THƠ NGUYỄN ĐỨC PHƯỚC

 

 

 

NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN ĐỨC PHƯỚC TRỞ THÀNH HỘI VIÊN HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM 2017, MỜI BẠN ĐỌC BÀI BCT VIẾT VỀ THƠ NGUYỄN ĐỨC PHƯỚC:

TRÁI TIM BIẾT KHÓC

Đọc tập thơ Đêm Khát của Nguyễn Đức Phước- Nxb Hội Nhà Văn năm 2008

Bùi Công Thuấn

Nguyễn Đức Phước

Nhiều nhà thơ trẻ đương đại quay quắt trong cái tôi, hả hê với sex (1), ồn ào với “cách tân“, nhưng họ không sáng tạo được những tác phẩm nghệ thuật có thể đọng lại trong lòng người đọc và đứng được với thời gian. Vĩnh Phúc nhận xét: ”Thú thật, tôi đã đào xới các mạng, tìm kiếm đến mờ mắt những câu thơ hay của các khuôn mặt tên tuổi từ Nguyễn Vĩnh Tiến, Vi Thùy Linh, Hồ Huy Sơn, Phan Huyền Thư, Trương Quế Chi, Nhóm Ngựa Trời, Nhóm Mở miệng… và chỉ thấy ở đó rất nhiều những con chữ phùng mang trợn mắt không hồn vía, những rêu rao tình dục, những giễu nhại hồ đồ phi thẩm mỹ. ..” (2) Trái lại, Nguyễn Đức Phước có những cảm thức nghệ thuật vượt qua thế hệ mình, những cảm thức nối kết truyền thống với hiện đại. Thơ Nguyễn Đức Phước là thơ tư tưởng thẩm mỹ.

Nếu đọc bằng cảm thức tư tưởng, Đêm Khát có thể có sức lay động sâu xa tâm hồn người đọc. Nguyễn Đức Phước viết về những cái đời thường, nhưng anh, dẫn ta vào cõi sâu thẳm của ý thức về thời gian, không gian và những vấn đề của kiếp nhân sinh. Ở nơi ấy, nỗi đau choáng ngợp tất cả.

“Mọi vương triều cũng thành hoang phế

Còn đây đau đáu một hình hài “

(Nỗi Buồn Thánh Điạ)

Dập dìu góc phố lặng im

Tháng năm xa cách cố tìm lại đau“

(Đêm vàng Bỏ Quên)

“Chuyến đò ngày ấy em xa

Vẫn còn đau nỗi bôn ba xứ người “

(Nỗi buồn sông Ngân)

Ta để quên loài hoa phố núi

Tìm ánh mắt mùa đông

Chiếc khăn len phảng phất hương dại

Ám ảnh đêm

Ché rượu cất nỗi đau hoang dã…”

(Ảo ảnh mùa đông)

 

“Một tiếng khóc giữa muôn ngàn tiếng khóc

Một cơn đau vật vã những cơn đau”

(Trả lại cho em)

Đó là nỗi đau hiện sinh trong hoang phế buồn thiên cổ và ẩn hiện những vật vã kiếp người lầm than. Nói như thế để thấy Nguyễn Đức Phước không luẩn quẩn trong cái tôi của thơ trẻ. Anh hoà nhập vào được những nguồn mạch lớn của thơ ca tư tưởng trong thơ truyền thống và thơ hiện đại. Có thể nói nỗi đau là mạch cảm hứng căn cốt của Đêm Khát và của hồn thơ Nguyễn Đức Phước. Nỗi đau ấy cất lên nhiều cung bậc và nhiều sắc thái. Nỗi đau hoang dã, nỗi đau của sự mất mát tháng năm, hoang phế, rong rêu, nỗi đau thân phận lạc loài mịt mù khói sương, nỗi đau vật vã cuả muôn ngàn tiếng khóc.

 « Ta còn gì trên sông quê

Khi phù sa chảy vào lòng biển bạc“

(Ảo ảnh muà đông)

Thu vàng không thấy vàng thu

Trông về muôn hướng mịt mù khói sương

(Thu)

Biển chiều lặng lẽ cơn mưa

Mờ phai dấu cát ngác ngơ cánh buồm

(Đông)

“ Ta vùng vẫy tìm khắp biển cả

Chạm rong rêu”

(Biết khóc)

“Hỏi mưa mưa nói buồn thiu

Hỏi nắng nắng chỉ: rong rêu tứ bề“

(Hạ)

 

Nguyễn Đức Phước không chạm vào cái hiện sinh phi lý đến” buồn nôn” (3) của tư tưởng hiện sinh hiện đại mà đạt tới cái cụ thể, cái vô cùng thời gian của nghiệm sinh hữu thể. “Mọi vương triều cũng thành hoang phế/ Còn đây đau đáu một hình hài “. Nỗi “đau đáu hình hài “ ấy giàn giụa nước mắt

“Giọt nước mắt rơi xuống biển

Bao giờ đến được bờ kia”

(Nhớ biển)

Ta còn lại bước chân lầm lũi…

…Giữa ngàn thông giọt nước mắt thầm thì

(Tiễn)

Trong cái ý thức hiện sinh ấy, Nguyễn Đức Phước thấy xung quanh mình là đêm lạnh toát. Đó là đêm hiện thực thăng hoa thành đêm của ý thức tư tưởng thẩm mỹ.

“Tiếng côn trùng rả rích trên thảm cỏ xanh ướt đẫm

Lạnh toát đêm…”

(Ngày xa)

Bầu trời xanh bỗng co rúm lại

Để bóng đêm trùm xuống những cuộc đời

(Trả lại cho em)

Tôi còn lại mớ bòng bong

Đem về rao bán giữa dòng sông đêm

(Đa Tình)

Nguyễn Đức Phước nói đến những ám ảnh đêm, đêm trắng đêm gió hú, gặm nhấm đêm, là nói đến đêm của sự bất lực trước thực tại

Vô cảm trước những ngôn từ

Thơ – Không phải thơ

Người – Có phải người?

Trắng giấy

Đêm Đen?

(Bất lực)

“Những câu chữ không còn hồn vía

Chập chờn như dải luạ đen”

(Biên giới một tình yêu)

Những ám ảnh đêm ấy là ám ảnh về những kiếp người không được làm người. Nguyễn Đức Phước hoá thân vào người ăn xin, lạy sáu cõi thế gian (Lạy), vào những bào thai phải lãnh án tử (Viết tại Khoa Sản), những nạn nhân chất độc da cam “Em sinh ra không mặt, chỉ có đầu ! “ (Trả lại cho em), “những người đàn bà…” (Đêm Khát), những thân phận bôn ba xứ người. Nguyễn Đức Phước kêu khản giọng mà vẫn không thể mua được “một đĩa vị tha, một đĩa nụ cười, một đĩa niềm tin” để chia xẻ cho đời , cho bạn (Xin mua). Niềm đau ấy đầy ắp tình người, Cái tôi của nhà thơ nhoà đi trong nỗi đau cụ thể đau đáu hình hài. Nỗi đau ấy lớn lao khiến nhà thơ nhận ra sự bất lực cuả mình và sự vô cảm của thơ.

Trong sâu xa của hồn thơ Nguyễn Đức Phước, còn có nỗi đau của một tình yêu xa khuất mà những kỷ niệm làm trăn trở mãi không thôi.

Cánh chim vẫy biệt  ngày xuân

Người xa xa mãi bâng khuâng bóng chiều

Tim mình một ngọn lửa thiêu…”

(Xuân)

“Tình yêu khát đến bạc đầu

Bởi đâu ngăn cách nhịp cầu đa mang “

(Đêm vàng bỏ quên)

 “Bỗng quên cả kiếp lưu đày

Mà không đổi được một ngày cho em

(Bỗng quên)

Tình yêu ấy thiêu đốt trái tim, cháy khát đến bạc đầu, có thể đánh đổi cả kiếp lưu đày để được một ngày cho em. Nhà thơ đã đi đến tận đáy lòng mình trong tương quan với thời gian, không gian, giữa cái cụ thể kỷ niệm và cái vô cùng của ý thức về nỗi đau.

Với tư cách một nhà thơ, Nguyễn Đức Phước còn có nỗi đau về chính thơ ca.

“..Những vũ khúc với những điệu nhạc xập xình

Nàng thơ uốn éo, nàng thơ lập loè

Nàng thơ thoát y

Những vũ điệy sexy trên giấy…

Tội nghiệp!

(Những vũ khúc trên giấy)

  1. Những chiếc bánh trung thu sau đêm rằm

          Đại hạ giá

          Những bộ áo quần may sẵn

          Giá chỉ còn ba mươi phần trăm

          Đại hạ giá

  1. Cô gái đứng đường quá nưả đêm

          Đại hạ giá

         Đại hạ giá

         Đại hạ giá

        Ai mua thơ…

(Đại hạ giá)

Thơ mất giá vì nàng thơ uốn éo, nàng thơ thoát y, làm những vũ điệu sexy trên giấy. Nhưng làm sao thơ lại có thể so sánh với bánh trung thu, với bộ áo quần may sẵn, với những cô gái đứng đường. Với những cái cụ thể, có thể hưởng thụ được, có thể đem đến no ấm khoái lạc, mà còn mất giá thì nhà thơ có thể rao bán thơ cho ai? Thơ không phải để bán mà để giữ lấy giọt lệ làm người.

Lật qua tập thơ cũ

Những cảm xúc ngày thơ…

Sao mình vô tư thế

Giọt lệ còn chưa khô

(Ngày cũ)

Dẫu cuộc chiến lùi vào quá khứ

Những rừng cây nẩy lộc đâm chồi

Hãy trả lại cho em trời xanh đó

Hãy trả lại cho em nghiã con người

(Trả lại cho em)

Khi Nguyễn Đức Phước còn nói được những tiếng kêu thương của kiếp người, còn đưa dẫn người đọc vào thế giới cuả cái đẹp tư tưởng và nghệ thuật, thì thơ anh như những “giọt nước mắt rơi xuống biển sẽ đến được bờ  kia (đáo bỉ ngạn – chữ cuả nhà Phật )

Có thể nhận thấy nội dung tư tưởng thơ Nguyễn Đức Phước đã chảy cùng một giòng với thơ truyền thống và thơ hiện đại, và về nghệ thuật, Nguyễn Đức Phước cũng làm mới thơ mình trong khuynh hướng đổi mới thơ ca Việt đương đại. Tuy nhiên anh không ồn ào thử nghiệm cách tân. Anh có những bước chuyển tự nhiên từ truyền thống đến hiện đại. Những câu thơ lục bát của anh kết hợp với tứ tuyệt có vẻ đẹp riêng

Thu vàng không thấy vàng thu

Trông về muôn hướng mịt mù khói sương

Xin đời còn chút tơ vương

Thả rơi chiếc lá bên đường hôm nao”

(Thu)

Người đọc nhận ra vẻ đẹp hài hoà của nhiều bút pháp: chất liệu ca dao, âm hưởng câu thơ Kiều và cảm hứng bàng bạc cuả thơ lãng  mạn trong cái thi vị tứ tuyệt cuả bài thơ Thu. Nguyễn Đức Phước có được những tứ thơ lục bát khá hay

Bỗng quên lời hứa muộn màng

Mái xanh xưa đã ướm vàng chân mây

(Bỗng Quên)

Biển chiều lặng lẽ cơn mưa

Mờ phai dấu cát ngác ngơ cánh buồm!“

(Đông)

Nhiều bài cuả Đêm Khát vẫn viết theo thi pháp thơ lãng mạn. Bài thơ là tâm trạng cuả nhân vật trữ tình. “cái ta” choán cả bài thơ với những cảm xúc dào dạt.

“…Trong cơn mơ ta thấy em bốc cháy

Trên ngọn núi ngùn ngụt dung nham

Ta gào thét lao người giữ lấy

Tro tàn…”

(Biết khóc)

Bài  Hợp Xướng Đêm, Biên Giới Một Tình Yêu, Cơn Bão Vừa Đi Qua, Vòng Xoay , được viết bằng bút pháp hiện đại

Thơ tình

Rơi xuống đất

Nỗi đau quăng vào sọt rác

 Thiếu nữ trong bài thơ

Cùng gã đàn ông

Khúc khích

Khúc khích

Chuột reo trong sọt rác

            Đêm…”

(Hợp Xướng Đêm)

Ta nhận ra thi pháp cuả thơ hôm nay ở chỗ, không có nhân vật trữ tình hiện diện trực tiếp trong bài thơ bày tỏ tâm trạng như trong thơ lãng mạn, hay thơ truyền thống. Hình ảnh thơ là hệ thống ẩn dụ. Nhạc của thơ không phải là nhạc của âm, vần, mà nhạc cuả cuộc sống. Không gian, thời gian nghệ thuật làm bối cảnh bị tước bỏ. Chất liệu và ngôn ngữ thơ là chất liệu đời thường. Tác giả ghi lại một cách khách quan và không can dự gì vào những mảnh của hiện thực. Không có những “đại tự sự “ như tình cảm nhân đạo, giá trị nhân văn, tình tự dân tộc, ngợi ca cái đẹp…Thay vào đó, tất cả quăng vào sọt rác, trong sọt rác.

Trong thế giới cuả Đêm, không có chỗ cho nỗi đau, không có chỗ cho tình yêu. Tình yêu, nỗi đau là những giá trị nhân bản truyền thống chẳng có giá trị gì trong xã hội thực dụng hiện đại. Chỉ có khúc khích đàn ông đàn bà cùng tiếng reo của lũ chuột. “Đêm…” là đêm cuả loài thú, thăm thẳm hoan lạc. Trong sọt rác, thiếu nữ, gã đàn ông hay chuột có khác gì nhau. Không còn giá trị Người. Trong thi pháp hiện đại, người đọc trở thành đồng sáng tác với tác giả để cảm nhận tác phẩm. Tác giả không bắt người đọc phải cảm nghĩ theo cách của mình như trong tác phẩm thơ truyền thống. Nhờ thế bài thơ có sức tác động trực tiếp và đa nghĩa đối với nhiều đối tượng người đọc.

Tất nhiên đằng sau cái trần trụi của hình ảnh và ngôn ngữ thơ, người đọc vẫn nhận ra thái độ, tư tưởng, tình cảm cuả tác giả. Nhà thơ đủ tỉnh táo để nhận ra, để nghe thấy, để ghi lại và lên tiếng nói trước thực tại. Ấy là nỗi đau, là sự thảng thốt trước những giá trị nhân bản, giá trị của cái đẹp bị “quăng vào sọt rác “. Cái tiếng khúc khích và tiếng chuột kia như ám ảnh mãi…

Đêm Khát là một bước thành công mới cuả Nguyễn Đức Phước sau hai tập Sông Thiêng (2000) và Lời Biển (2004). Trong những cố gắng tìm kiếm và đổi mới thơ ca, Nguyễn Đức Phước có được những thành tựu đáng quý. Anh kế thừa được tư tưởng nghệ thuật cuả thơ ca truyền thống, đồng thời thành công bước đầu trong thể nghiệm những hình thức diễn đạt mới. Gấp trang thơ lại, tôi vẫn nghe tiếng anh chấp chới…

 “Đây đó tiếng kêu đồng loại

Có ai kia cứu lấy những con người”

(Trả lại cho em)

 

______________________________________________________________-

 

(1)     Tọa đàm về “Thơ trẻ hôm nay” do tuyển tập Áo Trắng tổ chức chiều 17-7-2007 tại hội quán Miss Sài Gòn

(2)     Vĩnh Phúc, Cái Chi Chi Thơ, VCV, 28.6.08

(3)     La Nausée, J.P.Sartre

Bài đã đăng trên văn nghệ trẻ số 32 ngày 10/8/08

DỰ THẢO CHƯƠNG TRÌNH MÔN NGỮ VĂN THPT VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ…

 

 

 

DỰ THẢO CHƯƠNG TRÌNH MÔN NGỮ VĂN THPT

 VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ…

Bùi Công Thuấn

 slide-dali3

(Sleep. 1937. Salvador Dali)

 

Đọc Dự thảo Chương trình môn Ngữ  Văn THPT tôi thấy có nhiều vấn đề rất khó cho thầy cô giảng dạy. Cái khó nằm ngay trong việc biên soạn chương trình của Bộ Giáo dục & Đào tạo.

  1. SỰ BẤT CẬP GIỮA MỤC TIÊU GIÁO DỤC VÀ NỘI DUNG GIẢNG DẠY.

Ở Trung học phổ thông, Chương trình đề ra mục tiêu cụ thể là: phát triển những phẩm chất cao đẹp như: tình yêu đối với thiên nhiên, tình yêu quê hương, đất nước; ý thức đối với cội nguồn, tự hào về lịch sử dân tộc; lòng nhân ái, vị tha; yêu thích cái đẹp, cái thiện và có cảm xúc lành mạnh; có hứng thú học tập, ham thích lao động, tinh thần tự học, phát triển . thức nghề nghiệp; trung thực và có . thức sẵn sàng thực hiện trách nhiệm công dân, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá Việt Nam; có tinh thần hội nhập và ý thức công dân toàn cầu.”;” tiếp tục phát triển năng lực giao tiếp… Kết thúc cấp trung học phổ thông, học sinh biết đọc hiểu các kiểu loại văn bản; Năng lực thẩm mĩ được phát triển; có được hiểu biết cơ bản về sự đa dạng văn hoá,”…(Dự thảo- tr. 8)

Nhưng kiến thức được dạy là: (Dự thảo –tr. 16-17)

Tiếng Việt: 1) Ngữ âm và chữ viết. 2) Từ vựng. 3) Ngữ pháp. 4) Hoạt động giao tiếp

5) Sự phát triển của ngôn ngữ và các biến thể ngôn ngữ.

Văn học: 1) Những vấn đề chung về văn học. 2) Các thể loại văn học. 3) Các yếu tố của tác phẩm văn học. 4) Một số hiểu biết sơ giản về lịch sử văn học Việt Nam

Sự bất cập là ở chỗ, nếu lấy mục tiêu giáo dục là chính thì nội dung giáo dục phải phục vụ mục tiêu ấy, nghĩa là phải chọn tác phẩm văn học có nội dung phục vụ cho mục tiêu ấy, từ đó  liên kết giảng dạy ngôn ngữ, thể loại, kỹ năng và tổ chức chuyên đề…Nhưng nội dung chương trình lại lấy việc dạy kỹ năng đọc, kỹ năng viết, kỹ năng nghe nói làm chính, mục tiêu giáo dục trở thành phụ. Kết quả giáo dục như thế nào ta có thể hình dung được, bởi các kỹ năng chỉ là phương tiện, không phải mục tiêu.

Mục tiêu môn Ngữ văn phải là giáo dục phẩm chất, tư tưởng, đạo lý, văn hóa dân tộc, để hình thành con người Việt Nam, không phải chỉ dạy học sinh biết đọc, biết viết, biết nghe, biết nói. Nếu chỉ dạy kỹ năng ngôn ngữ thì đó là chương trình để dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.

  1. MỘT CHƯƠNG TRÌNH CHƯA HOÀN THIỆN

Chương trình có những nội dung trùng lặp ở cả 3 lớp 10, 11, 12 mà không phân biệt mức độ kiến thức, kỹ năng. Thí dụ. Kiến thức Tiếng Việt, cả ba lớp 10, 11, 12, mục 2.1. “Nghĩa của một số thành ngữ và tục ngữ tương đối khó và ít gặp” (tr. 68, 76, 86 Dự thảo), không biết thầy cô sẽ soạn giảng thế nào?

Học sinh chỉ học “sơ giản về lịch sử văn học” ở lớp 12, làm sao có thể: “Biết vận dụng kiến thức về lịch sử văn học và kĩ năng tra cứu để sắp xếp các tác phẩm, tác giả theo tiến trình lịch sử văn học;” Cho đến nay, sư phân kỳ lịch sử văn học Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề chưa thống nhất giữa các nhà nghiên cứu, học sinh 12 làm sao đạt được yêu cầu này? Tôi nghĩ, lịch sử Văn học Việt Nam cần phải được dạy kỹ, bởi không có lịch sử thì sao có truyền thống? Không có lịch sử Việt thì sao có truyền thống văn hóa Việt được?

 Chương trình chỉ đề cập đến Văn bản Nghị luận, Văn bản văn họcVăn bản thông tin mà không đề cập đến Văn bản Hành chính là một kiểu loại văn bản giao tiếp quan trọng trong đời sống hàng ngày.

Học thơ Haicu mà không ôn lại Lục bát, Song thất lục bát, Đường luật, thơ tự do, không học thêm các thể thơ hiện đại (thí dụ: Thơ Tân hình thức, Thơ Trình diễn…), thì sao học sinh tiếp cận được nghệ thuật đương đại? Học Kịch bản Chèo mà không học thể loại Kịch nói chung, thể loại Cải lương và tuồng, thì sự hiểu biết của học sinh về nghệ thuật sân khấu dân gian Việt Nam và thế giới sẽ khập khiễng…

Chương trình sử dụng rất nhiều kiến thức Lý luận văn học về những vấn đề liên quan đến tác phẩm, tác giả, người đọc như: chi tiết, nhân vật, cốt truyện, nội dung, nhan đề, chủ đề, hình tượng nghệ thuật, yếu tố tự sự; chủ thể sáng tạo, cảm hứng chủ đạo; đặc điểm thể loại  tiểu thuyết hiện đại và tiểu thuyết chương hồi, truyện thơ;  Thơ trữ tình, yếu tố hình thức trong thơ; Ký trữ tình (tuỳ bút, bút kí, tản văn); Kịch bản Chèo, Bi Kịch; Tác phẩm và người đọc… Và không có bài nào đề cập đến bút pháp, hoặc trào lưu văn học…

Vấn đề là, cho đến nay chưa có một bộ sách Lý luận văn học nào được Bộ Giáo dục & Đào tạo chính thức công nhận để thầy cô căn cứ vào đó mà sọan giảng. Giới lý luận văn học Việt Nam cũng chưa thể có một cái nhìn chung dưới những lý thuyết văn học khác nhau, dù đang có những nỗ lực để làm việc này. Sách về Lý luận văn học trước đây, giờ đã không còn phù hợp. Cho nên chương trình không nói gì đến các đặc trưng và chức năng của văn chương, các phương pháp sáng tác, Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa…Một khái niệm “Hình tượng văn học” cũng đủ gây tranh cãi. Vấn đề thế nào là thơ hay, yếu tố nào làm cho tác phẩm nổi tiếng sẽ là một cuộc tranh cãi không có hồi kết! những năm đầu thế kỷ XXI đã có một thời “loạn” tiêu chí đánh giá tác phẩm. Thầy cô dựa vào lý thuyết phê bình nào (phê bình Marxist, Phê bình Phân tâm học, Thi pháp học, Phê bình Mới, Câu trúc luận, Giải Cấu trúc…) để đọc và đánh giá tác phẩm? Lý thuyết tiếp nhận, Thuyết Người đọc sẽ được áp dụng thế nào để “Phân tích và đánh giá được khả năng tác động của tác phẩm văn học đối với người đọc và tiến bộ xã hội.”?

 Thế có nghĩa là, mỗi thầy cô sẽ tự nghiên cứu biên soạn, trăm người sẽ tiếp cận trăm nguồn khác nhau, sự sai biệt trong nội dung bài dạy của hàng vạn thầy cô sẽ rất lớn. Ấy là, ngoài 6 tác phẩm bắt buộc, thầy cô được chọn ngữ liệu để giảng dạy, mỗi người một sở thích, vạn người vạn sở thích, người thích nghệ thuật cổ điển, người thích văn chương Lãng mạn, người thì thích Siêu thực, và biết đâu, thầy cô trẻ lại thích Hậu hiện đại, như thế, nội dung giảng dạy sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát, ai sẽ chịu trách nhiệm?

  1. MỘT HÌNH THỨC QUÁ TẢI KHÁC?

Chẳng hạn, yêu cầu viết ở lớp 11: “Viết được văn bản nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật (bộ phim, bài hát, bức tranh hoặc pho tượng); nêu và nhận xét về nội dung, một số nét nghệ thuật đặc sắc.”, tôi cho là quá sức  ngay cả với thầy cô. Phim ảnh, bài hát, bức tranh, pho tượng là những thể loại nghệ thuật khác nhau. Chỉ người có chuyên môn về loại nghệ thuật nào mới có thể đánh giá tác phẩm nghệ thuật loại đó. Bởi mỗi loại nghệ thuật có chất liệu riêng, có ngôn ngữ riêng, có bút pháp riêng, có quá trình sáng tạo riêng. Trong nội dung chương trình, không có bài nào dạy học sinh những tri thức này, làm sao học sinh có thể viết nổi một bài bình về tranh Lập thể của Picasso, tranh Siêu thực của Dali, làm sao học sinh có thể phân tích được cấu trúc giai điệu, hòa âm, phối khí của một ca khúc, và nghệ thuật trình tấu để viết một bài phê bình âm nhạc? …Thị trường âm nhạc Việt Nam đang loạn về chuẩn mực: Nhạc lai căng, nhạc Underground thô tục, nạn đạo nhạc…ngay cả Hội Nhạc sĩ Việt nam cũng chưa xử lý được,  số nhà phê bình nghệ thuật được đào tạo cũng rất hiếm hoi, làm sao học sinh 12 có thể gánh vác được nhiệm vụ nặng nề ấy?

Một yêu cầu khác về viết ở lớp 11: “Viết được văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác gia hay hiện tượng văn học.”. Yêu cầu này cũng là quá sức với học sinh 11. Bởi nội dung chương trình, học sinh 11 không được tiếp cận với một tác giả với tư cách tác gia. Mà muốn đánh giá về một tác gia, cần phải đọc tất cả tác phẩm của tác giả ấy, nắm được nội dung , chủ đề, tư tưởng, quan điểm nghệ thuật, phương pháp sáng tác, hoàn cảnh sống, hoàn cảnh xã hội đã ảnh hưởng đến sáng tác, và cả mục đích sáng tác nữa. Với Nguyễn Du, 250 năm qua vẫn chưa hết nghiên cứu về ông. Ngay cả các tác gia hiện đại như Nguyễn Tuân, Nam Cao, Nguyễn Huy Thiệp…nếu không được giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu, học sinh cũng không thể làm được! Nghiên cứu tác gia là công việc của một chuyện gia nghiên cứu văn học.

Về một hiện tượng văn học chẳng hạn, cũng đòi hỏi một trình độ nghiên cứu chuyên nghiệp (năng lực đọc, năng lực phân tích, đánh giá, tổng hợp, lý giải và đề xuất vấn đề…) mới có thể có được một bài viết đạt yêu cầu. Thí dụ hiện tượng “Thơ trẻ”, “thơ khó hiểu”, hiện tượng cách tân thơ Việt đầu thế kỷ XXI, hoặc văn chương sex, tiểu thuyết ngôn tình mấy năm gần đây… những hiện tượng như thế là ngoài sức đọc, sức hiểu, khả năng nghiên cứu và khả năng viết của học sinh 11. Một yêu cầu như thế có phải là quá tải không?

Một yêu cầu Nói và nghe ở lớp 10: “3.b. Biết tham gia một cuộc phỏng vấn, xác định được mục đích và phương thức phỏng vấn, biết chuẩn bị nội dung và phương tiện để tiến hành phỏng vấn một cách hiệu quả.” Tôi cho rằng đây là yêu cầu tốt nghiệp của sinh viên trường Cao Đẳng Phát thanh truyền hình, báo chí. Những sinh viên này được học kỹ về thực hiện một bài phỏng vấn, xác định rõ mục đích và phương thức phỏng vấn, cách đưa tin, có đủ trang bị đủ thiết bị thu âm, biên tập chương trình, và thực hiện trong những hoàn cảnh đặc thù. Yêu cầu học sinh lớp 10 tham gia thực hiện một cuộc phỏng vấn có hiệu quả, phải chăng là quá sức với học sinh lớp 10? Bởi vì , để thực hiện một cuộc phỏng vấn, cần một nhóm chừng 5 em học sinh, được hướng dẫn, được trang bị kỹ năng và máy móc, và phải tốn nhiều thời gian mới thực hiện được. Nếu một lớp 45 học sinh, chia là 9 nhóm, thì thời gian đâu để thầy cô hướng dẫn thực hiện? Phải chăng chương trình muốn tạo điều kiện cho các em chơi vui!, như vậy nào có ích gì?

Và hình như chương trình muốn học sinh trở thành rất nhiền ”nhà”, chẳng hạn một nhà nghiên cứu biết viết báo cáo nghiên cứu, một nhà phê bình nghệ thuật đa năng, một nhà hùng biện biết “phát biểu để cổ vũ người khác”, một chuyên gia biết thuyết trình “về một vấn đề liên quan đến cơ hội và thách thức của đất nước (ví dụ: yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thanh niên Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá, chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông,…)”…Tôi ngạc nhiên sao chương trình không dạy các em để trở thành nhà thơ, nhà văn?

Trên đây chỉ là một góc nhìn khác về Dự thảo Chương trình Ngữ văn Trung học phổ thông, mong được góp một tiếng với Bộ Giáo dục& Đào tạo để có một chương trình đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục như Nghị quyết 29-NQ/TW đề ra…

Tháng 01. 2018

ẢNH NGHỆ THUẬT CỦA PHẠM VĂN HOÀNG

 

 

 

 

 

 

ẢNH NGHỆ THUẬT CỦA PHẠM VĂN HOÀNG

Những khoảnh khắc “nguồn sáng thanh tân” và Thơ

(Tập ảnh của Phạm Văn Hoàng (Hoàng Long), thơ Đàm Chu Văn và Phạm Sỹ Duyên)

Bùi Công Thuấn

 9nongthonthanhbinh

 

Kết hợp ảnh nghệ thuật và thơ là một cách làm mới để tôn vinh gía trị của ảnh và của thơ, làm cho hồn thơ của ảnh hiển lộ bằng ngôn ngữ. Đó là nét riêng của tập ảnh Những khoảnh khắc “nguồn sáng thanh tân” của Nhà nhiếp ảnh Hoàng Long.

Từ trước đến nay, các nhạc sĩ thường phổ nhạc những bài thơ hay, giàu cảm xúc, giàu nhạc điệu. Thơ được chắp cánh bay xa và nhạc trở thành ngôn ngữ mật ngọt.

Khi xem ảnh đề thơ, người thưởng ngọan được thưởng thức cùng một lúc hai tác phẩm nghệ thuật. Ảnh là nghệ thuật thị giác, đem đến màu sắc, bố cục, đường nét, góc nhìn và hiện thực được phản ánh; còn thơ là nghệ thuật ngôn từ, tạo nên trong tâm thức người đọc một bức tranh khác giàu tư tưởng và cảm xúc thẩm mỹ mà bình thường người xem ảnh không nhận ra.

Tác giả Hoàng Long chọn thơ Đàm Chu Văn (nhà thơ-Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam) và thơ Phạm Sỹ Duyên làm đề từ cũng là một sự chọn lựa tinh tế, vì thơ Đàm Chu Văn có chất tài hoa, lãng mạn, còn thơ Phạm Sỹ Duyên vừa chân chất, mộc mạc vừa có vẻ đẹp mực thước, cổ điển.

Bức ảnh “Trên hồ Trị An” ghi lại không gian trời, mây, nước một màu ánh bạc. Một chiếc thuyền câu nhỏ giữa mênh mông. Trên thuyền có hai người, một người ngồi, một người đứng chống sào. Cây cỏ lơ thơ nhô lên trên mặt hồ điểm thêm sự sống động vào không gian yên tĩnh. Điểm nhìn của người xem ảnh là từ gần đến xa, từ vạt nước trước mặt đến con thuyền ở giữa hồ, và đến bờ xa ở chân trời. Từ đây tầm mắt hướng lên ánh quang mặt trời trong mây. Góc nhìn mở rộng ra mãi. Giữa trời nước mênh mông, con thuyền truyền cho bức ảnh sự sống và làm hiển lộ thần thái cảnh vật. Những vất vả của cuộc sống lao động trở thành thơ. Thiên nhiên vắng lặng cất thành lời. Vì người nghệ sĩ nhiếp ảnh đã chụp được cái đẹp hòa điệu giữa con người và thiên nhiên, đồng thời hòa lòng mình vào “nguồn sáng thanh tân” để gợi mở, lan truyền những tình cảm sâu xa về vẻ đẹp thanh bình, trù phú của thiên nhiên, đất nước.

Bức ảnh được nhà thơ Đàm Chu Văn đề thơ, và thơ đưa người đọc đến gần với cảnh vật hơn, con người an nhiên giữa đất trời và thắm thiết duyên tình.

Ta về thả lưới giăng câu

Trị An bát ngát một màu nước xanh

Lơ thơ cây cỏ giăng mành

Mắt ai như sóng long lanh ánh hồ”

(Đàm Chu Văn)

Bức ảnh “Những cánh cò” là một hình ảnh quen thuộc của đồng quê Việt Nam.  Rất nhiều cánh cò trắng bay giăng ngang, đang chuẩn bị đáp xuống cánh đồng lúa xanh. Bờ ruộng bên kia là làng quê, vườn cây xanh um, thấp thoáng một tháp ngói đỏ nhô lên cao. Mấy đống rơm ở bờ ruộng có hình thù, màu sắc lạ. Màu rơm vàng, đống rơm tròn nổi giữa màu xanh cây trái, hàm chứa nhiều ý nghĩa. Lúa đã gặt, rơm rạ được chất thành nhiều đống, người nhà quê dùng để đun nấu, tạo nên “khói hoàng hôn” no ấm. Toàn cảnh là màu xanh lá cây. Không gian làng quê chiếm 2/3 bức tranh. Bầu trời trắng chiếm 1/3. Nhà nhiếp ảnh muốn nhấn mạnh đến sự thành bình, trù phú và nên thơ của miền quê.

Nhà thơ Phạm Sỹ Duyên đề thơ như sau:

Cánh cò ấm áp hương đồng

Cánh cò điềm báo ấm nồng làng quê

Đồng nào có cánh cò về

Nông dân ngày mới tư bề bỗi thu”

Tôi hiểu nhà thơ cảm nhận được cái “ấm nồng” trong “khói hoàng hôn” từ những đống rơm, cảm nhận được hương đồng trên ruộng lúa xanh , và nhìn thấy niềm hạnh phúc của người quê trên những cánh cò trong những mùa bội thu. Quả là, thơ đã đội vương miện tình yêu cho ảnh, tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương, yêu đời dân dã…

Ảnh của Hoàng Long là vậy. Trong hơn 50 bức ảnh của tập sách, có đến 43 bức ảnh lấy đề tài thiên nhiên miền quê trong những khoảnh khắc mà hồn thơ đậm nhất trên mỗi bức ảnh. 13 ảnh về hoàng hôn: Hoàng hôn trên núi Chứa Chan, Lời hẹn với hoàng hôn, Chiều tà ở Bảo Vinh, Chiều ở bến tàu Đảo Ó- Đồng Trường, Cuối chiều ở Suối Tre, Cuối chiều, Hoàng hôn xóm núi, Hoàng hôn Núi Thị, Hoàng hôn, Góc phố về chiều, Hòn lửa, hoàng hôn phố thị, chiều muộn thôn quê; 6 ảnh về bình minh: Nắng sớm ở nghĩa trang liệt sĩ Long Khánh, Sớm mai ở rừng, Bình minh trên miền sơn cước, Hừng đông ở hồ nước Suối Tre, Chuyến tàu sớm, Tinh mơ; 19 ảnh bức tranh quê: Trên hồ Trị An, Tuổi thần tiên, Đồi mây, Pha sắc, Khúc ca sông nước, Hoa khế, Một góc hồ Đa Tôn, Rạ rơm, Nguồn sáng, Xanh, Soi bóng, Bức hoạ thiên nhiên, Làng quê thanh bình, Huyền hoặc, Rừng cao su lá vàng, Cảnh thiên nhiên, Những cánh cò, Sau vuông tôm, Cảnh làng quê.

Nhiếp ảnh gia Hoàng Long đã đặt ống kính của mình khắp miền quê Long Khánh, và “mật phục” để chụp cho được cái khoảnh khắc “nguồn sáng thanh tân của đất trời. Đó là Chiều tà Bảo Vinh, Cuối chiều ở Suối Tre, Hoàng hôn ở Núi Thị,  Nắng sớm ở nghĩa trang liệt sĩ Long Khánh. Xa hơn và cao rộng hơn là Hoàng hôn trên núi Chứa Chan, Trên hồ Trị An, hồ Đa Tôn, gần hơn là Rừng cao su rực rỡ sắc vàng mùa đông, Sau vuông tôm ở Nhơn Trạch, Những cánh cò trắng trên vạt ruộng xanh, một nhành Hoa khế, Chuyến tàu sớm qua phố thị.

27vetnang

Tất cả các bức ảnh đều ghi nhận một miền quê hương đẹp, trù phú, thanh bình với bao mơ ước, bao triển vọng. Có những ảnh ghi cận cảnh đời sống người dân quê (Vãn mùa, Mùa thu hoạch, Rạ rơm, bức ảnh Làm đất là hình ảnh hai chiếc máy cày đang tung bụi trên cánh đồng, phía sau là vườn cây,  cau vươn cao trên nền trời…).

Ảnh thiên nhiên của Hoàng Long có màu sắc thẩm mỹ phong phú. Nhiều ảnh như tranh thủy mặc, thoáng một tứ thơ Đường, vừa trí tuệ, vùa lãng mạn, vừa cụ thể lại vừa gợi mở xa xăm về cái đẹp (Tinh mơ, Trên hồ Trị An, Lời hẹn với hoàng hôn, Bình minh trên miền sơn cước). Lại có bức ảnh mà đường nét kỷ hà học gợi ra một bức tranh Lập thể, kích thích thị giác người xem (Góc phố về chiều), có ảnh như một bức tranh Ấn tượng mà mỗi người xem ảnh có thể có những cảm nhận khác nhau (Bức họa thiên nhiên, Huyền hoặc) và đặc biệt là bức ảnh Vệt nắng, kỹ thuật ánh sáng của loại hình đen trắng tạo ra một bức tranh Siêu thực.

buchoathiennhien

Ống kính của Hoàng Long là con mắt của một họa sĩ tài năng  ở nhiều thể loại tranh nghệ thuật. Nếu là một  họa sĩ, ông ta sẽ chủ động chọn lựa bút pháp. Trái lại, người nghệ sĩ nhiếp ảnh, bị lệ thuộc vào nhiều yếu tố, đó là cái “khoảng khắc” 1/1000 giây bấm máy, nếu không kịp, cảnh sẽ qua đi. Ngoài ra, chất lượng ảnh còn tùy thuộc góc nhìn, tùy thuộc kiểu loại camera, và quan trọng nhất là hồn người nghệ sĩ ở đâu trong cái “khoảnh khắc” ấy. Cho nên, mỗi bức ảnh có thể là một kỳ công, có cả sự may mắn nữa, đó là chưa kể đến sự xoay trở để tìm một góc đặt máy, ghi cho được cái “thần” của cảnh,  có được một bố cục lạ,  mà mọi đường nét của cảnh tụ về, viễn cảnh và cận cảnh. Đồng thời chọn lựa và phối hợp màu thế nào để chủ đề bật ra. Tất cả những yếu tố ấy là ngôn ngữ của  ảnh. Một bức ảnh chứa đựng bao công phu và tâm huyết.

23Goc phố ve chieu

Người xem ảnh của Hoàng Long bị ấn tượng ngay ở màu sắc ảnh. Đó là những màu nóng, màu đậm, tạo ấn tượng về sự mạnh mẽ, nồng nàn. Màu nâu đỏ của hoàng hôn (Hòn lửa, Lời hẹn với hoàng hôn, Chiều ở Suối Tre, Bình minh trên sơn cước, Trên đường công tác, Bức họa thiên nhiên...), họăc màu xanh đậm, (Những cánh cò, Xanh, Soi bóng,…); hoặc sự phối màu tương hợp (Xanh lá cây, vàng , trắng), phối màu tương phản quyết liệt (xanh- đỏ- đen) như bức ảnh Hừng đông: phố vẫn còn sẫm đen. Nhiều  nhà vẫn còn sáng đèn. Cột điện vươn cao tỏa sáng. Bầu trời đã có màu xanh đậm,  nhưng vạt nắng đỏ ửng vàng đã hắt lên bầu trời mạnh mẽ.

1hung dong

(Hừng đông)

Tôi nghĩ đó là cá tính nghệ sĩ, cũng là cá tính con người xã hội sôi nổi của Hoàng Long. Đời sống xã hội của anh phải đạt đến những điều tốt đẹp nào đó, một sự say mê nào đó mới có thể làm nên những bức ảnh có phẩm chất nghệ thuật như vậy. Ở đâu anh cũng đem đến sức sống, sự sôi nổi vui tươi và tình người ấm áp. Ảnh của anh được truyền cho cái cá tính đó, và chuyển hóa thành cá tính sáng tạo.

Đặc điểm cá tính sáng tạo ảnh nghệ thuật của Hoàng Long thể hiện ở bố cục cân đối (chuẩn mực), chủ đề tư tưởng là cái đẹp, ngôn ngữ trong sáng và sự truyền cảm nồng nàn. Xem ảnh của anh, người xem ảnh thấy yêu hơn quê hương mình, thấy vui hơn với cuộc đời đáng sống, và thấy cái đẹp tỏa ra từ mỗi khoảnh khắc.

Dongxanh

Nếu được phép chia sẻ, tôi nghĩ Hoàng Long nên mở rộng đề tài hơn. Anh đã thành công với nhiều ảnh đẹp về thiên nhiên, anh soi thêm ống kính vào vẻ đẹp con người quê hương trong nhiều môi trường sống, nhiều cảnh đời, và nhiều phận người khác nhau. Biết đâu anh sẽ làm giàu thêm chất nhân văn trong thế giới mỹ thuật của anh. Tôi lại nghĩ, nếu anh để ảnh tự nhiên nói lên tiếng nói mà không bận tâm đến kỹ thuật màu sắc, biết đâu ảnh của anh sinh động hơn, thật hơn (?). Bố cục ảnh của anh quá cân đối, trở nên gò bó, anh thử phá cách xem sao, như nhiều nghệ sĩ đã tìm tòi sáng tạo, chắc chắn anh sẽ có được nhiều bức ảnh độc đáo…

24tinhmo

Ấy là những nghĩ suy của một người “ngoại đạo” mỹ thuật mà khi được xem ảnh nghệ thuật của Hoàng Long, bất chợt tôi thấy lòng mình xao động. Bởi chỉ một “vệt nắng” qua ống kính Hoàng Long cũng trở thành một bức ảnh Siêu thực độc đáo, hoặc chỉ vài ngọn cỏ trong buổi sáng Tinh mơ với bầu trời trắng đục như sữa, ống kính Hoàng Long đã vẽ thành một bức tranh thủy mặc, gợi một tứ thơ Đường mà chỉ Lý Bạch mới có thể nói hết được cái đẹp. Vâng, ảnh nghệ thuật của Nhiếp ảnh gia Hoàng Long là vậy, không xao động làm sao được!

Xin chúc mừng và xin được chia sẻ niềm vui với người bạn thân thương của tôi, Nhiếp ảnh gia Hoàng Long.

Tháng 01. 2018

THƠ THIỀN TRẦN NGỌC TUẤN

 

THƠ THIỀN CỦA TRẦN NGỌC TUẤN

(Đọc tập thơ Hiện hữu của Trần Ngọc Tuấn. Nxb Hội Nhà văn 2013)

Bùi Công Thuấn

 Hiện hữu

 Tập thơ Hiện hữu của Trần Ngọc Tuấn (*) có 40 bài thơ Thiền. Thơ trong tập Hiện hữu là tiếng nói của người hành Thiền, tức là sự khám phá tư tưởng Thiền và những trải nghiệm trên con đường tu tập Thiền Tịnh Độ. Người thơ đã đạt tới là trạng thái an nhiên, vô ngại, không còn bận tâm đến những vấn đề nhân sinh. Thơ chỉ có tâm thức và tư tưởng, không có tâm trạng, không có cảm xúc nhục thể hay những vui buồn của muôn nẻo đường đời. Vẻ đẹp của thơ là vẻ đẹp tư tưởng và vẻ đẹp cốt cách tài hoa của tác giả, với tư cách là một nhà thơ, không phải là một Thiền sư

Đường đi sáu nẻo mênh mang

Chẳng màng biển lớn, chẳng màng núi cao

Đêm về sẵn có trăng sao

Sáng ra sen nở đầy ao trước nhà

(Trên đường thiên lý)

Tôi tạm chia thơ Thiền Trần Ngọc Tuấn thành hai loại. Loại thứ nhất gồm những bài thể hiện trực tiếp tư tưởng Thiền, những bài này rất ít chất thơ. Loại thứ hai là thơ, tứ thơ là sự thăng hoa tư tưởng Thiền. Những bài thơ này có thể đọc theo hai nghĩa, nghĩa của thơ và nghĩa của Thiền. Nói cách khác, Thiền đã thăng hoa thành thơ và thơ Thiền của Trần Ngọc Tuấn có cốt cách riêng. Tôi chú ý đến những bài thơ này.

TRÊN ĐƯỜNG THIÊN LÝ

Đường đi sáu nẻo mênh mang

Chẳng màng biển lớn, chẳng màng núi cao

Đêm về sẵn có trăng sao

Sáng ra sen nở đầy ao trước nhà

Lớp nghĩa thứ nhất gợi ra cốt cách những hiền sĩ xưa, không màng danh lợi, dù lợi danh như biển lớn, như núi cao. Con người trở về với thiên nhiên, sống cuộc sống an nhiên tĩnh tại. Cỏ vẻ như ta đã gặp đâu đó một cốt cách như thế, Nguyễn Công Trứ chẳng hạn: “Của trời trăng gió kho vô tận/ Cầm hạc tiêu dao đất nước này”.

Và xa hơn là Nguyễn Trãi:

Côn Sơn suối chảy rì rầm,
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Côn Sơn có đá rêu phơi,
Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm.
Trong ghềnh thông mọc như nêm,
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.
Trong rừng có bóng trúc râm,
Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.

(Côn Sơn ca-Nguyễn Trãi)

Nhưng những từ “Sáu nẻo”, “sen nở đầy ao” trong thơ Trần Ngọc Tuấn dẫn ta về nẻo Thiền. Người đời thường nói “đường đời muôn nẻo”, Trần Ngọc Tuấn viết “sáu nẻo”. Ấy là những nẻo luân hồi. Con người sau khi chết thì lại đầu thai vào một trong sáu nẻo: Ngạ quỷ, địa ngục, cõi người, Súc sinh, A tu la, cõi trời. Từ “sen nở đầy ao” có hai Thiền thoại. Thiền Thoại thứ nhất kể rằng, tại hội Linh Sơn, khi đức Phật đưa lên một cành hoa, Đại Ca Diếp mỉm cười. Phật biết chánh pháp đã có người tâm đắc kế thừa sau này. Sau đó Đức Phật đem pháp Tứ Đế, Thập nhị nhân duyên, khai thị cho Tôn giả. Người ta cho rằng cành hoa Đức Phật cầm là hoa sen, nơi Ngài giảng thuyết ở gần ao. Thiền thọai thứ hai kể rằng, Hữu Nghiêm Đại Sư, chuyên tu tịnh nghiệp, được tam muội, sự linh ứng rất nhiều. Đại sư lại nằm mộng thấy hoa sen lớn nở trong ao, nhạc trời vi nhiễu, khi tỉnh dậy làm thơ để tự tiễn hành. Bảy hôm sau, ngài ngồi ngay thẳng mà hóa. [1]

Như vậy, Trên đường thiên lý là chứng nghiệm của hành giả (người hành Thiền) đã vượt qua tử sinh và “ngộ đạo” như Ca Diếp hoặc Hữu Nghiêm Đại Sư. Xin lưu ý rằng, nhân vật trữ tình không hiện diện trực tiếp trong bài thơ, vì thế có thể hiểu bài thơ là niềm hạnh phúc của tất cả những hành giả đã chứng ngộ, cũng có thể là trải nghiệm riêng của Trần Ngọc Tuấn khi tâm thức đã buông bỏ được những tham sân si ở đời.

Nói như vậy vẫn chưa giải thích được cái hay bài thơ này trong sự kết hợp Thiền và thơ. Chất thơ đậm ở hình ảnh thơ và nhạc điệu của Lục bát. Có lẽ ít có câu thơ lục bát nào mà hình ảnh, nhạc điệu phóng khoáng tự tại như thế. Nguyễn Du có câu thơ: “Cánh hồng bay bổng tuyệt vời”, hoặc “dọc ngang trời rộng vẫy vùng biển khơi” để miêu tả cái cốt cách Từ Hải. Liên tưởng như thế, người đọc cũng nhận ra cốt cách thi nhân của Trần Ngọc Tuấn. “mênh mang biển lớn/ núi cao/ trăng sao” mở ra sự vận động của thời gian không gian rộng, nhưng không mất hút vào hư không, mà đọng lại nơi “sen nở đầy ao trước nhà”, tất cả trở nên viên mãn. Hình như thấp thoáng nụ cười của Ca Diếp.

QUÊ NHÀ

Đâu đâu cũng thấy quê nhà

Giọng chim hót sớm, tiếng gà gáy trưa

Đò chiều lặng lẽ dưới mưa

Thong dong ông lão đón đưa người về

 Bài thơ vẽ ra không gian quê thanh bình và tình quê sâu nặng của người thơ. Người thơ nhìn “Đâu đâu cũng thấy quê nhà”. Những âm thanh “Giọng chim hót sớm, tiếng gà gáy trưathân thương lắm. Con đò buổi chiều không chỉ là con đò mà còn là tấm lòng của người quê mong “đón đưa người về”. Cơn mưa chiều càng làm cho đò chiều lặng lẽ hơn. Người đọc nghe trong âm vang hồn mình tiếng gà gáy rộn trong thôn trong thơ Lưu Trọng Lư (“Tiếng gà đã rộn trong thôn,/ Nửa đời phiêu lãng chỉ còn đêm nay”- Giang hồ), nghe sự thảng thốt của trần Tế Xương: “Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò” (Sông Lấp). Hình ảnh ông lão đưa đò còn gợi ra Bến My Lăng vắng lặng: “Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng,/ Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng…”(Yến Lan). Liên hệ như thế để thấy Thơ Trần Ngọc Tuấn có sức gợi sâu rộng trong lòng người đọc.

Nếu hiểu bài thơ như vậy thì chất Thiền của bài thơ hiển lộ ở yếu tố nào?

Quê nhà” và “người về” lấy ý câu chuyên con ông trưởng giả trong kinh Pháp Hoa. Truyện kể rằng: Đứa con ông Trưởng Giả bỏ cha đi lưu lạc. Lang thang, ăn mày từ nơi này sang nơi khác, mỗi ngày càng xa quê cũ. Rồi trên bước đường tha hương cầu thực, gã trở về đúng vào ngôi nhà xưa ấy, gặp ngay người cha ấy, nhưng gã nào có hay biết. Gã đã quên cội gốc của mình từ lâu. [2] Câu chuyện cũng là hình ảnh của chúng sinh, lang thang trong khắp nẻo luân hồi, làm khách phong trần, “trôi dạt theo dòng thức sanh diệt và đuổi bắt những pháp hư ảo bên ngoài. Càng theo cái sanh diệt hư huyễn thì càng xa cái chơn thật vô sanh, tức càng ngày càng xa quê hương chính mình.”. Vua Trần Thái Tông đã nói trong bài kệ Núi thứ nhất viết: “Lang thang làm khách phong trần mãi,/ Ngày cách quê hương muôn dặm trình”. (Khóa Hư Lục – Thích Thanh Từ dịch) [2 đd]

Câu truyện người con hoang trở về cũng có trong Kinh thánh Tân Ước: Đức Giê-su nói tiếp: “Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng”. Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói ! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy’. Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. (Luc 15, 11-20)

Hai câu chuyện cùng kể về sự trở về của người con hoang nhưng tư tưởng và chủ đề khác nhau. Thiền thoại nói đến sự từ bỏ cái hư huyễn, trở về chân tâm để tự chứng ngộ. Kinh Thánh nói về hình ảnh con người tự đánh mất mình trong tội lỗi và ý thức tự hối để trở về với cội nguồn Cứu độ là tình yêu thương (người Cha). Từ tư tưởng Thiền, Trần Ngọc Tuấn chuyển hóa thành thơ với những hình ảnh vừa quen thuộc, vừa mới mẻ, đó là sự sáng tạo tài năng của nhà thơ.

TRÊN ĐỈNH KIM-CANG

             Giờ ngồi với đỉnh Kim-Cang

            Thương ngày xưa mải lang thang kiếm tìm

            Ruổi rong tăm cá bóng chim

            Bỏ quên tiếng hát trong tim thì thầm

Bài thơ dẫn người đọc vào ngay cảnh giới Thiền “Giờ ngồi với đỉnh Kim-Cang”.

Kim-Cang là kinh Kim Cang Bát nhã ba-la-mật, một bản kinh quan trọng và sớm nhất trong kinh điển Phật giáo Đại thừa. Kim Cang Bát nhã Ba-la-mật có nghĩa là trí tuệ tuyệt đối cứng rắn như kim cương. Kinh có một sức mạnh sấm sét, phá tan mọi kiến chấp. Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ nói về trí tuệ tuyệt đối khi  giảng đoạn 1 kinh Kim Cang như sau: “Có một thời, đức Thế Tôn ở tại nước Xá Vệ (Sravasti), bên rừng cây Kỳ Đà (Jeta), trong vườn Cấp Cô độc (Anathapindika), cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị đại tỳ kheo. Tới giờ ăn sáng, ngài mặc y, cầm bát đi vào thành Xá Vệ khất thực. Sau khi trở về và ăn xong, Ngài thu dọn y bát, rửa chân, trải tòa ngồi xuống. Ý nghĩa của đoạn kinh này là: Chân lý tuyệt đối, trí tuệ bát nhã là trí tuệ thấy cái tột cùng sự thật ngay ở cuộc sống hiện tại, không phải là cái gì xa lạ, mà ở ngay trong mọi cử chỉ hành động của cuộc sống hiện tại. Không tìm trí tuệ bát nhã ở đâu hết, mà ngay trong thực tại, như việc Đức Phật đi khất thực và làm những việc bình thường.[3]

Bộ kinh này bao gồm một cuộc đàm luận giữa Phật và tôn giả Tu-bồ-đề. Cốt tủy của kinh Kim Cang là hàng phục tâm và an trụ tâm, Ưng vô sở trụ nhi sinh kì tâm”, bởi vì tất cả các pháp đều không có Ngã, không có Nhân, không có Chúng Sanh, không có Thọ Giả.. Cuối kinh có bài kệ rằng: Nhất thiết hữu vi pháp/ Như mộng huyễn bào ảnh/ Như lộ diệc như điện/ Ưng tác như thị quán (nghĩa là: Tất cả các pháp hữu vi/ Như là mộng huyễn, như là điện sương,/ Như bóng nước, như ảnh tượng, /Xét suy như thế cho tường chớ quyên.)

Bài thơ là tấm lòng Bồ tát thương chúng sinh, cũng là tự ý thức của hành giả về sự lầm lạc ngày xưa. Đó là những ngày “lang thang kiếm tìm/ Ruổi rong tăm cá bóng chim”, như con ông trưởng giả trong kinh Pháp Hoa, càng đi càng xa chân tâm, càng vô vọng như “bóng chim tăm cá”, mà quên mất rằng sự chứng ngộ ở ngay ở tâm của mình, “Bỏ quên tiếng hát trong tim thì thầm”. Nghe được tiếng thì thầm trong tâm chính là “kiến tánh”. Kiến Tánh là nhận ra Bản Thể Tâm bất sanh bất diệt của mình. Từ đó thấy rõ thân này cho đến vũ trụ đều là pháp sanh diệt, hư huyễn.

 MÂY NGHÌN NĂM TRƯỚCLẶNG NGHE

             Mây nghìn năm trước

                                           về đâu?

            Tôi nghìn năm cũ

                                          bể dâu chốn nào?

            Vạn ngày một giấc chiêm bao

            Mây nghìn năm trắng

                                          và tôi phiêu bồng

Cái Tôi” hiện diện trực tiếp trong bài thơ, cái Tôi suy tư, cái Tôi lãng mạn. Ba câu đầu là câu hỏi triết lý về hiện hữu, không có câu trả lời. Từ đây Tôi nhận ra thực tại là hư huyễn. Đời người chỉ là một giấc chiêm bao. Trong kinh Vô Ngã Tướng, Đức Thế Tôn nói rõ: Tất cả sắc…, thọ…, tưởng…, hành…, thức,  đều là vô ngã, vô thường, “dầu ở quá khứ, hiện tại hay vị lai, ở bên trong hay ở ngoại cảnh, thô kịch hay vi tế, thấp hèn hay cao thượng, xa hay gần, đều phải được nhận thức với tri kiến chân chánh theo thực tướng của nó: ‘Cái này không phải của tôi, đây không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi’.”[4] Không có cái Tôi tự Ngã thì sao có thể hỏi về “Tôi nghìn năm cũ”. “Mây nghìn năm” là sắc, là vô thường, vô ngã, sao có thể hỏi “Mây nghìn năm trước về đâu?”

         Câu cuối là một nhận thức chân lý. Mây ngàn năm vẫn trắng và tôi cũng như mây, tôi phiêu bồng. Khi buông bỏ câu hỏi về hiện hữu thì hiện hữu hiển thị. Hành giả đột ngột tri ngộ, bay lên. Bao nhiêu sức nặng của Ngã chấp kéo con người xuống cõi u mê đều bị chặt đứt. Điệp từ “Mây nghìn năm trước” và” Mây nghìn năm trắng” được dùng thật sáng tạo để khám phá cái tột cùng sự thật ngay ở cuộc sống hiện tại (Kinh Kim Cang)

LẶNG NGHE

Lặng nghe ngọn cỏ yên bình

Mới hay mặt đất ân tình làm sao

 

Lặng nghe tiếng gió trên cao

Mới hay chim chóc trăng sao vui vầy

 

Lặng nghe nhịp đập tim này

Mới hay Ngã chấp từ nay phai tàn

 Đọc bài thơ bằng ngôn ngữ thơ, người đọc thấy được sự tinh tế của nhà thơ khi “lặng nghe tiếng ngọn cỏ, tiếng gió, tiếng chim, tiếng trăng sao” và lặng nghe lòng mình. Đó là một tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, là nhận thức sâu sắc về sự sống, về “ân tình”. Mặt đất làm cho ngọn cỏ xanh, cho cây cối đầy hoa trái, là nơi nuôi dưỡng con người. Trên cao kia là không gian tự do, là niềm hoan ca của vạn vật chim chóc trăng sao. Và từ thiên nhiên, vũ trụ, ngoại cảnh, nhà thơ trở về nghe lòng mình, tuyệt nhiên không vướng bận. Và vì không còn vướng mắc vào Cái Tôi, nên nhà thơ thấy mình hòa trong muôn vật, nhận ra giá trị của hiện hữu.

Thực ra hành giả đã hàng phục tâm theo lời Phật trong kinh Kim Cang: Phật bảo Tu Bồ Đề: “Các bậc Bồ Tát đại nhân nên hàng phục tâm mình như sau: Có cả thảy bao nhiêu loại chúng sanh, hoặc sinh từ trứng, hoặc sinh từ thai, hoặc sinh từ sự ẩm ướt, hoặc từ sự biến hóa, hoặc có hình sắc, hoặc không có hình sắc, hoặc có tri giác, hoặc không có tri giác, hoặc không phải có tri giác cũng không phải không có tri giác, ta đều phải đưa tất cả các loài ấy vào Niết Bàn tuyệt đối để tất cả đều được giải thoát.”. Lời dạy ấy có nghĩa là, muốn hàng phục tâm, hành giả phải độ chúng sinh, “đưa tất cả chúng sinh vào Niết Bàn tuyệt đối”. Khi ta còn vướng mắc vào sắc tướng, khi ta còn “nghe”, còn “hay” bằng Ngã chấp, thì ta còn lầm lạc. Chỉ khi muôn ngàn hình tướng (niệm) cho lặng xuống, lặng vào chỗ không còn sanh diệt, khi đó là hàng phục tâm. Cho nên, hành giả “lặng nghe”(nghe trong tĩnh lặng) tiếng ngọn cỏ, tiếng gió, tiếng chim, tiếng trăng sao, và “lặng nghe nhịp đập tim này”, là tiếng của chúng sinh đã được đưa vào Niết Bàn tuyệt đối. Vì thế, hành giả thấy mình hồn nhiên cùng chim chóc, cây cỏ, trăng sao.

Ý NGHĨA CỦA HIỆN HỮU

Hai bài thơ Mây nghìn năm trướcLặng nghe đã thể hiện rõ thái độ về hiện hữu của Trần Ngọc Tuấn. Bài thơ Hiện hữu làm rõ thêm ý nghĩa tư tưởng của tập thơ:

Tay nâng giọt nước ân tình

            Thấy trong hiện hữu có hình muôn hoa

“Giọt nước” gợi ta nhớ đến “giọt sương trên ngọn cỏ” trong bài thơ Thị đệ tử của Vạn Hạnh Thiền sư về lẽ vô thường: Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,/ Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô./ Nhậm vận thịnh suy vô bố uý,/ Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.”(Đời người như bóng chớp, có rồi không,/ Vạn thứ cây mùa xuân tốt tươi, mùa thu khô héo./ Đạt đến thông hiểu rồi thì sự thịnh suy không sợ hãi,/ Thịnh suy chẳng qua như giọt sương treo đầu ngọn cỏ.)

“Giọt nước” cũng gợi ra thiền thọai “Giọt nước cành dương” của Quán Thế âm Bồ Tát cứu độ chúng sinh. Đó là “giọt nước ân tình”. Nếu hành giả đưa tất cả chúng sinh vào Niết Bàn tuyệt đối như lời Phật dạy, thì ngay trong thực tại này (hiện hữu) đã thấy được Phật trong vạn vật (Kinh Hoa Nghiêm). “Hình muôn hoa” cũng chính là cành hoa đức Phật giơ lên và Ca Diếp đã cười. Hiện hữu của Trần Ngọc Tuấn đã vượt qua hiện sinh của chủ nghĩa Hiện Sinh. “Nương theo pháp thấy ánh rằm/ Nương theo trí thấy lặng thầm hoa bay”(Hoa bay).

Thơ Thiền Trần Ngọc Tuấn tiếp nối được dòng thơ Thiền Việt Nam đã có từ thời Lý- Trần trong lịch sử văn học dân tộc.Trần Ngọc Tuấn là nhà thơ chọn cho mình một lối đi riêng trong dòng chảy thơ Việt đương đại sau Phạm Thiên Thư.

Tháng 01. 2018

__________________

(*). Trần ngọc Tuấn sinh ngày 1.1.1964, quê ở Quảng Ngãi. Tốt nghiệp ĐH Kinh tế Tp HCM, hiện sống ở Đồng Nai. Hội viên Hội Nhà văn Việt nam (2001).

Tác phẩm đã xuất bản: Giác quan biển (1994), Giữa cỏ (1996), Chân chim hóa thạch (1998). Con mắt dã quỳ (2000), Gửi dòng song Đồng Nai (2004), Suối reo (2006), Hiện hữu (2013)

[1] Quê hương cực lạc.

https://thuvienhoasen.org/a8014/huu-nghiem-dai-su

[2] Con đường trở về:

http://thuongchieu.net/index.php?option=com_content&view=article&id=144:con-ng-tr-v-&catid=17:ttttp&Itemid=347

[3] https://phatphapungdung.com/kinh-kim-cang-giang-giai-phan-9-122742.html

[4] Kinh Vô ngã tướng: http://linhquyphapan.vn/tin-tuc/kinh-vo-nga-tuong