VŨ BÌNH LỤC-NHÀ PHÊ BÌNH PHONG TRÀO

VŨ BÌNH LỤC-NHÀ PHÊ BÌNH PHONG TRÀO

Bùi Công Thuấn

vu-binh-luc

Nhà phê bình Vũ Bình Lục

 

Vũ Bình Lục được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam cùng một lần với tôi 2015. Khi đứng nhận quyết định kếp nạp Hội, ông đứng bên cạnh tôi. Thú thực là lúc ấy tôi chưa biết gì về ông. Lời giới thiệu của nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam làm tôi chú ý đến ông.

1.Nhà văn xuất thân từ quần chúng

Vũ Bình Lục tuổi Mậu Tý (1948), quê gốc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Học hết cấp II ở quê, ông sang Kiến An học tiếp cấp III và lên đường nhập ngũ năm 1967, khi chưa hoàn thành chương trình phổ thông năm cuối cấp. Sau mấy năm chiến đấu ở chiến trường khu V, Vũ Bình Lục được ra Bắc điều dưỡng, rồi giải ngũ về quê…

Vũ Bình Lục kể cho Phạm Đình Ân về cuộc sống của mình [1]:

Gốc tích tôi họ Vũ Đình, viễn tổ ở Hải Dương. Kể cả những năm chiến tranh thì tôi có khoảng một phần tư thế kỷ sống với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên… Khi tôi chuyển cả gia đình vào Tây Nguyên, nhiều người bảo tôi bị điên, tự dưng lại bỏ quê để lao vào chốn rừng thiêng nước độc… Tôi thích chỗ thoáng đãng rộng rãi, lại còn mơ làm ông chủ đồn điền cà phê nữa cơ đấy…

Tôi quyết định về Hà Nội vì Tôi biết và cũng được nghe một số người nói rằng, nhà văn Nguyễn Tuân, cả họa sĩ Nguyễn Sáng nếu không sống ở Hà Nội thì không thể thành nghệ sĩ lớn được… Tôi cũng theo gương các bậc tài danh kia, chỉ tiếc là mình thì tài hèn sức mỏng, cuối đời mới dám mon men đến chân cầu Chương Dương…

Những năm tháng trực tiếp chiến đấu ở chiến trường, tôi là lính đặc công. Chiến trường khu V vô cùng ác liệt. Sốt rét, đói khát quanh năm, nhất là từ sau Tết Mậu Thân 1968. Song đối diện với chính mình mới là điều khó khăn nhất. Đồng đội cứ vơi dần đi sau mỗi lần hành quân. Trận thắng nhiều, nhưng trận thua không phải là ít. Đối phương mạnh hơn mình nhiều lần về vũ khí và điều kiện sinh hoạt cá nhân. Đương nhiên mình phải nghĩ ngợi nhiều, có lúc cảm thấy căng thẳng, thậm chí nản lòng. Thế nhưng, như bao đồng đội khác, tôi đã không gục ngã. Chúng tôi đã chiến thắng bằng ý chí. Tại sao tôi không viết được gì trong chiến trường? Có lẽ ở thời điểm đó tôi nghĩ đấy không phải là việc của mình, khi mà chúng tôi luôn đối mặt trực diện với địch, cái chết lúc nào cũng rình rập…”

Theo Phạm Đình Ân, Đến nay Vũ Bình Lục đã xuất bản được gần 20 đầu sách. Ngoài các tập thơ, Vũ Bình Lục còn có nhiều bộ sách chuyên đề nghiên cứu và phê bình văn học như: Giai phẩm với lời bình, Hồn nhiên trong thơ Lý-Trần, Thánh thơ Cao Bá Quát, Hồng Hạc cõi trời Nam,…

Rất tiếc tôi chưa có dịp đọc tất cả những gì Vũ Bình Lục đã viết, vì thế không thể đánh giá “sự nghiệp” văn chương của ông. Đọc một số bài phê bình của ông, tôi ghi nhận vài đặc điểm ngòi bút phê bình của Vũ Bình Lục. Tôi nghĩ, phê bình là một phần đồ sộ bên cạnh sự nghiệp sáng tác của ông.

 2.Nhà phê bình của quần chúng.

 Vũ Binh Lục 2xuất thân từ quần chúng, trưởng thành trong lao động và chiến đấu. Ông cũng là một nhà giáo, việc viết lách khởi đi từ tấm lòng say mê văn học, đối tượng ông hướng tới là bạn đọc hôm nay. Ông chia sẻ:

“Chỉ là vì tôi đắm đuối với văn chương từ hồi còn bé. Đọc rất nhiều và trí nhớ cũng rất tốt. Người ta bảo rằng hãy cứ sống đi rồi hẵng viết. Sống và đọc, để tích lũy vốn sống và tri thức. Khi đã đến độ chín rồi thì viết rất nhanh. Một năm làm việc bằng cả mười năm cộng lại…”[đd]

Ông nói về những gì đã làm được:

Hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã sáng tác rất nhiều, nói như các cụ ta xưa thì sách vở có thể chất thành gò đống, xe kéo voi thồ cũng không thể hết. Nhưng giặc phương Bắc dã tâm tiêu diệt tận gốc nền văn hóa của ta,… Số sách vở còn lại chẳng còn được bao nhiêu, nhưng cũng là vô cùng quý giá. Các cụ ta xưa đã nối tiếp nhau sưu tầm, nghiên cứu. Nhưng những sáng tác ấy đều bằng chữ Hán và chữ Nôm cả. Sưu tầm nghiên cứu thì cũng đã nhiều người, nhiều thế hệ làm rồi, nhưng chủ yếu là ở mức độ văn bản học. Tôi dựa trên kết quả của các thế hệ đi trước để làm tiếp công việc dịch các tác phẩm ấy chủ yếu ra thơ lục bát truyền thống, bình giải cái hay cái đẹp của thơ ca xưa để bạn đọc ngày nay dễ tiếp nhận mà thôi. Mình tài hèn sức mỏng, nhưng cũng cố gắng làm được đến đâu thì hay đến đó …”

Nhà thơ Vũ Quần Phương đánh giá cao việc Vũ Bình Lục dịch những bài thơ Thất ngôn bát cú chữ hán trong văn học cổ của dân tộc theo lối Lục bát truyền thống: “bình dân hóa bằng thơ lục bát và thêm lời dẫn giải sẽ giúp đông đảo bạn đọc có điều kiện thẩm thơ cổ”.[2]

PGS, TS Trần Thị Trâm nhận xét:

Gần đây, Vũ Bình Lục lại xuất hiện với tư cách nhà nghiên cứu phê bình. Chỉ trong vòng ba năm (2010 – 2013), sau khi về hưu, rời phố núi Ðác Lắc về Thủ đô, ngoài tập thơ Mơ gần mơ xa, ông giáo Lục đã trình làng một bộ sách đồ sộ, gồm 6 cuốn Giai phẩm với lời bình, gần 2.400 trang, khổ 14,5 x 20,5 cm. Tất cả đều được đóng bìa cứng một cách hết sức trang trọng. Ðọc, mới thấy anh là người đầy nội lực, dám nghĩ, dám làm, dám thử sức ở một lĩnh vực quá khó, đòi hỏi một trình độ cao.

Là nhà giáo suốt gần 40 năm giảng dạy cho học sinh chuyên văn, thói quen làm việc bài bản, mực thước của một nhà sư phạm lâu năm luôn hiện diện trong từng trang viết của Vũ Bình Lục, nên gặp bất kỳ điển tích, điển cố, hay những thuật ngữ Phật học, Thiền học nào trong thơ cổ, ông cũng đều giảng giải kỹ càng, cẩn trọng. Ðiều này một lần nữa chứng tỏ lao động nghệ thuật nghiêm túc và vốn kiến thức văn hóa phương Ðông rộng, chắc chắn của nhà nghiên cứu…”.”[3]

 3.Vũ Bình Lục với việc diễn giải thơ

Đây là một bài thơ Lý-Trần quen thuộc, Vũ Bình Lục chuyển từ Thất ngôn chữ Hán sang Lục bát tiếng Việt

身 如 電 影 有 還 無
萬 物 春 榮 秋 又 枯
任 運 盛 衰 無 怖 畏
盛 衰 如 露 草 頭 舖

Thị đệ tử – Vạn Hạnh Thiền sư

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

Nghĩa của bài thơ:

Thân [đời người] như ánh chớp/ có rồi không

Mùa xuân, vạn cây tươi tốt/ mùa thu lại khô héo

[Hãy] Mặc vận hạn thịnh suy/ không sợ hãi

[vì] Thịnh suy [chỉ] như giọt sương/ phô trên ngọn cỏ

 

Vũ Bình Lục dịch thơ:

Bảo các đồ đệ:

Đời người có có không không

Cỏ xuân tươi tốt, khi đông héo tàn

Sương treo ngọn cỏ mang mang

Vận đời suy thịnh vô vàn, sợ chi!

Bản dịch thơ của Vũ Bình Lục giữ được ý của nguyên tác, thấp thoáng sự tài hoa, song tác giả đã dịch thoát nhiều

Câu 1: “Thân như điện ảnh” nghĩa là sự tồn tại của con người trong đời (đời người) như ánh chớp. “Điện ảnh” là hình ảnh riêng của Thiền để chỉ cái mau qua. Bản dịch bỏ mất từ này.

Câu 2: Vạn mộc/ xuân vinh thu hựu khô, nghĩa là: Vạn cây (chỉ chung cây cối) mùa xuân tươi tốt, mùa thu lại khô héo, chỉ cái quy luật có sinh có diệt của vạn pháp. Câu 2 là để làm rõ nghĩa hơn cho câu 1: Đời người có đấy rồi không đấy, như cây xanh tốt mùa xuân và khô héo vào mùa thu. Đó là quy luật. Vũ Bình Lục dịch là: Cỏ xuân tươi tốt, khi đông héo tàn, đã chuyển “thu” thành “đông”, chuyển “vạn mộc” thành cỏ xuân, xáo trộn hẳn trật tự ngữ pháp câu.

 Câu 3 & 4 của bản dịch đải lộn câu 4 và câu 3 của nguyên tác. Việc đảo vị trí câu này làm sai lệch ý nghĩa với nguyên tác, và làm hỏng tứ thơ.

Sương treo ngọn cỏ mang mang

Vận đời suy thịnh vô vàn, sợ chi!

Câu: “Sương treo ngọn cỏ mang mang” nghĩa rất mơ hồ: giọt sương treo ngọn cỏ gợi ra bao nỗi hoang mang, hoặc chứa chất nỗi niềm mênh mang?(vì giọt sương không biết rơi xuống đất lúc nào) khác với “lộ thảo đầu phô”  là hạt sương lộ ra trên đầu ngọn cỏ, chỉ cái nhỏ bé và tan biến nhanh như sương tan khi nắng lên).

Nhậm vận thịnh suy” là “mặc [đời] thịnh suy, chuyển thành: “Vận đời suy thịnh vô vàn”, thêm vào chữ “vô vàn” (từ chỉ số lượng nhiều không thể biết hết đựợc) làm hỏng tứ “vận thịnh suy”(đời người có lúc thịnh lúc suy-số lượng hữu hạn) và bỏ mất chữ “Nhậm” (mặc kệ-không bận tâm) biểu thị thái độ.

Ở nguyên tác, câu 3 có ý nghĩa chính, câu 4 chỉ là lý giải cho câu 3: Mặc đời thịnh suy, không sợ hãi, vì thịnh suy chỉ như giót sương trên đầu ngọn cỏ. Ngược lại, bản dịch thơ chuyển câu 4 của nguyên tác thành câu 3, như vậy là ý phụ thành ý chính: Giọt sương treo ngọn cỏ gợi ra bao nỗi mang mang. [Còn] vận đời thịnh suy vô vàn, không có gì phải sợ.

 Do phải tuân thủ luật gieo vần của Lục bát nên Vũ Bình Lục đã vấp phải những khó khăn trên (biến “Thu” thành “Đông”, thêm vào chữ “vô vàn” “ để vần với chữ “mang mang”). Điều này đặt ra cho người chuyển thể từ thơ Thất ngôn sang Lục bát nhiều vấn đề cần vượt qua. Tôi nghĩ thơ Thất ngôn chữ Hán chuyển sang Thất ngôn tiếng Việt sẽ thuận lợi hơn và giữ được đặc sắc nghệ thuật của nguyên tác hơn…

Lại ngẫm nghĩ Vũ Bình Lục cần nghiên cứu kỹ hơn nữa nguyên tác văn bản chứ Hán trước khi chuyển thành thơ Lục bát tiếng Việt để bản dịch thơ tốt hơn.

Vũ Bình Lục đọc thơ thế nào?

Hãy xem Vũ Bình Lục đọc bài thơ Cây Chuối (Ba Tiêu) của Nguyễn Trãi?

BA TIÊU
(CÂY CHUỐI)

Từ bén hơi xuân tốt lại thêm,
Đầy buồng lạ màu thâu đêm.
Tình thư một bức phong còn kín,
Gió nơi
đâu gượng mở xem.

Tổng quan, bài thơ được biểu hiện ở hai nét nghĩa: Hiển ngôn và ẩn dụ, nét nghĩa nào là chủ đạo? Nhưng nói đến nét nghĩa ẩn dụ (nếu có), thì trước hết và bao giờ cũng phải nghĩa hiển ngôn, hay là nghĩa tường minh, nôm na là nghĩa đen, nghĩa cụ thể, hiện ra trên mặt chữ của bài thơ. Đương nhiên, nghĩa cụ thể ở đây là tả cây chuối, theo đó cả buồng chuối, cùng với vẻ đẹp và mùi thơm độc đáo, hấp dẫn mê hồn của nó.

Từ bén hơi xuân tốt lại thêm. Từ khi bén được hơi xuân, gặp được hơi xuân ấm áp, thì cây chuối lại tốt tươi thêm. Nhưng Đầy buồng lạ màu thâu đêm thì là tả buồng chuối với một sự rất lạ, màu thâu đêm. Mùi thơm (mầu) thơm lạ thơm lùng của buồng chuối toả ra thơm nức cả một vùng trong đêm thanh vắng hay chăng? Thế nghĩa là chuối đã chín ngay từ khi còn treo ở trên cây rồi. Chuối đã chín trên cây, lại còn:
Tình thư một bức phong còn kín,
Gió nơi đâu gượng mở xem
thì ý thơ đã chuyển sang tả lá chuối, xanh non, cuộn tròn như một bức tư tình còn phong kín.

căn cứ vào thi pháp của nhà thơ Nôm số một Nguyễn Trãi. Đây không phải là một cây chuối cụ thể ở một thời điểm, mà là cây chuối của một quá trình từ trẻ đến già, được cách điệu, gián cách, như một thủ pháp thường thấy trong nghệ thuật nói chung. Ví như vừa nói mùa xuân, lại thấy tả ngay mùa đông, hoặc mùa hạ, trong rất nhiều bài thơ của Nguyễn trãi nói riêng chăng?

Vậy bài thơ này có nét nghĩa ẩn dụ gì không? Theo tôi nghĩ là có. Và chủ yếu cái hay ở bài thơ này là nghĩa ẩn dụ. Nó là một bài thơ tình rất tinh tế. Hình dung như một buồng the kín đáo, người đẹp trẻ trung, rưng rức mầu xuân rờ rỡ đang hiển hiện ở trước mắt. Nhất là từ khi bén được hơi xuân rồi, thì vẻ xuân, mầu xuân từ thân thể tuyệt mĩ của người đẹp càng như mơn mởn thêm ra. Này, hỡi chàng gió đa tình, hãy đến gần ngay đây để từ từ, nhẩn nha, nhẹ nhàng (gượng) mà mở ra xem, mà thưởng thức, chiêm ngưỡng cái thân thể ngọc ngà còn phong kín này! Giục giã, mời gọi, nhưng không hề thấy sự vội vã, gấp gáp…

Tôi trích hơi dài để bạn đọc (chưa có dịp đọc cả bài bình của Vũ Bình Lục) cũng có thể nhận ra diện mạo và bút pháp của nhà phê bình trước đối tượng (Vũ Bình Lục và bài thơ Cây chuối của Nguyễn Trãi)

Trước tiên và văn phong, văn Vũ Bình Lục nghiêng về văn nói (đối thoại với công chúng), tác giả dùng nhiều từ thì, là, mà (là, hay là, nôm na là, thì là, Thế nghĩa là, không phải là, thì lại, lại còn) và dùng những câu hỏi để đặt vấn đề, để đối thoại, gợi sự chú ý của người nghe,: Hiển ngôn và ẩn dụ, nét nghĩa nào là chủ đạo? Vậy bài thơ này có nét nghĩa ẩn dụ gì không? Theo tôi nghĩ là có…Và ông giải thích vấn đề rất dài dòng, lòng vòng (là, hay là, nôm na là, thì là, Thế nghĩa là, không phải là) có lẽ ông nghĩ công chúng không có trình độ hiểu cụm từ “nghĩa hiển ngôn”là gì!

Đối thoại với công chúng, sử dụng ngôn ngữ gần với công chúng là đúng, nhưng văn bản viết, nhất định phải có “chất văn”, dù là văn bản phê bình văn học. Bài viết của Vũ Bình Lục còn thiều phẩm chất căn bản này.

Trong phương pháp đọc thơ của Vũ Bình Lục, ông diễn xuôi nghĩa câu thơ là chính, sau đó mặc sức phóng bút, tưởng tượng ra tầng nghĩa mà văn bản thơ không có, để rồi thả mình vào thế giới do mình tưởng tượng ra, hưởng thụ cái hương sắc ngọt mật của bài thơ (mặc dù tất cả chỉ là tưởng tượng). Ông bình thơ một cách cảm tính và áp đặt, không dựa trên bất cứ lý thuyết phê bình văn học nào. Đây là đoạn hoàn toàn tưởng tượng:

Hình dung như một buồng the kín đáo, người đẹp trẻ trung, rưng rức mầu xuân rờ rỡ đang hiển hiện ở trước mắt. Nhất là từ khi bén được hơi xuân rồi, thì vẻ xuân, mầu xuân từ thân thể tuyệt mĩ của người đẹp càng như mơn mởn thêm ra. Này, hỡi chàng gió đa tình, hãy đến gần ngay đây để từ từ, nhẩn nha, nhẹ nhàng (gượng) mà mở ra xem, mà thưởng thức, chiêm ngưỡng cái thân thể ngọc ngà còn phong kín này! Giục giã, mời gọi, nhưng không hề thấy sự vội vã, gấp gáp…”

Vũ Bình Lục phải tưởng tượng vỉ ông bất lực trong việc giải mã bài thơ. Nguyễn Trãi tả thực hay bài thơ có nghĩa ẩn dụ? và ông dè dặt: Vậy bài thơ này có nét nghĩa ẩn dụ gì không? Theo tôi nghĩ là có. Vũ Bình Lục nghĩ là bài thơ Cây Chuối có nghĩa ẩn dụ Nhưng ông không đưa ra được cơ sở khoa học nào để xác lập nghĩa ẩn dụ, và Nguyễn Trãi dùng ẩn dụ để nói gì. Trong khi trước đó ông khẳng định: “nói đến nét nghĩa ẩn dụ (nếu có), thì trước hết và bao giờ cũng phải là nghĩa hiển ngôn, hay là nghĩa tường minh, nôm na là nghĩa đen, nghĩa cụ thể, hiện ra trên mặt chữ của bài thơ Đương nhiên, nghĩa cụ thể ở đây là tả cây chuối, theo đó là cả buồng chuối, cùng với vẻ đẹp và mùi thơm độc đáo, hấp dẫn mê hồn của nó.”

Và vì hiểu đây là bài thơ “tả thực” cây chuối nên ông mới bế tắc trong khi giải nghĩa. Ta thấy Vũ Bình Lục loay hoay mãi mà không thoát ra được cái lưới ông tung ra lại quấn lấy chính ông:

Đầy buồng lạ màu thâu đêm thì là tả buồng chuối với một sự rất lạ, màu thâu đêm. Mùi thơm (mầu) thơm lạ thơm lùng của buồng chuối toả ra thơm nức cả một vùng trong đêm thanh vắng hay chăng? Thế nghĩa là chuối đã chín ngay từ khi còn treo ở trên cây rồi. Chuối đã chín trên cây, lại còn:
Tình thư một bức phong còn kín,
Gió nơi đâu gượng mở xem
thì ý thơ đã chuyển sang tả lá chuối, xanh non, cuộn tròn như một bức tư tình còn phong kín.

…ta thấy, nếu như tả cây chuối ở cùng một thời điểm, thì rõ ràng là ta đã thấy một sự mâu thuẫn. Cây chuối đã ra buồng, mà buồng chuối đã chín mọng, dịu dàng thơm lạ thơm lùng, thì tức là cây chuối đã già, già hết cỡ, đâu phải là cây chuối còn non tơ nữa? Lá chuối cuộn tròn như bức tình thư, mời gọi tình nhân gió xuân đến mở ra xem thì hẳn là chuối đang tơ. Chuối đang tơ thì đương nhiên không thể ra buồng. Một sự mâu thuẫn mười mươi, phải hiểu như thế nào đây?

Ba Tiêu (Cây Chuối) là bài thơ thể “vịnh cảnh vật”, không phải là thơ tả cảnh vật. Sự khác biệt là ở chỗ, nếu là thơ tả cảnh vật thì bài thơ là một bức tranh, thống nhất góc nhìn, thống thất thời gian, không gian và thống nhất tâm trạng tác giả gửi trong cảnh. Đã là tả cảnh thì bức tranh phải theo luật về bố cục, về màu sắc, ánh sáng về bút pháp…Thơ “vịnh” không theo luật của thơ tả cảnh vật. Tác giả viết về cảnh vật, chọn những chi tiết tiêu biểu của cảnh rồi lắp ghép lại theo chủ đề hoặc cảm nghĩ về cảnh vật. Vì thế, mặc dù trong thơ vịnh cảnh, hình ảnh sự vật hiện lên rõ, nhưng suy nghĩ và tâm trạng nhà thơ thể hiện trong cảnh mới là cái căn cốt của bài thơ. Nếu đem những chi tiết của cảnh vật trong bài thơ vịnh ghép lại làm thành một bức tranh, sẽ hoàn toàn trái với luật của thơ tả cảnh, điều mà Vũ Bình Lục cho là một sự mâu thuẫn mười mươi, phải hiểu như thế nào đây? Trong bài Cây Chuối, Vũ Bình Lộc đã nhầm lẫn tình ý của Nguyễn Trãi với nghĩa ẩn dụ về cây chuối. Bài thơ không có nghĩa ẩn dụ, vì nếu có thì cây chuối là ẩn nghĩa của cái gì, của người nào, việc gì? Vì lầm tưởng là ẩn dụ nên Vũ Bình Lục tán ra ngoài văn bản bài thơ, sai hẳn với ý nghĩa thực của bài thơ.

Thực ra ý nghĩa của bài thơ không có gì khó hiểu cả. Chuối là loại cây vườn ở thôn quê nhà nào cũng có. Đây là loại cây dễ mọc và thường xanh tốt. Nguyễn Trãi chọn hai hình ảnh rất đặc trưng của cây chuối để ghi lại và qua đó nói cái suy nghĩ của mình về cây chuối.

Từ bén hơi xuân tốt lại thêm,
Đầy buồng lạ màu thâu đêm.
Tình thư một bức phong còn kín,
Gió nơi
đâu gượng mở xem

Hai chi tiết đó là buồng chuối thơm lạ lùng và lá chuối lúc còn non thì như bức thư tình cuộn lại chờ gió mở xem. Đặc sắc của bài thơ là thái độ chọn lựa và khám phá đề tài của Nguyễn Trãi. Ông chọn cây chuối làm đề tài vì chuối vừa gần gũi vừa dân dã, khác hẳn với đề tài về cây tùng, cây cúc, cây liễu thường có trong thơ chữ Hán ảnh hưởng thơ Trung Quốc hoặc cây tre, cây trúc, cây cau, cây đa trong ca dao. Tài năng của Nguyễn Trãi là ở sự khám phá và thể hiện “cái đẹp”, tức là cái thẩm mỹ của đề tài. Hương thơm của buồng chuối thơm lừng trong đêm, còn ban ngày, lá chuối non cuốn lại như tình thư còn e ấp.

Bao nhiêu người ở thôn quê đã phát hiện được điều này như Nguyễn Trãi? Nó rất thực nhưng cũng thật lãng mạn. Nguyễn Trãi rất dân dã nhưng cũng rất nho nhã. Và dù có bận việc, ông vẫn đắm hồn với cảnh vật. Ông ngồi đó, ngày cũng như đêm, có lẽ gần với một khóm chuối hay vườn chuối, và bỗng nhận ra vẻ đẹp của chuối. Ông muốn nói về vẻ đẹp ấy, khác hoàn toàn với người nông dân trồng chuối là để mau có trái ăn (Trẻ trồng na, già trồng chuối). Trồng chuối vừa có trái ăn, vửa có lá gói bánh. Thân chuối bóc thành bẹ, chẻ thành dây, hoặc thái trộn với cám cho heo ăn. Trẻ con dùng thân chuối làm phao tập  bơi. Củ chuối luộc ăn cứu đói, hoặc củ chuối nấu với ốc, ăn bún thì rất tuyệt (món bún ốc)…Cái nhìn của người nông dân về câu chuối là cái nhìn thực dụng như thế.

Nguyễn Trãi gần gũi với người dân nhưng khác người dân ở cái nhìn cây chuối, vì ông nhìn cây chuối với hồn thơ sâu đậm Việt tính. Bài thơ Cây Chuối gây ám ảnh nghệ thuật là vậy. Ông không tả cây chuối với ám ảnh tình dục của Freud  như một người đàn ông khám phá và hưởng thụ trên thân xác một người đàn bà như Vũ Bình Lục đã viết: “buồng the kín đáo, người đẹp trẻ trung, rưng rức mầu xuân rờ rỡ đang hiển hiện ở trước mắt… chàng…, hãy đến gần ngay đây để từ từ, nhẩn nha, nhẹ nhàng (gượng) mà mở ra xem, mà thưởng thức, chiêm ngưỡng cái thân thể ngọc ngà còn phong kín này!…

Như vậy hạn chế của Vũ Bình Lục trong việc đọc thơ là ở chỗ không khám phá được cấu trúc thơ, thể loại thơ, mã ngôn ngữ, mã văn hóa trong bài thơ. Vũ Bình Lục chỉ dùng trực giác cảm tính, rằng “theo tôi nghĩ…” mà không dùng một phương pháp có tính khoa học bóc tách cấu trúc nghệ thuật của tác phảm, sau đó giải cấu trúc để tìm nghĩa liên văn bản đặt trong “cộng đồng diễn dịch”, cộng đồng văn hóa Việt.

Xin thử đọc thêm một bài viết nữa của Vũ Bình Lục về thơ đương đại, bài Mắt Buồn của Bùi Giáng

MẮT BUỒN
Dặm khuya ngất tạnh mù khơi
(Nguyễn Du)

Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông

Cá khe nước cõng lên đồng
Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một Giêng
Tạ từ tháng Chạp quay nghiêng
Ấn trang sử lịch thu triền miên trôi

Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu, bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con.

Xin đọc một đoạn Vũ Bình Lục viết:

“Đọc Bùi Giáng thi thoảng thấy có câu lạ, thi thoảng lại thấy có câu hay, chứ bài hay thì quả tình quá hiếm hoi. Rất nhiều những câu thơ “dở hơi”, lằng nhằng khó gặm. Lại còn nhiều câu lục bát lạc vần, như thể cố tình chống lại các quy tắc của thể thơ này…Nhìn chung là đọc không vào, thành ra không thích. Hỏi một số bạn bè, họ cũng nghĩ tương tự như thế! Vậy mà tại sao một thi sỹ có nhiều ý kiến trái chiều, đến nay lại được nhắc nhiều trên mặt báo, như một “kỳ nhân”, như một vị khách vãng lai ở cõi người, mà chưa rõ tung tích?

Bài thơ “Mắt buồn” của Bùi Giáng được chọn tuyển vào tập “Ngàn năm thơ Việt” (NXB Văn Học-2010), có lẽ là một trong những bài thơ tiêu biểu cho vẻ thơ độc đáo của ông chăng?

“Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông”…

Đó là đoạn mở đầu bài thơ “Mắt buồn”. Có lẽ đây là bài thơ Bùi Giáng viết khi ông đã bóng ngả về chiều, tất cả đã qua đi, chỉ còn lại đôi tay và “tấm thân với mảnh hình hài”, cụ thể hơn nữa là “Tấm thân thể với canh dài bão giông”!…

Kết thúc bài “Mắt buồn”, Bùi Giáng…

“…Bỏ lại tất cả, một cách dứt khoát, để bước sang một thế giới khác, thế giới của cô đơn:

“Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con”

Đấy chính là một sự đối diện nghiệt ngã và cay đắng. Đối diện với chính mình, “còn hai con mắt khóc người một con”. Một thực thể “tôi” còn đủ “hai con mắt”, xót thương “khóc người một con”(mắt) chăng? Vậy thì người một con mắt ấy là ai? Là cái hình hài đang đối diện với nhà thơ chăng? Hoá ra, cả cái quãng đời xưa ấy, cái hình hài kia chỉ sống hoặc là tồn tại chỉ bằng một con mắt, hay chỉ nhìn đời bằng một con mắt chăng? Quả là một ý thơ chứa nhiều sắc độ, biến ảo khôn lường, thực hư hỗn mang. Bùi Giáng từng nói rằng ông điên trong sự tỉnh. Câu thơ kết thúc bài “Mắt buồn”, có thể là một câu thơ điên trong tỉnh của Bùi Giáng chăng? Một vẻ điên triết học chăng?

…Đọc thơ Bùi Giáng, như thấy một chút Thiền, một chút Tiên, một chút Điên, lại phảng phất cái bí hiểm gián cách kiêủ “Xuân Thu Nhã Tập”. Điệu thơ Bùi Giáng hình như không hợp khẩu vị tầng lớp bình dân…”

Sau đây là Comment của một bạn đọc khi đọc bài viết của Vũ Bình Lục:

Chào Ông VŨ BÌNH LỤC,

Nếu Ông không biết gì về Nhà thơ Bùi Giáng và xuất xứ của Bài thơ Mắt buồn thì đừng có nói lung tung. Mà tui thấy Ông cũng siêng thiệt, không biết mà cũng bày đặt bình luận dài ơi là dài. Ở miền Nam người ta hay nói “Nói dài nói dai nói dỡ” nhưng mà ở đây Ông lại nói bậy mới chớ!!!!!.

Nhà thơ Bùi Giáng sáng tác bài Mắt buồn vào khỏang năm 1959 – lúc đó nhà thơ khỏang 33 tuổi, làm gì có cái chuyện “Bùi Giáng viết khi ông đã bóng ngả về chiều”.
Bài thơ này Bùi Giáng viết về Bà Công Thị Nghĩa tức hoa hậu Thu Trang đọat giải hoa hậu tại Sài Gòn lúc năm 1956. Sau đó Thu Trang có con với đạo diễn Tống Công Hạp (nhưng Hạp đã có vợ) – Thu Trang rất buồn về chuyện này.

Bùi Giáng rất mê hoa hậu Thu Trang, Ông đã làm bài thơ Mắt buồn nói về Thu Trang. Câu thơ: “Còn hai con mắt khóc người một con”.

Ý muốn nói Bùi Giáng đã khóc bằng hai con mắt cho Người có một đứa con (Người một con hay Gái một con…).

Chứ làm gì có chuyện: “””””Đấy chính là một sự đối diện nghiệt ngã và cay đắng. Đối diện với chính mình, “còn hai con mắt khóc người một con”. Một thực thể “tôi” còn đủ “hai con mắt”, xót thương “khóc người một con”(mắt) chăng? Vậy thì người một con mắt ấy là ai?……”””””

Khùng hết hết chỗ nói cái Ông Vũ lục bình !!!!!

HTP-Sài Gòn [4]

Lời bình của bạn đọc là quá đủ về những gì Vũ Bình Lục viết về bài thơ của Bùi Giáng. Tôi xin không viết thêm, chỉ xin chia sẻ với nhà phê bình đôi điều. Vũ Bình Lục không nắm được “thi pháp” thơ Bùi Giáng, nên không khám phá được thế giới nghệ thuật của thi sĩ. Ông chỉ diễn thành văn xuôi nghĩa đen của câu thơ một cách trơn tuột, rồi nhân đó “tán” ra, không tiếc lời, theo cảm nghĩ rất chủ quan. Những gì ông tán đều nằm ngoài văn bản bài thơ, nên đọc không vào, thành ra không thích. Nói cách khác, Vũ Bình Lục không có khả năng thâm nhập được vào bên trong cấu trúc nghệ thuật của bài thơ, lại cũng không thoát ra khỏi cách đọc thơ theo quán tính trong nhà trường (tìm nghĩa phản ánh hiện thực, nghĩa tư tưởng vv…) nên mới lâm vào tình trạng hiểu sai câu thơ: “Bây giờ riêng đối diện tôi/ Còn hai con mắt khóc người một con”: Một thực thể “tôi” còn đủ “hai con mắt”, xót thương “khóc người một con”(mắt) chăng? Vậy thì người một con mắt ấy là ai? Là cái hình hài đang đối diện với nhà thơ chăng?”

4.Biết mói gì thêm?

Vũ Bình Lục chỉ là tác giả phong trào, viết phê bình theo quán tính. Không có lý luận, cũng không thủ đắc một phương pháp phê bình có cơ sở khoa học. Có thể là ông chưa tiếp cận được với các lý thuyết văn học đương đại. Những gì ngòi bút ông tung tẩy vẫn nằm trong cách viết phê bình đã thành “truyền thống” trong nhà trường, trong sinh hoạt văn nghệ và cả trên báo chí một thời đã xa. Vì thế, khi tiếp cận với những kiểu tư duy nghệ thuật khác với thơ Xã hội chủ nghĩa, (như bài Cây Chuối và bài Mắt Buồn-đã dẫn) ông không có khả năng thâm nhập tác phẩm. Bởi cấu trúc tác phẩm như một tòa lâu đài kiên cố, đứng ngoài ông thấy thấp thoáng cái đẹp, song không sao vào được bên trong để khám phá những cái mới lạ. Văn phê bình của ông thiếu chất văn chương, có lẽ ông cho rằng rằng viết cho công, nông, binh là phải viết thật chân chất, nôm na thư thể “Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài miếng vá” (Đồng Chí-Chính Hữu).

Dù sao những nỗ lực của ông đóng góp cho đời sống văn học Việt Nam cũng rất đáng trân trọng. Bởi nó xuất phát từ cái tâm, từ tấm lòng của một người lính, của một nhà giáo, của một người đã gắn bó với cuộc sống lao động và chiến đấu cùng với dân tộc. Hạn chế ngòi viết phê bình của ông là do thời đại và hoàn cảnh sống.

Kính chúc ông luôn dồi dào sức lực trong nghiên cứu và sáng tác.

Tháng 2. 2017

Nguồn: Bùi Công Thuấn-Lý luận và phê bình văn học-diện mạo một thời

___________________________

[1] Vũ Đình Ân-Trò truyện với nhà văn thương binh Vũ Bình Lục:

http://baodansinh.vn/tro-chuyen-voi-nha-van-thuong-binh-vu-binh-luc-d29718.html

[2] http://www.phattuvietnam.net/van-hoa/gioi-thieu-sach/25691-v%C5%A9-b%C3%ACnh-l%E1%BB%A5c-%C4%91i-t%C3%ACm-h%E1%BB%93n-thi%E1%BB%81n-trong-th%C6%A1-l%C3%BD-tr%E1%BA%A7n.html

[3] www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/21383002-.html+&cd=13&hl=vi&ct=clnk&gl=vn

[4] http://diendan.vtcgame.vn/showthread.php?1468365-Tac-gia-BUI-GIANG-con-hai-con-mat-khoc-nguoi-mot-con