BÀI VIẾT CỦA BÙI CÔNG THUẤN

Trên trang: buicongthuan.blogtiengviet.net

***

NHỮNG BÀI VIẾT CHÍNH

CA KHÚC, TRUYỆN NGẮN VÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC

Gồm 35 ca khúc, 7 truyện ngắn và 138 bài viết

Bạn bấm vào đường link để đọc

http://buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

NHỮNG MÙA VÀNG VĂN HỌC CÔNG GIÁO VIỆT NAM (Sách)

BẠN CÓ THỂ ĐỌC TẤT CẢ BÀI VIẾT CỦA BÙI CÔNG THUẤN TẠI:

http://buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

Những mùa vàng văn học Công giáo Việt Nam. Bùi Công Thuấn. Lý luận phê bình. Nxb Hội Nhà Văn 2020

NỘI DUNG

Bùi Công Thuấn

NHỮNG MÙA VÀNG

VĂN HỌC CÔNG GIÁO VIỆT NAM

Lý luận phê bình văn học

***

MỤC LỤC

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1. Tư tưởng Mỹ học Ki tô giáo. tr.7

2. Lịch sử văn học Công giáo Việt Nam và Những vấn đề. tr,18

3. Phân kỳ lịch sử văn học Công giáo Việt Nam. tr.44

4. Văn hóa Công giáo trong lòng văn hóa dân tộc. tr.53

NHỮNG KHUÔN MẶT TIÊU BIỂU

1. Song Nguyễn-Nhà văn Công giáo giàu sức sáng tạo. tr.72

2. Song Nguyễn và văn chương Công giáo. tr,83

3. Tiếp cận thế giới nghệ thuật của Song Nguyễn. tr.99

4. Thơ Trăng Thập Tự. tr,106

5. Thơ Xuân Ly Băng. tr.124

6. Lê Đình Bảng-Quỳ trước đền vàng (Thơ). tr.147

7. Lê Đình Bảng- Hành hương (Thơ). tr.166

MÙA VÀNG VĂN CHƯƠNG

1. Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam (Tổng quan). tr.187

2. Có một vườn thơ đạo (Tổng quan). tr.114

3. Mười năm Giải VHNT Đất Mới. tr.231

4. Ôi tội hồng phúc-Nguyễn Phương Thảo. tr.244

5. Con Hoang-Hà Thị Diễm Thúy. tr.247

6. Bé Hai– Phạm Vinh Sơn. tr.254

7. Hương Thạch Thảo-Phạm Thị Lành. tr.263

8. Ngã lên cỏ thơm-Nguyễn Văn Học. tr.266

9. Những ngày còn lại-Trần Thị Sương. tr.270

10. Chàng xe ôm-Nguyễn Thị Chung. tr.274

11. Giải Viết văn đường trường 2016. tr.276

12. Giải Viết văn đường trường 2017. tr.301

13. Trò chuyện với nhà thơ Lê Đình Bảng. tr.324

***

(Bìa sau)

GHI CHÚ

Một số bài đã có trên website: vanthoconggiao.net và website: vanhoadatmoi.net, các bạn có thể tìm đọc.

Những bạn có nhu cầu nghiên cứu văn học Công giáo cần tài liệu, xin liên hệ với tác giả theo email:

buicongthuangm@gmail.com , tác giả sẽ gửi sách biêu.

Trân trọng

NÉT ĐẸP VĂN HÓA CÔNG GIÁO TRONG THƠ LÊ ĐÌNH BẢNG

NÉT ĐẸP VĂN HÓA CÔNG GIÁO

TRONG THƠ LÊ ĐÌNH BẢNG

(Đọc tập thơ Ơn đời một cõi mênh mang. 2014)

Bùi Công Thuấn

***

           

Văn hóa là một đề tài rộng. Ở Việt Nam về địa lý, có 7 vùng văn hóa với những đặc điểm khác nhau: văn hóa đồng bằng sông Hồng, văn hóa Tây Bắc, văn hóa Tây Nguyên, văn hóa Nam bộ…; có những tiểu vùng văn hóa như văn hóa Huế, văn hóa Kh’mer Nam Bộ. Ngoài ra còn có sự giao lưu văn hóa như văn hóa Phật giáo, văn hóa Công giáo, văn hóa Pháp, văn hóa Chăm…

Những vấn đề rộng của Văn hóa xin không bàn đến trong bài viết này. Chỉ xin giới hạn trong một số thành tố văn hóa để xem xét đặc điểm thơ Lê Đình Bảng trong tập Ơn dời một cõi mênh mang.

VẺ ĐẸP NGÔN NGỮ

            Ngôn ngữ là thành tố quan trọng bậc nhất của văn hóa. Bởi có ngôn ngữ mới có tư tưởng, thi ca, nghệ thuật, tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống (là những thành tố khác của văn hóa). Ngôn ngữ không chỉ là ký hiệu (Ký hiệu học), cũng không chỉ là Cái Biểu đạtCái được biểu đạt (Ferdinand de Saussure)…Ngôn ngữ chứa đựng trong nó tư tưởng, lịch sử, nghệ thuật và thế giới tinh thần (của một dân tộc, một thời đại) và nhiều thành tố văn hóa khác. Nếu chỉ dùng Ký hiệu học hay lý thuyết ngôn ngữ cùa Saussure thì không thể nào đọc được kinh vô ngôn của Phật giáo (giống như thầy trò Tam Tạng thỉnh được bộ kinh không có chữ).

            Khi Đức Giêsu nói:”Lòng tin của con đã cứu chữa con” (Mt 8, 18-26), thì câu nói ấy không chỉ có nghĩa thông tin, không chỉ là ký hiệu chữ, mà Lời của Chúa chứa đựng một tín niệm căn cốt của Kitô giáo, đó là Đức tin.

            Nguyễn Du viết: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”(Đoạn trường tân thanh). “Chữ tâm” không chỉ là ký hiệu chữ, mà chứa đựng toàn bộ Lý giải thoát và con đường tu tập Phật giáo, bởi “Tâm tức Phật/ Phật tức tâm/ Tức tâm tức Phật/ Thời thời như vậy”(Kệ)

Ngôn ngữ có nhiều chức năng: vừa là công cụ giao tiếp, công cụ tư duy. Ngôn ngữ còn có chức năng hành động và là phương tiện sáng tạo nghệ thuật.

Trong sáng tác thơ ca, ngôn ngữ là yếu tố quyết định giá trị thơ và năng lực thi nhân. Phong cách của một tác giả trước hết được xác lập bởi việc sử dụng lời.

            Lời thơ Lê Đình Bảng có những đặc điểm gì?

            Thơ Lê Đình Bảng có nhiều lớp ngôn ngữ. Trước hết là khẩu ngữ dân gian vùng đồng bằng Bắc bộ (Thái Bình), đan xen với vốn từ của văn chương cổ điển (điển tích trong thơ văn cổ Trung quốc). Đặc biệt là lớp từ vựng mới là những điển ngữ Kinh thánh được Việt hóa. Từ đó Lê đình Bảng sáng tạo một kho từ vựng cho riêng mình.

            Đây là ngôn ngữ cổ điển

            “Thế sự thăng trầm quân mạc vấn

Yên ba thâm xứ hữu ngư châu” (tr.30). 

      (Trong bài thơ Uống rượu tiêu sầu II của Cao Bá Quát)

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”(tr.57).

          (Đoạn trường tân thanh-Nguyễn Du)

            Xót cho những Kinh Kha chí lớn

Ở bên kia ngọn sóng tràng giang (tr.59)

                   (Điển: Năm 227 trước Công Nguyên,  Kinh Kha sang Tần hành thích Tần Thủy Hoàng nhưng bị thất bại. Xin đọc bài thơ Dịch Thủy ca của Kinh Kha và Dịch Thủy tống biệt của Lạc Tân Vương)

            Đây là ngôn ngữ dân gian kết hợp với điển ngữ Kinh Thánh:

Mẹ đã dạy con học ăn học nói

Làm dấu, dâng mình sớm tối, chiều trưa

Một chữ cắn đôi, Mẹ có đi học bao giờ

Sao, kinh sách lẽ đời, trong lời ru văng vẳng

Nào hạnh tích, sấm truyền, nào ca dao vè vãn

Lần chuỗi đưa con, nhịp võng sau hè

Con lớn dần và chợt hiểu khi nghe

Cám ơn Mẹ, mỗi sớm tinh mơ gọi con đi lễ

Quãng lội, đường mưa, lạnh cắt thịt da

Mau đến nhà thờ, kịp lúc cha ra

Hôm nay lễ kính Đức Bà dâng Con, làm phép nến

Cảm ơn Mẹ đã dạy con cầu nguyện

Phó thác đời con làm của lễ thiêng liêng

Con chỉ là hạt bụi nhỏ nhoi

Rơi xuống đất để nẩy ngành xanh lá

                                 (Cám ơn mẹ)

Chỉ một đoạn thơ ngắn của Lê Đình Bảng cũng hội tụ nhiều lớp ngôn ngữ.

Lớp từ ngữ: “học ăn học nói”, “Một chữ cắn đôi”, “lạnh cắt thịt da” là thành ngữ dân gian. Hình ảnh mẹ dạy con lẽ đời, ru con bằng ca dao theo “nhịp võng sau hè” là những hình ảnh dân dã đậm Việt tính của mọi bà mẹ Việt Nam. Chất dân dã trong thơ Lê Đình Bảng còn bao trùm vũ trụ thơ Lê Đình Bảng ở những bài ông viết theo “thể hứng” của ca dao.

Lớp từ ngữ:“Làm dấu, dâng mình sớm tối; kinh sách, hạnh tích, sấm truyền, vãn, lần chuỗi,” lúc cha ra”,“lễ kính Đức Bà dâng Con, làm phép nến”, “Phó thác đời con làm của lễ thiêng liêng”; Con chỉ là hạt bụiRơi xuống đất “là ngôn ngữ “nhà đạo” (ngôn ngữ hàng ngày của người Công giáo).

Những từ ngữ đó gợi ra một nền giáo dục Công giáo, một nét sinh hoạt gia đình ở nhà người có đạo. Làm việc gì, người theo Chúa cũng “lần chuỗi” cầu nguyện với tâm tình “phó thác”. Ru con, thay vì kể chuyện cổ tích cho con nghe, người mẹ quê đã kể hạnh tích, sấm truyền, tức là chuyện về đời sống đạo hạnh của các vị thánh (gọi là Hạnh các thánh), và các truyện tích trong Kinh thánh (Sấm truyền). Mỗi sáng sớm, dù đường từ nhà đến nhà thờ phải qua “Quãng lội, đường mưa, lạnh cắt thịt da”, mẹ cũng gọi con dậy đi dự thánh lễ cho kịp “lúc cha ra” (không được đi trễ). Con lớn lên trong bầu khí ngôn ngữ, đạo hạnh, nề nếp sinh hoạt thánh thiện ấy.

            “Ngôn ngữ nhà đạo” chiếm một lượng lớn trong vốn từ của Lê Đình Bảng. Người đọc lần đầu tiếp cận thơ Lê Đình Bảng sẽ ngỡ ngàng về vốn từ giàu có, mới mẻ ấy. Về phương diện này, Lê Đình Bảng đã góp phần làm mới, làm giàu ngôn ngữ thi ca Việt đương đại. Điều đặc biệt là, ngôn ngữ nhà đạo, vẫn tự nhiên, nhuần nhuyễn và gần gũi với người đọc, không gây trở ngại gì cho việc tiếp nhận. Tôi cho đó là tài năng ngôn ngữ mà Lê Đình Bảng kế thừa được từ kinh nghiệm sử dụng và sáng tạo từ của dân tộc.

            Xin đọc lại tứ thơ

Con chỉ là hạt bụi nhỏ nhoi

Rơi xuống đất để nẩy ngành xanh lá

        Về ngữ nghĩa, câu thơ này không có gí khó hiểu, người đọc bình thường có thể tiếp nhận một cách tự nhiên.

Đặc sắc sáng tạo là ở chỗ, Lê Đình Bảng kết hợp hai điển ngữ Kinh Thánh:

Thứ nhất, Sáng Thế Ký viết “Ðức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật”.”Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.” (St 2,7 và St 3, 19).

Thứ hai: dụ ngôn Người gieo giống (Lc 8, 5-8). Đức Giê su nói với đám đông dụ ngôn này: “Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất. Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt. Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cùng mọc lên, làm nó chết nghẹt. Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm“.

Con chỉ là hạt bụi nhỏ nhoi

Rơi xuống đất để nẩy ngành xanh lá

Câu thơ ánh lên một tư tưởng mới. Hạt bụi không trở về cát bụi mà trở thành cây xanh tốt. Trịnh Công Sơn viết: “Hạt bụi nào hóa kiếp nên tôi/ Để một mai tôi trở về cát bụi” hàm chứa cái bi đát của đời người. Trái lại, Lê Đình Bảng hướng về phía sự sống, sinh sôi tốt tươi: “Hạt bụi…rơi xuống đất để nẩy ngành xanh lá”.

Cái nhìn của người theo Chúa luôn là vậy, luôn nhìn về phía sự sống. Đức Giêsu nói: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6).

Trong thí dụ trên, Lê Đình Bảng có cách dùng diển ngữ Kinh thánh rất hay. Hai điển ngữ với ý nghĩa tương phản lại dệt được một tứ thơ tư tưởng đặc sắc, mới mẻ; đồng thời nhà thơ nói với người đọc trải nghiệm tâm linh của mình, rằng, từ những lời đạo hạnh mẹ dạy, con đã trưởng thành lên xanh tốt trong đời.

Tôi đã gặp được những từ ngữ này của nhà đạo trong thơ Lê Đình Bảng (xin chỉ nêu thí dụ): Của lễ trên bàn thánh, của lễ thiêng liêng, quê trời muôn phúc thật, dư đầy ơn thiêng, lời kinh sốt mến (tr. 28), tràn trề ân sủng (tr.97). Lời hằng sống. Giọt máu cuối cùng trên thánh giá; về Emmaus, lễ mở tay, tiến lên bàn thánh; Hoa Mân côi nở bốn bề dậy hương (tr.90), Phiên chầu lượt (tr.83); Như men, muối (tr.62); mặc áo tân nương/ tiệc cưới / về đồng cỏ / Con nguyện tin, yêu, phó thác / thông công, Hôm qua, hôm nay, mãi mãi / ở trong nhà Chúa (tr.63), hạt mầm gieo vãi (tr.107). Đỗ cụ, làm cha.(tr.66)… Hầu hết những từ này hàm nghĩa của Kinh Thánh.

Tôi đặc biệt chú ý đến lớp từ  Lê Đình Bảng sáng tạo riêng. Nó là dấu ấn phong cách của thơ ông. Lê Đình Bảng dùng nhiều hình ảnh của đồng bằng Bắc bộ. Thơ của ông ở bái nào cũng là hình ảnh thiên nhiên cao rộng khoáng đạt (trời cao xanh, núi non mây ngàn, sông nước tràng giang, trùng dương mênh mang…)

Biển trời, mây nước mênh mông

Một đi, chín nhớ, mười mong nỗi nhà

(Con là khách ở quê ra)

Đây Xóm Chiếu của bờ xôi ruộng mật

150 năm canh thức dầu đèn (tr.44)

Mau chân với, về thông công đại lễ

Cứ lung linh xiêm áo mới dầu đèn

                         (Trẩy hội lên đền)

Lạy trời, đổ xuống sương mưa

Chân mây mặt đất lưng bờ tràng giang

                 (Lạy trời đổ sương mưa)

Có lẽ nhà thơ tâm đắc hai chữ “sương mưa” và bờ xôi ruộng mật”. Ông dùng hai từ này nhiều lần ở nhiều bài thơ khác nhau.

Hai từ này được Lê Đình Bảng sáng tạo từ kho từ vựng Kinh thánh.

Sách Asaia (Is 45, 8) viết: “Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương, mây hạy đổ mưa, mưa đức công chính; đất mở ra đi cho nẩu mầm ơn cứu độ, đồng thời chính trực sẽ vươn lên…”

Sách Xuất hành (3, 1-8) kể lại cuộc gặp gỡ của Môise với Chúa ở núi Horeb. Chúa hứa với ông: “Ta xuống giải thoát chúng (dân Do Thái khỏi tay người Ai Cập), và đưa đến miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật”.

Lê Đình Bảng là dân Thái Bình nông nghiệp, đồng chiêm, đồng trũng; đắp đập, be bờ; lúa mùa tốt tươi. Ông đem hình ảnh này tháp nhập vào “miền đất tràn trề sữa và mật” của Kinh thánh, thành một từ vừa quen, vừa mới: “bờ xôi ruộng mật”.

Bờ xôi ruộng mật” là hình ảnh một miền quê ruộng đồng màu mỡ trù phú. Lúa nếp vàng ươm, thơm tho bao nhiêu là sôi. Cánh đồng mía tốt tươi, ngọt ngào bao nhiêu là mật: “Xem mía trổ cờ, rươi chín đỏ/ Thuyền qua sông Hóa, trắng mây bay” (tr. 69); vừa là miền “đất hứa” trong Kinh Thánh.

Những sáng tạo ngôn ngữ mới lạ như vậy tạo nên phong cách nghệ thuật của thơ Lê Đình Bảng.

Lê Đình Bảng còn đưa vào thơ rất nhiều địa danh, tạo nên tính hiện thực và tính hiện đại trong thơ (điều này ca dao đã có). Đoạn thơ sau đây dày đặc những địa danh ghi dấu chân Lê Đình Bảng, cũng đồng thời bày tỏ nồng nàn một tấm lòng với quê hương của nhà thơ.

Tôi về quê mẹ-Thái Bình đây

Cờ bay hay tóc em bay, nhỉ

Thơm ngát đường thôn lúa gặt đầy

Lấn biển, quai đê, Tiền Hải đấy

Kiến Xương, Thái Thụy, Vũ Thư này

Hưng Hà nhãn tiến vua sai trái

Chén rượu Đồng Châu ai tỉnh say

Xem mía trổ cờ, rươi chín đỏ

Thuyền qua sông Hóa, trắng mây bay

Ai về An Vỹ sang Lương Đống

Làng Thọ, làng Vân tay nắm tay

                        (Thái Bình ca)

Sự pha trộn ngôn ngữ đồng bằng Bắc bộ với điển ngữ Kinh thánh đem đến một vẻ đẹp mới cho ngôn ngữ thi ca. Những nội dung, tư tưởng Kinh Thánh trở nên gần gũi quen thuộc, và ngược lại ngôn ngữ dân dã chứa đựng hàm nghĩa mới từ Kinh Thánh. Đấy chính là vẻ đẹp của ngôn ngữ thi ca Công giáo (một mặt rất quan trọng của văn hóa Công giáo) trong tiến trình hội nhập với văn hóa dân tộc.

Về hành động ngôn ngữ, với vốn từ phong phú từ Kinh thánh, Lê Đình Bảng đã dẫn người đọc rời bỏ bầu khi văn hóa cổ điển Trung quốc (những Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Vương Duy, Lạc Tân Vương…) mà tiến vào thế giới tinh thần phương Tây (Cựu Ước và Tân Ước), vào bầu trời thần học Kitô giáo, khác hẳn với vũ trụ Thiên Mệnh của Nho giáo, Đạo “vô vi” của Lão giáo và Bát chánh đạo của Phật giáo.

Cũng bằng hành động ngôn ngữ, nhà thơ đã “sống đạo”, đã “loan báo Tin Mừng” theo cách của người nghệ sĩ. Vốn điển ngữ Kinh thánh của Lê Đình Bảng giúp người đọc hiểu được lý tưởng thẩm mỹ, ý thức sáng tạo của nhà thơ. Điều này giúp định vị thơ Lê Đình Bảng, một tiếng thơ khác biệt với thơ thế tục.

NÉT ĐẸP NGƯỜI CÔNG GIÁO

            Nói văn hóa là nói đến con người.Loài vật chỉ có bản năng, không có văn hóa. Sự trỗi dậy của bản năng nơi con người chính là sự tha hóa, suy đồi. Người ta đánh giá một con người bằng những ứng xử văn hóa của người ấy.

Cho nên, nói về vẻ đẹp văn hóa Công Giáo, trước hết hãy quan sát những chân dung, những hình tượng người Công giáo trong thơ Lê Đình Bảng.

Trong thơ lê Đình Bảng, hình tượng người mẹ Công giáo khá đậm nét.

Trên bến vắng đò khuya lau lách

Tiếng đàn ai dặm khách trăng soi

Đêm nay bếp lửa ai ngồi

Hắt hiu đường vắng bóng người về thôn

Súng nổ vang phía đồn Kha-Lý

Từ Vân Am, Xá Thị, Quỳnh Côi

Đêm đêm mưa đạn tơi bời

Dưới hiên thềm đá mẹ ngồi cầu kinh

Rồi lửa ngút giặc tràn quê nội

Mẹ con mình khăn gói đi mô

“Hoạt Thành, Tiên Lãng ra tro

Thụy Anh, Vĩnh Bảo ăn no kẹo đồng”

Mẹ ơi, sao mẹ không than thở

Dù đói no, sầu khổ, buồn vui

Chúng con vẫn nhớ nụ cuời…

            (Khóc mẹ)

                        Nhớ ngày rày năm xưa

                        Mẹ ngồi lần tràng hạt

                        Đợi con dưới phương đình

                        Rưa hè vẳng lời kinh

                        Nghe ca vè Cụ Sáu

                                    (Về quê nhà Phát Diệm)

            Nhân vật người mẹ Công giáo có những phẩm chất của người mẹ Việt Nam (cần cù, chịu thương chịu khó, giàu đức hy sinh, thương chồng thương con,..), nhưng Lê Đình Bảng tô đậm hình ảnh mẹ ngồi lần tràng hạt, mẹ ngồi cầu kinh, dù trong hoàn cảnh gian khổ hay trong bom rơi đạn nổ. Hình như tất cả những gian nan hiểm nguy đối với mẹ, không gây ra sự lo sợ, thảng thốt, bi đát nào, mặc dù có những nỗi buồn được chôn kín trong lòng, và những nỗi truân chuyên không tỏ lộ. Do đâu người mẹ Công giáo có sự bình tâm ấy? Là do mẹ cầu nguyện phó thác mọi sự trong tay Chúa với một lòng tin kiên vững, dẫu có sóng gió ba đào thì Chúa luôn che chở giữ gìn. Đức Giê su nói: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14, 27). Như vậy vẻ đẹp văn hóa Công giáo ở người mẹ chính là vẻ đẹp đức tin trong mọi cảnh đời, sống tinh thần phó thác.

            Vẻ đẹp người công giáo cũng đậm nét trong bài thơ Những người anh em tôi

Anh em tôi

những người lên non xuống bể

Ngước nhìn trời, gối sóng mà bơi

Giữa trầm luân, giữa tục lụy phần đời

Vẫn yêu lấy chiếc áo dòng ngày xưa mẹ sắm

Anh em tôi

những người ở tận vùng sâu, xa lắm

Xứ đạo nghèo, bốn mùa cây lúa chẳng ra bông

Lũ trẻ thơ bỏ học, mò cua bắt ốc ngoài đồng

Của lễ mọn là chục trứng gà, một hai nải chuối

Có những lứa đôi yêu nhau, chẳng đủ tiền cheo cưới

Hoa mẫu đơn vẫn đỏ thắm vườn nhà

Cố quên đi những tháng ngày lầm than, cơ nhỡ

Anh em tôi

những người nông dân chân đất

Cũng lên bờ xuống ruộng như ai

Cũng tro phân, chèo chống, cấy cày

Để lời Chúa mọc lên từ biển phèn mặn chát

Họ thủy chung như tấm lòng của đất

Họ bồng bềnh như con nước, tuần trăng

Chẳng bao giờ tham đó bỏ đăng

Vui lúa mới, buồn mùa màng thất bát

Nhà thơ ghi nhận nhiều cảnh đời gian nan, vất vả, khốn khó trăm điều, “bồng bềnh như con nước” của những người anh em (cần hiểu người anh em trong Kinh thánh), song tất cả đều không thở than. Họ vẫn vui sống và bằng lòng mang lấy phận người để “Hoa mẫu đơn vẫn đỏ thắm vườn nhà”, “Để lời Chúa mọc lên từ biển phèn mặn chát”. Tất cả những người Công giáo ấy, dù là tu sĩ hay giáo dân nghèo khổ, họ đều là con dân Việt, đậm phẩm tính Việt. Nhưng họ còn có thêm vẻ đẹp mới. Họ giữ gìn phẩm hạnh và sống Lời Chúa giữa mọi người, họ bình tâm gieo trồng Lời Chúa giữa biển đời mặn chát. Họ không coi kiếp người là kiếp khổ (“Đời là bể khổ”). Họ không cho rằng những khổ lụy phải chịu là do nghiệp quả. Không oán trời, không trách người như văn thơ cổ:

Đau đớn thay phận đàn bà,
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?

(Văn tế thập loại chúng sinh-Nguyễn Du)

Cả Truyện Kiều (Đọan trường tân thanh) và Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn du đều là tiếng kêu thương bi đát, bế tắc về phận người. Trái lại, Lê Đình Bảng đã ghi được vẻ đẹp văn hóa Công giáo nơi những người sống đức tin ở giữa cộng đồng. Họ vác thập giá và đi trong sự bình an của Đấng Phục sinh. Nét đẹp ấy khác hẳn những triết lý thế tục về con người trước kia.

GIA ĐÌNH, LÀNG QUÊ CÔNG GIÁO

            ThơLê Đình Bảng không phải là thơ “phản ánh hiện thực”. Hơn nữa, bút pháp của ông là bút pháp của thơ Lãng mạn (1930-1940), dùng nhiều hình ảnh tượng trưng. Thơ phát triển theo mạch cảm xúc dào dạt của tâm trạng nhà thơ; vì thế nếu muốn tìm hiểu hiện thực gia đình, làng quê Việt Nam trong thơ ông, thì đó là điều bất khả.

Lê Đình Bảng không miệu tả những cảnh sưu thuế phi nhân như trong Tắt Đèn (Ngô Tất Tố), không có những phận người chết đói và cả chết no trong nỗi nhục (truyện Nam Cao), cũng không lên tiếng về những điều chà đạp lên nhân phẩm như trong Thời xa Vắng (Lê lựu)…

            Mặc dù cũng chịu đau thương bởi chiến tranh, bởi đói nghèo nhưng Gia đình, làng quê Việt Nam trong thơ Lê Đình Bảng thấm đẫm vẻ đẹp văn hóa Công giáo. Vẻ đẹp ấy tỏa sáng từ mẫu gương Thánh gia (Chúa Giêsu – Đức Mẹ và Thánh Giuse). Trong gia đình này cả ba vị đều là đấng thánh. Gia đình Công giáo Việt Nam và sống ơn gọi nên thánh. Làng quê Việt Nam nhộn nhịp tươi vui trong mùa Nô-en, rộn ràng lễ hội 40 ngày Chay thánh và Phục Sinh. Khác hẳn với làng quê trong thơ thế tục lặng lẽ bầu khí tâm linh Phật, tiếng chuông chùa tiễn ngày tàn vào hư vô…

                        Sớm chiều ba cứ đinh ninh

Mỗi khi lần hạt, đọc kinh, nguyện cầu

Ngủ đi con, ngủ thật lâu

Đã nghe sương xuống mái đầu bạc phơ

                                                       (Ru con)

Đây, trọn vẹn một niềm thuận thảo

Làm lễ dâng, lòng đạo, đức tin

Chắp tray, miệng hát muôn kinh

Chúa thương, phù hộ, giữ gìn Mẹ luôn

                                    (Mẹ là bóng cả cây cao)

Vẫn cái gốc chân quê mình mãi mãi

Vẫn một sương hai nắng mẹ ra đồng

Vẫn thân cò lặn lội ở bờ sông

Cha cày ải trên cánh đồng chiêm trũng

Em hái đầy thuyền hoa sen hoa súng

Chở hết chiêm bao dâng trước bàn thờ

Ôi đức tin đã vàng óng chanh mơ

Và lòng đạo đã chín mùi thơm thảo

Mấy trăm năm là mấy mùa giông bão

Mỗi bước ta đi chân cứng đá mềm

Cứ mơ hoài được trong ấm ngoài êm

Vì nước mắt đã trào ra từ đấy

                        (Trên đỉnh Trường Sơn)

Xin cứ hái những nhành hương vừa ý

Bồ câu ơi, bay lên, rợp ngoài đồng

Em có về quê lúa của nhau không

Vẫn đỏ thắm hoa vông, vào vụ gặt

Từ những buổi hừng đông đi vỡ đất

Đồng trũng, đồng chiêm, mùa gạo tám thơm

Tháng Giêng này, bông trĩu hạt, vườn ươm

Rộn ràng làng quê, chiếu chèo mở hội

Những cô tấm vừa lớn khôn như thổi

Rủ nhau đi, xiêm áo mới, dầu đèn

Cứ như thuyền ra nước lớn, triều lên

Mắt sáng, môi tươi, đàn ca nhã nhạc

                        (Khi trăm họ một nhà)

Nửa thế kỷ, tôi lìa xa quê mẹ

Nay trở về, đôi mắt cứ rưng rưng

Qua những cánh đồng nhòa nhạt hơi sương

Qua những đường thôn rạ rơm sũng ướt

Về Trà Vy đúng vào phiên chầu lượt

Giăng mắc cờ hoa như chốn kinh kỳ

Hình như là ai giữ bước chân đi

Thiêng liêng quá, đất và người yêu dấu

Ở đâu đó những lũy tre, hàng dậu

Ôi dạt dào, những cảm xúc, tôi nghe…

Lời mẹ ru hay nhịp võng sau hè

Ai vẫn đợi ngoài bến sông xưa cũ

Chùm mẫu đơn nở trong vườn nhà xứ

Em kết thành đôi hoa đỏ hồng hồng

Để hôm nào, ra đầu ngõ ngóng trông

Ai cuối bãi, ai đầu ghềnh xa lắc

Đã lâu lắm, tôi xa quê bằn bặt

Nhớ ngày xưa còn cắt cỏ, chăn trâu

Đâu những bến bờ trong, đục, nông, sâu

Đâu những chân đê, bếp chiều lên khói

Tôi nghe rõ mỗi gập ghềnh trôi nổi

Mấy mươi năm dài hơn cả đời người

Nghe tiếng chuông chiều, ra ngắm mây trôi

Đứng trước hàng hiên, gửi hương cho gió

                        (Nhớ Trà Vy)

Những trích đọan thơ trên đủ vẽ ra bức tranh làng quê Công giáo đẹp, êm ả với nhiều nét đẹp văn hóa mới. Vẫn là một vùng quê nghèo, người dân lam lũ “một nắng hai sương”, vẫn những “thân cò lặn lội bờ sông”. “Mấy trăm năm là mấy mùa giông bão”, những cánh đồng nhòa sương, những đường thôn ướt sũng rơm rạ, tiếng mẹ ru võng sau hè, bếp chiều lên khói cùng với tiếng chuông chiều đưa hồn ta lên trời; nhưng nhà thơ lắng nghe được những dạt dào cảm xúc sau lũy tre, hàng dậu, trong những phiên chầu lượt, làng quê giăng mắc cờ hoa như chốn kinh kỳ…thật thiêng liêng, thật thắm thiết nghĩa tình.

Về Trà Vy đúng vào phiên chầu lượt

Giăng mắc cờ hoa như chốn kinh kỳ

Hình như là ai giữ bước chân đi

Thiêng liêng quá, đất và người yêu dấu

            Tứ thơ này thật mới lạ và quyến rũ

Em hái đầy thuyền hoa sen hoa súng

Chở hết chiêm bao dâng trước bàn thờ

Ôi đức tin đã vàng óng chanh mơ

Và lòng đạo đã chín mùi thơm thảo

            Nét đẹp văn hóa làng quê Công giáo trong thơ Lê Đình Bảng  là nét đẹp của “đức tin vàng óng chanh mơ”, là “lòng đạo thơm thảo” trong cả một “thuyền đầy hoa sen hoa súng dâng trước bàn thơ”. Một làng quê bình an, vừa sôi nổi sức sống lại vừa lắng đọng niềm tin yêu. Điều này khác hẳn với thơ hiện thực về làng quê. Có nỗi xót xa, hiu hắt.

                        Quê hương anh nước mặn đồng chua

                        Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá…

                        Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không mặc kệ gió lung lay…

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài miếng vá..

            (Đồng chí-Chính Hữu)

Tôi thấm thía cái tình làng nghĩa xóm của người nhà quê khi một người trong làng qua đời:

                        Trải qua một cuộc bể dâu

                        (Những điều trông thấy mà đau đớn lòng)

Trời mênh mông đất mênh mông

Nghìn thu cách mặt xa lòng từ đây

Hôm nay có một người nằm ngủ

Dưới tàn cây cổ thụ xanh tươi

Máu ngừng reo, tắt nụ cười

Mà xe thiên cổ đưa người về đâu

Chúng tôi xin được giã từ

Người đi đi mãi tít mù tăm hơi

Đau thương chẳng nói lên lời

Nguyện xin được hưởng quê trời, Amen

            (Nhớ ông giáo Hà Nam)

TRẨY HỘI LÊN ĐỀN”

Ở Việt Nam có nhiều lễ hội. Có những lễ hội lịch sử: Giỗ tổ Hùng Vương, Lễ Hội Gióng, Lễ hội đền Hai Bà Trung, Lễ hội Gò Đống Đa. Có lễ hội tâm linh: Trẩy hội Chùa Hương, Hội Lim, Lễ  hội Katê của người Chăm ở Ninh Thuận, Lễ hội Cầu Ngư (Huế), lễ hội Tháp Bà Ponagar ở Khánh Hòa, Lễ hội Căm Mường ở Lai Châu, Lễ hội Bà Đen, lễ hội vía Bà Chúa xứ…

Các lễ hội là dịp để con dân Việt trở về lịch sử, cội nguồn, gắn kết cộng đồng, hun đúc tính yêu quê hương đất nước. Lễ hội cũng thể hiện những khát vọng tâm linh. Người ta cầu cho quốc thái dân an…

Trong tập Ơn đời một cõi mênh mang có nhiều bài “Trẩy hội”, gắn liền với những sự kiện lớn của Giáo hội Công giáo Việt Nam: Về Sở Kiện về Thăng Long hội ngộ (Khai mạc Năm Thánh 2010), Về phương Nam trẩy hội (Đại hội Dân Chúa 2010), Về La Vang trăm họ một nhà (Bế mạc Năm Thánh 2011), Khi trăm họ một nhà, Cho trần gian được sống dồi dào (Kỷ niệm 150 năm thành lập GP Huế)…

Mặc dù cũng là “trẩy hội” song lễ hội Công giáo hoàn toàn khác với lễ hội dân gian cả về nội dung và hình thức tổ chức. Lệ hội Công giáo có phần lễ là chính. Phần này theo đúng nghi thức của Roma trong việc cử hành các phụng vụ tế lễ tôn vinh Thiên Chúa. Phần “hội” thường chỉ là dịp để muôn dân khắp bốn phương trời hội ngộ, có dịp đến thánh địa kín múc ơn thiêng. Không có các nghi thức, các “trò” như trong lễ hội dân gian.

Nhà thơ Lê Đình Bảng không viết về phần phần “Lễ” mà tập trung miêu tả tâm trạng của người dự “hội” khi được gặp mặt người anh em khắp Trung, Nam, Bắc.

Trong các tập thơ của Lê Đình Bảng, những bài thơ về lễ hội có một mạch cảm xúc đặc biệt dào dạt phơi phời, cảm xúc của người đi dự lễ hội với một tâm hồn bay bổng như cánh hồng ngàn khơi. Những tay bắt mặt mừng, những gọi nhau ơi ới, những chuyện trò miên man, những níu kéo không dứt ra được. Muôn người cùng hòa một nhịp trái tim, cùng hát một khúc hoan ca của một đức tin trào dâng như sóng muôn trùng, của lòng mến rực sáng như lửa cháy.

            Có lẽ đây là những bài thơ đúng với tầm vóc của hồn thơ Lê Đình Bảng. Một Cái Ta quảng giao, Cái Ta nhập vào cộng đoàn lễ hội, Cái Ta bay bổng non ngàn, trùng khơi khắp ba miền. Mạch thơ cuồn cuộn dào dạt cùng với đoàn người trẩy hội. Ông hay dùng từ “trẩy hội lên đền”. Từ này bao hàm nghĩa của Kinh thánh.

Ơi những liển-em liền – chị Kinh Bắc

Đã xôn xao lời biển gọi trào dâng

Từ buổi truyền tin Mẹ nói “xin vâng”

Mau chân nhé, bởi hồn đương thổn thức

Hôm nay trời và đất đã gồm thâu…

Ngày hội trùng dương tay bắt mặt mừng

Ngồi cùng bàn, góp gạo thổi cơm chung

Để chia sẻ những buồn vui, đắp đổi

Ba miền đất ba dòng sông vời vợi

Một trái tim sôi tràn lửa Đa Minh

Giữ gìn nhau bền đỗ để làm tin

Như men, muối giữa trần gian giông gió

                        (Khi trăm họ một nhà)

Nay, trăm họ một nhà, vui hội ngộ

Tiệc đoàn viên, mừng lịch sử sang trang

Cao vút mây xanh, rực rỡ đền vàng

Nhà Chúa ngự  đẫm mùi hương trầm quế

Mau chân với, về thông công đại lễ

Cứ lung linh xiêm áo mới dầu đèn

Người bên người, như lớp lớp triều lên

Chung tiếng hát lời kinh mừng năm thánh

                                        (Trẩy hội lên đền)

Tay bắt mặt mừng vui trẩy hội

Người đi như nước mấy hôm liền

Hôm nay, mở cửa Thiên Đàng đấy

Để thấy từ Tiên Tri, Sấm Truyền

Lời Chúa đã đi vào cuộc sống

Nảy ngành xanh ngọn, trái nhiều thêm

                     (Vườn Xoài ơi vỗ tay reo)

Về Trà Kiệu, về quê hương, nhà Mẹ

Ghé Hội An, ra phường phố đông ken

Trong đêm giã hoa, Ngũ Xã đỏ đèn

Cờ xí rợp trời đức tin vàng đá

            (Tháng 5 về quê Mẹ Trà Kiệu)

Mau lên nhé, rủ nhau về đi lễ

Về La Vang, để cầm trí cầm lòng

Nơi bến bờ gặp gỡ những dòng sông

Con cái Mẹ từ muôn phương hội ngộ

Đêm nay, La Vang pháo hoa rực rỡ

Mắt lệ trào dâng, òa vỡ trong mưa

Ơn nhiệm màu đẫm vào nhạc vào thơ

Sao, ngây ngất bởi lời kinh sốt mến

Mau lên nhé quỳ bên nhau cầu nguyện

Vì đêm nay, đêm nhật nguyệt ra đời

Bốn phương trời, mười phương đất xa khơi

Đêm trừm tịch, đêm bồi hồi chờ sáng

Mau lên nhé, kẻo núi mòn sông cạn

                                                (Về La Vang trăm họ một nhà)

Nét đẹp của văn hóa Công giáo trong các lễ hội là tinh thần của người đi dự lễ. Lòng chung lòng, nghiêm trang cầu nguyện. Họ đắm mình trong câu kinh tiếng hát và mở lòng ra hướng về Thiên Đàng.

Người gọi người, “mau lên nhé”.”Bốn phương trời, mười phương đất xa khơi” cùng về đây, “Tay bắt mặt mừng vui trẩy hội/ Người đi như nước mấy hôm liền”; “Người bên người, như lớp lớp triều lên/ Chung tiếng hát lời kinh mừng năm thánh”; “Mau lên nhé quỳ bên nhau cầu nguyện”; “Hôm nay, mở cửa Thiên Đàng đấy”.

Ôi thật là linh thiêng, thật là xúc động: “Mắt lệ trào dâng, òa vỡ trong mưa/ Ơn nhiệm màu đẫm vào nhạc vào thơ/ Sao, ngây ngất bởi lời kinh sốt mến”. Triệu triệu con tim, triệu triệu tấm lòng cùng cất lời ca tụng Thiên Chúa và chia sẻ niềm hân hoan như ngày xưa Phêrô được Chúa đưa lên núi thánh (Mt 17, 1-9). Mỗi cử chỉ mỗi, mỗi hành vi đều hết sức giữ gìn trang nghiêm. Tình hiệp thông, sự gắn bó khắp muôn phương chưa bao giờ đẹp như thế.

Tất cả tinh thần thánh thiện ấy, thái độ tham gia lễ hội thành tín, trang nghiêm của mỗi giáo dân chính là nét đẹp văn hóa Công giáo trong đời sống cộng đồng mà các lễ hội dân gian không có được.

Tài năng của nhà thơ Lê Đình Bảng là vừa chụp ảnh được toàn cảnh “trăm họ một nhà, vui hội ngộ”, “Ngồi cùng bàn, góp gạo thổi cơm chung/ Để chia sẻ những buồn vui, đắp đổi”; vừa ghi được ánh hào quang tinh thần của “đêm nhật nguyệt ra đời”, và kìa! “Cao vút mây xanh, rực rỡ đền vàng/ Nhà Chúa ngự đẫm mùi hương trầm quế”.

Thơ ca Việt Nam có rất ít những bài thơ về lễ hội miêu tả cái tinh thần chung của “trăm họ một nhà, vui hội ngộ”. Có chăng chỉ là những tâm tình riêng, chuyện tình riêng đôi lứ khi đi dự lễ hội. Bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp có cái hay tả cảnh, tả tình từ góc nhìn cá nhân một cô gái 15 tuổi, nhưng có cái xô bồ, trần tục của bối cảnh.

Sau núi Oản, Gà, Xôi,
Bao nhiêu là khỉ ngồi.
Tới núi con Voi phục,
Có đủ cả đầu đuôi.

Chùa lấp sau rừng cây.
(Thuyền ta đi một ngày)
Lên cửa chùa em thấy
Hơn một trăm ăn mày.

                                    (Chùa Hương-Nguyễn Nhược Pháp)

Thơ Lê Đình Bảng ghi được nét đẹp văn hóa lễ hội Công giáo. Đó là đóng góp riêng của nhà thơ vào thơ ca Việt đương đại. Mảng thơ này của Lê Đình Bảng bộc lộ rõ nhất sự tài hoa, phóng khoáng của thi nhân. Thơ mở rộng biên độ không gian, thời gian. Cái Tôi được giải phóng để hội nhập với cộng đồng. Vì thế,  dù Thơ Lê Đình Bảng nằm trong thi pháp thơ thơ Lãng mạn (1930-1945) với rất nhiều hình ảnh tượng trưng, nhưng đã có những bước phát triển mới mẻ.

CÁCH NHÌN LỊCH SỬ

            Tập thơ Ơn đời một cõi mênh mang còn có những bài thơ thể hiện cái nhìn lịch sử dân tộc và lịch sử Giáo hội Việt Nam. Nhà thơ giúp người đọc nhận ra vẻ đẹp văn hóa của một dân tộc trong tiến trình lịch sử, nhận ra vẻ đẹp của Giáo hội giữa những thăng trầm thế tục. Sự hội nhập văn hóa này xóa đi những định kiến lịch sử về đạo Công giáo ở Việt Nam một thời bị ngộ nhận.

            Lê Đình Bảng viết về Xóm Chiếu (thành lập năm1856), nhân dịp kỷ niệm 150 năm thành lập giáo xứ:

Trăm năm trước có ai về Xóm Chiếu

Ngút ngàn bên kia, kinh rạch chập chùng

Ngập mặn rừng chàm, bần đước, khe truông

Cá sấu, cọp, beo, muỗi mòng ve vắt

Và bao nỗi đau lặng thầm giấu mặt

Từ buổi hửng đông gieo vãi đức tin

Của những lưu dân từ Nghệ, Tĩnh, Bình

Quảng Trị, Thừa Thiên, Hội An, Nam Ngãi

Từ phương Bắc người tay bồng tay bế

Lại những lưu dân trốn chạy cùng đường

Ở Sài Gòn nên đồng khói đồng hương

Ở Xóm Chiếu nên đất lành chim đậu

Đây Xóm Chiếu của bờ xôi ruộng mật

150 năm canh thức dầu đèn

150 năm làm muối làm men

Một thời vỡ hoang một thời bão tố

Chúa dẫn chúng con băng qua Biển Đỏ

            (Hát bài trường ca Xóm Chiếu )

Nhà thơ nhìn những “nỗi đau lặng thầm giấu mặt/ Từ buổi hửng đông gieo vãi đức tin”của giáo dân lưu tán từ Nghệ, Tĩnh, Bình/ Quảng Trị, Thừa Thiên, Hội An, Nam Ngãi và cả những dân di cư từ miền bắc vào Xóm Chiếu bằng cái nhìn Đức tin.

Đây Xóm Chiếu của bờ xôi ruộng mật

150 năm canh thức dầu đèn

150 năm làm muối làm men

Một thời vỡ hoang một thời bão tố

Chúa dẫn chúng con băng qua Biển Đỏ

Dưới ánh sáng đức tin, người Công giáo nhìn những đau khổ, gian nan “Từ buổi hửng đông gieo vãi đức tin” (trải qua nhiều thời kì cấm đạo từ chúa Nguyễn đến thời Quang Trung, các vua nhà Nguyễn, phong trào “Bình Tây sát tả” của Văn Thân, những khó khăn trong chiến tranh, khó khăn khi đất nước bị chia cắt…). “Một thời vỡ hoang một thời bão tố” ấy là “bờ xôi ruộng mật”, là thời gian để giáo dân”canh thức dầu đèn”, “làm muối làm men” để rồi “Chúa dẫn chúng con băng qua Biển Đỏ” (Ba tứ thơ này hàm nghĩa Kinh thánh)

Một cái nhìn như thế về lịch sử, về giáo hội thể hiện nét đẹp văn hóa Công giáo, nét đẹp của sự nhận thức những chân lý lịch sử dưới ánh sáng Tin Mừng.

Và đây là nhận thức về lịch sử dân tộc:

            Đây, hoa gấm thành đô Tổ quốc

            Đây, uy linh cương vực giống nòi

            Dặm dài bờ cõi xa khơi

            Đông Sơn còn vọng tiếng người nghìn xưa

            Ai cưỡi sóng mở cờ báo tiệp

            Đuổi kình ngư, dựng nghiệp trong ngoài

            Nỗi nhà, vận nước hai vai

            Quyết đem chí lớn xây đài vinh quang

            Bạch Đằng Giang sấm vang chớp giật

            Ngập xác thù trôi dạt mênh mông

            Biển-trời-mây-nước Tây Đông

Sơn hà xã tắc con Rồng cháu Tiên

Khi quốc biến côn quyền hơn sức

Thuở binh đao thao lược đua tài

Bình Ngô Đại cáo giương oai

Thù trong mất vía, giặc ngoài khiếp run

Cha dong ruổi mài son đánh giặc

Mẹ tảo tần mài mực ru con

Hàm Rồng đứng giữa mưa bom

Trơ trơ dạ sắt, gan đồng Lam Kinh

Trước Tổ quốc anh linh tiên tổ

Chúng con nay làm giỗ lập đàn

Nguyện cầu Quốc thái dân an

Non sông mở mặt Việt Nam lẫy lừng

Lấy nhân nghĩa bao dung xử thế

Người với người, mở huệ tình thương

Lòng thành nguyện với hoa hương

Trăm muôn vạn lạy mười phương đất trời

                        Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi vinh hiển

Lạy Nữ Vương Vô Nhiễm từ bi

Khi buồn vui lúc an nguy

Công cha nghĩa mẹ phù trì, ủi an

Chúng con nguyện chắp đôi tay

Chúa ban phần phúc dư đầy, Amen

                   (Bồi hồi bên sông Mã)

Bài thơ ghi: “Kính dâng tiền nhân tiên tổ xứ Thanh”, gợi cho người đọc một bề dày lịch sử của đất Lam Kinh, Thanh Hóa (Lam Kinh được nhà Lê xây dựng năm 1433). Trước Công nguyên, vùng đất Thanh Hóa nằm gọn trong quận Cửu Chân nước Âu Lạc (năm 111 trước CN). Nơi đây từng có cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu chống quân Đông Ngô (năm 248), nơi đây Hồ Quý Ly từng xây dựng Tây Đô (Thành nhà Hồ) và đóng đô (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Sau nhà Hồ, Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, Thanh Hóa và hoạt động 6 năm ở đây (1418-1424). Xứ Thanh cũng là nguồn gốc của các triều đại lớn: Họ Lê, họ Trịnh và họ Nguyễn. Nhắc lại sơ lược một vài sự kiện lịch sử để thấy Xứ Thanh có vị trí quan trong trong lịch sử Việt, nơi anh linh tổ quốc hội tụ.

Lê Đình Bảng nhắc lại thời Văn hóa Đông Sơn (Làng Đông Sơn, Thanh Hóa là nơi có di chỉ khảo cổ nổi tiếng thế giới được phát hiện năm 1924) …Nhắc tới Lam Kinh, Bình Ngô Đại cáo là ghi nhớ công ơn khởi nghĩa Lam Sơn (Lê Lợi). Hàm Rồng là khu di tích lịch sử. Nhắc tới Hàm Rồng là nhắc đến những sự tích anh hùng của dân xứ Thanh.  Núi Rồng, sông Mã, động Long Quang là nơi ghi dấu nhiều danh nhân. Năm 1972, Mỹ dùng bom đánh phá cầu Hàm Rồng. Cầu do ngưới Pháp xây dựng năm 1904…

Cái nhìn của nhà thơ Công giáo Lê Đình Bảng về lịch sử dân tộc mình là cái nhìn thế nào?

Trước Tổ quốc anh linh tiên tổ

Chúng con nay làm giỗ lập đàn

Nguyện cầu Quốc thái dân an

Non sông mở mặt Việt Nam lẫy lừng

Lấy nhân nghĩa bao dung xử thế

Người với người, mở huệ tình thương

Đấy là cái nhìn về một đất nước “Địa linh nhân kiệt” (Đất linh thiêng sinh người hào kiệt) với lòng tự hào và biết ơn. Nguyễn Trãi đã khẳng định: “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/ Song hào kiệt đời nào cũng có” (Bình Ngô Đại Cáo). Lê Đình Bảng nhận ra một đặc điểm ưu việt của tổ tiên là: “Lấy nhân nghĩa bao dung xử thế/ Người với người, mở huệ tình thương” nên con cháu mới được hưởng phần phúc. Là một nhà thơ Công giáo, Lê Đình Bảng không chỉ biết ơn tổ tiên mà còn nguyện xin Thiên Chúa cho “quốc thái dân an, non sông mở mặt…”. Nhà thơ đã hòa nhập vào tinh thần chung của dân tộc này.

THAY LỜI BẠT

            Bài viết đã hơi dài, tôi không dám nhiều lời hơn. Chỉ xin chia sẻ điều này. Tập thơ Ơn đời một cõi mênh mang và những tập thơ khác cùa nhà thơ Lê Đình Bảng có một giá trị đặc biệt là thể hiện những nét đẹp văn hóa Công giáo trong sự hội nhập với lịch sử văn hóa dân tộc. Ông không chỉ giúp người đọc cảm nhận vẻ đẹp thơ ca mà còn giúp người đọc nhận ra vẻ đẹp người Công giáo, vẻ đẹp một gia đình Công giáo, làng quê Công giáo, lễ hội Công giáo và vẻ đẹp lịch sử dưới ánh sáng Tin Mừng.

Nhà thơ Lê Đình Bảng, từ khuôn mặt một thi nhân tài hoa lãng tử đã hiện lên những góc cạnh của một khuôn mặt văn hóa Công giao đương đại. Chất tài hoa kết hợp với sự uyên bác cùng với lòng nhiệt thành của một trái tim đầy ân sủng, Lê Đình Bảng đã góp cho văn học Công giáo những trang thơ văn độc đáo và giá trị.

Ông hiểu tất cả những điều ấy là do Trời, do đời cho ông.

Cảm ơn, Trời vẫn sương sa

Đã cho đất nở thành hoa, thành người…

Cảm ơn đòi đọan trăm điều

Nuôi ta đẫy sức nâng niu cuộc đời

Ngày mai tàn cuộc rong chơi

Ta xin làm đóa trăng soi bên Người

                     (Ơn đời một cõi mênh mang)

Tháng 6/2021

________________________

LÊ ĐÌNH BẢNG&HÀNH TRÌNH TƯ TƯỞNG

KINH BUỒN

VÀ HÀNH TRÌNH TƯ TƯỞNG CỦA LÊ ĐÌNH BẢNG

(Đọc tập thơ Kinh buồn của Lê Đình Bảng. Tác giả xuất bản 2012)

Bùi Công Thuấn

Nhà thơ Lê Đình Bảng đã in các tập thơ: Bước chân người Giao Chỉ (Sài gòn 1967), Hành hương (2006), Quỳ trước đền vàng (2010), Lời tự tình của bến trần gian (2012), Ơn đời một cõi mênh mang (2014), Kinh buồn (2014), và các tập thơ được phổ nhạc: Đội ơn lòng Chúa bao dung (2012), Lời khấn nhỏ chiều Chúa nhật (2012), Về cõi trời mênh mang (2012). Ngoài ra Lê Đình Bảng còn là nhà nghiên cứu có uy tín về lịch sử văn học Công giáo Việt Nam. Ông đã in “Văn học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường” (2010), và bộ sách  gồm 6 cuốn “Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam” (2009) do ông sưu tầm, nghiên cứu…

Kinh buồn là tập thơ thể hiện nhiều nỗi trăn trở của Lê Đình Bảng về lẽ trầm luân, còn – mất, tử – sinh của kiếp người, về đời hư huyễn phù vân, về sự ra đi của những người thân yêu. Kinh buồn không phải thơ tư tưởng nhưng là hành trình tư tưởng của Lê Đình Bảng một hành trình vật vã nước mắt để đến được bến bình an.

NHỮNG TRẢI NGHIỆM BỂ DÂU

Đọc những tập thơ khác của Lê Đình Bảng, người đọc chỉ thấy một nhà thơ tài hoa, phóng khoáng và say mê; bay bổng với những bài ca tuyệt vời về Cái Đẹp, về cuộc sống; về tình yêu, trong khộng gian và thời gian bát ngát tươi xanh. Đọc Kinh buồn, người đọc sẽ rất ngạc nhiên khi thấy nhà thơ đầm đìa nước mắt.

Con đã khóc, từ khi tấm bé

Những mùa Đông, mất mẹ mất cha

Ì ầm tiếng súng quê xa

Bên kia phòng tuyến, nhạt nhòa mưa bay

Con đã khóc những ngày trai trẻ

Mơ kiếm cung, dọc bể, ngang trời

Thế rồi, bèo dạt hoa trôi

Thuyền ra sông lớn, bời bời lòng đau

Con những tưởng rày trông mai nhớ

Sẽ phôi pha duyên nợ trần ai

Nào ngờ, sét đánh bên tai

Người đi, đi mãi bên ngoài thời gian

Khóc là khóc, lòng chưa giải hết

Đời ai không tử biệt sinh ly

Trông ra gò đống xanh rì

Trăm năm còn thấy, thấy gì nữa đâu

              (Như hoa thơm Chúa hái về )

Bài thơ gợi ra những nét rất đậm hành trình tư tưởng của nhà thơ Lê Đình Bảng trong  đời dâu bể. Nhà thơ đã chứng kiến, đã sống tận đáy cái hiện thực cùng cực, nghiệt ngã của lịch sử xã hội Việt Nam. Lê Đình Bảng sinh năm 1942, nghĩa là ông đã chịu đói lả những năm Ất Dậu 1945. Năm ấy hơn hai triệu con dân Việt chết đói. May mà ông thoát chết. Sau đó, dân tộc phải này phải hứng chịu mưa bom bão đạn trong 30 năm chiến tranh vệ quốc. Đau khổ, tang thương, ly tán không lời nào nói hết:

         “Đêm đêm mưa đạn tơi bời

Dưới hiên thềm đá mẹ ngồi cầu kinh”;

Rồi lửa ngút giặc tràn quê nội

Mẹ con mình khăn gói đi mô”

                      (Khóc mẹ).

Ì ầm tiếng súng quê xa

Bên kia phòng tuyến, nhạt nhòa mưa bay.

Mừng rằng đất nước đã hòa bình, thống nhất và phát triển, nhưng những vấn đề  về Con người vẫn còn đó. Số phận mỗi con người trong vòng tử sinh vẫn là con thuyền trầm luân trong bể khổ: “Thế rồi, bèo dạt hoa trôi/ Thuyền ra sông lớn, bời bời lòng đau”. Nước mắt chảy mãi không nói hết lời: “Khóc là khóc, lòng chưa giãi hết/ Đời ai không tử biệt sinh ly/ Trông ra gò đống xanh rì/ Trăm năm còn thấy, thấy gì nữa đâu”.

Hiện thực trần gian vẫn còn đấy.

Chúa có thấy chuyện bây giờ thuở trước

Vẫn những thằng Bờm, vẫn những phú ông

Vẫn những chợ phiên đổi chác bán buôn…

Hai nghìn năm vẫn dấm chua, mật đắng

Ôi, những vết thương chưa thể liền da.

                        (Lòng Chúa bao dung)

Trong thơ Lê Đình Bảng, có rất ít những câu thơ phản ánh hiện thực xã hội Việt Nam. Điều này khiến ông khác hẳn những nhà thơ lấy việc “phản ánh hiện thực” làm mục đích sáng tác. Có lẽ, là một nhà thơ lãng mạn, ông chỉ quan tâm đến Cái Đẹp, tìm và thể hiện Cái đẹp (chức năng chính của người nghệ sĩ); hơn nữa, thơ không thể sánh với văn xuôi trong việc ghi lại những cảnh đời, những biến động lịch sử, những tang thương dâu bể. Ở Miền Nam trước 1975, Ca khúc Da Vàng (Trịnh Công Sơn), Mùa hè đỏ lửa (Phan Nhật Nam),… đã miêu tả cụ thể những bi kich nghiệt ngã khốc liệt của chiến tranh mà người dân miền Nam phải chịu. Lê Đình Bảng chọn lựa con đường sáng tạo của riêng mình.

Lê Đình Bảng giữ thái độ vô ngôn trước hiện thực. Tâm thức ông thăng hoa thành những bài thơ “bờ sôi ruộng mật”, những vườn ngát hương hoa trái, những đỉnh non ngàn mây trắng bay, những bờ bãi mênh mông sóng nước.

Tôi nghĩ đến Nguyễn Du (1765-1820). Nguyễn Du hoàn toàn im lặng trước hiện thực xã hội Việt Nam thời Quang Trung-Gia Long. Tác phẩm của ông hầu hết lấy đề tài lịch sử, con người Trung Quốc (Bắc hành tạp lục). Qua đó ẩn chứa tư tưởng của ông về hiện thực. Có lẽ Nguyễn Du hiểu được lẽ hưng phế, hiểu được bản chất tang thương của thế sự, hiểu được bản chất thế tục của những tranh giành quyền lực, và ông chọn thái độ im lặng. Và ông bị phê phán ở thái độ này. Điều này không quan trọng, bởi Nguyễn du để lại nghìn sau những bài thơ chứa đựng những tư tưởng lớn.

Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên,
Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên.

                                    (Tạp thi kỳ 1-Nguyễn Du)

Dịch nghĩa

Tráng đầu bạc đầu buồn nhìn lên trời,

Hùng tâm, sinh kế cả hai đều mờ mịt.

Lạy Chúa nhiều đêm con thức trắng

Để xem ngày tháng có dài thêm

Một mình con hắt hiu chờ sáng

Tháng Bảy trời mưa ngâu suốt dêm

     (Lời kinh khuya-Lê Đình Bảng)

Câu thơ “Tháng Bảy trời mưa ngâu suốt đêm” là ẩn dụ cho đêm đầy nước mắt. Đêm cũng là ẩn dụ cho cái nhìn về cuộc tang thương (thương hải tang điền). Nhà thơ chờ mãi, trong cô đôc, hiu hắt, nhưng đêm dường như dài thêm. Nhìn ra bên ngoài, vẫn là đêm chờ sáng. Soi vào hiện hữu, nhà thơ thấy gì?

Ta nhìn ta giữa chiêm bao

Thịt da, hoa lửa, má đào, tóc tơ

Ta nhìn ta hóa cây trơ

Hắt hiu trôi giữa đôi bờ tịch liêu

Một mình ta với mưa tuôn

Xem mây réo biếc, trận cồn kêu sương

Một mình ta giữa trăm muôn

Cái hương, cái tuyết, cái hồn phiêu linh

                      (Bên bờ tịch liêu)

            Điệp khúc “Ta nhìn ta”, “một mình ta”, là thái độ tự soi vào hiện thể, soi vào tận đáy lòng mình, soi vào bản thể của Ta, vào ba ngàn thế giới chung quanh ta; là thái độ tự thức, tự giác, tự gạt bỏ tất cả những gì ngoài Ta, không thuộc về Ta, để hiểu cho thấu bản thể của Ta trong cõi nhân sinh này.  Nhà thơ thấy mình chỉ là “cây trơ” “giữa đôi bờ tịch liêu”, chỉ thấy “một mình ta” (nỗi cô đơn hiện sinh) giữa những “kêu/ réo” của mưa tuôn, của mây biếc, của cồn đầy sương, của trăm muôn hình sắc phiêu linh. Những hình ảnh ẩn dụ này chính là cuộc đời “kêu/ réo” vây quanh. Cuộc đời xô bồ, ồn ào, đa mang, nhưng nhà thơ đã hóa “cây trơ” (không phải là cây khô, cây chết), một trạng thái “không tồn tại”. Hiện sinh mà không tồn tại, đó là trạng thái bi kịch.

            Bi kịch là ở chỗ còn vướng cái duyên cái nghiệp.

Năm mươi mùa lũ trôi qua

Mẹ cha giờ đã đi xa cuối trời

Cái thân làm tội cái đời

Cái duyên, cái nghiệp của người, của ta

                         (Trầm tư)

            Lê Đình Bảng dùng tư tưởng triết học Lão – Trang và tư tưởng Thiền để lý giải. Lão Tử nói “Hoạn hữu thân”[“Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả, vi ngô hữu thân; Cập ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn?”– Lão tử – Câu 13 – Đạo Đức kinh]. Vì có Thân, nên ta phải họan nạn. Và Phật nói thêm. Hiện hữu (Thân) vốn là “Khổ” (Khổ đế trong Tứ Diệu đế – Kinh Chuyển pháp luân). Cái khổ truyền từ kiếp này đến kiếp lai sinh, bởi vì Thân là do nghiệp (Đã mang lấy nghiệp vào thân-Nguyễn Du). Nghiệp ấy do ta gây ra, nhưng nghiệp ta mang lấy cũng do kiếp trước và do người khác, mà Nghiệp là sợi dây trói (dù là thiện nghiệp hay ác nghiệp) trong quan hệ “duyên “ với ta (Lý Duyên khởi). Nhà thơ đã đi qua 50 năm mùa lũ cuộc đời trong sự trói buộc của Thân-Nghiệp ấy.

Chúa biết con nghèo, con đói rách

Trôi sông lạc chợ, sống cầm hơi

Chạy ăn từng bữa, qua từng bữa

Dang nắng dang mưa với đất trởi

Chúa bảo con, đường lên núi thánh

Ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh

Là băng qua núi cao rừng thẳm

Mỗi bước chân đi mỗi gập ghềnh…

Chúa bảo con mỏng dòn dễ vỡ

Ơ hờ cơn gió thoảng chiêm bao

Làm sao con dối lòng con được

Chỉ một chênh chao giây phút đầu

Ở bến trần gian đầy cám dỗ

Ngàn vàng mua lấy thú thương đau…

               (Suối nguồn yêu thương)

            Dưới ánh sáng tư tưởng thần học Kitô giáo, Lê Đình Bảng nhìn vấn đề rõ hơn. Tất cả những “mưa lũ”, những hoạn nạn do “Thân/ Nghiệp” của kiếp người đều đã được an bài. Đó là con đường phải đi qua. Con đường Thánh giá. Thân phận con người là một thụ tạo, mỏng dòn, bị trần gian cám dỗ. Chính tội lỗi đã trói buộc con người (không phải Nghiệp). Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, con người bị “dính mắc” cái Nghiệp do chính mình tạo ra.

Chúa biết lòng con như chỉ rối

Sợi thưa mau, ngang dọc bời rời

Làm sao con gỡ mình ra được

Thôi, ngược dòng trôi, đuối sức hơi

Chúa biết đời con luôn vướng vít

Những là rầy nhớ với mai mong

Còn chi sau mỗi mùa thu hái

Những rớt rơi, từng hạt đắng lòng

Chúa bảo con xa đàng tội lỗi

Mà sao con nhắm mắt làm ngơ

            (Lời kinh khuya)

            Đọc những dòng  tâm sự của nhà thơ với Chúa, tôi nghĩ đến những thao thức của thánh Augustino (354-430) trong cuốn Tự thuật (Confessions). Augustino là  thánh Tiến sĩ của Giáo hội. Ông từng là một thanh niên sống sôi nổi, mê đắm trong những tham vọng trần gian như mọi Con Người ở trần gian này. Bởi con người là xác thịt, là bùn đất, là bản năng (Freud). Trần gian vốn là vậy. Là dính mắc, là cay đắng, là oan khuất ngậm ngùi, là nước mắt phôi pha, là “Không”. Một mình ta phải mang lấy.

Trần gian chẳng uống giùm cay đắng

Lệ đá xanh và cây héo khô

Nỗi chết có san bằng tất cả

Ba nghìn thế giới vẫn là không

                   (Mộ khúc)

Rồi đây người chẳng bên người

Hắt hiu cồn vắng, duềnh khơi giang hà

Cầm bằng giọt lệ phôi pha

Nửa người oan khuất, nửa ta ngậm ngùi.

                   (Nghìn sau)

TRA HỎI KHÔN NGUÔI

            Trải nghiệm một hiện sinh như vậy, nhà thơ đứng trước rất nhiều vấn đề tư tưởng.

Hỏi ngàn xanh lá đương xuân

Thoắt sinh sôi, đã lụi tàn, sầu đông

Hỏi đàn chim ngói qua sông

Trong hơi rét đậm, giữa đồng vàng khô

Cái gì như thể hư vô

Sao nghe rơi rớt những xô dạt buồn

            (Lời thì thầm của bụi tro)

            Đó là câu hỏi về hiện hữu, đương xuân đấy, thoắt cái đã lụi tàn, phải chăng hiện hữu là hư vô?  Nỗi buồn xô dạt hết phận người. Nhà thơ ngắm nhìn thiên nhiên và tra vấn (tra vấn là thái độ triết học). Thiên nhiên đâu có Thân, có Nghiệp như người, sao vẫn chịu quy luật của tàn phai hư vô?

            Thiên nhiên vốn vô ngôn, nhà thơ quay lại hỏi mình.

Ta về, gẫm lại thân ta

Thoắt trông tấc bóng ngày qua xuân thì

Ta về, hỏi gã Trương Chi

Tình muôn kiếp trước yêu vì những ai

Đêm đêm, ngọn lửa trăng chài

Đâu hồn phách ở cõi ngoài, hư vô

Ta về hỏi những xa xưa

Một vầng trăng lặn đáy hồ lặng thinh

Bụi tro là của riêng mình

Ừ, thôi tan tác giữa nghìn mênh mông

                     (Hư vô)

            Vẫn là câu hỏi về “Hữu thể và thời gian” (Sein und Zeit Martin Heidegger, 1889-1976): thoắt trong tấc bóng, thân ta đã qua tuổi xuân thì. Hỏi Trương Chi, đâu là duyên của muôn kiếp trước? (Truyện Trương Chi-Mị Nương). Hỏi, ánh trăng như ngọn lửa chài đêm đêm (một tứ thơ trong Phong kiểu dạ bạc của Trương Kế) đó là hồn của những ai? Nhà thơ đặt những câu hỏi về hiện thể, về “duyên-nghiệp”, hỏi về cõi âm; tức là từ thực tại đến siêu hình, từ hiện tượng đến tâm thức, tâm linh. Không có câu trả lời. Trăng dưới đáy hồ lặng thinh (Mỹ học Thiền). Đành vậy, rồi thân ta cũng là bụi tro tan tác vào nghìn mênh mông (hư vô).

Ngầm trong những câu hỏi về Hữu thể là những “xao xuyến” (anxiety) triết học về tính bất định, bất toàn, bất túc, hữu hạn của con người. Tồn tại là tồn tại quy tử (Being toward death – M. Heidegger).

Khi đã là tro bụi, nào ai còn nhận ra tro bụi của ai. Đó là nỗi bi đát hiện sinh (cay đắng). Thân đã là tro bụi, vậy mà con người vẫn mê lầm.

Tôi ru tôi, nỗi bọt bèo

Bởi hồn tơ tóc còn nhiều đắng cay

Bụi mình, bụi của ai đây

Sông Hằng xa tít chân mây, cuối trời

Bụi nào, bụi của thân tôi

Bụi ta huyễn hoặc, bụi đời lầm mê

             (Trăm năm tro bụi)

            Nhà thơ mượn cách lý giải của Phật. Đời là hư huyễn, là Không, vạn pháp là Không. Thân ta với ngũ uẩn cũng là Không. Nhưng con người cứ mê lầm là Có, để rồi quay quắt mãi trong giả niệm Có-Không, Còn-Mất, Sinh-Tử nhị nguyên không thoát ra được (Thiền thoại con chó có Phật tính không).

            Nhưng dường như lý giải của Phật không đủ thuyết phục, nhà thơ quay sang hỏi Chúa.

Con thường hỏi rất vu vơ

Chúa ơi, biết đến bao giờ đời con

Lặng thầm như đá trên non

Trơ thân trầm tích, vô ngôn giữa đời

Con thường hỏi giữa mênh mông

Chúa ơi, ngàn biếc chen hồng mà chi?

Mai kia, cỏ lá xanh rì

Trông ra mấy vạt tà huy mịt mùng

Con thường hỏi những trăng sao

Chúa ơi, quanh quất bến nào, đường quê

Ngước nhìn lên đỉnh Canvê

Nửa khuya thao thức còn nghe tiếng gà

Ở đây nhìn thấu xương da

Trăm năm còn mất, đâu là hợp tan?

Con thường hỏi những tro than

Chúa ơi, cả những phai tàn, về đâu?

                   (Tĩnh tâm)

            Vẫn là những câu hỏi về hiện thể (“đời con”), về “còn-mất” sinh tử, về sự tàn phai của “vạn pháp”, và tiến xa hơn, nhà thơ hỏi Chúa con đường nào về bến quê (Quo vadis?).

Tất nhiên là Chúa không trả lời. Câu trả lời ở trên đỉnh Canvê. Với người Công giáo, con đường Cứu Rỗi là con đường Thánh giá. Mỗi người tự vác thập giá mình theo Chúa, như Chúa đã vác thập giá và bị đóng đinh trên đồi Can vê để Cứu rỗi nhân loại.

Con đường Canvê là con đường Đức tin. Mà đức tin lại là điều mong manh nhất. Kinh Thánh đã chỉ ra điều này từ hai ngàn năm trước. Môn đệ Phêrô được Đức Giêsu trực tiếp dạy bảo. Nhiều lần ông khẳng định lòng tin của mình với Chúa. Vậy mà, ngay đêm Đức Giêsu  bị người Do Thái bắt, Phêrô đã chối Chúa ba lần trước lúc gà gáy, mặc dù Chúa đã cảnh báo ông ngay trong bữa tiệc ly trước đó.

Nha thơ tra hỏi về đức tin của chính mình.

Vâng, lạy Chúa, thiên đường chỉ có một

Mà nẻo về thì xa lắc xa lơ…

Con lạc giữa ngã ba đường thế kỷ

Lô xô quán không, hương khói nhạt nhòa

Đã mấy dặm dài lau lách, phù hoa

Đã mấy canh khuya lạc lầm, chia cách

Chúa ở xa con xa quá đỗi

Âm dương còn cách trở đôi bờ

Chiều nay ra ngóng con thuyền bé

Bằn bặt về đâu, sóng nhấp nhô…

            (Con biết tìm Chúa nơi đâu)

Giông bão ấy làm sao con đến được

Chỉ thấy hoa rơi và lá rụng đầy

Ôi đức tin con, ngọn cỏ lắt lây

Vâng, lạy Chúa, thiên đường chỉ có một

                       (Ngước trông lên Thánh giá)

            Thiên đường xa xôi quá. Chúa cũng ở xa quá. Nhà thơ lại sống giữa đời lầm lạc, như con thuyền bé trước biển đầy giông bão, làm sao đến đuộc đất hứa. Như âm dương cách trở, làm sao nhà thơ có thể đến với Chúa được, làm sao đến được Nước Thiên Đàng là nơi Chúa hứa thưởng ban.

Tra hỏi như thế là tra hỏi về căn cốt của Đức tin, là lộ ra một sự hoài nghi về chính hiện thể của mình, về chính “tồn tại”. Vực thẳm ngay dưới chân, nếu không có Ơn Cứu Rỗi, Con người không thể vượt qua vực thẳm. “Ôi đức tin con, ngọn cỏ lắt lây”.

Những khủng hoảng đức tin như thế bất cứ người theo Chúa nào cũng trải qua. Bởi ơn Đức tin là ơn Chúa. Không phải do nỗ lực ý chí của con người. Ánh sáng mạc khải ấy chỉ mở lối cho những tâm hồn bé mọn. Đức Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.”(Lc 10, 21) [Jesus said, “I praise You, Father, Lord of heaven and earth, that You have hidden these things from the wise and prudent and revealed them to babes. Even so, Father, for so it seemed good in Your sight].

May mà nhà thơ còn chút lòng tin của hạt cải li ti (Đức Giêsu nói với môn đệ: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: “rời khỏi đây, qua bên kia!” nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được” (Mt 17, 20)

Chúa ở nơi đâu, gần xa cùng khắp

Đừng bỏ rơi con lạc lõng, mồ côi

Và ước chi trong thương tích của Người

Con tìm được một bến bờ nương náu

            (Lòng Chúa bao dung)

Con biết mình khô khan yếu đuối

Nhưng hằng tin được rỗi linh hồn

Từ trong giọt máu sau cùng ấy

Đã nhú chồi xanh mưng búp non

Lạy Chúa, chiều nay chân gối mỏi

Nhọc nhằn lên dốc núi chon von

Bài ca ai hát Exsultet

Có phải là lời Chúa gọi con

                      (Hát từ ngôi mộ trống)

Trên Thập giá, Đức Giêsu đã đổ hết máu mình để Cứu Rỗi nhân lọai. Nhà thơ tin rằng, trong giọt máu cuối cùng (một tứ thơ rất hay) chảy ra từ cạnh sườn của Chúa (do lưỡi đòng của nhân loại đâm thâu qua), mình cũng sẽ được cứu rỗi. Trong niềm tin ấy, khi nghe hát bài Exsultet (Bài công bố Tin Mừng Phục sinh), nhà thơ nghe tiếng Chúa gọi mình.

TRỞ VỀ

            Thực ra hiện hữu, hiện sinh vốn vô nghĩa (không có nghĩa). Người ta gán nghĩa cho nó để bám víu vào đó mà sống, mà hành động. Sự gán nghĩa này tùy theo nhận thức (Hiện tượng luận – E. Husserl-1859-1938) về cuộc đời và mục đích mà con người muốn đạt đến.

 Ý nghĩa đích thực của hiện sinh phải trong hai chiều kích. Chiều cao, chiều hướng lên, hướng về Thiên Chúa và chiều rộng, chiều ngang, chiều hướng về tha nhân. Ý nghĩa của hiện sinh không chỉ là chiều soi vào hiện thể của cá nhân để chỉ thấy buồn nôn, phi lý, xao xuyến, hư vô, chỉ thấy sống là đi về cái chết (Being toward death). Chết không phải là hư vô mà là sự sinh sôi. Lê Đình Bảng ý thức về bản thể trong mối tương qua đa chiều như vậy thật cụ thể.

Ta còn ở với dương gian

Để yêu, yêu lấy đời dan díu này

Để gieo hết hạt trong tay

Phơi phong hết nắng của ngày đương xuân

             (Ta còn để lại gì không)

Ơn đời nặng nghĩa bao dung

Gió ơi xin cứ nuôi rừng đầy hương

Trở về, làm hạt mưa sương

Thác sinh hẹn với vô thường, nghìn sau

              (Mượn lời thác sinh)

Ta đứng co ro, mình một bóng

Dưới hiên mưa ướt lối đi này

Mà xem đá rịn mồ hôi lạnh

Để nghiệm ra khoảnh khắc một đời

Vào cõi mênh mông thiên cổ lụy

Hạt mầm hư nát mới sinh sôi

                      (Nhớ)

Hóa ra, khi mở lòng ra với đời, khi nhận ra “ơn đời nặng nghĩa bao dung”, nhận thức được tương quan với người mới là bản chất của hiện sinh, và chỉ khi nhận ra “Hạt mầm hư nát mới sinh sôi”[“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt.” (Ga 12,24)] thì những câu hỏi siêu hình mới được hóa giải.

            Nhà thơ thấy nhẹ nhàng, thảnh thơi.

Trở về thăm cội tùng xưa

Cùng rong rêu uống sương mưa đầm đỉa

Gối đầu bên rặng lau, nghe

Trong hơi gió thở, đêm khuya thì thầm…

Trở về ăn bát cơm chay

Quán thưa, rượu cạn, bàn đầy ly không

Trở về giục giã bên sông

Nước lên, thuyền cũng lên, trông gió mùa

                   (Một cõi đi về)

            Đó là tư tưởng “Vô vi” của Lão tử. Nói theo nhà Phật, khi đã an trụ Tâm, khi đã thoát khỏi cái Tâm sai biệt [“Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”-kinh Kim Cang], đạt đến Cái Tâm Bát Nhã (Bát nhã tâm kinh) thì con người mới thoát mê lộ. Bài thơ Tĩnh tâm là một bài tuyệt hay.

Con nhủ thầm mình vừa tỉnh cơn mê

Có lưu luyến, có bồi hổi, giục giã

Nên đâu dám ngửa tay xin phép lạ

Nhưng hằng tin có Chúa ở trong mình

Dặn lòng mình, khấn nguyện một lời kinh

Hãy cố nâng niu từng ngày sống một

Hoa có rụng, hãy rụng vào đất sạch

Trái còn xanh xin ở mãi trên nhành

Bên kia Biển Hồ, nước biếc non xanh

Cứ thả lưới ở mạn thuyền bên phải

Một lòng tin nhỏ li ti hạt cải

Để thuyền neo, tôm cá chở đầy khoang…

                          (Bên kia hồ yên ả)

Một ngày được ở trong nhà Chúa

Con sẽ đàn ca lên, hát vang

                (Suối nguồn yêu thương)

Khi đã tỉnh cơn mê, nhà thơ khẳng định một lòng tin. “Một lòng tin nhỏ li ti hạt cải/

Để thuyền neo, tôm cá chở đầy khoang” như các tông đồ của Đức Giêsu xưa. Họ thả lưới suốt đêm nhưng không được con cá nào. Nghe lời Chúa, Simon thả lưới bên phải thuyền thì lưới  đầy cá. (Lc 5, 5-7). Tin vào Chúa, nhà thơ hồi sinh tâm hồn, biết “nâng niu từng ngày sống”. Không bận tâm vấn đề Tử sinh. “Một ngày được ở trong nhà Chúa/ Con sẽ đàn ca lên, hát vang”.

            Nhà thơ cám ơn đời

Cảm ơn trời đất trăm năm

Bao nhiêu ơn xuống, mưa dầm thấm lâu

Kể từ con cá, lá rau

Cây kim, sợi chỉ thưa mau, cũng là…

               (Lênh đênh phận người)

THAY LỜI KẾT

            Trong tập Kinh buồn có một mảng thơ rất hay khác là những bài thơ viết về cha, mẹ, vợ, con, về những người thân yêu đã qua đời (đặc biệt hay là những bài viết về các Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, GS Nguyễn Đăng Thục, Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình, họa sĩ Giuse Bùi Liêm, Lm Nguyễn Phúc Dân…) . Những bài thơ này vừa kế thừa được dòng thơ về tình gia đình, tình bạn trong thơ truyền thống của dân tộc, vừa góp thêm một cách viết rất mới, rất tài hoa. Nhà thơ yêu thương, tiếc xót người thân yêu nhưng không bi lụy, không sa đà vào những tư tưởng siêu hình. Riêng tôi nghĩ, chính cái chết của những người thân yêu này gợi nhiều ý nghĩa về hiện sinh cho nhà thơ, và hơn thế, giúp nhà thơ ngộ ra nhiều chân lý của Kinh Thánh trong hành trình tư tưởng của mình.

            Là người tốt nghiệp Cử nhân Giáo khoa Việt Hán Đại học Văn khoa Sàigòn trước 1975, Lê đình Bảng am tường văn chương, tư tưởng phương Đông, nên nhận thức và kiến giải những vấn đề tư tưởng của ông thấm rất sâu triết học phương Đông (Phật-Nho-Lão). Và điều mới mẻ là trong thơ của ông, những tư tưởng Phật- Nho- Lão ấy, và cả triết học phương Tây, lại được ánh sáng Kinh thánh soi chiếu, nhờ thế con đường tư tưởng của Lê Đình Bảng khác hẳn nhà thơ xưa cũng như các nhà thơ đương đại (Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư, Tô Thùy Yên…).

Con đường tư tưởng ấy phù hợp với những lời chỉ dạy của Giáo hội trong Tông huấn Giáo hội tại Châu Á: “Á Châu cũng là chiếc nôi của các tôn giáo lớn trên thế giới -Do Thái Giáo, Kitô Giáo, Hồi Giáo và Ấn Giáo. Đó là nơi phát sinh nhiều truyền thống thiêng liêng khác như Phật Giáo, Lão Giáo, Khổng Giáo…Giáo Hội giữ một niềm kính phục sâu xa nhất đối với các truyền thống này và tìm cách chân thành đối thoại với các môn sinh của truyền thống đó. Những giá trị tôn giáo họ truyền dạy, chờ được hoàn thành viên mãn trong Đức Giêsu Kitô”. (Tông huấn Ecclesia in Asia của Đức Giáo hoàng Gioan Phao lô II. Chương I, đoạn 6)  

            Tôi hình dung thế này. Các tập thơ khác của Lê Đình Bảng (Qùy trước đền vàng, Hành hương, Lời tự tình của bến trần gian…) là những bè phối khác nhau của một đại giao hưởng, và Kinh buồn là bè trầm (Bass), rất sâu, rất dày, đầy uy lực, có sức nâng đỡ để tất cả các bè phối ở trên cùng cất cánh. Thiếu bè trầm, giao hưởng sẽ rất mong manh và chênh vênh. Nhờ thế người đọc có thể nghe được tiềng gió thoảng đầy ắp không gian của violin, tiếng ngọt ngào lãng mạn của Guitar, tiếng trầm hùng như sóng ngầm đại dương của Cello, tiếng thánh thót như giọt sương rơi trên lá cỏ của Piano và tiếng hùng tráng, ào ạt, thúc giục của dàn kèn đồng, dàn trống trong buổi xuất hành. Nói như thế để thấy màu sắc thẩm mỹ và tư tưởng của thơ Lê Đình Bảng rất phong phú. Thơ Lê Đình Bảng hay, dễ đọc nhưng cũng có những đòi hỏi khắt khe.

            Đọc Kinh buồn, bạn đọc sẽ không thấy buồn, bởi nhà thơ đã dẫn chúng ta thoát khỏi những hư huyễn của bến trần gian mà bước vào cõi hoan ca an nhiên trong ánh sáng Exsultet của Tin Mừng.

Cảm ơn trời đất trăm năm

Bao nhiêu ơn xuống, mưa dầm thấm lâu

Kể từ con cá, lá rau

Cây kim, sợi chỉ thưa mau, cũng là…

                              (Lênh đênh phận người)

***

Tháng 6/2021