SẤM TRUYỀN CA của Lữ Y Đoan & Những giá trị văn chương

Bạn có thể đọc các bài viết chính của Bùi Công Thuấn theo link:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

SẤM TRUYỀN CA của Lữ Y Đoan

& Những giá trị văn chương

Bùi Công Thuấn

***

TỔNG QUAN

Năm 1956, trong “Mấy lời nói đầu” Sấm Truyền ca (bản chép lại), ông Thaddoeus Nguyễn Văn Nhạn viết: “Theo truyền khẩu, bốn Sấm truyền ca này do linh mục Louis Đoan (thầy cả Lữ-y Đoan) viết ra lối năm 1670”.

Đến nay, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Vy Khanh khẳng định: “Sấm Truyền Ca là một tác phẩm văn học đặc sắc vì phản ảnh một nỗ lực Việt Nam hóa và bình dân hóa Kinh Thánh bằng cách mượn những yếu tố văn hóa Việt Nam và Ðông phương để diễn dịch Kinh Thánh. Trước hết, có thể nói Sấm Truyền Ca là dấu tích văn bản Nôm xưa nhất của Việt Nam” (1670) [[1]].

Văn bản gốc chữ Nôm của Sấm Truyền Ca đã thất lạc. Hiện chỉ còn những bản chép tay và bản in lại. Hai nhà nghiên cứu Lm. Trăng Thập Tự và Nguyễn Thanh Quang [[2]] đã ghi “niên biểu” quá trình xuất hiện, thất lạc, tìm thấy, sao chép, nhuận sắc Sấm Truyền Ca từ văn bản chữ Nôm đến chữ Quốc ngữ lưu truyền từ 1670 đến nay.

Khi viết bài này, tôi sử dụng bản Tạo Đoan Kinh do Tập San Y sĩ xuất bản tại Canada năm 2000 (tức là bản chép tay của Paulus Tạo) vì gần với bản Nôm hơn. Tôi cũng đối chiếu với Sách Sáng Thế, bản dịch của Nhóm các giờ kinh phụng vụ và bản tiếng Anh (The Book of Genesis [[3]].

Có nhiều vấn đề không được đề cập đến trong bài viết này: vấn đề về tiểu sử tác giả Lữ Y Đoan [[4]]. Các vấn đề về văn bản học, về chú giải Kinh thánh, về Thần học được trình bày trong Sấm Truyền Ca; về nghiên cứu bối cảnh lịch sử, văn hóa thời Trịnh-Nguyễn phân tranh (1627-1672) ảnh hưởng đối với Lữ Y Đoan và Sấm Truyền Ca; việc thành lập giáo phận Đàng Trong, giáo phận Đàng Ngoài (1659), và ảnh hưởng của văn học dân tộc đối với việc sáng tác Lữ Y Đoan thế nào [Đào Duy Từ (1572-1634), Phùng Khắc Khoan (1528-1613), Nguyễn Hữu Hào (1648-1713)]…

 Sấm Truyền Ca của Lữ Y Đoan là bản “diễn ca” Sách sáng thế (The Book of Genesis) của Cựu Ước. Đó là bản dịch Kinh thánh ra tiếng Việt (chữ Nôm) và diễn thành thơ lục bát (Diễn ca). Chúng tôi sẽ xem xét Tạo Đoan Kinh ở góc độ thể loại: Tạo Đoan Kinh là một tác phẩm dịch, và Tạo Đoan Kinh là một truyện thơ Nôm. Để dịch một tác phẩm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, người dịch phải hiểu biết sâu sắc văn bản, hiểu ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài; đồng thời cũng phải hiểu biết sâu sắc tiếng Việt và văn hóa Việt. Để kiến tạo một truyện thơ, tác giả phải tuân thủ những đặc điểm thể loại truyện (phương thức tự sự) và thể loại thơ (phương thức trữ tình).

TẠO ĐOAN KINH, BẢN DỊCH SÁCH SÁNG THẾ

1.Nhận xét việc dịch của Lữ Y Đoan, linh mục Phalô Quí (1885) viết:

“a. Thầy cả Lữ Y Đoan dựa theo Kinh thánh khá chặt chẽ, trừ những câu về tên

riêng của dòng dõi các tổ phụ thì viết đại khái theo điểm chính.

b. Những câu không phù hợp dân tộc tính An-nam thì trình bày theo sự kiện thần

thoại mà người Á-đông quen dùng chẳng hạn như ông Lót [5]và hai đứa con gái của mình…

c. Về tên riêng, không rõ chữ Nôm xưa viết thế nào, chỉ theo bổn của Phan Văn

Cận (1820) và tôi đã chữa lại theo lối phiên âm của các linh mục Langsa quen dùng tại Sàigòn hiện nay (1885)” (Nguồn: bản chép tay của Paulus Tạo, tr. 7 bis).

            2. Một “chiến lược” dịch.

            Hẳn nhiên thầy cả Lữ Y Đoan biết rằng khi dịch Kinh thánh sang tiếng Việt, dịch giả phải bảo đảm tuyệt đối tính chuẩn xác của nội dung Kinh thánh. Vì đó là “Lời Chúa”. Nhưng Lữ Y Đoan cũng có nhiều kinh nghiệm dạy đạo cho dân. Với người bình dân, ngôn ngữ dạy đạo phải dễ hiểu, gần gũi, ngắn gọn; nội dung thông tin không trái với tín ngưỡng, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Tôi nghĩ, ông có một “chiến lược” dịch và “diễn ca” đối với đối tượng giáo dân đương thời. Nói theo ngôn ngữ của Tông huấn Giáo hội tại Châu Á (Ecclesia in Asia. Xin đọc đoạn 20 & 21), đó là chiến lược “hội nhập văn hóa”: trình bày mầu nhiệm Đức Kitô cho dân tộc mình, theo những kiểu mẫu văn hoá và cách suy nghĩ của họ”.

Lữ Y Đoan làm giảm đi sự phức tạp, rắc rối của Sách Sáng Thế bằng cách chỉ tập chú vào các tổ phụ chính: A-dong, Abraham (Ap-ram), Isaac (I-giac), Jacob (Gia-cước) và Joseph (Dư-đạc); thuật lại các biến cố, các sự kiện chính; đặc biệt nhắc lại nhiều lần lời hứa của Thiên Chúa (Trời) và lược bớt những thế hệ cháu chắt dòng tộc chằng chịt. Ở những chỗ lược bớt, ông thay bằng một vài câu tổng luận hoặc lời bình ngoại đề, nhờ thế rút gọn phần tường thuật và bảo đảm được độ tin cậy về nội dung của Sách Sáng Thế.

Thí dụ, Chương 36 Sách Sáng Thế kể về dòng dõi Esau (Án-giao). Tác giả Sách Sáng Thế đã kể ra tên của gần 100 nhân vật với các quan hệ dòng họ, bản dịch của Nhóm các giờ kinh phụng vụ dẫn người đọc vào một rừng tên xa lạ. Thực ra, Sách Sáng Thế kể chi tiết tên dòng tộc các tổ phụ là để bảo đảm tính lịch sử. Nhưng cách viết liệt kê, ngôn ngữ khô khan nên khó đọc. Lữ Y Đoan đã lược bỏ hết tên các nhân vật con cháu, chỉ giữ lại nhân vật chính là Án-giao (Esau) và thêm vào nhận xét, lý giải của mình. Ông viết tổng luận như sau (xin chú ý thái độ diễn ngôn của Lữ Y Đoan):

            Đoạn này chép chuyện gia đàng

            Sinh cơ lập nghiệp của chàng Án-giao

            …

                        Đời con chỉ biết trần gian,

                        Đời cháu nhân nghĩa lại càng mờ lu.

                        Sinh cư theo luật giang hồ,

                        Mạnh ăn, yếu chết, cõi bờ tóm thâu.

                        Địa phương bộ lạc đạp nhầu,

                        Dân nào sống sót rừng sâu lánh nàn.

                        Án-giao cháu nội đầy đàn,

                        Người nào võ nghệ cũng trang anh hùng.

                        Gươm đao càng lúc tưng bừng.

                        Mỗi người đều chiếm một vùng phì nhiêu.

                        Cũng như ngọn sóng thủy triều,

                        Trở nên lãnh chúa binh nhiều dân đông.

                        Biên cương mở rộng tứ tung,

                        Phân quyền cai trị, loạn trong giặc ngoài.

                        Trải qua lịch sử vần xây,

                        Thăng trầm chế độ lại gầy bá vương.

                        Đánh nhau xương ngập chiến trường…               

                                                                    (tr.115)

                        Notes: Án-giao (Esau), con của Isaac và Lan-bạch (Rebecca)

Nhờ cách viết này mà Tạo Đoan Kinh trở nên dễ đọc, dễ hiểu, dễ cảm nhận đối với người đọc thời ấy (và hôm nay).

            3. Chọn lựa một cách dịch

Xin khảo sát trích đoạn 21.

Xin đối chiếu Tạo Đoan Kinh với bản dịch của “Nhóm các giờ kinh phục vụ”:

Chương 21 Sách Sáng Thế:

            “Ông I-xa-ác chào đời

1 ĐỨC CHÚA viếng thăm bà Xa-ra như Người đã phán, và Người đã làm cho bà như Người đã hứa.2 Bà Xa-ra có thai và sinh cho ông Áp-ra-ham một con trai khi ông đã già, vào thời kỳ Thiên Chúa đã hứa.3 Ông Áp-ra-ham đặt tên cho đứa con sinh ra cho ông là I-xa-ac, đứa con mà bà Xa-ra sinh ra cho ông.4 Ông Áp-ra-ham cắt bì cho I-xa-ac, con ông, lúc nó được tám ngày, như Thiên Chúa đã truyền cho ông.5 Ông Áp-ra-ham được một trăm tuổi khi sinh được người con là I-xa-ac.6 Bà Xa-ra nói:

Thiên Chúa đã làm cho tôi cười; tất cả những ai nghe biết sẽ cười tôi.”

7 Bà còn nói:

“Ai dám báo trước cho ông Áp-ra-ham rằng Xa-ra sẽ cho con bú? Thế mà tôi đã sinh cho ông một con trai, khi ông đã về già!”

            Đoạn 21 (Tạo Đoan Kinh của Lữ Y Đoan)

Mấy mùa xuân đã trải qua

Những điều Trời hứa cho nhà Ra-ham

Thì nay đến lúc thực hành

Sa-ra sinh một trẻ nam nối dòng

Vui trong cảnh xế vợ chồng

Đặt tên I-giác cầu mong đắc thành.

Cắt bì, bát nhật cử hành,

Ra-ham vừa chẵn một trăm tuổi đầu.

Sa-ra cảm nghĩa thiên mầu,

Một niềm vui lớn phủ bao khắp vùng.

Nào ai son sẻ lạnh lùng,

Già nua mà đã sinh con cho chồng”

Một đoạn trích nhỏ cũng giúp nhận ra một vài đặc điểm nghệ thuật dịch Kinh thánh của Lữ Y Đoan.

Lữ Y Đoan không bám sát từng câu của nguyên tác Sách Sáng Thế, nhưng bảo đảm nội dung câu chuyện của nguyên tác (tức là bảo đảm các yếu tố cột trụ của truyện là cốt truyện, nhân vật, tình huống, thời gian, không gian). Ông cũng chuyển hai câu nói trực tiếp của bà Sara thành tiếng nói nội tâm (kiểu câu nói gián tiếp) của Sara.

 Lữ Y Đoan đã chuyển những từ “Đức Chúa”, “Thiên Chúa” thành chữ “Trời” (chữ Trời viết hoa).

Trong bản dịch của “Nhóm các giờ kinh phụng vụ”, chương 21 có 10 lần kể về Thiên Chúa ở ngôi chủ ngữ:  Thiên Chúa viếng thăm, Thiên Chúa đã hứa, Thiên Chúa đã truyền, Thiên Chúa đã làm cho, Thiên Chúa đã phán, Thiên Chúa nghe, Thiên Chúa gọi, Thiên Chúa mở mắt, Thiên Chúa ở với. Việc Sách Sáng Thế tô đậm chữ “Đức Chúa” là để nhấn mạnh đức tin tôn giáo. Lữ Y Đoan chỉ nói về Trời 7 lần. Ông chuyển cấu trúc mệnh đề (Thiên Chúa+hành động) thành danh từ: ý Trời, phước Trời, Thiên cơ, Trời ơi, có Trời. Cách dịch này tạo cho văn bản sự gần gũi với người Việt, vừa chuyển hẳn nội hàm tôn giáo sang ý nghĩa tâm linh Việt (người Việt tin thờ Trời đất. Trước sân nhà người bên lương có bàn thờ Thiên), dễ đưa nội dung Kinh thánh vào văn hóa Việt.

3.Dùng từ Hán-Việt và thuần Việt.

 Lữ Y Đoan có dụng ý khi dùng cả hai loại từ Hán Việt và thuần Việt trong văn bản.  Có lẽ ông hướng đến cả hai đối tượng trí thức Nho học và công chúng bình dân. Những từ Hán-Việt tạo nên sự trang trọng, những từ bình dân và khẩu ngữ tạo nên sự gần gũi thân tình.

Mấy mùa xuân đã trải qua

Những điều Trời hứa cho nhà Ra-ham

Thì nay đến lúc thực hành

Sa-ra sinh một trẻ nam nối dòng

Vui trong cảnh xế vợ chồng

Đặt tên I-giác cầu mong đắc thành.

Cắt bì, bát nhật cử hành,

Ra-ham vừa chẵn một trăm tuổi đầu.

Sa-ra cảm nghĩa thiên mầu,

Một niềm vui lớn phủ bao khắp vùng.

Nào ai son sẻ lạnh lùng,

Già nua mà đã sinh con cho chồng”

            Những từ Hán-Việt là “thực hành”, “bát nhật cử hành”; “đắc thành”, “Thiên mầu”…Những từ khẩu ngử là “thì nay đến lúc”, “vừa chẵn một trăm tuổi đầu”, “già nua mà đã”…

            Ngưòi đọc hôm nay còn gặp nhiều từ bình dân rất gần gũi:

                        Cháo cơm đắp đổi chờ qua tháng ngày

(Đoạn 47. Tr. 152)

Cha già gấn đất xa trời

(Đoạn 47. Tr. 153)

Miền đông nối tiếp lộ trình

Đèo heo hút gió một mình xông pha

(Đoạn 29. Tr. 85)

Mai kia, mốt nọ bất thần,

(Đoạn 30. Tr.92)

Gia-cước tài cán bao nhiêu

Giàu nhờ của vợ, còn nhiều mưu mô

(Đoạn 31. Tr.93)

Nhưng nhờ trời độ bình yên

Tai qua nạn khỏi, ưu phiền cũng vơi.

(Đoạn 31. Tr.94)

Bữa cơm, bữa cháo cầm hơi

Bao nhiêu lúa gạo cũng trôi phương nào.

                        (Đoạn 43. Tr.138)

4. Viết thêm những “lời bình ngoại đề”

Ở đọan trích trên (đoạn 21 Tạo Đoan Kinh), Lữ Y Đoan thêm vào câu đầu tiên “Mấy mùa xuân đã trải qua”, tạo bối cảnh thời gian (một yếu tố của cốt truyện).

Trong cấu trúc tác phẩm, ông thêm vào đoạn “Vào đề và đoạn “Lời kết”:

Vào đề

Ngày ngày trước mắt chúng sinh,

Chữ đời chữ đạo phân minh đôi đường.

Xưa nay trong kiếp vô thường,

Thấy điều vân cẩu mà thương nhân phàm.

Loài người từ thuở a-đam,

Đua nhau xây dựng mộng ham làm trời.

Một pho Kinh thánh ra đời

Chứng minh vạn đại những lời do Thiên”

                     (Bản in Canada năm 2000, tr.3)

            Lời kết:

                        Tích xưa cho thấy vấn đề:

                        Sự đời sự đạo đi kề bên nhau.

                        Đời thì danh lợi xôn xao,

                        Đạo thì trầm lặng để cầu ý ngay.

                        Thế gian phải có một ngày,

                        Hầu coi thắng lợi về tay ông Trời.

                                           (Bản in Canada năm 2000, tr.163)

            Hai đoạn Vào đềLời kết tạo nên sự thống nhất chủ đề cùa Tạo Đoan Kinh; tạo nên sự khác biệt về cấu trúc đối với nguyên tác và cũng là điều tác giả muốn người đọc lưu tâm.

            5. Việt hóa tên người, tên đất

Điều dễ nhận thấy là Lữ Y Đoan đã Việt hóa tên nhân vật, tên địa danh; thường là phiên âm theo tên Latinh, có khi đặt hẳn tên Việt:

            Ca-in năm tháng chập chồng,

            Sinh ra Ê-nóc thấy lòng sướng vui.

            Xây thành, đắp lũy, dựng đời,

            Lấy tên con gọi “vùng trời khai hoang”

            Nối nhau con cháu đầy đàn,

            Số này La-mạc một chàng đa thê.

            Sinh ra lắm kẻ tài nghề:

            Gia-bên: du mục nhiều bề quy mô;

            Dự -bàng: thỉ tổ xướng thơ,

            Chế ra nhạc khí, sáo ru đờn kèn;

            Từ -canh: tổ mộc tổ rèn,

            Mở thời kim khí, dựng nền võ công;

            Nương mai: mỹ nghệ phấn son,

            Làm cho thành phố ngày phồn thịnh hơn.

                                    (Đoạn 4, câu 17-22 tr. 16)

            Notes: Ê-nóc (Enoch); La-mạc (Lamech); Giabe6n (Jabel); Dự-bàng (Dubal); Từ-canh

 (Tubalcain); Nương-mai (Noelma)

Bản dịch của Nhóm các giờ kinh phụng vụ phiên âm cách đọc tên nhân vật, đọc rất xa lạ:

“Ông Ca-in ăn ở với vợ. Bà thụ thai và sinh ra Kha-nốc, . Ông xây một thành, và lấy tên con mình là Kha-nốc mà đặt cho thành ấy…18 Kha-nốc sinh I-rát; I-rát sinh Mơ-khu-gia-ên; Mơ-khu-gia-ên sinh Mơ-thu-sa-ên; Mơ-thu-sa-ên sinh La-méc.19 La-méc lấy hai vợ, một bà tên là A-đa, bà thứ hai tên là Xi-la.20 Bà A-đa sinh Gia-van; ông này là ông tổ các người ở lều và nuôi súc vật.21 Em ông này tên là Giu-van; ông này là ông tổ các người chơi đàn thổi sáo.22 Còn bà Xi-la thì sinh Tu-van Ca-in; ông này là ông tổ các người thợ rèn đồng và sắt. Em gái Tu-van Ca-inNa-a-ma (Chương 4, câu 17-22)

            6. Sự khác biệt giữa bản dịch và “Diễn ca”

Người đọc cũng cảm nhận điều này: Sách Sáng Thế bản văn xuôi đọc rất nặng nề, rắc rối, xa lạ, bởi câu chuyện được kể xảy ra ở mãi đâu đâu với tên người, tên đất, dòng tộc không ai biết (lúc ấy việc giao thương quốc tế vào giao lưu văn hóa còn rất hạn chế). Trái lại, khi đọc cùng một chương ở Tạo Đoan Kinh, người đọc thấy nhẹ nhàng dễ tiếp nhận. Sự khác biệt này là hiệu quả nghệ thuật “diễn ca” của Tạo Đoan Kinh

Thí dụ Chương V Sách Sáng Thế và đoạn V Tạo Đoan Kinh:

            Chương V, Sách Sáng Thế (Chỉ chú ý thuật sự việc).

            “25 Khi ông Mơ-thu-se-lác được 187 tuổi, thì sinh ra La-méc. 26 Sau khi sinh La-méc, ông Mơ-thu-se-lác sống 782 năm và sinh ra con trai con gái. 27 Tổng cộng ông Mơ-thu-se-lác sống được 969 năm, rồi qua đời.

28 Khi ông La-méc sống được 182 hai tuổi, thì sinh ra một người con trai. 29 Ông đặt tên cho con là Nô-ê; ông nói: “Khi tay chúng ta phải làm lụng cực nhọc, thì trẻ này sẽ đem lại cho chúng ta niềm an ủi phát xuất từ đất đai ĐỨC CHÚA đã nguyền rủa.” 30 Sau khi sinh ông Nô-ê, ông La-méc sống 595 năm và sinh ra con trai con gái. 31 Tổng cộng ông La-méc sống được 777 năm, rồi qua đời.

32 Khi ông Nô-ê được 500 tuổi, thì sinh ra Sêm, KhamGia-phét.

            Đoạn V Tạo Đoan Kinh, Lữ Y Đoan lướt qua sự việc mà nhấn mạch đến “Đạo trời là gốc” và thái độ “sống đạo giữa đời”.

            Đến đời La-mạch đinh ninh:

            Đạo trời là gốc nhân sinh phải tùng.

            Mã-thư-san thọ nhứt ông,

            Chín trăm sáu chín vào vòng tử quy.

            La-mạch khi có No-e

            Rằng: nguồn an ủi cho nghề canh nông,

            Vì xưa do tội tổ tông

            Đất đai Chúa phạt nhọc công việc làm.

            No-e thân phụ Sem, Cam,

            Cùng là Gia-phết siêng chăm luật Trời

            Lược qua gia phả loài người

            Sống đạo giữa đời khác tộc Ca-in.

                        (Bản in Canada năm 2000, tr.19)

            7. Ngôn ngữ hiện đại.

 Điều làm ngạc nhiên người đọc hôm nay là ngôn ngữ của Tạo Đoan Kinh (thế kỷ XVII) rất gần với ngôn ngữ của hôm nay (thế kỷ XXI).

Thí dụ:

            Gia-cước cà nhắc một chơn lên đàng

(Đoạn 32, tr.103)

Mình là thiểu số mỏng giòn

(Đoạn 34. Tr.109)

Chú mày bá láp bá xàm

(Đoạn 37, tr.116)

Chi bằng bán quách cho xong

Lấy tiền ăn nhậu, sống còn mặc ai

 (Đoạn 37, tr.116)

            Bao năm gây dựng cơ đồ

Trà-nam đất hứa bây giờ tản cư

(Đoạn 46, tr. 148)

Quan trên nghi kỵ điệp viên

Tù tội, dằn vặt, không yên trí lòng

(Đoạn 42.tr. 137)

Mời cha di tản tạm thời

Vì cơn đó khổ cằn còi còn lâu

(Đoạn 45. Tr.145)

Biền-mân đen tối ý đồ,

(đoạn 49. Tr. 158)

Sinh cư theo luật giang hồ,

                                    (Đoạn 36, tr 115)

Trong Tạo Đoan Kinh rất ít gặp từ cổ (tôi chỉ gặp một chữ “quờn”, nghĩa là quyền). Theo tôi quan sát, trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1945-1954), người dân

Hay dùng chữ “tản cư”, còn trước 1975, ở miền Nam hay dùng chữ “di tản”. Chữ “mỏng giòn” cũng được nhà đạo dùng cách nay không lâu. Chữ “ý đồ đen tối” là ngôn ngữ chính trị đương đại.

  Tôi không có điều kiện tra cứu tự điển cổ ngữ hay so sánh với văn bản các tác phẩm cùng thời, để xem xét đặc điểm ngôn ngữ của Lữ Y Đoan, nhưng đọc thơ (chữ Quốc ngữ) của Linh mục Felippe do Rosario Bỉnh (1759-1833), tôi thấy ngôn ngữ của linh mục Bỉnh còn cổ hơn ngôn ngữ Tạo Đoan Kinh nhiều.

Xin đọc

            Ở TẠM NƠI THÀNH MACAO THƠ

                                    Felippe do Rosario Bỉnh

            Tuy rằng gưởi gắp chốn Macao

            Hai chữ thanh nhàn xiết kể bao

            Hôm sớm phần hồn dầu mặc sức

            Tháng ngày việc xác chẳng tơ hào

            Xây vần tám tiết hằng no ấm

            Đắp đổi tư mùa khỏi khát khao

            Gần chợ gần sông gần núi bể

            Tăm mùi không chút vẻ tanh tao

                        (Nhật trình kim thư khất chính Chúa giáo. 1793-1826)

            Notes: gưởi gắp: gửi gắm, nương nhờ; Tăm mùi: tăm hơi [[6]]

NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN CHƯƠNG

            1.Giá trị tư tưởng.

            Nội dung Tạo Đoan Kinh là nội dung Sách Sáng Thế, đó không phải là sáng tạo của Lữ Y Đoan. Vậy, kể chuyện Sách Sáng Thế, mục đích diễn ngôn của tác giả là gì?

Xin lưu ý rằng, Tạo Đoan Kinh có cấu trúc: Vào đề-Kể chuyện Kinh thánh-Lời kết. Sau này Nguyễn Du cũng cấu trúc Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) như vậy. Nguyễn Du viết phần mở đầu để đặt vấn đề “tài mệnh tương đố” (“Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”). Sau đó kể lại số phận Kiều chứng minh cho thuyết ấy. Đoạn kết, Nguyễn Du hóa giải “tài mệnh tương đồ” bằng chữ Tâm của nhà Phật (“Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”).

Như vậy Tạo Đoan Kinh là truyện kể có tính luận đề.

                        Tích xưa cho thấy vấn đề:

                        Sự đời sự đạo đi kề bên nhau.

                        Đời thì danh lợi xôn xao,

                        Đạo thì trầm lặng để cầu ý ngay.

                        Thế gian phải có một ngày,

                        Hầu coi thắng lợi về tay ông Trời.

                                           (Bản in Canada năm 2000, tr.163)

            Thế gian có “đạo”, có “đời”; có thiện, có ác. Những người lương thiện, biết tin vào trời, hiều ý trời, hành động thuận thiên thì được trời ban phước.

                        Làm lành được hưởng phước dư,

                        Làm dữ bị phạt, liệu cư xử hành.

                                   (đoạn 4, tr.14)

            Từng làm sáng tỏ đạo trời,

Khi lâm biến cố có Người chở che.

Như trong trường hợp No-e,

Đại họa đến kề, gia đạo an vui.

                       (Đoạn 7. Tr 22)

                        Nhờ Trời độ mạng chàng trai

                        Được nhiều tín cẩn với tài đảm đương

Sống trong may mắn khác thường

Các quan cũng thấy có ơn chư thần

                        …

                        Sống trên nhung lụa giàu sang

                        Nhưng riêng Dư-tiệp đạo tâm hẳn hòi

                        Luôn luôn thờ kính ông Trời

                        Vưu nhân bất khả, giúp đời thí công

                                                (Đoạn 39. tr.123-124)

                        Tạ ơn Thượng đế ơn ban

                        Trong cơn hoạn nạn vinh quang chan hòa

                                                (Đoạn 41. Tr.133)

Lữ Y Đoan đã trình bày đức tin của người theo Kitô giáo hoàn toàn hòa nhập trong niềm tin tâm linh dân tộc. Đạo Chúa là “đạo Trời”. Có lòng tin Trời thì được Trời độ mạng sống trong may mắn. Sống làm sáng tỏ đạo Trời thì được Trời chở che như ông No-e trong Đại hồng thủy.

Trình bày Kinh thánh trong hội nhập văn hóa dân tộc, thầy cả Lữ Y Đoan đã mạnh dạn khám phá, sáng tạo những cách diễn dạt gần gũi phù hợp với độc giả Việt. Có sự hòa hợp rất tinh tế ý thức về Thiên Chúa của Kitô giáo, với Thiên mệnh của Nho giáo và Trời của tâm linh Việt. Lữ Y Đoan sử dụng thuyết âm dương ngũ hành cùng với Thiên mệnh của Nho giáokhi nói đến “cơ trời- thiên cơ”, “luật trời, định mạng”; “Âm từ dương xuất”.

Cơ trời sinh hóa hóa sinh

Ngũ hành thiên địa tiến trình yên xuôi

                        (Đoạn 2, tr.7)

Bình tâm đừng có nghi ngờ,

Đó là định mạng, thiên an bài

                        (Đoạn 45, tr.145)

Thì đây diễn biến luật trời

Âm từ dương xuất, nữ thời do nam

                     (Đoạn 2, tr.10)

Tất cả những ý niệm đó được dùng để giải thích cuộc tạo dựng của Thiên Chúa:

            Kể ra đại cuộc tạo thành

            Một tay Thượng đế quyền năng kiện toàn

                                    (Đoạn 2, tr. 7)

Trong cách trình bày, Lữ Y Đoan dùng ý thức về ông Trời làm trụ cột. Đúng là có “đạo trời” trong tâm linh Việt. Vì thế Tạo Đoan Kinh rất nhẹ nhàng chất tôn giáo mà thấm đẫm màu sắc tâm linh Việt.

            Khi kể truyện Kinh thánh, ngoài việc khẳng định lòng tin vào Trời, Lữ Y Đoan còn tập trung giáo dục đạo đức. Ông sử dụng những khái niệm đạo đức của Nho giáo, kết hợp với truyền thống dân tộc để giáo dục đạo vợ chồng, đạo hiếu thảo, “tam cương, ngũ thường”; việc “tu thần, tề gia” phải “minh đức, tân dân” (Sách Đại học: “Đại học chi đạo tại minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện”-

            Phu thê đạo trọng, ở đây công bằng

                                  (tr. 55)

            Vợ đâu chồng đó gia đình hợp nhau

                              (Đoạn 20-tr. 56)

            Tiếp theo là Set khuếch trương

            Tu thân vi bổn, chủ trương ôn hòa.

            Nêu cao hiếu thảo mẹ cha,

            Tiếp theo Ê-nữu tề gia vẹn toàn

            Trước lo trọng nghĩa tào khang

            Làm ăn cần kiệm nuôi đàn cháu con

                            (Đoạn 5, tr.18)

Trong thì minh đức tân dân,

Ngoài thì ngũ đức, tam cang thực hành.

                            (Đoạn 5, tr.18)

            Hoàng thiên bất phụ thiện tâm

                                              (Đoạn 4, tr. 14)

Note: sách Minh Tâm Bửi Giám: Hoàng thiên bất phụ thiện tâm nhân-Trời không phụ

          người có lòng thiện

Nói về Ich-manh (Ismael) có 12 con trai mở mang bời cõi dựng nghiệp, tác giả nhận xét:

Nhờ nơi phúc đức tông đường,

Ông bà đạo nghĩa, cháu con sang giàu.

               (Đoạn 25, tr.72)

Như vậy, Lữ Y Đoan kể truyện Kinh thánh không chỉ đem đến cho người đọc Việt

Những hiểu biết về Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, con người; về các tổ phụ và về sự phát triển của dân tộc Israel; mà nhân theo câu truyện Kinh thánh, ông rút ra các bài học đạo đức cho bạn đọc. Nói cách khác, ông làm cho Kinh thánh hội nhập vào cả văn hóa, đạo đức dân tộc. Người đọc sẽ thấy Kinh thánh không hề xa lạ hay mâu thuẫn với đời sống giáo dân Việt. Trái lại, Kinh thánh còn là bằng chứng hiển nhiên cho những chân lý mà dân Việt sống đạo hàng ngày.

            Lữ Y Đoan còn đưa ra những nhận xét có tính triết lý.

                        Chuyện đời là chuyện chiến tranh

Cá lớn, cá bé giựt giành miếng ăn

                                                 (Đoạn 14, tr 38)

                        Mưu đồ là thói người ta

Xưa nay thành sự vốn là Trời cao

                                              (Đoạn 29, tr.88)

                        Gian nan là lẽ huyền vi

Đốt nung cuộc sống để tri đá vàng.

(Đoạn 39, tr.124)

Trò đời là cái hư vô

                                    Cũng vì ích kỷ làm nhơ tình người

                                    Ngay gian xin có mấy lời

                                    Tớ vì chữ hiếu mong trời chứng minh

                                                               (Đoạn 44, tr 144)

                        Đời người trong kiếp trăm năm,

Làm sao sánh được thời gian của Trời.

(Đoạn 50. Tr. 162)

                        Ngược xuôi trên biển âm dương

Kẻ đi người tới theo đường tử sinh

(Đoạn 50, tr. 161)

Những nhận thức triết lý này đã xuất hiện trong văn học dân tộc trước và sau Lữ Y

Đoan. Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) nói nhiều đến “thói đời”. Nguyễn Gia Thiều (1741-1798) nói đến “thế cục”, lẽ “huyền vi” (“Kìa thế cục như in giấc mộng/ Máy huyền vi mở đồng khôn lường”- Cung oán ngâm khúc). Nguyễn Du (1766-1820) nói đến “Trăm năm trong cõi người ta” (Câu 1-Đoạn trường tân thanh).

2.Giá trị văn chương

a.Văn chương là nghệ thuật ngôn từ, tức là sự sáng tạo Cái Đẹp bằng ngôn ngữ.

Nguyễn Tuân chủ trương “Văn phải là văn”. Ai cũng có thể kể chuyện, ai cũng có thể làm vài câu Lục bát, thậm chí làm hẳn một “bài thơ”, nhưng nhà văn thì khác với “thợ” văn, “thợ” thơ (chữ của Nam Cao).

            Tạo Đoan Kinh có nhiều câu, nhiều đọạn, nhiều hình ảnh được dệt bằng ngôn ngữ rất đẹp, vẻ đẹp vừa bình dân, vừa trí thức Nho học và rất Việt Nam. Người đọc hôm nay ngạc nhiên về vẻ đẹp tiếng Việt thế kỷ XVII của Tạo Đoan Kinh. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét: “Trong 3606 câu lục bát của “Sấm truyền ca” (quyển 1: Tạo đoan kinh) còn có nhiều câu thú vị, bất ngờ như vậy. Đọc nó ta càng thêm quý thêm yêu tiếng Việt và biết ơn công lao của bao lớp người đã gìn giữ, bồi đắp, phát triển cho nó ngày càng đẹp đẽ, trong sáng, đủ sức chuyển tải và truyền đạt được mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của người Việt chúng ta” [[7]].

                        Tuyệt vời như một bài thơ

Như đồng lúa chin vàng mơ khắp trời

(Đoạn 49, tr.157)

                        Đường về mấy dặm quan hà

Vừa qua sông lớn lại qua truông dài

(Đoạn 31. Tr.95)

                        Tạ từ vó ngựa lên đàng

Sương mai phủ kín dặm ngàn đôi bên

(Đoạn 31.tr. 99)

            Náu nương bộng đá che tranh,

Ca-in trưởng tử vừa sanh ở đời.

Eva nở một nụ cười,

Thậm cảm ơn Trời ban một đứa con.

                                    (Đoạn 4, tr.13)

b.Đặc sắc nghệ thuật của Tạo đoạn Kinh là ở nghệ thuật kể truyện.

Cậu chuyện được kể lại sống động với tốc độ nhanh, sự kết hợp kể và tả nhuần nhiễn. Những lời bình tinh tế giúp người đọc cảm nhận được ý nghĩa tư tưởng cũng như diễn

ngôn của tác giả.

Đoạn viết về Đại hồng thủy thật dữ dội (Đoạn 7, tr. 23), đoạn kể lại việc hỏi vợ, đưa dâu cho I-giác (Isaac) đậm chất Việt (Đoạn 24, tr.65). Đoạn anh em Gia-cước (Jacob) gặp nhau rất cảm động (Đoạn 33, tr.103). Đoạn kể đầy kịch tính về Thùy-nga (Dina), con gái Lệ-anh (Léah), bị con trai (Shechem) tộc trưởng Hà-môn (Hamor) bắt về cưỡng hiếp. Sau đó Tộc trưởng Hà-môn nhận lỗi, con trai tộc trưởng cũng nhận lỗi và xin được cử hành lễ cưới cho rạng rỡ hai bện (Đoạn 34, tr.106). Đoạn kể lại việc Dư-đạc (Judas), vợ chết, đi tìm gái (Đoạn 38, tr 119), lại gặp Thanh Mai (Tamar) là con dâu mà không biết, sau đó Thanh-mai sinh hai đứa con. Thanh-mai có chứng cớ là gậy và nhẫn của Dư-đạc, nàng đòi công lý. Tác giả rút ra bài học: “Con dâu tức lý ra tay,/ Công bằng đòi hỏi, một bài học đau!”. Trong nguyên tác Sách Sáng Thế không có nhận xét về Dư-đạc: “một bài học đau”.

Có một sự khác biệt là, những truyện thơ Nôm viết dưới nhãn quan tư tưởng Phật, Nho, Lão sau Lữ Y Đoan đều mang một khuôn mặt buồn:

 “Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

                    (Đoạn trường tân thanh)

Trăm năm còn có gì đâu,

Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì

                     (Cung Oán ngâm khúc).

Trái lại, Sấm Truyền Ca là bài ca đầy lòng tin, niềm vui, và niềm hy vọng.

Tháng ngày I-giác sống yên,

Chăn nuôi phát đạt, đồng điền thạnh hưng.

Tay Trời vùa giúp lạ lùng

Trở nên đại phú khắp vùng không ai.

               (Đoạn 26, tr.76)

Nhưng nhờ trời độ bình yên,

Tai qua nạn khỏi, ưu phiền cũng vơi

(đoạn 31. Tr.94)

c.Khả năng Việt hóa Kinh thánh.

Thú vị khi đọc Tạo Đoan Kinh là những cảnh, những tình huống, những sinh hoạt, những nói năng nghĩ suy của con người trong Sách Sáng Thế lại hiện diện trong bầu khí sinh hoạt Việt Nam.

Ave sinh con:

            Náu nương bộng đá che tranh,

Ca-in trưởng tử vừa sanh ở đời

Eva nở một nụ cười

Thậm cảm ơn Trời ban một đứa con

                                               (Đoạn 4, tr.13)

Nụ cười của Eva, tâm tình của Eva, hạnh phúc đơn sơ của Eva trong “bọng đá che

tranh” chẳng khác gì niềm hạnh phúc sinh con của một phụ nữ quê nghèo Việt Nam.

            Đây là lẽ thuận hòa và tính cách đại lượng của Ap-ram khi phân chia đất cho cháu. Cách nói năng đúng là giọng nói thẳng thắn, đầy yêu thương, chân tình Việt:

                        Áp-ra muốn vẹn mọi bề,

                        Mời Lót là cháu, vấn đề đặt ra:

                        Chớ nên để sự bất hòa,

                        Vậy cháu nhìn thẳng bao la cánh đồng,

                        Chọn tây thì bác qua đông,

                        Hay là ngược lại bác nhường cháu luôn.

                        Xa nhau cốt nhục tuy buồn,

                        Nhưng hòa vi quý, cháu đừng ngại xa

(Đoạn 13, tr.37)

            Đây là đọan lão bộc đi hỏi vợ cho I-giác. Ông trình bày rất chân tình với nhà gái về gia cảnh, về tiêu chuẩn chọn nàng dâu và luôn nói đến duyên trời, ý trời. (xin lưu ý, chữ “Trời” viết hoa). Nhà gái nghe xong thì đẹp lòng, không chê vào đâu được. Sự trân trọng, cách nói năng chân thành rất tự trọng và niềm tin yêu trong hôn nhân không khác gì trong những đám hỏi, đám cưới Việt.

Hàn huyên trao đổi rộn lời,

            Cỗ bàn đã dọn, chủ mời điểm tâm.

            Lão bộc từ tốn phân trần:

            Trước khi cầm đũa tôi cần trình qua.

            Bồ-tuân: xin cứ nói ra.

            Lão bộc thuật lại việc nhà Ra-ham.

            “Kể từ dấn bước phong trần,

            Thiên thời, địa lợi, nhân tâm có thừa.

            Cuộc đời dầu gặp gió mưa,

            Bàn tay Thượng đế giúp chưa lâm nàn.

            Về già được phước khang an,

            Sa-ra sinh được một trang anh tài,

            Thật là đẹp mặt nở mày,

Quý danh I-giác, hôm nay trưởng thành.

Vì không chọn gái Trà-nam,

Phái tôi trách nhiệm tiến sang quê nhà.

Ra đi tôi nguyện thiết tha,

Mong Trời cho biết ai là nàng dâu.

Và đây đặc điểm yêu cầu,

Gái nào thí nước lại giàu từ tâm.

Biết bao thiếu nữ trong đàn,

Nhưng chỉ có nàng Lan-bạch giúp tôi.

Quả nhiên nhận đúng ý Trời,

Tôi trao vòng xuyến vàng mười đáp ân.

Biết ra là cháu Ra-ham,

Lương duyên tiền định, xích thằng đã xe.

Mấy điều gia chủ vừa nghe,

Tôi xin lãnh ý phán phê thế nào”.

Bồ-tuân nghe rõ đuôi đầu,

Rằng: “ai dám cưỡng ý cao thiên đình

Lã -bàng cũng biểu đồng tình,

Gả nàng Lan-bạch tác thành lứa đôi.”

Lão bộc quỳ gối tạ Trời,

Đã cho mọi sự xong xuôi, tốt lành.

                      (Đoạn 24, tr.68)

Notes: Ra-ham (Abram); Bồ-tuân (Bathuel); Lã-bàng (Laban); Trà-nam (Chanaan); Lan-

bạch (Rabecca); Xích thằng: chỉ thắm tơ hồng, chỉ buộc duyên vợ chồng trong truyện ông Tơ bà Nguyệt.

Nguyên tác Sách Sáng Thế, chương 24 viết: “33 Người ta dọn cho ông ăn, nhưng

ông nói: “Tôi sẽ không ăn gì trước khi nói những điều tôi cần phải nói.” Ông La-ban thưa: “Xin ông cứ nói.”, Lữ Y Đoan chuyển “Tôi sẽ không ăn gì trước khi nói” thànhTrước khi cầm đũa tôi cần trình qua” là một cách dịch thuần Việt mộc mạc nhưng thật tài tình.

Tình quê hương, lòng biết ơn tổ tiên, và lòng tin vào Trời được tô đậm trong suốt

tác phẩm. Đây cũng là đặc điểm tâm thức Việt.

Gia-cước (Jacob) nói với Dư-tiệp (Joseph):

            Khi cha về với tổ tiên,

            Xin đừng mai táng tại miền Giếp đây.

            Hãy thề chắc chắn việc nầy,

            Thi hài cha được chôn ngay quê nhà.

            Dư-tiệp thề với cha già,

            Chúng con thỏa mãn tang ma hẳn hòi.

                        (Đoạn 47, tr.154)

                            Note: Giếp: Aegyptus-Ai Cập

Gia-cước dặn Dư-tiệp cầu Thượng đế

            Người cầu Thượng đế Bá-lâm,

            Là Chúa I-giác thành tâm kính thờ.

            Giúp tôi từ bé đến giờ,

            Chư thần hãy độ trẻ thơ nhơn hiền.

            Nối danh tôi với tổ tiên,

            Chúng cầu Thượng đế bình yên một đời.

            Giúp chúng lớn mạnh khắp nơi,

            Giúp cho xứ sở giống nòi gia tang.”

                        (Đoạn 48, tr.155)

                   Note: Bá-lâm: Abraham.

d. Những cách nói thuần Việt

     Tính chất văn hóa Việt của Tạo Đoan Kinh còn thể hiện ở việc sử dụng những cách nói thuần Việt

Cháo cơm đắp đổi chờ qua tháng ngày

(Đoạn 47. Tr. 152)

Cha già gấn đất xa trời

(Đoạn 47. Tr. 153)

Miền đông nối tiếp lộ trình

Đèo heo hút gió một mình xông pha

(Đoạn 29. Tr. 85)

Mai kia, mốt nọ bất thần

(Đoạn 30. Tr.92)

Gia-cước tài cán bao nhiêu

Giàu nhờ của vợ, còn nhiều mưu mô

(Đoạn 31. Tr.93)

Nhưng nhờ trời độ bình yên

Tai qua nạn khỏi, ưu phiền cũng vơi.

(Đoạn 31. Tr.94)

SẤM TRUYỀN CA VÀ VĂN CHƯƠNG DÂN TỘC

            Lời tựa của Trần Hớn Xuyên: “Tôi không xét về mặt hợp hay không hợp Kinh thánh, tôi mến phục lối thơ lục bát của người xưa và cách dùng chữ An-nam hồi đó để lột tả được ý nghĩa của Kinh thánh cho người An-nam dung cách dễ dàng. Vì thế, tôi đã xin chép lại để làm tài liệu quý giá, dành cho con cháu ngày sau, được biết ông bà ngày xưa cũng đã đóng góp rất nhiều vào kho tàng quốc văn của dân tộc”. (Cái tắc 17/5/1910)

            GS Trần Thanh Đạm đặt Sấm Truyền Ca trong nền văn chương Việt: điều không thể phủ nhận là Sấm Truyền Ca là một tác phẩm thuộc di sản văn chương cổ điển của dân tộc, cần được tôn trọng giữ gìn, nghiên cứu, phát huy”[[8]].

            Giáo sư Trần Thái Đỉnh đã nói lên cảm nghĩ sơ khởi của mình như sau: Cảm tưởng đầu tiên khi cầm trong tay và đọc tập “Sấm Truyền Ca” là vui mừng và hãnh diện vì mình có một tài liệu quý giá như thế cả về giá trị văn học lẫn về phương diện lịch sử” [6-đd].

            Giám mục Mathêô Nguyễn Văn Khôi nói đến đóng góp của người Công giáo vào văn học Việt: Tác phẩm Sấm Truyền Ca của linh mục Lữ Y Đoan (Louis Đoan) đã ra đời, không những như một tác phẩm mang tính tôn giáo, mà còn như một đóng góp rất sớm của người Công giáo Việt Nam vào nền văn học nước nhà” (Sấm Truyền Ca bản in 2020.tr. 9)

            Nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng trong công trình “Văn học Công giáo Việt Nam, những chặng đường” nhìn vấn đề trong dòng chảy lịch sử văn học Công giáo: “Riêng bản thân chúng tôi…đã trộm nghĩ rằng Sấm Truyền Ca của Lữ Y Đoan đã đạt chuẩn giá trị một tác phẩm văn học Công giáo, bởi vì: Sấm Truyền Ca khép lại một chặng đường chữ Nôm, có thể sánh vai với một số truyện thơ Nôm Việt Nam có giá trị cùng thởi. Sấm Truyền Ca là dạo khúc mở đầu cho mảng văn học Công giáo ‘Phúc âm Diễn ca’ sau này” [[9]].

            GS Nguyễn Văn Trung nhận định: “Tôi coi đây là một tác phẩm văn học mang màu sắc tôn giáo tương đương với những truyện thơ Nôm nổi tiếng Chinh Phụ Ngâm, Kim Vân Kiều…”[[10]].

            Nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh nhìn ở góc độ giao lưu văn hóa: “Có thể nói Sấm Truyền Ca là một giao lưu điển hình theo kiểu Việt Nam, khởi từ căn bản tự chủ dân tộc để thu nhận các nền văn hóa thế giới” [[11]].

            Những ý kiến của các nhà nghiên cứu trên đủ khẳng định Sấm Truyền Ca là một truyện thơ Nôm trong di sản văn học dân tộc, sánh ngang với những truyện thơ nôm khác. Hơn thế, Sấm Truyền Ca còn mở ra thể Diễn ca Kinh thánh về sau, và nhìn xa hơn, Sấm Truyền Ca còn là “một giao lưu văn hóa” với các nền văn hóa thế giới (Nguyễn Vy Khanh).

            Có lẽ cũng cần minh định thêm đôi điều.

1.Căn cứ vào năm sáng tác (1670), có thể khẳng định Sấm Truyền Ca là tác phẩm truyện thơ nôm sớm nhất. Trong Sấm Truyền Ca, người đọc thấy phảng phất bóng dáng những câu thơ của các tác phẩm sau đó: Đoạn trường tân thanh (Nguyễn Du), Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu).

Thử so sánh: Thiên Nam ngữ lục (các sử gia cho rằng tác phẩm này được viết vào đời chúa Trịnh Căn khoảng năm 1682-1709, chưa rõ tác giả).  Đại Nam quốc sử diễn ca (Lê Ngô Cát-1870), Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều của Nguyễn Du), nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Nguyễn Du viết truyện Kiều sau khi đi sứ Trung quốc (1814). Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu (được sáng tác vào đầu những năm 1850, và được Trương Vĩnh Ký phiên âm chữ quốc ngữ và xuất bản năm 1889). Nhị độ mai (Khuyết danh) ra đời khỏang đầu thế kỷ XIX, bản Nôm in sớm nhất năm 1876 [[12]]…

2.Sấm Truyền Ca vừa là một bản dịch Kinh thánh, vừa là một truyện thơ Nôm, tức

là một truyện thơ Nôm có nội dụng văn học nước ngoài. Điều này sau đó ta cũng gặp trong Đoạn trường tân thanh, Lục Vân Tiên… Những truyện thơ Nôm này mượn cốt truyện Trung Quốc, chịu ảnh hưởng tư tưởng và thi pháp văn học Trung Quốc. Trái lại Sấm Truyền Ca mang đến những điều mới mẻ cho văn học Việt.Đó là tư tưởng Thần học, triết học Kitô giáo cùng với những truyền thống văn hóa phương tây. Sấm Truyền Ca còn mở ra việc tiếp nhận văn học, văn hóa nước ngoài trên nền tảng tâm thức Việt. Xin lưu ý, văn học Việt thời đó đã dung nạp tư tưởng Phật, Nho, Lão (tam giáo đồng nguyên) làm nền tảng tư tưởng của mình.

3. “đóng góp rất sớm của người Công giáo Việt Nam vào nền văn học nước nhà”. Sự đóng góp này có thể khởi đi từ Girolamo Majorica (1591-1656) với những truyện

văn xuôi chữ Nôm. Majorica viết những tác phẩm chữ Nôm với sự giúp sức của những thầy giảng người Việt như Vito Trí, Văn Nghiêm, một người tên Hiên và một người có tên thánh là An-tôn [[13]]. Thầy giảng Gioan Thanh Minh (1588-1663) “viết nhiều thi phẩm chữ Nôm về hạnh các thánh như Constantini Le Grand, Barlam, Josaphat, Maria Madalena, Inhatio Loyola, Phanxicô Xavie, Dominico, Catariana”…[[14]]. Thầy cả Lữ Y Đoan (1613-1678) với Sấm Truyền Ca. Linh mục Felippe do Rosario Bỉnh (1759-1833), người đã viết 27 cuốn sách bằng Quốc ngữ, trong đó có truyện các thánh, Sách sổ sang chép các việc, Truyện An Nam Đàng Trong, Truyện An Nam Đàng Ngoài…

Những sáng tác của các tác giả Công giáo buổi đầu, ngoài ý nghĩa tôn giáo còn là những đóng góp rất giá trị vào văn học dân tộc. Đó là thể loại truyện Nôm, truyện thơ Nôm, truyện thơ bằng chữ Quốc ngữ, tư tưởng Thần học và triết học Kitô giáo, ngữ liệu Kinh thánh và văn hóa phương Tây…

Riêng tác phẩm của thầy cả Lữ Y Đoan có ý nghĩa thật quan trọng. Sấm Truyền Ca là một truyện thơ Nôm đồ sộ. Chỉ riêng Tạo Đoan Kinh đã dài 3606 câu lục bát (Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du dài 3254 câu lục bát). Sấm Truyền Ca bị cấm đoán rồi trôi giat, thất lạc, tìm thấy; và đặc biệt là trong lời tựa của Phan Văn Cận, ông cho biết, từ năm 1816, vâng lời nhiều thầy cả, ông đã viết Sấm Truyền Ca ra chữ Quốc ngữ. Lưu ý rằng, giả thiết Nguyên Du viết Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều) từ 1814 bằng chữ Nôm thì Sấm Truyền Ca đã có văn bản chữ Quốc ngữ. Một đóng góp thật mới mẻ và kỳ diệu! Giả như Truyện Kiều lúc đó được viết ra chữ Quốc ngữ thì ngày nay việc nghiên cứu Truyện Kiều sẽ thuận lợi biết bao.

THAY CHO LỜI BẠT

1.Với những giá trị đã được khám phá, có thể khẳng định Sấm Truyền Ca của Lữ Y Đoan là một tác phẩm văn học Công giáo, cũng là di sản của văn học dân tộc có giá trị quý báu về nhiều mặt, đặc biệt là về ngôn ngữ, về tư tưởng, về thể loại truyện thơ Nôm và cả bản chuyển sang chữ Quốc ngữ.

Dù bị cấm đoán, bị lưu lạc, thất truyền, rồi được tìm thấy, suốt từ 1670 đến nay, Sấm Truyền Ca chứng tỏ một sức sống bền vững trong lòng dân tộc. Qua Sấm Truyền Ca, người đọc hôm nay hiểu được sức mạnh tinh thần, sự giàu có văn hóa, khả năng Việt hóa những tinh hoa nhân loại để làm giàu cho văn học dân tộc của cha ông xưa. Lời tựa của Trần Hớn Xuyên (1910) vẫn còn nguyên giá trị cho hôm nay: “tôi mến phục lối thơ lục bát của người xưa và cách dùng chữ An-nam hồi đó để lột tả được ý nghĩa của Kinh thánh cho người An-nam dùng cách dễ dàng. Vì thế, tôi đã xin chép lại để làm tài liệu quý giá, dành cho con cháu ngày sau, được biết ông bà ngày xưa cũng đã đóng góp rất nhiều vào kho tàng quốc văn của dân tộc”.

2. Còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm, lý giải dựa trên tư tưởng hội nhập văn hóa của Tông huấn Giáo hội tại Châu Á (Tông huấn Ecclesia in Asia của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II, ngày 06/11/1999) và khả năng Việt hóa tinh hoa nhân loại của dân tộc Việt. Nhưng trước hết cần đặt Sấm Truyền Ca vào dòng chảy văn học Việt như một tác phẩm truyện Nôm đầu nguồn, đúng với tầm vóc của một tác phẩm đem đến nhiều giá trị cho văn học Việt. Rất cần sự đóng góp của nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu cả trong và ngoài giáo hội.

Tháng 4/ 2024


***


[1] Nguyễn Vy KhanhTiếng Việt và một số tác phẩm mới phát hiện http://vietsciences.free.fr/vietnam/tiengviet/tiengvietvamotsotacphammoi.htm

[2] Trăng Thập Tự-Nguyễn Thanh Quang:

  -“Sấm Truyền ca-Truyện thơ Kinh thánh long đồng từ thế kỷ XVII

  -“Tìm, phục hồi bản quốc ngữ 1870 của Sấm Truyền ca”,

[3] The Book of Genesis. https://www.vatican.va/archive/bible/genesis/documents/bible_genesis_en.html

[4] Lm Đào Quang Toản dẫn “Nhật ký” của Đức cha Lambert đã đặt lại vấn đề tác giả Sấm truyền ca:

Đào Quang Toản-Linh mục Louis Đoan và Sấm Truyền Ca

[5] Chuyện ông Lót: Sáng thế ký 19,8

[6] Dẫn theo “Những bài thơ trong Nhựt Trình Kim Thư Khất Chính Chúa Giáo” do Roland Jacques OMI sưu tầm, Đoàn Xuân Kiên chuyển và chú thích. Định Hướng Tùng Thư xuất bản lần thứ nhất 2004.

[7] Phạm Xuân NguyênĐọc cùng bạn: Một truyện thơ cổ có giá trị văn hóa

https://danviet.vn/doc-sach-cung-ban-mot-truyen-tho-co-co-gia-tri-van-hoa-20210810175315947.htm

[8] Nguồn: Nguyễn Văn TrungVề một số sách cũ do người Công giáo viết ra từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX. Trong tập “tài liệu tham khảo”: Về sách báo của tác giả Công giáo (Thế kỷ XVII-XIX), trường Đại học Tổng hợp Tp HCM, Khoa Ngữ Văn 1993.

[9] Lê Đình BảngVăn học Công giáo Việt Nam- những chặng đường. Nxb Tự điển Bách Khoa 2010, tr. 124.

[10] Thư gửi Giám mục Barth Nguyễn Sơn Lâm, Chủ tịch Ủy ban Phụng tự HĐGMVN, 1989. Dẫn theo Lê Đình Bảng, nguồn: Văn học Công giáo Việt Nam, những chặng đường. Nxb Tự điển Bách Khoa 2010, tr 123.

[11] Nguyễn Vy KhanhTiếng Việt và một số tác phẩm mới phát hiện

http://vietsciences.free.fr/vietnam/tiengviet/tiengvietvamotsotacphammoi.htm

[12] Nguyễn Thị Hải VânNghiên cứu văn bản tác phẩm diễn Nôm Nhị độ mai-Luận văn Tiến sĩ-Học viện Khoa học xã hội: https://luanvan.net.vn/luan-van/nghien-cuu-van-ban-tac-pham-dien-nom-nhi-do-mai-81770/

[13] Trần Thị Phương PhươngHoàng Xuân Hãn và tư liệu tác phẩm chữ Nôm của Girolamo Majorica tại thư viện quốc gia Pháp ở Paris: Tạp Chí Khoa Học Trường Đại Học Trà Vinh,Số 42, tháng 2 năm 2021, tr. 72-77 DOI: 10.35382/18594816.1.42.2021.693

https://gpquinhon.org/q/van-hoa/hoang-xuan-han-va-tu-lieu-tac-pham-chu-nom-cua-girolamo-maiorica-tai-thu-vien-quoc-gia-phap-o-paris-5683.html?fbclid=IwAR0KLEKyrNZCuwl7SE_E88wvy4VsXtkaDqJ047nw1OuOV6Lg-VkNXImuIa4

[14] Lê Đình BảngVăn học Công giáo Việt Nam- những chặng đường. Nxb Tự điển Bách khoa 2010, tr.107

Bình luận về bài viết này