Tiểu thuyết Tình Đời Đen Bạc của HOÀNG VĂN BỔN

TÌNH ĐỜI ĐEN BẠC

Tiểu thuyết của Hoàng Văn Bổn, Nxb Văn nghệ 1989

(Bài viết tham gia Hội thảo nhân kỷ niệm giỗ lần thứ 10 nhà văn Hoàng Văn Bổn)

Bùi Công Thuấn

Tình đời đen bạc-Hoàng Văn Bổn

Sự nghiệp văn chương của nhà văn Hoàng Văn Bổn tập trung ở những bộ tiểu thuyết sử thi viết về đề tài chiến tranh cách mạng như Miền Đất Ven Sông, Trên Mảnh đất này, Nước mắt giã biệt…ít người chú ý đến tác phẩm của Hoàng Văn Bổn viết về đề tài chống tiêu cực trong đời sống xã hội sau 1975. Tình đời đen bạc là một tác phẩm, theo tôi, các nhà văn hôm nay có thể học tập được nhiều điều khi viết về những mặt chưa tốt trong xã hội.

I.NHỮNG CÁI TIÊU CỰC TRONG XÃ HỘI SAU 1975.

 Tình hình kính tế, chính trị, xã hội nước ta từ sau 1975 đến trước “đổi mới” 1986 là rất khó khăn. Do ảnh hưởng khách quan tình hình thế giới và cũng do hậu quả chủ quan việc quản lý yếu kém của Nhà Nước trong cơ chế quan liêu bao cấp, nhất là tình trạng “ngăn sông cấm chợ”. Từ đó làm phát sinh nhiều mặt tiêu cực trong đời sống xã hội.

1.Đề tài về “Hiện tượng tiêu cực trong xã hội” có phạm vi rất rộng.

Báo cáo chính trị đại hội Đảng lần thứ VI (1986) nhận định: Hiện tượng tiêu cực trong xã hội phát triển. Công bằng xã hội bị vi phạm. Pháp luật, kỷ cương không nghiêm. Những hành vi lộng quyền, tham nhũng của một số cán bộ và nhân viên nhà nước, những hoạt động của bọn làm ăn phi pháp… chưa bị trừng trị nghiêm khắc và kịp thời. Thực trạng nói trên làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước.

Báo cáo chính trị đại hội Đảng lần thứ VII (1991) tiếp tục nêu những hạn chế: “Mấy năm đầu sau Đại hội VI, lãnh đạo chưa kiên quyết cuộc đấu tranh chống tiêu cực, trước hết là chống tham nhũng, chống buôn lậu. Chưa đề ra được các giải pháp có hiệu lực để khắc phục các bất công xã hội. Để kéo dài tình trạng kỷ cương, pháp luật không nghiêm.”…Tệ quan liêu, cửa quyền, nạn tham nhũng và các tiêu cực khác trong cơ quan đảng, nhà nước chưa được phát hiện kịp thời, đấu tranh mạnh mẽ và xử lý nghiêm minh, đang ảnh hưởng tới lòng tin của quần chúng đối với Đảng và Nhà nước…Trong xã hội còn không ít hiện tượng mất dân chủ, dân chủ hình thức, có nơi rất nghiêm trọng. Chủ nghĩa quan liêu, tư­ tưởng phong kiến, gia trưởng còn nặng. Đồng thời cũng xuất hiện những khuynh hướng dân chủ cực đoan, dân chủ không đi liền với kỷ luật và pháp luật.”

 Đại hội Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII năm 1994 còn xác định 4 nguy cơ trong đó nguy cơ nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội

 Báo cáo chính trị đại hội Đảng lần thứ XII (2016) nhận định: Nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh, nhất là các vấn đề xã hội và quản lý xã hội chưa được nhận thức đầy đủ và giải quyết có hiệu quả; còn tiềm ẩn những nhân tố và nguy cơ mất ổn định xã hội”.

 Trong những hiện tượng tiêu cực xã hội thì Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp,”( Báo cáo chính trị Đại hội Đảng lần thứ XI (12/01/2011).

Tình trạng này đã được nói đến trong nhiều báo cáo chính trị Đại Hội Đảng như Đại hội Đảng khóa VII (1991), khóa X (2006), khóa XII (2016).

2.Yêu cầu viết về cuộc đấu tranh chống tiêu cực

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCH trung ương Đảng (khóa VIII-1998) cũng nhận định: Nghiêm trọng hơn là sự suy thoái về đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ có chức, có quyền. Nạn tham nhũng, dùng tiền của Nhà nước tiêu xài phung phí, ǎn chơi sa đọa không được ngǎn chặn có hiệu quả. Hiện tượng quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân, kèn cựa địa vị, cục bộ, địa phương, bè phái, mất đoàn kết khá phổ biến. Những tệ nạn đó gây sự bất bình của nhân dân, làm tổn thương uy tín của Đảng, của Nhà nước.”

Và đề ra nhiệm vụ: “Đặc biệt khuyến khích các tác phẩm về công cuộc đổi mới thể hiện nổi bật những nhân tố tích cực trong xã hội, những nhân vật tiêu biểu của thời đại. Cổ vũ cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, với thiên nhiên; phê phán những thói hư tật xấu, lên án cái ác, cái thấp hèn.”

Nghị quyết số 23-NQ/T.Ư vềTiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” của Bộ Chính trị ngày 16.06.2008 cũng xác định chủ trương, giải pháp:

Trên nền tảng mỹ học mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh, khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; lên án, phê phán không khoan nhượng những tiêu cực, xấu xa đang cản trở sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam.”

3.Tình hình sáng tác văn học về đề tài những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. 

Văn học Việt nam từ những năm 1980 đã hình thành một dòng chảy mới. Bên cạnh dòng chảy văn học Cách mạng, xuất hiện những tác phẩm viết về phần hiện thực không cách mạng, hoặc mặt trái của Hiện thực Xã hội chủ nghĩa. Có thể kể đến Đứng trước biển (1982), Cù lao Chàm (1985- Nguyễn Mạnh Tuấn), Chiếc thuyền ngoài xa (1983-Nguyễn Minh Châu), Thời xa vắng (1984-Lê Lựu), Thiên sứ (1989-Phạm Thị Hoài) truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Tướng về hưu-1987), Nỗi buồn chiến tranh (Thân phận tình yêu 1987- Giải thưởng HNV 1991-Bảo Ninh), Bên kia bờ ảo vọng (1987) và Những Thiên đường mù (1988-Dương Thu Hương), Mảnh đất lắm người nhiều ma (1990-Nguyễn Khắc Trường), Chuyện kể năm 2000 (theo lời tác giả, tiểu thuyết này hoàn tất năm 1991), Cánh đồng bất tận (2005-Nguyễn Ngọc Tư), Ba người khác (2007-Tô Hoài), Thời của thánh thần (2008-Hoàng Minh Tường), Quán dương cầm (Đặng Thị Thanh Liễu- tạp chí Langbian Lâm Đồng số 75, 76 tháng 7, 8/2009), Bóng anh hùng (2009-Doãn Dũng)..

Ở Đồng Nai có thể kể đến Tình đời đen bạc (1989), Người điên nói chuyện người điên (1992) của Hoàng Văn Bổn, Chuyện ở dãy phố năm căn (1987)Phía sau khách sạn (2007) của Khôi Vũ, Địa Linh (2001) Phạm Thanh Quang, Ốc Mượn hồn (1992) Nguyễn Đức Thọ, tập thơ Trốn của Đào Trọng Thử (bài: Có một con ngáo ộp, Bài hát ấy quên rồi…)…

Tôi gọi dòng văn học này là văn học Nhân văn và dân chủ. Dòng văn học này không viết bằng phương pháp Hiện thực Xã hội chủ nghĩa và rất phức tạp về tư tưởng. Cho đến nay vẫn có những đánh giá trái chiều về giá trị của dòng văn học này. Đã có nhà văn phải lao đao “lên bờ xuống ruộng” khi in tác phẩm của mình. Trường hợp của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, hay Nguyễn Ngọc Tư là thí dụ. Ở Đồng Nai, nhà văn Khôi Vũ và Phạm Thanh Quang, nhà thơ Đàm Chu Văn cũng đã có trải nghiệm.

Vấn đề đối với nhà văn không phải ở đề tài cái tiêu cực, mà là góc nhìn và thái độ của nhà văn khi viết về cái tiêu cực, đặc biệt là mục đích về cái tiêu cực. Nếu viết về những mặt trái của hiện thực Xã hội chủ nghĩa với mục đích chính trị, thì đó là hành vi chính trị, không còn là sáng tác văn chương. Nhưng viết thế nào để tác phẩm đứng được là tác phẩm văn chương, điều ấy đòi hỏi tài năng và bản lĩnh nhà văn.

II.TIỂU THUYẾT ”TÌNH ĐỜI ĐEN BẠC

 Tiểu thuyết “Tình đời đen bạc” được in 1989, chắc chắn đã được nhà văn Hoàng Văn Bổn viết dưới ánh sáng của Đại Hội Đảng lần thứ VI (1986) về đổi mới toàn diện đất nước, đồng thời cũng trong dòng chảy các tác phẩm thời kỳ đổi mới văn học từ 1986. Văn học viết về cái đời thường, về những góc khuất, những biến đổi của xã hội Việt Nam khi chuyển từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, trong tiểu thuyết Tình đời đen bạc, Hoàng văn Bổn chỉ khai thác đề tài về tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng tại địa phương. Theo những chỉ dẫn trong tác phẩm (tr. 105) thì đó là bối cảnh xã hội Đồng Nai.

Truyện kể về sự tha hóa của cán bộ Năm Tăng (Trưởng Công an) và Ba Xôm (Trưởng Ty Thương nghiệp), có sự giúp sức của nhân vật “chú em” Đả Hổ (nhân vật bí ẩn) và Kiều Kim (Trưởng ty Lương thực, vợ Ba Xôm). Họ lợi dụng chức quyền mà tham những. Năm Tăng ký lệnh bắt giam nhiều cán bộ. Chúng câu kết nhau làm nhiều điều phi pháp. Xây biệt thự, tổ chức ăn chơi và gái gú. Tổ chức cho dân vượt biên để thu hàng ngàn cây vàng, móc ngoặc với gian thương trong nhiều hợp đồng ma. Những cô gái muốn xin được việc làm phải trả vàng và ngủ với Ba Xôm. Nơi phòng riêng của hắn, không biết bao nhiêu cô gái đã bị xâm hại. Chúng phạm nhiều tội ác như kiểu Mafia, kể cả việc thủ tiêu những người có hại cho chúng (nhân vật cô gái bán hàng mang số 13 bị đầu độc chết). Năm Tăng còn quan hệ với vợ bé quan chức gộc chế độ Sài gòn, định cùng ả, sau khi thu gom đầy vàng, sẽ trốn chạy ra nước ngoài. Rất tiếc, con vợ bé ấy và thằng “chú em” tham mưu đã bỏ lão đi trước, còn lão thì bị bắt, sau đó nhận một bản án thích đáng. Để đưa được Năm Tăng ra tòa, những cán bộ bị Năm Tăng bắt giam oan như Thái Râu, Tư Thọ… đã kiên trì đầu tranh, tập họp lực lượng đối mặt với hiểm nguy. Cuộc đấu tranh phối hợp với một mặt trận khác từ cấp Bộ và thường vụ Tỉnh ủy.

Căn cứ vào những dấu tích hiện thực được miêu tả trong truyện, người đọc dễ dàng nhận ra Hoàng Văn Bổn viết về vụ án Nguyễn Hữu Giộc, (còn gọi là Mười Vân) khi ấy là giám đốc công an tỉnh Đồng Nai. Mười Vân cặp với Cyrnos Kim Anh – vợ bé của Tổng thống Sài gòn Nguyễn Văn Thiệu, hãm hại nhiều người. Mười đã tổ chức hàng ngàn chuyến đưa người vượt biên, thu lời hơn nửa tấn vàng. Mười định cùng với Kim Anh sang Mỹ xây “lâu đài tình ái”, nhưng Kim Anh đã đi trước, gửi tài liệu, hình ảnh về nước tố cáo Mười.

TS.Dương Thanh Biểu là điều tra viên cao cấp vụ án, nguyên phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao – tác giả cuốn hồi ký “Theo dòng công lý” – cho biết. Khi ấy, Nguyễn Hữu Giộc bị truy tố với nhiều tội danh, trong đó có tội lạm dụng chức quyền và sử dụng trái nguyên tắc, pháp luật người bị giam (thả Kim Anh và nhiều tội phạm khác); tội cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án gây hậu quả nghiêm trọng (tạo chứng cứ giả để bắt oan, sai nhiều cán bộ cao cấp); tội tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài trái phép; tội tham ô tài sản XHCN (thu và chiếm đoạt 1.979 lượng vàng); tội nhận hối lộ; tội cố ý làm trái nguyên tắc, chính sách, chế độ, thể lệ kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản XHCN. Với những bằng chứng không thể chối cãi, ngày 1/11/1984, bản án sơ thẩm đồng thời là chung thẩm số 01-HS/SCT đã tuyên phạt Nguyễn Hữu Giộc án tử hình, còn một số bị cáo khác bị tuyên phạt tù có thời hạn.(http://www.nguoiduatin.vn/hau-vu-an-muoi-van-va-nhung-an-uc-trong-vu-that-thoat-hang-nghin-cay-vang-a107993.html)

Đây là vụ án có tính quốc gia hết sức nghiệm trọng, có những vấn đề nhạy cảm chính trị. Công chúng chỉ được biết khi báo chí đã đưa tin. Tôi không rõ nhà văn Hoàng Văn Bổn có được những nguồn tin chính thức để viết, và có được phép viết về những vấn đề “nhạy cảm” chính trị hay không. Dẫu thế nào thì vẫn có nhiều điều rất khó đối với ông:

Trước tiên là chọn cách viết. Ông sẽ viết theo kiểu phóng sự pháp đình hay kiểu tiểu thuyết hình sự? cả hai kiểu viết này là kiểu báo chí đưa tin, đòi hỏi phải có tư liệu đầy đủ và chính xác. Tôi nghĩ Hoàng Văn Bổn có thể gặp khó.

Viết về những cán bộ Đồng Nai đang tại chức cũng là việc thật khó khăn. Chỉ nghiêng lệch ngòi bút một chút là “có vấn đề” ngay. Trong tác phẩm, nhà văn đã viết về các lãnh đạo cấp cao như Bí thư Tỉnh ủy (nhân vật Sáu Nghĩa), các vị trong Thường vụ Tỉnh ủy và các cơ quan ban ngành như Giám đốc Ty Thương nghiệp (nhân vật Ba Xôm), Phó Giám đốc Ty Lương Thực (nhân vật Kiều Kim), Giám đốc Công An Tỉnh (nhân vật Năm Tăng), Chỉ huy lực lượng vũ trang Tỉnh (nhân vật đại tá Sơn Tiêu)…Viết thế nào để tác phẩm đạt tính chân thực nghệ thuật, vừa không gây ra ngộ nhận về những cán bộ đương chức, điều ấy khó khăn biết bao.

Và cái khó nhất đối với việc viết về những cái tiêu cực, là mục đích viết, viết để làm gì? Viết về vụ án, về những quan chức, đảng viên “gần 40 năm cầm súng chiến đấu cho Cách mạng” giờ tha hóa, phản bội lại Cách mạng, thì nhà văn nói gì với nguời đọc? Bản thân sự việc đã mang nhiều ý nghĩa tiêu cực. Trong tác phẩm, nhà văn Hoàng Văn Bổn cũng đã miêu tả sự hoang mang của các Đảng viên chân chính, của quần chúng trước sự tồn tại của Năm Tăng và Ba xôm cùng những tội ác của chúng. Sự việc rành rành ra vậy, làm sao nhà văn tránh sa vào kiểu miêu tả “Hiện thực phê phán”?

Nghĩa là, nhà văn Hoàng Văn Bổn phải đối mặt với những thách thức hết sức khó khăn, đòi hỏi tài năng, bản lĩnh và một trái tim giàu tình cảm cách mạng mới có thể đem đến cho người đọc những điều mà báo chí, thông tin không thể đem lại.

III.Văn chương nghiền ngẫm hiện thực

Tình đời đen bạc”không thuật lại vụ án như tường thuật báo chí. Hoàng Văn Bổn hư cấu hoàn toàn nội dung câu chuyện. Chương mở đầu là tâm trạng Năm Tăng trong tù trước ngày thi hành án. Ông ta muốn về thăm mẹ. Các chương sau đó miêu tả hành động của nhân vật Thái Râu, một người bị Năm Tăng bắt giam oan. Thái ở trong tù, rồi trốn tù đi gặp Tổng Bí thư, gặp Trung ương, sau đó trở lại nhà tù, và một thời gian rất lâu sau mới được phóng thích, được phục hồi quyền công dân, phục hồi Đảng tịch. Thái tìm đến nhà Năm Tăng để hỏi tội hắn (tr.39), tìm đến nơi ăn chơi của Ba Xôm, đi khắp nơi quan sát cuộc sống của nhân dân, của quan chức và suy gẫm. Thái về làm mía với anh ruột. Thái cùng Tư Thọ, cũng là người bị Năm Tăng bắt giam oan, hình thành một mặt trận đấu tranh. Những chương cuối, Bí thư tỉnh ủy Sáu nghĩa đến thăm Năm Tăng tại lãnh đại riêng của ông ta ở Vũng Tàu. Bí thư sáu Nghĩa và Thái muốn cứu Năm Tăng nhưng không được. Chương cuối, tác giả để cho Năm Tăng tự nhận tội. Trước khi kết thúc tác phẩm, Bí thư tỉnh ủy Sáu Nghĩa đệ đơn từ chức, nhận trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan Đảng đã để xảy ra sự việc.

Câu trúc tác phẩm như vậy đã làm mờ không gian, thời gian, diễn tiến sự việc vụ án. Nhà văn tập trung vào việc tra hỏi, nghiền ngẫm hiện thực về những vấn đề đã xảy ra. Tác giả muốn truy cho đến nguyên nhân của những suy thoái đạo đức và hành trình tội ác, và tìm cho ra giải pháp để xử lý vấn đế. Vì thế, Tình đời đen bạc tác phẩm đặt vấn đề, không phải là tác phẩm phản ánh hiện thực. Chất liệu đời thực về vụ án Mười Vân chỉ là đối tượng cho nhà văn nghiền ngẫm. Những nhân vật như Bí thư Tỉnh ủy Sáu Nghĩa, trưởng Công An tỉnh Năm Tăng, trưởng ty Thương nghiệp Ba Xôm, Phó Ty lương thực Kiều Kim… là nhân vật văn học, nhân vật tư tưởng thể hiện suy gẫm của tác giả về hiện thực, không còn là “nhân vật hiện thực” như vốn có trong đời thực. Nhờ vậy tác phẩm vượt qua được yêu cầu “phản ánh” của thể loại báo chí, và nói được nhiều điều những bản tin báo chí không thể nói được.

Nhân vật Thái Râu có thể được xem là hóa thân của tác giả. Thái bị bắt trong lúc đang cùng công nhân làm việc khiến mọi người bàng hoàng lo lắng, ngay sau đó hai kỹ sư trẻ bỏ trống sang Nhật. Ra tù trở về nhà, Thái thấy nhà mình đã có người khác đến ở (tr.60). Anh trở thành kẻ tứ cô vô thân, lang thang khắp nơi không biết trôi dạt về đâu. Trong mắt Thái hiện ra bức tranh xã hội đầy bất công và xuống cấp trầm trọng về đạo đức, không còn đâu là tình người. Đi giữa những phố xá ăn chơi làm anh ngỡ mình đang ở Hồng Kông hay Đài Loan (tr.66). Thái dạt vào chỗ Ba Xôm, anh bị Kiều Kim răn đe (tr.69) Ba Xôm nói với Thái: “Chính chúng mình sinh đẻ ra cái bộ máy này đây, cay đắng không ? Đại tá chính ủy??”(tr.69)…Lúc ở nhà lồng chợ tránh mưa, anh bị một ả gái điếm chào mời. Anh từ chối và bị bọn côn đồ gây sự. Ả gái điếm nói với Thái: ”Cháu nhớ ơn các chú vào đây để giải phóng chúng cháu. Nhưng giải phóng rồi các chú lại bỏ rơi chúng cháu, lại hành hạ chúng cháu đủ điều tệ hại…Chính các chú đã đẩy chúng cháu vào con đường tệ hại này…”(tr. 65). Thái đến các cửa hàng, chợ búa, trường học, nông lâm trường, các nhà máy khu công nghiệp, để xem xét, suy nghĩ bắt chuyện với nhiều người. “ Chủ yếu là anh muốn tóm thâu cái nguồn gốc vì sao tình hình lại xuống cấp thảm hại thế này, nhân dân, cán bộ, đảng viên chân chính lại đau khổ đến thế này”(tr. 74). Một lần đi xe đò về thành phố, anh chứng kiến cảnh ở một trạm thuế, cán bộ thuế vụ, công an, du kích ức hiếp một cháu bé và một cụ gìa, Thái đã phải can thiệp. Lúc ấy có đoàn xe bộ đội đi ngang qua, thấy tình hình căng thẳng, họ dừng lại. Cấp chỉ huy nhận ra Thái là Chính ủy cũ, vị chỉ huy ấy đã cùng với Thái giải cứu cụ già và cháu bé. Và vị chỉ huy ấy đã hỏi Thái một câu mà anh không trả lời được: “Tại sao mấy năm nay tình hỉnh lại tồi tệ trầm trọng đến vậy?”(tr.81). Thái chia sẻ với Tư Thọ suy tư của mình. Anh nói: “Trong mỗi người cầm quyền hiện nay đều có thiếu cái quan trọng nhất: Tinh thần vì dân, vì đất nước. Ta thiếu nhà yêu nước thực sự, một cấp ủy vì dân, vì đất nước, vì dân tộc”(tr. 90).

Trong tác phẩm, nhà văn Hoàng Văn Bổn đã suy gẫm và đặt ra nhiều vấn đề. Đó là vấn đề chảy máu chất xám (tr.159), vấn đề đất nước nghèo nàn lạc hậu và sự chênh lệch giàu nghèo giữa người dân và cán bộ (tr.160). Nguyên nhân nào làm tha hóa cán bộ (tr.164). Có cán bộ 40 tuổi Đảng, lúc 20 tuổi Đảng nằm trong nhà tù Mỹ-Diệm, 40 tuổi Đảng nằm trong nhà tù của Đảng (tr.54), nguyên nhân nào là đạo đức xã hội xuống cấp? (tr.75), làm khủng hoảng lòng tin (tr. 84)…

Câu trả lời của nhà văn là, trước tiên, những tiêu cực ấy xuất phát từ trình độ yếu kém của cán bộ (tr.128), Trưởng ty Thương nghiệp Ba Xôm chỉ học lớp 4. Chính Bí thư tỉnh ủy Sáu Nghĩa cũng tự nhận trình độ yếu kém của mình. Khái quát hơn, nhân vật Thái Râu nói rõ nguyên nhân của mọi nguyên nhân:”Cái tội lớn nhất của chúng tôi là quá say sưa với chiến thắng sau ba chục năm chiến đấu anh hùng, chúng tôi quá ấu trĩ, quá ngây thơ chính trị sau chiến thắng 1975 lịch sử…Chúng tôi tưởng rằng đã chiến thắng kẻ thù lớn nhất nhân loại như đế quốc Mỹ rồi, thì chúng ta sẽ làm được tất cả…Chúng ta đã lầm thảm hại…”(tr.116).

Ngoài ra trong cuộc đấu tranh xã hội còn có những thế lực chống lại Nhà Nước Xã hội chủ nghĩa. Các cán bộ như Năm Tăng, Ba Xôm còn bị “thế lực ngầm” này vẽ đường, làm tha hóa và khống chế. Nhân vật “chú em” Đả Hổ là đại diện cho một dạng của thế lực này. “Chú em” nói với Ba Xôm: “Một bước anh nhảy tót lên chức Trưởng Ty, lọt vào Tỉnh ủy, chị Kiều Kim nhảy lên chức Trưởng Ty…Tiền bạc, vàng cây cứ thế mà đội nón chạy ào ào vô túi anh chị. Anh tưởng là do tài năng của anh chị, do uy tín và thành tích chiến đấu của anh ba chục năm qua đấy à?” rồi hắn giảng cho Ba Xôm về thế lực ngầm (tr.155), “cái thế lực ngầm có sứ mạnh vô biên, chỉ huy tất cả…”. Nghe xong, Ba Xôm lạnh sống lưng, cảm thấy đang bị một thứ dây vô hình trói rất chặt, càng cựa quậy nó càng xiết mạnh…Năm Tăng cũng thú nhận sức mạnh ghê  gớm của cái thế lực ấy. Sau khi tòa kêu án, Năm Tăng cũng kêu lên: “Nếu có được tòa tha bổng, tôi cũng không thể nào sống được, bởi vì, cái thế lực tiêu cực với sức mạnh ma quái có mặt khắp nơi sẽ tìm cách giết tôi trong bóng tối…”(tr.173). Thực ra Năm Tăng thú nhận sức mạnh làm tha hóa cán bộ là do lòng tham, sự ấu trĩ chính trị, sự ngu dốt, quan liêu,… đúng như Báo cáo chính trị Đại hội Đảng khóa VI năm 1986 nhận định : ”Những sai lầm và khuyết điểm trong lãnh đạo kinh tế, xã hội bắt nguồn từ những khuyết điểm trong hoạt động tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ của Đảng. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân…”

Sau khi tìm hiểu, suy gẫm, Hoàng Văn Bổn đã giải quyết những vấn đề ấy thế nào? Trước hết nhà văn xác định trách nhiệm công dân của người cầm bút. Qua cuộc đối thoại giữa Thái Râu và người chỉ huy quân sự, nhà văn nhận định: “giai đoạn này, giai đoạn khủng hoảng lòng tin”. Qua lời cô Phó Bí thư tên Lệ, nhà văn nhấn mạnh thêm: “Đây là giai đoạn mới của Cách mạng. Đây là cuộc đấu tranh thực sự, phải chống lại kẻ phản bội…Phản bội lại quá khứ, phản bội lại cha ông, ân nhân, vợ chồng, truyền thống dân tộc…Phản bội lại chính bản thân họ trước đây”(tr.143). Thái nói: “Mình vẫn trở về đội ngũ, không thể để cho chúng nó phá tan thành quả cách mạng ba chục năm qua được…”(tr.84).

Trong giải pháp của mình, Hoàng Văn Bổn đã miêu tả một trận tuyến quần chúng rộng lớn, gồm các cán bộ đã về hưu như Thái Râu, Tư Thọ, các cán bộ trẻ như cô Phó Bí thư Lệ, cậu Út giám đốc con Tư Thọ, chỉ huy quân sự tỉnh Sơn Tiêu, và nhân dân sáu xã chiến khu, trực diện đấu tranh đối mặt với những cái tiêu cực như ở trạm thu thuế (tr.78), như trong cuộc họp dân với Bí thư Huyện ủy (tr.112). Phương pháp đấu tranh chống tiêu cực là phải đứng bên trong, phải dùng sức mạnh chính trị của nhiều lực lượng quần chúng kết hợp với các cơ quan ban ngành và sự lãnh đạo của Đảng. Chính Thái đã trốn tù đi gặp Tổng bí thư và Trung ương trình bày án oan của mình. Chính từ cấp bộ đến thường vụ Tỉnh Ủy họp bàn liên tục, đồng thời chính nhờ sự giúp sức tố cáo của cô gái bán hàng mang biển số 13, con của Tiểu đoàn trưởng Huỳnh Sơn, chính anh cảnh vệ của Năm Tăng đã theo dõi và cung cấp đầy đủ chi tiết về việc làm của “chú em” Đả Hổ, Ba Xôm (tr.169)…cuộc đấu tranh mới đạt được thắng lợi, nhưng gay go và tổn thất đau đớn.

IV.Thái độ của nhà văn

 Thái độ của nhân vật Thái Râu cũng chính là thái độ của nhà Văn. Đây là tâm trạng của Thái khi bị bắt giam oan trong tù: ”Nằm trong nhà tù của mình, tụi tui suy nghĩ nhiều điều lắm, trong đó có tình bạn, có chiến thắng, có cái thế lực tiêu cực quyền lực hiện nay…Cái thế lực tiêu cực ấy nó còn hại cách mạng, giết hại anh em đồng chí mình dài dài…Cay đắng lắm (Tr.39). Lời ả gái điếm làm Thái đau buốt đến óc: “Cháu nhớ ơn các chú vào đây để giải phóng chúng cháu. Nhưng giải phóng rồi các chú lại bỏ rơi chúng cháu, lại hành hạ chúng cháu đủ điều tệ hại…Chính các chú đã đẩy chúng cháu vào con đường tệ hại này…”(tr. 65). Câu nói này ám ảnh Thái và được nhắc lại nhiều lần trong tác phẩm (tr.115). “Bức tranh cuộc sống những nơi anh đi qua để lại trong tâm hồn anh một ấn tượng hết sức nặng nề, buồn thảm”(tr.75). Tại ngôi miểu quê hương, nghe bọn trẻ nói về dì Cúc, cô gái quan hệ với Ba Xôm, bị biệt kích bắn chết, Thái Râu nghẹn ứ ở ngực, ở cổ. Thái căm giận Ba Xôm đã dụ dỗ rồi bỏ rơi cô gái chết thảm.”Tự dưng hai dòng nước mắt chảy vòng vèo trên gò má hóp của Thái”(107).

Điều tác giả suy gẫm và thức tỉnh mọi người là thái độ tự nhận thức. Thái Râu nói với Bí thư Huyện ủy trong một cuộc đấu tranh trực diện với cái tiêu cực: “Theo tôi, ngày nay, muốn cho mọi việc tốt đẹp hơn, tất cả đảng viên chúng ta đều phải sám hối. Ba chục năm qua chúng ta đã giải phóng dân tộc, đã bảo vệ tổ quốc, nhưng cũng chính chúng ta lại làm khổ nhân dân, lại đày đọa nhân dân. Sám hối mới hòng làm sáng sủa lại cuộc sống cho nhân dân.”(tr115). Cũng trong cuộc đấu tranh này, khi nhắc đến sự hy sinh của hai triệu liệt sĩ, Thái đã khóc: “hai hàng nước mắt ròng ròng trên đôi má hóp, Thái râu nghẹn ngào không sao nói tiếp được…” và tác giả bình luận: “May sao những người cộng sản này còn khóc được…”(tr.117)

Nhà văn Hoàng Văn Bổn đau xót trước sự xuống cấp của xã hội, trước sự bất công ngày càng tăng lên, trước sự tha hóa và tội ác do những kẻ phản bội gây ra. Ông đã đứng về phía nhân dân trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực. Chỗ đứng, niềm tin và sức mạnh của ông là ở nhân dân, đồng đội. Đó là nhân dân 6 xã chiến khu (tr.130). Họ là lực lượng cách mạng trong kháng chiến hôm qua và cũng là sức mạnh cách mạng trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực hôm nay (tr.168). Là những người mẹ, người vợ, đằm thắm nghĩa tình cách mạng như nhân vật má Mười, người đã từng nuôi giấu Thái (tr.108), nhân vật người mẹ, người vợ Năm Tăng (tr.10). Là những đồng chí trung kiên như ông Tư Thọ, chỉ huy Sơn Tiêu. Là những đồng đội đã hy sinh. Đoạn tác giả miêu tả Thái Râu và đại tá Chỉ huy trưởng vào thăm nghĩa trang liệt sĩ tỉnh thật xúc động, ấm áp nghĩa tình. Thái có thêm ý chí và sức mạnh chiến đấu. Tác giả cũng tin vào lực lượng trẻ như cậu Út giám đốc con Tư Thọ, cố Phó Bí thư tên Lệ, nhà báo…

Trong cách lý giải và xử lý nhân vật Năm Tăng và Ba Xôm, Hoàng Văn Bổn đã đứng trên lập trường nghĩa tình cách mạng để xem xét, xử lý mọi vấn đề. Ông để cho nhân vật được sống trong nghĩa tình cách mạng mà thức tỉnh. Nhà văn không xử lý vấn đề bằng hình sự. Việc này là trách nhiệm xã hội của cơ quan Đảng và Nhà Nước. Ông cũng không dựng lại các hành vi tội ác của Năm Tăng và Ba Xôm, mà chỉ tường thuật thông tin gián tiếp. Không coi Năm Tăng và Ba Xôm là kẻ thù phải tiêu diệt. Nhà văn để Năm Tăng về thăm mẹ già 90 tuổi, nghe người mẹ nhắc lại những tháng ngày sống, chiến đấu đầy ắp nghĩa tình. Nhà văn cũng để đồng chí Bí thư tỉnh ủy Sáu Nghĩa đích thân đến thăm Năm Tăng ở lãnh địa Tếchdát (Texas) của ông ta. Sáu Nghĩa bày tỏ thái độ trách nhiệm và nỗi đau xót trước sự việc đồng chí phải quay mặt với nhau, nhưng ông thẳng thắn, chân tình khuyên Năm Tăng: “Phải nghiêm khắc xem lại cách sống, sinh hoạt của anh…Không được! không thể buông thả kiểu ấy được. Bạn bè, tôi nói thẳng với anh điều ấy”(tr.130). “Nỗi đau lớn nhất của Thái Râu và Sáu Nghĩa Bí thư tỉnh ủy là không còn cách nào cứu được Năm Tăng”. Trước tòa án, Năm Tăng cũng nói để minh oan cho Sáu Nghĩa. Kết thúc tác phẩm Bí thư tỉnh ủy Sáu Nghĩa xin từ chức. Đó là đạo đức, là lòng tự trọng của một người có trách nhiệm. Đó cũng là hành động tự thức tỉnh, tự xám hối. Hơn hết, đó là giải pháp giàu tình cảm các mạng nhà văn dành cho nhân vật.

Lời kết

Ở tác phẩm Tình đời đen bạc, tôi thấy nghệ thuật viết tiểu thuyết cũa Hoàng Văn Bổn có những bước tiến xa so với nhiều tiểu thuyết khác của ông.

Trước kia ngòi bút của ông chỉ tập trung phản ánh hiện thực thì nay, ông tập trung nghiền ngẫm hiện thực. Trước kia ông kể truyện khá tự nhiên theo tuyến thời gian, không gian, sự việc, thì trong tác phẩm này, ông cấu trúc các chương làm mờ ranh giới thời gian, không gian để nhân vật hiện lên ở chiều sâu. Câu văn của ông trau chuốt và giàu hình ảnh biểu cảm hơn so với kiểu câu văn trần trụi có tính quần chúng. Năng lực sáng tạo, sắp xếp bố trí các nhân vật, tình tiết thật khéo léo. Thí dụ, sự xuất hiện dần dần của nhân vật cô bán hàng mang biển số 13. Chỉ khi cô bị dẫn làm gái cho Năm Tăng thì y mới phát hiện cô là con của tiểu đoàn trưởng Huỳnh Sơn cùng sư đòan với y, điều này làm thức tỉnh lương tâm Năm Tăng. Và sau cùng, khi cô bị kẻ xấu đầu độc chết, người đọc mới biết tên cô là Trà Ngân. Nhân vật này gây được ấn tượng đặc biệt về tội ác của Năm Tăng, Ba Xôm, cũng là nhân vật kiên cường trong cuộc đấu tranh và là người chịu hy sinh đau đớn nhất trong cuộc đấu tranh.

Tác phẩm này, một lần nữa khẳng định tài năng, bản lĩnh và tâm huyết nhà văn Hoàng Văn Bổn trong giai đoạn mới của Cách mạng. Xuyên suốt các tác phẩm của ông là ánh sáng lý tưởng cách mạng, là lối sống nghĩa tình cách mạng, là dám nhìn thẳng vào những vấn đề gai góc của cuộc đấu tranh, là nói thẳng ra những vấn đề mà nhà văn non tay, kém bản lĩnh không thể viết. Chẳng hạn, trong tác phẩm này, ông để cho nhân vật người cộng sản tự nhận lỗi về mình, và ông kêu gọi người cộng sản sám hối thì mới mong làm cho tình hình sáng sủa. Ông cũng không ngại để cho nhân vật so sánh tình hình sau 1975 với trước 1975.(đứa bé hàng xóm nhà mẹ Năm Tăng nói với Năm Tăng rằng: “Người ta nói bác hay bắt người, giam người lắm, chẳng khác Mỹ ngụy ngày xưa”-tr.149)

Tuy những vấn đề được đặt ra trong Tình đời đen bạc đã là quá khứ, nhưng có thể khẳng định nhà văn Hoàng Văn Bổn đã đóng góp một cách viết tiểu thuyết khá thuyết phục về đề tài chống tiêu cực. Tôi đọc được giá trị ngòi bút Hoàng Văn Bổn trong tinh thần nghị quyết 23 của Đảng:Trên nền tảng mỹ học mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh, khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; lên án, phê phán không khoan nhượng những tiêu cực, xấu xa đang cản trở sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam.”

Tháng 4 năm 2016