Nhà nghiên cứu Công giáo PHẠM ĐÌNH KHIÊM

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

Các nhà nghiên cứu Văn học Công giáo

PHÊRÔ PHẠM ĐÌNH KHIÊM (1920-2013)

Bùi Công Thuấn

***

lm Antôn Nguyễn Trường Thăng& nhà nghiên cứu Phạm Đình Khiêm

Phêrô Phạm Đình Khiêm [[1]] sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo ở Ninh Bình (Giáo phận Phát Diệm). Ông từng tu học tại Tiểu Chủng viện Thánh Giuse – Ba Làng (Thanh Hóa). Năm 1942 (22 tuổi), ông là chủ bút bán nguyệt san Thanh Niên. Năm 1949, tại Sàigòn, ông viết tác phẩm “Người chứng thứ nhất”. Tác phẩm là “chứng cứ” có giá trị trong việc phong Chân phước cho Thầy giảng Anrê Phú Yên. Ngoài ra Phạm Đình Khiêm còn viết chung với Võ Long Tê cuốn Như hương trầm bay lên nhân kỷ niệm 70 năm ngày mất Hàng Mạc Tử. Nxb Tôn giáo 2010)

Ông còn là một nhà dịch giả nhiều tác phẩm như: Mẹ tôi, Tình Cha, Thánh Giuse tuyệt diệu, Đức Giêsu quang lâm giữa dòng thời gian theo các văn bản Tân Ước
ông có các bút danh: Kiêm Ngôn, Hưng Bình, Thanh Nghị, Dục Đức, Đức Khiêm.

PHẠM ĐÌNH KHIÊM-NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Đã có một cuộc tọa đàm về cuốn sách Người chứng thứ nhất của Phạm Đình Khiêm được tổ chức tại hội trường Hoa Viên Hiệp nhất Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn lúc 19.30 tối ngày 8.9.2006. Nhà nghiên cứu Phạm Đình Khiêm đã lược tóm cuộc hành trình tìm về lịch sử thầy giảng Anrê Phú Yên. Trong buổi tọa đàm này còn có bài chia sẻ của Lm Giuse Trương Đình Hiền, giáo sư Lê ngọc Bích và của nhà thơ Phạm thị Thái Quí [[2]]

Viết về Anrê Phú Yên, Phạm Đình Khiêm thưa với độc giả:

“Áp dụng phương pháp khoa học trong sự tìm tòi và đường lối nghệ thuật trong cách xây dựng, chúng tôi mong ước vị anh hùng sẽ sống lại trước mắt bạn đọc, trong bối cảnh lịch sử của thời đại người, với những rung động, cảm nghĩ, khát vọng của người, từ chỗ thâm sâu nhất của tâm hồn phát xuất ra hành động.

Với tất cả lòng thành kính, chúng tôi dâng sách này trước đài kỷ niệm 130.000 vị tử đạo Việt Nam trong ba thế kỷ: Thầy giảng Anrê Phú Yên chẳng những là người đã mở đầu dòng dõi oai hùng ấy (protomartyr), mà còn là vị tử đạo điển hình của Giáo hội Việt Nam”.

Chúng tôi trân trọng cống hiến sách này cho toàn thể đồng bào, không phân lương giáo: Vị tử đạo Anrê, trước khi là tín hữu và tử đạo, đã và vẫn mãi mãi là người Việt, mà tín ngưỡng Công giáo đã đặt lên đài vinh quang, với những nhân đức làm vinh dự chung cho cả giống nòi.

Và bởi vì Anrê Phú Yên là bông hoa hàm tiếu của vườn xuân, làm sao tôi có thể quên không gởi những trang chân thành này đến các bạn thanh niên nam nữ ở giữa dòng đời cũng như nơi tu viện, đang tha thiết sống và yêu?

… Thì đây, cuốn sử của một thanh niên đã sống và đã yêu – yêu tuyệt đối để sống muôn đời!”[[3]]

***

            Phạm Đình Khiêm viết Người chứng thứ nhất ở dạng tác phẩm biên khảo. Ông không phục dựng hình tượng Anrê Phú Yên bằng nghệ thuật tiểu thuyết.

TRÍCH TÁC PHẨM “NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Chương X: Ý nghĩa một cái chết

“Năm giờ chiều. Cùng với ngày tàn, ngôi sao của Giáo hội sơ khai sắp rụng! Bốn mươi người lính dưới quyền chỉ huy của một cai đội, được lệnh đưa thầy giảng Anrê đi xử. Họ đến mở cửa tù, song không tháo gông cho thầy, chỉ bảo thầy đi theo. Thầy chẳng đợi kêu đến lần thứ hai, mỉm cười từ giã các giáo hữu đến thăm, dặn họ cầu nguyện cho sự hy sinh thầy sắp chịu, rồi vui vẻ lên đường “không khác nào như được mời đi dự tiệc cưới”, theo lời cha Đắc Lộ.1

Linh mục Bỉnh thuật rằng: Một người lính đi trước thỉnh thoảng ra lệnh “Vì theo đạo Portuguès thì phải phạt”.2 Hai người lính khác khiêng thanh la, một người đánh: tiếng thanh la ngân vang sầu thảm cả phố phường. Các lính khác võ trang bằng giáo, đòng và mã đao, nối nhau đi hai hàng nghiêm chỉnh. Thầy giảng Anrê đeo gông đi giữa, do một người lính áp giải, tay trái y nắm đầu gông thầy, tay phải cầm một ngọn giáo hai lưỡi, mỗi lưỡi dài tới hai gang, rộng bằng ba ngón tay.

Dân chúng lương và giáo, đi theo rất đông, như một đám rước, để chứng kiến sự can đảm của thầy. Dĩ nhiên cha Đắc Lộ và nhóm thương gia Bồ Đào Nha cũng có mặt trong cuộc tiễn hành tối hậu này.

Bọn lính đi sau. Thầy Anrê mặc dầu đeo gông nặng cũng đi mau lẹ, khiến người ta nhớ đến câu Kinh thánh: “Curramus ad propositum nobis certamen: Ta hãy xông vào trận chiến đang chờ ta!”3. Muốn theo kịp, cha Đắc Lộ và những người bđn cứ phải chạy 4. Dọc đường thầy giảng Anrê tỏ ra rất bình tĩnh, vui vẻ, vừa đi vừa giảng đạo cho những người lính gần mình, ước mong cho họ được cứu rỗi. Giáo sĩ Đắc Lộ thường đi sát luôn bên cạnh thầy để yên ủi và khuyến khích thầy. Thỉnh thoảng bọn lính xô người ra, nhưng giáo sĩ lại áp tới. Giáo sĩ thuật rằng:

“Chúng tôi đi qua tất cả các phố lớn ở dinh Chiêm rồi đến một cánh đồng cách xa hai ngàn bước, là nơi để thầy giảng Anrê chiến đấu và thắng trận.”5

Lễ phẩm đầu mùa

Tới pháp trường, viên chỉ huy dừng lại, toán lính bao vây lấy thầy giảng Anrê. Thầy tự ý quỳ xuống, mắt nhìn trời, cầu xin Ơn Trên giúp sức.

Lúc ấy, giáo sĩ Đắc Lộ khổ tâm vô cùng, vì bọn lính bắt người ở ngoài vòng vây của họ. Giáo sĩ năn nỉ cùng viên chỉ huy:

“Thanh niên này chẳng khác nào như con tôi, vì tôi đã rửa tội cho anh và đã nuôi nấng anh trong nhà tôi trọn ba năm. Tôi đã chẳng có phương thế để cứu sống anh, thì bây giờ tôi nài xin ông vui lòng cho tôi được giúp đỡ anh ít là trong giờ lâm chung này”.6

Ông ta liền cho phép ngay. Giáo sĩ tiến lại gần thầy Anrê, ôm lấy thầy, khuyến khích thầy.

Giáo sĩ có nhờ người ta mua và mang sẵn mấy cái chiếu rất đẹp, mới tinh. Lúc ấy giáo sĩ trải chiếu ra, muốn cho thầy Anrê quỳ trên đó, để máu trong sạch đổ ra không rơi xuống đất. Thầy khiêm nhường từ chối, xin giáo sĩ bằng lòng cho thầy quỳ yên như trước, để được bắt chước Chúa đã đổ máu xuống đất. Giáo sĩ không dám cưỡng nhân đức khiêm nhường của thầy. Thế là thầy Anrê vẫn quỳ như trước, hai gối sát đất, hai tay chắp lại, mặt bình tĩnh, mắt nhìn trời.

Quân lính tháo gông ở cổ thầy ra để xuống đất rồi lấy thừng trói ngang người. Biết đã đến giây phút tối hậu, thầy giảng Anrê quay lại phía các giáo hữu để từ giã họ lần sau hết. Ở đây, giáo sĩ Đắc Lộ có thuật bằng tiếng Pháp lời từ biệt của vị tử đạo, dịch như sau:

“Hỡi anh em, ta hãy trung tín cùng Đức Chúa Trời cho đến chết; cho đến chết, không một điều gì có thể dập tắt lòng kính mến Chúa Giêsu Kitô trong trái tim ta”.7

Nhưng may mắn hơn, tài liệu tiếng bđn đã phiên âm và ghi chép trực tiếp câu nói tiếng Việt mà vị tử đạo nói ra lúc ấy, chẳng những để từ biệt các giáo hữu có mặt, mà còn như lưu lại chúc thư cho đời sau:

“Junghiao cũ dúe choé Jesu cho den est eoj cho den blen doj”8

Viết theo chính tả ngày nay, và nói trọn câu là: “Hỡi anh em, chúng hãy giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”.

Đến đây, thầy giảng Anrê phó mình trong tay Đức Mẹ, Nữ vương các thánh tử đạo. Thầy đọc kinh “Kính Mừng” nhiều lần rất sốt sắng9, và kêu tên Chúa Giesu và Đức Mẹ Maria tỏ tường nhiều lần.10

Người lý hình biết rằng đây là kẻ lành, cho nên trước khi hành quyết, y ngửa mặt lên trời, kêu lớn tiếng: “Lạy Trời, nếu tôi có phạm tội vì giết người này, thì xin tha cho tôi, vì tôi chỉ là người thừa hành”11. Nói rồi, y tiến đến sau lưng thầy Anrê, đâm một mũi giáo vào khoảng giữa hai bả vai, xuyên từ sau lưng ra trước ngực, thò ra ngoài tới hai gang tay.

Đến đây, chúng tôi xin nhường lời cho giáo sĩ Đắc Lộ:

“Thầy Anrê từ trước vẫn nhìn trời, lúc ấy quay mặt lại phía tôi, nhìn tôi rất âu yếm để từ biệt. Tôi thú thật rằng cái nhìn ấy là một lưỡi giáo đâm qua trái tim tôi, và làm cho đôi mắt tôi tuôn lệ ròng ròng, miệng tôi nghẹn ngào nói không nên lời.

“Tuy nhiên tôi cũng cố hết sức ngỏ lời cùng thầy: “Hỡi con Anrê, hãy nhìn lên trời, kìa Chúa chúng ta, Giêsu Kitô, Thần nhân từ của con, đang đưa triều thiên ra cho con, chỉ một lát nữa con đã ở bên Người trên thiên đàng, Người đang đứng ở cửa mà chờ con”. Bấy giờ thầy ngửa mặt nhìn trời, và cứ nhìn như vậy mãi, trong mỗi giây phút còn sống, miệng không ngớt đọc tên cực trọng: Giêsu! Maria!12

“Người lính lúc này, rút cây giáo lại, rồi đâm một lần nữa, và một lần nữa, như muốn tìm cho trúng trái tim.

“Tôi mê hồn nhìn thấy người thanh niên chân phước kia, lúc ấy quỳ gối, và đã bị đâm ba lần ở sau lưng, chẳng những không ngã quỵ, mà lại không hề lay chuyển; thầy được vững mạnh như vậy trong ơn thánh sủng nâng đỡ thầy; thầy vẫn luôn luôn không chuyển động, và tôi thấy diện mạo của thầy không mất chút nào vẻ bình thản cũng như về màu sắc. Người ta có thể tưởng như không phải thầy bị đâm, hoặc giả là thân xác thầy có sức tự nhiên bất động. Bấy giờ một người lính khác sốt ruột, hay là động lòng thương hại một con chiên bị khổ hình quá lâu, không nói nửa lời, tuốt gươm ra, chém một nhát mạnh vào cổ bên trái, vì thầy hơi nghiên đầu về phía tay mặt, nhưng người ấy thấy lát thứ tư này, cũng như ba lát trước, không làm cho thầy ngã xuống, họ lại chém một lát nữa ở phía trước, cắt đứt hết cuống họng, làm ngã hẳn đầu, chỉ còn dính sơ vào một chút da.

“Có lẽ người ta khó lòng tin điều tôi sắp nói sau đây, nhưng tôi nói quyết, với tất cả một lòng thành thực, rằng tôi không hề nói điều gì mà tôi không biết thật chắc chắn và không đích thân nghe thấy.

“Người thanh niên thánh thiện này (như trên đã nói) vẫn không ngớt đọc thánh danh Chúa Giêsu; ngay lúc đầu thầy đã rời khỏi cuống họng, và nằm ngả trên vai bên phải, tôi nghe thấy rõ ràng tên cực trọng Giêsu ấy phát ra từ vết thương nơi cổ, cùng một giọng giống hệt như từ cửa miệng phát ra lúc trước; tôi nghe thấy thế rất rõ ràng và tất cả những người gần tôi lúc ấy đều nói như vậy, vừa vui mừng lại vừa kinh ngạc.

“Thánh danh Giêsu không thể phát ra đàng miệng thầy nữa, thì lại phát ra từ trái tim thầy, ngay đang lúc thôi đập, để tỏ rằng trái tim này dầu có chết, cũng còn giữ mãi thánh danh kia, và khi không thể dùng miệng lưỡi mà ca ngợi tên Giêsu được thì thầy dùng chính vết thương mình mà ca ngợi danh Chúa.

“Thầy Anrê muốn được bằng số vết thương của Chúa, thầy chỉ nhượng bộ, và chỉ bỏ mình sau thương tích thứ năm, như vậy là muốn hoàn toàn bắt chước Chúa Giêsu trong mọi sự.

“Bấy giờ, xác thầy mới ngã xuống đất, và linh hồn thong dong bay về trời; viên cai đội và quân lính lập tức rút về, chỉ còn chúng tôi và các giáo hữu ở lại, vây quanh thánh cốt. Tôi đã mang sẵn một tấm vải trắng lớn, dùng vải ấy liệm xác thầy; bao nhiêu máu chảy ra tự năm nguồn mạch oai hùng kia, tôi vẫn giữ từ ngày ấy như một thuốc thơm và một linh dược chữa mọi bệnh nạn.

“Tất cả các bổn đạo cùng làm như vậy, nhất là những người Bồ Đào Nha , họ hứng lấy mọi giọt máu đào kia, lấy làm quý hơn hết các kho tàng.

“Một trong những người đó có tên là Francisco de Azevedo Tokera đòi cho kỳ được tấm áo của thanh niên có phước kia mới bằng lòng; ông ta muốn lấy áo ấy và nói rằng ông sẽ giữ mãi trong nhà mình, như một linh dược chữa mọi bệnh nạn hiểm nghèo, vì áo ấy đã được đâm thủng và được nhuốm máu trong một cuộc chiến đấu do đó mà Chúa Giêsu Kitô đã ban triều thiên cho một vị tử đạo mới của Giáo hội.

“Người ấy chẳng lầm trong sự hy vọng của mình vì ít lâu sau, trở về Ao Môn, thấy vợ mắc bệnh cực nguy nan và hầu như không phương cứu chữa, bỗng nhớ đến báu vật của hiền nhân Anrê, ông ta không hề  e thẹn với các thầy thuốc, lấy áo kia ra, đắp lên mình người vợ gần hấp hối; xác bà ấy vừa chạm đến áo, cơn rét liền lui ngay, và bà được lại sức khoẻ, khiến cả thành phố ngạc nhiên. Chính ông ta đã kể lại với tôi việc này khi tôi trở lại Ao Môn để lên đường về Au Châu. Đức Chúa Trời đã trọng kẻ trung thành xưng danh người như vậy.”13

__________

Chú thích

(1) A.R Glorieuse mort, tr.50. Có chỗ nói 30 lính (Summarium III, tr.265)

(2) Ph.B, Truyện Đàng Trão, tr.75. Đạo “Portuguès”: đạo của người bđn” – Lúc giáo sĩ Buzomi mới đến Đàng Trong năm 1615, thấy người trong xứ quen gọi đạo Công giáo là đạo “Hoalaom” (Hoa Long: chỉ người bđn, và nói rộng ra tất cả người Au), giáo sĩ đã cải chính và gọi là đạo “Christian” (đạo Kitô) (Relation Borri, trong B.A.V.H, 1931 tr.340). Đến đời cha Đắc Lộ thì các danh từ Thiên Chúa, Thiên Chúa giáo, Giatô, Giatô hội đã phổ thông ở Việt Nam, phần lớn do các sách chữ Hán của Matteo Ricci. Tuy nhiên, nhiều người theo thói quen chắc vẫn còn gọi đạo “Hoa Long”, cho nên Philipphê Bỉnh chép theo tiếng bđn là đạo “Portuguès”.

Danh từ “Hoa Long” cũng có thể là tiếng chỉ người Hòa Lan.

(3) Thư cho dân Hébreux XII, 1

(4) Ph.B, Truyện Đàng Trão, tr.74-75

(5) A.R Glorieuse mort, tr.50. Sau đây sẽ nói rõ địa điểm này

(6) A.R Glorieuse mort, tr.50

(7) A.R Glorieuse mort, tr.53

(8) Relacao, chương 11 – Ph.B, Truyện Đàng Trão, tr.76, cũng có ghi lời từ biệt tương tự: “xin anh em hãy ở cho vững vàng mà giữ Đạo cho đến blọn đời mình, mà đừng có blo buồn sự mh (viết tắt: mình), são (đọc: song) le cầu xin cũ (đọc: cùng) Đức Chúa Blời cho mình đe (được) giữ nghĩa cũ (cùng) Đức Chúa Jêsu cho đến khi hết hơi, cũ (cùng) đời đời”.

(9) Relacao, chương 11

(10) A.R Glorieuse mort, tr.77

(11) A.R Glorieuse mort, tr.77

(12) Ở đoạn này (Glorieuse mort) cha Đắc Lộ không thấy ghi tên Maria, song trong Relation Progrès Foi, tr.54, người có ghi rõ Maria, nên chúng tôi thêm vào cho đủ. Đối chiếu: Sumarium III, tr.265-266.

(13) A.R Glorieuse mort, tr.54-60. Đối chiếu: Sumarium III, tr.261-281.

***

PHẠM ĐÌNH KHIÊM-NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG THI CA CÔNG GIÁO

Trong bài viết: “Nhìn qua những chặng đường thi ca Công Giáo Việt Nam”(Tọa đàm về văn hóa Công giáo Việt Nam, tại tòa Tổng Giám mục Huế, 10/2000),Phạm Đình Khiêm giới thiệu:chúng tôi gợi qua những nét nổi bật về mỗi thời kỳ với các thi nhân và các tác phẩm tiêu biểu, thể hiện bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ “Quốc ngữ” và cả Pháp ngữ”[[4]].

Nội dung bài viết được trình bày như sau:

I.Thời kỳ gieo trồng: (giới thiệu:)

Công nương Catarina, giáo sĩ Majorica, thầy giảng Phan-chi-cô (cựu hòa thượng), thầy giảng Gioan Thanh Minh (1588-1663), Lm Lữ – Y Đoan (1613? – 1678), Raphael Đắc Lộ (1611 – 1687),

II.Thời kỳ bồi đắp: (giới thiệu:)

Inê tử đạo vãn,

Lm Philiphê Bỉnh, sinh năm 1759, lưu vong trên 30 năm tại Lisbonne. Kho tàng tác phẩm được bảo tồn ở thư viện Vatican.

Linh mục Đặng Đức Tuấn (1806-1874), (giới thiệu tên tác phẩm)

Thánh Tử đạo Phan văn Minh (1815-1853), tác phẩm Phi Năng thi tập (giới thiệu nội dung tác phẩm).

Lm Trần Lục (1825-1899): “Ba tác phẩm bằng thơ lục bát sau đây của Cụ đã đi sâu vào lòng dân chúng và tồn tại mãi mãi: Hiếu tự ca, 1088 câu; Nữ tắc thường lễ, 1016 câu; Nịch ái vong ân, 440 câu”.

Ông Nguyễn Trường Tộ (1830-1871 ). Phạm Đình Khiêm nhận xét: “Thực ra thơ của Nguyễn Tiên sinh không nhiều, nhưng đủ nói lên tấm lòng của ông đối với đất nước, ưu tư của ông trước thời cuộc”; “Thơ của Nguyễn Tiên sinh không trực tiếp hướng về tôn giáo, nhưng vì ông là người có đức tin mạnh mẽ thì đương nhiên đức tin đó soi dẫn mọi hành vi ngôn ngữ của ông, nhất là thi ca, vì thi ca là tiếng nói của con tim”.

Ông Trương Vĩnh Ký (1837-1898). “Đối với thi ca ông là người có công đầu trong buổi giao thời. Ông là người đầu tiên xuất bản quyển Kim Vân Kiều của Nguyễn Du bằng chữ quốc ngữ (1875)…”

III.Thời kỳ nở hoa:

Phạm Đình Khiêm nhận xét:

Thế kỷ XX đưa thi ca Công Giáo rầm rộ đi vào thời kỳ nở hoa, mặc dù chưa phải là trăm hoa đua nở. Đồng cảm với người đồng thời, các nhà thơ công giáo cũng hăng say với thơ mới, mặc dầu vẫn còn nhiều lưu luyến với thơ truyền thống”

Ông Nguyễn Hữu Bài, tự Phước Môn (1863-1935). Thơ Nôm Phước Môn (1959), gồm 69 bài Đường luật

Linh mục Giuse Maria Nguyễn Văn Thích (1891-1979), tự Sảng Đình. Tác phẩm: Sảng Đình thi tập (Nguyễn Hữu Bài đề tựa, nguyệt san Vì Chúa ấn hành (Huế,1943).

Hàn Mạc Tử (1912-1940) (giới thiệu tiểu sử và tên tác phẩm): Gái quê, Đau thương (còn có tên Thơ Điên), Xuân như ý, Thượng thanh khí, Cẩm châu duyên, và hai vở kịch –Duyên kỳ ngộQuần tiên hội (đang viết dở).

Ông Phạm Đình Tân (1913-1992), tập thơ Tiếng Thầm (1952).

            Xuân Ly Băng (Đức Ông Gioan Baotixita Lê Xuân Hoa), giới thiệu các hướng sáng tác: Hướng Kinh thánh, hướng tâm linh, hướng vào đời, hướng lịch sử, hướng giáo dục

            Ông Võ Long-Tê, bút hiệu Phương Tùng (sơ lược tiểu sử và tên tác phẩm).

            Ông Lê Đình Bảng lúc 12 tuổi đã làm một bài thơ lục hát dài 128 câu. Giới thiệu tên các tác phẩm: Bước chân người Giao Chỉ (1967), Hành hương (1994), Lời lự tình của bến trần gianQùy trước đền vàng.

            Hồ Dzếnh (1916-1991), tác phẩm Đầu Xuân được nhà nghiên cứu Võ Long Tê coi như một “Tuyên ngôn Văn chương Công giáo Việt Nam”.

            Bàng Bá Lân (1912-1988) (giới thiệu tên vài bài thơ đạo của Bàng Bá Lân).

            Các tác giả khác:

            Tống Viết Toại (Phúc âm diễn ca, 1956),

Mai Lâm (Thánh Vịnh toàn lập, 1958),

Long Giang Tử (cũng Phúc âm diễn ca, 1975),

            Lm An Sơn Vị: tác phẩm Ngũ kinh, Thánh vịnh Thánh ca, Tân ước (1993- 1998)

Lm Maria Duce Xuân Văn, tác phẩm: Sứ Diệp Tình Thương (1998)

Lm Giuse Đinh Cao Thuấn, tác phẩm Trường Ca Cứu Dộ – Ca Vang Lời Chúa, Đường Về Đất Hứa (1998-1999).

Linh mục J.B. Cao Vĩnh Phan, tác phẩm Trường Ca Dân Chúa, là liệu giáo lý Thánh Kinh bằng Thơ lục bát viết theo Histoire Sainte des Petits Enfants của văn hào Daniel Rops.

            Lm Trăng Thập Tự (Võ Tá Khánh), tác phẩm: Trường Ca An-rê Phú Yên (1994); Chùm thơ vinh quy tặng Chị (1997); và Thơ Thánh Gioan Thánh Giá cuốn Góp nhặt thơ Công giáo Việt Nam (1999).

            Nhà thơ Đơn Phương, một người đồng bệnh với Hàn Mạc Tử, tác giả Vườn Xuân Thánh, kịch thơ sáu hồi về khởi nguyên vũ trụ, và Quân Tiên Hội (1991), kịch thơ năm hồi mà ba hồi là bổ sung phần còn thiếu trong tác phẩm Quần Tiên Hội viết dở dang của Hàn Mạc Tử.

            Món nợ quá khứ: Vãn, Tuồng của các tác giả vô danh:

            Phạm Đình Khiêm giới thiệu:cả một kho Vãn và Tuồng đạo do các tác giả vô danh để lại mà ta không biết đặt vào thời kỳ nào. Vãn và vè thuộc loại thơ, Tuồng thì kết hợp cả văn xuôi và thơ. Từ hai cuốn Đại Nam Việt Quốc Triều Sử KỷVãn và Tuồng, cả hai đều do Nhà In Tân Định (Sài gòn) ấn hành, giáo sư Nguyễn Văn Trung đã rút ra một bảng liệt kê 40 tập Vãn và 20 vở tuồng.

            Chỉ lướt qua nhan đề của mấy tập Vãn như sau, đủ hình dung được cái bầu khí trong lành, vui tươi, nhân nghĩa, đạo đức mà mảng văn chương Công giáo bình dân này tạo nên chung quanh lớp quần chúng hưởng thụ nó: Giáng Sinh vãn, Đức Chúa Bà Tự Tích vãn; Vãn Đức Dà (vãn dâng hoa, phải chăng do cụ Cử Thiện?,..); Vãn Mân Côi; Thánh tổ tông Gia-Cóp vãn; Đa-vít vãn; Giu- đa vãn; Tô-bia vãn; Cê-ci-lia đồng trinh tử đạo vãn; Thánh An-tôn vãn; Thánh Vi-tô Tử đạo vãn; Thánh A-lê-xù vãn; Hoàng hậu Sa-ve vãn; Vãn cha Minh và lái Gấm (tập này của Paulus Của), vân vân và vân vân …”

            Trường hợp điển hình: Đỗ Đình Thạch

            “Ông Phê-rô Đỗ Đình Thạch ( 1907-1970), con một gia đình quan chức bên lương, đi du học Pháp, đậu cử nhân sử học, viết báo, viết sách tiếng Việt và tiếng Pháp, kết thân với nhiều danh sĩ Pháp, như André Clide. Ông chịu phép Thánh tẩy (1932), bút hiệu Pierre Đỗ Đình. Đỗ Đình Thạch nổi tiếng nhất với thi phẩm Pháp ngữ Le Grand Tranquille (Đấng Thái Hòa). Nhà bác học Pháp Maurice Durand khen ngợi: “Trong số những nhà thơ Việt Nam nổi tiếng ở Pháp, có PhạmVăn Ký (1916-1992) và Đỗ Đình Thạch được xem như một trong những thi nhân độc sáng và cầu toàn nhất.”

            Đó là điển hình của thi ca Công giáo Việt Nam hiện đại”.

GHI NHẬN

            1.Nhà nghiên cứu đã có ý phân chia thời kỳ văn học (thơ ca) và đặt tên cho từng thời kỳ. Tuy vậy, việc phân chia thời kỳ này không được đặt trên tiêu chí phân kỳ lịch sử văn học có tính khoa học cho nên chưa xác lập được đặc điểm thi ca của từng thời kỳ về nội dung, tư tưởng, thi pháp cùng những yều tố ảnh hưởng đến sự phát triển của thi ca.

            2. Mỗi tác giả chỉ được giới thiệu sơ sài về tiểu sử và tên tác phẩm, chưa có một nghiên cứu thấu đáo nào về một tác phẩm hay một tác giả. Kể cả tác giả Pierre Đỗ Đình mà ông ca ngợi là: “điển hình của thi ca Công giáo Việt Nam hiện đại”. Tôi không rõ Pierre Đỗ Đình “ điển hình” cho những mặt nào của thi ca Công giáo hiện đại? Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Bích nhận xét: “Đỗ Đình không được biết đến nhiều. Mấy ai đã nghe đến danh và được bao nhiêu người có dịp đọc tác phẩm”(xin đọc: Lê Ngọc Bích-Đỗ Đình, nhà thơ, nhà văn, nhà giáo).

            3.Khi nghiên cứu thi ca Công giáo dọc theo dòng thời gian từ giáo sĩ Majorica (1591-1656) đến Phê-rô Đỗ Đình Thạch (1907-1970), Phạm Đình Khiêm đã không xem xét bối cảnh lịch sử dân tộc và lịch sử truyền giáo ảnh hưởng thế nào đến thi ca, và ngược lại, thi ca Công giáo đáp ứng thế nào yêu cầu của lịch sử dân tộc và lịch sử truyền giáo của Giáo hội Việt Nam. Điều này khiến cho thi ca Công giáo bị tách rời khỏi cuộc sống, không có chỗ đứng trong lòng dân tộc.

4. Phạm Đình Khiêm cũng chưa xác lập thế nào là một “nhà thơ Công giáo”, thế nào là một tác phẩm “thơ Công giáo”, nên đưa các nhà văn hóa Nguyễn Trường Tộ và Trương Vĩnh Ký vào “nhà thơ Công giáo”, mặc dù ông nhận xét về Nguyễn Trường Tộ rằng: “Thực ra thơ của Nguyễn Tiên sinh không nhiều, nhưng đủ nói lên tấm lòng của ông đối với đất nước, ưu tư của ông trước thời cuộc”; “Thơ của Nguyễn Tiên sinh không trực tiếp hướng về tôn giáo, nhưng vì ông là người có đức tin mạnh mẽ thì đương nhiên đức tin đó soi dẫn mọi hành vi ngôn ngữ của ông, nhất là thi ca, vì thi ca là tiếng nói của con tim”.

Rõ ràng Phạm Đình Khiêm nhận xét thơ Nguyễn Trường Tộ “không trực tiếp hướng về tôn giáo”, nhưng ông vẫn đưa Nguyễn Trường Tộ vào danh sách “nhà thơ Công giáo”, chỉ vì ông là ngưới có đức tin mạnh mẽ.

5. Chưa có sự thống nhất phân kỳ văn học Công giáo giữa các nhà nghiên cứu. Nhà nghiên cứu văn học Công giáo Lê Đình Bảng trong cuốn Văn học Công giáo Việt Nam, Những chặng đường (Nxb Tự điển Bách Khoa 2010) có sự tương đồng nào đó với việc phân kỳ thơ ca Công giáo của Phạm Đình Khiêm (2000). Dù vậy, việc phân kỳ văn học của cả hai nhà nghiên cứu chưa dựa trên những tiêu chí và phương pháp khoa học.

Lê Đình Bảng phân kỳ như sau:

Chặng đường vỡ đất gieo trồng (Thế kỷ XVI-XVII)

Chặng đường đâm chồi nảy lộc (Thế kỳ XVIII-XIX)

Chặng đường đơm hoa kết trái (Thế kỷ XX)

***

Nhìn tổng thể, bài viết của Phạm Đình Khiêm giới thiệu với người đọc “những nét nổi bật về mỗi thời kỳ với các thi nhân và các tác phẩm tiêu biểu”. Những “nét nổi bật về mỗi thời kỳ” văn học Công giáo này còn cần nhiều công trình nghiên cứu mới có thể thấy hết giá trị của văn học Công giáo đối với việc truyền giáo và những đóng góp của thi ca Công giáo với thi ca dân tộc.

Tháng 4/ 2022

_____________________________________


[1] Trường Sơn: Tưởng nhớ nhà văn Công giáo Phêrô Phạm Đình Khiêm

https://tgpsaigon.net/bai-viet/tuong-nho-nha-van-cong-giao-phero-pham-dinh-khiem-34147

[2] Đêm tọa đàm về văn học Công Giáo Việt Nam với chủ đề: Người Chứng Thứ Nhất

http://www.vietcatholicnews.net/News/Html/37292.htm

[3] Phạm Đình Khiêm: Lời nói đầu-Người chứng thứ nhất

http://thovanminhson.blogspot.com/2019/07/nguoi-chung-thu-nhat-tac-gia-pham-inh.html

[4] Phạm Đình Khiêm: Nhìn qua những chặng đường thi ca Công giáo:

http://conggiao.info/nhin-qua-nhung-chang-duong-thi-ca-cong-giao-viet-nam-d-8641

Nhà nghiên cứu văn học Công giáo NGUYỄN VY KHANH

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

NHÀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CÔNG GIÁO

NGUYỄN VY KHANH

Bùi Công Thuấn

***

            Nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh sinh ngày 5/3/1951 (28/1/Tân Mão) tại Vĩnh Phước, Quảng Trạch, Quảng Bình. Cử nhân Giáo khoa Triết Tây (1973), Cao học Triết Tây (1975) ĐH Văn Khoa Sàigòn, tốt nghiệp Thủ khoa Ban Việt Hán khóa 13 (1971-1974) ĐH Sư phạm Sàigòn. Sau khi định cư ở Canada, tốt nghiệp Cao học Quản trị Thư viện (Master of Library Science, ĐH Montréal (1978). Nghề nghiệp chính: Dạy học (trước 1975) và Chuyên viên Thư viện Quốc hội và Chính phủ Québec từ 1978 ở Montréal và Québec City; chuyên viên nghiên cứu lịch sử và nhân văn liên hệ đến Việt Nam. Hiện sống và làm việc tại Montréal và Québec City (Canada). Thành viên sáng lập và tổng thư kí Trung tâm Việt Nam học và tạp chí Vietnamologica (Montréal, 1994 – 1997).

 “hơn 27 năm ở ngoài này, tôi đã và đang làm ông biện nhà thờ 3 lần, một lần ở Québec City và 2 lần ở Montréal, hiện tôi làm tổng thư ký hội đồng quản trị Cộng đồng Công giáo vùng Montréal” (trả lời phỏng vấn Cát Biển-Nguyệt san Văn hóa Hồn Quê)

            Tác phẩm đã xuất bản

            1.Khung cửa. Thơ. Tác giả xuất bản. Sài gòn 1972

            2.Lỗ Tấn và truyện xưa viết lại. Biên khảo và dịch thuật. Nxb Xuân Thu 1997

            3.Bốn mươi năm văn học chiến tranh (1957-1997). Nhận định. Nxb Đại Nam 1997.

              Tái bản năm 2000

            4.Văn học và thời gian. Nxb Văn nghệ 2000

            5.Văn học Việt Nam thế kỷ XX, một số hiện tượng và thể loại. Nxb Đại Nam 2004

            6. 33 nhà văn nhà thơ hải ngoại. Tuyển tập nhận định văn học.(ebook, Montréal, tác giả xuất bản 2008; tái bản Toronto, Nguyễn Publishing 2016)

            7. Văn học miền Nam 1954-1975-Nhận định, biên khảo và thư tịch (quyển thượng và quyển hạ). Toronto, Nguyễn Publishings 2016. Tái bản 2018.

            8.Trương Vĩnh Ký tinh hoa nước Việt. Toronto, Nguyễn Publishings 2018

            CÁC TIỂU LUẬN ĐÃ ĐĂNG TRÊN CÁC TRANG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT[[1]]

            1.Bùi Giáng, con đường ngã ba

            2.Cộng đồng người Việt ở ngoài nước 30 năm sau

            3.Cao Đông Khánh, ngọn lửa cuồng của ngôn ngữ. (Phê bình)

4.Cái chết trong văn chương: từ Siêu Hình, Lãng Mạn đến Kinh Dị và Trinh Thám (tiểu luận)

5.Dương Nghiễm Mậu, cuộc đời tình cờ (Tiểu luận)

6. Mai Thảo, hoài niệm của người viễn xứ (Phê bình)

7. Người lính trong truyện Trần Hoài Thư (Tiểu luận)

8. Nguyễn Huy Thiệp: Những chuyện Huyền, Kỳ, Núi, Sông và Nước

9. Nguyên Sa, nhà báo, nhà thơ (Tiểu luận)

10 Nguyễn Vy Khanh viết về Võ Hồng (chân dung)

11. Nhà văn Duyên Anh (Phê bình)

12. Nhân vật tiểu thuyết Thanh Tâm uyền (tiểu luận)

13.Tương lai văn chương Việt Nam (tiểu luận)

14.Tạp chí Bách Khoa và văn học miền Nam (tiểu luận)

15.Tản mạn về dục tính và nữ quyền (Đối thoại)

16.Thơ Du Tử Lê (tiểu luận)

17.Thơ Tô Thùy Yên, Quán trọ hồn Đông phương (tiểu luận)

18.Thơ Thanh Tâm uyền (Tiểu luận)

19.Thế kỳ tiểu thuyết I&II (tiểu luận)

20.Thế giới nhân bản của Nhật Tiến (Phê bình)

21.Thể loại văn chương: các thể loại ngắn (tiểu luận)

22.Thi ca miền Nam 1954-1975 (phê bình)

23.Thơ hôm nay (Phê bình)

24.Tiểu thuyết hay truyện kể? (tiểu luận)

25.Trần Dzạ Lữ, nhà thơ hát dão bên trời (tiểu luận)

26.Trung quốc thế kỷ XXI (tiểu luận).

27.Truyện Hồ Minh Dũng: Huề, Tình, Thực tãi hay Dĩ vãng…(chân dung) (tr.12)

28.Văn học miền Nam tự do 1954-1975 (tiểu luận)

29.Văn học miền Nam qua một bộ “văn học sử” của trong nước (phê bình)

30.Về tiểu thuyết lịch sử: nhân đọc Sông Côn mùa lũ (tiểu luận)

31.Vài ghi nhận về kịch (kịch)

32.Võ Phiến những năm 1960 (tiểu luận)

33.Thảo Trường, nhà văn dấn thân với nỗi ý thức không rời

34.Nguyễn Vy Khanh nói về Duyên Anh

 Trong liệt kê tác phẩm trên [[2]], Nguyễn Vy Khanh không có tác phẩm nào biên khảo riêng về văn học Công giáo. Ông chuyên về biên khảo và viết văn học sử.

Tôi ghi nhận thêm những chuyên luận về văn học Công giáo của ông:

1. Đôi nét về văn học Công giáo (2007)

2. Sơ thảo về văn học Công giáo hải ngoại (2022)

3. Những bài viết về Trương Vĩnh Ký: Trương Vĩnh Ký sống đạo người Việt; Trương Vĩnh Ký và chuyến Âu‐du (1863‐1864); Trương Vĩnh Ký và các tác-phẩm văn xuôi quốc-ngữ tiền phong; Trương Vĩnh Ký: tinh-hoa nước Việt; Về Trương Vĩnh Ký và một số vấn đề văn bản, lối nhìn…

***

CHUYÊN LUẬN VỀ VĂN HỌC CÔNG GIÁO

Nguyễn Vy Khanh là nhà nghiên cứu văn học có khối lượng tác phẩm đồ sộ, đặc biệt là các công trình về văn học sử Việt Nam.

Trong bài viết này, tôi quan tâm đến hai chuyên luận về văn học Công giáo của ông: Đôi nét về văn học Công giáo (2007), và Sơ thảo về văn học Công giáo hải ngoại (2022) cung cấp cho người đọc một cái nhìn tổng thể về văn học Công giáo, và làm phong phú thêm việc nghiên cứu văn học Công giáo [[3]].

Chuyên luận “Đôi nét về văn học Công giáo Việt Nam”, ông ghi nhận lịch-sử hình thành và vài đặc điểm của văn-học công giáo xét qua sự có mặt và đóng góp cho nền văn-học chữ quốc-ngữ của một số các tác-giả Việt-Nam”.

Theo Nguyễn Vy Khanh, từ thế kỷ XVII trở đi, một nền văn-hóa công giáo đặc tính Việt-Nam đã dần rõ ràng xuất hiện và ngày càng lớn mạnh. Các tu sĩ và giáo dân Lữ-y Đoan, Bento Thiện, Phan Văn Minh, Đặng Đức Tuấn, Huình Tịnh Paulus Của, Trương Vĩnh Ký, v.v. đã đi những bước tiên phong góp những viên gạch cho tòa nhà văn-hóa Việt-Nam, người Việt đã tham gia tích cực trong việc sáng chế ra chữ quốc ngữ.

Dẫn tài liệu nghiên cứu LM Georg Schuhammer, giới thiệu ba tác-giả thuộc Dòng Tên, là Girolamo Majorca, João Ketlâm (cũng gọi là João Vuang và Philiphô Rôsariô (cũng gọi là Philipê Bỉnh 1959-1832)

Nửa cuối thế kỷ XIX, các tác giả Thiên Chúa giáo là những người đầu tiên tiếp nhận những hình thức diễn tả văn hóa của Tây phương, họ đi những bước khởi đầu: Philipphê Bỉnh (thể nhật ký); Thể kịch nói với Tuồng Cha Minh (1881), Trương Vĩnh Ký (Thể ký sự: Chuyến Đi Bắc Kỳ Năm Ất Hợi, 1876), Nguyễn Trọng Quản (Thể truyện:Thầy Lazarô Phiền, 1887),          Michel Tình (Thể hồi ký:Chơn Cáo Tự Sự, 1910).

Về sách giáo lý có: sách các truyện thánh bằng chữ Nôm của giáo sĩ Majorica, sách chữ nôm về tuần thánh của thầy giảng Gio-an Thanh Minh (1588-1663), Sấm Truyền Ca (1670, chữ nôm của linh-mục Lữ-y (Louis) Đoan. Các kinh sách, vãn, (I-nê tử đạo vãn) v.v.

Các tác giả: Lm Philipphê Bỉnh, thánh Phi-líp Phan Văn Minh, Lm Đặng Đức Tuấn, Lm Trần Lục, Trương Vĩnh Ký, Huình Tịnh Paulus Của, Nguyễn Trọng Quản,… đã đóng góp những nền móng ngôn-ngữ, văn tự và thể loại gầy dựng nên một nền văn-học chữ quốc-ngữ cho cả nước!

Có hai dòng văn-học Công giáo: một bác học, một đại chúng.

Sang thế kỷ XX, Nguyễn Vy Khanh nhận định: “Nhìn chung, thế kỷ XX đã cung cấp cho văn học Công giáo nhiều tài năng và tác-phẩm đáng kể”.  Ông cho biết, có một khó khăn khi xác định đặc tính nguồn đạo Thiên Chúa qua các tác-phẩm cũng như các tác-giả. Ông giới thiệu một số tên nhóm tác giả đầu thế kỷ XX, sau năm 1954 và miền Nam 1954-1975: Kim Định, Đỗ Quang Chính, Cao Văn Luận, Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Nguyễn Phương, Nguyễn Văn Trung, Lê Thành Trị, Thanh Lãng, Lê Văn Lý, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Hưng, Võ Long Tê, Phạm Đình Khiêm, Lê Hữu Mục, Nguyễn Văn Thọ, vv.

Lưu vong ra hải ngoại, người Công giáo tiếp nối sinh hoạt, đã có những tạp chí và nhóm như Dân Chúa, Tin Nhà, Định Hướng, Đường Sống, Thời Điểm Công Giáo, Sứ Điệp, Triết Đạo, Diễn Đàn Giáo Dân v.v

Những năm đầu thế kỷ XXI, nhiều mạng lưới quán văn thơ và diễn đàn công giáo sinh hoạt song hành với các phương tiện cổ điển in ấn: Dũng Lạc, Viet Catholic, Trung tâm Nguyễn Trường Tộ, … có thêm những cây viết mới: Lm Nguyễn Tầm Thường, Lm Trần Cao Tường, Lm Nguyễn Trung Tây, Đường Phượng Bay, Trần Văn Đoàn, Nguyễn Đăng Trúc, Trần Công Tiến, Nguyễn Văn Thành, Song Thao, Vinh Hồ, Trần Phong Vũ, Nguyễn Ước, v.v.
           Sau khi giới thiệu chung, Nguyễn Vy Khanh giới thiệu từng thể loại:

THƠ.

Thánh Phi-líp Phan Văn Minh (1815-1853) có Phi năng thi tập gồm 35 bài lục bát và 93 bài ngâm vịnh xướng họa.

Lm Đặng Đức Tuấn (1806-1874) là tác-giả các tập thơ trường thiên Việt Nam Giáo Sử Diễn Ca, Lâm Nạn Phụng Quốc Hành, cùng các bài văn tế và hịch yêu nước: Sát Tả Bình Tây Hịch, Văn Tế Các Đẳng, Văn Tế Giáo Nhơn Tử Nạn.

Trần Lục (1825-1899), tác-giả của trên 6.000 câu lục bát, song thất lục bát và thơ 4 chữ trong kho ca vè của Cụ Sáu dạy nên người và dạy làm Kitô hữu. Nguyễn Vy Khanh trích thơ giới thiệu: Mừng Bà Thánh Anna, Bản dạy cách lần hạt 15 người, Hiếu tự ca.

Trương Vĩnh Ký, tác-giả Chuyện Đời Xưa (1866), ấn phẩm văn xuôi đầu tiên bằng chữ quốc ngữ. Ông chứng minh người Việt có thể vừa sống đạo vừa giữ được tinh thần dân-tộc – tương quan Đạo-Đời vừa kính Chúa vừa làm người dân yêu nước.

Huình Tịnh Paulus Của: có Quốc âm Tự Vị, giáo khoa và các tuyển tập, ông còn viết Chuyện Giải Buồn cũng như những bài Văn Thánh Minh (628 câu thơ lục bát ) và Văn Lái Gẫm (540 câu thơ lục bát.), v.v. Những bài sau cho thấy  ông là người “đem đạo vào đời” theo đường lối nhà trường, học thuật. Nguyễn Vy Khanh trích dẫn: Bài Phụ Văn Đức Tính Cha Minh,

GM Hồ Ngọc Cẩn (1876 – 1948): Thơ văn sáng tác của Ngài đăng tải rải rác khắp các báo đạo đời, như Nam Kỳ Địa Phận, Nam Kỳ tuần báo, Vì Chúa, Sacerdos Indonensis, Đaminh bán nguyệt san, Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí. Tác-phẩm : Ngạn ngữ kinh thư. (1915), Văn chương thi phú Annam (1919), Thánh giáo thuyết minh (1938), Tuồng bảy mối tội đầu (1922), …Nguyễn Vy Khanh trích dẫn: Ca dao về Đức Mẹ, Bài Ca Tạ Ơn,

Lm Sảng Đình Nguyễn Văn Thích (1891-1978), chủ nhiệm sáng lập tờ Vì Chúa (1935, ba tiếng Việt, Hán và Pháp), tác-giả Sảng Đình Thi Tập (1943), Cổ Việt Phong Dao (1968); tập đầu gồm 152 bài thơ Việt, Hán và Pháp với những thể loại vè 4 chữ, lục bát, tứ tuyệt, v.v. Ngài còn dịch vở kịch Polyeucte của Corneille thành “Tuồng Phổ Liệt”. Bài Đức Mẹ Ru Con với phong cách Việt (trích dẫn).

Hàn Mặc Tử lấy nguồn cảm hứng từ Kinh Thánh, ông đã sử dụng từ ngữ dân gian thông thường, đặt đúng chỗ và biến hóa thành những câu thơ có khi siêu thực, đầy ma lực, khi khác rất kinh nguyện, nhưng nói chung đều làm choáng váng người đọc: lời thơ của ông là những ngọn lửa đức tin, những ánh sáng lúc chói lòa lúc mơ hồ. Nguyễn Vy Khanh trích quan niệm thơ của Hàn Mạc Tử và ý kiến đánh giá của Đặng Tiến về thơ Hàn Mạc Tử (phần trích khá dài).

Nhà thơ Quách Thoại (1929-1957) bệnh tật, mệnh yểu, hy vọng rồi tuyệt vọng, nhưng đức tin vững mạnh, giúp chống chọi với gian nguy (trích thơ)

Phạm Đình Tân (1913-) thành viên Tinh Việt Văn Đàn, tác-giả tập Tiếng Thầm-Lời Thiêng (tựa của Thế Lữ, 1952, tb 1960). Trích thơ.

Lm Vũ Đức Trinh (1922-1964): Các tập thơ Ánh Vàng 1956, Hương Thiêng 1956, Đuốc Trời Cao, Thục Nữ Thiên Hương, Bảo Tàng Ân Ái, Những Quả Tim Non, Mấy Áng Phong Dao (dịch sang Anh ngữ, 1957). Thơ ông mang âm hưởng thời đại thập niên 1950 là những vần tươi sáng, vui mầng, nhất là những bài “phong dao”.

Xuân Ly Băng (Đức Ông JB Lê Xuân Hoa 1926-) tác-giả Thơ Kinh 1956, Hương Kinh 1957, Trầm Tư, Kinh Trong Thời Gian, .., đã thường xuyên có mặt trên các tạp chí công giáo từ thập niên 1950. Thơ Xuân Ly Băng ca tụng Thiên Chúa, Đức Mẹ, cuộc đời, với lý lẽ của cảm xúc, đức tin và chữ dùng nhẹ nhàng dễ đi vào lòng người. Tha thiết như những lời kêu gọi, như một đáp trả ơn trên. Trích thơ.

Trăng Thập Tự (LM Võ Tá Khánh, 1947-) tác-giả Tâm Tình Tu Viện (1969), Điệu Buồn Học Trò (1971), Có Ai Về Cát Minh (tuyển tập Thơ 1963-2004), v.v… Qua thơ, Trăng Thập Tự đã để hồn mình nhập vào Thánh Kinh, cầu nguyện với lời thánh thiện, diễn tả sự vật và biểu hiện tâm cảm qua lăng kính của Đức Tin. Trích thơ.

Nguyễn Tầm Thường (Lm Giuse Nguyễn Trọng Tước, 1951-): Tình thơ thập giá, Mùa hoa trên thánh giá gỗ, Nước mắt và hạnh phúc, Chúa biết con cần Chúa, Đường về thượng trí, v.v. Trích đoạn về lời tận hiến.

Lệ Khánh (1945-), đã xuất bản 7 tập Em Là Gái Trời Bắt Xấu (1963-), ngoài ra còn những tập Vòng Tay Nào Cho Em 1966, Nói Với Người Yêu 1966. Bà đã có những bài hướng về Thiên Chúa. Trích thơ.

Thơ Trần Vạn Giã có lời dâng, lời cầu, với Thiên Chúa. Trích thơ

Thơ Cao Huy Hoàng (1956-) là thơ của một đức tin vật lộn với thực tế đời thường, thơ của những ơn gọi sống thánh thiện giữa lòng đời ô trọc nhiều thử thách. Trích thơ.

VĂN XUÔI

Nguyễn Vy Khanh nhận định: Về văn xuôi, tính chất đạo nhẹ nhàng hơn về tính nghệ thuật, văn-chương, nhưng biểu tỏ hoặc qua nội dung hoặc qua thành quả đóng góp cho văn học, học thuật nói chung. Sau đó giới thiệu:

GM Hồ Ngọc Cẩn qua bài Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo (trích văn).

Nguyễn Trọng Quản là tác-giả đầu tiên theo ảnh hưởng Âu Tây Thầy Lazarô Phiền trong đó ý tưởng đức tin đạo Thiên Chúa cùng những ý niệm sám hối, ăn năn (trích văn và phân tích khá dài)

Giới thiệu tác-giả công giáo thời hiện đại:

Thụy An Hoàng Dân trong Một Linh Hồn (1940).

Nguyễn Thạch Kiên (1926-2007) tên thật Nguyễn Văn Khánh, tác-giả các tiểu-thuyết lý tưởng Hương Lan (1947), Màu Hoa Phượng, Mái Tóc Huyền (1970), và gần đây, ở ngoài nước, tập hồi ức tình cảm xã-hội Búp Xuân Đầu (2004). 

Nguyễn Duy Diễn (1920-1965) ký bút hiệu Phương Khanh (1953), tác-giả Những Ngày Đẫm Máu là cuốn tiểu thuyết đầu tiên về các Thánh Tử đạo Việt Nam.

Lm Petrus Vũ Đình Trác, là tác-giả của tiểu-thuyết Đời Anh (1959) và tập thơ Đắc Đạo Thi Nhân (1960) trước khi xuất bản những tham luận triết học và văn-hóa.

Phạm Đình Tân ngoài thơ và khảo cứu, còn là tác-giả truyện Duy Đức học-sinh trinh-thám, tiểu thuyết giáo dục (Văn Đàn, 1966).

LM Nguyễn Duy Tôn tác-giả các tiểu-thuyết tôn giáo và tình cảm Trái Cam Máu 1959, Hai Tâm Hồn 1959, v.v.

Bùi Hoàng Thư tác-giả nhiều tiểu-thuyết tình cảm, xã-hội vào thập niên 1960 ở miền Nam : Sống Cho Nhau, Ảo Ảnh, Nàng, v.v

Nhà văn Thảo Trường để các nhân vật của mình dấn thân sống đạo giữa đời, ngay cả trên bãi chiến trường, với những Thử Lửa (1962), Chạy Trốn (1965), Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp (1966), Vuốt Mắt (1969), Th. Trâm (1969), Bên Trong (1969), Ngọn Đèn (1970), Mé Nước (1971), Cánh Đồng Đã Mất (1971), Bên Đường Rầy Xe Lửa (1971), Người Khách Lạ Trên Quê Hương (1972), Lá Xanh (1972), Cát (1974) và sau khi ông tái định cư ở Hoa-kỳ năm 1993, đã xuất-bản Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai (1995), Đá Mục (1998), Tầm Xa Cũ Bắn Hiệu Quả (1999), Mây Trôi (2002), Miểng (2005) và mới nhất, cuốn truyện dài Thềm Đá Xanh Rêu (2007).

Hà Thúc Sinh: ngoài thơ, nhạc, còn là tác-giả Đại Học Máu (1985) và nhiều truyện dài ngắn cũng như tuyển tập truyện, kịch và thơ Tống Biệt Hai Mươi (1999), …

Quyên Di chủ biên tạp chí Tuổi Hoa và tác-giả nhiều truyện và tiểu-thuyết giáo dục, hướng thượng từ trước 1975: Tuổi Trăng Tròn, Cánh Phượng Rơi, Tuổi Ươm Mơ, Chuông Đêm, … cho đến thời hải ngoại Hoa Hồng Nhà Kín (1995).

 Đường Phượng Bay: với các tiểu-thuyết tình cảm xảy ra ở các họ đạo và các nhân vật chính thuộc giới tu hành: Mây Vẫn Nhớ Ngàn (1984), Yêu Màu Áo Đen 1989, Qua Cửa Thần Phù 1989, Tạm Biệt Rừng Hoa (1990). Mây Vẫn Nhớ Ngàn còn đựợc biết với tựa đề Vì Tôi Là Linh Mục, là một chuyện tình đẹp nhưng buồn thảm của Cha Thảo và cô Nga.

Nguyễn Ngọc Ngạn trong Xóm Đạo (Tokyo: Tân Văn, 1998) nêu vấn đề tôn giáo ở xã-hội Việt-Nam.

NGUYỄN VY KHANH NHẬN ĐỊNH

            Thánh Kinh từ nhiều thế kỷ đã là nguồn mạch văn hóa và văn chương của nhân loại. Các tác-giả Việt Nam về mặt này cũng không ra ngoài nguồn mạch vô tận đó.

            Các thể loại đều được các tác-giả công giáo sử dụng, và đã có những tác-phẩm sáng giá, để đời, nhưng ngược lại, đối với một số thì các hình thức văn-chương được sử dụng như phương tiện sống đạo và giảng đạo (truyện của Lm Nguyễn Tầm Thường, Nguyễn Trung Tây, v.v.)

            Tư tưởng đạo Thiên Chúa, tư duy đạo, đã thật sự thấm nhuần vào văn-hóa và văn-học nghệ thuật nước ta. Và đã sinh ra một truyền thống văn-học có nền nếp và hiển nhiên trong thực tế lịch-sử và đất nước.

            Người Việt-Nam đã theo đạo Chúa trước khi thực dân Pháp đặt chân đến nước Việt, trước khi Hội thừa sai Paris gửi người đến; người Việt đã góp phần “sáng tác” nên thứ chữ Việt alphabet về sau được gọi là chử quốc-ngữ.

“Tóm một chữ, người công giáo Việt-Nam, các giáo dân cũng như các văn-nghệ sĩ, đã và luôn sống đạo với tinh thần dân-tộc; riêng các vị sau đã sáng tác, làm văn-chương và đã thể hiện đức tin một cách chân thành và sâu sắc qua tác-phẩm”.

GHI NHẬN

            1.Đúng như nhan đề của chuyên luận, Nguyễn Vy Khanh trình bày “đôi nét về văn học Công giáo Việt Nam” theo thứ tự thời gian xuất hiện của các tác giả, tác phẩm, từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XXI.

Việc giới thiệu cũng rất sơ sài và không đồng bộ. Có tác giả được giới thiệu năm sinh, năm mất, tên tác phẩm, sơ lược nội dung tác phẩm; nhưng có tác giả chỉ giới thiệu tên. Nhà thơ Lê Đình Bảng không được giới thiệu, tôi nghĩ, đó là một thiếu sót.

Điều băn khoăn là, Nguyễn Vy Khanh không khẳng định thế nào là nhà văn Công giáo và tiêu chuẩn nào để xem xét một tác phẩm văn học Công giáo, nên số tác phẩm được giới thiệu khá nhiều, song đâu là tác phẩm văn học Công giáo thì không được xác định. Thí dụ tác phẩm của nhà văn Thảo Trường và Đường Phượng Bay.

2. Giới thiệu Văn học Công giáo theo dòng lịch sử nhưng Nguyễn Vy Khanh không phân tích mối quan hệ giữa văn học và lịch sử, để từ đó chỉ ra văn học Công giáo có đóng góp gì với văn học dân tộc và với lịch sử dân tộc. Thí dụ, văn học dân tộc có hai dòng chính là Văn học yêu nướcVăn học Nhân đạo chủ nghĩa. Vậy Văn học Công giáo đứng ở đâu giữa hai dòng văn học ấy?

Đồng thời, Nguyễn Vy Khanh không xác lập được những cột mốc (lịch sử và văn học) phân định các thời kỳ văn học, để từ đó chỉ ra những thành tựu, những khác biệt của từng thời kỳ. Chẳng hạn, Văn học Công giáo Hán Nôm (thế kỷ XVII, XVIII), Văn học Công giáo chữ Quốc ngữ thời kỳ đầu, Văn học Công giáo nửa đầu thế kỷ XX (đến 1945), Văn học Công giáo nửa sau thế kỷ XX, văn học Công giáo từ 1980 đến nay (lấy Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam làm mốc)…Nếu được hỏi, trong 30 năm chiến tranh (1945-1975), Văn học Công giáo có những tác giả, tác phẩm nào gắn bó đức tin với dân tộc, thì câu trả lời là rất khó. Dường như ngày nay chỉ còn lưu truyền bài thơ Tha La Xóm đạo của Vũ Anh Khanh (1950).

3. Phần trình bày tác giả, tác phẩm mới chỉ ở dạng giới thiệu tư liệu, chưa có nghiên cứu cụ thể để xác lập những nội dung chính, những thể loại chính, những dòng chảy (trào lưu) chính, những bước phát triển mới trong suốt lịch sử phát triển của văn học Công giáo. Thí dụ, thể Diễn ca, Huấn ca đã có ngay từ thời kỳ đầu, song đến nay (thế kỷ XXI) Diễn ca, Huấn ca vẫn phát triển. Về thơ ca chẳng hạn, thời kỳ đầu, thơ Nôm Công giáo làm theo thể lục bát và Thất ngôn Đường luật, song đến Hàn Mạc Tử, có một bước cách tân về thi pháp (thơ Hàn Mạc Tử là thơ Lãng mạn-Tượng trưng-Siêu thực), và đến nay, thơ Công giáo đã có những bước phát triển mới về thi pháp khác hẳn thơ Hàn Mạc Tử (Thơ Lê Đình Bảng, Xuân Ly Băng, Trăng Thập Tự)…

Điều đáng quý là Nguyễn Vy Khanh cung cấp được cho người đọc “đôi nét về văn học Công giáo”, để từ đó, có cơ sở tìm hiểu sâu hơn về một nền văn học đã có những đóng góp đánh kể vào văn học dân tộc, song chưa được giới nghiên cứu quan tâm đúng mức.

Những đóng góp đáng kể đó là, những tác phẩm văn học chữ quốc ngữ đầu tiên (A. Rhodes, Philipê Bỉnh), tiểu thuyết đầu tiên viết theo kỹ thuật phương tây (Truyện Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản 1887), tuồng sân khấu (Tuồng Thương Khó của Nguyễn Bá Tòng. 1912), thơ Hàn Mạc Tử (đóng góp vào phong trào Thơ Mới 1932-1945); Văn chương Công giáo đem đến văn học dân tộc nền văn hóa mới từ Kinh thánh, khác hẳn với văn học dân tộc chịu ảnh hưởng tư tưởng, thể loại, điển ngữ Trung quốc trước đó…

Thánh 4/ 2022

__________________________________


[1] Trên trang Nam ky lục tỉnh, tuyển tập Nguyễn Vy Khanh có trên 70 bài:

https://www.namkyluctinh.org/tuyen-tap/nguyen-vy-khanh/

[2] http://phannguyenartist.blogspot.com/2016/06/nguyen-vy-khanh.html

[3] Nhà nghiên cứu Võ Long Tê đã in Lịch sử văn học Công giáo (1965) và nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng đã in Văn học Công giáo, Những chặng đường (2010).

NHÀ VĂN NGUYỄN VĂN HỌC & Những truyện ngắn có yếu tố Kitô giáo

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

NHÀ VĂN NGUYỄN VĂN HỌC

& Những truyện ngắn có yếu tố Kitô giáo

Bùi Công Thuấn

***

            Nhà văn Nguyễn Văn học thuộc thế hệ 8X. Anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Anh cũng đồng thời là nhà báo, công tác tại ấn phẩm Nhân Dân Cuối tuần (báo Nhân Dân).

NHÀ VĂN ĐA ĐOAN

Nguyễn Văn Học quê ở huyện Phú Xuyên (Hà Tây cũ), Hà Nội, sinh trưởng trong một gia đình rất nghèo. Học xong phổ thông, anh vào học lễ tân trong Trường trung học Nghiệp vụ Du lịch Hà Nội. Tốt nghiệp (2002), anh được giới thiệu  vào làm ở một nhà nghỉ, với mức lương 300.000 đồng mỗi tháng. Chính nơi đây anh đã viết những tác phẩm về những con người “dưới đáy” xã hội [[1]]. Khi đã có công việc ổn định, Nguyễn Văn Học thi  vào học Khoa Viết văn-Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du).

Hơn 20 năm cầm bút, Nguyễn Văn học đã in trên 20 tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau: Những cô gái bất hạnh (2007); Gái điếm (2008); Đường dài của hạnh phúc (2008); Rơi xuống vực sâu (2009); Bão người (2009); Cao bay xa chạy (2010); Hỗn danh (2011); Hoa giang hồ (2011); Khi vết thương nằm xuống (2013); Vết thương hoa hồng (2016); Mình ơi, Anh cưới dòng sông nhé? (2018); Chạm tay vào cánh chim trời (2020); Linh điểu (2020); Tiệc hoa (2020), Miền Thánh Đợi (2021)…

Nhà văn Nguyễn Văn Học chia sẻ về việc viết văn: “Đối với tôi, viết văn là hành trình khám phá bản thân, khám phá môi sinh. Văn chương cũng là phương thuốc để chữa lành những vết thương lòng, xoa dần những tổn thương xã hội, để con người muốn sống, sống có khát khao, cống hiến, biết yêu đồng loại, đau trước nỗi đau của đồng loại và chịu trách nhiệm về bản thân mình”[[2]].

Truyện Con Khổng Tước và cô tiểu thư như là một tự truyện, Tác giả (nhân vật Vững -gia sư) kể với mẹ:

“Tốt nghiệp, con chưa xin được việc làm. Ngành viết văn đầy trắc trở. Học đấy, cố gắng đấy và rồi nhiều người chênh chao chẳng biết xin việc gì cho ổn định tương lai của mình…Con trăn trở nhiều cho văn chương và đau đáu thân phận mình, để rồi có lúc, ngồi viết nhật ký cho mẹ mà không nín được nước mắt. Con vẫn làm phóng viên tự do, thổi ước vọng mình, chính kiến mình vào từng trang phóng sự, bút ký, những bài luận… Con đồng hành cùng một vài em học sinh yếu văn. Người ta gọi là “gia sư”…

Niềm tin của con là cứ cần mẫn viết, rồi sẽ tìm được việc làm tử tế. Bạn con ra trường, mỗi người mỗi cảnh. Nỗi niềm nhà văn trẻ, khát vọng nhiều nhưng tài năng như muối bỏ bể. Có đứa lương khởi điểm hơn triệu bạc, vừa đủ tiền thuê nhà lẫn xăng xe. Con hận mình không thể cố gắng hơn, để có tiền bồi dưỡng và thuốc thang đầy đủ cho mẹ. Cha khi còn sống vẫn bảo con đa đoan văn chương, ôm nỗi khổ vào người. Giờ con thấm….cắm đầu vào học trường viết văn, với một tài năng chưa thực sự chín, và sự may mắn chưa đến với mình, để rồi lại chán ngán làm sao thân phận văn chương bèo bọt quá đỗi…

Gần ba mươi tuổi vẫn tay trắng. Không tình yêu. Không công việc. Không danh tiếng… Không gì cả…Con phải làm thêm cật lực. Con không có tiền chạy chọt. Không có tài nịnh nọt. Không có việc làm khi ra trường. “Thành phần con ông cháu cha” giăng mắc la liệt khắp nơi. Con không được chào đón ở đó. Con cần phải có tiền để đỡ đần mẹ và cũng lo cho tương lai của mình. Được giới thiệu, con đã xông hẳn vào công việc mát-xa cho một số người đàn bà nạ dòng. Bởi con có vóc dáng, có khuôn mặt. Khi đi làm, con giấu mình là người viết văn, mà chỉ là lao động tự do. Công việc cho con tiền nhưng tặng lại nỗi nhục. Cuộc đời ngoa ngoắt, giễu cợt con bằng sự đểu giả nhất của nó.

Con là con trai mẹ, người đã từng in ấn đến mười đầu sách, chẳng lẽ lại vùi đầu mình vào một mớ nhuốc nhơ. Con cần phải lôi mình lên. Con không thể để những con chữ cũng tố cáo và cười cợt mình. Càng không thể để văn chương coi con chỉ là một mớ giẻ rách. Con bỏ việc”.

Đó là tâm trạng của nhân vật Vững và cũng là tự sự của tác  giả. Những dòng văn thấm rất sâu những nỗi buồn thế sự nhưng cũng chứa đựng những nỗ lực vươn lên thật mạnh mẽ. Tôi nghĩ, số phận  không cho anh điều may mắn nhưng lại cho anh vốn sống giàu có, và cùng với tâm huyết của đời mình, anh đã có thể viết được những trang văn lay động lòng người.

Tập truyện ngắn Miền Thánh Đợi có 40 truyện ngắn tập hợp từ tập Những cô gái bất hạnh (2007) đến những tập truyện gần đây[[3]]. Trong bài viết này, tôi chỉ đề cập đến một vài truyện ngắn có yếu tố Kitô giáo của Nguyễn Văn Học.

(nhà văn Nguyễn Văn Học)

TÔN GIÁO VÀ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

            Nhà văn Nguyễn Văn Học có những truyện ngắn hay trong đó nhân vật chính tỏa sáng những phẩm chất của một Kitô hữu. Những truyện ấy có giá trị truyền giáo (truyện Tình người; Cô gái hát thánh ca).

Nhưng nhìn chung, truyện ngắn có yếu tố Kitô giáo của Nguyễn Văn Học không được viết để loan báo Tin Mừng hay để khẳng định Đức Tin. Nhà văn ghi nhận những vấn đề xã hội của tôn giáo và qua đó đặt dấu hỏi về vai trò của tôn giáo trong cuộc sống cộng đồng. Cảm hứng chính của ngòi bút Nguyễn Văn Học là phê phán những kẻ xấu trong giáo dân, “Họ đi nhà thờ đọc kinh đó, ăn “mình thánh Chúa” đó, rồi chính họ đã làm điều ác. Bàn tay họ vấy máu và đầu óc bị quỷ cám dỗ, làm điều chúng sai khiến” (Miền thánh đợi); chính họ cản trở những người muốn theo Chúa.

Điều này làm tôi liên tưởng đến việc Đức Giêsu lên án và đánh đuổi bọn người xấu ra khỏi đền thờ (Mt 21, 12-17; Mc 11, 15-17; Lc 19, 45-46). Người nguyền rủa bọn giả hình: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào.(Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ, cho nên các người sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn). “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người”(Mt 23, 13-15).

Những yếu tố Kitô giáo trong truyện ngắn của Nguyễn Văn Học chỉ là đường nét cho bối cảnh câu chuyện, không phải là yếu tố quyết định giá trị tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm. Chúng có thể thay thế bằng yếu tố khác để phục vụ cho một mục đích khác. Thí dụ, làng Diệp (Miền Thánh Đợi) và làng Đại Viên (Ngã lên cỏ thơm) là “làng theo đạo Chúa”, chỉ cần thay chữ “làng theo đạo Chúa” bằng chữ khác là có thể phù hợp với một câu truyện khác; hoặc nhân vật ông Đoành là ông trùm (Cô gái hát thánh ca), khi thay chữ “ông trùm” bằng một danh xưng xã hội khác thì nhân vật có thể “diễn” một vai tuồng trong một “sân chơi” khác.

Xin đọc MIỀN THÁNH ĐỢI

            Miền thánh đợi là truyện một gia đình sống ngụ cư giữa một bên là làng Diệp (Công giáo) và một bên là làng Dân (Phật giáo). Họ có ý hướng theo Chúa. Họ cũng được rủ rê đi nhà thờ. Nhưng chính “những kẻ canh cổng nước Thiên đànglàng Diệp đã đóng cánh cổng ấy, và khiến họ không còn đất sống, đành phải bỏ xứ mà đi.

            Trong đêm trước khi đưa bố và em lên thành phố sống, Đến (nhân vật xưng Tôi) đã quỳ cầu nguyện trước tượng Chúa, và anh thiếp đi. Trong cơn miên man, ký ức anh sống lại những ngày gia đình anh ở xóm ngụ cư. Người của làng Diệp và làng Dân đều tìm cách lôi kéo gia đình Đến. Anh nói với bố về việc theo đạo. Anh nghĩ, “Ai cũng mong một chỗ dựa tinh thần, dù là chưa ý thức được điều gì đó. Nhưng có một đấng bậc nào đó để mà kính sợ, mà cầu xin thì quả là hạnh phúc”. Nhưng bố bảo:“Hãy xem người ta làm gì với nhau, làm gì với gia đình mình. Đạo Chúa có tốt thực sự không? Đạo, chắc chắn phải khởi từ tâm hồn. Con chưa hiểu đâu”.

            Và “họ”, những người ở làng Diệp (làng Công giáo) đã làm gì?

            Đến và Như là hai người bạn học. Như đã khuyến khích Đến đọc Kinh thánh và thường rủ Đến đi nhà thờ. Rồi hai người yêu nhau. Hậu quả là Đến bị đánh một trận 7 phần chết một phần sống, cánh tay trái gãy gập. Thằng Bường (làng Diệp, làng Công giáo), con lão Khoái chủ tịch xã, cùng đồng bọn đã đã làm chuyện này. Nó muốn cướp Như. Nó nói gia đình nó và gia đình Như đã có hôn ước. Đến gặp bố Như để nói điều phải trái nhưng bị ông đuổi thẳng. Ông buộc con gái phải lấy Bường. Ông nói với Như: “Hãy vì gia đình này. Lão Khoái là chủ tịch xã, chỉ có lão mới giúp cho những lò gạch bố đang đun kia không bị đổ. Nhà ta ơn nhà đó bao năm rồi”. Như nhắm mắt lấy Bường. Sau đó Như bị Bường đánh đập tàn nhẫn. Nó khép tội Như đã ngủ với thằng ngụ cư (chỉ Đến) rồi nó bỏ Như. Cô bị sẩy thai sau đó sống đời thực vật.

            Mất người yêu, bị đánh  thừa chết thiếu sống không làm Đến đau khổ và uất ức bằng việc cô em gái 16 tuổi của Đến bị cướp trinh. Hai thằng, Đức và Hải (làng Diệp) cá cược. Đứa nào cướp được trinh em gái Đến trước thì đứa kia phải đưa tiền. Cuối cùng thằng Hải con lão Tam ở làng Diệp thắng. Thật là một lũ bỉ ổi súc sinh. Đến giận không sao chịu nổi. “Tôi định thủ một con dao dài, phải bắt chúng trả giá, rồi ra sao cũng được. Bố bảo: “Thôi, chuyện đã rồi, bỏ qua…”; “Nhưng con không thể cho qua chuyện này, nó là em gái con”. Bố lắc đầu”…Bố xua tay, nhẫn nhịn như một con rùa”.

            Nhẫn nhịn như vậy vẫn chưa vừa lòng những kẻ xấu. Đến cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, xin tha lỗi, nhưng sao Người thử thách con lâu đến thế! Đường đến với Chúa là đến nước Thiên đàng. Sao để những kẻ tội lỗi kia canh cổng vào Thiên đàng, để cho con và gia đình hoang mang, chông chênh niềm tin. Sao không cho chúng con sức mạnh, để vượt qua tất cả?

            Tai vạ lại ập đến. Nguyên vật liệu làm đường của làng Diệp bị mất cắp một số lượng lớn. Người ta bí mật cho dân quân điều tra, theo dõi những động thái trong làng. Đến kể: Bố tôi thường trằn trọc đêm khó ngủ, ông ra bờ chuối, có khi vác vó ra sông kéo kiếm cá cải thiện bữa ăn. Vì thế mà có kẻ nhẫn tâm đổ vạ. Ông bị khép vào tội ăn cắp xi măng xếp ở lán của nhà thờ. Bố bị nhốt ở nhà giam của xã, bị tịch thu ruộng để đền vào chỗ xi măng bị mất. Tôi đòi đi kiện nhưng bố can, chẳng ăn thua gì. Tốt hơn là nhịn đi và đi khỏi nơi này”.

            Chú Duy khuyên bố  theo đạo. Bố nói:“Đạo đây này, tiền chính là đạo. Tôi đã khốn nạn chẳng lo cho vợ được một cỗ áo quan tử tế khi chết thì còn đạo làm gì nữa. Tôi phải cút đi đâu đó làm để trả nợ đã”. Đến cũng kiên trì thuyết phục bố nhưng Đến biết: “Tất cả những điều đó làm bố tôi mất lòng tin, không còn thiện cảm với những người theo đạo Chúa. Tất cả những điều đó ngăn cản bố tôi về với Chúa”.

Và không còn đường sống, Đến về dẫn bố và em rời khỏi nơi ngụ cư.

Thằng Bường, sau khi bỏ Như, và sau khi bố nó bị bắt giam vì câu kết với cán bộ xã bán đất của dân bỏ túi, nó đến gặp bố và nói: “Theo bố thì có Chúa không? Chắc là không?! Bởi vì con biết bố và một số người đã mưu toan đẩy dân ngụ cư đi để chiếm đất. Bố không giấu được đâu. Đạo là thế ư? Chúa là thế ư? Con hận bố”.

Câu hỏi ấy cũng là câu hỏi của tác giả đặt ra cho những người theo Chúa ở làng Diệp; cũng là câu hỏi đặt vào lương tâm những con chiên Chúa hôm nay, “những kẻ canh cổng nước Thiên đàngnhưng lại biến nhà Chúa thành “sào huyệt của bọn cướp” (Mt 21, 13).

Tôi nghĩ, những truyện Nguyễn Văn Học kể đều có thể có trong hiện thực ở một làng Công giáo nào đó (ở miền Bắc), song nhà văn có thể đã “hư cấu” quá tay. Bởi vì mọi sự việc xảy ra đều dồn vào một lối hẹp buộc gia đình nhà Đến phải bỏ xứ mà đi, và không để lối nào cho họ đến được với Chúa.

Tôi tự hỏi, vai trò của cha xứ ở làng Diệp? Sao ngài lại để cho con chiên lộng hành tác oai tác quá như thế? Tôi cũng tự hỏi, vai trò các đoàn thể Công giáo tiến hành (Giới Gia trưởng, giới Hiền mẫu, giới Trẻ, hiệp hội Lòng Chúa Thương Xót, Lêgio Marie, Tận hiến…)? Họ ở đâu mà để tội ác hoành hành như thế ngay trong giáo xứ. Câu trả lời là, nhà văn đã không đề cập đến họ (hoặc vì thiếu hiểu biết, hoặc vì cố ý bỏ qua vai trò của họ), ngòi bút chỉ tập trung xô đẩy nhân vật thực hiện  ý đồ sáng tác, gieo mối hoài nghi vào tính chân lý của tôn giáo, bất chấp những quy luận của hiện thực?

Xin đọc NGÃ LÊN CỎ THƠM.

Làng Xe Thồ (ngoại giáo) và là Đại Viên (Công giáo) có mối thâm thù từ lâu vì khác tôn giáo. Vì thế thường xuyên xảy ra những cuộc ẩu đả. Sự thù hận càng tăng lên khi người làng Đại Viên thu mua đất trồng bắp (ngô) của làng Xe Thồ để làm lò gạch  mà việc đền bù không thỏa đáng (?).

Những cuộc ẩu đả ấy diễn ra trước mắt Ngảo, cô gái bị liệt, 17 tuổi, học lớp 11, năng đọc Kinh thánh. Cô có tên thánh Teresa, thích vẽ. Cô nhận thức được vấn đề: “Người Đại Viên kỳ thị người Xe Thồ, bởi họ đã không thờ cúng Đấng Toàn Năng như mình. Sự kỳ thị lớn dần, mưng mủ, hằn sâu dần theo năm tháng…”; “Ngay cả ông nội cũng không giải thích nổi sự ngăn cách giữa đôi bên”…;”Và chắc chắn, ở trong tiền kiếp, hẳn là cuộc sống khác lúc này, sự kỳ thị, hố sâu ngăn cách đã xảy đến bởi những kẻ cố chấp. Những kẻ đó thường vẫn đọc Phúc âm, đọc kinh nhà thờ, nghe cả thánh ca”..;. “Ngảo nhận ra, không phải người làng Xe Thồ yếu thế, đơn giản vì họ chịu nhịn và cái vòng kim cô kỳ thị kia do người làng Đại Viên tạo nên ngày càng nặng nề”.

Ngảo nhận thấy sự căm thù của làng Xe Thồ hằn trong mắt bé Yến, một đứa bé làng Xe Thồ mà đất trồng bắp của bố nó bị bố Ngảo mua lại, phá đi làm lò gạch trong khi bắp sắp được thu hoạch.

Ngảo khuyên cha mình:”Mâu thuẫn giữa hai làng cũng phải đến lúc kết thúc chứ ạ. Đại gia đình mình có khả năng làm việc đó, bố chỉ cần nói với chú trưởng thôn, rồi trình với cha xứ ra một cái luật cấm mâu thuẫn, phân biệt”. Tất nhiên là cha cô không nghe. Ba chị em Ngảo bàn với nhau nhờ ông nội khuyên bảo cha hòa giải. Cha nhượng bộ.

Mọi chuyện đang diễn ra tươi đẹp, nhưng trận chiến lại xảy ra. Ngảo ngồi xe lăn xông vào giữa đám hỗn chiến để ngăn cản. Nhưng vô ích. Phe người làng Xe Thồ bỏ chạy. Chị Vy bị thương ở đầu (chị lấy chồng bên làng Xe Thồ). Chị đẩy xe Ngảo cùng chạy. Ngảo ngã xuống có thơm lần thứ hai.

Cơn bão ập đến. Người già, trẻ em được sơ tán. “Ở một gia đình sơ tán cách nhà mấy cây số, Ngảo nghe ông nói lại Đê đang nứt vỡ. Người hai làng đều tổ chức các đội cứu hộ. Đã có người chết vì nước cuốn đi. Với sức mạnh của nước thì có lẽ, mọi lò gạch đều đã bị xóa sổ, màu xanh của cánh đồng rộng lớn bị hủy hoại”

Tác giả kết thúc truyện bằng một giấc mơ: “Ngồi thì thầm cầu nguyện, Ngảo trôi vào một miền trong veo tĩnh lặng. Cô thấy cánh đồng xanh trải rộng và màu no ấm. Sự hủy hoại của cơn bão, sự trừng phạt của thần linh đã khiến dân hai làng đoàn kết và xây dựng lại cuộc sống, cùng thắp màu xanh cho đồng. Cô thấy Chúa nói bên tai cô, rồi Thiên thần mang cô bay vào bầu trời rộng lớn. Bên dưới, những con người lao động chăm chỉ đang chờ đợi mùa mới bội thu. Tuyệt nhiên, không thấy ai nhắc đến thù hằn. Ngảo cười, bay nhẹ nhàng như cơn gió”.

Tất nhiên là tác giả có thể kết thúc truyện một cách “lãng mạn”, bằng cách cho một cơn bão ập đến, để hai làng thù địch đoàn kết nhau chống bão.

Tôi thì không nghĩ vậy. Ngòi bút hiện thực buộc nhà văn phải tôn trọng cái chân lý của hiện thực. Hai làng thù địch từ tiến kiếp, mối bất hòa càng tăng lên khi đụng chạm đến quyền lợi vật chất, người làng Đại Viên thâu tóm đất cùa làng Xe Thồ để làm lò gạch, đến độ một đứa bé như bé Yến, trong mắt cũng đầy lửa căm thù. Cần phải có một giải pháp thực tiễn khác mới có thể hòa giải được sự thù địch này.

Ở truyện này, người đọc lại thấy vắng bóng vai trò của Linh mục trông coi xứ, cũng không có sự hiện diện của các đoàn thể Công giáo tiến hành. Tác giả giao cho cô gái bại liệt tên là Ngảo, ngồi xe lăn, gánh vác trách nhiệm hòa giải. Đó là một giải pháp không tưởng.

 Một mâu thuẫn xã hội lớn như vậy (từ tiền kiếp), cần phải có sự chung sức của cả xã hội (giáo xứ và chính quyền), của mọi lực lượng công dân (các đoàn thể Công giáo, các đoàn thể chính quyền như Mặt trận tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ,…) để cùng giải quyết. Nguyên nhân căn bản là sự nghèo đói và vấn đề đất đai. Nguyên nhân thứ hai là sự kỳ thị lương giáo đã có từ thời Pháp thuộc. Hai vấn đề xã hội lớn như thế cần phải được giải quyết bằng luật pháp, bằng các giải pháp kinh tế, giáo dục. Việc hòa giải phải được thực hiện căn cơ từ gốc, may ra mới có hiệu quả. Không thể chỉ một cơn bão ập đến là “hai làng đoàn kết và xây dựng lại cuộc sống, cùng thắp màu xanh cho đồng”.

Tôi cho rằng nhà văn Nguyễn Văn Học chỉ tập trung khai thác sự thù hận giữa hai làng Xe Thồ và Đại Viên để phê phán những kẻ xấu của làng Đại Viên (làng Công giáo), “những kẻ cố chấp. Những kẻ đó thường vẫn đọc Phúc âm, đọc kinh nhà thờ, nghe cả thánh ca…” chứ nhà văn không chỉ đặt vấn đề và tìm giải pháp tích cực để giải quyết vấn đề.

            Xin đọc CÔ GÁI HÁT THÁNH CA

            Ngảo là cô gái ngồi xe lăn (tôi không biết có phải là nhân vật Ngảo trong truyện Ngã lên cỏ thơm hay không). Từ nhỏ, Ngảo đã được tắm đẫm trong bầu không khí của đạo Chúa, những lời kinh cầu trong nhà thờ, rất nhiều bài thánh ca và cả những bài Phúc âm nữa…”; “ Càng ngày cô càng muốn hát thánh ca, hơn hết là những bài về Đức Mẹ, cô cảm thấy mình được ủi an khi ở gần Người…”; “Có Mẹ, Ngảo không còn thấy buồn nản. Tâm hồn cô được cứu rỗi và có chốn nương nhờ”.

Ngảo phát hiện ra một nơi mà cô gọi là “chỗ của mùa thu”. Nó thắp lên lá màu, và mỗi cơn gió nhẹ thổi đến thì chúng xào xạc rụng, tơi bời như những cánh chim trúng đạn rớt từ trên cành xuống… Lúc mới đến, Ngảo suýt thốt lên trước màu vàng của nó, cảnh mà cô chưa từng nhìn thấy trong đời”. Đây là một chỗ ít người lui đến. Nó là một gò đất cao giống như chiếc bát úp khổng lồ. Người trong làng thường gọi đây là gò hủi.Nó thuộc về hai mẹ con bà Măng. Họ bị khinh miệt vì mang bệnh hủi, không bao giờ được vào làng.

Ngảo đã đến chỗ bà Măng và phát hiện ra bà Măng không bị hủi. Đứa con của bà, cái Vẹt, chừng tuổi Ngảo cũng không bị bịnh. Trái lại hai mẹ con bà rất xinh đẹp. Chị em Ngảo nói với ông nội và cha mẹ chuyện bà Măng. Nhưng Họ đều từ chối. Ngảo trình với Cha xứ. Cha xứ đưa mẹ con bà Măng về làng và kêu gọi dân làng giúp đỡ để dựng căn lều cho mẹ con bà. Ông trùm Đoành có đến gặp bà Măng và xin bà giữ bí mật. Bí mật ấy là, cái Vẹt chính là con ông. Tác giả dẫn giải:

Điều gì đã diễn ra? Không phải sự thánh thiện vốn có của đạo Chúa được thực thi ở đây, mà bàn tay quỷ dữ hiện diện và hoành hành. Đúng là có tình yêu của cô Măng dành cho ông Đoành. Còn ông Đoành thì không…Ngay khi cô mang thai thì có một người con gái khác ở nước Nga xa xôi trở về. Người làng đã muốn gán người trai tên Đoành 32 tuổi với cô gái giàu có đó…Ông Đoành đã bỏ rơi cô Măng và cưới cô gái giàu có kia”.

Nghe ông trùm Đoành xin giữ bí mật chuyện hai người, bà Măng khóc, hai hàng lệ tứa: “Ông hãy ôm lấy bí mật của ông, sẽ không ai phơi nó ra cả. Cũng chẳng cần ông phải bù đắp”. Bà Măng quyết định ra đi, không nhận bất kỳ một ân huệ nào từ phía làng, và cả phía cha xứ.”

Trong truyện này, mẹ con bà Măng là nạn nhân. Họ bị đẩy khỏi xã hội loài người. Sự ác tâm của ông trùm Đoành và dân làng (Công giáo) là sự ác tâm của quỷ. Bàn tay thiên thần của Ngảo cùng với lòng xót thương Con người của cha xứ không cứu vớt họ được.

Cách kết thúc truyện như vậy làm tắt ngấm mọi hy vọng của chị em Ngảo. Đây là cảnh chia tay: “Vẹt đến tạm biệt Ngảo để theo mẹ ra đi. Ngảo trao cho nó mẫu ảnh Đức Mẹ mà cô luôn đeo ở cổ. “Hãy giữa lấy để luôn được may mắn.” Ngảo hát cho Vẹt nghe bài thánh ca, bài tung hô Đức Mẹ. Cô muốn người bạn nhỏ của mình sẽ được Đức Mẹ che chở.”

Làm sao “Đức Mẹ che chở” được khi trong lòng bà Măng tràn đầy bóng tối? Cách kết thúc truyện như thế này đọng rất sâu nỗi ngậm ngùi cay đắng, bởi mẹ con bà Măng đã được đưa trở về xã hội loài người, được cha xứ và dân làng chấp nhận và giúp đỡ, ánh sáng Cứu Độ đã soi thấu hoàn cảnh của bà, nhưng bà lại ra đi vì không thể tha thứ cho ông trùm Đoành.

Đạo Công giáo dạy tín hữu sự tha thứ. Không chỉ tha thứ bảy lần mà tha thứ bảy mươi lần bảy (Mt 18, 21-22). Sao tác giả không kết thúc truyện bằng ánh sáng của Tin Mừng? Bởi ánh sáng Cứu độ sẽ làm tan đi bóng tối? Đức Giêsu nói: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8, 12).

Đọc ba truyện trên, người đọc đều nhận ra dụng ý của tác giả trong việc kiến tạo tác phẩm. Nhà văn không viết truyện để loan báo Tin Mừng, không viết dưới ánh sáng tư tưởng Mỹ học Kitô giáo. Cảm hứng chính của ngòi bút Nguyễn Văn Học khi viết đề tài Kitô giáo ít nhiều là cảm hứng phê phán, cho nên  bóng tối lấn át phần hiện thực được tác giả phản ánh. Tôi ngờ rằng, tác giả chưa thoát khỏi những ám ảnh tôn giáo trong tác phẩm viết trong thời kỳ miền Bắc cải tạo Xã hội chủ nghĩa (?).

NHỮNG ĐIỀU GỬI GẮM

            Nhà văn Nguyễn Văn Học có nhiều truyện ngắn hay (Tình người, Miền thánh đợi, Ngã lên cỏ thơm, Ngôi nhà có nhiều ô cửa, Cô gái hát thánh ca, Con Khổng tước và cô tiểu thư…). Những truyện anh viết bằng tình yêu thương sâu nặng, bằng thái độ chân thành, và sáng tạo nhiều tình huống bất ngờ, thay đổi nhiều góc trần thuật với giọng trẻ trung hiện đại thì văn của anh thực sự hấp dẫn. Những trang văn thức tỉnh lương tri con người trước cái ác, trước những thân phận “dưới đáy” xã hội bị chà đạp là sự đóng góp của anh cho văn học Việt đương đại.

            Rất tiếc chưa có nhiều ánh sáng tư tưởng Mỹ học Kitô giáo trong tác phẩm của Nguyễn Văn Học nên bóng tối của hiện thực vẫn bao trùm và làm nhức nhối trái tim người đọc. Tôi thích truyện Tình người (giải nhất VHNT Đất Mới 2017), dù bóng tối đè rất nặng tâm tư người đọc về những nỗi niềm mà một người theo Chúa không thể thở than, nhưng kết truyện, ánh sáng Tin Mừng đã đem đến niềm tin yêu có sức sưởi ấm mọi miền hoang vu lạnh lẽo của tâm hồn.

Tháng 4/2022 


[1] Cao Oanh-Nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học: Văn chương cất lên từ cuộc sống:

https://baodansinh.vn/nha-van-tre-nguyen-van-hoc-van-chuong-cat-len-tu-cuoc-song-35818.htm

[2] Thanh Hiền-Những trang văn cất tiếng cho sinh thái:

https://www.qdnd.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/nhung-trang-van-cat-tieng-cho-sinh-thai-681355

[3] Hoàng Thụy Anh-Nguyễn Văn Học nâng niu vị muối của tâm hồn:

https://thanhnien.vn/van-hoa/nguyen-van-hoc-nang-niu-vi-muoi-cua-tam-hon-1390434.html

CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU CÔNG GIÁO

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU CÔNG GIÁO

(Ghi nhanh)

Bùi Công Thuấn

***

(Các nhà nghiên cứu văn học Công giáo)

Bài này chỉ là “ghi nhanh” giới thiệu sơ lược các nhà nghiên cứu Công giáo và những đề tài văn học Công giáo. Thông qua các đề tài, thử tìm hiều các khuynh hương nghiên cứu, những gì đã đạt được, từ đó nhìn về tương lai. Trong danh sách này cũng có nhà nghiên cứu không phải là người Công giáo, song họ hợp tác với nhà nghiên cứu Công giáo trong các công trình chung.

PHẦN I: CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU

Ghi nhận theo thứ tự năm sinh: có 26 nhà nghiên cứu (danh sách không đầy đủ, có một số vị tôi không tìm được tiểu sử chính xác).

1. Vũ Văn Kính (1919-2009)

Nhà nghiên cứu Hán – Nôm.

Vũ Văn Kính sinh ở thôn Thanh Sầm, xã Đồng Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Người đi tìm nguyên tác truyện Kiều

            Năm 2000, cụ xuất bản Đại tự điển chữ Nôm với hơn 37.000 chữ Nôm và trên 7.000 âm, gần 1.600 trang, sách khổ 24x16cm.

            Cụ đã phiên âm và dịch toàn bộ kho tàng chữ Nôm của Maiorica, gồm 8.000 trang (Theo Khổng Đức…)

Tác phẩm:Tự điểm Nôm, Tự vị Nôm, Bảng tra chữ Nôm thế kỷ 17, Bảng tra chữ Nôm sau thế kỷ 17, Bảng tra chữ Nôm Miền Nam, Truyền Kiều đối chiếu chữ Nôm – Quốc ngữ; Tìm nguyên tác truyện Kiều; Đại từ điển chữ Nôm.

2.Nguyễn Khắc Xuyên (1923-1993)

Nhà nghiên cứu.

Quê Hà Đông. Năm 1935, tu học tại Chủng viện Hoàng Nguyên, chịu chức linh mục vào 31-05-1954, sau đó gia nhập Hội Dòng Xuân Bích và du học Pháp. Năm 1968 xin xuất tu và lập gia đình. Dạy học và sống ẩn dật tại Nha Trang.

Ông có nhiều tác phẩm khảo cứu, dịch và chú giải và là tác giả của nhiều bài thánh ca nổi tiếng: Cao cung lên, Trên con đường về quê, Bê Lem ơi, Lạy Mẹ xin yên ủi…

Tác phẩm:

-“Những tác phẩm ca dao, tục ngữ được xuất bản trước đây một thế kỷ ( Câu hát góp và tục ngữ, cổ ngữ gia ngôn)” (1997) 

 -“Ngữ pháp tiếng Việt của Đắc Lộ 1651. (1993) 

– Dịch và chú giải “Tường trình về khu Truyền giáo Đàng Trong của Cristophori Borri”; “ Tự vị Annam Latinh . Dictionarium Anamitico Latinum 1772-1773 của Pigneaux de Behaine” (1999).

3.GS Lm Thanh Lãng (1924-1988)

Tên thật Đinh Xuân Nguyên, sinh tại Nga Sơn, Thanh Hoá. thụ phong linh mục 1953.

 Cử nhân Thần học và Tiến sĩ văn chương Fribourg năm 1956.

Năm 1957, hồi hương, làm giáo sư tiểu chủng viện Tân Thanh ở Bảo Lộc rồi giảng dạy các Đại học Văn khoa SàiGòn và Văn khoa Huế. Từng giữ nhiều chức vụ về văn hoá, giáo dục như:

Là chủ nhiệm hoặc chủ biên của các tạp chí Việt Tiến, Nghiên Cứu Văn Học, Trách Nhiệm

Các công trình biên khảo, phê bình và văn-học sử đã xuất bản:

– Bộ Khởi thảo Văn-Học Sử Việt-Nam gồm 2 tập: Văn-Chương Chữ Nôm (1953) và Văn-Chương Bình Dân (1954)

–  Biểu nhất lãm Văn học Cận đại Việt Nam (2 tập, Tự Do, 1957),

–  Apport francais dans la littérature vietnamienne (1651-1945). SàiGòn, 1962  (Luận án Tiến sĩ Đại học Fribourg Thụy Sỹ).

–  Sách Sổ Sang Chép Các Việc của Philiphê Bỉnh;

–  Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (2 tập, Phong Trào Văn Hóa, 1972).

–  Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (“trình bày và trích tuyển”) gồm 2 tập do NXB Trình Bầy in năm 1967

– Lịch Sử Tiểu Thuyết Việt Nam (1932-1945) tài liệu học tập đại học Văn khoa Sài-Gòn in ronéo, 3 tập, 1964

4. Lm Nguyễn Hưng (1927-2010)

            Nhà nghiên cứu Hán-Nôm Công giáo

Linh mục Vinh Sơn Nguyễn Hưng sinh tại giáo xứ Quỹ Đê, Trực Ninh, Nam Định, thuộc Giáo phận Bùi Chu. Thụ phong linh mục1959. Du học tại đại học Sorbonne, Pháp (1964 – 1971) với học vị Tiến sĩ Ngôn ngữ học.

Từ  1971-1974 cha giảng dạy tại các Trường Chu Văn An, Trưng Vương, và các Đại học Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, Tiền Giang, Duyên Hải, Cao Đài, Minh Đức.

 Cha đã biên soạn nhiều sách Triết học, Thần học, Linh hướng, Tu đức…

Lập ra Nhóm Dịch thuật Hán Nôm Công Giáo. Số sách Hán Nôm đã được sưu tập, dịch thuật và và in ấn lên tới hơn 120 cuốn. “Sách Hán Nôm Công Giáo Việt Nam” Và “Chữ Nôm Công Giáo Qua Những Tác Phẩm Của Majorica” (viết chung với Vũ Văn Kính)

5. Lm Vũ Đình Trác (1927-2003)

Quê Nam Định. Tự: Hán Chương.

Tiến Sĩ Triết Học Đông Phương tại Đại học Sophia, Tokyo.

Năm 1980 hoạt động về mục vụ, văn hóa, giáo dục tại California.

Năm 1987 thuyết trình tại Đại Hội Triết Học Thế Giới, tổ chức tại Đài Loan.

Tác phẩm chính: Triết Học Đông Phương lớp đệ Nhất, Sài Gòn, 1962. Đời Anh (Tiểu thuyết lý tưởng), Sài Gòn, 1959. Đắc Đạo Thi Sĩ .Thơ (Sài Gòn, Đường Sống, 1960). Muôn Điệu Tình Ca, Thơ (Orange – California, Hội Hữu, 1997).

6. Võ Long Tê (1927-2017)

Nhà nghiên cứu văn học Công giáo

Sinh tại Huế.

Năm 1991 sống tại Calgary, Canada.

Tác phẩm:  Lịch Sử Văn Học Công Giáo Việt Nam (1965),  Dẫn Nhập Nghiên Cứu Tiếng Việt Và Chữ Quốc Ngữ (1997)…

Thơ: Ánh sáng trong đêm (1966), Tiệc Cưới (1966),  Khối Tình (1968),..

7. Lm Giuse Đỗ Quang Chính (1929-2012)

Nhà Sử học (học chuyên môn về Sử tại Sorbonne, Paris từ 1967 – 1970).

Quê ở Nam Định. Thuộc dòng Tên,  Từng dạy tại các Đại Chủng viện Huế, Vĩnh Long, Giáo hoàng Học viện Piô X và các Đại học Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, Tây Ninh.

 Tác phẩm chính: Tập Lịch sử nước Annam, Giáo hội Công giáo hòa nhập với văn hóa gia đình Việt Nam. Lịch sử chữ Quốc ngữ (1972).

Bài viết:

Alexandre De Rhodes  công bố sách quốc ngữ đầu tiên.

8.GS Nguyễn Văn Trung

Sinh: 26-09-1930, là nhà giáo, nhà văn.

Dạy triết và văn ở đại học Văn Khoa Saigon.

Năm 1993, sang định cư ở Montréal, Canada.

Tác phẩm tiêu biểu:

 – Nhận định I, II, III, IV, V, VI, IX, X

Lược khảo văn học I, II, III,

Những áng văn quốc ngữ đầu tiên: Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản (1987). 

Về sách báo của tác giả công giáo thế kỷ XVII- XIX (1993).

Lục châu học

9. Lê Phụng (1933-2017)

Nhà nghiên cứu văn học Công giáo.

Sinh tại Bắc Việt. Trước năm 1975, giảng viên Đại học Khoa học Sài Gòn. 

Định cư tại Montreal, Canada.

Tác phẩm: Nẻo Mới Vào Văn Học (1997), Công Trạng Văn Học Trong Các Xứ Đạo (2017). Văn Học mang dấu Chúa với tác phẩm của Lữ Y Đoàn, v.v.. Hàn Mạc Tử và siêu thực. Thơ Thiền Nguyễn Du và Nguyễn Khuyến. Kim Vân Kiều. Hoa Việt Nhật.

Bài viết: Đọc Tao Đoạn Kinh

Nguyễn Văn Lục nhận xét về cách viết của Lê Phụng trong cuốn Công Trạng Văn Học Trong Các Xứ Đạo: ông chú trọng đến vấn đề Liên văn bản. Có nghĩa là tìm hiểu văn học nhà đạo, chủ yếu là Hán-Nôm so sánh với văn học, văn hóa ngoài luồng nhà đạo.(Xin đọc: Giới thiệu cuốn “Công trạng Văn học trong Các Xứ Đạo” của Lê Phụng).

10. Lê Ngọc Bích (1933-2009)

Nhà nghiên cứu sử học Công giáo.

            Quê: làng Thượng An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên

            Năm 1944, Lê Ngọc Bích được rửa tội tại Dòng Chúa Cứu Thế Huế với tên thánh Gérard rồi vào tu tại DCCT Huế.

Học tại Viện Hán Học Huế (1959), và Đại Học Sư Phạm Huế (1959-1962).

Sau 1975, nghiên cứu lịch sử đạo Công Giáo ở Việt Nam.

Tác phẩm chính:

Người Việt Công Giáo, Chứng Nhân Đức Tin (1630-1885).

Giám mục người nước ngoài qua chặng đường 1959-1975.

Nhân vật Công giáo Việt Nam thế kỷ 18-19-20.

Bài viết: Pièrre Đỗ Đình, nhà thơ, nhà văn, nhà giáo

11. Nguyễn Văn Lục

            Nhà nghiên cứu.

Sinh năm 1938 tại Hà Nam.

            Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Đà Lạt, khoa Triết

Định cư tại Montreal, Canada từ năm 1979 đến nay.

Cộng tác các tạp chí Văn, Hợp Lưu, Tân Văn, Sài Gòn Nhỏ, Đàn Chim Việt, Một Góc Trời, Talawas, Art2all…

            Bài viết: Dòng văn học mang dấu Chúa

12. Lm GoanKim Nguyễn Hoàng Sơn

Sinh ngày: 26.12.1942, quê Bình Định, Quy Nhơn
Thụ phong linh mục 1971

Bài viết

-“Một nền văn học công giáo bằng chữ Quốc Ngữ chính thức bắt đầu với A. Rhodes”.

Tiếng nói nước Đại Việt vào thế kỷ XVII. Gạn lọc và phát huy trong sáng tiếng Việt

– Tác Phẩm Giáo Lý Công Giáo chữ Nôm của Linh mục thừa sai Jêrônimô Majorica S.J.   

13.Lê Đình Bảng

            Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Công giáo

Sinh: 17-09-1942 tại làng Đình Bảng, Thái Bình.

Các tập thơ: Bước chân người Giao chỉ (Sài gòn 1967), Hành hương (2006), Quỳ trước đền vàng (2010), Lời tự tình của bến trần gian (2012), Ơn đời một cõi mênh mang (2014).

 Nghiên cứu: Văn học Công giáo Việt Nam – Những chặng đường (2010), Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam (6 tập, 2009).

14.Lm Giuse Trương Đình Hiền

            Nhà nghiên cứu, nhà thơ.

            Sinh ngày: 19-3-1950 tại Trà Câu, Quảng Ngãi.

Bút danh: Sơn Ca Linh, Trần Đoan Hùng, Cha sở nhà quê.

Thụ phong Linh mục: 10-05-1989. Tổng đại diện Gp. Qui Nhơn từ 2016. Tác phẩm: Anrê Phú Yên, rực sáng một vì sao (sưu tập); Mẹ tôi là thế đấy (khảo luận về Giáo hội), Bình vẫn chưa hề cũ (khảo luận về hai văn kiện “Huấn thị 1659” và “Monita 1664”). Các bài viết:

            1.Tiếng nước tôi và “Lời vĩnh cửu”

            2. Định hướng văn học trong mục vụ truyền giáo thời đầu tại Việt Nam

           3.Truyền thống văn học Công Giáo từ Anrê Phú Yên đến ngày nay

15.Nguyễn Vy Khanh

            Sinh này 5/3/1951 tại Quảng Bình

            Cao học Quản trị Thư viện (Master of Library Science, ĐH Montréal (1978). Nghề nghiệp chính: Dạy học (trước 1975) và Chuyên viên Thư viện Quốc hội và Chính phủ Québec từ 1978 ở Montréal và Québec City…

Ông về hưu từ 2011 và hiện sống tại Toronto (Canada).

Những công trình nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam của ông rất đồ sộ, chỉ xin nên tên một vài tác phẩm chính, và những chuyên luận về văn học Công giáo:

Văn học Việt Nam thế kỷ XX, một số hiện tượng và thể loại. Nxb Đại Nam 2004

Văn học miền Nam 1954-1975-Nhận định, biên khảo và thư tịch

Đôi nét về văn học Công giáo (2007)

Sơ thảo về văn học Công giáo hải ngoại (2022)

5 bài viết về Trương Vĩnh Ký và khoảng 40 chuyên luận văn học.

16.Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông

Sinh: 19-02-1957. Thuộc dòng Chúa Cứu Thế.

Tiến sĩ ngành Giáo dục Tôn giáo tại Đại học De la Salle.

 Hiện đang là phó Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Giảng dạy tại: Đại chủng viện Saigon, Học viện Công giáo.

Tác phẩm chính: Luân lý giới tính, Thần học luân lý căn bản, Sỏi đá nở hoa, Trăng rằm trên phố núi, Hoa tươi trong vùng cát, Trong vùng nắng, Nắng chiều tàn tạ.  Có hơn 50 tác phẩm dịch thuật. 6 tác phẩm cả truyện ngắn lẫn tiểu thuyết (xem: Văn học Công giáo từ 1620 đến nay).

Chuyên luận:

Văn học Công giáo chữ Nôm thế kỷ XVII;

-Các tác giả văn học Công giáo thế kỷ XIX (nguồn: Hướng đếm 400 năm văn học Công giáo Việt Nam).

Văn học Công giáo từ 1620 đến nay.

17.Lm Phaolô Nguyễn Minh Chính

Sinh: 12-07-1958, tại Gia Hựu, Bình Định. Thụ phong Linh mục: 11-12-1997 thuộc giáo phận Qui Nhơn.

Tốt nghiệp Thần học hệ thống tại Học viện Công giáo Paris (ICP) năm 2008.

Tác phẩm: Mật khẩu để đọc Tin mừng (2015); Khi xác thân làm của lễ (2017); Và họ nhận ra Ngài (2018); Xuôi ngược thời gian (2019); Nối vạch thời gian (2020); Ngả bóng thời gian (2021).

Các bài viết:

1.Sách Nhà in Làng Sông và Qui Nhơn.

2.Làng Sông – Nhà in và Thư viện.

     (Nguồn: Hướng đến 400 năm Văn học Công giáo. Tr. 538)

3..Truyền thống báo chí tại giáo phận Quy Nhơn.

     (Nguồn: Hướng đến 400 năm Văn học Công giáo. Tr. 538)

4.Thuật tích việc nước Nam cha Đặng Đức Tuấn nguồn chữ Nôm và lịch sử Việt Nam thế kỷ XIX . (chuyển ngữ)
5.Nhà in Gia Hựu.

18.Lm. Gioan Võ Đình Đệ.

Sinh: 21-04-1960, tại Hoài Châu, Hoài Nhơn, Bình Định

Thụ phong Linh mục: 05-06-2001, thuộc giáo phận Qui Nhơn.

Hiện đang làm việc tại Tòa Giám Mục Qui Nhơn.

Tác phẩm viết chung với Nguyễn Thanh Quang: Chữ Quốc ngữ, Từ Nước Mặn đến Làng Sông (2018), Bà đỡ khai sinh chữ Quốc ngữ (2019). Một số vấn đề về chữ Quốc ngữ (2020).

            Các bài viết:

1.Không có “ông tổ duy nhất” của chữ Quốc Ngữ . (với Nguyễn Thanh Quang)

2.Vai trò các thừa sai dòng Tên trong việc sáng tạo chữ Quốc ngữ tại Nước Mặn,

   Bình Định.-

3.Quyển sách giáo lý đầu tiên trong công cuộc truyền giáo tại Việt Nam.

4.Thực hư có giáo sĩ Inêxu lén truyền giáo ở Đại Việt năm 1533.

5.Chân Phước Anrê Phú Yên, một cuộc đời hoàn thành (1625-1644.)

6.Nước Mặn, Cảng Thị và Trung tâm Truyền giáo.

7.Linh mục GioaKim Đặng Đức Tuấn (1806-1874).

8.Một danh nhân văn hóa bị lãng quên cha Laurent Emmanuel Huỳnh Văn Lâu Linh

     mục Đàng Trong (1660-1732)

19.TS Liễu Trương

            Sống ở Pháp từ năm 1963.

            Tiến sĩ Văn học đối chiếu, Đại học Paris III, Sorbonne Nouvelle.

 Tác phẩm chính:

Les canons tonnent la nuit.

Đêm nghe tiếng đại bác (dịch truyện của Nhã Ca).

Tiếp cận văn học Pháp.

Phân tâm học và Phê bình Văn học.

Bài viết: Trương Vĩnh Ký, nhà văn hóa tiên phong

20. Phêrô Lê Minh Sơn

            Sinh: 15-10-1968 tại Kon Tum.

Một số tác phẩm:

-Giải nhất “Cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời 2011”.

-KonTum, vần thơ đạo ngày ấy (Sưu tập).

-Tiểu sử các Giám mục, Linh mục truyền giáo và phục Giáo phận Kon Tum đã qua đời từ năm 1848 tới nay.

-Các Linh mục Thừa sai Hải ngoại Paris đã phục vụ Giáo phận Kon Tum (1850-1975).

21.ThS Lê Thị Hà

Sinh: 12-05-1984, tại Hà Nội.

Tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Chuyên ngành Hán Nôm – Nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Bài viết:

-Giới thiệu một số tuồng Công giáo trước 1945

-Khảo cứu từ ngữ Công giáo gốc Ấn Âu có cấu tạo Hán Việt

22. Nt Đinh Thị Oanh-Gió Biển (dòng Trinh Vương-Bùi Môn)

            Sinh: 23-02-1986, tại tỉnh Đồng Nai.

Thuộc Hội Dòng Nữ tu Thừa sai Đức Mẹ Trinh Vương – Sài Gòn.

 Nghiên cứu sinh Tiến sĩ.

            Bài viết:

Khái lược Nam Kỳ Địa Phận: Tờ báo Công giáo đầu tiên ở Việt Nam

        Tác phẩm tiểu thuyết Công Giáo của Cha Phêrô Nghĩa

23. Nt Agata Nguyễn Thị Kim Tuyến

Dòng Mến Thánh Giá Huế

Bài viết: Lm Sảng Đình Nguyễn Văn Thích (1891 – 1978) (đăng trên Tạp chí Nghiên cứ văn học số tháng 7/2020).

24. Nt Anna Nguyễn Thị Bích Hạt

Sinh: 14-11-1988, quê ở Thái Nguyên. Thuộc dòng Mến Thánh giá Thủ Đức

Học Đại học Lao Động Xã Hội – Hà Nội. 

Tác phẩm: Làng và một số truyện ngắn trong tuyển tập Viết Văn Đường Trường 2014-2018.

Bài viết: Bước dò dẫm của các cây bút nữ Công giáo. (Viết chung với Nguyễn Thị Thắm

25.Maria Teresa Nguyễn Thị Thắm

Sinh: 21-12-1979 tại Kiến Xương,Thái Bình.

Đại học Sư phạm Huế & Trung Quốc.

Thạc sĩ Giáo dục Hán ngữ quốc tế.

Giảng viên Đại học Qui Nhơn.

26.ThS. Nguyễn Thị Kim Hồng

Sinh 04-06-1989 tại ĐắkLắk. Quê quán: Kim Sơn- Ninh Bình                                 

Học vị cao nhất: Thạc sĩ Văn học Việt Nam 2017,

Luận văn:  Đức tin trong thơ Công giáo Việt Nam hiện đại (Qua năm tập Có một vườn thơ đạo)

Chức vụ: Giảng viên, Khoa Sư phạm, Trường Đại học Tây Nguyên

27. Đinh Phạm Phương Thảo

            Sinh: 18-02-2000 tại Đồng Nai.

Hiện là sinh viên khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh.

 Chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu khoa học năm 2020-2021: “Tuồng Thương khó của Nguyễn Bá Tòng, một vở kịch hiện đại đầu thế kỷ XX”.

PHẦN II: MỘT VÀI GHI NHẬN

            Nhìn suốt quá trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Công giáo ta có thể ghi nhận được một vài điều.

            1.Mỗi nhà nghiên cứu khám phá được một một phần giá trị văn học Công giáo, góp vào sự nghiệp chung, nhờ đó, cho đến nay (2022), việc nghiên cứu văn học Công giáo đã có được một “vốn liếng” nhất định. Dù vậy, việc khẳng định một nền văn học Công giáo và những giá trị văn học Công giáo đóng góp cho văn học dân tộc, khẳng định văn học Công giáo là một bộ phận của văn học dân tộc, những điều ấy còn ở thì tương lai.

            2.Tiến trình nghiên cứu khởi đi từ việc tập trung nghiên cứu về chữ Quốc ngữ. Các nhà nghiên cứu coi đây là mấu chốt có ý nghĩa quan trọng mà đạo Công giáo đóng góp cho văn hóa dân tộc. Bởi ngôn ngữ là yếu tố quan trọng bậc nhất của văn hóa. Có ngôn ngữ mới có tư tưởng, có văn học nghệ thuật. Cho nên nhiều công trình nghiên cứu chữ Quốc ngữ, nhiều cuộc hội thảo về chữ Quốc ngữ đã được tổ chức.

Từ vấn đề chữ Quốc ngữ, các nhà nghiên cứu tiến thêm một bước đặt vấn đề “văn hóa Công giáo sau đó mới đặt vấn đề về “nền văn học Công giáo”.

Thí dụ:

Tọa đàm về chủ đề: “Một số vấn đề Văn Hóa Công Giáo Việt Nam” tại Tòa Tổng Giám Mục Huế từ ngày 24-27 tháng 10 năm 2000. Lm Thiện Cẩm dòng Ðaminh đặt vấn đề: “có chăng một nền Văn Hóa Công Giáo Việt Nam?”; Lm Ðỗ Quang Chính dòng Tên trình bày đề tài: “Alexandre de Rhodes công bố sách quốc ngữ đầu tiên”.

Hội thảo khoa học: “Bình Định với chữ Quốc ngữ” ngày 13/01/2016 do UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam… tổ chức, có 72 tham luận, trong đó, có 26 tham luận về “Quá trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ”, 24 tham luận về “Chữ Quốc ngữ với sự phát triển nền văn hóa dân tộc”[[1]]. Phía Công giáo có 3 tham luận của Lm Gioan Võ Đình Đệ (GP Qui Nhơn) về Vai trò các Thừa sai dòng Tên trong việc sáng tạo chữ Quốc ngữ tại Nước Mặn – Bình Định; Lm FX Nguyễn Hai Tính, SJ, về Sách giáo lý của linh mục Girolamo Maiorica và sáng kiến hội nhập văn hóa và Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn (TGP.TPHCM) về Việc thống nhất cách đặt dấu giọng trên vài vần cho phù hợp với khoa ngôn ngữ học hiện đại.

Hội thảo “Bốn Trăm Năm Hình Thành Và Phát Triển Chữ Quốc Ngữ Trong Lịch Sử Loan Báo Tin Mừng Tại Việt Nam” do Ủy ban Văn hóa trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức vào hai ngày 25 và 26/10/2019 tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn có các đề tài: Ảnh hưởng của văn chương Công giáo trên việc truyền bá đức tin ở VN thế kỷ XVII – XVIII; Chữ quốc ngữ trong văn học Công giáo năm từ năm 1862 đến 1919; Văn học chữ quốc ngữ thế kỷ XIX – Thánh Philipphê Phan Văn Minh (1815 – 1853), cánh én báo mùa Xuân[[2]].

Tọa đàm trực tuyến ngày 19/9/2021 với chủ đề “Văn học Công giáo đương đại”do Ban Văn hóa Giáo phận Quy Nhơn tổ chức có các đề tài:

– Định hướng văn học trong mục vụ truyền giáo thời đầu tại Việt Nam (Lm. Trương Đình Hiền, Tổng đại diện Gp. Qui Nhơn).

– Hán Nôm Công Giáo (Ths. Maria Lê Thị Hà, viện Hán Nôm). 

– Bước dò dẫm của các cây bút nữ (Nữ tu Anna Nguyễn Thị Bích Hạt)

– Vài nét về văn học Công giáo trong nước từ 1975 tới nay (Nhà văn Maria Nguyễn Thị Khánh Liên, Gp. Nha Trang).

– Văn học Công giáo Tây nguyên (Phêrô Lê Minh Sơn, Gp. Kontum).

3. Càng về sau, việc nghiên cứu chuyên sâu về tác giả, tác phẩm văn học Công giáo được quan tâm nhiều hơn. Cho đến nay nhiều tác giả của thời kỳ đầu đã được nghiên cứu: A.Rhodes, Majorica, Sấm Truyền ca, Thánh Philipphê Phan Văn Minh, Lm Đặng Đức Tuấn, Sảng Đình Nguyễn Văn Thích, Truyện Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản, Tuồng thương khó của Nguyễn Bá Tòng, các tác giả Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Hữu Bài, báo Nam Kỳ địa phận, giới thiệu một số tuồng Công giáo…

4.Ngoại trừ công trình Lịch sử văn học Công giáo Việt Nam của Võ Long Tê (1965) và công trình Văn học Công giáo Việt Nam, Những chặng đường của Lê Đình Bảng (2010), Chưa có một công trình Lịch sử văn học Công giáo nào nghiên cứu đầy đủ và thấu đáo về văn học Công gíao Việt Nam, để từ đó xác lập văn học Công giáo là một bộ phận của văn học dân tộc.

5. Không có sự thống nhất việc xác định các tác giả văn học Công giáo trong thế kỷ XX, nhất là nửa sau thế kỷ XX. Mỗi nhà nghiên cứu ghi nhận một số tên tuổi theo góc nhìn riêng của mình [[3]]. Điều này xuất phát từ tiêu chí chọn lựa thế nào là nhà thơ, nhà văn Công giáo. Dễ thấy nhất là trường hợp các nhà văn hóa Nguyễn Trường Tộ và Trương Vĩnh Ký được Phạm Đình Khiêm đưa vào danh mục “nhà thơ” Công giáo; hoặc hầu như các nhà nghiên cứu chỉ dựa vào nhận xét của Vũ Ngọc Phan mà đưa Thụy An với tiểu thuyết Một linh hồn vào danh mục “nhà văn Công giáo”, trong khi nhữ nhà văn này cuối đời quy y cửa phật có pháp danh, và tiểu thuyết Một linh hồn chỉ là một truyện tình (văn chương thị trường), kiểu “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, lấy bối cảnh Công giáo với rất nhiều chi tiết sai với luân lý Công giáo.

Trong các bộ sưu tập văn thơ Công giáo như Có một vườn thơ đạo (5 cuốn), người sưu tập mới chỉ chú ý đến số lượng, gọi chung tất cả các tác giả đều là “nhà thơ Công giáo”, trong khi chưa xác lập tác giả nào thuộc “văn chương phong trào”, và tác giả nào là nhà thơ có cá tính sáng tạo độc đáo, có đóng góp nghệ thuật làm phát triển thơ ca Công gíao (như Hàn Mạc Tử).

6. Các nhà nghiên cứu văn học Công giáo thế hệ trước đã hoàn thành sứ mệnh. Một thế hệ các nhà nghiên cứu trẻ có trình độ đang hình thành và tự khẳng định. Chúng ta có quyền hy vọng việc nghiên cứu văn học Công giáo sẽ có những bước phát triển mới.

Ước mong Ủy ban Văn hóa Hội đồng Giám mục Việt Nam tập hợp các nhà nghiên cứu Công giáo (có thể mời thêm các nhà nghiên cứu văn học thế tục) để thực hiện bộ sách Lịch sử văn học Công giáo Việt Nam, bao quát được 400 năm phát triển của văn học Công giáo Việt Nam, khẳng định nền văn học Công giáo trong nền văn học dân tộc, từ đó mở ra một thời kỳ phát triển mới trong thời đại toàn cầu hóa.

Tháng 4/ 2022


[1]Hội thảo khoa học “Bình Ðịnh với chữ Quốc ngữ”:

https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/hoi-thao-khoa-hoc-binh-inh-voi-chu-quoc-ngu-252837/

[2] Hội thảo Văn hóa: Bốn Trăm Năm Hình Thành Và Phát Triển Chữ Quốc Ngữ Trong Lịch Sử Loan Báo Tin Mừng Tại Việt Nam

https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/hoi-thao-van-hoa-bon-tram-nam-hinh-thanh-va-phat-trien-chu-quoc-ngu-trong-lich-su-loan-bao-tin-mung-tai-viet-nam-35495

[3] Xin đọc các công trình của Lê Đình Bảng, của Phạm Đình Khiêm, của Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông, của nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh, và các tác giả trong bộ sách Có Một vườn thơ đạo do Lm Trăng Thập Tự chủ biên.

NGUYỄN THỊ KHÁNH LIÊN & Những sáng tạo nghệ thuật

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

Giới thiệu văn học Công giáo đương đại

NGUYỄN THỊ KHÁNH LIÊN & Những sáng tạo nghệ thuật

Bùi Công Thuấn

Nhà văn Nguyễn Thị Khánh Liên (viết tắt Khánh Liên) sinh năm 1982, giáo xứ Gò Đèn, Giáo phận Nha Trang. Khánh Liên là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm đã in: Mùa ảo ảnh (truyện dài. 2014); Charao mùa trăng (Truyện dài. 2014), Cô bé gọt bút chì và chú vẹt Cúc-cu (truyện dài thiếu nhi, 2014), Giải cứu ông già Noel (tập truyện ngắn thiếu nhi. 2017). Khánh Liên cũng đoạt nhiều giải thưởng văn học: Giải nhất cuộc thi truyện ngắn Kẹo bạc hà cho tình đầu (báo Áo Trắng 2013), Giải khuyến khích Văn học tuổi 20 lần thứ 5 (2014), Giải Viết văn đường trường (2015, 2016, 2018), Giải VHNT Đất Mới (2016, 2020), Giải nhất cuộc thi viết truyện ngắn và giải nhất cuộc thi viết truyện dài ”50 năm giáo phận Ban Mê Thuột”(2018); Giải ba cuộc thi viết tản văn ”Thương nhớ miền trung” (Báo Thanh Niên 2020)…Những thông tin như vậy giúp người đọc nhận ra một cây bút đầy nội lực và đã được khẳng định tài năng qua nhiều giải thưởng.

MỘT TẤM LÒNG NHÂN ÁI

            Yêu thương con người là phẩm chất hàng đầu của một nhà văn. Giá trị nhân đạo của tác phẩm luôn là giá trị vĩnh cửu của văn học. Nguyễn Du (1765-1820), Victor Hugo (1802-1885), Nam Cao (1915-1951)… được ca ngợi bởi vì tác phẩm của họ chan chứa lòng yêu thương con người. Nhà văn đặt ra những vấn đề tư tưởng lớn về kiếp nhân sinh.

Khánh Liên đang đi trên con đường ấy, nhà văn đến với mọi số phận đau khổ trong những hoàn cảnh nghiệt ngã của cuộc đời và lên tiếng mạnh mẽ trước những vấn đề thách thức lương tâm Công giáo. Tập truyện “Sông chảy về đâu” là một câu hỏi lớn của nhiều số phận bi kịch và đau đáu tấm lòng của tác giả.

Đó là tình cảnh của bà Lapia (truyện Bài ca của chú ve nhỏ), chồng và con chết trong một trận lũ, sau đó bệnh cùi ập đến. Bà và nhiều người bịnh cùi khác vào rừng để sống. Họ chỉ còn niềm vui, niềm hy vọng nơi Chúa. Một câu hỏi thống thiết cất lên: “Chúa có biết nỗi buồn của những con chiên cùi khi chôn đi một phần cơ thể yêu dấu? Có. Chúa biết. Chúa nghe. Chúa vẫn an ủi những con chiên cùi đáng thương bằng cách này hay cách khác.”

Thảm cảnh khủng khiếp hơn khi cả một làng biển, 10 đứa trẻ sinh ra thì có đến 9 đứa bị dị dạng. Người ta nghĩ đến sự trừng phạt của Chúa. Những người phụ nữ sinh con dị dạng ấy phải sống cách ly với dân làng trong một ngôi làng tạm gần biển. Họ chỉ còn biết “hết lòng yêu thương đùm bọc nhau và không ngừng trông cậy vào Chúa”(truyện Lời nguyện cầu cho biển). Rồi một hôm, cá chết trôi dạt vào bờ. “Người làng ngồi thẫn thờ bên cá, khóc cho cá trong đêm”. Những người đàn ông không còn đi biển đánh cá, ngoài chợ không ai mua cá và những người chồng lại đi xa kiếm sống. Đây là truyện đẫm nước mắt. Tôi đếm được 10 lần nhà văn miêu tả nước mắt: Nước mắt ròng ròng của người mẹ khi nhìn thấy đứa con mới sinh bị dị dạng. “Những người thân đứng gần chị đều đã khóc thành tiếng cả rồi”. Những đứa trẻ: “Có đứa bị mù, không nhìn thấy ai, không thấy được gương mặt của mẹ. Nó khóc váng lên, ngày cũng khóc và đêm cũng khóc”; ngôi làng của nước mắt. Tháng nào, năm nào cũng có nước mắt rơi. Nước mắt của những người còn sống sau những cơn bão…Nước mắt của những người đàn bà khóc chồng, khóc con trai ..Nước mắt của những người mất người thân …Nước biển mặn vì muối mà cũng vì quá nhiều nước mắt khóc cho biển rồi”; Những chiếc tàu đánh cá cập bến. Nhìn cá chết, tất cả những người đàn ông đều khóc. Anh chồng chị: “Anh khóc khi nhìn thấy bãi biển ngày nào cũng dạt vào cá chết. Khóc khi nhìn thấy hình hài đứa con trai duy nhất anh chờ đợi. Khóc khi đi vào chợ, hàng cá của má anh, vợ anh không một ai tới hỏi han.” Vâng, những con người khốn khổ ấy hoàn toàn bất lực, họ chỉ còn biết khóc thương cho chính mình, và nhà văn lên tiếng thay cho họ, chia sẻ nỗi bi thương của họ đồng thời nói lên nguyện vọng, ước mơ của họ, và điều quan trọng là khẳng định lòng tin vào Chúa: “Chị lần chuỗi xong thì thiếp đi. Trong giấc mơ chị thấy chồng chị và đứa con trai chị đứng trên một chiếc tàu lớn, đứa con trai chị lành lặn, xinh xắn, vẫy tay chào chị./ Chị còn nhìn thấy Chúa đứng trên vầng sáng đó, nhìn xuống gia đình nhỏ nhắn của chị, cười nhân hậu. Và chị nhoẻn cười trong giấc mơ…”

Khánh Liên đặc biệt quan tâm đến nạn bạo hành trong gia đình mà người vợ, những đứa con là nạn nhân (truyện Người yêu dấu ơi), lên tiếng về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em (truyện Trên cánh đồng cỏ dại), chia sẻ nỗi niềm của những phận người cô độc bất hạnh (Những con chiên của Chúa), những nạn nhân chết thảm trong cuộc vượt biên (Sông chảy về đâu); những con người sống âm thầm (Người gác chuông nhà thờ) và nghịch cảnh của người sống hai giới tính (Tiếng chuông mùa xuân). Tất cả những tình cảnh ấy đều được nhà văn ghi nhận với một lòng thương yêu sâu nặng và rất nhiều trăn trở trước những bi kịch nhức nhối lương tâm.

Truyện Cát bụi là bi kịch một gia đình nề nếp, đạo hạnh. Người chồng là một thầy giáo, một giáo lý viên. Họ sống theo luật Chúa, hạnh phúc, và có hai đứa con. Rồi người chồng đi mở trại nuôi bò ở một làng dân tộc để kiếm thêm thu nhập lo các con ăn học. Anh bén duyên với một phụ nữ dân tộc chăn bò cho trang trại và có một cháu gái. Bà mẹ và người vợ hết sức giận nhưng vẫn âm thầm cầu cho anh trở về. Nhưng nếu anh trở về thì“Còn người phụ nữ kia và đứa bé thì sao hả nội?- Tôi hỏi”.

Nhà văn đặt vấn đề: “Chúa đến thế gian để cứu con người khỏi khổ ải. Nhưng con người khổ ải vì điều gì? Bệnh tật, miếng cơm manh áo, hay những rối ren đau buồn vì chuyện tình cảm tréo ngoe? Rồi Chúa lại bảo nên tha thứ nhưng tha thứ cho ai? Kẻ thù của ta là ai? Là người chống ta, ghét ta, làm điều xấu cho ta hay là người ta thương, ta yêu, từng yêu ta nhưng rồi làm ta đau khổ? Xác định kẻ thù thật không dễ. Sao kẻ thù lại là người ta yêu được?

Câu hỏi được lặp lại: “Tha thứ làm sao đặng khi bên này có hai đứa con mà bên kia cũng có một đứa bé. Chúa kêu tha thứ bảy mươi lần bảy. Nhưng tha thứ trong trường hợp nào? Có tha thứ được khi người này làm con tim người kia tan nát hay không? Vàcâu hỏi không có câu trả lời: “Tôi còn nhỏ nên không hiểu cuộc đời, cứ hỏi Chúa tại sao con có ba mà không được sống cùng ba? Sao Chúa không cho con có ba luôn, ở cùng ba luôn? Nhưng Chúa không trả lời.”

Truyện đặt ra nhiều vấn đề: vấn đề xã hội (ngoại tình), vấn đề tôn giáo (luật một vợ một chồng), vấn đề triết lý (con người khổ là vì điều gì), vấn đề Thần học (sao Chúa im lặng) và vấn đề lương tâm (làm sao có thể bỏ rơi đứa con gái một cách vô trách nhiệm?). Nhân vật Tôi (đứa con) nhận xét: “Đã lạc đường rồi nên ba lạc luôn, cứ theo con đường mới mà đi, trúc trắc trở ngại thì ba chịu, ba biết, sinh bệnh tật ba cũng nhận luôn”. Thực ra người đàn ông ấy đã hành động theo lương tâm và trách nhiệm của mình, dù trái với lẽ đạo, trái với pháp luật. Nhà văn đã chọn giải pháp cho người chồng ấy “trở về” với Chúa khi anh qua đời. Bi kịch được hóa giải. Dù vậy lương tâm người đọc vẫn trăn trở tìm câu trả lời.

Truyện Sông chảy về đâu cũng đặt ra vấn đề rất khó có một chọn lựa đúng trong thực tiễn. Nhân vật Tôi (người kể chuyện) do hoàn cảnh đã không đi cùng chuyến tàu vượt biên với với người yêu tên là Ngân. Ngân dẫn theo một đứa con nhỏ. Chồng và cha Ngân đều chết trận. Nửa tháng sau xác những người đi chuyến tàu đó trôi dạt vào bờ. Tôi tìm và chôn cất cho Ngân, nhưng không tìm thấy xác cháu nhỏ. Sau nhiều năm, một hôm đứa con trai của Tôi báo có một chị đẹp ở chỗ nhà thờ Đức Bà rất giống với người trong tấm ảnh mà Tôi cất giấu. Đó là ảnh của Ngân. Tôi tìm đến khu nhà thờ Đức Bà và gặp cô gái ấy, kể cho nghe về người mẹ và cho cô gái xem hình của Ngân. Cô gái ấy theo đạo Tin Lành vì có cha mẹ nuôi theo đạo tin Lành và có bạn trai muốn trở thành Mục sư. Làm thế nào để cô gái ấy trở về với đạo Công giáo? “Thằng con tôi nói: “Ba à, đừng buồn nữa. Đạo nào cũng tốt mà ba, hơn nữa đạo Tin Lành cũng tin Chúa mà”. Tôi cũng đành an ủi như vậy”.

 Có điều gì đó không ổn với lập luận “Đạo nào cũng tốt” và “đạo Tin Lành cũng tin Chúa”. Các nhà Thần học sẽ không chấp nhận kiều lý luận “đánh đồng” như thế, bởi có “đạo thật” và đạo không “thật”. Đạo Phật phủ định thượng đế, phủ định sự tồn tại của linh hồn. Đó là một tôn giáo “vô thần”. Tin Lành và Công giáo đều thờ một Chúa, song Tin Lành và Công giáo có sự khác biệt đức tin về các Bí tích, về Đức Maria, về Giáo hội tông truyền, về luật độc thân của Linh mục, về ảnh tượng thánh….vì thế cho đến nay, mặc dù có những nỗ lực “Đại kết” song hai bên không thể nào san bằng được sự khác biệt. Đức tin của người Công giáo (Kinh Tin kính) là không thay đổi cho nên nhân vật Tôi trong Sông chảy về đâu mới buồn vì đứng trước một thực tế hết sức cách biệt. Còn nhà văn? Thái độ lương tâm của người cầm bút thế nào?

Đây là suy nghĩ của nhân vật Tôi (và cũng là của nhà văn):

            “Theo quy luật của dòng chảy, tất cả mọi dòng sông đều đổ về biển. Đạo Công giáo và đạo Tin Lành giống như hai nhánh sông cùng chảy về biển Tình Yêu Chúa. Chúa đứng đó, bao dung và nhân ái chờ đợi những nhánh sông chảy về. Tôi buồn vui điều gì khi tôi cũng chỉ là một mạch nước nhỏ trong nhánh sông kia. Tôi khát khao chảy về biển rộng, dù trải qua bao sóng ngầm nhưng tôi không phải rẽ ngang”.

            Đây chỉ là giải pháp tư tưởng. Trong cách kiến tạo tác phẩm, nhà văn đã dẫn cô gái Tin Lành con của Ngân tìm đến tượng đài Đức Mẹ để cầu nguyện. Và nhân vật Tôi mừng đến phát khóc. Đó là một cách kết rất đẹp cả về hình tượng và tư tưởng.

            Truyện Trên cánh đồng cỏ dại là một sự tra vấn lương tâm quyết liệt hơn nhiều. Bên dưới những gì tưởng là tốt đẹp, tưởng là đạo hạnh, tưởng là tình thương yệu, thật ra, lại là những điều rất xấu. Bi kịch là ở chỗ những người tốt lại phải ra sức bảo vệ kẻ xấu (vô tình hay cố ý), nhưng lương tâm không tha thứ cho sự dối trá. Nhân vật Tôi (Quỳnh-Người kể chuyện ) tự hỏi: “Tôi hay quan sát người xấu khi hắn đi nhà thờ. Hắn lạy Chúa, hắn cầu nguyện, hắn lên rước Chúa. Hắn có thú tội với Chúa mình đã hãm hiếp một cô bé câm bằng tuổi con riêng của vợ mình? Và ngoài cô bé câm tội nghiệp, còn thêm nạn nhân nào nữa? Hắn có cảm thấy tội lỗi không? Có ăn năn không? Chúa có phạt hắn không? Những câu hỏi ấy không có câu trả lời. Bản thân nhân vật Tôi, dù biết rõ Dượng là kẻ xấu, người đã hãm hại Thắm, nhưng Tôi không dám tố giác hắn, đành để lương tâm dằn vặt mãi, đành nhận lỗi với Chúa và lỗi với Thắm.

            Nhà văn cũng không thể giải quyết được bi kịch giữa thực tiễn và đức tin. Lương tâm, sự sám hối và sự tha thứ là không thể thỏa hiệp. Đúng sai phải rõ ràng (lương tâm), kẻ làm điều ác, điều xấu phải sám hối, phải đền tội (đức tin), và người có đức tin phải bao dung tha thứ, không chỉ tha bảy lần mà bảy mươi lần bảy (Mt 18, 21-22). Nhưng tội Dượng xâm hại Thắm, một cô bé câm, thì không thể tha thứ. “Dượng tôi không chắc Thắm có tha thứ cho dượng không? Mẹ tôi cũng không dám nghĩ Thắm sẽ tha thứ. Nhưng tôi tin Thắm có một trái tim nhân ái và thứ tha”;“Thắm chọn đau đớn, tổn thương và không nói. Thắm cũng để cho người xấu được tốt, để những người thân của người xấu được bình yên?”.

Kết thúc truyện, Dượng đột quỵ và ra đi, để lại lá thư xin lỗi (sám hối). Mọi việc sáng tỏ (lương tâm). Nhân vật Tôi (Quỳnh) biết chắc Thắm đã không viết tên Dượng để tố cáo dượng (đó là một sự tha thứ). Quả thực, ngòi bút của Nguyễn Thị Khánh Liên đã hết sức bản lĩnh và đầy nhân ái khi đề cập đến những vấn đề “nhạy cảm” như vậy.

Một nhà văn trẻ như Nguyễn Thị Khánh Liên, người dám đối mặt với những vấn đề gai góc của đời sống đức tin, ngòi bút lại có thể miêu tả trực diện những bi kịch trong đời thực, và có thể kết thúc những bi kịch bằng những trang văn hết sức cảm động, đầy ắp sự bao dung và lòng tin vào Chúa, vào lẽ thiện của con người. Nguyễn Thị Khánh Liên là một nhà văn trẻ, tâm huyết và giàu tài năng.

TÀI NĂNG SÁNG TẠO

Nhà văn Nguyễn Thị Khánh Liên (bìa phải)

            Để xác định một cây bút có phải là một nhà văn nhà thơ hay không thì hãy xem anh ta có khả năng sáng tạo hay không. Nói sáng tạo trong văn học là xem xét những “Cái Mới” ở mọi yếu tố làm nên tác phẩm. Đó là giọng điệu, vốn ngôn ngữ, sự chọn lựa đề tài, kết cấu tác phẩm, xây dựng nhân vật, sử dụng bút pháp và đặc điểm phong cách. Mỗi nhà văn thường chỉ độc đáo ở một yếu tố nào đó. Nguyễn Tuân kể những chuyện “Vang bóng một thời”, ông có vốn ngôn ngữ cổ kính trang trọng và kết cấu truyện kịch tính. Thạch Lam viết loại “truyện không có cốt truyện”, “mỗi truyện như một bài thơ trữ tình”. Truyện ngắn Nam Cao đặc biệt ở cấu trúc phát triển theo tâm lý của nhân vật. Nguyễn Quang Sáng giữ bí mật cốt truyện đến phút cuối với những tình huống bất ngờ. Nguyễn Huy Thiệp kể truyện lịch sử nhưng lại hư cấu những người những việc không có trong lịch sử. Văn của ông là sự tổng hợp cách trình thuật của Kinh Thánh và tiểu thuyết chương hồi.

            Truyện ngắn của Nguyễn Thị Khánh Liên có những sáng tạo gì mới? Tôi không có ý so sánh Nguyễn Thị Khánh Liên với những nhà văn tài danh ở trên, bởi mọi so sánh đều khập khiễng, và nhà văn đích thực là người đi bằng lối đi dưới chân mình và tạo ra thế giới nghệ thuật của riêng mình, tạo ra sự độc đáo không giống ai. Nguyễn Thị Khánh Liên có tài xây dựng và hóa giải những bi kịch.

            Để xây dựng bi kịch, Khánh Liên biết khai thác nhiều tình huống và đặt những tình huống ấy trong nhiều hệ quy chiếu đối lập nhau. Ngoại tình là một hiện tượng có nhiều trong đời sống nhưng để tạo ra một bi kịch như trong Cát bụi, Nguyễn Thị Khánh Liên đã đặt người đàn ông trong thế giằng co giữa mẹ, vợ, con với đứa con và người vợ sau; đặt anh ta giữa đạo lý nghiêm nhặt với tình thương yêu và trách nhiệm lương tâm; đặt linh hồn anh ta giữa thế gian và trước mặt Chúa. Những giằng xé như thế đẩy các nhân vật đến chỗ bế tắc, rất muốn thoát ra nhưng không được, đó là khát vọng bi kịch.

Truyện Trên cánh đồng cỏ dại Khánh Liên đặt nhân vật Tôi (Quỳnh-người kể chuyện) vào tình thế bi kịch. Quỳnh biết Dượng (chồng của mẹ) xâm hại bạn mình là Thắm nhưng lại không dám tố cáo Dượng. Quỳnh rất ghét kẻ xấu (Dượng), rất thương Thắm nhưng không biết phải làm sao, nàng chỉ biết đặt câu hỏi với Đức Mẹ: “Tôi hỏi Mẹ tôi có nên nói ra dượng là người đã làm điều xấu với Thắm không? Nếu nói ra thì dượng bị gì? Mẹ tôi và Du cảm thấy thế nào? Và Thắm được gì khi tôi nói?”; Tôi hỏi Chúa nhưng Chúa im lặng: “Tôi hay quan sát người xấu khi hắn đi nhà thờ. Hắn lạy Chúa, hắn cầu nguyện, hắn lên rước Chúa. Hắn có thú tội với Chúa mình đã hãm hiếp một cô bé câm bằng tuổi con riêng của vợ mình? Và ngoài cô bé câm tội nghiệp, còn thêm nạn nhân nào nữa? Hắn có cảm thấy tội lỗi không? Có ăn năn không? Chúa có phạt hắn không?” Để rồi sau cùng tôi bị dày vò trong mặc cảm phạm tội: “Tôi phạm tội nói nối, tôi che dấu người xấu. Vì sợ? Vì muốn bảo vệ mẹ, em trai tôi? Hay tôi muốn người xấu đó vẫn còn hình ảnh đẹp trong mắt những người yêu thương hắn? Những miêu tả giằng xé nội tâm như thế tạo nên tình trạng bi kịch trong tâm hồn Quỳnh, cũng đồng thời đặt người đọc vào thái độ lương tâm, người đọc sẽ xử trí thế nào khi phải dung chứa cái xấu để bảo vệ cái tốt.

Để miêu tả giằng xé nội tâm, tạo bi kịch của nhân vật, Khánh Liên luôn nhập vai vào nhân vật xưng Tôi tự kể truyện. Là nhân vật Tôi, Khánh Kiên có điều kiện “lộn trái” tâm hồn nhân vật, cùng với người đọc thâm nhập rất sâu vào những vùng bị che dấu, đem ra ánh sáng những khuất lấp mà trong đời sống, những góc khuất ấy bị đạo đức, tôn giáo bưng bít đi. Những giằng xé nội tâm của nhân vật Tôi (Quỳnh) trong Trên cánh đồng cỏ dạ, hoặc Tôi trong Sông chảy về đâu là tiêu biểu.

Nếu bạn đọc để ý một chút sẽ phát hiện ra điều này, những “nhân vật trẻ con” trong truyện của Khánh Liên cũng góp phần vào việc tạo ra bi kịch.

Trong truyện Cát bụi,

“Những ngày chủ nhật, nội dắt hai anh em tôi đi lễ. Trong nhà thờ nội nói nhỏ với tôi:

– Con và nội cùng cầu nguyện cho ba con trở về nghe.

– Còn người phụ nữ kia và đứa bé thì sao hả nội?- Tôi hỏi.

Nội im lặng, mắt nhìn thánh giá Chúa, thở dài”.

            Câu hỏi của Tôi (một đứa trẻ) dựng một bức tường thành cao vời vợi chặn đứng mọi nẻo về của người cha, và khiến cho bà nội hoàn toàn bế tắc, bế tắc ngay trong cả đức tin của mình.

            Trong truyện Sông chảy về đâu, nhân vật “thằng con trai” của Tôi vừa đẩy bi kịch của Tôi lên, vừa mở ra một giải pháp tạm chấp nhận được. Khi Tôi buồn vì tình trạng khác đạo của cô gái đẹp (cô theo Tin Lành, mẹ cô là Ngân theo Công giáo), thì thằng con trai nói: “Đạo nào cũng tốt mà ba, hơn nữa đạo Tin Lành cũng tin Chúa mà. Tôi cũng đành an ủi như vậy”. Nhưng an ủi sao được khi Tôi biết rõ sự khác biệt tôn giáo. Bi kịch tăng lên.

            Đây là đoạn đối thoại của Tôi (Quỳnh) với em, con của Dượng trong truyện Trên cánh đồng cỏ dại:

            – Em yêu cha em lắm à?

– Em yêu cả gia đình mình. Cha, mẹ, chị và chị Thắm nữa.

– Em thấy cha em có tốt không?

– Có chứ. Cha làm bảo vệ để nuôi em ăn học. Cha là người tốt mà.

– Nếu cha em là người xấu thì sao?

– Chị nghĩ cha em là người xấu à?- Du hỏi.

– Chị chỉ hỏi thế thôi.

Du im lặng một hồi rồi trầm ngâm đáp:

– Em tin cha là người tốt.

Đoạn đối thoại này làm tăng bi kịch của Tôi (Quỳnh) lên. Tôi biết rõ Dượng là người xấu, nhưng trong mắt người khác, Dượng là người tốt. Trẻ con thường thật thà, nó nói cái điều thật bụng của nó. Làm sao Tôi có thể làm vỡ lòng tin của Du đối với cha mình (Dượng), làm sao Tôi có thể gieo vào lòng trẻ thơ sự đổ vỡ lòng tin vào cái Thiện. Nếu làm thế, Tôi sẽ thành kẻ xấu. Bi kịch của Quỳnh được đầy cao thêm một bậc. Đó là sự sáng tạo và là nghệ thuật.

Xây dựng bi kịch đã khó nhưng giải quyết bi kịch thế nào? Ở thể loại bi kịch như Hamlet, Romeo và Juliet của Shakespear, kết thúc bi kịch, các nhân vật chính đều chết. Nam Cao đã giải quyết bi kịch Chí Phèo một cách bế tắc. Chí phèo giết được kẻ thù, nhưng không thể sống lương thiện, phải tự sát, miệng vẫn ngáp ngáp. Khánh Liên giải quyết những bi kịch thời đại thế nào trong các truyện Cát bụi, Lời nguyện cầu cho biển, Sông chảy về đâu, Trên cánh đồng cỏ dại?

 Khánh Liên cũng giải quyết bi kịch bằng cái chết thăng hoa của nhân vật chính: Người chồng ngoại tình trong Cát bụi đã ra đi đột ngột, nhưng linh hồn anh ta đã “trở về” với Chúa, và chắc chắn được Chúa thứ tha. Bi kịch được hóa giải. Trong truyện Trên cánh đồng cỏ dại, nhân vật Dượng bị đột quỵ và ra đi, để lại lá thư xin lỗi, mọi việc được sáng tỏ và bi kịch được hóa giải trong sự tha thứ. Điều này khác với những cái chết trong thù hận của nhân vật bi kịch Shakespear và nhân vật truyện ngắn Nam Cao.

Khánh Liên cũng mở ra con đường cho những bế tắc bi kịch bằng lòng tin yêu và phó thác vào Chúa. Những bế tắc, đau buồn của dân làng biển sinh con dị dạng và cá chết vẫn còn đó nhưng “Trong giấc mơ chị thấy chồng chị và đứa con trai chị đứng trên một chiếc tàu lớn, đứa con trai chị lành lặn, xinh xắn, vẫy tay chào chị./ Chị còn nhìn thấy Chúa đứng trên vầng sáng đó, nhìn xuống gia đình nhỏ nhắn của chị, cười nhân hậu. Và chị nhoẻn cười trong giấc mơ…”. Không gian truyện sáng bừng lên, nụ cười thay cho nước mắt.

Kết truyện Sông chảy về đâu, nhân vật Tôi tìm thấy con của người yêu (Ngân) và thực hiện được ý nguyện của mình là đưa cô gái Tin Lành trẻ ấy trở về bên tượng Đức Mẹ. Nhân vật Tôi cười mà giàn giụa nước mắt vui.

Những cách kết như thế đem đến niềm tin yêu cho người đọc. Nó thấp thoáng cách kết “có hậu” của truyện truyền thống. Nó cũng là giải pháp nghệ thuật mới mẻ (so với những truyện bi kịch trước đây). Khánh Liên đã đem vào truyện ánh sáng Mỹ học Kitô giáo cùng với một lòng tin nhiệt thành vào Chúa và vào “tính bản thiện” của con người.

DƯ ÂM

            Gấp trang văn của Khánh Liên lại, tôi thấy lòng mình dội lên nhiều âm thanh. Tôi gọi đó là dư âm.

Nhiều truyện của Khánh Liên làm tôi day dứt về những phận người, nhưng Khánh Liên cũng đem đến niềm tin yêu cho người đọc ở những truyện mà lòng yêu thương con người làm sáng lên những hoàn cảnh tăm tối (Bài ca chú ve nhỏ, Mảnh đất tình yêu, Người gác chuông nhà thờ, Người gieo hạt, Những con chiên của Chúa, Tiếng chuông mùa xuân).

 Khánh Liên cũng tạo thêm chất thẩm mỹ cho trang văn bằng những dòng miêu tả thiên nhiên đẹp. Thiên nhiên ấy làm dịu đi bao đau thương của kiếp người, làm sáng lên không gian tăm tối của tâm hồn.

            Đây là khung cảnh ngày hè mở đầu truyện Trên cánh đồng cỏ dại: “Một ngày mùa hè, tôi đứng trong sân trường vắng, vu vơ nhìn những ánh nắng cuối ngày. Ánh nắng chiều thật đẹp, vàng cam dịu nhẹ, lốm đốm trên tàn cây, nhảy nhót trên vai áo tôi. Du- đứa em trai cùng mẹ khác cha của tôi đang say mê bắt ve”.

            Đây là cảnh đuồng làng quê, có sức gợi sâu xa tình yêu quê hương: “Trời chạng vạng tối, hai anh em tôi nắm tay nhau chạy ra khỏi con đường làng, hai bên bụi tre chằng chịt, vừa sợ ma vừa sợ bóng tối nhưng không ngăn nổi sự nôn nao, hạnh phúc khi gặp ba mình. Qua hết bụi tre là ra cồn cát. Cát mênh mông, từng ụn, từng ụn kéo nhau tít tắp phía chân trời”(Cát bụi)

            Khánh Liên còn dùng kỹ thuật của những lớp sóng bồi, lớp sau tràn lên lớp sóng trước dào dạt, tô đậm chủ đề, bồi đắp thêm cảm xúc và tạo ra một bè trầm trong một đại giao hưởng. Chẳng hạn trong truyện Lời nguyện cầu cho biển, Khánh Liên miêu tả đến 10 lần những cảnh khóc thương của mọi thân phận dân làng khi chịu tai họa sinh con bị dị hình và đại nạn cá biển chết phải đối mặt với nghèo đói, thất nghiệp. Ở nhiều truyện khác, một số tình tiết cũng được lặp lại như vậy, nhẹ nhàng, tư nhiên và tinh tế. Những yếu tố nghệ thuật ấy tạo ra dư âm trong lòng người đọc. Đó là sự sáng tạo.

            Dù Khánh Liên có viết nhiều truyện bi kịch nhưng tôi thích những “bi kịch lãng mạn” của Khánh Liên hơn, thí dụ như truyện Bài ca của chú ve nhỏ,  bởi “Bài ca Chúa dạy con là bài ca về tình yêu cuộc sống”.

Vâng, trên tất cả, truyện của Khánh Liên là “bài ca về tình yêu cuộc sống”, bài ca ánh sáng của tư tưởng Mỹ học và tư tưởng Nhân văn Ki tô giáo, của tài năng và một lòng tin yêu rạng rỡ.

Tháng thánh Giuse 03/2022