêu biểu cho vẻ thơ độc đáo của ông chăng?

“Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông”…

Đó là đoạn mở đầu bài thơ “Mắt buồn”. Có lẽ đây là bài thơ Bùi Giáng viết khi ông đã bóng ngả về chiều, tất cả đã qua đi, chỉ còn lại đôi tay và “tấm thân với mảnh hình hài”, cụ thể hơn nữa là “Tấm thân thể với canh dài bão giông”!…

Kết thúc bài “Mắt buồn”, Bùi Giáng…

“…Bỏ lại tất cả, một cách dứt khoát, để bước sang một thế giới khác, thế giới của cô đơn:

“Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con”

Đấy chính là một sự đối diện nghiệt ngã và cay đắng. Đối diện với chính mình, “còn hai con mắt khóc người một con”. Một thực thể “tôi” còn đủ “hai con mắt”, xót thương “khóc người một con”(mắt) chăng? Vậy thì người một con mắt ấy là ai? Là cái hình hài đang đối diện với nhà thơ chăng? Hoá ra, cả cái quãng đời xưa ấy, cái hình hài kia chỉ sống hoặc là tồn tại chỉ bằng một con mắt, hay chỉ nhìn đời bằng một con mắt chăng? Quả là một ý thơ chứa nhiều sắc độ, biến ảo khôn lường, thực hư hỗn mang. Bùi Giáng từng nói rằng ông điên trong sự tỉnh. Câu thơ kết thúc bài “Mắt buồn”, có thể là một câu thơ điên trong tỉnh của Bùi Giáng chăng? Một vẻ điên triết học chăng?

…Đọc thơ Bùi Giáng, như thấy một chút Thiền, một chút Tiên, một chút Điên, lại phảng phất cái bí hiểm gián cách kiêủ “Xuân Thu Nhã Tập”. Điệu thơ Bùi Giáng hình như không hợp khẩu vị tầng lớp bình dân…”

Sau đây là Comment của một bạn đọc khi đọc bài viết của Vũ Bình Lục:

Chào Ông VŨ BÌNH LỤC,

Nếu Ông không biết gì về Nhà thơ Bùi Giáng và xuất xứ của Bài thơ Mắt buồn thì đừng có nói lung tung. Mà tui thấy Ông cũng siêng thiệt, không biết mà cũng bày đặt bình luận dài ơi là dài. Ở miền Nam người ta hay nói “Nói dài nói dai nói dỡ” nhưng mà ở đây Ông lại nói bậy mới chớ!!!!!.

Nhà thơ Bùi Giáng sáng tác bài Mắt buồn vào khỏang năm 1959 – lúc đó nhà thơ khỏang 33 tuổi, làm gì có cái chuyện “Bùi Giáng viết khi ông đã bóng ngả về chiều”.
Bài thơ này Bùi Giáng viết về Bà Công Thị Nghĩa tức hoa hậu Thu Trang đọat giải hoa hậu tại Sài Gòn lúc năm 1956. Sau đó Thu Trang có con với đạo diễn Tống Công Hạp (nhưng Hạp đã có vợ) – Thu Trang rất buồn về chuyện này.

Bùi Giáng rất mê hoa hậu Thu Trang, Ông đã làm bài thơ Mắt buồn nói về Thu Trang. Câu thơ: “Còn hai con mắt khóc người một con”.

Ý muốn nói Bùi Giáng đã khóc bằng hai con mắt cho Người có một đứa con (Người một con hay Gái một con…).

Chứ làm gì có chuyện: “””””Đấy chính là một sự đối diện nghiệt ngã và cay đắng. Đối diện với chính mình, “còn hai con mắt khóc người một con”. Một thực thể “tôi” còn đủ “hai con mắt”, xót thương “khóc người một con”(mắt) chăng? Vậy thì người một con mắt ấy là ai?……”””””

Khùng hết hết chỗ nói cái Ông Vũ lục bình !!!!!

HTP-Sài Gòn [4]

Lời bình của bạn đọc là quá đủ về những gì Vũ Bình Lục viết về bài thơ của Bùi Giáng. Tôi xin không viết thêm, chỉ xin chia sẻ với nhà phê bình đôi điều. Vũ Bình Lục không nắm được “thi pháp” thơ Bùi Giáng, nên không khám phá được thế giới nghệ thuật của thi sĩ. Ông chỉ diễn thành văn xuôi nghĩa đen của câu thơ một cách trơn tuột, rồi nhân đó “tán” ra, không tiếc lời, theo cảm nghĩ rất chủ quan. Những gì ông tán đều nằm ngoài văn bản bài thơ, nên đọc không vào, thành ra không thích. Nói cách khác, Vũ Bình Lục không có khả năng thâm nhập được vào bên trong cấu trúc nghệ thuật của bài thơ, lại cũng không thoát ra khỏi cách đọc thơ theo quán tính trong nhà trường (tìm nghĩa phản ánh hiện thực, nghĩa tư tưởng vv…) nên mới lâm vào tình trạng hiểu sai câu thơ: “Bây giờ riêng đối diện tôi/ Còn hai con mắt khóc người một con”: Một thực thể “tôi” còn đủ “hai con mắt”, xót thương “khóc người một con”(mắt) chăng? Vậy thì người một con mắt ấy là ai? Là cái hình hài đang đối diện với nhà thơ chăng?”

4.Biết mói gì thêm?

Vũ Bình Lục chỉ là tác giả phong trào, viết phê bình theo quán tính. Không có lý luận, cũng không thủ đắc một phương pháp phê bình có cơ sở khoa học. Có thể là ông chưa tiếp cận được với các lý thuyết văn học đương đại. Những gì ngòi bút ông tung tẩy vẫn nằm trong cách viết phê bình đã thành “truyền thống” trong nhà trường, trong sinh hoạt văn nghệ và cả trên báo chí một thời đã xa. Vì thế, khi tiếp cận với những kiểu tư duy nghệ thuật khác với thơ Xã hội chủ nghĩa, (như bài Cây Chuối và bài Mắt Buồn-đã dẫn) ông không có khả năng thâm nhập tác phẩm. Bởi cấu trúc tác phẩm như một tòa lâu đài kiên cố, đứng ngoài ông thấy thấp thoáng cái đẹp, song không sao vào được bên trong để khám phá những cái mới lạ. Văn phê bình của ông thiếu chất văn chương, có lẽ ông cho rằng rằng viết cho công, nông, binh là phải viết thật chân chất, nôm na thư thể “Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài miếng vá” (Đồng Chí-Chính Hữu).

Dù sao những nỗ lực của ông đóng góp cho đời sống văn học Việt Nam cũng rất đáng trân trọng. Bởi nó xuất phát từ cái tâm, từ tấm lòng của một người lính, của một nhà giáo, của một người đã gắn bó với cuộc sống lao động và chiến đấu cùng với dân tộc. Hạn chế ngòi viết phê bình của ông là do thời đại và hoàn cảnh sống.

Kính chúc ông luôn dồi dào sức lực trong nghiên cứu và sáng tác.

Tháng 2. 2017

Nguồn: Bùi Công Thuấn-Lý luận và phê bình văn học-diện mạo một thời

___________________________

[1] Vũ Đình Ân-Trò truyện với nhà văn thương binh Vũ Bình Lục:

http://baodansinh.vn/tro-chuyen-voi-nha-van-thuong-binh-vu-binh-luc-d29718.html

[2] http://www.phattuvietnam.net/van-hoa/gioi-thieu-sach/25691-v%C5%A9-b%C3%ACnh-l%E1%BB%A5c-%C4%91i-t%C3%ACm-h%E1%BB%93n-thi%E1%BB%81n-trong-th%C6%A1-l%C3%BD-tr%E1%BA%A7n.html

[3] www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/21383002-.html+&cd=13&hl=vi&ct=clnk&gl=vn

[4] http://diendan.vtcgame.vn/showthread.php?1468365-Tac-gia-BUI-GIANG-con-hai-con-mat-khoc-nguoi-mot-con