CÓ MỘT VƯỜN THƠ ĐẠO-Trăng Thập Tự

MỘT VƯỜN ĐẦY HƯƠNG SẮC

(Tổng quan về bộ sách Có một vườn thơ đạo. Nxb Phương Đông.

Nhóm thực hiện: Trăng Thập Tự, Cao Huy Hoàng, Lê Đình Bảng, Lê Hồng Bảo, Mạc Tường, Nguyễn Đình Diễn, Nguyễn Thanh Xuân, Thiện Chân, Trần Như Luận,  Trần Vạn Giã – Vũ Thủy.)

Bùi Công Thuấn

***

Nhà thơ-Lm Trăng Thập Tự cho biết[1] về việc thực hiện bộ sách Có một vườn thơ đạo như sau:

Việc sưu tầm và biên soạn Có một nườn thơ đạo có ba giai đoạn:

Giai đoạn I ở Đà Lạt và Nha Trang (1978-1996). Trăng Thập Tự  thực hiện với tiêu chí sưu tầm và giữ lại cho khỏi mất: Chép tay đóng bìa cứng một tập: Mùa Hoa. Năm 1999, in với giấy phép NXB Thuận Hóa: Góp nhặt thơ Công giáo.

Giai đoạn II ở Sài gòn (2006-2007), trong thời gian nghỉ bệnh, TTT mời Lê Đình Bảng, Nguyễn Đình Diễn, Cao Huy Hoàng cùng tham gia đọc chọn những bài sưu tầm được. Lúc ấy Lê Đình Bảng đang san định các tư liệu “Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam”. Nhóm xem chương trình của mình như tiếp nối công việc của Lê Đình Bảng, vừa làm vừa chọn, dự kiến cứ xong được 15 tác giả sẽ in một tập. Do Lê Đình Bảng cho biết sẽ in thành ba tập, tập đầu của nhóm là Kinh Trong Sương  – Nxb Phương Đông, 2008 – được ghi phụ đề là “Thơ Công giáo Việt Nam – tập 4”.

Giai đoạn III ở Quy Nhơn(2009-2012), có thêm Mạc Tường, Thiện Chân, Nguyễn Thanh Xuân cùng với Lê Hồng Bảo, Trần Như Luận, Trần Vạn Giã và Vũ Thủy, dự kiến làm cho kịp mừng 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử, nhưng do mỗi người ở một nơi, hơn một năm chưa xong quyển nào.

Do đó, giữa năm 2010, năm người ở Quy Nhơn là Trăng Thập Tự, Mạc Tường, Trần Như Luận, Nguyễn Thanh Xuân và Thiện Chân đổi chương trình, gặp mặt thường xuyên để làm cho xong. Để vinh danh nhà thơ Công giáo tiền phong, nhóm tập trung vào những tác giả sinh từ 1912, tức là cùng năm với Hàn Mạc Tử về sau. Có một số vị không thể nào liên lạc được, và chắc hẳn còn nhiều vị khác mình không biết để mà tìm.

Việc chọn lựa và biên tập đượclàm theo tiêu chí:trân trọng và giữ gìn sáng tác của những tác giả có tâm huyết muốn tìm hứng thơ nơi đức tin Kitô giáo, và giới thiệu một cách đơn giản. Nói chung, việc biên soạn nằm trong thao thức mục vụ, nhằm giới thiệu dòng thơ Kitô giáo cho đại chúng giáo dân, khích lệ các tác giả và  khích lệ lớp trẻ rèn luyện thơ văn.

Giữa năm 2012, bản thảo tạm xong, được xếp thành 4 tập Có Một Vườn Thơ Đạo, lo thủ tục xuất bản và kịp phát hành dịp tổ chức kỷ niệm 100 năm. Ba năm sau đó đã làm tiếp tập 5.

NỘI DUNG BỘ SÁCH

          Lời giới thiệu bộ sách do Chủ tịch Ủy ban Văn hóa – Hội đồng Giám mục Việt Nam, GM Giuse Vũ Duy Thống (13/5/2012)

          Lời tựa của GM Micae Hoàng Đức Oanh.

Bộ sách gồm 5 quyển (2.430 trang).

Tập đầu mang tên “Thi sĩ của thánh giá”, lấy ý từ một câu thơ của bài Nguồn thơm, giới thiệu con người, cuộc đời và thơ đạo của Hàn Mạc Tử, kèm với bài viết của một số người về thơ đạo của ông.

Các tập sau được đặt tên theo những hình ảnh trong bài thơ AVE MARIA bất hủ của Hàn Mạc Tử, giới thiệu thơ đạo của những tác giả theo chân Hàn Mạc Tử. (Đôi lời của nhóm sưu tập)       

Nội dung cụ thể như sau:

Quyển II: Như song lộc triều nguyên, giới thiệu 42 tác giả (năm sinh từ 1912-1940).

Lời giới thiệu của nhóm biên tập: “Như song lộc triều nguyên – như hai con nai ngưỡng vọng lên nguồn suối. Đây là nguồn suối ân sủng, là chính Thiên Chúa, là nguyên ủy tối cao của muôn vật muôn loài, là Đấng mà linh hồn tín hữu nói chung và linh hồn người thơ nói riêng hằng khát khao ao ước. Như nai rừng mong mỏi/ Tìm về suối nước trong /Hồn con cũng trông mong Được gần Ngài, lạy Chúa! (Tv 42,2)…

 Do chịu ảnh hưởng thơ Pháp, Hàn Mạc Tử cũng như nhiều nhà thơ mới thế hệ đầu lắm khi diễn ý liền mạch, đuôi câu thơ trên nối liền với đầu câu thơ dưới. Như thế, “ơn phước cả cao dâng” là liên quan mệnh đề diễn nghĩa cho “nguyên” (nguồn suối); còn “song lộc” là hình tượng minh họa cho “thần nhạc”. Hai bè nhạc trầm bổng như đôi lộc vừa chầu chực vừa ca tụng nguồn ơn phước cả. Hai dòng nhạc ấy gồm một từ cõi vô hình của triều thần thiên quốc và một từ nhân loại hữu hình được đại diện bởi Hàn Mạc Tử và những người làm thơ dệt nhạc muôn thế hệ …”

Đáng chú ý là các tác giả:Bàng Bá Lân, Xuân Ly Băng, Hồ Dzếnh, Đình Quang, Nhất Tuấn, Trần Thị Hoa. Phạm Đình Tân, Ngọc Minh,  Nguyễn Duy Diễn, Vân Uyên Nguyễn Văn Ái, Vũ Huyền Dư, Võ Thanh Tâm, Lm. Nguyễn Tiến Lợi, Đơn phương, Lm. Thanh Quân

Quyển III: Ơn phước cả giới thiệu 51 Tác giả (sinh năm 1941-1955).

Nhóm sưu tầm dẫn giải:

“Như song lộc triều nguyên ơn phước cả

 Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng.  

Hình ảnh “ơn phước cả dâng cao” gợi lại thị kiến về Ơn Cứu độ chan hòa trong

sách ngôn sứ Ezekiel thời Cựu Ước (chương 47)… Đền thờ là tượng trưng thân thể Chúa Kitô, cho nên dòng suối chảy tự đền thờ cũng chính là dòng máu và nước trào tuôn từ cạnh sườn Chúa (Ga 19,34), là nguồn ân sủng của Ba Ngôi Thiên Chúa: ơn sáng tạo của Chúa Cha, ơn cứu chuộc của Chúa Con và ơn thánh hóa của Chúa Thánh Thần.  Trong sách Êzêkiel, dòng ơn phước dâng nhanh thành lũ lụt mênh mông nhưng, với Hàn Mạc Tử, nó còn dâng cao đến vô tận, nương theo “cõi vô cùng cao tột bậc”, như “sáng bao la vây lút cõi thiên không”.  Hòa quyện vào nguồn ơn phước cả, dòng chảy văn thơ Công giáo Việt Nam cũng là một nguồn ơn dạt dào Thiên Chúa đang ban qua lịch sử”

Các tên tuổi đã khẳng định trong làng văn nghệ Việt: Trăng Thập Tự, Lê Đình Bảng, Bùi Chí Vinh; Trần Vạn Giã, Trần Mộng Tú, Cao Huy Hoàng, Mạc Tường, Nguyễn Tầm Thường,

Nhiều tác giả làm thơ tự tình.

“Tôi muốn dùng lời thơ, tiếng hát để cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Chúa. Hơn thế nữa, tôi muốn chia sẻ đến tất cả mọi người những rung cảm chân thành của tôi để cùng mọi người cảm tạ, chúc tụng, tôn vinh tình Chúa, liên kết tình người trong yêu thương, vui tươi và an bình vì luôn có Chúa ở cùng.” (Thúy Nga – tr. 390 quyển III)

 Quyeån IV: Thần nhạc sáng hơn trăng giới thiệu  44 tác giả (sinh từ 1956-1990),

đa số là cộng tác viên của chuyên san Đồng Xanh Thơ…

Các tác giả có khí cốt riêng là: Phan xi cô, Lưu Minh Gian (tức Lm Cao Gia An), Lm Jos Vũ Huy Thông, Trịnh Tây Ninh, Phan Thị Liên Giang, Đinh Thiện Phương, Trần Phương Nhã , Kim Dạ , Song Lam, Glassey Trần Nguyễn Trang Đài, Kim Dạ. Nguyễn Thông (trường Viết văn Nguyễn Du.

Thế hệ sinh sau năm 1975 nhiều người có trình độ học vấn và thành đạt trong công việc. Nhiều tiếng thơ trẻ theo kịp “Thơ trẻ” đương đại, góp phần làm mới thơ Công giáo. Ý thức sáng tạo sâu sắc và đa dạng (Đinh Thiện Phương, Trần Phương Nhã , Kim Dạ)

          Quyển V: Bay tới cõi thiên đàng (Nxb Đông Phương. 2015) giới thiệu 45 tác giả (sinh từ 1918 đến 1981). Nhóm sưu tập giới thiệu:

          “Nhóm sưu tập hứa hẹn sẽ thực hiện những quyển tiếp theo vào năm 2015 mang tên “Vườn Thơ Đạo Nở Hoa”. Tựa đề này ôm theo ước mơ tìm kiếm và vun trồng được thật nhiều tài năng trẻ.

          Thế nhưng chỉ ba năm, thời gian quá ngắn để phát động nơi các bạn trẻ Công giáo lòng yêu mến và khả năng sáng tác thơ văn. Do đó, tập sách bạn đang cầm trên tay và tập tiếp theo chưa có may mắn mang tựa đề ấy. Nó lấy lại tựa đề cũ và đánh số thứ tự tiếp theo.  Tập 5 này ra đời khá muộn, có một phần vì nhóm sưu tập thấy lúng túng, liệu có nên khóa sổ bộ sách với quyển thứ 5 chăng. Nay thì chúng tôi đã tìm được cách giải quyết. Chúng tôi sẽ tiếp tục công việc như một chương trình phục vụ, cứ gom góp dần, mỗi lần được khoảng 40 tác giả mới với đầy đủ nội dung cần thiết, sẽ ấn hành một quyển mới…”

Các tác giả đã khẳng định được tên tuổi: Phi Tuyết Ba (Hội viên HNV), Nguyễn Thị Mai (hội viên HNV), Lê Hồng Bảo, Nguyễn Địa Đàng (Lm. Nguyễn Thiên Cung).

MỘT VƯỜN HƯƠNG SẮC

          Bộ sách giới thiệu 183 tác giả thơ Công giáo suốt từ thời Hàn Mạc Tử (1912) đến nay gồm nhiều thành phận xã hội, sinh trưởng rải khắp trong Nam, ngoài Bắc và các tác giả sống ở Đức, Pháp, Mỹ, Canada…(trong đó có 34 Linh mục, 1 Hồng y, 1 Giám mục, 11 nữ tu: chiếm 25%)

          Nhiều người đã thành danh ngoài xã hội cả bên đạo và bên đời như Bàng Bá Lân, Xuân Ly Băng, Hồ Dzếnh, Trăng Thập Tự, Lê Đình Bảng, Bùi Chí Vinh (nhiều giải thưởng văn học); Trần Vạn Giã (Hội viên HNV), Trần Mộng Tú, Phan xi cô, Lưu Minh Gian (tức Lm Cao Gia An), Phi Tuyết Ba (Hội viên HNV), Nguyễn Thị Mai (hội viên HNV), Nguyễn Địa Đàng (Lm. Nguyễn Thiên Cung)…

          Ý thức sáng tạo của mỗi tác giả cũng rất phong phú. Tâm điểm của hồn thơ là Thiên Chúa. Làm thơ là sống đức tin, là trải nghiệm kiếp nhân sinh trên đường Thánh giá, là trò chuyện, là tâm tình cầu nguyện để được kết hợp với Thiên Chúa, cũng là tự tình, chia sẻ với mọi người.

          Nhà thơ Lê Đình Bảng reo vui:

              “…Tôi làm thơ, nghĩa là tôi cầu nguyện

                    Hồn reo vui trong từng chữ, từng lời

                    …

                    Tôi làm thơ, nghĩa là tôi cầu nguyện

                    Như chùm hoa tự trút hết hương thơm

                    Phải tự nghiệm sinh, để sống vô thường

                    Chẳng hề nghĩ, mình cho đi, nhận lại…”     

                                  (Tôi làm thơ nghĩa là tôi cầu nguyện)

          Lm. Giuse Maria Cao Gia An (bút danh Lưu Minh Gian) thổ lộ: “Nếu hành trình sống đức tin đặt tôi mỗi ngày trước tôn nhan Thiên Chúa, lời thơ chính là lời kinh nguyện, lời thân thưa mà linh hồn tôi dâng lên Thiên Chúa”.

          Tác giả Giuse Nguyễn Khắc Đại kể rằng: “Từ năm 1954 đến năm 1975. Tôi làm thơ đơn giản là để ghi lại những tâm tình đối thoại với Đức Kitô, những cảm xúc, những trải nghiệm, và những biến cố cuộc đời. Thơ tôi như những trang nhật ký không được viết đều đặn. Để ghi lại niềm vui, nỗi buồn, và cả những giây phút yếu đuối”. 

Tác giả Mạc Tường(1954) làm thơ là tiến gần về phía Chúa: “vận dụng ngôn ngữ thi ca để ca tụng Thiên Chúa và tất cả những gì thuộc về Ngài, tôi lờ mờ nhận ra càng ngày mình càng tiến gần hơn về phía Thiên Chúa, phía của bờ bến yêu thương.” 

          Với tác giả Cao Huy Hoàng (1954), làm thơ là một “ơn gọi” của Chúa: “Tôi vẫn luôn ý thức rằng tôi đã nhận được quá nhiều Hồng Ân của Chúa”; “Chúa đã gọi con vào ơn gọi làm thơ, không phải làm thơ cho Chúa nhưng làm thơ với Chúa. Không có bài thơ hay tác phẩm nào là của con. Tạ ơn Chúa đã tín nhiệm con để chuyển tải nỗi buồn, niềm vui, đau khổ, và hạnh phúc của Chúa đến cho mọi người”.

          Nhà thơ Bùi Chí Vinh(1954) bộc trực: “Hơn 40 năm chểnh mảng việc đạo, tôi bây giờ sẵn sàng tuyên xưng Đức Tin bất kỳ thời điểm nào;…Tôi kể chuyện này có thể các bạn không tin, nhưng cứ mỗi lần bị đẩy đến đường cùng hoặc sắp “lên đoạn đầu đài”, tôi đọc kinh Lạy Cha (hoặc cầu xin Chúa và Đức Mẹ) là kể như mọi chuyện tai qua nạn khỏi.”

          Tác giả Phạm Thái Sơn nói cụ thể hơn: “Trong giai đoạn đầu của đời cầm bút, thì sự sáng tác thơ Đạo chỉ là những bài than thân trách phận trước Đấng Tối Cao… Than khóc cho quê hương xứ sở, than khóc cho hoàn cảnh gia đình ly tán, và than khóc cho chính mình với những nỗi đau khi sớm phải lăn ra đời bươn chải. Trong đó có nhiều những dằn vặt về tội tình, những thứ tội lỗi phát sinh trong tôi từ nguồn gốc tội của người khác cộng vào thêm tính bất cần đời, liều lĩnh của chính mình. Rồi tôi cũng dần hiểu ra tình thương yêu vô tận của Thiên Chúa, qua sự dẫn dắt của tình mẫu tử thiêng liêng.”; “Tôi thấy tự hào vì mình được làm thi sĩ của Chúa, tôi tận hiến mãi mãi lời thơ của tôi để trở nên sở hữu của Người

          Tác giả Trần Thị Hồng Nhung (1979) xác lập sự khác biệt giữa “nhà thơ đạo” với “nhà thơ đời”: “Ngày xưa khi chưa theo Đạo, tôi làm thơ như một trò chơi tung hứng ngôn từ… Nay đã biết Chúa, tôi cảm nhận được ý muốn của Ngài. Ý muốn ấy có một sức bật làm trái tim tôi nấc lên, phát ra từng thanh âm rồi kết nối lại thành những dòng thơ, cho tôi thêm chất liệu dệt tấm khăn cầu nguyện…Tôi chỉ còn biết đáp trả Ngài bằng tất cả cuộc đời còn lại của tôi, bằng mọi khả năng Ngài trao ban để gieo mầm hạnh phúc, trong đó có những giờ cầu nguyện bằng thơ và reo lên tiếng Tạ ơn Ngài bây giờ và mãi mãi “.

          Nhà thơ Nguyễn Thị Mai (1955) làmthơ thiên về tình cảm, chủ yếu phản ánh thân phận những con người bất hạnh kể lại việc làm thơ của mình: “Tôi viết nhiều bài thơ, trong đó thơ về Chúa không nhiều, nhưng tôi tin một điều, bây giờ vẫn tin, rằng: Tất cả thơ tôi là do Chúa hiển linh sáng tạo. Vì thế tôi mãi mãi biết ơn Chúa”

          Tác giảVũ Toàn Năng (1968) mở rộng cánh cửa thơ đạo: “ Thơ đối với tôi như cuộc nói chuyện của người con với cha, như một câu chuyện kể về Chúa Giêsu, về Đức Mẹ và các Thánh, như câu chuyện kể về cuộc sống trong kiếp nhân sinh có những điều đẹp đẽ và cũng có những điều giúp tôi nhìn lại chính mình, cũng như câu chuyện kể về quê hương đầy yêu dấu như một sự biết ơn, về những cảnh đẹp của mặt đất và các vì sao

          Tác giả Trần Phương Nhã (1984) làm thơ là trải nghiệm hiện sinh: “Toâi göûi vaøo thô taát caû nhöõng caûm nghieäm cuûa mình veà tình yeâu, veà Thieân Chuùa nhö moät söï uûi an cho nhöõng thaát baïi, nhöõng khieám khuyeát cuûa chính baûn thaân mình”.

          Tác giả Lê Hồng Bảo (1962) có một cảm nghiệm: “Tôi làm thơ không nhiều và cũng không hay. Chỉ là những tự khúc dâng trào khi tâm sự đầy ắp. Thơ đến với tôi như một hồng ân trong chuỗi hồng ân bất tận của Thiên Chúa”

          Tác giảVân Uyên Nguyễn Văn Ái (1920) lý giải thơ ở một tầng cao của nhận thức: “Thơ là lời của Người, mà Tình là của Trời, làm liên tưởng tới ‘Ngôi Lời’ nói lên bằng lời của loài người tình yêu thầm kín của Trời ‘Thiên Chúa-Tình Yêu’. Viết một bài thơ hay đã khó, viết một bài thơ vừa thấm nhuần lẽ đạo vừa thật là thơ lại còn khó hơn nhiều. Những bài thơ như vậy nâng tâm hồn lên những tầng trời thăm thẳm nghĩa yêu. Đây mới thật là những bài Thơ Tình, vì nói về Tình viết chữ hoa (Tình đời, Tình đạo,Tình người, Tình Trời)”.

          Tác giã M. J. Vĩnh An cầu nguyện: ”Lạy Chúa! Xin cho con luôn bước đi trong Chúa cùng với những sợi tơ vàng óng ánh để dệt mãi những vần điệu dâng Ngài. Cũng xin được gửi tặng đời một chút hương thơm và hơi ấm của tình yêu diễm tuyệt đang tuôn chảy từ Trái Tim Rất Thánh Giêsu.”

          Có thể nhận thấy bộ sách bao gồm nhiều thế hệ nhà thơ với những phong cách khác nhau. Nhiều tác giả chịu ảnh hưởng lối thơ 7 chữ, 8 chữ của thơ Lãng Mạn (1930-1945)… trong đó có những người dùng cách viết của Hàn Mạc Tử (Nguyễn Duy Diễn, Nguyễn Văn Ái, Vũ Huyền Dư, Đơn Phương…)

Những nhà thơ giàu phẩm chất thi nhân thì tìm được cho mình những con đường sáng tạo riêng (Xuân Ly Băng, Trăng Thập Tự, Lê Đình Bảng…). Thơ của họ vẫn nằm trong dòng chảy thơ truyền thống nhưng họ đem đến cho thơ truyền thống nhiều cái mới. Đó là tư tưởng Mỹ học Kitô giáo, thi liệu, cảm xúc thơ, hình tượng thơ, ngôn ngữ thơ là từ nguồn Kinh Thánh (thoát hẳn tư tưởng Mỹ học,  thi liệu, cảm xúc, hình tượng thơ Trung Quốc trong văn học trung đại Việt nam)[2]

Những nhà thơ thế hệ trẻ hơn, nhiều người trong số họ đem đến cho thơ ca Công giáo những điều mới mẻ về thi pháp của thơ Việt đương đại (Đinh Thiện Phương, Trần Phương Nhã , Kim Dạ, Glassey Trần Nguyễn Trang Đài, Phan Thị Liên Giang, Lưu Minh Gian…), đem thơ Công giáo đến gần với bạn đọc trẻ.

Tuy vậy trong bộ sách cũng có nhiều tác giả phong trào, làm thơ chủ yếu là để thể hiện ý tưởng, chưa có tìm tòi những tứ thơ mới, những hình tượng mới, cảm xúc mới và những cách diễn đạt mới. Điều này khiến cho thơ trở nên cũ về nội dung, nghèo nàn về nghệ thuật.

 Bởi thực ra, người đọc giáo dân (trung bình có 60 năm đi nhà thờ) đã nghe rất nhiều lần những bài giảng, những lời giáo huấn, những lời kêu gọi. Trong nhà thờ, họ đã được học hỏi Kinh Thánh, đã sống với tâm tình thống hối và ngợi ca. Tất cả những điều ấy, ngôn ngữ ấy, cách nói ấy mà diễn thành thơ (kiểu văn xuôi bắt thành vần) thì không thể lay động trái tim người đọc. Cái cũ giết chết cảm xúc thẩm mỹ.

Văn chương là nghệ thuật ngôn từ, tức là sáng tạo “Cái Đẹp” bằng ngôn ngữ. Ngôn ngữ thơ là yếu tố sáng tạo bậc nhất của thơ. Nếu không chú ý đến điều này, người làm thơ nói chung và các tác giả thơ Công giáo nói riêng sẽ không vượt lên được.

VÀ NHỮNG GIÁ TRỊ

Nhà thơ-Lm Trăng Thập Tự

            Cần khẳng định giá trị bộ sách và ghi nhận tâm huyết, công sức rất lớn của nhóm các tác giả biên tập mà chủ biên là nhà thơ-Linh mục Trăng Thập Tự.

            Bộ sách đã sưu tầm và lưu trữ được một số lượng tác giả thơ Công giáo đủ để giới nghiên cứu văn học Công giao hôm nay và mai sau viết được những công trình về lịch sử văn học Công giáo nối tiếp các công trình của các nhà nghiên cứu Võ Long Tê (1965) và Lê Đình Bảng (2009). Nếu không có bộ sự tập này, người viết nghiên cứu sẽ hết sức vất vả và mất nhiều thì giờ để tìm kiếm tích lũy tài liệu, mà thời gian càng qua đi, tài liệu càng mai một.

 Mỗi tác giả thơ là một nhân chứng Phúc Âm của thời đại mình. Họ cũng góp làm giàu thêm nền văn học của dân tộc mình, dù đó là nhà thơ chuyên nghiệp hay nhà thơ phong trào. Nhất là trong hơn 100 năm qua (từ 1912 đến 2020), lịch sử dân tộc đã trải qua những biến động hết sứ lớn lao, người Công giáo “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” cùng sẻ chia trách nhiệm lịch sử với dân tộc mình. Thơ Công giáo góp tiếng nói chứng nhân vào bối cảnh lịch sử ấy. Đọc thơ Công giáo có thể nhận thấy bản lĩnh và vẻ đẹp của dân tộc này, bên cạnh thơ ca chung của dân tộc.

Nhà thơ-Linh mục Trăng Thập Tự cho biết: “Công việc sưu tầm và biên soạn trước hết là theo thôi thúc mục vụ. Mục vụ ở đây là nhằm giới thiệu dòng thơ Kitô giáo cho đại chúng giáo dân, khích lệ các tác giả và  khích lệ lớp trẻ rèn luyện thơ văn.”(đd). Đây là mục đích trung tâm và cũng là giá trị cốt lõi của bộ sách.

 “Giới thiệu dòng thơ Kitô giáo”cũng chính là làm lan tỏa ánh sáng Phúc Âm, là Phúc Âm hóa môi trường, là sứ mệnh của mọi Kitô hữu. Mục đích thứ hai là: “khích lệ các tác giả và  khích lệ lớp trẻ rèn luyện thơ văn”. Đây cũng là một mục đích quan trọng. Sáng tác văn học là một công việc hết sức khó khăn và rất cô đơn. Hơn nữa tài năng văn học luôn là của hiếm. Nếu Giáo hội không vun trồng những hạt mầm sáng tạo văn học nghệ thuật, nếu người sáng tác ra chỉ để đọc một mình hoặc cất trong ngăn kéo, và nếu đời sống tinh thần giới trẻ bây giờ chỉ biết cắm mặt vào màn hình smartphone, thì tương lai văn học Công giáo, tương lai Giáo hội sẽ thế nào có thể nhìn thấy ngay từ bây giờ. “khích lệ các tác giả và  khích lệ lớp trẻ rèn luyện thơ văn” phải là những hành động cụ thể. Việc sưu tầm và biên tập, xuất bản bộ sách Có một vườn thơ đạo là một công việc hết sức ý nghĩa

Rất tiếc trong phạm vi một bài viết ngắn, người viết mới chỉ trình bày tổng quan về bộ sách Có một vườn thơ đạo. Còn cần rất nhiều nhà nghiên cứu tham gia vào việc nghiên cứu Văn học Công giáo. Lịch sử văn học Công giáo của cha ông đã để lại một di sản hết sức quý giá cho dân tộc. Các nhà văn, nhà thơ Công giáo hôm nay cần làm cho di sản ấy giàu có thêm, như lời dạy của giáo hội: “làm cho đức tin Kitô giáo trở nên một thành phần của di sản văn hoá của một dân tộc,.. (Tông Huấn về việc đào tạo Linh mục trong hoàn cảnh hiện nay (Pastores Dabo Vobis của Đức Giáo Hoàng Gioan Phao lô II)

Xin cùng đọc ba bài thơ thuộc ba thế hệ và phong cách khác nhau

ĐÂY, GIỜ LINH THIÊNG

           Nguyễn Duy Diễn (1920-1965)

Thành Bê Lem, một đêm xưa rực rỡ

Cả muôn loài quỳ lạy, tiếng reo vang…

Đoàn thiên thần so cánh thắng lâng lâng

Cao tiếng hát ru trần gian lạnh lẽo.

Nhạc nao nức hương thiên thu tuyệt diệu

Đây vòm trời thơm ngát ánh muôn sao!

Vàng tuôn rơi lấp lánh tự trời cao;

Mưa hy vọng kết triều thiên thắm thiết.

Trời đất cũ từ đây thôi cách biệt!

Muôn trùng thiêng cầm sắt nối thang mây…

Ôi! Thiên Đàng bừng sáng: gió xuân bay

Làm tung nở những búp lòng xao xuyến.

Đời đổi hướng, Nhạc Vàng đương hiển hiện!

Khói trầm dâng ngây ngất khắp không gian…

Hồn thê lương bừng tỉnh choáng hân hoan

Nghe rộng mở một Mùa Xuân sáng láng…

*** 

VÀO ĐỀN LỄ HƯƠNG

             Lê Đình Bảng (1942)

Nhớ mùa Chay trước, em qua

Thứ Năm đi lễ Đức Cha truyền dầu

Hai lòng đã bén duyên lâu

Cứ như lá rét tìm nhau trong cành

Ta nhìn trong mắt em xanh

Hoa xoan tim tím, mỏng manh. Ô kìa

Ở nơi vòm cửa bên kia

Có đôi chim mới tha về cọng rơm

Lúa mùa con gái đương thơm

Hay hương tóc của chiều hôm lên đền

Cậy nhờ quả phúc khôn thiêng

Xuống mưa móc để hồn thiêng dư đầy

***

HOÀNG HÔN ĐAU THƯƠNG

              Đinh Thiện Phương (1983)

Thôi được, anh sẽ trở về lại nơi xóm vắng

Gục đầu lên chuỗi hạt chiều chớm thu

Đếm những chiều trôi nhanh và hoàng hôn tắt bên cửa

Lời kinh Mân Côi u uất hắt hiu theo nắng tan cuối mùa

Em yêu hỡi, Ừ thì anh sẽ ra đi vậy

Anh không muốn làm thập giá trên vai em

Để đời em về sau mãi gió mưa đêm tối

Đằng đẵng tháng ngày ôm bóng hình vạn lối

Giữa trần gian lạc lõng mơ đến cõi địa đàng

Anh âm thầm lên đồi, dang tay lẻ loi làm thập giá

Và chờ mong sẽ có một người con gái

Chịu đóng chặt thân mình vào thập giá là anh

Anh vẫn tin còn thập giá tình yêu

Và vẫn còn những tình yêu thập giá

Rồi một ngày anh trút hơi thở

Nhẹ nhàng trên phiến đá chờ mong

Nếu em đến, đừng đọc kinh em nhé

Vì lời kinh không cho anh được chút ân tình

Sớm mai vào giáo đường,

Em sẽ thấy và tự hỏi,

Sao em và nhân loại luôn mến yêu thập giá

Mà đau thương vẫn từng phút triền miên?

Hãy nhìn anh lần cuối, anh sẽ trả lời em

“Vì em và nhân loại suốt một đời tôn sùng thập giá,

 Mà chưa phút nào yêu kẻ đang trên thập giá dang tay”

Tháng 7/ 2020

_________________

  1. Email ngày 19.7.2020
  2. Xin đọc bài Bùi Công Thuấn viết về thơ Xuân Ly Băng, Trăng Thập Tự, Lê Đình Bảng, Mỹ học Kitô giáo…

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC SỐ 7/ 2020

ĐỌC SÁCH

TIẾP CẬN THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT CỦA SONG NGUYỄN

(Lý luận, phê bình văn chương của Bùi Công Thuấn.

NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2019, 284 trang)

ĐỖ THỊ THU HUYỀN

TS.- Viện Văn học. Email: pho.quen@gmail.com

Bài in trên tạp chí Nghiên Cứu Văn học (Viện Văn học) số tháng 7/ 2020,

chuyên san về “Văn hóa, Văn hoc Công giáo-Diện mạo và đặc sắc

***

Với quan niệm nhà phê bình và nhà văn là tri âm tri kỷ, Bùi Công Thuấn với công trình Tiếp cận thế giới nghệ thuật của Song Nguyễn dường như khám phá ra được đặc trưng trong những tác phẩm của Song Nguyễn[1]. Cấu trúc cuốn sách gồm ba phần: “Giới thiệu tác phẩm của Song Nguyễn”, “Tiếp cận thế giới nghệ thuật của Song Nguyễn”, “Cảm hứng từ Đất mới” đem đến cái nhìn vừa mang tính khái quát vừa có những phân tích sâu về thế giới nghệ thuật của Song Nguyễn. Tác giả Bùi Công Thuấn nhận định rằng, xét trên dòng chảy lịch sử văn chương Công giáo, Song Nguyễn (Giám mục Đa Minh Nguyễn Chu Trinh) là người tiếp tục khơi nguồn mạnh mẽ về văn học nghệ thuật của giáo hội và “rồi đây các nhà nghiên cứu văn học Công giáo sẽ tìm thấy nhiều vấn đề lý luận văn chương rất đáng quan tâm từ những tác phẩm của Song Nguyễn” [3, tr.8].

Phần 1- Giới thiệu tác phẩm của Song Nguyễn, tương ứng với 17 tác phẩm là 17 bài viết ngắn, súc tích và đi vào giới thiệu trực diện vấn đề, Bùi Công Thuấn nêu tư tưởng bao trùm tác phẩm, chỉ ra nghệ thuật biểu hiện trong cốt truyện, xây dựng nhân vật, tạo tình huống… 17 tác phẩm được giới thiệu: Một đời dâng hiến, Đồng hành, Đất mới I, II, III, Định hướng, Chỉnh hướng, Còn một niềm tin, Chuyến xe về trời, Người cha hiền, Mẹ yêu của con, Suối nguồn, Đồng cỏ xanh, Vì sao sáng, Tiếng kêu, Đường lên Núi Cúi chủ yếu như những điểm sách để độc giả có thể tiếp cận tác phẩm của Song Nguyễn, với văn phong giản dị, đặc biệt nhiều liên hệ, bày tỏ cảm xúc cá nhân trong bình luận: “Nhìn vào số lượng tác phẩm trên, hẳn chúng ta sẽ thấy ngạc nhiên tự hỏi, Đức cha bận bao nhiêu công việc mục vụ, người lấy thời gian đâu để viết. Tuổi tác đã cao, sao Đức cha có thể kham nổi công việc viết văn nặng nhọc ấy. Nhưng điều quan trọng là, Đức cha tích lũy vốn sống như thế nào để có thể ghi lại được bao nhiêu cảnh đời, chia sẻ được với bao nhiêu là số phận giáo dân” [3, tr.7]. Ở Đồng hành, Song Nguyễn đã viết những trang suy nghiệm sâu sắc về cuộc sống, về đời tu, về ý nghĩa cuộc sống, giá trị làm người, hòa quyện giữa những hoàn cảnh, những kiếp nạn, những niềm vui nỗi buồn với những khám phá từ Kinh Thánh; Ngài Linh mục Nguyễn Phương Toàn dấn thân đi kinh tế mới sau khi nếm trải đủ mùi tục lụy(Đất mới I), ở tập II là dấn thân vì đoàn chiên, con đường của Linh mục Nguyễn Phương Toàn là sự thức nhận “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”…

Dành những trang viết xúc động về mẹ, về cha, Song Nguyễn đưa đến cái nhìn nhân văn và thông điệp dù không mới nhưng chưa bao giờ là cũ. Những người mẹ bất hạnh đều được ơn Chúa, đều vượt qua những nỗi khổ nhục với tâm hồn bao dung và sau cùng bằng con mắt đức tin họ đã tìm thấy hạnh phúc Chúa ban. Ông còn kể rất hay về những người cha trong cõi đời rất thực này. Mỗi truyện là một người cha của đời thực được khám phá và chiêm nghiệm qua con mắt và trái tim người con: “Hãy sống can trường trong trách nhiệm của mình, hãy làm mẫu gương tốt đẹp cho con, hãy chăm lo cho những mầm xanh tài năng của xã hội thành cánh hoa yêu của Chúa” [3, tr.71].

Phần 2 – Tiếp cận thế giới nghệ thuật của Song Nguyễn với 7 vấn đề được phân tích kỹ lưỡng. Tác giả bàn sâu về tác phẩm văn chương của Song Nguyễn đặt trong bối cảnh văn chương Công giáo Việt Nam, tư tưởng nhân văn trong Đất mới, và văn hóa Công giáo trong lòng dân tộc. Bên cạnh việc xây dựng những nhân vật linh mục, nữ tu, giáo dân “sống đức tin giữa đời thường”, hành xử theo ánh sáng tin mừng…; những tác phẩm của Song Nguyễn còn đặt ra nhiều vấn đề đối với những người cầm bút Công giáo, chẳng hạn nhà văn Công giáo chọn bút pháp nào, đối tượng của văn chương Công giáo là gì, viết về hiện thực cuộc sống dưới góc nhìn nào và mục đích cầm bút của nhà văn Công giáo là gì… Và mục đích cao nhất của nhà văn là “viết lại những mảnh đời, số phận, trải nghiệm, tác giả có ý rút ra cho đời mục vụ của mình những bài học cuộc sống; hay nói khác đi tác phẩm là những bài suy niệm sống qua các nhân vật. Và nếu có thể, chia sẻ với bạn bè tất cả những kinh nghiệm quý báu này. Mục đích chỉ đơn giản như vậy” [3, tr.112].

 Giá trị hiện thực thấm đẫm tinh thần nhân văn mà tác phẩm của Song Nguyễn luôn được tác giả tái khẳng định trong 7 bài viết của phần 2. Và rằng, mai sau muốn hiểu xem người Công giáo “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” như thế nào, người đọc có thể tiếp cận với từng con người, từng sự việc một cách cụ thể trong Đất mới, Một đời dâng hiến, Định hướng, Đồng hành… Trong đó, tác phẩm được tập trung phân tích nhiều là Đất mới I, II, III. Song Nguyễn đã xây dựng được hình tượng nhân vật người giáo dân trong Đất mới, vừa có những phẩm chất hiện thực vừa vươn tới những vẻ đẹp của đoàn chiên “như lòng Chúa mong muốn”. Người giáo dân trong Đất mới, đặc biệt là ban hành giáo đã góp mặt cùng với cha sở, linh mục Nguyễn Phương Toàn làm nên một miền đất mới, “đó là vùng đất của đồng cỏ xanh và suối ngọt Đức Ái, vùng đất của nước trời ngay tại trần gian khi tất cả cùng hướng về người nghèo khổ, làm hết sức mình để nâng cao đời sống và phẩm giá của họ” [3, tr.176]; “Đất mới được viết trong ánh sáng của tư tưởng nhân văn công giáo nên từ nội dung câu chuyện đến nhân vật, chi tiết nghệ thuật đến bút pháp đều ánh lên vẻ đẹp chân thực có thể chạm vào được tâm thức sâu xa của người đọc” [3, tr.146]. Bởi thế có thể thấy “tôn giáo đã tạo nên hệ thống những chuẩn mực giá trị đạo đức. Những chuẩn mực ấy không chỉ duy trì trong quá trình thực hiện các nghi thức tôn giáo mà còn điều chỉnh cả hành vi của con người trong đời sống thường nhật khi ứng xử với con người trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Qua những điều cấm kị, răn dạy đã điều chỉnh hành vi của mỗi tín đồ trong đời sống cộng đồng” [2, tr.22].

Phần 3 là những cảm hứng từ Đất mới gồm 3 kịch bản và 1 ca khúc. Không phải ngẫu nhiên mà phần cuối cùng của cuốn sách dù dung lượng không lớn nhưng lại cho thấy sức ảnh hưởng từ sáng tác của Song Nguyễn đối với người viết. Tác phẩm được tập trung tìm hiểu nhiều nhất, công phu nhất là 3 tập Đất mới, bởi theo Bùi Công Thuấn nhận định, “Đất mới là bài ca yêu thương, bài ca ca ngợi con người. Ánh sáng tư tưởng nhân văn Công giáo đem đến một niềm tin thực sự cho người đọc, niềm tin vào con người chí thiện, vào sức mạnh của con người có thể làm nên Nước trời ngay trong cõi tại thế này, và hơn hết niềm tin vào người Mục tử “hiền lành và khiêm nhường” hết lòng vì đoàn chiên” [3, tr.143]. Với bộ 3 tập Đất mới, Bùi Công Thuấn cho rằng lần đầu tiên văn chương Công giáo Việt Nam có truyện dài mà dung lượng hiện thực được miêu tả có tầm vóc sử thi.

Thâm nhập sâu vào tác phẩm cũng như hoàn cảnh sáng tác của Song Nguyễn, Bùi Công Thuấn đưa ra những kiến giải tỉ mỉ, sâu sắc về thế giới nghệ thuật Song Nguyễn – hiện thực ở một giáo xứ Công giáo vùng sâu vùng xa những ngày đầu xây dựng kinh tế mới khi đất nước còn vô vàn khó khăn. Nhưng chính ở đó, những nhân vật như Linh mục Phương Toàn (Đất mới) – người đã dấn thân cùng đoàn chiên, khai mở miền đất mới; hay những con người khi bị rơi vào nghịch cảnh, thậm chí tuyệt vọng rồi cuối cùng đều tìm thấy ánh sáng phục sinh nơi Chúa. Bùi Công Thuấn chỉ ra xác đáng rằng, tất cả các tác phẩm của Song Nguyễn, đều trực tiếp hay gián tiếp, nhìn thấy ánh sáng cứu độ của Chúa Giêsu trong mỗi con người; và mỗi câu chuyện đều kết thúc “có hậu” khi các nhân vật đều được hồng ân của Chúa.

Nguyễn Đức Lữ xác định: “Bản tính của người Việt Nam là cởi mở, bao dung chứ không bị hẹp hòi, kỳ thị, khép kín. Dù là tín ngưỡng nào, tôn giáo gì, từ đâu đến, thì cộng đồng người ở đây cũng sẵn sàng chấp nhận – miễn là không vi phạm đến lợi ích quốc gia và đi ngược lại truyền thống văn hóa dân tộc. Khổng giáo và Đạo giáo từ Trung Hoa lan xuống, Phật giáo từ Ấn Độ truyền sang nước ta từ rất sớm, vẫn song song tồn tại cùng nhau một cách hòa bình cùng với tín ngưỡng bản địa mà không xảy ra những cuộc chiến tranh tôn giáo nào. Kể cả về sau một số tôn giáo phương Tây nhập vào Việt Nam, tuy có xa lạ với truyền thống văn hóa dân tộc, nhưng vẫn được chấp nhận” [2, tr.79]. Ngay từ lời đầu sách, Bùi Công Thuấn đã khẳng định vị trí nhất định của văn chương Song Nguyễn: “Theo dòng chảy của văn chương Việt Nam, tác phẩm của Song Nguyễn đã có những đóng góp giá trị vào văn chương Công giáo đương đại, đó là việc khắc họa thành công hình tượng tích cực về các Linh mục Công giáo trong một giai đoạn lịch sử dân tộc có những biến cố lớn lao. Tác phẩm của Song Nguyễn cũng phản ánh được nhiều mặt đời sống người Công giáo từ 1945 đến thời kỳ đổi mới 1986” [3, tr.14]. Giai đoạn hiện nay, theo nhà nghiên cứu Dương Phú Hiệp, “cần giải quyết vấn đề tôn giáo dưới góc độ văn hóa và phải xem xét giáo dục tôn giáo là vấn đề quan trọng” [1, tr.50]. Bởi thế, công trình của Bùi Công Thuấn đã khẳng định một luận điểm hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện tại khi cho rằng những tác phẩm của Song Nguyễn với giá trị hiện thực, tinh thần nhân văn, đã góp một thông điệp ý nghĩa vào công cuộc “xây dựng nền văn hóa Công giáo trong lòng văn hóa dân tộc”, vì đó là nhiệm vụ của mọi thành phần dân Chúa, “họ vừa là Kitô hữu vừa là con dân Việt Nam, vừa phải thấm nhuần văn hóa dân tộc vừa phải làm cho đức tin Kitô giáo trở thành một phần trong di sản văn hóa ấy. Con đường còn rất dài ở phía trước” [3, tr.205].

Tài liệu tham khảo

[1] Dương Phú Hiệp (Chủ biên, 2010), Nghiên cứu văn hóa và con người Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[2] Nguyễn Đức Lữ (2007), Lý luận về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

[3] Bùi Công Thuấn (2019), Tiếp cận thế giới nghệ thuật của Song Nguyễn, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.


[1] Song Nguyễn là bút danh của Đức Giám mục Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc.