PHÊ BÌNH VĂN CHƯƠNG – MỘT GÓC NHÌN KHÁC

PHÊ BÌNH VĂN CHƯƠNG – NHỮNG GÓC NHÌN

Bùi Công Thuấn

 

 canh-dong-bat-tan

 

 

LỜI THƯA

Đã có nhiều tác giả viết phê bình văn chương. Riêng từ sau “Đổi mới” (1986), nhà thơ-nhà nghiên cứu Đỗ Quyên (Canada) đã thống kê được 200 tác giả cả trong và ngoài nước thuộc 8 thế hệ [1]. Tôi đặc biệt chú ý đến Nguyễn Văn Trung với cuốn Lược khảo văn học tập III (Sài Gòn. 1968), Đỗ Lai Thúy với cuốn Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy, viết về “Tư tưởng phê bình văn học Việt Nam, một cái nhìn lịch sử” (2010), Thụy Khuê có các tập Sóng từ trường I (1998), II (2002), III (2005) và cuốn Phê bình văn học thế kỷ XX (tập hợp bài viết từ 2005 đến 2016). Cả ba tác giả trên đều dành nhiều trang bàn luận chuyên sâu về phê bình văn học, giới thiệu các lý thuyết phê bình, và viết lược sử phê bình văn học Việt Nam. Thụy Khuê và Đỗ Lai Thúy còn trực tiếp viết phê bình. Mỗi tác giả đều trình bày những trải nghiệm của mình và mở rộng cửa đối thoại về những vấn đề mình quan tâm.

Nguyễn Văn Trung viết trong “Lời nói đầu” Lược khảo văn học, tập III: “Chúng tôi không phải là nhà phê bình văn học, cũng không phải là nhà nghiên cứu văn học, vì không đủ khả năng, nhưng chỉ là người hay muốn suy luận về mục đích, nền tảng mọi sự, nên cũng muốn tìm hiểu nền tảng của văn học, của công trình nghiên cứu và phê bình văn học./ Những suy nghĩ nhận xét trong tập này nếu có bao hàm một quan niệm gì thì cũng chỉ có mục đích nhằm gợi ý, như một giả thuyết nhằm gửi tới những ai để ý đến vấn đề và nhất là gửi tới những nhà nghiên cứu và phê bình văn học”.

Đỗ Lai Thúy trong “Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy”, cho biết: “…Khi phê bình, tôi bao giờ cũng xuất phát từ thực tiễn tác phẩm, dựa vào trực giác nghệ thuật, chỉ đến khi cần đến việc xây dựng các mô hình nghiên cứu, cần khoa học, tôi mới cầu viện đến lý thuyết. Bản chất lưỡng thê của phê bình và phê bình văn học của tôi, trước hết xuất phát từ đây, kể cả phê bình sự phê bình. Một cuốn sách xây cất trên kinh nghiệm nghề nghiệp cá nhân như vậy nên tác giả hay nói công việc của mình không phải vì mắc thói tự sỉ mà muốn trình ra các trải nghiệm nghệ thuật riêng như một bằng chứng” (tr.14)

Thụy Khuê thì khuyên người viết phê bình trẻ về một niềm tin: “…rằng người Tây phương khác ta, có những điều họ biết, ta chưa biết, có những điều ta biết mà họ chưa biết, chúng ta học họ để bổ sung những thiếu vắng của ta… Chỉ có sự làm việc và học hỏi sẽ giúp ta làm nên sức mạnh của riêng mình, giúp ta xây dựng một ngành phê bình riêng, có nhã độ và minh triết Á Đông.”(đd)

Nhìn vào phê bình văn học thế kỷ XX trên thế giới cũng như ở Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng, mỗi lý thuyết phê bình chỉ chuyên tâm vào một vấn đề nào đó, vì thế không thể bao quát được mọi vấn đề, và rằng, sự xuất hiện nối tiếp nhau của các lý thuyết phê bình là sự bổ sung cho những mặt thiếu sót của lý thuyết trước đó, hoặc mở rộng vấn đề sang những phạm vi khác: Từ tiếp cận Ngôn ngữ học sang tiếp cận Ký hiệu học, từ Văn bản học sang Xã hôi học, hoặc thay đổi những hệ hình từ tiếp cận tác giả sang tác phẩm và sang người đọc…

Là người viết phê bình văn học, tôi ghi lại những trải nghiệm của mình.

 ĐỐI TƯỢNG CỦA PHÊ BÌNH VĂN HỌC

Có lần, trong một bài viết, tôi coi đối tượng của phê bình là tác phẩm văn học, thì sau đó, tôi đọc được nhận định này của Lã Nguyên: “Tôi nghi ngờ cơ sở khoa học của những kết luận quá mơ hồ, chung chung, kiểu như thế này: đối tượng của phê bình là tác phẩm văn học”[2]

Sau khi phủ định việc coi tác phẩm văn học là đối tượng của phê bình, Lã Nguyên đưa ra ý kiến: “…tác phẩm thu hút được sự chú ý của phê bình chủ yếu vẫn là những tác phẩm có vấn đề tranh luận. Có thể nói, cái tranh luận là đối tượng chính yếu của phê bình. Tôi không có ý đồng nhất cái tranh luận với cái hay, cái tuyệt tác. Bởi vì, có nhiều tác phẩm rất hay mà vẫn không thể trở thành đối tượng của phê bình.”[đd]

Lã Nguyên cho rằng “cái tranh luận là đối tượng chính yếu của phê bình”, tôi tự hỏi, nếu không có tác phẩm văn học thì làm gì có “cái tranh luận”. Và chẳng lẽ, khi đọc bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, nhà phê bình phải tìm cho ra “Cái tranh luận” rồi tranh luận với tác giả hay sao?

Sau cùng, Lã Nguyên kết luận: “Puskin gọi ‘phê bình là khoa học khám phá những vẻ đẹp và nhược điểm của tác phẩm’.”; “Tác phẩm văn học là chỉnh thể trung tâm, là khách thể tìm kiếm, khám phá của tất cả các lĩnh vực hoạt động ấy”[đd].

Chẳng lẽ Lã Nguyên làm một trò cười? Vì chẳng ai tự đạp đổ lập luận của chính mình! Tôi viết điều này vì Lã Nguyên là PGS-TS La Khắc Hòa (giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội), và tôi nghĩ những tri thức của ông là đáng tin cậy. Nhưng tôi thất vọng!

Nhà nghiên cứu lại Nguyên Ân cũng khẳng định:Đối tượng thường thấy của phê bình là sáng tác, là các tác phẩm văn học, hoặc nói rõ hơn, là những sáng tác mới ra mắt, những tác phẩm đương đại., và ông mở rộng thêm vấn đề: “Đối tượng thật sự của phê bình còn là toàn bộ quá trình văn học đương đại với tất cả các đặc điểm, diện mạo, vấn đề của nó. Và để phát huy đầy đủ vai trò thật sự của phê bình trong việc đánh giá tác phẩm, phát hiện, khẳng định và khuyến khích các nhân tố mới, phê phán những tác phẩm và khuynh hướng lệch lạc gây tác động tiêu cực, trên cơ sở quan điểm văn nghệ của Đảng và thực tế phát triển của văn học, cần triển khai hoạt động phê bình trên nhiều hướng, nhiều hình thức…”[3] Dù có nói đến toàn bộ quá trình văn học đương đại, thì Lại Nguyên Ân cũng phải xác lập nhiệm vụ căn cốt của Phê bình văn học là “đánh giá tác phẩm, phê phán những tác phẩm lệch lạc…”

 Đỗ Lai Thúy cũng khẳng định tác phẩm văn học là yếu tố trung tâm và là đối tượng của phê bình văn học: “Vậy đối tượng của phê bình văn học là gì? Theo tôi, đó là tác phẩm. Tác phẩm là yếu tố trung tâm của hệ thống văn học, là điểm nút mà tác giả, truyền thống, hiện thực, độc giả đến giao hội. Tác giả chỉ trở thành tác giả khi anh ta sáng tạo ra tác phẩm của mình. Độc giả, cũng vậy, chỉ trở thành độc giả khi đọc và đánh giá tác phẩm.”[4]

Khi tôi viết phê bình thì trước mặt tôi là tác phẩm văn học tồn tại ở dạng văn bản. Những vấn đề nằm ngoài văn bản tác phẩm như tiểu sử tác giả, hoàn cảnh xã hội, không gian văn hóa… chỉ là những dữ liệu phụ trợ để hiểu văn bản.

Có nhiều vấn đề cần bàn về tác phẩm văn học.

TÁC GIẢ-TÁC PHẨM-NGƯỜI ĐỌC

1.Tác phẩm văn học

Đã có nhiều lý thuyết bàn về vấn đề tác phẩm văn học [5]. Tôi chỉ nói đến tác phẩm văn học trong góc nhìn phê bình.

Các lý thuyết phê bình văn học khi nói đến tác phẩm văn học đều coi tác phẩm là một khái niệm chung, không xem xét phẩm chất và giá trị của tác phẩm (không phân biệt tác phẩm hay, dở, có giá trị hay vô bổ). Trái lại, nhà phê bình quan tâm đến tác phẩm cụ thể, đến phẩm chất và giá trị của tác phẩm. Nhà phê bình chỉ đọc những tác phẩm hay, những sáng tạo nghệ thuật, để khám phá Cái Đẹp, Cái Mới, Cái độc đáo, tiếp cận những kiểu tư duy nghệ thuật mới, góp phần vào thúc đẩy tiến trình văn học. Những tác phẩm viết theo công thức, theo phong trào, viết do đặt hàng; những tác phẩm thuần túy giải trí hay những tác phẩm viết cho những mục đích ngoài văn chương… không nằm trong tầm ngắm của nhà phê bình.

Tác phẩm văn học là gì? Tôi chú ý đến điều này: Tác phẩm văn học là một thế giới nghệ thuật do nhà văn sáng tạo ra. Có thế giới nghệ thuật của tác phẩm và thế giới nghệ thuật của nhà văn trong toàn bộ sáng tác của anh ta. Tác phẩm không chỉ là một hệ thống ký hiệu ngôn ngữ hay một sinh thể tinh thần. Khả năng thâm nhập được vào bên trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm là thách đố thực sự đối với nhà phê bình. Trước 1945, Hoài Thanh đã hoàn toàn bất lực trước các bài thơ Siêu thực. Ông chỉ có khả năng đọc những bài thơ Lãng mạn. Trên Evan ngày 11/5/2006, nhà thơ trẻ Nguyễn Thúy Hằng nhận xét: “đội ngũ các nhà phê bình quá ít và trình độ của họ hiện nay chỉ dừng ở mức độ khen – chê, chưa đủ sức phân tích tác phẩm trọn vẹn”. TS Nguyễn Thị Minh Thái gọi đó là “bi kịch “đọc không vỡ chữ”, nhất là đối với các tác phẩm mới, các nhà văn mới xuất hiện”[6]

Thế giới nghệ thuật của tác phẩm là một thực thể phức tạp. Nó có cấu trúc chứa đựng hình thức văn bản (Cái biểu đạt) và nội dung (Cái được biều đạt), các mã nghệ thuật (cái làm nên tính văn chương). Nó còn chứa đựng kiểu tư duy nghệ thuật của tác giả (Vũ Trọng Phụng khai thác Cái hài kịch, trái lại, Nam Cao khai thác Cái bi kịch). Trong thế giới ấy, tư tưởng, tình cảm của tác giả chi phối quá trình kiến tạo tác phẩm (Nguyễn Tuân là nhà văn đi tìm và miêu tả Cái đẹp, Nam Cao xây dựng tác phẩm dưới ánh sáng của chủ nghĩa nhân đạo). Hơn thế, tác phẩm còn là kết tinh toàn bộ đời sống tinh thần, hoàn cảnh sống, môi trường chính trị, văn hóa, những trải nghiệm hiện sinh của tác giả. Tác phẩm cũng chứa đựng “cái tạng riêng”của nhà văn. Hàn Mặc Tử là nhà thơ Công giáo, lại bị bịnh phong cùi, vì thế, thơ ông tràn ngập đức tin tôn giáo, xung quanh ông đầy máu huyết…Thế giới nghệ thuật trong Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu tinh khôi như pha lê.

Có thể nói, khám phá thế giới nghệ thuật là công việc của nhà phê bình.

Lý thuyết về Cái biểu đạtCái được biểu đạt của Saussure làm nền cho nhiều lý thuyết phê bình văn học đã không đề cập đến thế giới nghệ thuật của tác phẩm, càng không đề cập đến bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa được phản ánh trong trí não nhà văn, được nhà văn nhận thức, kết hợp với lý tưởng thẩm mỹ làm nên thế giới sang tạo ấy (Cái được biểu đạt).

Đó là nguồn gốc của nhiều sai lầm lý thuyết văn học. Khi R. Barthes (1915-1980, nhà phê bình Ký hiệu học) viết: “nếu như một cái gì được kể ra vì bản thân câu chuyện, chứ không vì tác động trực tiếp đến hiện thực, tức là suy đến cùng, nằm ngoài mọi chức năng, ngoại trừ chức năng kí hiệu như nó vốn thế, thì tiếng nói tách rời khỏi cội nguồn của nó, đối với tác giả cái chết đã đến và ngay ở đây cái viết bắt đầu, ông đã loại tác giả ra khỏi đời sống xã hội làm nên tác phẩm[7].

Ai cũng biết tác phẩm là đứa con máu thịt của tác giả, nhà văn phải chịu trách nhiệm về nó trước xã hội. Phạm Quang Trung cho biết: “Vào những năm cuối đời, khi viết hồi ký, chính ông (R.Barthes) cũng cảm thấy mình có thời đã lầm lạc, rồi lên tiếng phàn nàn là các học trò của ông khiến ngay bản thân ông cũng không thể nào đọc cho nổi”. (Xem Văn học Nước ngòai, Số 4 / 1997). Thụy Khuê cho biết, Xã hội học phê bình của Bakhtin đã bổ sung cho những thiếu sót của Ngữ học phê bình của trường phái Hình thức Nga.(Phê bình văn học thế kỷ XX-Chương kết)

Và sau tất cả, mục đích viết văn của tác giả chi phối toàn cục việc kiến tạo tác phẩm (thí dụ, Nguyễn Đình Chiểu dùng văn để “chở đạo”, Phan Bội Châu viết Trùng Quang tâm sử để tuyên truyền quan điểm chính trị của ông).

Nếu nhà văn viết tác phẩm như một hành động dấn thân (thí dụ, viết vì mục đích chính trị như Phan Bội Châu), thì cũng phải nói đến mục đích viết của nhà phê bình. Những bài quảng cáo cho tác phẩm, những bài viết để “đánh” hay để “tụng ca”một tác giả nào đó (như tụng ca “thơ” Hoàng Quang Thuận), những bài viết theo công thức, theo quán tính, của những “nhà phê bình phong trào” bài của những bài phê bình “ăn theo”, của những người “ngoại đạo” nữa…loại bài phê bình đó không phải là phê bình văn học. Đã có lúc văn đàn “loạn” vì những nhà phê bình lọai này. Thí dụ, người đọc nếu tin vào những bài tiếp thị sách thì sẽ thấy rằng nền văn học của ta toàn những kiệt tác!

2.Tác giả là ai?

Đọc một tác phẩm văn học, người ta vừa theo dõi câu chuyện, cùng lúc vừa theo dõi hành ngôn của tác giả (như xem diễn kịch, người xem vừa thưởng thức vở kịch, vừa nhìn ngắm người nghệ sĩ trong vai diễn). Trước mặt người đọc có hai con người, tác giả trong tác phẩm và tác giả ngoài tác phẩm (con người xã hội). Nguyễn Du là nhà thơ nhân đạo trong tác phẩm của ông, khác với Nguyễn Du là ông quan phong kiến nhà Nguyễn trong đời thực. Vì thế nhà phê bình văn học, khi phê bình tác phẩm, không thể không phê bình tác giả. Có người gọi tác giả cũng là một nhân vật. Cần lưu ý rằng, con người tác giả trong tác phẩm làm nên giá trị văn chương, trái lại, con người xã hội của tác giả lại quy định việc kiến tạo tác phẩm. Nam Cao đã đem toàn bộ đời sống xã hội của mình để kiến tạo nên tác phẩm. Đó là cuộc sống của một trí thức nghèo, chỉ lo chuyện cơm áo, con ốm, nợ nần, vợ cằn nhằn…

Trong tác phẩm, tác giả (con ngưới xã hội) phải ẩn thân, phải đeo mặt nạ. Đó là một nguyên tắc sáng tạo. Ngay cả khi tác giả hóa thân thành nhân vật, thì cũng không thể đồng nhất nhân vật với tác giả, bởi nhân vật chứa đựng tư tưởng, chủ đề và nghệ thuật của tác phẩm còn tác giả thì không. Trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu náu mình trong nhân vật nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng. Ông trực tiếp trình bày những quan sát những nghĩ suy và thái độ trước hiện thực. Cũng vậy, trong truyện ngắn Một người Hà Nội, Nguyễn Khải chính là nhân vật đồng chí Khải, người kể chuyện, người trực tiếp đưa ra nhận xét, đánh giá.

Người đọc nhận ra tác giả trong tác phẩm qua đặc điểm tư tưởng, lý tưởng thẩm mỹ, phong cách nghệ thuật. “Văn là người”. Xét đến cùng, tác phẩm văn học là một diễn ngôn của tác giả. Phê bình văn học cần phải đọc cho được diễn ngôn này. Điều này không dễ. Những truyện rất ngắn của F.Kafka đều là những mật ngữ.

  1. Người đọc là ai?

R.Barthes viết: “văn bản được tạo thành từ cái đa tạp kiểu loại của cái viết khác nhau, bắt nguồn từ nhiều nền văn hoá khác nhau, tham gia vào các mối quan hệ như đối thoại, giễu nhại, tranh cãi…nhưng tất cả cái đa tạp ấy đều quy tụ vào một điểm nhất định, điểm ấy không phải là tác giả như người ta vẫn khẳng định cho đến ngày nay, mà là người đọc./  Người đọc là cái vũ trụ, nơi đó khắc ghi tất cả mọi trích dẫn làm nên cái viết mà không làm mất đi bất cứ trích dẫn nào;..[đd]

Ngày nay, thuyết người đọc (reader theory) đề cao vai trò của người đọc. Các lý thuyết này cho rằng, nghĩa của tác phẩm là nghĩa do người đọc lấp đầy các khoảng trống của văn bản (Ingarden, Wolfgang Iser), diễn giải tác phẩm là vô tận (Gadamer). Tôi thấy rằng cần phải xem xét vấn đề cẩn trọng hơn.

Thực ra, tác phẩm tồn tại bằng cấu trúc tự thân. Ý nghĩa khởi nguyên của tác phẩm là thông điệp tác giả gửi trong nó, đồng thời là nghĩa tư tưởng-thẩm mỹ do cấu trúc tác phẩm tạo ra. Tác phẩm còn là một diễn ngôn của tác giả. Anh ta phải chịu trách nhiệm xã hội về diễn ngôn của mình. “Tác giả giữ bản quyền” trước hết là như vậy. Có người còn ghi thêm: Cấm mọi trích dịch, sao chép…Vì thế không thể gán cho tác phẩm bất cứ nghĩa nào ngoài văn bản. Những diễn giải chủ quan của người đọc ngoài văn bản tác phẩm là không có giá trị. Đó là cách đọc xuyên tạc. Bao nhiêu tai nạn văn chương ụp lên đầu tác giả là do cách đọc này. Tất nhiên “cộng đồng diễn giải” (Stanley Fish) cũng tìm thấy ý nghĩa của mình, và người đọc có quyền kỳ vọng ở tác phẩm (Hans Robert Jauss).

 Thực ra các lý thuyết đề cao vai trò người đọc chỉ phù hợp với loại tác phẩm được viết theo những thủ pháp Hậu hiện đại, chẳng hạn những tác phẩm bị phá vỡ cấu trúc, tác phẩm không có nhân vật (kiểu truyền thống), tác phẩm sắp đặt (dành cho người đọc quyền tái cấu trúc tác phẩm để tạo nghĩa mới), loại tác phẩm thị giác…Ở những kiểu loại tác phẩm này, tác phẩm chỉ là chất liệu gợi ý để người đọc nhào nặn thành tác phẩm của mình. R.Barthes nói tác giả thực đã chết là vậy:

Xin thử đọc bài thơ này của Văn Cầm Hải:

 Hoe chân lời

Mùi quế hương lưu vong
tấm lưng trần liệm nắng
ngọn râu khoai lườm nguýt mặt đất
những bầu vú ra khơi vắt sữa mặt trời!

Se tháng năm vất vưởng đáy rốn
nhúm nhau dạt chân trời
không tổ chức
lụt bão
luật lệ
tử cung
sự giao lưu hoang hoải ngực Mạ
một ngày mai tinh khôi vân tay
một ngày thơ cô đơn rực rỡ mai San Francisco
hao gầy
bóng Mỹ
nợ nần
lửa khói
hoe đáy mắt phù du Thiên Cầm
phủ dụ kiếp biển
mùi nước mắm vàng lên chân lời Hồng Lĩnh

Iowa, 2005

Vì thế, nếu nói đến người đọc, thì cần phân biệt đối tượng người đọc. Không có người đọc trừu tượng, người đọc khái niệm. Mỗi đối tượng người đọc có cách đọc riêng và cách cảm nhận khác nhau.

Người đọc phổ thông chỉ đọc cảm thụ, giải trí. Điều họ tìm kiếm là sự hấp dẫn của tác phẩm. Những ý nghĩa, những giá tri của tác phẩm (nếu có) là những ngẫm nghĩ sau đó. Trong nhà trường, tác phẩm văn học được phân tích nội dung và nghệ thuật, tuy vậy, cách đọc này được định hướng bằng yêu cầu giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cho học sinh theo một khuôn mẫu, gây ra sự nhàm chán. Nhà phê bình, nhà nghiên cứu đọc tác phẩm là để tìm kiếm những dữ liệu cho luận điểm. Nhà phê bình có thể chỉ chú tâm vào một góc cạnh nào đó. Thí dụ, Trần Đình Sử chỉ quan tâm đến những yếu tố thi pháp của truyện Kiều. Đỗ Lai Thúy đọc thơ Hồ Xuân Hương là để chứng minh cho lí thuyết “di truyền văn hoá” của G.C.Jung. Trái lại, nhà đạo diễn khi chuyển thể tác phẩm văn học thành phim, anh ta phải đọc sáng tạo, tức là trả hình tượng văn học về đời thực với những hoàn cảnh thật và con người bằng xương bằng thịt mà trước đó nhà văn đã dựa vào để hư cấu thành tác phẩm văn học. Có điều, dù nỗ lực giữ đúng như bản gốc tác phẩm văn học, nhà đạo diễn cũng đã biến tác phẩm gốc thành một tác phẩm khác. Người ta gọi đó là đồng sáng tạo.

Như vậy, không thể tin được những đánh giá tác phẩm do mọi kiểu người đọc cảm nhận. Diễn giải không thể là vô tận, diễn giải phải nằm trong những quy ước xã hội, văn hóa, và truyền thống của cộng đồng. Vì thế những cuốn sách gọi là best-seller trên thị trường với số lượng độc giả rất cao, không hẳn là những cuốn sách hay và có giá trị; và “văn học kháng chiến” ngày nay ít người đọc cũng không phải là đã mất giá trị. Giá trị tự thân của nó vẫn nguyên vẹn đấy, vì nó được viết ra bằng sự hy sinh và máu của các nhà văn ngay trong lửa đạn của một thời, mà thời ấy không lặp lại, và nếu không trải nghiệm cái thờ ấy, không ai có thể viết được như vậy.

Nhà phê bình chuyên nghiệp có thể xác lập được giá trị của tác phẩm trong hai chiều kích: sự sáng tạo và hiệu quả xã hội.

ĐI TÌM NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN CHƯƠNG

Đối với tôi, phê bình một tác phẩm, trước hết là chia sẻ câu truyện tác giả kể. Trong câu truyện ấy có hiện thực được phản ánh, có những vấn đề tự bản thân câu truyện lên tiếng nói, có những ngẫm nghĩ do tác giả gửi gắm vào, đồng thời có cả thái độ diễn ngôn của tác giả. Nhà phê bình có thể cùng bàn bạc, chia sẻ với tác giả về nhiều vấn đề.

Phê bình trước hết là đối thoại với tác giả. Nhưng khi tác phẩm đã trở thành một thực thể xã hội, nó có một chỗ đứng, từ đó lan tỏa ảnh hưởng vào môi trường chính trị, văn hóa, tư tưởng. Nó có thể “gây bão” trong dư luận, vì thế nhà phê bình cần góp tiếng nói xác lập giá trị của tác phẩm. Nói “giá trị văn chương” thì cần xác lập hai chiều kích: giá trị tự thân của tác phẩm văn chương và giá trị xã hội tức là xem xét mối tương quan tác phẩm với hiện thực.

Giá trị tự thân của tác phẩm văn chương là Cái đẹp, Cái mới, Cái độc đáo sáng tạo của tác giả trong tất cả các yếu tố tác phẩm, cả trong tư duy nghệ thuật, thi pháp và phong cách. Sự thật là, mỗi tác giả chỉ đặc sắc mới mẻ, độc đáo ở một mặt nào đó trong việc kiến tạo văn bản. Nhà phê bình phải chỉ ra Cái riêng, Cái khác, Cái độc đáo, tài năng văn chương của tác giả.

Bởi chỉ những tài năng văn chương đích thực mới làm phát triển nền văn học và sự xuất hiện của họ luôn gây nên những chấn động.

Tuy nhiên tài năng là của hiếm, những tài năng lớn càng hiếm. Bởi họ phải đối mặt với những truyền thống cũ, mà do quán tính, luôn muốn kéo lùi tiến trình văn học. Nhiều thể nghiệm cách tân vẫn chỉ tồn tại như một hiện tượng đơn độc. Trước kia là nhóm Dạ Đài, sau này là thể nghiệm “bóng chữ” của Lê Đạt hay sử dụng “chữ rỗng” của Trần Dần, thơ Tân hình thức của Khế Yêm và Thơ Trẻ đầu thế kỷ XXI khai phá những kỹ thuật Hậu hiện đại. Người đọc trong nước đã quen với ca dao, quen đọc thơ Hiện thực xã hội chủ nghĩa, nên không khó tiếp cận loại “thơ cách tân,” như thơ trình diễn, thơ sắp đặt, thơ thị giác, thơ Tân hình thức…Vì thế, những nỗ lực thể nghiệm đã không thể tạo thành trào lưu đưa thơ Việt Nam bước hẳn vào một thời đại thi ca mới.

Khi tác phẩm được in ra và phát hành trong công chúng, giá trị của tác phẩm tùy thuộc vào sự đánh giá của xã hội. Công luận sẽ phản ứng ngay khi một tác phẩm xuất hiện “có vấn đề”. Cái gọi là “có vấn đề” ở Việt Nam thường là tính “đồi trụy và phản động”. Cuốn sách sẽ bị ngăn chặn ngay tại nhà xuất bản. Có khi, sách đã in và phát hành nhưng phạm luật thì cũng bị thu hồi.

Có nhà văn phải chịu cảnh sống “lên bờ xuống ruộng” (chữ của Nguyễn Mạnh Tuấn) vì tác phẩm của mình. Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn kể: “Khi tác phẩm Đứng trước biển ra đời thì lãnh đạo một số tỉnh có liên quan phản đối một cách dữ dội, coi là phản động. Lúc ấy tôi viết phủ nhận một xí nghiệp đánh cá vừa được phong anh hùng và nhận thấy rằng thời kỳ làm ăn bằng kinh nghiệm đã qua. Nhưng rồi mọi việc đúng như dự báo, xí nghiệp này sau đó làm ăn thua lỗ, phải giải thể. Còn Cù lao tràm viết về đề tài nông nghiệp. Khi tác phẩm ra đời đã có văn bản đề nghị đưa tôi đi cải tạo. Nhất là lãnh đạo 9 tỉnh miền Tây hồi bấy giờ phẫn nộ. Báo Hậu Giang liên tục có các bài phê phán Cù lao tràm; một số nhà văn, nhà nghiên cứu có bài viết phê bình tác phẩm, có bài còn vạch rõ bảy tội danh. Đặc biệt, tôi gần như bị cô lập, chỉ còn vợ là bạn, có ông bạn văn trước kia rất thân nhưng cũng trốn không gặp tôi.[8]

Có điều, ngay cả những tác phẩm đã bị cấm, bị thu hồi, thì chúng vẫn còn đó trong dư luận, và biết đâu chúng có cơ may “sống”. Những tác phẩm thực sự có giá trị nghệ thuật, tư tưởng đều có thể vượt qua thời đại. Ngày nay nhiều tác giả của thời Nhân Văn Giai Phẩm đã được phục hồi danh hiệu nhà văn, tác phẩm của những nhà văn này được phổ biến lại và đựợc trao giải thưởng…[9].

Những tác phẩm văn chương thị trường “sống” theo một cơ chế khác: cơ chế đầu tư, quảng cáo của nhà xuất bản. Khi một nhà xuất bản “đánh hơi” thấy tác phẩm sẽ có đông độc giả, họ sẵn sàng mua tác phẩm và làm nhiều chương trình quảng cáo để ám thị người đọc. Tiêu chí của nhà xuất bản là lợi nhuận. Nhà xuất bản hướng vào người đọc trẻ, số này đông đảo, sinh ra và lớn lên trong xã hội tiêu thụ, thường đọc loại sách giải trí, hoặc sách tình cảm nhẹ nhàng, không bận tâm giá trị văn học.

Vì có nhiều đối tượng công chúng văn học nên giá trị xã hội của tác phẩm là một khái niệm rất tương đối. Để xác lập giá trị xã hội của tác phẩm văn học, người ta thường căn cứ vào số lượng sách bán (thí dụ số lượng sách bán được của Nguyễn Nhật Ánh), vào các giải thưởng có uy tín. Thí dụ giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Nhà Nước. Dù vậy vẫn có sự khác biệt trong cách nhìn nhận giá trị của tác phẩm. Cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh dù được dư luận đánh giá cao song không đạt được tiêu chí của giải thưởng này (2016), trong khi cuốn Biên bản chiến tranh của Trần Mai Hạnh lại được Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014 và Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015, dù rằng có ý kiến cho cuốn sách này không phải là tác phẩm văn học, nó chỉ là một tập hợp tư liệu báo chí viết bằng hình thức cận văn học. Hãy nhìn lại những tác phẩm có nội dung Nhân văn và dân chủ của thời đổi mới (1986) [10], dù đã tạo được sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình, song đến nay vẫn chưa có những đánh giá chính thức về giá trị của những tác phẩm này.

Nói vậy để thấy việc đánh giá tác phẩm thật không dễ chút nào.

PHÊ BÌNH LÀ TRANH CÃI BẤT TẬN?

Phê bình văn học, xét đến cùng là khám phá sự sáng tạo, là đối thoại với tác giả và đồng hành với người đọc. Viết văn đã là khó khăn, nhà phê bình còn gặp nhiều khó khăn hơn.

Và chúng ta tự hỏi, điều gì làm cho những tác phẩm lớn của thế giới vượt lên trên mọi đánh giá? Thí dụ, tác phẩm của Homère, W.Shakespear, V.Hugo, Dostoyevsky, Lev Tolstoi, Sholokhov, E. Hemingway…

Tác phẩm văn học là Thế giới nghệ thuật đa diện và đa sắc. Nhìn ở góc nào, phê bình cũng là chủ quan, phiến diện. Vì thế cùng đọc thơ Thanh Tâm Tuyền, nhưng bài viết của Thụy Khuê, Bùi Vĩnh Phúc và Nguyễn Vy Khanh… có những nhận định rất khác nhau dù đây là những nhà phê bình chuyên nghiệp.

Vì thế, những ý kiến nói qua nói lại thường gây ra tranh cãi hoặc bút chiến. Những tranh cãi như thế thường có chủ đích ngoài văn chương và hầu như không có hồi kết, trừ khi có người trong cuộc xin rút lui. Trước công luận (2011), PGS-TS Pham Quang Trung và nhà văn Đỗ Ngọc Thạch đã xin rút lui khỏi cuộc tranh luận về hai tác phẩm Hội Thề của Nguyễn Quang Thân và Dị Hương của Sương Nguyệt Minh [11]

Phê bình là tranh cãi bất tận…

Tôi luôn tránh xa mọi cuộc tranh cãi, bởi phê bình đối với tôi là chia sẻ tri âm.

Tháng 3. 2017

 

________________

[1] Đỗ Quyên: http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=22323

[2] Lã Nguyên-Phê bình văn học hay là vương quốc của cái tranh luận:

http://www.hcmup.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=12236%3Aphe-binh-vn-hc-hin-nay-phe-binh-vn-hc-hay-la-vng-quc-ca-cai-tranh-lun-la-nguyen&catid=4188%3Avn–vn-hc&Itemid=7197&lang=fr&site=30

[3] Lại Nguyên Ân-Về hoạt động của phê bình văn học:

http://lainguyenan.free.fr/VanHoc/VeHoatDong.html

[4] Phê bình văn học con vật lưỡng thê ấy. Nhã Nam & HNV. 2010

https://www.sachtre.com/2003/12/phe-binh-van-hoc-la-gi-55/

[5] Xin đọc:

Trần Hoài Anh: Quan niệm về tác phẩm văn học của lý luẫn-phê bình văn học đô thị miền Nam 1954-1975. http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=17425

– Lê Lưu Oanh: Tính chỉnh thể của tác phẩm văn học

http://butnghien.com/tinh-chinh-the-cua-tac-pham-van-hoc.t64663/

– Trần Đình Sử: Tác phẩm văn học như là kí hiệu nghệ thuật

https://trandinhsu.wordpress.com/2016/09/30/tac-pham-van-hoc-nhu-la-ki-hieu-nghe-thuat/

-Phạm Quang Trung: Tác phẩm văn chương như một sinh thể tinh thần

http://www.pqtrung.com/ly-luan-van-chuong/ly-luan-van-chuong-hien-dhai/tc-phm-vn-chng-nh-mt-sinh-th-tinh-thn

-Roman Ingarden: Tác phẩm văn học-Trương Đăng Dung dịch

https://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/tac-pham-van-hoc

[6] Nguyễn Thị Minh Thái:

http://vanvn.net/tac-pham-chon-loc/tieng-noi-nha-vanve-bi-kich-doc-khong-vo-chu-van-chuong%E2%80%A6/898

[7] Roland BarthesCái chết của tác giảTrần Đình Sử dịch

http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=12678

[8] Nguyễn Mạnh Tuấn:

http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/nguyen-manh-tuan-co-luc-toi-gan-nhu-bi-co-lap-2141850.html

[9] Quang Dũng được trao Giải thưởng Nhà Nước về Văn học nghệ thuật 2011

Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

[10] Thời xa vắng  (Lê Lựu), Thiên sứ (Phạm Thị Hoài), truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Những thiên đường mù, Bên kia bờ ão vọng (Dương Thu Hương), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Chuyện kể năm 2000 (Bùi Ngọc tấn), Thời của thánh thần (Hoàng Minh Tường),

[11] Đỗ Ngọc Thạch- Về phương pháp phê bình “Mượn đao giết người” -13.03.2011

http://nguoibanduong.net/index.php?nv=News&at=article&sid=5458