VĂN CHƯƠNG MÙA ĐẠI DỊCH 2021

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK:

buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

VĂN CHƯƠNG MÙA ĐẠI DỊCH 2021

(Điểm tin)

Bùi Công Thuấn

NHỮNG DẤU HIỆU CỦA ĐỔI MỚI

Hội nghị toàn thể lần thứ hai của BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa X ngày 04 và 05/01/2021 [1] đã đề ra chương trình hoạt động của cả nhiệm kỳ 2020-2025 như sau:

Bám sát nhiệm vụ chính trị, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tác; kết nạp hội viên, nghiên cứu, lý luận phê bình, đẩy mạnh quảng bá tác phẩm; xây dựng Hội vững mạnh toàn diện theo hướng tinh gọn và chuyên nghiệp; kiện toàn tổ chức bộ máy và đổi mới phương thức hoạt động các Chi hội Nhà văn Việt Nam và các Hội đồng chuyên môn và các Ban công tác của Hội. Tiến hành cải cách toàn diện báo Văn Nghệ; tổ chức thêm giải thưởng văn học trẻ và văn học thiếu nhi, tổ chức Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X vào Quý III năm 2021

Hội Nhà văn Việt Nam có 4 Hội đồng chuyên môn và 2 Ban công tác. Mỗi Hội đồng chuyên môn có 9 thành viên, nhiệm kỳ 5 năm.

Hầu hết các thành viên Hội đồng chuyên môn và các Ban công tác là những nhà văn trẻ (tuổi trung niên), một số người đã thành danh, song về tài năng, có người chưa phải là khuôn mặt tiêu biểu của văn học Việt Nam đương đại, tôi nghĩ sẽ khó thuyết phục công chúng khi họ tham gia vào việc đánh giá văn học. Dù vậy, chúng ta tin tưởng vào người trẻ. Hy vọng họ sẽ đem đến sự năng động và những giá trị mới cho các hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam, và nhất là tránh được những vết xe tai tiếng của những người đi trước (đặc biệt trong việc xét kết nạp hội viên mới, và xét giải thưởng của Hội Nhà văn).

Ban Chấp hành Hội chủ trương “tinh gọn và chuyên nghiệp”, nhưng xem ra các Hội đồng chuyên môn và các Ban công tác vẫn là một bộ máy hành chính cồng kềnh (lên đến 54 người).

Cho đến cuối năm 2021, do tình hình dịch Covid còn nhiều nguy cơ, Hội đã hoãn việc tổ chức Ngày Thơ Việt Nam, hoãn Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X. Các Hội đồng chuyên môn cũng phải họp trực tuyến. Cuối tháng 12/2021, tôi chưa thấy BCH Hội công bố kết quả kết nạp hội viên 2021 và công bố Giải thưởng của HNV 2021.

Tại lễ ra mắt trang thông tin điện tử vanvn.vn do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ngày 18-3-21 ở Hà Nội, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết ông dự định tổ chức nhiều giải thưởng văn học bằng nguồn xã hội hóa, trong đó đặc biệt săn sóc tới cuộc thi dành cho các cây viết trẻ và cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi. Ông cũng mong muốn người trẻ ý thức hơn về sáng tạo của mình, đào sâu về nghệ thuật, đào sâu sứ mệnh của mình với xã hội, phản biện xã hội, lên tiếng cho sự thật, lẽ công bằng, để văn nghệ trở lên sống động hơn, tạo ra nhịp điệu khác trong sinh hoạt của các nhà văn, nhà thơ. Nhà thơ Phan Hoàng – người được giao phụ trách trang thông tin này – cho biết, trang thông tin này sẽ tổ chức cuộc thi văn học Nam Bộ, và sau đó là cuộc thi văn học Tây Nguyên bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.[2]

Những ý tưởng, những sáng kiến của lãnh đạo Hội chứa đựng nhiều điều mới mẻ và tâm huyết, song “mong muốn người trẻ lên tiếng cho sự thật, lẽ công bằng để văn nghệ trở nên sống động, tạo ra nhịp điệu khác…” tôi e rằng chỉ là mơ ước. Ngày xưa, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp đã phải trầy trật thế nào khi muốn “lên tiếng cho sự thật và lẽ công bằng” (tiểu thuyết Chuyện ngõ nghèo của Nguyên Xuân Khánh phải 35 năm mới xuất bản được).

Tất cả những kế hoạch của Hội mới chỉ là dự định của năm 2021. Mong những kế hoạch ấy thành hiện thực trong những năm sắp tới. Riêng việc đổi mới tờ Văn nghệ và tạp chí Nhà văn & Đời sống cũng mới chỉ là những bước khởi đầu, nhưng xem ra, tính chất phong trào vẫn lấn át tính chuyên nghiệp. Tôi nghĩ, muốn nâng chất lượng, tờ Văn nghệ và trang web vanvn.vn cuả Hội Nhà văn Việt Nam chỉ nên đăng những bài có phẩm chất văn chương học thuật. Những bài văn chương phong trào (viết theo quán tính bắt chước, không sáng tạo) nên để cho tác giả đăng ở chỗ khác, tạp chí của Hội VHNT địa phương chẳng hạn (tôi không có ý nói tạp chí VHNT địa phương không có bài giá trị).

Một trong những “đổi mới” của vanvn.vn mà tôi nhận thấy là sự giới thiệu nhiều tác giả trẻ khắp miền đất nước, đồng thời nhắc đến những tác giả miền Nam trước 1975 như Du Tử Lê Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô hùy Yên, Phạm Công Thiện…và những tác giả từng gây tranh cãi trong một thời gian dài như Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh và Nam Phong tạp chí. Đó cũng là phải lẽ, bởi đã hòa bình thống nhất gần 50 năm rồi, chúng ta đã có đủ thời gian để suy nghĩ về văn chương và dân tộc. Những gì thuộc về dân tộc và nhân loại thì sẽ còn mãi. Văn học miền Nam trước 1975 cũng là một bộ phận của văn học dân tộc, cần phải được khám phá, tôn trọng và giữ gìn để làm giàu có tài sản chung. Trong tầm nhìn dân tộc, nào ai phân biệt văn học Đàng Ngoài hay văn học Đàng Trong thời Trịnh-Nguyễn bao giờ. Vì thế, trả lại giá trị đích thực cho Phạm Quỳnh hay khẳng định những đóng góp của văn học miền Nam trước 1975 là một việc cần phải được nghiên cứu sâu rộng hơn.

Các Hội đồng chuyên môn và các Ban công tác đã kiện toàn, song tình hình văn học năm 2021 vẫn im ắng. Không có tác phẩm văn học nào tạo nên một hiện tượng mới thu hút sự quan tâm của xã hội, liệu BCH Hội Nhà văn Việt Nam và các Hội đồng chuyên môn, các Ban công tác  làm gì để “đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tác”?

Sáng tác văn học nghệ thuật đâu có giống với sản xuất hàng hóa vật chất, hễ cứ đông người, cứ có kế hoạch là có tác phẩm chất lượng! Tài năng là thiên phú. Và thiên tài tự tìm lấy lối đi dưới chân mình, không ai dạy dỗ họ được. Làm văn học theo kế hoạch, phục vụ nhiệm vụ chính trị trực tiếp thì chỉ có “văn học phong trào” mà thôi. Điều này đã được minh chứng qua bao nhiêu năm rồi. Đã có bao nhiêu trại sáng tác từ trung ương đến địa phương, đã có bao nhiêu chủ đề sáng tác định hướng cho nhà văn, có cả những tọa đàm “dạy dỗ” nhà văn, và đã có rất nhiều tác phẩm từ các trại sáng tác này, nhưng cho đến nay văn chương Việt Nam chưa thấy bóng dáng của những tác phẩm lớn. Văn chương phong trào chỉ là phong trào.

Riêng về việc phát hành tờ Văn nghệ và tạp chí Nhà văn & Đời sống cho đến cuối năm 2021 vẫn trục trặc. Ngày 24/12/21, trên FB, nhà văn Khôi Vũ đã phải có THƯ NGỎ GỬI BAN CHẤP HÀNH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM về việc này. Bản thân tôi đến nay cũng chỉ nhận được số 1 tạp chí Nhà văn & Đời sống, các số khác chưa nhận được. Báo Văn nghệ cũng lác đác vài số. Không biết bộ phận phát hành báo có cải thiện được việc phát hành trong năm 2022 hay không?

Ngày 22/12/2021 Chủ tịch HNV thông báo đến hội viên rằng: BCH Hội Nhà văn khóa 10 đã quyết định sử dụng một phần kinh phí (trước kia dùng để mua Tạp chí Thơ và Tạp chí Hồn Việt, nay hai tạp chí này đã đình bản) để mua ấn phẩm Viết & Đọc cho hội viên, bắt đầu từ số chuyên đề mùa đông 2021. Hình như có sự “lấn cấn” nào đó trong việc này. Bởi Tạp chí Thơ và Hồn Việt là tạp chí của HNV, còn tạp chí Viết & Đọc không phải là tạp chí của HNV. Liệu tất cả hội viên HNV có thích đọc Viết & Đọc không? Tôi nghĩ rằng ai thích đọc thì mua. Ban Chấp hành Hội nên để tiền mua Viết & Đọc đầu tư cho việc khác có lẽ tốt hơn (nhẩm tính, 1 số là 180.000đ x 4 số/năm x 1000 hội viên = 720 triệu đồng /một năm).

Ở CÁC HỘI NHÀ VĂN  ĐỊA PHƯƠNG

Xin ghi nhận (một cách phiến diện) những sinh hoạt tôi quan sát được ở Hội VHNT địa phương.

Hội nhà văn Tp Hồ Chí Minh có các hoạt động khá sôi nổi. Sau ba lần tạm hoãn, ngày14/1/221 Đại hội Hội Nhà văn TPHCM nhiệm kỳ VIII (2020-2025) đã bầu ra được Ban chấp hành nhiệm kỳ mới gồm 11 thành viên trong Ban chấp hành. Chủ tịch là nhà văn Bích Ngân. 3 Hội đồng chuyên môn gồm: Thơ, Văn xuôi và Lý luận Phê Bình, mỗi hội đồng có 5 nhà văn.

Ngoài ra còn có 7 ban công tác gồm: Ban kiểm tra (5 người) Ban Tổ chức hội viên (7 người), Ban Sáng tác văn học (6 người), Ban Văn học thiếu nhi (7 người), Ban Nhà văn trẻ (8 người), Ban Nhà văn nữ (6 người) Ban Công tác CLB Văn học (7 người) và Ban Truyền thông (3 người).

Như vậy kể cả Ban Chấp hành, các Hội đồng chuyên môn và các Ban công tác, Hội Nhà văn Tp HCM có 75 người để làm việc phục vụ cho 466 hội viên (Trong khi nhân sự Ban Chấp hành HNV Việt Nam có 65 người phục vụ cho hơn 1000 hội viên).

Tôi cho rằng bộ máy càng cồng kềnh thì hiệu quả vận hành càng kém. Bằng chứng là ngày 05.05.2021 Hội Nhà văn Tp HCM đã quyết định ngưng hoạt động của các Chi hội vì sau 3 năm triển khai không hiệu quả.

Đáng ghi nhận là, trong Mùa Côvid 2021, Hội Nhà văn Tp HCM đã tổ chức cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương nam”. Sau 45 ngày phát động, Ban tổ chức đã nhận được 1.500 bài thơ của gần 700 tác giả dự thi. 60 bài thơ vào vòng chung kết và 20 bài thơ hay đã được in thành một tập thơ phát hành vào dịp Tổng kết và trao giải cuộc thi thơ. Quả là lực lượng văn chương phong trào ở Tp HCM rất mạnh.

Hội Nhà văn TP HCM cũng xét kết nạp 16 hội viên mới và công bố giải thưởng năm 2021. Giải cống hiến là nhà văn Lê Văn Nghĩa và nhà thơ Đoàn Vị Thượng. Các giải khác gồm: tiểu thuyết Nghiệp chướng của Lưu Vĩ Lân, tập thơ Ở đậu trong nhau của Khét (Trần Đức Tín).  Tặng thưởng cho: Sóng đồng và cây núi (tập tiểu luận và phê bình của Lê Quang Trang); Chiều bình yên (tiểu thuyết của Nguyễn Ngọc Mộc); Sự đành hanh của số phận (tập truyện ngắn của Hoàng Phương Nhâm); Hai phía một đời sông (tập thơ của Nguyễn Vĩnh Bảo). Sau kết nạp hội viên mới và trao giải văn học năm 2021, mọi việc đã qua đi lặng lẽ.

Hội Nhà văn Hà Nội có 731 hội viên. Nhiệm kỳ mới hướng tới mục tiêu trở thành một tổ chức văn học có lý tưởng chính trị, lý tưởng nhân văn cao đẹp, tập hợp, đoàn kết tài năng. Hội sẽ đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng giải thưởng, tổ chức các cuộc thi văn học về đề tài Hà Nội, lập Quỹ sáng tác Hà Nội, thành lập Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Hà Nội…

Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2021 trao cho tập thơ Lục bát mỗi ngày của nhà thơ Đặng Vương Hưng (Nhà xuất bản Văn học, 2021) và tập sách lý luận phê bình Đa mang một cõi lòng không yên định của tác giả Chu Văn Sơn (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2021). Tặng thưởng “Thành tựu văn học trọn đời” tôn vinh nhà văn Vũ Bão.

Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh là hai thành phố tập trung nhiều nhân tài văn nghệ. Ban Chấp hành của hai Hội đã được bầu lại và trẻ trung hóa. Cả hai đều có chương trình hành động đầy tham vọng, song nhìn vào giải thưởng và danh sách kết nạp hội viên mới, người ta vẫn chưa thấy những tài năng nổi trội. Những tác phẩm đoạt giải cũng không gây được tiếng vang. Chúng ta đã có những nỗ lực, và vẫn phải tiếp tục chờ đợi.

VỀ CÁC GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC

Cuộc thi Thơ báo Văn nghệ (2019-2020) có hơn 10.000 bài thơ của 3.500 tác giả tham dự,  12 tác giả được trao giải vào sáng 9/4/2021, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam. Chùm 3 bài thơ: Làm rể, Mẹ tôi chửi kẻ trộm, Nhà dưới nhà trên củaTác giả Tòng Văn Hân được trao giải. Riêng bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm đã gây ra những luồng dư luận trái chiều về việc trao giải. Nếu nhìn vào chất lượng bài thơ, so sánh với 10.000 bài thơ thì người ta phải thất vọng về thơ Việt Nam hiện nay. Bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm không thể sánh được với Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật đạt giải thơ báo Văn nghệ năm 1969. Trao giải như thế này, Hội Nhà văn tự đánh mất giá trị của mình và làm mất lòng tin của công chúng về các giải thưởng [3].

Cũng có các giải thưởng âm thầm hơn nhưng có thể góp vào đời sống văn học hiện nay đôi điều suy nghĩ. Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Thi lần thứ 2 (trao ngày 05/2/2021), dành cho hai nhà thơ Đỗ Nam Cao và Hoàng Vũ Thuật với “Thành tựu trọn đời”. Giải thưởng không có hiện kim chỉ có bằng và tượng đúc đồng do nhà điêu khắc hàng đầu Tạ Quang Bạo sáng tác và giải.

Giải trannhuong.com năm nay (12/2021) trao cho nhà văn Vũ Ngọc Tiến với tiểu thuyết Quỷ Vương và nhà văn Nguyễn Hiếu với tiểu thuyết Con Ngố. Giải này vinh danh các tác giả được người đọc yêu mến! Giá trị của giải thưởng chỉ là tượng trưng (1.000 VND). Nhà nghiên cứu Lai Nguyên Ân nhận xét: “Tôi nghĩ cái giải thưởng, đặt tên là trannhuong.com, do một nhà văn, là nhà văn Trần Nhương chủ trì, nó gây một cảm giác thú vị, và một cái gì ngạc nhiên…Những năm gần đây, việc xét các giải [chính thống] đó, nó đang bộc lộ những điều có thể nói là gây dư luận hết sức là không tốt. Người ta thấy là, những người đáng trao giải lại không được đưa vào xét trao giải. Thế rồi, trong việc trao giải, tưởng như là những dịp để vinh danh một cách xứng đáng các văn nghệ sĩ có những đóng góp cho nền văn học, thì nổi lên trong quá trình trao giải lại là cái quyền của bộ máy quan liêu, thao túng cái đời sống văn hóa, văn nghệ. Những cái giải đó, ngay trong khi đang xét, cho thấy là cái bộ máy quan liêu đó lên mặt cửa quyền hơn hẳn, thậm chí át hẳn vai trò của các văn nghệ sĩ xứng đáng được nhận các giải đó…Thành ra, đặt trong không khí ấy, thì những giải thưởng, như kiểu giải thưởng Trần Nhương, có một sức kích thích, để cho dư luận thấy là : Nên nhìn như thế nào về vấn đề giải thưởng đối với các hoạt động nghệ thuật. »[4]

Cuộc thi truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập” do Báo Nông thôn Ngày nay, kết hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Văn học Nghệ thuật VOV6, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Có 1.256 tác phẩm dự thi (trong đó, có 800 tác phẩm hợp lệ và 456 tác phẩm không hợp lệ). Hội đồng giám khảo gồm các nhà thơ nhà văn: Trần Đăng Khoa, Phạm Xuân Nguyên, Đỗ Tiến Thụy, Lê Minh Khuê, Y Ban.

16 tác phẩm được trao giải (ngày 11/11/2021).

Giải nhất: tác phẩm “Con chú con bác” của Trần Chiến

Giải nhì: tác phẩm “Xóm cồn” của Nguyễn Thị Minh Thúy (bút danh An Thư) và “Cô Sáu Cam” của Lê Ngọc Hạnh

Giải Ba: tác phẩm “Vân tay mắt Phật” (Trần Nhã Thụy); “Trò săn vịt” (Phát Dương) và “Hoa mía” (Ngô Hòa Bình).

Giải Tư:  10 tác phẩm:  “Dân cạp đất” (Nguyễn Quốc Trung); “Tắm Tết” (Nguyễn Hiệp); “Cánh diều đã bay lên” (Trần Văn Thước); “Về nhà” (Hoàng Cúc) “Nhỏ mà lớn” (Nguyễn Trí); “Hương bưởi ổi” (Nguyễn Thái Hải)…

Giá trị của giải thưởng khá lớn.  1 giải nhất trị giá 50 triệu đồng; 2 giải nhì trị giá 20 triệu đồng/giải; 3 giải ba trị giá 10 triệu đồng/giải; 10 giải khuyến khích trị giá 3 triệu đồng/giải.

Lướt qua một vài giải thưởng văn học năm 2021 (chưa có giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam), người đọc thấy những khuynh hướng và màu sắc khác nhau của giải. Ngoại trừ giải của báo Văn nghệ là giải thưởng Nhà nước, còn lại là 3 giải “tư nhân”, khuynh hướng “xã hội hóa” đã rõ nét. Sức hút của giải có cả hai yếu tố: giá trị tiền thưởng và danh giá.  Nhưng chưa giải nào thực sự thu hút được những tài năng vượt trội, chưa giải nào tìm được những tác phẩm có tư tưởng và nghệ thuật mở ra một con đường mới giải phóng sự trì trệ hiện nay. Dù vậy các giải thưởng văn học cũng cho thấy lực lượng những người viết văn phong trào rất đông đảo. Đó là một tiềm năng.

Để giải thưởng văn học có sức thu hút, tôi nghĩ, ngoài điều kiện vất chất, Ban tổ chức cần chọn được một ban giám khảo gồm những nhà văn tài năng, công tâm, có năng lực đọc tác phẩm dưới ánh sáng những tư tưởng tiến bộ và phương pháp khoa học. Cuộc thi phải hướng đến mục đích tìm tài năng, tìm những sáng tạo mới về tư tưởng và nghệ thuật, không phải trao giải phong trào. Có một ban giám khảo uy tín thì những nhà văn tài năng mới yên tâm tham gia cuộc thi. Nhà văn tài năng sẽ không tham gia cuộc thi khi nhìn thấy ban giám khảo là những người “thấp” hơn mình.

NHỮNG GỢN SÓNG

Sự ra đi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp năm 2021 có tạo được chút gợn sóng (người ta tụng ca ông lên mây). Những tranh cãi về ông không còn như ngày xưa khi ông mới xuất hiện. Lúc ấy ông có cách viết lạ, đặc biệt là ở thái độ phủ định phương pháp Hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nhưng khi nghị quyết 23/BCT ra đời, tạo điều kiện cho nhà văn mạnh dạn tìm tòi sáng tạo, không còn bắt buộc nhà văn phải viết theo phương pháp Hiện thục Xã hội chủ nghĩa nữa, các nhà văn trẻ chạy theo Hậu Hiện đại thì Nguyễn Huy Thiệp trở thành quá khứ. Hơn nữa ông chỉ thành công ở truyện ngắn, và ông gây sốc bằng cách chửi thiên hạ, cho nên nếu phải chọn giữa ông Thiện (Nam Cao) và ông Ác (Nguyễn Huy Thiệp) thì người ta có thiện cảm với ông Thiện hơn.

Đã có lúc, một vài người tung hứng “thể thơ 1-2-3”, chỉ vì nó được “khởi xướng” từ nhà thơ Phan Hoàng, người đang có sự “thăng tiến” ngoạn mục, từ Hội Nhà văn Tp Hồ Chí Minh lên Ban Chấp hành Hội Nhà văn và phụ trách trang web vanvn.vn. Thực ra thơ 1-2-3 (6 câu) hay thơ Namkau (thơ 5 câu của nhà thơ Trần Quang Quý); thơ Tứ tuyệt Đường luật (4 câu), hay thơ Haiku (3 câu của Nhật), và cả Lục bát 2 câu, chỉ là hính thức. Tứ tuyệt, Haiku là thơ tư tưởng với nhửng thi luật nghiêm nhặt. Nếu muốn thơ 1-2-3 và thơ Namkau tồn tại được, nó cũng phải có tư tưởng và thi pháp riêng, hơn hẳn Haiku và Tứ tuyệt. Nó còn cần những nhà thơ tài năng khai phá, và được công chúng chấp nhận thì may ra mới có cơ phát triển. Ngay cả thơ Tân Hình thức đã xuất hiện một thời gian dài với những quy tắc thi pháp nghiêm nhặt, đã được nhiều người thử nghiệm, song Tân Hình thức vẫn còn là thể thơ được ít tác giả trong nước sử dụng, và công chúng phổ thông không tiếp cận được. Dù sao những thể nghiệm thơ 1-2-3, thơ Namkau là đáng trân trọng, và công chúng có quyền hy vọng.

Kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 (từ ngày 9 đến 24/11/2021 tại Paris) đã thông qua danh sách các Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022 – 2023. Hồ sơ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và kỷ niệm 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã được thông qua. Tiêu chí của UNESCO là danh nhân được đề cử phải phù hợp với lý tưởng và sứ mệnh của tổ chức UNESCO trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học, thông tin truyền thông, góp phần thúc đẩy hòa bình, đối thoại văn hóa, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, đồng thời mỗi sự kiện, nhân vật đề cử  phải có tầm ảnh hưởng rộng rãi, được biết đến cả ở bên ngoài quốc gia đề cử. Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu là gương sáng về lòng yêu nước, về tư tưởng nhân nghĩa và về lối sống phục vụ nhân dân (dù bị mù, ông vẫn dạy học, làm nghề thuốc, sáng tác thơ văn chuyên chở đạo lý). Nguyễn Đình Chiểu có uy tín sâu rộng trong nhân dân và với quốc tế.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương tiêu biểu cho tư tưởng bình đẳng giới, cho sự đấu tranh giải phóng phụ nữ, cho những khát vọng nhân văn, cho sự khẳng định những giá trị tự thân. Hồ Xuân Hương là một hiện tượng văn học, tư tưởng độc đáo ở Việt Nam mà trên thế giới cũng rất ít nhà thơ như Hồ Xuân Hương. Vinh danh hai nhà thơ này, Unesco đã là vinh danh những nhà thơ có đời sống, tư tưởng và tác phẩm làm nên những giá trị văn hóa Việt Nam.

Không biết đến bao giờ một nhà văn Việt Nam đương đại lại được Unesco vinh danh!

HỘI NGHỊ VĂN HÓA TOÀN QUỐC 2021

Ngày 24/11/2021 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa.

Nhớ lại, trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (Ngày 24/11/1946) chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. “

Nhớ lại, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (Ngày16 /7/1948), Trường Chinh đọc bản báo cáo Chủ nghĩa Mác – Lên nin và văn hóa Việt Nam, khẳng định: “Về xã hội, lấy giai cấp công nhân làm gốc. Về chính trị, lấy độc lập dân tộc, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội làm gốc. Về tư tưởng, lấy học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm gốc. Về sáng tác văn nghệ, lấy Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa làm gốc“.

Từ đó, Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa là phương pháp sáng tác chính của văn học (60 năm) suốt từ 1948 đến 2008 khi có Nghị quyết 23 của Bộ chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Tổng Bí thư nhắc lại các nghị quyết của Đảng về văn hóa và nhấn mạnh “Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội…”. Đồng chí cũng nhắc đến những yếu kém về văn hóa, Thiếu những tác phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực…”

Với tầm nhìn từ nay cho đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, Tổng bí thư nói đến một cuộc chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới; tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”…[5]

Quả thực, đối mặt với những vấn đề văn hóa, văn nghệ hiện nay, chúng ta cần một cuộc “chấn hưng văn hóa”. Hy vọng Ban Chấp hành hội Nhà văn Việt Nam có những chương trình hành động hiệu quả đưa văn học tham gia vào “cuộc chấn hưng” này. Sự nghiệp còn lâu dài.

Cũng cần nhắc tới một cuộc hội thảo. Sáng 15-12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay”. Có sự tham gia 180 đại biểu với 97 tham luận. Hội thảo đánh giá thực trạng về vai trò, đóng góp của văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ với 5 vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay:

1. Phòng, chống đại dịch Covid-19;

2. Bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc;

3. Xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

4. Giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài;

5. Tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.[6]

Ngoài vấn đề phòng chống Covid, những vấn đề còn lại đã được nói đến nhiều lần trong nhiều cuộc hội thảo trước của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương.

PGS, TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khẳng định “văn học nghệ thuật luôn là vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hóa-tư tưởng”.

PGS, TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhắc đến nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Ông nhận xét: “35 năm sau đổi mới, văn học nghệ thuật đã đưa ra xã hội quá nhiều tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng./ Quá nhiều tác phẩm tầm thường cả về giá trị tư tưởng và nghệ thuật với những biểu hiện chủ yếu xa lánh những vấn đề lớn của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chạy theo các đề tài nhỏ nhặt tầm thường, chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, buông bỏ chức năng giáo dục của văn học nghệ thuật./ Đã có không ít những tác phẩm truyền bá lối sống vô văn hóa, phản văn hóa, một số tác phẩm truyền bá những tư tưởng độc hại, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đất nước“.

Nhà phê bình Ngô Thảo đặt điều kiện: “Chúng ta cứ nói văn hóa nghệ thuật quan trọng nhưng thực ra cũng chẳng quan trọng lắm đâu. Vì như cuốn Mối chúa bán lay lắt 1.000 – 2.000 bản.

Muốn phát triển văn hóa văn nghệ thì phải làm sao tất cả học sinh Việt Nam biết cầm đến tờ báo Văn Nghệ, một cuốn sách văn học mà đọc. 11 triệu cán bộ của mình cũng phải đọc sách. 500 đại biểu Quốc hội cũng phải có tủ sách trong nhà, để họ trở thành những người gieo mầm văn hóa. Phải tạo ra nhu cầu lớn về văn hóa thì tiếng nói của văn nghệ mới đi vào cuộc sống và phát triển mạnh mẽ

Tôi không rõ Ban Chấp hành Hội Nhà văn nghĩ gì về những ý kiến trên. Riêng tôi cũng đã được nghe những ý kiến ấy nhiều lần ở nhiều hội nghị, và có lẽ những ý kiến ấy sẽ còn được nhắc lại nhiều lần nữa, bởi thực tại văn học, thực tại văn hóa vẫn thế, và có cơ xấu đi mà chưa có “thuốc” chữa đúng bệnh. Dù sao gióng lên một lời cảnh báo, nhắc nhở cũng là một điều cần thiết.

***

GIÃ TỪ NĂM CŨ

Dù Ban Chấp hành Hội nhà văn Việt Nam Và Ban Chấp hành của các Hội VHNT địa phương đã có nhiều nỗ lực và nhiều hoạt động văn học, song đại dịch Covid đang làm cho văn chương 2021 trì trệ, càng trì trệ thêm.

Mọi kế hoạch hành động đang chờ ở phía trước.

Và chúng ta lại tiếp tục hy vọng.

29/12/2021

________________

[1] http://vanvn.net/tin-tuc/thong-bao-hoi-nghi-ban-chap-hanh-hoi-nha-van-viet-nam-lan-thu-hainhiem-ky-2021-2025/43103

[2]https://vanvn.vn/chu-tich-hoi-nha-van-viet-nam-xin-tien-la-viec-nhe-nhang-hon-cac-nhiem-vu-khac/

[3] http://trannhuong.top/tin-tuc-55401/xin-dung-bao-bien-nua%E2%80%A6tho-oi.vhtm 

[4] http://trannhuong.net/tin-tuc-55698/dai-rfi-trannhuongcom-giai-doc-lap-dau-tien-o-vn-danh-cho-van-xuoi.vhtm

[5]https://vanvn.vn/toan-van-bai-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-van-hoa-toan-quoc/

[6]  https://www.qdnd.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/hoi-thao-khoa-hoc-toan-quoc-van-hoc-nghe-thuat-voi-nhung-van-de-quan-trong-cap-thiet-cua-dat-nuoc-hom-nay-680522

https://tuoitre.vn/tranh-luan-ve-trach-nhiem-cua-van-hoc-nghe-thuat-20211215211014934.htm

BÀI VIẾT NĂM 2021 CỦA BÙI CÔNG THUẤN

BẠN CÓ THỂ ĐỌC NHỮNG BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK:

buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

Bài viết về các nhà văn nhà thơ

BÀI VIẾT NĂM 2021 CỦA BÙI CÔNG THUẤN

1.TÔI ĐỌC TRANH NGUYỄN QUANG THIỀU. (1/2021)

   http://trannhuong.net/tin-tuc-55262/toi-doc-tranh-nguyen-quang-thieu.vhtm

2.BẾN VĂN CHƯƠNG

   (Đọc Bến văn và những vòng sóng-Hữu Thỉnh) (01/2021)

   http://trannhuong.top/tin-tuc-55264/ben-van-chuong.vhtm

   http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2407&CatId=83

3.KHÔI VŨ-NGUYỄN THÁI HẢI- Người dấn thân vì văn chương. (7/2021)

    http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2701&CatId=83

4.NHÀ VĂN TRẦN THÚC HÀ-“MỘT TIẾNG CHIM RỪNG

     (Đọc Một tiếng chim rừng, tập truyện ngắn của Trần Thúc Hà. (2/2021)

    http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2437&CatId=87

5. Ngày xuân đọc thơ Thiền Trần Ngọc Tuấn

      (Đọc tập thơ Chân Thân của Trần Ngọc Tuấn) 2/2021

     http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2728&CatId=83

6.THƠ TRẦN VẠN GIÃ (10/2021)

https://www.vanthoconggiao.net/2021/10/cam-nhan-tho-tran-van-gia-tac-gia-bui.html

7.CHUYỆN NGÕ NGHÈO thử nghiệm “Lý thuyết trò chơi”(12/2021)

   http://trannhuong.top/tin-tuc-55705/doc-chuyen-ngo-ngheo–mot-thu-nghiem-%E2%80%9Cly-thuyet-tro-choi%E2%80%9D—.vhtm

12.MIỀN HOANG TƯỞNG & Những thử nghiệm của Nguyễn Xuân Khánh (12/2021)

8.ĐỌC LẠI TIỂU THUYẾT “MỘT LINH HỒN” CỦA THỤY AN (6/2021)

https://www.vanthoconggiao.net/2021/06/oc-lai-tieu-thuyet-mot-linh-hon-cua.html

9. THƠ TRẦN MỘNG TÚ. (8/2021)

     http://buicongthuan.vn102.space/2021/08/31/th_tr_n_m_ng_tu

10.XIN ĐỪNG BAO BIỆN NỮA, THƠ ƠI! (4/2021)

     http://trannhuong.top/tin-tuc-55401/xin-dung-bao-bien-nua%E2%80%A6tho-oi.vhtm

11.TRUYỆN NGẮN ĐOẠT GIẢI  In trên Văn nghệ Đồng Nai số Xuân Tân Sửu (Số 41 năm 42) (2/2021

     http://buicongthuan.vn102.space/2021/07/30/v_n_ch_ng_ng_nai_truy_n_ng_n_o_t_gi_i

13.KINH BUỒN VÀ HÀNH TRÌNH TƯ TƯỞNG CỦA LÊ ĐÌNH BẢNG

   (Đọc tập thơ Kinh buồn của Lê Đình Bảng) 6/2021

https://www.vanthoconggiao.net/2021/06/kinh-buon-va-hanh-trinh-tu-tuong-cua-le.html

14.LỜI TỰ TÌNH CỦA BẾN TRẦN GIAN-Lê Đình Bảng (5/2021)

15.NÉT ĐẸP VĂN HÓA CÔNG GIÁO TRONG THƠ LÊ ĐÌNH BẢNG

   (Đọc Ơn đời một cõi mênh mang. 2014 (6/2021)

https://www.vanthoconggiao.net/2021/06/ve-ep-van-hoa-cong-giao-trong-tho-le.html

16.Ghi nhận về cuốn sách

  VĂN HỌC CÔNG GIÁO VIỆT NAM-Những chặng đường của Lê Đình Bảng (10/2021)

https://www.vanthoconggiao.net/2021/10/ghi-nhan-ve-cuon-sach-van-hoc-cong-giao.html

17. INÊ TỬ ĐẠO VÃN-Những vấn đề nhìn từ văn bản.(8/2021)

https://www.vanthoconggiao.net/2021/08/i-ne-tu-ao-van-tac-gia-bui-cong-thuan-2.html

18.TÂY DƯƠNG GIA TÔ BÍ LỤC Những nghi vấn (10/2021)

http://buicongthuan.vn102.space/2021/10/04/nghien_c_u_tay_d_ng_gia_to_bi_l_c_nh_ng_

19. THƠ SƠN CA LINH (11/2021)

https://www.vanthoconggiao.net/2021/11/khuon-mat-tho-cong-giao-uong-ai-tho-son.html

20.TRUYỆN NGẮN NGUYỄN TRUNG TÂY-truyền thống và hiện đại. (11/2021)

https://www.vanthoconggiao.net/2021/11/khuon-mat-van-chuong-cong-giao-uong-ai.html

21.NĂM 1533, TIN MỪNG TRUYỀN VÀO VIỆT NAM (11/2021)

https://gpquinhon.org/q/muc-vu-tong-hop/nam-1533-tin-mung-truyen-vao-viet-nam-4951.html

22.THAM GIA TRẠI SÁNG TÁC ĐÀ NẴNG (Hội VHNT Đồng Nai)

     Với 2 ca khúc: Bài ca người lính đảo & Vòng tròn Gạc Ma bất tử

MIỀN HOANG TƯỞNG & Những thử nghiệm…

BẠN CÓ THỂ ĐỌC NHỮNG BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINJK:

buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

MIỀN HOANG TƯỞNG

& Những thử nghiệm của Nguyễn Xuân Khánh

Bùi Công Thuấn

***

Nguyễn Xuân Khánh viết Miền hoang tưởng năm 1973-1974. Nhà xuất bản Đà Nẵng in năm 1990. Nhà xuất bản Hội Nhà văn in 2015 với tên Hoang Tưởng Trắng. Như vậy, Miền Hoang tưởng đã được viết cách chúng ta rất xa (48 năm). Người đọc hôm nay (2021) tiếp nhận Miền Hoang tưởng thế nào? Liệu những vấn đề tác phẩm đặt ra còn liên hệ với chúng ta? Và nghệ thuật của Nguyễn Xuân Khánh có đóng góp gì cho sự phát triển của tiểu thuyết Việt Nam đương đại?

MIỀN HOANG TƯỞNG

Miền hoang tưởng là truyện của Tư, nhân vật xưng “Tôi”  tự tường thuật đời mình. Tôi sống và làm việc ở Tây Bắc. Tôi yêu Ngà. Nhưng để thực hiện ước mơ âm nhạc, Tôi đành chia tay Ngà về Hà Nội học nhạc và kiếm sống.

Ở Hà Nội, lúc đầu, Tôi ở với anh chị Trần, sau đó Tôi đến nhà thầy giáo Hưng, rồi sang nhà họa sĩ Minh. Tất cả họ đều khó khăn, tôi không đến nhà ai nữa, lang thang, đến nhà ga Hàng Cỏ. Ở đây Tôi kết bạn với Ngọ, một thương binh, vô gia cư. Ngọ chỉ cho tôi cách bán máu để có tiền.

Nhiều lần Ngà viết thư gọi tôi về Tây Bắc, nhưng Tôi không về vì trong túi không có tiền. Sau đó Ngà đã lấy Mai, đội trưởng của Tôi. Tình yêu ấy làm tôi đau khổ khôn nguôi.

 Để có tiền “trả nợ” ân nghĩa với Hưng, Tôi đã bán máu 2 lần.  Sau lần bán máu thứ hai, tôi bị ốm rất nặng, nóng sốt mê sảng với nhiều cơn ác mộng.

Tôi hồi tỉnh, gặp lại Ngà. Ngà gầy ốm khổ sở vì Mai nổi cơn điên hành hạ cô. Vợ chồng Ngọ lên rừng sinh sống. Hưng đem cho Tôi bản vẽ về một ngôi nhà tương lai đẹp và tiện lợi. Minh đã vẽ xong sery tranh Nước Mắt. Con anh Trần, thằng Lê đi bộ đội giờ được đi Liên xô. Còn Tôi, “Chỉ ít bữa nữa tôi và Ngà sẽ đến nơi đau buồn nhất”.

Hoang tưởng là những nhận thức, ý nghĩ hoang đường, không thực tế nhưng người hoang tưởng lại tin chắc là thật, và theo đuổi những ý nghĩ ấy như theo đuổi con đường chân lý. Đó là một căn bệnh.  Minh nhận xét về Tôi: “Đầu óc cậu toàn là mộng mị. Cậu mắc bệnh hoang tưởng”. Tôi “mắc bệnh” nhưng vẫn tin mình khỏe mạnh và nhận thức đúng bản chất hiện thực, và anh hành động theo “nhận thức đúng” ấy.

Truyện hoang tưởng là truyện của nhân vật Tôi (Tư).

            Trước hết Tôi hoang tưởng về tình yêu của Ngà. Tôi tin rằng Ngà yêu tôi, sẽ chờ tôi nên tôi mới bỏ Tây Bắc về Hà Nội đi học nhạc. Tôi tưởng tượng sau khi học xong, Tôi sẽ về làm nhạc và cày ruộng. Mặc dù Ngà khẩn thiết gọi tôi về  và chị Trần cũng thúc giục tôi lấy Ngà, nhưng tôi định sau hai năm, khi tôi có tiền tôi sẽ lấy Ngà, vì tôi không muốn Ngà khổ.

Nhưng rồi hoàn cảnh thực tiễn đã xảy ra, khác hoàn toàn với mọi dự định của Tôi. Tôi đã không hành động để giữ lấy tình yêu. Mẹ Ngà ốm nặng, Ngà một thân một mình, Tôi lại vô trách nhiệm với người yêu. Mai đã đến giúp đỡ Ngà. Sau đó Ngà lấy Mai. Đó là một quy luật ai cũng hiều. Tình yêu và tình bạn của Tôi trở thành tình thù. Vết thương tâm của Tôi không sao lành được, nó trở thành một vết thâm thù trong Tôi, hành hạ tôi khôn nguôi và là một trong nhiều nguyên nhân đẩy tôi vào tình trạng “trầm cảm” về sau.

            Rời Tây Bắc, tôi lao vào một một con đường hoang tưởng khác. Tôi định về Hà Nội thi vào Đại học âm nhạc, rồi trở thành một tài năng. Nhưng Tây Bắc không cho Tôi đi nên Tôi không thể vào học trường nhạc. Tôi tìm thầy học. Tôi đã đưa thầy coi 100 bài nhạc tôi viết. Ông động viên Tôi và chỉ ra 2 khuynh hướng: hướng “mức độ”, và hướng “phá phách”. Ông khuyên Tôi: “Em hãy tự chế ngự mình. Hãy học hỏi cái tinh thần mức độ của người Pháp. Đừng thái quá. Trương Chi của em có cái giọng bí ẩn của kẻ chán đời. Đừng đi vào Trương chi-Một đề tài khó-Một vực thẳm kề bên núi cao. Khéo thì đứng trên đỉnh núi, không khéo thì sa xuống vực thẳm. Em có thể đứng trên đỉnh núi cao, cô độc như chim đại bàng không? Em có thấy choáng váng khi nhìn xuống vực thẳm không? Hãy chú ý! Sự choáng váng bên bờ vực thẳm cũng có lực hấp dẫn. Một ma lực để tạo nên những kỳ tích, nhưng cũng để làm tan xác. Hãy tự hiểu mình là kẻ bình thường”.

Lời khuyên của ông thầy dạy nhạc rất chân tình và thực tiễn, nhưng Tôi đã không nghe theo. Tôi tiếp tục viết “giao hưởng Trương Chi”, và tự hóa thân vào khổ mệnh của Trương Chi. Tôi vận tình yêu của mình vào thân phận của Trương Chi. Lẽ ra Tôi cần phải hiểu, Tôi chỉ là người bình thường, nhưng tôi đã hoang tưởng mình là một thiên tài trên đỉnh núi cao. và Tôi rơi xuống vực thẳm với những cơn “nhập đồng” vào giao hưởng Trương Chi ma quái.

            Tôi cũng hoang tưởng về con đường kiếm sống như hoang tưởng về con đường âm nhạc. Tôi định về Hà Nội kiếm tiền, sau đó trở lại Tây Bắc cưới Mai. Nhưng ở Hà Nội, Tôi là một kẻ không nhà ở, không nghề nghiệp, không hộ khẩu, không tem phiếu. Tôi phải nương nhờ người khác. Ở nhà anh chị Trần, giữa Tôi và anh Trần có một cuộc chiền tranh lạnh, tôi phải ra đi. “Dạo này chẳng có việc làm, thóc gạo lại tăng giá vùn vụt. Cả tháng trời, Tôi đi rửa ảnh thuê cho người bạn chỉ được hơn hai chục, chưa đủ tiền đong 10 cân gạo… tôi không về nhà anh chị, vì thế Tôi phải sống thất thường bữa no bữa đói”. Tôi đến nương nhờ nhà thầy giáo Hưng “với tâm trạng thằng ăn mày”. Vợ chồng Hưng ở trong một cái nhà đồng nát và Hưng là một người đồng nát, Tôi ở được vài ngày thì ra đi. Tôi cảm nhận được “đôi mắt đầy hận thù” của chị Hưng nhìn Tôi. Tôi hiểu: “Chị ấy căm thù mình là phải, tại sao lại đến ăn cướp miếng cơm, miếng thịt của con chị?”. Tôi xấu hổ và buồn phiền bước nhanh ra khỏi nhà Hưng.

            Tôi không đến nhà Minh vì biết Minh đã cạn tiền. Minh đã làm đủ nghề kiếm sống: Thợ quét vôi, phu khuân vác, thợ nề, đi theo xe bò kéo, làm người chào hàng, đi đưa thuốc lá và kẹo bánh cho hàng chè chén. Tôi cũng không đến nhà ai khác nữa.

Tôi ra ga Hàng Cỏ.“Tôi ngồi ở thềm ga, vừa nghe vừa ngắm những cảnh đời thê thảm”. Ở đây Tôi gặp Ngọ, một “phó thường dân”, một thằng “ma cà bông kiểu mới”, “không hộ khẩu, không sổ gạo, không gia đình”; một “kẻ lưu manh hiện đại”; “mất hết khả năng kiếm sống”. Nghĩa là cũng giống như Tôi, một kẻ trần trụi, “quyền làm người thường dân tôi cũng chẳng còn”. Tôi trở thành bạn của Ngọ. “Hai chàng cựu bính Trường Sơn chia nhau mẩu bánh mì rồi bẻ đôi điếu thuốc Điện Biên phì phèo hút và tâm sự”.

 Sau lần bán máu thứ 2, Tôi ốm nặng, đã kề cận bờ tử sinh. Không rõ sau khi vợ chồng Ngọ được xe Nhà nước chở lên rừng sinh sống thì Tôi sẽ sống thế nào?

Trong nhiều “hoang tưởng” thì hoang tưởng về niềm tin, hoang tưởng về lý tưởng làm cho Tôi suy sụp. Tôi tin vào Anh Trần, thế thệ đàn anh, tin anh những con người Cách mạng chân chính. Anh Trần, một trung đoàn trưởng, tham gia đấu tranh từ 1938, rồi trải qua cách mạng tháng Tám, Điện Biên Phủ. Tôi thần tượng hóa anh, tin theo lời kêu gọi của anh và đi theo anh, dấn thân vào con đường chiến đấu. Tôi tin vào thế hệ trẻ mà Lê, con anh Trần, là niềm hy vọng. Lê nói với Tôi: từ lớp 7 đến giờ cháu đã thấy nhiều điều bất bình khó hiểu. Có nhiều kẻ bỉ ổi, họ sống bằng sự dối trá, bợ đỡ và những kẻ ấy phần động thành công ở đời, cháu đâm ra chán nản. Thú thật, cháu thiếu cả lòng tin vào bố cháu. Cháu chán nhà trường, cháu đi vào cuộc sống để thử nghiệm, học võ, làm thơ, chơi bời với bạn bè lưu manh. Cháu kiên quyết sống theo suy nghĩ riêng của mìnhCháu sẽ đi bộ đội”. Thằng bé có lòng tự trọng, có bản lĩnh, biết phản đối quyết định “không công bằng” của bố. Anh Trần lo cho Lê đi học ở Đức. Lê tự quyết định đi bộ đội, từ chối cái “đặc quyền” con của một người có công với Cách mạng. Nhưng sau cùng Lê vẫn đi Liên xô. Tôi nhận ra, anh Trần đã vận động những đồng đội cấp cao của mình cho thằng con đi học, và nhận ra Lê, một người tuổi trẻ, lại đi con đường quanh co ấy để che giấu sự thực  dụng mà lúc đầu anh tưởng Lê là người tuổi trẻ tự do, có bản lĩnh. Niềm tin của Tôi sụp đổ. Nhưng Tôi không nhận ra Thái độ của anh Trần và của Lê là thái độ đã có trong trường kỳ lịch sử, đời cha cống hiến đời con phải được “đặc quyền”. Anh Trần đã nói thế và làm thế.

            Tôi cũng hoang tưởng về lý tưởng. Tôi muốn sống công bằng. Tôi nói với anh Trần: “Thực ra khi còn sự hy sinh vì công bằng, người ta còn là người Cách mạng. Khi lòng đã dửng dưng đối với lý tưởng công bằng, người ta hết là người Cách mạng…”. Đấy là cách Tôi phủ định anh Trần (cũng là phủ định lý tưởng). Việc anh lo cho thằng Lê đi Đức bằng sự “đặc quyền” là không công bằng. Nhưng rồi, dù thằng Lê đã đi bộ đội, thì sau cùng anh Trần cũng lo cho nó đi Liên Xô. Cái thực tiễn ấy biến lý tưởng công bằng của Tôi thành hoang tưởng. Trong mắt Tôi, những lý tưởng của anh Trần là giả dối, Những đàn anh như anh Trần, Mai, cũng là những kẻ giả dối. Họ “hết là người Cách mạng” vậy mà tôi cứ nghĩ “họ là người Cách mạng”. Lý tưởng của Tôi trở thành hoang tưởng khi Tôi khám phá ra sự trái ngược giữa bản chất và hiện tượng. Điều này làm Tôi thất vọng và đau khổ, tâm hồn tràn ngập nỗi buồn. Tôi chìm sâu hơn vào trạng thái trầm cảm.           

Tôi muốn sống yêu thương. Tôi phản đối con vượn đòi trả thù cho chồng, con bị Mai giết. Tôi tự hào về niềm tin của Tôi gửi trong tiếng đàn: “Ta là đói nghèo, hèn kém, ta là con đò nát. Tiếng hát ta run rẩy trăng vàng. Ta yêu thương. Tình yêu ta chấn động quỷ thần. Những ngôi sao xa nghe giọng hát ta cũng rưng rưng nước mắt…”. Trong suốt tác phẩm, Tôi đã cảm thương con vượn mất chồng mất con. Cảm thương chị Trần bao năm chờ đợi. Cảm thương chị Hưng bị tâm thần khi nghe tin thằng con chết ở chiến trường. Cảm thương cho cô sinh viên y khoa tên Lan, lấy Ngọ, bị gia đình từ bỏ. Họ sống không nhà cửa, phải yêu nhau ở ngoài đồng. Lan khao khát một mái nhà. Tôi cảm thương cho bao cảnh đời ở nhà ga Hàng Cỏ, cảm thương những người bạn nghèo tốt bụng (Hưng, Minh, Ngọ) và cảm thương chính tôi.

Một con người đầy cảm thương như thế nhưng trong thực tế, khi đi chiến đấu, có lần Tôi đã cùng với đội trưởng Mai trực tiếp giết chết hơn hai chục tù binh ngụy bên vũng nước. Tôi bóp cổ tù binh và Mai dùng gậy đập đầu những tù binh như đập đầu con bò, trong đó có cả người lính yếu đuối, có bố là Việt Minh tập kết ra bắc. Việc ấy làm Tôi khủng hoảng và Mai phát điên. Tiếng đàn của Tôi ám ảnh: “Có  thấy gì không? Một khúc sông lạnh mênh mông. Những xác chết gục bên bờ nước. Quan quân sang đò. Phải giết nốt những tên tù cho đỡ vướng”. Tôi muốn sống yêu thương nhưng phải đối mặt với sự tàn nhẫn. Trong mảnh giấy Ngọ viết về “Nạn hồng thủy”, Ngọ đã chỉ cho Tôi thực tế này: “Con người chỉ chăm lo dòm ngó đố kỵ đồng loại, dẫm đạp lên xác đồng loại mà tiến. Tâm lý ác được khơi gợi và dung túng dẫn đến chỗ phá tan rường cột đạo lý. Con tố cáo cha, vợ tố cáo chồng. rồi lường thầy phản bạn…Tâm lý độc ác dã thú thống trị”.  Tôi không phủ định được thực tiễn: “Ở nước ta bao nhiêu là đau khổ! Nỗi đau này chồng lên nỗi đau khác. Những thây đau lớp lớp chồng lên thành núi..” Và tôi đã phải thốt lên: “Phải chăng sự tàn nhẫn đã thắng thế?

Và sự hoang tưởng của nhà văn. Những năm 1973-1974, khi Nguyễn Xuân Khánh viết tác phẩm này, hiệp định Paris đã được ký kết. Chiến tranh phá hoại miền bắc của Mỹ đã chấm dứt, bao nhiêu đổ nát, bao nhiêu khó khăn chất chồng; lúc ấy miền Nam vẫn đang là chiến trường lửa. Dù vậy, âm vang của “Điện Biên Phủ  trên không” của Hà Nội, của Hiệp định Paris, của khắp các mặt trận miền Nam vẫn là âm chủ đạo của cuộc sống. Tiểu thuyết Miền hoang tưởng nói gì về thực tại ấy?

Miền hoang tưởng không phản ánh gì không khí và xu thế của thời đại. Không gian Miền hoang tưởng bình lặng, chật chội trong một vòng rất nhỏ, từ nhà anh Trần sang nhà Hưng, sang nhà Minh, ra nhà ga Hàng Cỏ. Đường phố Hà Nội yên tĩnh. Nội dung xã hội cũng chỉ là những sinh hoạt kiếm sống của các gia đình ấy. Hưng muốn làm lại căn nhà đồng nát. Anh Trần lo cho con đi du học. Minh chăm lo vẽ để bán lấy tiền (Minh nghèo, say mê vẽ, bị vợ bỏ). Ngọ ở nhà ga, làm đủ mọi việc, cả việc bán máu. Một vài hình ảnh lam lũ trên sân ga:  Một người đàn bà đang ôm một đứa trẻ gầy gò nhễ nhại khóc, một đoàn nông dân đi mua sắm chống đói từ mạn ngược trở về, một bà cụ già ôm một chú lợn nơi ngực rao bán, người bán gà, người bán dừa Thanh, Ngỗng Sư tử, lợn lai kinh tế, người bán mì bị mời lên đồn Công an…và thu hẹp lại là chính cuộc sống của Tư (nhân vật Tôi) lang thang, vô gia cư, thất nghiệp. Nguyễn Xuân Khánh đã vẽ nên một xã hội không phản ánh cái thực tại lúc bấy giờ.

Trong xã hội ấy nhà văn tô đậm hình ảnh bộ đội từ chiến trường trở về. Anh Trần -Trung đoàn trưởng thời chống Pháp, hiện là Bí thư Đảng ở một xí nghiệp lớn. Theo nhân vật Tôi, anh đã không còn là “người Cách mạng”, vì anh theo đuổi cái mục đích “đặc quyền” cho con anh. Đội trưởng Mai hiện lên như một điển hình của cái ác và sự bị trừng phạt. Trong chiến đấu, Mai đã dùng gậy đập đầu giết chết hơn hai chục tù binh Ngụy. Sau chuyện đó Mai bị bệnh tâm thần, bệnh khóc. Khi ở Tây Bắc, Mai trở thành kẻ cướp mất tình yêu của Tôi, kẻ phản bội đồng đội, đi thương lượng tình yêu với Tôi, Mai đem theo súng. Ngọ cho biết, anh là lính đi B năm 1965. Năm 1969 bị thương về Bắc. Học Tổng hợp, làm thơ, bị kết tội “tư tưởng phản động bị đưa đi cải tạo” hơn 1 năm. Được thả, anh bị đuổi về Nam Định làm ruộng. Nhưng nhà Ngọ 3 đời ở Hà Nội. Anh ra Hà Nội ở với cha mẹ.“Tôi ở nhà bố mẹ, không được nhập hộ tịch, không có gạo ăn, không có tiền lương rồi tự kiếm sống: lao động, dắt bò thuê, khuân vác… và trở thành “kẻ lưu manh hiện đại”; “mất hết khả năng kiếm sống”phải thường xuyên bán máu. Thầy giáo Hưng ở trong cái “nhà đồng nát” và trở thành “người đồng nát”. Con anh chết ở chiến trường. Vợ anh thương nhớ con mà bị điên, vì suốt đời con chị ao ước một cái quần simili. Hưng bảo, có lẽ anh cũng là một kẻ điên. Cũng cần kể đến người lính liên lạc của anh Trần. Trong chiến hào, khi bom nổ, anh liên lạc đã lấy thân mình che cho anh Trần. Anh liên lạc bị thương mất bàn tay. Ông có 5 người con: 2 là liệt sĩ. Đứa thứ ba 15 tuổi phải đi cải tạo vì tội giết người.

Chúng ta cũng chú ý đến thân phận những người phụ nữ. Trước hết là chị Trần. Chị lấy anh năm 17. Năm chị 19 anh bị Tây bắt. Chị tôi chờ đợi. Sau CM tháng tám, anh Nam tiến. mãi đến 1952 anh chị mới sum họp. Nhân vật “bà hàng xóm, người đã giúp Chị Trần lúc chị sinh đứa con đầu. Bà cho chị ngô non để nhai. Hôm sau bà lại ra đồng kiếm thức ăn cho chị và 5 đứa con của bà. Một viên đạn đã bắn vào tim bà. Bà chết. Thằng con lớn bò ra ruộng kéo xác bà về. Giờ 3 đứa con lớn đi bộ đội, một người đã hy sinh. Đứa con gái nuôi lợn, thằng con út học nghề thợ tiện ở Hà Nội. Vợ Minh là một diễn viên. Cô chán ngấy những bức tranh quái dị của Minh. Cô cần niềm vui và sự thành thật. Cô chia tay Minh và dẫn con đi. Ba tháng sau lấy chồng. Lan, vợ Ngọ, một cô sinh viên Y khoa năm thứ ba, yêu Ngọ, tự nguyện lấy Ngọ và đi theo anh. Lan bị gia đình từ bỏ. Lan ở nhờ nhà bạn, đan kiếm sống. Một người bạn định dìu dắt Lan đi chợ cua ốc, nhưng không có vốn. Sau Lan đổi sang bán hoa quả, rồi theo Ngọ lên rừng.

Bức tranh xã hội ấy đúng như nhận thức của Tôi (cũng là của nhà văn) về thực tại: “Ở nước ta bao nhiêu là đau khổ! Nỗi đau này chồng lên nỗi đau khác. Những thây đau lớp lớp chồng lên thành núi..”;Phải chăng sự tàn nhẫn đã thắng thế?

            Có thể hiểu được, đó chính là lý do tại sao Miền Hoang tưởng không được xuất bản ở thời điểm tác giả viết xong (1973-1974). Nhà văn không nói gì về nguyên nhân đói nghèo khó khăn của miền Bắc là do chiến tranh phá hoại của Mỹ gây ra. Nhà văn tô đậm cái ác (Mai), cái đau khổ (Hưng), cái “thảm hại” (Ngọ), “đặc quyền” (anh Trần) của chiến tranh cùng với những thiệt thòi của người vợ, người mẹ và người dân trong chiến tranh phải chịu. Những “đại tự sự” của thời đại về chủ nghĩa yêu nước trong kháng chiến chống Mỹ vĩ đại, về lý tưởng “không có gì quý hơn độc lập tự do”, về vẻ đẹp của “chủ nghĩa anh hùng cách mạng”, về sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội…đều vắng bóng trong tác phẩm này.

Nói cách khác, tác giả miêu tả một xã hội hoang tưởng so với hiện thực. Nó có thể là một góc của hiện thực, nhưng không phải là phần hiện thực chứa đựng những yếu tố của sự phát triển của tương lai. Nó phản ánh chính sự hoang tưởng trong ngòi bút của nhà văn. Lưu ý rằng đây là thời của những tác phẩm như Hàm Rồng (1968) và Sóng Hòn Mê (1971) của Hoàng Văn Bổn; Vầng trăng và những quần lửa (1970) của Phạm Tiến Duật, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu (1972),  Những ngôi sao xa xôi (1973) Lê Minh Khuê…

NHỮNG CHIẾN LƯỢC

1.Chiến lược kiến tạo tác phẩm

            Nguyễn Xuân Khánh chia tác phẩm làm 2 phần. Phần I là những lá thư tình qua lại giữa Tư (nhân vật trần thuật xưng Tôi) và Ngà. Tư ở Hà Nội, Ngà ở Tây Bắc. Ngoài những lá thư gửi cho Ngà, còn có những lá thư Tư không gửi. Thư gửi cho Ngà nói những điều theo cung cách giao tiếp công khai. “Thư không gửi” là những lời “ tự thú” về sự thật cuộc sống của Tư. Thí dụ, Thư thứ nhất gửi cho Ngà, Tư nói anh đã vào Đại học âm nhạc và có việc làm, vừa học vừa làm. Trong “Thư không gửi”, Tư nói anh không vào Đại học nhạc, hiện nay anh là thằng lang thang. Chúa bảo những ước mơ của anh chỉ là hoang tưởng. Thư thứ hai gửi Ngà, Tư nói Anh đã viết xong bài hát đầu tiên tặng em. Đó là bài hát “Tiếng rừng”. Tư còn dặn Ngà làm thịt gà bồi dưỡng cho mẹ và nói anh gửi mẹ ít thuốc. “Thư không gửi” thứ hai, Tư kể lại việc anh đã mua cây đàn Piano, và im lặng trước những lời anh Trần huênh hoang như: –Mỹ sắp hết máy bay, –Lê ơi con chuẩn bị sang Đức học; –Cách mạng Việt Nam…vĩ đại chẳng kém gì các mạng Pháp 1789 và cách mạng tháng 10 Nga…           Phần thứ nhất chấm dứt khi Ngà lấy Mai và Tư làm bạn với Ngọ, lưu lạc ở nhà ga Hàng Cỏ.

Phần thứ hai là tâm trạng ngày càng “trầm cảm” của Tư. Trong vai trần thuật Tôi, Tư kể lại sự việc, tự phân tích tâm lý của mình, của người đối diện. Anh đứng trên lập trường của riêng mình để đánh giá người đối diện và từ đó đưa ra hành động. Chẳng hạn lúc ở nhà anh Trần, nhận ra anh Trần không còn là “người Cách mạng”, Tư bỏ đi. Hoặc, lúc ở nhà Hưng, Tư thấy trong ánh mắt chị Hưng có sự căm thù Tư đã ăn cướp cá thịt của con chị, anh đã xấu hổ bỏ đi. Hoặc, khi hiểu ra bản chất của Mai là một kẻ ác, kẻ cướp tình yêu của anh, phản bội tình bạn, anh coi Mai là kẻ thù. Trong cơn mê sảng hai người đã đánh nhau để tiêu diệt nhau. Những lúc tỉnh và những lúc chìm trong hoang tưởng như vậy của Tư đan xen nhau liên tục. Có cả những trường hợp nhà văn trộn lẫn những cơn mơ hoang tưởng với thực tại. Ấy là lúc Tư sốt cao, lạc vào mê loạn, và có người lay tỉnh Tư dậy. Trạng thái mê và tỉnh của Tư có thể xảy ra bất cứ lúc nào, lúc nhớ Ngà, lúc nhìn bức tranh “Chúa chơi chim” hay pho tượng Chúa của Minh, hoặc lúc Tư chơi đàn, anh chìm vào tâm trạng của Trương Chi, hát những lời của Trương Chi đầy ẩn dụ.

Việc kiến tạo tác phẩm như thế đem đến hiệu quả gì? Đó là giản lược ngôi vị trần thuật đến mức gọn nhất. Chỉ có một nhân vật Tư, xưng là Tôi, một người trầm cảm, một người hoang tưởng, một nguồi luôn trong “những cơn thoát phàm kỳ dị” kể chuyện từ đầu đến cuối tác phẩm. Con người này không phải chịu trách nhiệm gì về những  tư tưởng và hành động của mình, vì anh ta là một dạng tâm thần.

Không gian truyện rất hẹp (Tư chỉ quanh quẩn ở nhà chị Trần, đến nhà thầy giáo Hưng, sang nhà Minh, ra nhà ga Hàng cỏ, vào quán rượu của Râu Xồm), nhờ kết hợp với những cơn mơ hoang tưởng, siêu thực, tạo ra một không gian đa tầng, người đọc khó mà thoát ra bên ngoài để nhận thức về hiện thực cuộc sống đang diễn ra song song với các nhân vật. Thí dụ, hiện thực Tư đang sống (trong tác phẩm) được trộn với tiếng vượn hú, tiếng đàn, tiếng la hét của những “người điên”, sự nhốn nháo ở nhà ga Hàng Cỏ với thế giới siêu hình: sự xuất hiện liên tục của nhiều Chúa (Chúa thương xót, Chúa hiền, Chúa hai mặt…), của con quỷ đầu trâu cầm đinh ba, của con chim sơn ca hát lời tụng ca, của Trương Chi với con đò nát, chén trà, vầng trăng và điệu hát buồn thương u uất…Trong cái không gian nửa hư nửa thực ấy nhà văn đã dùng sương mờ trăng trắng che khuất cái hiện thực miền Bắc vừa sau hiệp định Paris ngoài kia. Để từ đó tô đậm cái “mặt trái” hiện thực Xã hội chủ nghĩa lúc đó.

Miền hoang tưởng có cấu trúc lỏng lẻo, hành động truyện rất nghèo, phần lớn trang văn là đối thoại của nhân vật và tâm trạng của nhân vật Tư (cũng là của tác giả), những suy nghĩ rối rắm, những nhận thức phiến diện bướng bỉnh, những mê tỉnh hỗn độn, khiến cho tác phẩm như một khu rừng um tùm cây cỏ, rất dễ mất dấu,  vì thế nó làm nản lòng người đọc khi muốn đi vào khu rừng ấy.

2.Chiến lược dụng binh

            Như trên đã trình bày. Lớp nhân vật chính thứ nhất là những người lính, hai thế hệ, kháng chiến chống Pháp (Anh Trần- một Trung đoàn trưởng, một Chính ủy, và người lính liên lạc) và chống Mỹ (Mai, Tư, Ngọ). Tác giả sử dụng “đội quân” này như thế nào và với mục đích gì?

Nhà văn không miêu tả kỳ tích anh hùng của họ mà tập trung khai thác một đăc điểm nào đó. Anh Trần đại diện cho tư tưởng công thần hưởng “đặc quyền”. Cả hai con anh đều được đi học Liên Xô. Mai là hiện thân cho cái “tàn nhẫn”, của cái ác trong chiến tranh. Nhà văn miêu tả rất chi tiết, rất sinh động cảnh Mai đập đầu hơn hai chục người lính ngụy tù binh bằng gậy ở bãi nước, trước khi đơn vị của Mai rời đi nơi khác. Nhà văn cũng miêu tả thêm cảnh Mai giết chó làm tiết canh mà người đọc cũng phải rợn người về sự lạnh lùng tàn ác của Mai. Nhân vật Ngọ, một người lính ở chiến trường B năm 1965, bị thương năm 1969, trở về đi học Đại học Tổng hợp, làm thơ bày tỏ thái độ trước hiện thực, bị bắt cải tạo hơn một năm, ra trại bị đuổi về quê. Ngọ trở về Hà Nội, không nhà ở, không hộ khẩu, không tem phiếu, “mất hết khả năng kiếm sống”, phải bán máu để sống.

Tại sao Nguyễn Xuân Khánh lại chọn người lính và tộ đậm họ lên? Vì người lính là nhân vật trung tâm của thời đại của một đất nước đang chiến tranh, bởi những gì liên quan đến người lính thì người ta đều tin là thật. Và vì người lính là con em nhân dân, nói đến họ là động đến trái tim của nhân dân. Vì thế, khi Nguyễn Xuân Khánh tô đậm nhân vật người lính (nhất là lúc còn đang chiến tranh, đang cần sự dũng cảm hy sinh), thì người đọc có thể hiều điều nhà văn muốn:  người lính, những người đã chiến đấu và hy sinh, khi trở về họ được đối xử như thế. “Một thế hệ ngây thơ…và đẹp đẽ”bị lừa dối. Đúng như nhân vật Tư khẳng định: “phần Tôi cũng bị lừa lọc mất hết”.

Lớp nhân vật chính thứ hai là những người phụ nữ. Chị Trần chờ đợi chồng nhiều năm trong kháng chiến chống Pháp. Chị Hưng thương con, hóa điên khi đứa con chết ở chiến trường B. Bà hàng xóm của chị Trần bị một viên đạn trúng tim, thằng con phải bò ra đồng lôi xác mẹ về, bà để lại 5 đứa con. Lan, con một gia đình nề nếp, một cô sinh viên Y khoa, yêu và lấy Ngọ, bị gia định từ bỏ. Để kiếm sống Lan theo bạn bán cua ốc, rồi bán trái cây. Sau cùng, Lan theo Ngọ lên rừng sống vì nơi ấy, Ngọ nói,  có cây có thể làm nhà, dù chỉ là một cái vòm mà Lan mơ ước. Ngà đã đánh mất tình yêu, đánh mất cuộc đời khi lấy Mai và bị hành hạ. Trên sân ga, một người đàn bà đang ôm một đứa trẻ gầy gò nhễ nhại khóc, một bà cụ già ôm một chú lợn nơi ngực rao bán…Tất cả những người phụ nữ ấy đều có những phẩm chất truyền thống, thủy chung, thương chồng thương con cần cù chịu thương chịu khó. Họ sống thực tiễn nhưng đói nghèo và lâm vào những tình cảnh đau thương. Họ cũng tràn đầy khát vọng. Lan khao khát một mái vòm, dù chỉ là một túp lều để Ngọ và Lan trở thành vợ chồng thực sự. Họ không phải yêu nhau ở ngoài đồng. …

Miêu tả như vậy, Nguyễn Xuân Khánh dễ lấy được tình cảm của người đọc. Bởi thân phận người phụ nữ từ xưa đến nay là thân phận khổ và thiệt thòi. Trong chiến tranh và đói nghèo, họ đau khổ và hy sinh nhiều hơn. Dù vậy Miền hoang tưởng chưa cho thấy con đường tương lai của họ.

Nhân vật trung tâm là Tư, người xưng Tôi, đứng ở ngôi thứ nhất trần thuật. Tư là Tiểu đội trưởng trong đơn vị của Mai. Anh đã tham gia vào việc Mai trực tiếp giết chết hơn hai chục người lính ngụy tù binh. Khi về nông trường Tây Bắc, Tư là thầy thuốc và trong một dịp đỡ đẻ cho con bò sừng hươu của Ngà, hai người quen nhau và yêu nhau. Sau đó Tư về Hà Nội với dự định học Đại học nhạc. Nhưng Tây Bắc không cho đi nên anh không thể thực hiện được dự định. Ở Hà Nội, lúc đầu Tư ở nhà chị Trần, nhưng vì xung khắc với anh Trần, Tư bỏ đi. Anh đến nhà thầy giáo Hưng, rồi lại sang nhà họa sĩ Minh, và sau cùng sống lang thang ở ga Hàng Cỏ. Lúc quá cần tiền anh đã phải bán máu. Tư bị ốm nặng sau đợt bán máu lần thứ hai. Anh gặp lại Ngà.

Đến đây câu chuyện về Tư kết thúc. Không rõ nhà văn sẽ  cho Tư làm gì để có cơm ăn, có nhà ở mà thực hiện ước mơ là tình yêu với Ngà và khát vọng sáng tác âm nhạc? Hiện tại, Tư không có hộ khẩu, không tem phiếu, không nghề nghiệp, không có cách gì kiếm tiền. Có lẽ đó là điều nhà văn muốn nói: Tư hoang tưởng trước thực tiễn. Anh bỏ cái đang có (ở Tây Bắc, anh là thầy thuốc, cuộc sống ổn, lại có ngưởi yêu), đi tìm cái viển vông là học nhạc và làm nhạc ở Hà Nội. Dù anh chị Trần đã cảnh tỉnh, dù thầy dạy nhạc đã khuyên Tư “Hãy tự hiểu mình là người bình thường”, và Chúa đã can ngăn: “Mi sẽ bị trừng phạt. Mi tưởng âm nhạc sẽ đem đến cho mi hạnh phúc sao? Nó sẽ dẫn mi đến những bến bờ xa lạ, ở đó mi sẽ chìm trong những băn khoăn dày vò”. Lần thứ 5 Chúa hiện ra trong giấc mơ của Tư, Ngài cảnh cáo:  “Anh sẽ bị đuổi khỏi vườn địa đàng,những nét nhạc lông bông, nét nhạc đang bị quỷ ám”. Nói cách khác, đó là những dự cảm của Tư về những tháng ngày lang thang, đói khát, đau khổ ở tương lai khi anh rời khỏi Tây Bắc. Nhưng Tư vẫn bướng bỉnh dấn thân vào con đường trầm luân ấy.

Tại sao Tư quyết tâm thực hiện dự định của mình?Anh dự địnhsau khi học xong sẽ “làm nhạc và cày ruộng”. Khi rời nhà anh Trần, Tư nói: Tôi chỉ muốn làm người; Tôi sẽ tự nặn ra tôi”, tức là Tư không muốn nghe lời khuyên của bất kỳ ai. Tư tinh tế, sâu sắc. Anh dễ dàng nhận ra thái độ của người đối diện. Anh cũng có lý luận sắc xảo để bảo vệ ý kiến của mình. Tư chống lại tư tưởng “đặc quyền” của anh Trần và đòi hỏi sự công bằng. Anh cũng chống lại sự áp đặt của Chúa: “Con không chịu giã từ những ý nghĩ điên rồ, không chịu noi theo đường ta, nên bây giờ con là kẻ thất bại”. Anh cũng có lòng tự trọng khi sự hiện diện của anh làm anh Trần, chị Hưng khó chịu. Tư cũng biết sống tình nghĩa khi bán máu để có tiền “trả nợ” ân nghĩa cho Hưng. Anh cũng có tài làm nhạc, đã từng đưa cho thầy dạy nhạc 100 bài và viết giao hưởng Trương Chi. Và có lúc phản tỉnh, anh tự hỏi: “Phải chăng căn bệnh tàn nhẫn đã nhập và tôi dưới dạng hình thức: nhìn cảm khắt khe?”. Sau cùng, người đọc nhận ra Tư là người trầm cảm, anh sống nửa mơ nửa thực, anh chìm đắm triền miên trong những “cơn thoát phàm kỳ lạ”, anh tự tra vấnhoang tưởng:Tại sao người ta cứ muốn nuốt sống ta? Tại sao ta là kẻ bị săn đuổi?;Hoang tưởng thơ ngây. Tôi vẫn là một kẻ bần cùng. Một thằng vô danh tiểu tốt trên đời như tôi lại muốn đòi hỏi sự bình đẳng và cứ tin như điều ấy có trong đời sống”.

Những vấn đề Tư đặt ra có thấp thoáng bóng dáng xã hội, nhưng chưa cụ thể, chưa mạnh mẽ. Thí dụ vấn đề “đặc quyền” của con em cán bộ, vấn đề thế hệ trẻ không còn tin tưởng thế hệ cha anh (Lê); sự  không quan tâm đãi ngộ những người đã chiến đấu, hy sinh (Ngọ, Hùng con chị Hưng chết trận) và, vì Tư là người trầm cảm, một “người điên”, một người hoang tưởng, nên những vấn đề ấy không được quan tâm. Ai lại đi tin một kẻ tâm thần. Cái tâm thần nằm trong tư tưởng “Tôi nặn ra tôi”, mà không quan tâm đến xã hội đang vận động để thích ứng. Anh Trần đã thay đổi. Cháu Lê cũng thay đổi. Minh đã đổi đề tài vẽ liên tục. Hưng đã làm lại các gác xép căn nhà đồng nát. Ngọ đã lên rừng. Còn Tư, vẫn chìm đắm trong những giấc mơ, vẫn sống giữa làn ranh thực và ảo.

Tại sao nhà văn muốn Tư mãi là một người hoang tưởng, mà không tạo cơ hội cho Tư thức tỉnh? Có lẽ những vấn đề của hiện thực vẫn còn đó, không được giải quyết, nên Tư cứ hoang tưởng: Đó là vấn đề “đặc quyền” của con em cán bộ, càng về sau càng trở nên hiển nhiên. Vấn đề người nghệ sĩ  (Ngọ khi còn là sinh viên, làm thơ, bị kết tội “tư tưởng phản động”), họ bị theo dõi, xung quanh họ nhìn đâu cũng thấy “mú”, “mú chim”, “mú văn hóa”. Vấn đề sự tha hóa của người trẻ. Lê nói với Tư: “bây giờ con người dễ dàng giết nhau chỉ vì một cớ rất nhỏ nhoi…Cháu để ý hỏi, có đứa trả lời: Máu bốc lên thế là đâm ngay”. Vấn đề đói nghèo, đến bao giờ mới  mới hết tình trạng “xóa đói giảm nghèo”? (Tuần qua thiếu gạo, bệnh la hét của Hưng trở nên trầm trọng). Trong thực tế, dân ta đã chịu đói nghèo quá lâu, từ những năm trước 1945 đến những năm 1990.  Vấn đề tự do, con người tự định đoạt số phận mình (Tư muốn: “Tôi nặn ra tôi… Tôi không cần theo con đường của Chúa). Vấn đề thực hiện khát vọng(Tư muốn học nhạc, Lan tự do yêu và lấy Ngọ). Vấn đề “nhân nghĩa”. “Nhân nghĩa là gì? Cái gì có lợi cho nhà vua, cái đó là nhân nghĩa”.

Tất cả vấn đề còn đó, có cái ngày càng trầm trọng hơn, nhưng Tư vẫn chờ đợi, “trái tim tôi đang chờ đợi”;Tôi chờ đợi những điều mới mẻđợi chờ một cái gì rất huyền diệu sẽ đến”…thành ra là hoang tưởng. Tất nhiên nhà văn không chỉ nói một mình Tư hoang tưởng, mà cả một thế hệ, một thời đại hoang tưởng. Tư nói với anh Trần, thế hệ đi trước: “Có lẽ anh thuộc một thế hệ khác,  một thế hệ ngây thơ… và đẹp đẽ”; Tư nói với Lê, thế hệ đi sau:Thế hệ trẻ đang trong cơn mê…những bộ óc non dại đang tìm chất kích thích trong cái hoang dại và tàn nhẫn”…Phải chăng nhà văn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh?

3.Những chiến thuật

            Nguyễn Xuân Khánh miêu tả nhân vật Chúa thế nào và sử dụng với mục đích gì?

Nhân vật Chúa xuất hiện rất nhiều lần trong những giấc mơ, những cơn mê sảng, những lúc Tư chìm đắm miên man trong suy tư. Đó là  “một con người đầy hào quang. Tư cho biết: “Dạo này anh đang đọc Kinh thánh với một niềm say mê kỳ lạ. Anh đang cố nhen nhùm lên trong lòng mình nỗi khát vọng của con người[Thư thứ nhất Tư gửi cho Ngà]. Chi tiết này khiến người đọc nghĩ ngay đến đức Giêsu trong Kinh thánh. Ở lá thư thứ II (thư không gửi) Tư viết: “Chúa Giêsu với ánh hào quang rực rỡ trên đầu lại hiện về trong giấc chiêm bao”. Minh vẽ Chúa Giêsumặc áo đen, đầu tỏa hào quang. “Chúa đang quỳ gối ngửa mặt lên trời cầu nguyện, vẻ mặt hiền từ, kính cẩn. Sau lưng Chúa một con chim trắng đang bay, con chim bị gắn liền với Chúa bằng một sợi dây. Sợi dây, một đầu buộc vào chân chim, một đầu buộc vào chân Chúa.”[Thư thứ V-thư không gửi]. Như vậy, tác giả xác định rõ nhân vật Chúa trong Miền hoang tưởng là đức Giêsu trong Kinh thánh.

Nhưng theo dõi nhân vật Chúa trong cả tác phẩm, người đọc sẽ nhận ra đó là một nhân vật do tác giả sáng tạo, dù đôi khi có vài chi tiết mượn danh như bức tranh Minh vẽ (ở trên). Bức tranh này lấy lại hình ảnh Chúa trong Vườn dầu, nhưng lại bịa ra Chúa mặc áo màu đen và có con chim buộc ở chân.

            Gọi nhân vật Chúa trong Miền hoang tưởng là nhân vật sáng tạo bởi vì, theo truyền thống hai ngàn năm của giáo hội Kitô giáo, Chúa Giêsu không bao giờ hiện ra với bất cứ ai. Vì thế không có chuyện đức Giêsu xuất hiện, dù trong giấc mơ, hay trong cơn mê sảng của Tư (lưu ý, Tư là người không tôn giáo). Trong truyện, Nguyễn Xuân Khánh rất ít khi trích dẫn Kinh thánh. Thấp thoáng cũng đôi khi nhại theo Kinh thánh. Chẳng hạn, ở lá thư thứ 3, khi Tư bảo Chúa: “Ông không phải là Giê su”, thì Chúa nói: “Ta là nẻo đường, ta là hạnh phúc, ta là chân lý. Những ai nói đến điều ấy đều là ta cả”; hoặcNguyễn Xuân Khánh cho con sơn ca hát: “Cảm ơn thượng đế đã cho ta cuộc sống./ Cảm ơn người đã vạch lối ta đi./ Cảm ơn Chúa Trời người là chân lý[XII]. Những trường hợp này lấy ý từ Kinh thánh: Đức Giêsu nói: “Chính Thầy là đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14, 6).

Đây là những dòng miêu tả của nhà văn về những lần Chúa xuất hiện nói chuyện với Tư: Mặt Ngài mang dáng nét con người thế kỷ XX.  Khi Tư rời Tây Bắc, Chúa cảnh báo anh sẽ bị đuổi khỏi vườn địa đàng. Chúa Giêsu tiên báo số phận của Tư. “Tư là Trương Chi. Gia tài của anh là con đò nát cộng thêm tiếng hát” [Thư thứ 3, thư không gửi]. Một con quỷ đầu trâu tay cầm đinh ba đến nói với Tư: Chúa trừng phạt anh vì anh dám chống lại những khuôn phép của Chúa, dám báng bổ xứ thiên đàng…; nhạc của anh làm cho người ta chỉ nghĩ đến mình.[Thư thứ VI]. Tư cũng thấy Chúa từ trong bức vẽ “Chúa chơi chim” của Minh bước ra. Chúa cũng xuất hiện trong giấc ngủ mơ của Tư ở nhà ga Hàng Cỏ, Người an ủi anh. Người chỉ đường cho anh: “Các con không biết đổi thay những quan niệm cố hữu, cổ xưa” (VIII).

Nguyễn Xuân Khánh miêu tả Chúa có hai mặt[IX]. Hình ảnh con chim bị buộc dây vào chân Chúa giúp Tư hiểu: “chúng ta đang bị Chúa cầm tù bằng sự ngọt ngào”. Sau một cơn mê sảng toàn những chuyện man rợ, Tư được Chúa hiện về an ủi: “Lòng con đã vơi nhẹ rồi ư? Con đã khôn ngoan hơn. Nếu nỗi buồn cao thượng làm lòng con trong sạch, thì con cứ buồn. Miễn là con đừng bướng bỉnh với ta”[X]. Trong những ngày Tư chờ trích máu, Chúa thường xuyên hiện ra khuyên nhủ: “Con định bán thể xác con đi sao? Tội nghiệp! Tại sao con lại đi theo nẻo ấy? Tại sao cứ cưỡng lại ý của Cha các con? Hãy theo lời khuyên của ta. Đừng cứng, hãy mềm. Hãy làm theo như mọi người. Sự khiêm nhường cam chịu: đó là cội nguồn hạnh phúc, đó là bằng an vĩnh hằng. Nếu con cứ cố ý cưỡng lại mãi linh hồn con sẽ sa hỏa ngục”[XII]. Khi Tư bán máu lần thứ 2, một thiên thần ẩn mặt nói: “ngủ đi con. Hãy cứ mơ màng. Hãy cứ nuôi dưỡng tâm hồn con bằng những hoang tưởng…ngây thơ…”[XII].Và trong một cơn mê sảng khi nhìn bức tranh đám ma của Minh, Tư nghe thấy tiếng một ông cố đạo, một vị sư và nhiều tiếng thoang thoảng, đoàn người không đầu, say sưa hát một bài ma quái: Chúa chết cả rồi!/ Chúa xưa chúa nay!/ Chúa Đông chúa Tây/ Chúa Nam chúa Bắc/ Chúa hiền chúa ác/ Cũng đều chết sạch/ Chúa chết cả rồi/ Ta cười ta hát”. Sau tiếng hát là cơn mưa máu. Có tiếng an ủi: “Tỉnh lại con ơi. Chúa chết ư? Chớ lo. Con người sẽ có những thượng đế mới”. Con chim trong bức tranh của Minh nói trong vũ trụ có nhiều Chúa [XII]. Chương XIV còn có ông chúa sương, ông Chúa lành hiện ra an ủi Tư: “lòng con đã vơi nhẹ. Con hãy vui những ngày vui hiếm có của cuộc đời. Ta hiểu, giận hờn trong lòng con chỉ là những cơn bão ngắn”. Ông Chúa chơi chim ghé về thì thầm trong những phút ân ái của Tư: “Cậu thua Mai rồi. Cậu làm gì có sức mạnh”. Trong một cơn mê sảng, Tư đánh nhau với Mai. Chúa chơi chim lại nói: “Con chẳng nghe lời ta. Con đã thấy chưa? Sự tàn nhẫn đã nổi khùng”…      

Tôi dẫn hơi dài về nhân vật Chúa để nhìn rõ “chiến thuật” của Nguyễn Xuân Khánh. Trước hết đó không phải là nhân vật tôn giáo thực hiện những nhiệm vụ tâm linh. Nguyễn Xuân Khánh không thâm nhập thế giới tâm linh. Nhân vật Chúa chỉ là sự phân thân của Tư trước lẽ thiện ác, là cuộc đấu tranh tư tưởng giữa tự do và trói buộc, những dự cảm về tương lai, và là một biện pháp tinh thần để Tư cân bằng tâm trí sau những cơn sốt mê man, quằn quại trong những cơn ác mộng (thí dụ khi xem bức tranh đám ma, Tư đánh nhau với Mai, và cơn mưa máu đầy xác người). Về tư tưởng, phải chăng Nguyễn Xuân Khánh lặp lại những luận điểm của chủ nghĩa Marx, rằng, Tôn giáo là thuốc phiện. Chúa ru ngủ Tư, bảo Tư khiêm nhường cam chịu đi theo con đường Chúa đã định.

Về mặt nghệ thuật, Nguyễn Xuân Khánh sử dụng nhân vật Chúa thay cho bóng dáng những Bụt, tiên, ma quỷ, chằng tinh trong truyện dân gian (thí dụ con quỷ đầu trâu tay cầm đinh ba), sử dụng lại thủ pháp ngườitừ trong tranh bước ra như trong truyện Bích câu kỳ ngộ (Chúa trong bức tranh của Minh bước ra nói chuyện với Tư). Tất cả những miêu tả như thế là để phù hợp với trạng thái tinh thần hoảng loạn của người bịnh (Tư), và phần nào là biểu tượng mang ý nghĩa ẩn dụ. Chúa biểu tượng cho sự trói buộc tinh thần mà con người cố chống lại. Và Chúa cũng là những thế lực thống trị: “Chúa chết ư? Chớ lo. Con người sẽ có những thượng đế mới”. Tư tưởng “Chúa chết” (Gott ist tot) là của Friedrich Nietzsche. Sự lắp ghép tư tưởng Nietzsche vào bối cảnh này không tạo ra hiệu quả gì.

            Bản “giao hưởng Trương Chi của Tư cũng là một “yếu tố chiến thuật” phụ trợ cho nhân vật Tư. Sau ba tháng xa Ngà, Tư đã viết cho Ngà bài hát “Tiếng rừng” và gửi ông thầy dạy nhạc 100 bài khác [lá thư thứ III]. Đêm ấy anh đọc truyện Trương Chi, và có ý định sẽ viết thành giao hưởng. “Bản giao hưởng” này (thực ra là một trường ca) được viết từng phần theo nhịp điệu cuộc sống của Tư. Trong lá thư thứ 5 gửi cho Ngà, anh dạo khúc mở đầu giao hưởng Trương Chi cho cô nghe. Khi rời nhà anh Trần [Thư thứ V], Tư dạo khúc ly biệt. Tư ở với Hưng. Lúc Hưng có tin con chết, nhà thiếu gạo, Hưng nổi điên, Tư về nhà chị Trần, anh dạo khúc Trương Chi dang dở [IX]. Ở nhà anh Trần, sau khi tranh luận với anh, Tư đã dùng tiếng đàn để kể cho Lê (con anh Trần) nghe về cuộc đời bố mẹ Lê, kể chuyện anh Mai đập đầu hơn hai chục lính ngụy. Cảm giác của Tư sau khi chơi đàn: “Những phiền muộn tích tụ từ lâu hôm nay được giải phóng. Tiếng đàn đã nói hộ tôi phần nào. Tôi vẫn cảm thấy chút buồn, nhưng lòng đã thanh thản phần nào. Cảm giác được trút bỏ một phần gánh nặng[X]. Ở quán Râu Xồm, Tư gảy khúc giã từ [XIII]. Khi gặp lại Ngà, Tư đánh “toàn bộ khúc Trương Chi”[XIV]. Sống với Ngà một tuần, Tư ngỡ là hạnh phúc, nhưng những “cơn mơ điên” vẫn đến và Tư lại sống trong phập phồng, khắc khoải, lo sợ. Khúc Trương Chi chưa kết thúc, bản nhạc của Tư vẫn còn viết dở…

            Có thể “giao hưởng Trương Chi” là sự nhập thân của Tư vào định mệnh đau khổ của Trương Chi. Chính Chúa đã mách bảo điều này. Nó cũng là cách Tư tự giãi bày để cân bằng tinh thần khi không chia sẻ được với ai. Ngoài ra, tiếng đàn của Tư (Piano và Guitar) cũng là cách Tư giao cảm với mọi người, đặc biệt Tư dùng đàn kể lại lịch sử cuộc đời anh chị Trần cho Lê nghe, kể lại việc anh Mai giết hơn hai chục lính ngụy…sau những giãi bày như thế Tư thấy nhẹ lòng một phần. Tại sao Tư dùng tiếng đàn để kể chuyện, bởi vì đó là những chuyện không nên nói thành lời công khai. Nhưng tại sao Chúa lại đuổi Tư khỏi địa đàng vì những nét nhạc lông bông, nét nhạc đang bị quỷ ám? Đó chỉ là những dự cảm về tương lai bấp bên của Tư khi rời Tây Bắc. Nói cho đúng, giao hưởng Trương Chi và tiếng đàn của Tư là cách Nguyễn Xuân Khánh khám phá một phần đời sống tinh thần của Tư. Có thể, Tư dùng Giao hưởng Trương Chi để bộc bạch lòng mình còn dùng tiếng đàn để giao cảm với người.

            Những giấc mơ của Tư là công cụ đắc lực được Nguyễn Xuân Khánh sử dụng để khám phá nội tâm của nhân vật Tư. Lúc đầu chỉ là những giấc mơ bình thường, trong giấc ngũ ban đêm. Sau là những “cơn mơ điên” trong trạng thái bịnh hoạn.

Tư mơ thấy một con người đầy hào quang đến cười và bảo anh: “Mi sẽ bị trừng phạt. Mi tưởng âm nhạc sẽ đem đến cho mi hạnh phúc sao? Nó sẽ dẫn mi đến những bế bờ xa lạ, ở đó mi sẽ chìm trong những băn khoăn dày vò”[Thư thứ nhất gửi Ngà]. Tư không tin, anh tự nhận thức mình là người không tôn giáo. Trong những lần mơ sau, “cái con người rạng ánh hào quang vẫn hiện về trong giấc ngủ của anh có thể là Giê su, có thể là Phật Thích Ca. Chúa bảo ước mơ của anh chỉ là hoang tưởng”.”[Thư thứ nhất, thư không gửi]. Từ thư thứ III trở đi, Tư lạc vào những cơn “mơ sảng”, đêm nào Tư cũng mơ thấy Chúa [thư thứ IV], Rồi Tư mơ thấy con quỷ đầu trâu tay cầm đinh ba đến cảnh cáo anh [Thư thứ VI]. Lúc Tư tuyệt vọng, anh ra nhà ga Hàng Cỏ. Trong giấc ngủ anh lại mơ thấy Chúa [Thư thứ VII, thư không gửi]. Chúa bảo:  con đang thất vọng. Nhưng anh phản kháng: Ông lầm rồi, Tôi không hề thất vọng, trái tim tôi đang chờ đợi. Mỗi lần thất bại giống như một lần nhỡ tàu.

Từ phần VIII, Tư bắt đầu sốt, bắt đầu “ốm to”. Suốt 2 ngày Tư mê mệt, sau đó anh dưỡng phải bệnh 1 tuần lễ ở nhà Hưng. Ở nhà họa sĩ Minh, Tư nhìn thấy hai con chim biết nói và Chúa từ trong bức tranh của Minh bước ra. Anh tự hỏi, mình ốm chăng hay tại bức tranh của Minh?[IX]. Trong những ngày chờ Trích máu, bệnh khắc khoải của Tư ngày càng trầm trọng, anh có thể hóa điên. Tư thường xuyên mơ thấy Chúa trong giấc ngủ [XII]. Sau lần bán máu thứ nhất, đêm ấy Tư mơ thấy toàn máu, những con người đầm đìa máu me đi vào quán của lão Râu Xồm. Sau lần bán máu thứ hai, Tư ốm rất nặng, anh không còn kiểm soát được ý thức. Trong  đầu anh xuất hiện những “cơn mơ điên”, những “cơn mơ thoát phàm kỳ dị”. Đặc biệt khi Tư  ngắm bức tranh đám ma Minh đang vẽ. Tư thấy một đám tang đủ mọi giống người: Mễ Tây Cơ, Ý , Cao bồi, sư Tầu, đạo sĩ Bà La Môn, người VN, Pháp, người Phi châu xích xiềng loảng xoảng. Tư hét to lên: Mưa máu! Vô vàn thây người nằm trên những vũng máu đỏ. Tư xỉu đi ngất lặng. Từ đây đến hết tác phẩm,Tư thảng thốt với những giấc mơ điên kinh hoàng.

Có thể nhận thấy, “những giấc mơ”, ban đầu là cuộc đấu tranh tư tưởng trong nội tâm của Tư về quyết định anh rời Tây Bắc về Hà Nội để thực hiện ước mơ âm nhạc. Những giấc mơ này là dự cảm của Tư về tương lai bấp bênh đau khổ, cái giá ban đầu Tư phải trả cho sự hoang tưởng. Từ khi Tư bị “ốm to”, nóng sốt, mê sảng và suy kiệt vì lo nghĩ, vì đói khát vô vọng, bệnh “khắc khoải” trở nên trầm trọng thì những cơn mơ sảng đến bất cứ lúc nào, kể cả ban ngày. Nhìn bức tranh của Minh là anh chìm ngay vào cơn mê sảng. Những cơn mơ bệnh hoạn này có thể là một bức tranh siêu thực vô nghĩa, đó là trạng thái rối loạn ý thức; cũng có thể nó phản ánh cái phần tiềm thức mà Tư che dấu do hoàn cảnh không thể nói ra. Thí dụ cơn mơ về đám ma đủ mọi dân tộc trên thế giới và cơn mưa máu đầy xác người. Nó là ám ảnh việc Mai giết tù bình, Mai cắt cổ chó làm tiết canh, cũng là ám ảnh việc Tư bán máu và gặp nhiều người bán máu ở quán Râu Xồm. Nguyễn Xuân Khánh dùng những cơn mơ này làm biểu tượng cho một thực tại. “Mưa máu đầy xác người” phải chăng là biểu tượng của chiến tranh!

TIỂU THUYẾT MIỀN HOANG TƯỞNG VÀ LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI

            Khi phân tích “chiến lược” kiến tạo tác phẩm, “chiến lược” dụng binh và các chiến thuật triển khai “trò chơi” chữ nghĩa của Nguyễn Xuân Khánh, tôi đã đặt tiểu thuyết Miền hoang tưởng trong cái nhìn của Lý thuyết trò chơi (Game Theory).

            Nguyễn Xuân  Khánh đã bày ra một sân chơi (tác phẩm Miền hoang tưởng) với những binh tướng đặt ở những vị trí then chốt (Tư và Ngà, anh chị Trần, vợ chồng Hưng, Minh, vợ chồng Ngọ, Mai). Khi người đọc dấn thân vào tác phẩm thì cũng là lúc “cuộc chơi” được mở ra và mở ra các nhân vật, giữa tác phẩm với người đọc và giữa tác giả với ngưởi đọc.

Chẳng hạn, người đọc sẽ dự đoán xem cuộc tình của Tư và Ngà sẽ tiến triển thế nào, tại sao Ngà bỏ Tư lấy Mai, tại sao Tư là người thua cuộc, điều ấy chuyên chở thông điệp gì? Chính số phận của Tư cũng là một “cuộc chơi” trong tay nhà văn. Nhà văn muốn Tư chuyên chở những thông điệp gì và tạo mọi phương cách cho Tư hành động để thể hiện thông điệp ấy. Dường như, Tư phải cõng trên lưng quá nhiều thông điệp “hoang tưởng” của nhà văn, nhưng Tư lại đuối sức, thành ra tất cả các thông điệp trong tác phẩm cuộn rối vào nhau, không thông điệp nào đủ sức thuyết phục người đọc.

Giữa Tư còn có “cuộc chơi” ngầm với Chúa, với chị Hưng và với chính mình.

 Cũng vậy “cuộc chơi” giữa anh Trần và Tư, rất căng thăng. Tư muốn lật tẩy cái ý thức công thần “đặc quyền” của anh Trần. Theo Tư, đó là không công bằng, và nó bộc lộ sự tha hóa, đánh mất lý tưởng cách mạng của anh Trần. Điểm mạnh của Tư để anh bám vào là, chính anh Trần là thần tượng lý tưởng của Tư để Tư đi theo, vậy mà anh lại phản bội lý tưởng, cho nên khi thua Tư, anh Trần đã tỏ ra căm thù Tư.

“Cuộc chơi” của Ngọ là cuộc chơi ở một sân khác. Ngọ là “một phần tử trí thức sa cơ[VII]. Anh dấn thân vào thời cuộc, anh bị loại ra, bị tù cải tạo, bị xua đuổi khỏi Hà Nội, bị dồn đến sự cùng cực: không nhà ở, không hộ khầu, không tem phiếu, hết cách kiếm sống phải bán máu, phải tự ăn thịt mình để sống. May mắn cho anh còn có tình yêu của Lan để vượt qua số phận.

Và sau cùng là “cuộc chơi” của tác giả với người đọc. Bạn đọc Miền hoang tường, cảm nhận của bạn thế nào? Thú thực, tôi thấy nản, truyện không hay. Chật chội, tù túng, và xa lạ với hiện thực những năm 1973-1974 ở miền Bắc. Cốt truyện đơn giản, hành động truyện nghèo nàn, kiểu văn “nông dân” cà kê dê ngỗng từ chuyện này kéo sang chuyện kia lê thê rối rắm. Những cơn mơ, những hình ảnh biểu tượng chưa đủ sức thể hiện chủ đề. Trái lại và có quá nhiều vấn đề được nói đến trong tác phẩm mà người đọc ngỡ rằng, tác giả không đủ sức cầm cương con ngựa tư tưởng-nghệ thuật, vì những chủ đề này, gặp chỗ nào, tác giả vung vãi ra chỗ ấy (thí dụ, đọc mảnh “Nhận dạng người”của Ngọ, Tư lại nghĩ đến lý thuyết chính trị của Hàn Phi Tử. Mơ thấy đám ma, nghe tiếng kêu của lũ thây ma không đầu: “Chúa đã chết”, người đọc hiểu tác giả muốn cài vào tác phẩm tư tưởng của Nietzsche. Nhưng Chuyện Hàn Phi Tư hay Nietzsche sau đó lại không được phát triển thành một vấn đề xã hội.

Về văn phong, Nguyễn Xuân Khánh chưa thoát khỏi ảnh hưởng của Nam Cao (quanh quẩn trong cái đói nghèo, miêu tả những cuộc đấu tranh nội tâm). Nguyễn Xuân Khánh thử nghiệm kiểu viết hai lá thư, một gửi, một không gửi để lộn trái hiện thực; thử nghiệm miêu tả Phân tâm học để Tư tự phân tích tâm hồn mình, nhưng anh lại không tự giải quyết được vấn đề về số phận mình. Khi gặp lại Ngà, anh nghĩ mình sẽ ở đâu, sẽ làm gì để kiếm sống…và Tư không có câu trả lời. Những hình ảnh biểu tượng như nhân vật Chúa, “giao hưởng Trương Chi”, những cơn mơ, con vượn trả thù Mai, những “hoàn cảnh điển hình” của Hưng, của Minh, của Ngọ…chưa bao quát được hiện thực lúc bấy giờ. Nguyễn Xuân Khánh chưa đủ sức xây dựng nhân vật Chúa, hoặc đúng như Chúa trong tôn giáo, hoặc như những nhân vật Bụt, tiên trong văn học dân gian. Nguyễn Xuân Khánh miêu tả Chúa có hai mặt, và Chúa có nhiều mặt. Chúa chỉ dọa nạt và ngọt ngào với Tư là để cầm tù Tư. Chúa lại sử dụng tên quỷ đầu trâu cầm đinh ba cảnh báo Tư… những miêu tả như thế là mất thiện cảm của người đọc truyền thống.

Như vậy, cả chiến lược kiến tạo tác phẩm, chiến lược chinh phục người đọc và việc triển khai “cuộc chơi” chữ nghĩa trong Miền hoang tưởng, Nguyễn Xuân Khánh đều chưa đạt tới cái mục đích mong muốn. Những điều này ông khắc phục được ở tác phẩm viết sau là Chuyện ngõ nghèo. Ở Chuyện ngõ nghèo, những chủ đề-tư tưởng được đẩy cao hơn, có tính thống nhất và triệt để hơn. Hệ thống hình ảnh biểu tượng sinh động và hàm nghĩa hơn, khái quát được một hiện thực khốc liệt hơn. Dù vẫn còn ảnh hưởng Nam Cao, song Nguyễn Xuân Khánh bộc lộ một cốt cách nhà văn tài năng hơn, bản lĩnh hơn.

Tháng 12/ 2021

CHUYỆN NGÕ NGHÈO & “Lý thuyết trò chơi”

Đọc CHUYỆN NGÕ NGHÈO,

Một thử nghiệm “Lý thuyết trò chơi

***

Bùi Công Thuấn

Một bàn cờ thế

            Việc áp dụng Lý thuyết trò chơi (Game Theory) vào phê bình văn học ở Việt Nam còn mới mẻ và không tránh được những ngộ nhận về lý thuyết này [1]. Người ta đánh đồng Lý thuyết trò chơi (Game Theory), lĩnh vực toán học ứng dụng nghiên cứu các tình huống phụ thuộc lẫn nhau giữa các tác nhân thích ứng, với sự chơi (giải trí) trong văn hoc (playing in Litterature) [2]. Bài viết này như một thử nghiệm áp dụng Lý thuyết trò chơi vào phê bình một tác phẩm văn học cụ thể là tiểu thuyết Chuyện ngõ nghèo (Trư Cuồng) của Nguyễn Xuân Khánh. Để từ đó, may ra rút ra được điều gì có thể góp thêm vào các phương pháp phê bình văn học đã quen thuộc ở Việt Nam.

SƠ LƯỢC VỀ LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI

Trước hết cần xác lập nội hàm các thuật ngữ:  “chơi” (Play), “sự chơi” (Playing), trò chơi (Game), Lý thuyết chơi (Theories of Play) và “Lý thuyết trò chơi”(Game Theory).

Theo nghĩa tiếng Việt, “chơi” là hành động giả định, không thật, mục đích đem đến

sự khoái cảm, niềm vui, sự giải trí (đi chơi, nói chơi, “làm chơi ăn thật”, chơi đàn, chơi cờ, chơi chữ, chơi tranh, chơi thể thao…)…

Trò chơi là trò diễn để chơi. Quan sát trò chơi, người ta rút ra những quy tắc tổ chức, vận hành một cuộc chơi, đặt ra luật chơi, huấn luyện cách chơi, ràng buộc những điều kiện để định thắng thua…Tất cả những điều ấy khi được khái quát lên thành những nguyên tắc, những tư tưởng chỉ đạo, thì trở thành “Lý thuyết trò chơi”.

Khi đã trở thành một “lý thuyết” (tức là có tư tưởng, có hệ thống lý luận, có phương pháp, có thử nghiệm thực tiễn…) Lý thuyến trò chơi trở lại thực tế đem áp dụng vào nhiều lĩnh vực xã hội khác nhau như kinh doanh, quân sự, kể cả văn học…để giải quyết những vấn đề của cuộc sống.

Xin đọc:

An Introduction to Game Theory – Martin J. Osborne-University of Toronto;

A Primer in Game Theory – Robert Gibbons ;

An Introduction to Game Theory – Levent Koc¸kesen Koc¸ University-Efe A. Ok New York University;

Game Theoy and Litterature – Steven J.Brams – New York Universdity

Applying Game Theory in Literature – Herbert de Ley- University of Wisconsin Press  

1.Những đặc điểm của “trò chơi”

            Có nhiều yếu tố tạo thành một trò chơi.

Kiểu trò chơi. Mỗi trò chơi có hình thức “diễn” nhất định tùy theo mục đích chơi.

Hình thức “diễn” được quy định bằng luật chơi, các nguyên tắc chơi; bởi vì, cách tổ chức cuộc chơi, các đối tượng chơi khác nhau (trò chơi trẻ con, trò chơi vận động ở trại, chơi cờ tướng, chơi bóng đá, chơi chứng khoán..). Hình thức ”diễn” của trò chơi luôn là giả định cho một thực tế nào đó. Thí dụ: Bàn cờ, cuộc cờ là giả định của bàn cờ cuộc đời, hoặc giả định cho bàn cờ chiến cuộc). Sự thắng thua đem đến niềm vui.

“Người chơi” là người tham gia trò chơi (có thể hai người hoặc nhiều người). “Người chơi” là một thành tố quan trọng vì không có “người chơi” thì dù cuộc chơi có bày ra vẫn chưa thành một trò chơi; và hơn thế, người chơi quyết định cả cuộc chơi. Trước hết, người chơi là “lực lượng” trực tiếp chiến đấu trong cuộc chơi. Thí dụ: nhìn bàn cờ hai bên, mỗi bên có bao nhiêu quân, các quân ấy là quân mạnh (Xe, Pháo, Mã) hay quân yếu (Tốt, Sĩ, Tượng…), các quân ấy đứng ở vị trí nào, vị trí chiến lược hay bị vây ép? 

Người chơi xác định chiến lược, chiến thuật, kế họach hành động, triển khai các bước đi. Trong quá trình “chơi”, người chơi luôn phân tích chiến thuật chiến lược và kế hoạch hành động của đối phương để có những giải pháp phù hợp, thích ứng được với thực tế cuộc cờ đang diễn ra, đang biến hóa, đang phát triển, từ đó nắm bắt các cơ hội mới hoặc khắc phục những hậu quả yếu kém. Thí dụ trong chiến tranh Việt Nam, 5 đời tổng thống Mỹ đã thay đổi 5 chiến lược chiến tranh…

“Sân chơi” (bàn cờ, sân bóng, chiến trường, thị trường..) là nơi diễn ra cuộc chơi. Sân

chơi cũng là một yếu tố quan trọng. Một đội bóng chơi ở sân nhà có lợi thế hơn. Một nhà đầu tư khi đi đầu tư ở một thị trường lạ thường gặp khó. Chiến tranh ở rừng khác với chiến tranh ở đồng bằng và thành phố. “Sân chơi” cùng với nhiều yếu tố xã hội xung quanh (lịch sử, địa lý, văn hóa, chính trị, thiên nhiên…) gây ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc chơi. Sách Việt khó thâm nhập thị trường Âu, Mỹ vì trước hết là sự khác biệt văn hóa, khác biệt về “cộng đồng diễn dịch”.

Cuộc chơi nào cũng có “luật chơi”, tức là những nguyên tắc, những điều buộc mà

người chơi phải tuân thủ để bảo đảm cho cuộc chơi công bằng, minh bạch. Vi phạm luật chơi người chơi sẽ bị phạt hoặc bị loại. Cầu thủ phạm luật có thể bị phạt thẻ đỏ đuổi khỏi sân. Một người viết văn, anh ta phải biết dùng từ, đặt câu, xây dựng văn bản, kỹ năng tả tình, cả cảnh, viết đối thoại, thành thạo các thể loại, các bút pháp…và không được”đạo văn”, không được vi phạm luật xuất bản…

Trong cuộc chơi, các bên tham gia đều có các “chiến lược” chơi để giành phần thắng.

Sai lầm về chiến lược tất yếu sẽ dẫn đến thất bại. Chiến lược là tư tưởng, là con đường dẫn đến mục tiêu. Từ chiến lược, người ta hoạch định kế hoạch, nội dung, phương pháp hành động, triển khai các bước, các chiến thuật cụ thể thực hiện kế hoạch. Và khi nhận ra chiến lược bị sai, người chơi phải kịp thời thay đổi chiến lược. Trong kháng chiến chống Pháp, Quân Pháp muốn đánh nhanh thắng nhanh, Việt Minh sử dựng chiến lược “trường kỳ kháng chiến”, đánh lâu dài, với 3 giai đọan, sử dụng nhiều chiến thuật đánh du kích

“Đấu pháp” là cách chơi cụ thể trong từng mặt trận cụ thể (tức là chiến thuật). Trong

Tác chiến, người ta có thể đánh tổng lực (không quân, pháo binh, xe tăng, lục quân…) hay đánh du kích theo kiểu “tránh voi chẳng xấu mặt nào” để tránh tổn thất. Trong bóng đá, người ta có thể dùng cách đá áp sát, hoặc phòng thủ-tấn công, dùng đội hình 4-4-2 hay đội hình 3-5-2; chuyền bóng dài hay đá bật tường, tấn công biên hay tấn công trung lộ…Trong cờ tướng người ta dùng chiến thuật pháo đầu hay song xa…

Mục tiêu và chiến thắng. Bất cứ trò chơi nào cũng có mục tiêu và mục đích giành

chiến thắng. Trên bàn cờ tướng, mục tiêu là con cờ Tướng của phe bên kia. Người chơi cờ làm sao chiếu tướng mà phe bên kia không còn lối đi thì chiến thắng. Tất nhiên có khi hòa.

Sơ đồ đội hình chiến thuật bóng đá

2.Lý thuyết trò chơi (Game Theory)

Từ những đặc điểm sơ lược trên của trò chơi, người ta rút ra các nguyên tắc tổng quát,

hợp thành “Lý thuyết trò chơi”

Thí dụ:

Đề cương môn học Lý thuyết trò chơi của Đại học Luật TP HCM xác định mục tiêu cụ thể của môn học như sau: “Mục tiêu kiến thức:

Giới thiệu một số khái niệm cơ bản của Lý thuyết trò chơi. Phân tích một số “luật chơi” và chiến lược chơi trong kinh doanh qua tình huống thực tiễn.

Phân tích hành vi của các đối tác (đặc biệt là các doanh nghiệp) trên thị trường qua các vấn đề: Cạnh tranh hay hợp tác kinh doanh; chiếm lĩnh hay chèn ép thị trường; ra quyết định kinh doanh phù hợp

Trình bày các kỹ thuật sàng lọc thông tin, đánh tín hiệu.

Cung cấp các chiến lược đàm phán trên cơ sở phân tích hành vi đối tác, các yếu tố tạo nên sức mạnh đàm phán.

Đưa ra “ứng dụng Lý thuyết trò chơi” trong việc vạch chính sách: xây dựng một thể

chế lánh mạnh trợ lực cho nền kinh tế phát triển trong thời kỳ hội nhập”.

            Nhìn tổng quát, khi triển khai một kế hoạch theo Lý thuyết trò chơi, người ta căn cứ vào việc phân tích các yếu tố thực tiễn của trò chơi như đối tác, thị trường, …để từ đó xác lập chiến lược, vạch các chính sách, bố trí nhân sự, sử dụng các kỹ thuật triển khai kế hoạch hành động sao cho đạt được mục tiêu đã đề ra.…Chiến lược là yếu tố quan trọng bậc nhất. Sai lầm về chiến lược sẽ dẫn đến thất bại.

3.Áp dụng Lý thuyết trò chơi vào phê bình văn học

Người ta có thể áp dụng Lý thuyết trò chơi vào kinh doanh sách, quảng bá sách,

nghiên cứu thị trường sách, nghiên cứu các khuynh hướng độc giả…Bài viết này tập trung áp dụng Lý thuyết trò chơi vào phê bình văn học.

            Đã có nhiều phương pháp nghiên cứu văn học và phê bình văn học như: Phương pháp tiểu sử, Chủ nghĩa Hình thức, Phê bình Mới Anh, Mỹ. Ký hiệu học, Phân tâm học, Cấu trúc luận, Giải cấu trúc, Xã hội học văn chương của Bakhtin, Lý thuyết người đọc, Phê bình sinh thái, Phê bình Nữ quyền luận, phê bình văn hóa

            Áp dụng lý thuyết trò chơi vào phê bình văn học như thế nào.

Bước thứ nhất là phân tích các yếu tố của “trò chơi”.

Văn học gồm 3 yếu tố cơ bản: Nhà văn – Tác phẩm – Người đọc.

Tác phẩm là “sân chơi”.

Nhà văn và người đọc là “người chơi”.

Nhà văn khi viết tác phẩm là bày ra “cuộc chơi”, ông ta có mục tiêu gì, mục đích gì?

Ông ta bày binh bố trận ra sao? Ông ta có chiến lược gì để đạt mục đích?

Mục đích của nhà văn là in được tác phẩm và chinh phục người đọc (tác phẩm có nhiều người đọc), điều này chi phối quá trình sáng tạo của nhà văn.

Tại sao lại đặt mục tiêu in tác phẩm? Vì trong bối cảnh xã hội Việt Nam, việc in tác phẩm chịu sự ràng buộc của Luật xuất bản, sự thẩm định của Biên tập viên, sự quyết định của Nhà xuất bản…Đã có những tác phẩm không xin được giấy phép xuất bản. Chính vì thế, nhà văn phải định liệu xem nội dung sẽ viết những gì để không bị cấm? Tìm những cách ngụy trang nào nào có thể ”lách luật”? (thí dụ viết biểu tượng, ẩn dụ).

Tác phẩm in ra cần có người đọc, muốn thế, cuốn sách phải hấp dẫn nhiều đối tượng. Nhà văn luôn bận tâm viết thế nào để tạo ra sự hấp dẫn (từ câu văn đến nghệ thuật tả tình, tả cảnh, xây dựng nhân vật, chọn lựa bút pháp, sáng tạo những kiểu viết cá tính…). Mỗi nhà văn tự biết tìm ra cách viết hấp dẫn. Tóm lại, nhà văn phải có tài năng.

Mục tiêu của người đọc khi đọc tác phẩm là gì? Đọc giải trí hay đọc khám phá sáng

tạo… Làm thế nào để thâm nhập tác phẩm, để giải mã những ký hiệu, để khám phá những tầng những vỉa của ý thức sáng tạo, tư tưởng và nghệ thuật của nhà văn và giá trị của tác phẩm và để cảm thụ được hạnh phúc từ tác phẩm đem lại…Tóm lại, người đọc phải có năng lực đọc tác phẩm, phải thủ đắc các phương pháp phẫu thuật, giải mã tác phẩm.

Tác phẩm là một “sân chơi” thụ động. Vì khi bày xong cuộc chơi, thì “Tác giả

đã chết” (R. Barthes). Như vậy, trong cuộc “chơi tác phẩm” chỉ còn người đọc, là người chơi chủ động. Thuyết người đọc cho rằng nghĩa của tác phẩm là nghĩa của người đọc khi tiếp cận tác phẩm, nghĩa này có khi khác với chủ đích của tác giả. Nghĩa của tác phẩm tùy thuộc vào “Tầm đón đợi” và tùy thuộc vào “cộng đống diễn dịch”.

Sơ lược như thế để thấy rằng, khi áp dụng Lý thuyết trò chơi vào phê bình văn học,

nhà nghiên cứu phải thực hiện nhiều công đoạn. Đó là phân tích kỹ tác giả-độc giả (đối tác), phân tích tác phẩm (sân chơi: các yếu tố của tác phẩm như ngôn ngữ, cấu trúc, nhân vật, bút pháp, kiểu tư duy nghệ thuật, phong cách…); phân tích cuộc chơi (để tìm ra các chiến lược, các chiến thuật, của cả tác giả và người đọc) tập trung ở khả năng sáng tạo của nhà văn và khả năng tiếp cận, giải mã tác phẩm của người đọc; phân tích môi trường chính trị, lịch sử văn hóa là bối cảnh của văn học, đồng thời phải xem xét tác phẩm trong “môi trường cạnh tranh” với các tác phẩm đi trước hay cùng thời. Trong các công đọan phân tích theo Lý thuyết trò chơi thì việc tìm ra  các chiến lược, chiến thuật của nhà văn và của người đọc, là yêu cầu tiên quyết.

            Để làm được điều ấy, nhà phê bình phải sử dụng các phương pháp phê bình khác làm công cụ. phương pháp Tiểu sử của Saint Beuve là dùng tiểu sử tác giả để lý giải tác phẩm. Chủ nghĩa Hình thứcPhê Bình Mới  tập trung vào văn bản tác phẩm, vào sự “lạ hoá’, để tìm ra những phẩm chất văn chương. Ký hiệu học tìm ý nghĩa của những ký hiệu của ngôn ngữ và tìm cách giải mã các biểu tượng, các hình tượng văn học. Xã hội học văn chương của Barkhtin hoặc Phân tâm học, Cấu trúc luận,  Giải Cấu trúc sẽ giúp nhà phê bình phân tích những mặt khác nhau của tác phẩm. Lý thuyết người đọc đem lại một cách nhìn mới về tác phẩm văn học từ phía người đọc…

            Có thể nói, có một cuộc đấu trí giữa người đọc và tác giả trong trò chơi trí tuệ là tác phẩm văn học, bởi đó là thế giới tư tưởng-thẩm mỹ. Tác giả gói rất kỹ chủ đề, tư tưởng, thái độ diễn ngôn trong nhiều tầng lớp ngôn ngữ nghệ thuật. Người đọc phải tìm ra con đường tiếp cận đúng nhất để thâm nhập tác phẩm. Điều này không phải người đọc nào cũng làm được. Xin thử đọc truyện ngắn của F.Kafka. Nhà phê bình Hoài Thanh đã từng bất lực trước thơ Siêu thực.

Vậy Lý thuyết trò chơi áp dụng vào văn học đem lại điều gì mới?

Nó giúp nhà phê bình tìm ra “chiến lược” sáng tác và tiếp cận tác phẩm văn học, từ

đó lý giải các yếu tố khác của tác phẩm, soi rọi sâu hơn vào những tầng ý nghĩa mà tác giả không trực tiếp nói ra, và đọc những “mật ngữ” mọi người đều có thể biết nhưng giữ im lặng…

LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI VỚI CHUYỆN NGÕ NGHÈO của Nguyễn Xuân Khánh

1.Chuyện ngõ nghèo và những “Đại tự sự”.

Chuyện ngõ nghèo (Trư cuồng) của Nguyễn Xuân Khánh viết từ 1982, mãi đến 2016 (gần 35 năm ) mới in được. Trong một thời gian dài như vậy, khát vọng in tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh lớn như thế nào, bởi vì Nhà văn viết tác phẩm với mục đích viết về Hà Nội, nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình”.

Tại sao phải mất 35 năm tác phẩm mới được in? Câu trả lời rõ ràng là khi bối cảnh xã hội đã thay đổi, khi những vấn đề tác giả đặt ra đã qua đi không còn khả năng “gây hại” cho xã hội, và khi “cộng đồng diễn dịch” đã nhận thức khác, đã tiếp nhận tác phẩm khác đi, người ta thấy “an toàn” thì Chuyện ngõ nghèo được in.

Có người cho rằng cái tên Chuyện ngõ nghèo, nghe nó nhẹ nhàng, hiền lành hơn cái nhan đề “Trư cuồng”, nên nó dễ được nhà xuất bản cho qua! Bởi vì Chuyện ngõ nghèo chỉ là chuyện dân Hà Nội nuôi heo những năm 1980, chẳng có gì to tát. Bây giờ là thời toàn cầu hóa với những công ty, những dự án hàng ngàn tỷ đồng, chuyện nuôi vài con heo chỉ giá vài trăm bạc đã là “cổ tích”. Đấy là nói về cái “môi trường”chính trị xã hội nơi tác phẩm sinh ra.

Nhưng nội dung cuốn sách nói gì khiến cho các nhà xuất bản phải e ngại, chùn bước khi định in?

Nội dung Chuyện Ngõ nghèo là những gì ghi trong cuốn nhật ký của nhân vật Hoàng. Cuốn nhật ký ghi lại quá trình Hoàng nuôi heo. Hoàng nuôi mấy con ỉ và con Lợn Bò trong cái chuồng cạnh nhà. Con này mau lớn nên Hoàng đặt tất cả sự say mê kỳ vọng và dồn hết sức cho nó. Rồi Hoàng bị ốm. Anh hôn mê, chập chờn trong những ký ức, những các mộng. Anh đi vào Hỗn Mang, đi qua Bãi Chết, tới xứ sở Cực Thiên Thai. Sau 30 ngày, anh hồi tỉnh và dần bình phục. Anh hỏi thằng con về tình hình gia đình lúc anh ốm. Nó nói đã phải bán tất cả lợn anh nuôi để lo thuốc men cho anh. Thế là công cốc. Nuôi heo để kiếm sống ai ngờ công nuôi heo chỉ đủ tiền thuốc cho anh.

Vâng, nội dung  triểu thuyết Chuyện Ngõ nghèo là “rất hiền lành”. Chuyện của một nhân vật chính (Hoàng), của một gia đình lao động nhỏ, chồng nuôi heo, vợ đi làm, con đi học. Tức là bối cảnh của truyện rất hẹp. Tác giả không mở rộng miêu tả trực tiếp bất cứ bối cảnh hiện thực nào khác; ngoại trừ trong những giấc mơ sảng, Hoàng có “nhớ lại” hình ảnh những con người, những sự việc thời Cải cách ruộng đất (chuyện của anh cán bộ Thái, của Tí Giò, đồ tể Hợi), hoặc vài chi tiết về chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ (anh bộ độ “B quay” tên Lan).

Vậy điều gì trong Chuyện Ngõ nghèo cản trở sự xuất hiện của tác phẩm?

Đó là những quan điểm chính trị, quan điểm sống, quan điểm triết học của Nguyễn Xuân Khánh được nói thẳng ra qua lời của nhân vật Hoàng và hai người bạn là Lân và Tám. Những quan điểm này, cho đến tận bây giờ (2021) vẫn trái ngược với những quan điểm “chính thống” của Đảng.

Đây là diễn ngôn chính trị của nhà văn:

Đấu tranh giai cấp” là hạt nhân của học thuyết Mác Lê nin. Nguyễn Xuân Khánh diễu nhại: “Chuồng lợn cũng là một sân khấu chính trị”; “Lò mổ cũng là sân khấu chính trị”; có cả đấu tranh giai cấp trong chuồng lợn? [Nhật ký ngày thứ 26]. Triết học Mác Lê Nin về Chủ nghiã Duy vật cũng bị diễu nhại. Hoàng nói chuyện với Đốt: “Chúng tôi đã trở nên con người cuồng tín, những kẻ cực đoan. Chúng tôi đã đạp đổ các thần linh và đem con người lên địa vị thần linh. Chúng tôi muốn đi tới chỗ hoàn thiện hoàn mỹ. Và chính đấy là bi kịch mà chúng tôi không biết[Nhật ký ngày thứ 62]. Hoàng nói về Cách mạng: “cách mạng sẽ chỉ đẹp đẽ và hấp dẫn khi nó nhân đạo hơn, dân chủ hơn, vừa tầm vóc con người hơn mọi lý tưởng khác”;”…Cách mạng cần phải được thiên khải[Nhật ký ngày thứ 50]. Hoàng nói về lý tưởng: “Ôi! Cái thế hệ ngây thơ, lý tưởng chủ nghĩa của tôi đã bỏ cả tuổi xanh đẹp đẽ của mình và đầu óc đầy những ảo tưởng đẹp đẽ. Bây giờ, chúng tôi còn cần gì nửa đâu. Chúng ta đang đứng trước một ngõ cụt”.”[Nhật ký ngày thứ 50].

Cực Thiên Thai cũng là một hình ảnh diễu nhại về cái gọi là “một nơi người ta đang thực hiện những mơ ước tốt đẹp nhất của loài người” mà người đọc có thể liên tưởng đến cái gọi là “thiên đường cộng sản” trong học thuyết Marx. “nó là Xứ-Không-Nước-Mắt”,” “là một xứ cực kỳ khoa học”. Các nhà bác học có thể tạo ra những con người theo đơn đặt hàng. Ví dụ, em thích có một đứa con tóc đen, mắt xanh mũi dọc dừa, hát hay và có năng khiếu về cơ khí. Như vậy em sẽ đến viện sinh đẻ, đưa ra yêu cầu đó”. “Ở đây, chúng tôi quản lý xí nghiệp bằng sinh học, bằng hóa học, bằng vật lý học …”; “người ta còn dùng cả hóa học vào pháp luật”. “Gia đình cũ gồm hai vợ chồng và con cái nay đã bị phá bỏ”; “Vấn đề sinh đẻ thuộc về kế hoạch nhà nước…Ví dụ, nhà nước năm nay cần đẻ thêm mười nghìn dân, trong đó, chín nghìn công nhân, mười nhà bác học, chín trăm kỹ sư và chín mươi người làm nghệ thuật các loại. Những người đàn bà phải đến viện sinh đẻ nơi mình ở để đăng ký thực hiện nghĩa vụ sinh đẻ”; “Có những người đàn bà và đàn ông siêu đẳng về một mặt nào đó, thường hàng tháng phải đến cung cấp trứng và tinh trùng cho trại giống nhân chủng”. “Nói thực, chúng tôi ở đây chẳng tin ai.”;” Ai cũng là người theo dõi kẻ khác, đồng thời là người bị theo dõi. Nhưng may thay cơ quan mật vụ ở đây đã sản xuất ra được những viên gạch thám tử”… “Người đứng đầu Cực – Thiên – Thai tên là A1, hay còn gọi là công dân số 1. A1 xây dựng đất nước này trên nền tảng triết học gọi là: chủ nghĩa cực kinh tế – cực duy lý – cực khoa học”… chủ nghĩa sinh học, một lọai “khoa học phản bội con người”… Và bất ngờ thay, kẻ thống trị, công dân A1 ấy, lộ nguyên hình là con Lợn Bò khi bị “Chân tướng kính” của Tám soi chiếu.

Đây là nhận thức của nhà văn về thân phận con người trong thời đại của mình:

Qua những lần Hoàng bị thẩm vấn, cả trong thực tế lúc anh nuôi lợn và trong mơ, thời năm 1953, hình ảnh người sĩ quan thẩm vấn hiện lên như một biểu tượng của thời đại, đeo bám,  ám ảnh suốt đời anh. Lúc nào Hoàng cũng cảm thấy bị rình mò, theo dõi, trấn áp. Hoàng nói về chính mình khi soi chiếu với vợ: “Một người đàn bà phải lấy một người chồng lúc nào cũng ngay ngáy những theo dõi, thẩm vấn, những đe dọa tù đày!”[Nhật ký ngày thứ 45]. Có lúc Hoàng phải kêu lên khi thấy con Lợn Bò nhìn mình: “Tại sao người cứ rình mò ta? Sao người không để ta yên. Đây là chuồng lợn, hãy nhớ đây là chuồng lợn”[Nhật ký ngày thứ 34].Tại sao? Câu trả lời là: vì anh là người cầm bút viết để “nói lên sự thật”, để giữ lấy một chút “nhân phẩm”[Nhật ký ngày thứ 49].

 Những người như Hoàng, Tám, bị quy kết là những kẻ có tư tưởng chống Đảng [Nhật ký ngày thứ 45] phải bị cải tạo, bị tẩy não [3].Và vì thế anh sống trong bóng tối dày đặc, trong cô đơn tuyệt vọng, trong bất lực và sợ hãi, triền miên trong nỗi buồn muôn thuở. Trong một bầu khí xã hội như thế, những người lương thiện như Hoàng, Lân, Tám đều trở nên điên khùng, cả với nghĩa ẩn dụ và trong đời thực. “Tám đang học năm thứ ba khoa sinh vật trường đại học tổng hợp thì chúng tôi được gọi nhập ngũ. Năm ấy là năm 1967; chúng tôi vào Nam chiến đấu. Người ta phân chúng tôi vào một đon vị đặc công. “Tám gàn” bây giờ lại được bớt dấu huyền để trở thành “Tám gan”.Tám thương bạn và giỏi trèo cây. Năm 1970, Tám bị thương vào đầu được giải ngũ. Quay trở về hậu phương, Tám học xong Tổng hợp. Hình như anh có trải qua một cuộc tình đầy bất hạnh, và hình như Tám cũng trải qua oan trái và vào tù, nhưng Tám không nói cho ai biết. Kết thúc tác phẩm là hình ảnh Tám, anh bộ đội thời chống Mỹ, lưng đeo ba lô bị điên, bay từ trên cây cao xuống đất chết. Riêng một mình Hoàng biết Tám đã bị móc mất não.

Trong mắt nhìn của Hoàng, qua hình ảnh những con lợn thì xã hội Hoang đang sống là xã hội của những Lợn ngườiNgười Lợn.

Chương viết về Tí Giò trong Cải cách ruộng đất có thể là một điển hình cho tình cảnh của bao người sống nhục chết oan do những chính sách “sai lầm” gây ra. Cái chết của người cán bộ trung kiên tên Thái mà trước khi bị bắn anh còn hô to “Đảng Công sản muôn năm”. Cái chết đầy uất hận của Lan, người lính đi B trở về bị dồn vào con đường chết, Lan thề sau khi chết hồn sẽ hiện về giết chết Tí Giò; tiếng kêu bi thiết của ngưởi đàn bà xin được trói tay lỏng một chút để bồng con… Thế nhưng những oan sai ấy lại được “đồng chí cán bộ sửa sai” Cải cách ruộng đất biểu dương rất đẹp: “Phải hiểu rằng các đồng chí cốt cán rất triệt để cách mạng. Họ sai bởi vì họ quá triệt để. Nhưng triệt để cách mạng là một phẩm giá cao quý nhất”.

Cái sai của họ là “Ác”. Nguyễn Xuân Khánh tô đậm cách giết người bằng dao lá lúa như giết lợn. Cách tô đậm này để tố cáo cái ác và làm cho người đọc thấy kinh sợ cái ác.  Hành động giết lợn bằng dao lá lúa được miêu tả từ lúc học nghề đồ tể của Hợi, của Tí Giò đến thực tập đồ tể của Linh (con của Hoàng), và sau đó là hành động giết người man rợ của Tí Giò.

Tí đã nằm phục trong chuồng heo 13 ngày để giết lão Chánh Hưng. Đây là cách Tí giết lão Chánh Hưng: “Tí, lập tức chồm ngay dậy và lưỡi dao lá lúa đã sáng loáng vung lên thọc trúng tim lão quản. Lão chánh rống lên ồ ồ, hai tay ôm lấy ngực, chạy vào nhà và chết ngay dưới chân giường vợ bé”.

Đây là tính cách đồ tể của Tí với anh Thái: “Tí đã dũng mãnh xông lên, rút con dao đồ tể mỏng như lá lúa mà anh thường giắt bên người. Bằng một đường dao chính xác, ngọt ngào, anh đã đâm từ cổ thọc xuống tim người đội trưởng du kích người dẫn đường anh khi xưa. Thái ngoẹo đầu xuống, hình dáng hệt như chúa Giê Su chịu nạn. Lúc chết, mắt Thái vẫn mở to. Đôi mắt như ngơ ngác, như băn khoăn, như bàng hoàng, vì chưa hiểu ra một điều gì đó thật kỳ quái. Khi Tí rút con dao lá lúa ra, dòng máu ở cổ Thái vọt dài”.

 Đây là cách Tí dùng trói lợn để bịt mồm bịt miệng người lính “B quay” tên Lan. Bị trói vào cọc nhưng Lan giãy giua, nói to và mở to mắt kêu oan: “Tí cầm chiếc dây cao su quấn ghì đầu Lan vào chiếc cọc tre. Ông vòng dây cao su ngang mồm Lan; Lan há mồm định nói, nhưng chiếc dây đã lanh lẹn ngáng qua, chịt hàm răng lại. Quấn hai vòng cao su xong, Lan bặt nói, nhưng chiếc khăn đen bịt mắt lại tụt xuống. Ánh mắt lúc này còn sáng quắc hơn lần trước. Có lẽ bị bịt hết cửa biểu hiện rồi nên toàn thể tinh lực căm giận phải tuôn trào hết ra ánh mắt. Tinh lực ấy làm ngầu đôi mắt, nó đẩy hai nhãn cầu lồi ra phía trước”.

Và khi Hoàng định nhổ cái cọc trói tử tội đi thì Tí Giò “vung con dao lá lúa đâm thẳng vào trái tim tôi. Tôi thét to và ngất lịm …”

Sau khi Hoàng tỉnh lại, Hoàng lại nghe Hợi hướng dẫn cho Linh cách giết con Lợn Bò:

 “- Bình tĩnh nhé. Cắt ngang chỗ này, rồi thọc dao vào chính giữa, đâm thẳng dao

chui vào lồng ngực, sau đó lách nghiêng sang trái. Nó nặng đầy tạ, khổ mỡ dầy, nên phải đâm thật sâu…- Quấn dây cao su vào mồm, cho nó khỏi kêu… Xong chưa? Đừng có run tay… đâm cho thật chính xác, kẻo rồi dao lại chui vào nách lợn. Tốt! Tốt! Cứ như thế… Tiến lưỡi dao về phía ức. Khá lắm! Trúng rồi! Dao chui vào ngực rồi… Nhích mũi dao sang trái, về phía tim. Có thể ngoáy dao cho đứt hết mọi mạch máu chằng chịt quanh tim… Chúa lắm! Đè mạnh vào chuôi dao, tạo lỗ cho máu chảy ra…”

            Việc tô đậm cảnh giết chóc này hẳn là có mục đích. Nguyễn Xuân Khánh khái quát cái thời đại ông sống: “Trong trái tim ai cũng lấp ló một anh đồ tể”; “Té ra tôi là một anh đồ tể, tôi đã chọc tiết vợ con tôi”.

Nguyễn Xuân Khánh nói về thế hệ mình:

    Thế hệ chúng tôi là thế hệ những người anh hùng và cả những người sắm vai anh hùng…bừng bừng ở những khung cảnh vĩ mô, ngột ngạt sặc sụa ở những khung cảnh vi mô, đến nỗi chúng tôi không phân biệt nổi khi nào ta thực, khi nào ta giả. Chúng tôi lên đồng đến nỗi không nhìn ra được cái ngô nghê thảm hại khi mình rởm ấy…lắm lúc ngẩn ngơ thấy trong mình thiếu vắng một cái gì rất cơ bản mà mình không xác định nổi; run rẩy vì chợt có lúc thoáng thấy nỗi sợ hãi của phi nhân“.

Nguyễn Xuân Khánh còn nói về nhiều vấn đề khác. Chẳng hạn,  hoàn cảnh đói nghèo làm tha hóa con người, tình trạng khùng điên bế tắc của người trí thức, sự đổ vỡ của gia đình…”Lại thiếu gạo. Lại hốt hoảng chạy vạy…Lại eo óc, gắt gỏng cấu xéc càu nhàu. Lại bực bội vì tiền vì miếng cơm. Lại tính toán ti tiện. Cái tế nhị âu yếm thời xưa, vợ chồng tôi đánh mất lúc nào chẳng hay…Tôi nghẹn lại, tắc lại. Tiếng nói của tôi biến mất[Nhật ký ngày thứ 20]

Hoàng kêu lên: Tôi, một con vật người nhai rau đang nghĩ suy về đạm. Ở bên kia vách, con lợn Bò của tôi cũng đang tóp tép nhai rau. Lợn ơi ! Mày có nghĩ ngợi gì khi mày cắn một cọng rau, một lá bèo trong miệng? Không biết, vào giờ này, có con người đạm nào còn thức và đang trằn trọc như ta không?”[Nhật ký ngày thứ 21]

Trong cái nhìn của nhân vật Hoàng (tức nhà văn Nguyễn Xuân Khánh). Chính môi trường kinh tế, chính trị xã hội thời bấy giờ (trước đổi mới 1986) đã dồn ép con người vào đường cùng, làm tha hóa họ, làm họ khùng điên và sau cùng giết chết họ một các dã man. Cái chết của Lan và của Tám là hết sức thương tâm. Một người bị tước hết quyền sống, một người bị phẫu thuật đầu người mình khỉ, bị móc mất não.

Tất nhiên với cái nhìn như thế về thực tại Hà Nội những năm 1980, thì Chuyện ngõ nghèo không thể in được. Bởi những diễn ngôn của nhà văn trái với những “đại tự sự” của thời đại.

2. Chiến lược kiến tạo Chuyện ngõ nghèo.

Nguyễn Xuân Khánh làm thế nào để Chuyện ngõ nghèo có thể đến được với độc giả? Điều này chính là chiến lược kiến tạo tác phẩm của nhà văn. Và người đọc phải có chiến lược giải kiến tạo tác phẩm.

Chuyện ngõ nghèo là một cuốn nhật ký. Đây là lời giới thiệu của tác giả Nguyễn Xuân Khánh:

    Nhật ký này là của ông Nguyễn Hoàng; ông Nguyễn Hoàng làm nghề viết báo , kiêm nghề nuôi lợn .

Có lẽ, khi làm nghề cầm bút, ông đã phạm một cái cái “húy” gì đó nên bị thất sủng, phải về nghỉ hưu tuy chưa đến tuổi. Ông là ngươì lớn tuổi, lại mắc bệnh nghề nghiệp nên thích ghi chép. Ông đã ghi lại khá tường tận, thú vị công việc chăn nuôi của mình.

Xét thấy nhật ký này có điều hay hay, nên cố sưu góp lại để các bạn cùng đọc.”

Lời giới thiệu này nhắc người đọc rằng đây không phải là truyện của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, mà là truyện của một ông nhà báo nào đó tên Hoàng, không cần biết nhân thân cụ thể (vì là truyện). Mọi suy nghĩ, nhận thức, phát ngôn là của Hoàng, không phải của Nguyễn Xuân Khánh, và không được quy kết cho Nguyễn Xuân Khánh. Xin lưu ý, nhân vật văn học không phải là tác giả, ngay cả khi tác giả đặt mình làm nhân vật như nhân vật đồng chí Khải trong truyện Một người Hà Nội của Nguyễn Khải.

Cuốn nhật ký Chuyện ngõ nghèo có cấu trúc như sau: phần 1: nhật ký nuôi lợn của Hoàng. Phần 2, Hoàng ốm, mê man, lạc vào Hỗn mang, vào Bãi chết, vào Cực Thiên Thai. Phần Ba: Hoàng tỉnh lại và bình phục, tiếp tục ghi nhật ký.

Như vậy, ngoài phần ghi nhật ký việc nuôi con Lợn Bò từ nhỏ đến khi lớn và thằng Linh giết Lợn Bò để có tiền thuốc cho Hoàng, các phần còn lại là “hiện thực” trong những cơn mê sảng, những ác mộng đan xen với ký ức. Tất cả những “hiện thực ảo” này Hoàng không phải chịu trách nhiệm, vì nó xảy ra trong lúc anh hôn mê, ngoài tầm kiểm soát của ý thức. Thế nghĩa là tác giả Nguyễn Xuân Khánh không liên quan gì.

Ngoài phần  ghi chép 83 ngày về nuôi lợn là hiện thực, tất cả những ghi chép khác về cõi Hỗn Mang, về Bãi Chết, về xứ Cực Thiên Thai chỉ là ảo, là biểu tượng, là viễn tưởng. Nơi nào còn có con Nhân Trư – mình người đầu lợn, bắt người ta phải giải câu đố: Con gì sáng ăn thịt người, trưa nghỉ, tối ăn thịt người? Làm gì có nơi nào gọi là Cực Thiên Thai, con người ở nơi ấy chỉ vui, lãnh đạo nơi ấy điều khiển bằng khoa học, bằng chủ nghĩa sinh học? Nơi ấy, mỗi con người đều rình rập người khác và bị rình rập, mỗi viên gạch đều là thám tử? Nơi nào người ta có thể tạo ra giống người như ý muốn! Làm gì có chuyện ráp đầu người vào mình khỉ để làm thay đổi tư duy Người, và khi không thay đổi được thì móc não người đi (Tám là người như thế). Thế có nghĩa là, tất cả những cảnh, những vật, những sự việc xảy ra ở Hỗn Mang, về Bãi Chết, về xứ Cực Thiên Thai dù có mang bóng dáng đời thực (như là Cải cách ruộng đất) thì vẫn là biểu tượng.

Chuyện ngõ nghèo là một hệ thống biểu tượng, vừa ảo, vừa thực. Thí dụ, trong Cải cách ruộng đất, Tí Giò phục kích giết Chánh Hưng, Tí Giò đấu tố ông chú Hương Tẹo, giết anh cán bộ Thái, giết anh bộ đội “B quay” tên Lan, tất cả là thực, thì ngay cả những “việc thực” ấy cũng trở thành biều tượng mang nghĩa khái quát cao hơn, thâm hơn. Và như thế, chuồng lợn, đàn lợn, con Lợn Bò, việc nuôi lợn cũng trở thành biểu tượng đa nghĩa. Ngay cả cách giết lợn bằng dao lá lúa, hình ảnh người sĩ quan thẩm vấn, các nghiên cứu Bách khoa toàn thư Lợn của Lân, cái Kính chiếu Trư, “Chân tướng kính”, virus Poóc xi nô ma ni ! cũng là biều tượng. Đã là biểu tượng, không phải thật, lại là trong cơn mê sảng của Hoàng, một người không rõ nhân thân, thì không thể quy kết cho tác giả Nguyễn Xuân Khánh được.

Chiều sâu của ý thức sáng tạo của Nguyễn Xuân Khánh là khát vọng tự do, khát vọng nhân bản, khát vọng hạnh phúc, khát vọng Cách mạng tốt đẹp hơn, khát vọng một thế giới đầy tình người, không phải là Cực Thiên Thai chỉ là khoa học, máy móc và man rợ. Đây là những khát vọng:

Cuộc cách mạng của chúng ta mới chỉ làm được công việc phá vỡ xong cái vỏ. Thoái khỏi ách đế quốc mới chỉ là thoát cái vỏ nô lệ. Còn cái cốt lõi của sự nô lệ, nó nằm trong tâm hồn ta, …quá trình rối loạn, tan rã trong xã hội hiện nay chính là quá trình đập vỡ sự nô lệ bên trong ta, để cho những mầm mới nảy sinh..[Người khổng lồ vác nặng]

Đất nước chúng ta đang rơi vào một chủ nghĩa hư vô. Người ta đã dè bỉu, rồi xóa tất cả những cái nhân đạo xưa, để thay vào đó bằng một thứ chủ nghĩa nhân đạo mới, ở đó bóng dáng con người mờ nhạt. Người ta vẫn rao giảng một cái gì đó quá ư khoa trương, đẹp như một ống kính vạn hoa, để rồi con người soi mình vào đó và không thấy khuôn mặt mình ở đâu cả. Cái áo quá đẹp ấy không hợp với kích cỡ con người. Chúng tôi chán ngấy sự ồn ào mĩ miều và chỉ thèm một thứ nhân đạo đích thực, ở đó người nào nhìn vào cũng thấy khuôn mặt của mình.[Nhật ký ngày thứ 50]

Trong “chiến lược kiến tạo tác phẩm” thì Nguyễn Xuân Khánh sử dụng một sách lược xây dựng nhân vật” khá biến hóa.

Ở tuyến nhân vật chính có Hoàng và vợ, Linh là con; hai người bạn là Tám và Lân. Họ là những con người hiền lành lương thiện với nhiều khát vọng, có thể họ là những người “ngây thơ” về lý tưởng. Hoàng là người viết văn, muốn nói lên sự thật và quyết giữ lấy nhân phẩm, giữ lấy chút hy vọng về một thời đại tốt đẹp. Vợ Hoàng là công nhân, một người đàn bà truyền thống, cần cù nhẫn nhục và thực tiễn. Nhiều lần chị khuyên chồng bỏ viết. Chị cũng là người chăm sóc anh tận tình. Linh là đứa con đang học đại học, lại say mê đọc Trang Tử, Linh cũng có những tra vấn về hiện thực. Cậu cũng thường có những suy nghĩ trái ngược với Hoàng. Lân là một nhà nghiên cứu Bách Khoa về lợn, anh muốn tìm ra bản chất vấn đề Lợn người-Người Lợn. “có một luận điểm nói rằng, một chiều kích của bản chất người là lợn”. Những “khám phá” của anh có giúp soi sáng cái nhìn của Hoàng. Tám là anh bộ độ chống Mỹ, bị thương, là người đã chế ra “kính chiếu Trư” và “Chân tướng kính” giúp Hoàng nhìn rõ bản chất Lợn trong những kẻ xấu, kẻ ác. Cũng phải kể đến anh cán bộ kháng chiến tên Thái và anh bộ đội “B quay” tên Lan, hai người này bị Tí Giò giết, và anh bội đội tên Vinh chết trong nỗi chờ đợi, hy vọng Liên xô sẽ giúp Việt Nam thay đổi.  Những con người “lương thiện” này” đã bị “thời đại” (môi trường kinh tế, bầu khí chính trị) vây khốn. Hoàng, Tám, Thái, Lan phải nhận lấy số phận bi thảm oan sai.

Ở tuyến phản diện có nhân vật viên sĩ quan thẩm vấn, Đồ tể Hợi, phụ tá trường bắn Tí Giò…Các nhân vật này được miêu tả chân dung rất kỹ. Tác giả muốn khắc họa khuôn mặt “Cái ác” của thời đại. Sĩ quan thẩm vấn đeo bám Hoàng riết suốt từ thời kháng chiến chống Pháp (1953) đến thời hiện tại (Hoàng nuôi lợn và viết văn). Anh ta dùng đủ mọi kiểu “lý luận” để quy kết Hoàng tội chống Đảng, mặc dù anh ta không có chứng cớ cụ thể. Nhân vật này là một kiểu nhân vật khủng bố tinh thần. Tuy anh ta không đưa được Hoàng vào trại giam, song làm cho Hoàng bị ám ảnh mọi nơi, mọi lúc, cả trong lúc hôn mê lạc vào Cực Thiên Thai. Bóng dáng anh ta có mặt trong khắp tác phẩm. Nhân vật Tí Giò là một điển hình cho cái ác thời Cải cách ruộng đất, còn nhân vật Hợi là điển hình cho loại “Đồ tể” thời đại. Những nhân vật này được xây dựng ở tư thế “người chiến thắng”, ngoại trừ Tí Giò bị ám ảnh ở những cái chết oan sai mà chết. Chính sự chiến thắng của các nhân vật đại diện cho “cái Ác” này làm nghiêng lệch chủ đề và làm rõ thái độ diễn ngôn của tác giả. Đó là một “chiến lược dụng binh” của nhà văn.

Dù vậy, người đọc cảm thương rất nhiều cho các nhân vật bị “oan sai”. Sự kiên định lý tưởng viết của Hoàng trước người sĩ quan an ninh, cái chết “trung liệt, bất khuất” của người cán bộ kháng chiến tên Thái, cái chết dữ dội căm thù của Lan trước oan sai , cái chết bi thảm của Tám (con người bị phẫu thuật đầu người mình khỉ và bị móc mất não), cái chết đầy hy vọng (ảo tưởng) của Vinh, thái độ mạnh mẽ, thực tiễn của vợ con Hoàng…tất cả những điều ấy được miêu tả hết sức thương cảm và với lòng bao dung đem đến những giá trị tích cực cho tác phẩm.

Trong mắt Hoàng, người bạn chiến đấu, Tám là một bồ tát:

“Nhắm mắt, bóng Tám hiện ra. Mở mắt, bóng Tám vẫn hiện ra. Anh đứng giữa đêm đen chuộc lỗi cho thế gian.

Thật hay mơ? Dù là một giấc mơ thì cũng là một niềm an ủi. Bởi vì chưa thấy một Thích Ca, nhưng đã thấy một Bồ Tát, đã thấy một luân hồi đội đá phù sinh.”[Nhật ký ngày thứ 4 sau khi Hoàng tỉnh lại]

Chính giọng văn trầm tĩnh hiền hòa, cùng với tấm lòng nặng trĩu tình người, kết hợp với những nhận thức minh triết, diễn ngôn của Nguyễn Xuân Khánh đã làm thăng hoa cái hiện thực “đen tối” được nói đến trong tác phẩm. Cái cảm giác “phê phán hiện thực”(bằng diễu nhại nhẹ nhàng, hoặc bằng những biểu tượng dữ dội) nhường chỗ cho ý thức xây dựng những điều tốt đẹp. Hoàng bị theo dõi, bị thẩm vấn cụ thể về vấn đề gì, cả cuốn tiểu thuyết của Hoàng gửi bên nhà Lân, nội dung viết gì cũng không được tác giả nói công khai, vì thế, người đọc hiểu rằng, đó chỉ là cách nhà văn đặt vấn đề, không phải là “sự tố cáo hiện thực” trong một trường hợp cụ thể.  Tác phẩm đã vượt qua rào cản đến với người dọc.

Nguyễn Xuân Khánh tổng hợp nhiều kiểu bút pháp để tạo ra hiệu quả nghệ thuật đa sắc điệu. Phần “Nhật ký” (83 ngày, dài 118/203 trang, chiếm 58,1% dung lượng tiểu thuyết). Nhật ký là thể loại ghi lại “người thực việc thực”. Với dung lượng trên 58%, phần nhật ký tạo nên cảm tưởng rằng cuốn sách là truyện thật. Những gì còn lại, dù trong cơn mơ của Hoàng cũng chỉ là phản chiếu của những hình ảnh đời thật trong não trạng của Hoàng. Chẳng hạn, công dân A1 ở Cực Thiên Thai chính là con Lợn Bò trong đời thực mà Hoàng nuôi. Cô hướng dẫn viên tên Mi trong Cực Thiên Thai cũng chính là Hồ Ly trong đời thực của Hoàng. Phần đời thực được ghi trong nhận ký có nội dung đơn giản là chuyện Hoàng nuôi lợn, bỏ bao nhiêu công, cuối cùng công cốc. Nội dung ấy vô hại.

Sau Nhật ký là kiểu bút pháp truyện phiêu lưu thần tiên (như truyện Từ Thức lên tiên chẳng hạn). Hoàng sốt hôn mê, hồn anh lạc vào những cơn ác mộng, những vùng ký ức nào đó. Hoàng dẫn người đọc đi lang thang vào một thế giới khác do nhà văn tạo dựng. Lưu ý rằng, Nguyễn Xuân Khánh không miêu tả thế giới tâm linh tôn giáo như Thiên đường, Địa ngục. Bút pháp truyện phiêu lưu giúp giải phóng sức sáng tạo của nhà văn. Trong không gian “tưởng tượng” đó, các nhân vật đều là siêu nhân, các tình huống, cảnh sắc đều siêu việt, các mối quan hệ đều do nhà văn chủ động tạo ra không theo quy luật của bút pháp hiện thực. Diễn ngôn của nhà văn mở rộng ra nhiều chiều kích mà bút pháp hiện thực bị giới hạn. Chẳng hạn, việc tái hiện những con người, những xáo trộn, những “tội ác” trong trong Cải cách ruộng đất (1953-1956) đều diễn ra trong cơn mê của Hoàng. Phần nhật ký (những năm 1980) không thể tái hiện giai đoạn lịch sử này. Ở Cực Thiên Thai, Nguyễn Xuân Khánh sử dụng một ít kiến thức khoa học về lai tạo, về quản lý, về phẫu thuật, về xã hội học…để tạo nên cô Mi, hướng dẫn viên là “công chúa khoa học” con của công dân A1, họăc tạo ra những “viên gạch thám tử”, hoặc chọn lọc sinh sản để có thể sinh ra những thế hệ người theo ý muốn, hoặc phá bỏ cấu trúc gia đình, vì gia đình làm mất thì giờ ảnh hưởng đến kinh tế…Những “sáng tạo” như thế không nhằm vào việc tiên đoán tương lai mà chỉ là phương tiện để nhà văn nói lên chính kiến của mình về hiện thực.

Tức là bằng chiến lược kiến tạo tác phẩm (cấu trúc kiểu ghi nhật ký thực-ảo, kiểu truyện phiêu lưu thần tiên, hệ thống biểu tượng, cách trần thuật và phân tích tâm lý chân thực tỉnh táo, tình cảm nhân đạo sâu sắc cùng với vốn sống đầy đặn…), Nguyễn Xuân Khánh tạo ra sự hấp dẫn, đưa được thông điệp tới người đọc, tác phẩm chinh phục được người đọc.

Nói cho đúng, nhiều vấn đề Nguyễn Xuân Khánh nói đến thì Nam Cao trước đó đã nói rồi, nên ông không phải chịu trách nhiệm. Thí dụ, những vấn đề như cái nghèo đói làm tha hóa con người (Một bữa no), bi kịch của người trí thức sống mòn (Đời thừa, Sống mòn), khát vọng lương thiện (Chí Phèo), hoặc cái nhìn của nhân vật Hoàng trong Đôi mắt một thời bị phê phán (Cái nhìn của Hoàng trong Chuyện ngõ nghèo bị theo dõi, thẩm vấn trấn áp, kết tội chống Đảng); hoặc vấn đề về những sai lầm trong Cải cách ruộng đất cũng đã được nhiều nhà văn khác nói đến…

Vì thế, tiếng nói của nguyễn Xuân Khánh lẫn vào trong diễn ngôn của các nhà văn khác. Chuyện ngõ nghèo viết trước nhưng lại in sau Ba người khác của Tô Hoài. Chuyện ngõ nghèo (Nguyễn Xuân Khánh viết 1982-in 2016), Thời xa vắng (1986-Lê Lựu) Thiên Sứ (1988-Phạm Thị Hoài), Ba người khác (Tô Hoài viết 1992- in 2006), Thời của thánh thần (2008-Hoàng Minh Tường) và sau này là Mối chúa (2017- Đãng Khấu-Tạ Duy Anh), Kiến, Chuột và ruồi (2019-Nguyễn Quang Lập)..

LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI ĐEM ĐẾN ĐIỀU GÌ CHO PHÊ BÌNH VĂN HỌC?

            Nhà văn có chiến lược kiến tạo tác phẩm, người đọc cũng phải có chiến lược tiếp cận và giải mã tác phẩm. Lý thuyết trò chơi hướng đến khám phá các chiến lược ấy.

Và để khám phá được các “chiến lược” của nhà văn trong trò chơi văn chương, người đọc phải thủ đắc nhiều phương pháp phê bình (Chủ nghĩa Hình thức, Phê bình mới, Cấu trúc luận, Giải cấu trúc, Ký hiệu học, Phê bình xã hội học, văn hóa học, phân tâm học…) và áp dụng những phương pháp ấy theo một chiến lược khôn ngoan. Trong đời thực, tất cả mọi “chiến lược” của bất cứ “trò chơi” hay của một hoạt động xã hội nào (chiến lược kinh doanh, chiến lược quân sự…) đề được giữ bí mật. Nhà văn và người đọc cũng dấu kín chìa khóa chiến lược của mình.

Việc đọc những nhà văn lớn, những tác phẩm tư tưởng, những cây bút tiên phong thật không dễ dàng. Bởi sự sáng tạo của nhà văn luôn đi trước và nằm ngoài mọi cách tiếp cận của người đọc. Thế nên, Lý thuyết trò chơi có giới hạn của nó. Nó không giúp người đọc khám phá những giá trị của tác phẩm, những sáng tạo của nhà văn và những âm vọng nơi người đọc, những vang dội trong thời đại.

Thử tìm chiến lược chơi theo Lý thuyết trò chơi áp dụng vào việc đọc bài thơ sau đây của Văn Cầm Hải:

QUÊN LÃNG

Chiếc nôi lật ngược
Tiếng khóc rơi xuống
tã lót rách bươm, lời mẹ ru không khâu vá nổi
tôi và em đi xa
sa mạc
con Sphanh buồn bã
khi bọn cướp đục thủng lấy mất quả tim
tôi và em
trên da bụng em nườm nượp tiếng khóc
theo nhau thành dòng nước lũ
cả căn hầm chữ A
chiếc áo nâu thế hệ
mà nỗi đau vo ve từng hạt máu
đong đầy nghĩa địa.

             
Huế và mưa 92
           

***

Tháng 12 năm 2021

_____________________________________

[1] Lý thuyết trò chơi-Bùi Công Thuấn:

      http://trannhuong.net/tin-tuc-42148/ly-thuyet-tro-choi-game-theory.vhtm

      Trần Ngọc Hiếu: Tiếp cận bản chất trò chơi của văn học (Những gợi mở từ công trình Homo Ludens của JohanHuizinga)

– https://hieutn1979.wordpress.com/2012/01/04/ti%E1%BA%BFp-c%E1%BA%ADn-b%E1%BA%A3n-ch%E1%BA%A5t-tro-ch%C6%A1i-c%E1%BB%A7a-van-h%E1%BB%8Dc-nh%E1%BB%AFng-g%E1%BB%A3i-m%E1%BB%9F-t%E1%BB%AB-cong-trinh-homo-ludens-c%E1%BB%A7a-johan-huizinga/

[2] Đọc thêm:

     -Martin J. Osborne: An Introduction to Game Theory – Oxford UniversityPress

     – Levent Koc¸kesen Koc& Efe A. Ok : An Introduction to Game TheoryNew York University

     – Robert Gibbons: A Primer in Game Theory

     – Essentials of Game Theory -Concise, Multidisciplinary Introduction. By:

       KevinLeyton-Brown University of British Columbia, Vancouver, BC, Canada

       YoavShoham Stanford University, Palo Alto, CA, USA

     –William Spaniel: Game Theory 101: Introduction

[3] Nhật ký ngày thứ 2 sau khi Hoàng tỉnh lại. Hoàng nhớ lại hình ảnh Tám bị phẫu thuật, lấy đầu Tám lắp vào mình khỉ. Tám không thay đổi liền bị đục não. Lúc Tám chết, chỉ mình Hoàng biết Tám là người bị đục mất não.