VĂN TRẺ ĐỒNG NAI

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK: 

buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

VĂN TRẺ ĐỒNG NAI

    Bùi Công Thuấn

***

TỔNG QUAN

Bài viết này là sự nhận dạng bước đầu một “thế hệ” văn chương Đồng Nai xuất hiện đầu thế kỷ XXI, cũng là lời chào một thế hệ mới, sẽ là trụ cột, là người kế tục sự nghiệp văn chương của các thế hệ đi trước ở Đồng Nai. Nhiều chục năm qua, lãnh đạo Hội VHNT Đồng Nai nặng lòng tìm kiếm những cây bút trẻ. Đến nay (2023) Hội đã kết nạp trên 10 hội viên trẻ và có trên 20 người là cộng tác viên thường xuyên ở lĩnh vực văn học [[1]].

Đó là các tác giả thế hệ 8x và 9x: Nguyễn Huyền Quy, Lê Vũ Anh Đào, Đào Nguyên Thảo, Phương Rong, Hoàng Thị Quỳnh Trang, Huỳnh Ngọc Tuyết Cương, Lê Phan Hiếu Anh, Tống Thanh Tâm, Hoàng Thu Thảo, Đàm Minh Khôi, Lã Hoài Mai, Hoàng Phương, Nguyễn Hải Yến, Trần Hoan, Trần Thị Hiếu, Văn Ánh Ngọc, Vân Nhi, Phạm Bá Khoa, Lý Thăng Long, Võ Anh Vũ, Hoàng Phước Nguyên, Phan Gia Hưng, Nguyễn Võ Mỹ Duyên, Vy Ngân, Trần Huynh Quỳnh, Lê Nguyễn Hà Ngọc, Ngô Gia Hân, Phan Nhật Anh, Minh Anh, Đặng Huệ Linh, Lưu Thiện Vương, Nguyễn Thị Thu Ngân,…[[2]]

Tôi ghi nhận, Hội VHNT Đồng Nai đã tổ chức nhiều hoạt động văn học cho người viết trẻ: tổ chức trại sáng tác trẻ (trại sáng tác trẻ lần thứ nhất được tổ chức năm 2017), in các tuyển tập văn học trẻ (tuyển tập Thiếu nhi và dân tộc thiểu số (2018), Khi đàn chim vỗ cánh (2019), Chạy về phía mặt trời (2021); chọn cử tác giả tiêu biểu đi dự Hội nghị người viết văn trẻ toàn quốc (Phương Rong, Nguyễn Huyền Quy, Huỳnh Ngọc Tuyết Cương). Những hoạt động ấy đều hướng đến việc quy tụ những tài năng và bồi dưỡng “tay nghề” cho người viết trẻ. Và chúng ta có thể hy vọng những mùa gặt ở tương lai.

Người viết trẻ Đồng Nai hôm nay sinh ra và bắt đầu viết trong một bối cảnh văn hóa, xã hội hoàn toàn khác với cha anh. Từ sau “Đổi mới” (1986), đất nước đã chuyển sang nền kinh tế thị trường và đã có nhiều thành tựu hội nhập toàn cầu hóa. Người viết trẻ Đồng Nai hoàn toàn sống trong hòa bình, no ấm. Internet đã kết nối toàn cầu, nhờ thế, họ có nhiều điều kiện tiếp cận những thành tựu văn học thế giới và họ có nhiều môi trường hoạt động văn học hơn.

 Đảng đã có những đổi mới về văn học (Nghị quyết Trung ương 5 ngày  16  tháng 7 năm 1998, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị ngày 16/6/2008, Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI), khuyến khích mọi thể nghiệm sáng tạo, vì thế họ không còn vướng mắc về phương pháp sáng tác Hiện Thực Xã hội Chủ nghĩa  như thế hệ trước. Người viết trẻ hôm nay được thử nghiệm mọi kiểu sáng tác miễn là tác phẩm đạt được những giá trị đích thực.

 Đến nay, văn chương Việt Nam đã chảy thành ba dòng với những đặc điểm khác biệt: Văn chương cách mạng và kháng chiến, Văn chương dân chủ và nhân văn và Văn chương thị trường. Người trẻ có thể chọn lựa khuynh hướng cho ngòi bút của mình và có thể học tập được rất nhiều điều từ thế hệ nhà văn đi trước. Họ được khuyến khích viết về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, như thế hệ cha anh: Hoàng Văn Bổn, Lý Văn Sâm, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Nguyễn Minh Châu, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy… Họ cũng thấy được nhữ hạn chế của những tác phẩm văn học thời “đổi mới” (1986-2000) của Nguyễn Mạnh Tuấn, Lê Lựu, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Hoàng Minh Tường, Tạ Duy Anh, Trần Huy Quang…Họ có thể tiếp tục con đường cách tân như Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý, Văn Cẩm Hải, Ly Hoàng Ly, Mai Văn Phấn…Hoặc lăn vào dòng Văn chương thị trường như nhà văn Khôi Vũ, Nguyễn Một, Nguyễn Trí, Nguyễn Nhật Ánh, Dương Thụy…

Đảng yêu cầu: “Trên nền tảng mỹ học mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh, khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại; lên án, phê phán không khoan nhượng những tiêu cực, xấu xa đang cản trở sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam” (Nghị quyết 23/BCT). 

 Văn học là sự lên tiếng nói trước những vấn đề của thời đại. Và trước những yêu cầu của Đảng, thế hệ người cầm bút 8x, 9x sẽ viết gì, viết thế nào để có những đóng góp mới mẻ cho sự phát triển của văn học Đồng Nai?

Tôi nghĩ, để thực hiện được mục tiêu: “xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” theo những yêu cầu trên của Đảng, người viết trẻ Đồng Nai cần phải kế thừa được truyền thống của các thế hệ đi trước đồng thời phải mạnh dạn sáng tạo. Thời nào có văn chương của thời ấy.                                       

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CHUNG

1. Đã xuất hiện một thế hệ mới nhiều hy vọng

            Nhìn vào sáng tác của Văn trẻ Đồng Nai, tôiđã thấy bóng dáng những nhà văn chuyên nghiệp. Con đường sáng tạo của họ còn dài, và chúng ta có quyền hy vọng.

            Nhiều người trong số họ đã quan tâm đến cuộc sống chung quanh, ghi chép những câu chuyện của cộng đồng, khám phá nhân vật hôm nay, đốt nóng cảm hứng từ hiện thực mình quan sát và trải nghiệm; hoặc trăn trở về những vấn đề nhân sinh và lên tiếng nói trách nhiệm của người nghệ sĩ. Đấy là hướng đi rộng mở và đúng với yêu cầu “bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân,…”.

Hoàng Thị Quỳnh Trang quan tâm đến vần đề giáo dục trẻ tình gia đình, tình anh em, tình bạn (Mẹ; Mùa đông đầu tiên). Hoàng Thu Thảo viết về những “góc đời sứt mẻ”, những thân phận hẩm hiu (Góc đời sứt mẻ; Mùa nấm mối). Tống Thanh Tâm có cái nhìn sâu sắc và nhân hậu hơn về tình yêu, về hoang thai (Nụ cười), về thực tại con cái không chăm sóc cha mẹ già (Nghịch thời) và sự tha hóa đạo đức của con người hôm nay khi người ta đánh đổi tất cả để lấy sự xa hoa. Truyện của Lê Vũ Anh Đào hướng về những vấn đề tư tưởng khi khám phá hiện thực. Trong một xã hội thực dụng, con người không bằng con chó (Một chuyện không cười nổi). Để vượt qua bi kịch, người trẻ cần mở lòng ra biết đón nhận yêu thương của mọi người (Yêu thương ngày cũ). Lã Hoàng Mai viết những truyện giải trí giàu tính giáo dục. Ở quán café những người không ngủ là một truyện khá hay về người trẻ hôm nay. Trịnh Khánh Linh viết rất sâu sắc và đầy yêu thương về tình yêu của người đồng tính (Hoàng hôn vắng một người), về thảm cảnh của những đứa trẻ trong một gia đình tan vỡ (Cha và con; Những cánh diều cô đơn). Và Đào Nguyên Thảo có những truyện, những bài thơ tình yêu đầy cảm động (Truyện: Hoàng hôn muộn; Mẹ sẽ trở về; Thơ: Em và muộn sầu giầu kín; Đến cuối con đường). Nguyễn Huyền Quy là một tài năng đa dạng. Tác giả này vừa làm thơ, vừa viết truyện, vừa viết kịch bản và viết chân dung văn nghệ sĩ. Ở mỗi thể loại, Huyền Quy đều ghi được dấu ấn riêng.

Nội dung, tư tưởng và những vấn đề tác giả đặt ra trong tác phẩm sẽ làm nên giá trị của một ngòi bút, song nghệ thuật thể hiện sự sáng tạo mới làm nên khuôn mặt văn chương của một tác giả, mới định vị tác giả trên dòng chảy văn học đương đại.

Thơ Huỳnh Ngọc Tuyết Cương gây được ấn tượng, bởi vì, bài thơ nào của anh cũng có tứ thơ mới lạ. Thơ Đào Nguyên Thảo quyến rũ ở giọng thơ tự tình nhẹ nhàng nhưng hàm chứa tư tưởng, bản lĩnh và trí tuệ mạnh mẽ của một người con gái dám đối mặt với mọi giông bão cuộc đời. Trịnh Khánh Linh có ngòi bút phân tích tâm lý rất tinh tế và sâu sắc, văn giàu chất thẩm mỹ, thể hiện một tình cảm yêu thương con người rất chân thực. Tống Thanh Tâmcó cách nhìn đa diện về một vấn đề. Và tác giả này viết rất thuyết phục dù đó là những vấn đề gai góc. Truyện thiếu nhi của Hoàng Thị Quỳnh Trang giàu tính giáo dục nhưng nhẹ nhàng và hấp dẫn. Lã Hoàng Mai trong truyện Ở quán café những người không ngủ đã viết khá hấp dẫn về người trẻ hôm nay; truyện có thể nói với người trẻ nhiều điều khi người đọc soi chiếu sự tương phản giữa nhân vật Tôi và cậu trai lạ (đọc bằng Giải Cấu trúc-cặp đối lập nhị phân).

2.Nhiều cây bút trẻ chưa thoát khỏi Cái Tôi

Điều này thể hiện rõ khi tác giả viết về chính mình, khi kể những câu chuyện mà mình là nhân vật. Cần phân biệt với nhân vật xưng Tôi do tác giả nhập thân vào một nhân vật khác trong truyện để trần thuật.

Thực ra viết về chính mình, về Tôi, không có gì đáng trách, nếu Cái Tôi ấy mang được những đặc điểm của con người thời đại. Khi ấy Cái Tôi ấy trở thành Cái Ta chung.

Thơ của Lê Phan Hiếu Anh là tiếng nói của Cái Tôi hôm nay: cô đơn, buồn, trăn trở.

Nguyễn Hải Yến trong bài viết ngắn Chạy về phía mặt trời chỉ là ghi lại những cảm xúc, suy nghĩ của Tôi khi giúp đưa một cháu bé 4 tuổi đi qua chỗ có con chó to, vì cháu sợ chó. Bài viết không đề cập đến bất cứ vần đề xã hội nào. Thơ Nguyễn Huyền Quy là những lời tâm tình của người vợ trẻ nói với chồng, của người mẹ trẻ (tác giả) nói với con về tình yêu thương của mình (Quà sinh nhật con, Chàng kỵ sĩ lên 3, Ru con, Con thuyền của mẹ, Tóc ngắn, Như em đợi anh). Đàm Minh Khôi chưa vượt qua văn chương học trò (Biên Hòa trong tôi). Ngô Gia Hân (Tiệm sách cũ), Nguyễn Võ Mỹ Duyên cũng kể những chuyện thời học trò (Nhành hoa ngũ sắc). Lý Thăng Long lại kể chuyện tình học trò đầy bạo lực và thực dụng chủ nghĩa (Con đường hôm qua; Em là mùa hạ trong tôi)

            Tôi không tìm thấy tiếng nói của người viết trẻ Đồng Nai về những vấn đề nóng của hôm nay như: vấn đề biển Đông, Hoàng sa, Trường sa. Không có tác phẩm nào của người trẻ lên tiếng về sự xâm lăng văn hóa (đặc biệt là sex vô luân và lồi sống thực dụng), sự suy đồi về đạo đức; tình trạng công nhân thất nghiệp, nạn buôn người, nạn kinh doanh xác thịt phụ nữ, tình trạng lưu manh lừa gạt trong mọi hoạt động xã hội. Nhận xét này của Nghị quyết 23/BCT có thể đúng với một vài tác giả trẻ Đồng Nai: “Có biểu hiện xa lánh những vấn đề lớn lao của đất nước, chạy theo các đề tài nhỏ nhặt, tầm thường…”.

Tôi ngỡ ngàng khi đọc Chạy về phía mặt trời của Nguyễn Hải Yến.Nhân vật Tôi giúp em bé 4 tuổi đi qua chỗ có con chó to. Em bé sợ chó. Tôi không hiểu tác giả đặt vấn đề xã hội gì trong bài viết ấy? Tôi xót xa hơn khi đọc Con đường hôm qua; Em là mùa hạ trong tôi của Lý Thăng Long. Tác giả say sưa kể chuyện tình học trò với những cảnh đấm đá và những thủ đoạn lừa tình, dù nhân vật học trò mới chỉ là học sinh lớp 7…Chuyện hai nhà hàng xóm mất gà, sinh ra xích mích nghe đã cũ lắm rồi, nhưng Lê Vũ Anh Đào viết lại (Vụ án hai con gà), không rõ để giải quyết vấn đề xã hội nào? Đọc Nguyễn Huyền Quy viết về chiếc xe chở con đi học hàng ngày (Con thuyền của mẹ), tôi không tìm thấy vấn đề thế sự nào ngoài đó là chuyện riêng tư của tác giả với con mình.

3.Thử đề xuất một vài vấn đề.

            Trừ một số ít tác giả có cách viết điêu luyện, hấp dẫn, khi tiếp cận một hiện thực mới; nhiều tác giả rất lúng túng trong kiến tạo tác phẩm như cấu trúc truyện, khắc họa nhân vật, chọn lựa bút pháp và xây dựng một phong cách riêng.

            Tôi có cảm giác các tác giả trẻ không đọc Lý luận văn học về bản chất và sứ mệnh văn chương, về mối quan hệ nhà văn-tác phẩm-người đọccuộc đời. Họ mới chỉ viết theo quán tính, viết theo năng khiếu trời cho, chưa có ý thức sáng tạo tiến bộ. Việc sử dụng bút pháp rất đơn điệu và chưa chú ý đến vẻ đẹp văn chương (lời văn). Nếu họ đọc Văn học là gì (đề cập những vấn đề Viết là gì? Viết để làm gì? Viết cho ai?) của J.P.Sartre, họ sẽ nghĩ khác, viết khác[[3]]. Và nếu họ đọc kỹ các Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị Quyết 23/ BCT, họ sẽ thực hiện tốt hơn trách nhiệm công dân trong sáng tác của mình.

            Vốn sống, vốn văn học của các tác giả rất mỏng. Trang văn của họ thiếu những tầng vỉa văn hóa giàu có của cha ông, vì thế tác phẩm của họ khó có thể hội nhập vào dòng chảy văn chương dân tộc đương đại. Chẳng hạn, về thơ tình yêu lãng mạn, những Xuân Diệu, Nguyễn Bính, TTKH,… đã thống trị văn đàn thời 1930-1945. Bây giờ vẫn có tác giả trẻ Đồng Nai viết những bài thơ tình loại thơ 7, 8 chữ với nhạc điệu, ngôn ngữ, nỗi buồn sự cô đơn của Cái Tôi như thời Xuân Diệu, thì thơ ấy tuy mới viết, song đã cũ lắm rồi.

Bởi thơ Việt đã có những nỗ lực cách tân mạnh mẽ sau từ 1945. Năm 1946, Trần Dần đã đòi “chôn Thơ Mới”. Và từ năm 1956, nhóm Sáng tạo ở Sài Gòn với Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên đã chủ trương làm thơ tự do, thoát ly hoàn toàn thơ tiền chiến (trước 1945). Độc giả miến Bắc đọc thơ tình Hoàng Cầm, đọc thơ cách tân của Lê Đạt, Trần Dần. Độc giả miền Nam đọc thơ tình Nguyên Sa, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên, Lý Thụy Ý… Và thế hệ “Thơ Trẻ” đầu thế kỷ XXI cũng đã để lại dấu ấn trong việc cách tân Thơ Việt (Văn Cầm Hải, Ly Hoàng Ly, Vy Thùy Linh, nhóm Ngựa Trời…). Tôi ngờ rằng có những tác giả trẻ Đồng Nai chưa từng đọc thơ tình Việt Nam nên mới lặp lại người đi trước (?).

Về nghệ thuật kiến tạo tác phẩm, hình như khi viết Tùy bút, tản văn, các tác giả chưa đọc tùy bút Nguyễn Tuân, tùy bút Anh Đức, chưa đọc Ký của Hoàng Ngọc Điệp. Viết truyện ngắn, các tác giả chưa học được nghệ thuật cấu trúc truyện theo sự vận động tâm lý nhân vật của Nam Cao (truyện Chí Phèo), cách giữ bí mật cốt truyện của Nguyễn Quang Sáng (truyện Chiếc lược ngà), cách xây dựng truyện bằng nhiều tình huống liên tiếp của Nguyễn Minh Châu (Chiếc thuyền ngoài xa), kể theo phong cách Kinh thánh và chuyện cổ điển của Nguyễn Huy Thiệp (Phẩm Tiết, Vàng Lửa, Kiếm sắc), và chưa tác giả nào có những thử nghiệm các bút pháp đương đại như Văn chương Hiện sinh với thủ pháp “dòng ý thức”, Chủ nghĩa Siêu thực, Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, Chủ nghĩa Hậu Hiện đại, kiểu văn chương tư tưởng (như F. Kafka, J.P.Sartre, A.Camus…)

Nói cách khác, Vốn viết văn của ngưởi viết trẻ Đồng Nai còn rất mỏng. Đó là vốn sống, vốn lịch sử, vốn văn học Việt, vốn Lý luật văn học, đặc biệt là các lý thuyết văn học và phê bình văn học đương đại (Phê bình mới Anh, Mỹ; Ký hiệu học, Phân tâm học, Chủ nghĩa Cấu trúc, Giải cấu trúc, Lý thuyết trò chơi-Game Theory, Thuyết người đọc-Reader Theory…). Những “vốn” này ảnh hưởng trực tiếp đến trang viết. Thí dụ, nếu người trẻ muốn viết về văn học kháng chiến (kế tục nhà văn Hoàng Văn Bổn, nhà văn Lý Văn Sâm, nhà văn Lê Bá Ước, nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ), họ cần phải biết lịch sử kháng chiến, học cần đọc các sử thi kháng chiến, đọc thơ kháng chiến và hơn nữa, chính họ phải có vốn về đời sống kháng chiến (bằng cách nghiên cứu, điều tra, đi thực địa, gặp các nhân chứng, đến các vùng chiến trường…). Người làm thơ trẻ muốn theo kịp thơ Việt hôm nay, thì họ phải biết thơ truyền thống, thơ kháng chiến, phải biết những nỗ lực cách tân thơ Việt từ 1945 đến nay. Nếu không, họ sẽ rất lạc lõng và rất cũ.

Tôi nghĩ, Hội VHNT Đồng Nai cần có nhiều trại sáng tác bồi dưỡng nghiệp vụ hơn là trại tham quan gặp gỡ. Đồng thời  tổ chức những cuộc trao đổi, giới thiệu tác giả, tác phẩm để họ có cơ hội cọ sát, tự định vị ngòi bút của mình.

NIỀM HY VỌNG

            Dù các tác giả trẻ Đồng Nai mới chỉ bắt đầu hành trình văn học của mình, song đã xuất hiện những cốt cách và tài năng. Vấn đề là Hội VHNT Đồng Nai cần hết sức chăm lo cho họ. Được vậy, chúng ta có quyền hy vọng những mùa vàng văn học Đồng Nai trong thời gian không xa.

Tháng 3/ 2023

Đọc tiếp: 15 KHUÔN MẶT VĂN TRẺ ĐỒNG NAI

***

Bạn có thể đọc đầy đủ chuyên luận Văn trẻ Đồng Nai, (xin tải về theo link:

https://www.mediafire.com/file/1kfyphruj3k0ejy/V%25C4%2582N_TR%25E1%25BA%25BA_%25C4%2590%25E1%25BB%2592NG_NAI-B%25E1%25BA%25A3n_full-official.pdf/file


[1] Trần Thu Hằng-Nhân Hội nghị Viết văn trẻ lần thứ X: Sức trẻ trong sáng tác văn học ở Đồng Nai

http://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202206/nhan-hoi-nghi-viet-van-tre-lan-thu-x-suc-tre-trong-sang-tac-van-hoc-o-dong-nai-3120426/index.htm

[2] Tổng hợp từ bài viết của các tác giả: Hoàng Ngọc Điệp, Đàm Chu Văn, Hạnh Vân, Thy Vân.

[3] What is Literature? by Jean-Paul Sartre

 

Văn học Công Giáo: Lưu Thành & Kỷ niệm thành hôn

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

Giới thiệu khuôn mặt văn xuôi Công giáo

Fx LƯU THÀNH & KỶ NIỆM THÀNH HÔN

***

Tác giả Lưu Thành

Phanxicô Xavie Lưu Thành  sinh năm 1952 tại Hợp Thành, Yên Thành, Nghệ An-Gp Vinh. Ông đã đạt các giải thưởng văn học Công giáo:

            -Thơ 60 năm Đức Mẹ Tà Pao (2019)-Khuyến khích

            -Thơ 2020-VHNT Đất Mới-Khuyến khích

            -Thơ 2022-VHNT Đất Mới-Khuyến khích

            -Truyện dài 2022-VHNT Đất Mới-Giải II (không có giải nhất)

***

TRUYỆN DÀI “KỶ NIỆM THÀNH HÔN”

          Kỷ niệm thành hôn, truyện dài của Lưu Thành do Tủ sách Nước Mặn chọn in để “dọn mừng 400 năm văn học Công giáo Việt Nam (1632-2032)”. Sách do Nxb Hồng Đức xuất bản đầu năm 2023.                          

1.Kỷ niệm thành hôn kể lại hành trình sống đức tin của người trẻ hôm nay.

Huệ là con ông bà Ân. Nhà có 4 chị em: Huệ, Hường, Hồng và Hải. Trong dịp lễ  thánh An-tôn ở linh địa Trại Gáo thuộc Giáo phận Vinh, Nghệ An, Huệ quen Tiến khi đoàn thiện nguyện của hai người cùng thăm trại phong. Sau đó Tiến đến nhà Huệ nhiều lần và xin phép cha mẹ Huệ đưa Huệ ra bờ sông tâm sự. Một lần Tiến ôm Huệ không chịu buông, cả hai cùng lăn xuống sông. Huệ thoát được và bỏ chạy. Tiến bị bắt vì tội cờ bạc. Huệ dứt khoát chia tay Tiến. Năm Huệ 16 tuổi, lúc ấy bác sĩ Đô, bạn của ông Ân, chăm sóc bệnh dạ dày cho ông, suýt chút nữa Huệ uống phải thuốc mê của ông Đô.

Huệ lên thành phố giúp việc cho một chủ quầy bán buôn hàng đồ áo sẵn. Ở đây, Huệ quen và yêu Toàn. Huệ bị Mến là người yêu của Toàn đánh ghen ở chợ. Sau đó Huệ phát hiện ra mình đã có thai với Toàn. Toàn muốn Huệ hủy thai. Toàn nói, gia đình Toàn mắc nợ ân nghĩa với gia đình Mến, Toàn không thể bỏ Mến. Huệ chia tay Toàn và vào Nam tìm việc để tránh tai tiếng cho gia đình.

Vào Nam, Huệ gặp Nga, một bạn học, đã vào Tây Nguyên trước. Huệ hái tiêu cho gia đình ông Điều, một người Bắc di cư năm 1954. Một bữa đi làm, khi vận chuyển bao tiêu, Huệ vấp ngã. Bao tiêu đè lên người Huệ. Nga đưa Huệ đi viện. Huệ bị sẩy thai. Huệ nghĩ: “Có phải Chúa phạt tội mình không? Không”! Chúa luôn yêu thương kẻ có tội mà”. Nga trở thành tri kỷ. Huệ kể hết mọi nỗi gian truân của mình cho Nga nghe. Nga dạy cho Huệ kinh: “Xin Ơn Giữ Mình Sạch Sẽ.

Trong khi chờ bình phục, Huệ phụ việc cho một quán giải khát để kiếm thêm. Huệ ở chung phòng công nhân với Nhu, một cô gái miền Tây Nam Bộ, quê ở Tây Ninh. Nhu đã cứu Huệ khi ông chủ quán định làm nhục Huệ. Huệ chuyển sang mua bán hàng.

Một lần xe Huệ bị hư, Huệ được An giúp. Hai người qua lại và yêu nhau. An góa vợ. Lấy An, Huệ phải xin phép chuẩn hôn nhân khác tôn giáo, vì An là con trai một trong gia đình ông bà Bình, người phải giữ lễ cúng tổ tiên. Ý định của Huệ là cảm hóa gia đình An. Huệ đặt ra phương châm hành động: “Phải lấy việc làm để cảm hóa người khác. Hãy làm ngôn sứ ngay trong môi trường sống của chính mình”.

Nhưng trong đời sống hôn nhân, Huệ không đủ khả năng để lay chuyển được An và gia đình ông Bình. Từ việc treo ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở phòng khách nhà An đến việc Huệ đi nhà thờ, sau đó là việc đạo của con: Dung và Hòa, rửa tội, rước lễ lần đầu, Thêm sức, Huệ phải lén lút thực hiện. Đêm, Huệ suy nghĩ không ngủ. “Huệ cảm thấy một áp lực trường kì, không biết có đủ kiên nhẫn chịu đựng được không, hay một ngày nào đó mỏi mòn rồi buông xuôi. Huệ thì thầm xin Chúa, xin Mẹ Hằng Cứu Giúp ban cho ơn bền đỗ. Nhập gia tùy tục. ”Huệ càng thấm thía sự khác biệt niềm tin trong đời sống vợ chồng đã làm cho Huệ mất đi bao sự bình an”.

Khi bà Bình bị bịnh, rồi sau đó ông Bình bị tai biến, Huệ hết sức chăm sóc bố mẹ chồng. Huệ được bố mẹ chồng và chồng thương yêu hơn. Và chỉ khi ông bà Bình qua đời, Huệ mới nhẹ nhàng được một chút.

Dung đi học Đại học, quen với Tâm, bạn trai khác đạo. An và Huệ thuyết phục con tìm bạn trai có đạo. Dung nói: “Nếu cha muốn con lấy người cùng đạo thì sao cha không theo đạo? Nếu cha theo đạo con sẽ quyết tâm làm cho anh ấy cũng theo đạo”. An về Bắc thăm bà Ân (mẹ của Huệ), anh chứng kiến các đoàn thiện nguyện Công giáo cứu trợ đồng bào bão lụt miền trung, trở về An đồng ý theo đạo. Thánh lễ kỷ niệm hôn phối được cử hành vào tối tiếp theo sau ngày An chịu bí tích Rửa tội…

Trong tiệc đãi kỷ niệm hôn phối, Dung dẫn Tâm và mẹ Tâm về dự. Huệ nhận ra mẹ Tâm chính là Nhu, người bạn cũ mà 20 năm không gặp. Nhu đồng ý cho con theo đạo khi biết Dung là con của Huệ. Mọi người vui vẻ. Huệ chạy vào nhà tạ ơn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

2. Những vấn đề nhân sinh

            Truyện trình bày những khó khăn quá sức dối với một người phụ nữ lấy chồng khác đạo. Dù Huệ ẩn nhẫn sống tốt và quyết liệt giữ gìn đức tin, nhưng dưới áp lực và môi trường văn hóa của gia đình chồng, Huệ không thể thực hiện được ý hướng Phúc Âm hóa môi trường của mình. An nói: “anh phần nào cũng đã hiểu về đạo, nhưng anh không cưỡng lại được cha mẹ, anh em, họ hàng và cả phong tục của thôn làng nữa. Huệ phải chịu nhiều thiệt thòi trong đời sống đạo của một Kitô hữu. Việc rửa tội, rước lễ lần đầu và Thêm sức cho con Huệ phải làm lén lút. Nhờ ơn Chúa, sau cùng Huệ cũng chu toàn bổn phận làm vợ, làm mẹ trong nhiệm vụ gieo trồng đức tin cho gia đình. Dù vậy Huệ vẫn luôn đối mặt với những thách đố hiểm nguy. Trường hợp Dung sẵn sàng bỏ đạo để theo bạn trai khác đạo là mối lo lắng khôn nguôi của Huệ. Tư tưởng của Dung về quan hệ khác tôn giáo với Tâm là một lời cảnh báo cho tất cả bạn đọc có đức tin: ”Vậy thì một là anh ấy theo đạo, hai là con theo lương”. Với ý nghĩa này, tác phẩm là một kinh nghiệm sống quý báu đối với bạn trẻ trước khi bước vào đời sống hôn nhân.

            Chuyện tình yêu của Huệ cũng là một kinh nghiệm sống khác cho người trẻ hôm nay. Huệ yêu Tiến nhưng không ngờ Tiến chỉ là một tên háo sắc và hư hỏng. Khi gặp Toàn, Huệ yêu Toàn và thất thân với hắn nhưng không ngờ hắn là một tên Sở Khanh. Huệ còn nhiều lần suýt bị hại với bác sĩ Đô, với ông chủ quán nước, may có bạn tốt giúp mới thoát được. Ở đâu Huệ cũng gặp cạm bẫy của đàn ông và may là Huệ có những người bạn gái tốt (Hà, Nga, Nhu, Sơ Linh). Đó là ơn Chúa gìn giữ Huệ. Huệ nghĩ ngợi nhiều: “Thiên Chúa luôn trọn tình thương với tất cả con cái Người. Tạ ơn Chúa đến muôn đời”(tr.183).

            Truyện còn phản ánh nhiều hiện tượng xã hội đương đại: chuyện di dân, tình hình bão lụt miền trung; chuyện xuất khẩu lao động chui:

Em Hường từ Đài Loan trở về và đang đang nhờ đường dây “chạy” đi Đức. Thời gian chờ đợi để đi không ổn định, có đợt chờ đợi dài lâu hàng năm. Cung đường đi cũng nhiều gian truân vất vả. Theo dự định người đi sẽ bay từ Việt Nam sang  Mátxcơva (Nga), rồi được đưa về chỗ ẩn giấu, tiếp theo sẽ ngồi xe bịt kín đi tiếp theo đường bí mật, thay đổi nhiều xe trên nhiều đoạn đường khác nhau đã được tính trước.

Khi ra khỏi nước Nga thì vượt qua U-crai-na hoặc đi theo đường khác vượt qua Lít-va rồi chạy sang Ba Lan. Mạo hiểm nhất là có những đoạn phải đi bộ trong rừng có người thám thính dẫn đường đi trước. Nếu gặp cảnh sát đi tuần phát hiện thì coi như chấm dứt. Thế là hết, họ sẽ bị bắt, bị trục xuất về nước và rất khó làm hộ chiếu cho chuyển đi lần khác. Nếu vượt qua nguy hiểm đến được Ba Lan thì xem là gần tới đích, sẽ có xe đến đón và chở họ sang Đức”…

Những người đi Tây, do vốn của gia đình chỉ là con số ít. Đa số là vay mượn cầm cố. Có người dùng sổ đỏ của gia đình mình vay không đủ nên phải nhờ nhiều sổ đỏ của anh em đứng tên vay thêm. Có trường hợp phải gộp ba, bốn sổ đỏ mượn của anh em mới vay đủ tiền. …”.

Nhưng những ý kiến của ông bà Bình về đời sống đạo của người Kitô hữu là đáng chú ý. An kể cho Huệ nghe câu chuyện về người Công giáo. Năm 1954, trên đường di cư vào nam, ông bà nội An gặp một người bạn Công giáo: “ông bà nội anh đưa cho ông ấy một số vàng gồm những vòng đeo và nhẫn vàng với khoảng gần mười chỉ để chi dùng dọc đường và cùng hứa hẹn bạn vào trước tìm nơi ăn chốn ở rồi chờ ngày gặp nhauÔng bà nội của anh vì gặp trắc trở do bà nội ốm trong hoàn cảnh đất khách quê người, khi vào được miền Nam, chỉ còn hai bàn tay trắng”. Gặp lại người bạn Công giáo, ông nội “nhắc đến số vàng xưa và muốn được nhận lại một ít để xoay xở cho cuộc sống, thì ông bạn kia trả lời rằng đã tiêu và giúp đỡ những người khác cùng đi hết rồi”; ông nội biết rằng “mình nhìn nhầm người và đã đặt niềm tin không đúng chỗ”; “Đó là lý do khiến cho cha mẹ anh thiếu sự tin tưởng và mặc cảm về bên đạo..”. Ông bà Bình luôn cho rằng người Công giáo không phải là người tốt. Định kiến ấy gây trở ngại rất lớn cho Huệ.

Huệ đi nhà thờ, bà Bình nói: “Lễ gì mà lắm thế chứ! Cứ ít bữa là một lễ. Bỏ hết công hết việc. Lễ có ra cơm ra gạo gì không biết mà cứ đi lễ hoài”. Tuần Thánh, Huệ ngày nào cũng đi lễ. Bà Bình phàn nàn với An: “- Cha thì ốm, công việc có ai làm thay cho đâu. Suốt ngày cứ ăn mặc bảnh bao đi lễ. Lễ gì cũng vừa vừa chứ cứ lễ suốt ngày suốt tuần thế này lấy chi mà ăn. Đi lễ đã đành, ở nhà còn đọc kinh trước mấy cái bức ảnh kia nữa chứ. Mất hết thì giờ, mất công mất việc”. Bà Bình bảo An gỡ hết ảnh thờ của Huệ xuống và đem đốt đi. Có lần An ném ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp để ở phòng khách xuống một cái giếng cạn, Huệ phải nhảy xuống giếng lấy lên đem về để ở phòng của mình…

Những phản ứng như thế của ông bà Bình (người bên lương) trước những nghi lễ, ảnh thờ và sinh hoạt sống đạo của người Công giáo, cùng với lối sống của người trẻ hôm nay (Dung) đặt ra nhiều vấn đề quan trọng đối với việc truyền giáo.

Tác giả có ý thức đưa vào tác phẩm những sinh hoạt văn hóa, phong cảnh vùng miền làm phong phú nội dung tác phẩm: Đó là lễ thánh An-tôn ở linh địa Trại Gáo thuộc Giáo phận Vinh, Nghệ An; huyền thoại về Thác Đray Sáp; những giải thích về sự khác biệt tôn giáo; Thánh lễ do Đức Giám mục cử hành.

Đây là hình ảnh miền Nam trong mắt người miền Bắc di dân:Người miền Bắc nhận thấy nguồn đất đai rộng lớn bỏ ngỏ ở miền Nam chưa được quản lý chặt chẽ như ở miền Bắc nên nhiều nơi đã mách nhau vào khai thác. Những người ở các vùng đất chật như Nam Định, Ninh Bình vào nhiều, rồi đến dân Nghệ An, Hà Tĩnh cũng rủ nhau vào Đắk Lắk. Đến như đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao miền Tây Bắc hay dân tộc thiểu số vùng Thanh Hóa cũng vào Nam làm cho miền Nam bỗng chốc trở thành vùng đất nhiều sắc tộc hơn nữa.
            Vào nơi đây, người ta có cảm giác tự do thoải mái với phong cảnh thiên nhiên như thời chưa có bàn tay tác động của con người. Những ngôi làng ẩn sâu trong màu xanh bao la của rừng núi, của cây cối tạo nên phong cảnh êm ái trong lành, khác với những làng dân nơi quê hương của Huệ. Tuy rằng nông thôn cày ruộng nhưng nhà cửa ở gần nhau. Nơi đường lớn thì nhà dày san sát, không mấy nơi có cây cổ thụ. May lắm có nơi có vài cây đa, cây phượng của làng là còn được bảo vệ xem như di sản của tiền nhân
”.

Những cảnh sắc và đặc điểm văn hóa vùng miền như thế tạo nên những màu sắc thẩm mỹ riêng bên cạnh những câu chuyện tôn giáo, nhờ đó tác phẩm có khả năng mở rộng không gian phản ánh hiện thực, khiến câu truyện có sức thuyết phục hơn.

3. Một vài đề xuất

            Việc tô đậm những định kiến tôn giáo ở gia đình ông Bình (cha mẹ An) là một cực đoan. Việc An thay đổi nhận thức để theo đạo chưa được miêu tả và lý giải thấu đáo. Khiến cho ngay cả Huệ cũng bất ngờ, mặc dù những yếu tố khách quan (việc Dung có bạn trai và thái độ của Dung, ông bà Bình qua đời, chuyến đi bắc của An) đủ giúp An vượt qua trở ngại, song yếu tố tâm linh của An chưa đủ mạnh để tạo nên bước ngoặt hành động của nhân vật.

            Việc quan hệ của Huệ với Toàn để có thai, không được nói đến. Sau khi bị Mến đánh ghen ở ngoài chợ, Huệ bị bỏng phải đến trạm xá chữa. Huệ về và đi khám. Lúc ấy mới Huệ biết mình đã có thai và cô báo tin cho Toàn.

            Nhân vật Hòa, em của Dung bị bỏ quên ở cuối truyện.

            Việc rửa tội, sau đó là học giáo lý và chịu phép Thêm sức của Dung và Hòa (con Huệ) đâu chỉ trong ngày một ngày hai mà Huệ có thể qua mặt được An. Trong một thời gian dài Huệ lén lút lo cho con rửa tội, Thêm sức là điều không thuyết phục, bởi vì đó là những Bí tích thánh, cần phải được công khai. Việc Huệ dùng những phương cách để đánh lừa An là không nên. Huệ cần thuyết phục cho An đồng thuận. Điều này tác giả chưa làm được.

            Một kết thúc có hậu như tác giả kết truyện là một niềm vui, song đó là một kết thúc chưa hẳn có trong hiện thực: Huệ có một gia đình hạnh phúc và thực hiện được sứ vụ Ngôn sứ của một Kitô hữu trong một gia đình khác tôn giáo: An theo đạo, Dung có bạn trai khác đạo cũng đồng ý theo đạo. Thánh lễ và tiệc mừng kỷ niệm thành hôn rất đông vui. Vâng, nếu được như vậy thì đúng như Huệ cảm nhận: “Thiên Chúa luôn trọn tình thương với tất cả con cái Người. Tạ ơn Chúa đến muôn đời”(tr.183).

_______________________