HỮU THỈNH & BẾN VĂN CHƯƠNG

BẾN VĂN CHƯƠNG

(Đọc Bến văn và những vòng sóng-Hữu Thỉnh. Tiểu luận & Phê bình. Nxb HNV 2020)

Bùi Công Thuấn

***

Bến văn và những vòng sóng là tập Tiểu luận và Phê bình của nhà thơ Hữu Thỉnh in quý I năm 2020. Cuốn sách có thể giúp người đọc nhận ra nhiều mặt tài năng của ông, đồng thời có thể lý giải do đâu ông được rất nhiều người yêu mến.

NHỮNG VẤN ĐỀ VĂN HỌC

Phần thứ nhất của cuốn sách tập hợp các bài “diễn văn”, Chủ tịch Hữu Thỉnh “phát biểu” trước một cử tọa chọn lọc trong các hội nghị. Đó là các bài:

Tổng kết hội thảo 2014: “Xây dựng con người Việt Nam hôm nay và trách nhiệm của Văn học Nghệ thuật”; Đề dẫn Hội nghị Lý luận Phê bình lần II, Đồ Sơn 3,4,5/10/2006; Khai mạc Hội nghị Viết văn trẻ lần VIII. 2011; Diễn văn kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển Hội Nhà văn Việt Nam (1957-2017); Diễn văn khai mạc Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX. 2015; Báo cáo tổng kết Công tác văn học 5 năm (2000-2004); Phát biểu tổng kết hội thảo “Bồi dưỡng chăm sóc tài năng văn học nghệ thuật trong tình hình mới”. 2012; Tham luận tại cuộc hội thảo giao lưu văn hóa tại Đà Loan; Diễn văn khai mạc Liên hoan  Thơ chấu Á-Thái Bình Dương lần thứ nhất 2-7/2/2012 tại Quảng Ninh –Hà Nội; Diễn văn khai mạc Hội nghị Quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ III tại Hà Nội từ 2-7/3/2015…Phát biểutại hội thảo thơ Mai Văn Phấn-Đồng Đức Bốn: Khác biệt và thành công, tổ chức tại Hải Phòng ngày 15/512017…

Trong những hội nghị, diễn văn của nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) có sức hấp dẫn đặc biệt, bởi ông vừa là nhà thơ, vừa ở cương vị lãnh đạo Hội Nhà văn (một Hội nghề nghiệp có tiếng xưa nay). Người ta chờ được nghe những thông tin mới, những điều riêng tư mà thông tin báo chí không có. Hơn nữa sức thuyết phục của những “phát biểu” này còn toát ra từ giọng điệu và thái độ diễn ngôn của tác giả. Ông khai thác triệt để thế mạnh của ngôn ngữ nói, lời văn của ông giàu hình ảnh, cảm xúc; ông nắm được tâm lý của người nghe và đáp ứng những mong muốn ở họ. Ông đem đến niềm vui, niềm hy vọng, và trên hết là sự thân thiện, là bạn hữu nhưng người có hoài bão lớn.

Đọc văn bản in giấy (chữ – ký hiệu thị giác), những “diễn văn” của nhà thơ Hữu Thỉnh chỉ còn sức thuyết phục ở nghệ thuật lập luận và nghệ thuật biểu đạt tư tưởng tình cảm.

Bỏ qua những yếu tố có tính xã giao, những “diễn văn” này chứa đựng nhiều vấn để văn học nghệ thuật mà nhà thơ Hữu Thỉnh với tư cách Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam quan tâm. Những vấn đề này ông có cách lý giải thuyết phục.

1.Trước hết, nhà thơ Hữu Thỉnh là một đảng viên. Ở cương vị lãnh đạo, ông có nhiệm vụ trực tiếp triển khai  nội dung các Nghị quyết về văn hóa, văn nghệ của Đảng.

Tổng kết hội thảo 2014: “Xây dựng con người VN hôm nay và trách nhiệm của VHNT”, ông nhấn mạnh: “Cuộc hội thảo của chúng ta hôm nay là bước khởi động…triển khai Nghị quyết 33 của Hội nghị Trung ương lần thứ 9, khóa XI Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước’”.

Đề dẫn Hội nghị LLPB lần II, Đồ Sơn 3,4,5/10/2006, ông nói rõ mục đích: “Hội nghị lần này là hoạt động mở đầu cho chương trình hành động của toàn giới nhà văn nhằm đưa Nghị quyết Đại hội X của Đảng vào đời sống văn học” (tr.17).

Ông nhấn mạnh đoạn Nghị quyết này: “Phát huy tiềm năng, khuyến khích sáng tạo văn học nghệ thuật, tạo ra những giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật…Bảo đảm tự do, dân chủ cho mọi hoạt động sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật đi đôi với phát huy trách nhiệm công dân của văn nghệ sĩ. Có chính sách trọng dụng các tài năng văn hóa, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của văn nghệ sĩ. Đẩy mạnh hoạt động lý luận phê bình văn học, nghệ thuật.”(tr.21).

Trong bài Văn học với nhiệm vụ đưa văn hóa thấm sâu vào đời sống (tr.38), ông cũng xác định rõ nhiệm vụ: ”làm chuyển biến nhận thức, quan điểm và tìm các biện pháp khả thi nhầm phát triển văn học nghệ thuật trong tình hình mới theo Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X…” (tr.43)

Trong phát biểu tại Cuộc gặp mặt lần thứ nhất: Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc (tr.444), Chủ tịch Hữu Thỉnh đã triển khai sâu sắc và thuyết phục Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Ông làm rõ truyền thống đoàn kết dân tộc. Ông nhân mạnh nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc theo quan điểm của Đảng:”Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc mở rộng cánh cửa đón nhận mọi tài năng văn học từ mọi chân trời” (tr.446);”đời sống văn học của cộng đồng người Việt ờ nước ngoài là một bộ phận khăn khít của văn học nước nhà (tr.445); Chúng ta xin gửi thông điệp khẩn thiết này đến tất cả các nhà văn Việt Nam, với tư cách là người cầm bút của ngày hôm nay, bây giờ, ở bất cứ đâu, không kể đến xuất xứ và quá khứ của họ. Trước sứ mệnh của tổ quốc, mọi người đều bình đẳng về trách nhiệm và nghĩa vụ (tr.447).

Nhưng ông cũng xác định rõ những giới hạn: “Chúng ta tôn trọng mọi khác biệt…Nhưng tuyệt đối hóa sự khác biệt thì cuộc sống không còn là cuộc sống.(tr.450); viết về chiến tranh cũng cần có cái nhìn đổi mới…nhưng đổi mới thế nào cũng không thể làm biến dạng bản chất chính nghĩa, tầm cao vĩ đại, và phẩm giá anh hùng của nhân dân ta” (tr.447).

Cuộc gặp mặt lần thứ nhất: Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc được tổ chức thành công dù vẫn còn nhiều vấn đề cần thời gian để thu ngắn sự khác biệt. Ở sự kiện này, Chủ tịch Hữu Thỉnh tỏ rõ một bản lĩnh chính trị vững vàng, tài thu phục nhân tâm, tài tổ chức và năng lực ngôn ngữ có chiều rất sâu của văn hóa dân tộc và tầm rất rộng của sự hiểu biết tinh thần của thời đại toàn cầu hóa, hơn thế, còn là một nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm trong việc thực hiện quan điểm đường lối của Đảng.

Có thể nói phẩm chất một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là phẩm chất hàng đầu của Chủ tịch Hữu Thỉnh. Ông đã giữ gìn phẩm chất này từ trong ý thức-tư tưởng đến mọi hoạt động, mọi giao tiếp. Xin đọc thêm bài Phép thần diệu của lương tâm (tr. 134), ông kể về chuyến đi Mỹ; đọc phát biểu tại hội thảo thơ Đồng Đức Bốn-Mai Văn Phấn, ông đính chính một chữ của Đỗ Quyên (về Vy Thùy Linh và thơ của nhóm Mở Miệng). Ông nói rõ “…Người đọc bình thường cũng nhận ra ngay thái độ chống đối, vu cáo, kích động của những bài thơ độc địa này”(tr.272). 

Hữu Thỉnh đã giữ gìn trọn vẹn phẩm chất Đảng viên cho đến Đại hội lần thứ X Hội Nhà văn Việt Nam (2020), khi ông rút lui khỏi đề cử vào Ban Chấp hành. Ông nói: là một đảng viên, tôi phải nêu gương chấp hành Nghị quyết của Đảng.

2. Ở phương diện “đối ngoại”, dân tộcnhân lọai là 2 nền tảng để ông đối thoại

với những vị khách nước ngoài đủ mọi thành phần. Ông không đề cập đến sự khác biệt chính trị, kinh tế giữa các quốc gia. Ông triển khai vấn đề trong tinh thần hòa bình, hữu nghịhội nhập văn hóa. Ông cho đó là một “lẽ phải lớn”:

“…ở đâu và khi nào thì tiếng gọi của hòa bình, của tình bằng hữu cũng có sức tập hợp to lớn. Đó là một lẽ phải lớn…”(tr.107). “Hòa bình là tài sản vô giá của loài người…Hòa bình là khởi nguồn cho mọi khởi nguồn, là điều kiện của mọi điều kiện…Với thơ ca, hòa bình là một niềm say mê, một cảm hứng sáng tạo vô hạn trong tình yêu con người”(tr.111).

Ông tự hào về lịch sử dân tộc, ông xác định giá trị văn học Việt trong tầm vóc nhân loại. Những câu văn của ông hào sảng, ông khái quát lên tư thế một dân tộc ở đỉnh cao chiến thắng, đỉnh cao lịch sử và chân lý:

“…cuộc chiến đấu cho tự do độc lập trên đất nước chúng tôi cũng đồng thời là cuộc chiến đấu cho văn hóa dân tộc. Đó còn là cuộc chiến đấu cho nhân loại, vì Việt Nam kiên cường chống lại sự hủy diệt văn hóa trên quy mô lớn (tr.93).

“Là các nhà văn bước ra từ chiến tranh, và đi lên từ những vết thương xé lòng, chúng tôi hiểu ánh sáng không bao giờ cũ. Máu không bao giờ cũ. Tình bạn không bao giờ cũ”(tr.95)

Trong bài Vẻ đẹp thơ ca và hơi ấm của tình hữu nghị (tr.107), diễn văn khai mạc Liên hoan  Thơ châu Á-Thái Bình Dương lần thứ nhất 2-7/2/2012 tại Quảng Ninh –Hà Nội, trước đại diện của 28 quốc gia Chấu Á-Thái Bình Dương, ông nói:

“Chúng tôi được biết rằng, dưới tác động của nhiều nguyên nhân khách quan và do sự đòi hỏi của cuộc sống, thơ ca của các quốc gia đang cùng có sự chuyển động, tự cách tân mạnh mẽ. Thơ ca của đất nước chúng tôi không nằm ngoài xu thế đó. Hoặc rút vào tháp ngà hoặc là trở thành người đồng hành với nhân dân. Thơ ca của chúng tôi chọn phương án thứ hai. Sự lựa chọn đó là tuyệt đối. Và đó cũng chính là truyền thống của thơ ca Việt Nam qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Nhờ bám rễ rất sâu vào đời sống của nhân dân, nên thơ ca của đất nước chúng tôi có truyền thống là một trong những loại hỉnh nghệ thuật có khả năng lưu giữ và chưng cất kỳ diệu nhất vẻ đẹp tâm hồn dân tộc…Mở với đời sống. Mở với nhân loại… Đại diện ưu tú nhất về sự kết hợp các giá trị dân tộc và nhân loại là chủ tịch Hồ Chí Minh, người mà cuộc đời và sự nghiệp đã thuộc về những giá trị chung nhất của loài người…Người đã chứng minh một cách tuyệt đẹp thơ ca là khí phách, lương tâm và danh dự dân tộc”(tr.110)

Ông ca ngợi nền văn học Việt Nam: “…nền văn học Việt Nam có lịch sử lâu đời, độc đáo về bản sắc và luôn luôn phát triển theo xu hướng mở. Đó là một nền văn học thấm nhuần tư tưởng nhập thế tích cực và chủ nghĩa nhân văn sâu đậm luôn luôn gắn bó với số phận con người; chia sẻ, nâng đỡ những bất hạnh trong cuộc sống, không ngừng chống lại mọi cái xấu cái ác góp phần hoàn thiện con người và đạo đức xã hội. Đó là một nền văn học xả thân vì vận mệnh  Tổ quốc, rực cháy chủ nghĩa yêu nước, khát vọng độc lập, tự do và hạnh phúc con người, kiên cường chống lại mọi sự áp đặt và xâm lược bất kể từ đâu tới…”(tr.126)

Các vị khách nước ngoài nghe Chủ tịch Hữu Thỉnh phát biểu, chắc họ có thể đồng thuận được ở những “lẽ phải lớn”, những tình cảm lớn và những vấn đề lớn mà ông đặt ra. Đồng thời qua ông, họ cũng nhận ra tầm vóc con người Việt Nam trong quá khứ và con người Việt Nam hôm nay. Ở ông, tỏa sáng trí tuệ của dân tộc, cháy bừng lên lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Một tư thế văn hóa Việt, đĩnh đạc bước vào toàn cầu hóa. 

 Ông nói đến sứ mệnh nhà văn toàn cầu: “Chúng ta sẽ cùng nhau làm tất cả những gì mà một nhà văn có thể làm được để giảm bớt sự qúa tải của những nguy cơ đang đè nặng lên hành tinh nóng bỏng của chúng ta.”(tr.126).

Ông kể về một kinh nghiệm và kêu gọi: “Đối mặt với sợ hãi phải được thay thế bằng đối mặt với hy vọng. Kinh nghiệm này không còn mới. Tồn tại dạy chúng ta điều đó….Nào, chúng ta hãy cùng nhau mở ra những trang mới”(tr.124).

Ông nói đến chân lý và tình người: “…Cuộc sống có thay đổi bao nhiêu thì chân lý và tình người cũng không bao giờ cũ. Trong mọi hình thức giao tiếp, không có hình thức nào giúp con ngưởi bắt gặp chính mình và bắt gặp đồng loại kỹ càng và say đắm như văn chương. Còn có ở đâu, không đi mà vẫn đến, không hỏi mà vẫn biết, không hẹn ước mà vẫn thành tri kỷ như tiếp nhận văn chương (tr.129)… Vì chất lượng cuộc sống mà con người mãi mãi cần đến văn chương. Đó là một xác tín.”(tr.130).

 Xét về chính trị, ông đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ góp phần đưa Việt Nam hội nhập văn hóa với toàn cầu, quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới. Và đây là một kết quả cụ thể: qua sự tác động của trung tâm William Joiner, “nhằm phá bỏ hàng rào cấm vận của Chính phủ Mỹ chống Việt Nam” (tr.116);  “…làm thay đổi cách nhìn của ngưới Mỹ với Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ của họ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam”(tr.118).

            3. Làm chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam 4 nhiệm kỳ (2000-2020) nhà thơ Hữu Thỉnh đã làm được nhiều việc cho Hội Nhà văn. Những công việc cụ thể hàng năm ông báo cáo trong Hội nghị công tác văn học, và trong báo cáo cuối mỗi nhiệm kỳ 5 năm. Những báo cáo này không in trong Bến văn và những vòng sóng.Duy nhất có một Báo cáo tổng kết Công tác văn học 5 năm (2000-2004), và bài Diễn văn kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển Hội Nhà văn (1957-2017), vì thế người đọc không hình dung được cụ thể những đóng góp của ông cho văn học.

            Với Những “diễn văn” in trong Bến văn và những vòng sóng, hướng về cáchội viên Hội Nhà văn Việt Nam (đặc biệt các nhà văn trẻ), Chủ tịch Hữu Thỉnh đề cập đến nhiều vấn đề văn học. Ông trình bày những nhận thức về thực tại hoạt động văn học, gợi mở những cách hiểu, ông đề xuất những giải pháp hành động. Phương pháp luận của ông là phương pháp luận Marxist, nhờ thế khi trình bày vấn đề văn học trong tương quan với thực tại xã hội, những ý kiến của ông có sức thuyết phục, quan điểm của ông rạch ròi, dứt khoát.

Trước hết ông khẳng định sự đúng đắn của đường lối văn nghệ của Đảng:

“Thời gian đã chứng tỏ sức sống của các Nghị quyết quan trọng của Đảng về văn hóa, văn học nghệ thuật. Nhưng chúng ta còn nợ nhiều vấn đề quá. Bao nhiêu giải pháp rất hay, nhưng chưa được thể chế hóa. Bao nhiêu hạt giống trí tuệ quý báu nhưng chưa tỏa bóng bát trong hiện thực.(tr.68).

Ông xác định nhiệm vụ cho Hội Nhà văn: “Đại hội Nhà văn lần thứ VII xác định mục tiêu của toàn giới nhà văn là phấn đấu để có thêm nhiều tác phẩm có chất lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật…Đây là nhiệm vụ chính trị số một, quyết tâm số một của tất cả chúng ta”.(tr.21)

Ông khẳng định đóng góp của văn nghệ sĩ: “Sự ổn định của văn nghệ đem đến sự ổn

định chung của đất nước, một dòng chảy lành mạnh của văn nghệ góp vào tính tích cực của xã hội, đó là cống hiến rất quan trọng của giới văn học nghệ thuật nước nhà đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta”(tr.64)

Ông nhận định về thành tựu 20 năm đổi mới văn học: “Có thể nói 20 năm đổi mới đi vào lịch sử như một trong những thời kỳ thăng hoa nhất của văn học dân tộc. Đó là thời kỳ phát triển cộng sinh của nhiều phương pháp sáng tác. Đường biên văn học được mở rộng. Tâm lý sáng tạo được giải phóng. Một sự thông thoáng chưa từng có trong lựa chọn đề tài, chủ đề, nhân vật. Đạo đức xã hội trở thành trung tâm chú ý của các nhà văn. Con người được miêu tả như chính nó với thân phận, nỗi niềm những ẩn khuất vừa hiểu được vừa không thể hiều hết, vừa cao cả vừa phàm tục, vừa gần gũi vừa kỳ bí. Những cố gắng đổi mới hình thức diễn ra ở tất cả các thể loại. Những cây vút trẻ xuất hiện ngày càng nhiều, đem đến những giọng điệu mới. Ưu điểm nổi bật của sáng tác là tính đa dạng” (tr.17-18; Báo cáo đề dẫn Hội nghị Lý luận phê bình lần thứ hai-Đồ Sơn-Hải Phòng-3,4,5/10/2006)

Tuy vậy, ông cũng thấy rõ vấn đề: “Cái thiếu nhất, theo tôi đối với người sáng tác hiện nay là cơ sở triết học. Ngại triết học, thiếu triết học là một trong những nguyên nhân và hạn chế tầm nhìn, tầm tư tưởng và sự khái quát con người và thời đại”(tr76).

Ông đề xuất: “Lý luận cho nhà văn là lý luận nào? Đó là Mỹ học Mac- xít, tư tưởng Hồ Chí Minh và tinh hoa văn hóa dân tộc” (tr.77); “Nói gì thì nói, và bất luận thế nào, triết học Mác-xít vẫn là đỉnh cao khoa học cuả thời đại chúng ta mà không phải ai cũng có thể chiếm lĩnh. Mỹ học Mác-xít là sự vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào lĩnh vực mỹ học. Ngày nay…chủ nghĩa Mac-Lênin, Mỹ học Mac-xít vẫn là ngọn cờ tiên phong là nhận thức luận đúng đắn nhất giúp cho con người đi tới” (tr.77)

Ông nói về tác phẩm đỉnh cao: “Đó là những tác phẩm đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ và nhu cầu xã hội của thời đại, thỏa mãn nhu cầu về tình cảm, đạo đức, tư tưởng của con người. Nó mở rộng không gian tinh thần của con người, giúp con người vượt khỏi cá nhân chật hẹp để vươn tới những vấn đề có tầm nhân loại, và đó là những tác phẩm giúp cho bạn đọc vừa cảm thụ văn học vừa tự soi chiếu, tự đối thoại, tự điều chỉnh bản thân mình…Đó là những tác phẩm góp phần tạo nên chất lượng sống của con người và xã hội” (tr.21)

Ông thực sự ưu tư:

“Sáng tạo được tác phẩm hay, có ích là khát vọng muôn đời của nghệ sĩ. Nhưng khát vọng đó hiện nay đang vấp phải một nghịch lý. Tự do sáng tạo, điều kiện sáng tác được mở rộng nhưng chất lượng hiệu quả lại không tương ứng…Văn học nghệ thuật có những mặt suy thoái”(tr.12)

Tình trạng trung bình, làng nhàng là căn bệnh trầm kha nhất của văn học ta hiện nay không được phê phán đến nơi đến chốn” (tr. 20)

“Đội quân nghệ thuật hiện nay thật đông đảo. Nhưng nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta thấy chất lượng không tương xứng với số lượng. Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X báo động một nguy cơ có thật, đó là tình trạng nghiệp dư.(tr.69)

“Một trong những nguy cơ ấy đã xuất hiện, là số người đọc văn học bây giờ thấp đến mức báo động…

Ông nhận xét về hiện trạng thơ:

Người làm thơ đông hơn người đọc. Và thậm chí dẫn đến cái chết của thơ ca” (tr.42)

Thơ của ta hiện nay đang có nhiều vấn đề thật. Người làm thơ rất đông nhưng công chúng thơ thì teo lại. Trên báo chí, chúng ta gặp một cánh đồng bất tận những lời khen…”; “Thơ ta hiện nay có 2 trọng bệnh, một là ca hát véo von, hai là xa lông hóa. Véo von là tự bằng lòng, lặp lại mãi giai điệu cũ… Xa lông hóa là rơi vào sự nhấm nháp cá nhân, ngắm vuốt xiêm áo, tuyệt đối hóa hình thức, bịt kín mọi mối giao cảm vớ quần chúng” (tr 270).

Ông nói đến “Những vấn đề có tính muôn thuở”:

Tài năng là Trời cho nên Trời cũng có thể lấy đi bất cứ lúc nào”(tr.34).

Tài năng thực sự thời nào và ở đâu cũng luôn luôn hiếm và quý. Đó là câu chuyện muôn một. Tài năng là thiên bẩm, không thể ban phát, không thể vay mượn. Tài năng là sở hữu cá nhân, nhưng lại mang tính xã hội”(tr.54).

“Từ khi Con người trở thành Con người, nó phải đối mặt với 2 sự bất công truyền kiếp. Đó là sự bất công về tài năng và sự bất công về nhan sắc. Đến một ngày nào đó, mọi bất công xã hội sẽ bị xóa bỏ, thì sự bất công về tài năng và nhan sắc vẫn còn.”(tr.67).

Nói cho cùng, các trường phái không thể thay thế được tài năng, trong thơ không co1ta2i thì còn làm nên được cái gí? (tr.271)

Đây là quan điểm của ông về cách tân thơ: “Tiếp thu thế giới là tiếp thu các tinh hoa, không nên họ có lãng mạn, tượng trưng, siêu thực, tân hình thức, hậu hiện đại, ta cũng phải lặp lại y chang…cách tân không phải là cắt đứt với truyền thống, mà để nghe truyền thống rõ hơn, nhân cái truyền thống ấy trong hiện đại” (tr. 271)

Ông bày tỏ sự tin tưởng:

“Hy vọng, bằng con đường văn học, các nhà văn chúng ta cùng nhau thiết lập quyết định luận của trật tự thế giới mới, lấy tình hữu nghị thay thế choi triết lý sức mạnh,lấy văn hóa thay cho vũ khí”(tr.95)

“Châu Á đang chứng minh rằng, người ta có thể xây dựng những thiên đường ngay trên cõi trần gian”(tr.108)

Trong sứ mệnh chinh phục con người, thơ ca có những phép màu nhiệm đặc biệtThi ca có sức mạnh đặc biệt…Nó làm cho mỗi con người tự tin cất bước trong quyền năng của cái đẹp và điều thiện. Nó luôn đặt con người trong trạng thái tự do suy tư và chiêm nghiệm. Chừng nào con người còn khả năng tư do duy tư và chiêm nghiệm thì hiểm họa vẫn còn có  khả năng được ngăn chặn nhờ những con đê của đạo đức. (tr.109)

                “…thơ ca không hề muốn cạnh tranh với tôn giáo, bởi chính thơ ca đã là một tôn giáo. Tôn giáo cuả niềm tôn vinh con người…Vì thế còn con người đúng nghĩa của nó thì còn thơ ca”(tr.109)

Về kinh tế thị trường, ông nói: “Nghệ thuật dứt khoát không thể làm tay sai cho thị trường”(tr.70). Nhưng ông nói thêm: “Tất cả đã thay đổi. Tất cả đòi hỏi được thay đổi”…”Một khi đã hình thành và được chấp nhận có một thị trường văn học nghệ thuật thì không thể không chấp nhận các thượng đế của thị trường ấy”(tr.75)

Về phê bình văn học, ông nhận định: “Nhiều vấn đề lý luận chưa được tổng kết nghiêm túc, còn tồn nghi nhiều ngộ nhận. Việc giới thiệu lý luận của nước ngoài làm khá đậm, nhưng đề xuất, kiến tạo, xây dựng lý luận văn học đổi mới của Việt Nam, cho Việt Nam thì chưa làm được bao nhiêu “(tr.19).

Ông cũng đề cấp đến tính hiện đại (tr.35), về “Cái mới” trong văn học (tr.55), về thị trường, về “quyền lực mềm” (tr.70), về chống suy thoái văn hóa…(tr.71). Theo ông, “Quyền lực của văn hóa là quyền lực của  lương tâm, của điều thiện” (tr.70).

Ông cũng đưa ra những quan điểm có tính uốn nắn với những sai lầm của sáng tác và phê bình. Chẳng hạn, ông nói về khuynh hướng “Tuyệt đối hóa phương pháp sáng tác”. “Lấy thi pháp thay cho tài năng. Thực chất là tuyệt đối hóa hình thức” (tr.73); “Nếu tuyệt đối hóa hình thức mà có tiền đồ thì nhóm Xuân Thu Nhã Tập đã thành một dòng thơ lớn tồi. Nhưng nó biến mất và chỉ để lại một tấm biển báo nguy hiểm bên cạnh đường thơ: ‘Chủ nghĩa hình tức, cẩn thận, có mìn’”(tr.272)

Có thể nhận thấy Chủ tịch Hữu Thỉnh đã bám sát thực tiễn văn học, có tầm bao quát sâu rộng, đứng trên lập trường văn nghệ Marxist ông đáng giá đúng bản chất chính trị-xã hội của các vấn đề văn học và một nhiệt tình bền bỉ thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng về văn hóa văn nghệ. Văn học Việt Nam 45 năm qua (1975-2020) đã đạt nhiều thành tựu trong nhiệm vụ xây dựng văn hóa, xây dựng con người góp phần cào công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, đặc biệt là sự quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài.

Chủ tịch Hữu Thỉnh khẳng định: “Sự ổn định của văn nghệ đem đến sự ổn định chung của đất nước, một dòng chảy lành mạnh của văn nghệ góp vào tính tích cực của xã hội, đó là cống hiến rất quan trọng của giới văn học nghệ thuật nước nhà đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta”(tr.64).

4. “Diễn văn” của Hữu Thỉnh có tính hùng biện. Tính hùng biện thể hiện trước hết ở sức thuyết phục người nghe, người đọc bằng cả chiều sâu tư tưởng và tình cảm. Ông phát biểu với thái độ hết sức tự tin. Ông tin vào lịch sử 4000 năm hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc, tin vào nền văn hóa có bản lĩnh dung hợp mọi yếu tố từ bên ngoài vào của cha ông, tin vào một nền văn học gắn bó với nhân dân, thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo, và căn bản là ông tin vào kháng chiến và cách mạng, tin tưởng sâu sắc đường lối văn nghệ của Đảng, vào chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin. Sự tự tin kết hợp với vốn văn hóa, văn học sâu rộng, được soi sáng bởi triết học Mac-Lênin, cùng với khả năng bẩm sinh về ngôn ngữ, về sự hiểu biết sâu sắc về con người, khiến cho những phát biểu của ông trong bản chất đã đủ tính thuyết phục.

Nhưng không chỉ có vậy. Hữu Thỉnh luôn có những câu văn “đóng đinh” vào trí nhớ người nghe. Những câu văn này chứa đựng những chân lý hiển nhiên và có thể đứng một mình. Nó có sức gây ấn tượng và tạo nên nhiều mỹ cảm (tương đồng với những lời bình ngoại đề có tính minh triết trong Truyện Kiều). Xin đọc:

Ông nhận xét về văn trẻ:

“Dàn đồng ca khá mạnh nhưng còn ít những giọng lĩnh xướng vang xa”.

“Thêu thùa cho cá nhân thì khéo, may cắt cho thiên hạ còn ít dụng công.(tr.32)

 “Tài năng là Trời cho nên Trời cũng có thể lấy đi bất cứ lúc nào”(tr.34).

 Đây là trải nghiệm chân lý:

“Là các nhà văn bước ra từ chiến tranh, và đi lên từ những vết thương xé lòng, chúng tôi hiểu ánh sáng không bao giờ cũ. Máu không bao giờ cũ. Tình bạn không bao giờ cũ”(tr.95)

Đối mặt với sợ hãi phải được thay thế bằng đối mặt với hy vọng. Kinh nghiệm này không còn mới. Tồn tại dạy chúng ta điều đó”(tr. 124).

Nhìn thẳng vào sự thật:

“Thiếu cá tính sáng tạo có 2 nguyên nhân, một là bất tài, hai là sợ hãi”(tr.65).

Nói về ứng xử văn hóa:

“Ứng xử với tài năng cần một tài năng, ứng xử với tấm lòng cần một tấm lòng” (tr.63)

Nói về phương pháp sáng tác:

“Không cần phương pháp gì cả là một phương pháp cao nhất. Vì thơ đã đụng đến tâm hồn” (tr.121)

            Trong nghệ thuật biểu đạt, Hữu Thỉnh dùng nhiều thủ pháp viết văn tác động trực tiếp tâm lý  người nghe (bằng cả thị giác, thính giác, cảm giác…):

            Sử dụng phép trùng điệp cấu trúc kết hợp với tăng cấp, kết hợp lý trí và cảm xúc, hình ảnh thực với hình ảnh ẩn dụ: “Là các nhà văn bước ra từ chiến tranh, và đi lên từ những vết thương xé lòng, chúng tôi hiểu ánh sáng không bao giờ cũ. Máu không bao giờ cũ. Tình bạn không bao giờ cũ”(tr.95).

                Lập luận nâng lên và mở rộng dần tầm tư tưởng: “…cuộc chiến đấu cho tự do độc lập trên đất nước chúng tôi cũng đồng thời là cuộc chiến đấu cho văn hóa dân tộc. Đó còn là cuộc chiến đấu cho nhân loại, vì Việt Nam kiên cường chống lại sự hủy diệt văn hóa trên quy mô lớn”(tr.93).

Sử dụng tính từ kết hợp với phép trùng điệp cấu trúc câu tạo nên hiệu quả bất ngờ: “Cuộc sống chào đón họ và có thể nói dành cho họ điều kiện sáng tạo tốt nhất mà

không thế hệ nào trước đó có được. Một không gian tinh thần rộng thoáng, một hiện thực vạm vỡ, mới mẻ đến ngỡ ngàng, một công chúng đông đảo mà dân trí được nâng cao từng ngày, tất cả tạo nên một ‘cánh đồng bất tận’ cho các tài năng trẻ nảy nở và phát triển” (tr.52).

Sử dụng so sánh bằng hình ảnh (gợi âm thanh, cảm xúc, trí tưởng tượng) cũng tạo nên hiệu quả hùng biện của văn Hữu Thỉnh:

 “Tuyệt đối hóa hình thức, tách rời hình thức ra khỏi chỉnh thể văn học, chẳng khác nào đập vỡ chiếc cốc pha lê, biến nó thành những mảnh vụn mà tác dụng duy nhất chỉ có thể là sát thương văn học và nhiễm trùng văn học”(tr.37).

            Có thể nói “diễn văn” của Hữu Thỉnh vừa hùng biện, vừa tài hoa. Điều này có căn gốc từ sự kết hợp nghệ thuật lập luận với kiểu ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, cảm xúc và giàu sức gợi, tạo nên sự độc đáo của cá tính sáng tạo. Nói cho đúng, “diễn văn” của Hữu Thỉnh còn tập trung toàn bộ thế giới tâm hồn, lý tưởng, vốn sống, tính cách, bí mật của tài năng và sự trải nghiệm của ông.

Nền tảng “Lý luận văn học” ông sử dụng là “lý luận văn học truyền thống”(chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và văn hóa dân tộc). Không thấy ông vận dụng những lý thuyết văn học đương đại để phân tích những vấn đề của thời đại mới. Phải chăng ông bảo vệ “truyền thống” một cách cực đoan khi ông nói về phương pháp sáng tác: “Không cần phương pháp gì cả là một phương pháp cao nhất. Vì thơ đã đụng đến tâm hồn” (tr.121)?

Nếu vậy thì khó thuyết phục được người viết văn trẻ khi họ say mê đi tìm “cái mới” và ít nhiều họ đã góp phần làm mới văn học Việt hôm nay. Chính ông cũng đã từng phàn nàn về tình trạng cũ quá của văn học Việt: “Còn rất hiếm sự đột khởi táo bạo về ngôn ngữ tiểu thuyết, về cấu trúc tác phẩm, đặc biệt là về triết lý nghệ thuật…Yếu tố thể nghiệm làm mới tiểu thuyết ít được quan tâm. Sau bao nhiêu năm, nhịp điệu tiểu thuyết vẫn chậm chạp, kề cà, rậm rạp, dẫn đến tình trạng số trang thì dày nhưng dung lượng thì mỏng” (tr.73).

MỘT TẤM LÒNG VỚI NHỮNG TẤM LÒNG

Trong Bến văn và những vòng sóng có 34 bài viết về các nhà thơ, nhà văn gồm nhiều thế hệ. Có những bài đọc trong dịp kỷ niệm 100 năm một tác giả trước 1945. Có bài viết về các nhà thơ cách mạng, về những người bạn, người anh trong kháng chiến, viết về các tác giả đương đại. Có cả bài như “điếu văn” trong tang lễ, và bài giới thiệu tác phẩm.

Những bài phê bình tác giả này được viết như một tiểu luận. Nhà thơ Hữu Thỉnh nói rõ thói quen “Đọc ngược văn bản. Nghĩa là qua thơ, tôi đi tìm tác giả… hiểu hành trình thơ của tác giả (tr.409). Văn tiểu luận của Hữu Thỉnh có sự kết hợp rất nhuần nhiễn giữa trực giác cảm thụ nghệ thuật tinh tế với cách viết tùy bút, nghiên cứu và phê bình. Ông tạo ra một phong cách rất riêng.

Hữu Thỉnh sử dụng phương pháp phê bình Marxist khi “đi tìm tác giả”. Trước hết ông quan tâm đến bối cảnh lịch sử xã hội của nhà thơ nhà văn. Ông dựng lại cuộc đời của họ trong bối cảnh đó. Rồi đứng trên yêu cầu nhiệm vụ Cách mạng của văn học, ông đánh giá những giá trị văn học mà nhà văn ấy cống hiến. Yêu cầu ấy là: Văn học là vũ khi đấu tranh cách mạng. Nhiệm vụ ấy là, nhà văn là chiến sĩ của Đảng  trực tiếp góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tất nhiên là tùy từng tác giả cụ thể mà Hữu Thỉnh vận dụng linh hoạt phương pháp phê bình này.

Nhìn chung, những tiều luận về tác giả văn học của Hữu Thỉnh đọc hấp dẫn và rất thuyết phục. Ông thực hiện nhiệm vụ chính trị bằng cái tâm chân thành, bằng sự trân trọng rất mực đối với người hiền tài và bằng sự thấu hiểu, bao dung nhân hậu đối với những phận người. Những nhận xét của ông vừa có bề rộng của tầm khái quát lịch sử thời đại, lại vừa rất cụ thể, chân tình đến gan ruột, tri âm tri kỷ. Những trang bình thơ như có men say, bay bổng tuyệt vời của một tâm hồn nghệ sĩ. Hữu Thỉnh có trực giác nghệ thuật rất mạnh và rất tinh; Ông phát hiện được ngay cái thần thái tinh anh của tài năng. Ông tỏ ra tài hoa, giàu có và độc đáo vô cùng trong diễn đạt ngôn ngữ, ý tứ, người khác khó học theo ông được. Thế nên bài viết nào của ông cũng đem đến nhiều thú vị cho người đọc.

Thú vị nhất là những kỷ niệm riêng tư của ông với từng tác giả. Ông sống rất sâu và hiểu rất rõ từng người. Ông có cách kể gọn, sinh động, tỉ mỉ và chọn được những tình tiết đắt giá để làm nổi bật cái tình của ông với bạn văn. Nhưng dù là chuyện riêng tư, ông vẫn giữ được sự mực thước chính trị, vẻ đẹp nhân văn và sự chân thành tri kỷ của tình bạn. Phương pháp tiểu sử của ông giúp ích rất nhiều cho những nhà nghiên cứu văn học, những thầy cô giáo dạy Văn. Thế giới văn chương của ông có bao nhiêu là tài năng, bao nhiêu là cái đẹp, bao nhiêu là giá trị trân quý, dù những cuộc đời ông nói đến có chìm nổi, bi đát thế nào thì qua tấm lòng của Hữu Thỉnh, thế giới văn chương là thế giới của cái đẹp, của những con người đẹp, mà đẹp nhất là tình yêu tổ quốc, nhiệt tình cách mạng và sự đồng điệu văn chương.

Đối với những nhà văn tiền bối như Nguyên Hồng, Nam Cao,… ông dành cho họ sự tôn kính bậc thầy. Ông viết: “Nguyên Hồng là một nhân cách văn hóa đáng kính trọng;… ông ở trong một số ít người đã đến gần nhất hai chữ hoàn hảo”(tr.385). Ông gọi Nam Cao là một bậc thầy: “Tên tuổi Nam Cao là niềm tự hào của  văn học nước nhà. Các thế hệ nhà văn Việt Nam mãi mãi nhớ ơn và noi theo tấm gương của người thầy lớn Nam Cao (tr.296)

Với những nhà thơ nhà văn cách mạng như Lê Đức Thọ, Tố Hữu, Lê Quang Đạo, Hữu Thỉnh khẳng định những giá trị tuyệt vời của cách mạng. Ông viết về thơ của đồng chí Lê Đức Thọ: “Thơ Lê Đức Thọ là thơ trữ tình chính trị…;  Lê Đức Thọ là nhà cách mạng làm thơ, ông coi thơ như là một vĩ khí thêm vào các vũ khí, một phương tiện thêm vào các phương tiện để thực hiện lý tưởng của mình…; Tôi đọc thơ ông cũng trên một nhận thức ấy.(tr.312).

Nhận xét về thơ Tố Hữu, ông viết: “Tố Hữu hơn một lần chứng minh rằng, tình ca và tráng ca hoàn toàn có thể và cần thiết kết hợp với nhau để tạo nên hòa điệu đẹp đẽ của lòng yêu nước. Thơ Tố Hữu là cách mạng hóa tình cảm, tình cảm hóa cách mạng…” (tr.163); về phẩm chất nhà thơ, Hữu Thỉnh nhận xét “Tố Hữu chứng minh rằng, nhà thơ chân chính rất cần sự tiên phong về chính trị và tư tưởng (tr.167)

Với những nhà văn nhà thơ một thời (trước đổi mới) “có vấn đề” như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu,…Hữu Thỉnh với tấm lòng trân trọng người tài đã khẳng định tài năng và đóng góp của họ với văn học nước nhà. Ông không nhắc lại những nặng nề thuở trước, thay vào đó ông làm sáng lên tài năng, nhân cách và những nỗ lực của bản thân nhà văn nhà thơ. Bài viết về Nguyễn Đình Thi (tr.171), về Chính Hữu (tr.194) có chất say đặc biệt.

Ông nói về Con nai đen của Nguyễn Đình Thi một thời bị phê phán: “Vấn đề Con Nai Đen chỉ là vấn đề báo động sớm sự leo thang của cái giả cái ác khi tiếng nói trung thực bị đặt ra ngoài vùng ngoại diên của đời sống công quyền”(tr.179) “. Với Chính Hữu, người viết bài Ngày về, một thời bị phê phán, ông không chỉ khẳng định giá trị của Chính Hữu, mà có cả sự tri ân:“Anh Chính Hữu ơi! Anh là niềm hạnh phúc là may mắn lớn nhất trong cuộc đời cầm bút của em”(tr.196); Hỡi các anh em Vân Hồ, Nếu không có anh Chính Hữu hồi đó thì chúng mình tan tác chim muông từ khuya rồi”(tr.197)

Đây là những lời chân thành ông viết về Vũ Trọng Phụng: “Có một dạo, trong trạng thái lạc quan có phần hơi thái quá, chúng ta suýt nữa quên mất Vũ Trọng Phụng, tưởng như cuộc sống không cần đến ông nữa.. Chúng ta vui vẻ một cách bồng bột xếp nhà văn họ Vũ yên ổn một chỗ trong quá khứ, trong kỷ niệm” (tr. 292). Cũng may, nhờ “đổi mới”, những giá trị văn học của Vũ Trọng Phụng, và của nhiều nhà thơ nhà văn khác như Phan Khôi, Quang Dũng, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Trần Dần… đã được tôn vinh trong nền văn học dân tộc. Hữu Thỉnh đã viết về những nhà thơ nhà văn “có vấn đề” này trong tinh thần “đổi mới” ấy của Đảng.

            Viết về các tác giả đương đại (Nguyễn Quang Thiều, Thanh Thảo, Mai Văn Phấn…), ngòi bút của Hữu Thỉnh có đắn đo, rào đón hơn; và không phải là không có lúng túng. Bởi ông không thể tiếp cận họ bằng hệ thống mỹ học và thi pháp truyền thống (phương pháp phê bình Marxist). Ông chỉ còn trông nhờ vào trực giác mẫn cảm của mình, cùng với kinh nghiệm đọc thơ. Và Ông nỗ lực vận dụng ánh sáng lý luận trong các Nghị quyết của Đảng.

Chính ông thú nhận mình phải thay đổi cách đọc, cách tiếp cận khi đọc thơ Nguyễn Quang Thiều: “Trong Châu thổ, còn có những bài thơ ngắn… như tôi nói ngay ở đầu bài viết này, cần phải thay đổi thói quen của sự tiếp nhận để đọc những bài thơ này” (tr.330). Mở đầu bài viết, Hữu Thỉnh xác định vấn đề là : “Thay đổi thói quen để tiếp nhận Nguyễn Qiang Thiều” (tr.320).  Ông mơ hồ nhận ra thơ Nguyễn Quang Thiều là thơ Siêu thực nhưng không gọi tên ra được. Ông viết: “Nguyễn Quang Thiều đã tạo ra một trường thẩm mỹ cho riêng mình, khước từ mọi ước lệ, khước từ mọi véo von nhễ nhại…Nguyễn Quang Thiều huy động tối đa những ngẫu nhiên…”(tr.323).

Đây là khám phá của Hữu Thỉnh về bút pháp của Nguyễn Quang Thiều: “Dò tìm, tôi thử phác ra bút pháp của Nguyễn Quang Thiều (tr.328): “Bắt đầu anh treo lên tường một bức tranh. Rồi anh tháo bộ khung đó ra, bức tường trở thành một bộ khung mới. Rồi đến lượt nó, bức tường cũng bị tháo ra và không gian của bức tranh cứ mở rộng thêm mãi ra hầu như vô tận để cho cái vô tận của thế giới ùa vào. Và bức tranh bây giờ vừa là nguyên gốc vừa được vẽ thêm với bao nhiêu màu sắc lạ. Đã hẳn đây là bút pháp phi tuyền thống, cảm hứng theo dõi dãn nở. Mọi yếu tố vần điệu âm nhạc câu chữ đều bị tháo tung ra thay vào đó là các yếu tố ẩn dụ, biểu hiện, ấn tượng, tân hình thức (tr.329). Và ông khuyên nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: “Anh nên quan tâm hơn đến cấu trúc. Thơ có thể có yếu tố phi lý, nhưng cấu trúc phải hợp lý một cách có nghệ thuật.”Cách nói của ông thật sinh động. Ông dùng ẩn dụ để tránh nói thẳng vào bút pháp của Nguyễn Quang Thiều, vì biết đâu việc “dò tìm” và “thử sức” của ông chưa đạt tới chân lý?

            Thực ra, chủ nghĩa Siêu thực phá vỡ logic lý trí, phá vỡ cấu trúc truyền thống, đưa vào nhiều yếu tố ngẫu nhiên, phi lý, hoang tưởng. Ông khuyên Nguyễn Quang Thiều chú ý đến cấu trúc, chú ý đến tính “hợp lý”, là khuyên Thiều trở về với truyền thống. Dõi theo thơ Nguyễn Quang Thiều, tôi chưa bắt gặp bài nào Thiều làm theo thể thơ Tân hình thức cả. Nguyễn Quang Thiều đi từ truyền thống đến hiện đại, từ kiểu thơ lãng mạn (Thơ Mới), thơ hiện thực Xã hội Chủ nghĩa, thơ giàu âm điệu dân gian, đến thơ Siêu Thực. Nguyễn Quang Thiều thực sự góp phần cách tân thơ Việt ở kiểu thơ tư tưởng viết theo bút pháp Siêu thực có ảnh hưởng của F.Kafka và R. Tagore (xin đọc Linh hồn những con bò và bài Dưới cái cây ánh sáng). Điều này Hữu Thỉnh chưa đọc được (?).

Một lần nữa Hữu Thỉnh lại lúng túng trong việc sử dụng hai khái niệm “cách tân” và “đổi mới”. Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ thực sự cách tân nhưng Hữu Thỉnh lại định vị rằng: Nguyễn Quang Thiều là truyền thống, bởi anh luôn đi tìm những cái mới” (tr.323), và có khi ông gọi một nhà thơ viết theo thi pháp truyền thống là nhà thơ cách tân. Chẳng hạn, ông viết về Chính Hữu: Chính Hữu là nhà cách tân thơ rất sớm, đi theo một hướng hoàn toàn khác với trường phái “phu chữ” sau này. (tr.211). Ông cũng nhận xét vềNguyễn Đình Thi: “Một quá trình đổi mới từ rất sớm, cách tân không ngừng, đối với Nguyễn Đình Thi, đó là sự cách tân toàn diện về tầm nhìn, về tư tưởng, về nghệ thuật về mài dũa tài năng”(tr.181). Tôi nghĩ Hữu Thỉnh đã hiểu khái niệm “cách tân” khác rất xa với yêu cầu học thuật của từ này.

MỘT TẤM LÒNG TRI ÂM.

Nhà thơ Hữu Thỉnh đã từng ước mơ: “Tôi luôn coi sự đồng điệu giữa sáng tác và phê bình là một giấc mơ”(tr.66), và ông đã viết tiểu luận phê bình trên tinh thần ấy.

Điều tôi tâm đắc ở ngòi bút phê bình của Hữu Thỉnh là sự chân thành, tính trung thực rất mực trong cuộc sống và trên trang văn. Ông thổ lộ điều này: “Những phút riêng tư đau buồn nhất, tôi luôn có Phật”(tr.373). Tôi hiểu thế này. Kệ viết: Tâm tức Phật/ Phật tức tâm”. Nguyễn Du viết: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Ông nói “Tôi luôn có Phật” tức là sự thể hiện một tấm lòng. 

Ông chịu khó đọc. Năng lực tổng hợp và trí nhớ của ông thật tuyệt vời. Ông đã đọc lại Nguyễn Đình Thi, “gần 4000 trang tuyển tập và đọc thêm những trang nhà xuất bản để ra ngoài, tôi thức với nhiều ngạc nhiên”(tr.183). Cũng vậy, với Chính Hữu, ông nói:“Tôi dành đọc trọn vẹn tác phẩm (nhiều lần) và tất cả những bài phê bình về thơ anh”(tr.198). Trong Hội thảo thơ Nguyễn Đình Ảnh (tr.352), ông nói: “Tôi nhận thấy mình không đủ tư cách nếu không đọc mà chỉ nói bâng quơ ”(tr.355). Ông không chỉ đọc kỹ, ông còn nhớ từng chi tiết kỷ niệm với mỗi người ông quen biết, dù cách xa đến hàng nửa thế kỷ (tr. 259).

Đọc Bến văn và những vòng sóng, người đọc có thể hình dung ra hành trình cuộc đời của Hữu Thỉnh. Những ngày còn bé, có thể Hữu Thỉnh đã cùng với Dương Thị Xuân Quý đi chợ phiên Phú Vinh-Vĩnh Phúc (tr.386). Những ngày làm lính, ông chờ Phạm Ngọc Cảnh ở nhà số 4 Lý Nam Đế-Hà Nội để được in thơ (tr.348); được Chính Hữu dìu dắt và làm việc chung với ông hàng mấy chục năm (tr.195). Rồi đi học Liên Xô với Nguyễn Thanh (tr.253); vào Tây Nguyên, mặt trận B5 để gặp Thu Bồn (tr.277). Đi học trường viết văn Nguyễn Du, dự những cuộc vui với Nguyễn Quang Sáng ở An Giang, bị kẹt ở BangKok khi sang Hoa kỳ dự hội thảo Mùa hè của trung tâm William Joiner (tr.103;131). Ông ghi lại cả hương vị món bánh có mật ong và hạnh nhân do nhà thơ Martha Collins làm đãi khách…

 Sự trân trọng tài năng của ông thể hiện trong mọi việc làm, trong những lời chia sẻ và ở thái độ ứng xử rất mực tình nghĩa. Bởi ông ý thức rất rõ:“Tài năng thực sự thời nào và ở đâu cũng luôn luôn hiếm và quý(tr.54). Ông là hiện thân của con người Việt Nam truyền thống và hiện đại. Tưởng niệm nhà thơ Dương Thị Xuân Quý, người đã hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ lúc mới 28 tuổi, để lại con thơ, Hữu Thỉnh viết:“Tôi đã khóc khi viết những dòng này, và tôi tự hào thấy rằng, trong thế hệ chúng tôi có một người như Dương Thị Xuân Quý…(tr.388). Ông đối thoại với Anh Đức: “Tôi viết những dòng này với lòng cảm phục, thương tiếc sâu sắc và biết ơn anh, một nhà văn đã đạt đến độ trưng cất tài hoa trong tác phẩm…”(tr.319)    

Và hơn thế, Hữu Thỉnh xác tín nhiệm vụ xây dựng một đội quân văn hóa đủ sức chuẩn bị cho nhân dân ta bước vào ngôi nhà của xã hội công nghiệp và xã hội thông tin”.(tr.53). Ông đã điểm danh một đội ngũ đông đảo, hùng hậu tài năng của thi ca Việt Nam (bài Một nền thơ đang chuyển, tr 141).

Nói một lời cặn kẽ, Hữu Thỉnh là nhà thơ tài hoa, một nhà thơ tư tưởng. Ông còn là cán bộ lãnh đạo văn nghệ kiên định lý tưởng, có bản lĩnh vững vàng, giàu tài năng và trải nghiệm. Nghệ thuật ngôn ngữ của ông rất tuyệt. Sức thuyết phục của ông toát ra mạnh mẽ. Nhìn ông bạn bè quốc tế thấy được tầm vóc nhà văn Việt Nam. Những “diễn văn” và những tiểu luận phê bình của ông có nhiều giá trị, cả về lý luận và thực tiễn, về một thời đại văn học rất quan trọng. Đó là văn học thời kỳ đổi mới (từ 1986 đến nay) mà ông là người trực tiếp có những đóng góp, những tổng kết, những khai mở.

Trong Bến văn và những vòng sóng, Hữu Thỉnh đã giải quyết nhiều vấn đề văn học của một thời, song có những vấn đề muôn thuở của văn học cần được tiếp tục thảo luận sâu rộng. Bài viết này mới chỉ tiếp cận một cách sơ lược cuốn sách. Kính mong được trao đổi.

Kính chúc nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam 2000-2020) sức khỏe, niềm vui và trọn vẹn một tấm lòng tri âm với văn chương.

Ngày 10/01/2021

____________________ 

Bài viết này đã đăng trên các trang web:

trannhuong.com ngày11/01/21.

http://trannhuong.top/tin-tuc-55264/ben-van-chuong.vhtm

Trang web của Hội VHNT Đồng Nai ngày 15/01/21.

Hội Nhà văn Tp HCM: vanchuongphuongnam lên trang ngày 16/01/2021:

TÔI ĐỌC TRANH NGUYỄN QUANG THIỀU

TÔI ĐỌC TRANH NGUYỄN QUANG THIỀU

Bùi Công Thuấn

Sáng 7/1/2021 tại Trung tâm Art Space, ĐH Mỹ Thuật, Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) đã khai mạc triển lãm cá nhân có tên Người thổi sáo.  Hơn 53 bức tranh triển lãm được vẽ với các chất liệu sơn dầu, màu nước, pastel và được Nguyễn Quang Thiều thực hiện trong 3 năm gần đây. Triển lãm này do nhóm Nhân sĩ Hà Đông đứng ra tổ chức. Tôi không có điều kiện trực tiếp tham dự buổi khai mạc này. Những thông tin tôi có được là qua video ghi hình lại buổi khai mạc của nhà thơ Trần Nhương, các bức tranh được báo chí chụp lại và tranh trên FB của nhà thơ Nguyễn Quqang Thiều. Đó là những thông tin gián tiếp, tôi sẽ không tránh khỏi những ngộ nhận khi đọc tranh

ENTRANCE

Xin xác định là tôi đọc tranh Nguyễn Quang Thiều như đọc một văn bản, chỉ khác trong văn bản là ký hiệu chữ, còn tranh là ký hiệu hình ảnh, màu sắc, bố cục, đường nét…

            Nhiều người đã xem tranh Nguyễn Quang Thiều, song cho đến lúc này, tôi chưa thấy ai đọc tranh của người họa sĩ tài hoa này[1].

            Hoạ sĩ Lê Thiết Cương nhận xét: Nguyễn Quang Thiều mộng du qua cánh đồng hội hoạ. Nguyễn Quang Thiều đã chọn chính xác cho giọng hội hoạ của mình là giọng mộng du…Đấy là cái đẹp của Nguyễn Quang Thiều

Hoạ sĩ Đào Hải Phong bày tỏ cảm giác này: “Tranh của Nguyễn Quang Thiều nhìn không bị mệt mặc dù ông ấy vẽ đôi khi rất ẩn chứa điều gì đó. Nhưng quan trọng nhất đối với tôi vẽ để Nguyễn Quang Thiều giải thoát chính mình”.

Hoạ sĩ Thành Chương lý giải điều này: “…ông (NQT) là con người của chữ nghĩa, là con người của cội nguồn gốc rễ quê hương làng xóm sâu nặng. Nên trong tranh của Nguyễn Quang Thiều đậm chất làng xóm quê hương.”

Cả ba họa sĩ đã xem tranh nhưng không ai nói rõ ra “ẩn chứa điều gì đó”trong tranhNguyễn Quang Thiều là điều gì? Và nếu xem kỹ tranh của Thiều, người xem tranh phải hoài nghi về cái “chất làng quê” mà họa sĩ Thành Chương gán cho tranh của Thiều. Người mộng du là  người đi trong lúc ngủ, tôi chưa nghe thấy “giọng mộng du” là giọng thế nào! (phải chăng “giọng mộng du” là một thuật ngữ chuyên môn của hội họa mà tôi là dân ngoại đạo không biết?)

Tôi đã chuẩn bị cho mình cổng vào phòng tranh của Nguyễn Quang Thiều như thế này.

Tranh của Thiều là tranh Siêu thực. Nghệ thuật Siêu thực phá vỡ cấu trúc logic của sự vật, đưa vào tranh những hoang tưởng, những phi lý, những ngẫu nhiên; phá vỡ nhận thức logic của người xem tranh, lật nhào mọi thói quen nhận thức theo kiểu lấy logic hiện thực đo chân lý nghệ thuật. Vì thế nếu đọc tranh của Thiều bằng cái nhìn hiện thực, quán chiếu theo logic lý trí thì sẽ thất bại. Bởi tất cả hình ảnh trong tranh Thiều, dù có mang bóng dáng của hiện thực, đều là những hình ảnh biểu tượng trong liên tưởng vô thức của tác giả. Không có không gian thực, không có thời gian thực, và những gì được vẽ ra không phải là đời thực. Vấn đề là khám phá cho ra những hình ảnh ấy biều tượng cho cái gì và người họa sĩ vẽ tranh dùng nó để nói điều gì?

Hình ảnh Siêu thực cũng là một hệ thống “mở”, cho phép người đọc dùng mọi chìa khóa văn hóa để liên tưởng, mở ra những cách hiểu, lấp đầy những khoảng trống văn bản, hoặc khám phá ra những ý nghĩa khác của ký hiệu mà tác giả không ngờ tới. Nói cách khác, người đọc hiện đại đọc tác phẩm theo cách tiếp cận của mình, và vì thế nhiều khi họ khám ra những điều không phải là thông điệp của tác giả. Nghĩa của văn bản là nghĩa của người đọc khi đọc đọc ký hiệu văn bản.

Công việc của tôi là, dùng Ký hiệu học để giải mã những hình ảnh Nguyễn Quang Thiều đã chuyển thành biểu tượng nghệ thuật. Tôi cũng dùng Cấu trúc luận để tìm cấu trúc tổng thể trong ý thức sáng tạo của người họa sĩ. Chính cấu trúc này giúp việc tìm ra ý nghĩa, bởi nghĩa nằm trong cấu trúc. Và dùng Giải Cấu trúc để lấp đầy những khoảng trống văn bản theo những quy chiếu của Cộng đồng diễn dịch Tầm đón đợi của người đọc. Tất nhiên là không thể thiếu tri thức về các trường phái hội họa…

Nhan đề Người thổi sáogợi cho tôi tên bài hát The Piper của Abba. Bài hát có hình ảnh này nhưng trong tranh Nguyễn Quang Thiều không có:

We’re all following the piper

And we dance beneath the moon

      (Tạm dịch:Tất cả chúng tôi đang theo  người thổi sáo/ Và chúng tôi khiêu vũ dưới mặt trăng).

           Tôi rời Abba để lần theo truyện dân gian Trương Chi thổi sáo bên sông làm Mỵ Nương đắm say. Nhưng tranh của Thiều, người thổi sáo không ngồi bên sông, và cũng không có dòng sông nào. Tôi lại lần theo chuyện anh Điều mù thổi sáo bài Tiến quân ca mà nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng đó là “cả vũ trụ đau đớn bi thương sát kề khiến chúng ta không thể quay mặt” (Hữu Thỉnh, Bến văn & Những vòng sóng. Nxb HNV 2020, tr.406). Nhìn bức tranh người mù thổi sáo của Nguyễn Quang Thiều, tôi cũng không thấy “vũ trụ bi thương” này.

Nói như thế để thấy Nguyễn Quang Thiều không chịu ảnh hưởng phương Tây hay phương Đông khi sáng tạo hình tượng Người thổi sáo này. Người thổi sáo là hình tượng sáng tạo riêng của nhà thơ Nguyễn Quag Thiều trong trong thế giới nghệ thuật của riêng ông.

 Và may mắn tôi tìm được lời giải thích.

Người mù thổi sáo có nguyên mẫu là một người thực. Thông tin của Nhóm Nhân sĩ Hà Đông cho biết: Người Thổi Sáo cũng liên quan đến một câu chuyện trong đời của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Đó là những ngày tháng ông mang một nỗi phiền muộn mà không thể thoát ra được. Một sáng có một người thổi sáo mù đi qua nơi ông ngồi uống cà phê ở thị xã Hà Đông. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã cầu khẩn người thổi sáo mù thổi cho ông một khúc nào đó mà người thổi sáo mù muốn. Người thổi sáo mù ấy đã nhìn ông rất lâu bằng đôi mắt mù và nâng sáo lên thổi. Giai điệu của khúc sáo ấy đã chạm vào một nơi chốn nào đó trong con người ông và thay đổi ông. Những phiền muộn trong lòng ông bấy lâu nay đã tan biến. Những tháng ngày sau, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã luôn ngồi ở quán cà phê vỉa hè ấy để mong gặp lại người thổi sáo mù. Nhưng ông không bao giờ thấy người thổi sáo mù đi qua nữa. Có lẽ mỗi người trong đời chỉ được một lần nghe thấy giai điệu ấy”.[2]

Câu chuyện này có thể giúp ta đọc tranh của Nguyễn Quang Thiều. Những mảng màu sậm (đen, nâu, tím đen, xanh đen, nâu đen. Có rất ít màu đỏ) chiếm đa phần trong tranh của Thiều chính là sự trầm tư và “một nỗi phiền muộn mà không thể thoát ra đượcvà người thổi sáo mù đã làm tan đi những nỗi muộn phiền ấy (mảng màu sáng: Màu vàng, màu xanh, màu trắng). Còn lại, những hình ảnh trong tranh có thể hé lộ Nguyễn Quang Thiều trầm tư về những vấn đề gì. “Triển lãm của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chỉ là sự bày tỏ con người ông, một con người như mọi con người trên mặt đất này và không có gì hơn nữa.”[2.đd]

Như vậy, vấn đề trung tâm của tranh Nguyễn Quang Thiều là vấn đề ”Con Người”.

CHIM, CÁ – BƯỚM VÀ ỐNG SÁO

            Trong rất nhiều tranh của Nguyễn Quang Thiều, hình ảnh chim, cá, bướm, ống sáo luôn hiện diện. Và kèm theo đó là hình ảnh người đàn ông, hoặc người đàn bà hoặc hình ảnh nam nữ đang giao hoan. Có bức tranh vẽ người đàn bà, con cá và một con chim lớn. Có tranh vẽ người đàn ông khỏa thân với đầu chim, rắn và con cá. Có bức tranh vẽ đôi nam nữ với có hai con chim, trên người nhân vật nữ là những con bướm; có tranh vẽ một phụ nữ khỏa thân với con bướm và con chim gần đó…(xem hình 2)

          Trong dân gian, chim được dùng để gọi bộ phận sinh dục nam. Cá, bướm dùng để gọi bộ phận sinh dục nữ. Như vậy trong tranh của Nguyễn Quang Thiều, hình ảnh chim, ống sáo là biểu tượng cho bộ phận sinh dục nam. Hình ảnh bướm và cá là biều tượng bộ phận sinh dục nữ. Tranh nào cũng có những biểu tượng này, đó chính là sự bộc lộ những ẩn ức tính dục. Con người lừ lúc sinh ra cho đến hết cuộc đời, luôn bị ám ảnh, chi phối bởi bản năng tính dục. Đấy là sự thật, và chính tính dục đã gây nên bao tội lỗi. Cho nên bức tranh người đàn ông thổi sáo, xung quanh rất nhiều bướm, trước hết anh ta bị bao vây bởi tính dục. Đó là Con Người. Bức tranh có hình con rắn phải chăng là sự cám dỗ tính dục (trong Kinh Thánh: Eva bị con rắn dụ dỗ ăn trái cấm sau đó rủ Adam ăn theo, và cả hai phạm tội bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng).

            Nhưng cần lưu ý rằng, Nguyễn Quang Thiều không vẽ những biều tượng sinh dục hoặc vẽ tranh khỏa thân để miêu tả tính dục (mặc dù có hình ảnh nam khỏa thân, nữ khỏa thân và đôi nam nữ nằm bên nhau khỏa thân). Tính dục trong tranh Nguyễn Quang Thiều đã thăng hoa thành “Cái đẹp”. Vì thế người xem tranh cảm nhận được ngay cái đẹp mà không bị chi phối bởi bất cứ cảm giác tính dục nào. Đó chính là nghệ thuật. Điều này Phân Tâm học đã lý giải. Chẳng hạn, hình ảnh bướm-chim trở thành biểu tượng đa nghĩa. Trong tranh của Thiều, chim có thể là bồ câu đá, hay bồ câu trắng, chim sáo hay con quạ đen. Những hình ảnh này vận động trong những trường nghĩa khác nhau tương quan cấu trúc với những hình ảnh khác.

NGƯỜI THỔI SÁO

Người đàn ông thổi sáo trong tranh Nguyễn Quang Thiều đều đầu trọc. Tục ngữ có câu: Nắm thằng có tóc ai nắm thằng trọc đầu. Hình ảnh người đàn ông trọc đầu là biểu tượng cho Con người trần trụi (không có gì cả). Hình ảnh người đàn ông mặc áo vàng, áo nâu có thể gợi ra Thiền sư (con người giác ngộ), và ngay cả con người giác ngộ ấy cũng vẫn bị “Chim /ống sáo – Cá/ bướm” ám ảnh (tức là ám ảnh tính dục. Trong thực tế đã có những người tu hành sa ngã vì tính dục). Tất nhiên, người đàn ông trong tranh Nguyễn Quang Thiều không chỉ có thế.

            Tranh vẽ người đàn ông nhắm mắt (mù) hay mắt dán miếng giấy báo (tranh1, 3-thông tin), hoặc ở vị trí hai con mắt là hình ảnh đàn cá (tranh 2)…Họ không có chân dung riêng nên hình ảnh họ là biểu tượng cho Con Người hiện đại (vì tin tức cập nhật hàng ngày). Họ bị vong thân bởi thông tin (mắt bị dán những dòng tin) hoặc họ bận tâm những vấn đề đương đại (chuyện Formosa cá chết chẳng hạn) hoặc giả rằng, họ có thấy nhiều vấn đề xã hội song cứ nhắm mắt lại (hình ảnh con sâu, con chuộc, con chim đen, con rắn…là biểu tượng cho cái xấu (ảnh 3) …; cây thập tự biểu tượng cho vấn đề tôn giáo; cái đầu rỗng biểu tượng cho sự vô vảm, vô nhân tính. Có cả một mặt người đen với 2 con mắt sáng, như những kẻ rình rập trong bóng tối, hay một sự đe dọa mà Con người không thể trốn thoát được.

Người thổi sáo làm thức tỉnh, làm thăng hoa mọi hoàn cảnh (ảnh 5). Khi người thổi sáo ngưng thổi (ảnh 8 từ trên xuống), tất cả chỉ còn lại là chim bồ câu trắng đậu trên đầu (hòa bình trong tâm hồn), và chim bồ câu trắng trên ống sáo (cái đẹp an lành). Bức tranh người đàn ông mặc áo vàng tay ôm cái hũ nhỏ (ảnh 9 từ trên xuống)), không rõ đó là hũ nước, hũ rựơu, hũ đựng hạt giống hay hũ đựng tro cốt? Tôi nghĩ vị Thiền sư đang ôm hũ cốt tro của mình (điều này có thể không đúng với chủ ý của Nguyễn Quang Thiều).

Con Người đã được giải thoát, tự ôm hũ tro cốt của mình tồn tại trong Cái Đẹp sáng láng. Trong bức tranh này không có bướm hay con cá. Chỉ có màu vàng rực rỡ của sự thăng hoa và màu xanh lá cây của sự sống tràn ngập không gian. Con Người đã “vượt qua” tất cả để đạt đến cõi tịnh không. Con chim đậu trên đầu người là chim bồ câu hiền lành và ống sáo đã thành nghệ thuật (không còn là nhân vật chính với màu sắc đậm). Nguyễn Quang Thiều đã đụng chạm đến nhiều vấn đề tư tưởng và xã hội, song , trên tất cả là tư tưởng: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”(F.M.Dostoyevsky)

THIÊN ĐƯỜNG

(xem hình 4&5. Thứ tự tranh đếm từ trái sang phải, từ trên xuống dưới)

Trong bức tranh (1), con người bị vùi lấp trong bao nhiêu thứ đen tối (màu đen-tối chiếm phần lớn), không gian tranh chật chội vô cùng (có bao nhiêu thứ cùng chen lấn và có nhiều mặt người, có cả bóng người và cây thập tự xiêu vẹo biểu tượng cho nghĩa trang-sự chết), có một bàn tay mà lòng bàn tay có dấu đinh đưa lên. Trên góc trái là chữ Jesus, tôi hiểu đó là tiếng kêu cứu.

Ở bức tranh (2) Có một người trên cây thập tự choán gần hết bức tranh, một chén như thể Chén thánh. Dưới chân Thánh giá là bốn phụ nữ đang mang thai, tay ôm bụng, đi về phía trước (cưu mang sự sống). Trên cùng góc trái có người thổi kèn (trong Kinh Thánh, đó là thiên thần thổi kèn (Mt 24,31) gọi người chết sống lại trong ngày cánh chung). Trên đầu thánh giá có một cành lá (có thể hiểu đó là cành nguyệt quế sự sống lại đã chiến thắng). Toàn bộ không gian tranh toát ra ánh sáng, niềm vui (như niềm vui Phục Sinh; xin đọc các bài thơ Dưới cái cây ánh sángLinh hồn những con bò của Nguyễn Quang Thiều).

Tranh (3) là hạnh phúc trong vườn địa đàng.

Tranh (4) là đoàn người đem theo giỏ hoa chúc mừng

Tranh (5) là thánh đường rực sáng. Tranh (6) là trên trời nở hoa.

Các tranh còn lại là con người bình an trong hạnh phúc, con người bay lên với những ước mơ.

Như vậy Tư tưởng về Con người trong tranh Nguyễn Quang Thiều đã rõ. Đó là một tư tưởng hùng tráng, con người tự giải thoát và tìm lại được vườn địa đàng của mình. Tôi đọc niềm hân hoan vô biên của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khi từ bóng tối (trầm tư) đi ra ánh sáng của Phục sinh (tự giải thoát) khi ông được người thổi sáo mù lay động. Người ấy chỉ đến một lần rồi đi (không gặp lại), người ấy chỉ thổi một khúc nhạc (không rõ là bài gì) nhưng ta hiểu rằng những gì người ấy truyền cho Nguyễn Quang Thiều phải là chìa khóa mở ra chân lý. Nếu tiếng kèn của Thiên sứ trong Kinh thánh là tiếng gọi Phục sinh thì tiếng sáo của người thổi sáo cũng mang một ý nghĩa ấy. Trong Kinh thánh cũng có người mù được chữa lành (Mt 9, 27-31), và anh ta đi rao truyền Tin Mừng ấy cho mọi người, phải chăng người mù thổi sáo mà Nguyễn Quang Thiều gặp chính là ông ta? Và những bức tranh Thiều vẽ là để truyền đi thông điệp mà người mù thổi sáo đã trao gửi? Thông điệp ấy là: Hãy là người thổi sáo (hình 1) và hãy giữ lấy tro cốt của chính mình (hình 3, ảnh 9) ?

Đọc tranh Nguyễn Quang Thiều như vậy thì thật thú vị, bởi nếu chỉ nhìn thấy cái đẹp của những mảng màu, nhìn thấy những cái “không giống ai” trong tranh Thiều (tức là sự độc đáo sáng tạo) thì nào có ích gì? Tôi tin là với Nguyễn Quang Thiều “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”(F.M.Dostoyevsky).

            Xin chúc mừng nhà thơ, người họa sĩ tài hoa Nguyễn Quang Thiều.

            (Có điều gì không phải trong bài viết, xin bỏ quá cho kẻ ngoại đạo với hội họa này)

Tháng 01/2021

__________________________________________ 

Ghi chú

[1] https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/di-san-my-thuat-san-khau/nguyen-quang-thieu-da-chon-giong-chinh-xac-hoi-hoa-cua-minh-la-mong-du-703529.html

[2] http://trannhuong.net/tin-tuc-55250/vai-thong-tin-ve-trien-lam-%E2%80%9Cnguoi-thoi-sao%E2%80%9D-cua-nguyen-quang-thieu.vhtm

THƠ LÊ THÀNH NGHỊ

THƠ LÊ THÀNH NGHỊ*

BÙI CÔNG THUẤN

(Nhà phê bình văn học)

Bài đăng trên trang web của Hội Nhà văn Việt Nam ngày 18/12/2020

Đọc thơ, gặp được những bài thơ hay, với tôi đó là hạnh phúc. Tôi đã rất hạnh phúc khi đọc thơ Lê Thành Nghị qua hai tập Mưa trong thành phố  Mùa không gió**

Tập thơ được Giải thưởng Nhà Nước. Trong tập có in bài viết của Tiến sỹ nhà thơ Nguyễn Sỹ Đại, Ts Lưu Khánh Thơ và nhà phê bình Chu Thị Thơm. Bấy nhiêu đã quá đủ khẳng định giá trị các tập thơ. Hơn nữa nhà thơ Lê Thành Nghị còn là nhà phê bình văn chương, thơ anh thể hiện quan điểm sâu sắc của anh về thơ, vì thế, thật khó có thể chia sẻ thêm được điều gì đó với tác giả và bạn đọc về tập thơ này.

1.Những bài thơ hay và phẩm chất “tài hoa bẩm sinh

Đánh giá tập thơ, Ts Lưu Khánh Thơ nói đến “tâm hồn đa cảm và điềm tĩnh” của nhà thơ Lê Thành Nghị (tr.209). Còn nhà phê bình Chu Thị Thơm thì nhận ra “Lê Thành Nghị là người lữ hành cô đơn, trầm tĩnh, sâu lắng và luôn trăn trở, lo âu” (tr.112). Ts Nguyễn Sỹ Đại cũng nhận xét là “một tài hoa bẩm sinh” và thơ của “một tâm hồn đã được thanh lọc và theo thời gian ngày càng đằm thắm”(tr 16).

Tôi tự hỏi, phải chăng những phẩm chất “trầm tĩnh, đa cảm, đằm thắm” của Lê Thành Nghị chính là “cái hay” của thơ ông? Là giá trị của thơ ông không? Và là cá tính sáng tạo của nhà thơ? Câu trả lời là không. Bởi ở ngoài đời, con người xã hội của Lê Thành Nghị vốn đã là người đằm thắm, sâu sắc. Vậy điều gì giúp Lê Thành Nghị viết nên những bài thơ hay, và điều gì làm nên phẩm chất thi sĩ của Lê Thành Nghị?…

Xin thử khám phá cái hay trong tập thơ Mùa không gió và Mưa trong thành phố.

Lá rụng ngày đi như gió cuốn

Dế kêu tê dại cỏ trong vườn

Ai về tát cạn ao phiền muộn

Để mẹ thôi buồn, thôi ngóng trông

                            (Nhớ mẹ)

Tứ thơ có sức gây ấn tượng mạnh mẽ, chuyển tải được cả tâm tình của nhà thơ và tấm lòng người mẹ. So với nhiều bài thơ viết về Mẹ trong chiến tranh của thơ ca Việt Nam đương đại, bài Nhớ mẹ là bài có những tứ thơ độc đáo.

Núi còn lại một vệt mờ xa thẳm

Tháng ngày đi rách nát cả cây buồm

Hình như chim vẫy cánh ngoài vô tận

Còn ta: bờ lau bạc suốt trăm năm.

                        (Người đi)

Ai đã quen đọc thơ Đường, đặc biệt là Lý Bạch, thích thú với tứ thơ tư tưởng mới lạ phóng khoáng, khí thơ mạnh mẽ, hẳn phải ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của bài thơ Người đi. Cũng sẽ không ngạc nhiên khi nhà thơ làm bạn với Lý Bạch:

Ta lạc giữa đám người đơn độc

Ngoài kia trăng như một gã vô hồn

Nghiêng cạn chén: Thi trung càn khôn đại

Cô đơn thay khi Lý Bạch không còn

                      (Quán rượu trên đường Vương Phủ Tỉnh)

Xin hãy cùng nhà thơ quan sát Hồ Tây về đêm:

“Có vạt nắng pha lê chiều rớt xuống

Vỡ tan trên thềm đá, hóa thành trăng.

Hoàng hôn hồ, pha lê sóng, mỏng tang

Giấu một cặp mắt huyền trong lá biếc.

Chừng như gió kéo tiếng chim đi hết

Để làm cây rơi mấy chiếc lá buồn”

                    (Tây Hồ đêm)

Bài thơ này có thể xếp vào những bài thơ lãng mạn hay nhất của thi ca Việt Nam, bởi không chỉ ở sự khám phá tứ thơ đẹp mà còn ở sự tinh tế tài hoa rất mực của hồn thơ.

Bài thơ Một mình là tâm trạng tác giả về thăm thị xã. Những khổ thơ mở đầu thuật lại sự việc một cách tự nhiên, dung dị. Nhưng khổ thơ kết, tứ thơ bỗng bùng nổ, vừa quen thuộc gần gũi, vừa mới lạ, độc đáo không ngờ.

“Lâu lắm lại về thị xã

Chiều không uống rượu mà say

Chân trần buông trên dặm cỏ

Tên mình ai khắc thân cây

.    .    .    .    .    .    .    .    .    .    .    .

Sông như sông rượu đong đầy

Chén nâng một mình sao cạn?

Thương nhớ người đi muôn dặm

Ta với mây bàng hoàng bay”

                   (Một mình)

Có thể kể ra nhiều bài thơ hay khác như: Không đề IHồng Lĩnh, Bến đò Thuận Châu, Trong suốt sông Kỳ Cùng, Ký ức mùa thu Hà Nội ..

Lướt qua một vài bài thơ như vậy, người đọc cũng có thể nhận ra ngay điều làm nên đặc sắc thơ Lê Thành Nghị là ở tứ thơ. Thơ Lê Thành Nghị không mới lạ về lời về nhạc hay nội dung. Giọng điệu thơ Lê Thành Nghị cũng không gây được ấn tượng riêng. Cả về thể loại, bút pháp, thơ Lê Thành Nghị cũng không có sự cách tân nào, vẫn là thơ “truyền thống”. Nhưng Lê Thành Nghị khám phá được nhiều tứ thơ đẹp và lạ. Ở nhiều bài, cấu tứ cũng tạo nên hiệu quả nghệ thuật và tư tưởng. Tứ thơ của Lê Thành Nghị là kiểu tứ thơ Đường, thiên về cái đẹp trí tuệ và tư tưởng, dù rằng Lê Thành Nghị chưa vươn tới thơ tư tưởng. Tuy nhiên tứ thơ của Lê Thành Nghị có sự pha trộn phẩm chất của nhiều thể loại thơ, vừa là trí tuệ vừa là suy tưởng lãng mạn, vừa là tự tình hướng nội vừa vươn xa vào vô tận, vừa thoát lên thực tại vừa trải nghiệm hiện sinh, vừa dung dị dân dã, vừa sang trọng thanh cao. Dẫu thế nào Thơ Lê Thành Nghị có thể đóng đinh vào tâm tưởng người đọc bằng những tứ thơ của riêng ông. Xét ở góc độ này, không phải nhà thơ đương đại nào cũng thành công.

Hồng Lĩnh

Dưới xa suối đổ ầm ào

Gió gào vách đá

Dưới xa ràn rạt cát bay trắng xóa

Xôn xao chân trời hoa lau

Hình như càng lên cao

Bốn bề càng yên lặng

Ngôn ngữ của mây là trắng

Ngôn ngữ của trời là xanh

Có chàng trai về đến Sóc Sơn

Hóa thân thành im lặng

Có miền đất im lìm đứng lên

Tự mình xây núi lớn

Bài thơ Hồng Lĩnh mang được những đặc điểm thi pháp thơ Lê Thành Nghị cùng với cốt cách thi nhân của ông. Khổ thơ đầu chỉ là tả cảnh, phác những nét dung dị. Khổ thứ hai là nhận thức hướng nội, một cảm nhận ai cũng có khi lên cao. Và khổ thứ ba, tứ thơ thật mới lạ, phóng khoáng mạnh mẽ và đằm thắm thâm trầm. Không còn là hình ảnh mà là tư tưởng. Đó là kiểu tứ thơ Đường, tứ thơ thẩm mỹ-tư tưởng. Đọc bài thơ thật chậm, lắng tâm hồn vào cảnh và để cho tư tưởng tan chảy trong mọi góc nẻo nghĩ suy, người đọc sẽ cảm nhận được cái đẹp, cái hay của cảnh, của thơ và của hồn thơ.

2.Thử định vị tiếng thơ Lê Thành Nghị

Thơ Lê Thành Nghị là thơ nhận thức-trữ tình- hướng nội. Xin đọc bài Hồng Lĩnh là một thí dụ. Đặc điểm này chi phối cách cấu tứ và là diễn trình tâm trạng-tư tưởng của bài thơ, cũng có thể coi là kiểu tư duy thơ Lê Thành Nghị. Ở đặc điểm này, nhân vật tữ tình Tôi (Ta) là chủ thể của bài thơ. Cảnh vật, khách thể chỉ là đối tượng nhận thức, khám phá. Phản ứng bên trong của cái Tôi mới làm nên phẩm chất thơ. Vì “cái tôi” là chủ thể tìm kiếm, nhận thức cho “tôi” nên thơ hướng nội. Đọc thơ Lê Thành Nghị để tìm hiểu “giá trị phản ánh hiện thực” như thơ “truyền thống” thì người đọc sẽ thất vọng. Lê Thành Nghị làm thơ không phải để “phản ánh hiện thực” như thơ Hiện thực Xã hội chủ nghĩa. Thơ Lê Thành Nghị vượt lên không gian, thời gian và khác thơ “truyền thống” là ở đặc điểm này.

Xin đọc bài thơ Dưới chân cầu

Dưới chân cầu mây trắng từ cổ tích

Chiếc cá buồn búng chạm phải hư vô

Vòng sóng đến vô cùng bắt đầu từ một chấm

Ta thực ngàn lần nhìn ta trong mơ

Ta thực: đứng trên cầu tóc bạc, gió qua vai

Năm tháng xếp sau lưng, đường dài trước mặt

Bóng gầy guộc đổ về bên ấy dốc

Lòng lặng yên như một mặt hồ đầy

Ta mơ: dưới chân cầu cả bóng mây, bóng cây

Cả bóng hoa, bóng ta và bóng nước

Nước cứ chảy giữa hai bờ hư thực

Nối âm với dương, nối đêm với ngày!

Biển thời gian-nước chảy bao giờ đầy?

Mỗi con người: một tích tắc, tích tắc

Ngày đi như nước xiết

Định đưa ta về đâu đây?

Bài thơ không có chút bóng dáng nào của hiện thực ngoài dòng tâm trạng-tư tưởng của chủ thể Ta khi đứng nhìn chân cầu mà tự nhận thức về Ta. Ta thực và ta mơ. Ta và tất cả chỉ là cái bóng và thời gian không biết sẽ đưa ta về đâu? Câu hỏi gần chạm đến vấn đề triết lý. Gọi bài thơ này là thơ Lãng mạn cũng hoàn toàn đúng, bởi tiếng thơ là tiếng nói nội tâm của chủ thể, trước một khách thể (dưới chân cầu), thoát ra khỏi mọi vấn đề của hiện thực chính trị xã hội. Đứng dưới chân cầu, “Ta thực ngàn lần nhìn ta trong mơ” chứ không nhận thức cuộc sống đang diễn ra dưới chân cầu. Người đọc cũng không rõ là cầu nào, ở đâu, thời gian tác giả đến đó là lúc nào. Nói cách khác, ngoại cảnh đã bị bỏ qua, chỉ còn lại nhận thức và tâm trạng và chủ yếu là nhận thức về Ta.

Những bài thơ có đề tài về đời sống thực trong tập thơ khá nhiều, song nhận thức của cái Ta xóa nhòa mọi đường nét của hiện thực. Xin đọc: Người bán hương trầm năm ngoái, Những người chết trẻ, Bến đò Thuận Chân, Quán rượu trên đường Vương Phủ Tỉnh, Đêm ngoại thành, Trong rạp xiếc, Miền đất quê hương, Tạm biệt Nha Trang, Mùa lá xanh, Bất tử, Sông Nghèn gặp lại,…Nhan đề những bài thơ trên gợi ra chỗ đông người, có thể nơi ấy dồn tụ vấn đề của hiện thực, có thể nơi ấy lộ ra những đợt sóng, và có thể nơi ấy là một mặt cắt khuôn mặt thời đại. Nhưng đọc những bài thơ ấy, người đọc vẫn chỉ bắt gặp nhân vật trữ tình Tôi nhận thức suy nghiệm và nhìn vào lòng mình.

Tại bến đò Thuận Chân, Ta đứng trong xa lắc mịt mù:

Bờ vắng vẻ, chỉ mình ta đứng đợi

Vai mang lời hẹn cũ, sáng nay về

Buồm nhỏ xíu-người đi đâu mãi mãi

Xa lắc bờ, thăm thẳm nước, mịt mù mưa

                      (Bến đò Thuận Chân)

Tại Quán rượu trên đường Vương Phủ Tỉnh, dù đông người, Ta vẫn cô đơn:

Ta lạc giữa đám người đơn độc

Ngoài kia trăng như một gã vô hồn

Nghiêng cạn chén: Thi trung càn khôn đại

Cô đơn thay khi Lý Bạch không còn!

(Quán rượu trên đường Vương Phủ Tỉnh)

Ở ngoại thành: “Chỉ còn tôi một mình/ Ra ngoại thành với gió nội/ Với hương đồng/ Xa dần phố bụi…/ Lâu lắm rổi lại ngồi ngắm mây cao/ Tôi thầm lặng và hình như đã khóc/ Có thể chẳng bao giờ còn ai hiểu được/ Nỗi cô đơn ngay giữa phố ồn ào”. Ở trong rạp xiếc với rất nhiều trò diễn, nhưng Tôi chỉ nghĩ suy về những trò diễn đó. Miền đất quê hương là bài thơ kể chuyện về quê, nhưng tuyệt nhiên không có bóng người nhà quê, làng quê, đời sống dân quê, với những vấn đề của “Tam nông”, mà chỉ có tự nhận thức tâm trạng của thi nhân: ”Trở về làm cơn mưa sạch, Trở về miền thương nhớ, Miền đất lửa, Miền cỏ biếc, Trở về làm cơn gió mát”…Rượu quê là bài thơ có tứ rất hay, cảm xúc dạt dào chếnh choáng, nhưng vẫn vắng bóng đời sống hôm nay, chỉ có cái nhìn và cảm xúc của thi nhân, một mình, lãng mạn: ”Núi cao say đứng, núi thấp say nằm/ Sỏi đá và mặt trời cùng nhòe dưới suối/ Vạt lau mùa không gió thổi/ Ngả nghiêng trong trăng!”

Tập thơ có nhiều bài viết về hoa, cỏ, về chùa chiền, về biển, về đêm, nhưng tất cả chỉ là cớ để nhà thơ nhận thức và suy tư. Và đôi khi tìm ra được một chân lý nào đó của cuộc sống. Xin đọc các bài:  Triết lý của hoa, Hoa cúc rừng Cúc Phương, Hoa Ngọc Hà, Bốn bông hồng bất hạnh, Hoa thuở ban đầu, Hoa đại, Hoa loa kèn, Hoa xương rồng, Mùa hoa xoan, Mùa Hoàng Lan, Hoa gạo, Gửi biển, Cỏ, Trúc, Vô thức tiếng chim đêm, Trong cỏ,Yên Tử, Vãng chùa Trấn Quốc, Chiều Hồ Tây, Chùa Hương, Ở chùa Quang Tự,…

Đây là tự nhận thức của nhà thơ về Hoa ở rừng Cúc Phương: “Trong bóng tối/ Một nhánh lan vàng/ Hương ngập tràn mặt suối!/ Ừ nhỉ/ Hoa đâu chỉ đẹp và thơm/ Chỗ đông bàn chân tới”. Đây là sự khám phá tư tưởng của nhà thơ về cỏ: “Vô hạn những triền sông, ngút ngát những chân đê/ Một nền xanh dưới chân mây…là cỏ/ Em nhớ không dưới nền xanh lặng đó/ Nhân loại ngủ im lìm”(Trong cỏ). Biển gợi ra sự tương quan vũ trụ và con người, để từ đó con người cần có thái độ đúng:“Biển có thể làm tiêu tan những con tàu, nhận chìm những đỉnh núi/ Làm gió cuồng phong, làm mặt trăng mờ/ Biển có thể lấp nghìn mặt trời đang cháy/ Khi chàng Thủy Tinh đến muộn giờ./ Nhưng so với giải Ngân hà/ Trái đất không đáng là hạt bụi/ Biển là gì trong lòng hạt bụi ấy/ mà giận dữ, kiêu sa!”(Gửi biển). Đến chùa Quang Tự, nhà thơ chỉ là kẻ lữ hành lãng mạn, tuyệt nhiên không đến chùa để tìm kiếm Phật: ”Nắng loang trên sân chùa/ Trên vòm xanh cổ thụ/ Mùa thu về từ đó/ Mùa thu từ mái cong…/ Ta là kẻ tha hương/ Mỏi chân bên chùa cổ”. Chùa Yên Tử là nơi linh thiêng, nơi “nến cháy thôi miên cùng kinh kệ/ Lung linh mờ tỏ những nhang đèn”, nhưng lòng trần của nhà thơ lại chưa dễ tắt, thành ra nhà thơ vãn cảnh chùa không phải để tìm sự thanh tịnh siêu thoát, viếng chùa chỉ là sự vô tình của khách lãng du: ”Lòng trải vô biên cùng dương thế/ Bóng chiều chưa dễ tắt ngoài hiên/ Ta về ngẩn ngơ cùng tre trúc/ Kìa lối vào mây đến cửa Thiền”(Yên Tử)

Vì là thơ hướng nội, Lê Thành Nghị viết về chiến tranh cũng khác với các nhà thơ thời chống Mỹ. Thơ chống Mỹ là tiếng nói của tập thể, là thơ kể người kể việc, kể những sự tích anh hùng, kể những nỗi gian lao hùng tráng. Trên khắp mọi chiến trường, thơ là tiếng ca hát cổ vũ, là tiếng gọi đồng chí đồng đội để sẻ chia. Thơ cũng là những hồi kèn xung trận ào ạt (“Tiến lên chiến sĩ đồng bào/ Bắc nam sum họp xuân nào vui hơn”-Hồ Chí Minh). Thơ hướng nội của Lê Thanh Nghị không kể lại đời chiến đấu gian khổ hào hùng, không tụng ca sử thi hay tô đậm sự hy sinh trở thành bất tử. Ngay cả sự bất tử cũng là lặng im.Viếng nghĩa trang Đồng Lộc, nhà thơ nhận thức: ”Bốn bề lặng im lặng im lặng im/ Hình như những gì hóa thành bất tử/ Đều lặng im!”. Chiến tranh được thể hiện qua tấm lòng người mẹ với những đứa con đi xa: “Ôi để hiểu giá của một ngày hòa bìnhHãy sinh những đứa con trai/ Và như mẹ/ Đêm đêm ngồi chờ từ mặt trận”. Chiến tranh đọng lại những gì sâu sắc nhất, nặng lòng nhất, dù là hùng tráng hay bi thương, dù là hy vọng hay tuyệt vọng, tất cả đều chất đầy nỗi ưu tư trong lòng mẹ; và dù không nghe tiếng súng thì những vết đạn trong tim mẹ vẫn không thôi máu chảy.

Lê Thành Nghị nói chuyện với Chế Lan Viên bằng chính loại thơ suy tưởng chính luận của Chế, cũng với giọng điệu thơ Chế, nhưng là thơ hướng nội, Lê Thành Nghị suy nghiệm về đời thơ và thân phận thi sỹ cho mình. Những suy nghĩ được ẩn dụ hóa trở thành ngôn ngữ ẩn mật để nói những vấn đề của hiện thực. Xin đọc:

Thi sỹ

(tưởng nhớ Chế Lan Viên)

Người ta đẩy quan tài anh về gần ngọn lửa

Càng lúc Chế càng xa nước-mắt-cuộc-đời

Anh đến: đột ngột… như một niềm kinh dị

Anh đi: bàng hoàng như trái đất đang rơi!

Người vẫn nói về lửa và tro đã nhẹ cánh bay

Hạt bụi bay một vòng trước khi là mãi mãi

Có những câu thơ dù thiêu cũng không thể cháy

Như thể lửa càng to, thảm cỏ mọc càng dầy.

Sống cạnh trăng sao chết hóa trăng sao

Cảm ơn cuộc đời đã dâng ta đôi cánh

Đôi khi ngước nhìn trời: một nền lấp lánh

Thi nhân vẫn sáng đèn giữa đêm thâu”

3. Còn ta: bờ lau bạc suốt trăm năm”.

Cái tôi trữ tình trong thơ (Ta, Tôi) có thể là một yếu tố giúp ta nhận diện thơ. Sự khác biệt giữa thơ cũ và Thơ Mới (1930-1945) được Hoài Thanh phân biệt: “Cứ đại thể thì tất cả tinh thần thời xưa – hay thơ cũ – và thời nay – hay thơ mới – có thể gồm lại trong hai chữ tôi và ta. Ngày trước là thời chữ ta, bây giờ là thời chữ tôi”; “Đời chứng ta đã nằm trong vòng chữ tôi..” “Ta” trong thơ cũ dù có cái khí phách tung hoành nhưng là “cái Ta” đầu đội Thiên Mệnh vai gánh đạo trung hiếu (Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ) và nhuốm màu Lão-Trang. “Cái Tôi” trong Thơ Mới là cái Tôi cá nhân chủ nghĩa phương Tây: “Với tôi tất cả như vô nghĩa/ Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau”(Xuân-Chế Lan Viên). Thơ Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trở lại với “cái Ta”, nhưng là “cái Ta” quần chúng, cái Ta công dân. Điều này khởi đi từ Tuyên Ngôn Độc Lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến nhân dân ta, đồng bào ta, nòi giống ta, dân tộc ta, nước ta, cuộc khởi nghĩa của ta. Trần Mai Ninh viết Nhớ máu: ”Còn mấy bước tới Nha Trang /- A, gần lắm!/ Ta gần máu,/ Ta gần người / Ta gần quyết liệt.” Nguyễn Đình Thi viết: “Nước chúng ta/ Nước của những người chưa bao giờ khuất…”(Đất Nước). Và Tố Hữu: “Khi ta đứng lên cầm khẩu súng / Ta vì ta, ba chục triệu người/ Cũng vì ba ngàn triệu trên đời!”(Miền Nam)

Và đọc những bài thơ Một mình, Người đi, Vô thức triếng chim đêm, Dưới chân cầu, Đêm ngoại thành, Mẹ trên cao… người đọc sẽ nhận ra cái riêng của nhân vật trữ tình Tôi/ Ta trong thơ Lê Thành Nghị.

Sông như sông rượu đong đầy

Chén nâng một mình sao cạn?

Thương nhớ người đi muôn dặm

Ta với mây bàng hoàng bay

                 (Một mình)

Núi còn lại một vệt mờ xa thẳm

Tháng ngày đi rách nát cả cây buồm

Hình như chim vẫy cánh ngoài vô tận

Còn ta: bờ lau bạc suốt trăm năm

                            (Người đi)

Nhân vật Tôi (Ta) đi nhiều nơi: Ngồi trong Quán rượu trên đường Vương Phủ Tỉnh mà nhớ Lý Bạch hay ở Tử Cấm Thành Bắc Kinh để thấy rõ lẽ hưng phế của lịch sử; trên Hồng trường Matxcơva mùa đông tuyết đang tan, và biết rằng Matxcova không tin vào những giọt nước mắt. Ở rừng Cúc Phương, một nhánh Lan vàng tỏa hương đủ nhận ra một giá trị, lên Yên Tử mà ngẩn ngơ vì cảnh sắc, vãng chùa Trấn Quốc để đắm mình trong cõi sắc không, lá rụng, rêu phong. Hồ Tây chiều và đêm làm say lòng thi nhân với một bồ sương, hoa sữa, “hoàng hôn hồ, pha lê sóng, mỏng tang” và nghe mấy chiếc lá buồn rơi. Nhưng khi thăm Quảng trị, một thoáng mùa hè, nhà thơ cùng với các liệt sĩ, sống những ngày lửa đạn ác liệt hy, nơi Thành cổ ”mỗi lá cỏ một cây buồm, một lời thề, một ngọn nến, một linh hồn từ đất nhô lên…”để cùng với nhà thơ “nhận ra thông điệp của hòa bình”. Ai đã đến Nha Trang thì có thể chia sẻ những tiếc nuối của nhà thơ khi từ biệt Nha Trang không biết bao giờ về, bao giờ về với biển, dù biết chắc sẽ có ngày trở lại. Phong Châu, đền Hùng là nơi linh thiêng của dân tộc, nhà thơ đã đến đây thắp nén hương trải lòng mình cùng non nước. Cái cảm thức lịch sử của mỗi người dân Việt khi qua ải Chi Lăng là niềm tự hào vô biên khi đứng ngay tại nơi kẻ thù bị đánh bại. Nhà thơ thể hiện niềm tự hào ấy khi hình tượng hóa cô hồn Liễu Thăng chỉ còn là cánh dơi bay trong chiều vì đã quên đường về phương bắc. Trở về vùng đất quê hương, thi nhân để lòng mình cháy lên niềm thương nhớ với một miền đất lửa. Gặp lại Sông Nghèn người thơ khẳng định đất nước này trường tồn mãi, dù nghìn năm trước hay nghìn năm tới “sông vẫn thì thầm điềm tĩnh chảy giữa bờ ngô”. Thi nhân có khi đứng đợi ở bến đò, ở dưới chân cầu để tự chiêm ngắm mình, hoặc trở về bờ sông nghe tiếng chim đêm, hoặc nghe tiếng dế đêm hòa nhạc; Có khi ngồi ở ngoại ô, “Tôi thầm lặng và hình như đã khóc/ Có thể chẳng bao giờ còn ai hiểu được/ Nỗi cô đơn ngay giữa phố ồn ào”. Lại có khi người thơ ngắm hoa mà suy ngẫm về triết lý của hoa, hoặc ngắm mưa mà nhớ bạn ngã xuống ở Tây nguyên năm nào ”Giữa mịt mù miên man mưa rừng. Bom dội trong mưa, rừng cháy trong mưa”. Nói chuyện với thi sỹ, với Nam Cao, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, với thi đàn là tiếng nói tri kỷ; nói chuyện với biển, với cát, với mùa thu…là để lòng mình yên tĩnh.

Theo chân nhà thơ trên mọi miền của hiện thực hẳn người đọc đã nhận ra những phẩm chất thẩm mỹ riêng của nhân vật trữ tình Ta/ Tôi trong thơ Lê Thành Nghị. Đó là một “cái Tôi” gắn bó sâu nặng với lịch sử (Qua Chi Lăng gặp Liễu Thăng), với dân tộc (Về Phong Châu), với quê hương (Miền đất quê hương, Rượu quê, Bãi đá quê hương, Chợ huyện), với gia đình, đồng đội (Bất tử, Mưa trong thành phố, Quảng Trị, Bên đài liệt sĩ vô danh), và với cuộc sống xung quanh (Đêm gió lớn, Người bán hương trầm năm ngoái, Những người chết trẻ). Cái Tôi luôn nhận thức, suy tư và không ít trăn trở về nhiều vấn đề. “Bao nhiêu câu hỏi/ Ai trả lời tôi/ Gió thì mải thổi/ Nước thì bận trôi!” (Những câu hỏi thường ngày). Cánh buồm đỏ thắm là một loạt câu hỏi nặng lòng trước sự thật “không thể khóc thêm được nữa, không thể mềm hơn được nữa, không thể xót xa hơn được nữa, bao giờ…bao giờ?. Bài thơ Triết lý của hoa là nghĩ suy về thói hư danh. Bài Hoa xương rồng, Hoa gạo, Trước đài hóa thân hoàn vũ có những tứ thơ nói về lý tưởng sống: ”Đã hóa thân làm lửaCháy hết mình mới thôi/ Dù trong mưa trong gió”, “Xin được cháy cùng một nghìn ngọn nến/ Hóa tro tàn với bạn để lên mây”.. Bài Thi Đàn, Thi sĩ là sự bày tỏ quan điểm về thi ca về người làm thơ:“Nhưng bạn ạ đừng mang theo cái ác/ Sợ đêm dài bóng tối sẽ dài thêm/ Những ồn ào, những hỏa mù phù vân/ Và cái ác sẽ hóa thành tro bụi”, dù vậy,“Cái ác bao giờ cũng ngụy trang rất kỹ/ Và hết sức đê hèn, rút cục: ác chỉ vì ăn”(Discovery). Cũng có những câu hỏi không có câu trả lời: “Biển thời gian-nước chảy bao giờ đầy?/ Mỗi con người: một tích tắc, tích tắc/ Ngày đi như nước xiết/ định đưa ta về đâu đây?”(Dưới chân cầu), “Có phải cõi người hữu hạn/ Ta là một chớp mắt không? (Nắng của ngày đã mất). “Bước chân năm tháng chừng thêm mỏi/ Ta biết về đâu giữa gió mưa?”(Mưa qua Truông Vùn). “Ta sẽ mắc vào đâu/ Những mắt lưới muộn phiền” (Vô thức tiếng chim đêm), và nỗi buồn thì vô hạn: ”Khuất sau cành hoa tím/ Trong bình rượi Làng Vân pha lê/ Những câu thơ đầu đời/ Những chùm cúc biển/ Những đồng xu cuối cùng/ Những giọt nước mắt/ Trong vắt buồn”(Không đề I). Trong nỗi cô đơn, nhà thơ tự nhận ra: “Ta một mình hóa đá giữa sân mưa”(Mưa trong thành phố), “Tôi là hòn đá bị quên/ Giữa trong ngần suối”(Nhớ suối tận nguồn).

Những suy tư trăn trở ấy ẩn rất sâu dưới một tâm hồn yêu đời (Nắng cùa ngày đã mất), một sự tĩnh lặng đạt tới cõi an nhiên. “Ta thực: đứng trên cầu tóc bạc gió qua vai/ Năm tháng xếp sau lưng, đường dài bày trước nặt/ Bóng gầy guộc đổ về bên ấy dốc/ Lòng lặng yên như một mặt hồ đầy” (Dưới chân cầu). Trong tư tưởng của Lê Thành Nghị, không có bóng dáng của Thiên Mệnh, không có bóng dáng của Phật hay Lão, cũng không có ảnh hưởng nào của những tư tưởng triết học phương Tây, vậy điều gì làm nên nền tảng tư tưởng cho thơ Lê Thành Nghị? Ông suy tư về cuộc đời, về lẽ đời, về nhân sinh vũ trụ, về sống và chết, về hữu hạn và vô biên…nhưng không bước vào suy tư triết học. Đó chỉ là suy tư của người nặng lòng với cuộc đời. Điều căn cốt trong tư tưởng-thẩm mỹ của Lê Thành Nghị là Cái Đẹp, là sự trân trọng và nâng niu cái đẹp, hay nói cách khác, đó là tư tưởng nhân văn, thể hiện cả trong thi ca và trong ứng nhân xử thế của ông.

Bài thơ Hoa Ngọc Hà là sự thương tiếc cái đẹp bị tan nát: ”Làng Ngọc Hà năm nay không còn hoa/ Chỗ máy bay rơi thành khu du lịch/ Sắt thép tan nát trong hồ như một lời giải thích/ Tan nát vì nhằm bắn vào hoa”. Bài Bốn bông hồng bất hạnh cũng là nhận thức và xót thương cho cái đẹp bị lãng quên, bị chôn vùi. Những bông hoa Đại rụng lại gợi ra bóng dáng của tư tưởng, của sự thăng hoa: “Thanh thản và lặng lẽ/ Cuộc ra đi quá đỗi êm đềm/ Của những bông hoa trắng nhỏ”. Nhưng sự ra đi cái đẹp làm cho cuộc sống trở nên thiếu vắng một giá trị (Người bán hương trầm năm ngoái). Tình tri âm tri kỷ cũng là cái đẹp hiếm có ở đời, thiếu nó, trăng dù là nguồn thơ cũng trở nên vô nghĩa: “Ta lạc giữa đám người đơn độc/ Ngoài kia trăng như một gã vô hồn/ Nghiêng cạn chén: Thi trung càn khôn đại/ Cô đơn thay khi Lý Bạch không còn” (Quán rượu trên đường Vương Phủ Tỉnh). Cái đẹp, tự nó đã là toàn bích: “Nếu bạn định làm một hạt mưa lành qua cơn khát/ Không cần phải màu sắc gì thêm” (Hạt mưa lành không màu). Và cái đẹp không chỉ là cái đẹp khách thể, cần phải là một cái đẹp thấm đẫm ý nghĩa nhân sinh. Tôi thích nét đẹp nhân văn này:

 “Chiều xúi quẩy sà xuống đám chơi trò chọi dế

Thương quá những chú mèn nâu chuẩn bị thượng đài

Thôi hãy xa đám người đang hò reo ầm ĩ

Kịp về với cỏ tím bờ sông buổi hòa nhạc đêm nay”

                             (Bờ sông tiếng dế)

Nét đẹp nhân văn trong hình tượng Vọng Phu (Cánh buồm đỏ thắm), sự tiếc thương cái đẹp bị tàn phá (Hoa Ngọc Hà) và nét đẹp giàu phẩm chất dân tộc trong hình ảnh mẹ đợi con về (Nhớ mẹ) khẳng định cốt cách tư tưởng thơ Lê Thành Nghị.

4. Cốt cách thơ Lê Thành Nghị

Tư tưởng nhân văn trong thơ Lê Thành Nghị còn tạo nên chất tài hoa trong nhiều bài thơ của ông. Chất tài hoa rất khác so với Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Thi hay Phạm Thiên Thư. Đồng thời tư tưởng nhân văn làm thơ ông thăng hoa, nhiều bài trở thành thơ lãng mạn. Bởi Lê Thành Nghị hướng về tìm kiếm và thể hiện cái đẹp của đời sống mà không bận tâm “phản ánh hiện thực”.

Những bài thơ hay trong tập là những bài thơ khám phá sâu sắc hiện thực, sáng tạo được những tứ thơ độc đáo kiểu thơ Đường, và tỏa sáng được tư tưởng nhân văn. Khi thơ chỉ là nhận thức duy lý, tứ thơ quen thuộc, thơ Lê Thành Nghị mất đi vẻ đẹp và sự hấp dẫn (Thi đàn, Dự định, Những câu hỏi ngày thường, Trong rạp xiếc, Chuyện nhân thế, Que diêm vi mô cánh rừng vĩ mô và hư vô tro bụi, hoặc những bài thơ tình thiếu nhịp đập trái tim và hơi thở cảm xúc)

Tôi rất thích cốt cách này của thơ Lê Thành Nghị

Có chàng trai về đến Sóc Sơn

Hóa thân thành im lặng

Có miền đất im lìm đứng lên

Tự mình xây núi lớn.

—————

* Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm tháng 5 + 6 năm 2016

** Tập thơ Mưa trong thành phố, NXB QĐND 1999, và Mùa không gió, NXB Hội Nhà văn 2002.

Nhà thơ-TS Lê Thành Nghị tại Đại hội X-Hội Nhà Văn Việt Nam 2020