45 NĂM VĂN HỌC ĐỒNG NAI-TỔNG QUAN

Bạn có thể đọc các bài viết chính của Bùi Công Thuấn theo link:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

TỔNG QUAN 45 NĂM PHÁT TRIỂN CỦA VĂN HỌC ĐỒNG NAI

Bùi Công Thuấn

***

BỐI CẢNH LỊCH SỬ-XÃ HỘI

            Ngày30/4/1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ hoàn tòan thắng lợi. Đất nước bước vào kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất; hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển. Không khí chiến thắng bao trùm thời đại. Các nhà văn từ chiến trường bước ra đầy ắp vốn sống, với bao nhiêu là dự định sáng tác. Văn học tiếp tục dòng “Văn học cách mạng và kháng chiến” (1945-1975).

          Những năm trước “đổi mới” (1975-1985), đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng do nhiều nguyên nhân trong nước và do tình hình chính trị thế giới: hậu quả của 30 năm chiến tranh, của nền kinh tế bao cấp; cùng lúc, phải đối mặt với chiến tranh xâm lược từ biên giới phía bắc và phía tây nam… Tính hình ấy đã làm phát sinh nhiều hiện tượng tiêu cực xã hội. Văn học đã bắt đầu lên tiếng trước những hiện tượng tha hóa đạo đức, lối sống trong cộng đồng (thí dụ: Hoàng Văn Bổn viết tiểu thuyết Tình đời đen bạc (1988), tập truyện ngắn Người điên kể chuyện người điên (1992).

            Khi Đảng thực hiện sự nghiệp “đổi mới” (từ 1986 trở đi), lịch sử Việt Nam chuyển sang một thời kỳ mới: phát triển “kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa” và hội nhập toàn cầu hóa; tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, “xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” (Di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh). Nhờ vậy, đất nước bước vào thời kỳ phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Tinh thần chung của thời đại là hòa hợp hòa giải dân tộcViệt Nam làm bạn với thế giới. Đến nay Việt Nam đã có một vị thế vững chắc trên trường quốc tế và hội nhập thành công ở nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị.

Tuy vậy, khi thực hiện công nghiệp hóa, hội nhập toàn cầu, đời sống xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi. Đặc biệt là tình trạng xâm lăng văn hóa diễn ra ở nhiều lĩnh vực (thí dụ: sự lai căng của các ca khúc nhạc trẻ, phim ảnh nào cũng có cảnh “giường chiếu”; lối sống thực dụng trở thành xu thế đời sống thị trường, văn chương thị trường đã có lúc gây lo ngại vì tràn ngập sex, truyện ngôn tình…)

Trong đời sống văn học nghệ thuật, từ cuối thế kỷ XX, có sự du nhập của nhiều lý thuyết văn học vào Việt Nam. Chẳng hạn, một bộ phận người viết trẻ sử dụng những thủ pháp Hậu Hiện đại. Người ta định “giải thiêng” những giá trị văn hóa dân tộc, lật đổ những “đại tự sự”, những tín niệm của một thời lịch sử (tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, hoặc trong “thơ Trẻ” đầu thế kỷ XXI…).

Sự ra đời của Nghị quyết Hội nghị lần thứ V- Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII) “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đập đà bản sắc dân tộc” (ngày 16. 7. 1998), và nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới đã mở ra một thời kỳ phát triển mới cho văn học nghệ thuật Việt Nam.

Văn học Đồng Nai cũng phát triển trong bối cảnh chung của lịch sử xã hội Việt Nam 45 năm qua.

NHỮNG NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN VĂN HỌC

          1.Nhân tố thứ nhất là sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Uỷ ban Nhân dân Tỉnh Đồng Nai. Ngày 31-7-1979, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định công nhận Hội VHNT tỉnh Đồng Nai. Từ đây, văn nghệ sĩ trên địa bàn Đồng Nai được quy tụ lại, cùng hoạt động trong một tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong các kỳ Đại hội Hội VHNT Đồng Nai, các cuộc gặp gỡ văn nghệ sĩ đầu năm mới, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai luôn đến dự và có ý kiến chỉ đạo tại:

            “Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai được thành lập từ năm 1979, trải qua 4 nhiệm kỳ đại hội, văn nghệ sĩ tỉnh nhà đã chung tay gánh vác sứ mệnh người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, luôn đồng hành cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà trong quá trình xây dựng và phát triển. Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đồng Nai luôn coi trọng vai trò, vị trí của văn học nghệ thuật và đánh giá cao những đóng góp của anh chị em văn nghệ sĩ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà; xác định văn học nghệ thuật là lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hóa, là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, nhiều năm qua, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đồng Nai đã kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhà ngày càng phát triển, nhất là trong hoạt động sáng tác của văn nghệ sĩ. Tuy còn có những cách đánh giá khác nhau về cùng một vấn đề nhưng Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đồng Nai luôn tôn trọng, đảm bảo quyền tự do sáng tạo, phát huy tính độc lập, khuyến khích mọi nguồn lực sáng tạo của anh chị em văn nghệ sĩ tỉnh nhà”[[1]]

Các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai luôn đặt việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh làm tiêu chuẩn hàng đầu: “Trong nhiệm kỳ qua, Hội đã thành lập Đảng đoàn gồm các đảng viên là ủy viên Ban Chấp hành. Thông qua Ban Thường trực và Ban Chấp hành, Đảng đoàn đã kịp thời triển khai các Nghị quyết của Đảng và Chỉ đạo của Tỉnh ủy về các mặt hoạt động thực hiện chức năng và nhiệm vụ của Hội [[2]].

Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của UBND Tỉnh Đồng Nai là yếu tố quyết định sự thành công của hoạt động của Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Nai. Đó là việc tổ chức đội ngũ, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, việc tổ chức các hoạt động phong trào, về khen thưởng (Giải Trịnh Hoài Đức và giải thường hàng năm của Hội VHNT Đồng Nai).

Trong Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 13/4/2023 do Ban Thường vụ trung ương (Ban TVTU) tổ chức, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai đã nhận định: Hoạt động VHNT ngày càng bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, bám sát thực tiễn đời sống xã hội. Nhiều tác phẩm VHNT đã tập trung phản ánh về đời sống nông nghiệp, nông thôn và nông dân, gắn với miêu tả cuộc sống mới, con người mới…

Ông cho biết: tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, tuyên truyền sâu sắc đến cán bộ, đảng viên, hội viên và quần chúng nhân dân về quan điểm, đường lối văn hóa nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025). Thực hiện có hiệu quả các nội dung về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới; gắn nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo phát triển VHNT với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh [[3]].

            2.Nhân tố thứ hai là đường lối văn học nghệ thuật của Đảng. Đề Cương văn hóa Việt Nam (1943) và Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam (1948) là những cương lĩnh về văn hóa văn nghệ của Đảng trong giai đoạn kháng chiến (1945-1975). Khi đất nước hòa bình và hội nhập toàn cầu hóa, các Nghị quyết Trung ương 5 (16/7/1998) và Nghị quyết 23/ BCT khóa X (16/6/2008) đã mở ra con đường phát triển rất rộng cho văn học:

Mục tiêu: “xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và khuyến khích sáng tạo: “Trên nền tảng mỹ học mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh, khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại; lên án, phê phán không khoan nhượng những tiêu cực, xấu xa đang cản trở sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam”. Quan điểm chỉ đạo là: “Văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ” (Nghị quyết 23/BCT đd).

Thời gian qua đã khẳng định các Nghị quyết của Đảng đã đáp ứng được khát vọng sáng tạo của văn nghệ sĩ, và mở ra một thời đại văn học mới sau văn học kháng chiến (1945-1975): “Văn chương hội nhập toàn cầu hóa”.

            3.Nhân tố thư ba là sự giao lưu văn hóa toàn cầu giúp đổi mới nghệ thuật văn chương. Các lý thuyết văn học, các trào lưu tư tưởng, các khuynh hướng, làn sóng văn hóa (trend) phương tây tràn vào đời sống văn hóa nghệ thuật Việt, được văn nghệ sĩ Việt thử nghiệm, tạo ra một bộ mặt mới. Ở phần ý thức sáng tạo, đã có những đòi hỏi viết khác với Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa. Trên các diễn đàn, nhiều tranh luận về Hậu Hiện đại. Thơ bây giờ không chỉ đọc mà khán giả có thể xem trình diễn thơ. Có một nỗ lực cách tân thơ Việt mạnh mẽ đầu thế kỷ XXI. Truyện Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư (2005), Bóng đè (tập truyện ngắn) của Đỗ Hoàng Diệu (2005) đã tạo nên một cuộc tranh luận rất ồn ào đương thời.

Trong cuộc hội nhập, văn chương Việt Nam đã có lúc lệch lạc [[4]]. Tuy nhiên Văn học Đồng Nai vẫn giữ được phẩm chất chính trị của nền văn học cách mạng.

            4.Nhân tố thứ tư là vai trò tích cực của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai.

Đây là đánh giá của Tỉnh ủy Đồng Nai:

“Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ qua là hầu hết anh chị em văn nghệ sĩ luôn tỏ rõ sự vững vàng về quan điểm chính trị, đúng đắn về phương pháp sáng tác theo các xu hướng nghệ thuật tiến bộ, không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi mặt trái của cơ chế thị trường cũng như sự xâm nhập của các trào lưu văn hoá xa lạ, ngoại lai. Trên chặng đường sáng tác phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, văn học nghệ thuật tỉnh nhà trong nhiệm kỳ qua đã sinh thành nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, khắc hoạ sinh động đời sống kinh tế, xã hội cùng truyền thống văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc về vùng đất và con người Biên Hòa – Đồng Nai trong quá trình hình thành, phát triển và hội nhập. Với con số 1.400 tác phẩm văn học, sân khấu, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật… được công bố, trong đó nhiều tác phẩm xuất sắc được tặng thưởng các giải văn học nghệ thuật ở địa phương, Trung ương và quốc tế…”[[5]].

Công tác tổ chức của Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai (hạt nhân là Ban Chấp hành các nhiệm kỳ), cùng với, nỗ lực sáng tạo của mỗi nhà văn đã tạo nên diện mạo nhiều góc cạnh, nhiều màu sắc thẩm mỹ của văn học Đồng Nai.

Chi Hội Nhà văn Đồng Nai là một đội ngũ hùng hậu về tài năng, gồm các nhà văn: Bùi Quang Tú (1948-2023), Khôi Vũ (Nguyễn Thái Hải), Nguyễn Một (Dạ Thảo Linh), Nguyễn Trí, Trần Thu Hằng, Hoàng Ngọc Điệp, Pham Thanh Quang, Lê Đăng Kháng, Dương Đức Khánh, Đào Sỹ Quang; các nhà thơ Lê Thanh Xuân, Đàm Chu Văn, Trần Ngọc Tuấn, Đỗ Minh Dương, Nguyễn Đức Phước, Minh HạBùi Công Thuấn (Lý luận phê bình). Nhiều nhà văn trong Chị Hội Nhà văn Đồng Nai đã đạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.

5. Hiện thực công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hoá và hội nhập toàn cầu hóa là hiện thực mới xuất hiện,  “văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân”, làm phát sinh một nền văn học mới.

                                                      ***

45 NĂM PHÁT TRIỂN CỦA VĂN HỌC ĐỒNG NAI

Một vài lưu ý.

1. Khi xem xét “sự phát triển” của văn học Đồng Nai, tôi tìm kiếm những yếu tố nghệ thuật, tư tưởng mới mà giai đọạn trước đó chưa có. Một nền văn học không xuất hiện “Cái Mới” thì đó là sự trì trệ, bởi vì Nghệ thuật là sự sáng tạo (tức là làm ra Cái Mới). Cho nên “đổi mới” ngòi bút (tư tưởngthi pháp) luôn là đòi hỏi cấp thiết đối với cả nền văn học và đối với từng nhà văn. Chẳng hạn, thơ Lục bát hôm nay, có gì mới hơn Lục bát truyền thống?

2.Khi xem xét sự phát triển của văn học Đồng Nai, tôi đặt trên hệ quy chiếu, một trục là đường lối văn nghệ của Đảng, để xét xem văn học phục vụ nhiệm vụ chính trị thế nào; một trục là sự vận động nội tại của văn học Đồng Nai trong 45 năm qua. Từ đó xác định giá trị đóng góp của văn học Đồng Nai vào sự phát triển của văn học Việt Nam đương đại.

3. Chuyên luận này không phải là “lịch sử văn học Đồng Nai” nên các sự kiện văn học không được trình bày theo lịch sử biên niên. Tôi tập trung quan sát, ghi nhận “sự phát triển” của văn học Đồng Nai ở một vài phương diện chính như: sự phát triển đội ngũ, những thành tựu về sáng tác, sự đổi mới nghệ thuậtsự đa dạng về phong cách.

Quan tâm đến những vấn đề tổng quát, tôi không thể viết từng chương riêng về mỗi nhà văn; và vì lý do tư liệu, những đánh giá của tôi chưa thể bao quát đầy đủ về một tác giả, một thể loại hay một giai đoạn văn học.

Lẽ ra cần viết một chương về các giai đoạn: giai đoạn chuyển tiếp (1975-1985); giai đọạn “đổi mới” (1986-2000), giai đoạn hội nhập (đầu thế kỷ XXI đến nay), và một chương về 3 dòng văn học: Văn học Cách mạng và kháng chiến, Văn học nhân văn-dân chủ Văn chương thị trường. Nhưng ở Đồng Nai, 3 dòng văn học trên giao thoa nhau, việc viết riêng từng dòng văn học sẽ  có sự chồng chéo. Thí dụ những tác phẩm văn học Nhân văn-dân chủ của Nguyễn Một, Nguyễn Trí, Khôi Vũ cũng  có khuynh hướng Văn chương thị trường.

Trong thực tế, ở Đồng Nai, dòng Văn học Cách mạng và kháng chiến là chủ đạo. Còn lại, chỉ một vài tác giả tham gia được với Văn chương thị trường (Khôi Vũ, Nguyễn Một, Nguyễn Trí). Một vài tác phẩm viết với tinh thần Nhân văn-dân chủ chỉ xuất hiện ở giai đoạn “đổi mới”.

              NGƯỢC DÒNG

            Trước khi nói về sự phát triển của 45 năm văn học Đồng Nai sau 1975, ta hãy ngược dòng về những cội nguồn, bởi văn học phát triển trong sự kế thừa những đặc điểm tư tưởng-nghệ thuật của giai đoạn trước, thế hệ sau đi tiếp con đường của thế hệ trước, những kiểu tư duy nghệ thuật xuất hiện sau bao giờ cũng mang trong nó những nguồn mạch có trước.

            Văn học Đồng Nai trong dòng chảy lịch sử trước 1975 có thể kể đến Gia Định Tam Gia (Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh), Huỳnh Văn Nghệ, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Tất Nhiên. Tôi không đặt Huỳnh Tịnh Của và Nguyễn Trọng Quản vào văn học Đồng Nai bởi vì,[[6]] Huỳnh Tịnh Của (1830-1919) quê ở làng Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa, ông học tại  Penang (Malaysia) và làm việc tại Sài gòn; còn Nguyễn Trọng Quản (1865-1911) sinh tại Bà Rịa, cũng làm việc tại Sài Gòn.

1.Năm 1822, Trịnh Hoài Đức khắc in tập Gia Định tam gia thi. Tập thơ là thơ in chung của “Gia Định tam gia” [[7]] gồm: Cấn Trai thi tập (327 bài)của Trịnh Hoài Đức (1765-1825), Hoa Nguyên thi thảo (77 bài) của Lê Quang Định (1759-1813) và Thập Anh thi tập (187 bài) của Ngô Nhân Tĩnh (1761-1813). Gia Định tam gia thi nằm trong dòng văn chương Hán Nôm Nam bộ đầu thế kỷ XIX [[8]], thời kỳ đầu nhà Nguyễn. Cùng thời là Nguyễn Du (1766-1820), Nguyễn Công Trứ (1778-1859)…Sau đó là Phan Thanh Giản (1796 – 1867), Huỳnh Mẫn Đạt (1807 – 1883), Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872), Nguyễn Hữu Huân (1816-1875), Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), Nguyễn Thông (1827-1884), Phan Văn Trị (1830-1910), Tôn Thọ Tường (1825-1877)…

Thơ của Gia Định tam gia nằm trong xu hướng của văn học giai đọan này: đó là sự thể hiện lý tưởng “trung quân ái quốc”, lòng tự hào dân tộc (thơ đi sứ) và tình yêu quê hương, gắn bó với nhân dân và tâm tình thế sự. Đặc biệt là thơ của Trịnh Hoài Đức. Ông có thơ đi sứ (1802) và thơ làm khi ông làm Điền Tuấn trông coi việc khai khẩn đất đai ở Gia Định (1789) [[9]]. Xin đọc các bài: Gia Định kim thành (Thành vàng Gia Định), Hoa phong cổ lũy (Lũy cổ Hoa Phong), Lộc động tiểu ca (Tiếng hát ông tiều ở Hố Nai), Quất xã táo ti (Làng quất ươm tơ), Tân Triều đãi độ (Đợi đò bến Tân Triều) Thương loạn, Loạn hậu cửu nhật đăng Mai Khâu

LỘC ĐỘNG TIỀU CA

(Gia Định tam thập cảnh-Trịnh Hoài Đức)

Phong phi tiều phát bạch bà bà,
Lộc động sơn trung suất tính ca.
Dã điệu thanh tòng khảm thụ chấn,
Thôn xoang vận dữ lưu tuyền hoà.
Vân phi hữu ý liên cửu,
Hạc thị tri âm quyến luyến đa.
Nhật mộ quy lai lão phụ vấn,
Vi ngôn tằng kiến Tấn đồng đà.

 Dịch nghĩa

Tiếng hát ông tiều ở Hố Nai

Gió thổi tung mái tóc trắng phau phau của ông tiều,
Hát hồn nhiên trong núi ở Hố Nai.
Điệu quê tiếng theo nhịp chặt cây chấn động,
Vận hoà cùng tiếng suối chảy.
Mây không phải là hữu ý mà lưu liên mãi,
Hạc là tri âm quyến luyến nhiều.
Trời tối về nhà bà vợ hỏi,
Nói là từng thấy con lạc đà đồng đời Tấn.

Dịch thơ (Hoài Anh)

Gió đùa mái tóc trắng phau phau,
Tiều hát hồn nhiên trong núi sâu.
Điệu mộc tiếng theo cây đẵn gục,
Lời quê vần hoạ suối tuôn mau.
Mây không có ý lưu liên mãi,
Hạc ấy tri âm quyến luyến nhiều.
Chiều tối trở về bà lão hỏi,
Đà đồng đời Tấn dấu lần theo.
(Nguồn: Hoài Anh, Gia Định tam gia, NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2006. Tr.162)

2.Huỳnh Văn Nghệ (1914-1977) [[10]] sinh tại làng Tân Tịch, Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay là Bình Dương). Lúc nhỏ, ông học bậc tiểu học tại làng Mỹ Lộc, quận Tân Uyên, được học bổng bậc trung học của Trường Petrus Ký. Tốt nghiệp bằng Thành Chung năm 1932, ông vào làm công chức tại Sở Hỏa xa Đông Dương (Sài Gòn). Năm 1937, ông được bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1942, bị Pháp truy bắt, ông đào thoát sang Thái Lan. Năm 1944, ông về nước, bắt liên lạc với Trần Văn Giàu (Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ) và được giao lập khu nghĩa quân Đất Cuốc tại quê hương Tân Uyên, Biên Hòa. Tháng 7/1945, ông tham gia Tổng khởi nghĩa, sau đó được giao nhiểu chức vụ quân sự. Ông đã chỉ huy nhiều trận đánh lớn tại miền Đông, đặc biệt với trận La Ngà ngày 1 tháng 3 năm 1948. Năm 1953, ông được cử ra Bắc học tập và tiếp tục công tác trong Quân đội với hàm Thượng tá, Năm 1965, ông trở về miền Nam công tác tại Trung ương Cục miền Nam.

Ông được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (2010), Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2007).

Tác phẩm:

– Thơ Đồng Nai (1949);

– Bên dòng sông xanh (thơ, 1988);

– Thơ Huỳnh Văn Nghệ (1998);

– Huỳnh Văn Nghệ tác giả tác phẩm (2008).

Huỳnh Văn Nghệ viết bài thơ Nhớ Bắc năm 1940 (có tư liệu nói ông làm năm 1946 tại chiến khu Đ) với những câu thơ hào sảng nặng tình non nước:

Ai về Bắc, ta đi với

Thăm lại non sông giống Lạc Hồng

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng

Mà ta con cháu mấy đời hoang

Vẫn nghe trong máu buồn xa xứ

Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương!

Vẫn nghe tiếng hát trời quan họ

Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn

Vẫn nhớ, vẫn thương mùa vải đỏ

Mỗi lần man mác hương sầu riêng…

Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên

Chinh Nam say bước quá xa miền,

Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm!

Muốn trở về quê, mơ cánh tiên.

Ai đi về Bắc xin thăm hỏi

Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa

Hoàn Kiếm hồn xưa Linh Quy hỡi

Bao giờ mang kiếm trả dân ta?

                                         (Ga Sài Gòn, 1940)

            3. Bình Nguyên Lộc (1914-1987)

                        (Tóm tắt tư liệu của Thụy Khuê [[11]])

      Bình Nguyên Lộc tên thật là Tô Văn Tuấn, sinh tại làng Tân Uyên, tổng

 Chánh Mỹ Trung, tỉnh Biên Hoà (nay thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai); Năm 1935 ông vào làm công chức ở kho bạc Thủ Dầu Một. 1936, đổi về Sài Gòn làm kế toán viên ở Tổng Nha Ngân Khố. Tháng tám 1945, bỏ việc, tham gia kháng chiến. 1946, hồi cư về Lái Thiêu và 1949 rời Lái Thiêu về hẳn Sài Gòn viết văn làm báo. Năm 1985 định cư tại Hoa Kỳ.

Tác phẩm: Theo Nguyễn Ngu Í, Bình Nguyên Lộc đã viết khoảng 820

truyện ngắn (in 5 tập), 52 tiểu thuyết (in 11 quyển). Tiêu biểu là:

Thơ: Thơ tay tráiViệt sử trường ca và Thơ ba Mén (tiểu thuyết thơ).

Dân tộc học và ngôn ngữ học: Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt

Nam (1971), Lột trần Việt ngữ (1972)…

Truyện ngắn: Nhốt gió (1950), Ký thác (1960), Cuống rún chưa

 lìa (1969), Nụ cười nước mắt học trò (1967)…

Tạp bút: Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên

 Lộc (1966).

 Truyện dài: Đò dọc (1959), Gieo gió gặt bão (1960), Ái ân thâu ngắn cho dài

 tiếc thương (1963), Mối tình cuối cùng (1963), Bóng ai qua ngoài song cửa (1963), Bí mật của nàng (1963), Đừng hỏi tại sao (1965), Một nàng hai chàng (1967), Thầm lặng (1967), Trăm nhớ ngàn thương (1967), Uống lộn thuốc tiên (1967), Đèn Cần Giờ (1968), Diễm Phương (1968), Sau đêm bố ráp (1968), Khi Từ Thức về trần (1969), Nhìn xuân người khác (1969) Tỳ vết tâm linh (?), Lữ đoàn mông đen (2001)…

Thụy Khuê nhận xét: “Bình Nguyên Lộc tiếp nối truyền thống tiểu thuyết Tự

Lực Văn Đoàn. Ông chưa mở ra được một hướng đi mới cho tiểu thuyết như ông đã làm cho truyện ngắn: ảnh hưởng Khái Hưng, Nhất Linh bàng bạc trong cách phát triển kỹ thuật truyện dài. Cuốn Đò dọc (1959) được giải thưởng văn chương toàn quốc 1960 (của miền Nam), mang dấu ấn truyện tâm lý viết theo lối Bắc, khác hẳn lối viết của Hồ Biểu Chánh…”.

Đò dọc viết về gia đình ông bà Nam Thành và bốn người con gái. Ông đặt tên là Hương, Hồng, Hoa, Quá, Thơm. Suốt 10 năm ở Sài Gòn, “Nhà ông Nam Thành ở trong ngõ hẻm ba mươi căn đường Võ Tánh, ngang hông thành Ô-Ma”.Ông ở căn bìa hết và chuyên bán rương và va li da cho quân nhân Pháp. Trước kia ông là thầy giáo Hải, giáo làng, ở một xó hẻo lánh trong tỉnh Bặc Liêu. Hai vợ chồng trôi giạt lên Sàigòn với bốn đứa con gái, một gói áo quần cũ và hai bàn tay không. Gia đình ở đậu nhà người bà con, tại căn nhà bây giờ”. Năm 1954, khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, ông dọn về làng Linh Chiểu nằm bên con đường Thiên Lý (tức quốc lộ 1A ngày nay, khoảng giữa Thủ Đức và Biên Hòa).  

Về truyện ngắn, “Tất cả những chủ đề lớn trong văn chương đều đã xuất hiện trong Nhốt giócon người và thiên nhiên, con người và đất nước, con người và cõi âm, di dân và sống còn, với một giọng văn quê mùa, khiêm tốn. Ông kể chuyện dềnh dang như những người ít học, nhưng không phải người nhiều chữ nào cũng có khả năng đọc và hiểu ông; ngược lại người bình dân chắc chắn thấm lối kể chuyện của ông, bởi Bình Nguyên Lộc là lương tâm của họ, ông nói tất cả những gì họ nghĩ mà không viết ra được”… 

…Rừng mắm như một ký thác của Bình Nguyên Lộc về chuyện mở nước, giữ đất, giữ bờ. Văn Bình Nguyên Lộc là văn kể chuyện, ông không viết văn như một người làm văn, mà ông kể chuyện như một bà già tràu có kho tàng ngôn ngữ và văn hóa bất tận về dân tộc”.

 4. Nguyễn Tất Nhiên (1952-1992) [[12]] tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, sinh tại quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa, học tại trường Ngô Quyền Biên Hòa (1963-1970). Nguyễn Tất Nhiên làm thơ ngay khi còn trên ghế nhà trường. Thơ tình Nguyễn Tất Nhiên rất trẻ trung, hồn nhiên, mộc và lạ. Ông nổi tiếng khi được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc (các bài: “Thà như giọt mưa”, “Em hiền như ma sơ”, “Cô Bắc Kỳ nho nhỏ”,…)

Tác phẩm đã in:

Nàng thơ trong mắt (thơ, Biên Hòa, 1966, cùng với Đinh Thiên Phương)

Dấu mưa qua đất (thơ, Biên Hòa, 1968, cùng với bút đoàn Tiếng Tâm Tình)

– Thiên Tai (Thơ, 1970)

Thơ Nguyễn Tất Nhiên (thơ góp nhặt từ 1969-1980, Nxb Nam Á – Paris in lần

đầu tiên năm 1980)

Những năm tình lận đận (tập nhạc 1977-1984, Nxb Tiếng Hoài Nam, Hoa Kỳ

1984)

Chuông mơ (Thơ từ năm 1972-1987, Nxb Văn Nghệ – California, 1987)

-Tâm Dung (thơ, Người Việt 1989)

Xin đọc:

Cô Bắc kỳ nho nhỏ

Đôi mắt tròn, đen, như búp bê
Cô đã nhìn anh rất… Bắc Kỳ
Anh vái trời cho cô dễ dạy
Để anh đừng uổng mớ tình si

Anh vái trời cho cô thích mộng
Để anh ngồi kể chuyện nằm mơ
“Đêm qua có một chàng bươm bướm
Nguyện chết khô trên giấy học trò”

Anh chắc rằng cô sinh trong Nam
Cảnh tượng di cư chắc lạ lùng?
Khi nghe ai luyến thương Hà Nội
Chắc cô nghe bằng tim dửng dưng

Anh vái trời cho cô dửng dưng
Coi như Hà Nội – xứ hoang đường
Để anh còn dắt cô đi dạo
Còn rủ cô vào rạp cải lương

Anh vái trời cô thích cải lương
“Thích kẻ anh hùng diệt bạo tàn”
Mốt mai thê thảm quanh đời sống
Cô sẽ còn đôi chút lạc quan

Đôi mắt tròn, đen, như búp bê
Cô chớ nhìn thiên hạ lận lường
Mà hãy nhìn anh cây lắm chuyện
Nhưng còn con trẻ chuyện yêu đương

1973
(Nguồn: Thơ Nguyễn Tất Nhiên, NXB Nam Á, Paris 1982)

***

Dòng chảy lịch sử văn học ấy để lại gì cho sự phát triển văn học Đồng Nai sau 1975?

Trước hết là sự khác biệt:

1.Khác biệt về thời đại quyết định sự khác biệt về văn chương. Thời của Gia Định tam gia là thời của nhà Nguyễn lập quốc (đầu thế kỷ XIX). Sau đó lịch sử Việt Nam trải qua gần 100 năm chống Pháp (1858-1945), 30 năm đấu tranh chống Pháp, Mỹ đễ giữ nền độc lập (1945-1975), và sau 1975 là thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, “đổi mới” (công nghiệp hóa, hiện đại hóa) và hội nhập (1975-2024)…

Cuộc đời và thơ văn của Gia Định tam gia gắn với thời các ông thời làm quan với Gia Long, Minh Mạng. Thí dụ. Năm 1789, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định cùng 10 người nữa lãnh chức Điền Tuấn, đi khuyên bảo nông dân làm ruộng ở các dinh Phiên Trấn, Trấn Biên, Vĩnh Trấn, Trấn Định; Trịnh Hoài Đức làm nhiều bài thơ về đời sống người dân: Điền gia thu vũ (Mưa thu với người làm ruộng), Giang thôn hiểu thị (Chợ buổi sáng thôn bên sông); Ngư tân ngư địch (Tiếng sáo chài ở bến Nghé), Chu thổ sừ vân (Đất đỏ bừa trong mây)[[13]].

2.Khác biệt về nội dung (câu chuyện được kể, những tâm tình tỏ lộ), nội dung của văn học 1975-2024 “phản ánh” sự nghiệp cách mạng và kháng chiến cùng với công cuộc đổi mới của Đảng; khác với nội dung viết về cuộc sống nông dân khắp Nam bộ, và những tâm tình khi đi sứ của Trịnh Hoài Đức. Thí dụ: bài Sứ hành thứ Quảng Đông thư hoài (Sứ bộ đến Quảng Đông, viết), Lữ thứ hoa triêu (Tiết hoa triêu nơi đất khách)[13 đd. tr 226, 248].

3. Khác về thi pháp (thể loại, kiểu tư duy nghệ thuật, chất liệu, kiểu ngôn ngữ, mục đích sáng tác). Gia Định tam gia thi nằm trong thi pháp thơ Đường; khác với thơ ca cách mạng của Huỳnh Văn Nghệ được viết bằng phương pháp Hiện thực Xã hội chủ nghĩa

Dòng lịch sử văn học ấy vẫn tiếp tục chảy trong văn học Đồng Nai đương đại:

1.Tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, tuy có khác nhau về cách thể hiện) song là dòng chảy trong suốt lịch sử văn học Việt. Thơ Trịnh Hoài Đức viết về thắng cảnh Đồng Nai (chùm thơ 30 bài) với thơ của các nhà thơ Đồng Nai hôm nay chảy liền một mạch.

2.Sự gắn bó với nhân dân của nhà thơ nhà văn Đồng Nai làm nên giá trị những trang văn giàu vẻ đẹp nhân văn. Xin đọc Lộc đồng tiều ca, Tân Triều đãi độ của Trịnh Hoài Đức, đọc Chiến khu Đ chống bão, Mẹ buồn, Tình súng thơ Huỳnh Văn Nghệ làm trong kháng chiến.

3.Bút pháp hiện thực (tả thực, tức sự) là bút pháp chính của văn chương Đồng Nai từ trước tới nay. Nhà văn hướng về hiện thực để ghi nhận, phân tích, cảm xúc và bày tỏ thái độ, từ đó lên tiếng trước hiện thực (Thương loạn, Gia Định kim thành của Trịnh Hoài Đức). Xin đọc các tác phẩm của Hoàng Văn Bổn, Nguyễn Đức Thọ, Khôi Vũ, Nguyễn Một.

4. Nam bộ, Đồng Nai là vùng di dân cả trong quá khứ và hiện tại. Năm 1698 Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh khi lập phủ Gia Định gồm 2 huyện: huyện Phước Long dựng dinh Trấn Biên, huyện Tân Bình dựng dinh Phiên Trấn, ông đã đưa dân Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Đức tức Thừa Thiên – Huế ngày nay) vào Trấn Biên lập nghiệp, (Gia Định thành thông chí). Đến nay, Đồng Nai có 32 khu công nghiệp, thu hút hơn 600.000 công nhân từ các nơi đổ về….Thực tế di dân hiện diện trong văn chương Đồng Nai. Đò dọc là chuyện di dân của Bình Nguyên Lộc. Sông Luộc ở phương Nam của Khôi Vũ, truyện ngắn Lửa bên sông của Nguyễn Một cũng viết về di dân.

4. Đồng Nai là vùng “đa văn hóa”, nhưng là nơi vừa giữ gìn bản sắc riêng của vùng miền, vừa dung nạp sự khác biệt từ khắp mọi miền đất nước. Vì thế, tính cách Đồng Nai là tính cách rộng mở, hào sảng, bao dung và chấp nhận những khác biệt. Thế hệ di dân thứ nhất và thứ hai còn giữ được những nét văn hóa gốc (giọng nói, phong tục, lối sống…). Đến thế hệ thứ ba đã hòa nhập vào văn hóa Nam bộ (giọng nói, cách nghĩ, cách sinh hoạt và phong tục tập quán địa phương…).

Chẳng hạn, Tổ tiên Trịnh Hoài Đức quê ở Phúc Kiến (Trung Quốc). Cuối đời Minh đầu đời Thanh, ông nội ông là Trịnh Hội, di cư sang Việt Nam. Trịnh Hoài Đức sinh ở xã Thanh Hà, huyện Bình An, phủ Phước Long, trấn Biên Hòa. Ngô Nhân Tĩnh quê gốc ở Quảng Đông (Trung Quốc). Khi nhà Minh bị nhà Thanh đánh đổ, tiên tổ ông lánh sang Gia Định lập nghiệp, ông sinh ra ở đây. Cả Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tĩnh đều đã hội nhập văn hóa Nam bộ gần như trọn vẹn (thế hệ thứ ba).

Đặc điểm “đa văn hóa” ấy ảnh hưởng trên văn chương Đồng Nai. Văn của Bình Nguyên Lộc, Hoàng Văn Bổn, thơ Huỳnh Văn Nghệ giữ nguyên chất Nam bộ. Nhưng văn của Khôi Vũ (quê Thái Bình), Nguyễn Một (quê Quảng Nam), Hoàng Ngọc Điệp (quê Thanh Hóa)… có sự pha trộn Bắc -Nam cả trong cách thể hiện và ngôn ngữ.

                                                            ***

SỰ PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ NHÀ VĂN ĐỒNG NAI

            Ngày 22/12/1979, Hội VHNT Đồng Nai được thành lập. Lúc ấy chỉ có trên 10 hội viên Ban Văn học, đến nay đã có 96 hội viên (2023). Có thể chia thành 4 thế hệ nhà văn, với những đặc điểm sáng tạo khác nhau.

Đặc điểm 1: Về xuất thân của nhà văn

Nhà văn Đồng Nai từ mọi miền đất nước tụ về và thuộc nhiều thành phần xã hội. Đặc điểm này lý giải được một đặc điểm khác là, văn học Đồng Nai phản ánh được một diện rộng của hiện thực đất nước và nói được tiếng nói của quảng đại công chúng.

Nhà văn từ bắc vào nam:

Đào Sỹ Quang, Lý Thăng Long (Thái Nguyên), Lã Hoài Mai (Hưng Yên), Phạm Thanh Quang (Hà Nội); các nhà văn Khôi Vũ, Đàm Chu Văn, Bùi Công Thuấn, Huyền Quy, Trâm Oanh (Thái Bình). Minh Hạ, Quỳnh Trang (Hải Dương); Lê Đăng Kháng, Trần Thu Hằng (Hà Nam); Lê Thanh Xuân, Đỗ Minh Dương, Hoàng Ngọc Điệp, Mai Hân Hạnh, Hoàng Văn Thống, Hoàng Thị Minh Hòa (Thanh Hóa); Nguyễn Duy Đồng (Nghệ An), Bùi Quang Tú, Minh Đức (Hà Tĩnh); Nguyễn Trí (Quảng Bình), Nguyễn Đức Phước, Hạc Nha (Quảng Trị); Dương Đức Khánh, Bùi Thị Kim Chi (Thừa Thiên-Huế); Nguyễn Một (Quảng Nam), Trần Ngọc Tuấn, Hoàng Đình Nguyễn (Quảng Ngãi); Huỳnh Ngọc Tuyết Cương (Đồng Nai), Lê Phan Hiếu Anh (Tp HCM),..

Nhà văn thuộc các thành phần công dân khác nhau:

Nhiều nhà văn từng là người lính kháng chiến chống Mỹ, đa số chiến đấu ở chiến trường miền đồng Nam bộ:

Nhà văn Lê Đăng Kháng, sinh năm 1947, chiến trường Đông Nam bộ (1966-1975).

Nhà thơ Đào Trọng Thử, sinh năm 1949, có 8 năm ở chiến trường Đông Nam bộ.

Đàm Chu Văn, sinh năm 1958, là bộ đội (1976-1983), từng ở chiến trường Campuchia 1980.                                                                                                          

Nhà văn Phạm Thanh Quang, sinh năm 1951, là sĩ quan pháo binh

Nhà thơ Hoàng Văn Thống: nhập ngũ từ 1972. Hai lần bị thương.

Nhà văn Nguyễn Quốc Hoàn: là một sĩ quan quân đội, thuộc binh chủng Đặc công.

Nhà thơ Minh Đức sinh năm 1970, Thạc sĩ. Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chính trị-Quân sự năm 1994; hiện là Thượng tá, Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 5, Quân khu 7.

 Nhà văn Phạm Văn Đảng đang tại ngũ, công tác tại Văn Nghệ quân đội.

Nhiều nhà văn là nhà giáo: Bùi Quang Tú, Phan Nam Sinh, Tiêu Thanh Giang, Đào Sỹ Quang, Nguyễn Duy Đồng, Lã Hoài Mai, Trần Thị Hiếu (Giảng viên ĐH Đồng Nai), Hoàng Thị Quỳnh Trang…

Thuộc những ngành nghề xã hội khác:

Nhà văn Đỗ Anh Nhạ (1947), là lính chống Mỹ, là Bác sĩ giỏi, “Thầy thuốc nhân dân” (2003) .

Nhà thơ Lê Thanh Xuân (1948), Trưởng ban Văn nghệ Đài PT-TH Đồng Nai.

Nhà văn Khôi Vũ tốt nghiệp Dược sĩ, chuyển qua viết văn.

Nhà thơ Nguyễn Đức Phước (1967), Bác sĩ, công tác tại Trảng Bom.

Nhà văn Nguyễn Một (1964) hiện là Giám đốc Truyền thông Cty Trường Hải,

Nhà văn Hoàng Đình Nguyễn (1947), nguyên là PGĐ Xí nghiệp Mạch nha Đồng Nai.

Nhà văn Dương Thu Hường: Công nhân Cty Pouchen Việt Nam

Nhà văn Trâm Oanh: Phó Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai;

Nhà thơ Hoàng Minh Hòa: Kim Hạnh cho biết: Chị vốn là dân mỹ thuật, từng về làm thủ thư tại Thư viện Trường Tuyên huấn Trung ương III, sau đó đã đi nghĩa vụ quân sự tại chiến trường Campuchia. Sau khi ra quân, chị làm nghề tự do, chủ yếu là kinh doanh buôn bán bất động sản…[[14]]

Nhà văn Nguyễn Trí lăn qua đủ thứ nghề: Nghề nấu rượu, nghề nhảy tàu, nghề đồ tể, nghề đi tìm vàng, khai thác đá quí, trầm hương; nghề chặt củi, đốt than, xe ôm… và dạy Anh văn…[[15]]

Đặc điểm 2: Các thế hệ nhà văn Đồng Nai

Đến nay có thể nhận thấy 4 thế hệ nhà văn Đồng Nai

1. Thế hệ nhà văn kháng chiến.

            Các nhà văn thế hệ kháng chiến vừa chiến đấu, vừa sáng tác. Họ trực tiếp viết về cuộc kháng chiến với tư cách người trong cuộc, nên cảm nghĩ của họ cũng là cảm nghĩ của nhân dân, của dân tộc trong cuộc đấu tranh vệ quốc. Nhà văn thế hệ kháng chiến viết để phục vụ kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy:  “Phải đặt câu hỏi: Viết cho ai?- Viết cho đại đa số: Công – Nông – Binh- Viết để làm gì?- Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục quần chúng”[[16]]. Trang văn là tim, óc xương máu của mình, của đồng bào. Quý giá vô cùng. Tâm hồn nhà văn gắn chặt với gia đình, quê hương, với đồng đội và sáng ngời lý tưởng. Nhà văn Hoàng Văn Bổn nói: “Với chúng tôi, mỗi trang bản thảo đều đổi bằng cái giá không biết thế nào mà tính được. Đắng cay lắm. Giờ đây, khi còn sống ngồi viết lại những dòng này, tôi càng thấm thiá rằng mỗi một dòng, một trang sách đối với chúng tôi (ít tài năng) chúng tôi phải trả bằng cả cuộc đời, bằng trăm nghìn thứ hy sinh trên đời này”[[17]].

Nhà văn Lý Văn Sâm (1921-2000) bị địch bắt giam nhiều lần (1946, 1949, 1955). Ông từng giữ chức Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Bộ Văn hoá (Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam), Tổng thư ký đầu tiên của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam. Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, đại biểu Quốc hội khoá VI, Chủ tịch Hội Văn nghệ Đồng Nai. Giải thưởng Nhà nước về Văn học & Nghệ thuật đợt 2 năm 2007.

Nhà văn Hoàng Văn Bổn (1930-2006) tham gia cách mạng từ 1945. Năm 1951, ông gia nhập quân đội và hành quân từ Chiến khu Đ về Phân liên khu kháng chiến U Minh. Năm 1953, ông được bổ sung vào Tiểu đội trợ chiến cho Tiểu đoàn 307 đánh trận Xẻo Rô. Năm 1954 ông tập kết ra bắc. Sau giai đoạn công tác ở Lào, ông được rút về Xưởng phim Quân đội, và trực tiếp có mặt trên nhiều mặt trận nóng bỏng như một phóng viên chiến trường. Trong quân đội với tư cách là giáo viên văn hóa, cán bộ trung đội, đạo diễn, biên kịch, biên tập xưởng phim quân đội. Năm 1980 ông về quê và làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai. Giải thưởng Hồ Chí Minh 2006.

Nhà văn Hoàng Kim Chung – Anh Hoàng (1929-2010), năm 1981, đang là Trung tá Quân đội công tác ở Tổng cục Chính trị, được nhà văn Lý Văn Sâm và nhà văn Hoàng Văn Bổn mời về làm Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai, phụ trách phong trào.

Nhà văn Đại tá Lê Bá Ước (1931-2016): Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhà thơ Hoàng Vĩnh Phú: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch tỉnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai (thời gian 1976- 1985)

            Các nhà văn kỳ cựu của Hội VHNT Đồng Nai (theo thứ tự năm sinh):

Xuân Bảo (1935), Phan Huyển Tùng (1936), Tiêu Thanh Giang (1937), Hồng Phương (1937), Trần Thúc Hà (1937-2023), Trần Ngọc Vinh (1939), Trương Thanh Phận (1940), Phan Nam Sinh (1940), Phan Quang Hợp (1942),

2. Thế hệ nhà văn trưởng thành sau 1975.

            Nhiều người từ chiến trường bước ra: Lê Đăng Kháng, Đào Trọng Thử, Đàm Chu Văn, Phạm Thanh Quang…

Hành trang văn chương của họ là vốn sống chiến trường chống Mỹ. Họ mang tâm thế là những người con ưu tú của dân tộc. Họ trở về với niềm tự hào rạng rỡ của cuộc kháng chiến toàn thắng. Họ viết về chiến tranh cách mạng với tất cả trái tim và kỷ niệm máu thịt của mình.        Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới hội nhập toàn cầu hóa, họ trăn trở lúc giao mùa cũ và mới, và dĩ nhiên họ đứng về phía nghệ thuật truyền thống, bảo vệ cái đẹp truyền thống, nói tiếng nói truyền thống và cách mạng.

Những nhà văn trưởng thành sau 1975 gồm:

a. Những nhà văn kỳ cựu của Hội VHNT Đồng Nai. Họ đóng góp nhiều cho hoạt động của Hội. Có người đã mất, người đổi đi nơi khác:

Hải Ba, Nguyễn Đức Thọ, Hoàng Trung Thủy (công tác tại Sở Giáo dục Đồng Nai), Phạm Minh Hà, Thanh Dạ, Vũ Xuân Hương, Trương Nam Hương, Lương Định, Cao Xuân Sơn (hiện ở Tp HCM), Lương Tuấn, Bùi Ngọc Phúc, La Hồng Sơn, Trần Trung Phụng. Nhật Tú. Nguyễn Quang Vinh, Lê Tuấn Đạt, Lê Thiên Minh Khoa, Đào Thanh Chương, Nguyễn Đăng Hà, Nai Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Tạ Tiến, Vũ Đức Hậu, Thân Văn Kích, Lê Ngọc Lợi, Ngọc Thùy Giang, Nguyễn Tân Triều, Lê Liên, Nguyễn Quốc Hoàn, Kiều Văn Phẩm, Phan Quang Hợp, Phan Huyền Tùng, Hồng Phương, Trương Thanh Phận…

b.Những nhà văn chủ lực của văn chương Đồng Nai nhiều thập kỷ qua (theo năm sinh):

Trần Thúc Hà (1937-2023), Hoàng Đình Nguyễn (1947), Lê Thanh Xuân (1947), Lê Đăng Kháng (1947), Đỗ Minh Dương (1948), Bùi Quang Tú (1948-2023), Đào Trọng Thử (1949), Khôi Vũ (1950), Phạm Thanh Quang (1951), Minh Hạ (1953), Đào Sỹ Quang (1954), Nguyễn Đức Thọ (1955-2001), Nguyễn Trí (1956). Nguyễn Hoài Nhơn (1956), Ngọc Khánh (1956), Hoàng Ngọc Điệp (1957), Đàm Chu Văn (1958), Dương Đức khánh (1960), Thu Trân (1963-đã về Sài gòn), Trần Ngọc Tuấn (1964), Nguyễn Một (1964), Dương Thu Hường (1971), Trâm Oanh (1973), Trần Thu Hằng (1975), Phạm Văn Đảng (1976), Nguyễn Đức Phước (1976), Hạnh Vân (1980), …

3.Thế hệ nhà văn phong trào”.

Các tác giả kết nạp Hội VHNT Đồng Nai từ 2015 trở lại đây là “thế hệ nhà văn phong trào” (cách gọi nhận dạng). Họ tham gia tích cực phong trào của Hội như dự trại sáng tác, tham gia các cuộc thi văn học, sinh hoạt ở câu lạc bộ…. Có người là cán bộ về hưu “viết cho vui”, viết để chia sẻ bạn bè. Tác giả Nguyễn Duy Đồng thổ lộ: “Về hưu tôi muốn có một sân chơi để vui với tuổi già, tránh bệnh tật nên đã xin vào Hội…”[[18]]. Tác giả Hoàng Văn Thống nói rõ mục đích sáng tác của mình: “Ghi lại những cảm xúc và những kỷ niệm bằng thơ phục vụ bạn đọc và người yêu thơ”.

Nhiều người có tài năng, ngòi bút vượt lên rất nhanh trên con đường văn chương. Nhà thơ Trần Thị Bảo Thư năm 2023 đạt giải của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Nhà thơ Hoàng Văn Thống trong 12 năm (2011-2023) đã in 6 tập thơ với hơn 300 bài thơ đẹp. Tác giả Nguyễn Duy Đồng, tham gia Hội VHNT Đồng Nai từ 2015, trong một thời gian ngắn, đã in 01 tập thơ,  01 tập truyện ngắn, đạt 5 giải thưởng văn học trong các cuộc thi. Năm 2023 đạt giải của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam với tập truyện Ma Chữ…

Tính chất chung của thế hệ nhà văn phong tràochưa chuyên nghiệp. Đa phần sáng tác theo “năng khiếu” tự nhiên và tự học hỏi, chưa hình thành con đường sáng tạo riêng. Việc xuất bản tác phẩm còn hạn chế.

Tiêu biểu là các tác giả:

Phạm Bình Minh (1939), Bùi Thị Kim Chi (1949), Mai Hân Hạnh (1950), Lê Hương Thơm (1951), Hoàng Minh Tranh (1952). Hoàng Văn Hóa (Thạch Hà-1953), Hoàng Văn Thống (1954), Nguyễn Duy Đồng (1955), Hoàng Văn Bảy (1955), Hoàng Thị Minh Hòa (1956), Bằng Lăng (1957), Trần Gia Minh (1957), Nguyễn Thị Lệ Hồng (1958), Trần Bảo Thư (1964), Hiền Nguyễn (1972), Nguyễn Dương Minh Tâm (1975), Phạm Hải Yến (1976)..

Tác giả tự do:

Nguyễn Quang Tấn (1949-Gia nhập Hội 2015), vốn là giáo viên, nhiều năm sống ở xã Thanh Sơn (huyện Định Quán). Theo nhà văn Nguyễn Trí, tác giả Nguyễn Quang Tấn cho biết: “Tôi làm thơ là bởi vì tôi biết làm thơ, cũng như tôi cuốc đất là bởi vì tôi biết cuốc đất, chẳng có quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách gì”.

Tác giả thuộc những lĩnh vực khác tham gia Hội: 

Tôn Hoàn, Mai Sông Bé (nhà báo), Nguyễn Th. Thu Giang (Ban Tuyên giáo), Trần Thị Hương Lan (Ban Tuyên giáo), Nguyễn Thị Phương Liễu (Báo Đồng Nai), Tô Thị Hợp (P.Công an nội bộ), Trần Nghi Dũng (1955-Huyện ủy Trảng Bom), Lê Thị Kim Hạnh (Sở Văn Hóa-hiện ở Slovakia, làm cho OTG)…

4.Thế hệ trẻ trưởng thành từ đầu thế kỷ XXI

Đó là các tác giả thế hệ 8x và 9x:

17 tác giả Hội viên: Lê Hồng Nhạn (Hạc Nha- 1981), Phan Danh Hiếu (1982), Ngô Hường (1982), Minh Anh (1983), Lê Thị Nguyệt Minh (1984), Trần Thị Hiếu (1985), Thái Minh Công (1985), Lưu Thiện Vương (1985), Nguyễn Huyền Quy (1986), Lê Vũ Anh Đào (1987), Đào Nguyên Thảo (1987), Lã Hoài Mai (1991-Lã Thị Hồng Thuấn), Hoàng Thị Quỳnh Trang (1993), Huỳnh Ngọc Tuyết Cương (1993), Đàm Minh Khôi (1997), Lê Phan Hiếu Anh (1999), Tống Thanh Tâm (2000), Hoàng Loan (1978), Lý Thăng Long (2000),…

18 tác giả cộng tác viêntạp chí Văn nghệ Đồng Nai có khả năng phát triển hội viên:

Văn Ánh Ngọc, Vân Nhi, Phạm Bá Khoa, Võ Anh Vũ, Hoàng Phước Nguyên, Phan Gia Hưng, Nguyễn Võ Mỹ Duyên, Vy Ngân, Trần Huynh Quỳnh, Lê Nguyễn Hà Ngọc, Ngô Gia Hân, Phan Nhật Anh, Đặng Huệ Linh, Nguyễn Thị Thu Ngân,…[[19]] Nguyễn Hải yến. Hoàng Thu Thảo, Hoàng Phương, Trần Hoan.

Văn trẻ Đồng Nai đã tượng hình một đội ngũ. Thời gian sẽ khẳng định tài năng và cốt cách văn chương. Hiện nay, chưa có nhiều những cá tính sáng tạo độc đáo giàu nội lực như “Văn Trẻ” đầu thế kỷ XXI. Việc in tác phẩm còn hạn chế. Tính chất của thế hệ này là sự bấp bênh trong việc chọn lựa con đường văn chương.

Huỳnh Ngọc Tuyết Cương nói về mục đích sáng tác văn chương: Tôi nghĩ mình đang đi trên đường và dừng chân vào quán văn để thưởng trà, viết đôi dòng về những gì mà mình nhìn thấy, cảm nhận được trên con đường cuộc đời. Phải nói thật, tôi phải tiếp tục đi về phía trước, có thể tôi sẽ không dừng chân ở quán văn nữa, hoặc có thể tôi sẽ đem theo văn chương trên hành trình cuộc đời.

(Xin đọc: Bùi Công Thuấn-Văn trẻ Đồng Nai)

Nhìn chung:

45 năm phát triển, Hội VHNT Đồng Nai đã quy tụ được một đội ngũ hùng hậu các nhà văn tài năng làm nên diện mạo của văn học Đồng Nai.

Thế hệ nhà văn kháng chiến (Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn) đã để lại một gia tài đồ sộ cả về tác phẩm và uy tín trên văn đàn; được vinh danh bằng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Thế hệ chủ lực sau 1975 là những nhà văn làm nên thành tựu văn học Đồng Nai trong 5 lần trao giai Trịnh Hoài Đức. Các nhà văn Khôi Vũ, Nguyễn Một, Nguyễn Trí cũng đều đạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, và là những nhà văn có uy tín trên văn đàn cả nước.

Trong những nhà văn kỳ cựu của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, còn nhiều tác giả tài năng, tâm huyết và viết rất chuyên nghiệp. Họ vẫn miệt mài sáng tác mấy chục năm qua và có những đóng góp giá trị vào  thành tựu chung: Hoàng Đình Nguyễn, Đào Trọng Thử, Nguyễn Hoài Nhơn…

Tuy vậy, việc xây dựng đội ngũ nhà văn vẫn là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của Hội VHNT Đồng Nai. Bởi vì, nhiều nhà văn chủ lực hôm nay đã ở vào độ tuổi “Cổ lai hy”, trong khi đội ngũ kế thừa chưa đủ độ chín về tài năng và uy tín trên văn đàn để gánh trách nhiệm phát triển văn học Đồng Nai. Nhưng tôi tin rằng, nói như Nguyễn Trãi: “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, Song hào kiệt đời nào cũng có”.                                                       

SỰ PHÁT TRIỂN VĂN HỌC

            Tác phẩm văn học là yếu tố trung tâm của một nền văn học. Không có tác phẩm thì không có nền văn học. Một nền văn học lớn là nền văn học có nhiều tác phẩm lớn (văn học phương tây, Nga, Ấn độ, Trung Quốc). Trong nhiều thập kỷ qua, văn học Việt Nam đặt mục đích cho sự thành tựu các tác phẩm lớn.

Khi xem xét sự phát triển của văn học Đồng Nai, tôi quan tâm đến tác phẩm văn học. Đặc biệt là đến tầm vóc tư tưởng-nghệ thuật của các tác phẩm, phong cách nghệ thuật của tác giả và qua đó xác lập những đặc điểm diện mạo của văn học Đồng Nai.

1.TÁC PHẨM VĂN HỌC

            Số tác phẩm của văn học Đồng Nai 45 năm qua là một “gia tài” lớn, cho đến nay (2023) chưa có một thống kê đầy đủ. Để nhận thức được tầm vóc lớn của văn học Đồng Nai và nỗ lực sáng tạo vượt trội của mỗi nhà văn, thì việc xuất bản và phổ biến tác phẩm cần nhìn nhận từ nhiều góc độ:

            a. Giữa các kỳ đại hội (số liệu của Hội VHNT Đồng Nai)

            Nhiệm kỳ III (2001-2006), Ban văn học có 29 hội viên đã xuất bản trên 100 tác phẩm, bình quân 18 đầu sách 1 năm. Gồm 9 tiểu thuyết, 19 tập truyện ngắn, 15 tập truyện thiếu nhi, 44 tập thơ, 3 tập biên khảo-nghiên cứu-phê bình, 4 tuyển tập văn học.

            Nhiệm kỳ IV (2007-2013). Ban Văn học có 72 hội viên (có 8 hội viên HNV). Đã xuất bản 52 tác phẩm.

           Nhiệm kỳ V (2014-2018). Ban Văn học có 83 hội viên. Xuất bản 102 tác phẩm

            Tổng kết 15 năm thực hiện nghị quyết TW5 (1998-2012) đã xuất bản 157 tác phẩm.

            b. Quan sát những năm gần đây:

            Năm 2019 hội viên Ban Văn học đã xuất bản hơn 30 cuốn.[20]

Năm 2020 xuất bản 26 tác phẩm Văn học [[21]]

Năm 2021 Ban Văn học thực hiện 1 Tuyển tập. Hội viên xuất bản 12 tập truyện và thơ. Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai đã đăng trên 200 tác phẩm, chùm tác phẩm[[22]]

Năm 2022 [[23]] Ban Văn học thực hiện 03 tuyển tập: Hướng về biển đảo quê hương, Hoa của đất (bút ký), Những chú mèo ngủ quên trong ổ trứng (truyện đồng thoại dành cho thiếu nhi). Các tác giả tự xuất bản: 14 tác phẩm.

c.Sách của nhà văn.

 Xin đơn cử một số tác giả tiêu biểu

Hoàng Văn Bổn: đã viết hơn 50 đầu sách và 25 kịch bản phim. Đặc biệt là những bộ sử

 thi đồ sộ: Miền đất ven sông (tiểu thuyết, 3 tập, 1984).– Khắc nghiệt (tiểu thuyết, 4 tập, 1990). Nước mắt giã biệt (tiểu thuyết, 4 tập, 1994).

            Lý văn Sâm: 20 tác phẩm và một số in chung.

            Hoàng Kim Chung: 5 tác phẩm (từ tiểu thuyết Thuở ban đầu 1983 đến “Dưới chân núi Minh Đạm”(1993).

            Khôi Vũ-Nguyễn Thái Hải: tính đến 2023 ông đã in được 74 tác phẩm (trong đó 43 tác phẩm viết cho thiếu nhi.    

            Nguyễn Một: 17 tác phẩm (với 2 bút danh Nguyễn Một và Dạ Thảo Linh).

Hoàng Đình Nguyễn: 14 tác phẩm (06 tập thơ và 08 tập Bút ký).

            Phạm Thanh Quang: 13 tác phẩm (6 tập truyện, 5 tập thơ, 2 kịch bản phim)

Nguyễn Trí: 13 tác phẩm (trong 10 năm, từ 2013 đến nay).

            Đàm Chu Văn: 11 tập thơ (từ 1985 đến nay).

            Hoàng Ngọc Điệp: 10 tác phẩm (từ 1995 đến 2022).

            Lê Đăng Kháng: 9 tác phẩm (thơ và truyện).

            Trần Ngọc Tuấn: 8 tập thơ (từ 1994 đến 2018).

            Hoàng Văn Thống: 6 tập thơ (từ 2011 đến 2023).

            Trâm Oanh: 5 tác phẩm (từ 2018 đến 2023).

Mai Hân Hạnh: vào Hội 2016. Đã in 02 tập thơ.

Bùi Thị Kim Chi vào Hội 2012, đã in 02 tập thơ.

Đào Sỹ Quang: Đã in 08 tác phẩm, có truyện ngắn và bút ký in trên các báo tạp chí Trung ương và địa phương như: Văn nghệ Quân đội, Công an, Tp.HCM, Thái Nguyên, Đồng Nai, Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Giáo dục & Thời đại chủ nhật, Sông Hương, Cửa Việt…Ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam tháng 12. 2023.

Một số nhà thơ đã hiện diện trên trang thivien.net và vnthuquan. và Bảo tàng văn học (là những thư viện điện tử lớn).

            d. Tác phẩm xuất bản trong một năm (năm 2018): 36 tác phẩm với các thể loại: Tập thơ, tập truyện ngắn, tiểu thuyết, Ký (Hồi ký, tự truyện), truyện thiếu nhi, Lý luận và phê bình văn học.

            1. Hội in 5 tuyển tập: Chiến khu D anh hùng, Khi đàn chim vổ cánh (văn trẻ), Đồng Nai hành trình ra biển lớn, Thiếu niên nhi đồng và dân tộc thiểu s, Mùa quả chín.

2. Hoàng Ngọc Điệp: Chuyện Bin mũi hếch, truyện thiếu nhi, 2 tập. và Cù lao yêu dấu.

            3. Hoàng Đình Nguyễn: Một thời mãi nhớ. Tự truyện

            4. Trâm Oanh: Chuyện Mếu và Máo. Truyện thiếu nhi.

            5. Nguyễn Thái Hải: Bầy nai tung tăng trên đồng cỏ, truyện thiếu nhi. Tí chuột mất tích (Thám tử học trò tập 1), Tiếng động đêm vườn bưởi (Thám tử học trò tập 2), Kẻ trộm ví trong trường (Thám tử học trò tập 3).

            6.Nguyễn Trí: Ăn bay, tiểu thuyết. Mạt cưa, mướp đắng, đường vàng.

            7.Dương Đức Khánh: Nghệ sĩ vườn, Người chợ Kệ, (tập truyện ngắn).

            8.Đào Sỹ Quang: Điều như không thể, tập truyện ngắn.

            9.Dương Thu Hường: Bông hồng đen, tập truyện ngắn.

            10.Bùi Quang Tú: Tách café và dòng ký ức.

            11.Bùi Công Thuấn: Nhà văn Đồng Nai, LLPB

            12. Xuân Bảo: Hành trình thiên lý, Ký sự.

            13.Mai Sông Bé: Một chút gọi là (Hồi ký) và Suy gẫm của người già (Tùy bút)

            14.Lê Thanh Xuân: Tặng và nhớ (tập thơ); Ngoài kia mây trắng (tập thơ)

            15.Trần Ngọc Tuấn: Chân thân (tập thơ).

            16.Đỗ Minh Dương: Vầng trăng đợi mùa (tập thơ).

            17.Nguyễn Đức Phước: Thơ Lục bát (tập thơ).

            18.Đào Trọng Thử: Những ngọn đèn dầu (tập thơ).

            19.Minh Hạ: Qua những miền quê (tập thơ).

            20.Lê Hương Thơm: Miền đất ở (tập thơ).

            21.Nguyễn Hoài Nhơn: Định vị thơ (tập thơ).

            22.Mai Hân Hạnh: Hương đất (tập thơ)

            23.Nguyễn Xuân Từng: Tiếng sóng quê hương (tập thơ).

            24.Phạm Thị Thanh Vân: Xanh (tập thơ).

            Trong một năm, in được 36 đầu sách đủ các thể loại, đó là một nỗ lực rất lớn của nhà văn và là thành tựu của văn học Đồng Nai.

e. Bài in trên Văn nghệ Đồng Nai và trang web Hội VHNT Đồng Nai

            Thí dụ: năm 2021 Tính sơ bộ có trên 200 tác phẩm, chùm tác phẩmđăng trên Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai và Cổng thông tin điện tử (website của Hội); khoảng trên 100 tác phẩm, chùm tác phẩm in báo, tạp chí khác trong và ngoài tỉnh. Trong đó có nhiều tác giả của Ban Văn học đăng nhiều tác phẩm trên báo, tạp chí chuyên ngành như Hoàng Ngọc Điệp, Trần Thúc Hà, Đàm Chu Văn, Đỗ Minh Dương, Nguyễn Trí, Dương Đức Khánh,  Minh Hạ, Trâm Oanh, Lê Liên, Đào Sỹ Quang, Trần Thị Bảo Thư, Nguyễn Minh Đức, Trần Thu Hằng… [[24]]

            Năm 2022, Hơn 800 tác phẩm được đăng tải trên Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai và hơn 100 tác phẩm được đăng tải tạp chí trung ương [[25]].

Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ IV (2007-2012) đã có 217 tác phẩm hội viên Ban Văn học được giới thiệu trên các báo và tạp chí trung ương, địa phương trong 5 năm qua.

Như vậy, thành tựu quan trọng của văn học Đồng Nai là số lượng tác phẩm văn học được xuất bản và quảng bá. Trong đó nhiều tác phẩm đạt giải thưởng ở nhiều cuộc thi. Những giải thưởng khẳng định tài năng là Giải Trịnh Hoài Đức, Giải thưởng Văn học nghệ thuật của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam [[26]] và giải thưởng của Hội Nhà văn. Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ IV của Ban chấp hành Hội VHNT Đồng Nai (2007-2012) ghi nhận: “Đã có 118 giải thưởng trong các cuộc thi văn học nghệ thuật Trung ương và địa phương được trao cho các tác giả hội viên Ban Văn học. Số đầu sách xuất bản trong nhiệm kỳ này là 52 cuốn. Đã có 217 tác phẩm hội viên Ban Văn học được giới thiệu trên các báo và tạp chí trung ương, địa phương trong 5 năm qua”.

2. SỰ PHÁT TRIỂN ĐỀ TÀI

            Việc chọn lựa đề tài, nội dung để thể hiện chủ đề, tư tưởng là bước đầu tiên quan trọng đối với người sáng tác văn học; sau đó mới là bút pháp, kiểu cấu trúc và cách kiến tạo tác phẩm.

            Nhà văn Dương Thu Hường là một công nhân, nhưng tác giả thú nhận rằng, viết về công nhân trong các công ty FDI hôm nay theo công thức “Ta nhất định thắng” (nghĩa là theo phương pháp Hiện thực xã hội chủ nghĩa) là rất khó, và tác giả không thể [[27]]. Cũng vậy, với các tác giả trẻ Đồng Nai, đề tài Cách mạng và kháng chiến là rất khó, bởi người trẻ không có vốn sống, chưa từng trải nghiệm chiến tranh vệ quốc. Những nhà văn 4x, 5x của thế kỷ trước, quen với văn chương bao cấp, không thể viết tác phẩm văn chương thị trường cho độc giả trẻ thời 4.0. Nếu viết về những đề tài thời sự, thì nhà văn không thể theo kịp báo chí. Và hơn thế, trong sự thống trị của truyền thông đa phương tiện và các mạng xã hội (Facebook, Telegram, Tiktok…), thì văn học viết (tác phẩm in bằng giấy) không thể cạnh tranh.

            Vì thế, đề tài, nội dung của văn học phản ánh sự chọn lựa, mối quan tâm và thái độ của nhà văn trước cuộc sống, cũng phản ánh cái nhìn, tư tưởng của nhà văn ở góc nhìn cá nhân. Chẳng hạn, văn học Việt Nam viết về nông dân, nông thôn thì sâu sắc hơn viết về công nghiệp và hội nhập toàn cầu hóa, vì đa phần nhà văn Việt Nam có gốc gác là nông dân..

  1. Đề tài quê hương, đất nước

Quê hương, đất nước là đề tài có tính bao trùm của văn học Đồng Nai, bởi tình

 yêu quê hương, đất nước, làng quê, tình đồng bào, tình gia đình là một đặc điểm có tính dân tộc của những con người sống “trên mảnh đất này”. Tiểu thuyết của cố nhà văn Hoàng Văn Bổn miêu tả cụ thể và sống động tình quê hương đất nước của người dân làng Bình Long trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Những truyện của nhà văn Lý Văn Sâm làm hiện lên một quê hương Đồng Nai rất đẹp cả trong hiện thực và trong văn hóa truyền thống. Nhà thơ, nhà văn nào ở Đồng Nai cũng có những trang viết da diết về quê hương mình (nơi sinh ra và lớn lên), và quê hương Đồng Nai (nơi cư trú làm việc).

            Xin đơn cử:

Từ 2011 đến 2020, tác giả Hoàng Văn Thống đã in 4 tập thơ, trong đó nhiều bài viết về quê hương Đồng Nai:

Trong tập Đất nước nở hoa, các bài: Đồng Nai ước mơ và hiện thực, Về Đồng Nai, Về Long Khánh, Long Thành Đổi mới, Thăm K4, Đêm xuân Vĩnh Cửu, Đồng Nai cất cánh, Trở lại Daklua.

Trong tập Thu cho em, các bài: Chiều Xuân Lộc, Về Cát Tiên, Đến Đồng Nai.

Trong tập Nhớ mãi, các bài: Về Chiến khu Đ, Chiến thắng La Ngà, Đại tá Lê Bá Ước, Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, Chiều Tà Lài, Về Bình Sơn, Trị An, Nhớ thác Trị An, Trảng Bom, Tân Phú, Về Định Quán,  Xuân Lộc, 

Trong tập Về Đồng Nai, các bài: Đồng Nai quê tôi, Biên Hòa, Biên Hòa em yêu, Về thác Đá Hàn, Giang Điền quê em, Long Thành quê em, Nhơn Trạch chiều xuân

Nhìn vào những địa danh Hoàng Văn Thống đã đến, người đọc nhận ra bước chân nhà thơ đã đi hầu khắp mọi miền Đồng Nai, ngược về quá khứ, hướng về tương lai, gặp gỡ mọi miền, tình cảm thiết thân, cái nhìn trong sáng. Quê hương Đồng Nai hiện lên trên trang thơ thật tươi đẹp.

Các tác phẩm viết về quê hương, đất nước được tập trung tạiGiải Trịnh Hoài Đức và ở các trại sáng tác.

Thí dụ, các tác phẩm của Giải Trịnh Hoài Đức lần V:

Theo dòng chảy Đồng Nai (Khôi Vũ); Cù Lao yêu dấu (Hoàng Ngọc Điệp); Tiếng gọi (Trần Thu Hằng); Diều hâu (Nguyễn Trí); Lũ trẻ hẻm cây khế (Trâm Oanh); Xao thu (Đàm Chu Văn); Định vị…thơ (Nguyễn Hoài Nhơn); Lời ru dòng sông (Hoàng Đình Nguyễn); Âm điệu thời gian (Minh Hạ); Lau trắng phất phơ (Đỗ Minh Dương)

Các trại sáng tác:

Năm 2020, trại sáng tác chủ đề: “Đồng Nai trên đường hội nhập và phát triển”; Trại sáng tác: “Xây dựng nông thôn mới”; cuộc thi sáng tác chủ đề: “Đồng Nai 45 năm hội nhập và phát triển 1975-2020”.

Năm 2022, Hội đã tổ chức 04 trại sáng tác tại Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đắc Lắc và Đà Lạt, Trại sáng tác Đà Nẵng với chủ đề: “Văn nghệ sĩ với người lính biển đảo và quê hương đất nước”. Trại Quảng Ninh: “Văn nghệ sĩ đồng hành cùng đất nước”…

Vì nhà văn Đồng Nai sinh ra trên khắp mọi miền đất nước, nên tình quê hương trong văn học Đồng Nai cũng hết sức phong phú. Hình ảnh làng quê, đời sống dân quê, những kỷ niệm thời con trẻ, những người thân yêu của tác giả nơi quê nhà đều được đưa vào tác phẩm.

 Gần đây nhất là tiểu thuyết Sông Luộc ở phương Nam của nhà văn Khôi Vũ, thể hiện một tình yêu sâu nặng với quê hương. Nhà văn Khôi Vũ thổ lộ: “… ghi chép lại cuộc đời của cha mẹ tôi từ khi vào Nam đến khi ông bà qua đời. Làm việc này tôi chỉ nghĩ đơn giản trước là giúp mình nhìn lại cuộc đời của cha mẹ, gồm cả cuộc đời mình trong đó mà ngẫm nghĩ ra những ý nghĩa của các sự việc buồn, vui, cay đắng cơ cực… hầu có một cái nhìn mới và lạc quan hơn về đời người; kế đến tôi cũng muốn cho thế hệ con cháu mình biết được để nhớ, để thương, để học được nhiều điều từ cuộc đời ông bà, cha mẹ chúng. Hơn nữa để biết được gốc gác dòng họ ở tận một vùng quê Bắc” (tr.404).

Tập truyện Cù lao yêu dấu và những bút ký của Hoàng Ngọc Điệp (Tri kỷ của rừng, Sóng gió hồ Trị An, Về xứ nhiều vua, Ấn tượng Nhơn Trạch, Tản mạn về một vùng đất, Dạo chơi trong vườn…) là hình ảnh một quê hương Đồng Nai đổi mới, trù phú.

Cũng vậy, có thể thấy bóng dáng làng quê, người quê, những sự việc của quê hương trong tập truyện Người chợ Kệ (Dương Đức Khánh). Chợ Kệ là tên người ta đặt cho một cái chợ ở làng Thanh, một ngôi làng ven sông Bồ, một phụ lưu của sông Hương.

Trong tập thơ Hai phía thời gian, Đàm Chu Vănnhìn quê hương, đất nước đâu cũng rạng rỡ, sinh sôi, đang từng ngày từng giờ vươn tới xa sau. Anh viết về cha, mẹ, về người thân mà tâm hồn như có cánh bay (Mẹ). Tập thơ Giấc rừng của Đàm Chu Văn cũng chất chứa những tình cảm quê hương sâu nặng (các bài Ký ức La Ngà, Chiều bên sông Đồng Nai, Long Bình 1966-1972, Cổ tích về Đá chồng)…

Tập thơ Đồng dao cho mình của Đỗ Minh Dương có nhiều bài thơ về quê hương, gia đình rất cảm động (Khuyết, Trên cát bỏng, Ngày giỗ mẹ, Quê xa, Hoài niệm…).

Thơ Lê Thanh Xuân là tiếng yêu thương của mọi miền đất nước. Xin đọc: Trăng sông Đà, Dọc sông Đà, Thuyền độc mộc, Trên cánh đồng Mường Thanh, Mường Thàng, Tiếng xa quay, Ngổ Luông, Thị xã miền rừng, Dốc Cun, Hoa Pi pôốc, Hoa gạo, Làng Hoàng Trù, Về thăm nhà Bác, Làng tôi, Đường làng, Khúc sông quê, Cánh đồng tuổi thơ, Cánh đồng mùa thu, Anh tôi, Cha tôi, Hoa ngâu, Lửa khói, Cây cau, Chiếc bình vôi, Khúc đầy, Trăng qua nhà…”[[28]].

Các tác giả trẻ hôm nay cũng viết về quê hương, gia đình. Xin đọc Huyền Quy (bài Hồn quê, Con thuyền của mẹ, Như em đợi anh…), Thơ Huỳnh Ngọc Tuyết Cương (Ngủ lại nhà quê, thăm bà, Mẹ tôi, Điền dã). (Tôi xin lỗi các nhà văn vì không thể giới thiệu được hết các tác phẩm viết về quê hương).

Có thể nhận thấy, những trang đẹp nhất của văn chương Đồng Nai là những trang viết về quê hương đất nước. Và chủ đề này sẽ còn được khám phá nhiều hơn nữa trong tương lai. Tuy vậy, Đồng Nai là một địa phương đa văn hóa, chất “tinh ròng” Đồng Nai thì chỉ đậm đặc trong trang văn của Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Khôi Vũ.

Nhà văn Bùi Quang Tú (1948-2023) bộc bạch: “Tôi sống ở đất Đồng Nai đã 45 năm, tận mắt chứng kiến sự đổi thay từng ngày của tỉnh nhà. Lần này đến với dòng sông anh hùng, dòng sông đổi mới và hội nhập Thị Vải mới vỡ lẽ ra. Lâu nay chỉ luẩn quẩn ở Biên Hòa bó hẹp tầm mắt, đi xa mới thấy Đồng Nai cũng chuyển mình mãnh liệt theo kịp bước phát triển của đất nước đấy chứ./ Và giờ đây khi viết những dòng này tôi như thấy hiển hiện dòng sông Thị Vải mang vẻ cao cả trong thời chiến, nay sôi nổi và đầy tự tin trong hội nhập, đổi mới. Trái tim tôi luôn cùng nhịp đập với dòng sông có cái tên mộc mạc này – Thị Vải” [[29]].

b. Đề tài Cách mạng và kháng chiến

Đây là đề tài xuyên suốt hành trình 45 năm của văn học Đồng Nai.

Tấn Hoài là tác giả tâm đắc với đề tài Cách mạng. Ông kể chuyện du kích ở Phú Vang thời kháng chiến chống Pháp trong Hơ Lia cọp núi (Tiểu thuyết-Nxb Đồng Nai-2014). Viên gạch lạ, Muối đỏ là những truyện hay và cảm động về những mất mát đau thương trong chiến đấu, ca ngợi những con người hy sinh âm thầm. Hoa Quý Lan (tiểu thuyết) miêu tả cuộc sống chiến đấu của  nhân dân trong  kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Thừa Thiên Huế. Tuy gian khổ, hy sinh vì giặc càn, lụt lội, hạn hán, voi phá khoai,… nhưng vui và lạc quan.

Nhà văn Hoàng Văn Bổn viết về cuộc chiến đấu của thế hệ mình, của làng quê mình, và cuộc chiến đấu của cả nước chống Mỹ: Lũ chúng tôi (tiểu thuyết, 1981). Miền đất ven sông (tiểu thuyết, 3 tập, 1984). Bầu trời mặt đất (tiểu thuyết, 1981). Sóng bạc đầu (tiểu thuyết, 1982). Hiện thực cách mạng và kháng chiến được phản ánh với tầm vóc sử thi.

Nhà văn Anh Hoàng kể chuyện Hoàng Thị Nghị, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (Mặt trận thầm lặng)

Nhà văn Đại tá Lê Bá Ước (anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) kể lại những gian khổ, hy sinh và những chiến công lẫy lừng của đặc công rừng Sác trong hồi ký Một thời rừng sác (2012) [[30]].

Khôi Vũ trong tập truyện Đàn ống tre bên kia sông [[31]] miêu tả ấn tượng và sâu sắc về con người Đồng Nai. Đó là những người “đồng chí”, cán bộ hưu trí, những người đã chiến đấu và hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Khôi Vũ không tụng ca kỳ tích của họ mà khẳng định sức mạnh cách mạng của họ qua cuộc đối mặt với kẻ thù. Họ bám trụ, gan dạ, dũng cảm và nghĩa tình. Xin đọc Quán xe thồ, Lời của thác,…

            Nhân vật anh bộ đội thời bìnhtrong tập truyện ngắn Sương sớm của Lê Đăng Kháng dù trong hoàn cảnh nào cũng sống sâu nặng tình nghĩa, sống vươn lên. Họ trở thành chỗ dựa, thành niềm tin của mọi người xung quanh. Họ còn là những giá trị làm cho cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn, đáng yêu hơn. Truyện Gỗ xoan đào đề xuất sự hóa giải bi kịch trong chiến tranh. Truyện Mưa bụi nói về sự khốn khổ của bà Nhuần khi yêu nhầm một thanh niên thương binh giả. Lê Đăng Kháng còn có trường ca Khúc tráng ca của lửa. Mạch thơ khởi đi từ những ngày “cả làng nhanh chóng tản cư/ quân Pháp đã qua cầu Phủ Lý” đến ngày “chỉ có một Việt Nam chiến thắng/ phút giây hòa hợp từ đây”, người lính chiến trở về quê, sống đời sống thanh bình. Lê Đăng Kháng viết về chiến tranh để nói cái khát vọng hòa bình của dân tộc này, một dân tộc biết “thương người như thể thương thân”, bởi “người ta là hoa đất”. Từ góc nhìn này, Lê Đăng Kháng đã miêu tả những hy sinh thăng hoa trở thành ánh sáng chói lọi của lương tri và của lịch sử [[32]].

            Những nét điển hình của người lính thời mở cửa được khắc họa trong tập truyện Tình yêu thuở ấy (1993) của Phạm Thanh Quang [[33]]. Họ sáng lên tấm lòng, tính cách và lý tưởng của người lính, nhưng họ cũng bất lực trước cuộc sống đã chuyển sang một hướng khác, ở cái hướng cửa đã mở ra ấy, người lính không còn đảm đương cái vai trò trung tâm của lịch sử như thời kháng chiến nữa.

            Nhà văn Phạm Văn Đảng là người lính đang tại ngũ (2023). Anh kể những truyện khốc liệt của bộ đội Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế chống Polpot ở Cambuchia những năm 1978s (Một thời khói lửa, Một quyết định khó khăn, Phải sống), và những truyện “dân vận” với tình yêu lãng mạn, hấp dẫn của người lính thời bình (Hương ngọc lan, Hữu duyên thiên lý…)[[34]].

Tập thơ Giấc Rừng của Đàm Chu Văn có nhiều bài viết về người lính rất cảm động. Xin đọc: Viếng bạn ở nghĩa trang biên giới Tây Nam

Cả hai nhà thơ Đàm Chu Văn và Đỗ Minh Dương trong bài viết về thơ Đồng Nai đều nhận xét [[35]]:

“Thơ Đồng Nai giai đọan đầu (1975- 2000) nội dung thấm đượm tình yêu Tổ quốc, quê hương, ca ngợi cái Đẹp, sự dũng cảm, hy sinh vì nghĩa lớn, nhận thức sâu sắc ý thức, trách nhiệm công dân, tình cảm cao thượng, trong sáng, nhân ái, nhân văn” (Đàm Chu Văn).

“Thơ viết về đề tài chiến tranh Cách mạng luôn chiếm một tỷ lệ thích hợp; chỉ đọc qua tên các bài thơ như : Trầm khúc miền Đông, Hồi ức Mã Đà, Về thăm Chiến khu Đ, Mẹ và Chiến khu Đ, Đồng Nai tráng khúc, Những người mẹ miền Đông, Dưới chân tượng đài Long Khánh, Đền tưởng niệm rừng Sác, Họp mặt 30-4, Đêm nghe tiếng hát cựu nữ tù, Tìm mộ anh trong rừng chiến khu Đ, Hát cùng đồng đội, Địa đạo Chiến khu Đ, Kể chuyện Bác Hồ.v.v… cũng đủ để xác nhận rằng: Đây là mảng đề tài được hầu hết những người làm thơ đặc biệt quan tâm và tập trung sáng tác”; “Điểm hẹn và cũng nguồn cảm xúc sáng tác cho anh chị em văn nghệ sĩ đều xuất phát từ các địa danh và đề tài cách mạng như Chiến khu Đ, Chiến khu rừng Sác, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người lính Cụ Hồ, các Anh hùng lực lượng vũ trang, các thương binh, liệt sĩ và các sự kiện lịch sử đã từng diễn ra trên vùng đất Đồng Nai,…” (Đỗ Minh Dương).

Đề tài chiến tranh Cách mạng ở giai đoạn sau được viết với tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc. Xin đọc truyện Nắng chiều và truyện Hai anh em của Trần Thúc Hà. Nhà văn Dương Đức Khánh trong tập truyện Người chợ kệ, kể những câu chuyện ở một làng quê có “rất nhiều nhà có người tham gia cả hai bên”. Tác giả không miêu tả những sự tích anh hùng lừng lẫy, mà miêu tả cái đời thường của nhân dân trong chiến đấu, cũng không khai thác sự căm thù ta-địch, mà tô đậm tư tưởng “hòa hợp hòa giải” sau chiến tranh [[36]].

Nhà văn Trần Thu Hằng kể Chuyện tỉnh ở Hầm Hinh [[37]] như sau: Trong một chuyến đi công tác ở Việt Nam, Leroy (một nhà báo và nhiếp ảnh Pháp) gặp bà Mai Thùy Dobré, cô giáo cũ, nghe cô kể chuyện tình của mình với Pierre và sau đó với Ba Dương. Khi về Pháp, Leroy đích thân tìm hiểu về trại tỵ nạn Grand Arènas nơi bà Thùy Mai đến đó năm 1947, và đến gặp Pierre ở đảo Corse gặp Pierre để tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến bà Thùy Mai. Bối cảnh câu chuyện là một không gian rộng, từ mật khu Hầm Hinh dưới chân núi Chứa Chan, vùng Xuân Lộc, Sài gòn, những ngày trước và sau CM/8, mở rộng sang Lyon, Marseill, đảo Corse ở Pháp. Câu chuyện từ hiện tại (2005), lúc những người trồng rừng tìm thấy hài cốt Ba Dương quy tập về nghĩa trang liệt sĩ, ngược về năm 1943, lúc bà Thùy Mai 16 tuổi, là nữ sinh trường Gia Long Sài gòn, sau đó là những năm trước cách mạng tháng tám 1945. Truyện ca ngợi những chiến sĩ cách mạng trung kiên như Ba Dương, Hai Huệ, và những cán bộ Việt Minh, qua cái nhìn của kẻ thù thực dân Pháp mà đại diện là Pierre. 

Tác phẩm nằm ở ranh giới giữa các kiểu tác phẩm: văn chương cách mạng, kiểu truyện điều tra trinh thám, kiểu văn chương thị trường về cuộc tình tay năm. Ngòi bút Trần Thu Hằng mở một biên độ rất rộng về không gian và thời gian và sử dụng kết hợp nhiều kiểu bút pháp hiện đại, tạo nên sự mới mẻ so với cách kể truyền thống.

Có sự vận động về tư tưởng và nghệ thuật từ thế hệ nhà văn Hoàng Văn Bổn đến nhà văn Phạm Văn Đảng ở đề tài chiến tranh cách mạng và kháng chiến. Từ phản ánh hiện thực cách mạng hào hùng của dân tộc (Hoàng Văn Bổn) đến những vấn đề của người lính thời bình và cả những bi kịch chiến tranh (Lê Đăng Kháng, Phạm Thanh Quang). Từ phương pháp Hiện thực Xã hội chủ nghĩa chuyển sang sự tổng hợp nhiều kiểu bút pháp (Trần Thu Hằng), từ không gian một làng, một vùng miền (Người Chợ Kệ) mở rộng không gian và thời gian với những quan hệ chằng chịt phức tạp (Chuyện tình ở Hầm Hinh), và từ cách viết “ta nhất định thắng-địch nhất định thua” chuyển sang tư tưởng hòa hợp hòa giải dân tộc. Những vận động như thế làm phong phú văn học Đồng Nai.

  • Những đề tài “Nhân văn-Dân chủ

Tôi mượn chữ “Nhân văn-dân chủ” của Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị:

Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 23/BCT là: “ Văn học, nghệ thuật Việt Nam

 thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ. Phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người”…

Văn học Đồng Nai từ đổi mới trở đi (1986) dần dần trở về với đời thường của nhân dân, khám phá những phần “hiện thực không Cách mạng” đời sống hàng ngày, từ đó đặt vấn đề “xây dựng con người” trong thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là phần hiện thực mà Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa trước đó chưa quan tâm.

Viết về công nhân là rất khó:

Nhà văn Dương Thu Hường cho biết: “Về kỹ nghệ chúng ta chưa làm ra máy móc. Về con người, họ bảo làm sao, làm y như vậy là đạt chuẩn. Trong khi hàng hóa bảo mật, lộ bí mật công nghệ sẽ bị xử theo nội quy công ty. Không thể viết ký dùng hình ảnh, không thể tả sản phẩm vì điều đó cũng vi phạm bản quyền”; “Viết về công nhân, công nghiệp trong đầu tư trực tiếp nước ngoài theo mô -tip trên không ổn. Với tôi, không thể viết. Cuộc sống công nhân đã trả rất nhiều giá đắng chát, ngậm ngùi bên tiền lương, đôi khi được cho là đắt với loại lao động phổ thông. Nhưng đích cuối cùng của công nhân khi được hỏi chỉ là về quê, vì không sống nổi ở thành phố”[[38]]

Viết về những con người “dưới đáy” xã hội, Nhà văn Nguyễn Trí đã in Bãi vàng, Đá quý, Trầm hương, Đồ tể (2014), Bụi đời và thục nữ (2017); Ăn bay (2018…)

Nhà văn Khôi Vũ kể những chuyện thời sự, và từ đó ông nâng lên thành những suy gẫm thế sự. Ông đã 2 lần đạt giải của Hội Nhà văn (1990 & 2020). Và nhiều lần đạt giải Trịnh Hoài Đức. Xin đọc: Chuyện ở dãy phố năm căn (truyện vừa.1987), Tri thiên mệnh (tập truyện. 2001), Phía sau một khách sạn (tiểu thuyết. 2007), Vỡ dần trong mắt (tiểu thuyết. 2009), Bến đời mơ thực (tiểu thuyết. 2016), Sông Luộc ở phương Nam (tiểu thuyết. 2021)…

Viết về đề tài lịch sử, nhà văn Trần Thúc Hà (1937-2023) và nhà văn Trần Thu Hằng có những tác phẩm tâm huyết. Trần Thúc Hà có các tác phẩm: Trên dòng sông Phố (tiểu thuyết 2009) viết về Nguyện Hữu Cảnh. Tập truyện Đằng giang tự cổ viết về những nhân vật lịch sử giàu lòng yêu nước, thương dân, dù trong hoàn cảnh nào cũng giữ vững chí khí anh dũng, kiên trung, đề cao kế sách “lấy dân làm gốc”; sẵn sàng hy sinh thân mình, hay gác lại việc riêng, xả thân vì nghĩa lớn” [[39]]. Năm 2018, truyện ngắn Người cận vệ của vua Hàm Nghi của Trần Thúc Hà được chọn trong 10 truyện ngắn hay của báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Trần Thu Hằng có tiểu thuyết Chuyện tình ở Hầm Hinh (đã giới thiệu ở trên) và tiểu thuyết Đàn đáy, “…lấy bối cảnh thời Lê – Trịnh, giai đoạn lịch sử đầy biến động của Việt Nam… Trần Thu Hằng treo lên đó “bức tranh” về một phường hát ca trù nổi danh khắp kinh kỳ, với hai nhân vật chính là anh kép đàn dòng dõi và cô đào hát lạc loài… Cuộc đời éo le của họ vừa là kết quả của nghiệp cầm ca đa đoan, vừa bởi chính bản thân họ đa mang cả chữ “tình” và chữ “tâm”, làm nên giá trị nhân văn của tác phẩm”[[40]].

Nhà văn Đồng Nai cũng viết về những hiện tượng suy thoái đạo đức trong buổi giao mùa từ Kinh tế bao cấp sang Kinh tế thị trường và hội nhập toàn cầu hóa. Các nhà văn đứng trên lập trường dân tộc, đạo đức truyền thống và các giá trị nhân văn để lên tiếng cảnh báo về cái xấu đang làm băng hoại những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Đáng kể là các tác phẩm: Tình đời đen bạc (tiểu thuyết. 1988) và Người điên kể chuyện người điên (tập truyện ngắn. 1992) của Hoàng Văn Bổn; Ốc mượn hồn (1992), Hồi ức làng Che (1999) của Nguyễn Đức Thọ; Đất trời vần vũ (tiểu thuyết. 2009) và Ngược mặt trời (tiểu thuyết. 2012) của Nguyễn Một; Tập truyện Sự đời (2013) và Đối mặt (2019) của Đào Sỹ Quang; Tập truyện ngắn Quỷ sứ không nhiều chuyện (2013) của Trâm Oanh; Đòn gió (tiểu thuyết) của Dương Thu Hường viết về đời sống người công nhân trong công ty Buadinh. Họ bị đối xử tệ, lương thấp. Công nhân đình công thì bị đàn áp… Nhà văn nói lên khát vọng hạnh phúc của người công nhân. Các tập thơ Em bán sầu riêng, Trốn, Sợ của Đào Trọng Thử mang nặng nỗi đau đời theo phong cách thơ trào phúng của Trần Tế Xương…

3. SỰ PHÁT TRIỂN THỂ LOẠI VĂN HỌC.

            a. BÚT KÝ ĐỒNG NAI [[41]]

Nhà văn đi tham quan du lịch, đi trại sáng tác (theo các chủ đề chính trị) thì thường viết ký. Ở Đồng Nai, Hội Văn học Nghệ thuật đã tổ chức nhiều trại: sáng tác đề tài Nông nghiệp, Công nghiệp, Lực lượng vũ trang, Chiến khu Đ, Thiếu nhi và dân tộc thiểu số, Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Trại sáng tác trẻ, Văn nghệ sĩ đồng hành cùng đất nước…

Ký của Hoàng Ngọc Điệp, Trâm Oanh, Hoàng Đình Nguyễn, Bùi Thị Kim Chi có nét đẹp riêng. Nhà văn Khôi Vũ có các tập Ký: Nhớ Biên Hòa (2005), Theo dòng chảy Đồng Nai. (2016).

Nhà thơĐàm Chu Văn có các bài viết: Còn lại với mai sau, Rừng xanh in bóng, Trở lại rừng Sác, Tết trên đất bạn.

Nhà văn Lê Đăng Kháng viết: Chuyến tàu năm ấy, Lời hẹn với rừng, Trong màn sương ban mai, Duyên hạnh ngộ.

Nhà văn Nguyễn Một đã xuất bản các tập bút ký: Quà của đất (2002), Giữa đời thường (2005), Dòng sông độ lượng (2008).

Nhà văn Phạm Văn Đảng có các bài viết: Dốc Mơ Farm, Mùa xuân chiến sĩ Trường Sa, Nặng tình đồng đội, Những chiến công như huyền thoại.

Nhà văn Trần Thu Hằng viết: Hưng Lộc-Dáng vóc, đường bay mới; Ba mươi năm-một chốn đất lành; Trăn trở với thác Mai; Vĩnh Cửu trên những cung đường mới; Buồn Tường Vy-Mối duyên thơ nhạc; Tạm biệt Phan Vĩnh; Họa sĩ Trần Quốc Tiến một cuộc đời say mê sáng tạo.

Nhà văn Đào Sỹ Quang viết: Đi tìm đôi bàn chân kỳ diệu; Người con trung hiếu; Người viết những ước mơ; Từ Biên Hòa nhớ Kinh Bắc; Về với địa đầu tổ quốc; Điểm sáng Xuân Định, tập bút ký Đất và người (2015).

Nhà văn Trâm Oanh viết: Đứa con của rừng, Ngọn núi và cánh đồng, Suối Mơ, Ven sông có xóm nhà sàn; Sân bay Long Thành và câu chuyện Suối Trầu; Đồng Nai hướng nhìn từ những nhịp cầu.

Nhà văn Dương Thu Hường viết: Tuyệt đỉnh Phôm Pênh (tập bút  ký. 2017, với bút danh Bích Trà); Vĩnh Cửu-Du lịch sinh thái vườn; Cù lao Phố trong tôi; Định nghĩa Changi).

Nhà thơ Nguyễn Hoài Nhơn có tập bút ký: Những đứa con của núi (2010).

Nhà thơ Nguyễn Thị Khánh (Ngọc Khánh) viết: Cuộc sống miền quê, Đẹp…từ trong ra ngoải, Khoảng trời mới, Một chuyến đi vui, Mùa hoa nở, Tết ở quê tôi.

Tác giả trẻ Huyền Quy viết Thầm lặng tỏa hương, về chống dịch Covid. (VNĐN số 47-48/ 2022)…

Ký là tấm lòng sâu nặng nghĩa tình của nhà văn Đồng Nai đối với quê hương mình.

(Xin đọc – 45 Năm văn học Đồng Nai-Thành tựu về Bút Ký)

                 45 năm qua, các tác giả Đồng Nai đã để lại những trang văn qúy giá về hiện thực đất nước. Truyện ngắn Đồng Nai đa dạng về đề tài, nội dung, nhưng nghệ thuật vẫn nằm trong thi pháp chung của Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa. Cảm thức anh hùng ca, tình yêu quê hương đất nước, tình cảm công dân là những nét đặc trưng.

                 Xin đọc Chuyện Ầy Đã Qua Rồi (1979) và Chuyện Người Thổi Sáo Ở Bến Xuân (1991) của Lý Văn Sâm, Muối đỏViên gạch lạ của Tấn Hoài, Hồi ức làng Che (1999) của Nguyễn Đức Thọ, Một thời rừng Sác của Đại tá AHLLVTND Lê Bá Ước, Sương sớm của Lê Đăng Kháng, Địa linh của Phạm Thanh Quang, Đàn ống tre bên kia sông của Khôi Vũ, Mẹ Nghiệp của Đào Sỹ Quang, Người Chợ Kệ của Dương Đức Khánh, Một thời khói lửa của Phạm Văn Đảng…

                 Trong tiến trình phát triển, truyện ngắn Đồng Nai có sự vận động về bút pháp: từ bút pháp Hiện thực Xã hội chủ nghĩa [[42]]: ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lý tưởng hóa nhân vật, văn học trực tiếp phục vụ nhiệm vụ chính trị; truyện ngắn Đồng Nai phát triển thêm những tác phẩm viết bằng bút pháp “Hiện thực Nhân văn-Dân chủ”. Và từ đầu thế kỷ XXI đã có những thể nghiệm cách tân cách viết truyện ngắn của Khôi Vũ, Nguyễn Một, Trần Thu Hằng.

                 Xin đọc: Người điên kể chuyện người điên của Hoàng Văn Bổn, Hồi ức làng Che của Nguyễn Đức Thọ, Tri thiên mệnh của Khôi Vũ, những truyện tình yêu lãng mạn giàu phẩm chất bi kịch của Nguyễn Một [[43]], các truyện ngắn kiểu truyện tư tưởng của Trần Thu Hằng [[44]]…

                 Tuy vậy, cũng có nhà văn lúng túng trong cách thể hiện phần “hiện thực không cách mạng”. Xin đọc Nhật ký Cô Cô của Dương Thu Hường (VNĐN số 34 – tháng 11 & 12 năm 2019), Lênh đênh qua cửa Thần Phù của Nguyễn Trí (VNĐN số Xuân Tân Sửu 2021)…

                 Những khuôn mặt truyện ngắn Đồng Nai tiêu biểu là Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Nguyễn Đức Thọ, Khôi Vũ, Lê Đăng Kháng, Phạm Thanh Quang, Nguyễn Một, Nguyễn Trí, Đào Sỹ Quang, Hoàng Ngọc Điệp, Trần Thu Hằng, Phạm Văn Đảng, tác giả phong trào Nguyễn Duy Đồng, và các tác giả trẻ như Lã Hoài Mai, Tống Thanh Tâm, Hoàng Thị Quỳnh Trang, Lý Thăng Long…

                 (Mời bạn đọc bài- 45 Năm Văn học Đồng Nai-Thành tựu về truyện ngắn)

            Ở Đồng Nai, số lượng nhà văn viết tiểu thuyết rất ít. Tiêu biểu là các nhà văn Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Nguyễn Đức Thọ, Lê Đăng Kháng, Phạm Thanh Quang, Khôi Vũ, Nguyễn Một, Nguyễn Trí, Trần Thúc Hà, Trần Thu Hằng…

            Điều này có thể lý giải. Tiểu thuyết là thể loại đòi hỏi người viết một năng lực rất cao về khả năng kiến tạo tác phẩm, hư cấu cốt truyện, bố trí nhân vật, xây dựng tình huống. Nhà văn phải huy động toàn bộ vốn sống, vốn tri thức và tâm huyết vào trang văn. Người viết tiểu thuyết phải biết nuôi dưỡng cảm xúc, phải biết phân thân trong nhiều nhân vật và phải điêu luyện trong kỹ năng miêu tả (tả người, tả cảnh, tả tâm lý, xây dựng tình huống…). Tất cả những yêu cầu ấy không phải người cầm bút nào cũng có được.

            Có thể nhận thấy tiểu thuyết Đồng Nai phát triển thành 3 dòng trong sự phát triển chung của văn chương Việt đương đại:

            Văn học Cách mạng và kháng chiến: Nhà văn Hoàng Văn Bổn có nhiều tiểu thuyết về đề tài này. Chẳng hạn Miền đất ven sông (3 tập.1984). Nguyễn Đức Thọ có Xứ sở tình yêu (1989). Trần Thu Hằng có Chuyện tình ở Hầm Hinh. Lê Đăng Kháng có Vầng trăng nơi thiên đường (1991)và Hoa cúc ổi (2006). Phạm Thanh Quang có Dòng xoáy cuộc đời (1989).

 Văn học Nhân văn-Dân Chủ tiêu biểu là tiểu thuyết Lời nguyền hai trăm năm (1989), Sông Luộc ở phương Nam (2020) của Khôi Vũ. Ba tiểu thuyết Đất trời vần Vũ (2009), Ngược mặt trời (2012), và Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín (2023) của Nguyễn Một. Phạm Thanh Quang có tiểu thuyết Cỏ tình (2001).

Văn chương thị trường: Có thể nóiKhôi Vũ, Nguyễn Trí, Nguyễn Một là nhà văn thị trường bởi tác phẩm của các nhà văn này hướng đến đối tượng công chúng thị trường và các nhà văn có một lượng độc giả nhất định. Khôi vũ có Người có một thời, Giữa dòng đời, Phía sau một khách sạn, Đời (bộ truyện vừa 4 tập), Ảo (truyện vừa)…Nguyễn Trí với tiểu thuyết Ăn Bay, Bụi đời và thục nữ…Trần Thu Hằng có Người đàn bà lưu vong…

Trần Thúc Hà viết tiểu thuyết lịch sử Trên dòng sông Phố (2009) kể lại một giai đọạn cuộc đời Nguyễn Hữu Cảnh từ ngày đầu xuôi thuyền vào đất Cù lao phố đến khi qua đời. iểu thuyết này không thành công như mong đợi.

            Ghi nhận một vài đặc điểm của tiểu thuyết Đồng Nai:

            Tiểu thuyết Đồng Nai phát triển thành ba dòng trong xu thế chung của văn học hôm nay. Lấy bối cảnh Đồng Nai, khắc họa con người và cuộc sống Đồng Nai từ đó đặt ra nhiều vấn đề của lịch sử xã hội Đồng Nai, tiểu thuyết Đồng Nai đã tạo được một không gian nghệ thuật riêng, có thể định vị được trên dòng chảy chung của tiểu thuyết Việt đương đại.

Trong sự phát triển ấy, tiểu thuyết Đồng Nai đã đóng góp tích cực cho sự cách tân tiểu thuyết Việt Nam. Nhà văn Hoàng Văn Bổn với tiểu thuyết sử thi. Khôi Vũ nỗ lực cách tân lối viết tiểu thuyết từ Lời nguyền hai trăm năm đến Vỡ dần trong mắtSông Luộc ở phương Nam. Nguyễn Một thử nghiệm nhiều thủ pháp của Chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo và Hậu hiện đại để viết “tiểu thuyết rời rạc”, Trấn Thúc Hà và Trần Thu Hằng viết tiểu thuyết lịch sử…

            (Xin đọc: 45 năm văn học Đồng Nai-Thành tựu về tiểu thuyết).

Lực lượng sáng tác thơ ở Đồng Nai khá đông đảo. Ngoại trừ các nhà thơ Hội viên

Hội Nhà văn Việt Nam có tính chuyên nghiệp và một số nhà thơ kỳ cựu, còn lại là các tác giả phong trào.

            Đó là các nhà thơ Lê Thanh Xuân, Lê Đăng Kháng, Đàm Chu Văn. Trần Ngọc Tuấn, Đỗ Minh Dương, Nguyễn Đức Phước, Minh Hạ. Các tác giả kỳ cựu: Đào Trọng Thử, Hoàng Đình Nguyễn, Nguyễn Hoài Nhơn, Hạnh Vân, Ngọc Khánh, Kiều Văn Phẩm, Lê Liên, Lê Ngọc Lợi, Tân Triều; Các tác giả thế hệ thứ 3: Bùi Kim Chi, Hoàng Thị Minh Hòa, Hoàng Văn Bảy, Hoàng Văn Thống, Lê Hương Thơm, Mai Hân Hạnh, Nguyễn Duy Đồng, Nguyễn Quang Tấn, Bằng Lăng, Nguyễn Thị Phương Liễu, Trần Bảo Thư; và các tác giả trẻ (thế hệ thứ tư) như: Huyền Quy, Lê Phan Hiếu Anh, Huỳnh Ngọc Tuyết Cương, Đào Nguyên Thảo, Trần Thị Hiếu…

            Thời kỳ đầu (sau giải phóng) thơ Đồng Nai vẫn nằm trong thi pháp của của thơ Hiện thực xã hội chủ nghĩa thời kháng chiến với các thể thơ truyền thống quen thuộc (thơ Lục bát, Tứ tuyệt, thơ 7 chữ, 8 chữ và thơ tự do). Những đề tài, tình cảm, chất liệu kháng chiến tiếp tục được khám phá thêm trong thời bình. Thí dụ: bài thơ Anh thương binh phơi thóc của Lê Đăng Kháng, Viếng bạn ở nghiã trang biên giới Tây Nam của Đàm Chu Văn.

Ở giai đọan sau (khi Việt Nam mở cửa hội nhập toàn cầu hóa), Thơ Đồng Nai trở những đề tài đời thường, khai thác những tình cảm của cá nhân trong các mối quan hệ đời thường, và hướng về hiện thực đa dạng của cuộc sống. Thí dụ: bài thơ Miền đất ven sông của Lê Thanh Xuân (trong tập Ngoài kia mây trắng); Bài Đêm ngắm sao trời và bài Bỗng dưng lại buồn của Đỗ Minh Dương(trong tập Đồng dao cho mình); Lời cha của Nguyễn Đức Phước, Chợ Biên Hòa của Minh Hạ…

Có sự khác biệt về phẩm chất tư tưởng-nghệ thuật thơ giữa các nhà thơ hội viên Hội

 Nhà văn Việt Nam và các tác giả phong trào. Các nhà thơ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và các nhà thơ kỳ cựu ít nhiều đã định hình phong cách nghệ thuật, đã có những sáng tạo riêng, đã in những tập thơ được dư luận chú ý và có đóng góp vào sự phát triển thơ ca đương đại.

            Các nhà thơ Đồng Nai tiêu biểu là: Lê Thanh Xuân, Đàm Chu Văn, Đỗ Minh Dương, Lê Đăng Kháng, Trần Ngọc Tuấn, Đào Trọng Thử, Nguyễn Hoài Nhơn. Nguyễn Đức Phước, Quang Tấn, Hạnh Vân, Trần Thị Bảo Thư.

            (Xin đọc: 45 năm văn học Đồng Nai, thành tựu về thơ)

e. VĂN HỌC THIẾU NHI

Nhiều nhà văn Đồng Nai dành tâm huyết cho thiếu nhi. Mỗi nhà văn có sự khám phá sáng tạo riêng về nghệ thuật và gửi gắm những bài học giàu ý nghĩa nhân văn.

Nhà văn Nguyễn Thái Hải sử dụng đa dạng bút pháp. Ông có truyện đồng thoại, truyện hiện thực và có truyện “trinh thám” (Ba chàng thám tử.1992; Ai cướp chiếc Laptop-2012; Cha con ông Mắt Mèo. 2013; Khu vườn hạnh phúc. 2014; Thám tử học trò-3 tập. 2019…).

Nhà văn Trần Thu Hằng dẫn trẻ vào thế giới của viễn tưởng (Thần đồng và cuộc chiến bảo vệ thủy tháp-tiểu thuyết 2009), thế giới của cổ tích-lịch sử (Chàng thợ gốm, truyện dài).

 Nhà văn Hoàng Ngọc Điệp muốn giúp trẻ yêu thêm đất nước, con người Đồng Nai, một miền quê hương yêu dấu (Cù lao yêu dấu-truyện dài.2018; Ngày hè của chuột con-truyện dài. 2022)[[45]].

 Nhà văn Trâm Oanh kể những “Câu chuyện cuộc sống” khi xã hội chuyển sang nền kinh tế thị trường với bao điều xô bồ nhiễu nhương. Trong những gia đình ấy, khổ nhất là những đứa trẻ [[46]]. Tập truyện dài thiếu nhi “Chuyện Mếu và Máo” (2018) của chị được nhà văn Nguyễn Trí nhận xét: Ưu điểm nổi bật của Oanh là giọng văn tưng tửng, hóm hỉnh, trí tưởng tượng dồi dào, vì vậy có những đoạn ly kỳ như truyện trinh thám, làm người đọc hồi hộp. Đây chính là thế mạnh của Oanh khi viết cho thiếu nhi” [[47]].

Nhà văn Phạm Thanh Quang có các tác phẩm: Lạc giữa hành tinh (truyện dài. 2003), Nhóm lửa giúp bà (thơ. 2012), Cua kềnh vượt vũ môn (truyện dài. 2019 [[48]]).

Nhà văn Bùi Quang Tú có tập truyện Rùa vàng của bé Quỳnh.  

Nhà thơ Đàm Chu Văn Bài có bài thơ Thả diều bên dòng sông quê hương được chọn vào sách giáo khoa Tiếng Việt 3, bộ Chân trời sáng tạo (NXB Giáo dục Việt Nam, 2022).

(Xin đọc Truyện thiếu nhi Đồng Nai)

f. NGHIÊN CỨU, LÝ LUẬN & PHÊ BÌNH VĂN HỌC.

Văn học Đồng Nai có nhiều nhà văn nhà thơ tham gia viết phê bình văn học. Điều này tạo nên đặc điểm và giá trị riêng của phê bình văn học Đồng Nai.

Về kiểu loại bài viết, có những bài nhận định khái quát giai đoạn văn học, có bài bài giới thiệu tác giả hay tác phẩm và có những công trình nghiên cứu chuyên sâu về văn học Đồng Nai, tuy chưa nhiều.

Các nhà thơ nhà văn viết phê bình văn học, kiểu bài “điểm sách, điểm tin” là: Trần Thúc Hà, Bùi Quang Tú, Trần Ngọc Tuấn, Đàm Chu Văn, Đỗ Minh Dương, Lê Đăng Kháng, Hoàng Ngọc Điệp, Trần Thu Hằng (bút danh: Mai Sơn, Gia Cát).

Viết lý luận phê bình chuyên nghiệp có nhà văn, nhà nghiên cứu Bùi Quang Huy và Bùi Công Thuấn. Bùi Quang Tú chuyên về viết “chân dung văn học”. Tác phẩm: Viên phấn và cây bút; Lời cám ơn Hà Nội. Bùi Quang Huy viết: Văn học Đồng Nai-Lịch sử và diện mạo, Huỳnh Văn Nghệ tác giả và tác phẩm.

Hai tác phẩm của tôi tập trung viết về văn học Đồng Nai là Hoa đỏ bên sôngNhà văn Đồng Nai

Nhìn chung, Nghiên cứu, lý luận & phê bình văn học ở Đồng Nai bao quát được tình hình sáng tác và sự phát triển của văn học Đồng Nai; đánh giá được những giá trị văn học và góp phần tích cực thúc đẩy sáng tác. Việc nghiên cứu văn học, nghiên cứu lịch sử văn học Đồng Nai còn hạn chế. Cho đến nay chưa có một công trình Lịch sử văn học Đồng Nai tương xứng với sự phát triển của văn học.

(Xin đọc bài: 45 năm văn học Đồng Nai, thành tựu về nghiên cứu, lý luận & phê bình văn học [[49]])

3. NHỮNG VẬN ĐỘNG PHÁT TRIỂN

            Nói đến sự phát triển là nói sự vận động nội tại của văn học. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, văn học có những đặc điểm riêng cả về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật và thi pháp. Văn học chỉ phát triển khi xuất hiện những yếu tố mới.

            a. Sự vận động sáng tạo giữa các thế hệ (đã trình bày ở trên), thế hệ sau có sự khác biệt về thi pháp với thế hệ trước. Chẳng hạn, thế hệ Hoàng Văn Bổn có những bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ mà thế hệ sau không có. Nhưng ở thế hệ Trần Thúc Hà, Trần Thu Hằng lại xuất hiện tiểu thuyết lịch sử. Cấu trúc truyện song song ngược chiều của Khôi Vũ trong Lời nguyền hai trăm năm là một cách tân tiểu thuyết đương đại mà trước đó chưa có. Tác phẩm của Nguyễn Một (Đất trời vần vũ, Ngược mặt trời) lại nghiêng về dòng văn học dân chủ và nhân văn. Và nếu đọc thơ và truyện viết về người lính hôm nay của Minh Đức (Xin đọc: Viết ở thao trường, Chuyện tình dưới đáy ba lô, Hoa nắng mặt trời, Cha trở lại sư đoàn…), và Phạm Văn Đảng ( Một thời khói lữa, Một quyết định khó khăn, Chuyên gia bất đắc dĩ, Hương ngọc lan…), người đọc sẽ thấy sự khác biệt rất rõ trong nội dung và cách viết so với thế hệ trước đó. 

             Những sáng tác phong trào của thế hệ thứ ba có tính vượt trội (Hoàng Văn Thống, Nguyễn Duy Đồng, Mai Hữu Hạnh, Bằng Lăng, Nguyễn Kim Chi, Hoàng Thị Minh Hòa, Trần Thị Bảo Thư, …

            Thế hệ trẻ 8x, 9x (thế hệ thứ tư) trưởng thành từ đầu thế kỷ XXI, nhiều người đã có những đường nét mới trong cách viết, khác với thế hệ trước. Đó là các tác giả: Huỳnh Ngọc uyết Cương, Lã Hoài Mai, Lê Vũ Anh Đào, Nguyễn Huyền Quy, Tống Thanh Tâm, Đào Nguyên Thảo, Trịnh Khánh Linh…[[50]]

            b. Sự vận động về nội dung: các đề tài truyền thống cũng xuất hiện những cách viềt mới.

            Đề tài chiến tranh cách mạng là đề tài xuyên suốt 45 năm của văn học Đồng Nai, nhưng có sự vận động nội tại. Thế hệ nhà văn Hoàng Văn Bổn miêu tả trực tiếp chiến tranh Cách Mạng với tư cách một nhà văn-chiến sĩ vừa cầm súng vừa cầm viết (Miền đất ven sông, Bầu trời mặt đất, Sóng bạc đầu, Hàm Rồng,…). Thế hệ thứ hai: Lê Đăng Kháng, Phạm Thanh Quang, Đàm Chu Văn, Đào Trọng Thử, Đỗ Minh Dương, Hoàng Văn Thống… (là người lính chống Mỹ trở về từ chiến trường) viết về chiến tranh cách mạng qua hồi ức, với những trải nghiệm của bản thân, và những kỷ niệm chiến trường. Các tác giả này đối mặt với những vấn đề đời thường của người lính trở về sau chiến tranh lúc đất nước trong giai đọan khủng hoảng (giai đoạn 1975-1990). Xin đọc Sương sớm (2011) của Lê Đăng Kháng. Và đến nhà văn bộ đội hiện nay (2023), không khí truyện và thơ của Minh Đức và Phạm Văn Đảng viết về người lính hôm nay trẻ trung hơn, vui tươi hơn, và không ít lãng mạn.

            Giai đoạn đất nước bị khủng hoảng, đời sống nhân dân khó khăn, xuất hiện những yếu tố tiêu cực trong quản lý và sự xuống cấp về đạo đức xã hội, đã xuất hiện những tác phẩm thuộc dòng Văn học dân chủ nhân văn. Nhà văn Đồng Nai đã lên tiếng mạnh mẽ trước cái xấu, bảo vệ cái đẹp truyền thống của dân tộc và Cách mạng. Đó là những tiếng nói tâm huyết.

Xin đọc: Tình đời đen bạc, Người điên kể chuyện người điên của Hoàng Văn Bổn, các tập thơ Em bán sầu riêng, Sợ, Trốn…của Đào Trọng Thử, Đất trời vần vũ của Nguyễn Một. Những tác phẩm này xuất hiện cùng thời với dòng Văn học nhân văn- dân chủ trong cả nước: xin đọc: Cù Lao Chàm (Nguyễn Mạnh Tuấn), Thời xa vắng (Lê Lựu), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Thiên Sứ (Phạm Thị Hoài), Ba người khác (Tô Hoài), Tướng về hưu (Nguyễn Huy Thiệp), Thời của thánh thần (Hoàng Minh Tường), Chuyện kể năm 2000 (Bùi Ngọc Tấn), Mối chúa (Tạ Duy Anh), Kiến, chuột và ruồi (Nguyễn Quang Lập)…

Tuy nhiên, Văn học có nội dung nhân văn và dân chủ ở Đồng Nai không gây được tiếng vang nào.

Tình yêu quê hương đất nước, có sự chuyển động từ chiến tranh sang thời bình. Các nhà văn Đồng Nai sinh ra ở mọi miền đất nước nên tình quê hương trong thơ văn cũng biểu hiện hết sức phong phú. Tác giả nào cũng ghi nặng tình quê trên trang văn của mình. Miền đất ven sông của Hoàng Văn Bổn và Nắng bên kia làng của Lý Văn Sâm là tình yêu quê hương, gia đình trong kháng chiến. Tập thơ Giấc rừng của nhà thơ Đàm Chu Văn (2014) là những tình cảm trong hòa bình…Gần đây nhất là tiểu thuyết Sông Luộc ở phương nam (2020) của Khôi Vũ. Tác giả kể lại câu chuyện của gia đình mình trong bối cảnh miền nam từ những năm 1955 đến sau 30/4/ 1975…Nội dung là những sinh hoạt đời thường. Cốt lõi cũa tác phẩm là tình gia đình và tình quê hương. Hơn 300 bài thơ của Hoàng Văn Thống [[51]] có rất nhiều bài thơ đẹp là tình yêu quê hương đất nước hôm nay.

Đề tài về nông thôn, về biển đảo, về chống Covid, về Công nhân là những đề tài của văn chương phong trào. Mặc dù Hội VHNT Đồng Nai mở nhiều trại sáng tác, nhiều cuộc thi, song có rất ít tác phẩm vượt khỏi tầm phong trào (văn học phục vụ trực tiếp nhiệm vu chính trị).

Văn học trẻ tuy đã có được một số khuôn mặt có những sắc nét riêng nhưng trang văn của họ chưa theo kịp các thế hệ đi trước [[52]]. Họ vẫn còn quanh quẩn trong Cái Tôi.

c. Sự vận động về nghệ thuật.

Nói đến sự phát triển của một nền văn học thì sự vận động nghệ thuật là yếu tố quyết định làm cho văn học vượt lên phía trước.

Ở Đồng Nai, nhà văn Khôi Vũ có nhiều cách tân trong nghệ thuật tiểu thuyết. Tiểu thuyết Lời nguyền hai trăm năm có cấu trúc song song ngược chiều. Từ Lời Nguyền Hai Trăm năm (1989), Vỡ dần trong mắt (2009) và Bến đời mơ thực (2016) là một hành trình tìm tòi, đổi mới cách viết tiểu thuyết của Khôi Vũ. Sông Luộc ở Phương Nam (2020)[[53]] là một bước đổi mới thi pháp nữa của Khôi Vũ. Đó là sự chọn lựa miêu tả hiện thực miền Nam (không cách mạng) trước và sau 1975. Không phải vô tình mà Hội Nhà văn trao giải cho Lời nguyền hai trăm nămSông Luộc ở phương Nam.

Nhà văn Nguyễn Một đã viết tiểu thuyết Ngược mặt trời mà anh gọi là “Tiểu thuyết rời rạc”[[54]], có người cho rằng tiểu thuyết này có thể đọc từng chương như những câu chuyện rời rạc (tức là không cần bảo đảm trật tự cấu trúc của tác phẩm như trong tiểu thuyết truyền thống). Đến tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín (2023), Nguyễn Một lại khám phá hiện thực chiến tranh ở miền Nam (hiện thực không cách mạng) trước và sau 1975. Tác phẩm này đạt giải thưởng Hội Nha văn 2023).

Nhà văn Nguyễn Trí chọn lựa viết về thế giới những con người “dưới đáy”(Chữ của M. Gorky) bằng lối văn trần trụi.

Nhà văn Trần Thu Hằng cũng thành công với 2 tiểu thuyết lịch sử là Đàn ĐáyChuyện tình ở hầm Hinh (truyện lịch sử Cách mạng)[[55]]. Nhà văn Trần Thúc Hà có truyện ngắn lịch sử Người cận vệ của vua Hàm Nghi được chọn là truyện ngắn hay năm 2018 của báo Văn nghệ Hội Nhà văn.

Về thơ, tập thơ Xao thu [[56]] của nhà thơ Đàm Chu Văn là hành trình 15 năm tìm tòi sáng tạo và đổi mới về cách viết. Nhà thơ Nguyễn Đức Phước[[57]] đã làm thơ theo phong cách Thơ trẻ [[58]] đầu thế kỹ XXI. Riêng Trần Ngọc Tuấn kiên trì với thơ Thiền đương đại [[59]].

Như vậy, từ thế hệ đầu tiên (Thế hệ Hoàng Văn Bổn) đến thế hệ đổi mới (nhà văn Nguyễn Một, Trần Thu Hằng, Nguyễn Đức Phước, Dương Đức Khánh), và thế hệ cầm bút trẻ đầu thế kỷ XXI, văn học Đồng Nai đã có những bước phát triển thật khởi sắc. Tuy cùng một dòng chảy của văn học cả nước, nhưng Văn học Đồng Nai có những yếu tố nổi trội về đội ngũ (Văn, thơ, Lý luận phê bình); về tác phẩm, chẳng hạn các nhà văn Khôi Vũ, Nguyễn Một, Nguyễn Trí đều đạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Trong sự phát triển, Văn học Đồng Nai kế thừa và gìn giữ được những truyền thống của dân tộc. Mỹ học Marx-Lenin và đường lối văn nghệ của Đảng giúp cho sáng tác của nhà văn đi đúng hướng. Đặc biệt là những đóng góp vào sự đổi mới tư tưởng và nghệ thuật của văn học Việt Nam đương đại. Có thể nói đó là 45 năm vàng son của văn học Đồng Nai.

PHẦN III: NHÌN VỀ TƯƠNG LAI

Nhìn về tương lai, văn học Đồng Nai đang trên đường phát triển.

            1. Nhiều tác giả của Hội VHNT Đồng Nai có khả năng kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam như: Hoàng Đình Nguyễn, Trâm Oanh, Nguyễn Hoài Nhơn, Đào Trọng Thử, Hạnh Vân, Trần Thị Bảo Thư…. Các nhà văn này đã in nhiều tác phẩm và đã có uy tín trên văn đàn. Chẳng hạn, nhà văn Hoàng Đình Nguyễn là hội viên sáng lập Hội VHNT Đồng Nai. Ông đã theo cha tập kết ra Bắc từ lúc 9 tuổi, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1971, tốt nghiệp ĐH Kinh tế Tp HCM năm 1989. Ông nguyên là kỹ sư hóa thực phẩm – nguyên Giám đốc Xí nghiệp Mạch nha Đồng Nai. Ông đã in 14 tác phẩm (06 tập thơ và 08 tập Bút ký).         

            2.Văn học Đồng Nai đã kế thừa và phát huy những truyền thống văn học dân tộc, đã có những nỗ lực đổi mới, ít nhiều có ý nghĩa mở đường cho văn học Việt Nam. Trong giai đoạn mới của đất nước, nhà văn Đồng Nai cần có những tìm tòi, khám phá, thể nghiệm mớiđể có những tác phẩm lớngóp phần “nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật nước nhà”

            3. Tiềm lực của Văn học Đồng Nai còn rất dồi dào và đang được bổ sung thêm những nhân tố mới. Thế hệ thứ hai gồm các nhà văn từ chiến trường bước ra (Đàm Chu Văn, Lê Đăng Kháng, Phạm Thanh Quang, Đỗ Minh Dương, Bùi Quang Tú…) vẫn còn sung sức. Những nhà văn thời đổi mới như Khôi Vũ, Nguyễn Một, Trần Thu Hằng, Trần Ngọc Tuấn, Phạm Văn Đảng đang vượt lên mạnh mẽ. Thế hệ nhà văn phong trào, có nhiều cây bút tài năng (Minh Đức, Trâm Oanh, Dương Thu Hường, Trần Thị Bảo Thư, Nguyễn Duy Đồng, Hoàng Văn Thống, Mai Hân Hạnh, …), có thể trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Thế hệ trẻ đầu thế kỷ XXI gồm hơn 30 tác giả, nhiều người có cốt cách văn chương, có thể đi đường dài sáng tạo.

Vấn đề là Hội cần có kế hoạch phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ tiềm năng này…và tôi tin văn học Đồng Nai đang mở ra một thời vàng son mới..

Đồng Nai 18/6/2023


[1] Phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội Hội VHNT tỉnh Đồng Nai lần thứ V (nhiệm kỳ 2013-2018)

https://baodongnai.com.vn/chinhtri/201402/phat-bieu-cua-dong-chi-bi-thu-tinh-uy-tai-dai-hoi-hoi-van-hoc-nghe-thuat-tinh-dong-nai-lan-thu-v-2293522/

[2] (Báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ IV (2007 – 2012) & Phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ V (2013 – 2018) của Hội VHNT tỉnh Đồng Nai)

[3] Hội nghị tổng kết 15 năm xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật

[4] Thí dụ: Nguyễn Minh Châu viết: “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” (báo Văn Nghệ, Hà Nội số 49&50 ngày 5/12/1987), Hoàng Nọc Hiến viết về “chủ nghĩa hiện thực phải đạo” trong bài “Về một đặc điểm của văn học của ta trong giai đoạn vừa qua” (báo Văn nghệ số 23 năm 1979), truyện ngắn Linh nghiệm của Trần Huy Quang (Văn Nghệ, Hà Nội, số 27 ngày 04/07/1992)…

[5] Phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Nai lần thứ V

https://baodongnai.com.vn/chinhtri/201402/phat-bieu-cua-dong-chi-bi-thu-tinh-uy-tai-dai-hoi-hoi-van-hoc-nghe-thuat-tinh-dong-nai-lan-thu-v-2293522/

[6] Xem: Bùi Quang Huy-“Văn học Đồng Nai-Lịch sử và diện mạo (Nxb Đồng Nai, 2011), phần Văn học Đồng Nai từ 1861 đến 1930, giới thiệu Huỳnh Tịnh Của và Nguyễn Trọng Quản.

[7] Đọc thêm: Gia Định tam gia của Hoài Anh. Nxb Tổng hợp Đồng Nai 2006

[8] Lê Quang Trường-Gia Định tam gia thi trong tiến trình văn học Hán Nôm Nam bộ-Luận văn Tiến sĩ. 2012

[9] Quốc sử quán triều NguyễnQuốc triều sử toát yếu, phần “Chính biên”, Nhà xuất bản Văn học, 2002, tr. 43

[10] Bùi Công Thuấn-“Lòng ta say chiến trận đã thành thơ” (Thơ Huỳnh Văn Nghệ). Nhà văn Đồng Nai. Nxb HNV 2018

[11] Thụy Khuê-Bình Nguyên Lộc-Đất nước con người

    http://thuykhue.free.fr/tk06/BNLoc.html

[12] Tuyển tập thơ Nguyễn Tất Nhiên

[13] Xem Hoài Anh-Gia Định tam gia. Nxb Đồng Nai 2006. Tr. 141, 143.160

[14] Kim Hạnh-Câu thơ duyên nghiệp

http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=1639&CatId=87

[15] Nông Hồng Diệu-Nguyễn Trí, tiểu sử gây sốt

https://tienphong.vn/nguyen-tri-tieu-su-gay-sung-sot-post669849.tpo

[16] Hồ Chí Minh-Cách viết (bài giảng tại lớp chỉnh Đảng trung ương ngày 17.8.1953). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, tr.117

[17] Văn nghệ Đồng Nai số 8/ 1987

[18] Nguyễn Duy Đồng-Thư gửi Ban Chấp hành Hội VHNT ĐN ngày 08 tháng 11 năm 2017biện giải về truyện Chị ấy.

[19] Tổng hợp từ bài viết của các tác giả: Hoàng Ngọc Điệp, Đàm Chu Văn, Hạnh Vân, Thy Vân.

[20] Lyna-Thêm nhiều tác phẩm mới: http://baodongnai.com.vn/vanhoa/201911/them-nhieu-tac-pham-van-hoc-moi-2976223/

[21] Mai Sơn-Một năm sôi động và khởi sắc của văn học Đồng Nai

http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2422&CatId=87

[22] Mai Sơn-Văn học Đồng Nai-Dấu ấn năm 2021 http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2811&CatId=87

[23] Đông Giang-Một năm khởi sắc của văn học nghệ thuật Đồng Nai

http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=3272&CatId=79

[24] Mai Sơn-Văn học Đồng Nai-Những dấu ấn năm 2021

http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2811&CatId=87

[25] Ngô Hường-Hội VHNT Đồng Nai tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai nhiệm vu năm 2023

http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=3057&CatId=79

[26] Giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao cho Đồng Nai: Trong các thập niên qua, Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã trao nhiều giải thưởng, tặng thưởng văn học cho các tác giả Đồng Nai như: Hoàng Văn Bổn (Hồi ký Tuổi thơ ngọt ngào), Phạm Thanh Quang (Tập truyện ngắn Địa linh), Bùi Công Thuấn (tập phê bình văn học Những dòng sông vẫn chảy), Đào Sỹ Quang (tập truyện Sự đời), Đỗ Minh Dương (tập thơ Đồng dao cho mình), Bùi Quang Tú (tập ký Viên phấn và cây bút), Trần Thu Hằng (tiểu thuyết Chuyện tình ở Hầm Hinh), Hoàng Ngọc Điệp (truyện thiếu nhi Cù lao yêu dấu)…(Nguồn: Tùng Điển, Đôi điều về 45 năm văn học Đồng Nai 1975-2020. VNĐN số 38 – tháng 07 & 08 năm 2020)

[27] Dương Thu Hường-Công nhân viết văn và văn học viết về công nhân

http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2400&CatId=83

[28] Bùi Công Thuấn-Thơ Lê Thanh Xuân-Tạp chí Thơ số 4.2016

[29] Bùi Quang Tú-Bên dòng sông Thị Vảihttp://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=1868&CatId=76

[30] Bùi Công Thuấn-Một thời rừng sác của Lê Bá Ước:

    http://chuttinhtriam.blogspot.com/2014/08/mot-thoi-rung-sac-le-ba-uoc.html

[31] Bùi Công Thuấn: Đàn ống tre bên kia sông của Khôi Vũ:     https://buicongthuan.wordpress.com/?s=%C4%90%C3%A0n+%E1%BB%91ng+tre+b%C3%AAn+kia+s%C3%B4ng

[32] Bùi Công Thuấn-Khúc gieo trồng ban mai (Đọc Quả ngọt của Lê Đăng Kháng):

    http://buicongthuan.vn102.space/?title=th_le_ng_khang_qu_ng_t&more=1&c=1&tb=1&pb=1

[33] Bùi Công Thuấn-“Phạm Thanh Quang-Một tấm lòng người lính”:

http://buicongthuan.vn102.space/?title=vh_n_ph_m_thanh_quang_m_t_t_m_long_ng_i_&more=1&c=1&tb=1&pb=1

[34] Bùi Công Thuấn-Nhà văn Phạm Văn Đảng và người lính hôm nay: http://buicongthuan.vn102.space/?title=vh_n_ph_m_v_n_ng_va_ng_i_linh_hom_nay&more=1&c=1&tb=1&pb=1

[35] Đỗ Minh Dương-Vài cảm nghĩ về thơ Đồng Nai với đề tài chiến tranh cách mạng từ sau 1975 đến nay

http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2398&CatId=83

Đàm Chu Văn-40 năm thơ Đồng Nai-Đôi nét về sự hình thành và phát triển

http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2393&CatId=83

[36] Bùi Công Thuấn: Người Chợ Kệ và Cá tình sáng tạo:

   http://hvhnt.dongnai.gov.vn/pages/newsdetail.aspx?NewsId=1914&CatId=83

[37] Bùi Công Thuấn-Chuyện tình ở Hầm Hinh của Trần Thu Hằng: https://buicongthuan.wordpress.com/2017/10/10/chuyen-tinh-o-ham-hinh/

[38] Dương Thu Hường- Công nhân viết văn và văn học viết về công nhân

http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2400&CatId=83

[39] Đỗ Minh Dương“Đằng giang tự cổ”, tập truyện ngắn lịch sử của nhà văn Trần Thúc Hà

    Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số 44. http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2620&CatId=83

[40] Giới thiệu tiểu thuyết Đàn đáy của Trần Thu Hằng.

https://vietbooks.info/threads/dan-day-nxb-hoi-nha-van-2020-tran-thu-hang-445-trang.107348/

[41] Đọc thêm: Bùi Công Thuấn-Thể loại Ký của văn học Đồng Nai (trong chuyên luận này)

[42] Trường Chinh-Về Văn hóa nghệ thuật-Tập 1-Nxb Văn học 1985. Tr.115 (Báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam.1948)

[43] Bùi Công Thuấn-Truyện ngắn Nguyễn Một

[44] Bùi Công Thuấn-Đặc sắc truyện ngắn Trần Thu Hằng

https://vanchuongthanhphohochiminh.vn/dac-sac-truyen-ngan-tran-thu-hang

[45] Bùi Công Thuấn-Ngày hè của chuột con: http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=3056&CatId=83

    Bùi Công Thuấn-Cù lao yêu dấu-http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=1927&CatId=83

[46] Câu chuyện cuộc sống-Tuổi Trẻ cuối tuần

[47] Nguyễn Trí-Cuộc chiến của Mếu và Máo. https://tin.rut.vn/565/331283/Cuoc-chien-cua-Meu-va-Mao.html

[48] Hoàng Ngọc Điệp-Cua Kềnh vượt vũ môn:

https://baodongnai.com.vn/vanhoa/201907/cua-kenh-vuot-vu-mon-2954755/

[49] Bùi Công Thuấn-Nghiên cứu, lý luận & Phê bình văn học ở Đồng Nai

[50] Bùi Công Thuấn-Văn trẻ Đồng Nai-Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số 64 (tháng 6/ 2023)

[51] Bùi Công Thuấn-Hoàng Văn Thống và thơ phong trào

http://buicongthuan.vn102.space/?title=vn_n_hoang_v_n_th_ng_va_th_phong_trao&more=1&c=1&tb=1&pb=1

[52] Bùi Công Thuấn-Văn trẻ Đồng Nai, chuyên luận. VNĐN số 64 (tháng 6/ 2023)

[53] Bùi Công Thuấn-Sông Luộc ở phương Nam và những mã nghệ thuật:

[54] Bùi Công Thuấn-Nghĩ rời rạc về tiểu thuyết Ngược mặt trời của Nguyễn Một:

   http://buicongthuan.vn102.space/2013/12/27/nghau_rar_i_raonc_var_tiar_u_thuyaoft_ng

[55] Bùi Công Thuấn-Chuyện tình ở Hầm Hinh

[56] Bùi Công Thuấn-Bùi Công Thuấn-“Đàm Chu Văn và con đường đổi mới thơ ca”:

[57] Bùi Công Thuấn-Đêm khát của Nguyễn Đức Phước: https://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=8499

[58] Bùi Công Thuấn-Nhìn lại “Thơ Trẻ” đầu thế kỷ XXI:

   http://trannhuong.top/tin-tuc-54656/nhin-lai-%E2%80%9Ctho-tre%E2%80%9D-dau-the-ky-xxi.vhtm

[59] Bùi Công Thuấn đọc tập Suối reo của Trần Ngọc Tuấn: http://buicongthuan.vn102.space/2021/08/04/th_thi_n_tr_n_ng_c_tu_n_su_i_reo

   Bùi Công Thuấn-đọc tập thơ Chân Thân của Trần Ngọc Tuấn:   http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2728&CatId=83

Bùi Công Thuấn-Đọc tập thơ Hiện hữu của Trần Ngọc Tuấn: https://vanvn.vn/tho-thien-cua-tran-ngoc-tuan/

45 NĂM VĂN HỌC ĐỒNG NAI

Bạn có thể đọc các bài viết chính của Bùi Công Thuấn theo link:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

45 NĂM VĂN HỌC ĐỒNG NAI

(Nghiên cứu-Phê bình)

(Bìa sách đang xin phép in)

MỤC LỤC

Phần I: TỔNG QUAN

1.TỔNG QUAN 45 NĂM VĂN HỌC ĐỒNG NAI

2.THÀNH TỰU VỀ BÚT KÝ

3.THÀNH TỰU VỀ TRUYỆN NGẮN

4.THÀNH TỰU VỀ TIỂU THUYẾT

5.THÀNH TỰU VỀ THƠ

6.VĂN TRẺ ĐỒNG NAI

7.THÀNH TỰU VỀ LÝ LUẬN PHÊ BÌNH

8.TRUYỆN THIẾU NHI

9.CHI HỘI NHÀ VĂN ĐỒNG NAI

10.DƯỚI GÓC NHÌN LÝ LUẬN

Phần II: PHỤ LỤC

12. NHÀ VĂN TRẦN THÚC HÀ-“Một tiếng chim rừng”

13. SÔNG LUỘC Ở PHƯƠNG NAM và những “mã nghệ thuật”-Khôi Vũ

14. TRUYỆN THIẾU NHI của Nguyễn Thái Hải

15. Đọc và ghi chú truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải

16. TỪ GIỜ THỨ SÁU ĐẾN GIỜ THỨ CHÍN

17. NGUYỄN MỘT-TRUYỆN NGẮN

18b. NGUYỄN TRÍ-Ăn bay

18. Đọc và ghi chú truyện ngắn của Nguyễn Một.

19. TRẦN THU HẰNG-Đặc sắc truyện ngắn

20. ĐÀO SỸ QUANG-Những nét đẹp của một cốt cách văn chương.

21. ĐÀM CHU VĂN-Con đường đổi mới thơ ca

22. TRẦN NGỌC TUẤN-Chân thân    

33. HOÀNG ĐÌNH NGUYỄN-Một hành trình không ngừng nghỉ.

24. HOÀNG NGỌC ĐIỆP-Ngày hè của chuột con.

25. TRÂM OANH- Những “câu chuyện cuộc sống

26. HOÀNG VĂN THỐNG-Nhà thơ của niềm hăng say phục vụ.

27. PHẠM VĂN ĐẢNG-Chuyện của người lính hôm nay

28. Truyện ngắn đoạt giải trên VNĐN số Xuân Tân Sửu 2021.

Phần III: MỞ THÊM CỬA SỔ

30.PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT CỦA NAM CAO

31.HỮU THỈNH & Bến văn chương

32.NGUYỄN NGỌC TƯ-Biên sử nước

33.Nguyễn Xuân Khánh-Truyện ngõ nghèo

 34. Nguyễn Xuân Khánh-Miền hoang tưởng

 35. HOA ĐỎ BÊN SÔNG-Mục lục tham khảo

 36. NHÀ VĂN ĐỒNG NAI-Mục lục tham khảo

 37. 45 NĂM VĂN HỌC ĐỒNG NAI-Mục lục

***

Bạn có thể download nội dung cuốn sách theo link:

https://www.mediafire.com/file/2t4ce9a089yn4rw/45+NĂM+VĂN+HỌC+ĐỒNG+NAI-The+last.rar/file