“NGHỆ THUẬT GIẤU MẶT” CỦA NGUYỄN HUY THIỆP

NGHỆ THUẬT GIẤU MẶT” CỦA NGUYỄN HUY THIỆP

Bùi Công Thuấn

 (Bài này đã đăng trên Văn Nghệ TpHCM, số 200, ngày 03.05.2012 và

 in trong Luận chiến văn chương-tập 3 của Chu Giang. Nxb Văn học 2015)

Nguyễn Huy Thiệp thường xuất hiện trực tiếp trong truyện để nói về việc mình đã viết câu chuyện này thế nào. Trong những trường hợp này, Nguyễn Huy Thiệp tự cho mình vai trò nhân chứng, là người tận mắt chứng kiến và kể lại câu chuyện. Đó là thủ thuật viết lách đánh lừa, để người đọc tin những câu chuyện Thiệp kể là có thật.

Mở đầu Vàng Lửa, Nguyễn Huy Thiệp kể lại việc mình nhận được thư của ông Quách Ngọc Minh, ngụ ở Tu Lý, huyện lỵ Đà Bắc bàn về truyện Kiếm Sắc. Ông Minh mời Thiệp lên chơi và hẹn cho Thiệp xem vài tư liệu. Nguyễn Huy Thiệp kể tiếp: ”Nhận được thư tôi đã lên thăm gia đình ông Quách Ngọc Minh. Những tư liệu cổ mà ông Quách Ngọc Minh gìn giữ thật độc đáo. Về Hà Nội tôi viết truyện ngắn này. Khi viết, tôi có tự ý thay đổi một vài chi tiết phụ và sắp xếp, chỉnh lý lại các tư liệu để hợp với việc kể chuyện”.

Mở đầu truyện Phẩm Tiết, Nguyễn Huy Thiệp cũng xuất hiện trực tiếp trong truyện và kể lại sự việc như sau: ”Việc tìm ra ngôi mộ cổ ở vùng lòng hồ trong khu vự thủy điện sông Đà khiến tôi lại lên Tu Lý, huyện lỵ Đà Bắc…Hôm dời mộ từ khu vực lòng hồ lên Tu Lý, tôi đã đến xem. Mộ ở vuông đất hẹp, bằng phẳng, cách bờ sông Đà hai trăm năm mươi mét, ở độ cao mười sáu mét kể từ mặt sông. Bao nhiêu năm nay chưa bao giờ lũ sông Đà ngập đến chỗ này”.

Mở đầu truyện Tội ác và Trừng Phạt, Nguyễn Huy Thiệp cà kê: ”Đã có nhiều bạn đọc đến với tôi, họ kể lể về cuộc đời, than phiền những điều bất hạnh trong số phận, mong muốn tôi viết “một cái gì đấy” về tội ác và trừng phạt. Mong muốn của họ chân thành và cảm động…

Cô gái 16 tuổi ngồi trước mặt tôi phạm tội giết bố và ba đứa em. Cô ta giết bố bằng rìu, khi ông ngủ say..

Kết thúc truyện Trương Chi, Nguyễn Huy Thiệp bày tỏ thái độ viết: ”Tôi –  người viết truyện ngắn này- căm ghét sâu sắc cái kết thúc truyền thống ấy…còn tôi, tôi có cách kết thúc khác. Đây là bí mật của riêng tôi…

Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện trực tiếp trong truyện là một đặc điểm (điều này không mới), nhưng trong nhiều truyện của Nguyễn Huy Thiệp, người đọc nhìn rõ, nghe rõ nhân vật đang hành động, nói năng trong không gian truyện, đang lớn dần lên trong sự phát triển cốt truyện. Ấy vậy mà ta có cảm giác, không hoài nghi, rằng Nguyễn Huy Thiệp đang phát ngôn trực tiếp quan điểm của mình qua nhân vật, không lầm lẫn đi đâu được, và đành chấp nhận sự đánh tráo nghệ thuật. Và nếu bạn đọc có “muốn bắt tận tay, day tận mặt” Nguyễn Huy Thiệp (tác giả), thì ngay lập tức Nguyễn Huy Thiệp biến mất. Nhân vật đứng án ngữ trước mặt ta, cảnh cáo ta: “Này đừng có ngu ngốc và dốt nát, nhân vật là nhân vật, nhân vật không phải là tác giả”. Tôi gọi đó là nghệ thuật giấu mặt của Nguyễn Huy Thiệp.

Có thể coi nghệ thuật giấu mặt của Nguyễn Huy Thiệp là một đặc điểm thi pháp, một đặc điểm phong cách, thể hiện cái “thâm” của tác giả, cái mà người ta gọi là ”tài” văn chương của Nguyễn Huy Thiệp. Bạn đọc cần phải nắm được cái chìa khóa này mới có thể  mở toang những ẩn mật đàng sau những con chữ.

NGHỆ THUẬT GIẤU MẶT LÀ GÌ?

Trong cuộc sống, bạn đọc có thể gặp nhiều trường hợp giấu mặt. Những người hoạt động bí mật trong lòng địch (thí dụ Phạm Xuân Ẩn) thì buộc phải giấu mặt, nghĩa là không được để lộ ra bất cứ chi tiết nào về nhân thân trước mắt kẻ địch, bởi sự lộ ra này sẽ là an nguy đến tính mạng. Ẩn mặt để tự bạo vệ. Ẩn mặt để thực hiện nhiệm vụ nào đó. Hầu hết những comment trên Internet đều là của những người mang mặt nạ.

Khi khán giả thấy nghệ sĩ hài Hoài Linh xuất hiện trên sân khấu trong tấu hài thi hoa hậu ba miền, thì trước mắt khán giả là hai con người. Một nghệ sĩ Hoài Linh có nhân thân cụ thể, không lầm lẫn với bất cứ nghệ sĩ nào khác, và một Hoài Linh đang diễn vai cô gái dự thi hoa hậu. Khán giả theo dõi và thưởng thức câu chuyện, nhưng đồng thời cũng theo dõi và thán phục Hoài Linh. Tất nhiên khi xem diễn, người ta xem nhân vật cô gái đang diễn trước mắt, còn nghệ sĩ Hoài Linh, cố giấu mình đi, cố ẩn mình đi trong hóa trang, trong hóa thân vào nhân vật, làm sao để người xem không thấy sự vụng về lộ liểu của màn diễn. Ẩn mặt là một yêu cầu nghệ thuật.

Cũng vậy, trong kỹ thuật viết truyện (truyện hư cấu-xin phân biệt với thể loại Ký, Tùy Bút…), tác giả không thể nhảy vào ngồi chồm hỗm giữa trang văn mà trực tiếp thuyết lý điều này, dạy bảo điều kia. Phải đọc những truyện như thế, người đọc không sao kềm chế được sự bực mình. Trong truyện (tự sự), câu chuyện phải diễn ra tự nhiên như nó đang diễn ra trong đời thực, người kể phải tuân theo những quy luật khách quan, tác giả không được bẻ cong hiện thực.  Tác giả chỉ có thể phát ngôn qua hệ thống hình tượng, đặc biệt là nhân vật, chủ đề, tư tưởng…Ẩn mặt trở thành nguyên tắc sáng tác truyện. Ngay cả Nguyễn Khải trong Một Người Hà Nội, dù tác giả ghi rõ tên mình (đồng chí Khải), ghi rõ mình ở Sài gòn ra thăm Hà Nội, thì đồng chí Khải ấy cũng chỉ là một nhân vật, không phải tác giả. Đó cũng là một cách giấu mặt. Việc tự nêu tên mình làm nhân vật chỉ là thủ thuật của bút pháp, là cách đánh lừa độc giả rằng, đây là truyện thật, truyện của tôi, tôi là người trong cuộc kể lại, tôi là nhân chứng sống, và những gì tôi nói là đáng tin.

Trường hợp của Nguyễn Huy Thiệp không phải thế. Tác giả núp sau nhân vật, điều khiển nhân vật, và dùng miệng nhân vật trực tiếp phát ngôn quan điểm của mình. Đây là nghệ thuật giấu mặt đàng sau rất nhiều mặt nạ (có thể coi mỗi kiểu nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp là một kiểu mặt nạ). Và để nhận rõ tác giả, chỉ có một cách là gỡ bỏ những mặt nạ ấy, tức là giải mã cho được cái cách Nguyễn Huy Thiệp biến thực thành giả, biến giả thành thật, cái cách đánh tráo như trong trò ảo thuật, cái cách tạo ra sự ỡm ờ hư hư thực thực, cái cách nói nghiêm túc mà thành ra là một thủ đoạn lừa ngoạn mục.

NGUYỄN HUY THIỆP ĐÃ GIẤU MẶT NHƯ THẾ NÀO?

Nguyễn Huy Thiệp mượn chuyện xưa để nói chuyện nay.

Nguyễn Huy Thiệp kể chuyện lịch sử. Nhân vật có lại lịch tổ tiên gốc gác hẳn hoi. Tư liệu Nguyễn Huy Thiệp dùng là có xuất xứ. Câu chuyện có những mấu chốt như trong chính sử. Người đọc bị hấp dẫn bởi những chuyện ly kì mà tưởng rằng lần đầu tiên lịch sử được tiết lộ. Nhưng hỡi ôi. Tất cả là bịa. Nguyễn Huy Thiệp chỉ dùng những yếu tố có chất sử để nhào nặn câu truyện và thông qua đó phát ngôn quan điểm của mình.

Chẳng hạn, truyện Kiếm Sắc kể về Đặng Phú Lân, con Đặng Phú Bình, người gần gũi Nguyễn Ánh. Nguyễn Huy Thiệp kết thúc rất “chân thành” thế này:” Viết truyện này, tôi muốn đề tặng gia Đình ông Quách Ngọc Minh để cảm ơn thịnh tình của gia đình ông đối với riêng tôi. Tôi cũng xin cám ơn một số nhà nghiên cứu lịch sử và bạn bè quen biết đã giúp tôi sưu tầm, chỉnh lý những tư liệu cần thiết cho công việc viết văn, vốn rất nhọc nhằn phức tạp, lại buồn tẻ nữa-của tôi”.

Người đọc hẳn là tin như đinh đóng cột rằng Nguyễn Huy Thiệp kể chuyện thật. Nhưng xin nhớ rằng, đặc trưng của truyện là hư cấu. Điều này Nguyễn Huy Thiệp đã nói rõ về nhân vật Đặng Phú Lân: ”Trong số người gần gũi với thế tổ Nguyễn Phúc Ánh những năm mưu phục lại cơ đồ nhà Nguyễn có một hào kiệt mà không sử sách nào nhắc đến. Người đó là Đặng Phú Lân”. Vâng, đã là nhân vật kề cận Nguyễn Ánh, được Ánh tin dùng suốt 9 năm 100 ngày, có bọn Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, Võ Tánh đối chứng, nhất thiết sách sử không thể bỏ sót. Điều này lộ ra, đây là nhân vật do Nguyễn Huy Thiệp bịa đặt. Và dùng ông Quách Ngọc Minh cùng các nhà nghiên cứu lịch sử làm bình phong che chắn cho Nguyễn Huy Thiệp dựng trò ảo thuật.

Và vì là chuyện bịa, tất cả những phát ngôn của nhân vật đều là của Nguyễn Huy Thiệp. Và đây là phát ngôn của Thiệp qua miệng Nguyễn Ánh về tình hình sĩ phu Bắc Hà và thân phận của họ dưới tay kẻ cai trị. Ánh bảo Lân: ”Ta chỉ ghét bọn chữ nghĩa thôi, còn ngươi là con nhà võ thì sợ gì. Chữ nghĩa chúng nó thối lắm, ngụy biện, xảo trá tinh vi. Hành tung chúng ta chẳng lo. Toàn lũ ốm o, như dòi chồ, hèn mọn cả”…” Ta không tin bọn đó theo ta. Chúng nó quen tỉ tê với chữ nghĩa thì sẽ coi ta là vô đạo, không có tâm thế. Rửa đầu óc chúng mệt lắm”. Trong mắt Nguyễn Huy Thiệp, kẻ sĩ Bắc Hà chỉ là bọn dòi chồ hèn mọn cả, còn kẻ nắm quyền lực thống trị thì vô đạo. Nguyễn Huy Thiệp nói ngày xưa hay nói về thực tại hôm nay?

Cũng vậy, kết thúc truyện Vàng Lửa, Nguyễn Huy Thiệp mới nói cho độc giả biết người Bồ Đào Nha viết nhật ký kể chuyện Phơrăngxoa Pơriê  là nhân vật không có thật và câu chuyện được kể là bịa: ”Hồi ký của người Bồ Đào Nha vô danh không viết gì thêm. Tôi, người viết chuyện này đã cất công đi tìm các thư tịch cổ và hỏi han nhiều bậc bô lão. Không có tài liệu gì và cũng không ai biết gì về thung lũng Quạ hoặc chuyện của những người châu Âu thời vua Gia Long. Mọi cố gắng của tôi trong nhiều năm nay vô hiệu”.

Như vậy Vàng Lửa là chuyện lịch sử được bịa đặt. Đã là chuyện bịa thì mọi phát ngôn của nhân vật trong Vàng Lửa đều là của tác giả. Nguyễn Huy Thiệp viết về Nguyễn Du như thế này: ”Nguyễn Du thông cảm với những đau khổ của các số phận đơn lẻ mà không hiểu nổi nỗi đau khổ lớn của dân tộc. Đặc điểm lớn nhất của xứ sở này là nhược tiểu. Đây là một cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Cô gái ấy vừa thích thú, vừa nhục nhã, vừa căm thù nóNguyễn Du là đứa con của cô gái đồng trinh kia, dòng máu chứa đầy điển tích của tên đàn ông khốn nạn đã cưỡng hiếp mẹ mình”.

Nguyễn Huy Thiệp đã đưa ra những ý kiến đầy khiêu khích. Công luận đã phản đối sự lệch lạc võ đoán và tự ty như thế, bởi dân tộc này có một nền văn hóa riêng mà Nguyễn Huy Thiệp không nhận ra được. Người ta hiểu rằng Nguyễn Huy Thiệp chỉ mượn Nguyễn Du để nói về thực tại Nguyễn Huy Thiệp đang sống.

Tôi nói Nguyễn Huy Thiệp lệch lạc, võ đoán và tự ty khi đưa ra nhận định: Đặc điểm lớn nhất của xứ sở này là nhược tiểu. Đây là một cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp”. Bởi Nguyễn Huy Thiệp đắp mắt che tai không học được từ lịch sử điều này, Việt Nam nằm trên giao lộ ngã tư quốc tế, chịu ảnh hưởng nhiều nền văn hóa, trong đó có Trung Hoa, Ấn Độ, sau này là phương Tây, và bây giờ là toàn cầu hóa. Hiện nay người ta đang nói đến sự xâm lăng của văn hóa Hàn Quốc, lối sống thực dụng Mỹ. Nhưng bản lĩnh của dân tộc Việt là sự tiếp thu và Việt hóa tất cả các yếu tố ngoại lai, biến chúng thành những yếu tố có lợi cho mình và làm giàu văn hóa dân tộc. Phật giáo, Nho giáo, Đạo Giáo, Chủ nghĩa Lãng Mạn, chủ nghĩa Marx vào việt Nam và được đồng hóa thành văn hóa Việt Nam, đó là những thí dụ.

Làm sao có thể nói lời của nhân vật cũng là lời của Nguyễn Huy Thiệp?

Ở trên tôi đã nói, khi câu chuyện được kể là hoàn toàn bịa, thì mọi phát ngôn trong truyện của nhân vật là của tác giả. Xét ở mức độ văn bản, văn bản có hai lớp nghĩa, nghĩa tường minh là lời của nhân vật, còn hàm nghĩa là lời của tác giả. Khi một phát ngôn vi phạm vào nguyên tắc giao tiếp (thí dụ, phát ngôn thừa hoặc thiếu thông tin) thì phát ngôn ấy tạo ra hàm nghĩa. Xin thử đọc.

“Lúc này ở Châu Âu, nền Đế chế Napôlêông Bonnapac đã sụp đổ. Châu Âu chín chắn hơn. Họ đã bắt đầu hiểu vẻ đẹp và vinh quang một dân tộc không phải do cách mạng hoặc chiến tranh mang lại, cũng không phải do các nhà tư tưởng hoặc các hoàng đế mang lại, bởi vậy họ sống đỡ căng thẳng hơn, giản dị hơn, hợp tự nhiên hơn…”(Vàng Lửa)

Đây là lời trực tiếp của Nguyễn Huy Thiệp kết truyện. Lớp nghĩa tường minh là nghĩa trong câu chuyện thời Napôlêông. Nhưng hàm nghĩa Nguyễn Huy Thiệp nói về thực tại Việt Nam: vẻ đẹp và vinh quang một dân tộc này làdo cách mạng, do hai cuộc kháng chiến  mang lại, và do tư tưởng chủ nghĩa Marx Lê-nin. Và vì thế ở VN sống căng thẳng, phức tạp và trái lẽ thường. Trong văn bản của Nguyễn Huy Thiệp có 3 lần so sánhhơn”, tạo ra tình trạng thiếu thông tin, buộc người đọc phải liên tưởng đến đối tượng được so sánh “hơn ai, hơn cái gì” (hiểu ngầm). Đối tượng ấy nhất thiết phải có sự tương đồng với cách mạng, chiến tranh và các nhà tư tưởng, từ đó người đọc hiểu rằng Nguyễn Huy Thiệp nói về thực tại Việt Nam.

Điều này được nhận thức ngay khi người đọc liên tưởng đến thực tại. Các kênh truyền thông của Nhà Nước, trong trường học, trên báo chí truyền thanh truyền hình, luôn khẳng định vinh quang của dân tộc này là thành quả cách mạng, chủ nghĩa Mác-Lênin là kim chỉ nam để xây dựng chủ nghĩa xã hội và hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là chiến thắng có tầm vóc thời đại và lịch sử. Nguyễn Huy Thiệp đã phủ định cách mạng, kháng chiến và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam bằng hai từ “không phải” liên tiếp:”. Hàm nghĩa là không có cách mạng không có kháng chiến, không có các nhà tư tưởng, chủ nghĩa này tư tưởng nọ thì dân sẽ sống đỡ căng thẳng hơn, giản dị hơn, hợp tự nhiên hơn.

Những đoạn văn bày tỏ chính kiến đứng độc lập.

Có thể nhận ra phát ngôn của Nguyễn Huy Thiệp (thông qua miệng nhân vật) ở chỗ, những phát ngôn ấy có thể đứng một mình, tách biệt với nhân vật. Ở vị trí ấy, đoạn văn chính là phát ngôn trực tiếp của tác giả. Tác giả là người chịu trách nhiệm về ý kiến của mình

Hãy nghe Nguyễn Huy Thiệp đánh giá về Nguyễn Trãi và Lê Lợi:

“Trước đây, khi dâng “Bình Ngô sách” cho Bình Định Vương Lê Lợi, Nguyễn đề xuất tư tưởng nhân nghĩa, ông coi nó là máu thịt dân tộc là nguyên tắc ứng xử giữa con người. Nguyễn đã hướng về tuyệt đối. Song chính Nguyễn đã một chiều, thậm chí không tưởng. Lê Lợi tỉnh táo hơn, nhận ra Nguyễn đã mắc bẫy bởi chính tư tưởng của mình. Lê Lợi biết tư tưởng đó chỉ là ngọn cờ khởi sự chứ không phải phương pháp. Hơn nữa ngọn cờ ấy chỉ phù hợp với tình trạng khốn cùng về vật chất của đám đông trong từng khoảng thời gian nhất thời. Lê Lợi vĩ đại vì đã thực tế hơn Nguyễn về cuộc sốngNguyễn tôn sùng đám đông nhưng Lê Lợi tin chắc chỉ có những cá nhân siêu việt mới có khả năng gây men cho lịch sử. Lê Lợi hiều rõ khả năng tạo dựng và khả năng phá bỏ của Nguyễn nhưng Nguyễn lại không có khả năng giữ nguyên tình trạng. Giữ nguyên tình trạng đòi hỏi một dự ngu xuẩn phi thường, một sự ngu xuẩn thiên tài. Bao giờ cũng vậy, giữ nguyên tình trạng đòi hỏi những con bệnh lớn”(Nguyễn Thị Lộ).

Đoạn phát ngôn trên cũng vi phạm nguyên tắc về lượng thông tin, vì thế nó lại tạo ra hàm ý (bạn đọc thử khám phá hàm ý của Nguyễn Huy Thiệp?) Xin chia sẻ điều này. Nguyễn Huy Thiệp gọi Nguyễn Trãi là Nguyễn mà không gọi là Trãi hay Ức Trai tiên sinh, trong khi Nguyễn Huy Thiệp gọi các nhân vật khác bằng tên như gọi Nguyễn Ánh là Ánh, gọi Đặng Phú Lân là Lân. Đó là một dụng ý. Đặt Nguyễn bên cạnh các chỉ dẫn khác của Nguyễn Huy Thiệp là:Nguyễn đã mắc bẫy bởi chính tư tưởng của mình, ngọn cở khởi sự, Nguyễn tôn sùng đám đông (quần chúng), bạn đọc sẽ nhận ra Nguyễn Huy Thiệp muốn nói về ai. Thời Nguyễn Trãi không nói “đám đông” mà nói “dân đen”, nói “nhân dân bốn cõi một nhà”

Trong mạch kể truyện, đoạn văn trên là suy nghĩ của Nguyễn Trãi về chính mình. Nhưng trong cách viết, Nguyễn Huy Thiệp đã để Nguyễn Trãi, Lê Lợi ở ngôi thứ ba, gọi Nguyễn Trãi là ông, là Nguyễn, và nhìn Nguyễn Trãi bằng con mắt khách quan, nhìn Nguyễn từ bên ngoài. Vì thế đoạn văn trở thành đáng giá của Nguyễn Huy Thiệp về Nguyễn Trãi. Thông qua đó đánh giá về Nguyễn, và tư tưởng của Nguyễn ở hiện tại. Đánh giá này hoàn toàn là sự suy diễn chủ quan của Nguyễn Huy Thiệp. Có thể nói, viết truyện Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Huy Thiệp tỏ ra rất non tay về xây dựng cốt truyện, khắc họa nhân vật, miêu tả tâm lý và lý giải những vấn đề lịch sử của Nguyễn Trãi. May ra truyện còn lắng đọng được một chút xót thương của Nguyễn Thị Lộ với nỗi cô đơn của Nguyễn Trãi (xét cô đơn như phạm trù Hiện Sinh). ”Ông cô đơn với chính đồng loại mình”..”Ông cô đơn giữa đời như một hành tinh hoặc một ngọn gió. Điều ấy khiến nàng xót xa”. Nhưng những điều ấy Nguyễn Huy Thiệp  nói về nhân vật “Nguyễn” đương thời…

Làm thế nào để nhận ra mặt thật của tác giả sau những mặt nạ?

Qua những chia sẻ ở trên, tôi nghĩ đã đủ những gợi ý để bạn đọc tiếp tục khám phá về Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng còn một điều có thể làm bạn băn khoăn, rằng khi tác giả hóa trang kỹ quá và thay đổi nhiều mặt nạ thì làm thế nào ta nhận ra mặt thật của tác giả. Quả là một vấn đề thú vị và cần được xem xét kỹ hơn.

Trở lại phần minh họa ở trên về nghệ sĩ hài Hoài Linh. Khi Hoài linh lên sân khấu, dù anh diễn vai gì, hóa trang kiểu gì, khán giả vẫn nhận ra Hoài Linh. Vậy căn cứ vào đâu để ta nhận ra Hoài Linh con người xã hội? Ấy là vóc dáng Hoài Linh nhỏ thó và ốm. Hoài Linh có cách anh diễn xuất riêng. Giọng điệu của Hoài Linh dù nhái giọng Bắc, hay Trung đều không lẫn được. Hoài Linh cũng có những mảng đề tài sở trường riêng. Nói bằng ngôn ngữ phê bình thì đó là phong cách. Cũng vậy, dù Nguyễn Huy Thiệp có giấu mặt sau nhiều mặt nạ, người ta vẫn nhận ra tác giả qua phong cách văn chương của ông.

Rất tiếc tôi chưa có dịp tìm hiểu kỹ về phong các Nguyễn Huy Thiệp, nhưng có thể nhận thấy vài nét đặc điểm sau đây của phong cách ngòi bút NHT

Văn chương củaNguyễn Huy Thiệplà văn chương “chửi”, chửi tục, hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa thuật ngữ phê bình văn học, tức là văn chương phê phán, phản kháng hiện thực. Kết thúc truyện Trương Chi, Nguyễn Huy Thiệp viết: ”Tôi –  người viết truyện ngắn này- căm ghét sâu sắc cái kết thúc truyền thống ấy…còn tôi, tôi có cách kết thúc khác. Đây là bí mật của riêng tôi. Tôi biết giây phút rốt đời, Trương Chi cũng sẽ văng tục”…”. Trong suốt truyện Trương Chi, Nguyễn Huy Thiệp để cho Trương Chi nhiều lần thốt ra tiếng chửi: ”cứt”.

Chàng duỗi chân, ngả người vào lòng thuyền. Chàng nói: – Cứt…Giờ đây gặp Mỵ Nương, chàng hiểu chắc chắn rằng cuộc sống của chàng thật là cứt, là cứt chó, không sao ngửi được. Không chỉ riêng chàng mà cả bầy. Tất cả đều thối hoắc: – cứt. …Trương Chi không hát nữa. Chàng lại nói: – Cứt…Chàng ăn cá nhưng được vài miếng chàng lại nhổ đi. Chàng nói: -Cứt. Mị Nương bảo chàng hát, Trương Chi biết đó chỉ là trò cứt. Khi Trương Chi Hát, bọn hoạn quan đứng quanh nhiều lần cười ré lên: -Hát như cứt…Trương Chi lại chèo thuyền ra giữa tim sông. Chàng lại nói: – Cứt.”

Trong cách chửi, giọng văn Nguyễn Huy Thiệp bình tĩnh dẫn dụ, sau đó bất ngờ bốp chát thẳng vào mặt đối tượng. Xin đọc. “…Nhìn vào danh sách hơn 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam người ta đều thấy đa số đều chỉ là những người già nua không có khả năng, sáng tạo và hầu hết đều…”vô học”, tự phát mà thành danh… Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ… trên thực tế cái danh nhà thơ là một thứ nhìn chung chỉ là nhăng nhít, hữu danh vô thực, chẳng ai muốn dây vào nó: nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa. (Nguyễn Huy Thiệp – Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn.)

Xưa nay trong văn chương Việt Nam, không phải là không có văn chương “chửi”. Trần tế Xương, Vũ Trọng Phụng là những bậc thầy về văn chương chửi. Trong Số Đỏ, Vũ Trọng Phụng chửi rất nhiều hạng người, từ giới thầy thuốc, đến thầy tu, đến bọn hoạt đầu chính trị và cả anh hùng, vĩ nhân. Vũ Trọng Phụng chửi trực tiếp Phạm Quỳnh, Hội Khai Trí Tiến Đức và các phong trào bình dân nhố nhăng đầu thế kỷ XX. Nhưng xin lưu ý rằng Vũ Trọng Phụng chửi qua hình tượng nghệ thuật và chửi bằng nghệ thuật trào phúng, còn Nguyễn Huy Thiệp chửi trực tiếp bằng nghệ thuật giấu mặt đằng sau nhiều mặt nạ, bằng cách làm méo mó nhân vật (Quang Trung, Nguyễn Trãi..).  Nguyễn Huy Thiệp chửi rất mạnh miệng những cái mà Nguyễn Huy Thiệp cho là nhố nhăng ngu dốt, vô luân, bạc ác ở đời, “Chỗ nào cũng tàn ác, dâm tục, đểu giả, tham lam”(Đời Thế Mà Vui).

Chỉ tiếc là Nguyễn Huy Thiệp không có hệ tư tưởng minh triết làm nền và Nguyễn Huy Thiệp cũng chưa đạt tới một nền tảng chân lý để từ đó có thể đưa ra những đánh giá một cách thuyết phục. Nguyễn Huy Thiệp chỉ gây shock bằng những phát ngôn chọc giận thiên hạ, đi ngược lại thiên hạ, kiểu như hạ bệ Quang Trung, kiểu nói rất hồ đồ về nền văn hóa Việt Nam:” Đặc điểm lớn nhất của xứ sở này là nhược tiểu. Đây là một cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Cô gái ấy vừa thích thú, vừa nhục nhã, vừa căm thù nó”.

Văn chương Nguyễn Huy Thiệp là văn chương giấu mặt.

Tôi coi đây là một đặc điểm thi pháp, cũng là một đặc điểm phong cách, bởi ở bất cứ truyện nào, ở nhân vật nào, người đọc đều có thể gặp cách viết ỡm ờ, cách viết hàm nghĩa (như tôi đã phân tích ở trên). Nếu không khám phá đặc điểm nghệ thuật này của ngòi bút Nguyễn Huy Thiệp thì không thể hiểu Thiệp.

Nguyễn Huy Thiệp có giọng văn lạnh đến vô cảm, trong thẳm sâu là một nỗi buồn thấm thía, nỗi buồn của sự bất lực trước thực tại. Và Nguyễn Huy Thiệp đã thực hiện đúng quan điểm văn chương của mình là: “Văn chương phải bất chấp hết, ngập trong bùn sục tung lên, thoát thành bướm và hoa, đấy là chí thánh” (Giọt Máu VII), và văn Nguyễn Huy Thiệp thuộc loại “văn làm loạn”(Giọt Máu II).

Điều này quá rõ trong các truyện như Tướng Về Hưu, Huyền Thoại Phố Phường, Không Có Vua, Con Gái Thủy Thần, Giọt Máu, Những Người Thợ Xẻ,… Rất tiếc là Nguyễn Huy Thiệp đã hất bùn lên tất cả, bất chấp đó là ai, kể cả Như lai và Giêsu Christ. Có rất ít sự thăng hoa thành bướmhoa. Tại sao vậy, Nguyễn Huy Thiệp lý giải :” Tôi chỉ căm giận, căm giận những phù vân trong toàn bộ hoàn cảnh sống của thời đại tôi. Những giáo điều đạo đức bao giờ cũng giản dị ngây ngô, buồn cười, sơ lược, thậm chí còn đểu giả nữa. Ác nhất là những giáo điều ấy đúng. Bởi nó cần. Nó là sợi xích tròng cổ để giữ hình ảnh tương đối về mỗi chúng ta. Nếu không sẽ là hủy diệt…”(Những Người Thợ Sẻ).

Nguyễn Huy Thiệp cố gắng vượt qua cô đơn, phi lý, buồn nôn Hiện Sinh để Sang Sông đáo bỉ ngạn Thiền, nhưng chiếc đò lại quay về bến, và Nguyễn Huy Thiệp trong mặt nạ nhà sư đã không  đến bờ bên kia của giác ngộ được.

Người ta cũng nhận ra Nguyễn Huy Thiệp đặc sắc trong những truyện mượn đề tài lịch sử để viết những truyện hư cấu như Kiếm Sắc, Vàng Lửa, Phẩm Tiết. Ông kết hợp cách viết của kiểu truyện diễn nghĩa cổ điển (Tam Quốc Diễn Nghĩa) với các kể dân gian, cách nói năng dân gian và cả cách thuật cô đọng của Kinh Thánh. Có thể nói Nguyễn Huy Thiệp để lại dấu ấn ở mảng truyện này. Cũng qua mảng truyện này, Nguyễn Huy Thiệp dùng ngày xưa để nói về thời đại mình.

Có một vấn đề tôi chưa tự trả lời được, cũng không giám hỏi Nguyễn Huy Thiệp, sợ lại bị chửi, và mong được bạn đọc chia sẻ, đó là, tại sao Nguyễn Huy Thiệp lại sử dụng nghệ thuật giấu mặt, và dấu mặt để thực hiện mục đích gì?

Tháng 4 năm 2012

NGUYỄN HUY THIỆP LÀ NGƯỜI THẾ NÀO

BÙI CÔNG THUẤN

VIẾT THÊM

Văn học việt Nam thời kỳ “đổi mới” (1980-1990) có những đỏi hỏi đổi mới mạnh mẽ, đặc biệt là đòi hỏi từ bỏ Chủ nghĩa Hiện thực xã hội chủ nghĩa mà Trường Chinh đề ra từ 1948 trong Báo cáo “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam”. Trong xu thế chung, phải kể đến “Thời xa vắng” của Lê Lựu, “Thiên Sứ” của Phạm Thị Hoài, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh… và các bài viết của GS Hoàng Ngọc Hiến về “Chủ nghĩa Hiện thực Phải đạo”(1979), và “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” (1987) của Nguyễn Minh Châu. Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn có cách viết nói “trắng phớ” ra. Nên ông tạo được dư luận.

Nhưng khi Bộ Chính trị có nghị quyết 23-NQ/TW:”Tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật nước nhà”, thí những vấn đề “nóng” về phương pháp sáng tác Hiện thực Xã hội chủ nghĩa trở nên nhạt, và Nguyễn Huy Thiệp lui dần vào quá khứ.

Ngày nay đang có những “mưu toan” phong thánh cho Nguyễn Huy Thiệp là “Thiên tài”, là “Văn hào…”. Thực ra, ai thích Nguyễn Huy Thiệp và phong cho ông danh hiệu gì thì đó là quyền của cá nhân. Nhưng xin lưu ý rằng, “Văn hào” từ xưa tới nay là những nhà văn mà tác phẩm của họ ghi lại được một diện rộng của hiện thực và đặc biệt, họ là “nhà văn tư tưởng”, tác phẩm của họ là “tác phẩm tư tưởng”. Văn chương của họ là ánh sáng lương tri của nhân loại. Nguyễn Huy Thiệp không có tư tưởng, tác phẩm của ông cũng chỉ phản ánh cái hiện thực không “Xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam, chẳng đề cập được vấn đề gì của nhân loại. Ông chỉ là một nhà văn tiên phong như nhiều nhà văn tài năng khác của Văn học Việt Nam.

Bài viết sau đây đã đăng trên Văn nghệ TP Hồ Chí Minh. Nay đăng lại.

_______________________

NGUYỄN HUY THIỆP LÀ NGƯỜI THẾ NÀO?

Bùi Công Thuấn

Trước đây tôi đã định viết về Nguyễn Huy Thiệp (NHT) nhưng lại thôi, vì người ta đã viết quá nhiều về ông, mình không nên làm ồn thêm.

Nhưng có một sự thật là Hội Nhà Văn Việt Nam chưa hề trao cho Thiệp giải thưởng nào. Thiệp nhận được giải thưởng của nước ngoài. Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp được dịch nhiều sang tiếng Pháp (ở Pháp Thiệp có 9 đầu sách được dịch). Nguyễn Huy Thiệp được nhận giải thưởng Nonino ở Ý. Họ đọc Thiệp qua bản dịch tiếng Anh.

Nguyễn Huy Thiệp thú nhận điều này:”người đã đề cử tôi cho giải thưởng Nonino có nói với tôi đại ý rằng: “Tôi chỉ đọc ông có hai truyện nhưng tôi đã “ngửi” thấy ở ông có điều gì đấy...”. Với bản dịch Crossing the River của Dana Sachs và 10 người khác nữa ở Mỹ, Nguyễn Huy Thiệp đã bị “giết phăng”, “giết không kịp ngáp” ở trong thế giới tiếng Anh… Đấy là một thực tế mà khi trao đổi với đại diện các nhà xuất bản có tên tuổi trong chuyến đi châu Âu vừa rồi tôi (NHT) mới nhận ra.(1)

Sự nổi tiếng của Nguyễn Huy Thiệp có căn gốc từ đâu?

Trước hết Nguyễn Huy Thiệp có tài kể chuyện, những câu chuyện lạ và hấp dẫn. Chủ để truyện ẩn rất sâu, điều này bộc lộ cái “thâm” của sĩ phu Bắc Hà. Tôi ít thấy người cầm bút đương thời có cái “thâm”, cái “độc” và cái “tài” như Nguyễn Huy Thiệp. Người ta công nhận Thiệp viết hay nhưng không dám trao giải thưởng. Người ta nhận rõ Nguyễn Huy Thiệp góp phần đổi mới văn học Việt Nam nhưng không dám đưa Nguyễn Huy Thiệp vào Sách Giáo khoa (*). Có người bảo, Nguyễn Huy Thiệp là cục xương khó nuốt của Hội Nhà Văn Việt Nam.

Văn Học Việt Nam đương đại có hai người gây được những bước ngoặt quan trọng về thi pháp truyện ngắn. Đó là Nam Cao và Nguyễn Huy Thiệp. Sau Nam Cao, một thời người ta bắt chước cách viết của ông. Cũng vậy, Nguyễn Huy Thiệp đã mở ra một cách viết mới mà cho đến nay nhiều người vẫn bắt chước (truyện Dị Hương vừa đạt giải, đã bắt chước cách viết của Kiếm Sắc)

Nhưng điều gây tranh cải và làm cho Thiệp nổi tiếng là ở thái độ của Nguyễn Huy Thiệp trong tác phẩm, và cái cách Nguyễn Huy Thiệp dùng văn chương cho những mục đích ngoài văn chương của mình. Thiệp có tài viết những đoạn văn ỡm ờ, kể những câu chuyện ỡm ờ, nửa thông minh, nửa mù mịt, nửa chân thật, nửa đểu cáng, và đặc biệt là tài giấu mặt sau rất nhiều kiểu mặt nạ.

Truyện của Nguyễn Huy Thiệp lạ là ở chỗ, trước đó, nhà văn Việt Nam viết bằng phương pháp Hiện Thực XHCN. Nguyễn Huy Thiệp triệt để bác bỏ kiều bút pháp này. Nguyễn Huy Thiệp lạ ở chỗ, trước đó văn học Việt Nam chỉ viết tụng ca, anh hùng ca, thì Nguyễn Huy Thiệp lật đổ tất cả mọi thần tượng, kể cả Quang Trung (Phẩm Tiết) là người anh hùng của dân tộc. Cái thâm của Thiệp là ở chỗ, Thiệp mượn và bịa đặt ra chuyện xưa để nói về cái hiện thực hôm nay.Thiệp phủ định thực tại xã hội XHCN. Thiệp đang sống, cái thực tại mà văn chương giai đoạn trước ca ngợi hết lời (”Đẹp vô cùng tổ quốc ta ơi!; “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”). Thiệp phủ định chủ nghĩa Marx –Lenin là nền tảng tư tưởng Cách Mạng Việt Nam. Và gần như Thiệp phủ định tất cả.

Trong Vàng Lửa, Nguyễn Huy Thiệp viết: ”Châu Âu chín chắn hơn. Họ đã bắt đầu hiểu vẻ đẹp và vinh quang một dân tộc không phải do cách mạng hoặc chiến tranh mang lại, cũng không phải do các nhà tư tưởng …”. Đó là cách Nguyễn Huy Thiệp mượn chuyện người để phủ định cái thực tại ở ta. Cứ theo câu chữ hàm ý mà đọc, thì Thiệp cho rằng ở ta vinh quang dân tộc là do cách mạng, do hai cuộc kháng chiến và do chủ nghĩa Mác-Lênin. Những điều như thế ở Việt Nam đã trở thành đại tự sự, thành tín niệm, không tranh cãi và được rao truyền trên tất cả các kênh truyền thông hàng ngày. Thiệp phủ định những điều ấy nhưng không nói thẳng ra, và người ta hiểu ý Thiệp nhưng không bắt bẻ Thiệp được.

Đây là một đoạn diễu nhại cái nhìn theo chủ nghĩa Marx: ”Hắn bắt một con thạch sùng rồi để lên bàn. Hắn trình bày thế giới bằng cách miêu tả con thạch sùng ấy. Thượng tầng kiến trúc là đầu, hạ tầng cơ sở là chân, khúc đuôi là đạo đức. Hắn cho rằng đạo đức rụng rồi lại mọc, đạo đức có thể ngoe nguẩy một mình, còn toàn bộ sự sống chuồn mất”(Mưa)

Mượn lời Trương Chi, Thiệp chửi đời là “cứt:”…chàng hiểu chắc chắn rằng cuộc sống của chàng thật là cứt, là cứt chó, không sao ngửi được. Không chỉ riêng chàng, mà cả bầy. Tất cả đều thối hoắc.-Cứt”(Trương Chi)

Bạch thầy! Đâu đâu con cũng thấy toàn là súc vật. Mọi sự thảy súc vật hết. Cả sự chung tình cũng súc vật. Ý thức hướng thiện cũng súc vật nốt”(Sang Sông )

Nguyễn Huy Thiệp chửi cả Hội Nhà Văn thế này:

“ …Nhìn vào danh sách hơn 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam người ta đều thấy đa số đều chỉ là những người già nua không có khả năng, sáng tạo và hầu hết đều… “vô học”, tự phát mà thành danh. Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào “cảm hứng” để tuỳ tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa, nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả. Giai thoại có một nhà thơ nói về tình cảnh thơ ở trong bài thơ sau đây (tôi đã đưa chuyện này vào trong tiểu thuyết của tôi vì nó quá hay) khá tiêu biểu cho thực tế đó: “Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ/ Hôm qua nó bảo: Dí thơ vào l…/ Vợ tôi nửa dại nửa khôn/ Hôm nay lại bảo: Dí l… vào thơ!”, tôi cũng không phủ nhận cảm tình của nhân dân đối với thơ nhưng quả thực trên thực tế cái danh nhà thơ là một thứ nhìn chung chỉ là nhăng nhít, hữu danh vô thực, chẳng ai muốn dây vào nó: nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa.        

Tôi biết sẽ có nhiều người phản ứng lại điều tôi nói “trắng phớ” ra như thế nhưng ở đây nó là thực tế. Tôi chỉ nói ra một thực tế “tàn nhẫn” mà mọi người vẫn tránh né hoặc “không nỡ” nói ra mà thôi. Đã đến lúc người ta phải nhìn vào thực tế để thúc đẩy văn học cũng như thúc đẩy xã hội phát triển.“ (Nguyễn Huy Thiệp–Trò Truyện Với Hoa ThủyTiên.)

Đoạn đối thoại sau đây, Thiệp biết rõ sẽ bị nhiều người chửi nhưng Thiệp tiếp tục chửi: ”Nghe tôi nói nhé: lớn lên chú đừng sa vào con đường văn chương chữ nghĩa. Thế nào chú cũng ăn đòn. Người ta sẽ nguyền rủa đấy. Chú không chống nổi sự ngu dốt của bọn có học đâu. Tôi đây này, tôi hiểu sâu sắc sự ngu dốt của bọn có học tai hại thế nào, vừa phản động, nó vừa ngụy biện, lại vừa mất dạy. Sự ngu dốt của bọn có học tởm gấp vạn lần so với người bình dân…Tôi thấy buồn vì văn học của ta ít giá trị thật. Nó thiếu tín ngưỡng và thẩm mỹ thực”(Những Bài Học Nông Thôn)

Đoạn đối thoại sau đây Thiệp tự bộc lộ sự đánh giá về chính mình:

Tôi cười bảo: Anh biết không: người cách mạng chỉ chú tâm vào mục đích cuối cùng mà thôi. Anh Bường bảo:” Đừng có bẫy tay vào chính trị tư tưởng, mày đểu lắm”…”Bản chất của mày là một thằng trí thức lưu manh chính trị. Tởm lắm! (Những Người Thợ Xẻ)

Thiệp nói về việc đi dạy học của mình: ”Lúc nãy ở trong chùa nói chuyện với sư, giật mình nghĩ lại thấy mấy chục năm nay mình đi dạy học, dạy trẻ con toàn những thứ láo khoét”(Chăn Trâu cắt Cỏ)

Vâng, như thế thì dù Nguyễn Huy Thiệp kể truyện hay, nhưng Nguyễn Huy Thiệp không có mục đích sáng tạo nghệ thuật, thì tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp không hẳn là có ích cho đời, và có ích cho văn chương (tất nhiên là có ích cho những ai muốn dùng Thiệp để phủ định Chủ nghĩa hiện thực Xã Hội Chủ Nghĩa). Nguyễn Huy Thiệp chỉ dùng văn chương làm phương tiện bộc lộ thái độ với chính kiến trước thực tại.

Truyện của Thiệp hấp dẫn là bởi Thiệp biết khai thác nhiều kỹ thuật viết khác với bút pháp của chủ nghĩa Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa, nhưng mục đích của Thiệp là dẫn dụ người đọc vào những câu truyện mà ẩn sâu bên dưới lớp vỏ ngôn từ là thái độ chính trị của Thiệp.

Thái độ chính trị của Thiệp là gì?

Rời bỏ chủ nghĩa Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa , rời bỏ chủ nghĩa Marx, Nguyễn Huy Thiệp tìm về cội nguồn tinh thần nào?

Đọc truyện của Thiệp, tôi thấy lổn nhổn, nếu không nói là bát nháo đến dở hơi (!)  những ý niệm của chủ nghĩa Hiện Sinh, của Thiền, của Đạo, của Freud, của Thiên Mệnh. Tất cả còn sống sít, chưa được tiêu hóa (có lẽ Nguyễn Huy Thiệp chưa được học đến nơi đến chốn. Thực tiễn cuộc sống của Nguyễn Huy Thiệp cũng không cho phép ông tiếp cận với những tư tưởng này khi ông đi dạy học và sống ở miền Bắc Việt Nam trước 1975)

Xin đọc:

Oái oăm ở chỗ đạo là thứ danh không phải danh, điều ấy đẻ ra những khó khăn trong xuất xử. Chính Khổng Tử cho rằng người làm quan là để thi hành điều nghĩa chứ đạo thì chẳng thi hành được”(Nguyễn Thị Lộ).

Rõ ràng Nguyễn Huy Thiệp phê phán Lão Tử về Đạo. Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử Viết: Đạo Khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh”. Thiệp chỉ hiểu cái nghĩa đen mặt chữ của ý niệm Đạo.

Cũng vậy, Khổng Tử coi trọng Nhân và Lễ, Mạnh Tử mới coi trong Nghĩa. Thuyết Thiên Mệnh của Khổng Tử và Đạo vô vi của LãoTử khác xa nhau. Nguyễn Huy Thiệp cho vào một rọ và quậy cho nó nháo nhào lên.  Nguyễn Huy Thiệp chưa học vỡ nghĩa sách thánh hiền (mượn chữ của Nguyễn Tuân), nhưng cứ hô hoán lên, khiến những người không biết, tưởng Thiệp nói điều chân lý, họ vừa sợ Thiệp, lại vừa chê trách thánh nhân!

Cũng trong truyện Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Huy Thiệp gán cho Nguyễn Trãi phạm trù “cô đơn” của Triết học Hiện Sinh. Quả thực, sự vay mượn tư tưởng này là hết sức gượng ép, bởi thời của Nguyễn Trãi chưa có triết học Hiện Sinh. Như kiểu người ta chê trách Nguyễn Du sao không cho Từ Hãi đi làm cách mạng rồi lên làm Chủ tịch Nước!!!

Thiệp nhận ra sự khiếm khuyết của văn chương Việt Nam là không có tư tưởng, và Thiệp nỗ lực bù vào chỗ khiếm khuyết ấy, nhưng tôi cho rằng Thiệp thất bại cả về tri thức, cách thể hiện tư tưởng và bút pháp.

Chẳng hạn, tư tưởng Hiện Sinh trong tác phẩm văn học phương Tây được trình bày bằng cách viết dòng ý thức thông qua miêu tả Hiện Tượng Luận. Thiệp chưa đạt tới cách viết này (Muối của Rừng). Khi chuyển sang khai thác tư tưởng Thiền (Sang Sông), Thiệp cũng không đạt được cách nói vô ngôn là đặc trưng mỹ học Thiền.

Nguyễn Huy Thiệp thất bại trong việc tìm kiếm một tư tưởng thấu đạt đến chân lý cho cuộc đời, ông trở nên bi quan.|”Chúng tôi cần gì nhiều tiền, nhiều nhà, nhiều đạo đức, nhiều anh hùng. Thoắt buổi sáng, đã trưa, đã chiều. Thoắt mùa xuân, đã thu, đã đông…Chỉ có nỗi buồn là vĩnh cửu(Con Gái Thủy Thần)

“Kìa trăm năm

Tài mệnh là gì

Chỉ thấy đớn đau

          (Kiếm Sắc)

Tôi nhặt những ánh mắt đời

Hòng dõi theo ánh mắt tôi

Dõi vào cõi ý thức

Cõi ý thức mênh mông xa vời

Dầu tôi biết vô nghĩa, vô nghĩa, vô nghĩa mà thôi”

            (Thương Nhớ Đồng Quê)

Đời người ta, ai chẳng đã từng săn đuổi bao điều phù du?”

                    (Những Ngọn Gió Tua Hát)

Không cần phải đọc kinh Phật, bạn đọc cũng hiểu Nguyễn Huy Thiệp thiên về tư tưởng Phật: đời vô nghĩa, đời vô thường, đời là bể khổ (Khổ Đế trong Tứ Diệu Đế).

 Những tưởng Nguyễn Huy Thiệp tìm thấy chân lý gì mới lạ sau khi từ bỏ Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa, chủ nghĩa Marx, hóa ra ông lại chạy vòng vòng trở về thứ triết lí tiêu cực của Nguyễn Gia Thiều trong Cung Oán Ngân Khúc. Đó là một bứơc thụt lùi đáng thương hại!

Nghĩ thân phù thế mà đau, 
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê.

Tang thương đến cả hoa kia cỏ này. 

Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy, 
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau. 
Trăm năm còn có gì đâu, 
Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì ! 

                (Nguyễn Gia Thiều-Cung oán ngâm khúc)

Hơn thế Nguyễn Huy Thiệp còn bộ lộc những nhận thức tư tưởng hết sứ méo mó. Qua lời nhận vật Bường, Nguyễn Huy Thiệp phỉ báng thế này:” Con ơi, thế Giêsu Crit có đểu cáng và độc ác không? Như Lai có đểu cáng và độc ác không?”(Những Người Thợ Xẻ)

Đến như thế thì người đọc không còn gì để trao đổi với Nguyễn Huy Thiệp nữa, bởi Như Lai và Giêsu Christ là hai con người truyền rao chân lý từ bi, bác ái. Hai con người ấy bằng chính đời sống tại thế của mình, đã đã chứng minh cho sự Giác ngộ và sự Cứu độ chúng sinh. Hơn 2000 năm nay, nhân loại đã tôn thờ hai con người ấy như đấng thiêng liêng, và tìm đến Phật, đến Giêsu như là người giúp mình sang sông “đáo bỉ ngạn”. Vậy mà Nguyễn Huy Thiệp coi Đấng Giác Ngộ và Đấng Cứu Rỗi ấy đều là đểu cáng và độc ác, vậy còn ai trên cõi đời này đáng được Nguyễn Huy Thiệp cho là từ bi, bác ái, lương thiện?

3. Hãy xem Nguyễn Huy Thiệp quan niệm thế nào về văn chương?

Bác ơi, chữ nghĩa nó ghê gớm lắm. Nó là ma đấy. Yếu bóng vía là nó ám mình, nó làm cho thê thảm đau đớn mới thôi”…”Văn chương có nhiều thứ lắm. Có thứ văn chương hành nghề kiếm sống. Có thứ văn chương sửa mình. Có thứ văn chương trốn đời trốn việc. Lại có thứ văn chương làm loạn”(Giọt Máu II)

Văn chương phải bất chấp hết. Ngập trong bùn, sục tung lên, thoát thành bướm và hoa, đấy là chí thánh”(Giọt Máu VII)

Văn chương là thứ bỉ ổi bậc nhất…Nó gây ra sự nổi loạn trong cuộc đời thường”(Chút Thoáng Xuân Hương)

Có lẽ không cần phải bình luận gì thêm, bởi đó là cái nhìn hết sức phiến diện về văn chương. Chẳng lẽ thơ Thiền, thơ R.Tagore, văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Minh Châu…là “bỉ ổi”, là “làm loạn” sao?

Nhiều người đã ca tụng Nguyễn Huy Thiệp khi thấy Nguyễn Huy Thiệp từ bỏ chủ nghĩa Hiện Thực Xã hội Chủ nghĩa, thấy Nguyễn Huy Thiệp phê phán hiện thực đất nước xây dựng theo Chủ nghĩa Xã hội dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin, thấy Nguyễn Huy Thiệp lật nhào thần tượng (mượn Quang Trung để lật nhào thần tượng cách mạng). Đó là quyền của người đọc.

Nhưng bình tâm mà đọc Nguyễn Huy Thiệp, thì thấy rõ hạn chế này ở ngòi bút của ông. Văn Nguyễn Huy Thiệp thiếu tư tưởng nhân đạo. Cái nhìn của Nguyễn Huy Thiệp thiếu sự “thành ý, chính tâm”. Nguyễn Huy Thiệp chỉ thấy cái ác, cái dâm cái loạn, cái đểu cáng. Còn nếu muốn nghe Nguyễn Huy Thiệp nói chính trị, thì người đọc sẽ lắc đầu mà đi thôi.

Xin đọc

“Dân chúng nhẹ dạ nông nổi cũng như thế đấy. Các nhà chính trị, các thiên tài là kẻ có khả năng xô dạt dân chúng về cả một phía. Dân chúng cầu lợi. Chỉ cần tí lợi là họ sẽ a dua nhau bu đến. Họ không biết rằng điều ấy chất chứa toàn bộ sự vô nghĩa trong đời sống của họ. Họ sinh ra, hoạt động, kiếm ăn, cứ dạt chỗ nọ rồi dạt chỗ kia mà chẳng tự định hướng cho mình gì cả. Chỉ đến khi nào dân chúng hiều rằng không được cầu lợi, mà có cầu lợi thì cũng chẳng cho ai, người ta chỉ hứa hẹn suông để bịp bợm thôi, thảng hoặc có cho thì cho rất ít, lợi bất cập hại. Lợi phải do chính dân chúng tạo ra bằng sức lao động của mình. Họ cần hiểu rằng phải cầu một thứ cao hơn thế nữa, đấy là giá trị chân chính cho toàn bộ cuộc sống của mình, quyền được tự mình định đoạt cuộc sống, tóm lại là tự do”(Những Bài Học Nông Thôn)

Tôi không hiểu Nguyễn Huy Thiệp đã “giảng đạo” hay lên lớp chính trị cho ai, vì ông nói đến sự vô nghĩa của đời sống (chủ đề của tôn giáo), rồi lại nói đến ý nghĩa của lao động (một phạm trù của chủ nghĩa Marx-Lao động là vinh quang), rồi lại nói đến kinh tế (hoạt động, kiếm ăn). Mãi đến cuối đoạn văn mới lộ ra rằng con người, nhân dân cần tự do, nhưng họ không biết rằng tự do là giá trị trên hết, họ cũng không biết rằng họ đang nô lệ, đang bị các nhà chính trị lừa gạt…

Và theo cách viết đeo mặt nạ của Thiệp, thì Thiệp đang nói về nhân dân Việt Nam, nhân dân Việt Nam đang bị nô lệ mà không biết. Thiệp nói về các nhà chính trị Việt Nam: Họ chỉ “hứa hẹn suông để bịp bợm thôi”.

Hãy bỏ qua tâm ý của Thiệp, thì bạn đọc nhận ra rõ ràng rằng Thiệp chẳng có một lý thuyết xã hội nào, hay nền tảng triết học tư tưởng nào để lập ngôn, chỉ có cách nói đưa đẩy vòng quanh, cảm tính, như thế Thiệp sẽ chẳng đối thoại với ai được (những lý thuyết gia kinh tế, chính trị), còn quần chúng nhân dân thì chán ngấy chính trị rồi. Họ sẽ lật tẩy cái bản mặt của Thiệp mà rằng:”

“Đừng có bẫy tay vào chính trị tư tưởng, mày đểu lắm”…”Bản chất của mày là một thằng trí thức lưu manh chính trị. Tởm lắm! (Những Người Thợ Xẻ)

Tôi đã từ bỏ Nguyễn Huy Thiệp từ lâu lắm rồi! Bởi chăng nên mất thì giờ vào những thứ vô bổ mà thiệp chào mời như đoạn văn Thiệp viết ở trên.

Tháng 4.2012

_____________________________

  • Lê Thị Thái Hòa- Nguyễn Huy Thiệp: “Thế giới đã an bài!” nguồn :Thanh Niên
  • Bài này đã đăng trên báo Văn Nghệ TpHCM số 199 ngày 26.04.2012

(*) Chương trình mới (2020) có đưa tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp vào làm ngữ liệu

LÊ ĐÌNH BẢNG-LỜI TỰ TÌNH CỦA BẾN TRẦN GIAN

Những khuôn mặt thơ ca Công giáo đương đại

“LỜI TỰ TÌNH CỦA BẾN TRẦN GIAN”

(Tập thơ của Lê Đình Bảng. Nxb Tôn Giáo 2012)

Bùi Công Thuấn

Nhà thơ Lê Đình Bảng [*] có nhiều tập thơ đặc sắc.Quỳ trước đền vàng (2010) là tập thơ có những khám phá riêng về vẻ đẹp của Đức Maria [1]. Hành hương (2011) là tập thơ hành hương về những miền nguồn cội thi ca Công giáo bộc lộc đặc sắc thi pháp thơ Lê Đình Bảng [2]. “Lời tự tình của bến trần gian” (2012) là một tập thơ tình yêu, thơ tự tình của người trần gian nhưng vẫn được ướp hương thánh thiện.

Lời tự tình của bến trần gian” có 112 bài thơ với lời giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (hiện là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam). Tập thơ cũng in kèm 72 bài nhạc của 15 nhạc sĩ tên tuổi trong làng Thánh ca Công giáo phổ thơ trong tập Lời tự tình của bến trần gian. Riêng nhạc sĩ Hải Triều phổ 41 bài. Có lẽ đây là một tập thơ có con số kỷ lục bài được phổ nhạc. Điều ấy là sự gặp gỡ kỳ diệu của thơ và nhạc. Và chính thơ đã đem đến cảm xúc âm nhạc cho nhiều nhạc sĩ (Vì là thơ của “bến trần gian”, nên ca khúc không phải là Thánh ca phụng vụ, nhưng là một dòng ca khúc đặc biệt mang âm hưởng tình ca thánh thiện).

LỜI TỰ TÌNH CỦA TÌNH YÊU

Thơ tình Việt Nam đã có những đỉnh thi sơn mà tên tuổi được ghi vào lịch sử văn học dân tộc. Hồ Xuân Hương, Tản Đà, Phan Khôi, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh, Phạm Thiên Thư, Nguyên Sa…Mỗi người một vẻ, các nhà thơ đã làm giàu có đời sống tinh thần của một thời.

Thơ  tình Lê Đình Bảng có những đóng góp đặc sắc gì về tư tưởng và nghệ thuật?

Xin đọc một bài

THÔI ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI

                   Thơ Lê Đình Bảng

Hôm qua đi lễ khấn dòng

Nhìn em đăm đắm tựa bông hoa quỳ

Ta về đọc truyện Trương Chi

Thì ra, người ấy cũng y như mình

Cũng buồn cũng nhớ mông mênh

Cũng tương tư cả giờ kinh sớm chiều

Thì ra, từ buổi em yêu

Nụ tầm xuân đã thành điều thiêng liêng

Bây giờ ngày tháng ra Giêng

Em là của Chúa của riêng nhà dòng

Mỗi lần ra đứng trông mong

Gửi hương cho gió vào trong tường rào

Gửi thêm một chút chênh chao

Nhỡ mai cách trở ba đào, dặm khơi

Sông nào rẽ khúc ngăn đôi

Em như thánh nữ, ta người trần gian

Cũng là bụi đất tro than

Sao ta nguội lạnh, em nhân đức dày

Cũng là đầu ngọn heo may

Ta đêm bóng tối, em ngày trời trong

Hai con đường thẳng song song

Chia nhau nỗi nhớ, nửa trong nửa ngoài

Thế rồi, chiều nắng, mưa mai

Cách chia đâu phải dặm dài đường xa

Em về bên ấy hương hoa

Buồn, ta ra đứng ngã ba sông dài

(Sài gòn 1975)

Đó là chuyện tình của “người trần gian với thánh nữ”. Người con gái ấy hình như không thuộc về trần gian. – Em là của Chúa của riêng nhà Dòng”. Tuổi thanh xuân của em, “Nụ tầm xuân đã thành điều thiêng liêng”. Chỉ có “Ta” tương tư, buồn nhớ mênh mông, như chuyện tình Trương Chi. Cách ngăn không xa nhưng hai người như hai đường thẳng song song. Thời gian cứ phôi pha, “Thế rồi, chiều nắng, mưa phai”, và ta khôn nguôi thương nhớ: “Em về bên ấy hương hoa/ Buồn, ta ra đứng ngã ba sông dài”. Ta đi lễ khấn dòng của em về mà lòng đầy tâm trạng, mà lẽ ra phải chúc mừng em, phải chia vui với em. Chỉ có nỗi buồn và sự trông mong để gửi vào trong tường rao nhà dòng cho em “chút hương” và cả chút “chênh chao” (nghiêng lệch chao đảo của tâm hồn) để em hiểu lòng ta. Nhưng tất cả đã cách ngăn.

Người đọc nhân ra ngay phải chăng đây là một mối tình đơn phương. Anh nhận ra, em ngày càng xa cách trong không gian, thời gian. Và trong em không có chút hình bóng nào của anh, không một sợi tơ vương bụi trần nào vướng gót chân em. Bởi “Em là của Chúa, của riêng nhà dòng”. Ta và em không chỉ cách trở bằng tường rào nhà dòng, mà còn “cách trở ba đào, dặm khơi”. Nhà thơ đã diễn tả nỗi nhớ thương đằng đẵng trong thời gian bằng những tứ thơ rất tuyệt. Nhớ mênh mông trong cả giờ kinh sớm chiều, “Cũng là đầu ngọn heo may (mùa đông)/ Ta đêm bóng tối, em ngày trời trong”. Nhớ em cả đêm ngày, từ đầu xuân ra Giêng đến khi gió heo may về (mùa đông). Chỉ còn lại nỗi buồn, không biết gửi về đâu: “Buồn, ta ra đứng ngã ba sông dài”. Tại sao người thơ lại ra đứng ở ngã ba sông dài? Con sông dài ấy chính là nỗi buồn mênh mông của người thơ. Nó gợi lại một tứ thơ cổ điển của Huy Cận: “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp” (Tràng Giang)

Những điều vừa trình bày trên đã lộ ra những “cái mới” của thơ tình Lê Đình Bảng

trong dòng chảy thơ tình, chuyện tình Việt Nam. Tình Lan và Điệp (Tắt lửa lòng – Nguyễn Công Hoan) là tình của người thất tình đi tu. Tình của chú tiển Lan trong Hồn Bướm mơ tiên (Khái Hưng) là tình của người chạy trốn. Chú tiểu Lan ngày ngày niệm Phật nhưng nhưng trái tim lại gửi dưới hồng trần. Tình yêu trong thơ Xuân Diệu là tình yêu nhục thể (sau này người ta phát hiện ra đó là “tình trai”). Trong thơ T.T.K.H, tình yêu rướm máu trên mỗi câu thơ. Động hoa vàng của Phạm Thiên Thư (100 khổ thơ) là tình yêu “nhập niết bàn” (“Vào hang núi nhập niết bàn/ Tinh anh nở đoá hoa vàng cửa khe”). Tình yêu trong thơ Nguyên Sa (Áo lụa Hà Đông, Tuổi mười ba…), trong thơ Nguyễn Tất Nhiên (Cô Bắc kỳ nho nhỏ; Ma Soeur…) là tình yêu của đời thường (tương phản với tình yêu trong thơ Lãng Mạn 1930-1945. Tất nhiên, còn một dòng chảy khác là thơ về tình yêu trong chiến tranh (Màu Tím hoa sim – Hữu Loan; Tha La xóm đạo. 1950-Vũ Anh Khanh; Núi Đôi – Vũ Cao; Cuộc chia ly màu đỏ – Nguyễn Mỹ; Sóng –Xuân Quỳnh…). Thơ tình trong chiến tranh đậm màu sắc lý tưởng, tràn ngập lửa đạn hy sinh, và nỗi niềm khôn nguôi với quê hương.

Thơ tình Lê Đình Bảng có cái trong ngần, thanh khiết của hồn thơ. Không một chút gợn của cảm xúc nhục thể. Buồn mênh mông, ngóng trông vời vợi, biết là hai người là hai đường song song, nhưng không tuyệt vọng, không hư vô. Yêu em, Ta nhận ra mình là “bến trần gian”, một sự tương phản cách biệt, nhưng lại dung chứa nhau bởi “người ấy cũng y như mình”, cũng là tro bụi, cũng cùng một tình cảnh.

            “Sông nào rẽ khúc ngăn đôi

Em như thánh nữ, ta người trần gian…

…Cũng là bụi đất tro than

Sao ta nguội lạnh, em nhân đức dày

Cũng là đầu ngọn heo may

Ta đêm bóng tối, em ngày trời trong”

            Sự soi chiếu vào em để nhận ra Ta là “bến trần gian”, ta nguội lạnh, ta đêm bóng tối  là điều làm cho thơ Lê Đình Bảng khác hẳn với thơ tình của những nam nhân khác. Trong thơ của nam nhân, “nam tính” có sự vượt trội giữa anh và em, và nam tính trực tiếp bộc lộc nhục cảm, có sức càn lướt.

Hãy để môi rót rượu vào môi
Hãy cầm tay bằng ngón tay bấn loạn

            (Tháng sáu trời mưa-Nguyên Sa)

Để anh còn dắt cô đi dạo
Còn rủ cô vào rạp cải lương

             (Cô Bắc Kỳ nho nhỏ-Nguyễn Tất Nhiên)

Thì thôi tóc ấy phù vân
Thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương
Thì thôi mù phố xe đường
Thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi

            (Động hoa vàng-khổ 22-Phạm Thiên Thư)

            Với Lê Đình Bảng, nhân vật em là “cô gái Sion trong Kinh Thánh, Bồ câu của Nhã ca, và là thánh nữ” mà nhân vật Anh không thể tiếp cận như một người trần gian. Anh hướng về em là nhìn lên một vẻ đẹp tinh tuyền,” Cái Đẹp Tuyệt Đối”. Em rạng ngời như ánh dương, Em mát trong như trăng ngàn, Em hồn nhiên như thiên thần. Mọi thứ trần gian quanh em đều mờ đi, kể cả Anh. Em chiếm ngự tâm hồn anh và trở thành ngôi sao soi dẫn anh suốt cuộc đời

            Bởi khởi đầu của tình yêu là những kỷ niệm thánh thiêng

 Khi ấy, em lên mưới sáu tuổi

Tôi từ trường Tập về quê chơi

Bỏ quên kinh sách trong nhà Chúa

làm kẻ chầu nhưng suốt cả đời…

                   (Thơ tình gửi Dalida )

Em còn nhớ mỗi thứ Năm, Chúa Nhật

Xong lễ về, tôi đợi dưới vòm cây

Ở ngã tư mà em vẫn qua đây

Thuở hai đứa mới mười lăm mười bảy

Hai cánh cổng, giàn hoa leo bông giấy

Lời kinh thơm như là kẹo mạch nha

Vì lễ đầu dòng vừa mới hôm qua

Trong khăn lúp còn rưng rưng lời khấn

                    (Lễ đầu dòng)

Đêm nay, nhớ đốt trầm, chờ nhau nhé

Lễ nửa đêm, theo kiệu Chúa Hài đồng

Con đường vòng, hai đứa bước song song

Hai ngọn nến, một đức tin ngời sáng

                         (Nhã ca lễ nửa đêm)

-Tôi ngắm đứng, chờ em lên dâng hạt

Sao lời kinh, điệu vãn cứ nao lòng

Hình như là ơn Chúa ngấm vào trong

hành máu thịt chở đức tin, lòng đạo

            (Nơi thiên đường ký ức)

Cũng có lúc mơ ước cõi trần gian “đầu gối, tay ấp”:

Ngày mai em có lên đền thánh

Ra ngắm rừng dương xanh bóng kia

Đã tới mùa chim quyên xuống đất

Từng đôi trong vườn rợp hoa kề…

…Em hát những bài ca Thánh vịnh

Cơ hồ mật ngọt và bùa mê

Lòng tin em đỡ đần tay gối

Đầu ấp cho ta nỗi nhọc nhằn

       (Em lên đền thánh)

            Người đọc không thể hiểu tại sao tình đơn phương ấy lại theo Anh suốt cả cuộc đời, cả trong chiêm bao. Sự thật Em chính là Cái Đẹp tuyệt đối mà anh hướng về. Anh thấy, lúc sắp qua đời, Anh gọi em là thánh nữ.

Vì tôi trót vụng đường tu

Bao năm nặng gánh tương tư với người

            (Sơn tinh Thủy tinh)

Dưng không trước lúc qua đời

Gọi em mấy bận sang chơi bên nhà

Maria, Maria

Em là thánh nữ, em là người yêu

(Chiêm bao)

            Một nỗi buồn trăn trở mãi trong tâm thức người thơ. Nỗi buồn bao trùm không gian thời gian, Không phải là thất tình kiểu trai gái yêu nhau, mà là sự tìm kiếm Cái Đẹp tuyệt đốingười ở bến trần gian chưa với tới được.

Buồn đâu ở tận thinh không

Cơn mê sũng ướt đầy đồng mưa rơi

                        (Buồn)

Em vẫn giong thuyền sang đất hứa

Đêm khuya, nguyệt lạnh chỗ ta ngồi

(Gửi ngưởi biên viễn )

…Từ em đầu hạt mưa tuôn

Từ ta ra ngã ba đường, vời trông

Ngọn cồn, bóng núi mênh mông

Nhớ nhung, xin hẹn một lòng hôm mai

(Đôi bờ)

                        Em như cây cải về trời

                        Để ta ngóng đợi một đời hư vô

                                    (Một lời thác sinh)

Mai kia trong cõi vô cùng

Một vun nước nhạt, một lưng cơm thừa

Lạy trời bên ấy dăng mưa

Để tôi đứng đợi sau bờ dậu kia

Chờ khi xong lễ, em về

Bâng khuâng gió rét buồn nghe trong cành

            (Bâng khuâng)

            Và không ít nước mắt, nhưng nén vào trong lòng.

Ngày mai em có lên nhà mẹ

Xanh mấy trùng khơi, cách mấy sông

Nước mắt chực rơi, rồi nén lại

Đi, về đôi ngả, nước mênh mông

Chờ ngô ra bắp thêm mùa nữa

Khi cánh đống vừa gặt lúa xong

Gió đã đổi chiều ra gió chướng

Mà thôi, giấu nỗi buồn vào trong

            (Em về bên ấy có bình yên)

Bao giờ hạt lệ phôi pha

Từ em khóc giấu, từ ta thương thẩm

            (Mộ khúc)

Ước gì em đến bên tôi

Hai bên hàng ghế song đôi nguyện cẦu…

…Cõi trầm hương rất nguy nga

Nghe tuôn lá động, nghe nhòa lụy rơi

               (lời khần nhỏ chiều Chúa nhật )

Cũng đành một buổi phân ly

Vời trông theo bóng người đi mưa nhòa

                 (Người về đầu non)

Từ em xa chẳng gần bên

Sẻ chia nước mắt, nhân lên nụ cười

                   (Quê nhà)

            Không thể tìm thấy những nét chân dung cụ thể của một người yêu trần gian trong thơ tình Lê Đình Bảng. Không thể định vị nhân vật Em trong tình yêu của nhà thơ bằng không gian, thời gian, bằng những kỷ niệm, những tình huống như những người yêu trần gian của Hàn Mạc Tử. Cũng không thể tìm thấy những cảm xúc nhục thể nam nữ trong những lời tình mê đắm của thơ Lê Đình Bảng. Nhân vật Em ấy, một nữ tu, một cô gái Sion, một thánh nữ, chỉ có thể là Cái đẹp tuyệt đối mà nhà thơ suốt đời ủ ấp trong tim. Chỉ có điều, “bến trần gian” còn xa cõi trời quá, cho nên người thơ vẫn hoài ngóng trông.

                        Hoa kia nở trong vườn rào kín

                        Của thánh, nào đâu phải của mình

                        Của một đời hương hoa đạo hạnh

                        Của vâng lời, nghèo khó, đồng trinh

                                    (Lời tự tình của bến trần gian)

VẺ ĐẸP THƠ TÌNH CỦA LÊ ĐÌNH BẢNG

            Ngoài vẻ đẹp về nội dung và tư tưởng, thơ tình lê Đình Bảng có vẻ đẹp riêng về nghệ thuật ở nhiều yếu tố thi pháp.

            Lê Đình Bảng đưa vào thơ thi liệu lấy từ bối cảnh đời sống sinh hoạt lễ hội Công giáo, điều này là một cách làm giàu thơ tình Việt Nam. Đối với giáo dân Công giáo, những sinh hoạt lễ hội ở nhà thờ là điều rất bình thường, nhưng chính nhà thơ là người phát hiện ra cái đẹp mới mẻ này.

                        Em có nhớ từ lễ Tro ra tết

                        Từ Giêng, Hai trong cái rét nàng Bân

                        Nắng ngọt ngào từ hơi ấm trong chăn

                        Quê nhà ta cũng vào mùa thương khó

                        Và khi ấy dọc đường hoa xoan nở

                        Ội, loài hoa chịu phép rửa muộn màng

                        Như kẻ trộm vừa được phúc ăn năn

                        Đến tắm mát ở đầu nguồn Cứu Rỗi

                        Những tuần chay, mình xếp hàng xưng tội

                        Lòng bâng khuâng nghe chim hót ngoài vườn…

                                    (Hoa xoan mùa thương khó)

                        Giục giã lời kinh thơm nắng gió

Thiêng liêng câu hát đượm hương trời

Nô –en về vàng rực lúa ngô phơi

Những mắt biếc với môi trầm rạng rỡ

Ước gì mình sánh bước song đôi

Đêm rất thánh quỳ bên nhau lặng lẽ

            (Rước tình)

Đêm nay, nhớ đốt trầm, chờ nhau nhé

Lễ nửa đêm, theo kiệu Chúa Hài đồng

Con đường vòng, hai đứa bước song song

Hai ngọn nến, một đức tin ngời sáng

           (Nhã ca lễ nửa đêm)

Nhớ mùa chay trước em qua

Thứ Năm đi lễ Đức Cha Truyền Dầu

Hai lòng đã bén duyên lâu

Cứ như lá rét tìm nhau trong cành

Ta nhìn trong mắt em xanh

Hoa xoan tim tím mỏng manh. Ô kìa

Ở nơi vòm cửa bên kia

Có đôi chim mới tha về cọng rơm

Lúa mùa con gái đương thơm

Hay hương tóc của chiều hôm lên đền

            (Mùa chay)

Mời em, xin nhảy mừng cho thỏa

Theo những tình nhân vui sánh đôi

Ở đấy lúa đồng chiêm chín tới

Lời quyên ca ríu rít vàng mười

            (Hương mùa mới)

Đọc những câu thơ trên, người đọc còn nhận ra một điều mới lạ khác trong thi pháp thơ tình Lê Đình Bảng. Thơ tình Lê Đình Bảng gắn liền với khung cảnh thiên nhiên làng quê. Nơi ấy đẹp sững sờ: “Lúa mùa con gái đương thơm”, “dọc đường hoa xoan nở”, “nắng ngọt ngào” “trong cái rét nàng Bân”; “Nô –en về vàng rực lúa ngô phơi/ Những mắt biếc với môi trầm rạng rỡ”…

Cho nên lễ hội Công giáo ở thôn quê vừa ngân vang lời kinh, tiếng hát, tiếng chuông, tiếng chim trong vườn; vừa ướp trong hương hoa, hương lúa, hương đất, và “hương tóc của chiều hôm lên đền”…Trong thơ ca tình yêu Việt, những chất liệu, thi tứ, cảm xúc đó thật mới mẻ, có sức gây nghiện. Người đọc không chỉ cảm nhận thơ hay mà còn nhận ra những nét rất đẹp mà làng quê Công giáo đem vào đời sống văn hóa Việt.

Đi vào thế giới thơ tình Lê Đình Bảng, người đọc còn nghe đâu đây dư âm những câu thơ Kiều, thấy lấp lánh cái duyên dáng trong cách kể chuyện của Nguyễn Bính, cảm cái đồng điệu tài hoa sang trọng của thơ Phạm Thiên Thư (nhưng rất khác về tư tưởng. Phạm Thiên Thư viết theo nhãn quan Thiền – Lê Đình Bãng viết dưới ánh sáng Mỹ học Kitô giáo), và hơn thế, Lê Đình Bảng làm mới thơ cổ điển (thơ Đường-Lý Bạch, Bạch Cư Dị) bằng những tứ thơ rất khoáng đạt đậm Việt tính. Không gian và thời gian được mở ra rất rộng, thế giới tâm tưởng trôi chảy miên viễn đến vô cùng, thoát ra khỏi cái không gian chật chội của Thơ Mới (1930-1945): “Hai mươi bốn năm xưa/ một đêm vừa gió lại vừa mưa/ Dưới ngọn đèn mờ/ trong gian nhà nhỏ/ hai cái đầu xanh kề nhau than thở…”(Tình Già-Phan Khôi)

Xin hãy bay theo cánh thơ Lê Đình Bảng

Từ em chẳng thấy tăm hơi

Từ em bóng nắng gương soi nhạt nhòa

Tôi về quê mẹ quê cha

Con trăng thấp thoáng khi xa khi gần

            (Quê nhà)

Những chiều buồn bã thinh không

Em đi khói ngất vời trông quê nhà

Bao giờ mở hội, tôi qua

Lễ xa bên ấy bằng ba lễ gần

            (Lễ xa lễ gần)

Em đi biền biệt chưa về

Mấy mùa sông lấp còn nghe gió đàn

            (Sa mạc)

Lạy trời, đổ xuống sương mưa

Chân mây mặt đất lưng bờ tràng giang

Dặn dò sông cứ mênh mang

Để ta phiêu bạt với ngàn long đong

…Khi không chiều lại trông chiều

Gửi em đây cả trăm điều xót xa

            (Lạy trời đổ mưa sương )

Hỏi người, rặng liễu kia xanh

Có còn in những bóng hình hồng nhan?

Ta về, hỏi khắp dương gian

Trong vuông áo mỏng cơ hàn ngày xưa

(Cố hương)

Từ em cách trở quan san

Ta nương cánh gió trăng ngàn miền khơi

Lặng thầm khi những tăm hơi

Non phơi đầu bãi, non phơi bóng mình

            (Những miền xa khơi)

Ở đây chiều rét không mùa

Vào ra sớm vắng, buồn trưa, mưa chiều

Ở đây trời vẫn trong veo

Hình như gió nói những điều thiêng liêng

            (Thanh xuân)

            Những tứ thơ khoáng đạt mở ra “chân mây mặt đất”, gió núi trăng ngàn, đầu non cuối bãi, những rặng liễu xanh và ngọn gió nói lời thiêng liêng bay khắp cõi dân gian, mãi trên cõi trời trong xanh, đưa tâm hồn người đọc vào cõi thơ bất tuyệt. Thơ tình Việt Nam ít có một thế giới nghệ thuật như vậy.

VẺ ĐẸP CỦA CÁI TÔI TRỮ TÌNH

            Đó là một Cái Tôi dân dã, nghèo, long đong phiêu bạt nhưng vẫn thừa sang trọng. Một mình nhưng ở giữa trăng gió, hoa cỏ vây che.

Bỗng dưng ngồi nhớ trăng quê

Tình tang cơm cháo măng tre đỡ lòng

Bỗng thương cái phận long đong

Giăng câu, vó tép bên sông một mình

                       (Tình tang)

Tôi mỏng manh và ải giòn như lá

Nhưng bốn mùa, hoa cỏ sống vây che

                    (Thư nhà)

            Cái Ta ấy có khí chất phương Đông: tĩnh tại, tự soi vào Tâm, hóa thân vào muôn kiếp khổ, mang nặng xác thân hư huyễn, để sẻ chia kiếp người phù du như hương bay. Và trong cái nhìn Hoa Nghiêm (con sâu cái kiến, núi non mây ngàn…, vạn pháp đều có Phật tính), Cái Ta ấy bỗng nhiên ngộ “lẽ nhiệm màu”.

Đợi người ta đã quên ta

Hóa thân dưới cội sim già trầm tư

Ôi người khổ hạnh chân tu

Còn bao nhiêu kiếp thân hư hèn này

Ta đong giọt lệ từng ngày

Gửi người trong cõi hương bay nhạt nhòa

                         (Dòng đời)

Mời người thả bước vô thăm

Ngó lên cao, chỗ Phật nằm tịnh không

Mây gần, nở trắng như bông

Đường tăng ơi, rũ bụi hồng về đâu?

Ta, loài cỏ kiến, chim sâu

Bỗng dưng ngộ lẽ nhiệm màu từ bi

                   (Trưa trên đèo Takóu)

            Cái Ta ấy lại như một hành giả khổ hạnh, nương nhờ vào lượng trời và lưng cơm thừa của nhân gian, để cảm nhận cho đến tận cùng nỗi hiện sinh xót xa.

                        Ta dỗ dành ta không cạn hẹp

Trời cho, xin nửa trái sim già

Và lưng bát nước qua cơn khát

Để kẻ trần gian đỡ xót xa…

              (Bây chừ Huế mưa)

Mai kia trong cõi vô cùng

Một vun nước nhạt, một lưng cơm thừa

Lạy trời bên ấy dăng mưa

Để tôi đứng đợi sau bờ dậu kia

                      (Bâng khuâng)

            Nhà thơ có lúc như một khách giang hồ, một tráng sĩ qua sông Dịch, vượt qua một hành trình đầm đìa máu và thân xác đầy dấu đinh.

Nâng chén trà thơm, thơm tuyết trắng

Mài gươm đợi một chuyến sang Tần

      (Quỳnh)

Dặn lòng còn chút hương hoa

Giữ giùm nhau để may ra có ngày

Bốn bề lửa đốt giăng vây

Ta nghe mướt máu. Hồn đầy dấu đinh

               (Vượt qua)

            Và, cốt cách là một Cái Tôi si tình

Tịnh không một tiếng thở dài

Phòng không gác khánh, mái ngoài tường rêu

Ai về, tôi ngóng trông theo

Ngẩn ngơ trưa xế, ráng chiều bặt tăm…

                                                  (Đi lễ chùa nào)

            Nhưng tôi rất thích nét tiêu dao (Nam Hoa kinh-Trang Tử) này của Lê Đình Bảng

Người từ quảy lúa lên nương

Hai vai gánh nặng nhành hương nhân từ

Ta về, đọc lại thiên thư

Ngắm bông sim nở rừng Thu phong đầy

Cảm ơn bờ bụi quanh đây

Tháng giêng hoa cải vàng rây trước thềm

Ba nghìn thế giới tây riêng

Tịnh không một cõi kề bên thôn đào

Cảm ơn ngày tháng xôn xao

Đôi con chim mộng ra vào vườn mai

Cảm ơn giờ khắc khoan thai

Trăm muôn bến đợi, ngàn phai sắc vàng

Cảm ơn bầu bạn dương gian

Áo gai hài cỏ, một gian liễu bồ

Sớm chiều vài hạt lương khô

Tiếng chim ghềnh đá, giọng hò bãi sông

Cảm ơn đợt gió trên khộng

Thầm đem hơi ấm giữa lòng đương xuân

            (Giữa đường thơm)

            Tôi gọi đó là Cái Tôi tài hoa đậm chất phương Đông, nền nã Việt tính và nghệ sĩ tính. Cái tôi ấy tài hoa trong cách dẫn truyện, tài hoa trong dùng lời để nói những điều rất đẹp, dù là hiện thực khó nghèo. Cái Tôi ấy tài hoa ở việc tìm ra Cái Đẹp và sự chia sẻ với mọi người cái hạnh phúc thánh thiện. Tất nhiên không thể không nói đến sự tài hoa trong sử dụng những thể thơ, tài hoa trong việc thẩm thấu ca dao và những câu thơ Kiều, những điển tích phương đông và phương Tây, những tư tưởng triết học của mọi thời. Chính Cái Tôi tài hoa ấy làm nên mọi giá trị thẩm mỹ của thơ tình Lê Đình Bảng.

CHỜ NGƯỜI SẺ CHIA

            Tập thơ Lời tự tình của bến trần gian còn những bài thơ sâu nặng tình quê (Tội tình, Gửi người quê lũ, Quê nhà, Mấy thương, Ơi, đồng quê ta, Về quê lúa quê chèo), những bài thơ giàu có hiện thực và đầy ắp tài hoa về những miền quê nồng đượm nghĩa tình (Về Gò Thị, Lý Cái Mơn, Ghé thăm nhà ông Đốc, Về Long Xuyên, Ơi người Cần Xây, Đêm mịt mùng Tân Châu, Thả thuyền về sông nước Cửu Long, Ai về vườn bưởi Tân Triều về Huế ; thăm Nhà dòng phố biển (Nha Trang), Về Tây Nguyên, Trưa trên đèo Takóu,  Ghé thăm Kinh Bắc, Đêm ở Tràng An (tiếp nối được tâm thức thơ Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan).

            Lê Đình Bảng cũng viết những bài giàu chất trí tuệ với cốt cách nghệ sĩ gửi Nguyễn Du (Thì thầm với Nguyễn Du), gửi Cố Giám Mục Giuse Vũ Duy Thống, cố Đức Ông-nhà thơ Xuân Ly Băng, nhạc sĩ Thế Thông, nhạc sĩ Phanxicô.  Đọc những bài thơ này, người đọc nhận ra những khuôn mặt văn hóa lớn của văn hóa Công giáo đương đại (nhưng cũng hiểu rằng, viết về người đương thời là rất khó).

            Những mảng thơ ấy chứa đựng nhiều thông điệp của trái tim nhà thơ hướng về mọi người. Nó cũng ánh lên những sắc màu khác của tài thơ và cốt cách Lê Đình Bảng, rất tiếc trong phạm vi một bài viết ngắn tôi chưa nói được điều gì, mong bạn đọc yêu quý thơ Lê Đình Bảng tiếp tục lắng nghe trong tim mình “Lời tự tình của bến trần gian”.

            Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong lời đề tựa tập thơ có viết: “…không ít những câu thơ lục bát của nhà thơ Lê Đình Bảng  đã thực sự quyến rũ tôi;…Những câu thơ lục bát đã làm nên phần cơ bản con người thi sĩ của ông”. Tôi nghĩ thêm, những bài thơ 7 chữ, 8 chữ của Lê Đình Bảng đã làm sống lại cái thi vị của Thơ Mới, mà một thời người ta đã “chôn” nó đi (Trần Dần).

            Tôi nghe thấy trong thông điệp của Lê Đình bảng điều này:

                        Giữ gìn, đừng để phai hương

Dẫu ngày son nhạt, bước đường xa quê

                        (Cố hương)

Long Khánh ngày 04/5/2021

___________________________________________

[*] Nhà thơ Lê Đình Bảng đã in các tập thơ: Bước chân người Giao Chỉ (Sài gòn 1967), Hành hương (2006), Quỳ trước đền vàng (2010), Lời tự tình của bến trần gian (2012), Ơn đời một cõi mênh mang (2014), Kinh buồn (2014), và các tập thơ được phổ nhạc: Đội ơn lòng Chúa bao dung (2012), Lời khấn nhỏ chiều Chúa nhật (2012), Về cõi trời mênh mang (2012). Ngoài ra, ông còn là nhà nghiên cứu lịch sử văn học Công giáo Việt Nam. Ông đã in “Văn học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường” (2010), và bộ sách “Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam” (2009) gồm 6 cuốn, 4.088 trang in do ông sưu tầm, nghiên cứu…

[1]https://buicongthuan.wordpress.com/2020/06/24/tho-le-dinh-bang-quy-truoc-den-vang/

[2] https://buicongthuan.wordpress.com/2021/06/04/le-dinh-bang-hanh-huong/

LÊ ĐÌNH BẢNG – HÀNH HƯƠNG

Những khuôn mặt thơ ca Công giáo đương đại

LÊ ĐÌNH BẢNG – HÀNH HƯƠNG

(Nxb Tôn Giáo. 2011)

Hành Hương có 57 bài thơ và 5 bài thơ phổ nhạc. Nhà thơ Lê Đình Bảng nói về sinh mệnh của tập thơ: “Hành Hương là một trong những tập thơ đã kinh qua nhiều trường đoạn nhất. Nó ra đời ở dạng chép tay (1972-1975). Được đánh máy, chuyền tay trong nội bộ bạn bè, sinh viên học sinh các Đại Chủng viện, dòng tu (1976-1992. In vi tính (có hoạ sĩ vẽ bìa, in thử 1000 tập,1992-1994). Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển viết Vào Đề và họa sĩ Choé ký hoạ. In chính thức (1994), tái bản (1999) và (2006), ra mắt tại Hoa viên Hiệp Nhất, nhà sách Đức Mẹ, 38 Kỳ Đồng, Q.3 Tp.HCM, với công chúng yêu thơ Công giáo chừng 300 người”[1] .

Không những thế, Lê Đình Bảng còn in cuốn “Hành hương với Hành Hương”[2], ghi lại cảm nhận của rất nhiều “Đấng bậc” có thế giá, ý kiến của các nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, biên tập viên các báo Công giáo, và nhiều bạn bè tác giả đã đọc tập thơ. Tôi ghi nhận được 35 bài viết về tập thơ của: Đức Giám Mục Giuse Vũ Duy Thống, Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể, Lm GB Cao Vĩnh Phan, Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Lm Antôn Hà Văn Minh, Lm Vinc Phạm Trung Thành, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ-họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên, nhà văn Trần Thị Trường, nhà thơ Trần Vạn Giã, Nhà thơ-Linh mục Trăng Thập Tự,  Nhạc sĩ Phanxicô, Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, Lm-Nhạc sĩ Ân Đức, Lm Giuse Nguyễn Hữu duyên, Lm Vinc Nguyễn Minh Chu, Lm. Rô cô Nguyễn Tự Do, các bạn hữu Nguyễn Văn Dậu, Nguyễn Ngọc Phách, Vũ Lưu Xuân, Bạch Châu, Huỳnh Hay,  Dom. Trinh, Nguyễn Đình Đầu, Bùi Ta Ngọc, Phan Nhi, Kim Lệ và Lê Kim, Thế Hùng, Đỗ Lộc Hưng, Kiều Giang, Đào Đăng, Hoàng Minh Thức, P. Phạm Gia Thuận,  Lan Giao.

 Hành Hương quả là một tập thơ “nặng ký” của một “tác giả có thế giá” trong thế giới nghệ thuật Công giáo. Tất cả những điều hay, những câu thơ bài thơ đẹp, những tư tưởng sâu sắc của thơ Lê Đình Bảng đã được khám phá. Là người đi sau, tôi không biết những điều mình viết có góp thêm được gì cho Hành Hương không?

Có lẽ phải lên đường “hành hương” một chuyến nữa với nhà thơ.

Thơ trong tập Hành Hương hầu hết là thơ tự tình, thơ là tiếng nói trực tiếp của Tôi. Phẩm chất của Cái Tôi trữ tình trong thơ quyết định giá trị thơ.

CÁI TÔI TRỮ TÌNH CÔNG GIÁO

            Tôi làm thơ nghĩa là tôi cầu nguyện

Hồn reo vui trong từng chữ từng lởi

Trong đất mầu đương vỡ vạc sinh sôi

Trong cây lá vươn sức dài vai rộng

               (Tôi làm thơ nghĩa là tôi cầu nguyện)

            Có thể đó là một “tuyên ngôn thơ” của Lê Đình Bảng, là “ý thức sáng tạo” của một nhà thơ Công giáo:

Cảm ơn Chúa đã cho tôi tắm gội

Lớn dần lên trong hương sắc của người

Ngày lại ngày hoa trái cứ sinh sôi

Mỗi gieo vãi là một lần đẫy hạt

            (Giữa bao la đất trời )

            Nhưng Cái Tôi trữ tình của một “nhà thơ đạo” khác với Cái Tôi của “nhà thơ đời” thế nào? Chẳng hạn Cái Tôi trong thơ Thiền, trong Thơ Mới (1930-1945), thơ kháng chiến (1945-1975) và thơ đương đại?

            Lê Đình bảng có nỗi niềm của nhà thơ thế sự:

Tôi nghe rõ mỗi gập ghềnh trôi nổi

Trĩu trên vai gánh nặng của đời mình

Của phận người của một kiếp phù sinh

Như thiếu phụ nửa khuya chờ trở dạ

                                (Lời kinh chiều Emmaus)

Thơ Lê Đình Bảng cũng thấp thoáng Cái Tôi của nhà thơ lãng mạn (Thơ Mới 1930-1945):

Tôi nhìn tôi giữa trong xanh

Tôi heo may tựa chỉ mành treo chuông

Xin mời em cứ lên nương

Rừng phong thu ấy vừa hương sắc đầy

                        (Lời buồn của đất)

Cái Tôi ca dao:

Lạy trời mưa cứ vây quanh

Để em cuống quýt đợi mình ngoài hiên

Tôi chong đèn, thức thâu đêm                 

Khi đong đưa hát, khi mềm mại ru

                 (Kinh cầu mùa)

Tôi trong bóng dáng một Thiền sư vân du:

Tôi loài vượn cổ trên non

Lưng vai gió cuốn đầy truông lá ngàn

                  (Bên kia Biển Hồ)

Và cái “ngông tài tử” từ Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát đến Tản Đà, Xuân Diệu và Bùi Giáng:

Neo thuyền đi, người viễn khách yêu ơi

Ta mở miệng và cười vang phố xá

                  (Đêm rất thánh)

Tôi là một kẻ du ca

Lang thang phố chợ, xa nhà đòi phen

Khi lên, nhạc ngựa vang rền

Trống chầu như thoảng mùi sen đầu hồ

Thì ra đời quá nhung tơ

Áo xiêm còn bận chào đưa khách về…

                 (Nhã ca)

Điểm một vài nét như thế để thấy sắc thái thẩm mỹ trong Cái Tôi trừ tình của thơ Lê Đình Bảng là rất phong phú và có cội nguồn trong thi ca dân tộc.

Nhưng nếu chỉ như thế thì thơ Lê Đình Bảng không đứng được ở một cõi riêng. Cái Tôi trữ tình của nhà thơ Công giáo Lê Đình Bảng có gì riêng và có gì mới hơn đã có trong thi ca dân tộc?

Lê Đình Bảng khởi đi từ hạt cơm nhà Chúa (thời ở Chủng viện):

Nhiều khi tôi hỏi riêng tôi

Bát cơm nhà Chúa hạt vơi, hạt đầy

Hạt nào tôi giữ trong tay

Của riêng, xin để dành ngày cánh chung

                   (Tự tình khúc)

            Điều này chi phối toàn bộ thế giới tâm hồn nhà thơ. Thế giới ấy đầy ắp những tín lý thần học, luân lý Đức Tin; chi phối thế giới quan, nhân sinh quan nhà thơ. Với người Công giáo, Thiên Chúa là đấng tạo dựng đất trời, tạo dựng nên Tôi. Tôi chỉ là hạt bụi. Tôi được Cứu Độ trong tình yêu thương của Chúa. Hạnh phúc hay đau khổ cũng như sinh mệnh của tôi là thuộc về Chúa. Tôi chỉ biết cám ơn Người và ăn năn sám hối. Tôi hằng mong được an nghỉ trong Người.

            Cám ơn Ngài đã cho tôi sự sống

Từ cõi hư không, nên vóc nên hình

                        (Tôi làm thơ nghĩa là tôi cầu nguyện)

Mỗi phút hân hoan, từng giây thảng thốt

Đây kho tàng ân sủng Chúa ban cho

Từ thở hồng hoang, trái đất nguyên sơ

Tôi trú ngụ trong tay Ngài êm ái

                             (Lời dâng)

Lạy Chúa Trời từ muôn thuở xa xưa

Ngài dẫn đưa tôi đi qua Biển Đỏ

                       (Xuất hành)

Mỗi con chữ, mỗi lời kinh bịn rịn

Của kẻ ăn xin hát xẩm đầu đường

Tôi như vậy, mà sao Chúa vẫn thương

Ơi giọt nước ở đầu ngành dương liễu

                        (Sao Chúa vẫn yêu tôi)

Lạy Chúa trời, tôi rõ phận đời tôi

Mỗi thương khó, mỗi mừng vui, tàn héo

                        (Một chút tình cỏ hoa)

Có đôi lúc, vì cơn đau, nỗi chết

Tôi như người đãng trí, rất ngây ngô

Muốn liều thân làm kẻ đốt đền thờ

Vừa khao khát đức tin, vừa thèm thuồng cơm bánh

                        (Lời kinh chiều Phục sinh)

Sao đời tôi lắm gian nan

Mải mê trăm mối, đa mang bời bời

Tạ ơn Người, vẫn yêu tôi

Áo cơm từng bữa, một đời nặng vai

            (Ơi người cố quận Sion)

Từ vực thẳm, tôi trông lên, lạy Chúa

Mảnh trời nghiêng, sao rét mướt linh hồn

Suốt dặm dài xa tít tắp Sion

Chong mắt đợi, đêm muộn màng, góa bụa

                        (Lời kinh chiều Emmaus)

Cứ để tôi là hạt bụi, tấm cám

Hạt lúa mì rơi vãi giữa đồng không..

…Biết đến bao giờ tôi được kéo lên

Khỏi kiếp bùn nhơ như người trộm ấy.

                             (Khổ hạnh ca)

…Nhỡ mai một khi lỡ lầm va vấp

Hỏi Chúa còn dung tha đỡ vực tôi không?

Đã bao lần tôi chết đuối trên sông

Mơ chiếc bè lau, ngọn lửa chài hiu hắt

                        (Lời trần tình trước hừng đông)

Lạy Chúa Trời, đến bao giờ đá nát vàng tan

Cho tôi sự nhớ ra mình-con-chim-lìa-tổ

Hãy cột dây và điệu tôi đi vòng quanh phố chợ

Gặp từng người, xin đấm ngực ăn năn

                        (Hãy xé lòng, đừng xé áo)

Tôi quỳ lạy Chúa trên cao

Dẫn dìu tôi kẻo sa vào tối tăm

Thế mà tôi tưởng xa xăm

Hóa ra Người ở âm thầm trong tôi

                  (Chúa ở trong tôi)

NHỮNG CHIỀU KÍCH CỦA HỒN THƠ

            Nếu chỉ nhìn Cái Tôi nhà thơ Công giáo qua lăng kính Thần học và tín lý Công giáo thì không thấy được phẩm chất thi sĩ và cá tính sáng tạo rất riêng của Lê Đình Bảng. Hồn thơ của ông còn có những chiều kích khác.

Ngoài chiều kích tâm linh đã phân tích ở trên, Nhân vật Tôi còn hiện diện trong trường thời gian lịch sử và hoạt động trong không gian Kinh Thánh, Tôi vượt qua thời gian và không gian hiện hữu. Những chiều kích này khác với thơ truyền thống. Nhân vật Tôi vừa hướng nội, lại vừa hướng về tha nhân để đối thoại, chia sẻ.

            Nhà thơ hóa thân thành một người đang sống vào thời cách đây hơn 2000 năm, đi tìm Đức Giêsu, ngồi đợi Ngài, và đã gặp Ngài. Con người thơ ấy không phải là người trong đám đông đi theo Chúa để nghe giảng hay cầu chữa bịnh, cũng không phải môn đồ kề cận Chúa để được huấn luyện trở nên thánh, mà là một người rất đời, rất thân tình với Chúa.

 Lê Đình Bảng đã tạo dựng được không gian lịch sử, không gian Kinh Thánh, với những con người, những sự kiện như đang xảy ra trong hiện tại, có những liên hệ mật thiết với hiện tại. Nhà thơ đắm mình trong thế giới ấy để chia sẻ với mọi người.

Hình ảnh Đức Giêsu thật trẻ trung và mới lạ, lại rất đỗi gần gũi, quen thuộc. Lê Đình Bảng có khả năng tái hiện những trình thuật của Kinh thánh về Đức Giêsu bằng cảm quan riêng, kết hợp với không gian thơ Việt, tạo nên sự ngạc nhiên thú vị. Đặc biệt thú vị ở sự sáng tạo những tứ thơ mới so với những gì được miêu tả trong Kinh Thánh.

Hay tin Ngài ở Canaan

Ngựa tôi đi một ngày đàng, còn xa

Tới nơi vừa lúc trăng tà

Mới hay, thuyền mới vừa qua Biển hồ

                                    (Bên kia Biển Hồ)

Nếu có một ngày

Tình cờ, em gặp chàng thanh niên tóc bay tiền sử

Áo vải, chân không giữa đám trẻ thơ

Hay một hừng đông Biển hồ

Ngồi trên mạn thuyền, giữa nơi nhà hội

Mùa sương sa, em về may áo mới

Gọi mưa trên bờ cuội trắng như tơ

Gió sa mạc cơ hồ

Đang thổi mấy chiều hơi nước

Tôi đợi Người

Miệng lưỡi khát khô

            (Người hát rong trên đồng cỏ)

Ở bên kia sông, chiều nay giữa phường mua bán

Tôi đã gặp Người giữa tuổi ba mươi

            (Trên sông Jordan)

Tôi đã gặp Người ở xóm nghèo Nazareth

Chắt chiu từng mảnh đời vừa tuổi lớn khôn

Rồi một hôm đi lễ về, cha mẹ lạc con

Giục giã về đâu? Jordan ơi, sông chảy ngược dòng

Bồ câu nghiêng xuống trên đầu người trai trẻ

Những xóm chài mấp mé sườn non.

            (Những chứng từ có thật)

Một đoạn thơ ngắn nhưng có thể thuật lại sống động và mới mẻ đoạn Kinh thánh từ

lúc Đức Giêsu ở Nazareth, Chúa lên đền thờ bị lạc cha mẹ, đến khi Chúa chịu Phép Rửa trên sông Jordan.

Jordan ơi, sông chảy ngược dòng”là mộttứ thơ rất thú vị, là một lời gọi thân thương dòng sông nơi Đức Giêsu chịu Phép Rửa của Gioan. Điều lạ lùng mà Kinh Thánh không miêu tả là sông Jordan chảy ngược dòng. Thực ra đó là một ẩn dụ. “Bấy giờ Đức Giêsu từ miền Galilê đến sông Jordan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng Gioan một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm Phép Rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !”(Mt 3,13-17). Lẽ ra Gioan phải được Chúa làm pháp rửa cho, nhưng lại làm ngược lại, như sông Jordan chảy ngược dòng.

Tứ thơ: ”Bồ câu nghiêng xuống trên đầu người trai trẻ” thuật lại đoạn Kinh Thánh: “Khi Đức Giêsu vừa chịu phép rửa xong, Người lên khỏi nước. Lúc ấy các tầng trời mở ra; Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”(Mt 3,13-17 đd). Nếu chỉ có vậy thì không lạ. Câu thơ kết đọan đem chất phương Đông vào bối cảnh Kinh Thánh tạo mên một tứ mới lạ:

“Bồ câu nghiêng xuống trên đầu người trai trẻ

Những xóm chài mấp mé sườn non”.

Xưa nay trong thi ca, những xóm chài thường ở ven sông. Xóm chài của Lê Đình Bảng lại “mấp mé sườn non” tức là nằm chênh vênh trên sườn núi. Đức Giêsu bây giờ là một người trai trẻ của xóm chài trên sườn núi. Người là hiện thân của niềm vui và sự bình an bên chim bồ câu hiền lành. Sáng tạo này làm mới hẳn hình ảnh Đức Giêsu trong Kinh Thánh.

Hành Hương có nhiều sáng tạo như thế. Hành Hương là đi tìm và gặp gỡ Đức

Giêsu, Đức Vua của yêu thương và hòa bình; đồng thời gặp gỡ mọi người ở những nơi đau khổ vì chiến tranh vì tội lỗi, để chia sẻ niềm vui mà nhà thơ tìm được nơi Đấng Cứu Độ.

Nhà thơ đối thoại với người phụ nữ Samari bên giếng Giacop (Ga 4, 5-42), và người đàn bà tội lỗi lấy dầu thơm xức chân Chúa, dùng tóc mình lau chân Chúa (Luc 7, 36-50). Cả hai đều đã được thấy Ơn Cứu Độ.

Ngày mai, em có lên đền thánh

Nghe những tường nghiêng vai núi cao

Lệ đã xanh rêu bờ giếng cũ

Ơi, người thiếu phụ có xôn xao

Dầu thơm, hay tóc em thơm nhỉ

Khi trái tim muốn nói, thật gần

Trong cõi vô ngôn thần khí ấy

Lệ rưng rưng là lệ ăn năn

            (Bên bờ giếng cũ)

Nhà thơ nói chuyện với người thiếu phụ Nivinê thời tiên tri Giona rao giảng (khoảng 8 thế kỷ trước Công nguyên), nhưng cùng lúc chia sẻ những đau thương của người dân Vùng Vịnh hôm nay.

Sao em không về

Vùng Vịnh tháng giêng bão táp

Vùng Vịnh quặn đau theo từng hồi còi báo động

Lưới lửa đầy trời, choàng tỉnh cơn mê?

Tôi hằng đợi em người thiếu phụ Nivin ê

Quê em đó cổ thành Babilon

Sao em không về

Ngôi nhà xưa ngó ra biển cả

Chập chờn đầy lũ ma trơi

Trôi giạt xác người!

Bốn phía rừng dương tơi tả

Đâu những mẹ già, vợ góa, con côi?

Và trẻ thơ chưa kịp làm người

Gục chết trong hầm trú ẩn…

Tôi vẫn đợi em về

Dù cổng thành Nivinê không mở

            (Tháng Giêng ở Vùng Vịnh)

Nivinê là một thành lớn, nghe lời Giona rao giảng đã sám hối và được Chúa thứ tha.

Tất nhiên vùng Vịnh hôm nay không phải là Nivinê ngày xưa nên em không về. Nhưng nhà thơ vẫn đợi em về “Dù cổng thành Nivinê không mở”.

Chúa vẫn đứng 2000 năm ngoài cửa

Từ Giêrusalem, từ mỏm đất Gaza

Có một người bị bắn chết hôm qua

Chỉ vì dám ngồi chung bàn với người anh em ngoại đạo…

                      (Lời trần tình trước hừng đông)

            Nhà thơ đợi chờ người trai trẻ của xóm chài trên sườn núi với những cánh Bồ câu nghiêng xuống trên quê hương mình:

Em có thấy lũ trẻ thơ ùn ùn trên đường sơ tán

Những mẹ già góa bụa long hong

Từ căn nhà tối om, từ phiên chợ nhếch nhác, bão giông

Tóc bạc trắng bông lau, đêm đêm chong đèn đợi cửa

Quê hương ta

Cũng một thời, mài mực ru con, mài son đánh giặc

Kẻ xuôi về phương Nam, người lên non Tây Bắc

Mẹ dỗ dành con, cơm cháo qua ngày

                       (Mặt trời ở phương Đông)

Nhà thơ nói chuyện với em gái Belem và bộc lộ tình yêu quê hương một thời lửa đạn.

Ở bên ấy pháo hoa hay đạn lửa

Và giờ này im tiếng súng chưa em

Con đường nào, về hang đá Be Lem

Hai phòng tuyến, hai làn ranh đối đầu thù hận  …

…Quê hương ta cũng một thời đạn bom rực lửa

Có thương đau, gian khổ mới thành người

Các em về, thả nghé, hát rong chơi

Ngửa mặt, đếm đầy trời sao chi chít

                        (Bài du ca của gã Tuần phiên)

Từ Hebron đến bờ Tây cát bụi

Hắt hiu trông, mồ mả lấp ơ hờ

Những mẹ già rét mướt áo tơi mưa

Xác trẻ cháy đen bên đống đồ chơi vương vãi

Ở Gaza, những chiều đông xa ngái

Em heo may sang xứ lạ quê chồng…

(Gửi người thiếu phụ chăn chiên)

(Hebron là một thành phố của Palestine nằm ở phía nam Bờ Tây, cách Jerusalem 30 km về phía nam)

Như vậy, chiều kích của hồn thơ Lê Đình Bảng không chỉ là không gian Kinh Thánh

mà còn là hiện thực chiến tranh Vùng Vịnh, hiện thực của Việt Nam một thời rực lửa.

Trong chiều kích này hồn thơ Lê Đình Bảng sâu sắc tư tưởng nhân ái và tình yêu quê hương sâu nặng.

Như cây đước ở trong rừng ngập mặn

Tôi mang ơn đất nước dưới chân mình

Cả đại ngàn sơn dã những mùa xanh

Cả mưa móc dạt dào muôn suối tưới

                    (Giữa bao la đất trời)

Cái Tôi của nhà thơ đi về trong một thế giới vượt thời gian, vượt không gian, từ lòng tin vào Ơn Cứu Độ trong Kinh Thánh (thời Giona khoảng 800 năm trước Công nguyên) đến thế giới hiện thực của Vùng Vịnh và hiện thực Việt Nam hôm nay “Các em về, thả nghé, hát rong chơi/ Ngửa mặt, đếm đầy trời sao chi chít”. Thế giới nghệ thuật này trong thi ca Việt Nam đương đại chưa có.

THI PHÁP CỦA HÀNH HƯƠNG

            Điều làm nên cốt cách thơ Lê Đình Bảng không chỉ ở chiều kích tư tưởng và thẩm mỹ của nhân vật trữ tình Tôi, mà còn ở thi pháp của Hành Hương.

            Tôi không có ý định viết về Thi Pháp thơ Lê Đình Bảng, mà chỉ tập chú vào một vài yếu tố Thi pháp làm nên đặc sắc của tập thơ Hành Hương.

            Đọc Hành Hương, người đọc được đưa vào thế giới của Kinh Thánh cả Cựu Ước và Tân Ước. Điều này là hiệu quả nghệ thuật của việc dùng các điển ngữ Kinh Thánh. Văn học Trung đại Việt Nam dùng nhiều điển ngữ của lịch sử và văn học Trung Quốc. Lê Đình Bảng góp vào thi ca dân tộc những hiệu quả nghệ thuật của điển ngữ Kinh Thánh.

Điển ngữ Kinh Thánh gợi ra không gian lịch sử, sự việc, con người được nói đến trong Kinh Thánh, đồng thời thể hiện được tư tưởng, tình cảm của nhà thơ ẩn trong điển ngữ. Điển ngữ làm cho câu thơ trở nên sâu sắc, sang trọng, nhưng cũng cản trở người đọc nếu không có tri thức lịch sử, địa lý mà điển ngữ nói đến.

Lê Đình Bảng dùng điển ngữ Kinh Thánh khởi từ nỗi buồn của Cain thời Cựu Ước đến cuộc đời Đức Giêsu từ khi ở Nazareth đến khi Chúa sống lại hiện ra với tông đồ trên đường Emmaus trong Tân Ước. Thi thoảng Lê Đình Bảng kết hợi điển ngữ Kinh Thánh với điển ngữ trong văn học Trung Quốc (sông Dịch, nơi Kinh Kha qua sông đi hành thích Tần Thủy Hoàng; bến Tầm Dương trong Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị…), và ngôn ngữ Thiền.

Cain sầu năm xưa

Đưa nhau lên đền thờ

(Bồng bềnh bao nỗi nhớ)

Tôi ngồi tôi nhớ Sion

Treo đàn lên, ngó Tầm Dương bạt ngàn

(Ơi người cố quận Sion)

Về phương ấy khấn xin đời dâu bể

Canaan hay bằn bặt Tầm Dương

(Hành hương)

Cây hương bá buồn ủ ê từng phút

Là hồn tôi đầy bóng tối âm u

(Xin trời mưa xuống)

Xin mặt trời dừng lại bên sông

Hãy mở toang, ngôi đền cổ Pharaon

Một nửa cầu vồng vắt ngang Biển Đỏ

(Người hát rong trên đồng cỏ)

            Hay tin Ngài ở Canaan

Ngựa tôi đi một ngày đàng, còn xa

            (Bên kia Biển Hồ)

Từ vườn cây dầu lên đỉnh Căn –Vê

Babylon ơi, mưa đá dầm dề

Khổ ải, lạc loài, áo tơi, nón lá

(Khổ hạnh ca)

Jordan ơi, đã tới mùa bát ngát hương sen

Khi chim ngói từng bầy rủ nhau về làm tổ

(Trên sông Jordan)

Đêm vẫn ba mươi, đầy bóng tối

Rừng phong buồn trút lá xôn xao

Vườn Cây Dầu lặng câm như đá  

Trăng hạ tuần rơi trên lũng sâu

(Vườn trong khuya)

Ngày mai, trâm gãy, bình rơi đó

Em cũng như tôi giây phút đầu

Tan tác buồn trông theo lớp lớp

Ai về sông Dịch, về Emmaus?

(Bên bờ giếng cũ)

Là khi ấy, lửa từ trời sa xuống

Xác hồn tôi cửa mở hết luân xa

Như nhập đồng, tôi nhảy múa reo ca

Đêm nhã nhạc, cây từ bi nảy lộc

(Xin trời mưa xuống)

(“Luân xa, từ bi” là ngôn từ nhà Phật)

Một thành công khác của thi pháp Lê Đình Bảng trong Hành Hương là cách dựng lại

cuộc đời Đức Giêsu trong không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật với nhãn quan thẩm mỹ riêng của nhà thơ. Những gì tường thuật trong Kinh Thánh về những nơi Đức Giêsu đến, những người Đức Giêsu gặp gỡ, những sự kiện của hành trình Đức Giêsu cứu rỗi nhân loại, được Lê Đình Bảng tái tạo thành một “trần thuật mới” rất riêng, như đọan thơ miểu tả Đức Giêsu là chàng thanh niên tóc bay tiền sử, ba mươi tuổi, con người hiền lành của xóm chài mấp mé sườn non, Người Ngồi trên mạn thuyền, giữa nơi nhà hội…(đã phân tích ở trên).

            Đây là những khổ thơ rất đẹp hình ảnh và tư tưởng, phối hợp nhiều kiểu điển ngữ và chất liệu thơ của Thi pháp thơ Lê Đình Bảng:

Và khi ấy hỡi bồ câu thiên sứ

Gõ nhịp mà ca, trẩy hội cầu mưa

Hạt xuống đồng, xanh mướt búp măng tơ

Hạt lên dốc, đẫy đà cây muôn trượng

            (Xin trời mưa sương xuống)

Cây Thánh giá nở hoa đào rực rỡ

Hãy thả bồ câu bay rợp đền vàng

Hương sáp, mật ong, quần điều áo lục

Bên đây bờ Tân ước…

            (Người hát rong trên đồng cỏ)

HÀNH TRÌNH THƠ LÊ ĐÌNH BẢNG

            Tập thơ Quỳ trước đền vàng là hành trình khám phá về Đức Maria trong lịch sử giáo hội Việt Nam. Mẹ là núi đá chở che con dân, một người Mẹ vừa mang nét đẹp Thần học và vẻ đẹp dân dã Việt. Lời thơ đẹp như châu ngọc, và hồn thơ trong veo như suối nguồn tinh khiết của Mỹ học Thiên Chúa giáo kết hợp với Mỹ học trong thơ ca truyền thống.

            Hành Hương là một bước phát triển mới của Thi pháp thơ Lê Đình Bảng. Nhà

 thơ tạo hẳn ra thế giới nghệ thuật trong việc phối hợp điển ngữ Công giáo với điển ngữ văn học trung đại Việt Nam. Hành Hương là đi tìm, gặp gỡ, khám phá Đức Giêsu, nguồn ơn bình an và Ơn Cứu Độ. Hành trình này khở đi từ nguyên thuyn đến khi tìm thấy “Người ở âm thầm trong tôi”. Hình tượng Đức Giêsu là hình tượng thật mới mẻ trong thơ ca “nhà đạo” Việt Nam. Những đóng góp này của Thơ Lê Đình Bảng có khả năng mở đường cho nhiều nhà thơ Công giáo đi sau, nhưng cũng thật khó, nếu người làm thơ Công giáo thế hệ sau không có một hồn thơ tài hoa trong thi pháp và một tầng quặng vỉa rất dày về Kinh Thánh. Có lần tôi hỏi nhà thơ Lê Đình Bảng rằng ở đâu mà anh có vốn từ giàu có, sang trọng như vậy? Nhà thơ trả lời, anh đã đọc rất kỹ tất cả Kinh Thánh Cựu ước và Tân Ước. Tôi cũng hiểu thêm rằng, những gì anh có được còn là sự thâm nhập và sống rất sâu nặng với văn hóa Việt, và thơ ca truyền thống.

            Lê Đình Bảng là một nhà thơ Công giáo đĩnh đạc, giàu có sức sáng tạo, và rất tài hoa. Ước mong các nhà thơ Công giáo, theo con đường của tiền nhân, cùng xây dựng một tòa lâu đài thi ca tráng lệ trong lòng  thi ca dân tộc (điều này Thánh ca Việt Nam đã làm được). Và Lê Đình Bảng đã góp phần mở ra nhiều con đường thơ Công giáo thật đẹp.

Tháng 6/ 2020

__________________________________

[1] Thư trao đổi ngày 29/5/2020

[2] Hành hương với Hành Hương. Nxb Tôn Giáo. 2013